Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý

Việt Nam là 'đất nước không vua'

Nhà nghiên cứu có tiếng Adam Fford vừa có bài viết nói Việt Nam là 'đất nước không vua' và ngày càng trở nên 'công an trị'.
Nếu như cách đây vài năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được coi là có "quyền lực vô biên", nay ông bị coi là "chim bị xén cánh".
Mặc dù thoát khỏi bị Đảng kỷ luật hồi cuối năm ngoái và vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới đây của Quốc hội, ông Dũng đã không còn có khả năng khuynh đảo như trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên hay thời gian đầu của nhiệm kỳ thứ hai.
Giáo sư Fford của Đại học Victoria, Australia, nhận xét về sự thoát hiểm của ông Dũng trước sức ép của Bộ Chính trị hồi cuối năm ngoái: "Là thủ tướng của một nước dường như do Đảng Cộng sản cai trị, về lý thuyết ông phải phục tùng Bộ Chính trị nhưng quyền lực chính trị cá nhân đã cho phép ông tiếp tục tại nhiệm."
Ông Fford, tác giả của nhiều nghiên cứu về Việt Nam và là người từng làm luận án tiến sỹ với đề tài về hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam hồi đầu những năm 1980, cũng nói: "Nếu ông Dũng vẫn giữ được sự ủng hộ của những [nhóm] lợi ích thương mại chính và [nếu vẫn] không có giải pháp cho khủng hoảng uy quyền chính trị, vị trí của ông, dù đã bị lung lay, sẽ vẫn an toàn.
"Nhưng không có gì đảm bảo là những mạnh thường quân thương mại của ông sẽ không bỏ rơi ông khi và nếu họ cảm thấy gió đang đổi chiều.
"Logic chính trị căn bản cho thấy mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh ở Việt Nam."
Các nhà lãnh đạo Việt Nam viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi đầu năm
Giáo sư Adam Fford nói Việt Nam đang là 'nước không vua'
Khủng hoảng chính trị
Ông Fford nói sau thời của những nhân vật đầy quyền lực như cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười hay cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những chính trị gia kế tục đã hoặc phải né tránh chính trị, hoặc phải tìm kiếm sự ủng hộ trong môi trường tham nhũng, vốn đồng nghĩa với "chính trị tiền bạc".
Sự thiếu vắng những chính trị gia uy quyền đã dẫn tới khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Việt Nam mà ông Fford nói sẽ không thể được giải quyết nếu không có sự "thay đổi chính trị căn bản".
Vị giáo sư nhận xét: "Đằng sau mặt tiền của các định chế chính trị, Việt Nam không có chủ thể cai trị nội địa rõ ràng.

"Về thực chất, Việt Nam đã trở thành "nước không có vua."

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Việt Nam khiến cho các chính sách rơi vào tình trạng khó thực thi.
Ông Fford nói các chính phủ và công ty nước ngoài giờ không còn có thể chắc rằng những chính sách được Bộ Chính trị ủng hộ sẽ được thực hiện:
"Cho dù đó là vấn đề Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ hay các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, không ai biết một công văn chính thức ở Việt Nam có ý nghĩa gì và có quyền lực tới đâu nếu có. (LB: ông này nói thế này là cực kỳ nguy hiểm cho cái nền chính trị - kinh tế này vì đối tác, nhà đầu tư không tin thì người ta sẽ bỏ đi - mất niềm tin là mất tất cả)
"Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, một loạt các chính sách kinh tế vẫn chỉ nằm trên giấy, nhất là các biện pháp nhằm kiểm soát tham nhũng và lấy lại ổn định kinh tế vĩ mô."
Giáo sư Fford nói cho tới khoảng năm 2007, kinh tế vĩ mô ở Việt Nam khá ổn định và trước mặt các nhà lãnh đạo ở Hà Nội là nhiều con đường khác nhau để đi tới của một nước có mức thu nhập trung bình.
Tuy nhiên tất cả những lựa chọn khi đó đã đều không khả thi vì nền chính trị yếu kém của Việt Nam.
Ông Fford viết:"Một mặt, chính sách có chất lượng kém, thường phản ánh sự đầu tư không đủ vào nghiên cứu, xây dựng sự đồng thuận và thử nghiệm.
"Mặt khác, sự thực thi chính sách thường rất kém, chủ yếu do tham nhũng và thiếu kỷ luật trong bộ máy nhà nước.
"Trên hết, chính sự bất lực của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc lãnh đạo bộ máy hành chính quốc gia -ngoại trừ những "ốc đảo" hiếm hoi như Đà Nẵng - cho thấy sự thiếu chủ thể cai trị ở đất nước.
"Và trong những điều kiện như vậy, thay vì dùng chính sách để duy trì thể chế, các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày càng phải dùng tới lực lượng an ninh."
Không có ứng viên
Giáo sư Fford nói sự thiếu vắng uy quyền chính trị đã buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải dùng tới lực lượng an ninh
Giáo sư Fford nói vào cuối những năm 2000, Đảng Cộng sản đã không còn là một định chế chính trị chặt chẽ và bình luận thêm:
"Nhiều chính trị gia quan trọng đã phải tìm sự ủng hộ từ các khối thương mại quan trọng, mà quan trọng là các ông lớn trong khối doanh nghiệp quốc doanh.
"Những sự kiện gần đây cho thấy các nhóm lợi ích đã điều khiển được mọi thứ.
"Bộ Chính trị đã không thể kỷ luật được các chính trị gia hàng đầu, những người đã có thể có được sự ủng hộ trong các cơ cấu khác của đảng để bảo vệ bản thân."
Ông Fford nói tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi phải có nhà lãnh đạo có tính chính danh để chấm dứt khủng hoảng.
Tuy nhiên ông nói rằng hiện không có ứng viên nào như vậy.
Ông lập luận rằng ngay cả bộ máy an ninh có lẽ cũng sẵn sàng ủng hộ nhóm lãnh đạo có khả năng mang lại tính chính danh để có thể cai quản bằng chính trị thay vì dùng tới sức mạnh của lực lượng công an.
Nhưng nhà nghiên cứu Việt Nam này nói quyền uy chính trị một khi đã mất sẽ rất khó lấy lại và có nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến một loạt các cuộc chiến giữa các nhóm với lằn ranh là các vùng miền và lợi ích thương mại.
Ông Fford nói điều này càng làm cho quyền uy chính trị suy giảm và lo sợ về bất ổn và mong manh ở Việt Nam càng gia tăng.
(BBC)

Luật rừng và đám đông hung hãn ở VN

Hình minh họa
Nhiều kẻ trộm chó bị dân đánh đến chết

Nếu hiệu ứng vô chính phủ xảy ra, không thể nói khác hơn là tình trạng mất kiểm soát ở Việt Nam có thể trở nên vô phương cứu chữa, rút ngắn tính chính danh của chính thể và ghê gớm hơn nhiều là xâm hại những gì còn lại của một lịch sử văn hóa.

Tình trạng quá thiếu chính danh của cơ quan bảo vệ luật pháp khiến người dân không khỏi chạnh nhớ vụ việc một nhóm 50 tên côn đồ tấn công dân chúng ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng với mục đích đẩy đuổi dân khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ. Chỉ sau khi nông dân phẫn uất gào thét, cơ quan công an Tiên Lãng mới vào cuộc để làm rõ hành vi một doanh nghiệp thuê mướn đám đầu gấu kia hành hạ dân oan.

Tiên Lãng lại là vùng đất nơi đã từng xảy ra sự kiện Đoàn Văn Vươn chấn động vào đầu năm 2012, với đồng tác giả của vụ can thiệp cướp đất chính là những lãnh đạo của chính quyền huyện - một đối tượng mà người dân Tiên Lãng không ngại ngần chỉ mặt “còn tệ hơn chó!”.

Nhưng xem ra, ngay cả nhân dân cũng đã bất công với loài chó - vốn được xem là thú nuôi trung thành nhất với con người. Chỉ có những kẻ trộm chó mới nên được đem ra so sánh với loại người “ăn đất” mất nhân tính.

Trộm chó lại đang là một mầm mống gây kinh hoàng ở nông thôn miền Bắc. Sự tăng tiến vượt bậc của những tên trộm được thăng hoa bằng thứ súng hoa cải nhập lậu từ đất nước của người bạn có tên “Bốn Tốt”, nay được dùng để bắn trả “người thi hành công vụ”.

Đã có không ít trường hợp “người thi hành công vụ” phải nhận lãnh thương vong khi đuổi bắt kẻ trộm chó.

Khi cuộc sống bị đẩy đến đường cùng, ngay cả giai cấp vô sản cũng quay ra cắn xé lẫn nhau.

Người ta nghe thấy ngày càng nhiều câu chuyện người dân thay thế cho lực lượng chức năng nhà nước để xử tử kẻ trộm chó. Đã có đến hàng chục vụ đồng loại giết nhau như thế trong vài năm qua.

Đốt xe và đánh hội đồng đến chết - như một đặc trưng ghê sợ của nông thôn hiện đại miền Bắc. Sự mô tả đã lên đến cao độ khi hàng trăm người dân, với gậy gộc và cả dao rựa trong tay, tấn công và giẫm đạp đến chết những kẻ bất lương đang rên rỉ - âm điệu giống hệt những con chó bị chúng bắt cóc.

Báo chí Việt Nam, sau một thời ngơ ngác, đã chợt bừng tỉnh khỏi cơn mơ màng.
Nhưng các ban biên tập cũng chỉ đến mức dè dặt nêu câu hỏi: vì sao đám đông lại trở nên hung hãn đến thế?

Cũng vẫn là những người được gọi là nhân dân đó, cũng vẫn là những người thuộc giai cấp bị trị và một phần trong họ đang chớm có dấu hiệu của kẻ cùng đinh.

Nhưng những kẻ cùng đinh lại lý giải rằng sự bần hàn của họ được khơi nguồn từ chính thái độ tột cùng của cực quyền: đa số nhân viên công lực là những kẻ vô cảm, chỉ quan tâm những gì có lợi cho mình.

Thực tế là, đa số vụ trộm chó đã chẳng hề được các nhà chức trách quan tâm. Cũng bởi không ít thành viên trong khối chức trách lại là những tín đồ trung hiếu của một thứ dị đạo mà người dân ví là “vitamin gâu gâu”.

Trong hai từ “nhân dân” và “quan chức” ấy, ai là kẻ hung hãn và mất nhân tính hơn?


Vụ Tiên Lãng chứng kiến cảnh đối đầu giữa dân và chính quyền

Nhưng khi sự việc đã bị đẩy đến giới hạn tột cùng, công an và tòa án luôn lập tức xuất hiện nơi công đường, và người ta xử án những kẻ chỉ đi bảo vệ cái mà pháp luật không thể hoặc không muốn bảo vệ.

Những cái án đã thành hình đối với những người dân thẳng tay với kẻ trộm. Nhưng còn một loại kẻ trộm khác móc của từ túi người dân thì vẫn công nhiên dàn mặt nơi công đường. Phải chăng đó cũng là một thứ luật thổ phỉ, không khác mấy thứ luật rừng mà người dân đang dùng để đối phó với đồng loại cùng cảnh ngộ với họ?

Xã hội Việt Nam đang manh nha những thứ luật rừng như vậy, từ nông thôn đến thành thị. Nếu trước đây chuyện đánh chết kẻ trộm chó chỉ mới được kể ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thì sau này nó đã được dân gian hóa ở khá nhiều địa phương như Thanh Hóa và ngay tại thủ đô Hà Nội - nơi được coi là bộ mặt của dân tộc “ngàn năm văn hiến”.

Hà Nội cũng là nơi có đầy đủ các quan chức cao nhất, những chủ tọa có gương mặt nghiêm khắc với tội danh chính trị nhưng lại dường như bỏ quên thảm cảnh xã hội đang cận kề, tự mang trong mình căn bệnh chủ quan duy ý chí đối với một trong những nguy cơ có thể gây thảm họa cho “sự tồn vong của chế độ” - như cảm thán của Tổng bí thư đảng chỉ cách đây không quá lâu.

Chính thể mất kiểm soát?

Mầm mống hỗn loạn xã hội được cảm hứng từ những phản ứng tự phát của hành vi vô chính phủ. Từ ý thức tuân thủ luật pháp vào thời chỉnh chu pháp luật, người dân đang đánh mất dần nhận thức về sự tồn tại của một chế độ và cả về một nền văn hóa lâu đời hơn nhiều so với chế độ đó.

Trong hơn hai mươi năm qua kể từ khi mở cửa, đất nước này đã chạy theo tăng trưởng kinh tế và vơ vét cá nhân mà gần như lãng quên trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa của nó, cho dù các nghị quyết của Đảng vẫn không ngớt nói đến những tính từ “đậm đà” và “tiên tiến”.

Giáo điều sẽ đẻ ra giả tạo và thái độ bất tuân. Sự bất tuân thủ của người dân giờ đây đã vượt qua ranh giới của tâm lý cam chịu trong bức xúc, khi đang tiến sang lãnh địa gieo mầm của những bức xúc được chuyển hóa thành phản ứng tự phát.

"Những biểu hiện tự phát và vô chính phủ của người dân đang diễn ra một cách manh mún và tản mát. Câu hỏi còn lại chỉ là đến khi nào những mảnh vỡ ấy sẽ góp nhặt với nhau để trở thành một cái gì đó kinh hoàng hơn."
Tất cả những hệ lụy xã hội lại phát sinh từ tình trạng nền kinh tế bị lạm dụng và phải chịu cảnh bị lợi dụng quá sức chịu đựng. Từ Bắc chí Nam, những tập đoàn lợi ích thay nhau vò xé cơ thể mòn mỏi của dân tộc và khiến cho ngày càng nhiều dân đen trở nên gày giơ xương. Đến khi đó, quy luật tự ứng biến: những kẻ cùng quẫn biến phản ứng tự phát thành lối hành xử bất tuân pháp luật, không cần đến pháp luật.

Tinh thần bất cần vô chính phủ ấy giờ đây đang có triển vọng lan tràn trong dân chúng và ở nhiều tỉnh thành. Một hậu quả quá nguy hiểm mà chính quyền hình như không thể nhìn thấy là những người dân bị coi là quá khích nhất đang nhìn rõ cái được gọi là “giới hạn sợ hãi” và sẵn lòng “vượt qua sợ hãi”, dù rằng tinh thần sẵn sàng đó chỉ tiềm ẩn nơi vô thức.

Những dấu hiệu bạo ngược vô chính phủ trở nên lộ thiên một cách ngạo ngược và dường như không thể lý giải trong con mắt vô cảm của chính quyền các địa phương.

Vô cảm chính quyền lại dẫn đến sự xúc phạm đến giai tầng dân chúng bị cai trị. Quan chức càng tham lam và càng vô cảm thì người dân lại càng có lý do để thể hiện lòng quyết tâm chống trả của mình.

Không thể nói khác hơn là một nguồn dẫn từ hiện trạng vô chính phủ như thế đã khiến cho tình trạng chống người thi hành công vụ mỗi lúc càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Ở nhiều nơi và vào nhiều thời khắc, không thiếu gì cảnh thanh niên tấn công những cảnh sát giao thông chuyên “núp lùm” ăn tiền người đi đường. Nhưng chính danh hơn nhiều là dũng khí dân oan sẵn sàng chống trả lực lượng cưỡng chế đất đai.

Chỉ có điều, những biểu hiện tự phát và vô chính phủ của người dân đang diễn ra một cách manh mún và tản mát. Câu hỏi còn lại chỉ là đến khi nào những mảnh vỡ ấy sẽ góp nhặt với nhau để trở thành một cái gì đó kinh hoàng hơn - như một sự đối lập có tổ chức đối với các tổ chức thi hành công vụ của chính quyền?

Nếu tương lai không mong muốn đó xảy ra, không thể nói khác hơn là tình trạng mất kiểm soát ở Việt Nam có thể trở nên vô phương cứu chữa, rút ngắn tính chính danh của chính thể và ghê gớm hơn nhiều là xâm hại những gì còn lại của một lịch sử văn hóa.

Phạm Chí Dũng

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do ở TP Hồ Chí Minh.
 Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Bàn về vấn đề giáo dục kĩ năng sống cho học sinh

Một trong những vấn đề đáng lo ngại của giáo dục nước ta hiện nay là quá thiên về dạy lí thuyết chuyên sâu mà quên gắn liền nó với ứng dụng trong đời sống. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ mới cung cấp cho các em những tri thức khoa học ở dạng hàn lâm mà chưa trang bị cho các em những kĩ năng sống cơ bản hàng ngày các em cần có để xử lí tình huống bất ngờ mắc phải. Sẽ rất là vô lí nếu một học sinh giải nhất quốc gia môn toán hay thủ trường khoa đại học lại không biết cầm máu cho người đứt tay. Nhưng đó lại là một hiện tượng phổ biến mà ta bắt gặp trong giới thanh niên hiện nay.
Tôi rất tâm đắc khi phát hiện ra một điều thú vị khi xem các bộ phim kinh dị của Hollywood: Những kẻ nói nhiều, cá nhân, manh động thì chết trước. Người sống cuối cùng trong các tình cảnh nguy kịch là người có bản lĩnh sống, có tri thức, quả cảm và quyết đoán… Ở đây có nhiều phương diện, nhưng trong đời sống hiện đại tri thức về đời sống thực tiễn là một điều đáng được đề cao nhất.
kynang

Kĩ năng đi kèm với thực hành
kynangTình cờ tôi xem bộ phim “Cá mập hai đầu”, bên cạnh chức năng giải trí là một cách đề nghị rất hay về ý thức sống cho giới trẻ. Một nhóm sinh viên bị mắc trên hòn đảo sắp chìm và có nguy cơ bị cá mập hai đầu tấn công. Con tàu của họ thì cách xa hòn đảo, lại đang bị nhiều lỗ thủng và vết nứt. Vậy làm cách nào để tự cứu mình? Muốn cứu phải liều mình xuống đáy tàu hàn vết nứt. Nhưng có lòng dũng cảm thôi vẫn chưa đủ. Làm cách nào để hàn được vết nứt mà không bị con quái vật tấn công? Đã có một cô gái dũng cảm biết hàn sắt, còn thiếu một bản lĩnh trí tuệ. Thế là chàng sinh viên nảy ra ý tưởng, tận dụng máy phát điện trên đảo, tạo sóng điện từ ở một bến trên đảo dụ con cá vào đảo, gây nhiễu hạn chế sự phát hiện của nó đối với người hàn sắt. Trong lúc đó cô gái nhanh chóng lặn xuống đáy thuyền vá vết nứt…. Đó chỉ là một cách gợi ý để chúng ta thấy, làm sao vận dụng linh hoạt kiến thức vật lí vào trong đời sống thực tại mà giáo dục Mỹ rất chú trọng.
Còn hiện nay sẽ không thừa để chúng ta lo ngại, liệu một học sinh gặp người gảy xương đùi sẽ làm gì trong khi đã học môn sinh về cấu tạo xương chân? Một học sinh có biết cách sơ cứu đối với người hôn mê bất tỉnh đột ngột? Làm cách nào để dựng được một cái trại qua đêm? Bao nhiêu học sinh Việt Nam có thế sống sót khi rơi xuống nước? Thấy hỏa hoạn, học sinh có biết cách sử dụng bình chữa cháy? Thấy người bị rắn độc cắn phải làm sao để sơ cứu? Ứng xử với những người cuồng tín tôn giáo thế nào cho văn minh? Xử lí rau quả sống thế nào để khử đi độc chất hóa học?…
Câu trả lời mà tôi có thể dám chắc là có đến 95 % học sinh Việt Nam đã học xong cấp 3 chưa có khả năng giải quyết triệt để những tình huống đại loại như trên. Điều đó không phải lỗi ở các em mà chúng ta phải hiểu rằng giáo dục cần cung cấp cho các em những điều đó. Trong khi, không có môn học nào, bài học nào đảm bảo mang lại những kĩ năng này cho học sinh.
Hiện nay trong chương trình đổi mới, người ta đã có chú ý đến hướng đến rèn kĩ năng sống cho học sinh trong mỗi bài học. Nhưng tôi cho rằng vẫn chưa phải là cách làm mang đến kết quả, bởi đã là kĩ năng thì phải thực hành. Ngoài ra, không phải bất kì tình huống thực tiễn nào cũng có thể liên hệ qua bài học được. Do đó cách thức giáo dục kĩ năng sống cần có những bước bổ sung… Tôi cho rằng, kĩ năng sống muốn được hình thành thì học sinh phải tiêu hóa kiến thức và vận dụng chúng vào các trường hợp cụ thể.
Một thời chúng ta quá cực đoan về việc thu hẹp giáo dục ở trong 4 bức tường lớp học, đó là một sự thiếu sót nguy hiểm. Hầu hết các nước phát triển trên thế giới luôn rất đề cao giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoài trời không phải chỉ diễn ra thỉnh thoảng mang tính phong trào mà được tiến hành dày đặc, đều đặn, mỗi chuyến đi, các em học sinh lại được cọ xát thêm nhiều tình huống của đời sống. Chính những hoạt động ngoài trời này sẽ giúp các em giải tỏa tâm lí học tập bị bốn bức tường vây kín. Các hoạt động ngoài trời vừa giáo dục vừa có tác dụng cân bằng tâm lí, vừa chơi vừa học… Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi bao giờ mỗi ngày đến trường là một niềm vui mới với học trò. Xin trả lời chỉ khi nào ta từ bỏ cách giáo dục hàn lâm thiên về ghi nhớ mà chuyển sang cách dạy hướng đến thực tiễn, chú trọng kĩ năng hành động thì điều đó sẽ đến.
Thay đổi tư duy giáo dục
Thêm một điều đáng bàn đối với công tác chủ nhiệm. Có thể nói giáo viên chủ nhiệm là người ảnh hưởng quá trình hình thành nhân cách và nhận thức của học sinh nhiều nhất. Xưa nay theo lối dạy truyền thống, 45 phút sinh hoạt chủ nhiệm của giáo viên thường rất nặng nề, xoáy quanh các vi phạm của học sinh trong thi đua. Do đó đối với những học sinh cá biệt, ngày học cuối tuần là ngày đáng sợ nhất, dễ có tâm lí trốn học. Trong nghệ thuật sư phạm đề cao việc giáo viên chủ nhiệm tận dụng một tiết này để tổ chức trò chơi hay hướng dẫn kĩ năng sống sẽ có ích cho học sinh hơn. Tại sao trong mỗi buổi sinh hoạt người thầy không dành khoảng 10 phút để bàn về sự trở lạnh đột của thời tiết trong những tháng gần Tết đề các em biết giữ gìn sức khỏe? Tại sao không đặt ra tình huống một học sinh bị co giật cần sơ cứu vì bệnh hạ canxi? Tại sao không bàn về sự độc hại của rau quả hiện nay và đề xuất các em cách xử lí?… Có rất nhiều những khía cạnh trong đời sống mà một người thầy có tâm, biết chịu khó tìm hiểu sẽ tận dụng thời gian sẽ dạy cho học trò mình rất nhiều điều có ích trực tiếp cho cuộc sống.
Thật ra xưa nay các hoạt động bên Đoàn chính là hướng tới hình thành cho học sinh kĩ năng sống, song nó vẫn còn mang tính phong trào. Một khi giáo dục thay đổi tư duy và phương châm hành động, giáo dục kĩ năng sống không chỉ bó hẹp trong vài ba liên hệ trong bài học và vào hoạt động mang tính phong trào mà sẽ đưa nó vào tiêu chí đánh giá. Học thể dục về nhảy cao học sinh phải nhảy qua sà vậy tại sao học Ngữ Văn lại không được tạo môi trường hùng biện nói chuyện trước đám đông theo chủ đề?
Muốn có được điều này không khó, chỉ cần một giáo viên chủ nhiệm có sáng tạo sẽ luôn biết cách cung cấp cho học trò của mình những hiểu biết về đời sống không quá cao siêu, nhưng nếu không dạy các em sẽ không biết. Thậm chí đối với lĩnh vực tâm lí, sức khỏe, y tế chúng ta nên mời cả các chuyên gia. Ví dụ ở trường hợp các em học sinh ở tuổi dậy thì, vấn đề tính dục (chứ không phải tình dục) và tâm lí lứa tuổi rất cần có những hiểu biết thực tế mà không một bài học Sinh học nào có. Học lịch sử dân tộc mà không biết gì văn hay hóa, lích sử địa phương, không biết đến viện bảo tàng hay các địa danh lịch sử thì thật là thiếu sót. Thậm chí tổ chức cho các em có những kì đi thực tế. Tôi dám chắc, có đến 95 % HS Việt Nam không có kĩ năng sưu tầm sử dụng bản đồ các tỉnh thành và sử dụng la bàn. Sẽ rất vô lí nếu một học sinh lại không nắm được bản đồ đường phố của thành phố mình đang sống, đặc điểm văn hóa, du lịch địa phương mình sống… Dạy sử, dạy văn, dạy địa theo sách là dạy từ cái bao quát cái chung. Nhưng nếu người thầy thụ động chỉ hướng đến bao nhiêu đó thì kết quả là học sinh lại có thể đọc vanh vách sử và địa Việt Nam nhưng không đủ tri thức để thuyết minh về văn hóa, địa lí, vùng miền mình sống…
Kĩ năng sống là thứ không có định khuôn sẵn, nếu mỗi địa phương, mỗi trường, mỗi người thầy tùy từng tình hình riêng sẽ dự đoán đưa ra những điều cần dạy cho học trò của mình. Ví dụ địa phương ở nơi bão, lũ, lụt, nhất thiết phải dạy học trò biết bơi. Là vùng có khí hậu lạnh hoặc gặp mùa nóng oi bức, học sinh nên có những hiểu biết và kĩ năng về y tế…Đối với môn vật lí, hoạt động chế tạo các Robot thông minh nên được khuyến khích…
Điều quan trọng là ta nên thay đổi tư duy giáo dục từ việc đào tạo các thế hệ thầy cô tương lai đến sự quản lí, tổ chức giáo dục. Và nên nhớ rằng, giáo dục tránh tình trạng cào bằng. Từ những quy định chung nhất của Bộ Giáo dục, mỗi tỉnh thành, mỗi trường, mỗi giáo viên sẽ chủ động, sáng tạo ra những cách giáo dục linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tiễn.
Hi vọng rằng đến kì cải cách 2015 này, vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để.
Linh Sơn, CTV Phía Trước
© 2013 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Nguyễn Ngọc Già - Những dấu hiệu điêu tàn

Việt Nam bắt đầu tiến trên con đường được gọi là "đổi mới" cuối thập niên 80' đầu thập niên 90' thế kỷ trước, khi người cộng sản nhận thấy Liên Xô sụp đổ, trở thành lời khẳng định đối với họ: không còn con đường nào khác để cứu vãn sự tàn tạ của thân xác zombie thêm nữa. Những dấu hiệu khởi sắc cho một nền kinh tế trở nên đầy đặn hơn, dần ló dạng hình ảnh một xứ sở nghèo nàn và lạc hậu thay da đổi thịt theo thời gian.

Lúc bấy giờ, người dân bắt đầu làm quen...lại với... "giày tây" sau nhiều năm vắng bóng trong thời bao cấp xin - cho đầy khốn khó, tính từ 1975. Có cầu tất có cung. Hình ảnh những chú bé với thùng gỗ đánh giày cũng tái xuất hiện. Mới đầu lẻ tẻ, sau dần nhiều lên trong các tiệm ăn và những quán cóc vỉa hè. Khoảng 5 năm trở lại đây, hình ảnh những chú bé gầy gò, đen nhẻm và khắc khổ đó dần dần biến mất và hiện nay hầu như mất hẳn trong hàng quán, tại Sài Gòn, dù "giày tây" mỗi ngày vẫn được sử dụng.

Bên cạnh "giày tây" làm bằng da bò, cũng dần xuất hiện - theo sự đầu tư mạnh mẽ của giới doanh nhân trong và ngoài nước - những đôi giày hiện đại làm bằng chất liệu giả da, cao su tinh chế mang nhãn hiệu, kiểu dáng bắt mắt, trình bày một "phong cách giày" mới: hiện đại hơn, nặng động hơn và thích nghi hơn với điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam. Chúng đã được ưa chuộng và lựa chọn. Đặc biệt những đôi giày đó rất thích hợp trong "hoàn cảnh" mưa gió, lụt lội xảy ra ngày càng nhặt hơn với hạ tầng cầu đường, thoát nước bết bát, dù năm nào cũng được đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng.

Có lẽ những đôi giày hiện đại đó cùng với túi tiền ngày càng eo hẹp, cả hai đã "truất phế" và đánh văng "tay nghề" của những em bé đánh giày ra khỏi "mặt bằng" giành giật khách hàng khốc liệt. Khốc liệt và nghiệt ngã! Dù đối với trẻ em nghèo! Thương trường - với ngạn ngữ "Ăn cho buôn so" - không có chỗ cho xin xỏ.

Những vị quan chức Việt Nam - thông qua những chuyến xuất ngoại hay xin quốc gia mà họ đến thăm, công nhận Việt Nam đã có "nền kinh tế thị trường" - có lẽ nên tìm hiểu ngạn ngữ này, vì đó là điều mà người buôn bán liêm sỉ cần biết như đứa bé đánh giày cũng hiểu, khi đôi giày không được chủ nhân chấp nhận là đã được làm sạch, mới.

Các chú bé đánh giày ngày ấy giờ đã lớn hơn, nhưng các chú không còn "cơ hội" truyền nghề lại cho lớp đàn em của mình, kể cả những "tiểu xảo" nho nhỏ, ví như đôi giày nào còn mới thì có thể một vài chú lẳng lặng... "rinh nhẹ" đi luôn mà người viết đã từng vài lần bị.

Nhắc đến các chú bé đánh giày ngày xưa, không phải để đòi mấy đôi giày bị cuỗm bên quán vỉa hè mà chỉ để mong hỏi: "Các em bây giờ ra sao?!", "Làm gì?". Không ai biết được, duy, "nghề đánh giày" đã tiêu vong.

Bên cạnh "nghề" đánh giày, những xấp vé số trên tay các cụ già, phụ nữ ngày nay như dày hơn sau hàng giờ lê bước trên các nẻo đường... mời mọc. Người ta cũng đã phải thắt lưng buộc bụng lại trước nền kinh tế hôm nay. "Nghề" bán vé số dạo đang suy tàn.

Người dân đã không thể hào phóng hơn.

Mới đây, những đồng tiền rút từ máy ATM không đủ tiêu chuẩn vẫn được đưa vào lưu thông [1], thay vì nhận được sự sẻ chia từ “nhà nước”, người dân buộc phải gánh chịu rủi ro. 300.000 đồng, số tiền quá lớn đối với dân nghèo, nhưng không vì thế mà ngân hàng phải chịu trách nhiệm? Bằng chứng là điều phải có, tuy nhiên những đồng tiền đó dù sao cũng do "nhà nước" phát hành và sẻ chia ở đây là đối với dân nghèo với việc không tính phí chuyển đổi.

Hàng chục ngàn tỉ đồng bị cướp, bị trộm và bị phá tán chẳng ai màng hỏi tới, xem thử những tờ bạc đó dựa vào "chuẩn" nào mà "lưu thông" dễ dàng thế(!)

Vụ án “In tiền Polymer” còn đó… Lê Đức Thúy, Lương Ngọc Anh còn kia… Chẳng ai đoái hoài, những đồng tiền kém chất lượng mà Thúy – Anh và những ai liên đới cần phải chịu trách nhiệm trả lời dân.

Tiền không đảm bảo chất lượng để lưu thông thì đòi bằng chứng rút từ cột ATM, còn những thứ khác thì sao?

Cũng mới tinh, nhiều người dân la hoảng lên khi thấy tiền điện bỗng dưng đột ngột tăng gấp đôi một cách vô lý so với mức tiêu thụ mà chính họ cho biết đã tiết kiệm hơn . Lời đáp trả ráo hoảnh và tỉnh rụi: "Không sai! Nếu không nộp thì cúp điện!” [2] Con số do "nhà nước" đẻ ra vốn đã khó tin, ngày càng đầy hoài nghi với tính gian xảo và man trá, bất chấp đó là những tập đoàn "lớn", "uy tín" như họ vốn phô phang.

Dối dân bao nhiêu năm vẫn chưa đủ? Nay, "hơn thua" với dân đến nông nỗi này chăng? Ngân hàng của ai? Điện lực của ai? Ai điều hành, quản lý, chịu trách nhiệm những cơ quan này?

Kinh tế bi đát, trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, sức tiêu thụ trong dân kiệt quệ, thu nhập teo tóp, xe hai bánh, xe hơi ế chỏng gọng v.v... theo đó, nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất, tiêu dùng tất nhiên giảm theo,  nhưng… giá xăng vẫn tăng [3] dù giá xăng thế giới trên đà giảm. Bộ Công Thương còn dằn mặt dân: tăng như thế vẫn còn... thấp (!). Giá gaz cũng tăng, giá điện (rồi) có lẽ cũng sẽ tăng,  bất chấp những lời trấn an trên báo chí "chưa này, chưa nọ". Người cộng sản vẫn thách thức dân nghèo, có lẽ vì họ quen thói sỗ sàng: "mày làm gì tao?" như họ vẫn "lưu ký" trong đầu hàng chục năm qua!

Quả thật không tài nào hiểu cho ra cung cách điều hành nền kinh tế "lá mặt lá trái" hiện nay của "nhà nước" (!). Quy luật cung – cầu, tiền - hàng bỏ đi đâu nhỉ? À ra thế! “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” có khác!

Những dấu hiệu tưởng nhỏ bé đó lại biểu hiện đầy đủ thân thể zombie tàn tạ như thế nào. Thông qua nó càng thấy lòng dân rách nát tả tơi!

Giới doanh nhân tăm tiếng cũng đang... điêu tàn. Nguyễn Thị Như Loan - người đứng đầu tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đang rên lên: "Thấy tài sản ra đi mà không cứu được" [4].

Đoàn Nguyên Đức, sau vụ tai tiếng khi bị Global witness tố cáo, tiếp tục rút khỏi thị phần thủy điện [5] sau khi tuyên bố rời bỏ mảng bất động sản. Trước đó, ông Đức cũng không thành công tại thị trường vừa khởi sắc: Myanmar.

Nối theo tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Viettel hoàn toàn đại bại sau phiên đấu thầu viễn thông [6] cũng tại nơi Phật giáo là Quốc giáo - Xứ sở vừa thoát khỏi chế độ độc tài quân phiệt, nhưng bản chất hiền lương, chân thật may mắn không bị mai một khi người dân Miến Điện vẫn giữ trong họ một đạo hạnh ngàn đời cha ông truyền lại. Việt Nam có lẽ không có diễm phúc như thế.

Những con số, những câu nói trấn an, vuốt ve: "...Khả quan hơn", "...Tín hiệu sáng sủa hơn", "chỉ số này, chỉ số kia ổn định hơn" vân vân và vân vân trở thành những cánh buồm tơi tả trước cơn bão cấp 12 mà con thuyền mang tên ĐCSVN đang lèo lái trong mịt mù sấm chớp đầy trời, xuất phát từ những "thuyền trưởng" tồi cùng "thủy thủ đoàn" gà mờ trên nhiều lĩnh vực!

Cánh buồm năm nào phần phật, lại vô phúc được tạo ra từ sự hồ hỡi bởi những chai sâm banh được khui tung tóe nhằm  ăn mừng thắng lợi khi được gia nhập WTO, do đó nó chỉ là ảo ảnh dong thuyền ra biển lớn trong những... bộ phim 3D! Phim 3D thật hấp dẫn người xem nhờ hiệu ứng không gian 3 chiều. Tiếc thay! Trong thực tế "3D" nghĩa là... đ/c X - mệnh danh "Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á", do nhật báo Firmenpress của CHLB Đức "phong tặng" [7].

Hình ảnh Thủ tướng Việt Nam từng say sưa nói về hội nhập, bất tận với nỗi hào hứng cùng niềm tin mãnh liệt vào sự cứu rỗi mang tên WTO, giờ tàn phai theo năm tháng. Thảm! Còn đâu dáng vẻ oai phong từ những "con thuyền 3D" lướt phăm phăm trên biển cả mênh mông cũng... "3D" nốt! Những con thuyền "Vinashin 3D", "Vinalines 3D" dù rất đẹp, chẳng qua là những cảnh quay "hoành tráng", đầy "kỹ xảo" giờ lộ nguyên hình là... đồ bịp! Tiếc. Giá như nó bán được vé tựa những bộ phim "bom tấn"!

Thấm thoát còn… 5 năm nữa, Việt Nam sẽ phải đối diện với cam kết đoạn tuyệt “kinh tế phi thị trường” với thế giới! Vô vọng. Nhiều người đã nói với nhau, dù cho có "vài cái" TPP cũng không ăn thua gì, một khi "bộ máy cộng sản" hiện nay vẫn nguyên y vậy! WTO vẫn là "chứng nhân" sống động trong hơn 6 năm qua của những bộ não kiêu căng với mớ lý luận Mác - Lê - Hồ được họ lòe mị bằng những ngôn từ trong từng bài giảng rời rã, "sút càng gãy gọng" từ cái khung sườn "Mác - Lê - Hồ".

Đó chẳng là những dấu hiệu điêu tàn? Điêu tàn không dừng lại tại biểu hiện kinh tế thoi thóp với những cái thở hắt ra cuối cùng, điêu tàn còn bởi ngay cả những đồng tiền còm cõi của dân cũng bị ngấu nghiến; không loại trừ cả nhà vệ sinh cho học trò! Còn gì nói thêm nữa?

Trong văn hóa nghệ thuật cũng đã xuất hiện sự điêu tàn.

Lưu Quang Vũ – nhà soạn kịch lừng danh Việt Nam của thế kỷ trước trong những năm 80 - nổi bật hẳn trong làng kịch nghệ. Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, gây sóng gió nhất thời bấy giờ chính là "Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt". Ông đã mượn câu chuyện cổ tích để biến hóa thành một tác phẩm để đời bằng những chi tiết, lời thoại đạt hàng tinh túy và thâm thúy. Vở kịch được xem là cuộc "cách mạng sân khấu" cả về nội dung kịch bản cho đến hình thức trình diễn mà nhiều người trong ngoài giới khó quên.

Mục tiêu của vở kịch, nhằm chuyển tải thông điệp: Mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống cần phải tuân theo quy luật. Bất kỳ ai, thế lực nào, một khi kháng cự, chống lại và đi ngược với quy luật, nhất định sẽ chuốc lấy thảm họa.

Vở kịch đã hơn 20 năm qua, ngỡ đã lùi vào dĩ vãng sau khi hoàn thành xong phận sự: khẳng định chân lý mà chân lý đó ngày càng hiện rõ, người cộng sản ngày nay vẫn "miệt mài" chống lại quy luật tiến hóa nhân loại, quy luật kinh tế, quy luật chính trị.

Giới kịch nghệ đang dựng lại vở kịch này [8] ngay trong thời cuộc hiện nay làm người ta không khỏi giật mình với câu hỏi: Tại sao? Lời báo động cho chính giới Việt Nam? Lời tuyên chiến với những thế lực hắc ám? Hay lời tố cáo những đầu óc xơ vữa và tê liệt "thần kinh vận động" trong suốt hơn 20 năm qua?

Cho đến nay, người ta biết có một lần Thủ tướng Việt Nam đi xem kịch... công khai[9]. Vở kịch nổi tiếng của soạn giả tài hoa bạc mệnh, kỳ này có được Thủ tướng chiếu cố? Đoan chắc, khi ông Thủ tướng đi xem, nhất định sẽ kéo nhiều nhân vật tai to mặt lớn "xem theo" như vở "Đạo Học" đã từng diễn cho họ coi. Giải trí lành mạnh vẫn tỏ ra rất cần cho "tầm quan trí" của giới cầm quyền cao cấp, bởi thông qua những vở kịch, bộ phim, bản nhạc, họ sẽ có cơ hội để suy ngẫm, chiêm nghiệm về vai trò, chức trách đối với dân với nước. Nó cũng tạo phúc cho dân một khi sau những vở kịch đầy chất "ngộ đạo" như thế nhà cầm quyền biết giật mình để "dọn mình" cho trách nhiệm.

Tuy thế, điều người viết muốn chia sẻ ở đây, đó là một hành trình "ăn mày dĩ vãng" tiếp tục tiến hành trong bế tắc thông qua việc tái dựng vở kịch mượn màu sắc cổ tích đó.

"Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt" có thể xếp hạng bậc thầy trong chuyển tải thông điệp một cách tinh túy, dù đã trên 20 năm từ ngày nó được Lưu Quang Vũ sinh ra. Từ bấy đến nay, chưa có một kịch bản nào vượt lên nó để nói về "nhân tình thế thái" đượm chất triết lý và thiền học hay như thế.

Điêu tàn còn hiện rõ ở chỗ, nếu không có Lưu Quang Vũ với "Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt" thì liệu ngày hôm nay, sân khấu sẽ làm sao để hút khách về khi nhan nhản phim "bom tấn" hoạt động dày đặc trong các phòng chiếu?

Không biết việc "làm mới" vở kịch này có làm mai một những chi tiết đắt giá, lời thoại thâm thúy, nút thắt và diễn tiến của kịch bản ngày xưa hay không, nhưng thật khó khăn để  nghĩ diễn viên hôm nay đủ bản lĩnh thuyết phục khán giả hơn những tên tuổi một thời: Trọng Khôi, Hoàng Cúc, Minh Trang, Hoàng Dũng, Nguyệt Ánh v.v...

Cũng không dám chắc vở kịch giữ được thần thái, hồn cốt cùng mạch diễn trôi chảy mà cuồn cuộn sự phẫn nộ như thác ghềnh ầm ào trong mùa mưa lũ đối với những thế lực quyết chống lại quy luật tiến hóa nhân loại. Bên cạnh đó, không biết vị đạo diễn ngày nay còn giữ nguyên "chất lửa" Lưu Quang Vũ - tố cáo đanh thép chế độ cộng sản trong cơn điêu tàn vẫn quyết tâm chống đối đến cùng các quy luật?

Việc tái dựng vở kịch dữ dội này cùng với cái cúi mình hơi quá và gục đầu của Trương Tấn Sang trước binh lính và quốc kỳ Trung Quốc khi qua "chầu" Tập Cận Bình như báo hiệu một sự điêu tàn của chế độ độc đảng toàn trị không tránh khỏi?

Nguyễn Ngọc Già

________________
Ghi chú:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/thanh-toan-dien-tu/atm-nha-tien-rach-vo-phuong-doi-lai-2841417.html [1]

http://m.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/129365/rao-rao-to-tien-dien-tang-bat-thuong.html [2]

http://tuoitre.vn/kinh-te/556945/bo-cong-thuong-tuyen-bo-muc-tang-gia-xang-thang-6-con-thap!.html [3]
http://doanhnhan.vneconomy.vn/20130701110131446P0C5/sep-quoc-cuong-gia-lai-thay-tai-san-ra-di-ma-khong-cuu-duoc.html [4]

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/bau-duc-ban-toan-bo-du-an-thuy-dien-749142.htm [5]

http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong-doanh-nghiep/201306/viettel-that-bai-trong-cuoc-dua-thanh-nha-mang-myanmar-2349568/ [6]

http://www.baomoi.com/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-xuat-sac-nhat-chau-A/122/5534336.epi [7]

http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/20630502.html [8]

http://nghethuatbieudien.vn/xem-tin-tuc/thu-tuong-nguyen-tan-dung-den-tham-nha-hat-tuoi-tre-va-xem-vo-kich-dao-hoc.html [9]

Đất nước anh hùng – Hiến pháp lạc hậu

Đảng Cộng sản Việt Nam thường khoe “dân tộc ta anh hùng” và “đất nước ta anh hùng”, nhưng lại không thể giải thích được tại sao lại muốn có một Hiến pháp lạc hậu, phản dân chủ và không muốn dân có tự do?
Đó là thực tiễn của một nước Việt Nam đang chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp mới vào tháng 10 năm nay, sau 2 ngày Quốc hội thảo luận Dự thảo Hiên pháp sửa đổi 1992 tại Kỳ họp 5 kết thúc ngày 21/06 (2013).
Tại kỳ họp 5, một số Đại biểu đã có ý kiến không nên vội vã thông qua Hiến pháp trong năm 2013 mà hãy hoãn đến Kỳ họp 7 năm 2014.
Báo Người Lao Động viết trong số ra ngày Thứ Tư, 05/06/2013: “Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thẳng thắn: “Qua 2 ngày góp ý dự thảo Hiến pháp cho thấy nhiều chế định quan trọng vẫn còn ý kiến rất khác nhau, thậm chí ngược nhau như: chính quyền địa phương, Hội đồng Bảo hiến, viện kiểm sát... Chỉ còn hơn 3 tháng nữa sau kỳ họp này, QH sẽ thông qua nên tôi sợ rằng không đủ thời gian để tổng kết, nghiên cứu hội thảo và kết luận những vấn đề lớn như vậy”.
Trong khi đó, Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề xuất kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp.
Ông nói: “Hiến pháp không chỉ dừng lại trong hội trường này với 500 ĐBQH mà là đại diện cho 85 triệu dân. Nếu QH bấm nút thông qua thì một bản Hiến pháp mới sẽ ra đời nhưng xin nhớ đây là vấn đề hết sức hệ trọng”.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong 2 ngày họp có 86 ý kiến phát biểu về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trên tổng số 119 đại biểu đăng ký phát biểu.
Quốc hội có 500 Đại biểu mà chỉ có 119 người ghi tên muốn phát biểu rồi cuối cùng chỉ có 86 người được nói về bộ Luật cao nhất của một Quốc gia là Hiến pháp thì mức độ quan tâm và tầm quan trọng nên được đánh giá ở mức độ “thấp” hay “tối thấp”?
Không ai nên vội ngạc nhiên vì đã có một số đông Đại biểu Quốc hội “cả đời không dám mở miệng” tại Hội trường!
Vì vậy, dù có người này người kia muốn Quốc hội phải “rất cẩn thận” việc thông qua Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý vẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng: “Việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang được tiến hành đúng các bước theo tiến độ và yêu cầu mà Quốc hội đã đề ra. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau.” (Báo Sài Gòn Giải Phóng, 18/06/2013)
Tuyên bố của ông Lý đưa ra trước 3 ngày Quốc hội bế mạc kỳ họp 5 và điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xác nhận trong diễn văn bế mạc ngày 21/06 (2013.
Ông nói: “Một lần nữa, thay mặt Quốc hội, tôi xin hoan nghênh và trân trọng cảm ơn đồng bào ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến này để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội. Tại kỳ họp này, bằng trí tuệ và tâm huyết của mình và trên cơ sở ý kiến của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao các nội dung của Dự thảo Hiến pháp, nhất là các vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến bản chất của Nhà nước và hệ thống chính trị nước ta, đến quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người và quyền gắn liền với nghĩa vụ của người dân. Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý của nhân dân đến ngày 30/9/2013 để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.”

Phản dân phò đảng
Lời nói của ông Nguyễn Sinh Hùng không những chỉ hoàn toàn sai với những việc đã xảy ra mà còn chứng minh Ban soạn thảo đã không quan tâm đến những ý kiến khác với quan điểm của đảng với những bằng chứng như sau:
Thứ nhất, Ủy ban Soạn thảo do ông Hùng đứng đầu đã làm việc bôi bác, chỉ cốt làm cho xong việc theo ý muốn của đảng là phải bằng mọi cách duy trì nội dung Hiến pháp bảo đảm tuyệt đối quyền lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội cho đảng.
Thứ hai, Ủy ban cũng đã không thèm đoái hoài đến các ý kiến xây dựng của nhiều tầng lớp nhân dân đã đóng góp vào việc xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ đất nước, và quyền tư hữu đất đai của người dân.
Thứ ba, Ủy ban đã không dám tổ chức các cuộc gặp và thảo luận với những tập thể quần chúng đã có những ý kiến khác với Ủy ban về những điều khoản của Hiến pháp mới, nhất là Điều 4 đương nhiên dành quyền lãnh đạo cho đảng mà không qua bất cứ cuộc bầu chọn nào của dân.
Thứ tư, những quyền lợi của dân như các quyền: tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình, tự do tôn giáo vẫn chỉ có hình thức và không có bất cứ bảo đảm nào cho các quyền này được tự do thi hành vì các các tổ chức đã bị ràng buộc vào những điều kiện khe khắt của Pháp lệnh hay Nghị định, như trường hợp của các Tôn giáo, hay Luật đối với Báo chí. Các văn kiện này được viết ra chỉ có mục đích duy nhất là nhằm “làm mất giá trị của Hiến pháp”!
Bằng chứng như đã viết trong Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70) của Hiến pháp mới:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Hay trong Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Thứ năm, quyền lập Hiến của dân không được Hiến pháp mới công nhận thì bản Hiến pháp làm ra cho ai?
Thứ sáu, quyền quyết định sau cùng của Hiến pháp mới (hay quyền phúc quyết) thuộc quyền của Quốc hội là phi pháp vì dân chưa bao giờ trao quyền làm Hiến pháp cho Quốc hội.
Chính các đảng viên Cộng sản, chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội đã tự cho mình quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” từ bản Hiến pháp năm 1959, trái với Hiến pháp đầu tiên 1946.
Việc này được lập lại tại Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) của Hiến pháp mới.
Hiến pháp sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2013 tại Kỳ họp 6 còn nới rộng quyền được làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp tại Điều 124 (sửa đổi, bổ sung Điều 147) cho Hành pháp và Lập pháp.
Điều này viết rằng: “Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau:
1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;
2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định;
3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội về dự thảo Hiến pháp;
4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.”
Với tiến trình làm và sửa Hiến pháp hoàn toàn theo ý muốn của đảng như đã được Ủy ban soạn thảo trình tại Quốc hội ngày 17/5/2013 thì vai trò Lập hiến của dân đã bị Hiến pháp mới loại bỏ.
Vì vậy tại kỳ họp 5 của Quốc hội vừa kết thúc (ngày 21/06/2013), đã có một số Đại biểu “đề nghị Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua cần phải được toàn dân phúc quyết và lúc đó Hiến pháp mới có hiệu lực vì nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước” (Theo Báo diện tử của Chính phủ), nhưng những ý kiến này đã bị mau chóng bỏ rơi.
Tiến bộ nhưng chưa đủ
Trong 2 ngày thảo luận tại Quốc hội, ngoài những điểm then chốt bị thụt lùi nghiêm trọng và không có chút hy vọng gì Hiến pháp mới sẽ khá hơn Hiến pháp 1992, Quốc hội khóa XIII cũng đã ghi lại được vài đột phá trong 3 lĩnh vực:
Thứ nhất, tuy vẫn khẳng định “nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường, định hướng XHCN” rất mơ hồ nhưng các Đại biểu đã không đồng ý để cho “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ quản” như Ủy ban Dự thảo đề nghị. Ngược lại, đa số đã đồng ý “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.
Thứ hai, tuy đa số Đại biểu Quốc hội tiếp tục làm theo ý đảng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nhưng không tán thành để cho nhà nước tùy tiện “thu hồi đất cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội” như Ủy ban dự thảo đề nghị.
Thứ ba, phe bảo thủ trong quân đội đã chịu thua trước sức ép của dư luận để cho “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với đảng, Nhà nước và nhân dân”, thay vì “tuyệt đồi trung thành với đảng trên Tổ quốc” như dự thảo ban đầu.
Tuy nhiên Hiến pháp mới vẫn không tôn trọng quyền dân trong các quyết định liên quan đến “vận mệnh quốc gia” như Hiến pháp 1946 đã công nhận tại Điều thứ 32.
Điều này viết rất rõ về quyền làm chủ đất nước của người dân: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý.
Cách thức phúc quyết sẽ do luật định.”
Hiến pháp 1946 còn tôn trọng quyền phán quyết sau cùng của dân tại Điều thứ 70 quy định việc sửa đổi Hiến pháp:
“Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Như vậy, Hiến pháp mới dự trù thông qua tại Kỳ họp 6 vào tháng 10/2013, sẽ không những chỉ thua Hiến pháp đầu tiên năm 1946 mà còn phản bội lại những hy sinh xương máu của không biết bao nhiều thế hệ đã đổ xuống cho những người còn sống hôm nay.
Sự tụt hậu này sẽ được giải thích ra sao với một đảng cầm quyền luôn luôn tự cho mình là anh hùng nhưng lại muốn đất nước có một Hiến pháp phản dân chủ để tiếp tục đè đầu bóp cổ nhân dân?
(07/013)
Phạm Trần
(Thông Luận)
 

Đoan Trang - Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 3)

Năm 2012, toàn thế giới có 71 nhà báo bị sát hại, trong đó nước có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất là Syria với 29 trường hợp (*). Nếu loại trừ hai điểm nóng, trong tình trạng nội chiến và xung đột, là Syria và phần lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng, thì nhà báo bị giết chủ yếu ở một số nước châu Phi, Mỹ Latin và Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á, Campuchia và Philippines mỗi nước cũng góp một vụ.
Việt Nam từ trước đến nay không có trường hợp nào nhà báo bị sát hại trong khi tác nghiệp hoặc vì nguyên nhân liên quan đến công việc. Chỉ có một thảm kịch, có thể coi như mưu sát bất thành, là vào ngày 4/7/1991, nhà báo Trần Quang Thành bị tạt axit vào mặt, gây bỏng nặng và tàn phế. Trước đó, ông đã bị xã hội đen đe doạ sẽ trả thù, và theo lời ông khẳng định với báo Người Việt năm 2011 thì “chỉ có công an tiết lộ cho chúng biết là tôi cung cấp tài liệu thôi”. Điều đáng nói là không một tờ báo trong nước nào đăng tin về chuyện của ông Thành, và vụ việc đến nay đã rơi vào quên lãng.
Ngoài sự kiện bi thảm này (trong đó nạn nhân chưa bị sát hại), Việt Nam không bị liệt kê vào danh sách quốc gia nguy hiểm chết người đối với nhà báo; hay nói cách khác, trong câu chuyện về quản lý báo chí ở Việt Nam, biện pháp “giết” chưa bao giờ được dùng đến. Điều đó khiến cho các nhà quan sát nước ngoài, khi bàn đến tự do báo chí, có thể cho rằng dù gì đi nữa, Việt Nam vẫn có tự do báo chí, nhà báo được bảo vệ và môi trường tác nghiệp của họ rất an toàn.
Nhưng điều đó lại cũng hé lộ một khía cạnh khác để chúng ta suy nghĩ: Ngoại trừ nguyên nhân xung đột, nội chiến, việc nhà báo ở một số nước bị sát hại, chứng tỏ ở các quốc gia đó tồn tại báo chí độc lập, báo chí điều tra, chống tham nhũng. Còn ở Việt Nam, chưa có nhà báo nào bị giết, rất có thể là vì chúng ta chỉ có một nền truyền thông nhất loạt chịu sự định hướng, chỉ đạo chặt chẽ của Nhà nước, hoàn toàn không độc lập; không tồn tại báo chí điều tra, chống tham nhũng, chống tiêu cực. Nói đơn giản, nhà báo Việt Nam nhìn chung chưa được làm gì và chưa làm được gì để mà bị giết cả – họ không đủ nguy hiểm!
“Biển Đông dậy sóng”

Trang blog Ba Sàm hôm 3/7 đưa ra một phát hiện mới về một chuyện không hề mới trong nền báo chí Việt Nam: “Trên đất nước xã hội chủ nghĩa tươi đẹp này, có hai nơi được giữ bí mật như cung cấm. Đó là phòng họp Ban Chấp hành Trung ương/ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, và… nhà tù”.
Quả thật đúng như vậy. Liên quan đến hai nơi này, tất cả các vấn đề, các chính sách lớn, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của “chế độ” hay nói đúng hơn là của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng được giữ bí mật và/hoặc được “xử lý linh hoạt” theo từng trường hợp cụ thể. Một trong các vấn đề đó là chính sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc, mà một phần của nó là tranh chấp chủ quyền trên đất liền và trên biển giữa hai nước.
Các nhà báo đã, đang và sẽ không bao giờ có thể tìm ra một văn bản nào nêu cụ thể đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng với “nước bạn”, hay một văn bản nào cụ thể hoá cách quản lý báo chí trong vấn đề này. Dư luận chỉ có thể đồn đoán rằng đây có lẽ là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, bằng chứng là những vụ blogger và nhà báo bị xử lý trong vòng 6 năm qua (2007-2013) đều có yếu tố Trung Quốc:
    Tháng 12/2007: VietNamNet bị phạt vì bài “Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: nhìn từ Hoàng Sa-Trường Sa”
    Tháng 1/2009: Tạp chí Du Lịch bị đình bản ba tháng, Tổng Biên tập bị cách chức, vì bài “Tản mạn cho đảo xa”
    Tháng 8-9/2009: Một số blogger bị bắt tạm giam vì “xâm hại an ninh quốc gia” (in áo phông kêu gọi chống dự án bauxite).
    Năm 2009-2012: Tại các hội thảo quốc tế về Biển Đông, tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM, nhà báo bị kiểm soát chặt chẽ và bị ngăn chặn khiến không thể tác nghiệp. Thông tin về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc không được đăng tải trên bất kỳ tờ báo chính thống nào, trừ phi để chỉ trích và để “vạch trần âm mưu của các thế lực phản động lợi dụng lòng yêu nước”.
Đó là chưa kể hàng trăm cuộc gọi điện thoại kín và tin nhắn cho toà soạn, cho cá nhân phóng viên và lãnh đạo của cơ quan báo chí, để dặn dò, chỉ đạo trước khi đăng bài, để nhắc nhở, phàn nàn sau khi bài đã được đăng tải.
Trong khi đó, điều mà người làm báo nào cũng nhận thấy, là vấn đề quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thật ra là một đề tài được độc giả rất quan tâm hiện nay.
Cung không đáp ứng cầu
Trong kinh tế, sự can thiệp của Nhà nước luôn là yếu tố quan trọng khiến thông tin thị trường bị bóp méo và gây nhiều hệ luỵ. Trong truyền thông, mà ví dụ điển hình là trong chủ đề tranh chấp Biển Đông, khi cung và cầu về thông tin không được cân xứng thì một số hậu quả sau đây xảy ra:
    Thông tin vỉa hè lên ngôi, thuyết âm mưu tràn ngập. Một trong những thông tin đầy tính chất thuyết âm mưu là “Đảng Cộng sản Việt Nam bán nước cho Tàu”. Những người muốn giữ sự khách quan và duy lý hẳn sẽ khó mà đồng ý với lời buộc tội này, vì lấy đâu ra bằng chứng. Nhưng với những hội nghị, hội thảo triệt để ngăn chặn phóng viên tác nghiệp, với những tin nhắn và cú điện thoại chỉ đạo bí mật, với những văn bản “định hướng thông tin tuyên truyền” rất sơ sài và chung chung như nghị quyết, nhà báo nào duy lý sẽ khó mà không tự hỏi: “Họ (chính quyền) đang thực sự làm gì?”.
    Việc đưa tin, viết bài về tranh chấp Biển Đông trở thành một thứ “trái cấm” hấp dẫn, đưa đến hiện tượng một số báo và phóng viên thích tìm cách xé rào, trong khi không phải trình độ của ai cũng đáp ứng được đòi hỏi của công việc. (Có một thực tế là viết về tranh chấp Biển Đông tự nó đã khó, số lượng chuyên gia và nguồn tài liệu đáng tin cậy mà phóng viên có thể viện dẫn khi viết bài lại quá hiếm). Điều này gây ra hiện tượng mà người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, từng phàn nàn, rằng một số tờ báo coi chuyện chủ quyền quốc gia như đề tài để câu khách, bán báo.
Cách câu view, câu khách cũng không khó lắm: Sử dụng tựa đề thật giật gân; thông tin mang tính giai thoại/ sai/ thiếu/ không kiểm chứng được cũng sử dụng hết; đặc biệt nên phỏng vấn các nhân vật có quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ, thậm chí nặng màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Hậu quả: Chất lượng sản phẩm báo chí tiếp tục thấp (như nó vẫn thấp); và đặc biệt, chính quyền càng có thêm cớ để nói rằng cần phải quản lý báo chí chặt chẽ trong lĩnh vực “thông tin - tuyên truyền” về Biển Đông.
Đừng bắt chúng tôi phải đồn đoán!
Lý luận được các dư luận viên hoặc người mang phong cách dư luận viên ưa dùng là “nếu thực sự quan tâm thì ắt sẽ tự tìm hiểu và có thông tin”. Với quan điểm này, việc công khai, minh bạch, cung cấp thông tin cho người dân (trong đó có báo chí) từ chỗ là nghĩa vụ của Nhà nước lại trở thành một trò thách đố đối với nhân dân.
Thêm nữa, với sự “tự do báo chí kiểu Việt Nam”, có những thông tin mà nhà báo chính thống còn chẳng thể tiếp cận được, nói gì đến blogger.
“Kể từ tháng 12/2006 khi đồng chí Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh APEC đến nay (2011), chưa có đoàn cấp cao nào của Trung Quốc sang Việt Nam, dù ta sang thăm bạn rất nhiều. Phía Trung Quốc thường đòi ủy viên Bộ Chính trị – cụ thể là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước – của ta sang thăm chính thức bạn, còn phía bạn chưa có ai sang ta, viện dẫn các lý do như là bận nọ kia… Điều này cũng gây tâm tư cho phía ta, vì bạn kêu bận mà một thời gian dài, bạn không thăm ta song lại đi thăm khắp các nước trong khu vực, kể cả Lào, Campuchia…”.
Blogger nào có thể tiếp cận những thông tin như trên chăng?
-------
(*) Số liệu năm 2012 của Uỷ ban Bảo vệ Các Nhà báo (Committee to Protect Journalists)
Phạm Đoan Trang
(Blog Đoan Trang)

VN học hỏi cách TQ làm kinh tế

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/Library/Images/69/2008/12/China-Crisis-Blomberg.jpg
Ông Huệ có chuyến thăm dài đến Trung Quốc để 'nghiên cứu, tìm hiểu'
Một phái đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Vương Đình Huệ, trưởng Ban Kinh tế trung ương dẫn đầu, hiện đang có chuyến thăm Trung Quốc trong vòng bảy ngày cho đến ngày 6/7 trong chuyến đi mà truyền thông nhà nước mô tả là ‘kế hoạch giao lưu’ giữa hai đảng cộng sản.
Tuy nhiên, Theo lịch trình chuyến thăm do truyền thông nhà nước loan tin thì có vẻ như mục đích chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn ông Huệ là tìm hiểu kinh nghiệm quản lý kinh tế của nước láng giềng.
Theo đó, ông Huệ đến thăm và làm việc với Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước, Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước, Bộ nhân lực và an sinh xã hội, Bộ nhà ở và xây dựng thành thị, nông thôn Trung Quốc.
Ngoài Bắc Kinh, phái đoàn ông Huệ còn đến thăm tỉnh Quảng Đông, một trong những khu vực phát triển năng động nhất của Trung Quốc để ‘nghiên cứu, khảo sát’.
Đón tiếp và hội đàm chính thức với ông Huệ là ủy viên Quốc vụ viện Vương Dũng thay mặt cho Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho biết.
Tại cuộc hội đàm hôm thứ Ba ngày 2/7 tại Đại Lễ đường Nhân dân, ông Vương được Tân Hoa Xã dẫn lời nói nước ông ‘sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy thông tin về kinh nghiệm quản trị quốc gia và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước’.
Ông Vương cũng đã trình bày cho ông Huệ nghe về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc và tình hình Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội 18, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Ông Huệ được dẫn lời nói rằng ông ‘đánh giá cao những kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc trong quá trình cải cách mở cửa’.
Ông Huệ từng là bộ trưởng tài chính khi được Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ định vào chức danh lãnh đạo Ban Kinh tế, một ban Đảng mới được tái lập để đề ra những chính sách về kinh tế trước thành tích điều hành kinh tế tệ hại của nội các Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương 8 hồi đầu tháng Năm, ông Huệ đã không được bầu vào Bộ Chính trị dù được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra sức vận động.
Trung Quốc là điểm đến nước ngoài chính thức đầu tiên của ông Huệ trên cương vị người phụ trách cao nhất về kinh tế của Đảng.
‘Nhiều điều nên học’
Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết có nhiều điều Việt Nam cần phải học hỏi từ Trung Quốc về quản lý kinh tế-xã hội, nhất là kinh nghiệm quản lý và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
“Họ đã áp dụng quy chế quản lý doanh nghiệp hiện đại,” ông nói, “Họ bổ nhiệm lãnh đạo tập đoàn trên cơ sở hợp đồng và nhiệm kỳ rõ ràng với các mục tiêu như giảm tiêu hao nhiên liệu, tăng xuất khẩu, áp dụng khoa học kỹ thuật”.
Ngoài ra, theo Tiến sỹ Doanh, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc ‘mạnh dạn sử dụng người tài’.
“Nhiều cán bộ lãnh đạo Trung Quốc đã từng học ở nước ngoài khi về nước được giao nắm những trọng trách và đã có sự đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của Trung Quốc,” ông nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể rút ra bài học từ những sai lầm của Trung Quốc, chẳng hạn như ô nhiễm môi trường, nợ địa phương quá lớn và gánh nặng bất động sản đối với nền kinh tế.
(BBC)

Việt Nam : Làn sóng bắt bớ blogger sẽ lan tràn ?

Giáo dân tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội thắp nến cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân ngày 30/06/2013.
Giáo dân tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội thắp nến cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân ngày 30/06/2013. (REUTERS/Kham)

Từ giữa tháng 5/2013, trong giới blogger Việt Nam đã lan truyền tin đồn về một kế hoạch bắt người nào đó của nhà cầm quyền, thậm chí có cả lời đồn đoán về một phụ lục các blog nguy hiểm cần phải “phong tỏa” và bản danh sách 4 hay 5 blogger cần bị bắt giam.

Khi tháng 6 đến, bản danh sách này bỗng dài thêm và lại hiện ra tin đồn cho rằng có đến 8 người sẽ bị bắt giữ. Khá tương đồng, blogger Trương Duy Nhất đã bị bắt khẩn cấp liên quan đến điều 258 của Bộ luật hình sự vào thời gian đó. Nửa tháng sau, đến lượt nhà văn và cũng là blogger Phạm Viết Đào bị bắt vì tội danh tương tự. Trong nửa cuối tháng 6/2013, tin đồn vỉa hè đã nâng số blogger có thể bị bắt giữ lên đến 20 người.

Hiện nay các blogger tại Việt Nam thường xuyên liên lạc với nhau để biết « ai còn, ai mất », cũng như chuẩn bị sẵn tinh thần để « lên đường » khi có tin xấu nhất. Nhà ly khai Phạm Hồng Sơn mới đây còn đưa ra 27 lời khuyên cho các « tù nhân lương tâm dự khuyết ».

Trong tạp chí cộng đồng hôm nay, RFI Việt ngữ đã trao đổi với blogger Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội và nhà báo tự do đồng thời là tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Không buông bút hay mất đi chất lửa

Blogger Nguyễn Tường Thụy : Cái danh sách bạn nghe là danh sách 20 blogger ở Việt Nam mà chính quyền sẽ bắt phải không ạ ? Thông tin này tôi biết là ở trang blog nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Theo tôi, blog của anh Tạo viết lách khá cẩn thận, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm, cho nên tôi nghĩ rằng có thể họ cố tình đưa ra. Cuộc điện thoại gọi cho anh Nguyễn Trọng Tạo tôi tin là có thật, còn cái tin ấy có thật hay không lại là vấn đề khác.

Tôi thấy rất không ổn ở chỗ, một chính quyền dù như thế nào chăng nữa, cũng không thể bắt các blogger về tội chống Trung Quốc, mà Trung Quốc lại là mối đe dọa đến an ninh lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy theo tôi chủ trương này nếu có, là một chủ trương hết sức bí mật, chứ không phải để công khai đến mức độ mà anh Tạo có thể biết được.

Điều thứ hai là tìm đâu ra ? Và nếu mà bắt 20 blogger một lúc, thì điều này chưa từng có tiền lệ và chưa từng xảy ra trong quá khứ, không hề dễ đối với chính quyền Việt Nam, kể cả nếu chính quyền muốn. Còn bạn hỏi là những blogger Việt Nam có sợ sệt hay không. Chúng tôi hay gặp nhau hàng ngày, nói chuyện với nhau qua điện thoại hoặc qua chat, thư từ trên mạng, chúng tôi đều biết và đọc các bài viết của nhau. Tôi có thể nhận định chung một điều như thế này : cái chuyện sợ sệt thì tôi nghĩ là không có đâu. Chỉ có thể là sự lo lắng, ví dụ như mình bị bắt, thậm chí bị bỏ tù thì sắp xếp gia đình thế nào đây. Tôi thấy có băn khoăn một chút, nhưng về cơ bản thì giới blogger ở Việt Nam là đã sẵn sàng cho việc này.

Tất nhiên không ai muốn đi tù. Nhưng khi mình đã viết và nghĩ rằng mình viết đúng những điều mà mình có quyền, được Hiến pháp ghi nhận trong điều 69, họ tin rằng viết như thế là không vi phạm. Nhưng ở Việt Nam thì không thể chắc chắn rằng không vi phạm nên anh an toàn, mà ở chỗ người ta thấy có cần bắt anh hay không. Tôi nghĩ rằng không phải vì thế mà họ buông bút, viết một cách lảng tránh hoặc không còn chất lửa như trước nữa.

« Danh sách 20 » có đáng tin ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Thật ra, tôi không đánh giá cao “thiện chí” của một viên chức nào đó trong đoàn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chủ động thông tin “Danh sách 20” cho nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nếu quả có việc này. Mà động thái đáng lưu tâm hơn nhiều là vì sao một tin tức thuộc loạt “tuyệt mật” - xếp theo mức độ bảo mật của ngành công an - lại được tiết lộ ra công dân và dư luận một cách dễ dãi như thế?
Một số blogger phân tích rằng hành động tiết lộ tin tức như vậy là một động tác tâm lý chiến nhằm cảnh báo và răn đe chứ không dẫn đến một phản ứng quyết liệt nào từ phía chính quyền, nhưng liệu phân tích này có hợp lý ? Một số khác lại cho rằng hành động cảnh báo và bắt giữ tiếp sau đã từng có tiền lệ, khi blogger Trương Duy Nhất trước đây đã từng được “mời” uống cà phê và bị gọi hỏi một số lần, sau đó mới đến hành động quyết liệt từ phía cơ quan an ninh. Mà như vậy thì sự quyết liệt cũng có thể tái hiện với các blogger khác.

Có blogger lại hệ thống là trong những năm gần đây, mỗi năm đều có một chiến dịch bắt người bất đồng chính kiến và chống Trung Quốc, nên năm nay cũng tái diễn hoạt động như thế. Riêng cách nhìn này có thể phần nào sát thực tế, nếu xét đến việc trong gần nửa đầu năm 2013 đã không xảy ra hành động bắt người nào liên quan đến chính trị. Người bị bắt giữ gần nhất là luật sư Lê Quốc Quân - xảy đến vào tháng 12/2012, với tội danh trốn thuế nhưng nhiều người cho rằng thực chất đây là vấn đề chính trị.

« Lạc quan cách mạng »

RFI : Anh nhận thấy tâm trạng của giới blogger sau khi xuất hiện tin tức về kế hoạch bắt giữ như thế nào ? Theo anh thì việc bắt bớ các blogger có liên quan gì đến những diễn biến của chính trường Việt Nam ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Dưới góc độ nghiên cứu tâm lý xã hội, một đặc thù mới mẻ đã xuất hiện vào năm nay. Khác khá nhiều với năm 2012, 2011 và càng khác xa với những năm trước, nhận thức về “giới hạn sợ hãi” và tâm lý “vượt qua sợ hãi” như đang tiệm tiến trong tiềm thức đa số blogger. Những bài viết mang tính trào phúng như “Cùng nhau ta đi… nhập kho” của blogger Huỳnh Ngọc Chênh hay sự hãnh diện không giấu diếm của blogger Mẹ Nấm khi nghe tin được nằm trong “Danh sách 20” đã khiến cho người đọc có cảm giác như những blogger này - đại diện cho nhiều blogger khác và cho không ít độc giả có cảm tình với hoạt động của họ, như đang xem hành vi bị bắt giữ như một chuyện bình thường, đời thường, thậm chí còn như một trò đùa. Phải chăng cảm xúc đó là điều mà người đời thường gọi là “tinh thần lạc quan cách mạng” đã từng thể hiện sôi nổi trong thời chiến tranh?

Nhưng tâm lý “lạc quan cách mạng” như vậy lại làm cho bầu không khí bớt đi sự căng thẳng nặng nề. Tôi còn cho rằng nếu “danh sách tử thần” chỉ có ba, bốn người thì còn tạo nên một sự khu biệt giữa các blogger với nhau, tách rời nhau về mối quan tâm thường thấy. Nhưng khi bản danh sách này cứ dài ra mãi, nhiều người lại nhìn thấy “quyền lợi” của mình trong đó, cũng như cảm nhận về một sự đồng cảm và đồng cảnh ngộ giữa các blogger với nhau. Vì thế vô hình trung đã diễn ra một tinh thần cảm thán và gia tăng chia sẻ giữa các blogger cùng những người cảm tình với họ.

Nhưng nói gì thì nói, “Danh sách 20” đã khiến không khí hoạt động của giới blogger có phần nào bị chùng lắng. Không khí này đang lan tỏa trên các diễn đàn mạng và người ta đang kiên nhẫn chờ đợi hành động bắt người tiếp theo. Thậm chí, ký giả Chris Brummitt của một tờ báo quốc tế cũng phải chú ý đến hiện tượng chính trị - xã hội này và rút tít “Ai sẽ là người kế tiếp?” cho bài viết của mình.

“Ai sẽ là người kế tiếp?” có thể xứng đáng là một câu hỏi phản ánh không chỉ động thái bắt người có thể diễn ra trong thời gian tới mà còn phản chiếu phần nào những sắc thái nổi bật của chính trường Việt Nam trong nửa cuối năm 2013 và có thể dẫn sang cả năm 2014.

Thực ra trên diễn đàn mạng trong những ngày gần đây đã lan truyền một cách nhìn về động thái này, cho rằng “chỉ bắt giữ một blogger nữa và có liên quan đến diễn biến chính trường”. Tôi có cảm giác là tin tức và cách nhìn này xuất phát từ một cơ quan nào đó trong nội bộ.

Có lẽ đó cũng là một trong những cơ sở để chúng ta suy luận quá trình bắt bớ theo quan điểm “lợi ích bắt người”. Làm thế nào mà Nhà nước lại có thể tiến hành một chiến dịch bắt người mà không nhằm mục đích cụ thể gì? Tại sao hành động bắt giữ ba blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy lại chỉ xảy ra sau tháng 4/2013 mà không xảy ra trước đó?

Vì sao bắt blogger ?

RFI : Theo phân tích của anh thì nguyên nhân là như thế nào ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tôi nhớ là tháng 4/2013 lại là thời gian diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ, một hoạt động được nối lại sau khi đã bị đình hoãn vào cuối năm 2012. Còn trước đó nữa, hàng loạt động thái quan hệ về nhân quyền giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ngành ngoại giao của Liên hiệp châu Âu đã diễn ra với các cơ quan Việt Nam. Thậm chí Tổ chức Ân xá Quốc tế còn được đặt chân đến Việt Nam và được làm việc trực tiếp với những nhân vật bất đồng do họ chỉ định - một biểu hiện chưa có tiền lệ từ năm 1975 đến nay.

Hành động bắt giữ ba blogger lại đã chỉ diễn ra sau Hội nghị trung ương 7 của Đảng vào tháng 5/2013 và sau đó là kỳ họp lần thứ 5 của Quốc hội Việt Nam vào tháng 6/2013, liên quan đến những tin tức được xem là cực kỳ bí mật về nhân sự được đăng tải trên blog của ông Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Và cả một cuộc thăm dò tín nhiệm không chính thức nữa, với kết quả rất thấp đối với người đứng đầu chính phủ, trên blog Trương Duy Nhất. Hiển nhiên hoạt động thông tin này đã có thể kích thích Nhà nước như một hành vi khiêu khích - điều mà từ trước tới nay Nhà nước vẫn giữ độc quyền về thông tin, kể cả cách thông tin một chiều cho người dân mà dư luận phản ứng ngày càng kịch liệt.

Một liên hệ ý nhị khác là tháng 6/2013 có thể được xem là một “điểm son” trong quan hệ Việt - Trung, với chuyến làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Bắc Kinh cùng kết quả 10 văn bản hợp tác được ký kết nhanh chóng đến khó ngờ giữa hai quốc gia “cùng chung Biển Đông”.

Nhưng trong con mắt của chính quyền, tháng Sáu lại là “điểm xấu”. Cách đây hai năm, tháng 6/2011 là điểm khởi đầu của phong trào biểu tình chống sự can thiệp của Trung Nam Hải vào khu vực Biển Đông. Phong trào này đã không chỉ kéo dài bằng 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, mà còn để lại dư chấn rộng khắp, từ tư tưởng đến hành động, kéo dài cho đến nay. Có lẽ đó là một trong những lý do mà nhà chức trách lo lắng về tinh thần “hồi tố” của phong trào này và quyết định phải làm một cái gì đó đối với một số blogger, trước khi mọi chuyện đi quá xa.

Nói tóm lại, đặc trưng của các blogger đã bị bắt giữ là những tin tức nội bộ, vấn đề nguồn tin, mối quan hệ nội bộ có thể có và hành động phản ứng đối với Trung Quốc của họ. Hẳn nhiên, những đặc trưng này liên đới mật thiết với quyết định bắt giữ của cơ quan an ninh. Điều an ủi duy nhất đối với các blogger bị bắt giữ là thay vì bị khởi tố theo điều 88 về “tuyên truyền chống nhà nước” hay điều 79 về “âm mưu lật đổ chính quyền” mà thường bị dư luận lề dân và giới nhân quyền quốc tế phản ứng mạnh mẽ, họ bị ghép vào điều 258 về “lợi dụng quyền tự do dân chủ…”.

RFI : Động cơ của việc bắt giữ liệu có liên quan đến chuyến đi Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay không?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Vấn đề còn lại cần chúng ta suy xét là động cơ bắt giữ nào lớn hơn - tin tức nội bộ hay hành động chống Trung Quốc. Khác hẳn với hai blogger bị bắt giữ trước, trường hợp của blogger Đinh Nhật Uy ở Long An lại chưa có biểu hiện nào cho thấy người này có được tin nội bộ hoặc “phát tán” tin tức nội bộ. Việc bắt giữ Đinh Nhật Uy lại xảy ra ngay trước chuyến đi Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang, và một hiệu ứng tâm lý xã hội đã xảy ra hầu như tức thì: ông Sang bị khá nhiều dư luận trên mạng than phiền về câu chuyện “dâng tiến” hay “bắt người làm quà”.

Vô tình hay hữu ý, “Danh sách 20” với chi tiết lộ lọt từ một người trong phái đoàn đi Bắc Kinh của ông Trương Tấn Sang càng làm không khí bình luận của dư luận trở nên bất lợi đối với ông. Từ đó, một số dư luận đã đặt vấn đề là liệu ông Trương Tấn Sang có phải là người trực tiếp chỉ đạo bắt blogger chống Trung Quốc, hay hành động bắt giữ này chỉ là một động tác thuộc về một nhóm người nào đó muốn hạ uy tín của ông Sang trong lòng người dân.

Nói cách khác, dường như càng về sau này, dư luận càng hướng về động cơ “nội bộ” của những vụ bắt giữ, thay vì thuần túy phản ứng mạnh mẽ về hành vi đàn áp dân chủ và bất đồng chính kiến như trước đây.

Một hiện tượng truyền thông phản ánh tâm lý xã hội đặc thù không thể bỏ qua là sự thận trọng trong phản ứng của giới truyền thông và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Nếu với trường hợp Trương Duy Nhất, khá nhiều tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế lên tiếng phản đối Nhà nước Việt Nam, thì đến chuyện nhà văn Phạm Viết Đào và blogger Đinh Nhật Uy, không khí phản ứng như lắng dịu hơn về số lượng và hàm lượng. Cái nhìn thận trọng của một số hãng truyền thông quốc tế như VOA, RFI, BBC và đặc biệt là đài RFA có lẽ cũng phản ánh phần nào cảm nhận và phân tích của họ về các vấn đề “nội bộ” trong chính trường Việt Nam, về chuyện có những điểm tương đồng nhưng cũng không thiếu điểm khác biệt giữa ba trường hợp blogger bị bắt giữ. Có vẻ như họ, cũng như giới blogger ở Việt Nam, đang âm thầm quan sát và chờ đợi.

RFI :Anh nhận thấy có những điểm khác biệt nào giữa các blogger bị bắt gần đây ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Khác hẳn với ông Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy không phải là một blogger có tiếng tăm. Thậm chí, hoạt động phản đối Trung Quốc của Uy cũng rất khiêm tốn so với rất nhiều blogger khác ở Hà Nội. Vậy tại sao Uy bị bắt?

Câu hỏi này lại dẫn dắt đến trường hợp nhiều blogger và các nhà hoạt động xã hội phản đối Trung Quốc thường lên tiếng mạnh mẽ nhưng vẫn chưa bị hề hấn gì. Vậy phải chăng việc Đinh Nhật Uy bị bắt giữ chỉ liên quan đến vấn đề gia đình của anh nhưng không làm cho dư luận xã hội quá xao động bởi tính phản cảm của Nhà nước trong mối liên hệ với Bắc Kinh? Vấn đề của Uy cũng có thể làm người ta ngạc nhiên khi đối chiếu với hiện trạng tại một số địa phương như Sài Gòn, Nha Trang, với một số blogger tuy bị công an theo dõi rất sát sao về hành tung lộ diện, nhưng không hoặc chưa bị bắt mà chỉ bị khống chế bằng một số biện pháp ngăn chặn.

Như vậy, có một cái gì đó được diễn giải không logic lắm đối với trường hợp bắt Đinh Nhật Uy. Việc bắt giữ blogger Từ Anh Tú ở Hà Nội trong tháng 6/2013 cũng lại là một biểu hiện nào đó của nghịch lý.

Sáng bắt chiều thả. Tú bị bắt rầm rộ bởi một đoàn có đến 15 nhân viên an ninh, liên quan đến một sự kiện không còn nhiều tính thời sự là cuốn sách “Bên thắng cuộc” của tác giả Huy Đức, nhưng đến chiều lại bất ngờ được thả ra một cách hoàn toàn lặng lẽ. Vậy động thái bắt khẩn cấp và thả êm đềm như thế liệu có quan hệ mật thiết với nhau? Từ cùng một chỉ đạo hay bởi hai chỉ đạo khác biệt? Phải chăng đã xảy ra một sự can thiệp nào đó, khác với ý chỉ bắt giữ lúc đầu?

Dư luận lại thường cho rằng với mỗi hành động bắt người, phải xuất phát từ một chủ kiến và chỉ đạo của cấp cao, thậm chí từ lãnh đạo có chức vụ rất cao. Cần chú ý, giống như Đinh Nhật Uy, Từ Anh Tú cũng không phải là một nhân vật tiếng tăm trên các diễn đàn mạng lề dân.

Làn sóng bắt bớ sẽ tiếp diễn trên diện rộng ???

Vậy thì câu hỏi tiếp theo cần đặt ra, gắn liền với lời đánh đố “Ai sẽ là người kế tiếp”, là “Liệu việc bắt blogger có xảy ra trên diện rộng?”.

Tất nhiên, một số blogger như Người Buôn Gió hay Mẹ Nấm không phải không có lý khi suy luận vấn đề theo cách Nhà nước đang “tập” cho giới blogger quen dần với không khí bắt giữ, và chiến dịch bắt giữ được triển khai từ “cá nhỏ” đến “cá lớn”, siết vòng vây một cách từ từ.

Chỉ có điều, mâu thuẫn đã tồn tại ở ít nhất một điểm: Đinh Nhật Uy và Từ Anh Tú có thể chỉ là những con cá rất nhỏ so với nhiều “cá lớn”, và việc bắt giữ họ, nếu có lên quan đến hành vi chống Trung Quốc, sẽ chẳng làm phương hại nhiều lắm đến hoạt động của giới blogger mang sẵn tư tưởng căm ghét Đại Hán.

Mà như thế, trường hợp bắt giữ Đinh Nhật Uy và Từ Anh Tú có thể chỉ mang tính “răn đe”, hay nói như một số dư luận là “rung cây dọa khỉ”. Nhưng điều đáng bình luận là trong khi vẫn tồn tại dư luận về chuyện lãnh đạo này muốn bắt nhưng lãnh đạo khác thì không, chiến thuật “nhát khỉ” có thể sẽ không đạt được tác dụng mong muốn. Ở một thái cực khác, chiến thuật này có vẻ còn mang tính “lâm thời” hơn là tính kế hoạch đã được vạch sẵn.

RFI :Liệu sau vụ bốn blogger vừa qua, có xảy ra một chiến dịch bắt giữ nhiều blogger khác?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Nếu đúng là động thái bắt giữ Đinh Nhật Uy và Từ Anh Tú được tính toán và cân nhắc cẩn thận với sắc thái chủ yếu là “nội bộ”, điều này cũng hé lộ một phần “chiến dịch bắt giữ blogger”: khả năng nhiều hơn sẽ không xảy ra việc bắt bớ trên diện rộng, giam người tràn lan và “siết” toàn bộ 20 blogger như đồn đoán, mà đã và sẽ chỉ tập trung vào một ít trường hợp, hoặc liên quan đến vấn đề Trung Quốc, hoặc liên đới những tin tức và nguồn tin trong nội bộ, hoặc cả hai.

Khả năng đó cũng hàm ý là nếu giới blogger không “manh động”, không rơi vào những biểu hiện mà nhà cầm quyền cho là “cực đoan” hoặc “quá khích” mang tính đối đầu ngoài đường phố, việc viết bài trên mạng có thể được xem là một loại hành vi có thể tạm chấp nhận, và do vậy trong nửa cuối năm 2013 những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam sẽ vẫn được hưởng không khí tương đối bình yên - điều khác biệt khá nhiều với không khí không yên ả của chính trường và các quan niệm khác nhau cùng tồn tại ngay trong đảng cầm quyền.

Tất nhiên, như một số dư luận nhận định, cơ quan an ninh Việt Nam vẫn hoàn toàn có quyền hành xử. Chỉ có điều, cần nhắc lại rằng bối cảnh năm 2013 đang khác hẳn năm trước và những năm trước nữa.

Bối cảnh kinh tế chính trị trong và ngoài nước năm 2013

RFI :Khác ở những chỗ nào thưa anh, và bối cảnh năm 2013 có những gì đặc trưng?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tất cả lồng trong những mâu thuẫn và xung đột xã hội đang như thoát khỏi tiềm ẩn và luôn có nguy cơ bùng nổ, từ phản ứng đất đai của giai tầng nông dân ở các địa phương và ngay tại thủ đô, làn sóng đình công của công nhân trong thời buổi suy thoái nặng nề bị gây ra chủ yếu bởi các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu ở Việt Nam; và hàng loạt phản ứng xã hội tự phát đang diễn ra khắp nơi, ngay trên các đường phố, trong đó không ít trường hợp người dân phản ứng với nhân viên công lực.

Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam lại rơi vào tình trạng bấp bênh nguy hiểm như giờ đây, với quá nhiều hệ lụy từ hệ thống ngân hàng và các thị trường đầu cơ như bất động sản, vàng, chứng khoán, cùng khối nợ xấu khổng lồ có thể lên đến trên 500.000 tỉ đồng và nợ công quốc gia có thể lên đến 95 - 106% GDP nếu tính theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, trong đó có đến vài chục tập đoàn kinh tế quốc doanh đang quá khó có khả năng thu hồi vốn từ đầu tư trái ngành những năm trước và quá khó có khả năng trả nợ cho Nhà nước từ tình trạng chúa chổm hiện nay.

Tất cả những hệ lụy khủng khiếp ấy như nhấn chìm xã hội trong cơn suy thoái tình người, vô cảm quan chức và nạn thất nghiệp kinh niên. Thất nghiệp nhiều lại dẫn đến những hệ quả và mầng mống hỗn loạn xã hội, kể cả phản ứng được tích tụ trong giới thất nghiệp đối với chính quyền. Trong khi đó, vấn đề chủ quyền biển đảo và những đòi hỏi về nền dân chủ, nhân quyền đang được những người trong phong trào dân chủ ở Việt Nam áp sát hơn hẳn so với những năm trước, thể hiện qua “Kiến nghị 72” về các quyền lập hội, biểu tình, trưng cầu dân ý và cả về sự tồn vong của điều 4 trong Hiến pháp.

Trong khi có quá nhiều chuyện đang trở nên xáo trộn dữ dội, chính trường Việt Nam lại hứa hẹn sẽ không êm ả vào nửa cuối năm 2013. Sau chuyến đi Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đáng chú ý là ông Nguyễn Bá Thanh đã “tái xuất” khi lặp lại tuyên bố là thành phố Đà Nẵng không sai phạm trong việc để thất thu con số 3.400 tỉ đồng như kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đang tái hiện yêu cầu về một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng sẽ diễn ra không bao lâu nữa, theo trình tự từ chức vụ tổng bí thư trở xuống. Tất nhiên, ai cũng hiểu là chủ đề này sẽ gây sức ép đối với Chính phủ và những người chịu trách nhiệm chính trong điều hành hoạt động kinh tế- xã hội và chống tham nhũng.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng nói chung và cơ quan Ngân hàng Nhà nước nói riêng chắc chắn là “gót chân Asin” của Chính phủ, với không ít biểu hiện khuất tất từ trước tới nay trong điều hành hoạt động tín dụng và thị trường vàng. Nếu cơ quan nội chính của Đảng khởi động một cuộc thanh sát nhắm vào Ngân hàng Nhà nước, rất có thể bước tiếp nối sẽ là một thảm họa cho các nhóm lợi ích bên chính quyền.

Tình thế đầy tính khắc nghiệt như thế cũng khiến dư luận phải đặt lại vấn đề về mối quan hệ giữa Đảng, Quốc hội và Chính phủ có được một sự đồng nhất hay là không. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 6/2013 đã cho thấy đa số chức danh bị tỉ lệ cao về loại “tín nhiệm thấp” lại là người của Chính phủ. Như vậy, thực chất mối quan hệ trong đảng hiện thời là đoàn kết hay phân tán? Mối quan hệ và những biểu hiện của nó thể hiện một cực hay nhiều hơn một cực?

Bối cảnh trên cũng diễn ra cùng với tác động của Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Vì thế, sự lên tiếng gay gắt của Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ, thái độ nghiêm khắc của cơ quan ngoại giao các nước Tây Âu, những văn bản cận kề nhất như Dự luật nhân quyền cho Việt Nam và Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, hiện đang được trình cho Hạ nghị viện và sau đó là Thượng nghị viện Mỹ, là những biểu hiện mà Nhà nước Việt Nam không nên và không thể xem thường.

Theo văn hóa thẳng thắn của người Mỹ, những nghị sĩ Mỹ như Dan Baer đã không vòng vo về việc ông có thể gật đầu với việc Việt Nam lập hồ sơ tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cái được một số chuyên gia coi là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng không phải trong tình hình vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đang “thụt lùi sâu sắc” như hiện nay.

Hành động đàn áp mà các nhà nhân quyền quốc tế đề cập hẳn nhiên có liên hệ mật thiết đến những blogger bị bắt giữ hoặc có thể sẽ bị bắt giam, và với những người được xem là “tù nhân lương tâm”.

Phiên xử Lê Quốc Quân: Phép thử cho quan hệ với Vatican

RFI :Một trong những “tù nhân lương tâm” là luật sư Lê Quốc Quân?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Phép thử gần nhất sẽ là vụ xét xử luật sư Lê Quốc Quân vào ngày 9/7/2013, một phiên xử sơ thẩm với tội danh trốn thuế nhưng chẳng mấy ai hoài nghi vào bản chất chính trị của nó.

Với các cơ quan tư pháp Hà Nội, đây có thể sẽ là một vụ Đoàn Văn Vươn thứ hai, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và dư luận của các chức sắc và tín đồ Công giáo ở hầu hết các giáo phận tại Việt Nam.

Mối quan hệ giữa chính quyền với 8 triệu tín đồ Công giáo Việt Nam và cả với Vatican có được cải thiện hay không, một phần tùy thuộc vào tính minh bạch và kết quả trong vụ xét xử Lê Quốc Quân.

Cần nhắc lại, chỉ diễn ra ít ngày sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ ở Hà Nội, vụ xét xử Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng đã mang lại kết quả giảm nửa mức án được đề nghị lúc đầu.

Về thực chất, Lê Quốc Quân là một thành viên tích cực của Ủy ban công lý và hòa bình - tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam. Không chỉ liên quan đến hoạt động phản đối Trung Quốc xâm phạm biển đảo Việt Nam, Lê Quốc Quân còn là một trong những người tiên phong trong phong trào giúp đỡ bà con nông dân khiếu kiện đất đai bị thu hồi bất hợp lý. Cũng bởi thế, rất nhiều người Công giáo đã xem Quân như một minh họa tiêu biểu về “tốt đạo, đẹp đời”.

“Tốt đạo, đẹp đời” lại là một chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Chỉ có điều, tính nhất quán ấy lại chẳng được quán triệt đến nơi đến chốn trong thực tế, đặc biệt trong mối quan hệ đời thường với một số tôn giáo “nhạy cảm và phức tạp” như Công giáo và Phật giáo hòa hảo thuần túy.

Tôi đã nhìn thấy những người không có đạo và người có đạo Phật vào nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cầu nguyện cho người có đạo bị bắt, nhìn thấy một tấm lòng thành tâm thực sự hướng đến một đức tin và sự thật thông qua xác tín tôn giáo. Chẳng lẽ Đảng và Nhà nước Việt Nam lại không nhận ra điều đó?

Cho tới nay, mặc dù Việt Nam chưa bị đặt vào danh sách các quốc gia bị quan ngại về nhân quyền và tôn giáo (CPC), nhưng không có gì bảo đảm là những biện pháp chế tài về nhân quyền sẽ không được Hoa Kỳ cùng sự đồng thuận của một số nước Tây Âu đưa vào áp dụng. Và có thể, chính yếu tố này đang đặt lên vai ngành tư pháp Hà Nội một gánh nặng nào đó.

Một chút lạc quan

Trong bối cảnh đầy mâu thuẫn về các mục đích và quyền lợi đa phương đa diện lẫn phức hợp như thế, có vẻ như vấn đề của những blogger chống Trung Quốc như Đinh Nhật Uy đang không phải là lớn chuyện, thậm chí còn có thể rơi vào quên lãng trong một tương lai không quá xa.

Cũng có thể có một mối liên hệ nào đó giữa vụ xét xử Lê Quốc Quân với trường hợp tạm giam điều tra của Đinh Nhật Uy. Vấn đề đặt ra là nếu Lê Quốc Quân nhận một mức án sơ thẩm giảm nhẹ, liệu Uy có được “khoan hồng” và được đình chỉ điều tra sau ba, bốn tháng tạm giam?

Và nếu quả thực Đinh Nhật Uy được phóng thích sau một thời gian tạm giam, số phận của hai bạn trẻ Phương Uyên và Nguyên Kha sẽ dễ thở hơn. Phiên xử phúc thẩm đối với hai bạn trẻ này có thể diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2013, theo thông tin của gia đình. Và nếu trường hợp Lê Quốc Quân được “ưu ái”, có lẽ hai gia đình Uyên và Kha cũng có hy vọng là án phúc thẩm cho con mình sẽ được nới nhẹ hơn. Và biết đâu đấy, có thể đến năm 2015 hay 2016 hai bạn trẻ này sẽ được phóng thích thì sao!

Nếu mọi chuyện diễn ra theo xu thế này “thỏa hiệp” như vậy, có thể nói tác động tiêu cực đối với những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam chỉ vào khoảng 35%, cho dù đã có ba blogger bị bắt giữ và có thể còn thêm một vài người nữa sẽ bị bắt giam.

Mới đây tôi có cùng gia đình của Uyên và Kha cùng một số thân hữu đến trại giam Long An thăm Phương Uyên. Điều tôi bất ngờ là thần sắc Phương Uyên lại tốt đến thế, dù đã qua tám tháng mất tự do. Ánh mắt trong sáng, tự tin và không chết hy vọng của Uyên cho thấy tất cả. Tôi còn có cảm giác là nhìn vào ánh mắt ấy, người ta còn có thể nhận ra một nét chấm phá nào đó cho tương lai dân tộc.

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn blogger Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội và tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhã ý tham gia tạp chí cộng đồng hôm nay của chúng tôi.
Thụy My (RFI)
 

Quân đội tước quyền tổng thống Ai Cập


Tướng Abdul Fattah Al-Sisi lên truyền hình tuyên bố đình chỉ hiến pháp

Chỉ huy quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi vừa ra tuyên bố tới toàn quốc.

Xuất hiện trực tiếp trên truyền hình, người đứng đầu lực lượng quân đội tuyên bố đình chỉ hiến pháp.

Tướng Abdul Fattah Al-Sisi nói vị chánh án tòa hiến pháp sẽ nắm quyền tổng thống.

Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mohammed Morsi không còn quyền lực nữa.

Người biểu tình phản đối ông Morsi tại Quảng trường Tahrir đã reo hò vang trời để đáp lại lời phát biểu của tướng al-Sisi.

Đây là diễn biến mới nhất sau bốn ngày biểu tình rộng khắp trên các đường phố nhằm phản đối ông Morsi, và sau khi tối hậu thư của quân đội hết hạn vào chiều thứ Tư.

Kênh truyền hình thuộc Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi đã cắt sóng vào lúc kết thúc bài phát biểu của tướng Sisi.

Chỉ ít phút sau đó, một thông báo xuất hiện trên trang Facebook của ông Morsi, lên án bước đi của quân đội là "một cuộc đảo chính quân sự".

Hiện không rõ ông Morsi đang ở đâu, nhưng có một tin ngắn được đăng trên twitter với nội dung kêu gọi người dân và quân đội hãy bảo vệ pháp luật và hiến pháp.


Những người phản đối ông Morsi đốt pháo bông rợp trời sau tuyên bố của tướng Sisi

Sau tuyên bố của Tướng Sisi, cả Giáo chủ Tawadros II, người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa cổ Ả rập, và nhân vật hàng đầu trong hàng ngũ đối lập, Mohammed ElBarradei, đã có những tuyên bố ngắn gọn.

Ông Baradei nói lộ trình mới nhằm hướng tới hòa giải dân tộc và thể hiện cho một khởi đầu mới của cuộc cách mạng tháng Giêng 2011.

Những người biểu tình chống ông Morsi trên các đường phố Cairo hiện đang ăn mừng, đốt pháo bông sáng rực trời đêm.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông được biết đã hô vang: "Không để quân đội cai trị."

Căng thẳng từ chiều

Trước đó, từ chiều hôm nay 3/7, người dân Ai Cập đã căng thẳng chờ quân đội ra tuyên bố trên truyền hình sau khi thời hạn 48 giờ phía quân đội đưa ra cho việc tìm giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng ở nước này kết thúc.

Một phát ngôn nhân của Huynh đệ Hồi giáo, là phong trào mà Tổng thống Mohammen Morsi đứng chân, đăng tin twitter rằng "một cuộc đảo chính quân sự đầy đủ" đang diễn ra.

Tại Quảng trưởng Tahrir ở thủ đô Cairo, nơi hàng chục ngàn người biểu tình tụ tập, người ta nghe thấy những tiếng reo hò vang dội.

Phóng viên BBC tường thuật sự hiện diện quân sự tại thủ đô đã tăng cao và người ta nhìn thấy xe thiết giáp đi lại trên đường phố.

Tổng thống Mohammed Morsi lặp lại lời đề nghị của mình, muốn có một chính phủ chia sẻ quyền lực, nhưng vẫn không chịu từ chức.

Quân đội đã tiến hành các cuộc họp với các lãnh đạo chính trị và tôn giáo để thảo luận về hướng đi sắp tới.


Quân đội đã tăng sự hiện diện trên đường phố Cairo từ buổi chiều

Tuy nhiên, đảng cầm quyền Tự do và Công lý - là phái chính trị trong Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi - đã không tham dự các cuộc họp này.

Tổng thống Morsi trước đó bác bỏ tối hậu thư đòi ông "phải đáp ứng yêu cầu của nhân dân", nếu không sẽ phải đối diện với sự can thiệp quân sự.

Ông nói ông là lãnh tụ hợp pháp của Ai Cập và sẽ không thể bị buộc từ chức.

Kiểm soát đài truyền hình

Trước khi tới hạn chót, 16:30 giờ địa phương (14:30 GMT) chiều 3/7, quân đội đã kiểm soát tòa nhà đài truyền hình quốc gia.

Các vụ đụng độ nổ ra tại các cuộc biểu tình kình chống nhau trên toàn quốc hồi đêm qua, khiến ít nhất 16 người phản đối ông Mohammed Morsi bị giết chết tại Đại học Cairo.

Phe chống ông Morsi nói ông và phong trào Huynh đệ Hồi giáo của ông đang thúc đẩy nghị trình Hồi giáo cực đoan vào Ai Cập, và ông cần phải từ chức.

Huynh đệ Hồi giáo nói hành động của quân đội là một cuộc đảo chính.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình tối thứ Ba, ông Morsi nói ông sẽ dành cuộc đời mình đấu tranh bảo vệ tính chính danh của hiến pháp, và quy trách nhiệm về tình trạng bạo loạn cho nạn tham nhũng và những tàn dư của chế độ cũ của ông Hosni Mubarak.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, quân đội nói sẽ "hy sinh kể cả máu của mình vì Ai Cập và nhân dân, để bảo vệ họ khỏi những kẻ khủng bố, cực đoan hoặc ngu ngốc".

Có tin nói kế hoạch của quân đội nhằm tổ chức bầu tổng thống mới, đình chỉ bản tân hiến pháp và giải thể quốc hội.

Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự nói với hạng tin Reuters rằng thời điểm hết hạn sẽ chỉ đánh dấu cho mốc khởi đầu các cuộc thảo luận.
(BBC)

Nguyễn Hưng Quốc - Sợ báo chí

Trong một bài phỏng vấn đăng trên báo tamnhin.net ngày 23/6/2013, ông Lê Doãn Hợp, cựu Phó Ban tuyên huấn trung ương và cựu Bộ trưởng Văn hóa thông tin (sau đổi thành bộ Thông tin và Truyền thông), hiện đang làm Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, có một nhận định rất thú vị: “Riêng ở Việt Nam có một cái hay là hệ thống công quyền của chúng ta rất sợ báo chí. Một thiết chế mà quan sợ dân, sợ báo chí là một thiết chế rất tốt cần phát huy ở mức tối đa.”

Đọc nhận định ấy, thấy hơi là lạ, tôi vào Google, thử gõ mấy chữ “chính phủ sợ báo chí” (hoặc “nhà báo”) (government fears journalist/journalism), tôi thấy hiện lên, trong phần kết quả, toàn những chuyện ngược lại: nhà báo sợ chính phủ. Ngoài những nước đang loạn lạc, nơi các nhà báo có thể dễ dàng bị mất mạng khi đang tác nghiệp, những địa điểm đáng sợ nhất là các xứ độc tài (kể cả Nga), ở đó các nhà báo thường bị bắt bớ, bỏ tù, đánh đập hoặc có khi bị giết chết khi lên tiếng tố cáo tham nhũng và lạm quyền. Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ ký giả (Committee to protect journalists), từ năm 1992 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 982 nhà báo bị giết chết, trong đó nhiều nhất là các phóng viên báo in  (30%), tiếp theo là phóng viên truyền thanh và truyền hình (24%). Số người chết vì bị lạc đạn ngay trên trận địa tương đối ít (19%), trong khi đó chết vì bị sát hại thì rất nhiều (68%). Ai giết họ?

Thủ phạm thuộc các nhóm tội phạm chiếm 13%, thuộc viên chức chính phủ chiếm 23% và thuộc các nhóm chính trị lên đến 30%. Hai mươi quốc gia được xem là nguy hiểm nhất đối với các ký giả là:
  1. Iraq: 151
  2. Philippines: 73
  3. Algeria: 60
  4. Russia: 55
  5. Pakistan: 52
  6. Somalia: 50
  7. Colombia: 44
  1. Syria: 38
  2. India: 29
  3. Mexico: 28
  4. Brazil: 27
  5. Afghanistan: 24
  6. Turkey: 21
  7. Bosnia: 19
  1. Sri Lanka: 19
  2. Tajikistan: 17
  3. Rwanda: 17
  4. Sierra Leone: 16
  5. Bangladesh: 14
  6. Israel and the Occupied Palestinian Territory: 12
(Con số sau tên mỗi nước là số nạn nhân bị giết chết.)

Việt Nam không loạn lạc nhưng lại độc tài. Theo bảng xếp hạng về tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters without Borders), trong số 179 quốc gia được tính, hầu như năm nào Việt Nam cũng bị xếp gần chót (ví dụ: năm 2009, hạng 166; năm 2010 nhảy lên được một bậc, 165; từ năm 2011 đến 2013, lại tụt xuống hạng 172). Nói chung, hiện nay, Việt Nam chỉ tự do hơn vài nước: Trung Quốc, Iran, Somilia, Syria, Turkmenistan, Bắc Triều Tiên và Eritrea).

Sống trong một đất nước không có tự do báo chí như thế, tất cả các nhà báo có chút tinh thần độc lập đều phập phồng lo sợ bị mất việc hoặc bị bắt bớ. Sợ, như lời thú nhận của Nguyễn Tuân và Nguyễn Minh Châu ngày trước, đến độ đâm ra hèn. Vậy mà ông Lê Doãn Hợp lại nói một điều ngược ngạo: chính phủ sợ báo chí.

Ông còn ngược ngạo hơn nữa khi nói thêm: Đó là một “thiết chế rất tốt cần phát huy ở mức tối đa”. Dường như ông xem đó là một biểu hiện của dân chủ. Nhưng vấn đề là: ở tất cả các quốc gia dân chủ thực sự, chính phủ lại không sợ báo chí. Họ có thể e dè báo chí nhưng không sợ báo chí. Ở các nước dân chủ, tất cả các nguyên thủ quốc gia đều thường xuyên đối diện với báo chí, trả lời đủ mọi thứ chất vấn của báo chí, dưới hình thức họp báo hoặc xuất hiện trên các đài truyền hình và truyền thanh. Hầu như ngày nào cũng vậy. Có ngày nhiều lần. Từ sáng sớm đến tối mịt.

Sợ báo chí không phải là dấu hiệu của dân chủ.

Vậy tại sao chính phủ Việt Nam lại sợ báo chí?

Câu trả lời, thật ra, rất đơn giản. Có mấy lý do chính:

Thứ nhất là sợ sự thật. Đã đành làm chính trị, nhất là ở vị trí lãnh đạo, bao giờ người ta cũng có rất nhiều điều muốn giấu giếm. Ở các quốc gia tự do cũng vậy thôi. Tuy nhiên, giữa các quốc gia dân chủ và Việt Nam có rất nhiều khác biệt: Một, trong khi ở các nước dân chủ, chỉ có một số bí mật; ở Việt Nam, hầu như mọi thứ đều là… bí mật. Hai, ở các quốc gia dân chủ, chính phủ bị khống chế bởi các đạo luật về minh bạch buộc họ phải cung cấp thông tin cho báo chí; ở Việt Nam, một sự đòi hỏi như thế cũng có thể bị xem là phạm pháp. Ba, khi một sự thật nào đó được phanh phui, ở các quốc gia dân chủ, giới lãnh đạo hoặc nhận lỗi hoặc cố gắng biện hộ; ở Việt Nam, kẻ phanh phui bị nhốt vào tù. Bốn, ở các nước dân chủ, người ta chỉ giấu giếm chứ không dối trá; ở Việt Nam, người ta có cả hai. Bởi vậy, ở đâu giới làm chính trị cũng sợ sự thật, nhưng sợ nhất vẫn là ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai là sợ phản biện. Ở các quốc gia dân chủ, trước khi ban hành một chính sách lớn nào đó, giới lãnh đạo bao giờ cũng đối đầu với vô số sự phản biện: từ phe đối lập, từ các nhóm lợi ích, từ giới truyền thông, từ Quốc Hội và từ dân chúng nói chung. Họ phải giải thích, tự bảo vệ, hơn nữa, cố gắng thuyết phục số đông. Ở Việt Nam, ngược lại, giới lãnh đạo rất sợ đối đầu, dù là đối đầu một cách gián tiếp, qua báo chí. Với họ, phản biện đồng nghĩa với phản nghịch; và mọi hình thức phản nghịch, dù trong tư tưởng, cũng bị trấn áp.

Thứ ba là thiếu tự tin. Ở Mỹ, Tổng thống Obama bị tố cáo đủ thứ: giấy khai sinh giả, học bạ giả, tôn giáo giả…nhưng ông không hề bắt nhà báo nào bỏ tù hay đóng cửa bất cứ cơ quan truyền thông nào cả. Có việc ông chỉ cười khẩy; có việc ông đưa ra bằng chứng để mọi người biết những điều người ta tố cáo ông là bịa đặt. Ở Việt Nam, ngược lại, giới lãnh đạo biết rõ là họ không đủ lý lẽ để thuyết phục người khác. Họ cũng biết, trên mặt trận tư tưởng, sức mạnh duy nhất của họ là ở chỗ cấm tranh luận. Chấp nhận tranh luận là thua. Nên họ sợ. Sợ vì thiếu tự tin.

Thứ tư là họ sợ tự do ngôn luận nói chung. Trên trang Phóng viên không biên giới, phần Việt Nam, bên cạnh bức ảnh của Nguyễn Phú Trọng, có mấy đoạn gọi là “Những ý nghĩ thầm của Nguyễn Phú Trọng” (Innermost thoughts of Nguyen Phu Trong), ở đó, người ta diễn tả các chủ trương và chính sách của Nguyễn Phú Trọng thành những suy nghĩ ở ngôi thứ nhất với giọng châm biếm rất thú vị - ít nhất cũng thú vị hơn câu nói của Lê Doãn Hợp ở trên. Tôi xin tạm dịch mấy đoạn ấy như sau:

“Tôi rất quen thuộc với truyền thông và báo chí bởi vì chính tôi cũng đã từng là nhà báo từ 1967 đến 1996 và sau đó, làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, tạp chí lý luận của đảng. Chức năng của truyền thông không phải là tuyên truyền chống lại nhà nước. Các nhà báo chỉ được tường thuật các sự kiện và không nên góp ý truyền bá hệ thống đa đảng trên các bài xã luận hay trên mạng. Các cơ quan truyền thông ngoại quốc như RFA, VOA và BBC đã nhanh nhảu phát đi những lời bình luận như thế đến người dân Việt Nam dưới lớp vỏ các tin tức và thông tin ‘độc lập’ ngoài sự đồng ý của chúng tôi.

Ở Việt Nam, các nhà báo có thể tác nghiệp chừng nào họ không phê phán đảng. Tháng 2 vừa rồi, nhà báo Nguyễn Đức Kiên đã vi phạm luật ấy trên tờ Gia Đình và Xã Hội nên đã bị đuổi việc. Không chịu hạn chế bài tường thuật trong nội dung bài diễn văn của tôi và (còn) phát biểu ý kiến về những gì tôi đã nói, nhà báo đã vi phạm đạo đức làm báo và cố tình gây bất ổn chính trị.

Tất cả những kẻ kêu gọi cải tổ trong mấy tháng vừa qua đều phạm tội phá hoại chính trị, ý thức hệ và đạo đức. Khi tôi nhậm chức, chủ nhiệm tờ báo đảng Nhân Dân cũng đã từng lên án những kẻ kêu gọi chủ nghĩa đa nguyên.

Một số người tiếp tục chuyển các thông tin và chính kiến nguy hiểm dưới hình thức nặc danh mặc dù tôi đã ra nghị quyết bắt các nhà báo phải tiết lộ nguồn tin và cấm sử dụng bút hiệu. Điều đó không làm tôi khỏi phải phạt cả thảy 100 năm tù giam cho các blogger và bọn bất đồng chính kiến trên mạng trong suốt 12 tháng vừa qua. Với 30 tên quặt quẹo trong nhà tù, tôi tin thành tích của tôi cao hơn hẳn vị tiền nhiệm Nông Đức Mạnh.”

Một kẻ như vậy mà sợ báo chí, kể cũng hơi lạ.

À, mà ở Việt Nam, cái gì mà không lạ nhỉ?

Nguyễn Hưng Quốc

03.07.2013
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bùi Tín - Vài nét văn hóa thời thức tỉnh


03.07.2013
Cuộc dấn thân cứu nước, bảo vệ lãnh thổ bất khả xâm phạm của Tổ quốc chống họa bành trướng, chống chế độ độc đoán giành lại quyền sống tự do của tòan dân đang mở rộng dần.

Một nền văn hóa dân tộc - dân chủ đang nảy nở, vừa là kết quả, vừa là động lực của cuộc sống mới.

Đã có những bài hát cổ vũ cuộc đấu tranh giành quyền công dân, đã có những bài thơ hừng hực khí thế chống bành trướng, chống độc đoán, đã có những châm ngôn mới, những luận văn lôi cuốn và đầy tính thuyết phục.

Xin kể ra đây một vài thí dụ để trao đổi và thưởng ngoạn với đông đảo bạn đọc.

Nhà văn Võ Thị Hảo từng nhận định rất chính xác: «Bộ máy tham nhũng và mafia quyền lực đang lũng đoạn trên mọi lãnh vực. Những kẻ cướp ngày đầy quyền lực đang lộng hành và không bị ngăn chặn, trừng trị. Tự do ngôn luận, tự do báo chí bị ngăn trở nghiêm trọng. Dân mất ý chí phản kháng và tự vệ, vì quá mệt mỏi và bị vô hiệu hóa, ru ngủ».

Nghệ sỹ ưu tú Kim Chi, sau khi từ chối mọi phần thưởng, khen ngợi từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã làm những câu thơ cảm thán «Hỏi Trời»:
       
  Nhiều người giàu có ngất trời
  Nhiều người chưa được đổi đời là bao
  Hỏi trời, trời ở quá cao
  Hỏi đất, đất bị bới đào tứ tung
  Có ai thấu cảnh này không?
   Ai gây muôn sự hãi hùng cho dân?

                                                Sông hồ cạn kiệt chết dần
                                                Ruộng đồng san lấp nhà tầng mọc lên
                                                Sân gôn giăng khắp mọi miền
                                                Dành cho những kẻ nhiều tiền khoe sang
                                                Dân quê gạt lệ rời làng
                                                Mất nghề ngày tháng lang thang phố phường
                                                Đói ăn đâu thể đến trường
                                                Đó đây bao cảnh nhiễu nhương cướp ngày
                                                Mọt sâu kết lại thành bầy
                                                Trời ơi, người bị đọa đầy mãi sao?!

Nhà thơ Bùi Chí Vịnh phẫn nộ ra «Tuyên ngôn của một người làm thơ - cựu chiến binh»:
   
 …       Quý vị cứ chà đạp lên quyền làm người xuất sắc
           Cứ hung hăng như Khadafi trước khi rúc vô ống cống đê hèn
           Quý vị cứ việc xem dân nghèo như rơm như rác
           Những lúc đường cùng, đừng năn nỉ tôi nghen!

                                             Quý vị cứ việc rửa tiền qua ngân hàng Thụy Sỹ cực êm
                                             Cứ tậu nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, sắm điền trang ở Mỹ
                                             Quý vị cứ thăng thiên cùng giá điện, giá xăng
                                             Bất chấp thôn nữ thiếu ăn phải bán thân làm đ..
           Quý vị phải làm như thế mới là quý vị
           Vô cảm, vô lương, vô đạo đức, vô thần
           Tôi, rách rưới như một thằng thi sỹ
           Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân

Cũng nên nhắc lại vài câu thơ kêu gọi sự thức tỉnh của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên:
                 
                     Bao thế hệ xiết rên trong gọng kìm nô lệ
                     Chuyên chế dã man đục ruỗng chí con người
                     Cha tôi, ông tôi bao thế hệ bị ngủ vùi
                     Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế
                     Không bóng mặt trời, bóng tối chí tôn
                     Lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị
                                             … Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế
                                                Cũng chưa thấy ngày mai nào không thể
                                                Vì người ta cần ánh mặt trời
                                                Tỉnh dậy đi, lũ chúng ta ơi !

Lại có những câu thơ đơn giản, dân dã, vô danh  như những câu vè, hóm hỉnh dễ nhớ, cảnh cáo nghiêm khắc nhà cầm quyền mù quáng, ỷ vào các công cụ đàn áp trơ trẽn :
        
Đừng tưởng!   Đừng tưởng cứ bịt là yên, cứ xử là án, cứ xiềng là giam!
                              Đừng tưởng cứ lặng là câm, cứ quan là cọp, cứ dân là cừu!
                              Đừng tưởng cứ cưỡi là trên, cứ phi là ngựa, cứ gâu là cầy!
                              Đừng tưởng cứ hát là hay, cứ ngon là bổ, cứ chay là thiền…
                              Đừng tưởng cứ chổng là mông, cứ trợn là mắt, cứ phùng là mang!
                              Đừng tưởng cứ đốn là quang, cứ che là kín, cứ xong là rồi!
                              Đừng tưởng cứ ưỡn là oai, cứ cùn là thắng, cứ quay là tròn!
                              Đừng tưởng cứ lỏi là khôn, cứ tham là bạo, cứ công là quyền!
                        Thế thời nhộn nhạo đảo điên, lụt bàn thờ  chó leo lên pháp đình,
                        Đừng mơ sấp mặt làm càn
                        Giờ G - bạo chúa ngày tàn đã «boong!»

Các bạn trẻ trong nước cho biết đã sáng tạo lời mới cho bài hát «Diệt Phát Xít» của Nguyễn Đình Thi thành bài «Diệt Bán Nước», chỉ thay có hơn mười từ (ở trong ngoặc), như sau:

Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than, dưới ách quân tham tàn (đế quốc sài lang)
bán nước hại dân; loài (phát xít) bán nước, chúng cướp (nước) đất, cướp đời sống dân mình;nào nhà tù nào trại giam, biết bao nhiêu nhục hình.

Đồng bào (tuốt gươm) quyết tâm vùng lên, đã đến ngày trả mối thù chung, diệt (phát xít) bán nước, diệt bày chó đê hèn của chúng, tiến lên nền dân chủ cộng hòa, dành lại áo cơm tự do.

Dưới (bóng cờ đỏ ánh vàng sao) ánh cờ con cháu Rồng Tiên, vai kề vai, không phân già trẻ trai hay gái, quyết tiến lên, ta tiến lên quyết diệt quân thù;

Việt Nam, Việt Nam Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm! Việt Nam, Việt Nam muôn năm!  
                       
Sẽ rất thú vị khi kết thúc bài này bằng 4 câu thơ của nhà thơ trẻ Mạc Thúy Hồng sớm dấn thân cho công cuộc dân chủ hóa của đất nước:
                       
Đứng dậy đi! không còn gì để lựa
Đạp xích xiềng cho lửa bốc con tim
Đường tự do chúng ta phải tự tìm
Và dân chủ, nỗi niềm dân mong ước

Qua một vài mẩu văn-thơ-nhạc vừa nêu, quả thật chúng ta đang chứng kiến một quá trình thức tỉnh của nhân dân, ngày càng nhận rõ cần phải giúp nhau đẩy lùi nỗi sợ cường quyền đàn áp dai dẳng, cùng nhau đứng dậy làm chủ vận mệnh dân tộc.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 

Thánh thất Cao Đài Long Bình, huyện Gò Công bị tấn công

Những vị cai quan và một số tín hữu tại Thánh thất Cao Đài Long Bình, huyện Gò Công , tỉnh Tiền Giang, không theo Hội đồng Chưởng Quản, tức nhóm bị cho là của Nhà nước dựng lên, vào sáng ngày 3 tháng 7 bị một nhóm người đến phá cửa Thánh thất, trói và bắt đưa đi.
Diễn tiến sự việc
Chánh trị sự Lê Văn Ngọc Diệp phụ trách Thánh thất Cao Đài Long Bình, Gò Công tỉnh Tiền Giang  vào lúc 9:45 sáng, sau khi bị trói bắt và đưa về Thánh Thất Vĩnh Bình cách thánh thất của ông chừng hai cây số, kể lại sự việc diễn ra với bản thân ông và nhóm tín đồ tại Thánh thất Long Bình như sau:
Tôi là chánh trị sự Thánh thất Long Bình, bị bắt lúc 7:40 bởi Ban Cai Quản; họ trói đưa về Thánh thất Vĩnh Bình làm việc. Khi trên đường chở đi họ trói tay chân tôi lại. Ban Cai quản thuộc Hội đồng Chưởng quản tỉnh Tiền Giang đến bắt đi làm việc. Họ đến đông lắm và không mặc đồ đạo, chỉ mặc thường phục.
Họ kết hợp với huyện đội phá cửa tông vào đánh có anh em xỉu luôn, máu mủ chảy tùm lum luôn.
Họ dùng một chiếc xe chở cát đá phá cổng chính vào. Lúc đó bên trong có chừng 60 người, và họ bắt đi tất cả 6 người kể cả tôi.
Một tín đồ lâu nay tham gia sinh hoạt tôn giáo tại Thánh thất Long Bình cũng kể lại diễn tiến sự việc xảy ra tại đó trong sáng này 3 tháng 7 như sau:
Họ đến đòi giao thánh thất; bên này cũng đóng cửa lại để giữ thánh thất; thế nhưng họ quá đông nên đã tràn vào. Họ dùng đủ phương tiện để tràn vào. Vì đông quá và mỗi người chạy mỗi cách, còn như tôi và một số người khác bị trói quăng lên xe đem về đây. Lúc này chưa có ai đến làm việc cả.
Đồng đạo Cao Đài đang cử hành lễ, ảnh minh họa.
Đồng đạo Cao Đài đang cử hành lễ, ảnh minh họa.
Files photos
Bắt người trái phép
Trước việc bị bắt như thế người tín đồ Cao Đài ở Thánh thất Long Bình, Gò Công lên tiếng cho rằng làm như thế là vi phạm pháp luật và phía những người bị bắt sẽ làm đơn khiếu nại:
Luật pháp mà như vậy tôi không hiểu nữa, sao lại có vấn đề bắt người như vậy tôi cũng không biết nữa. Đương nhiên sẽ phải khiếu nại rồi.
Theo ông chánh trị sự Lê Văn Ngọc Diệp phụ trách Thánh Thất Cao Đài Long Bình, thì khi ở trên xe với những người trói bắt ông đưa đi, họ nói chuyện với nhau và ông phát hiện ra trong nhóm người mặc thường phục đến phá cổng thánh thất Long Bình có cả những công an. Ông nói về điều đó:
Họ sử dụng hai xe 15 chỗ và 3-4 chiếc xe 7 chỗ nữa trong đó có công an mặc đồ civil nữa. Mấy người lái xe chở tôi đi nói trong đó có 3-4 ông công an.
Chân truyền chống lại ‘quốc doanh’
Lý do dẫn đến việc Thánh thất Long Bình bị tấn công trong ngày hôm nay, được ông chánh trị sự Lê Văn Ngọc Diệp nói lại:
Thánh thất này anh em chúng tôi suốt gần ba năm nay giữ vững chơn truyền luật pháp Tam Kỳ Phổ Độ của Tòa Thánh Tây Ninh, chánh truyền của đạo Cao Đài nguyên thủy; nhưng mấy ông này thuộc Ban cai quản của Hội đồng ông Nguyễn Đình Tám mà chúng tôi không giao nên bữa nay họ kết hợp với huyện đội vào và đánh anh em tôi có người xỉu luôn.
Ban Cai quản thông báo hôm qua bảo tôi ra uống cà phê để thương lượng, tôi không chịu nói rằng thánh thất này lâu nay của anh em bảo thủ chơn truyền không thể giao cho Hội đồng Chưởng quản được nên họ mới có quyết định sáng nay đến làm việc.
Người tín đồ tại Thánh thất Long Bình, Gò Công cũng nói lại lý do không theo Hội đồng Chưởng quản hiện nay:
Cũng như mấy lần trước vậy, người ta đến yêu cầu giao thánh thất; nhưng bên này bảo phải giữ Thánh thất lại để theo đúng cách cúng kiến của tinh thần như ngày xưa. Khi mà giao, cách cúng kiến khác hẳn rồi. nếu khác hẳn thì cũng như mấy thánh thất khác gần đây từ trước đến nay đã thay đổi nên người ta không đến lễ bái nữa. Người ta chỉ đến lễ bái tại những nơi chơn truyền như ngày xưa thôi. Hai bên cứ ‘giành giật’ như vậy đó.
Một vị chức sắc theo phái chơn truyền của Đạo Cao Đài tại Việt Nam là ông Hứa Phi, cho rằng ở Việt Nam nếu tôn giáo nào thuận theo sự chỉ đạo của nhà nước thì được cho phép hành đạo như ý của chính phủ còn những phái nào không theo thì phải hứng chịu những sách nhiễu, đàn áp như tại Thánh thất Long Bình, Gò Công trong ngày hôm nay:
Từ năm 1975 đến nay, tất cả những tín đồ thuần túy bị Nhà nước Việt nam đặt ra ngoài vòng pháp luật rồi. Người ta chỉ tôn trọng những tổ chức nào do Đảng và chính quyền dựng lên mà thôi. Cho nên sinh hoạt đạo sự tại Việt Nam rất khó khăn. Khó khăn vì người ta cho rằng những người đứng trong các tôn giáo thuần túy không có pháp nhân.
Chúng tôi nghĩ rằng đạo là đạo của Đức Chúa, đạo của Đức Phật, đạo của Ông Trời chứ có phải đạo của Đảng Cộng sản đâu mà bảo có pháp nhân hay không có pháp nhân. Chúng tôi lúc nào cũng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của chúng tôi; cho nên gặp nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn nhơn sanh ở địa phương. Nhưng chúng tôi vì đạo nên kiên tâm phải đạt cho được quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Tình trạng ‘cướp Thánh thất’ như ở Long Bình, Gò Công tỉnh Tiền Giang lâu nay vẫn diễn ra tại một số cơ sở của Đao Cao Đài ở nhiều nơi trên cả nước. Hồi năm ngoái là vụ ở Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ ở Bình Định. Gần đây là vụ Thánh thất An Ninh Tây ở Long An. Tuy nhiên Thánh thất An Ninh Tây nay vẫn còn thuộc những tín hữu chơn truyền không bị phía Cao Đài quốc doanh cưỡng đoạt.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-07-03 

Xuân Lộc, Xuyên Mộc và còn nơi nào khác nữa?

Sau khi được tin tù nhân tại phân trại số 1, trại giam Xuân Lộc nổi dậy vào sáng chủ nhật 30/6/2013, cùng tin tức do các anh em tù chính trị nhắn về cho cháu Lê Thăng Long vào buổi trưa cùng ngày, gia đình tôi đã rất lo lắng cho tình hình của Thức và các anh em ở chung khu giam riêng với Thức. Vì vậy, ngay sáng thứ Hai hôm sau, gia đình đã tức tốc đi Xuân Lộc với mong muốn được gặp Thức và tìm hiểu hiện tình ở trại giam. Đồng thời, gia đình cũng liên lạc với người nhà các anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Võ Minh Trí (Việt Khang) và Nguyễn Ngọc Cường để thông báo về chuyến đi của gia đình.
Đến nơi, gia đình tôi trình diện tại chốt gác trước khi vào khu trại như thường lệ thì viên công an tại chốt bất ngờ bảo rằng gia đình hãy đến trại giam Xuyên Mộc vì Thức đã chuyển về đó. Tin đến đột ngột, thêm vào đó là sự hoang mang khi liên hệ việc chuyển trại này với sự kiện vừa diễn ra hôm trước đó, thế nên gia đình quyết định phải làm rõ ngọn nguồn vụ việc. Tuy nhiên, đề nghị trao đổi với quản lý phân trại K1 của gia đình chỉ nhận được câu trả lời rằng “cán bộ đã đi họp” từ viên công an tại chốt gác. Được một lúc thì viên công an này rời chốt đi đâu không rõ. Xung quanh đó có những người nhà phạm nhân đang chờ đến lượt được cho vào bên trong các phân trại K2, K3…, họ chứng kiến diễn biến từ đầu đến giờ nên khi thấy viên công an đi khuất thì lại gần hỏi thăm gia đình. Nghe chuyện về cuộc nổi dậy của anh em tù nhân khu K1 và việc Thức bị chuyển đi đường đột, bà con đồng tình với gia đình tôi và khuyến khích gia đình phải gặp quản lý phân trại để yêu cầu họ giải thích rõ lý do. Thế rồi một người trong số họ bảo gia đình cứ vào thẳng khu K1 mà không cần phê duyệt của viên công an chốt cổng, anh ta nói từ sáng đã có một số thân nhân làm như vậy. Nhận thấy chỉ còn cách này, vì vậy gia đình tôi đã đi bộ vào trong.
Trên con đường nhựa chừng 200m từ cổng trại dẫn vào nhà thăm gặp của khu K1, sáng hôm thứ Hai chợt xuất hiện nhiều tốp cảnh sát cơ động được bố trí la liệt. Xung quanh khu trại thi thoảng cũng có một số cảnh sát thuộc lực lượng này đi tuần qua lại. Vào đến nhà thăm gặp, gia đình tôi thử tiến hành thủ tục đăng ký thăm gặp như những lần trước thì một cảnh sát trại giam tên Thanh nói rằng không tiếp nhận sổ thăm gặp của gia đình vì Thức đã chuyển đi nơi khác theo quyết định của lãnh đạo và mời gia đình quay về. Không chấp nhận trước đề nghị vô lý đó mà không có một lời giải thích thấu đáo, gia đình tôi nhất định yêu cầu phía trại giam giải trình rõ nguyên do Thức bị chuyển đi bất ngờ, đồng thời khẳng định gia đình có quyền nghi ngờ việc chuyển đi này có liên quan đến vụ việc hôm chủ nhật nếu như không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía trại giam. Cuối cùng, người công an tên Thanh bảo gia đình tôi ngồi chờ một chút trong khi anh ta liên lạc với cấp trên nhờ giải quyết. Chừng 15 phút sau thì một phó giám thị tên Tính xuất hiện rồi mời gia đình tôi sang chỗ riêng để tiếp chuyện.
danluan_a0103-305.jpg
Trần Huỳnh Duy Thức  khi chưa bị bắt
Mở đầu, vị phó giám thị này nói rằng tối hôm chủ nhật 30/6/2013, Thức cùng 4 tù nhân khác ở khu giam riêng gồm các anh Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường, Huỳnh Anh Trí và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã chuyển về trại giam Xuyên Mộc. Khi gia đình tôi hỏi về lý do họ bị chuyển đi, vị cũng chỉ đưa ra câu trả lời tương tự cấp dưới tên Thanh của anh ta rằng đó là quyết định của lãnh đạo Tổng cục VIII và anh ta chỉ có trách nhiệm thi hành. Tuy nhiên, viên phó giám thị khẳng định việc Thức cùng 4 anh em tù nhân lương tâm khác bị chuyển đi không phải là một hình thức kỷ luật vi phạm và hoàn toàn không liên quan đến vụ việc hôm chủ nhật. Đến đây, gia đình muốn tìm hiểu về cuộc nổi dậy của các phạm nhân K1 sáng ngày 30/6 nên đặt câu hỏi thì anh ta lập tức phủ nhận từ ‘nổi dậy’ và nói rằng đó chỉ là “xích mích nhỏ giữa các phạm nhân khi chơi đá bóng” mà thôi. Trong khi trước đó, các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Pháp Luật đều đưa tin sự việc do một số “phạm nhân quá khích kích động và cố tình gây rối”. Vì có sự khác biệt giữa hai thông tin trên nên gia đình đã nêu lên vấn đề này, nhưng đến đây viên phó giám thị tên Tính từ chối bình luận thêm.
Kết thúc cuộc trao đổi, gia đình rời Xuân Lộc để đến trại Xuyên Mộc vào lúc 1h30 chiều cùng ngày. Nhưng đến 3h30 sau khi gia đình các phạm nhân khác đã ra về hết thì gia đình mới được bố trí để gặp Thức. Lúc này trong phòng thăm gặp chỉ còn mỗi gia đình tôi và Thức. Suốt 30 phút trò chuyện, luôn có 3 an ninh ngồi canh ở đầu góc phòng – trong đó có 1 người cầm súng - và 2 vị khác thường xuyên đi vòng quanh.
Nhìn Thức hốc hác trông thấy, nên gia đình hỏi thăm về sự việc hôm chủ nhật. Thức nói cả ngày hôm qua cho tới trưa hôm nay mới bỏ bụng một phần cơm trắng với canh không. Thức kể hôm 30/6 bạo động rất dữ dội, các tù nhân ở khu thường phạm đã cầm dao, gậy gộc tìm đến khu kỷ luật giải thoát cho các phạm nhân đang bị xiềng xích ở đó rồi di chuyển đến khu giam riêng nơi Thức cùng mấy anh em tù chính trị ở và phá rào, phá cửa xông vào. Họ đề nghị mấy anh em tù chính trị có hiểu biết về quyền con người giúp họ đứng ra thương lượng với các quản trại. Thức nói có dặn họ kiềm chế, không được gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, Thức chỉ kể được tới đó thì một an ninh trại Xuyên Mộc cắt ngang. Người này nói gia đình thăm gặp chỉ nên hỏi chuyện sức khỏe, sinh hoạt thường ngày của phạm nhân, đừng hỏi những việc không liên quan.
Sau đó, gia đình chuyển sang hỏi về chỗ ở mới của Thức ở Xuyên Mộc. Hiện tại, Thức đang ở trong một khu biệt lập cùng các anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường, và Huỳnh Anh Trí. Ở khu biệt lập này, các buồng sát nhau tạo thành một dãy, trong đó anh Hùng và Tuấn giam chung một buồng, còn Thức và anh Cường, anh Trí mỗi người ở buồng riêng. Do bị chuyển đi vội vã trong đêm 30/6 nên Thức không biết được mấy anh em tù nhân lương tâm còn lại ở Xuân Lộc giờ ra sao. Khi được biết cháu Việt Khang và Trần Thanh Giang vẫn ở lại chỗ cũ, không bị đưa đi đâu khác thì Thức rất vui.
Đến 4h chiều, gia đình tôi chúc Thức giữ gìn sức khỏe rồi chia tay Thức ra về. Thức nhờ gia đình báo tin đến người nhà các anh Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng rằng họ đã chuyển đến nơi giam giữ mới an toàn.
Trong lúc chờ gặp viên phó giám thị tên Tính để trao đổi, gia đình tôi có tiếp xúc với một chị là mẹ của phạm nhân tên Nguyễn Hồng Thái trước đó bị giam tại khu K1 trại Xuân Lộc. Khi làm thủ tục đăng ký thăm gặp, chị được thông báo rằng con chị đã bị đưa đến nơi khác vì tham gia vào vụ việc hôm 30/6. Chị có hỏi con chị hiện đang ở trại giam nào nhưng các quản trại không cho biết. Dường như bắt đầu rơi vào tuyệt vọng, lúc này chị van nài họ bằng giọng run run thì chỉ nhận được lời sẵng giọng đáp trả và yêu cầu chị ra về. Nhìn người phụ nữ đã luống tuổi mắt đỏ hoe, liu xiu hai tay xách nặng bước lầm lũi trở ra mà không biết con mình giờ đang ở nơi đâu, thiết nghĩ còn bao nhiêu hoàn cảnh tương tự đang diễn ra ở các trại giam trên khắp cả nước? Giống như chị, gia đình tôi cũng không hề được thông báo trước về việc chuyển trại của Thức; tuy nhiên, may mắn hơn chị, đến cuối ngày gia đình đã tìm đến được cái ôm siết chặt và lời động viên của Thức – điều mà gia đình tôi sẽ đi đến tận cùng để có được. Nhưng sự may mắn này sẽ kéo dài đến lúc nào, sau khi anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần đã đột ngột bị chuyển ra Bắc? Đó chính là nỗi lo lắng của gia đình tôi.
Sau sự việc tại trại giam Xuân Lộc vừa qua, dựa trên lời con tôi kể và các anh em tù nhân lương tâm tại đây, tôi tin rằng cuộc nổi dậy hôm 30/6 của các tù nhân thường phạm xuất phát từ yêu cầu trại giam đáp ứng các điều kiện sống chính đáng và đảm bảo quyền con người của họ. Dù là phạm nhân nhưng họ vẫn là con người với phẩm giá và các quyền cơ bản cần được tôn trọng bất kể tình trạng pháp lý. Vì vậy, tôi kêu gọi cộng đồng hãy lên tiếng để vụ việc tại trại giam Xuân Lộc được giải quyết công khai, minh bạch, công bằng và phù hợp với luật pháp quốc tế lẫn trong nước. Sức mạnh thực chất của xã hội dân sự chỉ tương đồng với khả năng danh nghĩa của nó khi mỗi người trong chúng ta nhận thức và hành động.
Trần Văn Huỳnh
2013-07-03

Đi du học ?

Hơn cả trăm nghìn sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài và con số đó có hướng ngày càng tăng thêm.
Tôi là một người đã đi du học và đã ở lại nước ngoài. Cùng thời với tôi, nhiều người cũng như vậy vì những hoàn cảnh lịch sử xã hội hay cá nhân. Tôi cũng đã nhiều lần đón và giúp đở các sinh viên nước ngoài tại Liège, trong đó có sinh viên đến từ Việt nam.
Ngay cả các con tôi cũng đã đi tứ xứ học thêm, hiện một cháu còn ở nước ngoài ít nhất là hai năm nữa.
Vì thế tôi có vài kinh nghiệm về du học.
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi là một kỷ niệm bằng nước mắt: tôi khóc, cách đây lâu lắm, khi mở gói kim chỉ trong hành lý mang theo vì ngoài các vật dụng cần để có thể đơm lại cái nút áo hay khâu lại cái lai (cạp) quần, mẹ tôi đã để thêm vào một mảnh giấy nhỏ với bốn chữ : Ba má nhớ con.
Bốn chữ nó nói lên thân phận của một du học sinh xa nhà, không những chỉ vì bản thân cô đơn độc mã ở xứ người mà còn để lại bên nhà một khoảng trống cho cha mẹ. Có ai vui khi đứa con mình đã mang nặng đẻ đau, nuôi dạy suốt hai mươi năm, … để rồi một ngày nó «lang thang» ở một chân trời xa lạ ?
http://tmsedu.com.vn/application/storage/images/dich-vu-du-hoc1.jpg

Tại sao phải đi học ở nước ngoài ?
Nhiều lý do lắm, có lý do chính đáng cũng có lý do không chính đáng.
Tạm thời xin gác chuyện giá trị định lượng của trường học bên nhà. Vì ngoài lý do đó ra, không những chỉ ở bên ta mà ở hầu như là tất cả các nước phát triển, việc du học là một việc được khuyến khích : ở cái thời toàn cầu hóa, ít nhất phải đi đây đi đó, cọ xát với khoa học nước ngoài, có thêm vốn liếng hiểu biết và kỹ năng hòa mình, … Hiện ở Đại học Liège chẳng hạn, sinh viiên thì theo các chương trình Eurasmus hay Leonardo đi một năm trong học trình ở nước ngoài – điểm thi được xem như tương đương- . Ứng viên muốn được bổ nhiệm giáo sư thì phải có ít nhất là sáu tháng kinh nghiệm ở một Đại học ngoại quốc (thông thường là Anh, Mỹ nhưng cũng có thể là Chi lê, Ấn độ, Đức, Ý…)
Đi du học để tự do, để tránh sự kiểm soát của cha mẹ, để theo thời, để bằng chị bằng em, …là những lý do mà ta có thể xem như không chính đáng và cần suy nghĩ kỹ.
Vì đi học ở nước ngoài phải trả cái giá của nó. Cái giá đó không những là tiền bạc cha mẹ phải chi mà còn là cái giá tâm lý xã hội: một du học sinh, phải vượt qua những khó khăn vì nhớ nhà, lạ cảnh, … phải có khả năng tự bươn chải một mình : tự đi học dĩ nhiên rồi mà bên cạnh đó: tự lo ăn uống, áo quần, dọn dẹp phòng mình, … Nhiều khi còn phải đi làm thêm để sống. Có những trẻ đã thành công, đồng ý, nhưng bao nhiêu trẻ khác đã thất bại, đâu có ai kể cho ta nghe !
Một khó khăn khác: mất hay thiếu “nơi đi chốn về” để có chỗ dựa tinh thần, một chút tình người, nhất là giữa một môi trường mà trong đó ai cũng “vô danh” như xã hội Âu Mỹ. Bạn bè, những người đồng hương,… rất là cần thiết dù là chưa đủ để bù cho tất cả khoảng trống của nhu cầu tình cảm và nhu cầu liên hệ xã hội.
Chương trình học có khó lắm không ?
Nhìn chung quanh tôi, câu «Đường đi khó, không khó và ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông» thật là đúng. Đại đa số du học sinh thành công ở nước ngoài. Chương trình giáo dục Âu Mỹ có cái đó như …ưu điểm: chỉ cần «nghiêm chỉnh» học là thành công.
Sinh viên từ nước ngoài đến cần vượt qua rào cản ngoại ngữ nhưng có lẻ đó chỉ là một khó khăn nhỏ. Vã lại, dù là ở Milan, ở Minneapolis hay ở Liège, Đại học nào cũng có các cơ quan hổ trợ sinh viên nước ngoài – từ hổ trợ thêm sinh ngữ, giúp tìm chỗ ở hay việc làm, các trợ giảng giúp cho theo kịp bài giảng, … Sinh viên nào không bị trầm cảm – vì khi bị trầm cảm thì sẽ buông tay – thì chỉ cần đi gỏ cữa các cơ quan đó, thế nào cũng được giúp để vượt khó khăn (mà ngay tới khi em nào bị trầm cảm đi nữa, cũng có cơ quan giúp trị liệu).
Cái gì không nên quên ?
Đi du học là một vấn đề quan trọng. Đừng sa vào bẩy những nước «tiếp thị» các Đại học mình và xem sinh viên ngoại quốc như một tiềm năng cho kinh tế quốc nội. Nước Mỹ làm chuyện đó. Họ cho học bổng vì họ cần người giỏi (người giỏi mà nước khác đã đào tạo trong ít nhất là 12 năm rồi). Sau này người đó còn có khả năng ở lại nước họ nữa. Đầu tư như thế là đầu tư … khôn. Thậm chí, nước Pháp gần đây, để thu hút «thị trường sinh viên đi từ Trung quốc», dự trù dạy Đại học bằng tiếng Anh, nếu không ,”thành phần có nhu cầu du học” này ồ ạt sang Mỹ hết và Pháp … bị thiệt !
http://www.lemonde.fr/idees/visuel/2013/05/15/la-france-saborde-t-elle-sa-langue-a-l-universite_3230729_3232.html
Chi tiết cuối cùng.
«Chim có tổ, người có tông».
Dù ở xứ ngoài 30 hay 40 năm, nhiều Việt kiều mang tâm trạng hoài hương. Dù là họ thành đạt nơi xứ người. Sự trạng đó, méo mó nghề nghiệp, tôi giải thích bằng cái dấu hằn của sự xã hội hóa đầu tiên (socialisation primaire): cao lương mỹ vị của Nga của Tây đi nữa – tôi đang nghĩ tới các món như trứng cá (caviar) hay gan ngỗng (foie gras) – các món đó không làm những người Việt như tôi quên món dưa mắm hay riêu cua đồng… những hương vị của thời thơ ấu.
Nguyễn Huỳnh Mai
(nguyenhuynhmai.org)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét