Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

HỌ HẾT VIỆC RỒI SAO

Vụ cô giáo Lê Thị Thùy Trang - Tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên), bà Phan Thị Kim Nga, Phó Chánh văn phòng Sở Công thương và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc - nhân viên Công ty Điện lực An Giang, viết trên facebook nói xấu ông Chủ tịch tỉnh An Giang đang thực sự tạo nên một cơn sóng trong dư luận. 

ho het viec roi sao
Thông tin xử lý vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
Lời nói của họ là một thứ vô thưởng vô phạt. Ừ thì cứ cho rằng là có chút nói xấu ông Chủ tịch tỉnh, thì làm gì mà có đến 15 cơ quan ban ngành từ cấp ủy Đảng đến chính quyền lao vào điều tra, lên án, báo cáo, phân tích, đề xuất cách xử lý, rồi giáo dục, răn đe, hết chỉ thị nọ đến chỉ thị kia… mà chung quy chỉ vì một dòng trên facebook như vậy.
Gần như là cả một hệ thống chính trị của tỉnh An Giang vào cuộc vì câu nói vu vơ này.
Một tờ báo đã thống kê ra các cơ quan vào cuộc như sau:
Phòng Tham mưu Công an tỉnh An Giang (PV11).
Cơ quan thứ 2 vào cuộc là Đảng ủy khối Dân chính đảng. Ngày 15.9, cơ quan này ban hành hẳn Công văn 25-CV/ĐUK về việc xử lý, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên lợi dụng việc sử dụng facebook. Cơ quan này còn có những văn bản khác, liên quan đến việc chỉ đạo xử lý 3 cán bộ. 
Cơ quan thứ 3 là Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh An Giang.
Cơ quan thứ 4 - cơ quan chủ lực xử lý vấn đề là Sở Thông tin truyền thông tỉnh An Giang.
Cơ quan thứ 5 là Trường THPT Long Xuyên. Theo chỉ đạo của cấp trên, trường đã thành lập hội đồng kỷ luật, sau đó tiến hành họp hội đồng kỷ luật vào ngày 25/9 để xử lý cô giáo Lê Thị Thùy Trang. “Lỗi” của cô Trang là dẫn lại một bài báo chính thống kèm câu “Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”. Trước khi bị họp hội đồng kỷ luật, ngày 22/9, cô Trang phải ngồi viết tự kiểm. Đến ngày 26/9, Hiệu trường Trường THPT Long Xuyên phải làm báo cáo 124/BC/THPTLX về việc xử lý kỷ luật cô Trang”.
Cơ quan thứ 6 là UBND thành phố Châu Đốc - ra Công văn 3018/UBND-VX ngày 30/10 về việc sử dụng mạng xã hội.
Cơ quan thứ 7 là Phòng GDĐT thành phố Châu Đốc - Công văn 122/PGDĐT ngày 2/11 về việc nghiêm cấm “like”, “share” trên facebook. Công văn này đến tất cả các trường học trực thuộc phòng để thực hiện.
Cơ quan thứ 8 là Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối, làm việc với ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc và có biên bản ngày 11/9 “ông Phúc thừa nhận sai phạm”. Các cơ quan nhận được văn bản báo cáo việc xử phạt 3 cán bộ là Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh.
Cơ quan thứ 9 là Sở GDĐT. Đối với cơ quan này, Thường trực Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo Đảng ủy Sở GDĐT phối hợp cùng Ban Giám đốc Sở GDĐT cùng xử lý cô Lê Thị Thùy Trang.
Cơ quan thứ 10 là Sở Công Thương, Thường trực Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo Đảng ủy Sở Công thương phối hợp cùng Ban Giám đốc Sở Công thương cùng bà Phan Thị Kim Nga.
Cơ quan thứ 11 là Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh.
Cơ quan thứ 12 là Công ty Điện lực An Giang. Theo đó, Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo 2 đơn vị này cùng phối hợp xử lý ông Phúc.
Cơ quan thứ 13 là Văn phòng UBND tỉnh. Chánh Văn phòng UBND tỉnh đã ra công văn giao cơ quan thứ 14 là Cổng thông tin điện tử tỉnh và  cơ quan thư 15 là Báo An Giang phải nhanh chóng đăng tải kết quả xử lý 3 cán bộ lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian sớm nhất.
Và thêm cơ quan thứ 16, là kho bạc. Hiện ông Phúc đã nộp phạt tại kho bạc. Còn cô giáo Lê Thị Thùy Trang do hoàn cảnh khó khăn nên chưa có tiền nộp.
Không hiểu các cơ quan chức năng của tỉnh có “đào bới” lý lịch của mấy người này không. Cũng may cho họ là không có vấn đề gì, chứ nếu trước đây nhà họ lại có người theo chế độ cũ, hoặc bây giờ có người thân đang ở phương trời Tây nào đó, hay tham vào nhóm phản động lưu vong nào, thì số phận họ không biết sẽ đi tới đâu.
Hình như người ta không còn việc gì làm thì phải, cho nên “vớ” được chuyện mấy người nói xấu chủ tịch, thế là tất cả lao bổ vào. Vừa để chứng tỏ mình “rất quan trọng”, vừa thể hiện sự mẫn cán, trung thành và “có trách nhiệm bảo vệ” lãnh đạo tỉnh.
Đến thế này thì thật hết hiểu! Một việc cò con như vậy lẽ ra chỉ cần nhắc nhở, hoặc giao cho nhà trường, cho cơ quan quản lý  khuyên họ đừng nên phát ngôn linh tinh. Nếu lãnh đạo có gì sai thì có thể phê bình hoặc thậm chí tố cáo đúng nơi đúng chỗ là xong, có cái gì mà phải ầm ĩ lên thế.
Mạng xã hội hiện nay đang “tung hoành”. Thậm chí không ít người còn kêu gọi lật đổ chính phủ, xuyên tạc chế độ chính sách, xúc phạm các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ… Vậy thì phải ứng xử thế nào với những loại thông tin này?
Chặn thì không thể được, mà chả lẽ hơi tí lại gọi lên để điều tra, xác minh rồi có hình thức xử phạt này kia hay sao. Đây là một vấn đề rất không đơn giản trong quản lý mạng xã hội.
Từ vụ việc của cô giáo, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp nhằm giáo dục mọi người nên phát ngôn có trách nhiệm trên mạng xã hội.
Hiện nay có không ít các cơ quan đã có những quy định cụ thể về việc phát ngôn của cán bộ, nhân viên trên mạng xã hội, mà thường tập trung vào khuyến cáo: quy định mọi người không được làm lộ chuyện nội bộ, chuyện làm ăn kinh doanh; không được nói xấu đồng nghiệp; hoặc không được có những lời nói, việc làm tổn hại đến uy tín, danh dự của đơn vị mình. Những cách làm này nên được khuyến khích.
Còn như ở An Giang, chỉ vì một câu nói vu vơ của cô giáo và của hai người nữa mà đến hơn chục cơ quan đủ cấp nhảy vào cuộc thì thật là quá.
Điều đó chứng tỏ rằng, một là các vị quá rỗi việc, không có gì làm, nên “bới bèo ra bọ”; thứ hai là tư duy những người lãnh đạo ở đây rất hẹp; và thứ ba, các vị rất xa lạ với thời cuộc, vẫn mang nặng tư duy của 30 năm trước về công tác truyền thông.
Khi sự việc bắt đầu “vỡ ra”, ông Chủ tịch tỉnh lên tiếng, bảo không biết việc này và không chỉ đạo. Điều này cũng có thể. Nhưng, khổ một nỗi là các cấp dưới lại tỏ ra “rất có trách nhiệm” bảo vệ chủ tịch và họ mới làm “hăng hái” như vậy.
Cũng thật đáng mừng là lãnh đạo tỉnh An Giang đã rất lắng nghe phản ứng của dư luận, và đã có những quyết định kịp thời. Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở TT&TT, Đảng ủy khối Dân chính đảng, Sở Công Thương tỉnh rút các quyết định xử lý hành chính, kỷ luật về mặt chính quyền và mặt Đảng đối với 3 cán bộ đã bị xử lý trước đó. Cụ thể, Đảng ủy khối Dân chính đảng tỉnh và Sở Công Thương An Giang rút quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo Đảng, chính quyền đối với bà Phan Thị Kim Nga, Phó Chánh văn phòng Sở Công Thương.
Đối với bà Lê Thị Thùy Trang, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn trường THPT Long Xuyên và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc - nhân viên Công ty Điện lực An Giang, Thanh tra Sở TT&TT cần rút lại quyết định phạt hành chính 5 triệu đồng/người. Sau khi các quyết định xử lý, kỷ luật được rút, cả 3 cán bộ này sẽ bị cơ quan phê bình, nhắc nhở trong toàn đơn vị.
Trước đó, Đảng ủy khối Dân chính đảng có công văn số 58 gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Công an tỉnh An Giang về việc xử lý cán bộ, đảng viên lợi dụng việc sử dụng facebook.
Đây thực sự là một bài học không chỉ cho tỉnh An Giang, mà còn cho tất cả các cấp chính quyền biết nên làm gì và không nên làm gì!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét