Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Bài đáng chú ý: Tư duy độc lập - bám víu

Tư duy độc lập - bám víu

Ai trong chúng ta cũng một lần, nhiều lần hay cả đời bám víu vào những quyền lực, quyền hạn, kiến thức (học thật, học giả, học sao chép) và những cái thông tin (đọc trên mạng, sách vở, xem TV, nghe đài) để rồi hài lòng và hạnh động theo chúng. Đây là bám víu và bám víu vào những cái được ban bố hay dành được để rồi chúng ta không nhìn xa hơn, rộng hơn và nhất là ra ngoài cái khung đã được định sắn.

Chuyện thời sự nóng bỏng nhất là TT Obama của Hoa Kỳ không đơn phương sử dụng quyền lực được Hiếp pháp cho phép để tấn công Syria, Thủ tướng Anh cũng vậy. Việc làm này của ông Obama bị đối lập chỉ trích, truyền thông phê bình rất nặng lời nhưng ông vẫn không đóng cái khung tư duy của mình và nay thì Syria và Nga đã xuống nước làm hoà và hứa sẽ giao nộp toàn bộ vũ khí hoá học. Đây là một bài học quý giá cho những ai muốn làm chính trị, cho những ai chỉ biết bám víu và lệ thuộc.

Mọi thứ bạn đọc trên báo, qua TV đều không hoàn toàn độc lập. Chúng được gạn lọc theo thời cuộc, theo kiến thức phổ thông, theo kỹ năng cướp độc giả. Điều này không có nghĩa là bạn không nên đọc, mà có nghĩa là bạn nên đọc theo một cái nhìn khác như cái nhìn của Trương Duy Nhất, Kami. Đọc, suy ngẩm và gạn lọc sẽ giúp bạn ít và có khi hoàn toàn không bám víu đến những gì người ta muốn cho mình biết.

Tư duy độc lập đòi hỏi ta phải từ bỏ rất nhiều kỹ năng đã gạn lọc được từ gia đình, trường học, trường đời. Và đây là một việc làm cực kỳ khó. Chúng ta phải đoạn tuyệt với bám víu.

Khi ta suy nghĩ như những người khác, chúng ta bám víu vào tư duy của họ, và chúng ta chỉ gặt hái nhiều lắm là bằng họ. Nếu ta suy nghĩ khác người, tư duy của ta sẽ cảm thấy hoàn toàn thoáng và nhất là tâm hồn cảm thấy rạo rực, sảng khoái hơn nhiều. Nếu may mắn hay thuận lợi chúng ta sẽ có thắng lợi lớn. Trở lại chuyện ông Obama ở trên ta thấy ông ta đang mang lại thắng lợi cho nước Mỹ mà không tốn 1 viên đạn, đổ 1 giọt máu. Không biết sau này chuyện Syria sẽ xoay vần như thế nào nhưng bước đầu thắng lợi thì những bước sau khó lòng mà thất bại.

Nếu có thì giờ tôi xin bạn đọc bài Tìm hiểu thực chất và ý nghĩa của tư tưởng triết học Hồ Chí Minh. Càng đọc tôi càng thấy ông PGS, TS Nguyễn Bá Dương bám víu, cố bám víu vào cái không có, càng phô trương cái giả tạo, giáo điều (cái mà ông nói là ông Hồ không muốn), càng lúc càng khoe khoang một cách trơ trẽn thiếu cơ sở cái gọi là tư tưởng mà ĐCSVN gào khét dân Việt học hỏi.

Tôi thích nhất câu: "học trò của C.Mác, Ph. Ăng ghen, V.I.Lênin nên thế giới quan, tư duy triết học của Người là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Người đã bảo vệ và phát triển tư duy triết học trên nền tảng triết học Mác - Lênin. Khác với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lê nin, Hồ Chí Minh không để lại một tác phẩm triết học như: Hệ tư tưởng Đức, Luận cương Phoiơbắc, Biện chứng của tự nhiên, Bút ký triết học... Bởi vì, Hồ Chí Minh sống và hoạt động cách mạng trong thời đại đã có chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, dẫn đường và nhiệm vụ của Người là cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột, bất công đem lại hoà bình, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Chính nhiệm vụ này đã cuốn hút Người với tất cả tinh thần và sức lực, làm cho Người sống gần gũi với nhân dân, đem tinh tuý, sâu sắc của triết học diễn đạt thành những điều giản dị, cụ thể, rõ ràng và thiết thực để nhân dân dễ hiểu, dễ làm. Rõ ràng, phải có một trình độ triết học sâu sắc, uyên bác, Hồ Chí Minh mới có thể chuyển hoá thành triết học của cuộc sống. Nhờ đó, người trang bị cho cán bộ, đảng viên thế giới quan duy vật biện chứng, giúp họ nhìn nhận, xem xét, đánh giá đúng tình hình, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách sát thực tế, có hiệu quả; đồng thời không rơi vào dao động, không mắc phải sai lầm ảo tưởng, chủ quan, duy ý chí cũng như giáo điều, xét lại; mặc dù khi viết, khi nói Người ít dùng các thuật ngữ triết học."

Nếu là học trò của C.Mác, Ph. Ăng ghen, V.I.Lênin thì thế giới này chắc có cả triệu người vỗ ngực là học trò, nhiều khi còn cốt cán hơn cả ông Hồ chẳng hạn Tổng Bí thư đầu tiên của đảng là Trần Phú.

Cả gần nữa thế kỷ (từ 1951 đến 1991) ĐCSVN lấy tư tưởng Mao làm chỉ đạo, bây giờ cái tư tưởng của họ Mao đã bị đảng CS Tàu gạt ra thì ĐCSVN cũng hết chổ lợi dụng, đành quay qua tư tưởng họ Hồ. Mai kia mốt nọ cái tư tưởng này hết giá trị lợi dụng (có lẽ trước năm 2031, 40 năm! chu kỳ), vì lỗi thời hay vì bị phanh phui sự thật, thì kiếm cái khác trét vào. Đến lúc đó mọi đảng viên lại phải xoá bằng hết tư tưởng họ Hồ và nhào nặn nhét tư tưởng kia.

Nói tóm lại ta phải:

1. dứt khoát thoát khỏi cái khung tư duy của mình để mở ra chân trời mới
2. học, suy gẫm, gạn lọc trước khi cho vào bộ nhớ của mình
3. tuyệt đối không bám víu vào những gì kẽ khác ban cho

Chúc các bạn và cả tôi một tương lai rộng hơn, thoáng hơn.
Phạm Anh Tuấn
Sydney, Úc, 16/09/2013
 

Hiệu Minh - Liều thuốc cho vết thương “Văn Vươn & Ngọc Viết”

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ hai, ngày 16 tháng chín năm 2013

Vụ cưỡng chế đầm Vươn nếu được giải quyết ổn thỏa, chính quyền và quan tòa tìm ra nguồn gốc của tiếng súng hoa cải để trừng phạt, thì đâu đến nỗi anh Đặng Ngọc Viết bắn 5 người trọng thương trong vài phút ngắn ngủi. Hai vụ đều liên quan đến đất đai, miếng cơm manh áo của mấy chục triệu nông dân nghèo Việt Nam. Chưa kể đến hàng ngàn nông dân Văn Giang phẫn uất cùng với bao người khắp ba miền khi cơn lốc phát triển chạm đến miền quê.
Hai cuốn sách được tặng. Ảnh: HM

Tôi không tin anh Viết đọc blog hay Facebook để hành động. Tôi không tin anh không biết hậu quả của việc giết người. Anh biết rõ Phật đã dạy, làm hại người khác thì chính mình là nạn nhân đầu tiên nên anh đã chọn cái chết dưới chân Bồ Tát vì biết không còn lối thoát.

Giả sử anh chọn cách đầu thú. Nếu bị đưa ra tòa, người ta sẽ không tìm nguyên nhân tại sao anh hành động thế, mà chỉ tập trung vào tội lỗi anh đã gây ra. Vụ xử án Đoàn Văn Vươn và nhiều vụ cưỡng chế đất đai khác đủ nói lên chính quyền không bao giờ “sai” bởi những phiên tòa kangaroo. Quan trên coi như đã điếc trước mọi dư luận.

Như một sự trùng lặp, tuần trước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới giảng về thiền tại Washington DC. Ông có nói “Nền văn minh loài người đã và đang bị lạm phát và lạm dụng khiến con người chúng ta hóa thành người xa lạ – xa lạ với chính bản thân mình, với gia đình mình, và với làng xóm quê huơng mình”.

Quả thật, những hành xử của chính quyền gần đây thông qua những vụ bắt bớ, cưỡng chế đất đai, đảng CS Việt Nam đang ngày càng xa lạ với những gì mà cách đây gần 70 năm họ đã làm khi kêu gọi hàng chục triệu nông dân áo vải cầm cuốc xẻng giải phóng ách nô lệ.

Trong đoàn Làng Mai, tôi gặp Sư cô Chân Không, từng là sinh viên trẻ tham gia chống chiến tranh thời ông Ngô Đình Diệm để rồi bị bắt. Sư cô tặng tôi hai cuốn sách “Con đường mở rộng” và “Bước chân hộ niệm”. Liếc qua mấy trang đầu, nhà sư kể về người cha khá giầu có trong làng đã dạy cô “Các con đừng bao giờ mặc cả giá với nông dân nghèo. Mấy đồng với các con chẳng là gì, nhưng với người nghèo, đó là bữa cơm cho cả gia đình ngày hôm đó”.

Tôi đặt hai cuốn đó lên giá sách. Cùng với mấy cô búp bê xinh đẹp mà Ballet Nguyễn vừa tặng, còn có tập II “Bên thắng cuộc” của Huy Đức gửi tặng từ mấy tháng trước. Mở đầu “Quyền bính”, Huy Đức giải thích tại sao anh rời quân đội “Một cá nhân cũng như một quốc gia, súng ống chỉ nên được lựa chọn khi không còn con đường nào khác”.

Cái chết của anh Viết dưới tượng Phật cho thấy, rất nhiều ông quan thời nay đã không hiểu triết lý đơn giản của người cha đã dạy Sư cô Chân Không cách đây gần một thế kỷ, để rồi họ đẩy người nghèo vào bước đường cùng.

Trong bạt của cuốn Quyền Bính có đoạn “Chính sách đất đai, thay vì lựa chọn những phương thức sở hữu giải phóng tối đa tiềm lực trong đất và trong dân lại cứ tự trói buộc vào sở hữu toàn dân, chỉ vì phương thức này được coi là đặc trưng của CNXH”. Khỏi phải nói, “Sở hữu toàn dân” đã đưa đến quốc nạn tham nhũng và đang làm lung lay chính đảng Cộng sản. Tính chính danh của họ đang bị đặt dưới những câu hỏi hóc búa của thời cuộc.

Tôi chợt nghĩ, liều thuốc cho vụ việc Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, hàng ngàn nông dân Văn Giang và nhiều nơi bị cưỡng chế đất, đôi khi khá đơn giản, chẳng cần phải thay đổi lớn lao, chẳng cần đến tam quyền phân lập. Nếu biết chế ngự tham sân si, biết lắng nghe, thì sẽ biết hòa giải và yêu thương.

Xin các vị đừng tìm lý lịch, gia cảnh… của mấy người nông dân bỗng nhiên phạm tội. Các vị nên tự soi bản thân như Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên “Lắng nghe và thấu hiểu những đau khổ trong nội tâm sẽ giúp chúng ta giải quyết được hầu hết các vấn đề ta gặp phải. Muốn chữa lành cho người khác, trước tiên ta cần tự chữa lành cho chính mình. Để làm được điều đó, ta phải biết cách giải quyết những vấn đề của bản thân”.

Muốn chữa trị nỗi đau “ Văn Vươn, Ngọc Viết” và hàng chục ngàn nông dân mất đất oan uổng, đảng Cộng sản Việt Nam cần tìm liều thuốc cho mình trước. Họ phải biết cách giải quyết những vấn đề về ý thức hệ và tư tưởng trong thời đại mới.

Bỗng nhiên tôi thấy tập sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức với những lý giải về thành công và thất bại sau 1975, và tự sự “Bước chân hộ niệm”, bàn về cách sống sao cho lương thiện, của Sư cô Chân Không để cạnh nhau thật thú vị. Để có “Con đường rộng mở”, chúng ta cần đọc cả mấy cuốn sách này.
 
16-9-2013
  Hiệu Minh

Nguyễn Mộng Hoài - Nỗi đau Thái Bình

Mấy hôm nay, tôi cứ như người mất hồn khi vào một số trang mạng và nghe cả trên VTV (báo quốc doanh) về vụ xả súng bắn vào đầu quan chức nhà nước và sau đó "hung thủ" lại tự kết liễu đời mình bằng chính khẩu súng trong tay. Nhiều người quan tâm, đặc biệt là những "cây viết" tên tuổi có học hàm, học vị giáo sư tiến sĩ phân tích rất sâu sắc vụ nổ súng Thái Bình. Tôi rất đau lòng về chuyện này, vì trước hết, Thái Bình đối với tôi có nhiều kỷ niệm thật sâu sắc mà suốt đời không thể quên. Trong những năm 1966, 1967, 1968, tôi mới có gần 5 "tuổi" phóng viên TTXVN (lúc đó gọi là VNTTX), được nhận xét là có "nghề" và được cử đi thường trú tại Thái Binh.
"Em ơi, Hưng thái hai nhà
Anh yêu tỉnh Thái như là quê hương !"
Hồi ấy, được ở sát với ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND tình Thái Bình, thường được ông ấy cho bám xe "ăn theo nói leo" để làm nghiệp vụ của mình. Ai cũng nhớ, năm 1966, Thái Bình trong sản xuất lúa đã giành được năng suất cả năm trên 5 tấn thóc một hec-ta, là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc "hậu phương lớn" đạt được "5 tấn". Mặc dù trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra nhiều địa phương trên miền Bắc với ý đồ "đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá" và thật sự đã ném bon bắn phá nhiều vùng ở Thái Bình, kể cả tỉnh lỵ Thái Bình, nay là thành phố Thái Bình.
Thái bình nổi tiếng là đất lúa và thâm canh lúa. Lúc đó, cách đây gần 60 năm, từ chỗ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao phấn đấu "toát mồ hôi" chỉ đạt 3 đến 4 tấn thóc/ha/năm. Cho nên, con số 5 tấn ha năm làm cho Thái Bình "vang dội chiến công" trên đồng ruộng của minh. Chính thành tích ấy đã động viên hàng vạn người con Thái Bình đang cầm súng chống xâm lược ở mọi miền Tổ quốc và các tỉnh "tiền tuyến lớn" miền Nam, trong đó có tỉnh Trà Vinh kết nghĩa với Thái Bình. Ngoài các nhà báo của các cơ quan truyền thông đổ xô về Thái Bình viết bài, đưa tin ca ngợi thành tích "5 tấn" của Thái Bình, còn có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi cũng đã về Thái Bình sáng tác văn nghệ động viên nhân dân và cán bộ Thái Bình lập công đầu trên đồng ruộng thân yêu của mình.
Thái Bình, từ những năm 30 của thế kỷ trước đã vang lên "tiếng trống Xô-viết Tiền Hải" ở Đông Lâm, làm rạng danh truyền thống cách mạng của nông dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với truyền thống ấy, nhân dân Thái Bình nói chung và nông dân Thái Bình nói riêng đã lập nên những kỳ tích ở hậu phương cũng như ở tiền tuyến, và trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Người Thái Bình ghi nhớ năm 1945 là địa phương có nhiều người chết đối nhất trong số hơn 2 triệu người chết đói. Nhà nhiếp ảnh kỳ cựu và đáng kính Võ An Ninh đã chụp được nhiều tấm ảnh để đời ghi lại hình ảnh những người Thái Bình bị chết đói gục xuống tại chung quanh cột cây số "số 3" cách thị xã Thái Bình. Những tấm ảnh lịch sử ấy được lưu giữ trong các Viện bảo tàng lớn của nước ta và một số Viện Bảo tàng thế giới.
Hơn ai hết người dân Thái Bình trong đó tuyệt đại đa số là nông dân Thái Bình thiết tha yêu ruộng đất nhất của mình. Vì mảnh đất ấy mà đã có "Tiếng trống Tiền Hải" năm 1930, vì mảnh đất ấy mà đã có nhiều chiến công xuất sắc trong 9 năm kháng chiến chông Pháp, xuất hiện nữ anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên và suốt 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì sự nghiệp thống nhất nước nhà, hàng vạn hàng vạn thanh niên Thái Bình, những người con ưu tú của nhân dân Thái Bình đã lần lượt lên đường vào Nam đánh giặc. Rồi, người Thái Bình lại rất tự hào khi có anh hùng vũ trụ Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên, là chiến sĩ không quân đầu tiên "hạ gục" pháo đài bay của đế quốc Mỹ...Người Thái Bình là như thế. Thị xã Thái Bình nằm trên bờ sông Trà Lý là một thị xã đẹp nên thơ, có khách sạn 350 cửa sổ, được mệnh danh là "nhà máy cháo" của Thái Bình đã bị bom Mỹ phá sập trong chiến tranh phá hoại. Thái Bình có Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông được mệnh danh là "Bí thư lúa xuân", một loại lúa ngắn ngày năng suất cao góp phần làm nên "tỉnh 5 tấn" đầu tiên. Bây giờ, ông bí thư ấy đã là người thiên cổ, nhưng nhân dân vạn địa của Thái Bình vẫn là nhân dân của đất nước Việt Nam giầu truyền thống, giầu chiến công đang bị người ta coi thường, người ta coi như "mớ rẻ rách"...
Mảnh đất Thái Bình để lại trong tôi dấu ấn và những kỷ niệm không thể nào phai mờ. Tôi là một trong những phóng viên của hãng tin Nhà nước chứng kiến cuộc vật lộn trên đồng ruộng dưới tầm bom đạn của giặc Mỹ để giành được năng suất 5 tấn thóc bình quân ha/năm. Mới đấy mà đã 47 năm rồi. Từ một phóng viên tròn tuổi 30 sung sức, xông xáo, chắc tay nghề, nay tôi đã gần 80 tuổi, vẫn nhớ như in những năm tháng sống ở Thái Bình, nắm tình hình và đưa tin viết bài về thành tích "tỉnh 5 tấn" đầu tiên. Tiếng thơm của Thái Bình làm cho tôi thơm lây và những kỷ niệm buồn vui ở Thái Bình làm cho tôi không thể nào quên. Những sự lăn lộn của nông dân Thái Bình dưới nhiều tầng bom đạn giặc Mỹ, nhưng trận bom trúng vào đê Trà Lý, vào Cống Lân vào một số làng mạc ở Thái Bình, phá hủy nhiều công trình ở thị xã Thái Bình và những người Thái Bình ngã xuống vì mảnh đất thân yêu của mình, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và thống nhất nước nhà. Khi tôi đi công tác miền Nam, trên nhiều nghĩa trang rải rác trên các tỉnh miền Trung, miền Nam đều có phần mộ của người Thái Bình, nhất là các nghĩa trang lớn ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tây Nguyên...
Vậy mà ngày nay, người Thái Bình lại nổ súng vào đầu nhau vì "đất". Hòn đất không biết nói năng. Nếu mà biết nói thì hàm răng (của những kẻ cướp đất) chẳng còn ! Vậy thì, năm 1930, nông dân Tiền Hải vùng lên để đòi đất từ trong tay đế quốc, phong kiến. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng này, ông Trần Phú đã viết vào cương lĩnh hai nhiệm vụ của Đảng lãnh đạo nhân dân là chống đế quốc giành độc lập tự do và chống phong kiến để giành lại ruộng đất cho dân cày, thực hiện "người cày có ruộng". Nhưng lịch sử đã chứng kiến, sau sửa sai CCRĐ năm 1957, nông dân miền Bắc được "vận động tự nguyện" vào hợp tác hóa nông nghiệp để xây dựng chủ nghĩa xã hội, ruộng đất được chia trong cải cách ruộng đất được huy động vào cái gọi là "tập thể hóa" nghĩa là ruộng đất tuột khỏi tay nông dân. Ba mươi năm "làm ăn trong hợp tác xã cả làng" không ngóc đầu dạy được, "5 tấn" một ha, chỉ là mơ ước. Vậy mà, sau ngọn cờ "đổi mời" Nguyễn Văn Linh, và thực hiện sâu hơn "Chỉ thị 100 TƯ" và "Khoán 10", nông dân được cởi trói, HTX cả làng coi như bị xóa sổ, ruộng đất được giao cho hộ nông dân sử dụng lâu dài, sức lao động và tinh thần làm chủ được huy động, không những chỉ đạt 5 tấn/ha/năm mà còn là 10 tấn, 12, 13, và hơn nữa một hec-ta để có tổng sản lượng năm 2012 là 45 triệu tấn thóc cả nước, không chỉ bảo đảm căn bản an toàn lương thực cho 90 triệu dân mà còn có 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu, nghĩa là "cứu đói" cho nhiều người anh em trên thế giới. Công lao ấy thuộc về nông dân và những người làm nông nghiệp. Giá như dứt khoát giao hẳn ruộng đất cho nông dân, giao quyền sở hữu cho họ thì chắc chắn kết quả sản xuất nông nghiệp còn cao hơn nhiều...
Vì sao Đặng Ngọc Viết, một người mới hơn 40 tuổi, đã từng đi làm việc ở nước Nga, đã có nhận thức nhất định không đến nỗi còn là "chân đất mắt toét" phải xử sự như ngày 11-9 vừa rồi là do đâu. Phần suy nghĩ này dành cho cả các quan chức, cả các tầng lớp nhân dân, các nhà trí thức, con cháu chúng ta suy nghĩ và trả lời. Đối với tôi, mảnh đất và con người Thái Bình nhiều kỷ niệm gắn bó, chỉ thấy có một nỗi đau nhói vào tim. Đã gần 80 tuổi, tôi đã chứng kiến nhiều giai đoạn đổ máu vì đất đai. Bây giờ dưới sự lãnh đạo của Đảng, tưởng rằng điều này không còn có thể xảy ra, hóa lại là nỗi đau xé lòng. Ai sẽ làm cho dịu hoặc hết nỗi đau này ?...
Nguyễn Mộng Hoài
(Quê Choa)

Báo Pháp: LS Lê Quốc Quân '1 trong 50 người thay đổi thế giới'

Tuần báo Pháp nổi tiếng “Le Nouvel Observateur” (Người Quan Sát Mới) vừa có một hồ sơ đặc biệt giới thiệu LS Lê Quốc Quân là một trong 50 nhân vật đang và sẽ làm thay đổi thế giới”.

Báo “Le Nouvel Observateur” ngoài ấn bản điện tử còn phát hành hơn 500,000 bản in giấy, được mô tả là có khuynh hướng thiên tả xã hội và có nhiều độc giả nhất ở Pháp. Tập hồ sơ đặc biệt trên số báo ra ngày 12/9/2013 giới thiệu 50 khuôn mặt khắp 5 châu lục, đa số là những người trẻ tuổi, hy sinh bản thân, vận động đấu tranh từ quyền làm người đến bảo vệ môi trường.

Trong số 50 người đó, báo  Le Nouvel Observateur đưa ra tiểu sử tóm tắt của LS Lê Quốc Quân, 42 tuổi, hiện đang bị giam giữ ở Hà Nội không biết bao giờ sẽ có án vì bị vu cho tội “trốn thuế”.

Nếu ông bị kết án theo khoản 3 điều 161 của Bộ Luật Hình Sự VN như bị cáo buộc thì có thể bị bản án từ 2 đến 7 năm tù bởi đã “trốn thuế” 437.5 triệu đồng mà ông từ nhắn ra từ nhà tù là ông không hề trốn thuế như bị vu cáo.

Mọi người đều biết đây là một vụ án chính trị mà như bản tiểu sử được báo Pháp nêu ra, ông đã bị bắt giam ngày 27/12/2012 chỉ 9 ngày sau khi ông cho phổ biến trên trang mạng của đài BBC bài viết “Hiến pháp hay là bản hợp đồng điện nước?”

Trong bài viết này, LS Quân nhắn gửi các nhà lập pháp VN (đảng viên đảng độc tài toàn trị) là “Nếu như các đại biểu quốc hội chỉ làm theo sự lãnh đạo của đảng mà quên đi những khát vọng thực sự của nhân dân, vốn đang ngày càng khác biệt với ý chí của đảng cộng sản thì điều đó đã hàm chứa sự phản bội hoặc lừa gạt ý chí nhân dân”.

Bản hiến pháp VN đang được chế độ Hà Nội chuẩn bị sửa đổi vẫn giữ nguyên điều 4 dành độc quyền cai trị cho đảng VN, không có sự độc lập hoàn toàn của ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp để kiểm soát lẫn nhau tránh lạm dụng quyền lực, mà vẫn có cái đảng Công Sản ngồi chễm chệ trên đầu.

LS Lê Quốc Quân nhận xét về cái bản dự thảo hiến pháp mới của chế độ là “Chi tiết thì có đầy dẫy những điều khoản mâu thuẫn, lập lờ hoặc hỗn xược thách thức trí tuệ dân tộc Việt”.

Ông Quân nhắc nhở những ông bà đang làm “đại biểu quốc hội” ở Việt Nam là “Điều tệ hại nhất đã xảy ra là Quốc hội đã giữ lại điều 4 trong Hiến Pháp khẳng định sự lãnh đạo của đảng trên toàn dân tộc Việt Nam, nghĩa là quốc hội đã trao cho đảng một chiếc đũa thần để toàn quyền đan rọ mà mặc nhiên quốc hội phải chui vào. Khi đó đảng bắt đầu lấy quyền lực chính trị của mình và khái niệm “ổn định chính trị” để ngăn chặn sự thể hiện của tự do công dân bằng cái đuôi “theo quy định của pháp luật” nằm tại rất nhiều điều của hiến pháp. Có thể các đại biểu đã sai nhưng các Ngài cũng cần phải biết rằng “Ý chí chung của Nhân dân có thể bị nhầm lẫn, nhưng nó không thể bị phá hủy”.
Cũng đòi hỏi đa nguyên đa đảng, hàng ngàn người gồm cả đảng viên đảng VN, ký tên vào các kiến nghị đòi bỏ điều 4 Hiến pháp nhưng chỉ có ông và một vài người khác bị tù tội.
 
Tuần báo Pháp 'Le Nouvel Observateur' ra ngày 12/9/2013 có loạt bài hồ sơ đặc biệt về 50 người đang và sẽ "thay đổi thế giới" nêu tên LS Lê Quốc Quân. (Hình: Người Việt chụp lại từ Internet)
Báo Le Nouvel Observateur cho biết ông Lê Quốc Quân từng bị giam giữ và đánh đập rất nhiều lần từ năm 2007 đến nay nhưng ông vẫn can đảm viết blog, trình bày quan điểm cá nhân về các vấn đề của đất nước trong tinh thần “đòi đa nguyên chính trị, tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo”.

Chính vì vậy, ông đã sát cánh với giáo dân Công giáo tại Hà Nội biểu tình và cầu nguyện đòi đất cho tổng giáo phận Hà Nội, dự cuộc biểu tình đòi đất cho dân oan, góp mặt trong các buổi biểu tình bầy tỏ lòng yêu nước, chống Trung quốc bá quyền bành trướng ở Hà Nội. Ông từng bào chữa hoặc cố vấn pháp lý miễn phí cho rất nhiều dân oan bị nhà cầm quyền cướp đất, cưỡng chế giải tỏa rồi đến bù bất công. Ông là thành viên của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ông từng ra ứng cử quốc hội nhưng bị nhà cầm quyền VN gạt ra ngoài.

Ông là một trong 35 bloggers Việt Nam, (và là một trong 7 luật sư bị nhà cầm quyền VN tước bằng hành nghề vì lý do đấu tranh chính trị, nhân quyền) được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) vận động kêu gọi thế giới đòi chế độ Hà Nội trả tự do vì không có làm điều gì sai trái.
Trang báo 86 của tuần báo le Nouvel Observateur có phần viết tóm tắt tiểu sử LS Lê Quốc Quân. (Hình: Người Việt chụp lại từ Internet)
Nhà cầm quyền Hà Nội dự tính đưa ông ra tòa kết án ngày 9/7/2013 nhưng chuyến đi vội vã và bất ngờ sang Mỹ của ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang (hai tuần sau đó) đã buộc họ phải dời lại vì không muốn bị ông tổng thống Mỹ Obama đem vụ này ra đả kích chế độ.

Dù đã quá hạn tạm giam theo quy định trong luật hình sự tố tụng, đến nay, LS Lê Quốc Quân vẫn không được trả tự do hay bị đem ra xử án. Luật sư Hà Huy Sơn gửi văn thư đòi trả tự do cho ông nhưng chế độ Hà Nội nín lặng dù biết tạm giam quá hạn là trái luật.
(Người Việt)

Cười ra nước mắt vì tính sĩ của người Việt (1)

Sĩ diện hão đã được đúc kết là một trong những thói xấu điển hình của người Việt, và rất khó bỏ vì thường bị nhầm lẫn với lòng tự trọng. Điều đó dẫn đến nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Trăm kiểu sĩ, không gì bằng sĩ gái
Đứng trước phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp, 1000 người đàn ông thì có 999 người thích thể hiện, khoe ra những cái hay ho tốt đẹp của bản thân, nhiều khi là cả những cái mà mình không có. Cũng không có gì đáng phê phán trong chuyện này vì nó cũng là một phần nam tính, nó cũng là động lực để người ta vươn lên để giá trị của mình được thừa nhận. Nhưng một khi mục đích thể hiện đó trở nên tối thượng, khiến người đàn ông trở nên tối mắt mà đẩy mình hoặc người khác vào tình huống dở khóc dở cười thì nó chỉ có thể gọi là sĩ hão.
Có anh bạn tôi quen, bình thường thì cách chi tiêu cũng hết sức… bình thường, không ki bo, cũng chẳng hoang phí. Thế nhưng hễ xuất hiện các cô gái hơi xinh một chút là anh chẳng thể kiểm soát được bản thân, cho dù anh chẳng có kế hoạch cưa họ, chẳng hy vọng họ trở thành bồ bịch của mình.
Ấy thế nhưng lúc đó, trong anh có một thôi thúc khó cưỡng là được họ để ý, để hình ảnh của mình trở nên lung linh nổi bật trong mắt họ. Và thế là ngoài chuyện ăn nói hoạt bát, “lắm mồm” hẳn lên để gây ấn tượng, anh còn thể hiện mình là anh chàng hào phóng và chịu chi. Sẽ chẳng có gì đáng chê trách nếu như cái sự chịu chi ấy nó luôn vượt quá sức anh.

Tôi đã không ít lần chứng kiến anh tranh cãi với mọi người khi chọn địa điểm tụ tập (dĩ nhiên là khi có “gái”), rằng ngồi đấy không được, úi xùi quá, phải chọn quán nào sang sang một tí. Rồi vào quán, anh xăng xái bảo nàng (hoặc các nàng), em chọn món đi, ấy, chọn thứ gì ngon ngon tí chứ. Rồi anh to giọng gọi những món đắt tiền, với người đẹp là phải cung kính, chiêu đãi cẩn thận.
Được quan tâm, trân trọng, các nàng nhìn anh bằng ánh mắt đầy thiện cảm, khiến anh như được tót lên ngồi trên mây. Để rồi đêm hôm đó về nhà, anh phải cụp tai, gãi đầu nghe vợ chửi vì không giải thích được tại sao tháng lương vừa nhận chưa kịp “nộp” đã đi đời.
Cũng đã mấy lần, ăn uống xong (dĩ nhiên là khi có “gái”), tôi thấy anh ra sức phản đối chuyện ai về nhà nấy. Ai lại về? Phải đi hát karaoke chứ. Vào quán hát rồi, anh lại hô hào gọi bia, gọi mấy đĩa hoa quả, bóc bim bim đầy bàn dù chẳng mấy ai động đến.
Tới lúc thanh toán, anh xua các người đẹp ra trước, rồi thậm thà thậm thụt nhờ chàng khác tạm thời thanh toán giúp, vì anh hôm nay không mang tiền. Các chàng khác nghĩ, thôi thì coi như share, nhưng rồi họ đâm ghét đi với anh, bởi lúc có các người đẹp thì anh cứ làm như mình bao cả bữa tiệc, còn họ chỉ là khách mời.
“Lần sau có việc gì cứ bảo anh một tiếng là xong”
Cái sự sĩ gái, nó đã chẳng đem lại lợi lộc gì cho các anh, làm thâm hụt túi tiền của các anh, mà lắm lúc còn gây phiền hà cho người thân của các anh nữa. Chị Mai Chi, một phụ nữ lấy chồng đã 7 năm, có lần tâm sự: “Tôi cứ thỉnh thoảng lại phải nai lưng ra mà chữa cháy cho cái tính sĩ gái của chồng, vừa mệt vừa tức”.
Chồng chị Mai Chi năng lực bình thường, cấp bậc bình thường, quan hệ bình thường, nhưng mà trước các chị em, anh luôn tỏ ra mình có thể hô mưa gọi gió, hơn hẳn người thường. Ngồi chém gió, anh toàn kể chuyện mình ra đường vội quá vượt đèn đỏ, hoặc quên đội mũ bảo hiểm, bị công an tuýt còi vẫy vào lề đường, anh chỉ cần gọi một cú điện thoại hoặc nhắc đến vài cái tên là được đi ngay, các chú công an chỉ dặn bận sau rút kinh nghiệm. Bạn bè anh đi trái luật bị công an giam xe, nhờ anh xin suốt đấy chứ.
Nghe chém thế, có lần một cô lái xế hộp về quê, phóng quá tốc độ, lại còn đi sai làn đường, bị công an giữ, gọi điện nhờ anh “cấp cứu”. Anh gọi điện cho bạn bè loạn lên, nhưng chẳng ai giải quyết được, cuối cùng phải nói dối cô bạn là cái ông to mà anh quen đang đi công tác nước ngoài, điện thoại ngoài vùng phủ sóng, em thông cảm.
Một cô khác nghe anh “chém” rằng, anh là chuyên gia xin học giúp bạn bè để con cái họ được vào những trường điểm. “Những chỗ đấy mà vào được là phải mất cả nghìn đô đấy, nhưng đây anh chỗ quen biết, có đi có lại, ai người ta lấy tiền mình”, chồng Mai Chi nói. Báo hại chị đã mấy lần phải chạy đôn chạy đáo xin học giúp người dưng.
“Anh ấy năn nỉ tôi, bảo lỡ rồi, cố giúp anh, kẻo mất hết uy tín. Tôi định mặc xác, tự làm tự chịu, nhưng không hiểu sao rồi vẫn cố lo. Thực ra chồng tôi đâu có quen ai bên giáo dục mà đòi chạy trường, là tôi quen. Nhưng quen thì cũng chỉ xin được một suất, đó là cho con ông anh chồng năm trước. Giờ muốn xin nữa thì phải có tiền, giá mềm cũng cả chục triệu, tôi bảo anh phải đòi người ta, chứ không có chuyện mình bỏ tiền túi. Anh ấy ừ, nhưng tôi nghi lắm, chắc lại vay đâu đấy bù vào, chứ lỡ phét lác rồi chả dám đòi tiền đâu”.
Mai Chi cho biết, sau mấy lần như thế, giờ chị kệ, để chồng “gặp nạn” cho chừa. Ai bảo hễ ngồi với phụ nữ mà nghe họ kể vừa phải vất vả khó khăn giải quyết việc nọ việc kia ra sao là anh lại hùng hồn cao giọng: “Trời, chuyện đơn giản ấy sao không bảo anh? Lần sau có việc gì, cứ nói với anh một tiếng là xong”.
Cũng về cái thói sĩ hão trước mặt phụ nữ, Mai Chi kể cho tôi chuyện mà chị chứng kiến, nhưng nhân vật không phải ông xã chị: “Hôm đó hội bạn già của tôi tổ chức sinh nhật cho một thành viên nữ ở nhà hàng, cô này đem cả cô em họ trẻ măng chưa chồng đến dự. Mấy ông trong hội thấy thế, ông nào cũng ra sức thể hiện với em ấy".
"Mà buồn cười là, vì các ông tranh giành ảnh hưởng nên ông này ra sức dìm hàng ông kia, đâm ra tức nhau, nói móc, đá xéo nhau như lũ trai mới lớn, trong khi ngày thường rất thân thiết và tâm đầu ý hợp. Mà các ông ấy đều có vợ con hết rồi chứ có phải đang tìm người để cưới đâu”.
“Hài nhất là trong khi các ông đang vì cô gái mà cãi lộn, thì người yêu của em gọi điện đến, em nó về mất để gặp anh ta. Mấy ông bạn của tôi chưng hửng, nhìn nhau tẽn tò. Rõ là cá nước chim trời, chẳng xơ múi gì, vậy mà để lộ hết cả tính xấu, mất cả đoàn kết. Cô bạn tôi dọa, nãy giờ quay clip hết rồi, sẽ sao ra đĩa gửi cho vợ mỗi ông một bản. Các ông ấy hết hồn năn nỉ xin tha, chết cười”.
Nhưng dù sao, sĩ với “gái” là một dạng sĩ rất chi là… đàn ông, nó có thể khiến cho một số phụ nữ hài lòng. Người Việt có nhiều kiểu bệnh sĩ tai hại hơn rất nhiều, và nó chẳng đem lại niềm vui cho ai trừ vài ảo ảnh hão huyền ngắn ngủi của chính “bệnh nhân”.
Văn Anh
(Tri Thức Thời Đại)

Ngô Nhân Dụng - Nga có thể giúp Mỹ không?

Trong trường ngoại giao người ta tranh nhau từng điểm một; anh này thắng một bàn tức là anh kia thua một bàn. Ở Genève, Thụy Sĩ, Nga mới làm một bàn. Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov tới Genève trễ mấy tiếng đồng hồ sau khi Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đã tới. Nhật báo Le Figaro ở Pháp bàn ngay: Ông Lavrov muốn chứng tỏ lúc này Mỹ cần Nga chứ không phải Nga cần Mỹ.
http://laodong.com.vn/Uploaded/lethanhhuyen/2013_05_17/PutinObama.jpg

Ít nhất, trong vụ Syria ông Barack Obama đang cần ông Vladimir Putin. Vì Putin là người có thể bảo một tiếng Bashar Assad sẽ nghe. Khi Ngoại Trưởng Kerry nêu lên giải pháp Syria phải để cho Liên Hiệp Quốc kiểm soát kho vũ khí hóa học nếu muốn Mỹ không tấn công, chính ông Lavrov loan tin Tổng Thống Syria Assad sẽ chấp nhận điều kiện đó. Khi Assad đề nghị sau 30 ngày mới thực hiện, Kerry không chịu, lại đến ông Lavrov lo việc dàn xếp. Cả thế giới đang chờ coi hay ông Kerry, Lavrov và ông Lakhdar Brahimi, đại diện khối Á Rập, sẽ đi tới một thỏa hiệp hay không. Tuy ông Kerry là người đưa ra điều kiện buộc Assad theo, nhưng ông Lavrov mới là người đưa tới một giải pháp quyết định.
Trong khi đó, tại thủ đô Kirghizistan, ông Putin lại mới gặp ông Rassan Rohani, tổng thống mới của Iran, trong một hội nghị “Khối Thượng Hải.” Cuộc họp này quy tụ cả Trung Quốc và các nước Trung Á; và báo chí Nga loan tin Putin sẽ chấp thuận chuyển giao năm giàn hỏa tiễn S-300 mới cho Iran; loại hỏa tiễn mà Nga cũng bán cho ông Assad. Ông Putin còn mượn ngay diễn đàn của nhật báo New York Times để đăng một bài cho dân chúng Mỹ đọc, trình bày quan điểm “trước sau như một” của nhà lãnh tụ Nga; tức là: Không nước nào nên can thiệp vào chuyện Syria. Cũng là để dân Mỹ so sánh với lập trường của ông Obama, mà nhiều người chỉ trích là một con đường “dích dắc” (Zig Zag, giống như chữ Z).
Lúc đầu, ông Obama tuyên bố ông đã vạch một đường giới hạn, nếu Assad bước qua là bom và hỏa tiễn Mỹ sẽ xuất hiện.
Lằn ranh đó là: Assad có dùng vũ khí hóa học giết dân Syria hay không. Ðến lúc có tin Assad đã giết hàng ngàn dân bằng hơi ngạt thật, ông Obama lại chần chừ, quay ra hỏi ý kiến Quốc Hội. Ðược mấy ngày, ông lại đổi ý lần nữa, và để ngoại trưởng của mình ngỏ ý thăm dò bằng điều kiện Liên Hiệp Quốc kiểm soát. Nga lập tức bắt lấy ý kiến đó, chỉ cần một cú điện thoại là Assad bằng lòng ngay. Sergey Lavrov đã ném xuống nước một cái phao cho ông Obama bám lấy. Ðể ông khỏi phải quyết định dùng quân sự ở Syria!
Nhưng tại sao ông Barack Obama lại cần cái phao đó?
Bởi vì can thiệp quân sự vào Syria là một canh bạc một là thua, hai là huề, không có gì hấp dẫn. Trước hết, về mặt quân sự, can thiệp như thế nào? Mỹ không thể đánh bom để tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Assad; hơi độc sẽ giết thêm rất nhiều người. Vậy thì đánh vào các phi trường, hải cảng, hay tấn công các đoàn quân của Assad đang vây đánh quân nổi dậy? Nhưng dù đánh thế nào chăng nữa, mục tiêu của chiến dịch quân sự đó là gì? Lật đổ chế độ Assad? Hay chỉ làm yếu chế độ đó, khiến nó không giết dân Syria dễ dàng như hiện nay? Không biết bộ tham mưu Mỹ ở Ngũ Giác Ðài nghĩ sao về chiến thuật oanh kích; nhưng quyết định chính vẫn phải do ông tổng thống trách nhiệm. Ông Obama có muốn tiêu diệt chế độ Assad hay không?
Không chắc. Và có thể không nên nữa. Vì sau khi Assad chết hay bị lật đổ thì sao? Người ta biết hiện nay quân khủng bố al-Qaeda đã xâm nhập vào hàng ngũ quân nổi dậy rất nhiều. Tình báo của Mỹ và các nước khác đã thấy các lãnh tụ và cán bộ al-Qaeda chỉ huy nhiều nhóm vũ trang, và họ không chịu phối hợp với các nhóm nổi dậy không cực đoan như họ. Họ đã biến cuộc nổi loạn đòi dân chủ tự do của người dân Syria thành một cuộc chiến giữa những người Hồi Giáo Sun Ni và những người theo phái Shi A. Chính quyền Assad từ đời cha đến đời con dựa trên lực lượng những người đồng đạo A La Oai, một môn phái trong khuynh hướng Shi A, cho nên họ được các giáo sĩ Shi A tại nước Iran ủng hộ. Nhưng đa số người dân Syria lại theo phái Sun Ni. Trong tuần qua, một nhóm quân nổi dậy thuộc phái Sun Ni đã tấn công các làng dân theo đạo A La Oai ở gần thành phố Homs, giết chết hàng chục người.
Có chính phủ Mỹ nào muốn lật đổ chính quyền một nước Á Rập để giúp mấy cán bộ theo al- Qaeda lên nắm quyền hay không? Chắc chắn là không! Ðiều này dễ hiểu, cũng giống như năm 1945, chính phủ Mỹ không thể nào chịu giúp cho Hồ Chí Minh; mà hồ sơ tình báo của Mỹ, Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, của Anh và của Pháp đều biết rõ tung tích ông Hồ là một cán bộ trung kiên của Cộng sản Ðệ tam Quốc tế. Ông Truman không thể nào nuôi dưỡng một cán bộ của Stalin trong khi ông trùm đỏ này đang chuẩn bị kế hoạch cộng sản hóa cả thế giới, tiêu diệt kinh tế tư bản cũng như các chế độ dân chủ.
Nếu không muốn các cán bộ al-Qaeda lên nắm quyền ở Syria, thì chính phủ Mỹ cũng không thấy phải tiêu diệt chế độ của Assad. Còn như chỉ đánh để “trừng phạt” Assad, như ngôn ngữ thường dùng, thì không đủ. Trừng phạt không phải là một chiến lược quân sự. Trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1959 đến 1975, các chính quyền Mỹ không bao giờ đặt mục tiêu chiến tranh là lật đổ chính quyền cộng sản ở miền Bắc. Không những thế, ngay từ đầu họ còn hứa chắc với Trung Cộng rằng quân Mỹ sẽ không bao giờ đổ bộ vào Bắc Việt. Mục đích của mọi chiến dịch quân sự phải là chính trị. Chính quyền Obama, và có lẽ cả chính quyền các nước khác, hiện nay không có một mục tiêu chính trị ở Syria, nếu phe dân quân nổi dậy vẫn bị nhóm al Qaeda xâm nhập và thao túng. Chỉ có chính quyền Nga là vẫn giữ một mục tiêu chính trị, trước sau như một: Bảo vệ chính quyền Assad, thân thiện với Iran, dưới quyền các giáo sĩ Shi A đồng đạo với Assad.
Ngoài mục tiêu bán vũ khí, nước Nga còn có lợi về địa lý chính trị. Syria là nước Á Rập duy nhất còn thân thiện với Nga; và khi nào Iran còn chống Mỹ thì còn tạo lợi thế cho Nga.
Trong khi đó thì đối với các nước Tây phương, việc can thiệp vào Syria là một cuộc phiêu lưu, chỉ có thể được biện minh bằng các lý tưởng như tự do dân chủ, lòng nhân đạo muốn giúp những người dân Syria đang bị chế độ độc tài áp bức.
Nhưng các lý tưởng cao xa đó rất khó thực hiện, nhất là rất khó thực hiện qua việc can thiệp từ bên ngoài. Kinh nghiệm ở các nước Iraq, Ai Cập, Libya cho thấy việc lật đổ một chế độ độc tài có thể dễ dàng, cái khó là xây dựng dân chủ. Tất cả các nước vừa kể đều đang sống trong một chế độ dân chủ bấp bênh. Tại Ai Cập, một chính phủ được dân chúng bỏ phiếu bầu lên ngay sau đó đã nghiêng sang các chính sách độc tài và bị đa số dân chúng phản đối; ông tổng thống bị quân đội lật đổ và không biết đến bao giờ mới tái lập chế độ dân chủ. Chính phủ các nước Afghanistan, Iraq, Libya đang không thể kiểm soát được guồng máy quốc gia vì quyền lợi xung khắc giữa các nhóm chính trị và tôn giáo quá nặng nề; một tình trạng đã bắt rễ từ hàng ngàn năm trước.
Trước tình hình phức tạp đó, nước Mỹ có sẵn sàng bước vào một cuộc phiêu lưu mới tại Syria hay không? Chúng ta thông cảm với dân Mỹ, khi họ ngần ngại không muốn dính vào. Trên đường gần thì có mối lo lật đổ chế độ Assad chỉ làm cỗ cho mấy ông khủng bố al-Qaeda ăn. Trên đường xa thì việc một nước này giúp một dân tộc khác thiết lập chế độ tự do dân chủ rất khó. Khi nào người dân trong một nước đồng ý với nhau cùng tôn thủ pháp luật, cùng biết tôn trọng ý kiến của người khác với mình, và đa số biết tôn trọng những quyền căn bản của thiểu số, thì lúc đó họ mới sẵn sàng để xây dựng dân chủ cho chính họ.
Biết là khó như vậy, nhưng ông Obama không thể rửa tay tuyên bố: Mỹ không muốn dính đến vụ Syria. Một quốc gia muốn đóng vai siêu cường, làm trọng tài cho cả thế giới, thì không thể tuyên bố từ bỏ trách nhiệm “cảnh sát” của mình.
Nhưng can thiệp vào Syria ngay bây giờ thì cũng là một cuộc phiêu lưu không chắc chắn. Vì vậy, nếu ông Sergey Lavrov giúp cho ông John Kerry thực hiện được một giải pháp đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới tay Liên Hiệp Quốc, trong những điều kiện ông Kerry đặt ra để không lo bị Assad và Putin đánh lừa, thì chính quyền Nga sẽ giúp ông tổng thống Mỹ thoát được một thế lưỡng nan đang khó gỡ. Nếu ông Kerry đến Genève mà phải đợi ông ngoại trưởng Nga mấy mấy giờ, thì cũng bõ công chờ đợi.
 Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

Trần Hải Hạc - Một ‘làn sóng mới’ trong điện ảnh Việt Nam ?

Trong buổi sinh hoạt tháng 6 vừa qua tại rạp chiếu bóng La Clef ở Paris, câu lạc bộ Yda (Yêu điện ảnh) đã giới thiệu Thiên mệnh anh hùng, phim võ hiệp của Victor Vũ, và thảo luận về sự trồi lên của một nền điện ảnh thương mại có chất lượng ở Việt Nam. Nguyên phó giáo sư trường đại học Paris 13 và là người phụ trách chính của câu lạc bộ, Trần Hải Hạc đã vui lòng chia sẻ với chúng ta (tạp chí Perspectives France-Vietnam số 86, tháng 7.2013) ý kiến và phân tích của ông. Diễn Đàn ngày 5.9 đã đăng nguyên văn bài phỏng vấn bằng tiếng Pháp này. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc tiếng Việt bản dịch của chính tác giả.

Bộ phim Thiên mệnh anh hùng mà Yda vừa giới thiệu có tiêu biểu cho tiến triển hiện nay của điện ảnh Việt Nam không ?

Những nhận xét của tôi không nhắm bàn về toàn bộ điện ảnh Việt Nam (1), bởi muốn như vậy sẽ phải nói đến điện ảnh nhà nước, đến thực trạng của nó hiện nay – chưa bao giờ sản xuất của các hãng phim nhà nước xuống thấp như vậy, về lượng cũng như về chất. Nhưng đề cập đến vấn đề này sẽ quá dài, vả lại sự xuống dốc của khu vực điện ảnh nhà nước không phải là điều mới mẻ gì. Tôi sẽ giới hạn phát biểu vào những điều ít được nói đến và đang trồi lên, đó là điện ảnh thương mại tư nhân. Bước ngoặt là 2003, năm chính phủ Việt Nam quyết định mở cửa điện ảnh cho vốn tư nhân, kể cả vốn nước ngoài, và trong mọi lãnh vực : sản xuất và nhập phim, phát hành và chiếu bóng, tất cả các hoạt động hôm nay đều mở đối với tư nhân.

Đó không phải là trường hợp của xuất bản, truyền hình hay báo chí. Xuất bản sách vẫn là độc quyền nhà nước, chỉ có hoạt động phát hành là mở cho tư nhân, và hệ quả là các nhà xuất bản ít tự xuất bản mà bán giấy phép cho những tư nhân không có tính pháp nhân để hoạt động xuất bản. Truyền hình cũng thuộc độc quyền của nhà nước, nhưng thực ra chính quyền chỉ nắm độc quyền trên thông tin, bởi tất cả các đài đều bán sóng cho những tư nhân sản xuất chương trình giải trí, văn nghệ, trò chơi hay thể thao, hoàn toàn được tài trợ bằng nguồn quảng cáo. Giống như báo chí, trên nguyên tắc là độc quyền của nhà nước và đảng cầm quyền, nhưng đều sống bằng cách bán ‘manchette’ cho những nhà đầu tư tư nhân, kể cả tập đoàn báo chí nước ngoài.


Trong điện ảnh không có những giả hình đó, vì năm 2003 nhà nước đã từ bỏ độc quyền. Từ ấy, xuất hiện một nền kinh tế điện ảnh tư nhân có khả năng tự tài trợ nhờ hợp nhất các hoạt động sản xuất, nhập phim, phát hành và chiếu bóng : lần đầu tiên, một phần của điện ảnh Việt Nam không cần đến nhà nước bao cấp và trở nên độc lập về mặt kinh tế. Tất nhiên, đây là điện ảnh hoàn toàn thương mại, hướng đến giải trí thuần túy, với những phim hành động và phim hài tình cảm chỉ nhắm công chúng trẻ thành thị. Bản thân tôi thoạt tiên cũng dè dặt, sau kinh nghiệm của phim video tư nhân gọi là « phim mì ăn liền » sản xuất những năm 1990. Quả thật, cho dù ăn khách, điện ảnh thương mại – đặc biệt là loại « phim Tết » – thường mang tiếng là nhảm nhí và ngô nghê. Song, với thời gian, cũng đã xuất hiện những bộ phim được chú ý vì tính chuyên nghiệp của tác phẩm, trình độ kỹ thuật và chất lượng hình thức của nó, mặc dù nội dung, đề tài còn tầm thường. Do hãng Phương Nam sản xuất, bộ phim võ hiệp Thiên mệnh anh hùng (2012) của Victor Vũ, mà Yda vừa chiếu, là ví dụ tiêu biểu. Lấy cảm hứng từ câu chuyện vụ án Lệ Chi Viên đã khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc – thảm kịch lịch sử đã được Evelyne Ferray đưa thành tiểu thuyết Dix mille printemps (Vạn xuân) (2) –, đây là bộ phim tốn kém nhất đến nay của điện ảnh Việt Nam (1,4 triệu USD). Có thể nêu những tác phẩm khác có tham vọng nghệ thuật mà khán giả Yda có dịp khám phá : Hot boy nổi loạn (2011) của Vũ Ngọc Đãng, bộ phim đồng tính đầu tiên của Việt Nam, hay Cánh đồng bất tận (2011) của Phạm Quang Bình, phỏng theo tiểu thuyết nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tư – cả hai bộ phim do hãng BHD sản xuất và được giới thiệu ở liên hoan điện ảnh quốc tế.

Còn Victor Vũ, đạo diễn của Thiên mệnh anh hùng ?

Đóng góp quan trọng của điện ảnh thương mại tư nhân là đã tạo điều kiện cho một thế hệ đạo diễn trẻ trồi lên – thế hệ được đào tạo nhờ tiếp cận với điện ảnh Mỹ và Hàn, đôi khi chỉ qua trung gian của DVD. Đó là trường hợp của Vũ Ngọc Đãng mà bộ phim Những cô gái chân dài (2004, hãng Thiên Ngân sản xuất), xảy ra trong giới người mẫu, đã đánh dấu bước đầu của điện ảnh thương mại, cùng với Gái nhảy (2003) của Lê Hoàng do hãng phim nhà nước sản xuất. Hay Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn Mỹ nhân kế (2013, Thiên Ngân sản xuất), bộ phim Việt Nam hiện nay nắm kỷ lục doanh thu (2,7 triệu USD). Nền điện ảnh mới này đặc biệt trông cậy vào những đạo diễn Mỹ gốc Việt mà một số đông đã tìm thấy ở Việt Nam cơ hội hành nghề không có được ở Hoa Kỳ. Đó chính là trường hợp của Victor Vũ, 38 tuổi, sinh ở California, tác giả phim đầu tay First morning (2003) thực hiện ở Hoa Kỳ, nay đã trở thành nhà làm phim thường xuyên đứng đầu bản doanh thu của điện ảnh Việt Nam. Hay là Charlie Nguyễn, người đã khai trương thể loại phim võ hiệp ở Việt Nam, với Dòng máu anh hùng (2007, hãng Chánh Phương sản xuất).

Điều đáng ghi nhận là Thiên Ngân Galaxy, tập đoàn hiện đứng đầu điện ảnh tư nhân và sản xuất phim chỉ cho đối tượng trẻ, có chính sách tìm tài năng trong những đạo diễn trẻ, đặc biệt ở nước ngoài, đã bộc lộ qua tác phẩm đầu tay: nhà sản xuất không ngần ngại mời những nhà đạo diễn này thử sức trong các thể loại phim được làm cho công chúng trẻ. Chẳng hạn như hai phim kinh dị Khi yêu đừng quay đầu lại (2009) do Nguyễn Võ Nguyên Minh (đạo diễn của Mùa len trâu) thực hiện, và Lời nguyền huyết ngải (2011) do Bùi Thạc Chuyên (đạo diễn của Sống trong sợ hãi) thực hiện. Hoặc hai phim hài tình cảm đang được hoàn thành bởi Hàm Trần (đạo diễn của Vượt sóng), và bởi Nguyễn Đức Minh (đạo diễn của Chạm). Trong khi chờ xem hai bộ phim sau cùng này, có thể nhận xét rằng kinh nghiệm phim kinh dị không mấy xác chứng và cho thấy quả khó lòng gò ép tài của đạo diễn vào thể loại phim không thuộc sở trường của họ.

Thế còn các rạp chiếu bóng mà công chúng chủ yếu là khán giả trẻ ?

Đây là khía cạnh lớn khác trong quyết định năm 2003 của chính phủ nhằm « xã hội hóa », tức phi nhà nước hóa, ngành điện ảnh. Cho đến lúc đó, các rạp chiếu bóng thuộc độc quyền nhà nước, tuy nhiên từ cuối những năm 1980, cùng với chủ trương « Đổi mới » và chuyển sang kinh tế thị trường, nhà nước đã bắt đầu rút giảm ngân sách của những hoạt động văn hóa và giáo dục. Không có kinh phí đầu tư, bảo quản, hệ thống chiếu bóng ngày càng xuống cấp, công chúng không muốn đến rạp xem phim nữa, nhiều phòng chiếu hoặc bị bỏ hoang hoặc chuyển sang kinh doanh ngành khác. Mất thói quen đến rạp, khán giả ở nhà xem phim trên băng video và hiện nay là DVD. Phải đến năm 2003, nhờ có vốn đầu tư của tư nhân, đặc biệt là vốn nước ngoài, những phòng chiếu cũ mới được cải tạo, nâng cấp, và xuất hiện những cụm rạp mới với phòng chiếu có đủ trang thiết bị để tiếp nhận phim nhập từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc... Hai mạng lưới chiếu bóng quan trọng nhất hiện là sở hữu của tập đoàn Hàn Quốc Lotte (7 cụm rạp) và tập đoàn Megastar (10 cụm rạp) của Mỹ, về sau được Hàn Quốc mua lại. Những tập đoàn Việt Nam đứng đầu về sản xuất phim, như Galaxy hay BHD, cũng đứng đầu về nhập phim và có mạng lưới phòng chiếu riêng. Nói chung, trên tổng số hơn một trăm phim phát hành bình quân mỗi năm, tỷ lệ phim Việt Nam không quá 15 %. Cho nên, nếu quả thật là thị trường điện ảnh của Việt Nam có bùng nổ từ những năm 2000 (doanh thu hàng năm tăng từ 2 triệu USD lên đến 47 triệu hiện nay), động lực chủ yếu của nó do hoạt động nhập phim tạo nên.

Cho đến ngày nay, các phòng chiếu bóng chỉ tập trung ở vài thành phố lớn – Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang – trong khi các tỉnh thành còn lại chỉ tiếp cận điện ảnh thông qua truyền hình hay DVD. Và bởi vì các thế hệ lớn tuổi vẫn chưa lấy lại thói quen xem phim ở rạp, công chúng của các phòng chiếu chỉ có các thế hệ trẻ. Từ đó, giới trẻ thành thị trở thành đích nhắm duy nhất của các nhà sản xuất và nhập phim. Song, trong nền điện ảnh thu hẹp vào công chúng trẻ, một số đạo diễn không tìm được chỗ đứng của mình nữa.

Đối với một người như Đặng Nhật Minh thì sao ?

Tác phẩm sau cùng của Đặng Nhật Minh, Đừng đốt (3), là phim do nhà nước đặt hàng và thực hiện ở hãng phim nhà nước. Việc phổ biến bộ phim đã không đạt được sự thành công như quyển sách của Đặng Thùy Trâm, không phải vì nó không được công chúng ưa thích mà vì một lý do thuộc về cơ chế của điện ảnh nhà nước. Một cơ chế quái gở, với một bên là sản xuất phim, một bên là phát hành, phổ biến phim, và hai bên hầu như không liên quan gì với nhau, không bên nào ràng buộc bên nào. Các hãng sản xuất chỉ biết làm ra phim cho đúng với đường lối chính trị của đảng cầm quyền để được ngân sách nhà nước tài trợ hoàn toàn, không cần biết phim làm ra có phổ biến được hay không, có ai sẽ xem hay không. Họ chỉ cần có một buối trình chiếu sản phẩm cho quan chức và báo chí, sau đó bộ phim được xếp vào kho nếu không ai phát hành nó. Trong vài năm trở lại đây, nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng với kinh phí cao hàng chục tỷ đồng đã chịu số phận đó. Còn phía các hãng phát hành và chiếu bóng, mặc dù cùng thuộc khu vực quốc doanh, không có gì bó buộc họ phải phổ biến sản phẩm của các hãng phim nhà nước. Vì doanh thu và tối đa hóa lợi nhuận, các hãng này chọn nhập và phổ biến những phim giải trí có nhiều công chúng hơn là chiếu những phim tuyên truyền không mang lợi bao nhiêu đến cho họ. Chúng ta đứng trước một hệ thống phi lý, trong đó nhà nước sản xuất ra phim mà không phổ biến nó. Ngay Đặng Nhật Minh cũng là nạn nhân của hệ thống đó.

Nói chung hơn, các rạp chiếu bóng, cho dù quốc doanh hay tư doanh, không hề bị bắt buộc phải chiếu phim Việt Nam. Trong khi chính phủ có thiết lập quota chiếu phim Việt Nam trên truyền hình, không có qui định nào tương tự đối với rạp chiếu bóng. Tôi ngờ rằng trong những thương lượng gia nhập WTO, Hoa Kỳ đã nhân danh tự do mậu dịch đòi hỏi chính phủ Việt Nam từ bỏ mọi qui định quota trong điện ảnh, và Hà Nội đã xiêu lòng thay vì bảo vệ, như Paris hay Seoul, ngoại lệ văn hóa. Cho nên Việt Nam hiện nay ở trong tình trạng của một nước đã để tước mất phương tiện bảo vệ nền điện ảnh quốc gia, dù chỉ trong một giai đoan. Điều này càng nghich lý đối với những phim Việt Nam đã được phát hành thương mại ở Pháp, như Mê Thảo - Thời vang bóng của Việt Linh, Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên hay Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di : trong khi những tác phẩm này đã đứng rạp đến ba tháng ở Paris, chúng đã biến khỏi các màn ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ một hay hai tuần sau khi được chiếu, để nhường chỗ cho những phim bom tấn của Hollywood.

Hệ thống hiện tại của điện ảnh Việt Nam có khả năng cải cách chăng ?

Mỗi khi cục điện ảnh, thuộc bộ văn hóa, thay đổi những người trách nhiệm, họ đều được mời sang Paris và được Trung tâm điện ảnh quốc gia Pháp (CNC) giới thiệu hệ thống hỗ trợ điện ảnh của nước Pháp. Bây giờ, họ cũng được mời sang Seoul và được đồng nghiệp Hàn Quốc trình bày cách thức nước họ xây dựng nền điện ảnh quốc gia. Như vậy, các người trách nhiệm điện ảnh Việt Nam đều nắm rõ những vấn đề, và nếu hệ thống không có cải cách, không phải vì thiếu hiểu biết hay thiếu phương tiện, mà là vì thiếu vắng ý chí chính trị: cụ thể là ý chí đương đầu với các nhóm lợi ích đang chi phối điện ảnh nhà nước và điện ảnh tư nhân.

Một bên là nhóm lợi ích của giới quản lý điện ảnh nhà nước mà khu vực ở trong tình trạng hấp hối. Họ chống mọi cải cách điều chỉnh lại trọng tâm của hoạt động quốc doanh, và còn chủ trương phát triển thêm lĩnh vực của nó, với ý đồ không phải là sản xuất phim nhiều hơn với chất lượng cao hơn, mà là được ngân sách nhà nước đầu tư nhiều thêm vào các đề án xây dựng cơ sở vật chất và nhập khẩu thiết bị – là hai nguồn tham ô chính để làm giàu cá nhân.

Bên kia là nhóm lợi ích của giới chủ điện ảnh tư nhân, mà sự giàu lên gắn với hoạt động chiếu bóng, tức nhập phim, hơn là hoạt động sản xuất phim. Họ bảo vệ chính sách tự do nhập phim hiện nay, và chống mọi đề xuất thiết lập quota phim Việt Nam trong hoạt động chiếu bóng. Cũng như họ không sẵn sàng chấp nhận bó buộc phải đầu tư trở lại vào sản xuất một phần nhất định của lợi nhuận thu được trong hoạt động phổ biến phim. Và họ chỉ miễn cưỡng tán thành chủ trưong thành lập một quỹ hỗ trợ sản xuất điện ảnh trích từ doanh thu bán vé ở các rạp. Bề ngoài, hai nhóm chi phối điện ảnh nhà nước và điện ảnh tư nhân có vẻ như đối lập nhau, nhưng thật ra hai bên đều tìm thấy lợi ích của họ trong sự duy trì hệ thống hiện hành, mặc dù những bất nhất của nó, hay đúng hơn chính vì những bất nhất đó.

Viễn cảnh nào cho điện ảnh Việt Nam ?

Tình hình tuy vậy không hoàn toàn bế tắc. Bởi, nếu không thể trông đợi gì ở những hãng phim nhà nước mà tất cả đã kiệt sức, nền sản xuất phim tư nhân, với tính năng động của nó, có khả năng làm xuất hiện những yếu tố mới trong cảnh quan của điện ảnh Việt Nam. Chỉ riêng bình diện kỹ thuật, có thể ghi nhận rằng chất lượng hình ành và nhất là âm thanh – điểm yếu lâu nay của phim Việt Nam – đã được nâng lên đáng kể. Trên một bình diện khác, ngay ở người làm phim cũng có chuyển biến, biểu lộ qua hành xử mang tính chuyên nghiệp, khác với lối hành xử đại khái, mặc kệ, tương đối phổ biến về sau này trong môi trường điện ảnh. Các giải Cánh diều năm 2013 của Hội điện ảnh Việt Nam đă thừa nhận điều đó khi trao cho Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ đến năm giải nhất : phim, đạo diễn, hình ảnh, âm thanh, nam diễn viên. Scandal (2012), bộ phim thứ hai của Victor Vũ cùng dự thi, giành thêm hai giải nhất của báo chí phê bình và nữ diễn viên. Cánh diều 2013 này đánh dấu một bước ngoặt, bởi lần đầu tiên một bộ phim của điện ảnh tư nhân giành được giải vàng, mà cho đến nay chỉ trao cho phim của điện ảnh nhà nước. Phải nói rằng trong 11 phim truyện dự thi năm nay, chỉ có 2 phim do hãng nhà nước sản xuất, còn lại là những sản phẩm của hãng tư nhân – dấu hiệu của tương quan lực lượng đã đảo chiều.

Song, sự phát triển của điện ảnh thương mại tư nhân gặp phải những giới hạn đặt ra bởi cơ chế kiểm duyệt, không chỉ là kiểm duyệt chính trị của nhà nước mà còn có kiểm duyệt kinh tế của thị trường. Kiểm duyệt chính trị có thể đánh vào cả những phim giải trí thuần túy. Điều này vừa xảy đến cho Bụi đời Chợ Lớn (2013), bộ phim mới nhất của Charlie Nguyễn (Chánh Phương sản xuất) mô tả cuộc giao chiến giữa hai băng đảng xã hội đen giành nhau địa bàn trong các quận của Chợ Lớn. Quyết định cấm phổ biến tác phẩm lấy cớ là hiện thực bạo lực cực kỳ phản ảnh trong phim không đúng với hiện thực cuộc sống của Thành phố Hồ Chí Minh – 18 năm trước đây, Cyclo của Trần Anh Hùng đã là nạn nhân của thứ án này.

Là loại kiểm duyệt không nói tên, kiểm duyệt kinh tế do các chủ vốn đầu tư tiến hành đối với những đề án phim mà thể loại hay phong cách không tương ứng với công chúng họ nhắm tới. Nạn nhân trước tiên là các phim nghệ thuật, còn gọi là « phim tác giả ». Những phim như Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di, Đó… hay đây của Siu Phạm chỉ có thể ra đời bên lề của điện ảnh thương mại, trong khuôn khổ của sản xuất độc lập có hỗ trợ tài chính của nước ngoài.

Riêng tôi muốn được tin rằng, cùng với quỹ hỗ trợ sản xuất điện ảnh mà nhà nước dự kiến thành lập, nỗ lực da dạng hóa công chúng của điện ảnh thương mại sẽ tạo điều kiên thuận lợi hơn cho « điện ảnh tác giả » có chỗ đứng. Chí ít, đây là một viễn cảnh có thể vạch ra, mà không phi thực tế, cho điện ảnh Việt Nam.
Trần Hải Hạc

Yda tròn 5 tuổi


Thành lập năm 2008, Yda là một câu lạc bộ về điện ảnh Việt Nam mà những sinh hoạt – tổ chức cùng với hội Echanges culturels et économiques France-Vietnam – diễn ra tại rạp chiếu bóng La Clef ở Paris. Câu lạc bộ giới thiệu những phim không phổ biến ở Pháp do không được phát hành, hay những phim khó tiếp cận ngay cả ở Việt Nam do không có nơi chiếu hoặc bị cấm phổ biến. Yda còn mang đến cho các phim một giá trị tăng thêm do phim được chiếu với phụ đề tiếng Pháp và kèm theo phần thảo luận với sự hiện diện, nếu có thể, của đạo diễn. Vậy nên, câu lạc bộ đã tiếp đón Đặng Nhật Minh, Việt Linh, Vinh Sơn, Phan Đăng Di, Đoàn Hồng Lê, Lê Lâm, André Menras, Síu Phạm và Jean-Luc Mello… Hàng năm, Yda cũng đón tiếp liên hoan phim ngắn trực tuyến YxineFF.
Trong 5 năm hoạt động, Yda đã giới thiệu 67 phim, gồm 18 phim truyện dài, 23 phim truyện ngắn và 26 phim tài liệu. Trong các phim truyện đã đánh dấu sinh hoạt của câu lạc bộ có : Đừng đốt của Đặng Nhật Minh, đã thu hút công chúng đông đảo nhất ; Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di, được chiếu từ phiên bản gốc chưa bị nhà nước Việt Nam kiểm duyệt và trước khi bộ phim được phát hành thương mại ở Pháp ; Đó… hay đây của Síu Phạm, vì vai trò quan trọng của thảo luận phim với đạo diễn và diễn viên.
Trong những phim tài liệu có chất lượng được khán giả Yda khám phá, có thể kể : Đất thuộc về ai ? do Đoàn Hồng Lê thực hiện trong chương trình đào tạo Varan, một cuộc điều tra nóng bỏng ở Quảng Nam về vấn đề tước đất của nông dân từng tham gia kháng chiến để giao cho nhà đầu tư Mỹ xây dựng sân golf ; Xẩm đỏ của Lương Đình Dũng, chân dung quay tại Ninh Bình của nghệ sĩ hát xẩm Hà Thị Cầu, báu vật sống của một di sản dân gian đang mai một, một tài liêu chân thực hiếm có khiến nó bị cấm phổ biến ở Việt Nam ; Trong hay ngoài tay em của Trần Phương Thảo và Swann Dubus, hành trình của hai thanh niên ở Điện Biên Phủ nghiện heroin và dương tính với HIV, một người bấu víu vào tình yêu của gia đình để sống, người kia từ bỏ cai nghiện để chờ chết – quả là bộ phim tài liệu xuất sắc nhất đến nay được sản xuất ở Việt Nam.
Để được thông tin về những sinh hoạt của Yda : cineclub.yda@gmail.com
------------------------------
(1) Để có một cái nhìn toàn diện về sản xuất điện ảnh của Việt Nam từ sau bước ngoặt « Đổi mới » năm 1986, có thể đọc bài giới thiệu và nhận định đáng chú ý của Philippe Dumont : Vingt-cinq ans de cinéma vietnamien (1986-2011).

Xem thêm tài liệu về lịch sử điện ảnh Việt Nam của cùng tác giả : « Les multiples naissances du cinéma vietnamien » trong Le cinéma vietnamien / Vietnamese Cinema, Lyon, Asiexpo, 2007 (trg. 21-60.). Tài liệu này được đăng lại trong Le cinéma d’Asie du Sud-Est / Southeast Asian Cinema, Lyon, Asiexpo, 2012 (trg. 551-603). Và có thể tìm đọc cả hai phần – trước và sau năm 1986 – trên mạng La Revue des Ressources. Phần 1 : « Les débuts du cinéma vietnamien ».

(2) Do Julliard xuất bản năm 1989, bộ sách nhận được giải thưởng Asie và được xem như là một tác phẩm quy chiếu về Việt Nam thời xưa. Nó được tái bản thành 2 tập trong tủ sách Piquier / poche năm 1996.

(3) Xem  : http://www.aafv.org/ung-dot-Ne-le-brulez-pas-de-Dang
 

Con gái một viên chức cao cấp công an Bình Nhưỡng đào thoát sang Hàn Quốc

Hãng tin Pháp AFP ngày 16/09/2013 dẫn nguồn tin từ các nhà hoạt động ở Seoul cho biết : Con gái một viên chức Bộ Công an phụ trách các hoạt động ở Bình Nhưỡng đã đào thoát sang Hàn Quốc. Việc một thành viên thuộc giai cấp lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên đi tị nạn là một sự kiện hết sức hiếm hoi.

Cảnh người tỵ nạn Bắc Triều Tiên (mang kính đen và khẩu trang) đến sân bay Incheon, Seoul. Ảnh minh họa chụp ngày 04/10/2011.
Cảnh người tỵ nạn Bắc Triều Tiên (mang kính đen và khẩu trang) đến sân bay Incheon, Seoul. Ảnh minh họa chụp ngày 04/10/2011. Reuters
Cô gái 19 tuổi, chỉ biết được họ là Han, là con một viên chức cao cấp của Bộ Công an, chịu trách nhiệm về các hoạt động của công an tại Bình Nhưỡng. Một nhà hoạt động nhân quyền giấu tên - người đã giúp đỡ cô đào thoát - cho AFP biết như trên.

Cô Han đang theo học tại một trường đại học ở Bắc Kinh. Han quyết định bỏ trốn sang Hàn Quốc bằng cách đi sang một nước thứ ba – cách mà những người Bắc Triều Tiên thường dùng, hồi tháng Năm. Từ khi đến Seoul, cô phải trải qua một loạt xét hỏi của cơ quan tình báo Hàn Quốc. Cơ quan này từ chối đưa ra lời bình luận với AFP.

Những người Bắc Triều Tiên đào thoát nếu bị bắt tại Trung Quốc đều bị gởi trả về nước, và có nguy cơ bị chế độ Bình Nhưỡng tống vào các trại cải tạo, thậm chí bị tử hình. Còn đối với những người đến được Hàn Quốc an toàn, thì Bình Nhưỡng thường bách hại thân nhân của họ đang còn ở lại Bắc Triều Tiên.

Đa số những người tị nạn đi trốn cảnh nghèo và nạn đói. Tuy nhiên đối với giới ăn trên ngồi trước, được hưởng vô số lợi ích vật chất, thì việc đào thoát là điều rất hiếm khi xảy ra.

Thụy My

(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét