Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Việt Nam: Giấc mơ thành quốc gia thượng đẳng? - Chỉ có xã hội hóa và cá nhân hóa mới mang lại sự dân chủ - Vì sao vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc đáng lo ngại?

Việt Nam: Giấc mơ thành quốc gia thượng đẳng?

Một đất nước muốn trở thành quốc gia thượng đẳng phải bắt đầu từ khí khái, quyết tâm hành động của giới lãnh đạo, từ đó quy tụ nhân tài và đưa ra được tầm nhìn về hướng phát triển đáp ứng được mơ ước của dân chúng.

Tháng 11 năm ngoái (2013) người thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời. Khoảng 10 năm nữa dân số Việt Nam sẽ gần 100 triệu. Trên thế giới hiếm có một đất nước có số dân đông như vậy lại có sự thống nhất cao về văn hóa, ngôn ngữ, và nằm giữa một vùng phát triển năng động. Với tiềm năng như vậy, chúng ta có thể hy vọng đất nước mình vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh không? Chắc chắn tuyệt đại đa số người Việt Nam đều có mong ước đó. Nhưng để giấc mơ đó trở thành hiện thực cần những điều kiện gì, bây giờ phải chuẩn bị những tiền đề gì?

Về vấn đề này, lẽ ra trong nước phải dấy lên một phong trào bàn luận sôi nổi về vị trí của Việt Nam hiện nay và triển vọng về một tương lai dài hạn. Lãnh đạo lẽ ra phải kêu gọi trí thức trong và ngoài nước nghiên cứu, bàn luận để đưa ra được tầm nhìn có căn cứ khoa học về tương lai, từ đó tạo sự tin tưởng cho dân chúng, khuyến khích người dân nỗ lực hướng vào mục tiêu được xã hội đồng thuận.

Kinh nghiệm thế giới: Quốc gia thượng đẳng bắt đầu như thế nào?
Nhìn quanh thế giới, xưa cũng như nay, nước nào có lãnh đạo và trí thức quan tâm về tương lai đất nước và đưa ra được mục tiêu có căn cứ khoa học và hợp với giấc mơ của tuyệt đại dân chúng thì sau đó phát triển nhanh, chuyển hoán hẳn vị trí của đất nước trên bản đồ thế giới. Sĩ phu và trí thức Nhật Bản thời Minh Trị thấy mình là một tiểu quốc trước sức mạnh của các nước Âu Mỹ, họ đã quyết tâm học tập Tây phương và cải cách thể chế để đưa Nhật trở thành một quốc gia thượng đẳng (chữ của những nhà nghiên cứu khi nói về hoài bão của lãnh đạo thời Minh Trị), tránh nguy cơ lệ thuộc nước ngoài. Và họ đã thành công. Lãnh đạo Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960, với tinh thần dân tộc cao độ, đã đưa ra quyết tâm thoát khỏi vị trí thấp kém của đất nước, đặt ra phương châm học tập Nhật, Mỹ, trọng dụng nhân tài, tổ chức bộ máy hiệu suất để vạch ra chiến lược và thực hiện chiến lược phát triển. Và họ đã thành công.

Ở mỗi một khúc ngoặt của lịch sử, vai trò của lãnh đạo và trí thức đặc biệt quan trọng. Trong năm qua ta cũng thấy điều đó. Tại Nhật, thủ tướng Abe Shinzo hạ quyết tâm hồi phục kinh tế, quyết đưa nước Nhật trở lại vị trí đã có 20 năm trước. Trí thức, học giả tích cực tham gia bàn bạc để chính sách của Abe đưa lại hiệu quả tốt nhất. Nhiều viện nghiên cứu triển khai các đề tài liên quan. Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) vừa công bố kết quả dự báo về kinh tế thế giới vào năm 2050, và đưa ra các kịch bản cho Nhật Bản, trong đó có kịch bản duy trì được vị trí thượng đẳng nếu thực hiện các cải cách về dân số, về thị trường lao động, về chiến lược liên quan đến cách tân công nghệ và giáo dục.

Lãnh đạo Indonesia gần đây nói về "nền kinh tế 1.000 tỉ đôla", một nền kinh tế đủ lớn để có một ảnh hưởng nhất định trên thế giới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Indonesia hiện nay (năm 2012) là 878 tỉ USD nên chỉ cần vài năm nữa là đạt được mục tiêu đó. Nhưng lãnh đạo Indonessia muốn nhấn mạnh cái mốc đó để khơi dậy sự phấn chấn trong dân chúng, từ đó tạo khí thế đưa đất nước tiến xa hơn. Trước đây, vào năm 2009, sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2, tổng thống Yudhoyono xúc tiến lập Chiến lược phát triển kinh tế 15 năm (2011-2025) với phương châm kế hoạch phải phát huy được hết tiềm năng của Indonesia và khi công bố phải "biểu thị được ý chí phát triển không có gì đáng hổ thẹn với thế giới". Lời nói đó có sức hiệu triệu cao.

Cách biểu thị lòng tự hào dân tộc và ý chí của Hàn Quốc gần đây cũng đáng chú ý. Cuối năm 2011, nhân dịp đăng cai tổ chức Hội nghị 20 nước (G20) có vị trí quan trọng trên thế giới, Hàn Quốc đã vận động dân chúng ý thức hơn nữa khả năng của dân tộc mình, quyết vươn lên ngang hàng các nước tiên tiến. Họ đưa ra các mục tiêu như "đồng hành cùng thế giới và trở thành quốc gia được thế giới kính trọng", "tiến vào trung tâm của thế giới" (để trở thành quốc gia có ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế), v.v... Năm 2013 nhân sự kiện dân số vừa tăng lên 50 triệu và thu nhập bình quân đầu người đã đạt 20.000 USD họ chợt nhận thấy rằng một nước có một quy mô dân số nhất định (trên 50 triệu) và được hưởng một mức sống cao (trên 20.000 USD) sẽ có ảnh hưởng trên thế giới và được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Hàn Quốc tự hào đã đạt được cả hai điều kiện đó và đưa ra tiêu chuẩn quốc gia "5020" để động viên dân chúng. Theo tiêu chuẩn này trên thế giới chỉ có bảy nước mà Hàn Quốc là một. Tại Á châu chỉ có họ và Nhật Bản.

Để đưa ra được mục tiêu phát triển quốc gia rõ ràng, khả thi, dễ hiểu và đáp ứng được giấc mơ của dân chúng, lãnh đạo phải có tinh thần yêu nước, có ý thức trách nhiệm, có tầm nhìn cao và xa, với khí khái tạo ra các bước ngoặt lịch sử cho dân tộc và kết hợp được trí tuệ của giới trí thức. Từ đó dấy lên một không khí phấn chấn, tin tưởng trong xã hội.


Ảnh minh họa. Dân Luận: VietnamNet minh họa tấm hình này có nghĩa gì nhỉ? Đây là rào cản hay đây là động lực để VN trở thành quốc gia thượng đẳng?

Việt Nam bây giờ và tương lai

Trở lại vấn đề của Việt Nam. Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới? Về dân số Việt Nam xếp thứ 13. Về trình độ phát triển, phải xét nhiều tiêu chí. Tiêu chí tổng hợp nhất là thu nhập đầu người. Tiêu chí này cũng còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung cũng phản ánh được trình độ phát triển của một nước. Vào năm 2012, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.750 USD, xếp thứ 140 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2012 là 157 tỉ USD) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 58. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodia, Lào và Myanmar.

Đó là nhìn mặt tổng quát và định lượng được. Nhìn từ nhiều mặt khác, ta cũng thấy rất bức xúc về hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Chẳng hạn, hiện nay, tại Hàn Quốc có độ 9 vạn người Việt Nam, trong đó độ 3 vạn là phụ nữ sang lập gia đình ở xứ này (không ít trường hợp vì lý do kinh tế), khoảng 6 vạn là lao động (theo dạng xuất khẩu) và vài ngàn sinh viên. Còn tại Việt Nam người Hàn Quốc cũng có độ 9 vạn nhưng họ đến chủ yếu làm quản lý, làm chủ doanh nghiệp hoặc dạy học. Nói chung là sự giao lưu về lao động giữa hai nước đang có sự bất tương xứng không mấy danh dự đối với người Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam phải bức xúc với hiện tượng này và phải trả lời cho dân chúng câu hỏi: bao giờ Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc để xóa đi sự bất bình đẳng trong quan hệ lao động hiện nay?

Nhìn lại thời gian từ khi đất nước thống nhất đến nay ta thấy đã gần 40 năm. Nếu so với tình trạng thiếu ăn trong khoảng 10 năm đầu và còn tới 70% dân số thuộc hộ nghèo vào cuối thập niên 1980 thì tình hình hiện nay đã cải thiện vượt bậc. Nhưng để có được sự cải thiện đó Việt Nam đã mất quá nhiều thời gian, và như ta đã thấy vị trí hiện nay trên vũ đài thế giới còn rất thấp. Hàn Quốc lúc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1953) là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhiều người dân phải gọt vỏ thông luộc ăn cho đỡ đói. Nhưng chỉ 43 năm sau họ phát triển thành nước thu nhập cao và trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thường được gọi là câu lạc bộ của các nước giàu. Vị thế của họ sau đó cũng tăng nhanh như ta đã thấy.

Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã làm được những kỳ tích trong phát triển, biến đất nước thành quốc gia thượng đẳng, đưa lại vinh dự, tự hào cho dân tộc. Chẳng lẽ Việt Nam cam chịu là một đất nước đông dân nhưng chỉ phát triển với tốc độ trung bình như hiện nay? Gần đây những dự báo về kinh tế ASEAN của Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) hay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng Việt Nam sẽ phát triển ở tốc độ cao hơn nhiều nước trong khối (chỉ vì là nước đi sau nên dễ phát triển với tốc độ cao hơn). Nhưng vì trình độ phát triển hiện nay quá thấp nên vị trí của Việt Nam trong tương lai không thay đổi bao nhiêu. Theo ADB, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phát triển trung bình 7,2%, và GDP vào năm 2030 là 416 tỉ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia và nhỏ hơn Malaysia và Philippines. Dự báo này dựa trên tiền đề không có những cải cách lớn về thể chế. Nói cách khác, nếu lãnh đạo Việt Nam quyết tâm đưa đất nước tiến xa, cải thiện hẳn địa vị của Việt Nam trên vũ đài thế giới thì phải mạnh dạn cải cách thể chế, khẩn trương thực hiện chương trình tái cấu trúc kinh tế đã đề ra, để sau đó chuẩn bị chiến lược đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới.

Một đất nước muốn trở thành quốc gia thượng đẳng phải bắt đầu từ khí khái, quyết tâm hành động của giới lãnh đạo, từ đó quy tụ nhân tài và đưa ra được tầm nhìn về hướng phát triển đáp ứng được mơ ước của dân chúng.
Trần Văn Thọ 
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Chỉ có xã hội hóa và cá nhân hóa mới mang lại sự dân chủ


Chỉ có xã hội hóa và cá nhân hóa mới mang lại sự dân chủ

Lời Tòa Soạn: Văn hóa của một dân tộc là một dòng chảy liên tục, tuy nhiên, có lúc nhanh, lúc chậm, có lúc bình lặng, lúc dữ dội, có bằng phẳng, có thác có ghềnh, và thẩm mỹ về dòng sông mỗi người, mỗi thời có thể khác nhau. Tạm hình dung như vậy để có một cái nhìn khách quan về văn hóa, đừng quá áp đặt cái chủ quan trong ứng xử với văn hóa để tránh làm cho văn hóa méo mó, biến dạng. Tất niên năm nay, với tâm niệm đó, chúng tôi đã đón PGs, ts Đỗ Lai Thúy làm khách của Văn hóa Nghệ An và đã có cuộc trao đổi ngắn nhưng thú vị.

Phóng viên:Bây giờ là cuối năm 2013, có nghĩa là chúng ta đã bước sang thế kỷ mới được 13 năm. Là người đã quan tâm và có nhiều nghiên cứu về văn hóa, ông thấy văn hóa nước nhà ta bây giờ có khác nhiều so với thập kỷ cuối của thế kỷ trước?Sự khác biệt lớn nhất, quan trọng nhất là gì, nó thể hiện như thế nào?

Đỗ Lai Thúy:Hỏi về văn hóa, hoặc thay đổi về văn hóa, một cách chung chung thì rất khó trả lời. Vì thế, ở đây, để trả lời câu hỏi của anh, tôi phải phân biệt hai thứ văn hóa: một văn hóa ở cấp độ tổng thể và một văn hóa ở cấp độ đời sống thường nhật. Về loại hình văn hóa thứ nhất thì trước đây người ta không để ý, hoặc  không biết rằng có nó để mà để ý. Câu tuyên bố của một quan chức văn hóa: “văn hóa phải phục vụ du lịch” là một minh chứng. Những năm gần đây người ta bắt đầu nghiên cứu nó.Ngành văn hóa học (theo cách gọi của Nga) hoặc nghiên cứu văn hóa (theo cách gọi của Mỹ) được củng cố và đã có mã ngành để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Các công trình văn hóa học đã được dịch và xuất bản nhiều hơn. Còn về văn hóa đời sống hoặc đời sống văn hóa thì cũng đang có sự chuyển dịch từ phạm vi nhà nước sang phạm vi xã hội, cả ở bộ phận sản xuất văn hóa lẫn bộ phận hưởng thụ văn hóa. Các xưởng phim tư nhân, các nhóm ca nhạc, các triển lãm của các họa sĩ độc lập, đặc biệt là nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, các trang mạng cá nhân…ra đời và hoạt động khá hiệu quả. Đây có lẽ là sự khác biệt tuy quan trọng nhưng khó nhận ra giữa văn hóa Việt Nam bây giờ và văn hóa Việt Nam thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước.

Phóng viên:Bản chất của sự thay đổi đó là gì? Tại sao có sự thay đổi đó hay là động lực tạo nên sự thay đổi đó? Nội lực hay làngoại lực chiếm vị trí chủ công?

Đỗ Lai Thúy:Bản chất của sự thay đổi đó, theo tôi, là sự dân chủ hóa. Việt Nam trước đây là xã hội của cộng đồng và nhà nước. Để hiện đại hóa một đất nước như vậy phải cùng lúc thực hiện hai quá trình tưởng như trái ngược nhau, nhưng lại bổ sung cho nhau là xã hội hóa và cá nhân hóa. Chỉ có xã hội hóa và cá nhân hóa mới mang lại sự dân chủ. Và đến lượt nó, mới mang lại sự thay đổi văn hóa, nhất là sự thay đổi văn hóa ở cấp độ tổng thể. Như vậy, sự thay đổi văn hóa chủ yếu là do dân chủ, và dân chủ là một sự vận động nội sinh. Như vậy nhân tố nội sinh rất quan trọng. Tuy nhiên lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng ở một vài trường hợp đặc biệt, yếu tố ngoại sinh còn quan trọng hơn yếu tố nội sinh, vì cái đến từ bên ngoài thức tỉnh, kích thích, nuôi lớn cái ở bên trong. Có điều cần nói thêm là Cách mạng tháng Tám, rồi Đổi mới và Mở cửa trước đây đã mang lại nhiều dân chủ, nhưng đó là dân chủ đám đông, dân chủ vì/cho đám đông. Ngày nay, để sáng tạo văn hóa cần phát triển một thứ dân chủ khác: dân chủ cá nhân.

Phóng viên:Sự thay đổi, sự vận động đó, theo ông có gì không bình thườngkhông?

Đỗ Lai Thúy:Sự vận động đó là bình thường, có thể nói là đúng quy luật. Chỉ có sự không vận động, sự “ngoan cố đứng im” mới là không bình thường.

Phóng viên:Hơn một thập kỷ đầu thế kỷ trước các bậc tiền bối đã tạo cho nền văn hóa dân tộc một gia tốc lớn. Đông kinh nghĩa thục và chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi diện mạo khí chất của văn hóa nước nhà. Và không chỉ là văn hóa, mà rộng lớn hơn nhiều, đó là sự thức tỉnh của một dân tộc. Còn hơn mười năm đầu của thế kỷ này, ông có nghĩ là đã có một cuộc vận động lớn của văn hóa dân tộc khi mà chúng ta có rất nhiều phong trào văn hóa, nhiều sự kiện văn hóa rất rầm rộ? Lý do tại sao chúng ta chưa tạo ra được một chuyển biến thực sự sâu sắc về văn hóa?

 Đỗ Lai Thúy: Sự xâm lược của thực dân Pháp vào nước ta, khiến chúng ta có sự tiếp xúc sâu với nền văn minh phương Tây. Có thể nói, đây là sự va đập lớn của hai nền văn minh/văn hóa Đông – Tây. Ý thức về văn hóa dân tộc mới thức tỉnh, tự nhận diện. Trước đây các cụ đồ nhà ta phấn đấu để văn hóa Việt Nam giống ngang bằng với văn hóa Trung Hoa. (Thậm chí giống Trung Hoa hơn Trung Hoa: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, tuy thất thịnh Đường). Đối diện với phương Tây, văn hóa Việt Nam không chỉ tự khu biệt với nó, mà còn khu biệt với cả các văn hóa đồng văn Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật bản. Hơn nữa, bấy giờ vấn đề cứu nước cứu dân gắn liền với vấn đề duy tân, mà trước hết là duy tân văn hóa. Văn hóa vừa là phương tiện vừa là mục đích của sự Đổi mới lần thứ nhất này. Đây là sự thay đổi hệ hình văn hóa. Ngày nay, chúng ta có nhiều phong trào văn hóa, nhiều sự kiện văn hóa nhưng lại không thuộc về cấp độ văn hóa tổng thể, mà chỉ thuộc về cấp độ văn hóa đời sống, mà là đời sống nhà nước, nên không thể sánh được với hồi đầu thế kỷ XX.

Phóng viên:Có người nói, về phương diện Con người, văn hóa của chúng ta đang thụt lùi. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Đỗ Lai Thúy:Một câu hỏi như vậy thì khó có thể đưa ra một câu trả lời dứt khoát, có haykhông có. Nếu nhìn vào cạnh khía văn hóa sinh hoạt ở đám đông, qua các hành vi ứng xử, lời ăn tiếng nói, đạo đức cá thể, lợi ích nhóm…thì có thể nói về phương diện Con người văn hóa của chúng ta đang thoái hóa. Nhưng nếu nhìn rộng ra, ở cạnh khía thời đại, qua một số cá nhân tiêu biểu cho tinh thần của thời đại này thì, tôi nghĩ, không thể nói như vậy được. Rõ ràng văn hóa của chúng ta vẫn đang tiến triển. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao nhân rộng được những yếu tố này. Xã hội ta hiện nay vẫn chưa có một tầng lớp e’lite để thực hiện nhiệm vụ trên.

Phóng viên:Mỗi thời đại cần có một hay những mô hình nhân cách tương ứng với yêu cầu phát triển của thời đại đó. Cách đây một trăm năm lịch sử đã sản sinh ra những lớp người, hạng người ưu việt để đáp ứng nhu cầu của đất nước. Bên cạnh các sĩ phu, đã bắt đầu xuất hiện, hình thành tầng lớp trí thức trí thức tân học. Họ là chủ nhân của vận động văn hóa dân tộc giai đoạn đó. Còn bây giờ ông thấy sự xuất hiện của một thế hệ mới với những phẩm chất mới đủ khả năng thúc đẩy tiến trình văn hóa nước nhà? Họ là ai? Những phẩm chất nổi trội của họ là gì?

Đỗ Lai Thúy:Mỗi thời đại văn hóa đều sản sinh ra một mô hình nhân cách văn hóa thích ứng với sự phát triển của thời đại đó. Tôi gọi đó là mẫu người văn hóa (1). Thời đại văn hóa Phật giáo (Lý -Trần) đã tạo ra con người vô ngã, thời đại văn hóa Nho giáo (Lê – Nguyễn) tạo ra con người sĩ phu, như là các mẫu người văn hóa của xã hội việt Nam truyền thống. Từ khi tiếp xúc với phương Tây, nhất là nửa đầu thế kỷ XX, hình thành một mẫu người văn hóa mới là con người trí thức tân/Tây học. Còn mẫu người văn hóa ngày nay, trong thời buổi toàn cầu hóa, hay chí ít cũng theo phương châm : {dù là} “hành động cục bộ, địa phương” {nhưng hãy} “tư duy tổng thể, toàn cầu”, thì vẫn là con người trí thức, nhưng không kèm theo một định ngữ nào cả. Người trí thức hiện nay, đúng hơn tầng lớp trí thức là chủ/ khách thể của những vận động văn hóa. Chỉ họ mới có khả năng thúc đẩy tiến trình văn hóa nước nhà. Họ có cái nhìn thời đại, toàn cầu, có tư duy độc lập, tính chủ động, sáng tạo, thiết tha với văn hóa dân tộc và biết xấu hổ khi đất nước tụt hậu…

Phóng viên:Trong lịch sử, yếu tố bản địa của văn hóa Việt Nam là Đông Nam Á nhưng về sau do vị trí địa chính trị - văn hóa nên văn hóa chúng ta ngả sang không gian văn hóa Khổng giáo. Rồi sau khi người Pháp đô hộ thì lại có nhiều yếu tố văn hóa phương Tây. Còn bây giờ, đằng sau cái đa phương của sự giao tiếp, giao đãi, văn hóa của chúng ta có đang là ngoại biên của trung tâm nào? Và liệu văn hóa Việt có là trung tâm của những ai? Chúng ta đã đủ sức hấp dẫn, khả năng lan tỏa để trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á?

Đỗ Lai Thúy:Văn hóa Việt Nam tự thân thuộc về văn hóa Đông Nam Á. Nhưng ở miền Bắc và trên cả nước (từ năm 1802) qua quá trình tiếp xúc và tiếp biến văn hóa Trung Hoa, chúng ta đã “chuyển vùng” sang văn hóa Đông Á với Trung Quốc là trung tâm. Rồi khi tiếp xúc với người Pháp thì văn hóa Việt Nam, với các vận động duy tân, Âu hóa, chúng ta lại chuyển dần sang văn hóa phương Tây, tức lại chuyển vùng một lần nữa, nhưng lần này không phải từ khu vực này sang khu vực khác mà từ khu vực ra thế giới! Tuy vậy, ở giai đoạn nào văn hóa Việt Nam cũng là văn hóa ngoại vi. Hoặc là ngoại vi của trung tâm văn hóa Hán Nho giáo, hoặc là ngoại vi của trung tâm văn hóa Ấn Độ (ở phần lãnh thổ phía Nam trước năm 1802), hoặc là ngoại vi của trung tâm văn hóa phương Tây. Nhưng từ Đổi mới 1986 đến nay, chúng ta chủ trương đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước, và không “tôn” một văn hóa cụ thể nào là trung tâm nữa. Có lẽ những thất bại cay đắng của việc lấy mô hình này hay cái mô hình làm khuôn mẫu đã làm cho văn hóa Việt Nam thay đổi tư duy? Hay thời đại mới đã làm cho chúng ta có tư duy mới? Nhưng không có một trung tâm cụ thể, hữu hình nào không có nghĩa là văn hóa Việt Nam đã thoát được số phận của một văn hóa ngoại vi. Ngược lại, chúng ta đang là ngoại vi của cái văn hóa thế giới hiện đại… Khái niệm này giống như khái niệm văn học thế giới mà thi hào Goethe đã đề xuất  trước đây, tuy trừu tượng nhưng mà có thực. Văn hóa thế giới hiện đại thu hút tất cả tinh hoa của các nền văn hóa dân tộc ở tất cả các địa phương khác nhau trên thế giới, nhưng không phải như một con số cộng, mà đã được tinh thần thời đại tinh luyện, tinh  chế để trở thành một chỉnh thể. Văn hóa Việt Nam, cũng như nhiều nền văn hóa quốc gia khác, hiện còn đang là ngoại vi của trung tâm văn hóa thế giới này. Sự phấn đấu của chúng ta là ngày càng tiến dần đến trung tâm và khi nào tất cả các nền văn hóa ngoại vi hòa nhập vào trung tâm thì sẽ không còn trung tâm và ngoại vi nữa, chỉ còn duy nhất một văn hóa trái đất, văn hóa hành tinh của chúng ta. Nhưng điều đó có thể là không tưởng, hay còn rất lâu, rất lâu mới xảy ra. Nhiệm vụ trước mắt của văn hóa Việt Nam là thu hẹp khoảng cách với trung tâm văn hóa thế giới.

Phóng viên:Tại sao vậy thưa ông?

Đỗ Lai Thúy:Trong một cái nhìn như vậy thì, tôi nghĩ không còn cần thiết đặt ra vấn đề liệu văn hóa Việt Nam có đủ sức hấp  dẫn, khả năng lan tỏa để trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á nữa. Bởi lẽ, văn hóa của từng nước Đông Nam Á cũng là ngoại vi của cái văn hóa thế giới hiện đại kia, nên sự vận động của nó cũng sẽ hướng về phía trung tâm ấy, chứ không phải một tiểu trung tâm (nếu có) nào khác. Còn nếu cứ cố tình đặt ra vấn đề như vậy thì tôi nghĩ là không thể. Văn hóa của các nước Đông Nam Á là sự thống nhất trong đa dạng. Ngoài văn hóa gốc bản địa, địa phương ra, trong quá trình lịch sử, nó còn tiếp nhận nhiều văn hóa khác nhau, như văn hóa Ấn Độ (đến mức gọi là các nước ngoại Ấn), văn hóa Hồi giáo, văn hóa Khổng giáo, văn hóa phương Tây. Tóm lại, văn hóa Đông Nam Á là một bức tranh khảm, hoặc một bức tranh ghép mảnh, nên không thể có mảnh nào là trung tâm được, mặc dù văn hóa Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận, vinh danh.

Phóng viên: Xin đề cập và đề nghị ông trao đổi ý kiến có tính chất nhận định của mình về tương lai của các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta mà trong những năm vừa qua đã được UNESCO công nhận, vinh danh. Liệu trong tương lai nó sẽ tồn tại trong đời sống cộng đồng như thế nào? Hát Xoan, Hát Quan họ, Ví – Dặm Nghệ Tĩnh, Cồng Chiêng Tây Nguyên… chẳng hạn?

Đỗ Lai Túy:Quả thật chúng ta có nhiều di sản văn hóa phi vật thể trở thành di sản văn hóa thế giới, ngoài di sản văn hóa vật thể cung điện Huế, phố cổ Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng, như Cồng Chiêng Tây Nguyên, Hát Quan họ, Hát Xoan, Ví Dặm Nghệ - Tĩnh, Nhạc cung đình Huế, Ca trù, Đờn ca tài tử…Rồi còn nhiều hồ sơ dự tuyển nữa. Trước hiện tượng này nhiều người nói đến phong trào “làm di sản”, mà chúng ta thì thường sống bằng phong trào, hoặc “hội chứng di sản”. Và xuất hiện một lòng tự hào thái quá, thậm chí hoang tưởng về văn hóa Việt Nam. Chúng ta quên mất rằng tinh thần mà UNESCO đưa ra để công nhận một di sản là nhằm đẻ bảo vệ di sản ấy khỏi biến mất, chứ không hoàn toàn là vì di sản ấy quá độc đáo. Bởi vậy, sau vinh quang là trách nhiệm nặng nề. Làm sao để di sản còn tiếp tục sống được khi chúng ta có thói quen lúc chưa được thì chăm sóc nó, quan tâm hết mình đến nó, lúc được rồi thì bỏ lửng để dồn sức làm hồ sơ cho cái khác? Rồi quan niệm sai lầm về khai thác di sản, đưa di sản vào cuộc sống như cải biên Quan họ, Hát Xoan…, nên chỉ sau một vài thế hệ là mất gốc, mất nguyên bản, nghĩa là mất luôn giá trị của di sản. Hơn nữa, các di sản phi vật thể  ngày xưa tồn tại trong một không gian nhất định, không gian ấy là một phần không thể thiếu được của di sản thì nay đang dần biến mất.

Phóng viên:Tôi nghĩ, dẫu sao thì văn hóa đương đại của chúng ta hiện nay cũng đang có rất nhiều vấn đề, nhiều chuyện phải bàn bạc, trao đổi vì hình như lâu nay cách nhìn nhận,nhận thức về nó vẫn nặng theo kiểu phong trào, có nghĩa là chúng ta đề cao cái hình thức, cái biểu hiện bên ngoài dễ thay đổi chứ không quan tâm nhiều đến bản chất, đến giá trị của nền văn hóa. Từ nhận thức này đã chi phối và quyết định cách hành/hoạt động văn hóa và các lĩnh vực tinh thần.

Cảm ơn ông đã nhận lời làm khách của chúng tôi và có những trao đổi sâu sắc, thiết thực và thú vị. Hy vọng chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi tương tự trong tương lại gần.

Phan Thắngthực hiện
………………………………
(1). Xin đọc: Đỗ Lai Thúy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Văn hóa thông tin H. 2005.

(Văn hóa Nghệ An)

Kami - Cần rạch ròi hai xu hướng Dân chủ tiến bộ và Dân chủ cực đoan

Vào lúc 10h00 sáng đúng vào ngày thành lập đảng CSVN (03.2.2014), có một số người tự xưng là thành viên Pháp Luân Công do Chính Vương Nguyễn Doãn Kiên chỉ huy, vác búa tạ xông vào khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để định đập Lăng. Một hành động dù biết trước kết quả là không làm được gì, song cũng đã khiến cho không ít người Việt nam choáng váng theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.
Vì ít nhiều nhân vật Hồ Chí Minh đã và đang được đảng CSVN triệt để khai thác trong việc thần thánh hóa để làm tấm bình phong cho chế độ. Hành đông đập Lăng cũng có nghĩa là tấn công thẳng vào biểu tượng của chế độ. Đây là một việc làm nhận được những đánh giá khác nhau, tùy theo mỗi người có quan điểm chính trị không giống nhau ở trong hay ngoài nước. Có người thì hả hê cho rằng không có tin gì kinh khủng hơn lại xảy ra vào đúng vào ngày kỷ niệm thành lập đảng CSVN ở địa điểm trung tâm chính trị của cả nước nói chung và thủ đô Hà nội nói riêng. Cũng có nhiều người dân trong nước thì không nén được sự phẫn nộ khi biết tin này trên mạng internet, khi thần tượng của họ bị xúc phạm.
Xin không bàn đến hành động nói trên là hành động cực đoan hay ôn hòa, cũng như sự thực vấn đề này là gì và ai là kẻ đứng đằng sau hàng loạt các hành động vuốt râu hùm tương tự như: trương biểu ngữ tố cáo chế độ cộng sản, giật tượng Lê nin và đập Lăng Bác ở khu vực được coi là trọng điểm và được bảo vệ ở mức cao nhất. Vì có nhiều ý kiến khác nhau đây là hành động nên làm hay không nên làm trong hoạt động của công cuộc đấu tranh vì dân chủ cho Việt nam? Có ý kiến cho rằng những việc làm này có bàn tay của phương Bắc với mục đích nhằm triệt hạ phong trào Pháp Luân Công ở Việt nam. Hay có người còn coi sự việc đó cũng nói lên sự bức bí, bất lực về phương thức tranh đấu của nhóm người được gọi là của Pháp Luân Công này. Về mặt nào đấy có thể gọi là hành vi thiêu thân, show off. Cũng có ý kiến cho rằng khi tấn công thần tượng của một số đông dân chúng trong nước thì phải coi chừng hiệu ứng ngược. Nghĩa là có nhiều xu hướng khác nhau xuất phát từ một động lực đấu tranh giống nhau. Đây là một hiện tượng bình thường trong sinh hoạt chính trị dân chủ theo lối đa nguyên tư tưởng - tôn trọng sự khác biệt.
Hiện tượng không đồng quan điểm tương tự như thế xảy ra cách đây ít lâu, trên trang Dân luận mọi người bàn luận sôi nổi vấn đề cổ vũ cho bạo lực từ bài viết của TS. Nguyễn Quang A với nhan đề "Không được kích động bạo lực". Theo tác giả thì "... tôi thực sự bị sốc khi xem một đoạn video mang tên “Lê Quốc Quân” trên mạng. Tại đó một người phụ nữ hô to “Học tập gương anh hùng Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình,”… “Nhìn thẳng đầu bọn quan tham mà nổ súng,” “Nhìn thẳng đầu bọn tham nhũng mà bóp cò”. Tôi không thể tin vào tai mình nữa. Hình như người đó cũng mang một chiếc áo có in hình Lê Quốc Quân. Những lời hô hào đó làm bẩn danh Lê Quốc Quân! Tôi nghĩ Luật sư Lê Quốc Quân chắc hẳn không tán thành sự kích động bạo lực như vậy. Những người hô hào như thế có thể có bức xúc gì đó nhưng chẳng gì có thể biện minh cho việc làm tai hại của họ. Những hành động như thế là có hại cho đất nước và phải bị lên án.".
Thẳng thắn mà nói thì trong vấn đề đấu tranh vì dân chủ vấn đề hiệu ứng ngược quả là có thật và cần phải thận trọng, cũng là vì có những hành động phần nào sẽ khiến người dân trong nước ghét và không muốn "dây" với cái gọi là Dân chủ. Và trên thực tế các ý kiến ủng hộ hành động đập Lăng của Nguyễn Doãn Kiên hay phản đối bài viết của TS. Nguyễn Quang A và cổ vũ cho hành động bạo lực không phải là ít. Trên thực tế công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt nam hiện nay, một điều luôn bị nhiều người xem là nhược điểm và do đó không có khả năng tập hợp sức mạnh. Đó là không có một tiếng nói và hành động thống nhất chung giữa các tổ chức và các lực lượng. Đòi hỏi này thoạt tiên xem chừng đúng, xong với một ý thức đa nguyên thì thấy đó là điều bất khả thi vì mỗi người mỗi ý, mỗi tổ chức có các chủ trương và xu hướng khác nhau. Người thì chủ trương bất bạo động, kẻ thì chủ trương bạo động và cũng có người hỏi sao không kết hợp cả hai theo kiểu đấu tranh toàn diện? Nói tóm lại là cùng một mục đích song người ta có thể sử dụng nhiều phương tiện, kể cả chính trị và vũ trang, đó là điều khó có thể tránh khỏi. Phải chăng, nếu hiểu theo câu thành ngữ "Mèo đen, mèo trắng miễn bắt được chuột", của những người ưa cuộng hiệu quả thì bất kể hành động đấu tranh nào cũng đáng trân trọng và được tôn vinh như suy nghĩ của nhiều người?
Tuy vậy, dẫu chưa có một con số khảo sát thống kê cụ thể có bao nhiêu tổ chức và cá nhân ủng hộ hay không ủng hộ bất bạo động và bất bạo động, song phần nào vấn đề này cũng phản ảnh một thực tế mà nhiều người cho rằng đáng lo ngại. Đó là trong việc đấu tranh Dân chủ sẽ sử dụng cả bạo lực? Và nhiều người lo cho hiện tượng con sâu sẽ làm rầu nồi canh.
Hiện nay trên thế giới, thể chế chính trị dân chủ là xu hướng chung của thời đại, đã có trên 65% các quốc gia trên thế giới đã lựa chọn xu hướng chính trị tiến bộ này và nó được coi là sự tất yếu. Cho dù phương thức đấu tranh bấtt bạo động là xu thế chung của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở các quốc gia, song hiện tượng sử dụng bạo lực trong các cuộc cách mạng Arap Spring ở Trung Đông và Bắc Phi chúng ta vẫn thấy sự hiện hữu của đấu tranh bằng vũ trang ở các quốc gia độc tài ngoan cố và bất chấp luật pháp. Nơi tưởng như phương thức đấu tranh bất bạo động khó có thể vượt qua nổi cũng như Việt nam. Và phải thừa nhận, sự kết hợp cả hai phương thức đã chứng tỏ hiệu quả, vì sự đổ máu nhiều khi cũng có khả năng gây áp lực nhanh và lớn lên nhà cầm quyền. Tuy nhiên cũng có ý kiến kiên quyết từ bỏ bạo lực để sử dụng bất bạo động thông qua cách hành động bất tuân dân sự của công dân đẻ biểu thị sự phản kháng. Vì theo họ nếu sử dụng đến bạo lực là đồng nghĩa với sự mất chính nghĩa và sẽ mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với phong trào đấu tranh cho dân chủ.
Vậy đâu là giải pháp dung hòa giữa hai trường phái này và để tránh tiếng xấu cho trường phái ôn hòa - bất bạo động?
Được biết trong lịch sử, tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô là đảng Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga, nhưng sau một xung đột giữa các lãnh đạo Vladimir Lenin và Julius Martov xung quanh các vấn đề liên quan đến tổ chức đảng trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng về việc gia nhập đảng. Những đảng viên ủng hộ Martov là những người thiểu số, tách ra được gọi là "Menshevik" (thiểu số), trong khi các đảng viên ủng hộ Lenin được gọi là "Bolshevik "(đa số). Trong khi cả hai phe cùng tin rằng một cuộc cách mạng dân chủ tư sản là cần thiết, song những người Menshevik thường có xu hướng ôn hòa hơn và tích cực hơn đối với phe Bolshevik. Và ngay sau khi giành được quyền lực vào tháng 9 năm 1917, đảng này đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) (РКП(б)) đến năm 1952 thì đảng này mới bỏ chữ "Bolshevik" khỏi tên gọi của mình.
Do vậy thực tế tình hình của những người ủng hộ hay đang đấu tranh cho công cuộc vận động cho Dân chủ ở Việt nam nói chung hiện nay cũng thấy cần thiết phải tách thành hai lực lượng ôn hòa và cực đoan dựa theo cơ sở lực lượng ủng hộ theo đa số kiểu Bolshevik và thiểu số Menshevik. Hay cũng có thể là nhóm những người Dân chủ cực đoan hay nhóm những người Dân chủ tiến bộ. Hai xu hướng Dân chủ này cần được tách bạch rõ ràng chứ không thể nằm chung trong một từ chung chung: Dân chủ
Trên thực tế cho thấy những người ủng hộ hay đang đấu tranh cho công cuộc vận động cho Dân chủ ở Việt nam nó đã tách biệt một cách tương đối rõ nét trong tư tưởng, hành động cũng như phát ngôn của mỗi cá nhân, mỗi bộ phận. Đó là bên cạnh những người đấu tranh ôn hòa, có hiểu biết và có văn hóa ứng xử đẹp, còn có một lực lượng chống cộng cực đoan cả về hành động là lời nói. Nhưng đáng tiếc hai xu hướng đó vẫn chung một màu áo. Và vô tình nó tạo nên hố ngăn cách và đối chọi về tư tưởng giữa các cá nhân theo các xu hướng khác nhau.
Việc làm này có thể có người cho rằng là sự phân hóa dẫn tới suy giảm sức mạnh vốn quá yếu ớt của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam hiện nay. Nhưng nếu xem xét kỹ ở những góc độ góc độ khác thì việc làm này có tác dụng tích cực nhiều hơn. Nó không chỉ nâng cao chất lượng của những người ủng hộ hay đang đấu tranh cho công cuộc vận động cho Dân chủ ở Việt nam theo xu hướng bất bạo động, đồng thời sẽ làm nền tảng để thu hút được sự ủng hộ lớn của số đông những người có quan điểm chống độc tài ở trong nước.
Khi mà hiện tại ở Việt nam, có một bộ phận lớn những người như thế đối với họ dân chủ là một sự xấu xa và họ không muốn dây.
Khai bút đầu Xuân, 05 tháng 02 năm 2014
© Kami
(Blog Kami)

Tại sao tôi xin tỵ nạn chính trị?

Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève.
Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève trong nhiều năm đã chính thức nộp đơn xin tỵ nạn vào ngày 18 tháng 10 năm ngoái và đơn xin của ông đang được Thụy Sĩ xem xét. Mặc Lâm phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng để tìm hiểu thêm lý do nào khiến một cán bộ ngoại giao cao cấp từ bỏ chức vụ, quyền lợi để gia nhập vào lực lượng tranh đấu cho dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.

Nghe tường trình
Mặc Lâm: Thưa vào ngày hôm qua có nhiều thông tin cho biết ông xin tỵ nạn chính trị, xin cho biết là ông chính thức nộp đơn xin tỵ nạn vào lúc nào?

Ông Đặng Xương Hùng: Chiều hôm qua chỉ là thông tin trên báo chí còn thủ tục thì tôi đã làm cách đây ba tháng rồi.

Mặc Lâm: Bên Thụy Sĩ chính thức chấp nhận đơn xin tỵ nạn của ông chưa ạ?

Ông Đặng Xương Hùng: Chưa ạ. Đang trong quá trình xét đơn

Mặc Lâm: Thưa ông chúng tôi rất ngạc nhiên vì hành động dứt khoát và rất ngoạn mục của ông. Thứ nhất từ bỏ đảng rồi tiếp theo là xin tỵ nạn chính trị. Xin ông cho biết động cơ nào mạnh đến nỗi khiến ông chọn một thế đứng khác chấp nhận từ bỏ tất cả từ chức tước tới quyền lợi và đối mặt với chính quyền Việt Nam với vô vàn nguy hiểm trước mặt?

Ông Đặng Xương Hùng: Thật ra với thực tế đang diễn ra tại Việt Nam từ khi bức tường Berlin sụp đổ chúng tôi đã thấy sự thất bại của chính quyền, của đảng. Mọi chính sách điều hành đất nước đều thất bại. Tôi là người trong cuộc, một bộ phận của bộ máy nhà nước, của đảng trong thâm tâm nhất định nào đó tôi rất lo ngại nhưng cũng có niềm tin, nuôi hy vọng rằng một lúc nào đó đảng Cộng sản người ta sẽ sáng mắt ra và phải thay đổi




Thực ra trên thế giới này chỉ còn có Trung Quốc, Việt Nam, Cuba với Bắc Triều Tiên còn theo cộng sản thì một người bình thường người ta cũng thấy điều đó là một sự vô lý rồi. Mình cứ cười Bắc Triểu Tiên nhưng mình chả khác gì họ cả

Ông Đặng Xương Hùng
Thực ra trên thế giới này chỉ còn có Trung Quốc, Việt Nam, Cuba với Bắc Triều Tiên còn theo cộng sản thì một người bình thường người ta cũng thấy điều đó là một sự vô lý rồi. Mình cứ cười Bắc Triểu Tiên nhưng mình chả khác gì họ cả. Gần đây thỉ thôi rồi, không còn tin nữa! thất vọng hoàn toàn vì các bác cứ giữ điều 4 các bác ấy tuyên bố là một thế kỷ nữa chủ nghĩa Xã hội mới có thể thấy được tại Việt Nam, rồi sức mạnh nhân dân là ở sự lãnh đạo của đảng.

Rồi yếu tố Trung Quốc nữa. Họ không thấy được rằng lãnh đạo Trung Quốc đang ngồi cười khoái trá ở Bắc Kinh vì thấy Việt Nam đang trong tình trạng hỗn loạn nên nó thích lắm. Các bác không bao giờ nhận ra điều đó vì Trung Quốc chưa bao giờ ngưng việc muốn thôn tính Việt Nam. Bây giờ cơ hội cho nó thôn tính không cần bằng súng đạn nữa. Các bác cứ muốn có chỗ đứng trong lịch sử. Mình phải đứng trong lòng của người dân. Các bác và đảng tồn tại như thế này thì chỉ là tồn tại vật lý mà thôi.

Mặc Lâm: Trước khi có quyết định này chắc là ông đã phải cân nhắc rất kỹ vì tính chất nguy hiểm của nó. Ông là người đương chức đương quyền nên sự nguy hiểm cao nhơn rất nhiều lần so với người khác…

Ông Đặng Xương Hùng: Cân nhắc chứ. Cân nhắc nhiều lắm chứ vì mình còn đang ở bộ phận được hưởng lợi mà bỏ đi. Rồi sự đe dọa nữa ai mà chả sợ? Ai mà chả sợ nhất là sợ sự tàn ác, trả thù của Việt Nam? Nó rất quỷ quái, nó không những chỉ trả thù cá nhân đâu mà vào gia đình, vào những người khác của mình làm cho mình nhụt chí đi. Có những người không sợ với cá nhân họ nhưng người ta sợ việc làm của họ sẽ ảnh hưởng đến gia đình người thân. Nếu người nào đã xác định được giới hạn cuối cùng của sự trả giá để vượt qua nỗi sợ đó thì chả còn gì là sợ nữa.




Họ không thấy được rằng lãnh đạo Trung Quốc đang ngồi cười khoái trá ở Bắc Kinh vì thấy VN đang trong tình trạng hỗn loạn nên nó thích lắm. Các bác không bao giờ nhận ra điều đó vì Trung Quốc chưa bao giờ ngưng việc muốn thôn tính Việt Nam

Ông Đặng Xương Hùng
Mặc Lâm: Thái độ quay lưng của ông có thể bắt đầu cho một hành trình mới đó là tranh dấu cho dân chủ tự do và nhân quyển bên ngoài đất nước?

Ông Đặng Xương Hùng: Tôi cho là ít nhất phải làm một điều gì đó. Trước nhất là tỏ thái độ cái đã. Đi là tỏ thái độ rồi. Ra đi bỏ cả chức vụ bỏ cả đảng là tỏ thái độ rồi. Tỏ thái độ dứt khoát hơn nữa mình sang đây rồi thì hòa nhập vào lực lượng đấu tranh cho dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Đấu tranh cho một nước Việt Nam có dân chủ, tôn trọng nhân quyền và hòa nhập với thế giới văn minh. Đó là tương lai tươi sáng cho đất nước Việt Nam chứ.

Mặc Lâm: Thưa ông trong những lúc gần đây rất nhiều người tuyên bố bỏ đảng rồi kể cả ông nữa…theo ông thì làn sóng này phát xuất từ nguyên nhân nào, có phải vì bất mãn cá nhân hay cái xu thế nhìn lại quan điểm chính trị của mình phải tới lúc như vậy?

Ông Đặng Xương Hùng: Theo tôi từ sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua sửa đổi hiến pháp thì rõ ràng có một làn sóng bỏ đảng. Bởi vì sự bỏ phiếu của Quốc hội thông qua hiến pháp tức là việc đảng khăng khăng phớt lờ cái nguyện vọng của nhân dân đi, đi ngược lại với nguyện vọng đó thì làn sóng bỏ đảng, bỏ công khai như bác Lê Hiều Đằng hay như tôi cũng có, bỏ âm thầm cũng có, đốt thẻ đảng cũng có, bỏ sinh hoạt đảng mà không tuyên bố cũng có. Mỗi người chọn cho mình hình thức phù hợp nhất vì mỗi người một hoàn cảnh.




Theo tôi từ sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua sửa đổi hiến pháp thì rõ ràng có một làn sóng bỏ đảng. Bởi vì sự bỏ phiếu của Quốc hội thông qua hiến pháp tức là việc đảng khăng khăng phớt lờ cái nguyện vọng của nhân dân đi, đi ngược lại với nguyện vọng đó

Ông Đặng Xương Hùng
Có người lo không chiến thắng được bản thân mình là vì bỏ đảng là công nhận nhận thức của mình từ trước tới nay vể đảng, về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác Lê là sai lầm. Nhất là các bác lớn tuổi phần lớn bây giờ bỏ sinh hoạt vì họ cho rằng sinh hoạt đảng, đóng góp cho đảng là vô giá trị bởi vì ai có tâm huyết đến đâu chăng nũa thì tiếng nói của mình chả đi đâu vào đâu cả. Họ nghĩ rằng chẳng ích lợi gì cho đất nước khi sinh hoạt đảng.

Trước những yếu kém điều hành đất nước lại cố tình đi theo cái cách làm cũ. Với cách làm cũ, với suy nghĩ cũ thì chỉ cho ra kết quả cũ mà thôi. Mà kết quả cũ thế nào thì mọi người đều thấy rối.

Mặc Lâm: Xin một câu hỏi cuối, thưa ông mới đây Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói với báo chí rằng lúc nào cũng có thế lực muốn chống phá về vấn đề nhân quyền của Việt Nam mặc dù Bộ ngoại giao đã rất cố gắng cải thiện nó. Là một cán bộ ngoại giao ông nghĩ thể nào về những phát biểu đó?

Ông Đặng Xương Hùng: Với cá nhân anh Phạm Bình Minh Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao thì tôi rất kính trọng và khâm phục. Tuy nhiên phát biểu của anh ấy vừa rồi thì tôi thấy là các anh ấy dù đã đứng trong vị trí Phó thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao nhưng vai trò của anh ấy cũng chỉ thực thi cái chỉ đạo của Bộ chính trị, do đó bài phát biểu của anh ấy thì bản thân tôi tôi thấy là không khéo léo. Anh ấy có thể nói theo một cách khác. Nếu nói như vậy trong nội bộ đảng để khuyến khích lẫn nhau thì được chứ còn nói ra với bên ngoài thì điều đó là cái bệnh của lãnh đạo khi phải thi hành chỉ thị của đảng.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Mặc Lâm,
biên tập viên RFA, Bangkok
Theo RFA
=========
Nghe bài này

VN: ‘Điều 79 và 88 được áp dụng tùy tiện’

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Phát biểu tại Geneva, luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ quan ngại về cách áp dụng các điều luật 79 và 88 trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) và nói ông từng bị đe dọa.

Tham dự buổi Hội thảo về Trách nhiệm của Việt Nam trong Vai trò Thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ vào hôm 04/02/2013, Luật sư Sơn nói về những khó khăn khi đại diện cho những thân chủ trước tòa tại Việt Nam.
“Vai trò luật sư của tôi là rất hạn chế. Điều 79 và 88 hạn chế quyền bảo vệ cho người bị bắt. Không có ai tôi đại diện pháp l‎‎‎ý được tuyên vô tội.

“Một số trường hợp được trả tự do ngay tại tòa nhưng vẫn chịu án tù treo hoặc bị quản chế, hoặc bị tước đoạt một số quyền công dân.

“Theo thực tế của Việt Nam thì Hiến pháp mới năm 2013 cho rằng quyền lực nhà nước là thống nhất, kể như lập pháp, tư pháp và hành pháp không độc lập.

“Do đó các ý kiến của luật sư và người bị bắt không được xem xét khách quan và tòa khó có cơ sở độc lập với các bị cáo, " luật sư Sơn nói. 
"Chủ quan và tùy tiện"
"Nội dung hai điều 79 và 88 qui định không cụ thể và rõ ràng và công dân Việt Nam rất khó xác định gianh giới đâu là quyền của công dân và đâu là hành vi bị nhà nước cấm"
Luật sư Sơn cũng bình luận về việc hạn chế theo dõi phiên tòa xử những thân chủ của ông.

“Đối với các phiên tòa xét xử tội 79 và 88 nói xét xử là công khai nhưng thực tế là xét xử kín và người thân trong nhiều trường hợp không được dự phiên tòa.

“Nội dung hai điều 79 và 88 qui định không cụ thể và rõ ràng và công dân Việt Nam rất khó xác định gianh giới đâu là quyền của công dân và đâu là hành vi bị nhà nước cấm.

“Vì thực tế như thế nên các cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp dụng hai điều này chủ quan và tùy tiện. Hai điều này hạn chế quyền công dân do chính Hiến Pháp Việt Nam qui định.

"Tại các phiên tòa các ý kiến bị cáo và luật sư không được hội đồng xét xử thường không chú ý quan điểm của họ và thường đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát," luật sư Sơn nói.

“Bị đe dọa”
"Đôi khi tôi bị bắt lỗi và nhắc nhở và gây khó khăn cá nhân. Khi làm các vụ án cũng có nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa."

Luật sư Hà Huy Sơn cũng mô tả về điều ông gọi là “không thực hiện được đầy đủ được quyền luật sư qui định theo pháp luật.”

“Đôi khi tôi bị bắt lỗi và nhắc nhở và gây khó khăn cá nhân. Khi làm các vụ án cũng có nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa.

“Tôi không thể xác minh được thủ phạm là ai và không có chứng cứ để trình báo cơ quan nhà nước bảo vệ mình.

“Khi bảo vệ những bị cáo bắt vì điều 79 và 88 thì tôi bị xã hội xa lánh vì khi tiếp xúc với các luật sư như chúng tôi thì họ sợ bị ảnh hưởng.

“Những người có quyền lợi từ bộ máy nhà nước và các khách hàng có nhu cầu về tư vấn pháp luật cũng e ngại vì nếu tôi làm luật sư thì họ sẽ không được đối xử công bằng.

Trả lời câu hỏi rằng ông đã chuẩn bị tinh thần khi quay trở về Việt Nam sau sự kiện tại Geneva, luật sư Sơn nói:

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

“Việc tôi có sự hiện diện tại đây đã có sự quan tâm của chính quyền và tôi cũng đã nói với họ rằng tôi sang đây và sẽ nói về những thực tế về pháp luật Việt Nam và về thực tế nghề nghiệp của mình đã trải qua.

“Tôi hy vọng qua sự tiếp xúc sẽ có những điều tốt hơn với nghề nghiệp của tôi và nếu có thể tôi mong muốn có những điều tốt hơn cho đất nước Việt Nam.”

Ông Hà Huy Sơn là luật sư từng có thời gian thực tập và làm việc tại Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ và từng bảo vệ cho nhiều nhân vật bị cáo buộc các tội theo Điều 88 và Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Vào tháng 11 năm 2013, luật sư Sơn Bấm gửi thư phản đối việc ông không được tham gia Đại hội Đoàn Luật sư Hà Nội.

Thư của LS Sơn viết: "Tôi cực lực phản đối hành vi xúc phạm danh dự, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhiệm kỳ VIII".

"Tôi yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội xin lỗi công khai."

Vì sao vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc đáng lo ngại?

Tướng Liu Shou-Jen giới thiệu bản đồ xác định vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên biển Đông trong một cuộc họp báo tại Đài Bắc vào ngày 02 tháng 12 năm 2013. AFP Photo
Những thông tin liên tục gần đây về khả năng lập vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc trên biển Đông đang gây lo ngại cho quốc tế.

Khả năng về một ADIZ trên biển Đông

Nghe tường trình
Hôm 31 tháng 1, tờ Asahi Shimbun của Nhật bản trích nguồn tin không nêu tên cho biết không quân Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Đông, bao trùm quần đảo Hoàng Sa và lan ra một vùng rộng xung quanh. Kế hoạch này được lập từ tháng 5 năm ngoái.

Tuy nhiên tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 2 tháng 2 đã lên tiếng phủ nhận thông tin của báo Asahi Shimbun. Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc chưa cảm thấy mối đe dọa về an ninh hàng không từ các nước ASEAN và lạc quan về mối quan hệ với các nước láng giềng và tình hình chung ở khu vực biển Đông.

Việc Trung Quốc có thể xem xét lập một vùng nhận dạng phòng  không trên biển Đông vốn cũng đã được các chuyên gia dự báo và lo ngại. Trả lời đài Á châu Tự Do hồi cuối năm ngoái, thạc sỹ luật Hoàng Việt, một chuyên gia về biển Đông của Việt Nam nhận định:

Sang năm 2014 cũng có nhiều niềm tin nhưng cũng có đầy những lo ngại. Lo ngại lớn nhất là khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông thế nào, bởi vì ngay bây giờ Trung Quốc cũng lập lờ tuyên bố là Trung Quốc sẽ có thể tuyên bố những vùng nhận dạng phòng không đó.

Hôm 4 tháng 12 năm ngoái, tờ South China Morning Post trích lời của đại sứ Trung Quốc ở Philippines là bà Mã Khắc Khanh, nói rằng Bắc Kinh có quyền quyết định thời gian và địa điểm thành lập một vùng nhận dạng phòng không mới.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, ông Đinh Kim Phúc, việc Trung Quốc chưa thiết lập được một vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông là do khả năng hạn chế về không quân của nước này:

Tại sao lúc này Trung Quốc không đưa ra vùng nhận diện phòng không trên biển Đông giống như ở biển Hoa Đông mà chỉ cấm đánh bắt cá. Điều đó cho thấy rằng không quân Trung Quốc hiện nay chưa bảo đảm thực thi những yêu sách của Trung Quốc trên vùng biển Đông. Đó là một cái mà các nước ASEAN phải quan tâm và chú ý để có các biện pháp chống lại các hành động bá quyền của Trung Quốc. 

Tôi nghĩ rằng các nhà nghiên cứu về Trung Quốc cũng phán đoán rằng đầu năm 2014 Trung Quốc sẽ đưa ra vùng nhận diện phòng không ở biển Đông nhưng họ không đưa ra được mà họ đưa ra biện pháp khác tương tự nhưng nó phù hợp với lực của Trung Quốc. Trung Quốc có thể dùng hải giám và các lực lượng khác để ức hiếp các nước trong khu vực nhưng chưa đủ về không quân để khống chế khu vực này như là Trung Quốc muốn làm ở vùng biển Hoa Đông.

Trả lời hãng tin Bloomberg hôm 29 tháng 11 năm ngoái, vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản, Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, nhận định Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại vùng đảo Hải Nam rộng lớn của nước này ở biển Đông. Tuy nhiên việc mở rộng vùng nhận dạng phòng không ra toàn bộ đường đứt khúc 9 đoạn thì vẫn là một dự đoán lớn. Vấn đề chính của Trung Quốc trong việc lập vùng nhận dạng phòng không tại khu vực biển Đông là vùng này rộng lớn hơn so với khu vực nhận dạng phòng không mà Trung Quốc mới thiết lập tại biển Hoa Đông. Bên cạnh đó biển Đông cũng bao gồm nhiều nước hơn so với vùng biển Hoa Đông. Ngoài ra, việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tại đây sẽ đi ngược lại những dấu hiện tỏ ra thiện chí của Trung Quốc với các nước ASEAN thời gian gần đây.

Một ADIZ ở biển Đông là đáng ngại

Theo Thạc sĩ luật Hoàng Việt, vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc tại biển Hoa Đông là đáng ngại vì nó áp dụng cho cả máy bay dân sự lẫn quân sự:

Vùng nhận dạng phòng không thì Trung Quốc nói là họ có quyền và các chuyên gia quốc tế cũng tranh luận khá nhiều. Cái này không có một công ước nhưng thông thường theo thông lệ quốc tế thì nó chỉ áp dụng với máy bay quân sự thôi nhưng trong trường hợp này Trung Quốc áp dụng cả máy bay quân sự và dân sự.

Trên thực tế, đã có hơn 20 nước trên thế giới áp dụng vùng nhận dạng phòng không bao gồm các nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản và Nam Hàn. Vùng nhận dạng phòng không đầu tiên được thiết lập bởi Mỹ từ ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thường các vùng này chỉ bao trùm những vùng lãnh thổ không tranh chấp và không áp dụng với máy bay nước ngoài không có ý định bay và vùng không phận và các vùng này cũng thường không chồng lấn lên nhau. Tuy nhiên vùng nhận dạng phòng không mới được công bố của Trung Quốc đã chồng lấn lên khoảng một nửa vùng nhận dạng phòng không được tuyên bố trước đó của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, và một phần vùng nhận dạng phòng không trước đó của Nam Hàn và Đài loan.

Giáo sư Carl Thayer trong bài viết về vấn đề này trên blog cá nhân của mình hôm 27 tháng 11, cho rằng vùng nhận dạng phòng không của Trung quốc khác xa với vùng nhận dạng phòng không của tất cả các nước khác, đặc biệt là với Mỹ:




Trung Quốc có thể dùng hải giám và các lực lượng khác để ức hiếp các nước trong khu vực nhưng chưa đủ về không quân để khống chế khu vực này như là Trung Quốc muốn làm ở vùng biển Hoa Đông.

- Ông Đinh Kim Phúc
Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc đặc biệt trên hai mặt. Trước hết vùng ADIZ của Trung Quốc bao gồm cả không phận phía trên quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Đây là một thách thức trực tiếp với chủ quyền của Nhật Bản. Mặt khác Trung Quốc hiện đang yêu cầu tất cả các máy bay phải tuân theo quy định mới do họ ban hành. Ngược lại, Mỹ chỉ yêu cầu các phi cơ bay trực tiếp đến Mỹ thực hiện các quy định về thông tin và nhận dạng mà thôi.

Giới chức Việt Nam mới đây cũng đã lên tiếng lo ngại về khả năng Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự tại biển Đông. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân hôm 27 tháng 1, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói: ‘khi Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, nó sát sườn với Biển Đông. Nó là phép thử, theo tôi nó còn nguy hiểm hơn cả đường chín khúc vì luật hàng không thế giới chặt hơn luật hàng hải rất nhiều’.

Tờ Japan Times hôm 1 tháng 2 trích lời của ông Evan Medeiros, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc  Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói Hoa Kỳ phản đối việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tại các nơi khác, bao gồm biển Đông. Ông nói thêm rằng việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không khác của Trung Quốc sẽ chỉ là một hành động gây hấn và làm mất ổn định. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi trong sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực.

Việt Hà,
phóng viên RFA

VN khó vào được TPP vì vi phạm quyền lao động quốc tế căn bản

Việc thương thuyết về Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) giữa 12 quốc gia trong đó có Việt Nam, có nhiều triển vọng sẽ kết thúc trong năm 2014.  Hoa Kỳ là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất đang lãnh đạo việc thương thuyết này.  Khi nhiều nước họp lại để trao đổi thương mại với nhau, luôn luôn có một số vấn đề phải cùng nhau giải quyết. Những vấn đề chính của TPP bao gồm quyền lao động, đầu tư, thu mua hàng hóa và dịch vụ của chánh phủ, dược phẩm và nông phẩm. Quyền lao động đứng hàng đầu, một vấn đề giản dị đối với những nước văn minh, nhưng xem ra gai góc đối với Việt Nam. Giữa một nước giầu và tiên tiến nhất là Hoa Kỳ và một nước nghèo và chậm tiến nhất là Việt Nam, đương nhiên có sự xung khắc mạnh mẽ về vấn đề lao động.  Trong phần (I) của bài phân tách này chúng ta sẽ bàn về quyền lao động ở Việt Nam. Ở phần (II), chúng ta sẽ nói về quyền lao động và việc gia nhập TPP của Việt Nam.


Một buổi đình công của công nhân. Ảnh VNN
Một buổi đình công của công nhân. Ảnh VNN
Quyền lao động

Điều 69 của Hiến pháp Việt Nam 1992 quy định rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luận.”

Điều 25 của Hiến Pháp Việt Nam 2013 cũng quy định tương tự: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Trên thực tế, công dân Việt Nam không có những quyền như vậy kể cả quyền hội họp và lập hội.

Quyền tập họp

Tại Việt Nam, công dân không có quyền tự do hội họp.  Điều 5.2 của Nghị Định 38/2005/NĐ-CP về biện pháp bảo đảm trật tự công cộng ký ngày 18-3-2005  ngăn cấm “tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội hoặc nơi công cộng khác.”

Điều 7 của Nghị Định này quy định rằng “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức.”

Bộ Công An sau đó quy định thêm rằng tất cả mọi tập hợp từ năm người trở lên, phải có giấy phép của chánh quyền địa phương.[1]

Quyền lập hội

Việt Nam có những tổ chức do chánh phủ bảo trợ (government-sanctioned organization viết tắt là GSO) nhưng không có một tổ chức phi chánh phủ nào cả (non-government organization viết tắt là NGO). Tất cả những GSOs tại Việt Nam kể cả những tổ chức tôn giáo – ngoại trừ một số ít độc lập thường xuyên bị chánh quyền gây khó khăn 2/ – phải trực thuộc hoặc liên kết với với chánh quyền.

Thực tế là Việt Nam chưa phê chuẩn Công Ước 1948 của Liên Hiệp Quốc về Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Tổ Chức (U.N. Convention of 1948 concerning Freedom of Association and Protection of the Right to Organize) bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 4-7-1950, nghĩa là đã hơn nửa thế kỷ.

Quyền tổ chức và thương lượng tập thể

Công nhân Việt Nam không có quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Tất cả mọi cuộc đình công đều tự phát, không có người lãnh đạo, và đều bị chánh quyền và chủ nhân coi là bất hợp pháp. Những cuộc đình công này không được hỗ trợ bởi bất cứ nhóm nào hay bởi chánh phủ. Do đó, sức mạnh thương lượng tập thể rất yếu.

Theo luật lao động hiện hành, công nhân phải đưa những cuộc tranh chấp ra tòa. Họ chỉ có thể đình công nếu những tranh chấp không thể giài quyết được bằng thương lượng. Công nhân bắt buộc phải bồi thường chủ nhân nếu tòa án xét thấy rằng cuộc đình công của công nhân là bất hợp pháp. 3/

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN) là một tổ chức công đoàn duy nhất ở Việt Nam. Tất cả những công đoàn địa phương đều phải gia nhập TLĐLĐVN, một phong trào quần chúng thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN.  Tất cả những người lãnh đạo công đoàn ở cấp quốc gia hay địa phương, đều là đảng viên Cộng Sản.

TS Đỗ Quỳnh Chi, một chuyên gia về lao động, sáng lập viên và giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Lao Động, đã viết trong tài liệu nghiên cứu xuất bản vào 2008 rằng không phải là một điều bất thường khi những quản trị viên của công ty trở thành người lãnh đạo công đoàn và những chủ công ty tìm cách ảnh hưởng đến cuộc bầu cử công đoàn.  Do đó, những người lãnh đạo công đoàn thường được lãnh lương nhiều hơn những công nhân khác.

TS Đỗ Quỳnh Chi nhận xét thêm rằng Đảng CSVN tìm mọi cách để tuyển mộ đảng viên trong khu vực tư – một khu vực xẩy ra nhiều vụ đình công nhất. Mục tiêu là để thu nhận đa số các công nhân trong khu vực này vào đảng vào năm 2020 và thiết lập các tổ đảng viên trong tất cả các công ty. Điều này cho chúng ta thấy rằng Đảng CSVN hi vọng kế hoạch này sẽ giúp CSVN không những đã nắm được hết các chi nhánh công đoàn ở các công ty, mà còn len lỏi vào hàng ngũ công nhân hầu chi phối họ và giới hạn những cuộc đình công bất hợp pháp.  Nếu tình trạng hiện tại không thay đổi, TS Chi cho rằng công đoàn không thể là một công đoàn thực sự. Nó sẽ tiếp tục là một tổ chức của nhà nước và tiếp tục có những cuộc đình công bất hợp pháp.

TS Võ Trí Hào tại Đại Học Kinh Tế thành phố HCM nói trắng ra rằng: “Ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh quyết liệt quyền lợi cho công nhân.” 4/

Ông Tống Văn Công, trong một bài bình luận đăng trên báo Lao Động, phân tách một số trường hợp đình công đã nhận xét rằng chủ tịch công đoàn cơ sở ăn lương của chủ nên không dám tập hợp ý kiến của công nhân, không dám gửi kiến nghị và đối thoại với chủ nhân, và không dám tổ chức đình công. Sau khi các cuộc đình công xẩy ra, cấp trên của công đoàn và đại diện chính quyền phải đến công ty tiến hành thủ tục làm thỏa ước lao động tập thể. Ông Công kết luận rằng công đoàn cơ sở hiện nay không đóng một vai trò nào cả. Theo ông Cống, cần phải để công nhân tự chọn lựa người có tâm huyết dược công nhân tín nhiệm vào công đoàn cơ sở.  5/

Thật là oái ăm khi giới công nhân lại bị kiềm chế trong một quốc gia do Đảng CSVN lãnh đạo, nhưng chính đảng này tự nhận là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” 6/

Với tất cả những giới hạn và chế tài như trên, giới công nhân mất hết tất cả những võ khí để tranh đấu bảo vệ quyền lợi của mình. TLĐLĐVN không đại diện công nhân mà chỉ là một công cụ của Đảng CSVN dùng để kiểm soát giới công nhân.

Cấm cưỡng bức lao động

Một số phúc trình tiết lộ rằng có vấn đề cưỡng bức lao động tại Việt Nam. Tù nhân thường xuyên bị cưỡng ép làm việc không được trả lương hoặc được trả rất ít. Tù nhân sản xuất thực phẩm và những sản phẩm khác để tiêu thụ trong nhà tù hay bán ở địa phương. Hạt điều là một trường hợp nổi tiếng.  Human Right Watch tường thuật rằng cưỡng bức lao động được sử dụng tại các trung tâm phục hồi ma túy trên toàn quốc Việt Nam. Các tù nhân tại những trung tâm này phải bóc vỏ hạt điều trong sáu đến bẩy giờ mỗi ngày mà chỉ được lãnh $3 mỗi tháng. Cũng theo bản phúc trình này, trong thời gian 2000-2010, có trên 309,000 tù nhân đã đi qua 59 trung tâm giam giữ tại Việt Nam. 7/

Ngoài ra, các tù nhân tại các trại tù khác, kể cả các tù nhân lương tâm, gần đây đã tố cáo rằng họ bị cưỡng bức tham gia vào việc chế biến hạt điều. 8/ Việc xuất cảng hạt điều mang lại cho Việt Nam 1.5 tỉ Mỹ Kim mỗi năm.

Điều kiện làm việc và lương bổng

Cũng như Hiến Pháp 1992 và 2013 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bảo đảm mọi quyền căn bản của công dân, luật lao động Việt Nam bảo đảm trên giấy tờ đầy đủ quyền lợi của công nhân như tại bất cứ một quốc gia phát triển trên thế giới. Trên thực tế, phần đông những công nhân Việt Nam phải chịu đựng lương thấp, làm nhiều giờ một ngày, không được trả lương phụ trội, điều kiện làm việc hại sức khỏe, không có bảo hiểm, và không có hưu bổng. Đây là những lý do tại ra sự bất ổn về công nhân tại Việt Nam.

Làn sóng đình công dầu tiên xẩy ra vào năm 2005 ở Việt Nam ở một mức độ ôn hòa. Con số đình công tăng dần vào những năm kế tiếp với 400 vụ vào năm 2006, 600 vụ vào năm 2007, và 762 lần vào năm 2008. Các vụ đình công nhiều hơn và cường độ mạnh hơn do mức lạm pháp gia tăng. Chánh phủ Việt Nam điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm. Tuy nhiên mức lương tối thiểu tăng không kịp mức lạm phát.  Năm 2011 chứng kiến 978 vụ đình công. Đến năm 2013 chỉ còn 400 vụ, phần lớn vì lương tăng và kinh tế trì trệ. Khu vực dệt may và đặc biệt các công ty đầu tư ngoại quốc là những nơi trải qua nhiều vụ đình công hơn những nơi khác.

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam chưa hề khởi xướng, tổ chức, hay yểm trợ một cuộc đình công nhân. Do đó, theo luật, tất cả những cuộc đình công tại Việt Nam là bất hợp pháp. Và cũng theo luật, công nhân tham gia những cuộc đình công bất hợp pháp phải bồi thường chủ nhân như trên đây đã nói. Tuy nhiên cho tới nay, chính quyền Việt Nam chưa giám thi hành các luật này.

Một công nhân tại một xưởng máy trung bình phải làm 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày mỗi tuần. Tuy nhiên họ chỉ được trả khoảng 28 xu một giờ hay 70 Mỹ kim mỗi tháng. Con số này tương tương với mức lương tối thiểu hiện nay trong khoảng 1.65 triệu – 2.35 triệu đồng Việt Nam, tức là vào khoảng 4% lương tối thiểu của Hoa Kỳ. Với thu nhập này công nhân gặp nhiều khó khăn để nuôi dưỡng gia đình.

 Lao động và hợp tác xuyên Thái Bình Dương

Lao động là một vấn đề gai góc trong các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là đối với tổ chức Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) giữa 12 nước trong đó có Việt Nam, đang được thành lập. Lý do là lao động là một trong những yếu tố ấn định giá sản xuất, khả năng tiếp thị, và việc làm.

Tiếng nói từ Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ

Vào tháng 4 năm vừa qua, Đại Sứ Demetrios Marantis, Đại diện Văn Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, trực thuộc Phủ Tổng Thống Mỹ, đã đến Việt Nam để thương thuyết về TPP, đặc biệt về vấn đề lao động.  Ông đã nhấn mạnh với Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam về tầm mức quan trọng đối với Hoa Kỳ của những điều khoản lao động trong TPP, bao gồm năm tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế thuộc Liên Hiệp Quốc về quyền lao động. 9/

Năm tiêu chuẩn lao động cốt lỗi được rút tỉa từ tám Công Ước Lao Động Quốc Tế bao gồm:

Quyền lập hội.
Quyền thương lượng tập thể.
Loại bỏ mọi hình thức cưỡng bách lao động.
Loại bỏ lao động trẻ em.
Loại bỏ kỳ thị việc làm và nghề nghiệp.

Việt Nam hiện nay chưa thỏa mãn được những tiêu chuẩn trên.  Ba tiêu chuẩn sau cùng có thể được cải thiện với thời gian. Nhưng đối với tiêu chuẩn (1) và (2), Việt Nam gặp khó khăn vì CSVN muốn độc quyền cai trị đất nước, không muốn có bất cứ một tổ chức nào đứng độc lập với họ. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, CSVN đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi của đất nước.

Chính phủ Hoa Kỳ chịu rất nhiều áp lực của những nhà lập pháp Hoa Kỳ.  Quyền lao động là một phần của Quyền của con người nói chung. Trong một chuyến đi Việt Nam vào cuối năm 2013, Ngoại Trưởng John Kerry tuyên bố tại Hà Nội rằng “Việt Nam cần chứng tỏ tiếp tục tiến bộ về nhân quyền và tự do, bao gồm tự do tôn giáo, tự do phát biểu và tự do hội họp.”

Ông Kerry nói tiếp “không có những cải tổ như vậy, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ rất có thể chống lại giao ước với Việt Nam, bao gồm cả việc gia nhập của Việt Nam vào chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và việc thi hành hiệp định năng lượng hạt nhân dân sự.”  10/

DB George Miller, một thành viên cao cấp của Ủy Ban Giáo Dục và Nhân Lực (Committee on Education and the Workforce) của Hạ Viện Hoa Kỳ đã gửi thư vào tháng 7, 2013 cho Đại Sứ Michael Froman, Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, nhân dịp Chủ Tịch Nhà Nước Trương Tấn Sang viếng thăm Hoa Kỳ. Trong lá thư này Ông Miller tố cáo rằng Việt Nam không tôn trọng quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể, cưỡng bách lao động và sử dụng lao động trẻ em. Ông cũng yêu cầu Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ ước định xem Việt Nam có thể thi hành bổn phận về lao động hay không nếu hiệp định TPP được ký kết. Nếu quá khó khăn để định lượng một vấn đề còn đang trong vòng thương thuyết, Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ làm một cuộc khảo sát tương tự về việc Việt Nam thi hành những luật lệ về lao động trong khuôn khổ Hiệp Định Thương Mại Song phương Mỹ Việt ký ngày 10-5-2007. 11/

Tiếng nói từ những tổ chức lao động Hoa Kỳ

Hành pháp Hoa Kỳ còn chịu nhiều áp lực của các tổ chức lao động Hoa Kỳ.  Tỏng Liên Doàn Lao Động Hoa Kỳ (American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations viết tắt là AFL-CIO), môt trong những tổ chức lao động lớn nhất ở Hoa Kỳ, bao gồm 56 công đoàn với 12.5 triệu đoàn viên, tố cáo rằng chương Lao Động của thỏa ước TPP đã không đề cập tới những tiêu chuẩn lao động cốt lõi của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và cũng không hề nói những điều lệ lao động có thể buộc thi hành được hay không.  AFL-CIO tuyên bố tiếp rằng AFL-CIO đã tranh đấu cam go để thiết lập được một chương mạnh mẽ về lao động trong thỏa ước TPP hầu bảo đảm rằng công nhân của bất cứ một quốc gia nào trong TPP, kể cả Việt Nam, có thể sử dụng những quyền căn bản như quyền lập hội và quyền thương thuyết tập thể. 12/

Vào tháng 7 năm vừa qua, trước khi Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam viếng thăm Hoa Kỳ, Ông James P. Hoffa, Tổng Chủ Tịch của International Brotherhood of Teamsters, một tổ chức công đoàn tại Hoa Kỳ với 1.4 triệu đoàn viên, nói rằng điều kiện làm việc đã tồi tệ và lạm dụng tại Việt Nam cần phải được đề cập đến trước khi cộng đồng thế giới thưởng công cho Việt Nam.

Bản thông cáo báo chí của The Internatrional Brotherhood of Teamsters phổ biến ngày 24-7-2013 nói rằng một liên minh những nhà hoạt động lao động và nhân quyền đã kêu gọi ngưng mọi thương thuyết với Việt Nam về TPP cho đến khi Việt Nam có thể chứng tỏ rằng quốc gia này thỏa mãn được những tiêu chuẩn căn bản về lao động, môi trường, và nhân quyền. 13/

Communications Workers of America (CWA) tuyên bố rằng thu nhận Việt Nam vào TPP là thưởng công cho một chế độ vi phạm nhân quyền và quyền lao động một cách có hệ thống.  CWA tố cáo rằng Việt Nam can dự vào việc buôn lao động trẻ em, điều kiện làm việc không an toàn, trà đạp quyền lao động được quốc tế công nhận, kỳ thị nữ công nhân mang thai, công nhân không được hưởng ít nhất bốn ngày nghỉ trong tháng, phải làm nhiều giờ phụ trội mặc dù không muốn.  Như để thách thức Hoa Kỳ, khoảng 10 ngày trước khi Tổng Thống Obama tiếp Chủ Tịch Nhà Nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng vào ngày 15-7-2013, Việt Nam ban hành một nghị định mới hạn chế tối đa việc sử dụng Internet và quy định hình phạt nặng nề những ai trao đổi tin tức trên mạng. 14/

Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Công Nhân Việt Nam (U.S. Committee to Protect Vietnamese Workers – CPVW-USA) cũng đã đề nghị Chánh Phủ Hoa Kỳ không chấp thuận cho Việt Nam hưởng quy chế Ưu Đãi Phổ Quát (Generalized System of Preference – GSP) cho đến khi Việt Nam cho phép công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập và được quyền thương lượng tập thể. 15/ Mặc dù Việt Nam được nhiều công ty lớn của Mỹ có vốn đầu tư ở Việt Nam ủng hộ bao gồm IBM, Ford, etc. nhưng rõ ràng Việt Nam không thỏa mãn điều kiện lao động, do đó chánh phủ Hoa Kỳ cho tới nay vẫn chưa chấp thuận cho Việt Nam hưởng quy chế này.

 Kết luận

Với sự vắng mặt của Trung Quốc trong TPP, nếu trở thành một hội viên của TPP, Việt Nam sẽ là một nguồn cung cấp lao động rẻ tiền nhất trong 12 nước. Giá lao động ở Trung Quốc đã thấp, nhưng lương lao động ở Việt Nam còn thấp hơn, chỉ bằng khoảng 1/2 của Trung Quốc.  Nếu vào được TPP, Việt Nam sẽ thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư ngoại quốc để phát triển. TPP sẽ vô cùng lợi ích đối với Việt Nam. Với những cải tổ chính trị tương tự tiếp theo cải tổ về lao động và nhân quyền, Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng trong mười năm tới và sẽ thu ngắn khoảng cách thua kém những nước Á châu khác và tăng cường một cách đáng kể khả năng bảo vệ lãnh thổ. Sức mạnh kinh tế mang lại sức mạnh về quân sự. Nhưng nếu Việt Nam không thay đổi luật lao động cho phù hợp với luật lao động quốc tế thì Việt Nam khó vào được TPP. Một cơ hội tốt đẹp lại sẽ bi bỏ lỡ. Việt Nam sẽ tiếp tục thụt hậu. 16/ Nếu trường hợp này xẩy ra, thật là bất hạnh cho 90 dân Việt Nam.

© Đàn Chim Việt

Tệ nạn bia rượu ở Việt Nam: giải quyết ra sao?

Những quán nhậu ngoài trời giờ nào cũng tấp nập. AFP
Tình trạng uống bia rượu tại Việt Nam vẫn là chuyện thời sự được nói đến, nhất là khi việc uống bia rượu quá mức dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội.

Đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia

Nghe tường trình
Do khoảng cách giữa hai cái Tết dương lịch 2014 và âm lịch Giáp Ngọ chỉ trong vòng một tháng nên tình hình liên hoan ăn nhậu ở VN được báo chí trong nước mô tả là “xôm tụ”. Dù tình trạng chung là phải nhận đồng lương thấp, các khoản trợ cấp bị cắt giảm, thưởng Tết không nhiều…do ảnh hưởng của nền kinh tế; thế nhưng vẫn không ảnh hưởng đến tinh thần lạc quan tiệc tùng mừng năm mới của người dân. Các quán xá ở các thành phố lớn đầy ấp người với những tiếng cười nói cùng tiếng cụng ly “Dô” một cách rôm rả. Nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ quan đặt dịch dụ trọn gói từ nhà hàng mang đến tận nơi để tiết kiệm thời gian đi lại và chờ đợi. Trao đổi với Hòa Ái về không khí vui xuân bên bàn nhậu, anh Tiến, ở Hà Nội, cho biết:

“Nền kinh tế năm nay khá là buồn nên bạn bè gặp gỡ nhau hơi khó. Tình hình ăn nhậu ở miền Bắc rất ít. Không khí năm nay hơi chậm một chút và ít hơn mọi năm rất nhiều”.




Chắc là do khí hậu ở đây nên uống bia cho mát. Rất ngại uống rượu Tây. Cũng có thể một phần rượu Tây mắc tiền và chưa chắc là rượu xịn. Tâm lý ở thành phố, ai giàu thì có thể đi nước ngoài mua rượu Tây về nhưng thường thì chỉ uống bia

Anh Khang
Chia sẻ vừa rồi dù tình hình ăn nhậu ở miền Bắc đón xuân năm nay ít hơn mọi năm rất nhiều nhưng cả nước VN đã tiêu thụ hết 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ đô la, trong suốt năm vừa qua theo số liệu thống kê năm 2013 của Tổ chức Nghiên cứu Thị trường Eurowatch. Tỉ lệ tiêu thụ bia trung bình của 1 người Việt trong vòng 20 năm tăng 13 lần, từ 2,5 lít/năm tăng lên 32 lít/năm. Tìm hiểu vì sao người Việt trong nước lại chuộng bia hơn rượu, anh Khang, ở Sài Gòn, người thường xuyên uống bia nói rằng các loại rượu Tây có mặt trên thị trường thường là rượu giả, rượu sản xuất trong nước thì lại không đảm bảo chất lượng, độc hại. Anh Khang nói thêm:

“Chắc là do khí hậu ở đây nên uống bia cho mát. Rất ngại uống rượu Tây. Cũng có thể một phần rượu Tây mắc tiền và chưa chắc là rượu xịn. Tâm lý ở thành phố, ai giàu thì có thể đi nước ngoài mua rượu Tây về nhưng thường thì chỉ uống bia. Còn ở quê thường dùng rượu, với điều kiện rượu ở nhà nấu”.

Một quán nhậu ở Hà Nội. AFP photo
Với bất kỳ lý do nào như kinh tế khó khăn, bia rượu ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống hay thậm chí còn gây nên những hậu quả xấu trong đời sống xã hội nhưng VN vẫn giữ vị trí đầu nhất về tiêu thụ bia ở khu vực Đông Nam Á, chiếm vị trí thứ 3 ở Châu Á và nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới trong những năm qua.

Không có gì là nghịch lý vì theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, Trưởng Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, thì đó là nét văn hóa của người Việt. Nét văn hóa này có tinh thần bản chất vẫn giữ nguyên mặc dù biểu hiện có thể thay đổi uống nhiều hay ít tùy vào điều kiện của từng giai đoạn lịch sử xã hội. GS.TS Trần Ngọc Thêm lý giải thói quen ngồi lại cùng nhau uống bia rượu của người Việt do đặc tính hài hòa, vừa phải, hài lòng trong mọi hoàn cảnh của nền văn hóa lúa nước nên người ta có thể uống bia rượu thường xuyên với tinh thần lạc quan bất kể nghèo hay giàu. Và còn có thêm đặc tính cộng đồng mạnh mẽ bắt nguồn từ xóm, ấp, làng xã gắn bó gần gũi mà người ta luôn tìm ra cái cớ để ngồi lại cùng nhau, nhằm mang lại niềm vui tạo ra mối gắn kết trong giao tiếp. Khi đã giao tiếp với nhau thì trở thành bạn bè và đã là bạn thì phải uống khi ngồi cùng nhau.

Hậu quả khó lường từ rượu bia




VN vẫn giữ vị trí đầu nhất về tiêu thụ bia ở khu vực Đông Nam Á, chiếm vị trí thứ 3 ở Châu Á và nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới trong những năm qua
Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội hiện nay có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng đang quá trớn trong chuyện nhậu nhẹt. Đời sống xã hội thay đổi với đa số người dân có “đồng ra đồng vào”, hàng hóa đa dạng có thể lựa chọn những mặt hàng yêu thích và do tính cộng đồng nên người ta muốn ai cũng giống ai, đặc biệt đã ngồi nhậu với nhau thì nảy sinh tình trạng ép nhau uống để say giống như mọi người. Bởi vì càng say thì càng thật, càng say thì càng vui, cho nên tình trạng cứ ép nhau uống và những người không uống được hay tửu lượng kém cũng bị bắt phải uống theo. Điều này dẫn đến những hậu quả không tốt.

Trong năm 2013, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lên tiếng việc uống bia rượu không chỉ còn là tập quán của người Việt nữa mà tốc độ tiêu thụ bia, rượu tăng vọt trở thành tệ nạn của xã hội. Một trong những tác hại điển hình là gây ra tai nạn giao thông trong khi tham gia giao thông mà bị say xỉn. Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết âm lịch Giáp Ngọ, có đến 458 vụ tai nạn giao thông, gây ra cái chết cho 212 người với nguyên nhân chủ yếu do say rượu bia khi đi xe máy. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết về an toàn giao thông năm 2013 và triển khai công tác năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “Cả nước cần phát động việc không uống rượu, bia buổi trưa và trong giờ làm việc”. Liệu rằng những phương cách hô hào phát động như thế này sẽ cải thiện được tệ nạn uống bia rượu hiện nay? GS.TS Trần Ngọc Thêm phân tích:




Việc uống bia rượu không chỉ còn là tập quán của người Việt nữa mà tốc độ tiêu thụ bia, rượu tăng vọt trở thành tệ nạn của xã hội. Một trong những tác hại điển hình là gây ra tai nạn giao thông trong khi tham gia giao thông mà bị say xỉn
“Bởi vì đua nhau uống trở thành tiêu chuẩn bất thành văn: phải vui, đã vui thì phải uống, uống được như thế thì mới đạt được chuẩn giao tiếp nhất định. Nhữn người không uống cũng bị kéo theo. Cho nên vấn đề giáo dục chỉ là phụ thôi. Cái chính là phải có những quy định luật pháp nhất định để hạn chế như thế nào đó. Hạn chế từ người sản xuất trở đi cho đến đánh vào kinh tế như thuế và giá bia phải cao v.v. Bấy giờ do chế tài như vậy, do giá cả như vậy thì người ta sẽ nghiêng sang không uống nữa. Như thế số người không uống càng đông lên thì mới tạo thành một xu hướng xã hội. Không phải cứ tuyên truyền là được”.

Trong khi chờ đợi những biện pháp tầm vĩ mô từ chính phủ để ngăn chặn tệ nạn uống bia rượu quá nhiều, những âm thanh cụng ly, những lời thách đố, ép nhau uống trong bàn tiệc hội ngộ bạn bè, đồng nghiệp vẫn cứ râm rang, rộn ràng sau những ngày dài nghỉ Tết Giáp Ngọ.

Hoà Ái,
phóng viên RFA
Theo RFA

========
Nghe bài này

Nhật 'cần giúp đồng minh trong xung đột'


Nhật đang có tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Trung Quốc

Một ủy ban của chính phủ Nhật dự kiến kêu gọi nước này cho phép quân đội giúp đỡ các đồng minh bị tấn công.

Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là thay đổi lớn về chính sách quốc phòng của Nhật Bản.

Hãng tin AP nói ủy ban 14 người, do một cựu đại sứ tại Mỹ đứng đầu, cho rằng có thể thay đổi chính sách nếu chính phủ hiểu khác về hiến pháp hòa bình hiện nay.

Thủ tướng Shinzo Abe muốn Nhật có vai trò lớn hơn trong gìn giữ hòa bình quốc tế và tỏ ra cứng rắn hơn trước cái mà ông xem là đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Hàn.

Hiến pháp của Nhật Bản, được viết theo hướng dẫn của Mỹ sau Thế chiến Hai, nói “dân tộc Nhật Bản phản đối chiến tranh cũng như sự đe doạ hay áp dụng sức mạnh để giải quyết những tranh chấp quốc tế vì chiến tranh không phải là quyền tối thượng của quốc gia”.

“Nhật Bản không thành lập các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác,” theo hiến pháp.

Chính phủ Nhật lâu nay hiểu rằng Hiến pháp cấm Nhật sở hữu vũ khí tấn công.

Nhưng ông Abe và những người ủng hộ thay đổi lại cho rằng cần xóa bỏ các hạn chế này.

Những người muốn thay đổi nói có những trường hợp quân Nhật cần chiến đấu vì đồng minh trong sứ mạng gìn giữ hòa bình, ngay cả khi Nhật không bị tấn công trực tiếp.

Theo AP, dự thảo báo cáo của ủy ban cũng sẽ kêu gọi Nhật nới lỏng hạn chế về xuất khẩu vũ khí, tham gia tích cực hơn hoạt động an ninh của LHQ.

Báo cáo cũng muốn chuẩn bị nền tảng pháp lý để quân đội chống các vụ xâm nhập lên các đảo của Nhật. Dường như điều này ám chỉ đến tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Phúc trình chính thức của ủy ban này dự kiến sẽ đưa ra vào tháng Tư.
(BBC)

Tại sao không tịch thu tài sản của Dương Chí Dũng?

Ngoài mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Tòa án nhân dân TP Hà Nội còn tuyên buộc hai bị cáo này phải bồi thường dân sự, mỗi bị cáo là 110 tỉ đồng. Tuy nhiên, về việc tịch thu tài sản của hai bị cáo này và 8 bị cáo còn lại trong vụ án tham nhũng tại Vinalines thì tòa không đề cập tới.

Theo án sơ thẩm, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều phạm cả hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 278 và Điều 165 Bộ luật Hình sự). 8 bị cáo còn lại đều bị xử tù về tội cố ý làm trái theo Điều 278.
Tại sao không tịch thu tài sản của Dương Chí Dũng?

Khoản 4 Điều 165 quy định: “Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Khoản 5 Điều 278 quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Điều kỳ lạ là cho đến nay chưa có vụ án tham nhũng nào mà tòa án áp dụng điều luật “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” của người phạm tội cả.

Luật pháp còn quá nhân nhượng với tội phạm tham nhũng nên chưa gây ra sự khiếp sợ đối với những quan chức có ý định “nhúng chàm”. Nếu xử lý mạnh tay, các tòa hoàn toàn có quyền tuyên tịch thu toàn bộ tài sản (dù đó là tài sản hợp pháp) của kẻ phạm tội để răn đe. Lý giải về sự kỳ lạ này, một luật sư cho biết về nguyên tắc, các tài sản bất hợp pháp đều phải tịch thu sung công quỹ. Trong trường hợp này rất khó chứng minh tài sản của bị cáo có nguồn gốc hợp pháp hay không hợp pháp. Ví dụ anh ta mua một căn nhà 10 tỉ nhưng lại nói là của ông bà cho thì khó xác minh lời của anh ta nói đúng hay không. Do đó việc tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cần phải cân nhắc.

Thật ra ngay trong Khoản 4 Điều 165 và Khoản 5 Điều 278 đã chứa đựng sự bất hợp lý của quy phạm pháp luật về hình phạt. Bởi vì nó dùng từ “có thể”, nghĩa là tòa án áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản cũng được mà không áp dụng thì cũng không… sai!

Tại sao khi đã đặt ra là một hình phạt bổ sung mà luật lại không quy định hẳn sự bắt buộc thay vì cho các tòa có quyền “thích thì áp dụng, không thích thì thôi” như vậy?

Trong nội dung hai khoản trên cũng tạo ra nhiều cách hiểu. Ví dụ “người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm” dẫn đến cách hiểu là có thể bị tịch thu tài sản, nhưng cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc trong một thời hạn nhất định và điều cấm này là bắt buộc. Hay trong Khoản 5 Điều 278, ta có thể hiểu là bị cáo bắt buộc bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời hạn, có thể bị phạt tiền và có thể bị tịch thu tài sản. Tuy nhiên, nếu cắt câu chữ ra, ta cũng có thể hiểu rằng việc tịch thu tài sản là bắt buộc.

Trong các vụ án về mua bán trái phép chất ma túy, các tòa án thường xử phạt hình phạt chính và luôn kèm theo hình phạt tiền 5 triệu, 10 triệu, 20 triệu đồng là hình phạt bổ sung đối với mỗi bị cáo. Thế nhưng trong vụ án Vinalines, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ngoài hình phạt chính lại không bị tòa áp dụng hình phạt bổ sung về phạt tiền, tịch thu tài sản.

Điều này cho thấy luật pháp còn quá nhân nhượng với tội phạm tham nhũng nên chưa gây ra sự khiếp sợ đối với những quan chức có ý định “nhúng chàm”. Nếu xử lý mạnh tay, các tòa hoàn toàn có quyền tuyên tịch thu toàn bộ tài sản (dù đó là tài sản hợp pháp) của kẻ phạm tội để răn đe.

Việc tịch thu toàn bộ tài sản của kẻ phạm tội, nhất là tội phạm tham nhũng – những kẻ “sâu mọt” gây hại cho đất nước, sẽ là đòn giáng nặng nề vào tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con” lâu nay vẫn râm ran trong dư luận khi nói về các quan chức tham nhũng.

Thiết nghĩ để đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tham nhũng, các bộ ngành liên quan cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào của án tham nhũng bắt buộc tòa án phải tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của quan chức phạm tội.
Hình phạt tịch thu tài sản là một trong các loại hình phạt bổ sung (cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc quyền hạn hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền khi không là hình phạt chính, trục xuất khi không là hình phạt chính), ngoài các hình phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình).
Đối với mỗi tội, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung.
Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ nhà nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp do Bộ luật Hình sự quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Tiểu Ngọc
(Một thế giới)

Tướng Quốc Thước: Bỏ Đảng khi khó khăn là có lỗi với Đảng =))

Dân Việt - "Nếu ta bỏ Đảng trong những thời điểm khó khăn, để kẻ xấu càng có cơ hội lấn tới thì chúng ta có lỗi với Đảng" - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đáp lời về hiện tượng có những đảng viên xin ra khỏi Đảng.
Là một người lính trên chiến trường, ông sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân. Đến khi là một Đại biểu quốc hội, ông vẫn luôn phát huy tinh thần của người lính, bảo vệ đến cùng quyền lợi của người dân. 67 tuổi Đảng, ông vẫn luôn chứng tỏ mình là người cộng sản chân chính không hề nhụt chí đấu tranh. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Thưa trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trước tiên, đầu năm mới Giáp Ngọ, xin thay mặt báo Nông thôn Ngày nay - Dân Việt xin được chúc ông và gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, chúc cho mọi điều an lành sẽ tới với ông và gia đình. Là người gắn với binh nghiệp hơn nửa thế kỷ, ông có thể lại một số kỷ niệm khiến ông không thể quên đối với bản thân?
- Năm 1949 tôi nhập ngũ rồi được đi học ở trường sĩ quan Nguyễn Huệ (tiền thân của trường sĩ quan Lục quân bây giờ). Sau khi ra trường tôi được phân về Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và được điều động về chiến trường Bình Trị Thiên. Đây là trung đoàn nổi tiếng cà cũng là đơn vị nhà thơ Phùng Quán phục vụ lúc đó. Năm 1952 tôi được cấp trên rút ra Nghệ Tĩnh, rồi sang tham gia giải phóng hai nước anh em là Lào và Campuchia.
Đời quân ngũ của tôi đã trải qua tất cả các chiến trường ở Việt Nam, Lào, Campuchia, kỷ niệm khó quên thì nhiều vô kể bởi tất cả đều gắn với những quãng thời gian gian khổ, khốc liệt nhất. Nhưng có lẽ, kỷ niệm tôi khiến tôi nhớ mãi tới tận bây giờ là vào thời điểm năm 1969, khi đó tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24. Tại chiến trường Tây Nguyên, Trung đoàn đã đánh tan cuộc hành quân của địch vào Chư Ba. Sau chiến thắng đó, Bác Hồ đã gửi điện khen: “Các chú đã phát huy được truyền thống kiên cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Nhưng các chú không được tự kiêu tự mãn, phải tiếp tục đập tan các cuộc hành quân của Mỹ ngụy”.
Một kỷ niệm khác vào cuối năm 1974, tôi được thay mặt Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra báo cáo về kế hoạch tiến công trong chiến dịch mùa xuân năm 1975. Khi đó tôi được làm việc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng quan tâm chỉ bảo từng phương án cụ thể cho trận đánh mở màn vào Tây Nguyên năm 1975 để dẫn tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi không bao giờ quên được những giây phút ở cạnh bên Võ Đại tướng năm đó. Cũng chính trong chuyến đi ra Hà Nội năm 1974 đó, tôi đã vô tình được gặp lại người vợ thân yêu của mình sau 10 năm xa cách trên chuyến xe dọc đường.
Với ông, ngày 3.2 – ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi sinh ngày 3.2.1926 và có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cũng vào Đảng cũng vào ngày đó (3.2.1947) tại huyện ủy Nghi Lộc - Nghệ An. Như vậy cuộc đời tôi có hai ngày sinh trùng nhau: Tuổi đời và tuổi Đảng. Cho nên ngày 3.2 có một ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời tôi.
Khi còn chiến tranh, ngày 3.2 trong quân đội có ý nghĩa rất thiêng liêng. Sắp tới ngày đó, mỗi đơn vị đều quyết tâm chuẩn bị cho được một thành tích thiết thực nhằm chào mừng ngày thành lập Đảng. Và nó trở thành một phong trào được phát động sôi nổi trong toàn quân. Tôi còn nhớ ngày 3.2.1975, chúng tôi đã có một chiến công rất quan trọng để kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Đó là chiến thắng chiến lược tại TP Buôn Mê Thuột, tiến tới giải phóng toàn bộ Tây Nguyên trong hai tuần.
Đó là thời của ông, khi việc đứng trong hàng ngũ của Đảng thực sự trở thành niềm tự hào của mỗi người. Nhưng hiện nay, có một thực tế là nhiều người không còn sự hào hứng khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thậm chí có nhiều người còn xin ra khỏi Đảng. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?
- Đúng là bây giờ, có nhiều người cho rằng Đảng ta đã không còn được như trước và muốn xin ra khỏi Đảng. Theo tôi, suy nghĩ như vậy hoàn toàn không chính xác. Đảng không hề thay đổi bản chất, vẫn là Đảng của Bác Hồ, của nhân dân. Chỉ có một nhóm nhỏ, một bộ phận cán bộ, Đảng viên thoái hóa biến chất làm mất uy tín của Đảng như trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra. Biết như vậy chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt với những cán bộ, Đảng viên thoái hóa đó. Chứ nếu mọi người thấy hiện tượng như vậy mà nản, đều xin ra khỏi Đảng thì ai sẽ đấu tranh với kẻ xấu đó? Nếu ta bỏ Đảng trong những thời điểm khó khăn, để kẻ xấu càng có cơ hội lấn tới thì chúng ta có lỗi với Đảng. Cho nên theo quan điểm của tôi, những Đảng viên trung kiên phải trụ lại để đấu tranh với kẻ xấu, kẻ thoái hóa để bảo vệ Đảng.
Những Đảng viên chân chính phải lên tiếng, phải đấu tranh vạch mặt những kẻ tham nhũng, cơ hội, lợi dụng uy tín của Đảng để đục khoét làm giàu cho bản thân. Chúng ta không tiêu diệt con người đó mà tiêu diệt bệnh tham nhũng trong con người họ. Nếu họ thực sự nhận ra sai lầm, mong muốn sửa chữa thì kéo họ về phía mình. Những năm Đảng mới được thành lập, chúng ta có rất ít Đảng viên nhưng vẫn giành được chiến thắng. Bây giờ tôi tin chúng ta vẫn còn rất nhiều Đảng viên trung kiên, Đảng viên chân chính. Nếu thấy điều xấu, điều sai mà nhắm mắt làm ngơ là có lỗi.
Tôi cho rằng Đảng đã, đang và vẫn sẽ là niềm tự hào, là ngọn cờ động viên thúc giục nhân dân cả nước đi tới một xã hội phồn vinh, công bằng, bình đẳng, bác ái như Bác Hồ từng mong muốn.
Có người cho rằng một số cán bộ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng mà quên mất họ còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân?
- Lợi ích cao nhất của Đảng chính là lợi ích của nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác là phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Chịu trách nhiệm trước Đảng cũng là chịu trách nhiệm trước dân. Để xảy ra tham nhũng, Đảng viên hư hỏng thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Cho nên mỗi Đảng viên chúng ta phải có ý thức luôn đấu tranh với thoái hóa, biến chất, đặc biệt là với quốc nạn tham nhũng. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ Đảng ta.
Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện này và cũng xin chúc mừng sinh nhật lần từ 88 của ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét