Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Đến lượt Trung Quốc phải xoay chiều?

The Diplomat

Đến lượt Trung Quốc phải xoay chiều?

Minxin Pei (*)
Trúc An dịch
28-11-2011
Mỹ đã phục kích và cô lập Trung Quốc tại hội nghị Đông Á. Nếu Trung Quốc muốn hồi phục, nước này cần phải thành công trong cuộc cạnh tranh với Mỹ – và không dọa nạt các nước láng giềng.
Nếu năm 2010 là năm mà Trung Quốc thực hiện một loạt các động thái chiến lược và chiến thuật để củng cố vị thế của nước này ở Đông Á thì năm 2011 chứng kiến cả khu vực phản ứng lại.
Không ai biết rõ điều đó hơn Bắc kinh. Tại một hội nghị thượng đỉnh Đông Á kết thúc mới đây ở Bali, Indonesia, Trung Quốc bị Mỹ phục kích theo đúng nghĩa đen, khi phối hợp một cú đẩy lùi khéo léo chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoại trừ Myanmar và Campuchia, tất cả các nước khác tham gia hội nghị, trong đó có Nga, đều chỉ trích thái độ của Trung Quốc về Biển Đông và kêu gọi một giải pháp đa phương, điều mà Trung Quốc luôn phản đối.
Tin xấu cho Bắc Kinh thực chất đã có từ trước Hội nghị Bali. Mỹ và Úc thông báo một thỏa thuận nhằm mở một căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ mới ở Darwin, trong một động thái rõ ràng là nhằm phát tín hiệu tới Trung Quốc rằng, bất chấp những khó khăn về ngân sách, Washington có thể tăng gấp đôi sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực.
Tiếp đó, như thể để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng Mỹ vẫn còn thêm vài quân bài nữa để chơi, chính quyền Obama thông báo rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ sớm thực hiện một chuyến thăm lịch sử tới Myanmar để cổ súy hội đồng quân sự nước này tiếp tục tiến trình khi họ đang thực hiện những bước thăm dò nhưng đầy hứa hẹn, hướng tới một sự chuyển đổi sang dân chủ. Nếu quan hệ nối lại giữa Mỹ và Myanmar đơm hoa kết trái, Myanmar có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tóm lại, ba diễn biến nói trên đã đưa Mỹ trở lại vị trí cầm lái ở Đông Á, trong khi Trung Quốc rõ ràng phải chịu bước lùi chiến lược nghiêm trọng nhất trong khu vực, trong nhiều năm. Tất nhiên, một số người ở Bắc Kinh có thể muốn chống lại việc tái xác nhận quyền lực của Mỹ ở Đông Á, nhưng bất cứ hành động nào theo hướng đó chắc chắn sẽ leo thang căng thẳng với Washington, càng làm cho Trung Quốc bị cô lập hơn. 
Một cách tiếp cận nhạy cảm hơn đối với Trung Quốc là phải thay đổi triệt để tư duy của nước này về an ninh Đông Á và có những bước đi vững chắc nhằm giành lại thế chủ động về ngoại giao. Trung Quốc cần bắt đầu bằng một đánh giá tổng quan về các mối quan hệ Trung – Mỹ. Rõ ràng, vận may địa chính trị hiếm hoi mà Trung Quốc có được ở Đông Á kể từ sau vụ 11/9 nay đã tan biến và quyết tâm của Mỹ trong việc giữ Đông Á là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu của nước này, chắc chắn làm cho Trung Quốc vô cùng bực bội.
Tuy vậy, nhìn nhận những động thái gần đây của Washington, cùng hệ quả của chúng, như những bước đi kiên quyết hướng tới “kiềm chế” Trung Quốc sẽ là một sự thổi phồng quá mức tầm quan trọng của chúng, chỉ ra quá nhiều sự thù hận trong các ý định của Mỹ, và bỏ qua hành động cân bằng thận trọng của chính quyền Obama. (Các lãnh đạo Trung Quốc nên nhớ rằng Barack Obama đã nhắc lại, tại Hội nghị Đông Á, chính sách ràng buộc với Trung Quốc của Mỹ).
Đường lối trung hòa giữa một quan hệ đối tác Trung – Mỹ và cuộc xung đột công khai giữa hai nước là một cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ được kiểm soát. Không thể phủ nhận rằng, trừ khi chế độ độc đảng của Trung Quốc chuyển thành một nền dân chủ tự do, nếu không thì Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau. Nỗi sợ thường trực đối với dân chủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến cho họ nhìn nhận Mỹ như một mối nguy chính trị, trong khi sự cự tuyệt nền tảng của Mỹ đối với tính hợp pháp của chế độ độc tài có nghĩa là Washington sẽ coi chế độ độc đảng đầy quyền lực ở Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh. Thiếu hụt lòng tin có thể khiến cho sự hợp tác khó khăn, nhưng không nhất thiết dẫn tới xung đột.
Vì vậy, khi uy thế của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ tiếp diễn, hai cường quốc lớn này, mặc dù phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sẽ vẫn tiếp tục tranh giành sự ảnh hưởng về địa chính trị. Kiểm soát được cuộc cạnh tranh ấy, chứ không phải chối bỏ nó, là một nhiệm vụ thách thức nhất đối với cả Washington và Bắc Kinh trong thập niên tới đây.
Tất nhiên, kiểm soát cạnh tranh đòi hỏi cả hai nước phải nghĩ lại cách tiếp cận hiện thời của họ đối với nhau. Với Trung Quốc, điều này bao gồm việc từ bỏ chiến lược lâu năm “mua anh em xa, đánh láng giềng gần” của họ – hay yuanjiao jingong. Trong 4 thập niên vừa qua, kể từ chuyến thăm lịch sử của Richard Nixon tới Trung Quốc, chiến lược tổng quát của Bắc Kinh là xoay chính sách ngoại giao của nước này trên một mối quan hệ hợp tác và ổn định với Mỹ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể nhất quán theo đuổi một chiến lược khu vực hữu ích và toàn diện để cho phép nước này thúc đẩy một mối quan hệ ổn định và hợp tác Trung – Mỹ trong việc tái thiết trật tự an ninh Đông Á. Sự khôn ngoan xưa nay của Bắc Kinh, nếu không phải mơ tưởng, là một mối quan hệ hữu hảo Trung – Mỹ sẽ mang lại cho Trung Quốc sức mạnh lớn hơn để đối phó với các nước láng giềng.
Lối tư duy đó bỏ qua là các nước láng giềng của Trung Quốc, sợ hãi một nước Trung Quốc đầy uy quyền không bị giới hạn bởi một nước cân bằng chiến lược ngoài khơi như Mỹ, [các nước láng giềng này] sẽ càng lo sợ Trung Quốc hơn khi Trung Quốc lớn mạnh, để rồi gần gũi hơn với Mỹ. Các mối quan hệ tốt đẹp Trung – Mỹ không mang lại bất kỳ một thuận lợi nào cho Trung Quốc trong việc kiểm soát các mối quan hệ bất ổn với các nước láng giềng. Chỉ có trường hợp duy nhất là thập niên qua, khi Trung Quốc đầu tư nhiều nỗ lực vào cải thiện quan hệ với ASEAN và Hàn Quốc. Và kết quả đã chứng minh rằng, Trung Quốc có các mối quan hệ tốt đẹp nhất với hầu hết các nước láng giềng trong khi quan hệ Trung – Mỹ cũng ổn định.
Những gì ví dụ này và những thất bại gần đây của Trung Quốc trong khu vực cho thấy, Trung Quốc phải định dạng lại chính sách ngoại giao của mình bằng cách tập trung vào các nước láng giềng và xoa dịu nỗi sợ hãi của họ. Không nhất thiết phải hạ cấp mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc vẫn có thể thay đổi đáng kể các động lực địa chính trị của Đông Ấ nếu nước này sửa đổi đại chiến lược lâu nay của mình và biến nó thành “đối xử tốt với các nước ở gần trước khi kết bạn với những nước ở xa”.
Sự điều chỉnh chiến lược này, trước tiên và trước nhất đòi hỏi Trung Quốc phải giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách chóng vánh. Những tranh chấp gay gắt đó đang gây phản đối từ Nhật, Việt Nam và Ấn Độ, và biến cho các nước này thành các đối tác của một liên minh tiềm ẩn chống Trung Quốc. Những tranh chấp tương tự cũng làm dấy lên lo ngại trong khu vực về các ý định tương lai của Trung Quốc và thúc đẩy ASEAN, một bên thứ 3 trung lập lâu nay, tham gia vào xung đột, đứng về phía Mỹ.
Một bước đi cốt yếu khác mà Trung Quốc cần thực hiện nhanh chóng là đóng vai trò tiên phong hơn nữa trong các vấn đề an ninh. Điều này có thể được hoàn thành bởi sự ràng buộc cấp cao hơn nữa và lâu dài hơn của quân đội Trung Quốc trong đối thoại an ninh khu vực, minh bạch hơn về quân sự, điều tiết chương trình hiện đại hóa quân sự, các trao đổi thường xuyên hơn nữa giữa quân đội Trung Quốc và các đối tác trong khu vực, và các sáng kiến thực nghiệm của khu vực nhằm duy trì an ninh chung (chẳng hạn như an ninh hàng hải và cứu trợ nhân đạo).
Những biện pháp bảo đảm chiến lược như vậy có thể không xóa tan lo sợ của Đông Á về Trung Quốc trong chốc lát, nhưng chúng sẽ tiến một quãng đường dài hướng tới việc chứng minh, thông qua hành động và cam kết, rằng Trung Quốc có một đại chiến lược mới ràng buộc chặt chẽ an ninh Trung Quốc với an ninh của các nước láng giềng.
Còn về cuộc cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ, sự điều chỉnh của bắc Kinh về chiến lược khu vực, hòa bình, đa phương và có tính xây dựng, sẽ không thể làm khốc liệt thêm sự ganh đua cấu trúc của nước này với Washington. Thay vào đó, vì Mỹ cũng là một cường quốc Thái Bình Dương, chiến lược châu Á mới của Trung Quốc sẽ làm giảm các điểm va chạm tiềm ẩn với Mỹ và tạo ra một số điểm đa phương mà Trung Quốc và Mỹ có thể quản lý cuộc cạnh tranh của họ một cách hiệu quả hơn.
Tất nhiên, liệu chế độ độc đảng nổi tiếng đa nghi chính trị có thể đạt được một kỳ công về sự khéo léo và tinh vi chiến lược như thế, còn là sự suy đoán của một người nào đó. Để chứng minh cho những người hoài nghi thấy rằng họ sai sẽ tùy thuộc vào Trung Quốc.
Nguồn: The Diplomat
(*) Tác giả: Ông Minxin Pei là giáo sư môn chính phủ học tại trường Claremont McKenna College. Các bài nghiên cứu của ông được đăng trên các tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs, The National Interest, Modern China, China Quarterly, Journal of Democracy cùng nhiều ấn bản khác. Các bài viết của ông cũng được đăng trên báo Financial Times, New York Times, Washington Post, Newsweek International, International Herald Tribune cùng nhiều tờ báo lớn khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét