Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Thất bại lớn đối với Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7 ???

Thất bại lớn đối với Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7

Cuộc bỏ phiếu tại  Trung ương tối khuya vừa qua rất gay cấn với sự kiên trì tới phút chót của Tổng Bí thư, với sự thao túng rất lộ liễu của các nhóm lợi ích. Kết quả cho thấy nhóm lợi ích đã một lần nữa chiến thắng. Nguyễn Bá Thanh vẫn là anh Trung ủy nói chẳng ai nghe, đe chẳng ai sợ. Hội nghị Trung ương 7 báo trước Việt Nam đang bị các nhóm lợi ích dẫn dắt đi vào những thác ghềnh vô cùng nguy hiểm trước sự bất lực của Đảng và của Tổng Bí thư.
Suốt mấy kỳ Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên trì công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng, bài trừ nhóm lợi ích. Để hiện thực hóa các sách trên, ông đã thiết kế một số bước đi quan trọng trong đó có việc tái lập Ban Nội chính và đưa Nguyễn Bá Thanh ra HN làm trưởng ban.
Việc ông Thanh ra HN ngay lập tức khiến các nhóm lợi ích đả phá kịch liệt. Khó khăn, bão tố nổi lên ngay từ khi xây dựng cơ cấu, chức năng quyền hạn nhiệm vụ của Ban Nội chính. Một yếu tố quyết định nữa là Trưởng ban phải nằm trong Bộ Chính trị thì tiếng nói chỉ đạo mới đủ mạnh. Ủy viên Trung ương làm gì được ngồi vào chiếu BCT, nói ai nghe. Hơn nữa, nếu Trưởng Ban Nội chính không nằm trong BCT, tiếng nói của Tổng Bí thư về trong sạch đội ngũ/chống tham nhũng sẽ trở thành vô cùng lạc lõng.
Cuộc bỏ phiếu tại  Trung ương đêm qua rất gay cấn với sự kiên trì tới phút chót của Tổng Bí thư, với sự thao túng rất lộ liễu của các nhóm lợi ích. Kết quả cho thấy nhóm lợi ích đã một lần nữa chiến thắng. Nguyễn Bá Thanh vẫn là anh Trung ủy nói chẳng ai nghe, đe chẳng ai sợ. Sau Hội nghị này, Bá Thanh vĩnh viễn chỉ là anh chàng cạo giấy quèn tại HN mà thôi.
Số phận của Tổng Bí thư cũng không hơn. Dấu ấn trong sạch đội ngũ, chống tham nhũng của cụ Trọng đang đi dần tới chỗ bế tắc hoàn toàn. Cụ Tổng thực sự mệt mỏi và bất lực. Nguy hiểm hơn, thất bại tại Hội nghị này sẽ dẫn tới đấu đá, xâu xé nội bộ khốc liệt trong nhiều cơ cấu nhân sự tới đây, đặc biệt là chức danh Tổng Bí thư nhiệm kỳ tiếp, thậm chí thời gian tới (nếu cụ Tổng buông chèo giữa nhiệm kỳ).
Chỉ ít giờ nữa, báo chí nhà nước lại đồng loạt đăng những thành công, những cú ôm hôn, những nụ cười nhăn nhở. Tuy nhiên, kết quả bầu bán tại Hội nghị Trung ương 7 báo trước Việt Nam đang bị các nhóm lợi ích dẫn dắt đi vào những thác ghềnh vô cùng nguy hiểm trước sự bất lực của toàn Đảng và của Tổng Bí thư.
Việc sập tường đình làng của Tổng bí thư trước Hội nghị 7 quả thực là điềm rất gở.
Kết quả bỏ phiếu bổ sung BCT tối khuya vừa qua: ông Thiện Nhân, bà Kim Ngân trúng. Các ông Bá Thanh, Vương Đình Huệ: trượt.
Hội nghị Trung ương 7 kết thúc phần bầu bán bổ sung BCT và Ban Bí thư và chuyển sang những nội dung tiếp theo của chương trình làm việc trong sự chán nản, mệt mỏi, bất lực của Tổng Bí thư và sự hả hê của các nhóm lợi ích.

Những con rận ở trong quần

Ðọc các tin tức về hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam đang diễn ra ở Hà Nội, bỗng nhiên lại nhớ đến một đoạn văn trong Tấn Thư. Ðoạn văn nay nói về “Những con rận ở trong quần,” phê bình thái độ và hành vi của những người thuộc loại “hủ nho,” chỉ sống trong các giáo điều rỗng tuếch trong lúc xã hội băng hoại, kinh tế suy sụp, đạo lý suy vi, không còn ai tin vào một trật tự tinh thần nào nữa.
Theo báo Người Lao Ðộng, Hội nghị Trung ương Bảy đang “xem xét, quyết định các vấn đề lớn” của nước Việt Nam, trong đó có vụ “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Sơ kết 1 năm thực hiện nghị quyết trung ương 4; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược...” Ðọc bản chương trình nghị sự này, điều đáng chú ý không phải là quý vị ủy viên trung ương đảng sắp bàn những chuyện gì. Ðáng kinh ngạc nhất là những chuyện họ không bàn!

Bài diễn văn khai mạc của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra một thực đơn sáu món, trong đó không có món nào liên quan đến những vấn đề sôi bỏng của đất nước! Kinh tế chậm lụt, không. Tham nhũng lộng hành, không. Trẻ em thất học, sinh viên ra trường thất nghiệp, cũng không. Tất nhiên họ không bàn về bản án xử ông Ðoàn Văn Vươn, nhưng cũng không hề nói câu nào đến vấn đề quyền sử dụng ruộng đất của nông dân, không nghĩ tới những oan khuất của đồng bào Dương Nội, Vụ Bản, vân vân. Không một câu nào nhắc tới mối đe dọa của Trung Quốc trên biển Ðông với những hành động gây hấn trắng trợn.

Hội nghị Trung ương Bảy không màng đến những vấn đề đó; nhất là vấn đề quốc phòng. Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản làm như không hề biết đến “cuộc chiến tranh tàng hình” mà giới lãnh đạo Bắc Kinh đang thực hiện trong vùng Ðông Nam Á. Xin quý vị độc giả đọc Lê Phan trên nhật báo Người Việt, giới thiệu bài “China's stealth wars of acquisition” của Brahma Chellaney trên nhật báo Japan Times ngày 29 Tháng Tư, 2013. Brahma Chellaney đã vạch ra những chiến thuật chiến tranh tàng hình của Bắc Kinh; sử dụng khí cụ chiến tranh rất đa dạng. Họ lập các đập trên thượng nguồn các sông chảy qua vùng Ðông Nam Á để sau này sẽ kiểm soát cả nguồn sống lúa gạo của các nước phía dưới. Họ dùng từ chiến tranh kinh tế cho đến việc thành lập một loạt các chiến binh trá hình (stealth warriors) núp bóng dưới các cơ quan bán quân sự, như hải giám, ngư chính và cơ quan quản trị hải dương. Chellaney nhắc lại Mao Trạch Ðông vẫn tâm đắc một quy tắc của Tôn Tử: “Khuất phục được địch thủ mà không cần đánh trận mới là chiến lược tối hảo.”

Thay vì lo suy nghĩ về mối nguy hiểm mà nước Việt Nam đang phải đối đầu, trung ương đảng sẽ họp nhau 10 ngày để bàn những vấn đề có thể nói là “chuyện nội bộ,” trong đảng với nhau, dân chúng sống thế nào, an ninh của đất nước sẽ ra sao, họ không cần bàn tới. Thái độ đó không khác gì các hủ nho tiếp tục ngồi rung đùi bàn những câu “chi, hồ, giả, dã” trong lúc dân chúng ở Lạc Dương, kinh đô nhà Tấn đang chết đói và các đạo quân Ngũ Hồ đang đe dọa ngoài biên ải.

Nhà báo tự do Người Buôn Gió đã nhận xét về bài diễn văn của Nguyễn Phú Trọng và “dịch nghĩa ra,” cho người bình dân hiểu các câu văn đầy “chi, hồ, giả, dã” trong bài diễn văn rỗng tuếch đó. Người Buôn Gió tóm tắt rằng: Lần họp này đảng sẽ chỉ bảo ban nhau, không có ai bị đe dọa kỷ luật hay xử lý hết; nhân sự chủ chốt từ nay đến 2016 chả có gì thay đổi, ai nguyên vị trí đấy; nhưng sẽ có thêm nhiều dư luận viên, tuyên truyền viên để “dân vận”; và chắc chắn sẽ giữ nguyên điều 4 hiến pháp bằng mọi giá.

Muốn thưởng thức phong cách văn chương “chi, hồ, giả, dã” của bọn hủ nho thời nay, quý vị chỉ cần đọc bất cứ một đoạn nào trong bài diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Phú Trọng. Thí dụ, ông dặn dò các ủy viên trung ương thế này: “Tinh thần chung là phải... kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và nhà nước ta, tiếp tục khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công-nông và đội ngũ trí thức...”

Toàn những chữ nghĩa viển vông nghe đã chán lỗ tai. Nếu quý vị đã ù tai, thì xin nhảy qua đọc đoạn dưới. Nếu chưa, thì xin đọc tiếp; chúng tôi hứa sẽ không trích dẫn nhiều. Tới một đoạn khác, ông Nguyễn Phú Trọng tự thú nhận “Vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng chưa được phát huy đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chậm được nâng cao; việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chưa mạnh, tình trạng ‘hành chính hóa’ chậm được khắc phục...” Nếu còn sức, xin đọc tiếp văn chương của ông Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới...”

Ðọc tất cả các khẩu hiệu ròn tan, những “phát huy,” “nâng cao,” “khắc phục;” từ 60, 70 năm nay, người dân và các đảng viên nào không thấy chán ngấy thì chắc tai đã điếc rồi. Nhưng thế nào sau hội nghị họ cũng sẽ còn “tổng kết” bằng cách nhắc lại các chữ tương tự, nghe kêu oang oang nhưng hoàn toàn viển vông và rỗng tuếch. Quang cảnh giống hệt như các hủ nho đời Tấn thời xưa ngồi rung đùi bàn nhau các “chữ nghĩa thánh hiền!” Họ làm như không biết tất cả các khẩu hiệu trong “kinh điển” đã cạn hết ý nghĩa và mất hết hiệu lực. Bởi vì dân phải nghe nhiều quá đã hết tin. Ngay đến những kẻ cầm quyền cũng không còn ai nghe và chắc chắn không ai làm theo nữa. Trong lúc đó dân chúng lo chết đói, nước đang lâm nguy vì nạn ngoại xâm.

Chính vì vậy mà trong khi đọc bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng, phải nhớ ngay đến một đoạn văn trong Tấn Thư, tức lịch sử triều đại nhà Tấn ở bên Tàu (265-420). Từ gần một thế kỷ trước đó, nước Trung Hoa rơi vào một thời kỳ khủng hoảng, dẫn tới hỗn loạn, tan rã. Cảnh suy đồi bắt đầu từ năm 184 khi dân đói nổi lên gây Loạn Khăn Vàng, trải qua thời Tam Quốc, sang đến nhà Tấn, Loạn Ngũ Hồ, Nam Bắc triều, vân vân; kéo dài cho đến năm 589 khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc trở lại.

Trong thời gian đó, các hủ nho ở nước Tàu vẫn không tỉnh giấc trước cảnh xã hội suy đồi. Họ vẫn tiếp tục nói những chuyện viển vông nhưng đầy chữ nghĩa thánh hiền nhưng không dính gì đến đời sống thực. Có người so sánh họ giống như “những con rận,” giống vật ký sinh không bao giờ dám rời khỏi “cái quần giáo điều”. Tấn Thư ghi lại những lời phê phán như sau: “Các ông có bao giờ thấy một con rận sống trong cái quần hay không? Nó chạy từ một đường chỉ khâu, trốn vào lỗ rách trong miếng vải độn, và nó coi đó là ngôi nhà êm ấm của mình. Khi dạo quanh, nó cũng không dám (chệch hướng) ra bên ngoài cái đường khâu; khi di chuyển nó không dám chui ra khỏi phạm vi của cái quần (ý thức hệ). Nhưng nó vẫn tự coi cuộc đời như thế là mãn nguyện lắm rồi. Khi đói, nó cắn người ta, coi cái anh chàng mặc quần đó là một nguồn tài nguyên vô tận cho nó hưởng. Nhưng rồi lửa bốc từ trên đồi lan xuống đốt trụi các làng mạc. Con rận bị cháy, đành chịu chết trong cái quần (giáo điều) vì không thể thoát ra được. Quý vị “quân tử” đang sống gói kín trong thế giới của mình, hãy ngẫm xem mình có giống con rận sống trong cái quần hay không?” (Tấn Thư, chương 49)

Xin quý vị ủy viên trung ương đảng đang họp ở Hà Nội tha lỗi; mục này không có ý so sánh quý vị giống như những con rận. Vì người viết không quen biết ai trong số hàng trăm vị đang nhóm họp, không có ý nói xấu bất cứ cá nhân nào. Nhưng đọc bài văn chương đầy khẩu hiệu của ông Nguyễn Phú Trọng thì không thể nào không nhớ đến đoạn Tấn Thư trên. Cách ví von trong bài không nhắm vào một cá nhân hay tập thể nào cả; mà chỉ nói về một hiện tượng chung trong lịch sử nước Tàu. Nghe cho biết để tránh đừng để tái diễn, tiếp tục diễn mãi trong lịch sử nước ta.

Hội đồng Hiến pháp - nhu cầu và dự báo tính khả thi
 Sau khi được lập ra, để Hiến pháp được chính quyền và người dân tôn trọng, nước ta cần tới những thể chế bảo hiến.
Chủ quyền của nhân dân được bảo vệ tốt nhất bằng cách phân chia và kiểm soát các nhánh quyền lực công cộng, nôm na gọi là phân chia và chế ước quyền lực, tránh dồn quyền lực cho những thế lực độc tài, toàn trị, không để cho ai kiểm soát. Đó là một nguyên tắc cổ điển. Trong lịch sử hiến pháp Việt Nam, dấu ấn của phân quyền và chế ước đã xuất hiện sớm trong bản Hiến pháp năm 1946. Có thể so sánh vị thế của Chủ tịch nước với Nghị viện nhân dân theo Hiến pháp 1946 để làm rõ ý này. Các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 về sau đi theo mô hình Hiến pháp Xô viết, không thực hiện chủ thuyết tam quyền phân lập. Mãi đến 2001, bản Hiến pháp mới dè dặt sửa thêm rằng, quyền lực nhà nước cần có sự phân công và phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì bổ sung rằng, quyền lực cần được kiểm soát.
Như vậy, ý niệm về phân chia và kiểm soát các quyền lực công cộng nhằm bảo vệ dân quyền đã xuất hiện sớm trong lịch sử hiến pháp Việt Nam. Sau nhiều thập niên vắng bóng, ngày nay, nguyên lý ngày xưa ấy đang được phát minh lại, hy vọng đem lại một cách tiếp cận mới, giúp tổ chức các cơ quan quyền lực ở Việt Nam một cách hiệu quả, làm đúng phận sự, chức năng hơn, giúp cho bộ máy chính quyền hiệu năng hơn, chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn trước nhân dân.
Từ hơn 10 năm trở lại đây, tình hình nghiên cứu các mô hình và bài học nước ngoài về thể chế bảo hiến trên các diễn đàn hoạch định chính sách và hàn lâm ở Việt Nam cũng đã trở nên sôi nổi, bàn luận đủ mọi khía cạnh. Cuộc bàn tới bàn lui đã nhiều tới mức, mượn cách diễn đạt của nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá khi kể về hành trình soạn Luật Doanh nghiệp 1999, “sau khi nghe đủ ý kiến mọi người, bây giờ người Việt Nam phải làm theo ý mình”, hoặc trao quyền cho Tòa án tối cao có thẩm quyền bảo hiến theo mô hình Hoa Kỳ, hoặc thành lập một Tòa án hiến pháp như một thiết chế chính trị đặc tụng theo mô hình Đức, hoặc thiết lập một Hội đồng hiến pháp phỏng theo mô hình của người Pháp. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng có thể phát minh ra một mô hình thể chế mới mang màu sắc Việt Nam và hy vọng thể chế ấy sẽ vận hành được.
Trong một nghiên cứu mang tính toàn cầu, rất công phu, song mang âm hưởng bi quan u ám, vài năm trước đây GS Weingast của Đại học Stanford chỉ ra rằng, trong gần 200 quốc gia ngày nay, dù chính quyền nào cũng tuyên bố thượng tôn pháp quyền, chính quyền nào cũng tuyên bố là của dân, do dân, vì dân; song những chế độ pháp quyền thực sự, nơi có một thiết chế tài phán bảo vệ hiến pháp như một khế ước kiểm soát quyền lực công cộng, thì không thật nhiều, thực ra chỉ đếm được không quá 20 quốc gia là thực sự có chế độ pháp quyền với nền tài phán hiến pháp hiệu quả[1]. Bạn đọc có thể không bi quan như Weingast, song nếu coi Tòa bảo hiến tựa như chiếc vương miện của nhà nước pháp quyền (Krönung des Rechtsstaats) như người Đức thường bảo, các nước đang phát triển có thể dễ dàng vay mượn chiếc vương miện ấy đưa vào xứ mình, song cái vương miện được vay mượn ấy có tỏa sáng quyền uy và hào quang nuôi niềm tin của dân chúng vào công lý, vào nơi cuối cùng bảo vệ dân quyền hay không, đó mới là điều thực sự cần bàn.
Theo chúng tôi, quyết định lựa chọn một trong vô số mô hình đã là khó, song làm thế nào để mô hình được chọn đó sống, hoạt động hiệu quả trong bối cảnh kinh tế, chính trị và văn hóa Việt Nam mới là điều khó gấp bội. Đây cũng là một ẩn số chưa được nghiên cứu đầy đủ, tựa như Fukuyama ví nó như một cái hộp đen, hiệu lực của thể chế nhà nước, trong đó có tài phán bảo hiến ở các quốc gia rất khác nhau, có quốc gia thành công, song phần lớn các nước đang phát triển đều khó du nhập được các thể chế nhà nước hiệu năng, trừ vài ngoại lệ là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore[2].
Sau khi quan sát kinh nghiệm quốc tế, một điều đáng suy nghĩ đối với chúng ta sẽ là, cần rút ra những bài học vì sao tài phán bảo hiến đã thành công ở Đức, phần nào đó ở Hàn Quốc, và nếu du nhập một mô hình như vậy vào Việt Nam, điều kiện bảo đảm thành công phải gồm những gì?
Mầm mống về nhà nước pháp quyền ở Đức chắc là đã có từ rất sớm, Cộng hòa Weimar chắc phải được xem là một nền cộng hòa dân chủ với hệ thống tư pháp độc lập và chuyên nghiệp, ấy vậy mà sau năm 1933, cũng bộ máy tòa án ấy đã trở thành công cụ trong tay nhà nước phát xít, đàn áp mọi quyền dân chủ của người dân, đẩy xứ sở này vào tình trạng một quốc gia không có công lý, như người Đức thường bảo là Unrechtsstaat. Tòa án Hiến pháp Đức, như người Đức thường tự hào, không phải là phát minh sau Đại chiến thế giới. Dù có truyền thống như thế, song quả thực ý nghĩa chính trị đáng kể của nó chỉ có được sau Đại chiến thế giới thứ hai. Dường như để một thiết chế như tòa án hiến pháp vận hành, cần có rất nhiều tiền đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các yếu tố khác, điều đáng tiếc ít được các nhà luật học cho là quan trọng để nghiên cứu.
Thì cũng thế, theo hiểu biết của chúng tôi, Nam Hàn nhiều năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, thậm chí đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, vẫn không thể được gọi là một chế độ dân chủ. Chỉ khi các điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội đạt tới một mức độ nào đó, nhu cầu cho sự ra đời của một thiết chế bảo hiến và nhu cầu duy trì thiết chế ấy hoạt động thực sự hiệu quả mới hình thành.
Cũng như mọi thiết chế xã hội khác, người ta thường quan tâm tới các khía cạnh cung và cầu cho sự ra đời của một thế chế, ví dụ như thiết chế bảo hiến. Nếu nhìn nhận như vậy, ở Việt Nam hiện thời chúng ta phải thảo luận nhu cầu cần đến một thiết chế bảo hiến đã thực sự cấp bách hay chưa? Một thiết chế như vậy ra đời để bảo vệ ai, để thực thi chức năng và sứ mệnh gì, nó có vai trò gì trong nền chính trị nước ta? Bảo hiến trước hết là một thiết chế chính trị, trong vô vàn những dây mơ rễ má kiến tạo nên cân bằng chính trị của quốc gia chúng ta, liệu đã tới thời điểm chúng ta cần thêm một thiết chế mới hay chưa? Đó là cuộc thảo luận về nhu cầu.
Đặc biệt sau Đại hội Đảng XI, người Việt Nam đã nhận thấy nhu cầu bức bách của kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của Chính phủ và bộ máy hành pháp. Dường như mong ước phân công và kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị đã phần nào được thể hiện trong Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thậm chí, mong ước giám sát quyền lực của Đảng Cộng sản, đặt hoạt động của Đảng dưới sự giám sát của nhân dân cũng đã được thể hiện. Như vậy, rõ ràng nhu cầu về bảo vệ Hiến pháp như một luật chơi giữa các thành tố chính tạo nên quyền lực công cộng trong quốc gia đã xuất hiện và được thể hiện trong Điều 120 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 
Về phía cung, chúng ta có nhiều mô hình, với những thiết kế và chức năng đã khá rõ ràng. Các kiến thức, hiểu biết về mô hình có thể dễ dàng đào tạo và chuyển giao, song để giới chính trị, các thế lực kiểm soát các nguồn lực và người dân ở đất nước chúng ta từ làm quen tới chấp nhận; từ dần dần tin tưởng cho tới kính trọng và đặt niềm tin ở những thiết chế mới như cơ quan bảo hiến, cho nó sự chính danh để đóng một vai trò đáng kể trong đời sống chính trị ở nước ta, mới khó khăn hơn nhiều.
Trong các mô hình, rõ ràng mô hình Tòa bảo hiến theo kinh nghiệm của người Đức hoặc nới rộng quyền cho Tòa án tối cao theo kiểu Mỹ dường như kém hấp dẫn với người soạn thảo Hiến pháp Việt Nam, bởi hệ thống tòa án Việt Nam nói chung hiện chưa có được sự kính trọng và uy tín xã hội để trở thành một thiết chế trung gian giảng hòa hoặc ban hành phán quyết khi cần thiết về các tranh chấp mang tính quyền lực xuất phát từ Hiến pháp.
Khả dĩ đúng là một thiết chế thử nghiệm mang tính Hội đồng tựa theo kinh nghiệm của người Pháp[3]. Hội đồng hiến pháp vừa là một diễn đàn hòa giải mang tính đại diện của các nhóm tinh hoa và ưu tú trong xã hội, vừa có thể là một cơ quan có ít nhiều quyền tài phán để giải thích Hiến pháp hoặc quyết định về các tranh chấp Hiến pháp. Sự lựa chọn và dè dặt của Ban soạn thảo (xem Điều 120 Dự thảo), theo chúng tôi, là có căn cứ. Quy định kiểu này hiển nhiên là rón rén và lừng khừng, song là một phép thử cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi xin có một số bình luận về mô hình dự kiến của Hội đồng Hiến pháp như sau:
Thứ nhất, nên thiết kế Hội đồng Hiến pháp như một cơ quan của Hiến pháp, một diễn đàn giữa các nhánh quyền lực ở trung ương và địa phương, chứ không nên thiết kế Hội đồng này như cơ quan của Quốc hội. Nếu là cơ quan của Quốc hội, như quy định tại Khoản 1 Điều 120 Dự thảo, Hội đồng này chỉ có thể là cơ quan giúp việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi lẽ chức năng giải thích Hiến pháp theo truyền thống mô hình Xô viết từ xưa cho đến nay thường được trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (xem Khoản 2, Điều 79 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Nếu là cơ quan giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không nên quy định vào Hiến pháp, vì Hội đồng này không phải là một thể chế bảo hiến, không xứng tầm của một vấn đề Hiến pháp. Vì lẽ đó, nếu mạnh dạn theo mô hình của người Pháp, cần làm cho Hội đồng này là một cơ quan của Hiến pháp, tách ra khỏi Quốc hội.
Thứ hai, để thiết chế này hoạt động, về thành phần Hội đồng Hiến pháp, các chức năng, thẩm quyền, quy trình lựa chọn và nhiệm kỳ, cũng nên học theo thiết kế của người Pháp, ví dụ lựa chọn nhiệm kỳ các thành viên Hội động chí ít là 9 năm, vênh với nhiệm kỳ Quốc hội, nên có một số ủy viên đương nhiên, ví dụ các cựu tổng bí thư của Đảng và/hoặc cựu Thủ tướng Chính phủ có thể nên là ủy viên đương nhiên. Nếu Hội đồng gồm 9 ủy viên, nên có một cơ chế phân bổ ủy viên đa dạng, ví dụ dành 1/3 cho Quốc hội bầu, 1/3 do Chính phủ chỉ định, và 1/3 nên dành cho Mặt trận bầu, chọn lấy đại diện từ giới tinh hoa, đại diện cho những lực lượng xã hội ngoài bộ máy nhà nước.
Thứ ba, như nhiều lần dự báo, Hội đồng Hiến pháp sẽ là một thiết chế mang tính thử nghiệm, nó không thể dễ dàng có được sự chính danh, quyền lực và sự công nhận của xã hội, chí ít là trong vài thập niên tới. Trên thực tế, các xung đột lợi ích lớn liên quan đến thực thi quyền lực ở Việt Nam hiện vẫn đang được xử lý bởi các thiết chế của Đảng. Chúng tôi cho rằng, vào thời điểm hiện tại, chưa có đủ tín hiệu rõ ràng rằng Đảng Cộng sản tự nguyện chuyển giao từng bước các thẩm quyền từ Bộ Chính trị, Ban bí thư và các Hội nghị Trung ương trong giải quyết tranh chấp về lợi ích và quyền lực giữa Quốc hội, Chính phủ, hệ thống tòa án, cũng như tranh chấp lợi ích giữa chính quyền trung ương và địa phương cho một thiết chế có tên gọi là Hội đồng Hiến pháp.
Và cuối cùng, từng bước thay đổi thể chế ở quốc gia chúng ta - vì nhiều lý do - đều tương tác rất gần gũi với những gì diễn ra ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa[4]. Môi trường chính trị, thể chế văn hóa, xã hội, những điều kiện lịch sử có nhiều tương đồng vô tình đã đẩy tới những thiết chế xã hội và giải pháp tương đồng. Thiếu tòa án bảo hiến, song không vì thế mà chế độ pháp quyền ở Trung Hoa được đánh giá nghiễm nhiên là thấp, kể cả bởi Ngân hàng Thế giới (xem thêm đo lường về quản trị quốc gia của nhóm Kaufmann)[5]. Thêm một lần nữa, bạn đọc có thể không đồng ý với Kaufmann, không ai tin Trung Hoa là một chế độ pháp quyền, song chúng tôi e rằng cũng không ai dám khẳng định đó là một quốc gia không có công lý (Unrechtsstaat).
Có vẻ như có rất nhiều con đường hướng tới công lý, song hiểu biết của chúng ta về các tiền đề chính trị, kinh tế và xã hội để cho công lý trở thành một nhu cầu của đại bộ phận dân chúng và của giới tinh hoa cầm quyền quả thật còn rất sơ khai. Khi hiểu biết còn hạn chế, thì vừa đi và dò đường, Hội đồng Hiến pháp có thể là một sự lựa chọn dè dặt, không thể mong cơ quan này sớm có ảnh hưởng trên thực tế. Chỉ khi nhu cầu về chủ nghĩa lập hiến tăng thêm, chỉ khi giới tinh hoa cầm quyền phải chấp nhận trao thêm quyền cho những lực lượng độc lập, mang tính chuyên môn canh chừng Hiến pháp như canh chừng luật chơi giữa các thành tố nắm giữ quyền lực công cộng, chúng tôi cho rằng chỉ khi đó các thiết chế bảo hiến mới có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống chính trị của người Việt Nam./.



[1] Barry R Weingast, Why Developing Countries Prove So Resistant to the Rule of Law, in James J. Heckman, Robert L. Nelson, Lee Cabatingan, Global Perspectives on the Rule of Law. (New York: Routledge-Cavendish, 2010).
[2] Francis Fukuyama, State-Buiding: Governance and World Order in the 21st Century, Cornell University Press, 2004.
[3] Chi tiết về Hội đồng Hiến pháp Cộng hòa Pháp, tham khảo: http://www.conseil-constitutionnel.fr/
[4] Joern Dosch et al, The Impact of China on Governance Structures in Vietnam, German Development Institute, 2008.
PGS, TS. Phạm Duy Nghĩa - Khoa Luật và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.

CHẲNG LẼ DÂN PHẢI 'ĐẢNG VẬN' ?


* TS. TÔ VĂN TRƯỜNG
            BVB - Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân; quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ và của Đảng… Tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân cực, phân tầng xã hội; những biến đổi về quan hệ lợi ích, hệ giá trị xã hội; sự cách biệt về kinh tế, xã hội… làm nảy sinh tiền đề của sự phân hóa về nhận thức, tư tưởng…"
..." Trong khi đó chúng ta lại chậm đổi mới, cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ. Trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền trong công tác dân vận ở nhiều nơi bị xem nhẹ, chỉ dựa chủ yếu vào bộ máy hành chính và biện pháp hành chính”...
Thực chất, nói về vai trò, sức mạnh của nhân dân, nói vè công tác dân vận thì bao giờ cũng thấy hay và đúng. Những bài bản hầu như ai cũng thuộc lòng cả rồi. Nhưng nay, nhân Hội nghị Trung ương 7 có vấn đề bàn về  công tác dân vận, tôi có những ý kiến và luận giải như sau:
Còn nhớ 3 năm trước, trong bài viết “Cảm xúc tháng Tư” ngày 1/4/2010, tôi đã phân tích Thông báo số 316-TB/TW ngày 15-3-2010 của Bộ Chính trị các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân gồm các dự thảo: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã  hội 10 năm 2010-2020, và Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khoá X. Trong đó, có đề cập phải sau hơn 6 tháng, nghĩa là đến 15-10-2010, các văn kiện mới được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Như vậy, việc lấy ý kiến chỉ diễn ra trong vòng một tháng (từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 11 năm nay) là quá muộn, dễ trở thành hình thức. Nếu phải chờ đến tận ngày 15/10 mới được góp ý với Đảng, chắc nhiều người không đủ kiên nhẫn, để nghiên cứu, suy nghĩ, vắt óc hiến kế trong khung cảnh hẹp cả về thời gian và cả lòng tin vào lãnh đạo.
Người dân tích cực, hào hứng, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng chỉ khi có lòng tin của họ và mong muốn của Đảng được xây dựng trên nền tảng dám nhìn thẳng vào sự thật, thảo luận một cách công khai và dân chủ cùng với cả nước để tìm lối đi cho đất nước. Phát huy dân chủ là tạo cơ chế để người dân, đặc biệt giới trí thức tham gia vào mọi mặt của cuộc sống, nhất là phản biện xã hội. Phản biện cần phải được thực hiện trong quá trình hình thành, tạo ra cơ chế, đường lối, chính sách chứ không phải sau khi đã ban hành để tránh không còn phải xé rào! Ngay khi tổng kết rút kinh nghiệm Đổi mới từ năm 1986 người dân đã được biết qua bài viết của GS Đặng Phong cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự “Những cuộc điều tra thăm dò khách quan, vai trò của báo chí, vai trò của Quốc hội, các cơ quan nghiên cứu độc lập đã không có điều kiện để phát huy hết hiệu quả. Có nơi, chúng chỉ mang nặng tính chất hình thức, như những vật làm cảnh hơn là những công cụ hữu hiệu của xã hội. Thay vào đó là một hệ thống những kênh thông tin khép kín, vừa chậm chạp, vừa nghèo nàn và méo mó. Trong nhiều trường hợp, sự méo mó đó cộng với quyền uy đã dẫn tới những sai lầm mang nặng tính chủ quan, duy ý chí, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã kiểm điểm và phê phán nghiêm khắc.”
Có thể nhiều ý kiến của nhân dân, đặc biệt của các vị lão thành cách mạng, ít nhiều đã tác động đến những người có thẩm quyền, cho nên Ban chấp hành Trung ương mới công bố các dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng XI sớm hơn 1 tháng so với thông báo trước đây.
Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều người viết góp ý với Đảng tùy theo chỗ đứng, góc nhìn về những điều mình mong  muốn nhất hoặc thấy rõ nhất. Có nhiều  bài viết chỉ 1 đến 3 trang nhưng có bài viết công phu đến hơn 40 trang, rất tâm huyết, quan tâm, trăn trở lo lắng về vận mệnh của đất nước. Nhiều phân tích, đề xuất sắc sảo, thẳng thắn mang tính đột phá về tư tưởng và hành động của các vị lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu, cựu chiến binh, giới trí thức, tiếc rằng vẫn chưa được làm rõ nét trong Dự thảo văn kiện! Phải chăng do ngôn ngữ bất đồng theo nghĩa nói bằng thứ tiếng khác nhau hay là do các vấn đề liên quan về phương thức, cách thức lắng nghe tiếp thu ý kiến?! Theo thiển nghĩ của tôi, nếu tiếp tục cất công làm phép quy chiếu, đem so sánh kết cấu, từng câu chữ, để tranh luận tìm ra vài ý mới hay nhiều chỗ thụt lùi so với văn kiện cũ, chẳng giải quyết được vấn đề gì, bởi vì gò bó vào câu chữ sẽ bị cuốn theo lối mòn.
Dù có viết góp ý hay đến mấy cũng thế thôi khi mà cốt lõi của vấn đề là người ta viết văn kiện vẫn theo lối tư duy, thói quen xưa nay là  “ý Đảng, lòng Dân” vừa không chuẩn, vừa quá cảm tính. Thực ra,  phải đặt ngược lại: Nguyện vọng của nhân dân phải trở thành ý chí của Đảng.  Nhận thức là cả quá trình, tiếc thay cho đến tận ngày nay, người ta vẫn coi câu khẩu ngữ  “ý Đảng, lòng Dân” như sự phát kiến vĩ đại. Ý là nói về lý trí, lý tính, duy lý có tính chất rất quan trọng, mang tính trí tuệ, thể hiện trong tư duy, định hướng, tầm nhìn, phương pháp luận, giải pháp v.v… Lòng có thể hiểu là thể hiện tình cảm, mong muốn. Chỉ khi nào viết văn kiện phù hợp với thực tế đúng đắn, sáng tạo, phong phú, sâu sắc được xây dựng trên quan điểm “ý Dân, lòng Dân” thì mới có giá trị đi vào cuộc sống. Ngày xưa, Tư Mã Thiên có nói đại ý như sau: “Người phụ nữ làm đẹp vì người mình yêu, còn kẻ sỹ dốc sức vì tri kỷ.” Ngày nay, suy rộng ra, nếu Đảng với Dân là tri kỷ thì Đảng phải nghe Dân và Dân sẽ dốc lòng vì Đảng.
Tôi chỉ đơn cử một vài ví dụ về quan điểm và các giải pháp đưa ra cần phải xem xét lại vì không logic, không được lòng dân. Trong lĩnh vực giáo dục mà lâu nay chỉ nói về đổi mới cơ bản và toàn diện, không nói về cải cách. Trong bối cảnh hội nhập, cần quan điểm mới, chính sách mới mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện cải cách giáo dục, có gì mà phải né tránh. Trong chiến lược phát triển giáo dục của nước ta vẫn chỉ chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng. Xin thử xem số liệu sau:
Năm
2006
2020
Tốc độ tăng năm
Dân số
84.155.800
97.208.267
1,5%
Độ tuổi 18-22
8.127.069
6.492.855
-2,2%
Số sinh viên
1.666.200
4.374.372
10,1%
Số sinh viên/10.000 dân
195
450
8,7%

            Theo đó, số sinh viên phải tăng 10,1% một năm thì mới có thể đạt 450 sinh viên trên 10 ngàn dân. Vậy thử hỏi phải làm các biện pháp gì, như thế nào, khi nào để có thể tăng số giáo sư ở mức độ hiện nay lên, để ít nhất là giữ được chất lượng như hiện nay? Nếu muốn giữ chất lượng cao hơn, tức là giảm số sinh viên trên 1 giáo sư thì tốc độ tăng phải cao hơn nhiều.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 có viết "Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc-Nam, một số cảng biển và cảng hàng không đạt đẳng cấp quốc tế, hạ tầng đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”. Trong thời gian vừa qua, người dân, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân tích thấu đáo, chỉ rõ những bất cập, không hiệu quả về kinh tế, xã hội, thậm chí ảo tưởng, phiêu lưu về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam – Kim tự tháp của Việt Nam. Mặc dù chịu sức ép từ nhiều phía, Quốc hội đã sáng suốt, dũng cảm, bỏ phiếu bác bỏ dự án này, thể hiện ý chí, nguyện vọng  của cử tri.  Thật khó hiểu, trong chiến lược phát triển kinh tế của Đảng  đến 2020 (chỉ còn 10 năm nữa) trong  lúc rất khó khăn về  kinh tế, nhân lực hạn chế, nợ công, “nợ ngầm” đã đến mức báo động lại vẫn cứ đưa ra kế hoạch tập trung nguồn lực xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam!?  Lâu nay, nhiều vụ khiếu kiện gây bất ổn trong xã hội chính là liên quan đến vấn đề cho nhà nước toàn quyền phân phối "quyền sử dụng đất"!
Câu hỏi được đặt ra là tại sao một chính quyền dù ở bất cứ vị trí nào từ trung ương đến địa phương có quyền lấy đất canh tác của dân để giao cho một doanh nghiệp khi cả hai về mặt luật pháp là hai thực thể kinh tế độc lập và giống nhau!? Ở các nước, chỉ có thể lấy lại đất tư nhân nếu như sử dụng để xây dựng công trình công cộng như đường sá, công viên, sân bay, bến cảng v.v… chứ không có quyền lấy đất giao cho doanh nghiệp. Làm như thế là phân biệt đối xử, vi phạm hiến pháp. Nếu vì lý do kinh tế mà lấy lại thì phải có cơ chế bảo đảm không có phân biệt đối xử, thí dụ  thông qua quyết định của cộng đồng và sau khi nhà nước lấy lại, phải có đấu giá để mọi người tham dự.  
            Một trong những vấn đề quan trọng, cốt tử liên quan đến sự ổn định và phát triển của đất  nước là việc lựa chọn nhân sự thì Đảng lại không hỏi Dân!? Nguyên Phó thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng đáng kính của nước nhà cũng bày tỏ quan điểm lựa chọn người lãnh đạo, rất hay, rất đẹp nhưng xin thưa rất khó thực hiện. Trong cơ chế hiện nay, và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình là việc rất khó.  Suy cho cùng cái "thói quen" (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền. Muốn có giống nòi tốt, những hạt nhân để quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì phải đổi mới cơ chế bầu cử, cơ chế nhân sự, có tranh cử thực sự, hay nói theo cách khác là phải từ bỏ một tập tục "lấy nhau" trong đảng, giống như tập tục lấy nhau giữa những người cùng huyết thống. Cách làm cán bộ lãnh đạo cũ chọn hay chỉ định cán bộ mới ra để bầu cử, không phải tranh cử, tức là chọn những người giống mình, cùng suy nghĩ như mình, tệ hơn là sẵn sàng "hẩu" với mình.
Cách chọn người lãnh đạo như thế thì dù có để mọi người bầu hay đại biểu bầu cũng thế thôi bởi vì sẽ không thể loại được cái gọi là sự xuống cấp của gene. Do chọn lựa trong nhóm quá nhỏ bé, và nếu phải gene tồi thì cái xã hội nhỏ bé đó sẽ lập lại cái gene tồi đó ở mức cao hơn và rộng hơn. Ở một xã hội rộng lớn hơn thì gene mạnh sẽ đánh bật gene yếu theo thuyết Darwin. Ở  một tập thể ngày càng teo lại thì làm gì có gene mạnh để được tuyển chọn.  Để  thực hiện “ý Dân, lòng Dân” trong công tác nhân sự, cách đơn giản nhất là tổ chức bầu cử các cơ quan và chức danh nhà nước trước ở tất cả các cấp: Ở cấp Trung ương thì bầu Quốc Hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án toà án tối cao, sau đó mới họp Đại hội Đảng bầu Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, bầu Tồng bí thư). Sự tín nhiệm và kết quả bầu cử của dân là căn cứ rất vững chắc cho Đảng bầu cử các cơ quan và người lãnh đạo của Đảng.
Trong bối cảnh nguồn nhân sự và cách bầu cử như hiện nay, người dân chỉ mong sao có cơ chế phân bổ quyền lực, kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu để những người được bầu vào cương vị lãnh đạo nhà nước ở trung ương cũng như địa phương luôn biết tự vấn, nhìn lại mình, hiểu được rõ năng lực và uy tín của mình đối với xã hội. Thực tế, trong cơ chế hiện nay, chúng ta không thể tìm được vĩ nhân, lãnh tụ như Hồ Chủ Tịch, hay những người học trò xuất sắc của Bác thời xưa, có tư duy chính trị, văn hóa, năng lực, phẩm chất  trí tuệ, luôn đấu tranh, biết hy sinh vì nền độc lập và quyền lợi cho dân tộc, cho đất nước. Bởi thế, càng cần có thể chế xã hội phải làm sao để tự nó vận hành trong khuôn khổ pháp luật, giúp cho người lãnh đạo thời nay hiểu được rằng làm công bộc của dân không phải dễ và khi họ có làm sai cũng hạn chế tối đa mức độ gây thiệt hại cho xã hội. 
Từ trước đến nay, chúng ta quen nói đến “ý Đảng, lòng Dân”. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng sức mạnh của Đảng là nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân, thành công của Đảng là bởi các quyết sách của Đảng đưa ra phù  hợp với “lòng Dân”. Bởi vậy đã đến lúc phải nhận thức rằng “ý Đảng” cũng là “”ý Dân”, từ đó có thể nói cụm từ quen thuộc trên thành “Ý Dân, lòng Dân” vừa đúng nghĩa, vừa sâu sắc hơn.  Để văn kiện của Đảng thực sự có sức sống, nội dung phải được xây dựng trên tinh thần cầu thị, dân chủ lấy “Dân làm gốc”. Các vấn đề Đảng nêu ra xuất phát từ ý Dân, lòng Dân sẽ được sự ủng hộ của Dân, chỉ khi đó nội dung văn kiện, các câu chữ, khẩu hiệu mới biến thành sức mạnh vật chất để công cuộc đổi mới thực sự có hiệu quả hơn, không nên diễn văn, phát biểu tỏ lời ca ngợi dân, nhưng khi hành động thì coi dân chẳng ra gì! Thực ra, cái gốc của dân vận là tôn trọng dân, là tuân thủ những nguyên tắc và nội dung thực thi dân chủ, là đưa ra những chính sách có lợi cho người dân. Nhiều tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người dân không được đảng quan tâm, đề xuất, kiến nghị thì bị cho là suy thoái, là nghe 'thế lực thù địch' xúi giục, là có ý đồ chống đối, là phải điều tra 'màu sắc chính trị' xem có 'phản động'...Thực trạng đó, những diễn biến, biểu hiện và phát ngôn như thế chẳng lẽ bây giờ để nhân dân phải dùng đến bài lội ngược dòng: "Đảng vận"?
TVT 

Thư gửi ông Nguyễn Đức Chung - Giám đốc công an Thành phố Hà nội.

 Kính gửi : - Ông Nguyễn Đức Chung - Giám đốc công an Thành phố Hà nội.
                 - Ông Ông Nguyễn Việt Hưng - Thẩm phán toà án nhân dân quận Hà đông. 
 Thưa Ông Chung, 
  Bằng thư này ( tôi cũng sẽ gửi tới ông qua đường bưu điện vào sáng thứ 2 tuần làm việc tới) tôi thay mặt gia đình xin thông báo để Ông biết :  đơn tố giác ngày 09 tháng 4 năm 2012 của gia đình tôi gửi đến Văn phòng cơ quan CSĐT - CATP Hà nội đã được xác nhận vào ngày 10 tháng 4 năm 2012 như ảnh dưới đây : 
  Văn phòng cơ quan CSĐT - CATP Hà nội cũng đã gửi phiếu chuyển đơn cho Công an quận Hà đông - TP Hà nội ngày 24 tháng 4 năm 2012, tức là cách đây - một năm - lẻ chín ngày - để giải quyết theo Luật khiếu nại tố cáo, Nghị định số 136/2006 NĐ - CP ngày 14/11/2006, Thông tư số 63/2012/TT - BCA ( V24) ngàỳ 29/12/2010 ...
 Thưa Ông Chung, đến tại thời điểm này thì gia đình tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Cơ quan CSĐT - CATP Hà nội trả lời cho công dân chúng tôi được biết kết quả điều tra, xử lý theo đơn tố cáo của công dân.
*  Sáng nay, Thứ 6 ngày mùng 3 tháng 5 năm 2013, tôi có qua 55 Lý Thường Kiệt - trụ sở của PC44 để hỏi về việc này thì được chiến sỹ Tuấn Anh ( trực tiếp nhận thủ tục làm việc tại cửa ) nói rằng : " việc này anh phải về Công an quận Hà đông để hỏi họ, PC 44 chỉ chuyển đơn, còn họ điều tra kết quả thế nào là việc của họ ..." Tôi có băng ghi âm đầy đủ. 
 * Sau đó, tại Công an quận Hà đông, tôi được một cảnh sát ( không biển tên, không quân phục ) tiếp tại phòng của Cảnh sát điều tra tên Hội ( tầng 2 ), anh mở sổ và cho biết : " vụ việc Phạm Thị Thanh Tâm lừa đảo đã được chúng tôi chuyển trả PC44 từ ngày 31 tháng 8 năm 2012, ông Hùng trên đó phụ trách..." Và tôi cũng đã yêu cầu được ghi âm rõ ràng. 
  Trong suốt quá trình Công an quận Hà đông điều tra vụ việc này, họ không hề có bất kỳ văn bản nào làm việc với gia đình tôi về các vấn đề liên quan đến vụ việc : không có biên bản đối chất với Tâm ( đã bị bắt ), không yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ phạm tội lừa đảo của Tâm...
  Thưa Ông Chung, nếu đúng như trả lời của công an quận Hà đông thì PC 44 đã làm đúng trách nhiệm hay chưa  khi không hề trả lời công dân bằng văn bản hay thông báo bằng thư, email thậm chí bằng điện thoại...giải quyết vụ việc tố cáo của công dân như vậy đã đúng pháp luật chưa ? 
 Gia đình tôi phải làm gì tiếp theo thưa ông ?
 Vậy tôi xin gửi thư này công khai qua Internet để Ông Giám đốc công an TP Hà nội biết, có cơ sở  chỉ đạo việc thanh kiểm tra việc làm của PC44 Hà nội và công an quận Hà đông, trả lời công dân theo qui định của pháp luật, đưa kẻ phạm tội ra xét xử, trả lại công bằng cho người bị hại.
  Cũng bằng thư này, tôi xin gửi đến Ông Nguyễn Việt Hưng - Thẩm phán toà án Nhân dân quận Hà đông để biết, có cơ sở đình chỉ các vụ án dân sự liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà kẻ chủ mưu là Phạm Thị Thanh Tâm như báo chí đã đăng trong thời gian vừa qua. Tôi cũng sẽ gửi các tài liệu liên quan - làm căn cứ để ông làm việc đúng pháp luật -  qua đường bưu điện vào thứ 2 đầu tuần sau.
Vụ án được báo CAND  và nhiều tờ báo khác đăng tải :

 CAND - Qua đơn trình báo của 60 bị hại, cô giáo mầm non Phạm Thị Thanh Tâm đã lừa đảo chiếm đoạt của số bị hại trên hơn 70 tỷ đồng, với thủ đoạn trả lãi suất cao.

Ngày 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an TP Hà Nội cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thị Thanh Tâm, trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông; nguyên giáo viên mầm non tại một trường ở quận Hà Đông.
Theo tài liệu điều tra ban đầu, qua đơn trình báo của 60 bị hại ở khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, huyện Từ Liêm, Chương Mỹ, Tâm đã lừa đảo chiếm đoạt của số bị hại trên hơn 70 tỷ đồng, với thủ đoạn trả lãi suất cao. Bằng thủ đoạn này, Tâm vay tiền của người trước trả lãi cho người sau.
Trong số 60 bị hại, đáng lưu ý có anh Nghiêm Văn Quảng, trú ở khu tập thể xã Trung Văn, huyện Từ Liêm đã cho Tâm vay 1,5 tỷ đồng; anh Nguyễn Văn T., ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông cho vay 16,5 tỷ đồng và anh Vũ Đình C., ở Khương Trung, Thanh Xuân cho vay 2,5 tỷ đồng... Đến nay Tâm không có khả năng thanh toán số tiền đã chiếm đoạt.
Để phục vụ cho công tác điều tra, ai là bị hại liên hệ với điều tra viên Trần Đình Hùng, Đội 3, Phòng PC44 Công an TP Hà Nội tại địa chỉ số 55 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. ĐT: 04.39396380"

 Cuối cùng, xin chúc các ông có một ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc với gia đình.
 Xin cảm ơn đã đọc thư.
   Lê Dũng
Địa chỉ : số 50, 54 B Hà trì 3 Hà đông Hà nội.
Điện thoại : 0983 839 610.
Email : dungdcmc@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét