Xử lý nợ xấu bằng “ngậm sâm” VAMC
“Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã được “ngậm sâm” trên đường
tới bệnh viện, còn chuyện chữa trị ra sao lại không phải là VAMC”…
Đến thời điểm này, VAMC đã mua vào một lượng nợ xấu khá lớn
và mục tiêu xử lý 30 – 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay là khả thi.
Nhưng mua nợ rồi thì xử lý ra sao lại là câu hỏi không dễ trả lời.
Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính
Quốc gia, “Ngân hàng Nhà nước đã đưa một phần khá lớn nợ xấu ra khỏi
bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng. Như vậy, các tổ chức tín
dụng và doanh nghiệp đã được “ngậm sâm” trên đường tới bệnh viện, còn
chuyện chữa trị ra sao lại không phải là VAMC”.
Thưa ông, VAMC dọn dẹp một phần nợ xấu cho các tổ chức tín dụng
nhưng làm gì để xử lý những “của nợ” này lại chưa được rõ ràng, ông có
thể cho biết rõ hơn?
Trước khi trả lời câu hỏi, tôi cứ đưa ra một hình ảnh rất dễ hình
dung: chắc hẳn không ít người, đặc biệt là giới y học đã rất bàng hoàng
trước cái chết đột ngột do đột quỵ của giáo sư Tôn Thất Bách, nhưng cũng
ít ai biết được, chỉ cần thêm vài phút thôi, để ông ấy kịp với chiếc
điện thoại và gọi cấp cứu thì có lẽ, Việt Nam đã không bị thiệt thòi khi
mất đi một nhà y khoa tim mạch hàng đầu thế giới.
Tương tự như vậy, trong lúc dòng chảy tín dụng tê cứng vì nợ xấu,
ngân hàng và doanh nghiệp khoanh tay nhìn nhau vì những “cục nợ” thì sự
ra đời của VAMC có một ý nghĩa sâu sắc là giúp đỡ hệ thống tổ chức tín
dụng tạm dọn “cục nợ” sang một bên để họ và doanh nghiệp có thể tiếp tục
làm ăn với nhau.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa một phần khá lớn nợ xấu ra khỏi
bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng. Như vậy, các tổ chức tín
dụng và doanh nghiệp đã được “ngậm sâm” trên đường tới bệnh viện, còn
chuyện chữa trị ra sao lại không phải là VAMC.
Dọn nợ mà không xử lý triệt để thì sau 5 năm, một lượng nợ xấu khác lại tích thêm và lúc đó, nợ chồng nợ thì ai xử lý, thưa ông?
Phải thấy là vai trò lịch sử của VAMC chỉ là duy trì, cấp cứu tạm
thời mối nguy phá sản của hệ thống tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, còn
việc xử lý nợ xấu triệt để thì phải chờ sự phục hồi của nội lực nền
kinh tế trong 2–3 năm tới. Khi “lục phủ ngũ tạng” của nền kinh tế hồng
hào, “huyết áp” ổn định trở lại thì mọi chuyện sáng sủa hơn.
Giả định, thị trường bất động sản hồi phục, các tài sản bảo đảm khác
tăng giá thì các tổ chức tín dụng sẽ không phải trích lập 20% trên mệnh
giá trái phiếu VAMC và cũng chẳng phải bán tài sản bảo đảm để bù nợ.
Cũng phải nói rõ là đừng trông mong việc VAMC mua nợ rồi thì đứng ra
bán nốt những khoản nợ kèm theo tài sản bảo đảm đã mua. Bởi lẽ, các tổ
chức tín dụng sau khi bán nợ vẫn tiếp tục ngồi lại với khách hàng của
mình để đòi nợ, không phải là chuyện bán nợ cho VAMC rồi thì xóa luôn nợ
cho doanh nghiệp!
Ví dụ, dư nợ 1.000 tỷ, đã trích lập 400 tỷ, ngân hàng sẽ lấy 400 tỷ
đó xóa bớt nợ, còn 600 tỷ (tất nhiên là không nói cho doanh nghiệp biết
đã xóa nợ), như vậy, VAMC chỉ mua nợ 600 tỷ đồng, mặc dù vẫn đòi người
vay tiền phải trả 1.000 tỷ đồng. Nói cách khác, VAMC mua nợ 600 tỷ nhưng
nắm quyền đòi nợ 1.000 tỷ đồng. Nếu không trả đủ, họ sẽ bán bớt tài sản
bảo đảm để bù vào.
Vậy, trách nhiệm cuối cùng xử lý nợ xấu thuộc về ai, nếu nền kinh
tế không phục hồi và cùng đó, các thị trường tài sản vẫn trì trệ?
Nếu nền kinh tế không phục hồi thì tổ chức tín dụng sẽ phải lấy lợi
nhuận được trích lập ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5
năm, cùng đó là họ phải bán bớt tài sản bảo đảm đang nắm giữ kèm theo
khoản nợ để bù đắp cho đủ số nợ xấu. Hay nói cách khác, tổ chức tín dụng
phải lấy lợi nhuận mỗi năm 20% của 5 năm tới để chữa căn bệnh của hiện
tại. Và trách nhiệm cuối cùng đương nhiên thuộc về cổ đông.
Bởi lẽ, lợi nhuận giảm thì cổ tức giảm, cùng đó, hàng triệu nhân lực
của ngành sẽ phải chịu thiệt thòi. Chúng ta đã nhìn thấy làn sóng nhân
lực ngành ngân hàng ra đi không ít và có thể xu hướng này còn tiếp tục
trong các năm tới.
Có thể việc bán nợ và tài sản bảo đảm sau khi mua không thuộc về
VAMC nhưng giả sử, các nhà đầu tư muốn mua thì sao lại không bán? Và nếu
bán thì Ngân hàng Nhà nước cần phải làm gì?
Lúc đó, phải thiết lập một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp và đây
là bước tiếp theo mà Ngân hàng Nhà nước phải tính đến. Hiện có một
luồng ý kiến là trong lúc giá đang thấp, nếu bán thì nhà đầu tư nước
ngoài sẽ lấy hết tài sản quốc gia nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy rằng:
những nhà đầu tư FDI mang vốn vào, tạo công ăn việc làm cho nhân lực
trong nước thì sao?
Suy nghĩ như thế thì mãi chẳng thấy lối ra. Cách tốt nhất là thiết
lập một thị trường mua bán nợ mà ở đó, nhà đầu tư, kể cả nước ngoài sẽ
mua nợ và mua những tài sản bảo đảm với giá thị trường. Đừng nghĩ là bán
như thế thì tài sản sẽ bị nước ngoài mua hết vì những nhà đầu tư trong
nước không phải không biết đánh hơi thấy lợi nhuận. Họ ở Sài Gòn, Hà
Nội, tất yếu sẽ có lợi thế hơn về cự ly và cường độ, còn tiềm lực vốn
thì nhà đầu tư nội cũng “khỏe” lắm.
Cứ quan niệm VAMC là một bệnh viện thì phải “cổ phần hóa” cái bệnh
viện này. Ở đó, có nhiều bác sĩ, đồng thời là cổ đông, không phân biệt
trong hay ngoài nước, vấn đề là phải tạo được sự hấp dẫn của thị trường
mua bán nợ.
Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, nợ xấu lớn như vậy, VAMC là một
trong những giải pháp đặc thù, riêng có, bởi xét đến cùng, không có một
cơ chế hay nguồn lực nào có thể xử lý được “cục máu đông” nợ xấu này.
Với cách làm như trên, các tổ chức tín dụng sẽ tự tân trang lại chính
mình, nhờ đó, nền kinh tế cũng thở phào vì trút đi được gánh nặng nợ để
nước ngoài nhìn nhận đánh giá khác đi. Lúc đó, mới nói đến chuyện tiếp
tục mời gọi, thu hút họ đến với mình, bởi không ai muốn làm ăn với một
đối tác mà cơ thể đang có “khối u” cả.
Theo VNEconomy
Những kẻ giết người bằng nước lũ
Về nạn lũ lụt, nhất là ở miền Trung, điều rõ ràng đầu tiên là tính
chất khủng khiếp của nó trong những năm gần đây ngày càng tăng và người
dân thường ở vùng này đang sống trong tình trạng tuyệt vọng kéo dài
không biết đến bao giờ. Dù “chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” có đến sớm hơn
những người lãnh đạo cấp cao dự báo, thậm chí đến ngay bây giờ, họ cũng
cứ phải hứng chịu lũ lụt mỗi năm mấy đợt, với những ngôi nhà (hay túp
lều) ngập đến tận nóc, với những cái bụng lép kẹp, với những “khối tài
sản” không có gì khác ngoài vài chiếc quần áo cũ rách, và một tương lai
tối đen tuyệt đối. Dù cái cỗ máy cứu trợ khổng lồ có vận hành rầm rộ
liên tục thì cũng thế mà thôi!
Tôi về miền Trung trong đợt lũ vừa qua, một đợt lũ hoàn toàn bất ngờ
ập đến khi người dân không có thông tin gì để đề phòng. Sau hàng tuần
mệt mỏi “triển khai” phòng chống cơn bão Hayan mà theo dự báo thì nó sẽ
triệt hạ cả miền Trung, xóa sổ mọi nếp nhà “cấp 4”, người dân vừa xả hơi
được vài ngày, bỗng tai họa bất ngờ ập đến, không có sự cảnh báo nào
của cái cơ quan gọi là Cục dự báo khí tượng – thủy văn.
Tôi gặp anh trai mình, người lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng già hơn
tôi tới 30 tuổi, người có căn nhà vừa bị lũ cuốn trôi. Đứng trước thân
hình tiều tụy của anh, tôi uất nghẹn. Không một lời hỏi thăm, an ủi, bởi
tôi thực sự không dám hé răng nói lên những lời đó.
Tôi tìm chỗ ngồi tạm cho đỡ mỏi chân, trong khi ông anh tôi vẫn đứng lom khom. Mắt anh tối lại và vằn lên những tia máu.
“Mẹ cha chúng nó.” Cuối cùng anh cũng lên tiếng. “Quân giết người. Bọn diệt chủng.”
Tôi hơi bối rối. Sao đang trong cơn hoạn nạn thế này mà anh lại nói
đến bọn diệt chủng nào ở đâu đâu? Liệu có phải tai họa làm anh suy nghĩ
mất bình thường rồi chăng?
“Anh nói bọn nào?” Tôi khẽ hỏi.
“Bọn thủy điện, thủy lợi chứ bọn nào?”
“Sao?”
“Vậy mày có biết tại sao lũ lớn như ri không? Tại vì chúng xả lũ chớ
sao! Đầu trận mưa, chúng làm ra vẻ giữ nước để cứu dân khỏi lụt. Đến khi
nước lên ngang mặt đập, chúng bất ngờ đồng loạt xả lũ, làm gì dân chả
chết? Hả? Mẹ cha chúng nó!” Anh tôi cố kìm để khỏi gào lên.
“Nhưng, họ đã cố giữ… Nhưng nước lớn quá, nêu không xả thì bể đập. Mà
khi bể thì cũng giống như xả lũ, lại thiệt hại bao nhiêu tài sản nhà
nước…”
“Đồ ngu.” Anh tôi trợn mắt, chỉ tay vào mặt tôi. “Bởi vì có biết bao
nhiêu kẻ được ăn được học như mà vẫn ngu như mày nên cái bọn đó vẫn đàng
hoàng tồn tại, đàng hoàng giết dân đó. Mả cha chúng nó!”
Tôi vẫn chưa thật hiểu.
“Nhưng…”
“Nhưng nhưng cái chi? Sao chúng nó lại không xây đập sao cho khi có lũ lớn đập cũng không bể, hả?”
Trong phút chốc, tôi quên mất anh tôi đang khổ sở ra sao. Tôi quyết định tranh luận với anh cho ra lẽ.
“Anh ơi, lụt dữ như thế đập nào trụ nổi hả anh? Sức chịu đựng của con
đập thì có giới hạn, sức tàn phá của thiên nhiên thì không có giới
hạn…”
“Đó, cái ngu là ở chỗ đó. Tao chưa nói chúng nó làm đểu. Cho là chúng
nó làm ăn chân chính. Nhưng tao hỏi mày: Nếu con đập trên kia kìa, thay
vì 20 mét chiều cao, nếu bê tông tốt, mà nó làm thấp bớt đi, chừng
12-13 mét thôi, mà chiều dày vẫn như rứa, thì nó có bao giờ bể không?
Không thì giữ nguyên cao 20 mét, nhưng chiều dày tăng gấp rưỡi, thì nó
có vỡ vì lụt không, hả?”
“Làm thì người ta phải có bản thiết kế, thuyết minh, có luận cứ khoa học, chứ nói chừng như anh mà được…”
“Thì đã đành. Nhưng mà ý tao là nếu sợ không trụ được lũ thì xây thấp
thôi, hoặc đủ chiều dày. Khi lũ lớn quá, nó tự tràn qua thì có đỡ khốn
nạn cho dân hơn nhiều không, hả? Có hơn là cố xây cho cao, lại còn ăn
bớt vật liệu, rồi tích nước lại, rồi bất ngờ xả hay không?”
Tôi bắt đầu thấy anh tôi nói có lý, nhưng vẫn cố nói thêm.
“Nhưng nếu làm đập thấp quá thì lại được ít điện…”
Anh tôi lắc đầu không muốn nói tiếp. Còn tôi, trong thâm tâm tôi đã hiểu: thà thiếu điện còn hơn chịu cảnh thế này.
“Còn bọn làm đường nữa. Chúng nó cũng là bọn giết người.” Anh tôi nói
tiếp. Lần này tôi chỉ lặng im nghe. “Mỗi lần chúng nó làm lại đường,
chúng nó không đào đất xuống, chỉ để vậy, đổ thêm mấy chục phân đất đá,
bê tông hoặc nhựa lên trên. Cống thoát thì quá ít, quá nhỏ. Mỗi lần lụt
thì đường trở thành đê chắn nước, mà không phải chắn nước từ sông từ
biển vào, mà chắn không cho nước ngập thôn bản làng mạc rút đi. Thật
khốn nạn.
Và đằng sau tất cả những bọn
đó, bọn thủy điện, thủy lợi, giao thông,… là cả một cỗ máy khổng lồ giữ
cho chúng không bị động đến lông chân.
Quân giết người. Bọn diệt chủng. Mẹ cha chúng nó.”
THEO NGUYỄN TRẦN SÂM
Vì sao gia đình Anh hùng bắt sống Tướng Đờ Cát đi kiện?
“Đất ở thì quy là đất nông nghiệp, thu hồi đất không có quyết
định vẫn tổ chức cưỡng chế, đất không nằm trong dự án (D.A) vẫn bị thu
hồi, khiếu nại (KN) thì không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết,
kiện ra tòa thì tòa lại bao che cho chính quyền…” – đó là hàng loạt bức
xúc của bà Tạ Thanh Bình, con gái Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân Tạ Quốc Luật – người dẫn đầu tổ xung kích bắt sống toàn bộ Bộ
Chỉ huy địch và Tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ…
Nhà, đất hợp pháp quy thành đất nông nghiệp
Vợ chồng ông Tạ Quốc Luật sinh được 4 người con, trong đó có 3 người con công tác trong quân đội.
Khi còn sống, năm 2000, bà Nguyễn Thị Nghĩa (vợ ông Tạ Quốc Luật),
sau khi gom góp tiền của toàn thể gia đình đã đứng ra đặt cọc với ông
Phạm Đình Chọi để nhận chuyển nhượng thửa đất có diện tích 335,2m2 tại
534 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Trước khi giao hết tiền cho ông Chọi, do tuổi cao, sức yếu, ngày
30/12/2000, bà Nghĩa đã làm di chúc với di nguyện là giao cho con gái cả
là bà Tạ Thanh Bình cùng các em trai sử dụng đất (SDĐ) này để làm nơi
thờ cúng tổ tiên, cha mẹ…
Bà Bình nói: “Khi hoàn tất chuyển nhượng giữa hai bên thì mẹ tôi
qua đời. Trong lúc tang mẹ chưa xong thì ông Chọi cũng bất ngờ
lâm bệnh qua đời. Việc làm thủ tục sang tên đổi chủ và xin cấp
giấy chứng nhận quyền SDĐ đành phải tạm gác lại và chờ giải quyết từ
phía chính quyền. Nhiều lần gặp các lãnh đạo UBND phường Thanh
Xuân Trung để đề nghị giải quyết thì họ đều cho biết: Phải chờ
có đợt làm sổ đỏ sẽ thông báo, vả lại đã có giấy xác nhận
của các hộ liền kề, của tổ trưởng tổ dân phố và xác nhận
của UBND phường về nhà, đất tại 534 Nguyễn Trãi là đất ở sử
dụng lâu dài, ổn định, đã đóng thuế nhà ở, đất ở vị trí 1
từ năm 1993, không có tranh chấp gì thì khi nào có điều kiện,
UBND phường sẽ xác nhận làm sổ đỏ. Trước đó, UBND phường Thanh
Xuân Trung cũng xác nhận cho chủ hộ Phạm Đình Chọi (bên bán)
tại Đơn xin xác nhận ngày 21/2/2001 như sau: “Ông Phạm Đình Chọi
và gia đình có sử dụng mảnh đất thuộc danh pháp tờ bản đồ
5E.II.37 thửa đất số 56 nằm trong địa giới phường Thanh Xuân
Trung quản lý là đúng”.
Trong quá trình SDĐ, các chủ sử dụng đều nộp thuế nhà ở, đất ở đầy
đủ. Hơn 30 năm qua các chủ SDĐ và xây dựng nhà ở nơi đây không hề xảy ra
tranh chấp và vi phạm nào liên quan đến SDĐ hay lấn chiếm… Có điều,
trong lúc đang chờ làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ thì
gia đình bà Bình nhận được thông báo rằng nhà, đất của mình nằm trong
diện giải tỏa để phục vụ cho D.A xây dựng đường vành đai 3. “Thậm chí,
chính quyền phường, quận đã rất “tiền hậu, bất nhất” khi cho rằng nhà,
đất này đã vi phạm chỉ giới của D.A và là đất có nguồn gốc nông nghiệp…”
– bà Bình cho hay!
Tự đi thu thập tài liệu, chứng cứ, bà Bình phát hiện D.A xây dựng
đường vành đai 3 được thực hiện theo Quyết định 597/QĐ-TTg ngày
16/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Theo sơ đồ D.A đã được duyệt thì gia
đình của bà không thuộc diện rơi vào đất D.A.
Bà Bình khẳng định việc chính quyền cố tình quy đất gia đình vi phạm chỉ
giới D.A đường vành đai 3 là có “ý đồ” vì khi nhà, đất của gia đình bà
bị giải tỏa thì khu đất trống của một số “quan chức” nằm đằng sau nhà bà
sẽ ra mặt đường!
Bà Bình nhiều lần KN lên các cấp nhưng gặp phải sự im lặng kéo dài
không được giải quyết, trả lời thỏa đáng… ngay cả khi có ý kiến của một
số cơ quan Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Quốc
hội…) đề nghị giải quyết dứt điểm…
Sự im lặng kéo dài cho đến khi UBND quận Thanh Xuân ra phương án bồi
thường nhà xây dựng với diện tích là 539,71m2 (nhà 2 tầng bê tông cốt
thép) chỉ được bồi thường hỗ trợ gần 870 triệu đồng. Về đất ở 335,2m2
được bồi thường tổng là 810 triệu đồng (được chia làm 3 khúc: 60m2 phía
mặt đường bồi thường 540 triệu đồng; 60m2 tiếp theo được bồi thường 216
triệu đồng; còn lại 215m2 được bồi thường 54 triệu đồng với giá 252.000
đồng/m2…
Gia đình không đồng ý và tiếp khiếu.
Ngày 30/9/2009, UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định số 2618 về
việc điều chỉnh phê duyệt bổ xung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái
định cư…
Tuy phương án này đã điều chỉnh bổ sung tăng thêm một số tiền đền bù
cho gia đình bà Bình, nhưng vẫn tiếp tục cho rằng đất này có nguồn gốc
đất nông nghiệp và bồi thường hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp…
Không có quyết định thu hồi vẫn cưỡng chế
Ngày 26/10/2009, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định cưỡng
chế thu hồi đất số 2763 đối với gia đình bà Bình trong khi gia đình
không hề nhận được quyết định thu hồi đất.
Bà Bình đã làm nhiều đơn kêu cứu lên các cấp… nhưng ngày 19/11/2009,
chính quyền quận Thanh Xuân vẫn tiến hành cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ nhà,
đất tại 534 đường Nguyễn Trãi.
Khiếu tố hành chính mãi cũng chẳng thấu, cực chẳng đã, bà Bình phải
khởi kiện UBND quận Thanh Xuân ra tòa yêu cầu hủy Quyết định số 2618 ban
hành ngày 30/9/2009.
Bản án hành chính sơ thẩm ngày 25/6/2013 của Tòa Hành chính quận Thanh Xuân đã bác yêu cầu của bà Bình.
Ở phiên tòa hành chính phúc thẩm ngày 25/10/2013, Tòa Hành chính TAND
TP Hà Nội đã tuyên hoãn xử vì lý do: Tại phiên tòa, bên bị kiện là UBND
quận Thanh Xuân xuất trình tài liệu mới liên quan đến vụ án mà Hội đồng
xét xử không thể thực hiện xác minh ngay tại tòa.
Dư luận đang chờ một phán quyết công tâm, đúng pháp luật đối với
quyền lợi hợp pháp của gia đình có công với cách mạng. PV Báo Thanh tra
sẽ thông tin tiếp khi vụ án được đưa ra xét xử.
THEO THANH TRA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét