Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Bài viết đáng chú ý

'Bọ' Lập nói không với kiểm duyệt

Nhà văn Nguyễn Quang Lập
Nhà văn Nguyễn Quang Lập từ chối đề nghị gỡ bài của chính quyền

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từ chối yêu cầu bỏ bài "xấu" ra khỏi blog Quê Choa của ông và chuyển sang địa chỉ mới.

Người vẫn được dân mạng quen gọi là 'bọ Lập' thông báo trên Facebook: "Chiều qua bên quản lý tên miền .vn gửi thông báo cho mình, yêu cầu gỡ bỏ một số bài " nhạy cảm' và " xấu".

"Mình trả lời "Nếu quí vị thấy bog của tôi là xấu, ảnh hưởng đến quí vị thì quí vị cho gọi tôi đến thanh lý hợp đồng.

"Quí vị không có quyền yêu cầu tôi bỏ bài này bài nọ, vì làm như thế là vi phạm quyền tự do ngôn luận.

"Sáng nay đã thấy họ tự động loại quechoa.vn ra khỏi sever của họ."
Nhà văn nói ông đã đưa blog quay trở lại địa chỉ cũ và nhắn với các độc giả.

"Nay bà con vào quechoa.info nhé. Nếu bị chặn thì vượt tường lửa bằng link: proxyweb.com.es hoặc German-proxy.de."

BBC theo đường link tới một số bài cũ tại quechoa.vn đều được báo là không thể truy cập.

Các độc giả của BBC nói cho tới chiều 30/5 họ có thể vào địa chỉ mới, quechoa.info, mà không phải trèo tường lửa.
"Thuốc lá nghiện 35 năm thì bỏ được, blog mới nghiện có 7 năm mà bỏ mãi không được"
Nguyễn Quang Lập
Đến cuối ngày 30/05, ông Lập viết trên blog của mình rằng "Làm blog thật mệt, mất thời gian kinh khủng.

"Mỗi ngày mình có 16 tiếng trước máy tính vừa làm việc vừa làm blog, trong đó thời gian dành cho blog là một nửa, có khi tới 2/3 thời gian. Thu nhập của mình sút kém đi trông thấy, lo quá là lo.

"Rất nhiều lần mình tính bỏ, nhưng nghiện mất rồi bỏ không được. Thuốc lá nghiện 35 năm thì bỏ được, blog mới nghiện có 7 năm mà bỏ mãi không được. Tức thế không biết, hu hu".

Một loạt các blog có tiếng của Việt Nam đã bị tấn công trong vài tháng gần đây.

Tấn công blog

Trước quechoa.vn, trang 'Một góc nhìn khác' của ông Trương Duy Nhất tại truongduynhat.vn cũng đã bị khóa sau khi ông Nhất bị bắt để điều tra.

Bộ Công an nói ông Nhất đã có "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự."

Blog Trương Duy Nhất
Trước quechoa.vn, truongduynhat.vn cũng đã bị khóa

Cách đây hơn hai tháng, blog điểm tin Ba Sàm đã bị tấn công và tin tặc đã giả danh những biên tập viên của trang này để đăng bài.

Trao đổi với BBC khi sự việc xảy ra, chủ trang Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói: "Cái việc họ làm bài giả biên tập viên là họ dựa trên thông tin họ lấy được trong hộp thư của chúng tôi.

"Đương nhiên tôi biết là họ có thông tin bên ngoài vì có những cái họ không thể có được qua hôm thư.

"Họ lắp ghép vào, xào xáo đủ thứ và họ đánh lừa được nhiều người."

Việc các blog bị tấn công cho thấy có sự e sợ từ Việt Nam trước sức mạnh ngày càng tăng của các thông tin được lan tỏa qua mạng xã hội.

Nhiều cây viết đã bị bỏ tù, có người với mức án trên 10 năm vì tội danh tuyên truyền chống Nhà nước hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước.
(BBC)
 

Blogger Trịnh Kim Tiến - Im lặng tức là chết!


Trịnh Kim Tiến đặt vấn đề "công an trị" ở Việt Nam

Nói, nói nữa và nói mãi, tất cả sự phản đối dường như vô tác dụng đối với ngành tư pháp và công an Việt Nam trong vấn nạn công an sử dụng bạo lực với người dân.

Tôi, một người con có bố bị công an đánh chết, mọi người, những người quan tâm đến tình hình chung trong xã hội, đất nước, hay thậm chí là những người dân thường ngày đêm lo lao động kiếm sống đều biết được rằng sức mạnh của ngành công an trong xã hội hiện nay lớn đến thế nào. Chế độ này đang dần trở thành chế độ công an trị, họ có thể làm những gì họ thích bởi quyền hạn của họ ngày một nhiều, dường như không có một sự chế tài thực sự nào dành cho họ.

Những bản án bất công liên tiếp, những cách xử lý có tính chất bao che đã chứng minh một điều rằng tội ác của lực lượng công an đã được cả ngành tư pháp, bộ máy pháp luật Việt Nam dung túng. Trong khi đó người dân chỉ cần cự cãi lại công an rất dễ bị ghép cho tội danh chống người thi hành công vụ và phải lĩnh án nhiều tháng, năm tù.

Tôi cứ đếm rồi lại đếm, đăng rồi lại đăng ngày càng nhiều tin tức người dân bị công an bạo hành trên facebook của mình. Một lần đăng là một lần rớt nước mắt, cũng là một lần đau xót khi biết được rằng những chuyện đó vẫn tiếp diễn hằng ngày và đang trở thành những câu chuyện hết sức bình thường trước phản ứng bất lực vì sợ hãi của người dân.

Tôi nên làm gì, chúng ta nên làm gì khi mà sự bất công đến hồi man rợ?
"Tôi cứ đếm rồi lại đếm, đăng rồi lại đăng ngày càng nhiều tin tức người dân bị công an bạo hành trên facebook của mình. Một lần đăng là một lần rớt nước mắt, cũng là một lần đau xót"
Blogger Trịnh Kim Tiến

Khi mà thượng sĩ công nổ súng giết người sau khi đã còng tay nạn nhân chỉ phải lĩnh án 2 năm tù giam. Sự phi nghĩa đang diễn ra một cách công khai và trắng trợn nhất mà chúng ta có thể thấy.

Sự việc xảy ra vào ngày 10/12/2012, ông Bùi Văn Lợi (45 tuổi) đi xem đá gà trên sới gà tại Bắc Giang và sau đó kết quả là ông đã bị tên công an giết người Nguyễn Duy Tùng nổ súng bắn chết sau khi đã bị còng tay.

Sau hơn 6 tháng quên lãng, vụ án được đem ra xét xử và kết thúc là bản án 2 năm tù giam cho kẻ sát nhân. Một lần nữa, bộ mặt của Tòa án Bắc Giang, cũng như cả ngành tư pháp Việt Nam tiếp tục bị những kẻ nắm quyền lực, mang danh thi hành pháp luật phỉ nhổ vào.

'Làm gì ngăn chặn?'

Blogger Trịnh Kim Tiến
Bản thân blogger Trịnh Kim Tiến có bố đẻ là nạn nhân của bạo hành do công an Việt Nam

Tôi nói là một lần nữa bởi đây không phải lần đầu Tòa án Việt Nam kết luận ra được những bản án đáng kinh tởm đến như vậy về những sự vụ công an lạm quyền đánh chết dân. Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn?

Chúng ta không thể làm gì vì chúng ta là dân đen, sẽ có rất nhiều người suy nghĩ như vậy. Và chúng ta sẽ thực sự không thể nào thay đổi được hiện trạng này nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như vậy. Điều chúng ta cần phải làm hiện nay là lên tiếng để bảo vệ quyền lợi và tính mạng của bản thân, cũng như những người xung quanh. Với diễn biến thực tế, tình trạng này sẽ còn diễn ra và diễn ra mạnh.

Ngày hôm nay có thể là gia đình chúng tôi, ngày mai nỗi đau đó có thể rơi vào gia đình các bạn. Có ai muốn điều đó xảy ra với bản thân mình, tôi chưa từng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với gia đình tôi, nhưng khi nó đến, tôi phải học cách chấp nhận và đối mặt. Đừng ngồi im và để sự mất mát đó tìm đến với gia đình mỗi chúng ta trong sự vô cảm của chính mình.

Có vô số những gia đình đã và đang trải qua đau đớn bởi vấn nạn này gây ra. Những vụ án công an giết người rõ ràng nhưng lại bị gắn mác tự tử, tự thương. Và sự im lặng, quên lãng đáng sợ của dư luận khiến nỗi đau chồng chất lên nỗi đau. Chúng ta phải lên tiếng và không chỉ là sự lên tiếng suông được nữa, thật khó để chúng ta còn tin vào những gì họ nói là “vì dân”.
"Ngày hôm nay có thể là gia đình chúng tôi, ngày mai nỗi đau đó có thể rơi vào gia đình các bạn. Có ai muốn điều đó xảy ra với bản thân mình, tôi chưa từng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với gia đình tôi, nhưng khi nó đến, tôi phải học cách chấp nhận và đối mặt"
Blogger Trịnh Kim Tiến

Chúng ta cần phải làm gì đó để phản đối những bản án bất công của ngành tư pháp Việt Nam đối với những nạn nhân bị công an lạm quyền đánh và đánh chết. Chúng ta cần phải nói tiếng nói của mình, chúng ta không cam chịu bất công, và yêu cầu đòi hỏi những quyền chính đáng là tính mạng và nhân phẩm của người dân cần phải được tôn trọng.

Vậy chúng ta có thể làm gì khi chúng ta không có quyền trong tay? Chúng ta có quyền biểu tình phản đối, đó là quyền quy định trong Hiến Pháp.

Khi tôi đề cập đến chuyện biểu tình ở đây không có nghĩa là tôi cổ súy cho việc thể hiện bức xúc bằng hành động gay gắt như la hét, ném đá, sử dụng vũ lực, bạo động...

Ý tưởng biểu tình ở đây là sự liên kết bằng những hành động cụ thể cùng những bước chân đồng hành với chúng tôi bằng sự cảm thông, chia sẻ và tâm tình mong muốn sự đổi thay.

Chúng ta phải có hành động phản đối cụ thể để yêu cầu luật pháp hiện hành trả lại công lý cho người dân.

Chúng tôi cần mọi người đi cùng chúng tôi, ủng hộ chúng tôi trong lúc này.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, blogger Trịnh Kim Tiến, người đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Bài đã được đăng trên Facebook của tác giả.
Blogger Trịnh Kim Tiến
(BBC)

Phúc quyết Hiến pháp chuyện buồn mà cười

Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đơn vị Đồng Nai hôm 27/5 kêu gọi tạm hoãn việc sửa đổi Hiến pháp cho đến khi phục hồi những quyền cơ bản của công dân như quyền trưng cầu dân ý, quyền tự do hội họp và biểu tình, quyền lập hội.

Sửa đổi Hiến Pháp: một trò đùa lãng phí thời gian và tiền bạc
Quốc hội Việt Nam dành trọn ngày 27/5 cho các cuộc thảo luận ở tổ, phát biểu dài 15 phút của đại biểu Dương Trung Quốc được báo chí đưa lên mạng, thể hiện quan điểm là người dân chưa có công cụ để thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp.
Vietnam Net ghi nhận ý kiến của sử gia Dương Trung Quốc khá đầy đủ, vị đại biểu tỏ ra thất vọng qua nhận định “vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định là đã tập hợp tất cả ý kiến nhân dân. Đại biểu Dương Trung Quốc, cũng là một thành viên Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đã ghi nhận một sự thật trần trụi: bản dự thảo lần thứ ba về Hiến pháp thể hiện sự tiếp nhận tinh thần cởi mở, ý kiến đa chiều. Nhưng đến dự thảo cuối cùng tất cả các vấn đề mà ông Quốc gọi là nhạy cảm nhất, được xã hội quan tâm nhất đã trở lại như dự thảo ban đầu. Tuy ông Quốc không nói ra nhưng sự trở lại mức xuất phát bao gồm không bỏ điều 4 Hiến pháp, không ban hành Luật về Đảng Cộng sản, không đổi tên Nước, không bỏ qui định thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đơn vị Đồng Nai
Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đơn vị Đồng Nai
Courtesy Vietnamnet
Trả lời chúng tôi vào tối 29/5, GSTS Nguyễn Thế Hùng hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng nhận định về sự kiện 26 triệu lượt ý kiến và 28.000 cuộc hội nghị hội thảo để góp ý sửa đổi Hiến pháp và cuối cùng là những con số không vĩ đại, đối với những vấn đề mà xã hội mong muốn cải cách nhiều nhất.
“ Đó là một trò đùa lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân của đất nước rất nhiều và tưởng rằng thế giới này người ta không biết. Rất là buồn nhưng phải cười…”
Theo Vietnam Net và Tiền Phong Online, Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh rằng, sửa đổi hay soạn thảo Hiến pháp là cả một cơ hội lịch sử, bởi nó sẽ chi phối hay điều chỉnh xã hội ít nhất trong vài chục năm. Không thể sửa Hiến pháp vì những cái trước mắt mà phải thông qua việc sửa đổi Hiến pháp có giá trị lâu dài.
Đại biểu Dương Trung Quốc tự nhận là ý kiến của ông hơi trái chiều, theo đó có thể cần hoãn việc sửa đổi Hiến pháp, đồng thời sớm hồi phục một số quyền cơ bản của công dân vốn bị treo trong các Hiến pháp từ 1946 cho tới nay. Sau đó có thể sửa đổi Hiến pháp một cách căn cơ. Về những vấn đề đòi hỏi bức xúc của xã hội bây giờ, ông Quốc cho là có thể điều chỉnh  bằng một số văn bản luật.
Độc giả báo mạng VietnamNet có rất nhiều phản hồi để tán dương và ủng hộ quan điểm của Đại biểu Dương Trung Quốc, cũng như mong Quốc hội có thật nhiều những Đại biểu có tinh thần trách nhiệm với nhân dân như sử gia Dương Trung Quốc.
GSTS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng nhận định:
“ Ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc rất đáng ghi nhận…Tôi thấy là có rất nhiều nhà trí thức cũng như người dân, người tâm huyết người ta đều muốn như thế. Ở Việt Nam những quyền căn bản của công dân không được thực hiện, chưa thực sự tự do nên quyền phúc quyết chưa thể hiện từ ngay trong tâm người ta, có thể người ta phải chịu áp lực nào đó thì phúc quyết cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đã gọi là Hiến pháp thuộc về toàn dân thì phải được người dân phúc quyết, không thể nói người dân không phúc quyết mà lại có Hiến pháp của toàn dân, lúc đó chúng ta trở về là một trong những Nhà nước phong kiến.”
Ý kiến nhân dân hay nhân danh nhân dân
Theo lời Đại biểu Dương Trung Quốc được VietnamNet trích thuật, vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết tình trạng mà ông gọi là “treo” Hiến pháp. Theo đó, những quyền để thực hiện quyền phúc quyết của người dân bị treo suốt 68 năm qua, hiến pháp 1946 và các Hiến pháp sau này đều có nói tới nhưng không có luật để thi hành. Đó là ba quyền căn bản, thứ nhất tự do hội họp và biểu tình. Thứ hai là quyền lập hội, người dân phải có cơ hội và diễn đàn thể hiện quyền của mình. Thứ ba là quyền được trưng cầu dân ý, không có những công cụ này thì người dân thể hiện ý nguyện của mình ở diễn đàn nào, định lượng thế nào? Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói đến chuyện ý kiến nhân dân, nhưng toàn là chuyện nhân danh nhân dân mà thôi.
Tiền Phong Online ngày 29/5 trích lời đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đơn vị Hà Nội nói rằng, người dân rất mong muốn được phúc quyết bản Hiến pháp của mình. Vị nữ đại biểu nhấn mạnh, cần sớm xây dựng Luật biểu tình để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. Bà Khánh mong muốn Luật biểu tình được đưa ra trong nhiệm kỳ này và nhấn mạnh, nếu cứ để lại không biết đến bao giờ mới được đưa ra.
VnEconomy ngày 25/5 trích lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói rằng, quyền biểu tình có ở cả 4 bản Hiến pháp từ 1946 đến 1992. Nếu tính từ 1992 đến nay đã hơn 20 năm mà vẫn chưa ra được Luật biểu tình.
Chúng tôi phỏng vấn TS Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Tư pháp về vấn đề người dân không có công cụ để thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp. TS Nguyễn Đình Lộc tỏ ra có óc trào phúng sâu sắc khi ông đẩy trách nhiệm cho Quốc hội.
“Đó là quyền của Quốc hội, ai có thể làm điều ấy được. Biểu tình hay không thì phải có luật chứ…Bởi vì mấy chục năm nay tư duy của mình chưa đạt đến, kỳ này ý kiến nhân dân nhất là qua quá trình soạn thảo thì nhiều đại biểu nhiều người cũng có ý kiến rồi, những chuyện ấy không phải là xa lạ gì. Bây giờ chưa có luật biểu tình thì ra luật biểu tình, không ai cấm ra luật biểu tình, luật trưng cầu dân ý. Tôi nghĩ nếu Quốc hội biểu quyết thì Bộ Chính trị không ngăn cấm chuyện ấy…Quốc hội kỳ này hơi hiền …”
VnEconomy ngày 27/5 trong mục Nhật ký nghị trường đã ghi nhận một câu chuyện, nếu mô phỏng cách diễn tả của GSTS Nguyễn Thế Hùng thì đây cũng là một chuyện buồn mà phải cười. Theo đó, tại phiên thảo luận tổ của đoàn đại biểu TP.HCM tại Quốc hội ngày 27/5, Đại biểu Trần Du Lịch, Tiến sĩ kinh tế đã lên tiếng xin lỗi tập thể đại biểu, do việc ông được chọn làm thành viên ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đã cố gắng thiết kế một số cải cách liên quan đến qui định về chính quyền địa phương và điều 59 về quản lý ngân sách. Nhưng dự thảo Hiến pháp lần mới nhất này đã không đưa một chữ nào cả, nên tác giả tự thấy phải xin lỗi các đại biểu. Cải cách theo đề xuất của đại biểu Trần Du Lịch có thể giúp tách biệt ngân sách quốc gia, ngân sách địa phương để chấm dứt hoàn toàn cơ chế xin-cho như hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn của Gia Minh Đài Á Châu Tự Do, Luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên Phó chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM nhận định rằng, do phạm quá nhiều sai lầm, mất lòng dân, nên tập đoàn cai trị Việt Nam đang sợ mất chế độ mất Đảng. Ông nói:
“ Theo suy nghĩ của tôi thì chúng ta không mong gì có thay đổi ở một Nhà nước toàn trị cả, vì bây giờ chính quyền đang gắn liền với các tập đoàn lợi ích; do đó chúng ta không mong gì có sự thay đổi căn bản cả. Nếu có thay đổi chỉ là râu ria thôi, còn căn bản thì không.”
Nếu như Hiến pháp của một quốc gia là đạo luật mẹ của hệ thống pháp luật, thì những cải cách mà đại biểu TS Trần Du Lịch đề xuất bị loại bỏ hoàn toàn trong dự thảo Hiến pháp, có thể có liên quan tới những chính sách hiện hành. Trong dịp trả lời chúng tôi về vấn đề Việt Nam quá chậm trong cải cách ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định:
“Điều rất quan trọng là việc cải cách thể chế và sửa đổi lại các chính sách mà hiện nay hướng đến tìm kiếm lợi nhuận bằng cách thu hồi đất của nông dân, bằng khai khoáng bằng đốn rừng …v..v…tất cả những chính sách đó hiện nay chưa có sự thay đổi cần thiết.”
Ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc được cho là chuyện hiếm thấy tại Quốc hội Việt Nam, mặc dù trong giới trí thức, tư duy đổi mới dân chủ không còn là điều xa lạ. Các chuyên gia nghiên cứu chính trị cho rằng: trong chế độ một đảng cai trị toàn dân, Đảng Cộng sản đứng trên cả Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, thì cải cách dân chủ dù chỉ trong chừng mực cũng vẫn là quá xa xỉ.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-05-30

Vì sao Pháp ra luật cho gỉảng dạy bằng tiếng Anh ở đại học

Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Pháp Geneviève Fioraso (AFP)
Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Pháp Geneviève Fioraso (AFP)

Các dân biểu Pháp đã biểu quyết hôm 22/05/2013 một đạo luật mở đường tăng thêm môn học bằng tiếng Anh ở đại học. Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Geneviève Fioraso muốn các đại học Pháp thu hút thêm giới sinh viên nước ngoài. Quyết định này gây tranh cãi tại Pháp : nhiều người lo ngại ảnh hưởng của Pháp ngữ bị suy giảm trên trường quốc tế.

Trên thế giới có hơn 220 triệu dân nói tiếng Pháp và dự kiến sẽ lên 750 triệu vào thập niên 2050. Pháp ngữ còn là một trong năm thứ tiếng chính thức sử dụng tại Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng, nước Pháp vừa thông qua một đạo luật mở đường giảng dạy bằng tiếng Anh một số môn học ở đại học và các trường kỹ sư và cao đẳng.

Mục đích công khai của những người chủ xướng giảng dạy và thi cử bằng tiếng Anh lý giải qua hai nhu cầu : Thứ nhất là tạo thêm sức thu hút sinh viên ngoại quốc và thứ hai là bổ túc khả năng Anh ngữ cho sinh viên Pháp.

Đạo luật này được Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Pháp Geneviève Fioraso bảo vệ bằng lập luận vì gặp khó khăn trong Pháp ngữ mà phần đông sinh viên các nước đang phát triển không đến Pháp : « Ấn Độ có trên một tỷ dân mà chỉ có 3000 sinh viên chọn Pháp du học chỉ vì ở đại học Pháp không có đủ các bộ môn giảng bằng tiếng Anh. Chúng ta (Pháp) bị chê cười ».

Còn phía chống đối, gồm toàn bộ dân biểu cánh hữu, và không ít dân biểu đảng Xã hội (40 người) lo ngại ngôn ngữ của Molière sẽ bị mất dần ảnh hưởng trước thế áp đảo của Shakespeare.

Giáo sư Daniel Fasquelle, một dân biểu của đảng UMP đặt câu hỏi mỉa mai : « Chừng nào thì sử dụng tiếng Anh để tranh luận tại diễn đàn Quốc hội Pháp ? » Dân biểu Jacques Myard, cựu đại sứ nhận định : « Không phải vì giải pháp pha trộn này mà Pháp sẽ xâm nhập được thị trường Trung Quốc ».

Cũng trong chiều hướng bất bình này, dân biểu đảng Xã hội Pouria Amirshihi, đại diện cho cử tri Pháp kiều ở Phi châu xem đạo luật này mở ngõ cho Anh ngữ xâm nhập vào đại học, bước đầu của tiến trình mà ông gọi là « Anh ngữ hóa toàn cầu », một sự « sỉ nhục đối với những dân tộc nói tiếng Pháp và người yêu tiếng Pháp ».

Những người phản đối đạo luật đem Anh ngữ vào đại học nhấn mạnh đến hàng loạt « lá chủ bài » của đại học Pháp là trình độ giảng dạy cao, học phí thấp so với đại học Anh, Mỹ, bên cạnh những giá trị văn hóa vẫn làm say mê người dân khắp địa cầu. Cuối cùng, dự luật đã được sửa đổi ở nhiều điều khoản cho hợp lý hơn, chẳng hạn như sinh viên yếu tiếng Pháp sẽ được học thêm tiếng Pháp. Nhập gia tùy tục.

Ý kiến của giới giáo chức, những người nhiều kinh nghiệm đào tạo nhân tài, như thế nào về nhu cầu đem Anh ngữ ra để thu hút sinh viên nước ngoài ? Và đâu là mặt trái của vấn đề ? RFI đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nguyễn Dư, cựu giáo sư trường kỹ sư Centrale tại Lyon. Bằng kinh nghiệm bản thân, ông phân tích hai mặt của vấn đề:

« Năm 1998, trường Centrale Lyon có tổ chức một buổi đón tiếp ông đại sứ Trung Quốc, rầm rộ lắm. Hai, ba hôm sau, tôi được nghiệp đoàn (giáo chức) trong trường cho biết là trong năm đó, trường sẽ nhận một số sinh viên Trung Quốc đến học. Vào năm học (trong lớp) có một vài sinh viên chơi đùa, không học.

Tôi hỏi có theo môn học này được không thì cậu sinh viên này trả lời là « ghét môn học này » vì không đúng mục đích… cuối năm , tôi rất ngạc nhiên vì theo điểm mình cho thì sinh viên đó thuộc loại kém nhưng cuối năm thì điểm vẫn khá.

Sau đó, nghiệp đoàn cho biết tất cả sinh viên năm đó đều do một hãng rất lớn tại Pháp cấp học bổng và thuê trường Centrale đào tạo. Vì trong các hợp đồng ký kết với Trung Quốc có vấn đề chuyển giao kỹ thuật. Trung Quốc đặt điều kiện cho nên các sinh viên Trung Quốc qua bên này trong khuôn khổ ấn định sẵn như vậy.

Cho nên mình không thể nói là dạy bằng tiếng Anh là có thể thu hút sinh viên ngoại quốc. Cái này nó là vấn đề chất lượng và vấn đề tổ chức giáo dục của Pháp chứ không phải chỉ thay đổi một vài môn dạy bằng tiếng Anh. Tại vì, nếu như vậy, các sinh viên (giỏi tiếng Anh) của các nước khác sẽ đi thẳng sang Anh, sang Mỹ, sang Úc hay Canada …chứ tại sao qua Pháp học bằng cấp tiếng Anh ….

Tôi nghĩ rằng nội dung nó rất là chính trị và đằng sau chính trị là vấn đề kinh tế. Những người chủ trương thì nói để thu hút sinh viên một số nước nhưng là người trong nghề, tôi không tin chuyện đó … »
Tú Anh (RFI)
 

Trang blog của Trương Duy Nhất đe dọa chế độ?

Sau khi blogger Trương Duy Nhất bị bắt, ông Lê Hiếu Đằng có trả lời hãng truyền thông BBC Việt ngữ là việc bắt bớ này là một hành động nhằm trấn áp những người yếu bóng vía của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong một bài tường trình của Mặc Lâm, RFA, về vụ việc này các ông Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến có uy tín và Phạm Chí Dũng một nhà báo tự do từng bị bắt vào năm ngóai, lại bán tín bán nghi về việc tranh chấp phe phái đã dẫn đến việc ông Nhất bị bắt, và cái nguyên nhân trực tiếp là việc ông Nhất tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm các vị lãnh đạo chính trị Việt Nam trên trang blog của mình. Trên không gian mạng thì luồng ý kiến đa số là ông Nhất bị rơi vào vòng xóay của cuộc tranh chấp phe phái.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Trương Duy Nhất nói về trang blog của ông như sau,
“Trang của tôi là một trang tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội.”
Ông cũng khẳng định rằng hình thức truyền thông qua mạng Internet hiện đang lấn lướt các lọai báo in. Quả thực Internet đã mang đến nhiều thay đổi về sự lưu chuyển thông tin trong xã hội và nhà cầm quyền không thể che dấu những sai lầm của mình một cách tòan vẹn. Mặt khác các chỉ trích của những ngừơi bất đồng chính kiến cũng nhanh chóng đến được với mọi người, nhất là những người có khả năng tiếp cận Internet.
Trang blog của ông Nhất đã chỉ trích nhiều vị lãnh đạo Việt Nam, chỉ trích nhiều chính sách hay quyết định sai lầm của chính phủ. Nhưng trang blog này không phải là trang blog duy nhất làm việc đó ở Việt Nam. Chắc hẳn mọi người còn nhớ trước đây có một trang blog của bà Hồ Thu Hồng cũng chỉ trích rất nhiều một số người đương chức đương quyền, và có lần ám chỉ cả đến thần tượng của chế độ là ông HCM. Nhưng chủ nhân trang blog này vẫn an tòan cho đến ngày nay. Nhiều trang blog cá nhân khác cũng nổi tiếng như vậy nhưng cũng không có việc gì xảy ra cho đến hôm nay.
Một số blogger đã bị cầm tù như Điếu Cày, Tạ Phong Tần của Câu lạc bộ nhà báo tự do. Nhưng các người viết blog này đã có những họat động thực tế khác bên ngòai không gian mạng như xuống đường phản đối Trung quốc. Và chính những họat động thực tế đó, tập hợp và xuống đường, là điều người cộng sản sợ nhất. Trong bài khảo luận “Làm gì?”, Lenin, ông tổ của cách mạng cộng sản có nói rằng những nhà cách mạng phải hiểu nhiệm vụ của mình là giúp cho người công nhân trở thành những người kích động, những nhà tổ chức và những người tuyên truyền. Đó chính là sự tập hợp đám đông mà người cộng sản đã từng làm và do vậy họ cũng rất sợ đến phiên những người khác sẽ làm như thế để chống lại họ.
Internet có làm được chuyện tập hợp và tổ chức đó hay không? Câu trả lời là có và nó đã xảy ra trong cuộc cách mạng Ả Rập gần đây. Nhưng dường như nó chưa làm được như vậy ở Việt nam, nơi có đại đa số dân chúng không tiếp cận với Internet và bị kiểm sóat cho đến làng xã, khóm ấp bởi hệ thống của đảng cộng sản.
000_APH2001041144009-250.jpg
Một nhân viên văn phòng làm việc trong một công ty nhà nước bên cạnh một màn hình hiển thị trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam. AFP photo

Góc nhìn của Trương Duy Nhất

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, anh Lê Thăng Long người khởi xướng phong trào con đường Việt Nam sau khi ra tù trong một vụ án được nhà cầm quyền gọi là tuyên truyền nhằm lật đổ chính quyền nhân dân cách đây bốn năm, nói với chúng tôi về những tiến bộ trong tự do ngôn luận gần đây như sau,
“Những họat động như đòi sửa điều bốn Hiến Pháp, quân đội chỉ trung thành với nhân dân , sửa đổi luật đất đai, không thể được tha thứ trước đây. Những phản bác lại chỉ dừng ở thông tin đại chúng chứ không có những vụ bắt bớ hàng lọat xảy ra.”
Quả thật là những việc như vậy đã xảy ra và nó diễn ra ở trên mạng. Trong kỳ họp đang diễn ra hiện nay của quốc hội mà đại đa số thành viên là đảng viên đảng cộng sản, những người cầm quyền Việt Nam xem các sự kiện như Kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức, Tập hợp những công dân tự do đòi lập Hiến Pháp mới như nó chưa từng xảy ra. Điều thực sự được đại đa số dân chúng Việt Nam xem và nghe đều được chuyển tải qua hệ thống truyền thông khổng lồ của nhà nước.
Trở lại trường hợp ông Trương Duy Nhất, qua trang blog của Một góc nhìn khác, ông nêu rõ quan điểm của ông là ủng hộ những gì ông Nguyễn Bá Thanh, người đồng hương của ông thực hiện, và đồng thời ủng hộ ông này tiến vào Bộ chính trị, cơ quan quyền lực thực sự cao nhất ở Việt Nam. Sau khi ông Nguyễn Bá Thanh không vào được Bộ chính trị, ông Nhất đã cảm thán rằng, hịên tượng Nguyễn Bá Thanh là một hiện tượng đẹp.
Một nhà quan sát bên ngòai là Tiến sĩ Vũ Tường ở đại học Oregon, Hoa Kỳ có cho rằng ông Nguyễn Bá Thanh được phe của ông Nguyễn Phú Trọng đưa vào Bộ chính trị trong kỳ đại hội trung ương 7 vừa rồi nhưng thất bại. Và sự kiểm sóat của phe đảng đã yếu thế hơn phe của chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm.
Điểm lại những sự việc này, như tác giả Mặc Lâm trong bài viết mới đây, có thể nói rằng Internet làm cho mọi nỗ lực nhằm bít lỗ hổng tin tức về các tranh chấp nội bộ không thành công như xưa nữa. Nhưng ở Việt Nam dường như nó chỉ mới dừng lại ở đó. Việc bàn tán xôn xao về tranh chấp nội bộ này không phải mới, và không chỉ một mình ông Trương Duy Nhất bàn đến trên không gian mạng.
Ông Hà Sĩ Phu nhận xét về ông Trương Duy Nhất trong bài tường trình của tác giả Mặc Lâm như sau,
“Chúng tôi biết ông Nhất người có liên quan chặt chẽ với các họat động chính trị trong nước ông hay tháp tùng các đoàn rất cao cấp để đi ra hải ngọai, ông ấy phải là người có liên hệ với các tổ chức chính trị cấp cao mới có vai trò như vậy.
Đặc điểm thứ hai đặt vấn đề có phải ông ấy là người của một nhóm nào đấy hay không? Gần đây thì anh em cũng thấy một điều lạ là vai trò của ông Trương Duy Nhất lúc thì ủng hộ nhóm này nhưng có lúc lại ủng hộ nhóm khác.
Tiếp cận nhiều vị trí cao cấp trong chính trị, khi ủng hộ nhóm này, khi ủng hộ nhóm khác, dường như đây mới là nguyên nhân chính, chứ không phải việc bắt bớ này để đe dọa những người yếu bóng vía.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-05-30 
v

Song Chi - Sau Trương Duy Nhất sẽ là ai?

Trước khi blogger Trương Duy Nhất bị bắt, ông từng lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài viết, các comment trả lời độc giả hoặc chứng tỏ qua bài viết, thái độ sống rằng blog của Trương Duy Nhất không thuộc về lề trái, Trương Duy Nhất không phải là nhà đấu tranh dân chủ, không cổ xúy cho việc lật đổ chế độ. Rằng Trương Duy Nhất mổ xẻ cái sai cái xấu của hệ thống, của các nhân vật cao cấp trong bộ máy đảng, nhà nước cũng ngang bằng với việc sẵn sàng chửi thẳng những kẻ chống cộng cực đoan và dân chủ giả hiệu. Rằng Trương Duy Nhất không thuộc về bất cứ một tổ chức đảng phái chính trị nào, không tham gia bất cứ hoạt động nào dù chỉ là ký tên, kiến nghị gì đó, rằng những bài viết chỉ là trình bày “một góc nhìn khác” nhằm có ý xây dựng làm cho cái hệ thống chính trị này, xã hội này tốt đẹp hơn v.v…

Nói theo định nghĩa của nhà văn Phạm Thị Hoài thì Trương Duy Nhất thuộc về tầng lớp “đối lập trung thành”.

Và khi khẳng định như vậy, Trương Duy Nhất có lẽ đã nghĩ rằng mình sẽ an toàn, bởi không phạm vào những điều tối kỵ đối với nhà nước cộng sản VN. Đó là: một, đứng trong một tổ chức, bất kể tổ chức đó chỉ là một nhúm người với những phương thức đấu tranh cực kỳ ôn hòa bằng ngòi bút chẳng hạn. Hai, có dính dáng đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại, có trả lời báo đài nước ngoài, viết bài (có nhận tiền) của báo đài bên ngoài. Ba, có tư tưởng muốn thay đổi mô hình thể chế chính trị, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp hay những cái đại loại như vậy.

Nhiều năm nay quả thật blogger Trương Duy Nhất đã an toàn trong cái cõi “Một góc nhìn khác”, một mình một ngựa với lối viết thẳng thừng, sắc bén, từng đụng chạm tới rất nhiều người thuộc cả lề trái lẫn lề phái, thuộc phe này lẫn phe kia trong bộ máy cao cấp của đảng, nhà nước. Lối viết đó khiến một số người không ưa Trương Duy Nhất, thậm chí cho Trương Duy Nhất hoặc là công an, hoặc do công an gài vào, hoặc có ai đó chống lưng nên mới viết mạnh bạo thế.

Cũng có người suy đoán sự an toàn của Trương Duy Nhất chủ yếu nhờ vào mối quan hệ với ông Nguyễn Bá Thanh khi ông Thanh còn làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Khi ông Thanh phải ra Hà Nội, lại rớt không vào được Bộ Chính trị, thì sự an toàn của Trương Duy Nhất cũng không còn nữa và đây là lúc mà những ai trong số 14, 16 vị trong Bộ chính trị từng/đang cảm thấy bị chạm nọc bởi những bài viết của Trương Duy Nhất, sẽ ra tay khóa ngòi bút Trương Duy Nhất lại.

Dù điều đó có đúng hay không thì việc nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt cũng cho thấy một thực tế, đối với nhà nước cộng sản VN thì chẳng cá nhân nào có thể an toàn một khi đã lên tiếng chỉ ra những điều không đẹp của chế độ, và không được thuận tai những người đang cầm quyền.

Là con người, có cái đầu biết phân tích đúng sai, có trái tim biết đau đớn nặng lòng với hiện tình của đất nước, dân tộc, chúng ta sẽ chỉ có thể an toàn nếu hoàn toàn giả câm giả điếc, chỉ cắm đầu đi kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình và đừng quan tâm đến bất cứ gì hết. Còn một khi đã lên tiếng một cách trung thực, dù có là đối lập trung thành hay người bất đồng chính kiến hay nhà hoạt động dân chủ, sớm muộn anh cũng sẽ bị bắt.

Và điều thứ hai, đó là đừng ảo tưởng nghĩ rằng có thể dùng thiện chí vạch ra những cái sai cái dở của nhà cầm quyền để mong họ sửa đổi. Nhìn vào bao nhiêu ví dụ từ trước đến nay mà gần đây nhất là việc góp ý sửa đổi Hiến pháp rồi cuối cùng không sửa gì cả, ngay cả tên nước, đế thấy hy vọng đó là hão huyền.

Bằng tất cả những hành động trước sau như một suốt hơn 6 thập kỷ cầm quyền, nhà nước cộng sản VN đã khẳng định lập trường sẽ bảo thủ đến cùng để giữ lấy chế độ, không thay đổi dù cho khát vọng của nhân dân và sức ép của quốc tế có như thế nào đi nữa, và sẽ tiếp tục đàn áp, bắt bớ, dập tắt mọi tiếng nói trái chiều cho dù ôn hòa nhất.

Nghĩa là nhà nước này thuộc loại không thể đối thoại được. Đừng hy vọng đối thoại, góp ý với họ nữa.

Thay vào đó, tất cả những ai đã, đang và sẽ lên tiếng, hãy chuẩn bị cho mình một ngày nào đó, sớm hay muộn, cũng sẽ tiếp bước nhau đi vào nhà tù nhỏ hoặc bị vô hiệu hóa, cách này cách khác.

Dù sao, có một điều an ủi cho tất cả những ai “sớm hay muộn gì cũng sẽ bị bắt” đó là ngày càng có nhiều người bị bắt thì mọi người càng bớt sợ hãi việc bị bắt, ngày càng có nhiều người chia sẻ, ủng hộ người bị bắt. Khác với trước đây chỉ chừng dăm mười năm thôi, người bị bắt trong những vụ việc có yếu tố chính trị thường vô cùng cô đơn, ngay cả với chính người thân trong gia đình, không ai thông cảm mà còn oán trách vì đã làm cho họ bị liên lụy…

Song, đã đến lúc 90 triệu con dân người Việt cần suy nghĩ thật nghiêm túc trước một thực tế vì sao nhà nước này vẫn có thể tiếp tục bắt bớ, đàn áp, bịt miệng nhân dân, tiếp tục chà đạp lên luật pháp, coi thường dư luận trong và ngoài nước, không những thế, ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn, với những vụ việc phi lý hơn, những bản án dã man hơn?

Câu trả lời mà chắc mỗi người cũng tự thấy, là vì sức ép từ người dân chưa đủ mạnh. Mọi sự phản đối bằng bài viết, bằng những kiến nghị, thư ngỏ…không làm cho nhà nước này trầy xước mảy may. Nên những cá nhân thuộc về thiểu số dũng cảm lên tiếng đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục phải trả giá giữa đám đông vẫn im lặng.

Sau blogger Trương Duy Nhất sẽ là ai và những ai?

Song Chi
(Blog RFA)

Kính gửi ông Cả Trọng và bà Phó Doan: Video kinh hoàng dưới mái trường XHCN


Sự thật việc nữ sinh luôn bị bạn gái “làm nhục”

Gần đây, cộng đồng mạng đang truyền đi với cấp số nhân những clip nữ sinh bị đánh hội đồng, lột áo, bắt quỳ xin lỗi, nhục mạ hay hãm hại một cách phi nhân tính…
Phẫn nộ clip nữ sinh Phú Thọ bị đánh trong nhà vệ sinh
Ngày 28/5, clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau, làm nhục bạn trong nhà vệ sinh trường học đã được đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Theo thông tin ban đầu, clip được cho là quay tại một trường THCS thuộc tỉnh Phú Thọ, nạn nhân học lớp 9.
Clip học sinh đánh nhau như giang hồ
Một nữ sinh mặc áo đồng phục bị một cô gái mặc áo trắng dùng chân đạp thẳng vào người, cô gái còn có những pha lên gối bằng chân và tay khiến nạn nhân bị chảy máu ở miệng và mũi.
Đoạn video clip trên vừa mới xuất hiện trên YouTube ngày 11-5 với tựa đề “Clip học sinh đánh nhau như giang hồ”, dài 2 phút 20 giây, gây xôn xao cộng đồng mạng.
Clip nữ sinh Bắc Giang đánh bạn, lột quần áo tơi bời
Clip ghi lại hình ảnh 5 cô gái, vẻ mặt trông xinh đẹp. Tuy nhiên 3 cô gái đánh đập không thương tiếc 1 cô gái khác. 1 cô còn lại quay phim. Clip ghi lại hình ảnh, 4 cô gái cùng 1 em nhỏ khoảng 8-9 tuổi tên là Lan Anh vừa đến trên 1 chiếc xe máy mang nhãn hiệu Yamaha – Nouvo có biển kiểm soát 98Y1-6898 (đây là biển kiểm soát xe cơ giới của tỉnh Bắc Giang.)
Vụ hai nữ sinh bị làm nhục: Mái tóc các cháu bị cắt nham nhở. (Ảnh internet)
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=8S25L-J5geg
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=iLYrIYsxIss
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=yDzKWvUmvMk
Sự thật vì đâu dẫn đến việc nữ sinh “làm nhục” bạn gái?

Nguyên nhân chính của sự bùng phát các clip nữ sinh bị đánh hội đồng là do sự buông lỏng quản lí truyền thông đối với những trang web teen, blogs… dành cho tuổi mới lớn.
Thêm vào đó sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông đa phương tiện vô hình chung đã cổ súy cho một lối sống lệch lạc và bạo động của một đại bộ phận thanh thiếu niên mà đặc biệt là nữ sinh trong các đô thị lớn – nơi mà giới trẻ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cách hành xử từ cộng đồng mạng như trào lưu “tự sướng”, xăm mình, thú chơi móc khóa hình BCS, … mà nay là tổ chức “xử hội đồng” đề dằn mặt.
Những lí do vây đánh nữ sinh cũng hết sức khôi hài từ chuyện ganh ghét nhau cách ăn mặc, lời nói, thái độ nhưng nhiều nhất vẫn là… do ghen tuông! Có lẽ từ một video clip nữ sinh trung học ở Trung Quốc bị luân phiên đánh đập và lăng mạ do ghen tuông được phát trên trang youtube.com vào đầu tháng tháng 5-2008 đã châm ngòi “nổ” cho những clip nữ sinh đánh nhau ở một số nơi ở nước ta.
Làm gì ngăn nữ sinh bị đánh hội đồng?
Chúng ta không thiếu những nội qui của nhà trường hay qui định của pháp luật để phán xử những cá nhân liên quan trong các clip nói trên.
Nhưng điều khó đối phó hơn thái độ bàng quan thậm chí còn phấn khích của một lượng lớn các thanh thiếu niên hiếu kỳ và dùng điện thoại di động để ghi lại rồi đưa lên mạng làm nhức nhối dư luận, băng hoại đạo đức và thuần phong mỹ tục.
Đáng lên án hơn nữa, khi những cảnh xô xát nữ sinh đã bị các quản trị mạng lợi dụng đặt những lời bình thật “độc” hoặc biên tập thành bí kíp “võ công thượng thừa” từ các đòn hiểm như tụt quần, xé áo, cắt tóc, lột đồ lót … để câu người người đọc đến những trang web đen của họ!
Theo nhiều chuyên gia tâm lý học đường thì những cảnh bạo lực trên phim ảnh, internet, game có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với thanh thiếu niên.
Ở nhiều quốc gia tiên tiến, để hạn chế những tác động của bạo lực trên ti vi, game online, các trang mạng nếu có nội dung bạo lực thì bắt buộc phải hiển thị thông báo có nhắc nhở tắt máy tivi, hoặc trang web nếu người xem là trẻ vị thành niên.
Chính vì thế mà các cơ quan quản lí truyền thông có lẽ phải có quy định cần thiết về hạn chế cảnh bạo lực trên các nội dung đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Về phía nhà trường cần đưa vào nội qui để phổ biến cho học sinh về việc nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi tổ chức đánh hội đồng hay che dấu, cổ súy cho các hành động nói trên.
Cần nhiều hơn nữa những hành động thiết thực của tất cả chúng ta thay vì lo giải quyết những hệ lụy mà các clip nữ sinh bị đánhh hội đồng gần đây đưa lên mạng.
(nguyentandung.org)
 

Quyền Biểu tình của công dân


                                                                Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
                                                      Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.

Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Nhưng đến nay, biểu tình (ngoài sắp đặt của cơ quan Nhà nước) vẫn còn là một chuyện tương đối xa lạ ở Việt Nam, thậm chí như một điều „phạm húy“. Biểu tình bị ngăn cản, dù có diễn ra thì người ta vẫn quanh co, không dám gọi đúng tên. Đa số người dân nhìn nhận quyền biểu tình như một thứ xa xỉ phẩm, không liên quan đến cuộc sống của mình, thậm chí còn nhìn nó như một miếng mồi nhử nguy hiểm: Ừ thì Hiến pháp cho phép đấy, nhưng cứ thử động vào mà xem... Vốn dĩ thuộc phạm trù đối nội, quyền biểu tình được nêu trong Hiến pháp trên thực tế chỉ còn để đối ngoại.
Cản trở đối với quyền biểu tình của công dân không chỉ xuất phát từ ý muốn được „yên ổn“ của những người cầm quyền, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự nhầm lẫn về mặt lô-gíc: Cả hai phía đều coi việc chưa có Luật biểu tình chính là nguyên nhân khiến quyền biểu tình chưa được hay chưa thể thực thi.
Phía người dân tưởng là khi chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên đa số những người muốn bày tỏ chính kiến... vẫn im lặng. Ngay cả những người đã can đảm xuống đường vẫn cảm thấy chưa yên tâm, lo là hành động của mình có gì đó không ổn về mặt pháp luật, nên mới đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình.
Phía chính quyền thì coi các cuộc biểu tình không do họ hoặc các cơ quan Nhà nước tổ chức là bất hợp pháp, là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì chính quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ... Có lẽ cũng do tin rằng chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên một số người muốn trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình, vì nếu có luật thì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa, vẫn còn lại những quyền tự do tối thiểu, và không phải ai cũng muốn chấp nhận những quyền tối thiểu ấy của người dân.
Câu hỏi đặt ra là: Nên hiểu quyền biểu tình và mối quan hệ của nó với Luật biểu tình như thế nào cho đúng?
Quyền biểu tình trong Hiến pháp hiện hành
Cơ sở pháp lý để đánh giá về tính hợp pháp của hoạt động biểu tình là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.  Điều 69 của Hiến pháp hiện hành quy định:
„Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.“
Mệnh đề „theo quy định của pháp luật“ khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Thật ra, từ „pháp luật“ xuất hiện 60 lần trong Hiến pháp 1992, nhiều khi chỉ là một phạm trù chung chung, không ám chỉ một luật cụ thể nào. Phải hiểu „theo quy định của pháp luật“ hay „trong khuôn khổ pháp luật“ là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thì còn thiếu rất nhiều luật, và đến bây giờ vẫn còn thiếu, nhưng mọi tư duy lành mạnh đều hiểu rằng: Không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật.
Hiến pháp 1992 viết công dân có quyền biểu tình „theo quy định của pháp luật“, chứ không đòi hỏi cụ thể là „theo quy định của Luật biểu tình“. Giả sử, nếu Hiến pháp quy định là công dân chỉ có quyền biểu tình theo quy định của Luật biểu tình, thì công dân có quyền chất vấn và phê phán Quốc hội: Tại sao mấy chục năm rồi mà vẫn chưa ban hành Luật biểu tình? Lúc đó nhân dân nhắc nhở và đòi hỏi Quốc hội phải ban hành Luật biểu tình, chứ không phải chỉ đề nghị, kêu gọi, hay xin xỏ, vì:
„Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.“
(Điều 6, Hiến pháp 1992)
„Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ...“
(Điều 53, Hiến pháp 1992)
Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép.
Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với quyền biểu tình
Nếu Quốc hội muốn định hướng hay hạn chế hoạt động biểu tình của công dân trong một khuôn khổ nào đó, thì phải ban hành luật tương ứng. Nếu thấy cần kíp phải có luật để điều tiết hoạt động biểu tình, thì chính Quốc hội và các cơ quan giúp việc phải khẩn trương, chứ dân không phải sốt ruột xin Quốc hội ban hành. Cơ quan quản lý Nhà nước mới phải vội, chứ dân không cần vội. Việc một số công dân đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng điều đó lại góp phần làm cho người dân tiếp tục hiểu sai về quyền cơ bản của công dân, và làm cho những người thuộc cơ quan hành chính Nhà nước thêm ngộ nhận về quyền hạn của họ.
Nếu Chính phủ muốn quản lý hoạt động biểu tình của công dân theo một hướng nào đó thì Chính phủ phải soạn thảo và trình dự án luật (Điều 87, Hiến pháp 1992), để Quốc hội xem xét và ban hành luật, chứ Chính phủ không thể tự tiện đưa ra những quy định hay triển khai những hành động can thiệp trái với Hiến pháp. Hiến pháp 1992 đã quy định rõ:
„Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp“
(Điều 83, Hiến pháp 1992)
và Chính phủ là „cơ quan chấp hành của Quốc hội“ (Điều 109, Hiến pháp 1992).  Điều 115 của Hiến pháp 1992 cho phép
„Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị“
nhưng phải
„Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.“
Trong tất cả 11 khoản của Điều 112, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính chủ, và cả 6 khoản của Điều 114, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính chủ, Hiến pháp 1992 không có bất cứ khoản nào cho phép Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế hay can thiệp vào quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo.
GS. TSKH Viện sĩ Hoàng Xuân Phú
Trong Luật Tổ chức Chính phủ do Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, Điều 8, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, được viết lại gần như nguyên văn Điều 112 của Hiến pháp 1992. Điều 20, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, là cụ thể hóa Điều 114 của Hiến pháp 1992. Quyền tự do của công dân được nhắc 3 lần trong Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó chỉ khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền của công dân và tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền của mình, cụ thể là:
„Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...“
(Điều 8, Khoản 5)
„Quyết định những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...“
(Điều 18, Khoản 3)
„Thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân...“
(Điều 13, Khoản 4)
Nghĩa là: Luật Tổ chức Chính phủ cũng không cho phép Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo. Tất nhiên là phải như vậy, vì Luật Tổ chức Chính phủ không thể có những quy định trái với Hiến pháp.
Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP, do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18/3/2005, quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng, không đề cập đến khái niệm „biểu tình“ được nêu trong Hiến pháp 1992. Ngược lại, khái niệm „tập trung đông người“ được đề cập (21 lần) trong Nghị định số 38/2005/NĐ-CP không xuất hiện trong Hiến pháp 1992. Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về thuật ngữ „tập trung đông người“, không hề quy ước là „biểu tình“ thuộc phạm trù „tập trung đông người“. Tất nhiên, không thể tùy ý dùng thuật ngữ „tập trung đông người“ để chỉ hoạt động „biểu tình“ (cũng giống như không thể dùng thuật ngữ „tập trung 500 người“ để chỉ phiên họp Quốc hội), vì nếu như thế thì vừa thiếu tôn trọng công dân (hay thiếu tôn trọng Quốc hội), vừa thiếu tôn trọng Hiến pháp, bởi không được tùy tiện thay đổi thuật ngữ pháp lý cơ bản được sử dụng trong Hiến pháp và được dùng phổ biến trong thông lệ pháp lý trên toàn thế giới. Vì vậy, nếu hợp hiến, thì Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không chi phối quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp đảm bảo.
Điều 50 của Hiến pháp 1992 khẳng định:
„Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.“
Khi thực hiện các quyền con người (trong đó có quyền biểu tình), công dân chỉ phải tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Khi chưa có luật tương ứng thì công dân không phải chấp hành văn bản pháp quy nào khác ngoài Hiến pháp, bởi công dân chỉ phải „sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Quyền biểu tình của công dân không phải chịu chi phối bởi các quy định nào đó, cho dù chúng có thể được đưa vào luật trong tương lai, lại càng không thể bị cản trở bởi các quy định tùy tiện của các cấp chính quyền, của bộ máy công an, của tổ dân phố, hay của một cấp trên chung chung nào đó. Cho dù là ai, to nhỏ ra sao, nhân danh tổ chức nào, thì họ cũng đều là công dân Việt Nam và cũng không nằm ngoài phạm vi chi phối của nguyên tắc:
„Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.“
(Điều 52, Hiến pháp 1992)
Không phải bất cứ một quy định phi lý nào được đưa vào luật cũng là thiêng liêng, bất di – bất dịch. Nếu có Luật biểu tình thì nó không thể chứa đựng những quy định trái với Hiến pháp. Nhân dân có quyền kiến nghị và Quốc hội có trách nhiệm hủy bỏ bất cứ quy định pháp luật nào trái với Hiến pháp, vì:
„Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.“
(Điều 146, Hiến pháp 1992)
Biểu tình – Quyền hiến định có hiệu lực cùng Hiến pháp hiện hành
Đã đến lúc dân ta (cả dân thường và cả những người đang thuộc bộ máy quản lý Nhà nước) phải chia tay với lối tư duy sai lầm là „trên“ cho làm gì thì „dưới“ mới được làm cái ấy, vì đấy là kiểu quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, hoàn toàn trái với bản năng sống chủ động của mọi loài động vật tự do, trong đó có con người. Dù có muốn, dù có cố, thì cũng không bao giờ quy định được hết mọi chuyện trên đời. Hơn nữa, càng có nhiều quy định thì càng có nhiều điều bất hợp lý và càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các quy định. Chính vì vậy, người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm và không vi phạm những chuẩn mực đạo đức thông thường đã được xã hội thừa nhận. Nhà nước có thể thông qua việc ban hành luật để hạn chế những mặt tiêu cực, nhưng sẽ không bao giờ khống chế được hoàn toàn. Không thể tiếp tục luận tội theo kiểu „lợi dụng sơ hở của pháp luật...“ Lập luận ấy không chỉ sai với thông lệ quốc tế, mà còn hài hước ở chỗ: Sao không trách phạt những người ăn lương của dân rồi làm ra luật... sơ hở, mà lại chỉ kết tội người dân áp dụng đúng luật sơ hở?
Căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản pháp lý liên quan, với tư duy lô-gíc, chỉ có thể rút ra kết luận rằng: Quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp hiện hành đảm bảo và có hiệu lực cùng lúc với Hiến pháp. Cho đến nay, chưa có luật  hay văn bản pháp lý hợp hiến nào hạn chế quyền biểu tình của công dân. Vì vậy, công dân hoàn toàn có quyền tự do biểu tình, theo đúng tinh thần của Hiến pháp, không phải đợi đến lúc có Luật biểu tình hay một văn bản tương tự.
Biểu tình là biện pháp hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và giải tỏa ức chế. Biểu tình cũng là một hình thức hợp lý để công dân bày tỏ chính kiến, góp phần xây dựng Nhà nước và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là phải tôn trọng và bảo vệ công dân thực hiện quyền biểu tình, phải triệt để tuân theo Điều 12 của Hiến pháp 1992:
„Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.“
Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và trình độ hiểu biết pháp luật. Nó cũng thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, mức tự tin vào sự trong sạch và chính nghĩa của bản thân. Một chính quyền vì dân, chỉ làm chuyện đúng, chắc chắn sẽ được đa số nhân dân tin yêu và bảo vệ, không việc gì phải sợ biểu tình. Nếu đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc, làm những chuyện sai trái, thì không bạo lực nào có thể che chở vĩnh viễn.
Nếu thực sự cầu thị và muốn làm tròn bổn phận, lãnh đạo phải biết tận dụng hoạt động biểu tình như một chiếc cầu nối với nhân dân, làm nguồn cung cấp thông tin thực tế từ cơ sở, vốn dĩ hay bị bưng bít bởi bộ máy quản lý cấp dưới. Biểu tình là một phương tiện đắc lực để khắc phục tệ quan liêu – căn bệnh cố hữu của bộ máy chính quyền.
Chẳng có lý do chính đáng nào có thể biện hộ cho việc xâm phạm quyền biểu tình của công dân. Không thể cấm dân lên tiếng nhằm che dấu sự yếu kém. Không thể mượn cớ ổn định mà cản trở sự phát triển. Không được nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng.
Xương máu của hàng triệu người Việt đã đổ xuống vì độc lập và tự do. Độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với tự do của nhân dân. Nếu dân không có tự do thì chính quyền mang quốc tịch nào cũng vậy. Do đó, muốn bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, thì phải tôn trọng các quyền tự do của nhân dân, trong đó có quyền biểu tình. Không thể khác!
Phụ lục (Dành riêng cho những người kiên định...)
Nếu quý vị nào vẫn cảm thấy chưa đủ thuyết phục và vẫn kiên định lập trường cho rằng công dân phải đợi đến khi có Luật biểu tình mới được biểu tình, thì xin dành riêng đoạn tiếp theo để quý vị suy ngẫm.
Hiến pháp 1992 có năm lần nhắc đến từ „Đảng“, trong đó có ba lần ở „Lời nói đầu“, hai lần đề cập đến lịch sử và công lao của Đảng CSVN, lần thứ ba trong câu:
„Hiến pháp này... thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.“
Hai lần còn lại là ở Điều 4, nguyên văn như sau:
„Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.“
Như vậy, mặc dù Hiến pháp 1992 khẳng định „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“, nhưng trong toàn bộ văn bản Hiến pháp không có quy định cụ thể nào về khuôn khổ mà Đảng CSVN được phép hoạt động, và cho đến nay vẫn chưa có „Luật về Đảng“ (hay tương tự) để quy định về quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi và hình thức hoạt động của Đảng, cũng như hình thức xử lý khi tổ chức Đảng vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Rõ ràng, xét về lô-gíc, tính hợp pháp của việc „Công dân... biểu tình theo quy định của pháp luật“ khi chưa có Luật biểu tình không hề yếu hơn so với tính hợp pháp của việc „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“ khi chưa có „Luật về Đảng“. Vậy thì quý vị có cho là Đảng CSVN phải... đợi đến khi có „Luật về Đảng“ hay không?
Nếu ý vừa rồi vẫn chưa đủ, thì xin quý vị lưu ý thêm: Hiến pháp 1992 không đề cập đến chuyện ăn, chuyện ngủ... Việt Nam cũng không có luật về ăn, ngủ... Vậy mà hàng ngày 90 triệu người Việt vẫn ăn, vẫn ngủ..., dù biết là phải „sống... theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992).  Phải chăng, quý vị cũng coi đấy là hành vi cố tình vi phạm kỷ cương, coi thường phép nước? Vấn đề này có vẻ còn nghiêm trọng hơn cả chuyện biểu tình, vì quyền biểu tình của công dân còn được Hiến pháp ghi nhận đích danh. Vậy thì quý vị có định đòi hỏi mọi người cũng phải nhịn ăn, nhịn ngủ... cho đến khi có luật và được luật cho phép, giống như phải nhịn biểu tình hay không?
9/8/2011
GS. TSKH Viện sĩ Hoàng Xuân Phú
Viện Toán học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg
Viện sỹ thông  tấn Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria
(Blog NXD)

ABC Chính trị


Người ta dùng tiền thuế của bạn làm chính trị
Người ta giả danh bạn, tự ủy quyền làm chính trị
Người ta tự sắp xếp mọi ghế
Người ta tự vẽ ra các loại luật
Người ta bắt bạn, con cái, cháu chắt của bạn tuân theo, cúi đầu
Người ta cựa quậy thoải mái
Nhưng cấm bạn quậy cựa
Người ta bắc loa khắp nơi
Nhưng cấm bạn mở mồm
Người ta và con cháu người ta có đủ loại quyền
Còn bạn và con cháu bạn thì bị hạn chế
Người ta bốc tiền, chia tiền từ công quỹ
Tự động ăn chia từ bán tài nguyên
Khai thác tài nguyên, khoáng sản
Người ta tự ý rút tiền từ vay tài trợ ký nhân danh bạn
Và chén
Nhưng bạn chỉ được đứng ngoài
Người ta chiếm hết của cải, tài sản của đất nước trong tay
Nhân danh ông trời
Nhân danh và cười nhạo vào bạn
Đất đai tài sản ông bà tổ tiên để lại
Họ cho bạn tấm giấy lộn
Nói rằng bạn chỉ được dùng nó có thời hạn
Mà không có quyền làm chủ chi hết
Bạn có quyền sở hữu cái dạ dày của bạn không?
Bạn có quyền sơ hữu cái cần câu cơm của bạn không?
Dù bạn có tiền mua chúng đi nữa
Không, bạn chỉ được thuê nó có thời hạn
Và có quyền phải nộp đủ thứ thuế, lệ phí,
Kể cả quyền buộc phải a dua vào phạm luật, đút lót, chạy chọt giấy tờ
Và khi họ muốn lấy đất đai thậm chí tài sản khác của bạn,
Họ chỉ cần hô biến
Họ cũng vẽ ra đủ màu giấy tờ
Và bắt bạn mua các chứng chỉ đó
Họ cho bạn chạy đèn cù
Họ luôn thắng
Bạn luôn thua
Bạn đòi lại các quyền của bạn
Từ quyền sống tới quyền tự do ư?
Quyền sở hữu, tư hữu ư?
Coi chừng, chỉ nghĩ trong đầu, cửa nhà tù đã mở
Thậm chí là nắp săng quan tài đã hé
Họ dùng tiền của bạn
Mua súng ống, đạn dược
Sắm dùi cui, dao kiếm,
Dựng xà lim, lập phòng tra xét
Căng lưới kẽm gai và tường đá nhà tù
Cả thuê những đao phủ, chỉ điểm và lính kín
Dựng cả những quan tòa đểu, những thẩm phán được điều khiển
Tất cả là từ tiền của bạn và con cháu bạn
Để chơi chính bạn
Cho bạn đo ván
Không ngóc đầu lên
Và họ bảo bạn đừng nên quan tâm tới CHÍNH TRỊ
Họ làm cho bạn tin rắng không quan tâm cái đó là thời thượng
Là hành vi hợp lý
Cứ cúi đầu mà làm, mà ăn
Thế là khôn
Thành đổ vua xây,
Việc gì gái góa lo ngày lo đêm?
Và họ còn thành công, chừng nào còn làm cho bạn sợ
Và tin rằng im lặng, bị động thông đồng, a tòng là hợp lý
Nhưng bạn có biết con trâu không?
Bạn có biết con ngựa không?
Có bao giờ bạn thấy mình giống chúng không?
Giống ư, không giống ư, giống nhiều ư, giống ít ư, không bình luận gì ư?
Đó là quyền và nhận thức tùy bạn
Nhưng đấy
Chính đấy
Là thứ chính trị
Mả họ muốn bạn vờ như không biết
Như không thấy chính bạn tồn tại trên đời

Ngô Quốc Phương
27.5.2013

Mùa của những ngọn gió trăm miền, tặng các bạn tôi
(FB Ngô Quốc Phương) 

Hiến pháp sửa mà không chữa là phá

Quốc hội Việt Nam khóa XIII sẽ để lại vết nhơ trong lịch sử nếu Hiến pháp mới không theo ý dân mà theo lệnh đảng vì “sửa mà không chữa là phá chứ không xây” gì cả.

Những lý do sau đây đã dẫn đến kết luận bi quan như thế:

Thứ nhất, cuộc lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 lần thứ nhất từ 2/1 đến 31/3/2013 đã chứng minh mất tiền toi vì đã tổ chức vội vã, hình thức và phần lớn người dân không có thời giờ đọc và nghiên cứu để hiểu về tầm quan trọng của văn kiện. Cũng không có ai giải thích cho dân biết sự góp ý của họ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bản thân, của con cháu họ và của đất nước sẽ ra sao. Vì vậy, hầu hết người dân lao động và nông dân, chiếm đa số trong 90 triệu dân, đã nhắm mắt ký cho xong để không bị phiền toái.

Thứ hai, kết quả có “hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”, như Nhà nước khoe đã diễn ra “khẩn trương, đồng bộ, dân chủ” và “đã thu hút sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân”, hay việc “hoàn thiện Dự thảo còn nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân” là không đúng, nhiều phần “phóng đại tô mầu”.

Bởi vì nhân dân không được phép “từ chối” tham gia ý kiến với Dự thảo mà chỉ được phép chọn: 1) Ý kiến chung về Dự thảo. 2) Ý kiến tham gia cụ thể vào các Chương, Điều, Khoản, Điểm của Dự thảo Hiến Pháp. 3) Các ý kiến khác.

Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc đã báo cáo với Quốc hội hôm 20/5 (2013) rằng: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan; một số nơi in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt.”

Điều 4 – Trưng cầu ý dân?

Thứ ba, ý dân, nhất là những đóng góp không phù hợp với chủ trương của đảng, đặc biệt với những quan điểm muốn xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, không hề được công khai thảo luận dân chủ hay giải thích tại sao đảng đã bác mà chỉ thấy nhà nước độc đoán lên án đó là những “ý kiến sai lệch với đường lối lãnh đạo của đảng”, hay coi là “có động cơ chính trị” và tư tưởng “phá hoại”.

Ngay cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã rúng động trước làn sóng người dân không đồng tình với đảng trong nội dung sửa đổi Hiến pháp. Ông đã lên án những ai đề nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho đó là những ý kiến “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn”

Thứ bốn, sự dao động trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng khi Điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi bị tấn công đã thu hút phần lớn cuộc tranh luận giữa người dân muốn nước Việt Nam có một chính quyền dân chủ do dân bầu lên và số Cán bộ đảng viên có nhiệm vụ chống đa nguyên đa đảng.

Điều 4 cho phép đảng đương nhiên tiếp tục được độc quyền: “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” mà không qua lá phiếu tín nhiệm của người dân đã được phe giáo điều và bảo thủ trong đảng, tiêu biểu như Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận Trung Ương cho rằng “Việc hiến định điều 4 được cho là phù hợp ý chí nguyện vọng, khát vọng của nhân dân” (VNNET, 08/03/2013).

Không cần phải có cuộc thăm dò trong xã hội vì ai cũng biết ông Bảo đã nói lên quan điểm “tự biên tự chế” vô căn cứ trong đời sống thực tế ở Việt Nam.

Lý do đơn giản vì ông Bảo và Lãnh đạo đảng không thể chứng minh được “quyền cai trị tự phong” của đảng là “phù hợp ý chí nguyện vọng” hay đó là “khát vọng” của dân vì dân chưa bao giờ được ai hỏi ý.

Đảng cũng đã nói có quyền lãnh đạo là “tất yếu của lịch sử” và nhiều cán bộ “tư tưởng Cộng sản” của đảng, tiêu biểu như Đại tá Đào Văn Đệ còn sợ hãi viết rằng: “Sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng như trong Điều 4 của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để chống lại sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của đảng, chia rẽ đảng với nhân dân, kích động nhân dân chống lại đảng hòng mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng, thay đổi chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” (báo Quân đội Nhân dân, 28/01/2013)

Nhưng nếu ông Bảo, ông Đệ và đảng CSVN không sợ bị mãi mãi mang tiếng đã áp đặt quyền thống trị bằng võ lực lên nhân dân thì hãy hối thúc Quốc hội làm Luật Trưng cầu ý dân để tổ chức lấy ý kiến xem dân có muốn đảng tiếp tục cầm quyền không ?

Ngày 27/5 (2013), tại phiên họp tại tổ ở Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp, Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (đơn vị Thái Nguyên) đã có gợi ý đưa điều 4 ra trưng cầu ý dân.

Ông nói: “Tiếp xúc cử tri nhiều nơi, từ các cán bộ lão thành cho đến sinh viên, nhiều ý kiến đề nghị QH nghiên cứu đưa điều 4 ra trưng cầu ý dân”.

“Phân tích của cử tri rất nên lắng nghe: Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào đảng và chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Khi ta đã lấy ý kiến dân rồi, những xu hướng, tư tưởng khác, chưa nói đến các thế lực thù địch, sẽ không còn lý gì để tranh luận nên hay không nên quy định điều này trong Hiến pháp, vì tối cao là người dân đã quyết định, không phải tranh luận nhiều”. (báo ViệtnamNet,28/05/2013)

Đây là lần đầu tiên đã có một Đại biểu Quốc hội đưa ý kiến đưa vai trò lãnh đạo của đảng ra thử nghiệm trước dân, nhưng vì Việt Nam chưa có Luật tổ chức Trưng cầu ý dân nên ý kiến của Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chưa thể thực hiện được.

Cố tình trì hoãn ra luật

Thứ năm, chuyện Luật Trưng cầu ý dân chưa có hay đảng “chưa muốn có” cũng không khác nhau mấy vì, như các quyền biểu tình, lập hội, hội họp đã có trong 4 bản Hiến pháp nhưng đảng cố tìm mọi cách không ủng hộ việc ra luật nhằm triệt tiêu các quyền này của dân. Ngay trong trường hợp dân biểu tình chống Trung Cộng xâm chiếm biển đảo của Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 ở Sài Gòn và Hà Nội cũng đã bị ngăn cấm, đàn áp dã man với lý do gây mất ổn định, hay lấy cớ bị “kẻ xấu” lợi dụng chống đảng, chống nhà nước.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội trong năm 2013 và hai năm sau 2014 và 2015 thì sẽ không có thời khóa biểu dành cho các luật biểu tình, lập hội, hội họp và trưng cầu ý dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người thuộc phe “cực kỳ bảo thủ” trong đảng, đứng đầu đã không mặn mà với các luật này vì chúng thuộc diện được gọi là “nhạy cảm”. Ông Hùng và một số người khác, kể cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã muốn kéo dài thời gian với lý do “cần nghiên cứu thêm”.

Ngay đến các quyền “tự do ngôn luận” và “tự do báo chí” cũng đã được ghi trong tất cả các bản Hiến pháp, kể cả Hiến pháp sửa đổi ở Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69) “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin….” Nhưng nhà nước vẫn tự tiện không cho ra báo tư nhân, cấm lập nhà xuất bản tư nhân và tìm mọi cách kiểm soát, hù họa, khủng bố, bắt giam và bỏ tù tùy tiện những Nhà báo tự do, hay “truyền thông xã hội” (Bloggers)

Thứ sáu, Hiến pháp mới không từ bỏ việc áp đặt chủ nghĩa phá sản Mác-Lenin vào bộ Luật cao nhất của nhà nước Việt Nam và đã “hiến pháp hóa” Cương lĩnh của đảng (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - (bổ sung, phát triển năm 2011) là vi phạm trắng trợn vào quyền làm chủ đất nước của dân vì đảng không phải là của toàn thể 90 triệu dân mà chỉ thay mặt cho trên 3 triệu đảng viên mà thôi. Do đó khi Quốc hội đồng ý biến nội dung Cương lĩnh thành nội dung của Hiến pháp là đã hạ thấy giá trị của Hiến pháp khi để cho Hiến pháp lệ thuộc vào Cương lĩnh đảng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp, ông Phan Trung Lý đã chứng minh sự lạm dụng này trong báo cáo với Quốc hội (ngày 20/5/2013): “Ủy ban Dự thảo nhận định, đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chính sách, chủ trương lớn của mình. Cách thức lãnh đạo thể hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, thời kỳ.”

Quyền làm chủ - Kinh tế lâm nguy

Thứ bẩy, Ủy ban soạn thảo vẫn cương quyết duy trì chủ trương phản dân chủ được gọi là “đất đai thuộc về toàn dân” nhưng quyền sở hữu lại do Nhà nước thay mặt dân làm chủ quản. Nói cách khác, dân chỉ làm chủ trên giấy tờ trong khi quyền sử dụng đất và chia đất, lấy lại đất vẫn cho Nhà nước quyết định.

Mặc dù việc bồi thường khi đất do dân sử dụng bị trưng thu, vì lý do an ninh-quốc phòng hay kinh tế, sẽ được thi hành theo pháp luật, nhưng Hiến pháp không thừa nhận “quyền tư hữu” của dân, mặc dù dân là chủ nhân lâu đời trên đất của gia đình đã có công khai phá để lại.

Sự bất công này là một bằng chứng khác của đảng Cộng sản qua chủ trương bóc lột sức lao động của dân để phục vụ cho quyền lợi của đảng.

Thứ tám, nền kinh tế Việt Nam, theo đa số khuynh hướng tại Quốc hội vẫn không dám đi ngược lại với Cương lĩnh đảng để khẳng định tiếp tục là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng thực tế chủ trương này đang khiến cho tình hình kinh tế lâm nguy trong năm 2013.

Nhiều Đại biểu Quốc hội chê trách báo cáo về tình hình kinh tế của Chính phủ của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 20/5 (2013) “bình yên” quá và không phản ảnh đúng tình trạng khó khăn của người dân.

Điều này đã được phản ảnh trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 27-5-2013: “Hiện nay mọi người đều thừa nhận dấu hiệu suy giảm nền kinh tế đã rất rõ ràng. Ngoài việc GDP (Gross Domestic Product, Mức Tăng trưởng Nội địa) đạt thấp so với các năm trước, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cũng chưa được chặn đứng. Tại khu vực nông thôn thì nông dân chịu thiệt hại kép do giá lương thực, thực phẩm ngày càng rẻ, khó tiêu thụ nhưng các khoản chi phí cứ tăng: đầu vào sản xuất, các dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu... Tình thế đang đặt ra vấn đề nóng bỏng: Những giải pháp gỡ khó nền kinh tế thời gian qua đã đủ liều lượng chưa và phải làm gì để thực sự vực dậy sản xuất kinh doanh, niềm tin thị trường?

Người dân dõi theo diễn đàn Quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến đáng chú ý: ĐB Trần Du Lịch đề nghị không nên quá câu thúc tới các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể mà phải vực dậy nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, bằng việc xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế trong 3 năm 2013 - 2015.” (LÊ TIỀN TUYẾN/báo Sài Gòn Giải Phóng)

Bằng chứng “báo cáo sai sự thật” của nhà nước Việt Nam còn được World Bank và Tổ chức tiền tệ Quốc tế (IMF) vạch ra trong báo cáo mới đây của họ: “Nợ công được xác định là tổng khoản vay mượn và trái phiếu phát hành hoặc được bảo lãnh phát hành bởi chính quyền Trung ương, địa phương và cả doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó, cách định nghĩa nợ công của Việt Nam lại chỉ tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước bảo lãnh mà "gạt" đi nhiều khoản nợ rất lớn của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn.”

“Do đó”, báo cáo viết tiếp, “nếu tính thêm cả khoản nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng thì nợ công Việt Nam lên xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP được các tổ chức quốc tế khuyến cáo. Như vậy, tổng sản phẩm quốc nội được làm ra của đất nước là 100 đồng nhưng người dân cũng đang "cõng" 95 đồng vay nợ.” (Báo VNEXPRESS, 27-05-2013)

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: “Tính đến hết tháng 4/2013, số doanh nghiệp đóng cửa bình quân theo quý lớn hơn cả hai năm trước. Chứng tỏ các doanh nghiệp hiện nay đã kiệt sức. Ngân hàng là một tuyến của doanh nghiệp mà doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng gặp khó khăn, vì có tiền mà không cho vay được thanh khoản tồn nhiều cũng không được. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là việc đoán định tình hình để có giải pháp và có những giải pháp tốt là rất yếu. Đều này cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp phải.” (Đài Phát thanh Quốc gia, 29/5/2013)

Như vậy, nếu một bản Hiến pháp chỉ phản ảnh những điều giả dối, sai trái và không hợp lòng dân thì trách nhiệm không những chỉ thuộc về đảng mà còn nằm gọn trong tay của 500 Đại biểu Quốc hội của Khóa XIII.

Nhìn qua lối làm việc theo “đơn đặt hàng” của đảng trong việc thảo luận Hiến pháp sửa đổi 1992, ai cũng thấy Đại biểu Quốc hội đã mất hết tính đại diện dân để bảo đảm họ là những đảng viên nô lệ trung thành của đảng cầm quyền.

Điều này cho thấy các Đại biểu Quốc hội chỉ còn là những cái xác không hồn đang sống vật vờ trên sự đau khổ của người dân, những người đã cho họ chức và quyền, ít nhất là 5 năm của một nhiệm kỳ.

Khác với Quốc hội ở các nước dân chủ, chưa bao giờ thấy có các Luật được thông qua ở Quốc hội Việt Nam đã do một Đại biểu hay nhóm Đại biểu là Tác giả đưa ra mà toàn do đảng hay Nhà nước chuyển qua cho Quốc hội biểu quyết.

Quyền lập pháp, do đó, bị coi như rất xa lạ đối với các Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Có thể vì sợ bị quy kết đi ngược lại chủ trương của đảng, nhưng cũng có thể họ đã quen với thủ tục làm luật là “chỉ cần nghe và làm theo lệnh đảng” là an toàn nhất để bảo vệ vững chắc chiếc ghế trong Quốc hội.

Nhưng đối với việc thảo luận Hiến pháp sửa đổi 1992 thì việc giữ im lặng hay chỉ biết ngậm miệng biểu quyết theo lệnh, đi ngược lại nguyện vọng của cử tri, thì không những chỉ phản bội sự tín nhiệm của những người đã bầu mình vào Quốc hội mà thật ra là đã tiếp tay phá Hiến pháp để cho đảng tiếp tục thao túng, lộng quyền để làm khổ dân và nhục cho nước. -/-

(05/013)
Phạm Trần
(DLB)

Sẽ có “tranh luận nảy lửa” trong hội đồng Tiền lương quốc gia

Ông Phạm Minh Huân,
thứ trưởng Bộ Lao động
– thương binh và xã hội.
Dự kiến tháng 7 tới, hội đồng Tiền lương quốc gia do Chính phủ thành lập sẽ ra mắt và đi vào hoạt động. Đây là lần đầu tiên một hội đồng tiền lương được thành lập với sự tham gia của ba bên: đại diện người lao động, đại diện giới chủ và đại diện chính phủ là bộ Lao động – thương binh và xã hội nhằm thảo luận và đưa ra những quyết sách về tiền lương.
“Hội đồng sẽ hoạt động theo cơ chế đàm phán, có thể có những cuộc tranh luận nảy lửa...” ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội, người chấp bút cho dự thảo nghị định quy định về hội đồng Tiền lương quốc gia để trình Chính phủ, cho biết như vậy. Ông giải thích thêm:
Các thành viên trong hội đồng sẽ tổ chức lấy ý kiến hội viên của mình trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích của giới mình để đàm phán. Đàm phán tới khi chốt được một phương án trên cơ sở thoả thuận được về lợi ích chung thì trình Chính phủ. Lúc đó thì không còn chuyện bên này hay bên kia chạy tắt lên Văn phòng Chính phủ nữa.
Việc quyết định mức tăng lương ở nước ta không hoàn toàn do thị trường mà còn phụ thuộc nhiều vào khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Như vậy, hội đồng Tiền lương quốc gia liệu có tự quyết được như mục tiêu khi thành lập không?
Cần phải phân biệt rõ lương của hệ thống hành chính sự nghiệp có nguồn từ ngân sách và lương của khu vực thị trường với nguồn trả lương từ các doanh nghiệp. Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ chỉ bàn thảo về lương khu vực thị trường, vì ở đó có đại diện của giới chủ và tách biệt hoàn toàn khỏi lương của khu vực hành chính sự nghiệp. Lương thị trường, tức là lương trong các doanh nghiệp sẽ được tính toán để tiến tới người lao động có thể đủ sống, còn lương khu vực hành chính sự nghiệp thì phụ thuộc vào ngân sách nhà nước do bộ Nội vụ tính và đề xuất, không liên quan đến hội đồng Tiền lương quốc gia.
Thực tế cho thấy luôn có sự liên quan mật thiết giữa lương khu vực thị trường và lương hành chính sự nghiệp. Ví dụ, lương tối thiểu hành chính sự nghiệp đang tương đương với lương vùng 4 khu vực thị trường, liệu hội đồng Tiền lương quốc gia có thể độc lập?
Ở thời điểm này, lương khu vực thị trường (lương doanh nghiệp) đã tách hoàn toàn khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Trong thời gian tới, lương tối thiểu của người lao động ở khu vực này sẽ tiếp tục tăng, để thực hiện mục tiêu tới năm 2016 – 2017 lương tối thiểu sẽ đáp ứng được cơ bản các nhu cầu tối thiểu của người lao động. Lương khu vực hành chính sự nghiệp vẫn có một lộ trình riêng và có thể bộ Nội vụ sẽ phải tham khảo lương thị trường để tính.
Cách thức hoạt động của hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ như thế nào?
Thực tế trong đàm phán bên nào mạnh, chuyên nghiệp thì quyền lợi bên đó sẽ có nhiều hơn. Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ hoạt động theo cơ chế đàm phán, có thể có những cuộc tranh luận nảy lửa. Ngay tháng 7 này, ngay sau khi hội đồng Tiền lương quốc gia đi vào hoạt động là sẽ đàm phán về mức tăng lương mới cho năm 2014, có thể đưa ra mức tăng dự kiến để các bên đàm phán. Ví dụ, đại diện giới chủ đưa ra ý kiến là lương tăng thế thì cao quá, doanh nghiệp không chịu nổi, vậy họ sẽ phải đưa ra các số liệu để chứng minh khả năng chịu đựng của mình đến đâu, các tác động thế nào. Đại diện người lao động muốn tăng lương cao hơn nữa cũng phải chứng minh được lý do tăng, cơ quan quản lý nhà nước đứng giữa để phân tích các tác động, sau đó ba bên cùng chọn một giải pháp phù hợp nhất.
Tây Giang
(SGTT)
 

Hãy đọc lại lời Đức Thánh Trần!

Hình như các vị đề xuất các loại phí không đọc lịch sử thì phải, nhưng chắc chắn rằng hằng năm rất nhiều người trong số này sẽ đi lễ đền Trần và xin ấn đền Trần. Vậy nên, xin các vị trước khi đi lễ hãy học thuộc câu “Khoan thư sức dân”!  


Khi Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo ốm nặng, khó qua khỏi, vua Trần đến thăm và hỏi kế sách giữ nước lâu dài. Quốc công Trần Hưng Đạo nói với vua về việc chống giặc là phải như thế nào, rồi ông kết luận: “Khoan thư sức dân, ấy là cái kế lâu dài, sâu dễ bền gốc”.
Lời dạy của Đức Thánh Trần đã đúng và bây giờ càng ngẫm thì lại càng đúng. Nhưng hình như ở Việt Nam ta hiện nay, một số người cũng đọc nhưng lại không hiểu nên họ đã nghĩ ra rất nhiều “ngón” theo kiểu tận thu để vắt kiệt sức dân.
Nào là thuế trước bạ ôtô, xe máy, họ thu phí cao đến mức mà người dân chịu không nổi, phải mua bán chui, không dám đi đăng ký và hậu quả là xe sang tên đổi chủ không làm, việc quản lý xe cộ gần như bỏ mặc, gây khó khăn cho việc quản lý trật tự an toàn xã hội. Đến khi giảm phí, người dân phấn khởi, nô nức đi đăng ký như vậy Nhà nước vẫn thu được phí, thu được tiền và không bị thất thoát mà công tác quản lý lại tốt hơn.
Lại một việc nữa xảy ra những ngày gần đây, ấy là tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân “nô nức” mang sổ đỏ đi trả vì phí làm sổ đỏ và tiền thuế đất quá cao. Không hiểu những người nghĩ ra những loại phí này có biết rằng họ đang “bóc lột” đến tận cùng những người dân nghèo hay không.
Nhà cửa, đất đai họ đã ở bao nhiêu năm nay, thậm chí từ đời này sang đời khác, nay lại có quy định chỉ được ở X… mét còn thừa bao nhiêu thì phải đóng phí cao ngất ngưởng. Người ta ở chứ người ta có mua bán đâu, hơn nữa, người dân nghèo thì lấy đâu tiền đề nộp phí cho cái kiểu này. Những quan chức nào nghĩ ra cái lối thu phí theo kiểu tận thu như vậy đúng là chỉ biết nghĩ đến mình.
Tại sao người ta không nghĩ ra rằng, dân đã ở như vậy thì cứ cấp sổ cho dân hoặc có thu thì thu một loại phí nhỏ nào đấy để bù đắp việc chi tiêu hành chính. Còn nếu thu để tăng ngân sách thì thật là sai lầm. Ngày trước, chuyện thu thuế nông nghiệp cũng vậy, người nông dân chịu một nắng hai sương, suốt ngày cắm mặt xuống đất, chổng mông lên giời, có được hạt lúa, củ khoai thì lại phải đóng thuế cao ngất ngưởng và rất nhiều loại phí khác. Tất nhiên, trong các loại phí đó, có không ít loại phí do bọn “cường hào” sinh ra. Và hậu quả là người dân buộc phải tìm cách trốn thuế, giấu thóc.
Thế nên mới có chuyện ở vùng quê nọ, chính quyền cho dân quân du kích đến thu cả quan tài để hòng bắt người dân phải nộp thóc. Về chuyện sổ đỏ, nhà cửa, lẽ ra với những người đã ở lâu và cấp sổ đỏ cho họ lần đầu thì thu phí nhẹ thôi. Nhưng nếu bán thì phải đánh thuế cao theo hệ số và nếu gian dối, mua bán không sang tên đổi chủ theo đúng quy định thì phải có xử phạt nghiêm khắc. Như vậy vừa tránh nạn đầu cơ đất đai, đầu cơ bất động sản, vừa thu được của người giàu và lại làm giảm nhẹ gánh nặng cho người nghèo.
Đấy mới chính là khoan thư sức dân.
Hình như các vị đề xuất các loại phí không đọc lịch sử thì phải, nhưng chắc chắn rằng hằng năm rất nhiều người ở Bộ này sẽ đi lễ đền Trần và xin ấn đền Trần. Vậy nên, xin các vị trước khi đi lễ hãy học thuộc câu “Khoan thư sức dân”!
Bảo Sơn
(Petrotimes)

Lý luận giá vàng nghe sao giống xăng dầu!

Theo NHNN, việc độc quyền và giữ giá vàng cao đã kiểm soát được tình trạng nhập lậu vàng. Khi tăng giá xăng đầu, Bộ Tài chính cũng từng giải thích tăng giá đề chống buôn lậu.
Trước hành loạt câu hỏi của đại biểu Quốc hội về cơ chế quản lý thị trường vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay… Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có báo cáo dài 15 trang gửi tới đại biểu Quốc hội.
Tờ Dân trí dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lý giải về sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (hiện ở khoảng gần 6 triệu đồng/lượng) cho hay, thị trường vàng nước ta hiện không có sự liên thông với thế giới, nên nếu muốn giá bằng thế giới phải có sự liên thông, nhiều đơn vị được nhập vàng, nhưng hiện nay nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng. Do không liên thông nên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao và cao hơn nhiều so với trước đây.

Trước đây tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu, giờ tới độc quyền vàng và giữ giá cao đề chống buôn lậu.
Trước đây tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu, giờ tới độc quyền vàng và giữ giá cao đề chống buôn lậu.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, hoạt động nhập lậu cũng bị kiểm soát chặt chẽ, hiện tượng “vàng hóa” được kiềm chế và đầy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định.
Vì vậy, theo NHNN, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại. Nên việc cho chênh lệch giá chỉ là tình thế.
Và theo NHNN, dù giá vàng chênh lệch cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn.
Dù không đặt mục tiêu bình ổn giá vàng trước mắt, nhưng theo NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp.
Tuy khẳng định là đã kiềm chế được hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế, nhưng chỉ tính từ ngày 28/3 (phiên đấu thầu vàng đầu tiên) tới nay NHNN đã bán ra thị trường hơn 22 tấn vàng.
Hơn một năm trước, khi chênh giá vàng trong nước và thế giới ở khoảng 1 triệu đồng/lượng, chính NHNN cho rằng như thế là “không ổn”, có sự đầu cơ làm giá, làm gia tăng nhập lậu vàng, nên tuyên bố chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới chỉ cần dưới 400.000 đồng là hợp lý, và càng gần nhau càng tốt.
Nếu đề ý quý vị sẽ thấy rằng giải thích của NHNN về quản lý thị trường vàng và việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới luôn duy trì mức cao không khác mấy những giải thích về tăng, giảm giá xăng dầu.
Khi tăng giá, Bộ chủ quản và doanh nghiệp xăng dầu đều lý giải, tăng giá vì giá xăng dầu thế giới tăng cao, tăng giá để chống buôn lậu. Và giờ với giá vàng, việc duy trì giá cao cũng để… hạn chế buôn lậu.
Khi giá xăng dầu giảm, người dân thường nghe giải thích, giá giảm nhỏ giọt vì giá thế giới có giảm nhưng chưa nhiều, giảm là để giúp người dân, doanh nghiệp… và giờ với giá vàng, NHNN cũng nói rằng, độc quyền, duy trì chênh lệch cao để ổn định thị trường vàng trong nước, không để tác động kinh tế vĩ mô, chống đầu cơ, làm giá, chồng “vàng hóa” nền kinh tế…
P.V (tổng hợp)
(Phụ nữ today)
 

Căng thẳng gia tăng gần bãi san hô Cỏ Mây trên Biển Đông

(Reuters) – Một dương vận hạm mắc cạn nằm chênh vênh trên một bãi san hô hẻo lánh có thể sẽ là nơi có cuộc đối đầu sắp tới ở vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc và năm quốc gia khác đang có cuộc tranh chấp biển đảo gay gắt.
Chính phủ Philippines hiện đang cáo buộc Trung Quốc là xâm phạm lãnh thổ mình sau khi ba tàu Trung Quốc, kể cả một hộ tống hạm, tiến đến khu vực chỉ cách năm hải lý nơi có chíêc tàu vận tải mà Manila cố ý cho ủi lên bãi năm 1999 để đánh dấu lãnh thổ mình.
Tấm hình do chính phủ Phi Luật Tân công bố hôm 23 tháng Năm, 2013 cho thấy chiếc tầu BRP Sierra Madre, được làm cho Hoa Kỳ năm 1944, và đến năm 1976 chính phủ Phi Luật Tân đã mua lại để xử dụng trong vùng bãi San Hô Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình: AFP/Getty Image)
Các giới chức Philippines cho hay họ lo  ngại rằng các tàu Trung Quốc sẽ ngăn cản không cho vận chuyển hàng tiếp tế cho khoảng một tiểu đội lính TQLC Philippines đang sống trong hoàn cảnh gian khổ trên chiếc tàu đã rỉ sét.
Khu vực này, được biết dưới tên Second Thomas Shoal, tên tiếng Việt là Bãi Cỏ Mây, là cửa ngõ chiến lược dẫn vào Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi được biết là có mỏ dầu và khí đốt. Năm 2010, Manila cho phép một công ty liên doanh Anh và Philippines vào tìm kiếm khí đốt ở Bãi Cỏ Rong nhưng việc khoan mỏ đã phải đình trệ vì sự xuất hiện quấy phá của tàu Trung Quốc.
Manila cho hay Bãi Cỏ Rong, nằm cách đảo Palawan- ở về phía Tây Nam của Philippines- chừng 80 hải lý về phía Tây, ở trong hải phận kinh tế rộng 200 hải lý của họ.
Bắc Kinh nói rằng Bãi Cỏ Mây là một phần của quần đảo Trường Sa gồm 250 đảo nhỏ không người ở, trải rộng trong khu vực rộng 165,000 dặm vuông. Quần đảo Trường Sa là nơi có tranh chấp toàn phần hay bán phần giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.
“Trung Quốc phải rút khỏi nơi này vì theo luật quốc tế, họ không có quyền ở đây,” theo lời Raul Hernandez, một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi (Hong Lei) của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Ba nói rằng Bãi Cỏ Mây là một phần của Trường Sa, nơi Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi.”
(Người Việt)

Phó Thủ tướng: 'Không thành phố nào như Hà Nội'

TP - Sự lộn xộn, cách làm không giống ai của ngành giao thông Thủ đô đã khiến Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: “Bến xe lộn xộn, taxi gian dối, tranh giành lừa hành khách, tôi thấy không thành phố nào như Hà Nội”.

Bến xe Mỹ Đình dù đã cấm nhưng vẫn phình ra. Ảnh: Sỹ Lực
Bến xe Mỹ Đình dù đã cấm nhưng vẫn phình ra. Ảnh: Sỹ Lực.

Trong khi Chính phủ và nhiều bộ ngành liên quan ngày đêm quyết tâm xử lý các vấn nạn về giao thông thì Hà Nội có những động thái kỳ quặc. Câu chuyện xe khách ngang nhiên chạy xuyên qua thành phố (xuyên tâm) báo chí viết nhiều. đường vành đai 3 trên cao đã hình thành, thậm chí Ban Chỉ đạo Liên ngành 197 đã họp tốn thời gian và tiền bạc, nhưng các ngành chức năng Hà Nội vẫn không vào cuộc.

Đến nay, nhiều người đứng đầu Ban Chỉ đạo Liên ngành 197 đã về hưu, nhưng những quyết sách của họ vẫn treo lơ lửng. Không những thế, người ta còn cấp phép cho xe khách mạo danh trở về thăm chiến trường xưa vào tận trung tâm thành phố đón khách (vụ xe khách Dòng Hiền mà Tiền Phong đã nêu nhiều lần).

Mặt đường Giải Phóng biến thành nơi đỗ xe của nhiều hãng xe khách Vietbus (còn sát đường tàu hỏa), Sao Việt... chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai ngay trước mặt các lực lượng CSGT và thanh tra giao thông.

Vô lý nhất, có những văn bản do chính Sở GTVT Hà Nội ban hành từ năm 2006, nhưng cơ quan này ỉm đi và cho tới gần 7 năm sau vẫn còn lúng túng chưa biết triển khai thế nào (ngày 28/5/2013, đơn vị này họp kín bàn chuyện chuyển xe khách dư thừa khỏi bến xe Mỹ Đình-PV).

Ngày 27/12/2006, Sở GTVT (lúc đó gọi là Sở GT Công chính) ban hành văn bản định hướng quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, trung tâm Thủ đô như một khu vực mà xe khách liên tỉnh không được bén mảng tới.

Xe khách tới Hà Nội chỉ được phép dừng tại ngay các bến xe ở cửa ngõ, không được phép chạy xuyên tâm hay vòng qua các bến xe khác. Văn bản này chi tiết tới mức đánh giá khả năng tiếp nhận xe khách của từng bến xe, phân phối luồng tuyến ra sao. Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ, văn bản đó vẫn là một kỷ niệm xếp xó.

Không chấn chỉnh tức là bảo kê

Chưa hết, năm 2009, Sở GTVT Hà Nội lại làm một việc tương tự văn bản ban hành năm 2006 (nói trên) là cấm xe khách liên tỉnh (từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam TP Hà Nội) vào Bến xe Mỹ Đình. Bởi vì, lúc đó Bến xe Mỹ Đình đã quá tải với lưu lượng xuất bến xấp xỉ 1.100 lượt xe ngày.

Tuy lệnh cấm ban hành, nhưng liên tục các xe khách liên tỉnh vẫn có “cửa” để vào. Chỉ đến khi nguy cơ vỡ bến và hàng loạt hệ lụy như phát sinh nhiều bến xe “dù” tự phát cạnh Bến xe Mỹ Đình, trật tự an ninh lộn xộn..., cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Và, sau đó như thừa nhận của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội trong cuộc họp báo gần đây, những “nốt” (đầu đến) xe vẫn được bật đèn xanh sau lệnh cấm mới được công khai phạm vi hẹp. Lúc đó, các lãnh đạo Sở GTVT giải trình có hay không mỗi “nốt” xe được mua với giá 800 triệu đồng.

Câu chuyện loạn taxi ở Hà Nội không phải năm nay mới phát lộ. Hoạt động của taxi có quản lý, nhưng nhếch nhác không khác xe ôm. Ngay cả đại biểu tổ chức cảnh sát quốc tế tới Việt Nam dự họp cũng bị taxi “chặt chém”. Đầu năm nay, du khách Úc lại bị trấn lột tiền. Đến nỗi Tổng cục Du lịch phải đứng ra xin lỗi.

Có lẽ, bức xúc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là sự chịu đựng của du khách nói riêng và người dân nói chung bấy lâu nay: “Công an Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội phải nghiêm túc chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Nếu không làm được, tôi sẽ kết luận Công an Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội bảo kê trái phép cho các doanh nghiệp vận tải”.
Đức Nam
( Tiền Phong ) 

Cảnh báo: Blog “Một góc nhìn khác” đang bị dùng làm bẫy

Blog “Một Góc Nhìn Khác” trên facebook. Chủ trang blog này, Trương Duy Nhất, bị bắt khẩn cấp chiều 26 tháng 5-2013 ở Đà Nẵng và bị đưa về giam ở Hà Nội. (Hình: Internet).
Trang blog có tên “Một góc nhìn khác” của blogger Trương Duy Nhất đã hoạt động trở lại song đang được sử dụng như một cái bẫy đối với những người truy cập vào đó.
Blog “Một góc nhìn khác” bị đóng vào ngày 26 tháng 5, sau khi Công an Việt Nam khám nhà ông ở thành phố Đà Nẵng và đem về giam ở Hà Nội. Ông bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” qua những bài viết liên quan đến thời sự chính trị, xã hội ở trong nước.
Mới đây, blog này hoạt động trở lại và website arstechnica.com báo động là blog “Một góc nhìn khác” hiện là một cái bẫy để lôi kéo người ta truy cập vào đó rồi cài mã độc vào máy tính của họ.
Mã độc (Malware) là các loại chương trình điện toán do một kẻ nào đó hay tổ chức nào đó bí mật cài vào máy người khác với chủ đích không lương thiện. Nó có thể là virus hay worm (tự động nhân bản), trojan (tự nhận là giúp cho máy của thân chủ chống lại các virus nhưng thay vì làm vậy nó quay ra đem virus vào máy), spyware (tự động ghi lại các thông tin của máy tính bị xâm nhập), backdoor (mở cửa hậu cho kẻ khác xâm nhập), v.v...
Ngày 26/10/2010, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) từng tố cáo nhà cầm quyền CSVN phát động chiến dịch tấn công tinh vi và kéo dài, gồm hai mũi giáp công nhằm vào những người bất đồng chính kiến trên mạng. Chế độ Hà Nội bắt giữ và đe dọa các blogger độc lập ở Việt Nam, đồng thời bật đèn xanh cho các đợt tấn công vi tính từ Việt Nam để đánh sập các trang mạng có khuynh hướng phê phán chế độ.
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới hàng năm đều lên án chế độ Hà Nội trù dập khủng bố các người viết blogs bày tỏ chính kiến độc lập tại Việt Nam. CSVN đang bị cả công chúng lẫn chính phủ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lên án vì bắt giữ blogger Trương Duy Nhất.
Hôm 27 tháng 5, Bộ Ngoại giao Pháp phát hành một tuyên bố, “lấy làm tiếc” về vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất với lý do “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.
Bộ Ngoại giao Pháp nhận định, vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất và một loạt các phiên xử - kết án những người hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam kể từ mùa thu năm 2012 chính là những hành động vi phạm nhân quyền.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nước Pháp đã từng bày tỏ sự lo ngại, sau khi hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha phải nhận những hình phạt nặng nề hồi giữa tháng 5. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, “Pháp đặc biệt chú ý đến những vấn đề này, vốn là chủ đề đối thoại giữa Liên hiệp châu Âu với Việt Nam”.
Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, nước Pháp vẫn rất chú trọng đến quyền tự do ngôn luận và chính kiến, kể cả trên Internet, trên toàn thế giới. Những quyền và tự do đó được bảo đảm bởi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên và “kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo đảm sự tôn trọng các quyền này”.
Sau Pháp, Đặc ủy Nhân quyền của Đức cũng vừa lên tiếng chỉ trích việc bắt giam blogger Trương Duy Nhất. Hôm 29 tháng 5, ông Markus Loening, Đặc ủy Nhân quyền của Đức công khai “lên án vụ bắt giữ blogger rương Duy Nhất chỉ vì những phát biểu phê phán của ông về chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ông Markus nhận định: “Đây không phải là trường hợp cá biệt. Thật không may, nhiều người Việt Nam bị bách hại vì họ bày tỏ quan điểm của họ. Tôi đòi hỏi kêu gọi việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt ngay các thủ tục tố tụng đối với Trương Duy Nhất”.
Trong thông cáo do Bộ Ngoại giao Đức phát hành, thay mặt nước Đức, cơ quan này nhận định: “Tự do hội họp ở Việt Nam vẫn còn tồi tệ. Gần đây, buổi ‘dã ngoại nhân quyền’ trong ôn hòa tại một số thành phố Việt Nam đã bị ngăn chặn và giải tán một cách tàn nhẫn. Trước đó, lời kêu gọi phân phát Tuyên bố về quyền con người cũng như thảo luận về nhân quyền tại các buổi dã ngoại đã được phổ biến trên mạng Internet. Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc và qua đó đã cam kết tôn trọng tự do ngôn luận và hội họp. Những cam kết này phải được thực thi”.
Bộ Ngoại giao Đức nhắc lại là trong nhiều tháng nay, các nhà hoạt động nhân quyền đã tố cáo những chiến dịch chống lại người bất đồng chính kiến ​​tại Việt Nam. Trên danh sách "kẻ thù của Internet" cũng như bảng xếp hạng "tự do báo chí" của tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam bị xếp hạng 172 trên 179 nước.
Tổ chức Ký giả Không biên giới cũng vừa tuyên bố, vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất đặc biệt đáng quan ngại vì nó chứng tỏ quyết tâm của nhà nước Việt Nam: Tiếp tục đàn áp và tống giam giới bất đồng, bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức bênh vực nhân quyền, yêu cầu Việt Nam phóng thích các blogger bị bắt. Tổ chức này kêu gọi “Việt Nam hãy trả tự do lập tức và vô điều kiện cho ông Trương Duy Nhất và chấm dứt hành động đàn áp vô cớ này”.
Ông Trương Duy Nhất, 49 tuổi, từng là phóng viên của báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó chuyển qua làm phóng viên thường trú của báo Đại Đoàn kết tại miền Trung. Cách nay khoảng ba năm, ông Nhất tuyên bố rời bỏ làng báo Việt Nam để dành thời gian cho blog “Một góc nhìn khác”.
Ông Nhất bị bắt sau khi tổ chức một cuộc thăm dò về mức độ tín nhiệm của độc giả đối với lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ CSVN. Kết quả thăm dò cho thấy, không có nhân vật nào đủ số phiếu tín nhiệm. Đáng chú ý là tỷ lệ bất tín nhiệm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng CSVN lên tới 93%.
(Người Việt)

Tại sao Trung Quốc tỏ ra hung hăng trước ngày khai mạc Đối thoại Shangri-La ?

"...an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một trong các chủ đề chính được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La, hay Hội nghị an ninh Châu Á, để kềm chế sự hung hăng của Trung Quốc".

Khách sạn Shangri-La tại Singapore
Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 31/05 đến 05/06/2013. Đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn về tình hình các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin... Đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, sẽ là người phát biểu chính trong buổi lễ khai mạc ngày 31/05.
Đối thoại Shangri-La
Đối thoại Shan1gri-La (SLD-Shangri-La Dialogue), trên thực tế là Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á (IISS Asia Security Summit), là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS-International Institute for Strategic Studies), một tổ chức cố vấn độc lập có trụ sở chính tại Anh và nhiều văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, Bahrein và Singapore. Shangri-La là tên một khách sạn ở Singapore, nơi được tổ chức Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á đầu tiên từ năm 2002 và tiếp tục cho đến nay. Hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, các bộ trưởng thường trực và các tướng lãnh quân đội của 28 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.
Đuợc tổ chức hàng năm, Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á nhắm mục tiêu nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong các hoạch định chính sách quan trọng nhất về quốc phòng và an ninh trong khu vực. Song song với cuộc họp chính thức, các đoàn đại biểu chính phủ các nước tận dụng tối đa sự hiện diện của những người đứng đầu quốc gia khác để tổ chức những buổi họp mặt song phương liên quan đến từng nước. Mặc dù là một hội nghị liên chính phủ, hội nghị cũng có sự tham dự của các nhà lập pháp, các chuyên gia khoa học, nhà báo và các đại biểu kinh doanh.
Vì là một diễn đàn không ràng buộc về mặt pháp lý. Tất cả những vấn đề được đưa ra bàn luận tại hội nghị chỉ là để thảo luận, không đi đến bất cứ kết luận ràng buộc nào và các nước tham dự diễn đàn này không phải chịu bất cứ trách nhiệm quốc tế nào. Tuy nhiên, Shangri-La cho đến nay vẫn được đánh giá là diễn đàn an ninh quan trọng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những đoàn đại biểu đến tham dự Đối thoại Shangri-La đến từ 28 quốc gia có sự hiện diện chính thức trong khu vực : Australia (Úc), Brunei, Miến Điện, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Trung Quốc, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Đông Timor, Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong hội nghị Shangri-La 2011, Việt Nam và Philippines đã tố cáo mạnh mẽ chính sách gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiếng nói cứng rắn với Trung Quốc trong một diễn đàn quốc tế công khai. Ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng, nhắc lại vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam. Sau đó, trong phần trả lời câu hỏi, ông nhắc vụ việc năm 2010, tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò khi khảo sát lòng đáy biển để lập hồ sơ trình Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng. Ông Voltaire Gazmin, bộ trưởng quốc phòng Philippines, nhắc tới các vụ tàu của Philippines bị tàu Trung Quốc uy hiếp và là vụ Trung Quốc dựng cột sắt và đổ vật liệu xây dựng xuống rặng san hô Amy Douglas Bank của Philippines hồi tháng  05/2011.
Trong hội nghị Shangri-La 2012, Bắc Kinh vẫn dùng chiêu bài cũ là cố tình tạo ra căng thẳng về chủ quyền để chứng tỏ Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất đến an ninh, trật tự trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đã thực sự bắt đầu triển khai chiến lược mới tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Lần này, trong đối thoại an ninh Shangri-La 2013, chắc chắn lần này Trung Quốc sẽ trình diễn lại những màn cũ và Việt Nam cũng sẽ mạnh mẽ tố cáo những vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công và cấm ngư dân Việt Nam đánh cá quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Philippines chắc chắn  cũng sẽ không để yên cho Trung Quốc cưỡng chiếm bãi Scarborough Shoal và gần đây đang lăm le chiếm thêm rặng san hô Second Thomas Shoal. Đối thoại Shangri-La 2013 hứa hẹn nhiều biến chuyển ngoạn mục vì ngoài vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng đang rất căng thẳng với Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku và mẫu thuẫn với Ấn Độ ở vùng biên giới Kashmir…
Những động vọng từ phía Trung Quốc trước ngày khai mạc
Trong những tháng gần đây, phía Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo một số nhà quan sát, những hoạt động thực tế và tuyên truyền của Trung Quốc trên Biển Đông (đặc biệt là ở hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam) có ý đồ chiến lược lâu dài nhằm chiếm toàn bộ vùng Biển Đông trước giai đoạn 2025-2030. Những hành động này thường được các tổ chức, ban, ngành (ngư chính, hải giám, hải quân, ngoại giao, truyền thông… của Trung Quốc) phối hợp với nhau một cách rất chặt chẽ. Trong cuộc diệu võ giương oai, lực lượng hải quân và tàu đánh cá của Trung Quốc được tiến hành có phối hợp trong những giai đoạn thời gian khác nhau, lúc thì bí mật (như đổ trộm vật liệu, xây dựng công sự trái phép tại các bãi đá, san hô ở quần đảo Trường Sa), khi thì công khai với sự hậu thuẫn của báo chí và các phương tiện truyền thông (như sự thành lập huyện Tam Sa tháng 06/2012 hay vụ đưa người ra tham quan đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua).
Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã liên tiếp tiến hành nhiều hành động vi phạm chủ quyền, gây quan ngại ở Biển Đông để thị oai, thí dụ như :
- Ngày 20/3/2013, tàu hải giám Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96382 TS đang hoạt động bình thường tại vùng biển có chủ quyền của Việt Nam. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
- Ngày 6/5/2013, Trung Quốc tổ chức đưa 32 tàu đánh cá ra khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong suốt 40 ngày. Điều đáng chú ý là 32 tàu cá Trung Quốc di chuyển theo đường lưỡi bò 9 đoạn hướng về phía bờ biển của Việt Nam. Chiều ngày 13/5/2013, 32 tàu cá này tiến hành thả neo và đánh bắt trái phép trong vùng biển phía cực Tây Nam quần đảo Trường Sa. Truyền thông Trung Quốc công bố tọa độ vị trí các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép nằm ở 6°01 độ Vĩ Bắc, 108,48 độ Kinh Đông, cực Tây Nam quần đảo Trường Sa, tức khu lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
- Cũng trong ngày 13/5/2013, Trung Quốc cho biết một biên đội tàu hộ vệ mang tên lửa thuộc hạm đội Nam Hải đang tập trận thường niên vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
- Từ ngày 6/5/2013 đến ngày 14/5/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã cử một phái  đoàn khảo sát  một số đảo, bãi đá Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi ngầm James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km. Mục đích của chuyến khảo sát phi pháp này là điều tra thực địa để làm quy hoạch phát triển "thành phố Tam Sa", một âm mưu độc chiếm toàn bộ Biển Đông.
- Ngày 15/3/2013, tờ Nhân Dân nhật báo cho đăng một bài viết xúi giục Đài Loan nên "cứng rắn với Việt Nam" ở Trường Sa bằng cách "không cần cảnh cáo, bắn thẳng vào tàu hoặc máy bay của Việt Nam" nếu đi vào vùng biển phụ cận đảo Ba Bình.
- Cũng trong ngày 15/5/2013, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đơn phương, ngang ngược đưa ra tuyên bố về việc nước này sẽ thi hành lệnh cấm đánh bắt cá (phi pháp – PV) có hiệu lực từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8 với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.
Những mục tiêu của Trung Quốc trong Đối thoại Shangri-La
Về Đối thoại Shangri-La 2013, Bắc Kinhrất lo ngại hội nghị này đe dọa chiến lược bành trướng ra Biển Đông nên đã bằng mọi cách giảm thiểu vai trò của nó. Theo dõi những động vọng bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS-United Nations Convention on Law of the Sea) và cố tình vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Bắc Kinh muốn đến dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á, hay Đối thoại Shangri-La trong thế mạnh.
Mục tiêu đầu tiên mà Bắc Kinh nhắm tới là tiếp tục gây hấn trên biển để làm áp lực với những quốc gia liên quan để sau đó đặt sự việc đã rồi trước những lãnh đạo cao cấp của 27 quốc gia khác. Trung Quốc muốn tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, là những quốc gia chắc chắn sẽ can thiệp vào vấn đề Biển Đông vì chiến lược và lợi ích của họ (an ninh hàng hải, đi lại tự do, hợp tác làm ăn…) trong khu vực này.
Mục tiêu thứ hai là để mọi người làm quen với "lộ trình đoạt trọn Biển Đông" được diễn đạt bằng tuyên bố "đường lưỡi bò chín đoạn"  rộng 1,7 triệu km2 Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và một số bãi cạn mà Philippines tuyên bố có chủ quyền (Scarborough Shoal và Second Thoms Shoal).
Mục tiêu thứ ba là thúc đẩy lực lượng hải quân bành trướng quân sự ra Biển Đông nhằm đánh chiếm những điểm đảo, bãi đá, rặng san hô ở quần đảo Trường Sa hiện chưa có bên nào phái quân chiếm đóng hoặc lực lượng mỏng yếu, vị trí trọng yếu. Ngày 7/5/2013 tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông, một tờ báo được xem như phiên bản của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc nhận định, đăng một bài viết cho biết năm 2013 sẽ trở thành năm quan trọng của "trận giao tranh" giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông trong khi "Bắc Kinh đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tấn công liên tục, không ngừng". Trước đó, ngày 26/4/2013, ông Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, công khai lên tiếng đòi Việt Nam và Philippines trả lại 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa cho Bắc Kinh. Những vụ va chạm nhỏ trên Biển Đông, Trường Sa (như vụ việc Philippines bắn tàu cá Đài Loan) cung cấp cho Trung Quốc cái cớ để chiếm bãi đá Scarborough và cho dù Philippines và Việt Nam có xoay sở đối phó ra sao, Bắc Kinh sẽ giữ nguyên ý định từng bước chiếm đoạt các đảo, đá ở Trường Sa.
Mục tiêu thứ tư là cố gắng chia rẽ sự doàn kết trong nội bộ khối ASEAN, với khẩu hiệu "đưa ASEAN quay trở lại châu Á" và "nhắc nhở" Philippines, Việt Nam chớ quên Bắc Kinh "có truyền thống tiên lễ, hậu binh" như tờ Hoàn cầu thời báo cảnh cáo ngày 06/05/2013 vừa qua. Trong hội nghị Shangri-La lần này, yếu tố đoàn kết trong nội bộ ASEAN có thể sẽ làm thay đổi thế cờ chiến lược trên Biển Đông. Chính vì thế, Bắc Kinh tỏ ra rất lo ngại và đã, một mặt, làm áp lực và khống chế từng quốc gia và, mặt khác, lôi kéo, chiêu dụ những quốc gia khác về phía mình. Chuyến viếng thăm bốn nước ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei) của ông Vương Nghị, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, hồi đầu tháng 05/2013 vừa qua không phải tình cờ, nó có mục đích thăm dò sự đoàn kết của ASEAN như thế nào. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tấn công chiếm đóng các hải đảo trên Biển Đông bằng quân sự, Bắc Kinh sẽ gặp phản ứng mạnh mẽ của cả thế giới. Việt Nam và Philippines sẽ có thái độ cứng rắn hơn. Trước sự cố này, khối ASEAN chắc chắn sẽ đoàn kết hơn và hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản để chống lại Trung Quốc.
Mục tiêu thứ năm là xác định vai trò cường quốc hàng hải trên Biển Đông. Đối với Trung Quốc, Biển Đông không chỉ là nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới lònhg biển mà còn là một vị trí chiến lược quốc tế quan trọng, đó là đường giao thông và vận chuyển hàng hóa liên quan tới những cường quốc lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Nga, Nhật, Hàn, Ấn Độ... Nếu làm chủ được con đường này, Trung Quốc sẽ là đối tác không thể thiếu trong những đàm phán trong khu vực, do đó bằng mọi giá Bắc Kinh muốn xác định vị thế của mình trên con đường đó. Theo dự trù, sau khi thống nhất với Đài Loan (chưa rõ vào năm nào), Bắc Kinh sẽ chỉnh đốn lại lực lượng trong hai năm và sau đó tiến hành tiến chiếm toàn bộ khu vực Biển Đông trước năm 2028.
Đề làm hậu thuẩn cho những mục tiều trên, trả lời một cuộc phỏng vấn do đài phát thanh Thượng Hải tổ chức ngày 27/05, ông Hàn Đúc Đông, giáo sư của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên tấn công khi cần thiết để chiếm các đảo và bãi cạn mà nước khác đang kiểm soát trên Biển Đông. Vì, theo ông, vấn đề Biển Đông rất khó để giải quyết bằng quyền lực mềm (ngoại giao, tòa án quốc tế, hội nghị và diễn đàn). Ông Hàn nói : "Ngoại giao chỉ phát huy tác dụng khi được quân đội hỗ trợ".
Chính vì lo ngại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một trong các chủ đề chính được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La, hay Hội nghị an ninh Châu Á, để kềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Người ta trông đợi rất nhiều vào bài diễn văn khai mạc hội nghị của thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Văn Huy
(Thông luận) 

Cái tội duy nhất của Trương tiên sinh là gì?

truongduynhat-danlambao (1)

Theo nhận định của các blogger phò chính thống (xem ở đây) thì tội của họ Trương là “a dua, chửi đổng và ngứa mồm“. Nhưng theo tôi cái tội lớn duy nhất của Trương tiên sinh là tội “làm lộ bí mật quốc gia”. Bởi nếu “a dua chửi đổng và ngứa mồm” thì những người qui tội cho Trương Duy Nhất (TDN) còn mắc nặng hơn. Ví dụ nàng Beo, xưng xưng dám gọi Quốc hội của CHXHCN Việt Nam với một kiểu rất xếch mé là “cuốc hội” cơ mà. Nhưng nàng ta có dao găm súng lục bảo kê nên vẫn sống phây phây đó thôi. Ừ cứ cho là với cái kiểu “a dua chửi đổng và ngứa mồm” đã sinh oán cừu khiến mụ đã bị kỷ luật và mất chức TBT của một tờ báo quốc doanh thơm thảo đi chăng nữa. Nhưng so với TDN, Beo còn may chán.
Trở lại với cái tội của TDN dẫn đến từng bị cảnh báo, câu lưu thẩm vấn  rồi cuối cùng là “bắt khẩn cấp”. Tôi thấy có ý kiến cho rằng TDN bị bắt vì lý do đã tự ý tổ chức “Bỏ phiếu cùng Quốc hội” trên blog cá nhân “Một góc nhìn khác” với 12 chức danh chủ chốt của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội là có cơ sở.
Việc làm của TDN, nếu chiểu theo văn bản luật đã ban hành công khai của CHXHCN Việt Nam thì không sai. Nhưng như ai cũng biết, luật của “xứ thiên đường” nhà mình nó cũng hay bị lắt léo theo cách giải thích luật vòng vo tam quốc của những người có chức quyền. Bởi thế có khi cả rừng luật thật đấy lại thua một thứ “luật rừng” cũng là lẽ đương nhiên.
Có người nói, nếu kết qủa “Bỏ phiếu cùng Quốc hội” của TDN mà có kết qủa khác. Chẳng hạn tất cả (hoặc đa số) trong 12 nhân vật lãnh đạo chủ chốt kia mà đều qúa bán ở mức “tín nhiệm cao” thì chắc chắn Nhất sẽ vô sự. Có khi lại được hoan nghênh tưởng thưởng cũng chưa biết chừng. Trớ trêu thay, trên bảng điện tử hiện ra trên “Một góc nhìn khác”, tất cả đều không qúa bán (Xem bảng tổng kết ở đây)
Nếu theo đúng tinh thần của nghị quyết “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” mà Quốc hội đã thông qua thì với kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” trong dân, do TDN thực hiện thì chỉ có ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu cả về số phiếu bầu (958) lẫn mức độ “Tín nhiệm cao” (13%). Ngược lại ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xếp thứ nhì về số phiếu bầu (820) và dẫn đầu về mức độ… “Không tín nhiệm” (76%). Kết cục chỉ có hai “thí sinh”: Trương Tấn Sang và Nguyễn Thị Kim Ngân có thể để lại, chờ kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” năm tới. Còn lại tất cả các “thí sinh” nặng ký khác như: Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Sinh Hùng, Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đều phải trải qua cái vòng “bỏ phiếu tín nhiệm” để xác định có đủ điểm vượt qua cái vòng thi khắc nghiệt này hay không?
Đến đây một câu hỏi được đặt ra là: Những vị đại diện của cử tri cả nước (Nghị sĩ do đảng cử dân bầu) sẽ nghĩ gì khi đa số các chức danh chủ chốt do Quốc hội bổ nhiệm (với số phiếu tín nhiệm khá cao) trước đây lại có một kết qủa khiêm nhường nếu không muốn nói là qúa tệ như vậy?
Với một Quốc hội do đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Trong đó trên 90% là đảng viên. Chỉ lọt được vào một số hiếm hoi (như Nghị Quốc; Nghị Phước là ví dụ) thì việc đảo ngược cái kết qủa ở lần “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” thì có khăn gì?
Đúng là chẳng khó khăn gì. Nếu như ở cái thời “tao là đảng mà đảng cũng là tao” hồi thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Nhưng nay, với sự ra đời của các “nhóm lợi ích” khiến sự phân hóa trong đảng cũng lớn lắm rồi. Mặt khác sức ép của dư luận lên các kết qủa phiếu bầu/ ấn nút ở nghị trường cũng rất đáng kể. Bài học về bỏ phiếu cho Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam còn sờ sờ ra đó. Hay như bài học về kết qủa (trái ý muốn) của TBT đảng trong Hội nghị 7 vừa qua đã cho thấy cái xu thế “dĩ hòa vi qúy” để bớt sinh oán thù của bác Cả Trọng là hoàn toàn không thể linh nghiệm trong tình thế hỗn quan hỗn quân hiện nay.
Chính vì vậy để bưng bít thông tin, những người chỉ đạo các cuộc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đã nghĩ ra mẹo cấm không cho báo chí tham dự các cuộc sát phạt này. Đề phòng trường hợp hết thảy đều bị “lấm” cả thì còn dễ bề mua bán hay điều chỉnh phiếu bầu để “cùng tồn tại” trên “chuyến tàu vét” này.
Trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” như thế, việc TDN tự ý “cầm đèn chạy trước ô tô” như thượng dẫn. Hay đằng sau Nhất có một thế lực nào đó chống lưng trong cái cuộc “tắm gội“ vô tiền khoáng hậu đang diễn ra?
Nay TDN bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” được qui định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự (rất mơ hồ), như hàng loạt các tờ báo lớn của quốc doanh đã loan.
Nhưng cái thiên nan vạn nan cho các quan tòa là nếu đem ra xử công khai thì tòa có dám mời các “bên bị hại” (ngồi ở chiếu trên) như 10 vị tai to mặt lớn là chị Doan, anh Hùng, chị Phóng, anh Lưu, anh Sơn, anh Dũng, anh Phúc, anh Nhân, anh Hải, anh Ninh ra tòa tranh biện và đối chất công khai với “kẻ thủ ác”- Trương Duy Nhất hay không?
Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, vì đã biết được cái khó của bên “bị hại” (thập đẳng quan quyền) nên “can phạm” (TDN) tỏ ra rất dung dụng tự tại chứ không hề có bất cứ điều gì tỏ ra sợ hãi hay bức xúc cả.
Thiết nghĩ một anh nhà báo bị “thất sủng”? Hay chán chường cái kiếp “ăn cơm chúa múa tối ngày“?, bạch vệ (không đảng viên), bỏ nghề báo quốc doanh ra làm cái việc “vô công dồi nghề” là viết blog phản biện chả được đồng xu cắc bạc nào… Nay lại được vào trận chung kết “đá“ với đội hình ngoại hạng có máu mặt trên thượng tầng như vậy liệu còn gì sướng bằng. Vì bất kể với kết qủa nào Trương Duy Nhất vẫn thắng. Cái thắng đó được cả loài người tiến bộ công nhận. Bởi tội duy nhất của Trương tiên sinh là tội làm “lộ bí mật…” – lộ mặt thật lấm láp của một thể chế luôn ra rả “của dân, do dân và vì dân”!
Trương Duy Nhất kém tôi khoảng mươi tuổi. Cách đây đúng 30 năm, tôi đã từng lăn lộn suốt mấy tháng dòng ở Quảng Nam Đà Nẵng thì Nhất còn chưa vào làng báo. Quê hương xứ Quảng của TDN (Chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa uống đã say) với tôi, có thật nhiều kỷ niệm sâu nặng không thể nói thành lời. Riêng với Trương Duy Nhất, tôi không hề quen biết. Cũng chưa giáp mặt lần nào. Nhưng với blog “Một góc nhìn khác”, được cư dân mạng trầm trồ thì, tôi thi thoảng có ghé thăm. Cũng để lại vài cái còm. Tôi thấy Nhất là nhà báo có tài và có tâm với ngòi bút. Đôi khi sự bộc trực tới mức cực đoan. Ngoài những câu phát ngôn thẳng thắn rất ấn tượng: “có những đảng viên phải gọi bằng thằng”. Cùng những bài viết ngắn gọn xúc tích mang nhiều thông điệp ẩn chứa “ý tại ngôn ngoại”. Như bài ký tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm Mỹ và Cu-ba chẳng hạn, rất cô đọng mà gợi nhiều suy ngẫm cho người đọc. Song Nhất cũng có những phát ngôn/ nhận xét mang tính võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN).
Mặc dù vậy cái quyền bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến của mình đã được các xã hội văn minh và cả luật pháp Việt Nam đương thời (như Điều 69) công nhận và bảo vệ. Vậy mà Trương Duy Nhất lại lâm nạn vì những chính những điều tưởng rằng hai năm rõ mười như thế?
Nếu Trương tiên sinh vẫn giữ được chí khí và sự tỉnh táo như giới thạo tin nhận định. Thì hình tượng đẹp của Nhất ở phiên tòa sắp tới (nếu có) chắc chắn sẽ đi vào lịch sử cũng chưa biết chừng?!
Gocomay
(Blog Gocomay)

Công dân Mỹ, điệp viên CIA tham gia Quốc hội VN?


Những trò hề lố bịch của ĐBQH Đặng Thành Tâm

Tự ứng cử vào Quốc hội trượt 2 lần, đến lần thứ ba nhờ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang can thiệp nên trúng cử Khoá 13 vớt với tỷ lệ chỉ 57,82%, đáng lẽ Đặng Thành Tâm phải biết tận tuỵ thực hiện các trách nhiệm của một người đại điện cho cử tri TPHCM. Tuy nhiên, suốt hơn 02 năm trên cương vị đại biểu Quốc hội, Đặng Thành Tâm chưa hề cống hiến được gì cho cử tri mà ngược lại liên tục bôi tro trát trấu vào mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và Quốc hội với hàng loạt hành động vi phạm pháp luật, các vụ rùm beng và các trò lố bịch.

ĐBQH Đặng Thành Tâm xem thường cử tri đến mức viện đủ các lý do để vắng mặt gần như toàn bộ các cuộc tiếp xúc cử tri hay tiếp dân, hoạ hoằn khi có mặt thì đại biểu Tâm cũng chả thèm đếm xỉa gì đến các kiến nghị của cử tri, khi bị truy trách nhiệm thì đánh trống lãng sang những vấn đề “cao siêu”, “kinh bang tế thế” sau đó hứa hẹn qua loa và quên luôn ngay khi bước chân ra khỏi phòng họp. Bức xúc trước thái độ và cung cách làm việc của đại biểu Đặng Thành Tâm, cử tri Quận Bình Thạnh và Quận Phú Nhuận đã không dưới 10 lần thắc mắc và gửi kiến nghị lên Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để nhắc nhở và xem xét tư cách của đại biểu Đặng Thành Tâm, nhưng không hiểu sao tất cả đều bị ém nhẹm.

Đặng Thành Tâm viện hết cớ "bận đi thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam" đến cớ "đột quỵ" để tránh tiếp xúc và chất vấn của cử tri

Với cử tri thì Đặng Thành Tâm xem thường ra mặt và là điển hình của kiểu đại biểu “bầu lên xong dông mất”, cùng với Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH Đặng Thành Tâm trở thành thủ phạm chính “bôi tro trát trấu” vào mặt các đồng nhiệm đại biểu quốc hội Khoá 13 và biến Quốc hội thành một gánh xiếc mua vui cho thiên hạ với hàng loạt trò lố lăng.Cử tri cả nước đều nhận thấy, kể từ ngày làm ĐBQH, Đặng Thành Tâm có hai hoạt động nổi bật đó là xin vắng mặt và cầu cứu khẩn cấp.

Về khoản xin vắng mặt thì Tâm đã quá nổi tiếng và phá mọi kỷ lục vắng mặt của các ĐBQH trong lịch sử, cho dù đó là buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân, họp Đoàn TPHCM hay các kỳ họp chính của Quốc hội Tâm đều tìm cách và viện mọi lý do để viết đơn xin vắng từ bận đi “thu hút” đầu tư nước ngoài, bản thân mắc các thể loại ốm đau bệnh tật (đau bụng, đột quỵ, tiểu đường, mãn kinh, ung  thư tuyến tiền liệt, động kinh, giang mai, hắc lào, ung thư buồng trứng,…), sức khoẻ suy yếu (mất ngủ, biếng ăn, sụt 10 ký, râu mọc dài, già đi 10 tuổi, nhìn như ông già 60 tuổi, đêm không ăn ngày không ngủ, trầm cảm,…), bị áp lực của nền kinh tế (bận tiếp thanh tra sai phạm, bận làm hồ sơ khống rút ruột ngân hàng, bận nghĩ lừa nhà đầu tư và cổ đông, bận chạy dự án,…).

Trong các cuộc tiếp xúc của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 (TP.HCM), cử tri chỉ biết có Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP) và Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP). Riêng Đại biểu Đặng Thành Tâm vắng nhiều đến mức sau 02 năm đa số cử tri vẫn chưa được gặp mặt mà chỉ nghe nói đến tên và thấy trên TV.

Điển hình nhất là vụ ĐBQH Đặng Thành Tâm “chơi trò mất tích” sau khi tháp tùng Chủ tịch nước đi Nga đã trốn mất tích không về nước và không xuất hiện trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII (22/10/2012), sau đó vài ngày thì “chơi trò cáo bệnh” gửi đơn xin nghỉ cả kỳ (tại kỳ họp thứ 3 - tháng 05/2012, ĐBQH Đặng Thành Tâm cũng đã xin vắng mặt dài ngày đi công tác nước ngoài). Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, chỉ hai ngày sau khi Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thông báo với Quốc hội đã đồng ý cho đại biểu Tâm nghỉ dưỡng bệnh ở nước ngoài cả kỳ thì ngay trong giờ nghỉ giải lao phiên họp Quốc hội sáng 29/10/2012, ĐBQH Đặng Thành Tâm “chơi trò bất ngờ lù lù xuất hiện” với bộ râu phong thủy, khiến cả nước bất ngờ còn Chủ tịch Quốc hội thì bị xem như một thằng khờ và rất điên tiết vì Tâm chỉ xem Quốc hội như một gánh xiếc!

Tiếp diễn trò này, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII vừa qua (20/5/2013) đại biểu Tâm lại chơi trò mất tích và không thể liên lạc, sau đó ba ngày bỗng đột ngột xuất hiện viện dẫn lý do là bị đau bụng nên chưa thể dự họp. Sự thật là lúc Quốc hội đã khai mạc, đại biểu Tâm nghe ngóng được tình hình tạm ổn nên mới dám bay từ Mỹ về để dự họp. Quan sát trong nghị trường lẫn các phiên họp tổ hiếm hoi mà Tâm tham dự, người ta thấy vị đại biểu nhân dân này dành phần lớn thời gian cắm cúi bấm điện thoại, vào toa-lét, chém gió với báo chí và ngủ trong các buổi làm việc chung.

Phiên họp tổ: Trong lúc các ĐBQH Đoàn TPHCM thảo luận thì Đặng Thành Tâm lại miên man suy nghĩ về các “chiêu trò tiếp theo” sẽ chơi cử tri và Quốc hội?

Điểm bi hài là trong tất cả các vấn đề nóng mà Quốc hội quan tâm xử lý như “sở hữu chéo để rút ruột ngân hàng”, “nhóm lợi ích”,… thì đương kim ĐBQH Đặng Thành Tâm của Quốc hội Khoá XIII chính là “gương điển hình tiêu biểu nhất”, thành viên nhóm lợi ích lớn nhất, rút ruột ngân hàng kinh khủng nhất!

Bên cạnh việc biến Quốc hội thành một gánh xiếc, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, cùng với người chị đã bị bãi nhiệm Đặng Thị Hoàng Yến, Đặng Thành Tâm đã xuất sắc lập kỷ lục Việt Nam về ĐBQH kêu cứu khẩn cấp nhiều nhất! Yến và Tâm buộc các nhân viên tham gia các hoạt động thu thập và cung cấp tài liệu mật Nhà nước cho Quan Làm Báo dẫn đến kết cục bị cơ quan an ninh điều tra bắt quả tang về hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" theo Điều 263 - Bộ luật Hình sự, Tâm liền gửi đơn cầu cứu khẩn cấp (ngày 8/9/2012) lên Bộ Chính trị. Chỉ hơn một tháng sau, người ta lại thấy ĐBQH Đặng Thành Tâm từ Mỹ tiếp tục gửi “Đơn cầu cứu việc bị ức hiếp, và đối xử không công bằng” cho hơn 600 vị UVBCT, UVTW và các ĐBQH với giọng điệu và lời lẽ không khác gì trên Quan Làm Báo của Đặng Thị Hoàng Yến.

Từ đó đến nay, đi đến đâu đại biểu Tâm đi đâu cũng kêu than, cầu cứu và luôn cho rằng có một âm mưu rình rập để hãm hại ông. Ai rình rập và hãm hại thì chưa rõ, chỉ thấy ông nhận đang nợ đến 10 ngàn tỷ, một món nợ mà các chuyên gia phân tích là trả đến hàng trăm năm cũng chưa hết!

Chưa hết, gần đây dư luận còn phanh phui việc ĐBQH Đặng Thành Tâm từ lâu có thẻ cư trú, hoạt động cho CIA và gần đây toàn bộ gia đình đều đã nhập quốc tịch Mỹ. Quốc hội nên nghiêm túc kiểm tra thông tin này, vì nếu đúng, thì Đặng Thành Tâm và Đặng Thị Hoàng Yến sẽ đi vào lịch sử Quốc hội nước CHXHCNVN khi là công dân Mỹ, điệp viên CIA mà vẫn có thể tham gia Quốc hội. Thật đáng tự hào, vì Quốc hội ta như thế là dân chủ toàn cầu, cởi mở nhất thế giới rồi còn gì!

Hiện tất cả đại biểu thuộc Đoàn TPHCM và các đoàn khác đều đã phát ngán với các chiêu trò của Đặng Thành Tâm, họ cảm thấy bị xúc phạm danh dự và nhục nhã khi phải chung hàng ngũ với những kẻ có tư cách đạo đức không ra gì, đĩ điếm lưu manh như chị em nhà Đặng Thành Tâm. Vậy mà chưa hết, gần đây Tâm còn chai mặt khi tuyên bố với trên Tuổi Trẻ: “Nói thật, đáng lẽ tôi không nên vào QH. Hồi xưa, tôi không nghĩ làm ĐBQH là làm chính trị gia, cái số của tôi không hợp làm chính trị gia…Nói thật là tôi sợ lắm rồi, kỳ tới sẽ không nghĩ đến chuyện tham gia QH nữa”. Ông Tâm nói thế không thấy Đoàn TPHCM lên tiếng nhưng đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà của Đoàn Hà Nội lập tức lên tiếng nhắc nhở: “Phát biểu như thế là thiếu trách nhiệm… nếu tự mình thấy không đủ khả năng, trách nhiệm, phù hợp thì hãy tự xin thôi làm ĐBQH…”.

Không biết ĐBQH Đặng Thành Tâm có còn đủ liêm sĩ để nghe lời nhắc nhở này không? Tốt nhất đại biểu Tâm nên tự xin thôi và ra khỏi Quốc hội ngay trong kỳ họp này, trước khi xác lập kỷ lục: Trở thành ĐBQH đầu tiên của nước CHXHCNVN bị truy tố vi phạm đồng thời các Điều 88, 90, 115, 258,… của Bộ luật Hình sự.
(TSNH)
 

Alan Phan - Tôn Trọng Người Khác

30 năm nay, tôi có thể tự hào là chưa bao giờ nói xấu một cá nhân nào. Những năm còn trẻ, tôi cũng mang nhiều tự tôn và tự ti, nhiễm bệnh thích phê bình chỉ trích, nhất là người mà mình không thích vì lý do nào đó.  Cho đến một ngày đủ tự tin và kiến thức, mở rộng tư duy để nhìn mọi sự việc khoa học hơn, tôi mới nhận thấy rằng bất cứ người nào tôi đã gặp, đều có những khía cạnh mà tôi không biết rõ. Tôi tôn vinh và khen ngợi những phân khúc hay và đẹp của nhiều nhân vật vì họ xứng đáng, nhưng tôi im lặng về những đồn đại không kiểm chứng được từ thiên hạ.
Tôi cũng không ganh tị với bất cứ ai. Những người hơn tôi về khía cạnh nào đó như tiền của, sự nghiệp, danh tiếng, quyền lực hay kiến thức, tâm hồn, sức khỏe, kỹ năng…đều hơn tôi thật và tôi bao giờ tôi tranh cãi với thực tại. Thích hay không thích, chỉ cúi đầu chấp nhận thôi, và không nên lưu lại trong tâm trí, nếu đây là một cuộc ganh đua vô vọng.  Hãy để thì giờ chú tâm vào những việc quan trọng hơn (như ra biển chơi đùa với các con hải âu hay lên núi dang tay nắm những chùm mây).
Tuy nhiên, gần đây tôi bị lôi kéo vào những cáo buộc hoàn toàn không có cơ sở hay bắng chứng.
Trường hợp Nick Vujicic là một thí dụ. Tôi không biết là rất nhiều người Việt đã phong thánh cho bạn này và khi tôi chỉ bàn đến kỹ năng PR của Nick mà không đề cập đến “thánh tính” của anh ta, nhiều người cho là tôi phạm thượng và coi thường Nick. Dù rằng, tôi đã khai mào là tôi không biết gì về con người của Nick và sẽ không bình luận gì đến các khía cạnh khác của nhân vật này.
Trường hợp sau là ông Bầu Đức. Nhiều người nghĩ là tôi ganh tị và thù ghét ông Đức vì chuyện ông ta đăng đàn mắng mỏ tôi. Thực ra tôi thích những người phê bình chỉ trích tôi công khai, dù đúng hay sai. Tôi đã tổ chức một ngày hội để mọi bạn hữu kẻ thù có thể “roast” tôi cơ mà.
Tôi chỉ ghét những anh chị ném đá dấu tay, xài “nick” trên các diễn đàn mạng mà không dám ra mặt hay cho địa chỉ. Những bài viết về nạn phá rừng hoàn toàn không nhắm đến ông Bầu Đức hay bất cứ một cá nhân nào. Sự quan tâm của tôi đến môi trường đã được nêu rõ qua các bài viết tiếng Việt suốt 3 năm qua và các bài viết tiếng Anh hơn 12 năm trước. Tôi cũng đã là Trưởng phân khoa Môi Trường của đại học Kỹ Thuật Phú Thọ từ năm 1971 đến 1975 (không biết ông Đức đã sinh ra chưa vào thời này).
Thực ra tính tôi hay bông đùa một cách vô hại, không hề có ác ý hay dìm ai xuống bùn đen để đề cao mình. Cho đến bằng này tuổi dầu, con người tôi thực sự là một cậu học trò (nhất quỷ nhì ma…), và chắc chắn là không nên nết. Khi ông Đức mắng tôi là ‘cực kỳ vô văn hóa”, tôi đã cười hề hề với bạn bè và nghĩ rằng ông nói đúng, theo góc nhìn của ông. Nếu ông ở gần, có lẽ tôi sẽ đến “hi-fi” ông một cái. Làm sao mà ganh tị hay thù ghét ông được?
Gần 40 năm đầu trong đời người ngắn ngủi, có thể nói tâm tôi không bình yên vì những bực tức và cáu giận với tha nhân. Từ gia đình, bạn bè đến đối tác nhân viên, tôi luôn luôn khơi phá lên những sai lầm hay ác ý của họ để chứng minh mình đúng và họ là những con sâu gây khổ cho mình. Nhưng khi nhìn kỹ hơn lại con người chính mình và những lý do để họ hành xử như vậy, tôi mới nhận ra cách duy nhất để sống với đời và tha nhân là hãy quên đi những khác biệt và “live and let live” (sống và để người khác sống).
Mỗi con người là một thực thể sống động với những trải nghiệm và tư duy khác nhau. Nếu có những đụng chạm và mâu thuẫn mà không thể giải quyết thỏa đáng, hãy tôn trọng người khác và né sang đường khác. Thế giới còn quá rộng để tranh dành hay thù hận những miếng đất hay sự việc nhỏ nhoi. Tha thứ cho người và tha thứ cho mình.
Tuy nhiên, một vài bạn sẽ hỏi,”nếu đó là một tranh chấp để sống còn, để giữ phẩm cách cho con người mình, để đáp ứng với chuẩn mực đạo đức và quyền làm người, ta có né tránh được không”. Tôi luôn luôn đau khổ với câu trả lời,” bạn phải sẵn sàng trả giá cho cuộc chiến và xin ơn trên phù hộ cho bạn”. Nhưng thắng hay thua, hãy tôn trọng kẻ thù.
Alan Phan
(Góc nhìn Alan)

Trương Duy Nhất chỉ bị om hết kỳ họp Quốc hội này?

Nhà báo Trương Duy Nhất và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Nhà báo Trương Duy Nhất và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
2 ngày sau khi Nhất bị bắt, tôi có việc đến Huế và ghé thăm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tôi hỏi anh Điềm sao lại bắt Nhất? Anh Điềm cười to (tôi hiểu bắt Nhất buồn cười), nhưng rồi một lát anh nói đại ý: “Có lẽ do giọng văn quá dứt khoát của Nhất, nói như đóng đinh, nói như khẳng định, nói như không được cãi; mà Nhất là người nổi tiếng nên có ảnh hưởng mạnh đến số đông. Có lẽ vấn đề cách nói đó làm người ta hiểu sai cái lòng tốt của Nhất”. Tôi cũng đồng ý với anh, nhưng tôi cho rằng, người ta đã bắt Nhất bởi sợ cái điều không nói sai nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới việc bỏ phiếu tín nhiệm tại QH tuần tới, đó là lên danh sách “cùng bỏ phiếu với QH”. Chúng tôi cùng cười và chuyển sang những câu chuyện khác…
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
(Blog Nguyễn Trọng Tạo)
 

Kè 2000 tỷ đồng ở Cần thơ trôi sông: Kiểm định độc lập

Hiện trường vụ kè sông Cần Thơ đổ sụp xuống sông lúc nửa đêm
Người dân phản ánh đã nghe thấy 2 tiếng nổ lớn trước khi bờ kè sụp đổ xuống sông Cần Thơ trong đêm.
Trao đổi với phóng viên chiều 30/5, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ Nguyễn Chí Hùng cho biết đã có báo cáo nhanh gửi UBND TP Cần Thơ về sự bờ kè sông Cần Thơ đổ sụp vào rạng sáng 30/5.
Theo đó, có 56m tường kè bê tông cốt thép đang thi công bị sạt lở hoàn xuống sông Cần Thơ; chiều dài đất lở xuống sông khoảng 40m, ăn sâu vào đất liền 14 - 16m. Phạm vi xảy ra sự cố thuộc gói thầu số 7 trị giá hơn 82 tỷ đồng, do Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường thi công; Công ty cổ phần tư vấn giao thông Quảng Nam giám sát; nhà thầu thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải (Chi nhánh TP.HCM). Đến nay, gói thầu này đã hoàn thành 62% khối lượng công trình, đã cơ bản hoàn thành phần chân và thân kè.
“Về giá trị thiệt hại công trình, theo tính toán, mỗi mét kè hoàn thiện tốn chi phí khoảng 72 triệu đồng. Còn về nguyên nhân, theo ghi nhận ban đầu của chúng tôi cũng như báo cáo của nhà thầu thì nhà thầu đã tập kết nguyên vật liệu để chuẩn bị hoàn thiện gói thầu vượt mức cho phép. Mặt khác, khu vực xảy ra sự cố bị xói lở nghiêm trọng; đường mặt đất tự nhiên theo thiết kế và đường mặt đất tự nhiên theo thực đo phía dưới đáy bản kè đang thi công chệnh lệch khoảng 1,4m. Hiện tại, nhà thầu đang làm rào chắn, lắp đặt biển báo cảnh giới nguy hiểm và cùng chính quyền địa phương làm đường tạm cho người dân đi lại an toàn qua khu vực này”, ông Hùng cho biết.
 - 1
Hiện trường vụ kè sông Cần Thơ đổ sụp xuống sông lúc nửa đêm
Về việc người dân phản ánh có nghe 2 tiếng nổ trước khi bờ kè sụp đổ, ông Hùng nói: “Có nghe người dân báo vậy nhưng cũng chưa biết là gì?”.
Cùng ngày, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo chủ đầu tư cùng các ngành chức năng nhanh chóng mời đơn vị kiểm định độc lập vào cuộc, sớm kiểm tra, đánh giá, tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý sự cố sạt lở này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hùng cho biết, đã liên hệ với đơn vị thẩm định là Công ty tư vấn Viện Biển (trực thuộc Viện khoa học công nghệ thủy lợi Việt Nam). “Họ nói trong ngày mai (31/5) sẽ đến Cần Thơ bắt tay vào việc. Trước mắt, ngoại trừ khu vực sạt lở phải tạm ngưng, đơn vị thi công tiếp tục thực hiện các vị trí khác để hoàn thành gói thầu số 7”, ông Hùng nói.
Theo ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, tuyến kè phía bờ trái sông Cần Thơ (thuộc quận Cái Răng) dài hơn 4,78km, đến nay đã thực hiện được 65% khối lượng công trình. “UBND TP Cần Thơ chỉ đạo tuyến kè bờ cái răng phải hoàn thành vào cuối năm 2013 để chào mừng sự kiện kỷ niệm 10 năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng xảy ra sự cố này, không biết có hoàn thành kịp không”, ông Nguyễn Chí Hùng lo lắng!
Về sự ỳ ạch của công trình này, vào tháng 11/2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, kiểm tra, có biện pháp xử lý, chấn chỉnh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư.
Công trình kè sông Cần Thơ được khởi công vào tháng 5/2010 với tổng mức đầu tư hơn 711 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011 nhưng đến nay vẫn còn rất ỳ ạch. Đặc biệt, do dời gian kéo dài, trượt giá mạnh, chi phí hỗ trợ bồi thường tái định cư tăng cao… công trình này đã đội vốn lên gần 2.000 tỷ đồng.
Cửu Long
(Khám phá) 

Kêu gọi biểu tình ở Việt Nam phản đối Trung Quốc

Biểu tình ở Hà Nội phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, 09/12/2012 (REUTERS)
Biểu tình ở Hà Nội phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, 09/12/2012 (REUTERS)

Trong những ngày qua, dư luận Việt Nam lại phẫn nộ trước những hành động mới của Bắc Kinh trên Biển Đông : cấm đánh cá, điều động tàu chiến hộ tống tàu cá Trung Quốc, đâm tàu cá Việt Nam, bắt giữ và áp giải tàu thuyền Việt Nam đang đánh bắt cả ở Hoàng Sa ...

Trên mạng hiện đang lan truyền một lời kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc vào ngày Chủ nhật 02/06 tới, tại hai địa điểm Hồ Gươm ở Hà Nội và công viên 30/04 ở Sài Gòn. Là một người đã nhiều lần xuống đường lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, anh Nguyễn Lân Thắng trả lời phỏng vấn RFI từ Hà Nội về lời kêu gọi này.
Thanh Phương (RFI)

Lật mặt lời kêu gọi biểu tình ngày 02/6/2013

Giả chống Trung Quốc - Thực chống chính quyền
Giả chống Trung Quốc - Thực chống chính quyền
Chỉ cần điểm mặt những trang web, những trang blog đang kêu gào, cổ vũ, ủng hộ lời kêu gọi biểu tình “Phản đối Trung Quốc gây hấn và xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông” vào 08h30 ngày Chủ Nhật 02.06.2013, Tại Hà Nội: Khu vực HỒ GƯƠM, Tại TP Hồ Chí Minh: CÔNG VIÊN 30/4, chúng ta sẽ biết ngay sự thật đằng sau cái chiêu bài “Phản đối Trung Quốc” của họ. Chống Trung Quốc gì mấy cái gương mặt cũ mèm với cái “kịch bản” cũng cũ mèm này?
KỊCH BẢN: GIẢ CHỐNG TRUNG QUỐC, THỰC CHỐNG CHÍNH QUYỀN
Chả có gì lạ hết, tất cả đều nằm trong kịch bản. Chống Trung Quốc xâm lược chỉ là cái cớ, có cớ rồi thì chống chính quyền.
Có sự kiện, có tiền, đến anh bán phở cũng biết đám rân trủ sẽ tụ tập và sản phẩm là kịch bản như này:
Bước 1: Xin phép
Biết trước xin phép biểu tình sẽ không được, nhưng cứ xin, xin để có cái cớ chê trách chính quyền vô cảm, có cái cớ chê bai Pháp luật, có cái cớ để tụ tập quay phim lên in tờ nét. Này nhé, tôi xin rồi đấy nha, tại anh không giải quyết nên tôi mới đi đấy nha. Tại anh hết chứ không phải tại tôi.
Biết trước sẽ bị ngăn chặn. Ô kê, mong cho điều đó sớm xảy ra. Càng thô bạo càng tốt. Nếu cần, cho đàn bà, trẻ em đi trước, mình đi sau chụp ảnh gửi anh Sàm, anh Diện cùng đám đề tử của anh Tương cà mắm muối là ô kê, lên mạng.
Bước 2: Tụ tập thị uy
Đã xin phép hẳn hoi, đơn từ đàng hoàng mà không trả lời, ta cứ tụ tập, cờ sao, băng rôn, biểu ngữ với nội dung chính đáng, chỉ chống Trung Quốc xâm lược, không chống chính quyền xem làm gì được?
Cản trở là chống lại dân, ha ha, kế này độc.
Bùi Hằng, Phương Bích đâu? À quên, hai cô đã giải quyết tiền nong xong chưa? Nhanh còn ra bờ hồ.
Anh này, anh kia, cô nọ nhớ chưa? công khai lên mạng, hẹn hò tử tế, nhập đoàn đi đầu, mồm càng to càng tốt, gào vào mặt nhân viên công quyền cho đến khi anh ta phát khùng lên, bọn anh chụp quay. Ô kê?
Tiếp theo, chưa bị bắt thì phải dấn thân, cần thiết thì tự xé áo tụt quần, xé cờ và biểu ngữ, yên tâm đi, bọn anh sẽ quay. Nhớ lao vào thằng nào mặc quân phục ấy, ngã ra, giãy đành đạch, bọn anh cũng sẽ ghi. Nhớ chưa?
Còn các chú này, muốn lên báo, muốn trở thành hót boy không? Rất dễ, chỉ cần 5 phút cả thế giới sẽ biết chú là ai. Cầm cờ, cầm loa và gào, nhớ là phải gào vào loa, phất cờ bạt mạng. Yên tâm, chú sẽ bị bắt cùng anh này, chị kia, khi bị hỏi nhớ ghi âm. Được chưa? Nếu được rồi thì cứ thế mà làm.
À quên, cụ, cụ là hót gơn 82, cụ sẽ bay vè vè quanh Lộc Hà và gào như mọi khi, đảm bảo không có cao xạ nào bắn cụ đâu. Thế nhé.
Chắc chắn chỉ 10 phút sau đoàn giải tán. Các chú sẽ được thả cùng các chị nhà báo não nàng, và mấy dáo xư khả kính. Như thế là hoàn hảo. Có ý kiến gì không?
Bước 3: Xào bài
Các vị tiến xĩ, dáo xư hãy thể hiện tài năng đi, nhớ thêm vài điều luật nhé, từ hiến pháp đến Nghị định, từ quốc tế đến Việt Nam, không được quên Mỹ đâu đấy. À mà thêm tí chiết nữa cho nó hàn lâm.
Làm xong gửi mấy anh loa phường chi sàm diện thụy. Nhớ chưa? Ô kê xong.
Bước 4: Kiện
Tất nhiên là kiện. Bước này quan trọng bởi mục đích đã thay đổi. Hãy quên Trung Quốc mà tập trung vào chính quyền.
5 vị tinh tú đâu, các vị là tinh tú của đất nước, các vị bị mất quyền làm người từ hôm biểu tình, mà quyền con người quan trọng lắm, vì thế các vị sẽ kiện.
Nhưng nghe kiện không hay, các vị nghĩ đi, kiện dưới hình thức nào cho nó oách một tí, cuốc tế một tí. À, bố cáo, tuyên bố? hay thông báo? Đúng rồi, thông báo cho toàn thiên hạ biết là các bác bị mất quyền làm người. Nhớ trích dẫn hiến chương liên hợp cuốc, điều 68, 69, 71, 73 về quyền con người.
Các vị thấy chưa, từ Trung Quốc đến chính quyền là như thế đấy. Đề nghị hoan hô. Giả chống Trung Quốc, thực chống chính quyền!
Chính quyền biết không?
Biết hết, chính quyền không lạ! Nhưng chờ đấy, chữa bệnh, diệt khuẩn phải đúng cách, có phác đồ hẳn hoi. Hơn ai hết, chính quyền biết khi nào có thể để vết thương tự lành, khi nào cần cồn i ốt, và khi nào cần cắt bỏ khối u.
Chỉ thương 5 vị tinh tú chường mặt ra mà bố cáo.
Thảm thương cho kiểu rân chủ bại não!
Lâm Trực
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)
(nguyentandung.org)

Vì sao xin visa đi Mỹ lúc rất dễ, khi cực khó?

“Khi phỏng vấn, người xin visa cũng chỉ có vài phút, và tất cả ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, thái độ...) sẽ được phân tích sát sao. Chỉ cần có bất kỳ dấu hiệu đáng nghi ngờ nào, dù là vô tình hay cố ý, khả năng rớt visa sẽ... rất cao”.
Sau khi Thanh Niên Online khởi đăng các tin bài xoay quanh việc xin visa đi Mỹ, nhiều bạn đọc đã trực tiếp gửi về tòa soạn nhiều ý kiến chia sẻ.
Thanh Niên Online xin giới thiệu những tiết lộ thú vị của ông Phạm Anh Khoa, Giám đốc Học viện Yola, chuyên tổ chức đào tạo tiếng Anh và tư vấn du học, xung quanh việc xin visa Mỹ.
Ông Phạm Anh Khoa là một trong những người sáng lập tổ chức VietAbroader (tổ chức do sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ thành lập và điều hành), chuyên hỗ trợ học sinh đi du học Mỹ. Bản thân ông Khoa đã có 6 lần xin visa không di dân Mỹ (du học, du lịch, công tác).
"Vì yếu tố chủ quan, nói nôm na là “hên xui”, của việc xin visa đi Mỹ nên đôi khi có trường hợp rất khó giải thích", ông Khoa bắt đầu câu chuyện.
Xin visa Mỹ là… hên xui
Tôi biết một ông giám đốc đại diện cho công ty Mỹ ở Việt Nam, thu nhập rất cao, làm việc ở công ty đó một thời gian dài, thường xuyên qua Mỹ công tác và du lịch như cơm bữa.
Thế nhưng, con gái của ông ấy xin visa du lịch hay du học qua Mỹ đều rớt và rớt tổng cộng 5 lần, đến giờ vẫn… ở Việt Nam!

Một buổi tư vấn du học và xin visa tại Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM - Ảnh: Hoàng Quyên
Nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Một học sinh đi học đại học trễ 5 năm, ba mẹ đều làm nghề nông ở quê, có anh trai đang học ở Mỹ. Em học sinh này xin visa lần đầu rớt nhưng khi xin lại lần thứ hai thì đậu liền.
Khi tôi xin visa sang Mỹ du học lần đầu tiên, mọi thứ khá thuận lợi, vì tôi có học bổng toàn phần từ trường đại học Mỹ.
Những lần sau này khi tham gia phỏng vấn xin visa, tôi chỉ mất chưa đến 30 giây. Nhiều khi hai bên trò chuyện, hỏi thăm cho vui chứ không nói gì liên quan đến visa.
Không có chuyện bảo đảm 100% xin được visa Mỹ
Một trong những lý do khiến việc xin visa đi Mỹ là "hên xui" vì xin visa đi Úc hay Anh người ta phải nộp giấy tờ tài chính và các hồ sơ liên quan ngay từ đầu. Nhân viên lãnh sự có thời gian tương đối nhiều để kiểm tra, phân tích tài liệu.
" Bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tuyên bố có thể đảm bảo về kết quả xin visa Mỹ thì hoặc là khoác lác hoặc là mờ ám như vụ “bán” visa gần đây Ông Phạm Anh Khoa "
Trong khi đó, đối với visa Mỹ, hồ sơ sơ khảo chỉ cần nộp qua mạng, còn tất cả giấy tờ tài chính được mang trực tiếp đến phòng phỏng vấn. Chính vì vậy, nhân viên lãnh sự phỏng vấn xin visa Mỹ có một áp lực rất lớn là phải ra quyết định trong một thời gian rất ngắn với những thông tin về gia đình, về tài chính chưa được kiểm chứng kỹ.
Khi phỏng vấn, người xin visa cũng chỉ có vài phút, và tất cả ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, thái độ...) sẽ được phân tích sát sao. Chỉ cần có bất kỳ dấu hiệu đáng nghi ngờ nào, dù là vô tình hay cố ý, khả năng rớt visa sẽ... rất cao.
Chưa kể, để được cấp visa, người nộp đơn phải chứng tỏ được rằng họ không có ý định định cư tại Mỹ. Để chứng minh được điều này thì cần chứng minh những ràng buộc tại Việt Nam về khía cạnh gia đình, tài chính, công việc, học hành, hoặc tương lai sự nghiệp. Mỗi cá nhân với từng hoàn cảnh riêng sẽ có câu trả lời và cách chứng minh riêng cho mình, không ai giống ai.
Chính vì hai lý do trên, quyết định cấp xét xin visa Mỹ mang tính chủ quan, khó lường... Bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tuyên bố có thể đảm bảo về kết quả xin visa Mỹ thì hoặc là khoác lác hoặc là mờ ám như vụ “bán” visa gần đây.
Visa du lịch ngắn hạn sẽ bị siết chặt
Theo như thông tin ghi trong tài liệu 28 trang cáo buộc ông Michael Sestak mà tôi có được thì các trường hợp vi phạm đang được điều tra đều là visa du lịch, cụ thể là một số cá nhân muốn qua Mỹ bằng visa du lịch để sau đó tìm cách trốn ở lại Mỹ.
Vì vậy, theo tôi, tình hình xin visa du lịch ngắn hạn trong thời gian trước mắt sẽ bị siết chặt hơn, còn visa du học sẽ ít bị ảnh hưởng.
Phụ huynh tìm hiểu về việc sinh hoạt, học tập ở Mỹ tại Lãnh sự quán Mỹ (TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Quyên
Cá nhân tôi đánh giá, khi người Việt Nam qua Mỹ du lịch hay du học, coi như họ đã đóng góp cho nước Mỹ rất nhiều ngoại tệ cũng như tài năng. Vì vậy, cho dù có thể có những lùm xùm trong ngắn hạn, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các bộ phận lãnh sự ở Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm những trường hợp xin visa chính đáng được cấp visa, vì đó cũng là quyền lợi của Mỹ.
Theo tôi quan sát thì tình hình cấp visa không di dân Mỹ ở Việt Nam tăng trưởng lạc quan trong thời gian ba năm vừa qua. Theo thống kê cung cấp bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, số lượng visa B1 và B2 (dành cho mục đích công việc, tham quan, du lịch…) cấp cho công dân Việt Nam tăng mạnh từ 31.679 trường hợp trong năm 2010 lên đến 41.730 trường hợp trong năm 2012.
 
Nếu hồ sơ bạn chính xác, chân thành mà bị rớt thì vẫn còn khả năng xin phỏng vấn lại lần thứ 2, lần thứ 3...
Nhưng nếu bạn gian dối, như gần 100 cá nhân trong vụ Michael Sestak, thì cánh cửa đi Mỹ sẽ đóng vĩnh viễn.
Số lượng visa F-1 (dành cho học sinh có nhu cầu du học tại Mỹ trên 1 năm) cũng tăng từ con số 8.681 vào năm 2010 lên 10.343 trong năm 2012.
Trước khi có vụ gian lận cấp visa của ông Sestak thì cũng từng xảy ra các vụ gian lận visa ở những văn phòng lãnh sự Mỹ ở các thành phố khác trên thế giới.
Và cho dù như vậy, có một điều chắc chắn là những luật lệ, điều khoản về xin visa Mỹ vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, một việc có thể thay đổi ở Việt Nam đó là các nhân viên lãnh sự sẽ phân tích, soi xét hồ sơ kỹ hơn, và sếp của các nhân viên này cũng sẽ quản lý, kiểm tra các nhân viên sát sao hơn.
Vì vậy, tôi khuyên tất cả những người chuẩn bị xin visa du học hay du lịch gạt bỏ ý nghĩ gian dối, gian lận hồ sơ.
Cứ 3 người xin, 1 người rớt
Nhờ quá trình điều tra vụ án gian lận visa của ông Michael Sestak mà con số thống kê thú vị về tỷ lệ từ chối visa, vốn được bảo mật cẩn thận, của Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM được tiết lộ.
Cụ thể là từ ngày 1.5.2012 đến ngày 6.9.2012, Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM đã chấp nhận 20.362 visa không di dân và từ chối 11.024 visa không di dân, nghĩa là tỷ lệ từ chối khoảng 35,1%.
Trái với nhiều tin đồn là hầu hết người xin visa Mỹ đều rớt, con số 35,1% nói lên một sự thật là, nếu nhìn tình hình một cách tổng thể công bằng, thì cứ 3 người xin visa du lịch hay du học Mỹ có xấp xỉ 2 người đậu, 1 người rớt.
Nguồn từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tổng số visa không di dân cấp cho người dân Việt Nam từ khoảng 13.000 trường hợp năm 2000, đã tăng lên khoảng 58.000 trường hợp vào năm 2012. Liên tiếp 3 năm 2010, 2011, 2012, tổng số visa không di dân tăng liên tục, lần lượt là 46.000, 50.000 và 58.000.
Vì vậy mọi người hãy cứ bình tĩnh, tự tin và chân thành khi xin visa, theo ông Phạm Anh Khoa.
Hoàng Quyên (ghi lại)
(Thanh Niên)
 

GS Nguyễn Lân Dũng nói về 5 tính xấu của người Việt

GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 tính xấu của không ít người Việt Nam, đó là ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào"
Tự biến mình thành hèn hạ
- Là Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân gần gũi với người Việt Nam, theo ông, người Việt có tính xấu nào cần phải thay đổi trong thế giới hiện đại?
- Không có tính xấu nào là của mọi người Việt, nhưng có thể có những tính xấu của một bộ phận không nhỏ người Việt. Trong thế giới hiện đại mọi người đều tiếp nhận được không ít những nét đẹp văn hóa do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại. Chẳng hạn như thói quen thường xuyên theo dõi tin tức trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình. Với giới trẻ là thông qua Internet, điện thoại trực tuyến...

GS Nguyễn Lân Dũng.

Nền kinh tế thị trường bên cạnh các ưu việt rõ rệt so với nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng do tính tự phát vốn có, kinh tế thị trường có thể mang lại không chỉ có tiến bộ mà còn cả suy thoái, khủng hoảng và xung đột xã hội. Cái chính là việc chạy theo đồng tiền bằng mọi giá.
Trước đây trong các cuộc kháng chiến, mọi người sống giản dị, thân thiện với nhau, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp, cán bộ gần gũi với dân và tôn trọng dân. Ngày nay, bộ phận nhẽ ra phải là ưu tú nhất trong xã hội là cán bộ, đảng viên nhưng như nhận xét của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 thì "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Chúng ta từng có khẩu hiệu Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Nay một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái, biến chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng? Người ta coi chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được gọi là văn hóa phong bì. Từ vị trí chủ nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khái tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền (một phần do pháp luật quy định người đưa hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (cái gọi là chủ nghĩa mackeno).
Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng.
- GS văn hóa nổi tiếng Trần Lâm Biền đã từng ví: Lòng tham như một chất ma túy, phá hoại nhân cách con người và có sức cám dỗ ghê ghớm. Theo ông, lòng tham khiến người Việt xấu xí và suy yếu thế nào trong quan hệ cộng đồng và thế giới?
- Lòng tham đẩy lùi nhân cách sống giản dị, vị tha, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... những đức tính quý giá vốn là truyền thống của nhân dân ta. Lòng tham khiến mất đi sự quý trọng vốn có của nhân dân với những người cán bộ, nhẽ ra phải là công bộc của dân như lời dạy của Bác Hồ.
Lòng tham khiến mất đi sự chung thủy của không ít vợ chồng, kể cả những cặp vợ chồng trẻ biểu hiện qua tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Lòng tham khiến láng quê vốn yên lành nay trở nên náo loạn vì chuyện tịch thu bờ xôi ruộng mật một cách bừa bãi, thiếu cơ sở khoa học và pháp lý, còn vì cắt tóc thư giãn, karaoke, nhà nghỉ, game online... đã len lỏi tới tận các vùng quê.
Lòng tham khiến bố mẹ nhắm mắt chạy theo đồng tiền để các quý tử tự do phá phách, bỏ học, trở thành những anh hùng xa lộ hoặc những tên Don Juan chuyên hại đời các cô gái mới lớn... Đạo lý đang bị thách thức, đơn từ khiếu nại, tố cáo xếp đầy các tủ hồ sơ mà không kịp giải quyết thỏa đáng...
"Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể"
- Thói tham danh, bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie). Theo ông, thói háo danh của người Việt hiện nay đã ở mức báo động ra sao?
- Danh lợi có nghĩa là cái danh hiện nay đi liền với cái lợi. Hầu như ai có chút quyền hành gì đều cố hết sức tận dụng cái uy quyền ấy để làm giàu một cách bất chính. Vì vậy dân gian mới có câu "Nhà mặt phố, bố làm quan". Cũng còn có những ông quan thanh liêm, nhưng số đó quả không nhiều.

GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn chỉ ra những thói hư tật xấu của người Việt.
Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể. Chuyện mãi lộ của cảnh sát giao thông ai cũng biết mà có lẽ không có cách gì khắc phục nổi. Một lái xe taxi nói với tôi đưa bệnh nhân đến cổng bệnh viện, vì không được đỗ nên đã cẩn thận hỏi anh cảnh sát giao thông là phải đỗ chỗ nào?. Anh ấy trả lời là lên quá chỗ cầu vượt kia. Làm đúng như vậy thì lại đã có anh cảnh sát giao thông khác xông ra đòi phạt với số tiền cao ngất ngưởng. Đành phải đưa một nửa số tiền ấy mà không lấy biên bản.
Chuyện này tôi đã nói ở diễn đàn Quốc hội nhiều lần mà hầu như chưa có chuyển biến gì. Sao ta không học hỏi cảnh sát nước ngoài, xe đỗ sai quy định họ gài giấy phạt lên cái gạt nước mưa, lái xe cứ việc nhanh chóng chuyển tiền qua ngân hàng, càng chậm số tiền phạt càng tăng. Đấy chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ.
Một nữ doanh nhân rất thành đạt đã trả lời khi tôi hỏi sao không thấy xuất hiện trên tivi trong các lần được lãnh đạo đeo cho vòng hoa và cổ: "Chú tưởng ngon lành thế à. Nộp nhiều tiền lắm đấy chú ạ". Thật ngoài trí tưởng tượng của tôi.
Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế. Nào là tôm bị trả lại vì có đinh đóng vào đầu tôm cho tăng cân, nào cà phê thi hái lẫn lộn cả quả xanh (vì nếu để chín hết sẽ mất trộm), nào giầy vải lẫn cả loại vải có lẫn formalin (do nhập ẩu nguyên liệu rẻ), nào phạt gây ô nhiễm chỉ nắm "anh có tóc" trong khi hàng chục cơ sở cùng gây ô nhiễm tại cùng chỗ đó...
Ai cũng có thể kể ra hàng trăm ví dụ về việc lạm dụng chức quyền để gây tác hại cho xã hội. Học hàm, học vị là chuyện nghiêm túc với các quy định hết sức chặt chẽ. Vậy mà vẫn có những người có bằng tiến sĩ nước ngoài trong khi tiếng Anh chỉ đủ ở mức biết vài câu chào hỏi, may mà báo chí chưa sờ đến hay không dám sờ đến đấy. Học hàm giáo sư, phó giáo sư trên toàn thế giới là chuyện chỉ dành riêng cho các trường đại học và thường chỉ cần do hiệu trưởng đại học quyết định. Hơn nữa cần ghi rõ là Giáo sư của trường nào? Làm gì có chuyện dành cho vô số vụ trưởng, thứ trưởng, sĩ quan quân đội, công an... như ở nước ta?
Coi nặng tiền tài hơn giáo dục
- Trong cuộc sống, nếu phải kể tên ra 5 tính xấu đáng sợ nhất của người Việt thì ông "dị ứng" nhất với những loại tham nào? Muốn thay đổi nó, người Việt phải làm gì?
- Tôi nghĩ không nên nói của người Việt Nam mà nên nói của không ít người Việt Nam: Nếu cần chọn ra 5 điều thì tôi chọn là: Ham tiền - Hiếu danh - Coi thường danh dự - Vô cảm và hèn nhát - Coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".
- Theo ông, căn nguyên của những tính xấu mà ông kể trên là gì?
- Thứ nhất, tôi cho là do chưa hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhưng lại chịu những ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường.
Thứ hai là tính thiếu dân chủ trong đời sống xã hội, nhất là trên phương tiện truyền thông, khiến cái xấu không được chỉ đích danh, kể cả trong lĩnh vực khoa học như anh Dương Trung Quốc đã phải thốt lên là một kiểu Lịch sử học vô nhân xưng. Chính vì vậy mà không ít người đọc đã quay lưng lại với báo viết mà quay sang báo mạng (bên cạnh nhiều trang tốt còn có cả những trang xấu của một số ít người có ác ý).
Thứ ba là do thiếu duy trì truyền thống gia giáo, coi nặng tiền tài hơn giáo dục, chăm sóc con cái.
Thứ tư là sự thiếu gương mẫu của các quan phụ mẫu các cấp, những người coi chức vụ là cần câu cơm (đúng hơn là cần câu vàng bạc, ngoại tệ).
Và thứ năm là tình trạng thiếu tin tưởng và ít trọng dụng người tài, không có lý do gì mọi chức vụ từ cấp thôn xóm trở lên đều phải là đảng viên (trong khi tỷ lệ đảng viên chỉ là 3 triệu trong 90 triệu dân số).
- Nhà văn Vương Trí Nhàn đã từng viết rất nhiều sách về tính xấu của người Việt và chia sẻ người Việt chẳng có tính tốt nào. Với ông thì sao, người Việt có thể tự hào về điều gì?
- Tôi nghĩ chẳng có ai muốn "vơ đũa cả nắm" như vậy. Chúng ta cần tự hào về những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp ấy thì làm sao giữ vững được nền độc lập quốc gia, làm sao có được những tiến bộ trông thấy trong đời sống kinh tế-xã hội, làm sao có được những bước bứt phá về tổng thu nhập quốc nội (GDP) mà quốc tế cũng phải thừa nhận, làm sao có vị trí ngày càng được tôn trọng trên thế giới....
Hãy tiếp xúc với các cựu chiến binh, với lớp người cao tuổi, với đa số bà con ở nông thôn, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Ta sẽ gặp biết bao những tấm gương tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn nêu cao sự trong sáng về đạo đức, về lòng nhân ái và sự hy sinh hết mình dành cho việc học hành của con cái cũng như cho sự đóng góp theo quy định của Nhà nước.
Bản thân người Việt chúng ta có sẵn một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chỉ cần khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước, trước hết hãy thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, để loại hết mọi con sâu, dù là một đàn sâu như lời Chủ tịch Nước, thì xã hội sẽ sớm ổn định , điều tốt đẹp sẽ nầy nở và các tính xấu chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Tôi vững tin là như vậy.
(Giáo dục Việt nam)

Vì sao blogger Mẹ Nấm tình nguyện đi tù cùng ông Trương Duy Nhất?

Một tuần trước khi ông Nhất bị bắt, bà Quỳnh cũng phải ‘làm việc với cơ quan an ninh điều tra’.
Blogger Mẹ Nấm (tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) kêu gọi cộng đồng người viết blog ở Việt Nam lên tiếng tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, sau khi một blogger khác là ông Trương Duy Nhất bị bắt vì ‘vi phạm pháp luật theo điều 258 Bộ luật Hình sự’.

Ông Nhất là chủ trang blog ‘Một góc nhìn khác’ (hiện không thể truy cập được), và nhiều lần chỉ trích giới chức chính phủ trong nước.

Bà Quỳnh cho rằng điều ông thể hiện ôn hòa trên mạng có thể đụng chạm đến cá nhân và nhà nước, nhưng đó là quyền tự do ngôn luận của blogger 49 tuổi.

Bà còn tuyên bố ‘tình nguyện đi tù’ cùng ông vì cho rằng vụ bắt giữ cựu ký giả đã ‘xâm phạm nặng nề tới quyền tự do’ của bà.

Nếu như hôm nay bắt được Trương Duy Nhất thì ngày mai họ cũng sẽ bắt được tôi.
» Blogger Mẹ Nấm nói.

Blogger từ tỉnh Khánh Hòa nói với VOA Việt Ngữ: "Nếu như hôm nay bắt được Trương Duy Nhất thì ngày mai họ cũng sẽ bắt được tôi. Để chống lại điều này, tôi nghĩ rằng tôi tình nguyện đi tù để được nói điều mình muốn nói".

Bà nói tiếp: "Hy vọng rằng với phản ứng của tôi như vậy thì những blogger khác ở Việt Nam sẽ suy nghĩ làm sao lên tiếng để điều 258 không tiếp tục là cái mũ để chụp lên đầu những người sử dụng mạng".

Vụ bắt giữ ông Nhất đã khiến cộng đồng blogger ở Việt Nam rúng động, nhưng bà Quỳnh nói nó không làm bà nhụt chí.

Bà cho rằng nếu giới viết blog ở Việt Nam giữ im lặng thì ngày mai ‘sẽ đến phiên chúng ta chứ không phải một người nào khác’.

Blogger này cho biết bà cũng không quan tâm tới những tranh cãi hiện nay xoay quanh vụ bắt ông Nhất.

Bà nói: ‘Có thể những người khác họ theo dõi thường xuyên hơn họ sẽ nghĩ ông Nhất là người của phe này hay phe kia, và việc bắt ông là động thái của việc đánh nhau trong nội bộ của Bộ Chính trị. Tôi không quan tâm tới điều đó. Tôi chỉ quan tâm tới một điều duy nhất là ông Nhất dùng blog để nói điều mình nghĩ và ông bị bắt vì điều đó’.

Một tuần trước khi ông Nhất bị bắt, bà Quỳnh cũng phải ‘làm việc với cơ quan an ninh điều tra’ vì tham gia phát bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cho một số công dân ở Khánh Hòa.

Hồi năm 2009, bà cũng từng bị bắt giữ vì điều 258 Bộ luật Hình sự sau khi ‘phản đối dự án khai thác bô xít và tuyên bố Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam’.

Liên quan tới không gian ảo ở Việt Nam, bà Quỳnh nhận định rằng có sự bùng nổ, và nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để nói lên ý kiến của mình.

Nhưng theo blogger này, rất khó để các công dân mạng tại Việt Nam nói lên quan điểm trái chiều.

Bà nói: "Ý kiến của anh được ghi nhận thư thế nào và quyền được nói của anh nằm ở chỗ nào thì điều đó lại không phụ thuộc vào quyết định của người nói, người viết mà nó phụ thuộc vào quyết định của nhà nước. Với các blog bị coi là đi ngược lại với luồng thông tin chính thống từ báo chí thì dễ bị quy chụp là các trang mạng phản động".

Blogger Mẹ Nấm cho rằng sự bùng nổ thông tin khiến nhà nước không thể kiểm soát nên họ phải ban hành nhiều thông tư, nghị định hơn về luật sử dụng Internet.

Điều 258 Bộ luật Hình sự về tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ có khung hình phạt từ 2 tới 7 năm tù.

Việt Nam từng dẫn số người dùng Internet lên tới hàng chục triệu người làm bằng chứng cho quyền tự do sử dụng mạng của người dân.

Nhưng bà Quỳnh nói rằng phần đông giới trẻ sử dụng mạng toàn cầu để chơi game hay tìm hiểu các thông tin về thời trang, còn phần thông tin chính trị xã hội không có sự bùng nổ.

Việt Nam nhiều năm qua đã bị tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt vào danh sách các nước là kẻ thủ của mạng Internet vì đàn áp người bất đồng trên mạng.
(VOA)
 

Phó Thủ tướng "khều" Tổng BT: 'Không thành phố nào tệ như Hà Nội'

Sự lộn xộn, cách làm không giống ai của ngành giao thông Thủ đô đã khiến Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: “Bến xe lộn xộn, taxi gian dối, tranh giành lừa hành khách, tôi thấy không thành phố nào như Hà Nội”.
Trong khi Chính phủ và nhiều bộ ngành liên quan ngày đêm quyết tâm xử lý các vấn nạn về giao thông thì Hà Nội có những động thái kỳ quặc. Câu chuyện xe khách ngang nhiên chạy xuyên qua thành phố (xuyên tâm) báo chí viết nhiều. đường vành đai 3 trên cao đã hình thành, thậm chí Ban Chỉ đạo Liên ngành 197 đã họp tốn thời gian và tiền bạc, nhưng các ngành chức năng Hà Nội vẫn không vào cuộc.
Đến nay, nhiều người đứng đầu Ban Chỉ đạo Liên ngành 197 đã về hưu, nhưng những quyết sách của họ vẫn treo lơ lửng. Không những thế, người ta còn cấp phép cho xe khách mạo danh trở về thăm chiến trường xưa vào tận trung tâm thành phố đón khách (vụ xe khách Dòng Hiền mà Tiền Phong đã nêu nhiều lần).
Mặt đường Giải Phóng biến thành nơi đỗ xe của nhiều hãng xe khách Vietbus (còn sát đường tàu hỏa), Sao Việt... chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai ngay trước mặt các lực lượng CSGT và thanh tra giao thông.
Vô lý nhất, có những văn bản do chính Sở GTVT Hà Nội ban hành từ năm 2006, nhưng cơ quan này ỉm đi và cho tới gần 7 năm sau vẫn còn lúng túng chưa biết triển khai thế nào (ngày 28/5/2013, đơn vị này họp kín bàn chuyện chuyển xe khách dư thừa khỏi bến xe Mỹ Đình-PV).
Ngày 27/12/2006, Sở GTVT (lúc đó gọi là Sở GT Công chính) ban hành văn bản định hướng quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, trung tâm Thủ đô như một khu vực mà xe khách liên tỉnh không được bén mảng tới.
Xe khách tới Hà Nội chỉ được phép dừng tại ngay các bến xe ở cửa ngõ, không được phép chạy xuyên tâm hay vòng qua các bến xe khác. Văn bản này chi tiết tới mức đánh giá khả năng tiếp nhận xe khách của từng bến xe, phân phối luồng tuyến ra sao. Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ, văn bản đó vẫn là một kỷ niệm xếp xó.

Bến xe Mỹ Đình dù đã cấm nhưng vẫn phình ra. Ảnh: Sỹ Lực
Bến xe Mỹ Đình dù đã cấm nhưng vẫn phình ra. Ảnh: Sỹ Lực.
Không chấn chỉnh tức là bảo kê

Chưa hết, năm 2009, Sở GTVT Hà Nội lại làm một việc tương tự văn bản ban hành năm 2006 (nói trên) là cấm xe khách liên tỉnh (từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam TP Hà Nội) vào Bến xe Mỹ Đình. Bởi vì, lúc đó Bến xe Mỹ Đình đã quá tải với lưu lượng xuất bến xấp xỉ 1.100 lượt xe ngày.
Tuy lệnh cấm ban hành, nhưng liên tục các xe khách liên tỉnh vẫn có “cửa” để vào. Chỉ đến khi nguy cơ vỡ bến và hàng loạt hệ lụy như phát sinh nhiều bến xe “dù” tự phát cạnh Bến xe Mỹ Đình, trật tự an ninh lộn xộn..., cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Và, sau đó như thừa nhận của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội trong cuộc họp báo gần đây, những “nốt” (đầu đến) xe vẫn được bật đèn xanh sau lệnh cấm mới được công khai phạm vi hẹp. Lúc đó, các lãnh đạo Sở GTVT giải trình có hay không mỗi “nốt” xe được mua với giá 800 triệu đồng.
Câu chuyện loạn taxi ở Hà Nội không phải năm nay mới phát lộ. Hoạt động của taxi có quản lý, nhưng nhếch nhác không khác xe ôm. Ngay cả đại biểu tổ chức cảnh sát quốc tế tới Việt Nam dự họp cũng bị taxi “chặt chém”. Đầu năm nay, du khách Úc lại bị trấn lột tiền. Đến nỗi Tổng cục Du lịch phải đứng ra xin lỗi.
Có lẽ, bức xúc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là sự chịu đựng của du khách nói riêng và người dân nói chung bấy lâu nay: “Công an Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội phải nghiêm túc chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Nếu không làm được, tôi sẽ kết luận Công an Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội bảo kê trái phép cho các doanh nghiệp vận tải”.
(Tiền phong)

Bộ trưởng Ytế không biết ai là Nhà nước?

Bộ Y tế chính là cơ quan quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có khám, chữa bệnh... Vì vậy khi nghe Bộ trưởng Bộ này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, hôm 27-5 trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, rằng "Thiếu giường bệnh thì... phải hỏi Nhà nước!”, nhiều người hơi bị choáng và đặt câu hỏi, vậy Nhà nước là ai?
Điều sơ đẳng đó với một vị Bộ trưởng sao có thể quên, sao nỡ "đá bóng” trách nhiệm về tình trạng thiếu giường bệnh, bệnh viện (BV) cho một "Nhà nước” mơ hồ; nỡ đánh đố báo chí và thách thức người dân - "đi mà hỏi Nhà nước”! Vậy theo Bộ trưởng, hỏi Nhà nước là hỏi ai?
Tình trạng quá tải BV kéo dài nhiều năm khắc phục rất chậm, 3-4 bệnh nhân vẫn nằm ghép giường, Bộ trưởng cho rằng muốn giảm tải phải xây mới BV, phòng khám, trạm xá… Hà Nội từ 1975 đến nay mới chỉ xây thêm BV Thanh Nhàn và Phụ sản Hà Nội. Trong khi đó dân số tăng gấp đôi. Nhà báo đặt vấn đề, nếu cử tri, đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn vấn đề quá tải để Bộ Y tế đưa ra thời điểm cụ thể giải quyết thì sao? Bộ trưởng bảo "câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước, vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây BV hay mua trang thiết bị”.

Tình trạng quá tải BV kéo dài nhiều năm khắc phục rất chậm,
3-4 bệnh nhân vẫn nằm ghép giường
Ảnh: Hoàng Long
Có thể hiểu Bộ trưởng muốn nói Nhà nước là cả hệ thống chính trị chăng? Vậy vai trò cá nhân của vị Bộ trưởng ở đâu? Đối thoại với báo chí là cơ hội để Bộ giải trình với cử tri cả nước những vấn đề cụ thể liên quan đến trách nhiệm ngành mình. Như việc ngành y tế kêu thiếu vốn đầu tư nhưng quyết toán ngân sách 2011 chỉ giải ngân đạt 89,1%. Trả lời điều này, Bộ trưởng bảo "phần không chi đạt nằm trong bảo hiểm y tế, phần kết dư. Đầu tư cơ sở hạ tầng của ngành y tế gần như quyết toán hết”. Cách nói cho xong thiếu số liệu cụ thể, quá mơ hồ chung chung như vậy của Tư lệnh ngành quả là cách thoái thác trách nhiệm.
Những tiến bộ và triển vọng cải cách quản lý ngành, nếu có, nếu đáng tin cậy, phải được thể hiện ở việc tăng cường trách nhiệm giải trình và đề cao tính minh bạch, tăng cường giúp mọi đối tượng tiếp cận thông tin ngành mình quản lý, góp phần giải quyết tận gốc những yếu kém, không tạo điều kiện phát sinh tham nhũng.
Trong một hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào kiểm soát hành chính, trách nhiệm giải trình phải cố gắng tránh vòng vo. Nhưng trường hợp này, bà Bộ trưởng lại né bằng cách "đá trách nhiệm đi”, là kêu gọi "cả hệ thống chính trị vào cuộc” sáo mòn, thay vì cố gắng đổi mới, tái cấu trúc ngành, không chỉ dừng ở Đề án BV vệ tinh hay luân chuyển bác sĩ...
Trách nhiệm giải trình còn có nghĩa để làm tốt thì được khen, thưởng, và làm không tốt thì dám chịu trách nhiệm, hậu quả. Các câu hỏi thực sự của dân giúp người đứng đầu ngành ý thức hơn mình "chịu trách nhiệm trước ai” và "chịu trách nhiệm về cái gì”.
Sao Bộ trưởng không chủ động chỉ thẳng ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư của ngành, như kết quả Kiểm toán Nhà nước năm 2011 vừa cho biết. Đó là một số dự án Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, làm tăng quy mô đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện. Vì sao những điều này đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị từ những năm trước mà chậm được khắc phục?
"Thiếu giường bệnh thì... phải hỏi Nhà nước!”
Thiếu giường bệnh thì… phải hỏi Nhà nước!”
Quốc hội và HĐND các cấp đã và đang đóng vai trò ngày càng tích cực trong việc giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước. Mở rộng và củng cố cơ chế trách nhiệm giải trình giúp Chính phủ đáp ứng tốt hơn nhu cầu cũng như mối quan tâm của công dân và doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm giải trình của các vị bộ trưởng, nhất là y tế và giáo dục, cần trở thành xu thế chủ đạo.
Hiện một số người dân nhận thức về các quyền pháp lý có hạn, lại thiếu cơ chế hiệu quả để đòi hỏi có dịch vụ tốt hơn, nên người dân chưa được đặt đúng vị trí để tạo áp lực từ dưới. Các phương tiện truyền thông trở thành kênh thông tin - chất vấn hiệu quả, tin cậy. Việc báo chí nhận được câu trả lời "như đùa” nói trên cho thấy Bộ Y tế còn khá nhiều thách thức, phải rất nỗ lực mới đạt được tiến bộ nâng cao tính minh bạch điều hành quản lý, dù giờ đây mức độ thâm nhập của Internet và các phương tiện truyền thông gia tăng, thông tin chính sách nhà nước ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng có hay, một bệnh nhân đã chua chát đánh giá cao nhất Bộ Y tế thời gian qua chính là chính sách tăng khung giá điều trị. "Ngay cả người có BHYT cũng khiếp vía không dám nhập viện điều trị”. Chẳng hạn khâu ép sụn vành tai do một điều dưỡng thực hiện trong khoảng 5 phút, giá một triệu ba trăm ngàn đồng, chưa kể tiền giường 1-2 ngày tính riêng, do bị bắt buộc nhập viện. Nhiều người nhận giấy đóng tiền xong là lặng im ra về để giảm tải cho BV. Về nhà mua thuốc nam mà uống.
Bản chất Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ XHCN. Cơ quan hành chính và đội ngũ công chức không được quan liêu, hách dịch, không được gây phiền hà cho người dân khi thi hành công vụ. Nền hành chính nhà nước ta có định chế tổ chức theo thứ bậc chặt chẽ, thông suốt từ trung ương tới các địa phương. Năng lực chuyên môn và trình độ quản lý của những người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc thực hiện. Điều này phải được coi là tiêu chuẩn số một trong nền hành chính phát triển theo hướng hiện đại.
Nâng cao năng lực, ý thức chịu trách nhiệm của các vị bộ trưởng, nhất là y tế và giáo dục – lĩnh vực trực tiếp liên quan đến mọi thế hệ, mọi nhà, cần trở thành xu thế chủ đạo. Tại sao đã xã hội hóa hai lĩnh vực này bao năm qua, mà chất lượng dịch vụ công không cao, lại luôn quá tải? Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm của ai cần phải làm rõ, quy hoạch ở đâu, tầm nhìn ở đâu đối với các cơ quan có trách nhiệm và các cá nhân có trách nhiệm cao nhất? Ai phải chịu trách nhiệm trước tình trạng thiếu trường lớp, thiếu BV triền miên? Sao năm nào trẻ em ở các thành phố lớn đều phải bốc thăm vào mẫu giáo công, và mới đây tại Kon Tum, tuyển chọn học sinh vào lớp 1 công cũng phải bốc thăm? Và BV cứ như trại tỵ nạn?
Một khi nhà báo cũng bó tay trước cách trả lời "đi hỏi Nhà nước” của Bộ trưởng, trách gì người dân vẫn còn quá khó trong tiếp cận thông tin từ phía các cơ quan nhà nước. Điều này đang hạn chế vai trò giám sát của người dân đối với các dịch vụ và chức năng do Chính phủ cung cấp.
… Không biết một khi, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tiến về tình trạng quá tải BV, thiếu BV, Bộ trưởng có "xui” các vị này đi hỏi Nhà nước không nhỉ?
Thanh Như
(Báo Đại Đoàn Kết )

Chính sách sai, chưa ai bị giáng chức!

Thảo luận tại Hội trường về KT-XH hôm qua (30/5), ĐBQH cho rằng Chính phủ đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên kinh tế đang rất khó khăn nhưng tình hình chưa được đánh giá đúng.
Phân tích bức tranh kinh tế hiện nay, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng “đang có nhiều mảng tối, hàng hoá dư thừa nhưng người dân không có tiền mua, ngân hàng nhiều tiền nhưng DN không vay và cũng không muốn vay do cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho quá lớn”.
Chưa hết, công nghiệp, xây dựng đình đốn, dịch vụ thưa vắng, chỉ còn nông nghiệp đang cố gắng hoạt động để nuôi sống cả nước dù nông dân đang phải chịu lỗ kép. Cả DN nhà nước và tư nhân đều rơi vào khó khăn, chỉ còn DN nước ngoài ổn định nhưng đang lăm le thôn tính thị phần của DN nội, những biểu hiện sa sút đó là đáng lo ngại.

Đại biểu Lê Thị Nga
Đại biểu Lê Thị Nga.
“Tuy nhiên tôi muốn đề cập đến một tình hình khác đáng lo ngại hơn, rất tiếc lại đang diễn biến trong nền kinh tế nước ta. Đó là không khí im lặng, dò xét và tâm thế ngồi yên chờ thời của không ít DN. Đó là sự thiếu tin tưởng thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô nhà nước đang tiến hành, đó còn là sự lo ngại, ngao ngán về khả năng thao túng của các nhóm lợi ích. Tôi cho rằng chúng ta cần minh bạch và công khai hơn nữa để hoá giải tâm lý tiêu cực, niềm tin cần nhanh chóng được khôi phục” - ĐB Đáng bình luận.
Nhiều ĐB cho rằng báo cáo của Chính phủ quá đơn giản, chưa đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế. Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), nếu đọc lại báo cáo ta thấy Chính phủ mới coi trọng liệu pháp tâm lý, lấy vị thuốc an thần là ưu tiên vì thế không báo cáo nào không mở đầu bằng liệt kê thành tựu, sau đó mới nói đến hạn chế, thiếu sót, trách nhiệm.
Tất cả được nối bằng liên từ “tuy nhiên” như một tất yếu để làm an lòng người. Phê cách làm báo cáo “cho đẹp”, ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cảnh báo, hậu quả sẽ rất nguy hại, ai cũng có thể lường được.
“Đề nghị Chính phủ quan tâm làm rõ, báo cáo thêm để giúp cho quyết định chính sách của chúng ta có thể mang lại sự đúng đắn, có hiệu quả hơn” - ĐB Thoại kiến nghị.
Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, trong tình hình hiện nay, chúng ta vẫn phải kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý. Những dự án, công trình đã đạt xấp xỉ 80% khối lượng nên được tiếp tục đầu tư để hoàn thành đưa vào sử dụng.
Những khoản nợ của nhà nước của DN trong các công trình đang thi công dang dở cần được giải ngân càng sớm càng tốt cho DN.
“Triển khai tái cơ cấu nền kinh tế chậm, chưa căn bản, chưa phân bổ sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ ngành” - ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đòi hỏi.
Chính sách sai không ai bị giáng chức
“Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật”- ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói và nêu ví dụ: Nghị định 84 kinh doanh xăng dầu là một minh chứng. Gần nửa nhiệm kỳ Quốc hội, dù nhiều lần kiến nghị, nghị định này vẫn chưa được sửa đổi.
“Có vẻ như một quy luật cứ trước mỗi kỳ họp Quốc hội giá xăng dầu lại nằm im hoặc được giảm đôi chút làm yên lòng đại biểu, cử tri, để rồi sau đó lại tiếp tục tăng trong sự hoài nghi của xã hội về tính minh bạch của nó. Chính phủ cũng cần trả lời Quốc hội về lý do của việc trì hoãn việc sửa đổi nghị định này” - ĐB Nga kiến nghị.
Cũng theo ĐB Nga, thời gian qua xảy ra những cuộc tranh luận gay gắt, trái chiều giữa các bộ. Một mặt cho thấy không khí dân chủ và bản lĩnh của một số lãnh đạo bộ khi cương quyết bảo vệ quan điểm trái chiều nhằm tạo thuận lợi cho dân.
“Có vẻ như một quy luật cứ trước mỗi kỳ họp Quốc hội giá xăng dầu lại nằm im hoặc được giảm đôi chút làm yên lòng đại biểu, cử tri, để rồi sau đó lại tiếp tục tăng trong sự hoài nghi của xã hội về tính minh bạch của nó”. - ĐB Lê Thị Nga
Đồng thời thể hiện điểm hạn chế do sự quá khác biệt giữa các cơ quan của Chính phủ trong việc đưa ra chính sách cùng vì mục tiêu chung là phục vụ dân. Có khi trong một tuần, một tháng mà các bộ liên tục đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một chính sách, thể hiện sự bất nhất, thiếu tầm nhìn, thiếu phối hợp và thiếu vai trò điều phối trong tư duy quản lý, điều hành.
“Một số công chức chịu trách nhiệm tham mưu, soạn thảo, thẩm định có dấu hiệu quan liêu, năng lực hạn chế. Nhưng hàng chục năm nay chưa thấy một cán bộ lãnh đạo nào, công chức nào bị giáng chức, buộc thôi việc hay bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định ban hành văn bản sai trái” - Bà Nga nói.
Nhanh chóng giải quyết nợ xấu
Theo ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), thách thức với nền kinh tế hiện nay rất lớn do thiếu bền vững, lệ thuộc thị trường thế giới, tăng trưởng chủ yếu nhờ vào đầu tư. Nợ xấu tăng, thị trường thu hẹp, sức khỏe DN giảm sút, không đủ khả năng đề kháng trước những tác động suy thoái kinh tế.
“Cần sớm có phương án giải quyết nợ xấu, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN” - ĐB Phong nói. Giải quyết nợ xấu, theo ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) “là vấn đề phức tạp”, “cần có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và xã hội”.
Theo ĐB, đề án tổng thể xử lý nợ xấu cần có giải pháp mang tính đột phá, khả thi, giải quyết trong thời gian sớm nhất để khơi thông nguồn vốn.
Nhìn nhận về công tác quản lý vàng, ĐB Đặng Thuần Phong chỉ rõ, quản lý vàng phải đúng quy luật, nhanh chóng thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới sau ngày 30/6/2013.
“Giá vàng hiện tại tuy chưa ảnh hưởng đến giá ngoại hối, chưa gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng đã gây bất bình trong dư luận xã hội, cần phải sớm khắc phục” - ĐB Phong nhận xét.
Nguyễn Tuấn
(Tiền phong)

Trương Duy Nhất, sự đốn mạt của hằn học

Định post một bài thơ cho blog “mềm” một chút, mà lang thang qua “Một góc nhìn khác” xem có gì mới không, gặp ngay CÁI NÀY 

Tụt hứng, chả buồn thơ thẩn gì nữa.

(Trích nguyên văn)
Bức ảnh khác “ấn tượng” không kém về: tư thế người thầy
Tư thế người thầy

Nếu bạn đọc đã xem bức ảnh “ấn tượng” về tư thế người trí thức tôi post cách đây không lâu thì nay, nhân ngày nhà giáo Việt Nam, xin giới thiệu thêm một bức ảnh khác “ấn tượng” không kém về: tư thế người thầy.
         
Một bạn đọc gửi bức ảnh chụp cảnh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm và chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam tại một trường học phổ thông. Trên bục, trước hàng nghìn học sinh, một thầy giáo cà vạt vét tông phẳng phiu chắp hai tay cúi gập mình trước bà Doan.
         
Nhìn ảnh, nhớ câu “hai tay xoa tít cái đít cong vòng” của cố nhà báo Trần Bạch Đằng.
         
Một hình ảnh hèn mạt về tư thế người thầy.

(Hết trích)

Đó là bài bình luận của “Một góc nhìn khác” về bức hình nói trên (vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11).

Thế mới thấy, khi cái tâm hằn học, con người ta có thể trở nên đốn mạt đến mức nào.
Hòa Bình
(Blog Hòa Bình)

Tranh chấp Biển Đông làm căng thẳng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Từ năm 1991, mối quan hệ toàn diện Việt Nam–Trung Quốc đã phát triển nhưng vẫn còn bị kìm hãm nhiều bởi các vụ tranh chấp tại Biển Đông
Sự liên quan của các tranh chấp ở Biển Đông đối với mối quan hệ song phương trong tương lai của Việt Nam và Trung Quốc thực sự khó mà xử lý được, và giải pháp cuối cùng cho những mâu thuẫn này có thể hoàn toàn bị rơi vào tình thế vô định.
Tính khó xử lý của các tranh chấp này xuất phát từ bản chất phức tạp của chúng cũng như những sự trì hoãn của các thỏa thuận có tiềm năng.
SOUTH CHINA SEA YONGXING ISLAND SANSHA CITY

Đầu tiên, tuyên bố về chủ quyền của hai nước, đặc biệt là về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, đều dựa vào bằng chứng lịch sử của mỗi nước. Tính chính xác của những bằng chứng này đều vừa phức tạp mà lại đau đơn, nhưng không phải là không thể nếu cả hai bên đều tự nguyện tham gia vào một cơ quan chức năng phân định đủ thẩm quyền và được sự đồng thuận của cả hai phía. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn luôn từ chối tìm kiếm giải pháp từ tòa án quốc tế khi liên quan tới vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, dù cho đó là một lựa chọn quan trọng để đi đến một giải pháp triệt trong tinh thần hòa bình.
Thứ hai, các luật lệ quốc tế liên quan tới phân xử vấn đề biển đảo trong trường hợp tranh chấp ở Biển Đông rất dễ gây tranh cãi và không được định nghĩa cụ thể và rõ ràng. Điều này là do những quan điểm khác nhau về trạng thái của các đặc tính hình thành nên hai quần đảo và những quyền lợi biển đảo đi kèm với chúng. Trong một đệ trình chung với Malaysia lên Ủy ban về Ranh giới Thềm Lục địa vào đầu thằng 5 năm 2009, Việt Nam đã hàm ý giữ quan điểm rằng những đặc tính của hai quần đảo không đủ tiêu chuẩn để được gọi là các đảo, do đó không có cái gọi là Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa của riêng chúng. Nhưng trong công hàm thường (Note Verbale) gửi tới Tổng Thư kỳ Liên Hiệp Quốc phản đối về đệ trình chung ở trên, Trung Quốc đã giữ quan điểm đó và một số đặc điểm trong khu vực tranh chấp có đủ tiêu chuẩn để xem như là những đảo và theo đó là khu vực biển liên quan, khu vực đặc quyền kinh tế và cả thềm lục địa.
Những quan điểm khác nhau này có thể được giải quyết nhờ một quá trình trọng tài quốc tế. Nhưng khi những phân xử được đưa ra bởi quá trình này có khả năng lớn sẽ được dựa trên Điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) thay vì dựa vào những bằng chứng cụ thể, không chỉ Trung Quốc mà cả Việt Nam cũng có thể cảm thấy không hào hứng trong việc lựa chọn con đường có thể gây bất lợi cho mình.
Thứ ba, những tranh chấp ngày càng trở nên khó xử lý bởi đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra nhằm khẳng định chủ quyền của họ, với việc ý nghĩa cũng như nền tảng hợp pháp của Trung Quốc cũng chưa một lần làm rõ. Công hàm thường (Note Verbale) của Trung Quốc ở trên có giải thích thêm về tuyên bố của họ về đường lưỡi bò nhưng thất bại trong việc làm rõ các ý đó.
Trong công điện hàm (Note Verbale) này, Trung Quốc không chỉ tuyên bố về chủ quyền của họ trên các hòn đảo ở khu vực tranh chấp và khu vực “nước biển lân cận” nhưng đồng thời cũng cho biết họ đã thực sự tận hưởng “thẩm quyền lãnh hải trong khu vực nước biển liên quan”. Thuật ngữ “vùng nước biển lân cận” và “vùng nước biển liên quan” thực sự rất nhập nhằng, làm cho người khác phân vân không hiểu đây có phải cũng là loại nước biển được định nghĩa trong UNCLOS hay không, hay đây là toàn bộ khu vực nước nằm trong đường lưỡi bò. Vì đường lưỡi bò cắt sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tính nhập nhằng về ý nghĩa của nó lại càng làm cho nó khó khăn hơn trong việc định nghĩa rõ ràng khu vực bị tranh chấp và xa hơn là làm căng thẳng mọi nổ lực giúp giải quyết các tranh chấp này.
Vì tính bất khả trị của các tranh chấp, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra mà làm cho mối quan hệ song phương dường như “nóng ngoài mà lạnh trong”. Những tai nạn đáng chú ý gần đây nhất đó là việc một tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã cắt dây cáp thăm dò địa chấn của Việt Nam trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5 năm 2011, Trung Quốc đề xuất khai thác đầu thầu tại chín lô trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong tháng 6 năm 2012, và việc một tàu tuần tra của Trung Quốc bắn vào tàu đánh cá của Việt Nam trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 3 năm 2013.
Nhưng những sự cố như thế này đã không ngừng làm nảy sinh căng thẳng giữa hai nước. Tại Việt Nam, theo sau vụ cắt cáp tàu thăm do, những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra, và những nhà lãnh đạo Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại sự hung hãn của phía Trung Quốc. Còn tại đất nước 1.3 tỉ dân, theo sau sự cố bắn tàu đánh cá vào tháng 3 năm 2013, tờ Hoàn cầu Thời báo đã cho chạy một tiêu đề “Philippines và Việt Nam có thể sẽ đối mặt với nhiều vấn đề hơn nếu họ chọn phương án đối mặt trực tiếp với Trung Quốc”.
Một cách hữu dụng để có thể thấy được tần suất các tranh chấp nổ ra đã làm căng thẳng các mối quan hệ song phương như thế nào là xem xét các tuyên bố được đưa ra bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Việt Nam. Ví dụ, trong năm 2012, các căng thẳng song phương như việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh ngừng đánh bắt cá, được đăng tải mạnh mẽ trong 20 trang tin trong tổng số 49 và những tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cả năm đó.
Nếu như tần số đề cập những cẳng thẳng tại khu vực tranh chấp trong các tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam được dùng như một phong vũ biểu kế cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì những căng thẳng này chính là những nhân tố quan trong định hình nên trạng thái của mối quan hệ đó; và trạng thái đó, ít nhất là trong năm năm trở lại đây, đã chỉ đi từ tệ cho tới tệ hơn mà thôi.

Lê Hồng Hiệp, Vietnam National University and UNSW Canberra, EAF
Việt Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Kiểm duyệt Internet: Vũ khí của bạn là gì?

Internet Freedom


(The Economist) - Mô hình kiểm soát Internet của Trung Quốc đang được áp dụng ở nhiều nước khác
Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc về quản lý truyền thông tại Dubai vào tháng Chín năm ngoái, các đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tranh cãi gay gắt về cách Internet nên được quản lý như thế nào. Cuộc tranh cãi chia ra rõ rệt thành hai phía và chủ yếu nằm ở chỗ một đất nước nên kiểm soát Internet ở mức nào. Một phía là Mỹ, Cộng đồng chung Châu Âu và những đất nước phát triển khác thì cho rằng nên để Internet hoàn toàn tự do; còn phía bên kia là Trung Quốc, Nga, Ả rập Xê-út, Sudan và một số nước chuyên chế khác. Một lượng lớn các quốc gia này xem chừng thích thú với phương pháp của Trung Quốc (hoặc của Nga), với phương pháp cho phép nhiều truy cập vào Internet để phục vụ lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời theo dõi, sàn lọc, đánh chặn và xóa bỏ những ý kiến tự do trên mạng.
Internet FreedomNhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc trong cả việc cung cấp Internet cũng như việc kiểm soát cách thức sử dụng, và một số nước cộng hòa ở Trung Á thì dường như đang sử dụng công nghệ giám sát của Nga. Một số đất nước như Turkmenistan thì thích sử dụng mô hình của Bắc Triều Tiên, tức là ít có mấy ai được vào mạng, và một số nước khác bao gồm Azerbaijan thì không khuyến khích việc sử dụng Internet một chút nào. Kate Pearce tới từ trường Đại học Washington giải thích, Azerbaijan đã có một chiến dịch hiệu quả nhằm chống lại những thứ xấu xa của mạng Internet như các bệnh thần kinh, li hôn, buôn gái mại dâm và lạm dụng tình dục trẻ em. Cô cũng cho biết chỉ có một phần tư dân số Azerbaijan đã từng lên mạng và hiện đứng sau các nước láng giềng nghèo hơn của họ; và cũng chỉ có 7% sử dụng Facebook.
Nhưng phần lớn các nước chuyên chế đều đã cho phép người dân sử dụng mạng Internet, để ý rằng Trung Quốc đã biết cách sử dụng Internet một cách triệt để nhưng đồng thời cũng kiểm soát rất chặt chẽ. Ở Kazakhstan, chỉ có khoảng 50% dân số nước này vào mạng Internet, so với con số 3.3% trong năm 2006, dù rằng truy cập vẫn còn bị kiểm soát gắt gao bởi nhóm Big Brotherish.

Vũ khí của bạn là gì?
Ở Nga, Nigeria, Việt Nam và một số nước khác, chính phủ chọn cách trả tiền cho một số người để viết blog và đưa ra nhiều lời bình luận với quan điểm đứng về phía nhà nước, một phương pháp mà Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 2005 với khoảng “50% dư luận viên” được chính phủ nước này thuê mướn. Belarus, Ethiopia, Iran và nhiều nước khác có vẻ như sử dụng phương pháp “kiểm duyệt sâu sắc” nhằm nắm được các thông tin có tính lật đổ. Phương pháp này được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các nhà cung cấp phần mềm từ Trung Quốc như Huawei và ZTE cũng như một số công ty khác. Hiển nhiên, những người dùng mạng Internet biết là họ đang bị theo dõi nên thường không đả động gì tới các thông tin mang tính “phản động”.
Ngoài ra, một số nhà nước chuyên chế còn lựa chọn phương án chặn một số trang web nước ngoài với nội dung mang tính chính trị nhạy cảm cùng với việc đóng cửa hoàn toàn hoặc đe dọa một số trang mạng trong nước mang tính chống đối. Ở một vài đất nước, các trang mạng chống đối trở thành đối tượng cho các cuộc tấn công mạng như Denial-of-Service (DoS). Một phương pháp khác mượn từ Nga là gán tội cho một số người điều hành các trang mạng mang tính phản động với tội danh cực đoan hoặc phỉ báng. Nghe có vẻ buồn cười nhưng thực tế tại một số nước thì những hành động này bị cho là phạm pháp. Phương pháp này được Kazakhstan áp dụng, nơi họ còn đóng cửa các trang mạng mà không cần thông báo hay giải thích gì cả, tương tự như cách Trung Quốc đã làm. Các quan chức Kazakhstan cho biết mạng Internet ở đây hoàn toàn tự do và hoạt động một cách mạnh mẽ, họ chỉ chặn các trang mạng cực đoan mà thôi. Nhưng điều này nghe có vẻ khó tin ở một đất nước không có tự do báo chí và Tổng thống Nursultan Nazarbayev thì liên tục khăng khăng rằng ông đạt được hơn 90% phiếu bầu.
Ngày càng nhiều các quốc gia mà ở đó Internet đang bị kiểm soát chặt chẽ, bưng bít bao nhiêu cũng được, miễn là phù hợp với lợi ích của nhóm cầm quyền. Họ ngụy biện rằng các chính phủ phương Tây cũng quản lý Internet, kiểm duyệt nội dung và đóng cửa các trang mạng “phản động” nên họ cũng có quyền làm như thế. Đó chính là tâm điểm của cuộc tranh cãi trong phiên hội đàm của Liên Hiệp Quốc tại Dubai. Nga, Trung Quốc và 87 nước khác khăng khăng rằng mọi quốc gia cần tôn trọng quyền của các quốc gia khác trong việc sử dụng Internet theo cách của riêng họ. Nổ lực của cuộc họp đã thất bại, nhưng mô hình kiểm duyệt Internet của Trung Quốc rõ ràng đã thu hút rất nhiều nước khác muốn làm theo.
Bảo Anh chuyển ngữ
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Nhà hoạt động chống ấu dâm ở TQ

Bà Diệp Hắc Yên. Ảnh: Sina Weibo
Bả Diệp Hắc Yên từng bị công an TQ mời "đi uống trà" vì các vận động bảo vệ người bán dâm của bà

Một phụ nữ Trung Quốc vốn lớn tiếng vận động cho quyền của người bán dâm, bà Diệp Hắc Yên, vừa tiến hành một cuộc chiến mới trên mạng chống lại người mua dâm trẻ em.

Trong một bức ảnh đã đem lại cảm hứng cho hàng trăm người, bà Diệp Hắc Yên được chụp với tấm biểu ngữ trong tay và hàng chữ: "Thầy hiệu trưởng, hãy gọi cho tôi nếu cần phòng nghỉ, nhưng hãy để cho các em học sinh được yên".

Bà Yên ký tên mình và các con số 12338 - cũng là số điện thoại đường dây nóng trên toàn quốc trợ giúp phụ nữ.

Bức ảnh của bà được đăng sau khi truyền thông đưa tin sáu nữ sinh một trường tiểu học đã bị một thầy hiệu trưởng và một viên chức chính phủ lạm dụng tình dục hôm mùng 8 tháng Năm tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Vào khi đang có áp lực ngày càng gia tăng trước tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em lan rộng, các tòa án tại Trung Quốc được lệnh phải ra các bản án nặng tay hơn đối với người ấu dâm.

Tuần này hàng trăm nhà vận động, cảnh sát, người nội trợ và bậc cha mẹ đã tham gia vào cuộc chiến do bà Yên đề xướng bằng cách đăng lên mạng chính chữ ký của họ với cùng một thông điệp tương tự gửi tới thầy hiệu trưởng.

Một blogger với biệt danh Renyutianshi viết: "Giờ đây chúng ta chỉ có thể dựa vào internet để có công lý tại Trung Quốc", trong khi nhiều người khác thì viết rằng cần phải thông qua các luật định cứng rắn để bảo vệ trẻ em.

Quyền của người bán dâm

"Nó giống như họ từ chối không nhìn tới nhóm người này trong xã hội và công nhận có sự tồn tại của họ." - Diệp Hắc Yên, nhà vận động cho quyền của người bán dâm
Không chỉ vận động chống ấu dâm, bà Diệp Hắc Yên, 37 tuổi, còn là người nổi tiếng với các hoạt động cho quyền của người bán dâm và nạn nhân HIV/Aids tại Trung Quốc.

Hồi năm ngoái, trong một nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý tới số phận của họ, bà Yên tuyên bố làm những gì một phụ nữ bán dâm phải làm, dù chỉ trong một ngày, để tự mình trải nghiệm và qua đó có thể nói lên số phận của những người phụ nữ làm nghề mại dâm mà bà vận động bảo vệ tại Trung Quốc.

Cũng như tại nhiều nước khác ở châu Á, mại dâm là bất hợp pháp tại Trung Quốc và cách đối xử cứng rắn này còn p dụng cả với các tổ chức phi lợi nhuận làm việc với người bán dâm, theo một bản phúc trình của tổ chức Human Rights Watch công bố hôm 15 tháng Năm vừa qua.

Tại Trung Quốc có khoảng 4-6 triệu người bán dâm, theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2010, và họ có mặt ở mọi thành phố, làm việc trong các phòng làm đầu, quán karaoke, khách sạn, tiệm massage và trên đường phố.

Phân biệt đối xử


Theo Human Rights Watch, cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc với mại dâm không làm giảm bớt mà những vụ lùng sục bắt bớ đó chỉ "càng đẩy hoạt động này đi vào bí mật".

Tại Trung Quốc, việc mang theo bao cao su thường được dùng làm bằng chứng có tội với những người bán dâm, khiến nhiều người tránh mang theo và gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

"Nó giống như họ từ chối không nhìn tới nhóm người này trong xã hội và công nhận có sự tồn tại của họ," bà Yên nói. Bà cho biết sau một ngày làm công việc của người bán dâm, bà kể lại trải nghiệm của mình và đã bị côn đồ hành hung.

Hồi mùa hè năm 2010, bà Yên làm việc với người bán dâm tại thị trấn quê hương bà và tổ chức một hoạt động được cho là đầu tiên kiểu như vậy khi khá nhiều phụ nữ yêu cầu mọi người ký vào một bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử với người bán dâm và hủy bỏ luật chống lại mại dâm.

Cảnh sát bắt đầu chú ý tới bà vào năm 2009, lo ngại về hoạt động vận động cho quyền của phụ nữ và bắt đầu mời bà tới "uống trà" một cách nói văn vẻ của thẩm vấn.

Quá trình đó diễn ra hàng tháng và kéo dài tới năm 2011, khi bà bị buộc phải rời Vũ Hán và trở về Quảng Tây, nơi bà lập gia đình.

Bà Yên cho biết mới đây phần lớn những người tình nguyện đã ngưng làm việc với bà sau khi cảnh sát tới nhà gặp họ và cảnh cáo họ không được liên lạc với bà.

Bà Diệp Hắc Yên nói luật chống mại dâm ngăn cản người bán dâm rất miễn cưỡng báo các trường hợp tội phạm, bạo hành hay những hành vi lạm dụng khác của khách hàng vì sợ bị bắt giữ.
(BBC)

“Điều hành kinh tế như đang trên dây”

“Nền kinh tế đang rất khó khăn nên việc điều hành kinh tế lúc này như đang “trên dây”, làm sao phải giữ được sự thăng bằng giữa tăng trưởng và lạm phát thì mới có thể đi hết chặng đường năm 2013”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nêu quan điểm.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đều thể hiện sự “sốt ruột” về sự trì trệ của nền kinh tế và theo họ, đã đến lúc không cần phải quá lo cho lạm phát để tập trung cho tăng trưởng. Xin cho biết quan điểm của ông?
Tôi cho rằng lúc này chúng ta đừng nghiêng về một phía nào cả.
“Điều hành kinh tế như đang trên dây”
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói việc chặn tốc độ lạm phát “không nên quá đột ngột”...
Nền kinh tế đang rất khó khăn, nên việc điều hành kinh tế lúc này như đang “trên dây”, làm sao phải giữ được sự thăng bằng giữa tăng trưởng và lạm phát thì mới có thể đi hết chặng đường năm 2013.
Nếu chúng ta sốt ruột nên nghiêng về tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến lạm phát hoặc ngược lại, chỉ tập trung vào kiềm chế lạm phát mà không nghĩ đến tăng trưởng kinh tế thì đều không ổn. Quan trọng là phải giữ được cân bằng.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải chấp nhận một mức lạm phát có thể tương đương như năm 2012 để có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012.
“Điều hành kinh tế như đang trên dây” 1Cần phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, phải chặn lại tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, đây là câu chuyện phải làm từ từ, chứ cũng không nên quá đột ngột như thời gian qua. Ông Phùng Quốc Hiển
Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, chúng ta khó có thể kỳ vọng đạt được mục tiêu Quốc hội đã thông qua là GDP tăng 5,5%, một mức khả thi có thể đạt được là tăng khoảng 5,2%.
Đại biểu Quốc hội cũng còn cho rằng việc điều hành lạm phát như năm 2012 và 5 tháng đầu năm nay không còn là thành tích vì thực chất, chỉ vì người dân quá thắt lưng buộc bụng nên CPI không thể nhích lên?
Vấn đề này cũng nên được xem xét một cách công bằng hơn, nếu nói hoàn toàn lạm phát thời gian qua không có công sức điều hành của Chính phủ thì cũng không hẳn, nhưng cũng không hoàn toàn do điều hành tốt nên lạm phát giảm.
Những tháng gần đây, CPI của cả nước cũng như tại những thành phố lớn đều có xu hướng giảm. Trong trường hợp này, CPI giảm một mặt phản ánh rằng chúng ta đã kiềm chế tốt lạm phát, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự suy giảm về sức mua của nền kinh tế.
Về mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm ngoái và năm nay, Quốc hội đặt ra mục tiêu lạm phát dưới một con số trên cơ sở phân tích rằng, nền kinh tế của nước ta do lạm phát luôn ở mức cao, có nhiều bong bóng trong các lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bất động sản... làm kinh tế vĩ mô bất ổn.
Vì vậy, cần phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, phải chặn lại tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, đây là câu chuyện phải làm từ từ, chứ cũng không nên quá đột ngột như thời gian qua. Năm 2012, CPI chỉ tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% của năm 2011. Nền kinh tế đang lạm phát cao mà chặn lại xuống còn 6,81% cũng không phải là một sự thành công.
Chính phủ hiện cũng đang tỏ ra hết sức nỗ lực và tích cực để thúc đẩy tăng trưởng, thông qua việc đưa ra hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng gần như giải pháp nào, cũng đều bị “chê”. Vậy theo ông, việc cứu doanh nghiệp cần làm thế nào cho thực sự hiệu quả?
Theo tôi, muốn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực sự hiệu quả, thì phải hiểu đúng được đâu là thứ doanh nghiệp cần. Hiện, có ba thứ doanh nghiệp đang rất cần. Đó là vốn - được coi như “máu” của doanh nghiệp. Nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào tín dụng của ngân hàng, Nhưng nguồn vốn tín dụng đang bị một điểm nghẽn là nợ xấu, được ví như cục máu đông.
Vậy thì Chính phủ phải làm sao định hướng ngân hàng “giải phẫu” cục máu đông này: có phân loại, có những khoản phải khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí có những khoản phải chấp nhận gạt sang một bên để tiếp tục cho doanh nghiệp có khả năng phát triển vay vốn.
Ngân hàng cần đặt mục tiêu: cứu doanh nghiệp cũng như cứu mình thì mới giải quyết được tình trạng này, chứ không như vừa qua, nhiều ngân hàng chỉ tập trung thu nợ mà không tính toán đầy đủ đến chuyện phải để vốn để doanh nghiệp sống.
Cùng đó, chúng ta cũng cần phân tích rõ, nợ xấu hình thành từ đâu? Rõ ràng, nợ xấu có sự góp phần từ đầu tư cho bất động sản, từ nợ xây dựng cơ bản. Đây là một cái nút cần tháo gỡ.
“Điều hành kinh tế như đang trên dây” 2Nhiều doanh nghiệp nói rằng không cần Nhà nước hỗ trợ gì cả nhưng Nhà nước phải minh bạch về cơ chế, chính sách, phải đảm bảo chính sách, hàng rào kỹ thuật ổn định. Ông Phùng Quốc Hiển
Vừa qua, chính sách của chúng ta đã và đang tập trung hỗ trợ cho bất động sản có thể bán được – cũng là cách để xử lý nợ xấu. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tạo vốn. Các chính sách về giảm thuế vừa qua chính là hình thức để tạo vốn cho doanh nghiệp.
Cái cần thứ hai là về thị trường. Thị trường cũng là một trong những điều kiện đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp.
Chính phủ phải làm thế nào để thúc đẩy được sức mua, nếu cứ bỏ mặc cho việc hàng hóa doanh nghiệp làm ra để bán trên thị trường mà thị trường bị chậm, sức mua giảm và chỉ coi đó như là việc của doanh nghiệp thì rất khó cải thiện tình hình. Phải có bàn tay của Nhà nước để kích hoạt tất cả các thị trường thông qua các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
Chẳng hạn, Chính phủ có các động thái kích hoạt cho thị trường bất động sản là rất nên làm. Hay kích hoạt thị trường bằng cách thực hiện tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam...
Cái cần thứ ba của doanh nghiệp là các cơ quan nhà nước cần bảo đảm một khuôn khổ pháp lý ổn định. Nhiều doanh nghiệp nói rằng không cần Nhà nước hỗ trợ gì cả nhưng Nhà nước phải minh bạch về cơ chế, chính sách, phải đảm bảo chính sách, hàng rào kỹ thuật ổn định. Nếu không ổn định thì doanh nghiệp cũng không thể nào tính toán hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh.
(VnEconomy)

Bắc Kinh: Không cần đánh cắp bí mật quân sự Mỹ


DR

Trước những thông tin báo chí Mỹ tố cáo tin tặc Trung Quốc đã đột nhập để lấy các kế hoạch của gần 20 hệ thống vũ khí Mỹ, theo Reuters hôm nay các giới chức Trung Quốc lên tiếng cho rằng những cáo buộc đó là kỳ quặc đồng thời tuyên bố Bắc Kinh không cần đến những bí mật đó để phát triển quân đội của mình.

Xin nhắc lại, đầu tuần này nhật báo Washington Post trích dẫn một báo cáo của Hội đồng khoa học Quốc phòng thuộc Lầu năm góc khẳng định nhiều chương trình vũ khí Mỹ đã bị đánh cắp bí mật.

Đó là các thông tin liên quan đến các loại chiến đấu cơ và tàu chiến cũng như là hệ thống tên lửa quan trọng dành cho các kế hoạch an ninh châu Âu, châu Á và vùng Vịnh.

Nhật báo Mỹ Washington Post còn nêu chi tiết các loại bí mật vũ khí bị đột nhập gồm tên lửa chống tên lửa Patriot, hệ thống quốc chống tên lửa Aegis của hải quân Mỹ, chiến đấu cơ FA-18, F-35 và trực thăng chiến đấu Black Hawk.

Hôm nay, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh đã phủ nhận các thông tin nói trên. Ông cũng đánh giá những cáo buộc này là lỗi thời. Quan chức Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố : « Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng để chế tạo các loại vũ khí cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia ». Ông lý giải rằng, « gần đây, tàu sân bay, các chiến đấu cơ và máy bay vận tải mới của Trung Quốc đã chứng minh điều đó ».

Hãng tin Reuters cũng cho biết thêm, trong cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ tuần tới tại California, tổng thống Barack Obama sẽ đề cập đến vấn đề an ninh mạng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Anh Vũ (RFI)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ gặp thủ tướng CSVN ở Singapore

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ gặp ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, bên lề Đối thoại Shangri-La khi cả hai đến Singapore dự diễn đàn an ninh khu vực bắt đầu từ Thứ Sáu,  31 tháng 5, 2013.
Hãng tin Bloomberg cho hay như vậy trong một bài viết phân tích về cuộc đối thoại sắp diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông ngày một dấu hiệu nguy hiểm hơn mà các nước cần biết thái độ của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel tham dự lễ tốt nghiệp của  các sinh viên Học viện quân sự West Point hôm 25 tháng 5 2013. Ông sẽ gặp thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tại Singapore. (Hình: Ramin Talaie/Getty Images)
Khi Bộ trưởng Chuck Hagel còn phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, ông là một trung sĩ bộ binh trẻ tuổi có mặt tại chiến trường Việt Nam. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Dũng là một Việt Cộng ở trong bưng. Bây giờ, ông Hagel là bộ trưởng quốc phòng sau một thời gian làm nghị sĩ. Còn ông Dũng thì leo lên được ghế thủ tướng của một nước cộng sản.
Cả hai đều đến dự Đối Thoại Shangri-La kỳ 12 kéo dài 3 ngày từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6, 2013 và được mời là các diễn giả chính. Đây là cuộc đối thoại về an ninh khu vực được tổ chức hàng năm với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, các tổng tư lệnh quân đội, các thủ tướng của 28 nước hai bên bờ Thái Bình Dương và các nước quan tâm.
Việt Nam, ngoài ông Nguyễn Tấn Dũng, còn có một phái đoàn quân sự do thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cầm đầu. Trung Quốc chỉ cử Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, Thích Kiến Quốc, đến dự. Năm ngoái Bắc Kinh cử Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt.
Theo một số bản tin quốc tế, cuộc đối thoại năm nay tập trung vào các vấn đề hiện đang nóng của khu vực như tranh chấp Biển Đông giữa một số nước phía nam với Trung Quốc, tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc với Nhật, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Cùng với sự căng thẳng, nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam cố gắng cải thiện khả năng quân sự trước sự hung hăng của Bắc Kinh ngày một thêm trắng trợn.
“Sự nghi ngờ chính yếu của các nước trong khu vực này là Hoa Kỳ có duy trì chủ trương tái cân bằng lực lượng (nghiêng về Á Châu như đã loan báo).” Ông Termsak Chalermpalanupap, một chuyên viên khảo cứu tại Viện Khảo Cứu Đông Nam Á tại Singapore, phát biểu. “Chừng nào Hoa Kỳ giúp duy trì luật lệ ở khu vực chúng tôi” thì sự chú trọng đó được hoan nghênh.
Ông nói như vậy khi đề cập đến sự tăng cường mối quan hệ cả về kinh tế và an ninh của Mỹ với Á châu.
Cũng như các người tiền nhiệm, ông Hagel phải chú ý đến tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc mà các đồng minh của Mỹ đang có mối quan tâm đặc biệt. Mỹ cũng cần sự hợp tác của bắc Kinh để ngăn chặn các chương trình võ khí nguyên tử của Bắc Hàn.
* Mỹ hướng về Á Châu
Một viên chức Bộ Quốc Phòng Mỹ không muốn nêu tên tiếp xúc với báo chí cho biết, tại Shangri-La 12, Bộ trưởng Hagel cũng sẽ xác nhận lại kế hoạch của Mỹ là chuyển hướng các lực lượng quân sự hướng về Á châu không thay đổi. Theo đó, 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ đồn trú ở khu vực Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020 mà hiện chỉ đang khoảng 50/50.
Khi đến dự Diễn Đàn Shangri-La hồi năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, Robert Gates, đã cảnh cáo Trung Quốc đừng có đe dọa các công ty nước ngoài tham dự các cuộc dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Các công ty Shell, Mobil-Exxon và các công ty khác đã bị Trung Quốc đe dọa đến phải bỏ hoặc đình hoãn hợp đồng đã ký với Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam cũng như cản trở các tàu dò tìm dầu khí của Philippines. Năm ngoái, Bắc Kinh còn loan báo mời thầu quốc tế tại các lô ở trên thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mới tuần trước, chiến hạm Trung Quốc hộ tống một đoàn tàu đánh cá tới khu vực bãi Cỏ Mây, đang có một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Philippines đồn trú trên một chiến hạm phế thải. Năm ngoái, Philippines kình chống với Trung quốc một thời gian tại khu vực bãi đá Scarborough Shoal nhưng rồi phải rút đi.
Theo nhận xét của ông Richard Bush thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Center for Northeast Asean Policy Studies thuộc Viện Nghiên Cứu chính sách (Brookings Institute) nổi tiếng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn thì việc ông thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đến Shangri-La lần này có thể gửi một thông điệp tích cực cho khu vực.
Có thể người ta không hy vọng nhiều đến điều gì ông nói trên diễn đàn vì cũng chẳng khác mấy đối với các lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao CSVN là kêu gọi giải quyết các tranh chấp dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). Rất là vô cùng bất thường nếu ông dám tuyên bố điều gì làm phật lòng phương Bắc mà chế độ Hà Nội đang cần chỗ dựa để tồn tại.
Nhưng có vẻ như việc ông gặp Bộ trưởng Hagel bên lề diễn đàn là một điều đáng để ý.
“Ông ta không thể sai lầm khi cố vận dụng khả năng và sẵn sàng tìm phương cách hòa giải giữa hai kẻ cựu thù.” Ông Bush nhận xét. “Còn nhiều kẻ cựu thù khác ở Á châu có thể học hỏi được điều từ đó.”
Hồi tháng Sáu năm ngoái, sau khi dự diễn đàn Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, tiền nhiệm của ông Hagel, đã đến cảng Cam Ranh trước khi bay đi Hà Nội. Tại Hà Nội ông đã gặp ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Dịp đó, tin cho hay Hà Nội đã đề nghị Mỹ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương nhưng đã bị ông Panetta nói rằng CSVN cần cải thiện nhân quyền trước.
Lần này, khi gặp ông Hagel ở Shangri-La, liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có lập lại lời yêu cầu mà ông đã nói với ông Panetta hay không?
(Người Việt)

Vụ cắt nhầm 2 quả thận: Lao đao vì bệnh viện ngưng hỗ trợ


Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ vừa công bố ngưng hỗ trợ tiền đối với gia đình chị Hứa Cẩm Tú (ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) - nạn nhân bị cắt nhầm hai quả thận.
Phía bệnh viện cho rằng nếu không bị cắt nhầm thận thì gia đình chị Tú cũng lâm vào cảnh khó khăn bởi với thận hình móng ngựa cuối cùng cũng dẫn đến suy thận, bệnh nhân phải chạy thận rất tốn kém.
“Hãy sống với gia đình tôi một ngày”
Đã làm hết khả năng
Theo ông Nguyễn Hữu Dự, tổng chi phí cho việc ghép thận là 2,5 tỉ đồng (do Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế chịu), còn tiền mà bệnh viện chăm lo cho gia đình chị Tú như đi lại, hỗ trợ các con chị học, chi phí cho người ghép thận, sửa nhà tình thương... khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này do tập thể cán bộ công nhân viên bệnh viện đóng góp và có cả sự hỗ trợ của mạnh thường quân.
Ông Dự cho rằng không có văn bản nào quy định bệnh viện phải chịu trách nhiệm về mặt kinh tế cho người bệnh. “Bệnh viện đã làm hết khả năng, hết tinh thần trách nhiệm. Còn khó khăn trong gia đình chị là thuộc chính sách xã hội” - ông Dự nói.
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã công bố ngưng trợ cấp (3 triệu đồng/tháng) đối với gia đình chị Tú vì sức khỏe chị đã ổn định, được cất nhà tình thương, ba người con được học miễn phí... 
Từ nay về sau chị Tú sẽ được bệnh viện đảm nhận chăm sóc sức khỏe định kỳ miễn phí.
Anh Lê Thiện Trí (chồng chị Tú) cho biết quyết định của bệnh viện khiến gia đình anh lao đao, chưa biết sống ra sao khi ba đứa con còn đi học, anh phải dành gần trọn thời gian trong ngày để chăm sóc cho vợ sau khi ghép thận.
Sáng 28-5, chúng tôi đến gia đình chị Tú cũng là lúc chị đang ngủ mê man sau khi uống thuốc. Lúc này anh Trí vừa đi chợ về. Nấu cơm xong, anh Trí vội vàng đi giặt quần áo. Phải đến gần 13g chị Tú mới tỉnh dậy để ăn cơm.
Thân hình gầy gò thiếu thần sắc, vừa nói vừa ho không ngớt, chị Tú cho biết từ ngày ghép thận đến nay đã phát sinh nhiều bệnh như nhức đầu, cách tuần là bị ho và tính tình hay cáu gắt. Nhiều lúc thấy chồng con làm việc nội trợ, chị gắng gượng dậy làm giúp nhưng không được bao lâu thì chân tay bủn rủn, mệt mỏi không chịu nổi.
Theo anh Trí, trước khi bị cắt hai quả thận, chị Tú lo việc nội trợ và phụ anh làm chậu kiểng, mỗi tháng cũng được hơn 6 triệu đồng, đủ nuôi ba con ăn học. Thời điểm đó gia đình còn nuôi bốn con heo và một chuồng bồ câu, sau này cũng phải “giải nghệ” luôn.
Nói về cuộc sống thời gian qua, vợ chồng chị Tú cho biết thời gian nằm viện và ghép thận thì mọi chi phí bệnh viện lo. Trong năm 2012, bệnh viện có chu cấp cho gia đình mỗi tháng 6 triệu đồng (chị Tú 3 triệu đồng, ba người con 3 triệu đồng), từ tháng 9-2012 đến nay chỉ còn khoản trợ cấp 3 triệu đồng cho chị Tú. “Vợ thì mất sức lao động, tôi còn sức lao động mà không làm được gì cũng bức bối lắm chứ. Bệnh viện hãy thử cử người xuống sống một ngày với gia đình tôi xem nỗi khổ mà chúng tôi phải chịu như thế nào” - anh Trí bức xúc.
Theo ông Trần Ngọc Dự - hàng xóm của anh Trí, từ khi chị Tú bị cắt thận tới nay cuộc sống của gia đình anh Trí trở nên khó khăn. “Như tui đây, vợ là giáo viên thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng, tôi ở nhà bán quán nước giải khát và chỉ nuôi hai con ăn học thôi mà còn thiếu trước hụt sau, huống hồ anh Trí phải gồng gánh ba con thêm một người vợ bệnh tật” - ông Dự chia sẻ.
Chỉ chịu trách nhiệm về sức khỏe
Giải thích về quyết định ngưng hỗ trợ cho gia đình chị Tú, bác sĩ Nguyễn Hữu Dự - phó giám đốc kiêm người phát ngôn Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - khẳng định từ ngày xảy ra sự cố cắt nhầm thận đến nay đã 17 tháng, trong thời gian này bệnh viện luôn làm hết tinh thần trách nhiệm để chị Tú được ghép thận và sớm khôi phục sức khỏe.
Sau 10 tháng được ghép thận, đến nay sức khỏe chị được xem đã hồi phục hoàn toàn, các chỉ số xét nghiệm đều bình thường và hiện chỉ còn sử dụng thuốc chống thải ghép. Ông Dự cho rằng bệnh viện sẽ tiếp tục chăm lo về mặt sức khỏe đối với chị Tú như khám, các chế độ bảo hiểm y tế...
Ông Lê Thanh Tâm - phó chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai - cho biết trước khi xảy ra sự cố cắt nhầm thận, anh Trí và chị Tú rất chăm chỉ, cần cù. Hiện địa phương đã đưa gia đình chị vào diện hộ nghèo để các con chị được miễn học phí và hưởng các chế độ khác của hộ nghèo. 
Sắp tới địa phương sẽ xem xét đề nghị đưa chị vào đối tượng bảo trợ xã hội nhằm tạo điều kiện giúp gia đình vượt qua khó khăn. Nếu anh Trí cần vay vốn làm ăn thì địa phương sẽ xem xét cho vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng việc chăm lo của bệnh viện thời gian qua cũng chỉ bù đắp phần nào vật chất cho gia đình chị Tú. Còn tổn thất về tinh thần do không biết sự sống còn kéo dài bao lâu, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình thì không thể nào bù đắp được. 
“Việc này giống như mình đi cưa chân người ta rồi gắn cho họ cái chân giả là xong, còn biết bao tổn thất cho người ta thì tính sao?” - luật sư Đức bày tỏ. Theo ông Đức, trong trường hợp không thương lượng được, gia đình chị Tú có thể khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình chị. 
Diễn biến vụ cắt 2 quả thận của chị Tú
Ngày 5-12-2011, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai. Ngày 6-12, bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước và trong quá trình mổ chị đã bị cắt mất hai quả thận. Ngay sau đó, bệnh viện đã đình chỉ, không cho tham gia phẫu thuật đối với bác sĩ Trần Văn Nguyên (trưởng kíp mổ) một thời gian.
Ngày 10-7-2012, chị Tú được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế phẫu thuật ghép thận thành công. Ngày 5-9-2012, sau hai tháng điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung ương Huế, chị Tú đã xuất viện, sau đó về điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trước khi về sống tại nhà.
CHÍ QUỐC
(Tuổi trẻ)

Phòng Bảo Vệ Chính Trị PA61 Đà Nẵng gửi giấy mời blogger Nguyễn Văn Thạnh lên nói chuyện về các bài viết trên mạng


Blogger Nguyễn Văn Thạnh gửi thông báo tới Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, giám đốc công an TP Đà Nẵng, về việc an ninh ngăn cản tự do đi lại của công dân

Theo tin từ blogger Nguyễn Văn Thạnh, phòng bảo vệ chính trị tại Đà Nẵng, PA61, đã gửi giấy mời anh ngày mai tới gặp cơ quan an ninh. Do bận nên anh Thạnh đã từ chối lời mời này:
Blogger Nguyễn Văn Thạnh đã nhiều lần bị cơ quan an ninh khó dễ bởi các bài viết ôn hòa của mình trên mạng. Cán bộ an ninh lần này đã úp mở: "Anh phải suy nghĩ kỹ cái lời người ta mời để tính toán cái nào có lợi cho bản thân anh, cho gia đình anh, không ảnh hưởng đến tương lai của anh, của vợ anh, mọi quyền lợi của mình được đảm bảo, anh nên chấp hành". 
Câu hỏi Dân Luận muốn đặt ra với độc giả là cơ quan an ninh có quyền đe dọa công dân phải chấp hành "giấy mời" như vậy không? Làm vậy là đúng hay sai luật?
 
382572_262312990576867_1564853378_n.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét