1437. CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ ĐỐI VỚI TRUNG ĐÔNG
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Chủ nhật, ngày 2/12/2012
CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ ĐỐI VỚI TRUNG ĐÔNG
(Politique Internationale – Số 136/2012)Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa Dan Raviv, phóng viên thường trú của đài phát thanh CBS tại Oasinhtơn, cựu phóng viên thường trú tại Luân Đôn và Trung Đông, tác giả của nhiều ấn phẩm, với Dennis Ross, nhà ngoại giao Mỹ, nhà phân tích tại Bộ Quốc phòng Mỹ (1977- 1980), chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng An ninh quốc gia (1986- 1988), giám đốc ban kế hoạch chính trị bên cạnh Ngoại trưởng James Baker (1989-1992), đặc phải viên của Tổng thống Bill Clinton ở Trung Đông (1993-1997), cố vấn đặc biệt về vùng Vịnh pécxích và Tây Nam Á của Ngoại trưởng Hillary Clinton (2009), cố vấn của Tổng thống Obama về khu vực Trung Đông, vùng Vịnh Pécxích và Nam Á (2009-2011).
Dennis Ross, 63 tuổi, là người có một kinh nghiệm vô song: ông đã từng cố vấn cho không dưới 5 tổng thống Mỹ về những vấn đề liên quan đến Trung Đông. Sau khi đã phụng sự với tư cách chuyên gia trong chính quyền Carter và Reagan, ông là trợ thủ của Tổng thống George H. W.Bush trong việc tổ chức hội nghị hòa bình tại Manđrít năm 1991 ngay sau Chiến tranh vùng Vịnh thứ Nhất. Ông đã giúp Tổng thống Bill Clinton quy tụ được Yasser Arafat và Ehud Barak tại Trại David năm 2000 – trước đó chưa bao giờ người Palextin và Ixraen lại tiến gần đến một hiệp định hòa bình lâu dài như vậy. Và kể từ năm 2009, sát cánh cùng Tổng thống Obama, ông đã trở thành kiến trúc sư của cuộc vận động nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran.
Dennis Ross là người Do Thái, đôi khi ông bị tố cáo là tỏ ra quá thân thiện với Ixraen. Sự thật là người đàn ông códáng người dong dỏng cao, nói năng trầm tĩnh này là người đã có vô số cuộc nói chuyện riêng với tất cả các nhân vật quan trọng ở Trung Đông, ông luôn cố gắng phục vụ những lợi ích của Mỹ và để chấm dứt các cuộc xung đột gây đổ máu trong khu vực. Trong cuộc trò chuyện dành độc quyền cho tạp chíPolitique internationale, ông giải thích tại sao hành động quân sự không còn được coi là một giả thuyết điển hình để làm chấm dứt những tham vọng hạt nhân của Têhêran – đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải cho Iran thêm một chút thời gian nữa và mở cho họ một con đường có thể cho phép họ chuyển hướng mà không bị mất thể diện. Là tác giả của nhiều bài viết về các vấn đề ngoại giao, ông Ross đã rời Nhà Trắng hồi tháng 11/2011 để làm công việc nghiên cứu tại Viện Chính sách Trung Đông tại Oasinhtơn.
Politique internationale (-): Thưa Ông Ross, năm 2012 là năm bầu cử tổng thống tại Mỹ. Liệu có phải đây cũng là năm quyết định đối với những gì liên quan đến vấn đề hạt nhân hóa của Iran?
Dennis Ross (+): Chắc chắn như vậy bởi lẽ chính vấn đề này là mối bận tâm chủ yếu ngay từ những ngày đầu của chính quyền hiện nay. Trong năm đầu của nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã có nhiều cuộc gặp gỡ và thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng nhiệm Trung Quốc là Chủ tịch Hồ cẩm Đào. Lần nào, Iran cũng là trọng tâm của các cuộc trạnh luận. Tổng thống hoàn toàn hiểu rằng phải gấp rút làm tất cả để thay đổi thái độ của Têhêran. Chính vì thế, ông đã thử đi vào đối thoại trực tiếp với các nhà cầm quyền Iran. Than ôi, nỗ lực này đã tỏ ra không mấy kết quả… Nhưng nó cũng không phải là vô ích: mọi người đều có thề nhận thấy thiện chí của Mỹ và thái độ ngoan cố của Iran. Nhờ đó từ nay, việc huy động cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Têhêran trở nên dễ dàng hơn.
Không một nước nào muốn thấy Iran có vũ khí hạt nhân. Sức ép có thể còn tiếp tục tăng lên chừng nào người Iran còn chưa áp dụng những biện pháp rõ ràng nhằm chứng tỏ họ sẵn sàng chấp nhận chỉ sở hữu hạt nhân dân sự và việc triển khai một bức tường lửa không thể vượt qua để ngăn cản họ tiếp cận với hạt nhân quân sự. Người Iran phải hiểu rẳng con đường ngoại giao sẽ không kéo dài vĩnh viễn và toàn thể cộng đồng quốc tế không hề có ý định tiếp tục mãi các cuộc đàm phán mà Têhêran đang lợi dụng để dấn sâu thêm những tham vọng hạt nhân của họ. Những cuộc đàm phán mang đến cho Iran một lối thoát, cho phép họ giữ được thể diện nhưng họ phải chấp nhận những đòi hỏi của chúng ta hoặc phải chịu những hậu quả.
- Tình trạng căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Vậy cộng đồng quốc tế sẽ phải tập trung ưu tiên sự chú ý vào khía cạnh nào của cuộc khủng hoảng này?
+ Trong lúc này, yếu tố quan trọng nhất, đó là cách mà Ixraen nhận thức về tình hình. Họ có cảm tưởng rằng nếu không làm nhanh chóng họ sẽ không còn có thể ngăn chặn việc lựa chọn một hành động can thiệp quân sự. Vì một lý do đơn giản: một khi Iran đã có vũ khí hạt nhân thì Ixraen sẽ không dám tấn công họ, vì sợ bị trả đũa hạt nhân…
Cần phải hiểu rõ rằng, theo quan điểm của Ixraen, chương trình hạt nhân Iran được coi là một mối đe dọa hiện hữu. Nói cách khác: Ixraen cho rằng nếu Iran làm chủ được hạt nhân quân sự thì chính sự tồn tại của họ sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Trong những hoàn cảnh như vậy làm sao không lo lắng đến khả năng Ixraen can thiệp quân sự nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Iran trước khi quá muộn?
- Chẳng phải đó là một luận điệu mà người ta đã nghe thấy từ nhiều năm nay đó sao?
+ Ông có lý. Cảm tưởng này không phải là mới mẻ. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng vào năm 2009-2010, Ixraen đã dịu bớt lo lắng: họ dường như công nhận rằng chúng ta đã ngăn cản được Iran phát triển chương trình hạt nhân của họ nhờ có những trừng phạt đối với những công nghệ lưỡng dụng (có khả năng sử dụng cả với mục đích dân sự và quân sự). Thực vậy, những trừng phạt này có nhiều mức độ. Phần lớn mọi người chỉ nhận thấy trong những hình phạt này một tập hợp những sức ép kinh tế; nhưng điều đó chỉ là một yếu tố trong số nhiều yếu tố khác. Những biện pháp đối với những công nghệ lưỡng dụng đã giới hạn khả năng sản xuất các lò phản ứng li tâm thuộc thế hệ mới nhất của Iran. Têhêran cần có khả năng phát triển các lò phản ứng li tâm này bằng sợi cácbon. Để đạt được điều đó, Iran phải nhập khẩu những nguyên liệu cần thiết. Họ cũng cần đến các máy móc có độ chính xác cao mà họ cũng không thể mua được do các lệnh trừng phạt… Và họ lại không thể tự sản xuất được những máy móc này…
- Ông có vẻ tự tin về hiệu quả của những trừng phạt này; nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng những biện pháp này có thể bị qua mặt bởi những mạng lưới ngầm. Vào thời điểm mà chúng ta đang nói chuyện đây Iran có thể đã có được nhiều yếu tố mà ông vừa gợi ra…
+ Nếu thế thì có lẽ họ đang sản xuất những thiết bị mà họ cần… Tuy nhiên, từ 10 năm nay, họ đã tìm cách xây dựng các lò phản ứng li tâm và họ vẫn chưa thành công. Tôi không nghĩ rằng những thất bại của họ ở đây chỉ là do những lố hổng về khoa học và kỹ thuật mà cũng còn do không thể mua được những vật liệu cần thiết, ở một mức độ nào đó, có thế nói là chúng ta đã ngăn cản được chương trình hạt nhân của họ. Mặc dù vậy, bất chấp những rắc rối này, Iran vẫn tiếp tục đạt được những tiến bộ…
- Chính phủ Ixraen đã làm tất cả những gì mà họ có thể để quốc tế hóa vấn đề này. Họ nhấn mạnh rằng họ không phải là nước duy nhất bị đe dọa bởi một Iran có vũ khí hạt nhân. Ông có cho rằng Ixraen đã thuyết phục được phần còn lại của thế giới?
+ Rõ ràng là Ixraen thích dùng con bài “thế giới chống Iran” hơn là “Ixraen chống Iran”. Vả lại, Ixraen càng tỏ ra nôn nóng muốn chuyển sang hành động thì các chủ thế khác lại càng có khuynh hướng vận động để con đường ngoại giao thành công. Người ta thường nói rằng khi Ixraen thực sự muốn chuyển sang hành động, họ không có thói quen báo trước!
- Ý ông muốn nói rằng nếu họ nói nhiều như thế về điều đó có nghĩa là họ sẽ không phát động chiến dịch?
+ Đó là điều mà Lịch sử vẫn thường dạy chúng ta. Nhưng Lịch sử không phải lúc nào cũng lặp lại…về cơ bản, tôi cho rằng sự tuyên truyền tích cực của Ixraen trên trường quổc tế đáp ứng hai mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất, và quan trọng nhất, là khích động các chủ thế quốc tế gia tăng sức ép đối với Têhêran. Mục tiêu thứ hai là chuẩn bị dư luận với thế giới về một khả năng can thiệp: nếu cuối cùng Ixraen có tấn công Iran thì cùng không ai phải bất ngờ.
- Ông có cảm thấy ấn tượng về cách mà Ixraen giải quyết cuộc khủng hoảng này?
+ Thực tế là sức ép đè nặng lên Iran hiện nay có lẽ khó mà hình dung được cách đây ít lâu. Liên minh châu Âu đã quyết định không mua dầu thô của Iran nữa – một quyết định mà nhiều nhà quan sát đã cho là không thể xảy ra. Một quyết định như vậy chỉ có thế được đưa ra vì người ta lo ngại khả năng sử dụng bạo lực trong trường hợp không có sự đột phá về ngoại giao. Theo quan điểm này, người ta có thể cho rằng những bước vận động của Ixraen đã thành công.
- Ở chốn công khai, các đại diện của Iran luôn nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của họ không nhằm mục đích quân sự. Phải chăng nhận thức hiện nay của chúng ta có thế là sai lầm? Liệu Mỹ có đánh giá quá cao nguy cơ Iran tự trang bị bom nguyên tử không?
+ Tôi có cần phải nhắc lại với ông rằng 6 nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu chấm dứt các hoạt động hạt nhân của Iran, cũng như 11 nghị quyết của Hội đồng điều hành Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) không nhi? Trước chuyến thăm tới Têhêran hồi tháng 5/2012, Tổng giám đốc của IAEA đã nhấn mạnh một cách hoàn toàn rõ ràng rằng 1) Iran không hợp tác và 2) Têhêran từ chối đưa ra bằng chứng để chứng tỏ rằng chương trình hạt nhân của họ không nhằm mục đích quân sự. Ông thấy đấy: “Lời buộc tội” Iran đến từ IAEA chứ không phải từ Mỹ. Bối cảnh hoàn toàn khác với bối cảnh của năm 2003, trước cuộc xâm lược Irắc. Lúc đó, chính Mỹ đã đưa ra lời buộc tội. Một sự tương phản đầy bất ngờ.
Thêm vào đó, Chính phủ Mỹ và các đồng nhiệm của mình – kể cả Chính phủ Ixraen – đều mong muốn tìm được một giải pháp không phải là quân sự cho cuộc khủng hoảng. Đó không phải trường hợp của cách đây 9 năm. Nhưng Iran vẫn khăng khăng cự tuyệt bàn tay đã chìa ra cho họ.
- Vậy điều gì có thể xảy ra nếu cuối cùng Iran đứng vào hàng ngũ cường quốc hạt nhân quân sự?
+ Những nước láng giềng, đặc biệt là Arập Xêút đã có thái độ rất rõ ràng: nếu Iran có được vũ khí hạt nhân, chính họ cũng sẽ phát triển các chương trình hạt nhân quân sự. Việc Iran có vũ khí hạt nhân có nghĩa là cả khu vực Trung Đông sẽ có vũ khí hạt nhân. Đó sẽ lúc chấm dứt chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân…
- Nhân đây, ông đánh giá thế nào về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)? Ixraen chưa bao giờ ký hiệp ước này và Iran, nước đã ký nó lại có thể đang vi phạm nó…
+ NPT đã tỏ ra có hiệu quả hơn nhiều so với dự kiến. Ông có nhớ điều mà Kennedy đã nói trước đây. Khi chuẩn bị bản hiệp ước mà cuối cùng nó đã được ký vào năm 1968, Kennedy cho rằng cho dù một văn bản như vậy có hiệu lực đi chăng nữa thì chỉ trong khoảng 10 hay 20 năm nữa cũng sẽ có tới 25 cường quốc hạt nhân. Thế mà hiện nay chúng ta chỉ có 8 hoặc 9 nước sở hữu hạt nhân. Những cấm đoán áp đặt không phải là hoàn hảo nhưng đã đóng một vai trò quan trọng, mà nếu xem xét lại có thể sẽ làm cho thế giới bất ổn hơn nhiều. Chúng ta hãy hình dung một Trung Đông được hạt nhân hóa rộng rãi: nguy cơ về một cuộc xung đột hạt nhân ở khu vực này có lẽ sẽ tăng lên. Lôgích “cân bằng khủng bố” đã thắng thế trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh có lẽ không còn thích hợp vì không một nước nào có ý thức rằng họ chỉ cho phép mình đánh đòn thứ hai. Ngoài ra, vô số cuộc xung đột địa phương làm gia tăng nguy cơ có những tính toán sai lầm. Tất cả những chủ thể có mặt đều sẵn sàng để bắt đầu ngay lập tức! Có rất nhiều khả năng chúng ta sẽ một lần nữa phải đối mặt với sự kiện “tháng 8/1914” mới, nhưng đầy chất kích thích. Có lẽ sẽ rất khó ngăn chặn một kịch bản các đợt tấn công dữ dội.
- Tổng thống Obama đã đề cập tới những vấn đề này trong bài diễn văn của ông trước nhóm có thế lực trong ủy ban đặc trách về các vấn đề công cộng của người Mỹ gốc Do Thái (AIPAC) hồi tháng 3 vừa qua. Vậy những kết luận của tổng thống Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran gắn với mối quan hệ ưu tiên mà Mỹ duy trì với Ixraen ở mức độ nào?
+ Hãy đọc kỹ lại điều ông ấy đã nói: ông ấy tập trung vào Iran chứ không phải vào Ixraen. Tổng thống đã khẳng định rằng cho dù Iran không phải là một mối đe dọa đối với Ixraen thì chúng ta vẫn rất quan tâm đến chương trình hạt nhân của Têhêran vì nó có thể đe dọa những lợi ích sống còn của Mỹ về mặt an ninh. Đương nhiên, việc mối đe dọa này cũng đè nặng lên Ixraen đã khiến Mỹ càng củng cố thêm quyết tâm tước đoạt vũ khí hạt nhân của Iran.
- Chúng ta hãy nói một chút về ông. Ông đã trở lại phục vụ bên cạnh Chính phủ Mỹ vào năm 2009. Vậy sứ mệnh chính của ông là gì? Hòa bình giữa người Ixraen và Palextin có phải là mối bận tâm chủ yếu của ông hay không?
+ Không. Tôi trở lại trong chính quyền với tư cách là cố vấn đặc biệt bên cạnh Ngoại trưởng Hillary Clinton để xử lý các vấn đề liên quan đến Iran, Irắc, vùng Vịnh Pécxích và Tây Nam Á chứ không phải để giải quyết cuộc xung đột Ixraen-Arập.
- Sứ mệnh của ông đã thay đổi theo thời gian chứ?
+ Đúng là như vậy. Vai trò của tôi đã thay đổi khi tôi chuyển sang Nhà Trắng vào tháng 7/2009. Tổng thống đã nói với tôi rằng ông muốn tôi tiếp tục công việc về Iran nhưng vì vấn đề Iran liên quan đến nhiều hồ sơ khác nên tổng thống cần một người nào đó có thể có một cái nhìn toàn cầu và người đó chính là tôi.
- Liệu người ta có cần thiết phải hiểu rằng tổng thống đã thất vọng về các phản ứng tiếp sau bài diễn văn của mình tại Cairô hồi đầu năm 2009 – trong đó tổng thống đã nói với toàn thể thế giới Hồi giáo, kể cà Iran, để đề xuất một cuộc đối thoại mới, và có phải tống thống mong muốn thúc đẩy đối thoại với thế giới Hồi giáo?
+ Ông ấy đã không trình bày mọi việc như vậy. Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2009, khi tôi còn làm việc ở Bộ Ngoại giao, tôi đã tham gia nhiều cuộc thảo luận tại Nhà Trắng. Những cuộc đối thoại này dành phần lớn cho vấn đề Iran, nhưng các hồ sơ khác cũng được đề cập tới. Tôi đã đưa ra những phân tích gắn kết những vấn đề này với Iran hoặc chứng minh trường hợp của Iran có thể ảnh hưởng như thế nào đến bối cảnh khu vực.
- Khi đó, tổng thống nhận ra rằng ông đã không có người nào nhìn ra sự chồng chéo của nhiều vấn đề khác nhau như vậy. Chính vì lý do này mà tôi đã rời khỏi Bộ Ngoại giao. Khi tổng thống gọi bạn đến, bạn phải chấp nhận mà không tranh cãi.
- Ông có nhận xét gì về diễn văn nổi tiếng của tổng thống tại Cairô?
+ Đó là một dự báo sớm về sự thay đổi ở khu vực này. Khi đọc lại
điều mà tổng thống đã nói ngày hôm đó về các quyền và những giá trị, người ta nhận ra rằng ông là một nhà tiên tri về nhiều phương diện: ông đã hiểu được trước những người khác về quy mô của những đảo lộn sẽ diễn ra sau đó. Nhân đây nói thêm là tôi đã bị thuyết phục khi ông đề nghị tôi tới làm việc về những vấn đề này, ông đã có trong đầu ý tưởng rằng những thay đổi quan trọng có thể xảy ra ở phần này của thế giới và muốn biết Iran có thể giữ vai trò nào ở đó.
- Tổng thống có quan tâm đến việc phòng ngừa khủng bố bằng một giải pháp dài hạn, đặc biệt thông qua việc khôi phục hình ảnh của nước Mỹ ở Trung Đông hay không?
+ Tất nhiên. Ông không nhất thiết phải tìm cách cải thiện trực tiếp hình ảnh của nước Mỹ, những đúng hơn phải làm thay đổi bầu không khí đang dấy lên tư tưởng chống Mỹ. Rõ ràng tư tưởng chống Mỹ, rất phổ biến ở khu vực này, đang giúp các tổ chức như Al – Qaeda dễ dàng tuyển mộ người.
- Chính sách này đã có những kết quả nào?
+ Cuộc chiến chống khủng bố đã cho phép chúng ta làm giảm đáng kể khả năng nguy hại của Al-Qaeda; việc Osama Bin Laden, lãnh tụ tinh thần cũng như người chỉ đạo tác chiến của tổ chức này bị tiêu diệt là một tổn thương ghê gớm đối với họ.
Về hình ảnh, tôi không cho rằng nhận thức về Mỹ ở khu vực này đã có nhiều chuyển biến. Nhận thức này gắn với cả một loạt các vấn đề phức tạp. Nhưng rõ ràng là sức cuốn hút của Al-Qaeda đã giảm sút. Hơn nữa, Mùa Xuân Arập đã chứng minh rằng sự thay đổi không nhất thiết phải là sản phẩm của bạo lực. Vậy mà bạo lực lại chính là sản phẩm của Al-Qaeda: mọi lập luận của Osama Bin Laden là không thể đạt được điều gì nếu không dùng bạo lực. Mùa Xuân Arập đã cho thấy Osama sai một cách hiển nhiên.
- Có cần phải kết luận rằng Mỹ không nên ủng hộ các phong trào nổi dậy có vũ trang ở Trung Đông hay không? Ông hình như cho rằng lợi ích của chúng ta đúng hơn là phải ủng hộ các nhóm hòa bình trong khu vực…
+ Hoàn toàn như vậy. Ở Xyri, phe đối lập với chế độ Assad đã cố gắng tỏ ra hòa bình. Bạo lực không phải là ý định đầu tiên của phong trào này nó là một hậu quả từ phản ứng của chế độ. Khi một chính phủ gây chiến tranh chổng lại chính các công dân của mình, thì không có gì là ngạc nhiên khi một số người cầm lấy vũ khí để bảo vệ nhân dân. Đó chính là điều mà Quân đội Xyri tự do (FSA) đã làm. Tiếp đó, điều không thể tránh khỏi là những hành động như vậy cuối cùng không còn chỉ là để bảo vệ các dân thường… Giờ đây, chứng kiến những hành động tàn bạo của chế độ Assađ, tôi nghĩ rằng việc cung cấp các vũ khí cho phe đối lập có lẽ là điều không đáng phê phán. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng điều rất quan trọng là trước hết phải có những cam kết của những người sẽ nhận được vũ khí, về tương lai của Xyri: họ phải có một cách nhìn toàn cầu, phải chấm dứt chủ nghĩa giáo phái và phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa mọi sự trả thù giáo phái.
- Ông cảm thấy điều gì khi chứng kiến chế độ Assad hành động mà hoàn toàn không bị trừng phạt? Có phải chúng ta đang thấy lại việc đập tan chế độ Hama mà cách đây 30 năm, đã tàn sát khoảng từ 20 đến 30 nghìn người?
+ Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Xyri hiện nay sẽ thoát hiểm một cách dễ dàng như vậy. Nhưng vì điều đó, chúng ta phải làm nhiều việc hơn. Thứ nhất, các nước Arập phải duy trì sức ép của họ với Mátxcơva. Quan điểm của Nga đã thay đổi; từ nay, họ tán thành việc cứu trợ nhân đạo cho nhân dân Xyri, sự cứu trợ mà chế độ Assad đã gây trở ngại. Mátxcơva vẫn không chấp nhận ý tưởng thay đổi chế độ, nhưng Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ những điểm bất đồng với Đamát.
Hai là, tôi nghĩ rằng cùng với các nước khác, chúng ta phái chìa tay ra với các phần tử Alawite để chặt đứt chính quyền khỏi gốc gác của nó. Assad đã biến thành thủ lĩnh giáo phái này. Ông ta rêu rao rằng sự sống sót của ông ta là chìa khóa cứu vớt những người Alawite. Chúng ta cần phải nói với họ rằng sẽ không có sự trả thù từ phía người Sunni. Assad không phải là Gaddafi. Ông ta sẽ không rời khỏi dinh của mình tiến hành một cuộc chiến tranh du kích gian khổ.
- Vậy ông có nghĩ rằng ông ta sẽ rời khỏi đất nước chỉ như phần lớn những kẻ độc tài khác không?
+ Đúng vậy. Ống ta phải chạy trốn hoặc sẽ không có cơ hội sống.
- Phải chăng Arập Xêút đóng một vai trò hàng đầu trong các hồ sơ chủ yếu của khu vực này?
+ Tất nhiên. Dù chỉ vì Riát là người điều tiết thị trường dầu lửa. Để tin điều này, chỉ cần đọc những tuyên bố của họ. Vào giờ phút mà Liên minh châu Âu thông báo tẩy chay dầu lửa của Iran, Arập Xêút đã nói: “Chúng tôi sẽ bù lấp. Dù các bạn cần mua dầu của Iran với số lượng bao nhiêu, dù mức độ tẩy chay lớn như thế nào, chúng tôi sẽ làm điều cần thiết để cung cấp dầu lửa cho các bạn.”
- Ông hoan nghênh thái độ đó…
+ Hoàn toàn đúng như vậy.
- Có phải ông đã đóng một vai trò trong vấn đề này? Một số nhà bình luận đã khẳng định rằng ông đã yêu cầu Arập Xêút chỉ thỏa mãn những nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh tham gia những biện pháp trừng phạt chống Iran…
+ Sự thực là chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với các nước Arập về những biện pháp cần phải tiến hành để khiến Iran thay đổi thái độ. Riát hết sức lo lắng về chương trình hạt nhân của Iran và đó cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên là Arập Xêút đã nghĩ đến cách tốt nhất để làm yên lòng các cường quốc khác trong trường hợp mà những cường quốc này quyết định tiến hành những biện pháp nhằm tác động đến nguồn thu nhập chính của Têhêran.
Liên quan đến Trung Quốc, một sự kiện mang tính phát hiện. Hồi tháng Giêng năm nay, Thủ tướng Ôn Gia Báo đã thực hiện chuyến thăm 6 ngày tới khu vực này. Và trong 6 ngày này ông đã tới những nước nào? Đó là Arập Xêút, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Côoét. Ông đã không đặt chân tới Iran. Còn hơn thế nữa: chính trong chuyến đi này ông đã đưa ra tuyên bố cương quyết nhất của mình chống lại một khả năng hạt nhân hóa của Iran. Theo quan điểm của tôi, đây là một tín hiệu đáng quan tâm gửi tới Têhêran…
- Và đó là điều đáng khích lệ…
+ Đúng vậy.
- Một số nhà quan sát khẳng định rằng Arập Xêút và những vương quốc khác ở vùng Vịnh Pécxích sẽ không phản đối một cuộc tấn công của Ixraen chống Iran. Ông có đồng ý với phân tích này không?
+ Thành thực mà nói, tôi không có câu trả lời nào cho câu hỏi này. Tôi nghĩ rằng Iran đã dốc hết những nỗ lực có thể được và có thể hình dung được để cứu vãn chế độ Bashar al-Assad, ngay cả khi hầu hết các nước Arập, coi chế độ này là kẻ tàn sát chính dân tộc mình. Nếu các bạn thực hiện một cuộc thăm dò dư luận ở các nước Arập bây giờ, thì con ngáo ộp số 1 chắc chắn sẽ là Assad. Chế độ Iran đứng ở vị trí thứ hai vì ủng hộ Assad. Như mọi người đều biết, Têhêran cung cấp các vũ khí cho Đamát và ngăn chặn các thông tin Internet ở Xyri…
- Tôi nhấn mạnh: có phải vì vậy mà tin rằng người Arập sẽ đón nhận một cuộc can thiệp quân sự của Ixraen chống Iran hay không? Một viễn cảnh như vậy không làm cho họ lo sợ hay sao?
+ Có chứ, nhất định là như vậy. Nhưng cần phải hiểu rõ tại sao thái độ hiện nay của các nước Arập đối với Iran lại xấu đến vậy: lời giải thích nằm trong những lập trường và hành động của Têhêran, chúng ngày càng được nhận thức thông qua lăng kính giáo phái. Tôi không biết liệu một hành động can thiệp của Ixraen có được tán thưởng hay không. Nhưng tôi cho rằng những sự chỉ trích có lẽ vẫn chỉ hời hợt mà thôi.
- Liệu có khả năng là chính phủ và các cơ quan của Ixraen đang khống chế chúng ta bằng cách khiến chúng ta tin rằng nếu cần thiết, họ sẽ không do dự tấn công Iran?
+ Tôi không nghĩ vậy. Những lời lẽ của các nhà lãnh đạo Iran đối với Ixraen thực sự đáng lo ngại: họ gọi Nhà nước Do Thái là “khối ung thư” cần phải được diệt trừ tận gốc. Họ nói đến việc “xóa Ixraen khỏi bản đồ”. Trong các cuộc diễu binh, các tên lửa của Iran được trang trí bằng khẩu hiệu tuyên bố những tên lửa này sẽ tiêu diệt Ixraen. Và Iran tự cho mình những phương tiện để thực hiện mục tiêu đã được các nhà lãnh đạo của họ tuyên bố đó. Tôi đã nói với ông lúc trước rằng hầu hết người Ixraen coi một nước Iran có vũ khí hạt nhân như một mối đe dọa hiện hữu căn cứ vào những tuyên bố hiếu chiến kia, chúng ta có thể cảm thông với họ!
Hơn nữa, Ixraen tự xác định là chốn nương thân của dân tộc Do Thái. Và không một thủ tướng Ixraen nào cho phép xảy ra một cuộc diệt chủng thứ hai nữa. Vì vậy tôi không nghĩ rằng đã có một sự khống chế nào đó. Giải pháp quân sự không phải là lựa chọn ưu tiên của các nhà lãnh đạo Ixraen nhưng biết đâu họ có thể sẽ phải lựa chọn nó, và tôi nghĩ họ tin chắc rằng họ có khả năng làm được điều đó.
- Mỹ có giúp đỡ những chuấn bị quân sự này không?
+ Nếu Ixraen chuyển sang hành động, họ sẽ làm điều đó một mình. Điều đó đã được khắc ghi trong bản tính sâu kín của họ. Khi đó là sự an ninh của họ, họ sẽ không dựa dẫm vào ai. Hơn nữa, cách nhìn nhận này góp phần tăng cường khả năng răn đe của họ trong khu vực. Họ vạch ra những ranh giới đỏ của chính họ và theo quan điểm của tất cả các nước chủ chốt trong khu vực rõ ràng là Ixraen sẽ làm tất cả để cho những đường ranh giới đỏ đó phải được tôn trọng.
- Tuy nhiên, quân đội Ixraen cần được trang bị thêm nữa…
+ Đó là điều chắc chắn về phương diện này, tôi nhắc lại với ông rằng tất cả các tổng thống Mỹ đều tuyên bố rõ Mỹ đảm bảo an ninh cho Ixraen. Sự ủng hộ mà chúng ta dành cho Ixraen về vật chất là một cam kết thường trực của tất cả các chính phủ Mỹ.
- Trở lại với khả năng là Mỹ có thể bị khống chế, một câu hỏi rất đơn giản: các cơ quan tình báo Mỹ có phụ thuộc vào các đồng sự Ixraen của họ để thu được các thông tin về chương trình hạt nhân của Iran hay không?
+ Một câu trả lời rất đơn giản: không!
- Ông là một trong các chuyên gia giỏi nhất về hồ sơ Ixraen-Palextin, ông nhận thức như thế nào về những cơ may đạt được một nền hòa bình thực sự giữa hai bên?
+ Những viễn cảnh không hứa hẹn cho lắm. Hố ngăn cách giữa các nhà lãnh đạo hai bên – về phương diện tâm lý cũng như các phương diện khác – đang tồn tại rất sâu. Những hố sâu ngăn cách này không chỉ liên quan đến các nhà lãnh đạo. Tôi đã rất ngạc nhiên vì một cuộc thăm dò dư luận mới đây đã chứng minh rằng 78% người Ixraen tán thành một giải pháp gọi là “hai nhà nước” tương tự như sáng kiến Clinton (nó sẽ đem lại cho người Palextin gần như toàn bộ khu Bờ Tây sông Gioócđan trước năm 1967 cũng như các khu phố người Arập ở Giêruxalem)… nhưng cũng chừng ấy số người được thăm dò đã tin chắc rằng một giải pháp như vậy sẽ không bao giờ ra đời! Và bên phía Palextin, cũng tâm trạng bi quan như vậy – với những tỷ lệ có lẽ hơi thấp hơn chút ít.
Một vấn đề khác: các nhà lãnh đạo Ixraen và Palextin không có các kênh liên lạc hiệu quả giữa họ và rất hiếm khi gặp gỡ nhau.
- Đâu là trở ngại chính?
+ Mahmoud Abbas, Tổng thống của Chính quyền Palextin ở Bờ Tây sông Gioócđan, đưa ra các điều kiện tiên quyết mà Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu sẽ không bao giờ chấp nhận đối với mọi cuộc thương lượng như chấm dứt xây dựng các khu định cư cho người Do Thái ở Đông Giêruxalem và Bờ Tây sông Gioócđan hay còn nữa là bỏ các trạm kiểm soát trên các tuyến đường.
- Vậy điều gì giải thích quan điểm của Mahmoud Abbas?
+ Có thể ông ấy cho rằng, trong mọi trường hợp điển hình, Natanyahu sẽ không thực hiện những nỗ lực cần thiết để đạt được một thỏa thuận; từ đó, sinh ra sự cố chấp! Cũng có khả năng Abbas cho rằng trước sự trỗi dậy hùng mạnh của tổ chức Anh em Hồi giáo, cái giá phải trả cho các cuộc đàm phán với Ixraen có thể sẽ là quá đắt về mặt chính trị. Dù sao chăng nữa, tiến trình chính trị cũng bế tắc.
- Ông có tin rằng Netanyahu thực sự tán thành giải pháp “hai nhà nước”, điều có thể buộc Ixraen phải thực sự rút khỏi Bờ Tây sông Gioócđan?
+ Có, tôi nghĩ ông ấy đã hiểu rằng suy cho cùng một giải pháp như vậy có thể nằm trong lợi ích của Ixraen. Tôi tin rằng ông ấy sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ quan trọng, nhất là về vấn đề rút quân để đạt được điều đó. Tôi không thể nói cụ thể điều gì ông ấy có thể sẽ chấp nhận. Nhưng trong các diễn văn của mình ông ấy đã nêu các chỉ dẫn về những quyết định đau đớn mà Ixraen có thể đưa ra: ông ấy chỉ muốn rằng an ninh của Ixraen được đảm bảo. Khó khăn là không có bất kỳ một cơ chế nào cho phép hai bên đàm phán về các vấn đề kiểu này.
- Bên phía Paíextin, các cuộc bầu cử trước hết sẽ diễn ra trong năm nay hoặc năm tới. Mahmoud Abbas đã nhiều lần khẳng định rằng ông sẽ không ứng cử lại…
+ Sau ông ta, người Palextin sẽ có cho mình một nhà lãnh đạo mới. Sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của họ điều mà tôi gọi là “bản sắc tương lai” của họ. Trong bối cảnh này, phận sự của chúng ta là ủng hộ các lực lượng tán thành một sự cùng tồn tại hòa bình. Để làm được điều này, chúng ta phải chỉ ra sở dĩ Ixraen nới lỏng sự chiếm đóng và bạo lực chính là do hành động của các nhà lãnh đạo Palextin như Mahmoud Abbás và Thủ tướng Salam Fayyad. Điều rất quan trọng là phải làm cho dân chúng hiểu rằng chính lựa chọn của họ đem lại những kết quả chứ không phải lựa chọn của Hamas. Nghị quyết mới đây về vụ Guilad Shalit, trao đổi 1.000 tù nhân Palextin lấy một lính Ixraen, không phải để hợp thức hóa quan điểm của Hamas nhưng cuối cùng, phong trào Hồi giáo này đã nhờ đó mà trở nên mạnh mẽ hơn. Thật đáng buồn…
Dù thế nào đi nữa, một giai đoạn sẽ được vượt qua nếu như cuộc bầu cử của Palextin là cuộc bầu cử đầu tiên ở Trung Đông mà các phần tử Hồi giáo không giành chiến thắng.
- Cụ thể là có thể ủng hộ những lực lượng tán thành nền hòa bình này như thế nào?
+ Có nhiều biện pháp khả dĩ. Cho phép Palextin có nhiều hơn nữa các hoạt động kinh tế ở các khu vực C (nơi có các khu định cư của Ixraen và quân đội Ixraen đi tuần tra) chiếm 60% diện tích ở khu Bờ Tây sông Gioócđan. Tăng mạnh sự hiện diện của cảnh sát Palextin ở các khu vực B (nơi Ixraen phụ trách gìn giữ an ninh nhưng quyền hành chính lại do Palextin phụ trách). Thỏa thuận một tập hợp các tiêu chí an ninh mà nếu chúng được thực hiện sẽ có thể chấm dứt sự thâm nhập của Ixraen vào các khu vực A (những thành phố hoàn toàn do Palextin quản lý). Tóm lại, Ixraen nên thu hẹp sự kiểm soát và giảm bớt những phần chiếm đóng. Tất nhiên những biện pháp như vậy không nhất thiết sẽ tạo ra một bước đột phá về chính trị nhưng chúng cũng có thể làm thay đổi động lực cũng như tâm lý của các chủ thể khác nhau.
- Cuộc bầu cử sắp tới của Palextin có lẽ có nhiều cơ may hơn để dẫn tới một lối thoát đúng với những mong đợi của ông…
+ Ít ra, cuộc bầu cử này cũng cho thấy có nhiều hơn các ứng cử viên có khả năng để chứng tỏ rằng chủ trương không bạo lực đạt được kết quả. Tôi cũng sẽ nói với người Palextin rằng nếu Ixraen sử dụng những biện pháp như vậy thì nguyên tắc có đi có lại có thể thắng thế. Vậy điều mà Ixraen muốn người Palextin làm là gì? Trước tiên, là chấm dứt những đơn khiếu nại mà họ gửi tới Liên Hợp Quốc nhằm mục đích gây khó khăn cho Ixraen. Thế nhưng, cho dù người Palextin đã không thực hiện nỗ lực này thì tôi vẫn nghĩ rằng lợi ích của Ixraen là chấp nhận bước vận động mà tôi đã mô tả.
- Ông đã khuyên Ixraen nên ủng hộ những người Palextin tán thành chủ trương không sử dụng bạo lực. Còn Mỹ và châu Âu có thể làm điều gì cụ thể?
+ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cần phải tiếp tục ủng hộ tiến trình chính trị. Các cuộc thảo luận trù bị trực tiếp giữa Ixraen và Palextin đã diễn ra hồi tháng Giêng tại Gioócđani, dưới sự bảo trợ của nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc). Những cuộc thảo luận này đã không được tiếp tục nhưng chúng xứng đáng để người ta dành những nỗ lực vào đó: điều chủ yếu vẫn là xem có thể làm được gì trên lĩnh vực chính trị. Cho dù trong thời hạn ngắn những viễn cảnh còn hạn hẹp, đây là lúc thích hợp để thay đổi động lực của các quan hệ giữa Ixraen và Palextin bằng cách tạo ra những thay đổi trên thực địa. Nói cách khác là cần phải tìm những biện pháp nào có thể được sử dụng ở cả hai bên cho dù chúng không được chấp nhận trong các cuộc đàm phán chính thức. Làm thế nào để chúng ta có thể tăng cường “đạo đức ứng xử” ở cả hai phía? Đó chính là điều mà tôi gọi là “chủ nghĩa đơn phương có phối hợp”. Mỹ và Liên minh châu Âu có vai trò trong đó.
- Liệu kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay có ảnh hưởng tới những cân bằng của Trung Đông và đặc biệt là tới cuộc xung đột Ixraen-Palextin hay chương trình hạt nhân của Iran?
+ Tôi nghĩ rằng mục tiêu mà Tổng thống Obama nhằm tới Iran là phòng ngừa chứ không phải là ngăn chặn: cần ngăn Iran tự trang bị vũ khí hạt nhân chứ không phải là hạn chế những tác động của chương trình hạt nhân hóa của nước này. Và tôi thấy không có bất đồng với đảng Cộng hòa về điểm này.
Liên quan đến tiến trình hòa bình giữa Ixraen và Palextin, tôi không thấy ai muốn đột ngột đặt lại vấn đề động lực mà tôi đã mô tả. Dù sao đi nữa cũng thật là sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta là những chủ thể chính của nền hòa bình này. Chúng ta không thể tạo ra hòa bình thay cho người Ixraen và Palextin.
- Ông nghĩ gì về những lời bình luận ám chỉ rằng khi tái đắc cử, một “Obama thực sự” sẽ xuất hiện trong nhiệm kỳ thứ hai, như thể là cho đến giờ ông ấy vẫn chưa để lộ hoàn toàn con người thực sự của mình?
+ Tôi không tán thành những dự đoán này. Barack Obama là một tổng thống cực kỳ thực dụng. Và tự ông ấy xác định những ưu tiên của mình. Không chỉ vì điều này là quan trọng mà còn vì với vấn đề đó ông nghĩ rằng mình có thế tạo ra sự khác biệt, vấn đề Iran là không thể lảng tránh do tình thế. Đối với những gì thuộc về cuộc xung đột Ixraen-Palextin, tôi không thấy ông ấy rút lui cam kết. Ông ấy sẽ tiếp tục thực hiện những gì mà ông ấy có thể làm. Nhưng tôi không nghĩ rằng ông ấy có thể thay đổi hẳn và tìm cách “hất đổ bàn” trong khi bối cảnh không sẵn sàng cho điều đó. Những người nghĩ rằng họ còn chưa thấy “một Barack Obama thực sự” đã sai lầm: chính ông ấy đó./.
1438. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ HAI CỦA TỔNG THỐNG OBAMA
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Hai, ngày 3/12/2012
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ HAI CỦA TỔNG THỐNG OBAMA
TTXVN (Bắc Kinh 27/11)Trang “Quan điểm Trung Quốc” ngày 17/11 đăng bài viết “Điểm đột phá trong chính sách ngoại giao nhiệm kỳ hai của Obama” của chuyên gia Kỷ Minh Quy, trong đó tác giả cho rằng việc sau khi Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai chưa đầy 48 giờ đã tuyên bố sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Thái Lan, Campuchia và Mianma, bắt đầu từ ngày 18/11 dường như là động thái lần đàu tiên xảy ra trong lịch sử nước Mỹ, làm cho chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ một lần nữa nóng lên, đã thể hiện đầy đủ ý chí và quyết tâm của Mỹ trong việc thúc đẩy chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông.
Mỹ “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” trên thực tế là muốn kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy và nâng cao sức ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Để giải quyết những vấn đề trong nước như khó khăn tài chính, kinh tế suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp cao, Obama đã tích cực hơn trong việc tiến quân vào châu Á, đẩy nhanh chiến lược phong toả Trung Quốc. Điều này báo hiệu giữa hai nước Trung-Mỹ không chỉ xảy ra xung đột trên lĩnh vực chính trị và ngoại giao mà trên cả các lĩnh vực kinh tế, khai thác tài nguyên, quân sự cũng sẽ xảy ra “xung đột toàn diện”. Việc định hình quan hệ Trung-Mỹ sẽ quyết định hướng đi của chính trị quốc tế 4 năm từ nay về sau.
Sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, Mỹ đã chủ động giơ cành ôliu G2 đối với Trung Quốc, nhưng đã vấp phải sự cự tuyệt của Trung Quốc do đã đi ngược lại với lý luận đa cực hoá trỗi dậy hoà bình của nước này. Để bào vệ địa vị bá quyền của mình, năm 2009, Mỹ đã lên tiếng đưa ra chiến lược “quay trở lại châu Á”, một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ lần lượt tiếp cận với Mỹ. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã trực tiếp đề cập đến vấn đề Nam Hải (Biển Đông), khiến cho mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước xung quanh Nam Hải bùng phát. Tuy nhiên, do Trung Quốc đã giành được sự tín nhiệm của các quốc gia ASEAN khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, áp dụng nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi trong việc xây dựng Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN, thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế xung quanh, trong khi đó các nước cũng đều không muốn bị loại khỏi đường ray của đoàn tàu tốc hành kinh tế Trung Quốc, do vậy đã không đứng về bên nào trong bất đồng Trung-Mỹ xung quanh vấn đề Nam Hải. Năm 2011, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Tuyên bố chung không sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền Nam Hải. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012, Philíppin và Việt Nam lại đưa vấn đề Nam Hải ra thảo luận, nhưng đã gặp phải sự phản đối của đa số các nước thành viên, càng làm cho Mỹ cảm thấy sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại ASEAN tăng lên. Chính vì vậy, Mỹ căn cứ vào tình hình nội bộ ASEAN đang bị chia rẽ, quyết tâm tạo bước đột phá ngoại giao đối với Mianma.
Ngày 1/12/2011, H.Clinton thăm Mianma, đồng thời nới lỏng cấm vận kinh tế đối với Mianma, nhằm lót đường cho việc khôi phục toàn diện quan hệ ngoại giao với Mianma. Mỹ cam kết viện trợ 1,2 tỷ USD giúp Mianma cải cách, năm 2012, hai bên đã chính thức cử đại sứ, quan hệ hai nước nhanh chóng trở nên hữu nghị, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Việc Obama nhân cơ hội này thiết lập quan hệ đối tác với quốc gia xưa nay vốn là đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc, chính là muốn thúc đẩy Mianma đi theo con đường cải cách và tiếp xúc với các quốc gia phương Tây. Vì châu Á sẽ quyết định tương lai của Mỹ, trong khi Mianma là “anh em bà con” láng giềng của Trung Quốc, làm tan rã quan hệ Trung Quốc-Mianma sẽ tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự đoàn kết của ASEAN, vì vậy Mỹ coi Mianma là điểm đột phá ngoại giao, đã xác định rõ phương hướng ngoại giao nhiệm kỳ hai của Obama.
Từ khi Mỹ thực hiện quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương đến nay, bất kể là tại Hội nghị An ninh Munich, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hay là Hội nghị Shangri-La, Mỹ đều có các phát biểu mang tính bao vây chiến lược đối với Trung Quốc, về kinh tế, ngoài việc Mỹ ra sức thực hiện trừng phạt thương mại, chống bán phá giá, ngăn cản đầu tư, gia tăng gây sức ép đối với vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ, cấm bán các sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao đối với Trung Quốc, Mỹ còn thực hiện phong toả Trung Quốc về mặt quân sự, xây dựng nhiều tuyến bao vây xung quanh Trung Quốc, triển khai nhiều căn cứ quân sự, từng bước khép chặt vòng vây đối với Trung Quốc. Mianma chính là một mắt xích then chốt trong chuỗi bao vây Trung Quốc của Mỹ, khống chế Mianma có thể trực tiếp uy hiếp chiến lược phía Tây Nam của Trung Quốc, cắt đứt con đường tắt của Trung Quốc thông qua Mianma để tiến vào Ấn Độ Dương cũng như con đường kinh tế, thương mại và năng lượng của Trung Quốc.
Để lựa chọn Mianma làm bước đột phá ngoại giao, một mặt Mỹ phong toả đối với Mianma, mặt khác Mỹ lại tích cực ủng hộ phe đối lập và các thế lực ly khai dân tộc thúc đẩy tiến trình “dân chủ hoá” Mianma. Trong thời gian chưa đầy 2 năm, Mỹ đã biến Mianma từ một quốc gia bị cô lập thành một nước chủ nhà đón tiếp Tổng thống Mỹ đến thăm. Tháng 11/2010, sau cuộc tổng tuyển cử, Tổng thống Mianma Thein Sein đã thả lãnh tụ phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi. Tháng 10/2010, Chính phủ quân đội Mianma lại nới lỏng kiểm soát các trang web nước ngoài và các kênh truvền hình trái chiều, đồng thời tiến hành hội đàm với bà Aung San Suu Kyi, sau đó kêu gọi dừng công trình thuỷ điện trên sông Mê Công do Trung Quốc trúng thầu xây dựng, với trị giá 3,6 tỷ USD, cho nên nước này được Mỹ xoá bỏ lệnh cấm vận được thực hiện từ cuối thế kỷ trước; mặt khác, thông qua quyết định dừng xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Keqinbangyi Iowa, nên Mianma đã “lọt vào mắt xanh” của Mỹ, ngả về phía phương Tây, trở thành một quân cờ quan trọng của Mỹ bố trí xung quanh Trung Quốc. Một thái độ như vậy là nguvên nhân chủ yếu thúc đẩy Obama thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai.
Obama có kế hoạch tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, hội kiến với lãnh đạo các nước tham dự hội nghị, thuyết phục họ gia nhập đội quân kiềm chế, phong toả Trung Quốc của Mỹ.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á một năm trước, Mỹ ủng hộ các nước vừa và nhỏ của khu vực này khiêu khích chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Nam Hải, xây dựng Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải, khiến cho vấn đề Nam Hải trở nên đa phươmg hoá, chia cắt lãnh thổ và dầu khí Nam Hải của Trung Quốc. Trong nội bộ ASEAN hiện nay đang tồn tại hai thái độ khác nhau trong vấn đề Nam Hải, Mỹ đang thuyết phục, ủng hộ các nước không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc như Xinhgapo, Campuchia, Thái Lan, Lào, Mianma nhằm chia rẽ Trung Quốc với các nước có đòi hỏi chủ quyền trong vấn đề Nam Hải, đồng thời gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, năng lượng, hợp tác an ninh và nhân quyền. Obama thăm 3 nước Đông Nam Á trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á với chủ đề bảo đảm an ninh chính là nhằm lợi dụng ASEAN kiềm chế Trung Quốc, muốn chen một chân vào hợp tác Trung Quốc- ASEAN, cố tạo ra các phiền phức cho Trung Quốc. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á, các vấn đề như Nam Hải, đảo Điếu Ngư trở thành tiêu điểm chú ý, Mỹ liên kết với Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, yêu cầu xác lập quy tắc hành vi nhằm bảo đảm cho tự do hàng hải tại Nam Hải.
Việc Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, tất yếu sẽ khiến hai nước Trung-Mỹ triển khai các hành động ứng phó lẫn nhau trong việc định hình quan hệ, đồng thời thiết lập trật tự mới châu Á trong mâu thuẫn và hợp tác. Các quốc gia Đông Nam Á sẽ buộc phải quen với việc mình trở thành vũ đài địa chính trị quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa hai nước lớn. Trong phương diện kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc, Đông Nam Á sẽ ở vào tuyến đầu trong cuộc chiến tranh giành ưu thế toàn cầu. Các quốc gia Đông Nam Á đều mong muốn Mỹ ở lại, đảm nhiệm vai trò là trọng tài cân bằng quyền lực, nhưng không phải giữ vai trò lãnh đạo, trong các công việc của châu Á-Thái Bình Dương chỉ có thể giữ thái độ trung lập hoặc duy trì khoảng cách với Mỹ mà thôi.
Mỹ cho rằng Trung Quốc là mối đe doạ chiến lược lâu dài chủ yếu của Mỹ, chương trình hạt nhân của Iran lại là mối lo ngại ngoại giao trực tiếp nhất của Mỹ. Bắt đầu từ đầu năm nay, Obama đã tăng cường quan hệ với Ấn Độ, tăng cường hợp tác quân sự với Philíppin, Việt Nam, củng cố đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài ra còn tái khởi động bán vũ khí cho Đài Loan, kích động Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Trung đang định hình. Tranh chấp thương mại, khác biệt về nhân quyền, chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương tranh chấp biển… đều rất khó giải quyết, trong đó chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Obama là quan trọng nhất, nội hàm chính sách của Obama tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nếu chỉ bao vây kiềm chế đơn thuần sẽ rất khó giải quyết vấn đề. Trung Quốc chuyển đổi mô hình thành công, đã thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn về dân chủ, kết thúc thời đại nhất nguyên hoá của dân chủ phương Tây, chế độ của Trung Quốc đã sáng tạo ra năng lực tháo gỡ khó khăn, đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã duy trì kinh tế tăng trưởng ổn định, điểm tựa của Trung Quốc trỗi dậy là phát triển hoà bình và hoà nhập vào trật tự kinh tế thế giới, đề xướng cùng thắng chứ không phải dựa vào chiến tranh và cướp đoạt, định hình quan hệ nước lớn với Trung Quốc chỉ có tăng cường hợp tác mới có thể cùng tiến.
Obama liên nhiệm là một việc tốt đối với quan hệ Trung-Mỹ. Vì trước đây khi xử lý khủng hoảng, Chính quyền Obama làm rất tốt, mặc dù là tổng thống cứng rắn, nhưng là vị tổng thống mà Trung Quốc hiểu rất rõ. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến cho hai đều cần đến nhau. Đứng trước quan hệ Trung-Mỹ đang trong quá trình định hình, hai nước đều đang nỗ lực tìm kiểm công thức chung sống hoà bình, một cuộc cạnh tranh toàn cầu chỉ khiến cho mục tiêu ưu tiên cấp thiết của lãnh đạo hai nước càng khó thực hiện hơn. Người Mỹ đã quen với việc mua hàng giá rẻ do Trung Quốc chế tạo, đồng thời lại muốn có lương cao theo kiểu của Mỹ. Mặc dù, Mỹ vẫn xác định Trung Quốc là “đối tác mang tính xây dựng”, nhưng Mỹ lại đang tích cực kiềm chế toàn diện Trung Quốc trong các lĩnh vực. Vì vậy, trong tương lai, Obama có thể sẽ tìm kiếm cân bằng giữa hai thái cực trên.
Hai nước Trung Quốc-Mianma là láng giềng hữu nghị, từ xưa đến nay, nhân dân hai nước coi nhau như anh em đồng bào. Trung Quốc và Mianma đều có lợi ích to lớn trong vành đai kinh tế Đông Nam Á, Mianma đơn thuần chỉ dựa vào 1,2 tỷ USD viện trợ của Mỹ sẽ không thể giải quyết vấn đề phát triển tự thân của Mianma, Mianma chỉ có hoà nhập vào vành đai kinh tế Đông Nam Á mới có thế tìm kiếm sự phát triển độc lập của mình. Giá trị quan phổ biến của phương Tây cũng rất khó giải quyết mâu thuẫn nội bộ và vấn đề dân chủ, những phiền phức đem lại sẽ là xung đột lợi ích nhiều hơn. Phe đối lập cũng nhìn thấy được địa vị và vai trò của Trung Quốc đối với tương lai phát triển của Mianma, bà Aung San Suu Kyi từng nhấn mạnh quan hệ không thể thiếu của Trung Quốc với sự phát triển của Mianma. Chỉ cần Trung Quốc tiếp tục căn cứ nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi là có thể thúc đẩy hai nước phát triển hữu nghị. Do vậy Mỹ lợi dụng Mianma cũng chỉ là uổng công. Quốc hội Mỹ cũng có một số người lo ngại động thái của Mỹ tại Mianma phát triển quả nhanh, không những không thể lôi kéo được Mianma, mà phía quân đội có thể trở thành thành phần đựợc hưởng lợi từ việc Mỹ tăng cường đầu tư vào Mianma. Thế lực dân chủ của bà Aung San Suu Kyi chưa đủ mạnh, bị Quốc hội loại ra khỏi cuộc bàu cử tổng thống, rất khó hoàn thành nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp để làm tổng thống.
Trong ngoại giao, Obama phát đi tín hiệu cứng rắn là muốn xoa dịu áp lực trong nước như tình hình khó khăn tài chính, chia rẽ chính trị, tỉ lệ thất nghiệp cao. Obama cần mạnh dạn thúc đẩy tăng trưởng, an ninh và dân chủ, tìm kiếm một nền kinh tế mạnh hơn, công bằng hơn, Giải quyết vấn đề khó khăn tài chính mới là mục tiêu đầu tiên của Mỹ. Đa số người Mỹ cho rằng hai vấn đề lớn nghiêm trọng nhất hiện nay của Mỹ chính là kinh tế và đoàn kết, chứ không phải ngoại giao. Nhiệm vụ của Obama là dẫn dắt Mỹ lấy lại niềm tin, vì hậu quả của việc đánh mất lòng tin là suy yếu nghiêm trọng và thất bại hoàn toàn.
TTXVN (Prêtôria 30/11)
Chiến thắng gần đây của ông Obama trong cuộc đua vào vị trí Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về đường hướng tương lai và định hướng chính sách của Oasinhtơn ở trong và ngoài nước, vấn đề hạt nhân của Iran là một trong những mối quan tâm quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ và thường xuyên được nêu ra trong các cuộc tranh luận bầu cử gần đây. Thực tế, cái tên Iran đã được nhắc đến hơn 45 lần trong cuộc tranh luận thứ ba được truyền hình trực tiếp giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney. Vì vậy, câu hỏi chính là định hướng chính sách đối ngoại của Barack Obama đối với Iran sẽ thay đổi như thế nào trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Để trả lời câu hỏi này, điều đầu tiên cần phải phân định những điều chắc chắn và không chắc chắn trong chính sách đổi ngoại của Obama đoi với Iran. Đồng thời thông qua đỏ có thê dự báo về khả năng thực hiện của Obama trong tương tưong lai. “Mạng tin Trung Đông” phân tích vấn đề này như sau:
Những điều chắc chắn
Thứ nhất, điều gần như chắc chắn là trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Obama sẽ cơ bản không thay đổi chính sách chiến lược đối với Iran. Điều này có nghĩa Iran sẽ vẫn được coi là một mối đe dọa đến an ninh, nằm trong chính sách đối ngoại ưu tiên của Mỹ và những âm mưu của Mỹ đối với Iran sẽ tiếp tục tồn tại. Quan điểm của Mỹ đối với Iran vẫn theo như chiều hướng hiện nay, đó là coi Iran là một mối đe dọa đến lợi ích khu vực và quốc tế của Mỹ. Do đó, có thể đánh giá rằng khuôn khổ chung trong chính sách đồng thuận hiện hay, vốn chi phối mọi chính sách đối ngoại của Mỹ trong cả hai đảng Dân Chủ, Cộng hòa cũng như giữa các chính trị gia có khuynh hướng tả và hữu, sẽ tiếp tục tồn tại.
Điều chắc chắn thứ hai là mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ được tiếp tục thực hiện. Chỉ cần đánh giá trong tuyên bố gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran bao gồm những quan chức và các công ty mới, một quyết định chỉ được đưa ra hai ngày sau khi kết quả bầu cử được công bố, thì có thể thấy rõ rằng sẽ chẳng có mấy thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Iran. Và với diễn biến tình hình hiện tại thì có thể thấy một sự thay đổi cũng sẽ khó có thể xảy ra trong tương lai, Kết quả là Mỹ và các đồng minh phương Tây chắc chắn sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Iran. Tất nhiên, gần như loại trừ khả năng việc tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran sẽ được thông qua Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Thứ ba, vấn đề Iran sẽ là một trong những thách thức phức tạp nhất mà Tổng thống Obama cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Một thách thức như vậy sẽ có bản chất rất phức tạp. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Mỹ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo trong ba thập kỷ qua, cũng như những điều kiện hiện nay ở khu vực, thế giới và những phức tạp riêng biệt của vấn đề Iran. Ở bất kỳ cấp độ nào thì một điều chắc chắn là cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục gần như không thay đổi trong các lĩnh vực này. Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề Iran trong khuôn khổ cân bằng chính trị của mình. Tuy nhiên, những điều chắc chắn này cũng nên được xem xét trong tương quan với nhũng điều không chắc chắn.
Những điều không chắc chắn
Ngoài những điều chắc chắn trên, có nhiều điều không chắc chắn về tương lai trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama đối với Iran.
Điều thứ nhất, là trọng tâm hoạt động và phân chia khả năng của Mỹ, thời gian đối với các vấn đề trong nước và quốc tế. Mặc dù vấn đề Iran là một thách thức khó khăn nhưng Obama sẽ phải giải quyết những vấn đề khác khó khăn hơn trong nội bộ nước Mỹ và điều này sẽ khiến các vấn đề trong chính sách đối ngoại trở thành thứ yếu trong danh sách các ưu tiên hàng đầu cần giải quyết của ông. Thông điệp trong các cuộc tranh cử tổng thống của Obama cho thấy các vấn đề nội bộ của nước Mỹ đã và tiếp tục rất quan trọng đối với Obama và các chính trị gia khác của đảng Dân chủ. Sự tập trung vào các vấn đề kinh tế, giải quyết tận gốc nhũng vấn đề xã hội, được Quốc hội Mỹ ủng hộ, đã khiến nhiều nhà phân tích phải nhận định về việc vấn đề nào sẽ được Obama đặt trọng tâm cao nhất để giải quyết.
Điều không chắc chắn thứ hai là về sự thay đổi trong những người đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong Chính phủ Mỹ. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, Ngoại trưởng Hillary Clinton chắc chắn sẽ rời khỏi vị trí hiện nay để chuẩn bị cho cuộc chạy đua bầu cử tổng thống vào năm 2016. Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) David Petraeus và một số thành viên quan trọng trong đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của Obama sẽ không còn tại nhiệm sau vụ bê bối tình dục vừa qua. Vậy ai sẽ là người thay thế họ? Hiện có nhiều đồn đoán không chính thức về khả năng bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc hiện nay, sẽ được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng mới của Mỹ thay cho Hillary Clinton và Thượng nghị sỹ John Kerry sẽ thay thế vị trí hiện nay của Susan Rice. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có tin đồn nào được xác nhận chắc chắn. Một số tin đồn về khả năng phục chức của Colin Powell, từng là cựu Ngoại trưởng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George w. Bush. Điều không thể quên là, mặc dù thuộc đảng Cộng hòa nhưng Powell đã ủng hộ Obama trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây. Ở mức độ nào đó, những vị trí quan trọng vẫn chưa được xác định, một trong số đó là Bộ trưởng Tài chính. Vị trí này là một trong những nhân tố chính đối với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Iran và có thể được coi là một vị trí quan trọng nhất. Nhiều nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết khả năng Bộ trưởng Tài chính hiện nay Timothy Franz Geithner sẽ rời khỏi cương vị này.
Dù sao, miễn là những vị trí chủ chốt, vẫn chưa được quyết định không ai có thể tạo ra được kế hoạch chính xác trong chính sách đối với Iran của Obama. Những điều không chắc chắn này sẽ được giải quyết bằng việc bổ nhiệm những người mới vào các vị trí đó. Tất nhiên, cần có thời gian nhất định để quyết định ai là người phù hợp cho các vị trí quan trọng này. Đồng thời, điều quan trọng là đội ngũ chuyên gia chủ chốt hiện nay đang tư vấn cho Obama tại Nhà Trắng, Hội đồng An ninh quốc gia và các cơ quan chính sách đối ngoại khác của Mỹ sẽ không phải trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ.
Điều không chắc chắn thứ ba là kết quả tình hình phức tạp tại khu vực Trung Đông và sự thay đổi xung quanh các điều kiện của khu vực, đặc biệt là những diễn biến tại Xyri. Iran không thể hoàn toàn cách biệt với những vấn đề khác ở khu vực Trung Đông có liên quan đến lợi ích của Mỹ. Những điều kiện thay đổi ở khu vực này đã khiến bộ phận hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cần phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra nhũng quyết định. Điều cần chú ý là khi Obama tuyên thệ nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu tiên, không ai có thể hình dung rằng khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, Oasinhton sẽ phải thực hiện hành động mà không có nhiều đồng minh như trước đây, ví dụ như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Nếu có, thì cũng ít người tưởng tượng được rằng Chính quyền Obatna sẽ phải nhân nhượng hợp tác với tổ chức Anh em Hồi giáo với tư cách là một chính phủ mới và lực lượng chính trị ở Trung Đông. Những điều không chắc chắn bắt nguồn từ điều kiện khu vực cũng sẽ loại bỏ những nghi ngờ sâu sắc về chính sách của Obama đối với Iran. Tuy nhiên, những khả năng nào đối với Obama hiện nay và phương án nào sẽ được lựa chọn để thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai?
Các khả năng
Khả năng đầu tiên, Mỹ sẽ tiếp tục chính sách hiện tại với Iran và duy trì các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Iran. Trong thực tế, khả năng này có nghĩa là việc tiếp tục thực hiện chính sách hiện nay với một số thay đổi nhỏ. Đây là khả năng tối ưu và là đường hướng thực hiện chính sách đối ngoại của Chính quyền Obama trong tương lai.
Khả năng thứ hai, Mỹ thực thi một chính cứng rắn hơn đối với Iran và điều này sẽ gây ra sự thù địch hơn nữa đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Chính sách này hoàn toàn có thể được tính đến vì có rất nhiều nhân tố trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến mối quan hệ giữa Iran và Mỹ. Sự thất bại của ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trên con đường tiến vào Nhà Trắng không có nghĩa là chấm dứt ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cánh hữu của Ixraen và các đảng phái khác, vốn kêu gọi thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Iran, đã ảnh hưởng đến toàn bộ Chính phủ Mỹ.
Khả năng thứ ba là việc đạt được một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran. Khả năng này thường xuyên được các nhà nghiên cún chính sách đối ngoại và quan chức Mỹ đề cập là giải pháp khả thi nhất. Điều này có nghĩa Mỹ và Iran sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran trong khuôn khổ của nhóm P5+1 hoặc trên cơ sở song phương. Theo thỏa thuận đó, Iran có thể duy trì làm giàu urani lên đến 3-5% dưới sự giám sát của quốc tế nhằm đảm bảo Iran không lợi dụng chương trình hạt nhân vào mục đích quân sự. Với thỏa thuận trên, các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ được dần dần giảm xuống. Một số chuyên gia về các chính sách đối ngoại của Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đã đạt đến mức độ đỉnh điểm và đó là thời điểm chín muồi để Mỹ đạt được một thỏa thuận với Iran và đi đến kiểm soát chặt chẽ trên thực tế chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
David Ignatius, nhà bình luận nổi tiếng của tờ Bưu điện Oasinhtơn, trong một bài viết ngày 10/11/2012, đã phân tích rất sâu về khả năng chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai, đặc biệt liên quan đến Iran. Trong bài viết đó, ông đưa nội phỏng vấn với Giáo sư Graham Allison của trường Đại học Harvard về quan điểm Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận với Iran. Để chứng minh điều này, ông cũng đã đưa ra một loạt ví dụ về những bước đi đã được thực hiện trong chính sách đối ngoại Mỹ. David Ignatius cũng cho biết Oasinhtơn đã nhiều lần phải từ bỏ các yêu cầu cấp thiết của mình và tránh việc theo đuổi các mức độ tối đa trong yêu cầu của mình. Ví như, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các cường quốc đối lập đã đạt được sự hiểu biết nhất định để thiết lập hiệp định nhằm kiểm soát các vấn đề phức tạp. Vì vậy, trong chính sách đối với Iran hiện nay, chính quyền của Tổng thống Obama cần phải tính đến một giải pháp để đạt được kết quả tối ưu.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất cần được phân tích ở đây trên các khía cạnh chắc chắn hay không chắc chắn và những khả năng có thể xảy ra trong quan hệ giữa Iran và Mỹ, đặc biệt khi vấn đề hạt nhân của Iran vẫn là “điểm nóng” thì nó không thể được giải quyết từ một phía. Mặc dù nhiều nước đã để lại dấu ấn và đóng nhiều vai trò khác nhau đối với chương trình hạt nhân của Iran nhưng Mỹ không phải là bên chính duy nhất trong cuộc chơi này. Mặt khác, quan trọnghơn là, một phía trong cuộc chơi đó chính là Iran. Là một cường quốc khu vực và còn nhiều thách thức nhưng Iran In là một trongnhững nước có ảnh hưởng tại Trung Đông và thế giới. Các nhà phân tích không thể bỏ qua vai trò quan trọng của Iran, đánh giá thấp hay coi nhẹ tầm quan trọng của nước này bởi vì Iran là một trong những đối tác chính trị quan trọng nhất tại thời điểm này của lịch sử.
***
TTXVN (Niu Yoóc 27/11)
Dưới nhan đề “Thế giới Arập và nhiệm kỳ hai của ông Obama ”, tạp chí “The Middle East” nhận định rằng nước Mỹ trong nhiệm kỳ hai của Obama ít có khả năng can thiệp quân sự vào khu vực Trung Đông, song vẫnkiên quyết bảo vệ mọi lợi ích chiến lược của mình tại khu vực này. Dưới đây là nội dung của bài viết:
Việc ông Barack Obama tái đắc cử tổng thống Mỹ khiến thế giới Arập thở phào nhẹ nhõm. Không được hồ hởi như khi ông Obama đắc cử tổng thống lần đầu tiên vào tháng 11/2008, giờ đây phản ứng của các nhà lãnh đạo và người dân Arập đã có chừng mực hơn do những thành tích “rất khiêm tốn” của ông trong quan hệ với thế giới Hồi giáo và Arập trong 4 năm qua. Song họ vẫn mừng vì đã tránh được điều tồi tệ nhất, tức là đối thủ của Ông Obama là Mitt Romney, người được dự đoán sẽ đưa nước Mỹ bước vào một giai đoạn căng thẳng với thế giới Arập giống như nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George w. Bush, đã thất cử.
Những phản ứng thận trọng này đã thể hiện nỗi thất vọng sau 4 năm niềm hy vọng của người Arập bị dập tắt. Nhớ lại, khi lên cầm quyền vào năm 2008 ông Obama đã làm dấy lên niềm hy vọng lớn trong thế giới Arập, nhất là khi ông chủ của Nhà Trắng đọc một bài diễn văn đầy tham vọng tại Cairô hồi tháng 6 năm 2009, hứa hẹn một sự “khởi đầu mới” với thế giới Arập và Hồi giáo sau những năm tháng tồi tệ dưới thời ông Bush. Ý kiến chủ đạo trong bài diễn văn của ông Obama, dưới con mắt của người Arập, là cam kết thực hiện một giải pháp cho cuộc xung đột Ixraen- Palextin, dựa trên “giải pháp hai Nhà nước”. Lúc bấy giờ, quả thật là lời nói của ông đã đi đôi với việc làm, ông ta đã bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ George Micheli làm đặc phái viên về Trung Đông và lưu ý đến yêu cầu của Palextin ngừng việc xây dựng các khu định cư của Ixraen tại khu vực Bờ Tây sông Gioócđan và Đông Giêruxalem, như một điều kiện để nối lại các cuộc thương lượng hòa bình với Ixraen. Dưới sức ép của Mỹ, từ ngày 31/3/2009, Ixraen, nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng theo tư tưởng cực hữu Benjamin Netanyahu, đã phải quyết định hoãn 10 tháng việc xây dựng các khu định cư ở khu vực Bờ Tây sông Gioócđan bị chiếm đóng. Nhưng các cuộc thương lượng hòa bình, khó khăn lắm mới được bắt đầu lại vào ngày 2/9/2010 sau nhiều tháng nhờ sự trung gian hòa giải của Mỹ, đã nhanh chóng bị nhà cầm quyền Palextin ngừng lại do việc xây dựng các khu định cư vẫn tiêp tục diễn ra vào cuối tháng 9 năm đó. Những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm thuyết phục Ixraen kéo dài thời hạn ngừng xây dựng khu định cư là vô ích. Từ đó đến nay, Chính phủ Mỹ đã tạm dừng mọi nỗ lực thuyết phục Ixraen ngừng xây dụng khu định cư và không đưa ra một sáng kiến mới nào nhằm nối lại các cuộc thương lượng hòa bình.
Từ thất bại trong việc thuyết phục Ixraen ngừng xây dựng các khu định cư, Chính quyền Obama cũng tránh mọi cuộc đối đầu với Netanyahu về cuộc xung đột Ixraen-Palextin, bởi vì họ cho rằng cơ may tái đắc cử của ông Obama chủ yếu dựa vào tài vận động hành lang của nhóm có thế lực hùng mạnh thân Ixraen. Và nhờ thái độ như vậy nên trong cuộc bầu cử vừa qua, hơn 70% cử tri người Mỹ gốc Do Thái đã bỏ phiếu cho ông Obama mặc dù ứng cử viên Romney cũng đã làm hết sức để tranh thủ nhóm cử tri này. Thực tế này cùng với việc Obama đã thoát khỏi nhũng tính toán bầu cử của nhiệm kỳ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng đang giúp ông có một phạm vi hoạt động lớn hơn và quyền tự do hơn để thực hiện một hành động thiết thực hơn cho giải pháp của cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông, nếu ông thực sự mong muốn làm như thế. Nhưng liệu ông có cam kết làm như vậy không? Không có gì chắc chắn cả. Các cố vấn về chính sách đối ngoại có liên quan chặt chẽ với Chính phủ Mỳ trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, dự đoán ông sẽ tiếp tục một chính sách ngoại giao Trung Đông thận trọng, ít có xu hướng đối đầu và can thiệp trực tiếp vào khu vực Trung Đông. Cách đây hơn một năm, trước làn sóng nổi dậy của người dân đã lan ra nhiều nước Arập, tạo nên phong trào “Mùa Xuân Arập”, nhưng nước Mỹ của ông Obama vẫn cố tránh giữ vai trò đi đầu. Ở Libi, Mỹ muốn đẩy Pháp và Anh lên phía trước trong việc lập vùng cấm bay và thực hiện các trận ném bom vào các vị trí của các lực lượng trung thành với chế độ Gaddafi. Mỹ cũng khuyến khích các nước Arập tích cực tham gia hoạt động chống Gaddafi, được Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arập hậu thuẫn. Tại Xyri, Mỹ cũng muốn lùi lại phía sau, dành ưu tiên ủng hộ chính trị đối với phe đối lập, và khuyến khích các chủ thể khu vực, như các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân phiến loạn. Chỉ có trường hợp Iran là không nằm trong lôgíc này vì Tổng thống Mỹ từng nhiều lần cam kết sẽ ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng mọi cách, và để làm được điều đó, sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực, nhưng là phương cách cuối cùng. Vì thế nên ông Obama vẫn tiếp tục dành ưu tiên cho việc sử dụng giải pháp ngoại giao, gây thiệt hại rất lớn cho Iran, nhất là khi ông được báo cáo rằng chính sách trừng phạt của phương Tây (chống Iran) đang dần mang lại kết quả.
Trong nhiệm kỳ hai, ông Obama có lẽ sẽ phải vi phạm qui tắc mà ông đã đề ra trong 4 năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của mình: chỉ hành động trực tiếp và tích cực nếu bị bắt buộc vì ông muốn để cho các chủ thể địa phương và khu vực giải quyết các vấn đề của chính họ, trong khi vẫn tiến hành mọi hành động hậu trường để bảo vệ những lợi ích của nước Mỹ. Vì vậy, Chính quyền Obama muốn thực hiện phương pháp gián tiếp thể hiện mối quan tâm riêng của mình, thông qua các chủ thể địa phương và khu vực. Chẳng hạn như đối với trường hợp cuộc xung đột Xyri hiện nay, Chính quyền Obama đã ngùng ủng hộ phe đối lập chính lưu vong, tức là Hội đồng dân tộc Xyri, bởi vì theo Mỹ, phe đối lập này bị chi phối quá nhiều bởi Tổ chức Anh em Hồi giáo. Và tại hội nghị Đôha, Chính quyền Obama đã làm mọi cách để cuối cùng các phe phái đối lập ấy phải tập hợp lại để giảm bớt ảnh hưởng của người Hồi giáo. Bước đi này, do Chính quyền Obama thực hiện, là hậu quả trực tiếp của những ảnh hưởng tai hại và tiêu cực của chính sách hành động riêng rẽ dưới thời Chính quyền George w. Bush. Ông Obama đã cố khơi gợi lên một hành động khu vực và huy động các chủ thể khu vực ủng hộ một chính sách đi theo chiều hướng có lợi cho những lợi ích của Mỹ. Và tình hình đã diễn ra đúng như kế hoạch ấy, trước đó là trong cuộc khung hoang Libi và giờ đây là cuộc khủng hoảng Xyri.
Vậy còn cuộc xung đột Ixraen – Palextin thì sao? Chắc chắn là ông Obama sẽ đế cho nó dính líu đến nhóm có thế lực thân Ixraen ít hơn. Liệu có nên nghĩ tới sự cần thiết phải tiến hành một chính sách mạnh mẽ hơn đối với Ixraen và liệu ông Obama sẽ sẵn sàng trả giá cho điều đó. Vào lúc này, không có gì cho thấy Chính quyền Obama có ý định sẽ đi theo con đường như vậy, nhất là vì ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Obama là hướng tới cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Bối cảnh hiện nay ở khu vực Trung Đông, dường như là ít thích hợp cho một hành động gay gắt của Mỹ đối với vấn đề Palextin. Các vấn đề khác và các cuộc xung đột nóng bỏng khác đã thu hút sự chú ý của các chủ thể khu vực và quốc tế, trong đó có Mỹ nên ít có cơ may là Mỹ sẽ quan tâm nhiều đến cuộc xung đột Ixraen – Palextin trong ngắn hạn và trung hạn, trừ phi có một sự bùng nổ bất ngờ. Nhất là cuộc khủng hoảng Xyri hay những khó khăn trong việc chuyển giao dân chủ tại nhiều nước Arập, đặc biệt là Ai Cập, Libi hoặc Tuynidi, tình hình căng thẳng với Iran xung quanh chương trình hạt nhân đây tranh cãi, Mỹ sẽ cố giữ vị trí của người “đứng bên lề”, và chỉ can thiệp mạnh khi lợi ích của họ bị lung lay. Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng các vấn đề khác trong quan hệ đối ngoại của Mỹ đang che lấp vấn đề Palextin, nhất là khi vấn đề này đang ở trong tình trạng rối rắm chưa từng có, khiến cho mọi nỗ lực tìm ra được giải pháp càng trở nên khó khăn hơn: Chính phủ Ixraen của phái cực hữu của Netanyahu sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 2/2013; hiện đang đóng chặt cánh cửa cho mọi khả năng đạt được những bước tiến cho giải pháp của cuộc xung đột với Palextin; người Palextin vẫn chia rẽ gay gắt giữa những người ủng hộ Chính quyền Palextin của Mahmoud Abbas ở khu vực Bờ Tây sông Gioócđan và những người ủng hộ phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát dải Gada,v.v.
Vấn đề hạt nhân của Iran vẫn chưa được giải quyết, vũng lầy Apganixtan, bạo lực tín ngưỡng ở Mianma, tiến trình hòa bình Trung Đông đang bị thất bại, mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, nguy cơ không còn sự ủng hộ của Pakixtan… Với tất cả những danh sách dài các thách thức ở bên ngoài này, tổng thống tái đắc cử Obama không thể tận hưởng lâu thắng lợi của mình, và vì thế, ông ta phải nhanh chóng bắt tay vào hành động. Ngoài những vấn đề trong nước đang đè nặng lên vai, đó là nền kinh tế và sự từ chức bất ngờ của Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) David Petraeus, ông Obama sẽ phải tô điểm lại hình ảnh của mình trên diễn đàn quốc tế với một bản tổng kết nửa màu sáng tối của nhiệm kỳ đầu. Cựu Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé từng nói: “Ông Obama chưa đạt được những kết quả tốt đẹp về chính sách đối ngoại: cuộc xung đột Ixraen – Palextin vẫn hoàn toàn bế tắc. Vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân của cả Iran lẫn Bắc Triều Tiên vẫn dậm chân tại chỗ. Tình hình ở Ápganixtan vẫn khó khăn và mối quan hệ với Pakixtan ngày càng xấu đi”.
Theo các chuyên gia, Chính quyền Obama sẽ biến châu Á thành “trụ cột” trong nền ngoại giao của mình và Mỹ sẽ tăng cường khả năng ngoại giao và quân sự tại khu vực này, nơi mà Mỹ coi là “động lực của sự tăng trưởng thế giới”, để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực phụ thuộc vào sự năng động riêng của khu vực Trung Đông, cũng như những thất bại về chính trị và kinh tế hoặc những tham vọng của Mỹ. Có ít yếu tố lịch sử chứng tỏ rằng chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế giới Arập bao giờ cũng được chỉ đạo bởi những nguyên tắc về đạo đức. Nhất là về vấn đề Trung Đông, hai đảng chính ở Mỹ đều tỏ ra là có tư tưởng can thiệp, nhưng đảng Dân chủ, ít nhất là trong hai thập niên qua, dường như nghiêng về chủ nghĩa đơn phương hơn trong chính sách đối ngoại cũng như trong chiến tranh. Chính phủ Mỹ dưới thời Bin Clinton (1993 – 2001) đã duy trì một quan hệ căng thẳng đối với Irắc, điều đó đã gây ra điều mà cựu Viện trưởng Viện kiểm soát Mỹ Ramsey Clark đã mô tả là “một nạn diệt chủng”(ở Irắc) do bị tác động mạnh từ chính sách cấm vận của Mỹ. Hai năm sau, George w. Bush đã chọn con đường tiến hành cuộc chiến tranh trực tiếp, hàng trăm nghìn người Irắc vô tội đã chết. Bất chấp những lời nói đầy hiếu chiến của cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney về những ý định làm xáo trộn khu vực Trung Đông để phục vụ những lợi ích của Mỹ nếu ông đắc cử, chỉ có ít người tin vào điều đó. Và cuối cùng, các cử tri Mỹ đã quyết định kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama thêm 4 năm nữa để giao phó cho ông số phận của đất nước từ lâu nay đã vượt qua ngưỡng của sự suy thoái kinh tế, còn về đối ngoại, đó là vấn đề Trung Đông bị dang dở qua nhiều đời tổng thống.
Tầm quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không phụ thuộc nhiều vào sức mạnh chính trị hoặc những khả năng của các ứng cử viên chính mà phụ thuộc vào sự chuyển giao lịch sử mà nước Mỹ đang trải qua, không những trong lĩnh vực của một nền kinh tế gặp khó khăn mà cả trong lập trường của nước Mỹ trên thế giới, chủ yếu là về khu vực Trung Đông: thời điểm chuyển giao này trong khu vực – được thể hiện bằng các cuộc cách mạng đang diễn ra, những sự xáo trộn về chính trị và các cuộc nội chiến. Trong khi chính sách đối ngoại của Mỹ dường như quyết tâm xem xét lại các cuộc chiến tranh do những người tân bảo thủ tiến hành thì các sự kiện quan trọng diễn ra trên khấp khu vực Trung Đông đã ảnh hưởng tai hại đến sự rút lui của Mỹ.
Nhìn chung, các nước ở khu vực Trung Đông, dù đã được an ủi với việc ông Obama vẫn ở lại Nhà Trắng, vẫn không trông mong mấy ở những năm tháng sắp tới. Khu vực này dường như biến đổi bởi sự năng động riêng của mình bất chấp những mưu toan can thiệp thường xuyên của Mỹ. Chính sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ và nỗi lo ngại của các cử tri Mỹ về nguy cơ nước Mỹ lại vướng chân vào các cuộc phiêu lưu quân sự mới có thể sẽ tái xác định mối quan hệ của Mỹ tại khu vực Trung Đông./.
1439. Việt Nam triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ Bình Minh 02
Ghi chú: Bản tin dưới đây đã được sửa tựa và một chút nội dung ngay sau khi lên trang ít phút, từ “đại sứ” thành “đại diện”. Đây là đường dẫn tới bản gốc ban đầu và kế bên là hình chụp trang bản gốc.VNExpress
Việt Nam triệu Đại [diện] sứ Trung Quốc để phản đối vụ Bình Minh 02
Thứ ba, 4/12/2012, 10:59 GMT+7.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua triệu Đại diện sứ
Trung Quốc đến để phản đối về việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu
Bình Minh 02, trong khi các lực lượng chức năng Việt Nam tăng cường biện
pháp bảo vệ tàu hoạt động trên biển.
Ngay sau khi tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02, bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp cùng các bộ Quốc phòng, Công an để xem xét đánh giá sự việc.
Sáng nay, ông Trịnh Đức Hải. Vụ trưởng, Ban Nghiên cứu chính sách biển, (Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao) cho biết, tàu Bình Minh 02 bị tàu cá Trung Quốc đứt cáp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chủ quyền ở biển Đông như in hình lưỡi bò lên hộ chiếu, tỉnh Hải Nam thông qua điều lệ trị an trên biển có hiệu lực từ năm 2013. “Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối một loạt sự việc trên”, ông Hải cho hay.
Trước đó, vào lúc 4h5 ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 di chuyển ở khu vực ngoài ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để khảo sát địa chấn đã gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu tàu cá Trung Quốc ra khỏi khu vực của tàu Bình Minh 02, tàu kéo dã cào của Trung Quốc “đã chạy qua phía sau làm đứt cáp thu nổi địa chấn của tàu Bình Minh 02”. Sự việc xảy ra trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, Bình Minh 02 gặp sự cố với tàu Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của VnExpress.net về các biện pháp bảo vệ tàu khảo sát, thăm dò, khai thác của PVN, ông Trịnh Đức Hải cho biết, thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá, cao điểm có ngày lên tới 100 tàu, của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển gây cản trở đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Khi bị các lực lượng chức năng của Việt Nam đẩy đuổi, các tàu này đã tổ chức thành hình tròn gồm 15 tàu để tự bảo vệ và cản trở sự truy đuổi của phía Việt Nam.
“Sau việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã có biện pháp thích hợp để tăng cường bảo vệ”, ông Hải nói.
Về việc Trung Quốc in bản đồ có “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu mới, Việt Nam và các nước như Philippines, Indonesia và Mỹ đã lên tiếng phản đối hoặc bày tỏ quan ngại. Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, việc in hình lưỡi bò phản tác dụng, không có ý nghĩa gì trong việc tranh chấp biển Đông. Mỹ cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu và khẳng định “sẽ nêu mối quan ngại này với Trung Quốc”.
“Việt Nam không công nhận bất cứ giá trị pháp lý hay ý nghĩa chính trị về Trung Quốc in hình lưỡi bò trên hộ chiếu”, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối việc in bản đồ có “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu. Các cơ quan hữu quan Việt Nam không đóng dấu thị thực hoặc xuất nhập cảnh lên hộ chiếu có bản đồ sai trái này, mà cấp một thị thực rời kẹp trong hộ chiếu, ông Hải cho biết.
Hoàng Lan
Ngay sau khi tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02, bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp cùng các bộ Quốc phòng, Công an để xem xét đánh giá sự việc.
Sáng nay, ông Trịnh Đức Hải. Vụ trưởng, Ban Nghiên cứu chính sách biển, (Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao) cho biết, tàu Bình Minh 02 bị tàu cá Trung Quốc đứt cáp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chủ quyền ở biển Đông như in hình lưỡi bò lên hộ chiếu, tỉnh Hải Nam thông qua điều lệ trị an trên biển có hiệu lực từ năm 2013. “Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối một loạt sự việc trên”, ông Hải cho hay.
Trước đó, vào lúc 4h5 ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 di chuyển ở khu vực ngoài ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để khảo sát địa chấn đã gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu tàu cá Trung Quốc ra khỏi khu vực của tàu Bình Minh 02, tàu kéo dã cào của Trung Quốc “đã chạy qua phía sau làm đứt cáp thu nổi địa chấn của tàu Bình Minh 02”. Sự việc xảy ra trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, Bình Minh 02 gặp sự cố với tàu Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của VnExpress.net về các biện pháp bảo vệ tàu khảo sát, thăm dò, khai thác của PVN, ông Trịnh Đức Hải cho biết, thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá, cao điểm có ngày lên tới 100 tàu, của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển gây cản trở đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Khi bị các lực lượng chức năng của Việt Nam đẩy đuổi, các tàu này đã tổ chức thành hình tròn gồm 15 tàu để tự bảo vệ và cản trở sự truy đuổi của phía Việt Nam.
“Sau việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã có biện pháp thích hợp để tăng cường bảo vệ”, ông Hải nói.
Về việc Trung Quốc in bản đồ có “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu mới, Việt Nam và các nước như Philippines, Indonesia và Mỹ đã lên tiếng phản đối hoặc bày tỏ quan ngại. Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, việc in hình lưỡi bò phản tác dụng, không có ý nghĩa gì trong việc tranh chấp biển Đông. Mỹ cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu và khẳng định “sẽ nêu mối quan ngại này với Trung Quốc”.
“Việt Nam không công nhận bất cứ giá trị pháp lý hay ý nghĩa chính trị về Trung Quốc in hình lưỡi bò trên hộ chiếu”, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối việc in bản đồ có “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu. Các cơ quan hữu quan Việt Nam không đóng dấu thị thực hoặc xuất nhập cảnh lên hộ chiếu có bản đồ sai trái này, mà cấp một thị thực rời kẹp trong hộ chiếu, ông Hải cho biết.
Hoàng Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét