Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý - Y án với anh em Đoàn Văn Vươn

Việt Nam có hưởng lợi từ sau hội kiến Barack Obama – Trương Tấn Sang?

Sau chuyến công du Hoa Kỳ rất được dư luận chờ đợi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đặc biệt là sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/07/2013, liệu Việt Nam có thu được lợi ích gì hay không ? Đó là câu hỏi RFI Việt ngữ đã đặt ra cho nhà báo tự do, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25/07/2013.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25/07/2013.
REUTERS/Yuri Gripas
RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn. Theo anh thì kết quả cuộc gặp gỡ giữa ông Barack Obama và Trương Tấn Sang có đáng lạc quan như báo chí chính thức ở Việt Nam mô tả?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Hầu như rõ ràng, bầu nhiệt huyết ẩn chứa nhiều động cơ mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mang tới Nhà Trắng đã bị lạnh giá bởi thái độ lạnh lẽo không che giấu của Tổng thống Obama. Mọi chuyện bắt đầu từ quá ít sắc màu ở sân bay của xứ Cờ hoa. Sau đó, đến bữa ăn trưa với Ngoại trưởng Mỹ cùng những lời lẽ xã giao thừa thãi quá khứ nhưng thiếu vắng tương lai. Và cuối cùng, thể diện một nhà nước Việt Nam trên đường đến Mỹ đã thể hiện qua những phút trao đổi với báo chí của hai nguyên thủ quốc gia, sau cuộc đối thoại chính thức trong phòng kín.
Bất chấp vẻ trịnh trọng cùng điệu bộ cứng nhắc cho gương mặt một chính khách mang kiểu cách chuyên nghiệp mà giới quan sát rất dễ nhận ra, sắc diện của ông Trương Tấn Sang vẫn như toát lên một thất vọng thầm kín.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt được hầu như trọn vẹn các mục tiêu của ông trong cuộc hội kiến với người đồng cấp Obama. Chỉ có điều, đạt được tất cả, mà trong thực chất không có bất cứ một mục tiêu nào được cụ thể hóa cũng là một tâm trạng xuống cấp cho mối quan hệ giữa hai nước.
Tất cả vẫn chỉ là những lời hứa hẹn, không hơn không kém. Một kịch bản lạc quan hoặc tương đối lạc quan mà Hà Nội mang đến Mỹ, với kỳ vọng sẽ mở lối những thỏa thuận bằng hình thức văn bản - dù chỉ là văn bản thỏa thuận khung - rốt cuộc đã chưa được hoàn chỉnh khâu đạo diễn. Ngoài bản tuyên bố chung như một thủ tục không thể thiếu sau cuộc gặp của các nguyên thủ quốc gia, đã không hề hé lộ một thỏa thuận chi tiết nào về TPP – điều mà Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam mong ngóng nhất, và về hành động hỗ trợ được cụ thể hóa của Hoa Kỳ đối với bầu không khí an ninh vẫn bị “người lạ” xâm hại tại khu vực Biển Đông. Quá rõ, kết quả đó là quá ít ỏi so với hàng chục văn bản thỏa thuận hợp tác mà ông Sang lập tức nhận được từ “người lạ” Tập Cận Bình ngay trong một chuyến đi rất chóng vánh đến Bắc Kinh.
Một chuyên gia đã bình luận một cách hài hước rằng thực ra giữa Mỹ và Việt Nam không cần đến một văn bản thỏa thuận nào nữa, bởi tất cả đều đã được thuận thảo ở Bắc Kinh.
Cũng đáng thất vọng không kém đối với giới ngoại giao Việt Nam là đã không hề có một từ ngữ “chiến lược” nào được trám vào cụm từ “đối tác toàn diện”. Rốt cuộc, Hà Nội đã không bổ khuyết được con tem Cờ hoa vào bộ sưu tập tham vọng đến mức vô lý của mình.
RFI : Theo anh thì tại sao phía Mỹ né tránh từ “chiến lược”? Điều này có làm ảnh hưởng đến những hứa hẹn về hợp tác quân sự có từ năm 2011?
Trong toàn bộ phát ngôn của mình trước báo chí, người Mỹ đã không một lần nhắc đến từ “chiến lược” trong câu chuyện đối tác. Mà nếu không phải chiến lược, thì chỉ còn lại những vấn đề thuộc về chiến thuật.
Có lẽ đó cũng là lý do vì sao trước cuộc gặp Obama - Sang, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là ông Danny Russel, người vừa chính thức nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương, đã cho rằng Việt Nam có một vị trí “gần sát trung tâm của chiến lược tái cân bằng” qua châu Á.
Rất có thể, Hà Nội đã bỏ lỡ một cơ hội đáng giá từ sáu năm trước. Nếu trong cuộc gặp Triết - Bush vào năm 2007, Việt Nam đã có cơ hội để trở thành một “trung tâm” trong chính sách châu Á của Mỹ, dù rằng Washington chưa quyết định “xoay trục” vào thời điểm đó, có lẽ mọi chuyện đã không ngổn ngang như bây giờ.
Giờ đây, trong mục “quốc phòng và an ninh” của bản tuyên bố chung Việt - Mỹ, người ta chỉ đọc thấy nội dung “Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự hài lòng đối với Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011 và tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ Bản ghi nhớ”. Vậy, câu hỏi cần đặt ra là nếu như từ năm 2011 đến nay mà ngay cả một bản ghi nhớ còn không thể triển khai được thành một hoạt động chi tiết nào đấy, thì còn nói gì cho những việc tiếp theo?
Hiểu theo ẩn ý của người Mỹ, Việt Nam vào lúc này chỉ còn là một diễn viên phụ trên sân khấu mà không còn ở vị trí tâm điểm nữa.
Có vẻ như không khác mấy tinh thần của bản ghi nhớ về hợp tác quân sự vào năm 2011, bản tuyên bố chung Việt - Mỹ lần này chỉ đề cập một cách chung nhất đến việc “hợp tác hàng hải”, thay vì nhiệm vụ song phương về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam.
RFI: Còn về Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) ?
Đây là một vấn đề lớn. Đến nay, Việt Nam đã qua đến 18 vòng đàm phán TPP, nhưng xem ra mọi chuyện vẫn chưa đi đến đâu. Trước cuộc gặp Sang - Obama, một số tờ báo Đảng đã tỏ ra rất hy vọng con thuyền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị “thẳng tiến ra biển lớn” bằng vào tư thế gần như đương nhiên được chấp thuận tham gia vào TPP, ứng với “những ưu thế của Việt Nam”. Thế nhưng, điều mà giới chức Đảng và Chính phủ ở Việt Nam dường như không lường trước là mặc dù cho rằng cuộc gặp Obama - Sang là “cơ hội lịch sử”, song đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear cũng không quên nhắc lại một hàm số tỉ lệ nghịch khi đề cập đến chủ đề nhân quyền ở Việt Nam: “Hoa Kỳ có ưu thế để nêu ra vấn đề đó”.
Kết quả là, không mấy ngạc nhiên là viễn cảnh Việt Nam tham dự vào bàn tiệc TPP đã chỉ được Tổng thống Obama hứa hẹn “sẽ thông qua sớm nhất vào cuối năm 2013”. Không có bất kỳ một hứa hẹn nào và cũng không có bất kỳ một biên bản hay văn bản thỏa thuận nào. Điều đó cũng có nghĩa là như nhận định của ông Ernest Z. Bower, cố vấn cao cấp và cũng là giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ, lộ trình thủ tục TPP dành cho Việt Nam còn phải phụ thuộc vào Quốc hội Hoa Kỳ - cơ quan có vai trò thông qua vấn đề này vào năm 2014. Và nếu mọi chuyện thuận lợi, con thuyền kinh tế Việt Nam chỉ thật sự “tiến ra biển lớn” sau hai năm nữa.
RFI: Anh nhận xét như thế nào về thái độ của phía Mỹ khi đón tiếp ông Trương Tấn Sang?
Hơn ai hết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có lẽ đã thấm cảm tính “chiến thuật” ngay từ buổi đón tiếp ông được thực hiện ở sân bay Andrew ở thủ đô Washington.
Một lời bình trên mạng đã chua chát: Cần phải làm cho người Mỹ bẽ mặt nếu Obama đến Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ ở sân bay Nội Bài theo nghi thức dùng đại sứ, nhưng không phải đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ mà là đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.
Không đại bác, không thảm đỏ, không đội danh dự… Những nghi lễ quá đỗi thông thường mà hai viên chức thuộc cấp đại sứ như David Shear và Marshall – vốn chưa từng được xem ngang hàm với bất kỳ một Thứ trưởng Ngoại giao nào - tạo ra, là quá xa vời với thực tế mà lãnh tụ đảng đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi được phía Mỹ đón tiếp trước chuyến đi Washington của ông Sang không quá lâu.
Sự chênh biệt lộ liễu như thế lại càng như được gia cố bởi thái độ quá “hồn nhiên” của Tổng thống Obama trong buổi hai nguyên thủ phát ngôn với báo chí sau cuộc họp chính thức. Rất ít khi nhìn thẳng vào người đối thoại và có vẻ còn quan tâm đến người phiên dịch yếu đẳng cấp của mình nhiều hơn, tâm tưởng của Tổng thống Mỹ như lắng vào một chốn xa xôi nào đó.
Tảng băng Washington cũng bởi thế đang tỏa hơi lạnh giá của nó vào những cố gắng đầy dụng ý của Hà Nội. Bất chấp nhiều “kiến nghị” của chính giới Việt Nam từ nhiều năm qua, cuộc gặp Obama - Sang vừa qua đã không có một thỏa thuận nào về việc Hoa Kỳ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
RFI: Nhưng vẫn còn một kết quả mang tính động viên là Tổng thống Omama hứa sẽ đến thăm Việt Nam. Anh có bình luận gì về hứa hẹn này so với chuyến thăm Miến Điện của ông Obama vào năm ngoái?
Lời hứa hẹn có tính an ủi duy nhất đến từ Obama chỉ là “sẽ cố gắng” với một chuyến thăm đáp lễ Việt Nam vào thời gian cuối nhiệm kỳ thứ hai của vị tổng thống này. Mà nhiệm kỳ của Obama sẽ kết thúc vào đầu năm 2017, tức còn đến gần 4 năm nữa cho “cố gắng” của ông. Nhưng liệu người Việt Nam có đủ kiên nhẫn để chờ được đến thời điểm đó?
Thời gian 4 năm có thể là quá lâu đối với các chính khách mang tâm trạng đầy nôn nóng của Việt Nam, nhưng có thể sẽ là đơn giản hơn nếu nhìn vào một bài học tiền lệ ở Miến Điện – đất nước chỉ bị ngăn cách với Việt Nam bởi chưa đầy một trăm cây số đường biên giới với Trung Quốc. Chỉ sau hai năm tiến hành cải cách chính trị và phóng thích tù nhân lương tâm, Miến Điện đã lần đầu tiên đón tiếp ông Barack Obama tại đất nước nghèo khó vì nạn quân phiệt thâm niên này. Tiếp theo đó là câu chuyện Câu lạc bộ Paris, Nhật Bản, Na Uy và Quỹ Tiền tệ Quốc tế xóa nợ đến 6 tỉ USD cho quốc gia này. Và sau đó nữa, làn sóng đầu tư của nhiều quốc gia trên thế giới dồn dập ập vào Miến Điện, đưa đất nước này trở thành một tâm điểm thật sự quyến rũ.
Với bài học quá gần gũi từ Miến Điện, tất cả đang nằm trong tay Hà Nội, nếu họ muốn thế.
RFI: Liệu Hà Nội có thực tâm muốn tạo ra sự quyến rũ cho mình bằng một động thái thay đổi nào đó, chẳng hạn như nhân quyền?
Ngay trước cuộc gặp Obama - Sang, chủ đề nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam đã được hối thúc một cách mạnh mẽ bởi nhiều tổ chức và nghị sĩ ở Mỹ. Nhưng sau cuộc gặp trên, chủ đề này đã được mô tả “vẫn cách biệt, nhưng sẽ thu hẹp”. Vậy thực chất của vấn đề tranh cãi này là như thế nào?
Dù cho tới nay những tin tức từ phòng họp kín giữa Obama và Trương Tấn Sang vẫn chưa lọt ra ngoài, và cũng chưa có thông tin nào xác nhận thái độ dứt khoát của Tổng thống Mỹ đối với việc đặt lên bàn đàm phán điều kiện nhân quyền ở Việt Nam, nhưng hoạt động hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực Biển Đông của Việt Nam cũng chưa thấy tăm hơi nào được cụ thể hóa.
Hiểu cách khác, so với thời điểm mở ra Hiệp định thương mại Việt - Mỹ vào năm 2001 và năm 2006 khi khai thông cơ chế WTO, vào lúc này người Mỹ đã không còn chấp nhận trả giá cao cho một sự đánh đổi nữa. Không phải vì lợi ích chiếm lĩnh vị trí quân sự ở Biển Đông trong chiến lược xoay trục sang Đông Nam Á của mình và triển vọng tiết giảm kinh phí quân sự mà Hoa Kỳ dễ dàng chấp thuận một sự đổi chác “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” với Việt Nam như khẩu hiệu đã hô hào quá nhiều trong dĩ vãng.
Dĩ vãng ấy - lẽ ra cần được Hà Nội bày tỏ lòng chân thành của mình từ năm 2007, trong chuyến đi Washington của người tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết. Nhưng thật đáng tiếc, Hà Nội đã bỏ mất một cơ hội để biến lời cam kết thành hành động cụ thể. Những hứa hẹn của họ về vấn đề nhân quyền đã không còn nằm trong ước vọng và kỳ vọng của giới phản biện dân chủ muốn có đổi mới ở quốc gia này.
Thay vào đó và kể từ ngày được tham gia vào danh mục WTO cũng như được loại khỏi danh sách CPC về các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo, Việt Nam lại bị phương Tây đánh giá như quốc gia đứng thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, có số tù nhân chính trị bị giam cầm đông nhất. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã thống kê là vào năm 2013, con số này đã lên đến ít nhất 40 người, bằng cả hai năm 2011 và 2012 cộng lại.
Đường biểu diễn nhân quyền như thế chắc hẳn là lời giải thích xác đáng cho thái độ băng giá của Washington trong cuộc gặp Obama – Sang vừa qua.
RFI: Hồi tháng Hai, khi đại sứ Liên hiệp châu Âu ở Việt Nam gặp riêng một số quan chức Việt về vấn đề nhân quyền, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã nói: “Chúng tôi hiểu, nhưng hãy cho chúng tôi thời gian”. Liệu ông Sang cũng có cùng cách nghĩ như thế?
Trong một số trường hợp, ông Sang có thể là người có ứng biến mau lẹ và có thể thích nghi với ngữ cảnh mới.
Nhiệt kế Hà Nội đang nóng lên một cách bất thường kể từ Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012, nhưng lại đang hạ thấp đột ngột sau khi diễn ra Hội nghị trung ương 7 và đặc biệt sau chuyến đi Bắc Kinh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trong cuộc gặp ở Washington vừa qua, hóa ra cử chỉ có ý nghĩa nhất lại thuộc về Trương Tấn Sang khi ông trao cho phía Mỹ bản sao của ông Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman, vào năm 1946 - thời của tình cảm bất vụ lợi nhất giữa hai nước và Mỹ còn chưa can thiệp vào Việt Nam.
Chiếu theo nội dung này và căn cứ vào ngữ cảnh được tái hiện của nó trong phòng Bầu dục, người ta có thể suy ra: thay thế cho “người Pháp” trong bức thư cách đây gần bảy chục năm là nhân vật “người Trung Quốc” ở thì hiện tại.
Thế nhưng giới phân tích chính trị có vẻ ngạc nhiên về cử chỉ này. Liệu điều này tượng trưng cho lòng chân thành, nương cậy vào Mỹ, thuyết phục tình cảm của người Mỹ? Hay đó chỉ là một động tác ngoại giao thuần túy và vô nghĩa?
Tất cả vẫn đang tùy thuộc vào một thành tâm chính trị nào đó từ phía Hà Nội. Nếu nhiệt kế của Hà Nội vẫn bất thường như những năm trước và đặc biệt bất thường trong hai năm qua, không có gì bảo đảm là bản tuyên bố chung Việt – Mỹ sẽ trở thành cứu cánh cho những nỗ lực của tập thể Bộ Chính trị và của cả những cá nhân trong đó. Việt Nam sẽ bị mắc kẹt ngay trong thế “cân bằng chính trị” mà họ đã cố gắng giương ra.
RFI: Phải chăng nền chính trị Việt Nam đang ở ngã ba đường?
Rất có thể đang và sẽ là ngã ba đường. Không giải quyết được vô số khó khăn về kinh tế, chính thể cầm quyền ở Việt Nam có nhiều khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện, rất sâu sắc và đầy biến động khó lường – điều chưa từng có từ thời điểm năm 1975. Cuộc khủng hoảng đó còn có thể dẫn tới hệ quả một sự thay đổi về chính trị mà chính Đảng cầm quyền không mong muốn, trong không bao lâu nữa.
Không làm tan chảy được tảng băng Washington trong bối cảnh mối đe dọa từ phương Bắc trở nên quá nguy hiểm đối với vận mệnh dân tộc, chính Đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ phải thúc thủ ở ngã ba đường đối ngoại, trong khi nội trị hoàn toàn không yên ấm.
Giờ đây, Washington đang trông đợi vào những gì mà Hà Nội sẽ làm vào những tháng ngày tới.
RFI: Như vậy theo anh Hà Nội có thể làm gì cho những tháng tới đây?
“Làm gì?” luôn là một câu hỏi dằng dai và cũng là là tựa đề một tác phẩm của lãnh tụ vô sản Vladimir Ilitch Lenin vào thời trước Cách mạng tháng Mười Nga. Cần và phải bắt buộc làm gì để có thể làm tan chảy tảng băng Washington như vẫn còn nguyên vẹn hình thể?
Và phải bắt đầu từ đâu? Cải cách kinh tế hay cải cách chính trị? Nếu không có cả hai thứ cải cách này thì phải chăng “thoát Trung” là một lối thoát khả dĩ?
Hoặc nếu cải cách chính trị không nằm trong từ điển của chế độ thì liệu TPP cùng nhân quyền có được đưa vào cuốn từ điển đó?
Tất cả đều như móc xích với nhau, và móc xích với sự tồn vong của Hà Nội.
Cuộc hội kiến ở Washington thật ra không đáng để quá thất vọng. Người Mỹ đã hé mở cánh cửa, vấn đề là người Việt Nam có đủ tự trọng và bản lĩnh để bước qua cánh cửa đó hay không.
Bản lĩnh của chính khách Việt lại phụ thuộc phần lớn vào việc ai sẽ là người dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Theo thói quen của người Việt, tập thể quyết định và cũng là tập thể chịu trách nhiệm, nhưng mọi chuyện cũng vì thế có thể bê trễ hơn nhiều. Còn nếu khác đi, một cá nhân nào đó có thể trở thành nhân tố đột biến để lợi dụng quỹ thời gian còn rất hạn hẹp chăng?
Mọi chuyện đang nằm gọn trong tay chính khách Việt, mà vấn đề của chính khách Việt trong thời gian tới dường như lại tùy thuộc vào chuyện “ai còn ai mất”.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng về cuộc trao đổi hôm nay.
Thụy My
(RFI)

Mỹ-Việt: 'Vuốt ve' thay 'khiêu khích'

Hai ông Obama và Trương Tấn Sang ở Nhà Trắng
Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang chưa thành 'đối tác chiến lược'

Tạp chí nổi tiếng của Anh, The Economist, có bài nhận định về kết quả chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, dẫn lời chuyên gia nói chuyến đi Mỹ của ông Sang hơi giống 'pháo xịt' dù Hoa Kỳ đang 'vuốt ve' thay vì 'khiêu khích' Hà Nội.

Mở đầu bài viết về quan hệ Việt Mỹ với tựa 'All aboard?' (tạm dịch 'Cùng chuyến tàu?'), The Economist nhắc lại rằng hai bên chỉ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai thập niên sau hình ảnh biểu tượng của những chiếc trực thăng Mỹ tháo lui từ nóc Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn.

Ngoại trưởng John Kerry được dẫn lời nói quá trình bình thường hóa khá "chông gai".

Tác giả bài viết, được cho là phóng viên cộng tác của AP tại Hà Nội, bình luận:
"Nhưng Hoa Kỳ giờ xem kẻ cựu thù như một đồng minh chiến lược trong vùng. Và đối với Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường thiết yếu cho các mặt hàng xuất khẩu dệt may và nông sản và là điểm cân bằng ngoại giao trước Trung Quốc đang lên."

"Thương mại song phương giữa hai nước giờ trị giá gần 25 tỷ đôla mỗi năm với phần lớn hàng hóa đi về ngả Hoa Kỳ."

Nhắc tới hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hai bên cam kết sẽ sớm thông qua, The Economist nói Việt Nam vẫn đang lo ngại hiệp ước sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành may mặc và tới các doanh nghiệp nhà nước do những cải cách mà Việt Nam sẽ buộc phải thực hiện.

Tác giả cũng nhận xét việc ký kết TPP có thể sẽ là điều khó xử cho ông Obama vì chính giới Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh tới chuyện cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để đi tới hợp tác sâu hơn về kinh tế trong khi Hà Nội đã tăng cường trấn áp bất đồng chính kiến.

Hơi giống 'pháo xịt' '

The Economist nhắc lại rằng số người bị Việt Nam đã bỏ tù vì "tuyên truyền chống nhà nước" hay "âm mưu lật đổ chính quyền" trong nửa đầu năm 2013 đã bằng cả tổng số của năm 2012.

Họ nói tù nhân Điếu Cày, người ông Obama nhắc tới trong một diễn văn nhiều tháng trước đây, đã tuyệt thực sang tuần thứ năm vào cuối tháng Bảy.
Bởi vậy, báo nói, thời điểm ông Obama mời người tương nhiệm Trương Tấn Sang có thể coi là "quái dị" và bình luận thêm:

"Nhưng nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, Hoa Kỳ xem Việt Nam như đối tác chính trong [chiến lược] "chuyển trọng tâm" sang châu Á.

"Và vì những lý do khác nữa, Obama đang nóng lòng kết thúc TPP, "trụ" kinh tế trong chính sách kinh tế của chính quyền ông đối với toàn bộ vùng châu Á Thái Bình Dương."

Tác giả cũng nhận xét "đối tác toàn diện" mà hai ông Sang và Obama tuyên bố được "định nghĩa mơ hồ" trong khi hai bên cũng kêu gọi có giải pháp hòa bình trên Biển Đông và tuyên bố việc thảo luận về nhân quyền ở Việt Nam cho dù không nói chi tiết.

Người viết cũng dẫn lời một chuyên gia:

"Do lời mời của ông Obama đã dấy lên hy vọng có đột phá về TPP hay đối tác chiến lược," ông Ian Storey từ Viên Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore coi chuyến đi hơi giống pháo xịt.

"Hai nhà lãnh đạo có vẻ không nhắc tới chuyện liệu Hoa Kỳ có cân nhắc bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam không, hay hai bên sẽ giải quyết những than phiền của Việt Nam về TPP thế nào và một loạt các vấn đề khác nữa."

'Vuốt ve' Hà Nội

The Economist nói mặc dù TPP có thể giúp đẩy nhanh tiến độ cải cách đất đai và các doanh nghiệp quốc doanh, hiện chưa có gì chắc chắn là Việt Nam sẽ thông qua TPP:

"Một trong những điểm vướng mắc là điều khoản đòi ngành dệt may của họ, vốn xuất khẩu lượng hàng may mặc trị giá 7,6 tỷ đôla sang Hoa Kỳ mỗi năm, ngưng nhập nguyên liệu thô từ Trung Quốc và các nước không phải thành viên TPP khác.

Việt kiều biểu tình đòi thả các tù nhân trong đó có ông Lê Quốc Quân
The Economist cho rằng ông Lê Quốc Quân có thể được tự do để làm hài lòng Mỹ

"Điều này có thể dẫn tới việc sa thải nhân viên hoặc tệ hơn.

"Các nhóm lợi ích lớn đang lo ngại những điều khoản này sẽ xén cánh doanh nghiệp quốc doanh.

"Dẫu sao thì những trụ cột tham nhũng và vô cùng kém hiệu quả của nền kinh tế èo uột ở Việt Nam lại có ô lớn."

The Economist nói chính quyền có thể sẽ phải trả tự do cho một số "tù nhân chính trị có tiếng" trong những tháng tới đây để chứng tỏ họ đã "lắng nghe" than phiền của Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền (hay ít nhất là cũng không giả điếc trước vấn đề).

Tạp chí dự đoán ông Lê Quốc Quân, người mà phiên xử bị hoãn đột ngột trước chuyến đi của ông Sang, có thể nằm trong số người được thả.

Nhưng The Economist cũng nhận xét thả một số tù nhân hay ký một hiệp ước thương mại không đồng nghĩa với thay đổi chính sách và quan hệ Việt - Mỹ sẽ không dễ dàng cho dù Hoa Kỳ đã quyết định "vuốt ve" thay vì khiêu khích Hà Nội.
(BBC)

Trung Quốc 'đẩy các nước về phía Mỹ'

Một vị tướng của Hoa Kỳ ở châu Á nói các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực củng cố quan hệ với Mỹ.
Tướng không quân Herbert Carlisle được dẫn lời nói với các phóng viên mảng quốc phòng tại Washington: "Thái độ hung hăng mang lại nguy cơ tính toán sai lầm. Đó là điều chúng tôi cân nhắc mỗi ngày".
Ông Carlisle là người chỉ huy cao nhất của lực lượng không quân Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương.
Vài năm nay, Mỹ đã công bố chính sách chuyển dịch trọng tâm về châu Á, mà một phần được cho là do chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh ở trong khu vực.
Trung Quốc hiện đang tranh chấp chủ quyền với một loạt quốc gia, trong có các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ.
Tướng Carlisle nói ông lo ngại rằng một số hành động của Mỹ có thể gây hiệu ứng muộn lan rộng.
"Môi trường hiện tại rất phức tạp và luôn thay đổi. Mỗi hành động đều có thể dẫn tới hậu quả không mong đợi."
Hải quân Mỹ
Mỹ duy trì một số hàng không mẫu hạm trong khu vực
Cùng lúc, theo Carlisle, các chính sách của Trung Quốc đang khiến Washington tăng cường các mối liên hệ trong khu vực, thí dụ tuyên bố mới rồi về việc Washington và Manila mở rộng đàm phán về hợp tác quốc phòng.
Ông nói: "Một số hành xử hung hăng, ngỗ ngược của họ thực tế đã mang bạn bè chúng tôi lại gần hơn, những người mong muốn chúng tôi hiện diện ở đó".
Theo Tướng Carlisle, một số đồng minh có thể sẽ mua vũ khí của các nước khác, không phải Mỹ, nhưng họ vẫn muốn sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ để đối trọng lại với Trung Quốc.
Ông cũng cho biết một nửa số chiến đấu cơ F-22 của Không lực Hoa Kỳ hiện đã có mặt tại khu vực Thái Bình Dương, căn cứ đầu tiên cho loại chiến đấu cơ mới F-35 mà tập đoàn Lockheed Martin sản xuất cũng sẽ đặt ở châu Á và không quân Mỹ sẽ điều tới khu vực này một cơ số máy bay do thám không người lái Global Hawks do hãng Northrop
Grumman chế tạo.
Một chi tiết đáng chú ý mà vị tướng này tiết lộ, là Washington đang tăng cường bán vũ khí cho các nước ngoài không truyền thống, khi thị trường vũ khí nội địa và châu Âu đang thu hẹp.
Tái sử dụng căn cứ Subic
Trong một diễn biến liên quan, Philippines cho hay có thể chuyển tàu chiến tới đóng tại căn cứ Vịnh Subic ở Biển Đông.
Đây từng là căn cứ quân sự của hải quân Hoa Kỳ trước khi Mỹ rút đi năm 1992, và được chính phủ Philippines chuyển thành cảng dân sự.
Phát ngôn viên của hải quân Philippines Gregory Fabic nói hiện quá trình thảo luận đang diễn ra, nhưng "việc sử dụng căn cứ Subic cho hải quân mang ý nghĩa chiến lược".
"Đây là cảng nước sâu tự nhiên thuận tiện cho tàu chiến."
Philippines cũng mua hai tàu chiến từ Mỹ, dự tính chuyển tới Subic trong tương lai.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, Peter Paul Galvez, cho hay một sân bay gần Vịnh Subic cũng sẽ được nâng cấp.
Quân đội Philippines, bị cho là thuộc loại yếu kém nhất nhì châu Á, lâu nay vẫn phải dựa vào Hoa Kỳ.
Năm 2011, Manila mua một tàu tuần duyên của Mỹ và biến cải thành tàu mà họ đặt tên là Gregorio del Pilar. Một chiếc khác cũng mua lại từ Mỹ, Ramon Alcaraz, sẽ được chuyển về Philippines vào cuối tuần này.
Cả hai sẽ được sử dụng để tuần tra Biển Đông, mà lâu nay đang gặp căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ.
Bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc nay đã nắm kiểm soát sau khi hải quân Philippines phải rút đi vì sợ đụng độ, nằm khá gần Vịnh Subic.
(BBC)

Thực hư vụ Điếu Cày 'tuyệt thực'?


Hình ảnh báo CAND đăng tải ngày 30/7

Tờ báo của công an Việt Nam, Công An Nhân Dân, vừa có bài viết đả kích việc tuyệt thực của blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, và cho rằng đây "màn kịch vụng về".

Bài báo đăng tải ngày sáng 30/7 của CAND dẫn lời bác sỹ trại giam nói ông Hải "sức khoẻ bình thường" và cũng dẫn lời một "phạm nhân cùng buồng" nói ông Hải vẫn "nhận đủ đồ ăn thức uống do gia đình gửi vào".

CAND cũng đăng tải hai hình ảnh mà theo tờ này là chụp ông Hải "trong buổi khám sức khỏe định kỳ ngày 26/7 và nhận khẩu phần ăn từ cán bộ trại".
Bài báo cũng nói ông Nguyễn Văn Hải "cũng nên lấy chuyện của Cù Huy Hà Vũ làm bài học mà sớm ăn uống công khai trở lại".

'Hình ghép'?

Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt ngày 30/7, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của ông Hải, nói "con trai tôi khẳng định cả hai tấm hình đó không có tấm hình nào giống bố cháu hôm 20/7 cả. Đó là điều khẳng định chắc chắn."

Bà Tân cũng cho biết ngày 16/7, gia đình có gửi một số đồ đạc vào cho ông Hải, tuy nhiên, ngày 20/7 khi con trai ông Hải, ông Nguyễn Trí Dũng vào gặp thì "ông Hải khẳng định họ không có thứ gì đưa cho ông Hải cả" và đến lúc đó cán bộ trại giam mới chịu đưa ông Hải xem tờ giấy kê khai những thứ được gia đình gửi vào.

"Điều thứ ba, họ nói một tù nhân ở cùng phòng với ông Hải khẳng định ông Hải vẫn ăn uống bình thường. Nếu đã biệt giam thì không thể nào ở chung với tù nhân nào khác. Quyết định biệt giam ông Hải là ba tháng, tức là ba tháng ông Hải không được ở chung với bất kỳ ai," bà nói thêm.


Có ý kiến trên mạng xã hội nói cánh tay và cả nắp hộp cơm đã được 'ghép vào'

Bà Tân cũng cáo buộc hình ảnh mà báo CAND đưa lên là đã có chỉnh sửa.

"Nếu hình chụp ông gần đây thì ông không thể có một sắc mặt hồng hào như thế. Chỉ cần nhìn cánh tay của nhân viên quản giáo thôi thì cũng đủ thấy rằng họ photoshop rất là kỹ lưỡng, vì muốn làm cho ông Hải hồng hào lên thì làm cho cánh tay nhân viên quản giáo bị biến thành màu đỏ. Vì họ không thể dựng một video như họ đã làm với tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ."

Một vài ý kiến trên mạng cho rằng cánh tay này đã "bị gắn thêm vào", màu đã bị sơn lại cho trùng với hình và file RDF của ảnh cũng hiển thị ngày 2/6/2012.

'Tình trạng nguy cấp'

Ông Hải thụ án 12 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ tại trại giam số 6, nằm cách thủ phủ Vinh của tỉnh Nghệ An khoảng 70km về phía Tây.

Hiện ông đang tuyệt thực để phản đối việc nhà tù biệt giam ông vì ‘ông đã không chịu ký vào đơn nhận tội’, con trai ông Hải Nguyễn Trí Dũng thuật lại với BBC sau khi anh vào thăm cha hôm 20/7.

Theo lời anh Dũng thì ông Hải chỉ dừng tuyệt thực khi nào lá đơn khiếu nại về việc biệt giam ông gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An được giải quyết.

Ngày 27/7 vừa qua, một nhóm nhân sĩ trí thức gửi thư cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam yêu cầu giải quyết vụ tuyệt thực trong tù của ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).

Lá thư gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tính mạng ông Hải “đang trong tình trạng nguy cấp”.

Đăng trên trang Bauxite Việt Nam, những người ký tên kêu gọi chính quyền “cung cấp những thông tin xác thực về Điếu Cày”.

Họ cũng “đòi các nhà chức trách trả tự do vô điều kiện cho công dân Nguyễn Văn Hải và các tù nhân lương tâm khác.
(BBC)
 

Y án với anh em Đoàn Văn Vươn

Anh em nhà ông Vươn trong phiên sơ thẩm hồi tháng 4
Tòa sơ thẩm đã tuyên bố anh em ông Vươn phạm tội 'Giết người'

Tòa phúc thẩm tại Hải Phòng giữ nguyên án tù với anh em ông Đoàn Văn Vươn, tuy giảm án cho hai người khác.

Chiều ngày 30/7, tòa bác đơn kháng cáo của ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu, giữ nguyên bản án sơ thẩm với các bị cáo này.

Như vậy, ông Vươn và Quý bị tuyên phạt 5 năm tù; bà Phạm Thị Báu bị tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bà Nguyễn Thị Thương bị tuyên phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ông Đoàn Văn Sinh được giảm 9 tháng, còn 2 năm 9 tháng tù, và ông Đoàn Văn Vệ được giảm 5 tháng, còn 19 tháng tù giam.

Quyết tâm giết người?

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng Tư, hai anh em Vươn-Quý bị tuyên bố là có tội ‘Giết người’ với bản án 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh, anh ông Vươn, 3 năm rưỡi; Đoàn Văn Vệ, cháu ông Vươn, 2 năm trong khi hai người vợ của ông Vươn và Quý nhận 15 tháng tù treo vì tội ‘Chống người thi hành công vụ’.

Lập luận của Viện Kiểm sát để đề nghị không giảm án là vì ‘các bị cáo mong muốn và quyết tâm thực hiện hành vi giết người’ và chỉ với may mắn ‘hậu quả giết người không xảy ra’ và ‘nằm ngoài mong muốn của các bị cáo’, theo tường thuật của báo Người Lao Động.
"Hành vi của các bị cáo là hết sức quyết liệt để chống lại đoàn cưỡng chế, dùng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, rải rơm rạ để dùng xăng đốt, có ý chống lại đến cùng."
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Cáo trạng nêu rõ hành động của gia đình ông Vươn tấn công vào lực lượng cưỡng chế tại khu đầm tôm của gia đình tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng hôm 5/1 năm 2012 là có bàn bạc, lên kế hoạch và chuẩn bị từ trước.

Theo cáo trạng thì nhà họ Đoàn đã dàn trận bằng cách dựng rào chắn, gài mìn rồi đặt bình gas lên trên với ý định kích cho mìn nổ để làm nổ bình gas. Tuy nhiên, mìn nổ nhưng bình gas lại không nổ.

“Hành vi của các bị cáo là hết sức quyết liệt để chống lại đoàn cưỡng chế, dùng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, rải rơm rạ để dùng xăng đốt, có ý chống lại đến cùng,” bản luận tội nêu.

“Các bị cáo cũng nhận thức được việc sử dụng vũ khí súng, mìn tự tạo trên có thể gây nguy hiểm đến người khác và người trong nhà nên tiến hành đưa tài sản, người thân đi chỗ khác trước khi đoàn cưỡng chế đến.”

Báo mạng VietnamNet cũng dẫn cáo trạng nói rằng lực lượng cưỡng chế chỉ ‘thực thi công vụ’ và ‘không có bất kỳ hành vi nào xâm hại đến lợi ích, sức khỏe của các bị cáo’ để bác lại lập luận ‘phòng vệ chính đáng’ của các bị cáo.

Phòng vệ chính đáng?

Đoàn Văn Vươn trong phiên tòa sáng 30/7
Ông Vươn một mực khẳng định rằng mình không 'giết người' (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên trước tòa anh em ông Đoàn Văn Vươn đã kêu oan rằng họ ‘không hề có ý định giết người’.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Vươn nói tại tòa rằng mục đích việc làm phản kháng của gia đình ông là ‘tạo tiếng vang’ để thu hút sự chú ý của chính quyền trung ương về vụ việc chứ không phải nhằm ‘giết người’.

“Bị cáo đã yêu cầu chú Quý khi dùng súng hoa cải không được dùng đạn bắn thú và bắn cá, mà phải dùng đạn bắn chim, loại nhỏ hơn, mà phải bắn khoảng 20 mét trở ra, vì nếu bắn gần và dùng đạn cỡ lớn sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bị bắn,” Thanh niên dẫn lời ông Vươn nói.

Lời khai của ông Vươn trước tòa được ông Quý khẳng định: “Khi có quyết định cưỡng chế, anh Vươn có nói với bị cáo thế này thì bị mất trắng rồi, phải gây tiếng nổ để tố cáo với Trung ương,” cũng báo Thanh Niên dẫn lời ông Quý nói trước tòa.
"Bị cáo đã yêu cầu chú Quý khi dùng súng hoa cải không được dùng đạn bắn thú và bắn cá, mà phải dùng đạn bắn chim, loại nhỏ hơn, mà phải bắn khoảng 20 mét trở ra, vì nếu bắn gần và dùng đạn cỡ lớn sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bị bắn."
Đoàn Văn Vươn khai trước tòa
“Anh Vươn dặn chỉ được dùng súng hoa cải, không được dùng súng quân dụng, đạn thì chỉ dùng đạn bắn chim là đạn nhỏ, không được dùng đạn bắn thú.”

Còn các luật sư biện hộ cho bị cáo thì nghi ngờ về kết quả giám định tang vật là các loại vũ khí mà hai anh em Vươn và Quý đã sử dụng để tấn công lực lượng cưỡng chế. Các giám định viên cho rằng các loại vũ khí này ‘có thể giết người’.

Tuy nhiên, báo Người Lao Động tường thuật rằng các luật sư Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Hà Luân biện hộ cho các bị cáo cho rằng kết quả giám định ‘rất chung chung, không xác thực và không có cơ sở vững chắc’.
(BBC)

'Bà Tưng' với nền văn hóa bảo thủ


Việt Nam dị ứng với cả 'Bà Tưng' và Bụi Đời Chợ Lớn?

Suốt thời gian qua, hầu như ngày nào trên các mạng tin tức từ Việt Nam đến hải ngoại, cũng đều nhắc nhở đến hiện tượng "Bà Tưng" trên mạng xã hội Facebook.

Cô nữ sinh viên có tên thật là Lê Thị Huyền Anh, có khuôn mặt khá xinh xắn, đã tự chụp một số hình ảnh "thoáng" cùng với những tuyên bố gây sốc cho cư dân mạng.

Nhiều ý kiến ủng hộ và chỉ trích, lên án, "ném đá" khiến cho "Bà Tưng" đã trở thành một hiện tượng gây sóng gió dư luận.

Báo chí được xem là chính thống trong nước thì gần như 100% lên án hành động của "Bà Tưng", cho rằng việc mà họ xem là "dung tục" của "Bà Tưng" đang là thảm họa xã hội, thậm chí còn tuyên bố rằng giới showbiz sẽ gặp đại họa nếu "Bà Tưng" tham gia vào ngành giải trí.

Chấn động nhất có lẽ là vụ "Bà Tưng" dự định xuất hiện trong quán bar Max3 tại Hà Nội, và đích thân Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Tô Văn Động đã ra lệnh không cho phép cô gái "nổi như cồn" này được biểu diễn dưới bất kỳ hình thức nào.

'Ném đá' tơi bời

Và dù đang bị soi mói, bị "ném đá" thậm chí có thể sẽ bị ngăn chặn bằng mọi giá ước muốn tham gia ngành giải trí của cô nữ sinh Lê Thị Huyền Anh, nhưng chính những người đang "cầm cân nảy mực" của ngành văn hóa Việt Nam cũng không thể phủ nhận, hiện tượng "Bà Tưng" vẫn đang dẫn đầu nguồn thông tin, hơn cả vụ Đàm Vĩnh Hưng bị mất nhẫn kim cương, hơn cả Lý Nhã Kỳ khoe của tại đại hội điện ảnh Cannes, hơn cả vụ scandal tình, tiền của Đan Trường và hơn cả vụ nợ nần vì làm ăn thất bại và bài bạc của Siu Black.

Dưới góc nhìn của xã hội bảo thủ như Việt Nam, hiện tượng "Bà Tưng" là không thể chấp nhận được, vì cho rằng nó đi ngược lại với đạo đức xã hội, đi ngược lại với cái gọi là giá trị văn hóa dân tộc.

Nhiều người trong nước vẫn lên án hành động "đi tắt" để được nổi tiếng như cô nữ sinh Lê Thị Huyền Anh, nhiều nghệ sĩ, người mẫu cũng không ngần ngại "ném đá" tơi bời.

Thậm chí có cô người mẫu còn lên tiếng kêu gọi giới chức ngành văn hóa nhanh chóng ra luật cấp "chứng chỉ nghệ sĩ", để ngăn chặn hành động táo bạo của "Bà Tưng", chặn lại ý tưởng tham gia giới showbiz của Lê Thị Huyền Anh.

Báo chí đua nhau viết bài công kích, bài xích, hầu như tờ báo nào nhắc tới hiện tượng "Bà Tưng" đều muốn thể hiện cho công chúng thấy báo của mình là có "đạo đức".

Trong khi dưới cái nhìn của những người sống bên ngoài Việt Nam, thì họ cho đây chỉ là hiện tượng bình thường, những "chiêu trò" của Lê Thị Huyền Anh chả bằng một góc nào so với cái xã hội họ đang sống nhất là các xã hội Tây phương.

Thậm chí ngược lại, nhiều người còn cho rằng "Bà Tưng" có khả năng biết tự tạo chỗ đứng cho mình, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, được đám đông chú ý đến là đã được mục tiêu.

Đông và Tây

Nếu "Bà Tưng" trưởng thành trong môi trường tự do và thoáng, có lẽ sẽ không ít cơ hội tiến thân đến với cô.

Tóm lại sự cọ xát của một xã hội Việt Nam đang phát triển, ngoại trừ những hội nhập về kinh tế, Việt Nam cũng đang đối diện với sự thay đổi về tư duy, thay đổi về cách sống, môi trường và thay đổi luôn cả quan niệm khác biệt giữa Đông và Tây.

Sự cọ xát càng lúc càng trở nên gay gắt hơn, khi dòng tư tưởng bảo thủ đang bị đẩy dần vào góc nhỏ của xã hội, và giới trẻ Việt Nam hiện nay, họ đang muốn chạy theo cái xu thế thời đại, họ không muốn bị thua kém cho giới trẻ ở những nước lân bang của Việt Nam thậm chí là các nước Tây phương.
"Tóm lại sự cọ xát của một xã hội Việt Nam đang phát triển, ngoại trừ những hội nhập về kinh tế, Việt Nam cũng đang đối diện với sự thay đổi về tư duy, thay đổi về cách sống, môi trường và thay đổi luôn cả quan niệm khác biệt giữa Đông và Tây."

Phía chính phủ Việt Nam tuy luôn quảng bá hình ảnh hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng thế giới, nhưng trên thực tế, chính họ cũng bất lực trước những luật lệ, quy định đầy "vô duyên" để kiểm soát xã hội, kiểm soát tư tưởng, mà không thể giải thích được với cộng đồng quốc tế.

Họ ngăn chặn sự trình diễn của "Bà Tưng", hay cấm trình chiếu "Bụi Đời Chợ Lớn", nhưng họ vẫn không thể ngăn được sự cuồng loạn của K-Pop fan.

Họ cấm tư nhân ra báo chí, sở hữu các cơ sở truyền hình, truyền thanh, nhưng họ lại không thể ngăn chặn người dân bày tỏ tư tưởng trên các xa lộ thông tin, và càng lúc càng nhiều hơn.

Họ lên án những hành động "đi tắt" của một số giới trẻ trong doanh nghiệp, trong giải trí, nhưng lại ca ngợi, quảng bá thật mạnh cho những games show truyền hình, nhưng thực chất vẫn chỉ là mua bán những câu chuyện dưới hậu trường sân khấu để câu khách.

Và đây sẽ là thử thách lớn của chính phủ Việt Nam. Họ không chỉ đối diện với thử thách về thay đổi quan điểm nhân quyền, mà sẽ còn đối diện với những hệ quả do chính họ gây ra để kềm kẹp xã hội, vì sự bùng phát thay đổi tư duy của giới trẻ hiện nay, chính là tiềm tàng khiến cho đảng cầm quyền ngày càng bị mất lòng dân.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Trần Nhật Phong, đạo diễn phim ở California, Hoa Kỳ.
Trần Nhật Phong
Gửi cho BBC từ California
 

Trí thức Việt Nam tại Pháp đưa kiến nghị về vụ Điếu Cày tuyệt thực

Blogger Điếu Cày trong phiên tòa ngày 24.09.2012
Blogger Điếu Cày trong phiên tòa ngày 24.09.2012 (DR)

Chiều ngày 29/07/2013, một nhóm các nhân sĩ trí thức Việt Kiều tại Pháp đã tới tòa đại sứ Việt Nam ở Paris để đề nghị cơ quan này chuyển về nước « Yêu cầu Chủ tịch Nước và Chính phủ Việt Nam khẩn cấp giải quyết vụ tuyệt thực của blogger Điếu Cày (tức ông Nguyễn Văn Hải) ». Vụ người tù lương tâm Nguyễn Văn Hải, hiện đang bị giam tại Nghệ An, tuyệt thực đã gần 40 ngày, được công luận khắp nơi quan tâm.

Trả lời RFI Việt ngữ, Giáo sư vật lý học Phạm Xuân Yêm, một thành viên trong nhóm nhân sĩ trí thức tới đại sứ quán Việt Nam thuật lại sự kiện này và giải thích lý do vì sao ông đã ký tên và tham gia vào đoàn chuyển đề nghị nói trên.

GS Phạm Xuân Yêm : "15 giờ hôm nay, ngày thứ Hai, 29/07, chúng tôi khoảng 10 người, phần lớn là nhà khoa học, chúng tôi đến tòa đại sứ. Chúng tôi là những người sống ở bên Pháp, ký tên vào những bản yêu cầu đó, để góp phần vào với những nhân sĩ ở trong nước, để làm thế nào để thông điệp này đến được sớm nhất với chính quyền, để chính quyền nhanh chóng giải quyết gấp rút sinh mạng của một con người yêu nước.

Những người đã ký tên vào bản Yêu cầu chính quyền xử lý đối với vụ blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, xử lý để đừng cho ông ấy tuyệt thực, như vậy thì có những hậu quả khôn lường, nếu có những mệnh hệ nào. (…) để cho người ta phải tuyệt thực vì người ta thấy là tuyệt vọng rồi.

Mà ông ấy có cái tội tình gì, ngoài cái chuyện cảnh báo cái âm mưu của Trung Quốc, mà chính ông Chủ tịch và chính quyền cũng đã nói thấp thoáng những chuyện đó rồi, mà tại sao lại bắt bớ ông ấy, để ông ấy phải tuyệt thực để phản đối cái chuyện này ? Đấy là mục đích của những người Việt kiều sống ở bên Pháp hôm nay đưa lên tòa đại sứ yêu cầu mà mạng bô xít đã đăng lên.

Trong cái yêu cầu đó, việc đầu tiên chúng tôi muốn nhấn mạnh là ông Điếu Cày không có việc gì gọi là chống đối lật đổ chính quyền, mà chính quyền lại bắt tội ông ấy như vậy, mà ông ấy chỉ nói lên tiếng nói của một người yêu nước đứng trước hiểm họa xâm nhập mềm của Trung Quốc, nhất là về Biển Đông, về bô xít Tây Nguyên, về thực phẩm an toàn, đủ các thứ… mà chính quyền (trong hành động của mình) không gây lại được cho nhân dân lòng tin (họ) là người yêu nước.

Thứ hai nữa, Việt Nam hiện nay đang là ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, rõ ràng đây là một xâm phạm nhân quyền đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với ông Điếu Cày, và còn hàng mấy trăm blogger nữa, họ không có quyền tự do nói lên ý kiến của mình thội. Chứ họ cũng không nói gì khác.

Thứ ba là được lòng dân, thì được tất cả, như là trong cuốn sách của ông Nguyễn Huệ Chi, ông ấy nói về văn học cổ, cận đại Việt Nam, ở trang 666. Nói về vụ ông Lê Lợi (Lê Thái Tổ), với sự hợp tác của những trí thức, đặc biệt là ông Nguyễn Trãi, để mà trong vòng có 20 năm, chống lại được sự đô hộ của nhà Minh. Được lòng dân như vậy ! Tôi mong rằng chính quyền, những ông nắm quyền trong Bộ Chính trị, và kể cả trong Ủy ban trung ương, các vị để dành một chút thời gian đọc lại lịch sử, về vụ Lê Lợi được lòng dân như thế nào, mà đi từ một nước nô lệ, giải phóng được, mong rằng (chính quyền) có một thái độ rõ ràng hơn đối với Trung Quốc.

Chúng tôi mong là làm thế nào thông điệp này đến được chính quyền, bằng nhiều cách càng tốt. Thời buổi internet này, chúng tôi thấy có bổn phận phải báo động đến tòa đại sứ, là người đại diện của chính quyền ở bên Pháp, thì lẽ rất tự nhiên là chúng tôi đưa đến, để mong họ tiếp nhận và chuyển ngay về chính quyền trong nước. Chúng tôi muốn báo động việc này, vì ông Điếu Cày tuyệt thực đến một tháng giời. Sinh mạng ông ấy như ngọn đèn trước gió. Tiếng nói của lương tâm thôi, thấy một người yêu nước trong một hoàn cảnh bi đát như thế này, làm sao mà có thể thờ ơ được ? Làm sao mà có thể vô cảm được ?

Thế thì họ bảo rằng, hôm nay bất thình lình họ không dám nhận. Họ bảo thôi thì cứ để trong hộp thư. Và họ hứa rằng là họ sẽ chuyển. Chúng tôi tin họ sẽ làm như họ đã hứa với chúng tôi."

Vụ ông Nguyễn Văn Hải tuyệt thực trong tù để phản đối các hành động đàn áp của chính quyền, mới chỉ được biết đến vào trung tuần tháng 6/2013 sau khi được nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một bạn tù, thông báo ra ngoài. Kể từ đó đến nay, bất chấp việc gia đình và thân hữu ông Hải liên tục yêu cầu, chính quyền không có biện pháp nào để làm sáng tỏ tình hình này. Chỉ một lần duy nhất, ngày 22/07/2013, con trai của ông Nguyễn Văn Hải được cho phép vào gặp bố trong vòng 5 phút, sau đó anh Nguyễn Trí Dũng thuật lại rằng sức khỏe ông rất yếu.

Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải được coi là một trong những nhà báo công dân đi đầu trong việc cất lên tiếng nói chỉ trích chính quyền trong một loạt các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, dân chủ, môi trường… Cuối năm 2012, ông bị tòa phúc thẩm Việt Nam y án 12 năm tù giam, 5 năm quản chế.

Trước nguy cơ tính mạng Điếu Cày bị đe dọa, cuối tuần trước, các nhân sĩ trí thức Việt Nam đã công bố trên mạng boxitvn.net yêu cầu các lãnh đạo Việt Nam có biện pháp giải quyết khẩn cấp việc này. Cho đến ngày Chủ nhật, 28/07, và cũng là ngày đóng mục ký tên, bản yêu cầu này đã nhận được chữ ký của hơn 600 người, sống tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng.

Cũng liên quan đến ông Nguyễn Văn Hải, ngày 29/07/2013 lần đầu tiên một tờ báo của Nhà nước Việt Nam, tờ Công an Nhân dân, có bài viết « Lật tẩy ‘‘chiêu tuyệt thực’’ của Nguyễn Văn Hải », để phản bác việc ông Hải tuyệt thực là có thật.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI hôm qua, bà Dương Thị Tân, thân nhân ông Nguyễn Văn Hải cho biết : « Hôm nay đã bước sang ngày thứ 37 » mà chính quyền chưa hề « ra một thông báo rõ ràng » về chuyện này, cho dù bà đã gõ cửa một loạt các cơ quan tư pháp và công an tại Vinh và Hà Nội.

Trọng Thành (RFI)

Ngoại trưởng Trung Quốc sắp thăm VN


Ngoại trưởng Vương Nghị nhiều lần tuyên bố về tranh chấp Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Việt Nam vào đầu tháng Tám trong chuyến công du Đông Nam Á.

Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã nói ông Vương Nghị sẽ thăm Malaysia, Lào và Việt Nam từ 1 đến 6 tháng Tám.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng sẽ dự một diễn đàn cấp cao giữa Trung Quốc và Asean tại Thái Lan.

Ông Vương Nghị mới được bổ nhiệm chức ngoại trưởng hồi tháng Ba.

Ông là cựu đại sứ tại Nhật và là chuyên gia đàm phán vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Dự kiến vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được ngoại trưởng Trung Quốc đề cập khi gặp các lãnh đạo Việt Nam.

Mới đây, khi thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tái khẳng định lập trường phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua đường chín đoạn.

Đường yêu sách chủ quyền chín đoạn, còn gọi là đường 'lưỡi bò' mà Trung Quốc dựng lên, chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và các vấn đề Quốc tế (CSIS) chiều thứ Năm 25/7, ông Sang nói: "Chúng tôi không thấy có nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố [chủ quyền của Trung Quốc] và do vậy chính sách nhất quán của Việt Nam là phản đối kế hoạch đường chín đoạn của Trung Quốc".

Từ khi lên làm ngoại trưởng, ông Vương Nghị đã nhiều lần khẳng định quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.

Mới đây tại hội nghị Ngoại trưởng Đông Á ở Brunei, ông Vương Nghị nhắc lại vấn đề Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, cần được giải quyết qua đàm phán trực tiếp giữa các bên đương sự.

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Vương khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc là “kiên định bất di bất dịch”.
(BBC)
 

Báo Trung Quốc viết về cô dâu Việt

Cô dâu Trung Quốc (ảnh minh họa)
Cưới cô dâu Trung Quốc bị nói là "tốn kém hơn" cô dâu Việt

Báo Trung Quốc có bài nói về tình trạng nam giới ở tỉnh Hà Nam muốn cưới cô dâu Việt Nam vì 'rẻ hơn cô dâu Trung Quốc'.

Các báo China Daily và Global Times bằng tiếng Anh hôm thứ Hai 29/7 đều đăng lại bài của tờ Thời báo Kinh tế Hà Nam, nói trong sáu năm qua, tại huyện Lâm Cơ, thành phố Lâm Châu, tỉnh Hà Nam, có 23 phụ nữ Việt Nam lấy chồng làm nghề nông ở địa phương.

Tờ báo địa phương cho rằng tài chính là một yếu tố quan trọng vì "lấy phụ nữ Việt Nam thường rẻ hơn lấy phụ nữ Trung Quốc".

Báo này dẫn chứng một người đàn ông địa phương, họ Lưu, lấy vợ Việt năm 2011.

Ông này chi khoảng 30.000 Nhân dân tệ (tương đương 4.800 đôla Mỹ) để cưới vợ, trong khi nếu lấy vợ cùng quên sẽ mất ít nhất 100.000 tệ, hơn gấp ba lần.

Không những ít tốn kém hơn, mà cô dâu Việt Nam còn được ca ngợi là "chăm chỉ và có khả năng giữ quan hệ tốt trong gia đình".

Lần đầu tiên có người lấy vợ Việt ở Lâm Châu là vào năm 2007, sau đó điều này thành trào lưu. Các phụ nữ Việt Nam lấy chống ở đây được nói đã định cư yên ổn và có bạn bè.

Một số cô dâu Việt đã học chút ít tiếng Trung trước khi sang Trung Quốc.

Tuy nhiên hiện họ gặp khó khăn là phải xin thị thực ba tháng một lần khi chưa có đăng ký thường trú nhân.

Báo Trung Quốc nói phụ nữ nước ngoài lấy chồng Trung Quốc phải được ít nhất 5 năm và phải sống ở Trung Quốc thời gian đó mới có thể xin giấy phép thường trú.

Hôn nhân Trung-Việt khá phổ biến những năm gần đây tuy chưa có thống kê chính thức là bao nhiêu cặp.

Báo Trung Quốc đã từng phản ánh tình trạng "mua cô dâu Việt".

Nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc để làm vợ đàn ông nước này cũng đang gây quan ngại.
(BBC)

Úc cáo buộc thuyền nhân VN đợt mới


Úc đang cứng rắn với vấn đề người nhập cư bất hợp pháp

Truyền thông Úc cáo buộc nhiều người Việt vượt biển sang Úc thực ra để bán dâm và trồng cần sa.
Cáo buộc đưa ra trong bối cảnh chính phủ Úc khép chặt cửa trước đợt sóng thuyền nhân từ Việt Nam, với lý do đa số không phải là người tị nạn thực sự.

Báo Courier Mail hôm 28/7 nói làn sóng gia tăng thuyền nhân Việt Nam, với 759 người đến Úc năm nay, có liên hệ với ngành công nghiệp tình dục và những ngư dân nghèo đi tìm việc.

Trong nhiều trường hợp, họ khai là trẻ mồ côi hay thiếu niên, nhưng việc kiểm tra cho thấy một số trước đây vào Úc bằng visa du lịch.

Sau khi vào Úc bằng visa du lịch, những người này bị cáo buộc hủy hộ chiếu và xin đoàn tụ gia đình với lý do bị Việt Nam đàn áp.

Chính quyền cũng phát hiện một ổ mại dâm của người Việt ngay bên trong trung tâm giam giữ người xin tị nạn ở Darwin.

Giới chức nói họ nghi ngờ những phụ nữ này được gửi sang Úc để làm việc trong ngành công nghiệp tình dục.

Hình minh họa
Nhiều người Việt ở Úc tham gia trồng cần sa

Báo Courier Mail dẫn lời một viên chức biên phòng nói về lo ngại tội phạm có tổ chức đưa người Việt lên thuyền sang Úc làm gái bán dâm hoặc buôn ma túy.

“Chính các băng tội phạm có tổ chức ở Úc đã tuồn người ra [khỏi Việt Nam] hoặc có những kẻ buôn người hứa hẹn công việc ở Úc,” ông này nói.

Ngoại trưởng Úc cũng nói với tờ báo rằng đa số thuyền nhân Việt không phải là người xin ti nạn đúng nghĩa.

“Nói thẳng là đa số người đến đã nói với Bộ Di trú và Công dân họ đến đây tìm việc,” ông Bob Carr tuyên bố.

Tuy vậy, ông Trí Võ, chủ tịch Cộng đồng Người Việt tại Sydney, vẫn khẳng định các thuyền nhân có “những lý do khác” khi vượt biên sang Úc.

“Tuy không được nói chuyện trực tiếp với người xin tị nạn, nhưng lý do chính có lẽ vì đợt đàn áp gần đây với các nhà hoạt động nhân quyền, blogger và những người lên tiếng trong hòa bình.”

“Người dân không hài lòng với hệ thống," ông Trí Võ nói.
(BBC

Bắc Kinh bác bỏ việc tổ chức thượng đỉnh Nhật - Trung

Tàu tuần duyên Nhật Bản chặn tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 26/05/2013.
Tàu tuần duyên Nhật Bản chặn tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 26/05/2013. (REUTERS/Kyodo)

Tờ báo nhà nước China Daily ngày 30/07/2013 cho biết, Trung Quốc bác bỏ khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật, mà Tokyo đã đề nghị nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai nước về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thông tin này được đưa ra vào lúc Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki viếng thăm Bắc Kinh.

Lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 26/07/2013 đã kêu gọi nhanh chóng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Kyodo, thì ông Abe đã lặp lại lời đề nghị này ba ngày sau đó.

Nhưng Bắc Kinh đòi hỏi những hành động cụ thể và lo ngại trước quan điểm dân tộc chủ nghĩa được Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ công khai. Liên minh cầm quyền của ông càng được củng cố khi thắng cử ở Thượng viện cách đây một tuần.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Vụ tranh chấp này đã gây tác hại nghiêm trọng về thương mại đối với những công ty Nhật hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn xe hơi.
Thụy My (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét