Mới đây, Bộ Giáo dục
và Đào tạo Việt Nam đề nghị “tích hợp” môn Lịch sử với môn Cuộc sống quanh ta
(từ lớp 1 đến lớp 3), môn Tìm hiểu xã hội (lớp 4 và lớp 5), môn Khoa học xã hội
(Trung học cơ sở) và môn Công dân với Tổ quốc (Trung học phổ thông).
Trước những
làn sóng phản đối dữ dội của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân trần là họ
không có ý định “khai tử” môn Lịch sử mà chỉ sáp nhập nó vào những môn học khác
thiết thực hơn. Dù vậy, khi sáp nhập hay, nói theo chữ họ thường dùng, “tích hợp”
như thế, thứ nhất, cái tên môn Lịch sử sẽ không còn nữa, và khi cái tên không
còn, ý nghĩa của nó sẽ giảm hẳn xuống; thứ hai, tất cả các kiến thức liên quan
đến lịch sử sẽ được dạy, nếu còn dạy, một cách phân tán và rời rạc, không có
tính hệ thống như vốn nó cần có với tư cách một môn học chính thức. Nói cách
khác, cho dù bộ Giáo dục và Đào tạo không có ý định xoá trắng môn Lịch sử, qua
việc “tích hợp” ấy, họ đã hạ thấp một trong những môn học được xem là quan trọng
nhất trong mọi hệ thống giáo dục.
Tại sao họ lại cố tình
hạ thấp một môn học như thế?
Những người hay phê
phán cộng sản có thể cho qua việc làm ấy, nhà cầm quyền Việt Nam muốn đào tạo
nên những thế hệ không còn biết gì đến lịch sử, xa lạ với truyền thống, không
có lòng tự hào dân tộc, nhằm phục vụ cho một âm mưu sâu xa và thâm hiểm hơn: để
Việt Nam dễ lệ thuộc vào Trung Cộng.
Trước khi có bằng chứng,
tôi không muốn đẩy sự phê phán đến mức xa như thế. Tôi chỉ dừng lại ở hai
nguyên nhân chính:
Thứ nhất, đó có thể
là một phản ứng vụng về trước sự thất bại của môn Lịch sử lâu nay:
Thầy thì
không muốn dạy còn trò thì không muốn học. Tuy nhiên, sự thất bại như thế không
nằm trong bản thân môn học. Ở Úc và các quốc gia Tây phương, theo chỗ tôi biết,
Lịch sử là một trong những môn học lôi kéo nhiều học sinh và sinh viên nhất. Vấn
đề là ở nội dung và cách dạy. Về nội dung, ở Việt Nam, Lịch sử bị chính trị hoá
nặng nề: Người ta dùng lịch sử chủ yếu để tuyên truyền cho sự thống trị của đảng
Cộng sản thay vì để tìm kiếm những sự thật trong quá khứ.
Về cách thức giảng dạy,
người ta chủ yếu chỉ yêu cầu học sinh học thuộc lòng các sự kiện và các con số
vô hồn và vô vị trong sách giáo khoa thay vì rèn luyện và phát huy khả năng
phân tích và phán đoán của học sinh.
Thứ hai, quan trọng
hơn, tôi cho là bộ Giáo dục và Đào tạo không hiểu hết ý nghĩa của môn lịch sử.
Người ta chỉ xem lịch sử là những chuyện gì đã thuộc về quá khứ, học sinh biết
được càng tốt, còn không biết thì cũng chả sao cả. Nhưng người ta lại quên mất
một điều thiết yếu: Trong khi những môn học khác chỉ giới hạn trong việc cung cấp
kiến thức và kỹ năng cho học sinh, môn Lịch sử, bên cạnh các kiến thức và kỹ
năng, còn có tác dụng góp phần hình thành tư cách cá nhân cũng như tư cách công
dân của con người.
Có thể tóm gọn ý
nghĩa của lịch sử vào ba điểm chính:
Một, đồng ý lịch sử
là chuyện quá khứ. Tuy nhiên, biết những chuyện trong quá khứ như thế, người ta
mới có thể hiểu rõ và sâu hơn về đất nước và xã hội chung quanh, và mới có thể
giải thích được các biến động chính trị và xã hội trong hiện tại. Không biết lịch
sử, người ta sẽ không hiểu tại sao Việt Nam vẫn có thể trường tồn bên cạnh một
nước lớn, đông dân và có đầu óc bá quyền như Trung Cộng. Không biết lịch sử,
người ta cũng không hiểu được nhiều lãnh vực khác trong đời sống, chẳng hạn, về
văn học nghệ thuật: Tại sao trước đây người Việt dùng chữ Hán, sau, lại đổi
sang chữ quốc ngữ; tại sao quá trình hiện đại hoá xã hội Việt Nam lại có lắm gập
ghềnh và khúc khuỷu như vậy. Vân vân.
Hai, lịch sử có khả
năng hun đúc đạo đức của con người. Qua việc nghiên cứu lịch sử, người ta phân
biệt được cái đúng và cái sai, cái hay và cái dở, sự cao thượng và sự thấp hèn,
anh hùng và tiểu nhân, bán nước và yêu nước; người ta cũng biết yêu quý và tự
hào về đất nước, để, khi cần, sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Nói cách khác, lịch
sử có khả năng tạo nên những công dân tốt.
Ba, quan trọng nhất,
lịch sử góp phần định hình bản sắc của cả đất nước. Xin lưu ý: lịch sử là một dạng
ký ức. Mà ký ức nào cũng có hai kích thước chính: một phần, thuộc về quá khứ;
phần khác, thuộc về hiện tại. Chính ký ức, với hai kích thước ấy, tạo nên bản sắc
cá nhân: Mất trí nhớ bao giờ cũng đồng nghĩa với việc mất ý niệm về bản sắc:
Người ta không còn biết mình là ai nữa. Ký ức tập thể của cả cộng đồng cũng có
vai trò tương tự: Nó góp phần định hình nên bản sắc của dân tộc, thậm chí, có
thể nói, nó chính là yếu tố thiết yếu để tạo nên cái gọi là dân tộc hay đất nước.
Trước, người ta cho
đất nước là một tập thể sống trên cùng một lãnh thổ, chia sẻ cùng một nền kinh
tế, một nền văn hoá và một lịch sử. Ngay từ đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đã nhận
ra đầy đủ các yếu tố ấy trong phần mở đầu bài Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại
Việt ta từ trước / Vốn xưng văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục
Bắc Nam cũng khác”. Gần đây, giới nghiên cứu phát hiện thêm một kích thước khác
của đất nước: đó là một “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community) bao gồm những
người chia sẻ với nhau một ký ức chung và một tưởng tượng chung, để bất chấp những
khác biệt về phương diện xã hội, nghề nghiệp, địa lý hay tôn giáo, mọi người vẫn
tự thấy mình tương tự với những người khác trong cả nước; mỗi người tự thấy
mình là một thành viên trong cả cộng đồng rộng lớn chung quanh.
Ở Việt Nam,
truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ với sự sự tích trăm trứng trăm con cũng như
bao nhiêu câu chuyện khác trong lịch sử là những ký ức tập thể như thế.
Có thể nói thiếu một
ký ức tập thể (hay lịch sử nói chung) để dựa theo đó, người ta có thể tự hào về
dân tộc, sẽ không có đất nước, hơn nữa, cũng sẽ không có cả những công dân biết
yêu nước và sẵn sàng tranh đấu cho độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét