Ông Đào Hồng Tuyển, chủ tịch tập đoàn Tuần Châu ở tỉnh Quảng Ninh,
chia sẻ với chủ biên trang kinh doanh của BBC Linda Yueh trong cuộc
phỏng vấn tại thành phố Hạ Long.
Ông cũng cho rằng Việt Nam không cần phải bỏ “hàng tỉ đôla để mua vũ khí” mà cần làm “bạn đúng nghĩa” với các nước.
Linda Yueh: Ông suy nghĩ rất nhiều về các
vấn đề của Việt Nam và ông có nói đất nước này đang trải qua giai đoạn
khó khăn hơn trước vì thế giới cũng đang gặp khó khăn. Ông có tìm thấy
giải pháp cho Việt Nam không?
Đào Hồng Tuyển: Tôi nghĩ rằng nó phải kết hợp rất
nhiều lĩnh vực khác nữa. Tôi muốn nói về vấn đề chính trị. Chắc chắn
những nhà chính trị Việt Nam phải có tư duy thay đổi một cách mạnh mẽ
hơn. Thay đổi về cơ chế, thậm chí phải thay đổi một phần thể chế, một
cách mạnh mẽ và thay đổi toàn diện với quyết tâm cao. Đất nước Việt Nam
mới có thể vượt lên được trong tình hình hiện nay.
Hay nói cách khác, phải có một đường lối đổi mới toàn diện. Đồng thời
phải được toàn dân tộc ủng hộ. Đặc biệt những nhà khoa học, đặc biệt
những nhà kinh tế và được quốc tế hỗ trợ. Như thế Việt Nam cũng sẽ sớm
trở thành một quốc gia phát triển.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam, như ban đầu tôi nói, phải nghĩ mới và làm
mới, nghĩ khác và làm khác. Chỉ có nghĩ mới và làm mới, nghĩ khác và làm
khác, đương nhiên chúng ta hiểu theo nghĩa là làm mới, làm khác tốt đẹp
hơn, sáng tạo hơn thì mới đưa dân tộc tiến lên được.
Các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo cũng phải dũng cảm, dám cắt bỏ
tất cả những cái ung nhọt, tư duy cũ kỹ, lối mòn về suy nghĩ để tìm một
con đường cho dân tộc, thông minh hơn, sáng tạo hơn, và quốc tế hơn.
“Các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo cũng phải dũng cảm, dám cắt bỏ
tất cả những cái ung nhọt, tư duy cũ kỹ, lối mòn về suy nghĩ để tìm một
con đường cho dân tộc, thông minh hơn, sáng tạo hơn, và quốc tế hơn.”
Và tôi cũng nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam nên nhìn thẳng vào sự
thật, mặc dù sự thật đó rất đau lòng. Chúng ta phải bỏ cái nhìn trên
những đống hồ sơ giấy tờ một cách đẹp đẽ và sạch sẽ nhưng sự thật nó
không phải là như vậy. Tôi muốn nói điều này, là các nhà lãnh đạo phải
khai tử hàng loạt tất cả những tập đoàn của nhà nước làm ăn không hiệu
quả, mang tất cả những tài sản đó bán, khoán, cho thuê, tạo động lực
mới, chấp nhận một sự mất mát cần thiết để tạo động lực mới cho xã hội,
cho đất nước.
Bởi lẽ các bạn biết, hiện nay hệ thống doanh nghiệp của nhà nước quản
lý đang nắm một nguồn tài nguyên, nguồn tài sản quốc gia rất là lớn
nhưng hiệu quả rất là thấp cho nền kinh tế đất nước. Có những tập đoàn
nhà nước còn trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Theo tôi nên
bán, hoặc là đầu thầu, khoán, cho thuê tất cả những tài sản đó để tạo
một động lực mới cho xã hội, cho đất nước.
Và như các bạn biết, đất nước chúng tôi 80% là nông nghiệp. Mà trên
thế giới, chẳng có một quốc gia nông nghiệp nào mà trở thành hùng cường
cả, nếu đi theo con đường nông nghiệp, phát triển nông nghiệp. Chiến
lược phát triển của Việt Nam cũng phải thay đổi, thậm chí cái phát triển
nông nghiệp phải giảm xuống chỉ còn 1/3 mà thôi, để dành những nguồn
lực ấy, tài nguyên ấy chuyển sang, chuyển đổi sang lĩnh vực khác, có
hiệu quả hơn. Vì không một quốc gia nào trên thế giới mà làm nông nghiệp
mà trở thành hùng cường.
Linda Yueh: Theo ông, cải cách hiện nay có quá chậm không?
Theo tôi cũng không chỉ là chậm mà vẫn chưa phải là thực sự thông
minh. Sẽ còn nhiều cách đi khác nữa. Còn những cách đi mạnh mẽ hơn, sâu
sắc hơn. Cái đổi mới như bạn nói chậm là chưa đủ, nhưng thậm chí chưa
sâu sắc, chưa đồng bộ. Còn thiếu sự sâu sắc và thiếu sự đồng bộ. Thiếu
cả sự sáng tạo nữa.
Và còn một điều nữa, Việt Nam phải trở thành một
cái nơi mà cho tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới nhìn Việt Nam
với một cặp mắt thiện cảm. Việt Nam muốn phát triển, phải làm bạn, mà
bạn đúng nghĩa với các dân tộc trên thế giới. Sự yêu thương, tin cậy, và
quý mến của cộng đồng quốc tế, để giúp cho sự phát triển của Việt Nam
là vô cùng quan trọng.
Việt Nam phải quốc tế hóa. Theo tôi, phải quốc tế hóa Việt Nam. Nếu
làm được điều đó thì Việt Nam đã là bạn đúng nghĩa với các dân tộc trên
thế giới. Không cần phải mất hàng năm hàng tỉ đôla để mua vũ khí. Và
Việt Nam phải trở thành ốc đảo của hòa bình, ốc đảo của sự sáng tạo, và
lòng nhân ái.
Linda Yueh:Vậy việc bình thường hóa quan hệ
với Mỹ, với phần còn lại của thế giới, quan trọng thế nào? Quan hệ quốc
tế có phải là một thay đổi chủ chốt trong những gì ông đang mô tả?
Tôi cho rằng là vô cùng quan trọng. Các bạn biết, người Việt ở Mỹ
hiện nay trên 2 triệu người. Và đó là một lực lượng rất tiềm năng để xây
dựng đất nước. Và đối với một quốc gia hùng cường hàng đầu của thế
giới, Việt Nam là một nước nghèo, rất cần cái hợp tác thân thiện, hợp
tác bình đẳng và hỗ trợ của công nghệ, thậm chí cả tài chính của Hoa Kỳ.
Và nói cách khác, nếu thực sự người Mỹ, chính phủ Mỹ và người dân Mỹ
muốn làm cho khu vực Đông Nam Á và khu vực Châu Á này hòa bình ổn định
thì chính phủ Mỹ nên ủng hộ Việt Nam, nên giúp đỡ Việt Nam, để có sự cân
bằng cần thiết cho hòa bình ổn định tại khu vực này.
Linda Yueh:Ông có thể chia sẻ bí quyết thành công của ông?
Tôi nghĩ rằng là ai cũng hoài bão và ai cũng có ước mơ. Suy nghĩ của
tôi là hãy nghĩ khác và làm khác. Hãy nghĩ những gì mà thiên hạ chưa
nghĩ. Hãy làm những gì thiên hạ có thể đã nghĩ, mà chưa làm, chưa dám
làm.
Cuộc phỏng vấn của phóng viên Linda Yueh thực hiện tại Việt Nam. Đây là một phần của Mùa Việt Nam trên BBC trong tháng Tám.
Theo BBC
Không cải cách doanh nghiệp Nhà nước, không ai ‘chơi’ với
Mặc dù đã là thành viên của
một tổ chức thương mại lớn nhất thế giới như WTO, nhưng công cuộc cải
cách DNNN của VN vẫn rất chậm chạp, thậm chí mù mờ.
LTS: Yêu cầu cải cách, tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm
là các Tập đoàn kinh tế nhà nước đang đặt ra hết sức bức thiết với VN.
Đặc biệt, theo một số chuyên gia nhận định, đây đang là “bức tường” vô
hình nhưng kiên cố gây trở ngại cho VN trước các “cuộc chơi” quốc tế,
chẳng hạn như TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Đã nhiều lần “lỡ đò”
Trước khi VN tham gia hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) vào năm
2002, đã có nhiều hy vọng về cải cách DNNN. Bởi yêu cầu lớn bao trùm là
“Cải cách, cải cách hơn nữa; mở cửa, mở cửa hơn nữa” để “DN tư nhân được
tự do phát triển, thúc đẩy DNNN phải đổi mới và phải thiết lập một loạt
thể chế về thị trường”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những yêu cầu này đều là định
hướng thị trường theo tiêu chuẩn của WTO mà chúng ta chỉ cần bám vào đó
xây dựng luật để tham gia vào “cuộc chơi” lớn toàn cầu.
Tuy nhiên, đáng tiếc là cơ hội và cũng là yêu cầu cần thiết đó chúng
ta chưa làm được sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Có 3 cam
kết cơ bản về cải cách DNNN lẽ ra chúng ta phải thực hiện nhưng lại đang
“mắc nợ”:
Thứ nhất là DNNN phải hoạt động trên cơ sở thương mại, tức
là phải bình đẳng với các thành phần DN khác. Đó mới là điều quan trọng,
còn các nước không quan tâm việc Việt Nam có nhiều hay ít DNNN.
Thứ hai, đầu tư của DNNN không thể xem là đầu tư của Nhà
nước, tức là Nhà nước không được đổ tiền vào DNNN. DNNN muốn đầu tư phải
huy động vốn từ thị trường, từ đó chịu sức ép như bao thành phần khác
để hoạt động hiệu quả.
Thứ ba, Nhà nước chỉ được chi phối DN theo tỷ lệ cổ phần góp
vốn, chứ không phải DN chỉ 20% vốn Nhà nước mà vẫn được xem là DNNN
để được hưởng mọi ưu đãi, đặc quyền đặc lợi.
Mặc dù đã trở thành thành viên của một tổ chức thương mại lớn nhất
thế giới như WTO, nhưng công cuộc cải cách DNNN của Việt Nam vẫn rất
chậm chạp, thậm chí lôi thôi mù mờ.
Cuộc khủng hoảng kinh tề toàn cầu diễn ra ngay sau khi Việt Nam gia
nhập WTO khiến cho tổ chức này phải bận tậm vào nhiều vấn đề khác, nên
yêu cầu cải cách DNNN của Việt Nam ít được quốc tế quan tâm.
Lẽ ra, nếu công cuộc cải cách được thực hiện nghiêm túc thì Việt Nam
đã có thể tránh được những thảm họa như Vinashin và hàng loạt hệ lụy; đã
ngăn chặn được nhiểu đổ vỡ thiệt hại vô cùng nặng nề xảy ra sau đó, kéo
dài cho đến nay.
Bà Phạm Chi Lan nhận xét: “Vấn đề ở đây không phải vì người ta bỏ
lơ mà mình không thực hiện. Lẽ ra những cam kết đó phải được thực
hiện đầy đủ, trước hết vì chúng ta, để đẩy mạnh cải cách, tạo ra sự minh
bạch nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tốt cho kinh tế phát triển”.
Kỳ vọng trước ngưỡng cửa TPP
Những vòng đàm phán tiếp theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP) gồm 12 quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương đang tiếp tục diễn ra
(từ năm 2010 đến nay). Trong đó, vòng đàm phán về DNNN và cơ hội để cải
cách toàn diện đã được đề cập và là nội dung quan trọng được nhiều quốc
gia quan tâm.
Nội dung này có một số khác biệt ở từng quốc gia. Đối với Hoa Kỳ thì
nguyên tắc về minh bạch và cạnh tranh tạo ra sân chơi bình đẳng giữa
DNNN và DN tư nhân được đề cao ở cấp liên bang.
Đối với Australia, DNNN vẫn có thể kinh doanh trên một hệ thống bình
thường, tuy nhiên, nếu có DN nào được hưởng lợi ích từ vị thế của DNNN
thì phải nộp lại cho Nhà nước lợi ích đó. Singapore đưa ra quy tắc cạnh
tranh cần áp dụng cho hành vi kinh doanh, không nên áp dụng cho chủ thể…
Dù có những khác biệt nhất định trong vòng đàm phán, song nền tảng
thị trường là yếu tố bất di bất dịch ở các quốc gia thành viên TPP trong
tương lai. Cho nên, dù kết quả đàm phán có như thế nào, thì kiểu hoạt
động như của các DNNN Việt Nam bấy lâu nay sẽ không có đất tồn tại trong
“sân chơi” TPP. Kể cả các “sân chơi” khác như WTO, BTA cũng vậy.
Đã trải qua những cơ hội bị ”lỡ chuyến”, nên đứng trước ngưỡng cửa
TPP lần này rất nhiều ý kiến quan tâm đến công cuộc cải cách, tái cơ cấu
DNNN.
Trong cuộc tọa đàm cập nhật đàm phán TPP diễn ra ngày 21/8/2013 tại
TP.HCM, đã có nhiều ý kiến bi quan về tiến độ cải cách DNNN thời gian
qua. Thậm chí có ý kiến khá gay gắt khi cho rằng, sau khi gia nhập WTO,
những quy định minh bạch hóa, bình đẳng trong hoạt động giữa các thành
phần kinh tế đã bị thực hiện méo mó, biến dạng đi. Vậy liệu công cuộc
cải cách, tái cơ cấu DNNN có thể thực hiện được không trước cơ hội TPP?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra thận trọng trước câu hỏi này.
Bà nói: “Tôi nghĩ chúng ta đang bị sức ép từ kinh tế nội địa rất lớn
và đang bị đẩy tới tình huống “không thể không làm”!
Theo đó, tình huống hiện nay rất giống với trước khi VN gia nhập WTO:
nền kinh tế đang tụt dốc mạnh, tăng trưởng chậm, kéo dài, mức tăng
trưởng 5 năm dự báo cực kỳ thấp. Số DN bị ”chết” đã lên tới trên
200.000. Ngân sách Nhà nước cạn kiệt. Vì vậy, các yêu cầu của cải cách
trong nước và sức ép của hội nhập bắt buộc chúng ta phải vượt lên.
“Hơn nữa, Việt Nam không còn đường lùi nếu không tiến lên. Sức ép từ
cộng đồng ASEAN, từ Trung Quốc còn mạnh mẽ và áp lực hơn nữa.”- bà Phạm
Chi Lan chỉ ra. “Đây là bài toán của đất nước và cũng là thời điểm phải
có thay đổi, không thể chậm trễ thêm nữa” – nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Cần có sự đánh đổi ?
Nếu yêu cầu phải cải cách, đổi mới đặt ra vô cùng cấp bách,
thì vấn đề tiếp theo là cải cách, tái cơ cấu như thế nào còn cấp bách
hơn nữa.
Bà Phạm Chi Lan thừa nhận: “Việc tái cơ cấu được đặt ra như thế nào,
cải cách ra sao, gồm những gì trong các đề án thì bản thân chúng tôi
thực sự không biết!”. Những yêu cầu cơ bản như công khai, minh bạch hãy
còn chưa ló dạng đang là nỗi lo lớn.
Nỗi lo lắng càng tăng lên khi gần đây có những dấu hiệu bất hợp lý
rất rõ ràng nhưng lại chưa được quan tâm và xử lý. Chẳng hạn, chỉ cần
cắt vài dự án lớn của DNNN là có thể giúp ngành dệt may, hiện là một
trong “tứ trụ” xuất khẩu có kim ngạch lớn và đang rất cần đầu tư? Hoặc
nền nông nghiệp đang vô cùng khó khăn cần được cứu, thì lại đặt vấn đề
cứu bất động sản? Hoặc tiền của các ngân hàng đang không thiếu nhưng
nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn, v.v…
Trước thực tế đó, bà Phạm Chi Lan nhận định: “Giờ đang là lúc
phải đánh đổi. Đánh đổi lợi ích nhóm lấy lợi ích cho nền kinh tế. Theo
tôi biết, lãnh đạo không phải không biết, nhưng đã đến lúc phải có cái
thế rất mạnh để dám làm!”.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho
rằng: “Chúng ta đã tham gia “cuộc chơi” WTO. “Cuộc chơi” có 150 người
trong WTO sẽ dễ hơn “cuộc chơi” có 12 người như TPP. Nếu chúng ta không
chuẩn bị thì sẽ không chơi với ai được!”.
Theo TuanVietNam
Giải mã nguyên nhân chính khiến nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam đổ bể
Việt Nam đang ở mức dưới trung bình về quản trị công ty (QTCT) và ngân hàng.
Nội dung nổi bật:
- - Nguyên nhân chính: Quản trị công ty kém.
- -
Quyền lực tập trung quá nhiều vào một người, trong khi mô hình đó chỉ
phù hợp với công ty nhỏ, thị trường ổn định và ít cạnh tranh.
- - Các thành viên HĐQT thiếu tính độc lập, hoặc chỉ độc lập “giả vờ”. Ban kiểm soát không giám sát nổi HĐQT và ban điều hành.
Trong kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp (DN) niêm yết lớn của Ủy ban
Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) năm 2011, điểm QTCT của các doanh nghiệp
(DN) đạt 42,5%, mức dưới trung bình trên thang điểm 100%. Tài chính,
ngân hàng được xem tốt hơn các lĩnh vực khác về quản trị, nhưng chỉ số
khảo sát cũng chỉ đạt 43%.
Các nước đã tiến khá xa trong lĩnh vực QTCT, với hai mô hình cơ bản.
Thứ nhất, mô hình một cấp của Mỹ, không có ban kiểm soát, thay vào
đó, các ủy viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập, không điều hành đóng
vai trò giám sát.
Thứ hai, mô hình hai cấp, chủ yếu ở châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam,
ban kiểm soát giám sát hoạt động của HĐQT, ban điều hành và bộ máy bên
dưới, đặc biệt liên quan đến cơ chế, chính sách, quy trình.
Nếu so sánh, không mô hình nào hiệu quả hơn mô hình nào, bởi khủng
hoảng vẫn xảy ra tại Mỹ với mô hình một cấp và tại Nhật Bản với mô hình
hai cấp, cho nên, vấn đề không nằm ở mô hình mà quan trọng là chất lượng
QTCT.
Việt Nam có cả hai mô hình trên song vấn đề của Việt Nam khác với các
nước. Trong một DN hay ngân hàng có 3 cấp độ QTCT là HĐQT, ban giám đốc
điều hành và các phòng ban thừa hành. Qua cấu trúc này có thể thấy,
trách nhiệm, vai trò của các bên liên quan trong một DN hay ngân hàng.
Quyền lực tập trung vào một người mang lại nhiều cái xấu hơn là tốt,
nên nó chỉ phù hợp với ba điều kiện: DN nhỏ, thị trường ổn định và ít
cạnh tranh. Đối chiếu vào ba điều kiện này, nhiều DN lớn của Việt Nam
hiện nay có vấn đề về QTCT.
6 khuyến nghị đối với QTCT tại Việt Nam
- - Cơ cấu HĐQT hợp lý, hiệu quả
- - Trách nhiệm rõ ràng
- - Công bằng với cổ đông
- - Minh bạch
- - Trách nhiệm xã hội
- - Nghiên cứu bài học QTCT Vinashin và Vinalines
Việt Nam không thiếu luật liên quan đến QTCT, chẳng hạn Nghị định
59/2009 của Ngân hàng Nhà nước, gần đây là Thông tư 121/2012 của UBCKNN.
Tuy nhiên, các quy định về QTCT áp dụng chủ yếu với hai loại DN: Niêm yết và công ty đại chúng.
Câu hỏi đặt ra, với những công ty không niêm yết, không phải là công
ty đại chúng thì QTCT như thế nào? Không ai quy định, đó là một lỗ hổng,
chưa kể đến các quy định liên quan khác vẫn thiếu và yếu, ví dụ minh
bạch thông tin.
QTCT có một số yếu tố rất cơ bản, ví dụ, quan hệ với cổ đông, quan hệ
với kiểm toán, quan hệ với HĐQT, đặc biệt liên quan đến cơ cấu hoạt
động, liên quan đến ban kiểm soát, các ủy viên độc lập, liên quan đến
kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ. Một điểm khác biệt, việc quản lý rủi
ro đối với DN là bình thường, thì với các ngân hàng lại là vấn đề đặc
biệt quan trọng.
Ngoài ra, trong HĐQT hiện nay có rất nhiều ủy ban, trong khi theo
Nghị định 79, chỉ bắt buộc ủy ban kiểm tra và tổ chức nhân sự. Ở đây, có
một điểm cần làm rõ, các ủy ban này chủ yếu là tư vấn cho HĐQT chứ
không phải chịu trách nhiệm chuyên môn, pháp lý đối với HĐQT.
Mặt khác, hầu hết các ban kiểm soát không làm hoặc làm không đầy đủ
hai việc quan trọng là giám sát HĐQT, ban điều hành và rà soát sự đồng
bộ trong cơ chế, chính sách. Họ mới chỉ dừng lại ở việc soát xét các báo
cáo kiểm toán, báo cáo tài chính.
Một vấn đề nữa, việc một người là ủy viên HĐQT kiêm điều hành là bất
cập và một trong những bất cập lớn nhất là mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt
là cho vay “sân sau”. Trên thế giới, đặc biệt mô hình một cấp của Mỹ,
nhấn mạnh việc không kiêm nhiệm.
Tại Mỹ có khoảng 63% ủy viên HĐQT là ủy viên độc lập, tại Hàn Quốc,
số ủy viên HĐQT độc lập chiếm tới 63%.Trung quốc cũng làm khá tốt trong
việc này, từ năm 2002, các ngân hàng có hẳn hệ thống yêu cầu về ủy viên
HĐQT độc lập.
Khảo sát của chúng tôi tại bốn ngân hàng lớn của Trung Quốc, số lượng
ủy viên HĐQT từ 15-17 người. Tất nhiên, quy mô ngân hàng của họ lớn,
nhưng phải thấy rằng, Trung Quốc đang tiệm cận theo hướng của Mỹ, điển
hình là Ngân hàng Ngoại thương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc có một vấn đề khá giống Việt Nam là giao dịch
“sân sau”, hay còn gọi là giao dịch từ các bên liên quan. Vì vậy, các
ngân hàng Trung Quốc bắt buộc phải có một ủy ban kiểm soát giao dịch
liên quan, cái này Việt Nam nên tham khảo.
Còn tại Việt Nam, Nghị định 59 quy định, từ năm 2009, khối ngân hàng
phải có hội đồng độc lập, nhưng hiện nay rất nhiều ngân hàng chưa có hội
đồng này, hoặc có, nhưng chưa có ủy viên độc lập. Sơ bộ thấy rằng, đây
là bất cập lớn, thanh tra giám sát cần phải có tiếng nói về vấn đề này.
Quản trị là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều tập đoàn,
công ty lớn của Việt Nam đổ bể, xuất phát từ một doanh nghiệp ngành dâu
tằm tơ năm 1999 và gần đây là Vinashin và Vinaline.
Việt Nam thiếu căn bản 6 chữ vàng về chuẩn QTCT của OECD (cơ cấu và
quy trình hợp lý, minh bạch, công bằng, trách nhiệm, giải trình, đối sử
với các bên liên quan) và đang có vấn đề cả trong 6 nội dung này.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Chính quyền có bao che?
Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, ô nhiễm môi trường, các
cơ sở tư nhân mọc lên như nấm, nhất là dọc hai bên bờ sông Kinh Thầy,
gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân nơi đây.
Không lẽ chính quyền huyện Kinh Môn (Hải Dương) làm ngơ?
Cơ sở sản xuất hóa chất chui của Công ty 1369 xả khói độc hại
Đỉnh điểm của vụ việc là ngày 13/6/2013, nhân dân xã Duy Tân dựng lều
bạt, phá đường, cắt cử người trông coi không cho phương tiện ra vào khu
vực Công ty Trường Khánh, bởi công ty sử dụng đất sai mục đích. Theo
hợp đồng giao khoán số 28/HĐGK ngày 1/10/2011, công ty được sử dụng
11.700 m
2, thời hạn 3 năm vào mục đích trồng cây lâu năm,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhưng trên thực tế, công ty đã tự ý xây
dựng cơ sở sản xuất Pro Niken. Đã có một số biên bản nhắc nhở và quyết
định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tuy nhiên, công
ty vẫn không dừng các hoạt động xây dựng mà tiếp tục hoàn thiện cơ sở.
Ngày 2/4/2013, công ty bắt đầu cho vận hành thử và quá trình sản xuất
thử này đã thải ra khói bụi gây ô nhiễm môi trường ở khu vực xung quanh.
Ngày 3/5/2013, xã Duy Tân tổ chức đối thoại với 90 người dân thôn Châu
Xá và khẳng định dự án xây dựng nhà máy của Công ty Trường Khánh chưa
được cấp thẩm quyền nào phê duyệt; sử dụng đất sai mục đích… Bất châp,
Công ty Trường Khánh vẫn ngang nhiên hoạt động (!?).
Hiện tại, xã Duy Tân có rất nhiều nhà máy xi măng, lò vôi, mỏ đá,
xưởng cơ khí, hóa chất… tồn tại. Vì thế, người dân quanh năm phải sống
trong khói bụi, ô nhiễm nặng nề. Trong tổng số hơn 30 mỏ đá đang hoạt
động, duy nhất có 3 mỏ đá được cấp phép khai thác, còn lại toàn khai
thác chui. Theo quy định, đến năm 2015 phải xóa bỏ hết các lò xi măng
công nghệ đứng và đang sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Thế
nhưng trong tổng số 11 nhà máy sản xuất xi măng chỉ có 3 nhà máy sản
xuất bằng công nghệ lò cao, các nhà máy còn lại đều trong tình trạng
không an toàn, công nghệ lọc bụi xuống cấp gây ô nhiễm nghiêm trọng. Dọc
tuyến sông Kinh Thầy có tới 33 bãi tập kết, khai thác than trái phép,
sản xuất vôi… nhưng hầu hết các cơ sở đó đều không có cam kết bảo vệ môi
trường. Ví như, Công ty 1369 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất
nằm ngay bên bờ sông Kinh Thầy đã xả thẳng nước thải ra sông cùng khói,
bụi trong quá trình sản xuất. Ông Trần Văn Thiệu – Trạm trưởng Trạm y
tế thị trấn Minh Tân – cho biết, từ năm 2003 đến tháng 7/2013 có 108
trường hợp người dân chết do mắc bệnh ung thư. Ông Nguyễn Văn Hưng –
người dân sinh sống tại thị trấn Minh Tân – bức xúc:
“Ruộng đồng thì
không cày cấy được do ảnh hưởng của nguồn nước bị ô nhiễm; người dân đã
nghèo giờ lại mắc phải căn bệnh ung thư. Chúng tôi đã nhiều lần có đơn
kiến nghị gửi lên UBND thị trấn Minh Tân, UBND huyện, nhưng nhận được
chỉ là cái lắc đầu, còn nếu có vào cuộc cũng chỉ để cho qua chuyện…”.
Phóng viên Báo Công Thương đã nhiều lần liên lạc với ông Tiên Văn Hồng –
Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn – xin đặt lịch làm việc nhưng đều bị từ
chối.
Ông Nguyễn Anh Cương -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương:
“Quan điểm của tỉnh là sẽ vào cuộc để giải quyết dứt điểm
những vấn nạn tại huyện Kinh Môn, cá nhân nào làm sai cá nhân ấy phải
chịu trách nhiệm; nếu tập thể làm sai thì tập thể đó phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật”… |
Ngày 30/7/2013, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản số 96/BC – UBND báo
cáo Chính phủ về những diễn biến phức tạp ở huyện Kinh Môn trong thời
gian qua theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn
bản số 1357/VPCP-NC ngày 15/7/2013. Vụ việc ở Công ty Trường Khánh chỉ
là “giọt nước làm tràn ly” khi người dân nơi đây đã chịu quá nhiều khổ
cực vì phải sống chung với khói bụi, ô nhiễm. Để lấy lại niềm tin của
người dân Duy Tân, cần sự vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng
tỉnh Hải Dương, đặc biệt là UBND huyện Kinh Môn.
THEO BÁO CÔNG THƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét