Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ

Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20-5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về nội dung nhân sự với việc miễn nhiệm và bầu mới nhân sự 2 chức danh là Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng (phải)
Sáng nay, 15-5, tại phiên họp thứ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, kỳ họp dự kiến diễn ra trong 33 ngày, với 26,5 ngày làm việc, bắt đầu từ ngày 20-5 và kết thúc vào ngày 23-6.
Tại phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết nội dung nhân sự tại kỳ họp này là có 2 vị trí sẽ được trình ra Quốc hội tiến hành bãi nhiệm và bầu mới là Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính hiện nay là ông Vương Đình Huệ, người đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương vừa được tái lập. Trong khi đó,  Tổng Kiểm toán Nhà nước hiện là ông Đinh Tiến Dũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết nhân sự Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước có điều chuyển và bố trí thay người khác tại kỳ họp này. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, công tác nhân sự phải đảm bảo đúng quy trình, cách thức, công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng.
Trước đó, tháng 12-2012, Bộ Chính trị đã điều động, phân công ông Vương Đình Huệ sang nhận nhiệm vụ mới là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương được tái thành lập theo Nghị quyết Hội nghị trung ương 5, Nghị quyết Hội nghị trung ương 6 khóa XI và Quyết định của Bộ Chính trị.
Trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII diễn ra vào tháng 8-2011, ông Vương Đình Huệ là Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách Bộ Tài chính.
Ông Đinh Tiến Dũng được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII với nhiệm kỳ 7 năm thay cho người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ.
Ông Đinh Tiến Dũng được đào tạo cơ bản, trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế tài chính, hệ chính quy và là thạc sỹ quản trị kinh doanh. Từ năm 1983 đến năm 2003, ông Dũng đã đảm nhận công tác tài chính kế toán. Ông Dũng từng đảm nhận vị trí Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán, rồi Thứ trưởng Bộ Xây dựng phụ trách lĩnh vực này.
Ông Đinh Tiến Dũng (52 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình), từng là Thứ trưởng Bộ Xây dựng trước khi được bầu và phê chuẩn làm Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Đến giữa tháng 10-2010, ông được Bộ Chính trị điều động và bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Ông là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

(Người Lao động) 

Thông tin online tác động mạnh đến nhân quyền

Nhờ thông tin online, mà người Việt Nam khắp thế giới gắn kết với nhau đấu tranh cho nhân quyền ngày càng mạnh mẽ hơn, bất chấp những răn đe bị kết tội là “thế lực thù địch”. Nhờ online mà các thông tin trở nên phong phú, chính xác và nhanh hơn.
Vào ngày 09.05.2013, tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã diễn ra buổi lễ và diễn đàn thảo luận vấn đề Nhân quyền VN lần thứ 19. Các đại biểu tham gia gồm, các nhà lập pháp HK, các nhà đấu tranh Dân Chủ cho VN, các Cộng đồng người Trung Hoa tị nạn tại Hoa Kỳ, Cộng đồng người Tây Tạng, Cộng đồng người Đại Hàn… cùng lên tiếng và ủng hộ vấn đề Nhân quyền tại VN.
Nhà Báo Phạm Trần cho biết: “Một số các Cộng đồng nhỏ khác đều lên tiếng và họ đã ủng hộ lập trường của Cộng đồng Người Việt ở HK, là tiếp tục đấu tranh cho vấn đề Nhân quyền và Quyền con người của người VN ở tại VN, tất cả các Quyền tự do mà Luật pháp VN cũng như Hiến Pháp VN đã ghi nhận. Họ kiên quyết tiếp tục cuộc đấu tranh này.”
Ngày 11.05.1994, đã được Quốc Hội Mỹ và Tổng thống Bill Clinton ký thành đạo luật cho phép tổ chức chính thức Ngày Nhân quyền VN tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngày Nhân quyền VN nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ các Quyền tự do căn bản của công dân VN được quốc tế công nhận.
Sau đây, xin mời Quý vị lắng nghe cuộc phỏng vấn giữa Phóng viên VRNs với Nhà báo Phạm Trần, sống tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ông chuyên viết bình luận về tình hình VN suốt 38 năm qua.
VRNs: Thưa Ông,ngày 11.05 vừa qua, ngày nhân quyền cho VN tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt đã có những hoạt động gì nhân ngày này? Đâu là điểm nhấn đặc biệt của năm nay?
Nhà báo Phạm Trần: “Ngày 11.05.2013 là lần kỉ niệm thứ 19 Nhân quyền VN tại Hoa Kỳ (HK). Cộng đồng người Việt ở HK, cũng như các Cộng đồng người Dân thiểu số ủng hộ cùng với các Cộng đồng của người Việt ở khắp nơi trên đất HK, đã về trụ sở Quốc Hội, để tổ chức buổi lễ kỷ niệm, đồng thời duyệt lại các vấn đề Nhân Quyền của VN, xem thử Đảng cầm quyền cs VN đã tôn trọng Nhân quyền như thế nào trong năm ngoái và trong tình hình hiện nay. Các Diễn giả đã lên nói chuyện về tình hình Nhân quyền. Không những có các Diễn giả VN còn có các Diễn giả của các cộng đồng bạn, như là: Người Lào, Người Tây Tạng, Người Trung Hoa, Người Đại Hàn và cả Người bên phía Đài Loan. Một số các Cộng đồng nhỏ khác đều lên tiếng và họ đã ủng hộ lập trường của Cộng đồng Người Việt ở HK, là tiếp tục đấu tranh cho vấn đề Nhân quyền và Quyền con người của người VN ở tại VN, tất cả các Quyền tự do mà Luật pháp VN cũng như Hiến Pháp VN đã ghi nhận. Họ kiên quyết tiếp tục cuộc đấu tranh này. Và đây cũng là một cuộc nói chuyện cũng như biểu dương người nổi bật nhất trong năm nay.
Tại Quốc Hội, sau đó Cộng đồng người Việt, cũng như đại diện của các Cộng đồng Thiểu số khác gặp một số các nhà lập pháp của HK, các Thượng Nghị Sĩ, các Dân Biểu để bày tỏ quan điểm của họ về vấn đề Nhân Quyền không những của VN mà còn của các nước khác, đặc biệt là của Nhân dân Tây Tạng và của những người Trung Quốc (TQ). Họ là những người TQ đã tị nạn sang HK và cũng đã tham gia vào các phái đoàn đó. Họ đã bày tỏ và muốn HK, đặc biệt là các nhà lập pháp HK ủng hộ lập trường của những người dân TQ tị nạn ở HK cũng như tị nạn ở khắp nơi trên thế giới, để đấu tranh cho Nhân Quyền tại TQ, cho người Tây Tạng và những người dân Thiểu số khác, chẳng hạn như Cộng đồng người Lào, Cộng đồng người Mông Cổ…  Tất cả các Cộng đồng đều hợp tác với Cộng đồng người Việt, để đi đến gặp các Thượng Nghị sĩ, các nhà lập pháp và Dân biểu của HK. Và rồi có một cuộc họp nữa vào ngày hôm nay, ngày 10.05 (giờ Hoa Kỳ), [các cộng đồng đã vào] Bộ Ngoại Giao HK và đã gặp các Viên chức của Bộ Ngoại Giao để nói về vấn đề Nhân Quyền của VN. Đây là những nét nổi bật nhất trong năm nay.
VRNs: Thưa Ông, trong năm 2012, người Việt tại Mỹ có 2 thỉnh nguyện thư, quy tụ được rất nhiều người ủng hộ, vậy trong năm nay, có hoạt động nào nhằm huy động người Việt toàn nước Mỹ nữa không? Đó sẽ là hoạt động gì?
Nhà báo Phạm Trần: “Những hoạt động mà Cộng đồng người Việt tại HK vẫn tiếp tục làm, không những là hai cái Thỉnh nguyện thư năm ngoái [Thỉnh nguyện thư vào Tòa Bạch Ốc và Thỉnh nguyện thư Triệu Con Tim Một Tiếng Nói], mà năm nay các Cộng đồng người Việt tại HK, ở khắp 50 Tiểu Bang của nước Mỹ vẫn tiếp tục đến nói chuyện với các nhà lập pháp ở địa phương như các Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của mỗi Tiểu Bang, cũng như là các Dân Biểu và Thượng Nghị sĩ của Liên Bang HK. Ở HK có hai hệ thống chính quyền, đó là hệ thống chính quyền ở địa phương và chính quyền Trung Ương thì Cộng đồng người Việt Nam ở khắp 50 Tiểu Bang của nước Mỹ vẫn tiếp tục làm công việc đó. Tức là hằng năm, mỗi khi có những vi phạm Nhân quyền của nhà cầm quyền VN, ví dụ như: những việc đàn áp trong buổi họp ngoài trời của các anh chị em trẻ tại Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang trong những ngày vừa rồi đều được các Cộng đồng của Người Việt HK, đặc biệt là Cộng đồng Người Việt HK tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ở các thành phố lớn như ở Houston, ở Washington State… đều nhắc nhở các Nhà Lập pháp HK ở địa phương cũng như ở Liên Bang phải quan tâm đến vấn đề Nhân quyền tại VN. Và các Nhà Lập pháp ở HK đã tiếp nhận những điều yêu cầu này một cách hết sức trân trọng. Thành ra, những hoạt động ở HK năm nay chưa có những phong trào phát động mạnh mẽ như là hồi năm ngoái nhưng các cuộc đấu tranh của Người Việt ở HK sẽ tiếp tục không bao giờ ngưng nghỉ.
VRNs: Thưa ông, với tư cách là một nhà truyền thông kỳ cựu, xin Ông đánh giá tác động của truyền thông internet về vấn đề nhân quyền cho VN?
Nhà báo Phạm Trần: “[Truyền thông internet] có ảnh hưởng rất lớn bởi vì bất cứ một hoạt động nào ở trong nước đều được các Nhà báo Xã hội, tức là các Nhà Truyền thông Tự do đã đưa tin ra nước ngoài đầy đủ hình ảnh và đầy đủ tin tức. Đó là một biến cố rất mới. Đó là một chuyện mà nói chuyện cách đây mấy năm không có những chuyện đó, ví dụ như: những cuộc xuống đường của người dân ở trong nước để đấu tranh về Quyền làm người, đấu tranh về tài sản… đặc biệt như các buổi dã ngoại ngoài trời của các anh chị em trẻ ở trong nước, trong mấy tuần lễ vừa rồi, đều được các Truyền thông ở Hải Ngoại của người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận một cách rất trân trọng và loan báo đi khắp nơi. Đó là những ảnh hưởng của các truyền thông xã hội.
[Truyền thông internet] có một ảnh hưởng rất lớn, bởi vì nhà cầm quyền VN không thể nào che đậy được tất cả những hoạt động ở trong nước của những người trẻ, của những nhà trí thức ở trong nước, ví dụ như kiến nghị 72 của Nhóm nhân sĩ trí thức về vấn đề sửa đổi Hiến Pháp, đều được loan báo hết sức rộng rãi và rất nhanh chóng ở nước ngoài. Và thường xuyên cho đến giờ này, mặc dù, vấn đề đó tương đối là đã nguội dần nhưng ở tất cả các mạng báo của người VN ở nước ngoài, báo in hay báo trên internet đều loan tin và tiếp tục loan tin những chuyện đó. Thành ra có một ảnh hưởng rất lớn khi các hoạt động ở trong nước, được các anh em ở trong nước cũng như các nhà Truyền thông Tự do ở trong nước, là các báo Xã hội đã đưa tin ra nước ngoài rất nhanh chóng và đầy đủ, ví dụ như mạng lưới đưa tin của Truyền thông CCT, Dân Làm Báo, Dân Luận, hoặc các website tự do của những nhà báo tự do, kể cả những nhà báo mà trước đây đã từng làm cho các cơ quan báo của đcs VN, các Cựu đoàn viên, cũng như các nhà báo về phía không phải là những người đấu tranh cho Nhân quyền như là một số nhà báo trẻ ở trong nước mà chúng ta thường biết đến… Nhưng mà đặc biệt năm nay, những nhà báo ở trong nước, kể cả những cựu đảng viên đcs cũng đều tham gia một cách hết sức tích cực lên tiếng về những biến cố ở trong nước. Tất cả những điều đó đều đưa ra nước ngoài một cách nhanh chóng và được tiếp nhận một cách hết sức trân trọng. Các báo cũng như là các đài phát thanh, đài truyền hình của người VN ở nước ngoài, đặc biệt là ở HK đã cập nhập những tin đó rất nhanh chóng.
Vì vậy, những thông tin đưa ra nước ngoài, đặc biệt là đến HK đều được thông tin cho Đồng bào của người VN ở nước ngoài một cách nhanh chóng. Thành ra, ảnh hưởng [của truyền thông internet] rất quan trọng đối với vấn đề truyền thông ở trong nước cũng như ở Hải ngoại, gần như có sự liên kết chặt chẽ, không nhìn thấy nhưng rất nhanh chóng. Tất cả các tin ở trong nước, giờ đây, không thể nào che đậy được bất cứ một hoạt động nào ở trong nước, [các thông tin] được đưa ra nước ngoài hết sức nhanh chóng. Và báo chí ở nước ngoài, báo chí của người VN ở nước ngoài, truyền hình, truyền thanh và báo in đã tiếp nhận hết sức trân trọng, loan báo một cách đầy đủ và không thiếu một chi tiết nào cả, mà các báo ở Hải ngoại còn phỏng vấn những người ở trong nước, những người dân ở trong nước, ví dụ như là các Bản tin của đài Á Châu Tự Do, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Đài BBC, Đài Úc, Đài phát thanh Quốc tế Pháp đều được tiếp nhận một cách hết sức nhanh chóng. Vì thế, ảnh hưởng thông tin ở trong nước ra nước ngoài qua mạng lưới thông tin internet ảnh hưởng rất quan trọng và rất nhanh chóng. Thành ra đây là một cuộc đấu tranh về Nhân quyền, Tự do, Dân chủ hết sức là hiệu quả.
VRNs: Xin cám ơn Nhà Báo Phạm Trần.
Nhà báo Phạm Trần: “Xin kính chúc Quý anh chị cũng như là Quý vị của Truyền thông Chúa Cứu Thế được đầy đủ sức khỏe và tiếp tục phụng sự Đất nước một cách hết sức đắc lực. Những công việc của các Nhà báo ở trong nước cũng như bất cứ trong một lĩnh vực nào cũng đều có ảnh hưởng hết sức quan trọng và được Người VN ở nước ngoài, đặc biệt là ở HK rất trân trọng và tiếp nhận hết sức phấn khởi và tin tưởng sẽ mang lại những việc hữu ích không những là cho đồng bào mà còn cho Đất nước trong tương lai.”
VRNs: Một lần nữa xin cám ơn Nhà Báo Phạm Trần.
Huyền Trang
(VRNs)
 

Cánh Cò - Logo mới của Đảng: Chùa Một Cột

Hội chứng tàn phá di sản văn hóa đã trở thành di căn khi hình như hầu hết những gì được gọi là di tích, di sản văn hóa đều bị tàn phá bởi nhiều cách, nhiều người trong đó có Đảng.
Khai thác sự mê tín của đại bộ phận người dân nên không ít chùa chiền miếu mạo trở thành nơi chứa chấp phù thủy, đồng bóng quái lạ nhằm móc túi bá tánh hơn là quảng bá phật pháp hay tâm pháp. Có bao nhiêu ngôi chùa hiện nay mà trụ trì là một cao tăng, dám từ chối mọi điều kiện cám dỗ của bọn mua thần bán thánh? Có bao nhiêu tam cấp dẫn lên chốn thờ phụng đã biến thành tục tằn dơ dáy vì ăn mày, móc túi, mua bán niềm tin?
Có bao nhiêu ngăn kéo của Đảng cất giữ đơn thưa các loại cho tới nay không ai xem xét. Sự nhơ bẩn bên ngoài có bằng sự nhớp nhúa bên trong Đảng bởi tha hóa, tự tôn, bè phái và độc tôn coi mình là thượng tầng xã hội?
Hình minh họa
Có bao nhiêu đảng viên hiện nay dám từ chối tham nhũng vì niềm tin hết mực vào sự anh minh của Đảng?
Di sản văn hóa lụn bại và biến dạng bởi tro nhang và âm binh dày dặc bao vây. Khách tham quan chen lấn với kẻ tham tiền làm hình ảnh nhiều khu di tích thảm hại và nhớp nhúa. Tâm lý bầy đàn của đa số dân chúng đã tiếp tay cho thứ di sản hổ lốn nảy nở như nấm sau mưa và người ta vô tư dẫm nát những công trình cổ của tiền nhân bằng những thứ được gọi là “ấn” là “chỉ” do bọn tiếm danh văn hóa từ trong Đảng đưa ra nhằm kiếm ăn. Những ấn, chỉ ấy được một đám đông tin là dẫn tới quan trường và từ niềm tin bệnh hoạn ấy “phong trào” xô đẩy kiếm chức vào Đảng mỗi năm lại được “nâng lên một tầm cao mới”.
Khác với Đảng, nơi có truyền thống buôn quan bán tước từ hàng chục năm qua, Chùa Một cột là nơi di sản văn hóa cấp quốc gia duy nhất thoát được nạn mua thần bán thánh.
Có tên chữ là chùa Diên Hựu, chùa Một Cột được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu 1049, tức còn 36 năm nữa thì ngôi chùa này sẽ đạt mốc 1.000 năm tuổi. Với một lối kiến trúc được công nhận là hàng đầu Châu Á, chỉ một cây cột lớn chính giữa, ngôi chùa thư thái đứng đó qua bao biến động.
Đảng bắt chước lối kiến trúc độc đáo của Chùa Một Cột nên quyết định độc tôn. Sự độc tôn này của Đảng được ấn định trong văn kiện chính trị lẫn trong Hiến Pháp Việt Nam.
Chùa Một Một mãi tới nay không bị ai quấy rầy làm cho biến dạng như những di sản văn hóa chung quanh khác phải chăng nhờ sự tôn nghiêm và sự chăm lo bảo vệ của Đảng?
Hoàn toàn không phải thế, mà ngược lại, ngôi chùa đang xuống cấp và có nguy cơ biến dạng thành một nơi thật sự hoang phế, hoang phế đến độ Phật có lẽ phải đội nón ra đi sau khi ngồi đó với chiếc nón lá che mưa trong nhiều năm trời!
Chùa Một Cột tuy rất gần với UBND thành phố Hà Nội nhưng lại rất xa Cục Di Sản vì vậy nó bị bỏ quên trong 5 năm qua mặc dù đại đức Thích Tâm Kiêm đã khàn cổ kêu gào từ ngày 20 tháng Tư năm 2008.
Nó xuống cấp và cây cột duy nhất có cứng cách mấy cũng khó lòng chống lại cả một cấu trúc đã mục nát, nhất là mái chùa.
Có ai không bức rứt khi nhìn tượng Phật của Chùa Một Cột phải đội nón lá, mang áo mưa trong một ngôi chùa được tôn vinh vào hàng quốc bảo này?
Nhưng bên cạnh những bức rứt ấy thì hình ảnh đau lòng của tượng Phật lại trở thành hài hước dưới mắt của rất nhiều người. Nó làm người ta liên tưởng đến Hội nghị Trung Ương 7 đang nhóm họp tại Hà Nội. Trong hội nghị ngập những tranh cãi quyết liệt này, ông Tổng Bí thư cũng đang đội nón lá, mặc áo mưa tránh... nước bọt vì sự hung hăng quá mức của cử tọa đảng viên.
Chùa Một Cột có tương quan mật thiết về ý nghĩa cũng như hình ảnh Một đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng có thể gọi cho hoa mỹ: Đảng một ngôi.
Chùa Một Cột đang xuống cấp tệ hại cũng không khác Đảng Một Ngôi là mấy: suy thoái, bị gậm nhấm từ trong. Đảng viên không khác kèo, cột, tấm lợp, rui, mè... thi nhau mục rữa vì không còn lý tưởng, thay vào đó năng lực tìm kiếm cơ hội tham nhũng, thăng quan tiến chức ngày một tinh vi và cao siêu hơn.
Phật Thích Ca trong Chùa Một Cột đội nón lá, mặc áo mưa vì sợ ướt, trong khi ấy người cao nhất đảng là Tổng Bí thư cũng không khác gì, đang đội nón lá mang áo mưa trong hội trường khi cuộc họp đang diễn ra bởi ngôn từ và tiếng nghiến răng giành giật của phe phái ầm ầm tấn công nhau. Một bên là độc đảng, một bên là độc...lập kiếm ăn, tức nhóm lợi ích.
Chùa Một Cột bị bỏ ngoài tai lời kêu cứu trùng tu. Đảng một ngôi cũng bị bỏ ngoài tai lời kêu cứu khẩn thiết đổi mới Đảng từ nhiều năm qua. Kết quả mới nhất cho thấy, Đảng Một Ngôi quyết định không kêu gọi đổi mới Đảng nữa mà tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu sau khi có thêm hai Ủy viên trung ương một ông, một bà mới.
Chùa Một Cột cũng thế, sau 5 năm kêu cứu vô vọng, thức tỉnh ra và thấy rằng cách hay nhất là cứ thế chấp tên tuổi 1.000 năm của mình nhằm kiếm tiền tu bổ hình hài hơn là chờ đợi lòng từ bi của Đảng. Không khác gì chờ nước biển tự cạn không lấn vào bờ sau khi Đảng kêu gào chống lại biến đổi khí hậu.
Chiếc cột duy nhất của Chùa Một Cột có cứng cáp cách mấy rồi cũng sẽ sụp nếu lạm dụng không chịu trùng tu. Sự độc đảng có “độc” cách mấy rồi cũng bị đào thải vì đã hết thời, hết phương án lừa đảo lòng tin của người dân, một đám đông trót chạy theo đảng nay đã tỏ ra mệt mỏi, đuối sức và có dấu hiệu “suy đồi”, suy đồi chính trị như Tổng Bí Thư từng nói.
Đảng cũng biết như thế. Sau khi thấy mình không thắng nổi nhóm lợi ích có thể sẽ họp nhau lại lấy hình ảnh của ngôi chùa độc nhất Việt Nam làm logo. Hình ảnh Đảng và Chùa Một Cột hợp nhất trên chiếc logo sẽ khiến Đảng được tiếng là tìm về cội nguồn trong khi tiếp tục dẫn dắt dân tộc. Chùa sẽ thơm lây và vé vào cửa từ đó tự động tăng lên gấp bội, vì hằng hà sa số người trong và ngoài nước sẽ xếp hàng vào xem tượng Phật bên trong ngôi chùa này còn đội nón lá hay đã thay vào bằng nón cối? Chiếc nón truyền thống có từ thời chiến tranh chống Mỹ mà có kẻ ác miệng cho là phát xuất từ Tàu.
Cánh Cò
(RFA Blog's)

Thấy gì qua cáo trạng vụ án hai sinh viên của Viên kiểm sát Long An?


HÌnh ảnh chia sẻ trên mạng xã hội của các bạn trẻ bày tỏ sự yêu mến hai SV Phương Uyên và Nguyên Kha
Ngày kia, 16/5/2013 hai sinh viên Đinh Nguyễn Kha và Nguyễn Phương Uyên ra tòa.

Trừ hành vi “chế tạo, thử nghiệm vật liệu gây nổ” của Đinh Nguyên Kha còn treo lại thì hai sinh viên này ra tòa với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước …” theo theo điểm c, khoản 1, điều 88 BLHS. Điểm c, khoản 1, điều 88 như sau: Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi kiên nhẫn đọc hết 9 trang cáo trạng của Viện kiểm sát Long An với giả thiết bản cáo trạng là đúng để xem hành vi của 2 sinh viên này như thế nào. Nhưng mấy tờ truyền đơn mà Viện kiểm sát Long An dẫn ra không thấy tờ nào mang nội dung tuyên truyền chống nhà nước mà chỉ thấy nhắc đến truyền đơn mang nội dung chống Đảng (CSVN). Chỉ thấy nói hai em tuyên truyền chống Nhà nước một cách chung chung và có thể là áp đạt nếu không có bằng chứng.
Tất nhiên, VKS Long An không thể dẫn ra hết các truyền đơn mà hai em đã rải. Nhưng theo tôi, nếu có truyền đơn mang nội dung chống nhà nước thì họ sẽ trưng ra trước, tội gì đưa ra một bản cáo trạng mơ hồ không thuyết phục. Trên một số trang mạng hồi hai sinh viên này bị bắt, có đưa ra một số truyền đơn, không biết có phải do hai em rải không nhưng cũng không có tờ nào mang nội dung chống Nhà nước.

Hay là VKS Long An có chứng cứ nhưng không dẫn ra. Nếu như vậy thì ý kiến của tôi trong bài viết này hãy xem như lời bàn với giả thiết Kha, Uyên chỉ in và rải truyền đơn mang nội dung tuyên truyền chống Đảng CS.

Trong vụ án này, để xét Kha, Uyên có phạm tội hay không thì phải xét đến NÔI DUNG truyền đơn mà hai em đã rải.

Nếu truyền đơn có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước thì mọi hành vi khác trong giai đoạn chuẩn bị hãy xét đến.

Ngược lại, nếu không có nội dung tuyên truyền chống nhà nước thì mọi hành vi khác như nhận tiền, in và rải truyền đơn, chụp ảnh cũng không cần xét đến.

Vì sao?
-    Vì việc nhận tiền của ai đó, nhờ làm một việc không phạm tội thì đương nhiên việc nhận tiền không có tội
-    Việc rải truyền đơn cũng thế. Nếu không mang nội dung chống nhà nước thì hành vi rải truyền đơn của Uyên Kha chẳng khác nào hành vi của các nhân viên tiếp thị đứng ở các giao lộ có đèn điều khiển giao thông để phát tờ rơi cho người đi đường.
Cần lưu ý là bản cáo trạng nêu ra hai việc chẳng liên quan đến tội danh Viện kiểm sát cáo buộc:
-    Một là làm và dán cờ vàng ba sọc mà Phương Uyên ghi chú là Đại Nam quốc kỳ và Cờ quốc gia Việt nam.

Đây là những chính thể từng tồn tại trong lịch sử. Nếu cho là Việt Nam Cộng hòa là kẻ thù của cộng sản Việt Nam đi thì ngoài ra, còn nhiều kẻ thù khác nữa chứ. Ví dụ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp… Thậm chí, Trung Quốc còn là kẻ thù truyền kiếp của VN hàng ngàn năm nay. Ấy thế mà người ta bố trí cho trẻ em mang cờ Trung Quốc, lại thêm vào đó một ông sao con con nữa để đón lãnh đạo Trung Quốc nhưng không thấy ai bị đưa ra tòa. Nếu Kha, Uyên dán cờ Trung Quốc thì sao nhỉ? Chắc chắn người ta không đưa vào cáo trạng mà có khi còn được khen nữa là khác. Dị ứng với cờ ba sọc, phải chăng, lá cờ đó ám ảnh, ăn sâu bào mỗi nơ ron thần kinh của họ? Như thế, cứ ra rả kêu gọi hòa hợp dân tộc sao đây?

-    Mỉa mai hơn, bản cáo trạng còn nêu ra truyền đơn dùng máu pha loãng viết trên vải trắng “có nội dung không hay về Trung Quốc”. Hàng ngày, các cơ quan truyền thông Việt Nam có bao nhiêu bài viết có nội dung không hay về nước này nước nọ thì đã sao. Sao cứ động đến Trung Quốc là giãy nảy lên như động đến mả tổ? ”Có nội dung không hay về Trung Quốc” thì liên quan gì đến tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam? Nên nhớ, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia riêng biệt chứ không phải là quan hệ giữa thiên triều và chư hầu. Còn kẻ nào sợ hãi, đớn hèn quá, tự cho mình là bề dưới thì đó không phải là tư thế Việt Nam, dù ở bất cứ cương vị nào. Liệu có ai dám ghi vào Bộ luật hình sự tội danh tuyên truyền chống Trung Quốc?
Vấn đề ở chỗ phải chứng minh được Kha Uyên tuyên truyền chống nhà nước ở chỗ nào chứ không phải chứng minh hai em tuyên truyền chống Đảng CSVN. Không thể đồng nhất Đảng CSVN và Nhà nước Việt Nam.

Bộ luật hình sự không hề có tội danh chống Đảng CSVN. Tuy vậy, trên thực tế, những người bị ghép cho tội danh tuyên truyền chống Nhà nước đều thấy dẫn ra những hành vi được coi là chống Đảng. Có phải do điều 4 của Hiến pháp ghi Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nên suy ra như thế được coi là lẽ đương nhiên?

Do lối nghĩ đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức nên có thể ai đó cho tôi là ấu trĩ về pháp luật. Nhưng một nhà nước pháp quyền thì không được phép suy diễn theo ý muốn chủ quan của một nhóm lợi ích nào đó. Vì vậy, nếu Đảng CSVN thấy cần thiết thì cứ việc bổ sung tội danh tuyên truyền chống Đảng hoặc sửa điều 88 thành tội tuyên truyền chống Đảng CS VN và Nhà nước Việt Nam. Nhưng làm việc này không đơn giản khi tính đến việc bày ra trước con mắt của nhân dân Việt Nam và quốc tế.

Dù sao thì ngày kia ra tòa, hai em sinh viên chắc chắn sẽ phải chịu một bản án tù. Thực tế trong nhiều vụ án, lập luận của luật sư bào chữa rất thuyết phục khiến bên công tố lẫn hội đồng xét xử không tìm ra lý lẽ để bác bỏ nhưng người ta vẫn dùng quyền để kết án. Tuy nhiên, ý kiến của luật sư không phải là vô ích mà nó vẫn có tác dụng vạch ra bản chất của vụ án.

Cuối cùng thì, dù thế nào đi chăng nữa, trong tâm khảm, tôi tin rằng Nguyễn Phương Uyên và Đinh Văn Kha không có tội. Tôi cũng tin rằng những người biết yêu quí dân tộc này, đất nước này với tôi có cùng ý nghĩ.


1
23456789
Cáo trạng của VKS Long An
td1td2
td5
td3
Truyền đơn của nhóm Tuổi trẻ yêu nước không thấy có nội dung chống Nhà nước
td4
Truyền đơn dùng máu pha loãng viết trên vải trắng “có nội dung không hay về Trung Quốc” có phải là cái này
.
14/5/2013
Nguyễn Tường Thụy

(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)
 

Nguyễn Trung: Con dại cái mang - Đừng bóp chết lòng yêu nước của tuổi trẻ

SV. Nguyễn Phương Uyên
Theo những gì được Nguyễn Trần Minh Trí viết trên báo Nhân Dân điện tử ngày 05-11-2012, Nguyễn Phương Uyên “có hành vi “Tuyên truyền chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam” theo Ðiều 88, Bộ Luật Hình sự”,  bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra. Bài trên báo Nhân Dân điện tử đã thuật lại các việc Uyên làm, nêu việc Nguyễn Phương Uyên viết thư nhận tội và xin được khoan hồng.
(Tôi không bàn đến Đinh Nguyên Kha trong bài này, vì không có thông tin gì về Kha)
Qua báo chí, tôi được biết Uyên là sinh viên năm thứ ba trường Đại học công nghiệp thực phẩm TPHCM, là con một gia đình lương thiện, là đoàn viên và cán bộ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh ở trường, từng có những hoạt động biểu thị lòng yêu nước của mình liên quan đến bảo vệ các vùng biển, đảo của đất nước.
Vì còn đang thời kỳ điều tra của cơ quan an ninh và chưa có xét xử của tòa án, nên mọi vấn đề có liên quan, mọi kết luận đúng/sai đều để ngỏ, đòi hỏi phải làm rõ với tất cả tính trung thực và sự công khai minh bạch.
Tuy nhiên, căn cứ vào những điều đại tá Nguyễn Sáu đã phổ biến trong buổi họp báo ngày 03-11-2012 và những tin tức về thư nhận tội của Nguyễn Phương Uyên như đã nêu trên báo Nhân Dân điện tử 05-11-2012, có một số câu hỏi có liên quan phải nêu ra.
Trước hết, giả định những gì được phổ biến trong buổi họp báo nói trên và những điều Uyên nêu trong thư nhận tội được coi là các chứng cứ (đúng/sai sẽ để cho việc xét xử nghiêm minh phán định), không thể không đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ một sinh viên năm thứ ba, đoàn viên và cán bộ Đoàn TNCS HCM Nguyễn Phương Uyên không hiểu được những việc làm như đại tá Nguyễn Sáu phổ biến tại buổi họp báo 03-11-2012 là phạm pháp so với pháp luật hiện hành? Nếu vậy thì chất lượng giáo dục của nhà trường và của Đoàn có rất nhiều vấn đề phải xem xét.
Hoặc đặt ngược lại vấn đề, được giáo dục kỹ như vậy mà Uyên vẫn cố tình – nghĩa là có ý thức – thực hiện những việc đã làm, hiển nhiên ở đây sẽ nảy ra những câu hỏi: Chế độ chính trị của nước ta đang có những vấn đề gì khiến cho Uyên tuy được giáo dục kỹ mà vẫn  hành xử chống đối như vậy? Chế độ chính trị nước ta như thế nào mà đến nỗi phải chống lại nó vì yêu nước? Hay đây chỉ là tinh thần yêu nước giả tạo, hời hợt?… Vân vân và vân vân… Hỏi như thế nào cũng rất đau đầu!  Hiển nhiên: Việc gìn giữ kỷ cương và sự tồn vong của đất nước không thể cho phép chỉ đơn thuần nói là đã bắt người đúng thủ tục và chỉ một chiều xem xét hành vi của Uyên.
Nếu giả thiết – cứ như là Uyên đã viết trong thư nhận tội (chưa bàn đến hoàn cảnh viết thư nhận tội) – là do bị mua chuộc bằng vật chất và cơ may được đi học nước ngoài, lại có nhiều câu hỏi khác phải đặt ra: Chất lượng giáo dục của gia đình, xã hội và nhà trường của nước ta như thế nào mà đến nỗi một con người ở trình độ sinh viên đại học năm thứ 3 lại dễ bị cài bẫy, bị mua chuộc với những cái giá quá rẻ như thế? Thậm chí có thể đó chỉ là cái giá hão huyền nữa! Quá rẻ so với đánh đổi việc làm chống lại chế độ! Một đất nước có chế độ chính trị mà công dân có học của nó có thể bị mua chuộc hay cài bẫy dễ dàng và quá rẻ như thế, dễ hư hỏng hay dễ bị lừa để làm những việc như thế chống lại chính đất nước ấy, thử hỏi đấy là đất nước gì? Công dân của nó chất lượng như thế nào? Vân vân… Những câu hỏi như thế rất nghiêm trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ và sự tồn vong của quốc gia. Mà như thế nó không còn là vấn đề của riêng một Nguyễn Phương Uyên nào đó!
Cũng với đòi hỏi phải tìm đúng thực chất sự việc và căn nguyên của nó, nhà trường – cụ thể ở đây là những người có trách nhiệm, đảng bộ ĐCSVN và ĐTNCS HCM của trường Đại học công nghiệp thực phẩm TPHCM – cần đặt ra cho mình những câu hỏi nghiêm túc và tìm ra những câu trả lời trung thực có liên quan đến vụ việc này. Nhà trường không thể chỉ đơn giản nói là: Nhà trường đã được thông báo trước khi Uyên bị bắt, sau này đã làm rõ bức thư cầu cứu Uyên của những sinh viên trong trường gửi Chủ tịch nước – và như thế coi như nhà trường đã làm tròn trách nhiệm của mình. Nhà trường có lương tri không thể giải thích qua loa như vậy và không thể trốn tránh việc phải nghiêm túc tự đặt ra cho mình mọi câu hỏi có liên quan và tìm ra những câu trả lời trung thực.
Vụ Nguyễn Phương Uyên, không chỉ có vấn đề phải xét xử nghiêm minh và tránh oan sai, mà còn có vấn đề từ vụ việc này phải nhìn nhận ra những vấn đề khác có liên quan đến thế hệ trẻ và sự tồn vong quốc gia như đã trình bầy sơ lược nêu trên.
Xử đúng một hành vi phạm tội (nếu đúng là phạm tội) để cứu một con người là lẽ tất yếu phải làm của một nhà nước pháp quyền.
Quan trọng hơn nhiều: Xử như thế nào để chế độ chính trị này – người chịu trách nhiệm toàn diện mọi việc trước đất nước – làm đúng được trách nhiệm đạo lý của mình là con dại cái mang và không bóp chết tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Đây là trách nhiệm lớn hơn gấp nhiều lần so với việc xét xử nghiêm minh đúng tội đối với cá nhân một Nguyễn Phương Uyên.
Một chế độ chính trị đúng với tinh thần là hiện thân của một nhà nước của dân, do dân, vì dân còn phải qua vụ Nguyễn Phương Uyên nhìn nhận lại những khuyết tật hay yếu kém của chính mình đã tạo ra những nguyên nhân dẫn đến vụ Nguyễn Phương Uyên. Gìn giữ đất nước thì phải làm như thế./.
Nguyễn Trung
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-11-12

Lật tẩy một bản báo cáo đẹp

Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ (tháng 12-2012) hoàn thành dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi đặc biệt khó khăn, nhưng đến tháng 3-2013 vẫn còn cả đống thiết bị hàng tỉ đồng của dự án phơi mưa nắng cạnh trụ sở UBND xã Háng Đồng (Bắc Yên) và xã Chiềng Nơi (Mai Sơn) - tỉnh Sơn La.
Trong chuyến đi làm từ thiện ở xã Háng Đồng hồi đầu tháng 3-2013, anh Nguyễn Tuấn Linh (Hà Nội) cùng các thành viên của nhóm từ thiện “Chung tay xây lớp học” chứng kiến một đống thiết bị cho dự án điện mặt trời bị bỏ lăn lóc từ năm 2010. Sau đó không lâu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải lại tiết lộ: ở xã Chiềng Nơi cũng có các thiết bị hiện đại, đắt tiền của dự án điện mặt trời được chuyển lên từ năm 2011, hiện đang nằm yên trong kho!

Ngày 11-5, những thiết bị của dự án điện mặt trời nằm im lìm trong kho của xã Chiềng Nơi - Ảnh: N.V.Hải
Những thùng hàng lăn lóc ở Háng Đồng
Tới xem đống thiết bị đang xếp ngoài trời, anh Linh nhận thấy có gần chục hòm gỗ đã xanh rêu mốc thếch, vênh váo, tróc lở vì mưa nắng đang để ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Háng Đồng. Mở thử một chiếc hòm không có khóa, thiết bị vẫn còn nằm nguyên bên trong, nhìn có vẻ rất đắt tiền và tinh vi. Trên các vỏ thùng đều có ký hiệu chiếc ly và cái dù, biểu tượng của hàng hóa dễ vỡ và phải được che mưa, chống nước, nhưng các thùng này lại được bỏ ngoài trời gần ba năm không ai ngó ngàng tới. Trên nhãn của các thùng hàng vẫn còn ghi rõ người mua là Ủy ban Dân tộc miền núi (tên gọi trước đây của Ủy ban Dân tộc), bên bán là NAPS System Oy của Phần Lan, hợp đồng ký ngày 9-12-2005.
Chỉ với những dữ liệu ban đầu như vậy, trở lại Hà Nội anh Linh lên mạng tìm kiếm thông tin liên quan đến dự án điện mặt trời của Ủy ban Dân tộc và nhanh chóng giải mã được điều khó hiểu ở Háng Đồng. “Chỉ cần với từ khóa dự án năng lượng mặt trời của Ủy ban Dân tộc là tôi thấy hiện ra rất nhiều kết quả tìm kiếm. Đáng ngạc nhiên là có thông tin về việc dự án đã được nghiệm thu từ tháng 12-2012” - anh Linh nói.
Quá bức xúc, anh Linh gửi thư đến Đại sứ quán Phần Lan, nơi cung cấp vốn vay cho dự án, để trình bày những nghi ngờ của mình, đồng thời đưa thông tin về dự án ở Háng Đồng lên blog của mình.
Những bức xúc của anh Tuấn Linh bất ngờ trở thành “chất xúc tác” cho việc triển khai dự án. Chiều 5-3, nhóm từ thiện rời Háng Đồng về Hà Nội thì ngày 9-3 có người được ban quản lý dự án điện mặt trời đưa vào Háng Đồng lắp ráp và vận hành thiết bị, đến ngày 19-3 thì xong.
Gặp nhóm PV Tuổi Trẻ , ông Hờ Lao Cang, bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng, cho biết sau nhiều lần xã kiến nghị bằng văn bản với huyện, cuối cùng thì trung tuần tháng 3, người của ban dự án thuê ông Vũ Xuân Hùng - phó trưởng Phòng giáo dục huyện Bắc Yên - vào lắp. Riêng hệ thiết bị thu - phát truyền hình vệ tinh, ban dự án hẹn sau 30 ngày sẽ đưa người vào hoàn thành nốt, nhưng đến giờ (ngày 10-5) vẫn chưa lắp. Thời điểm nhóm PV chúng tôi có mặt ở Háng Đồng, các cấu kiện nhôm của cột ăngten cao 32m vẫn... nằm phơi mưa nắng, thùng đựng bộ thu tín hiệu kỹ thuật số hiệu Tandberrg TT1222 lăn lóc ngoài trời, chỉ duy nhất thùng gỗ đựng ăngten và phụ kiện được néo bên chái nhà.
Không biết nhà thầu đi đâu!
Ngày 25-3-2013, trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc cho biết trong đại hội chi bộ ban quản lý dự án điện mặt trời nhiệm kỳ 2012-2015, ông Nguyễn Văn Thanh - bí thư chi bộ ban quản lý dự án điện mặt trời nhiệm kỳ 2010-2012 - trình bày dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2010-2012, trong đó nêu rõ: “Ban quản lý dự án đã tổ chức việc nghiệm thu 420 trạm điện của dự án để bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp quản, khai thác sử dụng theo quy định và bảo đảm tiến độ”.
Trước đó ngày 3-12-2012, trong báo cáo chỉ đạo, điều hành công tác dân tộc năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc năm 2013 của Ủy ban Dân tộc gửi Chính phủ (do Thứ trưởng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng ký), tại trang 6 có ghi rõ: “Dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc do Phần Lan hỗ trợ được triển khai xây dựng tại 70 xã đặc biệt khó khăn, dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, cấp điện cho UBND xã, trường học, trạm xá, các hộ dân xung quanh dự án, đồng thời góp phần tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên, phục vụ lợi ích cộng đồng. Hiện nay Ủy ban Dân tộc đang xúc tiến thủ tục đầu tư giai đoạn 2”.
Thế nhưng trong cuộc làm việc với Tuổi Trẻ ngày 10-5, trưởng Phòng dân tộc huyện Bắc Yên Hạng A Cheo giải thích: “Ban đầu, khi vào Bắc Yên khảo sát để thực hiện dự án điện mặt trời, có cả chuyên gia của Phần Lan. Sau đó, họ cho chuyển các thiết bị lên Háng Đồng và Hua Nhàn. Tại xã Hua Nhàn, anh Hùng (bí thư xã Hua Nhàn khi đó) đã tự lắp được. Còn tại xã Háng Đồng, năm vừa rồi (năm 2012) tôi vào thì thấy các thùng thiết bị để ở bên ngoài UBND xã, có bảo anh Cang (ông Hờ Lao Cang, bí thư xã) lấy bạt che vào cho đỡ hỏng, nhưng sau đó bạt cũng lại hỏng”. Vẫn theo ông Hạng A Cheo: “Tôi làm công văn mấy lần gửi Ban Dân tộc tỉnh để nhờ tỉnh đôn đốc chỗ Ủy ban Dân tộc. Nhưng hôm 6-5, khi anh Thanh (ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc ban quản lý dự án điện mặt trời của Ủy ban Dân tộc) lên Háng Đồng, tôi có hỏi thì nghe nói ban chỉ nhận được một công văn duy nhất của tỉnh Sơn La”.
Nguyên nhân chậm trễ, theo ban dự án trả lời ông Cheo, vì nhà thầu phải thi công ở nhiều địa bàn từ Cao Bằng tới Sơn La, đường sá không vào được, đi lại khó khăn, không lắp đặt nhanh được. “Họ còn bảo giờ không biết nhà thầu đi đâu rồi, không tìm được. Tôi có nói không tìm được nhà thầu thì phải thuê nhà thầu khác mà làm chứ” - ông Cheo tiết lộ.
Ông Hạng A Cheo cũng xác nhận tuy phần lớn thiết bị của dự án điện mặt trời tại Háng Đồng đã lắp đặt xong ngày 19-3, nhưng vẫn còn để lại hạng mục trạm thu - phát truyền hình vệ tinh. “Hôm đó, các anh ở ban dự án nói mặt bằng chưa có nên chưa lắp được. Sau đó lại nói cái này giao cho huyện, nhưng huyện làm sao làm được” - ông Cheo bày tỏ.
Dài cổ chờ... dự án
Chiều 10-5, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ tại trụ sở UBND tỉnh Sơn La, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Hải cho biết tại xã Chiềng Nơi tương tự như ở Háng Đồng.
Sáng 11-5, nhóm PV Tuổi Trẻ lập tức từ TP Sơn La vượt đường rừng vào trung tâm xã Chiềng Nơi.
Ông Cầm Văn Phiên, bí thư Đảng ủy xã Chiềng Nơi, trực tiếp mở cửa nhà kho và chỉ cho các phóng viên thấy những thùng gỗ chứa các thiết bị của dự án điện mặt trời nằm “đắp chiếu” tại đây. Từng thùng thiết bị được chất chồng lên nhau, bên cạnh là những bao tải gạo, chăn màn chất đống. Phía trên những thùng thiết bị, mạng nhện giăng và bụi phủ đầy. Bên ngoài nhà, ngay trước phòng làm việc của bí thư Đảng ủy xã, các cấu kiện nhôm của cột tháp truyền hình 32m chất thành đống trên nền đất, không có bất cứ thứ gì che đậy.
Ông Cầm Văn Phiên cho biết: “Những thiết bị này được đưa lên đây từ ngày 23-5-2011, nhưng rồi họ cứ để thế đến nay, chẳng lắp đặt gì cả, hỏi nhiều lần rồi mà không có ai trả lời”. Để tránh mất mát, ông Phiên còn phải cho đưa số cáp đồng về nhà mình cất giữ.
Theo lời ông Phiên, thời điểm dự án được lập, khu vực UBND xã đã có điện lưới kéo về tận nơi (từ tháng 7-2010), do đó dự án được điều chỉnh sang lắp đặt tại ba bản gồm bản Thẳm, bản Phiêng Khôm và bản Nà Phặng, đều nằm cách trung tâm xã khoảng 16km, rất khó kéo được điện lưới. Mục đích là để phục vụ nhu cầu điện năng bức thiết cho nhân dân tại các bản vùng sâu vùng xa của xã khó khăn nhất huyện Mai Sơn. “Ở những bản này, điện nước (máy phát điện loại nhỏ dùng trên các dòng suối) cũng không đủ cho bà con dùng, dân còn khổ lắm” - ông Phiên nói.
Lãnh đạo xã Chiềng Nơi cho biết thiết bị được nhà thầu - Công ty cổ phần Cơ giới và hạ tầng (thuộc Tổng công ty Sông Hồng) - đưa lên xã, bàn giao hồi tháng 5-2011, hẹn tháng 9-2011 sẽ quay lại lắp đặt. Tuy nhiên, cho đến thời điểm 11-5-2013, ông Cầm Văn Phiên khẳng định vẫn chưa có bất cứ ai quay lại xã để triển khai lắp đặt dự án. Bản thân chính quyền xã cũng không biết đầu mối nào để liên lạc, thúc giục nhà thầu về lắp đặt.

Dự án hơn 8 triệu euro
Tháng 5-2000, Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cùng Tập đoàn NAPS Systems (Cộng hòa Phần Lan) thỏa thuận xây dựng dự án cung cấp điện mặt trời cho 300 xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn chương trình 135 từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Phần Lan. Ngày 1-8-2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch mở rộng dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”, giao Ủy ban Dân tộc là chủ dự án.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là hơn 8 triệu euro - tương đương hơn 102 tỉ đồng, trong đó 5,385 triệu euro thuộc nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Phần Lan với lãi suất 0%, thời hạn vay 17 năm (vay 12 năm và 5 năm ân hạn). Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đóng góp phần ngân sách là 1 triệu euro.
Lễ ký kết hợp đồng vay vốn tổ chức năm 2005. Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện ở 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc 20 huyện của tám tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Thời gian thực hiện từ quý 2-2009 đến quý 3-2010. Các xã này sẽ được lắp đặt đồng bộ hệ thống năng lượng mặt trời nhằm cấp điện cho trụ sở các UBND xã, trạm y tế xã, tủ bảo quản văcxin, nhà văn hóa xã (hoặc thôn, bản), trạm nạp ăcquy và trạm thu - phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Tổng mức đầu tư lên tới hơn 197 tỉ đồng (tương đương 7,9 triệu euro), trong đó vốn vay là hơn 134 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 64 tỉ đồng.
Theo phụ lục 1 kèm theo quyết định trên, tổng số trạm điện cần lắp đặt, thực hiện trong khuôn khổ dự án là 420 (216 cho 36 xã miền núi phía Bắc và 204 cho 34 xã miền Trung).

NHÓM PV TUỔI TRẺ (còn tiếp)
(Tuổi trẻ) 

Thực dân mới

bauduc3
Bầu Đức
Cáo buộc của tổ chức Global Witness đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang được loan tải và phân tích trên hàng loạt cơ quan truyền thông quốc tế. Tờ Spiegel số vừa phát hành [i] cũng có riêng một phóng sự về việc này.
Bài báo bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn ông Lào 27 tuổi gầy guộc, đánh độc một chiếc quần đùi, ngồi xổm trên khoảnh hiên bé xíu trước túp nhà sàn dựng bằng phên dậu của mình ở làng Ban Hatxan, nơi anh sống với vợ và cha mẹ. Trước mặt anh là ba con thằn lằn bất động, bữa tối của cả nhà. Toàn bộ tài sản còn lại của gia đình là ba con gà và một con lợn. Anh không dám cho nêu tên thật. Anh đã phải chạy trốn khi tập đoàn HAGL của Việt Nam sang Lào chiếm đất trồng cao su với quy mô lớn. Người Lào ở đây gọi người Việt là những ông “trùm cao su”. Anh kể: Gia đình anh vốn sinh sống bằng mảnh đất trồng thốt nốt. Cách đây ba năm HAGL đem quân khai hoang đến, không báo trước, đốn rừng, đốt sạch mọi thứ, nhà anh cũng bị đốt.
Song trong câu chuyện chiếm đất khai hoang ở Lào, ngoài những ông trùm Việt Nam còn có những ông trùm khác. Khi vô sản toàn thế giới không còn liên hiệp lại nữa thì tư bản toàn cầu làm việc đó rất thành công. “Lào và Việt Nam cách Đức hơn 8000 km. Nhưng tiền và sự trợ giúp để cướp đất ở Đông Nam Á thì HAGL cũng nhận được thông qua Deutsche Bank [ii]“, các tác giả của bài báo khẳng định. Một quỹ đầu tư của DWS, công ti con của Deutsche Bank, trực tiếp tài trợ cho HAGL và một công ti Việt Nam khác thuộc VRG.
Bài báo cũng điểm lại sự nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức mà người Việt thường gọi là “Bầu Đức“, từ thuở ban đầu với một xưởng mộc đóng bàn ghế cho học sinh trên Tây Nguyên đầu những năm chín mươi, qua kinh doanh gỗ và góp phần đáng kể vào việc phá rừng vô độ ở Việt Nam, nhưng chỉ thực sự phất mạnh khi nhảy vào lĩnh vực bất động sản từ cuối những năm 2000. Ông cũng là người Việt đầu tiên sắm máy bay riêng, mua hẳn một câu lạc bộ bóng đá làm của và có tham vọng trở thành tỉ phú đầu tiên của Việt Nam, và Deutsche Bank là một trong những thế lực giúp ông trên con đường đó.
Theo Spiegel, “năm 2008, trước hết Bầu Đức đưa HAGL lên sàn chứng khoán TPHCM. Vụ lên sàn này thắng lợi, tổng vốn hóa thị trường của HAGL nhanh chóng tăng gấp ba. Nhưng ông bầu còn muốn đi xa hơn. HAGL muốn trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết chứng khoán tại London. Deutsche Bank giúp ông. Cuối năm 2010, Deutsche Bank mua cổ phiếu của HAGL và vài tháng sau tạo điều kiện để HAGL lên được sàn London. Cổ phần của Deutsche Bank là cơ sở cho các chứng chỉ lưu kí toàn cầu[iii] để huy động vốn đầu tư cho HAGL.” Nhưng khi ấy kinh doanh bất động sản không còn ở đỉnh cao và HAGL bắt đầu nhắm vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đầu tiên ở Việt Nam, rồi sau khi đã vét sạch ở trong nước thì vươn sang Lào và Campuchia. Bài báo dẫn lời Bầu Đức tuyên bố trên tạp chí Forbes: Tài nguyên là thứ hữu hạn. Tôi phải nhanh chân, nếu không là nó hết.
HAGL làm thế nào để thâu tóm trên 80.000 hécta ở Lào và Campuchia, vượt xa giới hạn hợp pháp theo luật tô nhượng đất của các quốc gia này? Spiegel đưa ra một ví dụ về những cách khuất tất và lắt léo trong đống bùng nhùng của tham nhũng và vô hiệu hóa luật pháp mà báo cáo của Global Witness nhắc đến. Năm 2009, Lào được đăng cai tổ chức SEA Games 25. HAGL nhận tài trợ toàn bộ dự án xây Làng vận động viên với tổng vốn đầu tư là 19 triệu Dollar. Song đó không phải là một cử chỉ từ thiện hào phóng mà là một vụ đổi chác, lấy 10.000 hécta đất để đốn rừng, trồng cao su. Dân Lào ở đây chỉ biết sững sờ khi bỗng nhiên thấy xe ủi của người Việt xông đến. Số thì chạy trốn, không dám đương đầu với những ông chủ mới được chính quyền Lào che chắn. Số còn lại chấp nhận một khoản đền bù rẻ mạt. Người đàn ông bị cướp đất và đốt nhà nêu trên được đền bù 1,5 triệu Kíp tiền đất, tương đương 150 Euro, và 16.000 Kíp tiền nhà, giá một bát mì trong quán.
Ông Đoàn Nguyên Đức khó có thể bảo rằng tờ Spiegel lợi dụng tên tuổi của Hoàng Anh Gia Lai để đánh bóng tên tuổi, như ông đã quy động cơ rẻ tiền ấy cho Global Witness mà theo ông là một tổ chức vô danh. Đối tượng chính của bài báo trên tuần tin quan trọng nhất ở Đức, với số lượng phát hành lớn nhất ở châu Âu này cũng không phải là tập đoàn Việt Nam HAGL mà là tập đoàn Đức Deutsche Bank, thế lực tài chính đã trợ giúp và tham dự vào những hoạt động đầu tư thiếu minh bạch, tàn phá môi trường, bần cùng hóa nông dân, gây bất ổn xã hội, mâu thuẫn sâu sắc với những giá trị về đạo đức và bảo vệ môi trường bền vững mà Deutsche Bank thường quảng cáo. Cũng theo Spiegel, Deutsche Bank tuyên bố là quỹ đầu tư thuộc công ti con DWS của mình chỉ giữ vỏn vẹn 0,6 % cổ phần tại HAGL, và trong trường hợp có chứng cứ xác nhận những cáo buộc nói trên, Deutsche Bank sẽ tiến hành đối thoại với các công ti Việt Nam để cải thiện các điều kiện xã hội và môi trường liên quan.
Có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi, ngoài việc một dân tộc từng lầm than hàng thế kỉ vì chủ nghĩa thực dân và hiện đang đứng trước nguy cơ tự đưa cổ vào tròng thực dân mới rất có thể lại đi đóng chính vai trò thực dân mới. Hiển nhiên HAGL và VRG không đại diện cho dân tộc Việt Nam, nhưng những người nông dân Lào và Campuchia bị mất đất và tước sinh kế chỉ đơn giản thấy đó là Việt Nam, người láng giềng tuy nhược tiểu trên trường quốc tế nhưng tự tin rằng mình hùng mạnh nhất trên bán đảo Đông Dương. Người Việt nói chung, bản thân đầy đau đớn và mặc cảm vì phận dưới của mình, chưa bao giờ tự vấn về thái độ bề trên với hai dân tộc láng giềng phía Tây. Hơn một trăm năm trước, người Pháp đưa cây cao su vào Việt Nam. Bây giờ người Việt đem nó đi khai hóa văn minh ở Campuchia và Lào. Bao giờ thì chúng ta sang châu Phi khai hóa?
Tháng 5 15, 2013
Phạm Thị Hoài 
© 2013 pro&contra

[i] “Der Landraub von Laos” (Cướp đất ở Lào), nhóm tác giả Martin Hesse, Jörg Schmitt, Wieland Wagner, Spiegel số 20/2013, tr. 82-83
[ii] Deutsche Bank (Ngân hàng Đức) là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức, hoạt động toàn cầu với hơn 100.000 nhân viên ở trên 70 quốc gia, có mặt tại Việt Nam từ năm 1997.
[iii] Global Depositary Receipt (GDR)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét