Bà Lê Hiền Đức: Tình hình tham nhũng tại Việt Nam rất trầm trọng và ngày càng trầm trọng hơn
Lời dẫn: Bức thư của Giám đốc phát hành Tạp chí “Carnets Du Viet Nam”Dominique FoulonGiám Đốc phát hành Tạp Chí "Carnets Du Viet Nam”Kính chào Bà Lê Hiền Đức,Tạp Chí Les Carnets du Viet Nam ( Sổ Tay Viêt Nam) , có mặt từ hơn 10 năm qua , và cố gắng mỗi 3 tháng cung cấp những thông tin bằng tiếng Pháp về văn hóa, thời sự và lịch sử Việt Nam .Chúng tôi đã viết nhiều bài về người nông dân bị mất quyền sử dụng đất đai xảy ra trên khắp nước cũng như về những trường hợp tham nhũng quả tang phản ảnh từ những bài viết trên InternetQua những bài trên Internet, chúng tôi đã biết đều đặn đến tên tuổi của Bà, và chúng tôi nghĩ rằng Bà là người có đầy đủ phẩm chất để nói về những gì đang xảy ra trên nông thôn Việt Nam .
_________________
Toàn văn cuộc phỏng vấn do
Dominique Foulon - GĐ phát hành Tạp chí
“Carnets Du Viet Nam” thực hiện:
- Từ khi Bà sinh ra thì nước VN
đã trải qua những trang sử sôi động. Bà có thể cho chúng tôi được biết về sự
hiện diện của Bà trong khung cảnh lịch sử đó ?
Tôi được sinh ra vào năm 1932,
khi VN còn là nước thuộc địa bị chia thành 3 kì với 3 chế độ cai trị khác biệt.
Ở tuổi thiếu niên, tôi tận mắt thấy đời sống lầm than, cơ cực của người dân VN
dưới ách thống trị tàn ác của thực dân, phong kiến. Đặc biệt vào đầu năm 1945,
tôi phải chứng kiến nạn đói khủng khiếp đã cướp đi 2 triệu sinh mạng, tức là
hơn 1/10 dân số VN khi ấy. Chúng hun đúc cho tôi lòng yêu nước, thương nòi, căm
thù sự áp bức, bất công. Vì vậy, khi Mặt trận Việt Minh hô hào toàn dân vùng
lên đoàn kết đánh đổ áp bức, bất công, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho
dân tộc, trả lại ruộng đất cho dân cày, nhà máy, hầm mỏ cho dân thợ, xây dựng
chính quyền dân chủ nhân dân, đem lại hạnh phúc, ấm no, bình đẳng cho toàn thể
dân chúng, khiến ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ở tuổi 13,
tôi đã cùng các anh chị mình hăng hái hưởng ứng.
30 năm tiếp theo đó, trên các
cương vị công an viên rồi giáo sinh, giáo viên, tôi tích cực tham gia 2 cuộc
kháng chiến với mục đích giải phóng dân tộc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân trên phạm vi cả nước.
Nay nhìn lại, tôi rất xúc động và
ít nhiều tự hào vì những năm qua mình đã biết sống vì dân, vì nước.
- Vào tình huống nào mà Bà đã đối
mặt với vấn đề tham nhũng và vấn đề tước đoạt quyền sử dụng đất một cách phi
pháp? Có những ví dụ chính xác nào mà có thể chia sẽ với chúng tôi ?
Tôi có thể đưa ra không phải hàng
chục, hàng trăm mà là hàng ngàn, hàng vạn ví dụ rõ ràng và sinh động. Các thông
tin về chúng đều đã được kiểm chứng là chính xác.
Về đất đai, là các vụ cưỡng chế,
tước đoạt đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải
Phòng, đối với nhiều hộ nông dân ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ở phường
Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội…
Về y tế, là các vụ lừa đảo người
dân để lấy tiền một cách lâu dài, có hệ thống diễn ra tại Bệnh viện Mắt Trung
ương, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội…
Về giáo dục, là vụ tham ô của Tạ
Thị Bích Ngọc ở Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc, quận Cầu Giấy, thành phố Hà
Nội…
Các lĩnh vực khác cũng có nhiều
vụ việc nghiêm trọng, như vụ Đặng Thị Bích Hòa ở Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT…
- Phản ứng của chính quyền ra sao
khi Bà đặt vấn đề với họ về việc tước đoạt quyền sử dụng đất và về tham nhũng?
Phản ứng chung là xấu, là tiêu
cực, với những biểu hiện như lảng tránh, câu giờ, ngụy biện, đùn đẩy cho nhau…
nhằm làm cho “chìm xuồng” ngay cả khi sự việc đã rõ mười mươi, đã có đầy đủ
nhân chứng, vật chứng.
Để lấy ví dụ cụ thể về điều này,
ông có thể đọc bài “Chỉ đạo phòng chống hay trực tiếp bao che, lấp liếm?” mà
tôi viết vào năm kia.
Từ những trải nghiệm của mình,
tôi cho rằng Đảng cộng sản và Nhà nước VN chỉ hô hào suông chứ không thực tâm
chống tham nhũng, thậm chí còn bao che, dung túng tham nhũng, sống dựa vào tham
nhũng. Việc cách đây mấy năm, khi trả lời chất vấn của Quốc hội trên cương vị
Phó thủ tướng thường trực, ông Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) nói
nếu kỉ luật hết cán bộ sai phạm thì lấy ai làm việc cho thấy rõ tham nhũng, sai
phạm là thuộc tính, là bản chất của đội ngũ quan chức của VN hiện nay.
- Thái độ của người nông dân đối
với Bà như thế nào ?
Bà con nông dân, đặc biệt là
những người bị tước đoạt đất đai, nhà cửa… tỏ ra yêu mến, tin tưởng tôi. Thái
độ của bà con đem lại cho tôi những cảm xúc lẫn lộn. Trân trọng, xúc động bao
nhiêu, tôi lại buồn bã, áy náy bấy nhiêu vì trong hầu hết trường hợp, tôi chưa
giúp được bà con đánh đuổi bọn cướp ngày, giành lại đất đai, nhà cửa…
- Báo chí có nêu lên những mối đe
dọa chống lại Bà, đó là những gì ?
Xét riêng việc chống tham nhũng
thì đối với người chống tham nhũng, mối đe dọa chủ yếu và trực tiếp nhất là từ
kẻ tham nhũng.
Tôi từng phải nhận nhiều thư từ,
cuộc gọi nặc danh, từng bị lén lút đổ chất thải bẩn thỉu vào nhà hay bị đặt
vòng hoa tang trước cửa nhà.
Tôi cũng từng phải nghe lời đe
dọa từ những kẻ bị tôi tố cáo và lời “khuyên nhủ” có hàm ý răn đe từ những quan
chức bao che chúng. Trong số quan chức ấy, không ít người ở cấp thứ trưởng, bộ
trưởng, cũng không ít người nắm giữ trọng trách bảo vệ pháp luật, phòng chống
tham nhũng.
Việc năm ngoái, nhiều tờ báo của
Nhà nước đồng loạt đăng bài xuyên tạc, bôi nhọ tôi nhân một sự việc ở Sở thông
tin – truyền thông Hà Nội và việc trong vài năm trở lại đây, lực lượng Công an
đã nhiều lần cản trở hoạt động chống tham nhũng của tôi, thậm chí còn gửi giấy
“triệu tập”, còn ra quyết định xử phạt hành chính đối với tôi một cách vô căn
cứ cho thấy ở Việt Nam đang tồn tại những tập đoàn tham nhũng “cấp quốc gia”.
Chữ “cấp quốc gia” tôi để trong nháy kép.
- Năm 2007 Bà đã nhận được giải
thưởng quốc tế về sự dấn thân của Bà, điều đó xảy ra như thế nào ?
Năm 2007 tôi có được Tổ chức Minh
bạch quốc tế trao tặng một giải thưởng. Khi ấy, tôi hoàn toàn bất ngờ. Mọi việc
đã diễn ra công khai, minh bạch đúng như tiêu chí của giải thưởng và tôn chỉ
của tổ chức trao tặng nó. Trả lời rõ ràng, đầy đủ câu hỏi này của ông, chắc
không ai hơn Tổ chức Minh bạch quốc tế. Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm rằng tôi
và những người cùng chí hướng ở VN đấu tranh chống tham nhũng không phải để
nhận sự khen thưởng nhưng đối với chúng tôi, giải thưởng năm 2007 của Tổ chức
Minh bạch quốc tế có ý nghĩa động viên, khích lệ hết sức to lớn. Chúng tôi chân
thành cảm ơn Tổ chức Minh bạch quốc tế về điều đó và mong muốn bạn bè quốc tế
kề vai sát cánh cùng chúng tôi hơn nữa trên mặt trận chống tham nhũng.
- Theo Bà thì những thay đổi nào
sẽ là quan trọng cho tương lai của VN để người ta có thể sống trong một xã hội
bớt tham nhũng và nhiều bình đẳng hơn.
Hiểu theo nghĩa chung nhất thì
tham nhũng là lợi dụng quyền hành để tham ô và nhũng nhiễu dân.
Có thể ví tham nhũng như một cái
cây với đủ gốc rễ, thân chính, các cành lớn nhỏ, lá già, lá non, chồi, búp…
Ở VN, như tôi từng khẳng định,
tham nhũng đang rất trầm trọng và ngày càng trầm trọng hơn, trong đó tham nhũng
đất đai là rất kinh khủng, tham nhũng ở nhiều lĩnh vực khác như đầu tư công, y
tế, giáo dục cũng không kém phần ghê gớm. Để minh chứng, tôi lấy ngay báo cáo
của Chính phủ VN: Riêng năm 2012, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận
349.139 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 4.772 lượt đoàn đông
người (từ 5 người trở lên); đã tiếp nhận 136.783 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Về
khiếu nại, cả nước phát sinh 115.344 lượt đơn với 86.814 vụ việc, trong đó
khiếu nại về đất đai chiếm 74,7%, khiếu nại về nhà ở chiếm 4,2% tổng số đơn. Về
tố cáo, cả nước phát sinh 21.439 đơn với 12.606 vụ việc, trong đó tố cáo về
hành chính chiếm 93,9% tổng số đơn.
Nhưng những số liệu đó chỉ phần
nào phản ánh các cành lớn nhỏ, lá già, lá non, chồi, búp… chứ chưa hề phản ánh
gốc rễ, thân chính của cái cây tham nhũng ở VN, đó là tham nhũng về chính trị,
tức tình trạng một thiểu số không do người dân bầu lên hay cử ra nhưng mấy chục
năm qua cứ khư khư nắm giữ toàn bộ quyền quản lí, điều hành Nhà nước và xã hội.
Sự tham nhũng đó khiến người dân VN không chỉ bị tước đoạt đất đai, nhà cửa,
tài sản mà còn bị tước đoạt, xâm hại nhiều quyền lợi chính đáng, phổ quát khác
như quyền tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do đi lại, tự do báo chí, tự do lập
hội, tự do tín ngưỡng, tự do biểu tình, tự do bầu cử và ứng cử… Chế độ chính
trị và xã hội VN hiện nay hoàn toàn không phải là chế độ chính trị và xã hội mà
gần 70 năm trước, khi đi theo Mặt trận Việt Minh, tôi mong muốn xây dựng. Có
thể nói rằng cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của chúng tôi đã bị phản
bội một cách toàn diện. Để hiểu cụ thể hơn điều này, ông có thể đọc bài “Phản
cách mạng đã rõ ràng!” mà tôi viết năm ngoái.
Theo tôi, để được sống trong một
xã hội bớt tham nhũng và nhiều bình đẳng hơn, người dân VN phải đốn bỏ thân
chính, đào tận gốc, trốc tận rễ cái cây tham nhũng, đó là sự tham nhũng về
chính trị mà tôi vừa đề cập.
Dominique Foulon thực hiện
Phương Quỳnh - Rất cần thiết có đảng đối lập
Mấy
hôm nay, trên mạng xã hội dồn dập có nhiều ý kiến phản biện lại bài
viết trên tờ Quân đội Nhân dân của tác giả Trọng Đức về bài “Suy nghĩ
trong những ngày nằm bịnh…” của nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP
HCM Lê Hiếu Đằng.
Còn nhiều bài khác (Màn tung hứng vụng về, Kiến nghị lỗi thời nhận thức
sai lệch), cũng trên tờ Quân đội Nhân dân, phê phán ông Lê Hiếu Đằng,
tựu trung các tác giả muốn duy trì sự độc đảng toàn trị. Các tác giả này
cũng đã nhận được nhiều phản biện khác.
Sau đây tôi có vài suy nghĩ về vấn đề liên quan tới đảng đối lập mà ông Lê hiếu Đằng nêu ra.
Theo tôi, việc có đảng đối lập (đối thoại ôn hòa, bất bạo động) để giám
sát quyền lực, chỉ ra những sai lầm của đảng cầm quyền, là vô cùng cần
thiết.
Trong quá khứ, nếu chủ trương Cải cách ruộng đất mà có các đảng đối lập
được hoạt động hợp pháp, được quyền tham gia ý kiến và được quyền giám
sát đảng cầm quyền, thì sai lầm về CCRĐ đã không xảy ra. Các đảng Dân
chủ và Xã hội lúc bấy giờ không phải là đảng đối lập, không có tiếng nói
nào có trọng lượng đối với đảng Lao động VN.
Hiệp định biên giới trên đất liền mà Việt Nam ký với Trung Quốc cho tới nay vẫn gây nhiều thắc mắc cho nhân dân VN.
2/3 thác Bản Giốc (phần mà hiện nay thuộc Trung Quốc và họ gọi là thác
Đức Thiên) trước đây theo công ước Pháp-Thanh thuộc về ai? Phần đất
biên giới thuộc mục Nam Quan sau ký kết bị lùi về phía Việt Nam bao
nhiêu mét? Điểm cao 1509 (Núi Đất thuộc Vị Xuyên, Hà Giang), một vị trí
rất quan trọng về mặt quân sự trước kia thuộc Việt Nam, sau cuộc chiến
biên giới lần thứ hai (1984-1991) thuộc về ai? Sau ký kết hiệp định biên
giới, hiện nay Núi Đất thuộc về ai?
Tất cả những thắc mắc đó đều không được chính phủ giải thích rõ ràng.
Nếu có đảng đối lập được quyền giám sát đảng cầm quyền, nếu có báo chí
tư nhân được hoạt động hợp pháp thì chắc chắn những thắc mắc đó được
giải đáp và nếu có sự mất đất của Tổ quốc thì sẽ xác định được trách
nhiệm thuộc về ai?
Bộ Chính trị đề nghị Hội nghị Trung Ương Đảng xem xét đề nghị kỷ luật
mình về tình trạng điều hành yếu kém khiến đất nước rơi vào tình trạng
bi đát hiện nay và đề nghị kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, nhưng Ban
Chấp hành Trung Ương sau khi xem xét nghiêm túc đã quyết định không kỷ
luật ai hết.
Nếu có đảng đối lập được hoạt động hợp pháp và báo chí tư nhân được hoạt
động hợp pháp thì vì trách nhiệm của ĐCSVN lãnh đạo toàn xã hội VN,
chắc chắn quyết định kỷ luật hoặc không kỷ luật phải được đưa ra thảo
luận trước Quốc hội (mặc dù trong Quốc hội có tới 90% đảng viên) chứ
không phải chỉ ở Hội nghị Trung Ương Đảng, đại diện cho các đảng viên
chỉ chiếm 3-4% dân số VN.
Trong đợt góp ý sửa đổi Hiến pháp, ông Phan Trung Lý nói là không có
vùng cấm, kể cả góp ý về điều 4, nhưng những ý kiến khác với dự thảo
liên quan tới điều 4, với việc quân đội trung thành với ai, không được
thảo luận rộng rãi trên truyền thông nhà nước, và đặc biệt hơn nữa Tổng
bí thư lại nói những ai muốn xóa bỏ điều 4 là “suy thoái”!!!
Các góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của 72 nhân sĩ trí thức, góp ý về
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng Giám mục Công giáo đều không
được phổ biến trên hệ thống báo chí truyền thông nhà nước.
Nếu có đảng đối lập được hoạt động hợp pháp, có quyền giám sát đảng cầm
quyền, nếu có báo chí tư nhân được hoạt động hợp pháp, thì chắc chắn
những góp ý của 72 nhân sĩ trí thức và của Hội đồng Giám mục sẽ được
công khai mổ xẻ, thảo luận rộng rãi để tìm ra những điều hợp lý và không
hợp lý, góp phần hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo đúng
nguyện vọng của nhân dân.
Còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác mà tôi không thể kể hết như việc
cho thuê rừng 50 năm ở biên giới, cả ở Cà Mâu (như ông Lê hiếu Đằng đã
nêu) mà người VN không được vào, vấn đề Bô xít Tây nguyên, vấn đề xét xử
các vụ án tuy thông báo là công khai, nhưng nhân dân không được tham
dự, v,v… tất cả đều thuộc trách nhiệm lãnh đạo của ĐCSVN.
Nếu có đảng đối lập, nếu có báo chí tư nhân thì sẽ có mổ xẻ công khai trên báo chí về những vấn đề ấy.
Các bài phê phán ông Lê Hiếu Đằng đều né tránh các sai lầm cụ thể của
ĐCSVN, trách nhiệm to lớn của ĐCSVN trước dân tộc VN về các sai lầm đó.
Để bảo vệ quan điểm khẳng định sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN, nhiều
tác giả lập luận Đảng có công giải phóng đất nước khỏi thực dân Pháp,
Mỹ, nên bây giờ sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu.
Nhưng nên nhớ rằng công lao ấy thuộc về nhân dân, thuộc về những người
lãnh đạo của thế hệ trước. Còn tình trạng đất nước bi thảm như hiện nay
thì lại thuộc về trách nhiệm của những người lãnh đạo hiện nay.
Trong lịch sử, thời Lê sơ, vua Lê Lợi có công đánh đuổi giặc Minh thì
việc nhân dân suy tôn vua Lê Lợi là tất yếu. Đến cuối thời Lê Trung
hưng, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu viện nhà Thanh chống Tây Sơn
thì liệu ai có thể chấp nhận việc suy tôn vua Lê Chiêu Thống?
Để kết luận, tôi thấy việc có đảng đối lập, đấu tranh bất bạo động
(không đổ máu) để giám sát đảng cầm quyền là cần thiết và ĐCSVN nên chấp
nhận sự giám sát này.
Hơn nữa, ĐCSVN cần phải chấp nhận tiếng nói công khai của người dân phân
tích những đường lối, chủ trương có thể sai lầm của mình.
Do đó, cần xét lại việc cấm ra đời báo chí tư nhân, nên sửa lại nghị
định 72 về quản lý Internet để người dân có thể công khai phản biện
đường lối chủ trương có thể của ĐCSVN.
Phương Quỳnh
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Đâu là “sự thật”, “công lý” và “trách nhiệm” qua bài viết của Giáo sư Hoàng Chí Bảo?
Gs Hoàng Chí Bảo |
Giáo sư Hoàng Chí Bảo vừa có bài Trọng sự thật và công lý để hành động có trách nhiệm
nhằm bác bỏ những ý kiến (chủ yếu là của ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ
Ngọc Nhuận) về việc thành lập Đảng Dân chủ xã hội ở Việt Nam.
Toàn bài của Giáo sư Hoàng, từ tiêu đề, đều toát lên tiếng nói của kẻ có quyền phán quyết và dạy dỗ.
Ví dụ ngay đoạn đầu đã đóng đinh bằng hàng loạt nhận định mang tính tiên đề, không có chứng minh, phân tích, biện bác gì cả: “Ý
Đảng – Lòng dân – Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một, tạo
thành sức mạnh thúc đẩy đổi mới, làm nên sức sống của đổi mới, thành tựu
phát triển đất nước như hiện nay. Đổi mới là sự gặp gỡ tất yếu và tự
nhiên giữa những hối thúc của đời sống thực tiễn với những sáng kiến,
sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ cơ sở, cùng với
quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng”.
Giáo sư dựa vào đâu để nhận định: “Ý Đảng – Lòng dân – Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một”?
Và nếu thế không có gì phải bàn, phải làm nữa. Chẳng lẽ Giáo sư không
hề biết chỉ trong mấy năm qua hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước đổ vỡ,
hàng nghìn dân oan bị tước đoạt ruộng đất, phải đi khiếu kiện năm này
qua năm khác mà vẫn không có kết quả gì; hàng chục nghìn người phải ra
nước ngoài làm thuê; hàng ngàn phụ nữ phải lấy chồng ngoại, thực chất là
những cuộc bán mình; hàng trăm người yêu nước và đấu tranh cho chủ
quyền dân tộc và lẽ công bằng bị kết tội tuỳ tiện hoặc thường xuyên bị
sách nhiễu, bất chấp luật pháp. Cả xã hội gần bất lực trước nạn tham
nhũng, lạm quyền và các loại tội phạm. Biển đảo thì ngày càng bị nhà cầm
quyền Trung Cộng ngang nhiên xâm lấn, ngư dân luôn bị khủng bố mà không
có một chiến lược, một quyết sách gì để ngăn chặn và hy vọng. Và còn
bao nhiêu nan giải khác về xã hội, giáo dục, y tế,… Là một nhà khoa học,
nhất là khoa học xây dựng Đảng, lẽ ra Giáo sư Hoàng phải cảnh báo cho
Đảng để có sự điều chỉnh về đường lối chính sách; còn đối với những
tiếng nói đối lập, phải đối thoại cởi mở trên cơ sở chân lý và đạo lý;
nhưng qua bài trên, tôi thấy Giáo sư chỉ ra sức tô hồng hiện thực và kết
tội những người khác ý kiến, như thế còn đâu là “sự thật”, còn đâu là
“công lý” với “trách nhiệm” như tiêu đề của bài?
Giáo sư Hoàng khen ngợi thành tựu đổi mới của Đảng. Đồng ý. Nhưng là một
bài tranh luận, Giáo sư phải bác bỏ từng luận điểm của đối phương. Khi
ông Lê Hiếu Đằng nêu những cái phi lý, bất cập, tội lỗi của chính thể
hiện nay, lẽ ra Giáo sư phải bác bỏ từng điểm một mới phải, chứ sao lại
lấy cái hay để thay thế cho cái dở? Làm cho “Ông nói gà, bà nói vịt”,
chẳng ăn nhập gì cả. Công là công, tội là tội, làm sao lấy công thay cho
tội được?
Bây giờ tôi xin tập trung phân tích hai ý chính trong của Giáo sư Hoàng Chí Bảo:
- Ca ngợi công lao của Đảng, chủ yếu là giai đoạn từ phát động “đổi mới” đến nay.
- Coi sự độc quyền lãnh đạo của Đảng là hợp lý, hợp tình.
Về ý thứ nhất, khi Giáo sư Hoàng ca ngợi công lao của Đảng
trong công cuộc đổi mới đất nước (từ cuối 1986, khi chấp nhận kinh tế
thị trường, kinh tế tư bản, tư nhân) không phải là sai nhưng coi đấy là
tất cả do “thiên tài Đảng ta” thì thật không khách quan, không vô tư.
Cuộc “đổi mới” này, nói cho công bằng, là cuộc gỡ bớt (bớt thôi chứ
không hết) những cái ách phi lý đè nặng bấy nhiêu năm. So với trước đó
(kinh tế tập thể, tập trung, cấm tiệt kinh tế tư nhân, tư bản) thì đúng
là mới. So với Bắc Triều Tiên và Cu Ba, hai quốc gia kiên định giữ
nguyên mô hình CNXH, thì bước đi của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất mới,
rất táo bạo. Nhưng so với Đảng Cộng sản Trung Quốc (tiến hành cải cách
mở cửa từ năm 1978), thì ta cũng bình thường thôi (chậm hơn Trung Quốc
gần một thập kỷ và tốc độ cũng chậm hơn nhiều). Còn so với sự đòi hỏi
của thực tiễn, so với quy luật chung của cuộc sống, so với con đường của
hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đi thì sự “đổi mới” của ta chẳng
có gì mới, thậm chí là quá chậm. Sự đổi mới ấy chẳng qua là quay về với
cái cũ (ở Việt Nam thời Pháp thuộc đã có kinh tế tư bản không đến nỗi
nhỏ). Kinh tế thị trường (tư bản) đã ra đời ở Âu – Mỹ, Nhật Bản hàng
trăm năm trước. Và thị trường của họ ngày nay đã tiến tới sự hoàn thiện
dưới sự điều hành, giám sát của nhà nước pháp quyền, của xã hội dân sự
(trong đó đặc biệt là vai trò của nghiệp đoàn, của tự do ngôn luận, tự
do báo chí), chứ không phải thị trường hoang dã, méo mó như Việt Nam
hiện nay.
Tất nhiên là khi gỡ bớt những cái ách trên thì nhân dân phấn khởi, sức
lao động và sức sáng tạo bao nhiêu năm bị kiềm toả bỗng nhiên được giải
phóng. Lại thêm tư bản nước ngoài vào đầu tư, tất cả đã khiến kinh tế
Việt Nam khởi sắc hẳn lên. Tức là kinh tế bước đầu được vận hành theo
quy luật. Cứ nhìn vào hình ảnh người nông dân trên đồng ruộng khi vừa
mới có chính sách chia ruộng những năm cuối thập niên tám mươi, đầu thập
niên chín mươi của thế kỷ trước so với giai đoạn hợp tác xã trước đó
thì đủ biết. Thời hợp tác xã, người ta đệm cho cày nông choèn, rồi cày
một đường lại bỏ “lỏi” nửa đường là chuyện thường. Việc bừa cũng tương
tự như vậy. Nhưng đến lúc chia ruộng, bà con làm ruộng nhuyễn như nồi
cháo nấu kĩ. Rồi bao nhiêu phân gio được chiu chắt, chăm bẵm,… do đó lúa
tốt hẳn lên chứ không “chó chạy hở đuôi” như thời hợp tác xã. Trời còn
mờ tối, bà con đã lục tục ra đồng, tối nhọ mặt vẫn chưa chịu về, khác
hẳn thời hợp tác xã, mặt trời còn con sào mới gọi nhau xuống đồng, lại
còn giải lao giữa giờ, trà thuốc chán chê, cho đến khi mặt trời sắp lặn
mới xuống làm tượng trưng một chút nữa rồi về.
Viết đến đây tôi muốn muốn minh hoạ thêm bằng một ý của Mạc Ngôn (nhà văn Trung Quốc, giải Nobel 2012). Năm 1993, Mạc Ngôn qua thăm một thành phố vùng biên giới Nga – Trung. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy cùng thảo nguyên ấy, bên Nga đất đai hết sức phì nhiêu và rộng rãi so với Trung Quốc, nhưng dân Nga lại nghèo khổ hơn hẳn dân Trung Quốc (lúc ấy Trung Quốc đã cải cách được 15 năm, còn Nga vừa mới tan rã đế chế Xô Viết). Mạc Ngôn nhận định: “Người dân dưới bất kỳ chế độ xã hội nào đều là một quần thể cần lao, dũng cảm, giàu sức sáng tạo nhất. Chỉ cần nới lỏng một chút bàn tay xiết trên cổ họ, để họ có thể hít thở được, chỉ cần nới lỏng một chút cái sợi dây xiềng xích giữ tay và chân họ, để họ có thể lao động được, họ có thể sáng tạo ra cả một nền văn hoá rực rỡ và những của cải lớn lao”[1].
Dẫu sao thì dân ta hiện nay cũng “vênh mặt” được với Bắc Triều Tiên và
Cu Ba. Nhưng so với Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước cho đến tận đầu thế
kỷ XIX chỉ tương đương mình như, thì mình thật đau xót; còn so với những
nước lân bang như Thái Lan, Singapore, cho đến tận đầu thế kỷ XIX, vẫn
còn là “đàn em” của ta, thì thật hổ thẹn.
Và đúng là cuộc đổi mới đã giúp Đảng Cộng sản thoát hiểm như nhận định
của Giáo sư Hoàng Chí Bảo. Nhưng cuộc thoát hiểm đó mang tính chất tình
huống, tạm thời. Bởi vì chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị.
Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kinh tế là cơ sở hạ tầng,
quyết định kiến trúc thượng tầng, tức hình thái nhà nước; và kiến trúc
thượng tầng phải phù hợp với cơ sở hạ tầng. Lực lượng sản xuất phát
triển đến độ như bây giờ thực sự đã mâu thuẫn gay gắt với kiến trúc
thượng tầng. Kinh tế thị trường do không đi đôi với nhà nước pháp quyền
và xã hội dân sự đã dẫn đến những nhóm lợi ích, những sự cạnh tranh mang
tính maphia,… Và đặc biệt là tình trạng tham nhũng vô phương cứu chữa.
Càng duy trì tình trạng này sẽ càng tiếp tục khủng hoảng, cả kinh tế và
chính trị. Chính nó đe doạ sự tồn vong của Đảng, chứ không phải “các thế
lực thù địch”.
Về ý thứ hai, Giáo sư Hoàng nêu: “Dân ủy thác cho Đảng trọng trách. Sứ mệnh, địa vị và trọng trách của Đảng là sự lựa chọn của dân, là sự tin cậy mà dân dành cho Đảng…”. Thế nhưng giáo sư lại không biện luận, không chứng minh được điều này. Thử hỏi, dân uỷ thác cho Đảng bao giờ, dưới hình thức nào? Đã gọi là uỷ thác thì phải qua một hình thức “khế ước” như qua hiến pháp, qua các bộ luật, qua việc bầu cử tự do. Hiến pháp hiện hành có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Điều 4) nhưng nhân dân chưa bao giờ được phúc quyết điều này. Tất cả các chức danh lãnh đạo của Đảng hoàn toàn do Đảng bầu, Đảng cử chứ dân không có quyền gì. Giáo sư lý giải thế nào hình ảnh một xã hội được gọi là dân chủ nhưng người đại diện cho mình, thực thi những quyền lợi của mình, quyết định số phận của mình, lại không phải do mình bầu lên?
Về ý thứ hai, Giáo sư Hoàng nêu: “Dân ủy thác cho Đảng trọng trách. Sứ mệnh, địa vị và trọng trách của Đảng là sự lựa chọn của dân, là sự tin cậy mà dân dành cho Đảng…”. Thế nhưng giáo sư lại không biện luận, không chứng minh được điều này. Thử hỏi, dân uỷ thác cho Đảng bao giờ, dưới hình thức nào? Đã gọi là uỷ thác thì phải qua một hình thức “khế ước” như qua hiến pháp, qua các bộ luật, qua việc bầu cử tự do. Hiến pháp hiện hành có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Điều 4) nhưng nhân dân chưa bao giờ được phúc quyết điều này. Tất cả các chức danh lãnh đạo của Đảng hoàn toàn do Đảng bầu, Đảng cử chứ dân không có quyền gì. Giáo sư lý giải thế nào hình ảnh một xã hội được gọi là dân chủ nhưng người đại diện cho mình, thực thi những quyền lợi của mình, quyết định số phận của mình, lại không phải do mình bầu lên?
Giáo sư viết tiếp: “Phản ứng và thái độ của cá nhân là quyền của mỗi người, nhưng quyền ấy phải thuận theo đạo lý và luật pháp”. Không hiểu đó là đạo lý gì và luật pháp nào? Ở dưới, Giáo sư có giải thích nhưng cũng chẳng sáng tỏ gì hơn: “Đó là lẽ phải và đạo lý ở đời và làm người mà Bác Hồ gọi là Thân dân và Chính tâm. Với những đảng viên của Đảng Cộng sản, đòi hỏi này càng cần phải tôn trọng nghiêm ngặt hơn bởi sự dẫn dắt của lý trí tỉnh táo, sáng suốt và thái độ chính trị nghiêm túc, biết tự mình trung thành với lý tưởng và nguyên tắc, cùng với giữ trọn đạo làm người cách mạng”
(nhấn mạnh của ĐTT). Thật quá nhiều ngôn từ to tát nhưng lại không nói
được điều gì. Thử hỏi ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận,… vi phạm đạo
lý và lẽ phải ở chỗ nào? Không thân dân, không chính tâm, không tỉnh
táo,… ở chỗ nào?
Lại nữa, Giáo sư viết: “Khi đã giác ngộ chân lý thì phải phục tùng chân lý”.
Không hiểu Giáo sư nói chân lý nào đây? Sống dưới chế độ Sài Gòn, ông
Lê Hiếu Đằng thấy không có tự do, độc lập; Đảng nêu cao tự do, độc lập,
ông thấy đấy là chân lý nên đi theo. Nay ông Lê Hiếu Đằng thấy Đảng
không coi trọng tự do, độc lập nữa, ông muốn thành lập một đảng khác để
thực thi tự do, độc lập, thì đó cũng là chân lý. Chân lý là quá trình
nhận thức, quá trình tìm kiếm không ngừng chứ đâu phải là cái gì bất
biến.
Phần cuối, Giáo sư Hoàng vô tình hay hữu ý đã đánh tráo khái niệm khi ông bàn sang vấn đề đa đảng ở các nước tư bản (dân chủ): “Có
một thực tế lịch sử hiển nhiên cũng cần được làm rõ, trong các nước tư
bản chủ nghĩa, dù tồn tại đa đảng và các đảng đối lập, nhưng vẫn định
hình một đảng cầm quyền. Chính trường ở đó thường xuyên diễn ra các cuộc
tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị tư sản. Họ chỉ đa nguyên,
đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ rõ sự nhất nguyên, bởi
đảng chính trị tư sản nào cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ cho
quyền thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản”.
Đúng là trong chính thể đa đảng của các nước dân chủ luôn diễn ra cuộc
tranh giành và tất nhiên rốt cuộc có một đảng thắng và lên cầm quyền.
Nhưng sự cầm quyền ấy khác hẳn sự độc quyền của đảng cộng sản ở các nước
cộng sản. Trước hết sự cầm quyền của họ là do nhân dân quyết định (phải
thắng phiếu trong bầu cử); thứ hai, khi cầm quyền, họ buộc phải thực
thi pháp luật và thực thi những điều đã cam kết; nếu không làm được, sẽ
bị nhân dân phế truất bằng nhiều cách khác nhau.
Chưa kể, đảng cầm quyền luôn đối mặt với đảng đối lập, với xã hội dân
sự, với tự do ngôn luận và báo chí, do đó luôn luôn bị chỉ trích nếu có
khuyết điểm. Vì vậy đảng cầm quyền khó có cơ hội chỉ vơ vén cho quyền
lợi ích kỷ của mình. Tuy vậy, một đảng cầm quyền lâu ngày vẫn thường dẫn
đến tha hoá. Do đó như ta thấy ở Mỹ và một số nước, mỗi đảng (cũng như
tổng thống) giỏi lắm chỉ cầm quyền được hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ hai
thường là đuối sức, nhiều tổng thống buộc phải từ chức giữa nhiệm kỳ.
Nền chính trị dân chủ của họ do đó luôn luôn được “thay máu”, có lẽ vì
thế mà chế độ tư bản “giãy” mãi mà không “chết”!
Giáo sư Hoàng cũng lặp lại một điều mà các đồng nghiệp của ông ai cũng bám lấy: “Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ”.
Đúng. Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội
dân chủ. Cũng như không phải cứ ăn chất đạm thì khoẻ mạnh, cứ dùng thuốc
thì chữa được bệnh. Nhưng muốn khoẻ mạnh thì không thể từ chối ăn chất
đạm, muốn chữa được bệnh thì không thể không dùng thuốc. Cho nên cái
mệnh đề trên của Giáo sư Hoàng và một loạt giáo sư Mác – Lê-nin khác chả
có gì đứng vững. Nhưng điều này thì có: Không phải cứ đa nguyên đa đảng
là có thể xây dựng được xã hội dân chủ nhưng muốn xây dựng xã hội dân
chủ, không thể không đa nguyên, đa đảng. Điều này thực tế đã chứng minh:
chưa hề có nước nào độc đảng mà có dân chủ, nhưng nhiều nước đa nguyên
đa đảng thì đã có dân chủ, ít nhất cũng dân chủ hơn các nước độc đảng.
Tại sao ta không đi con đường mà thế giới đã đi, cứ nhất nhất đi con
đường riêng chưa ai đi, và con đường riêng ấy luôn luôn phải loay hoay,
chật vật? Và thỉnh thoảng, ở tình huống bế tắc quá thì lại làm cú “phá
rào” để thoát hiểm?
Cuối cùng, Giáo sư Hoàng lại quay về với Điều 4 Hiến pháp để bảo vệ sự độc quyền của Đảng: “Điều
4 trong Hiến pháp đã khẳng định về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng.
Đó là ý chí của dân, nguyện vọng của dân, đạt được sự đồng thuận rất
lớn của xã hội. Đảng ta trong nhận thức và đánh giá của dân, có đầy đủ
tính chính đáng pháp lý và sự xứng đáng về phẩm giá và uy tín của một
Đảng lãnh đạo và cầm quyền”.
Sao Giáo sư lại dùng Điều 4 Hiến pháp thay cho lập luận? Lẽ ra Giáo sư
phải làm ngược lại: dùng lập luận để biện giải, chứng minh cho sự đúng
đắn của Điều 4. Dựa vào đâu mà Giáo sư bảo Điều 4 là “ý chí của dân”? Đã
bao giờ Hiến pháp được phúc quyết chưa? Đã bao giờ Điều 4 được đem ra
trưng cầu dân ý chưa?
Mấy năm trước, tôi thấy một số chuyên gia Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung
ương lo lắng không biết nên “diễn giải” như thế nào về Đảng bây giờ.
Trong tình hình hiện nay, vấn đề có lẽ càng cấp bách hơn. Người như Giáo
sư Hoàng, lẽ ra có nhiệm vụ biện giải để làm sao sáng ngời tính chính
danh của Đảng (chứ không phải càng nói càng hỏng). Hoặc là phải tham mưu
cho Đảng, làm sao có đủ chính danh. Và nhất là làm sao “thay máu” để
Đảng lành mạnh trở lại, chứ không phải nói lấy được những điều trên.
Một người “gác cổng” lâu năm cho Đảng về mặt lý luận lại có học hàm giáo
sư, tôi thật buồn khi thấy bài của Giáo sư Hoàng chỉ ở tầm “dư luận
viên” mà thôi. Thực tình tôi nghĩ không phải trình độ Giáo sư Hoàng Chí
Bảo như vậy. Vì tôi đã từng nghe Giáo sư Hoàng giảng về Nghị quyết Trung
ương IV khá hay. Lần giảng về NQ Trung ương IV đó, cách đây chưa lâu,
Giáo sư đã phân tích nguyên nhân thoái hoá chính là từ trong Đảng (do
tham nhũng, lộng quyền, dối trá,… mà ra chứ không phải do “thế lực thù
địch” dùng thủ đoạn “diễn biến hoà bình” nào cả). Vậy bây giờ có lẽ do
Giáo sư không nói thật, không căn cứ vào sự thật, cho nên gần như chẳng
biện bác được gì ngoài những khẩu hiệu khô cứng. Thiết nghĩ bảo vệ Đảng
như thế thật hoá ra hại Đảng. Như cụ Nguyễn Du đã viết: Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.
Đào Tiến Thi
---------------------------
[1] Tạp văn Mạc Ngôn, Nhà xuất bản Văn học, 2005.
(Blog Nguyễn Xuân Diện)
Ts Trần Công Trục: Tôi từng bị chửi là bán đất cha ông cho Trung Quốc
Tiến sĩ Trần Công
Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết ông thường xuyên
nhận được những câu hỏi đại loại như có hay không việc ta “nhân nhượng
vô nguyên tắc”, thậm chí chính ông đã từng bị người ta chửi là “kẻ bán
đất cho TQ” trong quá trình đàm phán như một số thông tin trên mạng.
- Ts Trần Công Trục: Ta cần khởi kiện TQ vi phạm UNCLOS ở Biển Đông
- Ts Trần Công Trục: Cảnh giác TQ cháo nóng húp quanh, chiếm các bãi cạn
- Ts Trần Công Trục: Mỹ hết ỡm ờ ở Biển Đông, TQ nước cờ nguy hiểm mới
- Ts Trần Công Trục: 3 đề xuất của ông Vương Nghị chỉ câu giờ, chơi chữ
- Ts Trần Công Trục: Tuyên bố của ông Tập Cận Bình hoàn toàn trái UNCLOS
- Ts Trần Công Trục: Bằng chứng pháp lý chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
- Ts Trần Công Trục: UNCLOS không phải “cây đũa thần” ở Biển Đông
- TS Trần Công Trục: Philippines kiện Trung Quốc là việc làm văn minh
Chủ quyền lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với dân tộc Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã đàm phán thành công với Trung Quốc (TQ) hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, hoạch định vịnh Bắc Bộ, nhưng trong dư luận vẫn còn không ít những mơ hồ, hoài nghi do thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác đặc biệt là về những địa danh vốn từ lâu đã in trong tiềm thức người Việt như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc.
Chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh câu chuyện về đàm phán biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thời kỳ đàm phán về biên giới trên bộ với TQ là Phó đoàn đàm phán, Trưởng nhóm công tác 3 bên của Việt Nam cho biết ông thường xuyên nhận được những câu hỏi đại loại như có hay không việc ta “nhân nhượng vô nguyên tắc”, thậm chí chính ông đã từng bị người ta chửi là “kẻ bán đất cho TQ” trong quá trình đàm phán như một số thông tin trên mạng.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, lâu nay trong dư luận có nhiều ý kiến thắc mắc, băn khoăn, thậm chí đổ lỗi cho chính thể này, trước hết là các nhà đàm phán, sau là lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong khi đàm phán biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ với TQ mình đã “bán rẻ” đất đai của cha ông, nhân nhượng cắt đất cho TQ, nhân nhượng vô nguyên tắc trong đàm phán.
Từng là Phó trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam cùng với TQ hoạch định và ký kết thành công Hiệp định biên giới trên bộ, Hiệp định phân giới vịnh Bắc Bộ, ông có nhận được những câu hỏi thắc mắc như vậy không? Những ai đã từng đưa ra các câu hỏi băn khoăn thắc mắc đó với ông?
- Ts Trần Công Trục: Đó là sự thật và tôi cũng đã trực tiếp được nghe những thắc mắc, băn khoăn này từ các bạn bè, học giả và thậm chí là các nhà quản lý mỗi khi có dịp gặp gỡ, trao đổi. Tôi đi đến đâu người ta cũng thắc mắc mấy chuyện này. Thậm chí đã từng có người chửi tôi là bán đất tổ tiên cho TQ.
Điều đáng nói là không chỉ dư luận người dân mà ngay cả những người làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học lẫn những nhà quản lý, lãnh đạo vẫn còn nhiều người mơ hồ, lăn tăn về chuyện này. Thậm chí có người suy đoán “chắc là dư luận nói đúng” bởi vì họ nghĩ Việt Nam là nước nhỏ, nước yếu ở cạnh một nước mạnh, nước lớn như TQ thì phải có sự nhượng bộ không thể tránh khi đàm phán tranh chấp biên giới, lãnh thổ.
Ở đây có 3 đối tượng thắc mắc về vấn đề đàm phán ký kết các hiệp định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ giữa ta với TQ mà chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi, bởi mỗi một nhóm đối tượng sẽ hiểu lầm theo 1 cách khác nhau, có nguyên nhân và động cơ khác nhau.
Nhóm đối tượng thứ nhất gồm đại đa số cán bộ, nhân dân quan tâm lo lắng cho sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nước nhà mà tôi cho rằng mình phải rất chia sẻ với những băn khoăn thắc mắc của họ, tôi rất hoan nghênh những thắc mắc, đặt câu hỏi của họ bởi đó là những người yêu nước thật sự. Họ rất quan tâm đến những vấn đề của đất nước, đặc biệt là vấn đề độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhưng lại không có thông tin đầy đủ và chính xác.
Trong tiềm thức của người Việt Nam, có những địa danh rất rõ như Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan trước đây trong lịch sử, thậm chí là trong văn học, ca dao hay sách giáo khoa thì đó là những vùng đất của mình, nhưng thực tế bây giờ sau phân giới cắm mốc có chỗ lại thuộc về TQ, hoặc toàn bộ hoặc một phần.
Không tìm được câu trả lời thỏa đáng, rõ ràng họ sẽ cảm thấy bức xúc khi những khu vực họ vốn nghĩ là “lãnh thổ, tấc đất của cha ông để lại nay lại rơi vào tay TQ”. Họ là những người Việt Nam, vốn trong huyết quản đã luôn tràn đầy tình yêu quê hương đất nước, không bao giờ muốn, không bao giờ chấp nhận để mất dù là 1 tấc đất mà ông cha để lại.
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia đối với người Việt Nam là vô cùng thiêng liêng mà không một thế lực nào có thể áp đặt hay xâm phạm đến lợi ích của dân tộc này. Họ băn khoăn thắc mắc bởi vì họ không có thông tin, họ phải tự tìm hiểu tìm kiếm qua nhiều nguồn, mà ngày nay chủ yếu là thông qua internet.
Với nhóm đối tượng này chúng ta không nên quy kết họ có vấn đề gì đó về chính trị, động cơ không trong sáng hay phương hại đến an ninh.
Phải nói một cách thẳng thắn và sòng phẳng với nhau rằng, sở dĩ có những thắc mắc đó là do chúng ta, do những người trực tiếp làm công tác biên giới lãnh thổ không cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin cần thiết cho dư luận, không để dư luận hiểu rõ nguyên tắc, quá trình mình đàm phán phân giới với TQ và cách thức, phương pháp xử lý đúng sai ra sao nên dư luận trở nên tù mù về hoạt động đàm phán biên giới trên bộ cũng như trên biển giữa ta và TQ.
Nhóm thứ 2 thì chúng ta đều biết, có những đối tượng, thế lực muốn lật đổ, bôi nhọ chính thể này. Hiện nay ngoài những vấn đề về kinh tế, tôn giáo, xã hội thì câu chuyện về chủ quyền lãnh thổ chính là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng này có thể lợi dụng.
Họ lợi dụng tất cả những sơ hở của chúng ta trong giáo dục, tuyên truyền với những tiềm thức, ý niệm đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người Việt Nam về biên giới lãnh thổ để làm điều này, tìm cách “chứng minh” với dư luận rằng chính thể này, những người làm công tác biên giới lãnh thổ này đã nhân nhượng vô điều kiện, vô nguyên tắc khi đàm phán với TQ, thậm chí họ cáo buộc rằng ta đã “bán rẻ đất nước này” cho TQ. Từ đó họ làm mất uy tín của chính thể này, nhà nước này nhằm thực hiện một mục đích chính trị nào đó của riêng họ.
Nhóm đối tượng thứ 3 nằm ngay trong nội bộ chúng ta. Tôi xin nói thẳng rằng có những cá nhân vì tranh giành lợi ích này lợi ích khác, để hại nhau thì cái nguy hiểm nhất và dễ “hạ” nhau nhất là sử dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, tung tin ông này ông kia nhân nhượng vô nguyên tắc với TQ, “cắt đất”, “bán đất” cho TQ nhằm tư lợi cho mình. Chính trong nội bộ chúng ta đã từng xuất hiện những thông tin như thế gây nghi kỵ, chia rẽ lẫn nhau, khiến dư luận người dân đã băn khoăn lại càng thêm thắc mắc, lo ngại mà không thể tìm thấy được lời giải.
Theo quan sát của tôi, 3 thành phần đó cho đến bây giờ nó vẫn tồn tại, và điều này hết sức nguy hiểm. Chính nó làm xói mòn niềm tin, xói mòn sức mạnh đoàn kết dân tộc, làm cho xã hội xuất hiện các vấn đề. Đó là những thực tế mà chúng ta cần phải nhìn thẳng vào nó, phân biệt trắng đen rõ ràng để có các phương án ứng phó cụ thể và tìm ra sự thật.
Lễ ký văn kiện tổ vẽ bản đồ biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (nguồn: www.biengioilanhtho.gov.vn) |
- PV: Theo chia sẻ của ông thì hầu như những thông tin về quá trình đàm phán phân giới cắm mốc giữa ta và TQ đã không được tuyên truyền phổ biến một cách kịp thời, rộng rãi và chính xác đến người dân nên gây ra những thắc mắc, hiểu lầm mà thậm chí cả giới học giả cũng như quản lý cũng còn băn khoăn, không chắc chắn.
Từng trực tiếp tham gia đàm phán với TQ, ông có thể chia sẻ với dư luận về nguyên tắc, phương thức, cách làm khi ta và TQ đàm phán biên giới với nhau như thế nào, và tại sao lại xảy ra những hiểu lầm tai hại như ông vừa nêu?
- Ts Trần Công Trục: Trước hết tôi xin khẳng định rằng, những vùng đất tranh chấp phải thông qua đàm phán giữa ta và TQ thì cả 2 bên, ta và TQ đều không đủ cơ sở pháp lý thuyết phục để khẳng định nó là của mình. Chính vì không bên nào có đầy đủ chứng cứ khẳng định khu vực đó, đối tượng đó là của mình nên mới thuộc về khu vực tranh chấp. Nếu đã có đầy đủ chứng cứ pháp lý chứng minh được chủ quyền đối với những khu vực này thì không bao giờ có thể nhân nhượng được, kể cả là ta hay TQ.
Những “vùng tranh chấp” là các khu vực chưa có thể nói nó là của anh hay của tôi, mà đàm phán phân chia theo luật pháp quốc tế, thì như vậy không thể nói là ta đã để mất các khu vực này vào tay TQ, hay ngược lại TQ mất các khu vực này vào tay ta.
Trước hết, khi chúng ta bắt đầu đàm phán với TQ thì vấn đề đầu tiên đặt ra và không thể bỏ qua được là 2 bên phải thống nhất với nhau 1 cơ sở pháp lý chung để xem xét khu vực tranh chấp chứ không phải cứ đem lịch sử ra để nói chuyện với nhau.
Trong tranh chấp quốc tế, nếu nhắc tới quan điểm lịch sử sẽ gây ra rất nhiều vấn đề, bất đồng khác nhau mà không thể giải quyết nổi. Chúng ta không thể lý luận kiểu cụ Lý Thường Kiệt đã từng dẫn quân đánh vào Lưỡng Quảng thì có nghĩa lãnh thổ của chúng ta kéo dài đến đó, TQ cũng không thể nói rằng họ đã từng đô hộ Việt Nam hàng ngàn năm thời phong kiến thì Việt Nam là một bộ phận hay một tỉnh của TQ.
Trước khi Pháp xâm lược Việt Nam và trở thành nước bảo hộ của Việt Nam, về mặt đối ngoại cũng như pháp lý, thì chưa tồn tại một đường biên giới rõ ràng, cụ thể, có dấu mốc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ngày nay giữa ta và TQ. Thời điểm đó ta chỉ có thể gọi là vùng biên cương.
Chính vì vậy nếu dựa vào lịch sử thì không bao giờ 2 bên có thể giải quyết được tranh chấp, mâu thuẫn. Ta nói dựa vào lịch sử của ta, thì TQ cũng dựa vào lịch sử của họ. Chính vì vậy, trong xử lý tranh chấp quốc tế, ta hãy đặt quan niệm lịch sử sang một bên. Ai còn cố tình bám lấy quan niệm lịch sử sẽ làm cho vấn đề rơi vào ngõ cụt không có lối thoát.
Ví lý do đó, để đảm bảo cho sự công bằng, ổn định trên tuyến biên giới, chúng ta đã cân nhắc và chấp nhận dùng Công ước Pháp - Thanh giữa chính quyền bảo hộ Pháp với nhà Thanh TQ, đó là công ước quốc tế đầu tiên về biên giới giữa 2 nhà nước được ký kết năm 1887, năm 1895 ký Công ước bổ sung.
2 bên đã tiến hành phân giới cắm mốc trên thực tế. Mặc dù hoạt động này đã diễn ra cách đây cả trăm năm, trình độ kỹ thuật cũng như cách làm, phương pháp lúc đó cũng có nhiều vấn đề chưa thể được như bây giờ, nhưng dù sao cũng để lại cho chúng ta và TQ một cơ sở pháp lý để hoạch định đường biên giới chung giữa 2 nước.
Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay, có thể dùng làm cơ sở để tiếp tục đàm phán, tiến tới hoạch định, đàm phán và xác lập đường biên giới chính thức, cụ thể, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khi đã chấp nhận được nguyên tắc đầu tiên này, hai bên mới tiến hành ký kết thỏa thuận về nguyên tắc đàm phán thì cả hai bên phải tuân thủ.
Lực lượng Biên phòng 2 nước Việt Nam, Trung Quốc kiểm tra khu vực cột mốc 147 trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc thuộc địa phận xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai và xã Kiều Đầu, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày 20/8/2013 (nguồn: www.biengioilanhtho.gov.vn) |
- PV: Sau khi đã thống nhất được nguyên tắc chung nhất để 2 bên dựa vào đó trình bày quan điểm và đàm phán biên giới, các bước triển khai cụ thể tiếp theo như thế nào, thưa ông?
- Ts Trần Công Trục: Về cách làm, đầu tiên 2 bên gặp nhau sau khi 2 nước đã bình thường hóa quan hệ và có 1 hiệp định tạm thời để xử lý các vùng biên giới tranh chấp. Sau đó 2 bên thỏa thuận với nhau về các hoạt động đàm phán chính thức. Cuộc đàm phán chính thức cấp chính phủ đầu tiên giữa 2 nước diễn ra tại Bắc Kinh tập trung bàn bạc, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết những vấn đề biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ.
Trên đất liền, nguyên tắc quan trọng nhất mà 2 bên đều thống nhất ký là lấy Công ước Pháp - Thanh làm cơ sở pháp lý. Sau khi thống nhất được rồi, 2 bên về báo cáo Quốc hội để phê chuẩn thỏa thuận nguyên tắc này. Trong thỏa thuận đó, ngoài nguyên tắc, 2 bên còn thỏa thuận về cơ cấu tổ chức các đoàn đàm phán, thành lập các nhóm công tác liên hợp về biên giới trên bộ, trên biển. Các nhóm này gồm những chuyên gia đầu ngành có trình độ về pháp lý, về bản đồ, về khoa học và 2 bên trao đổi cách làm việc với nhau.
Trên cơ sở pháp lý chung là Công ước Pháp - Thanh, 2 bên đưa ra quan điểm về đường biên giới theo nhận thức, quan điểm của mình. 2 bên thống nhất với nhau 1 bộ bản đồ tốt nhất, khách quan nhất có thể trong điều kiện bấy giờ, sau đó mỗi bên thể hiện chủ trương đường biên giới của mình lên bản đồ chung đó. Tất nhiên ở đây chỉ có thể nói tắt các bước, để làm được việc này không hề đơn giản mà các chuyên gia phải nỗ lực rất nhiều và hợp tác cùng nhau nhiều ngày mới đưa ra được chủ trương đường biên giới của mình.
Đoàn công tác biên giới không chỉ tham khảo nghiên cứu tất cả tài liệu liên quan, mà phải đến các tỉnh biên giới, báo cáo với chính quyền tỉnh sở tại đường biên giới theo chủ trương của ta như thế này xem họ có ý kiến gì không, sau khi thống nhất rồi mới báo cáo lãnh đạo nhà nước thông qua rồi mới thể hiện chủ trương chính thức của mình về đường biên giới lên bộ bản đồ chung đã thống nhất trước đó.
Sau khi đã lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia và địa phương liên quan, lãnh đạo nhà nước mới giao cho tôi, khi đó là Phó ban Biên giới Chính phủ kiêm Trưởng nhóm chuyên viên đàm phán về chuyên môn cầm bộ bản đồ đã thể hiện đường biên giới chủ trương chính thức của ta trao cho đoàn chuyên viên TQ. 2 bên dùng bản đồ chung đối chiếu xem đường biên giới chung mà 2 bên chủ trương có bao nhiêu % phù hợp, bao nhiêu % chưa phù hợp.
Lúc đó 2 bên đã xác định được 70% đường biên giới chủ trương chính thức của 2 phía ta và TQ trùng nhau căn cứ theo Công ước Pháp - Thanh. Đó đã là một thắng lợi rất lớn. Còn lại khoảng 30% đường biên giới 2 bên đưa ra có khác nhau.
Các khu vực khác nhau được chia ra làm 3 loại A, B và C. Các khu vực khác nhau loại A, loại B là do kỹ thuật bản đồ vẽ chồng lên hoặc chưa đến, số khu vực này rất ít thôi. Còn lại các khu vực được xếp loại C là những vùng tranh chấp pháp lý, về mặt thực tế quản lý có tất cả 164 khu vực loại C với tổng diện tích hơn 200 km vuông.
Các khu vực loại C này 2 bên có quan điểm khác nhau, tài liệu pháp lý khác nhau. Loại A, loại B thì các chuyên gia 2 bên xử lý rất dễ và không mất nhiều thời gian, cũng không có nhiều điểm. Nhưng các khu vực loại C thì là khu vực tranh chấp, quan điểm và cơ sở pháp lý khác nhau. 2 bên ngồi lại và đem tất cả tài liệu căn cứ pháp lý ra chứng minh, thu hẹp dần dần những vùng tranh chấp, còn lại những vùng mấu chốt nhất 2 bên không thuyết phục được nhau thì lúc bấy giờ phải tính đến những nguyên tắc để giải quyết tiếp. Điển hình của các khu vực C chính là Hữu Nghị Quan (tức Ải Nam Quan), Thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm.
Còn nữa...
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi
hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn,
đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu
trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn".
Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết hoặc vấn đề bảo vệ chủ quyền
biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc xin quý độc giả vui lòng gửi về địa
chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét