Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Quan điểm chống Trung Quốc trước đây và hiện nay - Kiện Trung Quốc về Biển Đông : Lợi nhiều hơn hại

Quan điểm chống Trung Quốc trước đây và hiện nay

Tàu Trung quốc ngang nhiên đâm chìm một tàu cá Việt Nam trước sự chứng kiến của nhiều ngư dân trên các tàu cá khác ngày 26 tháng 5, 2014.

Nghe bài này
Một số sinh viên trẻ tại Việt Nam như Nguyễn Phương Uyên, Từ Anh Tú vì công khai lên tiếng cho một xã hội dân chủ hay tích cực đấu tranh chống tham nhũng và chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam đã bị đuổi học hay tù tội; thế nhưng họ vẫn kiên định với chính kiến của bản thân. Nhất là trong tình hình hiện nay, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam càng củng cố, chứng minh những điều mà họ theo đuổi lâu nay là đúng đắn.

Biện pháp kiện và ngưng kiện

Hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, sinh viên Nguyễn Phương Uyên ký đơn gửi Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khởi kiện hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Thực phẩm Minh về quyết định buộc thôi học đối với bản thân cô.

Lý do khởi kiện vì quyết định đó không được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, qui định, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đơn khởi kiện được làm ra sau khi bản thân sinh viên Nguyễn Phương Uyên nhận được thư trả lời đơn khiếu nại cũng nêu rõ việc làm trái pháp luật của trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm thành phố Hồ Chí Minh.




Trong tình trạng đất nước hiện nay, hệ thống pháp luật không có khả năng thực hiện công lý, thì bằng những đơn kiện để giải quyết công việc của mọi người là nhằm đánh động để ngành pháp luật VN có những khả năng thực hiện lại công lý

Nguyễn Phương Uyên
Theo sinh viên Nguyễn Phương Uyên, dù biết rằng khả năng giải quyết đơn khởi kiện theo đúng qui định của luật pháp cũng chẳng hứa hẹn gì, nhưng đây là việc cần làm để ngành tư pháp Việt Nam phải có thay đổi. Trả lời chúng tôi vào ngày 23 tháng 6, sinh viên Nguyễn Phương Uyên nói:

Trong tình trạng đất nước hiện nay, hệ thống pháp luật không có khả năng thực hiện công lý, thì bằng những đơn kiện để giải quyết công việc của mọi người là nhằm đánh động để ngành pháp luật Việt Nam có những khả năng thực hiện lại công lý!

Cô Nguyễn Phương Uyên (files photos)
Một sinh viên khác ở Bắc Giang, anh Từ Anh Tú, cũng bị trường Cao Đẳng Y tế Thái Nguyên cho thôi học hồi năm 2011 vì bị cho hoạt động dân chủ. Sau vài lần làm đơn khiếu kiện, nay anh không kiện nữa vì cho rằng hệ thống tư pháp hiện nay không khách quan. Anh trình bày:

Tôi thấy chế độ ở Việt Nam là một chế độ độc tài nên việc bao che cùa cấp trên cho cấp dưới làm những việc sai trái là một việc rất phổ biến. Nếu tiếp tục làm đơn khiếu nại, đơn kiện họ không bao giờ giải quyết. Giống như một ngôi nhà bị dột, nếu cứ tiếp tục lau nền nhà mà không sửa mái đi thì sẽ dột mãi. Tôi đã chứng kiến nhiều người ở Việt Nam, có người kiện đến 20-30 năm rồi mà đơn kiện của họ cũng không được giải quyết. Nếu đơn đưa đến mà bộ máy chính quyền không giải quyết thì thà rằng mình dừng lại để dành sức lực và tất cả mọi thứ để đấu tranh cho một đất nước Việt Nam dân chủ.

Viễn kiến về chuyện Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam

Một trong những lý do khiến sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị bắt và bị đưa ra tòa là vì tham gia cùng một bạn trẻ khác là Đinh Nguyên Kha rải truyền đơn tố cáo các đảng viên cao cấp tham nhũng gây ra những hệ quả xấu cho đất nước. Bên cạnh đó, các bạn còn lên tiếng chống Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam.

Nguyễn Phương Uyên hiện đang bị án treo ba năm tại nhà cho biết suy nghĩ hiện nay của bản thân về diển biến giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam:




Giống như một ngôi nhà bị dột, nếu cứ tiếp tục lau nền nhà mà không sửa mái đi thì sẽ dột mãi. Tôi đã chứng kiến nhiều người ở Việt Nam, có người kiện đến 20-30 năm rồi mà đơn kiện của họ cũng không được giải quyết

anh Từ Anh Tú
Ngay cả trong đơn gửi Giám đốc thẩm gần đây, tôi cũng ghi rõ hành động của bản thân liên quan việc chống Tàu là hành động đúng đắn và nhất là trong tình trạng hiện nay khi giàn khoan 981 được đưa vào Việt Nam thì càng thể hiện sự đúng đắn đó hơn nữa. Tôi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lại sự tự do cho tôi.

Anh Từ Anh Tú (files photos)
Từ Anh Tú cũng từng tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, đưa ra nhận định về vấn đề Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam:

Cũng như trước đây, tôi suy nghĩ rằng dã tâm của Trung Quốc đã có từ hằng ngàn năm nay- từ thời ông cha của họ và đến nay thể hệ hiện nay cũng tiếp bước cha ông họ thôi.

Đánh giá biện pháp của chính quyền và cách giải quyết

Trước tình hình đất nước với diễn biến phức tạp hiện nay ngoài Biển Đông, Nguyễn Phương Uyên có đánh giá về hành xử của Nhà nước hiện nay và ý kiến về cách thức giải quyết vấn đề:

Chính quyền đang rất bối rối và những việc như biểu tình hay chống Tàu bằng những bài viết, theo tôi nhận thấy, đang bị giới hạn lại bởi Nhà nước. Điều thể hiện ở đây là truyền thông chính thống cũng bị lệ thuộc rất nhiều vào Nhà nước và không thể hiện được chức năng của nó. Viễn cảnh cho đất nước hiện nay là Nhà nước thâu tóm tất cả mọi quyền lực, cũng như thâu tóm mọi sự nên Nhà nước không lo liệu hết được.




Cần phải có những điều chỉnh trong đấu tranh, ví dụ như trước đây tập trung vào những việc như biểu tình chống Trung Quốc…; nhưng nay theo tôi một việc song hành nữa là phải chống lại chính những ‘bọn tay sai bán nước’ đang có tại Việt Nam

Từ Anh Tú
Trong tình hình Trung Quốc gây hấn như thế, tôi mong muốn Nhà nước không bao giờ bao cấp, không bao giờ lo liệu được tất thảy. Nhà nước cần chia nhỏ công việc đó ra để người dân cùng chung sức với Nhà nước. Chính quyền phải phục vụ cho cộng đồng và mở đường cho xã hội dân sự phát triển hơn. 

Gần đây tôi thấy những thỉnh nguyện thư không còn tác dụng đối với Nhà nước nữa vì quá nhiều và tràn lan trên mạng. Tôi mong muốn có hành động thiết thực hơn, có thể tạo dựng một xã hội (dân sự) đứng độc lập với chính quyền, với một người đứng đầu lấy chữ ký và rồi đưa Trung Quốc ra kiện.

Đối với Từ Anh Tú cần có biện pháp khác nhau trước hết đối với chính quyền hiện nay và song song đó là nâng cao hiểu biết cho nhiều người dân khác nữa:

Cần phải có những điều chỉnh trong đấu tranh, ví dụ như trước đây tập trung vào những việc như biểu tình chống Trung Quốc…; nhưng nay theo tôi một việc song hành nữa là phải chống lại chính những ‘bọn tay sai bán nước’ đang có tại Việt Nam. Đó là một lực lượng rất nguy hiểm. 

Ngoài ra việc tuyên truyền cho người dân cũng rất quan trọng. Trong bất cứ trường hợp nào, người dân cũng là lực lượng rất quan trọng trong việc đưa đất nước thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Giáo dục Việt Nam làm cho người ta quên đi hành động xâm lược Việt Nam ngay trước mắt. Chẳng hạn như cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 79 và cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 hầu như trong cách sách và đài báo không nhắc đến. Cần làm cho người dân biết đến những việc đó.

Đối với bản thân chắc chắn có những khó khăn, thậm chí còn bị gây áp lực đến gia đình, đe dọa; nhưng tôi nghĩ rằng cần quyết tâm và có tâm huyết đấu tranh cho một đất nước Việt Nam thực sự dân chủ thì những trở ngại như thế không quan trọng lắm.

Số lượng những người trẻ có ý thức rõ ràng như hai bạn Nguyễn Phương Uyên và Từ Anh Tú hiện không phải là nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước biết bao khó khăn thậm chí cản trở, sách nhiễu họ vẫn kiên định với con đường đã chọn.
Gia Minh,
biên tập viên RFA, Bangkok
Theo RFA

Kiện Trung Quốc về Biển Đông : Lợi nhiều hơn hại

Sau khi đưa giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài khơi Biển Đông vào đầu tháng 05/2014, Trung Quốc duy trì thái độ cứng rắn. Ngoài các hành vi đe dọa Việt Nam tại vùng tranh chấp, Bắc Kinh còn cử lãnh đạo ngành ngoại giao đến Hà Nội để đòi Việt Nam không được cản trở hoạt động của giàn khoan và nhất là không được phản đối hành vi đơn phương của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Theo các chuyên gia phân tích, trong thế yếu về mặt quân sự, biện pháp tốt nhất hiện nay mà Việt Nam có thể tiến hành để ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, là kiện Bắc Kinh ra trước các định chế tài phán quốc tế, và đưa vấn đề Trung Quốc đe dọa an ninh khu vực bằng giàn khoan HD-981 ra trước Hội đồng Bảo an cũng như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 
Quần đảo Hoàng Sa chụp từ máy bay trinh sát - DR
Quần đảo Hoàng Sa chụp từ máy bay trinh sát - DR
Trong bài phân tích « Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc và Biển Đông : Cứ thử xem ! » (China’s Information Warfare Campaign and the South China Sea : Bring It On !) trên báo The Diplomat ngày 16/06/2014, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã cho rằng cần phải lợi dụng việc Trung Quốc công bố « Tuyên cáo lập trường » về vụ giàn khoan HD-981 tại Liên Hiệp Quốc để yêu cầu Hội đồng Bảo an mở thảo luận về vấn đề này, buộc Bắc Kinh lộ rõ bản chất muốn lợi dụng của mình.

Một dân biểu Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa, thuộc đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 19/06/2014 vừa qua cũng công khai yêu cầu Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết hay tuyên bố về các hành vi « ‘vừa ăn cướp, vừa la làng’ của Trung Quốc », trong đó có việc đề nghị chính phủ Việt Nam « khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế ».

Trên đây chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải tranh thủ thời cơ tốt hiện nay để kiện Trung Quốc ra trước quốc tế về những đòi hỏi chủ quyền quá đáng kèm theo là những động thái hung bạo nhằm áp đặt yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Vấn đề đặt ra là sau khi chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng kiện Trung Quốc trong bài trả lời phỏng vấn báo chí ngoại quốc ngày 31/05/2014, chính phủ Việt Nam như vẫn án binh bất động để cân nhắc lợi hại.

Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang tranh chấp để ép buộc Việt Nam chấp nhận các yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông, vấn đề kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế trước Liên Hiệp Quốc đã trở thành cấp bách. Việt Nam phải tranh thủ thời cơ thuận lợi để xúc tiến các vụ kiện vốn có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long.

RFI : Giáo sư đánh giá sao về kết quả các cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hà Nội hôm thứ Tư 18/06/2014?

Ngô Vĩnh Long : Kết quả cuộc hội đàm vừa qua cho thấy rằng Trung Quốc chỉ muốn dùng cơ hội để tuyên truyền rằng Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với Việt Nam, tuy chỉ song phương thôi như lập trường Trung Quốc đã lập đi lập lại từ trước đến nay.

Ngoài ra, Trung Quốc muốn viện cớ là vì Việt Nam vẫn ngoan cố và không chịu phục tùng nên Trung Quốc phải tiếp tục dạy cho Việt Nam một vài bài học, trong đó có việc đưa thêm vài giàn khoan vào Biển Đông như đã công bố trong những ngày vừa qua.

Rõ ràng là Trung Quốc đã mưu tính việc gia tăng áp lực đối với Việt Nam và leo thang trong khu vực Biển Đông.

Sau cuộc hội đàm, các tờ báo của Trung Quốc còn cho biết là phía Trung Quốc nói rằng việc cắm giàn khoan là việc riêng của Trung Quốc và Việt Nam phải ngưng ngay các hành động quấy nhiễu trái phép. Các báo này nói thêm là Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông để những căng thẳng hiện nay không làm tổn hại đến đại cuộc giữa hai nước.

Theo tôi, đây cũng là việc chuẩn bị dư luận để nếu Việt Nam phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc thì Trung Quốc nói là Việt Nam ngoan cố và thất hứa.

RFI : Trong thế yếu về mặt quân sự hiện nay của Việt Nam so với Trung Quốc, Việt Nam phải ưu tiên đấu tranh trên các lãnh vực nào ?

Ngô Vĩnh Long : Việt Nam nên ưu tiên cho việc vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và nhân dân thế giới.

« Cần ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc » 

Để được thế giới ủng hộ, thì Việt Nam trước tiên cần ủng hộ Phi Luật Tân trong việc kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo phụ lục 7 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc, tức ITLOS của UNCLOS. Đây là việc dễ làm và nhanh nhất vì Phi Luật Tân đã có nhã ý mời Việt Nam hoặc ủng hộ hoặc kiện chung.

Phi Luật Tân đã nộp hồ sơ luận cứ dài khoảng 4.000 trang, trong đó có các luận chứng phủ nhận đường 9 đoạn, hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã đơn phương dùng để khoanh vùng hơn 80% toàn bộ Biển Đông. Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực cho nên đường lưỡi bò xâm lấn Việt Nam nhiều nhất. Do đó, nếu vụ kiện của Phi Luật Tân thắng thì nước được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam.

« Giải quyết tranh chấp Trường Sa với các nước ASEAN »

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên thương lượng với Phi Luật Tân và các nước khác ở Đông Nam Á như Mã Lai và Brunei để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực Trường Sa để có thể thiết lập một liên minh trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nay đang xây cất trên một số đảo đã chiếm đóng bằng vũ lực ở Trường Sa hòng làm bàn đạp để xâm chiếm thêm và để đe doạ các nước khác. Việt Nam là một nước đang quản lý nhiều đảo nhất trong khu vực Trường Sa. Do đó việc giải quyết các vấn đề tranh chấp với Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei để củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, cũng có lợi cho Việt Nam nhiều nhất.

« Tăng cường quan hệ với Mỹ »

Ngoài ra, Phi Luật Tân là đồng minh của Mỹ và các nước kia cũng gần với Mỹ cho nên liên minh với các nước này cũng giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ.

Mỹ là nước vẫn có sức mạnh hải quân mạnh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không thể để Trung Quốc thao túng trong khu vực quan trọng nhất của Thái Bình Dương - tức là khu vực Biển Đông - vì khoảng 60% lưu thông mậu dịch hàng hải trên thế giới là qua đấy.

Điều kiện là Mỹ cần được sự ủng hộ và trợ giúp của các nước trong khu vực, trong đó sự ủng hộ và trợ giúp của Việt Nam là quan trọng nhất.

« Nên đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế »

Ngoài việc Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, chung với Phi Luật Tân hay riêng rẽ, Việt Nam nên đòi đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế (International Court of Justice - ICJ).

Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị của Việt Nam, nhưng qua đó Việt Nam có thể chứng minh cho thế giới biết được sự chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc và vận động được dư luận trong nước và trên thế giới ủng hộ sự nghiêm túc của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

RFI : Tháng 5/2004, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước quốc tế. Thế nhưng trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn còn thái độ dè dặt. Theo phân tích của Giáo sư, cái lợi và cái hại của việc kiện Trung Quốc ra trước quốc tế là như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng là trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn có thái độ dè dặt, có thể vì sợ Trung Quốc gây rối trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, và xã hội của Việt Nam. Nhưng Việt Nam càng chần chừ thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới.

Trung Quốc đã và đang cố tình phân hoá và cô lập Việt Nam bằng cách tạo một hình ảnh là càng ngày Việt Nam càng tiến sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc. Như thế thì Trung Quốc có thể làm cho chính quyền Việt Nam càng ngày càng mất đi sự tin tưởng của nhân dân trong nước và mất sự ủng hộ của nước ngoài. Đến khi suy yếu và không còn có lựa chọn nữa, thì lúc đó Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam để trao đổi với các nước khác và để chia vùng ảnh hưởng như Trung Quốc đã từng làm.

« Thời điểm thuận lợi nhất để Việt Nam kiện Trung Quốc » 

Theo tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ kiện Trung Quốc rồi. Thì bây giờ là thời điểm thuận lợi nhất từ trước đến nay để chính phủ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.

Trong trường hợp chính phủ Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo thì Việt Nam cũng nên khởi kiện rồi hoàn tất hồ sơ như Phi Luật Tân đã làm. Vấn đề quan trọng là trong thời điểm hiện tại Việt Nam phải cấp tốc chứng minh rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình cũng như an ninh của khu vực và của thế giới trước sự đe doạ và bành trướng của Trung Quốc.

« Cái lợi lớn nhất : Được sự ủng hộ trong nước và trên thế giới » 

Cái lợi lớn nhất là qua vụ kiện Việt Nam có thể vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và của thế giới để không những ngăn chặn sức ép của Trung Quốc, mà còn có thể được các toà án quốc tế xét xử và phán quyết là việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và các đảo khác ở Trường Sa là sai trái.

Trong khoảng hơn một chục vụ kiện ra trước các toà án quốc tế về tranh chấp trên biển mà tôi đã nghiên cứu, phán quyết của các toà án đều được tuân thủ.

Nếu ra được Toà án Quốc tế việc xấu nhất có thể xảy ra là toà sẽ phán quyết chia quần đảo Hoàng Sa, phần phía bên đảo Phú Lâm cho Trung Quốc và phần phía bên Hoàng Sa cho Việt Nam. Nhưng dù như thế, Trung Quốc không thể đòi là Phú Lâm có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để biện hộ cho việc cắm giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như họ đang làm.

Nếu Trung Quốc ỷ thế nước lớn và không chịu tuân theo phán quyết của toà – mà đấy sẽ là trường hợp chưa từng xẩy ra - thì Trung Quốc sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rõ bộ mặt ngoan cố của mình và tự cô lập mình đối với cộng đồng thế giới.

« Cái hại lớn nhất : Bị Trung Quốc trả thù bằng kinh tế, nhưng … »

Cái hại lớn nhất đối với Việt Nam là Trung Quốc sẽ trả thù bằng cách phá hoại kinh tế Việt Nam như gián đoạn trao đổi hàng hóa, gián đoạn mậu dịch hay gây trì trệ cho các công trình đang đấu thầu trong nước.

Việt Nam có thể bị khó khăn trong một giai đoạn, nhưng Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại về nhiều mặt, trong đó có sự e dè của nhiều nước trong việc làm ăn với Trung Quốc. Do đó có thể các nước đó sẽ rút bớt hoạt động và đầu tư ở Trung Quốc và chuyển về Việt Nam hay các nước khác. Nhưng Việt Nam phải năng động trong vấn đề xây dựng môi trường tốt để thu hút đầu tư và mậu dịch của các nước này khi họ chuyển dịch.

RFI : Việt Nam cũng cần phải thúc đẩy việc đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi đã đề nghị đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vì Trung Quốc đã gây mất an ninh cho khu vực và cho thế giới qua việc đưa tàu chiến tháp tùng giàn khoan để đe doạ, cũng như việc dùng các tàu hải giám gây tổn hại cho tàu cá và tàu tuần tra của Việt Nam.

« Đưa vụ HD-981 ra Liên Hiệp Quốc : Hiệu quả nhanh nhất » 

Theo đánh giá của tôi, đây là việc làm có hiệu quả nhanh nhất trong việc vận động dư luận và sự ủng hộ của các nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức.

Nhưng trong khi Việt Nam chưa thúc đẩy việc trên thì Trung Quốc vào ngày 9 tháng 6 đã gửi « bản tuyên cáo lập trường » của họ lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon về giàn khoan Hải Dương-981 và đòi ông gởi đến tất cả các nước thành viên.

Bản tuyên cáo này khẳng định rằng hoạt động khoan dầu của giàn khoan Hải Dương-981 « là một phần trong quy trình thăm dò và khai thác giếng dầu thường xuyên bên trong vùng chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc ». Trung Quốc còn vu cáo Việt Nam cản trở « trái phép » hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 bằng cách điều động tàu có vũ trang và cho tàu đâm vào tàu Trung Quốc cả hơn nghìn lần.

Tuy Trung Quốc có hành động ngang ngược và vu khống như trên, tôi nghĩ đây là dịp tốt để Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận một cách triệt để vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, và việc đơn phương đưa ra đường lưỡi bò để lấn chiếm hơn 80% khu vực Biển Đông và đe doạ an ninh của khu vực và thế giới.

« Trung Quốc há miệng mắc quai nhưng Việt Nam phải vận động »

Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam thúc đẩy vấn đề này, Trung Quốc không thể ngăn chặn được vì Trung Quốc là người đã đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc và ông Ban Ki Moon đã công bố rằng ông sẵn sàng giúp hòa giải – tất nhiên là đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nhưng để làm được việc này, ông Ban Ki Moon phải có sự ủng hộ của một số nước lớn trên thế giới, cho nên Việt Nam phải vận động… và vận động ! Chứ không thể ngồi chờ.

Và tôi thấy rằng gần đây Mỹ cũng đã có thay đổi trong chính sách của họ. Ví dụ như gần đây, ông Daniel Russel, Trợ lỹ Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng theo ông và Bộ Ngoại giao Mỹ, Hoàng Sa đúng là khu vực có tranh chấp.

Trước đây, Mỹ nói là Mỹ không can thiệp vào chủ quyền Hoàng Sa, những bây giờ Mỹ thấy rằng việc Trung Quốc dùng Hoàng Sa để bào chữa cho việc cắm giàn khoan HD-981 và tiếp tục đưa giàn khoan vào thì đúng là có sự liên hệ giữa tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với an ninh của khu vực và của thế giới.

Thì lúc này là dịp rất tốt cho Việt Nam để vận động thế giới, vận động Mỹ giải quyết cùng một lúc vấn đề đe dọa của Trung Quốc và vấn đề Hoàng Sa.

RFI xin thành thật cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long. 
  Trọng Thành
  (RFI)

Giá xăng Việt Nam bỏ xa Malaysia, Indonesia

http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gia-xang-viet-nam-bo-xa-malaysia-indonesia-3043613/
(Thị trường) – Từ 20h tối 23/6, các đầu mối kinh doanh được phép tăng giá xăng thêm 330 đồng mỗi lít. Trừ điêzen, các mặt hàng khác đều đồng loạt tăng giá.
Theo thông cáo phát đi lúc hơn 21h của Bộ Tài chính, do biến động trên thị trường thế giới, giá cơ sở xăng dầu đang cao hơn mức bán lẻ của các doanh nghiệp từ vài chục tới gần 700 đồng.
Sau khi cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá 300 đồng mỗi lít (hoặc kg) xăng dầu để bù đắp chi phí, Bộ đồng ý tăng giá xăng tối đa 338 đồng một lít. Mức tăng tối đa với dầu điêzen 0,05S là 26 đồng, dầu hỏa 174 đồng và dầu madút là 270 đồng mỗi lít.

Từ 20h, các doanh nghiệp đầu mối trong đó có Petrolimex đã niêm yết giá bán mới, trong đó xăng tăng 330 đồng, lên 25.230 đồng một lít RON 92 và 25.730 đồng một lít RON 95 (ở vùng một). Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 92 và 95 lần lượt là 25.730 và 26.240 đồng một lít.
Trước đó, trong văn bản cho phép, liên Bộ Tài chính – Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh với điều kiện sau khi sử dụng Quỹ bình ổn, giá mới không cao hơn mức cơ sở. Cơ quan quản lý cho biết, giá cơ sở tính bình quân 30 ngày từ ngày 24/5 đến 22/6 của xăng RON 92 đã cao hơn giá bán 638 đồng một lít.
Cùng với việc điều chỉnh giá, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng từ 440 đồng xuống 300 đồng mỗi lít và dầu madút từ 410 đồng còn 300 đồng.
Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp của nhiên liệu này từ ngày 11/11 năm ngoái (tổng cộng 1.600 đồng). Và là lần tăng giá thứ 4 đối với mặt hàng giá xăng từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 22/4, giá xăng được điều chỉnh tăng 210 đồng một lít, do đó mặt hàng xăng RON 92 tối đa lên mức 24.900 đồng.
Với lần tăng giá lần này, so sánh với giá xăng của Malaysia, giá một gallon xăng là 2,42 USD, tương đương giá một lít: 0,64 USD tức 13.500 đồng/lít và giá xăng của Indonesia, giá một gallon xăng là 3,73 USD, tương đương giá một lít: 0,98 USD, tức là 20.900 đồng/lít, Việt Nam với mức giá là 25.730 đồng/lít đã cao hơn Malaysia, Indonesia lần lượt là 12.230 đồng/lít và 4.830 đồng/lít.
Đổi chiến thuật, tăng ít nhưng nhiều lần
Theo thống kê đây cũng là lần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Ba đợt tăng trước lần lượt rơi vào các tháng 2, 3 và 4, với mức tăng cao nhất là 300 đồng và thấp nhất là 180 đồng mỗi lít.
Trong khi đó, trước đây, mỗi lần điều chỉnh tăng giá dù tăng một lần những lần giảm giá tiếp theo vẫn không bù được mức tăng đó thì sang năm 2014, giá xăng tăng nhiều lần mức giá thấp song vẫn chưa một lần điều chỉnh giảm dù có thời điểm quỹ bình ổn dư hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, vào ngày 8/4, Bộ Tài chính đã công bố về tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Theo đó, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2013 khoảng 169,219 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG ước đến hết Quý I/2014 khoảng 842,016 tỷ đồng.
Trong hơn 840 tỷ đồng tính đến hết quý I/2014, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam có số dư quỹ là 649,3 tỷ đồng; Tổng công ty xăng dầu Quân đội với số dư trên 154 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM và Công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ có số dư lần lượt là 100 và xấp xỉ 109 tỷ đồng.
Hà Anh

Chiến tranh tại Irak: Nguy cơ hình thành nhà nước Sunistan cực đoan


Vùng gạch chéo thuộc tầm ảnh hưởng của Tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông.
Xuất hiện trên chiến trường Syria vào mùa xuân 2013, cách nay đúng một năm, tổ chức thánh chiến Hồi giáo mang tên Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông đã nhanh chóng phát triển. Cuộc tấn công của lực lượng võ trang thuộc hệ phái Sunni chống chính phủ Bagdad của phe Shia có khả năng làm nước Irak tan vỡ thành ba mảnh: Sunni, Shia và Kurdistan.

Trong vòng một tuần lễ, cuộc tấn công của phiến quân Sunni Irak dưới danh xưng Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông đã làm cho quốc gia Irak, sáng sinh từ đống tro tàn của đế chế Otttoman năm 1920, và độc lập năm 1930, chia thành ba khu vực.

Phía Tây Bắc do phe thánh chiến ước lượng từ 10 ngàn đến 15 ngàn quân kiểm soát. Phía đông, lực lượng võ trang của sắc tộc Kurdistan khẩn cấp bung ra bảo vệ vùng dầu hỏa Kirkouk, thủ phủ của khu tự trị sau khi quân đội chính phủ Irak bỏ chạy. Còn ở phía nam, chính phủ Maliki và đại bộ phận quân đội và an ninh Irak thuộc hệ phái Shia thiết lập hàng rào phòng thủ bảo vệ phần còn lại của lãnh thổ. Thanh niên Irak được giáo trưởng hệ phái Shiakêu gọi cầm súng chống phe Sunni.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: trước hết Nhà nước Irak và Trung Đông do ai chỉ huy? Mục tiêu chiến lược của phe Sunni cực đoan này là gì? Tại sao quân đội Irak, ít nhất là các đơn vị trấn giữ phía bắc tan rã nhanh chóng và hệ quả địa lý chính trị trong tương lai?

Lời giải đáp là một chuỗi nguyên nhân và hậu quả trùng trùng của chính sách kỳ thị của phe Shia do thủ tướng Maliki đại diện, bất chấp mọi khuyến cáo đưa đến sự hình thành của Nhà nước hồi giáo Irak và Trung Đông.

Abu Bakr Al-Baghdadi, một Ben Laden mới nhưng độc hiểm hơn Al Qaida

Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông là tên mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Irak do Abu Bakr Al-Baghdadi lãnh đạo, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Syria trước khi quay súng bắn sau lưng các lực lượng kháng chiến ôn hòa và Al Nostra của Al Qaida để tạo sức mạnh riêng.

Thoạt đầu, chiến binh của Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông được phe đối lập Syria ủng hộ nhiệt tình. Nhưng sau đó, hành vi bắt cóc thủ tiêu người không cùng phe đã làm tan rã liên minh chống nhà độc tài Bachar al Assad. Ngay Al Qaida tại Syria cũng là nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông.

Trong khu vực tây bắc Irak, lãnh địa của hệ phái Hồi giáo Sunni, quân đội Irak tan chảy như nước đá gặp mặt trời. Lực lượng thánh chiến Sunni tiến như chẻ tre, chiếm kho vũ khí đạn dược, chiến xa, trực thăng võ trang. Sau khi chiếm thành phố lớn thứ hai của Irak, chiến binh Sunni kéo quân tiến về thủ đô Bagdad cách đó 100 cây số về phía nam. Qua đoạn băng thu sẵn, Abu Bakr Al-Baghdadi lãnh tụ của Nhà nước Irak và Trung Đông thúc giục tiến chiếm thủ đô.

Theo các chuyên gia, tổ chức thánh chiến cuồng tín này được sản sinh từ Al Qaida và chiến dịch quân sự Anh-Mỹ năm 2003, lật đổ nhà độc tài Irak Saddam Husein. Tuy nhiên, người cha tinh thần của tổ chức không phải là Ben Laden mà là Abu Mussab Al- Zarkaoui, một kẻ tội phạm người Jordanie. Sau một thời gian trốn sang Afghanistan, đến 2002 nhân vật này về ẩn náo tại miền bắc Irak.

Khi liên quân Anh-Mỹ tiến vào Irak, quân đội Saddam Hussein thua trận nhưng đây là cơ hội để Abu Mussab Al- Zarkaoui ra tay. Tuy chỉ là cán bộ thừa hành của Al Qaida, nhưng Abu Mussab Al- Zarkaoui đã nhanh chóng cầm đầu chiến tranh chống « quân ngoại xâm ». Hàng loạt vụ khủng bố tự sát bằng xe bom nhắm vào quân nhân Mỹ, nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc, phóng viên quốc tế, doanh nhân và chủ nhân mới của Irak, chính trị gia theo hệ phái Shia đa số nhưng bị Saddam Husein trấn áp suốt ba thập niên.

Một hành động của Zarkaoui để « tạo uy tín » và gây chấn động công luận quốc tế là vụ đích thân ông ta chặt đầu doanh nhân Mỹ Nicolas Berg năm 2004. Một đặc điểm khác của Zarkaoui, và khác với Al Qaida, là ông ta thảm sát hàng loạt người Hồi giáo Shia với những đợt khủng bố bằng xe bom. Hành động này rất được lòng một bộ phận công luận Ả Rập Xê Út, vốn xem hệ phái Shia là bọn « khùng điên ».

Tuy nhiên, đầu não của Al Qaida nhất là bác sĩ Ai Cập Ayman Al-Zawari, bất bình chiến lược cực đoan này vì lo sợ hệ quả chia rẽ hàng ngũ Hồi giáo. Al Qaida ra lệnh cho Abu Mussab Al- Zarkaoui phải ngưng khủng bố người Shia Irak nhưng Zarkaoui bất chấp.

Đến năm 2006, Abu Mussab Al- Zarkaoui bị Không lực Mỹ oanh kích chết tại Dyala, quê hương của Abu Bakr Al-Baghdadi. Những năm kế tiếp, lực lượng thánh chiến do hành động cực đoan cuồng tín lộ ra khi chiếm Fallouja năm 2004 bị dân cư địa phương tẩy chay. Trong khi đó thì quân đội Mỹ và các lực lượng sắc tộc theo hệ phái Sunni thân Mỹ, quân đội Irak mới thành lập lại, tấn công ráo riết làm cho phe thánh chiến gần như tan hàng chỉ còn vài trăm quân.

Al Qaida liền điều một « ủy viên chính trị » bí danh Abu Hamza Al Mujaher đến Irak phối hợp với một thân hào người Irak lãnh đạo tổ chức và đặt tên Nhà nước Hồi giáo Irak. Thế nhưng đến tháng 4 năm 2010, hai lãnh đạo này bị oanh kích chết. Abu Bakr Al-Baghdadi lên cầm cương tổ chức võ trang, tuy lực lượng suy yếu, nhưng gồm những tay súng quen với chiến trường.

Tiếp theo đó, Mỹ rút quân, chính quyền Maliki tóm thâu quyền lực về tay phe Shia, kỳ thị người Sunni, và nạn tham nhũng đã tạo ra mảnh đất mầu mỡ cho tổ chức Nhà nước Irak phát triển lực lượng. Khi phong trào đòi dân chủ tại Syria biến thành nội chiến thì Nhà nước Irak đưa chiến binh sang Syria, đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông, công khai hóa mục tiêu chiến lược thành lập một quốc gia hồi giáo Sunni bao trùm phần lớn Irak và Syria.

Sức mạnh của Abu Bakr Al-Baghdadi là chỉ chém giết mà không bao giờ nói. Giới tình báo Tây phương chỉ có tấm ảnh bán thân duy nhất của lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông. Trong khi Ben Laden quay phim dàn dựng kịch bản tuyên truyền thì Abu Bakr Al-Baghdadi im lặng tạo ra một thứ huyền thoại kích thích giới trẻ bất mãn xã hội.

Do vậy, khi Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông tham chiến tại Syria thì hàng hàng tình nguyện quân từ bốn phương, Châu Âu, Úc, vùng Vịnh, Kavkaz đổ về gia nhập phong trào thánh chiến xuyên quốc gia thay vì theo lực lượng kháng chiến Quân đội Syria Tự Do do Tây phương yễm trợ hay tổ chức Mặt trận Al Nostra, bàn tay nối dài của Al Qaida tại Syria.

Theo đài truyền hình song ngữ Pháp-Đức Arte, tổ chức khủng bố này có từ 7000 quân tại Syria và 6000 tại Irak. Trong số này, có chiến binh Hồi giáo người Đức, Anh, Pháp và các nước Châu Âu khác.

« Chiến thuật của Stalin: chống thù nhưng giết bạn »

Trên chiến trường, Abu Bakr Al-Baghdadi chứng tỏ là một nhà chiến lược lợi hại. Quân của ông ta tránh giao tranh với quân đội Syria nhưng thừa cơ hội đánh úp Al Nostra và giành quyền kiểm soát biên giới hầu tạo ra một hành lang an toàn nối với…Irak.

Bị ám ảnh bởi kinh nghiệm 10 năm trước tại Irak vừa bị quân Mỹ tấn công vừa bị các đơn vị võ trang Sunni chống Al Qaida, Abu Bakr Al-Baghdadi áp dụng chiến thuật « tiêu thổ », thanh toán tất cả những người cùng chiến đấu chống Damas nhưng thuộc các tổ chức khác kể cả Al Qaida. Một nhà ngoại giao Tây phương nhận định: phương pháp của phe này là phương pháp của lực lượng cộng sản theo xu hướng Stalin trong chiến tranh Tây Ban Nha, tức là thanh toán lực lượng của Đệ tứ quốc tế và phe vô chính phủ thay vì đánh kẻ thù chính là nhà độc tài Franco ».

Khủng bố Hồi giáo mạnh vì quân đội Irak suy yếu

Theo phóng viên Céline Hennion của nhật báo Le Monde, chính sự tan hàng rã ngũ của quân đội Irak đã giúp cho lực lượng thánh chiến Hồi giáo tiến quân như gió lốc. Nguyên nhân đầu tiên là do chính quyền của thủ tướng Irak Maliki.

Không rõ có phải để trả thù hệ phái Sunni thiểu số trấn áp hệ phái Shia đa số suốt 100 năm hay không, hay do tâm lý nghi kỵ, Thủ tướng Maliki,cầm quyền đến nhiệm kỳ thứ ba, đã loại trừ người Sunni ra khỏi các chức vụ quan trọng trong quân đội. Biện pháp thanh trừng này làm cho lực lượng võ trang quốc gia suy yếu thêm.

Sai lầm thứ hai là chính phủ Irak từ đầu năm nay không phát lương cho lực lượng Sahwa, theo hệ phái Sunni, nhưng chống khủng bố từng chứng minh hiệu năng tiêu diệt Al Qaida ở các thành phố phía bắc.

Nhưng đối với các đối thủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama thì lỗi đầu tiên là do chính quyền đảng Dân chủ đã quyết định rút quân quá sớm trong khi quân đội Irak chưa đủ kinh nghiệm để đối đầu với một chiến trường rộng lớn.

Ngược lại, nhiều chuyên gia độc lập cho rằng căn nguyên nguồn cội là quyết định sai lầm của Tổng thống George W Bush. Khi lật đổ xong Saddam Husdein, toàn quyền Mỹ Paul Bremer đã xóa sổ quân đội Irak, giải thể các đại đơn vị, loại hết sĩ quan của đảng Baas. Sau đó, Hoa Kỳ chi ra hơn 25 tỷ đôla để thành lập quân đội mới. Không ít sĩ quan đảng Baas gia nhập Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông tạo vây cánh cho phe cực đoan.

Nguy cơ chia cắt lãnh thổ

10 năm khủng bố bạo lực đã làm hàng chục ngàn người chết và đào sâu hố phân cách giữa hai cộng đồng cùng tôn giáo nhưng khác hệ phái.

Ngày nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông trở thành đảng Sunni của Irak, và đã thành công « thánh chiến hóa » người dân trong vùng họ kiểm soát như Taliban đã làm ở vùng dân cư Pachtounes ở Afghanistan và Pakistan.

Nếu quân đội Irak không tái chiếm được miền bắc đã mất thì Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông sẽ thiết lập được một quốc gia mới mà giới phân tích gọi là Sunistan, chỉ gồm toàn dân cư thuộc hệ phái Sunni. « Quốc gia » này bao trùm phần lớn lãnh thổ của hai nước Irak và Syria.

Cách thức đối xử tàn bạo của Abu Bakr Al-Baghdadi ở Syria và ở những vùng mới chiếm đóng tại Irak như xử tử hàng ngàn binh sĩ Shia không cho phép lạc quan.

Một chuyên gia dầu khí có uy tín quốc tế, bà Ruba Husari phân tích: Hoa Kỳ đã phá bỏ các định chế chính trị quân sự của Irak, nhưng Thủ tướng Makiki mới là người đánh mất toàn vẹn lãnh thổ. Tương lai chính trị, kinh tế và dầu hỏa của Irak tùy thuộc vào khả năng của các thành phần chính trị người Sunni và Shia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước khi con tàu bị đắm. Tuy nhiên, chuyên gia này tỏ ý hoài nghi khả năng này nhất là ở phía đông bắc, người Kurdistan Irak đã khai thác thời cơ tung dân quân võ trang kiểm soát toàn lãnh thổ tự trị mà từ lâu nay họ muốn độc lập.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia quốc tế không nghĩ là Irak sẽ bị tan vỡ. Arthur Quesney thuộc viện Nghiên cứu Cận Đông của Pháp cho là các nhà hoạt động Hồi giáo Sunni kể cả phiến quân thật ra là những người có tinh thần dân tộc. Họ sử dụng chiêu bài tôn giáo để đòi hỏi quyền lợi chính trị, kinh tế tương xứng chứ không có ý chia cắt lãnh thổ.

Mỹ làm được gì?

Hy vọng cuối cùng của chính quyền Irak là hỏa lực của Mỹ. Nhà ngoại giao Brett McGurk, được gửi sang Bagdad khẩn cấp để điều nghiên tình hình và tìm cách giúp Maliki lôi kéo một bộ phận sắc tộc thuộc hệ phái Sunni thân Mỹ trợ lực cho chính phủ.

Ba năm sau khi triệt thoái toàn bộ 180 ngàn quân về nước vì Irak từ chối ký hiệp ước hợp tác song phương (Afghanistan cũng chưa chịu ký với Mỹ thỏa thuận tương tự) liệu Hoa Kỳ sẽ phải trở lại Irak? Chuyên gia Mỹ Brian Katulis cho rằng thế nào Washington cũng có biện pháp nhưng với cá tính thận trọng của chủ nhân Nhà Trắng, khó dự đoán hành động từ phía Hoa Kỳ.

Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Martin Dempsey xác nhận Irak đã chính thức kêu gọi Mỹ yểm trợ không lực. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ, tướng Martin Dempsey thẩm định chính chế độ Bagdad tự gieo gió gặt bão. Từ bao nhiêu năm nay, bất chấp khuyến cáo của Mỹ, chế độ Maliki đã khinh rẻ một bộ phận lớn dân chúng. Hệ phái Sunni bị loại ra khỏi các chức vụ quan trọng. Bagdad cũng không thực tâm hợp tác với lãnh đạo hệ phái Sunni và lãnh đạo Kurdistan. Nhiều sĩ quan bất mãn đã làm « tay trong » cho thánh chiến Hồi giáo. Cấp chỉ huy vắng mặt, binh sĩ cầm súng để làm gì?

Giúp Mỹ: Iran và Syria nhập cuộc cứu nguy Irak?

Theo chuyên gia Mỹ Brian Katulis, Hoa Kỳ chỉ có thể phản ứng “bên lề” bằng cách củng cố sức mạnh cho những nước có thể bị thánh chiến khuynh đảo như Jordanie và vùng Kurdistan tự trị. Một giải pháp chiến lược cấp vùng bao gồm cả Iran và Syria cần phải được tính tới.

Phải chăng đây là một trong những giải pháp mà Tổng thống Mỹ dự kiến khi ông tuyên bố « không loại trừ giải pháp nào » trừ đưa quân tác chiến trên bộ.

Những tuyên bố của Teheran, nơi hệ phái Shia nắm quyền như ở Irak, sẵn sàng giúp láng giềng chận làn sóng thánh chiến cực đoan vang lên như tiếng vọng từ Washington, kêu gọi Iran nỗ lực giúp Irak. Báo chí quốc tế trong đó có Le Monde xác nhận tướng Iran Qassem Suleimani, chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm Al-Qods của vệ binh Hồi giáo Iran đang có mặt tại Bagdad.

Từ Damas, tổng thống Bachar al-Assad, nhà độc tài mà Washington muốn lật đổ nhưng bị Nga chận lại vào phút chót, cũng lên tiếng đề nghị hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông.

Trong khi đó thì Israel, trong bài bình luận trên đài phát thanh quân đội, tỏ ý lo ngại động thái tiến gần lại nhau giữa Hoa Kỳ và Iran. Chưa biết mỗi bên sẽ khai thác tình hình Irak như thế nào để giành nhiều lợi thế nhất từ địa lý chiến lược, tài nguyên và sống còn chính trị?

Chỉ có Trung Quốc, rút kinh nghiệm mất cả chì lẫn chài ở Libya, tuyên bố sẽ bỏ hết đầu tư chạy về nước nếu Bagdad bị tấn công.
  Tú Anh
  (RFI) 

Truy tố “quý bà thành đạt” Trương Thị Tuyết Nga về tội lừa đảo

TTO - Viện KSND tối cao vừa tống đạt cáo trạng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, truy tố bà Trương Thị Tuyết Nga (người đoạt giải Quý bà thành đạt năm 2009, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Vũ Lan) về tội danh trên.
 
Bà Nga đang nghe cơ quan chức năng đọc quyết định khám xét nhà tại tòa nhà Ruby 2 (P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 27-4 - Ảnh: CTV

Theo cáo trạng, từ tháng 10-2007 đến tháng 1-2008, bà Trương Thị Tuyết Nga (53 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã thuê người vẽ thiết kế dự án đầu tư xây dựng trên khu đất thuộc P.Bình Khánh, Q.2 để xin cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, đơn xin cấp phép của bà Nga không được đồng ý. Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP.HCM đã có công văn trả lời với nội dung không chấp thuận cho bà Nga thực hiện dự án nhà ở cao cấp và trung tâm thương mại trên diện tích 35.000m2 tại P.Bình Khánh vì đó là khu dự án ga Thủ Thiêm.

Mặc dù vậy, bà Nga vẫn mang thiết kế này đi chào bán và đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 30.000m2 đất cho bà D.M.L, giám đốc một doanh nghiệp ở Q.3 với giá 1.800 USD/m2. Tổng giá trị cả lô đất là 54 triệu USD.

Theo hợp đồng, bà D.M.L đã chuyển 3,1 triệu USD cho bà Nga để đặt cọc trong thời gian chờ hoàn tất các giấy tờ, thủ tục và bàn giao. Tuy nhiên, trong thời gian trên, bà Nga đã mang một phần diện tích khu đất này bán cho ông T.V.M và thỏa thuận đặt cọc hơn 1,45 tỉ đồng.

Sau đó bà Nga tiếp tục làm hợp đồng ủy quyền toàn bộ lô đất này cho con trai là Vũ Hải Anh (đại diện Công ty TNHH đầu tư xây dựng Vũ Lan) toàn quyền chuyển đổi mục đích sử dụng, cho tặng, sang nhượng... để mang đến thế chấp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín, Chi nhánh Sài Gòn vay 131 tỉ đồng và lại mượn lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên để làm thủ tục tặng quyền sử dụng đất cho con trai.

Cho đến nay, bà Nga vẫn chưa hoàn trả tiền cho hai nạn nhân D.M.L và T.V.M. Viện KSND tối cao xác định hành vi của bà Nga phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên truy tố để xét xử theo quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao phát hiện thêm có hành vi “đưa hối lộ; làm môi giới hối lộ” nên đã khởi tố để điều tra làm rõ. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên cơ quan điều tra tách vụ án “đưa hối lộ; làm môi giới hối lộ” để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các cá nhân liên quan.
M.QUANG
(Tuổi trẻ)

Bộ GTVT: Đường lún sụt như ruộng bậc thang vì ... đông xe

Đường lộ mới chỉ đưa vào khai thác một thời gian ngắn là lún sụt, hư hỏng như ruộng bậc thang, ông thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đổ thừa cho “mật độ xe quá lớn”.


Người dân tố đường quốc lộ số 5 lún là do chất lượng thi công (đoạn Nguyễn Văn Vinh- Hải Phòng). (Hình: Dân Trí)

Hôm Chủ Nhật 22/6/2014, báo Đất Việt có một bài viết mô tả nhiều đường quốc lộ, đường cao tốc hoặc mới được đưa vào sử dụng, hoặc chỉ một thời gian ngắn là lún sụt, chỗ cao chỗ thấp như bậc thang, rất nguy hiểm cho xe cộ. Trước đó ba ngày, báo Dân Trí viết về quốc lộ số 5, từ Hà Nội đi Hải Phòng, mới được nâng cấp tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng “hằn lún như ruộng bậc thang” suốt quãng đường dài hơn 20km.
Ngày Thứ Hai 23/6/2014, theo tin Đất Việt, ông thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, Nguyễn Hồng Trường “cùng các bộ phận liên quan đã có buổi kiểm tra thực tế trên quốc lộ 5”. Kết quả ra sao?

"Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ tại sao lại có hiện tượng như vậy thì có những nguyên nhân cơ bản như sau: Thứ nhất là trong quá trình khai thác các vị trí ngã tư đèn đỏ, tại đó xe phanh lại để dừng chờ đèn, tạo ra sự trùng phục rất lớn gây lún đường. Bên cạnh đó, mật độ xe quá lớn chứng tỏ nền nhựa chưa đáp ứng được lưu lượng xe hiện nay. Vì thế mỗi ngày đường bị bào mòn và lún thêm một ít theo hằn bánh xe. Hiện nay Bộ GTVT đang phân tích hiện tượng này trên lập luận khoa học hoàn toàn không phải do chất lượng thi công". Báo Đất Việt đăng tải lời ông Nguyễn Hồng Trường giải thích.

Câu hỏi đặt ra là khi lập dự án xây dựng đường xá, chuyên viên của Bộ GTVT đã có tính tới mật độ xe cộ lưu thông “mật độ quá lớn” và “xe phanh lại chờ đèn” mà gây ra tình trạng lún sụt như thế không, để nó đủ sức chịu đựng?

Theo tờ Dân Trí, vì quốc lộ 5 xuống cấp nghiêm trọng  “lâu nay được cho là do xe quá khổ, quá tải”. Nhưng tuyến đường này vừa được “nâng cấp” hồi đầu năm 2014 thì “mặt đường còn nhẵn bóng, nguyên màu nhựa mới mà đã xuất hiện nhiều vết lún sâu hoắm”. Từng có các lời tố cáo xe tải 12 tấn hầu hết đã cơi nới để chở lên tới 30 tấn, đường lộ xây dựng không chịu đựng nổi. Được biết, tài xế các xe tải đều “làm luật” ở các trạm thu phí hay trạm kiểm soát nên dù chở “quá tải” đến đâu cũng không thành vấn đề.

Đây không phải chuyện hiếm hoi mà xảy ra trên cả nước từ bắc chí nam, ở mọi con đường được nhà nước CSVN đầu tư xây dựng với tốn kém đắt gấp ba gấp bốn lần chi phí xây dựng đường xá ở Mỹ.
Theo tờ Đất Việt ngày 21/6/2014 đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình dài hơn 100km “mới thông xe hơn một năm nay, nhưng đoạn đường này đã xuất hiện những điểm lún mang tính "tử thần" mà giới tài xế chạy xe tải chuyên nghiệp nói rằng tai nạn xảy ra rất thường trên con đường cao tốc “tử thần”.

Theo báo cáo của Kiểm Toán Nhà Nước, đoạn đường Cầu Giẽ-Ninh Bình được “đội vốn” xây dựng hai lần, từ 3,734 tỉ đồng lên thành 8,974 tỉ đồng khi hoàn tất. Vậy mà vẫn không có được một con đường tử tế. Cơ quan vừa kể báo cáo tình trạng “đội vốn” nhiều như thế chỉ vì “bớt xén đủ kiểu” của đám quan chức Bộ GTVT.

Đã vậy, đám quan chức “kiểm định chất lượng công trình” cũng được chia chác đầy đủ nên “lộ ra nhiều điều vi phạm”. Vật liệu không đúng tiêu chuẩn cũng cho qua. Chiều dày của các lớn kết cấu “không đạt yêu cầu thiết kế” cũng cho qua. Các bên liên quan tới xây dựng cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình không hư hỏng sớm mới là điều lạ.

Theo VNExpress ngày 28/5/2014, tuyến quốc lộ Uông Bí – Hạ Long vừa được khánh thành ngày 18/5/2014 sau hơn 2 năm xây dựng, tốn kém 2,800 tỉ đồng đầu tư. Tuy nhiên, “Đoạn đường gần 9 km trên địa bàn thành phố Hạ Long từ khu Đồn Điền (phường Hà Khẩu) đến khu 2 (phường Đại Yên) xuất hiện nhiều rãnh lún dài theo vết xe. Hiện tượng lún, vỡ mặt nhựa thấy rõ nhất tại một số đoạn qua tổ 91 khu Đồn Điền. Có những vết nứt dài 3-5 m, lún sâu 4-5 cm so với mặt đường. Nhiều chỗ lớp nhựa mới trải bung ra lộ rõ nền đường cũ”.

Theo tờ Đất Việt “Được đánh giá là dự án chiến lược về quy hoạch phát triển giao thông đô thị của thành phố Sài Gòn, đại lộ Đông Tây được đầu tư xây dựng với tổng số vốn lên đến hơn 13,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đưa vào sử dụng để giảm tải cho liên tỉnh lộ 25B, mặt đường phía quận 2 từ giao lộ Đồng Văn Cống - đại lộ Đông Tây đến cầu vượt Cát Lái bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt, lún, nhiều chỗ bị nứt. Tất cả các đoạn đường cứ chỗ lồi, chỗ lõm, nhìn đúng như ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Tây Bắc.”

Ngày 22/4/2014 nhà cầm quyền trung ương CSVN ban hành nghị định số 32/2014/NĐ-CP về “Quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc”. Tại điều 11 của nghị định này viết rằng “Công trình đường cao tốc chỉ được đưa vào khai thác sử dụng khi bảo đảm yêu cầu thiết kế, bảo đảm chất lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định và phương án tổ chức giao thông được phê duyệt”.

Theo Bộ Xây dựng CSVN, vốn đầu tư (mức chi phí cần thiết để đầu tư xây dựng công trình mới, tính cho một đơn vị diện tích) làm đường cao tốc bốn làn xe ở Việt Nam “bình quân khoảng 11.8 triệu USD/km (tương đương 240 tỉ đồng). Trong đó, khu vực đồng bằng Nam Bộ là trên 17 triệu USD/km (tương đương khoảng 360 tỉ đồng), thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc (khoảng 7 triệu USD/km, tương đương 150 tỉ đồng).”

Trong khi đó, làm xa lộ ở Mỹ chỉ tốn 4.5 triệu USD/km, còn ở Trung quốc tốn khoảng 5 triệu USD/km.

Dù vậy, không có cuộc điều tra nào quy trách nhiệm cho bất cứ quan chức nào về phẩm chất của các đường lộ “ruộng bậc thang” và tìm hiểu xem cái “đội vốn” khủng khiếp đó chui vào chỗ nào, túi ai.
  (Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét