Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Bài viết đáng chú ý

Ban Nội chính TW: Nhận diện ba nhóm quan hệ gây nguy hại quốc gia

Phải xem những người này,
họ thuộcnhóm lợi ích nào?
Nhóm nguy hiểm số một là nhóm chung lợi ích. Những quan chức này sẵn sàng lấy lợi ích nhân dân, Nhà nước ra để làm lợi cho lợi ích nhóm và cá nhân. Thậm chí họ sẵn sàng bán đổi cả lợi ích của nhân dân, Nhà nước miễn là có lợi cho họ. Nhóm này không còn đại diện cho nhân dân, cho Nhà nước nữa.
Có ba nhóm mối quan hệ không bình thường giữa quan chức và doanh nghiệp gây nguy hại cho quốc gia gồm:
- Nhóm nguy hiểm số một là nhóm chung lợi ích. Những quan chức này sẵn sàng lấy lợi ích nhân dân, Nhà nước ra để làm lợi cho lợi ích nhóm và cá nhân. Thậm chí họ sẵn sàng bán đổi cả lợi ích của nhân dân, Nhà nước miễn là có lợi cho họ. Nhóm này không còn đại diện cho nhân dân, cho Nhà nước nữa.
- Nhóm thứ hai là nhũng nhiễu doanh nghiệp để được bôi trơn, ăn phần trăm. Có một số đối tượng còn đòi trắng trợn, thậm chí đòi ăn chia 50% tiền trốn thuế của doanh nghiệp.
- Nhóm thứ ba là đe dọa trắng trợn có tính chất cưỡng đoạt doanh nghiệp. Những đối tượng này tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp để làm tiền.
Để giải quyết các vấn đề trên phải tập trung cao độ cho việc phát hiện và xử lý. Theo đó, phải thực hiện quyết liệt bốn giải pháp:
- Một là tăng cường công tác luân chuyển cán bộ và chế độ nhiệm kỳ. Mạnh dạn luân chuyển ngay những cán bộ bị dư luận nhân dân, báo chí phản ánh.
- Hai là phải tăng cường chuyển các vụ việc sang xử lý hình sự. Khi cán bộ, đảng viên có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển sang xử lý hình sự ngay. Giảm bớt việc phải xin phép trước khi xử lý để tránh tình trạng “chìm xuồng”.
- Ba là tăng cường công tác truy tố, điều tra và tập trung xử lý các vụ án có cán bộ, đảng viên sai phạm.
- Bốn là để tránh tình trạng bao che và có quá nhiều sự can thiệp thì cần phải lập ban chỉ đạo với cơ chế điều tra đặc biệt để chuyên xử lý các vụ án loại này. Khi xét xử phải nghiêm minh, siết chặt các tiêu chí giảm nhẹ tội đối với các cán bộ trong các vụ án tham nhũng.
Theo Ban Nội chính Trung ương
(PLTP)

Tiết lộ chi tiết Hòn đá bùa lúc mới trấn yểm ở Đền Hùng

Thân gửi: Tiến sĩ, nguyên Phó GĐ Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm,

Tôi có đọc một số thông tin trên các báo và của anh về hòn đá ở Đền Hùng.

Tôi có bức ảnh chụp từ khi mới đặt hòn đá đó vào đền, khi đó còn có đầu tượng Phật được gắn bằng keo.
 

Sau một thời gian ông Phật không ở đó nữa, keo dán bị bong ra trông như người cụt đầu, không lấy gì làm linh thiêng cả. Đạo bùa đó là sản phẩm hỗn hợp của nhiều hình thức: Phật giáo, Mật Tông, đan xen thiên văn Trung thiên tinh tú với kiến thức chắp vá mê tín. Ông Nguyễn Tiến Khôi trên báo nói rằng đó là trận đồ của Đức Thánh Trần??? Thật là hoang đường, sao không lấy trận đồ của trận Điện Biên năm 1954, hay trận 12 ngày đêm Hà Nội về cách bố trí tên lửa phòng không ta đánh B52 khắc vào để lấy Uy cho đền Hùng???
Theo Tôi không có gì hay hơn là đặt vào đó một chiếc trống đồng, đó là linh khí của Tổ Tiên Thời đại các Vua Hùng. Mặt trời là trung tâm của Vũ Trụ, sự hiểu biết của Tổ Tiên hàng mấy nghìn năm thật vĩ đại. Trong khi chúng ta cách đây 300 năm còn cãi nhau và đưa lên giàn hỏa thiêu con người vì ấu trĩ của mình.
Điều đó là văn hóa và tâm linh xóa bỏ sự nghi kỵ và sự chê cười của bè bạn năm châu về kiến thức của con cháu các Vua Hùng kém xa các cụ nhiều - Khi mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tuy nhiên chúng ta đưa lên công luận sao cho đạt được mục đích là đưa hòn đá đó ra kẻo vấp phải sự kháng cự của những người bảo lưu ý kiến. Nếu điều này xảy ra thì có hại to lớn cho đất nước.
Nếu cần chúng ta sẽ trao đổi thêm
Thân ái
Đ.Đ
(Blog Nguyễn Xuân Diện)

Thư ngỏ của ông Vũ Mạnh Hùng gửi Bộ trưởng Bộ Công an

Ông Vũ Mạnh Hùng
                                                                         Hà Nội, ngày 20   tháng 4  năm 2013

  • Kính gửi : Giáo sư, Tiến sĩ Luật – Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.
Tôi là: Vũ Mạnh Hùng – Nguyên giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Kinh tế -  Kỹ thuật Thương mại, hiện là cán bộ quản lý khu nội trú của trường. Nơi ở hiện nay P205 C2 Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Hà Nội. ĐT : 0902219982.
Tôi xin trình bày với ông GS,TS luật – Bộ trưởng Bộ Công an như sau:
Vào khoảng hơn 9h sáng ngày 11/4/2013, trên đường đi làm đến ngã ba Ba La Bông Đỏ Hà Đông, tôi bị Công an giao thông ra chặn đường, yêu cầu tôi dừng xe và dắt xe sâu vào trạm kiểm soát giao thông để kiểm tra giấy tờ. Tôi hỏi anh công an giao thông này, xe tôi đang lưu hành trên đường không vi phạm gì tại sao anh yêu cầu tôi dừng xe để kiểm tra? Anh này hỏi tôi là ai? tôi trả lời tôi là Vũ Mạnh Hùng, tôi công tác ở Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Thương mại. Ngay lúc đó có 4 người mặc thường phục tiến sát tôi nói:  ”Anh có liên quan đến tình hình an ninh Quốc gia, chúng tôi là  An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội, yêu cầu anh lên xe ô tô !”. Đồng thời hai người tiến sát vào tôi, mỗi người một bên xốc nách tôi như một tội phạm đưa tôi lên xe ô tô đỗ sẵn bên lề đường. Khi lên xe, người ngồi bên phải bẻ tay phải tôi để lấy chìa khóa xe máy, người bên trái tôi sờ nắn và thọc tay vào túi quần tôi lấy điện thoại. Họ nói nếu anh cưỡng lại, chúng tôi sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ.  Tôi đành phải để họ lấy điện thoại và chìa khóa xe máy. Tôi hỏi mấy người này, không rõ các anh là ai, hay các anh là xã hội đen mà bắt cóc tôi giữa đường cưỡng bức thu giữ tài sản của tôi trong khi không có bất cứ một thứ giấy tờ gì theo quy định của pháp luật. Họ nói  ”Anh yên tâm, bọn em là Công an mới dám làm thế chứ ai dám làm thế, bọn em chỉ mời anh về trụ sở của cơ quan An ninh điều tra thành phố nói chuyện thôi”. Đến trụ sở tôi bị tạm giữ trong khoảng thời gian từ 9h40 ngày 11/4/2013 đến 19h10 ngày 13/4/2013 để nói chuyện, hay đúng ra là hỏi chuyện mang tính thẩm vấn. Tóm lại : bản thân tôi không vi phạm bất cứ vào một điều khoản nào của bộ luật hình sự, việc An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt cóc tôi, tước đoạt điện thoại của tôi khi bị bắt và thu giữ điện thoại của tôi trong thời gian tạm giữ để nói chuyện làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần đối với tôi cũng như gia đình, bạn bè thân hữu.
Trong thời gian tạm giữ để nói chuyện, hỏi chuyện, anh em An ninh hầu hết trong tranh luận đã nhận ra cái sai, sự phi lý, bất chấp luật pháp của ai đó đã chỉ đạo việc bắt giữ tôi. Sự đồng cảm của anh em, sự thông cảm của tôi đối với họ, qua đó đã ít nhiều nảy nở, bởi chính họ cũng bị tước đi những quyền con người như tôi. Họ bị áp lực từ cấp trên để thực hiện một việc làm trái pháp luật nếu họ đấu tranh với cái sai, họ bị trù dập, họ lấy gì để bảo vệ mình. Họ cũng có một mong muốn như tôi làm sao để tiến tới xây dựng một xã hội mà trong đó quyền con người được tôn trọng. Tôi luôn ghi nhận sự chia sẻ và tình cảm đó.
Song với trách nhiệm công dân, tôi không thể không phản ánh với ông Bộ trưởng về cách thức và tính chất của sự việc cùng với những lời đe dọa đối với cá nhân tôi, gia đình tôi, dòng họ tôi của Thiếu tá Nguyễn Trung Nam thuộc Phòng An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội.
Thưa ông GS,TS luật – Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, việc làm của cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội như vậy có phải vi phạm nhân quyền không ? Có trái với những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự không ? Có ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của tôi không ? Và có phải Công an được làm những chuyện vô pháp luật như vậy dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng không ? Một xã hội mà Công an được làm những chuyện vô pháp luật như vậy, luật pháp Nhà nước có để làm gì? Xã hội sẽ đi về đâu?… Một Nhà nước mà công cụ của mình hành xử với người dân như vậy, nếu những người lãnh đạo có trách nhiệm im lặng có xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc không?
Tôi viết thư ngỏ này gửi tới Bộ trưởng, người lãnh đạo cao nhất của cơ quan an ninh Nhà nước. Mong rằng, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng xem xét sự việc xảy ra đối với tôi, cư xử sao cho xứng với cái tâm và tầm của Bộ trưởng trước dư luận nhân dân trong nước và quốc tế.
Kính thư
Vũ Mạnh Hùng
(Bauxite)

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - Giữa Việt Nam và Trung Quốc không có truyền thống hữu nghị

Xây dựng truyên thống?
Giữa Việt Nam và Trung Quốc không có truyền thống hữu nghị, cũng không tương đồng về ý thức hệ
Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2011 của đoàn Việt Nam do TBT Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, TBT Hồ Cẩm Đào nói với TBT Nguyễn Phú Trọng câu: “Truyền thống hữu nghị giữa 2 Đảng và 2 nước là tài sản quý báu cần gìn giữ và truyền cho các thế hệ mai sau”… và từ trước đến nay trong các cuộc gặp gỡ cấp cao hai bên, phía Trung Quốc thường nhắc lại: “Hai nước chúng ta song núi liền nhau, văn hóa tương đồng, hai đảng cùng chúng ý thức hệ là cơ sở của tình hữu nghị bền vững…”.
Dựa trên diễn biến thực tế, thử phân tích xem có đúng thế không?
Khách quan mà nói, tình hữu nghị Việt – Trung có biểu hiện trong hai thấp kỷ từ 1950 đến 1970. Trong thời gian đó, Trung quốc giúp ta khá lớn về nhiều mặt. Trong sự giúp đỡ đó, có lợi ích trước mắt và động cơ sâu xa của họ, vừa giúp ta vừa hạn chế thắng lợi của ta. Dù sao ta cũng công nhân là có tình hữu nghị Trung  – Việt. Còn ra thì sao?
Không kể Trung Quốc đã đô hộ nước ta 1000 năm, đến quân Nam Hán lại mang quân xâm lược nước ta, rồi nhà Tống, Mông Cổ sau khi chinh phục xong làm chủ Trung Quốc cũng 3 lần xâm lược nước ta, nhà Minh đem quân xâm lược, đánh bại Hồ Quý Ly, lại đô hộ nước ta 10 năm, nhà Thanh huy động 20 vạn quân chiếm đóng thủ đô Thăng Long. Năm 1974 Trung Quốc huy động hải quân mạnh tiêu diệt bộ phận lực lượng Việt Nam Cộng hòa đóng giữ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và cướp quần đảo từ tay Việt Nam Cộng hòa, lại trẹo họng nói là “thu hồi”. Tháng 2/1979, Đặng Tiều Bình huy dộng 60 vạn quân xâm lăng các tỉnh biên giới nước ta. Gần đây, dựa vào cái “lưỡi bò” bất hợp pháp thành lập cái gọi là huyện Tam Sa, thực hiện mọi thủ đoạn, chuẩn bị điều kiện hòng chiếm nốt Trường Sa của chúng ta. Thế là chỉ có 2 thập kỷ (50 – 70) nói trên tạm gọi là “hữu nghị”, còn thì suốt chiều dài lịch sử, truyền thống của Trung Quốc là truyền thống xâm lược nước ta.
Phía ta thì sao?
Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán để khẳng định nền độc lập của nước Nam.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt đánh tan quân xâm lược nhà Tống và có bài thơ “thần” đầy khí phách hào hung:
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Từ năm 1258 đến 1288, quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh từng gây kinh hoàng cho nhiều nước từ Á sang Âu, đặc biệt năm 1288 dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, quân ta đánh thắng trận Bạch Đằng oanh liệt danh tiếng lẫy lừng khiến nhà Nguyên khiếp vía không xâm pham lần thứ tư.
Lê Lợi, Nguyễn Trãi 10 năm gian khổ chống ách đô hộ nhà Minh, cuối cùng giết Liễu Thăng, dọa Mộc Thạch hết hồn rút chạy đến 1428 tống cổ Vương Thông về nước, khôi phục độc lập cho nước nhà.
Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín mà chạy mới thoát chết.
Tháng 2/1979, quân dân các tỉnh biên giới, mặc dầu lực lượng ít ỏi, đã ngoan cường đánh trả 60 vạn quân xâm lược tàn ác, buộc Đặng Tiểu Bình phải rút quân.
Nước ta ngoài việc phải chống xâm lược của Trung Quốc qua các thời kỳ, còn phải chống xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vậy là truyền thống nước ta là truyền thống chống xâm lược.
Rõ ràng truyền thống nước ta vầ truyền thống Trung Quốc đối nghịch nhau suốt chiều dài lịch sử, thì làm gì có “tình hữu nghị quý báu truyền cho các thế hệ mai sau”!
GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TƯƠNG ĐỒNG VỀ Ý THỨC HỆ
Ngay từ 1962, ông Đặng Tiểu Bình đã muốn từ bỏ mô hình XHCN kiểu Stalin và đi theo con đường khác với câu nói: “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt”. Ông ta bị Mao Trạch Đông xử lý kỷ luật. Sau khi được phục hồi và sau khi ông Mao chết, năm 1978 ông Đặng lại nói lại câu nói đó và thực tế bắt đầu rẽ theo con đường TBCN mặc dầu vẫn nói là “xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc”. Để kết thân với Mỹ, tháng 2/1979 Đặng Tiểu Bình xua quân đánh Việt Nam là đã gửi thông điệp cho Nhà trắng rằng: “Giữa chúng tôi (Trung Quốc) và Việt Nam không cùng ý thức hệ dù đều là Đảng Công sản”.
Đại hội thứ 18 Đảng CS Trung Quốc mới đây không còn đề cập CN Mác – Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông nữa mà chỉ nêu lý luận “ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “tư tưởng Đặng Tiểu Bình”.
Tuy vẫn giữ câu “xây dựng XHCN nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, nhưng người ta có thể cho rằng XH Trung Quốc hiện nay là XHTB chưa thật đúng nghĩa, còn do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
Mô hình XHCN kiểu Stalin tỏ ra không thích hợp, kìm hãm sản xuất, kìm hãm phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khí đó một số người lãnh đạo lại hưởng đặc quyền đặc lợi sống như đế vương, độc tài độc đoán dẫn đến Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu xụp đổ. Từ đó, chưa ai đưa ra được mô hình XHCN nào khác.
Việt Nam ta tất yếu phải cuốn theo kinh tế thị trường, nhưng lãnh đạo vẫn lấy CN Mác – Lênin làm cơ sở tư tưởng, vẫn chủ trương xây dựng CNXH. Thử hỏi xây dựng CNXH theo mô hình nào? Trong xã hội ta hiện nay, nội dung gì là XHCN, không ai chỉ ra được. Còn nói phát triển kinh tế thị trường “theo định hướng XHCN”. Cái đuôi “theo định hướng XHCN” thật là mơ hồ, vô nghĩa.
Đã không có mô hình, không có nội dung XHCN, thiết nghĩ chỉ nên nêu “lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nề tảng, xây dựng nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như nghị quyết Đảng đa từng ghi, là đúng đắn và khả thi. Không cần nêu CN Mác – Lênin mà “chỉ nêu tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ” vì cái gì ở Mác, ở Lênin mà thích hợp với Việt Nam thì Hồ Chí Minh đã tiếp thu, cũng như những gì là hay, là tốt của thế giới, của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, của Khổng Tử, của Tôn Trung Sơn đều đã có trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đã không có nội dung XHCN thì nên lấy lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ cộng hòa” là thích hợp.
Sự thật là không có truyền thống hữu nghị Trung – Việt, cũng không có tương đồng ý thức hệ. Thế mà mỗi lần có gặp gỡ cấp cao 2 bên, phía Trung Quốc vẫn nói ngon ngọt nào là trân trọng tình hữu nghị Việt – Trung do Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch đã dày công vụn đắp, nào là xử lý bất đồng trên tinh thần “đại cục” quan hệ Trung Việt làm trọng, nào là mọi vấn đề đều có thể thương lượng nội bộ để giải quyết trên tinh thần đồng chí, anh em cùng chung ý thức hệ v.v… Giang Trạch Dân còn “sáng tạo” ra “phương châm 16 chữ và 4 tốt” để phỉnh phở, mê hoặc lãnh đạo ta làm sợi dây vô hình cột Việt Nam vào cỗ xe của họ kéo ta lệ thuộc vào họ.
Những ai có đầu óc thực tế đều thấy rằng hiên nay mối nguy hiểm đối với nước ta không phải đến từ đế quốc Mỹ mà đến từ chủ nghĩa bá quyền bành trướng Đại Hán.
Vấn đề đặt ra đối với nước ta hiện nay là: thoát ra khỏi mọi ràng buộc tham lam, ác ý, thực hiện đường lối chủ trương độc lập tự chủ, thực hiện ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, một mặt không phá bỏ hiện trạng hữu nghị hòa bình với Trung Quốc, mặt khác thắt chặt mối quan hệ hữu nghị với các nước lớn Nga, Nhật, Ấn Độ, Mỹ, cải cách thể chế, thực hiện dân chủ, gắn bó với khối đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng hiền tài, xóa bỏ mọi lợi ích nhóm, phe phái quyền lực để đưa đất nước thoát khỏi yếu kém tụt hậu và tiến lên./.
  Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Ông Lê Hồng Anh - Cần làm sáng tỏ về Đảng cầm quyền và CNXH

Tượng Lenin ở Hà Nội
Về lý thuyết, Đảng cầm quyền ở Việt Nam vẫn tin theo con đường của Lenin

Đội ngũ các lý thuyết gia của Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh đạo Đảng yêu cầu phải đào sâu nghiên cứu để làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền và về chủ nghĩa xã hội.

Đây là chỉ đạo của ông Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư, trong buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương hôm thứ Hai ngày 22/4, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Hội đồng Lý luận Trung ương là tập hợp các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Đảng về mặt lý thuyết để làm cơ sở cho các quyết sách lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hội đồng hiện tại đồng thời cũng là trưởng Ban Tuyên giáo của Trung ương Đảng, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị.

‘Cần đột phá’

Theo tường thuật của hãng tin nhà nước, thì ông Lê Hồng Anh đã nêu lên một số vấn đề mà theo ông ‘cần kết quả đột phá trong nghiên cứu lý luận’.

Các vấn đề đó là: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu và các thành phần kinh tế, phương thức lãnh đạo của Đảng và phát triển văn hóa, xã hội.

Mục đích của các nghiên cứu này, theo ông là để "làm sáng tỏ một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới".

Đây cũng là những vấn đề mà lâu nay có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng bản thân Đảng vẫn chưa nắm rõ nhưng lại đặt thành quy định để toàn dân phải tuân theo.

Thậm chí có ý kiến còn bác bỏ hoàn toàn mô hình ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ mà Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây với BBC, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang đã nhận định ‘Đảng càng lý luận càng tối’.

Do đó, đội ngũ các nhà lý luận của Đảng có nhiệm vụ nghiên cứu làm sao để tìm ra cơ sở thuyết phục cho mô hình của Đảng – điều mà cho đến nay họ vẫn chưa làm được.

Trong buổi làm việc ngày 22/4, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh cũng yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương nâng cao chất lượng làm việc bằng cách "tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận".

Đây không phải lần đầu tiên ông Anh kêu gọi ‘tự do tư tưởng’ nhưng đây cũng là một khái niệm chưa rõ vì không ít ý kiến trái ý của Đảng bị quy kết hoặc là 'suy thoái tư tưởng đạo đức’ hoặc 'phản động, thù địch’.

Hội đồng Lý luận Trung ương đã báo cáo với ông Lê Hồng Anh 10 vấn đề mà họ đang tập trung nghiên cứu hiện nay, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Giang cũng từng nói với BBC rằng công tác lý luận của Đảng đã đưa Việt Nam vào ‘cái vòng lẩn quẩn’, cả về kinh tế và đối ngoại:

“Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng bộc lộ xung khắc với thực tế, càng làm cho thực tế trở nên rối bời và đẩy xã hội Việt Nam đến những mâu thuẫn lớn khiến cho bùng nổ phản kháng," ông phân tích.

“Về đối ngoại...Vẫn xác định Trung Quốc dù có xâm lược vẫn là ân nhân và Mỹ vẫn là kẻ thù. Đây là điều trật với tình hình thế giới và không đúng cả trong lòng nhân dân Việt Nam,” nhà bất đồng chính kiến này đánh giá.
(BBC)

Nhóm khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn - Thư Đề nghị tranh luận


THƯ ĐỀ NGHỊ TRANH LUẬN

Gửi:

– Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường Đại học Luật TP. HCM (sau đây gọi tắt là Đoàn trường);
– Tác giả bài viết “Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn” được đăng trên website của Đoàn trường (doanthanhnienluat.com) vào ngày 09-04-2013, bút danh Trung Nhân.

Chúng tôi:

– Nguyễn Trang Nhung, sinh viên lớp 4B Văn bằng 2 Chính quy, Đại học Luật TP. HCM;
– Bùi Quang Viễn, sinh viên lớp 3B Văn bằng 2 Chính quy, Đại học Luật TP. HCM;
– Phạm Lê Vương Các, sinh viên lớp AUF35 Văn bằng 1 Chính quy, Đại học Luật TP. HCM.

Xét rằng:

– Thư yêu cầu xin lỗi của chúng tôi, được gửi cho Đoàn trường vào ngày 15-04-2013, đã không được Đoàn trường hồi đáp;
– Hành vi của những người trưởng thành, đặc biệt là những sinh viên Luật, cần dựa trên cơ sở duy lý và hợp pháp, cũng như với tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Trước khi thực hiện các hành động pháp lý như đã nêu trong thư yêu cầu,

ĐỀ NGHỊ:

Đoàn trường và tác giả Trung Nhân, cùng chúng tôi, Nguyễn Trang Nhung, Bùi Quang Viễn và Phạm Lê Vương Các, tổ chức một buổi tranh luận về những vấn đề pháp lý liên quan đến Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn cũng như bài viết của tác giả Trung Nhân về Tuyên ngôn này.

Chi tiết buổi tranh luận như sau:

1. Nội dung:

– Tranh luận về tính pháp lý của việc chúng tôi đưa ra Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn. Việc làm này có hợp pháp không? Tại sao?
– Tranh luận về tính pháp lý của việc Đoàn trường đăng tải bài viết “Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn” trên website của Đoàn trường vào ngày 09-04-2011. Việc làm này có hợp pháp không? Tại sao?

2. Chủ tọa buổi tranh luận: Do Đoàn trường lựa chọn;

3. Địa điểm và Thời gian: Do Đoàn trường lựa chọn;

4. Yêu cầu:

– Địa điểm được lựa chọn cần đảm bảo rằng mọi sinh viên, nếu muốn, đều có thể dự khán buổi tranh luận;
– Đoàn trường và tác giả bài viết kể trên, cùng ba sinh viên chúng tôi, mỗi bên chuẩn bị nhóm quay phim và chụp hình. Phim và hình của buổi tranh luận sẽ được đăng tải công khai trên website của Đoàn trường (doanthanhnienluat.com), blog Công lý cho Đoàn Văn Vươn (tuyenngondvv.blogspot.com) và Youtube (youtube.com).

Hy vọng rằng, Đoàn TNCS HCM trường Đại học Luật TP. HCM – tổ chức thanh niên lớn nhất của một đại học chuyên ngành Luật hàng đầu đất nước – sẽ chấp thuận lời đề nghị của chúng tôi về buổi tranh luận thuần túy mang tính pháp lý này.

Đồng thời, tin tưởng rằng, buổi tranh luận mà chúng tôi đề nghị, nếu không bị khước từ bởi Đoàn TNCS HCM trường Đại học Luật TP. HCM, sẽ mang đến những kiến thức pháp lý bổ ích cho các bạn sinh viên Luật nói riêng và sinh viên cả nước nói chung.

Thời hạn để Đoàn trường trả lời thư đề nghị tranh luận này là 7 ngày, kể từ ngày hôm nay, 23 tháng 04 năm 2013. Chúng tôi tiếp tục để ngỏ các hành động pháp lý – khởi kiện, tố cáo và yêu cầu khởi tố – như đã nêu trong thư yêu cầu xin lỗi, trong trường hợp Đoàn trường vẫn khước từ hồi đáp.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 04 năm 2013

Người đề nghị:

(Nhóm khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn đã ký)

Giấy biên nhận của bưu điện Quận 4

Nông dân Văn Giang ra tuyên bố một năm sau vụ cưỡng chế

Trong một thông cáo đề ngày 24/04/2013, nhưng được công bố sớm trước một hôm trên mạng, nông dân Văn Giang một lần nữa kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam giải quyết vụ này, đồng thời kêu gọi dư luận trong và ngoài nước ủng hộ cho cuộc đấu tranh bảo vệ "quyền người cày có ruộng".
Cách đây 1 năm, ngày 24/04/2012, chính quyền huyện Văn Giang, Hưng Yên, cùng với chính quyền tỉnh này đã huy động ngàn người, đa số là cảnh sát, để thực hiện lệnh cưỡng chế thu hồi đất cho dự án Ecopark của một công ty tư nhân. Trong một thông cáo đề ngày 24/04/2013, nhưng được công bố ngày hôm nay trên mạng, nông dân Văn Giang một lần nữa kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam giải quyết vụ này, đồng thời kêu gọi dư luận trong và ngoài nước ủng hộ.

Nông dân Văn Giang, Hưng Yên cắm lều chống lại lệnh của chính quyền cưỡng chế thu hồi đất dành cho dự án Ecopack  hôm 23/04/2012
Nông dân Văn Giang, Hưng Yên cắm lều chống lại lệnh của chính quyền cưỡng chế thu hồi đất dành cho dự án Ecopack hôm 23/04/2012
Trong bản thông cáo, những người ký tên đại diện cho hơn 1200 hộ nông dân ở ba xã Văn Quan, Cửu Cao, Phụng Công, huyện Văn Giang, nhắc lại là trong vụ cưỡng chế nói trên, nhiều nông dân đã bị đàn áp, đánh đập, bị bắt, gây phẫn nộ dư luận trong và ngoài nước.
Ngày 01/05/2012, hàng trăm nhân sĩ, trí thức người Việt đã ký "Tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực", hàng nghìn người trên khắp Việt Nam và từ nhiều nước khác đã ký ủng hộ bản tuyên bố này, phản đối việc cưỡng chế bằng vũ lực của chính quyền Văn Giang và tỉnh Hưng Yên.
Mặc dù cho tới nay các luật sư của những hộ nông dân bị cưỡng chế thu hồi đất đã có trên 10 kiến nghị gởi các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, để yêu cầu giải quyết, nhưng vẫn chưa được trả lời. Chỉ riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đối thoại một lần vào ngày 21/08/2012, nhưng theo các nông dân Văn Giang, các quan chức bộ này đã « cố tình lảng tránh những vấn đề cốt lõi, thậm chí đưa sai những căn cứ pháp lý để giải thích. »
Không những thế, theo tố cáo của nông dân Văn Giang, các doanh nghiệp liên quan đến dự án Ecopark còn thuê côn đồ hành hung những người đấu tranh tích cực nhất. Sáu người trong nhóm hành hung đã bị đem ra xử, nhưng cho tới nay các phiên xử chưa làm rõ ai là kẻ chủ mưu.
Trong bản thông cáo, các nông dân Văn Giang tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ « quyền người cày có ruộng ». Họ kêu gọi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam giải quyết vụ việc ở Văn Giang, nếu không, sẽ không giữ được niềm tin của nông dân vào Đảng và Nhà nước. Đồng thời các nông dân Văn Giang kêu gọi sự ủng hộ tinh thần của dư luận trong và ngoài nước.
Thanh Phương
(RFI)

Cơ quan chức năng đang bất lực trước tin đồn

Đó là nhận định của luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam - khi trao đổi với phóng viên Lao Động chiều ngày 22.4 về nạn tin đồn hiện nay, đặc biệt là những tin đồn nhạy cảm như sắp đổi tiền vừa qua, đã khiến không ít người dân đổ xô đi mua gom vàng, USD, khiến giá ngoại tệ này nhảy múa, tăng vọt.
(?) Liên tục thời gian gần đây thị trường xuất hiện nhiều tin đồn, gây tâm lý hoang mang trong dân, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Đúng là thời gian vừa qua, nhất là từ năm 2011 đến nay, trên thị trường Việt Nam xuất hiện rất nhiều tin đồn thất thiệt về kinh tế hoặc liên quan đến kinh tế, như ông lãnh đạo doanh nghiệp này, ông tổng giám đốc kia bị bắt..., và gần đây là tin đồn về đổi tiền. Tôi cho rằng, đây là dư luận xã hội phát sinh rất ngẫu nhiên, tuy nhiên hậu quả của những tin đồn này rất lớn, đặc biệt là với những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, một thị trường hết sức nhạy cảm với sự lên xuống của giá cổ phiếu.

Cơ quan chức năng đang bất lực trước tin đồn
Tin đồn được xem là một trong những nguyên nhân đẩy giá USD lên cao trong những ngày qua.
Tôi lấy ví dụ như khi có tin đồn về một chủ tịch HĐQT của một Cty đang niêm yết trên sàn chứng khoán bị bắt thì lập tức cổ phiếu Cty này sẽ bị bán tháo, hoặc như có tin đồn ông giám đốc một ngân hàng nào đó vướng vào vòng lao lý, chắc chắn không thoát khỏi cảnh người dân đổ đến ngân hàng đó rút tiền, dẫn đến ngân hàng mất thanh khoản.
Tin đồn ở phạm vi rộng hơn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều người dân, ví dụ như với tin đồn đổi tiền chẳng hạn, người dân khi tiếp cận tin đồn này không tránh khỏi hoang mang và lập tức sẽ nghĩ đến một kênh đầu tư khác để giữ tiền an toàn hơn như đầu tư vào vàng, USD. Đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng, giá USD liên tục leo thang mấy ngày gần đây, thậm chí có thời điểm giá USD đã lên tới 21.500VND/USD.
(?) Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tin đồn thao túng thị trường như vừa qua?
- Theo tôi có nhiều nguyên nhân để tin đồn lộng hành, nhưng có thể rút lại với 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, trong giai đoạn nền kinh tế không ổn định thì rất hay phát sinh ra những thông tin như vậy, chủ yếu là các dự đoán, một đồn mười trong dân gian.
Trên thực tế cũng đã có trường hợp các tin đồn đoán ông X, ông Y bị bắt ngày hôm trước, ngày hôm sau chính ông này lên các cơ quan ngôn luận khẳng định không có chuyện đó, nhưng rồi ngày sau đó thì việc bị bắt lại thành hiện thực. Do có những thực tế như vậy nên trước các tin đồn, người dân không tránh khỏi bán tín bán nghi và dẫn đến việc tự hành xử bằng cách rút tiền ra để tìm nơi trú ẩn khác và khi phát hiện ra đây chỉ là thông tin thất thiệt thì người dân đã lĩnh đủ, tiền mất tật mang.
Nguyên nhân thứ hai, tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng thiếu nhạy bén thu thập dữ liệu và giải thích kịp thời cho người dân hiểu. Ví dụ như tin đồn đổi tiền vừa qua chẳng hạn, tin đồn này không phải bây giờ mới có mà đã có từ cách đây cả tuần. Nếu như chúng ta nhạy bén, ngay từ khi có thông tin như vậy, khẳng định ngay là  không có chuyện đổi tiền thì sẽ tránh được những thiệt hại cho người dân. Ở đây tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước đã phản ứng rất chậm, đến khi giải thích được thì sự kiện đã bùng lên rồi, nhiều người đã mua vàng, mua USD, giá đã bị đẩy lên rồi. 
Nguyên nhân thứ ba, theo tôi là chúng ta đã bất lực, không tìm được điểm xuất phát của tin đồn để xử lý. Ví dụ như tin đồn bắt Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, làm thiệt hại cho thị trường chứng khoán lên đến 1,6 tỉ USD chẳng hạn. Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an nói sẽ điều tra, xử lý kẻ tung tin đồn, tuy nhiên đến nay cũng không thấy nhắc nhở gì đến nữa. Tôi cho rằng, không phải Bộ Công an không đủ năng lực để làm việc này, vấn đề là có tập trung làm việc đó để xử lý nghiêm minh hay không, vì chỉ có làm được như vậy thì mới mong giảm được các tin đồn thất thiệt.
(?) Như ông phân tích thì những thiệt hại do tin đồn gây ra rất lớn, vậy theo ông thì có cách nào để tháo gỡ và thúc đẩy nhanh việc xử lý các tin đồn thất thiệt này?
- Hiện chúng ta chưa có một quy định chính thức nào yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan như tài chính, ngân hàng, công an phải thu thập dư luận quần chúng để kịp thời trấn an người dân khi có tin đồn thất thiệt.
Tôi cho rằng, tới đây Chính phủ nên có một nghị định về tập hợp dư luận và ngăn chặn tin đồn thất thiệt. Thực tế vừa qua chúng ta chưa thể có được nghị định này một phần cũng là vì ta chưa có luật tiếp cận thông tin. Càng sớm có luật tiếp cận thông tin chừng nào thì nạn tin đồn càng được xử lý sớm chừng đó và người dân sẽ được bảo vệ, không bị kẻ xấu trục lợi. 
- Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng Nhà nước bác bỏ tin đồn đổi tiền VND
Sau phát ngôn của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - ông Nguyễn Chí Thành - với Báo Lao Động về việc không có chuyện đổi tiền vào thời điểm này, cuối giờ chiều qua (22.4), NHNN chính thức có thông cáo báo chí bác bỏ tin đồn đổi tiền VND.

Theo thông cáo này thì vừa qua xuất hiện tin đồn cho rằng sắp tới NHNN có thể thay đổi đồng tiền đang lưu hành bằng đồng tiền mới. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay. Thời gian qua và hiện nay, giá trị đồng Việt Nam khá ổn định, cơ cấu của bộ tiền đang lưu thông hiện nay vẫn phù hợp. NHNN cũng không có chủ trương phát hành tờ tiền mệnh giá một triệu đồng.     T.K
Phạm Huệ thực hiện
(Lao Động)

Chính phủ dùng dư luận viên để đấu với Blogger

Chính quyền Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tranh thủ dư luận dù họ đã và đang phá website đối kháng, đàn áp các blogger và các nhà báo tự do, và nay họ tin tưởng rằng vũ khí mới nhất là một đội quân dư luận viên hùng hậu có thể lái dư luận về hướng thuận lợi cho họ.
Nhà báo tự do Trương Duy Nhất cho biết lần đầu tiên ông biết về đội quân dư luận viên (DLV) là lúc ông Hồ Quang Lợi, trưởng ban tuyên giáo thành phố Hà Nội tiết lộ vào đầu năm 2013. Tuy nhiên ông Nhất “không ngạc nhiên về điều này”.
Dư luận viên là ai?
Sau Hà Nội, quan chức thành phố Đà Nẵng cũng tiết lộ họ đã thành lập DLV từ năm 2010. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2013, ông Mai Mộng Tưởng, phó ban tuyên giáo Đà Nẵng chỉ thị cho các DLV dưới quyền “hãy nắm bắt về việc góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp, theo dõi chuyển biến thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”
 “Dù không tuyên bố thì lâu nay người ta cũng đã làm rồi. Buồn cười vì hóa ra đầu óc mấy ông ngồi đó nghĩ toàn chuyện vớ vẩn, bá láp, bá xàm như vậy,” ông Nhất nói.
Ông Nhất cho biết: “Chưa gặp người nào dám nhận là DLV ngoài đời, mà cũng chưa thấy ai công khai danh tính rõ ràng trong các bình luận trên mạng. Thành viên của đội ngũ này chỉ thường dùng các tên giả. Tuy nhiên qua các lần làm việc với công an, thanh tra sở thông tin truyền thông, họ thừa nhận có đưa phát biểu (comment) vào các trang cá nhân, bài viết của tôi.”
Vậy ông Nhất ứng xử như thế nào? “Chỉ cái phát biểu nào đàng hoàng mới để. Cái nào nói tào lao, kích động, xuyên tạc, v.v… thì tôi xóa hết,” ông Nhất nói.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) nhận định: “Chủ trương kiểm soát thông tin cũng như ý tưởng sử dụng DLV có nguồn gốc rất lâu từ tuyên giáo các cấp. Nếu trước đây họ chỉ có tuyên truyền qua sách, báo, miệng, thì giờ đây trước thông tin đa chiều trên internet, họ bị buộc phải tăng cường thêm lực lượng mới để tuyên truyền trên mạng.”

Một dư luận viên (cầm loa tay) khuyên người biểu tình nên giải tán (Credit: ABC)
Mẹ Nấm kể: “Chỉ gặp DLV qua các bài viết, bình luận, nhưng khi tranh luận đuối lý các bạn DLV thường ngụy biện, đi vào đả kích cá nhân tôi như không lo chăm con, không lo coi sóc quán nước mía, nhận tiền từ nước ngoài. Có lẽ các bạn DLV nghĩ mình cũng như các bạn – được trả tiền để làm việc này.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng (blogger Bùi Hằng) khẳng định: “Trong giai đoạn này nhà nước đã thất bại về tuyên truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Twitter, và các trang blog có hoạt động tại Việt Nam nên bây giờ họ tuyên bố tăng cường lực lượng DLV là điều dễ hiểu.”
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền miệng năm 2012, chính phủ Việt Nam đã đưa ra con số gần 80 nghìn ‘tuyên truyền viên miệng’ để làm DLV. Đó là một con số lớn và khó được kiểm chứng vì DLV không hẳn là một nghề chuyên môn mới trong bộ máy tuyên truyền. Họ có thể là những cán bộ an ninh và truyền thông hiện dịch được biệt phái để làm công tác trên mạng.
Bút chiến hay tranh luận?
05/05/2010, tại một hội nghị toàn quốc trung tướng công an Vũ Hải Triều, khoe rằng bộ phận kỹ thuật của công an đã ‘phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu”.
09/12/2012, Hồ Quang Lợi, trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội tại Hội Nghị Tuyên Giáo Toàn Quốc cho hay Hà Nội đã thành lập một đội ngũ “tuyên truyền miệng” với 900 “dư luận viên”, “tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet, mở hơn 400 tài khoản trên mạng”. Ông Lợi nói: “DLV tham gia bút chiến trên internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.
Tuy nhiên các công dân mạng bị gọi ‘lề trái’ không nghĩ như ông Lợi.
 “Tôi không nghĩ là có bút chiến giữa blogger tự do và DLV và chúng tôi cũng không muốn chiến đấu kiểu này,” blogger Mẹ Nấm phát biểu. Blogger này nói tiếp: “Nếu có thì đó là một cuộc chiến không cân sức: họ ăn lương để làm việc ấy; trong kho đó blogger và nhà báo tự do thì chỉ viết theo suy nghĩ của mình, và còn làm việc khác để sinh sống, tức là họ không xem việc lên mạng là một cái nghề. Và cuộc chiến buộc chúng tôi phải bảo vệ lý lẽ của mình. Các bạn DLV có quyền định hướng dư luận theo cách của họ, nhưng đây là suy nghĩ của tôi và xã hội sẽ nhìn thấy có những người suy nghĩ khác với cái dư luận mà chính quyền muốn DLV bảo vệ.”
Không đồng ý với từ ‘bút chiến’, nhà báo Duy Nhất cho rằng xã hội cần những trao đổi, đối thoại, tranh luận. Ông nói gần đây có các vấn đề nóng mà trước đây bị báo chí dìm thì nay lại được các trang cá nhân đưa ra tranh luận lại. “Bản chất của tranh luận là dần tiếp cận sự thật, chân lý. Nhưng tại sao không tranh luận công khai, đàng hoàng đi? Nếu vấn đề tôi viết ra đúng hay sai, anh cứ tranh luận với tôi rõ ràng. danh có chính thì ngôn mới thuận được. Nói kiểu núp bóng giấu tên này là tầm bậy tầm bạ không đáng quan tâm,” ông Nhất nói.
Blogger Bùi Hằng nói: “Tôi mời tất cả các DLV, các blogger của các phe phái, cùng tranh luận và dành sự phán xét đúng sai cho độc giả.”
DLV có làm không công?
Dù không nói rõ số DLV bao nhiêu người, số tiền phải bỏ ra bao nhiêu, nhưng cuối tháng 12/2012, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông báo sẽ trả tiền phụ cấp 0,3 mức lương cho các cộng tác viên dư luận xã hội.
Tại hội nghị Tổng kết công tác tuyên truyền miệng 2012, tỉnh Lào Cai cho biết địa phương này trả 0,1 mức lương cơ bản cho DLV cấp xã phường. Nhà báo Duy Nhất nói ông cảm thấy “buồn cười vì tốn tiền bạc cho việc này.”
Một blogger có tiếng nhưng không muốn nêu tên nhận định: “Chẳng ai làm không công cho công việc này, nếu không có tiền trực tiếp thì cũng có các lợi ích khác. Nhưng dù làm DLV vì tiền hay vì lý tưởng thì nó là công việc khá an toàn vì họ không lo bị chế độ làm khó dễ, không sợ bị bỏ tù, vì họ được chính quyền bảo kê”. Blogger này cho rằng: “DLV là cái lỗi của ban tuyên giáo. Nó là thêm một cái cớ cho công chúng xỉ vả chính quyền.”
DLV có hiệu quả?
Blogger Lê Diễn Đức cho rằng sách lược dùng tin tặc để đánh phá các trang như Bauxite, Dân Làm Báo, Dòng Chúa Cứu Thế, Ðàn Chim Việt, Anh Ba Sàm, v.v… dường như không đạt được mục tiêu vì các trang web bị tấn công đã có thể phục hồi nhanh chóng hoặc cho ra trang mới.
Trong khi đó việc dùng DLV cũng có vẽ như không mang lại kết quả mà nhà nước mong muốn. “Đa phần dư luận viên kiến thức rất kém, không có khả năng phản biện, khi tranh luận thường sử dụng các ngôn ngữ dung tục, cố tình quậy phá. Bản mặt của chúng không thể tồn tại được ở những trang tử tế, đàng hoàng, chúng bị nhận diện và phải tháo chạy,” blogger Lê Diễn Đức viết.
Thêm vào đó, dù nhà nước Việt Nam nắm trong tay toàn bộ hệ thống truyền thông Việt Nam, họ cảm thấy dư luận đang ngày càng vượt xa tầm kiểm soát của họ.
Thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Ðỗ Quý Doãn than vãn trên báo Lao Ðộng (10/01/2012): “Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17 ngàn nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân?” Ông tự kết luận: “Báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc.”
Võ Hoài
(Radio Australia)

Dân quân, công an xã dùng tiểu liên đi bắt người

Đơn khiếu nại của Công ty TNHH MTV Cường Thịnh Phát gửi các cơ quan chức năng cho biết khoảng 0g20 ngày 21-3, hai anh Trần Xuân Thắng (20 tuổi) và Lê Đình Kết (20 tuổi), đều là công nhân công ty, đi môtô không đội mũ bảo hiểm từ hướng UBND xã Trà Đa về Khu công nghiệp Trà Đa (xã Trà Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Một tổ công tác gồm công an, dân quân tự vệ xã đóng tại trụ sở UBND xã Trà Đa phát hiện Thắng và Kết nhưng không ra hiệu yêu cầu dừng xe mà điện báo cho một tổ khác đóng gần Khu công nghiệp Trà Đa chặn xe, rồi đuổi theo sau. Khi hai anh Thắng, Kết vừa qua cổng công ty thì tổ công tác ập đến.
Bị đánh vì nhìn lầm người
Hai anh Thắng, Kết và anh Phạm Ngọc Sơn (bảo vệ của công ty, người mở cổng cho Thắng, Kết vào) thấy có người rượt đuổi liền cầm ba cây rựa phát cây rừng để tự vệ. Tuy nhiên khi biết đó là lực lượng công an, dân quân, cả ba đã ném rựa và không chống trả lực lượng chức năng.
Ông Trần Xuân Cường, phó giám đốc Công ty Cường Thịnh Phát, cho biết ông đề nghị lực lượng công an lập biên bản, dẫn xe về trụ sở, sáng hôm sau ông sẽ yêu cầu nhân viên của mình đến công an xã, tuy nhiên ông bị một công an xã gí súng ngắn vào đầu bảo đứng im. “Trong lúc tôi bị gí súng vào đầu, một nhóm công an, dân quân khác lao vào đánh Thắng và Sơn ngay trước cửa phòng bảo vệ. Sợ quá, Thắng chạy vào phòng bảo vệ khóa trái cửa thì ông Nguyễn Thanh Lương, xã đội trưởng xã Trà Đa, lên đạn khẩu súng tiểu liên AR 15 mang theo và bắn một phát vào phía trên cửa bảo vệ để uy hiếp. Rồi tất cả lao vào đập vỡ cửa kính phòng bảo vệ và tiếp tục vào đánh Thắng, Sơn. Sau đó cả hai bị công an, dân quân giải về trụ sở công an xã để làm việc” - ông Cường kể.
Anh Trần Xuân Thắng cho biết thêm sở dĩ các anh bị đánh là vì họ tưởng anh là người đã chém bị thương một dân quân vào hôm trước. Khi đưa về trụ sở công an xã, họ còng tay tôi vào ghế và tiếp tục đánh. Tôi có trình bày là các anh nhìn lại đi, tôi không phải là người đã đánh hay chém các anh! Lúc này anh công an mới bỏ ra ngoài”.
Hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai ghi: Phạm Ngọc Sơn bị đánh vào đầu, ngực, mặt. Vết thương vùng chẩm, bầm mắt phải, sang chấn ngực. Trần Xuân Thắng bị vết thương đầu, vết thương thái dương phải 4cm...

Công an TP Pleiku khám nghiệm vết bắn trên cửa phòng bảo vệ Công ty TNHH MTV Cường Thịnh Phát - Ảnh: TXT
Xã nhận sai

Ông Trần Xuân Thám, giám đốc Công ty Cường Thịnh Phát, cho biết sau khi vụ ẩu đả xảy ra, ông đã có mặt tại Công an xã Trà Đa xin bảo lãnh hai người bị thương đi cấp cứu, đúng sai tính sau. Tuy nhiên trưởng công an xã, chủ tịch UBND xã Trà Đa đều không chấp nhận.
Ông Nguyễn Đình Thức, chủ tịch UBND xã Trà Đa, nhìn nhận có việc công an, dân quân xã bắn súng tại Công ty Cường Thịnh Phát đêm 21-3, tuy nhiên ông nói Công an TP Pleiku đang điều tra nên ông không cung cấp gì thêm. Trong khi đó, ông Hồ Lý Thuyết - bí thư Đảng ủy xã Trà Đa - khẳng định công an, dân quân tự vệ xã đã “quá tay” trong sự việc này. Ông Thuyết cho biết nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc này là khi lực lượng chức năng ập vào công ty thì có ba người vác rựa lên dọa chém (ông Thuyết cũng cho biết ba anh Thắng, Sơn, Kết không hề chống trả lực lượng chức năng).
Hoảng quá, công an xã mới điện thoại để lực lượng dân quân mang súng AR 15 từ xã đội sang hỗ trợ. Trong lúc sử dụng súng để bắn chỉ thiên, không ngờ viên đạn bắn chếch lên cửa phòng bảo vệ... “Trong báo cáo của xã đội, công an xã cũng nhìn nhận việc sử dụng hai khẩu súng tại Công ty Cường Thịnh Phát là trái với quy định sử dụng vũ khí quân dụng. Hơn nữa, việc lấy súng đi cũng không có lệnh của Ban chỉ huy quân sự TP Pleiku là sai nguyên tắc. Đảng ủy, UBND cũng như các ban ngành của xã đã nhiều lần gặp ông Trần Xuân Thám, giám đốc Công ty TNHH MTV Cường Thịnh Phát, để nói lời xin lỗi, mong ông Thám rút đơn, đừng làm lớn chuyện...” - ông Thuyết cho biết.

Trung Tân - Tuổi trẻ
Ngày 12-4, đại tá Nguyễn Văn Long (trưởng Công an TP Pleiku) cho biết:
Công an thành phố sẽ điều tra khách quan
* Thưa ông, dư luận cho rằng chỉ vì bắt hai người vi phạm giao thông nhưng công an, dân quân xã dùng biện pháp như trấn áp tội phạm là vượt quá giới hạn?
- Đúng là công an, dân quân xã đã có sai sót trong việc xử lý tình huống này. Quan điểm của Công an thành phố là điều tra khách quan, không bênh vực lực lượng của ngành. Tuy nhiên trong vụ việc này cũng cần xem xét cả cái sai của người bị hại. Vì nếu khi công an, xã đội ập vào công ty, ba người Thắng, Kết, Sơn không cầm rựa đe dọa có lẽ vụ việc đã không nghiêm trọng. Chúng tôi đang điều tra theo hướng tách bạch những phần đúng, phần sai của hai bên để xử lý thấu tình đạt lý.
* Như vậy việc công an, dân quân xã dùng súng là trái với quy định sử dụng vũ khí quân dụng mà pháp luật cho phép?
- Hiện chưa thể xác định đúng - sai trong việc sử dụng vũ khí ở vụ án này, nhưng rõ ràng việc sử dụng, bắn súng uy hiếp của ông Lương, xã đội trưởng, là không thật sự cần thiết và có thể gây nguy hiểm.

Không có tổ chức khủng bố quốc tế nào đứng sau các vụ tấn công Boston

Nghi phạm tham gia đánh bom Boston vì anh trai
Nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev.
Nghi phạm tham gia đánh bom Boston vì anh trai

Dzhokhar Tsarnaev, nghi phạm đánh bom cuộc đua marathon Boston, khai rằng không có tổ chức khủng bố quốc tế nào đứng sau các vụ tấn công đẫm máu vừa qua, mà tham gia vì anh trai.

Nguồn tin của Chính phủ Mỹ còn cho hay nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, đã bị khởi tố ngay tại bệnh viện, về tội sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo đó, tội danh này có thể lãnh mức án tử hình. Ngoài ra, Dzhokhar còn bị cáo buộc tội danh nữa là cố ý phá hoại tài sản.

Cũng theo nguồn tin này, nghi phạm 19 tuổi tỏ ý rằng người anh trai - Tamerlan Tsarnaev, đã chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát - là động lực chính đằng sau vụ đánh bom, vì Tamerlan muốn bảo vệ Hồi giáo.

Trong phiên điều trần đầu tiên, ngay tại bệnh viện này, Dzhokhar trả lời chủ yếu bằng cách gật đầu và có một lần thốt lên được từ "Không" khi thẩm phán Marianne Bowler hỏi hắn có đủ khả năng thuê một luật sư không. Như vậy, một luật sư công sẽ được chỉ định để bảo vệ cho Dzhokhar.

Theo kế hoạch, phiên điều trần chính thức sẽ được tiến hành vào ngày 30.5.
Theo CNN, VOA

Truyện ngắn: Tháng Tư ở Sài gòn

Tháng Tư là đầu mùa Hè, thực ra Sài Gòn (SG) quanh năm là mùa Hè, thảng hoặc may mắn cuối năm nào được hưởng chút cái hơi lạnh của mùa Đông, khi không khí lạnh vượt qua được đèo Hải Vân xuống phía Nam là SG dìu dịu như Đà Lạt, người SG mừng lắm.

Tôi xuống xe ở đường Tự Do, lững thững qua Passage Eden, tháng Tư SG cây cối xanh mầu, có tiếng ve kêu và đâu đó lác đác những cánh phượng nở sớm báo hiệu Hè đã đến, “Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song”. Hè, mùa chia tay của học sinh, con gái nắn nót với những trang lưu bút, còn đám con trai? Ráng mà thi đậu nghe, còn không, có quân trường đợi sẵn đó. Tôi không còn quan tâm đến sự chia tay thuở học trò này nữa vì tôi rời mái trường mấy năm nay rồi, giờ đã là một người lính dày dạn gió sương, tuổi học trò đi qua mà lòng không muốn như vậy.

Qua Passage Eden, tôi thấy Ngọc đứng chờ tôi ở trước Rex, nàng hôm nay đẹp rực rỡ, người con gái nào đang có tình yêu đều đẹp. Chúng tôi nắm tay nhau, biểu lộ tình yêu thời đó chỉ là như vậy, rất lễ giáo, không có cái hôn, không ôm choàng lấy nhau ầm ĩ. Ngọc ríu rít hỏi tôi về phép được mấy ngày, sao không đến nhà thăm em…

Ngọc đang học Dược, chúng tôi quen nhau cũng đã mấy năm, ngày Ngọc còn là cô nữ sinh Trưng Vương. Tháng Tư hàng me đường Nguyễn Bỉnh Khiêm từng chiếc lá vàng nhỏ rơi rụng, lăn tròn trên vỉa hè, lấm tấm như những hạt gạo, tôi hay đợi Ngọc ở đấy, đường đi của đôi tình nhân có lá me vương trên mái tóc, Ngọc không cho tôi gỡ những chiếc là me xuống, nàng bảo: “Mấy chiếc lá đó thích em, anh để kệ nó”. Lãng mạn thật, thực ra nàng sợ lũ bạn nhìn thấy thì đúng hơn, con gái học đệ nhị mà đã có người đón đưa là bạo đấy, ôm chiếc cặp nơi ngực mà vương vấn hình ảnh ai đó là hơi sớm đấy! Trên đường tình có gió mơn man tà áo trắng, áo bay cuốn lấy chân tôi; Ngọc giữ áo lại, tôi nói: “Cái áo nó thích anh, em để kệ nó”. Ngọc cười, đôi má con gái ửng hồng.

Thời ấy, cuối những năm 60, SG trở lại yên bình sau cái Tết Mậu Thân.


Chiến tranh càng trở nên khốc liệt, nhưng ở đâu đó thôi, SG vẫn bình yên. Tôi đã rời học đường trước đó, bình yên thế nào được, những người thanh niên nào ai cho yên bình… tôi rời Đại Học, nhập ngũ, thỉnh thoảng về phép, hẹn Ngọc đi chơi, như hôm nay chẳng hạn. Tôi dẫn Ngọc loanh quanh Lê Thánh Tôn, Gia Long, Tự Do… những con đường đầy kỷ niệm mà mỗi lần về SG, tôi cứ thích lang thang ở đó. Tôi đưa nàng vào Brodard, một quán nước hồi còn là sinh viên, tôi và bạn bè hay ngồi ở đây, quán không có chanh đường để uống môi em ngọt, quán có chút Tây hơn. Con đường Tự Do cũng có những hàng me cao, tôi gỡ vài cái lá vướng trên tóc nàng; Ngọc không tìm cách tránh như hồi còn ở Trưng Vương, hồi đó còn sợ bạn nhìn, giờ chỉ có người tình nhìn, càng thích chứ sao. Rót nước cho Ngọc rồi hỏi:
- Nghe Nat King Cole nhé?
Nàng gật đầu, tôi mua jeton rồi bỏ vào cái jukebox cạnh đó; tiếng hát trầm ấm của người ca sĩ da đen cất lên:
Love is a many splendored thing, it’s the April rose…
Có đúng không, tình yêu là vật đẹp muôn mầu? Ngọc hỏi tôi:
- Tình yêu chỉ có nghĩa vậy thôi sao?
Tôi trả lời nàng:
- Không, có nhiều chứ, tình yêu người ta định nghĩa nhiều lắm nhưng càng định nghĩa nó càng rối mù. Theo anh, tình yêu cần gì phải định nghĩa, nó chỉ giản dị trong 2 chữ anh + em vậy thôi, với anh thế là đủ.

Bài hát tôi và Ngọc đều thích và có cùng kỷ niệm: lúc mới quen nhau qua đứa cháu, bạn học cùng Ngọc, và cũng tại Brodard này trong một lần đi chơi - hình như lần đầu thì phải -, tôi thấy Ngọc loay hoay chọn bài hát trong cái máy, tôi tiến tới bỏ jeton vào thì cả 2 ngón tay tôi và Ngọc cùng bấm “Love is a many splendored thing”. Tôi và Ngọc nhìn nhau, hóa ra… lần đầu đấy, nhưng ánh mắt đã có chút xao xuyến. Ai cũng có một thời để nhớ về một kỷ niệm nào, với tôi, mỗi lần nghe bài hát này, Brodard và Ngọc hiện ra trước mặt, it’s the April rose that only grows in the early spring… Vâng, bông hồng tháng Tư, chúng tôi yêu nhau và SG tháng Tư không có được hoa hồng, chỉ có mầu đỏ của phượng. Cả tôi và Ngọc đã xem cuốn phim này, La colline de l’adieu với William Holden và Jennifer Jones, thuở học trò mang tình yêu vào sách vở nhưng kém đâu nồng thắm,… and your fingers touched my silent heart and taught it how to sing…Trong phim cảnh thật đẹp khi W.Holden và Jenny đứng trên đỉnh đồi, phía dưới xa xa là thành phố cùng bãi biển, họ hôn nhau.

Tháng Tư SG nóng nung nấu người, hàng me ngoài đường im gió, có những tà áo dài của các cô làm việc ở ngân hàng về, tà áo đồng phục làm dịu bớt cái hừng hực của tháng Tư. Thấy tôi ngắm nhìn mấy tà áo dài đó, Ngọc rời đôi môi xinh xắn khỏi ống hút, hỏi tôi:
- Anh thích gì nhất nơi người đàn bà?
- Theo anh cái nhất của người phụ nữ là sự duyên dáng và thông minh.
- Anh trả lời chung chung quá, thí dụ thích vẻ đẹp của mái tóc, đôi mắt, làn môi hay như bộ ngực chẳng hạn…
Tôi trả lời một câu lạc đề:
- Anh thấy đàn bà nào có bộ ngực to thường kém thông minh.
Hai tay đang chống dưới cằm, Ngọc vội khoanh tay như che ngực mình lại:
- Ý này anh lấy ở đâu mà lạ vậy, thế em to hay nhỏ?
- Vừa vừa thôi.
- Vậy là không thông minh và cũng không ngu?

Buổi tối, tôi và nàng đi nghe nhạc ở phòng trà Ritz đường Trần Hưng Đạo, phòng trà của Jo Marcel mới mở. Nhìn chung quanh, ánh đèn mầu mờ mờ êm dịu, mọi người ăn mặc lịch sự, tôi thấy mình như xa lạ, có rừng rú lắm không? Mà có lâu lắc gì đâu, trước đây mình cũng là những người như thế này, tôi nghĩ tới chỉ mai hay mốt trở lại cùng đơn vị, đâu còn được như thế này, rừng cây, bụi bậm, bom đạn, người chết…

Rồi Lệ Thu xuất hiện: ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho, mùa Thu đã chết rồi. Bài hát này dạo đó mới có, được ngay mọi người đón nhận vì cái lãng mạn và đau thương của lời thơ thi sĩ người Pháp. Ngọc tựa đầu vào vai tôi, nàng hát nho nhỏ theo Lệ Thu: đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa,… Tôi vòng tay ôm nàng:
- Bậy nào, ừ mùa thu chết rồi, thây kệ mùa thu, chúng ta vẫn có nhau, anh còn em đây thôi, cần gì hơn, mai có trở lại đơn vị cũng không sao.
Tôi nắm tay nàng:
- Chúng mình cưới nhau đi chứ!
- Gớm, mãi cóc mới chịu mở miệng.

oOo

Năm Ngọc gần ra trường, chúng tôi làm đám cưới. Nàng có nhiều bạn bè, những người năm xưa gặp ở bal de famille còn là nhí nhảnh của thời con gái, giờ đã lớn và chững chạc, hồi đó đi nhẩy bal của Dược là sang lắm. Chú rể có vài người bạn, da đen sạm và tóc cháy nắng gió, họ ngồi riêng một góc, tì tì uống rượu, không cười, không nói, có thể họ đang nghĩ tới đồng đội, giờ này mình hạnh phúc ngồi đây, bạn bè thì căng mắt chờ quân thù. Cưới nhau xong là đi, tôi chỉ có 4 ngày bên Ngọc rồi trở lại chiến trường.

Tháng Tư 1972 có một mùa Hè mà nhà văn Phan Nhật Nam đặt tên là “Mùa Hè đỏ lửa”, SG cũng đang vào mùa Hè, chiến trận bùng lớn trên khắp mọi miền nhưng vẫn còn xa SG, tôi ít có dịp về đưa Ngọc đi trên con đường Tự Do có hàng me cao. Chiến tranh làm bao người đàn bà là chinh phụ nên khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, bởi vậy vụt một cái chinh phụ trở thành góa phụ, chít khăn sô lên đầu vội vã. Còn đàn ông con trai gọi là gì? Chinh nhân ư ? Chinh nhân ơi, xin anh chớ buồn… người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ - hừ, không buồn sao được, vợ mới cưới, gần nhau được vài ngày rồi cứ thăm thẳm chiều trôi mà bảo chớ buồn.
Thế rồi cái tháng Tư đau thương đó xẩy đến, ngọn sóng Tsunami cuồn cuộn đem súng đạn vô SG, chiến tranh không còn ở đâu xa nữa. Tội nghiệp, chúng tôi vẫn vùng vẫy, vẫn chiến đấu, vẫn hy vọng… người lính chỉ biết tuân lệnh dù tuân lệnh trong tuyệt vọng, không biết rằng mọi sự đã an bài, mọi sự đã được sắp xếp xong rồi. Tôi không gặp Ngọc trong cái Tháng Tư khốn khổ đó, không thấy mặt đứa con đầu lòng mà biết rằng nó sẽ chào đời trong khoảng thời gian này.

oOo

Ở tù ngoài Bắc, cứ phải nghe những luận điệu điêu ngoa xảo trá, mà họ nói hay thật, đúng như nữ ký giả người Pháp Susan Labin có một câu nói không thua gì câu nói của ông Thiệu: “Người Cộng Sản nói dối nhiều quá đến độ khi nói dối họ tưởng họ nói thật ”. Ngay ngày đầu tiên ở đây, tên cán binh AK nói với tụi tôi: giặc lái Mỹ bay ra ngoài này bị hạ hết vì tầu bay ta núp trong mây chờ chúng tới bất ngờ xông ra…

Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch thảo, tôi không biết hoa Thạch Thảo hình dáng ra sao, nhưng những lần đi lao động trong rừng núi, tôi ngắt cụm hoa dại để nhớ Ngọc và những con đường Sài Gòn. Ở đây xa quá và khổ quá, cần có ước mơ để giữ mình được vững vàng. Tháng Tư đau thương đó, không có tôi, Ngọc xoay sở như thế nào khi bụng đã quá lớn? SG hấp hối. SG cuống cuồng. Người SG không nghe thấy tiếng ve kêu, không kịp nhìn ngắm những cánh phượng mới nở, ôi tháng Tư đau thương. Tôi bị bắt ngay tại mặt trận, từ ngày đó, tôi và Ngọc không gặp nhau.
Mãi 1978, chúng mới cho viết thư, hôm nhận thư Ngọc, tôi run rẩy cả người:

“Anh yêu dấu, rất mừng khi biết tin anh, anh chưa biết anh có đứa con gái đâu nhỉ? Mẹ con em vẫn mạnh khỏe, Ngọc Anh đã 3 tuổi, luôn hỏi về bố. Em đặt tên con là Ngọc Anh, một bé gái dễ thương, đẹp như mẹ và nghiêm nghị như bố. Ngọc Anh có nghĩa là Ngọc luôn là của anh đấy, em vẫn theo nghề thuốc nhưng là thuốc vỉa hè, em buôn bán ở chợ Cũ, tiện tặn cũng tạm đủ. Eem theo bác Cả một thời gian nhưng nghĩ nên đi vùng kinh tế mới như chú Lộc mới đúng với chính sách của nhà nước, sẽ nói với anh sau.
Anh ráng học tập tốt, lao động tốt, nhà nước sẽ khoan hồng cho anh về sớm.
Ngọc Anh và em hôn bố.”


Dĩ nhiên lá thư bị kiểm duyệt và tôi bị mắng: lần sau nói vợ không được viết ở đầu lá thư là anh yêu dấu nghe, các anh còn đầu óc lãng mạn tiểu tư sản, viết thư về, động viên vợ anh bỏ buôn bán linh tinh và nên đi vùng kinh tế mới theo đúng chính sách của đảng và nhà nước ta hiện nay.

Thư trả lời tôi khuyến khích nàng nên đi kinh tế với chú Lộc vì chú Lộc - em trai tôi - hiện nay ở Úc, ý cho Ngọc biết nếu có cơ hội là nàng cùng con nên vượt biên. Tội nghiệp cô nữ sinh Trưng Vương, ra Dược Sĩ làm cho công ty Dược Trang Hai, một Cty Dược lớn nhất miền Nam thời đó, giờ Ngọc lê la nơi vỉa hè chợ cũ, bên nách đứa con nhỏ mà chồng thì biệt tăm biệt tích từ cái Tháng Tư khốn khổ đó, vẫn là liên quan tới ngành thuốc của nàng, nhưng kiếm từng đồng với những viên thuốc qua lại.

Cuối 1978, các trại tù trên miền cao được di chuyển sâu xuống phía Nam, chúng tôi không biết rằng chiến tranh sắp xẩy ra giữa 2 nước CS anh em, với nước Tàu sau khi VC đánh tan Pon Pot, hành động này coi như một sự phản bội. Tôi được đưa từ Sơn La về trại Nam Hà ở phía Nam Hà Nội, thế rồi thấy tù bị chết vì đói khát, bệnh tật nhiều quá, CS cho gia đình tù được phép thăm nuôi, từ miền Nam phải đi xe lửa mấy ngày đêm mới ra được tới Bắc. Ngọc dành dụm tiền, đầu năm 80 ra thăm tôi tại Nam Hà, khi gặp nhau, tôi nhìn Ngọc sững sờ. Ngọc ốm và đen hẳn đi, sự kham khổ biến cô Dược Sĩ xinh đẹp ngày nào nom khác hẳn, chế độ ưu việt lột xác con người hay thật. Tôi nhìn Ngọc Anh chằm chằm, con bé gặp tôi lần đầu nên có vẻ là lạ, được sinh ra trong cái hỗn mang của Sài Gòn nên gương mặt buồn buồn và bướng bỉnh. Những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt Ngọc, mụ nữ cán bộ dẫn thăm nuôi gắt với nàng:
- Không được khóc, hãy động viên chồng học tập cho tốt để nhà nước còn khoan hồng.

Khi ngồi nói chuyện, mụ ngồi ngay trước mặt theo dõi câu chuyện giữa tôi và Ngọc. Tôi nói với Ngọc tưởng như bình thường nhưng thật ra dùng toàn những ý nghĩa chỉ tôi và nàng hiểu. Ngọc cho biết cái ngày mất Sài Gòn đó, nàng không có một tin tức nào về tôi, người anh họ trong Không Quân kêu nàng đi, Ngọc không đi, bụng quá lớn gần ngày sanh mà chẳng biết tôi như thế nào, không đành lòng bỏ đi. Tôi nói với nàng chúng ta có nhiều sai lầm quá, em có ở lại thì giờ cũng chỉ là thế này, bao nhiêu là sai lầm như thế, tôi nói hễ có cơ hội em cứ đi đi, ngày nào được về, anh sẽ tìm cách đi sau. Lúc chia tay, tôi hôn Ngọc Anh, nắm 2 tay nàng, như ngày nào Ngọc chờ tôi trước thềm rạp Rex. Lúc phải quay vào, Ngọc như muốn khụy xuống, tôi quay đi không muốn nàng nhìn thấy tôi cũng long lanh nước mắt. Mùa Thu đã chết, em nhớ cho... Được một đoạn, ngoái lại, Ngọc nắm tay con vẫn đứng đấy, giơ tay vẫy vẫy; tôi vẫy lại, cứ ít bước lại ngoái lại, giơ tay vẫy. Bóng 2 mẹ con xa dần, nhỏ dần...

Như nghiệm vào câu Ngọc hát trên vai tôi buổi tối ở Ritz: đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa. Cuối 1980, Ngọc dẫn con xuống Rạch Giá vượt biên và ghe gặp cướp biển, từ đó tôi bặt tin nàng, chẳng bao giờ gặp lại Ngọc và con nữa, Ngọc Anh năm đó mới 5 tuổi.

Cái chế độ tự nhận là ưu việt đó đã nướng 1 triệu thanh niên miền Bắc cho mộng bá vương điên cuồng, miền Nam cũng thiệt hại hơn 200 ngàn người con ưu tú cho cuộc chiến; có điều họ tự xưng là ưu việt nhưng lại không chịu nhìn thấy là hễ họ đi tới đâu thì người dân chạy trốn tới đó, ngay cả khi cuộc chiến chấm dứt, người dân vẫn hốt hoảng liều chết vượt biển ra đi. Nếu quả thực ưu việt thì người dân phải ở lại để hạnh phúc với cái ưu việt đó chứ.

Cuộc chiến chấm dứt, số người bỏ mình trên biển tìm Tự Do khoảng 2,3 trăm ngàn người, ngang bằng số người miền Nam chết cho 20 năm cuộc chiến, trong số những người chết đó có Ngọc và đứa con gái bé nhỏ của tôi.
Tác giả: Trần Như Xuyên

Tướng Martin Dempsey thăm Trung Quốc

Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ Martin Dempsey đi thăm Trung Quốc hôm 23/04

Tổng tham mưu trưởng Quân lực Hoa Kỳ, tướng Martin Dempsey vừa tới Bắc Kinh trong giai đoạn căng thẳng về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp biển đảo lên cao giữa lúc Trung Quốc lo ngại Mỹ triển khai quân sự ở châu Á.

Chuyến thăm, theo giới quân sự cao cấp của Hoa Kỳ, là để chứng tỏ sự mong muốn đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực bằng sự hiện diện của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mối quan hệ Trung – Mỹ vốn vẫn tạo ra nghi ngại sau khi Hoa Kỳ quyết định chuyển hướng lấy châu Á làm tâm điểm sau nhiều năm lâm chiến ở Iraq và Afghanistan.

Cùng thời gian có chuyến thăm của ông Dempsey, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc rằng quân đội của họ có liên quan đến các vụ tin tặc tấn công các công ty và tổ chức ở Hoa Kỳ.

“Chúng tôi muốn tìm cách tạo ảnh hưởng mang tính ổn định lên khu vực,” tướng Dempsey nói trong cuộc họp chung với ông Phòng Phong Huy, tổng tham mưu trưởng quân đội Giải phóng Trung Quốc.

“Chúng tôi cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, sâu sắc hơn và lâu dài hơn,” ông Phòng Phong Huy đáp lời.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Dempsey cũng có cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bắc Hàn lại thử hạt nhân?

Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân cũng nói Trung Quốc phải đối các vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn và ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng coi đối thoại vẫn là chìa khóa để giải quyết vấn đề.

“Bắc Triều Tiên đã cho tiến hành cuộc thử hạt nhân lần ba, và họ có thể lại tiến hành cuộc thử nghiệm thứ tư,” ông nói, nhưng không đưa ra thêm chi tiết nào.

Tướng Trung Quốc cho rằng, hai bên quân đội cần phải hợp tác và trao đổi sâu sắc hơn.

"Thái Bình Dương đủ rộng để chứa được cả hai quốc gia chúng ta"
Tướng Phòng Phong Huy
“Thái Bình Dương đủ rộng để chứa được cả hai quốc gia chúng ta,” ông nói, “chúng ta nên hợp tác trong mọi hoàn cảnh.”

Tướng Phòng Phong Huy cũng nhắc lại vị trí của Trung Quốc là chống lại tấn công tin tặc và bản thân Trung Quốc cũng là một nạn nhân.

“An ninh mạng, nếu để không kiểm soát, không phải là tôi nói quá lên, nhưng hậu quả có thể không kém một quả bom hạt nhân,” ông nói.

Người tiền nhiệm của tướng Dempsey, Đô đốc Mike Mullen, từng thăm Trung Quốc vào năm 2011, là chuyến thăm sau bốn năm của một Tổng tư lệnh Hoa Kỳ.
Trung Quốc và một số nước láng giềng, trong đó có Philippines và Việt Nam, đang tăng cường sức mạnh hải quân trong lúc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Trung Quốc đã đưa tàu sân bay vào hoạt động chính thức năm 2012.

Bắc Kinh và Nhật Bản cũng đang dõi theo nhau sát sao trong việc kiểm soát vùng đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.

Trong lúc đó, Hoa Kỳ gửi hàng chục ngàn binh lính đóng ở hai nước đồng minh là Nhật Bản và Nam Hàn, và gần đây thông báo kế hoạch gửi thêm lực lượng tới Úc.

Tàu khu trục USS Chung-hoon của Mỹ cũng vừa cập càng Tiên Sa, Đà Nẵng, hôm 21/04 trong chuyến thăm, trao đổi năm ngày với hải quân Việt Nam, trong đó có nội dung an ninh trên biển.

Trung Quốc vẫn nhắc lại rằng quốc gia này không có chính sách ngoại giao bành trướng, và tiếp tục “phát triển một cách hòa bình.”
(BBC)

“Không có nước nào như Triều Tiên”

(NLĐO) – Là bà mẹ 2 con 51 tuổi, Kim Hyun-hee không có vẻ gì giống kẻ đã cho nổ tung chiếc máy bay của Hàn Quốc, giết chết 115 người 25 năm trước. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười hiền lành, nữ điệp viên Triều Tiên kể về đất nước “không giống nước nào” của mình.
Người phụ nữ này đang sống ẩn dật đâu đó ở Hàn Quốc. Trong buổi phỏng vấn với đài BBC ở Seoul đăng tải ngày 22-4, bà được hộ tống bởi một nhóm vệ sĩ bởi vẫn lo sợ sẽ bị Bình Nhưỡng thủ tiêu.
Kim Hyun-hee được tuyển dụng làm điệp viên khi mới 19 tuổi, đang học tiếng Nhật tại trường Đại học Bình Nhưỡng ưu tú. Sau 6 năm huấn luyện, bà nhận nhiệm vụ. Đó là vào năm 1987. “Cấp trên bảo tôi rằng trước Olympic Seoul (năm 1988), chúng tôi phải phá hủy một máy bay Hàn Quốc để gây hỗn loạn” - bà Kim kể.
Kim Huyn-hee cùng một đồng đội lên chiếc máy bay Hàn Quốc ở Baghdad, Iraq và đặt vali bom lên ngăn hành lý phía trên. Đến chặng dừng chân Abu Dhabi, hai người Triều Tiên xuống máy bay lẩn trốn. Nhiều giờ sau, máy bay nổ tung khi bay trên biển Andaman, tất cả 115 người tử nạn.
Kim Hyun-hee tỏ ý tiếc nuối vì đã được sinh ra ở Triều Tiên. Ảnh: BBC
Nhưng kế hoạch sơ hở khiến Kim Huyn-hee và người cùng đi bị theo dấu đến Bahrain. Điệp viên nam của Triều Tiên tự sát bằng thuốc lá tẩm chất độc xyanua, còn Kim Hyun-hee thất bại và bị bắt về Seoul.
“Khi bước xuống máy bay, tôi chỉ nhìn xuống đất. Họ bịt miệng tôi. Tôi tưởng mình đang vào chuồng sư tử. Tôi chắc mẩm họ sắp giết mình” - Kim Hyun-hee kể. Nhưng thay vào đó, bà ta chỉ bị đưa xuống một hầm ngầm để thẩm vấn.
Ban đầu, Kim Hyun-hee vẫn giả vờ làm người Nhật nhưng sau cùng đã khai tất cả. “Khi khai ra, tôi rất sợ gia đình mình ở Triều Tiên sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng tôi bắt đầu nhận ra đó là việc làm đúng đắn cho các nạn nhân, để họ biết được sự thật”.
Theo lời khai, Kim nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ ông Kim Nhật Thành hoặc Kim Jong-il. Bà kể: “Họ bảo các mệnh lệnh cho tôi đã được “phê chuẩn”. Họ chỉ dùng từ như vậy khi lệnh đó đến từ cấp cao nhất. Ở Triều Tiên, ông Kim Nhật Thành giống như thần thánh. Lệnh ông ấy đưa ra đều phải được thi hành với lòng trung thành tuyệt đối. Bạn phải sẵn sàng hy sinh thân mình”.
"Không nước nào giống Triều Tiên. Người ngoài không thể hiểu nổi đâu. Cả đất nước luôn được sắp đặt để bày tỏ lòng trung thành với gia tộc họ Kim. Giống như một tôn giáo vậy”.
Bàn về sự lãnh đạo của nguyên soái trẻ Kim Jong-un mới trên dưới 30 tuổi, bà Kim nói: “Triều Tiên đang ở trong tình thế liều lĩnh. Sự bất mãn đối với Kim Jong-un rất cao. Thứ duy nhất ông ta có là vũ khí hạt nhân, do vậy ông ta phải tạo ra bầu không khí chiến tranh để tập hợp dân chúng”.
Kim Huyn-hee bị kết án tử nhưng sau đó được ân xá. Ảnh: AP
Năm 1989, một tòa án Hàn Quốc kết án tử Kim Hyun-hee nhưng Tổng thống Roe Tae-Woo đã ân xá cho bà ta. Sau đó, Kim kết hôn với một sĩ quan tình báo Hàn Quốc và sinh hạ 2 người con. Nhiều người nói Kim đã thoát tội nhẹ nhàng nhưng bà bảo chưa bao giờ rũ bỏ được gánh nặng tội lỗi dù đã được gia đình các nạn nhân tha thứ.
Trong suốt cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ, khoảnh khắc duy nhất Kim Hyun-hee không kiềm chế được cảm xúc là ngay thời điểm kết thúc, khi phóng viên hỏi về gia đình bà ở Triều Tiên. Nước mắt tuôn trào, Kim Hyun-hee lắc đầu: “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với họ. Tôi chỉ nghe nói họ bị đưa đi khỏi Bình Nhưỡng, đến một trại lao động”.

Hải Ngọc theo BBC
(Người Lao động) 

Nhìn lại ngày 30-4: Dương Văn Minh quyền rơm, vạ đá

Chuyện ông Dương Văn Minh.
 
Tại sao ông lại ra nhận trách nhiệm vào 2 ngày sau cùng. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tướng Minh cũng theo đoàn tầu hải quân VNCH tách bến Sài Gòn ra đi đêm 29 tháng 4-1975. Nhưng ông quyết định ở lại chỉ để lãnh đòn thù trước mặt và sự sỉ nhục của bạn sau lưng. Theo lịch sử Pháp trong đệ nhị thế chiến thống chế Petain cam chịu nhục để làm bại tướng cứu Paris khỏi cơn binh lửa để 4 năm sau thủ đô chào đón De Gaule trở về trong vinh quang. Bây giờ gần 40 năm qua người cứu Sài Gòn không còn nữa mà sao chưa thấy ai đóng vai De Gaule trở lại thủ đô.
Lời nói đầu: Từ suốt 38 năm qua, cứ đến 30 tháng 4 là mọi người đều nhắc đến câu chuyện tướng Dương Văn Minh đầu hàng với biết bao nhiêu là oán trách.
Riêng chúng tôi vẫn giữ trong lòng những suy nghĩ khác. Bây giờ sống trong thế giới tự do xin cho chúng tôi được giãi bày quan điểm khác biệt với quý vị. Từ năm 2000, nhiều hồ sơ về chiến tranh Việt Nam đã được giải mật. Các tin tức đã cho thấy dù quyết tâm chiến đấu ngay từ đầu năm 1975 và không có các quyết định chiến lược sai lầm thì số phận miền Nam cũng phải được giải quyết trong thời hạn một năm.
Tiếp theo với chiến lược sai lầm trong 55 ngày cuối cùng làm mất vùng 1 và vùng 2 với hai quân đoàn và tất cả lực lượng Tổng Trừ Bị, miền Nam chắc chắn không thể nào gượng lại được nữa.

Minh lớn (giữa) trong giờ phút đầu hàng
Vào ngày 28 tháng 4-1975, khi Cộng quân đã đến ngưỡng cửa Sài Gòn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không còn bất cứ một nguồn tiếp liệu dự trữ nào tại thủ đô. Hai tổng kho vĩ đại là Đà Nẵng và Long Bình có khả năng cho 90 ngày tiếp liệu đã nằm trong vùng địch. Kho bom đại vĩ đại nhất Đông Nam Á ở Thành Tuy Hạ lửa bốc cháy lưng trời. Nếu tiếp tục chiến đấu, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sẽ chỉ còn trên tay các vũ khí nhẹ làm thành các ổ kháng cự nhỏ và sẽ bị tiêu diệt trong thời gian ngắn. Nếu nỗ lực lập được phòng tuyến vòng đai xa lộ cho thủ đô thì Sài Gòn sẽ chịu trận mưa pháo như An Lộc. Trong mùa hè năm 72, thị trấn An Lộc chịu pháo 10 ngàn trái một ngày. Trong khi đó năm 75, Bắc quân đưa 19 sư đoàn với 1,000 chiến xa và đại pháo hướng về Sài Gòn. Tất cả các đơn vị trừ bị của Hà Nội đều tung vào Nam. Trận địa pháo vào Sài Gòn sẽ ác liệt hơn nhiều vì đông dân và không có công sự phòng thủ. Đau thương hơn cả là địch sẽ xử dụng tối đa chiến xa và đại pháo của chính .chúng ta
Vào những ngày cuối tháng tư 75 cấp chỉ huy cộng sản ăn bom B52 suốt cuộc trường chinh sẽ rất hả hê vui mừng được bắn phá thủ đô miền Nam trả thù, để tiến vào như đạo quân chiến thắng thực sự thay vì đem quân vào một thành phố bỏ ngỏ.
Miền Tây của tướng Nguyễn Khoa Nam tuy chưa nao núng nhưng thực sự chỉ là vấn đề thời gian. Hình thức chiến tranh mà miền Nam tùy thuộc suốt 20 năm không phải dễ dàng biến thành đạo quân cách mạng đánh du kích chống cộng sản xâm lược.
Đó là hoàn cảnh của ngày 28 tháng 4-1975 khi ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống. Dù muốn hay không, số phận nghiệt ngã của lịch sử đã dành cho ông vai trò chấm dứt cả hai nền Cộng Hòa Việt Nam. Đệ nhất và đệ nhị. Năm 1963 ông được đưa lên làm đảo chính chấm dứt nền đệ nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm. 10 năm sau đến lượt đệ nhị Cộng Hòa cáo chung khi ông Minh được đưa ra cúi đầu trước lịch sử.
Nhờ ông Minh người Mỹ có thể ra đi trong trật tự và kéo theo 130,000 dân di tản đợt đầu.
Và từ đó lịch sử mở tiếp các trang mới đầy đau thương cho đến gần 40 năm sau. Trải qua 20 năm dài với thuyền nhân trên bể khổ để rồi gần 1 triệu dân được định cư. Trải qua những năm dài với tù đày lao cải, trên 400 ngàn HO và gia đình đã định cư. Các đợt thuyền nhân và HO kéo theo đoàn tụ ODP, con lai để rồi chúng ta có 1 triệu 700 ngàn trên miền đất hứa Hiệp Chủng Quốc. Ta vui mừng trở thành công dân của chính quốc gia đã phản bội chúng ta trong chiến tranh Việt Nam.
Nếu chúng ta bằng lòng với cuộc sống hiện nay, chúng ta không thể nguyền rủa ông Dương Văn Minh. Nếu chúng ta bất mãn với cuộc sống hiện nay, chúng ta cũng phải trút oán hờn vào nơi khác. Niên trưởng Dương Văn Minh với công việc làm tổng thống miền Nam trong hai ngày cuối cùng chỉ là ông tướng trên bàn cờ thảm bại đóng vai tốt đen, làm con chốt thí. Dứt khoát là ông đã cứu Sài Gòn với hàng chục ngàn cái chết hoàn toàn vô ích trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Trong niềm cảm thông sâu xa với vai trò bẽ bàng đau khổ của niên trưởng Dương Văn Minh tôi xin viết bài này gửi ông một vòng hoa tưởng niệm. Bài viết khi ông chết năm 2001, phổ biến năm 2005 và được bổ túc lại vào dịp 38 năm của ngày 30 tháng 4 oan trái.
* * *
Trong số các niên trưởng quân đội, tôi nghĩ rằng tướng Dương Văn Minh là người đã gặp nhiều oan trái nhất. Có thể do lỗi của chính ông. Tuy nhiên, thực ra nguyên nhân đã đến từ nhiều phía. Trong một niềm riêng, tôi viết bài này cho đại tướng, một cấp bậc mà ông không chấp nhận, ông cũng không bao giờ đeo lon đại tướng từ lúc được thăng cấp cho đến khi ông qua đời. Đây không phải là một vòng hoa rực rỡ cho người anh hùng mà là một vòng hoa tang lạnh lẽo cho vị niên trưởng đã ra đi lần cuối tháng 8-2001.
Bao năm qua, ông Dương Văn Minh là người bị phê bình và oán trách khá nhiều, nhưng ông lại là người ít lên tiếng để biện minh. Trong chỗ riêng tư và qua người con rể là đại tá Nguyễn Hồng Đài, ông đã nói như sau: "Viết để bào chữa cho mình thì tôi không làm, viết để kể xấu người khác thì tôi càng không muốn."” Ông đã nhận chức tổng thống VNCH trong hai ngày cuối cùng, cô đơn giữa một nội các khập khiễng và hoàn toàn không nắm vững tình thế. Các giới chức hải quân VNCH trước khi lên đường có ngỏ ý sẵn sàng chở tướng Minh đi vào đêm 29 tháng 4-1975.
Tướng Minh quyết định ở lại và dự trù chỉ gửi vợ con ra đi. Nhưng bà Dương Văn Minh cũng nhất định ở lại với chồng và chỉ có gia đình con gái và con rể đi vào giờ chót. Ông Minh cho biết là cộng sản đã phối trí pháo chung quanh để khai hỏa đồng loạt dằn mặt Sài Gòn. Ông ở lại và chấp nhận tất cả mọi hậu quả.
Ông cũng cho biết, qua lời đại tá Nguyễn Hồng Đài là người Mỹ đã yêu cầu chính phủ của ông ra thông cáo mời họ ra đi. Việc này vị thủ tướng của ông tổng thống Dương Văn Minh là luật sư Vũ Văn Mẫu đã chính thức lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn.
Tuy nhiên, phải thành thật mà ghi lại rằng, đây vẫn còn là bí ẩn của lịch sử. Mỹ yêu cầu Việt Nam mời họ đi hay là quyết định đơn phương của nội các Dương Văn Minh. Nhưng rõ ràng là, dù có mời đi hay giữ lại thì người Mỹ cũng ra đi.
Sau khi đầu hàng, ông ở nhà chờ cộng sản kêu đi học tập. Một năm sau, có người xưng là thủ trưởng đem đến một thùng sách nói là để giúp ông học tập tại nhà. Tướng Minh nói: "Tôi không có lòng dạ nào mà học tập, cũng chẳng thấy có gì cần học tập, xin anh cứ đem về." Thùng sách nằm tại phòng khách. Bốn tháng sau, thủ trưởng đến khảo sát kết quả nhưng thấy ông bị bệnh nên đã đem sách về. Khi bị đau nặng chính phủ Hà Nội đề nghị ông đi Nga, hoặc là đi Đông Đức để chữa bệnh nhưng ông từ chối. Gia đình ông yêu cầu cho đi Pháp nhưng cứ chờ đợi mãi. Sau cùng được biết trước một ngày. Sáng hôm sau có xe chở ra phi trường Tân Sơn Nhất, đến cửa phi cơ mới thấy vé máy bay và thông hành. Viên phi công người Pháp đã được lệnh chờ và dành chỗ cho 2 người khách đặc biệt, lúc đó mới biết đó là ông bà cựu tổng thống Dương Văn Minh. Sau hết, từ lâu đã muốn đưa lên một ý kiến riêng tư về hoàn cảnh đại tướng Dương Văn Minh, tuy nhiên tôi không muốn mở ra một cuộc tranh luận mới. Vì vậy nên ý kiến của chúng tôi nếu không được chấp nhận, xin quý độc giả vui lòng lượng thứ.
Vũ văn Lộc

Bí mật động trời của Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Chauxuannguyen và Quan Làm Báo

Nói phét không sợ bị đánh thuế đâu!
(TTHN) - Với slogan "Đã là dân chủ thì không có đảng chính trị…" (!?) không hiểu nguyên lý này tác giả tốt nghiệp trường nào ra để đúc kết được? Hóa ra đa nguyên chính trị (đa đảng) thì không phải là Dân chủ, giờ mới biết một phát kiến mới rất có lợi cho đảng CSVN. Đây là góc nhìn của blogger Lam Việt ở Hải ngoại, bất kể cái gì không hợp với suy nghĩ của họ thì đương nhiên là CS. Riêng cái đoạn điên điên thì hình như ông ta và CXN cũng hơi hơi giống nhau :D

 Có nhiều người hỏi Lamvietblog là tay sai của ai.???

Lamvietblog trả lời: Lamvietblog là tay sai của một xã hội Dân Chủ và Nhân Quyền, chống lại mọi biểu hiện của độc tài.! Lamvietblog không theo bất kỳ đảng phái chính trị và tổ chức nào, Lamvietblog hoạt động độc lập và trung lập. Lamvietblog không hề có mối liên hệ gì với phe phái chính trị và cũng chẳng liên hệ gì đến cộng sản.!!!

Tiêu chí hoạt động của Lamvietblog: BINH PHÁP BẤT VỊ THÂN.!
 
Trong bài viết này Lamvietblog đã dành thời gian tìm hiểu về mối liên hệ giữa nhóm 72 và tư Sang, và tìm hiểu cái hiểu biết của Châu Xuân Nguyễn về một lần Blog Chauxuannguyen có nói biết ai đứng đằng sau Quanlambao, ngoài ra còn vận động mọi người ủng hộ Quanlambao.
Nay Lamvietblog trưng ra đây 4 bằng chứng để đồng bào tự phán xét về nhóm 72 khi họ cấu kết với tư Sang dụ dỗ Nguyễn Phú Trọng trừng phạt Nguyễn Tấn Dũng, rút bớt quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng để sang sẽ cho Trương Tấn Sang, rồi sau đó lại muốn đảo chính Nguyễn Phú Trọng. Với Lamvietblog đây là một liên minh độc tài kiểu mới, núp bóng Dân Chủ và Nhân Quyền gây xáo trộn chính trị và dân trí xã hội Việt Nam. Một đám trí thức ăn tàn vì tư lợi cá nhân và tư thù cá nhân mà nhẫn tâm đẩy nhân dân và đồng bào vào cảnh tai ươn, thù địch, gây xáo trộn xã hội, mị dân và làm ngu dân.!
Xin hỏi: Với cách làm chính trị như thế thì thế nào là Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ.?
1./
Jul15 “HOAN NGHÊNH TRƯƠNG TẤN SANG” by melvyncheng
“Anh Châu Xuân Nguyễn thân mến !

Tôi đọc bài mới của anh, đọc Quan làm báo và theo dõi thì thấy Trương Tấn Sang ra đòn quá ngon lành, tôi không rõ anh đã nắm chắc Trương Tấn Sang chưa, nghe Nguyễn Quang A, Chu Hảo nói thì anh đã có bàn bạc với Trương Tấn Sang và được Trương Tấn Sang nhất trí phải lật đổ Dũng thì mới có một chế độ không độc Đảng… Các anh phải động viên Trương Tấn Sang mạnh vào, phải có những đòn tuyệt chiêu hơn chứ như cách vừa rồi nó hơi thấp, Trương Tấn Sang phải giành ngọn cờ để phất. Tôi nhớ lần gặp anh, anh nói đã giao nhóm Trần Huỳnh Duy Thức móc nối Trương Tấn Sang và nhóm Thức đã làm tốt, đã thống nhất chọn Trương Tấn Sang là minh chủ, làm ngọn cờ để thay đổi thể chế. Rất tiếc mọi kế hoạch đã bị An ninh Cộng sản ViệtNamphát hiện. Giờ đây, các bước đi của các anh xem ra đã phục hồi những kế hoạch cũ. Theo tin nội bộ tôi nắm được từ trong lò Trương Tấn Sang, anh ta đã kéo được Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư) về mình, nếu tin này đúng thì hay lắm vì có gì bằng Tổng bí thư ủng hộ Chủ tịch nước. Hoan nghênh Trương Tấn Sang.

Anh Nguyễn ơi, tôi lưu ý anh một việc, rất quan trọng. Anh kiểm tra lại, gần đây trên các mạng đều nói Trương Tấn Sang thân tàu, coi chừng ta làm tàu hưởng hết. Anh nhớ cuối thập niên trước, khoảng 2007, 2008 Trương Tấn Sang đã một mình sang Trung Quốc nêu 8 vấn đề được Trung Quốc vỗ tay coi Trương Tấn Sang là “đồng chí thân thiết”. Vừa qua, nghe nói ở Quốc hội người không bỏ phiếu thông qua luật biển là Trương Tấn Sang ?. Tôi có gặp Tâm Tân Tạo, đệ tử của 4 Sang. Tư Sang khoe trong chuyến đi Nhật Bản với Trương Tấn Sang để dự hội nghị nguyên thủ các nước, Tâm là Nghị sĩ và Tâm cùng Trương Tấn Sang đã gặp riêng Hồ Cẩm Đào, phiên dịch của phía Hồ Cẩm Đào bố trí và bàn nhiều việc lắm. Nếu đúng vậy thì phải cảnh giác, và chắc chắn Trương Tấn Sang là của tàu. Cho nên suốt thời gian qua ông ta câm mồm, im lặng có dám nói gì về biển Đông đâu. Điều này quan trọng anh Nguyễn nhé !

Nguyễn Ngãi”

(Đoạn này thì ai muốn biết rõ CXN có quan hệ với Tư Sang hay không, xin hỏi đ/c Kami nhé :D Nẫu ruột các ông, chỉ bốc phét)
2./
Trích báo Kiến Thức.net.vn ngày 13/8/2011
G.S Chu Hảo vận động tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “GS Chu Hảo mong tổng bí thư thể hiện dấu ấn cá nhân”
“Dấu ấn thứ nhất mà chúng tôi thiết tha mong muốn ông sẽ để lại là tư tưởng chiến lược được thể hiện trong việc sửa đổi Hiến pháp Năm 1992 đang chuẩn bị tiến hành. Nếu ông chỉ đạo để lần sửa đổi này không phải chỉ là sửa những điều không thật quan trọng và cấp thiết lắm như bỏ HĐND cấp Huyện, hay người dân được trực tiếp bầu Chủ tịch Xã… mà hai điều khác mang tinh đột phá là:
1) Nhất thể hoá chức danh Chủ tịch Nước với chức danh TBT của Đảng cầm quyền;
2) Trả lại quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng nhất của Đất nước cho nhân dân thông qua trưng cầu dân ý trực tiếp.
Những điều ấy là phù hợp với thông lệ quốc tế, là mang đậm tư tưởng Hồ chí Minh về Nhà nước pháp quyền, và quan trọng hơn cả là đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của toàn Đảng, toàn Dân.”
3./
Song song đó thì Nguyễn Đình Lộc cũng vận động điều tương tự là tăng quyền cho chủ tịch Trương Tấn Sang:
Trích ý kiến của Nguyễn Đình Lộc về vấn đề tăng quyền lực cho chủ tịch nước, báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Mở rộng quyền chủ tịch nước nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong bộ máy.”
“Còn với quy định Chủ tịch nước được bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ thì tôi nghĩ thế này: theo Hiến pháp hiện hành, vai trò của Chủ tịch nước mang tính nghi thức, xã giao nhiều quá. Nên mong muốn chung, và tâm lý của tôi rất chờ đợi là sửa nhiều về chương Chủ tịch nước theo hướng tăng quyền. Trước đây Hiến pháp của ta đã có, nên nay quy định lại việc Chủ tịch nước tỏ thái độ với văn bản của Chính phủ là rất kịp thời. Hiến pháp năm 1992 quy định Chủ tịch nước là hành pháp nhưng rất ít thực thi quyền lực mà chủ yếu là Chính phủ. Do đó tôi mong muốn những chức danh cao cấp trong bộ máy nhà nước phải thực quyền, vì thế tăng quyền cho Chủ tịch nước như dự thảo sửa Hiến pháp lần này là rất hợp lý. Như thế sẽ tăng cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực cao cấp. Thẩm quyền của Chính phủ đi vào nhiều vấn đề thì cũng dễ có sai sót nên cần có thiết chế theo sát hoạt động Chính phủ, kịp thời phát hiện quy định thiếu sót và xử lý nó.”
Hoặc bài viết “Tăng Quyền Chủ Tịch nước để có thiết chế luôn giám sát Chinh Phủ” trên báo Dân Trí.
Nguyễn Đình Lộc trong vai trò nguyên bộ trưởng tư pháp “làm cái loa” tuyên vận cho tư Sang và nhóm 72, thế nên ông ta được bầu làm “trưởng phái đoàn đại biểu” của đồng bào vào ngày 4-2-2013.
4./
Và cuối cùng là Nguyễn Mạnh Hảo gửi cho Blogger Nguyễn Tường Thụy, khen tặng Trương Tấn Sang không ngớt: “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hệ thống chính trị của chúng ta “không dám nói sự thật” “
“Từ nhận thức rằng hệ thống chính trị của đảng cộng sãn Việt Nam là một hệ thống “KHÔNG DÁM NÓI LÊN SỰ THẬT”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi một bước cách mạng đột phá, đưa đảng cộng sản Việt Nam tiếp cận dần sự thật để dám từ bỏ cái chủ nghĩa dối trá là chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi xin chép lại lời của đại văn hào Pháp V. Hugo để tặng ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, những người đã dám dũng cảm cứu nguy dân tộc bằng cách chôn chủ nghĩa xã hội từ năm 1976 ( chủ nghĩa Marx thực chất là một chủ thuyết về kinh tế ) để xây dựng kinh tế thị trường- kinh tế tư bản : “ CÁCH MẠNG LÀ CUỘC TRỞ VỀ TỪ CÁI GIẢ ĐẾN CÁI THẬT”.,.
Sài Gòn 15-02-2013″
Quý vị đồng bào chúng ta còn gì để thắc mắc về nhóm 72 này không.??
Bày đặt bày điện, lập ra quanlambao rồi chơi trò bỉ ổi với gia đình bà nghị Hoàng Yến (trí thức đó ư.??), một lòng giữ tư cách đảng viên đảng cộng sản bảo vệ đảng cộng sản mà cứ hô hào là đấu tranh Dân Chủ và Tự Do…. (Cái thứ tự do của cộng sản thì đồng bào và dân tộc Việt Nam kinh hãi lắm rồi.!!!)
2 cái giải thưởng liên quan đến tranh đấu tự do báo chí, tự do ngôn luận của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Xuân Châu có lẽ đã trao cho lầm đối tượng, vì rất có thể nhóm liên minh này đã được phe phái vận động bí mật có được giải thưởng liên quan TỰ DO để góp phần lòe thiên hạ, bịp bợm nhân dân là tranh đấu vì Dân Chủ và Tự Do. Một Blogger như Nguyễn Xuân Châu hợp tác với TTXVA đăng hình sex, phim sex (văn hóa phẩm đồi) để câu View mà được trao giải thưởng Nhân Quyền ư.???
Vai trò của Nguyễn Hữu Vinh đóng vai là một con chiên công giáo nhằm mục đích gì.??? Có phải điệp viên của cộng sản cài cắm để bịp bợm hàng giáo phẩm Tôn Giáo, xúi giục chức sắc tôn giáo để phục vụ cho mưu cầu lợi ích của phe phái chính trị và nhóm lợi ích……
Liên minh nhóm 72 dụ dỗ các Blogger tranh đấu chính nghĩa phải ra mặt thông qua chiêu bài “Yêu Nước” bịp bợm để tham gia biểu tình chống Trung Quốc, công khai danh tánh, bí mật đời tư để cuối cùng bị sàn lọc những đối tượng không phù hợp với tương lai đảng cộng sản để rồi bị bắt tất tần tật vào tù, bịt mồm và tiêu diệt đối lập.!!! Năm 2012 và 2013 này lượng blogger và đối lập chính trị bị bắt tăng đột biến.!!
Bùi Hằng : Một mụ đàn bà to mồm vô văn hóa chửi bậy nơi công cộng có phải là một đặc phái điệp viên nữ của nhóm lợi ích này.??? Quý vị hãy nhớ lại hình ảnh mà Bùi Hằng treo hình Nguyễn Tấn Dũng trước nhà để đồng bọn ném mắm tôm phỉ báng Nguyễn Tấn Dũng. Giả vờ giả vịt bị an ninh làm khó dễ để gây động lòng trắc ẩn của đồng bào, để dễ dàng cài cắm vào các blogger chân chính để moi thông tin chống đảng cộng sản, cài cắm vào dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn để tham gia đám tang của thân mẫu chị Tạ Phong Tần để moi tin tức tình báo chống đảng cộng sản, theo dõi lịch trình sinh hoạt của các chức sắc tôn giáo…. Các phiên tòa xét xủ Blogger thì Bùi Hằng được đặc phái kêu gọi những blogger tranh đấu chân chính tụ họp lại, hòng làm quen và làm lộ tung tích của các Blogger tranh đấu chân chính để báo cáo cho phe phái, nhóm lợi ích….
Ngay cả sinh viên Phương Uyên hoạt động phản đối Trung Quốc được rất nhiều đồng bào ủng hộ, thì nhóm 72 này tìm cách triệt hạ vì sợ Sinh Viên mà làm nên chuyện, còn trí thức thì làm trò vớ vẩn…. Giả nhân giả nghĩa gửi thư xin chủ tịch nước trả tự do cho Phương Uyên, Đồ Bịp Bợm.!!!
Trí thức mà biểu tình chống Trung Quốc không xong, trong khi nông dân biểu tình đòi đất bao vây UBND lại thành công mỹ mãn…. Trí thức mà hành động thua nông dân, thua sinh viên thì có nhục cho 2 chữ TRÍ THỨC không.???
Nếu sự thật này không được phơi bày, sẽ còn biết bao nhiêu đồng bào cuồn tín tin vào nhóm 72 để đâm đầu vào chổ chết.???
Lamvietblog đã theo dõi đám trí thức này từ nhiều năm nay rồi thưa quý đồng bào, mục tiêu của họ chỉ là bảo vệ cho một lứa cộng sản độc tài kiểu mới đậm chất tư thù cá nhân sau khi viện IDS bị giải tán.!!! Họ không hề nghĩ đến lợi ích của nhân dân, sơn hà và xã tắc. Họ bịp bợm lập ra Boxite VN để đánh gục, mưu đồ đảo chính Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng. Chứ không sử dụng trí tuệ của họ để BÌNH THIÊN HẠ, mà ngược lại họ còn đưa ra những khái niệm trái luân trường Dân Chủ và Nhân Quyền để hòng đồng bào tôn vinh họ là TRÍ THỨC độc quyền của cả dân tộc Việt Nam, một sự lạm dụng dân trí của nhân dân để trục lợi cá nhân (đáng  lên án và phỉ báng).!
Họ núp bóng dưới danh nghĩa Dân Chủ và tự do báo chí, tự do ngôn luận,..v.v… đủ thứ tự do nhưng họ không dám khẳng định 2 chữ Nhân Quyền. Một ruột bịp bợm nhân dân như chính Hồ Chí Minh đã bịp bợm Tự Do – Hạnh Phúc – Dân Chủ với toàn thể đồng bào cả nước.!!!
Chính vì thế, nhóm lợi ích này đã soạn thảo ra bản hiến pháp 2013 của họ để nhằm đảo chính Nguyễn Tấn Dũng và đảo chính Nguyễn Phú Trọng để còn có cái mà sử dụng. Họ đã chuẩn bị một thế lực và chính quyền cộng sản độc tài kiểu mới và bịp bợm đồng bào.!!!
Nhóm lợi ích này đồng thời cũng khéo léo dụ dỗ đài BBC Việt ngữ, đài RFA, RFI làm  cái loa tuyên truyền cho nhóm lợi ích của họ….
Một đám lưu manh giả danh TRÍ THỨC, gây xáo trộn xã hội và dân trí đồng bào.!
Lamvietblog sẵn sàng chết để nói lên sự thật.!!!
Khi chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ.! Jesu, I TRUST IN YOU.!
Lamvietblog có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.! Bài viết này không nhằm mục đích chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam, mà là quan điểm chính trị ôn hòa và đối lập với đảng cộng sản Việt Nam.
——-
Tôi sống như không được sống.
Vì đảng con sâu (CS) đã giành quyền sống thay tôi.
Lam Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét