Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Từ Thiên An Môn đến bãi khoá ở Hong Kong

-Từ Thiên An Môn đến bãi khoá ở Hong Kong

Những ngày này, các trang mạng xã hội ở Việt Nam liên tiếp đưa hình ảnh về phong trào bãi khoá của sinh viên, học sinh Hong Kong.
Điển hình là trường hợp thanh niên đấu tranh dân chủ Hong Kong Joshua Wong, 17 tuổi kèm lời bình được trích từ nguồn CNN, “Tôi chưa đủ tuổi hợp pháp để lái xe nhưng đủ lớn để thay đổi cả thế hệ.”

“Bãi khóa phải xảy ra. Bất tuân lệnh và hãy nắm bắt vận mệnh của bạn”, đó là một trong những biểu ngữ được trương lên trong cuộc bãi khóa dự kiến kéo dài một tuần nhằm tập dượt cho cuộc biểu tình được cho là quy mô hơn vào ngày 1.10 tới của sinh viên Hong Kong.

Ông Tập sẽ làm gì?

Theo dõi cao trào đấu tranh dân chủ này, giới quan sát đặt ra câu hỏi.
Một khi lực lượng dân chủ, dẫn đầu là giới trí thức và sinh viên thực hiện ý tưởng chiếm khu trung tâm tài chánh Đặc khu Hong Kong thì ông Tập Cận Bình có ra tay đàn áp đẫm máu như ông Đặng Tiểu Bình đã làm ở Thiên An Môn không?
Không khó để tìm thấy tinh thần bất diệt từ sự kiện Thiên An Môn đang lưu truyền cuộc đấu tranh vì một nền dân chủ thật sự cho tương lai Hong Kong.
Không khó để thấy giới lãnh đạo Trung Nam Hải đang chuẩn bị mọi biện pháp để bắt nhân dân Hong Kong phải tuân lệnh chuyên chế.
Sau sự kiện Thiên An Môn, năm 1989, nhiều thập niên qua, vị thế kinh tế Trung quốc đã có nhiều thay đổi nhưng bản chất chuyên chế của chế độ Bắc Kinh vẫn không thay đổi.
Năm 1997, Hong Kong được Vương quốc Anh trao trả về Trung Quốc, nhưng giá trị dân chủ mà người dân Hong Kong thấm nhuần cũng không thay đổi.
Nếu hiệu ứng dân chủ Hong Kong truyền tới lục địa Trung Quốc, hẳn nhiên ông Tập Cận Bình sẽ không sợ lịch sử kết tội và sẽ như trường hợp ông Đặng Tiểu Bình ở Thiên An Môn, ông Tập sẽ thẳng tay đàn áp.
Các lãnh tụ cộng sản ở mọi thời không có kiểu sợ bản án lịch sử. Vì sinh mạng của đảng cầm quyền họ sẽ bất chấp.
Nhưng công dân Hong Kong vẫn không từ bỏ quyền đấu tranh đòi mở rộng quyền dân chủ vì một nền dân chủ thật sự.
Phản ứng trong ôn hoà của các tổ chức xã hội dân sự và công dân Hong Kong với thể chế Bắc Kinh không phải là cuộc đối đầu vì lợi quyền kinh tế, chính trị nhất thời.
Chính vì muốn chứng minh phẩm chất quyền con người trong một nền dân chủ thật sự, họ từ chối cái lồng son chính trị trong hình thức “dân chủ hiệp thương” kiểu Bắc Kinh.
Chính vì sự khao khát chứng minh phẩm chất này mà hàng ngàn sinh viên Thiên An Môn đã phải trả bằng máu.
Và dòng máu bất khuất của họ đã làm nên động lực cho mỗi trái tim trí thức học sinh Hong Kong hôm nay.
Sự kiện này ảnh hưởng thế nào đối với Trung Quốc lục địa, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cu Ba? Dư luận cho rằng văn hoá bất tuân lệnh độc tài không có trong đại đa số người dân ở các nước nêu trên.
Sẽ ảo tưởng nếu cho rằng cuộc đấu tranh dân chủ của công dân Hong Kong đang diễn ra sẽ thành công.
Hong Kong là nơi duy nhất có triển lãm về thảm sát Thiên An Môn 1989
Nhưng nếu các công dân Hong Kong đáng kính trọng thành công trong việc buộc Bắc Kinh thực hiện lời hứa để người dân Hong Kong ứng cử và bầu cử trực tiếp đặc khu trưởng thì sao?
Qua trường hợp trưng cầu dân ý về độc lập ở Scotland.
Việc xứ Scotland tiếp tục là một phần của Vương quốc Anh, phe đa số chọn ở lại và phe thiểu số chọn độc lập đều cùng làm nên chiến thắng tôn vinh tinh hoa giá trị dân chủ.
Dù chính thể Bắc Kinh có quay lưng lại với việc cải cách chính trị thì giá trị dân chủ cho hôm nay và tương lai của Hong Kong cũng đã chiến thắng.
Từ Hong Kong, hiệu ứng bất tuân sự áp đặt chuyên chế sẽ là hiệu ứng văn hoá dân chủ dây chuyền, trở thành nguồn sáng mới cho các xứ chuyên chế còn lại của thế giới chính là điều được dự đoán.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà thơ, nhà báo tự do Trần Tiến Dũng từ Sài Gòn.

-Cột tay lính bằng luật

Nguyễn xuân Nghĩa – Nguoiviet Sư đoàn luật sư trong nhiễu âm của nước Mỹ
Trong nhiễu âm của Chính Quyền Barack Obama về chiến lược đối phó với tổ chức khủng bố xưng danh “Nhà nước Hồi Giáo” (hay IS, ISIS, ISIL) người Việt ta bỗng lãnh một cái tát muộn. Mục “Hoa Kỳ nhìn từ bên ngoài” nói về cái tát đó rồi mới trở về tiếng cãi cọ như trong trại gà của ban tham mưu Obama.

***
Thứ Tư 17 vừa qua, giám đốc Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ là James Clapper công bố phúc trình về “Chiến lược Tình Báo Quốc Gia.” Dịp này viên chức cầm đầu 16 bộ phận an ninh tình báo Mỹ – kể cả CIA, FBI và nhiều đơn vị quân báo hay nội an – trả lời nhà báo phỏng vấn. Và tự thú vài chuyện động trời: 1) “Chúng ta lỡ đánh giá thấp ý chí chiến đấu của IS, 2) như đánh giá thấp Việt Cộng, và 3) Bắc Việt, và 4) đánh giá quá cao ý chí của miền Nam Việt Nam.”
Trong một câu ngắn mà nói bốn điều sai thì chỉ có thể làm tham mưu cho một người như Obama.

Thứ nhất là phân biệt Việt Cộng với Bắc Việt, vốn là thực thể thống nhất. Thứ hai là nói về ý chí chiến đấu của Hà Nội mà quên sức yểm trợ ồ ạt của liên bang Xô Viết và Trung Cộng. Thứ ba là coi thường ý chí chiến đấu của quân lực miền Nam, một quân đội bị Hoa Kỳ xẻ ngang gọt dọc từ sau 1965 để tiến hành chiến tranh theo kiểu Mỹ mà vẫn bền chí chiến đấu cho tới khi Mỹ nhụt chí, rồi bị cột tay trao trọn gói cho đối thủ vào năm 1975.
Năm đó James Clapper là sĩ quan cao cấp của Không Quân Hoa Kỳ nên không thể không biết về cuộc chiến Việt Nam. Mà nay vẫn nói nhảm để chạy tội cho nước Mỹ về hồ sơ Việt Nam, nhân tiện nhục mạ một đồng minh đã bị bức tử!
Bây giờ trở lại chiến lược chống IS của Chính Quyền Obama như một sân nuôi gà vịt.
***
Chiến Lược Obama không chỉ thiếu nhất quán mạch lạc mà còn ồn ào phát ra nhiều tín hiệu mâu thuẫn vì vậy mới bị gọi là nhiễu âm. Hãy bắt đầu từ viên tư lệnh Trại Gà Obama, huê dạng như chú gà sống thiến.
Ba tháng sau khi gọi lực lượng IS này là “đội banh tay mơ” Junior Varsity, tổng thống Mỹ mới công nhận mối nguy của IS cho quyền lợi Hoa Kỳ. Rồi ỏn ẻn cho biết là chưa có chiến lược gì để đối phó. Năm tuần sau khi ù ù cạc cạc bên trong rồi Obama mới nói đến quyết tâm tiêu diệt đối thủ, bằng cách phân giải thành từng bài toán “có thể xử lý được.” Sau đó mới là bài diễn văn hùng hồn hôm mùng 10 Tháng Chín về một chiến lược làm mọi người hiểu sao cũng được nên… chẳng hiểu gì cả.
Trừ một việc là nhất quyết không thả các đơn vị tác chiến vào trận địa (No boots on the ground).
Sau khi tổng thống Mỹ mô tả cách xử trí với mối nguy IS – mô tả chứ chưa phải là chiến lược – ban tham mưu của ông mới ào ạt xuất quân.
Ðầu tiên là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Suzan Rice từ nách chuồng gà te te ra điểm xuyết cho Chiến Lược Obama trên hệ thống CNN vào ngày 11: “Tôi chẳng biết rằng ông nên gọi đó là một cuộc chiến hay một chiến dịch chống khủng bố kéo dài. Riêng tôi thì cho rằng đấy là một chiến dịch chống khủng bố cần nhiều thời gian.” Xin nhấn mạnh giúp độc giả: “cuộc chiến” (war) có khác với “chiến dịch chống khủng bố (counter-terrorism campaign). Nhân đó ta phân biệt thêm với “chống nổi dậy” (counter-insurgency). Hình như là có khác với “chiến tranh.”
Rồi suốt một tuần thì Ngoại Trưởng John Kerry tả xung hữu đột để phân bua rằng, “Một chiến dịch không tập tại Iraq chưa thể là một cuộc chiến…. Nhưng nếu có ai hiểu rằng chúng ta đang có chiến tranh với tổ chức ISIL thì cũng được.”
Khi bị báo chí vặn hỏi, hôm 12, Tùy viên báo chí của tổng thống là Josh Earnest lập luận rằng chiến dịch quân sự chống ISIS có cơ sở pháp lý là “được Quốc Hội cho phép dùng vũ lực chống tổ chức al-Qaeda và chế độ Saddam Hussein.” Vòng qua đó rồi, Earnest mới xác định rằng, “Hoa Kỳ đang có chiến tranh với ISIL.” Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng là Phó Ðề Ðốc John Kerby mới chỉnh nhẹ Tùy Viên Báo Chí, rằng, “Ðây không là cuộc chiến như Chiến Tranh Iraq năm 2002. Nhưng xin quý vị đừng lầm, chúng ta đang lâm chiến với ISIL như đã và đang lâm chiến với al-Qaeda và các chi nhánh.”
Nếu quý độc giả có ù tai về mấy cấp biện bạch ấy thì xin đừng tuyệt vọng.
Trước khi trù hoạch ra chiến lược chống tổ chức nhà nước Hồi Giáo IS, ban tham mưu của tổng thống Mỹ đã ồn ào tranh cãi về mục tiêu hay định nghĩa của việc dụng binh. Có là chiến tranh hay chăng? Ngần ấy cách giải trình đều cho thấy Mỹ đang thực tế lâm chiến với tổ chức IS, nhưng vì tổng thống nói trước là sẽ không có lính lâm chiến, nên Hoa Kỳ có tranh mà chưa có chiến.
Trong vụ tranh cãi này, giới kaki nghĩ sao về vai trò của một quân lực thuộc loại tối tân và tinh nhuệ nhất vì tác chiến nhiều nhất từ hơn 70 năm nay?
Từ các đại tướng đương nhiệm – như Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Dempsey đến Tham Mưu Trưởng Lục Quân Raymond Ordierno – tới các tướng dày công hãn mã vừa hồi hưu như James Mattis, người ta thấy ra khác biệt quan điểm với ban tham mưu của tổng thống: 1) không nên lâm trận mà tự giới hạn trước là chỉ oanh kích và không cho binh lính lâm chiến; 2) nếu 1,600 lính Mỹ đang huấn luyện quân đội Iraq mà phải tiếp tay truy lùng quân khủng bố IS thì nên cho phép, dù có thể gọi đó là tác chiến; 3) chứ nếu nói mãi rằng Hoa Kỳ không thả quân vào trận địa thì sẽ tự chui vào bẫy…
Khi các tướng lãnh nêu ý kiến như vậy và chờ lệnh tổng thống thì từ Tòa Bạch Cung đã có lời điều chỉnh, và dư luận còn được biết thêm rằng chính phủ tổng thống sẽ chọn từng mục tiêu không tập cho các đơn vị thi hành.
Tổng kết lại thì Chiến Lược Obama là chuyện quân hồi vua phèng, ông nói gà bà nói vịt, và quy vào định nghĩa “chiến tranh,” quyền lâm chiến, quy cách tác chiến và thể thức giao tranh. Trật một cái là binh lính có thể vi phạm luật lệ.
Tại sao lại khổ như vậy? Câu trả lời là… “Tại vì…. cuộc chiến Việt Nam!”
***
Sau trận thảm bại Việt Nam, Ðảng Dân Chủ, truyền thông và các nhà luật học trên tháp ngà hết tin vào tổng thống hay ngũ giác đài về chuyện chiến hòa và về thể thức ra quân. Từ đấy về sau, họ muốn là mọi quyết định từ chiến lược đến chiến thuật đều phải có hợp pháp.
Ði sâu xuống dưới là loại câu hỏi thế nào là khủng bố, là tù binh, tòa án nào sẽ xử các hung thủ đã bị bắt, trò “trấn nước” có phải là tra tấn không? Vân vân…
Hậu quả, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nay có dưới trướng một vạn luật sư, đủ quân số cho một sư đoàn có nhiệm vụ thanh lọc lại mọi tính toán quân sự theo tiêu chuẩn “hợp pháp.” Quân chủng đó mới chỉ đạo kế sách cho quân đội đệ trình tổng tư lệnh trong Tòa Bạch Cung duyệt xét.
Lên tới cấp này, quan điểm của dân chuyên nghiệp lại qua hai cái lọc: Bộ Tư Pháp và Ban Tham Mưu An Ninh của phủ tổng thống. Ðến Tổng Thống Obama thì còn thêm cái lọc thứ tư, dàn cố vấn chính trị từng phất cờ tranh cửa năm xưa và nay đã lên quan. Dù chỉ biết cầm súng nước, đám thầy dùi ấy có biệt tài đón gió để khuyên tổng thống lấy những quyết định an toàn nhất về chính trị cho…Obama.
Còn thắng bại của quốc gia, hay tử sinh của binh lính, là chuyện không đáng kể.
Vì thế, khi truy đuổi kẻ thù, việc binh lính có được quyền đạp đất không mới là chuyện chỉ có tại nước Mỹ.
Các đồng minh nghĩ sao về việc sát cánh với Hoa Kỳ để chống khủng bố? Hèn gì, họ né!

-PTT Phạm Bình Minh: Việt Nam biết rõ Trung Quốc

- Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York chiều 24/9 nhận được sự quan tâm của cử tọa gồm nhiều nhân vật nổi bật trong giới học giả Mỹ.
Nhiều câu hỏi thẳng được ông Tom Nagorski, Phó Chủ tịch điều hành Hội châu Á; GS. Jerome A. Cohen, Viện luật pháp Hoa Kỳ – châu Á, ĐH Luật New York; ông Thomas Vallely của ĐH Harvard… đặt ra. Phó Thủ tướng không né tránh câu hỏi nào.
- Một chủ đề nổi bật gần đây là chính sách đối ngoại của TQ, mà VN là nước ở gần nhất. Nhiều nước thấy khó hiểu, Tổng thống Philippines còn nói với New York Times rằng có lúc ông không hiểu nổi quan hệ với TQ. Vậy VN miêu tả mối quan hệ này như thế nào?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Quan hệ VN – TQ có một khuôn khổ là quan hệ đối tác chiến lược, mà Philippines chưa có. Ngoài quan hệ chính trị tốt, về kinh tế, TQ còn là đối tác thương mại lớn nhất của VN. Cả hai đều là nước XHCN, có quan hệ trên mọi kênh, giữa hai đảng, hai nhà nước, và nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng, Phạm Bình Minh, Philippines, TQ, Biển Đông, giàn khoan, chủ quyền, Hoàng Sa, ASEAN
Ảnh: TTO
Đúng là VN có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với TQ. Philippines có thể không đoán được TQ, nhưng chúng tôi biết rõ TQ.
- Qua vụ việc TQ hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, bài học gì được rút ra để đảm bảo không lặp lại việc tương tự?
Khi TQ hạ đặt giàn khoan, vi phạm luật pháp quốc tế, chúng tôi đã kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình trên thực địa, đồng thời yêu cầu đối thoại với TQ.
Trong thời gian diễn ra sự việc, đã có hơn 40 cuộc trao đổi ở mọi cấp độ, bản thân tôi đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị và ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì. Chúng tôi đã tận dụng mọi kênh. Chúng tôi cũng có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, những người đã lên tiếng quan ngại về hành động của TQ. Đó là những nhân tố mà chúng tôi cho là bài học hữu ích.
- Có phải nhờ hơn 40 cuộc đối thoại mà TQ đã rút giàn khoan hay do những nguyên nhân khác?
Có nhiều cách giải thích: Do bão đến, nghĩa là chúng tôi được ông Trời giúp. TQ thì nói là giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ.
Chỉ có thể giải quyết song phương

- Ông đã nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế như một điểm mà phần lớn các nước trong khu vực chia sẻ, nghĩa là vẫn có một số ít chưa chia sẻ. Trong vấn đề Biển Đông, VN sẽ khôn ngoan nếu tận dụng được các thể chế pháp lý quốc tế để giải quyết tranh chấp. VN vẫn cân nhắc lựa chọn này như các lãnh đạo cao nhất đã tuyên bố chứ?
Chúng tôi muốn giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tất cả các biện pháp theo Hiến chương LHQ. Nếu đàm phán song phương đem lại kết quả thì đó là một biện pháp tốt. Chúng tôi đã đàm phán với TQ và đạt được thỏa thuận về cắm mốc biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ, nhưng bên ngoài thì chưa. Hành động pháp lý cũng là một biện pháp hòa bình.
- Liệu VN có đồng ý với TQ giải quyết tay đôi vấn đề Biển Đông?
Quần đảo Hoàng Sa là vấn đề giữa TQ và VN, có thể giải quyết song phương. TQ đã cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực các năm 1956 và 1974, hiện vẫn đang chiếm giữ. VN luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình và đã yêu cầu TQ làm như vậy. Nhưng TQ vẫn khăng khăng Hoàng Sa là của mình. Đó là sự khác biệt trong lập trường.
Nhưng quần đảo Trường Sa có 5 nước (TQ, VN, Philippines, Malaysia và Brunei) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan) cùng tranh chấp, thì phải tiếp cận đa phương.
- Với mô hình phát triển của TQ, VN muốn học những điểm gì và không muốn học những điểm gì?
TQ đã nói muốn xây dựng CNXH đặc sắc Trung Hoa. VN cũng sẽ làm theo cách của mình.
Sao TQ phải khó chịu?
- Vậy VN làm thế nào duy trì được độc lập bên cạnh một láng giềng khổng lồ không thể dời đi đâu, và Mỹ có vai trò như thế nào trong quan hệ này?
Tôi có thể nhắc lại phương châm đối ngoại của VN là “ba không”: không liên minh quân sự, không có căn sự quân sự của nước ngoài ở VN và không liên minh với nước này chống lại nước kia.
- Mỹ có thể làm gì để giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực châu Á – TBD thay vì làm gia tăng căng thẳng?
Bất cứ sự tham gia của nước nào, bao gồm cả chính sách “xoay trục sang châu Á” của Mỹ, đều được hoan nghênh nếu đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng ngoài khía cạnh chính trị và an ninh, chúng tôi quan tâm hơn cả đến khía cạnh kinh tế, hoan nghênh các nước tăng cường kết nối, đầu tư, xây dựng hạ tầng… vào châu Á – TBD, vào Đông Nam Á, vào Việt Nam.
- Về khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN, ông có thể cho biết quan điểm của nước mình?
20 năm trước, hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Đến năm 2013, hai bên nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện. Nghĩa là quan hệ đã bình thường, nhưng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN lại không bình thường. Dỡ bỏ lệnh cấm sẽ là biểu hiện của một mối quan hệ bình thường.
 – Ông có lo là việc đó sẽ khiến TQ khó chịu, gây thêm rắc rối?
VN nếu không mua vũ khí từ Mỹ thì sẽ mua từ các nước khác, tại sao TQ phải khó chịu chứ.
- Ông có nhắc đến vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng theo quan sát thì ASEAN cũng đang gặp thách thức trong việc duy trì đoàn kết và có tiếng nói chung?
Chính vì sự đoàn kết là quan trọng nhất với ASEAN nên chúng tôi có cơ chế để giải quyết các bất đồng nội khối. Ví dụ với vấn đề Biển Đông, năm 2012 ở Campuchia, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối, các bộ trưởng ngoại giao đã không ra được tuyên bố chung. Nhưng đến 2014, ASEAN đã tìm lại được tiếng nói chung, lần đầu tiên ra được một tuyên bố riêng về Biển Đông.
Chung Hoàng(từ New York)

-Ngoại trưởng VN: ‘TQ không nên lo’

BBC

Ngoại trưởng Việt Nam cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận mà nước này áp đặt lên Việt Nam trong nhiều năm qua là ‘điều bình thường’ khi mà hai nước đã bình thường hóa quan hệ gần 20 năm.
Trong khi đó, một nhà quan sát nhận định rằng khả năng Mỹ sớm nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ‘nằm trong tổng thể mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn giữa Washington và Hà Nội’.

‘Bắc Kinh không nên lo’


Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã đưa ra lời bình luận này tại một phiên chất vấn tại Hội châu Á ở New York, nơi ông Minh đang có mặt để tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Tư ngày 24/9.
“Gần 20 năm trước, chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và hồi năm 2013 chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ,” ông Minh được hãng tin Anh Reuters dẫn lời nói.
“Do đó mối quan hệ giữa hai nước là bình thường và lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là không bình thường,” ông nói thêm.
Ngoại trưởng Việt Nam cũng gửi lời nhắn đến Bắc Kinh là ‘không nên lo lắng’ về việc Việt Nam mua vũ khí của Hoa Kỳ.
“Nếu chúng tôi không mua vũ khí của Mỹ thì chúng tôi cũng mua của nước khác,” ông được dẫn lời nói, “Vậy tại sao Trung Quốc phải lo chứ?”
Theo hãng tin Mỹ AP thì ông Phạm Bình Minh cũng đề cập đến ‘nguy cơ xung đột quân sự chưa từng thấy ở các vùng biển châu Á’ nhưng ông tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc.
Lâu nay Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho chính phủ cộng sản ở Hà Nội mà họ vẫn chỉ trích về nhân quyền do lo ngại Hà Nội sẽ dùng vũ khí này để cho việc đàn áp người dân.
Cho đến giờ Washington vẫn chưa loan báo sẽ dỡ bỏ hay nới lỏng lệnh cấm này nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nước đang xích lại gần nhau hơn.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ như Thượng nghị sỹ John McCain hay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đều lên tiếng ở Việt Nam về việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm này.
Tướng Dempsey nói rằng việc nới lỏng lệnh cấm sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực hải quân của mình.

‘Vận hội lớn’

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan và hiện đang nghiên cứu những chuyển động trong khu vực, nhận định rằng khả năng Mỹ có thể nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam ‘nằm trong tổng thể diễn tiến quan hệ Việt-Mỹ đang có chuyển biến nhanh hơn dự kiến’.
Ông Thắng dẫn chứng là trong vòng hai tháng đã có ‘biết bao nhiêu đoàn kể cả dân sự, quân sự, kinh tế thương mại giữa hai nước thăm viếng nhau’.
Ông cũng cho rằng ‘có sự liên đới nhất định giữa việc cải thiện kinh tế thương mại và an ninh chính trị trong quan hệ Việt-Mỹ’ trong bối cảnh hai nước ‘đang cố gắng vượt qua nút thắt TPP’.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý Mỹ cũng đang rất thận trọng chỉ muốn ‘dỡ bỏ một phần’ lệnh cấm này đối với Việt Nam.
“Hoa Kỳ phải tiến hành động thái ngoại giao này sao cho phù hợp với xu thế tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương,” ông phân tích.
“Việc nới lỏng lệnh cấm này phải nhịp nhàng với các chuyển động khác trong quan hệ Việt-Mỹ với nhân quyền và xã hội dân sự là các tham số mà Mỹ không thể bỏ qua,” ông nói thêm và dự đoán Mỹ sẽ chính thức dỡ bỏ một phần lệnh cấm này ‘vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau’.
Khi được hỏi liệu Việt Nam đã trao đổi những gì để nhận được hành động này từ phía Mỹ, ông Thắng nói rằng nếu những vấn đề dân chủ nhân quyền được đặt lên bàn đàm phán thì ‘Việt Nam cũng sẽ có quan ngại rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nội bộ của Việt Nam’.
Tuy nhiên ông cho rằng việc trao đổi của Hà Nội với Mỹ ‘có mục đích lâu dài’ với ‘biện pháp tổng thể’ chứ ‘không chỉ phụ thuộc vào một hai việc cụ thể là thả người này hay bắt người kia’.
“Cả Việt Nam và Mỹ phải nhìn từ lợi ích chung thì tất cả những vấn đề chi tiết khác hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung, sẽ vượt qua những trở ngại trong đó có vấn đề dân chủ và nhân quyền.”
Về triển vọng quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng hai nước đang đứng trước vận hội lớn vào thời điểm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ trong bối cảnh Việt Nam đang mong muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.
Ông dự đoán ‘trong vài năm tới’ Việt Nam sẽ xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.
Khi được hỏi liệu quan hệ Việt-Mỹ sẽ phát triển đến mức thành một liên minh quân sự để đối phó với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông hay không, ông Thắng nhắc lại việc ở New York ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh chính sách ‘ba không’ của Việt Nam.
Tuy nhiên, vị cựu đại sứ này cho rằng khi trong khu vực đang tồn tại những cấu trúc an ninh của các cường quốc lớn như Mỹ, Nhật, Ấn và Úc và những cấu trúc này bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực thì ‘chắc chắn sớm hay muộn Việt Nam sẽ có những hưởng ứng ở mức độ này hay mức độ khác’.

Jonathan London - Phát biểu của Phạm Bình Minh ở NYC

PBMXem toàn phát biểu và phần hỏi đáp của Phạm Bình Minh tại tổ chức Asia Society ở New York là một cơ hội để nghe và đánh giá lập trường của Chính Phủ Việt Nam (hay ít nhất một bộ phận của nó). Nói chung, tôi đánh giá khá cao nội dung của phát biểu.
Trong bàì phát biểu, Ông Phạm Bình Minh (xin phép PBM) đã nêu một số điểm đáng chủ ý. Về nhũng thác thức trước mặt Ông có nói đến những rủi ro trên Biển Đong, nhũng rủi ro về thay đổi khí hậu, và sự cần thiết của pháp luật quốc tế và đa phương chủ nghĩa. Đáng ghi nhận là bình luận của ông khi nói, trông một thời điểm thế giới có nhiều điểm nóng, Mỹ phải tiếp túc đống một vai trò và không bỏ qua ‘trách nghiệm của mình” ở Đông Á (sẽ không bao giờ có ai ở Bắc Kinh nói thế!) Ông bảo là Việt Nam sẵn sàng đống một vai trò chủ động cùng với những nước khác trong việc xây xựng kiến trúc an ninh mới trong khu vực. Chống những động thái hung hang đơn phương.
Ở cuối bài phát biểu, ông PBM đã nêu ba mục tiêu chiến lược của Việt Nam là (1) tiếp tục cải cách kinh tế; (2) giữ hòa bình qua việc phát triển những mối quan hệ ngoại giao đa dạng, đa phương trên nguyên tắc giữ độc lập; và (3)a thúc đẩy cái gội là một “ASEAN-led regional order” (tạm dịch một trật tự khu vực do ASEAN chủ động. (Có thể là lần đầu tiên tôi được nghe từ ‘chủ động và từ ASEAN trong cùng nhau). Trong phần hỏi đáp Ông PBM đã nhắc lại rằng Trung quốc vẫn là đôi tác thương mại lớn nhất và giá trị của thương mại Việt Nam đối với Trung quốc là bằng 1/5 so với tổng giá trị ngoại thương của Việt Nam. Ông cũng đã nhắc lại hai quốc gia là “hai nước xã hội chủ nghĩa” (thế hà?). Đối với TQ Ông PBM đã phát biểu một cách lịch sự, ngoại giao.
Còn hai câu hỏi nữa tôi đã đề ý. Khi được hỏi về việc bỏ cầm vận vũ khí của Mỹ, Ông trả lời một cách rất ngấn gọn: “Quan hệ Mỹ Việt đã được bình thường hóa gần 20 năm rồi. Và gần đây hơn hai nước đã đồng ý phát triển quan hệ toàn diện. Trong một quan hệ bình thường việc không bán vũ khí là yếu tố mất bình thường duy nhất.” …“Ra sao, Việt Nam vẫn sẽ mua vũ khí ở đầu đó.”
Cuối cùng, ông được hỏi làm sao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xử hướng xuống (trong khi Trung Quốc lại tăng), ông trả lời: “Trước hết, phải nói tôi không phải là nhà kinh tế học và vì thế chỉ sẽ trả lời một cách ngoại giao.” Nói thế rất kéo! Song, bảo là Việt Nam phải (1) hoàn thiện cơ chế thị trường; (2) Phát triển và năng cao nguồn nhân lực, và (3) Đầu tư vào hạ tầng cơ sở.” Đúng ông không phải là nhà kinh tế học và là một nhà ngoài giao bỏi vì cả 3 điểm này đều không đạt được mấy nếu không có những cải cách thể chế thực sự sâu rộng. 20 phút trước ông đòi “pháp trị” trong phạm vi quốc tế nhưng đối với nội bộ đất nước không thấy hay không nói ra rằng sự thành công của những cải ở Việt Nam cũng phải có yếu tố pháp trị mới có thể thành công.
Trong một phát biểu của một chính khách của nhà nước Việt Nam trước một khán giả mà chủ yếu là những nhà khinh doanh của Mỹ thì không bắt ngờ chẳng có một ai nào hỏi về những cảm kết về nhân quyền của Việt Nam. Tiếc nhưng không bắt ngờ là đúng. Có lẽ sàng năm sẽ là khác?
JL
Lưu ý, không có ai soạn bài, nếu có sai thì tôi xin lỗi.
(Blog Xin Lỗi Ông)

Việt Nam sắp vào sân chơi với các "đại gia"

Nguyên trưởng đoàn đàm phán HĐTM Việt – Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương cho rằng để vào TPP, Việt Nam cần làm ngay lúc này là “dọn rác”, xoá bỏ tư duy kiểu cũ và nhập cuộc với tư duy kinh tế toàn cầu hoá, kinh tế thị trường.

Cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã tiến hành được mấy năm, qua vài chục vòng. Đầu tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra một vòng đàm phán khá dài trong 10 ngày.

Cũng như các vòng đàm phán trước, khi vòng đàm phán Hà Nội kết thúc, chúng ta cũng chỉ được nghe là "đạt được nhiều tiến bộ trong nhiều vấn đề"; "tháo gỡ được nhiều khúc mắc"; "thu hẹp được khoảng cách" .v.v… Những chuyện "mô, tê" đang bàn là gì thì các nhà đàm phán chưa được nói ra, hoặc có lẽ đúng hơn là chưa có gì có thể nói được, vẫn còn phải bàn…

Cuộc đấu của hai ông lớn

Ở nơi khí hậu khắc nghiệt, một toà nhà phải có những cây cột cái to, gỗ tốt, vững chắc mới chống đỡ được giông bão thì nhà mới bền. Một tổ chức kinh tế, giống như cái nhà, phải có những nền kinh tế mạnh làm trụ cột mới có hy vọng bền vững. Liên minh Châu Âu EU tồn tại và đứng vững là nhờ có các trụ cột kinh tế Đức, Anh, Pháp, Ý… TPP chỉ có thể trở thành một TPP như mong muốn, không chết yểu khi có cả các cường quốc kinh tế Mỹ, Nhật.

Hai nền kinh tế Mỹ, Nhật đều vận hành trên nền tảng kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa, nhưng do điều kiện lịch sử, xã hội và quá trình phát triển, hai nền kinh tế này có độ vênh lớn về mô hình. Các chính sách phát triển và bảo hộ kinh tế khác nhau.
TPP, bộ trưởng, kinh tế, Việt Nam, cải cách
Bộ trưởng các nước TPP. Ảnh: Bộ công thương
Cuộc đàm phán TPP giữa hai "ông lớn" này không đơn giản. Hai anh khôn ngồi với nhau thường là khó chơi. Khi hai "ông lớn" Mỹ, Nhật chưa tìm được cách dung hoà lợi ích (anh nào thì cũng đấu cho lợi ích của mình là chính) chưa tháo gỡ hết các khúc mắc, thì cuộc đàm phán TPP của 12 nước chưa kết thúc được cho dù có nhiều người muốn nó sớm kết thúc.

Đặc khu kinh tế xuyên lục địa

Trong cuộc đàm phán TPP hiện nay, theo thông lệ và cũng không thể khác là Hoa Kỳ đang "cầm cái". Kể từ khi bật nẩy ý muốn nhẩy vào cuộc TPP (2008) Hoa Kỳ đã tính ngay bài phải thiết kế TPP thành "Hiệp định mẫu của thế kỷ XXI". "Hiệp định mẫu của thế kỷ XXI" nghĩa là không phải những gì đã có được trước đó, như trong WTO. Người Mỹ luôn mong muốn khẳng định vị thế của một nước đi đầu và chi phối quá trình tự do hoá thương mại. Kỳ này họ muốn xử lý được những vấn đề mà từ trước đó do nhiều lý do chưa xử lý được. Đó là quốc tế hoá đầy đủ nhất những cơ bản của hệ thống luật pháp Hoa Kỳ, nghĩa là "sân chơi" của người Mỹ ngày càng rộng.

Luật của Hoa Kỳ điển hình là luật của kẻ mạnh. Họ có đủ cơ chế, phương tiện, và họ đã thuần thục trong việc thực hiện những cuộc "cấm vận", "trừng phạt", những người yếu thế hơn.

Hệ thống luật của Hoa Kỳ được coi là bản tổng hợp kết quả của các cuộc cọ xát lợi ích từ những cuộc cạnh tranh sinh tử giữa các thế lực, giữa các nhóm lợi ích, cả trong phạm vi quốc gia và trên vũ đài quốc tế, nó hoàn chỉnh và hiện đại. Là khung pháp lý chặt chẽ nhất và thông thoáng nhất để vận hành một nền kinh tế mở, một "Đặc khu kinh tế".

Trong lúc Việt Nam dang loay hoay tìm mô hình để thí điểm vài Đặc khu kinh tế nho nhỏ thì Hoa Kỳ là một Đặc khu kinh tế khổng lồ, gần 10 triệu km2 bao bọc bởi 3 đại dương với hơn 260 triệu dân, GDP 16.000 tỉ USD. Các nước tham gia đàm phán TPP kỳ này, phần lớn là các quốc gia có nền kinh tế mở: Singapore là một quốc đảo Đặc khu kinh tế, Australia, Newzealand là một Đặc khu kinh tế châu lục, Canada là một quốc gia Đặc khu kinh tế …

Hình như, người Mỹ đang cố đưa vào TPP một khung pháp lý thông thoáng gắn với nền tảng xã hội dân chủ như để vận hành một Đặc khu kinh tế xuyên lục địa. Đó có thể là "Hiệp định mẫu của thế kỷ XXI" Mỹ muốn. Tham gia TPP Việt Nam phải đổi mới thể chế kinh tế, phải hiện đại hoá, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với những yêu cầu mới này.

Thách thức với văn hoá “hành dân là chính”

Khác với các Hiệp định mậu dịch tự do FTA mà Việt Nam đang "chơi" với các nước, trong đàm phán TPP Hoa Kỳ đưa ra những đòi hỏi cao hơn nhiều. Đó là tháo gỡ hết mọi rào cản thương mại, tự do hoá tối đa các hoạt động đầu tư, dịch vụ (như trong các Đặc khu kinh tế) yêu cầu cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và cả những vấn đề nhạy cảm đối với Việt Nam như: bình đẳng không phân biệt đối xử với các loại doanh nghiệp trong và ngoài nước, vấn đề Doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề quyền lập hội, vấn đề mua sắm của Chính phủ .v.v…

Những vấn đề đó Hoa Kỳ đã "cài đặt" xong, hoặc cơ bản xong trong các Hiệp định mậu dịch tự do FTA mà Hoa Kỳ đã ký với các nước đang đàm phán TPP như: Peru, Chile, Singapore, Australia, Newzeland, hoặc với Canada và Mehico trong Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA. Việt Nam chỉ mong là "đấu" được thời hạn bảo lưu hợp lý.

Việt Nam chắc sẽ gặp nhiều khó khăn kể cả khó khăn về kỹ thuật, ví dụ, chỉ xin lấy một trong nhiều ví dụ: Vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước nhận đầu tư; nhà đầu tư có quyền đưa ra trọng tài quốc tế kiện Nhà nước nhận đầu tư mà không cần sự chấp thuận của Nhà nước đó, trong đó có thể có cả "khiếu kiện tiền dự án", "khiếu kiện không vi phạm", nếu Nhà nước đó (cả Trung ương và địa phương) ban hành một chính sách gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thậm chí chỉ làm tổn hại đến "kỳ vọng về lợi ích hoặc lợi nhuận"….

Với các nước thì đây là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng với Việt Nam thì đây là một thử thách lớn vì người Việt Nam chưa quen sống và làm việc theo pháp luật. Văn hoá "hành dân là chính" với cơ chế xin - cho gắn chặt với lợi lộc của quan chức vẫn còn là thứ được ưa dùng. Trên thế giới không có đâu như ở Việt Nam, hàng năm có hàng trăm, hàng ngàn văn bản pháp luật được ban hành trái với Luật, Ông Tư pháp tuýt còi mỏi cả mồm, vẫn không dẹp được.

Xin lưu ý, bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài là cả một hệ thống Công ty tư vấn luật gồm những chuyên gia luật quốc tế tài giỏi, thuộc làu mọi ngọn ngành luật pháp mà ở Việt Nam còn lâu mới có.

Xoá tư duy và cung cách làm ăn cũ

Nếu được gia nhập TPP mà Việt Nam đang muốn, Việt Nam sẽ được vào chơi trên một sân chơi đẳng cấp, sân chơi của các đại gia, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để kết nối sâu hơn với kinh tế toàn cầu  hoá và có cơ hội phát triển nhanh hơn.

Để tiến tới có môi trường kinh tế TPP ta có nhiều việc phải làm. Trước hết phải tẩy não, xoá hết những tư duy và cung cách làm ăn của thời bao cấp đang lẩn quất, đang vương vấn, nhập cuộc với tư duy kinh tế toàn cầu hoá, kinh tế thị trường, để rồi xây dựng thể chế kinh tế mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Không có hệ thống pháp luật phù hợp TPP, không có môi trường kinh doanh TPP thì không thể khai thác được lợi thế của TPP. Điều đó cũng được ràng buộc trong TPP. Hôm nay chưa ai nói được là bao giờ đàm phán TPP kết thúc mà đã nghe rằng sau khi TPP được kí kết còn khoảng thời gian 12-18 tháng, để các quốc gia thành viên giải quyết các thủ tục pháp lý theo quy định trong nước rồi Hiệp định TPP mới có hiệu lực.

Giải quyết thủ tục pháp lý trong nước, đối với Việt Nam là gồm cả việc sửa đổi bổ sung pháp luật cho phù hợp với TPP.

Phải làm xong bài, nộp bài, Ban giám khảo chấm bài, kiểm tra, khi nào đạt yêu cầu mới cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, mới cho phép có hiệu lực. Lợi ích gắn với trách nhiệm, không có chuyện làm giả, ăn thật, không có chuyện đánh trống bỏ dùi.

Dọn nhà cho sạch trước khi vào TPP

Ông cha ta vẫn thường dạy con cháu không để "đói lòng há miệng chờ sung". Ta không chờ khi có TPP, có sức ép mới khởi động. Những việc trước sau cũng phải làm  thì làm đi. Dọn nhà cho sạch trước khi khách đến. Trong nhà ta hiện có nhiều rác bẩn phải dọn như:

Công cuộc cải cách hành chính đã và đang làm ngày, làm đêm, càng làm, giấy phép mẹ, giấy phép con càng nhiều. Dân tình mệt mỏi, chạy đi chạy lại, chạy lên chạy xuống, khổ sở bởi cái đống thủ tục, giấy tờ, phép tắc: Như giấy phép xây dựng, thủ tục xuất nhập khẩu ở Hải quan, hồ sơ nộp thuế.v.v… Những chuyện đó chỉ có ở Việt Nam. Doanh nghiệp các nước TPP không quen bị "hành xác" như vậy, và họ cũng không cho phép ai hành hạ họ, dù ở đâu.

Công cuộc cổ phần hoá doanh nghiệp cũng được tiến hành lâu lắm rồi, mấy thập kỷ rồi. Trong lịch sử kinh tế thế giới, hình như không có cuộc cổ phần hoá doanh nghiệp nào được làm kỹ như ở Việt Nam. Các nước Liên bang Nga, Tiệp, Hunggari, Ba lan, Ru ma ni, Bun ga ri, An ba ni, Mông cổ…. sau khi kinh tế bao cấp đổ vỡ, họ cũng tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước. Họ chỉ làm trong mấy năm là xong, dứt điểm, để có thời gian và đầu óc lo những chuyện khác lớn hơn, đưa nền kinh tế phát triển kịp thời đại. Ở ta thấy lúc nào cũng "quyết liệt" và "quyết liệt" mà đến hôm nay cổ phần hoá vẫn là bức tranh thuỷ mặc: Cảnh bèo dạt mây trôi, bèo nổi mây chìm. Ở các nước TPP không đâu như thế! không bị vướng chân vì những chuyện như thế!

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng được khởi động từ ngày ta giành được chính quyền từ tay đế quốc phong kiến và phát động liên tục, lôi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đến hôm nay, tham nhũng vẫn là căn bệnh nan y, như một nhà lãnh đạo phải cảm thán thốt lên: "Họ ăn của dân không từ một thứ gì", trong đầu họ luôn sẵn sàng các bài tính "đánh quả".

Các nước TPP không có cảnh đó. Chỗ nào có tham nhũng là "hốt liền". Anh nào dính đến tham nhũng thì dù là ai, cả Tổng thống, cũng điều tra ngay, xử lý ngay…
     Nguyễn Đình Lương -  Nguyên trưởng đoàn đàm phán hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA)
(Tuần Việt Nam)

-Bài học gì từ cựu Bộ trưởng Giao thông?

Cựu Bộ trưởng GTVT, ông Hồ Nghĩa DũngViệc cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng sau khi nghỉ hưu 8 tháng đã tham gia Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, một công ty do ông chỉ định làm nhà đầu tư của dự án xây hầm đường bộ Đèo Cả (một dự án cũng do chính ông ký phê chuẩn khi tại nhiệm), đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam.
Được biết, theo Nghị định 102/2007 của chính phủ Việt Nam đặt ra thì trong vòng 12 tháng sau khi thôi giữ chức vụ, các quan chức từng có trách nhiệm thẩm định, ký hay ban hành quyết định phê duyệt, quản lý v.v. không được phép tham gia kinh doanh, điều hành doanh nghiệp và với các dự án trên 5 năm thì thời gian là sau 36 tháng.
Việc ông Dũng về làm tại công ty này bị dư luận cho là xung đột lợi ích và trước phản ứng của dư luận, ông Hồ Nghĩa Dũng đã xin thôi làm thành viên HĐQT công ty Đèo Cả.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho biết cựu Phó trưởng ban tổ chức trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, coi việc ông Hồ Nghĩa Dũng nhận trách nhiệm tại công ty Đèo Cả không phải là chuyện tình cờ mà là có chuẩn bị trước và gọi đây là “hành động lót ổ”, đồng thời là “một tiền lệ xấu”.

Ông Lê Đăng Doanh nói: “Đây là một bài học về quy định pháp luật như thế nào để tránh việc khi còn đương chức thì đưa ra những quyết định để chuẩn bị khi về hưu thì có thể được lợi từ các quyết định đó.”
Việc Việt Nam có Nghị định 102/2007 nói trên không phải là điều đặc biệt so với nhiều nước khác trên thế giới.
Những quy định tương tự cũng được áp dụng ở nhiều nước để tránh trường hợp quan chức sau khi rời nhiệm sở có thể lạm dụng các mối quan hệ, kiến thức và thông tin đã tích lũy được trong thời gian tại nhiệm để hưởng lợi cá nhân.

Thực thi luật pháp

Tuy nhiên theo một doanh gia đang làm ăn tại Việt Nam, Tiến sĩ Alan Phan, thì việc có luật định là một chuyện còn việc thực hiện luật định lại là chuyện khác.
Ông cho rằng tuy luật lệ ở Việt Nam là rất nhiều và cũng tiến bộ, theo đúng các chuẩn mực thế giới, nhưng đó là trên giấy tờ trong khi việc thực thi luật phát thì lại không hẳn như vậy.
“Rất nhiều sai phạm nhưng ai bị tố giác ra thì lại rút lui. Còn nếu báo chí và mọi người im lặng hoặc có cách làm cho im lặng thì người ta vẫn tiếp tục làm. Đó là thực tế ở Việt Nam này.
“Thực thi đúng luật thì phải xử lý đến nơi đến chốn nhưng ở Việt Nam thì xử lý có vẻ như nửa vời thôi, thành ra không đi đến đâu,” ông Alan Phan nói.
Ông Alan Phan khá bi quan khi được hỏi liệu có cách nào để có thể thực thi luật phát tốt hơn, tuy nhiên ông hy vọng trong tương lai sẽ có những quy định chặt chẽ hơn để tránh xảy ra những trường hợp như thế này.
Cũng có chung quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh gợi ý cần bổ sung một số điểm để có thể thực thi luật lệ đã đề ra, đó là:
  • Quy định rõ thời hạn tối thiểu và những việc không được làm, chẳng hạn như nhận làm ở một dự án mà mình thành lập là rất không nên và dễ gây ra hiểu lầm;
  • Phải quy định rõ có thể làm những việc gì để không thể tận dụng các mối quan hệ, hiểu biết và thông tin đã tích lũy được trong thời gian tại nhiệm
  • Cần phải bổ sung các quy định về công khai minh bạch đối với những quan chức về hưu sau một thời gian nhất định

Minh bạch

Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh về vấn đề minh bạch nó không chỉ cần được áp dụng với các quan chức về hưu mà càng cần hơn với các quan chức đang đương nhiệm.
Một vài ví dụ về tính minh bạch mà ông Lê Đăng Doanh nêu ra là từ chính phủ Thụy Điển và Hàn Quốc, như lịch làm việc của Thủ tướng Thụy Điển và Tổng thống Hàn Quốc được đưa ra công khai, với các chi tiết như Thủ tướng Thụy Điển đi họp ở Liên Hiệp Quốc thì đi bằng máy bay gì, giá vé bao nhiêu, ở khách sạn và chiêu đãi khách nào đó hết bao nhiêu tiền.
“Bởi vì đó là tiền của dân cho nên người dân cần phải biết. Tôi nghĩ rằng về việc này thì sự công khai minh bạch của Việt Nam cần phải bổ sung rất nhiều và phải được thực hiện nghiêm túc hơn,” ông Lê Đăng Doanh nói.
Hồi đầu năm nay, vấn đề giám sát tài sản của quan chức chính phủ cũng thu hút sự chú ý của công luận trước câu hỏi làm sao một cựu quan chức như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, có thể có nhiều tài sản như vậy, theo báo chí phản ánh.
Theo luật gia, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, thì “cần lập một ‘Ủy ban Kiểm soát Tài sản Quan chức’ độc lập và ‘cải cách thể chế’ mới mong xử lý triệt để tận gốc nạn tham nhũng nhà nước”.
Việc giám sát này đặc biệt cần áp dụng đối với các quan chức hành pháp, là những người có quyền lực trong tay và thực thi pháp luật, theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao.
Trao đổi với BBC hồi tháng Tư về biện pháp ưu tiên giám sát tham nhũng nhà nước, nhân báo chí Việt Nam đăng trả lời công khai của cơ quan Thanh tra Chính phủ về tổng thu nhập chính thức của một số quan chức chính phủ như Thủ tướng, Tổng và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Giao nói:
“Phải có một cơ quan tương đối độc lập mà không nằm trong hệ thống hành pháp để giám sát việc đăng ký tài sản của các quan chức, đặc biệt đối với các quan chức hành pháp.
“Bởi vì họ có quyền lực trong tay, họ thực thi pháp luật và họ thực hiện quản lý nhà nước ở trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, và vì thế để các cơ quan hành pháp tự mình kiểm soát thì rất khó,” ông Giao nói.

Vai trò truyền thông

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, vai trò của truyền thống và báo chí cũng được đánh giá cao trong việc phát hiện và lên tiếng trong những vụ việc như thế này.
“Từ trước đến nay các cơ quan trong nội bộ ít phát hiện ra các việc tiêu cực. Bản thân các bộ máy thanh tra cũng ít phát hiện được các trường hợp tham nhũng. Cho nên đây là một việc rất cần sự vào cuộc của một hệ thống báo chí xây dựng, có trách nhiệm, có được quyền tự do báo chí,” ông Lê Đăng Doanh nói.
Trong phần Kết luận và Khuyến nghị của Khảo sát xã hội học về Phòng chống tham nhũng mang tên “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”, được Thanh tra chính phủ và Ngân hàng thế giới đồng thực hiện và phát hành năm 2012, cũng đưa ra khuyến nghị về Trao quyền cho các cơ quan truyền thống.
Khuyến nghị viết: “Nâng cao chất lượng và số lượng thông tin để các cơ quan truyền thông khai thác cho các phóng sự của mình sẽ làm tăng tính khách quan trong cách viết, giúp họ thu thập bằng chứng nhanh hơn và hiệu quả hơn, đồng thời giúp họ sử dụng dễ dàng hơn các kỹ năng điều tra để phát hiện những trường hợp tham nhũng.”
Ông Lê Đăng Doanh nói thêm sự giám sát của công luận là điều rất tích cực và có tính xây dựng để tránh việc lạm dụng chức quyền.
“Việc lạm dụng trong thời gian đương chức còn nghiêm trọng hơn rất nhiều là sau khi đã về hưu và về việc nay tôi hy vọng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và các Ban khác sẽ bổ sung trong thời gian tới.”
Đây cũng là một khía cạnh được ông Alan Phan nhắc tới, rằng đây là “tình trạng xấu chung về chuyện lạm quyền – một vấn đề rất lớn – chứ không phải chuyện lẻ tẻ như chuyện ông Bộ Trưởng Dũng”.
 

-Thực trạng đàn áp những nhà tranh đấu trẻ

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA

2014-09-25
000_Hkg8587978-305.jpg
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trong phiên sơ thẩm tại Tòa án Long An hôm 16/5/2013.  -AFP photo
Một số khuôn mặt trẻ trở nên quen thuộc trong thành phần công khai lên tiếng vì quyền con người và một đất nước Việt Nam tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng như những người đi trước, các bạn trẻ này liên tục bị sách nhiễu, đàn áp từ phía công an, an ninh. Thực trạng đàn áp và hiệu quả của biện pháp đó ra sao?

Khuôn mặt mới

Điểm qua những người tham gia công cuộc đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, chống bất công xã hội, và chống hành động xâm lấn của Trung Quốc đối với Việt Nam, cũng như đòi hỏi những quyền căn bản của con người… chúng ta nhận thấy ngày càng có thêm những khuôn mặt trẻ tham gia.

Dù tuổi đời còn ít, thế nhưng họ từng có những bài viết về tình hình đất nước, cũng như cùng tham gia chủ xướng những phong trào vì quyền con người. Có những người từng bị tù tội như Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Tiến Trung, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Xuân Anh… vì dám khẳng khái không chịu khuất phục từ bỏ lý tưởng và con đường họ đã chọn.
Ngoài những bạn từng hay đang bị tù tội như thế, những bạn còn hoạt động bên ngoài xã hội thường xuyên bị lực lượng an ninh chìm nổi, cũng như công an, dân phòng… theo dõi, sách nhiễu, đánh đập, bắt bớ, cấm xuất cảnh, yêu cầu chủ nhà không cho trọ, ép buộc công ty cho thôi việc nhằm triệt hạ con đường mưu sinh, hay gây áp lực đối với gia đình, người thân, người yêu…

Cách đàn áp cũ

Đầu năm nay tôi có tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc thì bị bắt đưa lên đồn Công an quận 1, Sài Gòn. Tại đó chúng tôi bị đánh đập.
-Anh Huỳnh Trọng Hiếu
Anh Huỳnh Trọng Hiếu lược thuật lại một số trường hợp bị sách nhiễu, đánh đập trong năm nay đối với bản thân anh và gia đình riêng như sau:
“Đầu năm nay tôi có tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc thì bị bắt đưa lên đồn Công an quận 1, Sài Gòn. Tại đó chúng tôi bị đánh đập; thực sự tôi bị bắt cùng với một số bạn bè quen biết trên mạng Internet và họ có những hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng như tham gia vào những hoạt động cụ thể nào đó. Hôm đó chúng tôi bị chính quyền câu lưu khoảng hai ngày và bị bỏ đói và bị công an đánh đập trong đồn công an.
Điển hình cụ thể thứ hai là lần tôi mang cả gia đình theo cùng chị Huỳnh Thục Vy và những chị em trong Hội Phụ nữ Nhân quyền xuống dưới thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp để dự phiên xử cô Bùi Thị Minh Hằng và anh Minh, Thúy Quỳnh. Khi chúng tôi đến thành phố Cao Lãnh và lưu trú lại trong một nhà nghỉ, chúng tôi bị công an thành phố Cao Lãnh phối hợp với cơ quan an ninh. Cơ quan an ninh chỉ đạo và mặc thường phục. Khi bắt chúng tôi họ đưa ra danh nghĩa mời về đồn để kiểm tra về vấn đề lưu trú; nhưng thực tế đây là hành động lợi dụng các điều luật trong bộ luật hành chính để giới hạn các quyền tự do đi lại của chúng tôi cũng như quyền tự do tham dự phiên tòa.
IMG_3455-250.jpg
Anh Huỳnh Trọng Hiếu, với khuôn mặt bầm tím, bong môi vì những vết đánh của công an, côn đồ. Citizen photo.
Thêm một vấn đề nữa là gia đình chúng tôi vào ngày 5 tháng 9 bị lực lượng công an phường 14, quận Tân Bình cũng như dân phòng và cơ quan an ninh xâm nhập vào nhà và cưỡng chế những người đang lưu trú tại ngôi nhà 305/16 lên trụ sở công an quận Tân Bình để làm việc.”
Bạn Huỳnh Phương Ngọc cũng cho biết:
“Lần đầu tiên là chuyến đi Tuyên Quang của tôi và Nguyễn Thị Ngọc Lụa là hai thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi đến để cùng tham gia phiên xét xử những người dân tộc H’mông tại Tuyên Quang. Trong ngày hôm đó chúng tôi bị bắt, bị câu lưu, bị bỏ đói, bị thẩm vấn. Rất nhiều sự đe dọa, quát nạt.
Tiếp theo là cuộc họp UPR tổ chức tại Kỳ Đồng, Sài Gòn chúng tôi cũng bị nhốt tại nhà riêng.
Trước đó trong chuyến ra ngoài bắc để tham dự Hội thảo Truyền thông Phi Nhà nước, với chị Thúy Nga; hai chị em chúng tôi cũng bị công an kết hợp với khách sạn khóa cửa ngoài ngay chính tại khách sạn mà chúng tôi đang thuê hợp pháp.
Gần đây khi tôi có tham dự phiên tòa của cô Bùi Hằng tại Cao Lãnh, tình trạng cũng tiếp tục như vậy. Chúng tôi cùng một em bé 8 tháng tuổi cũng bị nhà cầm quyền khóa cửa ngoài giam chúng tôi ngay tại nhà nghỉ. Sau đó người ta ập vào bắt người đến công an phường 1, thành phố Cao Lãnh, tiếp tục câu lưu đến khi phiên tòa xét xử kết thúc mới thả về Sài Gòn.
Gần đây nhất là sự việc liên quan tạm trú tại số 305/16 Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình. Người ta đến hỏi về tạm trú nhưng mục đích chính là ngăn cản sự tham dự của chúng tôi vào phiên họp UPR tổ chức tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn vào ngày 5/9/2014. Sau sự việc đó vào ngày 22/9, Huỳnh Trọng Hiếu ở nhà có nhận được quyết định xử phạt hành chính đối với 5 người đang tạm trú tại căn nhà 305/16 Trường Chinh.”

Tác dụng ngược?

Còn vấn đề tinh thần, chúng tôi rất kiên định vì chúng tôi biết rằng việc đấu tranh cho tự do, dân chủ cho Việt Nam phải luôn được phát triển, nhân rộng.
-Huỳnh Phương Ngọc
Đối với các cựu tù nhân lương tâm trẻ như Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh thì biện pháp bỏ tù chỉ có thể làm phương hại đến thân xác của họ thôi, chứ về mặt tinh thần sau khi ra khỏi nhà tù họ vẫn tiếp tục những hoạt động mà họ đã theo đuổi và vì những việc làm đó nhà cầm quyền kết tội họ.
Những bạn bị sách nhiễu hằng ngày đôi lúc cũng tỏ ra mệt mỏi; nhưng rồi với ý chí cá nhân và sự động viên giúp đỡ của người khác họ cũng vượt qua được những lúc khó khăn nhất như trường hợp của anh Nguyễn Văn Thạnh tại Đà Nẵng.
Bạn Huỳnh Phương Ngọc cho biết tác động từ những hành xử của cơ quan chức năng đối với bản thân và phương pháp đấu tranh như sau:
“Phần nào đó thì có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi khi bị đe dọa quá nhiều lần và bị những sách nhiễu như vậy. Còn vấn đề tinh thần, chúng tôi rất kiên định vì chúng tôi biết rằng việc đấu tranh cho tự do, dân chủ cho Việt Nam phải luôn được phát triển, nhân rộng. Những cá nhân riêng lẻ như chúng tôi cần phải lên tiếng để không bị lụi tàn. Nếu chúng tôi sợ hãi thì điều đó sẽ rất có lợi cho chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay.
Khi mà người ta dùng những lời lẽ quát nạt, sỉ vả, bản thân tôi chỉ im lặng. Tôi nói cho người ta biết chúng tôi không có vi phạm điều gì cả; nếu như người ta đập bàn, có những lời lẽ thô bạo đối với cá nhân tôi thì tôi im lặng. Tôi xem như việc người ta thích thì người ta nói, còn tôi không phản kháng, tôi chỉ im lặng trước sự hung bạo của người ta.
Còn việc giải thích với người ta là mình không vi phạm thì vẫn phải nói cho người ta.”
Theo anh Huỳnh Trọng Hiếu dù bị đàn áp bằng bạo lực và những hành vi sai trái luật pháp từ phía cơ quan chức năng, thì bản thân anh áp dụng biện pháp bất bạo động để đối lại. Ngoài ra việc lên tiếng trực tiếp với các cơ quan quốc tế, truyền thông nước ngoài; hay thông tin kịp thời qua các mạng xã hội cũng là cách để đấu tranh trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.

-Sinh viên, ngọn lửa cách mạng của trí thức trẻ

Lê Diễn Đức  -RFA

2014-09-25
000_Hkg10098491.jpg
Một trong những hoạt động trong thời gian sinh viên Đại Học Hong Kong bãi khóa, đòi hỏi Trung Quốc phải cho cư dân Hong Kong được quyền tự do ứng cử, ảnh chụp hôm 23/9/2014. AFP

Mùa xuân Prague 1967

Vào ngày 31 tháng 10 năm 1967 cuộc biểu tình của sinh viên ở Prague đòi loại bỏ các nhà lãnh đạo ngày càng không được lòng dân của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã bị đàn áp tàn bạo.
Tháng 01 năm 1968, ông Alexander Dubcek trở thành Bí thư thứ nhất chi nhánh Slovak bắt đầu một quá trình cải cách đã đi vào lịch sử với tên gọi của Mùa xuân Prague.
Trong những tháng tiếp theo, những người biểu tình yêu cầu bãi bỏ kiểm duyệt, cho phép thành lập tổ chức độc lập, tự do hóa chính sách đối với các nhà thờ, dần dần sẽ đưa quy tắc dân chủ vào nội bộ đảng, chuẩn bị một nhà nước liên bang…
Mùa xuân Prague bị dập tắt bởi sự can thiệp quân sự của các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw. Các cuộc biểu tình chống lại sự hiện diện của quân đội Xô Viết đã bị đàn áp dã man. Biểu tượng của cuộc biểu tình chống lại cuộc xâm lược này là vụ tự thiêu của Jan Palach, sinh viên tại Đại học Charles ở Prague, vào ngày 16 tháng 01 năm 1969. Tang lễ Palach trong ngày 25 tháng 01 đã trở thành một cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của khoảng 100 ngàn người.
Cảm hứng từ Mùa xuân Prague, tháng 3 năm 1968 sinh viên Ba Lan từ các thành phố Warsaw, Gdansk, Krakow, Lodz và Poznan đã tổ chức biểu tình đòi cải cách chính trị. Cuộc biểu tình cũng bị công an đàn áp tàn nhẫn.
Những người biểu tình mình đã hy vọng mờ nhạt về sự khắc phục các giả định của hệ thống cộng sản và cũng muốn qua việc biểu tình sẽ thay đổi ý thức của giới trí thức trẻ Ba Lan. Nhiều sinh viên sinh viên tham gia bị nhà cầm quyền bắt giữ là những người năng động nhất trong năm 1980, khi họ tham gia thành lập các cơ sở của “Công đoàn Đoàn kết” và trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào xã hội này như Jacek Kuron, Adam Michnik…
Trong thập niên 80 sinh viên Ba Lan phát động phong trào “Orange Alternative” (Pomarańczowa Alternatywa) tức là “lựa chọn màu cam” qua ăn bận, trang trí, sử dụng đồ dùng trong sinh hoạt, với mục đich chọc diễu chính quyền, chống lại màu đỏ chính trị tràn ngập trong đời sống công cộng. Phong trào xuất phát từ Wroclaw, lan ra các thành phố Lodz, Lublin và thủ đô Warsaw.
Những hoạt động tích cực của sinh viên Ba Lan đã đặt nền móng cho một cuộc cách mạng dân chủ mùa Thu năm 1989 xoá bỏ chế độ cộng sản.
Vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, các cuộc biểu tình của sinh viên Miến Điện lan rộng khắp đất nước, thu hút sự ủng hộ của các tu sĩ, công nhân, trí thức và thành viên của tất cả các nhóm dân tộc và tầng lớp xã hội. Cuộc biểu tình đã kéo dài thành một cuộc đình công 5 ngày, đã bị chính quyền quân sự dìm trong biển máu với khoảng ba ngàn người thiệt mạng (chính quyền Miến Điện đưa ra con số khoảng 350 người). Sinh viên đã bày tỏ sự ghê tởm của họ với chính sách kinh tế, chính trị và tiền tệ thù địch của chính quyền quân sự được lãnh đạo bởi tướng Ne Win.
Sự đàn áp và cảnh máu của những người dân lương thiện bị đổ xuống đã thúc đẩy bà Aung San Suu Kyi lúc bấy giờ từ Anh quốc về nước lo cho mẹ già, ở lại và lần đầu tiên bước vào vũ đài chính trị, trở thành một biểu tượng của nền dân chủ và tự do không chỉ là của Miến Điện, mà còn phần còn lại của thế giới.
Giờ đây, khi Miên Điện đang chuyển mình, bắt đầu những bước đi thay đổi cho lộ trình dân chủ, tại trung tâm Prague và trên toàn thế giới vào ngày 08 tháng 8 năm 2013 đã kỷ niệm 25 năm biến cố được gọi là “8888”, để tôn vinh nạn nhân trong quá khứ và hiện tại của chế độ độc tài Miến Điện.
Ngay trong ngày Ba Lan tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, ngày 04 tháng 6 năm 1989, trên quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, đã diễn ra một trong những vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại. Cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn sinh viên đòi cải cách chính trị, dân chủ trong đời sống công cộng và chống sự gia tăng tham nhũng, đã bị quân đội Trung Quốc sử dụng xe tăng đàn áp. Những ước tính về con số thiệt mạng khác nhau: 4000-8000 (CIA), 2600 (Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc)  và có nguồn khác chưa được xác định khác là 5 ngàn. Số người bị thương từ 7 ngàn đến 10 ngàn người.
Từ đó, mỗi năm cứ đến ngày 4 tháng 6, hàng chục ngàn, có khi tới hàng trăm ngàn người Hoa ở Hongkong tập trung mít tinh, đốt nến tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát này. Nhiều sinh viên tham gia cuộc biểu tình trở thành những nhà hoạt động đối lập.

Hongkong 2014

000_Hkg10098305.jpg
Sinh viên Hongkong bãi khóa đòi dân chủ sáng 22/9/2014.
Và cũng tại Hongkong, 25 năm sau, ngày 22 tháng 9 năm 2014, sinh viên Hong Kong bắt đầu một tuần bãi khóa với quy mô lớn để phản đối lập trường của chính phủ trung ương Trung Quốc trong việc cải cách bầu cử ở đặc khu hành chính này.
Có 24 trường đại học tổng hợp, bách khoa và trung học Hongkong tham gia bãi khóa. Tờ Bưu điện Hoa Nam cho hay, khoảng 400 học giả và nhân sự không giảng dạy ở các trường học cũng bãi công để ủng hộ học sinh sinh viên. Đây chỉ mới là màn dạo đầu cho một cuộc biểu tình rầm rộ hơn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày o1 tháng 10 tới do phong trào Occupy Central tổ chức.
Sinh viên cáo buộc Trung Quốc phản bội lời hứa về việc trao thêm quyền dân chủ cho Hongkong trong vòng 50 năm tiếp theo, sau khi Anh quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Họ đòi hỏi phải cho cư dân Hong Kong được quyền tự do ứng cử, thay vì Bắc Kinh tự đưa ra danh sách các ứng cử viên.
Trong cao trào này nổi bật lên khuôn mặt trẻ trung Joshua Wong.
Tháng 6 năm 2011, khi mới 14 tuổi, Joshua Wong đã thành lập phong trào “Scholarism”chống lại việc bắt buộc các trường tiểu học Hongkong từ 2015 đưa vào giảng dạy “Mô hình Trung Quốc”, bao gồm chào cờ Trung Quốc, học lịch sử nói về tính ưu việt của chính quyền Trung Quốc, “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”…  Cha của Joshua Wong, người từng chạy trốn khỏi chế độ Cộng sản hàng chục năm về trước, và những người Hongkong khác đã phẫn nộ khi thấy trong sách giáo khoa sử sắp tới không hề nhắc đến những biến cố to lớn tại Trung Quốc như Cách Mạng Văn Hóa 1966 -1976, hay thảm sát Thiên An Môn 1989.
“Scholarism” đã thu thập được 20 ngàn chữ ký cho kiến nghị hủy bỏ sách giáo khoa này. Nhà cầm quyền Trung Quốc gọi Joshua Wong và bạn bè là những kẻ đấu tranh cực đoan, những phần tử nổi loạn tuổi teen.
“Chương trình giáo dục quốc dân muốn bồi dưỡng lòng yêu nước mù quáng trong giới sinh viên. Chúng tôi lo ngại rằng nhiều sinh viên sẽ bị tẩy não”, “Chúng tôi chỉ không muốn nhìn thấy thế hệ tiếp theo của mình mất tự do và trở thành những con rối “, Joshua Wong nói.
Theo báo chí quốc tế, sinh viên đã vấp phải những phản ứng quyết liệt đầu tiên từ phía nhà cầm quyền. Bưu điện Hồng Kông từ chối gửi truyền đơn kêu gọi bãi khóa, trong khi một loạt trường học đe dọa sẽ hạ điểm hạnh kiểm nếu học sinh, sinh viên bỏ học.
Vì tính chất đặc biệt về quản lý hành chính của Hongkong, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ khó có thể cho một “Thiên An Môn” tái hiện trong ngày 01 tháng 10 năm 2014.
Hơn nữa, nhận rõ cuộc vận động của sinh viên là một hoạt động dân sự ôn hoà dường như đã thấm vào máu của người Hongkong, Joshua Wong đã thẳng thắn nói rằng: “Nếu quân đội kéo đến, tất cả chúng tôi sẽ đi về nhà… chúng tôi không muốn nhìn thấy đổ máu”.
Cuộc tranh đấu của sinh viên dù có thành công hay không cũng sẽ là ngọn lửa cách mạng đầu tiên nung nấu, biểu hiện sự đoàn kết, nguyện vọng chung của xã hội. Đây là một sự thách thức lớn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Sinh viên là giới trí thức trẻ, sôi nổi, cầu tiến và luôn có khao khát tự do, dân chủ, những giá trị mà họ nhìn nhận khi đi ra thế giới bên ngoài.
Tinh thần của sinh viên Hongkong khác hoàn toàn với sinh viên Việt Nam. Một ví dụ điển hình nhất có thể nêu ra. Khi Nguyễn Thị Phương Uyên bị bắt, 109 sinh viên của trường đại học thực phẩm đồng ký đơn gửi lên Chủ tịch nước đòi trả tự do cho cô, nhưng sau đó đã nhanh chóng phủ nhận, hoặc rút tên vì bị đe doạ đuổi học. Họ sống trong sợ hãi, cũng như đa số còn lại bị tẩy não, bị thuần phục trong cái lò giáo dục dối trá.
Khi sinh viên, lực lượng trí thức tương lai của xã hội, có điều kiện tiếp cận thông tin và hiểu biết mà vô cảm với chính trị, chưa nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi thể chế để lành mạnh hoá đời sống, thì khó hy vọng gì về một tiến trình dân chủ cho Việt Nam.
© Lê Diễn Đức
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

-FDI mới vào Việt Nam giảm mạnh

BBC

Tập đoàn Samsung đã đầu tư gần tám tỷ đôla vào Việt Nam
Tổng vốn FDI mới vào Việt Nam trong chín tháng đầu năm giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng vốn thực giải ngân tăng 3,2%.

Số liệu do Bộ Kế hoạch – Đầu tư công bố trên trang mạng cho thấy trong chín tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp vào trong nước đạt 11,18 tỷ đôla Mỹ, giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên vốn thực giải ngân đạt 8,9 tỷ đôla, có tăng hơn cùng kỳ năm ngoái chút ít.
Trong số các lĩnh vực có đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư, công nghiệp chế biến và chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất với 7,7 tỷ đôla.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với 1,2 tỷ đôla.
Trong các tỉnh thành trên toàn quốc, Bắc Ninh thu hút được nhiều vốn FDI nhất với 1,36 tỷ đôla, sau đó là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và Hải Phòng.

Hàn Quốc đứng số 1

Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nước dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư từ Nam Hàn trong chín tháng đầu năm là 3,55 tỷ đôla. Nhật Bản tụt xuống thứ ba, sau Hong Kong.
Các nhà quan sát cho rằng Hàn Quốc sẽ duy trì vị trí nhà đầu tư số 1, ít nhất là cho tới hết năm.
Trong hai năm trước, nước này đứng ở vị trí thứ ba, sau Singapore và Nhật Bản.
Cho tới cuối tháng Tám, các doanh nghiệp Nam Hàn đã đầu tư vào gần 4.000 dự án ở Việt Nam. Riêng tập đoàn Samsung đã đầu tư gần tám tỷ đôla vào Việt Nam.
Tập đoàn bán lẻ Lotte Mart cũng đang phát triển mạnh mạng lưới ở Việt Nam, với số điểm kinh doanh dự tín sẽ tăng từ con số 60 hiện nay lên gấp đôi vào năm 2020.
Đại sứ Hàn Quốc ở Việt Nam, ông Jun Dae Joo, được báo Công thương dẫn lời nói Việt Nam được cho như địa chỉ đầu tư hấp dẫn vì dân số lớn, lực lượng lao động dồi dào và mức tăng trưởng tốt.
Ngày 1/10-4/10, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.
Một năm trước, Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye cũng đã tới thăm Việt Nam.

-Lính Nga ở Ukraina : Mátxcơva giấu đầu lòi đuôi

Trọng Nghĩa  – RFI

Lính Nga ở Ukraina : Mátxcơva giấu đầu lòi đuôi
Mộ của hai người lính nhảy dù Nga tại nghĩa trang Vybouty, gần thành phố Pskov (Nga). Hai người này được cho là tử trận tại Ukraina vào tháng 08/2014. -Reuters/Dmitry Markov
Trong thời gian qua, nhiều thông tin đã được tiết lộ trong công luận Nga về sự hiện diện của quân đội Nga ở miền Đông Ukraina. Các tiết lộ trên đã khiến cho chính quyền Nga lúng túng vì Matxcơva luôn luôn phủ nhận điều này. Guồng máy tuyên truyền Nga đã được huy động để xử lý vụ “giấu đầu lòi đuôi” này, đặc biệt là đối với dư luận trong nước. Lập luận chính thức được đưa ra là lính Nga tại Ukraina đều là những người “tình nguyện”, tự ý sang nước láng giềng chiến đấu để giúp đỡ “anh em” trong cơn hoạn nạn.

Từ khi chiến sự bùng lên tại miền Đông Ukraina giữa quân đội chính phủ với lực lượng ly khai thân Nga, bằng chứng không thể chối cãi được về sự hiện diện của lính Nga tại Ukraina ngày càng nhiều, từ việc các quân nhân bị bắt làm tù binh bị chính quyền Kiev công khai đưa lên đài truyền hình, cho đến vụ các quan tài chở xác lính Nga tử trận được bí mật hồi hương, nhưng bị báo chí vạch trần. Đó là chưa kể đến vô số lời chứng rất xác thực được công bố trên các mạng xã hội.
Bằng chứng mới nhất về sự can dự của quân đội Nga vào nội tình Ukraina là vụ hàng chục binh sĩ Nga thuộc một đơn vị thiện chiến, đã tử trận sau khi bị lọt vào một ổ phục kích ở gần Lugansk, miền Đông Ukraina vào tháng 08/2014. Trong số ra ngày 21/09/2014, nhật báo Mỹ The New York Post, rồi sau đó nhật báo Anh Daily Mail, đã tiết lộ vụ việc trên dựa trên tài liệu của một chính khách đối lập Nga.
Thảm kịch : Một đơn vị 90 lính Nga trúng phục kích, chỉ có 10 người sống sót
Dân biểu Lev Shlosberg thuộc đảng Yabloko đã có phần ghi âm một cuộc nói chuyện qua điện thoại của hai người lính dù, được cho là thuộc Sư đoàn 76 Vệ binh Không vận, một đơn vị tinh nhuệ đóng tại thành phố Pskov ở miền Tây nước Nga, gần biên giới với Estonia.
Một người đang nằm viện đã kể lại với một đồng đội của mình về diễn tiến vụ phục kích bất ngờ gần thành phố Lugansk miền Đông Ukraina mà đơn vị anh ta đã phải chịu. Người lính này, vốn đã bị thương trong trận đánh đó, cho biết là toán lính của anh gồm 90 người, trong số này 80 người đã tử thương, chỉ còn 10 người sống sót.
Khi được hỏi là trước lúc bị phục kích, anh ta có biết là mình phải ra trận không, người lính này trả lời : « Họ (cấp trên) không cho biết bất cứ điều gì… nói rằng chúng tôi được điều động tham gia một cuộc tập trận. »
Đây không phải là lần đầu tiên trận đánh này được nêu lên. Vào giữa tháng Tám vừa qua, Kiev đã loan tin về những vụ giao tranh với Sư đoàn 76 Vệ binh Không vận của Nga, trong lúc trang Web của Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết là quân đội chính phủ đã phá hủy ba xe tăng của đối phương và tịch thu được hai xe chở quân.
Dĩ nhiên là Mátxcơva đã phủ nhận hoàn toàn thông tin về trận đánh. Thế nhưng, sau đó ít lâu, cũng trong tháng 8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng một trong những huân chương nhất cao quý nhất của Nga, Huân chương Suvorov, cho Sư đoàn này, vỉ thành tích « hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự » với « lòng dũng cảm anh hùng ».
Cho đến gần đây, Matxcơva luôn luôn phủ nhận các cáo buộc của Kiev và phương Tây về sự hiện diện của lính Nga tại Ukraina. Ngày 18/09/2014 vừa qua, Kiev và Washington một lần nữa tố cáo Matxcơva can thiệp trực tiếp trong khu vực, nơi mà chiến sự vẫn không hoàn toàn dừng lại, bất chấp lệnh ngừng bắn đã ký kết.
Tiết lộ của báo chí phương Tây thực ra chỉ làm rõ thêm những gì đã được chính người Nga nêu lên. Theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Mátxcơva, các tiết lộ nhạy cảm về việc lính Nga chiến đấu bên cạnh lực lượng thân Nga tại miền Đông Ukraina đã được đài truyền hình độc lập TV Rain đưa ra từ tháng Tám. Ngày 28/08, đài này đã trích dẫn bà Valentina Melnikova, Chủ tịch Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga, cho biết là có gần 15.000 binh sĩ Nga chiến đấu ở miền Đông Ukraina.
Bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông độc lập của Nga còn tiết lộ thông tin về tang lễ bí mật của hai lính dù được tổ chức ở miền Bắc nước Nga. Đây chính là hai người lính thuộc Sư đoàn 76 Vệ binh Không vận tại Pskov. Theo thân nhân những người bị thiệt mạng, hai lính dù này bị tử trận ở Ukraina, nơi Nga chính thức không hề triển khai quân đội.
Từ Mátxcơva, trong một cuộc hỏi đáp với Paris, thông tín viên Muriel Pomponne đã phân tích sâu hơn về thủ thuật mà Mátxcơva đã áp dụng để lèo lái dư luận Nga sau khi bị lâm vào tình trạng giấu đầu lòi đuôi trong vụ lính Nga tham chiến tại Ukraina.
Phản ứng đầu tiên khi bị vạch trần : lính Nga đi lạc qua Ukraina !
Trước hết Muriel Pomponne trở lại với tác động của những tiết lộ về vụ lính Nga chiến đấu tại Ukraina kể trên đối với dư luận Nga, đặc biệt sau khi Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga biểu tình để tố cáo sự kiện con em họ bị chết ở Ukraina.
M.P. : « Quả đúng là các bà mẹ và vợ của lính Nga đã biểu tình ngày 28/08/2014 tại thành phố Kostroma gần Matxcơva… Họ không chỉ tố cáo sự kiện binh sĩ Nga bị chết ở Ukraina, mà còn đòi thông tin cụ thể.
Mới đây đã xảy ra vụ 9 người linh Nga thuộc Trung đoàn Nhảy dù 331 ở Kostroma bị bắt tại Ukraina. Họ bị bắt làm tù binh sau khi vượt qua biên giới. Chính quyền Kiev đã đưa họ lên đài truyền hình. Và lần đầu tiên, Matxcơva đã bị buộc phải thừa nhận sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraina.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng và sau đó, Tổng thống Putin khẳng định rằng những quân nhân này đã đi lạc trong quá trình tập trận… Gia đình họ sau đó biết được rằng nhiều đồng đội của họ đã bị giết và nhiều người khác bị thương đang được điều trị tại thành phố Rostov trên sông Don. Kể từ lúc đó, người ta đã bắt đầu nói nhiều hơn về lính Nga tại Ukraina.
Các gia đình đã cho báo chí biết là họ không hề được tin tức về chồng hoặc con của họ là lính trong quân đội Nga. Họ cũng được nghe nói rằng nhiều người lính nhảy dù đã được chôn tại một vài nghĩa trang quân đội, đặc biệt là vào ngày 25/08/2014 tại Vybouty gần Pskov, miền bắc nước Nga. Một số gia đình đã nhận được tin nhắn từ con trai của họ, cho biết là đang ở Ukraina.
Do đó, các Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga, nhất là Ủy ban tại Matxcơva, đã gởi thư lên chính quyền để đòi hỏi thông tin về những người lính mất tích.
Từ 10.000 đến 15.000 lính Nga bị đưa sang Ukraina
RFI : Phải chăng là Chủ tịch Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga tại St Petersburg, Ella Poliakova, đồng thời là một thành viên Hội đồng Phát triển Xã hội Dân sự và Nhân quyền bên cạnh Tổng thống Nga, đã lên tiếng yêu cầu điều tra về trường hợp 9 người lính bộ binh gốc Dagestan, được chính thức cho biết là đã chết nhân một cuộc tập trận vào đầu tháng Tám tại vùng Rostov ?
M.P. : Đúng vậy. Được một thành viên khác của Hội đồng là ông Sergei Krivienkov giúp đỡ, bà Poliakova đã trực tiếp yêu cầu “Ủy ban Điều tra”, cơ chế phụ trách các hồ sơ nhạy cảm, làm sáng tỏ vụ việc.
Đối với các Ủy ban Bà mẹ lính Nga, có khoảng 10.000-15.000 binh sĩ Nga đã bị đưa qua Ukraina, thường là trái với ý muốn của họ, nghĩa là hợp đồng của họ không ghi là họ phải đi chiến đấu ở nước ngoài.
Thông thường, vào giờ phút chót, họ được lệnh mặc quần áo ngụy trang không có phù hiệu đặc biệt nào, để rồi sau đó phát hiện ra rằng họ đang hiện diện tại Ukraina khi bị đối phương bắn vào.
Một số người lính khác thì tình nguyện qua Ukraina vì tiền. Chẳng hạn như những người lính quê từ Cộng hòa Trung Á Dagestan, họ được cho là đã lãnh 220.000 rúp (4.000 euro).
Kênh truyền hình cáp độc lập “TV Rain”, đã mở ra một trang web được gọi là “người lính của chúng ta”, nơi mọi người có thể gửi thông tin về những người lính bị chết và mất tích.
Hù dọa những ai tiết lộ sự thật
RFI : Phản ứng của chính quyền Nga ra sao ?
M.P. : Phản ứng đầu tiên là những hành vi hù dọa đến từ những thành phần không rõ xuất xứ nhưng được giả định là tay sai của chính quyền.
Các nhà báo đã đến nghĩa trang Vybouty chẳng hạn, đã bị hành hung và đe dọa. Người ta đã cho các ký giả này hiểu rằng tốt hơn hết là không nên can thiệp vào vấn đề lính Nga ở Ukraina. Rắc rối tương tự cũng xảy ra đối với với những ai đến điều tra tại các bệnh viện quân đội ở Saint Petersburg và Rostov, nơi mà theo các Uỷ ban các Bà mẹ Linh Nga, có rất nhiều binh sĩ bị thương.
Và ông Lev Shlosberg, một dân biểu thuộc đảng đối lập Yabloko, người đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập về số lính dù được chôn cất tại nghĩa trang Vybouty, thì đã bị kẻ lạ mặt tấn công vào cuối tháng Tám. Những người này không cướp đi vật gì, mà cũng không nói một lời. Ông bị đánh từ phía sau lưng và bị bỏ lại bất tỉnh trên mặt đất. Ông cho rằng nguyên nhân vụ tấn công là cuộc điều tra của ông.
Và rồi Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga của thành phố St Petersburg đã bị bộ Tư pháp Nga liệt vào diện tổ chức “hoạt động cho ngoại bang”, một cách gọi rất xấu xa tại Nga, có tác dụng làm dấy lên thái độ nghi kỵ. Tất cả các tổ chức nhận tiền của nước ngoài, cho dù không là bao, đều bị gọi là cơ quan hoạt động cho ngoại bang. Đa số các tổ chức phi chính phủ đều bị chính quyền Nga liệt vào diện này, và sau đó đã phải tiến hành các thủ tục pháp lý lâu dài để được rút ra khỏi danh sách.
Trong tình hình kể trên, các gia đình đã hiểu được thông điệp và rốt cuộc số người khiếu nại rất ít. Hơn nữa, họ rất cần đến tiền trợ cấp mà họ sẽ được lãnh, cho dù khoản đó tương ứng với việc chết trong khi tập trận chứ không phải là chết trên chiến trường.
Định hướng dư luận : Lính Nga ở Ukraina đều tình nguyện hy sinh kỳ nghỉ phép để đi giúp anh em
RFI : Giới truyền thông Nga phản ứng ra sao ?
M.P. : Phản ứng là một sự đảo ngược dư luận, hay nói đúng hơn là mưu toan khống chế dư luận do các đài truyền hình thân cận với chính quyền tiến hành.
Ngày 28/08, kênh truyền hình thông tin liên tục “Rossya 24″ đã phát đi bài phỏng vấn ông Alexander Zarkatchenko, lãnh đạo lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina, biện minh cho sự hiện diện của binh sĩ Nga trong hàng ngũ của họ.
Nhân vật này giải thích rằng binh sĩ Nga đều là những người lính được nghỉ phép, thay vì đi chơi ngoài bãi biển, họ tình nguyện đến giúp huynh đệ của mình ở Ukraina. Số quân tình nguyện khoảng từ 3000 đến 4000 người, và đã có trường hợp tử vong. Ông Zarkatchenko nói thêm rằng nếu không có sự giúp đỡ của lính tình nguyện Nga, tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho phong trào ly khai.
Đây là một điều đáng ngạc nhiên, bởi vì theo quy định, một người lính khi nghỉ phép, phải để vũ khí của mình tại doanh trại và không được phép đi ra nước ngoài.
Sau đó, vào ngày 04/09/2014, kênh truyền hình số một ở Nga, đài có đông khán giả hâm một nhất, đã phát đi một bài phóng sự về đám tang của một người lính dù, Anatoly Travkine, 28 tuổi, đã qua chiến đấu ở Ukraina một tháng trước đó.
Lời bình trong bài phóng sự giải thích rằng anh Travkhine đã không hề thông báo quyết định của mình cho gia đình hay cấp chỉ huy quân sự biết. Anh chỉ xin nghỉ phép và tự mình ra chiến trường. Gia đình anh rất tự hào.
Cùng ngày hôm đó, một phóng sự khác được dành cho một buổi lễ tưởng niệm Sergei Jdanovitch, một cựu chiến binh ở Afghanistan, bị chết trước đó trong trận đánh xung quanh sân bay Donetsk. Buổi lễ diễn ra tại thành phố nơi ông sinh sống, và bà vợ của ông nói rằng đó là quyết định của bản thân ông, bà không thể ngăn cản và rất tự hào về chồng mình.
Chính vào tháng Năm, sau cuộc chiến để kiểm soát sân bay ở Donetsk, mà giới báo chí, trong đó có cả những người từ hãng tin Interfax, đã lần đầu tiên đề cập đến vụ lính Nga thiệt mạng ở Ukraina được hồi hương, nhưng đã nói đến vấn đề tình nguyện viên.
Mátxcơva thành công trong việc lèo lái dư luận trong nước
RFI : Hiện nay, tình hình dư luận Nga ra sao ?
M.P. : Ngày 18/09/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga khẳng định rằng không chưa bao giờ có, và sẽ không bao giờ có quân đội Nga ở Ukraina. Qua Ukraina, chỉ có những người tình nguyện, được ước muốn không gì cưỡng nổi thôi thúc là phải đi giúp anh em của họ trong cơn hoạn nạn.
Đấy là cách kiểm soát và hướng dẫn dư luận được chính quyền Nga áp dụng. Nhà nước Nga và các phương tiện truyền thông thân chính quyền đã kích thích tinh thần yêu nước và tình huynh đệ giữa những người nói tiếng Nga. Các phương tiện truyền thông không ngừng giải thích rằng người nói tiếng Nga ở Ukraina đang bị áp bức và bổn phận của dân Nga là phải giúp đỡ họ. Đây là một chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ.
Đối với công chúng, tình đoàn kết giữa những người nói tiếng Nga là điều cần phải thể hiện, kể cả bằng phương tiện quân sự, miễn là không phải đi đến chiến tranh. Và tất nhiên, trên bình diện chính thức, Nga hoàn toàn không phải ở trong tình trạng chiến tranh.
Tóm lại, đối với phần lớn dân Nga, những binh sĩ Nga qua Ukraina đều là những người tình nguyện, không có phép của chính quyền Nga, và họ đã chứng tỏ tình huynh đệ với những người nói tiếng Nga bị áp bức. Công luận Nga hầu như không nghi ngờ gì về điểm đó. Cuộc chiến ở Ukraina đã được công chúng Nga cảm nhận như vậy.
Putin thúc đẩy hưu chiến để kín đáo hồi hương lính Nga từ Ukraina
RFI : Vụ lính Nga chiến đấu ở Ukraina bị tiết lộ phải chăng có liên quan đến cuộc ngừng bắn đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất ?
M.P. : Cả hai bên đều có khá nhiều lý do để tuyên bố một lệnh ngừng bắn. Nhưng đối với Matxcơva, cuộc hưu chiến cho phép Nga hồi hương những người lính của mình và dập tắt những dị nghị.
Mới đây, Tổng thống Ukraina Poroshenko ước tính rằng 70% lính Nga đã rời khỏi Ukraina, chỉ còn khoảng 1000 người. Theo các gia đình binh sĩ, quả thực là đã có nhiều người lính trở về, và một số đã gửi đơn xin giải ngũ.
Căn cứ vào những gì xảy ra tại chỗ, chính quyền Nga sẽ xác định chiến lược của mình. Nhưng đối với công chúng Nga, có thể nói rằng vụ việc đã bị ém nhẹm khá nhanh chóng với lệnh ngừng bắn, và đã được chính quyền khéo léo xử lý.
Matxcơva không muốn phạm lại sai lầm của cuộc chiến Tchesnya trước đây, khi những chiếc quan tài lính Nga tử trận được hồi hương đã gây chấn động trong dư luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét