Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Cuộc phản kháng của Hồng Kông và Vũ khí sát thương: Việt Nam có nắm thời cơ?

Cuộc phản kháng của Hồng Kông và Vũ khí sát thương: Việt Nam có nắm thời cơ?

Những ngày này, tin về việc Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đem lại nhiều chú ý. Nhiều người hoan nghênh. Nhiều người hi vọng sự kiện này mở đường cho các sự kiện lớn và tích cực tiếp theo.

A) HOÀN CẢNH THẾ GIỚI CỦA SỰ KIỆN

Sự việc xảy ra trong hoàn cảnh thế giới có các chuyển biến như sau:

1) Phong trào phản kháng đòi thực quyền tự do ứng cử, bầu cử của dân chúng đang làm rung chuyển Hồng Kông. Phong trào này đang gây khó khăn thực sự cho chính quyền Trung Hoa và cho đảng Cộng Sản Trung Quốc:

a. Nó sẽ tạo luồng sinh khí mới cho phong trào đòi tự do dân chủ trên toàn đại lục, nhất là tại các thành phố lớn. Nó cũng kích thích đòi hỏi nhiều quyền tự trị hơn của các cộng đồng sắc tộc đã bị sáp nhập vào Trung Hoa,

b. Nó sẽ khiến Đài Loan cảnh giác hơn với các hứa hẹn của Bắc Kinh, kiên quyết hơn với ý định không hợp nhất vào Trung Hoa đại lục,

c. Nó sẽ khiến các nước dân chủ trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước giàu mạnh nhất, giữ khoảnh cách với Trung Hoa.

2) Cùng với việc tự trưng bày bộ mặt độc tài và toàn trị lỗi thời, nước Trung Hoa Cộng Sản đang tự chứng tỏ mình bá quyền một cách hung hăng, tranh chấp biển đảo với các lân bang từ Việt Nam, Phi Luật Tân cho tới Nhật, Hàn Quốc. Đặc biệt gây lo ngại rộng rãi trên thế giới là “đường lưỡi bò” do Trung Hoa tự vẽ lên và đòi độc chiếm toàn bộ vùng biển bên trong đường đó. Vùng biển này là con đường vận chuyển hàng hóa quan trọng của thế giới.

3) Do đó, các cường quốc giàu mạnh như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… càng bày tỏ ý muốn thắt chặt bang giao với Việt Nam, nước có tiềm năng lớn nhất trong việc bảo vệ con đường vận chuyển thương mại biển Đông cho thế giới, cũng như có tiềm năng lớn bảo vệ các giá trị Tự Do, Dân Chủ nếu Việt Nam chuyển dần cách thức tổ chức quốc gia của mình.

B) CHÚNG TA HI VỌNG NHỮNG SỰ KIỆN GÌ TIẾP THEO?

1) Tiếp tục các liên kết tiếp theo với Hoa Kỳ trong lãnh vực quân sự: mở rộng danh sách các vũ khí sát thương mà Hoa Kỳ có thể cung cấp cho VN, Mở rộng các hoạt động quân sự mà Hoa Kỳ có thể hợp tác/phối hợp với Việt Nam. (Chú ý hiện nay Trung Hoa đang bị trói buộc bởi các khó khăn nội bộ và rắc rối ngoại giao).

2) Hợp tác triệt để với Hoa Kỳ và các quốc gia liên quan để thúc đẩy hoàn thành TPP càng sớm càng tốt. Một trong các hoạt động hợp tác này là thả tù nhân chính trị và mở rộng một số quyền tự do căn bản cho người dân.

3) Lúc đó Việt Nam, trong khi vẫn rất mềm dẻo với Trung Hoa, dần dần có vị thế độc lập hơn và do đó có thể chủ động thiết lập mối quan hệ hữu hảo hơn với Trung Hoa (Chú ý rằng hữu hảo không phải là lệ thuộc. Lệ thuộc không bao giờ là hữu hảo thực lòng hay dài lâu).

4) Trong khi không lơi lỏng việc phát triển kinh tế, cải tổ giáo dục, nân cao dân trí, tìm thời cơ để dần dần mở rộng thêm các quyền tự do căn bản nữa. Vừa mở rộng vừa tạo điều kiện giáo dục và thực tập dân chủ cho dân chúng. Thí dụ mở rộng xã hội dân sự, có lộ trình thực hiện tự do báo chí, thực hiện tự do lập hội…

5) Khi các điều kiện về hạ tầng mềm tương đối đầy đủ (dân trí nói chung tương đối cao, sự quen thuộc và thành thạo tương đối của dân chúng với dân chủ, lòng thông cảm và tinh thần hợp tác giữa dân chúng và chính quyền được nâng cao…) Việt Nam sẽ chuyển đổi hẳn sang chế độ Dân Chủ Tự Do như các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật…

Với kinh nghiệm và sự ủng hộ của thế giới, của thời đại, với sự tin tưởng vào tương lai và tinh thần cầu tiến của dân tộc, Việt Nam có thể thực hiện các việc trên đây trong vòng 5 năm. Lúc đó xác suất rất lớn là tiềm lực kinh tế của Việt Nam đã gấp rưỡi hiện nay. Việt Nam tiến hành chuyển sang thể chế chính trị tiến bộ theo quá trình riêng của mình mà không cần chờ đợi Trung Hoa. Khi chuyển thành công, Việt Nam có lợi thế so sánh rất lớn. Người viết tin rằng 15 năm tiếp theo đó là giai đoạn chấn hưng đất nước, Việt Nam sẽ bùng nổ phát triển mọi mặt. Về kinh tế thì sau giai đoạn này sức mạnh kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng gấp 3 lần (300%) hiện nay. Các giá trị sống sẽ phù hợp với chuẩn mực tiến bộ thế giới, các giá trị dân tộc truyền thống được phục hồi và nuôi dưỡng tốt đẹp.

C) TẠI SAO HI VỌNG VÀO NHỮNG SỰ KIỆN NHƯ TRÊN SẼ TIẾP THEO?

Đảng Cộng Sản Việt Nam đang nắm nguồn lực rất lớn của quốc gia Việt Nam. Nguồn lực Tài chánh, Kinh tế, Quân sự, Thông tin…

Thực tế này khiến đảng CSVN có quyền lực bao trùm mọi lãnh vực của đất nước. Họ thực sự là một thế lực “nghiêng trời lệch đất” trong lòng Việt Nam. Cho tới nay, qua các sự kiện gần đây liên quan tới tái cấu trúc nền kinh tế, tới bang giao với Trung Hoa Cộng Sản, tới cách cư xử với các tầng lớp dân chúng, tới sửa đổi Hiến Pháp… người dân thấy đảng CSVN còn rất Bảo Thủ.

Tuy nhiên, cá nhân người viết nghĩ rằng:

1) Đảng CSVN, nhà cầm quyền Việt Nam thấy và hiểu rõ các hướng nào nên đi, các bước nào nên tiến hành… để làm cho một nước Việt Nam phát triển bền vững.

2) Dù nắm trong tay các nguồn lực lớn, đảng CSVN vẫn lo sợ sự bất mãn dâng cao của dân chúng biến thành sức mạnh lật đổ. Chính họ, trong quá khứ, đã có kinh nghiệm về sức mạnh “nước lật thuyền” này, và hiện nay, các sự kiện từ Rumani, Đông Đức những năm 1989 cho tới mùa Ai Cập, Ucraina gần đây… khiến không chính quyền nào dám xem nhẹ sức mạnh của ý dân.

3) Tính Bảo Thủ của đảng CSVN, mà dân chúng rất sốt ruột và bất bình bất mãn, có nhiều lí do. Một trong các lí do, và người viết nghĩ rằng lí do quan trọng, là đảng CSVN sợ rằng trên con đường tiến về hướng Tự Do Dân Chủ, có những lúc sự việc vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền. Lúc đó, các sai lầm mà đảng CSVN đã gây ra, các hận thù mà đảng CSVN đã gieo rắc, và các tài sản khổng lồ tích góp do tham nhũng sẽ không được tha thứ…

Người viết lại nghĩ rằng đảng CSVN có thể yên tâm về các lo lắng nói trên, có thể yên tâm rằng quá trình canh tân là một quá trình có trật tự và hòa bình. Bởi vì canh tân là một công cuộc rất rộng lớn, gánh nặng này đảng không phải lo một mình mà có sự góp sức của toàn dân.

Theo như phân tích trong phần (A), nếu đảng CSVN thực hiện được các mục:

1) Mở rộng bang giao với Hoa Kỳ,

2) Đưa VN làm thành viên TPP,

3) Đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển tăng tốc

4) Thiết lập mối bang giao tự chủ và hữu hảo với Trung Hoa

Thì đảng CSVN sẽ nhận được sự ủng hộ của không ít thành phần, tầng lớp dân chúng Việt Nam, cùng với sự ủng hộ của thế giới.

Với vốn chính trị quí báu đó, đảng có thể yên tâm vạch lộ trình phát triển dân chủ cho Việt Nam. Tôi tin rằng với sự tin tưởng đã gặt hái được, dân chúng sẽ đủ kiên nhẫn ủng hộ đảng và lộ trình vạch ra nếu nó hợp lý về mục tiêu của từng giai đoạn và thời gian thực hiện. Sự hiểu biết và tấm lòng của dân chúng là điều mọi thành phần chính trị nên tin tưởng. Dân chúng sẽ cùng góp sức với chính quyền xây dựng ngôi nhà tổ quốc chung. Cùng với quá trình dân chủ hóa, dân chúng sẽ trở thành lá chắn bảo vệ xã hội chống lại các hành động cực đoan xuất phát từ quyền lợi ích kỷ của phe nhóm, điều mà người dân Việt Nam đã chịu quá nhiều đau khổ từ mấy trăm năm nay.

Khi các điều kiện chín mùi, sự chủ động chuyển đổi sang thể chế Tự Do Dân Chủ sẽ là một công trạng lớn của đảng CSVN đối với tổ quốc. Lúc đó đảng CSVN trở về vị trí một chính đảng của Việt Nam. Đảng có thể tin rằng, nếu làm tốt đẹp và êm thấm các quá trình kể trên, sự ủng hộ của dân chúng chắc chắn không tới mức 99% mà ai cũng thấy là giả dối và gian dối, nhưng cũng chắc chắn sẽ quá bán. Đảng vẫn tiếp tục nắm chính quyền trong 1-2 nhiệm kì nữa. Sau đó sẽ là quá trình “tự thân vận động” của cơ chế Tự Do Dân Chủ…

Đảng sẽ tránh bị cô lập bởi dân chúng. Tránh bị lật đổ. Và sẽ có một vị trí quan trọng trong lịch sử, trong lòng dân.

Đất nước sẽ tăng trưởng nhanh. Vị thế quốc tế của Việt Nam vững chắc hơn. Việt Nam sẽ nhanh chóng gia nhập các quốc gia tiến bộ và giàu mạnh.

Hơn thế nữa, khi thời cơ xuất hiện, Việt Nam có thể, bằng các biện pháp hòa bình thích hợp, đòi lại các vùng lãnh thổ, lãnh hải được thế giới công nhận về mặt pháp lý và lịch sử là thuộc về Việt Nam.

Nếu Việt Nam chủ động và tích cực thay đổi, rất nhiều hi vọng Việt Nam sẽ đạt các mục tiêu lớn của mình mau chóng. Chúng ta không để con cháu chúng ta phải giành giật lại cái cha ông của chúng đã đánh mất.

Trần Quí Cao
Tác giả gửi BVN
(Bauxitevn)

Joshua Kurlantzick - Chiến lược xoay trục và sự thoái bộ dân chủ tại Đông Nam Á

 Phải chăng chiến lược xoay trục hướng về Châu Á có khả năng khuyến khích các chế độ độc tài trong khu vực?
clip_image002Những thách thức nghiêm trọng đối với thể chế dân chủ tại Indonesia trong tuần qua, tiếp theo sau cuộc bầu cử tổng thống thành công vào tháng Bảy, chắc hẳn nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù khu vực này có những tiến bộ chính trị to lớn từ thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nhưng thể chế dân chủ vẫn chưa bén rễ vững chắc tại Đông Nam Á. Những thế lực phản dân chủ, như liên minh các chính trị gia thuộc phe của Prabowo Subianto tại Indonesia, vẫn tiếp tục cản trở các cải tổ dân chủ. Tại một số quốc gia Đông Nam Á, như Thái Lan và Malaysia, các thế lực phản dân chủ đã thành công cao độ trong nỗ lực đảo ngược các tiến bộ hướng tới dân chủ hóa đất nước. Malaysia đã đi thụt lùi từ cao điểm dân chủ hóa trở về lại một nhà nước đàn áp hơn trước và là một nhà nước trong đó các tiểu vương Hồi giáo không do dân bầu lên và nhiều ông hoàn toàn không xứng đáng ở vai trò lãnh đạo; những nhân vật này một lần nữa đang nắm quyền lực chính trị quan trọng. Thái Lan, một nước vào thập niên 1990 được coi là một trong những gương thành công về dân chủ hóa trong thế giới đang phát triển, hiện nay đang được lèo lái bởi một chính phủ dựng lên từ cuộc đảo chánh, một chính phủ đang xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh thủ lĩnh đảo chánh Prayuth Chan-ocha và đang thực thi những luật lệ khắt khe không khác gì các luật lệ dưới các chế độ tàn bạo tại Thái Lan trong thập niên 1950 và những năm đầu của thập niên 1960. (Tyrell Haberkorn thuộc Đại học Quốc gia Australia đã viết một cách sâu sắc về việc ban lãnh đạo quân sự hiện nay tại Thái Lan đã sao chép nhiều phương cách và luật lệ của các ban lãnh đạo quân sự thuộc thời đại của các thập niên 1950 và 1960.) Myanmar đã đi thụt lùi từ các cải tổ của những năm 2012 và 2013, trong khi đó Việt Nam vẫn thẳng tay tiếp tục đàn áp bất đồng chính kiến, tiếp theo sau bốn năm liền đàn áp gay gắt. Trong tuần này tại Hồng Kông, nơi mà gần như tất cả các cuộc biểu tình công khai qua hàng thập niên nay đã diễn ra một cách êm thấm, các lực lượng an ninh đã vung tay đàn áp thô bạo các nhà hoạt động dân chủ.

Chiến lược xoay trục hướng về châu Á của Mỹ, vốn được thực thi hiệu quả hơn tại Đông Nam Á so với phần còn lại của khu vực, đóng vai trò gì trong sự thoái bộ dân chủ tại Đông Nam Á? Chiến lược này có đóng vai trò gì chăng? Hiện nay tôi đang nghiên cứu về chiến lược xoay trục và có một vài kết luận – tôi thực tâm nghĩ rằng việc chính quyền Obama cầu thân với Đông Nam Á, mặc dù là tích cực trong một số cung cách, đã thúc đẩy bước thụt lùi của thể chế dân chủ. Hẳn nhiên, chiến lược xoay trục không phải là yếu tố duy nhất chịu trách nhiệm cho sự thoái bộ dân chủ trong khu vực, nhưng nó đã đóng một vai trò.

Tình hình này đã diễn ra như thế nào? Đã diễn ra trong một số cung cách như sau:

Một là, chính cái tham vọng của chính quyền Obama muốn có những quan hệ vững mạnh hơn khắp Đông Nam Á có vẻ đã khiến chính quyền này trở nên dè dặt không dám hành động mạnh khi các chính phủ dân cử tại đây bị lật đổ. Nhà Trắng cũng bớt nhấn mạnh việc cổ vũ dân chủ tại Đông Nam Á với các nhà ngoại giao Mỹ làm việc trong khu vực và, trong vài trường hợp, đã chuyển ngân sách viện trợ ra khỏi các nỗ lực cổ vũ dân chủ. Chính quyền Obama còn tìm cách, trong ngân sách năm 2015, yêu cầu Quốc hội hủy bỏ tu chính án Brownback, một điều khoản được thông qua năm 2005 không cho phép bất cứ một chính quyền Mỹ nào yêu cầu chính phủ nước ngoài chấp thuận việc Mỹ phân phối viện trợ cổ vũ dân chủ cho các sứ quán, tổ chức phi chính phủ, và các nhà tham vấn hoạt động tại các nước này. Tu chính án Brownback được soạn thảo nhằm đảm bảo rằng các chính phủ độc tài không thể ngăn chặn các dự án viện trợ Mỹ. Nhà Trắng đang vận động ráo riết để hủy bỏ tu chính án này, một phần để chính quyền Obama có thể chắc chắn rằng các chính phủ độc tài Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược xoay trục sẵn sàng chấp thuận các dự án viện trợ của Mỹ.

Hai là, sự thiếu quan tâm trong việc cổ vũ dân chủ và quyết định nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc tuyển cử gian lận hoặc việc hủy bỏ kết quả của các cuộc tuyển cử tại Campuchia, Malaysia, và Thái Lan, đã làm nguy hại đến tình hữu nghị về lâu về dài của Mỹ với giới thanh niên, nam cũng như nữ, khắp Đông Nam Á, là khu vực đang trải qua hiện tượng gia tăng dân số trẻ. Những thanh niên nam nữ này sẽ là tương lai của Đông Nam Á, và vì thế việc gây bất bình cho họ sẽ có hậu quả nghiêm trọng lâu dài cho khả năng duy trì các mối quan hệ của Mỹ với các đối tác Đông Nam Á. Tại Malaysia, chẳng hạn, giới thanh niên đã dồn hết hậu thuẫn cho liên minh đối lập PKR [Đảng Công lý Nhân dân], một liên minh đã thắng số phiếu do dân bầu [the popular vote] trong các cuộc tuyển cử quốc hội cấp quốc gia năm 2013 nhưng đã không giành quyền kiểm soát quốc hội từ tay liên minh cầm quyền của Najib do gian lận ở thùng phiếu và do việc chia lại các khu cử tri rộng lớn. Trong cuộc bầu cử 2013, dân số Malaysia dưới 40 tuổi gần như đã đồng tình dồn phiếu cho liên minh PKR. Tại Campuchia, nơi mà nguyên một thế hệ người lớn đã bị Khmer Đỏ tàn sát, dân số hiện nay nói chung là cực kỳ trẻ, và thanh niên tại các thành thị Campuchia đã nhiệt liệt hậu thuẫn liên minh đối lập trong các cuộc bầu cử 2013.

Tại Malaysia, Campuchia, Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực, nhiều người trẻ có đầu óc cải tổ, từng bỏ phiếu cho các đảng đối lập chính trị, gần đây đã hết sức ngỡ ngàng khi Hoa Kỳ, một cường quốc cách đây một thập niên đã mạnh mẽ lên tiếng cổ vũ dân chủ tại Đông Nam Á và hãy còn ảnh hưởng đáng kể đối với các chính phủ trong khu vực, gần như không có một động thái nào sau khi các cuộc bầu cử tại đây bị phá hoại và những người đắc cử bị bội ước.

Ba là, việc tăng cường quan hệ giữa quân đội Mỹ với quân đội của từng nước Đông Nam Á đi đôi với chiến lược xoay trục đã không nêu cao cam kết rằng những quan hệ này sẽ giúp thay đổi bầu khí văn hóa đang trùm lên các quân đội trong khu vực và khiến chúng trở nên có trách nhiệm hơn và bớt đàn áp hơn.

Tôi sẽ viết thêm một số bài về chính sách Mỹ và sự thoái bộ dân chủ trong những tuần tới.
Joshua Kurlantzick, The Diplomat 4/10/2014
Trần Ngọc Cư dịch

Joshua Kurlantzick là một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại [the Council on Foreign Relations], một viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ.
Dịch giả gửi BVN.
(Bauxitevn)

Hà Nội lo ngại ảnh hưởng phong trào dân chủ từ Hong Kong

Ngay cả dưới cơn mưa tầm tã hàng ngàn sinh viên Hồng Kông diễu hành đòi dân chủ ngày 30 tháng 9 năm 2014
Ngay cả dưới cơn mưa tầm tã hàng ngàn sinh viên Hồng Kông vẫn kiên trì và ôn hòa diễu hành đòi dân chủ ngày 30 tháng 9 năm 2014 

Việc những thành phần hoạt động và đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục phản đối các chính sách bị cho là lãng phí của nhà cầm quyền và bày tỏ ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ thật sự tại Hong Kong khiến nhà cầm quyền Hà Nội có phản ứng.

Đó có phải là lo ngại cố hữu của một nhà nước do một đảng lãnh đạo như Việt Nam hiện nay?


Phản đối bắn pháo hoa

Một số nhà hoạt động tại Việt Nam như cụ Lê Hiền Đức gần đây đưa ra kêu gọi xuống đường phản đối việc bắn pháo hoa dịp ngày 10 tháng 10 sắp tới tại Hà Nội, hay tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, giảng viên Đào Thu Huệ có thư kiến nghị dừng việc bắn pháo hoa đó lại…

Lời kêu gọi của cụ Lê Hiền Đức cũng như thư kiến nghị của hai vị Đào Thu Huệ và Nguyễn Xuân Diện được nhiều người tán thành đồng ý. Một số người đăng ảnh trên facebook với bảng ghi những dòng chữ như ‘Người dân không cần pháo hoa, cần gạo cho người nghèo, cần sách vở cho trẻ em nghèo; chúng tôi cần nước sạch hơn cần pháo hoa; chúng tôi cần cơm, không cần pháo hoa; thay bắn pháo hoa bằng những câu cầu đi học cho trẻ em vùng cao…”

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, từ Hải Phong lên tiếng bày tỏ ủng hộ với phản đối không dùng tiền thuế của người dân để bắn pháo hoa vào lúc này:
    Người dân không cần pháo hoa, cần gạo cho người nghèo, cần sách vở cho trẻ em nghèo; chúng tôi cần nước sạch hơn cần pháo hoa; chúng tôi cần cơm, không cần pháo hoa; thay bắn pháo hoa bằng những câu cầu đi học cho trẻ em vùng cao

    Facebook

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sa sút như thế này, hằng ngày chúng ta đều thấy rất nhiều những em bé không được đến trường, đặc biệt những em bé ở những vùng sâu- vùng xa; và còn rất nhiều người không có nước sạch để dùng. Doanh nghiệp phá sản rất nhiều, đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam rất lớn.

Nếu như bỏ ra một số tiền ngân sách lớn- mà nói là ngân sách chứ thật ra Nhà nước làm gì có tiền, mà tiền đó là tiền của dân đóng thuế để nuôi đảng, nuôi Nhà nước này, mà lấy số tiền rất nhiều như thế ra để bắn pháo hoa thì nói thẳng đó là một việc làm rất ‘vô lương’ không phù hợp với tình cảnh Việt Nam bây giờ. Thay vào đó là cung cấp nước sạch cho người dân để sử dụng, hoặc đầu tư vào y tế hay giáo dục thì đó là vấn đề thiết thực và phải làm như thế!


Ông Nguyễn Hữu Vinh, một nhà hoạt động và cư dân tại Hà Nội, cũng nói lên quan điểm của bản thân ông về quyết định của cơ quan chức năng cho bắn pháo hoa vào ngày 10 tháng 10 tới đây:

Việc bắn pháo hoa vào những dịp để người dân được chiêm ngưỡng cho vui tươi, lành mạnh về tinh thần, vui vẻ… thì tôi cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên tôi ủng hộ trong tình thế ‘gia cơ để bầu lý trưởng’- đó  là cách nói của dân gian tức mình phải biết điều kiện, hoàn cảnh của mình như thế nào để người ta ủng hộ. Không ai có thể ủng hộ gia đình con nhà nghèo mà lại ăn chơi, đua đòi trác táng, hành động kệch cỡm, đua đòi nhố nhăng trong khi nhà cửa rách nát, nợ nần đầm đìa, con cái nheo nhóc đói khổ. Trong khi đó người cầm quyền, người cha- người mẹ không biết con cái mình đang nheo nhóc, khốn khổ như thế nào mà lại lo chuyện ăn chơi, đàng điếm, vui chơi, giải trí. Tôi cho rằng đó là sự nhố nhăng!
    Vào ngày chủ nhật 5 tháng 10, nhóm gồm 22 tổ chức xã hội dân sự tại VN ra tuyên cáo...với ba điểm cảm phục, hoan nghênh và lo lắng cho những sinh viên, thanh niên Hong Kong đấu tranh một cách ôn hòa, văn minh đòi hỏi quyền dân chủ của họ trước sự tráo trở của Bắc Kinh

Ngày 10 tháng 10 được gọi là ngày tiếp quản thủ đô và có khi còn được nói là ngày giải phóng thủ đô Hà Nội; nhưng nhiều ý kiến cho rằng đó không phải là một biến cố lịch sử quan trọng của Việt Nam.

Ủng hộ Hong Kong

Trong khi lên tiếng về những vấn đề quan trọng của đất nước như thế, các nhà hoạt động tại Việt Nam suốt những ngày qua cũng theo dõi sát sao những diễn biến của phong trào đòi dân chủ tại Hong Kong.

Vào ngày chủ nhật 5 tháng 10, nhóm gồm 22 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam ra tuyên cáo về tập hợp vì nền dân chủ tại Hong Kong và Việt Nam nhân sự kiện sinh viên học sinh Hong Kong biểu tình và bị Bắc Kinh đàn áp.

Tuyên cáo với ba điểm cảm phục, hoan nghênh và lo lắng cho những sinh viên, thanh niên Hong Kong đấu tranh một cách ôn hòa, văn minh đòi hỏi quyền dân chủ của họ trước sự tráo trở của Bắc Kinh.

Từ tình hình Hong Kong, tuyên cáo kêu gọi giới trẻ hãy biến cảm hứng từ phong trào đấu tranh tại Hong Kong thành nổ lực nâng cao tinh thần dân chủ tại Việt Nam; kêu gọi người dân hãy noi gương các cuộc cách mạng tại những nước khác và kêu gọi nhà cầm quyền không được theo đuôi Trung Quốc, cũng như gắng chặn ngọn gió dân chủ ở Việt Nam.

Yêu cầu không tham gia biểu tình

Trước những thông tin mà truyền thông khắp nơi cả chính thống và trên các trang mạng xạ hội về diễn biến phong trào xuống đường đòi dân chủ tại Hong Kong, cũng như kêu gọi biểu tình chống bắn pháo hoa tại Hà Nội, vào cuối tuần qua một số nhà hoạt động như ông Nguyễn Hữu Vinh bị lực lượng chức năng đến nhà yêu cầu không tham gia biểu tình.

Ông này kể lại và phát biểu của ông đối với những thành phần đến yêu cầu ông như thế:

Tối hôm kia, một đoàn của Phường gồm Mặt trận… đã đến nhà tôi nói rằng có nghe tin về một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, nói tôi không nên tham gia…; tôi đã phản ứng lại. Tôi nói giá trị dân chủ là giá trị mà ngay ở đất nước Việt Nam trong quốc hiệu đầu tiên “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’ đã ghi vào quốc hiệu. Thế mà 70 năm sau những người của Nhà nước đến từng nhà của người dân bảo không nên đi biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, nghĩa làm sao? Điều đó là sự nhục mạ đối với những điều đầu tiên đã ghi trên ngay quốc hiệu Việt Nam đầu tiên từ năm 1945.

Những sự việc đó thể hiện sự lúng túng, không nhất quán, và sự hoảng sợ trước biến đổi của phong trào dân chủ trên thế giới, điều này tác động đặc biệt rất lớn đến người dân Việt Nam trong thời gian qua.

Cô Phạm Thanh Nghiên cũng nói về hành xử mà cơ quan chức năng tiến hành với bản thân cô mỗi khi có những sinh hoạt đường phố của người dân nhằm nói lên tiếng nói của họ:
    Tối hôm kia, một đoàn của Phường gồm Mặt trận … đã đến nhà tôi nói rằng có nghe tin về một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, nói tôi không nên tham gia

    ông Nguyễn Hữu Vinh

Đương nhiên họ sợ và bằng mọi cách để ngăn cấm. Vì dụ như tôi, khi Mạng lưới Bloggers Việt Nam khời xướng phong trào chúng tôi muốn biết, và nhiều cá nhân, hội đoàn cả trong và ngoài nước công khai ủng hộ, và dù Mạng lưới Bloggers Việt Nam không kêu gọi xuống đường biểu tình trong những ngày qua và phong trào chúng tôi khởi xướng từ ngày 2 tháng 9, thì vào ngày 24 tháng 9 công an mặc thường phục chốt chặn trước nhà tôi và theo sát tôi. Mấy ngày sau họ rút, nhưng mấy ngày sau thì họ lại đặt chốt canh gác, và hai ngày hôm nay thì không thấy gì cả. Tức việc làm của họ ‘hơi lạ’.

Nhà cầm quyền luôn sợ người dân bày tỏ quan điểm trái chiều với đảng cộng sản; đặc biệt họ rất sợ biểu tình, nhất là những cuộc biểu tình ôn hòa. Tôi chưa nói đến bạo động ở Việt Nam vì hầu như chưa thể nào có bạo động, những cuộc biểu tình đều do những người đấu tranh bất bạo động tổ chức cho dù chỉ là cuộc tập trung vài chục người thôi, họ cũng đã sợ rồi vì họ sợ những người dân khác biết sự thật, mà chúng tôi là những người sẵn sàng nói lên sự thật.

Thực tế lịch sử chứng minh biện pháp trấn áp những tiếng nói đối lập, bất đồng chính kiến dù có hung hăng, mạnh bạo đến đâu cũng không thể che dấu được sự thật mà những đối tượng lên tiếng muốn nêu ra.
Gia Minh
(RFA)

Vì sao giới trẻ Việt Nam thiếu lửa dân chủ

000_Hkg7848681.jpg
Các bạn trẻ Việt Nam tham gia nhảy flashmob tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 9 năm 2012
Phong trào đòi dân chủ của sinh viên học sinh Hong Kong cho thấy ngọn lửa cách mạng hừng hực trong giới trẻ của đặc khu này. Tại sao sinh viên học sinh Việt Nam trong những năm gần đây biểu lộ sự thờ ơ với thời cuộc và đa phần chỉ lo toan cho đời sống riêng?

Thiếu người lãnh đạo ...

Sinh viên học sinh Hong Kong là thành phần tiên phong trong phong trào đòi quyền tự do bầu cử chức vụ Đặc khu trưởng tức lãnh đạo cao nhất ở lãnh thổ này. Bắc Kinh đã từng bước vi phạm nguyên tắc một quốc gia hai chế độ, mà đại lục đã hứa hẹn khi nhận lại nhượng địa Hong Kong từ tay Anh Quốc vào năm 1997. Người Hong Kong phải mất 20 năm tức đến 2017 mới được phép trực tiếp đi bầu Đặc khu trưởng. Nhưng Bắc Kinh lại áp đặt chế độ đảng cử dân bầu, cử tri Hong Kong chỉ có quyền chọn lựa các ứng cử viên được Bắc Kinh sàng lọc trước.

Ở Việt Nam hình thức Đảng cử dân bầu đã được chế độ toàn trị áp đặt từ trước cả khi Việt Nam thống nhất năm 1976. Thế nhưng giới trẻ Việt Nam đặc biệt là sinh viên học sinh chưa hề có một phong trào nào đòi quyền dân chủ như tự do bầu cử ứng cử, thậm chí chỉ riêng một lĩnh vực trực tiếp chi phối đến họ như quyền được tự trị đại học.

Trước các ý kiến cho rằng sinh viên học sinh ngày nay lãnh đạm với thời cuộc vì không có lãnh tụ, người có đủ dũng khí khởi xướng phong trào và dẫn đắt họ như trường hợp Hoàng Chi Phong của Hong Kong.

TS Nguyễn Quang A một nhà phản biện chính sách hoạt động mạnh trong phong trào đòi thực hiện xã hội dân sự  từ Hà Nội nhận định:

“Có một người đứng đầu, một người lãnh tụ có sức thuyết phục là một điều rất là quan trọng. Nhưng tôi hoàn toàn ngược lại với ý kiến là bởi vì không có lãnh tụ cho nên nó mới như thế này, hoàn toàn không phải như vậy.”

Theo TS Nguyễn Quang A, Đảng và nhà nước Việt Nam đã kiểm soát sinh viên học sinh một cách chặt chẽ, nhờ mạng lưới công an dày dặc và kiểm soát luôn con đường tiến thân của họ. Ông nói:

“Phải nói thực trong suốt hơn 30 năm qua thì việc đàn áp về tinh thần về thể chất đủ mọi thứ, họ đã rất thành công trong việc gọi là biến một lực lượng hết sức là năng nổ thành một lực lượng SVHS rất là ngoan ngoãn. Đấy là một trong những kỹ năng rất kinh khủng của những người cộng sản và phải nói thực là họ rất thành công trong việc đó. Tôi nghĩ rằng chỉ có khi động viên vận động thế nào để cho giới trẻ họ hiểu rằng quyền của họ đã bị vi phạm đến như thế nào. Lúc đầu rất là khó khăn chỉ có số ít nhưng mà số ít đó sẽ tăng dần tăng dần thì đến một lúc nào đó nó cũng có trạng thái gọi là như tất cả mọi nơi trên thế giới.”

Giới trẻ sinh viên học sinh Việt Nam không phải hiếm lần đã tập trung đông đảo hàng vạn người nhưng nó lại ở trên một lĩnh vực hoàn toàn khác với những gì gọi là khát vọng dân chủ. Giới trẻ hò hét tham gia những sự kiện giải trí khi có mặt một ngôi sao Hàn Quốc chẳng hạn hay họ rước cờ chạy xe máy khắp phố phường vì một trận thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Còn ngay cả trong cao trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo, số sinh viên học sinh tham gia không đáng kể. Có chăng là họ tham gia một vài cuộc biểu tình theo sự điều động sắp đặt của thành đoàn, một biểu ngữ phản kháng Trung Quốc sẽ kèm theo một biểu ngữ ca ngợi Đảng và tỏ lòng trung thành với Đảng.

... hay đã mất lửa?

Cũng một câu hỏi sinh viên học sinh Việt Nam ngày nay thờ ơ với thời cuộc và thiếu vắng vai trò của người lãnh đạo hay nhóm lãnh đạo do họ lựa chọn. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái từ Saigon phát biểu:

“Ở miền Nam trước năm 1975 cũng như ở Hong Kong có bầu không khí tự do hít thở của nó mà tất cả những lãnh tụ sinh viên ngày xưa mà tôi có dịp thường gặp gần đây đều công nhận rằng, tất cả phong trào sinh viên học sinh ở miền Nam lúc đó thấm được là do bầu khí tự do tương đối nào đó thì họ mới hoạt động được, nếu không có thì không  thể hoạt động được. Hiện nay ở Việt nam sự kiểm soát SVHS ở trong học đường rất chặt chẽ.

Vì thế việc có một lãnh tụ sinh viên lúc này, tôi nghĩ không phải là không có đâu, họ vẫn liên lạc với nhau âm thầm và họ chờ đợi một lúc nào đó. Nếu nhà nước không thể hiện được những lời cam kết với nhân dân về vấn đề dân chủ, tự do về vấn đề tư hữu thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Cứ hình dung lại Liên Xô, hình dung lại Cộng hòa Dân chủ Đức, lực lượng quân đội và công an chặt chẽ mạnh đến như vậy, nhưng đến lúc cần họ vẫn im lặng để cho những người đòi hỏi dân chủ đòi hỏi tự do phất cờ đứng lên.”

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhận định về sự nguội lạnh của sinh viên học sinh đối với vận mệnh đất nước và chẳng thể hiện về điều gọi là khát vọng dân chủ của thế hệ tương lai của Việt Nam. Ông nói:

"Nói sinh viên học sinh Việt Nam vô cảm thì cũng có phần đúng mà cũng có phần không đúng. Số học sinh sinh viên trăn trở với tình hình đất nước nhận thức sớm được vấn đề ấy cũng nhiều chứ không phải ít. Thế nhưng cái số đông hơn lại là những học sinh lâu này bị ảnh hưởng nền giáo dục, sách vở hay sự tuyên truyền, nhắc nhở của gia đình, của thầy cô của nhà trường và sự ngăn chặn của chính quyền khiến cho số học sinh ấy không dám xuống đường không dám thể hiện. Ngoài ra một số rất đông lại bận ăn chơi, mải chơi không tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Có thể nói đó là sự thành công phần nào của một chính sách ngu dân hóa của chính quyền.”

Theo lời nhà giáo Đỗ Việt Khoa chính sách như thế là một thảm họa cho đất nước. Vì ngu dân thì dễ cai trị, đa số nhân dân lảng tránh chuyện chính trị, xem chính trị là chuyện cấm kị không dám thể hiện chính kiến của mình. Ông Đỗ Việt Khoa không tin vào một phong trào dân chủ mạnh mẽ ở Việt Nam có thể trở thành hiện thực, tương tự như các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Nhà giáo này cho rằng những thay đổi triệt để ở Việt Nam nếu có là từ trên thượng tầng chính trị xuống, chứ không phải là một cuộc cách mạng từ dưới lên.

Với mong muốn giới trẻ, sinh viên học sinh nhìn nhận thời cuộc cho đúng, góp phần mình vào sự phát triển đất nước, đấu tranh cho đất nước công bằng dân chủ văn minh, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng đây là một cuộc đấu tranh lâu dài mà trách nhiệm nằm trong tay giới trẻ, họ làm được thì đất nước sẽ phát triển, ngược lại thì đất nước cứ dậm chân như thế này mãi.
Nam Nguyên
(RFA)

Hồng Kông : Hoạt động trở lại bình thường

media
Hồng Kông : Công nhân viên chức đi làm bình thường trở lại. Ảnh sáng ngày 06/10/2014Reuters
Các hoạt động ở Hồng Kông đang dần dần trở lại bình thường hôm nay, 06/10/2014, do những người biểu tình, quá mệt mỏi sau một tuần đấu tranh, đã giảm bớt khí thế, chưa biết sẽ tiếp tục phong trào như thế nào.

Hôm qua, lãnh đạo chính quyền Hồng Kông Lương Chấn Anh đã gia hạn cho những người biểu tình sáng nay phải để cho các công chức trở lại làm việc bình thường, sau một tuần gần như nghỉ việc, do có những ngày lễ và do các cuộc biểu tình. Ông đã tuyên bố sẵn sàng « thi hành mọi biện pháp cần thiết » để tái lập trật tự, nhưng không nói rõ là sẽ dùng vũ lực để giải tán những người biểu tình không tuân lệnh.

Sau một đêm yên tĩnh nhất kể từ ngày 28/09, hôm nay, nhiều người dân Hồng Kông đã có thể trở lại làm việc. Các trường học cũng đã mở cửa trở lại. Từ Hồng Kông, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình :

« Sau một tuần lễ mà mọi công việc gần như ngừng trệ, người dân Hồng Kông hôm nay đã có thể trở lại làm việc, mặc dù một vài nơi còn bị kẹt xe. Sinh viên đã dỡ bỏ các hàng rào chướng ngại vật, chủ yếu để khai thông con đường dẫn đến trụ sở của chính phủ ở khu Admiralty.

Như vậy là 3 ngàn công chức Hồng Kông đã có thể trở lại văn phòng. Các trường học cũng đã mở cửa trở lại. Trong đêm qua, rất nhiều người biểu tình đã rời khỏi một trong những trục lộ chính ở khu tài chính, nơi mà họ đã tập hợp từ một tuần qua.

Hàng ngũ biểu tình sáng nay đã trở nên thưa thớt, nhưng hàng trăm thanh niên vẫn còn cắm trại trên đường, quyết tâm không lùi bước. Họ nói sẽ không nhổ trại, cho đến khi nào chính phủ nhân nhượng.

Cuộc «cách mạng cây dù » có vẻ như đang lâm vào ngõ cụt hôm nay. Giới thanh niên nay bất đồng ý kiến với nhau về giai đoạn tiếp của phong trào biểu tình. Nên bám trụ hay nên bỏ đi, cho dù không gì bảo đảm sẽ có một cuộc thương lượng thật sự với chính quyền ? Cảnh sát Hồng Kông có thể sẽ lợi dụng lúc tình hình tạm thời lặng dịu và sinh viên đấu tranh đang bị chia rẽ để can thiệp. Trên các mạng xã hội đang có tin đồn là cảnh sát sẽ ra tay trong những giờ tới ».
Thanh Phương
(RFI)

Nguyễn Khắc Mai. - Tiếp quản Thủ Đô 10-10-1954 và lời hứa của Hồ Chí Minh

Sau khi có Hiệp Định Geneve, tháng bảy năm 1954, từ Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư gởi đồng bào, mục đích là để chuẩn bị tinh thần cho đồng bào, để tuyên truyền về những chính sách của Việt Minh (HCM Toàn tập-NXB ST 1987.T7 tr4).
Trong bức thư ấy có câu: ”Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thật sự.” (mấy chữ thực hiện dân chủ thật sự trong sách còn được in nghiêng!)
Sau đó đã có những cuộc cải cách gì, đời sống nhân dân được nâng cao ra sao và dân chủ có thật sự hay không.

Trước hết, nói cuộc cải cách ruộng đất long trời lỡ đất. Gần đây chúng ta thấy tái hiện cuộc cải cách này qua một cuộc triễn lãm nửa vời và rồi phải nhanh chóng đóng cửa. Quả thật cuộc cải cách này rất long trời, vì nó đã đạt được những kết quả như sau: Hai triệu hộ nông dân miền Bắc đã được chia ruộng, tưởng như là đã thực hiện xong khẩu hiệu cách mạng “người cày có ruộng”. Mặc dù năm 1958 tại một cuộc chỉnh huấn giáo dục toàn miền bắc, Hồ Chí Minh gọi một hiệu trưởng ở hội nghị hỏi : Xã chú đã CCRĐ chưa - Thưa đã - Thế thì trong xã có mấy địa chủ, có mấy nông dân - Thưa, xã có 9 địa chủ và 8 ngàn nông dân. Cụ Hồ liền kết luận: Trước đây ruộng đất thuộc về 9 tư hữu. Bây giờ là của 8 ngàn tư hữu.Thế thì có phải là cộng sản không? (HCM toàn tập.XBST 1987 t.7, tr497). Tuy nhiên nông dân chỉ được sở hữu chỉ trong mấy năm. Từ 1959, khi xóa bỏ HP 1946, rồi đến HP 1980, nhà nước đã “quốc hữu hóa” ruộng đất. Người ta cho rằng nông dân được cấp đất một lần, nhưng lại hai lần bị tước đoạt “quyền có ruộng” .
Về kinh tế, cuộc cải cách này đã xóa bỏ đi lực lượng sản xuất nông nghiệp giỏi nhất lúc bấy giờ, từ trung nông cho đên phú nông, địa chủ. Nó tạo ra khủng hoảng nông nghiệp triền miên và chỉ tạm chấm dứt sau này khi khoán hộ vào cuối thập niên 80, đến mức nó đã tạo ra nạn đói và cả nước phải cắp rá đi xin từ bột mì, bo bo cho đến cả rau muống khô.
Như thế cuộc cải cách này không đạt được mục đích “nâng cao đời sống” như HCM đã hứa hẹn.
Còn về di họa của “dân chủ”, của xã hội, thì một trạng thái xã hội của “luật rừng” tùy tiện, đã tạo nên nếp gấp trong não trạng cầm quyền ở VN. Một nền tư pháp hậu cải cách ruộng đất đến nay vẫn hoang sơ, sự vô thiên, vô pháp vẫn còn ngự trị. Khác trước là luật pháp trong tay “Đội” cho nên nhất đội nhì trời. Bây giờ luật vẫn là trong tay “nhà nước” - kẻ cầm quyền, chứ chưa phải là luật đã thật sự dân chủ như HCM hứa hẹn!
Về văn hóa và đạo đức xã hội thì cuộc cải cách này đã để lại vết thương, nhìn bề ngoài tưởng như sẹo đã liền. Thật sự những di chứng và chấn thương xã hội thì còn kéo dài.
Cuộc cải cách thứ hai, mà khi còn sống cụ đã lãnh đạo và tiến hành cũng “to lớn, vĩ đại” là cuộc Cải tạo công thương để thực hiện công tư hợp doanh, xóa bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”. Cuộc cải cách này còn tiếp diễn sau khi cụ đã mất vào những năm cuối thập kỷ 70 ở vùng các đô thị miền Nam. Cả cuộc sống và cả dân chủ đều không đạt. Người ta đã đập tan lực lượng những người có vốn, biết và giỏi giữ vốn và phát triển vốn. Cái vốn lớn của dân tộc là cái gen kinh doanh bị vùi dập không chút thương tiếc. Đội ngũ công thương gia ở miền Nam đã từng tạo ra bạn hàng quốc tế. Ngày nay ta gọi là đối tác, bị phá vỡ. Nay đang vất vả khôn cùng để tái lập! Cái lực lượng quý báu để giữ đồng vốn (tư bản), để phát triển vốn, kiếm tìm bạn hàng để làm ăn buôn bán, hình thành và xây dựng năng lực kinh doanh… của dân tộc đã bị “đập tan” không chút xót xa. Thời kỳ tiến hành cải cách kinh tế để tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện quốc doanh hóa triệt đễ, khiến đã làm tiêu hao vốn của nhà nước, năng lực kinh doanh của xã hội tiêu mòn, mà trình độ sản xuất luôn lạc hậu. Đến nỗi ngày nay khi hợp tác với Hàn Quốc thì chiếc đinh ốc quy chuẩn dẫu có làm ra được nhưng giá thành quá cao nên cũng thành vô tích sự. Để đỗ lỗi cho “cải cách“ như thế, giới “trí thức” của nhà nước đã tìm được một khái niệm để đánh tráo, gọi là cơ chế bao cấp! Mọi chuyện hư hỏng đổ cho thằng bao cấp thế là yên chuyện. Sau một thời kỳ khủng hoảng kéo dài khiến hàng hóa tiêu dùng không có, xuất khẩu ỳ ạch,ngân sách thu không đủ chi… đã buộc phải “đổi mới”, nghĩa là im lặng thừa nhận sự thất bại của cải cách. ”Đổi mới”, nói cho có văn vẻ, thực chất là trở lại với những cái cũ mà hợp lý có ích, có lợi.
Nhiều cuộc cải cách ở tầm quốc gia như cải cách hành chính, cải cách giáo dục cũng được tiến hành không đến nơi đến chốn. Như cải cách hành chính chỉ làm nửa vời, dừng lại ở cái gọi là cải cách thủ tục hành chính.Nên mấy chục năm nền hành chính vẫn là “hành dân là chính”, tham nhũng tràn lan không cách gì ngăn ngừa được. Cải cách giáo dục thì cuộc trước thất bại, cuộc này không dám dùng chữ cải cách nữa, mà phải gọi là đổi mới toàn diện, triệt để, hệ thống…
Trong câu nói của cụ Hồ có ba nội dung đi với nhau - Một là cải cách - Hai là đời sống - Ba là dân chủ thật sự. Cải cách không đúng nghĩa, đúng tầm, không có tư duy chiến lược,mà chỉ có những tư tưởng giáo điều biệt phái đã lỗi thời, không có con người tâm huyết,không có phương thức dân chủ,không phù hợp tiến trình thời đại, sẽ chỉ là sự “bôi bác”, mà như Các Mác từng dùng một thành ngữ la tinh để chỉ: cacatum non es pictum (cái bôi bác thì không phải bức tranh).
Cụ Hồ nói khá hay, trong câu kêu gọi trên - Phải cải cách - Phải nâng cao đời sống (vật chất, văn hóa, tinh thần, đạo đức, lối sống, quyền dân, quyền con người…) - Phải dân chủ thật sự. Nhưng sáu mươi năm cho ta kết luận rằng nếu không có thể chế chính trị, kinh tế hợp lý, văn minh, tiến bộ, và dân chủ, không thể thực hiện mà không bôi bác cái công thức của cụ Hồ ,cả lời hứa của cụ với đồng bào Thủ đô 60 năm trước.
N.K.M.
Tác giả gửi BVN
(Bauxitevn) 

Túi xách Hermes và chuyện ‘lạ’ chỉ có ở Việt Nam

TỔNG HỢP (NV) - Có biết bao chuyện “lạ” từ sự thật hầu như ai cũng biết mà không ai nói, nhất là giới cầm quyền có trách nhiệm chống tham nhũng vì không thể kết luận do “không đủ chứng lý.”

Theo báo Một Thế Giới, tại Ðại Hội Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam vừa diễn ra trung tuần tháng 9 vừa qua, bài phát biểu của Giáo Sư Tương Lai gây khó tin cho nhiều người khi câu chuyện có thật mà như đùa: Một công ty nhập cảng về 4 bộ túi xách Hermes, giá $300,000/bộ (mỗi bộ có 4 chiếc,) chỉ có mấy ngày mà các quý bà, tiểu thư mua hết. Sau đó, còn bị trách móc là vì sao lại nhập ít để nhiều người không kịp mua!?
Mỗi cái túi xách trị giá $75,000 tương đương với số lương trung bình gần... nửa thế kỷ của công chức Việt Nam. (Hình: Internet)
Tính ra, mỗi cái túi trị giá $75,000, bằng với số lương trong khoảng gần... nửa thế kỷ của công chức Việt Nam. Tiền ở đâu ra? Ai có thể đem đồng tiền đổ mồ hôi, sôi nước mắt để mua thứ có cũng được, mà thiếu cũng chẳng sao nếu không phải là tiền tham nhũng?

Số tiền lớn nói trên trong một đất nước có hàng triệu người nghèo, hàng triệu người thất nghiệp không thể nói khác hơn đó là sự thách thức của tội ác, sự trơ tráo về mặt văn hóa, sự vô lương của đạo đức và là sự tàn nhẫn của lương tâm - nếu như lương tâm là cái có thật trong thời đại nhố nhăng này.

Những cái túi xách đó “sinh ra” cho các thứ trưởng giả của các nước nghèo chơi trội, với cái vỏ hợm hĩnh, không rẻ tiền về giá trị của... đồng tiền nhưng lại rẻ hều về nhân cách, lối sống; chỉ nhằm vào cái đích duy nhất là chứng tỏ cái gọi là đẳng cấp, xứng mặt tay chơi.

Nó là sự minh định cay đắng rằng, nơi chống tham nhũng dường như đang nói nhiều, làm ít và chắc chắn đang làm lãng phí thêm không ít tiền dân, của nước khi họ nhận lương chỉ để ngồi viết câu chữ cho các báo cáo thăng hoa, cho sự bao che liếc xéo những nụ cười mỉa mai, chua chát.

Chẳng lẽ tất cả những gì dư luận lên án mỗi ngày cũng chỉ là “hiện tượng,” chưa phản ánh đủ và đúng về sự băng hoại văn hóa ở mức độ trầm trọng nhất với tốc độ nhanh nhất?

Những cái túi Hermes đó không hề lẻ loi trên cuộc đời này. Nó có rất nhiều các anh chị em song sinh, đồng hành.
Chẳng hạn, quan chức mất trộm, để quên hàng tỷ đồng là chuyện “bình thường”; Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo trình đề án làm sách giáo khoa “nhầm lẫn” 34,000 tỷ đồng, nay tụt xuống còn gần 800 tỷ đồng cũng là chuyện “bình thường (?!)”

Ðường cao tốc dài nhất Việt Nam, đứng đầu Ðông Nam Á chưa đi đã lún cũng là “bình thường”...(?!)
“Nhầm lẫn” hàng chục ngàn tỷ đồng mà chỉ có thể “thấy sợ” rồi không ai phải chịu trách nhiệm. Giả sử nếu dư luận không phản đối, thì có phải là hàng vạn cái Hermes nữa lại được mua tấp nập?

Những cái mà nhà cầm quyền CSVN dán nhãn “bình thường,” “nhầm lẫn” ấy là điều bất thường trong một xã hội văn minh, nơi mọi khoản thu nhập của công dân được làm minh bạch, rõ ràng; mọi khả năng về quản lý không có chỗ cho nhầm lẫn, bởi nhầm mà liên quan đến hàng núi tiền của là sự phá hoại.

Hầu như tất cả những ai có trách nhiệm đều tuyên bố phải quyết liệt, phải thay đổi vì tham nhũng đang là căn nguyên liên quan đến sự tồn vong của chế độ Cộng Sản. Có tìm thấy ở đâu giống với Việt Nam là nói nhiều, nói lắm mà tất cả sự sai trái, trì trệ vẫn ý nguyên?

Hình như chỉ có mỗi cái thay đổi: Nỗi đau của hàng triệu người nghèo, thất nghiệp ngày một nhức nhối hơn?! (Tr.N)
(Người Việt)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét