Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Ngân hàng sống nhờ trái phiếu: Nợ xấu đè nặng nền kinh tế!

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Ngân hàng sống nhờ trái phiếu: Nợ xấu đè nặng nền kinh tế!


Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sau khi vay về thì cũng lại bị ứ đọng không giải ngân được, điều này vô hình trung lại làm tăng gánh nặng trả nợ…
Nghịch lý của sự tằn tiện
PV: Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, NH cho DNNN vay và mua trái phiếu nên có tăng trưởng tín dụng.  Vậy phải bình luận thế nào về sự tồn tại của hệ thống ngân hàng theo cách sống nhờ vào nguồn lãi trái phiếu này, thưa ông?
Th.s Đỗ Thiên Anh Tuấn: Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp vì một số lý do, thì việc các NHTM mua trái phiếu Chính phủ là điều hợp lý đứng ở góc độ ngân hàng. Dù có một số cảnh báo về rủi ro nợ công nhưng xét cho cùng thì hiện tại trái phiếu Chính phủ vẫn được xem là công cụ đầu tư an toàn cho các ngân hàng và cũng là công cụ dự trữ thanh khoản lý tưởng. Điều này cũng hợp lý nếu đặt trong bối cảnh nợ xấu của nền kinh tế vẫn chưa được xử lý.
Hệ thống tài chính VN cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào khu vực ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng lại được phân làm hai nhóm chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) và ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP).
Hơn thập niên trước đây, các NHTMNN đóng vai trò gần như chi phối trong việc huy động và phân bổ vốn của nền kinh tế. Trong điều kiện đó, một nguồn vốn tín dụng rất lớn được các ngân hàng này dành ưu tiên cho khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tuy nhiên, những năm gần đây, khu vực NHTMCP đã có những bước phát triển nhanh chóng và nhìn trên bình diện chung thì hiện đã trở thành đối trọng cạnh tranh thực sự với các NHTMNN.
Từ năm 2013, trên thị trường chứng khoán các Ngân hàng vẫn là người chơi chính.
Từ năm 2013, trên thị trường chứng khoán các Ngân hàng vẫn là người chơi chính.
Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc là NHTMNN tiếp tục cho khu vực kinh tế nhà nước vay, trong khi NHTMCP thì tập trung cho khu vực tư nhân vay.
Trên thực tế, các NHTMNN vẫn cho khu vực tư nhân vay và ngược lại. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, tỷ trọng cho vay khu vực kinh tế nhà nước của khối NHTMNN vẫn rất lớn. Các DNNN ở đây không chỉ bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ mà ngay cả các DNNN đã cổ phần hóa mà nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối hoặc ngay cả doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ trên 51% thì vẫn nên được xem là DNNN.
Tương tự, một tỷ trọng không nhỏ vốn tín dụng cũng được các NHTMCP cho các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vay. Có nhiều lý do để giải thích tình trạng này nhưng có một lý do quan trọng là các khoản vay khu vực kinh tế nhà nước có độ rủi ro thấp đi vì thường được bảo lãnh hoặc bảo lãnh ngầm của chính phủ trong khi nhiều dự án của khu vực DNNN có tỷ suất lợi nhuận cao do tận dụng được lợi thế độc quyền nhà nước.
Điều này vô hình trung làm cho nguồn lực tiếp tục bị phân bổ thiên lệch sang khu vực kinh tế nhà nước, trong khi khu vực kinh tế dân doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại rất khó khăn trong tiếp cận vốn. Câu chuyện này đã diễn ra hàng chục năm nay và đến nay vẫn như vậy.
Nhìn ở bối cảnh nền kinh tế, xu thế chung hiện nay là thoái nợ (deleveraging) và khả năng còn có thể kéo dài trong ít nhất 2-3 năm nữa. Đây cũng là xu thế chung của nhiều quốc gia đã từng trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng và sự bùng nổ của bong bóng giá tài sản.
Hậu quả của tình trạng bùng nổ tín dụng chính là nợ xấu cao và nguy cơ sụp đổ của hệ thống ngân hàng hoặc nếu không thì hệ thống tài chính cũng sẽ phải trải qua thời kỳ thoái nợ kéo dài, làm trì trệ sức tăng trưởng của nền kinh tế, làm khoét sâu các yếu kém của nền kinh tế.
Rõ ràng VN cũng đang lặp lại kịch bản tương tự như các nước, nghĩa là sau thời kỳ bùng nổ tín dụng và bong bóng giá tài sản (giai đoạn 2006-2008) thì hiện nay chính là thời kỳ thoái nợ của nền kinh tế.
Quá trình thoái nợ thường sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 5-8 năm đi cùng với nỗ lực giải quyết nợ xấu và các trục trặc của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, ngân hàng một mặt lại phải dành nguồn lực để xử lý các yếu kém của bản thân trong khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế cũng chững lại tất yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng của nền kinh tế.
Như nhiều phân tích cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế của VN chủ yếu dựa vào vốn đầu tư và tăng trưởng tín dụng. Khi tín dụng không tăng trưởng, vốn đầu tư bị cắt giảm thì đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, có quá nhiều thách thức đặt ra đứng dưới góc độ vĩ mô là tăng trưởng kinh tế, đứng dưới góc độ ngân hàng là duy trì tăng trưởng và lợi nhuận. Nói chung, tất cả các khu vực trong nền kinh tế hiện nay đều gặp thách thức.
Bản thân các yếu kém của ngân hàng vẫn chưa được xử lý, nợ xấu cũng chưa được xử lý, yếu kém của khu vực doanh nghiệp (bao gồm cả khu vực tư nhân và DNNN) cũng chưa được xử lý, v.v… Do đó, nếu bây giờ các ngân hàng vẫn tìm cách bung tăng trưởng tín dụng một lần nữa thì sẽ lại đặt ra thách thức tiếp theo lớn hơn là gánh nặng nợ xấu và nguy cơ đổ vỡ của cả hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Như đã nói, bản thân khu vực kinh tế nhà nước mà cụ thể là DNNN cũng có những yếu kém của nó. Song trong bối cảnh hiện nay, mua trái phiếu Chính phủ vẫn được xem là giải pháp cho đầu ra khả dĩ nhất của các ngân hàng, là cứu cánh cho tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không có lạc quan gì về vấn đề này cả. Bởi vì, ngay cả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sau khi vay về thì cũng lại bị ứ đọng, ách tắc không giải ngân được, điều này vô hình trung lại làm tăng gánh nặng trả nợ và chi phí cơ hội cho ngân sách. Điều này một phần là do Chính phủ đang siết chặt lại công tác quản lý vốn và giải ngân vốn dự án đầu tư của Chính phủ.
Đây rõ ràng là một yêu cầu hết sức cần thiết và cũng rất quan trọng vì trong thời gian dài trước đây, việc vay nợ và giải ngân, sử dụng vốn nhà nước quá dễ dãi, thiếu sự thận trọng trong đánh giá, phân tích và giám sát vốn vay.
Cũng chính từ yếu kém này mà cái người ta nghi ngại là nguồn lực được bơm vào khu vực kinh tế nhà nước được cho là hoạt động không hiệu quả, nếu tiếp tục bơm vốn vào thì liệu nó có hoạt động hiệu quả không và có đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế hay không? Nếu đồng vốn được sử dụng có hiệu quả và có tác động lan tỏa lớn thì đáng được khuyến khích nhưng ngược lại thì quá rủi ro.
Rõ ràng, trong bối cảnh khu vực tư nhân đang hoạt động cầm chừng, không dám mạo hiểm trước viễn cảnh bấp bênh của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp hoạt động có tính chất cầm cự và cố thủ, nếu có nguồn thu thì tìm cách thoái nợ, không có nhiều động cơ mở rộng quy mô sản xuất và tăng cường đầu tư phát triển.
Chính điều này, tức là sự kỳ vọng bi quan, cũng là một tác nhân làm cho nền kinh tế không tăng trưởng được. Tình trạng này người ta gọi là nghịch lý của sự tằn tiện. Khu các doanh nghiệp và khu vực hộ gia đình tìm cách tăng tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu trong thời buổi khó khăn sẽ càng làm cho nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.
Tiết kiệm trong chừng mực nào đó là tốt cho bản thân từng hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp nhưng lại không tốt cho tổng thể của nền kinh tế, mà cuối cùng thì ngay cả từng hộ gia đình và doanh nghiệp cũng không được lợi gì. Đó chính là sự nghịch lý.
Cái nghịch lý này dựa trên cơ sở của sự kỳ vọng hợp lý (rational expectation) về viễn cảnh của nền kinh tế. Vai trò quan trọng trong lúc này là Chính phủ phải đảo ngược được sự kỳ vọng hợp lý đó. Trên phương diện lý thuyết, một chính sách tài khóa nghịch chu kỳ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhưng rõ ràng đối với Việt Nam thì quả là một thách thức và rủi ro rất lớn để làm điều đó.
Trong chừng mực nào đó, tôi nghĩ rằng trong bối cảnh này việc các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu Chính phủ là điều hiển nhiên vì đó dù sao cũng là một quyết định hợp lý. Tuy nhiên, điều kiện cần lúc này là Chính phủ cần phải có giải pháp nhanh chóng tái cấu trúc lại khu vực công cũng như khu vực DNNN để sao cho đồng vốn đi vào khu vực công có hiệu quả hơn, có tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn cho cả nền kinh tế.
PV: Nghĩa là đồng vốn đang chảy ngược? Ngân hàng thay vì bơm máu cho nền kinh tế, ngân hàng lại mua trái phiếu chính phủ đầu tư cho DNNN đang lỗ. Như vậy, ngân hàng vẫn sống khỏe bằng tiền lãi từ nguồn trái phiếu còn nợ xấu càng tăng cao, nợ sẽ chồng nợ, thưa ông?
Th.s Đỗ Thiên Anh Tuấn: Nhiều người rõ ràng là rất bức xúc về tình trạng hoạt động kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, nhất là DNNN, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thời gian qua. Chính phủ cũng đã nhận ra yếu kém này và cũng đã có đề án chiến lược nhằm tái cấu trúc các DNNN (Đề án 929). Tôi nghĩ đó là động thái tích cực cho thấy Chính phủ cũng chấp nhận cải cách.
Rõ ràng trong thời gian ngắn thì chưa thể nhìn thấy hiệu quả ngay được nhưng rõ ràng với việc xây dựng đề án và dựa trên đó có những chỉ đạo quyết liệt như thời gian qua cho thấy Chính phủ đã phát đi những tín hiệu chứng tỏ có sự thúc ép trong việc tái cấu trúc.
Đứng ở quan điểm ngân hàng, rõ ràng trong bối cảnh mà nợ xấu vẫn chưa được xử lý dứt điểm, hoạt động của doanh nghiệp thì khó khăn, trong khi bản thân ngân hàng cũng phải tìm cách cho vay để không chỉ có lợi nhuận mà ngay cả chỉ là để tồn tại được thì không có cách nào hơn so với việc mua trái phiếu Chính phủ. Vấn đề ở chỗ, không chỉ khu vực kinh tế nhà nước gặp trục trặc như tôi đã nói mà ngay cả bản thân hệ thống ngân hàng của chúng ta cũng đang có vấn đề.
Các NHTMNN do chịu sự chi phối của Chính phủ mà do vậy vẫn phải ưu tiên dành nguồn vốn cho khu vực kinh tế nhà nước. Đây là vấn đề cố hữu của các NHTMNN. Trong khi đó, NHTMCP lại đang vướng phải sở hữu chéo, mà do đó nguồn vốn lại được các ngân hàng này ưu tiên phân bổ cho các dự án “sân sau” của chủ sở hữu ngân hàng trước. Phần vốn còn lại, nếu có, các ngân hàng này sẽ ưu tiêu mua trái phiếu Chính phủ vừa để dự trữ thanh khoản, lại để duy trì khả năng sinh lời cũng như yêu cầu phân tán rủi ro trong danh mục cho vay của mình.
Việc các ngân hàng cổ phần vẫn chủ yếu phân bổ vốn cho những công ty sân sau, những dự án của các cổ đông lớn của ngân hàng nghĩa là nguồn vốn của ngân hàng nói chung đã không được phân bổ theo đúng tín hiệu của thị trường. Trong khi đó, hơn 90-95% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, vốn là khu vực đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế về phương diện việc làm lại gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn hoặc không tiếp cận được.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp dân doanh nay đã lớn mạnh, vươn lên thành tập đoàn kinh tế và cũng tìm cách thiết lập quan hệ thân hữu khối kinh tế nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước và cả các NHTMNN để dễ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn. Như vậy, nguồn vốn lại tiếp tục được phân bổ không công bằng, nguồn lực tiếp tục được dồn vào khu vực có tính chất đầu cơ hơn là khu vực tạo ra giá trị cho nền kinh tế này.
Người dân phải gánh nợ cho cả hệ thống
PV: Nhìn từ phía ngân sách thì sẽ thấy nhà nước phát hành trái phiếu rồi đi vay để đầu tư xây dựng cơ bản và trả nợ. Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ rồi vay. Ngân hàng lãi bằng tiền ngân sách như vậy cái gánh đó sẽ đổ lên ai? Ông nhận xét thế nào về nền kinh tế như thế?
Th.s Đỗ Thiên Anh Tuấn: Vấn đề đi vay để trả nợ đã được bàn nhiều trong câu chuyện nợ công của VN, nhất là trong bối cảnh eo hẹp về nguồn thu cho ngân sách, do gánh nặng nợ tích tụ từ trước tới nay quá lớn, khiến chúng ta không có đủ nguồn lực để trả nợ.
Chẳng hạn như trong năm 2014, Chính phủ dự kiến sẽ phải vay đảo nợ 70.000 tỉ đồng, bên cạnh 120.000 tỉ đồng cân đối từ dự toán ngân sách 2014 để trả nợ. Điều đó cho thấy cán cân ngân sách của chúng ta đã bấp bênh và ngày càng bấp bênh hơn, đã mong manh càng mong manh hơn. Tình trạng cán cân ngân sách bấp bênh như vậy sẽ rất khó được cải thiện trong ngắn hạn với kỷ cương tài khóa, kỷ luật tài khóa lỏng lẻo, với cơ chế ràng buộc ngân sách mềm như thời gian qua. Chưa lúc nào chúng ta nghe từ “nợ nần” phổ biến như hiện nay. Khu vực nhà nước thì nợ công, chính quyền địa phương thì nợ đọng xây dựng cơ bản, khu vực ngân hàng thì nợ xấu, khu vực doanh nghiệp cũng vậy.
Tình trạng nợ nần hiện nay là hệ quả tất yếu của quá trình tăng trưởng kinh tế bong bóng và tín dụng quá mức trước đây. Chính giai đoạn tăng trưởng cao trước đây, với tình trạng bong bóng giá tài sản đã tạo cho người ta cái ảo tưởng về sự giàu có (wealth effect) dẫn đến tình trạng vung tay quá trán.
Nhà nước thì tăng cường tiêu sài và vay nợ để gia tăng đầu tư công, DNNN cũng đẩy mạnh đi vay để đầu tư và tiêu sài, hộ gia đình và khu vực doanh nghiệp dân doanh cũng đi vay để tiêu sài và đầu cơ, chính quyền địa phương cũng đi vay để tiêu sài, nghĩa là mọi thành phần đều đi vay để tiêu sài nhưng khi bong bóng tài sản sụp đổ thì mọi thứ quay trở lại từ đầu và hệ quả để lại là một gánh nặng nợ khổng lồ cho nền kinh tế.
Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng hiện là lúc mọi người phải làm việc của mình, thậm chí là phải làm việc cật lực hơn để trả nợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các DNNN – vốn đang chịu gánh nặng nợ rất lớn – lại không chịu làm việc thích đáng. Trong khi các hộ gia đình và khu vực doanh nghiệp dân doanh có động cơ phải làm việc nhiều vì nếu không thì họ sẽ phải phá sản, phải bán tài sản cá nhân để trả nợ, thì các DNNN lại không có nhiều động cơ để làm việc của họ và thực tế là các DNNN không chịu kỷ luật phá sản của thị trường.
Nhà nước tiếp tục bảo hộ cho sự tồn tại của các DNNN và như vậy chắc chắn những yếu kém và gánh nặng nợ của khu vực này tiếp tục sẽ dồn lên vai của ngân sách. Và nếu như vậy thì điều này cũng có nghĩa là, rốt cục, chính người dân thường như chúng ta mới phải làm việc, mà còn phải làm việc gấp đôi, gấp ba để trả nợ cho bản thân, và rồi còn phải trả nợ thay cho Chính phủ, trả thay cho các DNNN nữa.
PV: Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế như mục tiêu đang đề ra hiện nay là phải trả nền kinh tế về tay tư nhân, nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực tư nhân không thể tham gia. Ông có đồng tình với ý kiến trên không và vì sao? Muốn vậy, cách đối đãi với doanh nghiệp tư nhân phải được thay đổi bắt đầu từ đâu và như thế nào, thưa ông?
Th.s Đỗ Thiên Anh Tuấn: Chính phủ sẽ phải bắt đầu từ nhiều chỗ chứ không phải chỉ ở một chỗ là giải quyết được hết mọi vấn đề. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ thông thường, cách đối đãi với doanh nghiệp tư nhân tốt nhất là cách đối đãi với doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là, Chính phủ phải mạnh mẽ và quyết tâm hơn trong việc thực hiện đề án tái cấu trúc DNNN hiện nay.
Chính phủ phải nhất quán với quan điểm nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối trong các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực không có thất bại thị trường. Nhà nước có thể nắm giữ những lĩnh vực liên qua tới an ninh, quốc phòng, và có thể là các ngành liên quan đến quốc kế dân sinh.
Một số lĩnh vực công ích thì nhà nước cũng không nhất thiết là người cung cấp trực tiếp các dịch vụ mà chỉ cần là người tài trợ là được. Chính phủ cần phải thể hiện quan điểm nhất quán đó, tránh tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo” như thời gian qua. Thực tế trong Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Chính phủ cho thấy vẫn còn quá nhiều lĩnh vực nhà nước vẫn đang cố gắng ôm đồm mà theo tôi thấy không có lý do kinh tế gì để nhà nước tiếp tục phải duy trì vai trò của mình cả. Tôi nghĩ có lẽ cần phải tìm động cơ này ở chỗ khác ngoài địa hạt của khía cạnh kinh tế thuần túy.
Đối với khu vực DNNN cần thúc ép để họ có thể cạnh tranh, những hình thức bảo hộ, độc quyền phải được thu hồi; mạnh dạn thúc đẩy môi trường cạnh tranh cả trong nước và quốc tế. Những hình thức trợ cấp phải được hợp lý hóa, trợ cấp phải đi liền với những ràng buộc trách nhiệm chứ không phải là trợ cấp vô điều kiện.
Việc cổ phần hóa cũng phải thực chất hơn, phải thay đổi được căn bản cấu trúc sở hữu để tạo cơ sở cho sự thay đổi về mô hình tổ chức, cơ cấu quản trị và con người. Có như vậy thì mới có sở sở thay đổi được mô thức quản trị doanh nghiệp, đáp ứng các đòi hỏi của cạnh tranh.
Những điều này cần phải được tiến hành đồng thời. Bởi vì nếu cho phép cạnh tranh mà không cho phép thay đổi cơ cấu sở hữu và mô thức quản trị, tức vẫn duy trì “hệ điều hành cũ” thì sự thất bại, nếu có, trong cạnh tranh vô hình trung lại trở thành cái cớ để các doanh nghiệp này tiếp tục xin ưu đãi, trợ cấp và bảo hộ. Ngược lại, nếu cho phép thay đổi mô thức quản trị nhưng vẫn không bị thúc ép của cạnh tranh thì cũng sẽ không thắng được các sức ỳ của quán tính cũ, không có động lực để các doanh nghiệp tự đổi mới và phát triển.
Đối với khu vực kinh tế tư nhân, khi nhà nước giảm đặc quyền, độc quyền, và ưu đãi của khu vực DNNN tức là cũng đang tạo ra một sân chơi cạnh tranh công bằng hơn cho khu vực tư nhân.
Mong mỏi lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân không phải là các hình thức trợ cấp hay bảo hộ mà Chính phủ dành cho họ, mà thay vào đó, mong mỏi lớn nhất chính là việc Chính phủ xóa bỏ các bảo hộ và ưu đãi dành cho khu vực DNNN, xác lập các điều kiện và môi trường kinh doanh và cạnh tranh công bằng hơn giữa các thành phần kinh tế. Khi đó, các nguồn lực của nền kinh tế có điều kiện được chia sẻ công bằng hơn giữa các thành phần kinh tế, dựa trên các tín hiệu của thị trường, dựa trên suất sinh lợi và tính hiệu quả trong sử dụng của các thành phần kinh tế đó.
Nếu Chính phủ làm được như vậy thì cũng có nghĩa là Chính phủ đang tạo ra động cơ tự cải cách cho chính khu vực kinh tế tư nhân. Nói khác đi, chỉ khi nào khu vực kinh tế nhà nước từ bỏ những đặc quyền đặc lợi cố hữu của mình thì khu vực tư nhân sẽ càng có động cơ tự cải cách, tự sáng tạo để phát triển, thay vì động cơ hiện nay là cố gắng tìm cách thiết lập quan hệ thân hữu với khu vực nhà nước (cả kinh tế lẫn công quyền) để cùng chia sẻ đặc quyền đặc lợi đó.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Đất Việt
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét