ASEAN VÀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
Hà Anh TuấnNghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học New South Wales, Sydney, Australia.
Tóm tắt
Căng thẳng đang leo thang xung quanh những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong vài năm quan đã trở thành mối quan ngại chính về an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, ASEAN được cho là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới, chưa đóng vai trò đáng kể trong việc làm dịu những tranh cãi nóng bỏng giữa các bên tranh chấp. Các nỗ lực của ASEAN đã mang đến một hội nghị ARF sôi động ở Hà Nội tháng 7 năm 2010 và một bộ Hướng dẫn Thực hiện Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông với câu chữ còn chung chung và mơ hồ ở Bali vào tháng 7 năm 2011. Vì ASEAN đang trên con đường hiện thực hoá ước mơ xây dựng Cộng đồng, những kết quả đó thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của các nước thành viên khi đương đầu với một mối lo ngại lớn về an ninh khu vực. Không kể tới sự khác biệt về lợi ích của các thành viên ASEAN và những ràng buộc theo Phương pháp ASEAN, vai trò hạn chế của ASEAN trong những tranh chấp này một phần do những nỗ lực của Trung Quốc nhằm duy trì các đàm phán trong khuôn khổ song phương. Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã phản đối các hành động tập thể nhằm quản lý tranh chấp này một cách đa phương, tuyên bố rằng Trung Quốc không có tranh chấp lãnh thổ với ASEAN và rằng bất cứ ý định nào nhằm “quốc tế hoá” vấn đề sẽ chỉ làm vấn đề phức tạp hơn. Bài viết này phân tích rằng ASEAN có lợi ích, trách nhiệm, và khả năng để tham gia tích cực hơn trong vấn đề này và đóng góp vào quá trình giải quyết tranh chấp.
Lời mở đầu
Việc ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đáng tiếc là chỉ giữ cho các tranh chấp trong khu vực tương đối bình yên trong khoảng 5 năm. Từ năm 2007, căng thẳng giữa các nước có yêu sách ở Biển Đông bắt đầu nổi lên và ngày càng gay gắt trong mọi lĩnh vực, với Trung Quốc là trung tâm của hầu hết các sự vụ. Kể từ năm 2007, yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông được thực thi một cách cứng rắn. Một số lượng lớn và ngày càng tăng các tàu tuần tra hiện đại của Trung Quốc đã được phái đến Biển Đông. Ngày càng nhiều ngư dân các nước Đông Nam Á bị bắt trong khu vực đánh cá truyền thống của họ bởi các nhà chức trách Trung Quốc. Năm 2009, lần đầu tiên, Bắc Kinh chính thức tuyên bố chủ quyền đối với 80% Biển Đông bằng việc gửi một bức thư lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đính kèm một bản đồ đường đứt khúc chín đoạn. Một loạt các hành động thậm chí còn gây căng thẳng hơn đã xảy ra sau động thái này. Trong số đó đáng kể nhất là việc Trung Quốc gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình vào năm 2010 và quấy rối, phá hoại các tàu khảo sát thăm dò dầu khí của các nước trong khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của họ vào năm 2011. Các động thái cứng rắn mang tính hệ thống của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị các nước khác phản đối quyết liệt, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.
Trong khi căng thẳng và lo ngại ngày càng gia tăng, ASEAN đã chủ động tích cực tham gia quản lý xung đột. Trong khoảng 5 năm, từ Tuyên bố của Chủ tịch tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12, tháng 1 năm 2007, cho đến Thông cáo chung giữa ASEAN và Trung Quốc tháng 7 năm 2011, Hiệp hội đã cho ra hơn 20 văn kiện ở nhiều cấp độ khác nhau biểu thị sự cần thiết phải quản lý các tranh chấp ở Biển Đông1. Những văn kiện này bao gồm các Tuyên bố Chủ tịch của hai Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc năm 2007 và của tất cả các Hội nghị của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) từ năm 2007 đến 2011. Các nhà lãnh đạo ASEAN đang nỗ lực hết sức để có thể đưa ra một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông (COC).
Trong khi các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông muốn ASEAN và các bên khác có lợi ích ở Biển Đông đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực thì Trung Quốc lại luôn cố gắng hạn chế vai trò của các bên không có yêu sách và theo đuổi lập trường đối thoại song phương với các nước yêu sách khác. So với các nước đó, Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện trong diễn văn của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, Xue Hanqin, năm 2009 ở Singapore rằng “toàn bộ vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN, với vai trò một tổ chức, với Trung Quốc, mà là giữa các nước liên quan”2. Lập trường của Bắc Kinh được Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại lần nữa tại ARF lần thứ 17 tại Hà Nội tháng 7 năm 2010 khi ông khẳng định rằng tranh chấp ở Biển Đông không phải giữa Trung Quốc và ASEAN, và bất cứ nỗ lực nào nhằm “quốc tế hoá” vấn đề sẽ “chỉ làm vấn đề tồi tệ hơn và càng khó để đi đến giải pháp”3.
Nghiên cứu này sẽ tập trung vào vai trò của ASEAN như một bên có lợi ích chủ chốt trong hoà bình và an ninh ở Biển Đông. Bài viết trước tiên sẽ nhìn lại lịch sử lập trường và những tham gia trên thực tế của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông, tiếp đó sẽ xem xét lợi ích, trách nhiệm của ASEAN và các cơ chế mà hiệp hội có, nhằm thúc đẩy ổn định và an ninh ở Biển Đông. Bài viết kết thúc bằng một kiến nghị cho ASEAN để có thể đóng vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông.
Tham gia của ASEAN trong vấn đề Biển Đông
ASEAN không tham gia nhiều vào Biển Đông trước khi kết thúc Chiến tranh lạnh, chủ yếu vì Biển Đông lúc đó không phải là một mối lo ngại về an ninh trực tiếp của các thành viên tổ chức này (vào thời điểm đó ASEAN có sáu thành viên, với Brunei là thành viên thứ sáu, gia nhập năm 1984). Không có lợi ích trong việc làm Bắc Kinh phật ý, ASEAN giữ im lặng trong hai sự kiện năm 1974 và 1988 khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để lần lượt chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam. Cho dù ASEAN không lên án Trung Quốc vì những sự kiện này, việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực để khẳng định sự có mặt lần đầu tiên của mình ở quần đảo Trường Sa năm 1988 có thể đã gửi một thông điệp đến các thành viên của tổ chức này về một mối đe doạ an ninh tiềm tàng ở Biển Đông. Thêm vào đó, việc Mỹ rút khỏi các căn cứ hải quân ở Subic và căn cứ không quân Clark ở Philippines đầu thế kỷ 1990 đã khiến cho nước này dễ bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, Manila đã thúc đẩy Hiệp hội phải có những bước cụ thể để tránh những sự kiện tương tự như những gì Việt Nam đã phải chịu năm 1988.
Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25 tại Manila tháng 7 năm 1992, khi Philippines giữ chức chủ tịch, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông”. Văn kiện đầu tiên của ASEAN về Biển Đông khẳng định rằng “mọi diễn biến bất lợi ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình và ổn định khu vực” và nhấn mạnh “sự cần thiết phải giải quyết tất cả các vấn đề tài phán và chủ quyền gắn liền với Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực”4. Cả Tuyên bố năm 1992 và Thông cáo chung năm 1993 của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 26 đều đề nghị “tất cả các bên liên quan trực tiếp tuân theo các nguyên tắc” của Tuyên bố5.
Tuy nhiên, các nỗ lực phòng ngừa của Philippines và của ASEAN, cùng với Loạt Hội thảo không chính thức ở Indonesia về Quản lý các sung đột tiềm tàng ở Biển Đông đầu những năm 1990 không thể ngăn chặn chiễn thuật sự đã rồi của Trung Quốc . Năm 1995 khi Manila phát hiện một công trình của Trung Quốc được xây trên Đá Vành Khăn (MischiefReef). Trong rất nhiều hội nghị đa phương sau đó, ASEAN đã phản ứng một cách quyết liệt. Tuyên bố ngày 16 tháng 3 của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm đó có đoạn:
Chúng tôi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến gần đây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên biển đông…Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động gây bất ổn ở khu vực và đe dọa đến hòa bình và an ninh ở Biển Đông . chúng tôi đặc biệt kêu gội một giải pháp sớm cho các vấn đề gây ra bởi những diễn biến gần đây ở Đá Vành Khăn.6
Tinh thần đó được lặp lại ba tháng sau trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 28, tháng 7 tại Brunei. Cùng năm đó, vào tháng 12, Tuyên bố thượng đỉnh Băng Cốc đã nói “ASEAN sẽ tìm kiếm một giải pháp sớm và hòa bình cho tranh chấp Biển Đông và sẽ tiếp tục tìm các biện pháp và phương cách để ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông…’’.7
Sự kiện Vành Khăn cũng dẫn đến cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao cao cấp lần đầu giữa ASEAN – Trung Quốc vào tháng 4 năm đó. Dưới áp lực của ASEAN, Trung Quốc lần đầu tiên đưa vấn đề Biển Đông vào một đối thoại đa phương ở Diễn Đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ hai tại Brunei năm 1995.
Sự đoàn kết của ASEAN và các nỗ lực tập thể hướng tới vấn đề Biển Đông trong năm 1995 được tiếp tục trong các năm tiếp theo. Tại hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 29 tại Jakarta thang 7 năm 1996, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN “tán thành ý tưởng về việc ký kết một bộ quy tắc khu vực về Biển Đông, đặt nền móng cho sự ổn định lâu giài ở khu vực và nông cao hiểu biết chung giữa các nước có yêu sách’’.8 sáng kiến nay được nhắc lại trong kế hoạch hành động Hà Nội năm 1998 và tiến trình thành lập một bộ quy tắc ứng sử khu vực được bắt đầu từ năm 1999.
Sau ba năm đối thoại và tham vấn giứa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với trung quốc, Tuyên bố chunng về cách ứng sử của các bên ở Biển Đông đã được các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc thông qua vào tháng 11 năm 2002 ở Phnom penh. Mặc dù không đạt được một COC về pháp lý, nhưng việc ký kết DOC mang tính chính trị đã thể hiện rõ nỗ lực và cam kết của tích cực của ASEAN trong việc thúc đẩy an ninh và ổn định ở Biển Đông và đã được các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh, coi như là một “văn kiện quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết tập thể của họ nhằm đảm bảo một giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở khu vực’’.9 Vào cuối năm 2004, một văn bản về các điều khoản liên quan tới Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc về thực thi DOC đã được thông qua. Kể từ khi ký kết năm 2002, DOC vẫn thường được coi là một bước quan trọng để hướng tới việc thông qua bộ quy tắc ứng xử (COC).
Giai đoạn đầu saukhi thông qua DOC, tình hình ở Biển Đông đã tương đối dịu lại. Tuy nhiên tác động tiêu cực của tình hình đáng khích lệ này là ASEAN và Trung Quốc, ở một mức độ nhất định, đã mất động lực để tiến tới một Bộ quy tắc ứng sử. Tuy nhiên kể từ năm 2007, khi căng thẳng ở Biển Đông lại nóng lên, các ngà lãnh đạo ASEAN đã nhận ra sự cần thiết phải tiếp tục tiến về phía trước. Thông cáo chung năm 2008 của hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 41 ở Singapore vào tháng Sáu “nhẫn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực thúc đẩy việc thực thi Tuyên bố, bao gồm sớm hoàn thiện các các Hưỡng dẫn thực thi DOC’’.10 Khi căng thẳng tiếp tục leo thang, khó khăn của việc không có bộ hướng dẫn đã được các ngoại trưởng ASEAN tai khẳng định mạnh mẽ vào tháng 1năm 2011. Các ngoại trưởng khẳng định rằng “[sau] 9 năm đàm phán ở cấp độ nhóm chuyên gia… các tiến bộ quan trọng của Bộ Hưỡng dẫn vẫn chưa đạt được .’’11
Làn sóng “quả quyết hung hăng”12 mới của Trung Quốc vào đầu năm 2011, đặc biệt là quấy nhiếu các tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam và Philippin trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này, dấn đến thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN tháng 7 năm 2011 với lời văn mạnh mẽ và quyết đoán hơn:
Chúng tôi đã thảo luận kỹ về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và bày tỏ mối lo ngại sâu sắc với những vụ việc gần đây… Chúng tôi mong đợi một cuộc thảo luận kỹ càng trong ASEAN về một Bộ Quy tắc ứng sử khu vực Biển Đông (COC).Về vấn đề này, chúng tôi đã giao cho ASEAN SOM làm việc về sự phát triển của COC và đệ trình một báo cáo tiến độ cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19.13
Cũng trong hội nghị này tại Bali, ASEAN và Trung Quốc cũng đã thống nhất Bộ Hướng dẫn thực thi DOC. Bộ hướng dẫn tám điểm, một trang này được một số nhà ngoại giao và ngiên cứu cho là một văn kiện ngắn với nội dung mơ hồ, không hàm chứa bất cứ sự tiến bộ nào trong việc giàn xếp ở Biển Đông.14 Tuy nhiên, văn kiện này cũng thể một nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ, được ASEAN đề sướng để giảm thiểu căng thẳng khu vực.
Lợi ích và trách nhiệm của ASEAN ở Biển Đông
ASEAN có những lý do chiến lược để tham gia lâu dài ở cấp độ cao trong việc quản lý căng thẳng ở Biển Đông. Trước hết, Biển Đông nằm trong phạm vi địa chính trị của ASEAN và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của các thành viên của hiệp hội. Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải thương mại đông đúc nhất thế giới, được bao quanh phần lớn là bởi các nước Đông Nam Á. Thêm vào đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có tiềm tàng ở Biển Đông khiến cho vùng biển này càng quan trọng hơn, cả về kinh tế và chiến lược. Do đó duy trì an ninh và ổn định trong khu vực này không chỉ quan trọng đối với các nước ASEAN, mà cả toàn khu vực.
Trong văn kiện đầu tiên của ASEAN, Tuyên bố Băng Cốc vào 8 tháng 8 năm 1967, ước muốn “thiết lập một nền tảng vững chắc cho các hoạt động chung nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực ở Đông Nam Á” đã được tuyên bố rõ ràng.15 Tham vọng này vẫn luôn là trung tâm trên con đường phát triển của ASEAN. Hiến chương ASEAN, văn bản quan trọng bậc nhất cho tương lai phát triển của ASEAN trong những năm tới, đã khẳng định một trong những mục tiêu của hiệp hội là nhằm “đảm bảo rằng người dân và các quốc gia thành viên của ASEAN được sống trong hoà bình”.16 Để làm được điều đó, ASEAN đã cam kết “duy trì vai trò trung tâm và chủ động… là một động lực cơ bản trong quan hệ và hợp tác của mình với các đối tác bên ngoài”17 Tinh thần này, khi triển khai trên thực tế, rõ ràng đòi hỏi Hiệp hội phải tích cực trong vấn đề Biển Đông, chủ động tham gia vào việc thúc đẩy một giải pháp hoà bình và hợp tác cho tranh chấp ở đây. Một lần nữa, đây là một phép thử trên thực tế cho vai trò trung tâm và là trụ cột của ASEAN trong các cơ chế khu vực đa phương đang tồn tại ở Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả ARF và Cấp cao Đông Á (EAS).
Thứ hai, tất cả các nước có yêu sách ở Đông Nam Á muốn ASEAN đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Philippin luôn coi đàm phán ngoại giao là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chủ quyền của mình, và ASEAN là một trung tâm của ngoại giao nước này. Điều đó được thể hiện qua các nỗ lực của nước này để đạt được Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992 và DOC năm 2002. Tương tự, Việt Nam đã chọn gắn kết chủ động hơn với ASEAN trong việc quản lý xung đột. Các thành viên của ASEAN không ở vị thế đủ mạnh để cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông, vì thế, một cách tự nhiên, họ tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN với tư cách là một nhóm. Rõ ràng là, khi một nước tham gia vào một hiệp ước quốc tế hoặc gia nhập một tổ chức, nước này đã tự nguyện từ bỏ một mức độ chủ quyền nhất định để thực hiện các cam kết chung. Đổi lại, họ mong đợi thu được một lợi ích nhất định, trong đó có sự bảo vệ an ninh. Các nước Đông Nam Á, bao gồm cả những nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đã cùng với nhau thành lập ASEAN và cam kết làm vững mạnh hiệp hội bằng cách thông qua Hiến Chương ASEAN năm 2008, từ đó trao cho hiệp hội một địa vị pháp lý độc lập. Không ngạc nhiên khi các nước thành viên kỳ vọng vào vai trò tích cực của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Thứ ba, tình hình ở Biển Đông có ảnh hưởng quan trọng đến sự đoàn kết của ASEAN. Như Ernest Bower khẳng định, “Biển Đông kết nối đa số các quốc gia ở Đông Á về mặt địa lý và đồng thời lại cũng chia cắt các nước này”.18 Điều này xuất phát từ những khác biệt trong ưu tiên và lựa chọn chính sách giữa các nước Đông Nam Á, vì các nước có lợi ích quốc gia khác nhau trong vấn đề này. Các lĩnh vực khác biệt bao gồm mong muốn về mức độ tham gia và vai trò của Trung Quốc và Mỹ, phạm vi hợp tác trong vấn đề Biển Đông, và vai trò của Trung Quốc và Mỹ, phạm vi hợp tác trong vấn đề Biển Đông, và vai trò của chính ASEAN trong tranh chấp này.19 Một mặt, các nước ASEAN không có yêu sách thường không có lợi ích trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và rõ ràng không muốn làm xấu quan hệ với Trung Quốc, một đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng. Trong thập kỷ vừa qua, ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á ngày càng tăng và nhiều nước được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Michael Mazza và Gary Schmitt lập luận rằng “nhiều quốc gia Đông Nam Á lục địa… tin rằng tư cách thành viên ASEAN của họ giờ đây ít được ưu tiên hơn so với việc giữ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc”.20 Những nước này, do đó, không có lập trường mạnh mẽ trong việc phản đối các hành động cứng rắn ở Biển Đông hay trong quyết tâm thúc đẩy vai trò ASEAN. Mặt khác, Việt Nam và Philippin là những nước có lợi ích sống còn trong việc duy trì hoà bình và chủ quyền ở Biển Đông. Cả Hà Nội và Manila đều xem ASEAN như một cơ chế đa phương hữu hiệu để giảm căng thẳng ở Biển Đông và cho họ vị thế cao hơn khi giải quyết tranh chấp.
Các nguyên tắc về việc quản lý xung đột ở Biển Đông của ASEAN
Sự tham gia của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông dựa vào các nguyên tác và cơ chế quản lý xung đột được xác định trong các văn kiện chủ chốt của ASEAN. Những văn bản này bao gồm Tuyên bố thành lập ASEAN năm 1967, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 1976, Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (Bali Concord II) năm 2003, Đề cương xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN, và Hiến chương ASEAN. Liên quan cụ thể đến Biển Đông, hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố về Biển Đông năm 1992 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên về Biển Đông năm 2002.
Xem xét các văn kiện này và thực tiễn ASEAN cho thấy một số nguyên tắc then chốt định hướng quan hệ nội khối và với bên ngoài của ASEAN và các biện pháp quản lý xung đột. Trước hết, mục tiêu mang tính nguyên tắc của ASEAN là thúc đẩy hợp tác khu vực vì hoà bình và ổn định. Nguyên tắc này đã được nhắc lại trong mọi văn kiện quan trọng của ASEAN, trái ngược với tổ chức tiền thân ở khu vực, như Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO), thành lập năm 1954 với tư cách một liên minh phòng thủ. Điều 1 của Hiến chương ASEAN chỉ rõ một trong những mục tiêu cơ bản của ASEAN là duy trì và thúc đẩy hoà bình và tăng cường hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hoá – xã hội rộng rãi hơn. Để đạt được kết quả này, giải quyết mọi vấn đề tranh chấp một cách hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực là nguyên tắc cơ bản của ASEAN.
Hơn nữa, bảo đảm quyền tự quyết, chủ quyền, bình đẳng, và không can thiệp của các quốc gia luôn được hiệp hội theo đuổi. ASEAN bao gồm các thành viên có sự khác biệt lớn về trình độ phát triển kinh tế xã hội, văn hoá và tín ngưỡng, thể chế luật pháp và thể chế chính trị, và quy mô địa lý. Các nước này trong lịch sử đã phải đấu tranh chống lại các cường quốc bên ngoài khu vực để giành được độc lập. Do đó, những nguyên tắc trên được thông qua không chỉ để đảm bảo một môi trường an ninh tốt hơn cho tất cả các quốc gia mà còn thực sự thể hiện ước muốn chính trị của khu vực. Chủ quyền, bình đẳng, không tự vỗ ngực nhận mình là nước lớn còn nước khác là nước nhỏ mới là phù hợp với chuẩn mực quan hệ quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng.
Trong quan hệ nội khối ASEAN, cách tiếp cận phi chính thức, tham vấn và đồng thuận được coi là trụ cột của “Phương cách ASEAN”. Điều này được nhấn mạnh trong TAC năm 1976, khẳng định rằng các thành viên “duy trì liên lạc và tham vấn thường xuyên với các nước khác về các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm phối hợp quan điểm, hành động và chính sách với nhau”.21 Hiệp ước Bali II “tái khẳng định tầm quan trọng cơ bản của việc tôn trọng các nguyên tắc của… sự đồng thuận trong hợp tác ASEAN”.22
Phương cách ASEAN cũng ảnh hưởng đến cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo ASEAN trong quan hệ của khu vực với các đối tác ngoài khu vực. ASEAN áp dụng chiến lược mở nhưng không liên minh an ninh với các nước bên ngoài. Kể từ khi tổ chức được thành lập năm 1967, khi căng thẳng ở Đông Nam Á lên cao, các nước sáng lập ASEAN đã có tầm nhìn về một hiệp hội có tất cả 10 nước Đông Nam Á. Các nước bên ngoài Đông Nam Á cũng được hoan nghênh hợp tác với ASEAN để thúc đẩy hoà bình và ổn định của khu vực. TAC được để ngỏ cho tất cả các quốc gia tham gia và đến nay đã có nhiều cường quốc bên ngoài ký kết, trong đó có Trung Quốc (năm 2003), Nhật Bản (năm 2004), EU (năm 2009) và Mỹ (năm 2010).
Về thực tiễn, việc ARF ra đời năm 1994 và chiến lược của diễn đàn này có thể là một kiểu mẫu cho ASEAN trong việc thực hiện vai trò trung tâm của mình là động lực chính và tích cực trong các vấn đề khu vực. Tài liệu Khái niệm (Concept Paper) của ARF nhấn mạnh vai trò chủ chốt của ASEAN trong ba giai đoạn của ARF trong việc quản lý xung đột để thúc đẩy hoà bình và an ninh trong khu vực. Hiện nay, các biện pháp xây dựng lòng tin và xây dựng các cơ chế ngoại giao phòng ngừa là những cách thực tế để thúc đẩy hiểu biết chung trong khu vực và giảm thiểu căng thẳng trong các tranh chấp.
Liên quan đến sự tham gia của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp Biển Đông, cho đến gần đây, vai trò của ASEAN trong các tranh chấp chủ yếu giới hạn ở những nỗ lực chính trị và ngoại giao, phù hợp với Phương cách ASEAN. Mặc dù những nỗ lực này đã được duy trì liên tục qua nhiều năm, thể hiện trong thực tế là vấn đề Biển Đông được nhắc đến trong tất cả các văn kiện quan trọng của ASEAN, không có động thái quan trọng nào giải quyết tận gốc nguyên nhân của tranh chấp. Mặc dù ASEAN không can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ giữa các nước có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông, ASEAN thường đóng vai trò là một kênh hiệu quả để có các bên có liên quan giảm căng thẳng một khi tranh chấp leo thang đến một điểm nguy hiểm nhất định.
Trung Quốc và vai trò của ASEAN trong quản lý tranh chấp Biển Đông
Trong tất cả các bên có liên quan ở Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất hạ thấp vai trò của ASEAN và các cơ chế đa phương nói chung trong việc quản lý tranh chấp. Lập trường của Trung Quốc rõ ràng xuất phát từ quan điểm cho rằng giải quyết vấn đề bằng cách dựa vào cơ chế đa phương khó hơn rất nhiều so với thông qua đàm phán song phương. Lập trường này luôn luôn được quan chức Trung Quốc khẳng định khi nói về vấn đề Biển Đông. Hơn nữa, trong mấy ngàn năm lịch sử, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc vẫn chủ yếu là quan hệ song phương và Trung Quốc chưa bao giờ nổi tiếng về ngoại giao đa phương.
Sự miễn cưỡng chấp nhận vai trò của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc nên được thay đổi, vì việc tích cực cùng với ASEAN để thúc đẩy hợp tác khu vực sâu sắc hơn sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc. Trước hết, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vai trò của ASEAN sẽ đóng góp vào hoà bình và an ninh khu vực, điều tối quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc. Đó là vì ASEAN luôn tích cực thúc đẩy hợp tác khu vực, bao gồm cả việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã luôn ủng hộ vai trò của ASEAN và hợp tác với ASEAN thông qua nhiều cơ chế khác nhau như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF và EAS. Trên thực tế, nước này là một trong những nước bên ngoài đầu tiên ký kết TAC vào năm 2003, thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác an ninh khu vực. Trong vấn đề Biển Đông, việc ký DOC giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 luôn được các chính phủ coi như là một thành tựu lớn trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN về Biển Đông cho thấy rằng sự tham gia tích cực hơn của ASEAN trong việc quản lý ở Biển Đông sẽ không làm phức tạp tình hình như những nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng.
Hơn nữa, quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN ở Biển Đông sẽ đóng góp vào việc xây dựng lòng tin ở khu vực và các chuẩn mực chung. ASEAN và Trung Quốc đang tích cực làm việc với nhau trong khuôn khổ ARF để nâng cao lòng tin và hiểu biết lẫn nhau. Thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông trong các khuôn khổ do ASEAN khởi xướng sẽ mở ra một kênh hiệu quả khác để Trung Quốc có thể giải thích về lập trường của mình về hướng giải quyết vấn đề Biển Đông. Về vấn đề này, thế giới đến nay thường chứng kiến những gì Trung Quốc làm nhiều hơn là nghe những gì nước này nói. Cách tiếp cận của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông có thể được gọi là “hành động chủ động, tuyên bố ứng phó”. Câu thành ngữ Trung Quốc jin yĩ yè xíng (áo gấm đi đêm) miêu tả những người có tài sản giá trị nhưng không dám thể hiện trước công chúng bởi vì tài sản đó là không hợp pháp. Vì Trung Quốc tin rằng nước này có quyền hợp pháp ở Biển Đông, Bắc Kinh nên tận dụng mọi cơ hội, bao gồm cả những cơ hội do ASEAN tạo ra, để chỉ cho thế giới thấy quyền của họ. Bằng cách này, mong muốn nâng cao hình ảnh như một cường quốc đang lên có trách nhiệm của Trung Quốc sẽ cũng được hưởng lợi.
Theo một cách tiếp cận hiện thực hơn, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vai trò của ASEAN ở Biển Đông sẽ ngăn chặn được một liên minh ngầm có thể có ở Đông Nam Á để chống lại Trung Quốc và gạt bỏ được quan niệm cho rằng Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược “chia để trị” hay “chia để chiếm” ở Biển Đông. Các học giả Trung Quốc đôi khi cũng thể hiện mối lo về một liên minh ở châu Á để chống lại Trung Quốc.23 Để đối phó với mối đe doạ này, họ đã đề xuất một chính sách để chia rẽ và cô lập các nước có yêu sách nhỏ hơn với ASEAN, với tư cách là một khối, bằng cách hỗ trợ cho một số nước trong khi lại trừng phạt các nước cương quyết hơn.24 Điều này thường xuyên đựơc các nhà quan sát quốc tế nhắc đến như là chiến lược “chia để trị” hay “chia để chiếm” khi họi nói về chính sách của Trung Quốc với các nước có yêu sách khác.25 Đáng chú ý là quan điểm này có ý nghĩa rất tiêu cực ở Đông Nam Á vì nó nhắc lại thời kỳ thuộc địa, khi hầu hết các quốc gia ở khu vực đều bị xâm chiếm, chia cắt và cai trị bởi một cường quốc bên ngoài. Nếu ý tưởng này không bị xoá đi thì Bắc Kinh sẽ thấy khó mà có thể lấy lòng được người dân Đông Nam Á. Và cách tốt nhất để Trung Quốc tránh được nước nhỏ hơn trong tranh chấp trở thành đồng minh đó là hợp tác gần gũi hơn với tất cả họ, cả ở cấp độ song phương lẫn đa phương.
Thúc đẩy vai trò lớn hơn của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông
Một câu hỏi dai dẳng là: ASEAN nên và có thể đóng vai trò gì trong tranh chấp ở Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc ở ASEAN, Xue Hanqin, cho rằng “ASEAN có thể đóng vai trò như một phương tiện đáng giá để thúc đẩy lòng tin giữa các bên, nhưng không thể biến nó thành một bên của tranh chấp”.26 Cựu Tổng thư ký ASEAN, Rodolfo Severino, trả lời rất chính xác rằng “ASEAN không mong muốn biến mình thành một bên của tranh chấp”.27 Nhưng đặt ASEAN bên ngoài tình hình ở Biển Đông là phi logic. Như phần đầu của nghiên cứu này đã cho thấy, sự tham gia của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông đã có một lịch sử lâu dài và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả Trung Quốc. Mục tiêu cơ bản của hiệp hội là tránh làm xấu tình hình, từ đó duy trì và thúc đẩy an ninh và hoà bình ở khu vực. Kinh nghiệm hai mươi năm tham gia trên thực tế của ASEAN đã chứng minh cho điều này. Tăng cường sự tham gia của ASEAN vào việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông không làm suy yếu lợi ích hợp pháp của bất cứ bên nào, bao gồm cả những nước có yêu sách. Thay vào đó, những gì ASEAN đang cố gắng thực hiện sẽ “đem giá trị đến với tất cả, thậm chí bao gồm cả những nước không có yêu sách đối với các địa hình đất hay quyền tài phán trên biển ở Biển Đông, mà có một lợi ích trong hoà bình và ổn định ở khu vực và tự do hàng hải ở đây”.28
Tuy nhiên bất cứ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy một vai trò lớn hơn của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông trước hết phải được đặt trong bối cảnh lớn hơn là tính trung tâm của ASEAN trong hợp tác đa phương khu vực. Ngay sau Chiến tranh lạnh, ASEAN đã được coi là thành công trong việc mở rộng, bao gồm tất cả mười nước Đông Nam Á và trong việc duy trì vị thế của mình là động lực chính cho hợp tác khu vực ở Châu Á-Thái Bình Dương. Bước vào thế kỷ 21, tình hình khu vực và thế giới đã có chuyển biến sâu sắc. Khoảng trống quyền lực ở Đông Nam Á không còn tồn tại. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự đã cho phép Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng của mình đến tất cả các nước Đông Nam Á. Thêm vào đó, quyết tâm quay trở lại của Washington khiến cho môi trường khu vực Đông Nam Á trở nên quá chật chội để thích ứng được vai trò của cả hai cường quốc. Điều đó đòi hỏi những nỗ lực tập thể rất lớn của tất cả các thành viên ASEAN nhằm duy trì vị thế của Hiệp hội là động lực và trung tâm của hợp tác khu vực.
Hơn nữa, thực tế ở Biển Đông cũng phải được tính đến. Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là rất phức tạp, bao gồm sáu nước có yêu sách và nhiều nước có liên quan khác và liên quan đến các vấn đề pháp lý, kinh tế, chính trị, lịch sử khác nhau. Do đó, có rất ít hy vọng về một bước đột phá trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông trong tương lai gần. Các bước nhỏ, tiệm tiến hướng tới một giải pháp lâu dài sẽ là thực tế hơn. Tuy nhiên, lập luận này không có nghĩa là các thảo luận có tính đột phá là không có giá trị.
Vì những lý do này, bài viết đề xuất ba hướng chính để nâng cao vai trò của ASEAN ở Biển Đông.
Trước hết, cần phải tăng cường hội nhập ASEAN thông qua thúc đẩy các thể chế ASEAN và kết nối kinh tế như một cách thể nâng cao tính trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Phương cách ASEAN về tham vấn và đồng thuận một mặt kết nối các nước Đông Nam Á với nhau. Mặt khác nó lại làm suy yếu khả năng hợp tác an ninh, chính trị sâu rộng hơn của khu vực, đặc biệt trong những vấn đề khó. Trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập ASEAN cũng ở mức độ thấp với thương mại nội khối ASEAN, năm 2008 chỉ bằng 26,8% tổng thương mại của khu vực. Đầu tư nội khối ASEAN năm 2008 là 18,3%.29 Ý tưởng về sự hội nhập ASEAN có thể được các nhà ngoại giao và lãnh đạo cao cấp ASEAN hiểu rõ ràng, nhưng lại rất xa lạ với người dân thường. Hội nhập ASEAN thấp khiến cho tổ chức này ít quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với các nước thành viên so với các cường quốc bên ngoài. Các nước Đông Nam Á do đó có thể sẵn sàng bán rẻ trách nhiệm và lợi ích của thành viên ASEAN để đổi lấy một quan hệ tốt đẹp hơn hoặc viện trợ từ bên ngoài.
Để giữ cho hiệp hội là động lực chính trong các vấn đề khu vực, hội nhập ASEAN phải được tăng tốc và sâu sắc hơn nữa. Về mặt này, các quốc gia thành viên có thể cần phải mở rộng biên giới cho hội nhập ASEAN liên quan đến chủ quyền. Về mặt kinh tế, các chính phủ có thể tăng cường kết nối khu vực thông qua quy chuẩn hoá và hài hoà các công cụ kinh tế vĩ mô, bao gồm quy định, luật pháp, thủ tục hành chính. Việc kéo cờ ASEAN tại Đại sứ quán các nước thành viên trên khắp thế giới nhân ngày ASEAN năm nay rất đáng được khuyến khích và thực tiễn này có thể được áp dụng mở một cấp độ ngoại giao nào đó. Tất cả những nỗ lực này sẽ tăng cường và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, không chỉ là tranh chấp ở Biển Đông.
Thứ hai, cần có một tiến bộ mang tính cách mạng ở thảo luận kênh II về vấn đề Biển Đông. Tổ chức nhiều hơn nữa các hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông không có nghĩa là cố gắng “quốc tế hoá” vấn đề (mà trong đó tính quốc tế đã rất rõ ràng rồi) để tấn công một quốc gia đơn lẻ nào đó. Thực sự là một cách hay để nâng cao hiểu biết chung về vấn đề, tạo ra sự kết nối về thể chế giữa các nước, trao đổi kinh nghiệm và hiểu biết, và làm cho các lựa chọn chính sách của các quốc gia minh bạch hơn và có thể dự đoán được. Indonesia đã tổ chức một loạt các hội thảo không chính thức về vấn đề Biển Đông trong những năm 1990 và những hội thảo này được rất nhiều văn kiện chính thức khác nhau của ASEAN hoan nghênh. Gần đây, nhiều hội thảo và hội nghị đã được tổ chức ở Đông Nam Á, Mỹ và Châu Âu, đánh dấu một làn sóng mới trong việc nghiên cứu về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên tác động của những hội thảo này đối với các chính sách của chính phủ vẫn rất chậm và gián tiếp.
Mô hình hội nghị của Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) có thể đưa ra một gợi ý về việc vấn đề Biển Đông nên được thảo luận ở Kênh II (hoặc Kênh 1,5) như thế nào. Các học giả, với tư cách cá nhân, có thể cùng với nhau để thảo luận vấn đề Biển Đông, bao gồm cả vấn đề nhạy cảm nhất, tranh chấp lãnh thổ. Các kiến nghị chính sách có thể được đệ trình lên các hội nghị chính thức khác nhau như AMM, Thượng đỉnh ASEAN và Cấp cao Đông Á để thảo luận. Một Nhóm các nhân vật nổi tiếng của ASEAN cho vấn đề Biển Đông cũng có thể được thành lập và có nhiệm vụ viết các tư vấn chính sách cho các chính phủ.
Thứ ba, tiếp theo ý trước, để các đối thoại Kênh II về Biển Đông được tổ chức và các kiến nghị được lắng nghe, ASEAN phải chủ động trong việc tham gia vào vấn đề Biển Đông, một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với ASEAN. Lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông đến nay vẫn còn khá mơ hồ, thụ động, và mang tính phản ứng. Trong khi an ninh và ổn định ở Biển Đông là tối quan trọng đối với Đông Nam Á và với ASEAN, với tư cách là một thực thể, tổ chức đã không dẫn đầu như một thể thống nhất độc lập để đối phó với căng thẳng. Các hoạt động quyết đoán hơn chỉ được thực hiện dưới áp lực của hai thành viên có nhiều ảnh hưởng nhất, là Việt Nam và Philippin khi tình hình đạt đến cấp độ sống còn. ASEAN phải đặt ra một chương trình nghị sự đầy đủ cho các thảo luận của khu vực về vấn đề bao gồm cả các đối thoại với các nước bên ngoài trong các cơ chế đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+) và ARF. Như James Cordova đã nói, ASEAN “có một cơ hội để chứng minh khí phách của mình, nếu không thì cũng là giá trị của mình”30
CHÚ THÍCH:
1 Các văn kiện được đề cập đến bao gồm Thông cáo chung, Tuyên bố của chủ tịch, Thông cáo báo chí, và các loại văn kiện chính thức khác của ASEAN.
2 Xue Hanqin, ‘China-ASEAN Cooperation: A model of Goò Neighbourliness an Friendly Cooperation’, Singaporean, 19//11/2009. Phiên bản điện tử có tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (Singapore Institute for Southeast Asian Studies): http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/Speech-Xue-Hanqin-19-9-09.pdf (truy cập 10/8/2011)
3 Chinese Ministry of Foreign Affairs: ‘Foreign Minister Yang Jiechi Refutes Fallacies On the South China Sea Issue’. Phiên bản điện tử có tại: http://www.mfa.gov.cn/eng/zxxx/t719460.htm (truy cập ngày 16/8/2011)
4 1992 ASEAN Declaration on the South China Sea [ Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992]
5 1993 Joint Comnuniqué of 26th ASEAN Ministerial Meeting [Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 26, năm 1993]
6 1995 Joint Communiqué of ASEAN Foreign Ministers Meeting [Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 1995]
7 1995 Bangkok Summit Declaration [Tuyên bố Thượng đỉnh Băng Cốc năm 1995], phiên bản điện tử có tại trang web Ban Thư ký ASEAN. Đoạn in nghiêng do tác giả nhấn mạnh.
8 http://www.asean.org/184.htm
9 Tuyên bố của Chủ tịch tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 15, năm 2008
10 Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 41 năm 2008
11 Thông cáo báo chí của Phiên họp hẹp Các Ngoại trưởng ASEAN, Lombok, 16-17/01/2011
12 Thuật ngữ “sự cứng rắn hung hăng” (aggressive assertiveness) được Carlyle Thayer sử dụng trong bài phân tích của mình vào tháng 6 năm 2011. Xem: Carlyle Thayer, China’s New Wave of Aggressive Assertiveness in the South China Sea’. Tham luận tại Hội thảo về An ninh biển ở Biển Đông, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington, 20-21/6/2011. Phiên bản điện tử có tại: http://csis.org/files/publication/110629_Thayer_South_China_Sea.pdf
13 Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44, Bali, Indonesia, 19/7/2011. Có tại trang web chính thức của ASEAN: http://www.asean.org/documents/JC44thAMM19JUL2001.pdf
14 Chi tiết nội dung Bộ hướng dẫn có trên website Biên giới Lãnh thổ: http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/noiđungquytachuongan-nd-03ab844.aspx (truy cập 20/10/2011)
15 Tuyên bố ASEAN (Tuyên bố Băng Cốc), 8/8/1967. Phiên bản điện tử có trên trang web của Ban thư ký ASEAN: http://www.asean.org/1212.htm (truy cập 18/8/2011).
16 Hiến chương ASEAN, Điều 1 (4). Phiên bản điện tử có trên trang web của Ban thư ký ASEAN: http://www.asean.org/publications/ASEAN-Charter.pdf (truy cập 18/8/2011).
17 Hiến chương ASEAN. Điều 1 (15). Vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN còn được tái khẳng định trong Kế hoạch Xây dựng Cộng đồng Chính trị và An ninh ASEAN (tr.2). Phiên bản điện tử có tại: http://www.asean.org/5187-18.pdf (truy cập 18/8/2011)
18 Ernest Ebower. ‘The Quintissential Test of ASEAN Centrality: Changing the Paradigm in the South China Sea’. Southeast Asia from the Corner of 18th&K Streets.vol.II(10).22/6/2010.
19 Liselotte Odgaard. ‘The South China Sea: ASEAN’s Security Concerns About China. Security Dialogue.vol.34(1).2003.tr.14.
20 Michael Mazza and Gary Schmitt. ‘Weakness of the ASEAN Way’. The Diplomat. June 21, 2011. (phiên bản điện tử có tại: http://the-diplomat.com/flashpoints-blog/2011/06/21/weakness-of-the-asean-way/ truy cập 19/8/2011 )
21 Hiệp ước Bali II
22 Ví dụ, xem: Greg Torode,’Closing Ranks’. South China Morning Post.7/6/2011
23 Ví dụ, xem: Greg Torode. ’Closing Ranks’. South China Morning Post.7/6/2011
24 Liu Rui. ‘Time to teach those around South China Sea a lesson’. Global Times. 29/9/2011. Phiên bản điện tử có tại: http://www.globaltimes.cn/NEWS/tabid/99/ID/677717/Time-to-teach-those-around-South-China-Sea-a-lesson.aspx (truy cập ngày 25/10/2011).
25 Ví dụ, xem: Frank Ching. ‘Divide-and-conquer tactics’. The Korea Times. 11/8/2010; David Brown. ‘ASEAN adrift in South Sea’. Asia Time Online. 2/7/2011 (có tại: http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/MG02Ae02.html truy cập 5/10/2011)
26 Xue Hanqin. ‘China-ASEAN Cooperation: A model of Good Neighbourliness and Friendly Cooperation’, Singapore, 19/11/2009. Phiên bản điện tử có tại Singapore Institute for Southeast Asian Studies: http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/Speech-Xue-Hanqin-19-9-09.pdf (truy cập 10/8/2011),tr.25.
27 Rodolfo C. Severino. ‘ASEAN and the South China Sea’. Security Challenges. Vol.6(2). Winter 2010.tr.46.
28 Tlđd
29 ASEAN. ASEAN Community in Figure 2009. ASEAN Secretariat. Jakarta. Tháng 1/2010.tr.9; 35. Phiên bản điện tử có tại: http://www.asean.org/publications/ACIF2009.pdf (truy cập ngày 24/8/2011). (số liệu chính thức mới nhất của ASEAN là cho năm 2008) Để có thể so sánh, trong cùng năm đó, thương mại nội khối EU là 67,5%. Số liệu lấy từ: European Union. External and intra-EU trade: Statistical yearbôk data 1958 – 2009 (phiên bản năm 2010).
30 James Cordova, South China Sea crisis a chance for ASEAN to prove its worth. 22/6/2011. Có trên Asia Correspondent: http://asiancorrespondent.com/57957/south-china-sea-crisis-a-chance-for-asean-to-prove-its-worth/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét