Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Huỳnh Thục Vy - Hãy đặt gánh nặng tư tưởng xuống

Không nên lẩn quẩn trong mớ bòng bong CNTB và CNXH?

Gần đây dư luận mạng quan tâm đáng kể đến các bài tiểu luận của tác giả Nguyễn Tùng Hiếu, một đảng viên cộng sản Việt Nam cao cấp.

Trong các luận đề rất dài của mình, với văn phong bị ảnh hưởng sâu đậm của kinh tế chính trị học Marx-Lenin, tác giả cổ vũ rất nhiệt tình cho cái mà ông gọi là "dân chủ xã hội". Ông đã dành nhiều phần để cổ vũ cho sự kết hợp của chủ nghĩa tư bản (CNTB) và chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà theo ông, đó gần như là xu thế của thời đại. Ông cho rằng "dân chủ xã hội" có thể tận dụng cả ưu điểm của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội để thiết lập một xã hội thịnh vượng và công bằng như các quốc gia Bắc Âu.
>
Một đặc điểm nổi bật của những người cộng sản Việt Nam là lối tư duy chưa thoát ra khỏi cái thiên kiến lệch lạc của Marx. Marx chỉ nhìn thấy CNTB trong mối quan hệ đối trọng với CNXH, chứ không thấy sự tồn tại và vai trò của chủ nghĩa tự do hợp hiến trong nỗ lực định hình nền móng của các xã hội tự do lúc bấy giờ. Ngày nay, khi nhận thấy chủ nghĩa Marx đã đi đến hồi mạt vận trong cả lý thuyết lẫn thực tiễn, các trí thức CNXH cố vớt vát bằng cách kêu gọi kết hợp CNTB với CNXH để tạo ra cái gọi là Dân chủ xã hội. Họ đã bỏ sót cái tinh thần tự do cá nhân và nền dân chủ chính trị mà chủ nghĩa tự do đã đưa vào thế giới hiện đại. Đó mới chính là cốt lõi của các xã hội dân chủ, chứ không phải chỉ là chủ nghĩa tư bản. Những người chưa bao giờ sống trong xã hội dân chủ và tư duy chưa bao giờ vượt ra ngoài một mớ lý thuyết cũ rích của chủ nghĩa Marx, chỉ nhìn thấy chủ nghĩa tư bản và nghĩ rằng chỉ cần kết hợp với các ưu điểm của chủ nghĩa tư bản là đủ để giải quyết tất cả những vấn đề của quốc gia.

Các vấn đề của một quốc gia không chỉ là kinh tế và sự tái phân phối phúc lợi; mà phức tạp hơn nhiều, bao gồm nhiều không gian lý luận khác như thể chế chính trị, Hiến pháp, pháp trị, văn hoá và phương cách đối phó với những nan đề liên quan đến Công lý và tự do...Họ trầm trồ khen các nước dân chủ tự do rằng: “Người ta như thế mới là chủ nghĩa xã hội chứ!” Nhưng họ không hề biết chỉ hai chủ thuyết này không đủ để thai nghén nên một xã hội dân chủ tự do, giàu mạnh và đạt được những tiến bộ đáng kể trong cố gắng cải thiện công bằng xã hội. Thị trường tự do cộng với sự tái phân phối các nguồn lực xã hội qua chính sách thuế và các chương trình phúc lợi chưa thể thể hiện hết cái cốt lõi tinh thần của các nền dân chủ. Mô hình đó có một nền tảng đặc biệt của nó, vượt ra ngoài sự kết hợp miễn cưỡng đó.

Sự lẩn quẩn trong mớ bòng bong CNTB và CNXH làm người ta quên mất rằng cần phải có thêm các chủ thuyết tự do làm bệ đỡ cho tinh thần tự do của một nền dân chủ hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến hôm nay các trí thức cộng sản vẫn gọi các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ là các nước "tư bản" chứ không phải là "dân chủ tự do". Đó là sự thiển cận xuất phát từ sự đề cao quá đáng các định chế kinh tế mà bỏ qua sự hiện diện vô cùng quan trọng của các định chế chính trị, văn hoá...
"Không phải ngẫu nhiên mà cho đến hôm nay các trí thức cộng sản vẫn gọi các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ là các nước "tư bản" chứ không phải là "dân chủ tự do". Đó là sự thiển cận xuất phát từ sự đề cao quá đáng các định chế kinh tế mà bỏ qua sự hiện diện vô cùng quan trọng của các định chế chính trị, văn hoá..."
Các chủ thuyết xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa Marx chỉ tập trung vào mục tiêu đánh đổ chủ nghĩa tư bản, thực hiện công cuộc "cào bằng" đầy bạo lực và khiên cưỡng, đề xuất mô hình kinh tế tập trung bao cấp để thay thế chủ nghĩa tư bản... chứ chưa bao giờ thiết lập một nền tảng tư tưởng hữu lý cho việc kiến tạo các định chế quyền lực và xã hội nhằm bảo vệ tự do cá nhân, xây dựng một nhà nước dựa trên sự đồng thuận của người dân, xây dựng khế ước quyền lực...Đối với chủ thuyết này, Hiến pháp, pháp trị, tam quyền phân lập, cân bằng và kiểm soát, tự do, nhân quyền... chỉ là công cụ thống trị của nhà nước tư sản và họ cố tình gạt bỏ các giá trị này ra khỏi trung tâm lập thuyết của họ. Ngày nay, để tiếp tục tồn tại và biện minh cho sự tồn tại đó, các lý thuyết gia xã hội cố vay mượn các giá trị tự do (mà họ không xây dựng được) từ chủ nghĩa tự do hợp hiến để bù đắp cho sự thiếu hụt căn bản này.

Trong khi đó, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa tự do hợp hiến đã làm tất cả những công việc quan trọng nhằm đúc kết nên những nguyên tắc nền tảng mà từ đó các chế độ dân chủ hiện đại được xây dựng nên. Họ thiết lập và biện minh không mệt mỏi cho các giá trị tự do dân chủ mà ngày nay chúng ta đang cổ vũ. Bởi vậy, các nền dân chủ hiện đại thực ra được thai nghén trong tinh thần đề cao tự do, nhân quyền và nhân phẩm của chủ nghĩa tự do hợp hiến, chứ nó chưa bao giờ là con đẻ của chủ nghĩa xã hội, dù là chủ nghĩa xã hội bạo lực kiểu Marx hay chủ nghĩa xã hội dân chủ. Nhìn nhận sự thành công của các nền dân chủ hiện đại như Thuỵ Điển và các nước Bắc Âu như là kết quả của phiên bản mới - chủ nghĩa xã hội dân chủ - là một ngộ nhận lớn.

Chủ nghĩa tự do hợp hiến

Chủ nghĩa tự do có nhiều xu hướng khác nhau. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa TỰ DO KINH TẾ đề cao quyền tư hữu, tự do khế ước và do đó họ ủng hộ chủ nghĩa tư bản laissez-faire và một Nhà nước càng nhẹ càng tốt. Nhưng thực tế cho thấy, kiểu tự do này sẽ giúp duy trì những lợi thế vĩnh viễn của tầng lớp giàu có và quyền thế trong xã hội, còn những người bị gạt ra bên lề xã hội sẽ khó có cơ hội để vươn lên bởi đơn giản là họ có rất ít cơ hội. Tự do kinh tế chưa đủ để thúc đẩy tự do cá nhân và dân chủ thực sự, mà nó còn đào sâu các bất bình đẳng xã hội do khoảng cách quá lớn về tiềm lực kinh tế và cơ hội chính trị. Tình trạng các quốc gia phương Tây trong giai đoạn phát triển cao của cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai đã cho thấy nhược điểm của chủ thuyết tự do cổ điển này.


Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận đa đảng

Trước những bế tắc xã hội không giải quyết được của chủ nghĩa tự do kinh tế, các lý thuyết gia của chủ nghĩa TỰ DO XÃ HỘI đã đưa ra luận thuyết của mình để giải quyết các bất công và mâu thuẫn xã hội đồng thời đưa ra một số câu trả lời cho vấn đề Công lý. Với sự công nhận vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc duy trì trật tự xã hội bằng hệ thống luật pháp, tạo không gian pháp lý ổn định cho các hoạt động dân sự, làm trọng tài cho các thoả thuận tự do của người dân, tái phân phối một phần các nguồn lực xã hội qua chính sách thuế, và tăng cường bình đẳng cơ hội cho những người ở tầng lớp dưới qua các chương trình phúc lợi xã hội...., chủ nghĩa tự do xã hội đã giúp các nền dân chủ hiện đại sửa sai các khiếm khuyết của chủ nghĩa tự do kinh tế. Trong khi đó, phương cách của chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế tập trung, một nhà nước trung ương đầy quyền lực để áp đặt mô hình kinh tế này, kết quả là cho ra đời những Nhà nước toàn trị tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.

Độc tài hay Dân chủ mới là mấu chốt

Ngày nay những người xã hội đã cải biến chủ thuyết của mình theo kiểu "đẽo chân cho vừa giày" để phù hợp với không gian chính trị dân chủ và xã hội tự do. Các đảng xã hội cũng thay đổi để tiếp tục tồn tại và tham gia lãnh đạo quốc gia cùng với các đảng cánh hữu. Tùy thuộc vào bối cảnh văn hoá, kinh tế và chính trị cũng như các định chế xã hội mà các đảng cánh tả ở những nền dân chủ lâu đời có thể dành được sự ủng hộ của người dân hay không. Nhưng điều quan trọng là đảng phái này chỉ mang cái danh "xã hội" nhưng thực chất họ đi gần với chủ nghĩa tự do xã hội hơn là chủ nghĩa xã hội (xin lưu ý sự khác biệt này) và mọi hoạt động đảng phái cũng như hoạt động quyền lực của họ đều phải nằm trong không gian chính trị do chủ nghĩa tự do hợp hiến thiết lập và quy định từ lâu.
"Tại sao chúng ta không đặt cái di sản xã hội chủ nghĩa nặng nề ấy xuống để bắt đầu bàn về những chủ đề quan trọng hơn cho đất nước, những giá trị mang tính phổ quát, vượt ra khỏi biên giới hạn hẹp của mọi chủ nghĩa?"
Gán ghép các thành tựu chính trị-xã hội ngoạn mục ở các quốc gia dân chủ Bắc Âu cho chủ nghĩa xã hội (có sự kết hợp của chủ nghĩa tư bản), mà bỏ qua dấu ấn sâu sắc của chủ nghĩa tự do hợp hiến ở các quốc gia này là quá gượng ép và thiển cận. Tiếp tục đề cao vai trò của một phiên bản chủ nghĩa xã hội mới trong không gian chính trị dân chủ tự do của các quốc gia phương Tây chỉ là một cách để các trí thức cộng sản ở Việt Nam giảm nhẹ những sai lầm, đổ vỡ và tội ác mà các nhà nước độc tài xã hội chủ nghĩa đã gây ra ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng; để tuyên truyền cho luận điệu rằng: chủ nghĩa xã hội không sai, chỉ là chúng ta chưa biết cách vận dụng...

Thời đại ngày nay, thế giới đã đổi thay, nhu cầu dân chủ hoá của các dân tộc đang nằm dưới chế độ độc tài khẩn thiết hơn bao giờ hết. Vì thế thật không phù hợp khi tốn công sức để bàn về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hay sự kết hợp của chúng. Trong khi cái thực sự cần bàn là dân chủ, tự do, nhân quyền và công lý...Thiết nghĩ, tại sao chúng ta không đặt cái di sản xã hội chủ nghĩa nặng nề ấy xuống để bắt đầu bàn về những chủ đề quan trọng hơn cho đất nước, những giá trị mang tính phổ quát, vượt ra khỏi biên giới hạn hẹp của mọi chủ nghĩa?

Trí thức là tầng lớp tinh hoa mở đầu cho mọi tiến bộ, đã đến lúc các trí thức cộng sản Việt Nam phải làm một cuộc cách mạng tư tưởng để nhận thức sinh động rằng cái gốc của vấn đề ở đây không chỉ là chủ nghĩa tư bản hay xã hội, mà chính là Tự do hay Nô lệ, Dân chủ hay Độc tài! Nếu không làm được điều này, họ sẽ tiếp tục đi bên lề những vận động tích cực trong tương lai của đất nước.

Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả.

Huỳnh Thục Vy
Gửi cho (BBCVietnamese.com) từ Quảng Nam

Carlyle A. Thayer - Đánh giá chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ – 3

Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm tới Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang?
Chuyến viếng thăm Mỹ của Chủ tịch Sang cần phải được nhìn nhận là thành công, là chuyến viếng thăm cấp cao sau 5 năm. Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama đã đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước lên mức đối tác toàn diện. Sự thỏa thuận này kèm theo cam kết tăng thăm viếng cấp cao và thiết lập các cơ chế đối thoại chính trị và ngoại giao mức bộ trưởng.
Chủ tịch Sang đã thẳng thắn đề cập đến quan ngại của Mỹ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và đã đưa một số giới chức tôn giáo đi cùng ông sang bên đó để trao đổi trực tiếp về vấn đề tôn giáo.
Ông có nghĩ kết quả của chuyến viếng thăm làm hài long cả hai bên?
Trước hết, không có gì bí mật về việc Mỹ và Việt Nam đàm phán về nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược từ năm 2010. Ý nghĩa của mối quan hệ này được hai phía nhìn nhận khác nhau. Về phía Mỹ, ví dụ, đặt trọng tâm lên hợp tác quân sự và an ninh với đối tác chiến lược của mình. Thực tế, việc xem xét khả năng coi Việt Nam là đối tác chiến lược tiềm năng của Mỹ được nói tới trong Báo cáo quân sự trong 25 năm vào năm 2010.
Carlyle A. Thayer
Carlyle A. Thayer
Việt Nam đã đàm phán về đối tác chiến lược với 12 nước và Hà Nội thích dùng tên này để miêu tả quan hệ toàn diện.
Trong cuộc gặp giữa hai người đứng đầu nước Mỹ và Việt Nam, hai bên đã đưa thương mại và kinh tế lên hàng đầu và đồng ý đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Duong (TPP) trong mấy tháng cuối năm . Nhưng ở một bức tranh lớn hơn, Tổng thống Obama ủng hộ TPP để giúp cho nền công nghiệp Mỹ hồi phục và tạo ra việc làm cho công dân Mỹ.
Hai vị đứng đầu hai quốc gia đồng ý thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Chúng ta nên nhìn mối quan hệ này thế nào?
Việt Nam và Australia đã từng đàm phán để nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược nhưng cuối cùng do sự không đồng ý của phía Australia, quan hệ hai bên ở mức đối tác toàn diện. Thỏa thuận Việt- Mỹ là một tuyên bố chính trị, rằng quan hệ hai bên đã phát triển ở mức sâu sắc trong nhiều lĩnh vực. Một đối tác toàn diện sẽ làm tăng quan hệ ở khắp các lĩnh vực thông qua các cơ chế song phương.
Đối tác toàn diện này có đóng góp gì cho mối quan hệ Việt-Mỹ?
Với đối tác toàn diện, hai bên sẽ có nhiều đối thoại và tham vấn để tăng cường hợp tác trong 9 lĩnh vực: chính trị và ngoại giao, thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, hợp tác giáo dục, môi trường và y tế, các vấn đề hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, và thúc đẩy nhân quyền. Thỏa thuận hiện này kêu gọi việc tạo ra các cơ chế mới trong mỗi lĩnh vực. Thông qua các cơ chế này mỗi bên sẽ hiểu phía bên kia một chút tốt hơn và xây dựng lòng tin. Điều này sẽ dẫn đến sự hợp tác lớn hơn.
Hai bên đã đồng ý thiết lập đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược mà phía Việt Nam đã đề nghị ban đầu. Sự khác nhau giữa hai loại hình đối tác này là gì?
Đàm phán Mỹ-Việt về đối tác chiến lược bị chựng lại từ cuối năm 2011 khi có mâu thuẫn về vấn đề nhân quyền. Các quan chức Mỹ đã gắn việc đàm phán TPP và các vấn đề khác với việc cải thiện nhân quyền. Mỹ đã thiết lập đối tác toàn diện với Indonesia và Singapore. Xem ra phía Mỹ đánh giá rằng quan hệ song phương phải tiến triển hơn nữa trước khi nó được chuyển thành đối tác chiến lược. Đối với Việt Nam, một nước đã thiết lập đối tác chiến lược với nhiều cường quốc, nâng cấp hợp tác với Hoa Kỳ dường như chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng.
Chuyến đi của Chủ tịch Sang đã được thu xếp vội vã. Quan chức hai bên chỉ có hai tuần để chuẩn bị. Dường như Việt Nam có nhiều mục tiêu hơn là hiệp định đối tác chiến lược. Hay nói cách khác, sẽ là tốt cho lợi ích cả hai phía nếu mối quan hệ không phát triển quá nhanh.
Điều khác biệt quan trọng nhất giữa đối tác chiến lược mà Việt Nam đã ký kết và đối tác toàn diện Việt-Mỹ là đối tác chiến lược bao gồm các cơ chế hợp tác cấp cao để điều phối các quan hệ hợp tác ở các lĩnh vực, và các chương trình hành động hàng năm.
Ông có cho rằng hợp tác hàng hải Việt-Mỹ có liên quan đến tranh chấp ở biển Đông? Một số nhà bình luận quốc tế nói rằng Chính phủ Mỹ ủng hộ các công ty dầu lửa Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam. Sự ủng hộ đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới tranh chấp ở biển Đông?
Nói chung, cả Mỹ và Việt Nam đều chia sẻ quan điểm, rằng tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo Công ước về Biển (UNCLOS). Cả hai bên đều đồng ý và ủng hộ việc áp dụng Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC), và cả hai cũng ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đáng chú ý là Tuyên bố chung Việt-Mỹ có nói cụ thể về hợp tác giữa các công ty Mỹ như Exxon Mobile và Murphy Oil với PetroVietnam. Ủng hộ việc xây dựng COC và nhắc đến hợp tác giữa các công ty dầu của hai quốc gia sẽ là một biện pháp để ngăn cản Trung Quốc có các hành động hiếu chiến.
Ông có đánh giá gì về các thông điệp của Chủ tịch Sang khi gặp mặt giới chức Mỹ?
Chủ tịch Sang đã thành công trong việc bày tỏ quan điểm của Việt Nam trước người Mỹ. Ông gặp khó khăn nhất khi nói về nhân quyền và ông đồng ý bàn về vấn đề này cũng như kêu gọi đối thoại. Ông cũng hứa rẳng Việt Nam sẽ ký vào Công ước quốc tế chống tra tấn và mời Tổ chức Phóng viên Không biên giới thăm Việt Nam năm 2014. Mặc dù còn có bất đồng, hai bên đồng ý tăng cường hợp tác trong 9 lĩnh vực quan trọng. Đó là một thắng lợi cho Việt Nam, giúp cho quốc gia này hội nhập sâu hơn với thế giới.

Bài viết được tác giả viết ngày 29/7/2013, đăng lên scribd ngày 19/8/2013.

Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ
(Defend the Defenders)

Có được thành lập đảng hay không?

Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau trong việc thành lập ra đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền. Luồng ý kiến thứ nhất từ phía những người ủng hộ đảng Cộng sản cho rằng chưa có căn cứ pháp luật cho việc làm đó; phía muốn thành lập đảng đối lập thì nói Hiến pháp không cấm công dân.
Kêu gọi tranh luận công khai
Luật sư Trần Vũ Hải hiện đang làm việc tại Hà Nội vừa có đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt nam cho ý kiến về vấn đề thành lập và tham gia một đảng ngoài đảng Cộng sản Việt Nam, dưới góc độ pháp luật Việt Nam.
Gia Minh hỏi chuyện luật sư Trần Vũ Hải về đề nghị đó. Trước hết ông nhắc lại lý do viết đề nghị.
Luật sư Trần Vũ Hải: Vấn đề này đã được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm; thậm chí như báo Quân đội Nhân dân cũng đã đăng nhiều bài;  truyền thông trong nước và quốc tế cũng có (nêu) vấn đề đó. Cho nên theo chúng tôi phải đặt vấn đề này quan trọng. Và theo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có trách nhiệm giải thích Hiến Pháp,luật và pháp lệnh; nên phải có ý kiến. Còn sau này nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà không có ý kiến dẫn đến việc họ thành lập đảng hoặc làm việc gì đó mà cho rằng a, b, c nào đó thì Ủy ban Thường Vụ Quốc hội phải đồng chịu trách nhiệm.
Luật sư Trần Vũ Hải
Luật sư Trần Vũ Hả
Gia Minh: Từ năm 1975 đến năm 1988, ở Việt Nam vẫn còn 3 đảng cùng hoạt động, nhưng sau đó hai đảng Dân chủ và đảng Xã hội không còn nữa. Đến năm 2006, ông Hoàng Minh Chính, tổng thư ký đảng Dân chủ muốn phục hoạt lại nhưng không được theo như sở nguyện, vậy cơ sở để phản bác cho chuyện đó từ lúc ấy đến bây giờ ra sao?
Luật sư Trần Vũ Hải: Chúng tôi không có ông Hoàng Minh Chính, nhưng theo tôi các nhà luật học và các cơ quan chức năng cần phải chính thức; chúng tôi cho rằng đây là vấn đề không phải mới nhưng quan trọng và được đặt ra nên cần phải giải quyết.
Gia Minh: Luật sư đánh giá khả năng có trả lời và chấp nhận cho những quan tâm mà mọi người đang nêu ra như vậy ra sao?
Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi tin ít nhất họ phải nghiên cứu, còn việc trả lời hay không là quyền của họ; nhưng như chúng tôi đã nói nếu họ không trả lời, không công bố công khai là một vấn đề. Theo chúng tôi biết một số giáo sư đã bàn thảo về vấn đề này và trong nội bộ hay bán chính thức cũng có thể bàn. Nhưng chắc chắn theo chúng tôi phải bàn và theo đề nghị của chúng tôi phải bàn luận một cách công khai vì đây là vấn đề quốc gia, vấn đề dân chủ, vấn đề pháp quyền; nên chắc chắn phải bàn không thể né tránh được.
Gia Minh: Lâu nay người ta cũng nói đến vấn đề dân chủ, nhưng quan niệm của đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ thì khác, đó là ‘dân chủ tập trung’.
Luật sư Trần Vũ Hải: Ở đây chúng tôi không nói về đảng mà gửi cho Nhà nước và các giáo sư, tôi nghĩ rằng họ sẽ tranh luận với nhau, với chúng tôi và với bất kỳ một công dân nào rằng hiện nay pháp luật như thế ‘có thành lập được đảng hay không’.
Gia Minh: Dù không phải đảng nói, nhưng tất cả các cơ quan quốc hội và chính phủ đều nói ‘dân chủ tập trung’, thưa ông?
Luật sư Trần Vũ Hải: Chúng tôi muốn rằng mọi người cần phải phát biểu một cách chính thống, họ phải sẽ có văn bản, phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình, lịch sử sẽ phán xét, và tôi muốn nói ngay cả những đồng nghiệp của họ và những giáo sư luật cũng sẽ nhận xét. Vì điều gì ông có thể nói về quan điểm của mình đi nữa; nhưng khi ông định cấm người khác thì phải có cơ sở pháp luật; vậy ông phải chỉ ra cơ sở pháp luật là qui định nào. Nếu không cấm người ta có quyền làm không? Nếu người ta làm, cần làm như thế nào, cũng phải nói. Ở đây chúng tôi hy vọng có một cuộc tranh luận dân chủ, khoa học.
Gia Minh: Ngay từ đầu luật sư nói báo Quân đội Nhân dân có đưa ra một số ý kiến?
Luật sư Trần Vũ Hải: Một số ý kiến nhưng đó là cảm tính, không dựa trên cơ sở pháp lý; chúng tôi chưa thấy một nhà khoa học luật nào phản bác cả. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhà khoa học luật nào sẽ phản bác, hoặc đồng ý hoặc phản bác, hoặc tranh luận… Hiện nay chỉ là những ý kiến của những người mà chúng tôi cho là khá cảm tính.
Gia Minh: Qua một số những sự việc vừa qua mà lúc đầu người ta nói cho tranh luận công khai như việc góp ý cho sửa đổi hiến pháp và cho đến lúc này vẫn chưa đi đến kết quả gì, nay lại có thêm đề nghị tranh luận công khai về việc thành lập đảng như thế này nữa, những người bi quan cho như thế thì luật sư nói sao?
Luật sư Trần Vũ Hải: Chúng tôi nói rằng nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ là những nhà trí thức, ít rằng họ cũng tôn trọng pháp luật thì họ phải trả lời những vấn đề đó dựa trên cơ sở pháp luật. Và khi họ trả lời thì họ sẽ phải thận trọng hơn. Họ sẽ nói một cách đàng hoàng, công khai. Chúng tôi tin là như vậy, còn nếu họ lảng tránh vấn đề này thì người ta sẽ nói bản thân họ cũng chưa tự tin lắm trong vấn đề này. Chúng ta thấy rằng . Ở đây chúng tôi không nói đến nhà lãnh đạo đảng. Đảng tất nhiên muốn thế này, thế khác; nhưng chúng tôi muốn nói các nhà lãnh đạo của nhà nước.
Chúng tôi gửi đến cho chủ tịch nước, chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội thì họ phải nói chứ. Trong khi đó chúng tôi thấy trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều chuyên gia về pháp luật như ông Uông Chu Lưu, ông Nguyễn Văn Hiện, ông Phan Trung Lý. Những ông đó nếu cho rằng việc thành lập đảng ngoài đảng Cộng sản Việt Nam là sai trái thì phải chứng minh bằng pháp luật Việt Nam hiện nay, bằng Hiến pháp, bằng những Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…
Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một tranh luận thú vị sẽ xảy ra; còn nếu các ông không tranh luật thì người ta sẽ không tin. Giống như các phiên tòa, nếu như không tranh luận lại thì người ta nói rằng bị yếu thế, đuối lý… Tôi tin đây là những vị tiến sĩ, giáo sư đầu ngành họ sẽ tranh luận. Có thể họ sẽ không tranh luận công khai, tranh luận trong nội bộ; nhưng chúng tôi rất mong muốn có cuộc tranh luận công khai, không có gì phải giấu diếm cả. Nếu họ không tranh luận công khai cũng là điểm yếu.
Gia Minh: Những vị mà ông mới nêu tên họ cũng là đảng viên của đảng Cộng sản Việt Nam?
Luật sư Trần Vũ Hải: Ông Lê Hiếu Đằng cũng là đảng viên (đảng Cộng sản Việt Nam). Họ cũng có những quan điểm; nhưng trước mắt là quan điểm pháp luật đã. Tự nhận là nhà nước pháp quyền thì phải trên quan điểm pháp luật đã chứ không thể trên quan niệm của Đảng. Cái này phải rõ, và theo tôi đã rõ rồi.
Gia Minh: Cơ sở luật pháp của Việt Nam vẫn còn nhiều lổ hổng, thiếu cơ sở, thưa luật sư?
Luật sư Trần Vũ Hải: Điều này chúng tôi không bình luận được, vì nhà nước, quốc hội ban hành luật. Thế nhưng các luật sư khi làm việc luôn nghiên cứu pháp luật; xem việc mà thân thủ, khách hàng, người yêu cầu trợ giúp, luật có cấm không. Nếu được làm thì phải làm thế nào, chứ chúng tôi không phải là người sáng tác ra luật.
Gia Minh: Cám ơn luật sư.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-22

LS. Trần Vũ Hải - 'Dân có quyền lập đảng. không cần nhà nước cấp phép'

Một luật sư ở Hà Nội gửi thư “xin ý kiến quốc hội” về các ý kiến của ông cho rằng hiến pháp và luật pháp của Việt Nam hiện nay không cấm người dân lập đảng chính trị.
“Không có điều khoản nào trong Hiến pháp và các luật của Việt Nam cấm công dân Việt Nam thành lập và tham gia một chính đảng khác ngoài ĐCSVN”.
Ông Trần Vũ Hải, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội, viết như vậy trong bức thư “Xin ý kiến Quốc hội xung quanh việc thành lập đảng” sau khi ông trưng ra những văn bản luật mà ông đã đọc tham khảo để viết “Bản ý kiến”.
Luật sư Trần Vũ Hải đại diện người dân Văn Giang tranh luận với GS. Đặng Hùng Võ tại buổi gặp mặt ở Hà Nội ngày 9/11/2012 về việc cưỡng chế kiểu cướp ngày của nhà cầm quyền. (Hình: GDVN)
Trong đó ông cho biết đã tham khảo “Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (được sửa đổi 2001); Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005; Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 và các luật sửa đổi, bổ sung bộ luật này; Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1984); Luật về quyền lập hội 1957; Một số luật khác như: Luật Mặt trận Tổ quốc; Luật Công đoàn 2012; Luật Thanh niên; Pháp lệnh về Cựu chiến binh….; Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP; các thông tư hướng dẫn các Nghị định này.”

Theo sự khảo cứu của luật sư Trần Vũ Hải, ngoài các văn bản luật trên, “Điều 79 Bộ luật Hình sự có quy định trừng phạt người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Như vậy, việc thành lập hoặc tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này. Nói cách khác, hoạt động thành lập và tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền sẽ không được coi là bất hợp pháp.”

Ông Trần Vũ Hải thấy điều 69 của Hiến Pháp nói “Công dân có quyền...hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó điều 22 của Công ước về Các Quyền Dân sự và Chính Trị (LHQ) mà Việt Nam tham gia ký kết quy định “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Theo ông, pháp luật nhiều nước phân biệt giữa đảng phái chính trị và hội. Nhưng Bộ Luật Dân Sự của Việt Nam “không có quy định rõ” trong đó “Hội” thuộc loại pháp nhân nào trong 3 loại được Luật Dân Sự định nghĩa gồm “(i) tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; (ii) tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; (iii) tổ chức khác.”

Theo ông hiểu “Một đảng phái hoặc một liên minh chính trị là tổ chức chính trị theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, không có điều khoản nào của Hiến pháp, các Luật, Điều lệ ĐCSVN khẳng định ĐCSVN là một tổ chức chính trị. Điều 9 Hiến pháp quy định Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu… Luật Mặt trận Tổ quốc cũng có quy định tương tự, nhưng không khẳng định Mặt trận tổ quốc là tổ chức chính trị (theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự).”

Không thấy có luật nào hay pháp lệnh nào quy định sự hoạt động của đảng CSVN. Trong khi đó LS Hải lại thấy có luật ban hành cho các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam gồm: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các công đoàn (theo Luật Công đoàn), Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam (theo Luật Thanh niên), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (theo Pháp lệnh Cựu chiến binh),Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (theo Điều lệ của hội này), Hội Nông dân Việt Nam (theo Điều lệ của hội này).

Qua nhận định của LS Trần Vũ Hải thì “Có vẻ như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không được coi là hội theo pháp luật hiện hành của Việt Nam. Luật về Quyền lập hội 1957 hiện đang còn hiệu lực (mặc dù một số điều khoản trong Luật này thực tế đã không còn hiệu lực do không phù hợp với một số luật khác ban hành sau đó hoặc không phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng Nghị định 45/2010/NĐ-CP vẫn căn cứ vào Luật này, tức Chính phủ vẫn coi Luật này còn hiệu lực). Điều 9 Luật về quyền lập hội quy định: Các đoàn thể dân chủ và các đoàn thể nhân dân đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng chiến, được Quốc hội và Chính phủ công nhận, không thuộc phạm vi quy định của luật này.”

Trong khi đó “Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) quy định không áp dụng đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức giáo hội. Không thấy Nghị định này quy định rõ loại trừ ĐCSVN và tổ chức chính trị ra khỏi đối tượng áp dụng. Nhưng Điều 2 định nghĩa hội như sau: Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”

Như vậy “Hiểu theo quy định này, đảng phái (tổ chức chính trị) không được coi là Hội. Như vậy, có thể cho rằng Luật về quyền lập hội, Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) không áp dụng cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.”

Như kể trên, hiện đã có luật cho các cơ quan ngoại vi của đảng CSVN (Công đoàn, Mặt trận...) nhưng không hề có luật nào cho đảng phái chính trị gồm cả đảng CSVN. Tuy nhiên theo LS Hải phân tích ở trên, “đảng là một tổ chức chính trị, một loại pháp nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Do đó, những quy định về pháp nhân, tổ chức chính trị trong Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng nếu xem xét về thành lập, tham gia một đảng chính trị.”

Theo Điều 84 của Luật Dân Sự “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Được thành lập hợp pháp; 2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Theo ông Hải “Thế nào là thành lập hợp pháp không được định nghĩa rõ trong Bộ luật Dân sự, tuy nhiên Điều 85 Bộ luật Dân sự quy định như sau: Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy có 02 loại pháp nhân được thành lập: (i) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức.”

LS Trần Vũ Hải nêu ra cho thấy “điều 102 Bộ luật Dân sự quy định về loại pháp nhân là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ quy định phải có điều lệ, nhưng không quy định cơ quan nhà nước công nhận điều lệ và cho phép thành lập đối với loại pháp nhân này. Như vậy, tổ chức chính trị (và tổ chức chính trị - xã hội) phải có điều lệ nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận điều lệ, cho phép thành lập.”

Ông dẫn chứng “Thực tế, ĐCSVN đã hoạt động như vậy, điều lệ của Đảng này sửa đổi nhiều lần nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận việc sửa đổi vì không có điều khoản của văn bản pháp luật nào (kể cả Bộ luật Dân sự) quy định phải có thủ tục công nhận từ Nhà nước. Nói cách khác pháp luật Việt Nam (cụ thể là Bộ luật Dân sự) quy định: đảng phái (tổ chức chính trị) là loại pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của tổ chức cá nhân (không thuộc loại thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước), không phải xin phép thành lập, điều lệ không cần Nhà nước công nhận nhưng phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua.”

Nói tóm lại, qua những bộ luật tại Việt Nam mà ông khảo cứu, đảng phái chính trị “được thành lập và hoạt động hợp pháp” chỉ cần “có sáng kiến của những cá nhân (công dân VN) đề nghị thành lập đảng”, “không cần sự cho phép, công nhận từ nhà nước”.

Luật sư Trần Vũ Hải gửi “Bản ý kiến” của ông cho chủ tịch nước, chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội, chánh án tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư Pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và một số giáo sư có tiếng về luật ở Việt Nam.

Ông nêu ý kiến để yêu cầu những ông và cơ quan có thẩm quyền về pháp luật giải thích nhân dịp dư luận đang khá sôi nổi theo dõi phản ứng của chế độ Hà Nội đối với bức thư “viết trên giường bệnh” của đảng viên hơn 45 tuổi đảng Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận, một nhà báo nhiều người biết, cổ võ việc thành lập một đảng chính trị đối lập với đảng CSVN.
(Người Việt)

Các nước đang phát triển có nên du nhập thể chế pháp quyền của phương Tây không?

(Lời người dịch) - Nguyên tác Anh ngữ của bản dịch là The Landscape of Law, Chương III trong tác phẩm The Great Degeneration - How Institutions Decay and Economies Die, Allen Lane, 2012 của Niall Ferguson. Tác giả đặt vấn đề là Trung Quốc và các nước chậm tiến dù có đủ loại luật lệ nhưng không thể áp dụng nghiêm minh vì thiếu một bối cảnh luật pháp thích hợp và để cải cách luật pháp cần học ở phương Tây. So sánh hai truyền thống luật La Mã và Anh ngữ, tác giả chứng minh hệ thống luật Anh ngữ là mô hình về thể chế pháp quyền thích hợp hơn, nhưng mọi sự cóp nhặt thiếu chọn lọc khôn ngoan sẽ phản tác dụng trong tiến trình du nhập.

Với The Great Degeneration Ferguson cảnh báo là thể chế của phương Tây đang tàn lụn vì bốn trụ cột nền tảng là dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường, thể chế pháp quyền và xã hội dân sự không còn đứng vững mà suy trầm kinh tế, nợ công chồng chất, dân số lão hoá và thái độ vị kỷ của con nguời là nguyên nhân.

Do ưu thế địa lý, khí hậu và trình độ khoa học mà phương Tây đã lãnh đạo văn minh thế giới trên 1500 năm. Ngày nay dân chủ không còn dựa trên căn bản hợp đồng giữa người dân và chính quyền, không đem đến ổn định trong hiện tại và công bình cho thế hệ tương lai. Quy luật kinh tế thị trường chuyển biến cực kỳ phức tạp và không thể kiểm soát nên gây xáo trộn cơ chế vận hành và thiệt hại cho người tiêu thụ. Dù thể chế pháp quyền là để bảo vệ công bình xã hội, nhưng luật pháp trở nên quá chuyên môn và khó hiểu nên giúp cho các luật sư càng thêm thao túng tiền bạc, làm cho tranh tụng cực kỳ tốn kém và công lý là món hàng đắt giá. Xã hội dân sự không còn năng động cải cách, vì con người thờ ơ trước các biến chuyển thời cuộc và các nhóm lơị ích áp lực nặng nề hơn. Vì phương Tây lãng phí nhiều thời gian và năng lực nên mọi nổ lực bị trì trệ và đã đến lúc nên cảnh tỉnh là cải cách càng bức thiết hơn bao giờ hết.

Niall Ferguson là giáo sư môn Lịch Sử Kinh tế và Tài Chính tại Đại học Harvard. Ông nổi danh với những tác phẩm The Pity of War, The Rise and Fall of the American Empire và The Ascent of Money, A Financial History of the World. Theo Tuần báo Times, ông là 1 trong 100 trí thức có ảnh hưỏng nhất hiện nay trên thế giới.

Nguyên bản Anh ngữ là một chương thanh phát thanh của The 2012 BBC Reith Lectures Radio 4 và có thể truy cập tại đây. Tựa đề bản dịch là cuả người dịch.
clip_image002“Vấn đề căn bản nhất mà chính phủ Trung Quốc phải đối phó là tình trạng không luật lệ. Trung Quốc không thiếu luật mà là thiếu về uy lực pháp quyền... Vấn đề xã hội không luật pháp sẽ là một thách thức quan trọng nhất mà giới lãnh đạo mới phải đối đầu khi họ được thành lập vào mùa thu này. Thực vậy, ổn định chính trị của Trung Quốc có thể tùy thuộc vào khả năng phát triển thể chế pháp quyền trong hệ thống đang hiện có“.
Đó là lời tuyên bố của Trương Quang Thành, một luật sư khiếm thị, người mà gần đây đã được phép rời Trung Quốc sang Hoa Kỳ du học sau khi đã trốn thoát thành công khỏi sự truy nã của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồ Duy Phương, một học giả luật khác ít được phương Tây biết nhưng lại có nhiều ảnh hưởng hơn ở Trung Quốc, nhận định thẳng thừng trong tiểu luận „Những bước đầu tiên của thuyết hiến định“ ấn hành vào năm 2003: „Bối cảnh luật pháp tại phương Tây đem lại mối tương phản kỳ thú và rõ rệt nếu so với tình hình luật pháp Trung Quốc, hé lộ sự thiếu nhất quán và tương xứng của hai hệ thống. Dù hệ thống hiện đại của Trung Quốc vay mượn từ phương Tây, mọi việc thường tiến hành trong các phương cách khác nhau giữa Trung Quốc và phương Tây“.
Đề tài mà tôi thuyết trình trong chương trình thứ ba của Reith là khung cảnh luật pháp. Tôi muốn đặt vấn đề là những nước đang phát triển như Trung Quốc có thể tiếp thu về thể chế pháp quyền của phương Tây được không. Tôi muốn đưa ra vài nghi vấn về suy đoán khá phổ biến là hệ thống pháp luật của phương Tây đang lành mạnh. Điều mà Trung Quốc cần làm là sao chép những kinh nghiệm tốt nhất của chúng ta, bất kể loại kinh nghiệm nào.
Nhưng đâu là ý nghĩa đích thực của thể chế pháp quyền? Trong một cuốn sách có cùng tựa đề, vị chánh án tối cao đã quá cố là Lord Tom Bingham đã quy định bảy tiêu chuẩn mà chúng ta phải xét đoán trong hệ thống luật pháp:
1. Luật pháp phải được tiếp cận, càng dễ hiểu càng tốt, rõ ràng và có thể tiên đoán được.
2. Những vấn đề quyền luật định và trách nhiệm phải được giải quyết đúng cách bằng cách áp dụng luật pháp, không do những cách hành sử chuyên đoán.
3. Các loại luật pháp trong nước phải được áp dụng công bình cho tất cả mọi người, tránh mở rộng những khác biệt khách quan (thí dụ thiếu năng lực tinh thần) biện minh mọi sự phân biệt.
4. Các bộ trưởng và công chức các cấp phải hành sử thẩm quyền theo mục tiêu quy định trong sự thành tín, công bình, không vượt giới hạn của những quyền này.
5. Luật pháp phải mang lại sự bảo vệ phù hợp về tôn trọng nhân quyền.
6. Luật pháp cung ứng phương tiện để giải quyết các tranh tụng dân sự nhưng không tốn kém hay chậm trễ, trong sự thành tín mà các phe không thể tự giải quyết.
7. Nhà nước cung ứng thủ tục tài phán công bình.
Môn lịch sử trong chương trình ban cử nhân của tôi tại Oxford dạy rằng uy lực pháp quyền của Anh là kết qủa của một tiến trình tiệm tiến về các quyết định tư pháp tại các toà án, phần lớn dựa trên các án lệ. Bây giờ tôi mới hiểu đúng ra đây là một quan điểm ngây thơ. Ronald Dworkin, một nhà lý thuyết lừng danh đương đại trong hệ thống luật Anh ngữ, giải thích trong tác phẩm Law´s Empire là đích thực có những nguyên tắc công bình và sòng phẳng làm cơ sở cho hệ thống luật pháp chung của Anh, ngay cả khi những nguyên tắc này không được điển chế như những nguyên tắc trong Hiến pháp Hoa Kỳ.
Đằng sau việc vận hành luật pháp có hai vấn đề: sự liêm khiết của các chánh án và, trích theo lời của Dworkin, thì "lập pháp… xuất phát từ kết ước hiện nay của cộng đồng đến những kế hoạch nền tảng của đạo đức chính trị".
Hiện nay, nguồn gốc đạo đức của pháp luật chuyển sang những hậu quả kinh tế của nó mà đúng ra có thể xem là một bước tiến. Nhưng không phải như vậy. Ít sự thật nào được công nhận một cách phổ biến hơn là uy lực pháp quyền - đặc biệt khi uy lực này nhằm giới hạn bàn tay chụp giựt của nhà nước tham lam, vì đây là điều tốt cho tăng trưởng kinh tế cũng như công bình.
Theo Douglas North thì "khi xã hội thiếu khả năng phát triển việc chấp hành hợp đồng hữu hiệu và ít tốn kém thì đó là lý do quan trọng nhất về trì trệ lịch sử và kém phát triển hiện nay".
Thi hành hợp đồng do đệ tam nhân thực hiện là cần thiết để vượt qua mọi trì trệ của các đại lý tư nhân khi dịch vụ của họ có cách biệt về điạ lý và thời gian. Chủ nợ thường sợ người vay không trả nợ khi vay. Các tác nhân tư như công ty giao hoán, tín dụng và trọng tài có thể lãnh thực hiện thi hành hợp đồng.
Nhưng theo North thì luôn luôn là: "việc thi hành hợp đồng do đệ tam nhân thực hiện có nghĩa làm cho nhà nước phát triển như cơ quan cưỡng chế, có khả năng hữu hiệu nhằm theo dõi quyền tư hữu và thi hành hợp đồng".
Vấn đề là nhà nước không được lạm quyền - và do đó cần giới hạn quyền nhà nước. Avner Greif lập luận khi cơ quan thi hành hợp đồng thuộc về nhà nước, mà cơ quan lại lộ tin tức về điạ điểm và giá trị các tài sản tư nhân, thì chính nhà nuớc hay các công chức phục vụ có thể tìm cách tước đoạt tài sản ấy.
Bởi thế, ở đâu mà nhà nước không bị luật pháp ràng buộc, thì ở đó những thể chế tư nhân lo chuyện chấp hành hợp đồng tạo an toàn hơn, như hệ thống mạng lưới các thương nhân Maghibi ở vùng bờ biển Địa Trung Hải vào thế kỷ XI, họ chỉ dựa trên mối ràng buộc của Do Thái giáo và quan hệ thân tộc. Cùng với các hiệp hội thời Trung cổ, các thể chế này thất bại khi có khuynh hướng đề ra những rào cản về thâm nhập thị trường và thiết lập những độc quyền mậu dịch, cản trở cạnh tranh và giảm bớt hiệu năng kinh tế. Đó là lý do tại sao thi hành hợp đồng tư nhân có khuynh hướng nhường bước cho nhà nuớc khi nền kinh tế trở nên phức tạp hơn. Nhưng tiến trình này tùy thuộc vào sự giới hạn việc sử dụng quyền cưỡng chế nhà nước, nhờ đó mà quyền tư hữu được tôn trọng.
Thượng tôn luật pháp đó chính là chức năng chủ yếu trong kinh tế học. Thực ra, tôn trọng quyền tư hữu còn quan trọng hơn nhân quyền.
Không phải hệ thống dân luật của Pháp, bắt nguồn từ truyền thống luật La Mã, cũng không phải hệ thống luật pháp của Đức và Bắc Âu là tốt đẹp, mà không nói đến hệ thống luật pháp của các nước không thuộc phương Tây.
Điều gì đã và đang làm cho hệ thống luật truyền thống Anh tốt đẹp hơn về phương diện kinh tế?
Trong một tiểu luận có ảnh hưởng sâu đậm vào năm 1997, La Porta, Lopez-de -Silanes, Shleifer và Visnhy lập luận rằng hệ thống luật của Anh tạo điều kiện rộng rãi để bảo vệ cho các chủ đầu tư và các chủ nợ. Kết quả là dân có tiền thích đầu tư và cho giới doanh nhân vay mượn nhiều hơn các giới khác Giới trung gian tài chính cao cấp có khuynh hướng gây tác động cho tỷ lệ tăng trưởng cao hơn.
Giống như một vài lập luận trong khoa học xã hội, lý thuyết về nguồn gốc của luật pháp này hàm ngụ một vài lối giải thích của lịch sử: Tại sao luật của Pháp rốt cuộc đưa tới tình trạng tồi tệ hơn Anh?
Vì hoàng gia Pháp thời trung cổ có quá nhiều chuyên quyết trong các đặc quyền hơn ở Anh. Vì về phương diện nội trị thì Pháp ít ổn định hơn Anh và về đối ngoại thì Pháp lại bị tổn thương nhiều hơn Anh. Vì Cách Mạng Pháp bất tín nhiệm giới chánh án, nên tìm cách cải biến họ như người máy, áp dụng luật theo như quy định và điển chế bởi giới lập pháp hay hoàng đế. Kết quả là ngay cả một hệ thống tư pháp và toà án dù ít độc lập hơn nhưng vẫn ngăn ngừa việc xét lại những hành vi hành chánh. Khi Pháp xuất cảng mô hình sang các nước thuộc điạ Á Phi, kết quả càng tồi tệ hơn.
Lý thuyết về nguồn gốc luật pháp cũng đã có những ảnh hưởng lịch sử quan trọng đối với những hệ thống luật pháp không thuộc phương Tây. Hồ Duy Phương lập luận rằng trong thời kỳ quân chủ chính phủ Trung Quốc quy định „không hề có việc phân quyền mà để cho các quan lại hành sử thẩm quyền toàn diện kể cả tam quyền căn bản mà cụ thể là hành pháp, lập pháp và tư pháp.“
Khổng giáo và Lão giáo bày bác vai trò các luật sư và kết án phương cách phản biện. Những thử nghiệm du nhập các yếu tố của hệ thống luật pháp Anh vào Trung Quốc bị thất bại. Khi triều đại nhà Thanh tham gia vào lĩnh vực mậu dịch khá muộn màng, nhà nước làm việc trong một phương cách phản tác dụng, đánh thuế quá mức các thương nhân, ủy quyền cho các tập đoàn độc quyền mà không thể tự kiểm soát hoặc uỷ quyền kiểm soát không hữu hiệu. Kết quả là tham nhũng tràn lan và thu hẹp kinh tế.
Trong những năm gần gần đây có những phản ứng dữ dội chống lại những giả thuyết về nguồn gốc luật pháp. Naomi Lamoureaux và các tác giả khác vạch ra rằng nền kinh tế Pháp có nhiều thành tựu tốt hơn, không phải ít nhất là về mặt tài chính, mặc dù không thuộc về hệ thống luật của Anh. Đối với tôi, nhược điểm trong lý thuyết này trở thành hiển nhiên, nếu như chúng ta chỉ nhìn vào tình trạng hệ thống pháp luật của Anh trong một thời kỳ để làm thí dụ, thì phải thấy là nền kinh tế này có nhiều tốt đẹp nhất, thí dụ thời kỳ cách mạng công nghiệp, khi mà Anh và các nước láng giềng vùng biển Celtic thay đổi triệt để về tiến trình lịch sử của kinh tế thế giới.
Đây là một vài mô tả đương thời về một tòa án của Anh vào thời ấy:
… Một vài thành viên chủ yếu của Luật sư Đoàn tham gia vào một trong vô số trong các giai đoạn của một vụ kiện với nguyên nhân bất tận, tạo cho người khác bị sập vào bẩy của những án lệ khó khăn, dò dẫm ngập đầu về các chuyện chuyên môn, chạy theo chi tiết để chống lại trong chử nghĩa và khi những người được phép tham dự làm ra vẻ chuộng công bình với những khuôn mặt nghiêm nghị.
Nhiều luật sư khác nhau tham gia trong một vụ tố tụng, có khi có hai hay ba luật sư trong nhóm thừa hưởng vụ kiện do người cha của mình, họ tạo nên cơ nghiệp do kiện tụng. Họ cấu kết nhau, đứng theo hàng giữa bàn đỏ của các viên lục sự và các áo thụng luạ với đủ loại giấy tờ từ hoá đơn, bảng trả lời, lời phản bác, lời khai có tuyên thệ, tài liệu tham khảo, giấy tờ hàng núi nhưng tốn kém và vô nghĩa sắp đống trước mặt họ.
Đó là Toà Tối cao ... làm cho kiệt quệ tiền bạc, hết kiên nhẫn, can đảm, hy vọng, làm cho đầu óc quay cuồng và tâm cang bấn loạn, không có một người khả kính nào trong giới này đưa ra lời báo động: "Anh hãy chiụ đựng bất công xảy ra hơn là anh tới đây", thường thì họ không làm như vậy.
Người ta có thể chê trách Charles Dickens vì ông không công bình đối với luật giới trong thời của ông qua tác phẩm Bleak House. Dickens khởi đầu văn nghiệp bằng cách viết các bài tường thuật từ tòa án. Ông ta đã chứng kiến thân phụ mình bị vào tù vì nợ. Người viết tiểu sử ông xác nhận rằng ông biết rõ những gì ông đề cập đến. Các sử gia về hệ thống pháp luật của Anh vào thế kỷ XIX xác nhận chuyện này.
Đầu tiên chúng ta phải ghi nhận tầm vóc nhỏ bé của hệ thống. Vào cuối năm 1854 toàn bộ hệ thống tư pháp của Anh và Wales chỉ đếm được đúng 15 toà án.
Thứ hai, mãi đến năm 1855 có nhiều luật giới hạn khả năng doanh nhân lập ra doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, một di sản của thời gian khi những nhà cổ vũ cho doanh nghiệp độc quyền như South See Compagny thành công trong việc nâng cao giá trị các cổ phần.
Thứ ba, trong một lĩnh vực quan trọng nhất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp là đường sắt. Những công trình nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng hệ thống luật của Anh và các luật sư của Anh đã gây những tác động tiêu cực sâu rộng. Các luật sư gây nhiều tiếng xấu khi làm người quảng cáo các cổ phần đầu cơ cho hoả xa, các chánh án bị công khai cáo buộc thủ lợi riêng và các luật sư của quốc hội có thủ thuật làm tiền bất chánh khi chấp thuận bán giấy phép cho mở những đường xe lưả mới.
Chúng ta phải làm gì với chuyện này? Có phải lịch sử phủ nhận luận đề về nguồn gốc luật pháp mà hệ thống luật pháp Anh đã thắng các hệ thống khác không? Không hẳn.
Mặc dù có những khiếm khuyết hiển nhiên về hệ thống luật pháp của Anh trong thời kỳ công nghiệp, vẫn có những bằng chứng hùng hồn mà luật có thể và đã thích ứng cho sự thay đổi thời gian, ngay cả có thể trong cách tạo thuận lợi và thích nghi trong tiến trình. Điểm này được minh chứng rõ rệt nhất khi tham khảo về tranh tụng trong năm 1854 của Hadley và Baxendale - được sinh viên khoa luật hai bên bờ Đại Tây Dương biết rõ.
Tranh tụng xãy ra giữa hai doanh nghiệp xay bột mì tại Gloucester là Joseph & Jonah Hadley với Pickford & Co, công ty vận chuyển ở Luân Đôn. Hadleys kiện Pickfords bồi thường toàn bộ tiền thiệt hại kể cả doanh thu vì việc giao hàng trễ để thay thế cho một trục máy xay bột thủ công. Không hề có chuyện trùng hợp là Pickfords hiện nay vẫn còn hoạt động mà Hadleys thì không.
Dù toà địa phương đã chuẩn y bản án như Hadleys thỉnh cầu nhưng toà phá án ở Luân Đôn đã không y án. Theo ý kiến của Richard Posner, chánh án người Mỹ và là một học giả về luật, thì vụ Hadley và Baxendale bao gồm nguyên tắc „khi nguy cơ thiệt hại chỉ có một bên của hợp đồng biết, thì phiá bên đối tác không chịu trách nhiệm bồi thường khi thiệt hại xãy ra“.
Về sau được biết đó là lời tuyên bố gốc của chánh án ở Assize, Sir Roger Crampton. Ông không bao giờ công nhận là khái niệm hệ thống luật của Anh tự thích nghi do một tiến trình liên tục phát triển tạo nên sự thay đổi tình hình khi xã hội thăng tiến.
Chắc chắn một điều đây không phải là phương cách của các chánh án toà phá án là các Nam tước Alderson, Parke và Martin, nếu nói theo ngôn ngữ của các bình luận gia hiện nay thì họ „đem lại một nội dung mới về luật bồi thường thiệt hại“. Khi Nam tước Anderson lập luận: “Chỉ trong những tình trạng mà nguyên cáo thông báo cho bị cáo biết vào lúc mà hợp đồng ký kết là các cối xay bị hư. Nhưng không có thông tin về tình trạng đặc biệt là máy xay phải ngưng và doanh lợi thua lỗ do trì trệ trong việc giao trục máy“. Do đó, thất thu doanh lợi không thể được cứu xét khi ước lượng thiệt hại. Khi đơn thuần đặt vấn đề, thì luật này để tạo thuận lợi cho doanh nghiêp lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ - Nhưng thật sự đây là điểm không quan trọng. Vấn đề ở đây là lập luận của Nam tước Anderson minh hoạ được hệ thống luật của Anh như là một trình tự tiến triển, một tiến trình mà Lord Goff mô tả tài tình trong vụ kiện Kleinwort Benson với Hội đồng thành phố Luân Đôn vào năm 1999.
Khi một chánh án quyết định một vụ kiện mà ông thụ lý, ông phải dựa trên cơ sở những hiểu biết về luật khả thi. Việc này có nghĩa là ông khám phá những luật có thể áp dụng, nếu có thể, ông tìm ra những tiền lệ bắt nguồn từ những phúc trình hay những quyết định của toà án trước đây... Trong tiến trình quyết định vụ kiện đang xử lý, tùy theo trường hợp, ông có thể triển khai hệ thống luật trong khi cứu xét quyền lợi công lý, dù là trong quy luật tổng quát, ông làm việc này trong sự kết hợp chặt chẻ. Điều này có nghĩa là ông không chỉ hành động trong khuôn khổ của những tiền lệ quy định mà còn chú ý tới những thay đổi, coi thay đổi này như những tiến triển, luôn là những tiến bộ khiêm tốn, xem những nguyên tắc đang có và xem việc xãy ra như là một phần phù hợp trong hệ thống luật chung.
Tôi tin rằng việc làm này đem lại một sự hiểu biết hữu ích về đặc tính tiến hoá đích thực của hệ thống luật Anh. Trong bài thuyết trình này, tôi muốn đề cập đến một vấn đề khác: Trong thực tế hiện nay, thể chế pháp quyền tại các nước phương Tây, đăc biệt tại các vùng nói tiếng Anh, tốt đẹp như thế nào? Tôi nhận ra bốn mối đe doạ.
Đầu tiên chúng ta phải đặt vấn đề quen thuộc là tự do dân sự bị mất dần trong một nhà nước có vấn đề an ninh quốc gia - một tiến trình mà thực ra chúng ta tính lui lại từ trăm năm trước từ lúc bùng nổ Thế Chiến Thứ Nhất và qua đến việc chuẩn y đạo luật 1914 Defence of the Realm Act. Những thảo luận gần đây về giam giữ tù nhân bị nghi ngờ khủng bố không đem điều mới lạ. Có chăng là một sự chọn lựa giữa tôn trọng nhân quyền theo luật và hàng trăm xác chết.
Mối đe doạ thứ hai hiển nhiên hơn mà người ta đặt ra là sự vi phạm của Luật châu Âu đối với hệ thống luật Anh trong khía cạnh luật dân sự, đăc biệt là những ảnh hưởng sâu rộng trong việc xác nhập Công ước Âu Châu về Quyền Căn Bản và Tự Do 1953. Điều này được coi như là sự trả thù của Napoleon: hệ thống luật của Anh sẽ tuần tự chuyển hoá theo kiểu của Pháp.
Mối đe doạ thứ ba là tính phức tạp - và luộm thuộm - của luật thành văn ngày càng nhiều. Một vấn đề trầm trọng của Bắc Mỹ và Tây Âu khi việc khởi thảo luật lệ gây hỗn loạn tràn lan trong chính giới.
Mối đe doạ thứ tư, đặc biệt nhất thể hiện rõ tại Hoa Kỳ, là chi phí luật pháp tăng cao. Theo Bản tường trình của Sở Quản lý Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ ước lượng khoảng 1,7 nghìn tỷ đô la hàng năm là chi phí phụ trội trong việc chấp pháp. Đứng đầu về chi phí này thuộc về hệ thống luật hình của Hoa Kỳ, theo Pacific Research Institute cho là chiếm khoảng 2, 2 % TSLQG năm 2003.
Người ta có thể lý giải về các số liệu này. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy có một chuyện tương tự: lập một doanh nghiệp mới tại các tiểu bang thuộc New England dính dáng đến nhiều luật sư và tốn nhiều chi phí hơn tại nước Anh. Những chuyên gia về cạnh tranh kinh tế, thí dụ như Michael Porter của Đại học Kinh tế Harvard, định nghĩa vấn đề bằng cách bao gồm các khiá cạnh như khả năng của chính quyền thông qua những luật lệ hữu hiệu, bảo vệ tác quyền sỡ hữu vật chất và trí tuệ, không tham nhũng, hiệu năng của một khung pháp luật, kể cả hệ thống tài phán với phí tổn thấp và nhanh chóng, dễ dàng trong việc thiết lập doanh nghiệp và các luật lệ hữu hiệu và có thể tiên đoán được.
Bằng chứng cho thấy là Hoa Kỳ hiện nay đang chịu nhiều thiệt hại thuộc về lĩnh vực cạnh tranh thể chế, điều này không những tìm thấy trong những công trình gần đây của Porter mà còn trong trong Bảng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của tổ chức World Economic Forum, và đặc biệt là của Executive Opinion Survey. Tài liệu khảo sát này bao gồm 15 biện pháp liên hệ đến thể chế pháp quyền, xếp hạng từ bảo vệ quyền tư hữu đến kiểm soát tham nhũng và kiểm soát tội phạm băng đảng.
Một sự kiện đáng ngạc nhiên, dù ít khi được công nhận, là trong số 15 biện pháp này Hoa Kỳ bị chấm điểm tệ hơn Hồng Kông. Theo Bảng chỉ số của Heritage Foundations Freedom, Hoa Kỳ đứng hàng thứ 21 trong Bảng chỉ số không tham nhũng, sau Hồng Kông và Singapore.
Có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất là của Ngân hàng Thế giới về Lãnh đạo Toàn cầu. Theo tài liệu này thì từ năm 1966 Hoa Kỳ chịu xuống dốc về phẩm chất lãnh đạo trong ba lĩnh vực: hiệu năng chính quyền, phẩm chất luật lệ và kiểm soát tham nhũng.
So sánh với Đức và Hồng Kông thì Hoa Kỳ tụt hậu hơn nhiều. Một điều an ủi là Anh không bị suy tàn như vậy trong lĩnh vực phẩm chất thể chế.
Nếu thể chế pháp quyền, định nghĩa một cách rộng rãi, đang suy vi tại Hoa Kỳ thì ở đâu là nơi tốt hơn? Gần đây tôi nghiên cứu một tài liệu hữu ích của Ngân hàng là Bảng chỉ số Tăng trưởng Thế giới, để tìm hiểu xem nước nào của châu Phi là khá theo các khía cạnh:
1. Phẩm chất của hành chánh công quyền
2. Khuôn khổ cho luật kinh tế
3. Quyền tư hữu và cai trị dựa trên luật pháp
4. Quản lý khu vực công
5. Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng trong khu vực công.
Trong 20 nước đứng đầu trong các nền kinh tế đang phát triển có 4 nước hay nhiều hơn lọt vào tiêu chuẩn này là Burkino Faso, Ghana, Malwi và Rwanda.
Với một cách khảo hướng khác tôi xem trong tài liệu tường trình về đối tác kinh tế của IFC từ năm 2006 và tìm xem trong các quốc gia đang phát triển về cách giảm bớt số ngày để hoàn tất hồ sơ trong 6 loại thủ tục sau đây: xin đăng ký doanh nghiệp, xin giấy phép xây cất, xin đăng ký tài sản, trả thuế, nhập cảng hàng và thi hành hợp đồng.
Những nước châu Phi đạt được thành tựu này là Nigeria, Gambia, Mauritius, Botswana và Burundi. Những quốc gia đang trổi dậy đang đi đúng hướng này là Azerbaijan, Croatia, Iran, Malaysia và Peru. Tôi nói rằng riêng đối với Iran thì tôi sẽ ngưng đầu tư vào nước này trong năm nay.
Ngược lại, Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên mà không có thể chế luật pháp tốt đẹp và không có cải thiện nhiều trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một vài học giả lập luận nếu Trung Quốc hiện nay không chuyển tiếp vào thời kỳ có thể chế pháp quyền thì sẽ phải còn ở mức thể chế tụt hậu làm giới hạn tăng trưởng trong tương lai.
Trường hợp chống tham nhũng của Bạc Lai Hy tại Trùng Khánh minh chứng được Trung Quốc tiến bộ trong việc áp dụng uy lực pháp quyền.
Như Hồ Duy Phương vạch ra rằng các chánh án của Trùng Khánh đã hành sử như một cánh tay nối dài của Bạc, chấp nhận việc tống tiền, bỏ qua thủ tục điều tra chéo. Từ nhiều năm nay Hồ Duy Phương cổ vũ cho nền tư pháp độc lập, trách nhiệm của Quốc hội Nhân dân một thực thể chính trị hợp pháp có đăng ký, chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả những quyền luật định hiện nay nhưng vô nghĩa theo điều 35 Hiến pháp của Trung Quốc.
Đối với một số trong chúng ta, những người đang sống tại phương Tây, nơi mà luật sư thường dường như trở thành nhóm lợi ích mà họ mong đợi, thì đương đầu với các luật sư là chuyện lạ khi họ nhắm vào việc thay đổi cực đoan. Tuy nhiên, hiện nay, nếu tính vào năm 2007 thì luật sư Trung Quốc chỉ có đúng khoảng 150.000, họ là lực lượng chủ yếu làm phát triển nhanh chóng khu vực công tại Trung Quốc. Những thăm dò gần đây cho thấy rằng họ quan tâm mạnh mẽ đến cải cách chính trị và bất mãn sâu xa với tình trạng chính trị hiện nay.
Khi đọc những lời tuyên bố sau đây của một luật sư tỉnh Hồ Nam buộc chúng ta phải nhớ lại thời các luật sư là giới tiên phong trong sự thay đổi trong thế giới nói tiếng Anh.
"Uy lực pháp quyền là khởi điểm cho dân chủ, quyền luật định là tiền đề cho thể chế pháp quyền, bảo vệ quyền luật định là nguyên ủy của các quyền lợi và luật sư là giới tiên phong cho việc bảo vệ quyền luật định".
Trường hợp Bạc Hy Lai trong năm nay là một trong những dấu hiệu cho thấy những phần tử trong nội bộ Đảng Cộng sản nghe được những lập luận này.
Trong một diễn văn gần đây tại Thẩm Quyến, Zhang Yansehng, Tổng Thư ký Ủy ban Khoa học Phát triển và Cải cách Quốc gia, lập luận, tôi xin trích, "chúng ta phải thay đổi dựa trên uy lực pháp quyền", ông nói thêm, " nếu cải cách này không lan toả, Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn trầm trọng, những vấn đề nguy ngập".
Điều mà chúng ta không biết được là khi Trung Quốc thử nghiệm du nhập những khái niệm về uy lực pháp quyền sắp tới có thành công hơn trong quá khứ hay không. Với lý luận thuyết phục, Hồ Duy Phương cảnh báo những cóp nhặt ngây ngô của hệ thống luật pháp Anh hoặc Hoa Kỳ.
Trong tác phẩm "Giấc Mộng Đêm Hè" của Shakespeare ông có viết một cách tha thiết: "Người đã biến thành khỉ, và người khác thét lên, xin chúa phù hộ cho anh, anh đang bị thay đổi".
Việc du nhập hệ thống luật phương Tây vào Trung Quốc cũng giống như vậy. Hệ thống luật của Anh khi du nhập vào Trung Quốc có thể giống như chuyện tệ nhất, một trò khỉ hay nếu không cũng là chuyện ngu ngốc.
Giống như tổ chức con người trong chính trị hoặc là lý do săn đuổi theo nền kinh tế thị trường, bối cảnh luật pháp là một thành phần trong việc thiết lập thể chế mà chúng ta đang sống. Giống như một cảnh trí đích thực, thể chế là sản phẩm có tính hữu cơ, một sản phẩm của một tiến trình lịch sử chuyển động chậm chạp - một loại điạ chất học của luật pháp.
Nhưng đây cũng là một khung cảnh theo ý nghĩa của Brown: nó có thể được cải thiện. Và đó cũng có thể tạo nên chuyện đáng sợ, ngay cả trở thành một sa mạc, bằng các áp đạt quá vội những mô hình ảo tưởng. Chúng ta có thể hình dung ra những khu vườn phương Đông tại Anh và những khu vườn Anh tại phương Đông. Dĩ nhiên, cũng có những thành tựu mức độ của việc du nhập này.
Một khu vườn khi đã xanh tươi có thể trở thành khô cằn qua tiến trình tự nhiên. Marcus Olson thường lập luận qua thời gian tất cả mọi hệ thống chính trị không chống nổi sự sơ cứng, phần lớn do những hoạt động thủ lợi của các nhóm lợi ích. Có lẽ đó là điều mà chúng ta thấy đang xãy diễn hiện nay tại Hoa Kỳ. Người Mỹ có thể khoe là hệ thống của họ là chuẩn mực cho thế giới, Hoa Kỳ là tượng trưng cho uy lực pháp quyền. Nhưng ngày nay chúng ta thấy thao túng của các luật sư, đó là chuyện khác biệt. Chắc chắn một điều là không có sư trùng hợp ngẩu nhiên khi khi đa số nghị sĩ và dân biểu là luật sư. Như tôi đã lập luận trong bài thuyết trình này, thì hệ thống này phải cải cách như thế nào, khi đã có quá nhiều mục nát trong hệ thống này, trong cơ quan lập pháp, trong cơ quan điều tiết và chính ngay trong hệ thống luật pháp. Đó là vấn đề.
Câu trả lời mà tôi sẽ lập luận trong bài thuyết trình cuối cùng của chương trình Reith là cải cách, dù trong thế giới Anh ngữ hay Trung Quốc - phải đến từ một lĩnh vực ngoài phạm vi các thể chế công quyền. Nó phải đến từ tổ chức thuộc về xã hội dân sự, nói vắn tắt, nó đến từ chúng ta là những người dân.
Niall Ferguson
Đỗ Kim Thêm dịch
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Hậu quả của “Tư duy ngược”

Ông Lê Phú Khải, tuy là một phóng viên kỳ cựu của Đài truyền hình Trung Ương nhưng không bao giờ gia nhập Đảng Cộng sản mặc dù cả gia đình ông hầu hết là Đảng viên thâm niên. Lý do nào dẫn đến việc từ chối gia nhập Đảng của ông Lê Phú Khải được Mặc Lâm tìm hiểu thêm qua bài phỏng vấn sau đây:
Mặc Lâm: Như chúng tôi được biết ông là một phóng viên kỳ cựu của Đài Truyền hình Trung ương Việt Nam và xuất thân từ một gia đình hầu hết là Đảng viên Đảng Cộng sản nhưng chỉ có ông là không gia nhập Đảng. Xin được hỏi ông lý do nào ông chọn thái độ đứng ngoài Đảng thưa ông?
Ô. Lê Phú Khải: Là vì tôi đọc sách triết học rất nhiều, tôi thấy một xã hội có đối thoại thì mới tiến bộ được. Nếu độc thoại thì không thể nào khá được. Chính vì vậy nhận thấy mình không hợp với một xã hội độc thoại, một Đảng độc thoại như thế.
Đường lối của Đảng phải do đảng viên góp ý thì nó mới thành đường lối. Đàng này đảng viên phải nghe ý kiến nghị quyết của trên xuống và phải chấp hành thì quá phi lý. Đó là tư duy ngược! Ví dụ như báo Nhân dân nói “đưa nghị quyết đảng vào cuộc sống” như vậy là nghị quyết đảng từ trên trời rơi xuống à? Phải nói là đưa cuộc sống vào nghị quyết đảng mới đúng, để từ đó mới trở thành nghị quyết của Đảng. Đó chính là “Nhận thức luận”  của Lenin đấy. “Từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tuợng”.
Tôi có anh bạn ở Cà Mau ra Bắc tập kết sau này anh ấy làm chức cũng lớn. Một lần anh ấy về quê anh ấy bảo: “má ơi nhà mình xa quá”. Bà má nổi đóa bả chửi: “chỉ có mày đi xa chứ nhà mình đâu có xa!” như vậy là tư duy ngược rồi còn gì nữa?
LPK-250.jpg
Ông Lê Phú Khải
Mặc Lâm: Thưa ông, tuy nhiên có một nghịch lý là từ đó đến nay đã gần 70 năm, số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tăng không ngừng, cho đến nay đã có hơn ba triệu Đảng viên so với ngày đầu là 5.000 người. Câu hỏi đặt ra là tại sao số luợng cứ tăng mặc dù sai lầm vẫn rõ ràng như vậy?
Ô. Lê Phú Khải: Chính vì nó tăng như thế cho nên nó mới sai lầm! Bởi vì người ta cần chất lượng chứ không ai cần số lượng. Anh càng tăng bao nhiêu thì chứng tỏ cái chất lượng của anh bấy nhiêu. Số lượng không nói lên điều gì cả khi ngày xưa chỉ có 5.000 đảng viên nguời ta vẫn làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám. Bây giờ kết nạp cả học sinh, sinh viên vào Đảng nữa. Đảng lãnh đạo tuyệt đối thế thì học sinh lãnh đạo thầy à? Nó phi lý ở chỗ đó.
Như trong bài viết của anh Lê Hiếu Đằng tôi thấy anh ấy viết rất đúng. Trong trường phổ thông cũng kết nạp học sinh vào đảng, thế thì cái thằng học sinh trong lớp nó còn coi thầy ra cái gì nữa? Vì nó là Đảng cơ mà! còn thầy là nguời ngoài đảng thì làm sao thầy dạy được? như thế có phải là tư duy ngược hay không?
Tôi không phải là đảng viên cũng không phải là nguời cách mạng nhưng tôi là nguời tư duy, và tôi thấy như thế là tư duy ngược cho nên dứt khoát tôi không vào Đảng. Tôi không thể chấp nhận cái tư duy ngược như vậy.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết ông là một phóng viên kỳ cựu của đài Truyền hình Trung Ương và từng có dịp gặp gỡ các nhân vật cao cấp trong chính phủ trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông từng nói Thủ tướng Đồng là người có thái độ “kiêu ngạo cộng sản”. Theo ông thì đây là bản tính cá nhân hay nảy sinh từ hệ thống Đảng Cộng sản khiến cho Đảng viên thâm nhiễm cá tính này?
Ô. Lê Phú Khải: Không phải riêng ông Đồng đâu, rất nhiều người có chức có quyền như vậy. Do họ không đối thoại mà chỉ độc thoại nên họ rất chủ quan. Họ chỉ cho ý kiến của mình là đúng mà thôi.
Tôi nhớ ngày xưa khi ông nội tôi làm thư ký cho Toàn quyền Đông Duơng thì ông nội tôi kể khi đi đâu thì Toàn quyền cũng mang theo kỹ sư hay các nhà chuyên môn để nghiên cứu việc trồng cây gì nuôi con gì… Toàn quyền Đông Dương không có “quyết”. Chính anh kỹ sư phải xem phải suy nghĩ để “quyết” sau đó có biên bản đàng hoàng. Anh quyết, anh tham mưu sau này có chuyện gì tôi lôi cổ anh ra, như thế mới là khoa học.
Còn bây giờ, một ông lớn xuống. Cây gì ổng thích thì bảo trồng cây đó và không ai được cãi cả. Nay trồng cây này, mai trồng cây kia mà không thăm hỏi gì cả thì chết dân!
Không thể nào tư duy xuôi chiều được mà phải tư duy nhiều chiều và có đối thoại thì mới tìm ra chân lý. Điều đó là quá rõ ràng, là ABC về triết học.
Tôi là một công dân, tôi sống trong chế độ Đảng cầm quyền thì tôi phải chấp nhận vì trước hết tôi phải sống đã. Tuy nhiên tôi không vào Đảng vì lý do đó.
Mặc Lâm: Trước tình cảnh mà ông gọi là tư duy ngược ấy thì đề nghị của ông Lê Hiếu Đằng như ông đã biết là thành lập Đảng Dân chủ Xã hội để đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam phải chăng là cơ hội để Đảng Cộng sản có dịp tự thay đổi tư duy của mình qua phản biện của Đảng kia hay không?
Ô. Lê Phú Khải: Tôi thấy là quá đúng rồi chứ gì nữa? Đây là cơ may cho Đảng Cộng sản vì bây giờ có những người ôn hòa, nhiệt huyết, tâm huyết… rất nhiệt huyết trong những vấn đề của đất nước thì người ta góp ý với Đảng để cùng với Đảng đối lập về tư duy để có đường lối đúng xây dựng đất nước. Đây là cơ may của Đảng Cộng sản.
Những người này đều có “lý lịch” cùng chung với Đảng Cộng sản và đó là những người yêu nước chân thành. Họ chủ truơng ôn hòa từ trước tới giờ và rất đứng đắn.
Mặc Lâm: Một lần nữa xin được cảm ơn ông.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-08-22

Tiền giả và tham nhũng phá kinh tế VN

Kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu bắt nhịp trở lại
Việt Nam đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp hơn trong lúc vẫn gặp phải các hoạt động phá hoại diễn ra thường xuyên đối với nền kinh tế, từ nạn tiền giả tới tệ biển thủ các nguồn tài chính công.
Đó là quan điểm của nhà quan sát từ Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, trong cuộc trao đổi hôm 22/8/2013 bàn về chủ đề đồng tiền, dòng vốn, giải pháp cho phục hồi kinh tế.
Hôm thứ Năm, tỷ giá giữa USD và VND được nhận định là "bất ngờ tăng mạnh" tới 60 VND từ mức 21.120VND/ một đô-la Mỹ vốn được cho là ổn định trong tuần, theo tờ Bấm Kinh tế Việt Nam.
Tờ báo chuyên về kinh tế và tài chính dẫn lời một thành viên trên thị trường tiền tệ nhận định rằng diễn biến tỷ giá này là 'khá bất thường, 'cần tiếp tục theo dõi', có thể 'ngắn hạn' tuy bước đầu có thể gợi ý xác định về 'diễn biến mới của lãi suất' trên liên ngân hàng và nhu cầu ngoại tệ lớn xuất hiện.
Về diễn biến mới đây trên thị trường tiền tệ, trả lời câu hỏi liệu đây có là việc đồng USD thực sự "tăng mạnh" hay là đồng VND mất giá so với Mỹ kim, nếu chỉ nhìn từ một vài biểu hiện bên ngoài, Tiến sỹ Nguyễn Quang A hôm thứ Năm nhận định với BBC:
"Tôi nghĩ thực sự đồng tiền Việt Nam, giá trị thực, chứ không phải là giá trị danh nghĩa, so với đô-la chẳng hạn, thì thực sự là cao chứ không phải là mất giá.
"Cho nên là khả năng phải giảm giá đồng tiền Việt Nam là một chuyện thực tế và tôi nghĩ là cần thiết cho nền kinh tế. Tôi không nghĩ việc đồng Việt Nam từ khoảng từ 20 ngàn mấy chục lên 21.100 trong khoảng thời gian qua là một biến động gì quá lớn và đáng lo ngại cả."
'Từ tiền giả phá hoại'
Về biểu hiện phá hoại đối với với tiền tệ Việt Nam, hôm 22/8, tờ Bấm Dân Trí phản ánh việc nhà chức trách ở một tỉnh biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc phát giác và bắt giữ các vụ vận chuyển tiền giả được in ở nước ngoài, bên cạnh đồng đô-la giả.
Tờ báo cho hay hôm thứ Năm, cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn đã hoàn tất thủ tục truy tố một đối tượng vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam lượng tiền giả là 200 triệu VND khi tìm cách qua cửa khẩu Tân Thanh.
Vẫn tờ này phản ánh, hôm 5/8, một đối tượng khác trong một vụ riêng rẽ, bị công an kinh tế Việt Nam phát giác và bắt giữ khi đang vận chuyển, cũng qua ngả Lạng Sơn, số tiền giả lớn khác có trị giá lên tới 11.000 USD và hơn 68 triệu đồng tiền Việt Nam.
Bình luận về tác hại của nạn tiền giả với nền kinh tế Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
"Tất nhiên, tiền giả chủ yếu được in, cứ nói thẳng toạc móng heo, ở Trung Quốc đưa sang là chính là đến 100%, có tác hại rất lớn đối với nền kinh tế và có lẽ là về mặt kinh tế, tuy tôi không có số liệu cụ thể, nhưng về khối lượng, tôi nghĩ rằng tác động ấy không phải là lớn lắm,
Tiến sỹ Quang A cho rằng bòn rút công quý và móc ngoặc của nhóm lợi ích đang phá hoại nền kinh tế hàng ngày
"Nhưng về mặt tâm lý, về mặt niềm tin, lòng tin của người dân vào đồng nội tệ, thì đấy là một sự phá hoại hết sức nguy hiểm."
'Tới đánh cắp tài nguyên'
Tuy nhiên một trong những vấn nạn khó nhìn thấy hơn có thể đang làm suy yếu Việt Nam từng ngày là nạn tham nhũng từ 'ăn cắp' tài nguyên, khoáng sản, công sản quốc gia, thông qua lách luật và móc ngoặc giữa các nhóm tài phiệt, đại gia và nhóm lợi ích trong nhà nước và chuyển ra nước ngoài trục lợi, trong khi nền kinh tế quốc nội đang cần các nguồn lực để củng cố, phục hồi.
Tiến sỹ Quang A nói:
"Tôi nghĩ rằng chuyện có sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu ở đây là các đại gia, các doanh nghiệp nhà nước lớn, hoặc thậm chí các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị để làm sao có lợi nhất cho cả đôi bên mà Việt Nam thường gọi là chuyện nhóm lợi ích, đấy là hiện tượng càng ngày càng trầm trọng ở Việt Nam, và đó là cái không ai từ chối cả."
Cựu Viện trưởng Viện IDS đã giải thể nói xã hội Việt Nam vài chục năm gần đây có thể đã xuất hiện một lớp các nhà tài phiệt, đại gia mới lũng đoạn nền kinh tế và làm giàu bất chính thông qua áp dụng các kinh nghiệm xấu về lách luật và làm ăn gian lận từ kinh nghiệm của mafia nước ngoài và móc ngoặc với một bộ phận của giới cầm quyền. Ông nói:
"Tôi có thể nói không thể loại trừ việc học những kinh nghiệm xấu của mafia Nga, giới tài phiệt Nga, trong việc móc ngoặc với nhà nước để kiếm chác, trục lợi trong việc mua bán doanh nghiệp, đấu thầu các tài sản của nhà nước, hầm mỏ và đất đai chẳng hạn. Chuyện đó tôi khẳng định là không thể không có việc học đó và không thể không có ở Việt Nam".
Tiến sỹ Quang A cho rằng mức độ biển thủ tài nguyên, công quỹ, rửa tiền do lách luật, móc ngoặc với nhóm lợi ích và tác hại của chúng ra sao với nền kinh tế khó tính toán hết.
"Cụ thể nó đến mức như thế nào thì nói thật là phải có những tổ chức độc lập, phải có kinh phí để nghiên cứu một cách rất tường tận, lúc đó mới có thể bình luận một cách đầy đủ cơ sở được."
(BBC)

Nguyễn Văn Đài - Cú lừa ngoạn mục- trường hợp LS Lê Công Định

Mấy ngày hôm nay, cư dân mạng xôn xao chuyện Luật sư Lê Công Định đi Mỹ rồi lại thôi. Chuyện thực hư như thế nào?
Như chúng ta đã biết, kể từ khi Luật sư Lê Công Định mãn hạn tù, anh hoàn toàn không lên tiếng trên các phương tiện truyền thông trong nước cũng như quốc tế. Nhân cơ hội này, một số kẻ xấu đã lập địa chỉ email, nick skype, viber mang danh Luật sư Lê Công Định để liên lạc với các tổ chức, cá nhân người Việt ở hải ngoại.
Không chỉ có vậy, họ còn nhân danh những quan chức trong bộ máy chính quyền có tư tưởng dân chủ, mong muốn thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam. Họ cung cấp cho các tổ chức, cá nhân người Việt ở hải ngoại những thông tin thất thiệt, thông tin không chính xác về tình hình trong nước, cũng như những thông tin không chính xác về nội bộ của đảng CS.
LS Lê Công Định
LS Lê Công Định
Họ thông báo cho các tổ chức, cá nhân hải ngoại biết là họ có thể vận động hành lang để chính quyền CS cho phép Luật sư Lê Công Định qua Mỹ du lịch 1 tháng. Và người giả danh Ls Lê Công Định cũng xác nhận như vậy. Và ngày giờ được hai bên ấn định với nhau. Và thực tế diễn ra là Ls Lê Công Định thật thì không hề hay biết, còn những kẻ xấu và kẻ giả danh Ls Lê Công Định thì cười đắc trí khi họ thực hiện được cú lừa ngoạn mục này. Không chỉ có vậy, những kẻ xấu còn thông báo sẽ cho nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác qua Mỹ du lịch nữa.

Mục đích của những kẻ xấu này là gì?
Thứ nhất, họ tung những thông tin giả để những tổ chức, cá nhân người Việt ở hải ngoại có những đánh giá không đúng, hay đánh giá sai lầm về tình hình trong nước, từ đó có những ảo tưởng hoặc quyết định sai. Họ tung thông tin giả, nhưng lại thu về thông tin thật đó là những quan hệ của các tổ chức, các nhân ở hải ngoại với các tổ chức cá nhân ở trong nước. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước.
Thứ hai, những kẻ xấu này sẽ lợi dụng và nhận được sự giúp đỡ tài chính rất hào phóng từ các tổ chức, cá nhân hải ngoại. Vì người Việt hải ngoại cho rằng mình đã đầu tư đúng các đối tượng có quyền lực trong chính quyền CS, và những người hoạt động dân chủ có tiếng tăm ở trong nước và quốc tế.

Những kẻ xấu này là ai?
Tôi chưa khẳng định được những kẻ xấu này là ai. Do vậy, tôi chỉ đưa ra giả thuyết. Các tổ chức, cá nhân người Việt ở hải ngoại đã bị lừa, hoặc sắp bị lừa phải tự đưa ra đánh giá của mình.
Thứ nhất, giả thuyết là do cơ quan an ninh Việt Nam thực hiện. Vô cùng nguy hiểm;
Thứ hai, giả thuyết là do những kẻ cơ hội ở trong nước thực hiện. Ít nguy hiểm, các tổ chức, cá nhân hải ngoại chỉ mất tiền và mất uy tín.
Thứ ba, giả thuyết là do sự phối hợp của cả hai giả thuyết trên. Không có gì để nói.
Nguyên nhân từ đâu?
Một trong những lý do mà các tổ chức, cá nhân người Việt ở hải ngoại bị dính cú lừa ngọan mục vừa qua là do họ mong muốn tuyển mộ được những nhân vật có tên tuổi, mong muốn có được những thông tin từ nội bộ của chính quyền CS. Nhưng lại chưa muốn chia sẻ thông tin rộng rãi để nhờ anh em trong nước kiểm chứng. Rất vội vàng và tin tưởng vào những kẻ xấu đó.
Bài học kinh nghiệm?
Những tổ chức, cá nhân của người Việt ở hải ngoại khi nhận được những liên lạc bất ngờ, hay bất thường thì nên chờ đợi để có sự kiểm chứng chính xác từ những người bạn tin cậy ở trong nước. Chưa có những xác nhận đáng tin cậy thì không nên vội vàng liên lạc và trao đổi thông tin. Đây là một bài học quí giá, mong tất cả chúng ta cần rút kinh nghiệm để tránh bị những cú lừa ngọan mục.
Nguồn UB Nhân Quyền VN

Đào Tuấn - Bộ trưởng Quang và những “cú sốc”

Thiên tai. Dịch bệnh. Biến động thị trường. Thuế phí. Nợ nần. Ốm đau. Mất đất. Thất nghiệp. Đây là những từ ngữ tuy rời rạc, nhưng lại có một mối liên hệ chung: Chúng là những nguyên nhân gây ra các “cú sốc”- từ dùng trong một báo cáo về “bức tranh nông thôn, nông dân” vừa được công cố hồi tháng 6.
“Cả xã nông dân” trở thành tay trắng sau chỉ một cơn bão! Nông dân nghèo thêm sau mỗi năm… được mùa. Thuế phí đè nặng lên hạt lúa củ khoai con heo con gà khiến càng trồng càng lỗ, càng nuôi càng nghèo. Nhưng cú sốc lớn nhất, nhưng nghịch lý nhất vẫn là câu chuyện những người nông dân không có đất.

Hình như nông dân không có đất thì không được gọi là nông dân nữa.

Hôm qua, đối diện với tư lệnh ngành đất đai, ĐBQH tỉnh lúa Thái Bình Đỗ Văn Vẻ đã 3 lần chất vấn về câu chuyện “sau 68 năm và sau 20 năm”. 68 năm sau ngày độc lập, cuộc cách mạng “người cày có ruộng” đã khiến 2 triệu nông dân bấy giờ lần đầu tiên được sở hữu ruộng đất, đối với nông dân, là ước mơ ngàn đời, là tư liệu sản xuất, và là yếu tố để được gọi là nông dân. Còn 20 năm? 20 năm sau ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực, đang tồn tại tình trạng “9,6% tức hơn 6 triệu nông dân không có đất”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định rằng “Quan điểm là không chia lại đất nông nghiệp”. “Chúng ta đặt vấn đề người sinh ra cần có đất trong khi đất thì không sinh ra”- ông nói. Còn việc giải quyết đất cho hơn 6 triệu nông dân, Bộ trưởng nói đến việc “chuyển dịch cơ cấu”. Và ông cũng nói thêm rằng “không thể ngày một ngày hai”.

“Không chia lại đất” vì không thể giải quyết bất ổn này bằng một bất ổn khác. “Người sinh ra trong khi đất không sinh ra”- Điều này ai cũng có thể nói và nói trúng phóc. Giải quyết bằng “chuyển dịch cơ cấu” kinh tế, và qua đó, chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp. Bộ trưởng nói đều đúng cả. Duy chỉ có điều, nói như thế cũng có nghĩa “không thể ngày một ngày hai” giải quyết được vấn đề ruộng đất và việc làm cho hơn 6 triệu nông dân không có đất.

Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng có một thực tế là 9,6% hay hơn 6 triệu nông dân không đất trong hoàn cảnh diện tích sử dụng bình quân của 283 khu công nghiệp trên toàn quốc chỉ chừng 60%. 128.000 ha đất bỏ hoang. 2399 dự án với 71.000 ha, hơn 16 ngàn căn chung cư và 1,6 triệu m2 đất nền đang trở thành nơi nông dân… “khai hoang”.

Chính Bộ trưởng Quang cũng nhận thấy việc “Chúng ta chạy theo phong trào nhiều, thu hồi đất của dân rồi không sử dụng tạo ra vấn đề XH rất bức bách”.

Nhưng 6 triệu nông dân đang bức bách trong “ngày một ngày hai” làm gì để kiếm miếng đút miệng? để tránh cú sốc lớn nhất đối với một người nông dân là không có đất?

Hay họ sẽ phải rời nông thôn muôn đời luôn trong trẻo “không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc” trở thành những món hàng trong chợ người thành phố, để nếu may mắn, trở thành một công nhân khoan điện bất đắc dĩ, và vào một ngày nào đó, có thể bất thần “cháy như đuốc”?
Đào Tuấn
(Blog Đào Tuấn)

Đoàn Xuân Lộc - Qua rồi ‘Mùa xuân Ả Rập’?

Những vui mừng kỳ vọng về 'Mùa xuân Ả rập' dường như nay đã tàn

Cách đây hơn hai năm, người dân Ai Cập và một số nước ở Ả Rập khác đã đồng loạt xuống đường reo mừng vì những chế độc tài ở đây bị lật đổ.

Các nước phương Tây cũng như giới quan sát tin rằng sau những mùa đông dài độc tài khắc nghiệt, một mùa xuân dân chủ, tự do sẽ bắt đầu tại những quốc gia Ả Rập này.

Nhưng với những bất ổn chính trị và xung đột đẫm máu trong thời gian qua tại Ai Cập, xem ra ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã không nảy lộc, kết trái như mong đợi, dự đoán.

Điều gì đã biến những ngày ‘xuân Ả Rập’ tràn trề sức sống, nhiều hy vọng thành những ngày ‘hè oi bức’, đầy chết chóc như những gì người dân Ai Cập phải chịu và chứng kiến trong những tuần qua?

Và phải chăng những xung đột đẫm máu tại quốc gia Ả Rập đông dân nhất này báo hiệu sự tàn lụi của ‘Mùa xuân Ả Rập’?

Cực đoan thay thế độc tài

Sau khi lật đổ chế độ độc tài, các nước Tunisia, Libya và Ai Cập lần lượt tiến hành bầu cử quốc hội, tổng thống. Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ những cuộc bầu cử dân chủ này và từ phong trào nổi dậy nói chung là những chính trị gia và đảng phái theo chủ nghĩa Hồi giáo.

Ở Ai Cập, Mohammed Morsi – một người có lập trường Hồi giáo bảo thủ, thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo – đã thắng trong kỳ bầu cử tổng thống tự do đầu tiên ở Ai Cập vào mùa hè năm 2012.
"Phải chăng những xung đột đẫm máu tại quốc gia Ả Rập đông dân nhất này báo hiệu sự tàn lụi của ‘Mùa xuân Ả Rập’?"
Thắng cử với tỉ lệ rất sát sao và dù chính ông đã tuyên bố ông sẽ là tổng thống của toàn bộ người dân Ai Cập sau khi đắc cử, ông chỉ dành ưu tiên cho Huynh đệ Hồi giáo và cho áp dụng những chính sách bảo thủ, khép kín của tổ chức này.

Thay vì thành lập một chính phủ liên đới, đồng thuận để giúp Ai Cập vượt qua vô vàn khó khăn về chính trị và kinh tế, ông đã đưa các thành viên của Huynh đệ Hồi giáo vào nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ và tìm cách thiết lập một chế độ Hồi giáo.

Quan trọng hơn, thay vì cho xây dựng một xã hội cởi mở, tự do, dân chủ mà người dân Ai Cập mong đợi, kỳ vọng sau nhiều thập niên sống dưới chế độ độc tài, ông theo đuổi đường lối cứng rắn, hà khắc của luật Hồi giáo Sharia mà Huynh đệ Hồi giáo chủ trương.

Vì vậy, sau một năm nắm quyền, ông Morsi không những không cải thiện được tình hình kinh tế tồi tệ của Ai Cập mà còn hạn hẹp quyền của người dân và tạo thêm nhiều chia rẽ sâu sắc trong xã hội.

Điều đó đã làm người dân Ai Cập – đặc biệt là giới trẻ, những người có tư tưởng tự do, dân chủ và chủ trương thế tục – chán ngấy ông Morsi và Huynh đệ Hồi giáo.

Quá thất vọng và bức xúc hàng triệu người trong số họ đã đồng loạt xuống đường đòi truất phế ông Morsi vào dịp ông kỷ niệm một năm tại chức.

Khước từ những đòi hỏi của người biểu tình và đặc biệt từ chối những yêu cầu của quân đội – lực lượng luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của Ai Cập – ông Morsi đã bị quân đội dùng vũ lực lật đổ hôm 03/07/2013.

Kể từ đó, Ai Cập rơi vào cảnh hỗn loạn và tranh giành quyền lực đẫm máu.
Vẫn biết rằng nhiều yếu tố, nhiều đối tượng – trong đó có giới tướng lãnh hiện tại – đã đây đưa Ai Cập vào tình cảnh hiện nay, nhưng ít ai có thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng khiến ‘Mùa xuân Ả Rập’ tàn lụi tại đây.


Thủ đô Cairo của Ai Cập những ngày qua đã rơi vào cảnh hỗn loạn bất ổn

Đó là đất nước này đã không có được một chính phủ, một vị tổng thống thực sự dân chủ, tự do, cởi mở vào thời kỳ hậu Hosni Mubarak dù một tổng thống đã được bầu lên một cách dân chủ.

Thoát được chế độ độc tài, người dân Ai Cập lại rơi vào tay những người Hồi giáo có đường lối bảo thủ, với những luật lệ hà khắc – nếu không muốn nói là hơi cực đoan.

Nếu không bị kìm kẹp, chắc chắn người dân Ai Cập đã không đồng loạt xuống đường đòi truất phế ông Morsi và đất nước Ai Cập đã không rơi vào cảnh tranh giành quyền lực và tàn sát lẫn nhau như ngày hôm nay.

‘Mùa đông Hồi giáo cực đoan’

Không riêng gì ở Ai Cập, tại các nước có phong trào nổi dậy chống độc tài thành công như Tunisia và Libya, các nhóm Hồi giáo, trong đó có không ít thành phần cực đoan, cũng hình thành, phát triển mạnh và gây nên nhiều rắc rối, rối loạn.

Tại Tunisia, ông Chokri Belaid, một lãnh tụ đối lập có chủ trương thế tục, bị các phần tử Hồi giáo cực đoan giết ngày 06/02/2013.

Đáng chú ý hơn, Đại sứ Mỹ Christopher Stevens – người từng ủng hộ cuộc nổi dậy lật đổ Muammar Gaddafi ở Libya – đã bị những thành phần Hồi giáo cực đoan giết hại ngày 11/09/2012.

Dù chính phủ của hai nước trên lên án hai vụ giết hại nhưng những vụ tấn công đó chứng tỏ rằng Hồi giáo cực đoan đang lớn mạnh tại các nước Ả Rập vào thời hậu độc tài.

Lo ngại về tình trạng đó, Mỹ và các nước phương Tây khác cũng không còn mặn mà ủng hộ ông Morsi và phong trào nổi dậy ở Syria.

Chẳng hạn, dù quan ngại về việc quân đội Ai Cập dùng vũ lực truất phế ông Morsi, Tổng thống Barack Obama đã không gọi hành động đó là một ‘cuộc đảo chính’.

Trong thời gian qua Mỹ và các nước phương Tây cũng giảm dần cường độ chỉ trích Tống thống Bashar al-Assad của Syria và sự ủng hộ dành cho phe đối lập ở quốc gia này.

Trước sự bành trướng của các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở những quốc gia này và những hậu quả mà các tổ chức ấy gây nên cho tiến trình dân chủ và an ninh ở các nước Ả Rập-Bắc Phi, giới quan sát đã dần dần thay ‘Mùa xuân Ả Rập’ bằng ‘Mùa đông Hồi giáo cực đoan’ để mô tả những diễn biến xảy ra ở đây trong thời gian qua.


Vụ tấn công Bengazi khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens thiệt mạng hồi 9/2012

Khẩu hiệu của Phong trào Huynh đệ Hồi giáo là ‘Hồi giáo là giải pháp’.
Nhưng xem ra những đường lối quá bảo thủ, những hành động quá khích, những chủ trương cực đoan của một số thành phần Hồi giáo không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.

Trái lại, trong một chừng mực nào đó, những hành động, chủ trương quá khích đó lại là nguyên nhân dẫn đến xung đột không chỉ giữa người Hồi giáo với những người có chủ trương thế tục hay tôn giáo khác mà còn giữa những người Hồi giáo với nhau.

Những chia rẽ, mâu thuẫn, tranh giành quyền lực dẫn đến các vụ giết hại, tàn sát lẫn nhau giữa những người thuộc hệ phái Hồi giáo Shiite và Sunni hay chính giữa các nhóm trong phái Sunni tại một số nước Ả Rập và Trung Đông như Iraq gần đây là một ví dụ.

Các xung đột đó không chỉ gây tác hại cho tiến trình dân chủ mà còn tạo thêm bất ổn cho những quốc gia ấy.

‘Mùa xuân Ả Rập’ lụi tàn?

Nếu cách đây hơn hai năm những người yêu chuộng tự do, dân chủ ở Ai Cập và các nước Ả Rập khác cũng như giới lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây hy vọng về tiến trình dân chủ tại Bắc Phi bao nhiêu thì giờ họ thất vọng bấy nhiêu.
Trong mắt nhiều người, ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã hết và đâu đó có những ý kiến cho rằng tốt hơn ‘Mùa xuân Ả Rập’ đừng xảy ra.

Nhưng một bài viết của The Economist, có tựa đề ‘The Arab spring: Has it failed?’ đăng ngày 13/07/2013 – tức 10 ngày sau khi ông Morsi bị truất phế – nhận định rằng dù có hỗn loạn, đổ máu và nhiều thoái lui dân chủ, tiến trình dân chủ là một chặng đường dài, có khi mất cả hàng thập kỷ và thậm chí hơi bạo lực. Vì vậy, đừng quá bi quan, thất vọng.

Bài viết thừa nhận những hậu quả tai hại mà mùa xuân Ả Rập mang lại. Nhưng dựa trên những khảo sát, báo cáo đặc biệt của mình, tờ The Economist cho rằng đa số người dân các nước Ả Rập không muốn quay lại quá khứ.

Tờ tuần báo nổi tiếng của Anh cũng lập luận rằng những ai nói rằng ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã thất bại là những người cố tình quên những mùa đông dài độc tài trước đó và những hậu quả mà chúng mang đến cho người dân.

Để chứng minh điều đó, bài viết chỉ ra rằng vào năm 1960, Ai Cập và Hàn Quốc có tuổi thọ trung bình và thu nhập đầu người giống nhau. Nhưng ngày hôm nay, hai quốc gia này sống trong hai thế giới hoàn toàn khác biệt.

Bài viết còn nêu rằng việc chuyển đổi từ độc tài, toàn trị sang dân chủ, tự do tại các nước Đông Âu sau khi Bức tường Berlin sụp đổ xem có vẻ êm xuôi nhưng thực ra cũng phức tạp, hỗn loạn, nhiều xung đột.

Đúng vậy, ít có tiến trình dân chủ hóa nào diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Chẳng hạn, để có được một xã hội ổn định, dân chủ như ngày hôm nay, Indonesia cũng đã phải trải qua nhiều biến động, thay đổi chính phủ liên miên thời hậu Suharto.
Nhưng như những diễn ra tại Nam Phi cho thấy nếu biết hòa hợp, hòa giải, nếu giới lãnh đạo mới biết đặt quyền lợi đất nước, người dân lên trên quyền lợi, tính toán phe nhóm của mình, thì người dân và đất nước của họ không phải rơi vào xung đột, nội chiến sau khi được giải phóng, sau các cuộc cách mạng. Nhờ vậy, tiến trình dân chủ của quốc gia ấy cũng diễn ra êm xuôi, nhanh gọn.

Hơn nữa, những diễn biến êm thấm ở Miến Điện cũng cho thấy nếu một chế độc tài tự cởi mở và hợp tác với các đảng phái đối lập để đưa đất nước mình tới dân chủ, quốc gia ấy sẽ có thể tiến tới dân chủ, tự do, phồn thịnh mà không phải trải qua cảnh hỗn loạn, xung đột, đổ máu.

Tác giả có bằng tiến sỹ về quan hệ quốc tế tại Đại học Aston, Birmingham, Anh quốc, và hiện đang là nghiên cứu viên tại Global Policy Institute.
Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London
 

Dính vào vụ Snowden, chính phủ Anh bị chỉ trích đe dọa tự do báo chí


Reuters/路透社

Sau khi chính phủ Anh giữ một cộng tác viên của báo Guardian và gây sức ép tờ báo phải hủy tài liệu mật do Edward Snowden cung cấp, từ hôm qua (21/8/2013), nhiều nước trong đó đáng chú ý là Liên hiệp châu Âu đã công khai chỉ trích hành động của Luân Đôn là đe dọa tự do báo chí.

Những chỉ trích mạnh mẽ đổ xuống Luân Đôn, chủ yếu từ các tổ chức bảo vệ các quyền tự do, đã dấy lên ngay sau khi cơ quan an ninh Anh câu lưu David Miranda, bạn trai của nhà báo Glenn Greenwald, người đã tung lên báo Guardian những tiết lộ của Snowden về chương trình theo dõi thông tin của Hoa Kỳ và của Anh. Dư luận càng phẫn nộ hơn sau khi nhiều đài báo ở Anh đưa tin đích thân Thủ tướng David Cameron đã cử một trong những cộng sự thân tín đến tòa soạn nhật báo The Guardian để gây sức ép buộc tờ báo phải hủy những tài liệu liên quan đến các tiết lộ của cựu nhân viên tư vấn cơ quan an ninh Mỹ (NSA) Edward Snowden, hiện đang tỵ nạn tạm thời tại Nga.

Hội đồng châu Âu, hôm qua đã lên tiếng bày tỏ lo ngại đối với Luân Đôn trong sự vụ này. Trong một bức thư gửi bà Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May, Tổng thư ký của Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland đã yêu cầu phải làm sáng tỏ những vụ việc vừa xảy ra , mà theo ông « có thể gây hiệu ứng tiêu cực đối với tự do báo chí, quyền được bảo đảm bởi điều 10 của Công ước châu Âu về nhân quyền ».

Phát ngôn viên của Hội động châu Âu Daniel Holtgen thì tuyên bố : « Ta không thể chỉ phê phán các vấn đề tự do ngôn luận ở Ukraina, ở Nga hay ở Hungari. Cần phải áp dụng chuẩn mực ở khắp mọi nơi, kể cả trog những nước như Vương quốc Anh ».

Chính phủ Đức cũng đồng thanh lên tiếng chỉ trích với nhân định Luân Đôn « đã vượt quan lằn ranh đỏ » và vụ tạm giữ David Miranda là « không thể chấp nhận được ».

Hôm nay đến lượt phó chủ tịch của Ủy ban châu Âu, bà Viviane Reding, ủy viên phụ trách Tư pháp đã bày tỏ quan ngại về tự do báo chí sau khi Luân Đôn bắt giữ cộng tác viên của Guardian trong khuôn khổ của vụ Snowden.
Anh Vũ (RFI)

Mỹ rải căn cứ “vây” Trung Quốc như thế nào?

Theo đánh giá của tạp chí Foreign Policy, Mỹ đang bao vây Trung Quốc bằng chuỗi các căn cứ không quân nhỏ cùng các quân cảng. Và đây là một phần trong chiến lược mới “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương, nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Căn cứ không quân Andersen của Mỹ ở Guam, Tây Thái Bình Dương.
Căn cứ không quân Andersen của Mỹ ở Guam, Tây Thái Bình Dương.
Theo tạp chí Foreign Policy nhận định vào ngày 21/8, mắt xích mới nhất trong “vòng vây” của Washington là đường băng nhỏ trên đảo nhỏ xíu Saipan ở Thái Bình Dương. Không lực Mỹ hiện đang lên kế hoạch thuê hơn 13hecta đất trên đảo trong vòng 50 năm tới, nhằm xây dựng một “sân bay quá cảnh” trên nền một căn cứ không quân cũ từ Thế chiến II. Tuy nhiên, người dân trên đảo không muốn kế hoạch này. Và người Trung Quốc ở đó cũng không vui gì khi bị người Mỹ bao vây.
Chiến lược mới, quy mô của Lầu Năm Góc trong thế kỷ 21 được gọi là “Trận chiến Hải-Không”, một khái niệm thường chỉ lực lượng kết hợp giữa không quân và hải quân nhằm “xuyên thủng” hàng rào phòng thủ ngày càng vững chắc của các nước như Trung Quốc hay Iran. Nghe có vẻ như là chiến lược ảo, và thực chất, rất nhiều “Trận chiến Hải-Không” vẫn nằm trên khái niệm. Tuy nhiên, một phần rất cụ thể của khái niệm này đang được đưa vào thực tiễn ở Thái Bình Dương. Một phần quan trọng, bao quát của “Trận chiến Hải-Không” kêu gọi quân đội hoạt động thành những căn cứ nhỏ nhưng thiết yếu ở Thái Bình Dương, để lực lượng có thể phân tán được trong trường hợp căn cứ chính bị tên lửa đạn đạo Trung Quốc tấn công.
Saipan có thể được dùng cho các chiến đấu cơ Mỹ, trong trường hợp khả năng tiếp cận với siêu căn cứ Mỹ ở Guam hay “các căn cứ không quân ở Tây Thái Bình Dương khác bị giới hạn hoặc bị từ chối”. Đây chính là thông tin có trong tài liệu của Không quân Mỹ, bàn về tác động đối với môi trường của việc xây các sân bay như ở trên đảo Saipan và đảo Tinian gần đó.
Đặc biệt, theo tài liệu của Không quân Mỹ về dự án Saipan, họ muốn mở rộng Sân bay quốc tế Saipan hiện nay, sân bay được xây dựng trên xương sống của một căn cứ do Nhật sử dụng hồi Thế chiến II và sau này chuyển cho Mỹ sử dụng, để có thể “đón tiếp” các máy bay chở hàng, chiến đấu cơ, máy bay tiếp liệu, cùng với 700 quân nhân hỗ trợ cho “việc hạ cánh, tập trận chung và phối hợp hỗ trợ nhân đạo cùng cứu trợ thảm họa”.
Điều này có nghĩa là Mỹ dự kiến xây thêm bãi đậu máy bay, nhà chứa, kho chứa nhiên liệu và kho chứa đạn dược cùng các cải thiện khác đối với căn cứ không quân cũ này. Và đây không phải là cơ sở duy nhất được nâng cấp.
Mỹ rải căn cứ “vây” Trung Quốc như thế nào?
Những địa điểm Mỹ có khả năng đặt căn cứ (hình máy bay), nhằm thực hiện chiến lược trục xoay ở Thái Bình Dương

Theo hé lộ của một tướng không quân Mỹ vào tháng trước, ngoài địa điểm ở Saipan, không quân Mỹ dự kiến phái máy bay triển khai định kỳ tới các căn cứ từ Úc cho tới Ấn Độ, nhằm củng cố lực lượng ở Thái Bình Dương. Cụ thể Mỹ dự kiến triển khai quân định kỳ tới các căn cứ của Không quân hoàng gia Úc ở Darwin và Tindal, căn cứ không quân Đông Changi ở Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan, Trivandrum ở Ấn Độ và có thể là các căn cứ ở Cubi Point và Puerto Princesa tại Philippines, căn cứ không quân ở Indonesia cùng Malaysia.
Công bố về Saipan được đưa ra vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn, đang công du Washington và có cuộc đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Chủ đề cụ thể về các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương không được đưa ra trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo vào hôm thứ tư vừa qua, nhưng khi trả lời một câu hỏi về “trục xoay” quân sự của Mỹ sang Thái Bình Dương, ông Thường Vạn Toàn cho biết: “Trung Quốc là nước yêu chuộng hòa bình. Và chúng tôi hi vọng chiến lược của Mỹ không nhằm vào nước cụ thể nào trong khu vực”.
Theo Anthony Cordesman, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, mặc dù quân đội Mỹ luôn khẳng định “Trận chiến Hải-Không” và toàn bộ trục xoay sang châu Á không nhằm vào Trung Quốc, nhưng những căn cứ này thực chất là “phép kiểm” đối với bất kỳ sự mở rộng nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
“Trung Quốc sẽ thận trọng hơn ở khu vực bởi sức mạnh Mỹ đã có ở đó. Có thể thấy rõ. Họ không nói lý thuyết suông. Họ đã ở đó để thực tập”, ông cho hay.
Điều này cũng sẽ trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực, chứng tỏ cam kết của Mỹ với Thái Bình Dương là có thực. “Để thực hiện một phần chiến lược tái cân bằng sang Thái Bình Dương, Mỹ phải chứng tỏ cho mọi người thấy, chiến lược là có thực, nhất là vào thời điểm phần lớn sức mạnh của Mỹ bị đặt dấu hỏi bởi cuộc tranh luận về ngân sách”, Cordesman cho biết thêm.
“Chúng tôi sẽ không xây thêm các căn cứ ở Thái Bình Dương” để hỗ trợ thêm cho sự hiện diện của Không quân Mỹ, Tướng “diều hầu” Herbert Carlisle, quản lý tất cả các tài sản của không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết. Và về mắt kỹ thuật, thì ông nói hoàn toàn đúng: không có căn cứ “mới”, chỉ có mở rộng các sân bay hiện có và xây dựng lại các căn cứ đã bị bỏ trống như ở Saipan và Tinian. Trên thực tế, một trong những căn cứ đang được lính thủy đánh bộ Mỹ xây dựng lại trên Tinian là nơi chiếc B-29 Enola Gay đã cất cánh, thực hiện sứ mệnh thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật.
Các sân bay được tân trang lại cũng gợi nhớ tới thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi các đơn vị Mỹ liên tục luân chuyển ra vào châu Âu nhằm “canh chừng” Liên Xô. Để đối phó với kẻ thù mới, không quân Mỹ sẽ liên tục triển khai các đơn vị đóng ở Mỹ và bắc Thái Bình Dương tới một loạt sân bay ở Đông Nam Á.
“Trở lại những ngày cuối huy hoàng của Chiến tranh Lạnh, chúng tôi đã luân chuyển gần như mọi đơn vị CONUS (đơn vị đóng ở lục địa Mỹ) tới châu Âu”, Carlisle cho hay. “Cứ hai năm một lần, mọi đơn vị sẽ được điều đi và làm việc với một căn cứ phụ hoạt động ở châu Âu. Chúng tôi đang chuyển điều đó tới Thái Bình Dương.”
Phép tính dàn trải này không chỉ cho phép Mỹ giấu được máy bay, tránh bị phá hủy, mà còn là “một cách để xây dựng mối quan hệ với các đối tác ở phần này của thế giới”, Jan Van Tol, thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, cơ quan nghiên cứu ở Washington giúp Lầu Năm Góc phát triển khái niệm “Trận chiến Hải-Không”, cho hay.
Như vậy đây là dấu hiệu khác chứng tỏ khi tới Thái Bình Dương, kế sách cũ lại trở nên mới.
Vũ Quý theo FP
(Dân trí)

Tìm kiếm một vài người cộng sản tốt tại Việt Nam

Rõ ràng, Việt Nam không thể tìm đủ những người cộng sản. Tháng trước, chính phủ đã ra quyết định miễn học phí chương trình đại học cho các sinh viên chuyên nghiên cứu ngành chủ nghĩa Mác–Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sinh vien đại-học


Nhưng đằng sau quyết định này là gì? Trớ trêu thay lại là lực lượng thị trường. Thực tế đối với các sinh viên thì các ngành như tiếng Anh, truyền thông, du lịch, quan hệ quốc tế lại dễ tìm việc làm hơn ngành nghiên cứu triết lý của các ông cha Cộng sản Việt Nam.

Một trong những người sử dụng Facebook châm biếm, “Ngành Mác–Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh không khó để tìm công việc làm – nhưng phải nói là không thể!”.

Việt Nam vẫn còn bị cai trị bởi chế độ cộng sản độc đảng, nhưng các lãnh đạo tại đây đã chấp nhận chính sách Đổi mới, đưa ra một loạt những cải cách cần thiết chuyển hưởng theo thị trường tự do trong những năm 1980. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang dẫn đầu khu vực giữa lúc các nền kinh tế châu Á khác bị trì trệ bởi sự tăng trưởng chậm chạp tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, công việc tốt vẫn còn rất khó tìm. Khoảng 60 phần trăm trong số 90 triệu dân tại nước này hiện đang ở dưới độ tuổi 30. Dựa trên những phản ứng từ các trang truyền thông xã hội và các nơi khác thì việc miễn học phí – có thể lên đến 6.000 USD mỗi năm tại các trường đại học tư – có vẻ vẫn không đủ để thuyết phục giới trẻ Việt Nam đăng ký học ngành này vì tương lai hiện đang phát triển theo chiều hướng chủ nghĩa tư bản. Trong một đất nước không có đối lập chính trị rõ ràng thì có lẽ bất đồng chính kiến cũng đã  ​​đủ.

Miên Thy chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Theo The Bloston Globe


 © 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Nợ có khả năng mất vốn của 10 ngân hàng tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2013 của 10 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của các ngân hàng này đã tăng đến 33% trong sáu tháng đầu năm.
Tổng nợ có khả năng mất vốn của 10 ngân hàng này tính đến cuối tháng 6-2013 là 15.315 tỉ đồng, tăng 33% so với mức 11.525 tỉ đồng cuối năm 2012. Mười ngân hàng này là Á Châu (ACB), Nam Việt (NVB), Phương Nam (PNB), BIDV, Eximbank (EIB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB), Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Quân đội (MBB), Techcombank (TCB).

Có tốc độ tăng cao nhất trong số các ngân hàng này là Ngân hàng Sacombank với mức tăng đến 67%, từ 897 tỉ đồng lên mức 1.500 tỉ đồng. Tiếp theo là Ngân hàng ACB với mức tăng nợ có khả năng mất vốn là 55%. Ngân hàng Saigon-Hanoi (SHB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 cao nhất trong số các ngân hàng là 9%, riêng nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này trong sáu tháng đầu năm tăng 54%, từ 2.067 tỉ đồng lên 3.186 tỉ đồng, cao nhất về số tuyệt đối trong số 10 ngân hàng.
Chỉ riêng Ngân hàng Phương Nam (PNB) có nợ nhóm 5 giảm đến 19%, từ mức 797 tỉ đồng xuống còn 649 tỉ đồng vào cuối tháng 6, và Ngân hàng Eximbank có nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ 1% xuống còn 782,5 tỉ đồng.
Trong 10 ngân hàng này, chỉ có Nam Việt, SHB, và Techcombank có nợ xấu (nhóm 3, 4, 5 tức nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên) cao hơn 3%, mức buộc phải bán nợ cho Công ty quản lý tài sản VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của ba ngân hàng này lần lượt là 6,1%, 9%, và 5,3%.
Về lợi nhuận trước thuế, chỉ riêng BIDV và Phương Nam có lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm ngoái, còn tám ngân hàng kia đều sụt giảm lợi nhuận, mức sụt giảm mạnh nhất là Nam Việt với 91% và kế đến là Eximbank với mức giảm lợi nhuận là 60%.
(TBKTSG Online)

“Hội chứng bỏ hết”, cuộc đào thoát của tỷ phú Việt

Lãnh đủ thua lỗ, khó khăn do đầu tư dàn trải, đa ngành, nhiều đại gia đã tuyên bố rút vốn, bán bớt để giảm bớt gánh nặng. “Hội chứng bỏ hết” đang lan rộng trong các tỷ phú Việt.
Lỗ bán, có lãi cũng bán
Ông Đoàn Nguyên Đức vừa có buổi tiếp xúc NĐT nhằm cập nhật chiến lược trong giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, HAG sẽ rũ bỏ một nửa các lĩnh vực hoạt động hiện tại.
HAG sẽ tái cấu trúc một lần nữa, tập trung vào 2 ngành chính là nông nghiệp và bất động sản (BĐS). Trong đó nông nghiệp bao gồm: mía đường, cao su và cọ dầu; BĐS chủ lực là dự án Myanmar.
HAG quyết định bán các dự án thuỷ điện ở Việt Nam; thu hẹp dần hoạt động khoáng sản và sau đó bán đi; bán cổ phần ngành gỗ đá cho người lao động.
Theo HAG, thủy điện ban đầu được xác định là ngành chiến lược nhưng sau 4 năm hoạt động cho thấy cho dù có lợi nhuận nhưng chi phí vốn lớn nên tỷ suất lợi nhuận không còn cao trong khi HAG lại có nhiều lựa chọn tốt hơn. Việc bán các dự án thuỷ điện tại Việt Nam về cơ bản đã đàm phán ký kết xong, và thu tiền cũng gần xong.

BĐS ở Việt
BĐS ở Việt Nam sẽ được tách ra cho các công ty con. Ngành gỗ HAG sẽ chỉ giữ lại khoảng 20%.
Thực tế, định hướng mới này đã được bầu Đức thực thi khi liên tục hạ giá bán căn hộ, co gọn kinh doanh BĐS, bán hàng loạt dự án thủy điện... và đầu tư rất lớn cho cao su, mía đường và dự án BĐS khổng lồ ở Myanmar.
Trên thực tế, các ngành mà HAG dự định rút lui được cho là vẫn đang sinh lời nhưng mấu chốt của vấn đề có lẽ ở chỗ tập đoàn này đã quá dày nợ. Tổng nợ phải trả trả tới cuối quý II/2013 lên tới gần 19.400 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 9.300 tỷ đồng. Nợ nhiều, các dự án lại cần vốn quá lớn và độ an toàn tài chính DN kém đi đã khiến "người có tầm nhìn xa" Đoàn Nguyên Đức bớt đa mang.
Giới đầu tư hẳn không thể quên ông Đặng Thành Tâm khi thốt lên "tôi sợ lắm rồi" và thẳng thắn thừa nhận các khoản nợ lớn, thừa nhận thất bại khi đầu tư vào ngân hàng, thua lỗ khi đầu tư vào viễn thông và chấp nhận rút khỏi khỏi đầu tư tài chính, chứng khoán, BĐS để tập trung vào thế mạnh phát triển khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư.
Gã khổng lồ trong lĩnh vực vận tải taxi Mai Linh phải mạnh tay cắt bỏ những lĩnh vực cơi nới, ngoài ngành là một ví dụ điển hình về việc doanh nhân quay lại tập trung với ngành nghề chính.
Nam 2013, Mai Linh chỉ tập trung hoàn toàn cho kinh doanh taxi lên cùng với các dịch vụ bảo trì và các hoạt động thương mại, thay vì hàng chục ngành nghề kinh doanh ở hầu khắp các tỉnh thành như trước đó. Nợ nần đeo đuổi, thua lỗ triền khi dính nhiều ngành nghề có lẽ đã khiến tập đoàn lãnh đủ hậu quả, quyết bỏ hết các lĩnh vực tay trái.
Trong ĐHCĐ 2013 gần đây, chủ tịch HĐQT Mai Linh cũng cho biết, công ty đã nhận thấy nguy cơ của đầu tư đa ngành từ năm 2008 và đã đẩy mạnh thoái vốn khỏi nhiều lĩnh vực (như viễn thông, thủy điện...) trong 3 năm gần đây và sẽ triệt để trong năm 2013.
Rất nhiều DN nổi tiếng khác cũng đã từng rơi vào tình trạng điêu đứng do dính vào đa ngành, quên mất trọng tâm kinh doanh của mình như: Hanoimilk, Trường Hải, PVX, KDC...
Bỏ hết quay về nghề cũ
Hội chứng "bỏ hết" đang lan rộng trong cộng đồng doanh nhân khi nền kinh tế liên tục rơi vào khó khăn, thị trường và giá trị các tài sản xẹp xuống và việc vay vốn không còn dễ dàng nữa.
Trên thực tế, nhiều doanh nhân như bầu Đức của HAG và ông Trần Lệ Nguyên của Kinh Đô... đã nhận thấy sự bất ổn của đầu tư quá dàn trải và đã quyết định bán bớt, rút lui khỏi một số lĩnh vực.
Kinh Đô (KDC) đã nhanh chóng rút khỏi đầu tư tài chính, địa ốc để quay về với ngành nghề bánh kẹo dù chấp nhận lỗ so với khoản đầu tư bỏ ra.
Với HAG, Bầu Đức đã từng tuyên bố, sau 2015, HAGL sẽ rút hẳn khỏi BĐS. Việc hạ giá căn hộ với mức khủng để giảm tồn kho, thoát dần khỏi gánh nặng BĐS, cho dù BĐS và gỗ là xuất phát điểm, là bệ phóng đầu tiên của đại gia này.
Một DN lão làng trên TTCK là Gemadept (GMD) cũng đã nếm trái đắng của đầu tư đa ngành và cũng đã chuyển đổi khá mạnh mẽ, tập trung nguồn lực vào hoạt động truyền thống và cốt lõi, giao nhận và vận tải. Thu hẹp và chấm dứt hàng loạt các hoạt động kém hiệu như đầu tư tài chính, chứng khoán... và tính tới chuyện đi trồng cao su.
Hàng loạt các tên tuổi lớn đã tháo chạy khỏi những lĩnh vực đầu tư "nghìn tỷ" như cảng biển, thủy điện như Đồng Tâm, Hoàng Anh Gia Lai, Tôn Hoa Sen...
Làn sóng trút bỏ bớt những lĩnh vực không phải thế mạnh, ngốn nhiều tiền và dẫn tới nợ nần chồng chất, chứa đựng rủi ro cao... đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đây là một dấu hiệu cho thấy các DN đang vận động theo quy luật của thị trường. Đó là sự sinh tồn của DN và sự hiệu quả của đồng vốn sẽ quyết định.
Hiện tượng DN tự tái cơ cấu, tập trung vào thế mạnh, vào lợi thế cạnh tranh của mình sẽ góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế.
Đầu tư đa ngành, theo nhiều chuyên gia là căn bệnh của lòng tham và hậu quả của nó đa phần là tiêu cực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là DN cả lịch sử phát triển của mình chỉ tập trung vào một doanh nghiệp hay một ngành. Gần đây, một số đơn vị đã chuyển hướng và gặt hái những kết quả khá tích cực như: SAM thoát khỏi cái cáo chật chội sản xuất cáp vốn là sở trường; REE chuyển hướng thêm vào lĩnh vực năng lượng... Nhưng tất cả đều phải thận trọng và dựa trên hiệu quả. Không thể cảm hứng, phong trào hay ăn xổi.
Theo Mạnh Hà
VEF

Giá viện phí tăng tới 63,94% đẩy CPI Hà Nội tăng 3,16%!

Ngày 20/8/2013, Cục Thống kê thành phố Hà Nội công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 8/2013. Cụ thể, CPI Hà Nội đã tăng 3,16% so với tháng 7/2013 với 10/11 nhóm hàng tăng giá.


Tăng cao nhất là nhóm y tế, tăng tới 63,94%. Nguyên nhân do giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc Hà Nội đã tăng mạnh. Nhóm này là nhân tố chủ đạo kéo chỉ số CPI tháng 8, nếu không tăng giá y tế, Cục Thống kê Hà Nội cho hay, CPI tháng 8 sẽ chỉ tăng 0,59%.
Tăng mạnh thứ 2 là nhóm giao thông với 1,13% so với tháng trước do các đợt điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian qua. Tiếp theo là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tăng 0,95%. Nguyên nhân do giá gas và dầu hoả tăng cùng với giá điện tăng từ 1/8/2013.
Như vậy, CPI của Hà Nội tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 5,19% so với tháng 12/2012. TP.HCM cũng vừa công bố chỉ số CPI tháng 8/2013 với mức tăng 0,31%. CPI của 2 thành phố này chiếm tỷ lệ lớn trong chỉ số CPI của cả nước.
Trước đó, Tổ điều hành trong nước, Bộ Công thương dự báo, trong tháng 8, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như thời tiết do đang trong mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm, tỷ giá tăng, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cao hơn, chuẩn bị vào mùa khai giảng. Từ ngày 1/8, Hà Nội có sự điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, Tổ điều hành dự báo, CPI tháng 8 có thể tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 0,6%- 0,7%. Mức tăng này chỉ khoảng 0,3%- 0,4% nếu Hà Nội chưa áp dụng sự điều chỉnh viện phí trong tháng 8.

Thu Hoài
Theo Tầm Nhìn

Giang hồ Quảng Trị

Khoảng 1 năm trở lại đây, những băng đảng giang hồ đã bắt đầu nổi lên ở Quảng Trị. Là tập hợp những kẻ bất hảo, tiền án tiền sự dày cộm, các băng nhóm này là nỗi khiếp sợ của người dân lương thiện với những hoạt động bảo kê, xin đểu, đâm chém...Ba năm kể từ khi Long Buri (Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Phú Sĩ Long, từng được xem là tay giang hồ số 1 ở Quảng Trị) cùng đồng phạm ra tòa lãnh án, các băng nhóm mới đã nổi lên. Và những cái tên “lóng” như Quyền “Éc Ke”, Tý “Vện”... cũng bắt đầu nổi tiếng trong giới giang hồ.

Giang hồ Quảng Trị
Quyền “Éc Ke” - Ảnh: Công an tỉnh Quảng Trị
Xin đểu, bảo kê… 
Không phải đến bây giờ dư luận mới biết đến nạn bảo kê, xin đểu ở Quảng Trị mà từ lâu vấn nạn này đã nhức nhối, đặc biệt là trên quốc lộ 9, tuyến đường thông thương xuyên Á. Một mặt hàng rất được các băng nhóm giang hồ quan tâm, ấy chính là gỗ. 
Theo thông tin PV Thanh Niên thu thập được từ những người trong giới buôn gỗ, do biết đây là mặt hàng có giá trị cao nên các băng nhóm “chém” rất đẹp. “Chỉ cần xe chở gỗ qua tới VN thì mấy đám chim lợn đã biết. Và hễ xe hạ gỗ tại bãi nào thì đã có một vài thanh niên xăm trổ đầy mình đến xin đểu. Giá mỗi xe 1 triệu đồng, không thương lượng. Thời gỗ đang vượng, có ngày chủ gỗ về vài chục xe nên chúng kiếm tiền khỏe re”, một chủ gỗ nói.
Tại các bãi gỗ cũng luôn xuất hiện đám cửu vạn mặt mày bặm trợn nhưng tất nhiên giá bốc gỗ của đám này cao gấp đôi, gấp ba những cửu vạn bình thường. “Biết là thủ đoạn của chúng cả nhưng đành phải bấm bụng đưa tiền chứ nếu không cho chúng bốc thì không ai dám đụng đến xe gỗ của mình. Chúng phải ăn bằng được 2 lần, vừa xin đểu vừa lấy cả tiền bốc gỗ với giá cắt cổ”, người này nói tiếp.
Những người buôn chuối tại ngã ba Tân Long (H.Hướng Hóa, án ngữ trên quốc lộ 9) cũng không thoát khỏi đám giang hồ xin đểu. “Bảng giá” bất thành văn ở khu vực này là mỗi chủ buôn chuối phải cống nộp cho chúng mỗi tháng 15 triệu đồng, chưa kể giá bốc chuối cắt cổ. Nếu ai chống đối bọn chúng thì y như rằng cả xe tải chuối sẽ nát bét vào sáng hôm sau.
Khoảng chừng 6 tháng gần đây, việc kinh doanh gỗ từ Lào về không còn được thuận lợi như trước. Từ đợt Tết Nguyên đán đến giờ, những đoàn xe chở gỗ “khủng” đã không còn bóng dáng trên quốc lộ 9. Các chủ gỗ gặp khó, đồng nghĩa với những kẻ giang hồ cộng sinh cũng “treo niêu”. “Mùa giáp hạt” của các băng nhóm cũng đến khi mùa chuối Tân Long qua. Và để có vật lực nuôi quân, các “đại ca” đã phải xuống nước “xua quân” đi làm những công việc “hèn mọn” hơn, trấn lột những người ít tiền hơn. Chính cuộc đổ bộ của đám giang hồ này đã làm cho dân chúng ở TP.Đông Hà nhiều phen khiếp đảm.

Giang hồ Quảng Trị
Tý “Vện” - Ảnh: Công an tỉnh Quảng Trị
Quyền “Éc Ke”, Tý “Vện”
“Khét tiếng” trên quốc lộ 9 là băng nhóm của Quyền “Éc Ke”, tức Vương Khánh Quyền, 42 tuổi, trú P.2, TP.Đông Hà. Theo thông tin từ cơ quan CSĐT (Công an Quảng Trị) cung cấp thì Quyền dù chỉ mới ra trại từ năm 2011 sau 6 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” và “trốn khỏi nơi giam giữ”, nhưng đã sớm thu nạp dưới trướng gần 20 giang hồ có số má. Trong số này có Vương Khánh Long (em ruột Quyền, tức Long “Nghĩa”), Lê Tứ Long (tức Cu “Tứ”), Nguyễn Hà Hoài Hận (tức Cu “Loe”)... 
Đám tay chân đa số là con nghiện nên càng dễ bị Quyền điều khiển, sai đâu đánh đó. Riêng Quyền mở một quán karaoke trên đường Nguyễn Du (TP.Đông Hà) và với kinh nghiệm đầy mình, y ít khi xuất hiện trong các cuộc “nói chuyện bằng mã tấu” với các nạn nhân hay với các băng đảng cạnh tranh khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, băng nhóm của Quyền đã cưỡng đoạt của các chủ buôn chuối hàng chục triệu đồng, cưỡng đoạt của một doanh nghiệp trên địa bàn H.Hướng Hóa hơn 60 triệu đồng...
Cũng phải kể đến “đồng nghiệp” nhưng không đội trời chung với Quyền “Éc Ke” là băng nhóm của Tý “Vện”, tức Lê Viết Tý. Tý “Vện” mang một khuôn mặt điển trai nhưng vốn đã có máu giang hồ từ bé. Tuổi choai choai, Tý vào ra đồn công an nhiều lần và mới 29 tuổi, tuy được hàng xóm biết đến là ông chủ tiệm cầm đồ nhưng thực chất dưới trướng của Tý đã có hàng chục đàn em xưng tôn. Băng của Tý “Vện” đa số là 8X nhưng độ liều lĩnh thì không thua các bậc đàn anh trong băng Quyền “Éc Ke”. Trong đó phải kể đến Nguyễn Bá Dương (tức Bom “Đại”), Đặng Hải Sơn (tức Cu “Rin”), Lê Viết Bảo (Bảo “Lùn”)... Thậm chí băng này còn “nặng túi” hơn khi rất “năng nhặt”, hầu như thấy chỗ nào, người nào trấn lột được là trấn.
Tại TP.Đông Hà bé nhỏ này, đám đàn em của Tý đã không bỏ qua một cơ hội nào để “vặt” tiền người khác. Từ những chủ hàng quán ăn nhậu dọc hai bờ sông Hiếu, đến các chủ bãi cát sạn ở khu vực P.2, thậm chí đến những người đi thu mua lông gà, lông vịt đều bị chúng “hỏi thăm”. Chúng ngang nhiên ra giá: đối với quán xá và bãi cát sạn mỗi tháng thu “đồng giá” 2 triệu đồng, đối với chủ thu mua lông gà lông vịt mỗi tháng thu 3 triệu đồng... 
Trước sự hung hãn của băng Tý “Vện”, suốt nhiều tháng liền, chưa có một ai dám làm trái, cứ đến ngày là ngoan ngoãn nộp tiền cho chúng. Vì họ sợ phải trả cái giá đắt hơn cũng như biết rằng băng Tý “Vện”... không nói chơi.

Mua sự yên ổn
Thiếu tá Nguyễn Thanh Tịnh, Đội trưởng đội 4 (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Trị) nhận định rằng tâm lý của hầu hết nạn nhân là lo sợ sự trả thù, còn đối với các chủ gỗ (thường có rất nhiều tiền) nên họ sẵn sàng chi ra một ít tiền cho đám giang hồ để mua sự yên ổn. “Chính những điều này đã vô tình tiếp sức cho các băng đảng lộng hành, làm càn”, thiếu tá Tịnh nói. Trước tình hình này, Công an tỉnh Quảng Trị đã âm thầm lập chuyên án do đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo trực tiếp. Các trinh sát dày dạn kinh nghiệm cũng đã được tung ra khắp nơi.
(Còn tiếp)
Thanh Lộc
(Thanh niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét