Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Bài đáng chú ý - Xã hội dân sự có đe dọa chế độ?

Chỉ huy nhưng không lãnh đạo


Nghe tin ông Võ Nguyên Giáp qua đời, chỉ mấy giờ sau tôi được nghe những lời nhận xét đầu tiên về ông là bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Cần, trên đài RFI. Cụ Nguyễn Minh Cần tỏ ý kính trọng tư cách cá nhân và phương pháp làm việc của ông Võ Nguyên Giáp trong thời gian làm việc với ông trong chiến dịch “Sửa Sai” cuộc cải cách ruộng đất. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp được đảng Cộng sản đưa ra chỉ huy vụ sửa sai, còn Giáo sư Nguyễn Minh Cần phụ trách bộ phận sửa sai của thành phố Hà Nội, cho nên hàng ngày hai người làm việc chung.

Tôi tin tưởng ở tinh thần trung thực và trí phán đoán của cụ Nguyễn Minh Cần. Cụ đã từng đi kháng chiến, vào đảng Cộng sản, sau năm 1954 từng đứng trong số lãnh đạo thủ đô Hà Nội. Cụ được cho đi Nga học, từ chối không nghe lệnh Lê Duẩn bắt về nước; rồi sau đó đã dứt khoát từ bỏ đảng từ gần nửa thế kỷ nay. Nếu về nước cuối thập niên 1950 chắc cụ cũng bị bắt bỏ tù, như những Hoàng Minh Chính, Ðặng Kim Giang, vân vân, về tội “xét lại chống đảng.”

Cụ từ chối lệnh triệu hồi, ở lại Nga, cũng như một số đồng chí khác cùng phản đối chủ trương tiếp tục tôn thờ Stalin của đảng. Có người đã tự tử vì thấy cuộc cách mạng đã bị phản bội, còn mình thì bất lực, cuộc đời mất hết ý nghĩa. Một lần, cùng đi trên đại lộ Arbat ở Moscow, cụ Cần chỉ lên tầng lầu một ngôi nhà cao, ngậm ngùi kể tôi nghe: “Anh Văn Doãn đã nhẩy từ trên lầu này xuống đường, anh chết ngay.” Nguyễn Minh Cần đã quyết định sống và tiếp tục cuộc tranh đấu. Mấy chục năm gần đây, cụ là một tiếng nói có uy tín và hùng hồn nhất, cùng chúng ta kêu gọi xóa bỏ chế độ cộng sản độc tài, xây dựng nước Việt Nam tự do dân chủ.

Vì vậy, nghe cụ Nguyễn Minh Cần ngỏ những lời kính trọng con người của ông Võ Nguyên Giáp, tôi tin ông Giáp là một người có tư cách cá nhân đáng trọng. Theo cụ, ông Giáp làm việc tận tâm, chú ý đến con người, những người cộng sự cũng như các nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất. Cụ Nguyễn Minh Cần công nhận việc sửa sai không đi tới đâu hết, Võ Nguyên Giáp cũng chịu thua, “vì có những cái sai không thể nào sửa được.” Như những xác chết, những gia đình tan nát. Và cả những ngôi nhà bị tích thu đem chia, phát cho các cán bộ bần cố nông ở; khi phải rút đi họ đã tháo lấy hết đồ đạc, gỡ cả căn nhà, từ những hòn ngói trên mái đến những bậc lên cửa bằng gỗ.

Lịch sử Việt Nam sẽ ghi tên ông Võ Nguyên Giáp như vị tướng chỉ huy quân đội trong thời dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Như vậy cũng đủ cho ông hãnh diện khi nhắm mắt. Nhưng khi nhìn lại sự nghiệp của ông, một điều không thể quên được là ông đã đóng vai chỉ huy nhưng không phải là người lãnh đạo. Võ Nguyên Giáp đã làm đúng bổn phận với đảng Cộng sản, nhưng không giúp gì được cho việc thay đổi đường lối lãnh đạo của những Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Lê Duẩn.

Bởi vì trong các đảng cộng sản, tổng bí lãnh đạo, với ý kiến của Bộ Chính Trị. Coi các tài liệu của đảng vào thời chiến, bao giờ người ta cũng thấy các tấm hình được đưa lên cao là Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đang tham khảo các bản đồ trước các cuộc hành quân, Võ Nguyên Giáp chỉ là một người đứng bên cạnh. Ðảng Cộng sản không chấp nhận các “anh hùng,” nhất là anh hùng trong quân đội. Ở Nga, Stalin được ghi công đầu trong cuộc chiến “vệ quốc” thời Thế Chiến Thứ Hai. Các ông thống chế Nga đều được cho nghỉ hưu sau chiến tranh; nhiều người còn bị bức tử. Ðược phong làm đại tướng ngay từ khi kháng chiến bắt đầu, ông Giáp dừng tại đó, giữ nguyên một cấp bậc, không lên được nữa. Có lẽ bên Nga Stalin đã đeo quân hàm thống chế rồi cho nên mới phong cho các thống chế khác. Còn ở Việt Nam thì cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh không ai mặc quân phục, cho nên họ chỉ phong đến cấp đại tướng, và có nhiều đại tướng để không ai nổi bật lên.

Trong những hồi ký của các cố vấn Trung Cộng, viết sau khi ở Việt Nam về, họ cố ý đề cao vai trò của họ, và của Mao Trạch Ðông, và không ngại đưa ra những lời chỉ trích Võ Nguyên Giáp rất nặng nề. Họ kể công đã đưa ra các quyết định đúng nhất, nhiều khi ngược lại với ý kiến của Võ Nguyên Giáp, kể cả trong những vấn đề chiến thuật. Ngay trong chiến dịch biên giới năm 1950, hai cố vấn Trần Canh và Vi Quốc Thanh nói họ đã chọn mục tiêu tấn công chính, đã trình lên và được Mao Trạch Ðông chấp thuận, rồi mới đưa cho Hồ Chí Minh coi. Sau một đợt tấn công đầu tiên, Vi Quốc Thanh kể rằng Võ Nguyên Giáp đề nghị tạm ngưng để bồi dưỡng quân sĩ; và bị các cố vấn kịch liệt phản đối. Họ chê quân Việt Nam, từ cấp chỉ huy đến binh sĩ, đều “sợ khổ, sợ khó, sợ chết” cho nên mới đánh xong một trận đã muốn nghỉ ngơi. Họ nêu ra tấm gương quyết chiến của Hồng quân Trung Hoa để khuyên bảo, nhưng vẫn không thành công. Sau cùng họ phải xin ý kiến Mao Trạch Ðông, chính họ Mao quyết định, và Hồ Chí Minh đã đồng ý phải đánh tiếp. Trận đánh thành công, các cố vấn coi đó là nhờ chiến thuật “đánh không nghỉ” của họ.

Chúng ta khó tin hết những lời của các cố vấn Trung Cộng; cũng như không thể tin báo cáo của các quan thái thú, thứ sử các đời Hán, đời Ðường nói về tình trạng “man di” và “khó trị” của dân Giao Châu. Nhưng dù lời kể của Vi Quốc Thanh đúng một phần, chúng ta cũng thấy một điều là: Những người Việt chỉ huy quân Việt thì chắc thương binh sĩ cực khổ nhiều hơn các cố vấn người Tàu, cho nên họ mới muốn cho quân được nghỉ dưỡng sức sau mấy ngày chiến đấu không được ăn một bữa cơm. Nếu ý kiến của họ được thi hành thì chắc kết cục của trận đánh cũng không thay đổi; mà chắc số tử sĩ người Việt sẽ thấp hơn.

Căn cứ vào nhận xét của Giáo sư Nguyễn Minh Cần thì chúng ta có thể đoán ông Võ Nguyên Giáp đối xử với thuộc cấp trong quân đội cũng giống như trong chiến dịch sửa sai. Chắc ông giữ được tính thân thiện, gần gũi, chú ý đến con người chứ không phải chỉ chú ý đến công việc, và làm gương về đức tận tụy trong khi làm bổn phận. Ông Giáp không học trường quân sự nào, nhưng chắc ông cũng như những người Việt Nam cùng thế hệ, đã học “đạo làm tướng” của Tôn Võ, Ngô Khởi, Nhạc Phi, khi đọc các tiểu thuyết lịch sử bên Tàu. Một bí quyết của người làm tướng là phải gần gũi, thân thiết với binh sĩ. Ngô Khởi đã từng tự mình chữa trị thương tích cho lính, có lúc dùng miệng hút mủ từ vết thương của lính. Ðức tính đó không phải ai cũng tập được, nhưng chắc ông Võ Nguyên Giáp đã thể hiện trong công việc chỉ huy của ông. Tôi đã gặp một vị cựu đại tá từng bí thư dưới quyền ông Giáp. Mặc dù đã gặp nhiều gian truân, tù tội, mà ông Giáp không cứu được, vị đại tá này cho đến trước khi qua đời nói đến ông vẫn tỏ lòng kính trọng.

Nhưng ngoài việc chỉ huy ra, ông Võ Nguyên Giáp không được coi là người lãnh đạo cuộc chiến tranh, vì các quyết định quan trọng nhất thuộc về Bộ Chính Trị, và các cố vấn Trung Cộng. Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ cũng vậy. Lúc đầu, từ năm 1953 đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đánh xuống miền Trung Du để uy hiếp Hà Nội. Nhưng chính Mao Trạch Ðông đã quyết định phải mở cuộc chiến rộng khắp ba nước Ðông Dương, khuấy động cả Cambodia và Lào; để phục vụ cuộc cách mạng vô sản Ðông Dương và toàn thế giới, chứ không riêng một nước Việt Nam. Sau cùng, ý kiến của Mao đã được truyền xuống tới Hồ Chí Minh, và trở thành chiến lược chính thức. Vì vậy mới có trận Ðiện Biên Phủ. Các cố vấn Trung Cộng cũng tô hồng cho các quyết định sáng suốt của Mao Trạch Ðông trong trận đánh lịch sử đó; mà theo họ từ Hồ Chí Minh đến Võ Nguyên Giáp chỉ đóng vai thi hành; mặc dù họ được khen ngợi là đã chấp hành rất giỏi. Các nhà nghiên cứu lịch sử sau này sẽ tìm hiểu rõ sự thật về các vấn đề đó.

Như Giáo sư Nguyễn Minh Cần phát biểu, trong lúc ông Võ Nguyên Giáp mới nhắm mắt, chúng ta hãy khoan không cần nói đến những nhược điểm của ông và vai trò yếu ớt của ông trong mấy chục năm cuối đời. Ông không đóng một vai trò quyết định nào trong chính sách của đảng Cộng sản. Có giả thuyết nói rằng Võ Nguyên Giáp chủ trương không đánh miền Nam, và bị thua phe Lê Duẩn chủ chiến. Nhưng sau khi đảng Cộng sản đã quyết định đánh, ông lại tuân thủ và tích cực thực hiện. Trong mười năm gần đây, nhiều người trong nước trông mong ông đứng ra phản đối các chính sách, đường lối của nhóm cộng sản cầm quyền tham nhũng, thối nát và bất lực trong việc đưa đất nước tiến lên, nhưng ông hoàn toàn im lặng. Chỉ có một lần ông lên tiếng phê bình việc khai thác bô xít, nêu cả lời khuyên của các cố vấn Nga ngày xưa khuyên không nên làm vì hại cho môi trường. Nhưng sau cùng, đảng Cộng sản bỏ ngoài tai. Ông cũng không dám phản đối đến cùng, vì không thể nào thay đổi chính sách của đảng Cộng sản. Bây giờ, đảng Cộng sản Việt Nam kính trọng quyền lợi và ý kiến của các cố vấn Trung Cộng hơn.

Ông Võ Nguyên Giáp là một “đảng viên cộng sản tốt.” Nghĩa là lúc nào cũng tôn trọng các chính sách do đảng quyết định. Ðảng bảo làm gì thì ông làm, không bảo thì ông không cần làm gì cả. Trong đảng, thời chiến cũng như thời bình, ông lúc nào cũng tuân thủ lệnh đảng. Cá nhân của ông không quan trọng. Ông theo đảng Cộng sản và suốt đời gánh chịu các hậu quả của lựa chọn đó. Cho nên việc đánh giá cá nhân ông không quan trọng. Ông đã được đưa ra chỉ huy quân đội, nhưng ông phải là người lãnh đạo. Quân đội đó được đảng Cộng sản sử dụng thế nào, dùng vào việc gì, chuyện đó nằm ngoài lãnh vực ông phụ trách. Gần đây, báo chí của đảng Cộng sản nêu ra khẩu hiệu “Quân đội trung thành với Ðảng,” chứ không phải vói Quốc gia. Không thấy ông Giáp bày tỏ ý kiến. Lúc nào ông cũng là một đảng viên trung thành với đảng.

Một độc giả báo Người Việt mới góp ý kiến sau khi nghe tin ông Võ Nguyên Giáp qua đời. Bạn đọc này viết: “Tôi thấy dường như cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay ông Võ Nguyên Giáp không một lần tỏ ra ân hận về những việc của ông làm trong thời gian tại chức. Bằng chứng là khi trả lời phỏng vấn của một phóng viên ngoại quốc hỏi, “Général Giap, regrettez-vous de quatre millions de Vietnamiens... morts dans la guerre du Vietnam? “Thưa Ðại Tướng Giáp, ông có hối tiếc gì về việc bốn triệu người Việt đã chết trong chiến tranh Việt Nam không?) Và Tướng Giáp đã không đắn đo trả lời ngay, “Non, je ne regrette rien. NON, PAS DU TOUT!” (Không, tôi không hề hối tiếc. Không một mảy may nào).

Một đảng viên cộng sản gương mẫu bao giờ cũng chỉ tận tụy thi hành công tác do đảng giao phó, không cần suy nghĩ. Ý kiến cá nhân không đáng kể. Ông Giáp nói ông không hối tiếc về bốn triệu mạng người Việt đã chết. Không biết trong đáy lòng ông có cảm thấy thương xót hay không?
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

'Tướng Giáp biến Việt Nam thành kiểu mẫu cho các cuộc cách mạng trên thế giới'

Hàng ngàn người mang theo hình ảnh, hoa, nhang đèn xếp hàng dài nhiều km đến cả tiếng đồng hồ để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 6/10/2013.
Hàng ngàn người mang theo hình ảnh, hoa, nhang đèn xếp hàng dài nhiều km đến cả tiếng đồng hồ để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 6/10/2013.
Việt Nam tổ chức quốc tang tưởng niệm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong hai ngày 12 và 13/10. Các nơi công cộng sẽ treo cờ rũ và các sinh hoạt vui chơi giải trí được lệnh ngưng hoạt động.
Linh cữu Tướng Giáp được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức tại đây từ sáng ngày 12/10, một ngày trước khi cử hành lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 13/10.
Lễ an táng cũng được tổ chức cùng ngày tại quê nhà của ông ở tỉnh Quảng Bình, theo nguyện vọng của chính Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Hàng chục ngàn người hôm qua 6/10 đã xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ bên ngoài tư gia của Tướng Giáp tại trung tâm Hà Nội chờ đến lượt vào viếng ông và bày tỏ lòng thương tiếc một trong những vị anh hùng được kính trọng nhất tại Việt Nam qua đời hôm 4/10, thọ 102 tuổi.
Tướng Giáp là thành viên duy nhất trong Bộ Chính trị được học nền giáo dục phương Tây mà trong nội bộ có những người rất thân Trung Quốc trong khi ông Giáp luôn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, đặt dân tộc Việt Nam lên hàng đầu, cho nên, ông phải đương đầu với nhiều thách thức.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc.
Tin Tướng Giáp từ trần khơi dậy làn sóng chia buồn trên khắp các trang mạng xã hội. Dư luận, truyền thông trong và ngoài nước cũng đồng loạt đăng tải nhiều bài viết về người đã lập nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, một chuyên gia quốc tế chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công biến Việt Nam thành kiểu mẫu cho các cuộc cách mạng khác trên thế giới.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện quốc phòng Úc, cho rằng sự nghiệp của Tướng Võ Nguyên Giáp có thể chia thành 3 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu từ 1944 đến 1972, 1973 khi ông đích thực là tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Giai đoạn thứ nhì là trong công cuộc thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam còn được gọi là cuộc chiến chống Mỹ kết thúc năm 1975. Và đoạn cuối sự nghiệp của ông là quảng thời gian ông về hưu vào năm 1991, lúc 80 tuổi.
Vẫn theo nghiên cứu gia Carl Thayer, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược quân sự tự học và cũng tự rút kinh nghiệm từ chính những sai lầm của mình, nhất là trong trong giai đoạn 1950-1951.
Giáo sư Thayer nói Tướng Giáp tin rằng chính trị và sách lược quân sự là hai vấn đề song hành với nhau và rằng các cuộc chiến tranh cần phải có thời gian.
Tài quân sự nổi tiếng thế giới của vị Tướng này được thể hiện qua trận Điện Biên Phủ, đánh bại quân đội Pháp.
Giáo sư Carl Thayer:
“Đánh bại một quân đội hùng mạnh ở Châu Âu thời bấy giờ bằng chiến thuật chiến tranh du kích chứng minh cho các dân tộc bị thuộc địa thấy rằng nếu họ phải bước vào chiến tranh, họ có hy vọng chiến thắng bằng cách kéo dài cuộc chiến.”
Giáo sư Carl Thayer nhận xét chiến thắng Điện Biên Phủ là thành tựu lớn Tướng Giáp đóng góp cho lịch sử Việt Nam nói riêng và cho phong trào chống thuộc địa ở nhiều nơi khác nói chung.
Hai phụ nữ bật khóc sau khi đến viếng Tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, ngày 6/10/2013.Hai phụ nữ bật khóc sau khi đến viếng Tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, ngày 6/10/2013.
Ảnh hưởng của Tướng Giáp bị suy yếu dần kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Ông bị loại khỏi Bộ Chính trị năm 1982. Gần một thập niên sau, vào năm 1991, ông bị gạt ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, rời khỏi chức Phó Thủ tướng và Ủy viên Trung ương Đảng, về nghỉ hưu ở tuổi 80.
Theo giới phân tích, dù đánh bại các kẻ thù nước ngoài hùng mạnh trong chiến tranh như ‘thực dân Pháp’ hay ‘đế quốc Mỹ’, nhưng kết cục đời binh nghiệp của mình, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cuối cùng lại bị mất quyền lực trước các đối thủ chính trị ngay trong chính quyền cộng sản Việt Nam.
Nguyên nhân, theo chuyên gia phân tích chính trị Việt Nam Carl Thayer, là vì:
“Tướng Giáp là thành viên duy nhất trong Bộ Chính trị được học nền giáo dục phương Tây mà trong nội bộ có những người rất thân Trung Quốc trong khi ông Giáp luôn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, đặt dân tộc Việt Nam lên hàng đầu, cho nên, ông phải đương đầu với nhiều thách thức.”
Về cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyến khích các mối quan hệ ấm nồng hơn giữa Việt Nam với nước Mỹ cựu thù và mạnh mẽ lên tiếng về các vấn đề xã hội.
Một trong những việc làm của ông được quần chúng ủng hộ là công khai phản đối dự án khai thác bauxit Tây Nguyên vào năm 2009 vì mục đích bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia.
Dự án khai thác mỏ bauxit ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam với đối tác Trung Quốc gây nhiều tranh cãi trong công luận liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, và tác hại môi trường sinh thái. Ít nhất Tướng Giáp đã 3 lần gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị dừng dự án, nhưng không được hồi đáp.
Ông cũng chống lại việc phá bỏ Hội trường Ba Đình nhiều di tích.
Tuy nhiên, cả hai dự án bị ông phản đối này đều được xúc tiến như kế hoạch.

Trà Mi
07.10.2013
(VOA)

Chia rẽ quan điểm về Di sản của Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp

Tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ. (hình chụp ngày 4/5/1984).


HÀ NỘI — Thứ Sáu 4 tháng 10, một trong các vị chỉ huy quân sự Việt Nam được kính trọng nhất, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, đã qua đời tại một quân y viện ở Hà Nội, thọ 102 tuổi. Thế nhưng bất chấp những lời vinh danh và sự thương tiếc của công chúng trên khắp nước, sự nghiệp lâu dài của vị tướng lãnh này trong cả thời chiến lẫn thời hậu chiến vẫn gây chia rẽ, nhất là trong giới các nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây.
Tin Đại Tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội chiều tối thứ Sáu, nhanh chóng khơi lên những phản ứng khác nhau.
Tướng Võ Nguyên Giáp được cho là có công vạch kế hoạch trận Điện Biên Phủ hồi năm 1954, dẫn tới việc chấm dứt chế độ cai trị thực dân Pháp. Ông cũng được mô tả là một nhân vật chủ chốt đưa việc đánh bại miền Nam Việt Nam hồi năm 1975, chấm dứt cuộc chiến tranh mà người Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Chiến lược gia tự học này được coi là cha đẻ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, và từng là một người bạn thân của ông Hồ Chí Minh.
Đối với một nhân vật có tầm vóc lịch sử như thế, sự chú ý sau khi ông qua đời đã tỏa một ánh sáng vào các nhà đương thời tại Việt Nam và thành tích của họ, theo nhận định của ông Jonathan London, một nhà phân tích về Việt Nam, và cũng là phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hồng Kông.
“Cái chết của Tướng Giáp một phần nào đó khiến người ta chú ý tới thành tích cũng như tính chính đáng của giới lãnh đạo Việt Nam đương quyền, thế cho nên trong giới lãnh đạo cảm thấy cần phải xử lý vấn đề này vì những sự nhạy cảm liên quan tới nó.”
Sau chiến tranh, Tướng Giáp đã nêu lên những quan tâm về việc Việt Nam nhanh chóng áp dụng các biện pháp cải cách kinh tế cũng như chính sách đối ngoại theo kiểu Xô Viết. Sau đó, Tướng Giáp đã bị gạt sang một bên trên chính trường Việt Nam, và về hưu vào năm 1991 sau khi từ nhiệm chức Phó Thủ Tướng.
Giáo sư London nói giới lãnh đạo Việt Nam muốn kiểm soát việc tường thuật chính thức về cái chết của Tướng giáp bằng cách chú trọng vào những thắng lợi quân sự của ông, nhưng việc đó có thể khó khăn vì những lập trường chính trị của ông trong những năm cuối đời.
“Cách đây vài năm khi Tướng Giáp lên tiếng về một số vấn đề, kể cả việc khai thác bô-xít trên vùng Tây nguyên, và kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình, ông đã gây được sự chú ý rộng rãi trong công chúng nói chung.”
Một số những người ủng hộ và quảng bá lập trường của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cũng trở thành mục tiêu của chính phủ.
Khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bùng nổ tại Hà Nội hồi năm 2011, một số những người biểu tình đi tuần hành, mang theo hình ảnh của Tướng Giáp.
Ông Nguyễn Quang Thạch là một trong những người đi biểu tình. Ông nói ông tin rằng dân chúng Việt Nam nên thể hiện tinh thần của Tướng Giáp, nhưng không phải chỉ để phản đối Trung Quốc.
“Vào thời điểm này, công dân Việt Nam cần nhập tâm học hỏi tinh thần của Tướng Giáp để đất nước chúng ta có thể chiến thắng trên nhiều mặt trận, như cải cách kinh tế và giáo dục, và hiện đại hóa quân đội.”
Nhưng không phải tất cả giới hoạt động tích cực đều chia sẻ nhiệt tâm của ông Thạch. Trong khi Tướng Giáp bước vào tuổi 90, ông vẫn là một tiếng nói có nhiều ảnh hưởng ở Việt Nam, nhưng một số cho rằng ảnh hưởng của Tướng Giáp đã bị sụt giảm trong những năm gần dây trong khi ông không xuất hiện trước công chúng, và phải nhập viện. Giáo sư London nói tiếp:
“Tướng Giáp đã nằm viện trong 3 hoặc 4 năm cho nên cái chết của ông đã được dự kiến từ lâu. Trong khi đó, tôi tin rằng nền văn hóa chính trị của Việt Nam đã thay đổi nhiều trong một thời gian rất ngắn. Cho nên trong khi cá nhân Tướng Giáp chỉ vài năm trước còn gây nhiều sự chú ý trong giới đấu tranh để đòi cải cách chính trị tại Việt Nam, thì tới khi ông qua đời, Việt Nam về phần lớn đã bỏ ông lại trong quá khứ để hướng về tương lai.”
Đối với những người đã chạy sang Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam, những phản ứng trước cái chết của Tướng Võ Nguyên Giáp khác biệt hẳn với những người tại thủ đô Hà Nội. Rất nhiều người trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn còn những tình cảm mạnh mẽ chống đối Đảng Cộng Sản Việt Nam, theo lời ông Hoàng Tứ Duy, người phát ngôn của Đảng Việt Tân, một đảng bị cấm hoạt động ở Việt Nam.
Ông Duy nói:
“Tôi tin rằng những lời tuyên truyền bên trong Việt Nam, và lời tuyên truyền của một số nhà trí thức phương Tây, luôn luôn xoay quanh việc Tướng Giáp đã đánh đuổi người Mỹ ra khỏi Việt Nam như thế nào. Nhưng tôi tin rằng họ quên mất rằng trong 20 năm ấy, trên thực tế đây là một cuộc nội chiến giữa những người anh em Việt Nam, tranh đấu cho hai ý thức hệ khác nhau, và cuối cùng, tôi tin rằng đất nước Việt Nam là bên thua cuộc trong trận thư hùng này.”
Nhưng ông Hoàng Tứ Duy nói thêm rằng cộng đồng người Việt ở hải ngoại nên đánh giá đúng vai trò của Tướng Giáp trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
“Chúng ta phải thừa nhận vai trò của Tướng Giáp trong phong trào giành độc lập, trong vai trò của ông ở Điện Biên Phủ, đó là một điều mà không phải tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt hải ngoại sẵn sàng công nhận.”
Tang lễ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được cử hành vào ngày thứ Bảy tới tại Hà Nội.
Marianne Brown
07.10.2013
(VOA)

Vì sao cụ Hồ tặng ông biệt danh Văn?

KD: Ở góc độ một chính khách lớn, Hồ Chí Minh có đủ đầy một “phông” văn hóa hiếm có người học trò hoặc cộng sự nào của ông theo kịp. Đó là nền tảng văn hóa của một gia đình ông Đồ xứ Nghệ, lại sớm ảnh hưởng văn hóa Pháp. Chính sự kết hợp Trời phú, và khả năng tự học từ thực tiễn đã khiến tư duy của ông, có cái thâm sâu của phương Đông, có cái uyển chuyển mềm dẻo của phương Tây, hẳn ông đã rất suy nghĩ khi lấy tên Văn đặt cho Võ Đại tướng. Mà bài của Ts Phạm Gia Minh đã gợi lên một phần nào.

Quan sát thế giới, mình nghiệm ra một điều sâu sắc, những chính khách, nguyên thủ quốc gia có tư duy, có tầm văn hóa sâu sắc, có nền tảng học vấn vững chãi thì việc điều hành các chính sách quốc gia bao giờ cũng thấm đậm tính nhân văn “vì con người”, và ngược lại.

Tướng Giáp, nhân văn, nhẫn

Ông là người được giới văn nghệ sĩ, khoa học gần gũi để gửi gắm tâm tư những khi khó khăn, khúc mắc. Và không phải ngẫu nhiên những đối thủ một thời trong chiến tranh đã lấy làm hãnh diện được làm “kẻ thù danh dự” (Honorable Enemy) của ông.
Đứng trước tượng đài các vị danh tướng trên thế giới công chúng thường hướng sự ngưỡng mộ về những chiến dịch và trận đánh nổi tiếng , những mưu kế và vũ khí lợi hại khiến đối phương bị khuất phục. Với tên tuổi Võ nguyên Giáp thì tài năng quân sự lỗi lạc chỉ mới là bề nổi dễ nhận biết từ bên ngoài. Điều quan trọng hơn đóng vai trò như nền tảng và cội nguồn nuôi dưỡng tài năng đó lại là chất CON NGƯỜI hay tính NHÂN VĂN trong ông.
Tính nhân văn vốn là một truyền thống ứng xử của dân tộc Việt Nam. Vị Đại tướng nhân dân chưa từng được đào tạo qua một trường quân sự chính quy nào nhưng ngay từ thuở niên thiếu đã thấm nhuần đạo lý yêu nước “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Trong chiến tranh làm sao tránh khỏi đau thương và mất mát. Nhưng liệu có mấy danh tướng trăn trở ngày đêm để làm sao giành được thắng lợi mà vẫn tiết kiệm tới từng giọt máu đào của chiến sĩ ? Ở Võ nguyên Giáp lòng yêu nước, kiên trung với lý tưởng phụng sự Dân tộc và phẩm chất quý trọng xương máu của chiến sĩ đã hòa quyện với trí tuệ quân sự lỗi lạc một cách nhuần nhuyễn, góp phần hình thành nên phong cách cầm quân độc đáo, đó là biết NHẪN.
Tướng Giáp, nhân văn, nhẫn
Phải có bản lĩnh như thế nào mới có thể ra lệnh vượt ngàn trùng hiểm nguy để lại rút pháo ra khi tưởng như đã có thể sẵn sàng tấn công căn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phải là người hiểu bản chất sự vật tới mức sâu sắc tột cùng và có đủ phẩm chất cá nhân về lòng thương yêu chiến sĩ của mình mới có thể điềm tĩnh và tỉnh táo để tránh hy sinh xương máu to lớn mà không đem lại chiến thắng tưởng như đã trong tầm tay.
Thánh Gandhi có lần nói: “nhẫn nhục ví như không khí , chẳng biết chống trả, nhưng có khả năng vô hiệu hóa những quả đấm của kẻ bạo tàn”.
Trong cuộc đời cầm quân, Đại tướng đã nhiều lần làm vô hiệu hóa những quả đấm từ phía đối phương bằng chữ NHẪN hay nói đúng với bản chất sự việc hơn là bằng thái độ khoan dung, độ lượng, điềm tĩnh và tỉnh táo vốn có của mình. Việc hoãn binh để kéo pháo ra ở Điện Biên chỉ là một minh chứng trong rất nhiều minh chứng sinh động.
Nhẫn để chờ thời cơ nhưng khi hành động thì khẩn trương, quyết liệt theo tinh thần của tờ quân lệnh ngày nào “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa … quyết chiến và quyết thắng!”. Đó mới là phong cách Võ nguyên Giáp.
Chất CON NGƯỜI (viết bằng chữ hoa) của Đại tướng được hòa quyện với những nét VĂN HÓA tinh hoa kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.
Đại tướng là người am hiểu nghệ thuật dùng binh của Lý thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền … từ truyền thống dân tộc, nắm vững binh pháp Tôn Tử của Trung Hoa nhưng cũng dùng tiếng Pháp, Hoa, Anh … để giao tiếp đối ngoại và học hỏi nghệ thuật quân sự của các nước trên thế giới.
Ít người được chứng kiến Đại tướng khi rảnh rỗi vẫn tự chơi Piano những bản nhạc của Chopin hay Traicopxki… và trong đời thường là một người chồng, người ông, người cha và người bạn rất mực tận tụy, chân thành, chu đáo và hiền từ.
Ông là người được giới văn nghệ sĩ, khoa học gần gũi để gửi gắm tâm tư những khi khó khăn, khúc mắc. Và không phải ngẫu nhiên những đối thủ một thời trong chiến tranh đã lấy làm hãnh diện được làm “kẻ thù danh dự” (Honorable Enemy) của ông.
Và chúng ta, các thế hệ hậu sinh hãy rút ra những bài học quý báu từ tính NHÂN VĂN của ông để lấy đó làm nền tảng, làm nguồn mạch cho mọi suy nghĩ và hành động.
Một câu hỏi cho tới giờ phút này vẫn canh cánh trong tôi: “Vì sao Cụ Hồ đã tặng ông biệt danh VĂN “? Phải chăng cần có VĂN, cần có chất CON NGƯỜI thì VÕ mới cao cường để bách chiến bách thắng?
Ts Phạm Gia Minh
(VNN)

Tấn Lộc - Người lính Cụ Hồ là ai?

Một cựu chiến binh khóc chào trước di ảnh Võ Đại Tướng


Bạn hỏi tôi là "Người lính Cụ Hồ là ai? và điều gì khiến cho người lính đó chiến đấu 30 năm trong rừng rậm?" Câu trả lời của tôi "Người lính đó đây!" Một người đàn ông gần như vô danh và không một thứ nào trên người ông có giá trị hơn 20 đô la Mỹ.

Nghỉ hưu ở một vùng rừng núi, người lính già gói gém hành trang giản dị của mình để xuống Hà Nội, nơi mà một cánh cửa của một chiếc BMW hoặc Mercedes của các cậu trai trẻ - những người đương hưởng tự do và đất nước độc lập miễn phí từ ông - cũng có giá trị hơn toàn bộ tài sản mà ông có. Tuy nhiên, ông vẫn đứng đợi bên ngoài nhà của vị Tổng Tư Lệnh của mình để chào một lần cuối. Không có một kỷ luật quân đội nào đòi hỏi ông phải làm thế, không một thiên đường với các trinh nữ nào được hứa hẹn cho ông nếu ông chết trong khi chiến đấu cho tổ quốc. Khi ông còn trẻ và cầm lấy vũ khí để chống người Pháp, ông được hứa rằng đó sẽ là cuộc chiến tranh đẫm máu và không biết bao giờ mới thành công; ông được cảnh báo rằng đất nước của ông sẽ bị tàn phá và kẻ thù có thể giết ông và các đồng đội với tỷ lệ 10 đổi 1. Nhưng ông vẫn cầm vũ khí và chiến đấu. Ông tham gia cuộc chiến tranh đẫm máu để thế giới biết rằng Việt Nam là tên của tổ quốc ta.
Và đây, ông ấy ở trước mắt bạn - người lính Cụ Hồ.


Trong tấm ảnh, một người lính già dân tộc thiểu số từ một tỉnh miền núi cách Hà Nội hàng trăm ki-lô-mét đợi bên ngoài nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chào vị Tổng tư lệnh của mình một lần cuối! ( từ facebook của anh Bao Anh Thai )

Tấn Lộc
(FB Tấn Lộc )

LS. Hà Huy Sơn - Hậu quả của việc không thừa nhận các hội, đoàn, đảng phái trong xã hội

Tôi cho rằng sự bộc bạch của mỗi cá nhân trước các vấn đề của xã hội, dù nhận được ý kiến đồng thuận hay phản biện, đều giúp ích cho việc nâng cao nhận thức chung. Với suy nghĩ đó tôi xin nêu ra một vấn đề xã hội dưới góc nhìn cá nhân. Bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng và tôi trong bài viết này hoàn toàn không có dụng ý hạ thấp, phỉ báng đối tượng nào.

Đó là việc xây dựng một xã hội dân chủ, được Đảng CSVN, Nhà nước Việt Nam coi là mục tiêu hướng tới. Đây cũng là xu hướng tất yếu, là quy luật. Một xã hội dân chủ là một xã hội mà ở đó các hội, đoàn, đảng phải phải được thừa nhận, hoạt động công khai, bình đẳng trước pháp luật. Việc sinh ra nhiều hội, đoàn, đảng phái là một nhu cầu tất yếu của xã hội.Trước đây đã có nhiều hội, đoàn, đảng phái được thành lập, hoạt động và hiện nay cũng vậy chỉ có khác là hiện nay nhà nước không thừa nhận mà thôi. Thực tế đó, có thể ví như hoạt động mại dâm mà hiện nay nhà nước đang coi là tệ nạn. Nhưng gần đây nhận thức của chính phủ và quốc hội đã chuyển biến và đề cập đến vấn đề này một cách nghiêm túc.
Mại dâm không thể phủ nhận là nó đang tồn tại phổ biến, bởi vì nó có nhu cầu. Xu hướng nhà nước cần thừa nhận nó để quản lý bằng pháp luật. Do không được thừa nhận mại dâm là một nghề nên mại dâm đang hoạt động bất hợp pháp, bất chấp mọi ngăn cấm. Hậu quả là: dịch bệnh, lây nhiễm, tràn lan trong cộng đồng; lừa gạt, cưỡng bức lao động tình dục, vi phạm nhân quyền, nhà nước thất thu thuế…
Còn hậu quả của việc nhà nước không thừa nhận sự tồn tại của các hội, đoàn, đảng phái là:
Các tổ chức này hoạt động không công khai nên không thể phổ biến mục đích, tôn chỉ, phương thức hoạt động; điều kiện gia nhập, kỷ luật, khai trừ, nguyên tắc thành viên; công khai, kiểm soát tài chính của tổ chức…Mọi người trong xã hội không thể nhận diện được các tổ chức này. Do đó, các tổ chức này đã bị lợi dụng hoặc các cá nhân trong xã hội bị các tổ chức này lợi dụng mà khó có thể làm rõ sự việc. Tình trạng lợi dụng, lạm dụng, lừa gạt, “hai mang” tất yếu xảy ra. Dẫn đến trong xã hội mọi người nghi kị, nói xấu, dèm pha lẫn nhau; có những kẻ vừa ăn lương làm nhiệm vụ lại vừa giả “quân xanh, quân đỏ” để lừa gạt đồng bào chiếm đoạt tiền bạc của họ; một xã hội mà ở đó các thành viên của xã hội mất lòng tin ở nhau là một xã hội đổ vỡ. Do không hoạt động công khai nên các cá nhân hành động chủ yếu mang tính tự phát, không có định hướng, kiểm soát của tổ chức.
Các tổ chức không có điều kiện hoàn thiện mình trong một môi trường cạnh tranh công khai, lành mạnh. Người dân hay xã hội không có cơ hội tập dượt,làm quen, thích nghi với đời sống của một xã hội dân chủ. Các cá nhân không có sự giám sát của xã hội nên không thể trở thành các nhà hoạt động xã hội chân chính. Về phía nhà nước gánh nặng về nhân sự, chi phí tài chính ngày càng gia tăng để ngăn chặn, triệt phá các tổ chức này. Một tình trạng nhiễu loạn, vô chính phủ trong đời sống chính trị xã hội.
Hậu quả là cái đích – xã hội dân chủ càng xa vời, không vì thế mà xã hội ổn định, ngược lại nó sẽ nổ tung bởi nhu cầu dân chủ hóa xã hội ngày càng lớn nhưng không được thừa nhận.
Hà Nội, 06/10/2013
Hà Huy Sơn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Xã hội dân sự có đe dọa chế độ?


Bạn bè, thân hữu tập trung đòi trả tự do cho các bloggers bị giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất đêm 6 tháng 10 (Courtesy danlambao)

Đêm 6/10/2013, gần 10 thanh niên trở về từ Philippines sau khi dự một khóa học về xã hội dân sự đã bị cầm giữ tại sân bay Tân sơn nhất và Nội Bài, sau đó các thanh niên này được trả tự do.

Một trong các thanh niên đó, anh Bùi Tuấn Lâm cho biết:

Em được một tổ chức NGO tên là Asian Bridge mời sang Phi tham dự một lớp học về xã hội dân sự. Khi xong thì có một nhóm 5 bạn về trước và bị bắt. Em nghe tin đó thì thấy buồn và khó chịu. Tại sao lại người ta đi về mà giữ người ta lại. Em quyết định vẫn về vì mình không làm gì sai cả, mình chỉ đi ra ngoài để học hỏi mong muốn làm điều gì tốt cho quê hương đất nước thôi. Khi em về đến sân bay thì thấy có rất nhiều an ninh, em biết trước là như thế. Rồi họ giữ em lại và đưa em vào một cái phòng ở sân bay. Có đến bảy tám người gì đó, em phản đối họ là tại sao lại giữ em, em nói bây giờ khuya rồi phải để tôi ngủ, muốn làm việc thì tám giờ sáng mai hãy làm. Họ không chịu, và thế là họ giữ em đến 16 giờ đồng hồ.

Kính Hòa: Lâm có thể cho thính giả đài Á châu tự do biết là họ hỏi Lâm những câu như thế nào không?

Bùi Tuấn Lâm: Họ hỏi rất là nhiều mà bây giờ em cũng chẳng nhớ họ hỏi gì. Chỉ một điều còn nhớ là họ hỏi những chuyện vô lý. Chẳng hạn như, họ hỏi về lớp học, bao nhiêu người, ai tổ chức, có biết là đằng sau lớp học đó là thế lực thù địch, rồi đảng Việt Tân, những tổ chức lợi dụng đánh phá nhà nước….em trả lời là những chuyện ấy em không quan tâm, chuyện em quan tâm là đây là một lớp học tốt về xã hội dân sự, mà xã hội dân sự nước mình yếu, nước họ mạnh thì mình phải học hỏi, mở mang kiến thức, thế thì sao lại cấm tôi!
Họ bắt em ký đơn xin khoan hồng, em bảo là em có tội gì đâu mà xin khoan hồng. Họ lại bảo là không sao đâu, không quan trọng đâu, chỉ là thủ tục thôi, thì em bảo là không cần thiết thì mắc mớ gì mà bắt tôi ký. - Bùi Tuấn Lâm
Họ hỏi là em có biết lớp học có những thế lực như vậy đằng sau hay không, hay là biết rồi mà vẫn đi? Nói chung những câu hỏi của họ là gán ghép, là chụp mũ mình rằng mình đang làm chuyện sai. Rằng những thế lực thù địch chống phá…em trả lời rằng đấy là suy nghĩ của anh, còn tôi lớn rồi, tôi có góc nhìn, suy nghĩ của tôi, tôi tham gia lớp học này không phải để lật đổ chính quyền, mấy anh bên chính quyền thì mấy anh cứ lo chuyện chính quyền, tôi là người dân, tôi lo chuyện người dân, đây là xã hội dân sự mà.

Người ta nói rằng tụi em đi học thì tốt nhưng tụi em không biết chuyện đằng sau đó vì trình độ chính trị của tụi em thấp. Em mới hỏi họ rằng do đâu mà các anh nói là chúng tôi thấp. Chuyện các anh nhìn vấn đề là xấu, còn tụi tôi nhìn nó không xấu. Em luôn đấu tranh cái chuyện này.

Kính Hòa: Họ có đối xử đàng hoàng với mình không?

Bùi Tuấn Lâm: Họ đối xử tốt, cho uống nước, mua đồ ăn sáng, ăn trưa.

Kính Hòa: Họ có bắt Lâm ký cái gì không?

Bùi Tuấn Lâm: Họ yêu cầu em ký nhiều thứ, nhưng những gì em thấy không đúng là em không ký, ví dụ như là bắt em ký tên dưới những hình của người này người kia, hỏi rằng những người đó có tham gia khóa học không, thì em cho là không phải công việc của em.

Kính Hòa: Ngoài chuyện đó thì họ còn bắt ký cái gì khác?

Bùi Tuấn Lâm: Em chỉ ký trên cái biên bản lời nói, còn ngoài ra những chuyện như họ bắt cam kết không tham gia khóa học nữa, hoặc là sẽ không tiết lộ nội dung buổi làm việc này ra ngoài, vì họ nói xã hội dân sự dừng ở đó thì tốt, chứ còn nó phát triển thì sẽ có những nhóm lợi ích, những đảng phái núp bóng, rồi nó thúc đẩy xã hội dân sự lớn mạnh lên, khi nó lớn mạnh thì sẽ ảnh hưởng đến chế độ, như là lật đổ chế độ….Em trả lời là sao các anh lý luận gì kỳ cục vậy. Có ai chống các anh đâu? Các anh cứ làm tốt thì người ta ủng hộ các anh chứ.
Đương nhiên là ai chẳng thích thoải mái, tự do, nhưng mà tự do trong tâm hồn, trong lương tâm là quan trọng nên em không lo ngại gì cả. - Bùi Tuấn Lâm
Họ ép mình theo ý của họ thì em em không ký. Họ bắt em ký đơn xin khoan hồng, em bảo là em có tội gì đâu mà xin khoan hồng. Họ lại bảo là không sao đâu, không quan trọng đâu, chỉ là thủ tục thôi, thì em bảo là không cần thiết thì mắc mớ gì mà bắt tôi ký.

Em viết rằng theo cơ quan ninh nêu ra thì khóa học này sai vì có những tổ chức đằng sau…thì họ không chịu, họ bảo phải ghi là sau khi được cơ quan an ninh phân tích thì thấy rằng sai….Em không đồng ý như vậy.

Kính Hòa: Lâm có dự trù là họ sẽ gọi lên làm việc nữa không?

Bùi Tuấn Lâm, Trong hồ sơ họ có ghi là khi cần họ sẽ gọi em lên làm việc. Em nghĩ là một thời gian sau họ sẽ mời lên nữa.

Kính Hòa: Vậy Lâm có lo lắng gì không?

Bùi Tuấn Lâm: Em chẳng lo lắng gì cả, em không làm sai gì cả. Em chỉ làm theo cái tốt cho đất nước, mà ra bên ngoài mình mới thấy những điều đó. Đương nhiên là ai chẳng thích thoải mái, tự do, nhưng mà tự do trong tâm hồn, trong lương tâm là quan trọng nên em không lo ngại gì cả.

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-10-07

Tại sao cần thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai?

Sở hữu là một trong ba quyền cơ bản nhất của con người, bên cạnh quyền sống và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc. Đây là lý do tại sao việc xác lập quyền sở hữu đối với đất đai lại quan trọng như vậy. Nó không chỉ đơn giản là hình thức sở hữu nhà nước, tư nhân, hay cộng đồng. Mà nó là quyền cơ bản của con người, quyền sở hữu tài sản của mình.
Đất đai, rừng núi và biển cả tồn tại trước khi có nhà nước. Con người trồng cấy, hái lượm, và săn bắn trên những mảnh đất của mình. Do họ sở hữu sức lao động, nên họ cũng sở hữu đất đai và rừng núi trong “lãnh thổ sinh sống” của mình. Đây là lý do tại sao hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhà nước thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân về đất đai, thừa nhận một cái tự nhiên, tồn tại trước khi nhà nước ra đời.

Trong cuộc sống hiện đại, điều này càng quan trọng vì nó liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Khi được nhà nước bảo vệ quyền sở hữu, người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, đặc biệt những hoạt động mang tính lâu dài, như trồng rừng hoặc đòi hỏi vốn nhiều, như nuôi trồng thủy sản, hoặc xây cất văn phòng hoặc khách sạn. Không ai muốn bỏ vốn đầu tư, nếu như họ luôn lo sợ, một ngày nào đó đất đai của họ bị thu hồi bởi nhà nước.

Nhiều người cho rằng, chỉ cần đảm bảo quyền sử dụng đất là được rồi, vì người dân vẫn có thể chuyển nhượng cả quyền sử dụng đất đai. Tuy nhiên, mối quan hệ về sở hữu tài sản không phải là mối quan hệ giữa người và đồ vật như đất đai (tôi được làm gì trên mảnh đất của mình), mà là mối quan hệ giữa người với người. Khi không có ai xuất hiện và hạch sách thì quyền sở hữu tài sản và đất đai của bạn chẳng có ý nghĩa gì. Nó chỉ có ý nghĩa, khi có một ai đó đòi chiếm hữu tài sản đất đai của bạn.

Điều này liên quan đến nguyên tắc: trao đổi tài sản phải được thực hiện một cách tự nguyện, và trên cơ sở là thị trường tự do chứ không phải ép buộc. Như vậy, luật đất đai hiện tại cho phép nhà nước thu hồi đất đai từ người dân (một cách không tự nguyện) và trao cho một người dân khác sử dụng là vi phạm quyền sở hữu tài sản cũng như quyền tự do trao đổi (không bị ép buộc). Không có lý gì, một người nông dân trồng cấy trên đất đai hàng chục năm, lại phải từ bỏ đất đai của mình theo quy định của nhà nước. Quy định này, bao gồm cả việc chuyển đất đai cho một nhà đầu tư bất động sản, và sau đó bán theo giá thị trường. Đây chính là sự bất công tạo ra sự bất ổn trong xã hội.

Hơn nữa, con người thường đánh giá cao giá trị tài sản mình sở hữu hơn là tài sản mình không sở hữu. Trong một thí nghiệm ở trường Princeton với sinh viên cho thấy, những người được tặng một cái cốc (sở hữu cốc), thường chỉ đồng ý bán với giá 10 đô la, trong khi những người không được tặng cốc (không sở hữu cốc) thì chỉ sẵn sàng trả 7 đô la cho cái cốc đó. Người sở hữu tài sản có quan hệ tinh thần với những vật mình sở hữu vì những vật mình sở hữu nói lên sự tồn tại của mình. Chính vì vậy, việc trao đổi tài sản không dựa trên cơ sở tự nguyện, không những gây bất công về mặt kinh tế, mà còn gây bất bình về mặt cảm xúc và tinh thần của người dân.

Cuối cùng, pháp luật ra đời với mục đích bảo vệ tự do của con người, chứ không phải để hạn chế hay xâm phạm tự do của con người. Khi chưa có nhà nước, đất đai đã thuộc sở hữu của con người, nên không có lý gì pháp luật lại không bảo vệ quyền sở hữu đất đai tư nhân của nhân dân. 
Bình Lê
(Diễn ngôn)

World Bank: tăng trưởng VN sẽ còn tụt

Theo dự báo mới nhất về các nền kinh tế châu Á mà Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố trong tuần họp APEC, tăng trưởng kinh tế vùng giảm hơn so với dự báo cũng chính cơ quan này nêu ra tháng 4 năm nay.

Tổng thống Indonesia chơi đàn tại APEC nhưng kinh tế vùng chưa khởi sắc
Tổng thống Indonesia chơi đàn tại APEC nhưng kinh tế vùng chưa khởi sắc

Việt Nam bị hạ mức dự báo tăng trưởng xuống chỉ còn 5.3% cho năm 2013 và 5.4% cho cả hai năm tới, theo báo cáo về khu vực châu Á – Thái Bình Dương ra tháng 10 này.

Chính phủ Việt Nam hồi giữa năm còn muốn duy trì mức tăng trưởng năm nay là 5.5%.

Trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình tới dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bali, Indonesia để cam kết sẽ thúc đẩy giao thương toàn vùng, Trung Quốc, đầu tàu về tăng trưởng kinh tế khu vực cũng bị tụt từ mức dự báo từ 7.5% xuống 7.1% cho năm nay.

Cũng vì sự vắng mặt của Tổng thống Barack Obama, cơ hội để các nhà lãnh đạo khác, gồm cả Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, muốn đối thoại về Hiệp định xuyên Thái Bình dương (TPP) lần này không còn bao nhiêu.

Điều này có thể làm khả năng phục hồi kinh tế của toàn vùng bị chậm lại, theo một số nhà quan sát.

Tuy thế, về trung hạn, World Bank dự báo “Trung Quốc vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng từ 7.5% và 7.7%.

Không kể Trung Quốc, các nước còn lại trong khu vực bị giảm từ 6.2% năm 2012 xuống còn 5.2% năm, trước khi hồi phục trở lại ở mức 5.3% (2014) và 5.7% (2015).

Riêng với Việt Nam, cả mức tăng trưởng thực và dự báo của World Bank về nền kinh tế nước này giảm liên tục những năm qua.
"Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của năm nay"
Chính phủ Việt Nam
World Bank nêu ra con số 6.2% dự báo tăng trưởng cho Việt Nam hồi 2012 nhưng đến 2013 chỉ còn 5.3%.

Tụt hạng nghiêm trọng

So với các nước có thu nhập đầu người thấp nhất trong vùng thì tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam đang bị tụt hạng nghiêm trọng.

Ngay hai nước láng giềng là Lào và Campuchia đều có dự báo tăng trưởng cao hơn Việt Nam: Lào đạt 8% (2011), 8.2% (2012), 8.0% (2013), 7.7 (2014) và 8.1% vào năm 2015.

Campuchia có con số tương ứng là 7.1% (2011), 7.3% (2012), và 7.0% cho các năm còn lại.

Mông Cổ thì có dự báo tăng trưởng cao hơn cả, từ 17.5% hồi 2011, bị giảm xuống trên 10% trong hai năm tới.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam hồi tháng 5/2013, Việt Nam muốn “ưu tiên mục tiêu tăng trưởng”, nhằm “phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của năm nay”.


Chủ tịch Trương Tấn Sang (trái) tại APEC

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết đưa ra “các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ chung cho tổng cầu”.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng nói rằng “chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư đẩy mạnh sản xuất; đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu”.

“Chính sách tài khoá cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, nhất là tập trung đẩy mạnh giải ngân cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013,”

“Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp cắt giảm, giãn hoãn các khoản thu ngân sách, trong đó quan tâm đến thuế VAT, bởi liên quan đến tiêu thụ, giảm tồn kho.”

Dù bị sức ép mạnh từ cạnh tranh quốc tế và khu vực, chính phủ Việt Nam muốn “các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí, hạ giá bán sản phẩm, cơ cấu lại sản phẩm để tiêu thụ nhanh”, theo bài hôm 5/5/2013 trên trang chính phủ.

Tuy vậy, vấn đề của Việt Nam hiện nay không còn là chuyện nhận biết các căn bệnh của nền kinh tế, mà là có quyết tâm cải tổ để giải quyết hay không.

Theo con số thống kê được trong 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam bội chi hơn 140.000 tỷ đồng của ngân sách, tương đương 7 tỷ USD.
(BBC)

‘Tiêu tiền của dân, phải công khai cho dân biết’

Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa diễn ra ở Huế bị nhiều chuyên gia đánh giá "nặng thực trạng, thiếu giải pháp".

‘Tiêu tiền của dân, phải công khai cho dân biết’
Các chuyên gia đề nghị bán bớt vốn nhà nước ở các công ty không cần nhà nước chi phối - Ảnh: T.L
  Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng kiến nghị, đề xuất, hiến kế thực tế rất nhiều nhưng rơi vào tình trạng "tồn kho" dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đăng Doanh xung quanh vấn đề này.
‘Tiêu tiền của dân, phải công khai cho dân biết’
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - Ảnh: N.Thắng

Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp đã bị "tồn kho" của ông cũng như các chuyên gia kinh tế khác mà ông thấy?

Trong Diễn đàn Kinh tế mùa xuân nửa năm trước ở Nha Trang và Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa diễn ra ở Huế, các chuyên gia đã đề xuất rất nhiều biện pháp như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng và “sở hữu chéo” trong hệ thống ngân hàng, xem xét lại việc chi tiêu ngân sách, cải cách thể chế kinh tế, thể chế chính trị để thực hiện lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đầu tư... Tuy nhiên, những đề xuất này được thực hiện quá chậm so với tình hình thực tế đòi hỏi. Chậm vì có phần do các đề xuất của chuyên gia mới dừng lại ở ý tưởng chính sách nhưng chủ yếu là do vướng mắc trong tổ chức thực hiện như giải quyết nợ xấu, giải ngân gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội... Vướng mắc có thể do năng lực nhưng cũng có thể do lợi ích nhóm. Tôi lấy ví dụ khoản nợ 1,3 triệu tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến nay vẫn chưa có giải pháp toàn diện để giải quyết. Cải cách, thoái vốn nhà nước ở các DNNN diễn ra rất chậm trễ. Kiến nghị phải công khai việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong DNNN, thực hiện bổ nhiệm theo hợp đồng có thời hạn, có điều kiện phải đạt được những tiến bộ gì mà Trung Quốc đã làm vẫn chưa được thực hiện... Đó là lý do vì sao, tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa rồi các chuyên gia đều kêu gọi phải thực thi ngay các giải pháp. Nền kinh tế nước ta đang phát triển dưới tiềm năng, nếu tái cấu trúc, cải cách có hiệu lực thì kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng có hiệu quả hơn, với tốc độ cao hơn, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, đời sống người dân sẽ bớt khó khăn, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ được đẩy lùi.

Trong cuốn Tại sao các quốc gia thất bại (đã được Nhà xuất bản Trẻ phát hành tại VN) của hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson có phân tích cho thấy các quốc gia sẽ trở nên hùng mạnh khi họ phát triển chính sách kinh tế và chính trị “bao dung” hay bình đẳng (inclusive). Đó là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng lợi trong phát triển kinh tế, phải thực thi công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xác định các quyền tài sản, tạo ra một sân chơi bình đẳng, khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và các kỹ năng.


Phải công khai đến đại diện cơ quan dân cử
Nói công khai đến từng người dân thì không làm được nhưng công khai đến đại diện cơ quan dân cử là việc chúng ta phải làm. Tôi nói thật, luật Ngân sách của ta hiện nay khá chi tiết nhưng cắt chỗ nào cũng khó. Muốn làm được việc này thì phải có luật Ngân sách hằng năm chứ không chỉ là một nghị quyết như hiện nay.

Tiến sĩ Trần Du Lịch


Các giải pháp cải cách nên theo hướng nào, thưa ông?

Quan trọng nhất vẫn là công khai minh bạch. Ví dụ, thu thuế rồi chi vào đâu. Nhà nước thu thuế của dân để bảo đảm các dịch vụ công (y tế, giáo dục), lợi ích cho dân như phát triển kết cấu hạ tầng... không thể chủ yếu chi để nuôi bộ máy nhà nước như tiền lương, đi lại, xe cộ, đi nước ngoài, lễ lạt, hội thảo... của các quan chức. Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm phải giải trình của bộ máy và các vị lãnh đạo. Chúng ta tiêu tiền của dân thì phải công khai cho dân biết tiền được chi vào đâu, chi như thế nào. Ở nhiều nước khác, những vấn đề này đều được công khai trên website chính phủ. Từ lịch công tác, vé máy bay, tiệc chiêu đãi, chi phí xe cộ... của lãnh đạo đều được công khai để người dân giám sát như ở Thụy Điển, Canada. Khi tôi sang Thụy Điển, họ cũng đối xử với tôi "khắt khe" như vậy. Họ cấp cho tôi 34 USD/ngày (bằng trợ cấp thất nghiệp) nhưng vẫn ghi rất rõ là nếu ăn sáng ở khách sạn thì trừ 20%, ăn trưa nếu được mời thì trừ đi 40%... Cách quản lý, giám sát chi tiêu của họ rất đáng để ta phải học, nhất là trong thời điểm ngân sách gặp khó khăn như hiện nay.    

Chi thường xuyên vẫn tăng nhanh trong bối cảnh ngân sách hụt thu và kinh tế khó khăn, ông đánh giá thế nào về chuyện này?

Đạo lý của nhà nước là thu tiền của dân thì phải đảm bảo các phúc lợi xã hội cho dân. Nhưng trong khi chúng ta vẫn thu rất nhiều các loại thuế, phí thì hầu hết các dịch vụ công như chất lượng đường sá, hạ tầng cơ sở, y tế, giáo dục... đều yếu kém. Nói ngắn gọn là chúng ta đã thu rất nhiều của dân nhưng chưa mang lại lợi ích tương xứng cho họ...


Mới công khai "trong nhà"
Theo quy định thì tất cả các khoản chi tiêu đều phải công khai nhưng chúng ta không làm. Việc công khai hầu hết mới chỉ gói gọn trong mỗi đơn vị, nói nôm na là công khai trong nhà chứ không phải công khai ra bên ngoài. Nếu ai có thắc mắc gì, ví dụ như một khoản chi cụ thể của ông A, ông B nào đó thì thanh tra, kiểm toán xuống làm việc với người đó, nghe giải trình là... xong. Vì vậy, muốn cắt giảm, muốn biết chỗ nào chi sai, chi hoang thì phải tổng kiểm toán toàn bộ.

Một chuyên gia kinh tế


Trong bối cảnh đó, nâng bội chi ngân sách có thỏa đáng không, thưa ông?

Trong trường hợp quá khó khăn thì nâng bội chi cũng là một giải pháp tình thế có thể lựa chọn. Nhưng phải kiên quyết rằng, nâng bội chi bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ đề đầu tư chứ không phải để tiêu dùng cho chi thường xuyên. Nhưng ngay cả nâng để đầu tư cũng phải có điều kiện ràng buộc về hiệu quả, lĩnh vực, trách nhiệm cá nhân, thời gian cụ thể chứ không thể nói nâng bội chi ngân sách để đầu tư một cách chung chung được. Căn bệnh lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư công của chúng ta vẫn chưa giải quyết nên đầu tư lúc này, hiệu quả phải là yếu tố đặt lên hàng đầu. Nếu không, chúng ta sẽ lại đối mặt với nguy cơ lạm phát quay trở lại và nền kinh tế lại rơi vào vòng luẩn quẩn, hết chống lạm phát lại rơi vào đình trệ như những năm gần đây.    

Vậy theo ông, trong trường hợp Quốc hội thông qua việc nâng bội chi ngân sách lên 5,3% như đề xuất của Chính phủ thì thời gian và điều kiện như thế nào?

Về thời gian theo tôi chỉ nên nâng bội chi trong khoảng 2 - 3 năm, sau đó phải có lộ trình giảm bội chi trở lại. Về điều kiện, như tôi vừa nói trên, nâng để đầu tư và nên đầu tư vào kết cấu hạ tầng, bệnh viện và một số phúc lợi xã hội cho người dân. Bên cạnh đó, phải giám sát chặt chẽ việc đầu tư để đạt hiệu quả tốt nhất.    

Nếu được đề xuất một giải pháp để đưa kinh tế vượt qua tình trạng trì trệ, vào lúc này ông sẽ đề xuất gì?

Tôi tiếp tục đề xuất phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa, bán bớt vốn nhà nước trong các DNNN. Cách này vừa tăng ngân sách hiệu quả mà cũng nâng hiệu quả hoạt động cho các DNNN. Thực tế đã chứng minh, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, chúng ta đừng chần chừ nữa.

Người đứng đầu cần tuyên thệ
Tôi cho rằng cần công khai chi tiết từng khoản mục. Ví dụ một ông chủ tịch tỉnh một năm đi nước ngoài bao nhiêu lần, tiền tiếp khách bao nhiêu, tiền xăng dầu hết bao nhiêu... người dân cần được biết vì đó là tiền của họ nộp thuế. Cũng phải công khai cả suất đầu tư bởi hiện nay, đầu tư của các DNNN cao gấp đôi, gấp ba lần so với tư nhân. Các cơ quan hành chính công lại càng phải công khai, thậm chí người đứng đầu các cơ quan này cần phải tuyên thệ. Tôi ví dụ, giờ mọi cái đều có trên internet nên các cuộc hội thảo, hội nghị, đi học tập kinh nghiệm nước ngoài hiện nay có thể cắt giảm tới 70%, tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho ngân sách.

Ông Nguyễn Hoàng Hải
Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)
Chi thường xuyên 8 tháng lên tới 424.430 tỉ
Chi thường xuyên (chiếm tới 70% tổng chi ngân sách) 8 tháng lên tới 424.430 tỉ đồng, chiếm khoảng 65% so với dự toán đầu năm là 658.900 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Chi tiêu thường xuyên không ngừng tăng, tăng quá nhanh. Rà soát thời điểm hết quý 3, thì 3 năm trở lại đây năm nào cũng vượt dự toán khoảng 10%, từ mức 59 lên 69%”.

Nguyên Hằng (thực hiện)
(Thanh niên)

Những cái ách hành chính địa phương

Bộ máy thủ tục hành chánh...(ảnh minh họa)
Bộ máy thủ tục hành chánh...(ảnh minh họa)
RFA file


Nhiều người ví von bộ máy hành chính cấp địa phương ở Việt Nam giống như những cái ách mà trong đó, nhân dân phải mang cái ách nặng nề này vào cổ. Ở đâu bộ máy quan chức địa phương càng cồng kềnh thì ở đó, đời sống nhân dân càng teo tóp, đói khổ và vô phương cứu chữa. Bộ máy hành chính cấp xã ở các huyện miền núi, huyện nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa là một điển hình cho vấn đề này.

Có nhiều xã chỉ có chưa đến hai ngàn dân nhưng bộ máy cơ quan cấp xã đã lên đến vài trăm người. Vấn đề thuế má của người dân trở nên vô cùng khắc nghiệt.

Bộ máy cồng kềnh, vô ích

Một cựu chủ tịch xã ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa chia sẻ với chúng tôi rằng trong ủy ban xã thời ông làm chủ tịch, có đến hơn hai trăm nhân viên, cán bộ và quan chức. Trong này chia làm ba thành phần và hai ngạch. Ba thành phần gồm quan chức, cán bộ và nhân viên. Quan chức chỉ các chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ gồm những cán bộ chuyên trách như trưởng ban văn hóa, trưởng ban kinh tế, trưởng các ban ngành, chi hội trưởng phụ nữ…

Còn xét theo ngạch biên chế thì chia làm hai loại, đó là chuyên trách và bán chuyên trách. Cán bộ chuyên trách là những người ăn lương nhà nước, theo biên chế, thâm niên công tác, cán bộ bán chuyên trách là những người không có chuyên môn nào cả, chỉ làm các việc lặt vặt, phụ họa và hưởng lương theo tiêu chuẩn hợp đồng với cơ quan địa phương. Hay nói khác đi là mức lương thỏa thuận giữa chủ tịch ủy ban xã với họ.
Kêu gọi dân bầu hội đồng các cấp. RFA
Kêu gọi dân bầu hội đồng các cấp. RFA
Cán bộ không chuyên trách kéo dài từ cấp xã đến cấp thôn, cấp khối xóm, nghĩa là ở cấp xã thì có các cộng tác viên, các nhân viên mà chẳng biết họ tồn tại để làm gì, đến cấp thôn thì có trưởng thôn, phó thôn, trưởng công an thôn, phó công an thôn, trưởng ban văn hóa thôn, trưởng ban kinh tế gia đình thôn và kính thưa các loại trưởng ban khác, đến xóm thì có trưởng xóm văn hóa, trưởng xóm an ninh, trưởng xóm kinh tế kế hoạch hóa gia đình...

Ông cựu chủ tịch xã này nói thêm là chỉ riêng xã ông ít cồng kềnh nhất, chứ những xã còn lại, đặc biệt là các xã nằm gần thị trấn, hoặc nằm trong cái rốn qui hoạch thì lượng cán bộ lên đến vài trăm, có khi cả ngàn. Phần đông là cán bộ bán chuyên trách, hưởng lương từ một triệu đến một triệu rưỡi đồng, không có các chế độ bảo hiểm xã hội nhưng cơ quan tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm xã hội cho họ.

Ông cựu chủ tịch xã này nói:  “Chúng nó đưa vào nhiều lắm. Cứ mỗi tháng một triệu một đứa như vậy là bao nhiêu. Có phải là mỗi tháng là 200 triệu đồng nếu cơ quan đưa 200 cộng tác viên vào. Mà 200 đứa thì nhiều vô kể, làm gì cho hết. Chán lắm! Thì vào đấy chúng chờ cơ hội, chẳng hạn cái huyện này sắp lên thị xã thì chúng nằm đó nó chờ sẵn rồi, con cháu nó cả thôi. Nằm chờ đó rồi, có khi lên thị xã thì tuyển thêm cái gì đó chuyên trách thì chúng thì chúng đưa vào.

Bọn chúng thì có thẳng nào học cho hết lớp 6 lớp 7. Học xong rồi lại bắt nhà nước bỏ tiền ra cho chúng học chuyên tu tại chức. Trong khi đó sao không kiếm người có chữ, người có chữ người ta nằm đầy ngoài đường đấy. thất nghiệp đầy. sinh viên ra trường thất nghiệp đầy ra đấy không cho làm lại bắt mấy thằng không có chữ cho nó vào làm, rồi lại tốn tiền dân cho nó học, học nữa học mãi, thế mới chết. Mà cái cơ chế này nó là thế rồi, chả có làm được gì cả, chán lắm!”

Chúng tôi thử nhẩm tính, với trung bình gần hai trăm cán bộ bán chuyên trách hay còn gọi là cộng tác viên trên mỗi xã với mức lương một triệu đồng trên mỗi tháng, chỉ riêng tiền lương đã mất gần hai trăm triệu đồng trên mỗi tháng. Và cộng thêm với gần hai trăm thẻ bảo hiểm, mỗi thẻ tốn 600 ngàn đồng, như vậy, mỗi năm, cơ quan này mất đi khoản hai tỉ đồng chi trả cho loại cán bộ bán chuyên trách. Mà trong một huyện gồm nhiều xã, trong một tỉnh gồm nhiều huyện. Tính ra số tiền đổ vào trả lương cho cán bộ bán chuyên trách này quá nặng trên đầu nhân dân, vì khoản tiền lương bán chuyên trách do ủy ban tự thu, tự chi, không liên quan gì đến ngân sách nhà nước.

Cộng tác viên tham nhũng

Một cựu bí thư xã đã về hưu khác, bức xúc nói với chúng tôi rằng ông bị đẩy đến tình huống phải nghỉ hưu non theo chế độ 176 vì nguyên nhân ông không chấp nhận để một cơ cấu quá nhiều cán bộ bán chuyên trách như thế này được. Sở dĩ phát sinh nhiều loại cán bộ bán chuyên trách là vì trong đó có nhiều kẽ hở để các quan chức chuyên trách tham nhũng, chỉ riêng tiền lương trả cho loại cán bộ bán chuyên trách không cũng đủ tạo ra khoảng trống mà ở đó, các ban bệ tha hồ làm bảng lương ảo và khấu trừ vào các khoản tiền có trong ngân sách xã. Thậm chí dựa vào loại cán bộ bán chuyên trách này, giới cán bộ tha hồ bòn vét của dân bằng nhiều cách.

Ví dụ như tổ chức các đại hội vô thưởng vô phạt ở cấp thôn, cấp xóm và vận động, cho các nhân viên bán chuyên trách đến gõ cửa từng nhà vận động đóng tiền, nói là vận động nhưng trên thực tế là ép buộc người dân phải đóng. Đó là chưa muốn nói đến tiền lương của loại cán bộ này hoàn toàn dựa vào khoản chặn thu trên đầu người ở nông dân, mỗi khi đến vụ mùa, họ lại ra ruộng tận thu lúa thuế, nông dân khó mà ngóc đầu lên được.

Một cán bộ đang làm việc ở cơ Sở tài nguyên môi trường Thanh Hóa, yêu cầu giấu tên, chia sẻ với chúng tôi thêm, vấn đề cán bộ bán chuyên trách đã trở thành ung nhọt khắp đất nước chứ không riêng gì tỉnh nào, bởi vì theo chỗ ông nghiên cứu, tìm hiểu thì khi nào còn tham nhũng, khi đó sẽ có nhiều loại cán bộ này. Nó tồn tại dựa vào hai mục đích: Rửa tội cho giới quan chức và chờ thời.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-10-07

Teresa Tammer - Hannah Arendt và cuộc cách mạng ôn hòa


Quyền Lực và Bạo Lực đã đóng giữ vai trò nào trong cuộc cách mạng mùa Thu năm 1989? 

1. Mở đầu

Trước đây vài tuần sự kiện thống nhất nước Đức vừa tròn 20 năm. Trong năm 1990, những thay đổi chóng mặt cuối cùng đã đưa đến sự sụp đổ của nhà nước CHDC Đức vào ngày 3.10.1990 mà cho đến trước đó vẫn còn đứng vững, và đã ghi ấn sự thống nhất Đông - Tây. Chỉ chưa đầy mười hai tháng trước đó bức tường Berlin đã sụp đổ, cùng với nó là sự thống trị của Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức (SED), và toàn bộ nhà nước Đông Đức. Trước hết, chính dân chúng Đông Đức với những ý nguyện thay đổi về chính trị và xã hội của mình đã đóng vai trò quyết định trong tiến trình phát triển đặc biệt nhanh chóng này, và vì vậy cái gọi là "bước ngoặt" phải được gọi là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, cuộc cách mạng tại Đông Đức mùa thu năm 1989 không nên được xem xét một cách độc lập với các sự kiện khác, mà phải được đặt trong một tiến trình lịch sử lâu dài với các cuộc nổi dậy đưa đến sự sụp đổ của khối cộng sản ở Trung và Đông Âu, và do đó đã kết thúc mối xung đột Đông - Tây thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Không giống như ngày 17 Tháng 6 năm 1953 tại Đông Đức, Hungary năm 1965, Tiệp Khắc năm 1968, hoặc trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1989, các cuộc biểu tình của dân chúng ở Leipzig và Berlin diễn ra khá ôn hòa. Không có xe tăng Liên Xô xuất hiện, không có chuyện bắn vào đám đông và không có một cuộc thảm sát dân thường, mặc dù điều này chắc chắn là một phương án hành động để lựa chọn.

Hannah Arendt (1904-1975), người từng nghiên cứu các vấn đề của bạo lực liên quan đến các cuộc cách mạng và đặc biệt là liên quan tới các phong trào sinh viên vào thập niên 60 ở Mỹ và Cộng hòa Liên bang Đức, đã không có được cái may mắn chứng kiến cuộc cách mạng ôn hòa này. Trong cuốn sách của mình, Quyền Lực và Bạo Lực năm 1970, bà đã công bố lý thuyết về hai thuật ngữ đó, phân tích sự khác biệt giữa các khái niệm được sử dụng tương tự như nhau và đã chỉ ra sự khác biệt giữa lý thuyết của mình và của những nhà tư tưởng chính trị khác. Trọng tâm của Arendt là lập luận phản bác lại các quan điểm phổ biến trong các tài liệu trước đó, cho rằng Quyền lực và Bạo lực là những khía cạnh của một hiện tượng, trong đó Bạo lực được coi là "biểu hiện rõ ràng nhất của Quyền lực" [1]. Tại đây bà đã đề cập đến Max Weber, Bertrand de Jouvenel, Jean Paul Satre, Rober Strausz - Hupé, Alexander Passerin d' Entrève và nhiều người khác, đó là những người trong các bài viết của họ đã đánh đồng Quyền lực nhà nước với sự độc quyền Bạo lực và đã định nghĩa Bạo lực như là một công cụ của Quyền lực hoặc Quyền lực là hình thức êm dịu hơn của Bạo lực. Đối với Arendt, Quyền lực và Bạo lực là hai thứ đối lập nhau. Bạo lực chỉ có thể phá hủy Quyền lực, nhưng không bao giờ tạo ra được Quyền lực và Quyền lực thực sự dựa trên tính chính đáng của nó chứ không phải dựa vào khả năng sử dụng Bạo lực. Mặc dù, theo Arendt, Bạo lực và Quyền lực thường xảy ra đồng thời và khó có thể tách biệt nhau một cách rõ ràng, chúng vẫn phải được phân biệt về mặt khái niệm.

Bài viết này sẽ bàn đến định nghĩa về các khái niệm của Hannah Arendt và cố gắng xuất phát từ các định nghĩa đó để giải thích tính không bạo lực trong cuộc cách mạng năm 1989. Quyền lực ở đây là khái niệm trung tâm. Ở đâu nó tồn tại và ở đâu nó không còn nữa?

Trong phần đầu của bải viết sẽ đưa ra một cách tổng quan về các điều kiện tiên quyết dẫn đến sự sụp đổ của chế độ SED và dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình. Tiếp theo là việc phân tích về vấn đề Bạo lực hay không Bạo lực trong các sự kiện hồi tháng 10 và tháng 11 năm 1989. Sau đó, sẽ xem xét một cách chi tiết các định nghĩa của Hannah Arendt về Quyền lực và Bạo lực. Cuối cùng, sẽ chỉ ra rằng cuộc cách mạng ở Đông Đức không cần thiết đến sự đối đầu bằng bạo lực, bởi vì Quyền lực và Bạo lực đã không nhất thiết phải cùng nhau xuất hiện.
2. Cuộc cách mạng ôn hòa ở Đông Đức

2.1. Quyền lực bị mất đi tính chính đáng của nó

Nếu không có các cuộc biểu tình đông đảo rộng khắp của người dân Đông Đức thì sẽ không thể có sự sụp đổ của bức tường Berlin và không thể có được sự thống nhất đất nước. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Đức đã trở nên rõ ràng hơn vào mùa hè năm 1989, và người dân đã không còn sẵn sàng chấp nhận chế độ độc tài này nữa. Sự sụp đổ của Bức Tường ngày 9 Tháng 11 năm 1989 là kết quả và là đỉnh điểm cuối cùng của các cuộc biểu tình phản đối diễn ra trong tuần trước tại Berlin, tại Leipzig cũng như ở các thành phố khác của Đông Đức. Ngày 9 Tháng 11 đánh dấu sự kết thúc của chính phủ Đông Đức và của chế độ SED, mà cho đến lúc đó họ vẫn còn hy vọng qua những nhượng bộ sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực và kiểm soát được đất nước. Nhưng cuối cùng cách mạng đã giành được chiến thắng. [2]

Klaus - Dietmar Henke nêu ra mười điều kiện đã đóng góp vào việc động viên đám đông quần chúng ở Đông Đức. Trong số các điều này đó là đường lối minh bạch dưới thời Mikhail Gorbachev ở Liên Xô từ giữa những năm 80, nó cũng đã mở ra cho các nước XHCN anh em một phạm vi hoạt động mới. Cũng trong năm 1975, Đức tham gia ký kết vào tuyên bố chung CSZE [3](Hội nghị về an ninh và hợp tác tại châu Âu), xác định các nguyên tắc quốc tế đảm bảo các quyền cơ bản của con người. Vì thế chế độ SED ngày càng bị lâm vào tình trạng khó lý giải. Sự độc quyền Quyền lực của đảng thống nhất tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Ba Lan và Hungary đã bắt đầu sớm lung lay rồi sụp đổ từ những năm 1987-1988. Do đó, sự thù địch với cải cách tại Đông Đức trở nên rõ ràng, là điều trái ngược với các quốc gia khác và đã không đáp ứng được với nhu cầu thay đổi của tình hình. Cái đặc biệt của Đông Đức là nằm gần phương Tây, giáp với Cộng hòa Liên bang Đức. Người dân Đông Đức đã nhận thấy được sự chênh lệch về điều kiện sống giữa Đông và Tây. Ngoài ra, lãnh đạo SED đã không có khả năng để duy trì nền sản xuất và nâng cao năng suất lao động tại Đông Đức ít nhất là ở mức người dân có thể chấp nhận được. Năm 1989, kinh tế Đông Đức đã chạm đáy. Dân chúng mất đi niềm tin vào chính phủ. Khắp nơi chỉ thấy sự thất vọng và bất mãn. Không chỉ trong dân chúng, mà cả trong mọi cấp bậc của bộ máy nhà nước đều có những tiếng nói đặt câu hỏi về đường lối hiện hành và thể hiện sự nghi ngờ vào độ tin cậy của đội ngũ quản lý. Nhà thờ và đặc biệt là Giáo hội Tin lành tại Đông Đức đã đóng một vai trò quan trọng trên con đường tiến tới và thực hiện cuộc cách mạng ôn hòa. Họ là một tổ chức an toàn đối với sự xâm nhập trực tiếp của nhà nước và là nơi trú ẩn cho nhiều loại hội đoàn hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, xã hội và môi trường. Viễn kiến tích cực của các nhóm khác nhau về một Đông Đức tốt đẹp hơn, mà thường xoay quanh các khái niệm về dân chủ cơ sở và nhấn mạnh rằng việc đối thoại là tiền đề cho một khởi đầu mới, đã góp phần đáng kể vào sự thay đổi bằng biện pháp ôn hòa. [4]

Dấu hiệu nổi bật nhất của sự phân rã quyền lực và sự mất đi tính chính đáng của chính phủ Đông Đức là việc hàng loạt dân chúng đã rời bỏ đất nước và chạy sang phương Tây. [5] Từ năm 1961, chính quyền đã cố gắng để ngăn chặn sự di cư của dân chúng bằng các biện pháp đàn áp. Thế nhưng, từ mùa hè năm 1989 việc di cư của dân Đông Đức đã không còn nằm trong tầm kiểm soát. Hàng ngàn người đổ xô đến Hungary, nơi biên giới với Áo chỉ còn là một hàng rào dây thép gai, đổ xô vào các đại sứ quán Tây Đức ở Prague, Warsaw, Budapest và Đông Berlin để tìm đến tự do. Ngày 11.09 năm 1989, chính phủ Hungary đã mở toang biên giới. Chỉ trong vòng một vài tuần đã có tới 50.000 người tự nguyện rời khỏi Đông Đức theo đường này. Sự kiện hàng loạt người rời bỏ đất nước đã khuyến khích các công dân Đông Đức còn ở lại xuống đường và bày tỏ một cách rõ ràng sự không hài lòng của mình một cách to tát hơn trước nữa. [6] Do sự tiến triển của tình hình nên những kể chống lại cải cách tại Đông Đức, cũng như ở Tiệp Khắc, ở Bulgaria và Rumani đã bắt buộc phải nhìn nhận là không thể nào còn có thể ngăn cản việc chia sẻ quyền lực được nữa.

2.2. Cách mạng và tính không bạo lực

"Bước ngoặt" năm 1989 tại hầu hết các nước châu Âu, là một trong những điểm xoay quan trọng của tiến trình lịch sử và chủ yếu mang ý nghĩa tích cực. Tại Đông Đức và CHXHCN Tiệp Khắc sự dứt đoạn đã xảy ra mạnh mẽ hơn, ví dụ như ở Ba Lan và Hungary, nơi cải cách kinh tế và chính trị đã được khởi xướng từ trước đó, và quá trình chuyển đổi xảy ra dần dần. Thuật ngữ "cách mạng" tuy vậy không phải là thuật ngữ gốc, nghĩa là vào mùa thu năm 1989 thuật ngữ này đã không được sử dụng. Chỉ sau năm 1989, nó mới được dùng để nói lện sự đoạn tuyệt rõ ràng với quá khứ. [7]

Vấn đề, các sự kiện 1989 ở Đông Đức đã bất bạo động ở mức nào, chỉ có thể xác định được trong mối tương phản đối với các vụ đàn áp những phong trào tương tự, chẳng hạn như với "giải pháp Trung Quốc" [8] hoặc với việc xử bắn người biểu tình ôn hòa của chế độ Ceausescu ở Rumani. Chế độ độc tài SED vẫn bắt giữ các đối thủ chính trị và phần nào hành hạ họ, nhưng phe đối lập đã không bị giết hoặc bị đưa vào trại cải tạo một cách ồ ạt. Giới cầm quyền đã từ bỏ giải pháp bạo lực, mặc dù có đủ phương tiện để làm điều này. Phillip Ther gọi trường hợp này là sự "tự kiềm chế", bởi vì chế độ này đã phải đối mặt với quyết định hoặc chia sẻ quyền lực của mình hoặc dập tắt đẫm máu các cuộc nổi dậy. [9] Không sử dung bạo lực do đó có nghĩa là một phương tiện nhất định đã bị loại bỏ. Những lý do cho điều này, theo Ther, một là phải nhìn thấy rằng trong thực tế với sự phi Stalin hóa việc đàn áp hàng loạt dân chúng không còn được coi là một tiết mục của hành động chính trị. Thứ hai, từ những năm 80 đã hình thành sự phê phán mạnh mẽ từ công chúng, và chúng cũng đã thể hiện ở các phương tiện truyền thông trên bình diện quốc tế. "Việc sử dụng bạo lực quân sự do đó nguy hiểm hơn, có thể đưa đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây và nguy cơ nội chiến." [10] Sự nhượng bộ, chuyển giao một phần quyền lực cho dân chúng, ban đầu không liên quan tới ý tưởng tước đoạt hoàn toàn quyền lực. Chỉ những suy nghĩ có tính toán và những quyết định có tính chiến lược đã đưa đến việc Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân ngày 9 Tháng 10 năm 1989 tại Leipzig không nhận được lệnh giải tán các cuộc biểu tình. Ngày này đã quyết định tiến trình tiếp theo của phong trào và cho đến nay vẫn được coi là bước ngoặc của sự kiện. Với việc từ bỏ bạo lực quân sự chống lại bảy mươi nghìn người biểu tình, quyền lực nhà nước đã đầu hàng người dân. [11]

Đối với một số nhà khoa học chính trị và xã hội học, cách mạng luôn được gắn liền với bạo lực, nhưng trường hợp của năm 1989 không phải như vậy. Vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu sự kiện 1989 nói chung có thể được coi là cuộc cách mạng ôn hòa hay là các khái niệm "ôn hòa""cách mạng" loại trừ lẫn nhau. Phillip Ther nghiêng về phía khái niệm cách mạng, bởi vì với sự thay đổi một phần hay toàn bộ sự cai trị đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội tại các nước. Hơn nữa chậm nhất là đến năm 1991 tại tất cả các nước nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô trước đây đã thiết lập các thiết chế dân chủ và pháp quyền. [12] Để có thể đi sâu hơn vào vấn đề bạo lực trong cách mạng, tiếp đây cần phải làm rõ các khái niệm của Hannah Arendt. Xuất phát điểm của bà là bạo lực không phải là đặc điểm thiết yếu của cách mạng.
3. Hannah Arendt và cuộc cách mạng ôn hòa

3.1 Quyền lực và Bạo lực

Luận điểm chính của Arendt là sự trái ngược giữa Quyền lực và Bạo lực.

"về mặt chính trị sẽ không đầy đủ khi nói, rằng Quyền lực và Bạo lực chính là một. Quyền lực và Bạo lực trái ngược với nhau: ở đâu một trong hai cái đó thống trị một cách tuyệt đối, thì cái kia không tồn tại. Bạo lực sẽ xuất hiện, khi Quyền lực bị đe dọa; nếu người ta để cho nó đi theo quy luật nội tại của nó, thì đích đến cuối cùng, đích đồng thời là sự kết thúc, sẽ là sự biến mất của Quyền lực" [13].

Quyền lực, theo Arendt, "trên thực tế thuộc vào bản chất của tất cả các cộng đồng nhà nước, của tất cả các loại nhóm có tổ chức, nhưng bạo lực thì không". [14] Cái đã trao quyền lực cho pháp luật, cho các thiết chế và cho nhà lãnh đạo của một quốc gia, đó chính là sự ưng thuận của người dân. "Quyền lực không cần biện minh, vì nó luôn đã có sẵn trong tất cả các cộng đồng con người. Tuy nhiên nó đòi hỏi tính chính đáng". [15] Một tính chính đáng như vậy được tạo nên khi con người muốn hợp lại với nhau thành một nhóm và muốn để có thể cùng nhau hành động. Như vậy Quyền lực phụ thuộc vào con số người ủng hộ nó. Số các thành viên của một nhóm ủng hộ sự cai trị [nhóm] càng nhiều, thì nền tảng của Quyền lực càng vững chắc. Quyền lực khi không còn được dân chúng hỗ trợ, nó sẽ sụp đổ. [16] Quyền lực do vậy không cần phải biện minh, vì sự tồn tại của nó đã diễn tả tính chính đáng. Quyền lực không hướng đến một mục đích, mà tự thân nó là mục đích.

"Quyền lực phát sinh bất cứ khi nào con người tập hợp lại với nhau và cùng nhau hành động, tính chính đáng của nó không dựa trên các mục tiêu và mục đích, những cái mà mỗi một nhóm đặt ra; nó xuất phát từ đòi hỏi quyền lực, xảy ra cùng một lúc với việc thành lập nhóm. Đòi hỏi về quyền lực được hợp thức hóa dựa vào quá khứ, trong khi đó sự biện minh của phương tiện được thực hiện bởi một mục đích trong tương lai ". [17]

Bạo lực, tuy nhiên, theo như Hannah Arendt, "bản chất của nó mang tính công cụ; giống như mọi phương tiện và công cụ nó luôn cần phải có một mục đích, để điều khiển nó và biện minh cho việc sử dụng nó".[18] Những hành vi được xác định bởi một mục đích sẽ tuân thủ một cấu trúc rõ ràng với sự bắt đầu và sự kết thúc. Mặc dù Bạo lực, ví dụ như trong trường hợp tự vệ có thể được biện minh, cho dù vậy nó không bao giờ là chính đáng. Không giống như sự tạo nên quyền lực, cường độ của bạo lực không phụ thuộc vào số người tham gia, bởi vì vũ khí có hiệu quả tác động không phụ thuộc vào sức mạnh của con người.

"Một trong những khác biệt quan trọng giữa Quyền lưc và Bạo lực đó là Quyền lực luôn luôn phụ thuộc vào số lượng, trong khi Bạo lực ở một mức độ nhất định sẽ không phụ thuộc vào số lượng bởi nó dựa trên các công cụ."

Bạo lực đối với Hannah Arendt là hành động mang tính kỹ thuật. Và như thế những mối quan hệ giữa các cá nhân cũng được tạo nên thông qua các công cụ (vũ khí). "Hoạt động có mục đích kiểu như vậy... tuân theo một quy tắc mang tính kỹ thuật, có một khởi đầu xác định rõ ràng và một kết thúc cũng xác định một cách rõ ràng như thế." [19] Ngược lại hành động chính trị đã làm gián đoạn quá trình có quy tắc. [20] Mục đích cũng hoàn toàn có thể là việc giữ vững Quyền lực thông qua Bạo lực. Trong trường hợp này có khả năng sẽ xảy ra việc đàn áp những cuộc biểu tình và đàn áp sự phản kháng, như tình hình hiện nay ở Iran cho thấy.
"Người ta có thể thay thế Quyền lực bằng Bạo lực, và điều này có thể đem lại chiến thắng, nhưng cái giá phải trả của chiến thắng sẽ rất cao; bởi vì không chỉ kẻ bại trận phải trả giá, mà kẻ chiến thắng cũng phải trả giá cho sự mất mát quyền lực của mình". [21]

Chiến lược dùng Bạo lực đàn áp các tiến triển có nguy cơ đe dọa Quyền lực do vậy không thể ngăn chặn được việc chế độ đang mất dần sự ủng hộ. Bởi vì những cái mà Bạo lực không thể tạo ra được đó là tính chính đáng và sự hỗ trợ cho Quyền lực, là những thứ mà chính Quyền lực dựa vào.

3.2 Cách mạng không có bạo lực

Từ những sự kiện lịch sử và từ các khái niệm lý thuyết của Hannah Arendt tiếp đây ta sẽ rút ra những lập luận chính và kết nối chúng lại với nhau để làm hình thành nên mối quan hệ giữa cuộc cách mạng năm 1989 và tính không bạo lực của nó. Các sự kiện [khi đó] cũng hoàn toàn có thể sẽ tiến triển theo hướng khác. Không nên nhất thiết khẳng định, rằng cách mạng phải ôn hòa. Cái chính muốn đề cập ở đây là việc lý giải về khả năng thay đổi quyền lực một cách ôn hòa.

"Ý tưởng phổ biến, rằng cuộc cách mạng là kết quả của cuộc nổi dậy có vũ trang [đó chỉ là] một câu chuyện cổ tích. Các cuộc cách mạng xảy ra không phải như vây, và ít nhất không phải là qua một tiến tình có sự rút kinh nghiệm, từ bất đồng chính kiến trở thành âm mưu lật đổ, từ phản kháng thụ động tiến tới nổi dậy có vũ trang. " [22] Bạo lực, theo Arendt, không phải là phần chủ yếu của một cuộc cách mạng. Những thành viên của phong trào phản kháng ở Đông Đức cũng vậy ngay từ đầu họ đã tuyên truyền cho từ bỏ bạo lực. Thay vào đó, họ kêu gọi chính phủ tham gia vào một cuộc đối thoại với người dân. [23] Bởi vì, về cơ bản ngay cả trong khái niệm cách mạng của Arendt cũng vậy nội dung chính đã và vẫn là mối tương quan quyền lực chứ không phải sức mạnh vũ khí. Chính quyền cũng thế, từ ngày 9.10.1989 họ đã không phô trương vũ khí nữa, mặc dù điều sau vẫn đúng: "Ở đâu Bạo lực đối mặt với Bạo lực, thì Bạo lực nhà nước vẫn luôn là kẻ chiến thắng" [24]. Bạo lực nhà nước đã quyết định không giải tán cuộc biểu tình lớn ở Leipzig và như vậy, hoặc có lẽ vì như vậy, mà cuộc cách mạng đi theo tiến trình như nó đã xảy ra.

SED [Đảng CS Đông Đức] và những ông chủ cũ của chế độ trong giai đoạn cuối cùng của Đông Đức đã bị mất gần như hoàn toàn tính chính đáng là một đội ngũ cầm quyền. Tình trạng bấp bênh cực kỳ về kinh tế chỉ là một yếu tố dẫn đến việc dân chúng không còn tin tưởng vào chính quyền. Như đã nêu trong 2.1, qua sự so sánh với các nước khác người dân Đông Đức đã có được hình ảnh về sự tan rã trong nội tình đất nước, về sự bất lực của chính quyền và họ đã phản ứng lại. Thêm vào đó việc ra đi hàng loạt của dân chúng qua Áo, Hungary và Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy chính phủ Đông Đức đã liên tục bị tước đoạt sự hỗ trợ của người dân. Arendt đã diễn đạt tầm quan trọng của số lượng những người ủng hộ hoặc chối bỏ Quyền lực như sau:

"Tất cả các thiết chế chính trị là những biểu hiện và vật chất hóa của Quyền lực; chúng sẽ bị tê liệt và tan rã ngay sau khi sức mạnh sống động của người dân không còn chống lưng và hỗ trợ cho chúng". [25]

Song, những người tham gia biểu tình tại khu trung tâm Leipzig hay sau đó tại Đông Berlin vào thời điểm này vấn chưa biết, kết cục gì sẽ đến với họ đêm hôm đó. Mặc dù vậy, họ đã tạo nên một dấu hiệu rõ ràng, rằng lãnh đạo một khi không còn có thể kiểm soát nổi không gian công của mình, thì nó đã mất đi một phần hoặc toàn bộ tính chính đáng của nó [26] .

Trước mùa Thu năm 1989, đã từng có những cuộc tập hợp phản kháng trên các đường phố. Những người tìm đến với nhau thông qua quá trình bàn bạc trao đổi và quyết định lựa chọn một hành động chung, họ đã bắt đầu kiến tạo quyền lực, quyền lực đó sẽ cạnh tranh với quyền lực nhà nước. Jürgen Habermas xuất phát từ các bài viết của Arendt đã dẫn ra ba tình huống cụ thể, chúng phản ánh trong một mức độ nào đó tình hình ở Đông Đức và sự thành lập phong trào phản kháng mà tại đấy Quyền lực thể hiện ra:

"a) trong các hệ thống chính trị, [có nhiệm vụ] bảo vệ quyền tự do chính trị,
b) trong sự phản kháng chống lại các thế lực đang đe dọa sự tự do chính trị từ bên ngoài hoặc bên trong, và
c) trong mỗi giai đoạn cách mạng ở đó các thiết chế mới của tự do được thiết lập" [27].

Cùng với mức độ liên tục mất đi tính hợp pháp của chế độ SED, phía đối lập ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ. Mặc dù có sự chia rẽ trong các nhóm chủ trương, song lòng mong muốn thay đổi và sự quyết chí xuống đường, bất kể động cơ cụ thể ra sao, đã chính đáng hóa cho mọi nhóm là kẻ gánh vác quyền lực và cuối cùng là chính đáng hóa cho toàn bộ phong trào phản kháng trong trong việc xóa bỏ quyền lực của chế độ cũ . "Max Weber đã định nghĩa Quyền lực là khả năng áp đặt ý chí của mình trên hành vi của người khác. Khác với điều đó, Hannah Arendt hiểu Quyền lực là khả năng đi đến thống nhất một hành động chung trong sự bàn luận trao đổi với nhau một cách tự nguyện". [28] Thành tích tuyệt vời của cuộc cách mạng ôn hòa, việc xóa bỏ các mối quan hệ cũ do đó phải được nhìn nhận trước hết ở trong sự thể hiện ý nguyện chung của hàng ngàn người biểu tình và của các nhà hoạt động khác, chứ không chỉ ở trong thực tế của việc xóa bỏ chế độ Đông Đức. Trong quá trình thống nhất này, bạo lực vắng bóng hoàn toàn.

Quyền lực, dựa vào sự chính đáng [ủng hộ] trong dân chúng, như vậy nó sinh ra một cách phi bạo lực. Bạo lực đến từ sự bất lực của những kẻ nắm giữ quyền lực, nhưng [nó] không thể được thực thi với tất cả các hậu quả của nó, bởi vì Quyền lực cảm nhận thấy, như vậy mình sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm như thế nào. "Bạo lực có thể phá hủy Quyền lực; nó hoàn toàn không có khả năng tạo ra Quyền lực." [29] Ở đây quan trọng là cụm từ "tự kiềm chế", như đã được Phillip Ther sử dụng. Với quyết định không sử dụng bạo lực, lãnh đạo SED đã chỉ ra hậu quả có thể dự đoán được của một sự can thiệp kiểu như vậy sẽ vô cùng nặng nề đối với bộ máy quyền lực, hơn nhiều so với việc khoan dung đối với những người biểu tình. Rõ ràng, rằng "như đã nói bởi vì Bạo lực trên thực tế luôn có thể phá hủy Quyền lực, cho nên nó là mối đe dọa thường trực của chính Quyền lực" [30] Đối với Habermas, điều này được thể hiện như sau: "Không có lãnh đạo chính trị nào có thể không bị trừng phạt khi thay thế Quyền lực bằng Bạo lực; và họ chỉ có thể duy nhất nhận được Quyền lực từ một cộng đồng dân chúng không bị biến chất" [31].
4. Tóm tắt và kết luận

Các sự kiện của mùa thu năm 1989 xứng đáng với tên gọi của một cuộc cách mạng ôn hòa, bởi vì không có Bạo lực, nhưng cũng còn do việc dân chúng chủ động tước bỏ tính chính đáng dẫn đến hệ thống cai trị hiện hành bị lật đổ. Dân chúng đã xuống đường để thể hiện sự bực tức, sự không hài lòng, và cả ý nguyện chính trị của mình nữa. Số lượng đông đảo những người biểu tình và những người đi theo đã đặt dấu hỏi cho tính chính đáng của quyền lực cầm quyền. Được hỗ trợ bởi các phong trào tại các nước xã hội chủ nghĩa láng giềng và của các chính sách của Gorbachev, cơ sở thống trị của chế độ SED đã bị sụp đổ. Việc cuộc cách mạng xảy ra phần lớn là phi bạo lực có thể giải thích được bằng luận điểm của Hannah Arendt, Bạo lực không tạo ra Quyền lực, chỉ có thể phá hủy. Không khẳng định, rằng những thành viên chủ chốt, quyền lực nhà nước, những người tham gia biểu tình đã ý thức được các mối liên quan đó, tiến trình của một cuộc cách mạng phi bạo lực cần phải được thừa nhận, như Hanna Arendt đã nhìn thấy về mặt lý thuyết. Về câu hỏi tại sao cuộc cách mạng lại xảy ra ôn hòa, thay vì đưa ra các sự kiện lịch sử sẽ là câu trả lời sau đây: Cuộc cách mạng xảy ra ôn hòa, không phải vì điều đó là cần thiết, mà bởi vì điều đó là có thể. Bởi vì Quyền lực không dựa trên Bạo lực, mà dựa trên tính chính đáng, cho nên cán cân quyền lực sẽ thay đổi, khi người dân từ bỏ sự ủng hộ đối với sự thống trị này và chuyển sang ủng hộ sự thống trị khác.
---------------
Chú thích
[1] Arendt , Hannah: Quyền lực và Bạo lực, Gisela Uellenberg (transl.), Munich/Zurich năm 1970, trang 36
[2] Xem: Henke, Klaus- Dietmar (ed.): 1989, In: Henke , Klaus- Dietmar (ed.): Cách mạng thống nhất đất nước vào năm 1989/90. Khi mà ở Đức thực tế đã vượt qua sự tưởng tượng, Munich 2009, trang 11ff .
[3] Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu
[4] Xem: Henke, Klaus- Dietmar (chủ biên ), 1989, trang 15ff.
[5] Cho đến khi xây dựng bức tường Berlin đã có 3 triệu người rời bỏ CHDC Đức. Từ năm 1961 đến 1988 đã có 600.000 người tị nạn. Ngoài ra, khoảng 33.000 tù nhân chính trị đã được Tây Đực chuộc lại trong thời gian đó .
[6] Henke , Klaus- Dietmar (chủ biên ), 1989, trang 26f .
[7] Xem : Ther Phillip: 1989 - Một cuộc cách mạng thương lượng, trong: Gerberngasse, Tạp chí hàng quý Thuringer về Lịch sử đương đại và Chính sách, tháng 3/2010, trang 11
[8] Đây nói về vụ thảm sát người biểu tình ở Thiên An Môn ngày 4 Tháng Sáu năm 1989 ở Bắc Kinh.
[9] Xem: Ther Phillip: 1989 - Một cuộc cách mạng thương lượng, trong: Gerberngasse, Tạp chí hàng quý Thuringer về Lịch sử đương đại và Chính sách, tháng 3/2010, trang 15
[10] Như trên, trang 16.
[11] Xem Green Tree, Robert: Thống nhất nước Đức. Tổng quan từ năm 1945 đến nay, Berlin 2010, trang 65
[12] Xem: Ther Phillip: 1989 - Một cuộc cách mạng thương lượng, trang 11
[13] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, Gisela Uellenberg (transl.), Munich/Zurich năm 1970, trang 57
[14] Arendt, Hannah: Suy nghĩ không có điểm vịn. Bài viết và thư từ, Heidi Bohnet/Klaus Stadler (ed.), Tập 601 trong loạt bài viết của Liên bang về Giáo Dục Công Dân, Bonn năm 2006, trang 89
[15] Như trên, trang 90
[16] Như trên.
[17] Như trên.
[18] Như trên, trang 89.
[19] Arendt, Hannah: Suy nghĩ không có điểm vịn, trang 89
[20] Xem: KULLA, Ralf: Quyền lực chính trị và bạo lực chính trị. Chiến tranh, bạo động và dân chủ , sau Hannah Arendt và Carl von Clausewitz, Hamburg năm 2005, trang 45
[21] Arendt, Hannah: Suy nghĩ không có điểm vịn, trang 92
[22] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, trang 49
[23] Xem: Maier, Charles S.: Tiểu luận: Cuộc cách mạng Đông Đức, trong: Henke , Klaus- Dietmar (ed.): Cách mạng thống nhất đất nước vào năm 1989 /90. Khi mà ở Đức thực tế đã vượt qua sự tưởng tượng, Munich 2009, trang 553
[24] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, trang 49
[25] Như trên, P 42.
[26] Xem: Maier, Charles S.: Tiểu luận: Cuộc cách mạng Đông Đức, trang 564
[27] Habermas, Jürgen: Chính trị, Nghệ thuật, Tôn giáo. Tiểu luận về triết học hiện đại, Stuttgart, 1989, trang 106
[28] Như trên, P 103.
[29] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, trang 57
[30] Như trên, P 56.
[31 ] Habermas, Jürgen: Chính trị, Nghệ thuật, Tôn giáo, trang 108.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét