Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Bài đáng chú ý

Biển Đông : Bắc Kinh sẽ tăng sức ép trên Việt Nam nhân chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phía sau, ở giữa) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phía sau, phải) chứng kiến lễ ký kết hợp tác quân sự tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 19/06/2013.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phía sau, ở giữa) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phía sau, phải) chứng kiến lễ ký kết hợp tác quân sự tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 19/06/2013. (REUTERS/Mark Ralston/Pool)

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bắt đầu công du Trung Quốc từ hôm nay, 19/06/2013. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh trong thời gian gần đây không ngớt có những hành động ngày càng quyết đoán trong việc áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc (trường Đại học New South Wales), hồ sơ Biển Đông tuy quan trọng, nhưng chỉ chiếm một vị trí thứ yếu trong các cuộc thảo luận so với các vấn đề kinh tế. Bắc Kinh, theo ông Thayer, sẽ lợi dụng thế yếu của Việt Nam, cần đến Trung Quốc về mặt kinh tế để gia tăng áp lực trên một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất các đòi hỏi chủ quyền quá mức của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer trước hết xác định rằng bất chấp các sự cố liên quan đến Biển Đông trong thời gian qua, nhân chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam, hai bên sẽ cố cho thấy là tranh chấp Biển Đông không hề tác hại đến quan hệ song phương.

« Biển Đông sẽ nằm trong chương trình nghị sự nhưng sẽ không chi phối các cuộc thảo luận... Mặc dù đã có một vài sự cố ngoài Biển Đông được công khai hóa (trong thời gian qua), nhưng Trung Quốc và Việt Nam đang « quản lý » tranh chấp lãnh thổ song phương.

Một nhóm làm việc cấp chính phủ vẫn tiếp tục gặp nhau để thảo luận về các vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam đã thúc đẩy một thỏa thuận về việc « không sử dụng võ lực trước » tại Biển Đông. Hai bên cũng đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng quốc phòng.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang có nhiều mục tiêu. Thứ nhất, Việt Nam là nước đi bước đầu tiên trong một chuyến thăm cấp cao. Điều này cho thấy thái độ tôn trọng (respect), nếu không muốn nói là cung kính (deference) đối với Trung Quốc. Các vấn đề kinh tế sẽ rất quan trọng vì lẽ Việt Nam bị thâm hụt thương mại nặng nề trước Trung Quốc... và sẽ phải tìm kiếm thêm đầu tư từ Trung Quốc.

Tóm lại, cả hai bên đều không để cho tranh chấp Biển Đông dâng trào, ảnh hưởng đến quan hệ song phương rộng lớn hơn ».

Theo giáo sư Thayer, trong toàn cảnh như vậy, trên hồ sơ Biển Đông, Việt Nam chỉ có thể nhắc lại những gì đã từng được hai bên đồng ý từ trước đến nay, và tránh gây thêm rắc rối – như tuyên bố ủng hộ vụ Philippines kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc chẳng hạn :

« Một lần nữa, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ghi nhận là tranh chấp nên được giải quyết song phương (khi không liên quan đến một bên thứ ba), tránh dùng võ lực đồng thời tuân thủ luật quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Cả hai sẽ cam kết thực hiện bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, và ủng hộ đàm phán về một Quy tắc Ứng xử COC.

Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện sự cung kính Trung Quốc bằng cách không công khai ủng hộ Philippines và vụ nước này kiện (Trung Quốc) ra trước Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam sẽ tiếp tục giữ một thái độ kín đáo trên vấn đề Biển Đông, ngoại trừ khi phải đối phó với những sự cố cụ thể. Trong các trường hợp đó, Việt Nam sẽ phản đối theo các kênh chính thức ».

Chuyến công du Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang diễn ra vào lúc toàn khối ASEAN chuẩn bị Hội nghị Ngoại trưởng thường niên tại Brunei – từ ngày 27/06 đến 02/07/2013 - trong đó vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập tới. Theo giáo sư Thayer, Chủ tịch nước Việt Nam có thể sẽ gặp áp lực trên một số vấn đề :

« Trung Quốc sẽ gây mọi áp lực về mặt ngoại giao để ngăn không cho vấn đề Biển Đông bị các cường quốc « bên ngoài » quốc tế hóa hơn nữa. Trung Quốc sẽ nêu bật thiện chí bắt đầu đàm phán về một Quy tắc Ứng xử, nhưng với lời đe dọa ngấm ngầm là tất cả các nước đang tranh chấp với Trung Quốc phải tránh không được chỉ trích Trung Quốc.

Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ tương đối dễ dàng trong việc tán đồng ý kiến của Trung Quốc trong bản thông cáo chung. Các cuộc thảo luận được dự kiến về một bộ Quy tắc Ứng xử là một chuyển biến tích cực mà mọi bên đều mong muốn ».

Trong phần trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ Bloomberg vào hôm qua, giáo sư Thayer còn nêu bật một trong những mục tiêu không được nói ra của chủ tịch nước Việt Nam nhân chuyến công du Trung Quốc : Tìm hiểu rõ hơn về quan hệ Mỹ - Trung sau cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình hồi đầu tháng tại California.

Dẫu sao thì Việt Nam, theo nhà nghiên cứu Úc, không thể « nổ súng tiến lên » trên hồ sơ Biển Đông, và phải rất thận trọng trong việc « chọn mặt trận nào » với Trung Quốc.
Trọng Nghĩa (RFI)

Chủ tịch Việt Nam công du Trung Quốc dưới sức ép của công luận trên hồ sơ Biển Đông

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (P) cùng người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự trước Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh hôm nay 19/06/2013.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (P) cùng người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự trước Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh hôm nay 19/06/2013. (REUTERS / Kim Kyung Hoon)

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã lên đường qua Trung Quốc kể từ hôm nay, 19/06/2013 nhân một chuyến công du kéo dài đến ngày 21/06. Theo giới chuyên gia, căng thẳng Hà Nội-Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông chắc chắn sẽ đè nặng lên chuyến công du này, trong bối cảnh Việt Nam đang cần đến Trung Quốc để thúc đẩy trở lại tăng trưởng kinh tế.

Trước tiên hết, giới quan sát đều ghi nhận rằng đây là chuyến công du Trung Quốc cấp Nhà nước đầu tiên của ông Trương Tấn Sang trong cương vị Chủ tịch nước Việt Nam. Ông đồng thời là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên đi thăm Trung Quốc từ khi nước này có lãnh đạo mới.

Theo chương trình dự kiến, chủ tịch nước Việt Nam sẽ có những buổi hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác, và sẽ đi thăm tỉnh Quảng Đông.

Trên mặt chính thức, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều ca ngợi quan hệ hữu hảo giữa hai nước. Phát biểu nhân cuộc họp báo ngày 14/06 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh - cho biết là Bắc Kinh hy vọng rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau.

Về phía Hà Nội, lời lẽ cũng tương tự. Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng cho rằng chuyến công du của ông Trương Tấn Sang có mục tiêu « tăng cường lòng tin chính trị giữa hai bên », vì « hòa bình, ổn định, và phát triển trong khu vực ».

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã ghi nhận những khó khăn mà chủ tịch nước Việt Nam sẽ gặp phải nhân chuyến công du Trung Quốc lần này do tình hình căng thẳng trên vấn đề Biển Đông.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Trương Tấn Sang đang phải đối phó với áp lực từ công luận trong nước, muốn ông phải tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh trên hồ sơ chủ quyền đất nước. Ông sẽ phải thảo luận về vấn đề Trung Quốc tranh chấp biển đảo cũng như nguồn tài nguyên dầu khí ngoài Biển Đông với Việt Nam, nhưng cũng phải tìm thêm đầu tư từ Trung Quốc để thúc đẩy trở lại nền kinh tế Việt Nam mà tăng trưởng đang bị suy yếu hẳn.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, được hãng Bloomberg trích dẫn, chủ tịch nước Việt Nam sẽ có « những cuộc đàm phán khó khăn » tại Bắc Kinh, vì ông sẽ phải cân bằng nhu cầu kinh tế của Việt Nam với mối quan ngại trước các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo ông Doanh, trong các cuộc hội đàm, chủ tịch nước Việt Nam sẽ tập trung kêu gọi Trung Quốc gia tăng du lịch qua Việt Nam, tìm kiếm thêm đầu tư của Trung Quốc và thúc đẩy nhập khẩu từ Việt Nam.
Trọng Nghĩa (RFI)
 

Việt - Trung ký 10 văn kiện hợp tác


Hôm 19/6, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác tại Bắc Kinh.

Đáng chú ý, hai nước sẽ thăm dò dầu khí chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam nói thỏa thuận phù hợp với hiệp định song phương về phân định vịnh Bắc Bộ.

Hiệp định này mới gia hạn lần thứ tư, kéo dài đến năm 2016.

Bộ nông nghiệp hai nước lần đầu tiên sẽ lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm liên quan ngư dân trên biển.

Ngoài ra còn có thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ quốc phòng, và xây dựng trung tâm văn hóa tại hai nước.

Trung Quốc sẽ cấp khoản vay ưu đãi 320 triệu nhân dân tệ cho dự án hệ thống thông tin đường sắt và còn có một hiệp định cho vay liên quan dự án nhà máy đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu đôla.

Hai bên còn ký chương trình hành động giữa hai chính phủ về triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Sang trong cương vị Chủ tịch nước, và cũng là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc có dàn lãnh đạo mới.

Giới quan sát cho rằng hai chủ đề chính trong chuyến đi lần này của ông sẽ là kinh tế-thương mại và an ninh ở Biển Đông.

Những ngày gần đây, truyền thông hai bên đăng nhiều tin bài ca ngợi ý nghĩa của chuyến đi, mà giới chức nói là "nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Đảng, Nhà nước Trung Quốc; đưa quan hệ hai bên có bước phát triển thực chất theo khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, nhất là về hợp tác kinh tế-thương mại".

Trong một động thái đáng chú ý, quan chức cao cấp của cả hai bên đều đồng loạt trả lời phỏng vấn về chuyến đi này trên các kênh chính thống, cho thấy nguyện vọng chứng minh ngược lại một số cáo buộc rằng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang 'có vấn đề' vì mâu thuẫn biển đảo.

Mới nhất, chính Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trả lời báo chí Trung Quốc trước thềm chuyến đi của mình.

'Trước sau như một'

Trong phỏng vấn thực hiện hôm thứ Ba 18/6, ông Sang khằng định: "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc".

Tuy nhiên, ông đề cập tới các thách thức mới đặt trước quan hệ Việt-Trung ngày nay, và nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, cả hai nước đều cần môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định để tập trung phát triển".

Gần đây Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều cuộc va chạm trên Biển Đông. Tuy chưa xảy ra xung đột vũ trang, nhưng rõ ràng an ninh và ổn định đã trở nên quan tâm hàng đầu.

Cả hai bên đều thừa nhận rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là vấn đề mâu thuẫn lớn duy nhất còn tồn tại giữa hai bên.
"Việc giải quyết vấn đề Biển Đông là hết sức hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của người dân."
Chủ tịch Trương Tấn Sang

Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia về an ninh châu Á, nói với BBC từ Singapore rằng ở thời điểm hiện tại, "triển vọng có được một giải pháp chính trị hay pháp lý đối với tranh chấp Biển Đông là rất yếu ớt vì thiếu ý chí chính trị của tất cả các bên".

"Bởi vậy trọng tâm của tiến trình này sẽ là giảm thiểu căng thẳng thông qua các cơ chế quản lý xung đột."

Ông Storey dự đoán Việt Nam và Trung Quốc sẽ vẫn còn tiếp tục căng thằ̉ng xung quanh vấn đề Biển Đông, các nguồn lợi trong khu vực này, và do vậy các vụ va chạm vẫn sẽ tiếp diễn.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nói ông hy vọng "sẽ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc trao đổi thẳng thắn, chân thành, tiếp tục có thêm những giải pháp để giải quyết thỏa đáng những bất đồng trên biển giữa hai nước".

Ông Sang cũng bày tỏ nguyện vọng hai bên cùng giữ lập trường "đối xử nhân đạo với ngư dân, xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá".

Ông nói: "Việc giải quyết vấn đề Biển Đông là hết sức hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của người dân".

Giữ thăng bằng

Tiến sỹ Storey cảnh báo rằng lãnh đạo Việt Nam, nhất là Chủ tịch Trương Tấn Sang trong chuyến đi này, sẽ phải đối mặt với áp lực phải giữ hòa khí với Trung Quốc trong khi tỏ ra thấu hiểu và tôn trọng chính những điều mà ông Sang gọi là "tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc" nói trên.

Dư luận trong nước đã nhiều lần chỉ trích ban lãnh đạo Hà Nội là quá "nhu nhược" trước các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Biên giới Việt Nam Trung Quốc
Việt Nam đang phải tìm cách thăng bằng quan hệ với Trung Quốc

Ông Storey nói với BBC: "Để giữ thăng bằng, chính phủ Việt Nam đang theo đuổi cùng lúc 5 chiến lược: đàm phán ngoại giao song phương với Trung Quốc; ủng hộ các nỗ lực của Asean trong việc thực thi Tuyên bố chung về Biển Đông (DoC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC); quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thông qua các diễn đàn an ninh khu vực; hiện đại hóa không quân-hải quân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; và xây dựng quan hệ thân cận với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất có thể đối trọng lại quyền lực đang lên của Trung Quốc".

Thực tế Việt Nam đã hoan nghênh hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực, cũng như chính sách chuyển hướng về châu Á-Thái Bình Dương của Washington.

Giới chuyên gia nói trong chuyến thăm lần này, ông Trương Tấn Sang sẽ tìm hiểu quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có họp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi đầu tháng ở California.

Ông Sang sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh.

Vào cuối chuyến thăm, đoàn của Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm Quảng Đông trước khi quay trở lại Việt Nam.

Chặng cuối của chuyến thăm sẽ tập trung vào chủ đề kinh tế.

Thương mại Việt-Trung bị đánh giá là chưa xứng với tiềm năng. Trong 5 tháng đầu năm 2013, thương mại hai chiều đạt 18,9 tỷ đôla, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của phía Trung Quốc.

Cùng giai đoạn này, thương mại hai chiều của Trung Quốc với Singapore là 30,7 tỷ và với Malaysia là 43,1 tỷ, các con số lớn hơn nhiều.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng lớn, từ đầu năm tới cuối tháng Năm đã lên hơn 11 tỷ đôla.

Hãng tin tài chính Bloomberg nhận định ông Trương Tấn Sang sẽ phải làm một bài toán vô cùng khó khăn, là đề cập chuyện biển đảo trong khi vẫn phải kêu gọi trợ giúp và đầu tư của Trung Quốc cho nền kinh tế.

Hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 60 tỷ đôla vào năm 2015.
(BBC)

Một số vấn đề cần nhắc CT Sang trong chuyến thăm TQ

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2013/06/sangbinh.jpg

Chuyến đo thăm TQ của CT Trương Tấn Sang từ 19-21/6/2013 là 1 chuyến đi thăm quan trọng.
Trước hết nó thể hiện ở các bình luận của quốc tế cho rằng đây là chuyến gặp gỡ đầu tiên của CT Sang với Tập Cận Bình,  sau khi 2 người được giữ các chức vụ quan trọng nhất tại 2 quốc gia có chung biên giới, chung hệ tư tương, nhưng cả quá khứ và hiện tại TQ luôn mưu toan thôn tính VN. Thứ 2, nội dung chính các thảo luận của CT Sang và lãnh đạo TQ là vấn đề Biển Đông
Theo tục lệ văn minh của các nước dân chủ, trước khi có 1 ngoại giao quan trọng, người trí thức cần nêu các vấn đề quan trọng, cần góp ý thẳng thắn không quanh co…để các nhà chính trị, mặc dầu đã có những chỉ dẫn của đảng mình, vẫn phải chú ý ghi nhớ, tránh những sai phạm ảnh hưởng không lợi cho tương lai dân tộc mình.
Trên tinh thần này, tôi muốn qua bài viết này, nêu một số ý, hi vọng sẽ được CT Sang tham khảo.
1. Hòa bình trên Biển Đông.
ĐCS VN thông qua TBT Nguyễn Phú Trọng trong Thỏa thuận về Biển Đông giữa Việt Nam,  11/10/2011 đã nhấn mạnh về Hòa bình trên Biển Đông:
“Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phát biểu tại QH VN ngày 25/11/2011:
 ”…chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.”
Gần đây nhất, trong Đối thoại chiến lược Việt-Trung,  6/6/2013, BBC đưa tin : tướng Nguyễn Chí Vịnh đã gợi ý phía TQ:
“Việt Nam đề xuất Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước.”
Tại đây, tôi xin nhắc CT Sang rằng: Có thể “kiên trì thông qua hiệp thương,..làm cho Biển Đông trở thành vùng biển Hòa Binh..” , có thể ” chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.”
xong quyết không thể ký Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước. như tướng Vịnh đề nghị.
Ký vào thỏa thuận này là tự trói buộc Việt Nam vào hai chữ Hòa Bình, tự tước đi quyền tự vệ chính đáng của dân tộc Việt Nam trước xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông của TQ.
Ký vào thỏa thuận nội dung này là chính thức công nhân chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa,. Trường Sa và đường Lưỡi bò TQ trên Biển Đông.
Hiện nay, các nước không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đều mong có Hòa Bình trên Biển Đông do lợi ích riêng của họ.
Đối với Việt Nam, vấn đề đặt ra không phải là hòa bình hay chiến tranh.
Đây là vấn đề : Lãnh hải Việt Nam gồm Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển lân cận 2 quần đảo này đã bị TQ xâm lược.
An ninh của Tổ quốc Việt Nam bị đe dọa, an ninh của 90 triệu người dân Việt Nam bị bị uy hiếp.
Thực trạng hiện nay là TQ đã xâm lược lãnh hải Việt Nam và đặt là quận Tam sa của TQ.
Giữa Việt Nam và TQ là tình trạng chiến tranh xâm lược.
Vậy Việt Nam có quyền đánh trả xâm lược và thu hồi lãnh thổ, lãnh hải của mình.
Xin hỏi khi an ninh Hoa Kỳ, nước Nga bị đe dọa, họ làm gì?
Hai  cuộc chiến tranh Irăk và Afgganistan chính là 2 cuộc chiến tranh nhằm loại trừ hiểm họa an ninh đối với quốc nội Hoa Kỳ.., hay cuộc chiến tranh ở Gruzja 7-8/8/2008 cũng có lý do an ninh đối với Nga.
Hơn nữa, tại đây, xin nhắc CT Sang rằng Hòa Bình là 1 khâu của kế hoạch “Tằm ăn rỗi” để xâm lược Việt Nam của Bắc Kinh.
Kế hoạch này, tôi đã mô tả trong bài “Hôm nay, ai đang cần Hòa Bình trên Biển Đông?”
Tóm tắt lại, kế hoạch  xâm lược VN  ”Tằm ăb rỗi” có trình tự sau:
1. Gây dựng lòng tin chiến lược VN-TQ bằng viện trợ quốc tế vô sản mà TQ đã làm 1949-1975.
2. Dùng chiến tranh tiêu hao tinh lực Việt Nam và xâm lược 1 phần đất, biển của Việt Nam, sao cho phần đất và lãnh hải này có giá trị kinh tế, nhất là chiến lược cao : chiến tranh biên giơi 1979, 1984.
3. Dùng Hòa Bình nhử lợi, để lập lại quan hệ với Việt Nam: năm 1990 tại Thành Đô TQ.
4. Ký hiệp ước, hiệp định chính thức hóa lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam vừa bị TQ cướp đoạt vào TQ: Hiệp đinh biên giới phía bắc và Vịnh Bắc Bộ năm 2000 chính thức gộp thác Bản Giốc, Ải Mục Nam quan..vào TQ.
Đối với xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, ta thấy :
TQ đã và đang viện trợ, lừa phỉnh ĐCS VN,  ca tụng hữu nghị với Việt Nam, thế nhưng 1974, 1990, 1992 đã chiếm Hoàng Sa, 9 đảo tại Trường Sa  của Việt Nam. Năm 2009 TQ vẽ đường Lưỡi bò tại Biển Đông và công bố đây là lãnh hải “cốt lõi” của TQ.
Đối chiếu với 4 bước của kế hoạch xâm lược lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam “Tằm ăn rỗi” thì TQ xâm lược Biển Đông của Việt Nam đang ở bước 2.
Hôm nay TQ đang cần Hòa Bình trên Biển Đông để bán chính thức chiếm lấy công nhận của  thế giới về sự thực thi của họ đối với quyền chủ quyền tại Biển Đông.
Bước tiếp theo sẽ là ép Việt Nam ký các hiệp ước, hiệp định bất lợi về lãnh thổ, lãnh hải cho Việt Nam.
Ông Trương Tấn Sang cần nhớ rằng: Hoàng Sa, Trường Sa, đường Lưỡi bò trên Biển Đông là mục tiêu chính của TQ, là lợi ích cốt lõi của TQ.
Đồng thời đây là những chuẩn bị cân bằng thế địa chiến lược trước chiến lược “quay trở lại Đông Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ.
TQ có thể gây hấn với Nhật Bản tại Senkaku, với Philippines tại bãi cạn Scarborough, với Ấn Độ tại biên giới… do họ có nhiều ý đồ bành trướng, mưu toan cường quốc.
Nhưng chính thức xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa, chính thức thực thi chủ quyền tại Đường Lưỡi bò trên Biển Đông là mục tiêu cốt yếu nhất, mục tiêu cốt lõi nhất của TQ trong thế kỷ 21 này.
Xin ông Sang chớ quên điều này.
2. Ông Trương Tấn Sang không cần sợ TQ.
Phương pháp gây áp lực của TQ lên đường lối chính trị của Việt Nam có thể xét qua thí dụ sau.
Ta không  xét xa xôi từ Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất, hiệp định Ge ne Vơ v.v.v, mà chỉ cần xét từ hội nghị Thành Đô 1990 với yêu cầu của TQ: Thành phần phái đoàn Việt Nam không được có Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Sức ép này có hiệu quả.
Việc sau này BCT ĐCS VN cách chức Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đã tạo nên 1 sợi dây lãnh đạo vô hình được điều khiển từ Bắc Kinh tới tận BCH TW ĐCS VN.
Hôm nay có Bộ trưởng nào, có ủy viên TW nào, có thứ trưởng nào… dám làm trái ý TQ, dám phản đối TQ mà không sợ bị mất chức.
Những bổng lộc do chức quyền đem lại đã khiến họ trở thành những tên Việt gian có ý thức hoặc vô thức vì bảo vệ lợi ích cá nhân.
Gần đây nhất, khi Thủ tướng Dũng bị BCT kiểm điểm, trước giây phút quyết định, Thủ tướng Việt Nam đã phải bay qua Quảng Đông gặp Tập Cận Bình để tranh thủ các là phiếu của các ủy viên TW.
Ông Trương Tấn Sang trong cuộc đi thăm TQ ngày mai, không có áp lực sống còn, giữ nguyên chức hay mất chức như Thủ tướng Dũng 10/2012. Hơn nữa ông Trương Tấn Sang vừa có cuộc bỏ phiếu tại QH VN củng cố uy tín.
Vậy CT Trương Tấn Sang không cần phải sợ TQ và ký những văn bản không có lợi cho Việt Nam.
CT Sang có thể chỉ thăm xã giao mà không cần ký kết điều gì về Biển Đông.
Hơn nữa, điều TQ sợ nhất là Việt Nam dân chủ.
Bộ trưởng Quang đã tạo thế yếu cho CT Sang khi thăm TQ bằng việc bắt các Bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy…
Đấu tranh ngoại giao với TQ là khó, nhưng không thể dành thắng lợi bằng sự sợ sệt, hèn hạ…
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh: TQ chỉ tạm tỉnh ngộ trong quan hệ với Việt Nam khi họ bị thua đau trên chiến trường.
Ông CT Trương Tấn Sang sẽ đứng về phía dân tộc Việt Nam bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, hay giúp ĐCS VN bán, một cách tinh vi, biển đảo của Việt Nam ?
Chúng ta sẽ theo dõi diễn biến chuyến đi thăm TQ này của ông ta.
Nguyễn Nghĩa
© Đàn Chim Việt

Thái Lan chấp nhận lỗ hơn 4 tỷ đô la để cứu nông dân

Một kho tích trữ gạo tại tỉnh Ratchaburi (ảnh chụp ngày 10/10/2012)
Một kho tích trữ gạo tại tỉnh Ratchaburi (ảnh chụp ngày 10/10/2012) (REUTERS)
RFI
Theo AP, chính phủ Thái Lan ngày hôm nay, 19/06/2013, thừa nhận đã mất hơn 4,46 tỷ đô la trong một năm qua, trong khuôn khổ kế hoạch hỗ trợ giá thu mua gạo của nông dân, và do vậy, nước này bị mất vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới.

Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan Warathep Rattanakorn cho biết, khoản tiền bị mất hơn 4,46 tỷ đô la là do sự chênh lệnh giữa giá gạo mà chính phủ bán ra và giá thu mua của nông dân, trong khuôn trong chương trình hỗ trợ 2012-2013.

Trước đó, chính phủ Thái Lan bị chỉ trích vì đã từ chối cung cấp thông tin về các khoản bù giá và số lượng gạo thu mua tích trữ.

Trong chương trình hỗ trợ, Bangkok đã mua gạo của nông dân với giá 490 đô la / tấn, cao hơn nhiều so với giá trên thị trường. Việc Thái Lan không thể bán gạo với giá cao như vậy trên thị trường đã cho phép Ấn Độ và Việt Nam vượt qua nước này, trở thành những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Thứ Hai, 17/06, ủy ban phụ trách chính sách thu mua gạo của chính phủ thông báo có kế hoạch giảm mức giá thu mua gạo của nông dân. Nếu được chính phủ thông qua, kế hoạch mới này sẽ có hiệu lực từ 30/06.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom giải thích : « Việc điều chỉnh giá thu mua cho thấy ngay cả khi cố gắng thực thi nhiều chính sách có lợi cho người dân, chính phủ vẫn tuân thủ kỷ luật ngân sách ».

Theo thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, chính phủ dự tính giảm bớt các khoản lỗ qua việc cắt những khoản chi, nhưng đồng thời vẫn cố gắng duy trì mức thu nhập cho nông dân.

Kế hoạch trợ giá mua gạo được áp dụng từ tháng 10/2011. Chính phủ đã mua 35,2 triệu tấn gạo, trả cho nông dân hơn 11 tỷ đô la, trong lúc số tiền bán lại gạo chỉ là 1,9 tỷ đô la.

Trong dự án này, chi phí cho việc quản lý qua ngân hàng và tích trữ gạo là 482 triệu đô la.

Thủ tướng Thái Lan cho rằng « về mặt kế toán, có thể gọi đó là những khoản lỗ » nhưng đây lại chính là những khoản tiền mà nông dân được hưởng.

Nông dân Bình Phước điêu đứng vì thương lái Trung Quốc



Căn nhà của một người trồng điều ở Bù Đăng, Bình Phước
Căn nhà của một người trồng điều ở Bù Đăng, Bình Phước
RFA

Nghe bài này
Nói về Bình Phước, có lẽ, thế mạnh kinh tế của tỉnh này nằm gọn trong hai mảng, trồng điều và trồng cao su, riêng mảng cao su, cũng giống như Gia Lai, những cánh rừng cao su mới trồng của Bình Phước hoàn toàn không cho mủ, ngành trồng rừng ở đây chỉ còn trông mong vào cây điều.
Nhưng, trong suốt hai năm nay, cây điều Bình Phước bị lụn bại bởi thương lái Trung Quốc, những chiêu bài lừa đảo và phá hoại kinh tế của người Trung Quốc đã làm cho nông dân Bình Phước thật sự điêu đứng và tuyệt vọng.
Những vườn điều xơ xác
Đi dọc theo quốc lộ 14, từ Buôn Mê Thuột qua Bình Phước, có thể nói, ngoài nhà cửa, nhìn đâu cũng thấy ngút ngàn một màu xanh cao su và cây điều. Cây điều cùng mùi thơm quyến dụ của nó vừa mang hương vị ấm áp của người dân miền cao nguyên đất đỏ vừa hứa hẹn một tương lai đổi đời, cơm no, áo ấm cho cả một vùng cư dân rộng lớn vốn kham khổ mấy mươi năm nay. Thế nhưng…!
Theo lời một người nông dân tê Trữ, chủ vườn điều rộng hơn hai mươi hecta, bộc bạch thì dường như cây điều không còn là mũi nhọn kinh tế đối với miền cao nguyên đất đỏ này nữa, một phần vì nguồn xuất khẩu hạt điều bị đình trệ, một phần nữa người nông dân bị thương lái Trung Quốc lừa mua lá điều, họ tuốt sạch lá để bán, kết cục bi thảm, nhiều vườn điều phải chặt gốc.
Người nông dân ở đây không đến nỗi ngu ngốc đến độ dễ bị lừa đến thế, ông và nhiều bà con vẫn hiểu rằng chơi với Trung Quốc là chơi với kiến lửa, nó không đốt mình là chuyện quá lạ. Nhưng rồi, cái lộ trình của nhà nước đẩy dần bà con vào cái rọ Trung Quốc
Ông Trữ
Ông Trữ nói thêm rằng người nông dân ở đây không đến nỗi ngu ngốc đến độ dễ bị lừa đến thế, ông và nhiều bà con vẫn hiểu rằng chơi với Trung Quốc là chơi với kiến lửa, nó không đốt mình là chuyện quá lạ. Nhưng rồi, cái lộ trình của nhà nước đẩy dần bà con vào cái rọ Trung Quốc.
Giải thích thêm về cái lộ trình nhà nước và cái rọ Trung Quốc, ông Trữ nói rằng thật ra, đầu ra cho hạt điều nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung đã phụ thuộc, đã lún quá sâu vào thị trường Trung Quốc. Nghĩa là từ trước đến nay, dù nói ra hay không nói ra, phần lớn các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam, đặc biệt là của Bình Phước đều nhắm vào thị trường Trung Quốc và bị chi phối bởi các thương lái nước này.
Lá điều khô được thu mua để bán cho thương lái.
Lá điều khô được thu mua để bán cho thương lái. Courtesy Tuoitre
Chính vì thế, mọi hoạt động mua bán, gom hàng, xuất hàng và xả hàng của các doanh nghiệp này đều dựa vào nhiệt kế thị trường Trung Quốc, nếu như Trung Quốc không nhập hạt điều, chắc chắn, thương gia Việt Nam sẽ ứ hàng, và một khi ứ hàng, họ sẽ đè giá hạt điều thị trường Việt Nam xuống thấp, thiệt thòi cuối cùng vẫn rơi vào người nông dân.
Và, điều đó đã diễn ra gần hai năm nay, các thương lái Trung Quốc tỏ ra không mặn mà với nguồn hạt điều của Bình Phước, lượng hàng tồn kho và hư hỏng do để quá lâu, không được bảo dưỡng tốt càng ngày càng nhiều, giá hạt điều trên thị trường Bình Phước bị rớt so với nhiều năm trước, trong khi giá điện, giá xăng dầu, giá thuê nhân công và thuê đất lại tăng. Đến nước này, người nông dân buộc phải tự cứu mình bằng mọi giá.
Tự cứu không bằng tự tử
Người nông dân khác tên Thắng, sống cách thị xã Đồng Xoài, Bình Phước chưa đầy 5km, thuộc khu dân cư đồng bào thiểu số… và người Quảng Nam di dân trong chương trình kinh tế mới sau 30 tháng Tư 1975, chia sẻ với chúng tôi rằng cả một rừng điều mênh mông gần hai trăm ngàn hecta quanh khu vực ông sống đang lâm vào khủng hoảng, nghĩa là suốt gần hai năm nay, giá phân tăng gần năm lần, trước đây mua một bao phân bón, chỉ tốn 100 ngàn đồng, bây giờ, tốn gần 500 ngàn đồng mới mua được một bao, giá điện tăng, giá xăng cũng tăng, mọi thứ vật giá leo thang, trong khi giá hạt điều lại bị rớt.
Chỉ cần giá hạt điều rớt một năm thôi là mọi hoạt động chăm sóc cây điều của năm sau sẽ khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, vật giá liên tục leo thang nên bà con nông dân đành lắc đầu, bỏ cho rừng điều phát triển tùy hứng, cho trái tùy hứng.
Lá điều chất thành núi này núi nọ khắp các huyện cao nguyên đất đỏ nhưng chờ hoài không thấy thương lái Trung Quốc đến mua, lúc này, bà con mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa. Và cú lừa này hết sức đau vì một khi không bán được lá, không có tiền mua phân bồi dưỡng cho gốc điều, mùa sau, cây điều càng cho trái èo ọp, tệ hại hơn những mùa trước
Trong lúc người nông dân đang bế tắc vì nguồn thu nhập từ hạt điều bị eo hẹp thì các thương lái Trung Quốc sang gạ mua lá điều khô với giá từ năm ngàn đồng đến mười ngàn đồng trên mỗi ký lô. Lúc này, dù có đề phòng cách gì, bà con vẫn phải cầm chổi ra quét ngoài rừng điều để gom lá khô. Đến khi lá khô gom tạm sạch ở các gốc điều, thương lái Trung Quốc lại trở bài, chê lá điều không đạt tiêu chuển, loại này họ chỉ mua với giá từ hai trăm đồng đến bảy trăm đồng mỗi ký.
Bà con lỡ phóng lao, buộc phải nhắm mắt theo lao, vì công lao động bỏ ra cả gần tháng trời để gom lá điều khô, cuối cùng bán không được mấy đồng, hơn nữa, điều đang mùa ra lá, nên nhắm mắt mà hái đợt lá đó phơi khô để bán kiếm tiền đi chợ, đợi có tiền, bón phân cho gốc điều, không chừng cây tức lá, ra bội trái. Nghĩ vậy, ông Thắng và bà con thi nhau vặt lá điều.
Lá điều chất thành núi này núi nọ khắp các huyện cao nguyên đất đỏ nhưng chờ hoài không thấy thương lái Trung Quốc đến mua, lúc này, bà con mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa. Và cú lừa này hết sức đau vì một khi không bán được lá, không có tiền mua phân bồi dưỡng cho gốc điều, mùa sau, cây điều càng cho trái èo ọp, tệ hại hơn những mùa trước không chăm sóc.
Kết cục, nông dân chịu cảnh mất mùa, nhiều rừng điều phải chặt gốc, chuyển sang trồng một thứ cây gì đó. Mà thứ cây gì đó thì bà con vẫn chưa nghĩ ra!
Suy cho cùng, lời ông Trữ và ông Thắng, lời của những nông dân chân lấm tay bùn, quen sống chất phác và siêng năng nghe ra lại lắm suy tư và hiểu biết thế sự. Sự hiểu biết này không đến từ sự tuyên truyền hay truyền đạt của nhà cầm quyền mà đến từ kinh nghiệm xương máu mà họ phải trả giá một cách rất oan uổng!

Khập khiễng thương mại Việt-Trung


Người Việt mang hàng từ Vân Nam, Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (ảnh năm 2008)

Hồ sơ nổi cộm trong quan hệ Việt-Trung trong thời gian qua và cũng là đề tài số một chắc chắn được thảo luận trong chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được bắt đầu hôm nay (19/06) là tranh chấp Biển Đông.

Nhưng một vấn đề có tác động (tiêu cực) rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp tại nước này nói riêng và nên được đưa vào bàn thảo trong những cuộc gặp của giới lãnh đạo Việt Nam với chính quyền Bắc Kinh là thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc.

Một vài con số

Theo số liệu thống kê mậu của Liên minh châu Âu (EU) được phổ biến hôm 23/05/13, năm 2011, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới gần 17,7 tỷ Euro (chiếm đến 25.7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), trong khi đó Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc hơn 8 tỷ (khoảng 12.3 % tổng kim ngạch xuất khẩu).

Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc gần 10 tỷ Euro (khoảng 13 tỷ USD) trong năm 2011. Đây là một số không nhỏ vì nó bằng khoảng 10.5% tổng sản lương (GDP) của Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam năm 2011 khoảng gần 124,6 USD.

Thâm thủng mậu dịch của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng đáng bàn nếu so sánh với kim ngạch thương mại của các nước quan trọng khác trong ASEAN với Trung Quốc.

Cũng theo số liệu của EU, năm 2011 Singapore, Malaysia và Philippines có thặng dư mậu dịch với Trung Quốc, trong đó Singapore nhập từ Trung Quốc chỉ hơn 27,3 tỷ Euro nhưng xuất đến gần 30,8 tỷ.

"Hai nước ASEAN lớn khác chịu thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc là Thái Lan và Indonesia. Nhưng với mức thâm thủng trên dưới 3 tỷ Euro, nhập siêu từ Trung Quốc của hai quốc gia này nhỏ hơn rất nhiều so với Việt Nam."
Hai nước ASEAN lớn khác chịu thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc là Thái Lan và Indonesia. Nhưng với mức thâm thủng trên dưới 3 tỷ Euro, nhập siêu từ Trung Quốc của hai quốc gia này nhỏ hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Một điều đáng nói nữa là hai đối tác thương mại giúp Việt Nam cân bằng thâm thủng mậu dịch với người bạn ‘vàng’ và ‘đối tác tốt’ Trung Quốc là các nước thuộc Liên hiệp châu Âu và Mỹ.

Năm 2011, Việt Nam nhập khẩu từ EU gần 5,6 tỷ Euro, xuất khẩu đến 11,9 tỷ và nhập từ Mỹ hơn 3,2 tỷ, xuất khẩu hơn 12,1 tỷ.

Như vậy, thặng dư mậu dịch của Việt Nam với EU và Mỹ – hai đối tác mà Việt Nam thường cảm thấy khó chịu vị bị chỉ trích về hồ sơ nhân quyền và đến giờ cũng chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) – lên tới hơn 15 tỷ Euro.

Nói lên điều gì?

Hai ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có bài viết với tựa đề ‘Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển’. Bài viết đã ca ngợi quan hệ Việt-Trung, cho rằng mối quan hệ này ‘đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên’.

Để chứng minh sự phát triển ấy, tác giả đã viết: “Về quan hệ kinh tế, thương mại, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD”.

Vâng, Trung Quốc đang là đối tác thương mại số một của Việt Nam. Nhưng theo số liệu bài viết đưa ra, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc đến 16,4 tỷ USD trong năm 2012. Như vậy, chưa biết việc phát triển sâu rộng trong quan hệ Việt-Trung đã đem lợi ích thiết thực gì cho Việt Nam trong các lĩnh vực khác.

Nhưng một điều chắc chắn là trong lĩnh vực thương mại, sự phát triển ấy phần lớn chỉ đem lợi thiết thực cho nền kinh tế Trung Quốc và các doanh nghiệp của nước này.

Chắc cũng muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc thực sự là một ‘láng giềng tốt’, một ‘bạn bè tốt’, một ‘đồng chí tốt’ và một ‘đối tác tốt’, bài viết này của TTXVN còn kể rằng: ‘Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỷ USD ưu đãi’.

1,6 tỷ USD là một số không nhỏ. Nhưng so với 16,4 tỷ USD mà Việt Nam thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc, con số ấy chẳng là gì.


"Dựa vào những số liệu trên, có thể nói quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc là bất bình đẳng, không bền vững, thậm chí hơi khập khiễng."
Những con số trên cho thấy rằng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc không phát triển tốt và đem lợi ích thiết thực cho Việt Nam như báo chí chính thống thường hay ca ngợi.

Dựa vào những số liệu trên, có thể nói quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc là bất bình đẳng, không bền vững, thậm chí hơi khập khiễng.

Nếu không có xuất siêu sang các nước EU và Mỹ, chắc kinh tế của Việt Nam không thể giữ được mức tăng trưởng như những năm qua và các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Để có thể ‘ổn định lâu dài’ như phương châm mà giới lãnh đạo Việt Nam đã cam kết với Trung Quốc, Việt Nam không thể mãi chấp nhận nhập siêu từ Trung Quốc để xuất sang EU và Mỹ.

Một điều nữa mà các con số trên cho thấy đó là, dù không có những phương châm như ‘bốn tốt’ hay ’16 chữ vàng’, các nước ASEAN khác như Singapore, Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan vẫn có thể duy trì mối quan hệ kinh tế tương đối bình đẳng, lành mạnh, nếu không muốn nói là có lợi cho họ trong quan hệ với Trung Quốc.

Có thể Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nhiều hơn những nước ASEAN này vì cơ cấu và mức độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam khác hay thua những quốc gia đó. Nhưng vì cơ cấu, mức độ phát triển kinh tế hay vì chính sách hoặc một lý do nào khác việc Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là một điều đáng lo ngại, đáng bàn và cần giải quyết.

Đã đến lúc Việt Nam phải tìm cách giới hạn thâm thủng – hay thậm chí cân bằng – mậu dịch với Trung Quốc. Vì nếu không, kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp bất lợi trong quan hệ thương mại, kinh tế với Trung Quốc.

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.
Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London

Các món nợ tại Việt Nam, Trung Quốc

Bản phúc trình về "Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu" vừa được Ngân hàng Thế giới công bố hôm 13 Tháng Sáu có chi tiết gây chú ý là khoản nợ quá cao của tư nhân tại Việt Nam và cao nhất là tại Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau, hàng loạt tin tức quốc tế lại nói đến rủi ro của một vụ sụp đổ ngân hàng tại Trung Quốc chưa từng thấy trong lịch sử. Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa giải thích rằng đấy là một hậu quả của hiện tượng ông gọi là "tầm tô".

000_Hkg8686356-305.jpg
Sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc được triển lãm tại Hà Nội hôm 12/6/2013 - AFP photo
Trái bóng tín dụng TQ
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu có gây chú ý đến một hiện tượng đáng ngại là mức nợ quá cao của tư nhân tại một số quốc gia đang phát triển. Thuộc loại cao nhất thì có Việt Nam nay đã mắc nợ đến 110% Tổng sản lượng, còn Trung Quốc thì lên tới 160%. Ngay sau đó, nguồn tin tài chính quốc tế nói đến trái bóng tín dụng của Trung Quốc có thể vỡ và gây ra một vụ khủng hoảng ngân hàng lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Ông nghĩ sao về tin này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta vừa chứng kiến một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ năm năm trước tại các nước công nghiệp hóa Âu-Mỹ vì nạn vay tiền quá nhiều nên đến hồi trả nợ và hậu quả là nạn suy trầm kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn suy trầm, nhiều quốc gia cố gắng kích thích kinh tế qua biện pháp tăng chi và bơm tín dụng với lãi suất rẻ và lại gây ra nạn bong bóng đầu cơ khi người ta vay tiền quá dễ mà bất kể đến rủi ro về sau.
Riêng tại Việt Nam và Trung Quốc là hai nước ngụy danh xã hội chủ nghĩa mà thực chất là có nền chính trị độc tài và chính sách kinh tế lý tài thì người ta còn gặp một hiện tượng kinh tế chính trị học gọi là "tầm tô", là đi tìm lợi nhuận bất chính nhờ thế lực chính trị. Hiện tượng ấy gây thêm rủi ro tài chính và kinh tế vì những kẻ tầm tô có thế lực đã trở thành nhóm lợi ích có thể cản trở mọi giải pháp ứng phó. Rốt cục thì ta có "thảm kịch Hamlet" là mọi người cùng chết!
Vũ Hoàng: Cuối tháng trước, trên một nhật báo Việt ngữ tại California ông viết về hai hình thái kinh doanh của hai nhân vật vào đầu và cuối thời Chiến Quốc bên Tầu, để giải thích hiện tượng "tầm tô". Bây giờ ông nhắc đến bi kịch Hamlet của Shakespeare để bảo là ai cũng chết! Ông hay trình bày đề tài kinh tế khô khan theo lối ví von, nhưng thưa ông, tầm tô là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta gọi kinh tế học là khoa học u ám và nói về chuyện u ám với thuật ngữ chuyên môn khó hiểu thì thính giả của chúng ta càng dễ nản chí nên tôi cố trình bày chuyện khô khan bằng hình tượng phổ biến, may ra kích thích được sự theo dõi của mọi người.
Đầu thời Chiến Quốc, Phạm Lãi là nhân vật ai cũng có thể biết. Sau khi  giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt xong nước Ngô thì ông từ giã chính trị đi kinh doanh rất thành công ở xứ khác để thành nhà tư tưởng của phái "kế hoạch gia" tức là kinh tế. Vào cuối thời Chiến Quốc thì Lã Bất Vi nổi tiếng về kinh doanh chính trị, nôm na là nghề buôn vua, và có thể là bố đẻ của Tần Thủy Hoàng Đế nhưng rồi bị bạo Tần giết chết vì tội chuyên quyền. Tôi lấy hai hình tượng khá quen thuộc đó để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi hay Đào Chu Công, là một tên khác của ông ta. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị.
Kinh tế học gọi lối kinh doanh nhờ gây dựng thế lực là "đi tìm tô" hay "tầm tô". "Tô" chỉ có nghĩa là tiền thuê, mà được hiểu rộng là lợi nhuận nhờ làm chủ một phương tiện sản xuất. Trong trường hợp ở đây, phương tiện sản xuất đó cũng chẳng là của mình, mà có thể sang đoạt nhờ cái quyền độc tài chính trị để trở thành độc quyền kinh doanh!
Kinh doanh tầm tô
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra ẩn dụ của ông khi nhớ đến một phương tiện sản xuất là đất đai và chuyện cướp đất như Ô Khảm tại Trung Quốc, Văn Giang hay Tiên Lãng ở Việt Nam. Trở lại thói "tầm tô" như ông nói thì trên lý thuyết, kinh tế học định nghĩa thế nào về việc kinh doanh như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lề lối kinh doanh thông thường và phổ biến là tạo ra của cải trước đó chưa có nhờ một sáng kiến khai thác tài nguyên, sản phẩm hay một cơ hội sản xuất mới, rồi chia của cải đó cho mình và cho người theo một tỷ lệ có giá trị lâu dài. Hình thái kinh doanh đó góp phần cho phát triển xã hội và quốc gia. Ngược lại, tìm cách tác động vào môi trường chính trị, luật lệ hay xã hội để kiếm lời mà chẳng đóng góp gì cho sản xuất là loại kinh doanh tầm tô.
Hiện tượng đó thật ra xuất hiện ở mọi nơi nhưng dễ phát triển trong xã hội chuyên chính là nơi mà quyền lực chính trị không bị giới hạn nên dễ bị lũng đoạn từ bên trong. Tại các nước dân chủ với luật lệ rõ ràng bình đẳng trước sự phán xét của công luận, những ai muốn mua chuộc chính trường để kiếm lời thường khó làm ăn và dễ vào tù. Chỉ trong các nước độc tài, chuyện tầm tô mới dễ phát đạt. Một xứ độc tài như Việt Nam hay Trung Quốc mà theo kinh tế thị trưởng hay kinh tế tư bản giả hiệu thì đấy là chủ nghĩa tư bản thân tộc ăn bám vào hệ thống tư bản nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và mở ra cơ hội tầm tô.
Vũ Hoàng: Thưa ông, ngày xưa khi hai xứ này còn theo đường lối tập trung quản lý bằng kế hoạch của nhà nước thì hiện tượng tầm tô có xảy ra không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng cái thói cậy thể để kiếm tiền thì nơi nào cũng có cả. Nhưng trong các nước cộng sản u mê thì tài sản chẳng có là bao và còn bị hủy hoại nên khi cả nước còn ở vào hoàn cảnh mà các cụ ta gọi là "ăn mắm mút giòi" thì chỉ có một thiểu số ra vào cửa hàng mậu dịch Tôn Đản của lãnh đạo còn có thể chấm mút chút đỉnh chứ chưa có thể phát triển ra lề lối kinh doanh phổ biến. Đặc lợi của lãnh tụ hay tay chân thật ra chẳng thầm vào đâu nếu so với mức sống của giới trung lưu tại các nước tự do, nhờ vậy mà họ càng dễ tuyên truyền về nếp sống an bần lạc đạo, về đạo đức cách mạng linh tinh. Riêng tại Việt Nam, sự thể nó còn éo le hơn.
Vũ Hoàng: Nó éo le ở chỗ nào thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tầng lớp lãnh đạo thời trước kêu gọi cả nước cùng hy sinh vì lý tưởng ái quốc là tinh thần độc lập. Nhờ vậy họ lừa được quần chúng u mê và họ còn coi sự lầm than khắc khổ là một đức tính, so với sự thịnh vượng của miền Nam mà họ gọi là "phồn vinh giả tạo".
Sau khi chiến thắng và có toàn quyền áp dụng lý luận cộng sản về xây dựng xã hội chủ nghĩa thì họ làm quốc gia phá sản và kinh tế khủng hoảng nên mới phải đổi mới, tức là du nhập lý luận tư bản và áp dụng kinh tế thị trường. Nhưng gian ý của chế độ là chỉ chấp nhận tự do kinh tế có chọn lọc và vẫn giữ độc quyền chính trị nên nay mới rơi vào cái bẫy tầm tô một cách phổ biến. Chuyện éo le là họ không thể vận dụng tinh thần độc lập và ái quốc như xưa. Vì nói đến ái quốc hay độc lập là cả nước nghĩ đến mối nguy Trung Quốc tức là điều bị tuyệt đối cấm kỵ.
Lãnh đạo Hà Nội thời nay từ bỏ tinh thần đạo đức cách mạng của thế hệ trước mà vẫn nắm chặt ách độc tài đi cùng quyền quản lý đất đai, kiểm soát thông tin, với hệ thống đàn áp toả rộng. Họ tạo ra môi trường bất thường là nơi mà các phần tử gọi là khôn ngoan của xã hội đều tránh nói đến chính trị mà làm giàu nhờ tác động vào một hệ thống chính trị không ai có quyền phán xét. Đó là những kẻ tầm tô, hợp tác với chế độ để kiếm ăn và là thành phần hữu cơ của bộ máy quyền lực từ Thủ tướng trở xuống. Và họ đang làm chính sách kinh tế quốc dân cho quyền lợi riêng.
Việt Nam học được gì?
Vũ Hoàng: Thưa ông, hình như trường hợp của Trung Quốc cũng như vậy, có phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là nơi xuất phát khá nhiều gương xấu cho Việt Nam!
Lãnh đạo của họ cũng khoác áo đạo đức mà con cháu đều nắm giữ vị trí then chốt về kinh tế và kinh doanh và dùng vị trí ấy lũng đoạn thượng tầng. Hậu quả là tình trạng mà kinh tế học gọi là "ỷ thế làm liều", nôm na là bất kể đến rủi ro vì tin là có thể làm lệch phép nước cho tư lợi.
Nhờ cái thế chính trị quá lớn như vậy, những kẻ tầm tô tại Việt Nam và Trung Quốc đều làm giàu rất nhanh, được dư luận quốc tế ngơi ca là đại gia, là tỷ phú. Nhưng thảm kịch ở đây khiến mọi người cùng chết là quảng đại quần chúng ở dưới khó kinh doanh hay cạnh tranh trong cảnh bất cân xứng như vậy. Cho nên, muốn thoát nghèo khốn thì phải chạy theo ảo vọng một vốn bốn lời và cũng lại cầm cố tài sản đi vay tiền đánh bạc bên các đại gia. Họ đi vay lãi rất cao vì tin rằng kiếm lời còn cao hơn nữa nên đang bị rủi ro rất nặng khi cả kiến trúc bất thường này sụp đô. Vì vậy, các trung tâm thông tin và thẩm định của quốc tế mới nói đến nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Một cách ngắn gọn vì thời lượng có hạn của chương trình, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta biết rằng quốc tế nói ra những gì về những nguy cơ đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tập đoàn Fitch chuyên về thẩm định rủi ro tài chính vừa báo động là từ năm năm qua, khối tín dụng tại Trung Quốc đã tăng từ chín ngàn lên 23 ngàn tỷ đô la, là mức cực lớn nếu so với con số lạc quan nhất về sản lượng kinh tế của xứ này là khoảng tám ngàn tỷ.
Nói đến tín dụng là nói đến vay tiền mà có vay thì phải có trả. Mối nguy là do hệ thống tài chính và ngân hàng mờ ảo của họ, nhiều khoản tài trợ lại nằm ngoài lĩnh vực ngân hàng, thiếu sổ sách rõ ràng và trút vào hình thái kinh doanh đầy rủi ro của nào là tư nhân, nào là công ty đầu tư của các địa phương hay các quỹ quản lý tài sản, nôm na là quỹ đầu cơ. Vì ỷ thế làm liều, người ta đã vay tiền đầu cơ và chất lên một núi nợ cao gấp đôi sản lượng kinh tế quốc dân. Khi núi nợ sụp đổ mà chắc chắn là phải sụp, chúng ta sẽ thấy sự phá sản dây chuyền còn kinh hoàng hơn những gì đã xảy ra tại Hoa Kỳ năm năm về trước. Một chỉ dấu tiên báo là hôm Thứ Sáu 14 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc thất bại khi bán công khố phiếu dưới chỉ tiêu về số lượng và với phân lời cao hơn. Nghĩa là các thị trường tài chính đã bắt đầy hoài nghi về Trung Quốc.
Tại Việt Nam thì đã đành là tình hình kinh tế cũng chẳng sáng sủa hơn mà tranh chấp chính trị giữa các thế lực "tầm tô" đang làm chính quyền bị tê liệt. Ngày xưa, người ta cứ nói đến tinh thần "tầm sư học đạo", ngày nay, chính quyền mới nêu gương về cái đạo ăn cắp bằng lối tầm tô và nay mới bó tay chờ cơn khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-06-19

Một gợi ý cho biểu tình ở VN: Đứng im để biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng trăm đàn ông và phụ nữ đã đứng im tại Quảng trường Taksim ở Istanbul vào hôm qua (19/6)

Sau nhiều tuần đối đầu có lúc quá khích với cảnh sát, những người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm ra một sự kháng cự mới đó là: đứng tại chỗ và im lặng.
Hàng trăm đàn ông và phụ nữ đã đứng im tại Quảng trường Taksim ở Istanbul vào hôm qua (19/6), bắt chước theo cách của một nghệ sỹ, người đã biểu tình lặng lẽ vào buổi tối trước đó và nhanh chóng được mệnh danh là "Người đàn ông Đứng".
Trong hơn 5 tiếng đồng hồ, Erden Gunduz đã nhìn chằm chằm vào bức chân dung của Kemal Ataturk, người sáng lập nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Cảnh sát cuối cùng đã bắt giữ nhiều người hưởng ứng Gunduz nhưng không rõ liệu nghệ sỹ này có bị tống giam hay không.
Sự thách thức trong im lặng của Gunduz diễn ra sau khi cảnh sát trấn áp đám đông những người biểu tình chống chính phủ bằng vòi rồng và hơi cay vào cuối tuần qua.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tàn phá bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan kéo dài hơn 2 tuần. Tuy nhiên, nhiều người trong số những người bắt chước Gunduz nói rằng họ đang đứng vì hòa bình chứ không đứng về phe nào.
"Tôi đứng để chống lại bạo lực," Koray Konuk, một trong những người bị bắt nói. ""Tôi đứngđó đểcác sự kiệnmà chúng tôi đãđượcchứng kiếntrong vòng haiđến ba tuầnqua có thể chấm dứt."
Konuk, 45 tuổi, cho biết cảnh sát đã đẩy anh vào một chiếc xe buýt với 20 người khác, những người hưởng ứng Gunduz, nhưng không có Gunduz trong số họ.
"Tôi chỉ đứng. Họ bắt một người đàn ông, người cũng chỉ đứng tại chỗ," anh nói. "Điều đó thật vô lý."
Người dân, đi một mình hoặc cùng nhiều người, tiếp tục tới và đứng yên tại quảng trường Taksim trong suốt ngày hôm qua. Một số người còn nắm tay trong im lặng để thể hiện sự đoàn kết và một vài người ủng hộ thậm chí còn bôi kem chống nắng cho những người biểu tình.
Tuy nhiên, cảnh sát một lần nữa lại kéo đến và lùa đám đông biểu tình này vào những chiếc xe tải.
Sầm Hoa (Theo CNN)
(VNN)

Khi đất đai là gắn bó máu thịt

Đền bù cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất và vai trò sở hữu đất đai một lần nữa lại được đem ra mổ xẻ tại phiên thảo luận dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hôm 17/6. Các vấn đề khác như Nhà nước cần bồi thường nếu cưỡng chế sai hay thu hồi đất phải an dân cũng được các đại biểu nhấn mạnh.
Với các nội dụng thảo luận quan trọng về dự thảo Luật đất đai sửa đổi, chương trình được truyền hình và truyền thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi, trong đó có đến 21 ý kiến phát biểu liên quan.

Tình trạng cưỡng chế thu hồi đất cho những dự án kinh tế vẫn chưa có dàn xếp thỏa đáng với người dân
Tình trạng cưỡng chế thu hồi đất cho những dự án kinh tế vẫn chưa có dàn xếp thỏa đáng với người dân
Phân định rõ ràng quyền sở hữu Nhà nước và cá nhân
Theo báo cáo trình trước Quốc hội, có gần 7 triệu lượt ý kiến nhân dân góp ý dự thảo luật đất đai sửa đổi và khẳng định sự đồng tình với quy định “sở hữu toàn dân,” thế nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) lại tỏ rõ sự băn khoăn khi ông nhấn mạnh rằng, khi tiếp xúc với cử tri thì đa số nhân dân lại đề nghị quyền sở hữu về đất ở, không giống với những gì mà báo cáo tổng hợp.
Ông Thuyền khẳng định “báo cáo tổng hợp nói đa số nhân dân đồng tình, nhưng theo tôi không phải như thế. Chúng ta viết như thế hơi chủ quan, bởi đa số nhân dân người ta muốn sở hữu về đất ở, chứ không phải như chúng ta tổng hợp đâu.” Ông Thuyền cũng phân tích rất thẳng thắn rằng nếu đất đai là sở hữu toàn dân, thì hãy trưng cầu dân ý xem nhân dân có đồng ý vấn đề này hay không, vì người dân là người có quyết định. Quan điểm của ông Thuyền được dư luận đánh giá cao, tuy nhiên xem chừng như xa vời, bởi thực tế Việt Nam không có luật trưng cầu dân ý, mặc dù nguyên tắc trưng cầu dân ý có được đề cập đến trong Hiến pháp.
Có lẽ vì không có sự phân định rõ ràng giữa quyền sở hữu Nhà nước và cá nhân về đất đai mà bấy lâu nay những vụ biểu tình của người dân ở các địa phương khi bị trưng thu đất cho các mục đích kinh tế, thương mại vẫn là những nhức nhối trong xã hội. Lý do căn bản nhất nằm tại khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân,” Nhà nước là người chủ đại diện, còn người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà thôi.
Theo Hiến pháp năm 1959, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thừa nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người nông dân, chỉ có “đất hoang” mới thuộc “sở hữu toàn dân.” Thế nhưng sau vài lần sửa đổi, Hiến pháp năm 1980 đột nhiên xuất hiện khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai.
Giải thích của L.S Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam khái niệm này ra đời do ý kiến chủ quan của một vài lãnh đạo thời điểm đó, chứ không dựa trên bất kỳ một nền tảng khoa học nào cả.
Những kẽ hở của Luật đất đai gây ra bất công xã hội
Trong một lần trao đổi với chúng tôi trước đây, đại biểu QH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) nhận định:
“Mặt tiêu cực của việc công hữu đất đai là mang lại lợi ích cục bộ cho một nhóm người và đồng thời mang lại thiệt thòi cho một nhóm người khác, nhất là người nghèo, tạo ra những bất công xã hội. Trong thời gian vừa rồi thì không ai giàu lên mà không dính đến đất đai: từ những doanh nghiệp cho đến những quan chức nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đất đai. Nếu nói về khía cạnh ấy thì đúng là luật đất đai đang tạo kẽ hở cho một nhóm người.”
Cũng bởi luật đất đai đang tạo kẽ hở và gây ra những bất công xã hội, mà số liệu thống kê, từ năm 2003 đến 2011 cho thấy lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tăng bình quân gần 70% mỗi năm và trong số đơn thư khiếu nại gửi lên các cấp chính quyền thì có đến gần 80% liên quan đến thu hồi hoặc đền bù về đất đai.
Trong kỳ họp QH đang diễn ra bàn về luật đất đai sửa đổi, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần phải gắn thu hồi đất đai và vấn đề an dân vì lòng dân chưa thuận sẽ còn tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai. Riêng về vấn đề thu hồi đất đai, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Dak Nông) đề nghị Nhà nước chịu trách nhiệm đa dạng hình thức và tiền bồi thường cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất.
Một vấn nạn khi bị thu hồi đất, ngoài chuyện đền bù không thỏa đáng, người mất đất còn mất luôn cả nguồn thu nhập thường xuyên, thậm chí có trường hợp không có chỗ tái định cư, vì thế, số dân oan mất niềm tin vào chế độ ngày càng tăng.
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khi phân tích vai trò của sở hữu tư nhân về đất đai và những bất cập khi thu hồi đất, bà cho biết:
Ai cũng vậy, khi họ gắn bó máu thịt với cái sở hữu của họ thì họ sẽ phải tìm mọi cách để làm sao khai thác cho phần đó mang lại lợi ích lớn nhất cho họ và chính họ, họ sẽ bảo vệ được quyền lợi của họ trên đó, tránh được những tình trạng hiện nay như trong nhiều trường hợp đất đai mang danh sở hữu nhà nước cho nên một số chính quyền địa phương thường hay lạm quyền thu hồi đất của người nông dân một cách vô tội vạ, một cách rất rẻ và lại cung cấp lại cho doanh nghiệp hoặc cho những người thân quen, rồi sau đó, người ta lại bán lại theo giá rất đắt và đẩy không biết bao nhiêu gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng.
Để giải quyết những thách thức trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phân tích cần phải giải quyết thỏa đáng, đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho quyền lợi của ba chủ thể: người sử dụng đất, nhà đầu tư và chính quyền nơi thực hiện dự án về thu hồi đất; ngoài ra, Nhà nước cũng có trách nhiệm bồi thường nếu cưỡng chế sai.
Bên cạnh câu chuyện đền bù đất phải thỏa mãn đúng giá thị trường, dựa trên đúng mục đích sử dụng đất thì việc có lẽ mấu chốt cuối cùng chính là công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau.
Tôi rất tiếc là trong bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn khuynh hướng duy trì quyền sở hữu của Nhà nước về đất đai, tôi là một trong những người đã có đề xuất khi sửa đổi luật đất đai, nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau. NN nền cần chấp nhận một loại hình sở hữu tư nhân cho đất đai, thí dụ như của nông dân, vì VN vẫn là một nước vẫn dựa rất nặng vào nông nghiệp, nông dân là một lực lượng rất lớn trong xã hội, kể cả trong lực lượng lao động của VN. Vì thế tôi rất thiên về hướng công nhận sở hữu tư nhân về đất đai cho nông nghiệp hoặc cho mục đích canh tác.
Ngoài ra, bà Lan cho rằng Nhà nước vẫn cần thiết phải duy trì quyền sở hữu đối với một số loại đất đai thuộc sử dụng công, thí dụ như đất dùng cho các mục đích quốc phòng, an ninh hay các công trình công cộng…
Chúng tôi xin được mượn lời của vị chuyên gia kinh tế này để làm phần kết cho bài mình: nếu VN chấp nhận một hình thức đa dạng hơn về sở hữu cho đất đai thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho các tầng lớp nhân dân khác nhau, cũng như cho sự phát triển của đất nước, đó là cách tốt nhất để đất đai được sử dụng hiệu quả nhất.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-06-19

Nguyễn Hưng Quốc - Lợi dụng tự do dân chủ và lợi dụng quyền lực

Chỉ trong hơn hai tuần, chính quyền Việt Nam ra lệnh bắt khẩn cấp hai blogger nổi tiếng ở Việt Nam: bắt Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng vào ngày 26/5 và sau đó, bắt Phạm Viết Đào tại Hà Nội vào ngày 13/6. Cả hai đều bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam.
Trước đó, ở Việt Nam, công an và chính quyền cũng đã từng bắt bớ và kết án nhiều người với tội danh tương tự: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Tôi tò mò vào đọc lại bộ Luật hình sự Việt Nam, thấy ghi:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Đọc xong, thú thực, tôi vẫn không hình dung được cụ thể cái gọi là tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” ấy là như thế nào cả. Tôi sống ở Tây phương khá lâu, hiếm khi nghe đến các tội thuộc loại đó. Ở Tây phương, người ta nói nhiều đến tội lợi dụng quyền lực chứ không ai nói đến tội lợi dụng tự do dân chủ. Noam Chomsky có một cuốn sách nổi tiếng tiêu biểu cho cách nhìn ấy: Failed States: The Abuse of Power and the Assault on Democracy (Các nhà nước thất bại: Lợi dụng quyền lực và tấn công dân chủ) do Holt Paperbacks xuất bản năm 2007, ở đó, Chomsky tập trung sự phê phán vào chính phủ, chủ yếu là chính phủ Mỹ, trong việc can thiệp bằng quân sự vào nội bộ các nước khác.
Chomsky là một trí thức khuynh tả nổi tiếng vừa như một người có những suy nghĩ độc lập vừa như một người chống chính phủ (Mỹ) đến mức cực đoan, do đó, ông vừa được nể trọng vừa bị phê phán gay gắt bởi chính giới trí thức Mỹ. Tuy nhiên, điều ông nhấn mạnh hoàn toàn đúng: điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền. Có thể nói nếu bản chất của dân chủ là vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực, nguy cơ lớn nhất mà mọi nền dân chủ lúc nào cũng phải đối diện là việc lợi dụng quyền lực. Nói đến nhu cầu hoàn thiện dân chủ chủ yếu là nói đến việc hoàn thiện các phương thức hạn chế các sự lợi dụng và lạm dụng ấy.
Cách nói “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của chính quyền Việt Nam, vốn rất xa lạ với thế giới Tây phương, vừa nghịch lý vừa vô lý.
Nó nghịch lý ở nhiều điểm. Thứ nhất, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, ai cũng biết, dân chúng không có nhiều tự do dân chủ để lợi dụng. Thứ hai, nói đến lợi dụng là nói đến giới hạn, một người bị buộc tội là lợi dụng một cái gì đó khi người ấy vượt qua khỏi cái giới hạn mà nó cho phép; tuy nhiên, tự do của mỗi người vốn lại vô giới hạn trong chừng mực nó không đụng đến tự do của người khác. Như vậy, ở đây sẽ có ba trường hợp: Một, đối với những lãnh vực hoàn toàn không có quan hệ đến người khác, đến bất cứ ai cả, tôi có quyền tự do tuyệt đối; hai, tôi phải biết dừng lại khi chạm đến biên giới của quyền tự do của người khác (ví dụ, tôi có thể nói bất cứ điều gì về tôi nhưng tôi lại không có quyền bới móc đời tư của người khác; tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi sẽ không bị buộc tội là lợi dụng tự do của tôi mà là tội xâm phạm vào đời tư người khác hoặc làm hại đến thanh danh người khác); và ba, cái gọi là “biên giới” của tự do của mỗi người lại không phải là một cái khung cố định: một số người, khi quyết định tham gia vào chính sự, trở thành một thứ nhân vật công cộng (public figure), đã mặc nhiên tự nguyện hy sinh phần lớn cái gọi là riêng tư của mình: Với những người ấy, việc vạch trần nhiều chi tiết thuộc về đời tư, ví dụ thu nhập hay tài sản của họ hoặc gia đình họ, không còn bị xem là xâm phạm vào đời tư của nhau nữa. Trong cả ba trường hợp ấy, cái gọi là lợi dụng quyền tự do không hề hiện hữu. Thứ ba, cách nói lợi dụng dân chủ lại càng nghịch lý vì dân chủ, tự bản chất, là quyền từ dưới lên (của dân chúng đối với giới lãnh đạo qua việc bầu cử cũng như phê bình và kiểm tra), nhưng trên thực tế, về phương diện cơ cấu, lại thuộc về phía trên, ở những người cầm quyền: Chỉ có những người cầm quyền mới có thể lợi dụng dân chủ; với dân chúng, những người thấp cổ bé miệng thì vô phương.
Hơn nữa, việc lên án các hành vị lợi dụng quyền tự do dân chủ của dân chúng còn vô lý vì ở Việt Nam hiện nay, nguy cơ phổ biến và trầm trọng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người và vận mệnh của đất nước nhất, chính là việc lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi dụng tự do dân chủ. Tham nhũng: lợi dụng quyền lực. Mua quan bán chức: lợi dụng quyền lực. Đưa con cháu mình vào những chức vụ vượt quá khả năng và không đúng quy định về bổ dụng: lợi dụng quyền lực. Tạo cơ hội cho thân nhân làm giàu một cách bất chính: lợi dụng quyền lực. Trấn áp các quyền tự do căn bản và các biểu hiện căn bản của dân chủ: lợi dụng quyền lực. Chà đạp lên nhân quyền, bắt bớ những người không làm gì khác ngoài việc phát biểu ý kiến và chính kiến của mình: lợi dụng quyền lực. Khẳng định thế lãnh đạo độc tôn của đảng mình, bất chấp nguyện vọng của dân chúng, yêu cầu của dân chủ và xu hướng phát triển của nhân loại: lợi dụng quyền lực.
Ở Việt Nam hiện nay, nhìn đâu cũng thấy lợi dụng quyền lực. Quyền lực nhỏ: lợi dụng ít; quyền lực lớn: lợi dụng nhiều. Lợi dụng quyền lực từ tên công an đứng đường đến đến các bộ trưởng, các thứ trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước và vô số những kẻ gọi là lãnh đạo chủ chốt khác. Tai họa lớn nhất mà dân chúng Việt Nam phải gánh chịu hiện nay là lợi dụng quyền lực. Nhu cầu khẩn thiết nhất để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phát triển cao phải bắt đầu từ một điểm chính: hạn chế lợi dụng quyền lực.
Bắt bớ và trấn áp những người dân bình thường với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là một cách lợi dụng quyền lực một cách thô bạo. Và trơ trẽn. Trơ trẽn vì nó đánh tráo khái niệm “lợi dụng”.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nguyễn Hưng Quốc
19.06.2013
(VOA)

Bùi Tín - Tình thế đòi hỏi



Tình hình chính trị ở Việt Nam đang đòi hỏi cấp bách một tổ chức chính trị, để thoát khỏi tình trạng độc đảng lạc hậu và tệ hại cho dân cho nước.

Việc này không thể trì hoãn được nữa.

Việc hình thành một tổ chức chính trị ở Việt Nam là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp, hợp đạo lý. Hiến pháp Việt Nam ghi rõ quyền lập hội. Các công ước quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng long trọng công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội.

Cần chỉ ra rằng việc Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam xác định vị trí lãnh đạo duy nhất của đảng CS không qua bầu cử tự do và định kỳ là vi phạm chính Hiến pháp, là vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền; do đó điều này vô giá trị, dù có bị xoá bỏ hay không.

Hơn nữa, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã dùng Điều 4 để tước đi của công dân quyền được lập hội. Rõ ràng đây là một hành động phạm tội chà đạp Hiến pháp trong suốt thời gian cầm quyền cho đến nay, và lẽ ra đảng CSVN đã phải bị truy tố và xét xử trước Tòa án Hiến pháp, nếu như có tòa án này.

Bộ Chính trị đảng CSVN đã lừa bịp trắng trợn khi một mặt quyết duy trì bằng mọi giá Điều 4, vừa khẳng định một cách bịa đặt là hơn 70% công dân muốn duy trì Điều 4, nhưng lại không dám tổ chức trưng cầu dân ý công khai về điểm này.

Do những lý do trên việc công dân Việt Nam cùng nhau bàn bạc về việc thành lập một tổ chức chính trị khác nhằm vừa ganh đua vừa hợp tác với đảng CS để lãnh đạo và cai trị đất nước là một điều cần thiết, cấp bách, hơn nữa còn là việc làm hợp hiến, hợp pháp, quang minh chính đại.

Đây sẽ là một bước tiến của dân tộc, một cuộc đột phá ngoạn mục để đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện và bế tắc hiện nay.

Nhiệm vụ thành lập một chính đảng mới đang được đặt ra trước cuộc sống của dân tộc. Ông Chu Hảo, một đảng viên CS cao cấp, giám đốc nhà xuất bản Trí Thức, đã công khai nói lên nhu cầu quan trọng này. Giáo sư Tương Lai, một trí thức CS có uy tín, cũng bày tỏ mong muốn và ý định ấy. Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên là uỷ viên Trung ương đảng CSVN, trưởng ban Khoa giáo Trung ương, cũng nêu bật sự tất yếu của một chế độ chính trị đa nguyên, có nhiều đảng tranh đua, kiểm tra nhau trong một chế độ dân chủ lành mạnh. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ VN tại Trung Quốc, cũng có chính kiến tương tự.

Có thể nói đây là biện pháp cơ bản, là giải pháp chiến lược then chốt cho các vấn đề sinh tử ở nước ta, không thể trì hoãn được nữa.

Rất cần một cuộc thảo luận công khai giữa tất cả các tổ chức và cá nhân quan tâm đến vận mệnh dân tộc, đến cuộc sống của nhân dân, đến tiền đồ các thế hệ tương lai.

Có một loạt vấn đề liên quan đến xây dựng lên một tổ chức chính trị mới rất cần trao đổi thẳng thắn, công khai trên tinh thần xây dựng. Tổ chức mới nên mang hình thức nào? Một tập hợp, một liên minh, một chính đảng, hay một mặt trận, một hội đoàn? Tên của tổ chức ấy nên là gì? Dân chủ, Dân chủ Xã hội, Cứu quốc, Dân tộc, Phục hưng, Canh tân, Dân Việt, Tân Việt? Theo tôi có thể là Tập hợp Dân chủ Việt Nam. Rõ, gọn.

Nên trao đổi về tôn chỉ mục đích để xây dựng điều lệ. Như: toàn dân cùng chung sức xây dựng một chế độ dân chủ ngày càng hoàn thiện, bình đẳng, pháp quyền nghiêm minh; hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thành kiến chia rẽ Bắc – Nam kéo dài; triệt để từ bỏ khái niệm «ngụy quân, ngụy quyền», chăm sóc nghĩa trang mọi liệt sỹ và nạn nhân chiến tranh, không phân biệt trước đây thuộc bên nào; phát triễn và duy trì quan hệ láng giềng tốt, nhưng kiên quyết bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Tố Quốc; chống tham nhũng, lãnh phí; tôn trọng quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh.

Thái độ với đảng CS: chống nhóm lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, tham nhũng, lạc hậu, coi đông đảo đảng viên CS ở cơ sở là đồng bào ruột thịt thân thiết, sẵn sàng đón nhận các đảng viên CS cũ ở bất cứ cấp nào vào hàng ngũ mình trên tinh thần bình đẳng. Đây là quyền tự do cơ bản thiêng liêng của mọi công dân được thay đổi, lựa chọn chỗ đứng chính trị của mình. Đông đảo đảng viên CS cũng là nạn nhân, bị nhóm lãnh đạo lừa dối.

Cần phân biệt rõ nhóm lãnh đạo gồm Bộ Chính trị, phần lớn uỷ viên Trung ương, các quan chức các cấp có quyền lực và bị quyền lực tha hóa, trở thành nhũng tư bản đỏ giàu sang xa rời nhân dân, với các đảng viên ở cơ sở, cũng bị đè nén bóc lột như dân thường. Họ cũng đứng dậy cùng nhân dân đòi tự do và bị nhóm lãnh đạo bất lương đàn áp không thương tiếc. Một số đã rời đảng CS, mong chờ một tổ chức chính trị lương thiện, tiền tiến.

 Cuộc trao đổi sẽ rất hào hứng khi được các blogger tự do tham gia tịch cực và được một nhóm trí thức dân tộc dấn thân mạnh dạn đứng ra chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của kẻ sỹ dân tộc giữa thời đất nước lâm nguy. Thanh niên và phụ nữ là 2 động lực mầu nhiệm cho cuộc Phục hưng của dân tộc trên con đường đa nguyên hóa văn minh kịp thời đại. Một số nhân sĩ dân chủ đã cao tuổi nhưng tư duy còn trẻ, khỏe, nên công khai cùng đứng ra thúc đẩy quá trình đa nguyên hóa trong trật tự và tự nguyện làm cố vấn cho tổ chức chính trị mới.

Khi đã có đa đảng, gồm có đảng CS và 1 hay vài đảng mới xuất hiện, sinh hoạt chính trị đa nguyên sẽ sôi nổi sinh động trong khuôn khổ luật pháp, để công dân có thể định kỳ lựa chọn thật sự người đại diện cho mình. Các tổ chức quần chúng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ…cũng sẽ phân hóa thành những tổ chức đa nguyên, đa dạng, ganh đua bình đẳng, do đó luôn giữ mình trong sạch, làm việc có hiệu quả xã hội, tôn trọng và phục vụ xã hội công dân.

Từ nay đến cuối năm 2013 là thời gian vừa đủ cho việc trao đổi phong phú chuẩn bị để đầu năm 2014 có thể xuất hiện tổ chức chính trị đối lập, cạnh tranh lành mạnh với đảng CS hiện nắm độc quyền lãnh đạo. Mọi sự độc quyền đều chứa đựng nguy cơ tha hóa, gây tai họa không thể lường hết cho xã hội, từ mất độc lập, bị ngoại xâm gặm nhấm, từ tàn phá kinh tế, biển thủ kinh hoàng về tài chính quốc gia, đến băng hoại thê thảm về đạo đức và văn hóa, làm nhục quốc thể, cuộc sống toàn dân đầy bi kịch và bất an.

Trong xã hội và trên thế giới ảo của các blogger đã bàn luận khá nhiều về hiện tình đất nước và những giải pháp. Nay đã đến lúc phải hành động và hành động cụ thể để cứu dân, cứu nước khỏi cuộc trầm luân khốn khổ đã kéo quá dài, vượt quá sự chịu đựng của toàn dân ta.

Dấn thân lập ra một tổ chức chính trị lương thiện, chung lòng chung sức, với thiện chí và bao dung, chấp nhận trạng thái đại đồng tiểu dị, luôn tâm niệm xây dựng dân chủ vì dân, nhất định chúng ta sẽ đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào kỷ nguyên dân chủ, viết tiếp lịch sử oanh liệt của dân tộc, xứng đáng với ông cha, tạo tương lai vững bền cho các thế hệ nối tiếp.

Việc chuyển biến về chất của xã hội Việt Nam như trên sẽ là thành quả nỗ lực trực tiếp của đồng bào thân yêu ở trong nước. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn đã mang quốc tịch khác, là người nước ngoài gốc Việt, khó lòng làm được việc gì hơn là cổ vũ và hỗ trợ từ xa. Chỉ riêng thái độ tận lực ủng hộ những việc làm đúng đắn kịp thời, không gây khó khăn trống đánh xuôi kèn thổi ngược, luôn đồng thanh tương ứng với đồng bào đứng dậy đấu tranh ở trong nước, là một đóng góp quý báu vào tiến trình lịch sử.
( Theo VOA )

Đồng minh Mỹ sẽ phải "tự lo" về vấn đề biển đảo

Chỉ vài ngày sau khi một nhà phân tích Philippines kêu gọi Manila đừng trông chờ vào Mỹ trong vấn đề Biển Đông thì một học giả Nhật Bản hồi cuối tuần vừa rồi cũng lên tiếng khuyên rằng, Tokyo nên học cách ít dựa dẫm vào đồng minh Mỹ hơn và tự mình giải quyết cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông với Trung Quốc. Phải chăng những phát biểu này đã cho thấy cả Philippines và Nhật Bản đều đang “vỡ mộng” về Mỹ - đồng minh thân thiết nhất của họ cũng là cường quốc quân sự số 1 thế giới?
Philippines thất vọng
Suốt hơn một năm qua, Trung Quốc và Philippines đã tranh chấp nhau quyết liệt ở Biển Đông. Trong cuộc đối đầu này, người ta chứng kiến một Manila cứng rắn và đầy thách thức, quyết không nhân nhượng trước nước láng giềng khổng lồ có sức mạnh áp đảo họ.
Dễ dàng nhận thấy, sự tự tin của Philippines xuất phát từ việc họ tin tưởng chắc chắn rằng đằng sau họ có sự hậu thuận vững chãi và đáng tin cậy của đồng minh Mỹ - nước có sức mạnh vượt trội so với Trung Quốc.
Với sự tự tin đó, Manila đã không hề e ngại khi đối đầu trực diện với Bắc Kinh và sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” với những động thái, bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi cuối năm ngoái, Philippines từng trả đũa quyết liệt việc Trung Quốc đưa hình bản đồ có đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này. Philippines đã chỉ đạo tất cả các văn phòng nhập cư và cảng ra vào của nước này không được đóng dấu với hộ chiếu mới của Trung Quốc. Sang đầu năm nay, Manila còn “tung” ra một đòn bất ngờ khiến Bắc Kinh và thậm chí là cả cộng đồng thế giới choáng váng. Đó là, Philippines đưa vụ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Đây là bước đi thể hiện sự cứng rắn cao độ của Manila đối với nước láng giềng bởi lâu nay Bắc Kinh luôn kịch liệt phản đối việc đưa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Manila còn sẵn sàng thách thức Trung Quốc bằng việc cấp tập mua sắm vũ khí, huấn luyện lực lượng và công khai thể hiện mối quan hệ gắn bó, thân thiết với đồng minh Mỹ.
Có thể nói, niềm tin về sự hậu thuẫn của Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới, là một trong những “vũ khí” giúp Philippines trở nên tự tin hơn khi đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, một nhà phân tích Philippines mới đây đã kêu gọi nước này hãy từ bỏ suy nghĩ dựa dẫm vào Mỹ bởi cường quốc số 1 thế giới sẽ không từ bỏ lợi ích của bản thân để bảo vệ đồng minh.
Sở dĩ Philippines tin tưởng vào sự hậu thuẫn vào Mỹ vì họ có Hiệp ước Phòng thủ chung với đồng minh lớn của mình. Tuy vậy, bản thân Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi năm ngoái đã tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ sẽ đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền.
Người ta tin rằng, Washington chắc chắn sẽ không hy sinh mối quan hệ thương mại giá trị nhiều tỉ USD với Bắc Kinh để giúp một quốc gia châu Á nhỏ bé đòi chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông. Sự giúp đỡ của Mỹ cho Philippines có lẽ chỉ giới hạn ở việc họ sẽ cung cấp vũ khí và giúp đào tạo, huấn luyện lực lượng cho quốc gia Đông Nam Á thông qua các cuộc tập trận chung. Đây là điều mà Washington đã, đang và sẽ làm.
Ảnh minh họa
Sự giúp đỡ của Mỹ dành cho Philippines sẽ chỉ giới hạn ở những cuộc tập trận chung như thế này?
Nhật Bản vỡ mộng
Cũng giống như Philippines, Nhật Bản cũng có ý trông chờ vào đồng minh gắn bó thân thiết với họ mấy thập kỷ nay trong cuộc tranh chấp nóng bỏng ở biển Hoa Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta cho rằng, Tokyo rồi cũng phải thất vọng và rằng, sự thất vọng của nước này sẽ còn lớn hơn cả của Manila.
Với sức mạnh quân sự hàng đầu trong khu vực cùng niềm tin về sự hậu thuẫn vững chắc của đồng minh Mỹ, Nhật Bản đã có cuộc đối đầu trực diện, không hề kiêng dè với nước láng giềng to lớn Trung Quốc.
Trong cuộc đối đầu quyết liệt vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông kéo dài nhiều tháng qua, Nhật Bản cho thấy một thái độ, lập trường vô cùng cứng rắn và đầy thách thức, gấp nhiều lần Philippines. Điều đó đã được thể hiện qua sự trả đũa không nhân nhượng từng động thái một của Trung Quốc. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản từng đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này hồi năm ngoái. Nhật Bản còn không dưới một lần bắt giữ các ngư dân Trung Quốc. Sự quyết liệt của Nhật Bản cho thấy, họ sẽ không để cho Trung Quốc dễ dàng bắt nạt.
Sức mạnh quân sự của Nhật Bản không hề thua kém Trung Quốc, cộng thêm với việc họ có đồng minh mạnh nhất thế giới là Mỹ nên nước này dường như sẵn sàng lao vào một cuộc chiến tranh với nước láng giềng nếu cần để bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo tin tưởng vào sự hậu thuẫn của Mỹ bởi giữa hai nước có Hiệp ước Phòng thủ chung mà theo đó, Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị nước thứ ba tấn công.
Bất chấp thực tế trên, một học giả quân sự của Nhật Bản mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi nước này phải học cách dựa dẫm và phụ thuộc ít hơn vào Mỹ. Bản thân Tokyo cũng nhận thấy rõ ràng rằng, Mỹ hoàn toàn không muốn dính líu vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Dù có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ Nhật Bản, Washington vẫn luôn miệng nói rằng, họ đứng trung lập trong vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Cách hành xử kiểu trên của Mỹ đã khiến các đồng minh thân thiết nhất của họ ở Châu Á -Thái Bình Dương bối rối và thất vọng. Từ đó, các nhà phân tích cho rằng, Philippines và Nhật Bản nên tự đứng trên đôi chân của mình, tự xây dựng một lực lượng quân đội đủ mạnh để có thể đối phó với Trung Quốc và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của họ.
Kiệt Linh
(VnMedia)
 

Danlambao 19/6/2013

Đinh Nhật Uy bị bắt vì “không thuyết phục được Đinh nguyên Kha nhận tội”?

Ký giả Trương Minh Đức (Danlambao) - Kể từ sau khi phiên tòa xét xử 02 sinh viên Đinh Nguyên KhaPhương Uyên vào ngày 16 /05 /2013 tại Long An dư luận trong và ngoài nước đều khâm phục trước tinh thần đấu tranh của 2 sinh viên trẻ yêu nước và cũng từ đó làm cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (csvn) phải muối mặt với cái gọi bản nhận tội của 2 sinh viên trẻ. An ninh csvn cho phát sóng lên tivi nhiều ngày để cho là một thắng lợi trên truyền thông… nào ngờ phiên tòa ngày 16/05 tại Long An cho thấy những gì được đảng cộng sản VN dàn dựng đều lố bịch. Đinh Nguyên Kha và Phương Uyên vẩn đứng thẳng lưng nhìn thẳng vào mặt của những người gọi là “tòa án” đang ngồi ghế xét xử, hai sinh viên dõng dạc nói tôi là người yêu nước, tôi không chống Dân Tộc tôi, tôi chống đảng cộng sản không phải là cái tội.

Chuẩn! Chúng tao bán nước đó!

Viên CA tại trại giam Lộc Hà tên Nguyễn Đức Trung (số hiệu 195-456)
Hiền Sỹ (Danlambao) – Theo lời kể về câu chuyện đi biểu tình của mình, chị Trần Thị Nga, một người yêu nước ở Phủ Lý, Hà Nam đã cho ta thấy bộ mặt bán nước trơ trẽn của đảng cộng sản. Đến mức chính viên công an cộng sản có tên Nguyễn Đức Trung, số hiệu 195-456 đã thẳng thừng tuyên bố “Chuẩn!” khi bị chất vấn về việc công an cộng sản làm tay sai cho Tầu.

Chủ tịch Sang đã sang Trung Quốc

CTV Danlambao – Hôm nay, 19/06/2013, chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn quan chức cao cấp đảng CSVN đã chính thức lên đường sang Trung Quốc.
Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày của ông Sang diễn ra trong bối cảnh công an CSVN ra lệnh bắt giam anh Đinh Nhật Uy, anh trai sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha. Hai anh em Uy và Kha đều là người Long An, cùng quê với ông chủ tịch nước.
Vietnamese version: Trương Minh Đức / Translated by Như Ngọc (Danlambao) – Since the trial of two students, Dinh Nguyen Kha and Nguyen Phuong Uyen, on May 16, 2013 in Long An city, public opinion at home and abroad is impressed with the “fighting spirit” of two young patriotic students, which placed the communist regime in Vietnam in an awkward position for spreading the so-called “the confession of two young students” before the trial. The communist security office had broadcasted on national television such “confession program” for several days before the trial and claimed to achieve a victory over the propaganda war… suddenly, what had amazingly happened at the trial in Long An city on May 16 proved whatever the communist party had carefully staged were ridiculous. Dinh Nguyen Kha and Phuong Uyen Nguyen bravely stood upright. Looking straight at the faces of those who were appointed to act as judges, the two students took turn to say loudly “I am a patriot, I am not against my people, I resist the communist party and it is not a crime.”
Dân oan Thủ Thiêm (Danlambao) – Ông Phạm Công Hùng là một thẩm phán thuộc tòa án nhân dân tối cao thành phố Hồ Chí Minh. Là một quan tòa với nhiều quyền lực trong tay, Phạm Công Hùng đã xét xử nhiều vụ án không tuân theo luật pháp, nhưng theo định hướng đồng tiền.
Đài SBTN Phỏng vấn bác Trần Văn Huỳnh
Trần Văn Huỳnh - Vào ngày 10/5/2013, tôi có một buổi phóng vấn với phóng viên của đài SBTN. Trong buổi phóng vấn này, tôi có dịp nói đến hoài bão của con trai tôi, Trần Huỳnh Duy Thức, và ý nghĩa của những việc mà Thức làm cũng như những mong mỏi của riêng tôi và cả gia đình của Thức.

Interview Mrs Nguyen Thi Kim Lien, mother of two young heroic Viets: Nhat Uy and Nguyen Kha


Nguyễn Hùng (Danlambao) – Mrs Nguyen Thi kim Lien talked about her situation as her two heroic sons were unjustly arrested and one was jailed with a long 10 years sentence by the Vietnamese communist regime. Let’s open our hearts to comfort them both morally and other assistances. Mrs Lien is the true heroic mother of our two heroic young men stand up against China for the sovereignty of Vietnam.
Hơn bốn ngàn năm một dãy non sông
Dân tộc tôi mang giòng máu Tiên Rồng.
Ải Nam Quan – Mũi Cà Mau liền một dãy
Hoàng – Trường Sa những hòn ngọc biển Đông.
Nguyên Anh (Danlambao) - Thật vô cùng sung sướng, phấn khởi, hồ hởi, khi được vinh danh hôm nay: “Ngày nhà Láo Việt Nam”! Thiên đường xã nghĩa là một mảnh đất phì nhiêu cho sự dối trá lên ngôi… Từ clip cắt xén lời nói của TGM Ngô Quang Kiệt nhằm nhục mạ một người tu hành của VTV, vụ án 2 cái condom tròng lên đầu Hà Vũ nay đã được chuyển đến đội cho anh 3 Ếch cho đến gần đây nhất là ANTV với phóng sự cạo gió giác hơi vì quay lén đằng sau lưng và lôi phim từ thời gian trước ra dàn dựng…!

Lại rối chuyện “thổi giá” sân Mỹ Đình (*)

(Trước trận đấu giao hữu giữa ĐTVN và CLB Arsenal)

Những cuộc tuyệt thực đồng hành cùng Ts. Cù Huy Hà Vũ vẫn tiếp diễn

Trần Tuấn (Dân Làm Báo) - Hôm nay, ngày 18.6.2013, cuộc tuyệt thực của người tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ trong Trại giam số 5 Thanh Hóa đã bước qua ngày thứ 23. Sức lan tỏa của cuộc tuyệt thực được nhiều công dân tự do ủng hộ. Mở đầu là Bs. Phạm Hồng Sơn, anh Nguyễn Văn Dũng. Tiếp theo là công dân tự do Phạm Thanh Nghiên, và mới đây là họa sỹ Ngô Nhật Đăng.

Kiến nghị của Ls Trần Vũ Hải về vụ việc tuyệt thực của Ts Luật Cù Huy Hà Vũ

Ls. Dương Hà - Luật sư Trần Vũ Hải đã thảo đơn Kiến nghị về trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ gửi Bộ Trưởng Công an Trần Đại Quang; Các cơ quan chức năng; Các cơ quan báo chí truyền thông và gia đình TS Cù Huy Hà Vũ sau khi nhận lời mời của bà Nguyễn Thị Dương Hà (vợ TS Cù Huy Hà Vũ).
Nguyễn Nghĩa 650 (Danlambao) - Chuyến đi thăm Trung Quốc (TQ) của Chủ tịch (CT) Trương Tấn Sang từ 19-21/6/2013 là 1 chuyến đi thăm quan trọng. Trước hết nó thể hiện ở các bình luận của quốc tế cho rằng đây là chuyến gặp gỡ đầu tiên của CT Sang với Tập Cận Bình, sau khi 2 người được giữ các chức vụ quan trọng nhất tại 2 quốc gia có chung biên giới, chung hệ tư tương, nhưng cả quá khứ và hiện tại TQ luôn mưu toan thôn tính VN. Thứ 2, nội dung chính các thảo luận của CT Sang và lãnh đạo TQ là vấn đề Biển Đông

Tao bán nước – Làm gì tao?

Nguyên Thạch (Danlambao) - Tặng CA Nguyễn Đức Trung (195-456) và tập đoàn côn an bán nước đã nói lên sự thật
Tao bán nước đó, làm gì tao?
Đảng tao quyết chí theo anh Tàu
Việt Nam là tỉnh thiên triều Hán
Ừ, tao bán nước… làm gì nhau?

Nói với đảng

Đảng sẽ bắt
Đến bao giờ cho hết
Những con người không sợ chết là gì
Khi nỗi uất hận đâu chỉ còn âm ỉ
Mà dâng trào như nước đổ khi mưa

Một thanh niên bị bắn bảy phát đạn

Gia Tuệ (Phapluattp) - Trưởng công an xã bị mời lên huyện để làm rõ việc bắn người.
Công an tỉnh Vĩnh Long đang làm rõ việc anh Nguyễn Văn Trường (24 tuổi, ngụ xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bị công an xã Thành Trung bắn bảy phát đạn vào đêm 11-6.
Như Ngọc (Danlambao) – As of today, June 17, 2013, the hunger strike of Dr. Cu Huy Ha Vu has reached 22 consecutive days. Dr. Vu’s struggle in protesting against the brutal and inhuman treatment of communist prison system continues to be the subject that draws a strong and emotional public opinion in Vietnam and abroad.

Ăn… “nhà vệ sinh” !?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Khi sở Giáo Dục và Đào Tạo Tỉnh Quảng Ngãi triển khai “Đào tạo tại chức, ngành học mới, thiếu giáo dục: Ăn… Nhà Vệ Sinh”. 
Thông thường, nhà vệ sinh hay toilet tập thể là nơi “nặng mùi” phóng uế phải cô lập để chứa chất thãi của nhiều người, chẳng đặng đừng, cần thiết lắm chúng ta mới vào để thãi ra những thứ cặn bã mà cơ thể “chê” không còn tồn trữ được nữa, không ai muốn ở lâu trong đó, vì sao ai cũng biết rồi.
Trần Thành Nam (Danlambao - Cách đây vài năm tôi có viết bài “Người Việt gian tham?” với suy tư về thực trạng người Việt hiện nay được coi là đặc biệt gian và tham trong mắt người nước ngoài, và gửi lên mạng. Bài viết được một số trang mạng đăng lại rải rác trong thời gian qua, và được nhiều comments khá phong phú. Tôi rất trân trọng sự đồng tình và chia sẻ của nhiều người đọc, cũng như rất tôn trọng sự phản đối của một số khác cho rằng người Việt cũng chỉ gian tham như người khác thôi, và còn kém xa người Tàu.

Quan hệ Việt-Trung: tiếp tục duy trì “16 chữ vàng – 4 tốt” ?

Ngày 19.6.2013, chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ đi Bắc Kinh theo lời mời của ông Tập Cận Bình. Để chuẩn bị cho sự kiện này, báo chí lề đảng và cả báo chí Trung Quốc đang dọn đường cho chuyến thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang theo kiểu “Hợp tác theo kiểu 16 chữ vàng – 4 tốt”: 
Đại sứ Khổng Huyễn Hựu trả lời báo TTXVN: “…Cho dù tình hình quốc tế có biến động ra sao, Trung Quốc đều sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, kiên trì phương châm ngoại giao “Thân thiện với láng giềng, làm đối tác với láng giềng”, phát triển quan hệ Trung – Việt theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, có tầm nhìn chiến lược và dài hạn về mối quan hệ hợp tác đối tác toàn diện Trung-Việt…”

Trần Đình Triển - Nghi vấn vụ phạm nhân chết tại trại cải tạo Thanh Lâm

Khoảng 17h ngày 15/7/2012 phát hiện Nguyễn Tuấn Sơn phạm nhân đang cải tạo tại trại Thanh Lâm (Thanh Hóa) bị chết, nội dung sự việc như sau:
Trại cải tạo Thanh Lâm cho biết Nguyễn Tuấn Sơn bị kỷ luật vì sử dụng điện thoại di động trong buồng giam nên bị giam riêng trong nhà kỷ luật 10 ngày với hình thức cùm 1 chân, thời gian từ 14h ngày 7/7/2012 đến 14h ngày 17/7/2012.
Gia đình Nguyễn Tuấn Sơn nghi vấn và cho biết: Lý do Nguyễn Tuấn Sơn bị kỷ luật là trước đó mấy ngày cán bộ quản giáo Bùi Ngọc Hưng yêu cầu vợ Sơn gửi cho Hưng 5 triệu đồng, vợ Sơn không đáp ứng được dẫn đến Nguyễn Tuấn Sơn bị giam kỷ luật và bị đánh chết.
Khi Nguyễn Tuấn Sơn chết được báo cho gia đình nhưng gia đình không được quay phim, chụp ảnh thi thể của Sơn và cũng không cho gia đình đưa về để chôn cất. Chỉ 1 người trong gia đình bí mật chụp được vài bức ảnh. Ngay sau đó gia đình đã làm đơn khiếu nại tố cáo lên các cơ quan có thẩm quyền đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ án và đề nghị khai quật giám định nguyên nhân chết và các vết thương trên người Sơn. Đáng tiếc là vụ việc không được cơ quan có thẩm quyền theo tố tụng (Cục điều tra hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) điều tra mà lại giao cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thanh Hóa trực tiếp điều tra và phòng khoa học hình sự Công an Thanh Hóa khám nghiệm và kết luận pháp y.
1025427_162465390602547_1855116447_o.jpg

Trước tình cảnh một bà mẹ già, người vợ trẻ và con thơ đến khóc thảm thiết tại Văn phòng luật sư Vì Dân, qua nghiên cứu bản ảnh mà gia đình cung cấp, chúng tôi thấy rằng đó không thể là vết thương do Nguyễn Tuấn Sơn tự sát như ý kiến của Trại Thanh Lâm; đồng thời gia đình cung cấp 2 chứng từ ngân hàng do vợ của Sơn gửi qua tài khoản cho Bùi Ngọc Hưng và 2 thẻ điện thoại, mỗi chiếc 500.000 nạp vào số điện thoại của Hưng. Vợ của Sơn cho biết do bị thất lạc nên chị mới tìm được 2 chứng từ trên còn thực tế hàng tháng Hưng yêu cầu vợ Sơn gửi từ 2 đến 5 triệu cho Sơn qua ngân hàng hoặc nạp tiền vào điện thoại hoặc gửi cho 1 người bán nước ở cổng trại.
Văn phòng luật sư Vì Dân đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội, nhưng không hiểu sao vụ việc lại giao cho cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Thanh Hóa điều tra về nguyên nhân chết của Nguyễn Tuấn Sơn (như vậy là sai thẩm quyền điều tra). Và cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thanh Hóa trả lời gia đình Nguyễn Tuấn Sơn về cái chết của Sơn là do tự sát.
Với chứng cứ mà chúng tôi tạm có, giá trị 4 triệu đồng mà Bùi Ngọc Hưng yêu cầu vợ Sơn gửi cho là không thể chối cãi được. Vụ việc này lại được tách ra do Cục điều tra hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành. Qua kết luận điều tra và cáo trạng (2 bản gần như giống nhau đến 100%) truy tố Bùi Ngọc Hưng về tội “Lạm dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản” mà không điều tra lại nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Sơn. Kết luận điều tra và cáo trạng chỉ căn cứ vào những chứng cứ sát thực mà do Văn phòng luật sư Vì Dân cung cấp, chưa điều tra bảng kê tiền gửi thanh toán qua các ngân hàng mà vợ anh Sơn gửi cho Hưng. Cũng như khôi phục lại việc gửi tiền qua điện thoại, số điện thoại gọi đi và gọi đến từ số điện thoại của Hưng, số điện thoại của Sơn (khi còn sống) trong trại cải tạo với số điện thoại của vợ Sơn;…
Điều lạ lùng nhất là kỷ luật Sơn về việc gọi điện thoại thì trong cáo trạng lại khẳng định Hưng yêu cầu Sơn gọi điện thoại về cho vợ gửi tiền cho thầy (Hưng – cán bộ quản giáo), điện thoại và thẻ điện thoại của Sơn khi đang trong trại cải tạo thì do ai cung cấp? Một số tên người gửi tiền từ 500.000 đến 10 triệu đồng vào tài khoản của Hưng thì được kết luận là do bạn bè, người thân gửi cho, cho vay.
Vụ án dự định được Tòa án nhân dân huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử vào ngày 27/6/2013 tới.
Vụ việc này với vụ Anh Nguyễn Công Nhựt bị chết tại Công an Huyện Bến Cát – Bình Dương là có những dấu hiệu tương đồng nhau:

http://www.luatvidan.vn/index.php?f=news&do=detail&id=122

011013811_162465567269196_1930780871_n.jpg
021013086_162465667269186_1135743507_n.jpg
0319914_162465763935843_624019217_n.jpg
041000831_162465910602495_968454391_n.jpg
05994154_162466000602486_904116395_n.jpg

(Blog LS Trần Đình Triển

Ngô Minh - Nhà báo "tham nhũng" như thế nào?

Người ta gọi “báo chí là quyền lực thứ tư” trong xã hội sau lập pháp,tư pháp và hành pháp. Vì là quyền lực nên bao giờ cũng có sự lạm quyền. Lâu nay ta chỉ nói đến lãnh đạo có chức có quyền tham những. Vậy nhà báo có tham nhũng không? Có! Một số nhà báo và cơ quan báo chí đang tham nhũng rất tinh vi. Báo mà đăng bài để “ chạy án” cho Năm Cam cách đây mấy năm là báo hại đích thị rồi. Mới đây, Hà Phan (Phan Hà Bình) phó tổng thư ký tòa soạn của một tờ báo lớn bị bắt khi nhận hối lộ 220 triệu đồng (11.000 đô la) để không viết bài tố các thương gia. Đó là những chuyện tham nhũng, hối lộ cụ thể. Từ nhiều năm qua báo chí ta cũng có không “mẹo làm tiền” các doanh nghiệp không kém những vụ việc trên. Không ít tờ báo đang trở thành báo hại. Hại đến mức hễ nghe nhà báo tới là giám đốc “sợ” tái mặt, phải tìm cách “chạy trốn”, nhưng lại ít người nói tới.
Tòa soạn báo thành… cơ quan đánh quả!
Từ ngày đổi mới đến nay, báo chí đã thực sự trở thành “món ăn” không thể thiếu đối với người dân hàng ngày. Báo chí đang tham gia tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, mở của, chống tiêu cực, tham nhũng. Nhiều tờ báo do hấp dẫn người đọc, ti-ra phát hành lớn, nên người ta sống chủ yếu bằng lợi nhuận báo. Những tờ báo đó, hàng các doanh nghiệp hàng ngày tìm đến xin đăng quảng cáo rất đông. Nhưng cũng có rất nhiều tờ báo phát chỉ phát hành được vài ngàn bản một kỳ. Tiền bán báo không đủ bù tiền in, tiền nhuận bút, nên cả tòa soạn sống chủ yếu bằng “ nghề chạy quảng cáo” ở các DNNN, thậm chí “chạy” quảng cáo tận các trường tiểu học, trạm xá, bệnh viên... thậm chí Trại phục hồi nhân phẩm cũng phải “mần” quảng cáo! Nhiều tờ báo ở Hà Nội, vào Đà Nẵng lập ra một “đại diện Miền Trung“ hẳn hoi, nhưng tòa soạn không trả lương, mà anh em phải đi chạy quảng cáo để nuôi nhau! Cứ đến kỳ Tết Nguyên Đán, ngày 30-4, ngày nhà báo Việt Nam 21-6, ngày Quốc Khánh 2-9 v.v... cả tòa soạn không viết báo mà đổ xô đi… làm quảng cáo! Làm quảng cáo mà có thư của thứ trưởng, vụt trưởng mang theo. Có báo một cái Tết “đọc lệnh” được vài ba tỷ đồng tiền qủang cáo! Giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải tiếp mỗi ngày hàng mấy chục “nhà báo quảng cáo” như vậy nên phát sợ. Nhiều nhà báo nhơè đi “đọc lệnh” quảng cáo mà có tiền xây nhà lầu, mua xe hơi xịn. Chứ nếu sống bằng nhuận bút thì không bao giờ có những thứ như vậy. Một nhà báo viết nhiều, in nhiều như bác Nguyễn Xuyến ở cạnh nhà tôi, mỗi tháng măng-đa nhuận bút về 7, 8 triệu đồng, cũng không đủ tiền mua xe hơi xin như vậy Các nhà báo hãy sờ tay lên gáy mình mà ngẫm nghĩ để sống cho ra con người.
Dù DN không có nhu cầu quảng cáo, nhưng phải bấm bụng mà làm, vì không làm “ lỡ có sai sót gì” trong kinh doanh, “nhà báo nói thêm” một thành mười thi nguy to! Một cái quảng cáo nửa trang ( 27x 40cm) 20 triệu bạc, in bia bốn thì 50 triệu. Một cái Tết “ chiều” cho hết hàng mấy chục tờ báo, coi như mất toi hai ba bốn trăm triệu,vì thế mà giá hàng hóa dịch vụ bị đội lên, khó mà cạnh tranh. DNNN thì ngày càng thua lỗ, thế mà phải “nuôi” thêm các anh “báo hại”! Bởi thế mà anh Lê Hữu Thăng, hiện là phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, hồi làm giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu tỉnh, anh đã nghĩ ra được “mẹo” để tránh sự “tấn công” của các nhà báo quảng cáo. Anh làm một văn bản, bộ tứ công ty ký vào, quy định một năm chỉ làm quảng cáo trên 2 tờ báo vào dịp Tết hay lễ ở báo tỉnh, báo ngành. Anh dán tờ “yết thị” đó lên. Nhà báo tới đành im lặng rút lui!
Có nhiều chiêu làm quảng cáo lắm. Viết một bài ca ngợi thành tích công ty, gọi là “ viết cho”, rồi bắt doanh nghiệp “trả ơn” bằng cái quảng cáo. Kiếm mấy em thật tươi mát, nhận làm hợp đồng, các em sẽ “ngồi lỳ” ở phòng giám đốc suốt buổi, giám đốc ngán quá phải “ ký”, hoặc các em sẽ “chiều chuộng”,” liếc mắt đưa tình” giám đốc để được cái quảng cáo. Tiền chùa mà, mất gì! Đã có thư tố cáo ông giám đốc M. chi cho cô bồ nhí là ”phóng viên quảng cáo” của tờ báo nọ trong mấy tháng hơn 400 triệu đồng quảng cáo. Ở tỉnh nọ, các nhà báo tỉnh gọi đi làm quảng cáo là “ đi đọc lệnh”. Có nghĩa là cứ đến doanh nghiệp bắt giám đốc ký, vì giám đốc nào cũng có “gót chân A-Sin” mà nếu tiết lộ lên báo là gay! Hoa hồng cho người làm quảng cáo từ 30 % có báo chi trả 40, 45%, nên có nhà báo từ xe đạp “chân co chân duỗi”, vào nghề chỉ mấy năm làm quảng cáo đã xây được nhà bốn lầu, mua xe hơi… Thế là Tòa soạn báo thành cơ quan đi... đánh quả quảng cáo! Đó là tham những chứ gì nữa!
Chuyên đề... “lừa” ?!
Hiện nay có rất nhiều tờ báo, tạp chí, cũng gọi là cơ quan báo chí với đủ ban bệ, nhưng không bao giờ làm báo cả! Thế họ sống bằng gì ? Xin thưa: bằng việc xuất bản các “chuyên đề… lừa”. Qua tìm hiểu nhiều báo, tôi biết cách làm của họ như sau. Chạy xin giấy phép, đặt tên thật oách, kiểu “Tiềm năng đầu tư của tỉnh…”, hay” Tỉnh…rải thảm đỏ mời các nhà đầu tư”…, Phóng viên trang bị máy ảnh kỹ thuật số xịn, đeo hai ba cái trước nực, tay xách laptop kè kè, để lòe thiên hạ. Rồi ông Tổng biên tập lên xin ông Thứ trưởng, Bộ trưởng cái thư gửi cho Bí thư, chủ tịch các tỉnh, đề nghị phối hợp làm chuyên đề “ giới thiệu tiềm năng đầu tư của địa phương” hay lễ hội, festival v.v.. Các tỉnh nghe nói “đầu tư nước ngoài” mừng lắm, vì đây là mốt mà! Ông TBT mới tán thêm là “tờ báo của mình in song ngữ, phát hành đi hơn trăm nước trên thế giới, ti-ra hai triệu bản”. Thế hợp đồng làm “Chuyên đề về tiềm năng kinh tế, mời gọi đầu tư của tỉnh X” được ký. Ngoài việc tỉnh chi số tiền in ấn lên tới hàng trăm triệu đồng, chủ tịch tỉnh còn ký công văn “bắt“ hàng trăm doanh nghiệp mạnh trong tỉnh tham gia quảng cáo, mỗi doanh nghiệp 15 – 20 triệu đồng. Sau đó họ thuê người viết bài, chụp ảnh, dịch, cộng thêm trích đoạn nghị quyết tỉnh, bài phỏng vấn kèm ảnh ông bí thư, chủ tịch in trang đầu, thế là được cuốn “chuyên đề” dày khoảng 100 trang, in song ngữ Việt - Anh. Người viết bài này cũng đã từng được thuê viết bài “tiềm năng…” như vậy. Họ chỉ in 700 bản, nộp lưu chiểu, báo biếu 200 bản, còn 500 bản mang về bán lại cho tỉnh với 150 ngàn / 1 cuốn (đã bỏ tiền ra in rồi lại phải bỏ tiền ra mua!). Chỉ một “chuyên đề... lừa” như vậy, tòa báo đã kiếm được vài tỷ đồng ngon ơ! Có tòa soạn đã lần lượt làm được 61 chuyên đề tỉnh, hàng chục chuyên đề ngành, nhưng chẳng mang lại cho xã hội ích lợi nào! Những tờ báo như vậy không bao giờ xuất hiện trên thị trường, cũng không ai đặt mua qua bưu điện! Đó là tham nhũng chú gì nữa!
Có một loại sách… để trên bàn cho vui!
Người biết bài này thường thấy trên bàn làm việc của ông bạn giám đốc DN một chồng sách lớn, cuốn nào cũng dày cộp. Đó chỉ là “ sách… quảng cáo” do đủ loại Nhà xuất bản và cơ quan báo chí ấn hành.! Cuốn nào cũng có tên gọi thật kêu. Ví dụ như Từ điển doanh nghiệp Việt Nam, Cẩm nang doanh nghiệp Việt Nam, Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Doanh nhân vàng thời mở cửa.v.v..Tôi hỏi ông bạn: Sách này để làm gì? Ông trả lời: Để trên bàn cho.. vui! Cứ một doanh nghiệp một trang giới thiệu rất đơn giản: tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, Fax, ảnh trụ sở cơ quan, ảnh giám đốc v.v. cuốn gọi là “Cẩm nang doạnh nghiệp” chỉ có 500 trang, nghĩa là chỉ 500 DN, trong lúc đó ở nước ta có gần 500.000 doanh nghiệp? Thế thì “từ điểm”, “cẩm nang“ cái nỗi gì! Nhưng mà làm được 500 trang quảng cáo đóng thành “sách” ấy, tòa soạn báo đã thu được 2,5 tỷ đồng doanh thu (5 triệu đồng / trang, chưa tính 3 trang bìa 4, 3,2, mỗi trang từ 20 – 50 triệu đồng), trừ chi phí hoa hồng, tiền chế bản màu, in ấn, còn lãi ròng cả tỷ đồng! Bởi thế mà rất nhiều báo, nhà xuất bản năm nào cũng làm “Sách... quảng cáo” với nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng tất cả cuốn sách ấy đều không giúp ích được gì cho doanh nghiệp trong kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Đó là tham nhũng chứ gì nữa!
Vĩ thanh
Tôi không bao giờ phản đối việc quảng cáo trên báo chí. Vì quảng cáo càng nhiều chứng tỏ nền kinh tế càng phát triển. Nhưng quảng cáo theo kiểu “đi xin”, “ đi đọc lệnh”, hay “làm chuyên đề”, “sách... quảng cáo”... theo hình thức “lừa đảo” đã kể ở trên là làm khổ doanh nghiệp, là báo hại nền kinh tế đất nước. Các tòa soạn báo ơi, nhà báo ơi, tiền báo thu được từ quảng cáo đó là tiền thua lỗ của các doanh nghiệp cả đấy. Đây là một hiện tượng không lành mạnh nhưng rất phổ biến của báo chí hiện nay. Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giúp các báo nâng cao chất lượng bài vở sống được bằng nghề làm báo của mình!
Ngô Minh
(Blog Ngô Minh)
 

TQ tăng cường theo dõi người Tây Tạng bằng nhân sự, kỹ thuật số


Khu tự trị Tây Tạng

19.06.2013
Trung Quốc dường như đang tăng cường việc theo dõi người Tây Tạng, bắt họ phải cung cấp tên thật cho các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và gửi hàng ngàn đảng viên đến các làng xã để quan sát hoạt động của họ.

Tân Hoa Xã hôm thứ Tư nói chính quyền của vùng Tự trị Tây Tạng đã cho đăng ký tên thật của tất cả những người sử dụng Internet và khách hàng dài hạn của các dịch vụ điện thoại di động hay điện thoại cố định trong khu vực quản trị của họ.

Chính quyền nói rằng 2,8 triệu người Tây Tạng sử dụng Internet đã hoàn tất thủ tục đăng ký trước cuối năm 2012 theo đúng luật khu vực.

Tân Hoa Xã trích lời giới chức khu vực là Đới Kiến Quốc nói rằng việc Trung Quốc theo dõi lai lịch những người Tây Tạng sử dụng Internet và điện thoại là cần thiết để ngăn chặn “việc phổ biến bừa bãi những tin đồn trên mạng, dâm thư và các tin rác.”

Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York hôm thứ tư nói Bắc Kinh đã phái hơn 20 ngàn đảng viên Cộng sản đến các làng xã Tây Tạng để “thực hiện công tác theo dõi dân chúng, thi hành việc cải huấn chính trị sâu rộng và thiết lập các đơn vị an ninh đảng.”

Giám đốc HRW ở Trung Quốc, bà Sophie Richardsonn nói với đài VOA rằng những hoạt động như vậy khác hẳn với việc cải thiện mức sống của người Tây Tạng mà Bắc Kinh tuyên bố là một mục tiêu của chương trình ở làng xã, phát động vào năm 2011.

Bà Richardson nói: “Có một chương trình lộ liễu theo dõi quan điểm chính trị của dân chúng, xem họ có hình ảnh của Đức Đạt lai Lạt ma, hay họ có biết gì về những vụ tự thiêu hay không. Tôi cho rằng điều đặc biệt đáng lo ngại là thậm chí trẻ em cũng bị các cán bộ này tra hỏi. Họ cũng thành lập các toán công an giả ở địa phương, nêu lên nhiều thắc mắc về việc liệu những vụ bắt giữ hay tra hỏi đang diễn tiến trên cơ sở luật pháp khách quan hay là theo nghị trình đảng phái.”

Chính phủ Trung Quốc coi Đức Đạt lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, là một phần tử ly khai và một kẻ phản quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ngài chỉ mưu tìm đối thoại nhằm thiết lập quyền tự trị cho Tây Tạng.

Bắc Kinh đã siết chặt an ninh ở các vùng Tây Tạng sau một loạt các cuộc biểu tình tập thể chống chính phủ và bạo động trong năm 2008 chống lại điều mà nhiều người Tây Tạng coi như cuộc đàn áp của Trung Quốc nhắm vào tôn giáo và văn hóa của họ.

Giới hữu trách Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với một đợt ít nhất là 119 vụ tự thiêu của người Tây Tạng để phản đối các chính sách của Bắc Kinh từ năm 2009. Bà Richardson nói các khó khăn đó đã làm chính phủ Trung Quốc có thái độ cứng rắn hơn đối với người Tây Tạng.

Bà nói: “Chúng ta thực sự nhìn thấy chính phủ trung ương và các giới chức địa phương coi người Tây Tạng là tội phạm – khi nói về việc tự thiêu là một hành động phạm tội, bầy tỏ sự chỉ trích các chính sách của chính phủ bị xét một cách nghiêm khắc hơn trước. Mức độ theo dõi này chắc chắn xuất phát từ cả hai mối quan ngại đó nhưng cũng còn do cuộc vận động toàn quốc của chính phủ trung ương nhằm duy trì ổn định mà chúng ta đã thấy là gây ra tất cả các loại vấn đề tương tự ở những nơi khác trong nước.”

Trung Quốc nói việc đầu tư to lớn của họ vào hạ tầng cơ sở ở các khu vực người Tây Tạng đã cải thiện đáng kể phẩm chất sinh hoạt của người Tây Tạng trong những năm gần đây.
(VOA)

Nhạc sĩ Tô Hải - Nhật ký mở lại (mở lần thứ 53)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhBvmFx6X0RY-g-h2uG0pcxI9RNU4CXLEDxwJMHEvj33ihHY2BcVXl1JszcpqbWxZs2K5zkJ8ZlIoJ9UpkTFqf2BLtTx_uZWfG8mcYswdfhMvnhyphenhyphenQz_X8chqRYVF0EVCb36n7AO39vrGBGB/s1600/tohai.jpg
Cứ yên tâm giơ cái mặt trơ trán bóng ù lì ra mà hưởng lộc!
Kể ra cái đám “chuyên ra” của cái “Viện hàn (xì) lâm khoa (không) học” nào đó nghĩ ra cái trò “rân chủ kiểu mới” độc đáo nhất trên thế giới từ trước đến giờ là “lấy phiếu tín nhiệm” để tất cả 47 vị được lấy phiếu đều, dù ít, dù vừa phải, dù nhiều, đều cùng có tín nhiệm để chẳng… “chết” thằng nào thì:
- Dư luận công chúng, báo chí thế giới và lề dân (tất nhiên không có lề đảng) tùy theo trình độ, chỗ đứng,… tiếp tục bình luận, phân tích về cái trò ma tịt “đâu lại vào đấy” này!
- Bản thân mình, cũng không để ý nếu không đọc được những điều phát hiện mới như:
a/ Số người không “thèm” đánh giá tín nhiệm cao hay thấp gì mà bỏ phiếu trắng như:
- Phạm thị Hải Chuyền bị… 106
- Nguyễn sinh Hùng bị: 66
- Huỳnh phong Tranh bị: 66
- Phùng Quang Thanh bị: 18 v.v...
(sau khi cộng cả 3 kiểu tín nhiệm khác nhau) thì:
Khối kẻ bị quá bán số đại biểu quốc hội đánh giá là “tài đức vừa” (tín nhiệm… suông”) và “tài đức thấp” (tín nhiệm thấp) cộng với số không “thèm” có ý kiến này, cần phải… cách chức tức thì hay tự thấy cắn rứt lương tâm mà “trả ấn từ quan” về quê vui thú điền viên với gia đình họ hàng ruộng vườn mênh mang, lầu son gác tía!
Tiếc rằng, ngay sau khi phiếu tín nhiệm được tuyên bố thì anh Ba đã dựa ngay vào 2 con số 210+112 mà bỏ quên con số 160 “tài đức thấp” cùng 16 phiếu không “thèm” hoặc không “dám” bỏ... mà tuyên bố rất tự tin với báo chí ngay ờ hành lang hội trường khi được hỏi về cảm tưởng cuộc lấy phiếu tín nhiệm rằng thì là: ”Cứ nhìn những con số “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” là tự biết! Có nhà báo lề dân phải trả lời trên blog rằng: ”Vâng! Chúng tôi biết! Với 160 phiếu tín nhiệm thấp + 112 tín nhiệm vừa + 16 ý kiến “trắng“ thì ở các nước khác, ông đã phải “thôi giữ chức” ngay tắp lự! May thay cho ông là ở cái trò đùa để… “đâu vẫn vào đấy” này người ta đã “sáng tạo” ra một cái kiểu lấy “phiếu tín nhiệm” chứ không phải lấy “phiếu không tín nhiệm”, cho nên cái chuyện ai cũng có tín nhiệm cả này, thì… dù ít, dù nhiều, dù trung bình cũng sẽ là: ai ai cũng đều được tín nhiệm tuốt! Sao lục y hệt bên trên đảng các ông đã làm thế với việc kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết IV!
Cả thế giới đang ngao ngán với màn sửa đổi hiến pháp tốn kém tiền bạc và thời gian để đảng được dịp tuyên bố danh chính ngôn thuận với thế giới là việc đảng làm xưa nay, dù có khuyết điểm đấy, nhưng toàn dân vẫn một lòng theo đảng lên thiên đường XHCN đến cùng(!) nên hiến pháp cần ghi cho thiệt rõ, thiệt dài, thiệt cụ thể về những gì đảng đã muốn! Không có thể lơ mơ được về những chuyện cốt tử như: ”đảng là trên hết, là lãnh đạo toàn diện”, không trừ bất cứ lãnh vực nào,... như “đất đai là của toàn dân” tức cũng là của đảng viên, những “người dân ưu tú nhất” quản lý, như quân đội công an chỉ biết “còn đảng còn mình” vì đảng đẻ ra quân đội… Lâu nay tất cả đều đã và đang được tiến hành ro ro nhưng hiến pháp chưa ghi thật rõ ràng thì bây giờ thảo luận sao để ghi cho rõ ràng, rành rọt ra chứ chẳng phải sửa phải đổi cái gì đâu! thì…
Tiếp ngay đến cái màn cù không cười nổi: “lấy phiếu để 47 vị không ít thì nhiều “có tội” với đất nước tự nhiên, tự tại an tọa trên mọi chức sắc trong triều đình! Quả là một màn kịch thứ 2 trong vở hài kịch quá lộ liễu về mảng miếng của các “chuyên ra đạo diễn chánh trọe” rất yếu tay nghề!
Đặc biệt có mấy anh “xuýt chết” (nếu ở nước khác) do phiếu tín nhiệm thấp đạt tới 3 con số như anh Bình ruồi thì tỏ vẻ không hài lòng về những kẻ đã không cho anh thêm ít phiếu tín nhiệm cao để đến nỗi chỉ có 68 /498 phiếu nên anh đã bỏ ngay họp quốc hội để tổ chức ngay lập tức cuộc họp hoành tráng sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm ngay ngày 17/6/2013! Cũng trong dịp này, anh cũng để tay chân, đệ tử thay phiên nhau lên tiếng phân bua với báo chí … rằng thì là:
“Bọn tôi buồn lắm. Nhưng biết sao được”, một lãnh đạo cấp vụ nhắn tin cho người viết, tránh bình luận về kết quả tín nhiệm của “sếp” mình - bộ mặt của ngành.
Quan điểm mà ông nhấn mạnh là đối với những vị trí điều hành độc lập, không nên áp cơ chế bỏ phiếu để đánh giá tín nhiệm của họ. Đó là các chức danh ở các lĩnh vực tòa án, thanh tra và điều hành chính sách tiền tệ. Chỉ khi nào họ không làm được việc thì mới tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm để xem xét bãi nhiệm hay không.
Hoặc: “Chúng ta đang hướng tới một ngân hàng trung ương độc lập, không bị chi phối bởi các yếu tố khác, dù là rất khó. Như việc bỏ phiếu tín nhiệm, tôi xin nêu một ví dụ, khi mà lạm phát bùng nổ, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng lãi suất. Tăng lãi suất cao để xử lý, kiểm soát được lạm phát. Nhưng lãi suất cao khiến các doanh nghiệp điêu đứng lợi ích của nhiều người bị ảnh hưởng, thì thành ra không được tín nhiệm” (VNEconomy - 18/6/2013))
Trong buổi phát hình cùng ngày, trên Tivi 1, ông Bình khẳng định thành tích từ xưa không ai trước ông dám làm và kiên quyết tuyên bố: ”Ngân hàng là định hướng chứ không có nhiệm vụ điều tiết giá cả" và ông lên giọng: ….Tôi định hướng đây này!.... rồi ông đưa ra những gì mà ông sẽ không làm theo kiểu trước kia nữa như a, b, c, d, gì đó mà mình nghe cứ ù ù, cạc cạc về những ngôn ngữ vàng-tiền-tiền-vàng! Chỉ nhớ! Để rồi xem đến 30 tháng 6 này tôi nói và làm có đúng hay không! Một tuyên chiến rõ ràng với những ai do…dốt nên không tín nhiệm ông... Chỉ tiếc rằng sáng hôm sau vào mạng để tìm hiểu kỹ bài nói của ông thì… chẳng hiểu có lệnh nào không mà chẳng có một tờ báo nào đăng cả! Trừ tờ VNEconomy chỉ đăng tóm tắt và tả cảnh nơi họp rất chi là sáng sủa, hoành tráng, đông đúc, nhưng không được… vui do “xếp” đang có nỗi buồn “ba số không”- “tín nhiệm thấp”!
Sợ thật!
Còn ông bộ trưởng Bộ Học thì ít có lý do lý trấu! Có lẽ do ông là dân… “luận vũ” cho nên không rành “luận văn”… nhưng bị cơ cấu vào cái Bộ “Tôn Thất học” đang cơn hỗn độn kéo dài cải tạo mà… cải càng nhiều càng xuống cấp, nào trường học, nào thầy bà, nào học sinh, nào thi cử…Tất cả đều là một mối đại bòng bong, vô phương tháo gỡ! Tóm lại: Ông là một nguời không may nên bị giao cho một nhiệm vụ trồng người trên một mảnh đất toàn nói dối, đâm chém, bạo lực và mất… gốc nghiêm trọng! Cho nên nhận được ba con số 86, 229, 177 cùng 6 người “tha”, không ý kiến xét cho cùng cũng chính xác 99%! Ông chỉ buồn cho cái số phận của ông mà thôi cho nên sau đó các nhà báo tìm mãi mới thấy ông một mình đứng sau hội trường thở dài sườn sượt và kiên quyết không trả lời một nhà báo tọc mạch nào!
Cho đến hôm sau thì không ít tờ báo đã miêu tả cái sự oan uổng của ông như sau:
Từ khi lên nhậm chức, Bộ trưởng Luận liên tục gặp phải những điều kiện khách quan không hay khiến cho chiếc ghế bộ trưởng của ông không còn êm ái như các nhiệm kỳ trước. Điển hình là những vụ tiêu cực trong thi cử, bạo lực học đường, sách in cờ Trung Quốc, thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt có một nguyên nhân trời ơi nữa là giữa lúc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, kinh tế khó khăn sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt, thạc sĩ đi bán trà đá, cử nhân đi làm công nhân. Người ta đổ cái lỗi này lên đầu ngành giáo dục, cho rằng chất lượng giáo dục đang xuống cấp và Bộ trưởng Luận lại phải lên giải trình về những cái lý do của ông trời gây ra cho cả thế giới này chứ đâu riêng Việt Nam!
Còn rất nhiều thứ phân tích, góp ý, dự đoán về cái trò chơi mèo mửa có một không hai này của những nhà “miu sĩ” coi thường thiên hạ của đảng!
Nhưng cái gì đã bắt buộc ngay cả các “nhà” nọ, “nhà” kia vẫn cứ phải tuyên bố: ”Đã có tiến bộ trên con đường dân chủ”? hoặc “Việt Nam đang học tập dân chủ” hoặc “Méo mó có còn hơn không!” thậm chí còn có người cho là: “Anh Trọng đã thắng anh Dũng 1-0”(?!)
Riêng mình thì luôn giữ vững lạp xường kiên định “bất tín nhiệm chiến lược” nên mình có kết luận như sau:
“CÒN NẰM TRONG QUY HOẠCH CÁN BỘ CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG, THÌ YÊN CHÍ ĐI! CỨ TIẾP TỤC GIƠ CÁI MẶT TRƠ TRÁN BÓNG Ù LÌ RA MÀ HƯỞNG LỘC ĐẢNG!
Còn được như thế cho đến khi nào thì… HÃY ĐỢI ĐẤY!
Tô Hải
(Blog Nhạc sĩ Tô Hải)
 

Hiệu Minh - Ngoại giao: Giầy cao gót vs Bó bàn chân

High Heels
High Heels

Nếu tới DC vào ngày đi làm trong metro du khách phương xa sẽ thấy các ông mặc véc, cà vạt nhưng lại đi giầy thể thao,  phụ nữ ăn mặc sang trọng, rất mốt nhưng đi giầy bệt.
Những người này đến VP sẽ có đôi giầy đúng mốt chỉ để đi họp, về chỗ ngồi lại bỏ giầy ra. Dân IT như tôi chui gầm bàn sửa máy tính nên rất hiểu thế giới giầy của phái đẹp.
Gọi đó là tính thực dụng của người Mỹ, kể từ cách đi giầy.
Thời trai trẻ mình quen một nàng lúc nào cũng diện đôi guốc 7 phân. Mỗi lần đến chơi ở nhà lắp ghép, nàng càu nhàu, sao bắt bỏ dép guốc bên ngoài thế này. Bỏ đi, chân dài thành chân vừa vừa, bởi nàng cao 1m53, vẻ đẹp bị giảm khá nhiều.
Hôm nay Washington Post có bài “Giầy cao gót có thể trông đẹp nhưng không tốt cho chân” được đọc nhiều nhất, mình nhớ người bạn xưa.
Tay nhà báo chắc nghiên cứu guốc dép khá kỹ. Đôi giầy 7 phân, đôi chân có vẻ dài hơn, bước đi vẻ uyển chuyển. Nhưng phía sau sự tự hào đó là nỗi đau từ những ngón chân mà chỉ có người đi mới thấu.
Đôi chân sinh ra là để giữ thăng bằng trên mặt đất và gót chân phải thẳng góc 90 độ với cẳng chân chứ không phải ở một góc nghiêng 45 độ như lúc trên đôi giầy cao chót vót.
Nếu nói phụ nữ nghiến răng để làm đẹp, quả không sai. Đau đớn, bệnh tật, và dù những ngón chân bị tụ máu hay trẹo chân bó bột cũng không thể ngăn họ leo trên đôi cà kheo.
Nhân chuyện bác Tư Sang đi Trung Quốc bàn về biển Đông với người láng giềng, vừa là đồng chí, vừa là anh em kiêm kẻ thù không đội trời chung, tự nhiên tôi liên tưởng đến người đẹp đi giầy cao gót.
Mấy tuần trước, Thủ  tướng Dũng đã có phát biểu nổi tiếng ở Shangri La ngầm ý lên án Trung Quốc “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”.
Ông được truyền thông thế giới khen rất nhiều về sự đổi chiều.
Thủ tướng đã giành nhiều điểm trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sau đó. Giới am hiểu nói rằng, 210 phiếu “Tín nhiệm cao” thuộc hàng bom tấn, ý nói những người có quyền lực tại VN đã ủng hộ Thủ tướng.
Tuy nhiên, tiếp sau vụ bắt blogger Trương Duy Nhất trước thềm cuộc bỏ phiếu, là nhà văn Phạm Viết Đào và gần đây blogger Đinh Nhật Uy, nhiều người không hiểu phía Việt Nam định gửi tín hiệu gì cho cộng đồng thế giới.
Nhân vụ này, BBC Việt Nam đã “chọc ngoáy” đúng kiểu Ăng lê bằng một bài viết “Bắt để làm quà”, ý nói  phe thân Mỹ đã bị qua mặt bởi  phe thân Trung Quốc.
Chuyện đời không đơn giản thế. Chủ tịch Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh cùng món quà đó, với người hàng xóm Bắc Kinh là quá nhỏ.
Khó mà tin một lãnh đạo quốc gia tầm cỡ như bác Sang trước khi công du lại bắt giam mấy tay võ mồm, đưa lên bàn đàm phán về biển đảo với Trung Quốc.
Người Mỹ cũng chẳng đến nỗi không đủ trí thông minh. Vài blogger không thể thay đổi tình thế với phương Bắc hay nhằm đối đầu với Hoa Kỳ.
Với họ, 3 bloggers hay 3000 cũng chẳng có ý nghĩa gì, một khi không động chạm đến quyền lợi nước Mỹ. Có chăng, đó là con bài khi đàm phán về quan hệ, nếu cần cao bồi lại lôi ra để đánh đổi
Nhớ lại vụ bắt bớ và video nhận tội của mấy người dân chủ ngay khi Jim Webb tới Hà Nội để bàn về đối phó với Trung Quốc, xứ mình có thể hiểu đây là những bước đi ngoại giao trên giầy cao gót.
Cứ lênh khênh, kiễng chân, nín nhịn để được điểm, lúc bên này, lúc bên kia, những người đẹp kiểu này thường nghĩ có nhiều người ngưỡng mộ hơn các chân dài đi bằng giầy thể thao.
Bó chân của người Hoa.
Bó chân của người Hoa.
Thời xưa, đàn bà Trung Quốc phải bó bàn chân, bó càng chặt, bàn chân càng bé, càng được đánh giá cao. Nhiều người cố bó nên bàn chân bị méo mó và thành tật.
Thời nay đã khác, giầy càng cao càng chứng tỏ sành điệu dù có đau đớn về thể xác.
Suy cho cùng, để có vẻ đẹp giả tạo cũng phải trả giá.
Tới Bắc Kinh với đôi giầy cao gót để đối phó với người đẹp bó bàn chân, khó mà đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Nếu chủ mà yêu cầu khách bỏ đôi giầy cao vót khi vào Trung Nam Hải thì không hiểu sự thể có giống như cô bạn 1m53 thưở nào. Nhưng nếu chủ cũng bỏ giầy ra đẻ tỏ lòng hiếu khách thì chưa chừng lại thấy những bàn chân dị tật.
Kết thúc entry, xin đăng một comment trên Washington Post đặc kiểu Mỹ trong bài High Heels “I would have had sex with her, but I just didn’t like her shoes – Tôi có thể làm tình với cô ta, nhưng đôi giầy thì chẳng làm tôi thích thú”.
HM. 18-06-2013
PS. Các bạn biết không, riêng về đoạn giầy dép, tôi thích tính thực dụng của người Mỹ, cứ giầy bệt mà chơi, dễ thăng bằng trên mặt đất, chẳng có chuyện chân đau hay dị tật.
( Hieuminh Blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét