Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Bài nên đọc: Tướng Đỗ Bá Tỵ đi Mỹ bị cản phá ???

Gian nan chuyến đi Hoa Kỳ của tướng Đỗ Bá Tỵ

Hôm 20/6/2013 vừa qua đánh dấu việc lần đầu tiên Tổng Tham mưu trưởng quân đội Việt Nam (cộng sản) được mời thăm Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ). Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (Tổng Tham mưu trưởng) đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tướng Martin E. Dempsey (Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ). Tham dự hội đàm còn có nhiều tướng lĩnh chỉ huy, tham mưu tình báo, lục quân và đặc biệt là hải quân của hai nước. Lần đầu tiên, tướng Phạm Ngọc Hùng (Phó thủ trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng) và Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh (Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân) đã đặt chân vào Lầu Năm Góc, nơi trước đây không lâu vẫn được Việt Nam đề cập là sào huyệt của bè lũ hiếu chiến, khát máu.
Hội đàm với Hoa Kỳ, phía Việt Nam nhắc lại mong muốn mà năm ngoái Đại tướng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nêu (khi tiếp ông Panetta), mong muốn Hoa Kỳ sớm bỏ lệnh cấm vận vũ khí/công nghệ cao mà trước mắt là bán cho Việt Nam một số vũ khí sát thương, các hệ thống rada hiện đại, vũ khí chống tàu ngầm, chống tàu sân bay tối tân nhất mà Hoa Kỳ đang sở hữu. Cũng tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Panetta lần đầu tiên đi thăm quân cảng Cam Ranh đã khiến Trung Quốc lo ngại về can dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông.
Hoa Kỳ lại mới đưa ra chiến lược tái phối trí lực lượng trong đó đa số lực lượng triển khai ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ sẽ có mặt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một động thái nhằm kiềm tỏa Trung Quốc. Việt Nam là ưu tiên số 1 trong tính toán này bởi ngoài vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam là nước duy nhất có kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu chống quân đội Trung Quốc. Tại mặt trận Hà Tuyên 1984-1985, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ từng là sỹ quan chỉ huy cấp sư đoàn (E313), từng đánh nhau trực tiếp với các đại quân khu sừng sỏ nhất của Trung Quốc như: Lan Châu, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán và Côn Minh.
Ty
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ tại Lầu Năm Góc hôm 20/6/2013. Nguồn: Hải quân Hoa Kỳ.
Mới đây, Việt Nam đã thực hiện chiến lược cấp tốc tăng cường khả năng chiến đấu của Hải quân Nhân dân. Song song với đó, Việt Nam cơ cấu Đô đốc Tư lệnh Hải quân lên nắm giữ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Hiện, Việt Nam đã nhập hàng chục tỉ đô-la vũ khí từ Nga (đều biên chế vào Quân chủng Hải quân hoặc phục vụ chiến đấu tại biển Đông). Tuy nhiên các loại vũ khí này đều được những công ty của Nga phát triển rất vội vàng. Việc những tính năng chiến đấu của số vũ khí này chưa từng được kiểm nghiệm thực tế trên bất cứ chiến trường nào khiến các lãnh đạo quân đội Việt Nam rất lo ngại. Ngoài ra, tính bảo mật của vũ khí Nga là khá thấp, đó là chưa nói tới việc vì lợi ích, các lái buôn Nga sẵn sàng cung cấp bí mật vũ khí này cho Trung Quốc. Ấy là chưa đề cập nhiều hạn chế khác của vũ khí Nga trong công tác tác chiến điện tử, hiệp đồng chiến đấu đa binh chủng quy mô lớn.
Về công tác đào tạo huấn luyện cán bộ quân sự trung-cao, trước đây sỹ quan chỉ huy/tham mưu trung cao cấp đều được Việt Nam đưa đi đào tạo tại Học viện Vorosilov (Liên Xô). Từ khi Liên Xô sụp đổ, công tác đào tạo này do Học viện Quốc phòng đảm nhận. Tuy nhiên, giáo trình, nội dung, khoa mục, phương pháp đào tạo tại Học viện Quốc phòng đều rất lạc hậu và sơ sài. Công tác đào tạo chỉ nặng về chính trị, tư tưởng, không đáp ứng được đòi hỏi mà thực tế chiến đấu đặt ra.
Gần đây Hoa Kỳ cùng Việt Nam đã có những động thái “phá rào”. Hồi đầu năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (cộng sản), Hoa Kỳ giúp đào tạo một khóa các sỹ quan lực lượng vũ trang của Việt Nam. Gần 40 sỹ quan chỉ huy nguồn của Bộ Công an được Hoa Kỳ đưa sang đào tạo tại Đại học Maryland và đều đã nhận bằng Thạc sỹ. Quả “ném đá dò đường” này dường như không gặp phản ứng bất lợi nào trên chính trường Hoa Kỳ. Năm nay, phía Việt Nam muốn Hoa Kỳ đi xa hơn, chấp thuận bước đầu đào tạo một số sỹ quan chỉ huy, sỹ quan tham mưu tại các Học viện quân sự lớn của Hoa Kỳ như Học viện chỉ huy/tham mưu Fort Leavanworth, Học viện Hải quân Annapolis, Học viện Hải quân Westpoint nơi trước đây từng đào tạo nhiều tướng lĩnh cho quân đội Cộng hòa miền Nam Việt Nam như Cao Văn Viên, Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh …
Còn nhớ mới đây tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 11 của Đảng CSVN, ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Bộ Chính trị. Đây là lần đầu tiên Ủy viên Bộ Chính trị tại một nước Cộng sản được đào tạo chính quy ở Hoa Kỳ. Triển vọng chính trường cho thấy khả năng ông Nhân sẽ tiếp tục nắm giữ những chức vụ cao hơn là rất lớn. Như vậy, sẽ có một kỷ lục khác được lập trong thế giới cộng sản: một trong tứ trụ (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH) được Hoa Kỳ đào tạo bài bản, chính quy.
Tuy nhiên, lực lượng thân Bắc Kinh ngay trong nội bộ Việt Nam liền tung ra những cú ném đá ngáng đường. Ngay trước chuyến thăm của tướng Đỗ Bá Tỵ đến Hoa Kỳ, lực lượng An ninh đã bắt hàng loạt blogger. Báo chí, Đài Truyền hình (trong đó có Truyền hình quốc gia Việt Nam) bỏ nhiều sức lực dựng hẳn phóng sự rất công phu rồi rùm beng dành lắm thời lượng bêu xấu một công dân đang thi hành án tù (Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ). Những hành động nói trên đều là các nỗ lực cản lối đầy tuyệt vọng của An ninh và Tuyên giáo – vốn là hai “cốt cán” còn chịu ảnh hưởng lớn của Bắc Kinh.
21/06/2013
Cầu Nhật Tân   
(Blog Cầu Nhật Tân)

Lần đầu tiên, lãnh đạo Quân đội Việt Nam thăm Lầu Năm Góc

Phái đoàn quân đội  Việt Nam (tướng Đỗ Bá Tỵ - hai phải sang) tham quan máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III, căn cứ Joint Base Lewis-McChord, tiểu bang Washington, 19/06/2013.
Phái đoàn quân đội Việt Nam (tướng Đỗ Bá Tỵ - hai phải sang) tham quan máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III, căn cứ Joint Base Lewis-McChord, tiểu bang Washington, 19/06/2013. (Ảnh U.S. Air Force photo/Airman 1st Class Jacob Jimenez)
Vào lúc chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công du Trung Quốc, ngày hôm qua 20/06/2013, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được đón tiếp tại Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington. Giới quan sát đều ghi nhận đây là lần đầu tiên mà người đứng đầu Quân đội Việt Nam ghé thăm Lầu Năm Góc từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam cách nay 4 thập niên.

Theo báo chí Mỹ, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội đã được Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ, tiếp đón và hướng dẫn. Trong một thông báo chuyển bằng thư điện tử e-mail, Tư lệnh Hải quân Mỹ Scott McIlnay, một phát ngôn viên của Tướng Dempsey, ghi nhận rằng đây là chuyến thăm Lầu Năm Góc đầu tiên của một lãnh đạo quân đội Việt Nam.

Theo ông McIlnay, trong buổi hội đàm đề cập đến nhiều vấn đề khu vực, Tướng Dempsey và Đỗ Bá Tỵ đã thảo luận về chiến lược “tái cân bằng lực lượng Mỹ qua châu Á Thái Bình Dương” của chính quyền Obama. Vào năm ngoái 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu loan báo các phương án chuyển sự quan tâm cũng như lực lượng quân sự qua vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhân vật lãnh đạo quân đội Việt Nam đến thăm Lầu Năm Góc một hôm sau khi Hoa Kỳ kỷ niệm 40 năm ngày Quốc hội thông qua tu chính án Case-Church cấm Mỹ tiếp tục hành động quân sự tại Việt Nam - có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 1973. Tu chính án này lấy tên của Thượng nghị sĩ bang New Jersey Clifford Case trong đảng Cộng hòa, và Thượng nghị sĩ Frank Church của bang Idaho, đảng Dân chủ.

Chuyến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ của tướng Đỗ Bá Tỵ cũng phản ánh quan hệ ngày càng được cải thiện giữa hai cựu thù trong một cuộc chiến kết thúc vào năm 1975 khi các lực lượng cộng sản tiến vào Sài Gòn năm 1975. Phải chờ đến năm 1995, Mỹ và Việt Nam mới tái lập quan hệ ngoại giao.
Trọng Nghĩa (RFI)

Việc cần bàn khi hoãn thông qua luật Đất đai sửa đổi


Ngày 21/6/2013 buổi họp cuối cùng của kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII nhưng việc biểu quyết dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã không được thông qua như dự kiến phải "để dành" đến kỳ họp cuối năm.

Chiều 20/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, có 292/348 vị đại biểu đề nghị thông qua luật đất đai sửa đổi tại kỳ họp sau vào tháng 10 năm 2013 và luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Với lý do rất cơ bản dự thảo luật Đất đai sửa đổi là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và người dân. Một số nội dung của dự thảo luật có liên quan dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và  dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn đang được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các đại biểu QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Vì vây UBTVQH đề nghị QH cho phép thông qua dự án luật Đất đai sửa đổi sau khi thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII và  có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Còn 5 tháng nữa để  trình QH thông qua tại kỳ họp tới liệu rằng các cơ quan có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo luật tốt hơn và chuẩn bị các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính khả thi của  một văn bản luật.
Dẫu biết rằng khi ban hành một văn bản pháp luật dù mới hay sửa đổi thì điều quan trọng nhất là tính khả thi của văn bản đó tính hiệu quả khi thực hiện thi hành nó

Trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay ở nước ta với khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến việc quản lý đất đai và có tới 70% khiếu kiện  liên quan từ đất đai. Dù rất cần có một văn bản pháp luật về đất đai hoàn chỉnh  để từng bước điều chỉnh và ổn định trở lại nhưng hy vọng của người dân, chờ đợi của cử tri cả nước là văn bản luật đó phải có giá trị và hiệu quả thực thi khi nó được ban hành, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của công dân về vấn đề sử dụng đất đai. Một vấn đề cần nhất quán có thể coi đất đai là tài sản hay hàng hóa đặc biệt không nếu có  thì nó phải có chủ sở hữu vậy chủ sở hữu đất đai là ai ? Đồng  hành với nó là quy định về quyền sở hữu tài sản ở Bộ luật dân sự đó là đủ 03 quyền (Định đoạt, chiếm hữu và sử dụng) sẽ đươc thống nhất như thế nào để không "vênh" với quy định về đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân theo luật đất đai?

Thế nào là sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước về đất đai cũng cần được làm rõ như hiện nay chúng ta đã và đang cho phép mua bán trao đổi quyền sử dụng đất bằng việc quy định tại luật kinh doanh bất động sản mà cái khái niệm hay định nghĩa về bất động sản tại luật này có bao gồm cả đất đai. Vậy thì việc đề án về luật đất đai sửa đổi cần phải làm rõ và có tính thống nhất về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất đai và quy định về hàng hóa đặc biệt cho đất đai cũng phải thật rõ ràng và thống nhất giữa các đạo luật liên quan của một quốc gia. Hy vọng rằng những nhà làm luật có thêm thời gian để hoàn thiện bản đề án dự thảo sửa đổi này kỹ hơn.
MaiHuy
(Tầm nhìn)
 

Trung Quốc đói ăn và khát nước

(đọc bài này để nghĩ cách điều trị được Tầu Khựa, và vì sao Khựa lại thèm khát vựa lúa của 3 nước Đông Dương và Thái Lan)


“Việc Trung Quốc vượt Hoa Kỳ cần được xét từ mấy tiêu chuẩn căn bản này. Còn lâu!”

Hùng Tâm/ Người Việt

Trước khi đòi vượt Mỹ, Trung Quốc phải giải quyết chuyện đói khát
Nhân thượng đỉnh Mỹ-Hoa tại California vừa qua, truyền thông báo chí Hoa Kỳ đã có nhiều bài viết về sức nặng kinh tế của Trung Quốc, một cường quốc đông dân nhất Ðịa cầu.

Tại một hội nghị trước đó ở Chicago, Sáng hội “Giao Dịch Mỹ-Hoa” (China-US Exchange Foundation) còn công bố phúc trình “Quan hệ Mỹ-Hoa Trong Mười Năm Sắp Tới” (US-China Relations in the Next Ten Years). Hai đồng chủ tịch của hội nghị là Thị Trưởng Chicago Rahm Emanuel và Ðổng Kiến Hoa, cựu hành chánh trưởng quan của đặc khu hành chánh Hương Cảng, đã hết lời ca tụng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, với sự phụ họa của Tiến Sĩ Henry Kissinger, nhân vật quen thuộc trong giới kinh doanh Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Nói chung, đa số dư luận có quan tâm đều cho rằng kinh tế Trung Quốc với một tỷ 300 triệu dân sẽ sớm vượt kinh tế Hoa Kỳ kể về sản lượng, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã dự báo (và còn xác định thời điểm qua mặt đó là năm 2016). Ðiều ấy có thể đúng, nếu ta so sánh sức sản xuất của 1.350 với 330. Cũng vì vậy, tùy lập trường lạc quan hay bi quan, giới quan sát thường nêu ra hai loại giả thuyết.
Một là Trung Quốc sẽ chuyển hóa qua hợp tác với Hoa Kỳ và quan hệ gọi là G-2 giữa hai nước sẽ góp phần ổn định một thế giới thịnh vượng hơn. Hai là Trung Quốc không thể chuyển hóa trong tinh thần biết điều và sự lớn mạnh của Trung Quốc là vấn đề của thế giới, nên Hoa Kỳ phải quan tâm đề phòng. Cả hai kịch bản đều dựa trên một dự báo là kinh tế Hoa lục sẽ vượt Hoa Kỳ.
Hồ Sơ Người Việt không nói về dự báo đó mà tìm hiểu hai yếu tố cụ thể của sức mạnh kinh tế là thực phẩm và nước ngọt. Trước khi nói đến ngày vượt Mỹ, Trung Quốc phải tự túc về lương thực và tìm đủ nước ngọt cho người dân, là loại vấn đề mà người Mỹ không có – và cũng chẳng cần biết.


Tự túc lương thực
Chúng ta đều biết rằng chưa đầy 10 năm sau khi thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Mao Trạch Ðông đã gây ra một trận đói kinh hoàng trong bốn năm, từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1961. “Bước Nhảy Vọt Vĩ Ðại” hay Ðại Dược Tiến của Mao để kỹ nghệ hóa xứ sở một cách chủ quan duy ý chí đã khiến 36 triệu người chết đói và 40 triệu người không sinh ra đời. Với dân số khi đó là khoảng 500 triệu, số “tổn thất” khoảng 76 triệu người vẫn là một vấn đề, và là vấn đề không xảy ra vì chiến tranh hay thiên tai như động đất, bão lụt hay mất mùa.
Các thế hệ lãnh đạo sau đấy đều ý thức được vấn đề và ngày nay họ đều đề ra mục tiêu chiến lược là làm sao có đủ lương thực cho toàn dân. Nhiều quốc gia trên thế giới có thể gặp hoàn cảnh địa dư bất lợi nên phải nhập cảng lương thực bằng cách sản xuất và xuất cảng các phẩm vật khác trong một hệ thống giao dịch tự do với các nước.
Vốn dĩ đa nghi, hoặc có ẩn ý, lãnh đạo Bắc Kinh không tin vào quy tắc tự do và muốn là phải hoàn toàn tự túc về lương thực để khỏi bị người khác bắt bí. Không nói về cái lẽ đúng sai của lý luận ấy, Hồ Sơ Người Việt chỉ tìm hiểu về tính chất khả thi của mục tiêu này.
Trước hết, hôm mùng 6 vừa qua, hai cơ quan OECD và FAO (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Lương nông Quốc tế) vừa công bố dự báo về tình hình canh nông toàn cầu, trong đó có cả sản lượng và lề lối tiêu thụ nông sản của Trung Quốc từ nay cho đến năm 2022. Họ dự đoán rằng Trung Quốc có thể tự túc về lúa nước và lúa mì, nhưng vẫn phải nhập cảng đậu nành và sẽ còn nhập cảng ngô bắp nhiều hơn trước. Ðại lược thì tổng số tiêu thụ vẫn vượt qua sản lượng từ nay cho đến năm 2022.
Một cách khái quát thì ta biết rằng với sự thăng tiến của mức sống, con người ta không chỉ cần ăn đủ no mà còn muốn ăn ngon hơn, tức là ngoài ngũ cốc như gạo mì, ngô đậu, v.v… người ta còn muốn có thêm thịt thà. Muốn có thịt gia súc thì phải nuôi và chính yếu thì nuôi bằng thực phẩm gốc nông sản, thí dụ như ngô đậu… Tùy theo loại thịt (gà vịt hay heo bò), muốn có thêm một ký thịt thì phải mất từ năm đến tám ký ngũ cốc.
Do đó, số cầu về thực phẩm gốc nông sản của Trung Quốc sẽ chỉ có tăng. Số cầu này càng tăng mạnh khi lãnh đạo phải giải quyết một bài toán chính trị là san bằng sự dị biệt về lợi tức giữa 1) nông thôn và thành thị trong từng tỉnh duyên hải ở miền Ðông và các tỉnh nội địa ở miền Tây và 2) giữa hai khu vực Ðông Tây mà ta tạm gọi là ngoài và trong.
Tiêu chuẩn gọi là “tự túc về lương thực” của Trung Quốc có nghĩa là phải sản xuất được 95% nhu cầu tiêu thụ về gạo, mì và bắp. Theo dự báo của FAO và OECD, tiếp tục Trung Quốc nhập cảng đậu nành (10 triệu tấn năm 2000, 59 triệu tấn năm 2012 và gần 83 triệu vào năm 2022. Số nhập cảng về ngô bắp thì đã bắt đầu từ năm 2009 và sẽ còn tăng mạnh hơn trong những năm tới.


Chính sách nông nghiệp
Một cách rất khái quát, người ta phải trở lại tìm hiểu chánh sách nông nghiệp của Trung Quốc.
Từ thời “lập quốc” của Mao Trạch Ðông năm 1949, xứ này tập trung việc thu mua và phân phối lương thực mà không có chính sách khuyến nông để tăng gia sản xuất và lại còn trưng thu lợi tức của nông dân tại thôn quê để nâng đỡ công nhân (giai cấp tiên tiến) tại thành thị trong nỗ lực công nghiệp hóa và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hậu quả là sản lượng sụt và dân bị đói.
Khi tiến hành cải cách từ năm 1979, Ðặng Tiểu Bình áp dụng chế độ khoán về nông nghiệp trong các hộ gia đình, cụ thể là khuyến khích sản xuất và cho phép bán sản lượng dư thừa sau khi đạt chỉ tiêu thu mua của nhà nước ở cấp tỉnh. Trong hai chục năm sau đó, Bắc Kinh lập thêm kho dự phòng để thu mua lương thực hầu đáp ứng cung cầu ở từng nơi. Từ năm 1995, họ tiến xa hơn một bước với chế độ khoán cho từng tỉnh: các tỉnh có nhiệm vụ kiểm soát hạn ngạch để cân bằng cung cầu. Nhưng chỉ dăm ba năm sau thì Bắc Kinh bãi bỏ chế độ khoán cho cấp tỉnh để trung ương kiểm soát và giải quyết việc cung cấp cho các tỉnh bị khan hiếm lương thực.
Ðến năm 2001, khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO thì Trung Quốc phải giải phóng các thị trường, kể cả thị trường nông sản, lương thực. Mà chưa giải quyết được nhu cầu của mình. Hơn ba chục năm cải cách có giúp Trung Quốc nâng sản lượng ngũ cốc từ hơn 300 triệu tấn lên tới gần 600 triệu tấn (trong khoảng thời gian 1979-2012) và giảm được tỷ lệ “suy dinh dưỡng” là thiếu ăn theo tiêu chuẩn của FAO, từ 21% dân số xuống 12%.
Nhưng dù có sản lượng lương thực lớn nhất thế giới nhờ cải tổ chánh sách và cải thiện phương tiện sản xuất, Trung Quốc vẫn chưa đủ ăn. Chúng ta hãy tạm gác qua một bên những nguyên nhân sâu xa của chuyện này mà nhìn sang một sản phẩm chiến lược khác là nước ngọt.


Nước ngọt cho cơ thể và nhà máy
Chúng ta hãy tạm hiểu chữ “nước” ở đây là nước ngọt, có thể uống được và xuất phát từ sông ngòi, ao hồ, giếng, hay mưa hoặc tuyết. Trên mặt Ðịa cầu, Á Châu là lục địa ít nước nhất nếu so với dân số quá đông. Trong các nước Á Châu, Trung Quốc là xứ ít nước nhất mặc dù có lãnh thổ bát ngát là 10 triệu cây số vuông (tương tự Hoa Kỳ) và đang kiểm soát phần lớn khu vực Hy Mã Lạp Sơn, phát nguyên của những con sông lớn nhất Châu Á.
Với dân số rất cao và công cuộc kỹ nghệ hóa, Trung Quốc cần nước cho rất nhiều nhu cầu sinh hoạt như tiêu tưới cho nông nghiệp, năng lượng cho kỹ nghệ (thủy điện) hoặc làm sạch và làm nguội nhà máy, v.v… Họ giải quyết nhu cầu đó như thế nào? Thời sự tuần qua có một tin nhỏ mà lớn vì liên quan đến nhu cầu đó.
Hôm mùng 10 vừa qua, Trung Quốc đã “đưa vào sản xuất” một dự án trù tính từ năm 1952 (60 năm trước), gọi là “Nam thủy Bắc điều công trình,” nôm na là dẫn nước từ Nam lên Bắc. Cụ thể là chuyển gần 50 tỷ thước khối nước từ sông Dương Tử (cũng gọi là Trường Giang) lên sông Hoàng Hà ở phía Bắc để cung cấp nước cho Bình nguyên Hoa Bắc. Năm xưa, Mao Trạch Ðông từng ôm giấc mơ trị thủy và đào kinh dẫn nước của vua Ðại Vũ mà không thành.
Ngày nay, dự án đã bắt đầu hoạt động, với kinh phí dự trù là hơn 60 tỷ đô la, cao gấp hai dự án xây đập Tam Hiệp. Một dự án vĩ đại xứng tầm Trung Quốc. Chi tiết ấy chỉ cho chúng ta thấy một bài toán của xứ này: các tỉnh miền Bắc đều thiếu nước, nhưng là nơi tập trung dân số rất cao, là khu vực canh tác ngô, gạo, đậu và một trung tâm công nghiệp chiến lược của quốc gia. Bao trùm lên thành phố Bắc Kinh và vùng phụ cận, khu vực gọi là Hoa Bắc bình nguyên tập trung một phần tư dân số và sản lượng kinh tế mà chỉ có 8% lượng nước nên thường xuyên bị đe dọa.
Nước sông Hoàng Hà không thể cung cấp cho nhu cầu và trung bình bị hạn chừng 230 ngày một năm nên lãnh đạo xứ này phải dẫn nước sông Dương Tử để tiếp vận.
Ðiều ấy không chỉ di dời 350 ngàn dân được lệnh “giải phóng mặt bằng” mà chi phối cuộc sống của cả trăm triệu dân trên lưu vực Dương Tử và ảnh hưởng đến các dòng sông của nhiều xứ khác. Lãnh đạo Bắc Kinh có thể gạt qua một bên lời phàn nàn của quốc tế về tình trạng lạm thác đỉnh tuyết Hy Mã Lạp Sơn và thượng nguồn các con sông nuôi sống nhiều nước lân bang, kể cả sông Mekong. Nhưng họ không thể không quan tâm đến rủi ro về môi sinh – chẳng hạn một tai họa từ đập Tam Hiệp sẽ hoạt động từ năm 2015 – và những bài toán nan giải với các dự án trên sông Trường Giang, từ tỉnh Giang Tô đến Sơn Ðông và Hà Bắc, từ sông Hán Thủy (hay Hán giang) qua Thiểm Tây và Hồ Bắc.
Dư luận thế giới chỉ nói đến sức mạnh kinh tế của một quốc gia đông dân nhất Ðịa cầu nhưng lại ít chú ý đến loại vấn đề sinh tử cho lãnh đạo Bắc Kinh xuất phát từ địa dư hình thể của một xứ có diện tích canh tác chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu và đang thiếu nước trầm trọng.


Trường Giang và trường kỳ khát nước
Ba chục năm sau khi cải cách và lấy bàn đạp từ 15 tỉnh duyên hải miền Ðông để đẩy mạnh xuất cảng, Trung Quốc đang bị nhiều bài toán nan giải. Xuất cảng sẽ không thể tăng, mà dị biệt giàu nghèo giữa các tỉnh bên ngoài với các tỉnh bên trong lại cứ đào sâu trước sự bất lực của trung ương. Thế hệ lãnh đạo mới đang cố gắng giải quyết bài toán đã được thấy từ hai chục năm trước, là phải phát triển khu vực nội địa nếu không thì xứ sở sẽ bị nội loạn và phân hóa như đã từng bị.
Nhưng cho dù trung ương có thể vượt qua sức cản của các đảng bộ địa phương, cải tổ chế độ hộ khẩu và dồn thêm phương tiện cho các tỉnh lạc hậu ở trong – chuyện không đương nhiên – lãnh đạo Trung Quốc còn gặp bài toán của thiên nhiên là thiếu nước. Mà càng muốn công nghiệp hóa thì càng phải có nước. Khi ấy, bài toán Dương Tử lại được đặt ra: nước sông Trường Giang là nhu yếu phẩm cho công cuộc phát triển các tỉnh nội địa, không có thì không được.
Xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng và chảy ra Ðông Hải, con sông dài hơn 6,400 cây số là huyết mạch nối liền mà cũng chia cắt các địa phương. Ngoài yếu tố vận chuyển, nước sông còn là điều kiện không thể thiếu cho việc phát triển các tỉnh, từ thượng nguồn xuống đến vùng châu thổ, từ Tứ Xuyên đến Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô và Chiết Giang cùng các thành phố lớn như Vũ Hán, Trường Sa, Tô Châu hay Hàng Châu và cả Thượng Hải, chưa kể Trùng Khánh trên thượng nguồn với 31 triệu dân.
Bây giờ 10% của nguồn nước Trường Giang lại được rót vào Hoàng Hà để tiêu tưới mạn Bắc!


Kết luận ở đây là gì?
Người Mỹ thường ít quan tâm đến địa dư và lịch sử. Họ được ưu đãi nhờ một lãnh thổ vuông vức với lưu vực của sáu con sông lớn mà tài sáng tạo của họ đã biến thành khu vực phì nhiêu trù phú.
Trung Quốc không được như vậy. Lãnh đạo xứ này gặp nan đề của địa dư đã trải dài trong lịch sử mấy ngàn năm. Hệ thống chính trị hiện hành không thể giải quyết nổi các nan đề ấy.
Việc Trung Quốc vượt Hoa Kỳ cần được xét từ mấy tiêu chuẩn căn bản này. Còn lâu!
 

Những làng quê ôm nợ: Mười năm toàn lỗ

Xã Phước Hòa (Tuy Phước, Bình Định) có nhiều diện tích nằm ven đầm Thị Nại, là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại.
Tôm "ăn" tiền, "ăn" luôn nhà cửa
Cách đây chưa lâu, đang loay hoay với nghề khai thác nguồn lợi thủy sản manh mún trên vùng đầm Thị Nại thì nghề nuôi tôm sú đã mang đến cho người dân xã Phước Hòa cái mác “tỷ phú”. Với 327 ha mặt nước, Phước Hòa chẳng mấy chốc trở thành “thủ phủ” của vùng tôm khu đông thuộc huyện Tuy Phước.
Khi ấy, môi trường nước chưa bị ô nhiễm nên chẳng mấy chốc 450 hộ dân ở những vùng đầm thuộc xã này được “lột xác” nhờ con tôm mang tiền “ùn ùn” vào nhà. Liên tiếp nhiều năm được mùa, dân Phước Hòa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm là chuyện bình thường. Nhưng từ năm 2002 đến nay, tôm liên tiếp bị dịch bệnh, người nuôi tôm ngày càng lâm vào cảnh khốn khó. Vốn liếng tích lũy lần lượt “đội nón” ra đi. Tiền vay ngân hàng hết đợt này đến lượt khác cũng lần lượt “tử vong” theo tôm chết.
Bây giờ, nói đến chuyện nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, ngán ngẩm: “Phong trào nuôi tôm có mặt tại xã Phước Hòa khá sớm, từ những năm đầu của thập niên 90 (TK 20), sau đó nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với 450 hộ tham gia trên diện tích 327 ha tập trung tại 3 thôn Kim Đông, Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc.
Những năm đầu nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, nhờ môi trường nước khi ấy chưa bị ô nhiễm nên bà con nuôi đâu trúng đó. Đến năm 2002, lúc này nguồn nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng nên dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, kéo dài mãi đến tận bây giờ. Trong suốt 10 năm qua chưa năm nào người nuôi tôm ở đây có được một vụ nuôi ngon lành, toàn lỗ. Tôm “ăn” hết tiền mặt, “ăn” luôn nhà cửa, có thời điểm sổ đỏ nhà của các chủ hồ tôm đều nằm cả ở các ngân hàng. Có hộ phải bán nhà trả nợ, đi nơi khác làm ăn".
Câu chuyện con tôm gây nợ cho người dân Phước Hòa, đẩy hàng trăm hộ dân ở đây lâm cảnh đói khổ khi ấy là vấn đề “thời sự nóng” của Bình Định. Để tạo điều kiện cho người dân ở đây khôi phục sản xuất, năm 1999, Nhà nước cho họ vay ưu đãi từ nguồn vốn khắc phục bão lụt, sang năm 2000 tiếp tục cho vay đợt 2.
Ông Nguyễn Đình Dũng, cán bộ phục trách thủy sản xã Phước Hòa, cho biết: “Qua 2 đợt cho vay ưu đãi, có khoảng 350 hộ nuôi tôm ở đây được vay. Hộ vay nhiều nhất có đến 500 triệu đồng, hộ vay ít nhất cũng 50 - 70 triệu đồng. Tổng số tiền vay trong 2 đợt này là hơn 30 tỷ đồng, chủ yếu do Ngân hàng NN-PTNT giải ngân”.
Sức tàn phá của lũ tôm quả khốc liệt, tiền 2 đợt vay ưu đãi chẳng mấy chốc bị lũ tôm “nuốt” mất, một số chủ hồ liền “bấu” vào Quỹ Tín dụng nhân dân với tổng tiền vay 5,5 tỷ đồng. “Sau đó, do thua lỗ liên hoàn, toàn bộ số vốn vay từ các ngân hàng và quỹ tín dụng đều bị mất khả năng chi trả. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xóa toàn bộ số nợ trên”, ông Dũng cho biết thêm.

Cánh đồng tôm mênh mông giờ chỉ có bèo và lục bình trôi
Nợ mới chồng nợ cũ

Đã bị thua lỗ vì con tôm thì chỉ có con tôm mới gỡ được nợ, do đó, dù thua lỗ liên tục nhưng người nuôi tôm ở Phước Hòa vẫn không ngừng bám hồ cầu may có vụ nuôi thắng lợi. Thế nhưng từ khi được xóa nợ đến nay, không năm nào dịch bệnh buông tha lũ tôm, nên thua lỗ vẫn bám riết người nuôi. Không nói đâu xa, vụ nuôi đầu năm 2013, mới thả giống xuống chừng 1 tháng, tôm đã lăn đùng ra chết trắng hồ, người nuôi tôm ở Phước Hòa tiếp tục choáng váng.
Những ngày tháng 6, về thực tế tại thôn Huỳnh Giản Bắc, chúng tôi hiểu được phần nào nỗi đau của người dân ở đây. Thôn Huỳnh Giản Bắc có 442 hộ dân thì chiếm hơn phân nửa làm nghề nuôi tôm. Cả cánh đồng tôm rộng 298 ha trắng nước, bèo, lục bình và rác lềnh bềnh trôi. Hỏi ra thì biết, sợ thất bại lắm rồi nên vụ này bà con ở đây tuân thủ lịch thời vụ, đầu tháng 3 mới thả giống. Thời gian đầu, độ mặn của nguồn nước còn bảo đảm. Sau đó một tháng, do cống Ông Dân bị vỡ nên nước ngọt từ đập Văn Mối (Cát Chánh, Phù Cát) và đập Nha Phu (Phước Hòa, Tuy Phước) chảy xuống thông qua cống Ông Dân làm ngọt hóa nguồn nước, lũ tôm bị sốc nước nên lăn ra chết hàng loạt.
Ông Phan Trần Phú, Thôn trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, cho biết: “Nước ngọt tràn xuống làm độ mặn nguồn nước nuôi xuống còn 0/1.000, không đảm bảo cho tôm sinh trưởng. Có hơn 50% diện tích thả nuôi (298 ha) bị thiệt hại do nước bị ngọt hóa. Bà con trở tay không kịp, phải vớt bán tôm non để vớt vát tiền giống, chấp nhận lỗ tiền thức ăn, còn đỡ hơn mất trắng như những vụ trước đây”.
Ở thôn Huỳnh Giản Bắc, đi đâu cũng gặp những người đang gánh nặng nợ nần do con tôm. Trưa, tại quán cà phê rất vắng mà tôi cùng ông Phú cũng gặp được một “chúa chổm” ở vùng đầm này, anh Phan Văn Thành. Mở đầu câu chuyện, anh Thành than thở: “Từ năm 2000 đến nay tui chỉ biết “thu hoạch” tôm chết chứ chưa vụ nào biết thu hoạch tôm sống. Từ năm 2009, hết vốn liếng nên tui phải ra đấu thầu quản lý con lạch Gò Su để ngày ngày vớt ít tôm cá tự nhiên kiếm sống cho gia đình”.
Hỏi về tổn thất do con tôm gây ra, anh Thành lắc đầu: “Nhớ sao hết. Trước khi được Nhà nước xóa khoản nợ 150 triệu đồng, tui đã mất đứt 20 cây vàng vào những vụ tôm thất bại. Giờ cũng còn nợ của bà con gần 4 cây vàng do những vụ nuôi tiếp đó”. Thôn trưởng thôn Phú tiếp lời: “Những năm gần đây, do các ngân hàng và quỹ tín dụng đều  không cho người nuôi tôm vay nữa nên để duy trì sản xuất, người nuôi tôm ở Huỳnh Giản Bắc phải vay bên ngoài, chịu lãi suất cao. Vay đợt này, không trả được vì thua lỗ nên không thể vay tiếp, có hộ đành phải bốc nóng bên ngoài với lãi suất từ 50.000 - 100.000 đ/1 triệu/tháng”.
“Người nuôi tôm ở thôn Huỳnh Giản Bắc mong được Nhà nước quan tâm cho xây dựng cống Ông Dân để nguồn nước nuôi không còn bị ngọt hóa. Được như vậy tôm nuôi ở đây mới giảm được thiệt hại, người nuôi mới giảm được gánh nợ nần”, ông Phan Trần Trung.
Rời quán cà phê, chúng tôi tìm về nhà anh Đặng Văn Sáng, một hoàn cảnh éo le khác do con tôm gây ra ở Huỳnh Giản Bắc. Gọi là nhà, nhưng thực chất nơi 5 cha con anh Sáng đang ở chỉ là những mảnh ván ghép tạm bợ đứng bên con lạch Gò Su. Bước vào nhà, nhìn cảnh anh Sáng và đứa con trai út đang cắm cúi bên rổ cá vụn vừa lưới được dưới lạch để làm bữa trưa, chúng tôi không thể không chạnh lòng.
Bên tách trà, anh Sáng nhìn lên bàn thờ vợ buồn buồn nói: “Bà ấy bỏ tui đi năm ngoái, để lại gánh nợ nần và 4 đứa con, 2 đứa đang là sinh viên, 2 đứa đang học phổ thông. Tui cùng anh trai là Đặng Văn Mẫn nuôi tôm đã 20 năm qua, đến giờ như anh thấy đấy, không có cái nhà đàng hoàng để ở. Sau khi được Nhà nước xóa nợ cũ, không biết làm gì khác nên năm nào tui cũng vay của bà con họ hàng, rồi đến bạn bè thân hữu vài ba chục triệu để nuôi cầu may. Trời không thương, nuôi vụ nào thua vụ đó, vụ nuôi mới năm nay cũng vừa bị phủi tay, mất đến 30 triệu đồng. Bây giờ nói về nợ phải lấy giấy bút ra tính chứ không thể nhớ được. Có nhiều lúc đến cả gạo cũng phải mua nợ để có ăn”.
Trên đường về, ông Thôn trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, bộc bạch: “Thôn Huỳnh Giản Bắc có ít ruộng lắm. 15 ha tại cánh đồng Cồn Vắt - Gò Dê thì từ tháng 11/2010 UBND tỉnh đã chỉ đạo ngưng sản xuất để nhường đất cho Khu tái định cư Nhơn Phước (Khu kinh tế Nhơn Hội). Còn 13,5 ha tại xứ đồng Tứ Niên thì vụ này phải bỏ trắng vì hạn hán. Dân ở đây mà không nuôi tôm thì không biết làm gì”.
Vũ Đình Thung
(Báo NNVN)

Ký ức những người vượt biên phải ăn thịt đồng loại để sinh tồn

(cho nên để đồng bào, đồng loại bị như thế này là tội ác, của ai?!)

Cù Lao Chàm là nơi những con tàu chở người vượt biên Việt Nam hồi cuối thế kỷ trước hay dạt vào sau những tháng ngày kinh hoàng lênh đênh trên biển. Nơi đây có người từng chứng kiến cảnh ghê rợn...
Dòng đối lưu kỳ lạ của khu vực biển miền Trung đã ban cho hòn đảo nhỏ nằm cách đất liền hơn chục ký lô mét này một đặc ân: Những con tàu trôi dạt, mất phương hướng trên toàn dải miền Trung hầu như đều được dòng biển đưa về đây. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp (tên gọi mới của hòn đảo này), cho biết: “Hồi đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vào mùa biển lặng, hầu như tháng nào cũng có vài con tàu vượt biên trôi dạt vào đây.

Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp
Hành trình của những chuyến vượt biên
Tất cả những người vượt biên dạt vào Cù Lao Chàm (Hội An – Quảng Nam) đa số là nạn nhân của một tổ chức lừa đảo người vượt biên hoạt động khắp miền Trung.
Những kẻ lừa đảo xúi giục người vượt biên đều nhận mình là có chân trong một “hội kín”, “hội hở” gì đó rất có thế lực tại Mỹ, Canada. Cả tin, nhiều người đã bán nhà cửa, gom vàng nộp cho họ để sắm tàu thuyền vượt biên. Các “chủ tàu” cũng cam đoan sẽ có những đội thủy thủ dạn dày kinh nghiệm nhất đưa những người vượt biên “tới nơi tới chốn”.
Hành trình cho những chuyến vượt biên thường là: nửa đêm, những kẻ lừa đảo sẽ đưa đoàn người vượt biên lên tàu. Trên tàu có sẵn một số người gọi là "thủy thủ đoàn". Tàu ra khơi và khi trời sáng rõ, mọi người mới tá hỏa khi thấy những con tàu chắc chắn, hiện đại như cam kết thực ra là những thuyền đánh cá mục nát được sơn sửa qua loa. Không ai là thủy thủ đoàn. Tất cả mọi người trên tàu đều là những người đang tìm đường vượt biên không hề có kinh nghiệm hay chuyên môn gì về đi biển. Nhưng khi biết sự thực thì mọi việc đã rồi, không có đường quay lại.

Nơi neo đậu tàu thuyền tại Cù Lao Chàm
Anh Nguyễn Văn Lợi, đang làm nghề chèo thuyền nan đưa khách đi thăm những cảnh đẹp quanh Cù Lao Chàm, kể: “Hồi đó, mỗi khi phát hiện những con tàu vượt biên dạt vào đây, việc đầu tiên của dân đi biển là tiếp cận, lên tàu tịch thu cái phớt thăm dầu (dụng cụ bắt buộc phải có nếu muốn chạy tàu), phòng khi họ vì quá sợ hãi lại chạy ra biển lần nữa thì nguy hiểm lắm. Sau đó còn lo cho họ cái ăn bởi dẫu sao họ cũng là đồng bào với mình". Anh Lợi cho biết thêm: “Hồi đó, tui cũng từng nghe kể những câu chuyện kinh hoàng về các chuyến vượt biên trên biển. Tôi nghĩ, ai mà nghe rồi thì chắc chắn hổng dám vượt biên luôn. Tui chỉ nghe kể mà còn nổi hết da gà”.
Chuyện kinh hoàng ở hang Yến
Những chuyến tàu vượt biên đều lấy hang Yến tại Cù Lao Chàm làm nơi ẩn núp khi dạt vào đây. Những hình ảnh ghê rợn nhất của con người khi đối mặt với cái chết đã tạo nên ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí người dân xã đảo này.
Bãi Yến nằm khuất nẻo cuối cù lao lại không có đường bộ xuống hang . Thoạt đầu, những người dân Cù Lao Chàm không biết địa điểm này là nơi các thuyền vượt biên bị dạt về. Họ chỉ ngỡ ngàng khi lần đầu tiên (đầu những năm 80 thế kỷ trước) thấy một đoàn người thảm hại, rách rưới, máu me bởi những vết đá cào xước, kéo nhau lên đảo từ hướng hang Yến.

Hang Yến - nơi những con tàu vượt biên dạt vào
Những người này xin ăn, rồi họ quỳ lạy các ngư dân rủ lòng thương đưa thuyền ra bãi Yến đón đàn bà, trẻ con còn mắc kẹt lại ngoài đó. Khi các đoàn thuyền giải cứu đến nơi thì thấy trong hang Yến la liệt người đang nằm thoi thóp. Họ khai, thuyền của họ bị cướp ngoài biển khi đi đánh cá rồi bị bọn cướp biển vứt lên hang Yến. Chỉ khi bàn giao cho bộ đội biên phòng, người dân mới biết đó là những người vượt biên.
Vào thời điểm đó, mỗi ngày dồn dập những con tàu vượt biên dạt vào đây. Với những tàu bị cạn dầu, cạn lương thực dạt vào thì tình cảnh không đến nỗi thê lương cho lắm, dù cũng có người chết vì kiệt sức. Nhưng những con tàu là nạn nhân của lũ cướp biển thì tình cảnh thật vô cùng thê thảm. Anh Trần Sĩ Ba giờ không còn sống tại Cù Lao Chàm nữa, anh có một hàng cơm gà khá nổi tiếng ở Hội An. Nhắc về kỷ niệm ở hang Yến và những người vượt biên, anh chỉ vào vết sẹo dài trên trán: “Có bà trên tàu vượt biên đòi tự tử, tui cản lại nên bị vết thẹo này”.
Tháng 3.1987, khi đánh cá đêm, anh Ba thấy con tàu nhỏ cập vào hang Yến. Dưới ánh đuốc khói mờ mịt, vài chục người đàn ông nằm la liệt trên sàn tàu. Người cầm lái là người duy nhất còn tỉnh táo nhưng bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Trong hầm tàu bỗng bật ra những tiếng gào rú như điên dại, rồi tiếng chân đạp vào thành tàu ầm ầm. Phân công anh em tập trung những người kiệt sức lại cho uống nước, anh Ba cùng một người nữa xuống kiểm tra hầm tàu.

Trường mẫu giáo này trước đây đã dùng để tạm giữ những người vượt biên.
Trong hầm tàu là 3 người phụ nữ bị trói chặt, áo quần tả tơi, 2 người đã xỉu còn 1 người vẫn quẫy đạp như điên dại. Không hiểu chuyện gì xảy ra, anh cắt dây trói cho cả 3 người rồi đưa 2 người ngất xỉu rời sàn tàu. Lúc quay lại, anh đã thấy người phụ nữ còn tỉnh nắm chặt con dao vừa dùng cắt dây trói đưa lên ngang cổ. Hoảng hồn, anh Ba lao vào gạt tay, con dao trượt đi cắt một vết dài trên mặt anh. Người đàn bà sức đã quá yếu quỳ xuống van xin: “Xin ông hay để cho tôi được chết”.
Người đàn ông duy nhất còn tỉnh táo cầm lái tên Hướng cho biết họ lên tàu từ cửa biển Thuận An (Thừa Thiên – Huế). Chuyến đi gồm 2 tàu với khoảng 60 người. Sau ngày đi biển thứ nhất, khi mọi người trên tàu nằm bệt vì say sóng, đám người trà trộn trên 2 tàu lộ nguyên hình là những tên cướp biển. Tài sản, hành lý, tư trang bị trấn lột sạch rồi những con người khốn khổ bị lùa sang con tàu cũ nát không có dầu, thức ăn, nước uống. 4 người phụ nữ trên tàu bị những tên cướp biển thay nhau hãm hiếp đến ngất xỉu trước mắt của tất thảy mọi người.
Cơn hoảng loạn, ê chề, nhục nhã đã khiến những người phụ nữ khi tỉnh lại muốn chết. Sau khi 1 người lén nhảy xuống biển tự vẫn, mọi người buộc phải trói những người còn lại rồi đưa xuống hầm tàu. Người phụ nữ đã “tặng” anh Ba vết dao có chồng bị bọn cướp bắn chết khi không chịu nổi cảnh vợ bị hành hạ nên đã lao vào kháng cự. Ông Hướng, người cầm lái cũng bị một phát đạn vào đùi. Lúc vào bờ, vết thương đã hoại tử có giòi, bốc mùi hôi thối nồng nặc…
Món “gan cá heo” ám ảnh
Khi tàu vượt biên dạt về Cù Lao Chàm, sau khi được hồi sức, những người trên tàu sẽ được giao cho bộ đội biên phòng xử lý. Riêng chị em phụ nữ thì được ở nhà dân và được các bà, các cô tại đây trông coi. Do những phụ nữ qua cơn ác mộng dài ngày trên biển thường bị sang chấn tâm lý nặng nề, kinh sợ đàn ông (nếu đã bị bọn cướp biển hành hạ), rất dễ manh động.

Anh Lợi kể lại những câu chuyện kinh hoàng
Cô Trần Thị Mỹ, người trước đây làm ở hội phụ nữ xã đảo hay lãnh nhiệm vụ trông nom những phụ nữ này, kể: “Thỉnh thoảng họ cũng có kể chuyện nhưng mình gạt đi vì sợ họ buồn. Khi hiểu họ và biết rõ câu chuyện của họ, chúng tôi biết nhiều chị em sẽ bị ám ảnh kinh hoàng suốt đời về món “gan cá heo”.
Khi trông coi một chị phụ nữ tên Thoa vượt biên đi từ Quy Nhơn dạt vào đây, bà Mỹ nhận ra một sự thực kinh hoàng: Có nhiều đoàn vượt biên đã phải ăn thịt người. Khi vào bờ, chị Thoa đã lả đi, đứa con vẫn ôm chặt lấy mẹ nhai nhai bầu vú đã khô quắt. Sau khi hồi phục, có lần chị Thoa khẽ hỏi bà Mỹ: “Bắt cá heo có dễ không cô?”.
Bà Mỹ thật thà: “Từ hồi cha sanh, mẹ đẻ chừ, chưa thấy ai bắt được cá heo hết á? Nó bơi nhanh như tên lửa lại tinh như quỷ, người trên tàu bàn bạc gì nó còn biết nữa cơ. Dân biển chúng tôi tin nó hiểu được tiếng người”. Khi câu “người” vừa dứt, chị Thoa lăn ra ngất xỉu. Khi tỉnh lại, chị suốt ngày nôn ọe và lâm vào cảnh hoảng loạn hơn cả khi mới được cứu thoát.
Thì ra lúc gần kề cái chết sau hơn một tuần không có cái ăn, có lần chồng chị mang đến cho chị vài miếng gan. Lúc thoi thóp, không có thời gian hỏi han, chị vội ăn để mong có sữa cho con bú. Sau khi tỉnh táo trở lại, chị hỏi đó là món gì thì anh chồng bảo: “Gan cá heo. Loại này bơi theo tàu suốt nên dễ bắt lắm. Lấy lao xiên vào mình chúng là được”. Hóa ra mấy miếng gan đó là của những người cùng lên tàu đã chết!
Tháng 4.1984, anh Nguyễn Văn Lợi phát hiện đoàn người lúc nhúc nơi cửa hang sau khi một con tàu quay trở về phía biển. Nhìn những khuôn mặt khiếp đảm của họ, anh Lợi biết họ đã trải qua những gì kinh khủng nhất. Anh Lợi cùng một người bạn tên Phi đưa những người này lên thuyền chở về. Có một thanh niên tên là Chính khi bước chân lên thuyền bỗng gào rú rồi nhảy vọt lên bờ. Để đảm bảo cho chuyến đi an toàn, Chính bị trói chân tay, đặt vào lòng thuyền. Câu chuyện về lý do loạn óc của Chính sau này mới được kể tường tận.

Lương thực trên Cù Lao Chàm rất hiếm
Đoàn người vượt biên này là những người đàn ông có họ hàng với nhau tại Hội An. Con thuyền của họ ra khơi được 2 ngày thì gặp bão, sóng đánh tung những thùng thực phẩm, những can dầu dự trữ ra biển. Hết dầu, hết thức ăn họ lang thang trên biển được hơn 10 ngày nhờ vài cơn mưa sau đó cho họ nước uống. Nhưng thức ăn thì không có. Sau khi người đầu tiên trên tàu chết vì kiệt sức, những người còn lại cũng đang nằm trong ranh giới sự sống và cái chết, luật “bắt thăm sinh tồn” của nghề biển có từ hàng vạn năm trước được thống nhất triển khai.
Hơn 20 năm trước, Cù Lao Chàm nghèo xác xơ, lượng lương thực trồng trên đảo chỉ đảm bảo 20% nhu cầu lương thực của người dân. Mỗi con tàu vượt biên dạt vào đây kéo theo vài chục con người đang đói, không cho họ ăn thì tội nghiệp mà cho họ ăn thì lương thực dự trữ của các gia đình trên đảo nào có bao nhiêu. Nhưng rồi cùng là con người với nhau cả, vẫn phải dốc ngược thùng gạo ra để cứu mạng nhau.
Bắt thăm sinh tồn” là thứ luật tục kinh hoàng nhất, lâu đời nhất, phổ biến nhất và tồn tại bền vững nhất của nghề biển. Khi bị thần chết kề cổ vì thiếu thức ăn, những người trên thuyền buộc phải rút thăm: Hai người bốc được lá thăm đen đủi sẽ lao vào một cuộc chiến sinh tử, người còn sống sẽ phải làm thịt kẻ chiến bại và làm món ăn mang lại sự hồi sinh cho những con người trên tàu.
Những người trên con tàu vượt biên này đã may mắn hơn rất nhiều vì đã có một người kiệt sức và chết. Lá thăm đen đủi sẽ chỉ xác định người phải chế biến “món ăn” từ con người xấu số đó. Chính là người bốc phải lá thăm đen đủi đó.
Ghê rợn thay, người chết lại là Nghĩa, em ruột của Chính. Cầm con dao mà mọi người đưa cho, Chính loạng choạng đi đến gần xác em ở cuối tàu. May mắn thay, khi lưỡi dao của Chính vừa vung lên thì cũng là lúc xa xa phía chân trời xuất hiện một chấm đen - một con tàu. Mấy người trên tàu lao đến giữ tay đẩy Chính ngã xuống sàn.
Con tàu đánh cá đồng ý đưa đoàn người vượt biên trở lại bờ biển sau khi lấy gần như toàn bộ vàng của họ. Sau 2 ngày, con tàu thả những người này tại hang Yến rồi tiếp tục ra khơi.
Quá khứ kinh hoàng của đoàn người vượt biên giờ đã thành dĩ vàng, Cù Lao Chàm giờ đã giang tay đón nhận bạn bè khắp năm châu về thăm khu sinh quyển nổi tiếng này. Ông Nguyễn Văn An, chủ tịch UBND phường Tân Hiệp, cho biết: "Mỗi ngày, chúng tôi có hàng ngàn lượt khách ra đảo (đa số là khách nước ngoài) trong khi cả đảo chỉ có hơn 2 nghìn người nhưng đời sống bà con ngoài này vẫn rất khó khăn".
Cù Lao Chàm giờ đang trăn trở trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Chỉ mong những dự án phát triển du lịch trên mảnh đất này sớm thành hiện thực để hạt cát vàng lầm lụi Cù Lao Chàm tỏa sáng như một viên ngọc giữa biển khơi.
( Theo Dòng Đời ) 

Nghề “tìm ma” ở đáy sông

Nghề “tìm ma” ở đáy sông

Ông Nguyễn Văn Sết - người “tìm ma” gia truyền dưới đáy sông. Ảnh: Đăng Khoa
Ở Thừa Thiên - Huế có một gia đình tình nguyện làm công việc mà ai nghe cũng rờn rợn: Lặn tìm xác chết. Hàng chục năm qua, hễ ở đâu có người chẳng may sẩy chân chết đuối, nhảy cầu tự tử… chưa tìm được xác là 3 anh em ông Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Văn Sết và Nguyễn Văn Nết ở thôn Lại Tân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại được “điều động”.
Họ ngụp lặn hàng giờ dưới đáy sông sâu cả chục sải tay người, tìm kiếm người xấu số. Với họ, đây là “nghề gia truyền” đã 3 đời nay, và có không biết bao nhiêu phận người xấu số được 3 anh em ông đưa về với gia đình và chưa một lần họ đòi hỏi tiền công.
Nghiệp “gia truyền”
Một ngày cuối mùa đông năm trước, hàng trăm con người đứng chật ních bờ sông, tất cả lặng im dõi theo 3 anh em ông Sết ngụp lặn tìm xác 1 thanh niên tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy qua lan can cầu Tràng Tiền xuống dòng sông Hương. Trong cái rét cắt da cắt thịt, năm bảy phút, 3 anh em ông ngoi lên mặt nước lấy hơi, hớp ngụm rượu hâm nóng người rồi lại lao trở xuống nước…Lặn tìm suốt 2 tiếng đồng hồ ròng rã, 3 anh em họ đã đưa được xác lên bờ. Thân nhân người xấu số òa khóc vang động cả khúc sông. Còn 3 anh em ông Sết lặng lẽ cuốn vội hành trang trở về nhà…
Gia đình ông Sết là dân vạn đò thứ thiệt. Và suốt gần một thế kỷ nay, cả nhà ông lênh đênh trên sông Hương bằng đủ nghề: Quăng chài, thả lưới, chạy đò, và xích lô, xe thồ nữa…“Từ đời ông nội, đến đời ba tui là dân vạn đò sông Hương, thuộc tổ 40, khu vực 7, phường Vỹ Dạ, TP.Huế. Năm trước, anh em tui lên bờ theo chính sách nhà nước, được cấp đất tái định cư tại thôn Lại Tân, vậy là số vạn đò chấm hết” - ông kể. Cũng vì cái kiếp ở đò mà gia đình ông Sết gắn cuộc đời mình với việc “tìm ma” dưới đáy sông từ lúc nào chẳng biết. “Từ thời chế độ cũ, ông nội, đến ba tui là những người bơi lặn có tiếng trên sông Hương. Vậy nên hễ có người sẩy chân chết đuối là dân mình tìm đến nhờ….” - ông Sết nói.
Thập niên 70 của thế kỷ trước, 3 anh em ông Sết đã là những tay bơi, tay lặn có tiếng trên sông Hương. Cả 3 anh em ông lặn xuống đáy những con nước sâu đến 22 sải tay người lớn là chuyện hết sức bình thường. Chính vì “tài nghệ” đó mà mỗi lần “lặn ma”, cụ Nguyễn Văn Hoan - cha ông - thường dẫn các con theo trợ giúp. “Lúc đầu ba tui cho đi để phụ giúp chèo ghe, đưa người lên. Đến lúc quen việc thì cho lặn thử. Lần đầu lặn rờ trúng cánh tay người chết, người tui sởn gai ốc, sợ dữ và định bỏ không làm nữa. Ba tui dạy rằng: Xưa nay, dân mình vẫn nghĩ người ở đò thường kiêng cữ cứu người chết nước, vớt xác người. Nhưng đã chết, họ hiền lắm. Xuống giúp đỡ mà đưa họ lên với gia đình, chứ nằm dưới nước sâu lạnh lẽo, tội nghiệp. Đó cũng là làm phước cho nên không có chi phải sợ” - ông Sết nhớ lại.
Ông Sết bảo việc ba anh em ông đang làm chẳng phải là nghề, mà là nghiệp. “Bởi làm cái việc ni chẳng có thù lao, mà có khi phải tốn tiền. Nói thiệt là mỗi lần lặn vớt xác, gia đình mô có điều kiện tạ lễ cho vài trăm ngàn, anh em tui dùng để làm thủ tục với thần linh sông nước, với người đã khuất để người ta không quở trách mình. Còn dư bao nhiêu thì mua rượu, mồi, anh em ngồi lai rai chống lạnh cho vui. Cũng có nhiều gia đình nghèo quá, anh em tui tự bỏ tiền túi làm đúng thủ tục cho họ” - ông Sết tâm sự. Vậy mà mấy mươi năm qua, anh em ông Sết chưa một lần từ chối tìm người xấu số, dù là lúc nửa đêm: “Ban đêm và dù nước sâu mấy cũng lặn. Có người khuyên uống nước mắm chống lạnh, đối với anh em tui thì chỉ cần làm quai rượu cho ấm bụng, hít một hơi thật sâu là nhảy tõm xuống sông…”.

Công việc đưa đò là nguồn thu nhập chính để ông Sết nuôi vợ, con. Ảnh: Đăng Khoa
Ký ức kinh hoàng
Cho đến tận bây giờ, ông Sết vẫn nhớ như in vụ sập cầu Kho Rèn năm 1988. Hôm ấy, một buổi chiều mùa đông, mưa lất phất bay. Lúc ấy đang có một vụ khám nghiệm tử thi ở dưới chân cầu. Nhiều người rảnh rỗi cùng nhiều học sinh tan trường dừng xe chen lấn, xô đẩy nhau ở trên cầu để xem. Lan can cầu cũ kỹ không chịu nổi sức nặng đã gãy, kéo theo một mảng nền cầu xuống sông cùng tất cả những người trên đó. Người nọ kéo người kia, khoảng chừng ba bốn chục người, cặp sách học trò, áo mưa, nón lá nổi khắp mặt sông. Anh em ông tức tốc được “điều” đến để đưa người xấu số lên bờ. Lần mò đống đổ nát dưới đáy sông tang tóc, anh em ông đưa lên 1, 2, 3… rồi 40 người chết thảm. “Họ níu, nằm đè lên nhau rất tội. Đưa hết người lên, chúng tui kiệt sức. Duy chỉ có một cháu bé, 3 anh em tui tìm mãi không thấy tung tích, đành để mấy ngày sau cháu tự nổi” - ông Sết kể.
Có những cuộc “tìm ma” có thể mất mạng bất kể lúc nào. Ông nhớ lại vụ chìm đò kinh hoàng xảy ra giữa đêm tháng 8.2003. Đêm hôm đó, trong lễ hội điện Hòn Chén, chuyến đò chở khách quá tải, bị lật chìm nghỉm dưới sông Hương. Nơi xảy ra tai nạn nhiều ghềnh đá, nhiều hang hốc, lớp kính thủy tinh của chiếc thuyền gặp nạn vỡ vụn, nhọn hoắt, lởm chởm như được rải ra giữa lòng sông. Ông kể: “Lặn không khéo bị kính cắt bỏ mạng lúc mô không hay. Ba anh em tui nghĩ kế nắm tay nhau dàn hàng ngang lặn dưới nước, để chẳng may 1 trong 3 bị nạn thì còn kịp cứu. Hôm đó, nước bùn đục cáu cứ sộc thẳng vào hốc mũi, từng mảnh kính thủy tinh cứa vào chân đau điếng. Nghĩ lại vẫn còn sợ hãi”.
Cũng có lần ông tình cờ gặp “ma” dưới đáy nước sâu. Chuyện là sau cơn bão dữ năm 1985, ông được người dân Thuận An (huyện Phú Vang) thuê lặn vớt tôn, sắt chìm dưới phá Tam Giang. Lặn xuống, tay ông Sết chạm phải thịt, cứ tưởng là heo chết chìm dưới đáy. Sờ kỹ, ông phát hiện xác người. Ông ngoi lên gọi người xuống trợ giúp. Tình huống bỗng dưng thấy “ma”, những người bạn đã từ chối, khuyên ông nên để lại. Không chịu, ông Sết liều mình lặn một lèo 20 hơi mới đưa được người xấu số lên khỏi mặt nước. Xong đâu vào đấy, ông dùng dây thừng néo người xấu số vào cây cọc trên phá để người nhà dễ tìm. Thẳm sâu trong ý nghĩ của ông thì: “Làm người sống hay người chết thì cũng là con người cả. Biết thì phải giúp người ta, chứ ngoảnh mặt đi thì thể nào cũng lãnh hậu quả”.
Cách đây mấy năm, trong một lần chạy đò ngược sông Hương lên chùa Thiên Mụ, từ phía xa ông Sết phát hiện một người đàn ông lao xuống sông tự vẫn. Ông kéo hết ga cho con đò phóng nhanh lên phía trước. Áp sát khu vực người bị nạn, ông bỏ đò lao xuống dòng sông. Sau một hồi ngụp lặn, ông Sết đưa được người đàn ông lên bờ: “Nhiều người có mặt đã sơ cứu, đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế. Sau ni, tui nghe nhiều người kể, người tự tử ấy được cứu sống”.

Chiếc máy tạo khí được ba anh em ông tạo ra để phục vụ công việc và tìm xác người chết. Ảnh: Đăng Khoa
Sau mấy mươi năm “lặn ma” trên các dòng sông ở Huế, 3 anh em ông bỗng dưng nổi tiếng lúc nào chẳng hay. Thế là, nhiều lời mời “tìm ma” dù ở ngoại tỉnh - Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum - anh em ông vẫn vui vẻ nhận lời. “Chỉ cần họ lo cho anh em tui phương tiện đi lại, cái ăn, chỗ ngủ, xa tới mô cũng đi”. Ở tuổi 54, ông Sết không nhớ hết đã có bao nhiêu xác người xấu số được anh em ông đưa khỏi mặt nước. Ông bảo rằng mình không dám kể công. Bởi sống cho đi thì chắc rằng được nhận lại.
Bây giờ, để đỡ vất vả, ba anh em ông Sết tự mày mò nghiên cứu chế tạo máy tạo khí để phục vụ cho việc lặn ở những đoạn sông sâu. Họ góp 5 triệu đồng sắm máy nổ, mua dây dẫn khí, kính lặn và tự thiết kế bình hơi, chế tạo bộ phận tạo khí: “Cái máy ni có thể cung cấp khí cho 2 người cùng một lúc. Có máy tạo khí lặn được lâu hơn, việc tìm kiếm cũng dễ hơn trước gấp bội”. Những đứa con, cháu ông cũng được truyền dạy kinh nghiệm kế tục nghiệp gia truyền. Hỏi rằng ông đã tính đến lúc “nghỉ hưu”, ông Sết chỉ cười: “Giờ ai gọi là đi liền, chứ không dám khước từ. Nhưng vui cái là 2 năm nay, người ta ít chết nước nên anh em tui cũng nhàn nhã. Ước chi mình được nhàn nhã thế này mãi thì hóa hay biết bao…”.
( Laodong )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét