Project Syndicate
Justin Yifu Lin, Kinh tế gia Trưởng và Phó Chủ tịch cấp cao tại Ngân hàng Thế giới.
Người dịch: Nguyễn Quang A
22-12-2011
WASHINGTON, DC – Trung Quốc đã có một
nền văn minh tiên tiến và thịnh vượng trong cả ngàn năm cho đến thế kỷ
thứ mười tám, nhưng sau đó đã sa sút thành một nước rất nghèo trong 150
năm. Bây giờ nó đã lại nổi lên thành nền kinh tế năng động nhất thế giới
kể từ khi bắt đầu chuyển đổi thành một nền kinh tế thị trường vào năm
1979. Cái gì đã thúc đẩy những thay đổi mang tính quyết định này?
Trong cuốn sách mới đây của tôi, cuốn Demystifying the Chinese Economy- Vén bức màn bí ẩn của Nền kinh tế Trung Quốc,
tôi cho rằng, đối với bất cứ nước nào tại bất cứ thời điểm nào, nền
tảng cho sự tăng trưởng bền vững là đổi mới công nghệ. Trước Cách mạng
Công nghiệp, các thợ thủ công và nông dân đã là nguồn chủ yếu của sự đổi
mới. Với dân số lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc đã là một nước dẫn
đầu trong đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế suốt hầu hết lịch sử
của mình bởi vì nó đã có một khối lượng lớn các thợ thủ công và nông
dân.
Các mạng Công Nghiệp đã gia tăng nhịp độ
tiến bộ của Phương Tây bằng cách thay thế sự đổi mới công nghệ dựa vào
kinh nghiệm bằng các thí nghiệm được kiểm soát do các nhà khoa học và kỹ
sư tiến hành trong các phòng thí nghiệm. Sự thay đổi hình mẫu
(paradigm) này đã đánh dấu sự ra đời của tăng trưởng kinh tế hiện đại,
và đã đóng góp vào “sự Phân kỳ Vĩ đại – Great Divergence” của nền kinh
tế thế giới.
Trung Quốc đã không trải qua một sự thay
đổi giống thế, chủ yếu do hệ thống thi cử-quan lại nhấn mạnh đến việc
học thuộc lòng các tác phẩm kinh điển của Khổng Tử và ít tạo khuyến
khích cho giới ưu tú để học toán và khoa học.
Sự Phân kỳ Vĩ đại đã mang lại một tia hy
vọng: các nước đang phát triển có thể dùng chuyển giao công nghệ từ các
nước tiên tiến để đạt một tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước
đã đi tiên phong về công nghiệp. Nhưng Trung Quốc đã không khai thác
được lợi thế này của sự lạc hậu cho đến khi sự chuyển đổi khỏi nền kinh
tế mệnh lệnh bắt đầu một cách nghiêm chỉnh.
Ngay sau sự chiếm quyền cộng sản năm
1949, Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo chính trị khác đã hy vọng đảo
ngược sự lạc hậu của Trung Quốc một cách nhanh chóng, chấp nhận và thực
hiện một sự thúc đẩy lớn để xây dựng các ngành tiên tiến thâm dụng-vốn.
Chiến lược này đã cho phép Trung Quốc thử nghiệm bom hạt nhân trong các
năm 1960 và phóng các vệ tinh trong các năm 1970.
Nhưng Trung Quốc vẫn đã là một nền kinh
tế nông nghiệp, nghèo nàn; nó đã không có lợi thế so sánh nào trong các
ngành thâm dụng-vốn. Các hãng trong các ngành đó đã không thể đứng vững
nổi trong một thị trường mở, cạnh tranh. Sự sống sót của chúng đòi hỏi
sự bảo hộ, các khoản bao cấp, và các chỉ dẫn hành chính của chính phủ.
Các biện pháp này đã giúp Trung Quốc thiết lập các ngành hiện đại, tiên
tiến, nhưng các nguồn lực đã được phân bổ sai và các khuyến khích bị méo
mó. Thành tích kinh tế đã kém. Sự nóng vội gây ra lãng phí.
Khi chuyển đổi thị trường của Trung Quốc
bắt đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã chấp nhận một cách tiếp cận thực
dụng, hai-tuyến, hơn là theo công thức “Đồng thuận Washington” về tư
nhân hóa nhanh và tự do hóa thương mại. Một mặt, chính phủ đã tiếp tục
tạo sự bảo hộ quá độ cho các hãng của các khu vực ưu tiên; mặt khác, nó
đã tự do hóa toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư trực tiếp nước
ngoài vào các khu vực thâm dụng-lao động phù hợp với lợi thế so sánh của
Trung Quốc mà lợi thế đó đã bị kìm hãm trong quá khứ.
Cách tiếp cận này đã cho phép Trung Quốc
đạt đồng thời sự ổn định và tăng trưởng năng động. Quả thực, các lợi
ích của sự lạc hậu đã thật ngoạn mục: sự tăng trưởng GDP bình quân hàng
năm 9.9% và sự tăng trưởng thương mại hàng năm 16.3% trong suốt 32 năm
qua – một thành tích xuất sắc chứa đựng các bài học đáng giá cho các
nước đang phát triển. Bây giờ Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế
giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và hơn 600 triệu người đã
được kéo ra khỏi cảnh nghèo nàn.
Thế nhưng thành công của Trung Quốc đã
không phải không có cái giá của nó. Sự chênh lệch thu nhập ngày càng
rộng, một phần do sự tiếp tục của các chính sách méo mó trong các khu
vực khác nhau, kể cả sự thống lĩnh của bốn ngân hàng quốc doanh lớn của
Trung Quốc, tiền thuê mỏ gần bằng không, và sự độc quyền trong các ngành
chủ yếu, bao gồm viễn thông, điện lực, và dịch vụ tài chính. Bởi vì
những sự méo mó như vậy (một di sản của sự chuyển đổi hai-tuyến) đã tạo
ra những chênh lệch thu nhập, rốt cuộc chúng kìm hãm tiêu dùng nội địa
và đóng góp vào bất cân đối thương mại của Trung Quốc. Những bất cân đối
này vẫn sẽ còn cho đến khi Trung Quốc hoàn tất sự chuyển đổi thị trường
của mình.
Tôi vững tin rằng, bất chấp sóng gió
thổi từ khủng hoảng vùng euro và sự sa sút về cầu trên toàn thế giới,
Trung Quốc có thể tiếp tục sự tăng trưởng năng động của mình. Năm 2008,
thu nhập đầu người của Trung Quốc bằng 21% mức của Hoa Kỳ (đo bằng sức mua tương đương), và đã tương tự như mức thu nhập đầu người của
Nhật Bản năm 1951, của Hàn Quốc năm 1977, và của Đài Loan năm 1975.
Tăng trưởng GDP bình quân năm ở mức 9.2% ở Nhật Bản từ 1951 đến 1971,
7.6% ở Hàn Quốc từ 1977 đến 1997, và 8.3% ở Đài Loan từ 1975 đến 1995.
Căn cứ vào những sự giống nhau giữa kinh nghiệm của các nền kinh tế này
và chiến lược phát triển sau-1979 của Trung Quốc, chắc là Trung Quốc có
thể duy trì mức tăng trưởng 8% trong hai thập niên sắp đến.
Một số người có thể nghĩ rằng thành tích
của một nước có một không hai như Trung Quốc, với hơn 1.3 tỷ dân, là
không thể sao chép được. Tôi không đồng ý. Mỗi nước đang phát triển có
thể có các cơ hội tương tự để duy trì sự tăng trưởng nhanh cho nhiều
thập kỷ và giảm nghèo một cách đột ngột nếu biết khai thác các lợi ích
của sự lạc hậu, nhập khẩu công nghệ từ các nước tiên tiến, nâng cấp các
ngành của mình. Nói đơn giản, không có gì thay thế cho sự hiểu về lợi
thế so sánh.
Nguồn: Project Syndicate
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét