Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Bài phát biểu của Bác sĩ Paul Tambyah tại đại hội của Đảng SPD

Bài phát biểu của Bác sĩ Paul Tambyah tại đại hội của Đảng SPD

Đăng bởi anhbasam on 08/05/2011
Singapore Democrats

Bài phát biểu của BS Paul Tambyah

tại đại hội của Đảng SPD

Bác sĩ Paul Tambyah
Ngày 5 tháng 5 năm 2011
Thưa các bạn, thưa các đồng bào Singapore
Tôi là Paul Ananth Tambyah. Tôi là bác sĩ hiện làm việc tại bệnh viện của một trường đại học lớn ở địa phương. Tôi không phải là người của đảng SPD, một phần bởi vì tôi đang làm việc trong một tổ chức thuộc nghiệp đoàn dịch vụ dân sự và như các bạn biết đấy, công chức như tôi thì không được phép tham gia chính trị trừ phi bị thất nghiệp. Tôi xin cảm ơn SPD vì đã cho tôi cơ hội làm một diễn giả được mời tại một diễn đàn nổi tiếng trong lịch sử như thế này. Tôi sẽ phát biểu hoàn toàn với tư cách cá nhân. Tôi không phải là một chính trị gia. Tôi vẫn đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ của nhà nước và mới đây tôi đã nhận được hai mẫu tờ khai SAF 100 gửi vào hòm thư điện tử của tôi mặc dù nghề nghiệp của tôi là cứu người.
Với tư cách một bác sĩ y khoa, tôi thườmg xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. Tôi nghe họ nói rằng ở Singapore chúng ta có thể có đủ tiền để chết chứ không có đủ tiền để mà lâm bệnh. Tôi đã chứng kiến nhiều người phải bán nhà rồi chuyển đến căn hộ cho thuê để có tiền trang trải chi phí chữa bệnh.
Họ cũng là người Singapore hệt như ông Bộ trưởng Y tế và các đồng nghiệp triệu phú của ông ấy. Giả sử họ phải mổ tim, vậy là họ sẽ phải trả nhiều hơn rất nhiều so với những người kia, bằng tiền mặt.  Tối thiểu họ phải trả chi phí cho cơ sở y tế chuyên khoa ngoại trú trước khi được nhập viện. Tôi đã gửi thư, đã viết báo, đã đăng ý kiến của mình trên trang facebook của ông Khaw (Bộ trưởng Y tê), đã chuyện trò với ông ấy qua mục Feedback ở trang facebook của ông ấy rồi đã nhận được những câu trả lời lịch sự của ông ấy, nhưng chẳng có thay đổi nào cả. Vì thế mà tôi có mặt ở đây hôm nay – để nhờ các bạn gửi tới ông ấy một thông điệp. Tôi chỉ muốn  gửi tới ông ấy một thông điệp rằng hãy rủ lòng thương tới những người đang ốm đau. Nay tôi hiểu rằng các bạn sắp gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn một chút – các bạn muốn ông ấy ra đi.
Ông Khaw là một nhà quản lý giỏi. Ông ấy từng là giám đốc của NUH [Bệnh viện nhà trường cấp quốc gia]. Ông ấy làm giám đốc của NUH khi tôi còn đang là một sinh viên y khoa và ngày ấy ông ấy điều hành bệnh viện với số lượng nhân viên ít hơn các bệnh viện bây giờ rất nhiều. Nhưng ông ấy bây giờ dường như đã cạn ý tưởng dành cho y tế của Singapore rồi. Điều tốt là ông ấy đang lắng nghe tiếng nói của người dân, nhưng có lẽ hơi quá muộn rồi.Có lẽ ông cần kiếm việc làm khác và biết đâu ông ấy sẽ là một nhà quản lý rất giỏi của một nhà điều dưỡng ở Johor Bahru.
Tất cả chúng ta đều hiểu những vấn đề của hệ thống y tế ở đất nước này – hầu hết những vấn đề đó đều liên quan đến tiền.
Nguồn tài chính chủ yếu dành cho y tế là bảo hiểm Medisave – bệnh nhân số một là những người già. Số tiền trong tài khoản bảo hiểm y tế của họ chẳng nhiều nhặn gì và họ  phụ thuộc vào con cháu. Rất may là người già ở những thế hệ trước ở đất nước chúng ta có rất đông con cháu và bảo hiểm Medisave của con cháu có thể trang trải hầu hết hóa đơn bệnh viện của người già. Nhưng thế hệ tôi lại là “dấu chấm giữa hai thế hệ”. Chúng tôi thậm chí có ít con cái hơn. Khi chúng tôi ốm đau  thì ai sẽ thanh toán chi phí cho chúng tôi nếu như chúng tôi chủ yếu trông vào bảo hiểm Medisave trong khi chính chúng tôi lại phải dùng đến kiệt số tiền bảo hiểm Medisave để chi trả cho bố mẹ mình.
Medishield là một chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc và chúng ta phải đóng tiền bảo hiểm này ngay từ lúc sinh ra. Vấn đề là bảo hiểm này không bao gồm các bệnh bẩm sinh và bệnh tâm thần hiện đang tác động tới 5% dân số Singapore. Đây là chương trình bảo hiểm y tế duy nhất trên thế giới làm ăn theo cái kiểu ăn chắc, chỉ nhìn thấy cái lợi cho mình.
Quỹ y tế nhân đạo Medifund chỉ giới hạn cho những người đã bán nhà cửa và đã dùng hết tiền bảo hiểm y tế Medisave của con cái. Mặc dù hạn chế như vậy nhưng hằng năm quỹ này vẫn không sử dụng hết tiền.
Những vấn đề nói trên không chỉ là những vấn đề nằm trong lý thuyết. Chúng tác động tới cuộc sống của những người dân thường Singapore. Một bệnh nhân của tôi bị một căn bệnh nhiễm trùng khiến ông ta bị đột quỵ. Ông ấy cần phải trả chi phí cho thuốc men mỗi ngày là 250 đô la [Singapore]. Không có khoản bao cấp nào dành cho chi phí thuốc men như vậy. Điều này đã được khuyến nghị trong tất cả các hướng dẫn, kể cả những hướng dẫn ở cấp địa phương. Nếu bệnh nhân này không dùng thuốc, ông ta rất có thể sẽ bị một cơn đột quỵ khác và thậm chí có thể chết. Tôi đã cố gắng giúp ông ta bằng cách cầu cứu nhân viên y tế xã hội. Chúng tôi nhận được câu trả lời là bệnh nhân này khó lòng nhận được sự giúp đỡ bởi vì ông ta sống trong một căn hộ sở hữu cá nhân cùng với một người con trai. 5 anh chị em của người con trai này không khá giả nhưng người con trai sống cùng bệnh nhân nói trên thì không nằm trong diện công dân Singapore được hưởng trợ giúp tài chính. Chúng tôi thậm chí đã tới mức viết cho ông ta một toa thuốc để ông ta có thể mua thuốc ở Johor Baru nhưng rồi không có kết quả. Các bạn biết liệu có bao nhiêu người sống trong một căn hộ sở hữu cá nhân cùng với gia đình lại có thể trả 250 đô la mỗi ngày tức 7500 mỗi tháng cho thuốc men, trong từ ba đến sáu tháng chưa kể những nhu cầu khác của chính gia đình họ??? Hệ thống y tế của chúng ta có điều gì đó không ổn một cách nghiêm trọng.
Đảng SDP đã có một đề xuất khác thay thế. Đó là một tài liệu đã được chuẩn bị kỹ càng và tôi có thể tóm tắt một số điểm chính. Thứ nhất, nhà nước tăng đầu tư vào lĩnh vực y tế để cho bằng với các mức đầu tư ở những nước đi đầu. Trong năm tài khóa 2009, chính phủ Singapore chỉ chi 1.4% GDP cho y tế  –tỉ lệ thấp nhất ở các nước phát triển. Điều này phần nào là bởi vì dân số của chúng ta vẫn còn trẻ nhưng cũng còn bởi vì người dân đang phải gánh tỉ lệ rất cho chi phí y tế như tôi vừa nói ở trên – các bạn và tôi – chủ yếu dựa vào bảo hiểm y tế Medisave – tức là là tiền của chính chúng ta. Kế hoạch đề xuất ngân sách của đảng SPD có một yếu tố quan trọng ấy là phải tăng ngân sách dành cho y tế lên tới ba lần.  
Thứ hai, tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng cách thành lập các trung tâm y tế đặt tại tầng một của các tòa nhà căn hộ cao tầng [void deck: ở Singapore các căn hộ bắt đầu nằm từ tầng 2 trở lên. Tầng “void deck” dùng vào mục đích chung như đám cưới, đám tang, các cửa hiệu …) sử dụng những y tá đang trong giai đoạn thực tập và các chuyên gia y tế thông qua các hiệp hội. Các trung tâm này không cần thiết phải do các bác sĩ điều hành – y tá, chuyên gia vật lý trị liệu và chuyên gia về các bệnh nghề nghiệp đều có thể xử lý các căn  bênhk mãn tính một cách kịp thời hơn rất nhiều và với hiệu quả chi phí cao hơn nhiều.
Thứ ba, giảm bớt gánh nặng công việc cho nhân viên y tế tại những bệnh viện công bằng cách tạo điều kiện cho các bác sĩ và các chuyên gia đa khoa tới làm việc tại các bệnh viện công. Singapore thực ra không thiếu bác sĩ (trừ phi dân số của nước ta đã thực sự lên tới 6,5 triệu) – vấn đề liên quan nhiều hơn tới sự phân bổ chưa tốt. Bác sĩ và y tá của các bệnh viện công bị quá tải công việc và quá căng thẳng. Họ rời bỏ hàng loạt khỏi các bệnh viện công bởi vì điều kiện làm việc. Nhưng sau khi ra đi thì nhiều bác sĩ rút cục đã gặp phải những vấn đề phải trả tiền thuê nhà quá cao. Vì vậy họ buộc phải tăng tiền công hoặc buộc phải mở các cơ sở thẩm mỹ viện. Nên sử dụng những bác sĩ giỏi và chăm chỉ này của Singapore trong các bệnh viện công thay vì phụ thuộc vào nhân viên ngoại quốc là những người không thể nói được các thứ tiếng địa phương.
Y tế không phải lĩnh vực duy nhất mà người dân Singapore cần gửi thông điệp. Bà mẹ 73 tuổi của tôi đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho việc chăm sóc trẻ em tàn tật bởi vì bà tin rằng mọi đứa trẻ đều có quyền phát triển tối đa tiềm năng bất chấp tình trạng tàn tật. Bà đã mở trường học đầu tiên ở Singaproe dành cho trẻ em tàn tật không phân biệt tình trạng tàn tật thế nào và chương trình đầu tiên có tính toàn diện ở Singapore tái hòa nhập trẻ tàn tật  vào trong các trường học của trẻ em bình thường. Bà đã được bầu là người phụ nữ của năm vào năm 1994. Bà đã được trả công gì cho tất cả những công việc nói trên? Chẳng có gì cả! May mắn là cha của tôi làm việc chăm chỉ và có một công việc tốt nhưng mẹ tôi thì làm việc không hề biết mệt, thường chỉ dừng tay vào lúc đã rất khuya bởi vì nhiệt tình và tình thương yêu của bà, chứ không phải vì tiền hay quyền lực. Ngay lúc này kế hoạch vận động chính của bà là làm sao để trẻ em tàn tật được tiếp nhận vào hệ thống giáo dục phổ cập ở Singapore. Đây chính là điều mà các bậc phụ huynh đang mong muốn, điều đó là hoàn toàn công bằng. Trên thực tế về dài hạn chính phủ sẽ tiết kiệm được tiền nếu mọi trẻ em tàn tật được đi học và sẽ bớt là gánh nặng cho xã hội khi chúng lớn lên. Song, chính phủ đương nhiệm dường như lại không hiểu được điều này. Như chúng ta đã thấy ở kiệt tác viết về kinh tế của Jee Say ấy là một chính phủ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những chỉ tiêu thành tích và những lợi lộc ngắn hạn thì chính phủ đó không thể nhìn đủ xa để thấy được tương lai. Chính phủ đó không thể thấy được là cách nào một sự đầu tư vào con người có thể về lâu dài sẽ đưa Singapore tiến lên giai đoạn phát triển tiếp theo.
Hãy dùng cái đầu khôn ngoan sáng suốt để đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử này, vì chính bạn, con cái của bạn, cháu chắt của bạn, hàng xóm của bạn, những người trẻ tuổi, người già. Ồ, dẫu cho có ai đó ốm đau thì tất cả chúng ta đều là người  Singapore cả. Đừng sợ có người sẽ lần ra bạn là ai từ lá phiếu của bạn. Chuyện này là không thể xảy ra. Họ thậm chí không thể tóm được một người ở baju kurung chân đi tập tễnh vượt biển bằng một con búp bê cao su thì làm sao họ lần ra được hơn một triệu người Singapore sẽ bỏ phiếu cho các đảng phái khác vào ngày Thứ Bảy tới! Giống như ông Tan Jee Say, lần bầu cử trước tôi đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Singapore. Chẳng ai biết tôi đã bỏ phiếu thế nào. Tôi đã nhận được nhiều tờ quảng cáo của ứng cử viên ở cả nơi làm việc lẫn ở căn hộ dự phòng của tôi. Tối qua tôi đã nói chuyện tại cuộc Mít tinh ở Sembawang. Chẳng có người nào của chính quyền gọi tôi lên để bảo rằng sự nghiệp của tôi đã chấm dứt. Trưởng Khoa và Hiệu phó của tôi là người rất tốt và biết điều, họ tôn trọng sự đa dạng về quan điểm bởi họ hiểu rằng điều này là tốt cho Singapore. Bộ trưởng Tài chính Tharman mới đây đã phát biểu trên truyền hình rằng sẽ là điều tốt cho Singapore nếu có một đảng đối lập mạnh.  
Thời gian dành cho tôi sắp hết. Các ứng cử viên của đảng SPD đều là những người xuất sắc. Giống như nhiều người thuộc đảng PAP, họ muốn điều tốt đẹp nhất cho Singapore. Khác với PAP, họ không yêu cầu đãi ngộ tiền bạc ghê gớm cho việc phục vụ đất nước. Họ có một cách nhìn rất khác về làm thế nào để làm được điều tốt đẹp nhất cho  Singapore. Đây không phải là cách làm được quyết định từ trên rồi bắt dưới thực hiện, kiểu như “chúng tôi biết rõ hơn các anh”, mà tất cả đều liên quan đến các bạn. Hai tuần  của chiến dịch tranh cử cuối cùng đã khiến cho chính phủ phải lắng nghe nhân dân – đã khiến chính phủ đã đưa ra lời xin lỗi chưa từng có tiền lệ, đã lưu ý tới những vấn đề. Hãy để tâm suy nghĩ xem 5 năm nữa sẽ ra sao.
Bác sĩ Vivian Balakrishnan là một bác sĩ giải phẫu nhãn khoa xuất sắc. Singapore đang cần những bác sĩ giải phẫu mắt. Các bạn có thể giúp ông ấy quay trở lại nghề y. Ước gì tôi được bỏ phiếu ở Yuhua, Bt Panjang, Holland Bukit Timah hoặc Sembawang, nhưng tôi đang sống ở Tanjong Pagar. Tôi đã bị từ chối quyền bầu cử của tôi sau 35 giây [ý nói đăng ký qua mạng nên nhanh]. Singapore ngày nay là thế đấy. Công nghệ thông tin không được phép là Singapore của tương lai. Tương lai nằm trong lá phiếu của bạn được thực hiện thủ công nhưng bằng cái đầu sáng suốt. Xin cảm ơn.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét