Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Độc lập hay đối lập?

Chuyện nàng An Thị

Tony Buổi Sáng: Tony đi công tác miền Tây Nam Bộ, thấy ăn nói cũng có chút kiến thức nên bà con hay hỏi thăm. Gần đây câu mà bà con hay hỏi nhất là việc thương lái Trung Quốc sang thu mua mấy cái "trời ơi đất hỡi" của mình, mục đích là gì vậy? Bữa thì râu mèo, bữa thì đuôi chuột, bữa thì cây sưa, bữa thì là xoài non, lá vải.... Bữa thì đỉa, ốc bươu vàng, móng trâu... toàn những thứ lạ lùng.
Tony nợ 1 câu trả lời.

Rồi cũng có thời gian tìm hiểu. Ra cửa khẩu Tân Thanh, Móng Cái, Thanh Thủy, Hà Khẩu... tất cả mọi người đều nói chưa từng thấy xuất những loại hàng như thế qua bên kia. Vậy họ mua làm gì? Mua mà không xuất. Bèn khăn gói qua tận bên Tàu để tìm hiểu thực hư. Mới hay là thương lái Trung Quốc không chỉ làm chuyện này ở nước mình, mà họ cũng đi xuống tận các tỉnh xa xôi như Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, An Huy... để thu mua các loại "nông sản" như thế. Họ là thương nhân đến từ các thành phố như Nam Ninh, Quảng Châu.... và đều có cuộc sống cực kỳ giàu có. Tony qua bển, với khả năng tiếng Tàu hết sức lỉu li, và tửu lượng cũng khá, bèn khai thác thông tin. Gặp 2 thương nhân ở Quảng Tây tên A Cầu và A Bình, chỉ vài chai Mao Đài và vài bài thơ Lý Bạch, họ sơ hở để cho Tony hiểu được nội dung câu chuyện.

Phi vụ của họ thường gồm 1 nhóm gồm 2 thương nhân ít nhất trở lên, mục tiêu là các vùng nông thôn hẻo lánh. Nông sản họ mua phải càng lạ càng tốt, người ta không biết giá thực tế là bao nhiêu để có thể so sánh. Đợt này sang Bình Phước của Việt Nam. Cây điều (đào lộn hột) trồng khá nhiều ở đây. Lá điều non là mặt hàng họ quyết định thu mua vì là hàng độc, không có tiền lệ mua bán, dễ tạo nên sự tò mò một cách huyền thoại. Đến thị trấn An Lộc và việc đầu tiên là tìm thương lái địa phương. A Cầu ghé chị Bảy, nói chị Bảy ơi tui muốn mua lá điều non. Hạt điều thô ví dụ giá chỉ có 500 ngàn đồng 1 tấn, A Cầu mua lá non giá ngang bằng luôn. Đưa tiền trước, nói chị hái cho tui vài tấn, phơi khô nha. Chị Bảy nửa tin nửa ngờ, nhưng thấy tiền thật, lại trả trước, nên kêu người ra hái lá đem phơi, giao cho khách. Chứ chờ cây điều ra trái, tiền phân tiền thuốc mấy tháng sau thì cũng chỉ có giá này thui, bán vậy sướng hơn.
Trong lúc đó thì A Bình sang gặp anh Tám, một thương lái ở xã khác. Cũng y chang vậy, anh Tám cũng hái 4 tấn lá điều non giao cho A Bình và lấy 2 triệu. Bên kia A Cầu quyết định tăng giá mua lá điều lên 1 triệu 1 tấn. Chị Bảy phấn khởi, cùng chồng cả đêm leo lên cây, hái khí thế, dù kiến vàng chui vô háng cắn tê cắn tái nhưng cũng ráng chịu đựng. Anh chồng mệt là bị chị Bảy chửi, nói đồ làm biếng, cơ hội kiếm tiền đổi đời là đây. Vì A Cầu nói phải giao vào ngày mai, phải xuất đi gấp. Chị Bảy cả đêm đu trên cây hái trối chết tới sáng mai cũng chỉ có 2 tấn, nên chỉ được có 2 triệu, A Cầu nói chị phơi khô giùm, cầm tiền trước nè chị, mấy bữa sau mới qua lấy đem đi. Dân chúng đồn ầm ầm. Chắc là thuốc tiên. Bên đó xứ lạnh trồng không được. Phong trào hái lá điều diễn ra nô nức.


Rồi vắng bóng. Đâu tuần sau A Bình lại xuất hiện, nói giờ hút hàng quá anh Tám ơi. Hàng này bên TQ chuộng lắm. A Bình nói giá bây giờ là 5 triệu 1 tấn. Đưa tiền trước và ép giao ngay. Anh Tám đang lo giao không đủ, thì bỗng dưng có ai đó tiếp thị nói có người bán sẵn giá chỉ có 4 triệu một tấn thôi, mua hem. Anh Tám thấy mua cứ 1 tấn lời 1 triệu, ngu gì không mua. Bèn thu gom. Gom được bao nhiêu A Bình cũng lấy hết. Cầm cục tiền trong tay, anh Tám ngỡ trong mơ. Ai ngờ hàng có sẵn kia là của A Cầu, dân địa phương hái và phơi sao kịp, nên qua kho của A Cầu mua lại. Chen chúc xếp hàng.
Bán xong hết kho, A Cầu phone cho chị Bảy giá bây giờ là 10 triệu 1 tấn rồi, gom nhanh lên người đẹp. Số lượng không giới hạn. Chị Bảy cười tít mắt qua điện thoại, lật đật gom khí thế, dân chúng hái phơi không kịp nên phải mua lại "trôi nổi" trên thị trường giá 8 triệu 1 tấn, cứ một tấn mang qua là lời 2 triệu mà. Tất nhiên hàng giá 8 triệu kia từ nguồn của A Bình. Nhưng A Cầu cũng đến, trả tiền đàng hoàng, rồi chở hàng đi. Chị Bảy chẳng mảy may nghi ngờ, tiếp tục thu gom để dành đó, đón đầu thời cơ. Chị Bảy bàn với chồng, qua tuần xuống thẩm mỹ viện Sài Gòn sửa mũi.

Đỉnh điểm là A Bình quyết định tăng lên 20 triệu 1 tấn, gom đi mai qua lấy. Nghe điện thoại xong, anh Tám muốn xỉu, ra sau nhà cây gì cũng vặt trụi lá, không kể cây điều cây tiêu gì sất. Nói tụi bay cứ thấy cây nào có lá là hái, trà trộn vô, tụi nó biết mẹ gì. Bữa trước cũng vậy, toàn lá tầm bậy mà tụi nó cũng mua, người mình thông minh bọn kia ngu thật. Huy động cả xã. Nhưng vẫn không đủ theo đơn hàng của A Bình, lại thu gom trên thị trường với giá 15 triệu 1 tấn. Ai mang sang giá 15 triệu đồng 1 tấn anh Tám mua hết. Anh Tám mua xong, gọi điện cho A Bình tới lấy thì A Bình nói để mai đi, đang lấy container lên đóng hàng. Sáng mai gọi lại thì "số máy quý khách vừa gọi không liên lạc được". Anh Tám chạy tất tả đến nhà nghỉ gần đó thì mới hay ông khách đã trả phòng. Phóng như bay đi tìm thì chỉ thấy chị Bảy, chị Hai, anh Tư, anh Ba, chị Sáu... cũng hớt hơ hớt hải phóng xe trên đường ở chiều ngược lại. Dáo dác vòng lên vòng xuống, cũng bấy nhiêu người trong hiệp hội các thương lái huyện ta. Con đường đất đỏ mịt mù bụi. Những cái mũ bảo hiểm lấm lem. Những cái nón lá phấp phới. Những gương mặt đen nhẻm và những giọt nước mắt nóng hổi. Những kho lá điều chất cao như núi vì ai cũng tranh thủ ôm hàng. Những vườn điều xơ xác, vắng lặng, mênh mông.

Hóa ra, họ thu mua các nông sản tào lao ấy chỉ là 1 cách để làm giá. A Cầu sau khi bán hết cho dân địa phương, sẽ vội vàng thông báo cho A Bình và cả 2 cao chạy xa bay. Chiêu thức mua bán lòng vòng đẩy giá lên, người ôm cuối cùng các các tiểu thương tội nghiệp. Mấy ngàn năm trước, trước miệng lưỡi và mưu mô của Triệu Trọng Thủy, nàng An Thị Mỵ Châu vừa đi vừa rắc lông ngỗng trên đường. Mấy ngàn năm sau, những nàng An Thị thế hệ mới đã khá hơn. Đã tự mình chạy xe máy chứ không cần phải ngồi sau An Dương Vương, nhưng thơ ngây thì vẫn cứ như thuở trước.
Ở bên kia biên giới, tại 1 khách sạn hoa lệ của Tp Bằng Tường, Triệu Trọng Cầu và Triệu Trọng Bình... vui vẻ đãi tiệc. Phi vụ thành công. Gái đẹp bận xườn xám vây quanh, hỏi "shâng y chai due nản hạo ma". A Cầu nói "hỉnh hạo", xong ngửa cổ uống cạn ly, tạm quên những ngày vất vả, nắng gió muỗi mòng ở xứ nhiệt đới xa xôi kia. Cả hai ngồi bàn việc đi Thụy Sĩ nghỉ ngơi một thời gian trước khi sang Cần Thơ mua đỉa.

Ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ: Nước cờ xuất tướng của Đảng


Mấy hôm nay dư luận bàn tán xôn xao chuyện bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đi Mỹ và báo chí truyền thông nhận định “vận động Mỹ ủng hộ Việt Nam”

Trước nhất, chính thức là ông Phạm Quang Nghị đi với tư cách đại biểu Quốc Hội, không phải với tư cách Ủy Viên Bộ Chính Trị và bí thư thành ủy. Vì vốn dĩ dù có chức vụ cao trong đảng và thiết chế quyền lực trong nước (nhóm 16 ủy viên Bộ Chính Trị), nhưng với thông lệ quốc tế, chính phủ các nước tư bản không tiếp đảng viên các đảng theo nghi lễ quốc khách, dù là đảng cầm quyền, nếu người đó không có chức danh trong chính phủ.

Sự trái khoáy này làm Việt Nam đã bị “việt vị” hai lần. Năm 2000, Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu thăm Pháp, cuối cùng đã đẩy ngành ngoại giao nước Pháp vào thế lúng túng vì họ không biết sắp xếp ai để tiếp. Chính phủ Pháp không thể tiếp công khai và long trọng một ông Tổng bí thư đảng cầm quyền Việt Nam được vì không chính danh, thế là sau cùng họ cử Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp ra tiếp, và chuyến đi của ông Lê Khả Phiêu thành chuyện đầu voi đuôi chuột trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

Một sự kiện khác là sau khi lên Tổng Bí Thư, ông Nguyễn Phú Trọng tiến hành công du các nước Châu Mỹ trong năm 2012. Trong lịch trình có Brazil, tuy nhiên khi phái đoàn công du của Tổng bí thư rời Cu-Ba và chuẩn bị đáp máy bay sang Brazil thì Tổng thống Brazil có thông báo khẩn hủy lịch gặp dù việc này đã lên nghị trình rất lâu. Có lẽ do những tuyên bố bất lợi ở Cuba của ông Trọng. Brazil là một quốc gia tự do dân chủ, nên sau khi nghe bài phát biểu của ông Trọng ở Cu ba, Brazil e ngại ông Trọng khi đến Brazil lại thuyết giảng về chủ nghĩa Cộng Sản tiếp tục thì bất lợi cho chinh quyền Brazil

“Tổng bí thư dự bị”

Với lịch sử ngoại giao không mấy tự hào của chức danh Tổng bí thư đảng khi ngoại vận các nước tư bản như thế, nên dễ hiểu là vì sao phía Việt Nam im lặng và có vẻ “giấu kín” chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, phải chăng phía đảng sợ rằng coi chừng lịch trình bị “đầu voi đuôi chuột” như hai chuyến trước chăng? Ở cấp Tổng bí thư đương nhiệm mà còn bị Brazil và Pháp ứng xử như thế, huống chi là vai trò “Tổng bí thư dự bị”.Cũng có khi là đảng e ngại Trung Quốc sẽ “phá rối” nếu Việt Nam ồn ào quá nên đi bài “nín thở qua sông” ?

Muốn xét về chuyến đi này của ông Nghị, trước tiên hãy xét về nhu cầu của hai nước xem nước nào cần đi và nước nào cần mời. Điểm lại các chuyến đi ngoại giao của hai bên qua lại, ta có thể thấy chỉ có lời mời của John Kerry dành cho Phạm Bình Minh hiện nay. Rõ ràng lời mời này có mục đích xúc tiến ký kết công khai các nội dung hợp tác giữa chính phủ hai bên nhằm làm cho Trung Quốc “chùn tay” trong việc lấn lướt Việt Nam, ký kết một cách chính thức theo nguyên tắc ngoại giao quốc tế. Ngoài ra Mỹ thấy chưa cần mời ai khác phía Việt Nam sang Mỹ lúc này.

Về mặt Quốc Hội Mỹ, trong tháng 5 và tháng 6, đã có hai đoàn đại biểu quốc hội Thượng Viện và Hạ Viện sang Việt Nam và xúc tiến các vấn đề song phương giữa quốc hội hai nước. Còn ông Nghị đi Mỹ với tư cách đại diện đoàn đại biểu Quốc Hội Hà Nội, không đủ thẩm quyền để đại diện Quốc Hội Việt Nam. Nên nếu ông Nghị trao đổi thông tin với Quốc Hội Mỹ thì nên xem như là ông Nghị học hỏi Quốc Hội Mỹ hơn là Quốc Hội Mỹ cần học hỏi Quốc Hội Việt Nam.

Như vậy việc ông Nghị đi Mỹ “theo lời mời của bộ ngọai giao Mỹ” (mà không theo lời mời của Quốc hội Mỹ) là để làm gì? Và có cần thiết gì giữa quan hệ hai nước lúc này không? Rõ ràng là không. Về hành pháp-không, về lập pháp-cũng không. Như vậy không có nhu cầu quan trọng vậy sao Mỹ mời? (mà có thật Mỹ chủ động mời không? Hay mời, nếu có, theo yêu cầu của phía đảng Cộng Sản VN?). Đơn giản là ông Phạm Quang Nghị cần đi hơn là Mỹ cần mời. Nên khả năng gần như chắc chắn là đảng đã thông qua đại sứ Mỹ ở Việt Nam tác động để Mỹ ra 1 thư mời cho ông Nghị để ông Nghị danh chính ngôn thuận đi Mỹ.

Vì sao phải thế?

Trong bối cảnh đảng đang lúng túng vì khó có thể trả lời trước dư luận là “vì sao chưa kiện Trung Quốc” cũng như sự xì xào là đảng đã “mắc kẹt vào tinh thần hội nghị Thành Đô” nên ảnh hưởng đến tính chính danh cầm quyền của đảng, nhất là trong tình thế “không biết giàn khoan quay lại khi nào”. Việc dư luận nhìn đảng “không tỏ ra nỗ lực thực sự trong ngoại vận để bảo vệ chủ quyền” dĩ nhiên đảng hiểu, vì thế đảng “ráng vận động hành lang” cho chuyến đi này của ông Nghị là điều dễ thấy, ngoài động thái xoa dịu quần chúng là “đảng cũng đã đi với Mỹ” thì còn có các mục đích “kềm chân phe chính phủ” trong chiến lược xoay trục của phe này, cũng như ra mắt ông Nghị là “lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền Việt Nam sắp đến”

Toàn đảng đang chuẩn bị tiến hành đại hội đảng lần thứ 12 năm 2016. Theo truyền thống, tổng bí thư “phải” là người miền Bắc thì các nhân vật phù hợp còn lại trong Bộ Chính Trị lại thừa cái này thiếu cái kia cùng chưa đủ uy vọng, ngay cả Phạm Quang Nghị cũng thế. Cần chú ý là các đời Tổng bí thư trước đây như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng đều kinh qua các chức vụ quan trọng trong “tứ trụ” như chủ tịch quốc hội 1 nhiệm kỳ rồi mới vào tổng bí thư trong giai đoạn gần đây.

Nếu Phạm Quang Nghị lên thẳng từ bí thư Hà Nội vào ghế Tổng bí thư thì cũng còn “hơi non”. Nên động thái cho ông Nghị đi Mỹ là nằm trong 1 chuỗi các động thái “gây dựng hình ảnh” cho ông Nghị trước dân và nội bộ đảng, vì ngoài Phạm Quang Nghị ra, có vẻ đảng không còn nhân vật nào hội đủ các điều kiện cần và đủ cho chức danh Tổng bí thư kỳ này, người có uy tín và kinh nghiệm trong đảng thì phải về hưu vì đến tuổi, người còn đủ tuổi thì uy tín không đủ, nên “bó đũa chọn cột cờ” có vẻ hợp lý cho đảng.

Vì sao Mỹ tiếp ?

Ba nguyên nhân chính chủ yếu lý giải việc ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ như trên đã rõ, câu trả lời là phía Việt Nam cần hơn là Mỹ cần, nhưng vì sao Mỹ vẫn tiếp ông Nghị ?

Thứ nhất, về nguyên tắc hành xử của Mỹ, hễ quan chức nước nào muốn đi Mỹ thì Mỹ đều tiếp, vì nó có lợi cho Mỹ, ít nhất là ở chỗ có thêm thông tin để đánh giá, để tìm hiểu nội bộ bên kia, Mỹ được nhiều mà không mất gì nên Mỹ tiếp và ủng hộ. Dư luận đừng ngộ nhận rằng Mỹ tiếp là do nhà nước Mỹ hay đảng phái nào ở Mỹ “muốn quan hệ với đảng cộng sản Việt Nam (hoặc với Tổng bí thư tương lai) qua chuyến đi này”, không như một số ý kiến trên mạng nhận xét “khó có thể nghi ngờ rằng đến nay quan hệ hai đảng Việt-Mỹ làm đảng cộng sản Trung Quốc ghen tị”

Vấn đề thứ hai cần chú ý là Mỹ tiếp đúng nguyên tắc ngoại giao, ông Nghị có tư cách trưởng đoàn đại biểu Quốc hội một địa phương, nên Mỹ cử thứ trưởng ngoại giao tiếp, chứng tỏ giữa hành pháp cao cấp Mỹ và ông Phạm Quang Nghị “không có gì để bàn với nhau vì không đối đẳng”. Cũng thế ta dễ hiểu vì sao Mỹ sắp xếp chủ tịch Thượng Viện, Ông Leahy là chủ tịch (về nghi lễ ngoại giao sau phó TT Mỹ Biden) của đảng Dân Chủ ở Thượng Viện, và nghị sĩ McCain vì ông này hiểu Việt Nam nhiều và là đại diện cho phía đảng Cộng Hòa trong Thượng Viện (President Pro Tempore) để tiếp ông Nghị

Vấn đề thứ ba là có nhận định cho rằng các việc ông Nghị bàn với phía Mỹ là các việc “ở tầm nguyên thủ” thì không đúng. Rõ ràng các nội dung hai bên trao đổi không có gì quan trọng hay triển khai cái mới, về kinh tế thì là xúc tiến đầu tư hai nước…về chính trị thì “Việt Nam cám ơn Mỹ trong vấn đề tranh chấp biển Đông”, chỉ là những cái nói lại những cái hai bên đã có từ hiệp định thương mại Mỹ-Việt mà thôi cũng như nhắc lại nghị quyết 412 của Quốc Hội Mỹ dành cho Biển Đông.

Vấn đề thứ tư là có dư luận nói rằng điều này cho thấy đảng cầm quyền Việt Nam đang “âm thầm xoay trục sang Mỹ và phương tây” thì rõ ràng chưa hợp lý. Nếu đảng cầm quyền muốn xoay trục thật thì vì sao Phạm Bình Minh chưa đi sang Mỹ để hai bên chính danh ký kết một cái gì đó khả thi để cùng nhau làm mà cử Phạm Quang Nghị đi trong tư thế “nín thở qua sông” để làm gì? Nếu lập luận là Phạm Quang Nghị đi với tư cách “thái tử kế vị” để trình bày chính sách “âm thầm xoay trục của toàn bộ đảng” thì sao không đi cùng Phạm Bình Minh như ông Nguyễn Phú Trọng cùng đi với Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc năm 2011? Điều này chỉ làm bộc lộ sự chia rẽ và “tranh công” ở nội bộ đảng trong vấn đề “thân Mỹ, thoát Trung”: đảng cử Phạm Quang Nghị đi, nhưng lại không hay chưa cho Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao của chính phủ, đi dù đã được mời chính thức từ lâu.

Vấn đề thứ năm là vì sao Trung Quốc không tỏ ra quan tâm và e ngại gì về chuyến đi này (truyền thông Trung Quốc không lưu ý) ? Phải chăng Trung Quốc đã biết trước do “có trao đổi ngầm giữa 2 đảng” hay là Trung Quốc đã quá hiểu mình sẽ lại chi phối được Việt Nam nên họ vẫn “bình chân như vại và chả quan tâm gì” ???

Có ý kiến nói rằng có khi Mỹ xem xét để chọn Phạm Quang Nghị thay cho Nguyễn Tấn Dũng trong việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong đảng cầm quyền Việt Nam. Nhận xét này xem ra không có cơ sở lắm. Xét về các mặt quyền lực cầm nắm thực sự, ảnh hưởng quốc tế và uy tín trong dân thì ông Nguyễn Tấn Dũng trội hơn rất nhiều, vậy hà cớ gì Mỹ lấy cái ít mà bỏ cái nhiều, bỏ cái hiện đang có mà lấy cái chưa hình thành?

Tóm lại, việc ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ chuyến này có lợi ích chăng là lợi ích của riêng ông Nghị và đảng, chứ chẳng có tác dụng gì về mặt chiến lược cho quan hệ hai nước dấn sâu hơn và cũng không thể hiện gì là “toàn đảng đang xoay trục qua Mỹ”. Chúng ta nên chờ chuyến đi của Phạm Bình Minh, nghe đâu sẽ thực hiện vào tháng 9 này. 
Nguyễn An Dân
(Trí Nhân media) 

Sau "du học thoát nghèo" là "du học thoát giàu"?

Thế hệ du học trước tôi chủ yếu đi Nga và Đông Âu, trở về với một Việt Nam nghèo. Cái mà họ muốn thay đổi nhất là thoát nghèo. Thế hệ này bắt đầu nhìn ra rằng vấn đề ở Việt Nam là tri thức, là một hệ thống giá trị mới

LTS: Trong phần 2 cuộc trò chuyện, TS Phan Việt nói về việc các du học sinh tiếp nhận được những gì từ nền giáo dục của các quốc gia tiên tiến và việc họ ứng dụng ra sao ở Việt Nam.
Bài 1: Giấc mơ du học, sau Harvard rồi... đi đâu?


Bài 2: Sau "du học thoát nghèo" là "du học thoát giàu"?

Có phải "cứ Mỹ là tốt"?

Như ở phần trao đổi trước, chị đã nói về động cơ dẫn đến trào lưu “đua” gửi con sang các nước tiên tiến để đi học.  Nhưng điều đáng quan tâm là  các du học sinh đó rồi sẽ làm được gì sau khi được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến?

Tâm lý mong muốn con em đi du học để trở thành những công dân quốc tế, đáp ứng được thị trường lao động toàn cầu... là rất thực tế và xác đáng. Nếu xác định mình đi học để có thể cạnh tranh đàng hoàng trên thị trường quốc tế thì quá tốt.

Nhưng như tôi nói, vì nhiều người Việt đi học với một khởi đầu không rõ ràng như trên cho nên cái mà họ đạt được cũng thường mang yếu tố tình cờ hoặc thụ động. Ở các nước khác thì tôi không rõ nhưng ở Mỹ, số người đi học rồi ở lại đi làm được theo mong muốn có ý thức của mình một cách đàng hoàng không nhiều đâu. Đa phần cũng là xoay sở một công việc, rồi cứ làm công ăn lương. Mình chỉn chu, nghiêm túc thì rồi cũng có những thành công nhất định.

Từ Việt Nam nhìn ra thì nhiều khi xã hội hay có một số những suy nghĩ không chính xác về người đang học và sống ở nước ngoài. Ví dụ đánh đồng mức độ uy tín và bằng cấp của các trường nghiên cứu hạng một (R1) với các trường kiểu như cao đẳng cộng đồng.

Hiện bây giờ, tôi vẫn nhìn thấy nhiều trường chất lượng không rõ ràng của Mỹ đến Việt Nam quảng cáo phóng đại về bản thân, khiến học sinh và phụ huynh nhầm lẫn "cứ Mỹ là tốt". Bản thân những người ở nước ngoài về cũng biết tâm lý này của xã hội nên cũng tận dụng nó. Kết quả là việc sính ngoại càng trầm trọng.
du học, giáo dục, phát triển, cơ hội
TS Phan Việt (thứ 5 từ trái sang) trong lễ ký kết với trường Đại học Quốc gia. Ảnh nhân vật cung cấp
Vậy dựa trên nền tảng là sản phẩm, kết quả giáo dục để đáp ứng với đòi hỏi của thị trường lao động, thì  theo chị, đâu là sức hút của giá trị Mỹ?

Tôi nghĩ cái gốc của vấn đề là nền giáo dục ở Mỹ gắn kết chặt với thị trường lao động và là sự triển khai của một hệ thống giá trị Mỹ trong đó con người được đánh giá rành mạch ở chất lượng công việc của anh, tài năng của anh. Trên mặt bằng chung, ở Mỹ ít có chỗ cho sự chàng màng.

Người Mỹ trọng lương tâm công việc lắm - cái này có nguồn gốc từ cái gọi là Protestant ethics, tức là cái đạo đức Tin Lành. Anh muốn xấu xa bê bết ở đâu thì kệ nhưng trong công việc, nếu anh đã được trả lương để làm thì anh phải làm tử tế, đấy là chuyện nghiễm nhiên, không bàn cãi.

Ở Việt Nam, giáo dục tồn tại độc lập như một cỗ máy tự vận hành vì mục đích khoa cử. Còn gắn kết giữa nó và thị trường lao động rất rời rạc. Gắn kết giữa nó với hệ thống giá trị hiện tại của Việt Nam lại còn rời rạc hơn - rời rạc hơn Mỹ và rời rạc hơn so với xã hội Việt Nam trước đây.

Tôi nói ví dụ chuyện hệ thống giá trị thế này. Nhiều bạn trẻ Việt Nam thường ao ước mình học ít thôi mà điểm vẫn cao, làm nhàn thôi mà lương vẫn cao, làm ít thôi nhưng vẫn thăng tiến. Sinh viên của tôi ở Mỹ nhìn chung không ước như thế. Các em ấy ước được làm việc mình thích và được trả lương công bằng - và đây là cái công bằng chung cho tất cả mọi người chứ các em ấy không muốn mình may mắn hơn người khác, không muốn mình nhàn nhã hơn.

Đừng "bê một cụm Việt Nam sang Mỹ"

Vậy theo quan sát riêng của chị, những điều lớn nhất các sinh viên Việt Nam thu được từ nền giáo dục tiên tiến đó là gì? Giúp ích đến đâu trong phát triển công việc của bản thân họ cũng như đóng góp cho cộng đồng?

Vấn đề này phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể, không có đáp số chung. Họ tìm cái gì sẽ được cái đó.

Như tôi nói, cái mục đích khởi đầu rất quan trọng cho việc bạn đi đến đích nào, có đi đến đích hay không và mất bao lâu để đi đến. Tôi nghĩ là cái động cơ của bạn lúc khởi đầu phải rất trong sáng và trung thực. Nếu nó bắt đầu từ những tính toán căn cơ thì thường rồi cuối cùng cuộc đời bạn cũng sẽ liên tục là những bài toán đối đãi rất đau đầu. Thường là những bạn có mục tiêu rõ ràng cho việc học của mình, có sự độc lập và trong sáng từ trong nước thì các bạn đó có thể có những cuộc lột xác hoàn toàn khi ra nước ngoài.

Còn những bạn đi vì các tính toán khác thì tôi thấy là thường vẫn co cụm trong cộng đồng người Việt với nhau, chẳng khác gì bê một cụm Việt Nam sang Mỹ.

Thành tựu quan trọng nhất của các bạn đó có thể là tấm bằng vì ngay cả một vài nếp sống văn minh và tự lập mà các bạn ấy học được ở Mỹ thì chỉ về nước một thời gian ngắn là mai một hết. Các bạn ấy có thể lại còn bị kẹt trong tình trạng trở lại Việt Nam thì thấy cái gì ở Việt Nam cũng tệ nên khó hòa nhập.
du học, giáo dục, phát triển, cơ hội

Theo suy nghĩ của riêng tôi, du học sinh thường rơi vào hai nhóm đối tượng: hoặc rất giỏi và nhận được học bổng, hoặc con của gia đình khá giả đi du học tự túc. Cả hai nhóm đều có những điều kiện (để) thành công cao, được mong đợi tạo ra ảnh hưởng tích cực để phát triển cộng đồng. Nhưng không phải ai cũng có thể đạt được thành công khi trở về. Ngoài thái độ học tập mà chị vừa phân tích ở trên, nếu họ không thành công, thì đâu là những cản trở khác?

Nói như vậy cũng không được công bằng lắm. Chúng ta mở cửa từ năm 1986 nhưng thực ra số người đi học nước ngoài rồi trở về Việt Nam làm việc vẫn chỉ là muối bỏ bể trong một đất nước cần xây dựng quá nhiều thứ và có quán tính quá lớn từ quá khứ.
Thế hệ này bắt đầu nhìn ra rằng vấn đề ở Việt Nam là tri thức, là một hệ thống giá trị mới, còn kinh tế thì bây giờ cũng đã ổn rồi, xã hội mình không đến nỗi chết đói nữa.

Thế hệ du học trước tôi chủ yếu đi Nga và Đông Âu, trở về với một Việt Nam nghèo. Cái mà họ muốn thay đổi nhất là thoát nghèo. Và bây giờ bạn có thể thấy ảnh hưởng của họ ở nhiều lĩnh vực kinh doanh, bất kể bạn cho rằng ảnh hưởng đó là tốt hay xấu.

Đến thế hệ của tôi bắt đầu đi Mỹ, Anh, Úc... nhưng cũng chỉ bắt đầu thực sự từ 10 năm trở lại đây.

Thế hệ này bắt đầu nhìn ra rằng vấn đề ở Việt Nam là tri thức, là một hệ thống giá trị mới, còn kinh tế thì bây giờ cũng đã ổn rồi, xã hội mình không đến nỗi chết đói nữa.

Nhưng thay đổi các giá trị luôn khó và lâu; sáng tạo ra các giá trị mới càng khó hơn. Mình vừa phải có đủ tích lũy và tri thức để xây dựng nó, phát biểu được nó ra rành mạch, vừa phải sống chính những giá trị đó giữa một biển tác động của thế giới cũ.

Nhưng tôi thấy điều này đang manh nha xuất hiện như những đốm lửa nhỏ rồi.

Tôi lấy ví dụ là Viện Nghiên cứu Toán Cao Cấp mà anh Ngô Bảo Châu và các đồng nghiệp đang thực hiện. Tôi đến đó, thấy các khóa học đều đặn, rất nhiều người ở nước ngoài về dạy ở Viện vào mùa hè như anh Vũ Hà Văn, anh Hà Huy Tài, các anh chị ở Pháp, ở Nhật, vv...

Xã hội có thể cho việc này là nhỏ, nhưng cái họ đang làm có giá trị tích lũy rất tốt. Họ đang chứng minh một thứ và giúp thế hệ sau tin một thứ: cuộc sống vững vàng, tự tại nhờ vào tri thức là rất quan trọng cho con người đương đại. Hoặc tôi thấy những nỗ lực của anh Giáp Văn Dương với Giap School. Hay của nhóm tổ chức liên hoan phim hàng năm YyxineFF; những ca sỹ và người làm nghệ thuật độc lập; các công ty sách độc lập; các hội đọc sách, hội làm cha mẹ....

Rồi tôi gặp các nhóm bạn trẻ cùng nhau thành lập các tổ chức phi chính phủ làm về môi trường, về giáo dục kỹ năng sống, bình đẳng giới, vv... Có quyền tin là đang manh nha những lớp sóng mới trong lòng xã hội Việt Nam. Cái tinh thần của cơn sóng ấy và cái giá trị lõi xuyên suốt những cơn sóng ấy là giống nhau và tích cực.

Cản trở họ thì nhiều, tôi không cần nói ra chắc ai sống ở Việt Nam cũng biết. Cái mà họ cần làm nhất bây giờ chính là hợp tác với nhau.

Tôi thì nghĩ là điều đó thể nào cũng xảy ra; nó chỉ cần thêm thời gian và cần có những nhân tố kết nối. Bản thân mỗi người, mỗi nhóm vào lúc này đều đang tập trung xây dựng nội lực và tìm ra bộ mặt riêng của mình nên chuyện đứng một mình, manh mún là chuyện dễ hiểu.

Xin cảm ơn chị!
Hoàng Hường
( Tuần Việt Nam ) 

Tại sao Công ty Diamond đuổi công nhân Việt Nam?

Tường An, thông tín viên RFA, Paris

Công nhân ngành may mặc, giầy da ở Bình Dương (ảnh minh họa)
Công nhân ngành may mặc, giầy da ở Bình Dương (ảnh minh họa)  -Photo VinhTung/nld
Hàng trăm công nhân hảng giầy thể thao Diamond tại khu công nghiệp Bình Dương đang bức xúc về việc công ty bắt công nhân ký giấy cắt hợp đồng với  lý do mà theo họ không chính đáng. Ngoài ra họ cũng không đồng ý với số tiền bồi thường của công ty .
Công ty  Diamond VN, thuộc tập đoàn Diamond của Đài Loan, toạ lạc tại khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương. Bắt đầu hoạt động từ tháng 6 năm 2003,  sản xuất chủ yếu là các loại giày thể thao mang nhản hiệu PUMA, MIZUNO, NB, ASICS.
Không đuổi nhưng cắt hợp đồng

13 và 14 tháng 5 phản đối  Trung Quốc  hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng lãnh hải thuôc thềm lục địa Việt nam, đã có ít nhất 460 công ty , phần lớn của Đài Loan bị đập phá và 15 công ty bị đốt cháy . Công ty giầy Diamond cũng bị đốt cháy một phần. Hiện phần bị cháy đó đang được sửa chửa và xây cất lại . Tuy nhiên, vừa qua, công ty đã đưa ra thông báo ký ngày 18/7 gọi 139 công nhân lên để thông báo cắt hợp đồng với lý do là vì công ty không còn đơn đặt hàng nhiều nữa.
Vào ngày 19 tháng 7, tại nhà ăn của công ty, gần 150 công nhân đã có mặt để nghe quyết định  cắt hợp đồng của công ty . Công ty chỉ bồi thường từ 1 tháng đến  45 ngày công kể từ ngày 19/7, chị Nga một công nhân đã có 5 năm thâm niên nói :
« Nói chung, từ ngày 19 nó cho nghĩ, ai đi làm thì nó không có chấm công vô nữa. Mình được hưởng 45 ngày sau. Ý là nó bồi thường cho mình 1 tháng rưỡi đó »
Họ làm giấy tờ sẵn hết họ bắt mình ký vô. Họ làm giấy tờ sẵn, hôm nay vô là họ ép buộc công nhân …Tại vì nó cho công an vô quá nhiều mà và bên sở lao động vô nữa. Họ ép buộc công nhân phải ký vô cái giấy cắt hợp đồng. Họ nói là nếu như không hợp tác với công ty là họ sẽ bồi thường gì hết
Chị Xuân
Điều 38 của Bộ luật Lao Động về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định chủ sử dụng lao động phải báo trước :
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Điều bất cập ở đây là công ty đã không áp dụng thời gian báo trước như điều 38 quy định, họ họp công nhân ngày 19/7 và công ty đã có sẵn giấy cho thôi việc bắt đầu ngay hôm đó, tức ngày 19/7 và ép công nhân ký vào đó. Trước sự hiện diện đông đảo của công an cơ động lăm le dùi cui, đa số công nhân là nữ đã phải ký vào những giấy cắt hợp đồng và hẹn ngày 4/8 đến lấy tiền bồi thường. Chị Xuân làm việc tại đây gần 9 năm cho biết :
« Họ làm giấy tờ sẵn hết họ bắt mình ký vô. Họ làm giấy tờ sẵn, hôm nay vô là họ ép buộc công nhân …Tại vì nó cho công an vô quá nhiều mà và bên sở lao động vô nữa ..Họ ép buộc công nhân phải ký vô cái giấy cắt hợp đồng. Họ nói là nếu như không hợp tác với công ty là họ sẽ bồi thường gì hết, chỉ bồi thường có 1 tháng rưỡi lương thôi. Công nhân thì nó nghèo, nó cũng cần tiền để mà sinh sống, tiền nhà trọ, ăn, sinh hoạt hàng ngày. Mấy đứa đó nó thấy công an nhiều quá nó sợ, rồi nó ký hết ! Họ cho công an vô quá trời luôn mà ! Họ cho mấy thằng cơ động cầm mấy cây côn , công nhân sợ muốn chết luôn, công nhân phải ký vô giấy cắt hợp đồng »
Công nhân cũng không được quyền phát biểu ý kiến của mình. Chị Nga nói :
« Nó nói nếu không ký đơn, anh nào ngoan cố đứng lên phát biểu….người ta không cho phát biểu ý kiến luôn, người ta không giải thích những thắc mắc của mình luôn. Ai ngoan cố thì người ta đuổi ra khỏi nơi làm việc »
Theo sự giải thích của công ty thì do nhà máy bị phá huỷ, phải xây lại nên không có đơn đặt hàng, vì vậy họ phải đuổi bớt nhân viên. Tuy nhiên, công nhân nghi ngờ lập luận này, vì trên trang nhà của công ty Diamond, người ta vẫn thấy quảng cáo tuyển dụng nhân viên, vã lại, khu Puma không bị cháy, tại sao lại đuổi công nhân, trong khi khu bị cháy đang xây lại mở rộng thêm 4-5 tầng và công nhân bên đó lại được tăng ca. Ngoài ra, Theo chính sách đền bù của Uỷ ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương , công ty Diamond cũng  được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng hơn 1 tỉ đồng, ước miễn một số loại thuế lên tới 23 tỉ đồng. Chị Xuân bức xúc nói :
Nếu mà không có đơn đặt hàng thì xây xưởng mới làm gì ? Bây giờ nó giảm quy chế của công nhân, họ giảm công nhân, họ không nói đuổi mà họ cắt đứt hợp đồng
Chị Xuân
« Tại sao xưởng bị cháy thì công nhân không bị thiệt thòi, thiệt hại gì hết. Mà hãng Puma không bị cháy mà họ cắt hợp đồng của công nhân.  Họ nói là công ty mình phải trả giá nặng nề cho nên là đơn đặt hàng giảm, họ nói lý do là họ không có hàng cho công nhân làm. Nếu không có hàng sao xưởng bị cháy không thiệt thòi ? mà công nhân không bị cháy tại sao thiệt thòi ? Nếu mà không có đơn đặt hàng thì xây xưởng mới làm gì ? Bây giờ nó giảm quy chế của công nhân, họ giảm công nhân , họ không nói đuổi mà họ cắt đứt hợp đồng »
Sa thải các công nhân thâm niên, lương cao
Theo công nhân lý do sâu xa không được nói ra là vì công ty  muốn đuổi những công nhân thâm niên, lương cao để mướn người trẻ vào, lương thấp hơn. Chị Nga nói :
« Nói chung làm lâu năm thì bây giờ lương cũng cao rồi. Một người lâu năm bằng hai người mới nên nó khôn lắm, nó đuổi người cũ. Nói chung người nào làm lâu năm thì nó cố tình đuổi, nó chấm dứt hợp đồng. Công nhân thì toàn phụ nữ không , họ ký đơn hết. Chỉ còn khoảng mười mấy người không ký đơn thôi »
Nói chung, để tránh phải trả lương cao, nhất là vào dịp cuối năm, để khỏi phải trả phụ cấp Tết, thì các công ty tìm cách đuổi công nhân bằng nhiều cách, một trong những cách đó là cho công nhân thử lại tay nghề .Thử tay nghề để định lại mức lương chỉ là một cách gạt công nhân. Thực tế, dù tay nghề giỏi hay dỡ thì công nhân đều bị sa thải. Chị Nga nói :
« Trước khi thử tay nghề, người ta không nói thử tay nghề để loại, người ta nói thử tay nghề, nếu ai trượt thì người ta hạ thấp tiền kỹ thuật xuống thôi chứ người ta không nói thử tay nghề để mà loại trừ.  Bên phòng dân sự người ta vẫn phát biểu những công nhân lâu năm, không có làm công việc cố định, chỉ có làm thủ công, thi tay nghề không đậu thì người ta cắt hợp đồng luôn. Trong khi đó có người gò mũi đã mấy năm, đi thi họ vẫn đậu mà vẫn có danh sách cho nghĩ luôn đó…. »
Nói chung làm lâu năm thì bây giờ lương cũng cao rồi. Một người lâu năm bằng hai người mới nên nó khôn lắm, nó đuổi người cũ. Nói chung người nào làm lâu năm thì nó cố tình đuổi, nó chấm dứt hợp đồng
Chị Nga
Công nhân cho biết đợt đầu sẽ sa thải  460 công nhân và đợt sau 1400 công nhân. Chị Xuân cho biết ý kiến :
« Chị làm tốt, không bị phạt, bây giờ nó đòi cắt hợp đồng của chị, chị không đồng ý, chị không chấp nhận, chị nói muốn cắt hợp đồng phải có lý do. Nó không nói ra nhưng mình biết là công nhân làm lâu năm lương cao quá, còn công nhân mới lương thấp. Như lương của chị là bằng hai lương công nhân mới rồi. Nó không nói ra, nhưng mình biết, nó cắt một tốp vài trăm người, vài trăm người, nó cắt từ từ rồi nó sẽ tuyển công nhân mới vô »
Chị Bích làm việc tại đây đã ba năm, khi thi lại tay nghề, chị không làm sai, nhưng vẫn bị sa thải. Chị nói :
« Cái này không có nói em thi chuyên nghề , em hợp tác với cán bộ em làm đủ thứ công việc hết , rồi tự nhiên ghi…ghi vô  rồi có danh sách sa thải em ! »
Công đoàn nhà nước cũng có mặt trong buổi họp ngày 19/7, công đoàn nói gì hôm đó? Chị Nga cho biết :
« Công đoàn cũng nói công ty không làm sai, nó đọc luật lao động điều 48, công nhân im phăng phắc, chỉ có 1-2 người phản đối mà người ta đâu có cho nói »
Theo Bộ luật lao động có hiệu lực từ ngày 1/5 năm 2013. Điều 48 ghi những quy định về trợ cấp thôi việc (tức hết hợp đồng) , theo đó công nhân làm việc từ 12 năm trở lên, mỗi năm làm việc được  trợ cấp nửa tháng lương.
Điều 49 thì quy định công nhân đã làm trên 12 tháng bị mất việc ( tức bị đuổi việc) mỗi năm làm việc phải được đền bù 1 tháng tiền lương.
Rõ ràng công nhân Diamond trong trường hợp này phải được đền bù theo điều 49 chứ không phải 48 và phải được trợ cấp 1 tháng lương theo mỗi năm thâm niên chứ không phải đổ đồng ai cũng được 1 tháng đến 45 ngày tiền lương.
Dĩ nhiên là công nhân không hài lòng với quyết định này !
« …Thì đâu có hài lòng, nghe nói công nhân ở dưới thành phố họ đền 3 tháng lương.  Lương của em 4 triệu, họ đền cho 1 tháng rưỡi . Nói chung là công nhân từ 3-6 năm là họ đền bù cho 1 tháng rưỡi »
Và họ cũng không có niềm tin vào công đoàn nhà nước
« Tháng nào mình cũng đóng tiền công đoàn, mỗi tháng mình đóng 20.000 mà  bây giờ công đoàn không bênh công nhân, bênh công ty không hà ! Chị nói tại sao không bênh công nhân ? Họ nói công ty giải quyết như vậy là hợp tình hợp lý ! Em nghe công ty giải quyết như vậy có hợp tình hợp lý không ? Công đoàn ở đây là nó không có bênh công nhân đâu em ơi ! Cái thằng giám đốc sở lao động ở đây nó cũng không bênh công nhân đâu, nó bênh công ty luôn ! »
Chị Nga nghĩ rằng có một sự thông đồng từ trên xuống dưới để ép họ vào đường cùng, chị nói :
« Nhiều người rủ nhau lên phòng lao động trên Bến Cát, nhưng mà nói chung là công ty này đã ăn khớp với nhau từ trên xuống dưới rồi hay sao nên hôm đó có người trên sở lao động về họ đọc điều 48 tự nhiên thấy công nhân im phăng phắc hết, nhốn nháo lên 1 chút rồi ký đơn »
Chị  Bích có hai con đang đi học, chị còn chỉ còn biết khóc trước tương lai đen tối trước mắt :
« Em làm em không muốn nghĩ, gia đình cũng khổ nên em muốn làm lâu dài ở công ty, ngày nào em cũng lại công ty khóc. Tuy nhiên sa tháy em ra, em khóc lần nầy không biết mấy lần.  Bữa nào em cũng lại công ty nước mắt em tuôn trào mà em cứ xin hoài. Em không muốn bồi thường em như vậy, em muốn ở lại làm với công ty. Nếu công ty cho lương em rẻ lại một chút em ở lại làm với công ty cũng được nữa chị, tại vì hoàn cảnh em khó khăn lắm. »
Chúng tôi sẽ theo dõi sự việc và gửi đến quý thính giả những diễn biến về công ty giầy Diamond tại Bình Dương.
 

Độc lập hay đối lập?

Núp bóng tổ chức xã hội dân sự, thời gian qua, vẫn có những nhóm người lập ra các “hội, đoàn độc lập” khiến một số người ảo tưởng về một “liều thuốc dân chủ” lợi hại, trong đó có “Hội nhà báo độc lập” và “Văn đoàn độc lập”.
 
Ðộc lập hay đối lập đây? Chắc chắn là âm mưu đối lập!

Báo chí Cách mạng Việt Nam qua 89 năm trưởng thành, phát triển đang hiện hữu Hội Nhà báo Việt Nam với hơn 21.000 hội viên. Thế mà nực cười thay, các “nhà dân chủ” lại tung hô, kêu gọi thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập” cho những blogger đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước mà chẳng bao giờ có một tác phẩm báo chí đúng nghĩa. Chức chủ tịch hội do một người tự phong. Những người này còn tự xưng “nhà báo độc lập”, ra tận nước ngoài tham gia cái gọi là “điều trần đòi quyền tự do báo chí cho Việt Nam” và ngang ngược đòi chuyển ngày truyền thống của báo chí Việt Nam từ 21-6 sang ngày 3-5. Ðúng là một hành động vô lối!

Báo chí đã thế, lại còn những nhà văn quá khích, gần đây cũng ồn ào vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập”. Với sự so sánh khập khiễng, họ ví “Văn đoàn độc lập Việt Nam” với nhóm “Tự lực văn đoàn” năm xưa. Họ rêu rao “Văn đoàn độc lập Việt Nam” là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước. Nhưng sau đó, có nhiều bài viết về “Văn đoàn độc lập” đã hé lộ ý đồ thành lập một tổ chức đối lập với Hội Nhà văn Việt Nam, gắn với mưu đồ “Cách mạng hoa nhài”, kêu gọi các nhà văn xuống đường như trong cuộc “Cách mạng Mùa xuân Arập”. Nực cười hơn, trong danh sách nhà văn vào hội còn ghi bừa cả tên một nhà văn… đã chết!
Độc lập hay đối lập?

Gần đây, xuất hiện nhiều tổ chức mang cái mũ “độc lập”. Nhiều hội, đoàn với điều lệ, mục tiêu, chương trình hoạt động khác nhau nhưng đều có điểm chung là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước; xuyên tạc, bóp méo hệ thống chính trị; đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị. Chúng hướng tới nhiều đối tượng khác nhau: thanh niên, phụ nữ, luật sư, nhà văn, nhà báo, công nhân, nông dân với các tên gọi rất mỹ miều: Tập hợp thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Công đoàn độc lập, Hội mỹ thuật độc lập, Hội điện ảnh độc lập… Các thế lực xấu đều kích động, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do lập hội, kêu gọi các nước lấy đó làm điều kiện gây áp lực khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Ðối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự lập hội, nếu các hội ấy thực sự vì con người, vì lợi ích thật sự của nhân dân. Ðảng, Nhà nước không cấm thành lập các tổ chức độc lập, nhưng từ độc lập trở thành đối lập với hệ thống chính trị thì tự nó đã đối lập với lợi ích của nhân dân, trái với pháp luật.

Có thể thấy rằng, tất cả những tổ chức trên đều không có gì mới mẻ, tiến bộ, phải thành lập vì nhu cầu của xã hội. Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay đã có đầy đủ các tổ chức, đoàn thể đại diện cho mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội. Không những thế, các tổ chức chính trị xã hội và các hội, đoàn thể đều được Ðảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện hoạt động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở một số tổ chức vẫn còn những mặt hạn chế nhưng so sánh với các hội, đoàn độc lập đang được rêu rao, vận động thành lập thì sẽ thấy chẳng khác gì so sánh cỏ với lúa vậy!

Nhìn vào danh sách những nhân vật tham gia vào Hội nhà báo độc lập thì có những người chưa bao giờ làm báo. Còn Văn đoàn độc lập thì tiếc thay, có cả những nhà văn lão thành, có cả cán bộ, đảng viên đương chức. Một số nhà văn đã từng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tác nhưng khi đã nhận tiền rồi, họ có cho ra đời được tác phẩm nào xứng đáng? Ăn lương Nhà nước, ăn tiền hỗ trợ sáng tác mà lại âm mưu thành lập hội mới để đối lập với tôn chỉ mục đích của hội chính thống hiện hành thì thử hỏi tư cách của những nhà văn ấy là gì?

Thật ra, các tổ chức “độc lập” trên chỉ là một nhóm người tiêu cực, bất mãn cá nhân, muốn tập hợp lực lượng để thực hiện các mưu đồ đen tối. Cho dù họ cố tình khuếch trương bằng những cái mác nhân sĩ, trí thức “có tên tuổi” song vẫn không đánh lừa được nhân dân. Ngay cả khi họ được hậu thuẫn từ nước ngoài, có mặt ở các diễn đàn quốc tế như phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ thì những luận điệu lừa bịp của họ vẫn không đánh lừa được các quốc gia trên thế giới và trở nên lạc lõng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các hội lập ở phạm vi một tỉnh, thành phố phải được chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phê chuẩn; nếu hội hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê chuẩn. Vậy mà những hội đoàn độc lập hiện nay không đăng ký, xin phép thành lập, thể hiện sự coi thường pháp luật. Họ còn ngụy biện rằng, Ðảng Cộng sản Việt Nam cũng là một tổ chức “không xin phép”. Nhưng họ đã cố tình quên một điều: vai trò và hoạt động của Ðảng được ghi rất rõ trong các bản Hiến pháp của nước ta từ trước tới nay.

Ðể đánh lừa dư luận, các nhà dân chủ luôn đưa ra lập luận rằng, một nhóm trí thức nào đó thành lập hội là không vi phạm pháp luật. Họ cũng cố tình quên rằng, Ðiều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) đã quy định rất rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Như vậy, Nhà nước Việt Nam ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân nhưng để việc thực hiện quyền này do pháp luật (bao gồm Hiến pháp và các luật, văn bản dưới luật) quy định. Hiện chưa có luật về lập hội nhưng quy định về lập hội được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật như: Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20-5-1957, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 45/2010/NÐ-CP, Nghị định số 33/2012/NÐ-CP của Chính phủ.

PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) đã phân tích, ngay trong Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966, ở khoản 1, Ðiều 22 đã nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”. Tuy nhiên, khoản 2, Ðiều 22 chỉ ra: “Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”. Như vậy, quyền lập hội được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Không thể tùy tiện lập hội nếu việc lập hội đó phương hại đến lợi ích quốc gia, công cộng và những quyền tự do của người khác.

Như vậy, một lần nữa khẳng định rằng, Hội nhà báo độc lập và Văn đoàn độc lập là những tổ chức do một nhóm người tự lập ra, hoàn toàn vi phạm Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như Công ước quốc tế! Ðó là những tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội.
 Minh Toàn
(PetroTimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét