Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý

Thanh Tra - Tư pháp: nhánh quyền lực bèo nhất Việt Nam

Trong ba nhánh quyền lực ở Việt Nam thì nhánh tư pháp (Tòa án) là bèo nhất, ít thực quyền và ít bổng lộc. Trong Ban Thường vụ các cấp ủy ở địa phương hoặc Bộ Chính trị chưa thấy có người của Tòa bao giờ. Sau này Đảng, Nhà nước VN chủ trương cải cách tư pháp mới cơ cấu cho Tòa một suất vào Ban Chấp hành Đảng bộ địa phương và Ban chấp hành Trung ương nhưng vẫn không có vé trong Ban Thường vụ cấp ủy địa phương và Bộ Chính trị.

Trong đời sống chính trị ở VN thì Tòa án Tối cao chỉ bằng một bộ bèo bèo của Chính Phủ, còn so với các bộ lớn như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì một trời một vực. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều là Ủy viên Bộ Chính trị, là những người quyền sinh, quyền sát đối với Chánh án Tòa án Tối cao và nhiều vấn đề hệ trọng của Quốc gia. Ở địa phương cũng vậy, Chánh án luôn cửa dưới rất xa với trưởng Công an, Chỉ huy trưởng quân đội, chứ đừng nói đến Chủ tịch UBND hay Bí thư huyện, tỉnh ủy. Xem việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho Tòa thì rõ. Khi cần người giữ chức vụ Chánh án mà không kiếm được người của Tòa, người ta hay cử công an sang làm. Ở cấp tỉnh cỡ đại tá trưởng phòng hoặc phó giám đốc công an tỉnh là có thể làm chánh án cùng cấp; còn cấp Trung ương thì cũng cỡ Thiếu tướng Thứ trưởng Bộ công an là làm Chánh án Tòa án Tối cao được rồi. Mà những ông nhàng nhàng ở Công an sang làm trưởng Tòa cũng không vui vẻ hào hứng gì đâu (VD: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra,... cho sang làm Chánh án Tòa án là buồn lắm, bị đì mới phải đi thôi). Ngược lại, cấm thấy ông Tòa nào được bổ nhiệm sang làm lãnh đạo bên Công an.

Còn nói về chuyện xét xử của Tòa án ở VN nhiều chuyện rất hài hước. Công an khởi tố vụ án đưa cho Viện Kiểm sát truy tố ra Tòa. Tòa thấy Công an điều tra sơ sài, chứng cứ không vững chắc, yêu cầu VKS, Công an điều tra bổ sung. Có nhiều vụ Công an nó không thèm điều tra theo yêu cầu của Tòa, Trưởng Công an là Ủy viên Ban Thường vụ, nó bắt Chánh án báo cáo, giải trình rồi chỉ đạo miệng cho Chánh án giải quyết (chứ nó cũng chẳng thèm chỉ đạo Thẩm phán trực tiếp giải quyết án), không giải quyết theo chỉ đạo nó cạo đầu. Giải quyết án hành chính còn hài hước hơn. Dân kiện Chủ tịch (UBND huyện, tỉnh), tay Chánh án phải báo cáo với Chủ tịch "báo cáo anh, con mẹ (thằng cha) đó nó kiện anh đấy, xin anh cho hướng giải quyết" vì Chủ tịch UBND cũng là Ủy viên Ban Thường vụ, phó Bí thư. Tôi chứng kiến có lần một Thẩm phán mới được bổ nhiệm viết giấy triệu tập Chủ tịch huyện (đúng theo luật) đến Tòa giải quyết án hành chính. Thế là Chủ tịch gọi điện chửi Chánh án một tăng về tội dám triệu tập Chủ tịch huyện. Chánh án xin lỗi Chủ tịch rối rít rồi về mắng Thẩm phán về tội ngu không biết gì.

Đảng và Chính phủ cũng biết muốn có một xã hội dân sự tốt thì phải có nền tư pháp mạnh. Nghị quyết 08 năm 2002 và Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị ra đời từ lý do này nhưng bàn tới bàn lui, tốn không biết bao thời gian, giấy mực đến bấy giờ công cuộc cải cách tư pháp của VN sau hơn 10 năm hô hào đầy quyết tâm, nay có nguy cơ phá sản hoàn toàn do không dung hòa được giữa tư pháp độc lập với sự lãnh đạo tập trung, toàn diện của Đảng.
(Dân luận)

Vẫn có thể đảo ngược tình thế


Ngoại giao Việt Nam tỏ ra đặc biệt sôi động trong lúc này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm viếng Hoa Kỳ cuối tháng 7/2013 này, sau khi đã thăm viếng Trung Quốc và Indonesia cuối tháng trước.
Ít ai còn hy vọng gì ở ông Trương Tấn Sang sau những gì ông đã thay mặt lãnh đạo CSVN thỏa thuận với Trung Quốc trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi; câu hỏi đặt ra là ông, đúng ra là lãnh đạo Việt Nam, còn có gì để nói với Hoa Kỳ?
Rất ít về mặt ngoại giao, vì Việt Nam không còn tiếng nói độc lập sau khi đã cam kết "điều phối" và "phối hợp" với Trung Quốc, nghĩa là nhận chỉ thị của Trung Quốc, trong quan hệ đối ngoại. Càng ít về hợp tác quân sự vì sau thỏa thuận gắn bó hai quân đội Trung Quốc và Việt Nam chuyển giao vũ khí và kỹ thuật cho Việt Nam tương đương với chuyển giao cho Trung Quốc, điều mà Hoa Kỳ và các nước dân chủ không thể chấp nhận. Họ đang nhìn Trung Quốc như một thách thức. Bản thông báo ngắn của tòa Nhà Trắng về chuyến viếng thăm này đã chỉ nói tổng thống Obama mong muốn thảo luận với ông Sang về các chủ đề nhân quyền, môi trường, khí hậu và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà nhiều nước đang cố gắng để hoàn tất. Không thể đơn giản hơn. Thông cáo này cũng có nói tới hợp tác Mỹ - ASEAN nhưng Việt Nam không còn tư cách để nói chuyện về đề tài này bởi vì Việt Nam không còn là một thành viên bình thường của ASEAN nữa; dưới mắt đa số các thành viên ASEAN Việt Nam đã trở thành tai mắt của Trung Quốc trong khối ASEAN trong khi mục đích chính của tổ chức này là liên kết các nước Đông Nam Á để cùng đương đầu với Trung Quốc.
Tuy có rất ít điều để nói, nhưng Việt Nam lại có rất nhiều để mất. Hoa Kỳ là thị trường lớn hàng đầu của Việt Nam đem lại 15 tỷ USD thặng dư mỗi năm. Trao đổi thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có nguy cơ sút giảm, và sút giảm mạnh, nếu Hoa Kỳ đi tới kết luận là trong trung hạn không thể kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và nâng đỡ Việt Nam cũng là giúp Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ trước hết là một kho tàng vô tận kiến thức khoa học, kỹ thuật, văn hóa và phương pháp mà Việt Nam đang rất cần học hỏi để vươn lên. Và Hoa Kỳ cũng là siêu cường vừa không có ý đồ lấn chiếm vừa có thừa sức mạnh để bảo vệ Việt Nam trước bất cứ một đe dọa nào đến từ bên ngoài. Quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ cũng đi song song và nhịp nhàng với quan hệ hợp tác với Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ khác. Chúng ta có thể mất rất nhiều.
Hợp tác với Trung Quốc, trái lại, chỉ có một lợi ích rất giới hạn cho Việt Nam ngay cả nếu chúng ta thiết lập được một quan hệ thực sự hữu nghị với họ chứ không phải quan hệ chèn ép và thua thiệt như hiện nay. Hai nước có cấu trúc văn hóa, xã hội và kinh tế tương tự, chỉ khác nhau ở mức độ. Ta có rất ít điều để học nơi họ và tất cả những gì ta sản xuất ra Trung Quốc cũng sản xuất được, nhưng thường thường tốt và rẻ hơn. Ngoại thương của ta đối với Trung Quốc chỉ có thể thâm thủng như thực tế đã chứng tỏ: năm 2012 thâm thủng của ta với Trung Quốc là 17 tỷ USD.
Tình thế vẫn có thể đảo ngược được. Quan hệ lệ thuộc hiện nay chủ yếu là những thỏa thuận giữa hai ban lãnh đạo, quốc hội Việt Nam không hề biết đến vì thế chúng không có giá trị pháp lý. Chúng ta chỉ cần ý chí và quyết tâm.
Ban Biên Tập Tổ Quốc
(Thông luận)

Về cải cách sắp tới ở TQ: một cuộc trốc rễ vĩ đại

Dù không nói ra, nhưng chính sách thành thị hóa [của Trung Quốc] rõ ràng là chính sách kích cầu lần thứ hai và có thể tốn kém hơn nhiều. Trừ trường hợp tạo thần kỳ lần hai, chính sách trên nếu đi quá đà có thể làm nền kinh tế TQ phá sản.

Việt Nam có lẽ chẳng có một viễn kiến gì từ thành thị hóa đến phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam có ngày nay là tự dân chúng vận động sau khi nhà nước không còn kiểm soát giá. Nhưng cho đến nay nhà nước vẫn áp dụng một số chính sách lỗi thời và vi phạm nhân quyền [...] Tất nhiên quyền của nông dân Việt Nam hiện nay không hơn nông nô ngày trước vì đất đai không thuộc họ mà thuộc sở hữu “toàn dân”, cơ bản do quan lại định đoạt. - Vũ Quang Việt

Ảnh trên báo New York Times
Tờ Thời báo New York (New York Times) đã cho xuất bản loạt bài với tựa đề Cuộc trốc rễ vĩ đại ở Trung Quốc: đẩy 250 triệu người vào thành phố, và Cạm bẫy đón chờ chính sách thúc ép từ nông thôn vào thành thị ở TQ.Bài báo nói về chính sách của Thủ tướng mới Lý khắc Cường, đã tuyên bố khi nhậm chức là thành thị hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chủ trương và kế hoạch cụ thể chưa chính thức ra đời, tuy nhiên ở khắp nơi chủ trương này đã đang trong được thực hiện.
Theo kế hoạch này, cứ mỗi năm 21 triệu người từ nông thôn sẽ được đưa vào thành thị và đến năm 2025 250 triệu nông dân sẽ biến thành thị dân, nâng tổng số thị dân lên 70% dân (nếu lấy thông kê bây giờ thì với dân số TQ là 1.300 triệu sẽ có 900 triệu ngườilà thị dân).
Một số nhà  kinh tế cho rằng mỗi năm phải chi tới $600 tỷ USD cho chương trình này, trong đó có việc xây hạ tầng cơ sở cho trung tâm đô thị, trường học, nhà thương, nhà ở.  Các quan chức TQ hy vọng sẽ đẩy mạnh chi tiêu của dân TQ, như TV, tủ lạnh, hàng hóa, v.v. Và chương trình này thật ra đã bắt đầu rồi; nhiều nông dân sau khi bị tập trung vào các khu phố, theo bài báo, đã hồ hởi mua TV, tủ lạnh nhưng rồi không dám dùng vì tiền điện quá đắt không đủ khả năng trả.
Theo bài báo, nông dân sẽ được trợ cấp về nhà ở (1/4 cho không, 1/4 vay không lãi suất, còn lại 2/4 là phải tự trả). Không rõ phần đất nông thôn sẽ được đền bù như thế nào.Nhưng ở Trùng Khánh, cuộc điều tra năm 2011 đã cho thấy là 43% nông dân cho rằng quan chức chính quyền đã cướp hoặc định cướp đất của họ, so với 29% trong cuộc điều tra năm 2008 (n a 2008 survey).
Một số câu hỏi được đặt ra là:
1. Chính sách thành thị hóa này có đúng không?
2. Nếu những người bị thành thị hóa này không có việc làm ở thành phố thì họ lấy tiền đâu để trả và chi tiêu ở mức cao hơn này (kế hoạch chạy theo số người bị đẩy vào thành phố hình như không đi với kế hoạch tạo việc làm?)
3. Chính sách ở TQ có thật sự tự nguyện không? (Theo bài báo thì không vì nhiều nông dân đã bị bắt buộc rồi).
4. Nhà nước lấy tiền đâu để chi cho chương trình này? Sẽ có tham nhũng, lạm phát không?
5. Nhà nước làm gì với đất nông nghiệp?
Ở đây tôi sẽ trả lời hai trong số những câu hỏi đặt ra ở trên.
Chính sách thành thị hóa có đúng không?
Về vấn đề này, tôi nghĩ TQ có cái nhìn đúng, đó là: phát triển đi liền với thành thị hóa, và nếu thành thị hóa được hoạch định tốt thì nông dân sẽ không tự chạy ồ ạt vào một vài thành phố. Đất nông nghiệp do đó có thể sử dụng hiệu quả hơn bởi những nông dân còn ở lại.
Kết luận như trên vì lịch sử phát triển cho thấy phát triển đi liền với thành thị hóa. Hiện tượng thành thị hóa xảy ra ở mọi nơi, mọi nước và thay đổi theo thời gian không có ngoài lệ. Càng phát triển thì tỷ lệ thành thị hóa càng cao. Các nước ở Bắc Mỹ dân đô thị đã chiếm hơn 85% dân số. Các nước châu Âu từ năm 1950 đến nay đã đẩy tỷ lệ thành thị hóa từ 17% lên gần 65%.
Nguồn: United Nations, Department of Economic and Social Affairs, Population Division: World Urbanization
Không những thế, tỷ lệ nông dân và số nông dân tuyệt đối như ở Mỹ cũng giảm; năm 1980 có 3.3 triệu người hoạt động trong ngành nông nghiệp và liên quan, năm 2010 chỉ còn 2.2 triệu so với tổng số lực lượng lao động là 139 triệu. Như vậy, ngành nông nghiệp chỉ còn 1.6% lực lượng lao động và bằng 0.7% dân số. Họ dư thừa nông sản nên dù xuất khẩu khắp thế giới vẫn phải áp dụng chính sách trả tiền để đất hoang để hạn chế sản lượng. Còn ở Việt Nam hiện nay, số lao động sản xuất nông nghiệp là 48.4% (số này kể cả lao động lâm sản và thủy sản, nhưng số lao động lâm sản và thủy sản rất nhỏ) và dân nông thôn chiếm 70% dân số. Dân số thành thị dù đã tăng nhiều từ sau năm 1975 nhưng vẫn chỉ có 29% dân.
Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tất nhiên cho rằng thành thị hóa là điều không tránh khỏi vì thành thị tạo nên lợi ích về kinh tế, dễ dàng trao đổi thông tin, dịch vụ và do đó gắn bó các hoạt động sản xuất, dễ dàng cho việc xây dựng và quản lý hạ tầng cơ sở, y tế và giáo dục, tạo thị trường việc làm, và tất nhiên làm tăng năng suất lao động và thu nhập. Không thể để đô thị tự phát phát triển như vết dầu loang, chỉ tập trung vào thành phố cực lớn (mega-city) nhưng LHQ cho rằng quá trình thành thị hóa phải:
(1) Tôn trọng quyền con người và quyền của người nghèo được sống ở thành phố. Các chính sách cấm đoán di dân vào thành phố, hạn chế quyền lợi về giáo dục và y tế đối với những người di dân vừa vi phạm nhân quyền vừa không giải quyết được vấn đề.
(2)  Phải có một tầm nhìn dài và rộng nhằm giảm đói nghèo và bảo đảm phát triển. Phải quyhoạch để người dân có nhà ở, tiếp cận được với điện, nước và giao thông.
Tuy nhiên ta thấy cho đến mới đây ở Trung Quốc, chính sách hộ khẩu là một chính sách cản trở nông dân vào thành phố, và nếu họ chui luồn vào được thì họ và con cái họ mất mọi quyền lợi của một công dân bình thường như được nhận dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí, v.v. Bây giờ TQ nhìn thấy vấn đề là thành thị hóa là điều không thể tránh được thì họ chủ động làm nhưng lại làm một cách áp đặt là ép dân chúng nông thôn tập trung vào thành thị mới. Điều này khác hẳn với phương Tây. Ở phương Tây, quá trình thành thị hóa rất tự nhiên, vì sức hút của các trung tâm thành thị do thu nhập cao hơn. Vai trò của nhà nước ở phương tây là cả trăm năm trước họ đã nhìn thấy vấn đề và đã hoạch định thành phố rất tốt. Ngược lại, ở VN và nhiều nước châu Á, thành thị hóa hoàn toàn vô tổ chức và hầu hết là để các thành phố cũ tự mở rộng như vết dầu loang một cách vô tổ chức.
Trung Quốc có thể thành công với chương trình thành thị hóa này không?
Chính sách thành thị hóa này (TQ gọi là thành trấn hóa, còn VN có khi gọi là đô thị hóa) theo TQ là nhằm đẩy mạnh tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh ngành công nghiệp xây dựng và hàng hóa tiêu dùng như tv, tủ lạnh, v.v.
Theo Thống kê mà tôi có được từ Cục Thống kê TQ, thì tỷ lệ thu nhập của hộ gia đình trong tổng thu nhập của cả nước giảm từ 67.5% năm 1996 xuống 57.2% năm 2008. TQ muốn tăng tỷ lệ thu nhập của hộ gia đình và từ đó tăng sức mua của dân chúng, vì từ lâu họ cho rằng chính sách của nhà nước TQ là nhằm trả lương thấp, tăng lợi nhuận doanh nghiệp, tạo cạnh tranh về giá thành nhằm xuất khẩu và nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để tập trung vào đầu tư phát triển. Từ nhiều năm nay, các nhà chính sách TQ bàn luận rất nhiều về chính sách này.
Lý Khắc cương coi đây là chính sách chuyển đầu tư sang tiêu dùng. Tôi thì nghĩ ngược lại. Chuyển hướng thành thị hóa đòi hỏi đầu tư lớn, mà như tính toán của một số nhà kinh tế để chuyển 250 triệu dân vào các khu vực thị trấn, chi phí hàng năm có thể lên tới $600 tỷ US.  So với số chi ngân sách của TQ của năm 2011 là $1.685 tỷ US, chi phí thêm hàng năm vào chương trình thành thị hóa sẽ chiếm đến 35.6% ngân sách. Con số chi này còn vĩ đại hơn nhiều so với con số chi kích cầu những năm 2008-2011. Số liệu thống kê những năm này cho thấy bình thường trước đó TQ chi ngân sách là khoảng 18.7 % GDP, nhưng những năm kích cầu, TQ tăng tỷ lệ chi lên 22.4%, tức là tăng thêm 3.7% GDP. Như vậy trong 3 năm 2009-2011, TQ chi toàn bộ là hơn $800 tỷ để kích cầu, và mỗi năm trung bình là $268 tỷ. Con số dự định chi hàng năm $600 tỷ là con số quá lớn, không thể nói là không kích cầu. Chương trình này không nhằm xuất khẩu do đó nó có rất nhiều khả năng kích lạm phát và kích tham nhũng, có thể dẫn tới việc nông dân do bị áp đặt và tham nhũng trở thành kẻ thù của nhà nước. Nhìn vào số liệu tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc ở dưới, ta thấy kích cầu những năm 2009-2010 chỉ thành công lúc đầu nhưng rồi giảm dần. Dù không nói ra, nhưng chính sách thành thị hóa rõ ràng là chính sách kích cầu lần thứ hai và có thể tốn kém hơn nhiều. Trừ trường hợp tạo thần kỳ lần hai, chính sách trên nếu đi quá đà có thể làm nền kinh tế TQ phá sản. Làm sao tăng lương? và nếu tăng lương liệu TQ có thể đi vào cạnh tranh ở các công nghệ tiên tiến hơn với năng suất cao hơn để phù hợp với lương cao hơn không?
Nhìn lại Việt Nam
Việt Nam có lẽ chẳng có một viễn kiến gì từ thành thị hóa đến phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam có ngày nay là tự dân chúng vận động sau khi nhà nước không còn kiểm soát giá. Nhưng cho đến nay nhà nước vẫn áp dụng một số chính sách lỗi thời và vi phạm nhân quyền sau:
1. Tiếp tục áp dụng chính sách hộ khẩu của TQ dù có thay đổi một phần. Điều này chỉ bần cùng hóa nông dân. Lý luận của nhà nước là giữ chặt nông dân ở nông thôn với chính sách “ly nông nhưng không ly hương”.
2. Tiếp tục chính sách đòi hỏi nông dân trồng lúa vì cái gọi là “an ninh lương thực”. Các nước đều có quy định/quy hoạch khu đất đất nông nghiệp, đất rừng, khu thương mại, khu nhà ở và khu công nghiệp. Tuy nhiên đối với khu đất nông nghiệp, người dân được toàn quyền chọn cây trồng và giống nuôi. Không thể ép nông dân cứ trồng lúa khi giá lúa quá thấp vì mức sản xuất quá lớn phải xuất khẩu hàng năm. Tất nhiên quyền của nông dân Việt Nam hiện nay không hơn nông nô ngày trước vì đất đai không thuộc họ mà thuộc sở hữu “toàn dân”, cơ bản do quan lại định đoạt.
3. Dân số ngày càng tăng, đất đai thì không thể tăng cho nên đất đai khai thác sau khi phân chia trở nên manh mún khó đẩy mạnh việc chuyển trồng lúa sang trồng cây thương nghiệp hay chăn nuôi lớn.
***
Chúng ta nên theo dõi kế hoạch thành thị hóa này của TQ, không phải để bắt chước nó mà để tìm ra cách làm hay hơn, nhân đạo hơn và phù hợp với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nếu không thế chúng ta sẽ bịt mắt chạy theo anh cả [Trung Cộng] một cách điên rồ.
Vũ Quang Việt
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Mở màn phiên xử vụ kiện của Philippines về biển Đông

http://thethaovietnam.vn/dataimages/201307/original/images720472_D1.jpg
Ba trong số năm thành viên của Hội đồng xét xử vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông.
Ngày 16.7, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo phiên tòa xử vụ nước này kiện Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ biển Đông đã chính thức bắt đầu tại The Hague, Hà Lan.
Tờ The Philippine Star dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Raul Hernandez cho hay Ban thẩm phán gồm 5 thành viên do Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS) chỉ định đã họp buổi đầu tiên nhằm thông qua các quy định về trình tự xét xử. Philippines và Trung Quốc sẽ có thời hạn đến ngày 5.8 để đưa ra phản hồi về những quy định này.
Ban thẩm phán đã được thành lập từ tháng 4 nhưng cuộc họp nói trên bị trì hoãn sau khi thẩm phán Sri Lanka Chris Pinto tự nguyện rút lui vì ông có vợ là người Philippines, nhân tố có thể gây nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của phiên xử. Sau đó, thẩm phán người Ghana là Thomas Mensah được chọn thay thế.
Đơn kiện của Philippines được nộp lên ITLOS hồi tháng 1.2013, yêu cầu tòa án phán quyết rằng yêu sách chủ quyền phi lý bao trùm gần trọn biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị và vi phạm Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Đến nay, Bắc Kinh vẫn tuyên bố không chấp nhận vụ kiện và còn cáo buộc Manila “không thật lòng nỗ lực đàm phán để giải quyết tranh chấp”.
Đáp lại, Philippines tuyên bố “mọi nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình đã thất bại” và nước này không còn cách nào khác ngoài đưa ra tòa án quốc tế. Theo tờ The Philippine Star, phát ngôn viên Hernandez đã nêu rõ Philippines đã tổ chức gần 50 cuộc hội đàm với Trung Quốc kể từ khi căng thẳng bùng phát xung quanh bãi cạn Scarborough từ tháng 4.2012. Tuy nhiên, lập trường “cứng nhắc” của Trung Quốc đã “phá hỏng các cơ hội đàm phán”, ông Hernandez nói.
Trọng Kha
(Thanh niên)

Tác giả vụ “hòn đá lạ” lọt vào Đền Hùng nhận Huân chương lao động

Dư luận bức xúc thời gian vừa qua di tích lịch sử Đền Hùng bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí có những vụ việc vi phạm làm nóng cả nghị trường Quốc hội thế nhưng “tác giả” của những sai phạm đó không hề bị xử lý kỷ luật mà ngược lại còn được tặng Huân chương lao động về “thành tích” bảo vệ di tích Đền Hùng. Vậy có hay không việc bao che cho sai phạm?
Vi phạm làm “nóng” Quốc hội chỉ “họp rút kinh nghiệm”

Sau khi báo chí phản ánh việc ông Nguyễn Tiến Khôi (nguyên Giám đốc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng) cho đưa hòn đá có nhiều ký tự lạ (được xác định đạo bùa của Trung Quốc) vào Đền Thượng (Đền Hùng) thì cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ và xác định việc làm trên của ông Khôi là sai trái gây bức xúc trong xã hội.

"Hòn đá lạ" ở Đền Thượng, Đền Hùng đã được chuyển đi

Tại phiên chất vấn của đại biểu quốc hội đối với Bộ trưởng (13/6) tại Quốc hội (kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII), Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) hỏi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh về thông tin báo chí thời gian qua đưa tin hòn đá lạ được đưa vào Đền Hùng, trên hòn đá có vẽ đạo bùa. Đại biểu hỏi, nếu tin vào đạo bùa xấu hay tốt đó là mê tín dị đoan không?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, sau khi dư luận phản ánh về hòn đá lạ ở Đền Hùng, Phú Thọ, Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra. “Hòn đá do một cá nhân cung tiến có nhiều chữ lạ, ban quản lý di tích đồng ý cho phép đặt ở đền Thượng. Chúng tôi khẳng định đây là việc làm trái với luật di sản và có công văn yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo ban quản lý di tích đưa hòn đã ra khỏi Đền Hùng…”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.

Bộ trưởng cho biết thêm: “Về yếu tố tâm linh hay mê tín dị đoan trong việc này, chúng tôi xin thưa rằng, theo quy định, Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, về tu bổ, tôn tạo phải có ý kiến của Bộ”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, đây là bài học kinh nghệm, nhất là giai đoạn đang xã hội hóa di tích. Theo ghi nhận của phóng viên, sự việc này không chỉ làm “nóng” nghị trường Quốc hội mà thu hút quan tâm cử tri cả nước. Nhiều cử tri gọi điện về tòa soạn bày tỏ bức xúc và đề nghị phải xử lý nghiêm minh người để xảy ra sai phạm nêu trên.

Được biết, mới đây Ban quản lý khu di tích Đền Hùng đã họp “rút kinh nghiệm” sau khi để xảy ra việc cho phép “hòn đá yểm bùa” vào Đền Hùng. Mặc dù, được xác định là người chịu trách nhiệm chính nhưng ông Nguyễn Tiến Khôi đã không có mặt để nhận trách nhiệm. Và rồi sau buổi họp “rút kinh nghiệm” không ai chịu trách nhiệm, không ai bị kỷ  luật. Việc làm trên khiến dư luận đặt câu hỏi, trong sự việc này đã có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm?

Liên tục sai phạm vẫn nhận Huân chương lao động

Không chỉ có vụ việc “Hòn đá yểm bùa”, đầu năm 2011, báo Bảo vệ pháp luật lên tiếng phản ánh vụ việc “Xẻ thịt” đồi Cá Chuối (là 1 trong 99 ngọn đồi tượng trưng 99 con voi chầu về đất tổ ), sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã đến thị sát địa bàn đồng thời làm việc trực tiếp với Ban Quản lý Khu Di tích đền Hùng về những vi phạm trên. UBND tỉnh Phú Thọ cũng có kết luận để xảy ra tình trạng trên là do sự “quản lý yếu kém của Ban Quản lý khu di tích Đền Hùng”.

ông Nguyễn Tiến Khôi (nguyên Giám đốc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng)

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã khởi tố vụ án “xâm hại di tích Quốc gia”, Không hiểu vì sao, lãnh đạo buông lỏng quản lý để xảy ra sự việc nêu trên là Nguyễn Tiến Khôi nhưng lại không bị xem xét trách nhiệm khiến dư luận bức xúc.

Theo tài liệu tại Ban thi đua khen thưởng (Sở Nội vụ Phú Thọ), năm 2009 với tư cách Giám đốc khu di tích Đền Hùng, ông Nguyễn Tiến Khôi còn được cơ quan đề bạt nhận Huân chương lao động hạng ba về “thành tích xuất sắc” trong công tác. Một sự trùng lặp chớ trêu, năm 2009 cũng là thời gian ông Khôi cho phép đưa “hòn đá yểm bùa” vào Đền Hùng?!

Trước sự việc không bình thường nêu trên, nhiều độc giả gọi điện về tòa soạn bày tỏ thái độ bức xúc, đề nghị xem xét, thu hồi Huân chương lao động đã trao tặng cho ông Khôi.

Đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ kiểm tra sự việc nêu trên và có biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật, tránh để điều đó trở thành một tiền lệ xấu.
(Bảo vệ pháp luật)
 

Đàm phán tự do mậu dịch với Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu trong thế yếu


DR

Vòng 1 tiến trình đàm phán tự do mậu dịch giữa Washington và Bruxelles vừa kết thúc. Hai bên đã khoanh vùng những hồ sơ còn gây bất đồng. Do luật lệ không đồng nhất giữa 28 thành viên châu Âu, Mỹ sẽ khai thác những kẽ hở để lấn át đối phương. Châu Âu lép vế khi thương lượng với Hoa Kỳ.

Để giải thích với công chúng về tầm mức quan trọng của việc tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung với Hoa Kỳ- có tên chính thức là Transatlantic Trade & Investment Partenership (TTIP), 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu không ngớt phác họa ra một bức tranh hết sức tương sáng : Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tạo ra đến 50 % GDP toàn cầu, thu hút 20% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài, một khi bắt đầu có hiệu lực, khu vực tự do mậu dịch giữa hai bên bờ Đại Tây Dương sẽ là nơi chung chuyển 30 000 tỷ đô la hàng năm, 1/3 tổng trao đổi mậu dịch của thế giới phải đi ngang qua khu vực này.

Một khi tất cả các hàng rào thuế quan và phi quan thuế được xóa bỏ, hàng năm Liên Hiệp Châu Âu trông thấy tỷ lệ tăng trưởng của mình tăng thêm được 0,5 % và đây là cơ hội để tạo thêm « hàng trăm ngàn » công việc làm cho người dân trên Lục địa Già – 800 000 việc làm theo thẩm định của Viện nghiên cứu Kinh tế Đức. Với hiệp định TTIP Mỹ hàng năm sẽ thu thêm vào được 95 tỷ euro, và phía châu Âu là 115 tỷ, theo như dự phóng của cơ quan nghiên cứu Center of Economic Policy, trụ sở tại Luân Đôn.

Vào lúc kinh tế châu Âu đang đình đốn, 9 trong số 17 nước sử dụng đồng euro tăng trưởng ở số âm, hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ được trình bày như một chính sách kích cầu đại quy mô. Phía Mỹ cũng xem hiệp ước thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương là một cơ hội để tạo công việc làm cho « hàng triệu người dân Mỹ », như tổng thống Barack Obama đã từng tuyên bố trong bài diễn văn về tình hình Liên bang.

Âu Mỹ liên kết để cô lập Trung Quốc

Bên cạnh những mục tiêu kể trên, chủ đích tiềm tàng mà cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu cùng theo đuổi đó là liên kết với nhau để áp đặt một số luật chơi, đặc biệt là trước ông khổng lồ Trung Quốc. Như đã biết khi nói tới hiệp định tự do mậu dịch, người ta nghĩ ngay đến việc xóa bỏ các hàng rào quan thuế và phi quan thuế. Hiện tại đối với phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ và ngược lại, thuế nhập khẩu đã ở mức rất thấp, khoảng 3 %. Ngược lại các rào cản phi quan thuế mới là cốt lõi của vấn đề.

Cả Âu lẫn Mỹ cùng viện cớ vì quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, hay quyền sở hữu trí tuệ, để giới hạn hàng nhập từ bên ngoài vào. Đây không hơn không kém là một hình thức bảo hộ trá hình. Qua tất cả các hiệp ước mậu dịch, Washington muốn lôi kéo thêm đồng minh về phía mình để những luật chơi chung mà Mỹ đề ra được càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng chừng nào, tốt chừng nấy.

Đó là một chiến lược nhằm cô lập những đối tác thương mại đang lên đứng đầu là Trung Quốc. Chưa kể là Mỹ và Châu Âu lại chia sẻ một số những giá trị về văn hóa, chính trị … Chắc chắn là trước những chuẩn mực về vệ sinh, an toàn, thì châu Âu gần với mỹ hơn là với Trung Quốc. Về điểm này, trả lời rên đài pháp ngữ RFI chuyên gia Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế quốc tế CEPII phân tích :

« Rõ ràng là yếu tố Trung Quốc luôn luôn hiện diện trong tiến trình đàm phán, và đó là động cơ thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ tiến tới một hiệp định tự do mậu dịch. Nhìn lại quá khứ, từ sau Thế chiến thứ Hai đối tác Âu Mỹ luôn là chìa khóa và động cơ của tất cả các cuộc đàm phán thương mại đa phương. TTIP chỉ là sự tiếp nối trong logic tự do hóa mậu dịch toàn cầu nói chung. Thế nhưng tương quan lực lượng trên thế giới đã thay đổi. Cặp bài trùng Mỹ -Châu Âu không còn độc quyền để áp đặt quan điểm của mình đối với phần còn lại của thế giới. Sự vươn lên của các nền kinh tế như là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil … cho thấy là châu Âu và Hoa Kỳ không thể làm được gì nếu không có đồng thuận của những quốc gia đó. Trước bối cảnh mà trọng tâm kinh tế của thế giới đang dồn về châu Á, thì Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu qua hiệp định tự do mậu dịch, đang tìm cách liên kết với nhau để có trọng lượng lớn hơn trên bàn cờ thương mại quốc tế ».

"Được" và "thua" với TTIP

Chưa biết đến khi nào Bruxelles và Washington kết thúc đàm phán. Phía châu Âu mong mỏi hiệp định sẽ được hoan tất vào cuối năm 2014. Nhưng cả hai bên bờ Đại Tây Dương cùng không tin là từ nay đến đó, Mỹ và châu Âu san bằng được tất cả những bất đồng. Cuộc thương lượng giưa hai ông khổng lồ thương mại của thế giới này mới chỉ vừa mở màn. Vòng 1 diễn ra trong 5 ngày từ mồng 8 đến 12/07/2013.

Trưởng đoàn châu Âu, Ignacio Garcia Bercero đánh gía tuần lễ làm việc vừa rồi là « có hiệu quả ». Đại diện cho Hoa Kỳ, Dan Mullaney thì nói đến những tiến bộ “tích cực” mà đôi bên đã đạt được. Mỹ và Châu Âu sẽ gặp lại nhau vào tháng 10/2013 tại Bruxelles để tiến hành vòng đàm phán thứ nhì.

Trước khi đi xa hơn, xin trở lại với câu hỏi cơ bản là Hiệp định tự do mậu dịch đem lại những lợi ích nào cho Hoa Kỳ và Châu Âu ? Trước hết là đối với Mỹ, giám đốc viện Ceppi, Sébastien Jean phân tích :

« Theo tôi thì các vòng đàm phán chỉ được mở ra một khi đôi bên cùng nhìn về một hướng, Do vậy mục tiêu quan trọng nhất là tìm ra đồng thuận để đạt đến một luật chơi chung. Cụ thể là về các chuẩn mực về môi trường, an toàn vệ sinh …

Thực tế thì cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu cùng theo đuổi hai mục đích một khi họ có cùng một luật chơi trong lĩnh vực thương mại : một là giảm bớt những rườm ra về thủ tục hành chính, pháp lý … qua đó sẽ giảm được nhiều chi phí tốn kém. Thứ hai là một khi đã đồng ý về những chuẩn mực nào đó, họ sẽ áp đặt những chuẩn mực ấy với các đối tác thương mại ngoài khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ. Đương nhiên là Mỹ muốn qua TTIP đem lại một làn gió mới cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ, thu hẹp các khoản nhập siêu.

Nhìn đến cấu trúc của cán cân thương mại Mỹ thì ta thấy Mỹ nhập nhiều hàng của châu Âu hơn là xuất khẩu sang Lục địa Già nhưng ngược lại trong hai lĩnh vực là tài chính và dịch vụ thì thặng dư cán cân thương mại lại nghiêng về phía Mỹ. Ngoài ra với hiệp định tự do mậu dịch, Washington muốn chen chân vào thị trường nông nghiệp của châu Âu, vốn còn được bảo vệ khá chặt chẽ ».

Còn về phía châu Âu phải chăng Bruxelles muoosn coi hiệp định TTIP như đòn bẩy kinh tế ? Giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII, Sébastien Jean trả lời :

« Phía châu Âu cũng muốn tiếp sức cho kinh tế qua hiệp định với Mỹ, tăng cường xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Châu Âu kỳ vọng tăng năng suất và khả năng cạnh tranh một khi khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới đi vào hoạt động. Nhưng chúng ta đừng nhầm tưởng rằng hiệp định tự do mậu dịch sẽ là chiếc đũa thần cho phép châu Âu giải quyết tất cả, cho phép Liên Hiệp Châu Âu khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính.

Chính sách thương mại chỉ là một yếu tố mà thôi. Đây chỉ là một trong số những chiếc chìa khóa cho phép châu Âu phục hồi kinh tế. Trong trường hợp của Anh Quốc chẳng hạn, Luân Đôn sẽ hưởng lợi nhiều hơn so với một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu khác một khi hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ bắt đầu có hiệu lực ».

Một cách cụ thể Washington và Bruxelles sẽ thảo luận trên những hồ sơ nào ? Nhìn một cách tổng quát giám đốc viện CEPII phân tích :

« Hiện tại biên độ thuế đánh vào hàng nhập khẩu giữa hai khối Âu Mỹ gần như không còn nữa. Hầu hết hàng của châu Âu nhập vào Mỹ bị đánh thuế 2 %. Hàng Mỹ nhập vào châu Âu chịu thuế 3%. Nhưng trong một số trường hợp, thuế nhập khẩu cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như châu Âu đánh thuế 13 % các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ. Thịt gia súc nhập từ Hoa Kỳ đôi khi bị đánh thuế tới 50 % và thậm chí là 140 %.

Ngược lại thịt bò châu Âu bị cấm nhập sang Hoa Kỳ. Một điểm khác là Mỹ bảo vệ khá chặt chẽ ngành dệt may. Nguyên tắc cở bản của mọi hiệp ước tự do mậu dịch là hoàn toàn xóa bỏ các hàng rào quan thuế. Nhưng quan trọng hơn cả là các vòng đàm phán liên quan đến những hàng rào phi thuế quan. Cụ thể là những chuẩn mực về chất lượng, về an toàn, về y tế, về môi trường … Hiện nay hai khối Âu Mỹ đang áp dụng những chuẩn mực rất khác biệt nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phân biệt giữa những lập luận có cơ sở khoa học, với những lập luận với dụng ý bảo hộ ».


Nông nghiệp,hồ sơ lớn gây bất đồng giữa Mỹ và châu Âu.
(Photo : Union européenne)

Những trở ngại lớn

Tại vòng 1 vừa qua, đôi bên đã khoanh vùng ra một số những bất đồng lớn. Đó là những hồ sơ đòi hỏi nhiều thời gian để tìm ra đồng thuận. Quan trọng nhất có lẽ là vấn đề nông nghiệp. Phía Hoa Kỳ chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu khóa chặt thị trường đối với những sản phẩm biến đổi gen hay thịt bò nuôi bằng hormone. Đổi lại thì Mỹ vẫn viện cớ hội chứng “bò dại” để cấm nhập thịt bò từ châu Âu. Mỹ đã nhiều lần kiện châu Âu trước Tổ chức Thương mại Thế giới về việc châu Âu cấm nhập thực phẩm biến đổi gen. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, Washinton đã đề rõ mục tiêu là phải xóa bỏ “ít nhất là một phần các rào cản của châu Âu đối với nông phẩm biến đổi gen”.

Hồ sơ gây nhiều tranh cãi thứ nhì liên quan đến chích sách bảo vệ các thông tin cá nhân. Nhiều tập đoàn “công nghệ tin học cao” của Mỹ, như Google hay mạng xã hội Facebook đang gia tăng áp lực đòi Washington thuyết phục Bruxelles giảm nhẹ các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân. Vào thời điểm những tiết lộ của Edward Snowden về chương trình PRSM suýt làm hỏng vòng 1 đối thoại thương mại Mỹ Âu, phía Hoa Kỳ khó có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của mình với Liên Hiệp Châu Ấu.

Hồ sơ gai góc thứ ba là đòi hỏi của một số nước châu Âu- đứng đầu là Pháp- không đưa các lĩnh vực văn hóa và hoạt động của ngành truyền thanh, truyền hình vào vòng thương lượng. Về điểm này,giới quan sát lo ngại là Mỹ sẽ khai thác những kẽ hở của châu Âu do bản thân các thành viên trong Liên Hiệp đến nay không có chung một tiếng nói. Bản thân một số thành viên phải đương đầu với chính lập trường của Bruxelles.

Một lĩnh vực khác mà ngay từ đầu, Mỹ và châu Âu đã bất đồng, đó là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Phía Hoa Kỳ đã lọai hẳn hồ sơ này khỏi các vòng đàm phán thương mại và đã tiến hành một vòng đàm phán riêng cho các dịch vụ tài chính.

Cuối cùng có một điểm à Bruxelles sẽ rất khó thuyết phục được Washington đó là xóa bỏ điều khoảng “Buy American” : các cơ quan nhà nước phải dành ưu tiên một số thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ. Mục tiêu mà Châu Âu muốn đặt được là buộc Hoa Kỳ thay đổi luật “Buy American Act” bằng “Buy Transatlantic Act”. Hiện tại châu Âu mở cửa đến 80 % thị truờng công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trên đất Mỹ tỷ lệ đó chỉ là 30 %.

TTIP tạo thêm việc làm ?

Trước tình cảnh thất nghiệp đang dâng cao ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ đều coi hiệp ước TIPP như một ngõ thoát. Châu Âu và Mỹ theo thứ tự nói tới cơ hội tạo thêm “cả trăm ngàn” hoạc “cả triệu” chỗ làm. Thế nhưng các chuyên gia hoài nghi về những con số kể trên. Bruxelles và Washington trông chờ vào “hiệu ứng đòn bẩy” của khu vực xuất khẩu để tạo thêm việc làm cho người dân. Đồng ý là xuất khẩu tăng, thì đây là cơ hội đem lại việc làm. Nhưng ngược lại với khu vực tự do mậu dịch, áp lực cạnh tranh của khu vực sản xuất cũng sẽ lớn hơn. Nếu không tăng được năng suất, thì một doanh nghiệp sẽ rất dễ bị các đối thủ quốc tế đè bẹp. Thử hỏi là liệu khi đó mục tiêu tạo thêm việc làm có còn được bảo đảm nữa hay không ?

Bên cạnh đó chủ trương dùng thương mại làm đòn bẩy kinh tế chỉ thực sự có tác động tích cực khi hàng hóa phân phối của mỗi bên thực sự bổ sung cho nhau. Thực tế cho thấy là cấu trúc trong cán cân thương mại của Mỹ và Châu Âu, không khác biệt nhiều với nhau. Do vậy nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi về tác động hỗ tương của chính sách thúc đẩy thuơng mại song phương.

Chia rẽ trong hàng ngũ châu Âu

Nhưng có lẽ nhược điểm lớn nhất của Liên Hiệp Châu Âu đó là quyền lợi rất các biệt của mỗi thành viên trong nhóm 28 nước thuộc Liên hiệp. Trong bối cảnh thị trường của khối euro đang tuột dốc do tác động khủng hoảng kéo dài, nước Đức của thủ tướng Merkel đang nóng lòng mở rộng địa bàn hoạt động sang Hoa Kỳ. Lại cũng Berlin đề phòng khả năng đồng euro tăng giá so với đô la nên các tập đoàn lớn của Đức đều đã có chi nhánh ở Mỹ lại càng muốn mở rộng địa bàn hoạt động ở bên kia Đại Tây Dương. Trong bối cảnh đó theo lời chuyên gia kinh tế Jacques Sapir, giám đốc Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội EHESS –Paris, chính quyền Đức sẽ gây áp lực để hiệp định TTIP nhanh chóng được hoàn tất cho dù là châu Âu –và kể cả bản thân nước Đức có bị một số thiệt thòi. Chỉ nội điểm này cho thấy là các doanh nghiệp Đức không hẳn coi mục tiêu tạo công việc làm cho người Đức là một ưu tiên.

Về phần mình phó giám đốc cơ quan tư vấn về tài chính, kinh tế, Sia Partners ông Jean Pierre Corniou lưu ý : Liên Hiệp Châu Âu do không có cùng một tiếng nói, nên trước khi đàm phán với Mỹ hay bất kỳ một đối tác quan trọng nào thì bản thân Liên hiệp đã phải vượt lên trên những bất đồng nội bộ. Ngay giữa 28 nước thành viên đã có những màn thương lượng gay go, có những nhóm liên kết với nhau để tạo ảnh hưởng trước khi bắt đầu đàm phán với đối tác ngoài châu Âu. Nếu như Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với những mục tiêu rõ ràng, thì ngược lại lập trường của châu Âu vẫn còn chưa nhất quán. Điển hình là câu hỏi có nên đưa lĩnh vực “văn hóa” vào các vòng đàm phán hay không, đã gây chia rẽ trong bối bộ Liên Hiệp Châu Âu.

Hơn nữa lần này, đàm phán với Mỹ không phải đơn giản. Luật lệ và các chuẩn mực của mỗi nước trong Liên hiệp mỗi khác. Điều đó sẽ dễ bị Hoa Kỳ khai thác đạt được những mục tiêu mong muốn. Mỹ lại giàu kinh nghiệm trong các quá trình đàm phán thương mại và hiện đang thương lượng với 10 nước á châu về hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP.
Điểm yếu khác của Châu Âu là vào lúc Bruxelles muốn nhanh chóng trông thấy hiệ định TTIP chào đời, để qua đó giải quyết một phần lớn những khó khăn (tăng trưởng, thất nghiệp …) thì ngược lại, TTIP là một công cụ để về lâu về dài Hoa Kỳ thống lĩnh thị trường thương mại thế giới, cản đường Trung Quốc và từng bước giảm bớt tầm ảnh hưởng của Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO/OMC). Sau khi thấy các vòng đàm phán thương mại đa phương tại WTO liên tục bị bế tắc, Mỹ trở lại với mô hình đàm phansosng phương để nhanh chóng áp đặt luật chơi với quốc tế. Trong chiến lược thương mại đó, TTIP sẽ là công cụ của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ là một đồng minh nếu không muốn nói là một lá chủ bài lợi hại của Mỹ.
Thanh Hà (RFI)

Snowden chính thức nộp đơn xin tỵ nạn tại Nga

Edward Snowden.
Edward Snowden. (Reuters)

Ngày 16/7/2013, cựu nhân viên tư vấn cho tình báo Mỹ, bị kẹt lại trong sân bay Matxcơva từ hơn ba tuần nay, đã chính thức nộp đơn xin tỵ nạn tại Nga. Edward Snowden đã phải lưỡng lự nhiều ngày trước khi đi đến quyết định này. Nga chưa có phản ứng gì trước sự lựa chọn của Snowden.

Thông tín viên Anastasia Becchio tại Matxcơva tường trình :

Một luật sư thân cận với chính quyền Nga đã hướng dẫn và khuyên Snowden làm thủ tục. Bà Anatoli Koutcherena, thành viên Phòng dân sự, một cơ quan tham vấn thân cận với Kremlin, đã gặp nhân viên tin học Mỹ lần đầu hôm thứ Sáu 12/7 trong khu quá cảnh của sân bay Cheremetievo. Snowden đã tỏ ý muốn xin tỵ nạn tạm thời tại Nga để có thời gian tìm cách chắc chắn đến một trong ba nước Mỹ La Tinh đã ngỏ ý sẵn sàng đón tiếp anh.

Đơn xin tỵ nạn của Snowden đã được ngay trong ngày hôm nay 16/7 tới đại diện sở di trú liên bang lưu động trong vùng quá cảnh. Tổng thống Vladimir Putin đã đặt điều kiện cho trường hợp tỵ nạn này là : Edward Snowden phải chấm dứt các tiết lộ gây phương hại cho chính quyền Mỹ.

Đơn xin của cựu nhân viên tư vấn cho Cơ quan an ninh Mỹ sẽ được xem xét và việc này có thể phải kéo dài nhiều ngày. Theo một ngừoi có trách nhiệm của sở di trú thì trong thời gian đó, Edward Snowden có thể vẫn chờ trong khu quá cảnh của sân bay hoặc trong một trung tâm dành cho người xin tỵ nạn.

Nhiều chính khách Nga, trong đó có các chủ tịch hai viện Quốc hội đã bày tỏ chính kiến là nên chấp nhận cho Snowden tỵ nạn. Kremlin, một lần nữa muốn giữ khoảng cách. Phát ngôn viên phủ tổng thống Dmitri Peskov nói : « Tổng thống đang công tác ở tỉnh », ông cũng nhấn mạnh là sở di trú liên bang là cơ quan giải quyết vụ việc này".
Anh Vũ (RFI)

Chính phủ Mỹ bị kiện về tính hợp pháp của hoạt động theo dõi


Biểu tình bên ngoài Quốc hội Mỹ phản đối chương trình theo dõi của Cơ quan An ninh Quốc gia

16.07.2013
Một liên minh bất thường giữa những nhóm vận động chính trị và tôn giáo của Mỹ đã nộp đơn khiếu kiện tính hợp pháp của việc chính phủ theo dõi dữ liệu cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ.

Tổ chức vận động cho quyền trong không gian kỹ thuật số Electronic Frontier Foundation đại diện cho liên minh đứng ra nộp đơn kiện hôm thứ Ba.

Họ nói rằng hoạt động do thám bí mật của Cơ quan an ninh quốc gia là "chương trình theo dõi điện tử toàn diện mang tính bất hợp pháp và vi hiến."

Ðây là vụ kiện là thứ 6 nhắm vào chính phủ nhằm tìm cách chấm dứt việc thu thập dữ liệu điện thoại và Internet trên diện rộng sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden rò rỉ chi tiết về hai chương trình giám sát bí mật của NSA hồi tháng trước.

NSA thu thập thông tin mà họ gọi là "siêu dữ liệu" về những cuộc gọi điện thoại - những số điện thoại người Mỹ gọi và độ dài của cuộc gọi.

Snowden, 30 tuổi, chạy đến Hồng Kông trước và sau đó, khi bị Mỹ cáo buộc làm gián điệp, đã bay đến Nga. Snowden hiện đang bị giữ chân đến tuần thứ tư trong khu vực quá cảnh của một sân bay Moscow.

Luật sư người Nga Anatoly Kucherena hôm thứ Ba cho biết Snowden đã xin tị nạn tạm thời ở Nga mặc dù anh ta vẫn muốn cuối cùng sẽ tới được châu Mỹ Latin, nơi những chính phủ cánh tả ở Venezuela, Bolivia và Nicaragua đã cấp quy chế tị nạn cho anh ta. Nhưng Snowden bị ngăn không cho rời khỏi Moscow vì Mỹ đã hủy hộ chiếu của anh ta.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông không biết vụ việc của Snowden sẽ diễn tiến ra sao. Ông nói rằng Mỹ "khiến các nước khác sợ" không dám tiếp nhận Snowden.

Ông Putin nói trường hợp Snowden "giờ đang trong tình trạng bấp bênh" nhưng ông hy vọng Snowden sẽ được rời đi "ngay khi có cơ hội để chuyển đến nơi khác."

Tổng thống Nga đã khước từ yêu cầu của Mỹ dẫn độ Snowden về để xét xử tội gián điệp. Nhưng với việc Snowden tìm cách xin tị nạn ở Nga, Washington lại nỗ lực đòi Nga trao trả.

Tòa Bạch Ốc cho biết Snowden không phải là một nhà hoạt động nhân quyền hay bất đồng chính kiến, và rằng anh ta bị cáo buộc là vì đã "rò rỉ thông tin mật."
(VOA)

Thượng Viện Mỹ đạt thỏa hiệp tạm thời về quy luật 'Filibuster'


Thượng nghị sĩ Harry Reid, lãnh đạo khối đa số Thượng viện nói chuyện với các nhà báo về hướng giải quyết quy luật filibuster, 16/7/13

16.07.2013
Thượng Viện Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm duy trì quy luật 'Filibuster' - một chiến thuật trì hoãn mà các đảng thiểu số sử dụng từ lâu để ngăn chặn các dự luật và trì hoãn việc phê chuẩn các nhân vật được tổng thống đề nghị vào các chức vụ.

Hiệp định này đạt được hôm thứ Ba bởi lãnh tụ khối Dân Chủ đa số Harry Reid và Nghị sĩ John McCain thuộc Đảng Cộng Hòa, ngăn chặn mối đe dọa của Đảng Dân Chủ để thay đổi quy luật, hầu những người được Tổng thống đề cử sẽ chỉ phải đối diện với một cuộc biểu quyết với đa số đơn giản.

Nếu vấn đề này được đưa ra biểu quyết các thành viên Đảng Dân Chủ đa số tại Thượng Viện sẽ tìm cách loại bỏ toàn bộ chiến thuật trì hoãn, sẽ làm xáo trộn thêm một viện vốn đã chia rẽ gay gắt theo ranh giới đảng phái.

Thỏa thuận hôm thứ Ba được loan báo, và sau nhiều tháng trì hoãn, các nhà lãnh đạo Thượng Viện đã đồng ý tiến hành cuộc biểu quyết chung cuộc về trường hợp đầu tiên trong bảy người được Tổng thống Barack Obama đề cử đã bị ngăn chặn nhiều tháng bởi các thành viên Đảng Cộng Hòa.

Thỏa thuận này khiến tổng thống có được sự phê chuẩn của Thượng Viện về nhiều nhân vật được tổng thống đề cử, trong khi quy luật của Thượng Viện vẫn không thay đổi.

(VOA)

Dân biểu Hồng Kông đối đầu với đặc sứ Bắc Kinh

Đặc sứ TQ Trương Kiệu Minh tại Hồng Kông. Ảnh ngày 16/07/2013
Đặc sứ TQ Trương Kiệu Minh tại Hồng Kông. Ảnh ngày 16/07/2013 (Reuters)

Cuộc gặp lần đầu tiên giữa đặc sứ Trung Quốc với các dân biểu đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông ngày 16/07/2013 đã nhanh chóng kết thúc vì đại diện của Bắc Kinh bị chất vấn gắt gao về nhân quyền.

Trong bữa ăn trưa do một dân biểu ủng hộ Bắc Kinh mời đặc sứ Trung Quốc Trương Kiệu Minh (Zhang Xiaoming), nhiều dân biểu đã đặt ra cho ông Trương các câu hỏi gay gắt về các chủ đề nhân quyền, dân chủ và các nhà ly khai Trung Quốc, sau đó họ đã đứng dậy rời bàn tiệc.

Cho đến nay, các viên chức nhà nước Trung Quốc vẫn luôn từ chối gặp gỡ các dân biểu tự do Hồng Kông, vốn thường xuyên tố cáo vụ đàn áp đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Ngày 1/7 vừa qua, nhân kỷ niệm ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, hàng chục ngàn người đã biểu tình đòi thiết lập hệ thống đầu phiếu phổ thông trực tiếp. Họ cũng gọi Trưởng đặc khu Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh – được bầu lên qua các đại cử tri mà đại đa số thân Bắc Kinh – là con rối của Trung Quốc.

Bắc Kinh cam đoan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017, nhưng nhiều nhà đấu tranh lo ngại Trung Quốc sẽ trì hoãn và gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử.

Dân biểu đối lập Trần Vĩ Nghiệp (Chan Wai Yip) là một trong những người đã quyết định tẩy chay bữa tiệc này, tố cáo những thụt lùi về dân chủ tại Hồng Kông kể từ năm 1997. Ông tuyên bố trước báo chí sau vụ đối đầu ngắn ngủi với đại diện Trung Quốc: « Bàn tay thô bạo của Bắc Kinh đè nặng lên Hồng Kông và việc hủy bỏ nền dân chủ là không thể chấp nhận được. Đã đến lúc phải thay đổi ».

Một dân biểu khác là Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung), tuyên bố với ông Trương Kiệu Minh là Bắc Kinh phải thả nhà ly khai, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba. Ông nói : « Tôi yêu cầu phải trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, và chấm dứt độc quyền của Đảng Cộng sản ». Còn dân biểu Hồng Kông đầu tiên đã công khai khuynh hướng đồng tính luyến ái của mình, ông Trần Chí Toàn (Chan Chi Chuen), thì giới thiệu một cuốn sách do một nhà ly khai viết.

Về phần ông Trương Kiệu Minh thì nói rằng ông tin là sẽ có những cuộc gặp gỡ khác. Ông biện minh với báo chí : « Bữa ăn trưa này chỉ mới là khởi đầu, tôi nghĩ rằng đối thoại sẽ được tiếp tục ».

Theo một cuộc điều tra thường niên được trường đại học Hồng Kông công bố vào đầu tháng 7/2013, chỉ có 33% người dân Hồng Kông hãnh diện là người Trung Quốc. Đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ năm 1998 đến nay.

Hồng Kông được hưởng quy chế bán tự trị, chẳng hạn được duy trì đồng đô la Hồng Kông và hệ thống tư pháp, theo mô hình mà Bắc Kinh nói là « Một đất nước, hai chế độ ». Cư dân tại đây có được quyền tự do ngôn luận mà tại mà người dân Hoa lục không hề biết đến.
Thụy My (RFI)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét