Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

HOT - THỜI SỰ TRONG NGÀY

’Cần ủng hộ một loại nhóm lợi ích’

BBC
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là đại biểu QH của Hải Phòng
Trả lời cử tri Hải Phòng hôm 4/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ý không hài lòng về chuyện từ điển tiếng Việt “chưa có một định nghĩa đầy đủ” về cụm từ “lợi ích nhóm”, khái niệm đang khiến dư luận trong nước rất quan tâm.
Ông Nguyễn Tấn Dũng còn nêu ra định nghĩa riêng của mình về một dạng khác là “nhóm lợi ích tốt cho đất nước” trong buổi tiếp xúc cử tri ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng hôm 4/12.
Cũng trong phần tường thuật của đài truyền hình nhà nước VTV tối 4/12/2012 về chuyến thăm cử tri Hồng Bàng, Hải Phòng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phân biệt ra hai loại “nhóm lợi ích”.
Bản tin cho hay trong các câu hỏi, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc chống tiêu cực và lợi ích nhóm là “vấn đề nhân dân bức xúc nhất hiện nay”.
“Nhóm lợi ích là những nhóm người có chức có quyền, câu kết với nhau, vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích chung và lợi ích cuả người khác”.
“Tuy nhiên, nếu đó là nhóm lợi ích mà đem lại lợi ích chung, không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước và cá nhân thì phải phân biệt và ủng hộ,” ông Dũng nói, theo tường thuật của VTV.
‘Định nghĩa’
Trong khi đó, báo Thanh Niên cho biết thêm Thủ tướng Việt Nam nói: “Tôi đã cho trợ lý kiểm tra, thấy chúng ta chưa có một định nghĩa đầy đủ trong từ điển về cụm từ lợi ích nhóm.”
“Tôi có thể giải thích cơ bản thế này, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.”
Ông Dũng nói tiếp: “Tôi khẳng định một lần nữa, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng.”
Nhắc đến vụ bê bối liên quan ngân hàng ACB, ông Dũng nói: “Có ngân hàng, vì lợi ích mà một số cá nhân đã có hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, có cả một người nguyên là bộ trưởng. Dù rất đau xót nhưng chúng tôi vẫn phải quyết định xử lý nghiêm”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ACB, Trần Xuân Giá, từng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã bị khởi tố hồi cuối tháng Chín.
Ông Dũng được dẫn qua lời thuyết minh trong bản tin truyền hình nói rằng phòng chống tham nhũng “phải làm kiên quyết, kiên trì”, và “không được nóng vội”.
VTV cũng trích lời ông Dũng nói chỉ trong năm 2011 có 14000 đảng viên, và gần hết 2012 là gần 16000 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, sai phạm và cho biết việc này sẽ “không dừng lại”.
Bản tin VTV nói trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, nơi ông Dũng là đại biểu quốc hội, đã diễn ra trong “tinh thần đoàn kết, dân chủ cao”.
Bản tin cũng nói cử tri nêu ra nhiều câu hỏi về các vấn đề như luật đất đai, đền bù đất, xây dựng hạ tầng, chính sách giáo dục, bảo vệ chủ quyền, nhất là chủ quyền biển đảo.

 Giới trẻ nên khủng hoảng niềm tin?

Giới trẻ tổ chức ngày hội Yêu là yêu - LGBT Flashmob để ủng hộ người đồng tính

Gần một thế kỉ trước, thế hệ những người mà nay đã tóc bạc da mồi thường nói về niềm tin như một thứ sức mạnh tinh thần vô giá để giúp họ vượt qua mọi khó khăn thử thách khi phải đối mặt với chiến tranh, ngục tù, và thậm chí là cả cái chết. Đó là niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, và một xã hội công bằng, dân chủ, bác ái.

Niềm tin đẹp đẽ đó dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc, sự khao khát tự do sau nhiều thập kỉ bị đàn áp, và hơn hết, đó là niềm tin của lý trí vì những đòi hỏi đó là những quyền căn bản của con người, mà không sớm thì muộn cũng nhất định sẽ phải được đáp ứng. Sức mạnh của niềm tin tạo nên lý tưởng như một mục tiêu cụ thể để hiện thực hoá những giấc mơ, hoài bão mà thực tại không cho phép.

Lý tưởng Cộng sản với bản chất đẹp đẽ nhất của nó là tạo ra một xã hội công bằng không phân biệt giai cấp, tự do không đàn áp, do vậy là một niềm tin có cơ sở khi mà cả dân tộc ta bị từ chối những quyền cơ bản ấy. Những người tin vào chủ nghĩa Cộng sản những năm 30 của thế kỉ trước hẳn là có một tâm hồn đẹp với những khát khao chân chính.

Khủng hoảng niềm tin và lý tưởng

Ngày nay, khi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam tin vào điều gì, có lẽ sẽ khó có thể tìm được một câu trả lời đồng thanh thỏa đáng như của những thế hệ trước. Thế hệ trẻ ngày nay ít còn tin vào những gì vẫn được rao giảng về một thiên đường xã hội chủ nghĩa và cũng ít tin vào bất cứ điều gì khác.

Sự khủng hoảng về niềm tin dẫn đến sự hụt hẫng về lý tưởng. Sự hụt hẫng về lý tưởng dẫn đến thiếu sót trong mục đích sống. Càng ngày người ta càng thấy nhiều hơn giới trẻ sa lầy vào những cuộc vui quên ngày tháng. Không có “giấc mơ Mỹ” tôn vinh giá trị của lao động chân chính và cần mẫn với lý tưởng là sự giàu sang của bản thân, người Việt trẻ dường như đang sống để hưởng thụ nhiều hơn.
"Sự khủng hoảng niềm tin và lý tưởng không hẳn là xấu vì bản chất con người là không thể khiến bản thân tin vào những điều họ vốn đã không tin mà không có lý do gì thuyết phục."

Khi mà sự giàu sang vẫn được nhìn với ánh mắt phản cảm và ngờ vực, vốn dĩ là hệ quả của hơn nửa thế kỉ đề cao giá trị của giai cấp vô sản và thực tại tham nhũng tràn lan; và khi mà con đường học tập và lao động chân chính không phải là cách duy nhất để làm giàu mà còn có nhiều cách khác đỡ tốn công sức hơn, cũng là dễ hiểu nếu như giới trẻ tự cho mình thái độ hài lòng với cuộc sống. Âu đó cũng là cách để giới trẻ sống trung thực ít nhất là với chính bản thân mình.
Tuy nhiên, sự khủng hoảng niềm tin và lý tưởng không hẳn là xấu vì bản chất con người là không thể khiến bản thân tin vào những điều họ vốn đã không tin mà không có lý do gì thuyết phục. Một con người với đầy đủ sức mạnh tư duy và lý trí sẽ luôn luôn tìm những chứng cứ để củng cố niềm tin của chính mình, và từ bỏ nó khi những gì diễn ra trong thực tế không giống như trong hình dung của họ.

Tôi có một người bạn sinh ra trong một gia đình quan chức cao cấp, được kết nạp Đảng Cộng sản năm 18 tuổi và là đảng viên trẻ tuổi nhất ở ngôi trường trung học danh tiếng nhất Thủ đô. Anh học giỏi và đi du học đại học ở Hoa Kỳ nơi anh tiếp tục thu nhận những kiến thức mới về chính trị, kinh tế, và xã hội. Một buổi đêm mùa hè 2 năm trước tôi ngủ nhờ nhà anh ở New York và hỏi anh về niềm tin Cộng Sản, anh tâm sự rằng ở nhà bị ảnh hưởng tin một kiểu và sang đây (Mỹ) bị ảnh hưởng kiểu khác tin kiểu khác.

Tôi nghĩ anh tin vào điều gì không quan trọng bằng việc anh đã dũng cảm đối mặt với bản thân và sức mạnh lý trí. Anh không ngần ngại đặt câu hỏi với chính niềm tin và lương tâm của mình để tìm ra chân lý thay vì bấu víu vào những niềm tin mù quáng.

Nhìn về tương lai
"Thay vì áp đặt và kỳ vọng, cũng như cố gắng giáo dục cho lớp trẻ một niềm tin mù quáng, có lẽ sẽ là tốt hơn cả nếu để cho họ “lạc lối” để rồi tự do khám phá lý tưởng riêng của mình."

Một niềm tin mù quáng là khi con người chối bỏ thực tế và cố gắng níu giữ lấy những gì mong manh nhất còn sót lại của một giấc mơ không có thật. Trong triết học, những niềm tin không lý trí như thế được gọi là niềm tin vô đạo đức, khi mà con người không có trách nhiệm với chính bản thân mình để có thể rũ bỏ những ảo tưởng và quay trở về với thực tế.

Nếu như hiện thực xã hội là hệ quả của những niềm tin và lý tưởng trong lịch sử thì tương lai sẽ được định đoạt bởi hôm nay. Khi mà thực tế không giống như những gì trong sách giáo khoa, sẽ là vô đạo đức khi những niềm tin truyền thống không bị lay chuyển. Những người vẫn hàng ngày rao giảng những niềm tin vô đạo đức đó và làm lú mờ con mắt lý trí của những nạn nhân cả tin sẽ là đáng trách hơn cả, vì chính họ đã và đang góp phần huỷ hoại tương lai.

Thay vì áp đặt và kỳ vọng, cũng như cố gắng giáo dục cho lớp trẻ một niềm tin mù quáng, có lẽ sẽ là tốt hơn cả nếu để cho họ “lạc lối” để rồi tự do khám phá lý tưởng riêng của mình. Và có lẽ cũng đã đến lúc những người đang ngày ngày rao giảng niềm tin kia dừng lại một phút để ngẫm nghĩ xem niềm tin và lý tưởng Cộng sản của mình một thời nay có còn là chân thật nữa hay không?

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, sinh viên Đại học Cornell, chuyên ngành Triết Học - Chính Trị - Kinh Tế.

Tô Nam
Sinh viên Đại học Cornell, Hoa Kỳ
(BBC)

 GS Carl Thayer: 'VN nên có dấu riêng đặc trị 'hộ chiếu lưỡi bò’

Giáo sư Carl Thayer
(ĐVO) Đất Việt đã có cuộc trao đổi ngắn với giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, về vấn đề có liên quan đến hộ chiếu mới của Trung Quốc. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện

- Thưa giáo sư, Trung Quốc vừa cấp cho công dân sự dụng hộ chiếu mới có in hình đường 9 đoạn, còn gọi là "đường lưỡi bò" trên biển Đông, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam? Việc in bản đồ vào hộ chiếu đã có tiền lệ chưa hay là “sự sáng tạo” của riêng Trung Quốc?

- Tôi đã được biết thông tin này qua VOA. Tôi cũng được biết Việt Nam đã áp dụng một vài biện pháp đối phó với tình trạng này. Tôi không biết về các loại hộ chiếu trên thế giới, nhưng theo những gì tôi biết, hiện chưa hề có tiền lệ nào như thế cả.

Tôi nghĩ, đối phó với trường hợp này, các bạn nên sử dụng một con dấu đặc biệt, chỉ rõ rằng: Chúng tôi đồng ý cho người sở hữu hộ chiếu này nhập cảnh, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, được in trên tấm bản đồ mới. Tại những nơi làm thủ tục nhập cảnh, các bạn nên xếp riêng những người có tấm hộ chiếu mới sang một khu riêng biệt để tiện cho việc đóng dấu.

- Cư dân Trung Quốc khi nhập cảnh vào những quốc gia có dính líu trực tiếp vào cuộc tranh chấp này có thể sẽ bị từ chối, nhưng với những quốc gia khác, không liên quan tới những tranh chấp này, họ sẽ vẫn được thông quan. Điều này có thể được hiểu là các nước khác công nhận những khu vực tranh chấp đều thuộc về Trung Quốc không, thưa giáo sư?

- Việt Nam đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy trong lịch sử, Việt Nam đã xác lập chủ quyền trong khu vực đó: có chính quyền, có người dân ở…

Theo tôi, việc sử dụng một con dấu đặc biệt như tôi nói ở trên có thể giải được 2 bài toán: Thứ nhất, các bạn vẫn thể hiện được sự phản đối của mình trước những tuyên bố của Trung Quốc. Thứ hai, không khiến cho tình hình trở nên căng thẳng.

Con dấu đặc biệt in trên hộ chiếu sẽ có giá trị hàng trăm năm sau, như một minh chứng cho thấy sự phản đối của Việt Nam.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hiền Thảo
(Đất Việt)

 Cướp giật tung hoành khắp Sài Gòn là tại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?


Cướp giật, cướp… gọi chung là tội phạm đường phố đang lộng hành khắp Sài Gòn, người dân hễ ra đường đều nơm nớp lo sợ, bất an. Tại sao tội phạm đường phố lại mặc sức dọc ngang như thế?
LTS: Đại diện Công an TP.HCM xác nhận, trước khi Hà Nội triển khai mô hình 141, tại TP.HCM cũng đã thực hiện mô hình trấn áp tội phạm có sự phối hợp giữa các lực lượng như: CSHS, CSCĐ, CSGT. Thế nhưng gần đây nạn cướp giật lại rộ lên, tính chất ngày càng tàn độc…khiến dư luận phẫn nộ, bất an. Phải chăng mô hình trấn áp tội phạm đường phố mà chính quyền TP.HCM triển khai bộc lộ hạn chế hay cách làm chưa quyết liệt?
 Loạt bài của VietNamNet chỉ góp phần giúp người dân nhận diện thủ đoạn tội phạm đường phố Sài Gòn để tự bảo vệ mình, trước khi chính quyền có biện pháp mạnh, bảo vệ dân.

Ở đâu cũng gặp cướp
Tại cuộc họp báo tổ chức hạ tuần tháng 11/2012, người đại diện công an TP.HCM, thượng tá Vũ Như Hà thừa nhận trước báo giới rằng: nạn cướp có hung khí đang xuất hiện nhiều tại các quận, huyện ngoại thành; riêng nạn cướp giật, nhắm vào người đi đường, du khách lại xảy ra nhiều ở khu vực các quận nội thành như: 1, 3, 5, 10…
Con số cụ thể cho thấy tội phạm đường phố đang lộng hành ở Sài Gòn trở nên nghiêm trọng như thế nào, đó là chỉ qua 4 ngày triển khai cao điểm trấn áp tội phạm trên địa bàn, các lực lượng trực thuộc công an TP.HCM đã khám phá 45 vụ, bắt 50 đối tượng, trong đó tội phạm cướp, cướp giật chiếm 40 vụ, tức gần 89%.
Gần đây công an các quận, huyện TP.HCM đã bắt giữ nhiều băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp với thủ đoạn tàn độc.
Điển hình vụ băng cướp chặt tay người cướp xe SH tại Q.2, vụ băng cướp chuyên “săn” các cặp tình nhân ở Q.7 hay băng cướp “dao phay” ở huyện Bình Chánh…chưa làm dư luận nguội cơn phẫn nộ thì mới đây 2h30 sáng 30/11, thêm 1 vụ cướp đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra tại khu trung tâm TP, làm dư luận thêm một phen kinh hoàng.

Đó là vụ anh Nguyễn Hữu Chí (SN 1990) và chị Lục Huyền Trang (SN 1987, ngụ tỉnh Bạc Liêu, đều là nhân viên quán ăn ở đường Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.10, TP.HCM) sau giờ làm việc, cùng đi dạo ven lề đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn đi qua P.13, Q.5.

Bất ngờ 3 đối tượng đi trên xe gắn máy xông đến chặn đường cặp nam – nữ, yêu cầu đưa ra 150 ngàn đồng.

Biết gặp cướp lại không mang theo tiền, anh Chí trình bày “không có tiền” thì 1 trong 3 đối tượng nhặt cục đá ven đường đập đầu anh Chí rồi đạp anh này lẫn chị Trang xuống kênh Tàu Hũ ven đại lộ; sau đó chúng lên xe tẩu thoát.

Chị Trang cố gắng vùng vẫy, bơi được vào bờ. Riêng anh Chí, phải 30 phút sau, người dân mới tìm thấy thi thể.

Nhìn số hung khí của các tên cướp sử dụng để gây án, ai cũng sởn tóc gáy.
Theo số liệu thống kê về tình hình an ninh trật tự của Bộ Công an thì hầu như ngày nào tại TP.HCM cũng xảy ra cướp, cướp giật. Thủ đoạn chung của loại hình tội phạm này là rất manh động, chúng sẵn sàng “chém trước, cướp sau” hay kề dao vào cổ để lấy xe, tài sản…
Riêng về tình trạng cướp giật, từ lâu được coi là vấn nạn và nay càng diễn biến phức tạp hơn. Những đoạn clip phát tán đầy rẫy trên mạng internet gần đây như: cướp giật cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh; giật túi xách táo bạo trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5; ngang nhiên giật dây chuyền trước đám cưới tại huyện Bình Chánh….cho thấy một thực trạng hết sức nhức nhối.
Vì sao tội phạm đường phố lộng hành?
Được biết thời gian gần đây, nhiều người dân bàn tán, đồn thổi về nạn dùng kim tiêm cướp tài sản ngay tại công viên 23/9, Q.1 nhắm vào những người đi đường vào ban đêm ngay giữa trung tâm TP.
Chị Nguyễn Thị Kim Khê (SN 1978, ngụ Q.4, hiện đang buôn bán tại Q.1) cho biết, mặc dù chưa thấy tận mặt các vụ cướp, nhưng mỗi khi kết thúc ngày buôn bán, chị đều để tiền bạc ở lại cửa hàng, bỏ túi 50 ngàn đồng phòng hờ trên đường về.
Bởi lẽ như nhiều người khác, mỗi khi ra đường, chị Khê đều nơm nớp lo sợ, bất an…
Ngang nhiên cướp giật dây chuyền trước một đám cưới ở huyện Bình Chánh, TP.HCM ngay giữa ban ngày và kẻ gây án khá bình thản.
Trả lời P.V VietNamNet về tình trạng cướp, cướp giật ngày càng tăng cả về số vụ lẫn tính chất nguy hiểm, một vị lãnh đạo Công an tại TPHCM cho rằng, do TP có lượng dân nhập cư đông, bản thân chính quyền cơ sở không thể kiểm soát nổi về thân nhân, lai lịch số người này.

Điều quan trọng là tình hình kinh tế khó khăn chung, ngay cả nhóm trí thức (sinh viên) cũng có một bộ phận không đủ tiền ăn học nên dính vào con đường phạm pháp.

Hay một số công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…bị các công ty khó khăn sa thải, vẫn bám trụ lại đất Sài Gòn và trở thành tội phạm đường phố để sống lay lắt qua ngày.

Trước đây, khi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, Công an TP.HCM đã cho tái lập lực lượng hình sự đặc nhiệm (tức đội nghiệp vụ số 3, trực thuộc phòng hình sự); ở các quận huyện có các tổ đặc nhiệm thuộc quản lý của đội hình sự nhằm mục đích đấu tranh với tội phạm đường phố.

Tuy nhiên, chính lãnh đạo công an các quận, huyện cũng than rằng, lực lượng này còn mỏng, mỗi ca trực đêm chỉ có thể huy động 1 tổ, nhiều nhất là 5 – 6 trinh sát đi địa bàn, không thể kiểm soát hết những tuyến đường “nóng”, phức tạp về an ninh trật tự.

Một trinh sát hình sự đặc nhiệm cho biết, hiện mỗi đêm các anh ra đường chỉ có nhiệm vụ rảo quanh, phát hiện đối tượng đi xe gắn máy khả nghi là đeo bám, chờ cho chúng ra tay thì truy đuổi, khống chế…

PV VietNamNet có tiếp xúc với đối tượng Vũ Hữu Cường (SN 1993, ngụ tỉnh Thanh Hóa, hiện sống lang thang) – là kẻ cầm đầu băng cướp “dao phay” gây ra 12 vụ cướp, vừa bị công an huyện Bình Chánh bắt giữ.

Cường lỳ lợm khai: “Em xui quá, đêm đó không may gặp tổ tuần tra của công an xã Vĩnh Lộc A, tụi em mới bị bắt. Bình thường tụi em chọn đường vắng vẻ, thiếu ánh sáng ra tay chớp mắt, đánh nhanh rút gọn, dễ gì bắt được!".

Những tên cướp có lối suy nghĩ như thế, hèn gì tội phạm đường phố không dọc ngang Sài Gòn?
Đàm Đệ
(VNN)
Trí thông minh để làm gì
Friday, November 30, 2012 5:45:56 PM




Ngô Nhân Dụng

“Chỉ một người dân Trung Hoa mới có đầu óc nghĩ ra được mưu kế như vậy!” Ðó là một câu khen ngợi bật ra trong quán cà phê, sau khi bà con bàn chuyện “hộ chiếu lưỡi bò.” Chính quyền Bắc Kinh đang làm cả thế giới phải bàn tán, tìm cách đối phó, chỉ vì có người nghĩ ra cái trò giản dị đó.
Trên thế giới chưa có nước nào nghĩ tới việc dùng cái Giấy Thông Hành làm một khí cụ để tranh giành đất đai, hải phận với các nước khác. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là nước đầu tiên “phát minh” ra vũ khí ngoại giao này.
Ðọc lịch sử hay truyện cổ Trung Hoa chúng ta đều thán phục những “mưu sĩ” trong đầu chứa đầy những “chước lạ.” Các “quân sư” ngồi phe phẩy cái quạt như Khổng Minh, hay nằm dài bên bàn đèn thuốc phiện; họ chỉ làm một công việc là “bầy kế!” Thời nay, một chú Ba con cháu Khổng Minh nào đó đã nghĩ ra cái kế, là in hình tấm “bản đồ Ðại Hán” trên tất cả các trang trong Giấy Thông Hành. Nhân viên biên giới ở nước khác, khi đóng triện thị thực xuất, nhập cảnh trên các trang in bản đồ này, bị “coi như” đương nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên tất cả tấm bản đồ. Trong đó có các quần đảo trong Ðường Lưỡi Bò chín đoạn (Cửu đoạn tuyến), và tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Ðộ! Cả thế giới có thể bị mắc bẫy chú Ba! Ðó mới là “mưu thần chước quỷ!” Nếu không phải là một xứ sở chuyên sản xuất các mưu sĩ với quân sư cầm quạt thì làm sao sinh ra được người nghĩ ra kế đánh lừa cả thế giới như vậy?
Nhưng cuối cùng thì cái mưu kế tinh vi này đạt được cái gì? Chả được cái gì hết! Trái lại, nó còn gây họa! Khi nhật báo Financial Times vừa loan tin về cái hộ chiếu lưỡi bò này, tất cả các nước đều phẫn nộ lên tiếng. Ấn Ðộ, Philippines, Mã Lai lập tức công khai phản đối. Philippines dám nói thẳng rằng những người cầm cái hộ chiếu lưỡi bò này là vi phạm chủ quyền nước họ - tức là tất cả các du khách Trung Quốc! Chỉ có chính quyền cộng sản Việt Nam là vẫn “hiền và ngoan.” Khi bị báo chí quốc tế chất vấn họ mới thỏ thẻ báo tin đã gửi văn thư phản đối tới sứ quán Trung Quốc rồi! Nếu không ai hỏi đến thì chắc cũng cứ im thin thít, coi như việc trong nhà anh bảo em nghe, để thực hiện chủ trương ngậm miệng cầu hòa của Nguyễn Phú Trọng và công ty.
Cuối năm 2010, Nguyễn Phú Trọng sang triều kiến Hồ Cẩm Ðào, đã thông cáo: “Hai bên nhất trí... việc hai đảng... tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước...” Cứ nắm vững chủ trương “tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện,” rồi nằm đó. Tin tưởng các đồng chí anh em sẽ “xử lý thỏa đáng... theo sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước!” Bỗng đùng một cái, đàn anh tương cho một bản hộ chiếu lưỡi bò! Toàn dân nước Việt Nam sôi lên vì giận; khiến Ðảng ta giật mình thức giấc! Nhưng chắc Ðảng cũng chỉ tỉnh ngủ mấy phút thôi, rồi lại nằm xuống yên giấc, tiếp tục “tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện,” không biết chờ đến bao giờ mới thấy “sự nghiệp chủ nghĩa xã hội”!
Nhưng cái mưu kế hộ chiếu bản đồ chỉ gây tác dụng ngược. Bộ Ngoại Giao Mỹ mời Ðại Sứ Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) đến nghe lời trách móc là Trung Quốc đã “leo thang vô ích,” gây tình hình căng thẳng. Mỹ cũng không quên cảnh cáo hậu quả nặng nề hơn trên quyền “tự do lưu thông hàng hải” trong khu vực Biển Ðông. Quyền “tự do lưu thông” là một chiêu bài được chính quyền Obama đưa ra từ năm 2010 để biện minh quyết định Mỹ quay về “đóng trụ” trong vùng Ðông Nam Á. Cứ mỗi lần Bắc Kinh gây trò rắc rối là Washington lại có thêm lý do giải thích tại sao họ phải trở lại Châu Á!
Cho nên trong thế giới ngày nay, những mưu sĩ, quân sư nổi tiếng trong Tam Quốc Chí hay Thủy Hử không có đất dụng võ. Trí thông minh mẫn tiệp của họ đáng lẽ phải được dùng vào các việc khác, ích lợi hơn nhiều.
Có thể nói là trong dân tộc nào cũng có một số người thông minh đặc biệt; không có nước nào hơn nước nào. Ðiều quan trọng đối với một quốc gia là những bộ óc thông minh đó được dùng hay không, và dùng vào việc gì. Ở những nước cộng sản, guồng máy công an là nơi tập hợp nhiều cái đầu thông minh nhất, vì vào đó là có cơ hội hưởng lợi nhiều nhất. Họ vào công an để sản xuất ra những mưu thần chước quỷ đánh bẫy thằng dân, nhất là những thằng dân “có ý đồ!” Sử dụng trí thông minh của con người như thế là sai lầm nhất. Bởi vì nó không mang lại lợi ích nào cho quốc gia, xã hội cả. Bao nhiêu trí thông minh bị dùng phí phạm.
Chúng ta thường hay nghe những lời tự khen, “Người Việt mình thông minh lắm!” Thí dụ có thể nêu lên là: Có người chỉ dùng một đồng xu mà sử dụng máy điện thoại công cộng gọi mãi không hết! Bởi vì anh sáng chế ra đồng xu có cái dây, bỏ vô khe máy, bấm số, nói chuyện cả giờ, xong rồi lại rút được cái đồng xu ra! Thật là một sáng kiến tuyệt vời! Có sáng kiến, tất nhiên cũng có người biết thương mại hóa sáng kiến này. Họ sản xuất những đồng xu “Thạch Sanh” đem bán, bảo đảm cứ dùng suốt đời, như nồi cơm của Thạch Sanh sới mãi không bao giờ hết cơm! Trước đây 20 năm tôi sang Ðông Âu, được anh em cho coi những hộ chiếu giả, người trần mắt thịt không cách nào biết được là giả. Các bạn còn bảo muốn mua sẽ giới thiệu cho tôi! Chưa hết, ai muốn mua một bộ dụng cụ làm giấy tờ giả cũng có người sản xuất bán, toàn bộ giá chỉ có 200 đô la Mỹ!
Nghĩ ra những mưu chước để đánh lừa thiên hạ được, cũng phải là những thiên tài. Rất tiếc, tài năng không được dùng vào những việc ích lợi hơn. Trong hàng triệu những phát minh, sáng chế đang dùng trên thế giới, không biết dân Việt Nam đóng góp được bao nhiêu?
Thấy như vậy, nhiều người có thể vội vã kết luận rằng người Việt chỉ có thứ “trí thông minh nhỏ” mà thiếu “trí thông minh lớn.” Nói vậy là đổ tội oan cho tổ tiên, những người đã để lại các hạt giống di truyền cho chúng ta. Trí thông minh là thông minh, không có thứ nhỏ, thứ lớn. Còn việc sử dụng được trí thông minh vào việc nhỏ hay việc lớn hoàn toàn là do hoàn cảnh xã hội chung quanh. Một xã hội khuyến khích người ta dùng trí thông minh vào việc ích lợi cho nhiều người thì con người thông minh tạo được những đóng góp lớn. Nếu không thì dù thông minh xuất chúng cũng chỉ “ăn quẩn cối xay” mà thôi. Kinh tế thị trường và xã hội tự do dân chủ tạo cơ hội cho trí thông minh được sử dụng vào những việc ích lợi cho nhiều người. Chế độ độc tài làm thui chột trí thông minh.
Loài người lúc nào cũng thích phát minh, nếu thấy được tưởng thưởng thì càng cố gắng. Ðúng một trăm năm trước đây, các kỹ sư ở Detroit bầy ra cách làm xe hơi bằng dây chuyền, giảm thời gian ráp xong một chiếc xe từ 12 giờ xuống chỉ còn 6 giờ. Giá xe giảm, đến lượt các công nhân hãng Ford cũng đủ tiền mua xe! Cùng thời gian đó, hai anh em nhà Wright, vốn làm nghề chế xe đạp, khổ công tìm cách làm cho một bộ máy nặng hơn không khí bay được trên không. Thế rồi chỉ trong vòng sáu bẩy năm, chiếc máy bay thương mại chở khách đầu tiên đã hoạt động rồi! Ðó là những sáng kiến thay đổi cuộc sống trong xã hội, mà động cơ chính là người ta được tự do tìm kiếm doanh lợi.
Hiện nay rất nhiều bộ óc thông minh đang được sử dụng để hoàn thiện những chiếc xe hơi, xe ô tô, tự lái lấy. Xe đi mà không cần tài xế! Hoặc cô tài xế có thể vừa đi xe vừa ngồi tỉa lông mày hoặc coi tuồng cải lương trên ti vi! Công ty Google đã chạy thử những chiếc xe tự lái. Tại sao một công ty tin học, Internet lại tính sản xuất xe hơi? Vì phần chính của chiếc xe là một bộ máy tính chạy rất nhanh, và những “mắt thần” (sensors) nhìn chung quanh rồi ra lệnh cho máy. Hiện nay nhiều loại xe đắt tiền đã trang bị với các máy vi tính và mắt thần, để xe tự giảm tốc độ nếu thấy xe đi đằng trước đang chậm lại; trước khi tài xế thấy, nghĩ, và phản ứng. Nhiều chiếc xe cũng có khả năng tự lái vào chỗ đậu xe, không cần tài xế điều khiển. Công ty Google tin rằng trong vòng mươi năm xe tự lái có thể bắt đầu chạy ngoài đường. Công ty GM cũng đã cho chạy thử một chiếc xe tự lái mẫu rồi. Một thế hệ nữa, trên đường sẽ đầy xe tự lái. Các bạn ở Paris hay New York sẽ không lo chỗ đậu xe. Vì khi ông, bà chủ bước xuống đường rồi, chiếc xe sẽ tự nó đi tìm chỗ đậu, có thể ra tận vùng ngoại ô! Khi cần đến, ông bà chỉ cần bấm cái điện thoại, xe ô tô sẽ chạy tới, mở cửa mời vào!
Theo tuần báo Economist tiên đoán, chắc các máy bay tự lái sẽ ra thị trường sớm hơn xe hơi; bởi vì trên không trung đỡ bị “kẹt xe” hơn! Mấy năm nay đã có những máy bay drone rồi, nhưng cỡ nhỏ và được dùng nhiều nhất trong chiến tranh. Trong tháng 12 năm nay sẽ có một chiếc phản lực hai đầu máy bay thử tại miền Bắc nước Anh, trong khi phi công ngồi dưới đất! Bẩy công ty hàng không Châu Âu đã góp 99 triệu đô la trong cuộc thí nghiệm này.
Những tiến bộ của loài người đều do trí thông minh khi được sử dụng vào những việc ích lợi. Nhiều người Việt Nam cũng có thể dùng được “trí thông minh lớn” nếu được sống trong các xã hội dân chủ tự do với nền kinh tế thị trường được luật pháp bảo vệ. Chúng ta đã trông thấy họ, ở khắp thế giới. Trước hết, vì họ được hưởng những nền giáo dục tốt. Giáo dục là chìa khóa cho một nước tiến bộ, mà hiện nay ở trong nước đang bị đảng Cộng sản bỏ rơi.
Những nước khác, như nước Mỹ, dùng giáo dục để “cướp” trí thông minh của thiên hạ. Trong 30 năm từ 1980 đến 2010, các sáng chế, phát minh ở các trường đại học Mỹ đã thúc đẩy cho 6,000 công ty ra đời, áp dụng, và đem bán. Nhưng trong số những phát minh ở Mỹ, ba phần tư có bàn tay và trí óc của các sinh viên ngoại quốc. Nước Mỹ đang thu hút chất xám từ khắp thế giới, kể cả Việt Nam. Có 88 quốc gia đóng góp nhân tài trong số 1,466 phát minh được cấp bằng sáng chế ở Mỹ trong năm 2011. Trong ngành tin học, 84% các phát minh có người ngoại quốc đóng góp. Với các khu vực“nóng” đầy tương lai khác, tỷ lệ là 79% trong ngành bào chế dược phẩm, 75% trong sinh học. Mỹ đang nhập cảng trí thông minh khắp thế giới vào nước họ. Còn Trung Quốc, Việt Nam thì hầu như đưa sinh viên đi họ nước ngoài ít khi thấy trở về!
Nếu muốn sử dụng được trí thông minh lớn, thì chỉ có một cách là thiết lập chế độ tự do dân chủ để cải thiện nền giáo dục quốc gia! Nếu không, bao nhiêu tài trí được tổ tiên truyền lại cũng bị dùng phí, nếu chưa bị thu hút ra nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét