Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

TQ 'tự tin' về sự ổn định của Hong Kong

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

TQ 'tự tin' về sự ổn định của Hong Kong

Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung trước các tòa nhà chính phủ hôm 10/10
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói ông tự tin rằng Hong Kong sẽ duy trì sự ổn định, trong lúc các cuộc biểu tình đòi dân chủ tiến sang tuần lễ thứ ba.
Ông Lý có phát biểu trên trong chuyến công du sang Đức, nơi ông đã ký nhiều hiệp định thương mại với Thủ tướng Angela Merkel.
Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường yêu cầu phổ thông đầu phiếu và gây tắc nghẽn nhiều khu vực tại Hong Kong.
Trung Quốc đã chấp nhận cho phép người dân tại đây được bầu cử trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017, với điều kiện ứng viên phải được chính quyền trung ương phê chuẩn.
Các cuộc biểu tình đòi dân chủ, với số lượng người tham gia lên đến hàng chục nghìn vào những lúc cao điểm, đã có phần suy giảm về quy mô trong tuần qua, sau khi chính quyền và các thủ lĩnh sinh viên đồng ý đối thoại.
Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong đã hủy đàm phán hôm 9/10 với lý do các sinh viên không chịu chấm dứt biểu tình.
Các thủ lĩnh của phong trào sinh viên đã kêu gọi người biểu tình xuống đường trở lại và cảnh báo sẽ leo thang chiến dịch của mình nếu chính quyền không đồng ý đối thoại.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ra sức chỉ trích những người biểu tình, gọi đây là "phong trào bất hợp pháp", do các "thế lực thù địch" kích động.
  
Người biểu tình, trong đó có nhiều sinh viên, ngủ qua đêm trên các con đường

'Sự thịnh vượng về dài hạn'
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với bà Merkel hôm 10/10, ông Lý không đề cập trực tiếp đến các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, ông nói: "Việc duy trì sự thịnh vượng và ổn định về dài hạn đối với Hong Kong không chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc mà còn cho lợi ích của chính người dân Hong Kong".
"Tôi tin chắc rằng người dân Hong Kong và chính quyền Hong Kong đủ khả năng đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định của xã hội ... đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân."
Ông nói sẽ "không có gì thay đổi" đối với quyền tự trị hiện nay của Hong Kong và những sự kiện tại Hong Kong là "vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Bà Merkel nói "các cuộc biểu tình cho đến nay vẫn hoàn toàn ôn hòa, và tôi hy vọng chúng sẽ có thể duy trì như vậy".
  
Một số người dân địa phương phản đối phong trào biểu tình vì gây tắc nghẽn giao thông và công việc kinh doanh

Lời hứa dân chủ
Yêu sách của người biểu tình chủ yếu xoay quanh cách thức bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong.
Người dân tại đây muốn được quyền trực tiếp bầu lãnh đạo của mình.
Dưới hệ thống hiện hành, đặc khu trưởng Hong Kong được lựa chọn bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, chủ yếu là các nhóm thân Bắc Kinh.
Trung Quốc đã hứa cho phép người dân Hong Kong bầu lãnh đạo trực tiếp, nhưng cũng nói tất cả các ứng viên phải được một ủy ban tương tự phê chuẩn - đồng nghĩa với việc Bắc Kinh được quyền sàng lọc ứng viên.
Các nhà hoạt động tại Hong Kong nói đây không phải là một mô hình dân chủ.
Một trong các nhà tổ chức chính của phong trào biểu tình Chiếm Trung tâm (Occupy Central), ông Benny Tai, nói với BBC rằng chính quyền cần phải trình bày một "lộ trình" hướng đến bầu cử dân chủ tại Hong Kong.
"Hiến pháp và Luật Cơ bản (Basic Law) của chúng tôi nêu rõ người dân [Hong Kong] được bảo đảm quyền phổ thông đầu phiếu ... Đây là điều không hiện hữu ở những nơi khác tại Trung Quốc," ông nói.
  
Ông Lý Khắc Cường trong cuộc gặp với bà Angela Merkel tại Đức
(BBC)

Alan Phan - Sở hữu của toàn dân

3 December 2012
Theo luật quốc tế, người ta thường qui trách nhiệm pháp luật cho sở hữu chủ. Tôi còn nhớ một bài học đắt giá vào năm 1977 tại California. Một người bạn thân từ Pháp ghé thăm và vì tôi phải đi làm, nên giao chiếc xe Pontiac Bonneville của mình cho anh mượn, lái thăm quan tiểu bang mà anh yêu thích. Anh lái theo kiểu dân Paris chính cống , lượn lách ngay cả trên các xa lộ cao tốc. Qua khỏi Burbank, xe anh đâm vào một chiếc xe khác từ sau, gây tử vong cho một phụ nữ mới 28 tuổi.
toan dan so huu11Đương nhiên là anh có lỗi và phải chịu toàn trách nhiệm. May là xe tôi có bảo hiểm, nhưng lại bị giới hạn về tiền bồi thường (tối đa 1 triệu đô la). Tòa xử phía bị đơn phải bồi thường tổng cộng khoảng 1.25 triệu đô la cho phiá nạn nhân. Tôi lãnh đủ 250 ngàn tiền sai biệt sau khi hãng bảo hiểm trả phần họ; cộng với chiếc xe Pontiac hư hại hoàn toàn. Anh bạn thì sợ bỏ trốn về Pháp 2 ngày sau khi gây tai nạn và biệt tích giang hồ.
May mà gia đình nạn nhân cũng giàu có nên họ bớt cho tôi 100 ngàn và cho tôi trả 150 ngàn đô còn lại trong 3 năm. Sau đó các bạn tôi thường than phiền là tôi ích kỷ, không thích cho ai mượn xe.

 Tuần vừa qua, một quan chức Việt Nam, ông Tường, TGD Công Ty Đường Sắt Viêt Nam, nhắc nhở lại cho chúng ta quy tắc trên về luật sở hữu. Trách nhiệm sau cùng phải thuộc về sở hữu chủ, dù họ có can dự hay không vào “các tai nạn” hay bất cứ “sai phạm, thất thoát, lãng phí” ngay việc “sử dụng” các tài sản này có tạo ra tội ác hay không? Ông hoàn toàn đúng luật.
Về điểm này, tôi phải thành thực mà công nhận chủ nghĩa XH “ưu việt” hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Và các nhà lập pháp hay hành pháp (nôm na là các bác lãnh đạo) thuộc phe XHCN xứng đáng là đỉnh cao trí tuệ của loài người.
Khi để “toàn dân” sở hữu tất cả tài sản quốc gia từ đất đai đến khoáng sản đến các công ty sân sau của phe nhóm, thì ‘toàn dân” phải chịu trách nhiệm cho mọi sự cố từ tốt đến xấu. (Thực ra, theo lịch sử, thì 5 ngàn năm qua chưa bao giờ có sự cố tốt hay xấu cho các tài sản “tập thể”, chì có “tai nạn” và “ thảm họa” do hoàn cảnh khách quan). Ngoài ra, vì “toàn dân” là sở hữu chủ nên họ phải chịu trách nhiệm về mọi nợ nần, hư hỏng hay phá hoại. Tôi đang đợi một phiên tòa quốc tế có 90 triệu dân bị còng tay đưa ra xét xử về tội “xù nợ” hay “tàn phá môi trường”.
Đến ngày hôm nay, tôi mới thông hiểu hết cái thâm thúy tuyệt vời của chủ nghĩa Mác Lê. Một chủ thể gọi là “toàn dân” mới chính là tội đồ cho mọi đổ đốn nơi đây. Tên “toàn dân” này quả là một thế lực thù địch nguy hiểm nhất của xã hội.
Lời khuyên của ông già Alan: Bạn đừng làm “toàn dân”. Coi chừng có ngày phải đi tù vì trong sổ sách của tòa, tội trạng của tên “toàn dân” này sau 67 năm dài hơn 48 cuốn Thư Mục Tham Khảo (encyclopedia) của Britannica… và sắp sửa lấp đầy Thư Viện Quốc Gia.
Alan Phan
(Blog Alan Phan)

Mỗi người ăn nửa con gà là vậy!

Cuối tuần rồi, tôi đưa con ra ngoại thành chơi. Ngang một cánh đồng ngập nước, thấy có mấy người đang ngụp lặn bắt cá, con tôi thích chí nhờ tài xế dừng lại. Tôi cũng theo xuống để trông chừng con. Bất ngờ tôi thấy một gương mặt rất quen.
Đó là một người đàn ông cởi trần để lộ hết 2 hàng xương sườn. Anh ta mặc cái quần đùi rộng thùng thình xỉn màu, đầu đội chiếc nón lá rách tả tơi. Tôi nghe giọng anh ta thảng thốt: “Dạ, chào sếp”.
Tôi bối rối đến lắp bắp: “Anh là... là...”. Tôi không nhớ tên anh ta nhưng biết chắc đó là nhân viên của mình. Tôi bảo tài xế chở con gái đi chơi, còn mình ngồi lại với anh nhân viên và cậu con trai 8 tuổi của anh ta. Thằng bé cũng ốm nhách như ba nó. Mới 8 tuổi đầu nhưng đi học về, nó phải theo cha ra ruộng bắt ốc, mò cua, xúc tép trên những cánh đồng bỏ hoang của khu quy hoạch treo.

Mỗi người ăn nửa con gà là vậy!

Trong câu chuyện với anh nhân viên, tôi mới biết trong khi mình ngồi trong phòng máy lạnh, ăn cao lương mỹ vị, nhậu rượu ngoại mấy chục triệu đồng một chai thì nhân viên của tôi có người bữa cơm không có thịt cá; có người vợ đau, con ốm không có tiền mua thuốc; có người lâu lắm rồi Tết chẳng được về quê...
Công ty tôi có hơn 200 nhân viên, tôi chỉ biết tên đến hàng phó phòng chứ dưới nữa thì tôi không thể nào biết được. Tôi nghe phòng kinh doanh báo cáo doanh số, lợi nhuận; phòng tổ chức báo cáo về nhân sự; phòng tài chính báo cáo tiền lương, thu nhập... Chẳng có ai báo cáo cho tôi về nhân viên này khó khăn, nhân viên kia bệnh tật hiểm nghèo, nhân viên nọ gia cảnh nheo nhóc... Nhờ tình cờ đưa con đi chơi mà tôi biết được một ngụm rượu của mình là cơm gạo cả ngày của một gia đình công nhân 4 người...
“Tại sao trong báo cáo, thu nhập bình quân của công ty đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng mà tôi hỏi công nhân, họ nói chỉ được 3,5 triệu đồng?” - tôi hỏi trưởng phòng tài chính. Anh ta lý giải đó là thu nhập bình quân, tức lấy tổng thu nhập của quan và lính rồi chia đều.
Mỗi người ăn nửa con gà là vậy!

Giờ tôi mới thấm thía chuyện 2 người ăn một con gà, bình quân mỗi người ăn nửa con là như thế nào. Và tôi thấy xấu hổ với những chiếc xương sườn, chiếc quần đùi xỉn màu của anh nhân viên; xấu hổ khi nhìn những con ốc bò loi ngoi trong cái thùng nhựa trên tay cháu bé... Thề với lòng là từ nay sẽ không ngồi một chỗ mà nghe báo cáo nữa.
  Lê Quang Bình
Người Lao Động)

Ian Buruma - Ai yêu Trung Quốc?

130701231925-hong-kong-july-1-protest-4-story-top

 Hàng vạn người đã “chiếm đóng” những con đường ngập tràn hơi cay của khu vực Trung tâm Hong Kong để chiến đấu cho những quyền dân chủ của họ. Nhiều người hơn nữa sẽ sớm gia nhập với họ. Mặc dù một vài người kinh doanh và chủ ngân hàng cảm thấy khó chịu bởi sự gián đoạn công việc, nhưng những người biểu tình đã đúng khi phản kháng.

Chính quyền Trung Quốc đã hứa hẹn với những người dân Hong Kong rằng họ có thể tự do bầu chọn Trưởng Đặc khu vào năm 2017. Nhưng, với điều kiện rằng các ứng viên phải được rà soát bởi một ủy ban thân Trung Quốc được bổ nhiệm bởi chính quyền trung ương, việc bầu chọn của công dân sẽ không còn có nhiều ý nghĩa. Chỉ có những người “yêu Trung Quốc” – tức yêu Đảng Cộng Sản Trung Quốc – mới được tranh cử.

Người ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại bị phong trào phản kháng ở Hong Kong làm cho cảm thấy bối rối. Suy cho cùng thì khi Hong Kong còn là một thuộc địa của Anh, người Anh đã chỉ định các vị toàn quyền mà chẳng có ai phản kháng cả đấy thôi.

Thực tế, thỏa thuận mà những người dân thuộc địa Hong Kong chấp nhận – gạt chính trị sang một bên để đổi lấy cơ hội theo đuổi sự thịnh vượng vật chất trong một môi trường an toàn và trật tự – không khác là mấy so với thỏa thuận (với chính quyền Bắc Kinh) mà những tầng lớp có giáo dục ở Trung Quốc ngày nay chấp nhận. Trước đây, một quan điểm thông thường của các công chức chính quyền thực dân, thương gia, và các nhà ngoại giao là người Trung Quốc không thực sự hứng thú với chính trị chút nào; tất cả những thứ họ quan tâm chỉ là tiền.

Bất cứ ai có những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Trung Quốc sẽ thấy rằng quan điểm này hoàn toàn sai. Nhưng, trong một thời gian dài, nó dường như đã đúng ở Hong Kong. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa Hong Kong dưới sự cai trị của Anh Quốc và Hong Kong thuộc Trung Quốc ngày nay. Trước đây, Hong Kong không phải là một vùng đất dân chủ, nhưng nó đã có một nền báo chí tương đối tự do, một chính quyền tương đối trung thực và một hệ thống tư pháp độc lập – tất cả được ủng hộ bởi một chính quyền dân chủ ở London.

Đối với phần lớn công dân Hong Kong, triển vọng của việc bị chuyển giao từ một một cường quốc thực dân này sang một cường quốc thực dân khác vào năm 1997 chưa bao giờ là một triển vọng hoàn toàn vui vẻ. Nhưng thứ thật sự tiếp sức cho chính trị ở Hong Kong là cuộc đàn áp quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và ở các thành phố khác trong năm 1989. Những cuộc biểu tình khổng lồ đã diễn ra ở Hong Kong để phản đối cuộc thảm sát, và các lễ tưởng niệm có quy mô lớn về sự kiện đó được tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Điều này đã giúp duy trì một ký ức vốn bị kìm nén và lãng quên ở những nơi khác thuộc Trung Quốc.

Không chỉ sự giận dữ từ lý do nhân đạo đã kích động rất nhiều người Hong Kong hành động trong năm 1989. Họ đã nhận ra rằng dưới sự cai trị trong tương lai của Trung Quốc, chỉ có nền dân chủ chân chính mới có thể giữ vững các thể chế vốn giúp bảo vệ các quyền tự do ở Hong Kong. Nếu không có tiếng nói đáng kể nào về cách mà họ sẽ bị cai trị, cuộc đời của những người dân Hong Kong sẽ bị phó mặc cho những nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Từ quan điểm của những nhà cai trị Cộng sản Trung Quốc, điều này thật sai trái. Họ coi những yêu sách về dân chủ của người Hong Kong là những nỗ lực sai lầm để bắt chước nền chính trị phương Tây, hoặc thậm chí giống như là một dạng hoài cổ về thời kỳ đế quốc chủ nghĩa của Anh. Dù theo cách nghĩ nào đi nữa, kế hoạch của những người biểu tình luôn bị coi là “chống lại Trung Quốc”.

Theo cách nhìn nhận của những nhà cai trị Trung Quốc, chỉ có sự lãnh đạo vững chắc từ trung ương và quyền lực tối cao không bị thách thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể tạo ra những điều kiện cần thiết để nước Trung Quốc giàu mạnh trỗi dậy. Dân chủ, trong quan điểm của họ, sẽ dẫn tới sự hỗn loạn; tự do tư tưởng sẽ gây ra sự nhiễu loạn của người dân; và sự chỉ trích của công chúng về Đảng có khuynh hướng dẫn đến sự sụp đổ chính quyền.

Theo nghĩa này, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn chung theo tư duy truyền thống (giống các triều đại phong kiến trước đây – NBT). Nhưng, mặc dù chính quyền Trung Quốc luôn luôn độc tài, nó chưa bao giờ tham những tràn lan như hiện nay. Và nền chính trị Trung Quốc cũng chưa bao giờ vô luật pháp như vậy.

Theo truyền thống, Trung Quốc đã có những thiết chế – các liên kết dòng họ, các cộng đồng tôn giáo, các nhóm thương nhân, vv… – mang tính tự trị tương đối. Sự cai trị của hoàng đế có thể rất độc đoan, nhưng vẫn có những khoảng trống lớn cho sự độc lập bên ngoài kiểm soát của trung ương. Theo nghĩa này, Hong Kong có lẽ mang tính truyền thống hơn so với các phần còn lại của Trung Quốc, dĩ nhiền là loại trừ Đài Loan.

Ngày nay, quyền uy chính trị tối cao đã đặt Đảng Cộng sản lên trên luật pháp, điều này đã khuyến khích tham nhũng trong các quan chức của Đảng, cả ở cấp địa phương và trung ương. Sự kiểm soát nghiêm khắc đối với tôn giáo, học thuật, nghệ thuật và báo chí đã kiềm chế sự phổ biến các thông tin cần thiết và các tư tưởng sáng tạo. Sự thiếu vắng một hệ thống tư pháp độc lập đã làm suy yếu nền pháp quyền. Những điều này không có lợi ích gì cho sự phát triển tương lai cả.

Khi Hong Kong được chính thức trao trả về Trung Quốc 17 năm trước, một số người lạc quan nghĩ rằng mức độ tự do lớn hơn ở vùng đất thuộc địa này sẽ giúp thúc đẩy cải cách ở các phần còn lại của Trung Quốc. Hình mẫu về bộ máy quan chức trong sạch và những người thẩm phán công tâm sẽ giúp đẩy mạnh pháp quyền trên toàn bộ đất nước. Một số người khác, với cùng lý do đấy, coi Hong Kong như con ngựa thành Troy nguy hiểm có thể làm xói mòn nghiêm trọng trật tự cộng sản.

Đến nay, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những người biểu tình ở khu vực Trung tâm Hong Kong có bất kỳ tham vọng nào trong việc làm suy yếu, chứ đừng nói đến lật đổ chính quyền ở Bắc Kinh. Họ chỉ thực sự chú tâm vào việc đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ ở Hong Kong, và cơ hội mà họ sẽ thành công dường như rất mong manh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất nóng lòng để thể hiện sự cứng rắn của ông ta. Thỏa hiệp sẽ thể hiện sự yếu đuối. Mục tiêu của ông ta là khiến Hong Kong giống với những phần còn lại của Trung Quốc, hơn là một cái gì đó khác biệt.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn từ con đường ngược lại. Ít tham nhũng hơn, sự tin tưởng vào pháp luật nhiều hơn, sự tự do tư tưởng lớn hơn sẽ làm cho Trung Quốc thêm vững chắc, thêm sáng tạo và thịnh vượng hơn.

Trong ngắn hạn, điều này có thể chưa xảy ra, nhưng những người thực sự “yêu Trung Quốc” sẽ dễ dàng được tìm thấy trên những con phố của Hong Kong hơn là ở những khu nhà chính phủ kín cổng cao tường ở Bắc Kinh.

 Ian Buruma
 Lê Khánh Toàn dịch
 Ian Buruma | Biên dịch: Lê Khánh ToànIan Buruma là giáo sư về dân chủ, quyền con người và báo chí ở trường Đại học Bard. Ông là tác giải của rất nhiều đầu sách, bao gồm: Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance [Án mạng ở Amsterdam: Cái chết của Theo Van Gogh và Những giới hạn của Sự khoan dung], và gần đây nhất, Year Zero: A History of 1945 [Năm zero: Lịch sử 1945].
Tác giả: Ian Buruma | Biên dịch: Lê Khánh Toàn
Bài liên quan: Lý Quang Diệu viết về chính trị Trung Quốc
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/10/10/ai-yeu-trung-quoc/#sthash.BTaHPWUa.dpufBản gốc tiếng Anh: Project Syndicate
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét