Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Bùi Văn Bồng - Hiểu về ông Lê Hiểu Đằng từ đằng nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng
Đọc bài: Thư gửi anh Lê Hiếu Đằng – “Đằngấy… đằng mình” của TS. Hoàng Văn Lễ, đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 26-8, tôi thấy một bức thư được ‘báo chí hóa’, lời lẽ có vẻ nhẹ nhàng, khuyên can, không nặng về đấu lý mà phân tích giảng giải làm rõ sự khác biệt về quan điểm, cách nhìn và cách xem xét, đánh giá thực trạng đất nước, về chính trị-xã hội hiện nay. Theo tôi, trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên dùng cụm từ "bất đồng chính kiến", vì nó tối nghĩa, đã là chính kiến là nhận thức, nhãn quan của mỗi người, khó mà ai giống ai, và nó luôn luôn vận động, nó là bất định, có thể thay đổi ngay trong mỗi người tùy tác động khách quan và cả chủ quan.
Bất đồng chính kiến không phải chỉ với thế chế, cơ chế, với người khác mà đó cũng là mâu thuẫn nội tại trong tư duy từng cá nhân - đó là chuyện bình thường! Chính K.Marx cũng nói: "Con người, cuộc sống là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội"; rặng: "Con người là một thực thể tự nhiên, vừa là thực thể xã hội, đồng thời là chủ thể cải tạo hoàn cảnh". Dù dưới hình thức nào thì bài "Thư gửi..." cũng coi là bài báo phản biện, cũng mang tính ‘bút chiến’. Chính cách diễn đạt cũng như rút tít bài báo  này đã gợi cho tôi suy nghĩ: Hiểu về ông Lê Hiếu Đằng từ đằng nào”.


Ở đây, tôi muốn nói một điểm rất chung là hiện nay xã hội Việt Nam ta chưa thực sự yên tâm để khẳng định là “ổn định chính trị”. Dù trong báo cáo chính trị, các nghị quyết của đảng mấy nhiệm kỳ qua đánh giá rất tự hào, coi đó là thành tích lãnh đạo của đảng, nhưng có “ổn định chính trị” thực sự (theo đúng nghĩa của chính cụm từ này) hay không thì ai cũng rõ. Khác nhau là nói như thế nào, diễn đạt như thế nào, nói ra hay chỉ im lăng để ‘biết vậy thôi’. Là người thuộc tầng lớp trí thức đi theo cách mạng, vào đảng, đi theo đảng đã 45 năm, nay vào tuổi 71 rồi, ông Lê Hiếu Đằng có ‘trở cờ”, có phải là một đảng viên đã bộc lộ quay ngoắt trở thành kẻ phản đảng, phản dân hại nước? Có lẽ nhận định, đánh giá là đúng thế, TS. Lễ mới viết: Ông Lê Hiếu Đằng  bị lung lay, dao động đi đến phản bội mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam… nói năng rất liều mạng, tư duy có sâu sắc chi đâu,  trở thành ‘nhà bất đồng chính kiến’, bắt đầu hoạt động chống Đảng… tự huyễn hoặc mình,… mắc mưu những kẻ thọc gậy bánh xe đầy ác ý”. 

Tôi tán thành (tuy không toàn bộ) Lời tòa soạn báo SGGP đã  ‘phi lộ’ đầu bài: “Những quan điểm trên vốn đã xuất hiện đầy rẫy trên các diễn đàn, được một số cá nhân và tổ chức khoác lên chiêu bài “dân chủ”. Điều đáng nói ở đây, ông Lê Hiếu Đằng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; đã từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên chống chiến tranh tại Sài Gòn từ trước năm 1975; đã từng tham gia xây dựng TPHCM, xây dựng đất nước một cách tự nguyện, lại có thể phủ nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam, nhìn nhận qua lăng kính cá nhân một cách phiến diện, ấu trĩ và lệch lạc. Đáng lẽ ra, nếu thật sự tâm huyết với đất nước, ông Lê Hiếu Đằng phải cùng chung tay với Đảng để xây dựng đất nước ổn định, hòa bình, phát triển”… Tuy vậy, cần coi lại cho kỹ những đánh giá mang tính áp dặt cho ông Lê Hiếu Đằng là ‘chiêu bài dân chủ’, ‘phủ nhận mọi thành quả của cách mạng’…đã chính xác hay chưa? Theo tôi, những dẫn liệu, phân tích, những mạnh dạn đề xuất của ông Lê Hiếu Đằng trong bài: “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng không sai thực tế xã hội, không nói trật những đánh giá về những yếu kém của Đảng, Nhà nước mà gần đây nhất là Đại hội XI và các hội nghị TW4,5,6,7 (*) đã đánh giá, mổ xẻ, có những chỗ dám nhìn thẳng vào sự thật và nhất là phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có chăng chỉ khác ở cung độ, văn phong, diễn đạt, cách lý giải…Phải nhìn nhân thời điểm và hoàn cảnh ông Lê Hiếu Đằng viết bài này, tuổi đã cao, bệnh quá nặng, không biết sống-chết thế nào, ông không muốn mình ra đi mà còn trĩu nặng 'nợ đời'. Vì thế, ông hạ bút dùng các từ như "tính sổ", "thanh toán", ai mà chẳng thế trước khi biết mình sẽ từ giã cõi trần. Qua đó, dễ nhận ra ông là người chân chất, sóng phẳng, không việc gì mà nhiều người khó chịu, bắt bẻ, có những người thấy "bị dội", lôi từ ngữ ra chửi ông Đằng!?

Có người viết bài chỉ trích, phê phán gay gắt ông Lê Hiếu Đằng về những 'suy nghĩ' trên giường bệnh, và nói rằng ông Lê Hiếu Đằng không tỉnh táo, có sự hồ đồ, vội vàng, nhìn nhận phiến diện… Nhưng chính những tác giả viết các bài báo để phản biện, bút chiến ấy có nhìn lại xem mình có hồ đồ, vội vàng, ấu trĩ, một chiều và áp đặt quá mức cho ‘đối tượng phản ánh’ hay không?
Thế nên, đúng là trước “sự kiện” này, mọi người cần đứng từ đằng nào, góc độ nào, cái tâm và cái tầm nào để hiểu, đánh giá về động cơ cũng như những ý kiến thẳng thắn, trung thự của ông Lê Hiếu Đàng cho đúng.
Bị bệnh nặng, lo đối phó, chịu đựng với “con bệnh” nhưng ông Lê Hiếu Đằng đã viết một bài tới trên 7.000 chữ như thế là một nghị lực, một cố gắng lớn. Đọc kỹ, toàn bộ bài viết là lối văn phong nhẹ nhàng, ít chỉ trích, không kích động, không gay gắt, như lời góp ý xây dựng chân tình. Toát lên trong bài viết là lời tự sự, suy ngẫm, lý giải mang tính tự trào, có nét như một đoạn 'tự truyện', kể về đời tư, về các kỷ niệm công tác, giao tiếp xã hội, những thăng trầm, gay cấn, những dồn nén tâm tư, tất nhiên đều gắn với chính trị-xã hội. Bài viết cũng thể hiện tác giả trải biến nhiều, đọc và nghiên cứu nhiều, suy tư chín chắn, sử dụng tư liệu, sự việc, con người đẻ minh dẫn có chọn lọc. Đọc xong bài viết, câu đầu tiên bật lên trong đầu tôi là “Có gì mà phải ầm ĩ lên thế?, Có gì phải đao to búa lớn?".

            Gọi cho đúng tên sự vật, hiện tượng: Đã là dân chủ thì người dân thực hiện quyền dân chủ, được thụ hưởng môi trường nền dân chủ xã hội - nhân quyền; chính quyền thực thi những chính sách bảo đảm nền dân chủ xã hội một cách thực sự tốt đẹp, không có cái lối suy diễn rồi ném vào mọi sự cái cụm từ tưởng như 'ní nuận' là "lợi dụng dân chủ". Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng đồng tiền, lợi dụng lòng tin, tình cảm...chứ dân chủ thì lợi dụng sao được? Nhân cái gọi là "sự kiện Lê Hiếu Đằng", "sự kiện kiến nghị 72"..., những tác giả viết bài cứ tìm cách nâng quan điểm, nặng về suy diễn chủ quan, bảo thủ, thậm chí dùng các ngôn từ thóa mạ, mạt sát, miệt thị, châm chích, cố tình áp đặt, thay tòa án luận tội, thay tổ chức quy kết, tâng công và bơm kích lãnh  đạo..., thì chỉ tổ gây ra phản cảm, làm cho đọc càng coi thường tác giả đó, vì trước hết đập nào mắt bạn đọc những "chua từ học" thấy rõ làm báo mà thiếu văn hóa! Để làm rõ bản chất sự thật, phân ra phải-trái, chứng minh cho một chân lý, để bảo vệ đảng, giữ uy tín đảng không đồng nghĩa với những lớp lang chửi mất gà đã quen mồm, xấu thói! Tư duy tồn tại nhờ nghệ và mượn nghề tồn tại, chất cơ hội, thực dụng đắp dày đã khiến họ tự biến mình thành người máy có da thịt, đã làm cho nhiều người lấy "cái Ta giả đánh ngã cái Ta thật".

              Thực ra, những điều ông Lê Hiếu Đằng nêu, có phân tích mổ xẻ và đề xuất cũng không mới, không đến mức “sự kiện bất ngờ”, mà thực ra cùng ‘đồng thuận’ những suy nghĩ này các vị như tướng Trần Độ, tướng Nguyễn Nam Khánh, ông Nguyễn Văn An, ông Trần Xuân Bách, nhiều nhà nghiên cứu chính trị-kinh tê-xã hội học trong và ngoài nước có học hàm giáo sư, tiến sĩ,, nhiều nhà báo, trang mạng đã nêu lên từ lâu rồi. 
Ví du như ông Đằng viết: “Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Phải có một nền tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng hiệu quả. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó thực hiện một cuộc bầu cử dân chủ để bầu quốc hội lập pháp theo đúng các nguyên tắc mà học giả Jeane Kirkpatrick đã tổng kết: “Phải có các tính chất cạnh tranh, định kỳ, phổ thông, bỏ phiếu kín”. Đảng Cộng sản phải thông qua cuộc bầu cử tự do, bình đẳng như vậy mới trở thành Đảng cầm quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân một cách thuyết phục”. Thế thì có gì là sai? Có gì xuyên tạc, quá đáng? Ông đã từng 8 năm giảng dạy ở trường đảng nguyễn Văn Cừ, theo tôi cách phân tích như thê slà có cơ sở lý luận và thực tiến. Đó là đè xuất với gợi ý đóng góp xây dựng đảng, đâu có “trở cờ’, quay lưng, “ăn phải bã…”?
Trong LTS của báo SGGP có đoạn: “phủ nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam, nhìn nhận qua lăng kính cá nhân một cách phiến diện”  Nhưng ông Lê Hiếu Đằng viết một cách chân tình, thẳng thắn, có tính xây dựng, gợi mở mà đánh giá như vậy đã đúng chưa (?): “Tôi nghĩ trong một thời gian dài Đảng Cộng sản vẫn là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản cần tự tin điều đó. Dần dần các đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập mà cứ duy trì thể chế "toàn trị độc đảng" thì tham nhũng, cửa quyền, xâu xé giữa các nhóm lợi ích đang kết nối với quyền lực thành một thế lực mafia khuynh loát toàn bộ hoạt động xã hội, đẩy đất nước vốn đang lâm vào cơn bạo bệnh trở nên vô phương cứu chữa, chỉ còn chờ chết mà thôi”. 
Phân tích như ông Đằng là có cơ sở khoa học lý luận, có lý và sát thực tế. 

Ông giãi bày nỗi niềm: “Nhà văn Nguyễn Khải đã nói: “Khi đọc cuốn Bàn về tự do của Stuart Mill thì vỡ ra nhiều vấn đề”, và cuốn sách đó khơi nguồn cảm hứng cho ông viết bài tùy bút để đời: Đi tìm cái tôi đã mất. Nguyễn Khải đã nhìn lại những gì mà ông đã trải nghiệm một cách sâu sắc với một giọng văn nhẹ nhàng không hàm hồ nên rất thuyết phục. Đây là quyển sách đã đi sâu vào tim óc của chế độ mà không thấy các vị “phê bình chỉ điểm” (cách gọi mới đây của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, đối với Nguyễn Văn Lưu cùng với một số người trong việc “bề hội đồng” bài viết của Thạc sĩ Nhã Thuyên về nhóm “Mở miệng”) nào dám phê phán, chửi rủa”.
Và, ông Lê Hiếu Đằng viết: “Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (như cách Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu nói). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội lại Hiến pháp đó, tước đoạt tất cả các quyền cơ bản mà Hiến pháp 1946 đã ghi, vất bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng để lấp liếm cho sự phản dân chủ, phản tiến hóa của họ. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ mới có được”…
Nếu như theo ý muốn, theo đà phản biẹn mà đưa những câu chữ trong Thư của TS, Hoàng Văn Lễ “so găng” với bài Suy nghĩ…” của ông Lê Hiếu Đằng thì còn rất nhiều, có thể viết “tràng giang đại hải” nhiều kỳ. Để kết lại bài trao đổi công khai này, tôi chỉ trích dẫn cái động cơ mà ông Lê Hiếu Đằng đã bộc bạch: “Bài viết này cũng là để trải lòng với bạn bè, đồng đội và những nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ, các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh mà tôi đã quen hoặc mới quen, để khẳng định một điều: với lòng tự trọng của một công dân một nước có lịch sử hào hùng chúng ta phải hành động. Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia. Vì thật ra cả một bộ phận loài người trong đó có người Việt Nam khát khao với một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về đường lối xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết Stalin của Đảng Cộng sản.Trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại”.

Theo ông Đằng: “Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lũng đoạn nhà nước” 
Trước đó, ông Lê Hiếu Đằng nhớ lại những kỷ niệm và tự sự: “Về anh Nguyễn Ngọc Phương – người phụ trách tôi sau này bị địch bắt, đã hy sinh trong tù năm 1973. Năm ngoái, nhân ngày giỗ anh, tôi có kể lại việc mỗi lần sinh hoạt với tôi xong anh đề nghị tôi hát bài “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên. Hát xong tôi hỏi anh: “Anh là bí thư Đảng ủy sinh viên mà sao thích bài hát ướt át quá vậy?”. Anh cười buồn và nói: Chúng ta chiến đấu xét đến cùng là vì con người. Nhưng bài hát đó viết rất hay về con người thì sao mình không thích được!”. Và:  “Sau 1975, không khí vui vẻ, sum họp của những ngày đầu đã tạo hứng khởi để nhạc sĩ Văn Cao làm bài “Mùa xuân đầu tiên” với điệu valse dìu dặt. Nhưng tội nghiệp cho Văn Cao đã ngây thơ tin rằng Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết quê người…”.
Với những bài viết, ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng, tôi nghĩ: Một người đã suốt đời đóng góp, có lúc như xả thân đi theo đảng, theo cách mạng, với 45 tuổi đảng như ông Lê Hiếu Đằng không dễ mà bỗng chốc "trở cờ", "phản bội" nhân dân, đi ngược lại lợi ích nhà nước, dân tộc. Còn khi đảng sai, biểu hiện suy thoái, biến chất, vai rò lãnh đạo bị mất thế, bị hạ bệ rất nhiều so với những  thời kỳ trước đây, đảng yếu kém mặt này mặt kia, thì mạnh dạn xây dựng đảng. Đó là thực thi nhiệm vụ của một đảng viên, đó là chủ đích rất khách quan, biện chứng: "Xây phải đi kèm với Chống",  như quan điểm đề cao phê bình, tự phê bình, coi phê bình,tự phê bình là vũ khí sắc bén của đảng, quan điểm "muốn đổi mới đất nước nhanh,mạnh, hiệu quả cao phải dám nhìn thẳng vào sự thật, phải thực sự dân chủ". Những đề xuất, kiến nghị của ông Lê Hiếu Đằng cũng là ý nguỵện  chung của những đảng viên chân chính, trung kiên và toàn dân. Việc đề nghị lập một đảng đối lập từ lâu đã có nhiều ý kiến đề xuất công khai, theo hình thức chế độ đa đảng cũng là tạo động lực mới, mô hình, đối tượng, cái biến cách thức mới theo dòng thời đại và xu thế phát triển chung, có thêm đối trọng chung mục tiêu, mục đích vì dân, vì nước để cải biến xã hội như nhiều nước đã thực thi có hiệu quả. Nếu vì thế đưa ra đánh giá, quy chụp ông Lê Hiếu Đằng "chống đảng" thì là áp đặt, vội vàng và quá chủ quan. Đảng hiện thời của ông Putin, ông Obama, bà Thử tướng Thái Lan,... Đảng Nhân dân CM Campuchia ngay sát nách nước ta vừa qua thắng thế, đâu có ngán "đa đảng", vấn đề là đảng phải thể hiện được vai trò lãnh đạo đất nước, thực sự được lòng dân. Ông Hunsen chấp nhận lãnh đạo, điều hành đất nước trong mô hình cạnh tranh đa đảng có phải là chống lại người "cha đẻ" là đảng CS Việt Nam hay không? Hay cũng là một kiểu "hiện đại hóa" sự lãnh đạo của đảng? Không chấp nhận cạnh tranh, "sợ ra gió" vô hình trung tự nhận mình yếu! Giả như trong nhu cầu xã hộ đặt ra và trong tình huống nhiều đảng, (tôi không thích dùng từ đối lập, nên  gọi là cạnh tranh lành mạnh) mà đảng Cộng sản chứng minh được tính hơn hẳn về uy tín , tầm cỡ lãnh đạo thì càng vinh quang chứ sao?

             Tôi có một câu chuyện khó quên: Năm xưa, phong trào HTX Nông nghiệp đang rầm rộ, làng tôi có một cậu thanh niên tay cầm bó lạt, tay cắp nón đi trên bờ đê hát nghêu ngao: "Hôn nay ta vào hợp tác, mai ta lại ra hợp tác, anh em ta không phải người nhác...". Thế là liền bị công an mời lên xã nẹt cho một trận. Có gia đình xã viên ngỏ ý xin ra HTX, liền bị quy tội phản động "chống đảng, chống nhà nước". Nhưng chỉ hơn hai năm sau, phong trào HTX vốn được coi phù hợp một thời, bị vỡ, tự tan rã, không biết phản động nào mà "phá" giỏi thế?
Thế nên, như phần đầu bài viết đã nêu: Trước “sự kiện chính trị” bị coi là không bình thường này, trong thực trạng, bối cảnh, hiện tình đất nước, trước nhiều mối “đe dọa sự tồn vong của đảng, của chế độ” (như  phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng), trước “hiện tượng suy nghĩ” như Luật gia, đảng viên kỳ cựu Lê Hiếu Đằng, chúng ta nên đứng từ góc độ, động cơ nào để Hiểu về ông Lê Hiếu Đằng từ đằng nào cho đúng bản chất vấn đề, sự việc và con người.?!
Bùi Văn Bồng
(Blog Bùi Văn Bồng) 

Đánh trúng yếu huyệt của Đảng

Chủ xướng một đảng chính trị đối lập mà ông Lê Hiếu Đằng nêu ra khiến truyền thông Nhà nước tiến hành một đợt chỉ trích mạnh mẽ ông này.

Vào ngày 27 tháng 8, xuất hiện một thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng gửi cho tổng biên tập các cơ quan truyền thông Nhà nước vừa có những phê phán đối với ông.

Gia Minh hỏi chuyện ông này về thư ngỏ mới đó và trước hết ông đưa ra nhận định vì sao phía truyền thông Nhà nước có những phản ứng như thế.

Ông Lê Hiếu Đằng: Có thể nói đầu tiên khi tôi đặt ra những vấn đề đó thì thật ra đó là những vấn đề đi vào yếu huyệt của đảng cộng sản, của chế độ; thành ra quí vị đó phản ứng hơi mạnh. Tôi nghĩ đó là điều tất nhiên thôi. Mà vấn đề đó là vấn đề cốt tử hiện nay bởi vì một xã hội phát triển bình thường phải có những đảng chính trị đối lập để giám sát, chế ước lẫn nhau. Điều đó là xu thế trên thế giới; thế nhưng Việt nam thì chưa quen, thành ra họ phản ứng. Nhưng những bài phản ứng đó không có bài nào có thể phản bác từng điểm của tôi được.

Khi tôi viết thư ngỏ tôi đề nghị các vị phải đăng toàn văn hai bài của tôi lên để xem các vị phản bác những điều đó như thế nào cho người dân người ta biết; chứ nói cách như thế là  không chân thật.

Tôi đặt vấn đề như vậy để làm rõ vấn đề hơn.

Gia Minh: Trước đây ở Việt Nam cũng từng có bút chiến như ‘nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh’; lần này ông thấy có tính chất một cuộc bút chiến như thế không?

Ông Lê Hiếu Đằng: Nói bút chiến thì hai bên phải công khai trình bày quan điểm của mình và đăng tải trên các báo; nhưng chuyện này ‘mấy ổng’ có sẵn phương tiện trong tay và sử dụng phương tiện đó.

Lần này trên các trang mạng, nhiều người cũng phản bác những bài đó. Báo Tuổi trẻ ngày hôm nay đăng bài của anh Sáu Quang- Nguyễn Chánh Trung thì trên trang mạng Người Lót gạch cũng có bài phản bác lại. 
Thành ra với mạng Internet hiện nay thì họ không thể nào giấu diếm nói một chiều được… Dư luận xã hội là một sức mạnh hết sức lớn của một xã hội công dân.  Do đó tôi không có ngại, nói gì thì nói các tầng lớp nhân dân người ta cũng thông minh, người ta biết ai đúng, ai sai.

Gia Minh: Cũng qua sự việc này, ngoài những bài biết trên truyền thông Nhà nước nói về ông như thế, còn có ý kiến nói là ‘dân chủ cuội’ thì ông nghĩ thế nào?

Ông Lê Hiếu Đằng: Cả phía bên này lẫn phía bên kia đều có những người cực đoan;  nếu nói dân chủ cuội thì tôi không làm như vậy vì thật ra đó là những điều cốt tử của thể chế hiện nay. Những người nói là ‘cuội’ tôi không tranh luận làm gì; tình hình thực tiễn sẽ cho thấy. Nếu ‘cuội’ thì nhà nước không tấn công tôi dữ dội như vậy, phải không? Thành ra trong bài viết tôi đặt vấn đề là bây giờ bỏ qua quá khứ, khép lại đi để đừng có thù hận, đoàn kết với nhau đấu tranh cho một nước Việt nam thật sự dân chủ. Đó là lợi ích chung của dân tộc, của đất nước, của người dân. Chứ còn những người còn hận thù, nói này nói kia, tôi cho là thiểu số không phải số đông; nhiều trí thức nước ngoài người ta rất chia sẽ quan điểm của tôi. Nhiều người chia sẽ quan điểm với những trí thức trong nước là xây dựng một xã hội dân chủ trong đó quyền của người dân được tôn trọng.

Gia Minh: Còn đối với những người trẻ bắt đầu bày tỏ chính kiến của họ qua những trang blog, facebook làm thế nào cho họ tin, thư ông?

Ông Lê Hiếu Đằng: Tin hay không tin thì phải làm qua hành động, việc làm của mình thôi. Cái này là một quá trình, tôi chỉ đề xuất ý kiến vậy thôi, còn quá trình làm phải toàn xã hội làm, trong đó có giới trẻ. Bây giờ chính bản thân giới trẻ là lực lượng rất quan trọng để làm việc này. Chứ không thể chờ, không thể ngồi chờ những ông ‘lão làng’ làm thế này thế kia, mà giới trẻ nên chủ động làm. Vừ rồi tôi thấy giới trẻ làm những việc rất hay ví dụ những kiến nghị về nhân quyền, dân quyền đưa đến các tòa đại sứ, và qua cả Thái Lan để đưa Kiến nghị 258 qua tường thuật của Đoan Trang. Tôi thấy việc làm đó rất hay và tôi tin tưởng khi chúng tôi gợi ý, giới trẻ sẽ tiếp lửa và từ những ý tưởng đó họ sẽ biến thành hành động cụ thể và tôi cho đó là xu thế đáng mừng hiện nay và trong tình hình này.

Gia Minh: Qua những vấn đề quanh ông như thế, ông có nhận ra những gì tích cực không thưa ông?

Ông Lê Hiếu Đằng: Thật ra khi tôi viết ra những vấn đề đó tôi không nghĩ những phản ứng của Nhà nước mà như vậy. Trúng yếu điểm của họ nên họ cũng hơi tập trung phê phán. Nhưng điều tôi rất mừng là nhìn chung toàn xã hội ủng hộ quan điểm này, thấy đó là xu thế phát triển của nền chính trị lành mạnh là phải có lực lượng chính trị đối lập để làm vai trò giám sát, để điều tiết chính quyền. Bất cứ chính quyền nào, cộng sản hay không cộng sản mà ‘một mình, một chợ’, không có giám sát của xã hội dân sự cũng sẽ trở thành hư đốn, lộng quyền và lạm quyền thôi.

Như anh biết Việt Nam là một nước sử dụng Internet rất cao, nhiều người nhất là thanh niên sẽ tìm hiểu bài viết của tôi thế nào mà nhà nước nói như thế. Họ sẽ thấy, vì thật ra tôi đặt ra những vấn đề rất đúng đắn.

Gia Minh: Cám ơn ông về những chia sẻ mới nhất của ông.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-27

Lê Hiếu Đằng, quy luật thoái đảng và “cơn lên đồng tập thể”

Thay phản biện xã hội và đấu tranh cho công bằng của người nghèo bằng những giáo điều chính trị, đổi chỗ đứng trong lòng dân lấy vị trí xếp hạng trên ngực Đảng, nhiều tờ báo Việt Nam không chỉ chịu chung tình cảnh bị định hướng như Trung Quốc mà còn đang tự sa chân vào chế độ “tự kiểm duyệt”.
Cân bằng lực lượng
Chỉ ít ngày sau sự kiện nữ sinh áo trắng Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa, danh giá của giới truyền thông xã hội Việt Nam lại một lần nữa được báo đảng tôn vinh nhiệt liệt.
Nhưng còn hơn cả thế, tháng 8/2013 đánh dấu lần đầu tiên mối tương quan lực lượng giữa truyền thông xã hội với các báo Lề đảng giao thoa nhau tại một điểm được xem là tạm cân bằng, khác biệt với thế so le trong sự kiện “Kiến nghị 72” và khác hẳn tư thế lắng tiếng của Lề dân vào những năm trước.
Cũng khởi xướng từ trang mạng Bauxite Vietnam như đã từng với “Kiến nghị 72”, hai bức thư của hai nhân vật cứng rắn trong phong trào Lực lượng ba ở Sài Gòn trước năm 1975 – “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng, và ông Hồ Ngọc Nhuận với “Phá xiềng” – đã như quá đủ để lôi kéo một chiến dịch công kích tổng lực của hầu hết các báo đảng danh giá nhất như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Đại Đoàn Kết ở Thủ đô, và cả vài tờ báo quốc doanh thiếu sâu sắc chuyên môn về “phản tuyên truyền” như Tuổi Trẻ và Người Lao Động ở TP.HCM.
Không quá khó khăn để mặc định não trạng của những tờ báo đảng có bề dày thành tích nhất trong cuộc chiến “Phòng, chống diễn biến hòa bình”, khá dễ để lý giải về một diễn biến hòa bình mang tính “kiên định đột biến” của báo Tuổi Trẻ sau khi toàn bộ ban biên tập cũ đã được “thay gen” bởi đội ngũ “cánh tay phải của đảng”, còn một thư ký tòa soạn cũ lại được điều đi “học tập”… Nhưng lại quá khó để hình dung về một tờ báo như Người Lao Động khi nơi đây hiện lên những “phán quyết” sắt máu nhất: “Lẽ ra ông Lê Hiếu Ðằng nên hiểu rằng nếu muốn thành lập một đảng chính trị ở Việt Nam thì nhất thiết phải dựa trên những quy định của pháp luật. Còn hành động “ôn hòa, bất bạo động” cũng không chứng minh rằng đó là những hành vi không vi phạm pháp luật, chẳng hạn, điều 88 Bộ Luật Hình sự quy định: “Tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam””.
infonet.vn-305.jpg
Ông Lê Hiếu Đằng.
Photo courtesy of infonet.vn
Lòng dân hay ngực Đảng?
Trong tâm tưởng nhiều người dân và cả cán bộ đảng viên, Ngươi Lao Động là một trong những tờ báo có tính phản biện và chiến đấu cao nhất liên quan đến sự kiện lịch sử “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Hoàn toàn xứng đáng với sứ mệnh của mình, tờ báo này đã tung cả một ê kíp phóng viên điều tra vào cuộc, đã làm rõ trách nhiệm của chính quyền huyện Tiên Lãng và của cả Công an Hải Phòng trong cách đã đẩy người nông dân vào tình cảnh mất đất và cùng đường đến mức nào.
Vào đầu năm 2013, khi nổ ra vụ việc hàng trăm người biểu tình trước trụ sở tuần báo Nam Phương Chu Mạt ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc để phản đối chế độ kiểm duyệt báo chí, Người Lao Động cũng là một trong những tờ báo Việt Nam dụng tâm đưa tin và bình luận sớm nhất.
Số là nhân dịp năm mới, tuần báo Nam Phương Chu Mạt có bài viết “Giấc mơ chính thể lập hiến tại Trung Quốc” để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Thế nhưng một quan chức của tỉnh Quảng Đông đã kiểm duyệt, rút bỏ bài báo này và thay vào đó là một bài viết hoàn toàn mờ nhạt.
Điều bị coi là dối trá và hèn nhát này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối từ một bộ phận các nhà báo trong ban biên tập tuần báo Nam Phương Chu Mạt. Họ ra một tuyên bố lên án hành động can thiệp, kiểm duyệt trên. Bản tuyên bố của các nhà báo thuộc Nam Phương Chu Mạt đã lan truyền nhanh chóng trên internet, bất chấp sự kiểm duyệt.“Chúng tôi muốn tự do báo chí, tôn trọng Hiến pháp và dân chủ” - những người biểu tình đã tụ tập và giương cao biểu ngữ.
Nhưng ngay sau đó, một chi nhánh của Nhân Dân nhật báo là Hoàn Cầu thời báo đã tuyên bố: “Không quan trọng việc người dân có sung sướng hay không (với việc kiểm duyệt), suy nghĩ chung là không thể có loại truyền thông tự do mà họ mơ ước với thực tế chính trị và xã hội hiện nay ở Trung Quốc”.
Trong giai đoạn 2011 - 2012, Tổ chức phóng viên không biên giới đã xếp Trung Quốc đứng hàng thứ 174 trên tổng số 179 quốc gia về quyền tự do báo chí. Còn Việt Nam cũng nhận được vị trí rất “láng giềng” với người bạn có tên “Bốn Tốt” của mình.
Thay phản biện xã hội và đấu tranh cho công bằng của người nghèo bằng những giáo điều chính trị, đổi chỗ đứng trong lòng dân lấy vị trí xếp hạng trên ngực Đảng, nhiều tờ báo Việt Nam không chỉ chịu chung tình cảnh bị định hướng như Trung Quốc mà còn đang tự sa chân vào chế độ “tự kiểm duyệt”.
“Cơn lên đồng tập thể”
Sau sự kiện “Kiến nghị 72” vào quý đầu năm 2013, một lần nữa người dân trong nước và kiều bào người Việt ở nước ngoài được chứng thực cuộc bút chiến giữa hai bờ xa cách.
Hình ảnh xa cách đó cũng phản chiếu một sự chênh lệch thường thấy: “tỷ lệ chọi” là 6/1, tức 6 tờ báo quốc doanh phản chiến chỉ một trang Bauxite.
Chỉ một nhóm trí thức nhỏ bé như Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng của nhóm Bauxite phải chịu sự thách đấu của một lực lượng hùng hậu các nhà báo chìm nổi và những chính khách chưa bao giờ xuất đầu lộ diện.
Hiện tượng “Những con chim ẩn mình chờ chết” cũng lộ ra với một phát hiện xao xuyến của blog Tâm sự y giáo: thông qua những dẫn cứ đủ thuyết phục, blog này chứng minh tác giả xưng danh việt kiều Mỹ Amari TX trên báo Nhân Dân và tác giả Hoàng Văn Lễ trên báo Sài Gòn Giải Phóng - cùng chỉ trích ông Lê Hiếu Đằng - rất có thể chỉ là một người.
Nếu có thể nói thêm về danh xưng, ông Hoàng Văn Lễ chính là nguyên tổng biên tập của Sổ tay xây dựng đảng – một cơ quan phát ngôn “đậm đà bản sắc dân tộc” của Ban tuyên giáo thành ủy TP.HCM.
Xã hội Việt Nam cũng đang chứng kiến cùng lúc hai hiện tượng chuyển mùa thú vị: một hiện thực thuộc về Lê Hiếu Đằng và một hướng đến tâm linh “cơn lên đồng tập thể” – cụm từ mà Lê Hiếu Đằng điềm chỉ chiến dịch “đánh đòn hội chợ” của một số tờ báo đảng và báo quốc doanh, thể hiện qua bức thư ngỏ mới đây của ông đăng trên trang mạng Bauxite Vietnam.
Tuy thế, hàm số ngược lại hiện ra ở nơi tưởng như chênh biệt ghê gớm nhất: giới truyền thông xã hội ở Việt Nam đang có khá đủ lý do để tự hào về quá trình tích lũy của họ, đủ khiến tạo nên một sang chấn thần kinh bất thường cho cả Ban tuyên giáo trung ương lẫn đường lối đối ngoại của Trung ương đảng.
Hiện tượng bất thường cũng liên quan đến một chủ đề “thần kinh” khác: xu hướng thoái đảng đang ngày càng diễn ra trên diện rộng, để cứ với đà này thì có thể xảy ra hiện tượng xã hội học về “thoát đảng” một cách sâu sắc.
Quy luật thoái đảng
Vào tháng 5/2013, một phụ trương của tờ Nhân Dân nhật báo ở Bắc Kinh đã lần đầu tiên đưa ra đề nghị chỉ cần giữ lại 30 triệu đảng viên trong tổng số hơn 80 triệu tấm thẻ đảng hiện thời.
Với mối quan hệ “nhân quả” giữa Trung Quốc và Việt Nam từ nhiều năm qua, giới phân tích xã hội học dĩ nhiên có thể nhận thấy tình trạng bị xem là “đảng viên suy thoái về đạo đức và lối sống” giữa hai quốc gia này là không quá khác biệt, và hệ quả này hoàn toàn có thể dẫn tới giả định ban đầu về một tỷ lệ chỉ 30% hoặc chưa tới con số đó là số đảng viên được xem là “trung thành” đối với chính đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.
Thế nhưng cũng không phải tỷ lệ 70% hoặc hơn các đảng viên còn lại đều bị suy thoái đạo đức. Rất nhiều dư luận đã công phẫn lên án chỉ có một bộ phận trong đó, với tuyệt đại đa số là giới quan chức, mới là những kẻ suy thoái đạo đức thực chất. Nhưng ngược lại, những người bị xem là suy thoái về tư tưởng lại là những đảng viên có biểu hiện “lãn công” hoặc “đình công” trong sinh hoạt đảng tại cơ quan và chủ yếu tại các địa phương. Một số chi bộ địa phương đã cho rằng nếu tính đúng thì phải có đến phân nửa số đảng viên “thoái đảng” như thế.
Không khí ở Việt Nam vào thời gian này cũng khiến không ít người là du học sinh ở Liên Xô trước năm 1990 hoài niệm về những biến động trước sự sụp đổ hoàn toàn của Liên bang Xô viết.
Một bài nghiên cứu trên báo Nhân Dân của chính đảng cầm quyền ở Việt Nam đã phải thừa nhận thực trạng: Năm 1991, trong số hàng vạn triệu phú ở Moscow, đại bộ phận nguyên là những cán bộ làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền. Kết quả điều tra tiến hành trong tháng 6 năm đó cho thấy, trong tầng lớp cán bộ cao cấp Liên Xô có tới 76,7 % số người cho rằng nên đi theo con đường tư bản. Bọn họ không chỉ vơ vét cho đầy túi tham mà còn tiếp tục nắm giữ những cương vị cao, kiểm soát quyền lực của nhà nước… Trước khi Đảng cộng sản Liên Xô sụp đổ không lâu đã có một cuộc điều tra dân ý về chủ đề: “Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho ai?”. Kết quả là, số người cho rằng Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho nhân dân Liên Xô chiếm 7%, đại diện cho công nhân chiếm 4%, đại diện cho toàn thể đảng viên chiếm 11%. Trong khi đó, có tới 85% số người được hỏi cho rằng: Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước.
Còn với hiện tình Việt Nam thì sao?
“Sự phản bội toàn diện”
Nhiều người dân Việt lại luôn đau đáu: chính đảng cầm quyền tại đất nước này đang đại diện cho ai?
Không có câu trả lời công khai nào trên báo chí quốc doanh, và càng không thể có thống kê nào trong các báo cáo tuyên giáo về những tỷ lệ bất mãn và phản ứng của người dân và đảng viên. Thế nhưng những ngày gần đây đã rải rác trên vài ba tờ báo có tính phản biện một gợi mở về những nhóm lợi ích chính trị nào đó đang thao túng chính sách để bảo vệ “quyền lợi giai cấp”.
Người viết bài đã có dịp gặp Lê Hiếu Đằng và thấu cảm người cựu tử tù này không phải là một kẻ cực đoan như những người đòi áp dụng điều luật 88 đối với ông thường mô tả. Ngược lại, ông là người ôn hòa và chỉ mong muốn loại trừ các nhóm lợi ích chính trị và tài phiệt đang lũng đoạn đất nước, tránh cho quốc gia vong thân bởi một cơn can qua máu đổ trong tương lai gần. Lê Hiếu Đằng còn thật lòng lo ngại việc một số thanh niên quá sốt ruột mà có thể sẽ “đốt cháy giai đoạn” và tạo nên xung khắc đối đầu với thể chế, dẫn tới tình trạng bắt bớ và bị đàn áp…
Những ngày qua, trước mọi biểu hiện diễn biến của “cơn lên đồng tập thể”, trong một cảm nhận sâu xa và rõ rệt nhất, Lê Hiếu Đằng vẫn bình thản đón nhận. Ông chỉ có tâm nguyện muốn nói lên sự thật và làm thay đổi sự thật đó. Một đảng mới cần hình thành chỉ nhằm tạo nên đối trọng cho sự thay đổi trong một xã hội sắp cùng quẫn, chứ chẳng phải muốn “lật đổ” ai cả.
Và một điều kỳ diệu là chính cái sự thật bị nhà đấu tranh nhân quyền Lê Hiền Đức ở Hà Nội coi là “sự phản bội toàn diện” lại đang khiến cho Lê Hiếu Đằng khỏe hẳn, như thoát khỏi cơn bạo bệnh đang rắp tâm hành hạ ông…
Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam
2013-08-27
* Bài viết do TS Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam. Nội dung không phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền và vấn đề đa đảng trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam (P1)

Đây là vấn đề liên quan đến điều 4 của dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1992. Đã từng có ý kiến đề nghị: Công nhận chế độ đa đảng như ở một số nước, bỏ điều 4 ra khỏi Hiến pháp, nếu vẫn giữ điều 4 thì cần có luật về Đảng Cộng sản Việt nam, ….

Để thấy rõ hơn đúng, sai của những ý kiến khác nhau đối với điều 4 của Hiến pháp, cần có sự nhìn nhận thực tế diễn biến về cơ cấu và cơ chế hoạt động của hệ thống lập pháp và hệ thống hành pháp của các nước để, từ đó, liên hệ đối chiếu vời Việt nam. Tôi không phải người chuyên nghiên cứu về cơ cấu và cơ chế hoạt động của hai hệ thống này của các nước nhưng, trong phạm vi kiến thức thường trực của tôi, xin được trình bày một số ý kiến chủ yếu sau đây.

Phần I. Một vài nét về tình hình chung trên thế giới.

I – Sự cần thiết phải có đảng lãnh đạo.

1 - Trong thực tế hiện nay, có thể khẳng định là ở tất cả các nước đều có sự lãnh đạo của một tổ chức chính trị, một đảng cụ thể. Tính khách quan đó đã được gián tiếp chứng minh trong tác phẩm “Bàn về quyền uy” của F.Ăng ghen. Theo đó thì “Những hoạt động liên hợp có nghĩa là tổ chức nhau lại, mà tổ chức thì liệu không dùng đến quyền uy được chăng? Giả định là một cuộc cách mạng xã hội đã lật đổ bon tư bản hiện đại đang dùng quyền uy để chi phối sản xuất và lưu thông các của cải. Hoàn toàn đúng về phương diện những địch thủ của quyền uy, chúng ta giả định rằng đất đai và công cụ lao động đã trở thành sở hữu tập  thể của những công nhân đang sử dụng các thứ đó. Như thế thì liệu quyền uy có mất đi không, hay nó chỉ thay đổi hình thức ? Chúng ta hãy xét vấn đề đó”.

Tiếp đó, F. Ăng ghen dẫn chứng trường hợp của nhà máy sợi, hệ thống đường xe lửa, con tầu giữa biển cả để khẳng định là vẫn phải có quyền uy để bảo đảm sự hoạt động bình thường, an toàn và có hiệu quả của các tổ chức này. F. Ăng ghen còn khẳng định là “Muốn tiêu diệt quyền uy trong đại công nghiệp , chính là muốn tiêu diệt ngay cả bản thân công nghiệp, chính là tiêu diệt nhà máy sợi để quay về cái xa kéo sợi. (Tuyển tập Mác-Ăng ghen. Nhà Xuất bản Sự thật, Hà nội 1983, tr 356-358).

2 - Đảng lãng đạo là để thực hiện quyền uy cần thiết để đảm bảo sự phối hợp của các mặt, các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Sự thay đổi hình thức của quyền uy mà F. Ăng ghen đề cập đến nằm trong cơ chế quyền uy phải được vận động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc lãnh đạo tập thể khẳng định là quyền uy trong lãnh đạo được xây dựng trên cơ sở dân chủ nên khắc phục tình trạng độc quyền, độc đoán, chủ quan duy ý chí, quan liêu, … đã mắc phải.

Nguyên tắc cá nhân phụ trách nhằm đề cao trách nhiệm gắn với quyền hạn được giao, khắc phục tình trạng ỷ lại, dựa vào tập thể để biện luận cho những hành vi sai trái của mình. Nguyên tắc cá nhân phụ trách được thể hiện rõ nhất trong trách nhiệm của các thuyền trưởng. Khi con tầu mắc nạn đòi hỏi phải rời con tầu thì thuyền trường là người cuối cùng rời con tầu, thậm chí hy sinh cùng con tầu.

Nói cách khác, nhiệm vụ, quyền hạn được giao gắn chặt với trách nhiêm về các mặt tổ chức, tinh thần và vật chất. Trong thực tế, có tình hình khá phổ biến là việc giao nhiệm vụ và quyền hạn tương ứng cho cá nhân phụ trách lại không gắn với việc xác định trách nhiệm về tổ chức, tinh thần và vật chất nên đã dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền uy được giao để phục vụ lợi ích cá nhân, gây nên những bức xúc, bất bình trong xã hội. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng phản đối quyền uy như F. Ăng ghen đã ghi nhận.

3 - Thực tế đó cho thấy là việc các nước phải có đảng lãnh đạo là một tất yếu khách quan. Đồng thời cơ chế vận hành sự tập trung quyền lực lãnh đạo đất nước vào Đảng là phải tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách để không dẫn đến tình hình lạm dụng quyền uy được giao.

II - Về chế độ đa đảng và đảng cầm quyền.

1 - Trong xã hội, luôn có nhiều nhóm người có lợi ích khác nhau nên từ đó hình thành câc đảng chính trị khác nhau đại diện cho quyền lợi của từng nhóm người có cùng lợi ích. Do đó tại các nước đã hình thành chế độ đa đảng, chẳng hạn như tại Hoa kỳ, có đến 112 đảng, tại Anh có đến 97 Đảng, tại Tây ban nha có 87 đảng, tại Pháp có  76 đảng, tại Trung quốc có 9 đảng …. QH có nhiều đảng, thế nhưng điều cần lưu ý là các đảng của giai cấp khác, nhất là Đảng cộng sản,  không cùng một mục tiêu chung, dường như bị loại trừ khỏi QH. Một điển hình rõ nhất là vai trò mà Đảng cộng sản Pháp đã dành được sau khi giải phóng nước Pháp khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức cũng dần bị mất đi. Nói cách khác, chế độ đa đảng không chấp nhận đa mục tiêu mà chỉ chấp nhận đa dạng hóa việc thực hiện mục tiêu chung của giai cấp cầm quyền.

2 - Đảng cầm quyền là đảng dành được đa số trong quốc hội. Có thể có một số Đảng thay nhau nắm giữ vai trò đảng cầm quyền và đó là các đảng có cùng chung mục tiêu là duy trì và phát triển chế độ xã hội TBCN. Chẳng hạn như tại Hoa kỳ, chỉ có Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền. Thực trạng này cũng tồn tại ở nhiều nước khác như tại các nước Anh, Nhật, Pháp, …. Thế nhưng cũng có sự khác biệt, chẳng hạn như tại Singapo, tuy có nhiều đảng như chỉ có Đảng Nhân dân hành động liên tục là đảng cầm quyền. Hoặc tại Trung quốc, ngoài Đảng cộng sản còn có 8 đảng dân chủ nhưng các đảng này đều thừa nhận Đảng cộng sản Trung quốc là đảng duy nhất lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa.

- Có nhiều đảng vì có nhiều nhóm lợi ích khác nhau nên đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách khác nhau để phục vụ lợi ích nhóm.

 Đảng nào chiếm đa số trong QH thì trở thành một đảng cầm quyền. Nếu không chiếm được đa số thì phải có sự liên minh với một số đảng khác để thành lập nhóm đảng cầm quyền, có quyền chỉ định Thủ tướng (cơ quan hành pháp) để thực hiện các quyết định của cơ quan lập pháp do đảng (nhóm đảng) cầm quyền chi phối. Sau này gọi chung là đảng cầm quyền. 

Các đảng còn lại trở thành đảng đối lập. Đối lập vì lợi ích nhóm dẫn đến đối lập về chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải đối lập về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của nước đó.

- Các đảng cầm quyền, nói chung, không nắm giữ được vai trò đó một cách liên tục như trường hợp của Sigapore vì không chỉ tập trung vào việc đảm bảo quyến lợi của nhóm người mà họ đại diện. Thực tế đó dẫn đến những mâu thuẫn xã hội và khi mâu thuẫn phát sinh đến mức không thể dung hòa được thì hình thành cơ chế giải tán QH để bầu lại QH với hy vọng thay đổi cơ cấu, tỷ trọng của các đảng, dẫn đến khả năng đảng đang cầm quyết mất đa số, phải nhường vị thế cầm quyền cho đảng đối lập để từ là đảng cầm quyền chuyển thành đảng đối lập.

Do đó, trước khi đi đến mức phải giải tán QH thì giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập có sự hiệp thương nhằm đạt được sự thỏa hiệp cần thiết nhằm loại bỏ khả năng có thể phải đi đến giải tán QH.Vì thế nên sau một thời gian nhất định, qua bầu cử Quốc hội mới, đảng đối lập dành được đa số nên trở thành đảng cầm quyền, thay đảng cầm quyền cú đã thất cử. Chí vì có sự thay thế đảng cầm quyền nên tại các nước này, không thể ghi nhận sự hiện diện của đảng cầm quyền trong Hiến pháp của nước họ.

- Một trường hợp cụ thể thể hiện sự mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập phát sinh trong cùng nhiệm kỳ của Quốc hội là trường hợp đã này sinh tại Mỹ. Đó là trường hợp đảng cầm quyền chỉ chiếm đa số trong Thượng (hoặc Hạ nghị viện). 

Còn đảng đối lập lai chiếm đa số trong Hạ nghị viện (hoặc Thượng nghị viện). Do đó phải luôn có sự dàn xếp để dùng hòa mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai đảng đó cho tới khi thực hiện thay thế một số nghị sĩ mãn hạn để cố gắng chiếm được đa số tại cả Thượng và Hạ nghị viện.

Hàn Quốc - 1 trong những nước chỉ có 1 đảng chính trị

3 - Bên cạnh thực trạng đó, cón có một thực trạng khác là tại một số nước, chỉ có 1 đảng chính trị như tại Cuba, Lào Triều tiên, Uzebekistan, Thổ nhĩ kỳ, Ukraine, Ba lan, Thụy sĩ, Hàn quốc, Cộng hòa liên bang Đức, Trung quốc, Ả Rập Xêút, Baren, Bốtxoana, Bênanh, Phigi, Gămbia, Eritorina, Gana, Cưrơgiơstan, Madagaca, Monaco, … Vì thế nên các đảng chính trị của nước đó cũng trở thành Đảng cầm quyền. Do đó Hiến pháp của một số nước vẫn có những quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng chính trị.

4 – Nhìn chung lại, cần thấy là chế độ đa đảng không chấp nhận các Đảng đối lập vì lợi ích giai cấp khác nhau. Tuy nhiên việc các nước đó vẫn chấp nhận sự hiện diện hợp pháp của Đảng cộng sản nhưng, bằng nhiều biện pháp khác nhau, các Đảng cộng sản tại các nước đó không được chính thức tham gia vào việc điều hành các hoạt động chính trị-kinh tế-xã hội của nước đó. 

Chỉ những đảng của giai cấp cầm quyền mới tham gia vào các hoạt động đó và trở thành đảng cầm quyền. Chính vì thế nên chế độ đa đảng của các nước phương tây, về thực chất, là đa đảng cùng mục tiêu của giai cấp cầm quyền nhưng có khác nhau về đường lối, giải pháp thực hiện mục tiêu chung.    (Còn tiếp)    
GS. Nguyễn Lang
(Tầm nhìn)

Phạm Thị Hoài - Nhân bản

Trên Quân đội Nhân dân ngày 18-8-2013, trong bài mở đầu đợt phản công lời kêu gọi thành lập một đảng dân chủ xã hội của ông Lê Hiếu Đằng, một tác giả Trọng Đức nào đó lập luận như sau: “Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào”. Hai ngày sau, một thạc sĩ Phạm Văn Thiết cũng phát biểu gần nguyên xi như vậy, cũng trên tờ báo này. Nhưng nguyên vẹn câu này thì đã được một PGS TS Nguyễn Mạnh Hưởng diễn đạt trong bài “Vì sao Việt Nam không cần đa đảng”, đăng trên trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam từ hơn hai năm trước, ngày 18-1-2011.

Song đó cũng không phải là hồ sơ gốc của trị số tư tưởng này vì trước đó, ngày 8-8-2010 cũng trên Quân đội Nhân dân, một TS Lê Văn Bảo đã viết hệt như vậy trong bài “Dân chủ phụ thuộc vào bản chất đảng cầm quyền”, còn theo tường thuật của báo Công an Nhân dân ngày 03-6-2013 thì Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp cũng đưa ra kết luận như thế. Tài sản tuyên huấn của bộ máy tư tưởng chính thống ở Việt Nam hẳn là sở hữu trí tuệ tập thể, nhiều người có thể cùng là tác giả của một câu, giống nhau đến từng chữ.
.
Nhưng báo chí tuyên huấn còn có lệ nhân bản một người thành nhiều người. Bài “Dân chủ phụ thuộc vào lí tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền” được báo Nhân dân ngày 08-3-2013 giới thiệu là của một độc giả Mai Hoàng Kiên. Song Mai Hoàng Kiên cũng chính là độc giả Trung Thành với bài “Không ai có thể phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam!” đăng ngày 25-2-2013, là độc giả Tuyên Trần với bài “Quay đầu lại là bờ” đăng ngày 22-3-2013, là độc giả Tường Anh với bài “Vạch mặt những kẻ mạo danh“ đăng ngày 14-1-2013, là độc giả Trần Mai với bài “Từ hải ngoại nghĩ về các ‘nhà dân chủ’” đăng ngày 30-10-2012, là độc giả Hữu Đức[i] với bài “Vì sao, vì mục đích gì?” đăng ngày 13-11-2013 trên chính tờ báo này…, đồng thời là tác giả Trọng Linh với bài “37 năm bị bịt miệng trên xứ sở tự do” trên báo Công an Nhân dân ngày 27-3-2012 cũng như là Khánh Sơn của một Tạp chí Nhân quyền nào đó, và tất cả lại đều là một người, với bút danh Amari TX, xuất hiện gần đây nhất với bài “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan” đăng ngày 22-8-2013 trên Nhân dân. Tất cả những thông tin này được Amari TX, tự giới thiệu là một người Việt ở Mỹ, trưng ra như thành tích trên blog cá nhân ít người biết đến của mình.

Bước ngoặt bất ngờ nhất của câu chuyện nhân bản dư luận viên này là mới đây, một blogger bỗng phát hiện ra rằng Amari TX tức Mai Hoàng Kiên tức Trung Thành tức Tuyên Trần tức Tường Anh tức Trần Mai tức Hữu Đức tức Trọng Linh tức Khánh Sơn ad libitum cũng chính là TS Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Xây dựng Đảng. Điều này không có gì là hoang đường tới mức không thể tin nổi, rốt cuộc thì ông trùm tuyên huấn của chế độ, Hồ Chí Minh, đã đặt cả nền móng lẫn kỉ lục khó vượt qua cho chiến thuật phân thân và hóa thân bằng vô số bút hiệu. Nhưng tiếc rằng phát hiện nêu trên hơi quá vội. Phiếu xét nghiệm tư tưởng của ông TS Hoàng Văn Lễ sống ở Việt Nam trên Sài Gòn Giải phóng ngày 26-8-2013 cho thấy một nhóm trị số hoàn toàn khớp với phiếu của ông Việt kiều Amari TX sống ở Houston trên Nhân dân ngày 22-8-2013, song cũng hoàn toàn khớp với phiếu của ông PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, trên Tạp chí Cộng sản số 844 từ tháng 2-2013. Bây giờ muốn thanh minh rằng mình không phải Amari TX thì ông Hoàng Văn Lễ chỉ có cách chứng minh rằng mình chính là Trần Đình Huỳnh. Tương tự như vậy, thạc sĩ Phạm Văn Thiết chỉ có thể thanh minh rằng mình không phải Amari TX bằng cách chứng minh rằng mình chính là TS Lê Văn Bảo. Huyết đồ tư tưởng giống hệt nhau của họ được biểu hiện chẳng hạn qua câu này: “Nói chung ở các nước tư bản, về hình thức, đa đảng chính trị đều ‘tự do’, ‘bình đẳng’ trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế chỉ có các đảng lớn, có thế lực mới có khả năng chiến thắng và bao giờ cũng có một đảng cầm quyền hoặc lãnh đạo, có khi kéo dài nhiều thập kỷ.” Who is Who phiên bản Việt ngữ.
.
Quả là không có điều quái gở nào mà con người còn chưa nghĩ ra lại xa lạ với guồng máy tuyên huấn Việt Nam. Trong những vụ nhân bản dư luận viên và nhân bản trị số tư tưởng này, tôi không biết điều gì đáng kinh hơn: sự giáo điều hay sự hạ cấp của luộm thuộm, cẩu thả, ngu ngốc, lười biếng, nhếch nhác. Mọi đối thoại không cùng đẳng cấp đều vô nghĩa. Ước gì những người chống giáo điều và thảo phạt tuyên huấn có được một đối thủ uyên bác, độc đáo, chân thực và một guồng máy tuyên huấn nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Phạm Thị Hoài
.

[i] Lời giới thiệu của báo Nhân dân cho bài viết của Hữu Đức, tức Trần Mai, xứng đáng được đưa vào giáo trình cho sinh viên báo chí, nguyên văn như sau: “Sau khi Báo Nhân Dân đăng bài Từ hải ngoại nhìn về “các nhà dân chủ” của tác giả Trần Mai gửi từ nước Mỹ, trên một số website và blog đã có ý kiến thực hiện theo lối cắt xén, suy diễn, để từ đó phản đối bài viết của Trần Mai và quy kết là “nhận định sai lầm nghiêm trọng… về quyền con người”, và lặp lại luận điệu cho rằng, Nhà nước đã đi ngược lại các tuyên ngôn, công ước quốc tế liên quan tới vấn đề nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết! Bình luận về sự kiện này, cũng từ nước Mỹ, bạn đọc Hữu Ðức mới gửi tới tòa soạn bài Tôi thật sự không hiểu tại sao, vì mục đích gì?, xin giới thiệu cùng bạn đọc.”
(pro&contra)

Tuyên bố chung của Liên minh Tự do Trực tuyến về Nghị định 72 của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Văn phòng Phát ngôn viên
Dành cho đăng tải ngay
Ngày 26 tháng 8 năm 2013
2013/2034
Liên minh Tự do Trực tuyến quan ngại sâu sắc về Nghị định 72 mới công bố của Việt Nam, theo đó sẽ áp đặt thêm những hạn chế đối với cách thức truy cập và sử dụng Internet ở Việt Nam khi nghị định có hiệu lực ngày 1 tháng 9. Ví dụ, Nghị định 72 hạn chế luồng thông tin trực tuyến và giới hạn việc chia sẻ một số loại tin tức và ngôn luận khác. Nghị định 72 dường như không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các cam kết của họ đối với Tuyên ngôn Nhân quyền.
Nghị định 72 có nguy cơ làm tổn hại đến nền kinh tế của Việt Nam với việc hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp ở Việt Nam, hạn chế sự đổi mới, và làm chùn bước đầu tư nước ngoài. Mạng Internet cởi mở và tự do là điều thiết yếu đối với một nền kinh tế hiện đại, vận hành hoàn chỉnh; các văn bản luật hạn chế sự công khai và tự do như Nghị định 72 tước khỏi các nhà sáng tạo và các doanh nghiệp các công cụ cần và đủ để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Liên minh Tự do Trực tuyến lưu ý rằng nghị quyết 20/8, được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua vào tháng 7 năm 2012, khẳng định rằng nhân quyền được áp dụng cả trên mạng cũng như trong cuộc sống thực. Liên minh Tự do Trực tuyến kêu gọi Chính phủ Việt Nam sửa đổi Nghị định 72 để văn bản này thúc đẩy khả năng thực thi quyền con người của các cá nhân, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận.
Liên minh Tự do Trực tuyến là một nhóm liên khu vực gồm 21 chính phủ hợp tác để đẩy mạnh tự do Internet trên toàn thế giới. Liên minh mang lại một diễn đàn để các chính phủ cùng chí hướng phối hợp các nỗ lực và làm việc với xã hội dân sự và khu vực tư nhân để hỗ trợ cho khả năng thực hiện quyền con người và các quyền tự do trực tuyến cơ bản của các cá nhân.
Liên minh Tự do Trực tuyến được thành lập tại một cuộc họp do Chính phủ Hà Lan tổ chức vào năm 2011, và liên minh đã tổ chức thêm các cuộc họp ở các nước chủ nhà là Kenya vào năm 2012 và Tunisia trong năm 2013. Chính phủ Estonia, Chủ tịch Liên minh, sẽ tổ chức các hội nghị tiếp theo vào mùa xuân năm 2014.

(hết tuyên bố)

Sự nghiệp của Đảng dài hơn đời người

Mở đầu cho bài này, tôi xin khẳng định điều đầu tiên: tôi đã từng công tác chung với anh Lê Hiếu Đằng từ những ngày ở trong rừng, sau này lại tiếp tục gắn bó với nhau trong những vị trí công tác ở TP.HCM.

Tôi với anh, cũng như với các anh khác đã, đang và vẫn luôn luôn là những người bạn thân thiết, đã từng có những bữa uống rượu, bàn chuyện đời quên trời quên đất.

Nay, đọc bài anh viết trên giường bệnh, cả các bài anh trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, tôi cảm thấy Lê Hiếu Đằng hôm nay khác xa với Lê Hiếu Đằng hôm qua, khi chúng ta cùng nhau xuống đường, trải qua những trận đàn áp khốc liệt, cùng vác balô vào rừng chịu đựng bao gian khổ, bao trận càn dữ dội, kể cả khi hòa bình anh đứng trên bục giảng cho học viên bao điều khoa học, tâm huyết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam...

Tôi rất chia sẻ với anh những tâm sự của một người rất tâm huyết với đất nước, đã dấn thân vì nước từ những ngày còn rất trẻ.

Chúng ta đều là trí thức, từ ngày cùng nhau bước vào con đường cách mạng, ai cũng đã thấu hiểu mình đấu tranh, hi sinh cho một lý tưởng: lý tưởng cộng sản, không có mục đích nào khác là xả thân cho Tổ quốc, nhân dân.

Con đường ấy chúng ta đi, có thăng có trầm. Cách mạng không phải một đường thẳng. Những sai lầm trong quản lý kinh tế, trong chính sách, chủ trương sau năm 1975 là có thật, rất nghiêm trọng, đã được nhìn nhận đầy đủ.

Sai lầm ấy đã được sửa chữa và chúng ta đã đi đến đường lối đổi mới. Không nên nhìn quá cực đoan mà cần nhìn trong tinh thần xây dựng.

Chúng ta phải cùng nhau sát cánh đấu tranh để mạnh hơn, cùng nhau vượt qua những sai lầm, những khó khăn, phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để có thái độ ứng xử đúng đắn thì mới có thể tiếp tục cùng nhau đi tới.

Tôi thật buồn khi đọc những dòng anh viết: “Tôi xin “tính sổ” với Đảng Cộng sản Việt Nam và với bản thân cuộc đời của tôi”. Anh Đằng ơi, ừ thì khi về già, ta có thể nhìn lại cuộc đời mình, có thể tính sổ cuộc đời mình, chứ sao lại tính sổ với Đảng.

Đảng của chúng ta từ ngày ra đời đến nay đã 83 năm, so với tuổi thọ của một người vẫn còn chưa được coi là dài, nhưng Đảng đã cùng nhân dân kiên cường vượt qua biết bao phong ba, bão táp, đương đầu với mọi kẻ thù, chịu đựng bao gian khổ, hi sinh.

Đã có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp các chiến trường và trong lao tù thì mới có nước Việt Nam hòa bình - độc lập - thống nhất cùng 27 năm đổi mới đất nước như hôm nay. Những thành tựu ấy đều mang ý nghĩa lịch sử đáng tự hào. Lịch sử của Đảng, sự nghiệp của Đảng là do, và phải do nhiều người, nhiều thế hệ vun bồi chứ đâu thể đòi hỏi phải tính những thành bại gọn trong một đời người.

Chúng ta không thể đánh mất những điều tốt đẹp mà chúng ta đã đạt được bằng xương máu của chính mình, của đồng đội mình và của cả dân tộc.

Anh hãy nhớ lại lịch sử: 68 năm trước, khi thành lập Chính phủ độc lập, Bác Hồ đã mời nhiều đảng, nhiều nhân sĩ trí thức với những xu hướng chính trị khác nhau cùng tham gia chính quyền, cùng chống Pháp xâm lược, xây dựng hòa bình độc lập, thống nhất đất nước.

Ngày càng về sau, đối mặt với chiến tranh khốc liệt, với sống chết, nhiều đảng đã rời bỏ cuộc kháng chiến, thậm chí có đảng còn quay lưng lại, chống phá cách mạng, chống lại nhân dân.

Không ai phủ nhận sự đóng góp của những người ngoài Đảng, của các phái khác như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh... nhưng Đảng Cộng sản vẫn là nổi bật nhất, một mực trung thành với nhân dân, với lý tưởng, xả thân hi sinh vì nước vì dân, xứng đáng làm ngọn cờ hiệu triệu hàng triệu người để bảo vệ đất nước.

Tôi và nhiều đảng viên khác cũng nhìn thấy rõ những sai lầm, những tiêu cực trong Đảng như anh, kể cả cấp cao nhất là Tổng bí thư cũng đã thừa nhận, nhưng chúng tôi vẫn đứng trong Đảng để đấu tranh, sửa chữa chứ không quay lưng chống lại Đảng. Ví von một cách hình ảnh: khi trong nhà có rác, hay tường, cột kèo có hư hỏng, chúng ta nên chọn giải pháp quét rác đi, sửa chữa chỗ dột, chỗ mục nát hay là đập bỏ, đốt nhà xây mới?

Tôi có gặp một số trí thức Việt kiều và bàn về vấn đề này. Không phải ai cũng tán thành chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhưng họ đều nói: “Anh em không ở ngoài nên không thấy sự ổn định chính trị của Việt Nam là vô cùng quý giá. Chúng tôi chỉ mong ổn định chính trị để về nước đầu tư, có thời gian xây dựng sự nghiệp và đất nước”.

Tôi là người trong cuộc, anh em mình đã từng kề vai sát cánh bên nhau nên tôi rất hiểu. Chúng ta lớn tuổi rồi, nhìn lại thấy mơ ước của mình chưa thành hiện thực, sốt ruột lắm.

Nhưng chúng ta đã được nhìn thấy ngày nay: vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh hơn xưa nhiều lắm, xưa thế giới biết Việt Nam vì chiến tranh, nay biết Việt Nam vì có thành tích xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng, trình độ học vấn ngày một cao, mức sống cũng tăng lên nhiều lần.

Ta đã có hòa bình, độc lập, tự do và đang từng bước thực hiện quá trình dân chủ. Những thành quả ấy là vinh quang chứ, trong đó có cả phần của anh Đằng. Đã sốt ruột vì đất nước trì trệ, nếu không chung tay gánh vác sẽ còn trì trệ hơn.

Tôi cũng có một bài thơ viết cho cuộc đời sóng gió của mình, xin chép ra đây tặng anh:

Đời

Đời với ta tuy hai mà một
Ta với Đời tuy một mà hai
Đường đời còn lắm chông gai
Sao ta cứ mãi mê say với Đời
Ta nhờ người nên đời nên vóc
Đời cho ta trí óc thông minh
Cho ta chân cứng đá mềm
Cho lòng ta vững như kiềng ba chân

Ta với Đời mười phần trọn vẹn
Đời với ta như kiếm như gươm
Ta đưa Đời đến vinh quang
Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao

Đời làm ta lao đao lận đận
Không bao giờ ta hận với Đời
Đời gieo trăm đắng ngàn cay
Lòng ta vẫn mãi yêu Đời, Đời ơi.


Tôi rất xúc động khi đến thăm anh trên giường bệnh, nhìn gương mặt anh, thấy rõ tâm anh bất tịnh. Đức Phật đã nói: “Tâm bất tịnh thì thân thọ khổ”. Với tình đồng đội sống chết với nhau năm xưa, tôi nghĩ anh phải cố gắng giữ cho tâm được tịnh, để tâm hồn thanh thản hơn, sức khỏe tốt hơn và sẽ có cơ hội làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho đất nước ở tuổi “cổ lai hi” của chúng mình.

Cuối cùng, chắc anh Đằng vẫn nhớ lời hẹn cùng nhau uống rượu ngâm bao tử nhím với tôi sau khi trị bệnh chứ?

NGUYỄN CHƠN TRUNG (Sáu Quang)
(Tuổi trẻ)
 

Nguyễn Ngọc Điện - Luật pháp, chính sách cho ai?

Quy định không cho phép tự ý quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ đã được chính thức hủy bỏ. Nhưng câu chuyện không dừng lại bởi đây chỉ là một trong nhiều trường hợp làm luật theo kiểu thấy cái gì không vừa mắt, vừa ý là ra lệnh cấm đang có dấu hiệu tràn lan, phổ biến thời gian qua.

Bên cạnh hiện tượng này là sự lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng cao việc đề ra những quyết sách liên quan đến cuộc sống hằng ngày có tác dụng đẩy khó khăn về phía người dân. Tăng giá điện, điều chỉnh giá xăng dầu là những ví dụ điển hình. Tất cả những điều đó khiến người ta nghi ngại rằng quyền lực công có thể được sử dụng một cách tùy tiện, thoải mái, theo ý riêng, cho những mục tiêu riêng.

Thật ra, quyền lực luôn có xu hướng bị lũng đoạn, tha hóa, vì đơn giản nó có thể là chỗ dựa an toàn, vững chắc của con người trong quá trình mưu cầu lợi ích. Trong khi đó quyền lực công, theo lý thuyết, được đặt ra để thiết lập và duy trì trật tự, công bằng xã hội, phục vụ lợi ích chung.

Vấn đề bởi vậy là làm thế nào để quyền lực công luôn được biết đến, được thừa nhận và tôn vinh như là sức mạnh giúp con người thực hiện những mục tiêu cao đẹp, chứ không phải là thứ công cụ phục dịch cho một thiểu số và áp bức đa số người dân. Từ rất sớm, ở các nước người ta đã hiểu rằng để đạt được điều đó nhất thiết phải đặt quyền lực dưới sự kiểm soát, giám sát thường xuyên, chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Trong lĩnh vực hoạch định chính sách, điều chắc chắn là không nên và không thể cấm việc vận động của các nhóm lợi ích đối với người có thẩm quyền. Cách tốt nhất là xây dựng khung pháp lý để các cuộc vận động diễn ra minh bạch, công khai, sòng phẳng và đúng luật. Người dân thường không yếu thế trong cuộc chơi này: họ có đại biểu dân cử được mình bầu ra, có tổ chức xã hội, nghề nghiệp và có thể thông qua đó truyền đạt nguyện vọng của mình tới người có thẩm quyền.

Trong trường hợp vận động không thành công và đối mặt với một chính sách, một quy định bất lợi, người dân vẫn còn cơ hội đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình bằng cách kiện ra tòa án yêu cầu xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của chính sách, quy định ấy. Nếu thắng kiện, người dân còn có quyền đòi bồi thường về những thiệt hại do việc thực hiện chính sách, quy định vi hiến, trái luật.

Cơ chế kiểm soát, giám sát vận hành hữu hiệu sẽ khiến người nắm quyền lực luôn cảm thấy chịu sức ép phải nghĩ đúng, làm đúng để không phải đối mặt với những rắc rối pháp lý, với nguy cơ bị trừng phạt do những sai lầm của mình.

Không có một cơ chế như thế thì các nhóm lợi ích sẽ có điều kiện thao túng và họ chẳng tội gì không tận dụng các điều kiện ấy để có được chính sách, quy định thuận lợi cho mình. Người nắm quyền lực, về phần mình, không cảm thấy vị trí, sự nghiệp của mình bị đe dọa do làm sai, sẽ có xu hướng làm ẩu, làm càn. Nếu có chính sách, quy định nào bị xã hội phản đối mạnh quá thì thu hồi, sửa đổi; nếu chính sách, luật pháp đã sửa đổi vẫn bị phản đối thì lại thu hồi, sửa đổi tiếp. Rốt cuộc trong hoàn cảnh đó, chỉ có người đóng thuế (nghĩa là người dân) chịu thiệt hại, vì phải đóng góp để trả chi phí cho những vòng quay liên tục, bất tận của quy trình xây dựng chính sách, luật pháp, và rồi cứ chờ đợi mãi mà chẳng thấy ra đời chính sách, luật pháp hợp lòng dân.
Nguyễn Ngọc Điện
(Báo Tuổi Trẻ)

Alan Phan - Chết hay chờ phép lạ


Tôi đã nói nhiều về bong bóng BDS hơn 4 năm về trước. Mặc cho bao dự đoán, bong bóng vẫn chưa nổ và chẳng ai chịu chết cả (ngoại trừ một vài chủ dự án lớn vào tù hay bỏ chạy ra nước ngoài). Không ai chịu nuốt con cóc để còn đi làm chuyện khác. Người ta vẫn ngồi chờ xem màn kịch tới, xem các gói cứu trợ tới có hữu hiệu gì hơn gói 30 ngàn tỷ? Các báo chí, TV vẫn thích phỏng vấn tôi về chuyện dài BDS và xin nói thật là tôi vừa trả lời vừa ngáp dài.
Đối với tôi chuyện BDS đã là chuyện “quá khứ”. Bong bong có nổ hay không cũng không còn gì quan trọng. Người tiêu dùng sẽ bỏ tiền ra khi giá BDS hợp lý theo thu nhập và khả thi theo cách tính toán về đầu tư. Mọi thủ thuật để chạy trốn và bóp méo thực tại sẽ không có ảnh hưởng lâu dài. Thị trường, không phải các quyết nghị, là câu trả lời sau cùng.
Anh Nguyễn Văn Đực của công ty Đất Lành có bất đồng ý kiến với tôi là không thể “để cho BDS chết hết” vì nó sẽ tạo nhiều hệ luỵ xã hội và kinh tế. Xin cho phép nói rõ hơn:
Chưa có một tiền lệ lịch sử nào cho thấy khi bong bóng vỡ và thị trường bắt đáy, mọi công ty hay nhà đầu tư BDS đều lăn ra chết chùm. Trong một thị trường tự do (có nghĩa là giá cả nếu phải rơi tự do, sẽ không ai “cứu trợ” hay “can thiệp”), luôn luôn có những công ty và NDT không dùng đòn bẫy và mạnh khoẻ về tài chánh. Theo báo cáo từ Bộ Xây Dựng và các chuyên gia Tây Ba Lô, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp BDS đang gặp khó khăn. Dù không ai tin các số liệu này, nhưng cho thấy sẽ có ít nhất 50% doanh nghiệp vượt hiểm dễ dàng ngay khi bong bóng vỡ.
Viễn ảnh tận thế của anh Đực chắc chắn sẽ không xẩy ra dưới bất cứ hình thái nào.
Tôi lập lại quan điểm của mình: phép lạ rất hiếm khi xẩy ra và mọi người đã quá mệt mỏi với những trò dậm chân tại chỗ và những điệp khúc ê a lê thê như bài kinh quá dài. Một cuốn phim kinh dị đã trở thành một hài kịch vô duyên. Hãy chiếu THE END để mọi người được về và sắp xếp công việc ngày mai.
Alan Phan

TS.Alan Phan: Nguy hiểm khi BĐS vẫn cố kéo dài sự sống
(Báo Đất Việt 26/8/2013) – “Bất động sản Việt Nam vẫn đang cố kéo dài sự sống, vẫn đang lằng nhằng đợi chết. Đây là một điều nguy hiểm, vì nếu nó có chữ “the end” rồi thì mọi người biết mà đi về, kiếm phim khác coi. Còn nếu nó vẫn chưa đâu ra đâu, chưa chết, vai chính vẫn nằm ừ ừ, còn kéo dài lâu như thế này theo tôi là một tín hiệu xấu, rất nguy hiểm.” – Chuyên gia kinh tế, TS. Alan Phan cho biết.


                                   Bất thường khi Hoàng Anh Gia Lai vừa chạy vừa “la làng” 

PV: - Mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã chính thức tuyên bố sẽ rút ra khỏi thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài. Ông có đánh giá gì về động thái này của HAGL?

TS. Alan Phan: - Vấn đề này tôi không có nhận xét gì cả. Vì người làm ăn thì chỗ nào lỗ họ chạy thôi. Vấn đề chính, khi kinh doanh thì phải có một sự bén nhạy để “gõ” thị trường. HAGL bỏ chạy khỏi thị trường BĐS Việt Nam để đầu tư sang Miến Điện, đó cũng là điều bình thường trong vấn đề kinh doanh.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trước kia HAGL đã kêu gào FDI vào Việt Nam để đầu tư mà hiện nay các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như HAGL lại “xách tiền” sang Myanmar, Campuchia thì sẽ nảy sinh một câu hỏi: trong khi các doanh nghiệp trong nước chạy hết rồi thì tại sao FDI lại phải đem tiền chạy vào? Đây cũng là một vấn đề và có nhiều uẩn khúc ở trong.

Nhất là một doanh nghiệp đã từng làm BĐS cả mấy chục năm nay và có thể nói là đã phất lên nhờ BĐS thì bây giờ có ai dám nhảy vào không? Khi mà HAGL đã có đầy đủ mối quan hệ, kinh nghiệm, tất cả mọi thứ, ngay cả tiền họ cũng kiếm được rất nhiều tiền cash.

Vấn đề kinh doanh thì tuỳ mỗi doanh nghiệp, không có gì để nói. Nhưng khi một doanh nghiệp BĐS lớn nhất, danh tiếng nhất ở Việt Nam mà bỏ chạy thì đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư trong nước. Nếu như họ không có những lợi thế như HAGL thì làm sao họ có thể chống cự với tình hình sắp tới?

Đây chính là những dấu hiệu cho một chu kỳ mới.

PV: - Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã nhận định: HAGL hay nhiều doanh nghiệp BĐS khác muốn tháo chạy cũng không phải dễ. Bởi họ sẽ bán cho ai? Ai là người mua? Và sẽ mua với giá nào? Xin ông cho biết ý kiến của ông về nhận định này.

TS. Alan Phan: - Tôi không biết HAGL còn bao nhiêu dự án tại Việt Nam và thanh khoản của HAGL tại những dự án này như thế nào. Nhưng có một điều tôi thấy hơi lạ, là thường thường khi một doanh nghiệp tháo chạy như vậy sẽ im lặng để thị trường không xáo động, để người ta lặng lẽ mà chuồn.

Còn bây giờ, trong một cái rạp hát, ông muốn chuồn mà ông lại la làng lên rồi ông chạy thì có thể gây ra một sự hoang mang lớn cho thị trường và cho đám đông ở xung quanh. Đây chỉ là một nhận xét của tôi thôi, chứ như tôi đã nói, tôi không có những thông tin chi tiết về HAGL để mà bàn sâu về vấn đề này.

BĐS lằng nhằng đợi chết là vô cùng nguy hiểm

PV: - Có ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã thất bại và thị trường BĐS Việt Nam đang đổ vỡ. Theo đánh giá của ông, liệu thời điểm hiện nay đã có thể khẳng định: BĐS Việt Nam hoàn toàn đổ vỡ chưa?

TS. Alan Phan: ”Hoàn toàn” là một cụm từ chỉ mang tính tương đối, không thể nào giống một cuốn phim mà kết thúc có chữ “the end” được.

Nó là một kết cuộc có thể kéo dài, nó vẫn lằng nhằng đợi chết. Đây là một điều nguy hiểm, vì nếu nó có chữ “the end” rồi thì mọi người biết mà đi về, kiếm phim khác coi.

Còn nếu nó vẫn chưa đâu ra đâu, chưa chết, vai chính vẫn nằm ừ ừ, còn kéo dài lâu như thế này theo tôi là một tín hiệu xấu, rất nguy hiểm.

PV: - Theo đánh giá của ông, sự “lằng nhằng” đợi chết này sẽ kéo dài thêm bao nhiêu lâu?

TS. Alan Phan: Thời gian bao lâu thì còn tuỳ thuộc rất nhiều vào chính sách. Đến lúc này thì hình như chính sách vẫn chưa muốn cho BĐS chết. Ông đạo diễn mà vẫn cứ nói rằng: ok, mày cứ nằm thế đi, mày cứ rên đi, khoan hãy chết… thì BĐS vẫn chưa thể chết được.

Nên tôi thực tình không biết trong ý đồ của ông đạo diễn là có muốn cho chết hay không. Và đó là yếu tố chính để xác định thời gian BĐS chết.

PV: - Với tình hình như hiện này, theo ông, người dân có nên bỏ tiền mua nhà vào lúc này không?

TS. Alan Phan: - Trong bất cứ một biến động nào, nếu người dân thấy đây là một cái giá có thể trả được và là một cái giá tốt thì cứ việc bỏ tiền mua, nếu dư tiền.

Nhưng nếu phải đi vay tiền thì dù là cái nhà tốt đến đâu cũng phải đợi. Vì thời điểm này là lúc không nên vay tiền mua nhà hay cố gắng gồng lên. Tôi vẫn nghĩ là BĐS Việt Nam vẫn chưa tới đáy.

Xin chân thành cảm ơn ông!

 Duyên Duyên

Alan Phan 27.08.2013
(Blog Alan Phan

Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến

Vài lời của người sưu tầm: Bài báo dưới đây của Phan Khôi, tôi sưu tầm và lưu giữ riêng đã 6-7 năm nay; để đưa tới bạn đọc dưới dạng sách in, hẳn phải chờ dăm năm nữa. Nhận thấy bài này thuộc số những bài cần được biết rộng càng sớm càng hay, tôi rút nó từ bộ sưu tập đang chuẩn bị ra giới thiệu với những ai quan tâm. Lâu nay thấy trên các báo chí có nhiều tác giả hay dùng đến hai chữ “phong kiến”. Đại khái như trong câu này: “Người mình chịu áp bách dưới chế độ phong kiến mấy ngàn năm”, hay như trong câu này: “Ngày nay chúng ta bắt đầu thoát ly khỏi chế độ phong kiến”.
http://phiatruoc.info/wp-content/uploads/2013/08/Phong-kien-290x195.jpg

Ấy là một sự lạ! Vì theo lịch sử nước ta, từ xưa đến nay chưa hề có chế độ phong kiến, thì người mình bởi đâu chịu nó áp bách, chúng ta ngày nay việc gì phải thoát ly?
Người mình có chịu áp bách, nhưng áp bách bởi cái gì kia; chúng ta rồi phải thoát ly, nhưng thoát ly cái gì kia, chớ đâu có phải cái chế độ phong kiến?
Vậy trước hết ta nên hỏi chế độ phong kiến là cái chế độ gì; rồi xét thử phải chăng nó từng nhiều lần hay lấy một lần còn có trên lịch sử chúng ta.
Đây tôi không rồi đâu nhắc lại các tầng thứ của sự tổ chức xã hội loài người theo như xã hội học; tôi chỉ cắt nghĩa cho biết thế nào gọi là phong kiến.
Trên lịch sử Á Đông vẫn có cái chế độ ấy. Đời xưa, cuộc phong kiến còn có trên lịch sử Trung Quốc đến hàng mấy ngàn năm.
Thuở trước, các bực bá giả khi chinh phục và thống nhứt được một nước rồi, lên ngôi vua, tự xưng là thiên tử, và phong cho các con, em, cháu, mỗi người một phần đất bởi trong nước ấy chia ra, cũng làm vua, mà gọi là chư hầu: ấy tức là cái chế độ phong kiến bắt đầu có.
Những vua chư hầu ấy chia ra đẳng cấp theo năm tước: công, hầu, bá, tử, nam; đất nước lớn hay nhỏ cũng tuỳ từng đẳng cấp mà có khác.
Lại không những con, em, cháu được phong mà cho đến các kẻ bề tôi có công cũng được phong: hạng trên kêu là những chư hầu đồng tánh (cùng họ), hạng dưới kêu là những chư hầu dị tánh (khác họ).
Hết thảy các nước chư hầu đều cai trị dân mình, hưởng huê lợi (tức là thuế) đất mình; nhưng mỗi năm phải theo lệ nạp cống phú cho thiên tử; và mọi việc lớn trong nước phải bẩm mạng cùng thiên tử; khi có giặc, chư hầu phải xuất binh giúp thiên tử mà đánh dẹp.
Nước ta có câu tục ngữ “Dùi đánh đục, đục đánh săng”, nếu mượn đem mà chú thích cho cái chế độ nầy thì đúng lắm: Theo chế độ phong kiến, thiên tử đè lên trên chư hầu, chư hầu đè lên trên bình dân, ấy là sự tự nhiên.
Cho nên trong sử hay ca tụng cái cảnh thái bình hồi đời phong kiến là phải lắm: Lúc bấy giờ bình dân bị cho đến hai cái sức mạnh đè lên, không cựa quậy nổi, không vùng vẫy nổi, thành ra trong xã hội được bình yên vô sự. Nhưng hạng bình dân thì thật khổ, khổ mà không ai biết cho.
Trong sử Tàu, trước Giáng sanh [1] vài ba ngàn năm, trong thời kỳ đó hầu hết thiệt hành cái chế độ phong kiến.
Trải qua Đường, Ngu, Hạ, Thương, Châu, ngót hai ngàn năm phong kiến mà đời sau cho là thuở thạnh trị có một không hai. Đến nhà Tần mới phá bỏ phép ấy, rồi sau đến nhà Hán lại phục lại, nhưng cách sắp đặt có khác xưa.
Trái với cái chế độ phong kiến là chế độ quận huyện. Nhà Tần làm theo chế độ quận huyện.
Quận huyện nghĩa là chia trong nước ra làm từng quận từng huyện, rồi thiên tử đặt quan ra cai trị chớ không đặt chư hầu. Làm thế này thì bình dân có dịp trực tiếp với thiên tử chớ không bị các vua chư hầu làm ngăn cách ra như phép phong kiến. Thế cũng đáng cho là một sự tấn bộ trong cách tổ chức vậy.
Cái chế độ phong kiến là thế, và đại ý của nó là thế. Nhưng xét xem trong lịch sử nước ta, cái chế độ ấy chưa hề thấy bao giờ.
Trong sử Ngoại kỷ [2] nói vua vua Hùng Vương chia nước ra 15 bộ, nhưng cũng nói đặt quan cai trị, chớ không nói để phong con, em, cháu hay là bề tôi có công.
Kể từ Đinh, Lê về sau, nước ta mới thành lập hẳn một nước, song cũng chưa hề đặt ra hay noi theo cái chế độ phong kiến.
Triều thì chia nước ra từng lô, triều thì chia nước ra từng xứ, triều thì chia nước ra từng trấn, triều thì chia nước ra từng tỉnh, nhưng thảy đều đặt quan cai trị, thay quyền trung ương mà thống ngự thần dân. Nói tóm một lời, nước ta từ hồi lập quốc về sau, sự tổ chức về chính trị theo lối quận huyện chớ không theo lối phong kiến.
Trải qua các triều vua, vẫn có dùng năm tước công, hầu, bá, tử, nam mà phong cho các bề tôi đồng tánh hoặc dị tánh, lại có phong đến tước vương nữa. Nhưng những người chịu phong tước ấy có danh mà không có thiệt, chẳng hề có ai được đất phong lớn, được hưởng cả huê lợi, được cai trị dân như các vua chư hầu đời xưa dưới chế độ phong kiến.
Đại để mỗi người được phong tước thì vua tuỳ từng đẳng cấp mà ban cho ruộng đất ít nhiều, gọi là “thái địa”. Thái địa ấy tự người được phong muốn chọn nơi nào thì chọn, và được truyền tử lưu tôn như đất tư của mình. Thái địa ít thì chừng mấy mẫu, nhiều thì chừng mấy chục mẫu, nhiều lắm cũng đến choán lấy mấy làng là cùng, chớ không khi nào được đến một tỉnh hay một trấn mà có thể làm một nước nhỏ được. Vả lại người được phong chỉ có quyền về thổ địa mà không có quyền về nhân dân ở trên thổ địa ấy; bao nhiêu người dân từ trước lập nghiệp trên thái địa cũng vẫn trực tiếp chịu quyền cai trị của nhà vua.
Coi như Lê Phụng Hiểu được phong hầu, vua truyền cho ông ta chọn lấy thái địa, ông xin trèo lên một hòn núi, cầm dao phóng xuống, dao rơi đến đâu thì ông nhận đất đến đó; rồi rốt lại, ông được một khoảnh đất chừng 50 mẫu, và ông ăn lấy thuế đó, mà trong sử người ta quen gọi là “thuế chước đao”. Đó là cái chứng cớ tỏ ra rằng nước ta từ xưa nhà vua có lấy đất phong cho công thần, nhưng phong một cách khác, chớ không theo chế độ phong kiến.
Chuyện gần đây là chuyện trào Nguyễn. Các ông thân vương vẫn được dùng một huyện mà phong cho, như ông Tùng Thiện vương, tức là ông được phong về huyện Tùng Thiện ở tỉnh Sơn Tây vậy. Dầu vậy, các ông ấy chỉ có cái danh vậy thôi, không phải ông Tùng Thiện vương được ra làm chúa cai trị huyện Tùng Thiện hay là đem cả thuế má huyện ấy mỗi năm nhập vào túi mình, vì ông vẫn ở tại kinh đô Huế trong thời đó và mỗi tháng cũng cứ lãnh lương trong kho Nội vụ.
Tôi biết ở miền tôi gần nay có một ông quan được phong tước tử. Ông chọn ngay sáu mẫu đất ở làng cạnh làng ông làm thái địa, rồi đất ấy lưu truyền đến đời cháu ông ngày nay còn hưởng thọ, coi như ruộng tư, chỉ không được đem bán cho ai.
Có phong tước, có thái địa, nhưng người được phong không hưởng các quyền cai trị dân chúng ở trong thái địa của mình: điều đó làm cho phân biệt với chế độ phong kiến.
Bởi đó nói rằng nước ta xưa nay không có chế độ phong kiến, cái chế độ ấy chưa hề xuất hiện trên lịch sử xứ ta.
Thế thì các nhà xã hội học An Nam (?) làm sao lại nhắm mắt nói liều rằng “người mình chịu áp bách dưới chế độ phong kiến” hay là “chúng ta ngày nay bắt đầu thoát ly chế độ phong kiến” được?
Chế độ phong kiến ở bên Tàu có, ở bên Nhựt Bổn có, ở bên Tây có; song có thể nào lấy cớ mấy xứ ấy có chế độ phong kiến mà buộc cho xứ ta từ xưa cũng phải có chế độ phong kiến?
Trừ ra hai chữ “phong kiến” có nghĩa gì khác mà kẻ viết bài nầy chưa hiểu thì thôi; bằng chỉ có một nghĩa như đã giải trên kia thì nó chẳng có dịp nào dùng mà chỉ một cách tổ chức về chánh trị trong nước nầy về thời quá vãng hết, thật chẳng có dịp nào hết.
Ở trước mặt một người thuộc quốc sử mà bảo rằng nước ta từ xưa có chế độ phong kiến, người mình từng bị áp bách bởi nó, ngày nay mới bắt đầu thoát ly, thì phải cho phép người ấy trợn mắt rùng vai, lấy làm lạ một chút, mới là phải đạo công bình.
Nếu nói rằng chữ “phong kiến” nầy dùng theo nghĩa rộng: vua ở trên chia quyền cho các ông tổng đốc các tỉnh và cũng chia lợi cho nhau luôn, như thế cũng không khác gì cái chế độ đặt chư hầu bên Tàu thuở xưa, – nếu nói vậy thì dùng chữ gì cũng được cả, ai còn cãi với ai làm gì cho phiền?
Tôi tưởng, tốt hơn là, ta nghiên cứu xã hội học [3] , ta theo nó, mà ta cũng phải để mắt tới quốc sử của ta. Không có lẽ nào câu chuyện xứ ta vốn không có mà bịa ra nói có, rồi cứ theo đó mà đi tìm cái kết luận ở trong mây mù khói ngút, không ai có thể kiểm soát lại được!
Phan Khôi
-------------------
[1] Giáng sanh nói ở đây tức là Thiên Chúa giáng sinh, trỏ năm sinh Jesus Christ, mà lịch phương Tây dùng làm điểm khởi đầu Kỷ nguyên chúng ta (hoặc Công nguyên); cách tính này hiện thông dụng toàn thế giới (một sự kiện lịch sử nào đó, theo niên biểu này, sẽ được ghi bằng năm thuộc Công nguyên hoặc bao nhiêu năm trước Công nguyên).
[2] Sử Ngoại kỷ nói ở đây hẳn là trỏ phần Ngoại kỷ của bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
[3] Nghiên cứu xã hội học mà tác giả nói ở đây, ý nói việc nghiên cứu cấu trúc, tổ chức xã hội trong nghiên cứu sử học nói chung.
Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu
Nguồn: Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29 Novembre 1934)
(Trích lại từ talawas)

Nga bị truy tố 6 người Việt ép đồng hương làm nô lệ

Sáu người Việt ở Nga vừa bị truy tố nhiều tội danh, gồm sử dụng lao động nô lệ, lập băng đảng tội phạm, và tiếp tay với di dân bất hợp pháp. Trước đó, cảnh sát khám giác họ điều hành nhiều xưởng may với 1,200 thợ đều là người đồng hương, theo tin của báo Thanh Niên.
Di dân lậu gốc Việt và nhiều nước khác đứng ở khu lều tạm hôm 5 Tháng Tám. Họ bị đưa về đây sau vụ bố ráp tại khu chợ ở ngoại ô Moscow, chờ làm thủ tục trục xuất về nước. (Hình: Vasily Maximov/AFP/Getty Images) 
 
Hãng thông tấn Itar-Tass trích dẫn lời của Bộ Nội Vụ Nga nói rằng, sáu người này “từng lập một tổ chức sử dụng lao động nô lệ gồm toàn thợ quốc tịch Việt Nam và những người cư trú bất hợp pháp từ các tiểu bang khác.”

Cảnh sát cho biết các nghi can này mở nhiều xưởng may, trong đó những người thợ làm việc và sống trong “điều kiện tối thiểu, thiếu vệ sinh.” Đồng hương của những nghi can cùng các người ngoại quốc bị họ giữ giấy thông hành, khiến không thể trở về nước hay kiện tụng gì được.

Những xưởng may này bị phát giác vào hôm 31 Tháng Bảy khi cảnh sát tuần tra khu vực nơi tập trung nhiều di dân ở Moscow, sau khi một cảnh sát viên bị một nhóm người tấn công đến bị thương nặng tại một khu chợ hồi Tháng Sáu.

1,200 người Việt và 200 người ngoại quốc khác từ Ai Cập, Morocco, Syria, Uzbekistan và Azerbaijan bị bắt, trong vụ bố ráp có sự tham gia của hơn 900 cảnh sát.

Cảnh sát trả lời phỏng vấn của AFP nói rằng, những công nhân bị phát giác đang may áo quần với thương hiệu giả.

Một số người Việt bị trục xuất về nước, và hơn 200 người khác bị đưa đến sống trên đảo Severny.

Hồi Tháng Tám năm ngoái, đài BBC từng phanh phui vụ một xưởng may do người Việt làm chủ dùng công nhân lao động nô lệ. BBC tường thuật rằng trên đất Nga còn có hàng chục xưởng may khác cũng do người Việt làm chủ và mướn toàn công nhân đồng hương.
(Người Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét