Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Bài viết đáng chú ý

Khi Quốc hội là của Đảng

Quốc hội Việt Nam một lần nữa quyết định giữ chế độ công hữu về đất đai. Câu hỏi đặt ra tại sao những hệ lụy đau buồn của chế độ diễn ra bấy lâu nay, mà những đại biểu quốc hội, người đại diện cho dân lại cương quyết duy trì nó?
Đất đai là của chung?
Luật đất đai ở Việt nam vốn chỉ công nhận một hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân. Trước kia, trong nền kinh tế bao cấp, mọi hoạt động kinh tế đều do nhà nước thực hiện, hình thức sở hữu đất đai đó không bộc lộ vấn đề gì lớn trong một xã hội đơn điệu và một nền kinh tế buồn tẻ. Từ khi chấp nhận nền kinh tế thị trường, trong thực tế đất đai đã trở thành hàng hóa, tức là được mua bán, và khi mua bán thì phải xác định sở hữu chủ.
clip_image002
Kỳ họp Quốc hội hôm 20/05/2013 tại Hà Nội. AFP
Thế nhưng từ bấy đến nay, đã hơn một phần tư thế kỷ, đất đai vẫn được mua bán trao đổi trên thị trường nhưng không được chứng thực. Từ đó, với mong muốn giải quyết cái gọi là bất cập ấy, những người cầm quyền ở Việt Nam đã đề ra khái niệm Quyền sử dụng đất, vừa để chứng thực cho thị trường, vừa để duy trì một điểm then chốt của ý thức hệ cộng sản, đó là: đất đai là của chung.
Như vậy, các công dân Việt Nam không phải là chủ của mảnh đất mà mình xây ngôi nhà trên đó, hoặc trồng trọt hoa màu trên đó, mà chỉ là chủ của ngôi nhà và hoa màu.
“Bao nhiêu khổ đau của nhân dân do bị mất đất đều do cái điều sở hữu công cộng về đất đai. Phải công nhận sự đa dạng về sở hữu, khi đó thì sự việc sẽ trở thành thị trường thuận mua vừa bán. - Ô. Lê Hiếu Đằng”
Vấn đề đầu tiên nảy sinh là nhà nước, người đại diện cho toàn dân, làm chủ tất cả các mảnh đất và có toàn quyền trên mảnh đất ấy, nên khi nhà nước thu hồi mảnh đất thì không biết người công dân Việt nam sẽ mang ngôi nhà đi đâu. Từ đó sinh ra một thuật ngữ ghê gớm là “giải tỏa”, tức là dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa ruộng vườn trên mảnh đất, giao nó lại cho nhà nước quản lý.
Vấn đề thứ hai là dù đất không được công nhận là hàng hóa nhưng nó vẫn có giá, và giá ấy khi lên khi xuống.
Vấn đề thứ ba sinh ra từ vấn đề thứ hai là dù không phải là hàng hóa, nhưng khi đụng tới đất đai thì nó lại có lời, và lời vô cùng nhiều.
Cuối cùng, do món lợi vô cùng đó nên những người đại diện cho nhà nước tha hồ trục lợi, nhất là trong cơ chế gọi là dân chủ tập trung, mọi hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp đều gom về một mối do Đảng Cộng sản Việt nam đứng đầu. Cách kiếm lợi thường thấy nhất là “giải tỏa”, trả cho người dân một số tiền, rồi bán lại mảnh đất ấy, thường là cho các người giàu có, các công ty, với giá cao hơn gấp nhiều lần.
Nhà nước thì vô hình và ở xa, nhưng cán bộ xã thì hữu hình và ở gần. Quyền sử dụng đất hay nguyên tắc công hữu đất đai nằm trên giấy tờ, nhưng tiền lời của đất lại nằm trên tờ giấy bạc.
Cần công nhận đa sở hữu
Thế là cùng lúc với sự phát triển các khu nhà ở mới đẹp đẽ hoành tráng, các khu công nghiệp sôi động ở các thành phố lớn là hàng đoàn nông dân mất đất lê la ở tất cả các cửa quan, cửa đảng nào mà người ta có hy vọng lấy lại đất đã mất. Thuật ngữ “dân oan” ra đời từ đấy, rất làm phiền lòng cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở sự nhếch nhác khổ đau trước các cơ quan công quyền và trụ sở quyền lực đảng mà đã bùng lên thành tiếng súng và mìn tự tạo ở Tiên Lãng, Hải Phòng, thành gậy gộc và khói lửa ở Văn Giang Hải Dương.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc tại TP HCM, nói với chúng tôi rằng:
“Bao nhiêu khổ đau của nhân dân do bị mất đất đều do cái điều sở hữu công cộng về đất đai. Phải công nhận sự đa dạng về sở hữu, khi đó thì sự việc sẽ trở thành thị trường thuận mua vừa bán thôi.”
Ông Lê Hiếu Đằng cho biết thêm là theo thăm dò của nhóm Cùng viết Hiến Pháp của Giáo sư Ngô Bảo Châu thì có đến 80% số người được hỏi ý kiến cho rằng phải công nhận những quyền sở hữu đất đai khác nhau. Ngoài ra nhóm 72 nhân sĩ trí thức trong đó có ông Đằng cũng ký vào một kiến nghị trong đó có yêu cầu sự đa dạng về quyền sở hữu đất đai.
Những ý kiến về cải tổ luật đất đai đã được giới tinh hoa bàn bạc từ lâu, và thực sự biến thành một phong trào mạnh mẽ trong năm vừa qua, khi chính đảng cộng sản kêu gọi mọi người góp ý sửa đổi Hiến Pháp, mà trong đó có điều quy định theo đúng tôn chỉ Công hữu tư liệu sản xuất của chủ nghĩa cộng sản, đó là đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
“Nếu cứ lấn cấn các vấn đề chữ nghĩa hay chế độ này khác mà không đặt lợi ích của nhân dân, của tổ quốc lên trên thì sẽ không có đổi mới mang tính đột phá được. - Ô. Lê Hiếu Đằng”
Ngày 17/6, trong phiên thảo luận về luật đất đai ở Quốc hội, đại đa số các thành viên đồng ý giữ nguyên tắc đất đai là sở hữu toàn dân mà theo họ thì qua cuộc vận động góp ý kiến cho Hiến pháp vừa qua, đại đa số dân chúng đều đồng ý như thế. Chỉ có một người là ông Nguyễn Bá Thuyền từ tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng qua tiếp xúc với cử tri ông thấy là người dân mong muốn có sở hữu về mảnh đất mà họ xây nhà trên đó. Điều ngạc nhiên là phát biểu của ông Tuyền không được báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản đăng, khi báo này đưa tin về buổi thảo luận về luật đất đai ở Quốc hội.
Như vậy là sau hơn một phần tư thế kỷ chấp nhận sự vận hành của kinh tế tư bản chủ nghĩa, những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn muốn kiên định lập trường công hữu tư liệu sản xuất về đất đai, mặc cho bao nhiêu sự rối rắm liên quan đến đất đai mấy năm nay, từ sự lộn xộn của các giấy tờ nửa hồng nửa đỏ, đến những cuộc đụng độ nhau giữa nông dân và lực lượng đại diện công quyền đi “giải tỏa” đất. Dường như khi làm như vậy, những thành viên Quốc hội sẽ tự yên tâm rằng họ vẫn còn màu cộng sản với ý thức hệ cốt lõi rằng phải công hữu tư liệu sản xuất. Mà Quốc hội chính là sự mở rộng của Đảng Cộng sản, như ông Hồ Ngọc Nhuận, dân biểu đối lập trước năm 1975 và nay cũng là thành viên Mặt trận tổ quốc, phát biểu với Thanh Trúc trong một phỏng vấn gần đây:
“Quốc hội này là Quốc hội của đảng chứ đâu phải của dân.”
Họ nhất quyết không sửa điều qui định của ý thức hệ ấy mà chỉ loay hoay xung quanh một rừng các thuật ngữ được đưa ra để tu từ, còn trong thực tế, chế độ công hữu đất đai vẫn là mảnh đất màu mỡ cho cái cây tham nhũng mọc um tùm rậm rạp, nhưng che không khuất hàng đoàn dân oan thất thểu từ bắc chí nam. Ông Lê Hiếu Đằng nói:
“Phải đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết thì mới có quyết định đúng được. Nếu cứ lấn cấn các vấn đề chữ nghĩa hay chế độ này khác mà không đặt lợi ích của nhân dân, của tổ quốc lên trên thì sẽ không có đổi mới mang tính đột phá được.”
Trong tác phẩm “Giai cấp mới”, tác giả Milovan Djilas, từng là nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam Tư có nhận định về hình thức ở hữu dưới chế độ cộng sản là: Việc củng cố hình thức sở hữu tập thể đã trở thành mục đích tự thân của những người cộng sản.
Sự tồn tại của các chữ nghĩa như ông Lê Hiếu Đằng đề cập có lẽ chính là sự tồn tại của chính những người cộng sản chăng?
Kính Hòa, phóng viên RFA
(RFA)

Bùi Tín - Cuộc bỏ phiếu chẳng giống ai


20.06.2013
Một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 47 viên chức cấp cao nhất của bộ máy cai trị ở Việt Nam đã được tiến hành trong Quốc hội.

Đây có thể được coi là một bước tiến của một nền dân chủ còn ở thời kỳ thực tập, sơ khởi, có phần mới lạ, vì không ăn khớp tự nhiên với một chế độ độc đảng.Về nguyên tắc cũng như trong thực tiễn, không thể có một nền nếp dân chủ có thực chất dưới một nền chuyên chính độc quyền của một đảng.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong chế độ toàn trị độc đảng ở VN không có gì khác với nền dân chủ Xô viết được thiết lập ở Liên bang Xô viết từ tháng 10 năm 1917 và sụp đổ tan tành trong tháng 8 năm 1990. Trong suốt 73 năm tồn tại, nó vỗ ngực tự cho là có bản chất dân chủ, quần chúng, tiến bộ nhất trong lịch sử loài người, nhưng công luận toàn thế giới nhận diện nó là một chế độ cực kỳ phản dân chủ, còn tệ hại hơn chế độ phát xít, với tội ác chống nhân loại, tàn sát trong thời bình chừng 30 triệu người trong toàn Liên bang Xô viết. Đến nay không có một nhà sử học chân chính nào cho rằng trong 73 năm ấy nhân dân Nga và các dân tộc anh em từng sống chung dưới sự cai trị của đảng CS Liên Xô đã được hưởng những quyền dân chủ.

Ở nước ta cũng vậy.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu trong Quốc hội Việt Nam thành một trò cười cho nhân dân ta vốn tinh khôn, càng thêm tinh tuờng từ thời kỳ mở cửa, có giao lưu rộng rãi với thế giới văn minh. Bà con ta nhận ra ngay đây là một cuộc bỏ phiếu không giống ai.

Ở một nước dân chủ, các cuộc thăm dò tín nhiệm hay bỏ phiếu tín nhiệm bao giờ cũng có 2 chiều, chiều tín nhiệm và chiều không tín nhiệm. Không có nơi nào lại chỉ có một chiều chia ra 3 nấc như trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Việt Nam vừa qua; 3 nấc đó là: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nghĩa là mọi đối tượng thăm dò đều chắc chắn được 100 % tín nhiệm, chỉ khác ở mức độ. Cứ như cấm không ai được bày tỏ bất tín nhiệm, không tin cậy một người nào hết. Đây là thái độ cưỡng bách thô bạo, trắng trợn. Gần như hòa cả làng. Mọi người đều được tín nhiệm như nhau là 100% khi cộng lại từ tín nhiệm thấp lên tín nhiệm cao. Không một ai bị bất tín nhiệm cả.

Hãy so sánh với việc thăm dò dư luận ở một số nước. Viện Gallup có bản doanh ở Hoa Kỳ, có cơ sở ở 25 nước, là cơ quan thăm dò dư luận lão luyện, có uy tín lớn, khi thăm dò về cá nhân hay tập thể chính phủ bao giờ cũng có 2 chiều, chiều tích cực, tín nhiệm và chiều tiêu cực, bất tín nhiệm. Ở Pháp IFOP (Institut Français Opinion Public) là cơ quan thăm dò có uy tín. Cứ hàng tháng lại ra thông báo kết quả tín nhiệm với tổng thống, thủ tướng theo 2 chiều, 4 nấc: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp và bất tín nhiệm, theo ý kiến 1 ngàn công dân đủ loại tuổi, ngành nghề và địa phương. Sau đó họ thường cộng tín nhiệm cao với tín nhiệm thành điểm tốt, cộng tín nhiệm thấp với bất tín nhiệm thành điểm xấu. Theo đó tháng 5-2012, sau khi đắc cử Tổng thống Hollande được 63% điểm tốt, nhưng tháng 4/2013, số điểm của ông bị tụt xuống 31%, là rất yếu kém; tháng 5 nhích lên 34 %, nghĩa là tín nhiệm chỉ đạt chừng 1/3.

Ta dễ dàng thấy ở Việt Nam vừa qua cho người được thăm dò 3 nấc nhưng chỉ 1 chiều, ai cũng được tín nhiệm 100% khi cộng lại 3 nấc. Đây là một kiểu hành xử tiêu biểu cho thái độ ngại dân chủ, sợ dân chủ, dị ứng với dân chủ, là dân chủ «vờ vịt», dân chủ nửa vời, vừa dân chủ vừa gò ép, gò ép là mặt chính. Để ông «Vũ Như Cẫn» lên ngôi, để thay – khác trước – nhưng không đổi gì hết – nghĩa là không ai bị thải loại, cả 47 vị đều có thể yên lòng tại vị, vì không có một ai bị bất tín nhiệm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt tín nhiệm thấp nhất trong 47 nhân vật được thăm dò, vẫn được 210 phiếu tín nhiệm cao, bằng 42,7 %; nếu coi tín nhiệm và tín nhiệm thấp là biểu hiện của phủ định thì số phiếu này là 122 + 160 = 282, chiếm 57,3%, ông vẫn thoát hiểm, gần như trong đường tơ kẽ tóc. Bởi vì Quốc hội đã quyết định rằng sau khi bỏ phiếu thăm dò, ai bị kém tín nhiệm lên đến 2 phần 3, tức là 66% số phiếu, thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu xem có bị bãi miễn hay không.

Cái tinh vi của cả bài toán gian xảo là ở đó. Cả 47 nhân vật tuy tín nhiệm cao thấp có khác nhau, và khác nhau rất rõ, nhưng tất cả đều ở trên mức an toàn. Ai cũng được Quốc hội ín nhiệm 100 % hết, từ tín nhiệm cao đến tín nhiệm thấp. Về nguyên tắc không một ai bị thổi còi, bị xem xét xem có bị bãi miễn hay không.

Trong khi đó, nhà báo tự do Trương Duy Nhất ngay từ ngày 28/5 đã công bố trên mạng Một góc nhìn khác của mình một bài báo nhan đề «Bỏ phiếu cùng Quốc hội». Bài báo cho biết tác giả đã bỏ công sức làm một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng điện tử về ý kiến đối với 12 nhân vật cao nhất: chủ tịch và phó chủ tịch nước, chủ tịch và phó chủ tịch Quốc hội, thủ tướng và các phó thủ tướng. Cuộc thăm dò ý dân này gồm 4 nấc, 2 chiều: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp và không tín nhiệm. Số người tham gia bầu trên mạng là từ 700 đến 958 người.

Kết quả như sau: Ông Trương Tấn Sang có 958 phiếu, 121 tín nhiệm cao, 327 tín nhiệm, 231 tín nhiệm thấp và 219 không tín nhiệm; tỷ lệ không tín nhiệm là 23%.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có 820 phiếu, 33 phiếu tín nhiệm cao, 25 tín nhiệm, 136 tín nhiệm thấp và 626 không tín nhiệm; tỷ lệ không tín nhiệm là 76%.

Bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước, có tỷ lệ không tín nhiệm là 67%(546/817).
Ông Hoàng Trung Hải, tỷ lệ không tín nhiệm là 65% (385/594 phiếu). Ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội, tỷ lệ không tín nhiệm là 60% (464/777).

Rõ ràng ý dân đã khác xa ý đảng CS; hơn 90% số đại biểu Quốc hội là đảng viên CS, thường nghe lời đảng hơn là nghe theo ý dân. Đây là thể hiện tiêu biểu cho một nền dân chủ trái khoáy, dân chủ lộn ngược, mà điển hình là tiếng nói của Bộ Chính trị đảng CS, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CS lại mang nhầm tên là Nhân Dân.

Ông Trương Duy Nhất bị bắt khẩn cấp vì dám công bố kết quả thăm dò vô tư, khách quan của mình, qua đó hầu hết đều bị bất tín nhiệm, từ ông thủ tướng, bà phó chủ tịch nước, đến phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và chủ tịch Quốc Hội. Ông Trương Duy Nhất, người đi tiên phong trong việc tự mình mở cuộc điều tra dư luận dân chúng, bị coi là có tội nặng vì đã phơi bày một sự thật, một bí mật quốc gia cần giữ kín một cách tuyệt đối.

Tình thế yêu cầu sự xuất hiện một cơ quan thăm dò dư luận tư do, khách quan, thay cho blogger Trương Duy Nhất bị bắt khẩn cấp vì đã dám làm một việc được nhân dân hoan ngênh nhưng tối nguy hiểm cho đảng cầm quyền. Dư luận quần chúng nhân dân từ trí thức, thanh niên, nông dân, lao động, nhà kinh doanh vừa và nhỏ đang thức tỉnh, phương tiện diện thoại di động, Facebook…rất thuận tiện cho các cuộc thăm dò ý kiến. Mong sẽ sớm có một cơ quan Gallup của quần chúng nhân dân, do các thanh niên thành thạo về thông tin, thống kê, quan hệ công chúng điều hành, để có sự đối chiếu với những thăm dò ý kiến lệch lạc, tiền chế của đảng CS giữa cuộc suy thoái không sao thoát khỏi.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đoan Trang - Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 2)

Như đã nói trong bài trước, “hơn ai hết, Đảng – mà đại diện ở đây là bộ máy tuyên giáo và an ninh – ý thức được sức mạnh của sự bí mật. Công khai, minh bạch là tự làm mất mặt mình, tự giết mình”. Chính vì vậy, để bảo vệ chế độ, điều tối quan trọng là phải bảo đảm… bí mật, từ bí mật công tác đến an ninh quốc gia. Để làm được điều đó, nguyên tắc căn bản chỉ là “làm tốt công tác tư tưởng” và quản lý báo chí thật chặt chẽ, sát sao.

Nhưng đến khi Internet và nhất là mạng xã hội xuất hiện, thì nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn. Từ đây, bộ máy tuyên giáo và an ninh vừa phải quản lý báo chí chính thống, vừa phải kiểm soát truyền thông “phi chính thống”, tức thế giới mạng.

Duy trì chế độ thẻ nhà báo

Một phương thức tinh vi để kiểm soát báo chí dưới mỹ từ “quản lý” là sử dụng chế độ thẻ nhà báo. Sáng kiến này được áp dụng đã từ lâu, tới năm 2007 thì được luật hoá trong một thông tin gọi là Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo, Bộ Văn hóa - Thông tin, ngày 20/3/2007. Theo đó, người được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

a) Tốt nghiệp đại học; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan báo chí miền núi hoặc chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;

b) Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ ba năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

c) Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan báo chí phân công;

d) Không vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

e) Ðược cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Các điều kiện trên (trừ khoản a) đều khó thực hiện trong thực tế. Xét bản chất, nghề báo là nghề có tính lưu động cao, các phóng viên “nhảy việc” gần như liên tục, khó mà có người “công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (…) từ ba năm trở lên”. Cho nên khoản b là khó đáp ứng. Các khoản còn lại thì đương nhiên chỉ nhằm khuyến khích các phóng viên biết chấp hành, chịu khó tuân theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; không có chỗ cho những phóng viên sáng tạo, nhiệt huyết, có tinh thần phản biện và luôn luôn sẵn sàng “xé rào”, chống lại định hướng của Đảng. (Xin lưu ý, đạo đức nghề nghiệp báo chí, theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa ra tại Đại hội VIII Hội Nhà báo là: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.)

Riêng khoản e, “Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo” còn cho thấy sự nhập nhằng giữa khu vực nhà nước và khu vực xã hội dân sự. Báo chí về bản chất là một khái niệm thuộc về xã hội, và cơ quan báo chí không phải là cơ quan thực thi công vụ. Nhà nước không thể đứng ra cấp thẻ nhà báo để định danh cho người tiến hành hoạt động nghề nghiệp này; nói cách khác, Nhà nước không được lấn sân, chiếm lấy một lĩnh vực không phải của mình. Nhưng Nhà nước lại cứ giành lấy quyền ấy, thậm chí còn cẩn thận quy định rõ trong luật, rằng báo chí có nhiệm vụ “tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí…”.

Chính điều này dẫn đến việc nhiều nhà báo buộc phải “chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ” (“Giọt nước mắt của lề phải”).

“Nhà báo tự do” = phản động

Nhiều người thường nói rằng thẻ nhà báo chỉ là một cái thẻ, không quan trọng. Nhưng trên thực tế, nó rất quan trọng, vì trong luật pháp cũng như trong nhận thức của xã hội, nhà báo phải là người “đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo” (Điều 14 Luật Báo chí).

Người chưa/không được cấp thẻ thì không được công nhận là nhà báo. Từ đây dẫn đến việc họ đương nhiên bị gạt ra khỏi bất kỳ sự kiện nào mà ban tổ chức, cơ quan an ninh, chính quyền… không muốn bị báo chí biết. Ở rất nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện chính trị - xã hội, ban tổ chức luôn đặt điều kiện “phải có thẻ nhà báo” mới gửi giấy mời. Bằng cách này, ban tổ chức đã loại ra ngoài đông đảo phóng viên, là những người hoạt động báo chí y hệt như nhà báo nhưng không được cấp thẻ.

Công an, an ninh, hơn ai hết, là những người được quán triệt chặt chẽ rằng phải có thẻ do Nhà nước cấp mới được gọi là nhà báo, điều này đồng nghĩa với việc tất cả những người đang hoạt động báo chí mà không có thẻ thì đều là “phóng viên tự do”, “tự xưng/ mạo nhận”, và đều có thể bị ngăn chặn triệt để, không được phép tiếp cận thông tin. Ngày 30/10/2012, khi phóng viên Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Huyền Trang, bị công an đưa về đồn thẩm vấn, cô nói cô là phóng viên. Nhân viên công an liền quát: “Ai công nhận chúng mày là nhà báo hả? Thẻ tác nghiệp của chúng mày đâu? Một lũ ăn không ngồi rồi, rồi rủ nhau phản động hả?”.

Riêng trong hai năm 2011 và 2012, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ phóng viên bị đánh. Thủ phạm là lưu manh côn đồ, bảo vệ, vệ sĩ, công an, và cả dân thường. Nhưng trong tư duy của chính quyền, nạn nhân nếu chưa có thẻ thì không phải là nhà báo, do vậy sự việc không nghiêm trọng tương đương với “hành hung nhà báo.”

Với blogger, tình hình còn tệ hại hơn: Họ không những không được pháp luật bảo vệ mà ngược lại, còn bị xử lý. Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và tất cả các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đều “không phải là nhà báo”, nên bị cơ quan công an, an ninh xua đuổi, đàn áp thẳng tay khi họ có mặt tại các điểm nóng để đưa tin, dù chỉ là lên blog của họ.

Một mặt, Đảng và Nhà nước xiết chặt việc “nắm tư tưởng”, “định hướng” báo chí chính thống. Mặt khác, Đảng và Nhà nước nhất định không công nhận blogger là nhà báo.

Làng báo chính thống và blog chính trị ở Việt Nam đều biết đến Trương Duy Nhất, người từng bỏ nghề báo để trở thành blogger, chủ trang mạng “Một góc nhìn khác”. Sau khi ông Nhất bị bắt ngày 26/5/2013, nhà báo Đức Hiển (Facebooker Bố Cu Hưng) bình luận trên Facebook cá nhân rằng “vấn đề của một nhà báo là phải có thông tin. Khi thiếu khả năng hoặc cơ hội tiếp cận thông tin thì góc nhìn nếu khác là chửi đổng mà nếu giống là a dua…”.

Cộng đồng FB và blog chính trị rộ lên một đợt chỉ trích nhà báo Đức Hiển. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của chính quyền thì ông Đức Hiển nói đúng. Khả năng và cơ hội tiếp cận thông tin chính là cái khác biệt giữa nhà báo và blogger, giữa nhà báo chính thống và nhà báo tự do. Blogger không thể nào có mặt ở các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng do Nhà nước tổ chức, không thể nào tham dự hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế, không thể nào tiếp cận quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước. Và chính quyền ý thức được rằng phải khoét sâu vào điểm yếu ấy của blogger thì mới giữ nền báo chí công dân ở thế yếu hơn báo chí cách mạng được. Song song với đó là việc tạo cuộc chiến vô hình “lề phải – lề trái” để ngăn chặn mọi sự hợp tác, bắt tay nhau giữa nhà báo quốc doanh và nhà dân báo.

Thay cho lời kết

Để kết thúc hai bài viết sơ lược về tự do báo chí kiểu Việt Nam, xin sử dụng một đoạn hội thoại – thẩm vấn điển hình cho tư duy của chính quyền về báo chí và hoạt động của nhà báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa:

AN: Anh Y. ạ, hiện chúng tôi đang làm rõ động cơ, mục đích đằng sau một số bài viết trên blog của anh.

Blogger: Tôi phản đối việc bắt giữ tuỳ tiện. Như tôi đã nói, các bài viết của tôi chỉ có mục đích xây dựng, đóng góp cho Đảng một ý kiến phản biện ôn hoà.

AN: Không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng. Nhưng anh có thể chọn những cách khác, hiệu quả hơn.

Blogger: Tôi không đồng ý. Thế nào là hiệu quả hơn? Tôi là blogger, tôi nói lên ý kiến của mình qua công cụ blog của tôi thì sao?

AN (cười độ lượng): Đấy, anh lại thế rồi. Tôi đã nói rồi, không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng cả. Nhưng mình là trí thức, là người có ăn có học, nói gì thì nói, phải có cơ sở anh ạ, phải có lý có lẽ, có thông tin, thuyết phục, chứ không phải thích gì nói nấy. Cứ thích thì nói nấy thì anh thành ra mấy cái đứa blogger phản động trên mạng à?

Blogger: Tôi là nhà báo. Tôi có cách tiếp cận và xử lý thông tin của tôi.

AN (nhấn mạnh): Anh không phải nhà báo. Anh làm gì có thẻ tác nghiệp, hả? Nhà báo tự do à? Điếu Cày à?

Blogger: Nhà báo thì sao mà không là nhà báo thì sao? Không lẽ chỉ nhà báo mới được viết? Mà luật nào cấm blogger được viết? Hiến pháp của chúng ta cũng đã quy định…

AN (ngắt lời): Khổ. Anh lại cực đoan rồi, anh Y. Tôi đã nói rất rõ là nói gì thì nói, viết gì thì viết, phải có thông tin xác thực, lập luận thuyết phục trên cơ sở xây dựng anh ạ. Anh xưng anh là nhà báo thì lại càng phải thế, phải có trách nhiệm với những gì mình viết chứ. Anh xem lại các bài viết của mình mà xem, toàn là những bài hết sức cực đoan, phiến diện vì thiếu thông tin.

Blogger: Thế anh nói “có những cách hiệu quả hơn để đóng góp ý kiến” là những cách gì?

AN: Nếu thực sự anh có tinh thần xây dựng, muốn đóng góp ý kiến xây dựng Đảng thì anh sẽ tìm ra cách. Thiếu gì cách. Ví dụ – đây là tôi lấy ví dụ thôi nhé – anh có thể gửi thư riêng đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Chứ ai lại đi đưa lên blog công cộng như thế cho mấy đứa trên mạng nó đọc, rồi nó lợi dụng, nó bàn ra tán vào này nọ. Mình thấy nó hưởng ứng mình, mình tưởng thế là hay, chứ thực ra bọn nó chỉ lợi dụng mình thôi. Anh xem đấy, đến lúc anh bị bắt thì đứa nào giúp anh? Từ giờ phút này là chỉ có anh mới cứu được anh thôi, anh Y…

Phạm Đoan Trang
(Blog Đoan Trang)

’Song ngữ’ của báo chí nhà nước


Cập nhật: 06:36 GMT – thứ sáu, 21 tháng 6, 2013

Nhà báo Việt Nam
21/6 là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Hiện tình, dường như báo chí Việt Nam chỉ còn thốt lên được tiếng mẹ đẻ vào lúc chào đời. Nhưng một ngôn ngữ khác – tiếng nói phản biện dân chủ cho quyền lợi dân quyền và dân sinh – thì lại vẫn ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ.

‘Trùm mền’

Ngày Báo chí Việt Nam 21/6/2013…
Một nhà báo giấu tên rười rượi ánh mắt: “Viết cái gì nữa khi người viết không còn được nói lên tiếng nói của chính họ?”
“Tham nhũng là nỗi sợ hãi bế tắc của cả dân tộc, nhưng chưa bao giờ và chưa ở đâu người ta dám tìm ra lối thoát bằng cách gọi thẳng tên của một nhóm lợi ích nào đó. Sau vụ nhà báo Hoàng Khương bị truy tố rồi nhận án tù, cánh phóng viên hầu như im bặt trong một nỗi sợ vô hình, còn người dân lại chứng kiến những cảnh sát giao thông hiện hình trong tư thế núp lùm để chặn bắt xe cộ…”.
Hình ảnh bị xem là “núp lùm” của những bộ sắc phục màu vàng vẫn thường bị dòng người trên đường liên tưởng với tâm thế “trùm mền” của gần hết 700 tờ báo được xem là “đỏ”.
Tương tự như năm 2012, ngày kỷ niệm vinh dự nhất của báo chí Việt Nam năm nay lại trùng với thời điểm mà một kỳ họp của Quốc hội khóa XIII “thành công tốt đẹp”.
Suốt một tháng trời diễn ra kỳ họp quốc hội trên, trong khi nhiều các hãng tin phương Tây như AP, Reuters, The New York Times, BBC, RFI, VOA, RFA… cùng giới truyền thông xã hội ở Việt Nam ầm ào con sóng bình luận về những sắc thái và động thái không mấy bình thường nơi nghị trường Việt Nam, tuyệt đại đa số báo chí nhà nước lại như lắng giọng trong một thứ ngôn ngữ không thành tiếng.
Viết cái gì nữa khi người viết không còn được nói lên tiếng nói của chính họ?
Một nhà báo
Ánh mắt của nhà báo giấu tên còn trở nên xa xăm hơn khi biểu tả về không khí Quốc hội: “Hàng trăm đại biểu mà còn không phát biểu thì báo giới im lặng thật ra đâu có gì lạ! Nói mãi nhưng có thay đổi được gì đâu!
Ngay như cái quan hệ cấp thiết đến đời sống người dân là chuyện không thể có quy định về thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội trong Luật đất đai mà Ủy ban thường vụ quốc hội còn kiên trì bảo lưu theo hướng ngược lại, thì còn nói gì đến những luật lệ khác như trưng cầu dân ý hay biểu tình!”.
Không những cơ quan đại diện cho quyền lợi dân chúng như thể quay lưng với chủ đề ý dân, suýt nữa cánh nhà báo còn bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cấm cửa” tham dự phiên bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt – một sự kiện lần đầu tiên diễn ra tại nơi được coi là “thánh đường dân chủ”.
Với nhiều tờ báo và nhà báo, “dân chủ tác nghiệp” từ lâu nay đã trở thành một cụm từ hiếm muộn.

Uẩn ức lớn nhất

Không tính đến các hội nghị trung ương của Đảng vẫn thường mang sắc tố bảo mật đến mức tối đa, báo chí chỉ còn hiếm hoi cơ hội tham gia vào những cuộc gặp mặt mang tính phổ thông và công khai hơn, cũng là dịp để trang báo trở thành cầu nối đúng nghĩa giữa cơ quan dân cử, chính quyền với đại đa số cử tri và người dân – đối tượng thường thiếu thốn cơ hội để bày tỏ chính kiến.
Bối cảnh năm 2013 cũng đang thật sâu sắc và bùng nhùng hàm ý: chưa bao giờ lịch sử quốc hội và chính quyền Việt Nam lại phải chứng kiến cơn bão tố suy thoái kinh tế cùng phân hóa xã hội ghê gớm như hơn hai năm qua, với nhiều nguồn cơn được chỉ mặt về các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu, nhưng lại chẳng có bất cứ một chứng thực nào cho tên tuổi của chúng.
Nhiều năm qua, những vấn nạn trên đã kéo dài triền miên trong vô số uẩn ức, và được kết tinh trong những gì mà cơ quan dân cử cao nhất Việt Nam chưa hoặc không muốn thỏa mãn cho đòi hỏi của dân chúng.
Quầy báo
Việt Nam có trên 700 tờ báo
2013 lại là minh chứng sống động nhất cho hố phân cách giữa hiện tình quốc gia và tiếng nói báo chí. Với tư cách chỉ là kẻ đứng bên ngoài hành lang quốc hội, báo chí đang tự dẫn ra cho mình một uẩn ức lớn nhất: điểm kết thúc của tiếng nói phản biện.
Ngôn ngữ chính thống của báo chí vụt lắng bặt. Hình ảnh đeo bám rõ rệt nhất mà người ta có thể nhận ra là vài ba nhà báo tìm cách phỏng vấn Dương Trung Quốc – nhân tố cuối cùng còn sót lại của “thế hệ vàng”.
Còn “thế hệ vàng” những đại biểu quốc hội như Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng, Đỗ Trọng Ngoạn… đã không còn bất kỳ manh mối nào, tính đến giờ phút này.
“Quốc hội nào, Chính phủ nấy” – như một ẩn ý của Dương Trung Quốc. Nhưng là một nhà sử học, có lẽ những ý tưởng của ông cũng chỉ dừng lại ở đó. Sự im lặng triết học của người đi vào lịch sử quốc hội với chất vấn về văn hóa từ chức có thể đã trở thành điểm nhấn cuối cùng cho tâm lý “thoái khẩu” phổ biến trong đại trà các đại biểu quốc hội.
Với tâm trạng đồng cảm không kém dù không hoàn toàn tán đồng tư thế cam tâm như nhiều nghị sĩ, báo chí đành phải tự hài lòng với cái thế chông chênh tưởng như cân bằng của họ.

Hai ngôn ngữ cách biệt

Trong dĩ vãng tươi đẹp, báo chí nhà nước đã từng có được những điểm nhấn dị biệt và mất thăng bằng hơn hẳn so với hiện thời.
Cũng là tấm lòng sắt son với sự nghiệp và thiên chức của mình.
Từ năm 2006 – 2007 trở về trước, người ta có thể kể đến khuôn mặt của Tuổi Trẻ, Phụ nữ TP.HCM, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết…, với những tên tuổi như Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Sơn Phước, Thế Thanh, Lý Tiến Dũng… Song, thời gian trôi qua và những người được gọi là “thế hệ vàng” trong báo chí ấy cũng đã trôi dạt, để lại dấu ấn duy nhất là nỗi hổ thẹn cho lớp đàn em đi sau.
Nhà báo Hoàng Khương
Uẩn ức tích nén lại càng dễ bùng nổ. Vào đầu năm 2012, điều tưởng như vận hội mới đã đến với các tờ báo Việt Nam khi vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng nổ ra. Hơn 1.400 bài báo chỉ trong hai tháng với tinh thần ủng hộ “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn đã đủ cho thấy thái độ phản ứng đến thế nào của báo giới.
Cũng từ vụ Thái Bình năm 1997, mãi gần đây người ta mới nhận ra chân dung của báo chí Việt Nam đang vừa phân hóa sâu sắc, vừa hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố mà một số cơ quan vẫn thường lo sợ là “diễn biến hòa bình”.
Chỉ có điều, năm 2012 chỉ có ý nghĩa như một cuộc “khởi nghĩa hụt” của báo chí lề phải. Cho đến gần giữa năm đó, có vẻ như tâm trạng lo ngại về việc “quyền lực thứ tư” lộng hành đã xâm chiếm tất cả các cơ quan trong nội bộ. Cũng từ thời điểm ấy, một chiến dịch mang tên “Tuyên giáo” đã được quán triệt đến từng tờ báo.
Hiện tình, dường như báo chí Việt Nam chỉ còn thốt lên được tiếng mẹ đẻ vào lúc chào đời. Nhưng một ngôn ngữ khác – tiếng nói phản biện dân chủ cho quyền lợi dân quyền và dân sinh – thì lại vẫn ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ.
Bản lĩnh và nhân cách của báo chí cũng vì thế vẫn được bạn đọc dân Việt khơi gợi mổ xẻ đầy chua cay. Người ta vẫn dùng đến những tính từ không thể lột bỏ được tính cách miệt thị để chỉ những tờ báo chỉ thuần túy phát ra ngôn ngữ đường lối nhưng khác hẳn với lòng dân.
Giới blogger – “người anh em cùng cha khác mẹ” của báo chí lề phải – là một trong những nguồn dẫn đặc trưng về những tính từ như thế.
Quá ít người viết so với hơn hai chục ngàn tấm thẻ nhà báo được cấp phát bởi Bộ thông tin truyền thông, nhưng những gì mà cánh truyền thông xã hội làm được trong những năm qua xứng đáng được giới báo chí quan chức tham khảo, ít nhất về lòng tự trọng và những gì còn lại thuộc về dân tộc.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do ở TP Hồ Chí Minh.

COC và UNCLOS không có trong Tuyên bố chung Việt-Trung

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh, 20/06/2013.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh, 20/06/2013. (REUTERS/Mark Ralston/Pool)
Chuyến công du Trung Quốc trong ba ngày của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kết thúc vào hôm nay, 21/06/2013. Đúng như dự báo, vấn đề Biển Đông đã được Chủ tịch nước Việt Nam nêu lên trong các cuộc thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc, và đã được nêu lên trong bản thông cáo chung tổng kết chuyến thăm. Và cũng đúng với dự đoán, hai bên chỉ nhắc lại cam kết tăng cường đối thoại, và cố tránh đối đầu trên vấn đề này. Tuy nhiên, hai yếu tố Việt Nam rất mong muốn là Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông và nhu cầu tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc đã hoàn toàn vắng bóng trong văn kiện.

Trong ấn bản tiếng Việt của Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc dài gần 4000 từ, gồm 8 đề mục, được TTXVN loan báo, vấn đề tranh chấp Biển Đông được nêu khá chi tiết trong đề mục thứ tư, xác nhận rằng hồ sơ đã được nêu lên nhân chuyến công du Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang.

Mở đầu phần nói về Biển Đông, bản Tuyên bố chung nói rõ : “Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước”.

Sau khi liệt kê một số hướng hành động trong việc duy trì đối thoại nêu trên, bản Tuyên bố chung Việt Nam Trung Quốc kết thúc bằng cam kết nỗ lực tránh gây căng thẳng : “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại biển Đông".

Cơ sở có thể nói là pháp lý để hai bên quản lý tốt tranh chấp Biển Đông là hai văn kiện then chốt. Trước hết đó là thỏa thuận song phương Việt Trung - “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” – mà hai nước cam kết “nghiêm túc thực hiện”, và lẽ dĩ nhiên là bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), được cả hai nước “nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả”.

Điều được giới phân tích ghi nhận là trong toàn bộ những phần đề cập đến các vấn đề trên biển trong bản Tuyên bố chung, không hề có một từ ngữ nào nhắc đến yêu cầu tôn trọng “luật pháp quốc tế” hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, những khái niệm luôn luôn được phía Việt Nam nhấn mạnh trong những năm gần đây.
Xin nhắc lại là quan điểm của Bắc Kinh cho đến nay vẫn là không muốn tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các láng giềng bị quốc tế hóa.

Mặt khác, một trong những điều được Việt Nam mong đợi là tín hiệu từ phía Trung Quốc cho biết là họ sẵn sàng mở thương thuyết với ASEAN về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC. Tuy nhiên, trong bản Tuyên  bố  chung Việt-Trung nhân chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, không có bất kỳ từ ngữ nào về vấn đề này.
Trọng Nghĩa
(RFI)

Chủ tịch Trương Tấn Sang thỏa thuận gì với TQ?


000_Del6225382-305
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 năm 2013.  AFP PHOTO

 Khi Chủ tịch Trương Tấn Sang hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 19/6 thì cũng là lúc một cơn bão hình thành trên Biển Đông. Nhưng điều mà nhà lãnh đạo Việt Nam nhắm tới là hóa giải một cơn bão khác trong quan hệ với Trung Quốc đó là tranh chấp Biển Đông.

Mong muốn duy trì hòa bình

 Trả lời Nam Nguyên vào tối 20/6/2013, Thạc sĩ Hoàng Việt chuyên gia về Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, những thỏa thuận mà hai phía Việt Trung đạt được, qua chuyến công du của Chủ tịch Trương Tấn Sang, là một tín hiệu cho thấy nỗ lực của cả hai bên trong việc cam kết duy trì hòa bình an ninh khu vực, trong đó có cả Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt nhắc lại sự kiện báo chí ngày 20/6 đưa ra việc hai bên thống nhất thỏa thuận khai thác chung về dầu khí trên Vịnh Bắc bộ, mà trước đây đã có hiệp định phân định. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh:

“Theo tôi, đấy cũng là một tín hiệu đáp lại việc trước đây đại diện nhóm diều hâu Trung Quốc kêu gọi dùng biện pháp quân sự, tôi cho rằng cuộc gặp này cũng khẳng định một điều: lãnh đạo cả hai nước mong muốn duy trì hòa bình trên khu này trong đó có cả Biển Đông đặc biệt giữa hai quốc gia, đó cũng là điều đáng ghi nhận.
Theo tôi, đấy cũng là một tín hiệu đáp lại việc trước đây đại diện nhóm diều hâu Trung Quốc kêu gọi dùng biện pháp quân sự.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Tuy nhiên tôi thiên về một ý khác, thông thường lãnh đạo Trung Quốc bao giờ cũng mềm mỏng nhẹ nhàng và bao giờ cũng đưa ra những bài phát biểu rất hòa bình, trong khi các lực lượng khác của họ lại luôn luôn có những hành động rất cứng rắn. Vấn đề quan trọng nhất theo tôi, không biết nhà lãnh đạo Việt Nam có thể  cùng bàn bạc với lãnh đạo Trung Quốc để cùng chỉ đạo và thống nhất từ trên xuống dưới của cả hai bên là phải tuân thủ những thỏa thuận đạt được, thì điều đó mới thực sự đem lại hiệu quả và duy trì hòa bình trên vùng Biển Đông.”

Trước sự chứng kiến của ông Trương Tấn Sang và ông Tập Cận Bình, hai phía Việt-Trung đã ký kết 10 văn kiện hợp tác nhiều mặt. Trong đó đáng chú nhất là mở rộng diện tích thỏa thuận trên Vịnh Bắc Bộ về thăm dò tìm kiếm các mỏ dầu khí.

Theo báo điện tử Chính phủ Việt Nam, thỏa thuận được ký kết với nội dung: mở rộng khu vực xác định từ 1541km2 lên thành 4076km2, bao gồm hai phần tương đương nhau từ mỗi bên; và tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thỏa thuận thăm dò chung đến hết năm 2016.

Theo VietnamNet, ông Đỗ Văn Hậu Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam xác định thỏa thuận này không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Vì đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí. Theo cách giải thích của ông Đỗ Văn Hậu thì trong khu vực thỏa thuận mở rộng 4.076km2 trên vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc Bộ, việc thăm dò và khai thác sẽ phải là hợp tác giữa hai Tổng công ty Dầu khí của hai quốc gia Việt-Trung.

000_Hkg8715319-250
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong buổi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20 tháng 6 năm 2013. AFP PHOTO.

Hai bên cũng thỏa thuận việc thiết lập đường dây nóng để giải quyết những va chạm trong hoạt động nghề cá trên Biển Đông. Ngoài ra Việt Nam cũng nhận được 2 khoản tín dụng ưu đãi từ phía Trung Quốc, khoản thứ nhất trị giá 320 triệu nhân dân tệ cho dự án hệ thống thông tin đường sắt và khoản thứ hai trị giá 45 triệu USD liên quan tới dự án nhà máy Đạm than Ninh Bình.

TS Sử học Nguyễn Nhã một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc tại Saigon nhận định:

“Mọi người đều biết rõ ý đồ Trung Quốc hiện nay như thế nào ở Biển Đông cũng như trên thế giới. Dĩ nhiên Việt Nam là một nước nhỏ và ở bên cạnh Trung Quốc. Tôi nghĩ những hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng như tất cả các hoạt động ngoại giao thì chắc chắn sẽ góp phần làm cho căng thẳng ngày càng giảm đi, nhưng trong thực tế chính trị là vấn đề rất phức tạp.”

Nói một đàng làm một nẻo?

Theo Saigon Tiếp Thị Online, chiều ngày 19/6 tại Bắc Kinh trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo Việt-Trung, đại diện Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ký thỏa thuận về việc ‘Thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá.’ Trong khi đó hãng tin Pháp AFP trích tờ Trung Quốc Nhật báo cho biết, với việc thiết lập đường dây nóng, hai phía Việt Nam và Trung Quốc sẽ thông báo cho nhau mọi hoạt động bắt giữ xử lý tàu cá và ngư dân của phía bên kia trong vòng 48 giờ.

Được yêu cầu đánh giá về thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về va chạm trong hoạt động nghề cá trên Biển Đông, Thạc sĩ luật quốc tế Hoàng Việt từ Saigon nhận định:
Khi mà mình có đường dây nóng, là một sự tích cực, nhưng việc chúng ta luôn luôn phải đối phó là nói một đàng làm một nẻo, thì cái đó quả thực là  thực tế sẽ có câu trả lời thôi.
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã
“Trước mắt chúng ta ghi nhận thiện chí của cả hai bên Việt-Trung về việc này. Thông thường về phía ngư dân Việt Nam thì luôn luôn gặp khó khăn từ phía các lực lượng Trung Quốc và là lực lượng xuất phát của họ. Với việc thiết lập đường dây nóng này thì cũng là cách để lập một kênh để Việt Nam chính thức phản hồi và nó nhanh hơn. Và có lẽ nó giúp cho việc minh bạch hóa khi người lãnh đạo Trung Quốc hay đổ thừa rằng, do các địa phương làm và họ không kiểm soát hết. Tôi cho rằng đây chỉ là một tín hiệu thôi chứ còn khẳng định là nó có hiệu quả hay không thì chắc chúng ta phải chờ đợi.”

Cùng về vấn đề này, trả lời Nam Nguyên vào tối 20/6, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã từ Saigon nhận định:

“Khi tôi tham dự Hội thảo Biển Đông ở Quảng Ngãi, các học giả trong đó có cả học giả nước ngoài đã đi thăm tàu đánh cá của ngư dân bị bắn cháy, tàu của ông Bùi Văn Phải. Với việc thiết lập đường dây nóng thì thực tế những sự kiện xảy ra có thể không đến nỗi nặng nề như vậy, khi mà mình có đường dây nóng. Làm được là một sự tích cực, nhưng việc chúng ta luôn luôn phải đối phó là nói một đàng làm một nẻo, thì cái đó quả thực là  thực tế sẽ có câu trả lời thôi.”

Trung Quốc công bố chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông Việt Nam mà họ gọi là Nam Hải, dựa theo một bản đồ công bố trong những năm 1940. Việt Nam cũng công bố những bằng chứng lịch sử cho thấy mình có chủ quyền rõ rệt trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn dĩ bị Trung Quốc dùng vũ lực lấn chiếm trong thập niên 1970 và 1980. Biển Đông Việt Nam là đường vận chuyển hàng hải quan trọng và khu vực có trữ lượng dầu mỏ rất phong phú. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam còn một số quốc gia khác cũng công bố chủ quyền một số đảo và bãi đá trên vùng biển Trường Sa.

Tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây rất căng thẳng sau rất nhiều vụ phía Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá bắt giam ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc. Hoặc những vụ tàu lạ đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam hay vụ tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Quảng Ngãi hồi tháng 3 vừa qua. Đó chỉ là những vụ việc liên quan đến ngư dân ở lãnh vực dầu khí phía Trung Quốc từng vài lần phá hủy cáp thăm dò địa chất đáy biển của phía Petro Vietnam. Sự lộng hành nước lớn của Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân Việt Nam, với hàng chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra trong thời gian qua. Nhưng chính quyền Việt Nam đã thẳng tay đàn áp bắt giữ những người tham gia biểu tình, sự kiện này càng làm cho lòng dân nghi ngờ mất tin tưởng vào Nhà nước.

Một ngày trước khi lên đường viếng thăm Trung Quốc, Chủ tịch Trương Tấn Sang trả lời báo chí rằng “Việc giải quyết vấn đề Biển Đông là hết sức hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của người dân.”

Các chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc cùng chung quan điểm là, Chủ tịch Trương Tấn Sang qua chuyến đi của ông có thể cho thấy các nổ lực làm giảm căng thẳng, nhưng làm thế nào để vừa khẳng định bang giao hòa bình, nhận viện trợ Trung Quốc lại muốn bảo vệ ngư dân trên biển, giải quyết đa phương về vấn đề Biển Đông, ít nhất là từ phía nam quần đảo Hoàng Sa đến khu vực Trường Sa, đây thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời.

Tuyên bố chung Việt Nam, Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: AFP
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay kết thúc chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung:
1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 năm 2013.
Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình; lần lượt hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang. Trong không khí thẳng thắn, hữu nghị, Lãnh đạo hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Ngoài Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm tỉnh Quảng Đông.
2. Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt-Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung, tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài.
3. Việt Nam và Trung Quốc đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Hai bên coi sự phát triển của nước kia là cơ hội phát triển của nước mình, nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm là các lĩnh vực dưới đây:
(i) Duy trì tiếp xúc cấp cao thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, điện đàm qua đường dây nóng, gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa phương... để tăng cường trao đổi chiến lược, nắm vững phương hướng đúng đắn phát triển quan hệ hai nước. Phía Việt Nam hoan nghênh lãnh đạo Trung Quốc sớm sang thăm Việt Nam, phía Trung Quốc hoan nghênh Lãnh đạo Việt Nam sang thăm và tham dự các Hội nghị tại Trung Quốc.
(ii) Hai bên đánh giá tích cực kết quả Phiên họp lần 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế quan trọng này, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí cùng nhau thực hiện tốt “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” được ký kết trong chuyến thăm này, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước đạt được tiến triển mới.
(iii) Hai bên hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hai Đảng trong những năm qua, nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 9, tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy xây dựng Đảng và đất nước ở mỗi nước.
(iv) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước, thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, duy trì trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao, tổ chức Tham vấn Ngoại giao thường niên và tăng cường giao lưu cấp Cục, Vụ giữa hai Bộ Ngoại giao.
(v) Hai bên đánh giá tích cực kết quả Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ 4, nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước, phát huy tốt vai trò của cơ chế Đối thoại chiến lược quốc phòng và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng để tăng cường tin cậy lẫn nhau. Đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị trong quân đội, tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ. Thực hiện tốt “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc” (sửa đổi) ký kết trong chuyến thăm này, tiếp tục triển khai tuần tra chung biên giới trên đất liền. Làm sâu sắc thêm hợp tác biên phòng trên đất liền và trên biển, trong năm nay triển khai hai đợt tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Tăng cường trao đổi và điều phối trong các vấn đề an ninh đa phương khu vực. Trao đổi nghiên cứu hình thức mới, nội dung mới trong triển khai hợp tác quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước.
(vi) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an hai nước, tăng cường các chuyến thăm cấp cao và đơn vị nghiệp vụ của cơ quan thực thi pháp luật hai bên, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như phòng chống tội phạm xuyên biên giới, giữ gìn trật tự trị an xã hội cũng như xây dựng năng lực thực thi pháp luật, sớm triển khai các hoạt động thực thi pháp luật chung trên các lĩnh vực, duy trì an ninh và ổn định khu vực biên giới hai nước. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai giao lưu hợp tác giữa cơ quan cảnh sát biển hai nước. Hai bên nhất trí sớm khởi động đàm phán về “Hiệp định dẫn độ Việt-Trung” trong nửa cuối năm nay.
(vii) Hai bên nhất trí tăng cường điều phối chiến lược về phát triển kinh tế, thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016” và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, dịch vụ cũng như hợp tác khu vực “Hai hành lang, một vành đai.”
Hai bên sẽ sử dụng tốt cơ chế Ủy ban Hợp tác kinh tế-thương mại song phương, thực hiện tốt “Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc”; hai bên nhất trí tích cực áp dụng các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt để thúc đẩy cân bằng thương mại song phương trên cơ sở đảm bảo thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cố gắng hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD. Tiếp tục thúc đẩy xây dựng các dự án hợp tác kinh tế - thương mại quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, khu công nghiệp, kết nối giao thông trên bộ, trong đó ưu tiên thúc đẩy xây dựng các dự án đường bộ và đường sắt kết nối khu vực biên giới trên bộ hai nước như tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội...
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương. Tiếp tục thúc đẩy tiện lợi hóa thương mại và đầu tư song phương, bao gồm khuyến khích thanh quyết toán bằng đồng bản tệ trong trao đổi mậu dịch tại khu vực biên giới. Khuyến khích doanh nghiệp nước mình sang nước kia đầu tư, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.
(viii) Hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương về nông nghiệp, tăng cường giao lưu khoa học kỹ thuật nông nghiệp và nâng cao năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân rộng các loại giống cây trồng nông nghiệp sản lượng cao và chất lượng tốt, bao gồm các loại giống lúa lai, thúc đẩy ngành chế biến và thương mại hàng nông sản phát triển, tập trung thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng chống dịch bệnh động thực vật xuyên biên giới và an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, nâng cao khả năng dự báo và mức độ chia sẻ thông tin.
(ix) Tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện tốt “Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2011 - 2015”, “Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015”, sớm hoàn thành việc xây dựng Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực. Hai bên nhất trí tổ chức Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ 2 vào nửa cuối năm nay tại Trung Quốc, đồng thời tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động như Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung…, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị Việt-Trung để gia tăng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
(x) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban hợp tác về khoa học công nghệ giữa Chính phủ hai nước, khuyến khích và ủng hộ giới nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hai nước triển khai hợp tác với nhiều hình thức như cùng nghiên cứu và phát triển, cùng xây dựng phòng thí nghiệm chung, chuyển giao công nghệ… trong các lĩnh vực hai bên quan tâm như nông nghiệp, công nghệ thông tin, năng lượng mới, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước…
(xi) Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển.
(xii) Hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước; đánh giá tích cực việc hai nước thành lập Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trong chuyến thăm lần này; đồng ý thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cửa khẩu biên giới giữa hai nước; tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng của các cửa khẩu biên giới, cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông hành cho người, hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu nhằm phục vụ việc qua lại và phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước. Sớm khởi động việc xây dựng cầu Bắc Luân II Việt-Trung. Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán mới “Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân” và “Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc” vào nửa cuối năm nay, cố gắng sớm đạt được tiến triển thực chất. Hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý sông suối biên giới, phòng chống thiên tai lũ lụt, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên sông suối xuyên biên giới.
(xiii) Hai bên sẽ tiếp tục thực hiện tốt “Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”; tích cực nghiên cứu phương thức kiểm tra liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đánh giá cao “Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển” được ký kết trong chuyến thăm lần này, xử lý thỏa đáng các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa hai nước phù hợp với quan hệ hai nước.
4. Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ..., kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển.
Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực.
Hai bên nhất trí gia tăng mật độ đàm phán của Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt-Trung, trong năm nay thực hiện một đến hai dự án hợp tác trong số ba dự án đã thỏa thuận, bao gồm Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.
Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
5. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.
6. Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc cùng là hai nước đang phát triển, có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị cấp cao Đông Á..., cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Hai bên nhất trí lấy năm nay - năm kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, làm cơ hội để thực hiện toàn diện nhận thức chung mà Lãnh đạo các nước ASEAN và Lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 10 năm, không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, kết nối giao thông, hải dương, xã hội nhân văn..., đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
7. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký “Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”, “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc” (sửa đổi), “Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển”, “Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu”, “Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc”, “Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước”, “Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2013-2017 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc”, “Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ” và nhiều văn kiện hợp tác kinh tế khác.
8. Hai bên hài lòng trước những kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhất trí cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, hữu nghị của phía Trung Quốc và mời Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ cảm ơn.
Bắc Kinh, ngày 21 tháng 6 năm 2013
(TTXVN)

'Đàn áp và tự phê bình ở Việt Nam


Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào là những blogger vừa bị bắt gần đây

Tạp chí The Economist của Anh tuần này có bài bàn về thực trạng Hà Nội mạnh tay trấn áp giới bất đồng chính kiến và blogger trong lúc nỗ lực phê và tự phê của quan chức và lãnh đạo bị xem chỉ có tính chiếu lệ.

Bài báo có tựa "Chính trị Việt Nam: Mánh khóe tín nhiệm" với tiêu đề phụ "Đàn áp thì khốc liệt; tự phê bình thì nhẹ nhàng."

Bài này mở đầu bằng đề cập tới hai vụ bắt giữ blogger mới nhất là Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy, anh trai của sinh viên Đinh Nguyên Kha vốn bị xử tù 8 năm gần đây.

Những vụ bắt giữ này, cùng với vụ bắt blogger Trương Duy Nhất, là “một phần của chiến dịch trấn áp giới bất đồng quy mô hơn vốn được tăng cường từ tháng 12 năm ngoái khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục ra lệnh cho an ninh sẵn sàng ứng phó với “các thế lực thù địch” dùng internet để truyên truyền nhằm đe dọa an ninh quốc gia và chống Đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam”.

“Ủy ban Bảo vệ Nhà báo nói rằng Việt Nam nay là nhà tù lớn thứ sáu thế giới cho nhà báo”.

Tạp chí có uy tín của Anh đánh giá rằng “Cũng như các nuớc có hệ thống toàn trị khác, chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển internet vì lý do kinh tế.

“Tuy nhiên chính phủ Việt Nam lại đang cố gắng bóp nghẹt việc dùng internet để bày tỏ quan điểm hoặc để truy cập các nguồn không tin khác ngoài báo chí và truyền hình của nhà nước.”

Bỏ phiếu tín nhiệm
"Hai phần ba quốc hội đáng ra đã phải có cơ hội bày tỏ tín nhiệm “thấp” cho ai đó để người này bật khỏi ghế"
The Economist
Tuy nhiên bài báo nhận xét thực trạng bùng nổ blog có cái nhìn chỉ trích không hề suy giảm bởi điều họ gọi là có quá nhiều thứ đúng là cần phải chỉ trích.

“Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, trở thành mục tiêu của nhiều sự bất bình.

“Vụ tuyệt thực của ông Cù Huy Hà Vũ từ hôm 27/05, là lời nhắc nhở cho người dân Việt Nam về một học giả bị bỏ tù vào năm 2011 sau khi kiện ông Dũng lạm dụng chức quyền.”

Vào đầu tháng Sáu đã diễn ra việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. 498 đại biểu bỏ phiếu theo ba cấp độ (tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp).

“Gần một phần ba dân biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp với ông Dũng trong khi đối thủ của ông trong cuộc đấu đá nội bộ bao trùm lên đảng cầm quyền, ông Trương Tấn Sang lại có phiếu tín nhiệm cao.”

Tuy nhiên báo này nhận định việc lấy phiếu tín nhiệm mang nặng tính hình thức.
“Để ai đó bị bật ghế đòi hỏi tỉ lệ phiếu 'tín nhiệm thấp' từ hai phần ba thành viên quốc hội."

“Hơn nữa, các đại biểu không được có lựa chọn 'không tín nhiệm' với chính phủ, một bước lẽ ra sẽ phản ánh chính xác hơn tâm trạng của nhiều người Việt Nam,” bài báo kết luận.
(BBC)

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Lê Quốc Quân và cuộc truy đuổi vòng quanh

Lê Quốc Quân lại bị bắt giam

Ngày 27/12/2012, Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt. Việc bắt Lê Quốc Quân không phải chuyện lạ. Bởi đây là lần thứ 3 Lê Quốc Quân bị bắt vào nhà giam. Khác với hai lần trước, những lý do bắt bớ Lê Quốc Quân là “tổ chức hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” và “gây rối trật tự công cộng”, lần này, lý do bắt là “tội trốn thuế” – một tội danh nghe qua rất “bình thường” ở Việt Nam. Nhưng đối với Lê Quốc Quân, đây là cả một câu chuyện có quá trình dài.
Ngày 7/3/2007, Lê Quốc Quân bị bắt, tận ngày 19/3/2007 mới bị khởi tố theo điều 79 tội “tổ chức hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Sau 3 tháng, anh được trả tự do với bản tin trên báo chí rằng: “Trong quá trình tạm giam để điều tra, Lê Quốc Quân đã thành khẩn, xin được khoan hồng và có đơn trình bày. Vì vậy sáng 16/6, Lê Quốc Quân đã được cơ quan bảo vệ pháp luật thả về đoàn tụ gia đình” mặc dù đến ngày 25/10/2007, mới có quyết định đình chỉ điều tra bị can. Thực ra, ai cũng biết Lê Quốc Quân đã được thả ra không vì sự nhân đạo quá mức của nhà nước, mà chỉ là vì áp lực mạnh mẽ khi Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước muốn sang thăm Hoa Kỳ.
Ngày 4/4/2011 khi đang đi đến xem phiên tòa công khai xử sơ thẩm Cù Huy Hà Vũ Lê Quốc Quân lại bị bắt cùng với bác sĩ Phạm Hồng Sơn vì tội “gây rối trật tự công cộng”. Quá trình bắt giữ vụ này, dưới con mắt chứng kiến của không biết bao nhiêu người dân đi tham dự phiên tòa với video và chứng cứ đầy đủ rằng việc bắt bớ này hoàn toàn tùy tiện và có chủ đích đen tối. Một phong trào ủng hộ những người bị bắt bớ đã dấy lên khắp nơi. Sau 10 ngày giam giữ, Lê Quốc Quân lại được thả ra và kèm theo cái gọi là “Quyết định cảnh cáo”. Ngày 27/11/2011. Lê Quốc Quân lại bị nhận “Quyết định cảnh cáo” vì đã dám đi biểu tình ủng hộ Thủ tướng đề nghị có luật biểu tình.
Và điểm nút là ngày 27/12/2012, Lê Quốc Quân bị bắt vì tội trốn thuế, sau khi người em ruột của Quân cũng đã bị bắt giam mấy tháng trước đó để “điều tra”.
Như vậy, tội danh “trốn thuế” xem ra hữu hiệu hơn lý do “hai bao cao su đã qua sử dụng” trong vụ Cù Huy Hà Vũ. Và con đường đến trại giam của Lê Quốc Quân khá lòng vòng.
Nhưng cuối cùng, thì Lê Quốc Quân, một người ưa các hoạt động xã hội, quan tâm đến tình hình đất nước, biên giới, hải đảo và là người có nhiều đóng góp công sức cho cộng đồng công giáo cũng đi đến đích được soạn sẵn… nhà tù cộng sản. 
“Trốn thuế” hay “hai bao cao su”?
Ở nước ngoài, trốn thuế là một tội danh nặng nề. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp trốn thuế là “chuyện thường ngày ở… khắp nơi”. Đến mức độ báo chí nhà nước phải kêu lên là quá nhiều doanh nghiệp trốn thuế. Ngày 3/6/2013 Báo Dân Trí có bản tin: “TP.HCM: Gần 1.300 doanh nghiệp bỏ trốn, “xù” luôn tiền thuế”.  “Nhiều doanh nghiệp dùng thủ thuật để trốn thuế”. Trong năm 2012, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra gần 12.500 hồ sơ về thuế, phạt và truy thu hơn 6.000 tỉ đồng…
Ls Lê Quốc Quân nộp
hồ sơ tự ứng cử ĐBQH
Do vậy, khi bị bắt về tội “Trốn thuế” người dân thường dễ tin hơn là tội “tổ chức lật đổ chính quyền nhân dân”. Bởi vì, ở VN đã hình thành một tâm lý từ rất xưa, nghiễm nhiên thành một quy luật xã hội rằng đã doanh nghiệp, hẳn nhiên trốn thuế.

Thế nhưng, việc tận dụng tội danh này trong một số vụ án nhằm lấy cớ bắt người đã lộ liễu đến mức người dân nghe qua là cảnh giác, nhất là đối với các đối tượng, những người yêu dân chủ, muốn có những đổi thay về chính trị. Điển hình là vụ án Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, một người đi đầu trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lược và là một Blogger – Câu lạc bộ nhà báo tự do.
Ngày 20/4/2008, Công an quận 3 Sài Gòn bắt Nguyễn Văn Hải tại Đà Lạt. Ông bị đưa ra tòa tuyên 30 tháng tù vì tội trốn thuế. Bản án đã gây một làn sóng dư luận nghi ngờ tính trung thực của hành vi khởi tố và xét xử. Nhưng, phía nhà nước vẫn nghênh nghênh rằng: Ông Hải bị tù vì tội trốn thuế mà thôi.
Nhưng, cha ông đã dạy “Nói dối hay cùng”. Sau đó, chính báo chí nhà nước đăng tin như sau: “Ngày 20/4/2008, Nguyễn Văn Hải bị bắt vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN” (Báo Petrotimes). Đến đây, tội danh “trốn thuế” đã được chứng minh chỉ là cái cớ. Thế rồi mãn hạn tù, chừng như chưa yên tâm thả ra, ông Hải tiếp tục bị nhốt để ra tòa tiếp vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” thêm 12 năm tù.
Người ta thừa biết rằng, nếu không có tội danh “trốn thuế” cho Điếu Cày, thì sẽ có “hai bao cao su đã qua sử dụng” như với Cù Huy Hà Vũ. Những sự thật sẽ dần dần lộ sáng cho biết giá trị của nền pháp quyền XHCN là gì.
Với Ls Lê Quốc Quân, có vẻ như tội danh trốn thuế cũng đã được lặp lại làm cái cớ bắt giữ. Màn kịch cũ lại được đưa ra diễn lại ở Hà Nội, nhân vật chính đã thay đổi nhưng nội dung vở kịch vẫn như cũ. Lê Quốc Quân đã bị bắt vì trốn thuế như thế nào?
 Trước khi Lê Quốc Quân bị bắt, em trai Quân là doanh nhân Lê Quốc Quản đã bị bắt giữ, khám xét đồ đạc cùng với các nhân viên một công ty khác. Sau một thời gian, nhiều người trong công ty cùng bị bắt với Lê Quốc Quân ở công ty của mình.
Việc bắt giữ khẩn cấp một giám đốc vì trốn thuế với số tiền được nêu ra là 437,5 triệu đồng có ý nghĩa gì khi ngay cũng thời gian đó, một vụ án khác đã được đưa ra xét xử với tội danh trốn thuế hàng chục tỷ đồng được xử án treo? Thậm chí với kẻ chủ mưu vụ án cũng không bị bắt giữ mà chỉ “cấm đi khỏi nơi cư trú”. Vụ án này được chính báo An ninh Thủ đô đăng tải. Lẽ nào cơ quan điều tra Thành phố Hà Nội không đọc bản tin này để thấy rằng giữa con số hàng chục tỷ đồng có thật và 437,5 triệu đồng đang điều tra lại cần có sự xử lý khác biệt và khắc nghiệt đến vậy?
Đây không chỉ là câu hỏi, mà là câu trả lời cho những ai còn nghi ngờ về lý do “trốn thuế” trong vụ án này. 

Nguyễn Văn Hải bị bắt vì cớ “trốn thuế” nhưng thực chất là đây
Điều tra? Án tại Hồ sơ?

Bản Cáo trạng của Viện KSND Thành phố Hà Nội đưa ra trong vụ án Lê Quốc Quân trốn thuế, cho người ta thấy cách điều tra của các cơ quan công an Hà Nội “công phu và tỉ mỉ” đến hài hước nhường nào trong vụ án này. Không rõ với phương thức điều tra này, số tiền 437,5 triệu trốn thuế kia (nếu có), có đủ cho phục vụ một phần nhỏ công việc điều tra đó?
Điều đáng nói là dù một người ít hiểu biết về pháp luật, nhưng đọc bản cáo trạng này, thì có thể khẳng định rằng không thể có ai thoát tội trốn thuế ở Việt Nam khi cơ quan công an cần bắt.
Này nhé, bạn ăn ba bát phở, mỗi bát 50 ngàn đồng, bạn trả tiền 150 ngàn và lấy hóa đơn hẳn hoi. Nhưng khi cơ quan điều tra đến, họ sẽ điều tra ra rằng mỗi bát phở chỉ đáng giá 20 ngàn, như vậy ba bát phở chỉ 60 ngàn và dù bạn có hóa đơn, giấy tờ chứng minh đầy đủ là đã trả tiền, thì bạn vẫn bi kết tội kê khống 90 ngàn để… trốn thuế. Vì sao ư? Lời khai của những người được công an triệu tập sẽ phù hợp với việc chứng minh rằng mỗi bát chỉ đáng giá 20 ngàn đồng và đó mới là cái cần đề kết tội! Còn việc anh đã trả 150 ngàn là chuyện không cần biết?
Tương tự ở đây, Công ty Giải pháp Việt Nam thuê các chuyên gia, có hợp đồng đầy đủ, giấy tờ chi tiền, nhận tiền với chữ ký từng cá nhân… phù hợp pháp luật. Thế nhưng, công an “triệu tập làm việc” và kết quả lời khai rằng họ đã không nhận đủ số tiền đó. Vậy là công ty bị kết tội ghi khống để trốn thuế mà không cần biết phía chi tiền có đồng ý đối chất hoặc thừa nhận việc đó là có hay không. Như vậy, những hợp đồng, những chữ ký của ngay chính những người đã nhận tiền có giá trị hơn, hay những lời khai trước cơ quan điều tra của từng người khi một mình họ đối diện với cán bộ điều tra tại cơ quan công an có giá trị hơn?
Theo cách nghĩ đơn giản nhất của người dân, khi  ký chữ ký của mình, người ký phải chịu trách nhiệm pháp lý về chữ ký đó. Việc anh ký nhận 10 triệu đồng, nhưng anh chỉ nhận một triệu, đó là lỗi và là trách nhiệm của anh mà cơ quan pháp luật không thể vì thế mà truy tội người chi tiền.
Cũng theo cáo trạng nói trên, một số giao dịch, mua bán hàng hóa được thể hiện rõ ràng bằng hóa đơn, hợp đồng… thế nhưng khi công an điều tra và nhận được lời khai rằng không có các giao dịch. Thế là tội đổ lên đầu người mua bất kể ý kiến của người mua ra sao.
Vậy về pháp lý, những hóa đơn đó nói lên điều gì? Việc xuất hàng, nhận tiền được xác nhận đầy đủ bằng chữ ký và con dấu có giá trị gì trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và xã hội, hay chỉ phụ thuộc vào ý muốn của cơ quan điều tra coi đó có là chứng cứ hay không?
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự ghi rõ:
Điều 72. Lời khai của bị can, bị cáo
1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Đọc bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội trong vụ án này, dù không có chuyên môn về luật pháp, người ta cũng không khỏi có những nghi ngờ cần thiết cho sự minh bạch và công lý ở quá trình điều tra, kết tội ở đây. Hầu hết, những kết tội của cơ quan điều tra là căn cứ vào lời khai, bỏ qua tất cả những giấy tờ, hợp đồng, hóa đơn có giá trị pháp lý hẳn hoi nhằm kết tội Lê Quốc Quân là giám đốc Công ty? Trong khi đó, chính nạn nhân là Lê Quốc Quân đã không hề được có ý kiến gì nêu ra tại đây?
Vậy đây là pháp luật hay đòn thù khi mà Bộ luật Tố tụng hình sự đã ghi rõ: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. 
Vở hài kịch sẽ đi đến đâu?
Sơ qua vài chi tiết trong vụ án này, để thấy rõ hơn cái lý do bị bắt về tội “trốn thuế” của Lê Quốc Quân. Ở đó, là cả một quá trình công phu, tỉ mỉ và là con đường vòng vo đưa Lê Quốc Quân đi đến nhà tù sau khi hàng loạt lượt bắt bớ, giam giữ đã không thành công.
Vở hài kịch này sẽ dẫn đến đâu?
Chúng ta hãy chờ xem nền pháp lý Xã hội Chủ nghĩa biểu diễn như thế nào để thể hiện tính ưu việt “không cần tam quyền phân lập” như TBT Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố.
Hà Nội, ngày Báo chí Việt Nam, 21/6/2013

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Danlambao 21/6/2013

Trung cộng ép Việt Nam cho đào dầu trên Vịnh Bắc Bộ

Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam đã đồng ý để cho Trung Cộng được quyền tìm kiếm dầu chung giữa hai nước bên trong phần biển của Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ, theo nguyên tắc “hợp tác cùng phát triển” mà hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng Hồ Cẩm Đào đã ký tại Bắc Kinh ngày 11/10/2011.
Việc này xẩy ra ngay sau khi Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh họp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình vào chiều ngày 19/6 (2013).

Nhân ngày 21/6, viết về một nhà báo không nói láo bị đảng bắt mặc áo tù


Nam Phương (Danlambao) – Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 21/6 hàng năm là cả hệ thống báo chí, truyền thông lề đảng bắt đầu bỏ công, bỏ việc để tham gia cái gọi là ‘hoạt động chào mừng’ ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Tại một số tờ báo được gọi là có ‘tính đảng cao’, công tác chuẩn bị đã được chu tất trước đó mấy ngày.  Không khí nhộn nhịp với những lần cụng ly chúc tụng cho nhau. Không phải riêng cánh nhà báo mà có cả các quan chức từ trung ương đến địa phương coi đây là dịp gặp gỡ để “trao đổi những hợp đồng”…

Chỉ một con đường cứu nước

Nguyên Thạch (Danlambao) - 
Dân tôi đó miền quê lam lũ
Oằn lưng ra nuôi lũ đần đú đê hèn
Chúng biến dân tôi đời trâu ngựa thành quen
Cam tâm nhận một bọn hèn bán nước…

Giáo sư Lú sắp được phong… lưỡng quốc trạng nguyên


CTV Danlambao – Từ ngày 25 đến 27 tháng 6/2013, TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ chính thức viếng thăm Thái Lan. Trong chuyến đi kỳ này, ngài Trọng Lú sẽ chính thức được phong danh hiệu… lưỡng quốc trạng nguyên. Như vậy, ngài Trọng Lú sẽ trở thành vị TBT đầu tiên trong lịch sử đảng CS có đến hai bằng tiến sĩ lận lưng, một là cái bằng tiến sỹ Liên Xô chuyên ngành xây dựng đảng, và sắp tới là tiến sỹ danh dự ngành chính trị của trường đại học Thammasat University.

Chủ tịch Sang tái khẳng định mối quan hệ “16 chữ vàng, 4 tốt với “nước lạ” ?


Nhật Minh (Danlambao) – Hôm qua, ngày 19.6.2013, ông Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh theo lời mời cấp nhà nước của Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên trên cương vị chủ tịch nước, ông Sang đi sứ Bắc Kinh. Trong hai ngày làm việc, ông đã ký 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Đông, trong đó việc mối quan hệ “16 chữ vàng và 4 tốt” vẫn được tiếp tục duy trì.
David Thiên Ngọc (Danlambao) – Vào lúc 22 giờ đêm ngày 17/6/2013, “Tàu lạ” của “nước lạ” đã đâm chí mạng vào tàu cá của ngư dân Bình Định, khiến tàu vỡ tan tành, 8 ngư dân rơi xuống biển. Vị trí tàu cá bị đâm chìm nằm ngay trên lãnh hải VN. May thay 8 ngư dân đã được đồng đội, một tàu cá cùng địa phương Bình Định nỗ lực tìm kiếm và cứu vớt. Nếu không có thông tin nhanh chóng cùng với sự nhiệt tình của tàu bạn, những ngư dân cùng chung nỗi lo, bức xúc và sự hãi hùng đe dọa mạng sống trong lúc đi tìm cái ăn cái mặc cho bản thân, gia đình vợ con thì giờ này có thêm 8 gia đình ngư dân VN với hàng chục ánh mắt thất thần hướng về đại dương biển cả ngóng trông vô vọng.

Vùng nhạy cảm an toàn cho các nhà báo CHXHCNCC

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) – Một nhà báo an toàn là một nhà báo không làm phiền lòng anh Đinh Thế Huynh, một chính khách nước CHXHCNCC hiện đại, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng CS nước này.

“Ăn… nhà vệ sinh” và chuyện “lau mép”

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Thường khi “ăn vụng” miệng mép hay dính đầy gian manh, bị phát hiện, tức thời khó mà lau cho sạch! Ví dầu có lau sạch cũng để lại cái mùi “xú uế” trên miệng vì thức ăn là “nhà vệ sinh” của các cháu học sinh.
Ngọc Ẩn (Danlambao) - Dân ở cả hai miền Bắc và Nam Hàn đều có cùng nòi giống, tổ tiên và cùng sống chung trong một đất nước. Người dân Nam và Bắc Hàn có trí thông minh ngang nhau. Thế thì tại sao Nam Hàn phát triển mọi mặt và ngược lại dân Bắc Hàn chết đói? Sự khác biệt là Nam Hàn theo thể chế tự do dân chủ, tam quyền phân lập và ngược lại Bắc Hàn theo thể chế độc tài cộng sản và tất cả quyền hành đều nằm trong tay đảng CS.

Đồng hành cùng TS Cù Huy Hà Vũ: Chị Phạm Thanh Nghiên tiếp tục tuyệt thực lần 2

Dân Làm Báo – Sự kiện TS Luật Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực nhằm phản kháng chế độ lao tù CS đã tạo nên làn sóng ủng hộ khắp nơi. Vừa qua, chị Phạm Thanh Nghiên, một cựu tù nhân lương tâm và là một trong những người khởi xướng Tuyên bố Công Dân Tự Do của Chúng Ta đã tiếp tục tuyệt thực lần 2 để bày tỏ sự khâm phục và đồng hành cùng TS Cù Huy Hà Vũ.
Được biết, cuộc tuyệt thực của Phạm Thanh Nghiên được chia ra làm 2 lần. Lần 1 kéo dài từ ngày 16 đến 19/6. Đợt tuyệt thực lần 2 bắt đầu từ hôm nay, 20/6/2013. Trước khi bắt đầu tuyệt thực, Phạm Thanh Nghiên vừa trải qua một cơn đau nặng do bị ngộ độc thực phẩm.

Bản cáo trạng tội ác của đảng CSVN và Hồ Chí Minh (phần 4)


Đặng Chí Hùng (Danlambao) – Trong giai đoạn từ năm 1969 cho đến năm 1975, đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục gây nên những tội ác lớn lao đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa nói riêng. Đội ngũ tay chân thân tín của ông Hồ Chí Minh như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Trinh, Võ Nguyên Giáp… tiếp tục con đường đi của Hồ Chí Minh sau khi chết năm 1969 để tiến hành chính sách khủng bố, gây chiến tranh vi phạm hiệp định Paris 1973. Giai đoạn này chúng tôi xin gửi tới quý vị 3 nội dung tố cáo tội ác của đảng cộng sản Việt Nam như sau:
- Vi phạm hiệp định Paris 1973.
- Sử dụng trẻ em trong chiến tranh – vi phạm luật về chiến tranh và sử dụng trẻ em.
- Tiếp tục gây chiến tranh phi nghĩa với VNCH, gây đau thương cho dân tộc trong đó có những thảm họa kinh hoàng như “Đại lộ kinh hoàng” 1972 tại Quảng Trị, ám sát, khủng bố người dân và các nhân sỹ của VNCH.

Làm ơn lên tiếng cho tôi theo cùng


Vũ Bất Khuất (Danlambao)“Các bạn “dân chủ” ngày nay đề cập quá nhiều vấn đề cao siêu với đại đa số nhân dân Việt Nam. Nào là tự do bày tỏ chính kiến, tự do báo chí biểu tình bầu cử ứng cử gì đó rồi đa nguyên đa đảng, chống Trung Quốc v.v… và v.v… Từ đó mà “thành lập” các phong trào như Con Đường Việt Nam, rồi thì xuất hiện các nhân vật “lãnh tụ”, hoặc những nhân vật “anh hùng” tiên phong như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ…, thậm chí cả Bùi Minh Hằng… Vô khối. Vào tù rồi “tuyệt thực” rồi kêu gọi… Ầm ỹ trên báo mạng lề trái và có lẽ ở một số trang nước ngoài. Còn dân chúng: Im lặng! Dám chắc chẳng mấy người quan tâm. Và đương nhiên như thế có nghĩa là THẤT BẠI căn bản.” Trích phản hồi của Văn Vương trên Dân Luận.
 

Bản cáo trạng tội ác của đảng CSVN và Hồ Chí Minh (phần 4)

Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Trong giai đoạn từ năm 1969 cho đến năm 1975, đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục gây nên những tội ác lớn lao đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa nói riêng. Đội ngũ tay chân thân tín của ông Hồ Chí Minh như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Trinh, Võ Nguyên Giáp... tiếp tục con đường đi của Hồ Chí Minh sau khi chết năm 1969 để tiến hành chính sách khủng bố, gây chiến tranh vi phạm hiệp định Paris 1973. Giai đoạn này chúng tôi xin gửi tới quý vị 3 nội dung tố cáo tội ác của đảng cộng sản Việt Nam như sau:
- Vi phạm hiệp định Paris 1973.
- Sử dụng trẻ em trong chiến tranh - vi phạm luật về chiến tranh và sử dụng trẻ em.
- Tiếp tục gây chiến tranh phi nghĩa với VNCH, gây đau thương cho dân tộc trong đó có những thảm họa kinh hoàng như “Đại lộ kinh hoàng” 1972 tại Quảng Trị, ám sát, khủng bố người dân và các nhân sỹ của VNCH.
I. Vi phạm hiệp định Paris năm 1973: 
Đầu năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, nhân dân Việt Nam đặt kỳ vọng vào lời cam kết của cộng sản trong Hiệp định hòa bình, hòa giải dân tộc, bầu cử tự do với chính phủ 3 thành phần. Sau đó Nam Bắc ngồi lại với nhau, từ từ thống nhất trong hòa bình, để cho dân Việt Nam cả 3 miền được an hưởng thái bình. Hoa Kỳ rút quân và cam kết viện trợ nhiều tỉ đô la giúp tái thiết hai miền Nam Bắc. Đây là cơ hội tốt nhất cho cả dân tộc Việt Nam chúng tôi chấm dứt cảnh hai nhà cùng nòi giống tàn sát lẫn nhau. Hai miền Nam Bắc được thế giới tự do tiếp cận, giúp kiến thiết đất nước trong hòa bình.
Người đứng đầu phái đoàn miền Nam Việt Nam, 
Ngoại trưởng Trần Văn Lắm (giữa) 
ký hiệp định Paris hôm 02/3/1973 tại Paris.

Nhưng chữ ký hiệp định chưa ráo mực, Cộng sản đã lập tức vi phạm Hiệp định, ào ạt chuyển quân và vũ khí vào Nam, chuẩn bị tổng tấn công. Đây là một minh chứng cho thấy thêm bản chất lừa đảo của đảng cộng sản Việt Nam, đã bỏ mất biết bao cơ hội chung sống hòa bình, xây dựng đất nước. Đúng như lời cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từng nói: “Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Điều đó không lạ, bởi đảng cộng sản chưa bao giờ tôn trọng hiệp định, hiệp ước, lời nói hay lời hứa của họ. Vì vậy, cựu Trung Tá cộng sản Trần Anh Kim đã nói “cộng sản nói một đường làm một nẻo”.
Sau Hiệp định Paris, Mỹ bắt đầu rút quân, không can dự vào chiến trường Việt Nam. Hà Nội vui mừng tự do xâm lăng Miền Nam mạnh hơn. Cộng sản tiến đến đâu, dân Nam bỏ chạy về phía VNCH, lánh nạn cộng sản. Cộng sản phục kích trên quốc lộ, trên các con đường xuôi Nam, bắn thẳng vào đoàn dân chạy nạn. Nhiều nơi cộng sản phục kích hai đầu đoạn đường, tấn công, đoàn dân khốn khổ bị dồn cục, làm bia cho "giải phóng quân" tự do thảm sát. Máu đổ thịt rơi, tiếng kêu khóc của dân Nam vang trời, quân cộng sản vẫn không tha. Cộng sản Hà nội lập lại hành động tàn sát dân Nam giống như họ đã làm năm 1972 trong Mùa hè Đỏ lửa với Đại lộ kinh hoàng. Để thấy được điều này, chúng tôi xin gửi tới quý vị những dẫn chứng dưới đây.
Quá trình dẫn tới ký kết Hiệp định Paris 1973 như sau: Cuộc hòa đàm tại Paris bắt đầu từ 1968 vào cuối thời Tổng thống Lyndon Johnson và tiếp tục dưới thời Tổng Thống Richard Nixon nhưng không đạt được tiến bộ nào cả cho đến cuối nhiệm kỳ I của Ông Nixon khi ông Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc Gia của Tổng Thống Nixon đạt được một số đồng thuận trong những phiên họp bí mật với Ông Lê Đức Thọ, Trưởng Phái đoàn Thương thuyết của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) và trong cuộc tiếp xúc bí mật với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tại Bắc Kinh. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không đồng ý những điều kiện do CSBV đưa ra và đòi hỏi nhiều thay đổi. Hà Nội phản ứng bằng cách công bố chi tiết về những điều Kissinger và Lê Đức Thọ đã đồng ý. Cuộc hòa đàm trở nên bế tắc. Một mặt ông Nixon ra lệnh ném bom Hà Nội và Hải Phòng liên tục trong 12 ngày vào cuối năm 1972. Mặt khác, chính quyền Hoa Kỳ áp lực VNCH chấp nhận điều kiện ngưng chiến.
Ngày 23-1-1973, Lê Đức Thọ và Kissinger đồng ý về một thỏa hiệp sơ bộ. Bốn ngày sau đó, Hiệp Định Paris được chính thức ký kết vào 27-1-1973. Hiệp Định này đòi hỏi ngưng bắn toàn diện tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ rút hết số quân còn lại tại Việt Nam trong vòng 60 ngày, quân CSBV (khoảng 150, 000 binh sĩ) được phép ở lại miền Nam Việt Nam tại những vùng CSBV đã chiếm đoạt, và tất cả tù binh Hoa Kỳ được hồi hương. Hiệp Định Paris cũng kêu gọi Chính phủ VNCH và Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam thực hiện một cuộc bầu cử dân chủ và tự do tại miền Nam Việt Nam để chấm dứt cuộc xung đột. Tổng Thống Nixon hứa sẽ sử dụng Không Lực Hoa Kỳ để bảo đảm sự thi hành hiệp định này. Trong khi đàm phán, Hoa Kỳ tiếp tục rút quân và thi hành chương trình Việt Nam hóa để quân lực VNCH dần dần thay thế quân lực Hoa Kỳ.
Như vậy, trong thực tế thì người Mỹ đã thực hiện cam kết rút quân (sau này không can thiệp quân sự dẫn đến cộng sản có thể tự tung tự tác năm 1975), VNCH thì thực hiện đình chiến (trên thực tế chiến tranh Việt Nam thì quân đội VNCH ở thế phòng thủ). Trong khi đó đảng cộng sản đã không thực hiện nội dung của hiệp định Paris mà tiếp tục đưa quân, tăng viện để xâm chiếm trái phép VNCH. Xin nêu một số ví dụ để các quý vị thấy sự tăng cường của cộng sản sau hiệp định Paris để xé bỏ hiệp đinh, tiến hành xâm lược.
Đầu tiên, chúng ta có thể thấy được chủ trương xâm lược vi phạm hiệp định Paris năm 1973 qua đoạn trích dưới đây trong cuốn sách là hồi ký của tướng cộng sản Văn Tiến Dũng mang tựa đề "Đại thắng mùa xuân" có đoạn "Nhận thấy tình hình Mỹ không còn muốn chi viện cho địch, bộ chính trị và bộ tổng tham mưu họp khẩn trương thống nhất để tổng tấn công trên khắp miền Nam..." 
Qua đây chúng ta thấy điều gì? Đó là chính các vị tướng của cộng sản cũng nhận thấy Mỹ đã bỏ rơi VNCH và nhân cơ hội này, cộng sản đơn phương xé bỏ hiệp định đã ký để xâm lược trái phép nước khác.
Cũng cần phải nói thêm về việc lý do thứ hai trong việc VNCH bị thất bại trong cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ nền tự do dân chủ trước sự xâm lăng của cộng sản. Đó là sai lầm trong chiến lược ngoại giao của Mỹ cũng như cá nhân ngoại trưởng H. Kissinger. Điều này được thể hiện qua tài liệu đã được giải mật của chính phủ Mỹ. Đó là biên bản cuộc họp tại Bắc Kinh giữa Chu Ân Lai và H. Kissinger về vấn đề Việt Nam, Châu Á ngày 20 tháng 6 năm 1972 tại Bắc Kinh. Trong buổi họp này, Tiến Sĩ Henry Kissinger, Phụ Tá An Ninh của Tổng Thống Richard M. Nixon, và Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai đã thảo luận nhiều vấn đề thế giới và đặc biệt là giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Tài liệu gồm 37 trang cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới. Từ trang 1 đến trang 26, Hoa Kỳ và Trung Cộng bàn thảo về tương quan giữa các quốc gia cùng an ninh toàn cầu. Đặc biệt từ trang 27 đến trang cuối, Kissinger và Chu Ân Lai bàn luận kế hoạch giải quyết vấn đề Đông Dương. Khai thác sự rạn nứt Trung - Nga năm 1969, Hoa Kỳ muốn tái lập bang giao với Trung Cộng. Bang giao với Trung Cộng sẽ giúp Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, lấy lại hết tù binh, giải quyết những bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ và còn được khai thác thị trường to lớn trong lục địa. Để tái thiết ngoại giao với Trung Hoa, Kissinger đã nói với Thủ Tướng họ Chu: “Nếu chúng tôi sống chung được với một chính quyền cộng sản Trung Hoa, chúng tôi sẽ chấp nhận được ở Đông Dương”. Ngoài ra Kissinger cũng gián tiếp cam kết với Chu Ân Lai Hoa Kỳ không có ý định tiêu diệt hoặc đánh bại cộng sản Bắc Việt.
Quý vị có thể tìm đọc nguyên bản tiếng Anh tại link sau: 
Tạm dịch một đoạn quan trọng trong số đó "Những Nhân Vật Tham Dự: Thủ Tướng Chu Ân; Lai Ch’iao Kuan-hua Phó Tổng Trưởng Ngoại Giao; Chang Wen-Chin, Phụ Tá Tổng Trưởng Ngoại Giao; Tang Wen-sheng, Chao-chu, Thông Dịch Viên Hai nhân viên ghi chú biên bản, Tiến Sĩ Henry A. Kissinger, Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia; Winston Lord, Nhân Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia; John D. Negroponte, Nhân Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Ngày và Giờ: Thứ Ba, ngày 20 tháng 6 nắm 1972, 2:05 – 6:05 chiều

Địa Điểm: Đại Sảnh Đường Nhân Dân, Bắc Kinh.
Dưới đây là cuộc đàm thoại, thương lượng và trả giá giữa Henry A. Kissinger Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Richard M. Nixon và Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai về tương lai VNCH.”
Từ trang 27:

Tiến Sĩ Kissinger: Đó không phải là ý định của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định thành lập một chế độ công quản - nó đòi hỏi một hoàn cảnh khác thường để chúng tôi thực hiện điều này. Không phải là ý đồ của chúng tôi để tạo ra một chế độ công quản. Chúng tôi thực có ý định tạo dựng một bức tường ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng, dù về chính trị hay là thực thể vật chất. Điều khiến chúng tôi quan ngại nhất là khi cường quốc khai thác những xung đột địa phương cho mục đích riêng của họ.

Thủ Tướng Chu: Trong những phản đối của Nga Sô về bản thông cáo giữa chúng tôi với quí quốc hình như họ đặc biệt bày tỏ sự phản đối về nguyên tắc chung: “Không bên nào nên làm bá chủ.” Họ có nghĩ là điều đó nhắm vào họ không?

Tiến Sĩ Kissinger: Họ không nói, nhưng hình như họ nghĩ rằng điều đó có thể nhắm vào họ. Chúng tôi cho rằng nó nhắm vào những quốc gia muốn tạo chế độ công quản. Tôi có một thắc mắc lý thú từ Ấn Độ - không biết Thủ Tướng có nghĩ vậy không. Họ nói rằng khi Á Châu - Thái Bình Dương không bao gồm Ấn Độ, vậy những gì chúng tôi nói tức là chúng tôi thỏa thuận để Trung Hoa công quản Ấn Độ (cười). Nên tôi nói với họ là không đúng. Tôi mong Thủ Tướng không phật ý.

Thủ Tướng Chu: Ấn Độ là một quốc gia hết sức mập mờ. Đó là một quốc gia rất to lớn. Nhiều khi họ làm ra vẻ một quốc gia lớn, nhưng nhiều khi họ có mặc cảm tự ti.

Tiến Sĩ Kissinger: Họ bị khống chế bởi ngoại bang qua gần hết lịch sử của họ.

Thủ Tướng Chu: Vâng, đó có thể là một trong những nhân tố lịch sử. Và một nhân tố nữa là quá nhiều cạnh tranh vĩ đại trên thế giới. Bây giờ chúng ta sang tới vấn đề Đông Dương - Tôi muốn nghe ông trình bày.

Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng có nói ông có vài nhận định muốn nói với tôi. Có lẽ chúng ta nên đổi vị trí để Thủ Tướng phát biểu trước.

Thủ Tướng Chu: Có những vấn đề cần tranh luận, và chúng tôi muốn nghe ông trước để biết giải pháp của ông cho vấn đề.

Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng muốn gợi ý là sau khi nghe tôi trình bày tôi sẽ thuyết phục được khiến mọi tranh luận sẽ biến mất, và sẽ không còn điều gì thêm để Thủ Tướng phải nhận định?

Thủ Tướng Chu: Tôi không có những dự tính đó, nhưng tôi thực sự mong sẽ giảm thiểu được những tranh luận.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi sẽ trình bày sự thẩm định thật vô tư của chúng tôi. Tôi biết không hợp với ý Thủ Tướng, nhưng tôi nghĩ dù sao nó cũng ích lợi để Thủ Tướng hiểu quan điểm của chúng tôi về hiện tình. Và tôi sẽ trình bày tình hình từ khi Bắc Việt bắt đầu vụ tấn công ngày 30 tháng 3. Tôi tin rằng tôi đã giải thích với Thủ Tướng những mục tiêu tổng quát của chúng tôi ở Đông Dương. Hiển nhiên không phải mục tiêu của chính phủ này là sẽ duy trì vĩnh viễn những căn cứ tại Đông Dương hoặc tiếp tục chính sách khởi xướng bởi vị tổng trưởng ngoại giao đã từ chối bắt tay Thủ Tướng. Không phải như vậy? Chúng ta đang ở một giai đoạn lịch sử khác. Chúng tôi tin rằng tương lai quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh quan trọng vô biên cho tương lai của Á Châu hơn là những gì xảy ra tại Phnom Penh, tại Hà Nội hoặc ở Sài gòn. Chắc Thủ Tướng còn nhớ khi Tổng Thống Johnson đưa quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam ông biện minh rằng vì một phần những gì xảy ra tại Đông Dương đã được kế hoạch tại Bắc Kinh và là một phần của âm mưu thôn tính toàn cầu. Dean Rusk đã diễn đạt như vậy trong một bản tuyên bố. Rồi quí quốc tiến hành cuộc Cách Mạng Văn Hóa và không, với những gì tôi đọc, nhấn mạnh đến phiêu lưu ra ngoại bang.

Với thực tế chúng ta đang ngồi họp trong phòng này đủ thay đổi nền tảng mục đích của cuộc can thiệp đầu tiên tại Đông Dương. Là người thừa hưởng cuộc chiến vấn đề của chúng tôi là tìm cách thanh toán nó với một phương thức không ảnh hưởng đến uy tín toàn cầu của chúng tôi và - đây không phải là mối quan tâm chính của Thủ Tướng - để ổn định nội bộ tại Hoa Kỳ. Nên chúng tôi đã chân thành cố gắng để chấm dứt chiến tranh, và Thủ Tướng có thể biết hoặc không biết, tôi đã đích thân khởi xướng thương lượng với Bắc Việt năm 1967 khi tôi còn ở bên ngoài chính quyền khi không được quần chúng ưa thích, vì tôi tin rằng phải có một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến. Rồi từ khi chúng tôi nắm chính quyền chúng tôi đã cố gắng chấm dứt cuộc chiến. Và chúng tôi hiểu, như tôi đã thưa với Thủ Tướng trước đây là, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nhân tố vĩnh viễn trên bán đảo Đông Dương và có thể là một thực thể mạnh nhất. Và chúng tôi đã không có ý định tiêu diệt họ hoặc ngay cả đánh bại họ. Sau khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi sẽ triệt thoái xa 12 ngàn dậm. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn chỉ cách Sài gòn 300 dậm. Đó là một thực tế mà họ có vẻ không hiểu.

Thủ Tướng Chu: Điều mà họ quan tâm tới là vụ gọi là Việt Nam Hóa chiến tranh của quí quốc.

Tiến Sĩ Kissinger: Nhưng họ có một sự thiếu tự tin kỳ lạ. Chúng tôi đã cố gắng làm gì? Chúng ta hãy quên “họ là bậc thầy về phân tích những điểm khác nhau nhưng quên những khái niệm toàn bộ”. Chúng tôi đã cố gắng tách rời hậu quả quân sự ra khỏi hậu quả chính trị để rút ra khỏi vùng và để những thế lực địa phương tự xếp đặt tương lai của họ. Thật rất kỳ lạ, phía Bắc Việt đã cố níu chúng tôi ở lại để chúng tôi giải quyết vấn đề chính trị cho họ. Thí dụ như ngày 30 tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã đề nghị là chúng tôi sẽ triệt thoái tất cả lực lượng nếu có sự ngưng bắn và hoàn trả các tù binh.

Đúng là ngày 31, không phải 30. Phía Bắc Việt sẽ ở đâu ngày hôm nay nếu họ đã chấp thuận dề nghị này. Tại sao? Vì họ muốn chúng tôi lật đổ chính quyền và đặt để chính quyền của họ vào. Chúng tôi không thương lượng. Tôi cố gắng giải thích điều chúng tôi suy nghĩ.

Hậu quả thực tế của những đề nghị của chúng tôi vẫn là để chúng tôi triệt thoái. Hậu quả thực tế của những đề nghị của họ là giữ chúng tôi ở lại.

Họ có hỏi chúng tôi “có một đòi hỏi họ đưa ra mà chúng tôi đã không đáp ứng, không thể đáp ứng và sẽ không đáp ứng, dù phải trả với giá nào với những quan hệ khác”, và đó là chúng tôi lật đổ những nhân vật chúng tôi vẫn thường giao thiệp và cũng là những người tin tưởng ở chúng tôi, đã có một hành động nào đó. Đây không phải là sự ưa thích cá nhân của một nhân vật nào đó đối với những nhân vật liên hệ. Không phải vì chúng tôi muốn có một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn. Tại sao chúng tôi lại muốn một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn khi chúng tôi có thể sống với những chính quyền không thân Mỹ tại các quốc gia to lớn hơn nhiều ở Á Châu? Vì rằng một quốc gia không thể bị đòi hỏi để ràng buộc vào một hành động phản bội to lớn và coi đó như một nền tảng của chính sách đối ngoại.

Thủ Tướng Chu: Ông nói triệt thoái những lực lượng. Ông muốn nói triệt thoái toàn bộ Lục quân, Hải quân, Không quân, các căn cứ và tất cả?

Tiến Sĩ Kissinger: Năm ngoái khi tôi ở đây, Thủ Tướng đã hỏi tôi điều này. Tôi đã trình Thủ Tướng chúng tôi muốn lưu lai một số cố vấn. Rồi Thủ Tướng có nói một câu rất hay về hậu quả của cái mà Thủ Tướng gọi là “để cái đuôi ở lại.” Phần lớn do lời nói đó, chúng tôi, trong vòng một tháng, đã thay đổi đề nghị của chúng tôi nên bây giờ bao gồm luôn việc triệt thoái toàn bộ cố vấn trong những loại Thủ Tướng nêu lên bây giờ. Chúng tôi đã chuẩn bị triệt thoái tất cả lực lượng..."
Thứ hai, trên Website dạy lịch sử của trường THPT Lý nhân- Tỉnh Hà Nam của chính quyền cộng sản Việt Nam có bài viết về quan hệ Việt Nam - Liên Xô cũng đã khẳng định: "Từ năm 1973-1975, Liên Xô chuyển sang Việt Nam 65.601 tấn hàng hậu cần và trang bị vũ khí, kỹ thuật. Đây là một trong những điều kiện đảm bảo cho quân dân ta đẩy mạnh các hoạt động quân sự và giành thắng lợi quyết định trên chiến trường, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1-1973) và đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến kết thúc... Trong những năm 1974-1975, Liên Xô đã cố gắng giải quyết những nhu cầu thiết yếu của Việt Nam về lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép..., góp phần tích cực phát triền kinh tế Việt Nam." 
Qua đoạn trích quý vị thấy gì? Đó là một khối lượng khổng lồ viện trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam cộng sản trong thời gian sau hiệp định Paris 1973. Ngoài ra quan trọng hơn chúng ta thấy, sau năm 1973 trong khi VNCH bị cắt giảm viện trợ thì VNDCCH lại được tăng viện thêm đáng kể và đặc biệt còn được xóa nợ. Nếu không vì lý do xâm lược trái phép, vi phạm hiệp định Paris thì là điều gì khiến cộng sản tăng cường quân sự chuẩn bị như thế?
Quý vị có thể tìm hiểu bài viết qua link: 
Thứ ba, trên website của báo BBC Việt Ngữ có bản thống kê viện trợ của VNDCCH nhận được theo từng giai đoạn. Bài viết trích dẫn ngay bài viết của hai tác giả cộng sản thuộc viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, hai tác giả đó là Lê Quang Lạng và Trần Tiến Hoạt. Bài viết của hai tác giả trên có đoạn: "Tham luận ghi nhận trong 21 năm chiến đấu, Việt Nam đã "nhận được sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em." Bài báo này viết: "Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724.512 tấn, gồm: 75.267 tấn hàng hậu cần, 49.246 tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 65.601 tấn, Trung Quốc: 620.354 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác: 38.557 tấn."
Như vậy ta có thể thấy liên tục qua nhiều năm viện trợ quân sự của VNDCCH đến từ các nước cộng sản gần như không suy suyển mà thậm chí còn tăng lên, đặc biệt là từ sau khi ký hiệp định Paris 1973. 
Quý vị có thể tìm hiểu qua link sau: 
Thứ tư, quý vị hãy nghe người Trung cộng nói gì về sự việc VNCH bị Mỹ bỏ rơi. Trong cuốn sách "Trung quốc và Đông Nam Á" của hai tác giả La Cường - Kim Văn được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Lý luận Trung ương Trung quốc trang 56 có đoạn "Trung hoa có công lớn trong việc đẩy Hoa Kỳ vào một thế bị động kinh tế cũng như quân sự trên chiến trường Việt Nam. Chính điều này dẫn đến hậu quả tất yếu của sự thoái lui hoàn toàn, bỏ mặc sống chết chính quyền Sài Gòn của Hoa Kỳ sau năm 1973. Quan trọng hơn chính việc này giúp cho VNDCCH giành ưu thế tuyệt đối trong cuộc đối đầu quân sự năm 1975..."
Vậy thì chúng ta thấy được điều gì qua đoạn trích? Đó chính là việc người "anh em" của đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm biết điều đó và công nhận rằng chiến thắng của VNDCCH trước VNCH chỉ là một sự tất yếu khi Mỹ bỏ rơi đồng minh của mình. Và quan trọng hơn đây là một trong những âm mưu để xé bỏ hiệp định Paris của chính quyền cộng sản.
II. Sử dụng trái phép trẻ em trong chiến tranh:
Kính thưa quý vị,
Trong quá trình xâm lược trái phép VNCH, tiến hành chiến tranh phi nghĩa gây nên cảnh đau thương cho dân tộc Việt Nam chúng tôi thì đảng cộng sản cũng đã vắt kiệt sức lực của dân tộc. Bằng nhiều thủ đoạn ép buộc thanh niên phải vào Nam chiến đấu cho lợi ích của đảng như cắt khẩu phần ăn, hộ khẩu, ruộng đất, đầy đọa những ai không muốn tham gia chiến tranh phi nghĩa. Đồng thời, đảng cộng sản còn vi phạm công ước quốc tế về trẻ em cũng như sử dụng trẻ em trong chiến tranh. Điều này chúng tôi xin gửi đến quý vị những dẫn chứng như sau.
Thứ nhất, trên báo Dân trí của đảng cộng sản có cho biết một người đã tham gia du kích và khủng bố từ khi mới 14 tuổi: "Năm 1964, khi đó chỉ mới 14 tuổi, chị đã quyết định tiếp bước bố và anh trai đi theo con đường cách mạng. Chị tham gia Đội thiếu niên An ninh mật làng Hà Xá và được giữ chức vụ Đội trưởng. Đội hoạt động trên địa bàn hết sức nguy hiểm, phức tạp; ban ngày là địch chiếm đóng càn quét, ban đêm là lực lượng cách mạng của ta bí mật về hoạt động." 
Những ngày đầu tham gia cách mạng, dù tuổi đời còn trẻ song bằng mưu trí, sự khôn khéo, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc chị cải trang thành đứa trẻ chăn trâu, đứa cắt cỏ thuê để bí mật chuyển vũ khí, thuốc men vào căn cứ cách mạng; khi chị hóa thân vào làm người bán hàng rong trà trộn vào lòng địch cài bom hẹn giờ nổ đánh xe, tiêu diệt địch..."
Qua đây cho thấy đảng cộng sản đã sử dụng một em bé gái khi đó mới 14 tuổi vào cuộc chiến khủng bố “cài bom hẹn giờ”. Như vậy việc làm này của đảng cộng sản đã vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em.
Thứ hai, cũng về việc sử dụng trẻ em trong cuộc chiến là trường hợp của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính ông này và báo giới cộng sản tiết lộ ông Dũng tham gia quân đội cộng sản lúc 12 tuổi: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể với Hagel rằng ông đã tham gia cách mạng khi mới 12 tuổi".
Đây là một ví dụ cho thấy trẻ em đã được sử dụng như một công cụ chiến tranh của cộng sản. Một hành động phi pháp của đảng cộng sản Việt Nam cần được lên án.
Thứ ba, một người được báo giới cộng sản cho là năm 14 tuổi đã được chính Hồ Chí Minh phong cho danh hiệu “dũng sỹ diệt Mỹ”. Đây là sự việc thêm bằng chứng cho thấy Hồ Chí Minh và đảng cộng sản chủ trương lạm dụng trẻ em sai mục đích: “Năm lên 8, chị trở thành một liên lạc nhanh nhẹn, gan trường bên dòng sông Thu Bồn... Đến khi nghe gà gáy, biết trời sắp sáng, tôi vác cây súng Krăng M2 chạy về báo cho bộ đội địa điểm giấu súng. Tôi là người con gái đầu tiên của miền Nam được phong Dũng sĩ diệt Mỹ", chị Thu nhớ lại.”
Trong đoạn trích từ báo Người Đưa Tin của nhà cầm quyền cộng sản cho thấy, đảng cộng sản thậm chí còn sử dụng trẻ em ngay từ lúc 8 tuổi để hoạt động cho mình. Đây là hành động bóc lột sức lao động cùng như sử dụng trẻ em sai mục đich trong chiến tranh của đảng cộng sản.
Thứ tư, xin gửi đến quý vị một bài báo của nhà cầm quyền cộng sản giới thiệu một lúc 3 trẻ em được đảng cộng sản sử dụng vào mục đích khủng bố: Đoàn Văn Luyện: Quê Quảng Ngãi, Luyện lẳng lặng mạng lựu đạn phục kích định hạ chiếc trực thăng Mỹ. Không đánh được, Luyện quăng trái lựu đạn vào tụi Mỹ, giết 5 tên, Em gài mìn bẫy giặc rất mưu trí và diệt thêm 9 tên nữa. Thành tích giết giặc đó đã đưa em tới danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi”... Hồ Văn Mên: Mên đã tiêu diệt gần 80 tên địch gần gấp 6 lần tuổi mình. Tại đại hội chiến sỹ thi đua tỉnh, Mên được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng 3 danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới và dũng sĩ quyết thắng cấp ưu tú... Kơ- Pa - Kơ - Lơng: Người đội viên anh hùng của núi rừng Bơ-lây-me… Mười lăm tuổi, đánh tổng cộng 30 trận, khi trở thành chiến sỹ giải phóng, anh lại được tuyên dương là anh hùng các Lực lượng vũ trang Giải phóng Miền Nam.”
Như vậy điều luật về quyền của trẻ em đã bị đảng cộng sản Việt Nam vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời cho thấy đảng cộng sản còn dung trẻ em vào khủng bố là một hành động phi nhân cần phải nghiêm minh xét xử.
III. Tiếp tục chiến thuật khủng bố nhân dân:
Kính thưa quý vị!
Về cơ bản chính đảng cộng sản Việt Nam đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm và can thiệp của một quốc gia độc lập, có chủ quyền đó là VNCH. Điều này hiện nay đã được hé mở nhiều hơn trong nhiều tài liệu gần đây. 
Thứ nhất, trên trang chủ của đảng bộ tỉnh Bến Tre cũng đã công nhận sự kiện này. Đoạn văn có viết “Tháng 12-1959, Hội nghị đại biểu các tỉnh miền Trung Nam Bộ được triệu tập để truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương và bàn chủ trương chuyển hướng phong trào. Đêm 2-1-1960, Hội nghị cán bộ lãnh đạo Bến Tre do Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập tại một địa điểm ở Mỏ Cày để truyền đạt nghị quyết của Trung ương và bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá thế kiềm kẹp của địch. Nghị quyết của hội nghị là phát động một tuần lễ nổi dậy đồng loạt trong tĩnh từ 17-1-1960 đến 25-1-1960. Ngày 17-1-1960, theo kế hoạch đã định, cuộc Đồng khởi nổ ra thắng lợi đúng như dự kiến tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày).”
Quý vị có thể xem nội dung bài viết trên trang chủ của tỉnh ủy Bến Tre theo link sau: 
Như vậy rõ ràng cộng sản Việt Nam công nhận sự “nổi dậy” chính là một hình thức kích động bạo lực mà người khởi điểm là đảng cộng sản. Vậy thì ai là kẻ can thiệp vào nội bộ quốc gia khác? Đó chính là đảng cộng sản Việt Nam. Đây là một hành động khủng bố trái với luật pháp quốc tế. 
Thứ hai, theo một tài liệu do đảng cộng sản ấn hành, Việt Minh đã để lại miền Nam 60.000 đảng viên (trích trong Tổng Kết Cuộc Kháng Chống Thực Dân Pháp, Thắng Lợi và Bài Học, Hà Nội, 1996): “Cán bộ và đảng viên được đặt dưới quyền lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ Ủy Nam Bộ. Vào ngày cuối cùng của thời hạn tập kết ở Cà Mau, sau khi chúng ta đánh lừa địch bằng cách giả bộ lên tàu tập kết, đồng chí Lê Duẩn đã tìm cách rời khỏi tàu vào lúc nửa đêm để ở lại.” 
Như vậy, rõ ràng miền Bắc đã chuẩn bị tấn công miền Nam ngay khi Hiệp Ước Genève chưa kịp ráo mực, chứ không phải vì miền Nam không chấp nhận tổng tuyển cử vào năm 1956 hoặc vì có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam mà đảng cộng sản luôn tìm cách tuyên truyền mị dân, sai sự thật. 
Và kết quả là cuộc “đồng khởi” Bến Tre cũng chỉ là chiêu bài khủng bố chính trị cũng như đời sống nhân dân VNCH dưới chiêu bài “Nhân dân Chống Mỹ” mà thôi. Khi mà Mỹ chưa nhảy vào thì kích động “nổi dậy” làm gì? Đó chẳng phải là hành động can thiệp vào nội bộ một quốc gia độc lập là gì nữa? 
Thứ ba, để kết hợp với sự kiện “Đồng Khởi” được kích động bởi trung ương đảng cộng sản Việt Nam thì đảng cộng sản cũng tiến hành công cuộc xâm chiếm chủ quyền một nước khác một cách bất hợp pháp một cách có hệ thống. Họ cho thành lập đoàn 559 khi chưa có bóng dáng quân Mỹ tại Việt Nam với khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước”. 
Đây là nguyên văn bài viết trên trang của ban tuyên giáo trung ương Việt Nam “Ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 ra đời, với nhiệm vụ mở đường, đưa đón cán bộ, bộ đội, vũ khí, đạn được, lương thực… từ miền Bắc vào miền Nam và vận chuyển vật chất giúp nước bạn Lào. Được khai sinh vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), đường mang tên "Đường Hồ Chí Minh".”
(Quý vị có thể kiểm chứng ở website có địa chỉ sau: 
Qua đó quý vị có thể thấy đảng cộng sản đã chủ trương “đồng khởi” kết hợp với xâm chiếm VNCH - một quốc gia hợp pháp ngay từ khi quân Mỹ còn ở tận đâu đó bên nhà của họ. Trên thực tế người Mỹ trước năm 1965 chỉ vào Việt Nam dưới dạng cố vấn xây dựng quân đội cũng như hoạt động nhân đạo. (Xem “Những sự thật cần phải biết” - bài 2). 
Thứ tư, để làm rõ âm mưu kết hợp “đồng khởi” với xâm chiếm này thì hãy xem người Liên Xô - đàn anh của cộng sản Việt Nam nói gì. Tài liệu của Liên Xô đăng trong cuốn sách có tên “Một bước đi lớn” - bởi nhóm tác giả đã từng hoạt động trong KGB và do NXB Quân đội Liên bang Nga xuất bản năm 1999 nói về hoạt động tình báo của Liên Xô (quý vị có thể tham khảo giới thiệu ở bài “Những sự thật không thể chối bỏ - phần 13 - Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn!” có đoạn ở trang 130 có viết: “Chính quyền VNDCCH dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh có đường lối rõ rệt để có thể tiến công Miền Nam Việt Nam. Họ biết kết hợp kích động nổi dậy do các chiến sỹ nòng cốt được cử vào Miền Nam làm chỉ huy với việc cho xây dựng con đường vận tại chiến lược 559 sau này mang tên của chính chủ tịch Hồ Chí Minh...” 
Đoạn trích cho thấy Liên Xô đánh giá và nói rất đúng về cái gọi là “kích động nổi dậy” và kết hợp xây dựng con đường nhằm gây nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn và phi nghĩa. Điều này minh chứng nhân dân “nổi dậy” chỉ là cái hình thức cho một sự xúi giục có chỉ huy của cộng sản Việt nam tại VNDCCH. Nhân dân cả hai miền đã bị cộng sản lừa dối.
Thứ năm, trong cuốn sách “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học”, Nxb. CTQG, H, 1995, có đoạn viết: “Kết hợp đấu tranh xuống đường với nổi dậy vũ trang khiến cho chính quyền Mỹ-Diệm rối loạn và thiệt hại về kinh tế cho chúng là phương pháp cách mạng bạo lực đem lại thành công...” 
Qua đoạn trích chúng ta thấy gì? Đó là một đảng chủ trương đem hình thức khủng bố đến với nhân dân một nước khác mà họ lại đánh giá tự hào cho thấy bản chất xấu xa của đảng cộng sản. Ngoài ra điều này cũng minh chứng cho sự thật là các cuộc “nổi dậy” thực chất chỉ là những cuộc kích động khủng bố của đảng cộng sản. 
Thứ sáu, trên trang chính dư địa chí của tỉnh ủy Thừa Thiên Huế với link:
Có đoạn viết: “Tháng 11/1957, Tỉnh ủy Thừa Thiên họp tại bản Ấp Rùng, xã Thượng Long miền Tây Thừa Thiên Huế. Hội nghị đã quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên Huế thành căn cứ cách mạng. Tỉnh ủy bố trí cán bộ từ đồng bằng lên, cùng với một số cán bộ đã cắm bản từ trước kiên trì bám trụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào nhanh chóng giác ngộ, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ bằng vũ khí thô sơ đã nảy sinh trong phong trào quần chúng. 

Giữa lúc phong trào cách mạng miền núi Thừa Thiên Huế đang có bước chuyển biến quan trọng thì ánh sáng Nghị quyết 15 (1/1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về đường lối cách mạng miền Nam được truyền đến Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Tỉnh ủy khẩn trương tổ chức học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương. Một trong những nhiệm vụ chiến lược của Nghị quyết Trung ương 15 là việc mở đường 559 - đường Hồ Chí Minh. Miền núi Thừa Thiên Huế với con đường 559 nối liền mạch máu với cả nước từng bước trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc làm chỗ dựa cho đồng bằng.” 
Cũng trên trang này ở bài viết khác có đoạn: “Sau năm 1963, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt nhằm đưa phong trào lên một thời kỳ mới, thời kỳ phá kìm, giành dân, đưa phong trào đồng bằng lên thế đấu tranh chính trị, quân sự, tiến công địch bằng cả ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận. 
Đầu năm 1964, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trương: “Phát huy sức mạnh của quần chúng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, lợi dụng sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn mà tổ chức lực lượng, tiến công mạnh mẽ, đều khắp, làm tan rã, tê liệt chính trị, tư tưởng và tổ chức, phá ấp chiến lược, chuẩn bị thiết thực cho việc phá thế kìm kẹp của địch”. Thực hiện chủ trương trên, nhân dân Thừa Thiên Huế bước vào phong trào đồng khởi đồng bằng năm 1964. 

Đến mồng 5 rạng ngày 6/7/1964, phong trào đồng khởi diễn ra khắp vùng đồng bằng trong tỉnh. Ở phía Bắc tỉnh, nhân dân nhiều xã nổi dậy phối hợp với bộ đội và đội công tác võ trang tiến hành tấn công địch, phá ấp chiến lược, xóa bỏ ngụy quyền, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở cơ sở và chính quyền tự quản của nhân dân. Phong trào Đồng Khởi đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn gồm nhiều xã: Phong Sơn, Phong An, Phong Thái, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền), Phong Nhiêu, Quảng Thái (Quảng Điền) và Hương Vân, Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Mai, Hương Thái, Hương Bình, Hương Thạnh (Hương Trà). Ở phía Nam, lực lượng vũ trang phối hợp với nhân dân tấn công và nổi dậy giải phóng các xã Phú Đa, Phú Hồ và một số thôn của Vinh Phú, Vinh Thái, Phú Xuân, Phú Lương (Phú Vang); Lộc An, Lộc Tụ (Phú Lộc); nhiều thôn xã của xã Thủy Bằng, Thủy Thanh, Thủy Phương (Hương Thủy)...”
Qua hai đoạn trích trên đây cho thấy xuyên suốt quá trình trước năm 1965 mặc dù chưa hề có quân Mỹ tại VNCH và đặc biệt là những chính sách của nền đệ nhất cộng hòa như “Người cày có ruộng” hay “Cải cách kinh tế” đã làm cho đời sống nhân dân đi dần vào ổn định thì hành động của đảng cộng sản chỉ đạo hoàn toàn là dùng bạo lực khủng bố nhân dân, chính quyền và xâm phạm quyền tụ chủ của đất nước khác. Những kích động bạo lực đó minh chứng cho chủ trương sắt máu của đảng cộng sản. 
Kính thưa quý vị! 
Chính bởi chính sách khủng bố đã được hoạch định mà hậu quả là làng xóm của VNCH bị tan hoang, thành phố bị đánh bom, người dân bị chết, nhân sỹ bị ám sát. Trong suốt thời gian từ năm 1969 đến 1975, do được chuẩn bị rất kỹ về chiến lược khủng bố nên đảng cộng sản đã gây nên những cuộc khủng bố đẩm máu. Trong bản cáo trạng này, chúng tôi xin gửi đến quý vị những ví dụ điển hình sau đây.
Thứ nhất, trên trang baomoi.com có dẫn trích một bái báo của báo quân đội nhân dân của đảng cộng sản Việt Nam với link: 
Có đoạn viết nguyên văn như sau: “Diễn biến trận đánh như sau: Phi Long đi xe máy mô-bylet chở một trái mìn đi trước, đồng chí Rãy đạp xe giả làm người bán báo chở một trái DH10 đi sau đủ tầm nhìn thấy nhau. Gần đến cầu Hang, Phi Long đi chậm lại quan sát, chờ thời cơ vượt trạm gác. Khi người dân tập trung đi về phía giữa cầu, lợi dụng đông người che khuất, Phi Long cho xe vượt qua, đồng chí Rãy cũng đạp xe theo qua khỏi trạm gác cùng lao nhanh về hướng mục tiêu. Dừng lại một phút để quan sát, thấy 3 tên cảnh sát vẫn đứng trước cầu thang lên xuống nhà hàng, còn phía trên bờ sông 4 tên cảnh sát đứng dàn hàng ngang súng tiểu liên cầm tay, hai tên công an chìm đi lại ngay bãi trống đối diện nhà hàng. Tại các ngã tư địch tăng cường xe bọc thép và bọn lính dã chiến hình thành thế bảo vệ quanh mục tiêu. Đây là một sự bất thường xảy ra trong khu vực, một tình huống ngoài dự kiến. Nhưng Phi Long quyết tâm là phải đánh và đây cũng là thời cơ đánh khi địch tập trung cao nhất. Anh động viên đồng chí Rãy: Dù hy sinh hai anh em mình cũng phải hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng và Quân đội trong trận đánh này. Quan sát thêm, Phi Long thấy có vài người bán hàng rong qua lại trước mục tiêu và kế đó lại có hàng bán thuốc lá. Nhìn đồng hồ đeo tay chỉ còn vài phút nữa thôi, Long liền chạy xe cập mục tiêu. 
Long tự nhủ thật bình tĩnh để địch không nghi ngờ phát hiện, anh dừng xe máy nhắm đúng hướng mìn thổi vào 2/3 thân tàu. Mồ hôi rịn đầy trên trán, song anh vẫn cố tỏ ra ung dung thản nhiên móc tiền bước đến quầy mua thuốc lá, những tên công an vẫn qua lại không biết gì. Chỉ còn 2 phút nữa thôi, trái mìn DH10 sẽ nổ. Anh nhanh chóng đi đến bên cạnh công viên, áp sát người vào một trụ cột, lợi dụng bóng tối bỏ 2 trái thủ pháo xuống sông rồi lẹ làng lách người qua công viên cách đó 5m nhảy lên chiếc xe gắn máy mà đồng chí Tám Sâm đã để sẵn. 

Đồng chí Rãy cũng đã gài xong quả mìn định hướng thứ hai. Hai người lên xe, vừa chạy ra khoảng 50m thì trái mìn thứ nhất mà Phi Long gài đã nổ. Lao xe đến bùng binh Nguyễn Huệ thì Long bị cảnh sát chặn lại khám xét, kiểm tra thấy giấy tờ hợp pháp bọn chúng để cho hai người đi. Vừa lúc đó, trái mìn thứ hai của đồng chí Rãy gài nổ tiếp. Cả Sài Gòn như bừng lên khí thế tiến công. Tiếng còi báo động của địch vang lên inh ỏi, đường phố trở nên một cảnh tượng hỗn loạn, chỉ riêng những người lính đặc công biệt động mừng vui khôn tả.
Vài phút sau, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng có mặt và chứng kiến cảnh tan nát này đã lắc đầu thất vọng và ủ rũ cúi đầu leo lên xe như không dám tin vào những gì vừa xảy ra.
Ngày 23-6-1965, Huỳnh Phi Long được cấp trên tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất, các đồng chí Lê Văn Rãy, Tám Sâm, Kiều Nương và Nguyễn Thị Hoài đều được tặng huân chương Chiến công hạng 3. Riêng tập thể đội biệt động 67 được tặng thưởng huân chương Quân công hạng 3.”
Qua đoạn trích chúng ta thấy gì? Đó là sự chuẩn bị khủng bố kỹ lưỡng và hết sức táo tợn. Còn ngay sau đó là sự kiện ông Long và đội quân khủng bố của ông được thưởng huân chương cho thấy tính chất dã man không còn tính người của những người cộng sản. Hãy xem vài bức ảnh trong cuộc khủng bố đó để thấy sự thật:
Khủng bố Huỳnh Phi Long 
Thứ hai, Uwe Siemon-Netto, ký giả nổi tiếng người Đức sau khi đi theo một tiểu đoàn Miền Nam vào ngôi làng bị Việt cộng khủng bố năm 1965 báo cáo như sau: 
“Lung lẳng trên các cành cây và sào trong sân làng là thân xác xã trưởng, người vợ và 12 đứa con vừa trai, vừa gái kể cả cháu bé. Tất cả nam đều bị cắt cu dái nhét vào mồm, còn nữ bị cắt rời vú. Dân làng được lệnh bắt buộc tập trung chứng kiến cảnh tàn sát. Việt cộng bắt đầu giết em bé rồi với một điệu bộ thao diễn chậm rãi ra tay lần lượt giết các em lớn, tới giết người mẹ và sau cùng là giết người cha. Việt cộng đã giết cả nhà 14 người, giết một cách lạnh lùng như thể bấm cò súng đại liên bắn máy bay”.
“Việc VC tàn sát thế này là việc bình thường hàng ngày... Vì với chúng tôi nó đã trở thành bình thường nên chúng tôi không tường thuật tới, tường thuật lui mãi mãi”. 
Đây là đoạn tạm dịch của nguyên bản tiếng Anh: 

“Dangling from the trees and poles in the village square were the village chief, his wife, and their twelve children, the males, including a baby, with their genitals cut off and stuffed into their mouths, the females with their breasts cut off". The Vietcong had ordered everyone in the village to witness the execution. They started with the baby and then slowly worked their way up to the elder children, to the wife, and finally to the chief himself... It was done very coolly, as much an act of war as firing anti-aircraft gun. " It was routine... Because it became routine to us, we did not report it over and over again”. (Trích trong cuốn “The Real War” của cựu tổng thống R. Nixon trang 39-40.)
Qua đây cho thấy bản chất dã man của đảng cộng sản mà nhân dân VNCH phải gánh chịu. Đảng cộng sản đâu có “nổi dậy” mà thực chất họ đang khủng bố một quốc gia khác.
Thứ ba, vụ thảm sát mậu thân tại Huế năm 1968 cũng là một trong những minh chứng tang thương cho số phận của nhân dân vô tội VNCH trong chính sách tàn bạo và khủng bố của đảng cộng sản. Quý vị có thể đọc lại những con số khủng khiếp của sự kiện này tại phần 14 -“Những sự thật không thể chối bỏ - Ai làm cho Huế đau thương”. Chúng tôi xin chỉ nêu lại một điều đó là qua các dẫn chứng trong phần 14 của các bên liên quan cho thấy con số từ 4000-5000 là con số người chết oan trong tết mậu thân 1968 ở Huế.
Vấn đề con số chính xác đến từng người không phải là vấn đề quá quan trọng. Ở đây là dù với con số hàng nghìn, 4000 hay 5000 nghìn cũng cho thấy tội ác mà cộng sản đã gây ra cho nhân dân Huế vô tội. Đó là tội ác giết người cần phải được lên án. 

Thứ tư, sự kiện pháo kích tại Cai Lậy. Là chiến dịch khủng bố Việt cộng đã pháo kích hỏa tiễn (DKZ 122 mm) vào trường tiểu học tại thị trấn Cai Lậy, tỉnh Định Tường, (Tiền Giang) ngày 9 tháng 3 năm 1974. Đúng ngay vào lúc các em đang trong giờ ra chơi. Giết chết 32 em học sinh và 55 học sinh khác bị thương. Vụ thảm sát tuy nổi tiếng, gây ấn tượng mạnh trong dân chúng lúc bấy giờ nhưng không được thế giới biết đến nhiều, cũng như không được báo chí nhắc đến. 
Hiện còn 3 người tận mắt chứng kiến cuộc pháo kích của VC sáng ngày 9/3/1974 vào Trường Tiểu Học Cộng Đồng Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường làm chết tại chỗ 29 em học sinh. Chính ba người này đã đích thân bồng các em bị thương đầy máu me lên xe cứu thương chở về Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa tỉnh Định Tường cấp cứu. Ba người này, 2 người hiện đang sống ở Westminster, California, Hoa Kỳ; 1 người hiện sống tại Jacksonville, Florida, Hoa Kỳ. 
...Hỡi bé thơ ơi, sao tội tình gì em lại bỏ đi, em lại bỏ đi
Kìa thầy giảng bài tình thương trong lớp, 
Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe.
Sao em vội bỏ mái trường ngày xưa thân mến, vội bỏ ra đi....
(Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác bài hát nhằm tố cáo 
Việt cộng pháo kích dã man vào trường tiểu học ở Cai Lậy)
Sự kiện tại Định Tường đã không được báo chí nhắc đến nhiều và phía đảng cộng sản cho rằng đó chỉ là sự “bịa đặt” nhưng rất may mắn là nhân chứng còn sống và những hình ảnh như trên đã nói lên tất cả sự thật. Nhưng ngoài ra rất may một tài liệu của nhóm KGB tại Liên Xô đã xác nhận sự kiện này. Tài liệu của Liên Xô đăng trong cuốn sách có tên “Một bước đi lớn” bởi nhóm tác giả đã từng hoạt động tại KGB và do NXB Quân đội Liên bang Nga xuất bản năm 1999 nói về hoạt động tình báo của Liên Xô (đã giới thiệu ở trên) có đoạn ở trang 200 nhắc: “Có vài sự kiện mà phía quân đội VNDCCH gây ra thiệt hại cho trẻ nhỏ mà sau này được giấu đi như một phần tất yếu của cuộc chiến như cuộc tấn công bằng DKZ và 122mm vào một trường học tại Miền Nam Việt Nam năm 1974”. Cuốn sách như một lời khẳng định của người đàn anh Xô Viết cho sự kiện gây tội ác này của đảng cộng sản Việt Nam.
Thứ năm, về sự thật của cuộc “nổi dậy” tại Bến Tre hãy nghe những người đứng đầu chế độ cộng sản kể thành tích. 
Trong cuốn Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, 1985, tr. 397 có viết: “Cuối năm 1959 tại nhiều nơi ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề ngụy của hàng trăm thôn, xã phải tan vỡ. Đặc biệt đêm 17-1-1960, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Từ đó, làn sóng “Đồng khởi” như nước vỡ bờ lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ” (1).

“... Những cuộc đấu tranh cách mạng ấy thực chất là cao trào khởi nghĩa của quần chúng, bao gồm những cuộc khởi nghĩa từng phần, để giành thế mạnh về chính trị, xây dựng một hình thức chính quyền cách mạng ở thôn xã, hình thức bước đầu lực lượng vũ trang của nhân dân” (2).
Và kết quả của nó ra sao? Trong bài giảng về lịch sử của đảng cộng sản có viết: “Sau một tuần: 22 xã được giải phóng, 29 xã khác tiêu diệt ác ôn, vây đồn, giải phóng nhiều ấp”. 
Quý vị có thể xem tại links:
Như vậy cho thấy những người cộng sản rất hả hê về những “thành tích” khủng bố của họ mà cụ thể là họ làm cho các xã phường tiêu điều và kiệt quệ, dân lành bị chết oan.
Thứ sáu, vụ ám sát ông giáo sư Nguyễn Văn Bông mà cho đến nay người cộng sản cho rằng đó là thành tích của họ. Trên tờ báo Dân Việt của đảng cộng sản Việt Nam có bài báo “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” (http://danviet.vn/41332p1c24/toi-am-sat-nguoi-sap-lam-thu-tuong-sai-gon.htm)
Theo wikipedia, ông Nguyễn Văn Bông sinh ngày 2/6/1929 tại Gò Công (Tiền Giang) trong một gia đình lao động. Ông nổi tiếng là một học sinh học giỏi và tự lập. Năm 12 tuổi đã tự làm những nghề như sửa xe đạp, phụ đánh máy, quét dọn trường học để kiếm tiền đi học (vì cha mẹ ly dị). Ông tự đi du học bên Pháp, tốt nghiệp với bằng tú tài, cử nhân luật từ Đại học Sorbonne (1956), tiến sĩ chính trị học (1960), thạc sĩ công pháp quốc tế (1962). Ông về nước dạy học, và sau này giữ chức viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh (thời ông Thiệu). Cuối năm 1968 ông làm chính trị, thành lập Phong trào Quốc gia cấp tiến, một tổ chức đối lập với chính phủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông bị mưu sát lần đầu vào năm 1968, nhưng đến lần 2 (1971) ông bị ám sát chết lúc mới 42 tuổi. Gs Nguyễn Văn Bông qua đời để lại vợ mới 30 tuổi, hai trai và một gái. Sau 1975, vợ ông là Lê Thị Thu Vân, còn gọi là “Cô Út” (người ông gặp ở Paris) bà tái giá với một nhà ngoại giao Mĩ là Lacy Wright, và lấy tên mới là Jackie Bông Wright. Sau này bà có viết và xuất bản một cuốn sách giống như hồi kí có tựa đề là Autumn Cloud: From Vietnamese War Widow to American Activist (Mây mùa thu: từ một góa phụ chiến tranh đến một người hoạt động xã hội).
Lúc mới nghe tin ông bị ám sát, phu nhân ông là bà Thu Vân tố cáo thủ tướng Trần Thiện Khiêm là thủ phạm giết hại chồng bà. Lời tố cáo này xuất phát từ suy luận rằng Gs Nguyễn Văn Bông đã nhận lời làm thủ tướng trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu (và thế là ngăn chận bước đường công danh của ông Trần Thiện Khiêm - người sau này là thủ tướng). Thế nhưng bà Thu Vân đã sai. Người ám sát Gs Nguyễn Văn Bông là ông Vũ Quang Hùng, tức tác giả bài viết đã nói trên trong tờ Dân Việt. Ông Vũ Quang Hùng, theo như một nguồn tin, lúc đó là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Sài Gòn (tức Đại học Khoa học Tự nhiên ngày nay) và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4. Còn người ngồi sau xe honda là Lê Văn Châu như trong bài báo tường thuật là trung úy quân đội VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4. Nhưng chi tiết về cuộc ám sát thì chỉ mới tiết lộ gần đây, nhất là qua bài báo tuần này. Theo lời kể trên Dân Việt thì hai người trinh sát giết ông bằng cách ném cái cặp da chứa chất nổ và lựu đạn dưới gầm xe của ông đang ngừng tại đèn đỏ ngã tư cao Thắng – Phan Thanh Giản. Giáo sư Nguyễn Văn Bông chết tại chỗ cùng những người thân cận ông (3 vệ sĩ và 1 tài xế).
Vũ Quang Hùng, Lê Văn Châu và chiếc xe của ông Nguyễn Văn Bông 
Và tên khủng bố Vũ Quang Hùng đã kể lại hành vi giết hại một giáo sư, một nhà giáo của mình một cách tự hào như sau “Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
Đoạn ghi lời nói trên cho thấy tình chất dã man của đảng cộng sản vì tại sao họ lại phải giết hại một giáo sư dạy học và họ lại phải lo sơ sự dân sự hóa chính quyền VNCH? Đó chính là sự thật là đảng cộng sản chẳng phải chống chính quyền quân sự của ông Thiệu như họ từng tuyên bố mà họ chống cả những người đang theo đuổi mục đích dân sự và dân chủ hóa VNCH. Đó thực sự là chính sách khủng bố.
Thứ bảy, trên báo Dân trí của nhà cầm quyền cộng sản đã có bài viết cho thấy họ đang cố tình vinh danh cho hành động khủng bố của mình đối với người dân Việt Nam. 
Quý vị có thể thấy trong bài viết đã miêu tả như sau: “Lúc đó tôi với tư cách là Trung đội phó lực lượng Nhân dân tự vệ cũng được điều động về hành binh danh dự. Quân địch sẽ không chú ý nên tôi nghĩ cơ hội thành công rất lớn” - chị cho biết. Cơ hội đã đến. Trước ngày ám sát Tổng thống Thiệu, chị chuẩn bị chu đáo, mọi vị trí đã được bố trí sẵn sàng hành động. 
Cuối cùng giây phút chờ đợi đã đến. Tổng thống Thiệu xuất hiện trong bộ comple màu xám tro bước lên lễ đài dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát, binh lính vòng trong vòng ngoài. Hôm ấy bỗng trời nổi cơn giông gió thổi mù mịt. Thấy cơ hội ngàn năm có một đã tới, chị nhanh nhẹn quàng chiếc áo mưa, chen vào đám đông rút súng nhằm thẳng vào Tổng thống Thiệu bóp cò. Cạch, cạch 2 phát nhưng súng không nổ. Lúc này mặt chị tái đi, khẩu K54 trên tay chị rung rung như chùn xuống. Quá may mắn, lúc này quân lính đang bao vây lấy Thiệu che mưa nên không phát hiện ra chị. Ngay lập tức, chị cùng hai đồng đội quyết định rút lui”.
Khẩu súng lục K54 Mão dùng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu 
hiện đang được trưng bày tại Phòng VHTT huyện Triệu Phong. 
Trong sự kiện này, dù Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu may mắn thoát chết nhưng cho thấy đảng cộng sản đã chủ trương tiến hành chính sách ám sát đối với chính khách của nước khác. Đó là một tội ác cần phải xét xử nghiêm minh. 
Thứ tám, xuân Mậu Thân qua, nước mắt nhân dân chưa kịp khô thì Mùa Hè Đỏ Lửa với Đại Lộ Kinh Hoàng 1972 lại đến. Sau trận Mậu thân, cộng sản đại bại. Quân Bắc Việt chết hàng chục ngàn, lực lượng MTGPMN gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. Đó là bài học nướng quân và giết dân đầy tội lỗi của đảng CSVN. 
Không lâu sau ngày Hồ Chí Minh chết, Lê Duẫn và đảng cộng sản xé bỏ Hiệp định Geneve, xua quân biển người, tràn qua biên giới, tiến đánh Quảng Trị và nhiều căn cứ khác ở Miền Nam năm 1972. Để lại hàng trăm ngàn xác chết của thanh niên Miền Bắc. Quân VNCH chết khoảng hơn 30 ngàn người. Nhân dân VNCH cũng chịu tang thương không kém. 
Ông Phan Văn Châu, một nhân chứng còn sống tại Hoa Kỳ đã mô tả lại sự kiện kinh hoàng trên đại lộ kinh hoàng này như sau: 

"Bên cạnh đó, anh em ST vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 tiếp xúc với Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Chỉ huy trưởng, thiếu tá Nguyễn văn Cơ đã cho nhóm Sóng Thần 200 bao nylon loại dùng để tẩm liệm quân nhân tử trận. Ngoài ra, nhóm mượn được một xe GMC của Tiểu Khu Thừa Thiên làm phương tiện vận chuyển đoàn hốt xác và xác hốt được. Về sau khi số xác lượm được tăng lên tới con số gần hai ngàn, anh Cơ vẫn cung cấp đầy đủ để gói ghém tử thi đồng bào, đồng thời phía Tiểu Khu Thừa Thiên tăng cường cho mượn thêm một xe GMC nữa, và phía Tiểu Khu Quảng Trị cho mượn 2 GMC khác, để di chuyển xác chết.

Sóng Thần đã tiến hành hốt xác tất cả 3 đợt. Khi chị chủ nhiệm Trùng Dương từ tòa soạn ra tham dự để ăn đạn pháo kích là đợt một. Đợt nầy đoàn hốt xác có 4 tổ, mỗi tổ 4 người, thu được trên 800 xác. Về sau đoàn hốt xác tăng lên thành 7 tổ. Sợ mùa mưa tới xác đồng bào bị vữa và trôi hết phần thịt, chúng tôi đã tăng gấp đôi số nhân công để rút ngắn thời gian.

Khởi đầu, thầy Đức Tâm thuê đóng và giao cho đoàn 20 quan tài để mang theo, xem thử đủ thiếu thế nào. Lên đường, anh em ST chúng tôi chỉ dám cầu mong lượm được tới 20 xác như mong muốn của thầy Đức Tâm, vì khu vực giữa hai cầu Bến Đá và Trường Phước là đụn cát trắng không nhà cửa cây cối, hễ thấy bóng người di chuyển là tiền sát viên Việt Cộng gọi pháo tầm xa từ Trường Sơn bắn xuống. Kết quả của ngày đầu thật bất ngờ với con số 96 xác. 20 xác đầu tiên được xếp vào quan tài, phần xác còn lại gói tạm vào bao nylon mang về đặt trong các phòng học của trường Mỹ Chánh". 
Và trong tác phẩm “Mùa hè cháy”, xuất bản năm 2005, tác giả Nguyễn Việt Hải, nguyên là chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của Quân đội Nhân dân của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122, pháo 130 và pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên Quốc lộ 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy (nhưng thực chất là dân thường). Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn. 
Đây chỉ là một trong rất nhiều nhân chứng nói lên sự kiện đau lòng đối với dân tộc chúng tôi thông qua chính sách khủng bố năm 1972. Xin mời quý vị theo dõi thêm tại một số links trích dẫn sau đây để thấy bản chất tàn độc của đảng cộng sản: 
Kính thưa quý vị! 
Tội ác của đảng cộng sản đã gây ra là không thể dung thứ. Với tất cả tấm lòng của mình đối với dân tộc Việt Nam. Chúng tôi mong muốn quý vị là những người đại diện cho công luật quốc tế phải lên tiếng vì tội ác của đảng cộng sản đó là những tội ác chống lại loài người. 
CÒN TIẾP... 
Các phần Cáo Trạng đã đăng: 
Bạn đọc có thể gửi thông tin góp ý cho bản cáo trạng và ký vào nội dung cáo trạng theo địa chỉ: 
21/06/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét