Ngô Nhân Dụng - Bỏ đảng hay đảng bỏ?
Hôm qua, nhật báo Nhân Dân (ở Hà Nội) mới loan tin ông Nguyễn Phú Trọng,
với tư cách “Trưởng Ban Chỉ Ðạo Trung Ương phòng chống tham nhũng” đã
ký một Quyết định (số 17), với tham vọng sẽ thúc cho đảng Cộng sản Việt
Nam tiến hành công việc chống tham nhũng “tốt hơn.” Quyết định này thành
lập bảy đoàn công tác để đi kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng
“nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.”
Bảy đoàn công tác rất có bề thế. Hai ủy viên Bộ Chính Trị sẽ phụ trách
đi điều tra ở các địa điểm nặng nhất, là Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng.
Năm người ủy viên Trung Ương Ðảng phụ trách đi thanh kiểm các nơi khác,
người nào cũng nằm trong cái “Ban Chỉ Ðạo Trung Ương” của ông Trọng.
Riêng ông Nguyễn Bá Thanh, người từng được ông Trọng cất lên làm Trưởng
Ban Nội Chính sẽ đi “làm việc tại Bộ Công An, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối
Cao, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao;” đó là những cơ quan ở trung ương xưa nay
vẫn phụ trách việc chống tham nhũng; để hy vọng biết tại sao họ mấy
chục năm trời nay họ chống tham nhũng vẫn không xong!
Trước đó một ngày, ông Nguyễn Phú Trọng đã ban hành kế hoạch (số 16)
liệt kê những thứ ông định làm để chống tham nhũng. Ðại khái, họ thấy
cần phải “phát hiện các hạn chế, yếu kém... nhằm nâng cao hiệu quả,”
trong “công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay” rồi “kịp thời chấn
chỉnh” để “củng cố lòng tin của nhân dân.” Ðọc hết cái quyết định thì
thấy nó đúng là văn chương của đảng Cộng sản, người ngoài không bắt
chước được. Nó chỉ toàn những khẩu hiệu tuyên truyền đã từng được lập đi
lập lại; ý tứ cũng đại khái giống như lâu nay họ vẫn nói, nói sa sả từ
nửa thế kỷ đến giờ.
Nếu quý vị đảng viên cộng sản nào vẫn còn tin rằng đảng của họ muốn
chống tham nhũng thật, thì chắc họ phải băn khoăn tự hỏi tại sao mình đã
hô khẩu hiệu chống tham nhũng hàng ngàn lần, hô đến mỏi cả miệng mà vẫn
cứ phải tiếp tục hô mãi? Hô đến bao giờ mới ngưng? Tại sao cái ung nhọt
tham nhũng nó cứ phồng lên, càng ngày càng bốc mùi hôi thúi chịu không
thấu?
Chúng tôi xin giúp quý vị tìm ra một lời giải đáp, nhân mới có một bài
nghiên cứu của một giáo sư Ðại Học Hamburg bên Ðức là ông Berno Buechel.
Bài nghiên cứu, cộng tác với Eike Emrich, và Stefanie Pohlkamp, tựa là
“Không ai vô tội;” nhằm tìm hiểu về hiện tượng dùng thuốc tăng cường sức
mạnh (doping) trong các môn thể thao (Nobody's innocent: the role of
customers in the doping dilemma). Hiện tượng chích thuốc kích thích này
rất phổ biến, ai cũng biết, ai cũng than phiền nó làm mất giá trị các
cuộc đấu. Các tổng hội thể thao đều tuyên bố muốn ngăn ngừa, muốn trừ
khử, nhưng không thành công. Chẳng khác gì các đảng cộng sản ở Trung
Quốc và Việt Nam nói họ muốn trừ tham nhũng vậy. Có người bảo chính khán
giả hâm mộ có thể làm áp lực chấm dứt tệ trạng này, nhưng Buechel bác
bỏ ý kiến đó.
Berno Buechel đã sử dụng một ngành trong toán học là “Lý thuyết Trò
chơi” (Game Theory) để nghiên cứu vai trò của các đấu thủ, (ông tốt
nghiệp Viện Toán học Kinh tế - Institute of Mathematical Economics từ
Ðại Học Bielefeld ở Ðức).
Ông đã dùng câu chuyện “Ngụ ngôn hai người tù” (prisoner's dilemma) rất
nổi tiếng để tiên đoán rằng không đấu thủ thể thao nào muốn ngưng nạn
dùng thuốc kích thích. Một đấu thủ nghĩ rằng nếu mình không chích, để
tăng cường sức lực trước khi vào trận đấu, thì thằng khác chúng nó vẫn
chích. Vậy tại sao mình lại không chích, nếu bị bắt thì cả hai cùng bị
như nhau? Cũng giống như trong chuyện ngụ ngôn, người tù này quyết định
thú tội vì nghĩ dù anh kia nó thú tội hay không, mình thú tội vẫn được
lợi hơn.
Cũng dùng phương pháp đó, Buechel xét đến những “người tù” khác, một
“trò chơi, game” khác. Ông xét tới vai trò của các đấu thủ và của các
thanh tra vẫn khám nghiệm họ; vẫn giống hai người tù trong câu chuyện
ngụ ngôn. Nếu các đấu thủ nghĩ rằng khi bị khám nghiệm thế nào người ta
cũng biết mình chích thuốc, thì họ sẽ ngưng không chích nữa. Nhưng kết
quả các cuộc khám nghiệm không bao giờ đúng 100% như vậy. Cho nên, họ
trở lại với lý luận: Nếu mình không chích thì thằng kia nó vẫn chích!
Nhưng các thanh tra làm việc do các hội thể thao trả tiền. Nếu họ khám
nghiệm nghiêm ngặt thì họ phải thấy nhiều trường hợp vi phạm hơn; mà
trong nhiều môn thể thao hầu như đấu thủ nào cũng chích cả. Vậy thì các
tổng hội thể thao chính họ có muốn bắt các thanh tra làm việc chặt chẽ
hơn không? Theo quyền lợi của chính họ, các tổ chức thể thao cũng không
muốn cho các thanh tra làm việc hữu hiệu. Trước hết, vì muốn khám nghiệm
chặt chẽ hơn sẽ tốn tiền hơn. Quan trọng hơn nữa, vì lo mất khách! Nếu
khán giả nhìn thấy ở đâu cũng chích choác thì họ sẽ chán không muốn coi
các trận đấu võ hay các cuộc chạy đua, đua xe đạp nữa hay đấu bóng nữa!
Khán giả mà chán thì số tiền thu của các hội thể thao sẽ xuống, các
người lãnh đạo sẽ không lãnh những món lương cao như hiện nay nữa! Tốt
nhất, cho khám nghiệm qua loa, lâu lâu bắt được một vụ cho nó đẹp, chứ
không nên để cho người ta thấy chỗ nào cũng đầy những con sâu, có khi cả
nồi canh toàn sâu là sâu! Trong tình trạng đó, các đấu thủ thấy tốt
nhất là cứ chích: Nếu mình không chích thì thằng khác nó vẫn chích!
Ðọc tóm tắt kết quả bài nghiên cứu của Berno Buechel chúng ta ngửi thấy
ngay cái gì quen quen. Nó nhắc mình nhớ đến những chiến dịch chống tham
nhũng triền miên của các đảng cộng sản khắp thế giới. Họ không thể làm
công việc “thanh cha, thanh mẹ, thanh dì” một cách nghiêm chỉnh được. Vì
làm đứng đắn thì cả “đảng ta” cùng bị thiệt, tội gì! Bảy đoàn thanh
tra, chứ ngàn đoàn thanh tra cũng thế thôi! Chẳng qua là một đòn phép để
phe này hất cẳng phe kia, triệt hạ đối thủ để nâng phe mình lên! Nếu
đảng cộng sản trừ được tham nhũng thì các môn thể thao cũng trừ được nạn
chích choác!
Nghe như vậy thì chán đời quá! Nhưng may mắn, Berno Buechel có đề nghị
một giải pháp hy vọng ngăn ngừa nạn chích thuốc kích thích. Vẫn dùng
toán học theo lối Game Theory, ông chứng minh rằng nếu thay đổi “cơ cấu
thông tin” (the information structure) thì có hy vọng chấm dứt được tình
trạng chích choác trong thể thao. Ông đề nghị kết quả của tất cả các
cuộc khám nghiệm phải được công bố, dù kết quả là có chích thuốc
(positive) hay không (negative); dù nặng hay nhẹ.
Buechel chứng minh, bằng toán học, rằng “nếu chính sách thông tin trong
sáng về các các cuộc khám nghiệm được thiết lập, thì các môn thể thao sẽ
hết nạn chích choác;” vì quyền lợi của chính những người tham dự trong
“trò chơi” khám nghiệm! (If transparency about doping tests is
established, then there is a doping-free equilibrium).
Berno Buechel chắc cũng nghĩ đến chuyện tham nhũng, khi ông kết luận bài
nghiên cứu của mình với nhận xét: Cuộc nghiên cứu này có thể dùng để ấn
định chính sách bài trừ nạn chích thuốc, cũng như các hành động gian
lận khác” (This has practical implications for the design of anti-doping
policies, as well as for other situations of fraudulent activities).
Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao nửa thế kỷ chống tham nhũng của đảng
Cộng sản Việt Nam không làm nên cơm nên cháo gì cả. Thiếu thông tin
trong sáng, đầy đủ và trung thực.
Nhưng làm cách nào để cho đảng cộng sản thiết lập một “cơ cấu thông tin trong sáng?”
Chỉ có một cách, là họ phải xóa bỏ chế độ độc tài chuyên chế. Khi người
dân được tự do bầu cử chọn người cầm quyền, khi mọi người được tự do
ngôn luận, tự do hội họp, tự do làm blog, tự do biểu tình, vân vân, thì
dù đảng nào nắm quyền cũng phải dần dần trong sáng hơn. Lúc đó nói
chuyện chống tham nhũng sẽ dễ dàng hơn!
Cho nên, nếu quý vị đảng viên cộng sản muốn cứu đảng và cứu nước, thì
phải có hành động đủ mạnh mẽ để cho cái đảng của quý vị thay đổi. Một
hành động đủ mạnh mẽ, tạo được một cơn kích xúc (shock) là quý vị hãy rủ
nhau tự giải phóng khỏi ách chuyên chế. Phải có một hành động tập thể,
của hàng ngàn người, dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin và con đường
chuyên chính vô sản, từ bỏ cái chế độ hủ nát hôi thối hiện nay. Nhiều
đảng viên đã phê phán, đã “phản biện” hàng chục năm nay rồi, chẳng đi
tới đâu cả. Hôm nay là ngày giỗ Trung Tướng Trần Ðộ. Ông là một người đi
tiên phong chống các chính sách của đảng, rồi bị đảng gạt bỏ ra ngoài,
bị trục xuất từ hơn mười năm trước. Ðến lúc ông chết, những vòng hoa có
chữ “thương tiếc” đều bị cắt bỏ. Cái dấu “bị đảng trục xuất” là một huy
chương gắn trên quan tài ông. Những đảng viên hiện giờ đang nhìn thấy
cảnh thối nát của đảng phải bật lên lời phẫn uất; họ muốn tự mình từ bỏ
đảng hay là chờ tới ngày cũng bị trục xuất? Nếu hàng ngàn người cùng
tuyên bố bỏ đảng một lúc thì hàng trăm ngàn đảng viên khác sẽ theo.
Có như vậy nước ta mới thiết lập được một cơ cấu thông tin trong sáng.
Ngô Nhân Dụng
(Diễn Đàn Thế Kỷ)
Việt Nam sao nghèo mãi?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và TS, nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Quang A Courtesy Vietnam blog photos |
Nhận xét về vấn đề này TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho rằng
“Đấy là một dấu hiệu đáng mừng, khi một ông có trách nhiệm đã thấy được
vấn đề, nghĩa là không thể tiếp tục mãi như thế này được. Nếu đúng như
thế thì tôi nghĩ rằng đó là một khi thay đổi tư duy, đã nhận ra được sai
lầm đó và có một cái cách để sửa chữa các sai lầm đó để đi theo con
đường đúng. Thì tôi nghĩ rằng có hy vọng lạc quan về triển vọng của nền
kinh tế Việt nam”
Nếu so sánh ngân sách chi tiêu năm 2012 của Việt Nam với Thái Lan và
Philippines (quy đổi ra VND) thì Thái Lan: 1,34 triệu tỷ, Việt Nam: 1
triệu tỷ , Philippin: 0,6 triệu tỷ. Căn cứ vào số liệu trên, Việt Nam
không nghèo như chúng ta nghĩ. Cho dù nền kinh tế Việt nam tuy đã có một
thời gian dài đạt mức tăng trưởng khá cao, song hiệu quả không thu được
là mấy, một phần lớn là do sự sai lầm của các chính sách kinh tế. Hơn
thế nữa thu nhập lẫn tài sản thì bị tích tụ rất lớn trong tay một nhóm
nhỏ người, mà đông đảo người dân không được hưởng lợi ích tương ứng.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn Văn phòng Thủ tướng Việt Nam cho chúng tôi biết
“Trong quá trình tăng trưởng, thì Việt nam trở thành một đất nước mà
tăng trưởng dựa vào vốn, trong đó rất nhiều vốn từ bên ngoài chứ không
phải từ tiết kiệm trong nước. Mặt khác Việt nam tăng trưởng lại dựa rất
nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và dựa quá nhiều vào
khu vực nhà nước; nhất là doanh nghiệp nhà nước, là khu vực vốn dĩ kém
hiệu quả . Thu nhập đầu người thì tăng lên như vậy, nhưng trên thực tế
kể cả thu nhập lẫn tài sản thì bị tích tụ rất lớn trong tay một nhóm nhỏ
người. Trong khi đông đảo người dân không được hưởng lợi ích tương ứng
và vì vậy nó làm cho khoảng cách giàu nghèo ở Việt nam ngày một lớn hơn”
Chính phủ Việt nam gần đây luôn khẳng định, nếu không đổi mới, không tái
cơ cấu mạnh mẽ thì không thể vượt lên được. Nhưng họ đang hết sức lúng
túng trong việc giải bài toán về doanh nghiệp nhà nước, một khu vực đã
không đảm nhận được vai trò chủ đạo mà còn là ung nhọt của nền kinh tế
Việt nam. Mà cần thay bằng việc để cho kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ
đạo và thu hẹp dần vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, trên cơ sở phân
bổ lại nguồn lực của xã hội cho những khu vực hoạt động hiệu quả hơn.
TS. Nguyễn Quang A phát biểu: “Cái quan trọng nhất bây giờ là phải có
thay đổi tư duy về vấn đề kinh tế, mà mấu chốt ở đây, khu vực kinh tế
nhà nước, tôi nghĩ phải (được) xóa bỏ, nó không giữ được vai trò chủ
đạo, nó đã là vấn đề của nền kinh tế. Để cho kinh tế tư nhân đóng vai
trò mà nó đáng đóng và thu hẹp dần cái vai trò của khu vực kinh tế nhà
nước, phân bổ lại nguồn lực của xã hội cho những khu vực hoạt động hiệu
quả nhất. Nếu có một thay đổi tư duy như thế thì tôi hy vọng tương lai
kinh tế của Việt nam sẽ lại đi vào một giai đoạn phát triển mới”
Để Việt nam thoát nghèo thì sự đổi mới của đảng CSVN cũng không kém phần
quan trọng, đó là đảng cần làm rõ trách nhiệm của những người lãnh đạo
và đồng thời tôn trọng quyền giám sát quyền lực của người dân. Bà Phạm
Chi Lan cho rằng:
“Bây giờ muốn cho Việt nam tiến lên được, muốn vượt lên thì bản thân
đảng phải thay đổi lại và làm thế nào để cho cái đóng góp của đảng cho
xã hội nó được tốt hơn; hoặc sự lãnh đạo của đảng không làm cho chồng
chéo với nhà nước trong việc quản lý của nhà nước. Làm rõ trách nhiệm
hơn của những người lãnh đạo dù là đảng hay chính quyền và tôn trọng vai
trò làm chủ của người dân ngày càng thực sự hơn. Tôi muốn nói đến sự
giám sát quyền lực của người dân và quyền làm chủ của người dân trong
các mặt đời số của họ ”
Việt nam là một quốc gia có nhiều ưu thế hơn hẳn các quốc gia trong khu
vực. Ví dụ như lĩnh vực lao động, là một lợi thế , đó cũng là thách thức
đối với các nhà làm chính sách, chứ không phải chỉ tận dụng những cái
hiện có. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Quang A nói:
“Lao động của Việt nam là một lợi thế rất cần được tận dụng, với một
lực lượng lao động khá trẻ đang tăng tương đối nhanh mà người ta đang
nói rằng trạng thái Nhân khẩu học của Việt nam đang ở một trạng thái tốt
cho sự phát triển. Cái nguồn lao động đó nó là nguồn tạo ra sự giàu có
của quốc gia trong tương lai dài. Và như thế việc đầu tư vào giáo dục, y
tế và kỹ năng của người lao động là quan trọng nhất, chứ không phải chỉ
tận dụng nhũng cái hiện có mà không nghĩ đến tương lai”.
Có không ít người cho rằng lý do khiến Việt Nam nghèo là do thiếu lãnh
đạo có tài, và do lãnh đạo bất tài đã gây tổn thất cho đất nước về
nhiều mặt. Không hoàn toàn đồng quan điểm, mà cho rằng khi có một chính
sách để cho khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo, thì các nhân
tài sẽ xuất hiện, kể cả trong khu vực công. Trao đổi với chúng tôi, TS.
Nguyễn Quang A cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng cái đó cũng chỉ đúng một phần thôi, bởi vì người lãnh
đạo có tài thì tự nhiên sẽ xuất hiện nếu mà có những đường lối đúng. Nếu
mà người ta có một cái tư duy kinh tế đúng, thì người tài ở Việt nam
bây giờ cũng không thiếu. Họ sẽ xuất hiện nếu để cho khu vực kinh tế tư
nhân đóng đúng cái vai trò lãnh đạo của nó, thì những nhân tài ở trong
khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát triển hết sức mạnh mẽ và sẽ có các nhân
tài xuất hiện để cho khu vực công. Tức là những vị lãnh đạo mới của nhà
nước cũng sẽ xuất hiện”
Người phương Tây có câu "Giá trị của định chế không phụ thuộc vào định chế nhưng phụ thuộc vào người áp dụng định chế đó".
Thực tế đã chứng minh cho thấy sự thất bại của kinh tế thị trường theo
định hướng XHCN. Vậy mà các nhà lãnh đạo Việt nam vẫn cứ khư khư tư duy
như thế, điều lẽ ra đã phải được tháo bỏ từ lâu để kinh tế Việt nam có
thể cất cánh.
Anh Vũ - thông tín viên RFA
2013-08-10
Nguy Cơ Tây Nam đang gia tăng
Tháng 7 vừa qua, tại Campuchea đã xảy ra một sự kiện bất ngờ: Sam
Rainsy, thủ lĩnh đảng CNRP, trở về Campuchea sau khi được quốc vương
Sihamoni ân xá, và người đứng ra xin ân xá cho ông ta không phải ai khác
mà chính là người đã giữ vai trò chủ đạo trong việc tuyên án 11 năm tù
đối với Rainsy, thủ tướng Hunsen.
Còn nhớ, tội trạng chính của Rainsy dẫn đến án tù cho ông ta là việc nhổ
6 cột mốc biên giới với Việt Nam vào ngày 25 tháng 10 năm 2011, kèm
theo những lời lẽ khiêu khích nhắm vào Việt Nam. Vì việc này, ông ta đã
bị buộc tội “phá hoại mối quan hệ giữa Campuchea và Việt Nam” và “phá
hoại tài sản quốc gia”.
Vậy động cơ nào đã dẫn đến việc Hunsen bỏ tù ông ta, và vì sao cũng chính Hunsen lại xin cho ông ta được ân xá?
Trong việc trừng trị Rainsy, cố nhiên có một lý do là Hunsen không muốn
“vuốt mặt” chính quyền Việt Nam hiện nay, gồm những “đồng chí” của người
đã nhấc Hunsen đặt lên chiếc ghế quyền lực cao nhất ở Camphuchea sau
khi đá Pen Sovan ra khỏi vị trí đứng đầu đảng CPP. Không chỉ vì chịu ơn,
mà việc trở mặt quá lộ liễu đối với chính quyền Việt Nam trong giai
đoạn hiện nay hiển nhiên không có lợi cho vị thế cầm quyền của Hunsen.
Tuy nhiên, nếu nhớ rằng Campuchea đã từng chiều theo Trung Quốc trong
vấn đề biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN ở Phnom Penh
tháng 11 năm 2012, thì có thể thấy việc “chiều” Việt Nam không phải lý
do chính để Hunsen bỏ tù Rainsy. Như vậy, lý do chính không là gì khác
ngoài việc Hunsen thấy ở Rainsy một đối thủ chính trị nguy hiểm.
Ở
một đất nước có dân trí tương đối cao, một chính khách ngông cuồng như
Rainsy chắc chắn sẽ thất bại. Tuy nhiên, ở Campuchea thì không hẳn như
vậy. Mặc dù nỗi kinh hoàng vì những gì được tận mắt chứng kiến thời Pol
Pot vẫn còn đó, trong tâm khảm của hàng trăm ngàn người, nhưng cũng do
người dân Campuchea chưa được sống trong một chế độ ổn định lâu dài để
hình thành một hệ tư tưởng ổn định, nhận thức không rõ ràng của họ rất
dễ bị thay đổi, đặc biệt khi các thế lực chính trị luôn tìm cách thao
túng cuộc sống xã hội và tâm lý quần chúng (ít nhất từ cuối những năm
1950, thời Norodom Sihanouk, tới giờ). Chỉ mươi năm nữa thôi, đa số,
nhất là thế hệ trẻ ở Campuchea, có thể sẽ chẳng còn để ý đến việc đã
từng có một nạn diệt chủng rùng rợn, và lực lượng đã đứng ra dập tắt nạn
đó chính là quân đội Việt Nam. Khi đó, những kẻ bài Việt có thể sẽ
thắng thế khi tìm mọi cách để nhồi vào sọ người dân những luận điệu rằng
Việt Nam là kẻ xâm lược, cả bây giờ lẫn trong quá khứ, rằng đất
Campuchea kéo dài đến tận Sài Gòn! Và hãy nhớ rằng qua cuộc tổng tuyển
cử vừa rồi tại Campuchea, đảng CNRP của Rainsy đã chiếm non nửa số ghế
trong quốc hội (CNRP: 55, CPP: 68). CPP của Hunsen tuy vẫn chiếm ưu thế
nhưng không còn áp đảo nữa!
Vậy vì lý do gì mà Hunsen lại xin ân xá cho Rainsy và cho phép ông ta về
nước? Câu trả lời có lẽ nằm ở tuyên bố mới đây của Rainsy. Trong khi
tiếp tục thóa mạ không chỉ chính quyền mà cả dân tộc Việt Nam, Sam đã
tuyên bố rằng tất cả các đảo trên biển Đông là của Trung Quốc, rằng ông
ta nhìn thấy ở Trung Quốc một người bạn lớn và một đồng minh quan trọng
và đáng tin cậy!
Thì ra thế! Sam đã tìm mọi cách ve vãn Trung Quốc, và chắc hẳn Bắc Kinh
đã nhận thấy ở ông ta một kẻ bài Việt điên cuồng. Nếu tìm cách để ông ta
trở thành chính khách có ảnh hưởng lớn ở Campuchea thì có thể biến đất
nước này thành tay sai của Tàu cộng để áp đảo Việt Nam từ phía tây-nam,
không để cho Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Và chính vì
sức ép của Trung cộng mà Hunsen đã phải ngậm bồ hòn bảo Sihamoni ân xá
cho Sam.
So với bè lũ Pol Pot, những kẻ đã từng đập chết bất kỳ ai dám cầm đến
cuốn sách, thì Sam Rainsy là “bậc đại trí thức” với bằng cấp đầy mình.
Nếu ông ta cầm quyền ở Campuchea thì chắc chắn ông ta sẽ không dựng lại
thảm cảnh diệt chủng nữa. Tuy nhiên, với cái máu hung hăng, ông ta vẫn
sẽ cai trị Campuchea bằng bạo lực. Và đặc biệt, đối với Việt Nam, ông ta
sẽ thực thi một chính sách thù địch, nhất là khi được khuyến khích bằng
những lợi lộc từ Bắc Kinh.
Viễn ảnh của chiến tranh biên giới tây-nam lại đang lởn vởn trước mắt chúng ta!
Nguyễn Trần Sâm
(Blog Đào Hiếu)
Lan Anh - Tiền hô hậu ủng mà chi!
Mỗi năm, ngành y tế đều dành hai tháng để kiểm tra bệnh viện định kỳ.
Nhiều danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện đã được trao, với cá nhân
thầy thuốc - vốn là nghề được xã hội trọng vọng và ưu ái - cũng đã có
nhiều Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú được tôn vinh.
Thế mà lần này ở ngay thủ đô Hà Nội có một bệnh viện đa khoa huyện xảy
ra chuyện động trời là “nhân bản” xét nghiệm, hàng ngàn người xài chung
kết quả xét nghiệm huyết học và sinh hóa mà không ai biết nếu không có
lá đơn tố cáo dài đúng 16 trang của một nhóm cán bộ dũng cảm.
Chuyện lạ hơn nữa là vụ việc này không chỉ xảy ra trong ngày một ngày
hai, mà diễn ra trong 11 tháng trời một cách công khai, nhưng ngay cả
ông giám đốc bệnh viện cũng nói là “không biết”, nếu không có cuộc làm
việc với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khi có đơn tố cáo về vụ việc này.
Giở lại hướng dẫn kiểm tra bệnh viện của Bộ Y tế ban hành, quả là chặt
chẽ và chi tiết về từng hoạt động chuyên môn. Nào là tổng số giường bệnh
kế hoạch, số giường thực kê, số lượt khám chữa cho trẻ em, cho người
nghèo, người có thẻ bảo hiểm y tế, số tai biến do dùng thuốc, do điều
trị, truyền máu... Rất chi tiết, nhưng hình như nó vẫn là những con số
lạnh lùng, thật khó để đánh giá hết hoạt động của bệnh viện có thật sự
là tốt, là xuất sắc nếu chỉ dựa trên con số cuối cùng là lượng bệnh nhân
vào và ra viện.
Không chỉ kiểm tra bệnh viện định kỳ, năm 2012 đích thân Bộ trưởng Bộ Y
tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến kiểm tra nhiều bệnh viện thuộc nhóm “nóng”
nhất về quá tải bệnh viện. Nhưng nếu hỏi hoạt động bệnh viện có tiến bộ
gì hơn sau những đợt kiểm tra này thì phải nói là không, bởi sức cản
quá lớn của những vấn nạn bệnh viện như nằm ghép, quá tải bệnh nhân, của
bệnh hoa hồng cầm tay bác sĩ kê đơn, hoa hồng xét nghiệm và chẩn đoán
hình ảnh, cả sức cản của phong cách phục vụ “cửa trên”, thầy thuốc và
bệnh viện luôn là người ban phát ơn khám chữa bệnh, mặc dù rõ ràng ở đây
người dân là người bỏ tiền mua dịch vụ.
Tuy nhiên, một vấn đề nữa khiến các cuộc kiểm tra bệnh viện kể cả thường
kỳ và đột xuất trở nên kém hiệu quả, ấy là bởi sự rầm rộ, tiền hô hậu
ủng và bệnh hình thức của việc kiểm tra, nhất là khi kiểm tra luôn được
hẹn trước ngày giờ. Tháng 5 vừa qua, khi Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế
kiểm tra an toàn tiêm chủng, Sở Y tế Quảng Trị đã có báo cáo 100% cơ sở
đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, thực hiện quy trình
an toàn tiêm chủng. Chỉ 20 ngày sau báo cáo này thì xảy ra vụ việc làm
ba trẻ sơ sinh tử vong liên quan đến văcxin và sai sót trong quy trình
tiêm chủng ngay tại Quảng Trị. Ấy chỉ là một trong số những báo cáo làm
theo yêu cầu của ”trên” là phải thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện
và... xử lý nghiêm.
Ông giám đốc Bệnh viện Hoài Đức đã bị tạm đình chỉ công tác, rồi sẽ có
những cán bộ y tế liên quan đến vụ việc bị xử lý kỷ luật sau khi vụ việc
có kết luận. Nhưng còn những vụ việc tương tự như ở Bệnh viện Hoài Đức
hay không? Thật khó nói là không, nhưng để các đoàn kiểm tra tiền hô hậu
ủng phát hiện những vụ tương tự như ở Hoài Đức thì có lẽ là rất khó,
nếu ngành y tế chưa thay đổi tư duy về cách đánh giá bệnh viện.
Lan Anh(Tuổi trẻ)
Vỡ đập ở Vĩnh Phúc: Đã được cảnh báo trước?
Sự cố vỡ đập Phân Lân ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã được cảnh
báo trước đó nhưng lời cảnh báo không được thực hiện. Đây là một trong
nhiều nguyên nhân dẫn đến đập bị vỡ mà chúng tôi thu thập được.
Phó chủ tịch UBND cảnh báo vỡ đập
Trao đổi với chúng tôi về sự cố vỡ đập Phân Lân, ông Lam Xuân Tiến - Phó
chủ tịch UBND xã Đạo Trù - thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão -
người đã hàng chục năm thầu đập Phân Lân để nuôi cá cho biết:
Ông Lam Xuân Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Đạo Trù đã cảnh báo có nguy cơ vỡ đập.
“Tôi được sự tin tưởng của Trạm Thủy nông giao cho cầm chìa khóa nhà
điều hành đập nên khi mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch là tôi xả
nước thấp hơn mặt thân đập khoảng 0,6m đến 1m đề phòng khi lũ về bị
tràn, sau đó gần đến mùa kiệt lại tích nước để phục vụ bà con sinh hoạt
và tưới tiêu cho đồng ruộng”.
“Nhưng vài năm nay tôi không thầu nữa, chìa khóa nhà điều hành thì do
Trạm Thủy nông giữ. Hôm mưa lũ lớn tôi đã trực tiếp gọi điện xin ý kiến
lãnh đạo huyện cho chỉ đạo ứng phó, đồng chí Chủ tịch huyện đã nói,
trước tiên phải nhanh chóng di dời các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng
đến nơi an toàn.
Và trước đó tôi có nói với anh Đỗ Xuân Thông - Trạm trưởng Trạm Thủy
nông về nguy cơ vỡ đập Phân Lân nếu như không được xả nước nhưng không
hiểu vì sao anh ấy không nghe cảnh báo của tôi, đến 14h chiều 5.8 khi lũ
lên quá cao mới có lệnh xả nước trong đập, thì đá quá muộn vì trước đó
dòng nước đã bao trùm nhà điều hành”.
Vị trí ống cống bị lũ cuốn trôi mất một khoang nằm sâu dưới thân đập
Ông Tiến nhấn mạnh thêm, không hiểu vì sao hôm đó tôi không nhận được
bất kỳ một cuộc điện thoại nào từ phía Công ty TNHH - MTV Thủy lợi Tam
Đảo hay Xí nghiệp Thủy lợi Vĩnh Thành đơn là vị trực tiếp quản lý vận
hành đập Phân Lân.
Được biết, trên địa bàn huyện Tam Đảo còn nhiều đập chứa nước lớn khác
có nguy cơ bị vỡ khi mưa lũ lớn tràn về, trong đó đặc biệt phải nhắc đến
hồ Xạ Hương (xã Minh Quang) những năm gần đây đã được người dân và
chính quyền địa phương cho là “quả bom nước” được “treo” trên đầu hàng
ngàn người dân Vĩnh Phúc.
Nguyên nhân vỡ đập Phân Lân?
Nguyên nhân vỡ đập Phân Lân?
Anh Lương Văn Man, người hiện nay đang nhận thầu đập Phân Lân cho biết,
đập vỡ ngày 5.8 khiến hơn 3 tấn cá trị giá khoảng 100 triệu đồng của anh
mất trắng. Vỡ đập có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do
chất lượng công trình đập quá kém.
Nhà điều hành khi nhận được lệnh xả đã bị nước lũ bao trùm
Anh Man nói: “Trước khi đập vỡ, tôi đã phát hiện mạch nước phụt lên giữa
thân đập do khớp nối giữa hai ống sắt thoát lũ dưới đáy hàn bị hở hoặc
lệch, mạch nước phụt càng mạnh hơn mỗi khi đóng van giữ nước bên dưới.
Tôi đã báo Xí nghiệp Thủy nông Vĩnh Thành (đơn vị khai thác, quản lý đập
Phân Lân) sửa chữa, khắc phục nhưng họ bảo không sao và mạch nước cứ
vậy mỗi ngày xói một tý khiến thân đập rỗng ruột dần.
Hơn nữa, chất lượng thi công đoạn cống thoát nước rất kém, chân móng
nông, chủ yếu kè bằng đá và gạch, bên trong đổ đất, chứ rất ít xi măng,
nên khi nước mạnh dâng qua tràn đã nhanh chóng bóc lớp bê tông mỏng và
ăn sâu vào chân móng đất giáp bờ, kéo đổ thân đập hoàn toàn”.
Thân đập phía trên chủ yếu được xây bằng gạch, đá
Anh Man cho biết thêm, vị trí đập vỡ vừa được sửa xong mới năm 2010
nhưng năm 2012 đã bị sụt lún sau đó được khắc phục lại. Nhưng do móng và
cốt thân đập yếu nên vị trí này tiếp tục có dấu hiệu nứt, sụt lún.
“Rất có thể đập Phân Lân còn nhiều “khiếm khuyết” nên cho đến nay công
trình này vẫn chưa được nghiệm thu” - anh Man phỏng đoán. Đây cũng là
mối nghi ngờ của một vị lãnh đạo xã Đạo Trù và trưởng thôn Phân Lân
Thượng Lê Văn Chiến.
Ngoài những nguyên nhân như anh Man nói trên, nhiều người dân ở thôn
Phân Lân cho rằng việc một trại nuôi gà đóng trên địa bàn xã Đạo Trù
liên tục dùng xe tải chở cám qua thân đập đã góp phần làm cho thân đập
lún, yếu dẫn đến vỡ đập khi bị nước dâng cao thấm vào thân đập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ đầu tư đập Phân Lân là Sở NN&PTNT
tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên đơn vị thiết kế và thi công công trình này thì
ngay cả chính quyền xã Đạo Trù cũng chưa biết?
Lao Động điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có những thông tin mới nhất.
(Lao Động)
Văn học Việt Nam: tứ bề thọ địch
Hành xử vô pháp luật
Trong khi câu chuyện luận văn của Nhã Thuyên vẫn còn âm ỉ trên cả hai lề
báo chính thống và mạng xã hội thì vụ cấm cuốn tiều thuyết "Đại Gia"
của nhà văn Thiên Sơn như một gáo dầu tạt vào đám lửa đang cháy. Rất
nhiều câu hỏi đặt ra trước động thái này của Cục Xuất bản, nơi đang
chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của mình trong việc sinh sát các tác phẩm
được ấp ủ và cưu mang của nhiều nhà văn mà ý tuởng của họ là cố tìm cho
ra cái mới, cái khác lạ để đóng góp vào dòng văn học nước nhà.
Văn học phê bình từ rất lâu đã tỏ ra thiếu sức sống nhưng lại thừa những
cây bút rất sinh động trong ngôn ngữ tấn công. Những bài viết cao giọng
kêu gọi cả hệ thống trừng phạt một phụ nữ mang nghiệp giảng dạy văn học
trong nhà trường xã hội chủ nghĩa vì chị trót tin và đặt cuợc cả sự
nghiệp của mình vào một luận văn mang tính khoa học, khảo luận về tính
chất bên lề của những người đi theo khuynh hướng hậu hiện đại.
Bài luận văn bị xỉ vả nặng lời vì những người viết các bài viết ấy tuởng
họ đều là Thẩm phán của Tòa án Văn học, trong khi vị trí thật của họ
chỉ là người chạy công văn chưa bao giờ hiểu cặn kẽ phê bình văn học là
gì.
Giống như thế, tiểu thuyết "Đại Gia" của nhà văn Thiên Sơn đang nằm
trong ngăn kéo của nhà xuất bản Lao Động mặc dù đã được in ra và được
phép xuất bản nhưng trong khi chờ lưu chiểu thì Cục Xuất bản cấm phát
hành vì cho là có vấn đề.
Nhà văn Thiên Sơn, tác giả "Đại Gia" Courtesy tinmoi.com photo |
Tờ Thanh Niên Online loan tin: ngày 31 tháng 7 vừa qua Cục Xuất bản đã
có công văn yêu cầu nhà xuất bản Lao Động, nơi in tác phẩm Đại Gia, đình
chỉ phát hành bộ tiểu thuyết này gồm 2 tập, tập 1: Tam giác ngầm, tập
2: Quyền lực đen. Giống như tình trạng của luận văn Nhã Thuyên, Cục Xuất
bản còn đề xuất lập hội đồng thẩm định và phương án xử lý với cuốn
sách. Lý do: “Cuốn sách viết về đề tài nhạy cảm, cường điệu, có những
nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc”.
Nhà văn Thiên Sơn tác giả Đại Gia cho biết chi tiết hơn về đứa con tinh thần chết non của ông:
-Cuốn sách này đựơc chấp nhận kế hoạch xuất bản. Nhà xuất bản Lao Động
được Cục Xuất bản chấp nhận và đã in ra nhưng theo luật Việt Nam thì khi
in ra cần phải có thời gian để nộp lưu chiểu cho người ta xem xét lại
mới được phát hành. Quyển sách này mới ở giai đoạn vừa in ra thôi và
nguời ta yêu cầu dừng lại để muốn lập một hội đồng để thẩm định lại để
xem nó được phát hành hay giữ nó lại. Hiện thời nội dung nó mới dừng lại
ở đấy.
Công văn này là một bằng chứng sinh động cho thấy cách hành xử vô pháp
luật trong hoạt động xuất bản. Cục Xuất bản đã làm việc theo một quy
trình ngược khi cho phép nhà xuất bản in trước khi nhận giấy phép phát
hành tác phẩm.
Đáng lẽ bản thảo phải được nhà xuất bản xem xét nội dung và nếu cảm thấy
bạn đọc thích thú thì bản thảo này sẽ đựơc gửi cho Cục Xuất bản thẩm
định. Sau khi xem xét, Cục Xuất bản gửi lại cho Nhà xuất bản để biên tập
và khi hoàn chỉnh sẽ gửi lại cho Cục lần thứ hai xem có sự thay đổi
quan trọng nào cần phải được duyệt xét hay không. Bước thứ ba, khi Cục
Xuất bản đã chấp thuận thì nhà xuất bản tiến hành in và nộp lưu chiểu
cho Cục căn cứ theo bản thảo đã được duyệt xét. Nếu tác phẩm không sửa
sang hay thay đổi gì quan trọng thì Cục Xuất bản không được quyền ngăn
cấm quyền phát hành của nó.
Nhà văn Thiên Sơn cho biết về việc này:
-Theo luật xuất bản của Việt Nam thì không có kiểm duyệt lúc ban đầu.
Việc kiểm duyệt do nhà xuất bản quyết định nhưng cuối cùng sau khi in ra
thì tùy vào sự cho là có vấn đề gì thì có thể phía bên trên sẽ có ý
kiến. Trong trường hợp này thì ý kiến từ Cục Xuất bản, riêng vê phía nhà
xuất bản thì từ trước tới nay mọi chuyện đã xong hết và toàn bộ đều hợp
pháp.
Một lần nữa chế độ tập quyền lộ rõ sự quan liêu và tùy tiện trong việc
xét duyệt một tác phầm thông qua cảm tính và nhận thức mơ hồ về chính
trị. Mỗi một Cục truởng có toàn quyền ban phát cho hay không cho đối với
sự ra đời của cuốn sách qua một từ duy nhất là “nhạy cảm”.
Tai hoạ của quốc gia là điều "nhạy cảm"?
Tiểu thuyết "Đại Gia" nhạy cảm ở chỗ nào? dâm ô, bạo lực hay chống phá
cách mạng như cách mà nhà nước thường kết luận cho những tác phẩm văn
học ngoài luồng? Đìêu đáng ngạc nhiên là tác phẩm này chỉ viết về những
gì đang xảy ra trong xã hội cộng với những hư cấu bình thường mà bất cứ
tiểu thuyết nào viết theo motif hiện thực cũng đều áp dụng.
Nhà văn Thiên Sơn viết trên bìa cuốn sách: “Tôi đã viết cuốn sách này
bằng tất cả khát khao chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn
gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với
xã hội và số phận mỗi con người. Để rồi cuối cùng chúng ta hiểu ra
những vận động sai lạc, lệch hướng đã đưa con người đến đau khổ như thế
nào? Mong muốn lớn nhất của tôi là cuốn sách sẽ được bạn đọc thấu hiểu,
sẻ chia và chúng ta sẽ cùng nhau đi đến nhận thức cũng như hành động
chung nhằm mang lại những gì tươi sáng hơn cho tương lai”.
Cách nhìn tác phẩm của quan chức văn hóa thật sự đang tàn phá cả nền văn
học. Giống như sự khủng bố đối với Nhã Thuyên, nhà văn Thiên Sơn bị dồn
vào bóng tối do sự thao túng quyền lực để tính toán lại sự phí phạm
thời gian, công sức của mình vào tác phẩm và cuối cùng nhận một phán xét
của bà bán rau trong một phiên chợ ế.
-Tôi thấy tác phẩm văn học thì nên nhìn nó ở khía cạnh văn học. Không
biết công văn đó nhận định thế nào nhưng quan điểm của tôi thì văn học
cần phải nhìn ở góc độ nghệ thuật mà không nên nhìn dưới góc độ xã hội
học. Tức là soi chiếu tác phẩm ấy xem tác phẩm ấy nó có bê nguyên hiện
thực hay không hay nó như thế nào? Quan điểm của tôi thì đó là cách nhìn
mà tôi cho là chưa sát hay hợp với cách xem xét một tác phẩm văn học.
Sự “nhạy cảm” mà công văn ghi nhận không xa lạ trong đời sống hiện nay.
Bao nhiêu thứ được gọi là “nhạy cảm” đang biến khuôn mặt xã hội Việt Nam
nhăn nhúm như bị đắp một lớp vữa rẻ tiền cố che những khe nứt rồng rắn
trên mặt bằng chính trị. Lớp vữa kém phẩm chất ấy được quan chức sử dụng
một cách phung phí để đắp lên điều mà nhà văn Thiên Sơn đã cố hết sức
mình kêu gọi sự chú ý của người đọc, trong một cuộc phỏng vấn ông cho
biết:
“Cuốn sách viết trong 30 tháng liên tục từ tháng 12 năm 2008 và kết thúc
vào tháng 6 năm 2011. Khó khăn khi viết cuốn sách này là phải nắm được
bức tranh toàn cảnh của cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước
vốn là bối cảnh chính của cuốn sách. Sau đó, là tập trung vào nhận diện
những mặt cơ bản nhất của cuộc khủng hoảng và những thủ đoạn thao túng
của một số đại gia không chỉ làm tha hóa cán bộ mà còn gây thêm những
rối ren cho nền kinh tế để mưu lợi cho riêng mình. Tôi đã làm việc miệt
mài, xử lý một lượng thông tin khổng lồ và phân tích một cách sâu sắc có
hệ thống toàn bộ những biến thái của cuộc khủng hoảng để cuối cùng, tìm
ra những khía cạnh bản chất. Ngoài ra, những khó khăn muôn thuở của
nghề văn trong việc dựng nhân vật, tạo các mối quan hệ, kịch tính, chọn
chi tiết đắt… đặt ra những thách thức ngặt nghèo. Việc xuất bản cuốn này
cũng là một khó khăn lớn, cuốn sách đã trôi nổi qua hơn 10 nhà xuất
bản, may sao cuối cùng nó cũng đến tay bạn đọc.
Vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng là vấn đề nóng hổi,
đang đặt ra đầy thách thức đối với đất nước ta. Việc các đại gia sử
dụng tiền bạc, gái đẹp làm tha hóa cán bộ cũng là chuyện diễn ra hàng
ngày, được nói đến trên báo chí rất nhiều, nhưng vì những khó khăn trong
xuất bản, vì gai góc, vì khó thâm nhập sâu vào hệ thống tư liệu chăng,
mà các nhà văn của ta ít đụng bút đến.”
Quyền lực của lãnh đạo văn hóa
Những vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng mà tác giả
muốn truyền đi chính là cái được gắn cái tên mỹ miều “nhạy cảm”. Ba mươi
tháng liên tục bỏ ra cho cuốn sách đối với quan chức văn hóa chỉ đáng
giá một tiệc nhậu vì người ta vẫn quen xem sự sáng tạo trong văn chương
phải được phép mới có thể lưu hành. Giống như Cảnh sát giao thông, Cục
Xuất bản tự cho mình quyền thổi còi bất cứ nhà văn nào vốn coi quyền
sáng tác là hiển nhiên đối với người cầm bút.
Nhà văn muốn tránh sự áp đặt chính trị sẽ gặp những diễn giải đáng ngạc
nhiên từ quan chức văn hóa khi viết về hiện thực cùng những nhơ nhớp của
nó. Công văn ghi: “Cuốn sách viết về đề tài nhạy cảm, cường điệu, có
những nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc” không khác gì một
tấm chăn rách cố che sự thất bại của ngôn ngữ. Người đọc trở thành trẻ
con, bệnh tật nên rất cần một cô giáo mầm non trông nom để tránh xa
“cường điệu, chủ quan và không có lợi”.
-Thực ra thì không có nhà văn nào thoát khỏi hiện thực. Hiện thực bao
giờ nó cũng là điểm khởi đầu và cũng là hướng đến của văn học thôi. Nhà
văn nói chung khi sáng tác không ai đứng ngoài hiện thực cả. Thực ra một
tác phẩm hiện thực được đưa vào văn học thì nó đưa khía cạnh bản chất
của nó và nó đã đựơc hư cấu tái tạo rồi. Trong cái hiện thực xã hội nó
cũng có những vấn đề như vậy. Còn người ta nói nhạy cảm thì tôi nghĩ
rằng chúng là những hiện thực đã đựơc phổ biến và công khai hết rồi, mọi
người đều nhìn thấy rồi.
Cái này chưa nên đặt vần đề gì vê nhà nuớc bởi vì đây có thể là một vài
người nào đó đọc và họ thấy là cần phải xem xét lại chứ chưa có một kết
luận nào. Tôi chỉ có ý kiến là nên xem xét tác phẩm văn học đúng như sự
tồn tại của nó, tức là một tác phẩm hư cầu và không nên làm cho mọi thứ
nó khác đi. Tôi nghĩ nếu nhìn văn học đối với một tác phẩm hư cấu và hãy
nhìn nó với giá trị thẩm mỹ đó ở những kỹ thuật sáng tạo văn chương đó
thì cuốn sách rất thoải mái. Còn nếu chúng ta nhìn nó dưới góc độ xã hội
học thì nó không hay và nếu như vậy thì soi mói quá làm cho nhà văn khó
khăn và làm cho sự sáng tạo văn học không được thoải mái vì bản chất
của sáng tạo là tự do.
Cứ mỗi một cuốn sách bị cấm vì soi mói thì vết lăn của bánh xe văn học
càng cạn cợt. Chiếc xe vốn đã nhẹ tênh nay bị vứt xuống đất những tác
phẩm mang tính văn học, trong đó có "Đại Gia", đìều này cảnh báo rằng
độc giả, khách đón xe cũng sẽ chọn một thái độ khác cho nhu cầu đọc sách
của họ: đón chiếc xe văn học trên mạng Internet, nơi mà cánh tay cầm
búa của Cục Xuất bản sẽ khó mà gõ được tiếng động có tên “nhạy cảm,
cường điệu, chủ quan và không có lợi”.
Mặc Lâm, RFA2013-08-10
Cần xử lý kẻ làm lộ băng ghi âm buổi nói chuyện tại CLB Thăng Long của CT.Sang
Câu lạc bộ Thăng Long (CLBTL) được thành lập từ năm 1978, là nơi sinh
hoạt của hơn 1.500 cán bộ trung, cao cấp thuộc các cơ quan Đảng, Nhà
nước, Quân đội đã nghỉ hưu,cư trú tại Hà Nội, hiện do ông Vũ Oanh làm
chủ nhiệm. Được xem là tổ chức có tác động, ảnh hướng lớn đến các đường
lối, chính sách của Đảng, Nhà Nước nên thường xuyên có nhiều cán bộ lãnh
đạo đến nói chuyện thời sự trong và ngoài nước là điều bình thường.
Tình hình thực hiện Nghị quyết TW4 đã kích động niềm khao khát thông tin
của các thành viên của CLB về tình hình nội bộ, kết quả HNTW6, cụ thể
là muốn được thong báo về những đánh giá của BCHTW, BCT về những sai
lầm, khuyết điểm, tiêu cực, tham nhũng trong Đảng và tình hình xử lý, kỷ
luật. Vũ Oanh vốn có quan hệ mật thiết và thường xuyên được Trương tấ
Sang “thọ giáo.” Về đường lối “đấu tranh chống tham nhũng.”. Gần đây,
theo rõi những bài phát biểu của Trương tấn Sang ở TPHCM đang đúng với
chiều hướng Vũ Oanh muốn nên đã mời Trương tấn Sang đến CLBTL nói chuyện
để “thông báo tình hình.”.
Về con người Vũ Oanh thì những cán bộ thế hệ sau này rất ít người biết.
Tuy sớm tham gia vào BCT lúc từ thời Đỗ Mười làm TBT nhưng sự nghiệp và
danh tiếng ông này sớm lụi tàn. Lúc làm Phó Ban Tổ chức Trung ương do
kèn cựa với các đồng chí khác .Vũ Oanh đã bị Trưởng Ban Lê Phước Thọ
điều sng cắm ở Campuchia ngay đầu khóa để vô hiệu hóa. Nhưng không lâu
sau đó, ông này lại dính đến một vụ sai lầm lớn về “đánh đấm dân sự.”
trong nội bộ Campuchia nên lại bị triệu tập về nước. Tranh thủ quan hệ
với các lãnh đạo khi làm ở Ban Dân vận, ông Oanh đã chui được BCT Khóa
VI. Trên cương vị UVBCT ,bản chất cơ hội chính trị của Vũ Oanh lại bộc
lộ. Đặc biệt khi Liên xô sụp đổ thì Vũ Oanh là một trong số các UVBCT bị
dao động về tư tưởng. Vũ Oanh bí mật liên hệ Trần Xuân Bách và một số
nhân vật chống đối ở TPHCM để liên kết lực lượng nhằm lập đảng đối lập.
Mưu đồ này bị các đồng chí trong BCT phát hiện, nhưng vì thời điểm nhạy
cảm nên chỉ giải quyết nội bộ, không bị kỷ luật và cho nghỉ hưu.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng Vũ Oanh vẫn có nhiều hoạt động ngầm núp dưới danh
nghĩa nhiều tổ chức xã hội và làm Chủ nhiệm CLBTL. Ở đâu Vũ Oanh cũng
tuyên truyền quan điểm “xã hội dân chủ.”kiểu Liên xô , phê phán đường
lối của Đảng CS và Chính phủ hiện tại. Vũ Oanh ca ngợi Trương tấn Sang
hết lời trong khi luôn chỉ trích, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo khác.
Gần đây Vũ Oanh cùng các Phó chủ nhiệm CLBTL đang vận động các cán bộ
lão thành hưu trí kiến nghị bác bỏ toàn bộ nội dung sửa Hiến pháp 1992
và soạn thảo một Hiến pháp mới theo quan điểm “xã hội dân sự.”, bác bỏ
vai trò của Đảng.
Sở dĩ ít người biết đến Vũ Oanh vì có biệt tài ném đá giấu tay, biết
cách kích động người khác nói thay cho mình nên rất khó nhận ra mưu đồ
chính trị thâm hiểm của ông này. Vũ Oanh biết và hiểu động cơ tham vọng
quyền lực cá nhân của Trương tấn Sang qua Nghị quyết TW4 nên muốn lợi
dụng Trương tấn Sang để công kích Đảng, phê phán Chính phủ bằng cách mới
Trương tấn Sang “báo cáo kết quả.” HNTW6. Về phiá Trương tấn Sang thì
việc được CLBTL mời tới nói chuyện cũng là một thời cơ để đăng đàn ở Hà
Nội. Do được Vũ Oanh khích và nói CLBTL là sân sau nên Trương tấn Sang
không bỏ lỡ cơ hội tuyên truyền thoải mái, đánh bóng cho mình và thể
hiện là người có quyền lực trong Đảng và Nhà nước.
Kết quả là trong buổi nói chuyện này, Trương tấn Sang đã không ngần ngại
công bố những bí mật trong BCT, chỉ trích Thủ tướng, có những đánh giá
tiêu cực tình hình đất nước, nguy hiểm hơn cả là đánh giá Campuchia
ngược với quan điểm của Đảng về đối ngoại. Chưa hết. Trương tấn Sang
cũng không quên bày tỏ ý định muốn làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước,
muốn tách và thu hồi quyền thống lĩnh quân đội từ Đảng.
Trong buổi nói chuyện, ông Đoàn Sự đã ghi âm toàn bộ, sau đó bóc băng,
viết tay và nhờ một bạn đưa Trương tấn Sang xem lại. Xem xong Trương tấn
Sang không sửa gì còn khen là ghi tốt và đầy đủ, nên sau đó ông này đã
đánh máy lại và gửi cho Nguyễn trọng Vĩnh cùng một số cán bộ hưu trí để
tham khảo.
Sau đó không rõ ai trong số này đã gửi đăng trên Dân Luận và lan truyền
trên Internet, các blogger phân tích đây là vụ “công khai tuyên bố phản
Đảng của Trương tấn Sang.” Nhận ra tính chất nguy hiểm của sự việc
,Trương tấn Sang đã chỉ đạo Vũ Oanh xử lý gấp. Vũ Oanh chỉ đạo cấp phó
gửi công văn cho VP Chủ tịch nước (VP CTN) về việc “xử lý Đoàn Sự thành
viên CLB TL bịa đặt và xuyên tạc buổi nói chuyện của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang.” Nhằm cung cấp “vũ khí’ để Trương Tấn Sang chống chế
khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương chất vấn.
Trong công văn này, CLB TL khẳng định Đoàn Sự đã bịa đặt, xuyên tạc buổi
nói chuyện của CTN, tuyên bố Đoàn Sự phải chịu trách nhiệm cá nhân và
thông báo khai trừ Đoàn Sự ra khỏi CLB TL.
Trên thực tế rất nhiều thành viên CLB TL đã phản ứng lại và xác nhận nội
dung cuộc nói chuyện là đúng như trên mạng. Ngay sau đó có một ông đã
nộp cho Vũ Oanh băng ghi âm cuộc nói chuyện và ngay sau đó Ban chủ nhiệm
CLB TL đã chuyển ngay băng này cho VP CTN. Như vậy ,có thể hiểu rằng
nhóm Vũ Oanh đã có sự phối hợp chặt chẽ với Trương tấn Sang để vô hiệu
hóa và thủ tiêu chứng cớ vi phạm. Nói về ông Đoàn Sự từ khi nội dung
được phát lên Internet và bị khai trừ ông rất bức xúc, khẳng định ông đã
ghi đúng, ông không phát tán nội dung đó lên Internet và sẵn sang đối
chất với Ban chủ nhiệm CLB TL.
Vụ nói chuyện của Trương tấn Sang ở CLB TL đang được dư luận hết sức
quan tâm. Nếu đúng như ông Đòan Sự nói thì Trương Tấn Sang đã vi phạm
nghiêm trọng các nguyên tắc của Đảng. Nếu đúng như lãnh đạo CLB TL báo
cáo VP CTN thì phải xử lý kỷ luật ông Đoàn Sự về tội bịa đặt xuyên tạc,
bôi nhọ lãnh đạo.
Được biết hiện nay, ông Đoàn Sự vẫn đang sinh hoạt bình thường ở Hà Nội
và Vũ Oanh, Trương tấn Sang đang muốn xử lý vụ việc theo hướng “để cho
tự chìm.”, tức che giấu bằng chứng và không đưa Đoàn Sự ra xử lý vì sẽ
rơi vào thế “ném chuột vỡ lọ.”.
Được biết, ông Đoàn Sự đang giữ riêng một băng ghi âm và một bản gửi cho
người bạn thân tín giữ để bảo vệ mình và tuyên bố với các bạn hưu trí
nếu có việc gì xảy ra với ông ,thì băng ghi âm này sẽ được lập tức tung
lên Internet.
Đây là một sự việc rất nghiêm trọng cần làm rõ! BCT cần chỉ đạọ UBKTTW
kiểm tra việc này để có cơ sở xử lý nghiêm minh đối với những người vi
phạm pháp luật. Bất kể họ là ai. Nếu không thì dư luận sẽ không yên và
bất lợi cho Đảng, cũng như uy tín chính trị của Trương tấn Sang. Nếu để
sự việc chìm xuồng thì chẳng còn gì để nói về vai trò của TBT Nguyễn phú
Trọng và nên vứt ngay Nghị quyết TW4 vào sọt rác.
Chỉ có một trong hai cách mà Ban nội chính TW và Uỷ ban Kiểm tra TW bắt buộc phải chọn lựa:
1- Phải công khai xử lý Đòan Sự để giữ uy tín cho Chủ tịch nước Trương tấn Sang.
2- Phải xử lý kỷ luật, khai trừ Trương tấn Sang để rửa oan cho ông Đoàn Sự.
Hiện nay dư luận và Nhân Dân đang rất trông chờ kết quả xử lý của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về việc này.
P.V.K
© Đàn Chim Việt
Nhà báo Bùi Tín: Vài kỉ niệm với tướng Trần Độ
Nhân dịp kỉ niệm ngày mất của trung tướng Trần Độ (9/8/2002), nhiều
trang mạng đang điểm lại cuộc đời của ông. Đọc tiểu sử của tướng Trần Độ
và nhà báo Bùi Tín, thấy có nhiều điều tương đồng. Vậy tướng Trần Độ là
người như thế nào đối với ông?
Nhà báo Bùi Tín: Xin cám ơn mạng Đàn Chim Việt đã cho tôi cơ hội nói lên
tấm lòng của mình đối với anh Trần Độ, một đồng đội, một người Anh, một
tấm gương sáng của tôi.
Kỷ niệm giữa anh Trần Độ và tôi có từ tháng 4-1948. 65 năm rồi.
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”
Anh Độ cùng nhà văn Nguyễn Công Hoan từ Việt Bắc về Thanh Hóa dự Đại Hội
Tập của tướng Nguyễn Sơn. Anh Độ và anh Hoan lúc ấy đang làm báo Sao
Vàng của Tổng cục chính trị do anh Trần Huy Liệu giao.Tôi còn nhớ 11 năm
trước , khi được tin anh mất, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu, nhiều anh
chị em chúng tôi ở Paris đã khóc nấc lên. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy anh
Đặng Phúc Lai một trí thức uyên bác từ Hà Nội sang chữa bệnh mang theo
tập nhật ký Rồng-Rắn kể lại về cuộc gặp của anh với anh Độ trước khi qua
đây, 2 người quen nhau từ khi anh Độ còn ở Sư 312, trước cả trận Điện
Biên.
- Vậy điều gì ở tướng Trần Độ khiến ông nhớ nhất?
Ở anh Độ điều gì là nổi nhất ư? Anh em ta hay khen anh Độ là tướng có
tài, văn võ song toàn. Thiếu tướng khi 35 tuổi, trung tướng khi 51 tuổi,
có những bài phân tích quân sự khá đặc sắc ký tên Cửu Long.Nhưng theo
tôi anh Độ nổi nhất trên lĩnh vực Văn hóâ văn nghệ. Anh là người cán bộ
cộng sản cao cấp cực hiếm không bị quyền cao chức trọng tha hóa. Tôi nhớ
rất rõ về anh, những lần gặp anh. Anh đến tòa soạn báo QĐND, chân tình,
xởi lởi tự nhiên, hỏi thăm từng người. Cách ăn mặc, đi, đứng, ngồi,
nói, lắng nghe, luôn tỏ ra giản dị, dấu mình, quan tâm đến người khác.
Một con người có văn hoá, rất tử tế, ấm áp tình người, chúa ghét hình thức, xu nịnh, giả dối.
- Ông sang Pháp tị nạn từ năm 1990, từ đó ông có liên hệ gì với ông Trần Độ nữa hay không?
- Năm 1996, anh gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm, trao đổi tình hình,
khuyến khích. Anh tâm sự với tôi, một nỗi buồn đè nặng. 40 phút đàm
thoại vào nửa đêm. Nỗi buồn đè nặng nhất là suy nghĩ của anh về Thiện và
Ác. Anh hiểu thực dân phong kiến là hiện thân của ác. Anh hoạt động
cách mạng khi 15 tuổi, vào đảng lúc 16 tuổi, nghĩ là tham gia xóa sạch
ác, coi đảng CS là hiện thân của thiện, vậy mà cuối đời nhận ra sự oái
oăm khổng lồ, cái thiện chuyển thành ác, mà cái ác hiện tại còn tệ hại,
kinh hoàng hơn cái ác ngày xưa. “Ngỡ xoá ác rồi thay cực thiện / Nào hay
biến đổi ác luân hồi!”
Anh không thể ngậm miệng ăn tiền. Anh không thể đồng lõa với một xã hội chuyên chế, tại đó công dân, nhà văn không có tự do.
- Trần Độ được coi là người có công trong việc cởi trói cho văn nghệ sĩ?
Anh cùng anh Nguyên Ngọc thảo ra Nghị quyết 5 về tự do sáng tạo trong
văn hóa văn nghệ. Anh thuyết phục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, gần như
gò ép ông Linh phải gặp văn nghệ sỹ để ra « tuyên ngôn » văn nghệ sỹ tự
cứu, không uốn cong ngòi bút, sống với nhân dân mình, với lương tâm
mình. Anh khơi nguồn cho những ngòi bút tự do Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị
Hoài, Dương Thu Hương, Trần Huy Quang, Phùng Gia Lộc, Lưu Quang Vũ,
Trần Văn Thủy…
- Nhưng ông được biết đến nhiều hơn ở những đòi hỏi thay đổi về chính trị?
Trần Độ, theo tôi là cán bộ cộng sản cao cấp có cách nhìn rốt ráo về
thay đổi tận gốc cả hệ thống chính trị từ độc đảng toàn trị sang hệ
thống đa đảng, gồm những đảng bình đẳng anh em, trong đó có đảng CS,
cùng nhau vừa hợp tác vừa ganh đua.
Anh là cán bộ lãnh đạo cộng sản VN có tư tưởng đổi mới có hệ thống, gần
với tư tưởng đổi mới ở Liên Xô của Gorbachốp, vượt tư tưởng đa nguyên
chung chung của anh Trần Xuân Bách hồi 1989, 1990. Đây là nét son quý
nhất ở nơi anh.
- Và nó cũng là điều khiến ông bị chế độ ghét bỏ? Thái độ của Trần Độ sau khi bị ‘thất sủng’ như thế nào, thưa ông?
Vâng. Năm 1999 khi anh bị khai trừ, Ban văn hóa văn nghệ trung ương do
anh phụ trách bị nhập vào Ban tuyên huấn thành Ban tư tưởng và văn hóa,
tôi may mắn gọi được điện thoại cho anh. Anh không buồn, cười to thành
tiếng, thanh thoát, “mình nay là người tự do, như cậu vậy”. Thế rồi anh
tâm sự. Anh sẽ viết hồi ký truyền lại lửa cho tuổi trẻ,cho đảng viên còn
bị lầm lẫn. Anh tin cái thiện rồi sẽ toàn thắng. Anh tin ở bộ phận trí
thức, văn nghệ sỹ, thanh niên nam nữ đang thức tỉnh khá nhanh.
“Mình tin là chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi là đà thức tỉnh của xã hội
sẽ đạt độ lượng thành chất. Các cậu phải thảo một Tuyên ngôn Tự Do, sau
khi đã có Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9. Lầm lẫn chiến lược đó. Hồi ấy chúng
mình đã lầm lẫn, ngỡ rằng nước có độc lập là dân có ngay trự do đầy đủ.
Độc lập tự do gắn bó với nhau nhưng vẫn là 2 khái niệm riêng biệt. Cách
mạng dân tộc- dân chủ, ở ta mới có cách mạng dân tộc, cách mạng dân chủ
còn ở phía trước.. Mình dạo này không khỏe, nhiều bệnh. Cậu và anh em
bên đó nhớ chuyện này nhé … “.
- Nhưng có vẻ Trần Độ đã lạc quan quá, những biến chuyển của xã hội Việt Nam chậm hơn nhiều so với dự đoán của ông?
Tôi cảm thấy anh Trần Độ đã có dự cảm chính trị chính xác. Mười năm là
khoảng thời gian không dài, cũng không ngắn lắm. Hồi đó chưa có Kiến
nghị đòi chấm dứt khai thác bô – xít ở Tây Nguyên. Chưa có kiến nghị đòi
tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ. Chưa có cuộc góp ý của gần 40 trí thức
cho văn kiện Đại hội X bác bỏ triệt để chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ nghĩa
xã hội Mác-xít, nhưng bộ chính trị bịt chặt tai, không chịu nghe lẽ
phải. Chưa có Kiến nghị sửa hiến pháp, sửa Luật Đất đai, Trưng cầu ý
dân. Nhất là chưa có chuyện 15 ngàn chữ ký bác bỏ dự thảo hiến pháp do
quốc hội thông qua. Nếu còn sống chắc chắn anh Độ đã có mặt trong các sự
kiện ấy.
Anh Độ sẽ vui biết mấy khi thấy xuất hiện những chiến sỹ dân chủ mới mẻ,
như Phạm Thanh Nghiên, Bùi Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, bên cạnh Trần
Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Quốc Quân, Nguyễn Phương Uyên, Đinh
Nguyên Kha vv…, không sao kể hết. Số không thể chấp nhận mình là hạt cát
bị dẫm đạp lên, để trở thành mỗi người một ngôi sao trong xã hội ta
đang xuất hiện hàng loạt. Mỗi ngày có một tin vui. Hôm nay là tin cô Thu
Trang cùng 4 chiến sỹ dân chủ tuy bị công an ngăn chặn vẫn vào được sứ
quán Thụy Điển mái đỏ son để đưa kiến nghị đòi hủy điều 258 trong bộ
luật Hình sự…
Đó, anh Trần Độ đặt cả niềm tin ở trí thức, tuổi trẻ đang thức tỉnh là
rất có lý. Chính sự lộng hành của bọn bành trướng và thái độ ươn hèn của
bộ chính trị làm cho tình hình chuyển biến nhanh. Tôi nghĩ trong vài
tháng tới tình hình còn phát triển nhanh hơn. Ta đã có vốn, kinh nghiệm,
thế đi lên, thế kết hợp.
- Xin hỏi thêm về “Tuyên ngôn Tự do” mà ông vừa nói, liệu đã tới lúc cần có một Tuyên ngôn như vậy chưa?
Tôi nhớ mãi lời dặn dò, cũng là hy vọng trên đây của anh Trần Độ trước khi đi xa.
Nay nhânkỷ niệm ngày anh đi xa, xin công khai chuyển mong muốn thiêng
liêng của anh đến anh chị em trí thức, văn nghệ sỹ, thanh niên trong và
ngoài nước. Phải chăng tình hình đã chín để đặt vấn đề có một Tuyên Ngôn
Tự Do tương xứng với Tuyên Ngôn Độc Lập 9/1945.
Xin đề nghị các anh chị em Nhóm 72, nhóm 100 về sửa đổi hiến pháp, về
sửa luật Đất Đai, về Trưng cầu dân ý, cũng như hơn 15 ngàn anh chị em ký
vào Tuyên bố bác bỏ dự thảo hiến pháp do quốc hội thông qua đặt ra việc
dự thảo Tuyên Ngôn Tư Do của Nhân dân Việt Nam trong chương trình hoạt
động trước mắt của mình, do uy tín và kinh nghiệm sẵn có.
Tôi tin rằng một dự thảo Tuyên Ngôn Tự Do xúc tích, gọn gàng thảo ra bởi
một nhóm chuyên viên am tường luật pháp sẽ sớm được trình làng. Các bạn
trong tổ chức Minh Triết Việt, Con Đường Việt Nam… chắc chắn sẽ vui
mừng chào đón và hưởng ứng cho sáng kiến quan trọng này. Cả sức mạnh của
dân tộc bị kìm hãm sẽ bật dậy, như mong muốn cháy bỏng của Trần Độ,
ngôi sao Dân chủ của nhân dân.
Tôi nghĩ còn có cách nào kỷ niệm ngày ra đi của anh Trần Độ – một lão
tướng dân chủ thời đại chúng ta – có ý nghĩa hơn, còn có cách nào tưởng
niệm hàng triệu các chiến sỹ của cả 2 bên bỏ mình trên chiến trường
theo lý tưởng họ tin là cao đẹp, bằng việc làm trên đây do động lực
“thật lòng yêu nước mình, thật lòng thương dân mình”, như anh Trận Độ
thường nói.
Xin cám ơn mạng Đàn Chim Việt và anh chị em bạn đọc Đàn Chim Việt.
Xin cám ơn nhà báo Bùi Tín.
© Đàn Chim Việt"Hốt" liền, "Nhốt" ngay
Đoàn "công tác liên ngành"
- Thủ trưởng: Này, tại sao cả 4 Ban và 3 Phòng các ngươi cùng đề xuất để gặp ta cùng một giờ?
- Đệ tử: Dạ, chúng em…
- Thủ trưởng: Chuyện gì nói thẳng ra ngay. Ta là Thủ trưởng lãnh đạo
chân chính, cái gì cũng cần minh bạch. Cứ nói thẳng nói thật!
- Đệ tử: Dạ…!
- Thủ trưởng: Đã bảo nói ngay đi, ấp úng gì?
- Đệ tử: Dạ, thưa Thủ trưởng, mấy tháng nay thủ trươgr không lập các
đoàn đi thanh tra, kiểm tra cơ sở, bọn em thấy ‘ngứa nghề” quá, thật là
“xốt dzuột” với trách nhiệm ạ!
- Thủ trưởng: Kiểm tra, thanh tra nhiều rồi, làm nữa, chỉ thêm rối!
- Đệ tử: Dưng mà…, dạ thưa, ở các Bộ, ngành, Tỉnh Thành, Tập đoàn, Tổng
công ty vẫn nhiều chuyện tiêu cực, tham nhũng, lình xình lắm ạ!
- Thủ trưởng: Sao biết?
- Đệ tử: Dạ thưa, đơn tố cáo, kiện cáo của dân nhiều lắm ạ!
- Thủ trưởng: Thế tốt! Nhưng mà, răn đe, ngăn chặn như thế mà vẫn nhiều à? Đến mức ấy cơ à?
- Đệ tử: Dạ thưa đúng ạ!
- Thủ trưởng: Thế bên Ban A, Ban B, phòng X, phòng Z thấy thế nào?
- Các đệ tử: (Đồng thanh): Dạ, đúng thế đấy ạ!
- Thủ trưởng: Thôi, cần thì “hốt” ngay, "hốt " liền, chưa "hốt" là
chưa về. "Hốt” càng nặng túi càng tốt. Nhớ là "hốt" được phải "nhốt" cho
chặt. Khỏi nói nhiều. Ta biết tỏng tòng tong động cơ bụng dạ các người
rồi. Bảo nói thẳng nói thật mà cứ vòng vo. Nay ta hỏi thẳng nhé: Lâu rồi
chưa có gì thêm vào túi phải không? Nhớ “gió “ lắm hả?
- Đệ tử: Dạ, gió…lái gió...là phải biết "lựa chiều", phải giỏi che chắn, có "nghiệp vụ"...
- Thủ trưởng: (Vui tính, cười) Bậy, làm cán bộ phải văn minh, văn
hóa, cấm nói bậy với mọi hình thức. Ta nói “gió” phải hiểu góc độ
trí-xít-tuệ, có học một chút, tiếng Tàu, nghe chưa? “Gió” ở đây là
“Phong”…chẳng lẽ lại “phong da’ à? Lẫn lộn Tàu-Việt là không trí-xít-
tuệ, nghe chưa? Hứ, nói thẳng nhé: Phong gì thì tự biết.. Quen quá rồi
mà!
- Đệ tử: Dạ thưa, nay người ta 'chuyển khoản', chứ 'phong này phong kia' lạc hậu rồi ạ!
- Thủ trưởng: Ta nói 'gió' là đủ nghĩa rồi!
- Đệ tử: Dạ…Thủ trưởng sáng suốt!
- Thủ trưởng: Hứ! Biết ngay mà! Ta thừa biết! Các cậu tham vừa thôi.
Nhưng không sao. Ta ra quyét định đi thẩm tra, thanh tra. Chỗ nào cứ lập
danh sách lên. Nên nhớ là chỗ nặng nhất, phức tạp nhất và cũng …đa sắc
nhiều màu…đậm đà nhất!
- Đệ tử: Dạ, Ơn Thủ trưởng sáng suốt ạ!
- Thủ trưởng: Thôi, khỏi nịnh. Cáu ta cần không phải mấy lời nịnh nọt. Cái ta cần là về phải báo cáo ngay…tình hình.
- Đệ tử: Dạ, bọn em hiểu rồi ạ! Tất nhiên Thủe trưởng phải là hàng
đầu! Bọn em không thể quên được thủ trưởng ạ! Không những giữ lấy cái
Tình.. Mà báo cáo thủ trưởng thì dứt khoát phải có cái Hình sáng rõ,
nặng ký ạ!
- Thủ trưởng: Biết rồi, thành lệ rồi, nhớ chưa? Quên ta, lần sau đừng
hòng, nghe chửa? Chủ động nhiệt tình đề xuất thế là tốt. các ngươi về
đi, mai có quyết định!
- Đệ từ: Dạ, Cái “phần” ơn thủ trưởng bọn em không quên ạ!
- Thủ trưởng: Xuỵt! Chuyện ấy, nói nhỏ thôi!...Ở đây đừng tưởng…cũng “tai vách mạch dừng”…
Bùi Văn Bồng
(Blog Bùi Văn Bồng )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét