Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Lộ dần phi trường, cảng biển Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma

Lộ dần phi trường, cảng biển Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma

Thêm tài liệu cho thấy Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch lấn chiếm ở Biển Đông mà hiện đang lộ dần một đảo nhân tạo có cả phi trường, cảng biển ở Trường Sa.


Đồ họa đảo nhân tạo Johnson South Reef (Việt Nam gọi là Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) với phi trường, cảng biển hiện Trung Quốc đang ra sức tạo dựng từ bãi đá ngầm. (Hình: SCMP)

Theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Bảy, những gì tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino tố cáo những ngày gần đây đang đang được giới chuyên viên Trung Quốc nhìn nhận.
Bắc Kinh đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma (Xích Qua Tiêu) cướp của Việt Nam năm 1988 thành một đảo nhân tạo khổng lồ. Trên đó có cả phi đạo cho máy bay lên xuống, cảng biển riêng cho tàu quân sự và tàu dân sự. Lại còn có cả khu vực gia cư, khu du lịch, tất cả xây dựng trên đảo nhân tạo đang được các máy hút cát dưới lòng biển làm thành dần dần.

Khi tổng thống Phi tố cáo tuần trước, ông chỉ có những tấm hình chụp không ảnh các hoạt động hút cát để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi. Tấm đồ họa của báo SCMP cho người ta nhìn thấy rõ hơn về quy mô của đảo nổi Xích Qua Tiêu mà 64 người lính CSVN đã thiệt mạng năm 1988 vì bị tàu Trung Quốc xả súng bắn chết để cướp bãi đá ngầm này.

Khi Xích Qua Tiêu (Chi Gua Jiao) trở thành một căn cứ qui mô nổi trên biển rộng khoảng 30 hecta, căn cứ của Việt Nam xây dựng tại đảo đá Cô Lin ( khoảng 1.9 hải lý tây bắc Gạc Ma) chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ so với đảo nhân tạo Gạc Ma hay Xích Qua Tiêu. Nó sẽ là nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự để uy hiếp cả Phi Luật Tân và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Riêng với Phi Luật Tân thì an nguy quốc gia của họ bị đe dọa thật gần.

Theo các nhà phân tích thời sự, hành động đang thực hiện của Trung Quốc là đi từ phòng vệ sang tấn công. Khi phi trường ở Xích Qua Tiêu hoàn thành, với phi trường đã có sẵn ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh sẽ có cớ thành lập “vùng nhận dạng phòng không trên biển” trùm cả Biển Đông. Đây là điều từng được nhiều nước lo ngại sẽ xảy ra khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm ngoái.

Bắc Kinh chối không lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhưng khi đã có phi trường ở cả hai đầu đông tây của Biển Đông rồi, chuyện gì cũng có thể xảy đến.
(Người Việt)

Khi người đấu tranh "tự sướng" !

"...Các nhà đấu tranh chính trị theo cảm tính thường rất sợ sự thật và rất ghét sự thật, vì sự thật làm tan vỡ những ảo tưởng mà họ đang nuôi dưỡng. Do đó, việc phá vỡ những ảo tưởng này thường bị ghép tội là "tay sai cộng sản" nên ít ai muốn làm..."

Lãnh đạo thế giới? nguồn Internet
Tôn Tử nói: "Tri bỉ tri kỷ giả, bách chiến bất đãi, bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ, bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi", có nghĩa là "Biết địch biết ta, trăm trận không bại, biết ta mà không biết địch trận thắng trận bại, không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại".

Người Việt đã biến câu này thành một câu tục ngữ ngắn gọn: "Tri bỉ tri kỷ bách chiến bách thắng", tức biết mình biết người trăm trận trăm thắng. Gần như người Việt đấu tranh nào cũng thuộc câu này, nhưng từ thời còn Việt Nam Cộng Hòa đến khi ra hải ngoại, ít ai chịu áp dụng câu này vào đấu tranh, nên thường trắng tay!


Nhắc lại kịch bản vừa qua

Trong hai bài trước, chúng tôi đã nói đến 3 kịch bản mà Hà Nội đã soạn sẵn để vô hiệu hóa những biến loạn có thể xảy ra trong nước khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông:

  • Kịch bản 1: Tổ chức biểu tình bạo động chống Trung Quốc để có lý do ra lệnh cấm biểu tình và bắt các thành phần nguy hiểm, rồi đổ tội cho đặc công của Trung Quốc, đảng Việt Tân và các thành phần bất hảo trong xã hội.
  • Kịch bản 2: Cho tàu đánh cá và tàu hải giám ra chạy vòng quanh vị trí đóng quân theo "chiến lược bắp cải" của Trung Quốc trên biển để chứng tỏ Việt Nam đang đối đầu với Trung Quốc!
  • Kịch bản 3: Tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc để chứng tỏ Việt Nam không sợ Trung Quốc.

Hôm nay chúng tôi nói đến Kịch bản 4 là thổi phồng bài diễn văn của Tổng thống Obama đọc tại trường West Point để trấn an dư luận. Nhiều người tưởng thật nên đã "tự sướng"!

RFA bắn phát súng đầu tiên

Hôm 28/5/2014, khi Tổng thống Obama vừa đọc xong bài diễn văn nói về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Học viện Quân sự ở West Point, New York, Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho phổ biến ngay bài "Hoa Kỳ sẵn sàng đáp lại sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông" với câu mở đầu rất phấn khởi:

"Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong bài nói chuyện về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại học viện quân sự West Point ngày hôm qua, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đáp lại sự gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng của họ.

Đọc lại toàn bài diễn văn của Tổng thống Obama, chúng tôi thấy chỉ có 4 câu có chữ China, nhưng không có câu nào nói rõ rằng "Hoa Kỳ sẵn sàng đáp lại sự gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng của họ".

Qua ngày 30/5/2014, Đài RFA đã bồi thêm bài phỏng vấn Thạc sĩ Hoàng Việt, được giới thiệu là giảng viên luật quốc tế trường Đại học Luật Sài Gòn, về bài diễn văn của Tổng thống Obama với đầu đề "Học giả Việt Nam tiếc thông điệp Obama đến muộn". Ông Việt tuyên bố rất ngon lành:

"Cá nhân tôi cho rằng, đó là một tín hiệu rất tốt. Và nếu Hoa Kỳ đã có những tiếng nói mạnh mẽ hơn như vậy, nếu Hoa Kỳ đưa ra sớm từ đầu thì có lẽ đã ngăn chặn được sự leo thang của Trung Quốc như thời gian vừa rồi. Và tôi đã từng nói, trên thế giới này để kiềm chế được tham vọng của Trung Quốc đối với các vùng biển, trong đó đặc biệt là Biển Đông thì chỉ có một quốc gia có thể làm được đó là Hoa Kỳ".

Thạc sĩ Hoàng Việt cũng đang "tự sướng"!

Phải chăng RFA đang tham gia chiến dịch trấn an dư luận của Hà Nội?

Hà Nội tương kế tựu kế ngay

Sau bản tin của đài RFA, Hà Nội tương kế tựu kế ngay. Báo vietnamnet.vn mở đầu cái tít lớn: "Obama: Mỹ sẵn sàng đối phó với 'gây hấn' ở Biển Đông"! Báo thanhnien.com.vn cũng có đầu đề tương tự: "Tổng thống Obama: Mỹ có thể động binh nếu biển Đông bất ổn". Báo baodatviet.vn lặp lại luận điệu của báo Thanh Niên và cho biết đến ngày 19/6, Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Mỹ có đủ 100.000 chữ ký để gởi thỉnh nguyện thư đến Tòa Bạch Ốc yêu cầu xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Trung Quốc. Người đại diện của nhóm này nói rằng "đây là cách hiệu quả duy nhất"!

Đến ngày 29/5/2014, báo Người Lao Động chơi một cái đề rất ngon lành: "Mỹ lên tiếng ủng hộ Việt Nam" (!) với lời loan báo: "Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28/5 cảnh báo Washington sẵn sàng đáp trả "sự gây hấn" của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng, đồng thời nhấn mạnh quân đội nước này có thể buộc phải vào cuộc".

Thế là ngay sau đó, những người chống cộng ở hải ngoại đã phấn khởi chuyển những bài báo đó đi trên khắp thế giới qua các diễn đàn Internet và "tự sướng"! Chuyện "hòa hợp trong ngoài" như thế này ít khi xảy ra.

Sự thật như thế nào?

Sau khi đọc toàn văn bài diễn văn của Tổng thống Obama, các bản tin và nhận định trên đài BBC và nhất là đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy chính sách đối ngoại mà Tổng thống Obama đưa ra hoàn toàn khác hẳn với những gì đài RFA và các báo trong nước đã loan và người Việt chống cộng ở hải ngoại "tự sướng" chuyển đi.

Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến tahwm TQ năm 2009 .Nguồn: Reuters

Đài BBC ngày 29/5/2014 đã đưa lên bài "Obama: ‘Mỹ cần kiềm chế ở nước ngoài'" với lời nhấn mạnh của Tổng thống Obama về chính sách đối ngoại của Mỹ:

"Trước hết, tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc mà tôi đã đặt ra từ khi nhậm chức tổng thống - Hoa Kỳ sẽ sử dụng quân đội, đơn phương nếu cần thiết, nếu cần cho lợi ích cốt lõi của chúng ta - trong trường hợp người dân chúng ta bị đe dọa, nguồn sống chúng ta gặp nguy hiểm hay an ninh của các nước đồng minh bị thách thức".

Qua lời tuyên bố này chúng ta thấy Tổng thống Obama cho biết Hoa Kỳ chỉ sử dụng quân sự trong 4 trường hợp sau đây:

1. Khi cần thiết cho lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ
2. Khi dân chúng Hoa Kỳ bị đe dọa.
3. Khi nguồn sống của Hoa Kỳ gặp nguy hiểm, và
4. Khi an ninh của các nước đồng minh bị thách thức.

Đồng minh của Mỹ hiện nay là các nước trong khối NATO ở Âu Châu và 8 nước ở những nơi khác là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Singapore, Úc, Kuwait và Pakistan.

Về an ninh thế giới, ông Obama nhận định:

"Hành động gây hấn trong khu vực mà không bị kiểm soát - cho dù ở miền nam Ukraine hay biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới - cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của chúng ta, và có thể lôi cuốn quân đội chúng ta can dự".

Trong những trường hợp này, ông Obama nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn sẽ lãnh đạo nhưng cần "tránh những sai lầm đắt giá" trong quá khứ và cho biết chính sách ngoại giao mới của Hoa Kỳ sẽ dựa trên "hành động mang tính tập thể" với đồng minh.

Ông quay lại tấn công Thượng Viện Hoa Kỳ vì cho đến nay cơ quan này vẫn chưa chịu phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mặc dầu lúc nào Hoa Kỳ cũng to tiếng đòi các nước khác phải tôn trọng công ước này. Ông nói:

"Chúng ta không thể cố gắng giải quyết những vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa khi chúng ta không chịu đảm bảo rằng Công ước về Luật Biển được phê chuẩn, dù thực tế là các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của chúng ta nói rằng hiệp ước đó giúp thăng tiến an ninh quốc gia của chúng ta. Đó không phải là sự lãnh đạo, đó là sự thoái lui. Đó không phải là sức mạnh. Đó là sự yếu kém".

BBC cho biết hôm 28/5/2014, một nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ nói sự "thiếu quyết đoán và thận trọng quá mức" của ông Obama "khiến người ta phải lo lắng". Bản tin đài VOA ngày 28/5/2014 của thông tín viên Luis Ramirez tại Tòa Bạch Ốc nói rằng các giới chỉ trích đã gọi chính sách ấy là không rõ rệt và nhu nhược.

Những tiếng sấm nổ ở Shangri-la?

Để làm giảm bớt những chỉ trích về chính sách của Hoa Kỳ, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Á Châu ở khách sạn Shangri-La, Singapore, hôm 31.5.2014, gồm đại diện 28 quốc gia Á Châu Thái Bình Dương tham dự, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel đã cho nổ lớn:

“Những tháng vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành những hành động đơn phương gây bất ổn trên Biển Đông” và “Chúng tôi kiên quyết chống lại bất cứ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền từ bất cứ quốc gia nào” , đồng thời ông chỉ rõ “các nguyên tắc căn bản của trật tự thế giới.”

Trước đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và hăm dọa trong những tranh chấp chủ quyền là hành động không thể biện hộ. Ông tuyên bố:

“Nhật Bản sẽ ủng hộ tối đa nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong việc đảm bảo an ninh vùng trời, vùng biển và duy trì triệt để tự do hàng hải, hàng không… Nhật có kế hoạch đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn so với thời điểm hiện nay để đảm bảo cho châu Á và thế giới được hòa bình hơn.”

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang “bán cái” Biển Đông cho Nhật.

Phó Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) cộc cằn, to tiếng lên án Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ và Thủ Tướng Nhật Bản đã có lời lẽ “khiêu khích”. Còn Thiếu Tướng Chu Thành Hổ, Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc dọa: “Nếu Mỹ xem Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc sẽ thành kẻ thù.”

Hôm 31/5/2014, Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam, đã đọc một bài diễn văn gồm toàn những sáo ngữ, chẳng nói lên được chuyện gì. Trong hội nghị năm ngoái, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đọc một bài diễn văn như thế. Đây là lối viết theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” giống các nghị quyết của các đại hội Đảng, không dùng trước công luận quốc tế được.

Được thành lập từ 2001, đến nay đã 13 năm, Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Á Châu chưa làm được trò trống gì ngoài việc đọc diễn văn. Có thể nói các hội nghị này cũng chỉ là những kịch bản. Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen nói:
“Không giống như Châu Âu, ở đây không có cơ chế liên kết cảnh báo bùng nổ xung đột khu vực. Cho đến nay, sức mạnh duy nhất kiềm chế các nước là lợi ích mà bản thân mỗi nước có được từ phát triển kinh tế.”
Nói với những kẻ sợ sự thật

Các nhà đấu tranh chính trị theo cảm tính thường rất sợ sự thật và rất ghét sự thật, vì sự thật làm tan vỡ những ảo tưởng mà họ đang nuôi dưỡng. Do đó, việc phá vỡ những ảo tưởng này thường bị ghép tội là “tay sai cộng sản” nên ít ai muốn làm. Ấy thế mà anh Bùi Văn Tuyên dám làm.

Trước sự hồ hởi về cái bong bóng diễn văn Obama do đài RFA tung ra, được báo chí trong nước phổ biến rộng rãi để trấn an dư luận, và được các nhà đấu tranh ở hải ngoại hăng say chuyển đi, ngày 1.6.2014 anh Bùi Văn Tuyên (tuyenvanbui@gmail.com) đã phóng lên các diễn đàn bài “Truyền thông VN “tự sướng” theo kiểu AQ bên Tàu”, yêu cầu độc giả đọc toàn bài diễn văn của Tổng Thống Obama với lời ghi chú vắn tắt như sau:

“Tôi thấy cần phải nói lại với các anh chị là hiện nay có nhiều báo đưa thông tin không đúng sự thật trên báo chí tiếng Việt không những ở tít mà ở cả nội dung, sai với chính sách của Mỹ vừa được Obama đề ra.”

Sách “Nam Kha ký thuật” của Lý Công Tá đời Đường có kể truyện Thuần Vu Phần nằm mộng thấy mình đi lạc vào một nước tên là Hòe An, được vua Hòe An cho vào bái yết rồi gả con gái, cho làm phò mã và đưa ra quận Nam Kha làm quan Thái thú, cai trị cả một vùng rộng lớn, vinh hoa phú quý tột bậc. Khi tỉnh dậy, Thuần thấy mình đang nằm dưới gốc cây hòe, chung quanh có một đàn kiến đang bu. Vì thế Cung oán ngâm khúc mới có câu:
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình chiêm bao.
Người Việt đấu tranh đã “bừng con mắt dậy” hai lần đau điếng, một lần năm 1954 và một lần năm 1975, nhưng sau đó lại ngủ tiếp!

Chúng tôi sẽ nói đến các hành động lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc theo “chiến lược bắp cải” trong giai đoạn sắp đến, Việt Nam và các nước trong vùng sẽ đối phó như thế nào.
05/06/2014)
Lữ Giang
DCVOnline

ASEAN và Việt Nam thời biển động

Trong liên quan với vụ việc Giàn khoan HD-981 thời gian vừa qua, Việt Nam lại một lần nữa gặp phải một thất bại ngoại giao đáng kể. Mặc dù chính phủ Việt Nam tuyên truyền qua báo chí trong nước là những tuyên bố mạnh mẽ của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar ngày 11.5.2014, lên án việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào sâu lãnh hải Việt Nam, kêu gọi các nước ASEAN lên tiếng phản đối Trung Quốc và đề nghị đưa các nội dung liên quan tới tranh chấp trong Biển Đông vào tuyên bố chung của hiệp hội, đã gặp được đồng thuận và ủng hộ của các nhà lãnh đạo của tổ chức khu vực này, nhưng sự thực mà ai cũng biết là trong tuyên bố chủ tịch, các nước ASEAN chỉ  “biểu thị các quan ngại đặc biệt trước các diễn biến trong Biển Đông” và “kêu gọi các bên… thực hành tự kiềm chế, không dùng tới đe dọa hay sử dụng vũ lực, và giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình theo các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982.”, hoàn toàn không đả động một lời tới Trung Quốc. Các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tuy sau đó có đưa ra một tuyên bố riêng về Biển Đông, nhưng lời lẽ thì không khác gì mấy lời lẽ của tuyên bố chủ tịch trên.

Thất bại này là thời điểm để Việt Nam cân nhắc lại một cách có tính phê bình quan hệ của mình với ASEAN; mà trước hết là xem xét lại những sai lầm, thiếu sót và sao nhãng của bản thân để thu được những bài học bổ ích và xác định hướng đi cho thời gian tới.

Những căng thẳng trong Biển Đông tầm cỡ như vụ việc Giàn khoan HD-981 từ trước tới nay có nhiều và phản ứng chung của các nước ASEAN từ trước tới nay vẫn vậy, vẫn là chung chung, không có tuyên bố rõ ràng, dứt khoát gì đặc biệt. Nhiều nước ASEAN vẫn luôn nêu cao quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ, từ chối không đưa các vấn đề song phương vào các chính sách, tuyên bố chung.

Điển hình gần đây nhất là vụ đụng độ trực tiếp giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough kéo dài từ tháng 4 tới khoảng tháng 7 năm 2012 với kết quả là Trung Quốc chiếm kiểm soát thực sự bãi cạn này và những vùng biển xung quanh và tiếp theo là việc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (international Tribunal for the Law of the Sea). ASEAN thực chất đã hoàn toàn im lặng trong thời gian vụ việc xảy ra. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh 2-3.4.2012 và sau đó tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào ngày 29.5.2012, các quốc gia thành viên đã không đưa ra bất kỳ một tuyên bố hay thông cáo nào ủng hộ nước thành viên của họ là Philippines. Tiếp sau đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 họp vào các ngày 9-13.7.2012, khi Philippines đòi hỏi tuyên bố chung phải phản ánh các cuộc tranh luận quanh vấn đề tranh chấp giữa nước này và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Việt Nam muốn tuyên bố chung nói đến các vùng đặc quyền kinh tế EEZ thì do mâu thuẫn trong nội bộ ASEAN, nhất là quan điểm chống đối của nước giữ ghế chủ tịch Campuchia, hội nghị này kết thúc mà không đưa ra được kỳ một thông cáo chung nào, một sự việc lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử 45 năm của tổ chức này.

Đó là thái độ phản ứng của ASEAN nói chung. Còn thái độ phản ứng chính thức của Việt Nam là như thế nào? Rất đáng tiếc là cũng không có gì đặc biệt, lời lẽ của  Việt Nam có thể nói là hết sức chung chung và không thể ngoại giao hơn, “Việt Nam hết sức quan ngại tới vụ việc Scarborough và kêu gọi các bên tham gia cần thực hành kiềm chế và giải quyết các xung đột một cách hòa bình dựa trên nền tảng của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông, nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn biển tại Biển Đông và khu vực.” (Xem Scarborough Shoal dispute of ‘concern’ trên Việt Nam News ngày 26.4.2012)

Tuyên bố chính thức của các nước ASEAN khác trước vụ việc này cũng chẳng có gì hơn, nếu không nói là còn xấu hơn. Thí dụ như Malaysia, tuy lúc đầu có tuyên bố “ủng hộ kêu gọi của Philippines cho một giải pháp hòa bình” (nhấn mạnh được bổ sung) trong tranh chấp Scarborough với Trung Quốc theo luật pháp quốc tế (xem Malaysia too wants peace in Panatag Shoal trên Inquirer), thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, trước việc Trung Quốc tăng cường tuần tra hải giám Biển Đông, nước này đã cho các nước ASEAN biết rằng họ có thể làm việc riêng với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trong Biển Đông, không cần để ý tới yêu sách (chủ quyền) của các nước khác. “Chỉ vì các anh có kẻ thù không có nghĩa là kẻ thù của các anh cũng là kẻ thù của tôi.” (Xem Malaysia Splits With Asean Claimants on China Sea Threat trên Bloomberg ngày 29.8.2013.)

Chỉ cần xem xét vụ việc trên cũng thấy Việt Nam không nên và không thể mong đợi ủng hộ gì hơn từ phía ASEAN. Hơn nữa, hoàn toàn không có gì là quá đáng khi nói Việt Nam cũng không có tư cách gì để đòi hỏi một sự ủng hộ cao hơn. Mặt khác, có thể thấy ASEAN càng ngày càng hiện hình rõ là một tổ chức khu vực không có gì là hùng mạnh, có thế lực đáng kể, cả về mặt kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao, nếu không muốn nói là lỏng lẻo và yếu kém.

Vài nét sơ lược về hội nhập của Việt Nam vào ASEAN

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào tháng 7 năm 1995, nhưng việc “đi lại” giữa hai bên đã bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975.

Trong cuốn Hồi ức và Suy nghĩ của Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, người ta có thể đọc thấy: “Nể sợ sức mạnh quân sự và ý chí kiên cường của Việt Nam, mặt khác lo ngại mối đe dọa từ nước Trung Hoa khổng lồ tăng lên một khi Mỹ rút khỏi Đông Nam Á, đồng thời lại có yêu cầu phát triển kinh tế, các nước ASEAN sốt sắng bình thường hóa cải thiện quan hệ với Việt Nam.” Nhưng “… (Việt Nam) làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực này…”

Các tài liệu phân tích nước ngoài về thời kỳ này nói chung là thống nhất với nhận xét của ông Trần Quang Cơ. Tuy có khác biệt nhất định trong quan điểm, xu hướng nói chung của năm nước sáng lập ASEAN, đặc biệt là Malaysia, là quan tâm tới việc lôi kéo Việt Nam vào tham gia ASEAN. Vào tháng 2 năm 1973, tức là chỉ vài tuần sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27.1.1973, sau một hội nghị đặc biệt của ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên đã ra tuyên bố chung thể hiện rõ mong muốn mở rộng hiệp hội. Trong các Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN  các năm 1976 và 1977, các nước thành viên đều biểu thị sẵn sàng phát triển quan hệ có thành quả và hợp tác hai bên cùng có lợi với các nước khác trong khu vực, nhắm định trước hết là tới Việt Nam. Động cơ ASEAN muốn lôi kéo Việt Nam về phía mình trước hết gồm có động cơ an ninh, sau là động cơ kinh tế.

Cần nhắc lại ở đây là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến sự ra đời của ASEAN là lo ngại trước sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Hai thế lực cộng sản chính ở Đông Á và Đông Nam Á lúc đó là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam không phải là đối tượng để họ lo ngại chính, nỗi lo sợ lớn nhất là Trung Quốc. Điều này không chỉ xuất phát từ sức mạnh nổi trội của Trung Quốc mà còn vì những chính sách hung hãn của nước này. Tất cả năm nước sáng lập ASEAN đều phải đối đầu với thực trạng Bắc Kinh tìm cách điều động các nhóm cộng sản, trong đó có nhiều nhóm của Hoa kiều, đột nhập vào lãnh thổ, sau đó thâm nhập vào đời sống chính trị, xã hội các nước này. Quan hệ của các nước ASEAN, đặc biệt là Indonesia và Philippines, với Trung Quốc vì thế xấu đi một cách nghiêm trọng từ những năm cuối thập kỷ 1960.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam, tuy có những e dè nhất định trước quốc gia có định hướng cộng sản Việt Nam, các nước ASEAN có tính toán rằng nếu Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, nghiễm nhiên nguy cơ đe dọa của nước cộng sản này sẽ không còn nữa; hơn thế nữa, Việt Nam sẽ trở thành rào cản vững chắc phía Bắc trước tiềm năng bành trướng của Trung Quốc (một sứ mệnh Việt Nam đã đảm nhiệm trong nhiều thế kỷ). Vì Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo ở Bán đảo Đông Dương nên việc nước này hội nhập vào ASEAN sẽ làm cho vai trò, thế lực của tổ chức này sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, ASEAN còn có quan tâm lớn tới thị trường Việt Nam và các cơ hội đầu tư vào nước này.

Việt Nam đã từ chối không tham gia ASEAN. Sau khi không bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam định hướng vào Liên bang Xô-viết. Thời kỳ từ năm 1978 tới năm 1989 thực chất là thời kỳ các nước ASEAN hiệp lực, có hợp tác với Trung Quốc ở mức nhất định, đối phó với Việt Nam sau Chiến tranh Biên giới Tây Nam, với việc Việt Nam đem quân vào Campuchia tháng 12.1978. Từ thời điểm này trở đi và sau thất bại ngoại giao, Việt Nam dần dần rơi vào thế cô lập, chỉ có quan hệ đáng kể  với Liên bang Xô-viết, và tình trạng này kéo dài mãi tới đầu thập kỷ 1990. Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, Việt Nam rơi vào thế hoàn toàn cô lập, khủng hoảng kinh tế trầm trọng và tìm cách bằng mọi giá thoát ra khỏi tình thế bi đát này. Năm 1992, Việt Nam biểu thị sự quan tâm gia nhập ASEAN và sau các đợt đàm phán, trở thành thành viên chính thức của tổ chức khu vực Đông Nam Á này vào tháng Bảy năm 1995. Tuy nhiên, tuyên bố chính thức về ý định gia nhập ASEAN của Việt Nam chỉ được đưa ra sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, để tránh nước này phật ý.

Vì các lý do tương tự như những lý do trong các năm 1970 đã nêu ở phần trên, các nước ASEAN đồng tình và chào đón ý tưởng hội nhập của Việt Nam. Thực chất là ASEAN và Việt Nam đều cần đến nhau để tăng đối trọng trong quan hệ của họ với “người khổng lổ” Trung Quốc. Việt Nam không gặp phải cản trở gì lớn trong quá trình thương thuyết hội nhập. Tuy nhiên, nước này hình như lại quá hài lòng với vai trò thành viên trong ASEAN, không có nhiều nỗ lực tìm kiếm, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ, ở mức độ sâu sắc, với các quốc gia khác trên thế giới.

Một tổ chức khu vực nhiều phần yếu kém

Trong so sánh tương đối với các chức khu vực khác trên thế giới, ASEAN được cho là một tổ chức lỏng lẻo và có phần yếu kém. Trong bài viết có tiêu đề “Thất bại của ASEAN” (The Failure of ASEAN) đăng trên The Chicago Journal of Foreign Policy ngày 21.1.2014, tác giả Tommie Thompson có những đánh giá hết sức xác đáng:

“… khác với các tổ chức khu vực khác như Liên minh châu Âu hay Liên đoàn Ả-rập, ASEAN thiếu một khung cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Một phần, đó là do quá khứ lịch sử khác biệt của các dân tộc Đông Nam Á. Khác với châu Âu hay Trung Cận Đông, các nước Đông Nam Á có lịch sử phát triển dân tộc, cơ cấu nhà nước, bản sắc văn hóa khác nhau; các yếu tố dẫn đến việc thành lập của ASEAN là một quá khứ thuộc địa chung và vị trí gần gũi, chứ không phải là thống nhất văn hóa hay các mối quan tâm lợi ích chung rõ ràng (xin cân nhắc các mối quan tâm lợi ích khác biệt của các nước Đông Nam Á với các hình thức nhà nước khác nhau, từ dân chủ tới độc tài quân sự triệt để).

Hiện nay, các giá trị của nhóm ASEAN, được gọi là ‘Con đường ASEAN’, nhấn mạnh vào chủ nghĩa tự nguyện và tự quyết – ban đầu, thậm chí một tuyên bố công khai không đồng tình với một hay nhiều thành viên khác cũng không được cho phép đưa ra. Mặc dù điều này có thể bảo vệ các nước Đông Nam Á trước một kiểm soát kiểu gia trưởng từ phía một tổ chức siêu dân tộc, điểm mà họ lo ngại do quá khứ lịch sử thuộc địa, nó khiến tổ chức này trở nên vô tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực có ý nghĩa quan trọng. Mục đích chính của điều này, ít nhất là về mặt thực tế, là bảo vệ chủ quyền dân tộc. Một thí dụ: trong những năm 1970, nhằm theo đuổi hội nhập kinh tế, với tuyên bố Vùng Hòa bình, Tự do và Trung lập ZOPFAN, ASEAN tập trung vào việc cắt giảm ảnh hưởng của phương Tây. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức của ASEAN về cơ bản khác với cơ cấu tổ chức của các tổ chức khu vực khác ở chỗ là nó hoạt động như một diễn đàn không chính thức hơn là một trường đàm phán. Cách thức này dựa vào các đồng thuận yếu lỏng, thậm chí còn kém mạnh mẽ so với các thỏa thuận không ràng buộc của Liên Hiệp Quốc được tăng cường hiệu lực bởi ‘các chuẩn mực quốc tế’, làm cho cộng tác chung trở thành bất khả thi. Nhiều nước, tuy vậy, ý thức được vấn đề này và theo đuổi các cuộc cải tổ, nhưng quan tâm lợi ích đối kháng từ các nước khác như Indonesia – một nước luôn đề cao ý tưởng không can thiệp – ngăn cản những thay đổi như vậy.

Các vấn đề khu vực hiện nay làm hiện rõ sự cộng tác lỏng lẻo trong nội bộ ASEAN. Một thí dụ: những nước liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông đã quyết định không dùng ASEAN để giải quyết các vấn đề ngoại giao thay cho đàm phán riêng; ban đầu các nước ASEAN có yêu sách (chủ quyền) cho rằng ASEAN phải cho ra một đối trọng với yêu sách (chủ quyền) của Trung Quốc, nhưng sau đó họ ý thức được rằng các nước thành viên không liên quan tới tranh chấp này khó có thể ủng hộ ý tưởng này – điềunày thể hiện thất bại của ASEAN trong việc tăng cường thống nhất khu vực. Một vấn đề khác, cấp bách hơn, là khói mù (haze). Từ những năm 1990, toàn bộ Đông Nam Á phải đương đầu với nạn khói mù tràn khắp, chủ yếu là do kỹ thuật canh nông đốt nương làm rẫy của Indonesia. Thiếu một khung tổ chức mạnh hơn, Indonesia sẽ không có động cơ chấm dứt kỹ thuật triệt phá này, yếu tố này sẽ tạo ra các yếu tố ngoại thị kinh tế và y tế, sức khỏe trong vùng.

Cần phải làm gì đây? Một loạt các cải cách là cần thiết, nhưng những cải cách quan trọng nhất gồm có một phương cách để các nước thành viên phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ và một điều khoản ép buộc tuân thủ mạnh hơn – họ (các nước thành viên ASEAN) phải coi nhẹ bớt đi nguyên tắc không can thiệp của mình, cả về mặt triết lý lẫn thực tiễn. Điều này có thể thực hiện được, thí dụ như bằng cách sử dụng các phương tiện trừng phạt kinh tế truyền thống, cho từ chối tuân thủ hay cho phép các nước thành viên được công khai phê phán các nước thành viên khác.” (Hết trích dẫn)

Ngay giới phân tích trong các nước ASEAN cũng có đánh giá ASEAN là yếu kém. Thí dụ như Phó giáo sư  Eduard C Tadem tại khoa Ngiên cứu châu Á trường đại học Philippines Diliman nhấn mạnh: “Với danh nghĩa là một cộng đồng, ASEAN hiện là một thất bại, khi ý niệm chủ quyền dân tộc đang tiếp tục làm xói mòn hội nhập, trong lúc bản sắc riêng của hiệp hội vẫn đang chưa tinh kết.” (Xem bài viết Asian as a group is a failure, academic insists trên The Nation Multimedia ngày 24.8.2013).

Về mặt hội nhập kinh tế, năm 2003 ASEAN đã đưa ra một kế hoạch đầy hoài bão xây dựng cái gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN tới năm 2015. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB thì có khả năng rất cao là mục tiêu này sẽ không đạt được đúng hạn, và các nước thành viên hiệp hội này sẽ còn có nhiều việc phải làm sau năm 2015. (Xem cuốn The ASEAN Economic Community: A Work in Progress do ADB xuất bản tháng 12 năm 2013.)

Nói thêm ở đây là có một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng yếu kém, “mỗi người một ngả” trong ASEAN: đó là tổ chức này thiếu một hay một hai quốc gia hùng mạnh, thực sự nổi trội, có khả năng cộng tác chặt chẽ với nhau, đóng vai trò lực liên kết và đầu kéo cho cả nhóm. Ngay cả Liên minh châu Âu, một tổ chức khu vực được cho là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hơn nhiều như đã nói tới ở trên, nhưng do cũng dùng nguyên tắc đồng thuận hoàn toàn trong việc đưa ra quyết định cho nhiều vấn đề quan trọng, nên đã nhiều lần rơi vào tình thế “điêu đứng”, bế tắc (thí dụ như trong vấn đề khủng hoảng nợ nần của Hy Lạp), và khó có thể ra khỏi nếu không có ý chí quyết tâm, động thái quả quyết của các nước đầu tầu là Đức, Pháp và sau này có thêm Ba Lan. ASEAN chưa có được điều này.

Thiếu sót trong đa dạng hóa các mối liên kết chặt chẽ, có chiều sâu

Như đã có nhắc tới ở trên, sau khi tạm thoát khỏi tình trạng hoàn toàn cô lập vào đầu thập kỷ 1990, gia nhập ASEAN vào tháng Bảy năm 1995, có thể thấy Việt Nam hoặc là không có nhiều nỗ lực, hoặc là không thành công trong việc tìm cách xây dựng, mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ đặc biệt, sâu sắc hơn với các quốc gia trên thế giới. Tuy Việt Nam ngay sau đó đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và có tăng cường đáng kể quan hệ với Liên minh châu Âu, nhưng các quan hệ này là hạn chế và phần lớn chỉ trong lĩnh vực kinh tế và chút ít trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, hoàn toàn không có gì là đặc biệt. Quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc tuy có lên cấp nhưng cũng chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư. Những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với Liên bang Nga, đồng minh trước đó của mình, hai nước có ý định thiết lập quan hệ cộng tác chiến lược, nhưng bề sâu hiện thời của quan hệ này không đủ để giúp Việt Nam tăng thêm sức lực, thấy tự tin hơn, củng cố được chỗ đứng của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.

Có thể là Việt Nam đã thấy quá hài lòng khi có được tư cách thành viên trong ASEAN và quan hệ rộng khắp mọi mặt với ban đầu là 5, sau là 9 nước còn lại của hiệp hội này. Và có thể đã quá trông mong vào ASEAN, hy vọng quá trình hội nhập sẽ được tiến triển theo chiều sâu với tốc độ nhanh. Điều này đáng tiếc không xảy ra. Vì thế, về bản chất, quan hệ hiện nay của Việt Nam với các nước thành viên ASEAN là những quan hệ tiêu chuẩn trong khuôn khổ lỏng lẻo, thiếu đoàn kết của tổ chức này. Tức là ngay cả trong các nước thành viên ASEAN gần gũi nhất, Việt Nam không có được những quan hệ, liên kết thực sự chặt chẽ, sâu đậm – chứ chưa nói tới quan hệ chiến lược hay liên minh – để có thể có chỗ dựa, hay ít hơn là giúp đỡ, hoặc ít nhất là ủng hộ mạnh mẽ.

Nhìn rộng ra nữa khỏi khu vực ASEAN thì thấy càng “trống trải” với Việt Nam. Vì thế, Việt Nam thực sự vẫn cô độc, tình thế này càng hiển hiện rõ khi “có sự”, khi chúng ta phải đối đầu với các vấn đề nan giải, những thách thức vượt quá sức lực hạn chế và tầm vóc quốc gia bé nhỏ của mình. Các vụ việc liên tiếp trên Biển Đông, mới đây nhất là vụ giàn khoan HD-981, cũng như còn nhiều vụ việc chắc chắn sẽ xảy ra ở khu vực này chỉ làm cho thực trạng này thêm hiện hình rõ hơn và thêm bi đát.

Hướng đi bắt buộc

Không thể bác bỏ được ảnh hưởng to lớn của ASEAN cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm trước đây. Điều này chắc chắn sẽ còn đúng trong nhiều năm tới.

Việc ASEAN không thỏa mãn được các đòi hỏi và mong đợi của Việt Nam không có nghĩa là Việt Nam nên thờ ơ với tổ chức này. Các mặt hạn chế, yếu kém hiện nay của Hiệp hội các nước Đông Nam Á là kết quả của các thiếu sót của tất cả các nước thành viên tham gia. Vì thế, Việt Nam phải cùng các nước thành viên trong khu vực Đông Nam Á gắng sức đẩy mạnh các công cuộc cải cách và nâng cấp tổ chức khu vực này của mình. Không còn cách chọn lựa khác, các nước ASEAN, trong đó có và trước hết là Việt Nam, phải từng bước tăng cường hợp tác một cách trung thực, chân thành, thẳng thắn hơn, đoàn kết hơn, biết đặt lợi ích chung  lớn hơn của cộng đồng lên trên các lợi ích, các quan tâm dân tộc nhiều hơn.

Mặt khác, Việt Nam phải đánh giá lại quan hệ có “bề sâu” quá mức của mình với Trung Quốc. Đồng thời chọn lựa, thiết lập và xây dựng các quan hệ thực sự có bề sâu với một số quốc gia khác, có thể là trong khu vực hoặc ngoài khu vực, có thể trước hết là với các quốc gia có chung các mối quan tâm hàng đầu. Quan hệ như vậy đòi hỏi ở mức độ cao hơn thái độ thực sự chân thành, trung thực, rõ ràng, nhất quán, dám mạnh dạn đương đầu với các mối đe dọa, nguy hiểm. Liên kết có bề sâu, nếu cần, sẽ đặt nền móng cho quan hệ chiến lược hay liên kết liên minh, cả trong an ninh và quốc phòng, quân sự. Đã đánh mất nhiều cơ hội, Việt Nam hiện nay không có nhiều thời gian cho việc này.

Không thể nói là giới lãnh đạo Việt Nam đã không ý thức được sự cần thiết phải có các quan hệ, liên kết sâu sắc. Chắc chắn là họ biết rõ, nhưng đã gặp quá nhiều khó khăn và cản trở để thực hiện các bước đi có kết quả. Các lý do chính có thể kể đến là quan hệ quá “đặc biệt” với Trung Quốc và chế độ chính trị cũng quá “đặc biệt” nốt của Việt Nam hiện nay, khiến giới lãnh đạo các nước, dù có quan tâm thực sự, cũng bị “bó tay bó chân”, không có được sự ủy thác, ủng hộ cần thiết của người dân nước họ. Không còn khả vọng nào khác trong tình thế cấp bách hiện thời, hai tảng đá chặn đường này đòi hỏi một cách giải quyết dứt khoát và táo bạo.

Thời gian vừa qua (lại một lần nữa) rộ lên ý kiến cho rằng Việt Nam phải nắm lấy vai trò lãnh đạo ASEAN, dẫn dắt tổ chức này đối đầu, chống lại áp lực hung hãn mọi mặt từ Trung Quốc, rằng ý tưởng như thế đã được Mỹ ủng hộ từ hậu trường. Đây là một ý tưởng huyễn hoặc, đầy ảo tưởng.

Xét theo khía cạnh năng lực, Việt Nam không có đủ điều kiện để lãnh đạo ASEAN, cả về kinh tế lẫn quân sự, xã hội. Sau hơn hai thập kỷ có tốc độ tăng trưởng đáng kể, chúng ta mới chật vật ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập thấp, vào được nhóm thu nhập trung bình thấp, ngay sau đó tốc độ tăng trưởng giảm sút đáng kể. Tính theo sức mua tương đương PPP (cách tính cho Việt Nam có các con số đẹp hơn) thì thu nhập đầu người của Việt Nam đang ở sát mức trung bình cho cả nhóm ASEAN, xếp thứ 4 từ dưới lên, hơn được ba nước Myanmar, Campuchia, Lào; xếp theo tổng giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân GDP thì Việt Nam đứng 5, cũng từ dưới lên, hơn được ba nước trên và Brunei . Xét theo chỉ số phát triển con người HDI thì Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình của ASEAN. (Xem Members states of the Association of Southeast Asian NationsList of ASEAN countries by GDP (nominal) trên Wikipedia). Như vậy, về khía cạnh sức mạnh và trình độ phát triển kinh tế, xã hội rõ là Việt Nam không có đủ năng lực lãnh đạo và chắc cũng chẳng có nước nào chịu chấp nhận vai trò lãnh đạo của Việt Nam. Xét theo khía cạnh quân sự thì Việt Nam có thể được coi là có quân đội khá mạnh, nhưng cũng chẳng có gì quá nổi trội. Chúng ta hiện nay không có đủ năng lực dù là chỉ để “giữ nhà”.

Xét theo khía cạnh uy tín, yếu tố tiếp theo mà người lãnh đạo phải có, thì thấy ý tưởng dẫn đầu ASEAN đối đầu với Trung Quốc còn không hợp lý hơn. Uy tín của Việt Nam có thể nói là ở dưới đáy trong những năm vấn đề Campuchia kéo dài; từ những năm 1990, nó chỉ được cải thiện chút ít, nhưng không đảm bảo được cho Việt Nam có tiếng nói đáng kể dù chỉ trong khu vực. Thử nhìn thái độ của Campuchia hay Thái Lan là thấy được. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc diễn biến ra sao, Việt Nam “đi đêm” với Trung Quốc thế nào, các nước ASEAN đều biết rõ, vậy họ có chấp nhận để Việt Nam lãnh đạo đối chọi với Trung Quốc không? Một nước không dám, dù chỉ là lên tiếng ủng hộ một nước khác trong cùng hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn như chính mình có đủ tư cách lãnh đạo không?

Cứ giả sử được cho cơ hội để lãnh đạo ASEAN thì không biết Việt Nam sẽ thu được những ích lợi gì trong tương lai, nhưng trước mắt, với 10 thành viên đang mỗi người một ngả, ai cũng khăng khăng bám chặt lợi ích của riêng mình, có thể giẫm đạp lên lợi ích của nước khác, lại luôn giơ cao tấm bảng không can thiệp vào công việc nội bộ thì đây là một công việc còn khó hơn là “dời non lấp bể”, ngoài sức tưởng tượng của một quốc gia thành viên. Nó trước tiên sẽ rút cạn kiệt mọi nguồn lực, sức lực, trí tuệ của Việt Nam. Nếu có ai tặng cho vai trò lãnh đạo ASEAN, Việt Nam cũng không nên ôm vào. Đó là “món quà của người Danaans”, đem lại nhiều tai họa và phiền muộn hơn là giá trị thực sự.

Việt Nam hoàn toàn chưa có sức mạnh “cứng” cũng như sức mạnh “mềm” cần thiết. Phải chờ ít nhất  10-20 năm nữa Việt Nam mới có thể nghĩ đến ý tưởng này.

Cái Việt Nam cần lúc này không phải là lãnh đạo ai đó mà là bình lặng, dồn mọi tâm trí, sức lực vào công cuộc cải tổ, xây dựng đất nước, chăm lo đến đời sống, quyền lợi của người dân. “Hữu xạ tự nhiên hương”, một khi Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có tiềm lực kinh tế, quân sự dồi dào, người dân được đảm bảo chắc chắn các nhu cầu, quyền lợi cơ bản thì tự khắc Việt Nam sẽ có được vị thế xứng đáng.

Tháng 6 7, 2014
Trần Hoàng
© 2014 Trần Hoàng & pro&contra

Obama và Putin tại Pháp: 15 phút đối mặt

Obama and Putin

Lời người viết: hai Tổng Thống Obama và Putin đối mặt lần đầu từ sau sự kiện Ukraine trong một buổi nói chuyện ngắn ngủi 15 phút tại Pháp nhân ngày kỷ niệm quân đội đồng minh đổ bộ Normandie 70. Người viết đã “nghe lén” để ghi trộm buổi chuyện trò này.

Obama (hơi ngập ngừng khi mở đầu câu chuyện) – “Chào Tổng Thống Putin. Tôi mong rằng chúng ta sẽ hợp tác để giải quyết tình trạng căng thẳng…”

Putin (lạnh lùng cắt lời: “Căng thẳng đã không xảy ra nếu Hoa Kỳ và Âu Châu tôn trọng quyền lợi của nước Nga”.

Obama – “Cuộc cách mạng tại Kiev là do nhân dân Ukraine nổi dậy phản đối nhà cầm quyền độc tài và tham nhũng, nhất là sau khi chính nước Nga đã áp lực để Ukraine hủy bỏ ý định ký kết hiệp định thương mại để xích lại gần EU”

Putin – “Người Mỹ không hiểu biết gì về lịch sử của khu vực. Dân tộc Ukraine luôn hướng về Nga là một cường quốc, và họ đã bỏ phiếu mong sát nhập nhiều vùng đất trở thành lãnh thổ của Nga. Các khu vực phía Tây bị Tây Phương khích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan để chống Nga”

Obama – “Hành động của nước Nga sát nhập bán đảo Crimea là trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế”

Putin – “Crimea luôn thuộc về Nga và bị chia cắt cho Ukraine chỉ vì sai lầm của lịch sử. Hoa Kỳ đã áp đặt một thứ trật tự thế giới giả tạo không dựa trên các thực tế khu vực, và lợi dụng hoàn cảnh Nga bị suy yếu sau Chiến Tranh Lạnh. Nước Nga hoàn toàn có quyền dành lại vai trò cường quốc của mình trong khu vực và trên trường quốc tế”.

Obama – “Nước Nga sẽ bị cô lập do các hành động đơn phương”.

Putin – “Nga và Trung Quốc đang có những bước tốt đẹp để hợp tác về kinh tế và chính trị. Nếu Ngài Obama có quên thi tôi xin nhắc lại là trong 5, 10 năm nửa Hoa Kỳ sẽ không còn là nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mỹ hiện đang cần Nga trong các vấn đề Syria và Iran. Âu Châu lại lệ thuộc vào khí đốt cùng các hợp đồng thương mại và quân sự với Nga.”

Obama – “Bắc Kinh đã lợi dụng hoàn cảnh Nga đang cần ngoại tệ để ép giá trước khi ký hợp đồng 400 tỷ USD mua khí đốt. Tập Cận Bình mặt ngoài tiếp đãi trọng hậu với Ngài Putin như một Sa Hoàng, nhưng phía sau Trung Quốc sẽ đòi nhiều điều kiện thuận lợi trước khi đầu tư kể cả di dân đến các khu vực nhiều tài nguyên ở Tây Bá Lợi Á. Hoa Lục đang tranh giành thế lực với Nga ở Trung Á. Ngài Putin cũng hiểu rỏ là tham vọng dài hạn của Trung Quốc sẽ nhắm đến phương Bắc nên Nga không thể chặt đứt mọi chiếc cầu với Tây Phương”.

Putin – “Đúng vậy. Nhưng đến lúc đó cả Ngài Obama và tôi đều không còn làm Tổng Thống nửa. Vai trò của tôi hiện thời là khôi phục lại vị thế của cường quốc Nga.”

Obama – “Ngài không thể bỏ qua trào lưu dân chủ, tự do vốn là khát vọng của nhân loại bao gồm đại đa số người Nga. Ngài cũng không thể vi phạm trật tự quốc tế vốn là cơ sở cho sự phát triển của thương mại toàn cầu và góp phần cho sự phục hưng của cả Nga và Trung Quốc.”

Putin – “Phía sau tôi là lòng tự hào của người dân Nga. Trong lúc Tây Phương lo bênh vực cho những người đồng tính và các đám thiểu số như phụ nữ và người da màu (*) thì chúng tôi trau dồi ý chí để đoàn kết dân tộc Bạch Nga. Chúng tôi có khả năng quyết đoán trong lúc nền dân chủ của quý vị liên tục tranh luận vô bổ. Tương lai thuộc về những kẻ dám thay đổi lịch sử chớ không phải của đám đông”.

Đến ngay lúc này thì Tổng Thống Pháp Hollande vui vẻ bước đến: “Giờ ăn tới rồi, xin mời hai vị Tổng Thống vào buổi tiệc…”

Đoàn Hưng Quốc
(Tác giả gởi trực tiếp cho ĐCV)

* Tổng Thống Putin mới đây đã chế nhạo bà Clinton là phụ nữ nên thiếu quyết đoán; và gián tiếp châm biếm ông Obama là “khỉ da màu” khi chọn người khai mạc trong kỳ Thế Vận Hội Socchi.

Bà Phạm Chi Lan:Việt Nam tự lệ thuộc Trung Quốc thế nào?

Tìm kiếm kênh mới, bỏ tư duy làm ăn kiểu dễ dãi và nâng giá trị, chất lượng sản phẩm mình có là cách để Việt Nam thoát Trung dễ dàng.
Chia sẻ với Đất Việt trước hàng loạt các ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải bước ra khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc, nhất là trong tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thằng là: có nhiều kênh để làm ăn, tạo điều kiện để Việt Nam nâng giá chính mình.
Việt Nam tự đặt mình vào thế lệ thuộc
PV: - Thưa bà, thời gian gần đây có nhiều ý kiến nhắc tới việc nền kinh tế của Việt Nam phải tìm cách để thoát khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc. Thế nhưng thời gian qua thực tế tỉ trọng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thấp nhưng lại chiếm ở những ngành trọng điểm. Còn về xuất khẩu với các lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động nhưng vẫn bị lệ thuộc Trung Quốc (xuất khẩu gạo, nông sản...). Theo bà điều này có thể lý giải như thế nào?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Tôi cũng đã nói trong một số trường hợp vừa qua chính mình đã tự đặt mình vào vị thế lệ thuộc khi mà các dự án phải dùng tổng thầu EPC đưa ra đấu thầu thì rút cục là hấu hết các dự án rơi vào tay Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Trong một số trường hợp vừa qua chính mình đã tự đặt mình vào vị thế lệ thuộc Trung Quốc
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Trong một số trường hợp vừa qua chính mình đã tự đặt mình vào vị thế lệ thuộc Trung Quốc
Tại sao vậy? Trước hết là chính quy định của mình trước đây là khi đấu thầu lại chú trọng yếu tố giá cả là số một. Do vậy khi người ta dùng xảo thuật chào với giá thấp nhưng mà không biết sẽ đảm bảo chất lượng như thế nào. Họ đã làm mù mờ các điều kiện kỹ thuật mà chỉ nhấn mạnh điều kiện về giá cả. Rồi chúng ta lao theo và quyết định đưa vào. Bằng cách đó chúng ta đã đưa tất cả những dự án này vào tay người Trung Quốc.

Bây giờ Nhà nước đã chỉnh lại. Luật đấu thầu sửa đổi trong đó tiêu chuẩn số một là phải đáp ứng về chất lượng. Cái đó quá quan trọng. Những công trình lớn hàng trăm triệu đô la thì yêu cầu số 1 phải là chất lượng chứ không phải là giá cả rẻ.

Chúng ta hãy nhìn trên thế giới, sẽ không có sản phẩm chất lượng cao mà giá rẻ đâu. Chúng ta đừng so sánh như vậy. Nếu mình đặt địa vị mình là người tiêu dùng cuối cùng thì cũng không ai đi mua hàng độc hại với giá rẻ trong khi chọn lựa ăn ít hơn nhưng dùng hàng chất lượng cao hơn.

Đối với nền kinh tế quốc gia cũng vậy. Trước đây mình có những chính sách không rõ ràng. Luật trước đây có những kẽ hở tạo điều kiện cho người dự thầu các dự án được chọn cuối cùng thì lấy tiêu chuẩn giá là số 1. Vì vậy các công ty của Trung Quốc nhiều khi thắng được các công ty của Pháp, Đức, Nhật Bản khi chọn làm tổng thầu cho Việt Nam.

Hai nữa là cơ chế giám sát. Thực sự nhà nước sau đó nhiều khi buông giám sát để cho chủ đầu tư làm là chính. Song nói thật nếu không có đủ cả trình độ lẫn đạo đức dễ bị bịt mắt nhận những sản phẩm tồi mà không biết đánh giá như thế nào.

Còn về vấn đề đạo đức cứ có một số tiền lại quả nào đó là cho qua hết cho những cái yếu, cái tồi (thậm chí vi phạm hợp đồng)… chọn cho lợi ích riêng của mình.

Phải thoát khỏi kiểu làm ăn dễ dãi

PV: - Vậy theo bà vấn đề mấu chốt để thoát Trung là gì?

Chuyên gia Phạm Chi Lan: - Để thoát Trung trước hết tự bản thân mình phải xem lại mình điều chỉnh cách thức phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại của mình. Lâu nay phải nói rằng chiến lược của Việt Nam đi rất đúng đường. Chúng ta đàm phán tham gia vào WTO, gia nhập một sân chơi toàn cầu và một loạt các hiệp định với các đối tác quan trọng.

Hiện nay thì ai cũng biết Việt Nam đang đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tham gia vào khối kinh tế trong đó chỉ có 12 nước tham gia nhưng lại chiếm một lượng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư rất lớn. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Chúng ta cũng đàm phán với Liên minh châu Âu hiệp định FTA gồm có 28 quốc gia. Hiệp định này có điều kiện tương tự như TPP nhưng cao cấp hơn, đòi hỏi chặt chẽ hơn, kể cả về cải cách thể chế nhưng tạo cơ hội cho Việt Nam nhiều mặt. Nó không đơn thuần là thị trường lớn hơn cho xuất nhập khẩu hoặc có nguồn đầu tư lớn hơn mà còn tự cải cách được mình về thể chế kinh tế, cách thức làm ăn để nâng chuẩn mình lên cùng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Tôi nghĩ rằng có rất nhiều kênh khác nhau để Việt Nam có thể làm ăn. Vấn đề chính ở đây là tự Việt Nam phải thoát ra khỏi cách làm ăn quen kiểu dễ dãi với một đối tác dễ dãi như Trung Quốc. Bây giờ xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khoảng 10% và nhập khẩu tới 30%. Về điều này hoàn toàn chúng ta có thể điều chỉnh được.

Nếu như xuất khẩu chúng ta có thể giảm dần việc xuất khẩu khoáng sản thô tiến tới tăng cường chế biến để xuất khẩu thì sẽ có giá trị hơn, tạo được công ăn việc làm ở trong nước.

Ngay cả đối với nông sản cũng vậy. Chúng ta kêu gọi mãi xuất khẩu nông sản có hàm lượng công nghệ cao hơn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn thì chắc chắn chúng ta bán được với giá tốt hơn nhiều so với việc bán giá rẻ sang thị trường Trung Quốc.

Mặt khác nữa về thị trường xuất khẩu cũng có nhiều cái tôi cho rằng hơi cực đoan khi cứ hướng đến xuất khẩu trong khi thị trường trong nước vẫn còn rất rộng.

Ví dụ vải Bắc Giang, Hải Dương cứ lo liệu Trung Quốc năm nay có mua hay không trong khi cả thị trường miền Nam, miền Trung bao nhiêu người dân cũng có nhu cầu và có thể mua. Tại sao lại cứ lo bán sang biên giới hơn là trong nội địa.

Hay như dưa hấu miền Nam cũng vậy, chở lên biên giới để rồi người ta không mua khiến thối hỏng, trong khi dưa hấu ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vẫn rất đắt. Những cái đó mình phải tự điều chỉnh thị trường nội địa.

Nhập khẩu cũng vậy. Về cơ bản chúng ta nhập khẩu rất nhiều sản phẩm trung gian, đứng về góc độ các nước đang phát triển thì đây mới là phần mang lại giá trị gia tăng cao. Nó là đầu vào cho các ngành kinh tế.

Nếu bây giờ chúng ta chuyển sang thực hiện tái cơ cấu một số ngành sản xuất, tập trung các ngành công nghiệp phụ trợ thì hoàn toàn có thể chuyển từ thế nhập khẩu thị trường bên ngoài thành những ngành sản xuất ở Việt Nam để cung ứng cho thị trường Việt Nam. Hoặc tìm kiếm nhập khẩu từ các nước khác. Các sản phẩm chúng ta đang nhập từ Trung Quốc thì Ấn Độ cũng có. Một số nước ASEAN khác cũng có cho nên không nhất thiết phải phụ thuộc Trung Quốc.

Về giá có thể sẽ đắt về ngắn hạn nhưng tôi nghĩ về trung hạn và dài hạn hoàn toàn có thể bù đắp được. Bởi vì hiện nay những cái chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc có những khi bị đội giá lên. Điển hình như các hợp đồng mà Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam bị kéo dài thời gian, ban đầu bỏ thầu một nhưng trên thực tế đắt gấp hai gấp ba lần.

Rồi sự không minh bạch trong làm ăn, tham nhũng, đi đêm ở đó dẫn đến giá rẻ nhưng lại hóa cao và nền kinh tế phải trả giá mà chính những người nộp thuế đang phải gánh chịu.

Nếu chúng ta chuyển sang làm với các thị trường đàng hoàng hơn thì cắt được phần giá cao đó thì thừa đủ bù từ việc tìm kiếm nguồn công nghệ cao hơn, thiết bị đắt hơn.

Tôi nghĩ hiệu quả kinh tế thì đừng lo. Tôi trông chờ nhất ở cơ hội này để tạo cơ hội cho Việt Nam tự phát triển. Lý do là vì mấy năm vừa rồi ngành công nghiệp Việt Nam bị bế tắc, bão hòa khi các doanh nghiệp cảm thấy những sản phẩm mình vẫn làm nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn – kể cả trong nước. Bây giờ phải đi vào những ngành mới. Đây là những ngành mà chúng ta cứ cắm cổ mua ở nước ngoài thì bây giờ là cơ hội cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể phát triển ở nước mình.

Điều kiện cần là hệ thống chính sách phải có điều kiện mạnh mẽ, điều chỉnh việc phân bổ nguồn lực làm sao hướng về những ngành có khả năng tạo lợi nhuận cao. Cũng như hệ thống chính sách khuyến khích phải làm sao cắt bỏ dần những doanh nghiệp chạy theo hướng tìm kiếm đặc lợi bằng cách chuyển sang khuyến khích doanh nghiệp làm ra giá trị gia tăng cao, mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Nếu làm được thì chính các doanh nghiệp này sẽ tạo nên diện mạo khác cho nền kinh tế, giảm đi thế lệ thuộc vào Trung Quốc.

Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bài sau: Thoát Trung:Cách để nông sản Việt tự đứng trên đôi chân của mình
Bích Ngọc (thực hiện)
(Đất Việt) 

Từ chợ Đồng Xuân tới 53 Nguyễn Du

Cùng chia sẻ một nghịch cảnh hình như khiến người ta trở nên tin cậy nhau hơn. Trước đây, khi có dịp sống trong một căn buồng kín với một số người thuộc lớp người bị gạt ra lề xã hội, tôi đã được họ bộc bạch nhiều tâm tư, trong đó có cả những ngón nghề đặc biệt. Có một anh từng hành nghề bất hảo ở chợ Đồng Xuân đã tâm sự cả những ngón cướp đồ.
Ảnh của Tôi

Anh ta nói làm ăn trước những năm 1990, tức trước khi “đổi mới”, khó hơn bây giờ nhiều, bao giờ cũng phải có ít nhất hai người. Khi phát hiện ra “con mồi”, một người sẽ phải tiếp cận làm động tác giả để làm con mồi mất cảnh giác hoặc gây chú ý lạc hướng, còn kẻ kia sẽ ra tay hành động. Anh ta bảo, thời đó làm ăn “thu nhập” vừa hẻo, vừa rất nguy hiểm vì người dân xung quanh thường phản ứng rất mạnh, không thờ ơ như bây giờ, nhiều người sẵn sàng bỏ cả cửa hàng để đuổi bắt hoặc đón đánh kẻ hành sự.
Có những “vụ”, anh ta nói, phải thêm tiết mục giúp người bị nạn. Đấy là sau khi đồng bọn giật đồ rồi thì các đồng bọn khác phải xúm ngay đến hỏi thăm nạn nhân hoặc cùng hô hoán, tỏ vẻ bức xúc, chia sẻ, vỗ về nạn nhân thậm chí cùng lao đi đuổi bắt nhưng kỳ thực là nhằm cản đường, che chắn cho đồng bọn, khống chế, xoa dịu nạn nhân và cả những người muốn giúp đỡ thực sự, không để cho đồng bọn bị tóm hay bị nện. Anh ta bảo tiết mục giúp đỡ đó đôi khi cũng phiền phức và chả thú vị gì vì nhiều lần lại làm cho dân chúng đến đông quá và có khi lại phải ở lại lâu hơn để nhận lời cảm ơn và hầu chuyện, trong khi thực bụng chỉ muốn biến cho nhanh. Những nhân vật vào vai “giúp đỡ” thường phải diện quần áo và bộ dạng càng nghiêm chỉnh càng tốt và có cả phương án, nếu người dân bắt được kẻ hành sự thì phải xúm ngay vào “bắt cùng” để đánh tháo, kể cả việc phải xuống tay ngay với những ai có thực tâm bắt giữ đồng bọn.
Thực ra câu chuyện lưu manh vặt trên đây không xa lạ với nhiều người. Nhưng câu chuyện này có một chi tiết đáng nói về sinh học. Cơ thể con người bình thường khi gặp một sự cố bất ưng, hiểm nguy, bị xúc phạm, bị đe dọa, bị chấn thương, nồng độ chất Adrenaline trong máu tự động tăng lên rất nhanh. Chất Adrenaline có tác dụng làm tăng chuyển hóa, tăng nhịp tim, nhịp thở,… nói chung là giúp cơ thể gia tăng khả năng chịu đựng, làm mạnh thêm dũng khí, sự táo bạo, tính quyết đoán. Vì vậy đã có trường hợp người ta cần làm cho một người bị chấn thương nặng sống sót bằng cách làm người đó tức bực lên để gia tăng Adrenaline hầu giúp người bị nạn chịu được đau đớn, nếu không sẽ có khả năng bị chết vì sốc do đau trước khi tới được nơi cấp cứu.
Quay lại câu chuyện giang hồ kể trên. Trò giúp đỡ, xoa dịu của mấy anh thảo khấu đó có một tác dụng ngược với trường hợp cứu người bị chấn thương vừa kể, tức làm giảm Adrenaline – đối tượng tự nhiên sẽ trở nên hòa hoãn, an tâm hơn tức nhụt khí đi một cách tự nhiên – rất có lợi cho kẻ bất hảo.
Nhìn vào vấn đề Trung Cộng xâm lấn trong vài năm qua, chúng ta có thể thấy chính quyền Việt Nam cũng làm nhiều việc “giúp đỡ” như câu chuyện kể trên. Họ đã cho tổ chức nhiều hoạt động, rất đa dạng, từ trong nước ra ngoài nước, từ hội thảo, triển lãm, thành lập chính quyền cho Hoàng Sa, kêu gọi đóng góp “sỏi đá”, lập quĩ cho tới việc hỏi thăm ngư dân, lên án Trung Cộng hay thậm chí chuẩn bị kiện Trung Cộng, v.v. Nhưng điều cốt lõi nhất là phải tôn trọng quyền dân, thay đổi nền chính trị theo hướng phi độc tài – những yếu tố nền tảng bậc nhất để chống Trung Cộng trước mắt cũng như lâu dài – thì chưa bao giờ chính quyền này tỏ ra muốn thực hiện, tương tự như mấy anh giang hồ đóng kịch kể trên, họ chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng, xoa dịu dư luận, ngăn chặn người công chính và (vô hình chung) làm giảm Adrenaline của xã hội.
Tọa đàm “Làm sao để thoát Trung” [i]ngày 05/06/2014 tại trụ sở Hội liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam 53 Nguyễn Du, Hà Nội, theo tôi, cũng thuộc một dạng hoạt động giống như tiết mục “giúp đỡ” kể trên.
Cách đây không lâu, tôi có tiếp xúc với một số anh em làm trong ngành công an và quân đội ở cấp không cao lắm, nhưng không một ai mơ hồ về ác tâm của Trung Cộng, chỉ có điều mọi người tỏ ra bế tắc và chán nản, rồi nói “Thôi im đi cho nó lành, anh ạ!”
Như vậy, tôi tin rằng vấn đề phải rời xa Trung Cộng không còn là vấn đề khó nhận ra hay còn khó về mặt lý luận nữa. Thực tế cuộc sống đường phố hàng ngày cũng quá đủ để cho những người như các bà nội trợ, các chị osin đều trả lời: Phải thoát Trung Cộng!
Còn cách thoát sự kiểm soát, ảnh hưởng xấu của Trung Cộng, đây là vấn đề phức tạp hơn, cũng không phải quá khó để tìm ra những giải pháp tối ưu nếu bất cứ ai muốn thoát thực sự. Dĩ nhiên, các hoạt động nghiên cứu, lý luận và các sự kiện nhằm duy trì, gia tăng chú ý của công luận luôn luôn cần thiết. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, một hoạt động nhằm mục đích “thoát Trung” mà lại được thực hiện ngay trong khuôn khổ kiểm soát, từ địa điểm cho tới sự bảo trợ, của chính “người bạn vàng” của Trung Cộng, và lại được khai mạc bởi quí ông “lạc quan vô tận”, thì sao có thể có động cơ ngay chính được, nói gì đến việc thoát khỏi Trung hay Cộng.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến vết thương trên đầu của Luật sư Nguyễn Văn Đài vẫn còn chưa mọc đủ tóc và vết thương phẫu thuật đầu gối của chị Trần Thị Nga vẫn chưa cắt chỉ, với các vết đụng dập tím bầm. Và còn bao người khác suốt Trung Nam Bắc vẫn đang bị rình rập ngày đêm hoặc ăn đòn bất cứ lúc nào. Lý do?  Nói lại thì đau lòng thêm. Nhưng cần phải nhớ lại những cú đánh đó đã diễn ra ngay tại Hà Nội, chỉ cách số nhà 53 Nguyễn Du không xa lắm và không phải do bàn tay của người Tàu. Những đòn thù đó diễn ra ngay lúc cả cái tổ hợp giàn khoan khổng lồ của Trung Cộng đang chễm chệ khuấy đảo biển Việt Nam.
Tôi có cảm tưởng một số những nhà hoạt động xã hội hiện nay cả tin đến mức như những chú chim hồn nhiên mới bị nhốt vào một ngôi nhà lớn, cứ thấy vệt sáng “dân chủ”, “nhân quyền”, “Hoàng Sa”, “Trường Sa”, “Thoát Trung”,… là lao tới, không biết đó là khung trời thật hay chỉ là bầu trời vẽ, khung kính cửa sổ hay một lối thoát dẫn sang một cái lồng khác.
Nhưng đó chưa hẳn là những hệ lụy thâm sâu nhất.
Vào cuối câu chuyện trong buồng kể trên, anh giang hồ cho biết sau này người dân cũng nhận ra những trò đóng kịch “giúp đỡ” đó, nhưng lạ là người dân cứ dần dần lảng tránh rồi thờ ơ trước những tiếng kêu “Ối, cướp, cướp!”. Anh ta bảo, sau năm 1990, phần vì công an kém “hăng” hơn trước, chỉ những gì có “màu”, nhiều “màu” thì họ mới để tâm, phần vì dân “sợ bị lẫn với chúng tôi” hoặc “lớ xớ quá là chúng tôi ục cho bỏ mẹ!”. Cả căn buồng lặng băng.
Khi lòng tốt của con người bị hắt hủi, nghi ngờ hay lừa gạt người ta đều cảm thấy nhói lên trong lòng. Trọng Lang, tác giả của thiên phóng sự đặc sắc Hà Nội lầm than vào những năm 30 của thế kỷ trước, cũng đã trải nghiệm cảm xúc này. Một lần ra chợ Đồng Xuân, Trọng Lang gặp hai đứa trẻ lang thang:
Chúng nhướng lông mày lên, chớp mắt rất thong thả, rồi thở dài; chỉ trong một giây đồng hồ, cái đói âm thầm hiện dưới những nét đau đớn, ngây thơ…
Tôi lại gần chúng nó, để vào tay thằng bé lớn nhất một hào bạc:
-         Các em đói?
Nó mỉm cười như đứng trước cái kẹo của một thày đội cảnh sát, nhìn đồng hào mà nói:
-         Bịa!
Cả hai đứa nắm tay nhau, âu yếm nhìn nhau, rồi âu yếm quàng vai rắt nhau quay đi.
Thằng bé nhất còn quái cổ nói với tôi rằng:
-         Bác đùa làm gì thế?
Tôi hiểu lắm: cũng như con chó bị đòn nhiều quá đều ngờ vực sự vuốt ve, âu yếm, chúng nó hai con “người ngay” ấy, sợ cả đến tấm lòng tử tế của loài người.” (sic)[ii]
Dân Việt suốt từ năm 1945 đến nay cũng đã phải “ăn đòn” không ít, từ Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, rồi Bù giá vào lương, Cải tạo công thương, Z30,…, đã gặp phải quá nhiều đồ giả, từ giả bằng, giả người, giả lời, giả quốc hội, giả tòa án, giả yêu nước..., và đang bị tràn ngập hàng giả, hàng nhái Made in China, không, đã thành Made in PRC rồi[iii]. Nhưng, những dấu hiệu như tọa đàm trên đây cho thấy dân ta chưa hẳn đã có sự thận trọng cần thiết như hai đứa trẻ của Trọng Lang.
Và một điều khác cũng không kém phần đáng sợ: niềm tin ít ỏi vào cái thật, người thật của chúng ta có thể sẽ cạn, những nhà hoạt động nghiêm túc có năng lực có uy tín của chúng ta vốn đã hiếm có thể sẽ không còn.○
Phạm Hồng Sơn



[i] Có thể xem thêm một số tường thuật khác về tọa đàm này: (1), (2) nhưng đã bị xóa, xin xem ở đây.
[ii] Trọng Lang, Trong làng “chạy”, báo Ngày Nay, năm 1935, trích lại trong Phóng sự Việt Nam 1932-1945, Nxb Văn học, 2000, tr.553-554.
[iii] PRC viết tắt của People’s Republic of China – Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhiều sản phẩm sản xuất ở Trung Cộng đã dùng chữ Made in PRC thay cho Made in China.
  (Như cây treVN) 

Những dấu hỏi trong vụ một tờ báo Việt Nam bị khởi tố vì bài viết liên quan đến Bộ Công an

Việt Nam có hơn 700 đầu báo nhưng dưới sự chỉ đạo của một "tổng biên tập".
Ngày 05/06/2014 cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố báo mạng Pháp luật và Xã hội theo điều 258 Luật Hình sự, vì một bài viết mà theo Cổng thông tin điện tử của Bộ này đã “phản ánh sai sự thật”, “làm giảm uy tín” của một công ty trực thuộc Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an.

Theo báo chí trong nước, bài viết đề ngày 2/6 của tác giả Minh Thắng mang tựa đề “Luật sư ‘tố’ doanh nghiệp của Bộ Công an kinh doanh kiểu bầu Kiên” cho biết trước khi tuyên án vụ Nguyễn Đức Kiên tức “bầu Kiên” ngày 9/6 vì tội “kinh doanh trái phép”, các luật sư đã tìm được bằng chứng cho thấy ngay cả doanh nghiệp của Bộ Công an cũng không đăng ký kinh doanh đầu tư tài chính nhưng vẫn góp vốn mua cổ phần như bầu Kiên đã làm.

Tác giả dẫn ra việc luật sư Hoàng Đôn Hùng vào đầu năm 2014 đã làm hai hồ sơ thành lập doanh nghiệp, đăng ký ngành nghề là “đầu tư tài chính: góp vốn, mua cổ phần”, thì được Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh gởi công văn trả lời là “Hiện Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chưa quy định về đăng ký hoạt động này”. Cơ quan chức năng ở Hà Nội thì cho biết “tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần, góp vốn”. 

Như vậy theo luật sư Hoàng Đôn Hùng, việc “góp vốn, mua cổ phần là quyền của doanh nghiệp, không cần và cũng không thể đăng ký kinh doanh”. Các luật sư cũng dẫn ra hàng loạt ví dụ, trong đó có Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL) thuộc Bộ Công an không đăng ký kinh doanh tài chính nhưng vẫn góp vốn thành lập nhiều công ty khác. Bài báo đặt câu hỏi, liệu các doanh nghiệp của Bộ Công an có bị buộc tội “kinh doanh trái phép” như kết luận điều tra của Bộ Công an và Viện Kiểm sát Tối cao trong vụ án Nguyễn Đức Kiên hay không?

Về mặt Luật Doanh nghiệp, một luật sư ở Thành phố Hồ Chí Minh giải thích:



Một luật sư ở Saigon...



“Luật Doanh nghiệp không có quy định đăng ký kinh doanh việc mua cổ phiếu hay góp vốn, vì đây là hoạt động tự do kinh doanh, giúp cho thị trường chứng khoán và các cổ phiếu được lưu thông tự do. Như vậy, rõ ràng hoạt động mua cổ phần hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp thì không cần đăng ký kinh doanh. Quan điểm của một số luật sư là như vậy. Đây không phải là một ngành để mà đăng ký kinh doanh, bởi vì bất kỳ một doanh nghiệp, một cá nhân nào muốn đầu tư cũng có thể thỏa thuận và mua cổ phần, cổ phiếu.

Theo Luật Doanh nghiệp đang được xây dựng, thậm chí quyền tự do kinh doanh còn được mở rộng hơn. Đang dự kiến sẽ không có đăng ký ngành nghề kinh doanh nữa, mà doanh nghiệp có thể làm bất cứ vấn đề gì kinh doanh có thể kiếm ra lợi nhuận. Trong đó có một số ngành nghề cấm kinh doanh vì vi phạm an ninh, trật tự xã hội hoặc thuần phong mỹ tục…

Một số ngành nghề có điều kiện, ban soạn thảo cũng đang dự định đưa ra khoảng trên 300 ngành, doanh nghiệp khi kinh doanh phải đăng ký, chứng minh có đủ điều kiện. Còn lại tất cả các ngành nghề khác không cần phải đăng ký nữa. Đấy là một hướng đề nghị sửa Luật Doanh nghiệp.

Vì chúng ta biết rằng trong thời gian vừa qua khi đăng ký kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đăng ký rất nhiều ngành nghề khác nhau. Mã ngành nghề rất nhiều, như vậy việc quản lý để làm sao biết được doanh nghiệp kinh doanh đúng ngành hay không rất là khó khăn.

Đấy là một quan điểm rất thoáng. Nếu là ngành nghề không điều kiện, không cấm thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Tuy nhiên sẽ đặt ra vấn đề về hậu kiểm. Có nghĩa là việc kinh doanh như vậy sẽ ảnh hưởng đến những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước, quy hoạch ngành nghề…có nghĩa là phải hậu kiểm rất kỹ. Tất nhiên việc này khá tiên tiến, doanh nghiệp đang trông chờ”

Việc báo điện tử Pháp luật và Xã hội bị khởi tố khiến dư luận phải đặt ra nhiều câu hỏi. Trước hết tại Việt Nam, các doanh nghiệp mua bán cổ phiếu dạng này khá nhiều, đặc biệt là lãnh vực bảo hiểm, chứng khoán nhưng ít khi bị xử lý, đặc biệt là các doanh nghiệp của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Hơn nữa, đây chỉ là một bài tường thuật của phóng viên, ghi lại những chứng lý của luật sư, chứ không phải là bài điều tra trực tiếp.

Thông thường, đối với những bài báo có những chi tiết không đúng sự thật thì Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và cơ quan chủ quản sẽ đòi hỏi tờ báo cải chính. Nhưng trong trường hợp này, vì sao Bộ Công an lại nhanh chóng quyết định khởi tố mà không yêu cầu đính chính? Trong quá khứ cũng đã có những trường hợp cá nhân có các bài viết đụng chạm đến lãnh đạo Bộ Công an đã bị khởi tố.

Và nếu bài báo viết sai, vi phạm Luật Báo chí, thì tại sao lại khởi tố theo điều 258 Luật Hình sự liên quan đến việc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” trong khi điều luật này thường được cho là hay bị lạm dụng tại Việt Nam?

Chúng ta nhớ lại, năm 2008 trong vụ án tham nhũng PMU18 có hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ bị bắt giam và truy tố cũng theo điều 258. Liệu đây có phải là một động thái ngăn trở báo chí chống tham nhũng, trong lúc Đảng đang cổ vũ, thậm chí có địa phương như Lâm Đồng còn công bố việc “mua tin” phục vụ cho công cuộc diệt trừ tham nhũng?
Thụy My,
Theo RFI 

Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan

Báo cáo của Lầu Năm góc cho Quốc hội, về khả năng quân sự của Trung Quốc, nhấn mạnh đến ngân sách chi tiêu thiếu minh bạch của Bắc Kinh. Họ e ngại rằng việc giấu giếm đó có thể ẩn chứa ý đồ Bắc Kinh lên kế hoạch quyết thu hồi đảo Đài Loan bằng vũ lực.

Mỹ luôn cảnh giác

Viễn cảnh giả định nghiệt ngã này xuất hiện trong báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng về  Phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc. Đài Loan là vùng lãnh thổ của Trung Quốc tuy nhiên chính quyền địa phương không chấp nhận sự quản lý của Trung Quốc. 

Theo chính sách ngoại giao của Mỹ, Đài Loan vẫn là một phần của Trung Quốc - mặc dù mối quan hệ của Mỹ với Đài Loan giống như bất kỳ nhà nước độc lập nào khác. Trong năm 2011, Đài Loan là khách hàng quốc phòng lớn nhất của Mỹ và họ đã mua hơn 12 tỷ USD các hệ thống vũ khí của Mỹ từ năm 2010.

Báo cáo của Lầu Năm Góc thừa nhận rằng việc Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan vào lúc này khó xảy ra. Mỹ có quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự quan trọng với cả hai bờ eo biển Đài Loan, đóng vai trò thành công trong việc cân bằng các tranh chấp trong hơn 40 năm giữa hai bờ. 

Tuy nhiên, Lầu 5 góc cũng cho rằng Trung Quốc luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án dùng vũ lực trong trường hợp Đài Loan vượt qua vòng kiểm soát của họ.

Mỹ cho rằng trong trường hợp tồi tệ đó, Trung Quốc có thể tiến hành việc phong tỏa đảo Đài Loan. Hải quân Trung Quốc có một lợi thế đáng kể so với hải quân Đài Loan nếu họ muốn xiết chặt bao vây với hòn đảo này. Điều đó là đủ để tạo tâm lý hoang mang cho Đài Loan và khuất phục trước ý đồ của Trung Quốc.

Những tình huống xấu nhất

“Trung Quốc có thể thực hiện một chiến dịch tấn công quân sự quy mô nhỏ, hoạt động tình báo, và các cuộc tấn công mạng để làm đảo lộn xã hội Đài Loan, tạo ra sự sợ hãi trong Đài Loan và làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo Đài Loan", Lầu Năm góc báo cáo.

Trong trường hợp leo thang, Lầu Năm góc cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện các cuộc không kích liên tục có thể "làm giảm khả năng phòng thủ của Đài Loan, đè bẹp ý chí của lãnh đạo Đài Loan". Trường hợp xấu nhất, Lầu Năm góc cho rằng Trung Quốc có thể tiến hành việc đổ bộ vào Đài Loan. 
 
 Việc Trung Quốc phát triển quân sự khiến giới chức Đài Loan lo lắng

Thực tế thì không ít nhà tư tưởng quân sự của Trung Quốc đã công bố nhiều bài viết đề cập một cuộc đổ bộ tại Đài Loan. Chẳng hạn một bài viết tựa đề Chiến dịch đổ bộ vào đảo (Đài Loan) có đề cập "một hoạt động phức tạp dựa trên phối hợp chặt chẽ giữa hậu cần, không quân hỗ trợ hải quân, và chiến tranh điện tử".

Báo cáo của Lầu 5 góc cũng kết luận: Khả năng cho một sự leo thang lớn của Trung Quốc ở eo biển là không cao trong tương lai gần. Nhưng nó có tác động cực lớn nếu xảy ra – do đó Mỹ phải chuẩn bị sẵn cho các kịch bản xấu nhất.

Trong khi đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc luôn bác bỏ các báo cáo của Lầu Năm góc và cho rằng đó là sự thổi phồng quá mức của Mỹ về chính sách quân sự của Bắc Kinh, gây tổn hại đến hình ảnh Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”.

Anh Tú (theo Business Insider)
 
(Một thế giới) 

Đặng Huy Văn - Biển Đông Dậy Sống Thét Gào



BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG THÉT GÀO

Đảo Lý Sơn đầu tháng 5
Cộng Tàu hộ tống giàn khoan tiến vào(1)
Biển Đông dậy sóng thét gào
Đồng bào ơi đuổi giặc Tàu xâm lăng!
Đâu hồn Phù Đổng Thiên Vương
Ngô Quyền sóng Bạch Đằng Giang thuở nào
Cứu non sông! Cứu đồng bào!
Khỏi Tàu cộng sản kéo vào nước Nam!

Trăng đêm Phù Đổng dát vàng
Thiên Vương lên ngựa rời làng cứu dân
Tre ngà thay lưỡi gươm thần
Chém tơi tả xác giặc Ân truyền đời
Đường Lâm tiếng thét dậy trời
Ngô Quyền tuyên thệ đáp lời núi sông
Nước Nam đây của Vua Hùng
Ngàn năm Bắc Thuộc núi sông quyết đòi!

Hoàng Sa súng nổ vang trời(2)
Bắn chìm tàu giặc nối đời xâm lăng
Ngụy Văn Thà quyết không hàng
Thề hy sinh giữ non sông biển trời
Bảy Tư Lính Cộng Hòa ơi
Nghìn năm sau vẫn rạng ngời sử xanh!
Sống anh hùng, chết liệt oanh
Chống Tàu cộng sản lưu danh kiếp đời!



Bởi ai mất biển, mất trời?
Bởi ai đau đớn giống nòi Việt Nam?
Bởi ai Tàu cộng nghênh ngang
Bắn dân, cướp cá, xâm lăng biển nhà?
Bởi ai dâng hiến Hoàng Sa?
Bởi ai Tàu cướp đảo ta dễ dàng?
Ông trời có mắt hay chăng?
Mà cho bè lũ Việt gian tiếm quyền?

Ngàn năm tính sổ ghi tên
Bồ đoàn Chiêu Thống độc quyền hôm nay
Làm thì dở, nói thì hay
Cướp đêm hơn giặc, cướp ngày như quan
Đi đâu cũng gặp dân oan
Đứng ngồi la liệt cửa quan đòi nhà
Đòi đất, đòi mẹ, đòi cha…
Đòi mồ, đòi mả ông bà tổ tiên!

Vài lời vọng hỏi Dân Tiên(3)
Ông là nhà báo ở miền nào ta?
Mà sách ấn bản tiếng Hoa
Tôn vinh ông ấy “cha già” của ai?
Ngàn năm dân tộc truyền đời
Đã bao giờ nhận một người làm cha?
Lạc Long Quân thuở xưa xa
Cũng chưa tự nhận “cha già”, rõ không!

Hỏi ai dâng giặc Biển Đông
Theo Mao tàn phá non sông biển trời?
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về nước Việt mà thôi lụy Tàu!
Hà Nội, 8/6/2014
Đặng Huy Văn

Bài do tác giả gởi. VA biên tập và minh hoạ.

CHÚ THÍCH:

(1). Từ ngày 2/5/2014, giặc Trung Quốc đã cho hàng trăm tàu hải quân, hải giám, kiểm ngư, ngư chính và tàu cá giả danh hộ tống giàn khoan MD 981 hạ đặt trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, bất chấp các công ước và luật pháp quốc tế.

(2). Hải Chiến Hoàng Sa: ngày 19/1/1974, giặc Trung Quốc đã dùng một lực lượng hải quân áp đảo cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận Hải Chiến đó, những người lính Hải Quân Cộng Hòa đã kiên cường đánh trả giặc Tàu, đã bắn chìm và bắn hỏng nhiều tàu chiến của giặc. 74 người lính thân yêu của VNCH đã hi sinh đến giọt máu cuối cùng để cứu đảo nhưng trước sức mạnh áp đảo của giặc, Hoàng Sa đã rơi vào tay giặc Trung Quốc xâm lược. Thiếu tá Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 Ngụy Văn Thà đã kiên quyết bám trụ HQ 10 và đã cùng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo chìm xuống đáy biển Hoàng Sa. Ông là một biểu tượng sống động của tình yêu Tổ Quốc trong Thế Kỷ 20 của Dân Tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lăng truyền kiếp Phương Bắc!

(3). “Nhà báo” Trần Dân Tiên là tác giả cuốn sách “Những mẫu chuyện về đời goạt động của Hồ Chủ Tịch” xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Hoa năm 1948 tại Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch). Mặc dù ông Trần Dân Tiên viết rằng “Tôi viết cuốn sách này với mục đích cho “đồng bào” Việt Nam biết về thân thế và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc Việt Nam” nhưng lại xuất bản bằng tiếng Hoa cho người Tàu đọc, mãi 10 năm sau mới được dịch ra tiếng Việt và năm 1958 mới xuất bản tại Việt Nam. Đây là một nghi vấn lớn về “nhà báo” Trần Dân Tiên mà sau này mọi người mới ngã ngữa ra, Trần Dân Tiên chính là một bút danh của ông Hồ Chí Minh. Ông dùng bút danh này để viết sách tự ca ngợi mình và tự nhận mình là “cha già của dân tộc Việt Nam”! Trong lịch sử bốn nghìn năm của nước ta, tất cả các vị anh hùng hào kiệt mọi thời đại cũng chỉ dám nhận mình cao nhất là người con ưu tú của dân tộc, chứ chưa có bất cứ ai tự nhận mình là “cha già của dân tộc Việt Nam” cả! Trừ phi, đó là một kẻ cùng dòng giống Hán tặc với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình…

Đặng Huy Văn - Một Tiến sỹ Toán học, một nhà giáo đã về hưu đang sinh sống tại Hà Nội "Ông là một giảng viên đại học tại Hà Nội, thích làm thơ yêu nước" Thơ của ông dù viết về đề tài nào cũng đau đáu trong lòng một tình yêu nước, yêu đời, đều hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ vĩnh hằng mà nhân loại cần hướng đến.
BBT-VA
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét