Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý

"Điều vô cảm nhất của người Việt Nam"

“Đừng nghĩ vô cảm trong phạm vi nhỏ. Mà vô cảm lớn nhất của người Việt chính là thái độ bàng quang trước tình hình của xã hội, không muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn bày tỏ.
Thái độ vô cảm của người Việt không phải chuyện bây giờ mới nói. Câu chuyện đau lòng về người cha 87 tuổi bị con cái bỏ mặc ngoài đường, thái độ thờ ơ với người bị tai nạn giao thông trên đường, thậm chí là tò mò đứng xem…khiến nhiều người phải bất bình, xót xa.
Bàn về sự vô cảm của người Việt, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng thắng thắn bày tỏ quan điểm: “Hiện nay vô cảm rất phổ biến ở người Việt Nam và nó khác với tư duy truyền thống của người Việt. Đó là người Việt Nam luôn mẫn cảm, khi gặp người hoạn nạn thì thương xót và giúp đỡ,thậm chí còn không sợ hy sinh thân mình để cứu người, giống như trường hợp của em học sinh tên Nam. Nhưng thật buồn khi hiện nay tình trạng vô cảm len lỏi đến từng ngõ ngách, phố phường…”.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng bàn về thái độ vô cảm của người Việt hiện nay.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng bàn về thái độ vô cảm của người Việt hiện nay.
Hai lý do dẫn đến vô cảm
Theo GS. Lân Dũng, suy thoái đạo đức chính là một trong hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm phổ biến ở nước ta hiện nay.
GS chỉ ra rằng, xuất phát từ sự ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, người ta quan tâm quá nhiều đến đồng tiền và họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho bản thân, từ đó bị lấn át đi mọi tư duy lành mạnh khác.
Suy nghĩ kiếm tiền, làm giàu bằng mọi giá, không quan tâm đến truyền thống đạo đức, vì vậy, khi thấy một người bị tai nạn, họ tảng lờ đi hoặc "xúm đông xúm đỏ" chỉ vì tò mò, gây ùn tắc giao thông.
“Nhưng mặt khác, đó còn là lỗi của xã hội. Xã hội không nghiêm, an ninh xã hội vô cùng bất ổn. Người dân sợ bị trả thù nếu không tỏ ra vô cảm khi thấy một kẻ móc túi trên xe buýt. Họ không dám ngăn cản, hay họ không dám đuổi bắt kẻ cướp trên đường, vì rất sợ bị liên lụy, nhất là với bọn côn đồ…”, GS Lân Dũng dẫn chứng.
Hiện tượng vô cảm đang xảy ra phổ biến ở Việt Nam hiện nay. (Ảnh minh họa).

Hiện tượng vô cảm đang xảy ra phổ biến ở Việt Nam hiện nay. (Ảnh minh họa).
Không chỉ do xã hội, do nền kinh tế, theo GS, nguyên nhân sâu xa là ở: “Người dân nói không ai nghe. Góp ý mà không được đáp ứng, không được tiếp thu”.
“Ngay gần nhà tôi, chỗ ngã sáu Trần Hưng Đạo, gần đây đã xảy ra vụ cháy bồn xăng. Nhưng đến giờ, nhà dân và hàng quán vẫn chưa được di rời ,mặc dù dưới đó là bể xăng, và cách đó chưa đầy 5 mét có 2 bếp tổ ong lúc nào cũng đỏ lửa (!). Hầm xăng, có thể nổ lúc nào không biết, và hậu quả thật khó lường. Người dân khu tập thể đã kiến nghị, góp ý nhưng chẳng ai nghe (!)
Hay bản thân tôi đã nhiều lần kiến nghị về Chương trình và bộ SGK Sinh học phải làm ngay ,vì chẳng giống nước nào, vừa rất nặng lại rất thấp (!). Cũng cần có nhiều bộ SGK để cạnh tranh nhau như mọi hàng hóa khác (Nhà nước không cần tốn tiền, vì đây là công việc của nhiều Nhà xuất bản và các nhóm tác giả).
Sao không giao cho các Hội chuyên ngành biên soạn một Chương trình chuẩn? Sao phải đợi đến 2015 mới khởi động? Tôi nói mãi rồi mà không ai nghe. Tôi cũng chán nên chẳng muốn góp nữa. Góp ý kiến mà không được đáp ứng thì đừng nói người ta là vô cảm”, GS Lân Dũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Câu chuyện văn hóa giao thông cũng là một ví dụ điển hình về xã hội không nghiêm minh. GS cho biết: Ở Việt Nam, người dân đua nhau vượt đèn đỏ vì họ không bị phạt, còn ở nước ngoài thì bị phạt rất nặng. Hơn nữa, ở nước họ, hầu như không thấy công an giao thông ở các ngã tư nhưng không ai vượt đèn đỏ bởi họ có văn hóa “nhường” khi thấy có các xe đối đầu tại ngã tư. Văn hóa này mình tuyệt nhiên không có (!).
Còn vỉa hè đang mất dần chỗ cho cơm bụi, cháo phở, nước mía, rửa xe, bơm xe... làm cho người dân phải đi xuống lòng đường. Mà hai bên đường thì xếp đầy ô tô (nộp tiền cho cán bộ giao thông, không hiểu ngân sách có thu được gì không?). Thế thì làm gì mà không dễ dàng xảy ra tai nạn? Tất cả những chuyện ấy khiến người dân đang mất dần niềm tin vào trật tự xã hội.
Vô cảm nguy hiểm nhất là “makeno”
Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, vô cảm của người Việt không dừng lại ở đó mà chính sự thờ ơ, bàng quang trước tình hình của đất nước, xã hội, không muốn đóng góp ý kiến, thái độ sống “MAKENO” là sự vô cảm lớn nhất, nguy hiểm hiện nay.
Từ lâu Bác Hồ đã khẳng định "Nước ta là một nước dân chủ" (HCM toàn tập, NXB CTQG, 1995, T.6, r. 515). Nếu biết lắng nghe tâm tư của nhân dân, nhất là của giới trí thức, thì nhẽ ra trong thời điểm hiện nay không nên vội sa lầy vào chuyện Sửa đổi Hiến pháp, sửa lời Quốc ca, tìm quốc hoa, quốc phục... Rất tốn tiền bạc, công sức mà đúng là "lợi bất cập hại" !
“Vô cảm là do người dân không muốn đóng góp ý kiến, nói không ai nghe. Vô cảm lớn nhất hiện nay là chỉ biết lo cho " nồi cơm" nhà mình mà quên đi xã hội. Vô cảm không giúp thúc đẩy xã hội lên được. Không phải người dân vô cảm mà bởi xã hội không sớm giải quyết những điều họ bức xúc”, GS Lân Dũng khẳng định.
Thay cho lời kết, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Người Việt Nam không vô cảm đâu, họ chỉ vô cảm khi nói không ai nghe. Xã hội có dân chủ thì người dân sẽ không vô cảm nữa.
“Để đẩy lùi vô cảm thì đất nước cần thực hiện dân chủ. Vô cảm lớn nhất của người Việt chính là thái độ bàng quang trước tình hình của xã hội, không muốn đóng góp ý kiến cho sự phát triển của đất nước. Phải tìm đúng nguyên nhân thì đất nước mới có thể có những bước bứt phá lên nhanh chóng về mọi mặt”, GS Lân Dũng tái khẳng định.
( Soha )

Phương Bích - Những túp lều dưới gốc thiên đường.

Sáng sớm nay, tôi có việc đến vườn hoa Lý Tự Trọng. Một cách rất vô thức, tôi đưa mắt ngó quanh như muốn tìm một cái gì đó. Kia rồi, những túp lều chằng đụp bằng ni lông, thấp lè tè dưới gốc cây. Gọi là lều cho nó sang, cho nó ra dáng là nơi con người có thể chui ra chui vào thôi. Xung quanh lều, đủ thứ chổi cùn giế rách tấp vào đó.


Gần đây tôi mới biết, chứ người dân sống quanh đây chẳng lạ gì chuyện dân oan đi khiếu kiện, đến sống ở vườn hoa này mấy chục năm nay. Có người còn sinh con đẻ cái ở đây mới khiếp. Nếu theo bức ảnh tôi chụp, thì phía sau căn lều như “ổ chó” của họ chỉ cách hơn trăm mét là trụ sở của Văn phòng Chính phủ. Không biết họ chờ đợi gì ở phía sau đó?
Vẫn còn sớm, tôi lại gần người đàn bà đang lúi húi cạnh đó, trỏ vào một cái “ổ” hỏi:
- Ở đây cũng có người ở hả chị?
Người đàn bà gật đầu. Nhiều người hỏi chị câu đó rồi. Cả “Tây” lẫn “Ta”, ai nấy đều kinh ngạc. “Nhà” đây ấy hả? Hàng chục năm nay người ta cứ đến hỏi han như thế rồi lại đi. Sau đó mọi thứ lại tiếp tục rơi vào quên lãng. Hết Xuân rồi sang Hạ, sang Thu, sang Đông. Người ta cứ đến vui chơi, tập thể thao, nhảy nhót ca hát ở vườn hoa, như thể có hai thế giới đang cùng tồn tại, chỉ trong vòng cái khuôn viên chẳng lấy gì làm rộng lớn ấy. 
Tôi nhìn quanh. Tuy chưa phải là thiên đường, nhưng vườn hoa thì đương nhiên là đẹp rồi (so với Việt Nam thôi), nhất là nó lại nằm cạnh Hồ Tây. Gần đó toàn là các cơ quan của Đảng và Chính phủ, như Ban Vật giá Chính Phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng trung ương Đảng...Thế mà sao ở một xó vườn hoa này, vẫn tồn tại những căn lều “ổ chó” như thế?
Ừ! Họ đâu phải là ăn mày mà hốt họ vào trại? Tống họ về địa phương ư? Làm gì còn nhà mà về?
Đừng có bịp bợm rằng tất cả dân oan tham lam, rằng họ đã được đền bù nhưng không thỏa mãn. Tôi cũng là người trong cuộc nên biết rõ lắm. Mang tiếng là đền bù, nhưng còn tệ hơn cả bố thí. Thế nên đám quan chức làng xã mới có nhà lầu, xe hơi, còn sang hơn ối người thành thị thế chứ.
Mới đây nghe nói ông Nguyễn Sinh Hùng “than vãn”, rằng chuyện đút lót, tiêu cực có bắt, có xử được mấy đâu?
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130711/chu-tich-qh-nguyen-sinh-hung-dut-lot-tieu-cuc-co-bat-co-xu-duoc-may-dau.aspx
Nghe thật hài. Đến con nít cũng hiểu đút lót thì phải có kẻ đưa, người nhận. Giống như cái chuyện bán dâm thì phải có đứa bán đứa mua. Xử mỗi đứa bán dâm mà không xử đứa mua dâm ấy hả? Làm sao mà các ông tự  xử được chứ? Cứ thử để nhân dân làm xem có xử được không? Những người nào từng đến nhà các ông, chạy chọt xin xỏ, đút lót bao nhiêu người ta nhớ hết cả đấy.
Tôi bâng khuâng hết nhìn những căn lều ổ chó, lại nhìn khắp vườn hoa. Nhớ câu nói với anh trưởng công an phường lúc anh ý tiễn tôi ra cửa:
- Tôi mà làm lãnh đạo thì các anh chết!
Nói vậy để hiểu không có cái gì không thể làm được, mà chỉ là có muốn làm hay không thôi.
Rời khỏi vườn hoa, tôi cứ nghĩ vẩn vơ về khoảng cách từ túp lều dưới gốc cây này đến cánh cổng bên kia đường, không quá xa mà sao đi mãi vẫn không thấy tới?
( Phuongbich Blog )

Dương Đình Giao - Thi cử nghiêm túc có lợi gì?

Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi đợt thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, dư luận lại được một phen ồn ào. Ồn ào vì những biểu hiện lộn xộn đến mức “loạn” ở nơi trường thi vốn vẫn được coi là cần “đặc biệt nghiêm túc” từ thời phong kiến, ồn ào vì chẳng hiểu chất lượng của những thí sinh được coi là tốt nghiệp qua mỗi kỳ thi ra sao mà toàn thấy đỗ 98%, 99% cả, ồn ào vì càng ngày giáo dục càng “chán”, càng tiêu cực, càng vô giáo dục. Và bao trùm lên tất cả, nhiều người, rất nhiều người chỉ trông ngóng sao cho có được những kỳ thi nghiêm túc. Những mong mỏi ấy là vô cùng chính đáng.
1. Hiện nay, trong các nhà trường ở ta, không ít người chỉ thích đi học chứ họ không hề thích học. Kể cả ở trường đại học cũng không ít loại người này. Tức là họ chỉ thích đến trường, có bạn bè để “chat, chit”, sinh nhật, pic-nic, có người cùng chơi game, và những trò du hý vô bổ khác chứ hoàn toàn không phải vì thích những công việc bình thường của người học sinh tức là phải trau dồi tri thức, rèn đức luyện tài. Nhiều người làm cha mẹ cho con đi học, thậm chí còn mất không ít tiền bạc chạy vào các trường “xịn” chỉ là để con mình không mang tiếng “thất học”, “vô học” với bè bạn, với hàng xóm, với đồng nghiệp. Loại này đi học nhưng không học, mọi việc chỉ giải quyết bằng tiền, đến khi thi cử cũng chỉ chạy điểm, chờ người ném bài, nhờ người thi hộ, …Đây chính là những đối tượng chủ yếu làm cho kỳ thi mất nghiêm túc. Việc tiến hành thi cử nghiêm túc sẽ loại hẳn những người chỉ làm vấy bẩn nền giáo dục này. Những người còn lại sẽ phải và thêm điều kiện học hành chăm chỉ, chuyên cần hơn, trả nhà trường về đúng với vị trí chức năng của nó.
2. Thi cử nghiêm túc sẽ thanh toán được tình trạng bằng thật mà học giả đã tràn lan ở nước ta từ bao nhiêu năm nay. Học trò học hết lớp 6, lớp 7 mà vẫn chưa biết đọc; học sinh tiên tiến lớp 9 mà không làm nổi một phép tính chia; còn học sinh lớp 12 thì trả lời cho câu hỏi “vì sao con chim đậu trên dây điện mà không bị “giật”” như thế này: “Vì chân chim được bọc một lớp vỏ bằng chì, mà chì là kim loại không dẫn điện” (Theo điều tra của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 1982 tại một trường Phổ thông cấp 3 ở Hà Nội). Các kỳ thi, kiểm tra, sát hạch nghiêm túc sẽ chấm dứt tình trạng nước ta nhiều tiến sĩ, giáo sư nhất Đông nam Á nhưng cực hiếm những công trình khoa học có giá trị. Những cán bộ có bằng cấp chủ yếu bằng cách mua điểm, mua luận văn sẽ không còn nơi để tồn tại. Các đầy tớ của nhân dân sẽ là những người có hiểu biết thực sự chứ không phải là những kẻ thiểu năng trí tuệ chạy được một suất làm trong các cơ quan nhà nước để có cơ hội hành dân, nhằm “thu hồi vốn” và kinh doanh có lãi. Nhân dân sẽ không còn phải thấy những thông tư, chỉ thị, nghị định kiểu như ưu tiên cho cán bộ tiền khởi nghĩa, bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học hay “trước khi thanh tra phải báo trước để đảm bảo tính minh bạch”, …Bằng cấp sẽ được mang giá trị thực của nó. Như thế là đất nước, nhân dân đều có lợi.
http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2012/182/2012_182_T13_anh.jpg

3. Thi cử nghiêm túc sẽ giúp cho cha mẹ học sinh biết được con em mình có khả năng học tập như thế nào, cho học đến đâu là đủ. Thực tế cho thấy khả năng tiếp thu tri thức của mọi người hoàn toàn không giống nhau. Có người chỉ có thể học tới mức biết đọc biết viết. Càng học lên cao, những đòi hỏi về năng lực trí tuệ càng chặt chẽ hơn. Và thực tế, trong xã hội, có rất nhiều nghề không cần đến học vấn cao mà chỉ cần thành thạo những kỹ năng cơ bản. Nếu con em không qua nổi kỳ thi, cha mẹ sẽ chuyển hướng cho đi học nghề. Khi tuổi còn ít, việc tiếp thu những kỹ năng nghề nghiệp có nhiều thuận lợi. Các em sớm bước vào nghề, sớm trở thành thợ lành nghề, sớm có thu nhập giúp đỡ cha mẹ, sớm lập thân lập nghiệp. Những năm tháng đầu đời không lãng phí vào những việc mà bản thân các em không có hứng thú và cũng tránh được việc tiêm nhiễm những thói xấu nhất là lười biếng và gian dối do “nhàn cư vi bất thiện” mặc dù mang tiếng vẫn cắp sách tới trường. Cha mẹ thì tiết kiệm được tiền bạc, các em sẽ tiết kiệm được những năm tháng đầu đời của mình, cái vốn quý mà không có cách gì lấy lại được. Như vậy, từng người dân cũng có lợi.
4. Việc chọn lọc qua thi cử nghiêm túc sẽ giúp nhà nước không cần mở trường tràn lan đến mức nhiều trường không có người học như hiện nay. Trong khi đất nước còn nghèo, ngân sách cho giáo dục mặc dù đã chi không ít nhưng vẫn chưa đủ với đòi hỏi vì số lượng trường học, số lượng học sinh quá lớn mà trong đó có không ít những học sinh “bất đắc dĩ”. Ngân sách còn hạn chế ấy sẽ được đầu tư có trọng điểm để rồi trường nào cũng thành trường có chất lượng. Nhà nước có thể dành một khoản tiền không nhỏ để tăng số lượng học bổng (số suất học bổng và mức học bổng) cho con em những gia đình nghèo học giỏi và cho những người có tài năng đặc biệt xuất sắc, bồi dưỡng nhân tài cho tương lai của đất nước. Như thế là tiền thuế mà nhân dân đóng góp bằng mồ hôi của mình được đầu tư một cách có lợi nhất.
5. Và một điều cũng vô cùng quan trọng, thi cử nghiêm túc sẽ đảm bảo đạo đức trong xã hội được tôn vinh, sự trung thực, liêm chính được tôn trọng, thói gian lận, dối trá sẽ bị tận diệt. Một xã hội công bằng thật sự sẽ được xây đắp dựa trên năng lực của mỗi công dân. Đó là một thành tố không thể thiếu trong mục tiêu một xã hội “công bằng dân chủ văn minh” mà chúng ta đang nói rằng muốn hướng tới.
Vậy còn chờ gì nữa mà không tổ chức việc thi cử một cách nghiêm túc?
Dương Đình Giao
(FB Dương Đình Giao)

Bị đòn vì cự cãi CSGT

Thời gian gần đây, Báo Thanh Niên tiếp nhận nhiều đơn thư, phản ánh của người vi phạm giao thông bức xúc về việc họ bị xử “oan”, nhưng sau khi tranh cãi với CSGT thì đa phần là thua, thậm chí bị ăn đòn.

Phản ánh tới Thanh Niên, có người cho biết vụ việc của họ mới xảy ra gần đây; có trường hợp xảy ra cũng đã lâu, nhưng thấy báo chí đăng tải thông tin người vi phạm giao thông bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT xảy ra tại Q.Tân Phú, TP.HCM, nên bức xúc đi phản ánh.



Mời bạn đọc bấm vào đây để xem clip CSGT đứng nhìn người vi phạm giao thông bị đánh.

Liên quan đến vụ đánh chết người vi phạm giao thông tại Q.Tân Phú, mặc dù 2 hung thủ đã bị bắt và vụ án đang trong vòng điều tra song dư luận không khỏi băn khoăn, thắc mắc vì sao hung thủ lại ra tay tàn nhẫn đến như vậy. Vụ việc, theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, diễn biến như sau: chiều 9.4, ông T.V.Hiền (42 tuổi) cùng hai người thân rủ nhau đi nhậu tại quán Phượng Cát trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú. Đến 21 giờ cùng ngày, khi cả 3 điều khiển xe gắn máy (mỗi người đi 1 xe) ra khỏi quán một đoạn thì ông Hiền bị CSGT thổi lại lập biên bản vi phạm về nồng độ cồn. Do bị tạm giữ phương tiện nên ông Hiền đã cự cãi với CSGT và dọa lấy ĐTDĐ chụp hình. Sau hơn 30 phút cãi nhau với CSGT, ông Hiền để xe lại, đón xe ôm về nhà, nhưng đi được khoảng 300 m thì bị Lê Thanh Bằng (36 tuổi, ngụ Bến Tre) và Lê Văn Tòng (18 tuổi, ngụ Tiền Giang) đi xe gắn máy đuổi theo đánh ông té ngã, đầu đập xuống đường. Người lái xe ôm hoảng sợ đã bỏ đi… Mặc dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông Hiền không qua khỏi do bị chấn thương sọ não. Hơn 1 tuần sau, Bằng, Tòng ra đầu thú tại Công an Q.Tân Phú. Bước đầu, 2 người này khai do thấy ông Hiền cự cãi với CSGT nên bức xúc chặn đường đánh “dằn mặt” ông Hiền cho hả giận (?!)…

Bị đòn vì cự cãi CSGT
Người đàn ông to con đánh người vi phạm
“Mày chống đối à ?”
May mắn hơn trường hợp trên, anh Phùng Viết Cần (35 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) trực tiếp đến tòa soạn nhờ báo lên tiếng phản ánh anh cũng bị người lạ hành hung sau khi phản ứng lại CSGT. Theo anh Cần trình bày: vào cuối năm 2012, khi điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (từ hướng cầu Thủ Thiêm về cầu Sài Gòn), đến đường giao nhau ở gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), anh cho xe qua giao lộ này khi đèn tín hiệu vừa chuyển qua màu vàng ở giây đầu tiên thì bị 2 CSGT ra hiệu dừng xe với lỗi vượt đèn đỏ. Anh Cần chấp nhận để CSGT lập biên bản vi phạm, nhưng ghi vào phần ý kiến (của người vi phạm) là xe của anh vượt đèn vàng giây đầu tiên. Lập biên bản xong, CSGT yêu cầu anh Cần xóa 2 chữ “…đầu tiên…” nhưng anh không đồng ý. Viên CSGT đã tự tay lấy bút xóa, rồi yêu cầu anh Cần ký biên bản vi phạm nhưng anh vẫn cự tuyệt. Sau một hồi cự cãi, viên CSGT đã ném giấy tờ xe xuống đất. Anh Cần lượm lên bỏ đi thì bất ngờ CSGT xông vào giật chìa khóa xe và lấy ĐT gọi cho ai đó. Đợi 10 phút sau, anh Cần đến yêu cầu CSGT lập biên bản, nếu không thì trả chìa khóa lại để anh đi, nhưng viên CSGT vẫn không nói gì. Bức xúc, anh Cần rút ĐT gọi điện cho tổng đài xin số đường dây nóng của báo chí nhờ can thiệp. Nghe vậy, 2 CSGT này ném trả lại chìa khóa, lên xe bỏ đi. 
http://www.youtube.com/watch?v=wN9SVQEBQ9s&feature=player_embedded

“CSGT vừa đi, tôi đã bị một người đàn ông lạ xông vào giật ĐTDĐ của tôi, tháo pin vứt đi, rồi vừa đánh vừa nói: “Sao mày không chịu chung, mày chống đối à?”. Sau đó, người này yêu cầu tôi gọi ĐT xin lỗi 2 CSGT hồi nãy, nếu không sẽ bị đâm chết. Người này gọi cho ai đó nói: “Tao xử nó rồi. Bây giờ nó muốn xin lỗi…”. Nhưng khi tôi cầm máy định xin lỗi thì đầu dây bên kia cúp máy”, anh Cần nhớ lại. 

Bị đòn vì cự cãi CSGT
Người đàn ông này cầm đá tấn công và ném anh Hùng
CSGT thờ ơ nhìn cảnh đánh người
Từ những phản ánh của bạn đọc về chuyện "bị đòn" sau khi cự cãi với CSGT, một nhóm PV Thanh Niên vào cuộc tìm hiểu hiện tượng này. Chọn cung đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1, TP.HCM), qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện có một người đàn ông to con đi chiếc xe gắn máy màu đỏ thường bám theo một tổ CSGT lập chốt trên tuyến đường này, khi tổ CSGT di chuyển đến đâu thì người đàn ông nói trên đều theo đó. 
Vào khoảng 10 giờ 20 ngày 28.6, chúng tôi thấy người đàn ông trên “sánh đôi” cùng tổ CSGT trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn gần cầu Thị Nghè II). 25 phút sau, tổ CSGT di chuyển đến gần giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng (Q.1) và người này cũng nhấn ga chạy theo. Hơn 1 giờ theo dõi, chúng tôi thấy người này không hề mời chào, chở khách đi xe ôm, mà chỉ đứng liếc ngang liếc dọc; thỉnh thoảng hỗ trợ xe gắn máy chở hàng quá khổ, cồng kềnh bị CSGT vịn lại. 

Bị đòn vì cự cãi CSGT
1 CSGT quay lưng, 1 CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau
Nghiêm trọng hơn, 11 giờ 42 cùng ngày, chúng tôi đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc người đàn ông này (đi xe gắn máy màu đỏ, mặc áo quần màu xanh) cùng một người đàn ông khác mặc áo sơ mi trắng, quần jeans xanh đuổi đánh một thanh niên vừa bị thổi lại. Điều đáng nói, tổ CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau ngay trước mặt mình mà không hề có bất cứ phản ứng ngăn chặn hay can thiệp nào. Người đi đường vô cùng bức xúc trước hình ảnh phản cảm này. Vụ việc diễn ra khoảng 2 phút mới có CSGT vào can ngăn. Mặc dù CSGT can ngăn nhưng người đàn ông mặc quần áo màu xanh vẫn hung hăng, nhặt đá ven đường tiếp tục đuổi đánh và ném người vi phạm. Hoảng sợ, người thanh niên bị đánh băng qua đường tháo chạy một mạch về hướng đường Tôn Đức Thắng và không dám quay lại. Sau đó, CSGT đã trả giấy tờ cho người đi cùng xe với người bị đánh. 
Tiếp xúc với chúng tôi, người thanh niên bị đánh cho biết tên là T.V.Hùng (29 tuổi, ngụ Nam Định, công tác tại một công ty xuất nhập khẩu ở Q.Bình Thạnh). Theo lời anh Hùng kể, sau khi đi giải quyết công việc ở cảng Tân Thuận về, anh điều khiển xe gắn máy (BKS: 49M1 - 007.6...) chở đồng nghiệp tên T.V.Tuấn (22 tuổi, ngụ Đà Lạt) lưu thông trên đường Tôn Đức Thắng, khi rẽ phải vào đường Nguyễn Hữu Cảnh thì bị CSGT thổi lại. Sau khi đưa giấy chứng nhận đăng ký xe, GPLX cho CSGT kiểm tra và được thông báo phạm lỗi không bật đèn xi nhan, anh Hùng không đồng ý và phản ứng gay gắt vì cho rằng anh có bật đèn xi nhan. Sau một hồi cự cãi, CSGT không lập biên bản vi phạm nhưng chỉ trả giấy chứng nhận đăng ký xe, không trả GPLX với lý do không giữ GPLX. Lúc đó, một cô gái khác bị thổi lại, cự cãi một hồi cũng được cho đi nhưng không thấy chìa khóa xe. Anh Hùng quá bức xúc nên mới nói với cô gái để anh gọi báo chí đến ghi nhận vụ việc. Nghe vậy, 2 người đàn ông nói trên xông vào đánh anh Hùng như đã trình bày ở trên và toàn bộ vụ việc hành hung này đã lọt vào ống kính của PV Thanh Niên
Sau khi anh Hùng bị đánh và bỏ chạy, CSGT đã đưa trả GPLX của anh Hùng cho anh Tuấn (người đi cùng… 

Bị đòn vì cự cãi CSGT
Người đàn ông hay song hành cùng tổ CSGT - Ảnh: Nguyên Bảo - Mã Phong
Theo một người dân sống gần giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, hằng ngày họ đều thấy người đàn ông nói trên hay đi theo CSGT. Hễ thấy ai đến gần CSGT, nghi ngờ có ý đồ quay phim chụp hình là ông này tìm cách đuổi đi. Sau vụ việc đánh anh T.V.Hùng, 12 giờ 40 ngày 4.7, chúng tôi tiếp tục ghi được hình ảnh người này “tháp tùng” tổ CSGT ở đường Nguyễn Hữu Cảnh đang chốt chặn thổi xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (giữa đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và cầu Thị Nghè), Q.1... 
Nguyên Bảo - Mã Phong 

Án nặng cho người 'mưu sát' công an


Ông Nguyễn Viết Trương nói có hành động vì 'quá bức xúc' với kết quả xử lý đơn kiện của mình

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên mức án tổng cộng 23 năm tù giam cho bị cáo Nguyễn Viết Trương, người đã đặt mìn tự chế tại nhà Đại tá Trần Ngọc Khánh, giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 7 năm 2012.

Cụ thể, ông Trương, 57 tuôỉ, lãnh án 19 năm cho tội danh 'Giết người' và bốn năm cho tội 'Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ'.

Bản án được tuyên sáng nay, thứ Hai ngày 15/7, sau phiên xử sơ thẩm tại thành phố Nha Trang, thủ phủ tỉnh Khánh Hòa thuộc miền Trung Việt Nam.
Tuy nhiên bị cáo một mực cho rằng ông không 'giết người' trong khi phía công tố khẳng định hành vi của ông là 'đặc biệt nguy hiểm'.

Không nhận tội

Nội dung vụ việc theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại cho biết bị cáo Trương đã đặt mìn lên hộp pa nô của cửa hàng kế bên nhà riêng của Đại tá Khánh.

Khi ông này dắt xe máy ra đi làm vào sáng sớm, Nguyễn Viết Trương đã kích nổ quả mìn này bằng điện thoại di động khiến ông Khánh bị thương tật ở mức độ '41̀%' với hai bên màng nhí̃ bị thủng.

Tuy nhiên, theo tường thuật của báo chí trong nước thì ông Trương đã không nhận tội 'giết người'.

Ông nói trước tòa rằng ông có hành động như thế vì 'quá bức xúc' với kết quả xử lý đơn kiện của mình, theo báo Người Lao Đ̣ông, và chỉ muốn gây ra vụ nổ 'để tạo tiếng vang' để vụ kiện của ông được công luận chú ý.

Ông khai rằng ông quả mìn do ông tự chế biến từ thuốc nổ công nghiệp, giấy, đất sét và bi sắt và chỉ 'nhằm hù dọa ông Khánh' vì nó được đặt ở độ cao 1,8 mét.

Người Lao Đ̣ông cũng dẫn lời ông Phan Tấn Hùng, luật sư bào chữa cho ông Trương, lập luận rằng thân chủ của ông chỉ có 'hành vi cố ý gây thương tích cho người khác' vì 'bức xúc dồn nén do mất mát tài sản'.

Tuy nhiên, phía công tố dẫn các bằng chứng chứng tỏ rằng ông Trương có ý đồ sát thương cao, chẳng hạn chế mìn với 'nhiều bi sắt to bằng đầu đũa' có khả năng xuyên thủng tường, kích nổ vào lúc ông Khánh dễ bị tổn thương nhất và đặt mìn tại khu vực đông dân.

Do đó, hội đồng xét xử đã nhận định hành vi của bị cáo Trương là 'có ý giết người rõ ràng' , 'coi thường tính mạng của người khác' và 'đặc biệt nguy hiểm'.

Nguyễn Viết Trương là chủ một công ty khai thác đá có tên là Song Mã được phép khai thác tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Do có mâu thuẫn về tài sản với đối tác nên ông đã làm đơn tố cáo lên Công an tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra của công an tỉnh đã không khởi tố vụ án theo đơn kiện của ông Trương và yêu cầu ông giải quyết tranh chấp ở tòa án dân sự. Ông Trương không đồng ý nên tiếp tục khiếu nại. Sau đó, ông cũng xin gặp Đại tá Khánh nhưng không được.

Gây tranh cãi

Trao đổi với BBC, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho biết tội danh 'Giết người' có khung hình phạt từ 10 năm cho đến chung thân và tử hình cho nên mức án 23 năm giành cho bị cáo Trương hoàn toàn nằm trong khuôn khổ do pháp luật quy định.

Tuy nhiên, luật sư Hải cũng nói rằng qua thực tiễn xét xử thông thường từ trước đến nay trong các trường hợp chưa gây chết người thì tòa thường tuyên án 'chỉ ở mức trên dưới 10 năm' cho dù có các tình tiết tăng nặng đi chăng nữa.

"Có lý do để người ta xét xử khác đi chăng," ông nói.

Bản án 23 năm tù dành cho ông Trương cũng nhận được các ý kiến khác nhau trên diễn đàn của báo Người Lao Động.

"Một bản án quá nặng so với tội giết người, nếu như đối tượng mà ông đặt mìn không phải là công an tỉnh thì chắc là không nặng như vậy," Nguyễn Mỗ viết.
Tuy nhiên, một người có tên là Tâm Phúc phản bác:

"23 năm là còn nhẹ. Tội cố ý giết người nhưng bất thành là ngoài ý muốn của ông Trương... nếu quả mìn nổ không những gây nguy hiểm đến tính mạng cho 1 người mà là cho cộng đồng...Đối với nhà của giám đốc công an tỉnh mà còn dám làm vậy thì đối với người dân thì sao nữa." (LB: nhà dân có gây bức xúc như nhà quan không???)
(BBC)

Phát triển quan hệ Mỹ-Việt : Thời cơ đang thuận lợi

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhân một cuộc họp của khối ASEAN tại Bandar Seri Begawan (Brunei) ngày 02/07/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhân một cuộc họp của khối ASEAN tại Bandar Seri Begawan (Brunei) ngày 02/07/2013. (REUTERS/Jacquelyn Martin)

Bang giao Mỹ-Việt đang có những chuyển động đáng chú ý với sự kiện nổi bật vừa được xác nhận : Nhà Trắng sẽ đón chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào ngày 25/07/2013. Chuyến đi này được cho là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ, nhất là trong lãnh vực an ninh quốc phòng vào lúc Washington tỏ rõ trở lại thái độ quan ngại trước các hành động o ép láng giềng – trong đó có Việt Nam - mà Bắc Kinh vẫn tiến hành ở Biển Đông.

Hôm 11/07/2013, do một trùng hợp ngẫu nhiên hay tính toán ngoại giao kỹ lưỡng, Nhà Trắng Hoa Kỳ cùng lúc chính thức nêu bật thái độ quan tâm đến vùng châu Á với thông báo về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón tiếp chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, bên cạnh cảnh báo Trung Quốc là không nên sử dụng các biện pháp cưỡng ép hay hù dọa trong tranh chấp biển đảo với các lân bang.

Trong bản thông cáo về chuyến công du của ông Trương Tấn Sang, Thư ký Báo chí phủ Tổng thống Mỹ đã nêu bật nội dung các vấn đề sẽ được hai bên bàn bạc nhân cuộc gặp thượng đỉnh ngày 25/07 tại Nhà Trắng : « Cách thức tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác (song phương) về các vấn đề chiến lược trong khu vực và tăng cường hợp tác với ASEAN ; nhân quyền ; những thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu ; và tầm quan trọng của việc hoàn tất một thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương với tiêu chuẩn cao ».

Trong cùng một ngày, Nhà Trắng cũng công bố bản lược ghi về phát biểu của Tổng thống Obama trong buổi hội kiến đặc biệt với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì, nhân dịp hai nhân vật này đến Washington đồng chủ trì cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung thường kỳ.
Đáng chú ý trong các vấn đề được nêu lên với hai lãnh đạo Trung Quốc là lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ đối với Bắc Kinh liên quan đến việc giải quyết tranh chấp biển đảo tại châu Á : « Tổng thống (Hoa Kỳ) thúc giục Trung Quốc xử lý các tranh chấp trên biển với các láng giềng một cách hòa bình, không dùng đến các biện pháp cưỡng ép hay hù dọa ».

Động thái của Hoa Kỳ quan tâm trở lại đến Biển Đông đã được giới quan sát đặc biệt chú ý vì lẽ một vài tháng sau khi Ngoại trưởng John Kerry lên thay thế bà Hillary Clinton, ngành ngoại giao Mỹ như đã có dấu hiệu tương đối lơ là khu vực Đông Nam Á trước sức ép của các hồ sơ nặng ký khác như các hành động hung hăng của Bắc Triều Tiên, tình hình căng thẳng Trung-Nhật trên Biển Hoa Đông, và nhất là các vấn đề nóng bỏng tại vùng Trung Cận Đông.

Một loạt những cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ Việt trong hai tháng

Riêng đối với Việt Nam, sau một vài tháng im ắng, Hoa Kỳ đã có những biểu hiện tích cực hơn, với những cuộc gặp song phương giữa các lãnh đạo bên lề các hội nghị khu vực.

Cụ thể là vào ngày 31/05/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore. Theo các nguồn tin báo chí, trong số những hồ sơ được hai bên đề cập đến, có vấn đề quan hệ quốc phòng quân sự Mỹ-Việt.

Quan hệ giữa hai quân đội sau đó cũng đã được Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam bàn bạc với phía Mỹ vào hạ tuần tháng Sáu 2013, nhân dịp Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ được tiếp đón tại Lầu Năm Góc Mỹ. Được biết là tháp tùng theo tướng Đỗ Bá Tỵ nhân chuyến ghé thăm Lầu Năm Góc đầu tiên của một người đứng đầu Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn có hai lãnh đạo cao cấp ngành Tình báo Quân đội và Hải quân Việt Nam.

Trên bình diện ngoại giao cũng thế, đầu tháng Bẩy 2013, như thông lệ từ thời cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ông John Kerry đã đến Brunei tham gia các Hội nghị Ngoại trưởng thường niên do khối ASEAN tổ chức. Và cũng như thông lệ từ thời bà Clinton, cùng với năm đồng nhiệm Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện, tân Ngoại trưởng Mỹ đã tham gia liên tiếp hai cuộc họp của nhóm Sáng kiến vùng Hạ nguồn Mêkông (Lower Mekong Initiative) và nhóm Bạn của khối Sáng kiến vùng Hạ nguồn Mêkông (Friends of Lower Mekong Initiative), được tổ chức bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Đông Nam Á.

Riêng đối với Việt Nam, ngày 02/07/2013, bên lề hội nghị ngoại trưởng của Diễn đàn An ninh Khu vực ARF ở Brunei, ông John Kerry đã có cuộc hội đàm riêng với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh để thảo luận về các vấn đề song phương cũng như khu vực và thế giới. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết là sắp tới đây, ông sẽ công du Việt Nam.

Chủ tịch Việt Nam đến Nhà Trắng vào lúc Mỹ tái khẳng định mối quan tâm đến Biển Đông

Chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây của chủ tịch nước Việt Nam phải được lồng vào trong bối cảnh Washington tái khẳng định mối quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á, với tình hình ổn định ngoài Biển Đông nói chung, và với Việt Nam nói riêng như kể trên.

Theo ghi nhận của giáo sư Ngô Vĩnh Long, thường xuyên theo dõi các vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt trong tương quan với hồ sơ tranh chấp Biển Đông, lúc này, Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để củng cố thêm quan hệ với Mỹ nhằm giải tỏa sức ép của Bắc Kinh, đặc biệt nặng nề trên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long trước hết nêu bật vi trí địa lý chiến lược quan trọng của Việt Nam trong chính sách xoay trục qua châu Á Thái Bình Dương đang được chính quyền Obama triển khai.

« Vùng Đông Nam Á rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Về dân số, Việt Nam lại là nước lớn thứ hai, thứ ba, và là một nước có lãnh thổ, lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông. Cho nên khi Mỹ muốn ‘xoay trục’, hay là có một chính sách tích cực hơn ở Á Đông, thì nhất định vai trò của Việt Nam rất quan trọng đối với Mỹ và các nước ở Á Châu… »

Trung Quốc đang trong thế cần đến Mỹ

Cho dù trong những tháng qua, Hoa Kỳ đã liên tiếp tung tín hiệu cho thấy chủ trương thiết lập một quan hệ hòa hoãn hơn với Trung Quốc - mà biểu hiện rõ nhất là cuộc họp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình thượng tuần tháng Sáu vừa qua tại California - giáo sư Long cho rằng Việt Nam cần tranh thủ thực tế có thể gọi là « Trung Quốc cần Mỹ » vào lúc này để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ với Hoa Kỳ. Ông giải thích :

« Hiện nay Trung Quốc « quậy » rất nhiều ở Biển Đông, và trong khu vực, làm cho hầu hết các nước Á châu lo ngại, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Nhật, Philippines, và cả Thái Lan, nước gần gũi với Trung Quốc. Gần đây, Indonesia cũng tỏ ra lo ngại.

Trong bối cảnh này và trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bị khó khăn - GDP đang xuống, xuất khẩu chậm lại, đặc biệt đối với Mỹ và Châu Âu - Bắc Kinh cần có quan hệ tốt với Mỹ, vì vậy khó mà bắt nạt các nước khác muốn có quan hệ tốt với Mỹ.

Nếu Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Mỹ, và Mỹ muốn có quan hệ tốt với Việt Nam, thì những động thái khiêu khích của Trung Quốc sẽ không có lợi cho họ.

Thật ra từ 2008 đến nay, Hoa Kỳ rất kiên nhẫn với Trung Quốc. Một trong những lý do là vì Hoa Kỳ phải từ từ lo về vấn đề kinh tế trong nước. Hiện nay, kinh tế Mỹ đang hồi phục, mà có thể nói là trong các nước phát triển kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt hơn các nước khác.

Mỹ bắt đầu rảnh tay để nghĩ đến châu Á

Lý do thứ hai là Mỹ bận tay ở Trung Đông, đặc biệt là ở Afghanistan. Tôi nghĩ bây giờ là Mỹ đã quyết định rút sớm khỏi Afghanistan. Vì Mỹ có thể rút khỏi Trung Đông, hay dàn xếp được các vấn đề Trung Đông, Mỹ sẽ rảnh tay lo vấn đề Á Châu.

Do đó, Mỹ bây giờ muốn nói với các đồng minh của mình, cũng như với Trung Quốc là Mỹ muốn có ổn định trong khu vực, để khu vực phát triển và điều đó sẽ có lợi cho Mỹ. Nếu Trung Quốc quá khích, Mỹ phải nói rõ cho Trung Quốc biết.

Gần đây Trung Quốc đã quá khích, cho nên tôi nghĩ rằng Mỹ muốn răn đe Trung Quốc, nói rằng ‘anh làm như thế thì lợi ích của tất cả mọi người trong khu vực sẽ bị khó khăn’. »

Xin nhắc lại là hôm 11/07 vừa qua, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có tuyên bố thẳng thắn với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và lãnh đạo ngành đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì, theo đó Bắc Kinh không nên có biện pháp « cưỡng ép hay hù dọa » đối với các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Để châu Á đừng tưởng lầm là Mỹ 'đi đêm' với Trung Quốc

Theo giáo sư Long cho rằng mục tiêu của Washington khi lưu ý Bắc Kinh về tranh chấp biển đảo là nhằm xóa bỏ cảm giác sai lầm của các nước khác tưởng rằng Mỹ « đi đêm » với Trung Quốc.

« Hoa Kỳ không muốn cứng rắn, mà cũng không muốn dọa nạt Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại muốn Hoa Kỳ có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, và chứng tỏ quan hệ đó với Trung Quốc.

Trung Quốc đã đe dọa Philippines, gây thêm căng thẳng như bắn vào tàu cá Việt Nam hai, ba lần từ đó đến nay, nếu Mỹ im lặng thì các nước khác trong khu vực và các đồng minh của Mỹ tưởng là Mỹ bây giờ đã 'đi đêm' với Trung Quốc, đã đồng ý là có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, không có lợi cho các nước khác trong khu vực, nhất là các nước nhỏ như Philippines, Việt Nam v.v...

Thành ra Mỹ bắt buộc phải nói rõ cho mọi người biết - hay là muốn chứng minh - là không có việc đó, không có việc đi đêm với Trung Quốc, rằng nếu Trung Quốc muốn có quan hệ tốt với Mỹ, thì cũng phải để cho các nước khác có quan hệ tốt với Mỹ… »

Chính sách xoay trục không thay đổi

Đối với giáo sư Long mối quan tâm của Chính quyền Mỹ hiện nay đối với châu Á và Đông Nam Á vẫn cao, không có gì thay đổi so với thời bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng. Riêng Việt Nam còn có thêm hai yếu tố thuận lợi là cả Ngoại trưởng lẫn bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện thời đều là những nhân vật rất có thiện cảm với Việt Nam :

« Để có thể rảnh tay để tăng cường quan hệ với Đông Nam Á hay là với khu vực Á Châu, Mỹ phải giải quyết các vấn đề khác, những vấn đề cần giải quyết nhanh như ở Trung Đông, hay là một số vấn đề khó khăn với các đồng minh ở Âu Châu - mà Châu Âu bao giờ đối với Mỹ cũng là quan trọng hàng đầu.

Tại Á Châu thì có Nhật. Có lúc Mỹ không lưu ý đến Nhật nhưng bây giờ do vấn đề Nhật Bản căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ phải lưu ý đến vấn đề khó khăn của Nhật cũng như khó khăn của Á Châu.

Theo tôi, chính sách của Mỹ, nếu nói trước sau như một thì không đúng, nhưng có bài bản. Chính sách xoay trục qua Á Châu đã được phân tích kỹ trong nhiều năm, chứ không phải là mới...

Nhưng phải nhớ rằng Kerry là người có quan hệ rất tốt đối với Việt Nam trong nhiều năm và đã cùng với nhiều người khác thúc đẩy vấn đề mở cửa với Việt Nam.

Ngoài ra còn có Chuck Hagel. Ông Chuck Hagel cũng là một người ngày xưa đi lính bên Việt Nam, cũng lưu ý đến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Khi hai người, một ngoại trưởng và một bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ đang nhậm chức có quan hệ tốt với khu vực Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng chính sách của Mỹ không những không thay đổi, mà sẽ phát triển thêm.

Ông Hagel đã đi dự Đối thoại Shangri-la và đã có một số tuyên bố mà theo tôi, mặc dầu cẩn thận, nhưng rõ ràng là nói cho mọi người biết là chính sách của Mỹ không thay đổi. »

Chủ tịch nước Việt Nam phải cố tranh thủ công luận Hoa Kỳ

Trong bối cảnh như kể trên, Việt Nam cần phải khéo tranh thủ thời cơ thuận lợi, thúc đẩy cho quan hệ Việt-Mỹ được tiến triển thêm nhân chuyến đi thăm sắp tới đây của chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Long đặc biệt lưu ý đến nhu cầu tranh thủ được công luận Hoa Kỳ :

« Trước hết ông Trương Tấn Sang là người có trách nhiệm về Quốc phòng Việt Nam, thì lẽ dĩ nhiên chính phủ Mỹ sẽ chú trọng đến việc này. Tôi nghĩ đây là một cái bước thêm vào quan hệ quốc phòng hai nước.

Nhưng theo tôi, là một nguyên thủ quốc gia, ông Sang nên tiến thêm một số bước nữa trong quan hệ kinh tế với Mỹ, và trong các lãnh vực khác. Tôi nghĩ rằng  ông Trương Tấn Sang có thể bàn thêm với Mỹ về hồ sơ nhân quyền, và chứng minh với dân chúng Mỹ - vì đây là cơ hội rất tốt - rằng Việt Nam là một nước tôn trọng nhân quyền.

Bởi vì trong vấn đề ngoại giao, thì ngoài ngoại giao giữa hai nước, còn có ngoại giao nhân dân, mà Mỹ là nước dân chủ, cho nên sức ép hay sự ủng hộ của nhân dân rất quan trọng đối với chính phủ Mỹ trong vấn đề ngoại giao.

Thành ra nếu một nguyên thủ, một lãnh tụ nước ngoài khi đến nước Mỹ mà có thể chinh phục được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ, thì sẽ là một việc rất quan trọng, không những cho Việt Nam, mà còn cho cả khu vực...

Việt Nam, như chúng ta mới vừa nói, là nước lớn thứ nhì, thứ ba trong khu vực, cho nên phải tỏ rõ vai trò lãnh đạo của mình hay ít ra là vai trò thúc đẩy quan hệ tốt hơn cho khu vực. »

Tóm lại đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyến đi thăm Nhà Trắng của nguyên thủ Nhà nước Việt Nam săp tới đây có thể được coi là một thành công của ngành ngoại giao Việt Nam. Do tình hình đặc thù của Việt Nam, vấn đề là toàn thể giới lãnh đạo tại Hà Nội phải thống nhất được ý kiến trên sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với Mỹ.

Theo giới phân tích, nếu chuyến đi thăm Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang thành công, khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama đi thăm Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới đây là một điều có thực.
Trọng Nghĩa (RFI)

Hồ Việt Khuê - Gác Rừng

644791

Gã bảo vệ tạt vào quán lá bìa rừng mua bao thuốc lá, cẩn thận soát lại túi quần, yên tâm chỉ còn mấy đồng bạc lẻ và cái quẹt ga. Hôm nay gã trực rừng cả ngày, nội quy không cho phép nhân viên trực mang theo tiền khi vào rừng, nếu cấp trên kiểm tra bất thường mà có tiền trong người sẽ bị quy tội nhận hối lộ của bọn lâm tặc.
Gã tạt qua trạm kiểm soát lấy súng và bi đông nước, liếc bảng phân công rồi cắt đường mòn đến điểm gác số Ba. Có nhiều con đường từ rừng về các làng dưới chân núi, hễ bảo vệ rừng canh giữ gắt gao, bọn phá rừng lại mở con đường mới vừa đủ cho ngựa thồ hay chiếc xe bò một luồn lách giữa các cội cây. Không phải lúc nào cánh bảo vệ và bọn phá rừng cũng chơi trò đuổi bắt, cứ nhìn màu xanh rừng nguyên sinh ngày xa dần làng mạc là thừa biết.
Năm trước, một đồng nghiệp của gã bị đuổi việc vì người đưa hối lộ tố cáo. Tất nhiên bạn gã kêu oan, nhưng đểu thật, thằng đưa hối lộ có chứng cứ rành rành là đoạn băng ghi âm cuộc trả giá cho mỗi chuyến xe bò gỗ ra khỏi rừng. Tội của bạn gã lý ra đi tù nhưng cấp trên sợ đổ bể nhiều chuyện khác nên chỉ xử lý nội bộ. Dù sao đó cũng là bài học cho tất cả bảo vệ, không chỉ ở trạm cửa rừng mà gã được nhận xét năng nổ, trung thực và xếp loại chiến sĩ thi đua năm rồi.
Gã vẹt lá chui vào lùm cây rậm xéo ngã ba mà cánh chở gỗ thường đánh xe bò đi ngang. Mùa khô, lớp lá vàng xếp dầy trên mặt đất có vẻ sạch sẽ nhưng cẩn thận, gã dùng que cây hất mấy chiếc lá bên trên, phòng lũ kiến vàng hay một con rắn chui rúc. Đốt điếu thuốc, rít hơi dài khoan khoái, gã lơ đãng nhìn con đường lơ thơ bóng cây, tơi tả bụi đất dưới ánh nắng gay gắt.
Gã thu mình, lặng lẽ quan sát người đàn bà đội chiếc nón cời sùm sụp che khuất mặt hiện ra nơi khúc quanh. Cái giỏ lát treo trên cán rựa đong đưa theo từng bước chân của mụ giúp gã nhận ra người quen, vợ một tay làm nghề rừng. Mụ có nhiệm vụ dò đường, theo dõi đám nhân viên bảo vệ để xe bò gỗ của chồng ra khỏi rừng trót lọt, không phải nạp tiền mãi lộ. Gã mặc mụ dò đường đi qua, nín cười vì bộ dạng lấc cấc và ánh mắt láo liên của mụ.
Gã giật thót người, thọc tay vào trong lưng quần dài. Một con kiến quái ác chui sâu cắn ngay chỗ nhạy cảm của gã. Gã mò mẫm, có lẽ tới hai, ba con kiến cắn gã. Đứng lom khom không xong, gã đứng thẳng người, tuột cả quần dài xuống ngang gối, thọc cả hai tay vào quần lót mới bắt được mấy con kiến. Gã chà tan nát xác kiến bằng hai ngón tay, chợt nhớ bài đồng dao một thời trần truồng chạy rong cùng đám bạn. Kiến cắn cu. Sưng chù vù. Không có tiền. Mua thuốc dán. Dán con cu. Cho nó gù… Gã muốn cười to, cả vỗ tay nữa như ngày xưa nhưng chiếc xe bò gỗ đang ì ạch cày bụi mù ngay ngã ba. Gã thét to: 
- Đứng lại! 
Gã không ngờ mình có thể thét to đến vậy, tiếng thét vang vọng trong rừng trưa im ắng nghe như tiếng hú của loài vượn.  
Gã bước ra khỏi lùm cây, bình thản nhìn con bò thỉnh thoảng co duỗi chân vì xe gỗ nặng, trong khi kẻ phá rừng quang quác chửi vợ bằng những từ ngữ thô tục nhất. Hắn ta nhịp cây roi quất bò, tiến về phía gã cười bợ đỡ.
- Anh thông cảm, em chỉ quơ ít củi khô về nấu cháo heo…
Gã chăm bẵm dò xét, đánh giá thiện chí của kẻ có thâm niên nghề rừng mà đồng nghiệp gã đồn đãi hắn rất quỷ quyệt, chỉ chịu xùy tiền khi bị bắt tại trận với tang vật chứ không lo lót mua đường vào rừng như kẻ khác. 
- Củi khô cái mả mẹ mày, củi khô mới chặt đêm qua hả, củi khô mà nhựa còn chảy ròng ròng...
Gã gầm gừ. Gần đây, gã không phát âm bình thường như mọi người, mà chỉ gầm gừ trong cổ họng. 
Gã tháo khẩu súng dài khỏi vai, đi vòng qua bụi rậm khác. Kẻ tội đồ bám chân gã, không ngừng van nài và đưa ra các đề nghị nhưng gã lẳng lặng, không tỏ thái độ. Gã ngồi chồm hổm, xoa bàn tay chai sần lên mặt đất, dùng ngón trỏ vạch mấy chữ số: 500. Kẻ tội đồ ngồi lom khom trước mặt gã, chà xóa số 5, viết con số 3 trước hai con số 0. Gã cau mặt, xóa cả ba chữ số, rồi thọc sâu ngón trỏ vào mặt đất, khắc đậm con số 4. Gã đứng lên, thái độ dứt khoát. Kẻ tội đồ chần chừ rồi gật đầu, đi về phía chiếc xe bò, gã chửi thề rít qua kẽ răng ken két.
Khi chiếc xe bò vừa qua khúc quanh, gã vội dúi mấy tờ giấy bạc vào một hốc cây.
Lại có một chiếc xe bò khác đang đến. Lần này là khách quen, gã không cần nấp, chủ xe cũng không cần tránh. Gã hờ hững nhận tờ năm trăm ngàn và đưa về hốc cây được chọn làm điểm tập kết rồi ngồi thọc tay vào quần vân vê những nốt kiến đốt. Mặt trời xía những tia nắng qua tán lá thưa thớt như cố với tới gã. Ngày dần trôi…
*
*     *
Gần khuya, gã bảo vệ rừng mang hơi men nồng nặc về nhà. Gã xỉa hai tờ bạc trăm ngàn vào mặt vợ. Gã đã nộp nửa tiền vào quỹ trạm theo luật, số tiền này trạm trưởng, trạm phó chi tiêu thế nào thì nhân viên không được biết. Hôm nay gã hài lòng vì cuộc mặc cả không tiếng người với tên cáo già quỷ quyệt. Máy ghi âm tối tân thật nhưng không phải không có cách đối phó.
Không nói năng, gã lôi tuột vợ vào buồng trong. Cả năm nay gã ít khi nói tiếng người. Trong rừng, gã chỉ nói bằng tay với những kẻ chở gỗ. Ở nhà, gã không có dịp nói vì thường về vào nửa đêm, sau chầu rượu bí tỉ cùng đồng nghiệp và bọn buôn gỗ, bọn phá rừng. Lúc uống rượu gã càng không nói, vì gã thừa biết họa từ miệng.
Gã chồm lên người vợ, trên bộ ván gỗ quý mà gã đổi bằng mười chuyến xe bò vào rừng. Gã nhe hàm răng sát mặt cô, đôi môi gã to dầy chà sát môi cô, phả men rượu khắp người cô, áp chặt bộ ngực lông rậm vào ngực cô, ghì xiết cô bằng hai cánh tay dài ngoằn, còn hai chân quặp chặt đùi cô và gầm gừ khoái thú. 
Người vợ nhắm nghiền mắt, co rúm người chịu đựng. Hình ảnh con vượn nhốt trong chuồng ở lâm trường bộ động tình gào rú man dại nhảy nhót trong đầu cô.
H.V.K
( Vannghequandoi )

Doãn Dũng - Âm thanh của ký ức

1. Mới vào hạ nắng đã chói chang. Khán giả ngồi đợi xem trình diễn văn chương liên tục dùng khăn giấy chấm mồ hôi trên trán. Họ còn rất trẻ, đi hội Đọc sách thấy lạ đứng lại xem. Lẫn trong đám khán giả trẻ, ở hàng ghế thứ hai, có người đàn ông đứng tuổi, chốc chốc lại chụm đầu rì rầm với một thượng úy hải quân. 
 
Sân khấu rộng bằng dăm manh chiếu, ngổn ngang những chiếc thùng caton đạo cụ mầu xanh cỏ úa, dùng cho tiết mục trình diễn truyện ngắn: “Những vòng đồng ký ức”. Phía sau sân khấu, các diễn viên thay quần áo, khoác lên mình bộ quân phục mới tinh còn thơm mùi hồ. Tác giả truyện ngắn vừa cài khuy, vừa khen: “Quân phục bây giờ đẹp quá. Thời bọn tớ mặc K82, trông như khố tải”.
Phía dưới, người đàn ông đứng tuổi hướng camera lên sân khấu, lẩm bẩm: “Chuẩn bị xuất kích”.
 
Một giai điệu trầm buồn vang lên, tác giả bước ra sân khấu. Đầu anh ta hơi cúi xuống, hai tay chắp sau lưng, dáng điệu suy tưởng, chầm chậm bước trong tiếng nhạc. Anh ta từ từ ngẩng lên, mắt nhìn vào khoảng không vô định, giọng kể đều và trầm: “Ngày ấy, chúng tôi chốt trên điểm cao Z4… Chúng tôi làm những chiếc vòng tay bằng vỏ đạn, đeo để theo dõi thời gian. Cứ hết một tuần vòng, tôi lại nhét một viên sỏi vào túi cóc  ba lô. Thỉnh thoảng tôi mang sỏi ra đếm: “À, mình đã sống thêm được ngần này ngày”.
 
Người đàn ông đứng tuổi nhỏm hẳn dậy, một tay cầm máy quay, tay kia bám chặt vào vai thượng úy hải quân ngồi bên cạnh. Cánh tay lồi lõm, sẹo nham nhở.
*     *
Minh họa: Doãn Dũng
Ngọn núi như con thằn lằn khổng lồ dán mình trên mặt đất. Mỏm  Z4 ở phần đuôi, là nơi thấp và gần địch nhất. Hôm nay đại đội 3 đã bẻ gãy bốn đợt tấn công của địch. Đại đội trưởng Toại đang nhoài người trên bờ hào dùng ống nhòm quan sát trận địa. Quần xắn đến gối để hở hai cẳng chân đen đúa. Ngón chân tòe ra như nan quạt, bám đầy bùn đất. Dũng, chiến sĩ thông tin 2W đập đập vào Toại: “Anh Toại, trung đoàn trưởng gọi”. Toại tụt xuống, chui vào hầm, nói như hét vào tổ hợp: “Báo cáo thủ trưởng, đại đội 3 vẫn kiên cường giữ vững trận địa. Quân số thương vong lớn, đạn sắp hết. Xin trung đoàn cho dự bị xuất kích”. 
 
Dũng ngồi bó gối, lưng tựa vào vách hầm, chăm chú nhìn các búi cơ trên khuôn mặt gày gò của Toại chuyển động như sóng lượn. Dường như đã đọc được câu trả lời qua nét mặt ấy, cậu vẫn hỏi khi Toại đặt tổ hợp xuống: “Tình hình thế nào đại trưởng?”. Toại rút hộp tiếp đạn AK ở trong bao xe, vỗ vỗ vào lòng bàn tay rồi vứt toẹt vào góc hầm, thủng thẳng nói: “Đường vận động bị pháo địch chia cắt, áp chế”. Toại quay sang Dũng hỏi: “Mày còn băng đạn nào không?”. Dũng lắc đầu: “Em còn vài viên. Để xem thằng Hanh còn không”. Toại bảo: “Anh lấy hết của nó rồi”. 
 
Hanh là liên lạc đại đội, bị thương nằm trong góc hầm, thều thào: “Em còn một quả na, nhưng cho em giữ đi. Nhỡ đâu…”, Hanh nói nửa chừng thì dừng lại, không biết là bị ngất hay sợ gở mồm!? Tóc Hanh bết máu khô, cứng đơ, xù ra như búi rễ tre. Mặt xám ngoét như người chết rồi.
 
Toại xách súng lao ra ngoài, còn ngoái cổ lại dặn: “Thằng Dũng cấm bỏ máy đấy. Việc của mày là ở trong này”. Dũng không nói gì, với tay chỉnh lại cái máy 2W mầu xanh, kiểm tra lại tần số. Chiếc anten trông như đuôi cá đuối, lách qua cửa hầm, bị buộc cong lại cho khỏi lộ vị trí. Thằng Hanh hỏi: “Còn nước không?” Dũng bảo: “Hết rồi. Mà mày cũng không được uống, ra hết máu”. Thằng Hanh khóc, tiếng khóc khè khè như người lên cơn hen. Nó bị dính mảnh cối từ trưa, người thủng lỗ chỗ như cái tổ ong. Dũng an ủi: “Sắp tối rồi, bọn C25 sẽ vào khênh mày ra”.
 
Bên ngoài, văng vẳng tiếng rên của thương binh xen lẫn tiếng đùng đoàng lúc xa lúc gần. Dũng cảm giác là mình nghe được tiếng rên, chứ thực tình tai cậu điếc đặc, đạn cối 82 nổ gần mà nghe bép bép như pháo tép của trẻ con.
 
Đại đội trưởng Toại men theo bờ hào, nhiều đoạn phải bò. Ụ chiến đấu trước đó gá khẩu 12,7 mm, nay chỉ còn là hố đất. Khẩu súng bị ném ra xa, mỗi nơi một mảnh. Lòng hào nhớp nháp máu. Đất đồi trộn với máu thành một lớp bùn trơn nhầy. Cả đại đội chỉ còn gần hai chục tay súng. Thương binh đã được chuyển vào những hầm chưa bị đạn pháo cày nát. Thằng bị nhẹ chăm sóc thằng bị nặng. Mùi máu tanh lòm. Toại đỡ một tử sĩ nằm vắt trên thành hào, cạnh khẩu đại liên K53 hết đạn, bảo: “Xuống đây em nhé. Đừng để dính thêm mảnh nào nữa”. Cái xác vẫn còn ấm, ruột xổ ra một đống xám xịt. Mấy cậu lính mặt ám khói đen xì, ôm súng ngồi bệt dưới lòng công sự, nhướn mắt nhìn Toại. Ánh mắt chăm chắm mong đợi tin tốt lành từ anh. Anh định lên giây cót thay cho C phó chính trị - chúng ta sẽ chiến đấu đến người cuối cùng - nhưng lại đổi ý, chỉ tay về phía mỏm núi gần nhất, nói: “Dự bị đã xuất kích. Các em yên tâm. C5 ở Z2 cũng sẽ chi viện cho chúng ta”. Những ánh mắt chậm rãi chuyển sang hướng khác, lách qua bờ hào sụt chỉ còn ngang đầu gối, lần theo những xác chết nằm rải rác xuống đến chân núi rồi lẫn vào rừng cây đại ngàn. Toại hít một hơi thật sâu nhưng không dám thở mạnh sợ giống tiếng thở dài. Anh đẩy hơi ra từng nhịp ngắn như bị nấc cụt.
 
C phó quân sự hi sinh ngay loạt pháo đầu tiên khi đang kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại khu vực tiền duyên. Anh bị mảnh pháo chém xả vai bay mất tay phải. C phó chính trị bị thương nặng trong trận trưa nay, cũng không chắc qua khỏi. Liệu có đợt thứ năm không? Anh không biết. Nhưng có một điều anh biết chắc chắn, nếu chúng tấn công lần nữa, mỏm Z4 sẽ không giữ được. Sức tàn đạn kiệt rồi. Anh đã gọi cho tiểu đoàn trưởng xin các mỏm khác chi viện nhưng không được. Các C kia cũng đang căng người ra đánh trả. Chỉ còn hi vọng vào dự bị của trung đoàn, nhưng pháo địch đã khống chế được con đường vận động chặn bước tiến của cánh quân này.
 
Chưa bao giờ anh mong trời tối đến thế. Bóng đêm hay đi kèm với bất trắc, nhưng lúc này, bóng đêm là thần hộ mệnh cho anh và đồng đội. Địch sẽ lui quân khi trời tối. 
 
Đang tháng năm, mặt trời sắp khuất sau dãy núi phía tây mà nắng vẫn chang chang.
 
2. Trên sân khấu, tác giả ngồi trên bục gỗ được phủ một lớp vải dù. Bên cạnh là những thùng caton sơn xanh. Cậu diễn viên nằm gối đầu lên đùi nhà văn. Họ đang truyện trò.
- Hay là ta chuồn!
- Chuồn há? - Tay diễn viên chồm dậy - Ý mày nói đào ngũ? Điên à? Sao không biến ở dưới kia đi, lên đến đây rồi còn kêu chuồn.
- Mày có sợ chết không? – Nhà văn đứng dậy hỏi.
- Chết hả? Tao không sợ. Chết là hết. Tao chưa vợ con, vướng bận gì...
 
Bên dưới, người đàn ông đứng tuổi thò tay trái xuống bóp bóp bắp chân, quay sang thượng úy hải quân hỏi chẳng ăn nhập với tình huống trên sân khấu: “Cái thùng kia là thùng gì cháu nhỉ? Nếu là thùng đạn thì to quá”. Thượng úy trả lời: “Sân khấu mà chú, đạo cụ mang tính ước lệ thôi”. Người đàn ông gật gật đầu rồi quay lên xem tiếp.
 
*
*     *
Làng Gạo nép mình bên dòng sông Miện xanh ngắt, cách mặt trận khoảng hai chục cây số. Cổng làng có cây gạo trăm năm, to bằng mấy người ôm. Từ xa đã nhìn thấy cây gạo cổ thụ cao vút, ra hoa đỏ rực in trên nền trời xanh thẳm. Đây là ngôi làng kinh tế mới của người dưới xuôi đi khai hoang cuối những năm bảy mươi. 
Đơn vị Toại chuyển quân từ Lào Cai sang, doanh trại chưa có nên ở nhờ nhà dân. Toại ở nhà ông bà Phùng ngay đầu làng. Chiến sự xảy ra, con cái chạy loạn về quê cũ, chỉ còn ông bà và con Mực ở lại trông coi vườn tược lợn gà. Ông Phùng bảo: “Cả đời tao chạy giặc. Vừa chạy giặc đói lên đây chưa ấm chỗ lại chạy nữa sao? Già rồi, chết có gì mà tiếc!”.
 
Nhà ông Phùng có cây trám trước sân, cành lá sum xuê, bóng mát che kín mảnh sân đất nện. Thằng Phúc mới ba tuổi, nó hay thơ thẩn chơi với con Mực dưới gốc cây. Cả ngày Toại lăn lộn ngoài thao trường. Thằng Phúc được ông bà Phùng để mắt trông nom. Ông bà già cũng đỡ buồn còn anh bớt đi nỗi lo họa sông nước. 
 
Ba tháng trước Toại nhận được điện của cô em gái: “Anh về gấp giải quyết chuyện gia đình”. Vợ Toại theo một tay lái xe đường dài, để lại lời nhắn: “Anh Toại! Em không thể sống trong cảnh nghèo khổ, có chồng cũng như không thế này. Em vào Nam trước, khi nào ổn định sẽ đón con vào sau. Chúc anh tìm được hạnh phúc”.
 
Chẳng biết gửi thằng Phúc cho ai, Toại đành ôm con lên đơn vị.
 
Thằng Hanh trọ ở nhà bên cạnh. Bên ấy chủ nhà đi sơ tán hết. 
 
Bữa trước trung đoàn trưởng gọi Toại lên. Ông hỏi: “Thằng bé đã quen sống với lính chưa?”. Toại cười, nụ cười meo méo như sắp khóc: “Quen ngay chứ ạ. Cháu vui lắm, đùa nghịch suốt ngày”. Trung đoàn trưởng gật gù, ông xoay xoay chén trà trong lòng bàn tay. Chén trà nguội ngắt mà ông chưa uống. Toại biết ý, hỏi: “Thủ trưởng có điều gì khó nói phải không ạ?”. Trung đoàn trưởng ngẩng lên, nắm lấy tay Toại, bảo: “Tớ rất hiểu hoàn cảnh của cậu. Nhưng trên vừa quyết định đơn vị ta sẽ lên thay chốt. Tớ nghĩ mãi chưa tìm ra phương án nào thuận lợi cho cậu…”. Toại ngắt lời: “Thủ trưởng cứ yên tâm, em có cách xử lý…”.
 
Từ trung đoàn bộ về đến đại đội 3 mất nửa tiếng trên con đường đất như một dải lụa bám theo bờ sông. Dáng Toại cao gầy, lầm lũi dưới ánh trăng. Anh chợt nhận ra trăng ở đây không giống những nơi anh từng qua, nó có màu biếc xanh. Tiếng dế kêu nỉ non buồn thảm. Bên kia, thỉnh thoảng lại ré lên tiếng cười lanh lảnh của lũ con gái trường trung cấp sư phạm tắm sông. Tiếng cười lan trên mặt nước, vượt sang bên này bóp nghẹt trái tim trong lồng ngực lép kẹp của Toại. Anh bước nhanh hơn, như chạy.
 
Thằng Phúc gà gật ngồi trên khúc củi khô ngoài sân chờ bố. Con Mực phủ phục bên cạnh. Hoa trám rụng trắng sân. Toại lao tới xốc con lên, dụi mặt vào bụng. Thằng Phúc tỉnh ngủ cười sằng sặc. Mùi nước đái hoi hoi len lỏi ngấm vào từng phế nang của Toại. Con Mực chạy vòng quanh, thỉnh thoảng lại nhảy cỡn lên, cào hai chân trước vào đùi Toại.
 
Thằng Hanh từ sân bên kia, nói vọng sang: “Anh Toại ơi, em bị chó cắn ra nhiều máu quá”.
 
Toại kẹp nách thằng Phúc, nhảy qua bức tường đất chỉ cao ngang bẹn, bảo: “Đi đứng làm sao mà thế này”. Thằng Hanh cởi trần, mặc quần đùi, bắp chân trái nhìn rõ vết chó cắn, máu chảy ròng ròng. Toại cúi xuống xem vết thương, hỏi: “Chó nhà ai?” Hanh nói: “Em không biết, chắc chó hoang”. Toại giục: “Qua C24 ngay đi. Chó dại thì phiền đấy”. Hanh nhanh nhảu: “Bệnh xá trung đoàn không có thuốc chó dại đâu. Chắc lại chuyển em lên viện 93 thôi”. Toại bảo: “Đi luôn đi”. Thằng Hanh vâng vâng rồi xách chiếc ba lô tập tễnh bước, bóng nó nhanh chóng khuất sau lùm găng.
 
Toại ru thằng Phúc ngủ rồi dậy thu dọn. Đồ đạc của Phúc có nhiều nhặn gì! Mấy manh áo vá, vài món đồ chơi làm bằng vỏ đạn. Toại cẩn thận xếp từng thứ vào ba lô. Đúng rồi, còn cân đường tiêu chuẩn mới nhận hôm qua. Chiếc áo chưa giặt của Phúc chua như mẻ. Mùi mồ hôi của con làm anh bần thần. Anh không cất vào ba lô mà để riêng một chỗ. Còn cái gì nữa không nhỉ? Toại tháo cái vòng bằng đồng ở cổ tay, thả vào ba lô rồi treo lên cột. 
 
Toại chui vào màn. Thằng Phúc đang ngủ rất say bỗng xoay ngang người, gác một chân lên mặt Toại. Anh không ngủ được. Thằng Phúc gác thêm cái chân nữa lên ngực anh. Anh cứ để nguyên như thế và mong đêm thật dài.
 
“Em không thể sống trong cảnh… có chồng cũng như không” - Toại nghe câu nói ấy lần đầu trong đợt nghỉ phép cách đây ba năm, khi vợ sinh thằng Phúc. Anh mang về tặng vợ chiếc lọ hoa kì công làm từ vỏ đạn cao xạ 37 mm. Lần nghỉ phép tiếp theo lọ hoa đã không còn, vợ anh đổi được ba cân gạo.
 
Giờ vợ anh đã vào Nam. Toại thở dài. Cha mẹ đã mất, Toại tính gửi thằng Phúc cho cô em gái mới lấy chồng xóm trên. 
 
Tiếng gà eo óc vang lên từ cuối xóm. Toại nhẹ nhàng gỡ chân thằng Phúc ra. Thằng Phúc ngủ mê, nói lảm nhảm: “Bố… bố”. Còn một ống bơ gạo nếp mang từ bên kia sang, Toại nấu lên rồi gói tất vào một tấm lá chuối. Mùi cơm nếp bốc lên thơm ngậy.
 
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Anh khoác chiếc ba lô trên lưng, đặt thằng Phúc ngồi lên hai vai. Hai tay nắm cổ chân, thằng Phúc ôm đầu bố ngủ gục. Trăng vẫn chưa lặn.
 
Con Mực chúi đầu, theo gót bố con anh đến gốc gạo thì dừng lại, ngửa cổ sủa một hồi mới quay về.
 
Thị xã Hà Giang mỗi ngày chỉ có một chuyến xe khách xuôi, một chuyến ngược. Trái lại, xe kéo pháo, xe chở đạn, xe chuyển quân vào ra kìn kìn không ngớt. Thị xã bây giờ chỉ toàn lính. Bến xe khách cũng đặc lính, những người lính có phép và không phép. Kiểm soát quân sự đi lại như con thoi.
Toại đi quanh xe, hỏi với lên: “Có đồng hương nào Quốc Oai, Hà Sơn Bình không?”. Một cái đầu thò ra trả lời: “Có Phúc Thọ đây”. Toại nói: “Đồng hương cho tôi gửi cháu về quê được không?”. Người kia bảo: “Được!”.
 
Thằng Phúc đã thức, nó ngơ ngác nhìn xung quanh rồi hỏi: “Mình đi đâu hả bố?”. Toại vẫn để thằng Phúc ngồi trên vai, không dám hạ xuống vì sợ nó nhìn thấy đôi mắt ầng ậc nước. Toại trả lời: “Con về quê trước. Bố sẽ về sau”. Thằng Phúc bảo: “Bố về cùng con!”. Toại nhét vào túi áo ngực bé xíu bằng hai ngón tay mảnh giấy ghi tên tuổi, địa chỉ quê quán của Phúc rồi dặn dò người lính đồng hương. Anh chép lại những thông tin của người lính kia lên vỏ bao thuốc lá, bảo:
“Có dịp tôi sẽ qua nhà thăm đồng hương”.
 
Toại trao thằng bé và cái ba lô qua cửa sổ xe cho người lính rồi lùi lại một bước, nói: “Còn không về được thì xin đồng hương nhận của tôi…”. Chưa dứt lời Toại sụp xuống, vòng tay làm một vái rồi quay đầu chạy. Thằng bé khóc, nhoài người ra cửa sổ gọi với theo: “Bố ơi… bố”. Người lính đồng hương ngỡ ngàng nhìn Toại chạy như bị ma đuổi, mắng vốn: “Rồ à? Tự dưng bê người ta lên bàn thờ”. Anh ta quay sang nựng thằng Phúc: “Nín nào, chú cháu mình về quê nhé!”
 
Chạy một đoạn xa Toại mới dừng lại. Anh đứng trân trân nhìn chiếc xe khách đỗ trong bến cho đến khi xe lăn bánh hút tầm mắt. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má Toại. 
 
Thằng Hanh đứng ở góc bến xe nhìn thấy hết. Nó đã có giấy đi viện 93.
 
Toại về đến nhà một lúc thì thằng Hanh cũng về. Nó nói: “Em không đi viện nữa”. Toại lo lắng: “Nhỡ dại thì sao?”. Hanh bảo: “Không dại được đâu anh ạ. Em biết con chó ấy rồi”. Toại nhìn Hanh, đùa: “Hay mày sợ tiêm hăm mốt mũi quanh rốn?”. Thằng Hanh lắc đầu cười cười, đi cà nhắc nhưng vẫn leo qua bức tường lửng bằng đất sang sân bên kia. Ống quần bên trái xắn đến đầu gối, vết chó cắn đã khô miệng.
 
Chiều hôm ấy Dũng lưng đeo máy 2W có cái anten cao ngật ngưỡng, ba lô đeo trước bụng, tìm Toại thông báo: “Em ở C18 đi phối thuộc với đại đội anh”.
 
Dũng được phân về ở tạm cùng Hanh. 
 
Thằng Hanh ngồi sau nhà, đang mân mê ngắm nghía cặp xương hàm chó còn đủ cả răng nanh nhọn hoắt. Đây là bảo bối của một đồng hương truyền lại. Thay vì tự thương bằng súng hay mìn 652A, cái hàm chó này nhẹ nhàng và kín đáo hơn rất nhiều. Chỉ việc đưa bắp chân vào khạp một cái, đầy đủ cả vết răng hàm lẫn răng nanh, tài thánh cũng chẳng phát hiện ra. 
 
Thoáng có bóng người Hanh giúi vội cặp hàm chó vào đống củi.
 
3. Một loạt tiếng nổ vang lên qua cặp loa đại trên sâu khấu. Các diễn viên nháo nhào núp sau bục gỗ. Một giọng nói cất lên, hốt hoảng: “Chúng nó lên đông quá! Đánh hay là rút?”. Giọng nói khác, quyết liệt: “Đánh!”. Một cánh tay giơ lên rồi vài ba cánh tay khác cũng chầm chậm giơ lên từ những vị trí ẩn nấp. Những cánh tay đeo vòng đồng làm bằng vỏ đạn. Họ hát Quốc ca trong tiếng súng nổ. Từng người một ra khỏi vị trí nấp, lao lên phía trước và gục ngã. 
 
Thượng úy hải quân cũng bị cảm xúc vở diễn cuốn đi. Anh đứng dậy giơ tay và hát. Cổ tay ánh lên mầu nắng của chiếc vòng làm bằng vỏ đạn.
 
 “Gọi pháo bạn ơi. Xin pháo sư đoàn đi”. Người cựu chiến binh gào lên da diết. Ông ta đã chuyển máy quay cho thượng úy Hải quân. Đôi mắt người đàn ông nhìn những diễn viên trên sân khấu như nhìn những bức tượng vô hồn, luôn miệng gào xin pháo dội: “Gọi pháo đi. Anh Toại đã làm thế. Chúng tôi chấp nhận chết…”.
 
Rồi ông ta ngồi xuống ghế, hai tay bấu chặt vào đùi.
 
 * 
 *     *
 
 Ánh nắng sắp tắt thì lửa bùng lên nhoang nhoáng khắp ngọn núi Thằn Lằn. Toại hét lên: “Giữ vững trận địa”. Tiếng thét của anh bị tiếng pháo liếm mất. Đất đá bị thổi tung lên, rơi xuống rào rào. Khói bụi mù mịt không nhìn thấy gì.
 
Pháo nổ một chập dài thì ngớt. Chân núi rộ lên tiếng súng bộ binh địch. Đạn cắm phầm phập vào núi đất. Tiếng súng đánh trả trên núi rời rạc thưa thớt. Dũng rời máy thông tin xách súng lao ra chiến hào. Hanh nằm ngửa, hai tay ôm quả lựu đạn đã mở một bên chốt cài, đặt lên ngực, miệng mấp máy không thành tiếng. 
 
Toại nép vào vách hào, bắn phát một để tiết kiệm đạn. Nhìn thấy Dũng, quát: “Bật lê!”.
 
Tiếng hò reo của địch mỗi lúc một gần. Chúng đông như đàn kiến đang đu lên con thằn lằn.
 
Toại ra lệnh cho Dũng, giọng gấp gáp: “Liên lạc xin pháo sư bắn trùm lên trận địa”.
 
Dũng chần chừ. Toại giục: “Nhanh lên!”. Dũng kê súng, chậm rãi bắn nốt những viên đạn cuối cùng. 
Địch đã lọt vào chiến hào. Có tiếng rống lên như lợn bị chọc tiết. 
 
Toại quay trở lại hầm. Dũng vịn vào khẩu AK tuốt lê sáng quắc, hai gối quì xuống nền hầm, tay trái run run cầm tổ hợp, đầu cúi xuống, mắt nhắm nghiền. Toại hỏi: “Xin chưa?”. Dũng ngẩng lên nhìn Toại - đôi mắt ướt nhoẹt - lắc đầu.
 
“Sông Lô gọi sông Hồng. Nghe rõ trả lời!”
“Sông Hồng nghe rõ”.
“Sông Lô xin mưa rào lên đỉnh Z4. Nghe rõ trả lời”.
Đầu máy bên kia im lặng.
Toại hét lên: “Sông Hồng nghe rõ trả lời? Nghe rõ trả lời”.
“Sông Hồng nghe rõ. Đồng chí tên gì?”
“Tôi, thượng úy Nguyễn Xuân Toại, đại đội trưởng đại đội 3”.
Thằng Hanh mắt nhắm nghiền, người run lên từng cơn, lảm nhảm: “Anh Toại, em xin lỗi, vết răng chó…”
Toại nói: “Biết rồi”. Anh chậm rãi đặt tổ hợp. Toại tiến lại gần rồi ngồi xuống bên cạnh, úp bàn tay lên những ngón tay Hanh, quay sang nhìn Dũng, bảo: “Nếu đứa nào về được, để mắt tới thằng Phúc hộ anh nhé”.
Dũng khóc nấc lên thành tiếng. Gật đầu.
Toại đứng dậy, xách súng lao ra chiến hào. 
 
Trên trời có tiếng o o như tiếng bay của đàn ong khổng lồ. Tiếp đến xoẹt xoẹt như cả trăm cái liềm cùng gặt lúa một lúc. Mặt đất rung rinh chao đảo. Trận địa pháo ở phía sau được lệnh bắn cấp tập. Những khẩu pháo thi nhau khạc lửa. Con thằn lằn quẫy đuôi, đàn kiến tung lên, rơi xuống.
 
Dũng tỉnh dậy thấy mình bị ném vào góc hầm. Người đau ê ẩm nhưng tay chân còn đủ. Cậu nhìn thấy ánh sao trên trời và cố bò ra cửa hầm. Tay Dũng chạm phải mái tóc máu khô của Hanh. Nó còn thở. Hanh vẫn giữ chặt quả lựu đạn trên ngực. Dũng phải gỡ từng ngón tay cứng ngắc mới moi ra được.
 
Bên ngoài có tiếng động, tiếng bước chân nhẹ lẫn tiếng sột soạt của quần áo. Dũng mím môi, một tay nắm chặt quả lựu đạn, ngón trỏ tay kia móc vào chốt chờ đợi. 
 
Bốn năm bóng người ào vào. Dự bị đã lên đến nơi. Cậu y tá sờ mũi Hanh, rút xi lanh trong túi cứu thương, chích một liều moocphin giảm đau rồi tiêm trợ tim chống sốc. Cánh vận tải đặt Hanh vào võng được buộc hai đầu vào đòn tre rồi khênh đi.
 
Bên ngoài chiến hào, xác địch đè lên xác ta lẫn lộn. 
 
Đại đội trưởng Toại hi sinh trên đường bò về hầm. Súng hết đạn, lưỡi lê gãy. Máu giặc két lại ở chuôi, chảy cả xuống ốp tay cầm. Lưng Toại bị một mảnh pháo chém vỡ toang, chân phải dập nát. Toại nằm ngửa, đôi mắt nhắm hờ, các búi cơ trên mặt giãn ra không còn chuyển động. Bàn tay anh đặt lên bao xe đã mở được nắp, bên trong không có hộp tiếp đạn nào, chỉ có chiếc áo trẻ con.
 
4. Người lính cuối cùng lao ra khỏi chỗ nấp. Tiếng súng phát ra từ cặp loa vẫn dồn dập. Anh ta ôm ngực rồi ngã xuống sân khấu. Còn chút sinh lực cuối cùng, người lính móc những viên sỏi trong túi cóc ba lô. Đôi môi nứt nẻ của anh khẽ mấp máy. Đôi mắt từ từ khép lại. Tay vẫn nắm những viên sỏi đang đếm dở.
 
Tiếng súng nhỏ dần rồi tắt.
 
Người đàn ông đứng tuổi rền rĩ: “Dũng ơi. Sao mày không xin mư…a …a…a?”
 
Trên sân khấu, tay nhà văn đang trong tư thế tựa lưng vào đồng đội, nhìn người đàn ông đứng tuổi, đôi mắt ướt nhoẹt...
 
Người đàn ông đứng tuổi mắng: “Đồ… dát chết! Mày vẫn không thể một lần làm như anh Toại được! Không dám mở mồm ra gọi pháo…”.
 
Vở diễn kết thúc. Phúc - người mang quân hàm thượng úy hải quân ngây người như pho tượng. Câu chuyện đang đưa anh về miền kí ức xa xôi, về làng Gạo bên bờ sông Miện, về buổi chia tay ở bến xe và dáng chạy như ma đuổi của bố anh ngày nào.
 
 *
 *      *
 
Nghĩa trang ngun ngút mộ lính. Những ngôi mộ trầm mặc bám vào triền đồi. Đài tưởng niệm hình ba khẩu AK chụm lưng tuốt lê tạc thẳng lên trời. Dũng “nhà văn” ôm bó hương nghi ngút khói. Làn khói trắng quyện với nắng mai chuyển sang biêng biếc xanh, run rẩy mãi không tan.
 
Hanh cầm chiếc camera đang bật lại những hình ảnh quay hôm vừa rồi, đi lại giữa các ngôi mộ, thì thào: “Chúng mày dậy mà xem, thằng Dũng trình diễn truyện viết về chúng mày này”. 
Đáp lại lời Hanh là tiếng lá cây xào xạc.
 
Trại viết VNQĐ Sa Pa tháng 5-2013
D.D
( Vannghequandoi )
 

Trung Quốc: Tăng trưởng chậm lại trong quý hai

Công nhân nhà máy dệt sợi Tuyền Châu, khu tự trị Nghiễm Tây, miền nam Trung Quốc (Ảnh chụp 15/07/2013)
Công nhân nhà máy dệt sợi Tuyền Châu, khu tự trị Nghiễm Tây, miền nam Trung Quốc (Ảnh chụp 15/07/2013) (REUTERS)

Theo thống kê được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/07/2013, kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại trong hai quý liên tiếp. GDP Trung Quốc trong quý 2 năm nay tăng 7,5 %, thấp hơn so với quý 1. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 6/2013 bất ngờ bị giảm.

Một nhà quan sát ghi nhận là trong 5 quý liên tiếp, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc bị ghìm dưới ngưỡng 8 %. Đây được coi là một ngưỡng tối thiểu để bảo đảm việc làm cho người lao động Trung Quốc. Một yếu tố khác đáng quan ngại không kém là khả năng cạnh tranh của Trung Quốc cũng bị giảm sụt trong tháng 6 vừa qua.

Thông tín viên đài RFI từ Thượng Hải, Delphine Sureau cho biết thêm chi tiết

« Vào sáng nay, phát ngôn viên Tổng cục Thống Kê Trung Quốc nhắc lại là quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với tình hình kinh tế "khó khăn và phức tạp". Nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc bị chựng lại do tác động dây chuyền từ tình hình kinh tế của Châu Âu và Mỹ. Xuất khẩu sang hai khu vực nói trên bị ảnh hưởng. Nhìn đến lĩnh vực sản xuất, so sánh với tháng 6/2012 sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 8,9 %, nhưng tăng chậm hơn so với thành tích của tháng 5. Điểm son đáng ghi nhận là chỉ số tiêu dùng của các hộ gia đình Trung Quốc đã tăng lên được đôi chút trong tháng 6 vừa qua. Nhưng dù có tăng, tiêu thụ nội địa vẫn không đủ sức bù đắp lại khó khăn của khu vực xuất khẩu.

Chính vì vậy mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn. GDP đang tăng 7,7 % trong quý 1, rơi xuống còn 7,5 % trong quý 2. Nhìn chung, trong sáu tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc chỉ tăng 7,6 %. Các nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn đánh giá tình hình là "ổn định" và Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng trưởng 7,5 % cho cả tài khóa 2013. Nhưng đây sẽ là tỷ lệ tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ 13 năm qua. Chưa kể là vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Lưu Kế Vĩ lại còn nói đến tỷ lệ tăng trưởng 7 %. Tuyên bố này của ông ngay sau đó đã được cải chính và kiểm duyệt ».
Thanh Hà (RFI)

Chiến tranh tin học, mục tiêu mới của giới quân đội

Trao đổi giữa sĩ quan Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận Ulchi Freedom Guardian 2008
Trao đổi giữa sĩ quan Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận Ulchi Freedom Guardian 2008 (www.usfk.mil/usfk)

Chương trình nghe trộm thông tin cá nhân Prism của Mỹ chỉ là « phần nổi của tảng băng ». Những tiết lộ về hệ thống gián điệp « tai mắt » tinh vi của Mỹ, Anh hay Pháp cho thấy các nước lớn đều đã có một sự chuẩn bị cho các cuộc « xung đột trên mạng » và đều đã tự trang bị những « vũ khí ảo » rất lợi hại.

Trong bài báo mang tựa đề « Chiến tranh Cyber, trọng tâm mới của quân đội » tờ Le Monde ấn bản trên mạng ngày 13/07/2013 trích lại báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, theo đó, những vụ tấn công tin học có liên quan đến một Nhà nước hay một bộ phận then chốt nào đó của một quốc gia không hơn không kém là một « chiến dịch quân sự ». Chiến dịch đó được mở ra để « cản đường quân thù sử dụng không gian cyber và vũ khí trong một cuộc xung đột, và bao gồm cả những khái niệm như là tấn công, phòng thủ và hành động trên mạng - cyberattaques, cyberdéfensse và actions cyber ».

Theo phân tích của một sĩ quan trong quân đội Pháp, Michel Baud, khái niệm « chiến tranh cyber » hiện còn rất mù mờ. Cụm từ đó có thể được dùng để chỉ một cuộc « xung đột đối xứng » chẳng hạn như giữa hai quốc gia, nhưng đấy cũng có thể là một cuộc chiến « bất đối xứng » như là trường hợp xảy ra giữa một quốc gia với một tác nhân không phải là một nhà nước. Nhưng điều quan trọng hơn cả theo lời một chuyên gia về chiến lược quốc phòng của Phần Lan, Jarno Limnéll, trong các cuộc xung đột sắp tới đây, các « vũ khí ảo » ngày sẽ càng chiếm một vai trò quan trọng. Thay vì dội bom vào một địa điểm nào đó trên chiến trường thì người ta cũng có thể mở một chiến dịch « oanh tạc cyber » để vô hiệu hóa đối phương.

Chuyên gia Limnéll nêu lên một khác biệt hết sức quan trộng giữa các loại vũ khí truyền thống và « vũ khí cyber » : vũ khí ảo thường là những phần mềm có sức công phá rất lớn nhưng nạn nhân phải mất thời gian mới phát hiện mình đang trở thành mục tiêu tấn công. Nói cách khác vũ khí ảo không khi nào được phát hiện tức thì. Limnéll nêu lên chương trình Stuxnet. Đó là một phần mềm nguy hiểm được Mỹ và Israel phát triển để phá hoại các cơ sở hạt nhân của Iran. Chương trình hạt nhân của Téhéran, qua đó bị đình trệ trong nhiều năm trời. Stuxnet đã hoạt động trong nhiều tháng liên tiếp.

Một chương trình phần mềm khác nhắm vào Iran là Flame cũng do hai nước đồng minh nói trên phát động. Nhưng khác với Stuxnet, Flame được sử dụng để « âm thầm thu thập thông tin ». Theo tiết lộ của chuyên gia Jarno Limnéll, virut lợi hại đó nhắm vào Iran chỉ bị phát hiện sau một loạt các vụ tấn công tin học nhắm vào một số cơ sở khầu khí của các nước ở vùng Vịnh, và mọi người nghi là có bàn tay của Téhéran trong đó. Chỉ khi đó các chuyên gia mới khám phá ra « mìn cyber » Flame. Flame có một chức năng đặc biệt là đột nhập vào các máy tính cá nhân mà không hề bị phát hiện và một khi hoàn thành nhiệm vụ thì chương trình Flame được tự hủy. Chính vì vậy mà giới điều tra cho rằng, loại virut này đã hoạt động trong vòng 2 năm mà không một ai hay biết.

Có điều chắc chắn là thế giới đang lao vào một cuộc chạy đua « vũ trang cyber » và khái niệm « tấn công cyber » đã buộc các nhà chiến lược phải xét lại về hai khái niệm quan trọng khác là « chiến tranh » và « hòa bình ». Trong mọi chiến tranh « mạng », thì chỉ cần một « ông phù thủy tin học » cũng đủ để quyết định là bàn thắng nghiêng về phe nào. Không ai biết một « chú lính cyber » có sức công phá lợi hại tới mức độ nào.

Vẫn theo ông Limnéll, cũng vì không một quốc gia nào biết được những địch thủ tiềm tàng của mình và đó là nguyên nhân đẩy các nước có phương tiện lao vào một cuộc chạy đua « vũ trang ảo ». Quân đội Mỹ đang chuẩn bị tăng « quân số cyber » lên gấp năm lần so với hiện tại. Về phía Trung Quốc thì giới trong ngành tiết lộ đội ngũ « lính cyber » trên đất nước Mao Trạch Đông vào khoảng 20 000 người. Nhưng bên cạnh đó thì còn phải kể tới những « cơ quan tình báo, trung tâm nghiên cứu về tin học và của các đại học Trung Quốc ». Số này thì không biết là lên tới bao nhiêu !

Theo thẩm định của một chuyên gia Pháp, Michel Baud được tờ Le Monde trích dẫn, phát triển các vũ khí tin học ít tốn kém hơn nhiều so với các loại vũ khí truyền thống. Nhưng cái khó ở đây là làm thế nào để xác định ai là kẻ thù. Không phải tình cờ mà Lầu Năm Góc đang dành nhiều ưu tiên cho chương trình mang tên Darpa. Mục tiêu duy nhất của chương trình phòng thủ đó là « xác định nguồn gốc của các vụ tấn công ». Công việc nhận diện kẻ thù đó có những « mảng mờ ám » và bất hợp pháp. Chuyên gia người Phần Lan, Limnéll không ngần ngại cho là Mỹ tự dành cho mình cái quyền để « tấn công phòng ngừa ». Để nắm lấy phần thắng trong một cuộc chiến cyber thì bắt buộc phải « chặn đứng được tất cả các vụ tấn công ».

Còn về chiến lược phòng thủ, đương nhiên tất cả mọi cơ quan nhạy cảm đều phải nâng cao mức độ bảo đảm an toàn. Tháng 10/2012 Cơ quan đặc trách về vấn đề an toàn tin học, ANSSI của Pháp đã phát hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn những thông tin mật.

Trong lĩnh vực an ninh mạng, châu Âu đang bị chậm mất vài nước cờ so với Mỹ, Trung Quốc hay Nga. Riêng nước Pháp được coi là khá nhanh nhẹn trong « trò chơi này ». Đặc biệt là từ hai năm nay, Paris đã tăng cường các phương tiện tài chính và nhân sự cho các trung tâm nghiên cứu về vấn đề « cyber ».
Thanh Hà (RFI)
 

VN sẽ ra sao nếu có chiến tranh mạng?

Ảnh minh họa người dùng máy tính và an toàn mạng
Các báo mạng Việt Nam đã 'vất vả' chống đỡ các cuộc tấn công từ chối dịch vụ

Một chuyên gia an ninh mạng hàng đầu ở Việt Nam vừa cảnh báo đa số các trang web của Việt Nam sẽ "tê liệt" nếu xảy ra chiến tranh mạng.

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng của Bkav nói với BBC hôm 15/7 rằng khả năng chuẩn bị đối phó của Việt Nam mới chỉ ở mức "vừa phải" và các trang web sẽ ngưng hoạt động trong một khoảng thời gian.

Ông Đức nói các trang web trên thế giới cũng có thể bị tê liệt trước các cuộc tấn công từ chối dịch vụ nhưng thời gian cần có để hồi phục sẽ ngắn hơn ở các nơi có chuẩn bị tốt.

Trong thời gian vừa qua nhiều báo mạng của Việt Nam đã bị tấn công và ông Đức nói gần như tất cả các báo đều rất "vất vả" chống chọi.

Ông Đức nói: "Thực tế chúng ta thấy tương đối là rõ là các báo điện tử, những nơi có lượng truy cập lớn so với các website khác, nhưng khi bị tấn công như vừa rồi thì hầu hết hệ thống báo bị tê liệt trong một khoảng thời gian tương đối dài.

"Vì vậy tôi nghĩ những trang web khác [không quen với lượng truy cập lớn], khả năng phòng chống có thể còn thấp hơn vì về mặt máy chủ, công nghệ,... có thể còn không được đầu tư bằng.

"Các báo điện tử có thể bị sập tương đối dễ dàng thì các hệ thống khác có thể còn khó chống đỡ được hơn, tôi lấy ví dụ như các cổng thông tin của các cơ quan..."

Ông Đức giải thích tin tặc đã sử dụng kiểu tấn công từ chối dịch vụ mà trong đó "mạng máy tính bị nhiễm mã độc và bị điều khiển để đồng loạt truy cập vào một trang web nhất định khiến máy chủ quá tải" vì lượng truy cập mà ông gọi là "khổng lồ".

'Kẻ xấu lợi dụng'

Bình về khả năng xảy ra chiến tranh mạng, ông Đức nói:

"Chiến tranh mạng cũng có nhiều loại, chẳng hạn đối với một quốc gia thì tấn công hàng loạt vào hệ thống thanh toán điện tử và làm tê liệt trong vài ngày cũng đã gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của quốc gia đó.

Người dùng máy tính
Nhiều người đã không thể truy cập các báo mạng ở Việt Nam trong thời gian qua

"Thế cũng đã gọi là chiến tranh rồi chứ không cần phải làm sập toàn bộ hệ thống nhà máy hay làm hư hỏng các trang thiết bị,cơ sở vật chất."

Ông Đức khẳng định đa số các trang mạng của Việt Nam sẽ "sẽ chật vật" khi phải tự chống đỡ nhưng khi "nhiều cơ quan, nhiều đơn vị khác nhau" tham gia vào thì hiện chưa rõ tình hình sẽ diễn biến ra sao.

Ông nói thêm: "Nếu chúng ta quan sát thì hệ thống của bất kỳ website nào trên thế giới cũng vậy, tấn công từ chối dịch vào Hàn Quốc hoặc Mỹ thì cũng dẫn đến những kết quả tương tự.

"Tức là ngay lập tức thì họ không chống đỡ được nhưng sau đó họ huy động các nguồn lực để mà ngăn chặn và tìm ra nguồn tấn công."

Theo vị giám đốc an ninh mạng của Bkav, khả năng chuẩn bị cho các cuộc tấn công của các trang mạng Việt Nam chỉ ở "mức vừa phải, không phải cao nhưng cũng không quá thấp".

Do vậy họ có thể là nạn nhân của tấn công từ chối dịch vụ, hay bị xâm nhập do các lỗi trong đó có lỗi về lập trình khi xây dựng trang web hoặc lỗi của người vận hành hệ thống do không kiểm soát việc 'ra vào' máy chủ chặt chẽ.

Nó cũng có thể là lỗi đơn giản như mật khẩu quá dễ đoán khiến tin tặc mò ra và chiếm quyền sở hữu máy chủ, ông Đức nói.

Lại Sinh Tử Lệnh?

Tại một hội thảo về an toàn và an ninh mạng ở Việt Nam trong tháng Sáu vừa qua, Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam nói hầu hết các cuộc tấn công vào hệ thống máy tính Việt Nam trong thời gian qua đều "mang tính tự phát với mức độ nguy hiểm chưa cao, không thể hiện trình độ của hacker".

Điều này càng làm cho khả năng bị tê liệt của thế giới mạng Việt Nam trước các đợt tấn công quy mô thêm lớn.

Ông Đức nói với báo trong nước rằng Việt Nam cần lập ra một trung tâm dữ liệu với "băng thông cực lớn" để giúp các trang mạng đối phó với các cuộc tấn công từ chối dịch vụ. Trong khi đó một chuyên gia bảo mật khác của Việt Nam nghi ngờ nhóm Sinh Tử Lệnh đã lại vừa ra tay.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng nó vẫn liên quan tới nhóm hacker Sinh Tử Lệnh. Còn động cơ tấn công báo điện tử thì hiện giờ tôi cũng không rõ động cơ tấn công là gì."
Nguyễn Hoàng Giang - Phó Giám đốc phụ trách bảo mật của CMC
Nói chuyện với BBC hôm 15/7, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Giám đốc phụ trách bảo mật của CMC, nói mã nguồn của vi rút dùng để tấn công các báo Việt Nam trong thời gian qua khá giống với loại đã được Sinh Tử Lệnh dùng cách đây hai năm ở Việt Nam.

"Sau khi phân tích mà nguồn của con vi rút lần này thì thấy giống với con vi rút cách đây hai năm.

"Cá nhân tôi nghĩ rằng nó vẫn liên quan tới nhóm hacker Sinh Tử Lệnh.

"Còn động cơ tấn công báo điện tử thì hiện giờ tôi cũng không rõ động cơ tấn công là gì."

'Dậm chân tại chỗ'

Ông Giang cũng cho rằng các trang mạng Việt Nam hầu hết đều "chưa chuẩn bị tinh thần cho các cuộc tấn công nên rơi vào trạng thái bị động."

Ông nói thêm: "Qua các bản báo cáo của nhiều công ty và các tổ chức bảo mật mạng trên thế giới trong thời gian vừa qua cho thấy rất nhiều máy chủ của các hệ thống ở Việt Nam đã bị nhiễm malware (mã độc) và bị trở thành hệ thống trung gian để tấn công sang các nước khác [và cả Việt Nam]."
"Qua các bản báo cáo của nhiều công ty và các tổ chức bảo mật mạng trên thế giới trong thời gian vừa qua cho thấy rất nhiều máy chủ của các hệ thống ở Việt Nam đã bị nhiễm malware (mã độc) và bị trở thành hệ thống trung gian để tấn công sang các nước khác [và cả Việt Nam]."
Nguyễn Hoàng Giang - Phó Giám đốc phụ trách bảo mật của CMC
Khi được đề nghị so sánh sự chuẩn bị của Việt Nam với các nước ASEAN khác, ông Giang nói:

"Bên Mã Lai họ tổ chức chuyên nghiệp hơn và các hội thảo bảo mật lớn trên thế giới như Hack in the Box cũng được tổ chức thường niên ở Malaysia.

"Các công ty chống vi rút cũng đặt trụ sở ở Malaysia.

"Tôi nghĩ trình độ công nghệ thông tin, trình độ bảo mật của Malaysia tốt hơn của Việt Nam."

Chuyên gia công nghệ thông tin Triệu Trần Đức mới đây được dẫn lời nói việc thiếu chuẩn bị do thiếu ý thức hoặc thiếu kinh phí khiến cho các máy chủ của Việt Nam trở thành "sân tập" cho các tin tặc thế giới.

Ông Đức nói trong khi Việt Nam "vẫn dậm chân tại chỗ thì sự tiến hóa của giới tin tặc là chóng mặt".
(BBC)

Úc lo ngại làn sóng thuyền nhân VN


Tình trạng người Việt Nam vượt biên ra nước ngoài vẫn diễn ra thường xuyên ở thời điểm hiện tại

Vừa có thêm một tàu chở người Việt đến Úc trong bối cảnh Úc lo ngại số thuyền nhân Việt Nam sẽ tăng lên kỷ lục.

84 người Việt xin tị nạn có mặt trên một con tàu bị phát hiện hôm 12/7 khi nó cách thị trấn Broome, miền tây Úc khoảng 51 cây số.

Đến tối hôm 14/7, họ bị giới chức biên phòng chở đi bằng xe, đi suốt 220 cây số đến trung tâm giam giữ Curtin ở thị trấn Derby.

Hồi tháng Tư, một con tàu chở 72 người Việt xin ti nạn cũng bị chặn ở địa điểm này.

Giới chức Úc nói tính cả số người vừa bị giữ mới nhất, trong năm nay đã có 759 người Việt đến Úc bằng tàu.

Đây là con số lớn nhất kể từ năm 1994, khi có 796 người Việt đi tàu đến Úc.

Nếu tiếp tục xu hướng này, có thể số người Việt vượt biên đến Úc trong năm nay sẽ đạt mức kỷ lục, vượt qua con số 868 người đến Úc năm 1977, hai năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Số người Việt vượt biên đến Úc đang ngày một tăng, khi năm 2010 chỉ có 31 người, và năm 2011 có 101 người Việt vượt biên đến Úc.

Nó diễn ra trong bối cảnh người nhập cư trở thành vấn đề chính trị lớn tại Úc.

Ngoại trưởng Úc Bob Carr vừa bày tỏ lo ngại số lượng người xin tị nạn ở Úc sẽ tăng gấp đôi.

Hiện tại ước tính mỗi năm khoảng 40,000 người xin tị nạn ở Úc, nhưng ông Bob Carr nói nó có thể “dễ dàng tăng gấp đôi”.

Tuần này, Thủ tướng Úc Kevin Rudd đang ở Papua New Guinea để bàn về thương mại và tị nạn.

Úc có một trung tâm thanh lọc người tị nạn ở đảo Manus của Papua New Guinea, và nó vừa bị Liên Hiệp Quốc phê phán.

Chính phủ Úc nói việc đặt các trại này ở Nauru và Papua New Guinea là nhằm ngăn không để người tị nạn có hành trình nguy hiểm vượt biển đến Úc.

Nhiều con tàu đã bị chìm hoặc được giải cứu trong lúc tìm đường đến Úc.

Nhưng nhiều người nói chính sách của Úc là vô nhân đạo, không bảo vệ người tị nạn bị giữ trên đảo.
(BBC)

Tòa TQ đền bù cho nạn nhân trại cải tạo


Bà Đường Tuệ đã bị đưa vào trại cải tạo lao động hơn một tuần

Một tòa án đã ra quyết định bồi thường cho một người mẹ bị đưa vào trại cải tạo lao động của Trung Quốc sau khi bà tìm cách trừng phạt những kẻ đã tấn công con gái bà, tin cho hay.

Bà Đường Tuệ được bồi thường 2.941 nhân dân tệ (479 đôla Mỹ) liên quan tới việc "bị xâm phạm quyền tự do cá nhân" và "gây tổn thất tinh thần", Tân Hoa Xã nói.

Bà đã vận động để có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với những kẻ bắt cóc và hãm hiếp con gái bà.

Công chúng đã rất tức giận sau khi bà Đường Tuệ phải vào trại cải tạo lao động hơn một tuần.

Tuy nhiên, người phát ngôn cho tòa án Trường Sa, thủ phủ tình Hồ Nam, nói với hãng tin AFP rằng tòa đã bác đơn của bà. Trong đơn, bà yêu cầu viên cảnh sát đã gửi bà tới trại này phải chính thức xin lỗi.

Phát ngôn nhân của tòa nói "người có liên quan đã xin lỗi tại tòa".

Tòa cấp dưới hồi tháng Tư ra phán quyết bất lợi cho người phụ nữ 40 tuổi này, nhưng bà đã kháng án mặc dù khi đó bà nghĩ việc thắng kiện là một "cơ hội xa vời".

'Cảm ơn tất cả mọi người'

Con gái của Đường Tuệ bị bắt cóc hồi 2006, bị hãm hiếp và đã buộc phải làm gái mại dâm cho tới khi được cứu thoát ba tháng sau đó.

Hồi năm ngoái, hai trong số những kẻ bắt cóc cô đã bị án tử hình, bốn người lãnh án chung thân và một người chịu án tù 15 năm.

Sau đó, bà Đường Tuệ đã vận động nhằm ra án tử hình cho tất cả các bị cáo.

Năm ngoái bà bị buộc phải đi cải tạo 18 tháng vì "gây rối trật tự xã hội" và "gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội" do có các hoạt động phản đối, Tân Hoa Xã khi đó tường thuật.
"Bà thắng kiện, nhưng lại thua về mặt tài chính - số tiền bà được đền bù thậm chí còn không đủ mua cho quan chức tham nhũng nổi một điếu xì gà. Tội nghiệp!"
Autumn under the Moonlight viết trên tiểu blog Sina Weibo
Tuy nhiên, việc bắt giữ bà đã khiến người dân giận dữ, và bà đã được thả.
Người dân tại Trung Quốc có thể bị đưa đi cải tạo ở các trại lao động mà không qua tiến trình pháp lý.

Nhận thức được sự bất mãn của dân đối với hệ thống này, các tân lãnh đạo của Trung Quốc đã ra chỉ dấu cho thấy đang cân nhắc việc cải tổ.

Hoàn cảnh của bà Đường Tuệ đã được công bố trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, và giúp bà giành được nhiều sự ủng hộ trên mạng.

Hôm thứ Hai, nhiều người dùng tiểu blog ở Trung Quốc đã chỉ trích điều mà họ coi là khoản bồi thường nhỏ nhoi và không có văn bản xin lỗi.

"Bà thắng kiện, nhưng lại thua về mặt tài chính - số tiền bà được đền bù thậm chí còn không đủ mua cho quan chức tham nhũng nổi một điếu xì gà. Tội nghiệp!" người dùng có nickname Autumn under the Moonlight viết trên Sina Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter.

"Dùng tiên công để duy trì ổn định xã hội, nhưng lại không có nổi một văn bản xin lỗi. Những kẻ không chịu xin lỗi hoặc chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái sẽ chỉ khiến cho những vụ như thế này xảy ra thêm nhiều hơn nữa," người dùng có tên Five Year Bamboo viết.

"Tại sao không có được văn bản xin lỗi? Khi nào thì chính phủ có thể thực sự quan tâm tới người dân và không còn chà đạp lên quyền của họ?" người dùng Tap Dancing in the Open viết.

Trong khi đó, cả bà Đường Tuệ và luật sư của bà là Xu Liping cũng dùng Sina Weibo để phát tán tin tức về kết quả này.

"Yêu cầu phải xin lỗi bằng văn bản đã không được chấp nhận, nhưng toàn bộ các yêu cầu khác thì có," ông Xu viết trên tài khoản Sina Weibo của mình.

Trang tiểu blog của bà Đường Tuệ thì chỉ ghi đơn giản "Cảm ơn tất cả mọi người".
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét