Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Bài viết đáng chú ý

Dự thảo Hiến pháp: sự gian lận có hệ thống?

Bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp được Ủy Ban soạn thảo trình lên Quốc hội đang tiếp tục bị dư luận chống đối, nhất là những nhóm trí thức cũng như đại diện tôn giáo từng góp ý của họ trong đợt sửa đổi hiến pháp lần này nhưng không được Ủy Ban để mắt tới dù chỉ một điều khoản mà họ bỏ tâm huyết ra để soạn thảo và góp ý.
Không chấp nhận ý kiến sửa đổi
Ngày 3 tháng Sáu vừa qua nhóm Kiến nghị 72 đã gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số Đại biểu Quốc hội bản phản đối Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội khoá XIII trong kỳ họp thứ 5 với lý do là Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình lên hoàn toàn không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân vì đã cố tình che dấu sự thật. Tuyên truyền vận động người dân một cách áp đặt. Không chấp nhận những ý kiến sửa đổi của một bộ phận trí thức và đại diện các tôn giáo lớn nhằm mục tiêu giữ lại những điều khoản lạc hậu, phản động trong điều 4 của Hiến Pháp dành cho chế độ độc đảng và bất cần quyền lợi chính đáng của nhân dân.
phapluatxh-250.jpg
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý tại cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm 29/12/2012 tại Hà Nội.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Phó Viện trưởng Viện IDS người ký tên trong bản phản đối cho biết lý do bà tham gia vào bản phản đối này:
“Tôi muốn nói tôi cũng như những người cùng ký vào đó bởi vì chúng tôi thấy bản dự thảo được Ủy ban soạn thảo Hiến Pháp đưa ra trình Quốc hội nó không thực sự tiếp thu rất nhiều ý kiến đã đóng góp của các tầng lớp khác nhau trong xã hội, trong đó có kiến nghị của nhóm 72 mà hàng ngàn người đã hưởng ứng.
Những nơi khác nữa cũng có nhiều người lên tiếng thí dụ như Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chúng tôi thấy những ý kiến có phần khác với bản dự thảo đều không đựơc tôn trọng, không đựơc đưa vào để thảo luận và vì vậy chúng tôi đưa ra bản kiến nghị đó để nêu thêm yêu cầu là phải công khai những ý kiến khác nhau.”
Bản phản đối gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi rõ: “Việc hiến định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và nhà nước là biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần phản dân chủ; tự nó đã khiến cho những điều ghi trong Dự thảo Hiến pháp về quyền lực của nhân dân và của các tổ chức do dân bầu cũng như các quyền cơ bản của con người và của công dân chỉ là cái vỏ, không có thực chất, như đã thể hiện rõ trong thực tế nước ta nhiều năm qua.”
Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh người ký tên trong bản phản đối cho biết quan điểm của ông về tuyên bố này:
“Như anh đã biết cái Hiến pháp đợt sau này nó còn tệ hơn đợt trước. Ví dụ như Điều Bốn không có gì thay đổi hết. Luật đất đai thì lần trước còn xem xét nhưng lần này vẫn giữ nguyên quan điểm là thuộc sở hữu toàn dân. Về tự do dân chủ như biểu tình, hội họp thậm chí có những điều còn cứng rắn hơn trước.”
Quốc hội nhận đựơc thông tin của Ủy Ban soạn thảo dự thảo Hiến pháp báo cáo đợt lấy ý kiến toàn dân này là đã đựơc tập hợp khách quan, trung thực của hơn 26 triệu người dân và 28 ngàn hội nghị, hội thảo, tọa đàm trên toàn quốc.
Tuy nhiên Ủy ban đã tránh không nói rằng 28 ngàn cuộc gặp gỡ ấy do ai tổ chức và người tham dự phải chăng là đảng viên hay chí ít là cán bộ nhà nước các cấp. Báo cáo của Ủy ban soạn thảo cũng tránh không giải thích cách mà hơn 26 triệu người dân ký tên đồng ý đã dựa trên cơ sở nào. Người dân có được ghi “không đồng ý” trên những phiếu ấy hay không và nếu họ ghi “không đồng ý” thì phường, khóm, thậm chí tổ dân phố có chấp nhận như một phiếu hợp lệ trong 26 triệu ấy hay sẽ bị vất đi.
Những câu hỏi một chiều trên các phiếu gọi là lấy ý kiến ấy đã được minh định sẵn và người dân chỉ cần ký tên vào thật khó được xem là một hình thức sinh hoạt dân chủ mà Ủy Ban báo cáo với Quốc hội. Ông Huỳnh Kim Báu chia sẻ những gì ông chứng kiến tại thành phố Hồ Chí Minh nơi ông cư trú và theo ông sự cố tình tìm kiếm số đông này là cách làm không lương thiện của chính quyền khi mang danh nghĩa chấp hành phúc khảo của nhân dân trước dự thảo sửa đổi hiến pháp:
“Cái nguy hiểm của đợt này họ nhân danh phúc khảo nhân dân. Quả thật họ phúc khảo cũng không trật bởi vì họ phúc khảo bằng bộ máy của họ. Họ đưa bản đó cho dân góp ý do chính hệ thống chính trị của họ đưa. Cụ thể như Sài Gòn, mọi người, mọi gia đình đều được đưa cái bản ấy mà lại do chính quyền đưa để hợp thức hóa cho những điều bảo thủ của Hiến pháp 92.”
26 triệu ý kiến từ một nhóm?
Con số hơn 26 triệu góp ý ấy thật ra chỉ là một nhóm, một tổ chức và nhất là của một đảng mà thôi. Nó không phải là con số đông áp đảo mà nhà nước tìm kiếm. Đại biểu quốc hội không lạ gì cách tổ chức lấy phiếu như vậy và đơn phản đối của nhóm kiến nghị 72 chỉ là lời nhắc nhở mạnh mẽ. Tuy nhiên do dư luận chú ý, nó có thể trở thành vật công phá các rào cản để các đại biểu không chấp nhận báo cáo này của ủy Ban soạn thảo dự thảo Hiến pháp.
“Cái lớn nhất của mấy ông này là nhân danh số đông. Ý đồ của họ là vẫn tiếp tục kéo dài bất chấp những đời hỏi chính đáng của nhân dân. Họ cố kéo dài cái chuyên chính, độc đảng này ngày nào hay ngày nấy. Thực chất chẳng phải bảo vệ chủ nghĩa gì hết. Thực tế họ muốn bảo vệ quyền lực của họ. Nhưng đối với chúng tôi thì cho rằng cái sự điên cuồng bảo vệ của họ thì có cái may vì nó sẽ làm nội thân của đảng phân hóa. Một bộ phận sẽ thấy chịu không được sẽ phân hóa. Phân hóa lực lượng trong đảng kết hợp với bên ngoài thì có thể nó sẽ làm cho dân chủ tiến bộ sớm hình thành và phát triển.
Nếu như họ cải luơng, thay đổi một số điều thì cái đó có thể làm cho một số người mờ mờ ảo ảo không thấy được. Nhưng nếu họ làm như hiện nay thì những người tiến bộ đều thất vọng, ngay cả trong nội bộ của đảng. Lực lượng của chúng tôi ở đây rất nhiều anh em đảng viên cũ rất tích cực tham gia. Trước đây họ còn mờ mờ ảo ảo nhưng bây giờ thì thái độ rất rõ ràng, họ nói rằng không thể độc đảng nữa. Không thể không có dân chủ. Muốn cứu đảng thì phải dân chủ còn không có dân chủ thì đảng tự sát.”
Bản phản đối có đoạn ghi: Chúng tôi đề nghị Quốc hội làm mọi việc cần thiết tạo ra sự đồng thuận lớn nhất trong nhân dân theo tinh thần dân chủ về những vấn đề trọng đại cần phải đạt được trong Hiến pháp sửa đổi lần này và sớm quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của Hiến pháp để có thời gian chuẩn bị và làm tốt công việc quan trọng và mới mẻ này.
Nhóm Kiến nghị 72 trí thức cũng viết: Chúng tôi mong đợi mọi người có lương tri trong hệ thống chính trị hiện nay nhận rõ sự thật, đứng về phía nhân dân, ủng hộ nhân dân trong sự nghiệp vinh quang và khó khăn này.
Lời phát biểu thống thiết của nhóm trí thức 72 có lẽ do họ linh cảm rằng đất nước sẽ khó thoát vòng vây khổn của thế lực đang nắm quyền. Tuy thống thiết, thế nhưng sự rắn rỏi, quyết tâm vẫn là dấu ấn để người dân thấy rằng đang có một nguồn sinh lực thúc đẩy tiến trình tranh đấu dài hơi và khó khăn trước mặt, nhất là tranh đấu với cái gian dối của cả một hệ thống đối với người dân cả nước trong lần sửa đổi hiến pháp kỳ này.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-06-27

Chủ nghĩa cộng sản đây rồi!

(zui quá, tìm thấy rồi =))

Đào Hiếu blog

CHU NGHIA CONG SAN DAY ROI
Trong thời buổi lộn xộn hiện nay, những kẻ không ưa chủ nghĩa xã hội cứ bảo: Ta nói tiến lên chủ nghĩa xã hội nhưng chẳng biết nó là cái chi, mặt mũi ra răng, bao nhiêu năm toàn đi mò mẫm!
Tui thì tui nói hổng phải dzậy. Không những chỉ là chủ nghĩa xã hội, mà chúng ta đã từng biết cả mặt mũi chủ nghĩa cọng sản rồi. Cái “mô hình” của nó đã từng có trên đất nước ta.
Đứa là khi tại Thanh Hóa có cái hợp tác xã Định Công, hình như ở huyện Yên Định thì phải. Ở đó, chánh quyền quyết định: cả xã là một hợp tác xã. Rứa là lớn lắm, gần bằng nông trang tập thể ở Liên Xô nhé. Xã quyết định là phải bỏ cái kiểu ở lẻ tẻ manh mún như bao đời nay, huy động người dựng nhà dãy san sát nhau ở trên đồi, cứ dăm chục hộ chi đó thì đào cho một giếng nước chung. Ở đầu mỗi dãy nhà treo một cái kẻng làm bằng vỏ trái bom mà máy bay Mỹ ném xuống không nổ. (Răng mà bọn đế quốc ngu rứa, ném cả bom không nổ để dân ta có cái xây dựng chủ nghĩa cọng sản, he he!) Đến giờ thức dậy, cho người gõ kẻng báo, tất cả dậy. Đi làm – gõ kẻng, tất cả ra đồng. Nấu ăn – gõ kẻng, nhà mô nhà nớ phải đồng loạt nổi lửa. Ăn cũng rứa, thực hiện đồng loạt. Và tất nhiên là đi ngủ cũng theo kẻng.
Nhưng mà phá nhà cũ lên đồi ở để làm chi? Đó là vì cái mục đích tăng diện tích đất trồng trọt. Có rứa thì mới tăng được sản lượng, tăng di-đi-pi, mới vượt được các nước tư bản chớ!
Đứa là vào khoảng năm 1977. Tui còn nhớ, mô hình nầy đã được cố đồng chí tổng bí thơ lúc bấy giờ ủng hộ nhiệt liệt. Đồng chí đã về thăm Định Công. Và tại đó, đồng chí đã vỗ đùi tuyên bố: “Chủ nghĩa cọng sản đây rồi!” và ra quyết định nhân rộng mô hình. Bà con bấy giờ mới biết mình đang ở ngưỡng cửa thiên đường! (Trước đó một năm, đồng chí cũng đã tuyên bố: “Đến năm 80 thì dân ta muốn khỗ cũng không được khỗ.”)
Vào thời đó, còn có vài nơi khác cũng đã gần được như rứa. Ở Nghệ An có anh bí thơ Trương Kiện. Ảnh từng tuyên bố: “Chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng một mo cơm, một quả cà và một tấm lòng cọng sản!” Câu tuyên bố nầy đã được báo chí nhà nước đăng trang trọng trên đầu trang nhất. Mà không chỉ nói, ảnh đã huy động cả tỉnh đi đào đắp công trình thủy lợi Vách Bắc (mà về tác dụng của nó thì dân vùng đó cứ dè bỉu là hạn nơi cần tưới, ngập nơi cần tiêu). Quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội của ảnh cao đến mức 29 Tết ảnh vẫn chưa cho dân làm thủy lợi về nhà, dẫn đến vụ một cái cống lớn bị sập, vùi lấp hàng trăm nhân mạng.
Đáng tiếc là vào những năm sau đó, không biết vì cớ chi người ta bỏ những mô hình này. Rứa là dân ta mất hướng, không còn hình dung ra xã hội cọng sản nữa. Nước ta bước lùi lại thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, rồi lùi tiếp một bước nữa: tạm xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã, bao giờ thật mạnh mới chính thức xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhưng cũng còn may là các đồng chí lãnh đạo vẫn luôn luôn dạy phải kiên định lập trường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mấy năm gần đây, Triều Tiên nổi lên như một ngôi sao trên bầu trời chánh trị quốc tế. Hết đồng chí Ỉn lại đến đồng chí Ủn liên tiếp làm cho đế quốc Mỹ và Hàn Quốc khốn đốn. Bao nhiêu năm qua, chính chúng ta cũng cứ tưởng Triều Tiên chậm phát triển, bây giờ nghe đài Triều Tiên mới thấy té ra họ đang xây dựng một quốc gia hùng cường với một quân đội bách chiến bách thắng. Tui bỗng hiểu ra: Chủ nghĩa cọng sản kia rồi!
Đáng tiếc là trong hàng chục niên, lợi dụng chiêu bài đổi mới, “đa phương hóa, đa dạng hóa” các mối quan hệ quốc tế, một nhóm người có thế lực nhưng “suy thoái tư tưởng” đã đưa nước ta xích lại với kẻ thù Nam Hàn mà gần như lãng quên mối quan hệ với những người đồng chí Bắc Hàn (tức Triều Tiên). May mà gần đây, các đồng chí lãnh đạo lại đang tìm cách thắt chặt trở lại quan hệ với những người anh em trên tinh thần “quốc tế vô sản”.
Mong sao ta học tập được Triều Tiên và “phát huy” trở lại các mô hình Định Công, Vách Bắc,… để trong mấy năm nữa ta lại có thể tuyên bố (trước sự thèm thuồng ghen tị của bọn Mỹ, Nhật, Hàn,…): Chủ nghĩa cọng sản đây rồi!
MICHAEL LANG

Chủ nghĩa cộng sản

Wikipedia


Hammer and sickle.svgChủ nghĩa cộng sản (gốc tiếng Latin: commūnis – chung), là một cấu trúc kinh tế xã hộihệ tư tưởng chính trị ủng hộ việc thiết lập một xã hội phi nhà nước, không giai cấp, bình đẳng, dựa trên sự sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất và tài sản nói chung.[1][2][3] Karl Marx cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ là giai đoạn cuối cùng của xã hội loài người, đạt được qua một cuộc cách mạng vô sản. “Chủ nghĩa cộng sản thuần túy” theo thuyết của Marx nói đến một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước và không có áp bức, mà trong đó các quyết định về việc sản xuất cái gì và theo đuổi những chính sách gì được lựa chọn một cách dân chủ, cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định ở cả hai mặt chính trị và kinh tế. Việc sản xuất và phân phối của cải được tiến hành công bằng giữa các công dân.
Trong vai trò một hệ tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cộng sản thường được xem là một nhánh chính của chủ nghĩa xã hội; một nhóm lớn học truyết triết học về chính trị và kinh tế được rút ra từ nhiều phong trào chính trị và tri thức với nguồn gốc từ các tác phẩm của các nhà lý thuyết của Cách mạng Công nghiệpCách mạng Pháp.[4] Nhánh kia là là các đảng Dân chủ xã hội hiện có nhiều ảnh hưởng tại Tây Âu và Bắc Âu. Do cùng chia sẻ học thuyết Marx, các đảng cộng sản và Dân chủ xã hội thường có quan hệ đồng minh với nhau thành một lực lượng chung được gọi là cánh tả.
Chủ nghĩa cộng sản cố gắng đưa ra một giải pháp khác cho các vấn đề của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và di sản của chủ nghĩa đế quốcchủ nghĩa dân tộc. Marx khẳng định rằng cách duy nhất để giải quyết các vấn đề này là tầng lớp lao động (vô sản), những người mà theo Marx là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất trong xã hội và là những người bị tầng lớp tư bản (tư sản) bóc lột, đứng lên làm tầng lớp cầm quyền thay cho giới tư bản để thiết lập một xã hội tự do, không phân biệt giai cấp hay chủng tộc.[2] Những hình thức nổi bật của chủ nghĩa cộng sản, chẳng hạn như Chủ nghĩa Lenin, Chủ nghĩa Stalin, Chủ nghĩa MaoChủ nghĩa Trosky, đều có nền tảng là Chủ nghĩa Marx. Tuy nhiên, chủ nghĩa cộng sản cũng có những phiên bản khác không liên quan đến chủ nghĩa Marx, chẳng hạn Chủ nghĩa cộng sản Thiên chúa giáoChủ nghĩa cộng sản vô chính phủ (anarcho-communism).
Karl Marx chưa bao giờ miêu tả chi tiết về việc chủ nghĩa cộng sản sẽ vận hành như thế nào trong vai trò một hệ thống kinh tế, nhưng người ta hiểu rằng một nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa sẽ bao gồm sự sở hữu toàn dân đối với các tư liệu sản xuất, đưa đến sự phủ nhận khái niệm về quyền tư hữu tư bản đối với các tài nguyên và nhân lực, cái được coi là tư liệu sản xuất trong thuật ngữ của chủ nghĩa Marx. Khác với chủ nghĩa xã hội – một chủ thuyết tương thích với kinh tế thị trường, một nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa được lập kế hoạch một cách dân chủ ở mức địa phương hoặc cộng đồng.[cần dẫn nguồn]
Chủ nghĩa Marx- Lenin là một hình thái của chủ nghĩa cộng sản, bên cạnh đó nhiều người phân tích các hình thái của chủ nghĩa cộng sản bao gồm chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Trotsky, chủ nghĩa Tito, chủ nghĩa Castro, học thuyết Đặng Tiểu Bình, học thuyết chủ thể (Kim Nhật Thành), chủ nghĩa cộng sản Thiên chúa giáo, chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ… Các khái niệm như Chủ nghĩa Bolshevik cũng được nhắc đến.
Bài này nói về chủ nghĩa cộng sản như một hình thái xã hội và như một phong trào chính trị. Xin xem bài hệ thống xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sảnchủ nghĩa xã hội để tìm hiểu thêm.

Khẳng định rõ chính sách độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác của Việt Nam

QĐND – Thứ Tư, 26/06/2013, 21:43 (GMT+7)
QĐND – Nhân dịp hai tàu HQ 011 và HQ 012 tham gia tuần tra chung, thăm và giao lưu với Hải quân Trung Quốc tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ về sự kiện này.
- Tiếp sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là chuyến tuần tra chung, thăm và giao lưu của Hải quân Việt Nam với Hải quân Trung Quốc. Đại sứ đánh giá thế nào về sự đón tiếp trọng thị mà Hải quân Trung Quốc dành cho đoàn?
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ. Ảnh: tgvn.com.vn
- Cuộc tuần tra chung của hải quân hai nước cũng như chuyến thăm hữu nghị của hai tàu hải quân Việt Nam tới Trung Quốc lần này diễn ra trong bối cảnh sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc rất thành công. Hai bên đã đạt được những nhận thức chung rất quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực. Điều này được thể hiện rõ trong chương trình hành động để thực hiện quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng cũng như các mảng khác. Về quốc phòng, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước. Trong đó, việc hai bên thiết lập đường dây nóng giữa hải quân hai nước là một bước đi rất quan trọng để tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, góp phần duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông và trong khu vực, để nhân dân hai nước tập trung phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
-  Xin Đại sứ cho biết chuyến thăm Trung Quốc lần này của hai tàu Hải quân Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
- Chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc của hai tàu Hải quân Việt Nam lần này khẳng định rõ chính sách độc lập tự chủ hòa bình hợp tác của Việt Nam, đặc biệt coi Trung Quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Chuyến thăm cũng nhằm tăng cường giao lưu giữa hai quân đội để hiểu biết lẫn nhau. Có thể nói, thông qua đây phát đi một tín hiệu là nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn sẵn sàng hợp tác với quân đội các nước, đặc biệt là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, để duy trì hòa bình, hữu nghị, hợp tác ở khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông.
- Theo Đại sứ, những cuộc tuần tra chung giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc có ý nghĩa thế nào đối với việc tăng cường xây dựng lòng tin và hợp tác giữa quân đội hai nước?
- Đây là những cuộc tuần tra thường niên giữa hải quân hai nước. Sau khi Vịnh Bắc Bộ được phân định thì hợp tác trên Vịnh Bắc Bộ tiến triển rất tốt, minh chứng bằng những tuyến tuần tra chung ngày càng được tăng cường. Như tôi đã nói, những chuyến tuần tra chung, đặc biệt như chuyến đi này, đã phát đi một tín hiệu là sẽ góp phần vào tăng cường giao lưu, tin cậy giữa hai nước. Sự đón tiếp của Hải quân Trung Quốc rất trọng thị và nhiệt tình.
- Xin Đại sứ cho biết cảm tưởng khi tham dự lễ đón hai tàu Hải quân Việt Nam lần này?
- Lần đầu tiên tôi lên một chiếc tàu hiện đại như thế này của Hải quân Việt Nam. Phải nói là tôi rất tự hào về sự trưởng thành của lực lượng Hải quân Việt Nam. Hiện đại hóa Hải quân vừa là góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước, cũng là góp phần giữ gìn hòa bình chung. Tôi rất tự hào về những chuyến tuần tra thế này và luôn luôn động viên anh em làm sao giữ cho Biển Đông không có tiếng súng.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
THU TRANG
(Từ Trạm Giang, Trung Quốc)

VN ‘không dùng vũ lực ở Biển Đông’

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói Việt Nam sẽ không dùng vũ lực mà hy vọng đàm phán để tìm ra giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Tại buổi gặp cử tri ở huyện Phủ Cừ (Hưng Yên) chiều 26/6, Đại tướng Phùng Quang Thanh trả lời một số câu hỏi về an ninh-quốc phòng.

Ông tái khẳng định Việt Nam sẽ dùng đàm phán, thương lượng để tìm “giải pháp thỏa đáng” cho tranh chấp Biển Đông.

Vị tướng nói Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để thống nhất một vùng đánh cá chung cho ngư dân hai nước.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để thống nhất một vùng đánh cá chung
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đang hiện đại hóa quân đội, thể hiện qua việc mua các máy bay Su-30 và sáu tàu ngầm của Nga.

"Chúng ta vẫn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc phòng được giữ vững", Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục “kiên trì đàm phán”.

Ông Phạm Bình Minh bình luận về chuyến thăm Trung Quốc từ 19 đến 21/6 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Về Biển Đông, hai nước sẽ “kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”.

“Đồng thời phối hợp quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh,” theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh.

'Khiêu khích'

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vừa tuyên bố hôm nay 27/6/2013 rằng một số nước có hành động "nhằm phức tạp hóa và mở rộng diễn biến" ở Biển Đông.

Ông Vương Nghị nói "diễn biến tình hình xuất hiện tại Nam Hải trong những năm qua, nếu xét về sự thực, thì đều không phải là do Trung Quốc gây ra".

"Một số nước giở trò 'tàu mắc cạn' phi pháp trên bãi cạn của Trung Quốc và toan xây dựng cơ sở cố định tại đó, đồng thời chuyển tranh chấp song phương lên Tòa án quốc tế."

"Trung Quốc đương nhiên cần phải đưa ra phản ứng cần thiết trước những hành vi khiêu khích đó," Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói.

Tuyên bố này dường như nhắm vào Philippines, nước đã kiện Trung Quốc ở Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS).
(BBC)

Snowden được ai giúp rời Hong Kong?

Luật sư của ông Edward Snowden ở Hong Kong kể với BBC chi tiết chuyện cựu nhân viên CIA bay khỏi đây để sang Nga với sự ‘im lặng đồng tình’ của Trung Quốc.

Hình Snowden trên TV tại sân bay Moscow nhưng không rõ ông có ở gần đó không
Albert Ho, người được ông Snowden mời làm luật sư hai tuần trước ngay sau khi bay từ Hawaii tới Hong Kong, cho phóng viên BBC Juliana Liu biết thêm chi tiết vụ người Mỹ ‘đang bị truy đuổi’ rời vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc.

Sau khi đồng ý nhận bảo vệ cho ông Snowden, đồng nghiệp cấp dưới của luật sư Albert Ho là Jonathan Man đã hộ tống ông Edward Snowden rời khách sạn Mira để tránh con mắt của giới báo chí và đến một chỗ ở trọ bí mật.

Cùng thời gian, ông Snowden nhờ các luật sư của mình đánh tiếng và tìm hiểu xem phản ứng của chính quyền Hong Kong về các hoạt động của ông ra sao.

Theo ông Ho, ông Snowden từng nghĩ ông có thể ở lại Hong Kong lâu dài sau khi công bố các tài liệu mật vạch ra các hoạt động nghe lén của an ninh Hoa Kỳ trên thế giới.

Nhưng các luật sư cho ông hay ông có thể sẽ phải “chờ đợi trong tù” rất lâu cho thời gian giải quyết các thủ tục pháp lý, và trong khi ở Hong Kong, hoạt động tự do của ông Snowden sẽ bị hạn chế.

Trả lời báo chí, ông Snowden từng nói ông tin rằng ông đến Hong Kong là một nơi lý tưởng để “bảo vệ tự do ngôn luận”.

Nhưng thực tế không phải như vậy, và có khả năng ông sẽ phải chống lại yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.

"Bắc Kinh có lợi trong việc để ông Snowden tự do và tiếp tục rò rỉ các bí mật của chính phủ Mỹ"

Luật sư Albert Ho, theo yêu cầu của thân chủ đã tìm hiểu quan điểm của chính quyền Hong Kong nhưng không nhận được câu trả lời.

Cùng lúc, một ai đó, có vẻ muốn tỏ ra là người mang chức danh của chính phủ, đã nhắn tin qua số người ủng hộ ông Snowden rằng nếu ông Snowden muốn đi khỏi Hong Kong, ông sẽ không bị bắt lúc rời nơi trú ẩn kín đáo.

Không rõ người nhắn tin là ai, ông Snowden nhờ luật sư Ho kiểm chứng với chính quyền Hong Kong nhưng ông Ho không nhận được trả lời dù đã hỏi qua điện thoại.

Với sức ép lên cao từ Hoa Kỳ đòi dẫn độ ông, Edward Snowden đã quyết định rời Hong Kong.

Hôm Chủ Nhật 23/6 vừa qua, ông ra sân bay trong tâm trạng lo ngại nhưng đã làm thủ tục xuất cảnh và lên máy bay như mọi hành khách khác mà không hề có vấn đề gì, luật sư Albert Ho nói với phóng viên BBC.

Nay ông Ho tin rằng thông điệp gửi đến cho ông Snowden đề nghị ông yên lặng ra đi đã đến từ chính phủ Bắc Kinh.

BBC không nhận được bình luận về chuyện này từ chính quyền Hong Kong.

Theo luật sư Ho, nhân vật thuộc phe dân chủ, ứng viên vào chức chủ tịch hành chính Hong Kong năm ngoái cho rằng quá trình tranh tụng về thủ tục dẫn độ ông nếu còn ở Hong Kong sẽ "kéo dài và gây hại cho quan hệ Trung - Mỹ và làm Trung Quốc xấu hổ".

Mặt khác, Bắc Kinh có lợi trong việc để ông Snowden tự do và tiếp tục rò rỉ các bí mật của chính phủ Mỹ.

Không rõ ở đâu

Nhiều nhà báo đã chưng hửng vì ghế của ông Snowden trong chuyến bay Aeroflot đi Cuba không có ai
Sang ngày 27/6/2013, theo BBC Tiếng Nga từ Moscow, câu chuyện ông Edward Snowden vẫn tiếp tục "là điều bí ấn" cho dư luận nước này.

Tin tức nói ông hạ cánh xuống sân bay Sheremetyevo ở Moscow nói ông Snowden đến Moscow chiều Chủ nhật và lẽ ra hôm sau sẽ bay tới Cuba hoặc Venezuela nhưng rốt cuộc cũng không đi.

Chính giới Nga nói ông Snowden "chưa hề vào lãnh thổ Nga", làm nảy sinh gợi ý rằng ông còn ở khu vực quá cảnh.

Tuy nhiên, các phóng viên của BBC Tiếng Nga cho hay khu vực này thực ra rất nhỏ, không khép kín và sau nhiều lần tìm hiểu, họ không thấy ông Snowden tại đó.

Có tin ông đang ở một khách sạn thuộc dạng cho khách đi máy bay chờ chuyến, nhưng vẫn thuộc khu vực quá cảnh.

Chính quyền Ecuador, nước mà ông Snowden xin tỵ nạn nay cho hay họ còn phải mất nhiều tuần xem xét thủ tục này, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Ricardo Patino.

Ông Patino cũng xác nhận rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên lạc với Bộ của ông để yêu cầu Ecuador không chấp nhận Snowden.

Nước này hiện đã cho ông Julian Assange, đồng sáng lập mạng Wikileaks, cư trụ trong Đại sứ quán của họ ở London từ một năm qua.

Hôm qua 26/6, có tin giới kinh doanh Ecuador lo ngại chống lại Hoa Kỳ trong vụ Snowden có thể gây hại cho thương mại hai bên.

Ngoại trưởng Patino xác nhận Hoa Kỳ đã yêu cầu Ecuador không nhận ông Snowden
Ông Roberto Aspiazu, Chủ tịch Ủy hội Thương mại Ecuador được AFP trích lời nói:
"Chúng ta sẽ được lợi gì nếu cho Snowden tỵ nạn chính trị - để rồi xác nhận vị thế của Ecuador là nước chống đế quốc? Tôi nghĩ là chúng ta không cần điều đó."
Hoa Kỳ là bạn hàng lớn của Ecuador, mua 40% hàng xuất khẩu của nước này, trị giá 9 tỷ USD vào năm ngoái.
Cùng thời gian, trang WikiLeaks cho hay ông Edward Snowden "vẫn an toàn, mạnh khoẻ".
Nhưng trang web này không nói ông ở đâu, điều không chỉ quan chức Mỹ mà nhiều người khác cũng muốn biết.
(BBC)
 

Việt Nam – cuộc thảo luận bị hủy bỏ, những câu hỏi về quan hệ Việt-Nhật

Năm nay đánh dấu năm thứ 40 thiết quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Khi thủ tướng Shinzo Abe thăm Việt Nam vào tháng Giêng, hai quốc gia khẳng định quan hệ hai bên đã nâng cao đến tầm “đối tác chiến lược” và đồng ý tiếp tục hợp tác xây dựng các nhà mày điện hạt nhân và phát triển các nguồn đất hiếm.
Thế nhưng, nhiều vấn đề đã xuất hiện liên quan đến những nguồn lực mới đây và việc phát triển năng lượng tại Việt Nam. Nếu chỉ nhìn đơn giản sự tiến bộ cho tới lúc này thì thấy có nguyên nhân lớn liên hệ tới việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đây.

2
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên phải, và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự tại lễ tiếp đón tổ chức tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, thứ Tư 16 tháng 1, 2013. (AP)
Việc khai thác mỏ bô xit và sản xuất alumina đang tiến hành do các công ty Trung Hoa tài trợ tại Tây Nguyên Việt Nam là một dự án tầm cỡ lớn ngang tầm với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Song dự án này đã được ký kết bí mật bởi các nhà lãnh đạo hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, và công việc được bắt đầu mà không có bàn bạc gì cả tại Quốc hội Việt Nam.
Không đưa ra được các báo cáo tác động môi trường, và có ý kiến cho rằng dự án này vi phạm luật pháp. Do thiếu minh bạch trong tiến trình ra quyết định cũng như không buộc được chính phủ phải giải thích các chi tiết của dự án, nên một phong trào đối lập có tổ chức do trí thức Việt Nam lãnh đạo đã lớn mạnh lên, và cuộc phiêu lưu bô xit này đã gắn kết hành động đòi dân chủ và đòi công khai mọi chuyện.
ÍT LÝ GIẢI ĐƯỢC VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC MỎ BÔ XIT
Tôi đã phỏng vấn nhiều người ở các làng làm nông nghiệp tại các tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng, nơi các nguồn bô xit đang được khai thác, nhưng không ai trong những người cư dân nơi đây đã được giải thích rõ ràng về các mỏ bô xit và việc xây dựng và mở rộng các nhà máy tinh luyện alumina, và cũng chẳng biết gì hơn về các kế hoạch cưỡng chiếm đất đai, chuyện đền bù, vân vân. Mặc dù những người dân các làng đều phản đối tới các công ty và cơ quan nhà nước về những thiệt hại do các địa điểm xây dựng gây ra, như nơi chứa cặn thải, như nước thải, như tiếng ồn và độ rung, song chẳng hề có giải pháp cơ bản nào dã được thực thi.
Các công ty cũng không chi trả lương cho công nhân xây dựng vì “thiếu tiền”. Nhiều người trong số công nhân đó là những công nhân di cư từ các vùng xa xôi hẻo lánh tới, rất nhiều người trong số đó về nghỉ Tết xong thì không quay lại làm việc nữa, vì tình trạng công việc cũng bấp bênh. Chẳng ai tin việc chính quyền nói rằng sự phát triển mang lại công ăn việc làm và những cơ hội được đào tạo nghề nghiệp cho cộng đồng và đóng góp vào việc tăng trưởng nền kinh tế địa phương. Bộ Công Thương là cơ quan kiểm chứng dự án nhấn mạnh rằng họ “tôn trọng phong tục tập quán của dân bản địa”, nhưng sự thật thì rành rành là khác hẳn.
Trong khi nhà máy tinh luyện alumina ở Lâm Đồng được giả định sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2010, thì kế hoạch xây dựng ban đầu đã bị đẩy lui đến hai năm. Đã hai lần ra quyết định lùi thời hạn đưa nhà máy tinh luyện đó vào sản xuất.
Theo lời giải thích của cơ quan quản lý dự án, những lý do chậm trễ là do các yêu cầu kỹ thuật phức tạp để sản xuất alumina, có những “sai sót” ở vài giai đoạn của quy trình khiến cho công việc sản xuất không ổn định và cũng còn do sự chậm chạp trong việc thu đất. Cũng đã có kế hoạch mở rộng cảng Kê Gà ở tỉnh Bình Thuận để chuyên chở alumina, thế nhưng công việc xây dựng đã không tiến triển cả năm năm sau khi chính phủ ký giấy phép vào năm 2007, và tháng Hai vừa rồi, cuối cùng thì dự án cũng đã chấm dứt. Cũng không có tiến bộ gì trong việc mở rộng các con đường và gia cố cầu nối nhà máy tinh luyện với cảng. Dự án rõ ràng là đã thất bại, song có một điều vẫn còn không rõ ràng, ấy là ai chịu trách nhiệm về chuyện đó.
1
Tác giả: Ari Nakano
Có nhiều lời chỉ trích về sự thất bại của nhiếu dự án lớn khác nhau, như dự án phát triển bô xit, như tình trạng tham nhũng ở những doanh nghiệp nhà nước. Tình hình đã ép chính phủ phải lên tiếng trả lời, cho nên vào tháng Ba, đã có cuộc họp để “các bộ trưởng trả lời dân”. Khi được hỏi về sự phát triển kế hoạch  bô xit bị kéo lê thê, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nói rằng lý do thất bại là vì đây là “lần đầu thử nghiệm ở Việt Nam”, và Việt Nam “không có kinh nghiệm gì trong việc quản lý vốn quá to tát đến thế” (hàng chục tỷ đô-la) và dự án “đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật phức tạp”. Tình trạng với chuyện nhà máy điện hạt nhân cũng tương tự.
Đầu năm nay, tôi tổ chức một cuộc hội thảo ở Hà Nội về sự phát triển nguồn lực và chính sách môi trường, với sự trợ giúp của Bộ Công Thương Việt Nam và các đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản. Thế nhưng Bộ Công Thương từ chối thẳng thừng việc đưa vấn đề phát triển bô xit vào chương trình nghị sự và sẽ không cho phép những chuyên gia và trí thức nào có phê phán dự án được tham dự hội thảo. Thậm chí bộ này còn không chấp nhận sự tham gia của Bộ Tài nguyên  và Môi trường của Việt Nam, là cơ quan có nhiệm vụ xử lý các vấn đề môi trường. Tôi muốn tạo cơ hội cho những người thúc đẩy dự án và những người phê phán dự án có điều kiện ngồi với nhau và tham gia thảo luận  cởi mở, thế nhưng ngay từ giai đoạn chuẩn bị hội thảo thì các ý định của chúng tôi đều bị phá.
PHE CHỐNG LẠI VIỆC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN VÀ NHỮNG CUỘC BẮT BỚ VÔ PHÁP LUẬT
Những nhà trí thức Việt Nam tiếp tục chống lại việc phát triển bô xit cũng chia sẻ thông tin về những tai nạn tại nhà máy Chernobyl và nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, và đều lên tiếng chống lại các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà Nga và Nhật Bản đang thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận. Nhưng các gương mặt chính đều đang bị cơ quan An ninh của Việt Nam theo dõi giám sát, rồi bị bắt bớ vô luật pháp và bị lục soát nhà ở.
Cái xu thế mạnh mẽ ở các quốc gia trên thế giới là tìm cách thực hiện việc kiểm soát mạnh mẽ việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các tài nguyên chủ yếu và các dự án phát triển năng lượng. Điều này có nghĩa là đặt chính phủ và các công ty, các cư dân địa phương và các cộng đồng dân thiểu số cũng như các chuyên gia và trí thức, các công dân và các tổ chức phi chính phủ, các tổ chúc quốc tế trên cùng một địa vị ngang bằng như nhau. Thế nhưng chính phủ Việt Nam tuy vẫn nói là đi theo một chính sách ngoại giao “tham gia tích cực vào cộng đồng quốc tế”, song thực tế thì đã đi theo hướng ngược hẳn lại. Trong hơn hai chục năm tôi làm nhà quan sát đất nước này, tôi thấy chính phủ Việt Nam bao giờ cũng tìm cách che giấu những sự thật họ không muốn phô ra, và điều này cơ bản không hề thay đổi. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, cùng với một bầu không khí chính trị không đủ công khai cởi mở và sự xóa bỏ tự do ngôn luận, tất cả  sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng trước khi thu được những kết quả về công nghệ và kinh tế. Nhật Bản cần hiểu rõ tình hình Việt Nam và do đó hãy xem xét lại cách thức hợp tác với một đối tác như thế.
Ari Nakano
Báo Asahi Shimbun Ngày 25 tháng Sáu năm 2013
Người dịch: Phạm Toàn
* Tác giả: Ari Nakano, Giáo sư Đại học Daito Bunka, hiện  là nghiên cứu sinh tại đại học Keio và đoạt bằng Tiến sĩ tại đây. Các lĩnh vực chuyên sâu của bà là Chính trị, Ngoại giao và Nhân quyền ở Việt Nam.
(BVN)
 

UNCLOS 1982: Trung Quốc bội ước

Ngày 21/06/2013, Tòa án Quốc tế về Luật Biển – ITCLOS thông báo cho chính quyền Manila biết là đã hoàn tất việc chọn đủ 5 thẩm phán cho tòa án trọng tài, xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, mà Manila gọi là biển Tây Philippines.
Cuối tháng Giêng, Manila đã thông báo cho Bắc Kinh biết quyết định đưa hồ sơ tranh chấp ra trước tòa án trọng tài, chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 mà cả Trung Quốc và Philippines đều là quốc gia thành viên. Trung Quốc đã bác bỏ đơn kiện của Philippines và tuyên bố không tham dự vụ xử.
Trang Tin tức Học viện Hải quân Hoa Kỳ - USNI News, ngày 11/03/2013, có đăng bài của giáo sư Carlyle A.Thayer, chuyên gia về châu Á, với tựa đề : « Trung Quốc đi ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc », phân tích vụ kiện này và các hệ lụy.
Ngày 22/01/2013, bà Mã Khắc Khanh (Ma Keqing), đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã được triệu lên Bộ Ngoại giao tại Manila và được trao một công hàm thông báo cho bà biết là Philippines tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS.
Quân đội Trung Quốc diễu hành trước một căn cứ hải quân tại Hồng Kông ngày 03/03/2010.
Quân đội Trung Quốc diễu hành trước một căn cứ hải quân tại Hồng Kông ngày 03/03/2010. REUTERS/Bobby Yip
Công hàm bao gồm Thông báo chính thức và Tuyên bố các yêu cầu của Philippines đệ trình lên Liên Hiệp Quốc. Tài liệu này là một sự thách thức đối với giá trị pháp lý của các tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông.
Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc từ bỏ « các hoạt động phi pháp xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines ». Chiểu theo UNCLOS, Trung Quốc có 30 ngày để đáp lại bằng cách thông báo việc chỉ định đại diện của mình tại tòa án trọng tài.
Ngày 19/02, đại sứ Mã gặp các quan chức Bộ Ngoại giao, trả lại Thông báo và Tuyên bố về các yêu cầu của Philippines và bác bỏ văn bản này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh nói rằng, Tuyên bố các yêu cầu của Philippines là « không đúng về mặt lịch sử và pháp lý và chứa đựng những cáo buộc không thể chấp nhận được chống lại Trung Quốc ».
UNCLOS và trọng tài mang tính ràng buộc
Theo điều 287 của UNCLOS, một quốc gia thành viên tự do lựa chọn một hoặc nhiều hình thức xét xử trong số bốn hình thức xét xử sau đây : Tòa án Quốc tế về Luật Biển -ITCLOS, Tòa án Quốc tế Công lý, tòa án trọng tài hoặc tòa án trọng tài đặc biệt. Nếu các bên tranh chấp không ra được một thông cáo chính thức về sự lựa chọn tòa án, theo điều 287 (3), họ « được coi như đã chấp nhận hình thức trọng tài, chiểu theo phụ lục VII ». Bởi vì cả Trung Quốc và Philippines không ra được tuyên bố chính thức về sự lựa chọn của họ, vấn đề tranh chấp của họ là đối tượng xét xử của tòa án trọng tài (Thực ra, trong Thông báo và Tuyên bố ngày 28/01/2013, Philippines đã cho biết lựa chọn hình thức tòa án trọng tài – RFI).
Bất kể quốc gia nào đã phê chuẩn UNCLOS đều có quyền chỉ định bốn trọng tài trong danh sách của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Thông thường, tòa án trọng tài bao gồm 5 người rút ra từ danh sách nói trên. Mỗi bên tranh chấp có quyền chỉ định một trọng tài và cùng đồng thuận với bên kia trong việc lựa chọn ra 3 thành viên khác, bao gồm cả chánh án tòa án trọng tài.
Phụ lục VII có những điều khoản liên quan đến các trường hợp một quốc gia không chỉ định trọng tài cho mình trong vòng 30 ngày. Sau khi Trung Quốc bác bỏ, Philippines có hai tuần để đề nghị chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITCLOS) tiến hành chỉ định số trọng tài cần thiết trong danh sách nói trên. Chánh án ITCLOS có 30 ngày để chỉ định số trọng tài cần thiết.
Một khi được thành lập, tòa án trọng tài tự quyết định các bước tố tụng của mình. Các quyết định này được thông qua với đa số phiếu. Tòa án có thể nghe Philippines điều trần vụ kiện cho dù Trung Quốc từ chối tham gia. Theo Phụ lục VII, điều 9 quy định: « Nếu một trong các bên trong vụ tranh chấp không ra trước tòa án trọng tài hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì phía bên kia có thể yêu cầu tòa án tiếp tục trình tự tố tụng và đưa ra phán quyết. Việc một bên vắng mặt hoặc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không thể là trở ngại đối với tiến trình tố tụng. Trước khi đưa ra phán quyết, tòa án trọng tài phải bảo đảm rằng không những tòa có thẩm quyền xét xử tranh chấp mà còn chắc chắn là đơn kiện có cơ sở thực tế pháp lý ».
Tòa án trọng tài được yêu cầu giới hạn phán quyết của mình « trong nội dung vụ tranh chấp » và « phán quyết là tối hậu và không được kháng cáo… Phán quyết phải được các bên trong vụ tranh chấp tuân thủ ». Thế nhưng, UNCLOS lại không hề có điều khoản nào liên quan đến việc thực thi phán quyết.
Trường hợp Philippines
Phần XV của UNCLOS buộc các quốc gia giải quyết các tranh chấp thông qua các phương tiện hòa bình và trao đổi quan điểm để thực hiện việc này. Philippines lập luận rằng họ đã liên tục trao đổi với Trung Quốc kể từ năm 1995 khi Trung Quốc chiếm đóng bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef – Mĩ Tể tiều).
Tuyên bố của Philippines kết luận : « Trong 17 năm trao đổi quan điểm, tất cả mọi khả năng giải quyết qua đàm phán đã được thăm dò và tận dụng hết ».
Tháng 08/2006, Trung Quốc đã ra một tuyên bố về các trường hợp đặc biệt không nằm trong thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến việc hoạch định biên giới trên biển (lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế - ZEE và thềm lục địa), các hoạt động thực thi pháp luật và quân sự và các tranh chấp dẫn đến việc Hội Đồng Bảo An thực thi chức năng của mình, chiểu theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Philippines đã cẩn thận trong Thông báo và Tuyên bố của mình nói rằng họ không tìm kiếm phán xét của tòa án về các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo hoặc hoạch định đường biên giới mà Trung Quốc đã gạt ra khỏi phạm vi thẩm quyền của tòa án trọng tài. Philippines khẳng định rằng các tranh chấp trên biển với Trung Quốc là về « diễn giải và việc các Quốc gia thành viên thực thi nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ UNCLOS » và qua đó, có thể đệ trình một giải pháp.
Vậy Philippines tìm kiếm sự phán xử nào từ phía tòa án trọng tài? Trước tiên, Philippines tìm kiếm một phán xử tuyên bố rằng các vùng biển mà Trung Quốc và Philippines khẳng định có chủ quyền tại Biển Đông là những vùng được quy định trong UNCLOS và đó là lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trên cơ sở này, Philippines yêu cầu tòa án trọng tài tuyên bố rằng các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và không có giá trị. Hơn nữa, Philippines đề nghị tòa án trọng tài yêu cầu Trung Quốc đưa những vấn đề này vào luật lệ quốc gia, phù hợp với UNCLOS.
Thứ hai, Philippines yêu cầu tòa án trọng tài xác định quy chế pháp lý của các thực thể (đảo, bãi đá lúc chìm lúc nổi và bãi chìm) ở Biển Đông mà Trung Quốc và Philippines tuyên bố có chủ quyền và liệu các thực thể này có thể tạo ra quyền đối với một vùng biển lớn hơn vùng 12 hải lý. Philippines nêu danh sách cụ thể là bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef – Mĩ Tể tiều), Ken Nan (McKennan Reef – Tây Môn tiều), Ga Ven (Gaven Reef – Nam Luân tiều), Su Bi (Subi Reef – Chử Bích tiều), Gạc Ma (Johnson Reef – Xích Qua tiều), Châu Viên (Cuarteron Reef – Hoa Dương tiều), Chữ Thập (Fiery Cross Reef – Vĩnh Thử tiều) và lập luận rằng Trung Quốc đòi hỏi những vùng biển rộng lớn trên cơ sở cho rằng các thực thể nói trên là những hòn đảo. Philippines cho rằng các thực thể này là « những bãi chìm, mỏm đá, bãi lúc chìm lúc nổi và không thể coi là các hòn đảo theo UNCLOS và những thực thể này là một phần trong thềm lục địa của Philippines hoặc đáy biển quốc tế ». Theo UNCLOS, các đảo có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và các bãi đá có lãnh hải 12 hải lý.
Thứ ba, Philippines lập luận rằng Trung Quốc can thiệp vào việc Philippines thực hiện các quyền hợp pháp của mình ở trong và ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trái ngược với UNCLOS. Philippines đề nghị tòa án trọng tài yêu cầu Trung Quốc từ bỏ (1) chiếm đóng và có các hoạt động tại các thực thể nằm trong danh sách nói trên, (2) ngăn cản các tàu của Philippines khai thác các nguồn lợi sinh vật trong vùng biển cận kề bãi đá Scarborough (Hoàng Nham) và Gạc Ma (Johnson Reef – Xích Qua tiều), (3) khai thác các nguồn lợi sinh vật và không sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, và (4) ngăn cản tự do hàng hải của Philipines ở « trong và bên ngoài vùng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Philippines ».
Hệ lụy
Nếu tòa án trọng tài chấp nhận Tuyên bố các yêu cầu của Philipines và phán quyết có lợi cho Philippines, điều này sẽ bác bỏ khẳng định của Trung Quốc về « chủ quyền không thể tranh cãi » ở Biển Đông. Tất cả các bên tranh chấp – Việt Nam, Malaysia và Brunei – sẽ được hưởng lợi từ phán quyết này. Tuy nhiên, cũng có một nguy cơ nào đó. Tòa án trọng tài có thể đưa ra phán quyết hỗn hợp, có lợi cho Philippines trong một số trường hợp nhưng cũng thừa nhận sự hiện diện của Trung Quốc trong một số trường hợp khác. Một phán quyết hỗn hợp như vậy có thể tác động đến các đòi hỏi mà các quốc gia ven biển đưa ra, đặc biệt liên quan đến quy chế pháp lý của những thực thể mà họ đang chiếm đóng.
Theo các quan chức Philippines, tòa án trọng tài có thể cần từ 3 đến 4 năm để ra quyết định. Trong thời gian đó, Trung Quốc có thể củng cố và bành trướng thêm sự hiện diện của họ tại các vùng biển mà Philippines tuyên bố là của mình.
Vẫn còn một câu hỏi để ngỏ là tác động của vụ kiện của Philippines đối với Hiệp hội các nước Đông Nam Á và các nỗ lực của khối này trong việc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin với Trung Quốc chiểu theo Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông và việc đàm phán Bộ Luật ứng xử tại Biển Đông mang tính ràng buộc.
(RFI)

Kê khai tài sản, cái gốc của vấn đề chống tham nhũng

Ở Việt nam tham nhũng được chính những lãnh đạo cao cấp nhất cho là quốc nạn. Tuy nhiên công tác phòng chống tham nhũng vẫn không hiệu quả. Lý do được cho vì nguồn gốc tài sản vẫn chưa phải kê khai minh bạch. Thông tín viên Anh Vũ cho biết thêm chi tiết.
Việc kê khai tài sản của các cán bộ công viên chức là một việc làm có thể nói mang tính bắt buộc ở hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới. Mục đích nhằm tạo sự minh bạch về thông tin tải sản, nguồn thu nhập của cá nhân các công chức. Đó là cách thức được đánh giá mang lại tính hiệu quả cho công tác phòng chống tham nhũng.
Những biệt thự trị giá nghìn tỷ ở ngay Hà Nội. (ảnh minh họa)
Những biệt thự trị giá nghìn tỷ ở ngay Hà Nội. (ảnh minh họa) giaoduc.net
Việc kê khai tài sản, nói một đằng làm một nẻo
Ở Việt nam đã có Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 08 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/03/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo văn bản này thì người kê khai tài sản phải công khai bản kê ấy ở đơn vị công tác, nơi hay đến làm việc.
Theo quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải tự xác định tài sản, giá trị tài sản phải kê khai và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực trong việc kê khai của mình. Trong đó, phải có đầy đủ thông tin biến động cũng như số lượng, giá trị tài sản, thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên…
Tuy nhiên việc kê khai tài sản, thu nhập đã được thực hiện nhiều năm, nhưng dường như chưa mấy minh bạch, do đa số các quan chức rất ngại kê khai tài sản, thu nhập và rất sợ công khai. Nhưng một mặt khác là do các cơ quan quản lý xem nhẹ việc này, họ cho rằng việc kê khai tài sản không giúp gì cho việc chống tham nhũng và thừa nhận một phần là do thiếu cơ sở pháp lý để có thể chế tài xử lý.
Đánh giá về tình hình thực hiện việc kê khai tài sản công chức ở Việt nam hiện nay, bà Lê Hiền Đức, Công dân chống tham nhũng, người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết: “Khi nghe thấy thông tin sẽ kiểm kê tài sản của cán bộ cao cấp, trung cấp tôi đánh giá rất cao. Tôi nghĩ rằng phen này sẽ cháy nhà ra mặt chuột. Nhưng thực tế tôi chưa thấy một lần kiểm kê tài sản của ai cả. Rất nhiều cán bộ, năm bảy biệt thự hoàng tráng, chứ không phải là một vài cái nhà. Chúng tôi gọi là dột từ nóc dột xuống”
Còn Nhà báo Phạm Chí Dũng - TS. Kinh tế ở Sài gòn cho rằng “Thực ra, chủ đề kê khai tài sản công chức đã được đặt ra từ đại hội đảng IX năm 2001. Tuy nhiên thời gian đã trượt qua đúng một con giáp mà tình hình vẫn dậm chân tại chỗ.

Gần đây, báo cáo sơ kết 5 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính Phủ chỉ mới thừa nhận vấn đề kê khai tài sản “còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp”.

Từ nhiều năm nay, dư luận người dân đã đồn đoán về tài sản của nhiều quan chức lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi đầu quan, trong khi thu nhập của gia đình nông dân chỉ chưa đầy 1.000 USD mỗi năm. Đã đến lúc phải lôi các quan lại có tài sản bất thường từ bóng tối ra ánh sáng.”
Từ trước đến nay, có rất nhiều các văn bản hướng dẫn thực hiện việc công khai, minh bạch tài sản nhằm phục vụ cho việc phòng chống tham nhũng trong cán bộ công chức. Song vẫn còn mang tính hình thức và hầu như không kiểm soát nổi. Hiện tượng cán bộ công chức cứ kêu lương thấp nhưng lại sở hữu nhà lầu, xe hơi sang trọng; con cái du học nước ngoài,… là rất phổ biến. Theo báo chí trong nước, có những người đứng đầu địa phương, có những bộ sưu tập đồ cổ lên tới hàng triệu USD, hay các cán bộ chơi những ván cờ tiền tỷ.

Những chiếc xe trị giá hàng chục tỷ giữa thủ đô
Những chiếc xe trị giá hàng chục tỷ giữa thủ đô (ảnh minh họa) tinmoi.vn
Bản kê khai tài sản là bí mật Nhà nước?
Khi được hỏi nguyên nhân do đâu dẫn tới thực trạng trên, Nhà báo Phạm Chí Dũng - TS. Kinh tế cho biết “Việc kê khai hiện nay chỉ dựa vào ý thức tự giác của người phải kê khai, trong khi những người trực tiếp đi xác minh tài sản lại chủ yếu là những người trong cùng đơn vị.

Ý thức tự giác của những người có chức có quyền thấp, vì chỉ cần nhìn vào hố phân hóa thu nhập xã hội khủng khiếp ở Việt Nam là có thể đánh giá.

Việc công khai tài sản cũng không hề được minh bạch trên báo chí theo bất cứ chủ trương nào. Một số cơ quan chính quyền cho rằng việc công khai trên báo chí lại liên quan đến quyền tự do cá nhân được quy định trong hiến pháp.

Một thực tế là người khai man hay xác minh sai đều không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào. Mặt khác, tình trạng những người có chức, có quyền nhờ người thân đứng tên tài sản càng khiến người dân không tin vào chủ trương kê khai tài sản.”
Còn Công dân chống tham nhũng, bà Lê Hiền Đức thì cho rằng ”Quan nào mặt cũng nhọ cả, chỉ có người nhọ ít, nhọ nhiều. Cho nên ai cũng tham nhũng. Chỉ có ai tham nhũng nhiều thì dân thấy rõ, còn ai tham nhũng ít thì dân không thấy được thôi. Nhà dột từ nóc dột xuống, cho nên tất cả các lời tuyên bố về kiểm kê tài sản chỉ là hình thức”.
Lỗ hổng lớn nhất trong việc quản lý xã hội Việt Nam là quản lý tài sản của cá nhân. Đặc biệt là tài sản thuộc sở hữu của các quan chức, công chức, những người đang tham gia vận hành bộ máy Nhà nước. Chính vì còn lỗ hổng đó nên cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt nam một thời gian dài đã không đạt được kết quả.
Đề xuất giải pháp đột phá cho việc giải quyết vấn đề minh bạch trong kê khai tài sản của công chức hiện nay, Nhà báo Phạm Chí Dũng - TS. Kinh tế có lời khuyên và cho rằng “Muốn giải quyết được vấn đề kê khai tài sản, cần thực hiện ít nhất một số biện pháp như:

Cần dứt khoát kê khai “nguồn thu nhập” để từ đó phát hiện nguy cơ tham nhũng, thay vì chỉ yêu cầu kê khai “tổng thu nhập”.

Cần có quy định nào buộc cán bộ, công chức phải giải trình tăng, giảm tài sản, thu nhập để phát giác những tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng.

Cần công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức, có quyền tại đơn vị công tác và ở tổ dân phố, để người dân giám sát. Công khai trên báo chí tài sản một số quan chức bị dư luận phản ánh hoặc tố cáo.

Ngoài việc kê khai tài sản nhà, đất và nguồn tiền cho vợ, con đi học ở nước ngoài, còn phải kê khai cả tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.

Và nếu theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” có thể thực hiện một biện pháp khác là phát huy vai trò phản biện và tố cáo của giới blogger.”
Song vấn đề công khai đến đâu, báo chí và người dân có được tiếp cận bản kê khai tài sản thu nhập không lại là vấn đề vô cùng khó. Bởi bản kê khai tài sản nằm trong hồ sơ của cán bộ, đó là bí mật Nhà nước. Chính vì thế, việc bổ sung tài sản kê khai và xác định giá trị thực của tài sản mãi mãi vẫn là việc khó. Nếu như không có một tổ chức phòng chống tham nhũng hoạt động độc lập.
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-06-27 

Lật tẩy chiêu độc Trung Quốc dùng văn hóa xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần cố tình xuyên tạc sự thật về lãnh thổ nước ta thông qua các ấn phẩm văn hóa.

Trắng trợn thay đổi lãnh thổ của Việt Nam trên các loại bản đồ

Trung Quốc ngày càng bộc lộ tham vọng độc chiếm biển Đông một cách trắng trợn khi liên tiếp cho phát hành bản đồ dưới nhiều hình thức, trong đó thâu tóm trái phép gần như toàn bộ biển Đông.

Tháng 4/2013, Trung Quốc phát hành mẫu bản đồ mới nhất, vô lý “quy hoạch” 80% diện tích biển Đông, trong đó có những vùng lãnh hải của Việt Nam, thành của mình.

Trước động thái này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thanh Nghị đã khẳng định: “Việc Trung Quốc lưu hành bản đồ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; không phù hợp với tinh thần DOC, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông. Bản đồ và quy hoạch trên là hoàn toàn vô giá trị”.

Ngang ngược in sách kỷ niệm 1 năm thành phố phi pháp "Tam Sa"


Bất chấp mọi dư luận phản đối, Trung Quốc tiếp tục lấn tới khi Nhà xuất bản Nhân dân (Trung Quốc) phát hành cuốn sách khoe khoang về “lịch sử, nguồn tài nguyên và vai trò quốc phòng" của cái gọi là thành phố Tam Sa – đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Tân Hoa Xã còn lớn tiếng giải thích rằng động thái này đánh dấu 1 năm ngày Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa”, xây dựng nhiều công trình trường học, bệnh viện, phớt lờ sự thật về lịch sử và địa lý, tự cho mình quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Mẫu tem "nhận xằng" lãnh thổ Hoàng Sa của Việt Nam vào Trung Quốc
Vô lý in hình Hoàng Sa của Việt Nam trên tem Trung Quốc

Đầu tháng 6/2013, nhân kỉ niệm ngày du lịch quốc gia, Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông “Mỹ lệ Trung Quốc” (Trung Quốc xinh đẹp), bao gồm 6 mẫu, nhằm giới thiệu một số danh thắng của nước này. Điều đáng nói ở đây là bên cạnh những mẫu tem in hình thắng cảnh của mình, nước này đã ngang nhiên đưa vào đó cả hình ảnh biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Mẫu tem này có giá 1,2 nhân dân tệ và được đặt tên là “Tam Sa thất liên dữ” (tạm dịch: Nhóm 7 đảo nhỏ liền nhau ở Tam Sa). Song, trên thực tế, các đảo nhỏ này thuộc nhóm đảo An Vĩnh, nằm ở phía Đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Thậm chí, kèm với bộ tem, Trung Quốc còn cho phát hành một phong bì ngày đầu tiên (FDC) và một bưu ảnh có in hình của nhóm đảo thuộc chủ quyền Việt Nam này.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vô lý “nhận vơ” chủ quyền của Việt Nam vào bộ tem của mình. Hình ảnh quần đảo Hoàng Sa đã từng được sử dụng trái phép trên một mẫu thuộc bộ tem “Phong cảnh biên giới Trung Quốc” được phát hành năm 2004.

Thâm độc ‘tuồn’ đèn lồng in chữ Tam Sa vào Việt Nam

Cũng nhằm âm mưu xuyên tạc, bóp méo dư luận về vấn đề chủ quyền, Trung Quốc đã “tuồn” những chiếc đèn lồng in chữ Tam Sa và Nam Sa (bằng tiếng Hoa) vào thị trường đèn lồng Tết của Việt Nam.

Những người dân tại Chí Linh (Hải Dương) cho biết họ đã mua những chiếc đèn lồng này với giá từ 75 – 150.000 đồng mà không hề hay biết các chữ Trung Quốc in trên đó có nghĩa gì.

May mắn là các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kịp thời lật tẩy âm mưu tinh vi, thâm độc này và thông tin tới người tiêu dùng, ngay lập tức gỡ bỏ “công cụ” tuyên truyền phi pháp của Trung Quốc ẩn dưới danh nghĩa kinh doanh này. Tại Hải Phòng, người dân đã có sáng kiến dán cờ đỏ sao vàng lên đèn để trang trí.

Lợi dụng cẩm nang du lịch để xuyên tạc sự thật 
Cẩm nang du lịch của Trung Quốc cố tình xuyên tạc sự thật khi in bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa.
Tháng 5/2013, 98 cuốn cẩm nang du lịch có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị thu giữ tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Lí do là trên bản đồ Việt Nam được in kèm với cuốn cẩm nang này hoàn toàn không xuất hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc Xu Feiling, người đã mang theo những ấn phẩm này vào Việt Nam, khai rằng, ông đã được công ty du lịch của mình tại Quảng Đông (Trung Quốc) cấp để hướng dẫn cho khách tham quan tại Đà Nẵng.

Ông Xu đã được cho phép tiếp tục đưa khách đi tham qua, song số ấn phẩm này đã bị thu giữ, phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Cảng biển quốc tế Đà Nẵng cũng phát hiện và thu giữ các ấn phẩm của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.
 
(Báo mới.com)

 Theo blog Thùy Linh: Đây chính là những bằng chứng về "quyền lực mềm" mà Trung Quốc muốn bành trướng cả trên lãnh thổ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Đằng sau "4 tốt và 16 chữ vàng" cùng những cái bắt tay thắm thiết tình đồng chí là cả một âm ưu thâm độc, lâu dài và không hề giấu diếm...Ai còn nghi ngờ, nhân dân không nghi ngờ về điều này. Nhân tiện giới thiệu một "cẩm nang" có tính lịch sử mà mình sưu tầm được trên FB của bạn Ben'Journal:
"Cẩm nang" này lính Trung Quốc mang theo người trong chiến tranh 1979

Sự thật công văn chặn facebook trên “Nhật ký yêu nước”

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ sáu, ngày 28 tháng sáu năm 2013

Hôm qua, lúc tầm 11h trưa, Page “Nhật ký bán nước(Tên gọi được cư dân mạng đặt cho trang mạng phản động “Nhật ký yêu nước” chuyên xuyên tạc, bịa đặt, gây dư luận xấu trong nhân dân) đã đăng tải 1 đoạn hình ảnh 1 công văn được cho là của Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông (VNPT) chỉ đạo các các công ty con của mình và bưu điện các tỉnh, thành trên cả nước yêu cầu các đơn vị này chặn truy cập vào Facebook.


Sự thật về công văn chặn facebook được các trang lề trái rân chủ tung lên, đang lan truyền nhanhSự thật về công văn chặn facebook được các trang lề trái rân chủ tung lên, đang lan truyền nhanh
Văn bản do phó tổng giám đốc VNPT ký đề ngày 7 tháng 6 năm 2013.
Do Nguồn Fb: Nguyễn Lân Thắng đưa cho đám “Nhật ký bán nước” đăng

Nội dung công văn như sau:
“Theo yêu cầu của cơ quan an ninh, để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn các thế lực thù địch và phản động lợi dụng mạng xã hội Facebook để chống phá Đảng và nhà nước ta, Tập đoàn VNPT yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện ngăn chặn truy cập đến trang mạng xã hội Facebook theo danh sách địa chỉ IP, Website gửi kèm”.
Hẳn tất cả mọi người dân đều quá hiểu rõ Nhật ký bán nước này cùng cái đám tự xưng mình là “chiến sĩ tự do dân chủ”. Chúng, cái đám ăn Dollar của nước ngoài và tiền của đám phản động ở hải ngoại gửi về luôn âm mưu, bày trò chống phá Đảng và chính quyền. Nay với việc facebook đang trong giai đoạn bị gián đoạn do nâng cấp và sửa chữa, đám phản động này liền la làng rằng Nhà nước ta chặn facebook, cấm tự do internet (Xem bài: Facebook xin lỗi vì hoạt động chập chờn). Và giờ đây chúng đã đưa ra 1 cái văn bản được chúng nói rằng là của VNPT về việc chặn facebook.
 
Những nghi vấn và bất thường trong "Công văn yêu cầu chặn Facebook"
Những nghi vấn và bất thường trong "Công văn yêu cầu chặn Facebook"
Sau khi xem qua hình ảnh bản photocopy được cho là công văn “TỐI MẬT” của VNPT này chính mình cũng phải phì cười vì sự ngu dốt và thiếu chuyên nghiệp của các nhà phản động luôn tự cho mình là “dân chủ – tự do – vì dân” này.
 
(Tham khảo NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ Số: 110/2004/NĐ-CP Về công tác văn thư)
Sau đây tôi xin trình bày một số lỗi sai sót quá cơ bản trong nội dung công văn này.
 
1. Tại vòng tròn màu tím ở đầu, nơi có dòng chữ “TẬP ĐOÀN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM” thì theo thể thức soạn thảo văn bản Số: 110/2004/NĐ-CP Về công tác văn thư thì phần đầu này phải: “Viết in hoa và không tô đậm cơ quan – bên dưới để tên đơn vị phụ trách hoặc số của văn bản”. Ví dụ, văn bản của Bộ Công An thì phải làm như sau:
 
BỘ CÔNG AN (Viết in hoa – không đậm chữ)
Cục Cảnh Sát (Viết hoa chữ cái đầu – tô đậm chữ)
hoặc:
Số:…/QĐ-BCA (viết không in đậm)
 
Thì tại văn bản mà Nhật ký bán nước nói là của VNPT thì phần tên “TẬP ĐOÀN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM” lại in đậm và bên dưới không có tên đơn vị (phòng, nhóm) nào phụ trách việc ban hành hay số công văn.
 
2. Tại vòng tròn màu đỏ là tên công văn có ghi là: “v/v Thực hiện ngăn chặn trang mạng xã hội facebook”
 
- Tại Điều 5. Thể thức văn bản
1. Thể thức văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính
a) Thể thức văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính bao gồm các thành phần sau:
Quốc hiệu;
Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản;
Số, ký hiệu của văn bản;
Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản;
“Tên loại và trích yếu nội dung của văn bản;”
Nội dung văn bản;
Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền;
Dấu của cơ quan, tổ chức;
Nơi nhận;
+ Căn cứ theo Điều 5 phần: “Tên loại và trích yếu nội dung của văn bản” thì ở văn bản này có cái tên loại văn bản và trích yêu nội dung nhưng với những người có học qua Word thì chắc chắn nhận ra đây là lỗi cực kỳ cơ bản khi cái tên văn bản lại viết thường và nằm tuốt ở lề trái chứ không phải nằm giữa và viết in hoa đậm hay in hoa chữ cái đầu với size ít nhất là 16.
 
3. Tại ô hình chữ nhật màu xanh da trời nhạt thì có chữ “TỐI MẬT”. Theo các quy định về việc đóng dấu cấp độ “MẬT” thì con dấu phải có khung hình chữ nhật bao quanh cấp độ. Còn ở đây thì chỉ có vỏn vẹn 2 chữ “TỐI MẬT” mà size chữ cũng sai bét luôn.
- Hai chữ TỐI MẬT luôn được đóng dấu. Chữ TỐI MẬT có màu đỏ, nằm trong khung hình chữ nhật, tỷ lệ hai cạnh có kích thước nhất định.
Điều 7. Xác định và đóng dấu độ mật đối với từng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước tùy theo mức độ mật phải đóng dấu độ mật: Tuyệt mật, Tối mật hoặc Mật.
2. Khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước, người soạn thảo văn bản phải đề xuất mức độ mật từng tài liệu, người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu.
3. Đối với vật mang bí mật nhà nước phải có văn bản ghi rõ tên của vật lưu kèm theo và đóng dấu độ mật vào văn bản này.
Bộ Công an quy định mẫu con dấu các độ mật: Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước
 
- Theo Điều 6 của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định về Bí mật nhà nước trong phạm vi sau đây thuộc độ Tối mật thì chúng ta thấy rằng văn bản trên không thuộc trường hợp TỐI MẬT:
a. Các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa nước ta với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công bố.
Những tin của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật;
b. Tổ chức hoạt động, trang bị, phương án tác chiến của các đơn vị vũ trang nhân dân, trừ tổ chức và hoạt động được quy định tại khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh này; phương án sản xuất, vận chuyển và cất giữ vũ khí; công trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo;
c. Bản đồ quân sự; tọa độ điểm hạng I, hạng II nhà nước của mạng lưới quốc gia hoàn chỉnh cùng với các ghi chú điểm kèm theo.
Vị trí và trị số độ cao các mốc chính của các trạm khí tượng, thủy văn, hải văn; số liệu độ cao và số không tuyệt đối của các mốc hải văn;
d. Số lượng tiền in, phát hành; tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố; phương án giá các mặt hàng chiến lược thuộc Nhà nước quản lý chưa công bố;
e. Nơi lưu giữ và số lượng kim loại quý hiếm, đá quý, ngoại hối và vật quý hiếm khác của Nhà nước;
f. Công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ mà Nhà nước chưa công bố;
g. Kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển và bảo vệ đất nước không công bố hoặc chưa công bố;
h. Tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật.
4. Tại vòng tròn xanh lá cây nơi đóng khung “công văn đến” thì trong cái chỗ viết số lại không có số công văn đến. Thiết nghĩ 1 công văn mang cấp độ “TỐI MẬT” mà lại không ghi số công văn đến à ? Sau này sao đối chiếu thời gian hay số lưu trữ trong tàng thư đây?
 
5. Phần gạch chân màu đỏ dòng chữ “cơ quan an ninh”. Cái này thật lạ! Nếu trong Ngành Công an ai cũng thừa biết mỗi khi cơ quan thuộc Bộ Công An ra bất kỳ yêu cầu hay quyết định nào cũng phải có “tên và số hiệu đơn vị” đằng này trong văn bản này lại không nêu được đích danh đơn vị AN NINH nào ra lệnh? Một tập đoàn lớn như VNPT nếu lỡ để lộ cái văn bản này ra thật thì bên AN NINH phủi tay bảo không phải với lý do “cơ quan an ninh nào ra lệnh trong văn bản” thì VNPT cắm đầu xuống đất à? Dù là cùng phối hợp nhưng chẳng ai lại đem mình ra làm bia đỡ đạn thế đâu!
 
Tóm lại là các phần tử phản động kia cũng chẳng biết “cơ quan an ninh” nào có thẩm quyền ra lệnh trong việc chặn facebook mà cũng không dám “chém đại” tên hay số hiệu của cơ quan an ninh nào vì sẽ bị vạch mặt ngay lập tức. Cho nên các vị ấy chỉ dám nói chung chung khi soạn cái văn bản giả này.
 
6. Tại vòng tròn nhỏ tím than khoanh chữ “KT” trong dòng chữ “KT.TỔNG GIÁM ĐÔC”.
 
Căn cứ theo Điều 10. Ký văn bản, khoản 4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính hoặc Trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh (TL.) một số loại văn bản. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.
 
- Thì tại chỗ ký phải là dòng chữ “TL.TỔNG GIÁM ĐỐC” chứ không phải là “KT.TỔNG GIÁM ĐÔC”. Chữ “KT” này chỉ được dùng khi ký các văn bản đơn thuần như sổ phép, giấy báo gì đó. Còn theo thể thức văn bản cấp độ này thì người ký thay phải được Tổng Giám Đốc giao quyền bằng văn bản với nội dung cho phép thay mặt Tổng Giám Đốc ký 1 số lệnh khi TGĐ đi vắng khỏi hay trao bớt 1 số quyền hạn cho PTGĐ vì thế cho nên phải dùng 2 chữ “TL”. Cái này ai làm bên công tác soạn thảo văn bản là rõ nhất. (LB: nhầm khẩn trương nhé, nếu đã được ủy quyền rồi thì KT thoải mái, hơn nữa thường TGĐ không bao h dại dột ký những văn bản này mà ủn lại cho Phó ký nhé!)
 
7. Tại vòng tròn tím to là nơi để các “nơi nhận” thì mọi người chú ý thấy có 1 đơn vị khi được dán Word đã lệch khỏi vị trí theo đúng chuẩn. Cái này cũng là sai sót quá cơ bản.
 
* Cuối cùng; Điều 9. Kiểm tra văn bản trước khi ký ban hành
1. Thủ trưởng đơn vị hoặc cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về độ chính xác của nội dung văn bản.
2. Chánh Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp (sau đây gọi tắt là Chánh Văn phòng); Trưởng phòng Hành chính ở những cơ quan, tổ chức không có văn phòng (sau đây gọi tắt là trưởng phòng hành chính); người được giao trách nhiệm giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý công tác văn thư ở những cơ quan, tổ chức khác (sau đây gọi tắt là người được giao trách nhiệm) phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về hình thức, thể thức, kỹ thuật trình bày và thủ tục ban hành văn bản.
- Đối với 1 văn bản của 1 tập đoàn hàng đầu Việt Nam và theo loại cấp độ “MẬT” thì không thể sơ xài và lỗi sai sót cơ bản thế này. Chưa kể người ký trong các văn bản này cũng đến 5 người và toàn là cấp lãnh đạo. Họ ít nhất cũng đã ký hàng trăm văn bản rồi không lẽ không phát hiện ra các lỗi này mà yêu cầu điều chỉnh, đó là chưa nói việc lập 1 văn bản thế này ít nhất phải do từ 2 thư ký trở lên lập và những người này phải rất thảo kỹ thuật soạn thảo văn bản cho nên cũng không thể có những lỗi quá cơ bản thế này.
 
Tóm lại, Nhật ký bán nước với trình độ quá hạn hẹp hiểu biết về kỹ năng soạn thảo văn bản và hiểu biết về quy định văn bản pháp quy ở Việt Nam đã làm ra những trò lố thế này để “vu khống – bôi nhọ – gây dư luận xấu” trong nhân dân để phục vụ cho âm mưu “Chống Đảng – Chống Chính Quyền” biến Việt Nam thành căn cứ quân sự cho các thế lực thù địch ngoại bang và trở thành 1 thuộc địa kiểu mới hơn cả Việt Nam Cộng Hòa một thời.
 Bão Lửa
(nguyentandung.org)(túm lại là phân tích lăng nhăng vài cái lỗi thể thức văn bản cũng chẳng nói ra được cái gì, còn thực trạng FB có bị chặn hay không thì kiểm tra là biết liền nhé)

Mẹ Nấm - Tôi đi xem “tấu hài”

Việc khiếu nại, khiếu kiện đất đai luôn là chủ đề nóng tại Việt Nam hiện nay. Bởi việc ban hành các nghị định, quyết định, thông tư của các cơ quan chức năng nhà nước trong vấn đề thu hồi, cưỡng chế giải tỏa đất nhằm phục vụ nhu cầu đô thị hóa của chính quyền hoặc các chủ đầu tư (tư nhân) ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của người dân.

Khi việc tư hữu hóa đất đai chưa được hiến pháp công nhận, thì bằng cách quyết định trái pháp luật được ban hành, các cơ quan nhà nước đã tạo ra một giai cấp xã hội mới sau năm 1975, được gọi là dân oan – tức là những người đang từ có nhà cửa, công ăn việc làm, nay bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất, không nghề nghiệp do bị tịch thu mất đất, mất nhà.

Mặc dù đã được nghe, được đọc nhiều thông tin về các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ được trực tiếp tham gia vào một phiên tòa xử những vụ việc tương tự như trên. Và hôm nay, ngày 27/06/2013, lần đầu tiên, tôi được xem “tấu hài” miễn phí tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, số 2 đường Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang.
images641374_88888888TAND_tinh_Khanh_Hoa-305.jpg
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, số 2 đường Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang, ảnh chụp trước đây. File photo
Thu hồi đất trái quy định

Nguyên đơn vụ khởi kiện quyết định hành chính về việc cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng là vợ chồng ông Quang Nhật Mạnh.

Bị đơn là Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang.

Tóm tắt vụ việc như sau:

Sau khi phê duyệt dự án xây dựng mới chợ Vĩnh Hải, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi trắng 402m2 đất sở hữu hợp pháp của gia đình ông Quang Nhật Mạnh tại địa chỉ 40B đường 2/4, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang. Địa chỉ này đồng thời là nhà ở, cũng là nơi sinh hoạt của CLB Thanh niên Vĩnh Hải (một trong những địa chỉ rèn luyện thân thể và sinh hoạt văn hóa khá mạnh ở phía Bắc thành phố), và là nơi tập luyện của CLB Khuyết tật Vĩnh Hải do ông Mạnh làm chủ nhiệm.

Ngày 25/07/2008, trong khi ông Mạnh đang thực hiện nhiệm vụ là HLV Đội tuyển Paralympic Bắc Kinh 2008 của Việt Nam thì nhà ở và câu lạc bộ của gia đình ông bị cưỡng chế giải tỏa trắng. Điều đáng nói ở đây là quá trình tống đạt các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, biên bản giao đất tái định cư đều không đúng với quy định của pháp luật.

Từ chỗ là một gia đình có nơi ở và nghề nghiệp đàng hoàng, cả gia đình ông Mạnh phải thuê nhà trọ ở và kiếm sống bằng nghề giữ xe tại khu vực chợ Vĩnh Hải. 

Sau 5 năm ròng rã đi khiếu nại, khiếu kiện, lần đầu tiên vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Bên phía bị đơn, Chủ tịch UBND thành phố không xuất hiện. Hai người được ủy quyền là ông Phạm Văn Thọ, giám đốc Ban QLDA các CTXD Nha Trang, và ông Trần Duy Sơn, cán bộ Ban QLDA các CTXD Nha Trang, chỉ có ông Sơn xuất hiện.

Phiên tòa được bắt đầu trễ hơn dự kiến một tiếng mà không có bất kỳ thông báo nào. Ngay trong phần  bắt đầu phiên tòa, ông Quang Nhật Mạnh đã phát biểu “sau chừng đó năm chờ đợi, hôm nay tôi hy vọng công lý sẽ được thực hiện”.

Ngay trong phần tranh luận, đại điện bị đơn là ông Trần Duy Sơn không trả lời được hầu hết các câu hỏi do luật sư bên nguyên đưa ra, và không thể cung cấp các chứng cứ có liên quan theo đề nghị của tòa. Chủ tọa phiên đã nhắc nhở ông Sơn:  nếu câu nào anh trả lời được thì anh trả lời, câu nào không thì anh thông báo, vì đây là cơ quan nhà nước, khâu quản lý không chỉ do một người đảm nhiệm nên có thể anh sẽ không tìm ra nếu không trực tiếp thực hiện.

Sau phần hỏi đáp cả hai bên nguyên và bị đơn, bà Phạm Thị  Minh Huyền, đại diện VKS Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã đọc bản kết luận của VKS (hình như đã được chuẩn bị sẵn từ trước) nội dung chủ yếu như sau: xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý của VKS nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đề nghị tòa xem xét.

Khi chứng kiến hình ảnh bà Huyền rút sẵn tập giấy A4 đã được đánh máy sẵn ra đọc, tôi tự hỏi, nếu đã biết trước kết luận này thì hóa ra màn hỏi – đáp nãy giờ của bà là một màn diễn ư?

Thực sự, tôi rất thắc mắc về việc chuẩn bị sẵn kết luận của VKS, bởi nó là một trong những yếu tố quyết định sự công bằng trong phiên tòa, và quả thật lời đồn có những “bản án bỏ túi” là có cơ sở.

Sau giờ nghỉ trưa, chủ tọa thay mặt HĐXX tuyên bố “đình chỉ xét xử vụ án hành chính”, “chuyển toàn bộ hồ sơ về Tòa án thành phố Nha Trang để giải quyết theo thẩm quyền”. 
Vậy là chỉ cần khoảng 7 phút, màn tấu hài đã kết thúc dù nó bắt đầu trễ hơn dự định 1 tiếng.

Câu hỏi theo tôi trên suốt đường về: Nếu đã xác định là không thuộc thẩm quyền của tòa án tỉnh, tại sao ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu nguyên đơn bổ sung, cung cấp chứng cứ họ không từ chối thụ lý vụ này? Tạo sao phải lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân để diễn một màn tấu hài như hôm nay? Phải chăng họ muốn xem nguyên đơn thực sự có những chứng cứ gì từ đó đá lại quả bóng trách nhiệm cho tòa thành phố để dễ bề đối phó với người dân hơn?

5 năm chờ đợi công lý của gia đình ông Mạnh có thể chưa là gì so với thời gian chờ đợi mỏi mòn của hàng tram ngàn dân oan khác trên khắp các tỉnh thành tại Việt Nam.

Điều đó nói lên điều gì?

Pháp luật được lập ra là để duy trì trật tự xã hội, không phải phục vụ lợi ích của một nhóm người nào, cũng không phải là cái bẫy để đẩy người dân vào vòng tròn khiếu kiện lẩn quẩn vì đợi chờ.

Cùng lúc với việc Quốc hội hoãn thông qua sửa đổi luật đất đai, hành động của những người đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm nay một lần nữa chỉ ra rằng: chính quyền sẽ không từ bỏ lợi ích của mình khi bị phát hiện có sai phạm một cách dễ dàng. Họ không thể lôi từng cá nhân có quyết định sai phạm ra ánh sáng, bởi đương nhiên là không ai chịu chết một mình, họ sẽ bằng mọi giá, mọi cách, mọi thủ đoạn để bấu víu và bảo vệ quyền lợi của mình.

Không giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn xung đột giữa người dân và chính quyền trong các vụ khiếu nại, khiếu kiện đất đai hôm nay, xem ra, chính quyền Việt Nam không khác gì mấy bọn cường hào ác bá bóc lột xương máu, tiền của nhân dân mà họ đòi xóa bỏ từ thời Cách mạng Tháng Tám.

Lẽ nào đi một vòng tròn, nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quang vinh muôn năm hôm nay, ngã đúng vào vết xe đổ của chế độ phong kiến ngày xưa?

Có lẽ, hỏi tức là đã trả lời.

Blogger Mẹ Nấm
2013-06-27
(RFA)

Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại

(Phỏng vấn TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn)

SGTT.VN - Chúng tôi thực hiện bài ghi ý kiến TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, người luôn nhấn mạnh cần nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cách đối xử với lĩnh vực quan trọng này chưa công bằng.

Nông dân hy sinh quá nhiều

Từ đầu năm 2013 đến nay, chúng ta nói nhiều đến công lao điều hành kinh tế vĩ mô giữ cán cân thương mại ổn định, lạm phát giảm, nhưng có một điều không ai nói đến đó là phần hy sinh to lớn của nông dân. Giá lúa gạo, nông sản rẻ thê thảm, trong khi nông dân thiệt hại thì lại giúp cho rổ hàng hoá khả quan lên, lạm phát giảm đi. Lạm phát giảm nên Chính phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ. Hy sinh của nông nghiệp đã bù đắp cho nợ xấu ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp. Trong khi đó, đáng lẽ công nghiệp hoá và đô thị hoá thì phải lấy công nghiệp có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn để đẩy đất nước lên, sau đó quay lại bù đắp cho nông nghiệp.

Trong các chính sách các tỉnh trải thảm đỏ mời gọi đầu tư thời gian qua đã không tính đến giá môi trường, mất cân bằng trong tài nguyên. Chính chuyện hy sinh tài nguyên và môi trường mà làm cho việc phát triển công nghiệp và đô thị rất dễ dàng.

Chúng ta thấy nông nghiệp đóng góp 24% cho xuất khẩu, 20% cho GDP, nơi tạo việc làm cho một nửa lao động cả nước, nhưng tỷ trọng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp chưa được 10%, chi tiêu công cho nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong tổng chi tiêu công. Cái chúng ta lấy đi từ nông nghiệp, nông thôn quá lớn so với trả lại cho họ.

Tương lai còn đáng lo hơn

Tốc độ tăng GDP của nông nghiệp ổn định nhưng rõ ràng so với công nghiệp thì chỉ bằng 1/3 vì năng suất lao động của công nghiệp. Nếu như thế thì đáng lý công nghiệp phải hút lao động gấp đôi, gấp ba lần. Nhưng thực tế không phải vậy vì công nghiệp ngày càng đầu tư máy móc hiện đại, nên tính đến chuyện chuyển 80% trong số 30 – 40 triệu nông dân sang công nghiệp thì không có cửa để họ đi vào đô thị.

Đất đai là tài nguyên duy nhất mà Nhà nước giao cho nông dân, nhưng 61% nông dân chỉ có dưới 0,5ha; 32% từ 0,5 – 3ha; còn nông dân sản xuất lớn rất ít. Nông dân Việt Nam chịu sức ép về công nghiệp hoá: lấy đi tài nguyên đổ chất thải trở lại, chịu sức ép của biến đổi khí hậu, thiên tai, của xâm nhập mặn, chịu cạnh tranh thương mại bất bình đẳng, sức ép của đô thị hoá. Trong khi đó nông dân phải đương đầu với giá cả biến động, không có bảo hiểm, không có thị trường giao sau, không có dự báo thị trường. Còn ốm đau thì đối mặt với tình trạng chăm sóc sức khoẻ ở nông thôn quá tệ.
TS Đặng Kim Sơn.
Người thành thị được phòng chống thiên tai tốt hơn như triều cường đã lo nâng đường. Còn nông thôn, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh người dân gánh chịu hết, 70% chi phí phòng chống thiên tai là do họ tự bỏ ra từ vốn liếng sản xuất ít ỏi của mình. Hơn 40% hộ gia đình nông dân khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, họ không gượng dậy nổi.
Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp trong 30 năm khá tốt, e rằng từ đây chững lại. Những chính sách tức thời không giải quyết được căn cơ khi vấn đề quyết định là năng suất lao động.
Các tổ chức quốc tế dự báo 50 năm tới giá nông sản thế giới sẽ dừng lại ở mức rất cao, nhất là những nông sản sạch và chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh về tài nguyên, ví dụ việc khai thác nước ở thượng nguồn sông Mekong, cạnh tranh về nghề cá trên Biển Đông. Trong nước thì người ta không muốn làm nông nghiệp nhưng lại đòi hỏi cao hơn về chất lượng nông sản.
Nhà nước nên giảm bớt chuyện chi tiết, đã từng diễn ra cảnh lãnh đạo đi chỉ tay nuôi con nọ, trồng cây kia, đến lúc người ta trồng, nuôi có sản phẩm bán không ra thì không thấy anh hoạch định đâu cả. Nhà nước nên tập trung xây dựng pháp lý cho thị trường, đất đai, từ đó người dân sẽ quyết định trồng gì, nuôi gì; hỗ trợ cho nghiên cứu, không cần phải viện nghiên cứu quốc gia vì trên thế giới hầu hết tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp là do tư nhân nghiên cứu. Vai trò của nhà nước là đàm phán những hiệp định quốc tế, làm qui hoạch, pháp lý, những dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến nông, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn. Hiện nay các bộ tranh nhau về đào tạo nghề cho nông thôn, nhưng rốt cuộc người hưởng lợi trực tiếp là nông dân thì lại trở thành đối tượng bị động.
Chúng ta đang xuất khẩu 6 – 7 triệu tấn lúa mỗi năm, nếu lùi bớt lại vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Chúng ta phải giữ 3,8 triệu hecta đất làm lúa, nhưng có thể thay vì ba vụ lúa thì làm hai lúa – một màu, trồng thêm ngô, khoai tây, thậm chí hai màu – một lúa. Hiểu theo quy định nhà nước là không chuyển đất lúa thành đào ao. Nên chuyển sang khái niệm giữ đất nông nghiệp chứ không phải giữ đất lúa, tức là không làm sân golf, khu công nghiệp trên đất nông nghiệp.

Các Ngọc( ghi)
(SGTT)

Đà Nẵng: Muốn làm ăn thì phải quen ngài A, ngài B

Các DN cho biết hợp đồng đất đai và các nguồn lực kinh doanh ở Đà Nẵng rơi vào tay các DN có liên quan chặt chẽ với chính quyền.
Sáng 26-6, tại Hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 của Đà Nẵng”, ông Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế -xã hội Đà Nẵng, đã công bố kết quả cuộc khảo sát độc lập với sự tham gia của 13.000 DN về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đà Nẵng trong năm 2013.
Phải quen biết
Ông Minh cho hay: “Có tới 63,3% DN cho biết để dễ dàng tiếp cận các thông tin, dữ liệu thì cần có mối quan hệ với cơ quan nhà nước. 48,6% DN cho hay thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh. 21,7% DN phải sử dụng hơn 10% quỹ thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”.
Theo ông Minh, khảo sát này cũng cho thấy lãnh đạo TP Đà Nẵng còn thiếu tính năng động và tiên phong. Trong khi đó, hơn 41% DN cho hay lãnh đạo TP lại ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển DN trong nước. Các DN nước ngoài được TP quan tâm hỗ trợ hơn trong hoạt động; trong tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hơn.
“63% DN cho biết hợp đồng đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên quan chặt chẽ với chính quyền. 46,5% DN phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 48,5% DN gặp nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục. Các DN còn phải bồi dưỡng cho cán bộ thuế, đăng ký kinh doanh, tiếp cận các tài liệu, đăng ký thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hải quan” - ông Minh thông tin.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đất đai nói chung thường rơi vào tay những người có “ứng xử đẹp” với TP. Ảnh minh họa: LÊ PHI
DN than phiền

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định: “Các chỉ số trên cho thấy sự không hài lòng của DN đối với cách điều hành kinh tế của chính quyền, mặc dù không thể phủ nhận là thời gian qua Đà Nẵng đã có những cải thiện mạnh mẽ”.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng cho rằng kết quả khảo sát này là bức tranh phản ánh thực trạng hiện nay tại TP. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng phản ánh: “DN muốn làm ăn thì phải quen ngài A, ngài B. Muốn có thông tin quy hoạch thì lại phải tiếp cận với cò quen ngài A, ngài B đó để xin. Đất đai nói chung thường rơi vào tay những người có “ứng xử đẹp” với TP”.
Đại diện Công ty Khởi Nghiệp lại dẫn chứng: Các DN đến làm thủ tục tại Sở KH&ĐT thì các nhân viên đưa cho một cuốn sổ to đùng như danh bạ điện thoại và yêu cầu DN tự mày mò làm thủ tục. Còn mỗi lần đến nộp tiền thuế là đau khổ lắm, bị hoạnh họe đủ đường…
Công khai tất cả
Sau khi nghe kết quả khảo sát này, ông Trần Thọ, Phó Bí thư thường trực phụ trách Thành ủy Đà Nẵng, truy vấn: “Các sở phải nói cho tôi nghe vì sao chỉ số không chính thức lại tăng cao như vậy, chỉ số tiếp cận đất đai lại tụt hạng ghê gớm như thế. Tính năng động của lãnh đạo tại sao lại tụt xuống 16 bậc. Tụt hạng là vì cái gì, trách nhiệm ở đâu. Phải đưa ra ngay các giải pháp”. Tuy nhiên, chưa đơn vị nào trả lời được các câu hỏi của ông Thọ một cách rốt ráo.
Ông Thọ thẳng thắn cho rằng những khuyết điểm, sự tụt hạng đó không thể bảo là do khách quan. Lỗi là từ sự chủ quan của Thành ủy, UBND TP của các sở, ban ngành đã lãnh đạo không đến nơi đến chốn, còn yếu kém. “DN đang khó khăn, đang tập trung làm ăn mà các anh liên tục thanh kiểm tra thì họ làm ăn sao được. Vì vậy phải bớt thanh kiểm tra đi” - ông Thọ nói.
Ông Thọ yêu cầu ngay trong tháng 7, Cục thuế, Kho bạc, Sở KH&ĐT, Công an… phải rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho DN. Nhân viên các sở ngành phải trực tiếp hỗ trợ và làm hồ sơ giúp DN chứ không được để các DN tự mày mò, mất thời gian. Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa tính năng động của lãnh đạo TP để đối thoại và nhận phản hồi từ DN. Các cơ quan chức năng phải trả lời các DN chứ không được làm thinh.
Ông Thọ cũng thông tin: Tập thể Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã họp thống nhất TP sẽ công khai quy hoạch, bảng giá đất để mọi người dân và DN đều có thể tiếp cận. TP cũng sẽ công khai tất cả dự án đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục, công khai đấu thầu để không có chuyện cài cắm quân xanh, quân đỏ. “Đề nghị TP phải công khai minh bạch thật sự. Chỉ có minh bạch, công khai tốt thì tham nhũng, hối lộ mới giảm được” - ông Thọ nhấn mạnh.

Đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị nghiêm khắc giáo dục cán bộ, công chức của cơ quan mình tránh tình trạng nhũng nhiễu. Giải quyết tham nhũng, hối lộ là trách nhiệm của chúng ta.
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng
Cần phải thiết lập ngay đường dây nóng để xử lý các phản ánh của DN. Phải công khai thông tin về đấu thầu, đầu tư công, xây dựng cơ bản chứ lâu nay chúng ta làm nhưng chưa thực tâm và còn đối phó.
Ông Huỳnh Đức Thơ,  Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, DN hối lộ càng nhiều thì kinh doanh càng kém hiệu quả. Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, Đà Nẵng cần phải công khai minh bạch thực sự chứ không phải theo kiểu nửa úp nửa mở. TP phải thúc đẩy sự giám sát của người dân, DN để giảm tình trạng tham nhũng hiện nay.
Đại diện Ngân hàng Thế giới
(PLTP)

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Buôn lậu chỉ còn “lác đác vài tấn”

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tình hình kiểm soát buôn lậu được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay “chỉ còn lác đác vài tấn”, không đáng kể.
Chiều 27/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNTđã báo cáo Chính phủ một số kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: "biện pháp cấp bách tạo thu nhập cho người dân là đẩy nhanh xuất khẩu"
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trong thời gian qua đã thực hiện chương trình tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ giá cho người nông dân. Trong ngành chăn nuôi chủ yếu sản xuất để tiêu thụ trong nước, nên hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu ở trong nước. Số lượng nhập khẩu vào Việt Nam rất nhỏ. Bên cạnh đó tình hình kiểm soát buôn lậu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nên hiện nay “chỉ còn lác đác vài tấn”, không đáng kể.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc tạm trữ chỉ mang tính tình thế, biện pháp cấp bách tạo thu nhập cho nông dân hiện nay chính là biện pháp thị trường, mà quan trọng nhất là xuất khẩu. Trong thời gian tới Bộ sẽ tháo gỡ tín dụng, chính sách tiền tệ có liên quan, giảm thuế, kiểm soát nhập khẩu, chống buôn lậu, hỗ trợ cho DN tháo gỡ rào cản để thúc đẩy xuất khẩu.
Mặc dù vậy Bộ trưởng cũng cho rằng cần có sự điều chỉnh dài hạn, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, nếu không sẽ lặp lại tình thế như thế này. Điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, bắt đầu từ cây lúa. Đặc biệt đối với ĐBSCL, ngay vụ thu đông này cần “điều chỉnh quyết liệt” sang trồng giống lúa tốt hơn. Tiếp tục trồng cây lúa ở vùng thuận lợi, nhưng đối với những vùng phải bơm nước nhiều thì nên chuyển sang trồng ngô.
Mặt khác phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ưu tiên cho những mục tiêu chú trọng, tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Mặt hàng không có lãi phải chuyển sang mặt hàng khác có khả năng sinh lãi, có thị trường, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ thị trường nông thôn.
Trong lĩnh vực hạ tầng nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thể hiện sự ấn tượng của mình với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang mà trong hơn 1 năm đã làm được đường sá bằng tổng chiều dài từ Hà Nội đến Quy Nhơn. Các địa phương khác cần tập trung thực hiện.
Thành Nam
(Infonet)
 

Đại học Thammasat ‘ủng hộ các nhà cầm quyền hà khắc và độc tài’?

Các nhà bảo vệ nhân quyền trong khu vực đang phẫn nộ trước sự kiện Đại học Thammasat trao tặng bằng tiến sĩ danh dự cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã được các giảng viên khoa học thuộc trường Đại học Thammasat trao bằng tiến sĩ danh dự hôm thứ Tư vừa qua.

Các nhà hoạt động trong khu vực và ở châu Âu đã ký một bức thư ngỏ phản đối rằng giải thưởng trên không thích hợp giữa lúc các cuộc đàn áp tiếng nói bất đồng chính kiến vẫ diễn ra khốc liệt ​​trong năm qua tại Việt Nam.

“Làm sao một người như ông Nguyễn Phú Trọng, người chịu trách nhiệm về số lượng ngày càng tăng đối với việc lạm dụng quyền con người trong một quốc gia dưới sự cai trị hà khắc của một đảng duy nhất trong đó ông là người đứng đầu đảng, có thể được trường đại học lâu đời nhất ở Thái Lan tôn vinh như vậy. Chưa kể là đại học này luôn nhấn mạnh và giáo dục cũng như ủng hộ học sinh về những lợi ích cuộc sống theo triết lý giá trị về nền kinh tế, dân chủ và công bằng xã hội”, bức thư viết.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bên phải, được Noranit Setabutr, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thammasat, trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự hôm thứ Tư ngày 26 tháng Năm, 2013. Ảnh: Apichart Jinakul
Ông Trọng năm nay 69 tuổi, đang chính thức thăm Thái Lan hồi đầu tuần này. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Thái Lan kể từ khi Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm nước này vào năm 1993.

Ông Trọng, người có bằng cử nhân văn chương, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1967 và từ đó đã liên tục thăng chức trong hệ thống của đảng và chính phủ do chính họ kiểm soát.

Trước đây ông từng giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội hồi năm 2006, và sau đó chính thức ngồi vào ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011.

“Chúng tôi sợ rằng bằng cách trao tặng văn bằng tiến sĩ danh dự cho ông Trọng, Đại học Thammasat sẽ được xem như hỗ trợ cho một chính trị gia có những lời nói và hành động đi ngược lại quyền con người và các giá trị dân chủ, và rằng Đại học Thammasat có thể bị nhiều người nhầm rằng trường ủng hộ các nhà cầm quyền hà khắc và độc tài”, bức thư viết và đôn đốc các giảng viên cũng như trường đại học hủy bỏ buổi lễ trên.

Các nhà hoạt động tố cáo rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tục trì hoãn các chính sách cải cách chính trị, và khi mà Đảng cảm thấy các nguyện vọng dân chủ và tự do của dân chúng dâng cao trong thời đại toàn cầu hóa thì họ lại càng đàn áp mạnh bạo hơn.

Trong vài năm gần đây, với tình hình suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1986 và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nước láng giềng Trung Quốc tiếp tục leo thang, thì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đã trở nên xấu hơn với hàng trăm vụ đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, các vụ bắt giam tùy tiện và thậm chí kết nhiều bản án tù nặng nề đối với các nhân vật bất đồng chính kiến ​​và các nhà hoạt động nhân quyền.

“Là một người tuyên truyền, ông Nguyễn Phú Trọng đã luôn trung thành với đảng, một đảng có nền tảng duy trì sự độc quyền chính trị cho lợi ích của họ. Và hiện nay, là người đứng đầu đảng, ông là một trong những người bảo thủ nhất cố bám vào tư tưởng chủ nghĩa cộng sản lỗi thời và từ chối nhiều cơ hội để giúp đất nước phát triển và vươn lên”, bức thư ngỏ cho biết.

Trong một buổi họp ngày 25 tháng Hai, 2013, ông Trọng đã nói về sự gia tăng đối với các blogger bất đồng chính kiến ​rằng: “Ai muốn đa nguyên và đa đảng? Ai muốn tam quyền phân lập? Ai muốn phi chính trị hóa quân đội?… Như thế là suy thoái [tư tưởng chính trị] chứ còn gì nữa! Rồi tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể… thì nó là cái gì?”.

Bài phát biểu của ông đã được phát sóng trên truyền hình quốc gia và khuấy động nhiều ý kiến phản đối công khai trên các trang blog và cộng đồng Facebook. Sáng hôm sau, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên viết một bài báo trong đó công khai chỉ trích ông Trọng. Chiều cùng ngày hôm đó, ông Kiên đã bị tòa soạn sa thải.

Lá thư ngỏ nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng đàn áp các lực lượng đối lập.

Hồi tháng Năm năm 2013, nữ sinh viên 21 tuổi và người bạn 25 tuổi của cô đã bị tòa án Long An kết án sáu và tám năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” khi họ kêu gọi chính phủ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trước sự hung hăn của Trung Quốc.

Trong vòng chưa đầy một tháng, hai blogger nổi tiếng khác đã bị bắt giữ và bị cáo buộc tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Một blogger khác, đồng thời là một luật sư và nhà hoạt động pháp lý, sẽ ra tòa vào ngày 09 tháng Bảy năm nay.

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, The Bangkok Post
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Giới lập pháp Mỹ yêu cầu Việt Nam phóng thích luật sư Lê Quốc Quân

Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt nửa năm nay mà người thân vẫn chưa được thăm gặp.
Luật sư Lê Quốc Quân
12 nghị sĩ thuộc cả hai đảng ở Hạ viện Hoa Kỳ gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam kêu gọi phóng thích luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân và cảnh báo tình trạng tiếp diễn vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội sẽ làm phương hại quan hệ Việt-Mỹ.

Thư đề ngày 25/6 do dân biểu Loretta Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội về các vấn đề Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam), khởi xướng bày tỏ quan ngại sâu sắc và lên án việc nhà nước Việt Nam không tôn trọng nhân quyền căn bản của công dân và tiếp tục tìm cách đàn áp những người bất đồng quan điểm chính trị.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nói họ hết sức bất bình về việc giam giữ luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, bị bắt đã nửa năm nay mà người thân vẫn chưa được thăm gặp.

Ông Quân được biết đến như một blogger, một luật sư bảo vệ dân nghèo kiên trì đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền-tự do tôn giáo. Ông từng nhiều lần bị bắt bớ, bị sách nhiễu và hành hung kể từ khi về nước năm 2007 sau xuất học bổng do Cơ quan Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ của Hoa Kỳ tài trợ.

Dân biểu Loretta Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội về các vấn đề Việt Nam.Dân biểu Loretta Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động tại Quốc hội về các vấn đề Việt Nam.

Trong thư, các nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh bảo vệ nhân quyền, viết blog thể hiện quan điểm về các vấn đề xã hội và tham gia các hoạt động dân sự là những việc làm yêu nước đóng góp rất lớn cho sự phát triển của quốc gia.

Các dân biểu Mỹ nói rằng lãnh đạo Việt Nam nhiều lần hứa hẹn với quốc tế sẽ cải thiện thành tích nhân quyền nhưng rõ ràng thực tế cho thấy chính phủ Hà Nội vẫn không công nhận các quyền tự do của công dân bao gồm tự ngôn luận, bày tỏ quan điểm, và lập hội.

Những người đồng ký tên trong thư kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và giới lãnh đạo Việt Nam tôn trọng các cam kết này và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho luật sư Lê Quốc Quân.

Giám đốc công ty Giải pháp Việt Nam chuyên nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường, Lê Quốc Quân, bị nhà nước cáo buộc tội “trốn thuế” và sẽ ra tòa vào ngày 9/7 tới đây. 

Ngoài Trung tâm Công lý và Nhân quyền Robert Kennedy do cháu gái cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy làm Chủ tịch và Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ của Hoa Kỳ, đã có hàng chục tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối vụ bắt giữ luật sư Quân, người được đề cử Giải thưởng Nhân quyền Robert F. Kennedy 2013.

Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Lê Quốc Quân chụp chung với con trai của Anhbasaigon Phan Thanh Hải.Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Lê Quốc Quân chụp chung với con trai của Anhbasaigon Phan Thanh Hải.

Người nhà ông Quân cho biết ông đang nhịn ăn 7 ngày trong trại giam để tỏ lòng tri ân đối với những người ủng hộ ông.

Ông Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Quân cho biết:

“Hôm 21, 22/6 luật sư Nam vào gặp, anh Quân nói anh ấy nhịn ăn, chỉ uống nước và tịnh tâm cầu nguyện, tri ân tất cả những người đã quan tâm. Đến ngày 30/7, anh sẽ ăn lại để lấy sức khỏe ra tòa.”

Thân nhân ông Quân nói họ rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của luật sư Quân vì trong lúc ông chỉ uống nước mà trại giam vẫn tiếp tục hạn chế lượng nước sạch gia đình gửi vào cho ông.

Ông Quyết cho biết các phạm nhân khác được nhận 15-20 chai nước suối mỗi lần gửi, còn ông Quân chỉ được cho nhận 10 chai, theo chỉ thị của cấp trên:

“Một tuần anh chỉ được nhận 10 chai thì không đủ nước sạch để uống. Hôm qua, Quyết lên cũng có thắc mắc với cán bộ trại, họ bảo là trường hợp anh Quân là chỉ đạo từ trên xuống. Một tuần mà uống có 10 chai nước suối 500 ml, tức là một ngày anh Quân chỉ có hơn 1 chai nhỏ thôi, là không đủ, đặc biệt trong trường hợp anh đang nhịn ăn thì còn phải uống nhiều hơn bình thường nữa.”  

Việt Nam tố cáo ông Quân có các hoạt động nhằm “lật đổ chính quyền” nhưng không chính thức truy tố ông về tội danh này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các cáo buộc về tội “trốn thuế” dành cho nhà hoạt động Lê Quốc Quân mang động cơ chính trị nhằm đàn áp tiếng nói đối lập, phê phán chính quyền.
(VOA)

Những chuyện kỳ lạ ở Triều Tiên: Lãnh tụ là 'Anh hùng người trời'

(xứ Vịt thì phong Thánh, kém gì)

Vĩ nhân nhân đức động thiên hạ, Vị nguyên lão vĩ đại của nhân loại, Cha đẻ của thế giới chính trị… là những lời xưng tụng mà người dân và truyền thông Triều Tiên dành cho lãnh tụ của họ.
Lãnh tụ sinh ra dưới cầu vồng, qua đời trong hào quang
Người là một vị tướng quân dũng mãnh, cưỡi ngựa trắng, đeo bên mình một thanh gươm sáng lòa, có thể hạ cây lớn nhẹ nhàng như cắt miếng đậu hũ.” Đó là một đoạn miêu tả về cố lãnh tụ Kim Nhật Thành được trích từ một cuốn sách xuất bản ở Triều Tiên.
Ở đất nước này, những câu chuyện nhuốm màu thần thoại như vậy về các lãnh tụ không hề hiếm. Có chuyện còn kể rằng ông Kim Nhật Thành có thể biến quả thông thành đạn, biến cát thành gạo và lướt trên những chiếc lá rụng để vượt sông.
Cũng theo các tài liệu xuất bản ở Triều Tiên thì người kế tục sự nghiệp của ông Kim Nhật Thành là ông Kim Jong Il khi sinh ra đã có rất nhiều điềm báo cát tường: chim nhạn hót mừng, trên trời xuất hiện một ngôi sao sáng kỳ lạ và một cầu vồng đôi rực rỡ.
Khi Kim Jong Il qua đời, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin một cơn bão tuyết lớn đã xảy ra ở vùng hồ Chon, gần núi thiêng Paektu nơi ông chào đời. Sau bão, bỗng có một tiếng nổ lớn, rồi lớp băng dày trên mặt hồ nứt ra. Và trên vách núi Paektu xuất hiện một luồng hào quang rực rỡ chiếu rọi mãi đến lúc hoàng hôn.
Hàng trăm danh hiệu xưng tụng
Từ năm 1973-2012, ông Kim Jong Il đã được ca ngợi bằng gần 60 danh hiệu. Nếu tính cả các danh hiệu của ông Kim Nhật Thành thì con số phải lên đến hàng trăm.
 Lãnh tụ ở Triều Tiên được xưng tụng là 'Thái dương'
Lãnh tụ ở Triều Tiên được xưng tụng là 'Thái dương'
Hai cha con cố lãnh tụ được tung hô là: ‘Anh hùng người trời’, ‘Bầu trời của vạn dân’,’ Thái dương của thế kỉ 21’... Trong đó ‘Thái dương’ là danh hiệu được xưng tụng nhiều nhất cho cha con cố lãnh tụ, vì người Triều Tiên quan niệm mặt trời mang đến ánh sáng và sự ấm áp cho con người. Liên quan đến ‘Thái dương’, có những danh hiệu như : Thái dương của nhân loại, Thái dương vĩnh cửu, Thái dương của cách mạng, Thái dương của cuộc đời, Thái dương của hy vọng và rất nhiều ‘Thái dương’ khác.
Ngoài ra, cha con cố lãnh tụ còn có những danh hiệu như Vĩ nhân nhân đức động thiên hạ, Vị nguyên lão vĩ đại của nhân loại, Cha đẻ của thế giới chính trị, Bầu ngực nhiệt huyết để nhân dân tin tưởng.
Những mỹ từ mà giới quân sự dùng để tung hô cha con cố lãnh tụ nghe còn “kêu hơn”: Nhà sáng tạo và thực hiện tư tưởng quân sự tiên tiến, Nhà chiến thuật chiến lược thần kỳ, Nhà quân sự vạn mỹ vô khuyết, Nhà quân sự bách chiến bách thắng, Tướng quân của các tướng quân, Biểu tượng của người thắng mọi kẻ địch, Nhà nghệ thuật lãnh đạo đệ nhất thiên hạ, Tư lệnh bất bại...
3 tuổi biết bắn súng, 8 tuổi biết lái xe
Cứ theo sách vở Triều Tiên thì các lãnh tụ đều có tài năng xuất chúng từ bé. Ông Kim Jong Il biết đi, biết nói khi chưa đầy 6 tháng. Ông là một nhà soạn nhạc thiên tài đã từng sáng tác 6 vở opera, làm đạo diễn phim, viết sách, viết hệ điều hành máy tính…, và thậm chí có thể thay đổi thời tiết theo tâm trạng.

 Ảnh chụp ông Kim Jong Un lái xe tăng khi đi thăm một đơn vị quân đội Triều Tiên
Ảnh chụp ông Kim Jong Un lái xe tăng khi đi thăm một đơn vị quân đội Triều Tiên
Con trai Kim Jong Il, lãnh tụ hiện nay của Triều Tiên Kim Jong Un cũng không thua kém cha mình. Một cuốn sách được xuất bản ở Triều Tiên năm ngoái tiết lộ: “Khi mới 3 tuổi, đại tướng Kim Jong Un đã biết bắn súng. Năm 9 tuổi, đại tướng đã có thể bắn trúng mục tiêu di động. Cũng từ năm 3 tuổi, đại tướng Kim đã học lái xe. Năm chưa tròn 8 tuổi, đại tướng lái chiếc xe tải chở hàng cỡ lớn, vượt qua đoạn đường khúc khuỷu với vận tốc bình quân 120 km/h và tới đích an toàn. Khi mới 6 tuổi, đại tướng Kim Jong Un đã cưỡi ngựa thành thục và đua ngựa thắng những vận động viên chuyên nghiệp.
(Soha)
 

Lê Diễn Đức - Đe dọa chỉ là vũ khí của người bị đe dọa

Khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thông báo danh sách khoảng 20 bloggers sẽ bị bắt trong thời gian tới, song song với chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khiến người ta có cảm giác liên tưởng giữa hai sự kiện.
Khuynh loát và chi phối
Chuyến thăm Trung Quốc của Tư Sang càng khẳng định thêm rằng, chính sách đối ngoại phò Tàu của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhất quán.
Bản tuyên bố chung với những từ nhất trí (29 lần) đã không nói gì về Biển Đông mà chỉ nói chung về biển. Thay vào đó lại nói đến nhiều hơn về hợp tác biển và các khoản tín dụng mà Trung Nam Hải cho vay.
Những vùng tranh chấp như Hoàng Sa và Trường Sa đã không hề được nói tới một cách cụ thể. Thái độ ngạo mạn, ngang ngược, xâm phạm và khiêu khích trắng trợn chủ quyền của Việt Nanm trên khu vực biển của hai quần đảo này đã bị lờ đi.
Dù rằng có mâu thuẫn nội bộ trong việc tranh giành ảnh hưởng quyền lực, xung đột thấy rõ qua hai hội nghị trung ương 6 và 7, nhưng một điều chắc chắn rằng, để giữ vững quyền độc tôn cai trị và duy trì chế độ, Tư Sang, Ba Dũng, Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Sinh Hùng, đều chung một thoả hiệp: gắn chặt bổn mạng sinh tồn với Bắc Kinh.
Khó ai cứu Việt Nam ra khỏi những bế tắc của nền kinh tế hiện thời. Trong khi Trung Cộng chìa tay ra với những khoản vay đầy nguy hiểm và thâm sâu.
Trung Cộng khuynh loát và chi phối kinh tế Việt Nam thông qua hơn 90% tổng thầu EPC quan trọng nhất và đồng thời, bắt đầu đổ tiền vào những khoảng trống mà Việt Nam đang khó khăn, trong đó có bất động sản và ngân hàng.
Chẳng cần phải điều binh, khiển tướng, kế hoạch xâm lược mềm Việt Nam bằng con đường kinh tế, bằng cách mua đứt bộ sậu Ba Đình, là hợp thời, đỡ tốn kém nhất và dễ dàng nhất. Có một mảnh đất được cai trị bằng một băng đảng đàn em chịu ơn huệ, ngoan ngoãn vâng lời, hợp tác toàn diện, thì còn gì bằng. Chiến lược này còn dễ chịu hơn cả việc tự trị của Hongkong. Đặt Việt Nam vào sự đã rồi của lịch sử, về lâu về dài, Việt Nam có đổi thay ra sao, cũng khó mà làm gì ngược lại.
Cho nên, bất kỳ ai làm cản trở, làm xấu đi mối quan hệ láng giềng "4 tốt" này sẽ bị tiêu diệt.
Đây không chỉ là cam kết của tướng Nguyễn Chí Vịnh với Bắc Kinh trong chuyến thăm hồi tháng cuối tháng 8/2011, rằng: “Sẽ kiến quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam”, được khẳng định thêm trong cuộc phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ hôm 1/01/2013, "một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh là cùng do đảng cộng sản lãnh đạo và nếu có được một người bạn Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) rất lớn ở ngay bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì điều đó sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng XHCN ở Việt Nam".
"Sự nghiệp  xây dựng XHCN" ra sao, là cái quái thai gì thì chẳng ai biết được, chỉ biết đất nước phát triển được một tý thì cạn kiệt dần nguồn tài nguyên, gánh nặng nợ nần chồng chất, còn chủ quyền, an ninh thì nằm gọn trong tay Bắc Kinh. Những tuyên bố linh tinh như của Nguyễn Tấn Dũng ở Shangri La - Singapore chỉ là màn biểu diễn rỗng tuyếch, lạc điệu, lừa đảo, mị dân.
000_Hkg8650243-305.jpg
Công an, an ninh trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm Chủ nhật 02/06/2013.
Tội chống Trung Quốc?
Quay lại vấn đề "làm xấu quan hệ Việt-Trung", "di sản quý báu" của hai nhà nước XHCN.
Trong 20 bloggers dự tính bị bắt thì Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, Mai Xuân Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Huỳnh Thục Vy, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, JB Nguyễn Hữu Vinh,... là những người vẫn thường nói về chủ quyền của Việt Nam, chống Trung Cộng, chắc là khó thoát khỏi.
Việc bắt giữ Từ Anh Tú với 20 cuốn "Bên Thắng Cuộc" là một tín hiệu chẳng lành khi Huy Đức trở về Việt Nam.
Và nhiều người khác, các biểu tình viên/bloggers như Lã Việt Dũng, Bùi Thị Minh Hằng, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thuỵ, v.v... cũng cần chuẩn bị tư tưởng cho một chuyến "nhập kho".
Tung tin để hù dọa vẫn thường là trò chơi của chế độ cộng sản. Nhưng thực chất thì đôi khi họ chẳng hù dọa mà sẽ làm nếu muốn. Trong thời gian gần đây, đã gần 40 bloggers bị bắt giữ với những bản án nặng nề, chủ yếu vì tội chống Trung Quốc mà đặc biệt là trường hợp của Phương Yên và Uyên Kha.
Bắt giam Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy chứng tỏ nhà cầm quyền chẳng nương tay với tất cả những ai dám phê phán thượng tầng lãnh đạo và công kích sự xâm lăng của Trung Cộng.
Chủ quyền đất nước là thiêng liêng! Mỗi công dân đều có quyền biểu hiện tình cảm, ý thức của mình trước chủ quyền đất nước bị hiểm nguy bằng mọi hình thức. Ngay khi bị Hán hoá cả ngàn năm, tinh thần yêu nước và vùng lên thoát khỏi ách nô lệ vẫn luôn bốc cháy.
Albert Einstein có nói rằng:
"Chúng ta phải hiểu một sự thật khó khăn rằng, tương lai của nhân loại có thể chịu đựng được khi mà trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, cũng như trong tất cả các khu vực khác, chúng ta sẽ hành động một cách công bằng và hợp pháp, và không thể đe dọa bằng sử dụng bạo lực".
Cho nên khi Huỳnh Ngọc Chênh nhận định "danh sách lên đến 20 người, thì bao nhiêu chút sợ hãi còn vương vất lại trong chúng tôi đều bay đi sạch".
Mẹ Nấm thì cho rằng, "hai mươi cái tên trong danh sách Top 20 kia thật đáng tự hào. Mình sẽ thật sự kiêu hãnh nếu được nằm trong cái danh sách ấy"!
Còn Huỳnh Thục Vy nói "bấy nay yên lặng vì bận thôi chứ không phải sợ".
Vậy nhà cầm quyền cứ thử xem sao! Bởi vì "sự đe dọa chỉ là vũ khí cho người bị đe dọa" mà thôi (Giovanni Boccaccio)
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
 

Philippines chuẩn bị cho Mỹ vào lại Vịnh Subic

Tàu ngầm USS North Carolina của hải quân Mỹ trong một lần cập bến Subic Bay hồi năm 2012. (Hình: AFP/GettyImages)
(Reuters) – Quân đội Philippines hiện đang đưa trở lại các dự án xây dựng căn cứ hải và không quân ở vịnh Subic Bay, nơi hải quân Mỹ từng sử dụng làm căn cứ trước đây và có thể được dùng vào việc đối phó với sự lấn lướt của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, theo các giới chức hải quân cao cấp Philippines.
Đề nghị đặt căn cứ không quân và hải quân ở Philippines, một đồng minh thân cận của Mỹ, xảy ra cùng lúc với sự xuất hiện đông đảo của chiến hạm, phi cơ và quân nhân Mỹ trong vùng theo như chiến lược mới của Washington là chú trọng nhiều hơn đến vùng Á Châu trong các lãnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Các căn cứ nói trên sẽ cho phép quân đội Philippines bố trí chiến hạm và chiến đấu cơ chỉ cách bãi đá ngầm Scarborough Shoal chừng 124 hải lý, một khu vực tranh chấp chủ quyền và hiện do Trung Quốc kiểm soát sau cuộc đối đầu căng thẳng hồi năm ngoái.
Hải quân Philippines, với phương tiện và khả năng nghèo nàn so với Trung Quốc, hiện chưa chính thức đệ trình dự án trị giá 10 tỉ peso (khoảng $230 triệu) liên quan đến việc phát triển căn cứ lên Tổng Thống Benigno Aquino.
Tuy nhiên, các giới chức quân sự cao cấp cho hay họ tin rằng nhiều phần điều này sẽ được chấp thuận vì Tổng Thống Aquino hiện đang muốn tăng cường khả năng quân đội Philippines.
Quốc hội Philippines hồi năm ngoái phê chuẩn ngân sách trị giá $1.8 tỉ dùng cho việc canh tân quân đội, phần lớn để mua tàu chiến, phi cơ và các quân cụ như radar.
Subic, một cảng nước sâu có núi bao bọc chung quanh, nằm cách Manila khoảng 80 km về phía Bắc, hiện là một khu kinh tế đặc biệt kể từ khi quân đội Mỹ bị yêu cầu rút khỏi nơi này năm 1992, chấm dứt sự hiện diện quân sự kéo dài 94 năm ở Philippines và đóng cửa căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong vùng Đông Nam Á.
Từ đó đến nay, các chiến hạm và phi cơ Mỹ được cho phép ghé vào Philippiines để tiếp tế nhiên liệu và bảo trì thường xuyên hơn.
(Người Việt)

Trung Quốc lập căn cứ nghiên cứu ở Biển Đông

Thành phố Tam Sa được Trung Quốc thiết lập hồi tháng 7 năm 2012 trên một hòn đảo mà Việt Nam và Ðài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Thành phố Tam Sa được Trung Quốc thiết lập hồi tháng 7 năm 2012 trên một hòn đảo mà Việt Nam và Ðài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.

Tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 27/6 thành lập một căn cứ nghiên cứu ngư nghiệp hàng hải tại khu vực quần đảo Trung Sa ở Biển Đông.
Tân Hoa xã nói căn cứ này là chương trình khoa học đầu tiên được nhà nước Trung Quốc chuẩn thuận kể từ khi Bắc Kinh thành lập thành phố Tam Sa hồi tháng 7 năm ngoái để quản lý hành chính 3 quần đảo bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Căn cứ được đặt tại khu vực bãi Walker Shoal (Trung Quốc gọi là bãi Manbu Ansha) thuộc quần đảo Trung Sa trải dài vùng biển rộng 625 hecta.
Các nhà nghiên cứu sẽ đưa hàng chục ngàn sinh vật biển vào khu vực này để nghiên cứu về điều kiện khí tượng, thủy học, và địa hình.
Thành phố Tam Sa hiện có khoảng 1.000 cư dân được Bắc Kinh lập nên tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Đầu tuần, Trung Quốc loan báo phát hành sách về Tam Sa để đánh dấu 1 năm ngày thành lập thành phố với 5 bản đồ chi tiết minh họa Tam Sa và các quần đảo chịu sự quản lý của thành phố này.
Nội dung sách nhằm giới thiệu lịch sử thành phố Tam Sa, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vai trò của thành phố này trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng Trung Quốc.
Sau chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc hôm 21/6, Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về các động thái mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nguồn: Xinhua, Global Times
 

Biển Đông: Dầu mỏ, những yêu sách trên biển, và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung

Nghiencuuquocte

Nguồn: Leszek Buszynski (2012). “The South China Sea: Oil, Maritime Claims, and U.S.–China Strategic Rivalry”, The Washington Quarterly, 35:2, 139-156. >>PDF
Biên dịch: Nguyễn Thị Thanh Dung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Download: Bien Dong Buszynski.pdf
Nguy cơ xung đột leo thang từ những sự kiện tương đối nhỏ đã tăng lên tại Biển Đông trong hơn hai năm qua với những cuộc tranh chấp bây giờ ít có cơ hội hơn để đàm phán hoặc giải quyết. Về nguồn gốc, những tranh chấp này nảy sinh từ sau Thế chiến thứ hai khi những quốc gia ven biển – Trung Quốc và 3 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm Indonesia, Malaysia và Philipines, cũng như Việt Nam sau này – tranh giành để chiếm giữ những hòn đảo ở đó [Chi tiết này không chính xác – NHĐ]. Nếu vấn đề này chỉ đơn thuần là về tranh chấp lãnh thổ, thì nó có thể đã được giải quyết thông qua những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xích lại gần ASEAN và thắt chặt quan hệ với khu vực này.
Khoảng những năm 1990, việc tiếp cận các mỏ dầu và khí cũng như nguồn cá và tài nguyên biển đã bắt đầu làm phức tạp hóa các yêu sách. Vì nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng lên, các bên yêu sách đề ra những kế hoạch khai thác các mỏ hydrocarbon của Biển Đông, khiến cho tranh chấp tiếp bước một cách không có gì bất ngờ, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, những tranh chấp năng lượng này không nhất thiết phải dẫn đến xung đột, vì chúng đã và có thể tiếp tục sẽ được quản lý thông qua cơ chế phát triển chung hoặc đa phương, điều đã có nhiều tiền lệ khác nhau mặc dù không trường hợp nào phức tạp như Biển Đông.
Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề đã không còn chỉ là những yêu sách chủ quyền và việc tiếp cận nguồn tài nguyên năng lượng, vì Biển Đông đã trở thành trọng tâm của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung tại Tây Thái Bình Dương. Kể từ năm 2010, Biển Đông đã bắt đầu trở nên liên quan tới những vấn đề chiến lược rộng lớn hơn liên quan đến chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực. Điều này làm cho cuộc tranh chấp trở nên nguy hiểm và là lý do gây quan ngại, đặc biệt khi Hoa Kỳ đã tái khẳng định lợi ích của mình tại Châu Á Thái Bình Dương và củng cố quan hệ an ninh với các bên yêu sách thuộc ASEAN trong cuộc tranh chấp.
Nguồn gốc tranh chấp về lãnh thổ
Trung Quốc và Việt Nam đòi hỏi chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông và các đảo ở đó trong khi Malaysia, Philipines, Indonesia và Brunei tuyên bố yêu sách đối với các khu vực tiếp giáp. Có hai nguyên tắc chi phối các yêu sách, mà cả hai đều chống lại yêu sách đòi chủ quyền toàn bộ vùng biển của Trung Quốc. Nguyên tắc thứ nhất là “chiếm hữu thực sự”, một tiền lệ đã được thiết lập bởi Tòa Trọng tài Vĩnh viễn trong vụ đảo Palmas tháng 4 năm 1928.1 “Chiếm hữu thực sự” bao gồm khả năng và ý định sử dụng quyền tài phán liên tục và không bị gián đoạn, điều khác với xâm lược. Mặc dù Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo bao gồm khoảng 30 đảo/ đá cách đều bờ biển Trung Quốc và Việt Nam, nhưng nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” đã chống lại Trung Quốc trong trường hợp quần đảo Trường Sa, một quần đảo nằm ngoài khơi Philipines và Malaysia, nơi mà ngoại trừ 9 bãi đá đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 đến năm 1992, những đảo/đá còn lại đều do các nước ASEAN có yêu sách chiếm giữ.
Nguyên tắc thứ hai là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặt ra những quy tắc xác định rằng các yêu sách đối với nguồn tài nguyên phải dựa trên cơ sở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (EEZ là một vùng biển trải dài tới 320 km tính từ đường bờ biển, là cơ sở cho những đòi hỏi của các quốc gia ven biển với nguồn tài nguyên ở đó). UNCLOS không ủng hộ những yêu sách vượt ra ngoài phạm vi EEZ hoặc các thềm lục địa đã được công bố. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc vượt ra xa khỏi phạm vi EEZ của họ và chồng lấn với những yêu sách hợp pháp của các nước ASEAN.
Những yêu sách của Trung Quốc dựa trên lịch sử, nhưng những yêu sách như vậy không có nhiều giá trị trong luật quốc tế, cái mà theo quan điểm của Trung Quốc đã hạ thấp (lý do) di sản tổ tiên để lại của họ và là nguồn gốc cho sự bất mãn của nước này. Quan điểm của Trung Quốc là yêu sách của nước này có trước UNCLOS (được thông qua vào năm 1982 và có hiệu lực vào năm 1994 sau khi quốc gia thứ 60 phê chuẩn), và rằng Công ước này cần được điều chỉnh để phù hợp với các quyền lịch sử. Để khẳng định những yêu sách mà trong tình huống này sự phức tạp của luật quốc tế có thể không ủng hộ họ, người Trung Quốc đã dùng đến áp lực ngoại giao thường trực để luật quốc tế phải được thay đổi hoặc để đạt được một ngoại lệ đặc biệt, theo đó những yêu sách từ các thế hệ trước của họ sẽ được tất cả các bên công nhận.
Dầu mỏ, năng lượng, và nghề cá
Nếu chỉ là một tranh chấp chủ quyền đơn thuần, Biển Đông có thể sẽ đã tiếp tục bế tắc như vậy mà không nhiết thiết phải giải quyết ngay. Tuy nhiên, sự tồn tại của nguồn dự trữ năng lượng trong khu vực đã ngăn chặn giải pháp này. Với nhu cầu năng lượng toàn cầu đang tăng lên, những nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới để thỏa mãn nền kinh tế đang mở rộng của họ. Năm 2009, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, và sức tiêu thụ của họ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, biến nước này thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc đã nhập khẩu 52% lượng dầu tiêu thụ của mình từ Trung Đông, và Saudi Arabia cùng Angola cộng lại chiến đến 66% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Trung Quốc đã và đang đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình để giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và đã tìm cách gia tăng sản lượng ngoài khơi xung quanh lưu vực sông Châu Giang và Biển Đông.2
Các yêu sách năng lượng đối kháng
Việt Nam là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trong khu vực, với công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam năm 2010 sản xuất được 24,4 triệu tấn dầu từ ba mỏ ở Biển Đông, tương đương với 26% tổng GDP của Việt Nam.3 Với việc sản lượng ở các mỏ đã xây dựng đang suy giảm, PetroVietnam đã ký 60 hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với các công ty nước ngoài khác nhau nhằm khai thác các mỏ mới. Tuy nhiên, các mỏ mới được cho là sẽ không đủ bù đắp cho số sản lượng sụt giảm của các mỏ cũ.4 Khi Việt Nam cố gắng khai thác các mỏ mới, có khả năng sẽ xảy ra xung đột mới với Trung Quốc, nước đã kiên quyết phản đối nỗ lực của Việt Nam nhằm ký hợp đồng khai thác với các công ty dầu quốc tế trên Biển Đông.
Trung Quốc cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Chẳng hạn vào ngày 26 tháng 5 năm 2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của một tàu khảo sát đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố những đoạn video cho thấy một con tàu Trung Quốc quả thật đã cắt đứt cáp nối với tàu Việt Nam mang tên Bình Minh.5 Jiang Yu, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng tàu Trung Quốc đang tham gia “các hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển hoàn toàn bình thường trong khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.6 Vào ngày 9 tháng 6, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam.
Philipines cũng đã có nhiều vấn đề với Trung Quốc. Manila đã nổ lực để nâng cao khả năng tự cung tự cấp dầu của mình, và đặt mục tiêu (tự cung) 60% vào cuối năm 2011, điều mà họ có khả năng không đạt được. Nước này dự tính chào thầu 15 hợp đồng trong những năm tới cho việc thăm dò vùng biển ngoài khơi đảo Palawan, trong một khu vực bị yêu sách bởi Trung Quốc.7  Năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong một trường hợp, vào ngày 2 tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu khí trong khu vực mà Philippines yêu sách nằm cách bờ biển Palawan 250 km về phía tây. Hai con tàu này chỉ rời khỏi khu vực sau khi lực lượng không quân Philipines được điều động. Ngày 5 tháng 4, Manila đã phản đối chính thức lên Liên Hợp Quốc và tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN nhằm đạt được lập trường chung về vấn đề này.8 Người Trung Quốc đã phản ứng lại vài ngày sau đó, chính thức tố cáo Philipines “xâm lược” vùng biển của họ.9 Sau khi Trung Quốc triển khai tàu tuần tra 3000 tấn Haixun-31 được trang bị một trực thăng đến khu vực này, thì vào tháng 6, Philipines đã phải một tàu hải quân loại cũ từ thời Thế chiến thứ hai, tàu Rajah Humabon, đến vùng biển yêu sách của họ.10 Chiếc tàu này đã di dời hết các cột mốc được người Trung Quốc dựng lên trên các bãi đá khác nhau thuộc vùng biển yêu sách bởi Philipines.11 Cũng trong tháng 6, văn phòng tổng thống Philipines cũng tuyên bố đổi tên “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông) thành “Biển Tây Philipines”, và công bố một chương trình nâng cấp hải quân, điều sẽ giúp nâng cao sự hiện diện hải quân đang hạn chế của họ tại khu vực. 12
Bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc, cả Việt Nam và Philipines đều có kế hoạch xúc tiến các dự án thăm dò khí đốt hợp tác với các công ty nước ngoài. PetroVietnam sẽ hợp tác cùng Talisman Energy và sẽ bắt đầu khoan tại một khu vực mà Trung Quốc năm 1992 đã giao cho công ty Crestone, một công ty hiện được điều hành bởi Harvest Natural Resources. ExxonMobil cũng lên kế hoạch khoan thăm dò ngoài khơi Việt Nam, trong khi Philipines dự định khoan tại khu vực nơi mà các tàu Trung Quốc đã quấy rối tàu khảo sát của họ hồi tháng 3 năm 2011.13 
Trong lúc đó, Ấn Độ cũng đã trở nên liên quan với tư cách một tác nhân bên ngoài, càng làm tình hình phức tạp hơn. Trung Quốc có thể có ảnh hưởng với các bên yêu sách ASEAN nhờ quy mô và sự gần gũi về vị trí địa lý của họ với các nước ASEAN, nhưng Ấn Độ lại có một vị thế và sức mạnh đủ để đối kháng với Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ vẫn đang chất chứa sự khó chịu riêng với Trung Quốc vì sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Pakistan và các yêu sách của Trung Quốc đối với biên giới chung của hai nước. Những điều này khiến Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đối phó với Ấn Độ. Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam bắt đầu từ thời của Indira Gandhi, khi chính phủ Gandhi đã công nhận chính phủ do Việt Nam hậu thuẫn tại Campuchia vào năm 1984. Nhiều người Ấn Độ coi Việt Nam như một đồng minh chống lại Trung Quốc.
Tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat khi đang di chuyển đến Nha Trang thuộc miền Nam Việt Nam vào tháng 7 năm 2011 thì đã bị Trung Quốc cảnh báo bằng tín hiệu radio là hãy tránh xa “vùng biển Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ phản ứng lại rằng “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông, và quyền qua lại phù hợp với những nguyên tắc đã được công nhận trong luật quốc tế”.14 Trong khi đó, Trung Quốc đã phản đối những hoạt động thăm dò của Công ty Dầu và Khí tự nhiên Ấn Độ (ONGC) xung quanh quần đảo Hoàng Sa, khu vực mà người Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm. Quan điểm của ONGC là các yêu sách của Việt Nam phù hợp với luật quốc tế, và họ sẽ tiếp tục các dự án thăm dò tại hai lô gần quần đảo Hoàng Sa.15
Sau đó, khi Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm New Delhi, ONGC và PetroVietnam đã ký một hợp đồng ba năm về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí vào ngày 12 tháng 10 năm 2011, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.16 Đáng chú ý hơn, hợp đồng này được ký trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Bắc Kinh và bày tỏ tình hữu nghị với Trung Quốc.17 Việt Nam lại dùng đến phương sách truyền thống trong ứng xử với Trung Quốc – tức là nhấn mạnh những điểm chung và tình hữu nghị, vốn là công việc của tổng bí thư Đảng, trong khi vẫn tìm kiếm ở Ấn Độ một đối trọng hiệu quả [để cân bằng với Trung Quốc]. Quả thực, sự can dự của Ấn Độ đến khu vực và mối quan hệ ngày càng thân thiết của họ với Việt Nam sẽ làm cho tình hình Biển Đông thêm khó khăn. Có thể dự đoán là sẽ xảy ra nhiều sự cố hơn nữa, khi mà Trung Quốc vạch ra giới hạn cho cường quốc đối thủ cạnh tranh ở châu Á này.
Cuộc chiến giành cá
Như thể tranh chấp về năng lượng vẫn chưa đủ, sự cạnh tranh về cả nguồn cá và các tài nguyên biển từ Biển Đông cũng góp phần gia tăng căng thẳng. Trong quá khứ, các tàu cá thường xuyên ra vào các vùng chồng lấn, nhưng việc gia tăng mức độ thường xuyên của những vụ việc như vậy đã gây ra những quan ngại. Việt Nam tuyên bố rằng 63 tàu cá cùng 725 ngư dân đã bị phía Trung Quốc bắt giữ trên Biển Đông kể từ năm 2005.18 Sau đó tất cả họ đều bị yêu cầu nộp tiền phạt rất cao thì mới được phóng thích. Trong một vụ việc gây sự chú ý lớn của dư luận Việt Nam, một tàu tuần tra Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá Việt Nam cùng 12 thủy thủ khi họ đang hoạt động quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa vào tháng 3 năm 2010. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc làm điều này và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối dữ dội, và đây là một trường hợp cho thấy sự bất mãn của Việt Nam với hành xử của Trung Quốc.
Trung Quốc áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông, họ xem đó như là cách bảo tồn nguồn cá cho đội tàu của mình tại Biển Đông. Lần đầu tiên Bắc Kinh ban lệnh cấm là vào năm 1999, từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm, và tới năm 2009 thì họ kéo dài lệnh cấm thành từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 hàng năm. Phạm vi cấm rất mơ hồ, mặc dù lệnh cấm bao trùm lên một khu vực bao quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không vươn xa xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa.20 Việt Nam phản đối kịch liệt, vì lệnh cấm ảnh hưởng tới sinh kế của các ngư dân Việt. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ các tàu cá của mình, Trung Quốc phái đến khu vực các tàu mà họ gọi là “tàu kiểm ngư”, nhưng thực chất đó là những tàu hải quân được hoán chuyển. Trung Quốc cũng đã tuyên bố kế hoạch tăng cường sức mạnh của lực lượng hải giám, lên đến 16 máy bay và 350 tàu biển vào năm 2015, số máy bay và tàu này sẽ được sử dụng để giám sát hoạt động tàu bè trên biển, thực hiện các nhiệm vụ khảo sát, “bảo vệ an ninh hành hải” và kiểm tra các tàu nước ngoài hoạt động “trên vùng biển của Trung Quốc”.21
Một vấn đề khác là tàu Việt Nam cũng đi vào vùng biển mà các nước ASEAN khác yêu sách. Hai tàu Việt Nam mang tên Indonesia đã bị tàu tuần tra Indonesia bắt hồi tháng 2 năm 2011 gần quần đảo Natuna.22 Phía Indonesia nói rằng trong năm 2009, khoảng 180 tàu (không phải tất cả đều là của Việt Nam, ví dụ như có một số là của Malaysia) đã bị bắt giữ vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của họ.23 Khi nhu cầu tăng lên mà nguồn cá bị cạn kiệt, việc tranh chấp đánh bắt cá chắc chắn sẽ gia tăng trên Biển Đông, đặc biệt là khi các bên có yêu sách đều nâng cấp hải quân và lực lượng tuần tra bờ biển.
Cạnh tranh giữa các cường quốc
Năng lượng và nguồn cá không là những yếu tố duy nhất trong cuộc tranh chấp này. Biển Đông đang được đưa vào phạm vi cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ khi Trung Quốc tăng cường mở rộng chiến lược hải quân và triển khai các năng lực hải quân mới. ASEAN cho rằng những yêu sách bành trướng của Trung Quốc đến toàn bộ khu vực là có thể đàm phán được, rằng Trung Quốc sẽ chịu dàn xếp cho một hiệp định khu vực có các điều khoản thuận lợi, trong đó những tuyên bố chủ quyền sẽ được điều chỉnh, và nguồn lợi dầu khí cũng như ngư trường sẽ được chia sẻ. Dựa vào cơ sở này, ASEAN đã kéo Trung Quốc vào tham gia đối thoại thường xuyên với hy vọng thuyết phục các nhà cầm quyền Trung Quốc về giá trị của một cơ chế chuẩn tắc giúp điều chỉnh hành vi ở Biển Đông. ASEAN thường xuyên cẩn trọng trong việc tránh khiêu khích Trung Quốc và kỳ vọng Trung Quốc sẽ đáp lại kịp thời, và rằng phương cách ASEAN trong việc khuyến khích đồng thuận sẽ được Bắc Kinh chấp nhận một cách đúng lúc.
Nếu vấn đề chỉ liên quan đến những yêu sách cạnh tranh về năng lượng và ngư trường, thì một hiệp định chỉ rõ quy tắc tương tác và quản lý tranh chấp (gọi cách khác là một cơ chế hàng hải) rất có thể có khả năng trở thành hiện thực như các nhà hoạch định chính sách ASEAN đã lập luận. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ đã định hình lại tranh chấp theo cách làm giảm vai trò của ASEAN và khả năng của họ trong việc đàm phán một giải pháp cho vấn đề với Trung Quốc. Điều đó làm Trung Quốc lãnh đạm với các ý tưởng của  ASEAN và trở nên quan ngại hơn về các động thái bên ngoài khu vực của Hoa Kỳ  cũng như các hoạt động hải quân của nước này. Điều này cũng dẫn đến việc Trung Quốc cư xử đặc biệt quyết liệt hơn bởi khả năng lớn hơn trong việc kiểm soát Biển Đông là một phần cần thiết cho sự triển khai và chiến lược tăng cường hải quân của nước này.
Chiến lược hải quân của Trung Quốc đã được định hình trong nhiều năm qua kể từ khi Tư lệnh Hải quân Liu Huaqing (1982-1988) lần đầu tiên kêu gọi hình thành một lực lượng hải quân viễn dương đủ sức bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đều đặn phát triển sức mạnh hải quân, được nước này coi là cần thiết cho vị thế siêu cường. Khi Trung Quốc tăng sức mạnh kinh tế, lợi ích hàng hải của họ cũng mở rộng tương ứng (cùng với sức mạnh hải quân), đưa họ vào cuộc xung đột với Hoa Kỳ – cường quốc hải quân thống trị tại Tây Thái Bình Dương.
Sự bành trướng của hải quân Trung Quốc
Chiến lược hải quân Trung Quốc đề ra ba nhiệm vụ nhằm định hướng cho sự phát triển năng lực hải quân của họ. Thứ nhất là ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập đồng thời cản trở Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan bằng việc triển khai hải quân khi có các sự kiện xung đột. Nhiệm vụ này đã trở thành một điểm nổi bật của chiến lược hải quân Trung Quốc sau khi Hoa Kỳ điều động hai tàu sân bay trong suốt giai đoạn khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995 và 1996, đó là chiếc Nimitz vào tháng 12 năm 1995 và chiếc Independence vào tháng 3 năm 1996, như một cách phô diễn sức mạnh hải quân mà người Trung Quốc chưa thể nào quên. Nhiệm vụ thứ hai là bảo vệ các tuyến giao thương mở rộng của Trung Quốc và các nguồn cung cấp năng lượng đang vận hành xuyên Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, nơi ước tính chừng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được chuyên chở.24 Nhiệm vụ này đã trở nên quan trọng sau khi Trung Quốc trở thành một nước nhập khẩu ròng về dầu mỏ vào năm 1993 và khi Bắc Kinh nhận ra nền kinh tế của họ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đến thế nào vào cuối thập niên 1990. Nhiệm vụ thứ ba là triển khai năng lực đánh trả hạt nhân lần thứ hai từ mặt biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương, một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995 -1996. Bắc Kinh hiểu rằng năng lực này sẽ là một sự răn đe tối hậu chống lại Hoa Kỳ trong các cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan cũng như các cuộc khủng hoảng khác.
Để thực hiện các sứ mệnh này, Trung Quốc đã phát triển hoặc triển khai bốn lớp tàu ngầm và sáu lớp tàu khu trục mới trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển lực lượng hải quân viễn dương, và như Đô đốc tư lệnh Hải quân Wu Shengli đã tuyên bố vào tháng 5 năm 2009, Trung Quốc sẽ thiết lập một “hệ thống phòng thủ trên biển” để “bảo vệ an ninh hàng hải và sự phát triển kinh tế”.25 Hải quân viễn dương cần có những tàu sân bay, và tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Shi Lang, được xây dựng lại từ chiếc tàu sân bay thời Xô Viết trọng tải 32.000 tấn Varyag, đã được thử nghiệm trên biển từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 8 năm 2011. Họ hy vọng nó sẽ đi vào hoạt động trong năm 2012 và sẽ mang theo 48 chiếc máy bay chiến đấu trên biển Su-33 và máy bay chiến đấu Trung Quốc Jian- 10 được điều chỉnh để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay. Trung Quốc được cho là sẽ xây dựng một chiếc tàu sân bay khác trọng tải 50.000 đến 60.000 tấn trước năm 2015 và một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trước năm 2020.26 Các tàu sân bay đều đòi hỏi đội tàu hộ tống để cung cấp năng lực phòng không và ngăn chặn các cuộc tấn công từ tàu ngầm. Điều này chỉ ra rằng họ đã có kế hoạch mở rộng năng lực hải quân quy mô lớn.
Xét về lực lượng hạt nhân trên biển, Trung Quốc có bốn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, hay gọi là SSBN. Chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc là tàu lớp Hạ (Xia) bây giờ đã lỗi thời, được hoàn thành vào năm 1981 và mang theo được 12 tên lửa đạn đạo JL – 1 (SLBM) có tầm bắn lên đến 2.700 km, không đủ để tấn công vào đất liền của Hoa Kỳ. Hai trong số những chiếc SSBN hiện đại và đáng tin cậy hơn thuộc lớp Tấn (Jin) đã được triển khai từ năm 2004, mỗi cái mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL- 2 với tầm bắn lên đến 8.400 km, tạo cho chúng khả năng tấn công liên lục địa. Trung Quốc được cho là sẽ triển khai ít nhất 5 chiếc thuộc lớp Tấn trong những năm tới.27
Trung Quốc cần nơi trú ẩn cho các nền tảng hải quân của họ để chống lại những cuộc tấn công từ trên không và trên biển.28 Những chiếc tàu sân bay và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng đòi hỏi tiếp cận những vùng biển mở để hoàn thành sứ mệnh của mình; nếu không chúng có thể bị giam hãm vào một khu vực giới hạn và trở thành gần như là vô ích. Chỉ một vài nơi dọc theo bờ biển của Trung Quốc là có thể cung cấp chỗ trú ẩn cho hải quân của họ, nơi có thể tổ chức phòng ngự, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận vùng biển mở. Một là ở Hoàng Hải, nơi có căn cứ tàu ngầm đặt tại Xiaopingdao gần Đại Liên. Một nơi hợp lý khác là khu vực Hải Nam và khu vực nửa đóng của phía bắc Biển Đông, nơi có lợi thế gần với eo biển Malacca và các tuyến đường biển nối sang Ấn Độ Dương. Bất cứ vị trí nào khác xa hơn về phía Bắc sẽ có thể dễ bị tấn công ngăn chặn từ phía biển vào bởi Hoa Kỳ.
Vì lý do này, Trung Quốc đã và đang xây dựng căn cứ ngầm ở Tam Á trên đảo Hải Nam, nơi sẽ chứa không chỉ các tàu SSBN mà cả tàu sân bay cũng như đội tàu hộ tống khi chúng được triển khai.29 Năm 2008, một chiếc tàu ngầm SSBN lớp Tấn đã được triển khai ở đó, và tới tháng 10 năm 2010, hai tàu ngầm hạt nhân lớp Thương (Shang) đã vào bến ở Tam Á.30  Tàu sân bay Shi Lang cũng có thể sẽ được đóng ở đó. Khi Hải Nam phát triển trở thành căn cứ hải quân thì quần đảo Hoàng Sa ở phía nam đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lá chắn bảo vệ đường không và đường biển cho Hải Nam. Điều đó giải thích vì sao Bắc Kinh rất nhạy cảm với các tàu khảo sát của Hoa Kỳ và tại sao 5 tàu hải quân Trung Quốc đã đụng độ với chiếc USNS Impeccable của Hoa Kỳ khi nó đi vào trong vùng biển cách đảo Hải Nam 121 km vào ngày 9 tháng 3 năm 2009.31
Bảo vệ Hải Nam là một chuyện, nhưng đảm bảo cho tàu sân bay và SSBN tiếp cận được vùng biển mở là một chuyện khác. Để làm được việc này, Trung Quốc cần phải kiểm soát được quần đảo Trường Sa, hoặc ít nhất họ cần có khả năng ngăn chặn các cường quốc bên ngoài can thiệp vào các hoạt động của hải quân Trung Quốc trong một khu vực mở rộng đến tận eo biển Malacca. Năm 2009, tướng Zhang Li, nguyên Phó tổng Tư lệnh Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đã kêu gọi xây một sân bay và một cảng biển tại bãi đá Vành Khăn trong khu vực Philipines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa mà hiện giờ đang do Trung Quốc chiếm. Ý định của họ là nhằm tiến hành các cuộc tuần tra trên không tại khu vực, để yểm trợ các tàu cá Trung Quốc, và để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.32 
Chính Liu Huaqing là người đưa ra các khái niệm phòng thủ khu vực cho Trung Quốc, tạo ra không gian hàng hải phòng vệ cho việc phát triển hải quân. Liu đã học được khái niệm phòng thủ khu vực từ Sergei Gorshkov, chỉ huy hải quân Liên Xô, và là người hướng dẫn của ông tại Học viện Hải quân Liên Xô khi ông du học ở đó những năm 1950. Dưới trướng Liu, chiến lược hải quân của Trung Quốc chuyển từ phòng thủ ngoài khơi hay phòng thủ bờ biển sang “phòng thủ biển gần”, bao trùm một khu vực rộng kéo dài tới “chuỗi đảo đầu tiên”. Vùng biển này trải dài suốt từ Nhật Bản đến quần đảo Ryukyu, đến Philipines rồi đến Biển Đông; chuỗi đảo thứ hai nằm xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương, trải dài từ Nhật Bản và bao gồm cả đảo Guam.33 Kể từ khi hình thành cách đây hai thập niên, khái niệm chuỗi đảo tiếp tục định hình tư duy hải quân Trung Quốc, đóng vai trò là một cách để xác định và phân ranh giới các khu vực lợi ích.34 Khái niệm chuỗi đảo đầu tiên bao gồm Đài Loan như là điểm then chốt và cả không gian biển bao quanh nó, cho phép phong tỏa bằng tàu ngầm trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập khỏi đại lục. Nó cũng bao gồm những vùng biển đủ lớn cho các tàu ngầm SSBN thường xuyên tuần tra và triển khai các điểm phóng tên lửa ở giữa đại dương.35
Nếu là một khái niệm phòng thủ khu vực, nó bao gồm cả Hoàng Hải lẫn Biển Đông như là những vị trí trú ẩn an toàn để đặt các căn cứ hải quân cũng như đường ra biển khơi an toàn. Tuy nhiên, phòng thủ khu vực đòi hỏi phải giữ chân Hải quân Hoa Kỳ từ xa và ở một khoảng cách đủ lớn để nó không thể can thiệp vào việc triển khai của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đã triển khai DF-21D, được mô tả là một loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) có khả năng nhắm đến các tàu sân bay Hoa Kỳ và các tàu mặt nước lớn khác.36 Đô đốc Robert F. Willard, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói rằng khi kết hợp cùng tàu ngầm Trung Quốc, tên lửa này có thể gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hải quân Mỹ, và cuối cùng có thể sẽ “vô hiệu hóa” năng lực triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ.37 Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng với khả năng định vị và truy đuổi mục tiêu hiệu quả, loại tên lửa này có thể đe dọa các tàu hải quân Mỹ trong tầm bắn từ 1.500 đến 2.100km.38
Phù hợp với các khái niệm phòng thủ khu vực này, Trung Quốc cũng kỳ vọng Hoa Kỳ công nhận các vùng ảnh hưởng riêng của mình ở Tây Thái Bình Dương, trong đó Đài Loan và Biển Đông phải chắc chắn nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong quan điểm của Trung Quốc, sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương ngăn chặn việc Đài Loan thống nhất với đại lục và khuyến khích các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông chống lại các yêu sách của Trung Quốc. Nếu có thể đạt tới một thỏa thuận nào đó theo cách này với một nước Mỹ đang suy yếu về kinh tế thì Trung Quốc quả thật sẽ trở thành siêu cường thống trị tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Sự trấn an từ phía Trung Quốc
Tương lai
Chú thích
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Bien Dong Buszynski.pdf

Việt Nam : Tiếng than của dân oan rền vang hai miền Nam-Bắc

Nông dân Văn Giang, tỉnh Hưng Yên biểu tình hôm 20/04/2012 chống trưng thu đất đai cho dự án xây dựng khu nghỉ mát sang trọng Ecopark
Nông dân Văn Giang, tỉnh Hưng Yên biểu tình hôm 20/04/2012 chống trưng thu đất đai cho dự án xây dựng khu nghỉ mát sang trọng Ecopark
REUTERS/Mua Xuan
Tú Anh -RFI
Tình trạng nông dân Việt Nam bị tịch thu đất canh tác đã được truyền thông Tây phương quan tâm. Từ câu chuyện của một phụ nữ người H’Mông ở Tây Nguyên, hãng thông tấn Pháp AFP giúp công luận tìm hiểu tệ nạn mà cụ bà chống tham nhũng Lê Hiền Đức ở Hà Nội gọi là “ dịch cưỡng chế dã man”.
Bà Siêu, một phụ nữ người H’ Mông ở cao nguyên Trung phần Việt Nam vẫn rơi nước mắt khóc thương những hàng cây bị đốn ngã, những ngôi mộ của tổ tiên bị đào bới trong vụ cưỡng chế năm 2011. Với sự bao che của cán bộ địa phương, một công ty tư doanh đã chiếm đất của người dân quê 42 tuổi này. Bà kể lại là “họ dọa đánh chết chúng tôi nếu không chịu ra đi”.
Câu chuyện của bà Siêu xảy ra trên khắp hai miền Nam-Bắc và là nguồn cội của tình trạng căng thẳng hiện nay tại Việt Nam. Theo giới tranh đấu cho nhân quyền, đất đai trong chế độ cộng sản do Nhà nước kiểm soát còn người dân chỉ có quyền sử dụng, nhưng luật pháp lại rất mù mờ tạo cơ hội cho cán bộ địa phương và doanh nhân bất lương mặc sức chiếm hữu.
Vùng Tây Nguyên là nơi mà tình trạng chiếm đoạt, cưỡng chế khốc liệt hơn các vùng khác từ khi chính quyền cộng sản khuyến khích doanh nghiệp lên cao nguyên làm giàu qua sản xuất hạt điều, cà phê và cao su. Theo số liệu chính thức, trước 1975, dân số ở Tây Nguyên chỉ độ 1,5 triệu, nay đã tăng gấp 4 lần. Bà Siêu căm hận: Cộng đồng người H’Mông chúng tôi gần như mất trắng.
Theo AFP, đằng sau tranh chấp đất đai còn có di sản lịch sử. Đa số sắc dân thiểu số Tây Nguyên ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh. Một số tiếp tục tranh đấu đòi tự trị hay độc lập với sự hậu thuẫn của các tổ chức hải ngoại. Những cuộc biểu tình phản kháng giữa thập niên 2000 đã bị chính quyền đàn áp không nương tay và những người lãnh đạo vẫn còn bị truy nã. Tháng 5 vừa qua, có tám người bị kết án tù (đạo Hà Mòn).
Một chuyên gia Úc về tình hình Việt Nam, Adam Fforde, đại học Victoria, phân tích xung khắc đất đai không giới hạn chỉ ở Tây Nguyên. Một số người phát hiện là có đất gần thành phố họ sẽ làm giàu nhanh hơn là trồng cà phê.
Đối với cụ bà Lê Hiền Đức, người phụ nữ dấn thân chống tham nhũng từ thập niên 1980, thì tình trạng dân bị chiếm đất đã biến thành “đại dịch”. 70% đơn kiện của dân oan là liên quan đến tình trạng cưỡng chế. Người khiếu kiện bị chính quyền “ném” từ cấp xã , lên cấp huyện, cấp tỉnh, rồi cuối cùng họ phải lên tận Hà Nội.

Hai lá đơn từ khu phố Trịnh Nguyễn

Nguyentuongthuy


1.  Đơn về việc lực lượng công an và xã hội đen đánh đập dã man nhân dân

dontrinhbay


dontrinhbayt2

.

Đơn yêu cầu dừng ngay dự án nhà máy xử lý nước thải

kntct1

kntct2

.

Theo Lê Thiện Nhân|Facebook

Luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên

Nguyengtuongthuy


Luật sư Hà Huy Sơn đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên


. Luật sư Hà Huy Sơn vừa gửi văn thư tới Chánh tòa phúc thẩm tại Tp Hồ Chí Minh về nội dung kháng cáo của Nguyễn Phương Uyên đối với văn bản HSST.
Theo đó, Ls Hà Huy Sơn cho rằng: “không có một chứng nào được đưa ra xem xét để buộc tội Nguyễn Phương Uyên có hành vi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “đề nghị Tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh Tòa án nhân dân tối cao xem xét tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên“.

Sau đây là toàn bộ nội dung văn thư:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2013

VĂN BẢN NÊU Ý KIẾN CỦA LUẬT SƯ HÀ HUY SƠN


Về nội dung kháng cáo của Nguyễn Phương Uyên đối với bản án HSST



      Kính gửi: Chánh tòa phúc thẩm tại Tp.Hồ Chí Minh Tòa án nhân dân tối cao

Tôi Hà Huy Sơn, luật sư Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm do Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử ngày 16/05/2013 tại thành phố Tân An vụ án Đinh Nguyên Kha “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88, Bộ luật hình sự. Ngày 24/06/2013, tôi nhận được Bản án số 37/2013/HSST ngày 16/05/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An (cấp sơ thẩm) và Thông báo “Về việc kháng cáo” ngày 17/06/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An. Căn cứ khoản 2 điều 236 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, tôi xin nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo của Nguyễn Phương Uyên đối với bản án như sau:

  1. Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Phương Uyên việc kháng cáo Bản án số 37/2013/HSST ngày 16/05/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An cho rằng mình không phạm tội.
  2. Bản án số 37/2013/HSST có những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật:

2.1.          Trái với mục đích của Pháp luật hình sự được ghi tại Lời nói đầu, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, trích:

“Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,” 

2.2.          Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biễn tại phiên tòa, không có một chứng nào được đưa ra xem xét để buộc tội Nguyễn Phương Uyên có hành vi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.3.          Hành vi của Nguyễn Phương Uyên phản đối Trung Quốc đang xâm lược Tổ quốc Việt Nam và phản đối những cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về thực trạng của đất nước là quyền của công dân được điều 77 Hiến pháp 1992, quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.”;điều 53 Hiến pháp 1992, quy định: Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước…” đây không phải là một tội. Những hành vi của Nguyễn Phương Uyên không thuộc nội hàm của điều 88 Bộ luật hình sự. Bản án sơ thẩm xử phạt Nguyễn Phương Uyên 06 năm tù và 03 năm quản chế theo điểm c khoản 1 điều 88, điều 92 Bộ luật hình sự là vi phạm điều 2 Bộ luật hình sự, quy định:

“Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”

2.4.          Bản án sơ thẩm cho rằng đây là vụ án “đồng phạm có tổ chức”, vai trò của Đinh Nguyên Kha là “người thực hành” và Nguyễn Phương Uyên là “người giúp sức tích cực”. Nhưng “người tổ chức” là Nguyễn Thiện Thành thì không bị bắt, không có lời khai, không có đối chất với các bị cáo và những người làm chứng…hay nói cách khác không có chứng cứ khách quan khẳng định Nguyễn Thiện Thành là “người tổ chức” nên không thể cáo buộc Đinh Nguyên Kha là người thực hành và Nguyễn Phương Uyên là người giúp sức, tích cực cho ai?

2.5.          Các dấu hiệu của “đồng phạm” của vụ án:

  1. Mặt khách quan:

Uyên chỉ tham gia cùng với Kha một lần duy nhất giải tờ rơi tại cầu vượt An Sương xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh. Uyên không biết gì về nội dung tờ rơi và không chịu trách nhiệm về số lượng tờ rơi. Nói cách khác Uyên không biết đến hậu quả (nếu có) của việc rải tờ rơi đến mức độ nào.

  1. Mặt chủ quan: Lỗi, động cơ, mục đích

+ Về lỗi cố ý: Uyên và Kha không có nhận thức chung về hậu quả (nếu có) về việc rải tờ rơi như phân tích ở trên (mặt khách quan) và tất nhiên mong muốn không thể giống nhau. Về mặt ý thức, ý chí của Uyên và Kha khác nhau nên không thể gọi là đồng phạm.

+ Động cơ, mục đích: Uyên và Kha đều không có động cơ, mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên không thể gọi là đồng phạm.

     Uyên không có giúp đỡ về vật chất hay tinh thần gì đối với Kha. Tiền là do Kha nhờ đổi, xe mô tô là của Kha chở Uyên đi. Uyên và Kha cùng tham gia việc rải tờ rơi, không có bàn bạc, không có phân công chặt chẽ chỉ là hành vi kết hợp giản đơn. Bản án sơ thẩm xác định đây là vụ án phạm tội có tổ chức là không đúng với khoản 3 điều 20 Bộ luật hình sự, quy định:

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”

2.6.          Việc rải tờ rơi xảy ra trên  địa bàn Tp.Hồ Chí Minh được Tòa án nhân dân tỉnh Long An xác định đây là vụ án phạm tội có tổ chức là tự mâu thuẫn với khoản 4 điều 110 “thẩm quyền điều tra” và khoản 1 điều 171 “Thẩm quyền theo lãnh thổ” Bộ luật tố tụng hình sự.

Tôi đề nghị Tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh Tòa án nhân dân tối cao xem xét tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên./.

                                                       Người bào chữa giai đoạn sơ thẩm

                                                                Luật sư Hà Huy Sơn

Bắc Kinh cảnh cáo đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ thất bại

Tàu khu trục của Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Ðông.
Tàu khu trục của Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Ðông.
Trung Quốc cảnh cáo nỗ lực của các nước tranh chấp ở Biển Đông tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bên thứ ba sẽ vô ích và những sự đối đầu với Trung Quốc sẽ thất bại.
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới Tsinghua hôm 27/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh nếu các nước có tranh chấp ở Biển Đông tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền thiếu cơ sở của họ dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bên ngoài thì các nỗ lực đó rốt cuộc sẽ trở thành những tính toán chiến lược sai lầm, không đáng để bỏ công.
Ông Vương không nêu rõ tên của “các bên thứ ba”.
Hoa Kỳ là đồng minh thân cận của Đài Loan và Philippines. Mỹ cũng đang có các mối quan hệ tốt hoặc đang cải thiện với các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Quân đội Philippines trong tuần này loan báo tái tục kế hoạch cho xây dựng các căn cứ hải quân và không quân tại Vịnh Subic, nơi trước kia từng là căn cứ hải quân của Hoa Kỳ, mà lực lượng Mỹ có thể dùng để đối phó với sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khuyến cáo của Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày trước khi cuộc họp của Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á diễn ra tại Brunei kéo dài từ thứ bảy tuần này đến thứ ba tuần sau.
Ông Vương nói con đường duy nhất để giải quyết tranh chấp Biển Đông là thực thi đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Đây cũng chính là điều mà các nước kể cả Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh nghiêm túc thực hiện.
Nguồn: Reuters, AFP

Tổng thống Nga Putin hết « phép lạ »

Posted by ttxcc6 on 27/06/2013
 
 
 
 
 
 
Rate This

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Saint Petersbourg ngày 21/06/2013.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Saint Petersbourg ngày 21/06/2013.
REUTERS/Alexander Demianchuk
Tú Anh -RFI
Tại diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg ngày 21/06/2013, Tổng thống Vladimir Putin cố gắng giới thiệu nước Nga như nơi « đất lành chim đậu », mời gọi doanh nhân nước ngoài. Nhưng chính phủ Nga phải nhìn nhận thực tế kinh tế mất đà : 2,4%, không bằng phân nửa chỉ tiêu hứa hẹn. Nội tình căng thẳng, và cán bộ tham ô làm cựu trung tá mật vụ mất uy tín, phải thành lập một tổ chức chính trị mới để làm điểm tựa.
Nhìn từ xa, Tổng thống Nga Vladimir Putin có hình ảnh của một người hùng cương quyết, sắt thép, một mẫu người lãnh đạo cần thiết để đưa nước Nga phục hồi uy tín đại cường. Nhưng chính sách độc đoán của ông, bị đối lập lên án là hoài vọng thời Stalin, đã đưa nước Nga đến một tình trạng đáng lo ngại.
Một năm sau ngày nhậm chức nhiệm kỳ ba qua thủ đoạn diễn giải Hiến pháp và bầu cử bị tai tiếng gian lận, Vladimir Putin lúng túng rõ rệt. Tỷ lệ tăng trưởng của Nga chỉ còn 2,4% thay vì phải từ 4% lên 5% như Putin cam kết. Tài sản quốc gia tiếp tục bị tẩu tán hàng chục tỷ đôla mỗi tháng.
Không chỉ có đối lập, blogger bị truy bức mà giới doanh nghiệp cũng bị lao đao : Gần 240.000 doanh nhân bị bỏ tù vì tội gian lận có thật hay ngụy tạo trong đó có nhà tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovski, người mà Putin xem là địch thủ chính trị.
Thành phần đồng tính cũng là đối tượng bị đàn áp.Tại nước Nga, cho đến năm 1999, người đồng tính còn bị xem là bị bệnh tâm thần. Năm nay 2013, Quốc hội Nga do phe thân Putin kiểm soát vừa thông qua đạo luật chống giới đồng tính, không cho xin con nuôi, cấm « tuyên truyền trước trẻ vị thành niên ».
Trong lãnh vực chính trị nội bộ, một nhân vật được xem là lý thuyết gia của chế độ là Vladislav Sourkov « từ chức » hồi tháng Tư. Tình trạng tham ô, bê bối của thành phần quan chức làm cho đảng Nước Nga Thống Nhất mất uy tín, bị đối lập chế diễu là « đảng của bọn lừa đảo và ăn cướp ». Để tạo điểm tựa chính trị, ông Putin đã thành lập một tổ chức mới lấy tên là Mặt Trận Nhân Dân
Về kinh tế, ông thay đổi Bộ trưởng kinh tế và Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, dường như sau 12 năm cầm quyền, ông Putin không còn kế khả thi nào khác ngoài biện pháp đổ ngân sách vào các đại công trình để làm tăng tỷ lệ tăng trưởng. Tổng thống Nga thông báo một loạt kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở tốn kém khoảng 450 tỷ rub (14 tỷ đô la) bất chấp nợ công và thiếu hụt ngân sách.
Tình hình kinh tế, xã hội hiện nay khá bi quan. Từ Máxtcơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích :
Nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Matxcơva, Nga
27/06/2013
«… Đầu tháng Sáu, ông Putin mở rộng cái « mặt trận » này và hứa hẹn sẽ thu hút những quần chúng ở đường phố để tiếp cận quá trình soạn thảo chính sách của Nhà nước….Nhưng theo các nhà phân tích chính trị Nga thì tình hình khó khăn không có lối thoát rõ rệt, chẳng bao lâu thì người ta sẽ quên cái « mặt trận » này đi…. »

Đế chế kinh tế của Trung Quốc

Phiatruoc

Heriberto Araújo & Juan Pablo Cardenal, The New York Times
HỒNG KÔNG – sự kết hợp của một Trung Quốc mạnh mẽ, trổi dậy và tình trạng trì trệ kinh tế ở châu Âu và Mỹ đang làm cho phương Tây ngày càng bất an. Trong khi Trung Quốc chưa thống soái thế giới về mặt quân sự, nó có vẻ đang vững vàng thống trị về thương mại. Chỉ trong tuần qua, các công ty Trung Quốc và các nhà đầu tư đã tìm cách mua hai công ty phương Tây mang tính biểu tượng, Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ, và Club Med, công ty nghỉ dưỡng Pháp.
CHINAcoverNgười châu Âu và người Mỹ có xu hướng băn khoăn về sự quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, và vụ tấn công vào các công ty phương Tây, nhưng tất cả điều này là ít quan trọng hơn so với một hiện tượng mà ít có thể nhìn thấy nhưng đáng lo ngại hơn: sự thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn thế giới của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc.
Bằng cách mua các công ty, khai thác tài nguyên thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng và cho vay trên toàn thế giới, Trung Quốc đang theo đuổi một hình thức sự thống trị kinh tế mềm mại nhưng không thể ngăn cản được. Nguồn lực tài chính vô cùng dồi dào của Bắc Kinh cho phép nước này trở thành một lực lượng thay đổi luật chơi ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, đe dọa tiêu diệt các lợi thế cạnh tranh của các công ty phương Tây, giết chết công ăn việc làm ở châu Âu và Mỹ và làm nhụt chí những ai chỉ trích vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Cuối cùng, nhờ vào tiền gửi của hơn một tỷ người tiết kiệm của Trung Quốc, công ty Trung Quốc Inc. đã có thể có được tài sản chiến lược trên toàn thế giới. Điều này có thể bởi vì những khoản tiền gửi bị áp bức về mặt tài chính – người tiết kiệm nhận được lợi ích âm vì lãi suất thấp hơn tỷ lệ lạm phát và việc kiểm soát vốn nghiêm ngặt ngăn cản những người tiết kiệm không thể đầu tư tiền của họ vào các khoản đầu tư có lợi nhuận nhiều hơn ở nước ngoài. Do đó, chính phủ Trung Quốc hiện kiểm soát đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Turkmenistan sang Trung Quốc và từ Nam Sudan đến Biển Đỏ.
Một đường ống dẫn, từ Ấn Độ Dương đến thành phố Côn Minh của Trung Quốc, đi qua Myanmar, dự kiến ​​sẽ được hoàn thành sớm, nhưng đường ống dẫn khác, từ Siberia đến phía bắc Trung Quốc, đã được xây dựng. Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng xây dựng, thực hiện các dự án thủy điện lớn như đập Merowe trên sông Nile ở Sudan – dự án kỹ thuật lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi – và đập Coca Codo Sinclair 2,3 tỷ đô-la ở Ecuador. Ngoài ra Trung Quốc hiện đang tham gia xây dựng hơn 200 đập khác trên khắp hành tinh, theo Sông ngòi Quốc tế, một tổ chức môi trường phi lợi nhuận, cho biết.
Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới; nó còn vượt qua Mỹ với tư cách là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới trong năm 2012. Trong khoảng thời gian chỉ một vài năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia như Úc, Brazil và Chile khi nó tìm nguồn tài nguyên như quặng sắt, đậu nành và đồng. Mức thuế quan thấp hơn và nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc giải thích sự tăng trưởng theo cấp số nhân của nó. Bằng cách mua chủ yếu là các nguồn tài nguyên tự nhiên và thực phẩm, Trung Quốc là đảm bảo rằng hai động cơ kinh tế của đất nước – đô thị hóa và các lĩnh vực xuất khẩu – được cung cấp một cách an toàn với các nguồn lực cần thiết.
Ở châu Âu và Bắc Mỹ, Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh chỉ mới gần đây nhưng những con số rõ ràng cho thấy một xu hướng phát triển: đầu tư hàng năm từ Trung Quốc sang Liên minh châu Âu đã tăng từ ít hơn $1 tỷ USD mỗi năm trước năm 2008 lên hơn 10 tỷ USD trong hai năm vừa qua. Và tại Hoa Kỳ, đầu tư tăng từ mức dưới 1 tỷ USD trong năm 2008 lên mức cao kỷ lục 6,7 tỷ trong năm 2012, theo Tập đoàn Rhodium, một công ty nghiên cứu kinh tế. Năm ngoái, châu Âu là điểm đến của 33 phần trăm đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc.
Hỗ trợ của chính phủ, thông qua trợ cấp âm thầm và tài chính giá rẻ, cung cấp cho các công ty nhà nước Trung Quốc một lợi thế lớn hơn so với đối thủ cạnh tranh. Từ năm 2008, suy thoái kinh tế của phương Tây đã cho phép họ tiếp cận rộng rãi các thị trường phương Tây để săn lùng công nghệ, bí quyết công nghệ và những giao dịch trước đây không có sẵn cho họ. Tài sản phương Tây mà không được rao bán trong quá khứ bây giờ đã bán, và đầu tư Trung Quốc đã cung cấp thanh khoản hết sức cần thiết.
Xu hướng này sẽ chỉ gia tăng trong tương lai, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tăng trong những năm tới. Người ta dự tính nó ​​sẽ đạt tới mức 1 nghìn tỷ tới 2 nghìn tỷ đô-la vào năm 2020, theo Tập đoàn Rhodium cho biết. Điều này có nghĩa là các công ty nhà nước Trung Quốc được hưởng một vị thế độc quyền ở nhà bây giờ có thể theo đuổi mở rộng quốc tế đầy tham vọng và cạnh tranh với các công ty khổng lồ toàn cầu. Những bất công của tình trạng này là rõ ràng nhất trong các ngành công nghiệp thép và năng lượng tấm pin mặt trời, trong đó Trung Quốc đã đi từ một nước nhập khẩu trở thành nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới trong chỉ một vài năm. Nó đã có thể làm tràn ngập thị trường với các sản phẩm có giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều – và do đó đã phá hủy các ngành công nghiệp và việc làm ở phương Tây và các nơi khác.
ĐÂY là mối đe dọa thực sự đối với Hoa Kỳ và các nước khác. Tuy nhiên, các chính phủ phương Tây dường như không chịu đố phó với chủ nghĩa bành trướng được nhà nước theo thúc đẩy của Trung Quốc như là một ưu tiên trước mắt.
Ngược lại, các chính phủ châu Âu vốn mà đang đối phó với khủng hoảng kinh tế của chính họ nhìn Trung Quốc như là một quốc gia có thể giúp đỡ, hoặc bằng cách mua nợ hoặc tiến hành đầu tư trong nước họ để tạo ra công ăn việc làm.
Công ty nhà nước Trung Quốc Cosco hiện đang quản lý nhà ga hàng hóa chính tại cảng lớn nhất Hy Lạp, Piraeus, gần Athens – một hợp đồng nhượng quyền 35 năm. Và quỹ tài sản quốc gia của Trung Quốc, CIC, lấy 10 phần trăm cổ phần của sân bay Heathrow ở London vào năm 2012, cũng như gần 9 phần trăm cổ phần tại các công ty tiện ích Anh Thames Water. Các doanh nghiệp nhà nước Tổng công ty Tam Hiệp và Mạng Lưới Nhà nước là các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng thế hệ mới của Bồ Đào Nha, và CIC cũng mua 7 phần trăm cổ phần tại Eutelsat Communications của Pháp.
Tại cảng Hy Lạp người Trung Quốc đã có thể nâng công suất lên gấp ba lần, chịu những chỉ trích của công đoàn địa phương về điều kiện lao động tồi tệ hơn. Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Trung Quốc trong các khoản đầu tư khác, nhưng sự kiện các công ty Trung Quốc có thể đầu tư vào các lĩnh vực bị đóng cửa hoặc hạn chế đối với các công ty châu Âu tại Trung Quốc cho thấy khá rõ lợi ích quá nhỏ của châu Âu với đối tác Trung Quốc.
Hãy lấy Đức làm ví dụ, nước này chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu sang Trung Quốc. Không thể nào Berlin lại làm cho cạnh tranh không lành mạnh trở thành nền tảng của chính sách Trung Quốc của nó. Hơn nữa, việc thiếu các đòn bẩy và lãnh đạo tại Brussels có nghĩa là công đoàn không thể có hành động mạnh mẽ để buộc Trung Quốc áp dụng các biện pháp làm phẳng sân chơi hoặc đảm bảo quan hệ có đi có lại trong thị trường nội địa.
Ngoại lệ duy nhất là Hoa Kỳ, mà có vẻ đang giải quyết vấn đề bằng cách thúc đẩy sự hợp tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp hội thương mại khu vực được nhà phê bình ở Bắc Kinh và những nơi khác xem như một chính sách do Mỹ đứng đầu để kiềm chế Trung Quốc. Câu lạc bộ này được cho là chỉ dành các nước đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Mỹ về các vấn đề như tự do cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động và môi trường, và quyền sở hữu trí tuệ. Do Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn trên, nó sẽ phải cải tổ hoặc có nguy cơ bị cô lập trong khu vực. Hơn nữa, Hoa Kỳ đã làm cho sự sống sót trở nên khó khăn đối với công ty viễn thông khổng lồ Hoa Nam Trung Quốc bằng cách từ chối cấp cho nó các hợp đồng từ các công ty viễn thông hàng đầu của Mỹ. Đây không chỉ là về vấn đề an ninh quốc gia mà còn là việc gửi Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng rằng chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng ngăn chặn một trong những công ty hứa hẹn thấy và thành công nhất của Trung Quốc.
Trong khi các công ty phương Tây phàn nàn về rào cản đối với việc mua sắm và đấu thầu công và đấu tranh để cạnh tranh trong các lĩnh vực bị hạn chế ở Trung Quốc, các công ty Trung Quốc được hưởng đối xử thảm đỏ ở châu Âu, mua lại các tài sản chiến lược và các công ty lớn như Volvo và các nhà sản xuất thiết bị Đức Putzmeister.
Nhận thức là Trung Quốc hiện nay không thể tránh được, và do đó, lựa chọn duy nhất là phải dung chứa – cung cấp cho nó tất cả mọi thứ từ một môi trường đầu tư hào phóng tới giảm tiêu chí nhân quyền từ chương trình nghị sự. “Chúng ta không có bất kỳ thanh gậy nào. Chúng ta chỉ có thể cung cấp cà rốt và hy vọng cho những người tốt nhất”, một quan chức cấp cao châu Âu nói với chúng tôi.
Greenland, một vùng lãnh thổ lớn giàu tài nguyên chủ yếu do Đan Mạch kiểm soát, là một ví dụ. Năm ngoái, thông qua luật cho phép nhập lao động nước ngoài vào đất nước, những người này có tiền lương dưới mức lương tối thiểu theo pháp lý của địa phương (mức lương tối thiểu ở đây là một trong những mức lương cao nhất thế giới). Đại diện Trung Quốc đã nêu rõ rằng các ngân hàng nhà nước và các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư vào các ngành nguy cơ cao, đầu tư tốn kém nhằm khai thác tài nguyên mênh mông của Greenland chỉ khi việc sửa đổi các quy định địa phương cho phép sự xuất hiện của hàng ngàn công nhân có mức lương thấp của Trung Quốc.
Lãnh thổ Bắc Cực này không có quá nhiều lựa chọn thay thế. Không một quốc gia nào khác có lập trường trở thành đối tác chiến lược của Greenland để phát triển tương lai của nó, do rủi ro kinh doanh liên quan đến vùng Bắc cực và quy mô của khoản đầu tư cần thiết trong một lãnh thổ lớn hơn cả Mexico, nhưng mà không có ngay cả một đường bộ cao tốc. Một công ty dầu lửa Mỹ không có thể xử lý công việc một mình. Hệ thống tư bản nhà nước Trung Quốc, ngược lại, cho phép nhiều công ty nhà nước làm việc cùng nhau, làm cho nó khả thi đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, chẳng hạn, công ty này hút dầu trong khi công ty đường sắt Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản.
Các nhà lãnh đạo của Greenland chấp nhận điều kiện của Trung Quốc bởi vì họ có thể tin rằng những dự án tốn kém không bao giờ có thể chuyển động nếu Trung Quốc không tham gia, chỉ có Trung Quốc mới có tiền, nhu cầu, kinh nghiệm và ý chí chính trị để tiến hành. Hơn nữa, không có công nhân có đủ kỹ năng ở Greenland để phục vụ các dự án như vậy, vì vậy chính phủ Greenland đã thực hiện một ngoại lệ đối với luật pháp, cho phép người lao động Trung Quốc vào làm việc dưới mức lương tối thiểu khiến người dân địa phương được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng mới và chủ quyền tài nguyên.
Túi tiền của Trung Quốc sâu, cũng như lực lượng lao động to lớn và nhu cầu không giới hạn đối với tài nguyên thiên nhiên, đã tạo ra diều hoàn toàn khác biệt, mà theo đó Greenland đã sẵn sang thông qua luật pháp được tỉa gọt thích hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu của Trung Quốc. Thậm chí Đan Mạch, nắm giữ quyền lực tại Greenland về các lĩnh vực như di cư và chính sách đối ngoại, đã quyết định không can thiệp.
ĐIỀU ĐÓ thậm chí còn xảy ra trong các tiền đồn của tiến bộ như Canada. Việc Tổng thống Obama cho đến nay vẫn từ chối phê duyệt dự án đường ống Keystone đã khiến chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper của chuyển sang Trung Quốc để tạo lập một thị trường xuất khẩu cho dự trữ dầu thô của Canada. Ngành công nghiệp dầu tại Calgary đã vận động ông Harper áp dụng một chiến lược đa dạng hóa mới bao gồm việc xây dựng một đường ống dẫn gây tranh cãi đấn Tây British Columbia, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ các nhóm môi trường, các cộng đồng thổ dân bản địa và công chúng. Trong khi đó, Canada cũng đã ký một Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư nước ngoài với Trung Quốc, cho phép bảo hộ đầu tư khá hào phóng cho người Trung Quốc.
Với Trung Quốc nằm ở trung tâm của cuộc tranh luận về FIPA và đường ống bờ biển phía tây, chính phủ của Canada sau đó đã được phê duyệt việc tiếp quản công ty năng lượng khổng lồ Nexen của Canada bởi công ty dầu nhà nước CNOOC của Trung Quốc. Giao dịch 15 tỷ đô-la này là việc mua lại công ty nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.
Quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn đã có tác dụng phụ về chính trị, chính quyền Harper bây giờ có vẻ cẩn trọng nhiều hơn khi chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Với việc mãi đến gần đây Canada còn là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất chỉ trích xử lý bất đồng chính kiến ​​của Trung Quốc, điều này không chỉ là một quay ngược 180 độ đáng chú ý, mà còn dấu hiệu rõ ràng vè cách thức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc có thể đẩy chương trình nghị sự chính trị sang một bên, thậm chí ngay tại phương Tây.
Tại Úc, Trung Quốc thu hút đầu tư tích lũy vào cuối năm 2012 vượt 50 tỷ USD. Các xu hướng nổi bật là: đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Úc trong năm 2012 tăng 21 phần trăm từ năm 2011, đạt mức 11,4 tỉ USD, làm cho nó trở thành một đối tác quan trọng trong ngành công nghiệp khai thác mỏ của Úc. Danh mục đầu tư thương mại của Úc vẫn rất đa dạng, nhưng các cổ phiếu Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng.
Trung Quốc cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất nước Đức (về số lượng giao dịch), vượt qua Hoa Kỳ. Công ty Trung Quốc đang tìm kiếm cho các công ty, như Putzmeister, có công nghệ xuất sắc và đã đứng đầu thế giới trong các thị trường chuyên biệt. Những công ty tiếp quản còn cho phép họ hấp thụ bí quyết của phương Tây về xây dựng thương hiệu, tiếp thị, phân phối và quan hệ khách hàng. Những công ty khác mang tính cơ hội hơn. Phải đối mặt với suy thoái kinh tế, các công ty châu Âu đang vật lộn vất vả như Volvo nhanh chóng hoan nghênh các đối tác người Trung Quốc sẵn sàng để bơm vốn và nắm toàn quyền điều khiển.
Các khoản vay mà Bắc Kinh đưa ra trên toàn thế giới thậm chí còn quan trọng hơn, tính theo đồng đô la, so với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các khoản vay này bao gồm 40 tỷ USD cho Venezuela và hơn 8 tỷ đô la cho Turkmenistan trong những năm gần đây. Ngân hàng chính sách của Trung Quốc (Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc) là những cơ quan chủ chốt hỗ trợ chiến lược “đi toàn cầu” của Trung Quốc, khi họ cung cấp hàng tỷ USD trong các khoản vay nước ngoài để mua hàng hóa Trung Quốc; tài trọ các cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng và bắt đầu các dự án trong các ngành công nghiệp khai khoáng và dự án khác.
Điều này là rõ ràng nhất ở những nước mà phương Tây tuyên bố liên kết viện trợ với nhân quyền và hoạt động kinh doanh tốt. Các khoản cho vay của Trung Quốc là rất quan trọng ở các nước như Angola vốn phải đối mặt với mối đe dọa cắt giảm tài chính từ các chủ nợ phương Tây, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ecuador, Venezuela, Turkmenistan, Sudan và Iran, tất cả đều phải đối mặt với những khó khăn như thế, và Trung Quốc đã bước vào mà không cần những sợi dây ràng buộc về chính trị, đạo đức nào cả. Các thống kê của Trung Quốc tiết lộ rất ít về các khoản vay này, nhưng một nghiên cứu của The Financial Times cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2010, Trung Quốc là người cho vay lớn nhất thế giới, với 110 tỷ đô-la, hơn cả Ngân hàng Thế giới.
Điều quan trọng là phải nhớ cái gì thực sự đứng đằng sau việc mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc: nhà nước. Trung Quốc có thể di chuyển đúng hướng trong một số vấn đề, nhưng khi công ty nhà nước Trung Quốc đi ra nước ngoài và tìm cách chơi theo các quy tắc bắt nguồn từ một chế độ độc đoán, thì đã có mối hiểm nguy nghiêm trọng là các nước phương Tây rồi sẽ, vượt ra ngoài nhu cầu kinh tế, rốt cuộc đi theo luật chơi của Bắc Kinh.
Khi Trung Quốc trở thành một đối thủ toàn cầu và là một đối thủ cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Mỹ và châu Âu, hệ thống chính trị và hệ tư tưởng tư bản nhà nước đặt ra một mối đe dọa. Do đó điều quan trọng là các chính phủ phương Tây phải bám vào những gì là cốt lõi của sự thịnh vượng phương Tây: các pháp quyền, tự do chính trị và cạnh tranh lành mạnh.
Các chính phủ không được suy nghĩ thiển cận. Từ bỏ các cam kết của chúng ta về nhân quyền, hoặc tuân thủ khi phải đối mặt với chủ nghĩa tư bản nhà nước tham lam, sẽ làm tổn thương các nước phương Tây trong thời gian dài. Chính Trung Quốc cần phải thích ứng với thế giới, chứ không phải ngược lại.
——–
Heriberto Araújo và Juan Pablo Cardenal là tác giả của “Độ quân thầm lặng của Trung Quốc: Những người tiên phong, con buôn, thợ máy và công nhân đang xây dựng lại thế giới theo hình ảnh của Bắc Kinh.”
Trích từ Một góc của tôi

Kiên định khuyên dân ăn độc như Cục trưởng BVTV Nguyễn Xuân Hồng

Quechoa

Phạm Thanh 
Khoai tây TQ được phù phép thành khoai Đà Lạt


Lời bình của Nguyễn Quang Vinh: Phát hiện thực phẩm có độc, ở đây là khoai tây Trung Quốc có dư lượng chất gây độc cao hàng chục lần, thay vì cần phải đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành chức năng khẩn cấp vào cuộc, cho người dân những khuyến cáo cần thiết để loại bỏ hoặc từ chối, hoặc thông báo thu hồi, hoặc chí ít là giảm sử dụng….đằng này Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật khuyên người dân ăn đi, ăn đi, không sao đâu, cứ ăn…thì đúng là ngu chứ gì nữa.
Ngu ở cấp cục gọi là Cục Ngu.
Có lẽ chẳng đâu như Việt Nam, kiểm định thấy thực phẩm nhiễm độc tố liều lượng cao gấp nhiều lần cho phép, mà hết lần này tới lần khác Cục trưởng vẫn “kiên định” khuyên người dân đừng lo lắng, hãy cứ ăn đi.
Khoai tây Trung Quốc nhiễm độc gấp 16 lần cho phép, cục trưởng  Nguyễn Xuân Hồng vẫn khuyên người dân cứ yên tâm ăn. Ảnh : NLĐ
Người Cục trưởng “nhiệt tình” khuyên dân ăn đồ độc mà chúng tôi muốn nhắc tới ở đây đó là ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).Mới đây ông lại gây “sốt” khi trả lời báo chí liên quan tới sự kiện phát hiện hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng cho phép tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), khi phóng viên đặt câu hỏi phải chăng nếu vụ việc không bị phát hiện thì người tiêu dùng đã bị đầu độc?Cục trưởng Hồng trả lời rằng: “Trong trường hợp như thế thì bất cứ nước nào trên thế giới đều phải chấp nhận”, thậm chí ông còn dẫn chứng “cả thế giới, cả những nước phát triển nhất cũng chỉ đến mức độ như thế thôi” để thuyết phục cho cái lập luận có vẻ ngược đời của mình của mình.
Mà đấy đâu đã là gì, nói về mức độ ảnh hưởng sức khỏe người dùng nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ vượt cho phép, Cục trưởng Hồng giải thích thế này trên tờ NLĐ: “Mức dư lượng tối đa cho phép là mức mà trong thương mại người ta đưa ra, nó rất an toàn. Chứ không phải cứ vượt ngưỡng tối đa cho phép là mất an toàn”, tuy vậy theo vị này, đó là mức mà người ta thấy có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe để cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thông tin và bắt đầu tăng cường kiểm tra, đảm bảo các biện pháp an toàn.Theo Cục trưởng trên, khi các loại rau quả này có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phải liên tục ăn thì nó mới ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn. “Khi nào nó vượt ngưỡng hàng trăm lần, thậm chí 1.000 lần thì lúc ấy cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tiêu hủy”, Cục trưởng Hồng khẳng định.
Ra là thế đó quý vị ạ, thời gian khoảng một năm gần đây Việt Nam liên tục phát hiện các loại nông sản Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép như khoai tây, gừng, nho, cam, táo, lê… nhưng nó vẫn được nhập về và bán tràn lan trên thị trường, thậm chí trà trộn, dán mác hàng Việt để bán cho người Việt ăn. Nhưng ngặt nỗi, những đồ ăn, thức uống đó bị nhiễm độc tố chỉ ở mức vượt tiêu chuẩn vài chục lần, cao thì cũng chỉ trăm lần, thành ra nó chưa chạm tới cái “vượt ngưỡng trăm lần, thậm chí 1.000 lần thì lúc ấy cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tiêu hủy”, như Cục trưởng Hồng đã khẳng định ở trên.
Quan điểm trên của Cục trưởng Hồng xem ra đã thành “nguyên tắc” công việc của ông, khi cách giải thích tương tự mới được ông nói hồi giữa tháng 5 vừa qua, khi phát hiện mẫu gừng Trung Quốc có dư lượng thuốc trừ sâu Aldicarb cực độc vượt ngưỡng cho phép từ 1,2 tới 3 lần so với tiêu chuẩn của EU, Nhật Bản và mức khuyến cáo của Codex.
Khi đó, Cục trưởng Hồng cũng khuyên người dân không nên quá lo lắng, vì nguy cơ gừng Trung Quốc nhiễm hóa chất Aldicarb ở nước ta không cao (xét cả về tỷ lệ mẫu có chứa dư lượng thuốc sâu là 1/50 mẫu nhiễm, và mức độ nhiễm). Nên người dân cứ dùng thoải mái, vì lượng ăn không nhiều, nếu có muốn bị nhiễm độc thì một người phải ăn mỗi ngày từ 8gr tới 3kg gừng
Và vì vậy nên, Cục Bảo vệ thực vật do ông Hồng làm Cục trưởng chỉ mới áp dụng biện pháp cảnh báo người tiêu dùng và kiểm tra chặt việc nhập khẩu, còn chưa phải thu hồi, tiêu hủy.
Nhưng nói đi vẫn phải nói lại, ăn không sao cả, nhưng nếu có ăn thì Cục trưởng Hồng cũng nhắc người sử dụng nên rửa sạch và bóc kỹ vỏ gừng trước khi dụng.
Đấy, Cục trưởng thông qua báo chí gửi tới quý vị tiêu dùng thông điệp vậy đó, quý vị hãy lấy đó mà cảm ơn Cục trưởng đi, vì Cục trưởng của chúng ta đã rất lo lắng cho sức khỏe của người dân rất sát sao. Nó độc thì quý vị đừng có ăn nhiều, ăn ít thôi, ăn chơi chứ đừng ăn thật, đừng có ăn nhiều để rồi mà nôn thốc, nôn tháo, để phải đi viện cấp cứu giải độc.
Còn thực phẩm nhiễm độc vượt ngưỡng ai cũng biết ăn vào độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể mà không đào thải ra ngoài được, qua thời gian sẽ sinh bệnh tật, ung thư nọ kia, nhưng đấy là chuyện của sau này, của nhiệm kỳ sau mới có thể xảy ra, thậm chí có khi gần hết đời quý vị mới phát bệnh ấy chứ, lúc đấy thì Cục trưởng Hồng cũng không còn là Cục trưởng, có khi cũng chẳng còn trên đời. Còn các lãnh đạo sau thì cũng có lý do để mà trốn tránh khi những hậu quả sức khỏe đó là của người tiền nhiệm, và rồi của tập thể, của cơ chế… chứ đâu phải của riêng ai.
Còn cái riêng, chỉ là bệnh tật riêng của mỗi người, không may nó rơi vào ai đó trong quý vị thì ráng chịu, bán nhà, bán đất mà chạy chữa, còn không chữa được, thì chết biết liền.
Box:
Sau khi phát hiện một số cơ sở tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) nhập khoai tây Trung Quốc về sau đó trộn với đất đỏ Đà Lạt và bán ra thị trường với mác khoai tây Đà Lạt. Lực lượng chức năng tỉnh này đã lấy mẫu khoai tây kiểm nghiệm, kết quả công bố hôm 15/6 cho thấy, những mẫu khoai tây Trung Quốc này đều nhiễm chất độc hại Chlorpyrifos (có thể gây ung thư phổi) vượt ngưỡng cho phép tới 16 lần.Đây là lần thứ 2 khoai tây Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vưỡng ngưỡng cho phép được nhập về Việt Nam trong trong vòng 10 tháng qua. Điều đáng nói, thời điểm tháng 8/2012, khi phát hiện khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá 3-5 lần giới hạn cho phép, Cục Bảo vệ Thực vật đã xếp khoai tây vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhưng khoai tây nhiễm độc vẫn được nhập về.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Gia đình bị răn đe vì tham gia hoạt động “dã ngoại nhân quyền” và biểu tình trái pháp luật?

Danluan



Anh Nguyễn Việt Hưng, người đã tích cực tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và buổi “dã ngoại nhân quyền” được tổ chức ngày 5/5/2013 tại Hà Nội, vừa chia sẻ trên Facebook của mình hai thông báo của công an tỉnh Vĩnh Phú và Ủy Ban Nhân Dân phường Hùng Vương về việc công an tỉnh Vĩnh Phúc “chỉ đạo Công an phường, các ban, ngành, đoàn thể giáo dục, răn đe đối tượng, không để các đối tượng tham gia hoạt động “dã ngoại nhân quyền” và biểu tình trái pháp luật tại Hà Nội”.
Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả hai văn bản này, để thấy “nhân quyền” được đối xử như thế nào ở Việt Nam:
1044084_10151731697762328_732850428_n_0.jpg
1017580_4288043218959_300012945_n.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét