Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Tập đoàn thế giới 'cò cử'... quan huyện - Ngôn từ thời nay của giới trẻ Việt Nam

Ngôn từ thời nay của giới trẻ Việt Nam

Toàn Shinoda đã là một cái tên rất hot của giới trẻ trên cộng đồng mạng. Trong Show anh sử dụng rất nhiều ngôn từ mới của giới trẻ thời nay.  Screen capture
Toàn Shinoda đã là một cái tên rất hot của giới trẻ trên cộng đồng mạng. Trong Show anh sử dụng rất nhiều ngôn từ mới của giới trẻ thời nay. Screen capture. RFA screen cap
Nghe bài này

Giới trẻ Việt Nam, thuộc thế hệ mà bao chí gọi là 8X hay 9X, thường sử dụng những ngôn từ những câu chữ không cầu kỳ không bóng bẫy nhưng có vần có điệu nghe đến lạ đến hay.

Ngôn Từ Của Giới Trẻ Việt Nam là đề tài mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay. Thực ra những ngôn từ xuất phát từ cảm xúc hay chỉ là cách nói trong đời sống thường nhật không phải bây giờ mới có. Ngày xưa thì đôi khi chỉ một câu với hai hoặc ba từ, nhưng bây giờ thì cả đôi câu vần điệu hẳn hoi, dễ khiến người ta nhớ nhưng cũng dễ khiến nhiều người nhăn mặt khó chịu.

Không cầu kỳ bóng bẫy nhưng có vần có điệu

Mà khó chịu như thế là hơi chủ quan rồi đấy, họa sĩ Trịnh Bách, từ nước ngoài về Hà Nội và làm việc trong ngành phục chế cổ trang qua các triều đại vua chúa xưa kia, nhận xét:

Cái đó hơi chủ quan, ngày xưa người ta nói “ Sức Mấy” với lại “ Bỏ Đi Tám”, bây giờ nói “Nhỏ Như Con Thỏ” có vần có điệu hơn. Đó là lối mới người ta nói như vậy .

Đặng Ngọc Sơn là một bạn trẻ ở Hà Nội, từng đi du học ở nước ngoài, thì vô cùng thích thú trước những ngôn từ mà anh cho là phải có đầu óc khôi hài và bén nhậy mới có thể nghĩ ra:

Chẳng hạn như bây giờ em nói “Tại Sao Nghèo Mà Học Giỏi” nhưng câu ngược lại mới là đau “Tại Sao Giỏi Mà Vẫn Nghèo”. Câu “Giỏi Mà Vẫn Nghèo” cái ý của nó mình phải suy nghĩ nhiều hơn. Tất nhiên là trong văn hóa nói bình thường thôi, còn nếu mà văn hóa báo chí thì không thể áp dụng được. Em rất thích và em biết rất nhiều. Thậm chí ở đây đã từng có người như bọn em, làm hẳn một quyền sách bao gồm những thành ngữ mà giới trẻ Việt Nam hay dùng. Có những người lớn tuổi họ không chấp nhận những cái đó, các bậc cha chú nghĩ rằng nó làm mất đi cái hay cái đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt. Em thì em thấy nó hay bởi vì đó như một cách sáng tạo đột phá. Chẳng hạn như “Chán Như Con Gián”, “Buồn Như Con Chuồn Chuồn”, “Phê Như Con Tê Tê” …Em thấy nó biến thể từ cái văn hóa lục bát câu sau kéo vần theo câu trước. Nói chung ngồi nói gẫu tán dóc với nhau thì nó tạo cái không khí vui vẻ, và em có thể đối đáp lại rất buồn cười và rất dễ thương mà họ không thể phản bác gì được mình.
Cái đó hơi chủ quan, ngày xưa người ta nói “ Sức Mấy” với lại “ Bỏ Đi Tám”, bây giờ nói “Nhỏ Như Con Thỏ” có vần có điệu hơn. Đó là lối mới người ta nói như vậy - họa sĩ Trịnh Bách
Được yêu cầu nêu thí dụ cụ thể anh thường gặp, Đặng Ngọc Sơn kể:

Chí nói trong những tình huống bình thường, chẳng hạn khi em muốn ra khỏi nhà, vợ em  hỏi một câu là “Đi Đâu?” thì em đáp lại”Đi Đâu Còn Lâu Mới Nói”, kiểu thế. Chẳng hạn rủ nhau đi chơi, kiểu thách thức một chút là vợ ở nhà đấy, có dám đi không, thì lúc ấy tặc lưỡi một câu “Khi Đã Máu Đừng Hỏi Bố Cháu Là Ai”. Hoặc là đến giờ rồi và phải đi về nhưng bạn bè vẫn rủ đi chơi thì cũng tặc lưỡi bảo “Dân Chơi Ngại Gì Mưa Rơi” và mình cứ đi thôi, kiểu như vậy.
Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' biếm họa giao thông VN
Chạy nhanh thắng gấp Nằm sấp như chơi. Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' biếm họa giao thông VN .
Xe mẹ mua Đua mẹ đánh. Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' biếm họa giao thông VN .
Cái văn hóa nói ấy ở đây thì bây giờ em cứ tiếp nhận và em thấy nó vui, chẳng hạn nếu như em trong tình huống mà cậu bạn kia bảo “Đừng Vào Rừng Mơ Bắt Con Tưởng Bở “ thì em bèn dùng câu đối đáp là “Đẹp Trai Chẳng Bằng Chai Mặt” .

Nhiều bậc phụ huynh thì thấy khó tiếp nhận những cái đó, tầng lớp có tuổi thích những cái gì thuộc về truyền thống hơn. Bình thường ra thì khi bảo đừng cư xứ như thế nọ thế kia, nhưng thay vào đó thì họ dùng câu là “Bộ Đội Chơi Trội”. Những từ đấy nếu phát ra theo một câu vần thì mình lại thấy có thể nó chỉ là một câu vui mồm. Bình thường cách hành văn đấy sẽ không có vấn đề gì, mà vấn đề là mình hành văn trong hoàn cảnh nào với và trong ngữ điệu nào mà thôi, còn đa phần tụi em thấy là vui.

Đời sống riêng của ngôn ngữ

Dưới mắt tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, giám đốc phòng Xã Hội Học Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, ngôn từ giới trẻ thời nay là điều rất mới của đời sống, phản ánh qua quyển sách biếm họa một thời gây khá nhiều tranh cãi là Sát Thủ Đầu Mưng Mủ của họa sĩ trẻ Thành Phong, thể hiện cách giới trẻ biểu lộ suy nghĩ, tình cảm và cái nhìn của mình:

Cách đây khoảng một hai năm đã có quyển tranh vẽ biểu thị một cách nghĩ mới một cách sáng tạo mới của giới trẻ tức là minh họa vẽ tranh cho nó. Thế thì cũng có những xung đột, một bên rất là thích những câu từ của giới trẻ như vậy, một bên lo lắng sẽ làm hỏng ngôn ngữ tiếng Việt, làm sai lệch suy nghĩ của giới trẻ, làm ảnh hưởng đạo dức lối sống xã hội Việt Nam. Xung đột đấy dẫn đến quyền sách bị nhà nước tịch thu.
Chẳng hạn như bây giờ em nói “Tại Sao Nghèo Mà Học Giỏi” nhưng câu ngược lại mới là đau “Tại Sao Giỏi Mà Vẫn Nghèo”. Câu “Giỏi Mà Vẫn Nghèo” cái ý của nó mình phải suy nghĩ nhiều hơn - Đặng Ngọc Sơn
Nhưng mà câu chuyện không dừng ở đấy, tôi đã đi dự một cuộc thảo luận giữa nhà giáo Văn Như Cương, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Xuân Nguyên và những học giả khác nữa.
Vẫn theo tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đã gọi là một sinh ngữ thì phải sống động chứ không nhất thiết bị ràng buộc vào khuôn sáo cũ:

Trong cuộc bàn thảo họ đã đưa vấn đề này ra dưới nhiều góc cạnh để phân tích rằng đấy là cái hoàn toàn tự nhiên về mặt ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ, gọi là sinh ngữ, thì nó có đời sống riêng của nó, phản ánh đời sống xã hội, ngăn cản cuộc sống bình thường của một ngôn ngữ là điều không thể vì nó phản ánh tất cả những tư duy và những suy nghĩ của người dân và của giới trẻ, vì vậy không có cách gì ngăn cản nó tồn tại. .

Thông qua những ngôn ngữ đấy chúng ta sẽ hiểu giới trẻ, một bộ phận của xã hội, khi đưa ra những ngôn từ đó thì không phải là tất cả những người cao tuổi những người lớn tuổi phản đối mà một bộ phận không nhỏ người lớn tuổi đã chấp nhận và cảm thấy thích thú. Đấy là một cách làm mới, tại sao giới trẻ có thể thay đổi mà lại ngăn cấm mà lại phê phán.

Dân gian từ xưa vẫn có câu ”Một Con Ngựa Đau Cả Tàu Bỏ Cỏ”. Thế nhưng bây giờ giới trẻ cải biên đi “Một Con Ngựa Đau Cả Tàu Ăn Thêm Cỏ”. Trong khi câu cũ có gì đấy như là giáo huấn, một cái gì đấy hướng tới đạo đức sống cho nó đẹp, nhưng câu sau của giới trẻ lại phản ánh một cái thực tế là nhiều khi người ta không bỏ cỏ mà người ta lại được ăn thêm một suất kia. Có nghĩa là giới trẻ giờ có một cái nhìn nó tinh tường hơn nó đầy đủ hơn về một xã hội không phải cứ giáo huấn mà là hiện thực.

Với một người cho rằng hiện thực đấy tốt thì nó khác, còn một người cho rằng con ngựa đau mà cả tàu được ăn thêm cỏ là không tốt. Đấy là cách để cho người ta suy nghĩ không phải mà cứ răm rắp đi theo con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mà trong khi đấy thực tế không phải như vậy.
Trong ngôn ngữ, gọi là sinh ngữ, thì nó có đời sống riêng của nó, phản ánh đời sống xã hội, ngăn cản cuộc sống bình thường của một ngôn ngữ là điều không thể vì nó phản ánh tất cả những tư duy và những suy nghĩ của người dân và của giới trẻ, vì vậy không có cách gì ngăn cản nó tồn tại
họa sĩ Thành Phong
Tôi nghĩ một ngôn từ tồn tại như thế nào thì nó phản ánh một xã hội như thế. Xã hội đấy nếu lành mạnh, tiến bộ và tử tế thì nó sẽ có sự lựa chọn, sàng lọc. Nếu không phù hợp với số đông xã hội thì nó sẽ nhanh chóng bị lãng quên và tự nhiên những ngôn ngữ mới xuất hiện đó sẽ chết. Chúng ta thấy ngay những quyển tự điển lớn của Oxford hay của Larousse vẫn thường bổ sung những từ mới. Như vậy đời sống luôn luôn có những từ mới, điều đấy hoàn toàn bình thường.
Cố quá thành Quá cố. Họa sĩ Thành Phong
Cố quá thành Quá cố. Họa sĩ Thành Phong
Từ Hà Nội, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học Và Xã Hội, giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí:

Bạn bè tôi là những nhà ngôn ngữ lúc đầu họ gồng lên họ mắng lũ trẻ với lũ dùng từ ghê lắm. Theo tôi thì chẳng có gì đáng phải phê phán cả. Tôi hay nhắc một câu rất nổi tiếng của Heideger: “Trong ngôn ngữ chỉ có một qui luật, ấy là qui luật của người dùng”. Khi xã hội dùng thế thì mình phải chấp nhận.

Điểm thứ hai, cách dùng ngôn từ trong tiếng Việt theo tôi hiểu từ xưa đến nay vẫn thế chứ không phải bây giờ mới như thế đâu. Có cái trẻ con nó dùng một loạt như thế thì nó thành một ngôn ngữ lấy vần lấy điệu thì các cụ ta ngày xưa cũng thế và lắm khi từ lóng, từ láy, từ lọc cứ thế từ đấy mà ra cả.

Tuy nhiên, giáo sư Hồ Sĩ Quí khẳng định, ngôn từ thời nay của người trẻ đôi khi làm người lớn bị sốc:

Thuật ngữ “Sát Thủ Đầu Mưng Mủ” nghe hơi khó chịu với một số người, bên cạnh những cái tạm gọi là thành ngữ rất là hay. Kể cả những cái không hay thì đằng sau đó cũng thể hiện một thái độ một tâm trạng cũng rất là thú vị.

Với ông, những thành ngữ như Ngon Lành Cành Đào” hay “Đã Máu Thì Đừng Hỏi Bố Cháu Là Ai” đều là những thành ngữ hay:

Nó vừa có thái độ vừa thể hiện được ý tưởng của ngôn từ ấy, đủ ấn tượng để diễn đạt một cái gì đó. Nhiều từ rồi về sau cũng vào tự điển đấy. Trước kia một số từ như “Bụi Đời”, “Đánh Quả”, “Trấn Lột” … là những từ chỉ có dùng ngoài chợ búa, bây giờ trong văn cảnh báo chí vẫn dùng rồi đấy.
“Trong ngôn ngữ chỉ có một qui luật, ấy là qui luật của người dùng”
Heideger
Thực ra đối với con cháu thì tôi nói chúng bay ngang bằng ngang lứa thì được, còn nói chuyện với các bậc cao niên hoặc là trong chổ trịnh trọng nghiêm túc hoặc lên giảng đường thì không nên nói.

Trong xu hướng sử dụng từ ngữ khôi hài, dí dõm, vần điệu từ thế hệ 8X và 9X, thì giáo dục, hướng dẫn cần thiết hơn là phê phán hay cố chấp, giáo sư Hồ Sĩ Quí kết luận:

Theo tôi quá nửa những thành ngữ là hay chứ không dở. Chẳng hạn “Đã Máu Thì Đừng Hỏi Bố Cháu Là Ai”, hai cái nội hàm hoàn toàn ở những lĩnh vực khác nhau, một cái nghiêm túc đặt bên cái buồn cười tạo nên một tình huống thú vị cho ngôn ngữ. Qui luật hình thành ngôn ngữ như vậy rất là sâu sắc, còn hay hơn nhiều những trường hợp dùng từ chợ búa đưa vào từ báo chí.

Khi sử dụng ngôn từ đương đại và vần điệu để mà trả lời bạn bè hoặc đối đáp qua lại, bạn Đặng Ngọc Sơn cho rằng có lẽ ý thức và cách phát ngôn là hai điều cần lưu ý bởi không khéo có thể dẫn đến bất hòa hoặc xung đột đáng tiếc:

Đôi khi mình ra ngoài đường mình nói câu đùa nó hơi bậy một tí thì nó cũng gây một tiếng cười làm mình thấy thoải mái. Chẳng hạn như câu “Đã Xấu Còn Xa, Đã SIDA Còn Xông Pha Đi Hiến Máu”. Mà văn hóa truyền miệng thì không có ai bắt bẻ được ai hết. Phải hiểu không phải ai cũng có thể nghĩ ra câu đó, chỉ có điều giới trẻ thì nó chấp nhận câu đấy khác với tầng lớp trên.

Nhiều khi một câu nói có thể không có vấn đề gì nhưng có thể phát sinh vấn đề khác nếu như hoàn cảnh sử dụng không hợp lý. Mình dùng từ hoặc là ngữ cảnh không có tính đả kích, sử dụng trong ngữ điệu vui vẻ anh em với nhau thì cũng sẽ chẳng có vấn đề gì cả.

Câu chuyện Đời Sóng Người Việt Khắp Nơi, ngôn ngữ đương đại và trào phúng của giới trẻ Việt Nam ngày nay, xin được tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
(RFA)

Chỉ có ở Việt Nam: Tập đoàn thế giới 'cò cử'... quan huyện

Tình trạng các tập đoàn thế giới đến đây chủ yếu ngồi cò cử với quan tỉnh, quan huyện, và quan trên... chỉ có ở Việt Nam.
 
Vấn đề tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với Việt Nam: cơ hội và thách thức là vấn đề lớn, mới mẻ.

Rõ ràng, kinh tế toàn cầu hóa đang lan chảy một cách mau lẹ và đang kết nối gần như tất cả các nền kinh tế trên thế giới lại với nhau dưới những chiếc gậy thần của các Tập đoàn xuyên quốc gia.

Tổ chức thương mại thế giới WTO ra đời ngày 1/1/1995, nay đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của nó là phá nát và dọn sạch những hàng rào bảo hộ, tạo ra một sân chơi thoáng cho nền kinh tế thế giới. Làm xong sứ mệnh đó, WTO đang trở thành một câu lạc bộ có thành phần quá đa dạng và phức tạp, không thể tìm được sự thống nhất để thiết kế một khung pháp lý mới rộng hơn, sâu hơn cho nền kinh tế toàn cầu hóa. Vòng đàm phán Doha dậm chân tại chỗ, coi như bế tắc.

Trong hoàn cảnh đó người ta phải phá rào, tách ra đi tìm những chỗ chơi thông thoáng, tự do hơn và từ đó các Hiệp định mậu dịch tự do FTA, song phương và khu vực được cổ vũ.
clip_image002
Ảnh minh họa
Chỉ người... giàu bàn chuyện hội nhập
Các FTA đang được cổ vũ ở đâu?

Người châu Phi da đen chưa muốn nghe chữ FTA, họ đang bận lo cơm áo hàng ngày, những người nói tiếng Ả rập chưa có thì giờ bàn chuyện FTA, họ đang mắc kẹt trong những câu chuyện về "Mùa xuân Ả-rập". Hăng hái bàn FTA chủ yếu ở khu vực người giàu, muốn giàu nhanh, đặc biệt ở Bắc Mỹ rồi đến châu Âu, châu Á.

FTA có những loại nào?

FTA có những dạng khác nhau, mức độ và phạm vi cam kết khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển và ý đồ chiến lược của các nước tham gia. Hiện tại đã có một số loại sau.

Loại FTA có mức độ cam kết thấp hơn, phạm vi hẹp hơn như các FTA mà ASEAN ký với các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Ở đây người ta tập trung chủ yếu là giảm bỏ thuế XNK mở cửa thị trường cho hàng hóa tự do lưu thông, các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ, Sở hữu trí tuệ, v.v. phạm vi cam kết hoặc rất hạn chế hoặc chung chung ít ràng buộc.

Loại FTA cam kết ở mức cao hơn, chặt chẽ hơn, bền vững hơn, đó chủ yếu là các FTA song phương mà Hoa Kỳ đã ký với các nước, Canada, Australia, Singapore, Chi Lê, Hàn Quốc. Ở đây cam kết rất rộng, rất sâu, cả thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, có cả cam kết doanh nghiệp quốc doanh và môi trường, lao động. Đây có thể coi là FTA thế hệ mới.

Nếu đàm phán kết thúc, có lẽ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là dạng FTA mới nhất, hiện đại nhất, có mức độ cam kết sâu rộng nhất, có những quy định chặt chẽ nhất. TPP đang được gọi là "Hiệp định thế hệ mới"; "Hiệp định của thế kỷ 21"; là "Câu lạc bộ của những người tự do kinh tế chủ nghĩa". Nó là sân chơi của những người giàu.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất dũng cảm quyết định vào chơi ở sân chơi đẳng cấp này. Cái ước mơ “sánh vai các cường quốc năm châu” của người Việt có thể được nhen nhóm từ đây nếu chúng ta thành công trong cuộc chơi này.

Không thể đi nhặt bóng cho người khác chơi gôn

Cho đến lúc này, Việt Nam chưa tham gia FTA thế hệ mới. Mỹ chưa đàm phán FTA song phương với Việt Nam. Việt Nam đang đàm phán TPP. Gia nhập TPP sẽ được coi là Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới. Do đó xin phép chủ yếu phân tích tác động của TPP vào Việt Nam.

Với kết cấu nội dung và thành phần tham gia, TPP mang đậm màu sắc địa chính trị, những tác động của nó không chỉ tăng trưởng thương mại tức thời, mà sẽ tác động lâu dài, sâu sắc, vào thể chế, vào con đường phát triển, vào đường lối chính sách của Việt Nam. Những tác động nêu sau đây là những tác động lâu dài và sẽ là cơ hội nếu chúng ta xử lý tốt, và cũng là thách thức nếu chúng ta xử lý không thành công.

Tác động thứ nhất: TPP sẽ tạo sức ép tinh thần và pháp lý để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh.

Sân chơi TPP là sân chơi của những nước có nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh cao, rất cao, là những quốc gia có nền kinh tế mở, rất mở, đặc biệt là Hoa kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore... Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các nền kinh tế thế giới, các nước này luôn đứng đầu bảng.

Cuộc chơi trong TPP là cuộc chơi trên nền tảng toàn cầu hóa mà các quốc gia này là những quốc gia đã chuẩn bị đầy đủ nhất, tốt nhất, sẵn sàng nhất để khai thác các lợi thế của toàn cầu hóa.

Không có chuyện chiếc bánh lợi ích sẽ được chia đều cho tất cả những ai ngồi trên mâm toàn cầu hóa. Anh nào mạnh, anh nào giỏi sẽ giành phần hơn. Việt Nam phải có nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh mới mong được phần lợi lộc. Nếu không giỏi, không mạnh anh sẽ chỉ là người đi nhặt bóng cho người ta chơi gôn. Việt Nam cũng không thể đứng mãi ở vị trí áp chót trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển chủ yếu dựa vào lao động cơ bắp.

Những quy định rất chặt chẽ trong Hiệp định TPP nói lên rằng tất cả những cái gì không phải là kinh tế thị trường, thì phải xóa bỏ bằng hết. Điều đó có nghĩa là nó sẽ tác động vào cả thể chế, cả cách điều hành kinh tế, quản lý xã hội và Việt Nam sẽ có sự thay đổi sâu sắc trong cách vận hành nền kinh tế của mình.

Thực hiện xong những cam kết trong TPP Việt Nam đàng hoàng có một nền kinh tế thị trường, không cần phải áo the khăn xếp đi lạy xin ai công nhận cho Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
clip_image003
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Tác động thứ hai: TPP sẽ tạo điều kiện và sức ép để Việt Nam xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp mạnh.

Trong một cuộc chiến tranh, đã có bộ tham mưu giỏi, nếu không có tướng tài, lính thiện chiến trên chiến trường thì cũng không có chiến thắng. Trên thương trường, chính các doanh nghiệp giỏi là những người làm nên thành công.

Kinh tế toàn cầu hóa là cuộc đua giữa các đại gia, các tập đoán xuyên quốc gia. Các tập đoàn xuyên quốc gia nắm trong tay vốn, công nghệ, sản xuất, thị trường. Họ chi phối cả thị hiếu tiêu dùng của thế giới những người tiêu dùng. Họ chi phối cả chính sách của cả quốc gia và quốc tế. Họ đang có mặt khắp mọi nơi. Ở Việt Nam các tập đoàn xuyên quốc gia đang triển khai các dự án lớn nhất, quan trọng nhất.

Nhà nước chỉ làm chức năng kiến tạo, Nhà nước lập khuôn khổ pháp lý cho phù hợp và tạo điều kiện cho dân, cho doanh nghiệp làm giàu cho mình và cho đất nước. Đội ngũ doanh nghiệp là bộ mặt quốc gia, là sức mạnh của nền kinh tế. Không thể có nền kinh tế mạnh mà đội ngũ doanh nghiệp yếu. Kinh tế Mỹ cũng thế, kinh tế Nhật cũng thế, kinh tế Hàn Quốc cũng thế và kinh tế nước nào cũng vậy.

Việt Nam phải có một đội ngũ doanh nghiệp mạnh mới có hy vọng thành công trong cuộc đua toàn cầu hóa. Tất nhiên không phải là Vinashin, Vinalines, cũng không phải là các đại gia chênh lệch giá đất. Các đại gia chênh lệch giá đất không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vì ở đó không có chênh lệch giá đất nhờ luật pháp tù mù như ở Việt Nam. Có thể hình dung là bồi dưỡng những loại doanh nghiệp như Viettel, FPT để họ sớm trưởng thành và phải có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp mạnh hơn nữa.

Cái tình trạng các tập đoàn thế giới đến đây chủ yếu ngồi cò cử với quan tỉnh, quan huyện, và quan trên... chỉ có ở Việt Nam.

Những quy định chặt chẽ trong Hiệp định TPP nhắc chúng ta nhớ rằng quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài được xác định rất rõ ràng, đảm bảo cho họ đầy đủ tự do hoạt động trong một nền kinh tế tự do, lợi ích của họ được bảo hộ tuyệt đối vững chắc.

Việt Nam phải có những người giỏi để cùng người nước ngoài khai thác thị trường trong nước và đi khai thác ở các nước đối tác TPP, các nước khác như họ đang khai thác trong nước mình. Những người đó phải là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Các nghị sĩ QH sẽ phải đau đầu

Tác động thứ ba: TPP tạo cơ hội và sức ép tinh thần, sức ép pháp lý để Việt Nam củng cố một Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Ở đây có mấy việc phải làm song song.

Việc thứ nhất là phải hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống pháp luật. Hầu hết các quốc gia trong TPP đều có hệ thống pháp luật hoàn thiện và hiện đại của một quốc gia phát triển.
clip_image004
Có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và hiện đại Việt Nam mới hy vọng bảo vệ được lợi ích của mình. Nếu luật pháp không hoàn chỉnh Việt Nam sẽ rơi vào thế bất lợi, và chắc chắn luôn chịu thua thiệt.

Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất hiện đại nhất. Hệ thống pháp luật của họ cũng là hành lang pháp lý vận hành nền kinh tế toàn cầu hóa, đủ mạnh để bảo vệ lợi ích nước Mỹ và công dân Mỹ ở bất cứ nơi nào, đủ mạnh để bảo vệ cho doanh nghiệp Mỹ làm giàu trên đất Mỹ và bất cứ nơi nào trên thế giới. Hoa Kỳ đang cố gắng để từng bước quốc tế hóa hệ thống luật Mỹ, trước đây thông qua WTO nay thông qua các FTA, TPP.

ĐBQH Việt Nam nhiệm kỳ 2001-2005 đã phải vô cùng vất vả đánh vật với cuộc cải tạo, sửa đổi hệ thống luật, từ kinh tế bao cấp độc quyền sang kinh tế thị trường, không phân biệt đối xử theo những cam kết trong Hiệp định thương mại (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ và để chuẩn bị gia nhập WTO.

Rồi đây các nghị sĩ có thể sẽ đau đầu khi luật hóa những khái niệm mới, những tiêu chuẩn mới chưa hề gặp phải mà Hoa Kỳ đang gò vào TPP. Âu đây cũng là cơ hội để ta hiện đại hóa luật pháp của ta cho thích ứng với kinh tế toàn cầu hóa.

Việc thứ hai, củng cố các tổ chức hỗ trợ tư pháp làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp trong hội nhập: Xây dựng một hệ thống tư pháp mạnh; Xây dựng một hệ thống trọng tài mạnh; Xây dựng hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp mạnh (Hội Luật gia, Công chứng, Giám định); Xây dựng một hệ thống thông tin pháp luật tốt; Đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp luật giỏi, hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn pháp luật giỏi (các vụ kiện quốc tế, cho đến nay Việt Nam toàn đi thuê tư vấn nước ngoài).

Nếu không có một hệ thống hỗ trợ tư pháp mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể trụ đứng được trong cuộc chơi toàn cầu, ngay chính trên đất nước mình.

Việc thứ ba, phải xây dựng bằng được "Văn hóa sống và làm việc theo pháp luật". Người dân phải biết luật, sống theo pháp luật phải biết tôn trọng pháp luật, phải biết sợ khi làm trái luật, có ý thức tránh những việc làm trái luật.

Doanh nghiệp kinh doanh phải theo đúng luật, biết sợ biết tránh làm trái luật, phải biết loại ra khỏi đầu ý nghĩ, lòng ham muốn lách luật, trốn thuế để trục lợi. Công chức cơ quan Nhà nước phải nắm luật để hướng dẫn thi hành, phải đôn đốc kiểm tra, thường xuyên kiểm tra. Ở đâu sai người phụ trách việc đó phải xuống tận nơi xử lý (không thể lúc nào cũng lập hết ủy ban này, ủy ban nọ, đoàn kiểm tra lớn, đoàn kiểm tra bé. Thế giới không làm vậy).

Cơ quan tòa án chiểu theo luật mà xử, xử đúng luật đúng người, đúng tội; không phải chờ ý kiến chỉ đạo của ông này, bà kia. Không xử oan sai, nhiều hơn xử đúng. Không xử như tòa án Tuy Hòa, Phú Yên vừa qua.

Sống và làm việc theo pháp luật là thứ văn hóa phổ cập ở khắp nơi, không có lý do gì để Việt Nam làm khác.
Nguyễn Đình Lương 
(Nguyên Trưởng đoàn đàm phán HĐTM Việt Nam - Hoa Kỳ)
Nguồn:vietnamnet.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét