15/11: Điểm rẽ chính trị Việt Nam?
Không khí nghị trường như bị siết nén ngay trước cuộc lấy phiếu tín
nhiệm vào ngày 15/11/2014. Có cảm giác như tất cả các cánh cửa nghị
phòng đều bị cố ý đóng chặt trong một cuộc bỏ phiếu kín. Có cảm giác như
các tuyến đại biểu đang âm thầm nâng đặt về vận mệnh của một số “chính
khách” nào đó. Và cũng có cảm giác như những chính khách buổi giao thời
đang thầm thì run rẩy khi không thể tự kiểm soát được số phận giữ ghế
của họ…
Thực
ra cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đã từng có tiền lệ. Năm 2013,
không khí nghị trường còn chán chường hơn nhiều so với lúc này. Khi đó,
báo chí phải mô tả là có đến hàng trăm đại biểu không chịu mở miệng
trong suốt vài ba kỳ họp quốc hội. Khi đó, tiếng vọng của kinh tế đã rên
la thảm thết, thế nhưng nhiều đại biểu quốc hội lại “chán chẳng buồn
nói”. Để khi đại biểu không lên tiếng, giới quan chức chính phủ - những
người cầm cân nảy mực về số phận nền kinh tế quốc gia - lại thi nhau
tung hứng. Những lời bào chữa về trọng trách điều hành, những con số âm
binh tô vẽ, và cả những lời khen tặng bay bổng mà một số tờ báo dành cho
họ… Vào lúc đó, có vẻ họ trở nên sung mãn khác thường - tâm trạng sẽ
giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên trong lịch sử
quốc hội.
Song chuyện đời không đơn giản như vậy. Không nói không có nghĩa là
không có chính kiến. Không dám nói chính thức không có nghĩa là không
biết bấm nút phủ quyết. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được
công bố, bầu không khí bên các cơ quan chính phủ và bộ ngành lặng hẳn
đi. Khó ai ngờ đến cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà còn bị đến 32% phiếu
tín nhiệm thấp. Trong khi đó, “cấp phó” của ông này là Thống đốc Nguyễn
Văn Bình đã lập kỷ lục quán quân tín nhiệm thấp - 42%. Một quan chức đầu
ngành khác luôn bị kêu than là “vỡ trận” - Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ
Luận- cũng bị đến 35%. Các bộ trưởng y tế, lao động và công thương -
những người vướng vào nhiều tai tiếng - cũng rơi vào vòng nguy hiểm.
Còn tại kỳ họp quốc hội lần này, không khí bất chợt sôi động hơn khá
nhiều so với trước khi diễn ra cuộc lấy phiếu tín nhiệm vào giữa năm
2013. Nghị trường lập tức chứng kiến thái độ khá bức bối của một số đại
biểu khi đề cập đến nợ xấu, nợ công, báo cáo kinh tế - xã hội của Chính
phủ, dự án sân bay Long Thành…
Có
vẻ như điềm lành đang không quá ưu ái cho giới chức chính phủ, cho dù
họ đã bày tỏ ý định PR nhiệt tình như thế nào trước kỳ họp quốc hội lần
này.
“Ngày phán quyết” là một khả năng có thể sẽ xảy ra vào 15/11. Chỉ trước
đó ít hôm, Hà Nội đã trở thành địa chỉ đầu tiên giương cao ngọn cờ cho
chiến dịch “được từ chức”: những quan chức nào bị 1/2 phiếu tín nhiệm
thấp trở lên sẽ không được tiếp tục thăng quan tiến chức; còn với 2/3
phiếu tín nhiệm thấp thì có quyền “được từ chức”, nếu không từ chức sẽ
bị “xử lý đúng quy trình”.
Điểm rẽ của nền chính trị Việt nam có thể hiện ra vào ngày 15/11, chí ít
cũng liên quan mật thiết đến nền móng thiết lập cho một cơ chế “không
tín nhiệm thì nghỉ!” - như cách nói của người đứng đầu đảng từ giữa năm
2013, nhưng cho tới nay vẫn sợ “đập chuột vỡ bình’.
Và tất cả đều dợm chân, nếu không muốn nói là đang thực sự lao vào cuộc
chiến “sắp xếp nhân sự” không khoan nhượng để phục vụ cho đại hội đảng
12 vào đầu năm 2016.
Kẻ yếu bản lĩnh và chậm chân sẽ không còn cơ hội để “đổi mới thể chế” nữa, dù chỉ trên thông điệp.
Ai đó đang muốn “thay máu”…
Viết Lê Quân
(Việt Nam Thời Báo)
Dương Thu Hương - Hy vọng tầng lớp trung lưu đứng lên chống lại “liên minh vàng ngọc” của họ là điều khờ khạo
TNM: Trong lá thư " Nhắc Lại Một Đề Nghị "Dân Chủ Hóa Việt Nam", giáo
sư Stephen Young ghi lại những sự việc đã xảy ra khi ông tiếp xúc với
nhà cầm quyền Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1990 với những ước mơ
thay đổi Việt Nam qua chương trình " 6 điểm ".
Nhà văn Dương Thu Hương đã phản hồi lại lá thư của GS Stephen Young
với những lý luận, kinh nghiệm của một người đã từng sống trong cái nôi
Cộng Sản.
Chương trình "6 điểm" tự nó đã không phù hợp với bản chất của các
nước đi theo chủ nghĩa CS ngay cả khi kỹ nghệ tin học rộng mở như ngày
hôm nay huống chi vào thời điểm của thập niên 1990, trong khi lãnh đạo
CSVN lại là công cụ, cung cúc trung thành thi hành chỉ thị từ đàn anh
Trung Cộng.
Rất tâm đắc với đoạn: "tôi xin nhắc lại với anh, chỉ có một con đường
có thể đưa đến thay đổi ở Việt nam. Con đường ấy không có hoa hồng, hoa
nhài và các thứ hoa khác. Còn muốn bước chân đến vườn hoa thì phải chờ
kết cục ở một ngày nào đó, khi con Rồng phương Bắc bị đâm nát. Nếu Bắc
Kinh còn phẳng lặng, ắt các Kinh đô nước khác phải tan tành, bởi vì
Trung hoa đã được tạo dựng trên xác chết của các dân tộc khác, biên giới
của họ hiện nay rộng gấp năm lần đất đai gốc là vì nó thâu gộp các xứ
sở bị họ tàn sát và đồng hóa."
************
Anh Stephen thân mến,
Tôi vừa nhận được bài báo của anh, đã đọc ngay và bây giờ, viết thư này.
Trước hết, chân thành cảm ơn anh về tất cả những gì anh đã làm cho công
cuộc chung. Tôi nhắc lại một lần nữa rằng nếu như trước đây, cuộc chiến
tranh Mỹ- Việt để lại cho hai dân tộc nhiều mất mát và hối tiếc thì ngày
nay, tôi hy vọng chúng ta có một cuộc hợp tác lâu dài, cần thiết, căn
để và tốt đẹp. Vì lẽ giản dị, giờ đây, quyền lợi của chúng ta đồng nhất
và những nghiệm sinh trong quá khứ đã bảo đảm cho chúng ta hiểu nhau
hơn, có thể đi đến những thỏa thuận một cách dễ dàng hơn.
Bài viết của anh công phu, nhiều điểm đánh trúng vào tâm lý cộng đồng
người Việt trong nước, trước hết là các điều khoản bảo đảm cho tài sản
của họ. Đây là một hiện thực vô cùng phức tạp mà nếu không giải quyết
một cách khéo léo, chúng ta sẽ không lôi kéo được dân chúng. Muốn hay
không, phải hiểu rằng một số đông cán bộ, sĩ quan cấp trung của quân đội
cũng như công an được hưởng lợi từ sau tháng 10 năm 1954 và sau ngày 30
tháng 4 năm 1975. Nói cụ thể, họ được phân phối nhà ở, mà số nhà này
giành giật từ những gia đình làm việc cho các chính quyền cũ. Nếu bây
giờ đòi hỏi tất cả phải trả lại thì họ sẽ co cụm lại với bọn cầm quyền
cho dù chúng thối nát và bán nước. Đây là lý do đầu tiên tôi phản ứng
với chính sách của đảng Việt tân. Các bài viết của họ nhan nhản khẩu
hiệu : “ Giả nhà cho chúng ông! ” . Cũng vì chính lý do này mà tôi đã
tuyệt giao với toàn bộ gia đình nhà tôi ở Mỹ. Ông bác tôi là nhà thầu
lớn. Tài sản của ông mất cho cộng sản không thể kể hết, ngoài tiền vàng
và kim cương ở ngân hàng còn có bốn ngôi nhà nhiều tầng và các loại máy
giá hàng triệu đô-la dùng trong việc xây đập chắn nước. Tôi không thể
làm hả lòng mọi người nếu không đòi lại được số gia sản đó. Nhưng tôi
biết chắc chắn ấy là điều bất khả. Anh và tôi, những người tranh đấu cho
dân tộc của mình, vì lợi ích của dân tộc, chúng ta phải hy sinh tình
riêng. Như thế, tôi nhắc lại, chúng ta phải tạo ra sự an toàn về mặt tâm
lý cho đám đông và bài viết của anh đã đạt được mục đích ấy. Phổ biến
một cách rộng rãi và công khai là hợp lý.
Tuy nhiên, song song với bài viết này, chúng ta cần chuẩn bị một chính
sách cụ thể để tóm bắt bọn cầm quyền, không chỉ trên phương diện con
người mà còn phải thu hồi ráo riết tài sản mà chúng đã cướp của dân
chúng. Như thế, cần phải phân chia đám đông thành nhiều lớp và phải có
chính sách thích hợp với từng lớp người đó. Ví dụ, không thu hồi nhà của
những người bình thường và giá trị tài sản trung bình nhưng phải có
chính sách thuế đặc biệt với những kẻ chiếm đoạt những ngôi nhà gía 2000
( hai nghìn ) cây vàng như loại nhà của Trần bạch Đằng hoặc Lê nguyên
Hãn, con trai vợ cả Lê Duẩn. Tóm lại, phải làm một sự Lọc lựa chính xác
và phải có các Biện pháp hiệu lực. Những kẻ biển thủ tài sản quốc gia
phải được xử một cách công khai và tuyên truyền rộng rãi, càng rộng rãi
càng tốt. Thế kỉ 20 là thế kỉ tiêu biểu cho các cuộc cướp giật khổng lồ.
Ở tất cả các nước chậm tiến, đặc biệt là châu Phi, bọn vua chúa, bọn
tướng lĩnh, bọn độc tài đội lốt dân chủ...đều thả sức vơ vét tài nguyên
lẫn tài sản quốc gia rồi sau rốt chạy trốn khỏi biên thùy, sống vương
giả với tiền ăn cắp. Lũ cầm quyền cộng sản cũng không nằm ngoài mưu tính
ấy. Chúng đã chuẩn bị cho cuộc tháo chạy từ lâu. Thế nên, sự vô hiệu
lực một cách triệt để các hành vi cướp bóc này là hành động đầu tiên lấy
lại lòng tin cho dân chúng. Đồng thời đó cũng chính là lời cảnh cáo cho
những người cầm quyền tiếp theo.
Về mặt chính trị, việc anh nêu rõ tên Hoàng Trung Hải trong số bè lũ
thân Tầu của chính phủ cũng có nghĩa như một sự mở cả : Hoặc là chúng
phải gạt bọn này khỏi hệ thống cầm quyền, hoặc là lực lượng đối lập sẽ
hành động. Tôi nghĩ đây là một biện pháp khá thẳng thắn. Nhưng chúng ta
không thể ngồi chờ câu trả lời của chính quyền Hà nội. Theo tôi biết,
hai vụ thủ tiêu nhân sự vừa rồi chứng tỏ đám thân Tầu đang chuẩn bị
quyết liệt để bảo vệ miếng ăn của chúng. Chúng hiểu rõ rằng, nếu có sự
thay đổi, tất thảy bọn Ngụy Hán, những kẻ kí kết hội nghị Thành Đô,
những kẻ kí việc bán mỏ Bô-xít...đều phải xử công khai trước nhân dân.
Đương nhiên với những chánh án và thẩm phán có năng lực và uy tín chứ
không phải bọn quan tòa chuyên ăn cướp và ăn của đút lâu nay làm lâu la
cho chúng. Chớ quên rằng kẻ cầm quyền Hà nội có thể ngu dốt trên phương
diện quản lý kinh tế, nhưng trong việc đàn áp nhân dân và bảo vệ quyền
lợi của bản thân thì trái lại, chúng cực kì nhạy cảm và đầy thủ đoạn.
Anh đừng hy vọng tìm thấy ở lũ này thứ tướng lãnh cao bồi dở như Nguyễn
cao Kì hoặc gã chơi gái om sòm kiểu Nguyễn văn Thiệu. Để đánh gục bọn
này, không thể chơi trò múa gươm của Công tử con nhà giàu mà phải dùng
võ Lục lâm. Sự thích ứng với hoàn cảnh cụ thể, biện pháp hiệu lực với
thời điểm cụ thể là hai điều kiện mấu chốt trong chính trị. Xưa thế, mà
nay cũng thế.
Điều tối quan trọng giờ đây là phải tìm được các biện pháp thực thi tối ưu để có được một sự đổi thay.
Sự đổi thay này, tôi xin nhắc lại, là vô cùng khẩn cấp, cho cả các anh và cho cả chúng tôi.
Việc anh nêu tên 61 đảng viên ký kiến nghị là việc nên làm, sự khích lệ
đáng kể với cộng đồng người Việt trong nước. Nhưng không có sự khích lệ
nào đủ làm cho một đám đông đứng dậy, phất cờ khởi nghĩa. Con số 61 là
con số quá bé nhỏ so với trên 90 triệu dân. Nó là con số Khởi đầu (
Initial), không phải con số Phát triển ( Développé) và Hiệu Ứng
(Efficacité). Nó đòi hỏi phải có sự Hỗ trợ mạnh, thậm chí bạo liệt. Tuy
nhiên, số người này có thể coi là Hạt nhân cho một sự Vận hành (
Déclencher) thuộc về Lực lượng bề mặt ( Apparence ). Đặc biệt là các
nhân vật có tư cách kêu gọi và huy động binh lính như tướng Nguyễn trọng
Vĩnh, tướng Lê duy Mật.
Thứ nữa, các nhân vật có thể có ảnh hưởng rộng rãi đối với tầng lớp
trung gian vì họ đã từng tham gia vào bộ máy cầm quyền, có thể nêu vài
tên như Đào xuân Sâm, Trần đức Nguyên, Vũ quốc Tuấn, Tô Hòa, Lữ Phương,
Hồ Uy Liêm, Huỳnh tấn Mẫm, Đỗ gia Khoa, Đào công Tiến, Nguyễn hữu Côn...
Hoan nghênh, cổ võ tinh thần phản kháng của họ nhưng chớ nên quá tin vào
năng lực cũng như phạm vi tác động của họ. Dù chỉ là Lực lượng bề mặt,
họ cũng chưa thể trở thành một lực lượng cần và đủ. Theo tôi biết, khởi
sự, họ định cổ võ 2000 người ra đảng. Họ cũng đã thu thập được lời cam
kết của 100 người quyết định kí kiến nghị. Nhưng đến phút chót, 39 người
rút lại chữ kí, nên chỉ còn 61. Và hai nghìn người hứa ra đảng cũng rút
lại với lý do : “ Làm thế cũng chẳng được tích sự gì”. Tôi không ngạc
nhiên.
Từ ba chục năm nay, tôi chưa từng nghĩ đến khả năng cách mạng hoa hồng,
hoa nhài hay bất cứ thứ hoa gì gì đó ở Việt nam. Bởi vì, ở những xứ mà
bóng ma Khổng tử đã ngự trị, không có trí thức, chỉ có quan lại. Quan
lại, nói nôm na là lũ chó quanh quẩn trong sân của kẻ cầm quyền. Con số
61 người kể trên là những người yêu nước mãnh liệt và tinh thần quốc gia
đã khiến họ thắng lướt được sự tòng phục cố hữu đối với kẻ cầm quyền
chính thống.
Nói cách khác, họ là những người đang tập sự làm Trí thức, cho dù họ có
kiến thức (Lettré). Châu Á chưa bao giờ có một đội ngũ trí thức (
L’intelligentsia) theo quan niệm của châu Âu. Cũng vì thế, người phương
Tây thường có sự Hiểu nhầm, hoặc Những quan niệm lệch lạc khi đánh giá
xã hội châu Á. Người Mỹ cũng như dân châu Âu tin rằng một khi giai cấp
trung lưu hình thành thì cùng với họ, tư tưởng dân chủ cũng hình thành
và phát triển theo.
Suy nghĩ của các anh dựa trên mô hình cuộc cách mạng tư sản phương Tây.
Giai cấp tư sản nảy sinh trong lòng chế độ phong kiến và trở thành kẻ
đào mồ cho giai cấp quý tộc cũ. Theo lô-gic ấy, các anh tin rằng giai
cấp trung lưu hình thành trong các xã hội chậm phát triển sẽ trở thành
lực lượng đối nghịch, sẽ đào thải dần dần bọn cầm quyền cũ và thay thế
họ. Các anh nhầm lẫn một cách trầm trọng. Bởi, có những quy luật chung
cho nhân loại và có những điều KHÁC BIỆT THẬM CHÍ ĐỐI NGHỊCH phân cách
họ. Không hẳn cái gì đúng với phương Tây cũng đúng với phương Đông.
Ông Peter Navarro, tác giả cuốn “ Chết dưới tay Trung quốc” đã
nhận định một cách chính xác rằng giai tầng trung lưu Trung quốc có thể
ăn Big-Mac và đi xe hơi Mercedes nhưng không hề có một chút khái niệm
nào về dân chủ. Để làm sáng tỏ hơn ý kiến của ông Peter Navarro, tôi
phải nói rằng giai cấp trung lưu ở các nước cộng sản là đám nha lại may
mắn trong nghề con buôn, hoặc liên kết với con buôn. Hoặc là, vế thứ
hai, đám con buôn may mắn trong cuộc kết hôn với bọn cầm quyền. Muốn trở
thành kẻ có tài sản, cuộc “ Làm tình” này là không thể tránh được. Giai
cấp mới giàu phải chia chác lợi nhuận và được tận hưởng sự bảo trợ của
những kẻ trong tay có súng. Vả chăng, đa số bọn mới giầu cũng là bọn nằm
trong Thái ấp ( Fief), Lãnh địa của cường quyền.
Thế nên, hy vọng giai tầng này đứng lên chống lại “ Liên minh vàng ngọc”
của họ là điều khờ khạo. Giai cấp tư sản phương Tây chống lại tầng lớp
quý tộc vì họ là con đẻ của một nền văn minh mà mấy ngàn năm trước đã
từng có Nền dân chủ thành A-ten. Giai cấp ấy được hình thành trong một
quá trình thông thường, tiệm tiến và hoàn toàn phù hợp với quy luật kinh
tế. Quá trình này hoàn toàn khác quá trình tạo dựng lớp trung lưu trong
các xã hội ở giai đoạn cuối của chủ nghĩa cộng sản bao gồm ba đặc tính
sau đây :
1 – Về mặt danh nghĩa chính thức là cộng sản độc quyền. Nhà nước cụ thể là nhà nước cảnh sát.
2 - Trên thực tế các chính phủ này ngoài tính cực quyền
còn mang tính Mafia đột khởi, khi mà hệ thống cộng sản chủ nghĩa trên
toàn cầu đã tan rã, lý thuyết cộng sản Utopie đã sụp đổ. Và đặc biệt :
Đạo đức Utopie cũng sụp đổ theo. Điều này vô cùng hệ trọng vì các chính
thể này từng thống trị dân chúng trong một thời gian dài với thứ Đạo đức
Utopie ( nối tiếp thuyết Đức trị, Lễ trị của Khổng tử ), cho dù thực
chất đó chỉ là thứ đạo đức giả, nhưng với hệ thống tuyên truyền theo
kiểu Hitler, với chính sách ngu dân kèm theo một cách ráo riết, thứ Đạo
đức Utopie này đã từng có thời hiệu nghiệm. ( Tôi xin phép được giải
thích thêm về nhóm từ Đạo đức Utopie. Phải thừa nhận rằng không thiếu
những trí thức cánh tả ở phương Tây bị quyến rũ bởi Tính chất tuẫn đạo
của chủ nghĩa cộng sản nên đã tình nguyện đi theo nó. Chỉ đến khi thực
tế đập vào mắt họ, họ mới thức tỉnh. Có thể đơn cử nhà văn Pháp Andrei
Gide làm ví dụ. Hoặc như gián điệp Phạm xuân Ẩn ở Việt nam. Đó là những
người giữ một tư cách cá nhân trong sạch , không tham tiền, không tham
gái, thậm chí có thể hiến dâng toàn bộ tài sản cá nhân cho cách mạng.
Ông Phạm xuân Ẩn, chỉ đến khi ra Hà nội, tiếp xúc trực tiếp với bộ máy
cầm quyền cộng sản mới vỡ mộng mà thôi.)
3- Các thuộc tính của Phong kiến phương đông chưa bao giờ hết hiệu lực trong các xã hội này.
Thế nên, áp dụng những quy luật lịch sử thuộc về ba thế kỉ trước ở
phương Tây với các xứ chậm tiến ở phương Đông giờ đây là hoàn toàn lầm
lạc.
Nói như vậy, phải chăng không hề có lực lượng đấu tranh cho dân chủ ở Trung quốc ?
Có !
Thiên an môn là ví dụ điển hình.
Nhưng tỉ lệ vài ngàn người trên một tỉ rưỡi dân Trung hoa là một thứ
muối bỏ biển. Cũng như giờ đây ở Việt nam, con số 61 người kí kiến nghị
yêu cầu nhà cầm quyền thay đổi chính trị trên 90 triệu dân Việt nam là
một thực tế đáng nhục và đáng buồn. Các cuộc biểu tình chống Tầu ở Việt
nam được thực hiện do sinh viên và một số ít những người có hiểu biết
nhưng chưa kịp, hoặc chưa có điều kiện để trở thành giai cấp trung lưu,
có tài sản. Nói tóm lại, họ là thứ quả quá hiếm hoi và họ chưa thể trở
thành một lực lượng đáng tin cậy.
Vì sao ?
Vì tư tưởng dân chủ chỉ có thể hình thành khi có con người dân
chủ, mà loại người đó chưa là cư dân chính thức trên các vùng đất này.
Bây giờ, để hiểu rõ Tinh thần Trung quốc, làm con tính đơn giản sau :
1- Hãy so sánh con số những người tham gia biểu tình đòi dân
chủ ở Bắc Kinh với con số những sinh viên Trung hoa, được ăn học ngay
trên đất Mỹ nhưng hoàn toàn bị điều khiển bởi tinh thần quốc gia và chủ
nghĩa Đại Hán. Đám người “ trẻ trung”này đã phản ứng ra sao để bày tỏ
lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc vĩ đại của họ ?
2 - Hãy so sánh con số những người Trung hoa quyết tâm đi theo
nền dân chủ với đám Tin tặc mũ đỏ, Hắc khách đến từ lục địa của Mao
trạch Đông. Theo tư liệu của ông Peter Navarro thì Tin tặc Mũ đỏ của
Trung quốc đã thâm nhập vào NASA, lầu Năm góc và Ngân hàng thế giới, đã
tấn công Phòng công nghiệp và An ninh của bộ thương mại Mỹ dữ dội đến
mức Bộ phải vứt bỏ hàng trăm máy tính bị hỏng, đã copy sạch ổ cứng của
dự án Chiến đấu cơ kiêm Oanh tạc cơ F-35 của hãng Lokheel Martin...Hiện
nay Trung quốc có hàng trăm trường đào tạo tin tặc để dạy ma thuật cho
những phù thủy trẻ tuổi, một lực lượng khổng lồ đã, đang và sẽ tấn công
toàn thế giới.
3 - Hãy điều tra xem trong đám dân Tầu tị nạn chính trị trên đất
Mỹ, có bao nhiêu phần trăm dissident thật sự và bao nhiêu phần trăm Lính
Nằm vùng ? Đừng quên rằng Khổ nhục kế là sáng tạo của người Trung hoa
chứ không phải của người Mỹ. Từ nhiều thế kỉ nay, chiến thuật đó đã được
sử dụng đi sử dụng lại một cách linh hoạt và vô cùng hiệu quả.
Vậy thì, với sự thực không thể bác bỏ như đã nêu, có thể kết luận rằng
tư tưởng dân chủ đủ sức mạnh chinh phục hay chính chủ nghĩa Đại Hán mới
là Tư tưởng Lớn ( Noble idéal), Tư tưởng Chính thống ( Idée orthodoxe de
vieille souche ), tư tưởng thống trị ( La pensée écrasante) trên tuyệt
đại đa số gần một tỷ rưỡi dân Trung quốc hiện nay ?
Thêm một ví dụ nữa, trong cuốn sách của ông Peter Navarro có nhiều đoạn
nói về cảnh những công nhân Trung quốc bị bóc lột thậm tệ, sẵn sàng ngủ
gục bất cứ nơi đâu sau giờ làm việc. Phía sau những nhận xét này là mối
thương tâm. Tôi hiểu cảm xúc ấy vì nó là điều hiển nhiên trước những
cảnh đau lòng. Thế nhưng, cũng chính những người công nhân khốn khổ ấy
sẽ sẵn sàng trở thành đội quân tàn bạo nhất khi được điều động đi xâm
chiếm các lãnh thổ khác. Đó là một thực tế không thể chối bỏ. Đó cũng là
MỘT HIỂN NHIÊN. Họ là hậu duệ của những tên lính Trung hoa thời xưa,
chỉ vì húp thêm một bát cháo đã bị Tào Tháo hạ lệnh chém ngang lưng
nhưng cũng chính họ là bọn côn đồ khát máu và bọn vơ vét tham tàn nhất
một khi vượt khỏi biên thùy. Hãy nhìn lại những chùa chiền bị cướp bóc
và phá hủy ở Tây Tạng. Đâu phải bọn vua chúa Bắc Kinh thực hiện các hành
vi man rợ ấy, đó là dân con của chúng, những người Trung hoa không dám
chống cường quyền nhưng phóng chiếu toàn bộ bản năng hiếu sát lẫn sự
tham tàn, độc ác của họ lên đầu “Thiên hạ”. Ngoài biên thùy, Vua chúa và
Dân đen Trung hoa trở thành khắng khít vì hai bên có một mục tiêu
chung. Chiến lược ĐỔ LỬA RA NGOÀI là chiến lược có từ ngàn năm, một thứ
Màn thầu đặc biệt của dân Tầu. Điều này, chắc chắn người Việt chúng tôi
biết rõ hơn người Mỹ. Cần phải đưa thêm một con số : Trong cuộc thăm dò
ý kiến của bộ trưởng bộ quốc phòng Trung quốc cách đây không lâu, trên
95 phần trăm dân Trung quốc nhất trí : “Đánh lũ chó Việt nam để thu hồi
lãnh thổ!” Chỉ có trên 4 phần trăm người không trả lời hoặc không đồng
ý. Như thế đủ hiểu, sức mạnh Truyền thống lớn đến đâu.
Thế nên, Stephen thân mến, tôi nói điều này mà không sợ làm anh phật ý,
nếu anh có nghĩ đến Cách mạng Hoa nhài, Hoa hồng, Hoa tuy-líp...như một
cách vui chơi, hoặc làm đẹp ngôn từ thì tôi đồng ý. Nếu là một ý nghĩ
nghiêm chỉnh ( như niềm sung sướng nghiêm chỉnh và chân thành của dân
Pháp, những người từng nhảy cỡn lên vào Mùa xuân Arabe ) thì xin anh bỏ ý
nghĩ ấy đi. Bởi vì, đó chính thực là một thứ Utopie. Ngày xảy ra cuộc
cách mạng Hoa nhài, khi nghe đám dân Pháp hò hét, tôi có nói với họ : “
Chớ nên cười quá sớm! Đó là kinh nghiệm của tôi”. Đến khi thành quả cuộc
cách mạng rơi vào tay đảng Islam, họ đã phải thú nhận : “ Chúng ta mừng
hụt” . Tôi lại xin cung cấp cho anh thêm một tư liệu của năm vừa rồi,
theo điều tra thì trên 70 phần trăm những người Tunisi làm việc trên đất
Pháp từ vài thập kỉ nay bỏ phiếu cho đảng của Islam. Điều đó có nghĩa
gì ? Hố thẳm trong óc não con người là nơi sâu nhất, khôn dò. Tunisi là
nước có đường biển thông thoáng, là đất nước cởi mở nhất với phương Tây
trong toàn khối Arabe, hàng nghìn năm có quan hệ thương mại với châu Âu,
vậy mà phản ứng của họ còn bảo thủ đến như thế, huống hồ Việt nam, mảnh
đất bị kẹp dưới nách của Trung hoa, hàng nghìn năm sống trong thứ ao tù
nước đọng ? Với một thực tiễn đáng buồn như vậy, làm sao có thể tin
được một sự chuyển hóa “ nhung lụa, hòa bình” ở Việt nam?
Vì cái thực tiễn ấy, tôi xin nhắc lại với anh, chỉ có một con đường có
thể đưa đến thay đổi ở Việt nam. Con đường ấy không có hoa hồng, hoa
nhài và các thứ hoa khác. Còn muốn bước chân đến vườn hoa thì phải chờ
kết cục ở một ngày nào đó, khi con Rồng phương Bắc bị đâm nát. Nếu Bắc
Kinh còn phẳng lặng, ắt các Kinh đô nước khác phải tan tành, bởi vì
Trung hoa đã được tạo dựng trên xác chết của các dân tộc khác, biên giới
của họ hiện nay rộng gấp năm lần đất đai gốc là vì nó thâu gộp các xứ
sở bị họ tàn sát và đồng hóa. Cái phương cách sinh tồn này đã thấm đẫm
trong nếp nghĩ, nếp sống của người Hán và trở thành sức mạnh tinh thần
to lớn của họ. Chủ nghĩa Đại Hán không thể ra đời ở một xứ như Thụy sĩ
hoặc Nay-uy. Chủ nghĩa Đại Hán phải ra đời ở một miền đất mà các cư dân
sống trên đó phải được vũ trang bằng những thứ vũ khí đặc biệt về mặt
tinh thần. Tính cách đặc thù này là một HẰNG SỐ, nhưng trong một thời
gian khá dài, nó đã được ngụy trang, chôn cất tạm, hoặc giấu diếm, bởi
vì trong thời gian này, người Trung hoa cùng khốn, họ rơi vào cảnh nô
lệ, bần hàn. Hiện nay, Trung hoa đã trở thành cường quốc trên toàn cầu,
do đó tính cách Trung hoa đang được khai triển với một ý chí mãnh liệt,
thậm chí điên rồ.
Tôi xin dẫn vài ví dụ :
I – Ông Trần ngọc Vượng, từng có thời gian giảng dạy tại đại học
Bắc kinh và đang tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa
Trung quốc cho biết : Trong cuốn tiểu thuyết viết theo lối khảo cứu, đề
xuất luận điểm, có tên Lang Đồ Đằng ( Tô tem sói), tác giả Khương Nhung
của Trung quốc xác định thuộc tính có tính chất căn tính của người
Trung quốc là sói tính. Sói là con vật ranh mãnh, thủ đoạn, độc ác, thâm
hiểm nhất của thảo nguyên, bình nguyên và cao nguyên. Người Trung quốc
đặt căn cước của mình khởi đi từ đó. Mấy năm liền, người Trung quốc in
đi in lại cuốn tiểu thuyết này, cổ vũ Tính chiến đấu, tinh thần Quật
cường của đồng bào họ.
2 - Theo lời kể của một phóng viên Pháp vừa đi New York về thì
hiện nay, tại New York, có Restaurant Trung quốc treo tấm biển : Không
có nĩa ! Anh hãy nhờ cảnh sát ở New York tìm xem địa chỉ chính xác của
Restaurant này ở đâu ?. Một thông báo như vậy đồng nghĩa với lời tuyên
bố rằng ở đây, nền văn hóa cầm đũa là kẻ thống trị. Ba mươi năm trước,
chắc chắn những người Trung hoa nhập cư phải là những chủ nhân lịch sự
tuyệt vời, họ sẽ ân cần mang dao, nĩa đến tận bàn một ông khách da trắng
khi ông này lóng ngóng chưa quen dùng đũa. Nhưng bây giờ, gió đã xoay
chiều, và họ tuyên bố thẳng thừng : kẻ nào không biết cầm đũa thì cút đi
chỗ khác.
3-Những thập kỉ trước đây, người nhập cư Trung hoa ở Paris được
tiếng là cần cù, nhũn nhặn. Nhưng vào thập kỉ cuối cùng, từ năm 2000 trở
lại đây, thái độ của họ đã đổi thay. Khi tiền của người Tầu đủ mua các
công ty, các hãng lớn thì họ cũng mua luôn từng khu phố để làm nơi cư
ngụ. Cuộc mua bán này diễn ra với quy mô rộng lớn và rầm rộ khiến dân
Pháp lo ngại. Dù chính phủ không có chỉ thị chính thức, nhiều chính
quyền quận có phản ứng. Theo tôi biết, vào những năm đầu thế kỉ mới,
chính quyền quận 3 ( khu Marrais) ở Paris cố gắng hạn chế cuộc mua nhà
đất của người Tầu nhưng không có hiệu quả. Ngược lại, giờ đây khi ông
Tầu nào muốn mua một cửa hàng, mà chủ nhà không muốn bán, họ thuê du côn
đến gây sự, đập phá, quấy rối dưới các hình thức khác nhau và sau rốt,
chủ nhà đành phải đóng cửa hàng, bán lại. Nước Pháp suy đồi đến mức khi
một sinh viên Việt nam viết bài tố cáo chính sách xâm lấn biển của Trung
hoa thì liền bị giáo sư phụ trách gọi lên yêu cầu chấm dứt ngay hành
vi phản kháng, nếu không sẽ bị buộc thôi học. Tôi có nói chuyện này với
một bà giáo sư đại học Paris 7, bà ấy đáp lại : “ Chúng tôi có một nước
Pháp của De Gaule và một nước Pháp của Pétain. Tôi ngờ rằng nước Pháp
thời hiện tại là nước Pháp của Pétain !”
Chủ nghĩa quốc gia là thứ khát vọng mãnh liệt nhất, kinh hoàng nhất
trong lịch sử loài người. Nếu như trước đây hơn nửa thế kỉ, thanh niên
Đức bị cuốn vào chủ nghĩa phát-xít của Hitler như bông bồ công anh cuốn
theo chiều gió, thì giờ đây các thế hệ Trung quốc sẽ còn bị cuốn vào chủ
nghĩa Đại Hán với một sức mạnh điên rồ trăm lần hơn nữa. Bởi vì, chủ
nghĩa phát-xít Đức là khát vọng quốc gia mới tạo lập, còn chủ nghĩa Đại
Hán là thứ cây cổ thụ, sau những năm tàn úa giờ đây xanh tươi trở lại,
nguồn sống của nó được dung dưỡng thâm sâu gấp bội phần. Thêm nữa, Trung
quốc là phương Đông, phương Đông muôn vàn bí hiểm với phương Tây. Chúng
tôi đây, những người Việt nam khốn khổ hàng nghìn năm chiến đấu chống
lại họ, ăn uống, phong tục cận kề mà còn không hiểu được họ, huống hồ
các anh, những người Mỹ ? Vì thế, mới có câu : “ Thâm như Tầu”. Hoặc là “
Bụng người Tầu, còn lâu mới biết”. Nhớ lại thời cách đây vài thập kỉ,
khi mỗi tuần, người ta giết hàng nghìn con trâu rồi mang móng sang bán
bên kia biên giới, không ai hiểu vì sao. Dân chúng còn thì thào :” Người
Tầu mua móng trâu làm thuốc chống ung thư” . Rồi sau đó vài tháng, lại
có chiến dịch đào rễ hồi, rễ quế bán cho “ các thầy thuốc Tầu”. Ba năm
sau, dân các vùng biên giới đói vàng mắt, miền xuôi phải đem gạo và ngô
cứu tế, lúc ấy mới rõ người Tầu không chế thuốc men nào hết, họ chỉ có
một mục đích là phá sạch kinh tế các tỉnh phía bắc Việt nam mà thôi.
Người Mỹ các anh, bắt một ông tổng thống ra trước tòa xin lỗi dân chúng,
chỉ vì ông ta trót nhảy lên bụng một cô thư kí Nhà trắng rồi nói dối,
nghĩa là các anh coi Sự trung thực là phẩm tính cốt yếu mà bắt buộc mọi
người, trước hết là các nhà lãnh đạo phải có. Với tâm thế ấy, các anh
làm sao hiểu được người Tầu, một dân tộc đã viết ra cuốn Phản kinh ?...
Để anh rõ chi tiết, tôi xin trích vài dòng của người đang dịch cuốn Phản kinh ra tiếng Việt, giáo sư Trần ngọc Vượng :
... “ Cuốn thứ hai tôi cũng đang dịch mang tiêu đề Phản kinh, tức
là Cẩm nang, bí kíp của những thủ đoạn chính trị và người ta quảng cáo
cuốn sách là : Lịch đại thống trị giả - Mật như bất ngôn- Dụng như bất
tuyên kì ( Tạm dịch : Bộ kì thư mà kẻ thống trị ở tất cả các nơi phải
giữ bí mật- Làm theo nhưng không nói ra, không công bố ). Bộ sách này
được một nhân vật đỗ tiến sĩ đời Đường viết ra, sau đó tìm cách dâng cho
vua rồi trốn biệt, về sau không ai biết ra làm sao. Ngay đến cái tên
của tác giả cũng là điều kì bí. Tôi mua bộ sách này lần đầu vào năm
1998, lúc tôi dạy ở đại học Bắc kinh. Đọc tên tác giả, tôi hơi ngỡ ngàng
vì chưa biết chữ ấy bao giờ. Nghĩ mình là người nước ngoài, học tiếng
Hán có hạn chế, ai dè hỏi các giáo sư Trung quốc cũng không ai biết. Hai
ba hôm sau, kỉ niệm 100 năm đại học Bắc kinh, gần 10 xe chở các chuyên
gia đại học Bắc Kinh ra Đại lễ đường Nhân dân, giáo sư Phó thành Cật cầm
chữ trên tay đi hỏi cũng không ai biết. Cuối cùng, ông về tra Trung
quốc đại từ điển, ra tên này nằm ở phần đuôi của chữ ghép. Phiên âm
Hán-Việt phải đọc là Nhuy. Cái tên này còn chưa có trong thư tịch Việt
nam, chỉ đọc theo nguyên lý thôi. Thật lạ !
Bộ sách được cất trong kho chứa sách của triều đình, nhưng thi
thoảng lại lọt một phần nào đó ra ngoài nên đời Minh, Thanh đều có chỉ
dụ cấm tàng trữ, đọc cuốn sách đó. Mãi tới năm 1998, lần đầu tiên nó
được in ra, mà lại in ở nhà xuất bản Nội Mông cổ, theo kiểu in để thăm
dò. Nói vậy để biết đó cũng là loại bí kíp kì thư. Kiểu bí kíp ấy, Trung
quốc rất có truyền thống nên tôi muốn giới thiệu để chúng ta, nhất là
giới chính trị, hiểu họ hơn....”
( Trích cuộc phỏng vấn của báo Người Đô thị với giáo sư Trần ngọc Vượng)
Ông Trần ngọc Vượng đã gõ cửa một loạt các cơ quan nhà nước có chức năng
và trách nhiệm nghiên cứu chính trị và văn hóa. Không nơi nào trợ cấp
cho ông dịch cuốn cẩm nang quý báu này. Vì giới cầm quyền cộng sản Việt
nam muốn giữ lòng trung với Mẫu quốc. Dịch Cẩm nang, tức phơi bầy bộ mặt
Lang sói của kẻ cầm quyền phương bắc, cũng có nghĩa gián tiếp tố cáo
thân phận nô bộc và phản bội tổ quốc của chính họ. May thay, hiện nay
cuốn sách vẫn đang được dịch, nhờ tài trợ của một doanh nhân.
Cuốn Phản kinh là bằng chứng đầy thuyết phục cho tính cách độc đáo Trung
hoa. Một hiện tượng cũng độc đáo tính Trung Hoa không kém là nhân vật
Dịch Nha. Dịch Nha là đầy tớ của Tề Hoàn Công, một ông vua thời Đông
Chu.
Một ngày, Tề Hoàn Công đùa bỡn Dịch Nha, nói rằng :
Ta đây, món ngon vật lạ trên rừng, dưới biển đều đã nếm
đủ. Chỉ có mỗi thịt người là chưa biết đến mà thôi.
Ngay hôm sau, Dịch Nha dâng cho vua một mâm thịt ngào ngạt
hương thơm. Tề Hoàn Công thưởng thức một cách khoái trá,
sau đó hỏi :
Thịt gì mà ngon vậy ?
Dịch Nha đáp :
Thịt người.
Tề Hoàn Công hốt hoảng :
Lấy đâu ra ?
Dịch Nha đáp :
Bẩm chúa công, đó là thịt đứa con trai cả của thần, nó vừa
đầy ba tuổi. Vì chúa công chưa bao giờ được dùng thịt người
nên thần thịt nó cho chúa công xơi.
Quả nhiên, Dịch Nha trở thành sủng thần, cùng với Thụ Điêu
và Khai Phương, khuynh loát triều đình sau khi Quản
Trọng chết. Đây là lời của Tề Hoàn Công nói với Quản Trọng khi ông
tể tướng này can vua chớ nên gần gũi bọn nịnh thần :
Dịch Nha làm thịt con cho tôi ăn, thế là yêu tôi hơn yêu con, còn nghi ngờ gì nữa ?
Một kẻ, vì cuộc đầu cơ chính trị, tự tay giết con đẻ của mình, lại tự
tay xào nấu thành món ngon tuyệt vời để dâng vua nếm, kẻ đó là sản phẩm
độc nhất vô nhị trên toàn cõi đất. Ngoài Trung quốc, không một dân tộc
thứ hai nào trên hành tinh này có được. Thời xưa, các bộ tộc man di có
tục ăn thịt người, và ngày nay, cũng có những Kẻ ăn thịt người do Hiện
tượng Lại giống, hoặc bọn ăn thịt người do kích thích của ma túy, những
kẻ còn duy trì bản năng dã thú ở mức độ quá cao. Nhưng đám người man dã
này không thể so được với Dịch Nha vì Dịch Nha Chống lại Tính người
không phải do bản năng dã thú mà do sự tính toán kĩ lưỡng. Vì Mưu lợi mà
có thể Hủy diệt tính người, đó là đặc sản Trung quốc. Cũng như vì muốn
tăng cường thể lực, họ có món óc khỉ sống của bà Thái hậu Từ hy. Cái đặc
tính này bộc lộ trên nhiều phương diện. Ngay trên các địa bàn thuần túy
tình cảm và đạo đức, người Trung hoa cũng có lối thể hiện độc đáo của
họ. Ví dụ, có thể bàn về tình hiếu đễ. Dân Tầu vẫn tự hào được dạy dỗ
bởi đức thánh Khổng và thường khoa trương các món hàng Truyền thống của
họ. Tuy nhiên, chính ngay trên cái địa hạt đầy tinh thần đạo đức này,
cũng có thứ gì đó khiến ta Dựng lông tóc, sởn da gà. Xin anh hãy đọc lại
chuyện “Vì mẹ nguyện chôn con”, in trong cuốn Thái Ất tử vi năm Quý Tỵ
2003 do Vương Dung Cơ luận giải ( P.O Box 9585 – Fountain Valley. CA
92728-9585 ). Nội dung được ca ngợi : Muốn có đủ thực phẩm nuôi mẹ,
chồng yêu cầu vợ đào huyệt để chôn sống đứa con sáu tuổi để bớt đi một
miệng ăn ! Hình mẫu này, được tuyên truyền, phổ biến như món Dầu cháo
quẩy trong các quán bình dân.
Thế giới của các anh được định vị bằng các luật. Trung hoa chưa bao giờ
sống theo luật, cho dù có cả một trường phái mang tên Hàn phi tử. Luật
chỉ làm cho vua và vì thế, đổi thay theo một cái gật đầu hay vẫy tay của
vua. Vả lại, từ hàng nghìn năm nay, nền văn hóa vĩ đại của Trung hoa
vốn được nuôi dưỡng bằng nhân cách đúp : Người ta có những tư tưởng đẹp
đẽ và cao siêu của Lão và Trang để mơ mộng và ngâm ngợi (để nhìn lên
cung trăng) và giờ đây, để làm lóa mắt đám trí thức ngoài biên giới. Họ
có một hệ thống đạo đức dưới nhãn hiệu Khổng Khâu lẫn Mạnh tử để rao
giảng, dậy dỗ ( để rọi sáng đường đi dưới ánh mặt trời), và giờ đây, để
chiêu dụ tâm lý những cư dân thuộc các nền văn minh khác. Nhưng cuộc
sống thường hằng diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm lại được nuôi dưỡng
bằng món Bánh bao chấm máu người, và vì là cuộc sống thường hằng nên con
người cứ việc tuân theo mà không ai nói năng gì hết. Nhà văn Lỗ Tấn,
một cách vô thức đã phản ánh trung thành tính cách dân tộc của ông. Lịch
sử Trung hoa đã được nuôi dưỡng với món BÁNH BAO CHẤM MÁU đặc biệt ấy,
và nó sẽ tiếp tục phát triển với cùng nguồn dinh dưỡng đậm đà bản tính
dân tộc, cho dù hình thức biến thái đi.
Với tất cả những gì đang diễn ra hiện nay, tôi nghĩ các anh không còn
nhiều thời gian nữa. Tôi không tin rằng các anh chần chừ cho đến lúc tất
cả đám dân Trung hoa buôn đồ cổ ở New York tuyên bố thẳng thừng là
thành phố này từ nay thuộc về họ, và rằng đội quân thứ năm của Hoàng đế
Trung hoa nhất tề đứng lên, khẳng định các anh, những người mang dòng
máu bình thường của nhân loại, còn họ, những kẻ mang Máu Rồng, nên họ có
quyền thu hồi lại lãnh thổ vốn thuộc về người da đỏ, những tổ tiên có
cùng sắc da vàng như họ ( Tôi nhắc lại ý chính trong một bài báo của
người Trung quốc trên Internet cách đây gần một thập kỉ). Không có sự
điên rồ nào được coi là điên rồ hoặc là đáng kinh ngạc với người Trung
hoa, một thứ người đã thịt con đẻ của mình như thịt gà hay thỏ, hạng
người ấy không gì không làm được.
Tôi tin rằng các anh sẽ tìm được biện pháp hiệu lực trong thời gian ngắn
nhất, trước khi mọi sự trở nên quá muộn màng. Dân tộc các anh là dân
tộc tiêu biểu cho khát vọng tự do của nhân loại, các anh có đủ phẩm chất
và tư cách để Hành động.
Hành động, để cứu chính nước Mỹ trước hết, và sau đó, cứu cả các dân tộc
có nguy cơ bị nghiền nát dưới bánh xe của bọn Tần thủy Hoàng thời hiện
đại. Đó chính là Lý tưởng cho người Mỹ ngày hôm nay.
Chúc anh chị vui và khỏe.
Khi nào có dịp ghé Pháp thì nhớ báo cho tôi.
Dương thu Hương.
Paris, ngày 30 tháng 10 năm 2014
(Trí Nhân Media)
Nguyễn Văn Tuấn - An toàn?
Một trong những lí do mà các quan chức VN cấm không cho ông Trần Quốc
Hải thử nghiệm chiếc trực thăng do ông ấy chế tạo là an toàn. Họ nói nếu
máy bay cháy thì ai chịu trách nhiệm. Người ta còn so sánh các nguyên
tắc an toàn ở nước ngoài như Mĩ và Âu châu! Lí do an toàn không phải là
không có lí của nó, nhưng nó có cái gì đó ngụy biện, và thiếu tính
thuyết phục.
Ở nước ngoài, tiêu chuẩn an toàn rất quan trọng, vì Nhà nước có trách
nhiệm với công dân, và Nhà nước sẽ "lãnh đủ" nếu tai nạn xảy ra. Chẳng
hạn như một chiếc tàu đi biển thì phải đăng kí với nhà chức trách và họ
kiểm tra các thiết bị an toàn trước khi cho phép ra khơi, vì nếu chẳng
may tai nạn (như thất lạc trên biển) xảy ra thì Nhà nước phải huy động
các phương tiện cứu chữa rất tốn kém. Đó là chưa kể các công ti bảo hiểm
phải đền bù, và các công ti này rất chặt chẽ trong việc điều tra sự
việc dẫn đến tai nạn. Do đó, các nhà chức trách ở các nước phương Tây
đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn rất cao.
Còn
ở VN thì Nhà nước đâu có lo gì cho sự an toàn của người dân. Thậm chí
Nhà nước còn không có khả năng chữa cháy ngay trong các đô thị lớn. Khi
tàu du khách bị chìm trên sông Sài Gòn mà lực lượng cứu hộ có làm được
gì đáng kể đâu; tất cả đều do người dân tự xoay xở và tương trợ với
nhau. Ở VN, khi tai nạn xảy ra thì người dân lãnh đủ, chứ cũng chẳng có
hãng bảo hiểm nào lo, hay có hãng bảo hiểm lo thì cũng chẳng thấm vào
đâu. Thành ra, khi Nhà nước viện dẫn lí do an toàn để cấm người khác thử
nghiệm sản phẩm của họ thì nghe hơi … trái tai. Họ (nhà chức trách) có
thể làm đúng trên nguyên tắc, nhưng họ không có tư cách để cấm.
Thật ra, nếu viện dẫn lí do an toàn đúng chuẩn mực quốc tế thì có nhiều
máy bay quân sự ở VN sẽ không được cất cánh. Dựa vào tiêu chuẩn an toàn
đường thuỷ mà người phương Tây dùng thì rất nhiều tàu bè ở VN sẽ không
có mặt trên sông hay ra biển lớn. Tương tự, rất nhiều xe sẽ không được
xuống đường, vì thiếu an toàn. Rất nhiều lab sinh học ở VN sẽ phải đóng
cửa. Rất nhiều phương pháp phẫu thuật phải bị cấm. Rất nhiều hàng hoá
đang bày bán phải bị tịch thu vì thiếu vệ sinh. Vân vân và vân vân. Thế
nhưng trong thực tế máy bay vẫn cất cánh, tàu bè vẫn ra khơi, xe cộ vẫn
chạy trên đường phố, những lab vẫn hoạt động bình thường, phẫu thuật mới
vẫn được thử nghiệm, hàng hoá và thực phẩm vẫn được bày bán thoải mái.
Vấn đề, dĩ nhiên, không phải là an toàn tuyệt đối, bởi vì không có cái
gì là tuyệt đối cả. Vấn đề là cái nguyên lí phòng ngừa (precautionary
principle) được hiểu và ứng dụng ra sao.
Ở các nước như Úc, dù tiêu chuẩn an toàn rất cao, nhưng người dân vẫn có
quyền chế tạo trực thăng và bay thử, mà họ có cần đến Bộ Quốc phòng hay
các chuyên gia nào đến kiểm tra đâu. Họ có thể dùng trực thăng để rải
phân hay thuốc trừ sâu. Họ thích làm thế là vì họ là dân tài tử. Cũng
chẳng có quan chức quốc phòng nào lại rổi hơi đi cấm người dân sáng chế.
Thật ra, ở bên Tàu, bên Phi châu, và nhiều nơi khác [mà tôi chưa biết
hết] người dân cũng chế tạo trực thăng như ông Trần Quốc Hải và họ cũng
thử nghiệm bay, nhưng chẳng ai lại lấy những tiêu chuẩn an toàn ra để
cấm họ bay. Chắc chắn họ (chính quyền) không điên rồ đến độ cấm người
dân đừng sáng chế.
Tiêu chuẩn dành cho dân tài tử phải khác với tiêu chuẩn dành cho hàng
hoá thương mại. Một chiếc trực thăng do dân tài tử làm ra chỉ dùng cho
anh ta trước hết, và cũng chỉ là một sản phẩm rất cá nhân, vì anh ta
chẳng bán cho ai, chẳng dùng nó để chở ai. Nhưng một chiếc máy bay do
hãng Boeing làm ra thì khác vì nó sẽ được bán ra cho nhiều nơi trên thế
giới, và phải chuyên chở hàng triệu khách, nên tiêu chuẩn an toàn phải
rất rất cao. Tôi nghĩ chẳng ai dùng tiêu chuẩn an toàn dành cho Boeing
để áp dụng cho dân tài tử như cha con ông Trần Quốc Hải.
Do đó, tôi nghĩ lấy lí do an toàn để cấm người ta thử nghiệm sản phẩm
mang tính cá nhân là thiếu tính thuyết phục. Điều quan trọng nhất là cần
phải khuyến khích những người tài tử như cha con ông Trần Quốc Hải.
Khuyến khích họ sáng chế. Khi sản phẩm của họ được kiểm định và đánh giá
đâu đó, thì nên hỗ trợ họ đăng kí bằng sáng chế. Nên nhớ rằng sáng kiến
làm ra cái nấp hộp thuốc cũng có thể đăng kí bằng sáng chế. Một đất
nước 90 triệu người chẳng có bằng sáng chế nào lại đi cấm người dân sáng
chế thì thật là trái khuấy. Không dám mạo hiểm và chỉ thu mình trong
cái ao tù an toàn thì sẽ suốt đời chẳng làm được gì, chẳng đóng góp gì
cho nhân loại. Tôi nghĩ nếu lấy lí do an toàn thì chắc kĩ thuật nội soi
chẳng bao giờ ra đời. Lấy lí do an toàn để cấm người ta mạo hiểm là một
hành động rất phản tiến bộ.
TB: Có người nói những sản phẩm của cha con ông TQH "có gì đâu". Họ nói
các cơ xưởng của quân đội làm được hết, và các thợ bình thường của VN
cũng làm được như cha con ông TQH làm. Đọc lí luận kiểu này tôi chỉ biết
phì cười. Chợt nhớ đến câu chuyện mà các thầy tôi lúc trước hay kể về
việc xin tiền làm nghiên cứu. Họ nói rằng các cơ quan tài trợ RẤT GHÉT
kiểu nói "Cho tôi tiền đi, rồi tôi làm cho các ông xem". Họ sẽ nói đó là
thái độ "trust me", rất có hại cho khoa học. Họ sẽ nói: "Anh về làm cho
tôi xem đi, rồi hãy lại đây xin tiền. Đừng bao giờ nói rằng anh SẼ làm
được, trong khi anh chưa có gì để chứng minh rằng anh ĐÃ làm được".
Nguyễn Văn Tuấn
(FB Nguyen Tuan)
Chánh văn phòng xin trả 'ghế'
Sau khi được điều động giữ chức danh Chánh văn phòng, bà Kim
Thị Lan Hương liên tục làm đơn đến cơ quan cấp trên xin không nhận,
vì cho rằng đây là chức danh không có thật, không nằm trong cơ cấu bộ
máy tổ chức theo quy định hiện hành.
Bà Lan Hương muốn xin trả ghế chánh văn phòng để quay về công việc chuyên môn - Ảnh: Thái Sơn |
UBND TP.Hà Nội vừa tiếp nhận đơn của bà Kim Thị Lan Hương, nguyên Trưởng
phòng ứng dụng Công nghệ thông tin của Sở Thông tin - Truyền thông Hà
Nội (TT-TT) về việc xin được trả “ghế” là chức Chánh văn phòng Ban chỉ
đạo Chương trình Công nghệ thông tin TP.Hà Nội.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bà Lan Hương cho biết, ngày 6.6,
bà nhận được Quyết định số 162 của Giám đốc Sở TT-TT điều bà về
nhận công tác tại Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình Công nghệ thông
tin TP.Hà Nội, thuộc Ban Chỉ đạo chương trình Công nghệ thông tin
TP.Hà Nội để giữ nhiệm vụ Chánh văn phòng Ban chỉ đạo. “Chức vụ trái
với với công tác tổ chức cán bộ nên tôi xin phép… không nhận”,
bà Hương nói.
Theo bà Hương, quy định của UBND TP về Ban chỉ đạo Chương trình Công
nghệ thông tin TP không quy định người đứng đầu văn phòng (Chánh văn
phòng), do đó chức danh bà được giữ là “ảo”. Mặt khác, Văn
phòng Ban chỉ đạo không phải là một phòng, ban trực thuộc Sở TT-TT,
nên việc giám đốc sở này đi bổ nhiệm chánh văn phòng cho cơ quan
trực thuộc UBND TP là điều trái khoáy.
Trước thắc mắc của bà Hương, Sở Nội vụ TP.Hà Nội trong văn
bản số 1759 ngày 10.7.2014 đã nêu rõ: “Ban chỉ đạo Chương trình Công
nghệ thông tin của TP.Hà Nội có Văn phòng Ban chỉ đạo cơ là cơ quan giúp
việc có không quá 4 cán bộ, trong đó có tối thiểu 1 cán bộ thuộc biên
chế Sở TT-TT hoạt động theo chế độ chuyên trách, tuy nhiên không quy
định Văn phòng Ban chỉ đạo có người đứng đầu (Chánh văn phòng)”. Mặt
khác, theo Sở Nội vụ Hà Nội, “việc triển khai công tác cán bộ chỉ có thể
thực hiện khi cơ cấu tổ chức và nhân sự của Văn phòng Ban chỉ đạo được
kiện toàn (trong đó có quy định chức danh Chánh văn phòng) và phải được
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phê duyệt".
Không có ghế thì sẽ “bổ sung” ghế!
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở
TT-TT TP.Hà Nội, cho biết sau khi bà Lan Hương có đơn, sở đã tiến
hành kiểm tra lại quy trình ban hành quyết định, có mời một
số sở ngành liên quan tham gia. “Ý kiến các ngành về việc ban
hành quyết định là đúng, còn về mặt thủ tục nếu chưa hoàn
thiện thì tiếp tục, không có vấn đề gì lớn. Hơn nữa, quyền và
lợi ích chị Hương không bị ảnh hưởng”, bà Tú cho hay.
Về chức danh không có trong cơ cấu, bà Tú nói quyết định của
Sở “không phải bổ nhiệm mà là phân công nhiệm vụ, một bộ máy
thì phải có người phụ trách, phải có đầu mối”. Thừa nhận
chức danh Chánh văn phòng chưa có trong cơ cấu bộ máy, nhưng bà
Tú cho rằng sẽ không có chuyện Sở này thu hồi lại quyết định
đã ban hành. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các quy
định trong cơ cấu tổ chức bộ máy Văn phòng Ban chỉ đạo Công
nghệ thông tin TP theo hướng có chức danh nói trên.
Trong khi đó, bà Kim Thị Lan Hương lại cho rằng, với trình độ
chuyên môn thạc sĩ về công nghệ thông tin nhưng hơn 5 tháng qua, kể
từ khi được giữ chức vụ Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, công
việc chính của bà lại là… photo tài liệu phục vụ các cuộc họp.
“Tất cả công việc chuyên môn của trưởng phòng công nghệ thông tin,
chuyên viên chính đều không dùng được vào việc gì. Nguyện vọng của
tôi là về chỗ cũ”, bà Lan Hương nói thêm về lý do trả chức.
Thái Sơn
(Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét