Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

HOT - Bài viết nên đọc

Huy Đức - Sửa Hiến Pháp Chứ Không Phải Xây Hầm Trú Ẩn

Osin Huy Đức
Nếu tôi là trưởng ban sửa đổi Hiếp pháp 1992 tôi sẽ đề nghị ngưng lại cho đến khi trong Đảng thực sự biết rõ mình muốn duy trì mô hình đảng chủ lập hiến như hiện nay hay muốn thiết lập ở Việt Nam một nền cộng hòa thật sự.

Các nhà nước quân chủ phải lập hiến khi nhà vua bị các tôn giáo, lãnh chúa... buộc phải chia sẻ quyền lực. Các nhà nước đảng chủ phải lập hiến vì muốn tạo ra cái vỏ bọc cộng hòa cho sự toàn trị của mình. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam muốn tiếp tục chế độ chính trị như hiện nay thì cách khôn ngoan nhất là cứ giữ Hiếp pháp 1992 vì nó vẫn đang làm tốt vai trò "phông màn" cho Đảng.

Sẽ là một sai lầm chính trị (của Đảng) nếu sửa đổi hiến pháp không phải vì cải cách mà chỉ để tự trấn an. Khi lực lượng vũ trang đã khẩu hiệu "chỉ biết còn Đảng, còn mình" mà vẫn không hết sợ hãi thì lẽ ra Đảng phải sửa cái gốc là trao quyền lực cho dân. Bảo vệ sự cầm quyền của Đảng mà bằng cách hiến định lòng trung cho quân đội và cố thủ trong điều 4 như một thứ lô cốt thì chỉ gây ra tranh cãi về tính hợp hiến của đảng độc tôn và khiến dân chúng nghĩ rằng Đảng coi mục tiêu cầm quyền cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Nếu chỉ quan tâm tới việc phân chia quyền lực thì không cần sửa hiến pháp. Quyền lực lâu nay vẫn được phân chia một cách bất thành văn và phe nhóm thường giải quyết tốt hơn hiến pháp. Vấn đề là tại hội nghị trung ương sắp tới ông Nguyễn Bá Thanh có đủ phiếu vào Bộ chính trị, ông Vương Đình Huệ có trở thành bí thư trung ương Đảng hay không? Ông Nguyễn Bá Thanh rồi sẽ chọn con đường đi vào lịch sử như một bao công, hay với không ít tỳ vết hiện nay, sẽ bắt tay với Thủ tướng đương nhiệm, quay lưng với những người đã từng nuôi kỳ vọng?

Nếu nhận ra đây là cơ hội chính trị thì đừng vội vã, hãy ngồi lại với nhân dân, hình thành một bản hiến pháp có thể thiết lập một nền cộng hòa, trên nguyên tắc: một chính quyền không phải do dân thì không thể là của dân và không thể hy vọng chính quyền đó sẽ vì dân được. Với quyền lập hiến, nhân dân phải tham gia với tư cách là người quyết định chứ không phải "khách" mời "góp ý" như Đảng đang làm.

Ủy ban sửa đổi hiếp pháp, vì thế, phải thay đổi quy trình làm việc của mình. Thay vì cắm đầu viết lách, bước một, chuẩn bị những vấn đề phải trình Quốc hội biểu quyết đưa ra trưng cầu dân ý. Điều phải trưng cầu dân ý đầu tiên là Việt Nam nên chọn mô hình cộng hòa đại nghị (nơi quốc hội bầu ra chính phủ và nguyên thủ quốc gia) hay cộng hòa tổng thống (nơi cử tri trực tiếp bầu ra nguyên thủ).

Cộng hòa đại nghị thường thành công hơn ở các quốc gia đi từ nền quân chủ lập hiến. Nơi hoàng gia, tuy không trực tiếp cầm quyền, vẫn còn uy tín để trị vì như một biểu tượng quốc gia. Tuy các triều vua của Việt Nam đã bị "phế từ lâu", vẫn nên hỏi xem dân chúng muốn tìm một hoàng thân hay tự tay bầu ra tổng thống.

Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể đưa điều 4 ra trưng cầu dân ý và nếu nhân dân tán thành trong một cuộc bỏ phiếu hoàn toàn tự do thì việc cầm quyền của Đảng sẽ thực sự vinh quang. Nếu dân muốn Đảng cộng sản chỉ là một trong các đảng chính trị của người Việt Nam thì anh chỉ có thể cầm quyền khi thắng trong bầu cử.

Trong tình huống đó, hiến pháp nên quy định sự khác nhau giữa ứng cử viên độc lập với ứng cử viên được đề cử bởi một đảng chính trị. Ví dụ: một người có thể trở thành ứng cử viên tổng thống nếu được một đảng chính trị có cơ sở hoạt động ở tầm quốc gia đề cử hoặc có đủ một lượng chữ ký ủng hộ nhất định (nếu là ứng cử viên độc lập).

Với một dân tộc đang có hàng triệu người sống và làm việc ở khắp năm châu như Việt Nam, cần trưng cầu dân ý về điều kiện của các ứng cử viên: có chấp nhận người có hai quốc tịch ứng cử tổng thống, nghị sỹ Việt Nam hay không? Có nên đòi hỏi ứng cử viên tổng thống và ứng cử viên nghị sỹ quốc hội phải là người sinh ở Việt Nam và sống liên tục ở trong nước 5 năm tính đến ngày bầu cử?

Chế độ kinh tế cũng cần được đưa ra hỏi dân. Tự do tư tưởng là vấn đề phải được bảo vệ trong xã hội tương lai. Hiến pháp tôn trọng niềm tin cộng sản của một thiểu số nhân dân nhưng dân chúng không thể trả chi phí để nuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" bằng cách coi "kinh tế nhà nước là chủ đạo". Nên trưng cầu dân ý về việc cấm nhà nước thành lập những xí nghiệp mang tính kinh doanh (trừ các doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp khai thác những loại tài nguyên đặc biệt).

Hãy trưng cầu dân ý để dân chúng chọn giữa sở hữu toàn dân và chế độ đa sở hữu đối với đất đai.

Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Ủy ban sửa đổi hiến pháp mới tiến hành bước hai: thiết kế một mô hình nhà nước có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, có thể hòa giải quốc gia, phát triển quốc gia, đảm bảo an ninh và mang lại công lý cho người dân tốt nhất. Ủy ban cũng không nên giấu dốt, cái gì biết thì hẵng làm cái gì không có kinh nghiệm thì nên học hỏi, nhất là từ những mô hình nhà nước đã được loài người áp dụng thành công. Việt Nam cần một mô hình chính trị bền vững dài lâu chứ không phải chỉ "bay 15 phút" rồi "bỏ kho" như những chiếc máy bay Vam mà Việt Nam đã từng tự chế.

Cách mà công an Hải Phòng đối xử với anh em ông Đoàn Văn Vươn cho thấy, hệ thống tư pháp hiện hành không thể đảm bảo công lý, nhất là đối với những xung đột giữa công dân với địa phương. Ngoài việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử (thay vì theo cấp hành chính), lực lượng điều tra hình sự và công tố nên tổ chức thống nhất ở cấp toàn quốc gia. Cảnh sát địa phương chỉ đảm bảo giao thông và trật tự, trị an; có thể bắt trộm, cướp rồi giao lại cho cơ quan công tố.

Các địa phương tùy vào ngân sách và tình hình an ninh mà quyết định số lượng cảnh sát. Không để tình trạng như Thành phố Hồ Chí Minh phải lấy thanh niên xung phong ra điều khiển giao thông và chống cướp bằng lực lượng từ trung ương cứu viện.

Thật là nguy hiểm nếu lực lượng công an, quân đội thay vì trung thành với quốc gia lại trung thành với đảng phái. Đảng có thể nay tồn, mai vong nhưng Nước thì muôn đời phải giữ. Nếu quân đội không coi nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ nước thì khi trong Đảng có bất đồng, quân đội mất phương hướng, những kẻ có dã tâm lãnh thổ như Trung Quốc rất dễ thừa cơ chiếm nốt Trường Sa bằng một cuộc chiến tranh cục bộ.

Cũng cần tách bạch hành pháp chính trị và hành chính công vụ để khi Đảng tan rã thì chỉ có chức năng hành pháp chính trị tạm ngưng, trộm cướp vẫn có người bắt; đèn xanh, đèn đỏ vẫn sáng ở ngã tư; người dân vẫn có thể làm passport, đăng ký xe và sang tên nhà, đất...

Bước thứ ba, Ủy ban sửa đổi hiến pháp trình những mô hình hành chánh, tư pháp tương thích này để quốc hội thông qua. Sau đó tới bước thứ tư mới tiến hành cho chuyên viên thảo ra hiến pháp. Do đã trưng cầu dân ý, hiến pháp chỉ cần 2/3 tổng số đại biểu thông qua chứ không cần đưa ra phúc quyết toàn dân. Chỉ phải giữ nguyên tắc cái gì dân đã quyết khi trưng cầu dân ý thì quốc hội không có quyền thay đổi.

Cũng có thể rút ra các bài học lập hiến từ Việt Nam. Hiến pháp 1946 từng được viết bởi những trí thức có tinh thần pháp quyền và bác ái, tự do. Cho dù nó được quyết định bởi một quốc hội được bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử do Việt Minh kiểm soát, Hiến pháp 1946 đã được thông qua bởi những người yêu nước và khát khao độc lập, tự do.

Tuy chưa được công bố chính thức do chiến tranh nhưng Hiến pháp 1946 đã có hiệu lực trên thực tế. Hồ Chí Minh đóng một vai trò quan trọng trong Hiến pháp 1946, nhưng chính ông, sau khi đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế từ Mascova trở về, đã phế bỏ bản hiến pháp dân chủ này để thay thế bằng Hiến pháp 1959.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, Hiến pháp 1959 được dịch ra từ Hiến pháp Liên Xô nhưng qua bản tiếng Trung nên nhiều định chế nhà nước đã được copy một cách vội vã và không chính xác. Hiến pháp 1980 cũng copy từ hiến pháp của các nước cộng sản Đông Âu, áp dụng nguyên si những định chế mà ngay sau đó đã bị các nước này bãi bỏ. Không nên sợ hãi trước những mô hình nhà nước đã được áp dụng thành công. "Nhập khẩu" mô hình chính trị đã là truyền thống mà Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ năm 1959.

Một chế độ toàn trị thường đi đến sụp đổ hoặc tiếp tục tồn tại bằng cách siết chặt dân chủ, tự do. Quá trình này càng kéo dài bao nhiêu thì càng hủy hoại các nguồn lực và giá trị quốc gia tới đó. Sự sụp đổ hay sự ngắc ngoải của chế độ đều trút hậu quả lên đầu thường dân. Chủ động cải cách để từng bước trao mọi quyền lực cho nhân dân không chỉ là lối thoát của Việt Nam mà còn là cánh cửa để Đảng thoát ra trong danh dự.

Huy Đức
(Fb Osin HuyDuc)

1623. Trung Quốc: DÂN CHỦ DẦN TỪ MẠNG ĐI RA ĐƯỜNG PHỐ

Boxun.com
DÂN CHỦ DẦN TỪ MẠNG ĐI RA ĐƯỜNG PHỐ: 

DÂN CHỦ ĐƯỜNG PHỐ QUẢNG ĐÔNG ĐANG HÀNH ĐỘNG

3.2.2013
Tác giả:  Lý Phương
Người dịch:  XYZ
Quảng Châu, Thâm Quyến, dân chủ dần từ mạng đi ra đường phố.
Từ năm 2001 đến năm 2013, làn sóng dân chủ, chống chuyên chế, chống thối nát cuồn cuộn trên các tiểu blog, Twitter, trang QQ tại Quảng Châu, Thâm Quyến đã dần dần tràn ra mặt đất, dần dần chuyển hóa thành các băng rôn, bài nói, khẩu hiệu trên đường phố, quảng trường. Phong trào dân chủ trong nước từ miệng chuyển xuống chân, từ bút mực chuyển thành động tác, đây là một sự thay đổi và tiến bộ mang ý nghĩa khá sâu sắc. Như mọi người đều biết, bất luận là phong trào dân chủ của nước nào cũng đều được tác thành từ phong trào quần chúng, đều được đánh đổi bằng bước chân, đôi tay, la hét, giam cầm, thậm chí bằng cả sinh mệnh. Không bao giờ chỉ là những bài viết ngồi đó mà luận bàn, cũng không bao giờ chỉ là những cuộc bút chiến, thảo phạt trên mạng.

Lưu Viễn Đông ở Quảng Châu nói: “Rất nhiều người cho rằng chỉ vài người làm thôi sẽ chẳng có tác dụng gì, song họ không hiểu được rằng những cái đó sẽ tạo nên hiệu ứng cánh bướm (có mô hình về toán học)”.
Nói theo lời của nhà hoạt động đường phố Từ Lâm, thì đó là tính va chạm, phải tạo ra sự va chạm giáp mặt với chính quyền chuyên chế. Cũng giống như trong chiến đấu, bao giờ cũng phải giành giật vũ khí mặt đối mặt với kẻ thù thì mới tạo ra được sức chống trả. Còn nếu cứ chỉ vụt trâu qua khoảng không, gãi ngứa qua giày thì kẻ chuyên chế sẽ chẳng bao giờ coi bạn là gì, chẳng khác gì khí công sư phát công, sao đánh được người? Vì thế, chúng tôi cho rằng dân chủ đường phố mới là phương thức, phương pháp hữu hiệu nhất cho nền dân chủ Trung Quốc.
Nhóm Lưu Viễn Đông tự gọi mình là “Phái hành động dân chủ”, để phân biệt với các phái lý luận, phái chữ nghĩa.
1
Nhà hoạt động đường phố Lưu Viễn Đông trước biểu ngữ
Phái hành động đường phố liên tục nhảy vào các sự kiện, công khai nêu chủ trương, làm mẫu cho dân chúng
Kể từ cuộc Cách mạng hoa nhài ở Trung Đông, phái hành động đường phố bắt đầu giăng biểu ngữ, băng rôn ngoài đường, tiến hành diễn thuyết công khai, đứng ngay giữa đám đông không một chút sợ hãi. Ngày nay đã trở thành cảnh diễn ra trên đường phố Quảng Châu, Thâm Quyến, dân chúng dần chuyển từ kinh ngạc, bối rối sang thông hiểu, gần gũi, tiến sát, mặc dù phần đông vẫn còn sợ bị giam cầm, tù đày, không dám nhập vào đám đông, song sự hài lòng, đồng tình và ủng hộ trong họ tràn đầy hơn cả sự thể hiện bằng lời. Người phát động phong trào đường phố từ thuở đầu Dư Cương nói, ngày 6.6.2010, khi ông đang diễn thuyết về nền dân chủ lập hiến ở đường phố Hoa Cường Bắc Náo, Thâm Quyến, hàng trăm người vây quanh tụ tập, có tới mấy chục cảnh sát đến, song dân chúng đã xúm lại quở mắng cảnh sát, cảnh sát đã không dám len vào bắt người. Thế là ông liền thừa cơ rời khỏi đó một cách an toàn.
2
Ảnh chụp hoạt động nhân Ngày nhân quyền ở Quảng Châu, thứ 3 bên trái là Dư Cương
Trong Ngày nhân quyền thế giới, sự kiện Ô Khảm, sự kiện Lý Uông Dương, biểu tình chống Nhật, sự kiện Nam Chu, sự kiện xét xử Vương Đăng Triều, cùng các sự kiện nhân quyền khác xảy ra ở Quảng Đông tiếp sau đó, phái hành động đường phố đều dũng cảm đứng lên bước ra đường phố, giương biểu ngữ, băng rôn, diễn thuyết, hô khẩu hiệu, công khai bày tỏ quan điểm ở ngoài đường phố, quảng trường. Họ còn đi tới tận Bắc Kinh để phản đối giáo sư Hàn Đức Cường ở Bắc Hàng[i] . Một chiến binh trong số đó còn trực tiếp đứng giữa đám đông ngoài đường giơ cao băng rôn yêu cầu các nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào… công khai tài sản, cùng các băng rôn, biểu ngữ yêu cầu minh oan Vụ 4.6.
Ở sự kiện Nam Chu vào tháng trước, phái hành động đường phố đã tiên phong tiến ra đường phố, công khai lên tiếng ủng hộ Ban biên tập Nam Chu, yêu cầu cách chức Đà Chấn. Trong sự kiện này, giới phong trào dân chủ đã ra mắt công khai đội hình và lực lượng của mình, đã nhiều lần tập hợp tới hàng ngàn người để lên tiếng ủng hộ, phản đối, diễn thuyết.
Trong sự kiện xét xử Vương Đăng Triều hôm trước, phái hành động đường phố ở Quảng Châu, Thâm Quyến đã hiên ngang tiến ra đường phố, chạy tới giương băng rôn ở trước cổng tòa án và lên tiếng ủng hộ. Quảng Châu có Lưu Tứ Phưởng, Từ Lâm, Trương Mậu Trung và Lưu Viễn Đông…, Thâm Quyến có Khương Vệ Đông, Hoàng Văn Huân… Khi trực tiếp chiến đấu giáp lá cà trên đường phố, đánh lại quân địch, tất nhiên họ cũng bị thiệt hại nhiều, nhiều anh em đã bị triệu tập, giam giữ, tạm giam, kết án; Dương Sùng, Tiêu Dũng vẫn còn đang trong nhà tù. Trong sự kiện kêu gọi ủng hộ Vương Đăng Triều hôm qua, Khương Vệ Đông đã bị cảnh sát bắt giữ, Hoàng Văn Huân đã bị thương.
Song nói như lời của Lưu Viễn Đông thì lực tương tác là ngang nhau, chúng tôi đánh đối phương, đối phương cũng đánh lại. Phái hành động là những người biết rõ sẽ gặp rủi ro, nhưng vẫn buộc phải đương đầu. Những người tiên phong đứng lên như chúng tôi mà không có tinh thần hi sinh thì không thể đứng vào đội ngũ của mình được.
3
Hoàng Văn Huân bị cảnh sát đánh bị thương
“Lý luận ăn miếng trả miếng” của Lưu Viễn Đông
Phong trào đường phố vốn được cho là đơn giản, nhưng với nhà hoạt động phong trào đường phố Lưu Viễn Đông thì lại hoàn toàn là có lý luận, có mô hình toán học hẳn hoi. Lưu Viễn Đông nói:  “Rủi ro thường ngang với hiệu quả, thực ra là tôi đã áp dụng mô hình toán học để phân tích về phong trào dân chủ. Các chính khách Trung Nam Hải rất chuyên nghiệp và đầy lý tính, người nào cũng dựa trên những điều kiện đã được định sẵn để lựa chọn ra sách lược có kỳ vọng thu được hiệu quả lớn nhất. Sách lược mà tôi luôn áp dụng là ăn miếng trả miếng, sách lược này thu được hiệu quả cao nhất, lại đem lại được sự hợp tác. Hẳn tôi là người đã đem phân tích toán học vào phong trào dân chủ sớm nhất, tôi thấy hiệu quả của phân tích toán học là rất tốt. Thực ra đó đều là lý thuyết trò chơi (game theory), tôi vừa mới nêu một chút vắn tắt về sự ăn miếng trả miếng, bạn có thể thấy đấy, nếu phân tích thực sự thì sẽ rất phức tạp, phải dùng đến rất nhiều mô hình toán học. Hơn một năm trước, chúng tôi đã hành động với sự dẫn dắt của lý luận, rồi lại dùng hành động thực tế để kiểm nghiệm lý luận. Nhiều người sau sự kiện Nam Chu mới ý thức được tầm quan trọng của những nỗ lực trong năm 2011-2012”.
“Lý luận ăn miếng trả miếng” của Lưu Viễn Đông, theo tôi hiểu, thực chất là một kiểu khích lệ hợp tác và răn đe bội phản đối với lực lượng chính quyền. Lý luận này cũng thích hợp với cả dân chúng nằm ngoài chính quyền, khích lệ dân chúng tham gia, tập hợp, giúp dân chúng vượt qua được nỗi sợ, đồng thời răn đe những hành vi bội phản và bán đứng. Anh ta đã chỉnh lý lý luận của mình lại thành văn bản, có đưa cho tôi, nhằm làm cơ sở thuyết minh. 
Lưu Viễn Đông người Mai Châu Quảng Đông, năm nay 34 tuổi. Năm 2002 tốt nghiệp Học viện khoa học sự sống thuộc Trường đại học nông nghiệp Hoa Nam, sau khi tốt nghiệp nghiên cứu về chẩn đoán phân tử tại Trung tâm chẩn đoán y dược sinh học thuộc Trường đại học Quân y số 1. Lưu Viễn Đông nói, Trung tâm chẩn đoán ấy thực ra là một công ty, do một giáo sư trong nội bộ họ đứng ra làm. Lưu Viễn Đông hiện đang điều hành một công ty, anh ta nói mình là một hộ cá thể, thực ra cũng là một ông chủ dạng nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu được hơn 10 năm rồi.
”Nghiên cứu của tôi bao gồm cả sinh học và kinh tế. Thực ra trình độ chuyên môn về kinh tế học của tôi tốt hơn so với sinh học phân tử, tôi nghiên cứu kinh tế một cách rất chuyên nghiệp, đọc các tài liệu nước ngoài, nghiên cứu một số mô hình tóan học, kinh tế, tất nhiên là bao gồm cả lý thuyết trò chơi. Bởi nghiên cứu kinh tế một cách chuyên nghiệp, nên rất rõ nền kinh tế chuyên chế độc tài chắc chắn sẽ không thể đi trót lọt. Những bất công, thối nát trong xã hội chúng ta, mọi người đều nhìn thấy rõ mồn một. Chỉ xét riêng về góc độ ưu hóa và tiến bộ xã hội, thì dân chủ tất nhiên xưa nay đều là sự lựa chọn không tồi nhất. Còn chuyên chế hiển nhiên là sự lựa chọn tồi nhất. Thể chế dân chủ là một sự lựa chọn tối ưu khá kinh tế của cộng đồng xã hội. Đây chính là nguyên do vì sao tôi lại lao vào các hoạt động dân chủ, và chính là động cơ để tôi nghiên cứu về phương pháp kết thúc chuyên chế, tác thành dân chủ”.
4
Lưu Viễn Đông và 3 sinh viên
Lưu Viễn Đông rất lạc quan về triển vọng phát triển của phong trào đường phố, anh cho rằng đây là chuyện tất yếu đã được dự báo từ sớm về lý luận. Anh nói:  “Rất nhanh thôi, chỉ trong vòng 2-3 năm nữa chắc hẳn sẽ xuất hiện những cuộc biểu tình với trên vạn người. Năm 2012, hoạt động đường phố ở Quảng Đông bình quân khoảng mỗi tháng xảy ra 1 lần, dự tính năm 2013 mỗi tuần 1 lần, song ngay từ tuần đầu của năm mới đã xảy ra 4 lần. Sự lên tiếng ủng hộ ở bên ngoài cổng tòa báo Nam Phương tiếp đó đã nhanh chóng chuyển thành một cuộc tụ tập chính trị đúng với nghĩa của nó, lại còn kéo dài tới tận 3 ngày. Tôi đột nhiên nghĩ đến hiệu ứng cánh bướm, sự thay đổi trong hoạt động đường phố là sự đấu tranh phi tuyến tính, không thường xuyên, ngắn gọn, có thể dẫn đến những cơn bão chính trị lớn và lâu dài.”
”Cuối cùng xin nhấn mạnh một điều, phong trào đường phố phải phát động cho được đông đảo công chúng tham gia nhất.  Cuối cùng là phong trào dân chúng trên phạm vi lớn, dân chúng là nền tảng và là chủ thể. Vì thế, chúng tôi không có người cầm đầu, thì tất nhiên sẽ có nhóm hạt nhân. Tôi không phải là người cầm đầu, mà tất cả chúng tôi đều là người cầm đầu.”  Lưu Viễn Đông nói.
5
Thứ nhất bên trái là Viên Phượng Sơ, thứ nhất bên phải là Lưu Viễn Đông, hai người ở giữa là người dân và sinh viên hưởng ứng hoạt động là
Tiếng nói của phái hành động đường phố
Lưu Tứ Phưởng quê ở Tứ Xuyên, hiện sống ở Quảng Châu, là thành viên kiên trung của phái hành động dân chủ. Anh nói: “Chúng tôi có một vài sự đồng thuận, với xã hội đại lục, phái hành động chúng tôi có một ý nghĩa hết sức hiện thực, thông qua phương thức trực tiếp nhất này sẽ có tác dụng lôi kéo tốt, đem lại hiệu ứng tốt. Nhiều nước đều đạt được dân chủ thông qua phong trào đường phố. Xã hội chúng tôi với nhận thức của người dân chênh lệch, sự đàn áp của nhà chức trách, sự ngăn cản phi pháp, thì tư tưởng dân chủ có tốt đến mấy đi nữa mà không có được nền tảng hiện thực tốt, thì cũng không có cách gì thực hiện nổi. Chúng tôi lôi kéo dân chúng loại bỏ sự sợ hãi bằng sự dấn thân của mình, chúng tôi bày tỏ những đòi hỏi của mình bằng phương thức lý tính, phi bạo lực. Chúng tôi không hề sợ hãi vì tính hợp lý và hợp pháp khi truyền đạt những khái niệm về xã hội dân sự cho dân chúng, mở mang cho dân chúng. Ở thời kỳ chuyển đổi mô hình xã hội, trí thức, giới khoa học, các tầng lớp sẽ cùng nhau thúc đẩy, thông qua phương thức đường phố để đẩy nhanh sự chuyển đổi mô hình”.
Từ Lâm năm nay 49 tuổi, quê ở Hồ Nam, ông là người nhiều tuổi hơn cả trong phái hành động. Từ Lâm nói:  “Đường phố không thể thiếu được trong quá trình đòi lại dân chủ, nó là sự giao chiến mặt đối mặt với nền chuyên chế. Trong cuộc chiến đấu này, chúng tôi phải tiếp xúc trực tiếp với đối phương. Tôi nhấn mạnh đến tính tiếp xúc, nếu không thì lại là vụt trâu cách núi. Chúng tôi phải giáp mặt mà thúc vào mạng sườn đối phương. Chỉ có bằng phương thức như vậy thì mới có thể hiểu được trực tiếp hơn, mới cảm nhận được sự rắn mềm, đổi thay của đối phương, mới thăm dò được những biến đổi nói trên. Viết bài, tranh luận miệng đều không thực tế, phải làm để cho mọi người đều thấy, để dẫn dắt quần chúng. Vả lại, nếu chỉ nói suông về dân chủ, thì ai biết được bạn có thật lòng hay không, kéo nhau ra ngoài đường mà luyện thì trắng đen sẽ được phân minh”.
6
Phản đối giáo sư Bắc Hàng Hàn Đức Cường
Khương Vệ Đông là một hộ cá thể ở Thâm Quyến, bị cảnh sát bắt giữ trong hoạt động lên tiếng ủng hộ Vương Đăng Triều. Anh nói: “Thảo luận trên mạng là để giác ngộ, cuối cùng vẫn cứ phải hành động ngoài đường phố, phải thực tế, không thể cứ suốt ngày ngồi nói trên mạng. Nói có thể gay gắt đến mấy mà không hành động thì cũng chẳng có ích gì, dân chủ của chúng ta đòi hỏi phải hành động. Hành động có sức nặng hơn lời nói. Tôi cũng không biết được con đường phía trước là như thế nào, nếu chúng ta đã dò ra được bằng hành động, thì dân chúng sẽ nhìn thấy được. Chúng ta chính là người đi tiền trạm, là người tìm đường cho dân chúng. Hơn 1 năm trước, chúng tôi tiếp xúc với nhau trên mạng, tương tác với nhau trên mạng, hình thành một vòng tròn, mọi người có thể tụ tập, tranh luận với nhau. Chúng tôi tự gánh lấy rủi ro, tự phát tự nguyện, không có lãnh tụ”.
Dư Cương chắc hẳn là người phát động phong trào đường phố sớm nhất ở Quảng Đông, năm nay 44 tuổi, người Tứ Xuyên. Từ năm 2006, ông bắt đầu cổ động cho phương thức đường phố, bắt liên lạc với các chiến binh phong trào đường phố. Kể từ năm 2010, phương thức đường phố dần dần khởi sắc, số bạn bè tham gia dần đông thêm, sức ảnh hưởng cũng mỗi ngày một lớn. Đồng thời với việc làm phong trào đường phố ở đại lục, hàng năm Dư Cương còn tới Hongkong tham gia hoạt động kỷ niệm Vụ 4.6. Năm 2011, ông đã gặp gỡ Âu Vinh Quý, Dương Sùng, Đường Kinh Lăng, Tiêu Dũng…ở Quảng Châu. Trước đó, chỉ toàn cổ động bằng phát ngôn, bài viết trên mạng, khi gặp nhau rồi, bạn bè bắt đầu xuống đường phố, triển khai hành động dân chủ thực sự.
7
Biểu ngữ của phái hành động dân chủ
Hãy ghi nhớ tên các chiến binh:
Âu Vinh Quý, Quách Xuân Bình, Lưu Viễn Đông, Dư Cương, Tiêu Dũng, Lăng Tiêu Phong, Lý Vĩ Hâm, Bạch Đào, Hoàng Mẫn Bằng, Lý Nhân Long, Lâm Viêm, La Thủ Hằng, Hoàng Văn Huân, Tôn Đức Thắng, Sài Kim Nguyên, Lưu Huy, Lý Tranh Nhiên, Khương Vệ Đông, Hồ Sảnh…
Họ là tấm gương cho dân chúng, là người dò đường cho nền dân chủ Trung Quốc.
Có những bạn không muốn nêu tên ở đây, đội hình vẫn đang mở rộng.
8
Phái hành động lên tiếng ủng hộ Vương Đăng Triều
9
Dư Cương diễn thuyết trong Ngày nhân quyền
Nguồn: Boxun.com
Bản tiếng Việt © BS2013

[i]   Tên gọi tắt của Đại học hàng không vũ trụ Bắc Kinh (北京航空航天大学).

1624. Thư ngỏ của ông Nguyễn Trung gửi Quốc hội, Chính phủ và ĐCSVN về sửa đổi Hiến pháp

Thư ngỏ

 Hà Nội, ngày 19-02-2013
Kính gửi
-        Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
-        Toàn thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt nam,
-        Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Kính thưa,
Tôi là Nguyễn Trung, 78 tuổi, trú tại 10(60A) ngõ 45A, phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Với tư cách là một trong những người tham gia Kiến nghị của 72 nhân sỹ trí thức về việc sửa đổi Hiến pháp [1] (gọi tắt: Kiến nghị 72),  xin được phép trình bầy một số suy nghĩ của tôi liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp đang được lấy ý kiến nhân dân cả nước

Một là, tôi nghĩ rằng sau 37 năm độc lập thống nhất, lần đầu tiên đất nước lại đứng trước nhiều nguy cơ lớn. Đó là:
-        Cuộc khủng hoảng toàn diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa hiện nay đất nước đang lâm vào khoảng một thập kỷ nay trầm trọng đến mức đe dọa sự mất còn chế độ chính trị và Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Điều này cũng có nghĩa cuộc khủng hoảng này đe dọa nghiêm trọng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải báo cáo tình hình này trước cả nước tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Bộ Chính trị nhận trách nhiệm về mình và đã xin lỗi trước cả nước và toàn Đảng.
-        Chủ nghĩa thực dân mới siêu cường Đại Hán đang trở thành vấn đề của cả thế giới – đặc biệt là đối với khu vực Biển Đông, uy hiếp trực tiếp các nước tại đây; đồng thời căng thẳng đang leo thang với nguy cơ có thể xảy ra chiến tranh trên Biển Đông. Sự lũng đoạn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng – đặc biệt ở Đông Nam Á – đã tới mức nguy hiểm, trong đó có Việt Nam với tính cách là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên mà Trung Quốc nhất thiết phải khuất phục trên đường vươn ra đại dương.    Cần nhìn thẳng vào sự thật là sự lũng đoạn mọi mặt của Trung Quốc hiện nay trên thực tế đã đặt Việt Nam lọt thỏm vào vòng kiềm tỏa nhiều mặt của Trung Quốc. Không ít ý kiến trong nhân dân cho rằng về nhiều mặt Việt Nam trên thực tế đã trở thành một chư hầu kiểu mới của chủ nghĩa thực dân mới siêu cường Đại Hán.
-        Hệ thống chính trị của Việt Nam có quá nhiều bất cập để có thể cùng một lúc giải quyết 3 vấn đề lớn nóng bỏng đang đặt ra cho đất nước: (1)cần ổn định kinh tế để tìm đường đi vào một thời kỳ phát triển mới, nhưng hiện nay vẫn chưa có kế sách khả thi nào, nguy cơ kinh tế rơi xuống đáy sâu hơn nữa vẫn là thường trực; (2)chế độ chính trị tha hóa và quá yếu kém; tình hình đã đến mức vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cứu chữa đã bỏ ra, tiếp tục kìm hãm sự phát triển của đất nước; trong khi đó hệ thống chính trị vẫn tiếp tục lún sâu hơn nữa vào độc tài toàn trị, để xảy tay có thể dẫn đến đổ vỡ; (3)đất nước vừa cần một sức mạnh bên trong làm nền tảng cho chính sách đối ngoại, vừa cần một đường lối đối ngoại độc lập tự chủ để đứng vững được trong tình hình căng thẳng và rất nhạy cảm hiện nay – đặc biệt là trên Biển Đông; song hiện nay cả hai đòi hỏi này cho mặt trận đối ngoại đều chưa có.
Có thể nói, những yếu kém của đất nước trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và khu vực – nhất là hiện tượng leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông  – đang uy hiếp nghiêm trọng độc lập chủ quyền và kìm hãm sự phát triển của đất nước ta.
Hai là toàn bộ tình hình nêu trên đã được hàng nghìn ý kiến cảnh báo trong những kỳ chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ X và lần thứ XI của ĐCSVN, rất tiếc rằng không được lãnh đạo lắng nghe và tiếp thu.
Trong những ý kiến cảnh báo ấy, ý kiến quan trọng nhất là nhận định cho rằng nguyên nhân cơ bản của tình hình đất nước hiện nay là sự tha hóa và bất cập của toàn bộ hệ thống chính trị, bắt đầu từ Đảng. Nhận định này kết luận: Tình hình đòi hỏi phải thực hiện một cuộc cải cách chính trị triệt để và toàn diện để mở lối ra cho đất nước. Song trong thực tế, đòi hỏi vô cùng quan trọng này chẳng những bị gạt đi, mà toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước trong gần một thập kỷ vừa qua ngày càng tiếp tục lún sâu vào bảo thủ, giáo điều, quan liêu; tệ nạn tiêu cực và tham nhũng ngày càng nặng; các quyền tự do dân chủ của nhân dân ngày càng bị xâm phạm. Chính thực trạng này là nguyên nhân gốc làm cho những năm vừa qua là thời kỳ phát triển xấu nhất, nguy hiểm nhất trong suốt 37 năm độc lập đầu tiên của đất nước.
Nói riêng về ĐCSVN, những năm vừa qua cũng là thời kỳ quyền lực Đảng phạm nhiều sai lầm và có nhiều hiện tượng hư hỏng, suy đồi chính trị và đạo đức nhất kể từ khi thành lập.
Ba là, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã phần nào nhận ra thực trạng nguy hiểm nêu trên của đất nước và của Đảng, nhưng lại bất cập không dám nhìn thẳng vào toàn bộ sự thật, do đó chưa nhìn ra được nguyên nhân gốc là lỗi của hệ thống chính trị và của những quan điểm sai lầm của Đảng trong đường lối chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước.
Với cách nhìn sự thật phiến diện như vậy, Hội nghị Trung ương 4 lấy tự phê bình và phê bình kiểm điểm cá nhân là phương thức giải quyết mọi sai lầm và yếu kém hay là bước đột phá đầu tiên; trong khi đó tiếp tục giữ nguyên và xiết chặt hơn nữa hệ thống chính trị theo hướng tăng cường “đảng hóa”, với mục đích tăng cường khả năng đối phó của Đảng với sự bất bình chính đáng đang ngày càng tăng trong nhân dân về mọi vấn đề của đất nước. Điển hình nhất của tình trạng “xiết” này là những hiện tượng: tăng cường “19 điều cấm trong Đảng”, sự kìm kẹp chưa từng thấy đối với trên 700 báo chí các loại của hệ thống chính trị (được gọi là báo chí “lề phải”), xuất hiện cái gọi là “đội ngũ dư luận viên” chưa hề có ở một quốc gia dân chủ nào, thẳng tay trấn áp đối với những người bất đồng chính kiến và đối với những cuộc biểu tình của nhân dân bảo vệ biển đảo của tổ quốc… v… v…
Cũng với cách nhìn sự thật theo kiểu tránh né nguyên nhân gốc như vậy. Hội nghị Trung ương 5 và 6 sau đó lấy chống tham nhũng là mặt trận chính. Quyết định này sai lầm ở chỗ (a)chủ yếu nhằm vào xử lý vụ việc, chứ không phải nhằm vào sửa lỗi hệ thống là chính, (b)đặt vấn đề chống tham nhũng lên trên mọi vấn đề cấp bách khác quan trọng hơn nhiều, nghĩa là rất cảm tính và thiên lệch – ví dụ như vấn đề ổn định kinh tế vỹ mô, trả lại các quyền tự do dân chủ của dân để thực hiện được chủ quyền của nhân dân cho phát huy sức mạnh nội lực, vấn đề tạo ra sự công khai minh bạch trong đời sống mọi mặt của đất nước, đòi hỏi trả lại vai trò phải có cho nhà nước pháp quyền để cả nước – bao gồm cả Đảng – phải tuân thủ pháp luật… Với 2 sai lầm lớn như vậy trong việc đặt ra vấn đề chống tham nhũng, lại thực hiện trong tình trạng Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị có quá nhiều tiêu cực và yếu kém, nên đến nay kết quả thực hiện các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 liên quan đến chủ đề này có nhiều biến tướng rất đáng lo ngại, đến nay có thể nói là thất bại. Chính đồng chí Tổng bí thư không dưới một lần gián tiếp nhưng đã phải công khai thừa nhận như vậy.
Hơn nữa, trong khi tập trung mũi nhọn vào chống tham nhũng một cách phiến diện như vậy, đã xảy ra một số sự việc, một số phát ngôn rất thiếu cân nhắc, thiếu trách nhiệm (đôi khi có cả thứ ngôn ngữ mang đặc tính “anh chị”) của một số người có trọng trách… Những hiện tượng này hình như cho thấy câu chuyện đang diễn ra không phải chỉ có việc chống tham nhũng, mà còn là biểu hiện bên trong của những động cơ, những hiện tượng “đánh nhau”, “đối phó với nhau”… không thèm đếm xỉa đến tác động như thế nào đối với  kỷ cương, sự uy nghiêm và mối an/nguy của quốc gia. Những hiện tượng này hoàn toàn không được phép xảy ra với những chính khách chân chính!
Qua các Hội nghi Trung ương 4, 5 và 6, quyền lực của Đảng đang tự mình tiếp tục làm mất thêm uy tín của Đảng và gây thêm nhiều khó khăn nguy hiểm cho đất nước. Đơn giản bởi lẽ “nhóm” nào thắng thì đất nước cũng thua; vì hệ thống chính trị có quá nhiều sai lầm và quyền lực của nó vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, thậm chí đang được “xiết” thêm. Trong khi đó trí tuệ và nguồn lực mọi mặt của đất nước không được tập trung vào xử lý những vất đề cấp bách nhất của đất nước; xảy ra quá nhiều hiện tượng “vạch áo cho người xem lưng” làm ảnh hưởng đến an ninh và thể diện quốc gia. Toàn bộ tình hình nhạy cảm này chỉ tăng thêm cơ hội cho sự lũng đoạn của Trung Quốc…
Tình hình mọi mặt hiện nay của đất nước đã đi tới thời điểm không thể trì hoãn cuộc cải cách chính trị toàn diện. Bối cảnh quốc tế vừa đòi hỏi, thách thức, cũng vừa tạo ra những thuận lợi chưa từng có cho một cuộc cải cách chính trị để xây dựng nên một thể chế chính trị dân chủ cho Việt Nam. Đất nước ta hiện nay lại đang đứng trước yêu cầu bức thiết phải sửa đổi Hiến pháp và thực tế đang cho thấy Hiến pháp 1992 dù sửa thế nào cũng không thể đáp ứng những đòi hỏi phát triển mới của đất nước; vì những lẽ này, xây dựng một Hiến pháp mới phù hợp là bước khởi đầu đúng đắn cho tiến hành cải cách chính trị.
Bốn là, tôi xin trình bầy một số điểm chính về cải cách chính trị, với tất cả mong muốn thiết tha ĐCSVN không được trốn tránh – (1)vì lẽ: Đảng nợ nhân dân nhiệm vụ lịch sử sau khi đất nước đã được độc lập thống nhất, đó là xây dựng một thể chế chính trị dân chủ để thực hiện những quyền và hạnh phúc của nhân dân như đã ghi trong Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945; và (2)còn vì lẽ: ĐCSVN cần tranh thủ cơ hội cuối cùng này để tự giải phóng chính mình khỏi sự nô lệ của quyền lực, giành lại vai trò lãnh đạo dựa vào tính tiền phong chiến đấu của mình như ĐCSVN đã từng có một thời trong cộng đồng dân tộc suốt giai đoạn kháng chiến cứu nước, để trên cơ sở này phấn đấu trở thành đảng cầm quyền trong hệ thống nhà nước pháp quyền dân chủ.
Dưới đây là một số ý kiến cụ thể:
1. Kết thúc Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị đã nhận lỗi trước nhân dân và trước toàn Đảng về trách nhiệm đã để cho đất nước gặp nhiều khó khăn và lâm vào hoàn cảnh bị uy hiếp như hôm nay, đã tự giác tuyên bố sẵn sàng nhận kỷ luật của Đảng. Cá nhân tôi đánh giá cao việc nhận lỗi này. Tuy nhiên, tôi xin đề nghị Bộ Chính trị tự đặt ra cho mình mức kỷ luật là: Toàn thể Bộ Chính trị khóa XI hết nhiệm kỳ này sẽ thôi không tham gia vào bất kỳ cấp ủy nào của Đảng dù ở địa phương hay trung ương.
Toàn thể Bộ Chính trị khóa XI cam kết trước cả nước và toàn Đảng sẽ dẹp hết sang một bên mọi khúc mắc riêng tư với nhau, một lòng cùng nhau trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ khóa Đại hội XI này đem tất cả tinh thần và nghị lực với ý thức trách nhiệm cao nhất phát huy trí tuệ cả nước và toàn Đảng để
(a)tháo gỡ những khó khăn cấp bách nhất,
(b)thực hiện thắng lợi giai đọan đầu của cuộc cải cách chính trị;
(c)xây dựng được Hiến pháp mới và thiết lập được thể chế của nhà     nước pháp quyền dân chủ.
2. Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa XI cũng phải cùng chịu trách nhiệm với Bộ Chính trị khóa XI về tình hình đất nước hiện nay, cần nhận lỗi trước toàn dân và toàn Đảng. Với tinh thần này, và đồng thời đáp ứng yêu cầu đem lại cho Đảng sức sống mới, toàn thể các đảng viên đã tham gia 2 khóa là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ thôi không tham gia vào danh sách bầu cử hay tự ứng cử vào BCHTƯ khóa XII nữa; và từ đây trở đi hình thành nguyên tắc không đảng viên nào được tham gia BCHTƯ quá 2 nhiệm kỳ, xóa bỏ hẳn cái “lệ” sống lâu lên lão làng. Từ đây tạo cơ hội thay đổi hoàn toàn việc tổ chức và xây dựng Đảng cho đúng với đòi hỏi phấn đấu trở thành đảng cầm quyền trong một thể chế chính trị dân chủ của nhà nước pháp quyền.
 3. Bộ Chính trị khóa XI huy động trí tuệ cả nước và tận dụng kinh nghiệm các nước đi trước cũng như khai thác mọi thành quả của văn minh nhân loại, phát huy bằng được chủ quyền và quyền năng của nhân dân, dấy lên tinh thần đoàn kết – hòa giải dân tộc, cùng nhau xây dựng thành công Hiến pháp mới cho một nước Việt Nam là tổ quốc muôn vàn yêu quý và là quê hương độc lập – tự do – hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam. Nước ta sẽ cùng dấn thân với cả loài người tiến bộ cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, tất cả cho con người và vì quyền con người.
Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ căn cứ vào Hiến pháp mới do dân định này, để xây dựng và tổ chức lại đảng mình, để có được khả năng, ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo trong xã hội dân sự, để từ đó phấn đấu được nhân dân lựa chọn (qua bầu cử trung thực) làm đảng cầm quyền theo những đòi hỏi và quy định của nhà nước pháp quyền (đặc biệt là những quy định về tự do bầu cử, tự do ứng cử và về sự tuyển chọn công chức của nhà nước pháp quyền).
Hiến pháp mẫu 2013 kèm theo Kiến nghị 72  rất đáng được đưa ra thảo luận rộng rãi trong nhân dân; cần khuyến khích có thêm một vài hiến pháp mẫu như thế và trao đổi công khai mọi ý kiến đóng góp khác nhau cho vấn đề Hiến pháp để nhân dân dễ so sánh, đối chứng.., qua đó tối ưu hóa sự lựa chọn của nhân dân.
Xin lưu ý: Chủ quyền tối cao của quốc gia thuộc về nhân dân, kể cả ĐCSVN cũng phải phục tùng và tuân thủ; vai trò lãnh đạo của ĐCSVN phải được thể hiện ở chỗ tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện đầy đủ chủ quyền này. Đảng phải coi nội dung lãnh đạo như thế là nhiệm vụ tối cao và thiêng liêng nhất của mình trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
4. Đề nghị Quốc Hội, Bộ Chính trị và Chính phủ giao nhiệm vụ cho trên 700 báo chí của toàn bộ hệ thống chính trị tìm hiểu, nắm vững những kiến thức tiên tiến nhất của văn minh thế giới về hiến pháp, nhằm tổ chức học tập và quảng bá rộng rãi trong cả nước và trong toàn Đảng những kiến thức mới về xây dựng một chế độ chính trị dân chủ dựa trên kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Toàn bộ nguồn lực trí tuệ của cả nước cần được huy động cho việc nâng cao dân trí, nâng cao khả năng của nhân dân thực hiện chủ quyền của mình đối với đất nước và đối với chế độ chính trị, cổ vũ nhân dân tham gia xây dựng Hiến pháp mới, coi đây là nhiệm vụ đầu tiên đặt nền móng cho toàn bộ quá trình cải cách chính trị của đất nước.
Đồng thời Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ thả hết những người bất đồng chính kiến đang bị tù tội, chỉ thị cho các cấp và các địa phương phải tôn trọng mọi quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và sự công khai minh bạch phải được bảo đảm trong mọi lĩnh vực của đời sống đất nước.
Cải cách chính trị cần được xem là một quá trình thường trực, lâu dài, để luôn luôn đổi mới, và cần được tiến hành song song – vừa là cứu cánh, vừa là tiền đề – với sự nghiệp canh tân đất nước.
5. Đề nghị Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ huy động trí tuệ cả nước, đăc biệt là cố sao mời gọi được trí tuệ của các trí thức có tầm nhìn và tâm huyết với đất nước, hình thành một chiến lược tổng thể và thiết kế các bước đi của một cuộc cải cách chính trị triệt để, nhằm thay đổi đất nước toàn diện và sâu sắc, sao cho quá trình cải cách này diễn ra một cách hòa bình, hài hòa, kinh tế ổn định và có hướng phát triển mới, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước. Rất đáng tham khảo kinh nghiệm của Myanmar cho cuộc cải cách chính trị này ở nước ta – đặc biệt là những kinh nghiệm về phát huy chất xám của trí thức, kinh nghiệm thiết kế trình tự và tiến độ rất hợp lý các bước đi, sự lồng ghép các bước đi… trong quá trình thực hiện dân chủ, để vừa giữ được ổn định, vừa từng bước tháo gỡ khó khăn và phát triển kinh tế, tiến hành được cải cách hệ thống nhà nước pháp quyền, đồng thời nâng cao vị thế quốc tế để gìn giữ an ninh quốc gia.
Trong cải cách, cũng như trong khắc phục những sai lầm trên mọi phương diện kinh tế và chính trị, cần chú trọng quan tâm đến khắc phuc những lỗi hệ thống và những yếu kém vỹ mô là chủ yếu; cố gắng thực hiện tối đa nguyên tắc khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, không hồi tố; đồng thời nỗ lực hết mức thực hiện hòa giải, cố tránh hết sức có thể việc hình sự hóa các vấn đề… Tất cả nhằm giảm xuống mức thấp nhất mọi tổn thất và đổ vỡ mới, phòng ngừa phát sinh những rạn nứt mới có thể xảy ra trong quá trình cải cách, đồng thời nhờ đó có thể tạo ra sự tin cậy nhau và đồng tâm hiệp lực hướng về phía trước, phát huy tối đa mọi khả năng và nguồn lực cho việc mau chóng chuyển đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới.
Hòa giải, khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, không hồi tố, tránh hết mức có thể việc hình sự hóa – đấy là cách mở lối thoát cho những vấn đề bế tắc hay có thể gây xung đột lớn trong quá trình cải cách, để vĩnh viễn khép lại quá khứ, để giảm xuống mức thấp nhất mọi tổn thất, để bảo tồn và chắt chiu mọi nguồn lực cho nhiệm vụ mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Riêng những vấn đề liên quan đến ruộng đất, cần được giải quyết trên cơ sở ưu tiên lợi ích của nông dân.  
Toàn bộ bộ máy nhà nước và các lực lượng vũ trang cần được giữ nguyên trong quá trình cải cách để bảo đảm sự vận hành liên tục và thông suốt mọi hoạt động của quốc gia, điều duy nhất phải thay đổi là toàn bộ bộ máy nhà nước và các lực lượng vũ trang từ nay chịu sự điều hành của Hiến pháp và các cơ quan hiến định. 
Xây phải được đặt ở vị trí quan trọng hơn chống như trình bầy trên trong cải cách chính trị chính là với ý nghĩa: thỏa hiệp chấp nhận sự (đã) trả giá cho thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản hoang dã vừa qua, để từ đây chấm dứt thời kỳ này, để hòa bình và sớm chuyển nhanh một cách hài hòa sang thể chế mới, thời kỳ phát triển mới[2] .
Xin lưu ý: Chính quyền của tổng thống Myanmar Thein Sein trong vòng 20 tháng đã hoàn thành được cả 3 việc khó tương tự như ở nước ta là: (1)cải cách chính trị, (2)ổn định và phát triển kinh tế, (3)nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia. Đáng chú ý là việc chuyển đổi chính quyền quân phiệt độc tài Myanmar sang thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ, không tốn một phát súng, không mất một nhân mạng. Nguyên nhân thành công chủ yếu là những người nắm quyền lực cao nhất của đất nước này đã thấy được sự cần thiết và đồng lòng nhất trí tiến hành cuộc cải cách có ý nghĩa sống còn này, huy động được chất xám trong lòng dân tộc theo tinh thần hòa giải cho sự thành công của cải cách. Đấy chính là một cuộc cải cách chính trị tử trên xuống và thành công ngoạn mục, mặc dù đấy mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường vạn dặm để tiến tới một Myanmar phát triển.
Nhân đây xin cảnh báo: “Đục nước béo cò”, “cướp cờ”, “nguy cơ xuất hiện Lê Chiêu Thống đời mới” (ví dụ nhân danh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN…) luôn luôn là những thủ đoạn các con buôn cơ hội đủ mọi chủng loại, dù là trong nước hay nước ngoài, thường xử dụng để kiếm lợi trên tổn thất và xương máu của đất nước ta vào lúc đất nước ta thực hiện bước ngoặt đi vào cải cách. Mong trí tuệ cả nước đừng bao giờ mất cảnh giác!
Tôi xin nhấn mạnh, việc sửa đổi/soạn thảo Hiến pháp mới nhất thiết phải được coi là bước mở đầu và là nền tảng cho toàn bộ quá trình tiến hành cải cách chính trị và cải cách ĐCSVN. Không cải cách chế độ chính trị và hệ thống nhà nước hiện hành, không cải cách và tổ chức lại ĐCSVN, Hiến pháp được sửa đổi hay Hiến pháp mới dù được viết hay như thế nào cũng sẽ là vô nghĩa, thậm chí sẽ chỉ càng gây thêm hiểm họa mới cho đất nước.
Kính thưa Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ,
Khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ và vượt lên nỗi sợ, quyết tâm dựa hẳn vào dân, lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay ngồi lại với nhau thì hoàn toàn có thể cùng nhau hội đủ mọi điều kiện trong tay thực hiện thắng lợi một cuộc cải cách chính trị từ trên xuống để đổi đời đất nước và đổi đời chính ĐCSVN trong hòa bình, mở đầu bằng xây dựng một Hiến pháp mới. Chắc chắn cả nước sẽ một lòng sắt đá với tinh thần Diên Hồng đứng đằng sau một quyết định hòa bình đổi đời như thế của lãnh đạo Đảng và Nhà nước! Như thế có gì mà sợ? Chỉ ở Việt Nam mới có tình huống này. Diễn tiến của lịch sử Việt Nam khách quan tạo ra như vậy. Càng để muộn, cơ hội này có nguy cơ lại vuột đi, như ba lần cơ hội lớn đã vuột đi trong gần bốn thập kỷ vừa qua[3].
Xin cứ ngẫm mà xem, trên cả thế giới này, chỉ một mình Việt Nam mới có những điều kiện đặc thù lịch sử dành cho ĐCSVN khả năng thực hiện một kịch bản hòa bình đổi đời như thế, nhất thiết lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay phải có tâm và đủ bản lĩnh nắm lấy! Đó cũng là kịch bản tối ưu duy nhất, đáng mong muốn nhất cho đất nước và kế thừa được truyền thống vinh quang trước đây của ĐCSVN, là trách nhiệm không thể thoái thác của ĐCSVN trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Ở các nước khác mà như ta hiện nay sẽ khó có chuyện này, chí ít thì cũng đã phải xảy ra vài ba cuộc “mùa xuân Ả Rập” rồi!.. Tuy nhiên cũng phải nhắc nhở: Sự chịu đựng của nhân dân ta đang ở mức báo động đỏ.
Nếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay bạc nhược bỏ lỡ kịch bản hòa bình đổi đời này, một kịch bản sụp đổ như ở Liên Xô vào lúc nào đó, sớm muộn sẽ xảy ra ở nước ta, do chế độ chính trị đang ngày càng mục nát bên trong và không đương đầu nổi những thách thức quyết liệt từ bên ngoài. Khác chăng so với Liên Xô hồi ấy là: Ở Việt Nam sẽ rất hỗn loạn và đẫm máu.
Trong cuộc chiến tranh 17-02-1979, Trung Quốc trong cùng một giờ đã cho khoảng nửa triệu quân ào ạt tấn công toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc nước ta; sự việc này cho thấy: Một khi xảy ra sụp đổ chế độ chính trị như thế ở Việt Nam, không loại trừ xuất hiện tình huống vì bất kể lý do gì, quân đội Trung Quốc lúc nào đó sẽ can thiệp… Đất nước ta sẽ đi về đâu?.. Thế rồi sẽ làm sao tránh khỏi nguy cơ vấn đề Biển Đông là chuyện đã rồi như Hoàng Sa?!.. Vân vân và vân vân…
Sự nghiệp đất nước độc lập thống nhất phải hy sinh chiến đấu nhiều thế hệ mới giành được làm sao có thể bảo toàn nếu cứ kéo dài mãi tình trạng đất nước èo uột, lệ thuộc như hiện nay?! Lấy gì giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong tình hình mới? Giữ đại cục mà nhiều yếu kém thế này liệu đất nước có được yên? Giữ đại cục đến mức nào thì là sự đầu hàng trá hình?..
Câu chuyện ngày càng rõ: Ngày nay giữ nước phải có toàn dân tộc và cả thế giới, chứ không phải là giữ Đảng như đang là đảng hiện nay! Ngày nay giữ nước, đất nước càng phải mau chóng trở thành một quốc gia phát triển!
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần nghiêm túc nghĩ lại tất cả! Dứt khoát cần thông qua cải cách chính trị xốc toàn dân tộc đứng dậy phát triển đất nước bền vững, xây dựng Việt Nam là một thành trì bất khả xâm phạm, cùng với cả thế giới gìn giữ hòa bình.
Bí quyết thành công của Cách mạng Việt Nam là: Tinh thần yêu nước Việt Nam đã từng đủ bản lĩnh giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ làm nên Cách mạng Tháng Tám và hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới cho sự nghiệp vẻ vang này, và đồng thời đã xác lập được cho quốc gia vị trí quan trọng trên trường quốc tế.
Trước những thách thức mới quyết liệt từ bên ngoài, trước những đòi hỏi phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, hơn bao giờ hết Việt Nam cần tiếp tục giương cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ với trí tuệ mới,  để xây dựng được đất nước độc lập – tự do – hạnh phúc, để có thể dấn thân cùng đi với cả thế giới. Tinh thần này cần trở thành linh hồn cho một Hiến pháp mới của đất nước bây giờ và mãi mãi về sau.
Bốn cuộc chiến tranh trong vòng một đời người, và biết bao nhiêu thương đau đến hôm nay đất nước vẫn đang còn phải chịu đựng, như thế là quá nhiều rồi! Mà đến hôm nay đất nước vẫn chưa ra khỏi cái nghèo và lạc hậu, có nhiều mặt tiếp tục lạc lõng! Tôi không thể chấp nhận nhân dân ta, đất nước ta lúc nào đó lại một lần nữa sẽ phải trầm luân trong một cuộc bể dâu mới đẫm máu.
Vì vậy tôi cho rằng phải thông qua hòa giải dân tộc để thực hiện cải cách toàn diện, nhờ đó thực hiện sự nghiệp canh tân đổi đời đất nước đến nay vẫn bị bỏ lỡ. Tiến bộ của văn minh nhân loại, của khoa học kỹ thuật và công nghệ, toàn cầu hóa ở nấc thang hiện tại.., tất cả vừa tạo cơ hội, vừa thách thức nước ta phải lựa chọn con đường của phát triển, bắt đầu từ thực hiện tự do, dân chủ.
Đúng ra phải nói thật với nhau cải cách chính trị đã để muộn mất 37 năm rồi – ngay sau khi đất nước độc lập thống nhất, chí ít là muộn 23 năm nay rồi – ngay sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trên hai chân của mình! Không thể để muộn hơn nữa!
Chính sự chậm trễ này là nguyên nhân gốc làm cho đất nước độc lập mà nhân dân vẫn chưa có tự do, lối ra cho cuộc khủng hoảng đất nước đang lâm vào chưa rõ, mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 trở thành ảo tưởng.
Chính sự chậm trễ này khiến cho đất nước đang lâm vào tình trạng bị động chiến lược đầy nguy hiểm: Chưa có một tầm nhìn, một lời giải nào thuyết phục cho những thách thức kinh tế và chính trị, đối nội và đối ngoại đất nước đang phải đối mặt trong bối cảnh siêu cường đang lên Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới mà Việt Nam ở vào vị trí địa lý tự nhiên, vị trí địa kinh tế và địa chính trị cực kỳ nhậy cảm.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước bây giờ đòi hỏi hơn bao giờ hết phải có toàn dân tộc và cả thế giới, sự chậm trễ này chưa giúp chúng ta trả lời làm như thế nào?!
Vì những lẽ trên, cải cách hệ thống chính trị của đất nước trở thành chuyện sống còn. Đòi hỏi xây dựng Hiến pháp mới đang cho đất nước một cơ hội.
Không có một thế lực nào bên trong hoặc bên ngoài có thể cấm nước ta đi vào một cuộc cải cách chính trị triệt để và toàn diện như thế, chỉ có sự tha hóa của hệ thống chính trị và tình trạng kìm hãm không dám thức tỉnh sự giác ngộ của nhân dân đang cản trở đất nước tiến hành nhiệm vụ này. Tự nhận về mình vai trò lãnh đạo, tại sao ĐCSVN không dám đứng lên tiền phong chiến đấu khắc phục hai trở lực này?
Tuy nhiên, mười bạn của tôi hôm nay, thì có đến chín người nói đòi hỏi ở ĐCSVN hiện nay, đòi hỏi chế độ chính trị này tự mình đổi đời bây giờ là điều không thể. Không ít bạn bè chí cốt và người thân trong nhà mắng tôi tư duy cải cách như thế là kẻ ngu trung, quở trách tôi sao không để cho ngôi nhà đã mục nát sụp đổ quách đi cho nhanh, kéo dài sự đau khổ của đất nước làm gì!?..  Vậy chỉ còn cách những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay hạ quyết tâm vượt qua điều không thể này.
Tôi nghĩ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang đứng trước cơ hội và có trách nhiệm ràng buộc khởi xướng cuộc cải cách chính trị hòa bình đổi đời đất nước và đổi đời chính bản thân ĐCSVN, bắt đầu từ xây dựng một Hiến pháp mới. Hoặc là để vuột mất cơ hội này và mắc tội đối với đất nước? Tôi không thay đổi được suy nghĩ của mình.
Kính thư,
Nguyễn Trung, 10 (60A) ngõ 45 A phố Võng Thị, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội, Đt. 04 38363036

[1] Xin gọi tắt là Kiến nghị 72, ngày 04-02-2013 đã được trao chính thức cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
[2] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, tiểu thuyết “
http://viet-studies.info/kinhte/kinhte.htm
[3] (1)Cơ hội thực hiện hòa giải và thống nhất dân tộc ngay sau 30-04-1975; (2)Cơ hội độc lập đi với cả thế giới sau khi LXĐÂ sụp đổ; (3)Cơ hội đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN và gia nhập WTO.
—–
Bổ sung, hồi 8h, ngày 20/2/2013, TS Tô Văn Trường gửi tới lời bình: “Theo tôi biết, ngay từ khi còn đương chức, ông Nguyên Trung chính là người chấp bút cho bức thư “tối mật” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị năm 1995 và cả 2 người đồng chí hướng đó đã chịu nhiều phiền toái vì tội “cầm đèn chạy trước ô tô”. Sau đó thời gian, ông Nguyễn Trung tự mình viết đơn gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin nghỉ chức trợ lý và ngay hôm sau chưa cần Thủ tướng trả lời,  ông chủ động khăn gói rời trụ sở thể hiện cái dũng, cái trí của kỹ sĩ để tránh giảm bớt các áp lực đè nặng lên vai người thủ trưởng, người Anh của mình.
Ngày nay, ở  tuổi 78 nhưng vẫn còn khỏe và cực kỳ minh mẫn, ông Nguyễn Trung tiếp tục thể hiện trí tuệ, tâm huyết của mình đối với sự phát triển của đất nước. Thư ngỏ của ông chắc chắn sẽ nhận được nhiều phản hồi tùy theo nhận thức góc nhìn của mỗi người nhưng có điểm chung là đất nước đang trong thời mạt vận, dân không còn lòng tin vào lãnh đạo mà đã mất lòng tin là mất tất cả! 
.
“To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại) câu nói của nhân vật Hamlet đã được ông Nguyễn Trung giải trình cho chế độ toàn trị. Việc còn lại, nếu họ không biết vượt qua chính mình, thì cái gì đến sẽ đến! Cái giá đắt phải trả không chỉ của người người trong cuộc mà là cả dân tộc và đất nước hình chữ S mảnh mai thương yêu của chúng ta. “

1625. Đảng Xanh không tham chính

Đôi lời: Tiếp nối bài “Marx đã đúng: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết!”, dưới đây là bài thứ 2 liên quan tới chủ đích thử đặt mình vào địa vị “người nhà nước” để biện hộ cho những chủ trương, đường lối của ĐCS và nhà nước VN từ nhiều năm qua. *

Đảng Xanh không tham chính

BS
1. Khơi mào
Có hai cây viết quen thuộc trên trang này, thấy BS hay quan tâm chuyện môi trường, và hình như họ cũng muốn nhắn nhủ một điều gì đó, đã nửa đùa nửa thật: “Lập cái đảng Xanh đi!” **
Lại thấy thương cho tình cảnh cả hệ thống đảng, chính quyền, đoàn thể cứ ngày càng khốn khổ trong công cuộc cố níu giữ sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, chống lại đòi hỏi đa nguyên, thậm chí còn nói liều chẳng “biện chứng” tẹo nào, kiểu như “vĩnh viễn không đa đảng”, mà không tìm ra cách gì thuyết phục dân tin theo, hay tìm cho mình lối thoát, có bước chuẩn bị dần một cách khéo léo cho những biến động mới rất có thể xảy ra.

Một câu chuyện khác, là khi nói về độc giả của trang Ba Sàm, một vị giáo sư có tiếng đã thắc mắc: BS khoe hàm lượng tri thức trong số độc giả của mình vào loại cao mà sao phản hồi của họ chủ yếu chỉ thấy toàn những câu chữ bực bội, có khi thì xỉ vả nặng lời, số trao đổi, tranh luận sâu sắc còn ít quá.
Quả tình, nhìn ở một khía cạnh nào đó dễ có cảm giác độc giả ở đây hình như hơi bị “độc tài”, nghĩa là đại đa số cùng chung một quan điểm chính trị trái với giới cầm quyền CSVN, nên họ chủ quan, khinh thường “đối thủ”, ít khi chịu kiên nhẫn giảng giải cặn kẽ cho những kẻ còn u mê, cho chính những người trong chính quyền còn thiếu thông tin và quen ra lệnh, … mà thường là mắng té tát cho bõ tức.
Từ mấy điều kể trên, cùng với những lý do khác từng được nêu, đã khởi đầu cho bài viết thứ nhất, mà tựa đề lại là nhìn nhận của Marx về tương lai CNTB.
Thế rồi, nhiều độc giả của BS đã như bị “mắc bẫy” qua cái tựa đề đó, cho hắn không ít “cà chua trứng thối”. Tội cho BS, hắn đâu có bênh Marx với thứ “tiên tri” kiểu may rủi của ông ta.
2. Tranh luận
Trong ngót 145 phản hồi, chỉ vài độc giả chia sẻ với BS mối quan tâm tới môi trường – là toàn bộ nội dung của bài viết thứ nhất. Thậm chí, có người còn nhớ tới lời tâm sự của hắn từ lâu về “đảng Xanh.
Nhiều độc giả sa vào tranh luận về bản chất Chủ nghĩa Marx, CNTB, nhưng không có gì liên quan tới vấn đề chính của bài – môi trường.
Có người đã lầm, cho là BS coi CNTB là một học thuyết. Hắn chẳng bao giờ nghĩ vậy, và nhất là nội dung bài viết lại càng như vậy. CNTB chỉ là một hình thái kinh tế – xã hội mà thôi. Khái niệm “chủ nghĩa” được gán cho nó chẳng qua cũng chỉ là ngôn từ thông dụng của toàn thế giới hàng trăm năm nay.
Có phản hồi cũng tìm cách biện hộ cho CNTB biết bảo vệ môi trường, nhưng tiếc là chỉ có thể đưa ra những ví dụ nhỏ nhặt. Kể cả có độc giả công phu trích dẫn nhiều bài viết cho thấy những cố gắng thay đổi, với hy vọng cứu chữa được “căn bệnh nan y” của CNTB. Trong khi đó, lập luận của BS là đi vào những khía cạnh nền tảng, gốc rễ là căn nguyên dẫn tới những thảm họa môi trường mà CNTB không thể cưỡng lại được. Cũng như có độc giả cho rằng CNTB luôn biết tự thay đổi để thích nghi. Đúng vậy! Nhưng nó mới chỉ chứng tỏ điều này khi phải đối đầu với khủng hoảng kinh tế, với CNCS, chứ với chính mình một khi đã trở nên “vô địch”, với tài nguyên – môi trường mà nhờ đó nó mới tồn tại, phát triển rực rỡ, thì … vô vọng.
Khá nhiều độc giả hình như chỉ đọc cái tựa, hoặc đi xa hơn chút, thấy những ý chê Mỹ, chê phương Tây, thế là … nổi xung. Họ đã “mắc bẫy”, đúng hơn là bị đi lạc đề.
Có thể nhiều độc giả thừa khả năng tranh luận, cùng giúp nhau nâng cao dân trí, không chỉ với đề tài này, nhưng đã không viết ra. Họ vào đây chỉ đọc, lấy thông tin và kiến thức. Nhiều lý do dễ hiểu, nhưng có một lý do BS muốn trao đổi với vị giáo sư đã có nhận xét trên và nhiều trí thức thời nay. Các vị dễ mắc căn bệnh tạm gọi là “chỉ thích nhìn lên, ít chịu nhìn xuống”. Nghĩa là muốn tiếng nói, kiến thức của mình phải có trọng lượng, tác động ngay vào giới cầm quyền, phải có danh có giá “chính thống”, còn thì ít có ý thức là mình nên đem nó ra phục vụ nhân dân là chính, có thể chỉ là âm thầm thôi, vừa giúp dân hiểu biết thêm, lại động viên khích lệ họ nuôi dưỡng niềm tin mà sống, tranh đấu cho tương lai tốt đẹp hơn. Thế là khi đám quan lại ở trên nó không nghe lời các vị, các vị chán, ngồi một chỗ ta thán, làm cho dân nản theo. Những kẻ chỉ muốn ngu dân thì rất mừng. Cái “mừng” này được chứng minh ngay mỗi khi có các kiến nghị, thư ngỏ mà giới trí thức khởi xướng, cứ thấy xuất hiện những giọng điệu hiểm độc chỉ trích, bàn ngang làm thối chí các vị trí thức. Đừng để tâm tới đám rác rưởi đó. Hãy tin rằng dân đang trông chờ quý vị rất nhiều. Ngoài ra, nhiều vị có thể còn e ngại phải cọ sát với kiến thức, tư tưởng mới của dân mà mình không dễ bắt kịp, thế là sợ thua kém, rồi tránh né. Cái sĩ diện nó lớn quá! Mạnh dạn xông pha tham gia phản hồi như các Nhà giáo Hà Văn Thịnh, Phạm Toàn, KTS Trần Thanh Vân, GS Huệ Chi, … là rất ít.
Còn nhiều điều nữa có thể trao đổi, trong đó một ý nghĩa đáng kể là qua bài thứ nhất, độc giả của BS đã bắt đầu thử bước vào một “mặt trận” mới, còn các “cây viết chính luận”, “dư luận viên” của ban tuyên giáo cũng biết nhìn vào đây mà tìm ra lối đi văn minh cho mình.
3. Đảng Xanh không tham chính cho Việt Nam
Một nỗi đau đớn, cảm giác bất lực không gì so sánh được của những người CSVN trong nhiều năm nay là biết mình như lỡ chui vào trong một “Tổ Nhện độc khổng lồ”, nhưng không biết làm sao thoát ra được. Mạng nhện gắn kết họ, nọc độc vừa ru ngủ vừa hủy hoại, còn nanh vuốt nhện vừa kiếm mồi vỗ béo vừa túm chặt. Còn những ai không bị lỡ chui vào nó thì lại ít hiểu cho tình cảnh của họ, chỉ biết đứng ngoài la lối, xỉ vả.
Không thoát ra được, người ta đành sống chung với nó, cố kiết bảo vệ và diệt trừ bất cứ kẻ thù nào của “Nhện độc”.
Thế là đất nước này luôn ở vào tình cảnh bế tắc mãi: không có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh. Nói rộng ra là “xã hội dân sự” bị bóp nghẹt, mọi sinh hoạt chính trị, dân chủ tối thiểu (như biểu tình, đình công, hội họp, lập hội, trưng cầu dân ý, …) đều không có. Vậy nên, dẫu có giải tán được ngay ĐCSVN, thì nền chính trị cũng sẽ dễ rơi vào “khoảng trống quyền lực”, sẽ loạn, khi chưa có được một chính đảng nào đủ uy tín, sức mạnh để lãnh đạo dân chúng.
Kể cả việc cho phép đa đảng ngay cũng dễ bị những cản trở khác, ví như từ trong lòng đảng cầm quyền, khi những con người mụ mị “kiên định lập trường” còn chưa được làm quen một thế chế chính trị đa đảng, chưa được hình dung nó cần thiết tới đâu, và không đáng sợ như họ vẫn tưởng.
Việc phục hồi hai đảng bù nhìn đã bị giải tán là Dân chủ và Xã hội cũng không phải dễ đối với người CSVN hiện nay. Ít nhất, họ không chịu thừa nhận là đã mắc sai lầm trong quá khứ. Ngoài ra, những thành viên cũ của hai đảng này giờ đã “đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lê Nin” rồi, nếu khôi phục bằng những thành phần mới thì lại là điều ĐCSVN rất lo ngại.
Vậy phải tập dượt!
Cuộc “tập dượt” đó chính là việc cho phép một chính đảng khác được thành lập, song để làm quen dần, yên lòng những kẻ đa nghi không ngừng sợ hãi bị mất quyền lực, bị lật đổ, hãy ràng buộc chính đảng đó bằng một quy định nghe có vẻ vô lý: không được tham chính.
Mà chính đảng được lựa chọn đó, không gì hơn, chính là “Đảng Xanh”. Đó là một đảng đặt lên hàng đầu vấn đề bức thiết nhất của toàn nhân loại – bảo vệ môi trường, đồng thời cũng mang hình ảnh như bức thông điệp gửi tới đảng CSVN “đối lập”: chúng tôi không tranh giành quyền bính, không bạo lực cách mạng.
Không đâu như ở Việt Nam, nơi mà với đường lối phát triển kinh tế xã hội quá khập khiễng, lại nóng vội, đã dẫn tới hủy hoại môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên với tốc độ khủng khiếp nhất. Chỉ có một tổ chức có mô hình, chính cương, điều lệ hoạt động chặt chẽ, đủ sức thu hút sự chú ý của dư luận toàn xã hội, kể cả quốc tế, mới có được vai trò đáng kể kìm hãm tốc độ hủy diệt đó.
Tuyên ngôn sáng lập của đảng Xanh sẽ có câu: một khi Hiến pháp chưa cho phép đa đảng, thì Đảng Xanh sẽ không tham chính, không tranh giành quyền lãnh đạo đất nước với ĐCSVN. Có thể, khi thuận lợi, đảng này chỉ tham gia cơ quan dân cử và chính quyền ở cấp cơ sở. ***
BS

Marx đã đúng: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết!

Có điều, cái “đúng” của ông chỉ là may rủi.
BS
Trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi hệ thống XHCN sụp đổ hàng loạt ở Liên Xô và các nước Đông Âu, những lý luận gia ủng hộ nhiệt thành cho chủ thuyết cộng sản của Marx đã dần dần phải hạ giọng, chỉ còn luẩn quẩn với vài ba lời tự an ủi, rằng thoái trào chỉ có tính tạm thời. Họ lại càng lúng túng hơn khi các quốc gia cộng sản còn lại như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường TBCN, kể cả Cuba quá quẫn bách đã phải thử nghiệm theo với vài bước dò dẫm ban đầu.

Thực ra, nhìn vẻ bên ngoài CNTB hiện đang thắng thế trên toàn cầu, nhưng trong bản chất sâu xa, nó không những đang giãy chết, mà còn kéo theo cả nhân loại lao nhanh vào con đường tuyệt diệt, hay nói đúng hơn là tự sát.
*
Từ buổi ban đầu cách đây cả nửa Thiên niên kỷ cho tới nay, CNTB luôn chứng tỏ sức mạnh vượt trội bằng giải phóng trí tuệ và sức lao động con người, khuyến khích quyền tự do cá nhân, phát triển khoa học công nghệ, mở rộng giao thương, xây dựng những mô hình nhà nước pháp quyền văn minh dân chủ. Từng con người được khích lệ ghanh đua tài năng, không ngừng chạy theo nhu cầu tiện nghi cao độ. Các nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh thi đua, cạnh tranh khốc liệt để đáp ứng đòi hỏi tăng cao không ngừng của khách hàng. Các chính quyền dân cử đặt lên hàng đầu vấn đề tăng trưởng, nâng cao đời sống, phúc lợi xã hội trong khi gắng che đậy những mặt trái của cuộc chạy đua phát triển này. Giữa các quốc gia cũng là cạnh tranh, chiến tranh, giành giật ảnh hưởng dựa chủ yếu trên nền tảng phát triển kinh tế TBCN. 
Tất cả những hiện thực trên đã làm cho loài người lao vào một cuộc tự hủy hoại nhanh chóng, bằng tàn phá môi trường, cạn kiệt tài nguyên, gây mất cân bằng nghiêm trọng sinh, lý, hóa học, nhân chủng học, … Một trái đất từ chỗ đa dạng sinh học, tài nguyên, chủng tộc trong hàng vạn, triệu năm, nhưng chỉ trong có mấy trăm năm nó đã ngày càng trở nên đơn nhất. Các dân tộc nhỏ bé biến mất dần hoặc bị đồng hóa, các giống loài động, thực vật tuyệt chủng không cách gì kìm hãm nổi; trong khi đó thì dân số tăng ngày càng nhanh, không thể kiểm soát. Trái đất đã trở nên hết sức chịu đựng!  
Nguy hiểm hơn, khi hầu hết các nước nghèo nay cũng vào cuộc ghanh đua. Rồi hệ thống các nước XHCN ra đời, cố giành ưu thế vượt trội hơn mô hình TBCN. Từng bị nước giàu mạnh cướp phá nhân lực, vật lực, nay lạc hậu về công nghệ và quản lý, mô hình tổ chức nhà nước bất hợp lý, dân trí còn rất thấp, nhưng lại phải chạy theo những mô hình cóp nhặt từ các nước TBCN phát triển, trong khi hoàn toàn thiếu những yếu tố nền tảng cần thiết, các quốc gia đi sau này đã phải trả giá nhiều hơn gấp bội, trong đó nghiêm trọng nhất là môi trường và tài nguyên. Các chính phủ ở đó làm như không hiểu một điều đơn giản rằng, để có như ngày hôm nay, các nước TBCN phát triển đã qua hàng trăm năm tích lũy bằng vơ vét tài nguyên, sức lao động của họ – các nước nghèo; khởi đầu là cuộc cướp bóc vĩ đại châu Mỹ 500 năm trước, là tàn sát thổ dân, chiếm hữu nô lệ Phi châu. Còn nay, các nước kém phát triển chỉ có thể “cướp phá” từ chính người dân nghèo khó tăm tối và đất nước đã cạn kiệt của mình, trong lúc bất lực chịu cho hậu duệ của kẻ cướp ngày xưa, khôn ngoan hơn mình gấp bội, tiếp tục tước đoạt theo đủ các phương cách tinh vi.
Gần đây hơn, có thêm chủ nghĩa khủng bố, ít nhiều trong hoàn cảnh như chủ nghĩa cộng sản, đều “đẻ” ra từ đói nghèo mà các nước lớn giàu có và ích kỷ đưa lại. Những trợ giúp từ nước giàu đối với các nước nghèo chẳng là bao so với sự cướp bóc vô độ của cha ông họ để kiến tạo nên CNTB hùng mạnh. Để chiến thắng tuyệt đối những kẻ thù hèn yếu này, CNTB càng dấn sâu hơn vào cuộc chạy đua phát triển khoa học công nghệ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm cạn kiệt tài nguyên tích tụ từ hàng triệu  triệu năm, và truyền bá lối sống phương Tây, đặc biệt là văn hóa Mỹ, áp đảo các nền văn hóa khác. Những con người “Tây hóa” không ngớt đòi hỏi quyền tự do cá nhân, cuộc sống tiện nghi, ngốn ngấu đến cả những sinh vật hoang dã còn sót lại, gây sức ép buộc chính phủ nước mình muốn đứng vững phải có đường lối phát triển đất nước bằng mọi giá; nền tảng văn hóa, xã hội được xây dựng, tồn tại từ ngàn đời bị biến dạng theo mà mọi cố gắng níu giữ ngày càng trở nên vô vọng.
Ngay tại Mỹ, kẻ đầu têu cho cuộc chạy đua “hưởng lạc”, lực lượng có thể tạo nên đối trọng, ví như các đảng cánh tả, Xã hội từ lâu không còn chỗ đứng. Quyền lực dân chúng ngày càng lớn, chính phủ yếu đi, tồn tại bằng những lá phiếu và cổ phiếu của những cá thể nghiện cuộc sống tiện nghi, hưởng thụ, trong khi tự xoa dịu lương tâm bằng vài cử chỉ gia ơn cho những kẻ nghèo khốn. Hai đảng thay nhau cầm quyền thực ra chỉ như một. Bên cạnh đó, quyền lực của giới tư bản lại ngày càng lớn hơn nữa, quyết định mọi chính sách phát triển, vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả môi trường, văn hóa, lối sống xã hội về lâu dài. Không như mâu thuẫn giữa người với người trong đấu tranh giai cấp, cơ sở cho đối kháng cộng sản – tư bản, mâu thuẫn đang bàn tới ở đây là giữa con người với môi trường sống, “kẻ” không có chính đảng nào đủ mạnh để bảo vệ. 
Những nỗ lực cải thiện môi trường, cải tiến công nghệ xanh sạch, thậm chí mơ tới hành tinh khác, v.v.. chỉ như muối bỏ bể, luẩn quẩn, hoặc mang tính mị dân, tự dối mình. Các nước nghèo lép vế trước những nước giàu, không bao giờ ngóc đầu lên nổi, người dân bị giới chính trị, giới con buôn đạo đức giả lừa phỉnh; vài mô hình “rồng”, “cọp” nhất thời chỉ nuôi thêm ảo tưởng.
Tất cả các quốc gia không ai bảo được ai, tập hợp trong một tổ chức lỏng lẻo có tên là Liên hiệp quốc, khoanh tay trước hai gã khổng lồ đi đầu tận diệt tài nguyên, môi trường là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
*
Bây nhiêu đó có lẽ cũng đủ để thấy CNTB “đang giãy chết” thực sự, nhưng không phải theo lối mà Marx đã “tiên đoán”. Thứ “hủy hoại mang tính sáng tạo” của CNTB, mà người ta từng ca ngợi, ngày nay không còn đáng kể nữa, mà là những “sáng tạo mang tính hủy diệt”. Nó là kẻ đầu têu và dẫn dắt toàn nhân loại vào một lối sống nguy hiểm, chỉ biết có hôm nay, mà hy sinh thế hệ con cháu và sự sống dài lâu của muôn loài trên trái đất, không có cách gì ngăn cản nổi. 
Nếu vậy thì liệu có lối thoát nào không? Xin được bàn tới trong một bài viết khác.
BS

Việt Nam 1945-1995 – Chương 7: Sự Sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa

PHẦN BA: Nội chiến hay Chiến tranh Ủy nhiệm?

Chương 7: Sự Sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa

GS Lê Xuân Khoa
Năm 1975 là kết quả của một cuộc tranh chấp hai mươi năm mà phe quốc gia gọi là cuộc chiến đấu chống chế độ cộng sản của dân tộc Việt Nam, còn phe cộng sản thì gọi là chiến tranh chống Mỹ-Ngụy để cứu nước. Thực tế thì đây là một cuộc nội chiến giữa hai phe người Việt Nam theo đuổi những lý tưởng khác nhau, đồng thời cũng là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa hai khối quốc tế tư bản và cộng sản, với sự tham gia trực tiếp của Hoa Kỳ.
Bởi vậy, tìm hiểu nguyên nhân của tị nạn 1975 cũng là tìm hiểu những nguyên nhân đưa đến chiến tranh và sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà. Trước hết cần minh xác rằng Pháp chỉ thực sự trả lại độc lập hoàn toàn cho Việt Nam (dù đây chỉ là phân nửa phía Nam) sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm đã loại trừ các lực lượng nổi loạn thân Pháp năm 1955 và đòi quân đội viễn chỉnh Pháp phải rút hết về nước vào đầu năm 1966. VNCH được thành lập vào tháng Mười 1955 và trở thành một thực thể chính trị có chủ quyền trên toàn lãnh thổ thuộc phía Nam vĩ tuyến 17. Cuộc chiến tranh “quốc- cộng” lập tức được chuẩn bị theo chiều hướng là miền Bắc cương quyết thống nhất đất nước dưới quyền kiểm soát của đảng cộng sản, và miền Nam quyết tâm bảo vệ lãnh thổ chống lại mọi hoạt động xâm nhập của miền Bắc. Trung Quốc và Liên Xô viện trợ VNDCCH, trong khi Hoa Kỳ viện trợ VNCH và trực tiếp tham chiến từ 1965 sau những cuộc khủng hoảng lãnh đạo liên tiếp ở miền Nam.
Cuộc chiến càng ngày càng ác liệt tiếp theo quyết định “Mỹ hóa” chiến tranh, và tình hình càng ngày càng bất lợi cho VNCH. Sau trận Tết Mậu Thân 1968), Hoa Kỳ và Bắc Việt đồng ý thương thuyết hòa bình. Thực tế là một tiến trình “vừa đánh vừa đàm” cho đến 1973 mới đạt được hiệp định Paris với sự ký kết của “hai phe, bốn thành phần một bên là Hoa Kỳ và VNCH, bên kia là VNDCCH và MTGPMN. Chương trình “Việt Nam hoá ” chiến tranh của Nixon bị thất bại do quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam của Quốc hội Mỹ và vụ xì-căn-đan Watergate khiến Nixon phải từ chức. Nhờ tình thế thuận lợi ấy, Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công VNCH và hoàn tất chinh phục miền Nam ngày 30 tháng Tư 1975.
Bài học lịch sử được ghi nhận qua việc ôn lại vai trò và nhất là những sai lầm và cơ hội bỏ lỡ của mỗi phe lâm chiến để có thể kết luận rằng chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến mà mọi phe đều thua”. Điều này cũng đúng cho cả cuộc chiến mười sáu ngày chống Trung Quốc (1979) và cuộc chiến bốn năm chống Khơ-me Đỏ và mười năm trấn giữ Cam-pu-chia (1975-1989). Sau gần ba thập kỷ, mặc dầu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hoá các quan hệ kinh tế và ngoại giao, nhưng bài học về chiến tranh Việt Nam vẫn còn là đề tài tranh luận trong các giới chính trị và quân sự ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và quê hương cũ vẫn còn phức tạp và cuộc tranh luận về bài học lịch sử này vẫn chưa đạt được đồng thuận.
Việc duyệt xét lại những sai lầm quá khứ của mỗi bên không có nghĩa là khơi gợi lại những mối thù hận cũ mà chính là để có thể vượt được những oán thù của quá khứ và hướng về tương lai, cùng nhau rút kỉnh nghiệm và bài học lịch sử để tạo lập những điều kiện bền vững cho một nước Việt Nam dân chủ, hòa bình và thịnh vượng.
Chương 7: Sự Sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa
Hiệp định đình chiến Genève 1954 giúp cho Pháp rứt ra khỏi cuộc chiến chín năm ở Việt Nam nhưng lại chia đất nước làm hai và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác giữa hai miền: miền Bắc với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Liên Xô, miền Nam với sự tham chiến của Hoa Kỳ. Do sự chấm dứt vai trò của Pháp, Quốc Gia Việt Nam mới giành lại được độc lập thực sự dưới một chính thể mới là Việt Nam Cộng Hoà. Mối quan tâm trước mắt của đôi bên là cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước được dự liệu vào tháng Bảy 1956. Về vấn đề này có hai điều đáng lưu ý:
1) Hiệp định Genève thực chất là một thỏa hiệp ngưng bắn giữa Pháp và Việt Minh nên không có những điều khoản về việc tổ chức tổng tuyển cử. Cũng vì đây là thỏa hiệp giữa Pháp và Việt Minh nên mọi việc chính trị và hành chánh ở-miền Nam được coi là trách nhiệm của Pháp. Trong bản hiệp định, tổng tuyển cử chỉ được nhắc đến một lần như một sự kiện bên ngoài: “Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử đem lại sự thống nhất cho Việt Nam, việc điều hành bộ máy hành chánh dân sự ở mỗi miền tập trung là thẩm quyền của bên có lực lượng tập trung ở miền đó như được ấn định bởi Hiệp định này” (điều 14.a). Như vậy, việc Quốc Gia Việt Nam giành được chủ quyền từ tay Pháp là một sự kiện riêng biệt, không bị ràng buộc bởi bản thỏa hiệp giữa Pháp và Việt Minh.
2) Cuộc tổng tuyển cử cũng chỉ được nhắc đến ở điểm số 7 trong bản Tuyên cáo không có chữ ký của những nước tham dự hội nghị Genève. Bản Tuyên cáo cho biết một cách tổng quát là cuộc bầu cử tự do sẽ được kiểm soát bởi Ủy hội Quốc tế, và các nhà cầm quyền ở hai miền sẽ tham khảo với nhau từ ngày 20.7.1955 về việc tổ chức tổng tuyển cử. Cũng như đối với bản hiệp định, Hoa Kỳ chỉ “ghi nhận ” bản tuyên cáo, còn Quốc Gia Việt Nam thì “long trọng phản đối sự tiếm quyền của giới Chỉ huy Cao cấp Pháp, ấn định ngày bầu cử tương lai mà không có sự thỏa thuận trước của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam trong khi đây là một quyết định hiển nhiên có tính cách chính trị.”1
Như vậy, tuy không phủ nhận việc tổ chức tổng tuyển cử, nhưng vì không phải là phe ký hiệp định, cũng không đứng tên trong bản Tuyên cáo chung và phản đối việc Pháp tự ý ấn định ngày bầu cử, Quốc Gia Việt Nam đã dành quyền quyết định về vấn đề thi hành các điều thỏa thuận tại hội nghị Genève. Trong khung cảnh chính trị hậu Genève, chính quyền miền Nam còn quá mới và phải đối phó với nhiều chuyện khó khăn, rõ ràng là ở trong một tình thế bất lợi so với miền Bắc nếu có cuộc tranh cử năm 1956. Vì những lý do đó, một năm sau hội nghị Genève, QGVN chính thức bác bỏ vấn đề tổng tuyển cử. Ngày 19 tháng Bảy 1955, thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư cho thủ tướng Ngô Đình Diệm yêu cầu hai bên gặp nhau để thảo luận vấn đề này. Ngày 9 tháng Tám, Ngô Đình Diệm tuyên bố việc bầu cử không thể thực hiện được “chừng nào mà chế độ cộng sản chưa cho phép người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do dân chủ và những quyền căn bản của con người.”2
Quyết định của QGVN bác bỏ việc tổ chức tổng tuyển cử vào năm 1956 đã là một đề tài tranh cãi về pháp lý. Quan điểm ủng hộ tổng tuyển cử lập luận rằng QGVN, dù không ký tên trên hiệp định và không đứng tên trong bản tuyên cáo chung, vẫn phải tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm của Pháp đối với các điều khoản thỏa thuận tại Genève sau khi được Pháp chính thức trao lại chủ quyền ngày 19.12.1954. Ngoài ra, dù bản Tuyên cáo chỉ là bản thỏa thuận bằng miệng không có ký tên, tuyên cáo đó vẫn có giá trị vì theo công pháp quốc tế, những bản hiệp ước bằng lời cũng có giá trị như hiệp ước bằng chữ viết. Tuy nhiên, QGVN không bị ràng buộc bởi điều kiện này vì Pháp đã công nhận QGVN hoàn toàn độc lập trong hiệp ước Laniel-Bửu Lộc ký tại Paris ngày 4 tháng Sáu 1954, gần hai tháng trước hiệp định Genève. Đó là lý do tại sao ở Genève Pháp chỉ có thể ký kết với Việt Minh thỏa ước ngưng chiến mà thôi. Cũng không thể viện lẽ rằng theo tinh thần hiệp ước 4 tháng Sáu, QGVN phải nhận trách nhiệm thi hành những thỏa ước quốc tế mà Pháp đã ký kết, vì điều này chỉ có thể áp dụng cho những văn kiện đã ký trước ngày đó.
Dù sao, khi không chấp nhận điều khoản tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước thì QGVN đã tự tách mình ra khỏi điều kiện thiết lập hoà bình của hiệp định Genève, và như vậy, VNDCCH cũng có lý do không tôn trọng những điều kiện đó. Hai bên đều có tự do đối phó với nhau trong việc định đoạt tương lai của xứ sở, và thực tế thì chuyện này cũng tùy thuộc ở những thế lực ở đàng sau của mỗi bên.
Đối với Hoa Kỳ, đây là cơ hội thuận tiện để thay thế Pháp, dù bất đắc dĩ, trong vai trò ngăn chặn cộng sản ở Đông Dương qua sự hỗ trợ cho một chính thể dân chủ và tự do ở miền Nam. Nếu miền Bắc xâm nhập miền Nam để tranh đấu bằng chính trị hay quân sự, Hoa Kỳ sẽ coi đó là hành động xâm lược vi phạm nghiêm trọng hiệp định Genève, đe dọa hoà bình và an ninh thế giới mà Hoa Kỳ sẽ phải ứng xử thích hợp. Để phòng ngừa, ngày 8 tháng Chín, Hoa Kỳ thành lập Tổ chức Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á (South­east Asia Treaty Organization – SEATO).3 Ngày 29.9, Bộ trưởng các Quốc gia Liên Kết Guy La Chambre mật ký với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bedell Smith một Nghị-định-thư ghi nhận VNDCCH là “lực lượng cộng sản gây hấn, chống lại những ý niệm và quyền lợi của nhân dân tự do ở các quốc gia liên kết, Pháp và Hoa Kỳ,” và hứa ủng hộ Ngô Đình Diệm “trong việc thành lập và duy trì một chính phủ mạnh, chống cộng và có xu hướng quốc gia.”4
Về phía Trung Quốc, như đã phân tích trong chương Bốn, chính sách đối ngoại của xứ này đã xoay chiều từ “đối đầu” sang “chung sống hoà bình” với các nước tư bản, qua bài diễn văn của Trần Nghị đầu năm 1954 và chính sách “ngoại giao nụ cười” Chu Ân Lai tại Genève. Để có thể yên tâm về một vùng đệm an toàn ở biên giới phía Nam, Trung Quốc đã giúp cho Pháp giải quyết chiến tranh Đông Dương bằng cách ép buộc chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm văn Đồng phải chấp nhận những điều kiện thiệt thòi đốì với phe chiến thắng. Giải pháp chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17 vừa có thể duy trì được hoà bình (dù chỉ là tạm thời) với khối tư bản vừa giúp Trung Quốc củng cố được ảnh hưởng đối với VNDCCH. Do đó, trong những năm đầu sau Genève, Trung Quốc không muốn cho giới lãnh đạo miền Bắc tấn công miền Nam để thống nhất đất nước trong khi vẫn theo dõi rất sát chính sách của Hoa Kỳ ở trong vùng để tùy cơ ứng biến.
Đối với Liên Xô, mối quan tâm chính hồi đó là củng cố và bành trướng thế lực ở Âu châu. Đông Dương không có ưu tiên về an ninh hay quyền lợi của cộng sản quốc tế, trong khi Liên Xô đang cần ngăn chặn những nỗ lực của Hoa Kỳ thành lập Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu (EDC). Thái độ hợp tác thân thiện của Molotov đối với Mendès France ở Genève là bằng chứng Liên Xô muốn mua chuộc cảm tình của Pháp. Ngoài ra, Liên Xô không muốn đòi hỏi tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam vì điều đó có thể tạo thành một tiền lệ cho các nước Âu châu đòi tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Đức mà kết quả chắc chắn sẽ là sự thảm bại của cộng sản Đông Đức. Trước viễn tượng đó, Liên Xô thà từ bỏ ảnh hưởng ở Việt Nam xa xôi còn hơn là mất quyền kiểm soát một nửa nước Đức và ảnh hưởng ở Âu châu. Tháng Giêng 1957, Khruschev còn đề nghị cho cả hai nước Việt Nam được gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Tiên liệu được tình hình chưa thuận lợi đó, VNDGCH đã áp dụng một sách lược uyển chuyển trong công cuộc chinh phục miền Nam, từ chính trị đến vũ trang, từ bí mật đến công khai. Ngay trong tháng Bảy 1954, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 đã họp để chuẩn bị sách lược đấu tranh thống nhất đất nước. Sách lược này, như được Bộ Chính trị xác định và bổ sung trong kỳ họp ngày 5 tháng Chín, chủ yếu là lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh chính trị đòi hiệp thương giữa hai miền Nam- Bắc, thực hiện tổng tuyển cử, đòi các quyền tự do dân chủ, chống bắt bớ những người kháng chiến cũ v.v… Sử liệu miền Bắc tiết lộ việc đảng cộng sản, ngay sau hội nghị Genève, đã để lại nhiều cán bộ, chôn dấu vũ khí và hoạt động bí mật đàng sau các phong trào quần chúng tranh đấu ở miền Nam:
Để lại những đảng viên chưa lộ mặt và những cán bộ có thể giữ bí mật được, làm cho tổ chức hoạt động gọn, nhẹ, bí mật, lực lượng của ta ở miền Nam đã nhanh chóng rút lui vào hoạt động bí mật. Riêng Nam Bộ đã có 6 vạn đảng viên rút vào bí mật, hơn 1 vạn súng và nhiều điện đài được chôn giấu. Tại Liên Khu V, hai vạn rưỡi đảng viên được lệnh rút vào bí mật, các tổ chức Đảng được sắp xếp gọn nhẹ cho phù hợp với tình hình mới. Tại Trị Thiên-Huế, ta cũng cho cất giấu một số lớn vũ khí và bố trí nhiều cán bộ ở lại địa phương. Đến năm 1955, về cơ bản, bộ máy chỉ đạo của Đảng từ xứ ủy, tỉnh ủy đến huyện ủy đã được sắp xếp xong và chuyển hướng hoạt động bí mật. Những cán bộ bị lộ thì được điều sang các địa phương khác hoặc tạm ngừng hoạt động để che dấu lực lượng.5
Từ những cơ sở bí mật, các phong trào đấu tranh chính trị được phát động, đặc biệt là phong trào hòa bình Sài-gòn-Chợ Lớn và phong trào đòi lập lại quan hệ bình thường Nam-Bắc. Từ giữa năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch “tố cộng” mãnh liệt trên toàn miền Nam để loại trừ mọi hoạt động cộng sản hay thân cộng. Miền Bắc ghi nhận con số cán bộ bị bắt giữ hay bị giết rất cao:
Chỉ trong bốn năm (từ 1955-1958), 9/10 cán bộ đảng viên ở miền Nam đã bị tổn thất. Riêng Nam Bộ, chỉ còn khoảng 5,000 so với 60,000 đảng viên trước đó. Ở đồng bằng Liên Khu V, có khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị địch bắt giết hại, 12 huyện không còn cơ sở Đảng. Ở Quảng Trị, chỉ còn 176 trong số 8,400 đảng viên trước đó.6
Đảng Lao Động phản công từ năm 1956 bằng những hành động khủng bố và ám sát các viên chức địa phương phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Một đối tượng đặc biệt để sát hại là các giáo viên chống cộng hay thân chính quyền ở miền quê vì những người này, theo truyền thống văn hoá Á đông, rất có ảnh hưởng đối với phụ huynh và dân chúng. Một Quận trưởng hay Tỉnh trưởng có thể làm cho dân sợ nhưng không được dân kính trọng và nghe lời bằng một thầy giáo của con mình. Nhiều trường học vì thiếu giáo viên đã phải đóng cửa khiến nhiều trẻ em không được đi học. Miền Bắc không công bố kết quả các vụ bắt cóc và ám sát và con số này cũng khó được xác định. Chẳng hạn, riêng trong năm 1959, theo các nguồn tin khác nhau, con số các nạn nhân sai biệt giữa 239 và 5,000 người.7 Tuy nhiên, theo báo cáo của toà Đại sứ Mỹ ở Sài-Gòn thì chỉ trong sáu tháng cuối năm 1960 đã có 700 viên chức VNCH bị ám sát.8
Tháng Giêng 1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết kết hợp đấu tranh chính trị với lực lượng vũ trang, mở đầu công cuộc vận chuyển bộ đội tập kết và vũ khí vào miền Nam qua đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) được thiết lập trên lãnh thổ Lào. Phong trào “Đồng Khởi” được phát động, bắt đầu từ tháng Hai 1959 tại Liên Khu V (miền Trung) ở các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum, và đặc biệt là cuộc nổi dậy ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi (tháng 8, 1959). Tại miền Nam, các hoạt động vũ trang du kích cũng diễn ra ở một số tỉnh đồng bằng sông cửu Long và miền Đông Nam phần, kiểm soát được nhiều quận huyện về ban đêm. Đáng kể nhất là cuộc nổi dậy kéo dài một tuần lễ ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Thạnh Phú. Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại thuộc tỉnh Bến Tre (tháng 1, 1960).
Tháng Ba 1959, chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh. Ngày 6 tháng Năm, Tổng thống Diệm ký đạo luật số 10/59 thiết lập tòa án quân sự đặc biệt xét xử cán bộ cộng sản và bị can không có quyền chống án. Tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền của miền Bắc sách động quần chúng nổi dậy vẫn tiếp tục. Từ 1960, phong trào “Đồng Khởi” có được nhiều điều kiện khách quan hết sức thuận lợi. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã trở thành một chế độ độc tài gia đình trị, gây nhiều bất mãn trong giới chính trị cũng như quân đội mà hậu quả là cuộc đảo chính hụt của nhóm Nguyễn Chánh Thi-Vương Văn Đông ngày 11-11-1960 và những khó khăn về sau càng ngày càng trầm trọng, về mặt quốc tế, VNDCCH vẫn được Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ từ thời chiến tranh chống Pháp, nay vì mối mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc từ 1956 mà cả hai nước đều phải gia tăng chi viện cho Hà Nội để giữ được uy tín và ảnh hưởng với các nước cộng sản khác trên thế giới. Hà Nội rất cần cơ giới nặng của Liên Xô mà Trung Quốc không thể cung cấp được. Mặc dù mối bất hòa giữa hai nước, Trung Quốc vẫn phải để cho Liên Xô mượn đường tiếp tế vũ khí cho VNDCCH.
Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (gọi tắt Là MTGPMN) ra đời trong những điều kiện thuận lợi đó. Ngày 19.12.1960 (kỷ niệm ngày khởi đầu chiến tranh chống Pháp), khoảng 60 người đã hội họp tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh để thành lập MTGPMN. Phần lớn số người này không phải là đảng viên cộng sản nhưng thành phần nòng cốt đều là đảng viên cao cấp trong đó có ba người lãnh đạo ban tổ chức là Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu và Trần Bửu Kiếm. Riêng Nguyễn Văn Hiếu còn là người liên lạc với miền Bắc trong việc soạn thảo bản Tuyên ngôn và Chương trình Hành động của MTGPMN.9 Phiên họp kết thúc ngày 20.12 sau khi MTGPMN bầu ra một ủy Ban Lâm Thời do Nguyễn văn Hiếu làm Tổng thư ký. Ủy Ban này công bố bản Tuyên ngôn “gởi đồng bào trong và ngoài nước” và Chương trình Hành động 10 điểm mà nội dung cơ bản là “đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hoà bình, thống nhất tổ quốc.” Khẩu hiệu mới “trung lập” được sử dụng để ám chỉ tính chất không cộng sản của MTGPMN đi kèm với “hoà bình” để dễ lôi cuốn sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế.
Tháng Giêng 1961, Đảng Lao Động quyết định tăng cường kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở miền Nam bằng việc chuyển thêm quân đội và vũ khí qua đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là bộ đội chủ lực phần lớn là binh sĩ miền Bắc đi kèm với binh sĩ miền Nam tập kết. Cũng như trong cuộc chiến tranh chống Pháp, các lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, nay được thống nhất thành Quân đội Giải Phóng miền Nam Việt Nam (QGPMN). Trong khi đó, tân Tổng Thống Hoa Kỳ John Kennedy cũng thiết lập sách lược chống du kích bằng cách tăng cường khả năng chiến đấu của quân lực VNCH qua việc gia tăng quân số và vũ khí, với sự giúp đỡ kỹ thuật của cố vấn quân sự Mỹ. Sách lược này áp dụng một mô hình đã được chuyên gia Anh quốc Sir Robert Thompson thực hiện thành công trong công cuộc tiễu trừ quân du kích cộng sản ở Mã Lai. Thompson được mời sang làm cố vấn cho chính phủ Ngô Đình Diệm. Giữa năm 1961, kinh tế gia Eugene Staley được phái sang Việt Nam nghiên cứu tình hình và đã đề nghị xây dựng hệ thống “ấp chiến lược” để tách rời dân chúng ở nông thôn ra khỏi sự kiểm soát của cộng sản.
Tháng Mười Một, sau chuyến đi xem xét tình hình ở Đông Dương với tư cách cố vấn quân sự của Kennedy, tướng Maxwell Taylor nhận xét rằng điểm then chốt là phải ngăn chặn đường xâm nhập của cộng sản qua biên giới Lào và cuộc hành quân này cần ít nhất là ba sư đoàn quân chiến đấu Mỹ. Tiếp theo đó, trong một bản phúc trình chung lên Tổng Thống, cả hai Tổng trưởng Quốc phòng McNamara và Ngoại giao Dean Rusk đều nhấn mạnh đến trách nhiệm của Hoa Kỳ bảo vệ VNCH khỏi rơi vào tay cộng sản:
Để đạt mục tiêu này, chính phủ miền Nam Việt Nam phải được đặt vào vị thế có thể tự một mình chiến thắng quân du kích. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng Chính phủ phải thực hiện lấy những biện pháp cần thiết để có thể được sự trợ giúp qui mô của Hoa Kỳ trên các địa hạt quân sự, kinh tế và chính trị. Đồng thời chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Chính phủ Việt Nam rất khó thắng nổi chiến tranh này chừng nào mà những đợt người và vũ khí từ miền Bắc vào Nam vẫn tiếp tục không bị ngăn chặn và quân du kích còn được an toàn ẩn náu trên lãnh thổ của nước láng giềng.
Chúng ta phải chuẩn bị để đưa lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ vào Việt Nam nếu điều đó cần thiết để thành công. Tùy theo hoàn cảnh, có thể quân đội Hoa Kỳ cũng phải đánh vào nguồn xâm lược ở Bắc Việt. 10
Giữa lúc này, một Hội nghị về Lào đang diễn ra tại Genève nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa ba phe tả (Pathet Lao), hữu (tướng Phoumi Nosavan) và trung lập (hoàng thân Souvanna Phouma) với sự tham dự của 14 nước.11 Hội nghị bắt đầu từ 12-5-1961 và kéo dài cho tới 23-7-1962 mới kết thúc bằng một bản Tuyên cáo chung về nền trung lập của Lào kèm theo một Nghị định thư xác định rằng tất cả quân đội ngoại quốc phải rút ra khỏi Lào và quân đội ngoại quốc cùng mọi thứ vũ khí đều không được đưa vào Lào. Tại hội nghị Genève lần thứ hai này, Trung Quốc đã thành công trong việc lôi cuốn được phe trung lập Lào nghiêng về phe tả, đưa được Pathet Lào vào chính phủ liên hiệp và đạt được mục tiêu chính là ngăn chặn được sự can thiệp của Hoa Kỳ và SEATO vào tình hình chính trị và quân sự ở Lào.12 Trong mưu lược chính trị cộng sản, liên hiệp và trung lập chỉ là những phương tiện trong buổi giao thời để tiến đến cách mạng bạo động. Như Chu Ân Lai đã dặn dò Souphanouvong, lãnh tụ Pathet Lào:
Nếu tổ chức được chính phủ liên hiệp thì tốt… Đồng chí phải chuẩn bị để tranh đấu trong nội bộ chính phủ liên hiệp. Trong bất cứ trường hợp nào, điều quan trọng nhất là đồng chí phải gia tăng được sức mạnh của chính mình. Giải pháp cuối cùng sẽ được quyết định bằng vũ lực.13
Phe được hưởng lợi trực tiếp trong cuộc thu xếp hoà bình ở Lào là VNDCCH. Vì lãnh thổ phiá Đông của Lào vẫn thuộc quyền kiểm soát của Pathet Lao, Bắc Việt có thể tiếp tục sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh để chuyển vận quân đội, vũ khí và đồ tiếp tế vào miền Nam. Con đường này hiển nhiên là con đường dẫn đến chiến thắng tháng Tư 1975.14 Sau cuộc thất bại ở hội nghị Genève 1962, Hoa Kỳ muốn chú trọng vào việc bảo vệ miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng Thống Kennedy vẫn giữ vững quyết định không đưa quân chiến đấu vào Việt Nam và mở cuộc tấn công vào đường xâm nhập của Bắc Việt trên lãnh thổ Lào, mặc dù những đề nghị khẩn cấp của những chiến lược gia thân cận. Có lẽ Kennedy thành thật tin tưởng ở hiệu lực của chiến tranh “chống du kích” và chương trình “ấp chiến lược”, nhưng hai lý do chính làm cho ông ngần ngại là Hoa Kỳ có thể phải đối đầu với Trung Quốc một lần nữa như trong cuộc chiến ở Triều Tiên, và sự thất bại của cuộc đổ bộ ở Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) mới xảy ra vào tháng Tư năm đó.15
Đến lúc này thì hiệp định Genève 1954 không còn có giá trị gì nữa. Cả hai bên đều leo thang chiến tranh càng ngày càng cao, nhất là mức xâm nhập của bộ đội chủ lực miền Bắc, từ 6,295 người năm 1961 lên tới 33,730 năm 1965 và 84,800 năm 1966.16
Theo tài liệu của miền Bắc:
… mức vận tải từ 40 tấn năm 1961 đã tăng lên 4,000 tấn năm 1964…. Năm 1964, đội quân từ miền Bắc vào tăng cường với số lượng lớn gấp 14 lần so với năm 1960 (17.427 người/1217 người)… Khối lượng hàng hoá năm 1964 chi viện vào Nam tăng gấp 4 lần so với năm 1963.17
Tổng số lực lượng thống nhất Quân Giải Phóng Miền Nam (thường được gọi chung là Việt Cộng) vào cuối năm 1961 là 20,000, chỉ một năm sau đã lên tới 123,000 gồm 23,000 bộ đội chủ lực và khoảng 100,000 bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.18 Về phần VNCH, quân số tăng từ 15,000 năm 1960 lên 250,000 năm 1964. Lực lượng hỗ trợ của Mỹ cũng gia tăng từ khoảng 500 cố vấn năm 1960 lên tới trên 23,000 năm 1964.19 Con số này gồm cả những toán bác sĩ, kỹ sư, huấn luyện viên và nhiều chuyên viên kỹ thuật khác, nhưng cũng có một số được dùng vào những nhiệm vụ đặc biệt và bí mật, như huấn luyện điệp viên và biệt kích VNCH để thả xuống lãnh thổ miền Bắc trong những năm 1960-1961.
Trong khi đó, tình hình chính trị miền Nam không những không cải thiện mà còn có thêm nhiều mặt tiêu cực mới: giữa Hoa Kỳ và VNCH có những bất đồng về đường lối viện trợ và cách sử dụng viện trợ; giữa cố vấn Mỹ và các nhà chỉ huy quân sự VNCH cũng thường không đồng ý với nhau; chính quyền Ngô Đình Diệm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về chính trị sau cuộc đảo chánh hụt tháng 11-1960; quan niệm sai lầm về ấp chiến lược và tệ nạn tham nhũng khi áp dụng. Vì những lẽ đó, cuộc chiến chống du kích đã bị thất bại, nhất là sau trận Ấp Bắc (Mỹ Tho) đầu tháng Giêng 1963.20 Cuộc đảo chính tháng Mười Một với cuộc thảm sát hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu và vụ ám sát Tổng thống Kennedy ba tuần sau đó càng làm cho miền Nam bị suy yếu về chính trị và quân sự. Các tướng cầm đầu đảo chánh chỉ lo tranh giành lãnh đạo và củng cố vây cánh hơn là chiến đấu chống cộng. Đảng Lao Động và MTGPMN đã khai thác tối đa tất cả những nhược điểm ấy của VNCH và thu được kết quả thuận lợi. Đầu năm 1964, khoảng một nửa dân số và đất đai vùng quê miền Nam đã nằm dưới sự kiểm soát của MTGPMN ở những mức độ khác nhau.21 Sau chuyến đi Việt Nam giữa tháng 12, 1963, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara báo cáo với Tổng thông Johnson: “Tình hình thật đáng lo ngại…. Cái đà này, nếu không đảo ngược được trong vài ba tháng thì sẽ đưa tới khá lắm là tình trạng trung lập hay, nhiều phần chắc hơn nữa, một quốc gia do Cộng sản kiểm soát.”22
Trước tình thế bất lợi đó, Tổng Thống Lyndon Johnson, người kế nhiệm Kennedy, phải thiết lập một chiến lược mới để đối phó, chuẩn bị cho giai đoạn tham chiến trực tiếp của Hoa Kỳ. Tháng Hai 1964, Johnson chấp thuận một kế hoạch hành động bí mật mang tên là OPLAN 34A do McNamara và ban tham mưu quốc phòng đề nghị với mục đích “thuyết phục Bắc Việt hãy vì quyền lợi của chính họ mà từ bỏ ý định xâm lược miền Nam.”23 Khác với các hoạt động do CIA điều khiển mấy năm trước, OPLAN 34A là một chương trình mười hai tháng do giới chỉ huy quân sự Mỹ phụ trách sồm ba giai đoạn. Theo Hồ sơ Ngũ giác đài, giai đoạn 1 (đầu tháng Hai đến cuối tháng Năm) thâu thập tin tức do máy bay thám thính U-2 và các hoạt động tình báo và tâm lý chiến như thả truyền đơn, máy thu thanh, chương trình phát thanh. Ngoài ra còn dự liệu khoảng 20 hoạt động phá hoại trong khả năng của VNCH vừa gây thiệt hại vật chất vừa khủng bố tinh thần đối phương. Giai đoạn hai và ba cũng gồm những loại hoạt động này nhưng nhiều và mạnh hơn, và các đối tượng phá hoại được mở rộng tới những mục tiêu thiết yếu của đời sống kinh tế và kỹ nghệ ở miền Bắc.
Mặc dù kết quả của bốn tháng thí nghiệm OPLAN 34A (giai đoạn 1) bị coi là “bước đầu chậm chạp” (slow beginning), Johnson cho phép tiến hành kế hoạch này thêm bốn tháng nữa. Trong mọi trường hợp, mọi hoạt động đều do VNCH thực hiện, Hoa Kỳ chỉ cố vấn kỹ thuật và cung cấp phương tiện mà thôi. Tuy nhiên chính sách này thay đổi hẳn khi biến cố Maddox24 xảy ra vào đầu tháng Tám đã đưa tới Nghị quyết Vịnh Bắc Việt của Quốc Hội Hoa Kỳ “chấp thuận và ủng hộ quyết định của Tổng thống sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lui bất cứ một cuộc tấn công vũ trang nào chống lại các lực lượng của Hoa Kỳ và để ngăn ngừa sự gây hân hơn nữa.” Đoạn 2 của Nghị quyết còn nói rõ là Tổng thống có quyền “sử dụng mọi phương tiện, kể cả quân lực, để giúp đỡ bất cứ một quốc gia hội viên hay ở trong vòng bảo vệ của Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á, nếu Hoa Kỳ được yêu cầu giúp đỡ bảo vệ tự do cho nước đó.” Nghị quyết này, được thông qua tối đa ở cả Hạ viện (416-0) lẫn Thượng viện (88-2), chính thức cho phép quân lực Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến và mở đầu cho một thời kỳ khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam (1965-1973) dưới hai đời Tổng thống Johnson và Nixon.
Chiến lược Johnson được thiết lập trên căn bản “cây gậy và củ cà-rốt”, một mặt dùng áp lực quân sự và một mặt đề nghị thương thuyết hòa bình. OPLAN 34A được các Tham mưu trưởng Liên Quân điều chỉnh lại, gồm ba loại hành động tùy cơ đối phó với Bắc Việt:
  1. Hành động kiểm soát biên giới, tấn công các hoạt động xâm nhập của Bắc Việt trên đường mòn Hồ Chí Minh, kể cả truy lùng vào lãnh thổ Lào và Cam-bốt;
  2. Hành động trả đũa, ném bom trên lãnh thổ Bắc Việt mỗi khi lực lượng VNCH hay Hoa Kỳ bị tấn công;
  3. Áp lực quân sự leo thang công khai, phá hoại những mục tiêu quân sự và cơ sở kỹ nghệ, nhằm “thuyết phục” Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị.
Hai loại (1) và (2) trước đây vẫn do quân lực VNCH thực hiện, nay tất cả ba loại hành động đều sẽ do quân lực Hoa Kỳ chủ động. Song song với hoạt động quân sự, Johnson bắt đầu mở những cuộc thăm dò ngoại giao với Hà Nội. Ngày 17 tháng Sáu, J. Blair Seaborn, trưởng đoàn Canada trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát, chuyển giao một thông điệp của Tổng thống Johnson tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết rằng “Hoa Kỳ không có ý định tìm cách lật đổ chế độ cộng sản ở miền Bắc và cũng không có ý định duy trì các căn cứ quân sự ở miền Nam, mà chỉ muốn giới lãnh đạo Hà Nội giữ quân của họ trong lãnh thổ Bắc Việt và chấm dứt việc tiếp tế quân sự cho miền Nam theo tinh thần các hiệp định Genève 1954 và 1962. Nếu đề nghị này được chấp thuận, Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế cho tất cả các nước trong vùng, kể cả Bắc Việt. Nếu không, Bắc Việt sẽ phải chịu ‘một cuộc tàn phá rộng lớn nhất’ của Hoa Kỳ.”25 Hà Nội lúc này đang chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh nên đã bác bỏ đề nghị của Johnson, đòi Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam và thừa nhận một chính quyền “trung lập” như được hoạch định bởi MTGPMN.
Sau khi Quốc Hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Việt, ngày 13 tháng Tám, Johnson còn nhờ Seaborn gặp Phạm Văn Đồng một lần nữa để nhắc lại đề nghị của Mỹ hồi tháng Sáu về việc “nhận viện trợ hay bị tàn phá.” Phạm Văn Đồng nổi giận, cảnh cáo rằng các cuộc tấn công kéo dài của Mỹ sẽ trải rộng chiến tranh “tới toàn vùng Đông Nam Á.” Theo Stanley Karnow, sau đó Phạm Văn Đồng đổi thái độ, nhẹ nhàng khuyến cáo Seaborn lần sau trở lại với những đề nghị mới của Mỹ, có lẽ trên căn bản Hiệp định Genève 1954. Ngay sau Seaborn còn có hai trung gian có uy tín khác là Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant và Thủ tướng Liên Xô Nikita Khruschev. Những những nỗ lực này vừa bị ban tham mưu của Tổng Thống Mỹ cản trở vừa gặp phải chuyện không may. Vào tháng Chín, khi U Thant nhận được tin của Hà Nội đồng ý hòa đàm và chuyển cho Washington thì tin này không được trình lên Tổng Thống. Hà Nội cũng nghe theo lời khuyên của Khruschev mặc dù đã đi với Bắc Kinh chống “chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô, vì chỉ Liên Xô mới có thể cung cấp hỏa tiễn địa-không và cơ giới nặng. Tuy nhiên, mọi việc thu xếp cho hòa đàm lần này cũng bị tiêu tan khi Khruschev bị nhóm Brezhnev và Kosygin lật đổ vào tháng Mười.
Ở đây cũng nên nhắc đến thái độ của Bắc Kinh nhất quyết chống lại mọi nỗ lực giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng thương thuyết và luôn luôn khuyến cáo Hà Nội không nên rơi vào bẫy của đế quốc Mỹ và bè lũ xét lại Liên Xô.26 Không riêng gì những nỗ lực của các nước Tây phương hay của Nga Sô, ngay cả mọi đề nghị từ phía những nhẩn vật trung lập có uy tín như Tổng thống Radhakrishnan của Ấn độ hay Tổng thống Nkrumah của Ghana cũng bị Trung Quốc gạt bỏ. Bắc Kinh thường xuyên nhắc nhở các lãnh tụ ở Hà Nội chiến đấu tới chiến thắng cuối cùng. Theo một tài liệu bắt được của Bắc Việt năm 1967, “Trung Quốc quyết tâm giúp chúng ta chiến đấu đến đời con đời cháu của chúng ta.”27
Dù những nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả, Tổng Thống Johnson vẫn dè dặt trong việc để cho phi công Hoa Kỳ tham chiến. Vì vậy, sau khi phi trường Biên Hoà bị Cộng sản pháo kích ngày 1 tháng 11, hai ngày trước cuộc bầu cử Tổng Thống, phá hủy một số máy bay vừa đưa từ Phi-líp-pin qua và gây thương vong cho một số quân nhân Mỹ và VNCH, Johnson vẫn không hạ lệnh trả đũa trên lãnh thổ Bắc Việt. Ông chỉ đồng ý cho các phi cơ từ các hàng không mẫu hạm oanh tạc những đường xâm nhập của cộng sản ở Nam Lào. Ngay cả sau khi đã thắng cử, ông vẫn kìm hãm hành động trừng phạt miền Bắc khi cư xá Brinks của các sĩ quan cố vấn Mỹ ở Sài-gòn bị đặt bom làm cho 2 người chết và 58 bị thương, đúng một ngày trước Lễ Giáng Sinh. Lý do chính là vì ông lo ngại những cuộc tranh giành quyền lực giữa các tướng lãnh VNCH sẽ làm cho tình hình quân sự trở nên nguy hiểm hơn nếu cộng sản trả đũa những phi vụ oanh tạc trên miền Bắc. Đại sứ Maxwell Taylor báo cáo tuyệt vọng về lãnh đạo chính trị ở miền Nam.28 Tướng William Westmoreland (Westy) đã bi quan nhận định rằng “trừ phi thấy có triển vọng về sự ra đời rất sớm của một chính phủ có hiệu lực, hành động tấn công của Mỹ dù lớn đến đâu, ở trong hay ở ngoài miền Nam Việt Nam, cũng không thể hi vọng tự một mình nó đảo ngược được tình trạng tan rã đang diễn ra.”29
Tinh hình đó, thêm vào vụ tấn công qui mô của cộng sản ở Bình Giã (Bà Rịa) hồi đầu tháng Giêng 1965, gây thiệt hại nặng cho quân đội VNCH, đã khiến cho McGeorge Bundy, Phụ tá đặc biệt của Tổng Thống về An ninh, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng McNamara “kết luận một cách đau buồn và miễn cưỡng rằng đã đến lúc phải thay đổi phương sách hành động.”30 Trong thư nội bộ (memorandum) gửi cho Tổng thống Johnson ngày 27 tháng Giêng, hai ông đã nhấn mạnh vào điểm đó và đề nghị hai sự lựa chọn cho Tổng thống quyết định:
…cả hai chúng tôi đều tin chắc rằng chính sách hiện thời của chúng ta chỉ có thể đưa tới thảm bại. Điều chúng ta hiện đang làm cốt yếu là chờ đợi và hi vọng có một chính phủ vững vàng. Những chỉ thị trong tháng Mười Hai của chúng ta cho biết rất rõ là các hoạt động chống cộng sản không được mở rộng hơn trừ khi chúng ta có được một chính phủ như vậy. Trong sáu tuần qua, nỗ lực đó đã không thành công và Bob (McNamara) cũng như tôi đều tin rằng không thật sự có hi vọng thành công trừ khi và cho đến khi chính sách và những ưu tiên của chính chúng ta được thay đổi.
…không ai còn hi vọng rằng sẽ có một chính phủ vững vàng trong lúc chúng ta cứ ngồi yên. Kềt quả là chúng ta bị kẹt cứng trong một chính sách cứu trợ ban đầu cho những chính trị gia ưa cãi lộn và trong cách phản ứng thụ động trước những biến cố mà chúng ta không muốn kiểm soát. Hay có vẻ như vậy.
Chúng tôi thấy có hai sự lựa chọn. Thứ nhất là sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta ở Viễn Đông và ép buộc cộng sản phải thay đổi chính sách. Thứ nhì là vận dụng mọi nguồn lực của chúng ta vào con đường đàm phán, nhằm cứu vãn chút gì còn giữ được mà không làm gia tăng những nguy cơ quân sự hiện thời. Bob và tôi nghiêng về lựa chọn thứ nhất, nhưng chúng tôi tin rằng cả hai đều cần được nghiên cứu cẩn thận và những chương trình thay thế khác đều phải được thảo luận kỹ càng trước sự hiện diện của Tổng Thông.31
Ngày 7 tháng Hai, cộng sản tấn công vào phi trường Pleiku phá hủy mười máy bay, làm chết 8 quân nhân Mỹ và trên 100 người khác bị thương. Cuộc tấn công này xảy ra giữa lúc McGeorge Bundy đang ở Sài-gòn quan sát tình hình và Kosygin đang ở Hà Nội thảo luận vấn đề viện trợ quân sự đồng thời khuyến cáo giới lãnh đạo Bắc Việt chấp thuận giải pháp điều đình. Kết quả là Johnson quyết định leo thang chiến tranh và Kosygin không có lựa chọn nào khác hơn là gửi phi đạn địa-không cho Hà Nội. Stanley Kamow cho rằng Hà Nội, vốn chống lại khuynh hướng chủ hoà của Kosygin, đã sắp xếp vụ tấn công Pleiku để buộc Hoa Kỳ phải trả đũa và đẩy Liên Xô vào thế chẳng đặng đừng. Sau này, Kamow kể lại chuyện đã được một nhân viên Sô-viết tham dự các phiên họp mô tả phái đoàn Bắc Việt là “một lũ khốn kiếp cứng đầu” (a bunch of obstinate bastards).32
Ngay sau khi phi trường Pleiku bị pháo kích, máy bay của chiến dịch “Phi Tiêu Lửa” (Flaming Dart) từ Đệ thất Hạm đội oanh tạc một số cơ sở quân sự cộng sản ở Đồng Hới. Tiếp theo là chiến dịch “Sấm Rền” (Rolling Thunder) bắt đầu từ 2.3.1965 với trên 100 phi cơ của không lực Hoa Kỳ và VNCH đánh phá các kho đạn Bắc Việt. Chiến dịch này kéo dài tới 31.10.1968, có thể chia làm năm giai đoạn với các mục tiêu đánh phá khác nhau. Giai đoạn một tháng Ba-tháng Sáu 1965) nhắm vào các kho đạn dược, đài ra-đa và doanh trại. Giai đoạn hai (tháng Bảy 1965-tháng Sáu 1966) nhắm vào các cầu, đường và các phương tiện chuyển vận đường bộ và đường thủy. Giai đoạn ba (tháng Bảy-tháng Chín 1966) chú trọng vào các kho dự trữ xăng, dầu. Giai đoạn bốn (tháng Mười 1966-tháng Giêng 1968) đánh vào các mục tiêu kỹ nghệ và điện lực trong khi vẫn tiếp tục các mục tiêu khác. Giai đoạn năm từ sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân (tháng Hai 1968) giới hạn các cuộc oanh tạc vào phía dưới vĩ tuyến 19, đến 31 tháng Mười 1968 thì chiến dịch “Sấm Rền” chấm dứt.
Quyết định của Tổng Thống Johnson dùng không lực Mỹ oanh lac miền Bắc kéo theo việc đưa các binh chủng khác vào tham chiến ở Việt Nam. Ngày 8 tháng Ba 1965, hai tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ. được đưa vào Đà Nắng để bảo vệ phi trường. Đến cuối năm số quân Mỹ ở Việt Nam tăng lên 175,000 và tiếp tục lên đến cao nhất là 536,000 trong năm 1968. Chi phí cho chiến tranh Việt Nam năm 1965 là 2.9 phần trăm trên tổng số ngân sách liên bang, năm 1968 tăng lên tới 13.49 phần trăm,33 ảnh hưởng tai hại tới chương trình Xã Hội Vĩ Đại (Great Society) của Johnson. Năm 1967, ông phải cắt 6 tỉ dành cho các chi phí khác để đưa sang chi phí quốc phòng và năm 1968 tăng thêm thuế lên 10 phần trăm. Trong khi đó, tình hình chiến sự không khả quan hơn. Những chiến dịch càn quét quân cộng sản chỉ đem lại tình trạng an ninh tạm thời, đời sống dân chúng trong vùng chưa kịp trở lại bình thường thì địch quân đã lại gây xáo trộn và phá hoại.
Ngày 29.9.1967, Johnson đọc diễn văn ở San Antonio hứa ngưng mọi cuộc oanh tạc miền Bắc nếu VNDCCH đồng ý mau chóng thương thuyết và không lợi dụng việc ngưng oanh tạc để đưa thêm quân và vũ khí vào miền Nam. Hà Nội bác bỏ đề nghị có điều kiện này. Westmoreland và các chỉ huy trưởng liên quân yêu cầu tăng thêm quân số và đánh mạnh hơn nữa. McNamara duy trì chủ trương ngưng oanh tạc đơn phương để mở đường cho thương thuyết, nhấn mạnh rằng “chúng ta vẫn có thể ném bom lại bất cứ lúc nào nếu Bắc Việt không thảo luận với thiện chí.” Sau phiên họp tham khảo với nhóm cố vấn đặc biệt34 ngày 2.11, Tổng thống Johnson giữ vững quan điểm tiến hành áp lực quân sự để ngăn chặn sự can thiệp của Bắc Việt vào miền Nam Việt Nam. Cuối tháng 11, Tổng thống Johnson loan tin Bộ trưởng McNamara sẽ từ giã chính quyền để nhận chức vụ Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới từ 1 tháng Ba, 1968. Cố vấn Clark Clifford được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Quốc phòng. Sau trận Tết Mậu Thân, nhóm cố vấn đặc biệt lại được triệu tập ngày 25.3, nhưng lần này thì đa số đồng ý phải giải quyết cuộc chiến bằng thương thuyết vì không thể chặn được đường xâm nhập của Bắc Việt vào miền Nam và địch quân dù thiệt hại nặng vẫn có thể chiến đấu lâu dài. Ngày 31.3, Johnson lên đài truyền hình loan báo quyết định ngưng các cuộc tấn công trên lãnh thổ Bắc Việt trừ khu vực phía dưới vĩ tuyến 20 và muốn mở cuộc hòa đàm với VNDCCH. Cuối bài diễn văn, Johnson loan báo thêm một tin bất ngờ là ông sẽ không ứng cử và cũng không chấp nhận Đảng Dân chủ đề cử ông tái tranh cử Tổng thống vào tháng Mười Một. Ba ngày sau, VNDCCH cho biết sẵn sàng nói chuyện với Hoa Kỳ. Hai bên đồng ý gặp nhau tại Paris và cuộc hoà đàm chính thức bắt đầu ngày 13 tháng Năm giữa hai phái đoàn Averell Harriman và Xuân Thủy.
Trước khi nói về hoà đàm Paris (1968-1973), cũng cần phải nói đến chiến dịch “Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa” (TCK/TKN) Tết Mậu Thân. Đây là nguyên do chính khiến Tổng thống Johnson quyết định rút lui khỏi chính trường và, trước khi ra đi, muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng con đường thương thuyết. Trận tổng công kích Tết Mậu Thân cũng đánh dấu một khúc ngoặt quyết định trong cuộc chiến Việt Nam, đem lại những điều kiện thuận lợi bất ngờ cho Bắc Việt.
Chiến dịch TCK/TKN được thực hiện vì cả hai lý do quân sự và chính trị:
Từ 1965 đến cuối 1967, Quân đội Giải phóng miền Nam (QGPMN) gồm cả bộ đội chủ lực từ miền Bắc đã không thể đương đầu với hoả lực và tính di động của quân đội Mỹ và có nguy cơ thất bại nếu kéo dài tình trạng cầm cự bằng chiến tranh tiêu hao. Vì vậy, Bộ Chính trị ở Hà Nội thấy cần phải sớm chấm dứt cuộc chiến bằng một trận đánh quyết định như trận Điện Biên Phủ năm 1954. Theo cựu Đại Tá Bùi Tín, “đến cuối năm 1967, quân đội Sài-gòn và quân Mỹ hoạt động mạnh, mở nhiều chiến dịch tiến công, quân Bắc Việt thường ở thế đối phó, giữ lực lượng, rút ra xa và mất nhiều khu vực đông dân. Vì thế, năm 1968 họ cần một đợt hoạt động mạnh để giành lại thế chủ động, cải tiến thế trận.”35 Sách lịch sử miền Bắc cho biết:
Trung ương Đảng ta, tại Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị toàn thể ban Chấp hành lần thứ 14 (tháng 1-1968), thông báo quyết định lịch sử: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kì mới —thời kì giành thắng lợi quyết định.” Nghị quyết của Đảng còn chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích-tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.”36
Quyết định quân sự này lại được tăng cường bởi hai lợi điểm do tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ mà các nhà lãnh đạo Bắc Việt không thể không khai thác: Thứ nhất là phong trào phản chiến đang lan tràn mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, nhất là sau khi Mục sư Martin Luther King Jr., người vẫn ủng hộ chương trình “Xã hội Vĩ đại” của Johnson, quyết định lên tiếng vào đầu năm 1967. chống lại việc Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Thứ hai là khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh đang gia tăng trong Quốc Hội và ngay cả trong nội bộ Đảng Dân Chủ, đúng vào thời điểm vận động tranh cử Tổng thống năm 1968. Khuynh hướng này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Johnson.
Nói tóm lại, dưới góc nhìn chiến lược của Hà Nội, một thắng lợi quân sự lớn của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng trong năm 1968 chắc chắn sẽ khiến Johnson phải tìm giải pháp hòa bình và rút quân về nước, nếu ông muốn tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu tháng Mười Một.
Chiến dịch TCK/TKN Tết Mậu Thân được diễn ra qua ba đợt: 30.1 đến 25.2, 5.5 đến 15.6, Và 17.8 đến 30.9. Chiến dịch này đã được nhiều tác giả mô tả đầy đủ, ở đây chỉ cần nhắc lại một cách vắn tắt cuộc Tổng công kích lớn nhất trong đợt đầu và chú trọng nhiều hơn vào việc phân tích kết quả của chiến dịch.
Sau những trận đánh ở biên giới từ giữa đến cuối năm 1967 như trận Khe Sanh, Lộc Ninh, Cồn Thiện và Dak To để dụ Hoa Kỳ và VNCH rút bớt quân phòng thủ các đô thị ra các địa điểm gần biên giới Cam-bốt và khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, đầu năm 1968, Tướng Võ Nguyên Giáp quay trở lại mặt trận Khe Sanh với số quân từ 20,000 đến 30,000 để lôi cuốn thêm lực lượng của Mỹ vào vòng chiến. Quả thật trận Khe Sanh đã được Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng, thậm chí Tổng thống Johnson đã cho thiết lập một mô hình trận địa Khe Sanh tại “Phòng Tình Hình’’ (Situation Room) trong toà Bạch Ốc để tiện theo dõi trận đánh. Trong khi đó, các đơn vị Quân đội Giải phóng miền Nam, lợi dụng tình trạng giao thông tấp nập và kiểm soát lỏng lẻo trong thời gian dân chúng chuẩn bị ăn Tết, đã len lỏi và vận chuyển được nhiều vũ khí vào các đô thị và tỉnh thành ở miền Nam.
Tình báo quân sự Mỹ được tin tức về những vụ chuyển quân của cộng sản và dự đoán sẽ có những cuộc tấn công trước hay sau Tết nhưng không lượng định được rằng đây là trận đánh quyết định ở mức độ toàn diện. Ngày 10 tháng Giêng, tướng Frederick C. Weyand, tư lệnh Lực lượng Chiến trường vùng II, được sự chấp thuận của Tổng tư lệnh Westmoreland, bắt đầu chuyển quân chiến đấu về vòng đai Sài-gòn, tăng cường lực lượng bảo vệ thủ đô từ 14 lên 27 tiểu đoàn. Theo đề nghị của tướng Westmoreland, Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên giảm thời gian hưu chiến ngày Tết từ 48 xuống 36 tiếng đồng hồ và duy trì 50 phần trăm quân đội trong tình trạng báo động.
Theo kế hoạch đã định, chiến dịch TCK/TKN được phát động vào nửa đêm ngày 31.1.1968 tức vào giờ Giao thừa mồng Một Tết Mậu Thân, nhưng do việc Hà Nội thay đổi âm lịch sớm hơn một ngày từ tháng Tám 1967 nên cuộc tấn công diễn ra không đồng loạt ở nhiều nơi. Tại Đà Nẵng, Hội An, Qui Nhơn, Nha Trang, Kontum, Pleiku và Ban-mê-thuột, cuộc tấn công bắt đầu vào 00:15 ngày 30.1, do đó VNCH lập tức bãi bỏ lệnh hưu chiến, binh sĩ được gọi gấp về đơn vị và các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ cũng được chuyển đến những vị trí chiến lược. Hai mươi bốn giờ sau, Sài-gòn, Huế và các thành phố, tỉnh và thị trấn khác trên toàn lãnh thổ miền Nam mới bị tấn công. Thủ đô Sài-gòn và cố đô Huế là hai địa điểm chính cần được chiếm đóng mau chóng để làm cơ sở cho cuộc “tổng nổi dậy” của dân chúng phá đổ “ngụy quyền” và đón mừng đoàn quân giải phóng. Tuy nhiên, trừ Huế và Chợ Lớn, mọi cuộc tấn công vào Sài-gòn và các nơi khác đều bị đẩy lui chỉ sau vài ngày tác chiến.
Trận công kích Sài-gòn bị thất bại mau chóng vì giới lãnh đạo Bắc Việt quá chủ quan, tin tưởng quân giải phóng sẽ chiếm giữ hay phá hủy được những cơ sở trọng yếu về hành chánh và quân sự của VNCH và Hoa Kỳ, nhất là chiếm được Dinh Độc Lập và toà Đại sứ Mỹ để gây tiếng vang quốc tế, trong khi dân chúng thủ đô sẽ ồ ạt xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng chống ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Tất cả những mục tiêu của cuộc tấn công đều không đạt được, trừ việc đốt phá một phần kho đạn ở Long Bình, cách Sài-gòn khoảng 20 dặm. Quân giải phóng không lọt được vào Dinh Độc lập, toán tấn công Đại Sứ quán Mỹ thì bị tiêu diệt khi mới lọt vào sân trước. Trung đoàn 101 chiếm được kho dự trữ Gò Vấp, nhưng các chiến xa ở đây đã được chuyển đi nơi khác. Mười hai cỗ súng đại bác 105 ly để lại thì không sử dụng được vì bộ phận khai hỏa đã bị quân VNCH tháo ra đem đi mất. Những toán quân đã lọt vào thành phố không liên lạc được với nhau và bị tiêu diệt hay phải rút lui vào Chợ Lớn. Một trung đội C- 10 chiếm được Đài Phát thanh có chuyên viên đem theo cuộn băng thâu sẵn của Bộ Chỉ huy chiến dịch TCK/TKN nhưng không phát thanh được vì tuyến truyền thanh đã bị chuyên viên kỹ thuật của đài vô hiệu hóa bằng tín hiệu từ xa. Tại Chợ Lớn, quân giải phóng chiếm được truờng đua ngựa Phú Thọ làm trung tâm chỉ huy các cuộc chiến đấu với các lực lượng phòng vệ thủ đô, nhưng đến ngày 7 tháng Ba cũng phải bỏ chạy.
Mặt trận ở Huế diễn ra ác liệt nhất. Chỉ trong vài ngày đầu tiên, cố đô đã bị quân Giải phóng chiếm gần hết. Quân đội VNCH và Hoa Kỳ phải chiến đấu rất khó khăn để giành lại từng căn nhà, từng góc phố như hình ảnh chiến tranh trong các thành phố ở châu Âu thời đệ nhị Thế chiến. Ngày 25 tháng Hai, sau khi quân giải phóng hoàn toàn rút khỏi Huế, thành phố đã bị phá hủy gần một nửa, 116,000 người trong tổng số trên 140,000 dân không có nơi trú ngụ. Tài liệu của Mỹ về thiệt hại nhân sự cho thấy có trên 5,000 quân giải phóng bị giết, 89 bị bắt, còn con số bị thương rất lớn nhưng không biết rõ. Phía VNCH có 384 chết và 1,830 bị thương, Mỹ có 216 chết và 1,354 bị thương. Đáng nói hơn hết là những nạn nhân dân sự bị giết gồm công chức, trí thức, lãnh tụ tôn giáo, chính trị và các “phần tử phản động”, tổng số tìm thấy trong các mồ chôn tập thể là 2,810 người, không kể hàng ngàn người khác bị mất tích. Theo Douglas Pike, một chuyên gia về Việt Nam, số nạn nhân bị giết có thể lên tới 5,700 người.37 Một số giáo sư ngoại quốc hợp tác với Viện Đại Học Huế cũng bị tàn sát trong trận này.
Sau trận tổng công kích trên toàn thể miền Nam, lực lượng quân địa phương của MTGPMN bị tiêu diệt gần hết và việc tuyển quân để bù đắp rất khó khăn. Từ nay cho đến khi chiến tranh chấm dứt Quân đội Nhân dân miền Bắc là thành phần chủ lực trong tất cả các trận đánh. Tính đến cuối tháng Ba, tổng số binh sĩ tử trận: phía QGPMN 58,000 người; phía VNCH 4,954; Hoa Kỳ 3,895 và các nước Đồng Minh 214. Tổng số thường dân miền Nam bị chết là 14.300 người.38
Chiến dịch TCK/TKN là một thất bại lớn của Đảng Lao động và MTGPMN cả về quân sự lẫn chính trị đối nội vì, trái với niềm tin toàn thắng của các chiến lược gia cộng sản, Tổng công kích thì bị đẩy lui mà Tổng khỏi nghĩa thì nhân dân không nổi dậy theo “cách mạng.” Sách giáo khoa Sử của Hà Nội cũng nhìn nhận sự thất bại này và giải thích:
Cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân — mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy — là đòn bất ngờ làm cho địch choáng váng. Nhưng do lực lượng địch còn đông (hơn nửa triệu quân Mỹ, gần 1 triệu quân ngụy), cơ sở của chúng ở thành thị mạnh nên chúng đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và phản công quân ta ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy trong đợt 2 và 3 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng ta gặp không ít khó khăn và tổn thất. Quân cách mạng vào chiếm giữ trong đợt 1 bị đẩy khỏi thành phố. Những người dân có cảm tình với cách mạng, ủng hộ quân giải phóng trước đó bị bắt. Nhiều vùng nông thôn giải phóng của ta trước đây bị địch chiếm. Mục tiêu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy không đạt được đầy đủ. Lực lượng của ta bị tổn thất nhiều…. 111,306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền Nam đã hi sinh và bị thương.”39
Qua những tài liệu bắt được, những bài hiệu triệu truyền thanh và những cuộc thẩm vấn tù binh, người ta thấy ban lãnh đạo chiến dịch tin tưởng trận đánh quyết định này sẽ “giải phóng cho 14 triệu đồng bào miền Nam” và “hoàn tất nhiệm vụ cách mạng”, tin tưởng binh sĩ VNCH sẽ đào ngũ và dân chúng sẽ nổi dậy hoan nghênh đoàn quân giải phóng, do đó thúc đẩy các lực lượng tấn công phải “đạt được chiến thắng cuối cùng bằng mọi giá”. Khác với những trận đánh lớn trước, kế hoạch tổng công kích Tết Mậu Thân có mục đích chiếm-và-giữ chứ không phải đánh-và-chạy, vì vậy không có những chỉ thị cho trường hợp cần phải rút lui.40 Yếu tố chủ quan này được coi là nguyên nhân chính gây nên sự thất bại của toàn thể chiến dịch:
Có hạn chế là do ta chủ quan trong việc đánh giá cao lực lượng mình, đánh giá thấp lực lượng địch và do tư tưởng nóng vội muôn giành thắng lợi lớn, kết thúc nhanh chiến tranh; chỉ đạo lại thiếu chủ động, không kịp thời điều chỉnh kế hoạch rút khỏi thành phố sau đợt 1 về giữ vùng nông thôn của ta để bảo toàn và củng cố lực lượng.41
Thất bại lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự miền Bắc và MTGPMN là phản ứng của dân chúng đối với cuộc Tổng công kích, không những không nổi dậy để hưởng ứng quân “giải phóng” mà trái lại rất oán hận giới lãnh đạo cộng sản đã cố ý tấn công đúng vào ngày Tết, vừa vi phạm trắng trợn lời hứa hưu chiến trong ngày lễ truyền thống thiêng liêng nhất của dân tộc, vừa thi hành biện pháp tắm máu như vụ tàn sát tập thể mấy ngàn người trong ba tuần chiếm giữ Huế. Trong lịch sử Việt Nam thời trước đã một lần có cuộc tổng tấn công vào dịp Tết Nguyên Đán là chiến dịch đại phá quân Thanh của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu (1789),42 nhưng đây là một cuộc hành quân chống giặc ngoại xâm và không có lời giao ước hưu chiến giữa đôi bên. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã giết hại chính đồng bào của mình khiến cho dân chúng sợ hãi và xa lánh cộng sản. Cảnh tượng dân chúng lũ lượt bỏ chạy các tỉnh miền Cao nguyên về Nha Trang và từ Quảng Trị vào Đà Nẵng trong những đợt tấn công của bộ đội miền Bắc hồi tháng Ba 1975 đã phản ánh rõ rệt tâm lý khiếp sợ và chối bỏ cộng sản của người dân miền Nam. Trên 100,000 người đã thiệt mạng trong những cuộc tháo chạy này, hoặc do đạn pháo kích của quân tân công hoặc do dày xéo lên nhau.
Tuy nhiên, trận Tết Mậu Thân đã đem lại cho Hà Nội một thắng lợi chính trị rất lớn ở Hoa Kỳ. Hình ảnh tòa Đại sứ Mỹ bị tấn công cùng những cảnh tượng xung đột và xác chết nạn nhân được phơi bày trên màn ảnh truyền hình và báo chí mỗi ngày, kèm theo những lời bình luận chỉ trích chính quyền đã khiến cho uy tín của Johnson bị suy giảm trầm trọng. Thêm vào đó, sự bế tắc trong các nỗ lực chấm dứt chiến tranh bằng thương thuyết do thái độ cứng rắn của Hà Nội, đồng thời với những khó khăn trầm trọng về nội bộ đã khiến Johnson phải quyết định rời bỏ chính trường. Tâm trạng của Johnson được biểu lộ rõ khi ông than phiền với Doris Goodwin, người viết tiểu sử của ông:
Ngay từ đầu tôi đã biết rằng dù hành động cách nào tôi cũng vẫn sẽ bị chỉ trích. Nếu tôi bỏ người yêu thật sự của tôi—tức chương trình “Xã hội Vĩ đại”—để dan díu với con điếm chiến tranh ở bên kia bán cầu thì tôi sẽ mất hết mọi thứ ở trong nước… Nhưng nếu tôi từ bỏ cuộc chiến đó và để cho Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam thì tôi sẽ bị coi là một kẻ hèn nhát và nước Mỹ là kẻ nhượng bộ, và chúng ta sẽ không còn có thể làm được chuyện gì cho bất cứ ai ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới.43
Khi quyết định từ bỏ chính trường và tìm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến, Tổng thống Johnson cũng muốn tạo điều kiện thắng lợi cho Phó Tổng thống Humphrey trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc. Tuy nhiên, những cố gắng cuối cùng của chính quyền Johnson nhằm thuyết phục Hà Nội và Sài-gòn đáp ứng các đề nghị hòa đàm đều thất bại. Một yếu tố quan trọng đã khiến cho “ứng cử viên hòa bình” Humphrey bị thua đối thủ Richard Nixon sát nút là việc Tổng thống Thiệu không chịu ký bản Thông cáo chung với Tổng thống Johnson ngày 31 tháng Mười, vì Hoa kỳ không thể đoan chắc về sự đáp ứng của Hà Nội đối với quyết định ngưng oanh tạc toàn diện Bắc Việt. Ngoài ra, VNCH không chấp nhận MTGPMN tham dự hòa đàm với tư cách một phái đoàn độc lập ngang hàng với VNCH.44 Ngày hôm sau, 31 tháng Mười, Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc toàn diện miền Bắc nhưng đã quá trễ để có thể giúp cho ứng cử viên chủ hoà Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử năm ngày sau đó. Humphrey chỉ thua Nixon 0.6 phần trăm số phiếu cử tri (42,7% so với 43.3%) nhưng thua đậm về số cử tri đoàn (191 so với 302).45 Cũng nên biết thêm là trong cuộc tranh cử với Humphrey, Nixon tuyên bố ông có “kế hoạch bí mật” để chấm dứt chiến tranh —một kế hoạch mà sau này Nixon đã nhìn nhận trong một cuộc phỏng vấn là không bao giờ có. Rốt cuộc, ngày 25 tháng Giêng 1969, chỉ năm ngày sau khi Nixon bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống, VNCH vẫn phải tham dự hòa đàm Paris cùng với phái đoàn MTGPMN theo công thức của chính quyền Johnson đề nghị với Hà Nội là “phe các anh, phe chúng tôi” để tiến đến thỏa thuận là “hai bên, bốn phái đoàn.”46 Trước đó, VNCH chỉ có một phái bộ liên lạc bên cạnh phái đoàn Mỹ tại hội nghị.
Việc VNCH tham gia hội nghị Paris là một quá trình phức tạp có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ trong quan hệ Việt-Mỹ. Như trên đã nói, ngày 3 tháng Tư 1968, ba ngày sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố quyết định không tái ứng cử và ngưng ném bom giới hạn Bắc Việt để “sẵn sàng thương thuyết tức thời,” VNDCCH đồng ý tiếp xúc với Hoa Kỳ để thảo luận về các điều kiện hoà đàm. Ngay hôm sau, các Đại sứ của sáu quốc gia đồng minh (Hoa Kỳ, Đại Hàn, Thái Lan, Phi-líp-pin, Úc và Tân Tây-Lan) được mời đến họp tại Dinh Độc lập đồng ý với VNCH đưa ra Bản Thông cáo Chung “nhấn mạnh rằng những cuộc thương thuyết song phương giữa Washington và Hà Nội, không có sự tham dự của VNCH, sẽ chỉ có tính cách thăm dò. Vì vậy, một mặt, Hoa Kỳ không thể có một quyết định nào trong cuộc điều đình với Hà Nội mà không có sự thỏa thuận trước của chính phủ VNCH, và mặt khác, những vấn đề chính trị ở Nam Việt-Nam, vì thuộc phạm vi chủ quyền của VNCH, sẽ không thể được nêu lên trong những cuộc thảo luận song phương giữa Washington và Hà Nội.”47 Phải mất một tháng trời, hai bên mới thoả thuận việc lựa chọn Paris làm địa điểm hội nghị. Cuộc thương thuyết chính thức bắt đầu ngày 10 tháng Năm với Averell Harriman làm trưởng phái đoàn Mỹ và Xuân Thủy là trưởng phái đoàn Bắc Việt.
Hòa đàm Paris vấp ngay phải trở ngại đầu tiên là vấn đề VNDCCH đòi hỏi Hoa Kỳ phải ngưng mọi cuộc oanh tạc trên toàn thể Bắc Việt trước khi tiến hành cuộc thương thuyết. Trở ngại này kéo dài năm tháng trời khiến cho Hoa Kỳ bị yếu thế vì dư luận chống chiến tranh ở trong nước gia tăng trong khi Hà Nội lợi dụng thời gian Mỹ ngưng oanh tạc (dù giới hạn) để củng cố lực lượng và chuyển thêm vũ khí vào Nam. Ngày 31 tháng Mười, Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc toàn diện nhưng không chịu nói là vô điều kiện mặc dù trong cuộc họp báo ở Paris ngày 2.11, Xuân Thủy khẳng định rằng việc Hoa Kỳ ngưng oanh tạc là vô điều kiện. Trở ngại thứ nhì là VNDCCH không chịu nói chuyện với VNCH trong khi VNCH chống lại sự hiện diện của MTGPMN. Phải mất thêm hai tháng rưỡi nữa mới đi đến thỏa thuận, trước hết là về công thức “Hai bên, Bốn phái đoàn,” sau đó là về hình thể bàn hội nghị và chỗ ngồi của mỗi phái đoàn. Phiên họp chính thức đầu tiên diễn ra ngày 25.1.1969.
Sau khi nhậm chức ngày 20.1.1969, Tổng thống Nixon cử Henry Cabot Lodge làm truởng đoàn Hoa Kỳ thay thế cho Averell Harriman. Trưởng đoàn VNCH là Phạm Đăng Lâm. Trưởng đoàn VNDCCH là Xuân Thủy, và phái đoàn MTGPMN do Trần Bửu Kiếm cầm đầu, sau được thay thế bởi Nguyễn Thị Bình.48 Thời gian thương thuyết từ 25.1.1969 đến khi Hiệp định Paris được ký ngày 27.1.1973 là giai đoạn “đánh đánh đàm đàm”. Hộinghị chính thức ở Paris chỉ là diễn đàn cho hai bên tố cáo lẫn nhau và đưa ra quan điểm của mình, thỉnh thoảng lại bị bế tắc để đo lường phản ứng của mỗi bên. Cuộc điều đình thật sự đưa tới kết quả là những cuộc “mật đàm” từ tháng Hai 1970 giữa Kissinger, Cố vấn về An ninh Quốc gia của Tổng thống Nixon, và Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Lao động và “Cố vấn đặc biệt” của phái đoàn VNDCCH ở hội nghị Paris. Trong những cuộc mật đàm này, Hoa Kỳ đã có những nhượng bộ rất quan trọng đem lại cho Bắc Việt những lợi điểm rõ rệt về quân sự để có thể chinh phục miền Nam năm 1975.
Lập trường lúc đầu của Nixon và Kissinger như được xác định trong bài diễn văn của Nixon ngày 14.5.1969, là quân đội Mỹ và quân đội Bắc Việt đồng thời rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, và Hà Nội phải ngưng mọi cuộc tiếp viện người và vũ khí cho MTGPMN. Hoa Kỳ đã không đạt được cả hai điều kiện then chốt cho hòa bình này. Hiệp định Paris 27.1.1973 chỉ qui định rằng, nội trong 60 ngày, Hoa Kỳ và các đồng minh phải rút về nước tất cả mọi thành phần quân đội và vật liệu chiến tranh (điều 5), và tháo gỡ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam (điều 6). Không có điều khoản nào nói đến việc VNDCCH phải rút quân về Bắc.
Vấn đề chấm dứt tiếp viện của Hà Nội cho MTGPMN chỉ được nói đến một cách gián tiếp và tổng quát là hai phe miền Nam (tức VNCH và MTGPMN) không được nhận quân đội, cố vấn và các chuyên gia kỹ thuật trong quân ngũ, khí giới, đạn dược và vật liệu chiến tranh vào miền Nam Việt Nam (điều 7).
Về vấn đề ngưng bắn, điều 2 trong hiệp định chỉ nói đến việc Hoa Kỳ phải “ngưng mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ của VNDCCH bởi các lực lượng hải, lục, không quân từ bất cứ căn cứ nào, và chấm dứt việc thả mìn trên các bến, cảng và các thủy lộ của VNDCCH. Hoa Kỳ sẽ tháo gỡ và phá hủy vĩnh viễn những trái mìn đã thả ở các bến, cảng và thủy lộ ở Bắc Việt ngay sau khi bản hiệp định này có hiệu lực.” Không có khoản nào ngăn cấm các hoạt động quân sự của Bắc Việt ở miền Nam. Điều 3 chỉ nói đến một cách vắn tắt và tổng quát rằng “các phe ở miền Nam Việt Nam phải ngưng tất cả những cuộc tấn công lẫn nhau,” cụ thể là bằng những lực lượng không, thủy, bộ cùng những hành động khủng bố và trả thù của mỗi bên.
Vào những ngày cuối tháng Mười năm 1972, trước cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 7 tháng Mười Một mà Nixon là tái ứng cử viên, Kissinger cố hết sức thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu và các phụ tá của ông chấp thuận bản dự thảo hiệp định mà Kissinger đã hẹn sẽ mang ra Hà Nội để ký tắt ngay sau đó. Tổng thống Thiệu cương quyết chống lại những điều khoản nguy hại cho VNCH, đặc biệt giữ vững lập trường về việc Bắc Việt phải rút quân và không thể có hai chính phủ song song ở miền Nam,49 vì thế Kissinger đã không thể đi Hà Nội được, về tới Washington, ông đã tuyên bố một câu vớt vát với báo chí: “Hoà bình đang ở trong tầm tay!” Sau khi Nixon tái đắc cử, Kissinger gặp lại Lê Đức Thọ hi vọng Thọ sẽ bằng lòng sửa đổi vài điểm trong bản dự thảo nhưng cũng không thành công. Ngày 13 tháng Mười Hai, Hà Nội quyết định ngưng mọi phiên họp. Ngày 18, Nixon cho ném bom Bắc Việt dữ dội, kể cả Hà Nội và Hải Phòng.50 Ngày 28, Hà Nội đồng ý trở lại bàn hội nghị. Ngày 29, Nixon hạ lệnh chấm dứt chiến dịch Linebacker II nhưng vẫn cho tiếp tục ném bom giới hạn phía dưới vĩ tuyến 20.
Sang tháng Giêng 1973, Nixon liên lạc với Thiệu bốn lần nữa để yêu cầu chấp thuận bản hiệp định với một vài sửa đổi nhỏ, cam đoan rằng “Hoa Kỳ sẽ phản ứng bằng tất cả sức mạnh cần thiết nếu có sự vi phạm của Bắc Việt” và “tôi sẽ giữ vững lời cam kết ủng hộ nền tự do và tiến bộ của VNCH và ý định kiên quyết của tôi là tiếp tục viện trợ đầy đủ về kinh tế và quân sự cho Nam Việt Nam.” Vì Thiệu vẫn không chịu thay đổi lập truờng, lần thứ ba Nixon đe dọa:
Văn bản hiệp định này không phải là lý tưởng nhưng không thể đòi được gì hơn trong hoàn cảnh hiện tại…. Việc Ngài bác bỏ hiệp ước này sẽ có hậu quả không thể cứu vãn được là hủy hoại khả năng của chúng tôi giúp đỡ xứ sở của Ngài. Quốc Hội và dư luận dân chúng sẽ bắt buộc chúng tôi như vậy.”
Lần này, sau khi họp với Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 20, Thiệu trả lời đồng ý với Nixon nhưng yêu cầu có điều khoản về việc cả hai miền Nam, Bắc đều giải ngũ quân sĩ trên căn bản đồng đều và những người đã giải ngũ sẽ phải trở về nguyên quán của mình. Ngày hôm sau, Nixon trả lời dứt khoát:
Chính phủ của tôi sẽ ký tắt bản Hiệp định với Hà Nội vào ngày 23. Tôi cần được biết xem Ngài có sẵn sàng đồng ý với chúng tôi hay không và chúng tôi cần được Ngài trả lời ngày 21 tháng Giêng, lúc 12:00 giờ, giờ Washington.
Nixon thêm rằng quá thời hạn này “khả năng viện trợ của Hoa Kỳ cho VNCH được Quốc Hội chấp thuận sẽ giảm sút nghiêm trọng,” Thiệu đành phải trả lời:
Để bảo toàn tình đoàn kết giữa hai chính phủ của chúng ta và căn cứ vào những điều cam kết vững chắc của Ngài về sự tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ của Hoa Kỳ, tôi chấp thuận lịch của Ngài về việc ký tắt bản Hiệp định ngày 23 tháng Giêng.51
Tiến trình thương thuyết của hội nghị Paris và những cuộc dàn xếp tay đôi giữa Kissinger-và Lê Đức Thọ cho thấy rằng VNCH bị đặt vào một vị thế thứ yếu. Mặc dù có những cuộc tham khảo của Tổng thống Hoa Kỳ với Tổng thống VNCH và những buổi làm việc giữa Kissinger và các nhà làm chính sách ở Sài-gòn, mọi ý kiến và yêu cầu quan trọng của VNCH đều chỉ được ghi nhận mà không được thực hiện. Trong cuộc tranh đấu kịch liệt chống lại những điều thỏa thuận tai hại cho VNCH trong bản dự thảo Hiệp định Paris, điểm thành công duy nhất của VNCH là đổi được cơ cấu “Chính phủ Hoà giải và Hòa hợp Dân tộc” thành “Hội đồng Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc.” Rốt cuộc Hội đồng này cũng chỉ là một sáng tạo hữu danh vô thực vì cuộc chiến giữa hai phe Việt Nam lại tiếp diễn ngay khi Hiệp định Paris còn chưa ráo mực.
Năm 1954, nước Pháp dù ở vào tình thế bất lợi của một kẻ chiến bại sau trận Điện Biên Phủ, đã đạt được gần hết những điều mong muốn trong bản Hiệp định Genève trong khi VNDCCH, do sức ép của Liên Xô và Trung Quốc, đã phải chịu chấp nhận những điều kiện không thỏa mãn trong Hiệp định này (xem chương 4). Khác với Hội nghị Genève 1954 có tính cách quốc tế, hội nghị Paris 1975 chỉ là những cuộc hội đàm song phương giữa Hoa Kỳ và VNDCCH. Mặc dù Hoa Kỳ đang có ưu thế trên chiến trường (sau khi Bắc Việt thất bại trong trận Tổng tiến công tháng Ba-tháng Sáu 1972 và nao núng sau vụ dội bom tháng Mười Hai 1972), Tổng thống Nixon đã vì những ưu tiên mới của quốc gia (quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô) và nhu cầu riêng của mình (tái đắc cử) nên chỉ muốn giải quyết cho xong chuyện Việt Nam. Do đó, ông đã nhượng bộ gần như hoàn toàn trước những đòi hỏi của Bắc Việt và đẩy VNCH vào tình trạng tuyệt vọng của một đồng minh bị bỏ rơi.
Thời gian từ tháng Hai 1973 đến tháng Tư 1975 là thời kỳ nguy kịch và suy tàn của VNCH. Theo đúng Hiệp định Paris, quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh rút hết khỏi miền Nam Việt Nam trong 60 ngày, chỉ còn để lại 50 quân nhân thuộc Sở Tuỳ Viên Quốc Phòng (Defense Attache Office – DAO) và một số lính có nhiệm vụ canh gác tòa Đại sứ Mỹ. Khoảng 4,000 người khác đều là nhân viên sứ quán, các cơ quan dân sự hay tư nhân. Tất cả những lời cam kết của Nixon tiếp tục viện trợ kinh tế và quân sự (dù chỉ để thay thế những vũ khí và vật liệu đã hư hại như hiệp định Paris cho phép) hay trừng phạt những vụ vi phạm của Bắc Việt đều bị Quốc Hội ngăn chặn hay hạn chế. Tháng Sáu 1973, Quốc Hội thông qua tu chính Fulbright-Aiken, cấm “tài trợ trực tiếp hay gián tiếp các hoạt động chiến đấu của quân lực Hoa Kỳ ở Bắc Việt, Nam Việt, Lào hay Cam-bốt.”
Đối với việc viện trợ cho quân lực Việt Nam, tài khóa 1974-75 bị cắt xuống còn 700 triệu đô-la so với 1.47 tỉ trong tài khóa 1973- 74. Năm đó, vì Tổ chức của Những Nước Xuất cảng Dầu Lửa (Or­ganization of Petroleum Exporting Countries – OPEC) gây ra vụ khủng hoảng dầu lửa, giá xăng tăng lên 400%. Hậu quả là 35% xe tăng và 55% quân xa không sử dụng được. Hơn 200 máy bay không còn được sử dụng và các hoạt động của không quân bị giảm 70%. Hải quân phải hủy 600 tàu, xuồng và cắt bớt 72% các chuyến tuần tiễu trên sông. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn không còn được phép bắn để phòng ngừa. Lính đi tuần chỉ được phát một trái lựu đạn thay vì 10 trái như hồi trước. Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên cho biết quân lực VNCH chỉ đủ xăng dùng tới giữa tháng Năm và sẽ hết đạn vào tháng Sáu.52 Từ 1973 đến 1975, đồng bạc Việt Nam bị giảm giá 8 lần, mức lạm phát tăng 65% năm 1973 và trên 100% vào năm sau.53 Một cuộc điều tra của sứ quán Mỹ ở Sài- Gòn vào mùa Hè năm 1974 cho thấy trên 90% binh sĩ không được trả lương và phụ cấp đầy đủ khiến cho đời sống gia đình rất thiếuthốn.54
Việc Hoa Kỳ cắt viện trợ cho VNCH sau Hiệp định Paris là nguyên nhân chính khiến cho miền Nam sụp đổ. Đại sứ Ellsworth Bunker giải thích rất gọn gàng nhưng đầy đủ tình trạng bi đát ấy:
Tôi đích thân trao cho ông Thiệu ba lá thư của Tổng Thông Nixon cam kết rằng chúng ta sẽ giúp họ khi phía bên kia vi phạm hiệp định Paris. Thế rồi phía bên kia vi phạm hiệp định hầu như ngay trong ngày đầu tiên họ ký các thoả ước… nhưng chúng ta chẳng bao giờ giúp cho VNCH, vì Quốc Hội không chịu cấp ngân khoản. Kết quả là, cứ mỗi ngày trôi qua, quân đội miền Nam càng có ít súng, ít máy bay, ít xe tăng hơn, thiếu đạn dược để chiến đấu, trong khi miền Bắc được Liên Xô và Trung Quốc chi viện đầy đủ. Kết quả không thể nào tránh khỏi.”55
Việc cả hai bên đều vi phạm hiệp định đã trở thành hiển nhiên và cũng chẳng có bên nào cần giấu giếm nữa. Chỉ khác ở chỗ là miền Bắc vi phạm trong vị thế tấn công với những điều kiện thuận lợi, trong khi miền Nam vi phạm trong hoàn cảnh tự vệ với những phương tiện càng ngày càng giới hạn. Ngoài 160,000 quân chủ lực miền Bắc ở lại miền Nam sau hiệp định Genève, VNDCCH xúc tiến ngay việc tăng gia lực lượng vào Nam. Trong một tập hồi ký,
Tổng thống Nixon cho biết:
Ngay từ đầu tháng Hai 1973 —hiệp ước đình chiến ký ngày 27 tháng Giêng— các phi cơ thám sát của chúng ta nhận ra một đoàn 175 quân xa Bắc Việt vượt qua vùng phi quân sự và 223 xe tăng trên đường mòn Hồ Chí Minh tiến về phía NamViệt Nam. Chẳng bao lâu, những chuyến đưa quân sĩ và vật liệu chiến tranh từ Bắc vào Nam được diễn ra với một nhịp độ chưa từng thấy, vượt quá cả mức xâm nhập trước cuộc tổng tấn công năm 1972.56
Sử liệu quân đội Bắc Việt cũng ghi nhận:
Từ tháng Giêng đến tháng Chín 1973, số vật liệu tiếp viện từ Bắc vào Nam lên đến 140,000 tấn, gấp bốn lần trong năm 1972… Ngoài ra còn có 10,000 tấn vũ khí trữ ở các nhà kho dọc theo đường Trường Sơn.57 Trên 100,000 binh sĩ và cán bộ gồm hai sư đoàn bộ binh, hai trung đoàn pháo binh, một sư đoàn pháo phòng không, một trung đoàn thiết giáp, một trung đoàn công binh và nhiều đơn vị tăng cường khác tiến từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.58
Trong năm đầu, Bắc Việt chú trọng vào việc củng cố lực lượng ở miền Nam đồng thời giúp đỡ MTGPMN đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng một cuộc “tổng công kích – tổng nổi dậy” được trù liệu vào năm 1976. Bởi vậy, “quân giải phóng” được lệnh tập trung ở những địa điểm chiến lược và chỉ có những trận đụng độ nhỏ với quân đội VNCH trong chiến dịch “chiếm đất giành dân” mà cả hai bên đều theo đuổi với mục đích tạo lợi thế trong trường hợp bầu cử sau này. Dù sao VNDCCH cũng không lo ngại vì đã thấy rõ VNCH càng ngày càng suy yếu vì không còn được Mỹ viện trợ. Khi Nixon phải từ chức Tổng thống ngày 9 tháng Tám do vụ Watergate thì Hà Nội thấy thời cơ đã đến. Cuối tháng Mười, Tướng Trần văn Trà, chủ tịch ủy ban Quân vụ, Trung ương Cục miền Nam, trở ra Bắc thuyết phục Bộ Chính trị cho lệnh tổng tấn công sớm hơn dự định. Rút kinh nghiệm thất bại của những trận tổng tấn công khi trước, Hà Nội lấy một quyết định thận trọng là bắt đầu bằng những cuộc tấn công vừa phải để thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ, nếu không thấy gì đáng ngại thì tiến thêm bước nữa cho đến khi hoàn tất cuộc chinh phục toàn thể miền Nam.
Trận thăm dò đầu tiên được thực hiện ngày 13.12 tại Phước Long, một tỉnh nhỏ phía Bắc Sài-gòn gần biên giới Cam-bốt. Cuộc tấn công của 8,000 quân Bắc Việt với sự yểm trợ của thiết giáp và hỏa lực mạnh mở đường đã hoàn tất thắng lợi khi thị xã Phước Bình bị thất thủ ngày 6 tháng Giêng 1975. Trước vụ vi phạm quan trọng này, Hoa Kỳ hoàn toàn im lặng. Đây là một dấu hiệu rất khích lệ đối với Hà Nội,59 do đó Bộ Chính trị quyết định giao cho Đại tướng Văn Tiến Dũng điều động kế hoạch tiến chiếm miền Nam. Ngày 10 tháng Ba, ba sư đoàn quân chủ lực Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột và sau một tuần chiến đấu ác liệt đã chiếm được toàn thị xã và phi trường Ban Mê Thuột. Ngày 14, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu họp hội đồng tướng lãnh ở Cam Ranh, ra lệnh bỏ Cao nguyên để rút quân về phòng thủ Sài-gòn và miền duyên hải. Quyết định bất ngờ này đem lại hậu quả tai hại là một cuộc tháo chạy hỗn loạn của 60,000 binh sĩ và 400,000 thường dân. Bộ đội cộng sản pháo kích vào những đường rút lui từ Kontum, Pleiku ra phía bờ biển Tuy Hòa, gây thiệt mạng cho 15,000 binh sĩ và 100,000 thường dân vô tội.60
Ngay sau trận Ban Mê Thuột, Văn Tiến Dũng lại mở các cuộc tấn công vào Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. Chỉ trong vòng mười ngày, cả ba nơi này cùng các tỉnh khác thuộc Quân khu I đã lần lượt bị quân Bắc Việt chiếm giữ. Cộng với nửa phía Bắc của Quân khu II vừa mất trước đó, lãnh thổ miền Nam vào cuối tháng Ba 1975 chỉ còn lại một nửa từ Nha Trang trở xuống. Đoàn quân và dân tháo chạy từ Quảng Trị đến Đà Nẵng còn đông đảo và hỗn độn hơn cả cuộc triệt thoái Cao nguyên. Mọi người càng hoảng hốt khi nhớ đến những vụ tàn sát tập thể ở Huế trong trận Tết Mậu Thân. Trên một triệu người bị đọng lại khi đoạn đường từ Chu Lai đến Quảng Ngãi bị quân đội cộng sản pháo kích nặng nề. Khi Huế bị thất thủ ngày 25.3, trung tâm thành phố Đà Nẵng cũng bắt đầu bị pháo kích. Chỉ trong ba ngày, 35,000 quân chủ lực miền Bắc đã túc trực ở các cửa ngõ của thành phố, trong khi quân và dân miền Nam chen lấn nhau ở sân bay, bến tàu và bãi biển để tìm đường bỏ chạy. Nhiều tác giả đã mô tả chi tiết cảnh tượng bi thảm của Đà Nẩng, thành phố lớn thứ nhì ở miền Nam, trong những ngày cuối cùng. Có lẽ Stanley Karnow đã ghi được những nét nổi bật nhất trong đoạn văn ngắn gọn sau đây:
Hàng ngàn người lội xuống biển, có cả những bà mẹ ẵm con thơ; nhiều người chết đuối hay bị dày xéo cho đến chết trong lúc tranh nhau lên tàu và thuyền đánh cá; thỉnh thoảng lại có lính miền Nam bắn chết dân để giành chỗ cho mình. Ngày 29, Edward Daley, chủ tịch công ty hàng không World Airways, đáp một chiếc phi cơ khổng lồ xuống phi trường Đà Nẵng. Đám đông điên cuồng ùa ra phi đạo, trong vòng mười phút gần ba trăm người hầu hết là đàn ông leo được vào trong máy bay. Nhiều người khác bám vào thang phía sau của máy bay bị rơi xuống đất chết. Ngày hôm sau, Chúa nhật lễ Phục Sinh, quân cộng sản tiến vào Đà Nẵng.”61
Tổng cộng có khoảng 25,000 binh sĩ bị bắt cùng với khoảng hai triệu dân bị kẹt lại. Đáng chú ý thêm là trong khi vội vã tháo lui khỏi hai vùng chiến thuật, quân đội VNCH đã phải bỏ lại hơn một tỉ đô-la vũ khí và vật liệu chiến tranh. Quân đội miền Bắc vốn đã được trang bị đầy đủ nay lại càng tăng thêm sức mạnh trong khi lực lượng miền Nam đang bị cắt giảm viện trợ lại càng thiếu phương tiện hơn nữa. Đến lúc này, Hà Nội thấy không còn cần phải thăm dò gì thêm nên hạ lệnh cho Văn Tiến Dũng gấp rút “giải phóng” toàn thể miền Nam. Tướng Dũng dời bộ chỉ huy từ Ban Mê Thuột về Lộc Ninh cho gần Sài-gòn hơn. Địa điểm này đang được tướng Trần Văn Trà và ủy viên Bộ Chính trị Phạm Hùng dùng làm căn cứ chiến lược. Ngày 7 tháng Tư, Lê Đức Thọ từ Hà Nội cũng vào tới nơi để cùng điều động những trận đánh cuối cùng của “Chiến dịch Hồ Chí Minh.”
Từ Sài-gòn, Đại sứ Mỹ Graham Martin vội vã điện về Wash­ington xin tăng viện cho VNCH với hi vọng Hà Nội và MTGPMN, qua trung gian của Đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon, sẽ đồng ý thành lập một chính phủ liên hiệp và như vậy sẽ có thêm thì giờ cho Hoa Kỳ giải quyết được mọi việc trước khi rút hết người và vật liệu cần thiết ra khỏi Việt Nam. Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời tuyên bố sẵn sàng thảo luận việc thành lập chính phủ liên hiệp với điều kiện Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Sau khi thảo luận với các phụ tá và tướng Fred Weyand, Tham mưu trưởng quần đội vừa đi thị sát Việt Nam về, ngày 10 tháng Tư, Tổng thống Ford ra trước phiên họp lưỡng viện Quốc Hội yêu cầu chấp thuận ngân khoản 722 triệu viện trợ cho miền Nam. Trong khi Quốc Hội kéo dài thủ tục thảo luận, báo chí Hoa Kỳ kịch liệt chỉ trích Ford là muốn kéo dài chiến tranh.
Bạch Ốc vừa chuẩn bị kế hoạch di tản vừa tìm kiếm một giải pháp chính trị. Chính phủ Pháp cho biết sẵn sàng làm trung gian dàn xếp cho việc thành lập một chính phủ liên hiệp. Hoa Kỳ không mấy tin tưởng vào những nỗ lực của Pháp vì, theo Kissinger, đây chỉ là một “hoài niệm về ảnh hưởng đã mất từ thời thuộc địa hơn là một nhận định thực tế về phương cách kết thúc cho vở bi kịch Việt Nam.”62 Vì vậy, trong khi tiếp tục thảo luận với các đại diện của Pháp, Hoa Kỳ đã nghĩ đến việc trông cậy vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Ngày 19, Ford thông báo cho Brezhnev ý định nhờ lãnh tụ đảng cộng sản Liên Xô can thiệp để có ngưng chiến ở Việt Nam và để thảo luận về một sự thay đổi tình hình chính trị ở Sài-gòn. Hoa Kỳ nhấn mạnh vào việc muốn “di tản các công dân Mỹ và những người Việt Nam mà chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt và trực tiếp”. Các biến chuyển bắt đầu diễn ra mau chóng. Ngày 20, Đại sứ Martin gợi ý cho Tổng thống Thiệu từ chức. Thiệu lạnh lùng trả lời ông sẽ làm điều gì ông thấy có lợi cho Việt Nam. Tối hôm sau, Thiệu lên đài truyền hình loan tin từ chức và chỉ trích Hoa Kỳ đã ép ông phải ký hiệp định Paris với lời hứa tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam nhưng không bao giờ thực hiện. Thiệu nhường chức cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Bốn ngày sau, ông rời Sài-gòn đi Đài Loan trên một chiếc máy bay Air America do CIA sắp xếp. Gia đình ông đã xuất ngoại trước đó ít ngày. Đại sứ Martin có mặt ở phi trường để tiễn chân người bạn đồng minh bại trận. Từ 21.4, Hoa Kỳ chính thức nhưng lặng lẽ bắt đầu cuộc di tản ngưới Mỹ và người Việt.
Ngày 23, Tổng thống Ford đọc diễn văn ở Đại học Tulane, tiểu bang New Orleans, cho thấy rằng đối với ông chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt:
Ngày nay, nước Mỹ có thể lấy lại được niềm hãnh diện đã có trước (chiến tranh) Việt Nam. Điều đó không thể nào đạt được bằng cách trở lại một cuộc chiến đã chấm dứt đối với nước Mỹ. Theo tôi, đã đến lúc phải nhìn về phía trước vào một chương trình cho tương lai để đoàn kết, để hàn gắn những vết thương của Quốc gia, và để hồi phục lại sức khỏe và lòng tự tin lạc quan của xứ sở.63
Mặc dù sau buổi nói chuyện ở Tulane, Ford đã cho thông báo với giới truyền tin rằng ông vẫn giữ nguyên lời yêu cầu Quốc Hội chấp thuận ngân khoản viện trợ 722 triệu cho Việt Nam, điểm xác định này chỉ là một cố gắng ngăn chặn hậu quả tai hại của lời tuyên bố “chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt”. Nhưng vô ích, vì không ai không biết rằng dù có được Quốc Hội Mỹ chấp thuận, số tiền đó cũng chẳng còn kịp giúp được gì cho VNCH được nữa. Điểm xác định này càng không có hiệu lực gì đối với giới lãnh đạo ở Hà Nội. Qua lời tuyên bố của Ford, Hà Nội biết chắc được một điều là Mỹ đã bỏ rơi VNCH. Từ nay, không còn có gì có thể trì hoãn được thế “thừa thắng xốc tới” của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 24, Đại sứ Nga Dobrynin ở Washington điện thoại cho Kissinger cho biết rằng Hoa Kỳ có thể yên tâm di tản người Mỹ vì Hà Nội “không có ý định làm hại uy tín của Hoa Kỳ.” Câu chuyện điện thoại cũng cho thấy Hà Nội sẽ tìm một giải pháp chính trị theo tinh thần Hiệp định Paris. Đây chỉ là một bức màn khói do Hà Nội tung ra để trấn an Hoa Kỳ đồng thời đem lại ảo tưởng về liên hiệp và hoà bình cho chính phủ Trần Văn Hương và Dương Văn Minh, ảo tưởng cho MTGPMN về thời cơ của Chính phủ Cách mạng Cộng hoà miền Nam Việt Nam (không còn “lâm thời” nữa), và ảo tưởng cho chính phủ Pháp trong những cố gắng thu xếp để đạt được một giải pháp chính trị. Để chứng tỏ thiện chí hợp tác giữa những người Việt Nam yêu nước với nhau, ngày 29, tân Tổng thống Dương Văn Minh đòi hỏi tất cả mọi người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau, 30 tháng Tư, quân “giải phóng” tiến vào Sài-gòn. Tổng thống Dương Văn Minh và các Bộ trưởng chờ đợi sẵn ở dinh Độc Lập để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Thay vào đó, ông được “hộ tống” lên đài phát thanh đọc bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Chuyện đáng cười ra nước mắt là ngày 1 tháng Năm, một ngày sau khi Sài-gòn thất thủ, Hạ Viện Mỹ bác bỏ lời Tổng thống Ford trước đó yêu cầu chấp thuận số tiền 327 triệu để chi phí cho công cuộc di tản người tị nạn Đông Dương, một việc làm đã được thực hiện khẩn cấp suốt ngày đêm bằng máy bay vận tải, trực thăng và chiến hạm Mỹ từ những ngày cuối tháng Tư.64
______
Ghi chú:
[1] Bản tuyên bố của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, trưởng phái đoàn QGVN, sau phiên họp cuối cùng của hội nghị Genève ngày 21.7.1954
2 Cesari, 126.
3 Thành phần gồm 8 nước: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, úc, Tân Tầy Lan, Pa-kis-tan, Thái Lan và Phi-líp-pin.
4 Césari, 123.
5 Lê Mậu Hãn, 161.
6 Ibid.,160.
7 Césari, 133.
8 Robert S. McNamara, Argument Without End, 35.
9 Trương Như Tảng, A Viet Cong Memoir (New York: Vintage Books, 1986),70-71.
10The Pentagon Papers, ch. 1, 151.
11 nước tham dự gồm 5 nước lớn (Hoa Kỳ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc), 3 nước hội viên của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát (Canada, n Độ, Ba Lan), 4 nước Đông Dương (VNCH, VNDCCH, Cam-bốt, Lào) và 2 nước láng giềng của Lào (Thái Lan, Miến Điện).
12 Cuối năm 1960, Souvanna Phouma không được Mỹ giúp cho gạo và dầu lửa nhưng được cả Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ. Tháng Tư 1961, Phouma sang thăm Trung Quốc và ký với Chu Ân Lai hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi song phương về kinh tế và văn hóa.
13 Zhai, 104.
14 Bắt đầu từ 1962, miền Bắc đã có thể dùng xe vận tải trên nhiều đoạn. Đường mòn tiếp tục được mở rộng và đến 1965 thì đã có những đoàn công – voa dài từ 50 đến 75 dặm di chuyển vào ban đêm. Mỗi tháng có thể chuyển khoảng 8,000 quân và 10,000 tấn vật liệu. Cuối năm 1970, có 70,000 quân Bắc Việt bảo vệ con đường này chống những cuộc tân công của Mỹ và VNCH. Tất cả những cố gắng phá hủy đường mòn HCM đều vô hiệu. Mỹ chấm dứt oanh tạc ngày 31.3.1972, khi các cuộc hội đàm Kissinger-Lê Đức Thọ đang diễn ra ở Paris. Cuộc xâm nhập từ miền Bắc không còn bị cản trởnữa.
15 Cuộc đổ bộ này do các lực lượng của dân tị nạn Cuba thực hiện, được chuẩn bị từ thời Eisenhower với sự yểm trợ của CIA và được sự chấp thuận của Kennedy. Cuộc đổ bộ ngày 17.4.1961 hoàn toàn thất bại vì Fidel Castro đã biết trước và bắt giam hàng ngàn người có nhiệm vụ nội ứng cho âm mưunày.
16 Richard. Falk, ed., The Vietnam War and International Law: A Symposium sponsored by the American Society of International Law (New Jersey: Princeton University Press, 1969), vol. II, 1204.
17 Lê Mậu Hãn, 195-196.
18 Roger Hilsman, “The situation and short-term prospects in South Viet­nam”, Memorandum to Secretary of State Dean Rusk, Dec. 3, 1962.
19 Tucker, 176 268.
20 Sư đoàn 7 VNCH thua trận Ấp Bắc vì hoãn cuộc tấn công lại một ngày để cho các phi công Mỹ lái trực thăng được ăn Tết dương lịch. Do đó, khi quân VNCH tấn công ngày 2.1.1962 thì QGPMN đã biết được tin và bố trí sẵn cuộc phục kích. Năm trực thăng Mỹ chở quân VNCH bị bắn rơi. Sau trận này, quan hệ giữa cố vấn Mỹ và các sĩ quan chỉ huy VNCH còn căng thẳng hơn nữa.
21 Sau này, do sự tham chiến của Hoa Kỳ, vòng kiểm soát của VNCH lại mở rộng hơn. Sau hiệp định Paris, khi Bắc Việt và MTGPMN rút về củng cố lực lượng ở một số nơi để chuẩn bị tấn công, họ chỉ còn kiểm soát 20% đất đai và 12% dân chúng. (Cesari, 238.)
22 McNamara, In Retrospect: The tragedy and lessons of Vietnam (New York,Vintage Books, 1995), 105.
23 Ibid., 105.
24 Ngày 2.8.1964, tàu phóng ngư lôi của Hà Nội tấn công khu trục hạm Maddox ngoài khơi Vịnh Bắc Việt nhưng không gây thiệt hại gì. Ngày hôm sau, tàu Maddox cùng với khu trục hạm C . Turner Joy trở lại tuần tiễu ở một vị trí xa hơn. Màn ảnh ra-đa trên cả hai tàu đều ghi nhận tín hiệu là bị tàu Bắc Việt tấn công đêm hôm đó. Những tín hiệu này về sau bị coi là không chắc chắn. Ngày 5.8, Johnson cho máy bay ném bom phá hủy kho trữ dầu ở Vinh và một số tàu tuần ở bờ biển. Hai máy bay Mỹ bị bắn rơi. Ngày 7.8, Quốc Hội chấp thuận Nghị quyết Vịnh Bắc Việt.
25 Nguyễn Phú Đức, Vietnam: Pourquoi les Etats-Unis ont-ils perdu la guerre? (Paris: Godefroy de Bouillon, 1996), 121; Kamow, 363. Kamow cho biết thêm Hoa Kỳ hứa sẽ công nhận VNDCCH về ngoại giao nữa.
26 Zhai, 170.
27 Duiker, Sacred War: Nationalism and Revolution in a Divided Vietnam, (New York: McGraw-Hill, 1995), 193.
28 McNamara, In Retmspectr 154.
29Ibid.,159.
30 Ibid.,166.
31 Ibid.,167-168.
32 Karnow, 427.
33 Césari, 197.
34 Nhóm này được mệnh danh là “The Wise Men” (Những Người Sáng Suốt) gồm trên 10 nhân vật lưỡng đảng nhiều kinh nghiệm về chính sách quân sự và ngoại giao Hoa Kỳ. Thành phần tham dự hơi thay đổi trong mỗi lần triệu tập. Cũng như trong lần họp thứ nhất vào tháng Bảy 1965, nhóm cố vấn đặc biệt lần này chủ trương tiếp tục sử dụng biện pháp quân sự. Những người tham dự lần họp thứ nhì gồm có: Dean Acheson, George Ball, Omar Brad­ley, McGeorge Bundy, Clark Clifford, Arthur Dean, Douglas Dillon, Abe Fortas, Cabot Lodge, Robert Murphy Maxwell Taylor.
35 Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ (California: Đa Nguyên, 1998), tr. 101.
36 Lê Mậu Hãn, tập III, tr. 209. Chiến dịch TCK/TKN thực ra đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tổng chỉ huy Trung ương Cục miền Nam, đề xuất từ tháng Giêng 1967 để thay thế chiến tranh tiêu hao của Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp. Tháng Tư, Bộ Chính Trị chấp thuận đề nghị của tướng Thanh. Khi tướng Thanh chết bất ngờ vào tháng Bảy, tướng Giáp lãnh trách nhiệm tiến hành kế hoạch TCK/TKN.
37 Tucker, 183. Theo MACV, trong đợt đầu, QGPMN chết 42,000, đợt hai 40,000 và đợt ba 26,000, tổng cộng 108,000. (Dẫn bởi Lewis Sorley, A Better War [Florida: Harcourt, Inc., 1999], 97.) Con số này gần với con số của Bắc Việt đưa ra (111,306) trong đoạn trích dẫn bên dưới.
38 Tucker, 396.
39 Lê Mậu Hãn, 212. Con số 111,306 cán bộ và chiến sĩ thương vong được tác giả miền Bắc ghi trong chú thích ở cuối trang. Con số này gồm cả ba đợt của chiến dịch, chấm dứt vào cuối tháng Chín 1968.
40 Douglas Pike, ed., The Bunker Papers (Berkeley: University of California, 1990), p.327.
41 Lê Mậu Hãn, 212.
42 Đáng chú ý là vua Quang Trung chuẩn bị chiến dịch này cũng trong một năm Mậu Thân (1788), cho quân ăn Tết trước vào cuối năm rồi đầu năm Kỷ Dậu mới đánh quân Thanh.
43 Dn bởi Kenneth R. Stevens. Xem Tucker, 196.
44 về chi tiết của những phiên họp gay go giữa Đại sứ Bunker, Phó Đại sứ Berger và Tổng thống Thiệu cùng các cộng sự viên của ông trong những ngày cuối tháng Mười, đặc biệt trong bốn phiên họp liên tiếp giữa tối 31.10 và sáng 1.11 (giờ Sài-gòn), xem Nguyễn Phú Đức, Vietnam: Pourquoi les États Unis ont-ils perdu la guerre?,sách đã dẫn, 208- 216.
45 ng cử viên độc lập George Wallace được 13.5% phiếu cử tri và 5 phiếu cử tri đoàn.
46 Đảng Dân chủ Mỹ cho rằng Đại sứ Bùi Diễm, sau khi tiếp xúc với ứng cử viên Nixon (qua sự dàn xếp của Anna Chennault), đã xúi dục Thiệu không ký bản Thông cáo chung với Johnson. Bùi Diễm đã tường thuật và giải thích chi tiết vụ này trong cuốn hồi ký của ông, Gọng Kìm Lịch Sử (Paris: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000), 381-409.
47 Nguyễn Phú Đức, Vietnam: Pourquoi les États-Unis ont-ils perdu la guerre?, 160 ?
48 Trần Bửu Kiếm là một trong ba đảng viên cộng sản điều hành MTGPMN. Do tính tình bộc trực , Kiếm phản đối việc bị cán bộ chính trị Trần Hoài Nam hạn chế và kiểm soát mọi cuộc tiếp xúc với các giới ngoại giao và Việt kiều ở Pháp. Vì lý do này, Kiếm bị triệu hồi về nước.
49 Tháng Sáu 1969, để tránh bị mang tiếng là công cụ của miền Bắc và có danh nghĩa tham gia vào các cuộc thương thuyết ở Paris, MTGPMN thành lập “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam”.
50 Vụ ném bom này mang tên “Hành quân Linebacker II”, tổng cộng trên 1,700 lần xuất kích, trong đó 739 lần do máy bay chiến lược khổng lồ B-52. Dù đã đề phòng trước, Bắc Việt vẫn bị thiệt hại nặng. Trong 11 ngày, gần 16,000 tấn bom được trút xuống Hà Nội, Hải Phòng, Vinh và mấy nơi khác. Hà Nội có 1,318 người chết, Hải Phòng 300 người. 26 máy bay Mỹ bị hạ trong đó có 15 chiếc B-52.
51 Nguyễn Phú Đức, op. cit., 366-368.
52 Sorley, 368.
53Nguyễn Phú Đức, op. cit., 379.
54 Kamow, 675.
55 Ellsworth Bunker, Oral History Interview, LBJ Library. Dn bởi Sorley, 373.
56 Richard Nixon, No More Vietnams (New York: Arbor House, 1985), 172- 173.
57 Tức đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào, dọc theo biên giới Lào -Việt.
58 Viện Lịch sử Quân đội Việt Nam, Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, II: 458.
59 Cựu Đại tá Bùi Tín kể lại rằng khi Nixon từ chức, các nhà lãnh đạo Bắc Việt biết rằng họ sẽ thắng và Phạm Văn Đồng nhận xét về Gerald Ford, “Đây là Tổng thống yếu nhất của Mỹ.” Đại tá Bùi Tín nói tiếp, “chúng tôi trắc nghiệm ý chí của Ford bằng việc tấn công Phước Long. Khi Ford giữ máy bay B-52 ở trong kho thì các lãnh tụ Hà Nội quyết định tổng tấn công miền Nam.” (Sorley, 374).Henry Kissinger, Years of Renewal, (New York: Simon & Schuster), 521; Cesari. 242.
61 Kamow, 680.
62 Kissinger, 532.
63 Ibid., 535
64 Máy bay vận tải và trực thăng Mỹ bốc được 6,763 người Mỹ và 45,125 người Việt và quốc tịch khác. Hơn 6,000 người chạy bằng tàu thuyền được chiến hạm Mỹ vớt ở ngoài khơi. Ngay sau khi Sài-gòn thất thủ, còn có hơn 65,000 người tiếp tục vượt thoát bằng đường biển, nâng tổng số người tị nạn đợt đầu tiên lên khoảng 120,000 người.

“Quý bà” làm ăn quá bê bối

(TTHN) - Theo tin của các thế lực thù địch thì người đàn bà này có quan hệ sâu đậm về mặt tình cảm với đ/c X. Đề nghị bà con phải tuyệt đối tin những gì đảng nói thôi nhé!

Viết tiếp bài Phía sau phi vụ 54 triệu USD của một “quý bà thành đạt”:
Báo CATP số ra ngày 25-9-2012 có đăng bài Phía sau phi vụ 54 triệu USD của một “quý bà thành đạt”, phản ánh hành vi thiếu trung thực của bà Trương Thị Tuyết Nga - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh - qua việc chuyển nhượng mảnh đất nằm trong khu quy hoạch ga Thủ Thiêm tại phường Bình Khánh (Q2) cho bà Dương Mỹ Linh, chiếm giữ 1,5 triệu USD tiền cọc. Cũng liên quan đến việc mua bán bất động sản, “quý bà thành đạt” Trương Thị Tuyết Nga còn cho nhiều người nếm trái đắng.  
Các hộ dân mua nền từ bà Nga trình bày bức xúc với phóng viên
TỰ TUNG TỰ TÁC   
Như chúng tôi đã thông tin, sau khi nhận 1,5 triệu USD tiền cọc sang nhượng đất cho bà Linh, ngày 18-1-2008 bà Nga tùy tiện cắt 2.909m2 đất trong diện tích 11.442m2 (phần đã hứa bán cho bà Linh) để chuyển nhượng cho ông Trần Văn Mười (ngụ P. Bình An, quận 2) với giá gần 1,5 tỷ đồng. Do đất nằm trong khu quy hoạch ga Thủ Thiêm không thể tách thửa, ngày 2-4-2008, bà Nga lập hợp đồng ủy quyền cho ông Mười toàn quyền định đoạt phần diện tích đất đã giao dịch. Tiếp đó, đôi bên ký hợp đồng hoán đổi đất nông nghiệp, nội dung: ông Mười giao 7.826m2 (gồm lô đất của ông cùng 2.909m2 đất được ủy quyền) cho Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh do bà Nga làm đại diện, để đổi lấy 2.800m2 đất xây dựng căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ trong dự án (không có thật - N.V) của bà Nga tại địa điểm trên. Hợp đồng còn ràng buộc nếu bên nào đơn phương hủy bỏ sẽ bị phạt 10 tỷ đồng. 

Khu công viên của dự án hay tài sản riêng của bà Nga?
 Dự án không hình thành, hơn nữa pháp luật cũng không cho phép hoán đổi diện tích vượt mức 2.500m2 đất ở nên ngày 13-5-2011, ông Mười gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cho phía bà Nga biết, để không xâm phạm đến tài sản của ông. Ông Mười chẳng hề hay rằng trước đó ba năm, ngay sau khi ký ủy quyền định đoạt 2.909m2 đất cho ông thì hôm sau (tức 3-4-2008), bà Nga âm thầm đến Phòng công chứng số 3 lập hợp đồng ủy quyền định đoạt hết diện tích 11.442m2 đất cho Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Vũ Lan do con trai lớn là Vũ Hải Anh làm đại diện. Mãi đến ngày 9-1-2012, ông Mười mới phát hiện việc làm bất thường này, khi bà Nga tiếp tục lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng toàn bộ số đất trên từ Vũ Hải Anh sang em trai Vũ Hải Minh Anh. Không chỉ lấy tài sản của người khác đem ủy quyền và tặng cho các con, bà Nga còn lén lút đem phần đất này đến Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn (số 426 Nguyễn Thị Minh Khai, P5Q3) thế chấp vay 56 tỷ đồng vào ngày 8-3-2011. 
Bức xúc trước những động thái mờ ám của bà Nga, ông Mười đệ đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 2. Pháp luật vào cuộc, bà Nga hứa sẽ khắp phục hậu quả chậm nhất là ngày 30-4-2012. Mặt khác, “quý bà” và cơ quan công chứng vội vã chữa cháy bằng cách điều chỉnh hợp đồng ủy quyền tặng cho, bằng cách trừ phần diện tích đất của ông Mười ra (tức chỉ ủy quyền 8.533m2 trong phần đất 11.442m2 - N.V). Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần sửa chữa đơn phương của phòng công chứng, còn hợp đồng thế chấp tài sản vay ngân hàng vẫn còn nguyên. Thế nên đất của ông Mười vẫn đang là tài sản thuộc quyền quản lý của ngân hàng. 
KHÔNG THỂ PHỦI TRÁCH NHIỆM
 Mới đây, khi hay tin TAND quận Gò Vấp hủy bỏ quyết định cấm bà Nga xuất cảnh dưới mọi hình thức, hàng chục hộ dân ngụ tại khu dự án số 15 - 16 Phan Văn Trị, P7Q. Gò Vấp như ngồi trên đống lửa. Họ đã mua đất từ bà Nga nhưng trách nhiệm hoàn tất giấy chủ quyền cho họ bảy năm nay vẫn chưa được thực hiện. 
Mang đơn khiếu nại đến Báo CATP, ông Trần Xứng, đại diện cho 21 hộ dân, tường trình: Từ giữa năm 2002 đến đầu 2003, bà Trương Thị Tuyết Nga đứng ra ký hợp đồng tay với chúng tôi về việc chuyển nhượng nền đất tại địa chỉ trên với giá từ 9 triệu đến 19 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Hợp đồng nêu rõ, phía bà Nga có nghĩa vụ đóng các loại thuế và hoàn tất thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua trong thời gian sáu tháng tính từ thời điểm ký hợp đồng chính thức. Bà Nga trực tiếp nhận tiền theo diện tích chuyển nhượng (nền nhỏ nhất 66m2, đa phần người mua đã giao đủ tiền, số ít giữ lại 5%, khi nhận được giấy chủ quyền sẽ thanh toán hết). 

Đất dự án bà Nga bán cho bà Linh, trong đó có phần đất của ông Mười ba lần bị “người đẹp” tự ý định đoạt
 Trung tuần tháng 1-2003, bà Nga cung cấp cho một số hộ bản “Hợp đồng góp vốn nhận nền xây dựng nhà ở” đã được ông Lê Cương (Phó giám đốc chi nhánh Công ty xây lắp và vật tư xây dựng số 5 trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trụ sở số 11 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P17Q. Bình Thạnh) ký tên, đóng dấu sẵn, bảo các hộ ký vào. Theo hợp đồng, công ty trên (bên A) là chủ đầu tư dự án khu quy hoạch nhà ở số 15 - 16 Phan Văn Trị, đơn giá góp vốn của người mua (bên B) được cào bằng là 5 triệu đồngm2. Tương tự như hợp đồng tay đã ký kết với bà Nga trước đó, bên A có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước để hoàn tất việc tách thửa cho bên B. 
Với suy nghĩ chỉ trực tiếp giao dịch với bà Tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh nên các hộ tin tưởng ký, không quan tâm đến Công ty xây lắp và vật tư xây dựng số 5. Về sau, qua tìm hiểu mọi người được biết khu đất quy hoạch dự án này có diện tích 5.534m2 do Công ty xây lắp và vật tư xây dựng số 5 chuyển nhượng từ một bộ, được UBND thành phố cấp giấy chủ quyền vào năm 2004, đến ngày 9-8-2005 có văn bản thỏa thuận quy hoạch xây dựng nhà ở của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Theo đó, phân bố đất xây dựng nhà ở 4.509m2, 1.025m2 còn lại là công trình công cộng gồm công viên, đường giao thông... Tuy nhiên, mối liên kết giữa bà Nga với chủ đầu tư trong việc kinh doanh dự án thế nào, đến giờ nhiều người vẫn không hiểu.
Nhà xây tiền tỷ, bảy năm chưa có giấy tờ
 Trở lại tiến độ thực hiện nghĩa vụ, sau khi xây cất nhà xong, các hộ chờ mãi không thấy bên bán thực thi cam kết. Người mua chất vấn thì bà Nga viện lý do lúc  bận đi công tác nước ngoài, khi nói cơ quan chức năng chưa cho tách thửa vì chưa cho chuyển mục đích sử dụng đất. Tin tưởng vào vị thế của bà Tổng giám đốc, các hộ tiếp tục chờ. Cho đến khi mọi người biết rõ: ngày 28-1-2005, UBND thành phố có quyết định cho Công ty xây lắp và vật tư xây dựng số 5 (nay là Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp 5, trụ sở chính vẫn ở Hà Nội, chi nhánh rời về địa chỉ 117 Trần Văn Dư, P13Q. Tân Bình) được chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án trên, bà Nga bèn chuyển tông bảo chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước... 
Anh Phan Trúc, nhà lô C05, bực bội: “Lúc ký hợp đồng chuyển nhượng đất, bà Nga luôn hối thúc nộp tiền đúng hạn. Nhưng khi đút túi rồi thì bà ta chẳng những không đoái hoài gì đến trách nhiệm làm giấy tờ mà còn nói dối. Mỗi lần chúng tôi đến tìm thì bà Tổng giám đốc chỉ đạo lực lượng bảo vệ bệnh viện chặn lại không cho gặp”. 
Bức xúc, người dân gửi đơn kêu cứu khắp nơi, cuối cùng được hướng dẫn khởi kiện ra tòa. Khi biết hai ông Trần Xứng, Nguyễn Đức Hiển đã kiện mình, ngày 20-9-2012, bà Nga có đơn gửi TAND quận Gò Vấp, trình bày: “Hiện các lô đất tại khu vực số 15 - 16 Phan Văn Trị, P7Q. Gò Vấp vẫn đứng tên Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp 5. Bản thân tôi cũng có mua một số lô đất tại đây và đang yêu cầu bên bán lập thủ tục tách thửa, sang tên cho tôi mà chưa được. Vì vậy, ông Trần Xứng khởi kiện tôi là không đúng”. Ông Xứng phân tích với phóng viên: “Như vậy bà Nga cũng cho rằng mình là nạn nhân của Công ty cổ phần và đầu tư xây lắp 5. Nếu thế  thì cũng có nghĩa bà ta đã tự ý đem đất của công ty để bán cho chúng tôi à!”...
Để tìm hiểu trách nhiệm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc về ai, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Văn Biên - Phó giám đốc chi nhánh - được ông trả lời mới giữ chức vụ nên không nắm rõ vấn đề. Các hộ dân nơi đây lập tức phản ứng: năm 2007, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ông Biên đã ký hai thông báo gửi các hộ dân nói rõ việc tách thửa liên hệ với bà Nga là người trực tiếp đứng ra bán nền. Căn cứ văn bản trên, các hộ dân khẳng định bà Nga là người phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết chứ không thể nhận tiền rồi phủi tay. 
Chuyện làm ăn của “quý bà” còn lắm tai tiếng, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin cùng bạn đọc.

Huỳnh Minh Dũng
(CATP)

Ông Hoàng Hữu Phước đã gửi thư xin lỗi ĐBQH Dương Trung Quốc

Sáng nay 20/2, ông Hoàng Hữu Phước đã gửi thư xin lỗi ông Dương Trung Quốc thông qua Đoàn ĐBQH TPHCM và một thư gửi văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM.

Đích thân ông Hoàng Hữu Phước đã mang 2 lá thư đến Văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM (số 2bis, đường Lê Duẩn, P. Bến Nghé, Q.1, TPHCM), một lá gửi cho ông Dương Trung Quốc thông qua văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM và một lá gửi cho văn phòng Đoàn. Nội dung thư không được tiết lộ.

Trước đó, chiều ngày 19/2, ông Phước cho PV Dân trí biết, sở dĩ ông không gửi trực tiếp thư xin lỗi cho ông Dương Trung Quốc vì có thể sẽ... không có bằng chứng là ông đã xin lỗi. Hơn nữa, ông Phước muốn tuân thủ theo quy trình của tổ chức nên gửi thư thông qua văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM. “Làm như vậy để thể hiện mình là người hiểu biết, có lòng phục thiện, chân tình, nghiêm túc, công khai”, ông Phước nói.

Ông Hoàng Hữu Phước nói rằng ông không có tham vọng chính trị mà chỉ là đại biểu dân cử
Ông Hoàng Hữu Phước nói rằng ông không có tham vọng chính trị mà chỉ là đại biểu dân cử
Cũng trong sáng nay 20/2, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, về việc ông Hoàng Hữu Phước viết bài công kích ĐBQH Dương Trung Quốc. Ông Dương Quan Hà cho biết, MTTQVN TPHCM là đơn vị đã giới thiệu ông Hoàng Hữu Phước vào Quốc hội. Vì vậy, không riêng gì đại biểu Phước, MTTQ TPHCM ngoài nhiệm vụ giới thiệu còn phải thực hiện việc giám sát hoạt động của các đại biểu.

Ngày 18/2, đại diện của MTTQ TPHCM cũng đã có mặt trong buổi ông Phước lên làm việc với Đoàn ĐBQH TPHCM để lắng nghe sự việc. Sắp tới, MTTQ TPHCM sẽ trực tiếp gặp ông Hoàng Hữu Phước để góp ý về những sự việc đã xảy ra.

Đề cập đến việc có hình thức kỷ luật nào đối với ông Hoàng Hữu Phước hay không, ông Dương Quan Hà nói: “Trước mắt, chúng tôi góp ý với anh Phước. MTTQ TPHCM chưa nghĩ đến việc kiến nghị bãi nhiệm đại biểu này”.
Công Quang (Dân trí)

Hiệu Minh - Các nghị mắng nhau là tín hiệu tốt

Thấy bà con bàn tán nhiều về anh Hoàng Hữu Phước “đả” anh Dương Trung Quốc. Anh Phước đã đăng trên blog cá nhân và trang emotino.com một entry và gọi anh Quốc là “ăn nói hồ đồ, xằng bậy”, ”hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng”.
Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam có đại biểu khơi mào cuộc ”chiến miệng” ngoài đời.
Bạn đọc la ó, lên án anh Phước. Có người đòi đuổi nghị Phước ra khỏi Quốc hội. Có luật sư đi xa hơn, buộc tội vi phạm pháp luật. Dư luận mạnh tới mức mà bài viết đã rút xuống và anh Phước phải lên tiếng xin lỗi anh Quốc trên VietnamNet.
Tôi nghĩ khác hẳn. Chúng ta nên cảm ơn anh nghị Phước. Dầu sao anh cũng cho biết trong Quốc hội, những đại biểu của dân, có những người như anh. Nhiều người im lặng nên dân tình không biết chất lượng đại biểu đó thôi. Nếu được thoải mái, có khi lộ thêm nhiều nghị Phước.
Bên phương Tây, Đài Loan, cả Đông Âu cũng thế, chuyện các nghị mạt sát nhau là thường, la ó, lấy giầy ném nhau. Có khi còn đấm vào mặt nhau chảy máu mồm giữa nghị trường, bị cảnh sát còng tay ngay trong phòng họp.
Họp QH mà cứ như ngồi ở lớp học.
Họp QH mà cứ như ngồi ở lớp học.
Quốc hội nước mình yên tĩnh quá, tôn ty trật tự, ít khi thấy sóng gió nổi lên. Ngồi họp như kiểu lớp học của trẻ con, từ cao xuống thấp. Có ai hàng đầu phát biểu thì hàng sau toàn nhìn lưng. Hàng sau phát biểu thì hàng trước ngoái sái cả cổ. Không thấy đối đầu bao giờ. Đất nước 4000 ngàn năm, Quốc hội vẫn…trẻ…
Ai hơi thẳng thắn trong phát biểu lập tức được báo chí đưa tin rầm rầm, blog nóng lên từng giờ.
Tôi nhìn sự kiện nghị Phước theo chiều hướng tích cực. Ít nhất anh cũng nói những gì anh thấy trái tai gai mắt, hơn là anh ngồi im, Quốc hội im, TW im, BCT im, cả nước im. Sự im lặng kinh người trước những việc lẽ ra phải mở miệng.
Vì quen im như thế nên cuối cùng hội nghị TƯ 6 vừa rồi, chả ai dám nói như anh Phước. Giá như đồng chí S mạnh dạn như anh Phước thì sự thể đã khác. Rón rén gọi  đồng chí X liệu các bạn có thấy hay hơn nghị Phước mắng nghị Quốc hay không?

Hiệu Minh
(Blog Hiệu Minh) 

Ông Hoàng Hữu Phước: Kiên quyết không từ nhiệm

Viết bài công kích đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bằng những lời lẽ khiếm nhã, bị cử tri phản đối, mất lòng tin, song ông Hoàng Hữu Phước cho biết không có ý định từ nhiệm.
Chiều 19/2, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã chia sẻ với các PV báo chí về những thông tin liên quan đến bài viết “Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu)” đăng trên blog cá nhân của ông.
“Tôi trình bày quan điểm chứ không cãi lộn”
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước cho biết, nếu bị Quốc hội bãi miễn ông sẵn sàng chấp nhận, cũng như chấp nhận mọi hình thức xử lý khác, nhưng tự nguyện từ nhiệm thì không. “Tôi hoàn toàn không từ nhiệm”, ông Phước khẳng định với PV Dân trí.
Ông Phước biết hành động vừa qua của mình khiến nhiều cử tri không hài lòng, mất niềm tin... nhưng ông cho rằng: “Cử tri là một tập thể của những con người khác nhau. Nếu cử tri thấy tôi làm vậy là không nên nhưng đã thành tâm phục thiện thì họ sẽ nghĩ khác. Những cử tri đã ủng hộ tôi qua những bài viết trước thì không vì bài viết này mà xóa sạch những gì mười năm nay tôi cống hiến, cung phụng. Tôi cũng là cử tri mấy chục năm nay và cũng thất vọng nhiều năm nên tôi hiểu sự kỳ vọng chính danh, chính đạo, chính đáng của cử tri”.
“Khi viết blog ông có nhớ mình là đại biểu Quốc hội không?”, một nhà báo đặt câu hỏi. Ông Phước trả lời ông nhớ rất rõ câu căn dặn của ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM rằng không phải khi đeo huy hiệu ở nghị trường mới là đại biểu Quốc hội mà khi đi chợ, ăn, ngủ, ở đâu cũng vẫn là người đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là đại diện cho toàn dân chứ không phải chỉ ở địa bàn mình ứng cử. Người dân có quyền yêu cầu tuyệt đối ở người đại biểu Quốc hội. “Người dân không chấp nhận các đại biểu Quốc hội cãi lộn. Tôi nghĩ bài viết chỉ là trình bày quan điểm chứ không cãi lộn. Tôi quên một điều, những chữ trình bày là nhạy cảm, nội dung phản biện như vậy là công kích”, ông Phước biện minh.
Ông Hoàng Hữu Phước chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội chứ kiên quyết không từ nhiệm
Ông Hoàng Hữu Phước chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội chứ kiên quyết không từ nhiệm
Sau bài viết nói về "tứ đại ngu" của ông Dương Trung Quốc, ông Hoàng Hữu Phước bị nhiều người thóa mạ bằng những lời tục tĩu. Thậm chí có tin nhắn dọa giết, đánh bom ông, gia đình và nhân viên của ông. Tuy nhiên, ông Phước cho rằng, sau sự việc này, biết đâu sẽ là cơ hội tốt để mọi người rút ra bài học. Đó là, giáo dục toàn dân, nhất là các bạn trẻ khi phát biểu chính kiến trên mạng và đây cũng là bài học cho cá nhân ông Phước. “Đây là cơ hội để tôi chứng minh một điều rằng tôi vẫn là tôi. Từ trước đến giờ, có tiền lệ là có người bất đồng chính kiến, ra nước ngoài là cầm bảo bối nói xấu, bài trừ đất nước, đòi đa đảng… để làm hài lòng chủ mới. Tôi vẫn là tôi, chứ không phải ra nước ngoài là một Hoàng Hữu Phước khác”, ông Phước nói.
Sẽ gửi thư xin lỗi ông Dương Trung Quốc
Ông Hoàng Hữu Phước cho rằng mình là nạn nhân của ngôn từ. Ông thừa nhận mình đã sai khi công kích đại biểu Dương Trung Quốc; nhưng cái sai ở đây là sai về hình thức trình bày, còn chủ đề thì mỗi người có chính kiến riêng. “Chính kiến của tôi thì tôi vẫn bảo lưu”, ông Phước nói. Nếu được rút lại bài viết này để chỉnh sửa cho đàng hoàng, không mất lòng ai, ông Phước cho biết sẽ không ghi tên cụ thể ông Dương Trung Quốc và văn phong trình bày không mang tính giễu cợt như thế.
Qua việc này, ông Phước cho biết sẽ dè dặt hơn khi bày tỏ chính kiến: “Có khi tôi sẽ từ bỏ trình bày chính kiến”.
Ông Phước nhận thấy mình đã sai và cho biết sẽ xin lỗi ông Dương Trung Quốc bằng thư tay, gửi qua văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, để thể hiện sự nghiêm túc, đúng quy trình, công khai, tuân thủ tổ chức. “Tôi làm như vậy để chứng tỏ sự chân tình, lòng phục thiện của mình”, ông Phước nói.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng nói thêm: “Người ta dễ dàng nói câu xin lỗi hay hùng biện nhưng tôi sẽ hành động trong 2 tuần. Ngoài thư xin lỗi, tôi sẽ viết các bài mới trên blog với nội dung, ngôn từ, văn phong mới chứ không giễu cợt như trước. Qua sự việc này, tôi có nhiều thay đổi trong tư duy. Sẽ không như thùng nước đá bên đường, ai muốn uống thì uống mà nước đó phải tinh khiết”.
Ông Hoàng Hữu Phước cho biết, ông viết blog đã hơn chục năm nay, việc đó đã như một thói quen, là hơi thở hàng ngày. Blog là công cụ để ông sáng tác chứ không phải khi trở thành đại biểu Quốc hội ông mới viết blog. Những bài viết trước đây của ông là phân tích, bình luận, đưa ra những chính kiến về các vấn đề chung chứ không nêu tên cụ thể một cá nhân nào. Lần này, bài viết có nêu đích danh ông Dương Trung Quốc nên mới gây ra cơ sự.
“Khi viết, tôi không nghĩ Dương Trung Quốc là ĐBQH mà chỉ là ý kiến cá nhân viết với một cá nhân. Cách thể hiện của tôi sai. Tiếc là bài học này đến quá trễ, khi tôi đã trên 50 tuổi”, ông Phước nói.
Ông Hoàng Hữu Phước khẳng định không có sự "giật dây" của bất cứ cá nhân, tổ chức nào khi ông viết bài công kích đại biểu Dương Trung Quốc. Không có sự mâu thuẫn giữa đoàn ĐBQH TPHCM với Đoàn ĐBQH Đồng Nai (nơi ông Dương Trung Quốc làm đại biểu). Bài viết đưa lên mạng internet trước Tết Nguyên đán. Trong kỳ nghỉ Tết, ông Phước ở quê, không dùng thiết bị công nghệ nên khi bạn bè gọi điện thoại báo ông mới biết bài viết của mình đã bị cộng đồng mạng “ném đá”. Nghe tin, ông Phước gỡ bài ngay nhưng trang blog bị hack nên đến ngày 17/2 bài mới được gỡ xuống.
Ngày 18/2, sau kỳ nghỉ Tết, ông Phước đã đến Đoàn ĐBQH TPHCM để trình bày sự việc. Mặt trận Tổ quốc TPHCM, đơn vị giới thiệu ông Hoàng Hữu Phước, một người tự ứng cử vào vị trí ĐBQH, cũng có đại diện để ghi nhận sự việc. “Đoàn ĐBQH TPHCM đã rất nghiêm túc trong sự việc này. Quốc hội thì chưa có ý kiến gì với tôi. Tôi cũng chưa gọi điện cho ông Dương Trung Quốc”, ông Phước nói.
Công Quang (Dân trí) 

Một bạn học cũ của ĐBQH Hoàng Hữu Phước lên tiếng sau vụ bê bối

Mấy bữa nay tui đọc báo và nghe chuyện của ông Hoàng Hữu Phước đại biểu Quốc hội mà lòng rầu vô cùng. Không rầu sao được khi tui với Phước là hai thằng bạn nối khố từ nhỏ, từ thủa còn chơi bi đánh đáo. Biết chuyện của Phước, má tui tuy gần 90 rồi cũng rầu lòng. Bữa hôm bà già kêu tui lại và bảo "Mày đi kiếm thằng Phước về cho má. Má có chuyện bảo nó". Nhà của Phước mãi bên Phú Nhuận, còn má con tui giờ ở mãi quận 12 chạy đi kiếm nó đâu có dễ, lâu nay gọi vào điện thoại mà Phước đâu bốc máy nghe bao giờ đâu. Tôi không dám nói với má sợ bả giận. Vậy mà bà già tui bà hổng có quên, bữa tối bà lại nhắc lại chuyện này, làm tui buộc phải nói thiệt với bả là không liên lạc được. Bà giá tui biểu vậy mày phải tìm cách thanh minh giúp thằng Phước đi chứ, tội cho nó. Nghe bà già nói tui cũng nghĩ lắm, tui là dân kỹ thuật có bao giờ viết cái gì cho người khác đọc đâu ngoài mấy lá thơ từ thời xưa. Giờ thì còn ai viết thơ từ gì nữa, có chuyện thì bốc máy phôn cho nhau là xong. Nhưng vì nghe má và thương thằng Phước thì tôi đành ngồi viết và sẽ nhờ ai đấy sửa lại cũng được.
Má tui quý Phước như con, ngày bé Phước ngoài giờ đi học thì thường có mặt ở nhà tui nửa ngày. Lắm lúc cũng ăn ngủ ở nhà tui vậy, mãi thành quen. Thằng Phước là dân Bắc di cư, lúc nhỏ bọn bạn thường gọi trêu nó là Phước "pake" nghĩa là Phước Bắc kỳ. Lúc bé Phước trắng trẻo, nhưng ốm o và xinh trai lắm, người trong xóm gọi nó là công tử bột. Đi học Phước thường học đứng đầu lớp, được cô giáo yêu. Còn nhớ khi bé, lúc ông già tui còn sống ông già xem tướng bảo thằng này khi lớn ngoai 50 sẽ nổi tiếng lắm. Mọi sự có lẽ sẽ như ông già tui nói, nếu không xảy ra chuyện sau:
Trong vườn nhà tui hồi đó bên Quận 3, có vườn cây ăn trái rộng chừng 2 mẫu tây. Vườn trồng đủ thứ cây ăn trái nhưng như ba tui nói là chủ yếu để lấy bóng mát. Trong vườn có một cây khế ngọt sai trái lắm. Mọi ngày bọn tui thường hay leo trộm để bứt khế ăn chơi, điều mà má tui cấm. Còn nhớ bả biểu tụi tôi, cành khế ròn, dễ gẫy leo lên coi chừng té mất mạng. Tụi nhỏ muốn ăn thì lấy cây chọc cho rụng xuống, lấy rửa đi mà ăn. Hôm đó tui giờ còn nhớ như in, lúc đầu giờ chiều chỉ có tui và thằng Phước ở nhà, mọi người đi vắng hết. Hai thằng rủ nhau ra vườn bứt khế ăn chơi. Mọi bữa tui sẽ là thằng trèo lên bứt khế, còn đứa khác ở dưới đỡ những chùm khế tôi bứt được quăng xuống. Xong sẽ cùng nhau ăn. Bữa đó chỉ có hai thằng, thằng Phước xung phong trèo lên cây bứt trái, vì ở phía sát với góc rào đường Nguyễn Đình Chiểu chỗ ấy khế chín nhiều, toàn trái lớn vì ít người trèo và ít ai để ý. Thằng Phước đã thoăn thoắt trèo lên, một chốc nó đã leo gần đến ngọn, nơi mà có cành khế vươn ra rất nhiều khế chín nhưng ít người dám trèo ra để bứt. Bỗng rắc một cái, cả cái cành khế to cỡ cổ tay và thằng Phước rớt xuống. Đầu của thằng Phước cắm vào cái lu nước sát tường. Lúc ấy hai thằng chúng tôi còn nhỏ, chừng 9-10 tuổi, thấy thế tôi chạy lại thì thấy thằng Phước đang nằm miệng nó kêu ặc ặc, có lẽ vì sặc nước. Sơ quá không biết làm gì tôi chỉ biết la lớn và cầm hai chân thằng Phước lôi nó ra khỏi cái lu nước tiểu. Vừa hay chị ba tui về, bả chạy lại đỡ thằng Phước và goi xe đưa nó chạy tới bệnh viện. May sao Phước chỉ bị sặc và chấn thương ở đầu, bác sĩ xem xong tắm rửa và cho lưu lại để theo dõi chứ không cho về. Sau này mới nghe người lới bảo khi ấy Phước bị chấn thương sọ não thể nhẹ, vì từ khi ấy thằng Phước tính tình thay đổi, hay cáu gắt và trong xóm họ gọi là Phước "khùng".
Đó cũng chính là lý do vì sao thằng Phước sau này được xác định rằng có tiền sử bệnh thần kinh. Như hồ sơ do Bệnh Viện Tâm Thần TW2 Tỉnh Đồng Nai cấp bởi BS Trần văn Thành ngày 16/08/2000 và 6 lần vào các năm 2001-2003. Nó cũng chính là lý do vì sao lúc còn là sinh viên khoa Anh văn trường ĐH Tổng hợp TP. HCM hay có tật táy máy cầm nhầm đồ hay tiền bạc của bạn bè trong lớp. Kể cả việc lấy cắp sổ cantin nhu yếu phẩm của sinh viên trong lớp mua hàng đem ra bán ngoài chợ đen từng bị cảnh cáo toàn khoa. Hay sau này khi có vợ con thì Phước lúc ở nhà thường rất thô bạo, đánh đập chử mằng vợ con và thường hay lui tới  xả stress tại các quán cà phê bí mật và đặc biệt hay đến hiệu hớt tóc thanh nữ Nga ở Bình Thạnh và trả tiền tip cho các em cave rất hào phóng!
Tui viết ra những điều trên chỉ nhằm giải bầy sự thực, hy vọng bà con thông cảm cho ông Phước vì những hành động chưa đúng là do bệnh tình chứ không phải lỗi của Phước. Tui cũng nghe họ bảo do bị bệnh khùng nên Phước không làm việc ở đâu được lâu, vì thích chê bai và nói năng tùm lum tà la mà không biết sợ hay kiêng nể ai. Và cũng là lý do các học viên là học trò của thằng Phước học xong, ra ngoài đời thường không ai nhận cả hoặc sẽ bị đuổi việc sau đó vì kiến thức quá tồi!

Sẽ có người hỏi vậy sao người bị bệnh khùng như thằng Phước lại trúng cử đại biểu Quốc hội? Cái này bản thân tui cũng không hiểu, chỉ nghe nói nó có dây với mấy ông lớn lắm ngoài Hà nội, người đã đưa nó vào Quốc hội. Có lần cách đây hồi nó mới trúng cử, tôi có hỏi nó trả lời rằng "Mấy ảnh bảo tui, chắc chắn sẽ trúng, vì ngoại Hà nội đã chỉ đạo là phiếu nào không bỏ cho tui (Phước) là bị đưa vào phiếu bất hợp lệ". Nghe vậy tui có hỏi lại vậy người ta không biết mày bị bệnh khùng sao? Phước trả lời rằng "Biết sao không biết. Họ bảo vì tui khùng nên họ mới chọn để cho dân thấy bọn không phải đảng viên trong Quốc hội chỉ là một lũ điên" và Phước còn bảo "Đưa tui về ứng cử ở cụm đơn vị bầu cử số 1: Quận 1, quận 3, quận 4 là nhằm tạo cho tui có uy tín cao". Và "dân bây giờ có biết gì đâu, ngu lắm"
Tui viết ra vì tui thương thằng Phước và để chiều ý má tôi. Mong mọi người hiểu và bỏ qua cho Phước. Xin đừng trách người điên, có trách thì xin trách mấy ổng ở ngoải kia kìa.
Sáu Diệu
Cụm 7 - 1027 Quốc lộ 1A, Phường Tân Chánh Hiệp - Quận 12 - TP HCM
* Bái do tác giả gửi đến TTHN, có được biên tập và sửa lỗi chính tả
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét