Dù các tham vọng biển của Trung Quốc không hẳn đặt ra mối đe dọa lớn cho Mỹ, nhưng tình hình này đòi hỏi một sự đối phó rất đặc biệt: hoạch định chính sách thận trọng và tỉnh táo. Xung đột Mỹ - Trung trên biển không phải là kết cục không tránh khỏi, nhưng các yêu sách xung đột nhau và các cách hiểu pháp lý khác nhau, cùng với thiếu sự minh bạch chính thức về các năng lực và mục đích của Trung Quốc, tất cả ngày càng làm gia tăng nguy cơ tính toán nhầm.
>> Kỳ 1: Nước Mỹ trước tham vọng biển của Trung Quốc
>> Kỳ 2: PLAN và những định hướng tương lai của Trung Quốc
Điều quan trọng là thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ là một cường quốc hải quân. Nhìn vào tầm quan trọng của các đại dương trên thế giới đối với việc duy trì phát triển kinh tế của nước này và vai trò nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn coi biển là quan trọng đối với sự sống còn của quốc gia cũng như cách để duy trì quyền lực. Phản đối sự phát triển của Trung Quốc về điểm này sẽ là vô ích và trái ngược. Vì vậy, Mỹ nên chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc biển với các lợi ích biển đáng kể. Trong một số trường hợp, như các nỗ lực chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia hay áp đặt giới hạn đánh bắt, các lợi ích có thể đồng quy và tạo cơ hội cho hợp tác Trung - Mỹ.
Tuy nhiên, thừa nhận các lợi ích của Trung Quốc không có nghĩa là nhượng bộ trước các đòi hỏi của nước này; có nhiều lĩnh vực mà đồng thuận với chính sách biển của Trung Quốc sẽ dẫn tới việc đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Ví dụ, các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc khác xa nhau liên quan đến cái mà Trung Quốc gọi là "các vùng biển gần". Trung Quốc muốn chế ngự các vùng nước nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, mà họ coi là lãnh thổ của mình. Vì vậy họ tìm cách ép buộc các quốc gia khác hạn chế hoặc từ bỏ các yêu sách của mình (như Việt Nam và Philippines) và các hoạt động (ví dụ gây phiền nhiễu cho các hoạt động của hải quân và không quân Mỹ tại nơi mà Trung Quốc đòi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình).
Đặc biệt, Bắc Kinh đã sử dụng cách hiểu riêng về Công ước của LHQ về Luật Biển để lập luận rằng các tàu của hải quân Mỹ và tàu hộ tống nên hạn chế các hoạt động của mình tại EEZ của Trung Quốc. Đầu hàng các chiến thuật như vậy không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ. Các buổi thảo luận tại quốc hội Mỹ về Luật về Ứng xử trên biển đều nên thảo luận triệt để về các cách hiểu của Trung Quốc cũng như các nỗ lực của nước này trong việc sử dụng chiến tranh pháp lý để thông qua luật pháp quốc tế đạt được cái mà họ không thể có được bằng sức ép.
Về điểm này, ngay cả khi Mỹ thừa nhận các lợi ích biển của Trung Quốc, Mỹ cũng cần bảo vệ các lợi ích biển của mình. Sự bảo vệ này sẽ đòi hỏi hành động tại một số khu vực khác nhau trong chính sách quốc phòng của Mỹ.
Trước tiên, Mỹ cần duy trì một lực lượng biển mạnh. Hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ là những người bảo vệ tối thượng cho các lợi ích biển của Mỹ trên thế giới. Khác với PLA-N, lực lượng hải quân Mỹ cần hoạt động xa bờ, điều này làm gia tăng sự hao mòn và hư hỏng của các tàu và mất nhiều thời gian đi từ các cảng nhà tới các khu vực tuần tra. Vì vậy, Mỹ phải duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cũng như ở Ấn Độ Dương, nếu muốn ngăn chặn và răn đe các đối thủ tiềm tàng và hỗ trợ cho các lợi ích quốc gia.
Điều này, đến lượt nó, có nghĩa là việc giảm quy mô của lực lượng Hải quân và Lính thủy đánh bộ và các tốc độ tác chiến của họ sẽ có một tác động không cân xứng không chỉ về các khả năng tác chiến hiện tại trong khu vực, mà cả cách nhìn nhận về cam kết và uy tín của Mỹ. Hải quân và Lính thủy đánh bộ có thể cần phải gia tăng các nguồn lực. Mỹ không thể chịu đựng được cảnh hải quân của mình suy yếu.
Ảnh minh họa: defensetech.org |
Sự nổi lên của lực lượng Hải quân Trung Quốc cũng có nghĩa là Hải quân Mỹ phải tăng cường các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, không có tàu nổi hay tàu ngầm mới nào đang nằm trong khâu thiết kế - một tình huống chưa từng thấy có thể là khiến Hải quân Mỹ phải đối phó với thách thức của Trung Quốc bằng những chiến binh lỗi thời hoặc đã hỏng hóc, trước một PLA-N với ngày càng nhiều năng lực tân tiến. Để tránh một kịch bản như vậy, Quốc hội Mỹ nên quy định phát triển một kế hoạch nghiên cứu và phát triển biển toàn diện, khai thác những tiến bộ trong những công nghệ như các phương tiện bay không người lái, tàu lặn không người lái và các hệ thống không gian.
Quân đội Mỹ cùng tác chiến, vì vậy phải thận trọng chú ý tới các chiến dịch của Không quân và Lục quân tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trước các năng lực của PLANAF và các hệ thống Không quân của PLA đang được hiện đại hóa - trong đó có phổ biến các hệ thống SAM tân tiến như S-400 và HQ-9 - Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ không thể để bị rớt lại đằng sau về chương trình hiện đại hóa của mình.
Các máy bay có thể quan sát ở tầm thấp và các phương tiện bay không người lái (UAVs) đặc biệt quan trọng, cũng như các năng lực chiến tranh điện tử. Quốc hội nên cân nhắc có thêm các máy bay chiến đấu điện tử E/A-18 Growler và các hệ thống UAV tân tiến để tạo điều kiện cho các chiến dịch trên không. Tương tự, các lực lượng đặc nhiệm và lực lượng trong không gian có thể đóng một vai trò răn đe và hiện diện. Mỹ cũng nên tìm cách mở rộng các hoạt động phối hợp vốn đang vững mạnh về các lĩnh vực này với các lực lượng quân đội đồng minh và của một số quốc gia châu Á.
Tất cả các yếu tố này đều nên được sử dụng không chỉ đề duy trì mà còn củng cố mạng lưới đồng minh và quan hệ của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - một khu vực mà Mỹ được hoan nghênh nhiều hơn Trung Quốc. Khác với Trung Quốc, Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ nào đáng kể với các nước trong khu vực này. Tương tự, Mỹ cung cấp an ninh trên biển cho các tuyến đường biển toàn cầu, mà các nước trong khu vực cũng được hưởng lợi - trong đó có cả Trung Quốc dù họ có thừa nhận hay không - cũng như chính Mỹ được lợi. Vì vậy, các nước châu Á coi Mỹ là một người cung cấp "những cái tốt chung" quan trọng và cũng là một yếu tố đối trọng chính với sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc.
Sự tham gia tích cực tại các cuộc họp và hội thảo trong khu vực đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu và sự hiện diện của Mỹ. Đồng thời củng cố quan hệ của Mỹ với khu vực. Đặc biệt, các thỏa thuận thương mại tự do với các nước Đông Á và khối ASEAN, cũng như chương trình Đối tác xuyên Thái Bình Dương, sẽ củng cố các mối liên hệ kinh tế của Mỹ trên toàn Thái Bình Dương.
Ngược lại, việc Mỹ rút các lực lượng hải quân từ Tây Thái Bình Dương đến đảo Guam không sẽ được xem là một giải pháp cắt giảm chi phí hay một cách để giảm nhẹ xung đột, mà là một sự nhượng bộ trên thực tế phần Tây Thái Bình Dương cho sự bá chủ của Trung Quốc. Tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện trong khu vực nên là một yếu tố trong mọi cuộc thảo luận về việc di chuyển căn cứ của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản).
Việc bảo vệ các lợi ích trên biển cũng không phải mối quan tâm duy nhất của quân đội. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ phối hợp với nhiều tổ chức thực thi pháp luật trên biển trong khu vực. Vì vậy, lực lượng này đặc biệt quen với sự cần thiết và mối quan tâm của các quốc gia biển nhỏ hơn trong khu vực. Sự thân quen này là một phần chính trong sức mạnh mềm của Mỹ, và sức mạnh mềm ấy có thể củng cố nhiều cho các chiến dịch quân sự của Mỹ.
Kết luận
Trước sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và kèm theo đó là sự phụ thuộc vào biển, nước này khó tránh được việc sẽ hiện diện nhiều hơn trên các đại dương. Và kết quả là sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc sẽ được tăng lên một cách tự nhiên.
Dù vậy, việc này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thực sự là thách thức đối với vai trò bá chủ của Mỹ. Một số phát triển về quân sự của Trung Quốc như các năng lực chống can thiệp/bao vây, cho thấy một đánh giá ít lạc quan về các chiến dịch trên biển đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Vì vậy, lợi ích của Mỹ là theo đuổi một chính sách nhất quán về sức mạnh biển - một chính sách nhắc nhở Trung Quốc rằng dù Mỹ có thể chấp nhận là một cường quốc biển thân thiện, nhưng Mỹ cũng sẽ là một đối thủ biển không thể đánh bại./.
Dean Cheng is Research Fellow in Chinese Political and Security Affairs in the Asian Studies Center at The Heritage Foundation.
- Châu Giang dịch từ The Haritage Foundation
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét