Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

493. MỘT ĐỀ XUẤT “LẠ” (HOÀNG SA - TRƯỜNG SA)

493. MỘT ĐỀ XUẤT “LẠ”

Đăng bởi anhbasam on 26/04/2011
Đôi lời: Nhân bài viết của Dương Danh Huy trên trang The Manila Times (đã được dịch, đăng: 487. Bảo vệ quyền của Philippines ở Reed Bank) và tiếp đến là phản ứng của Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc với bài Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) là của Philippines hay của Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu?  —  (Nguyễn Xuân Diện), xin đăng dưới đây bài Một đề xuất “lạ” cũng của Đinh Kim Phúc, trên trang Ba Sàm (cũ) ngày 6-4-2010. Sở dĩ có sự móc xích hai câu chuyện với nhau là do cảm giác chúng có điểm tương đồng.
Ông Dương Danh Huy và Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từng cùng trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (có trang web-trong danh mục bên tay mặt đây). Quỹ này là một tổ chức tự nguyện vô vụ lợi, gồm một số trí thức trong, ngoài nước có tấm lòng và hiểu biết về vấn đề chủ quyền biển đảo cùng nhau thành lập. Tuy nhiên, công việc của họ không tránh khỏi nhiều khó khăn, từ phía nhà nước Việt Nam (không có thái độ rõ ràng), điều kiện trao đổi, hiểu nhau, cho tới khả năng, tinh thần của từng cá nhân. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đã tuyên bố không tham gia tổ chức này nữa.
Về bài của Dương Danh Huy. Có lẽ ông cũng mang lối tư duy và hành động tương tự TS Vũ Quang Việt, năm ngoái từng gây xôn xao dư luận khi bất ngờ đưa ra những ý kiến trái chiều với nhiều người khác, cũng về Trường Sa-Hoàng Sa, mà bài viết dưới đây đề cập.
Hai vị ở ngoại quốc này có thể không nghĩ như bà con trong nước, những người phải sống trong hoàn cảnh quá ư khác thường và phải đối diện với cuộc tranh đấu cam go “thù trong, giặc ngoài, án lơ lửng trên đầu” cho chủ quyền quốc gia. Không có điều kiện phân tích dài, chỉ tạm ví những trí thức ở nước ngoài này muốn tranh đấu theo kiểu … Tây. Còn trong nước thì theo kiểu “du kích”. Không dễ đem cái văn minh, khoa học vào áp dụng cho thứ môi trường không giống ai ở xứ này được. Cái môi trường quái gở chưa từng có còn ở chỗ cuộc tranh đấu lại với đối thủ là “bạn vàng” (số 1? Ít ra là với tuyên bố của những người cầm quyền) của mình.  Có lẽ vì vậy, mà trong bài thứ hai, “Bãi Cỏ Rong … “, ông Đinh Kim Phúc đã nổi nóng, có lối viết không thích hợp với tranh luận học thuật, khi ông khó luận ra cái gì đây đằng sau những lập luận trái chiều của ông Huy, cũng như ông Việt.
Nói về “cái đằng sau” là không dễ. Năm ngoái, lời bình của BS về tuyên bố của TS Vũ Quang Việt cũng đã nhận được phản hồi của một vài trí thức Việt kiều. Họ cho rằng BS đã có những ám chỉ rất không có lợi cho TS VQV. Nhưng cho đến hôm nay, BS vẫn giữ nguyên quan điểm này. Đó là việc TS Vũ Quang Việt, với một vấn đề quá hệ trọng, trong môi trường quá phức tạp vậy, mà không trao đổi riêng với những người liên quan trong giới học thuật, lại đã vội trình bày rất sơ lược trên đài BBC (xem Hoi thao ve tranh chap Bien Dong), thì chí ít cũng là hành động khinh suất khó hiểu của một nhà nghiên cứu, nhà kinh tế rất am hiểu trong ngoài. Nay có hiện tượng Dương Danh Huy, tuy ít nghiêm trọng hơn, nhưng cũng là bài học cho những nhà nghiên cứu “nghiệp dư”.

MỘT ĐỀ XUẤT “LẠ”

Đinh Kim Phúc

Sáng nay, ngày 6/4/2010, VietnamNet cho đăng bài “Quần đảo Hoàng Sa: Chia sẻ chủ quyền Việt – Trung? của TS. Vũ Quang Việt nhưng sau đó không biết vì lý do gì bài đã bị rút xuống.
Quan điểm chính của bài báo là “Dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế, TS Vũ Quang Việt cho rằng, quần đảo Hoàng Sa nên được chia sẻ chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite) có đảo Phú Lâm sẽ do Trung Quốc giữ và cụm đảo Lưỡi Liềm(Crescent) có đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, cùng với vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh các cụm đảo”.
Như vậy là TS Vũ Quang Việt nói về khả năng chia đôi: An Vĩnh cho Trung Quốc, Trăng Khuyết cho Việt Nam sẽ phù hợp hơn dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế[?]
Chúng tôi xin trao đổi cùng TS Vũ Quang Việt một số ý sau đây:
1. Liệu có phải TS Vũ Quang Việt nhầm lẫn đôi chút về điều được gọi là bằng chứng lịch sử của Trung Quốc và tiêu chí để xem xét “bằng chứng lịch sử” của tác giả
1.1 Cả ngư dân Việt Nam và ngư dân Trung Quốc (ở đảo Hải Nam) đều qua lại Paracel cũng như nhiều đảo khác trong biển Đông để đánh cá. Nhưng việc hoạt động khai thác của cá nhân không được coi là hành động chiếm hữu nhà nước
1.2 Người dân Đàng Trong (Cochinchina) hàng  năm tổ chức ra các đảo ven bờ và quần đảo Paracels để khai thác tổ chim yến Salagang. Các tài liệu tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan trong thế kỷ 19 đều nói về việc khai thác tổ chim yến và bán cho Trung Quốc để chế biến thành món ăn bổ dưỡng cho giới quí tộc. Mặc dù các tài liệu ghi khoảng cách từ bờ đến đảo là rất khác nhau (20 dặm, 30 dặm, 40 dặm, 60-80 dặm) nhưng chắc chắn không phải là nhầm lẫn Paracel với đảo ven bờ nào vì có tài liệu đã ghi rõ các đảo ven bờ và quần đảo Paracels. Khoảng cách ngày càng tăng dần, có lẽ là do về sau có các chuyến khảo sát kỹ lưỡng xác định khoảng cách chính xác hơn. Nhưng việc ghi rõ khai thác tổ chim yến bán cho Trung Quốc khẳng định rằng Trung Quốc hoàn toàn không mang ý đồ chiếm hữu những đảo nầy. Thử hỏi nếu họ chiếm hữu thì tội gì phải mua tổ chim của An Nam, thay vì cử người ra nhặt hàng năm?
1.3 Nên nhớ rằng đảo Phú Lâm chính là “căn cứ” của đội Hoàng Sa khi xưa. Theo sử liệu,Vua Minh Mạng đã cho quân lính ra xây bia và trồng nhiều cây để thuyền bè đi lại dễ nhận biết mà không bị mắc cạn. Các mô tả trong sử sách Việt Nam về núi Phật Tự (tên cũ là Cồn Bạch Sa) với ngôi miếu Vạn Lý Ba Bình, và phía Bắc có Bàn Than Thạch giống y hệt đảo Phú Lâm (woody) và đảo Hòn Đá (Rocky) ngày nay.
Tóm lại nhiều chứng cứ chứng minh đảo Phú Lâm đã được khai thác, quản lý từ thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, và nếu đội Hoàng Sa có từ đảo Phú Lâm tỏa ra các đảo xung quanh trong nhóm An Vĩnh thì cũng không có gì khó hiểu. Không thể có chuyện triều Nguyễn bỏ sót nhóm An Vĩnh, mà hoàng để nhà Thanh đã làm chủ nó như lập luận của TS Vũ Quang Việt.
1.4 Các tài liệu Nhật cho thấy là Nhật đã đặt chân khai thác phân chim (một loại phân Lân) từ sớm. Các nhân chứng từng làm việc ở trạm khí tượng Hoàng Sa trên đảo Hoàng Sa (Pattle) cũng kể lại hay gặp người Nhật qua lại xin nước ngọt. Nhưng hoạt động của Trung Quốc chỉ có từ sau 1945 chứ không có một người nào trên đảo Phú Lâm từ trước đó nên không thể nói là Trung Quốc đã làm chủ đảo Phú Lâm và nhóm An Vĩnh một cách khiên cưỡng
2. Trước đây, một nhà nghiên cứu có tên tuổi cũng từng gợi ý là nếu ta đòi cả quần đảo thì rất khó, chỉ nên đòi Trăng Khuyết đã được chính quyền Sài Gòn giữ đến năm 1974, còn phần An Vĩnh “trả” cho Trung Quốc.
Xin thưa rằng, Trung Quốc đâu phải chỉ muốn vài đảo phân chim đó mà nó muốn cả biển Đông. Cái gì mà họ đã chiếm được thì nó coi là sở hữu vĩnh viễn chứ đâu có chịu tự nguyện trả như ai đó hi vọng? Nếu như lập trường chính thức của Việt Nam là như vậy thì đó là một bước lùi vô lý, và Trung Quốc sẽ làm cho phải lùi nốt để chịu mất luôn cả Trăng Khuyết và thực tế TQ đã sử dụng vũ lực  để chiêm đoạt vào 1974 như chúng ta hằng biết..
Theo Marwyn S. Samuels trong cuốn sách “Contest for South China Sea”, Phú Lâm (Woody Island), một phần của cụm đảo Amphitrite (An Vĩnh) và là hòn đảo lớn nhất tại Hoàng Sa, ít nhất đã được Trung Quốc khai thác từ năm 1911 và có thể từ trước đó. Điều này đã được chứng minh bởi đơn khởi kiện của một nhóm các thương nhân đối với tỉnh Quảng Đông về việc cấp phép khai thác phân chim/ khu dự trữ phốt pho năm 1921. Một ủy ban đã được thành lập năm 1928 và thậm chí họ còn cử người đến “Hoàng Sa” để điều tra, trong khi hoạt động khai thác đã được triển khai. Thế nhưng, việc khai thác chỉ hạn chế ở đảo Phú Lâm.
Có thể TS Vũ Quang Việt dựa vào tài liệu này để dẫn đến những nhận định trên chăng?
Các học giả ở nước ngoài góp tư liệu, phân tích về vấn đề chủ quyền biển đảo, thậm chí giới thiệu những quan điểm đa chiều để người trong nước tham khảo… là rất đáng trân trọng và cần được phổ biến rộng rãi. Nhưng như bài sáng nay của TS Vũ Quang Việt đã đi xa hơn thế, đưa ra những xác nhận xa lạ về việc tách ra 2 cụm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa với những cứ liệu mà TS Vũ Quang Việt cho là “phù hợp với bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế” để xác nhận chủ quyền của Trung Quốc và phần của Việt Nam như trong bài viết thì e rằng ông quá ư chủ quan và có thể dẫn đến những hệ lụy thiệt thòi về lâu dài cho Việt Nam.
Dù là cái gì đã lọt vào tay Trung Quốc thì họ càng củng cố và chẳng bao giờ tự nguyện trả lại, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta “đành” phải quanh co để xin lại một phần kiểu nầy.
Trước nguy cơ nầy, chúng ta còn loanh quanh thì cách đặt vấn đề của TS Vũ Quang Việt chẳng giúp được gì , tung hỏa mù gây thêm rối ren? Xét về lập luận và cứ liệu thì những gì TS Vũ Quang Việt nêu ra về vấn đề chủ quyển của Trung Quốc đối với Phú Lâm không đủ, nếu không muốn nói là cảm tính mà luật pháp quốc tế phải chăng là xét đoán mang tính chất nầy? Căn cứ vào sử liệu của ai, thời nào? TS Vũ Quang Việt quên rằng nhận thức về biển đảo của người Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam. Mãi đến năm 2009 mới đưa ra bản đồ hình chữ U (lưỡi bò) sau mấy mươi năm ”thập thò” bản đồ mại theo Trung Hoa Dân Quốc vẽ ra năm 1947 để tranh giành với Pháp sau hòa ước San Francisco?
Thông cảm với TS Vũ Quang Việt về việc nghiên cứu chủ quyền trên biển đông vốn đã là một vấn đề phức tạp, gây tranh cãi, vì vậy có sai sót là chuyện thường tình, nhưng việc đưa ra “sáng kiến” vô tình phụ họa với Trung Quốc một cách gián tiếp như bài viết nầy là điều cần xem xét và sẽ hoàn toàn bị phủ nhận khi nó đi ngược lại với sự hiểu biết và tâm nguyện của nhiều người. Một nguy hiểm là nếu theo dòng lập luận nầy thì nước Việt Nam chúng ta cũng phải chia thành nhiều phần lãnh thổ trong đó Trung Quốc sẽ  giữ một phần rất lớn theo phương pháp luận về chủ quyền kiểu nầy của TS Vũ Quang Việt sá gì mấy hòn đảo lon con trên biển Đông!
Không nói là khởi xướng cho việc Chiêm Thành, Phù Nam và Campuchia phải được khôi phục chủ quyền trên lãnh thổ thuộc chúng ta!

Chú thích: để rõ thêm về lập luận của TS Vũ Quang Việt và phản ứng chung, mời bấm xem các bài viết khác)

Giải mã việc Trung Quốc 'rải tiền' khắp thế giới

Giải mã việc Trung Quốc 'rải tiền' khắp thế giới
Cập nhật lúc :2:09 PM, 26/04/2011
Trung Quốc không ngừng tăng cường viện trợ nước ngoài trong những năm gần đây với toan tính nới rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Người Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi. Hay nói chính xác, tiền Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi, nhờ công lớn của ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Viện trợ nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh thể hiện rõ nét khắp hang cùng ngõ hẻm trong thế giới đang phát triển như đường bộ, đường sắt tại châu Phi, các nhà máy dệt tại Syria, nhà máy xi măng tại Peru hay cầu cống ở Bangladesh.
Tính đến cuối năm 2009, Trung Quốc cung cấp viện trợ cho 161 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế và khu vực với tổng số tiền 256,29 tỷ nhân dân tệ (39,2 tỷ USD) bao gồm 106,2 tỷ viện trợ không hoàn lại, 76,54 tỷ vay không lấy lãi và 73,55 tỷ cho vay lãi suất ưu đãi. Các nước nhận viện trợ chủ yếu là quốc gia thu nhập thấp trên khắp thế giới, trong đó châu Á và châu Phi chiếm khoảng 80%.
Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư, viện trợ nước ngoài.
Theo tờ Financial Times, mức độ cho vay của Trung Quốc trong giai đoạn 2008 - 2010 vượt quá con số trợ giúp của Ngân hàng thế giới tới xấp xỉ 10 tỷ USD. Tới cuối năm 2010, ngân hàng CDB vươn rộng tới hơn 90 quốc gia với tổng số công nợ đạt 141,3 tỷ USD.
Ràng buộc kinh tế
Giới chuyên gia cho rằng, không phải vô cớ Trung Quốc lại trở thành “người bảo trợ chính về kinh tế” cho nhiều quốc gia. Thông qua các chương trình viện trợ và đầu tư, Bắc Kinh có thể gia tăng sự lệ thuộc của thế giới đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Sự bành trướng của các công ty Trung Quốc với những hạng mục đầu tư có tầm cỡ toàn cầu đang thôi thúc Bắc kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên chính sách kinh tế của các quốc gia sở tại nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc cũng như để đảm bảo rằng, những khoản tín dụng được gia hạn của các ngân hàng Trung Quốc sẽ được hoàn trả.
Tín dụng của ngân hàng Phát triển Trung Quốc dành cho Venezuela là một ví dụ điển hình. Năm 2010 ngân hàng này thỏa thuận cho Chính phủ Venezuela vay hai khoản tổng cộng là 20,6 tỷ USD. Với mục đích đảm bảo sự hoàn trả của các khoản vay, ngân hàng CDB tác động tới việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của Venezuela.
Cụ thể, vào tháng 5/2010 một phái đoàn Trung Quốc gồm hơn 30 thành viên các cơ quan khác nhau của Chính phủ, các xí nghiệp nhà nước lưu lại Venezuela 18 ngày nhằm mục đích soạn thảo kế hoạch hỗ trợ Caracas cải thiện nền kinh tế của mình. Kế hoạch này bao gồm các lĩnh vực như ổn định giá cả, hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách tỷ giá hối đoái và phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lựa.
Bên cạnh đó, đằng sau việc cấp nguồn tín dụng rẻ và các khoản cho vay nhân nhượng là thực tế rằng Trung Quốc đang phổ biến lối kinh doanh của mình trên toàn cầu.
Hàng hóa Trung Quốc cũng theo các khoản viện trợ len lỏi tới khắp nơi trên thế giới.
Qua quan hệ đầu tư kinh tế, dựa vào thế mạnh về vốn, Bắc Kinh bành trướng các công ty cũng như hàng hóa của mình ra nước ngoài một cách dễ dàng và đại thành công. Điển hình là khi kinh tế Trung Quốc tràn vào Campuchia thì giao dịch thương mại song phương đạt mức 2 tỷ USD nhưng hàng hoá của Campuchia vào Trung Quốc chỉ đạt 200 triệu USD mỗi năm. 
Ngoài ra, thâu tóm các doanh nghiệp lớn của các nước sở tại cũng là động lực thôi thúc Bắc Kinh “rải” tiền khắp nơi. Điều này có thể thấy rõ trong kế hoạch tung tiền cứu liên minh châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ công.
Hiện có vô số bằng chứng cho thấy mưu tính thâu tóm này, như vụ Trung Quốc muốn biến cảng lớn nhất Hy Lạp là Piraeus thành cửa ngõ để họ trung chuyển hàng hóa giá rẻ vào châu Âu; hay như gần đây công ty Xinmao mon men thôn tính công ty dây cáp viễn thông Hà Lan Draka, Geely nhắm Volvo Thụy Điển…
Chưa hết, việc đẩy mạnh “vung tiền” cũng nhằm thúc đẩy mục tiêu cốt lõi của kinh tế Trung Quốc là đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc nhiều năm qua phải cho Mỹ “vay” hàng trăm tỷ USD để Washington tiếp tục mua hàng từ Bắc Kinh, qua đó nuôi sống hàng loạt nhà máy ở Quảng Đông, Thượng Hải... Tương tự, động cơ chính cho sự gia tăng viện trợ cho châu Âu cũng chính là bởi EU là điểm đến hấp dẫn nhất của hàng hóa Trung Quốc.
“Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều hơn khối tiền khổng lổ mà họ đang có trong tay để phục vụ cho các quyền lợi của mình, đặc biệt là gia tăng xuất khẩu”, ông Huang, chuyên gia tại Quỹ Hỗ trợ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington nhận định.
Phụ thuộc chính trị
Khi các mối quan hệ kinh tế đi sâu hơn thì các mối bang giao văn hóa và chính trị cũng theo đó mà phát triển. Vì vậy, dưới “vỏ bọc” là “cứu giúp thiên hạ”, Trung Quốc còn thu lợi về mặt chính trị và ngoại giao.
Trung Quốc có khả năng tác động ngày càng lớn đối với các quốc gia khác xuất phát từ vai trò là nguồn hỗ trợ chính cho viện trợ, thương mại và đầu tư quốc tế. Đơn cử như với việc biến EU thành “con nợ”, chắc chắn là Brussels sẽ không thể tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ như trước, hoặc chí ít là bớt cao giọng với Bắc Kinh trong việc gây sức ép nhằm tăng giá đồng nhân dân tệ.
Các khoản viện trợ của Trung Quốc vào Venezuela và Turkmenistan cũng ẩn chứa những toan tính chính trị tương tự. Theo đó, ngân hàng CDB  dùng công cụ đòn bẩy tài chính để đạt các mục tiêu của chính sách đối ngoại, bao gồm việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế và cải thiện an ninh nguồn cung ứng năng lượng.
Viện trợ kinh tế ràng buộc chính trị giữa Trung Quốc và Venezuela.
Trong khi đó, một kinh tế gia trưởng của công ty đầu tư chứng khoán Mizuho nhấn mạnh rằng, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng và nước này đang tiến tới “một giai đoạn mới” trong đó Bắc Kinh có thể bành trướng sự hiện diện của mình ở nước ngoài một cách tự nhiên.
“Kế hoạch mà Trung Quốc nhắm đến chính là tung các khoản đầu tư kinh tế mạnh hay viện trợ để vừa chiếm thị trường các nước lân bang vừa tước đi ảnh hưởng của Mỹ hay các quốc gia khác đối với nước nào mà họ nhắm đến”, chuyên gia này khẳng định.
Ông nói thêm, con đường tàu hoả và xa lộ từ Thượng Hải, Thẩm Quyến xuyên qua Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore chứng minh hùng hồn cho khát vọng “chặt bớt tay chân” của Mỹ, quốc gia vốn có ảnh hưởng với những nước trên.
Chưa hết, Bắc Kinh một mực bác bỏ khả năng nước này muốn “xuất khẩu” mô hình của mình như Liên Xô ngày trước để tạo ra đối cực với mô hình Mỹ và thanh minh rằng nước này không có ý đồ ảnh hưởng địa chính trị tới các quốc gia đang phát triển khác bằng mô hình của mình.
Tuy nhiên, nhìn những bước chân rầm rập của người Trung Quốc ra khắp thế giới trong khoảng thời gian gần đây, người ta thấy điều ngược lại. Trung Quốc đã và đang phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ của mình bằng nhiều phương cách từ viện trợ tới đầu tư.
Chuyên gia của Mizuho quả quyết, báo chí phương Tây thậm chí đang mường tượng đến một thời điểm mà thế giới sẽ đi theo “đồng thuận Bắc Kinh” thay vì “đồng thuận Washington” như trước nay. Tinh thần đồng thuận ấy chắc sẽ là tăng tập quyền và điều tiết mạnh hơn, ngược với đồng thuận cũ
“Đồng thuận Bắc Kinh có thể là chuyện đùa phi hiện thực nhưng những động thái viện trợ, cho vay, tài trợ như kể trên của Trung Quốc với các nước nghèo hơn lại hiện hữu. Mà đâu chỉ nước nghèo, đừng quên Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Gia tăng tiềm lực quân sự
Không đơn thuần chỉ là lợi ích chính trị và kinh tế, thông qua các khoản cho vay viện trợ, Bắc Kinh còn tranh thủ tìm kiếm ở các nước một thứ hàng hóa giá trị hơn kinh tế đơn thuần rất nhiều, đó là vũ khí, một nhân tố quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Mưu cầu này của Trung Quốc có thể thấy rõ trong hoạt động “phát chẩn” cho châu Âu. Trung Quốc muốn biến tiền thành áp lực, buộc EU bãi bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí vốn bị cấm xuất sang Trung Quốc từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989 để đi tắt đón đầu, tiếp nhận công nghệ cao, giảm thời gian nghiên cứu hàng chục năm.
Mục tiêu này bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh cho quân đội để họ đủ sức bảo vệ an ninh quốc gia cũng như đạt nhiều mục tiêu khác. Hiện tiền với Bắc Kinh không phải vấn đề lớn, thậm chí là họ có nhiều; nhưng tiền không phải lúc nào cũng đi đôi với nhân lực, khoa học kỹ thuật cao.

Trung Quốc muốn đẩy mạnh tiến trình mua, trao đổi, tiếp nhận công nghệ cao ngoài lĩnh vực quốc phòng từ châu Âu. Đây hiện là chủ trương lớn của Trung Quốc bởi dù là nước giàu thứ 2 thế giới nhưng trình độ khoa học, công nghệ của Bắc Kinh còn nhiều hạn chế, trong khi "kho tri thức" Mỹ từ lâu gần như ngừng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vì lo sợ Bắc Kinh làm nhái, học tập rồi vượt mình và đồng minh.
Viện trợ kinh tế sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận được nguồn vũ khí của châu Âu?
Thêm vào đó, cũng vì mục đích gia tăng tiềm lực quân sự, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ cung ứng quân sự mang tính chiến lược với Pakistan, Sri Lanka, Burma và cũng bắt đầu mối quan hệ đó với cả Bangladesh. Nhiều nguồn tin cho rằng, những mối quan hệ này nằm trong một chiến lược được chuẩn bị kỹ càng nhằm tìm kiếm một căn cứ quân sự lâu dài ở Ấn Độ Dương.
Tóm lại, tăng cường đầu tư, viện trợ nước ngoài hiện là bước đi chiến lược để Trung Quốc tự tăng cường sức mạnh trong nước, mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra toàn thế giới, mà mục tiêu cuối cùng là tạo nền móng cho vị thế của một siêu cường đang trỗi dậy.

>>  Trung Quốc, Nga âm thầm vũ trang cho Gaddafi?

Trung Quốc chưa đủ sức 'uy hiếp' Mỹ?

Trung Quốc chưa đủ sức 'uy hiếp' Mỹ?
Cập nhật lúc :6:29 AM, 26/04/2011
Với 91,5 tỷ USD ngân sách quốc phòng, Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa trực tiếp và kẻ thù hàng đầu của Mỹ.
Theo tờ Huffington Post, ngân sách quốc phòng Trung Quốc nâng lên mức 91,5 tỷ USD làm dấy lên những cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh vấn đề: sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc sẽ đe dọa trực tiếp lợi ích chiến lược của Mỹ. Do đó, việc “cân đo” ngân sách quốc phòng giữa quân đội hai nước sẽ góp phần làm rõ khả năng đe dọa của Trung Quốc với Mỹ.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc “chạy dài” mới theo kịp Mỹ
Theo Sách trắng năm 2011, dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện là 91,5 tỷ USD, chiếm 1,4% GDP, trong khi đó của Mỹ là 663,8 tỷ USD, chiếm tới 4,8% GDP. So sánh tương quan, có thể thấy, dự toán ngân sách quốc phòng Mỹ gấp hơn 7 lần so với Trung Quốc. T

rên thực tế, không chỉ riêng gì Trung Quốc, những cường quốc khác như: Anh, Đức, Pháp, Nhật, Nga, Ấn Độ, Brazil cũng còn “chạy dài” mới đuổi kịp Mỹ.


Sức mạnh của quân đội Trung Quốc có khiến Mỹ "run sợ"?
Với diện tích 9.596.960 km2, Trung Quốc có tới 14 quốc gia láng giềng chung đường biên giới, trong đó có bốn nước có vũ khí hạt nhân và một số quốc gia trước đây xảy ra giao tranh với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ sở hữu diện tích 9.629.091 km2, với hai quốc gia chung biên giới là Canada và Mexico – hai nước không sở hữu vũ khí hạt nhân. Do đó, quân đội Trung Quốc chỉ chi 9.534 USD để bảo vệ một km2, trong khi Mỹ lại mạnh tay chi tới 68.936 USD cho mỗi km2 lãnh thổ.
Ngoài nguồn ngân sách dành bảo vệ an ninh lãnh thổ, nhiệm vụ bảo vệ nhân dân cũng luôn được Bộ Quốc phòng hai nước đặt lên hàng đầu. Với dân số hơn 1,3 tỷ người, trung bình mỗi người dân Trung Quốc được đầu tư 70 USD. Trong khi đó, Mỹ chi tới 2.119 USD (gấp 30 lần so với Trung Quốc) cho việc bảo vệ dân thường.
Hiện, số lượng quân nhân Trung Quốc là 2,3 triệu người, vượt xa so với 1,58 triệu binh sỹ Mỹ. Nhiều chuyên gia phân tích đánh giá, quân đội Trung Quốc đang sở hữu lực lượng hùng hậu nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu làm phép chia đơn giản sẽ dễ dàng nhận thấy, trung bình mỗi quân nhân Trung Quốc phải bảo vệ cho 585 dân thường, trong khi một binh lính Mỹ chỉ phải đảm bảo an toàn cho 198 người.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, muốn xây dựng lực lượng quân sự “mạnh về lượng, tinh về chất”, Trung Quốc cần mạnh dạn áp dụng chế độ: 5 USD/một ngày/một binh sĩ. Như vậy, ngân sách chi trả lương và các khoản phụ cấp cho 2,3 triệu binh sỹ vượt mức 4 tỷ USD/năm.
Những con số so sánh trên đây cho thấy, với tiềm lực và sức mạnh hiện thời, Trung Quốc chưa thể trở thành mối đe dọa trực tiếp và hàng đầu của Mỹ trong tương lai gần.
Đài Loan có thể trở thành nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến Mỹ - Trung?
Nếu Trung, Mỹ xảy ra “đại chiến”, phần lớn nguyên nhân sẽ là do Mỹ can thiệp vào động thái đòi độc lập của Đài Loan. Mỗi cuộc buôn bán vũ khí giữa Mỹ cho Đài Loan đều khiến Trung Quốc "nổi điên" và đưa ra những chỉ trích nặng nề.
Với số lượng binh sĩ là 290.000 người, Đài Loan hiện có nguồn ngân sách quốc phòng đạt 10,5 tỷ USD. Nếu làm phép so sánh đơn giản, có thể thấy, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đại lục gấp 9 lần Đài Loan, số lượng binh sĩ đại lục gấp 10 lần Đài Loan tuy chỉ cách nhau vẻn vẹn 130 km. 

Chính quyền Obama năm ngoái thực hiện "phi vụ" bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan, thôi thúc Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình thu hồi Đài Loan; bất chấp quan hệ hai bờ trong thời gian gần đây phát triển theo hướng hòa bình, đối thoại.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger chỉ rõ: “Ngoại giao là một nghệ thuật để hạn chế sức mạnh quân sự”. Do đó, Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan nên cân nhắc tới việc vận dụng sức mạnh ngoại giao, nhằm hạn chế tối đa các hành động quân sự. Ngoại trưởng đương nhiệm Hillary Clinton tuyên bố, lợi ích của Mỹ tập trung phần lớn ở vùng biển phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, hòa bình và phát triển phồn thịnh mới là lợi ích thực sự của tất cả những quốc gia muốn vươn tới tầm siêu cường trong thế giới đa cực hiện nay.

>> Mỹ ‘lép vế’ trước Trung Quốc?
Mai Anh (theo Huanqiu)
Các tin mới

Trung Quốc : Cuộc tiến công của thành phần "tân Maoít"

Trung Quốc : Cuộc tiến công của thành phần "tân Maoít"
Ông Bạc Hy Lai chủ trương trở lại thời Mao Trạch Đông (DR)
Ông Bạc Hy Lai chủ trương trở lại thời Mao Trạch Đông (DR)
Mai Vân
Đề tài nổi bật trong các hàng tựa lớn trang nhất báo chí Pháp hôm nay rất đa dạng : Tình hình Syria đang gây bất ổn cho vùng Cận Đông, Pháp đang trong xu hướng "co cụm" trước hệ quả toàn cầu hoá, vấn đề nhập cư, và lễ Phục Sinh. Bên cạnh đó Châu Á khá được quan tâm, từ Trung Quốc đến Lào, Ấn Độ... Đặc biệt là Trung Quốc, nơi mà theo báo Le Monde, đang diễn ra một "cuộc tiến công của giới Tân Maoít cho một chế độ cứng rắn hơn".
Le Monde nêu bật xu hướng đang muốn trở lại chế độ thời Mao, mà theo tờ báo ông Bạc Hy Lai, bí thư Đảng ủy Trùng Khánh đang là đầu đàn. Ông đang tiến hành một cuộc ‘‘vận động đỏ ’’ trước Đại Hội Đảng lần thứ 18 vào năm 2012.
Theo Le Monde, cuộc đấu tranh nội bộ trước Đại Hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào năm 2012, đang chuyển hướng một cách lạ lùng. Tờ báo nhìn thấy là vào năm tới đây, êkíp Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo sẽ chuyển quyền cho thế hệ mới. Ban Thường vụ Bộ chính trị cũng sẽ chuyển tay.
Trong 9 ghế mà hai được dành cho tân Chủ tịch và Thủ tướng thì số 7 chỗ còn lại đang được tranh chấp một cách gay gắt : những ủy viên ra đi làm mọi cách để đề bạt người của mình. Một số người ngắm nghía chiếc ghế ủy viên thường trực như ông Bạc Hy Lai, theo le Monde, đang làm mọi điều để thu hút sự chú ý.
Theo bài báo, từ năm 2008, ông Bạc Hy Lai đã tiến hành cuộc ‘vân động đỏ’ ở Trùng Khánh, nào là cuộc thi ‘nhạc đỏ’ tại công viên, nào là buộc sinh viên dành 4 tháng trong chương trình học tập đến ở với công nhân và nông dân. Ngoài ra tư tưởng của Mao cũng được mạng xã hội Twitter của thành phố phổ biến. Trong tháng 3 vừa qua một trong những đài truyền hình của thành phố đã đổi sang thành đài truyền hình đỏ với những chương trình ‘văn hoá cộng sản’ vào giờ cao điểm.
Le Monde nêu câu hỏi là những người hoài niệm thời Mao, trong một thời gian dài từng bị xem là thiểu số lập dị, phải chăng đang trở lại mạnh mẽ trong tầng lớp cầm quyền ? Hiện tượng truy bức, bắt giam người viết blog, luật sư , nghệ sĩ như ông Ngải Vị Vị ... đang gây xôn xao dư luận.
Theo Le Monde, có nhà quan sát đánh giá là hiện tượng cứng rắn trở lại trong giai cấp cầm quyền trước hết là một chiến lược chính trị cổ điển, nhưng cũng có nhà phân tích cho rằng điều đó thể hiện sự lo ngại của giới bảo thủ, đang cảm thấy bị đe doạ trước những nguyện vọng dân chủ.
Le Monde trích dẫn giáo sư Trương Minh, thuộc Đại học Bắc Kinh, giải thích là phe bảo thủ có cảm giác là vẫn có một tầng lớp ở cơ sở khâm phục những tư tưỏng như thế. Dĩ nhiên có những người cảm thấy họ bị mất tất cả với những thay đổi kinh tế, họ có ảo tưởng là hồi thời Mao, công nhân, nông dân sung sướng hơn.
Ngoài ra thì có những cán bộ bị mất ảnh hưởng trong các cuộc đấu đá nội bộ, đang tìm cách chiếm lại ưu thế. Theo ông Trương Minh, chính do vấn đề cải tồ chính trị bị khoá chặt mà những người như ông Bạc Hy Lai mới có thể chiếm lĩnh sân khấu bằng cách sử dụng chủ nghiã Mao.
Còn trả lời Le Monde, giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu tại Bắc Kinh, cũng giải thích là vì nhiều vấn đề kinh tế xã hội cho nên ngày càng nhiều người chống đối cải tổ. Nhưng theo ông, thời Mao các vấn đề xã hội, lạm quyền, tội ác còn nhiều hơn ngày nay nhưng thời ấy, vì thông tin bị kiểm soát rất chặt chẽ nên không ai hay biết gì cả.
Đối với vị giáo sư kinh tế này, Mao là một cơn ác mộng vô hạn mà người Trung Quốc đã trải qua, và nếu không công khai chỉ trích Mao hay không thoát ra khỏi di sản mà nhà lãnh đạo này để lại, thì không bao giờ Trung Quốc bước vào sự hiện đại.
Khổng Tử chỉ lai vãng được ít lâu tại Thiên An Môn
Le Figaro cũng chú ý đến Trung Quốc nhưng trên một sự kiện lý thú mà tờ báo nêu trên trang nhất với hàng tựa : Khổng Tử khứ - hồi Thiên An Môn.
Tờ báo ghi nhận hóm hỉnh là như thế, Khổng Tử chỉ có ở một thời gian ngắn ở Thiên An Môn : tháng giêng vừa qua, tượng của nhà hiền triết đã được khai trương rầm rộ ở quảng trường nổi tiếng. Tượng cao 9 mét, nặng 17 tấn, được đặt trước Viện Bảo tàng Quốc gia, cho thấy là ngài đã được ưu ái trở lại.
Thế nhưng mới đây thì bức tượng đã đươc kín đáo chuyển đi. Và như thế là những lời chỉ trích đã vang lên : có người cho là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị xấu hổ khi ca ngợi nhà hiền triết mà thời Mao bị cấm đoán, lên án. Một số khác thì cho là đảng Cộng sản không có quyền chiếm đoạt di sản của ngài.
Theo Le Figaro vì không có lời giải thích nào được ra, cho nên một số người đầu ốc tiếu lâm đã sẳn sàng giải thích trên mạng : có người tự hỏi phải chăng Không Tử đã bị đưa đi vì không chịu gia nhập đảng ? Một người khác cho là phải chăng Khổng Tử đã bị công an câu lưu vì ‘tội ác kinh tế’, ám chỉ việc ông Ngải Vị Vị bị bắt giam.
Lào cũng đang bị lây tính hiện đại
Nhưng quốc gia được Le Figaro đặc biệt chú ý hôm nay là Lào. Tờ báo dành nguyên một trang để nói về sự kiện nước này cũng đang ‘’lây tính hiện đại’’, hàng tít lớn ở mục quốc tế.
Theo Le Figaro, với một tầng lớp trung lưu đang trổi dậy, thì xã hội Lào hiện đang kinh qua một cuộc cách mạng về lối sống và cách xử sự. Đặc biệt đâp mắt là cảnh giàu sang mới. Một tầng lớp trung lưu tại Lào, trẻ tuổi, đang thẳng tay tiêu xài.
Điện thoại di động thay đổi theo ‘mốt’, ngày cuối tuần là những dòng xe Mercedes mới toanh nối đuôi nhau ở cầu Hữu Nghị để sang Thái Lan. Ở khu vực giàu sang phiá Đông Bắc thủ đô, nhà cửa theo đủ loại kiến trúc loè loẹt, nơi thì có tường ngoài theo kiểu Vạn lý Trường thành, nơi thì nhà không khác gì trong truyện Một ngàn lẻ một đêm, có nhà có cả bể cá mập.
Trước xã hội đang chuyển mình đó, Le Figaro nhận thấy phiá chính quyền e ngại không kiểm soát được nguyện vọng của người dân, cho nên họ đi theo con đường kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam với một nhịp độ thận trọng và chậm hơn, và nhất là, tiếp tục bám chặt vào những di tích và lập luận ‘xã hội chủ nghĩa’. Tầng lớp ‘quý tộc cách mạng’, tên gọi 11 nhân vật Bộ Chính trị, nhất quyết không nới rộng gọng kềm kiểm soát.
Nhưng người Lào, theo tờ báo, có vẻ chấp nhận tình trạng này. Họ mua xe, xem truyền hình Thái Lan, không phải thi hành nghiã vụ quân sự… nhưng ngược lại thì không màng đến những vấn đề khác. Như một nghệ sĩ trẻ giải thích : họ thích để tình hình tự nó từ từ chuyển biến. Mọi người ở Lào đều thấm nhuần tục ngữ ‘hái hoa sen nhưng không khuấy bùn’.
Ấn Độ : Vi tín dụng lại có hậu quả thảm khốc
Tờ Libération hôm nay trên bình diện kinh tế, chú ý đến các khoản vi tín dụng nhưng chú ý đến hậu quả chết người của nó ở Ấn Độ, qua bài phóng sự tựa đề ‘Vi tín dụng ở Ấn Độ : vòng xoáy của tử thần’.
Gọi là vòng xoáy của tử thần là vì theo Libération đã có nhiều người tự tử ở bang Andrah. Người được hưởng tín dụng đã không có tiền trả nợ cho nên đã đi đến hành động tuyệt vọng này.
Libération kể lại câu chuyện thương tâm của gia đình một người thợ quét vôi tên Khaja. Mẹ của anh đã tự vẫn, ngôi nhà bị thế chấp, nợ nần chồng chất. Bà mẹ, bà Jahirabee đã tự vẫn ngay trước ngày phải trả nợ. Khaja hiện không biết làm thế nào để giải quyết các khoản tiền vay đến hạn. Anh và cha anh mỗi tháng kiếm được cao nhất là 7000 rupi (109 euro), trong khi nợ đáo hạn mỗi tháng là 3000 rupi.
Libération nhận định gay gắt là sở dĩ những khoản vi tín dụng từng được ca ngợi là cứu cánh đối với người nghèo, giúp họ dần dần gầy dựng nên một sự nghiệp, thoát khỏi cảnh túng thiếu, đang trở thành một mối hoạ, đó là do hệ thống này đã bị các công ty tư nhân thao túng.
Họ chỉ thấy lợi nhuận, đưa ra những khoản chiêu dụ dễ dãi và hấp dẫn, khiến cho những người túng tiền khó cưõng lại được. Như bà Jahirabee, đã vay mượn ở 8 nơi khác nhau một số tiền quá to lớn đối với bà : 7000 euro, trong lúc thu nhập gia đình chỉ khoảng 150 euro một tháng.
Bà Jahirabee bị rơi vào cạm bẫy và đã phải nhờ đến những người cho vay ăn lời cao để bù trả các khoản vi tín dụng mà những định chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và một số tập đoàn tư nhân quản lý. Và kết cục là bà đã tự kết liễu cuộc đời.
tags: Châu Á - Trung Quốc - Điểm báo

Người Australia lo ngại mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc

Người Australia lo ngại mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc
Gần một nửa người Australia được hỏi tin Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa quân sự trong 20 năm tới. Đa số nghĩ Canberra đang cho phép quá nhiều đầu tư Trung Quốc.

Đây là kết quả cuộc thăm dò đưa ra hôm qua (25/4). Điều tra dư luận do Viện Lowy thực hiện với sự tham gia của 1.002 người Australia, 44% người được hỏi coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự hiển hiện.
Ảnh: thenational

Trong số này, 87% nói rằng tình hình sẽ như vậy vì Australia có thể bị cuốn vào bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc như một đồng minh của Mỹ.
Đưa ra vào thời điểm Thủ tướng Julia Gillard bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc ở cương vị lãnh đạo, cuộc thăm dò cho thấy, 75% người được hỏi coi tăng trưởng của Trung Quốc là tốt cho Australia, nhưng 57% người cho rằng, có quá nhiều đầu tư của nước này vào xứ chuột túi.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu của Viện Lowy, Fergus Hanson, số người nghĩ rằng Australia nên tham gia cùng với các quốc gia khác để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đã giảm so với một năm trước đó, từ 55% xuống 50%.
52% ủng hộ Australia tham gia một liên minh để bảo vệ Hàn Quốc nếu nước này bị tấn công từ phía Triều Tiên. "Và nếu Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia can thiệp để ủng hộ Triều Tiên chống lại Hàn Quốc, thì có 56% người ủng hộ việc điều động lực lượng Australia để giúp Hàn Quốc”, Hanson nhấn mạnh.
Bà Gillard đã cam kết sẽ thúc giục Trung Quốc góp phần kiềm chế Triều Tiên và làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong chuyến công du.
Michael Wesley, giám đốc Viện Lowy nói rằng, cuộc thăm dò phản ánh tính chất phức tạp trong quan hệ của Australia với Trung Quốc - mối quan hệ đạt giá trị thương mại hàng năm vào khoảng 50,6 tỉ USD.
"Kết quả cho thấy sự khó khăn thực sự với bà Gillard trong việc cân bằng giữa các nhu cầu kinh tế với các mối quan tâm chung của người Australia về nhân quyền, sự mở rộng quân sự, và nhận thức tiêu cực về đầu tư của Trung Quốc tại Australia”, Wesley đánh giá.
  • Thái An (Theo channelnewsasia)

Vườn quốc gia Yok Đôn đang chết - Bài 2: Trắng đêm trên con đường gỗ lậu

Vườn quốc gia Yok Đôn đang chết - Bài 2: Trắng đêm trên con đường gỗ lậu
Thứ ba, 26/04/2011, 00:45 (GMT+7)
Tỉnh lộ 1 nối huyện biên giới Ea Soup với TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) dài hơn 70km - đoạn từ Khu du lịch Buôn Đôn qua khỏi phố huyện Buôn Đôn, từ lâu được ví là con đường… gỗ lậu. Cứ vào chập tối, khắp các đường ngang ngõ tắt dẫn ra tỉnh lộ 1 tấp nập các loại phương tiện “cõng” trên mình những khúc gỗ quý bị chặt hạ tại các cánh rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn. Chúng tôi đã có một đêm “trắng” trên con đường gỗ lậu này để đi tìm câu trả lời “Vì sao Vườn quốc gia Yok Đôn đang… chết?”.
  • Gỗ lậu vô tư vượt trạm
19 giờ, chúng tôi xuất phát tại bến M’Tú trên sông Sêrê Pốk đi ra hướng tỉnh lộ 1. Người thanh niên chạy xe ôm kiêm dẫn đường tên Y Nhơn (ngụ xã Krông Ana) do một người quen trên phố huyện Buôn Đôn giới thiệu với chúng tôi cứ một mực ra điều kiện: “Mình chỉ đi đến 10 giờ thôi đấy”.
Đêm tối trên tỉnh lộ 1 nhiều đoạn không một bóng người, chỉ nghe tiếng máy cày vọng lên từ các bến sông. “Sắp có gỗ đi rồi đấy” – Y Nhơn nói và không đợi tôi ra “hiệu lệnh”, đã quay xe chạy ngược về hướng buôn Trí A. Từ xa ánh đèn pha của 3 xe máy cày dưới bến chiếu thẳng vào chúng tôi. Y Nhơn cho xe dừng lại, tấp vào một lùm cây ven đường để quan sát. Đợi cho 3 chiếc lên hẳn đường chạy về hướng phố huyện Buôn Đôn một đoạn, Y Nhơn mới cho xe bám theo.
Gần tới km 26 - nơi có Trạm kiểm soát liên ngành 12-08, xe chúng tôi vọt lên. Thật bất ngờ, chỉ còn 1 xe chở 3 khúc gỗ hương đang tiến về phía trạm. Tôi đưa máy ảnh lên chụp 3 kiểu. Phát hiện ánh đèn máy ảnh phát ra, một thanh niên ngồi trên thùng xe thúc người lái tăng tốc. Chiếc máy cày cứ thế phành phạch vượt qua trạm kiểm soát trước mặt một cán bộ kiểm lâm như không có gì xảy ra.

Trạm kiểm soát liên ngành 12-08 do UBND huyện Buôn Đôn lập ra tháng 12-2008 để kiểm soát việc vận chuyển lâm sản quý. Trạm được đặt tại km 26 tỉnh lộ 1 với đủ thành phần gồm: kiểm lâm, công an, quân đội, thuế… Theo quan sát của chúng tôi, trong trạm lúc nào cũng chỉ có 1 cán bộ kiểm lâm ngồi phía trước, thỉnh thoảng đưa tay đáp lại ám hiệu đèn pha của các xe tải, xe máy cày đi qua. Y Nhơn nói: “Xe gỗ qua đấy”. Chỉ trong khoảng 15 phút, chúng tôi đếm được có 5 xe tải nhỏ bịt kín được cán bộ kiểm lâm giơ tay làm ám hiệu cho qua, không một phương tiện nào được cán bộ kiểm lâm này yêu cầu dừng lại để kiểm tra.

22 giờ, trên các nẻo đường của tỉnh lộ 1 không một bóng xe qua lại. Thỉnh thoảng nghe tiếng phành phạch của xe máy cày dưới các bến sông vọng lên. Đảo một vòng từ cổng chính Vườn quốc gia Yok Đôn hướng về phố huyện Buôn Đôn hơn 3km, chúng tôi phát hiện phía trước có một xe máy cày chở đầy gỗ đã được xẻ thành từng tấm. Chạy sau chiếc máy cày này là một ô tô gắn biển số xanh.
Y Nhơn nói: “Xe của kiểm lâm huyện đi bắt gỗ lậu”. Gần tới trạm kiểm soát mà chiếc xe máy cày chở đầy gỗ vẫn phăm phăm lao về phía trước, trong khi chiếc xe biển số xanh quay ngược về buôn Trí A. Thấy vậy, Y Nhơn nói: “Xe dẫn đường qua trạm đấy”. Quay đầu đuổi theo chiếc xe biển số xanh một đoạn khá xa, chúng tôi bị “cắt đuôi”, đành đứng nhìn những chiếc xe tải bịt bạt kín mít “vô tư” vượt trạm.
  • Những bến gỗ bên dòng Sêrê Pốk
2 giờ 15, sau hơn 2 giờ ngả lưng dưới mái hiên một quán nước ven đường, tôi quyết định một mình thâm nhập các bến gỗ bên dòng Sêrê Pốk từ cổng chính Vườn quốc gia Yok Đôn xuôi về buôn Trí A, buôn Trí B (xã Krông Ana), vì đi bất kỳ phương tiện nào và từ 2 người trở lên sẽ dễ dàng bị phát hiện. Đêm rừng Buôn Đôn tĩnh lặng đến rợn người, chỉ có tỉnh lộ 1 là vẫn “thức” với tiếng động cơ của các phương tiện lao nhanh về phố huyện Buôn Đôn.

Đồng hồ trên tay tôi chỉ 3 giờ 30, rồi 4 giờ vẫn không thấy động tĩnh gì, mặc dù tôi đã vượt qua một đoạn đường dọc sông khá xa. Tới đầu buôn Trí A, nghe có tiếng người, tiếng thuyền máy dưới sông vọng lên. “Bến gỗ đây rồi” – tôi tự nhủ phải hết sức thận trọng khi tiếp cận, vì nếu để lâm tặc phát hiện ra là tôi không biết kêu cứu ai giữa đêm khuya này.
Ngược đến bến M’ Tú, cảnh tượng trên bến dưới thuyền thật sôi động. Tiếng gọi thuyền cập bến, tiếng thúc giục chuyển gỗ lên bến, hòa với tiếng động cơ máy cày phành phạch ở trên bờ làm huyên náo cả một khúc sông giữa đêm rừng thanh vắng. Đi ngược thêm một đoạn sông đã thấy trời nhờ nhờ sáng. Lúc này, tôi mới thấy hết lo và rảo bước nhanh qua đoạn đường chạy dọc Khu du lịch Buôn Đôn tiến về bến M’ Thông.
Khung cảnh tại đây nhộn nhịp hơn các bến gỗ ở buôn Trí A. Tôi quyết định lại gần để chụp cảnh lâm tặc đang bốc gỗ lên các xe tải và xe máy cày. Cây, cỏ dày che khuất không thể chụp ảnh được. Thấy cửa nhà rông buôn để ngỏ, tôi bước vào tiến lại phía sau đưa máy ảnh lên chụp thì bị một phụ nữ từ trong nhà M’ Thông đi ra phát hiện. Ngay lập tức, người phụ nữ này ra hiệu cho 2 “cảnh giới” chạy xuống bến báo động.
Trong lúc chạy về hướng cổng chính một đơn vị bộ đội biên phòng ngay phía trên bến gỗ, tôi đã kịp chụp được gần chục tấm ảnh 2 chiếc máy cày đang ì ạch chở những khúc gỗ to từ dưới bến lên đường cái. 2 lâm tặc, một đi xe máy, một chạy bộ cắt đám cỏ cây um tùm từ dưới bến gỗ lao lên. Vừa lúc đó, tôi đã kịp chạy lại chốt gác đơn vị biên phòng thoát thân. Tôi liền gọi điện thoại nhờ một cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn cho xe xuống giải vây.
Khi lực lượng kiểm lâm đến, bến M’ Thông vẫn nhộn nhịp như không có chuyện gì xảy ra. Xe chúng tôi chạy thẳng xuống bến, một cán bộ kiểm lâm nhảy xuống quát: “Làm gì ở đây”, hơn chục lâm tặc mặt đằng đằng mới dừng tay, chống nạnh thách thức. Thấy một chiếc thuyền máy chở 3 khúc gỗ to đang tấp vào, một lâm tặc lao đến ra hiệu: “Chạy luôn đi”.

Chúng tôi bất lực đứng nhìn chiếc thuyền máy chở những khúc gỗ quý từ trong rừng chạy ra. “Lên Trạm 6 xem sao” – một cán bộ vườn đề nghị. Xe chúng tôi chạy vòng qua Trạm Kiểm lâm số 6 – nơi chốt giữ cửa rừng dưới sông và tỉnh lộ 1. “Có thấy thuyền chở gỗ vừa qua không?” – chúng tôi hỏi. Người cán bộ kiểm lâm tên Sơn đáp lại: “Suốt đêm tới giờ không thấy chiếc thuyền nào qua”. Câu trả lời của người cán bộ kiểm lâm này cũng thay cho câu trả lời của chúng tôi: “Vì sao rừng Vườn quốc gia đang… chết”.
Bài 3: Ai chịu trách nhiệm?
HOÀI NAM
 
Ra quân tấn công tội phạm xâm hại Vườn quốc gia Yok Đôn
Ngày 25-4, tại xã Krong Na, UBND huyện Buôn Đôn và các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc đã ra quân tổng tấn công tội phạm xâm hại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Trần Văn Nhượng, ngoài việc kiểm tra, rà soát, thống kê lại toàn bộ thiệt hại mà lâm tặc đã chặt phá tại các cánh rừng gỗ quý như báo chí thời gian qua phản ánh, Ban chỉ đạo của huyện sẽ thành lập 3 đội kiểm tra cơ động chốt giữ và tuần tra các vị trí xung yếu mà các đối tượng phá rừng thường xâm nhập; đồng thời tổ chức cưỡng chế, thu hồi diện tích đất rừng bị phá trắng để làm nương rẫy trong khu vực lõi Vườn quốc gia.
Đợt ra quân lần này các cơ quan chức năng sẽ đấu tranh, triệt phá và đưa ra khởi tố những đối tượng đã móc nối với một số kiểm lâm tiêu cực trong đường dây phá Vườn quốc gia Yok Đôn vừa qua.

Cũng nguồn tin từ huyện Buôn Đôn, ngay sau lễ ra quân tấn công tội phạm, lâm tặc đã có hành động thách thức chính quyền khi chặt hạ 2 cây hương quý có đường kính hơn 1m chắn ngang đường tuần tra tại tiểu khu 507.
Tại các tiểu khu 434, 507, 421 hiện vẫn còn hàng trăm đối tượng phá rừng từ khắp nơi đổ về cố thủ trong vườn, quyết chống trả các lực lượng ra quân lập lại trật tự trên lĩnh vực bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
M.ĐỨC

Truy tìm kẻ sát hại voi ở Đà Lạt

Truy tìm kẻ sát hại voi ở Đà Lạt
Khả năng voi bị chém chết vì những toan tính xấu xa trong cạnh tranh.
Ngày 25-4, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có buổi làm việc với bà Phan Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Nam Qua và quản tượng Thàn Ngọc Trung về vụ voi chết. Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, sáng 24-4, trong khu vực hồ Tuyền Lâm, người quản tượng phát hiện con voi đực Beckham bị chết với nhiều vết chém. Con voi Beckham đã 38 tuổi do công ty mua về, nuôi dưỡng hơn sáu năm qua nhằm phục vụ du lịch.
Hai lần voi chết hụt
Sau khi rời khỏi trụ sở công an, bà Hoa rơm rớm nước mắt nói: “Không hiểu người ta sát hại con voi già này làm gì, bởi lông đuôi đã rụng gần hết, còn ngà voi vẫn còn nguyên”. Theo bà Hoa, vào khoảng tháng 9 và tháng 10-2010, voi Beckham hai lần bị chém. Kẻ xấu đã dùng dao, rựa chém đến 37 nhát vào phía sau và hai bên hông voi. Cả hai lần truy sát trên, Công ty Nam Qua đều đến trình báo với các cơ quan chức năng ở TP Đà Lạt và đề nghị có kế hoạch bảo vệ voi, truy tìm kẻ sát hại. Đồng thời, Công ty Nam Qua đã nhờ người am hiểu về voi dùng lá cây đắp thuốc vết thương, trộn thuốc bột kháng sinh vào cỏ cho voi ăn để chữa trị.
Hiện trường chú voi Beckham bị sát hại. Ảnh: TƯ LIỆU
Sau hai lần bị chết hụt, từ một chú voi hiền lành, dễ tính, Beckham bỗng trở nên hung dữ, rất khó gần. Ngoài quản tượng Thàn Ngọc Trung rất ít người tiếp cận được với voi Beckham. Bà Hoa cho biết năm 2005, bà mua voi tại Dăk Lăk, tiền công chuyên chở về Đà Lạt xấp xỉ 20 lượng vàng. Bà Hoa bức xúc: “Ngoài giá trị tiền bạc, tôi và các nhân viên khu du lịch rất đau buồn vì mất mát chú voi đã gắn bó với mình nhiều năm qua. Qua đó, tập thể Công ty Nam Qua yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm người chủ mưu cùng kẻ sát hại voi Beckham”.
Cơ quan điều tra vào cuộc
Được biết vào tháng 8-2010, các khu du lịch có nuôi voi tại Đà Lạt đã xảy ra hàng loạt vụ chặt trộm đuôi voi để lấy lông đuôi làm nhẫn bán cho những người tin tưởng đó là “linh vật” đem lại may mắn. Cùng lúc, nhiều nơi khác cũng xảy ra hàng loạt vụ truy sát voi để lấy ngà, lấy lông đuôi.
Tuy nhiên, theo bà Hoa nhận định, voi Khu du lịch Nam Qua bị giết là do những toan tính xấu xa của ai đó giấu mặt. Hiện các khu du lịch tại Đà Lạt chỉ còn năm cá thể voi và chú voi tại Khu du lịch Nam Qua là con voi đực duy nhất còn ngà và đuôi.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Công an TP Đà Lạt, cho biết cơ quan điều tra đã vào cuộc và sẽ nỗ lực để làm rõ cái chết bí ẩn của voi Beckham. Phía Công ty Nam Qua đã cung cấp thông tin nghi vấn xung quanh nguyên nhân voi bị sát hại, cơ quan điều tra đã ghi nhận, sẽ tiến hành điều tra, truy xét.
PHƯƠNG NAM

Giáng hương Yôk Đôn lại bị “thảm sát”

Giáng hương Yôk Đôn lại bị “thảm sát”
Thứ Bảy, 23.4.2011 | 08:52 (GMT + 7)
Một đồng nghiệp đi cùng chúng tôi vào Vườn quốc gia Yôk Đôn (VQG YĐ) đã phải thốt lên: “Còn gì là rừng quốc gia hỡi trời(!)” khi chứng kiến hình ảnh lâm tặc “hạ sát” rừng giáng hương - loại gỗ được mệnh danh là “nàng tiên và vàng khối” - tại tiểu khu 507 ngày 20.4.2011...
Sau 2 bài viết “Vườn quốc gia Yôk Đôn lại bị xẻ thịt” đăng trên báo Lao Động số 81/2011, ra ngày 13.4 và “Vườn quốc gia Yôk Đôn bị tàn hại chưa từng thấy” đăng trên báo Lao Động số 83/2011, ra ngày 18.4 vừa qua, tôi cứ ngỡ: Thế cũng là đủ để nói lên tất cả thực trạng mất mát tài nguyên quốc gia, mất mát về đa dạng sinh học và những yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây. Nhưng tôi đã “bé cái nhầm”.
Ngày 20.4.2011, một nhân viên của Trạm kiểm lâm số 2 (thuộc Hạt kiểm lâm VQG YĐ) điện thoại cho tôi nói rằng: “Em đã đọc những bài viết của anh. Nhưng em thấy việc chặt phá gỗ hương ở những điểm anh nêu trong bài viết chưa nhằm nhò gì so với tiểu khu 507. Hàng trăm cây bị chặt ngổn ngang, anh ơi. Hầu như ở đây có cây hương nào thì lâm tặc nó “dứt điểm” cây đó. Em nghĩ là lâm tặc bây giờ đang làm... chủ VQG YĐ, chứ không phải là Nhà nước mà lãnh đạo VQG YĐ là đại diện... Anh cứ vào đây, em sẽ dẫn anh đi chứng kiến...". Thế là chiều 20.4.2011, rủ thêm mấy đồng nghiệp, chúng tôi lại lên đường.
Chặt trắng trợn
Tiểu khu 507 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nằm cách trụ sở của vườn khoảng 15km, xe ôtô chạy tới đây khá dễ dàng. Kiểu rừng ở đây chủ yếu là rừng khộp khá đặc trưng, hầu hết thuộc cây họ dầu, xen kẽ là các cụm cây bằng lăng và giáng hương. Ngay bên đường biên giới 6B, ở cả hai bên đường, gần với ngầm 1 và ngầm 2 đã thấy lâm tặc chặt đổ ngổn ngang nhiều cây giáng hương lớn đường kính từ 0,8 - 1m. Rẽ vào bên phải đường vài ba trăm mét, đi theo một con suối, mùa này đang cạn trơ lòng, chúng tôi bắt đầu thấy cơ man là giáng hương bị chặt. Nhiều cây bị chặt từ năm trước, vỏ đã khô, mối rừng đã bắt đầu gặm nhấm vỏ.
Cây giáng hương lớn ngay bên đường 6B bị chặt công khai trắng trợn, nhưng kiểm lâm VQG Yôk Đôn không hề biết (ảnh lớn, chụp ngày 20.4.2011).         Ảnh: Đ.B.T
Cây giáng hương lớn ngay bên đường 6B bị chặt công khai trắng trợn, nhưng kiểm lâm VQG Yôk Đôn không hề biết (chụp ngày 20.4.2011). Ảnh: Đ.B.T
Nhiều cây bị chặt vài ba tháng trước, mủ cây vừa khô quánh lại đỏ bầm như “huyết oan”. Nhiều cây mới bị chặt vài ba ngày, lá còn xanh, mủ từ gốc vẫn đang sôi lên đầy đau đớn. Trời đang động mưa. Mây đen kéo đến đen kịt trên đầu, kèm những hạt mưa lớn lưa thưa, cùng với thời gian eo hẹp của buổi chiều không cho phép chúng tôi mạo hiểm đi sâu vào rừng, chỉ dám loanh quanh gần đường 6B, vậy mà sơ bộ chúng tôi cũng đếm được trên 50 cây gỗ hương bị chặt. Anh bạn kiểm lâm trạm 2 khẳng định: “Chỉ riêng trong tiểu khu này nếu các anh đi hết, sẽ thấy hàng trăm cây giáng hương bị chặt...”.
Chúng tôi đứng nhìn theo lối mòn của xe công nông, xe máy lâm tặc dùng vận chuyển gỗ đến mức mòn cả đá, nhiều chỗ sục lên như voi dầm, hoặc lún sâu tới cả mét do chở gỗ quá nặng, đủ biết lượng gỗ hương ở đây bị chặt là rất nhiều. Và vì thế, chúng tôi có đủ cơ sở để tin lời anh nhân viên kiểm lâm “hàng trăm cây bị chặt” là chính xác hơn cả 100%.
Anh bạn ở Báo Quân đội Nhân dân nhẩm tính: “Nếu chỉ tính 100 cây bị chặt thôi và tính bình quân ở mức thấp nhất, mỗi cây chỉ 3m3, thì thiệt hại về mặt lâm sản đã tới 300m3, với giá thị trường hiện nay 40 triệu đồng/m3, thì thành tiền đã tới 12 tỉ đồng”. Anh bạn ở Báo Đắc Lắc thốt lên: “Chỉ mới lội một phần nhỏ của 1 tiểu khu mà thế này, cả VQG này có tới 115 tiểu khu thì tổng số lâm sản bị chặt phá hàng tháng, hằng năm sẽ khủng khiếp như thế nào? Như thế thì còn gì là VQG nữa hỡi trời(!)”. Tôi nói vui với anh bạn ở Báo Đắc Lắc bằng mấy câu lục bát: “Bắc thang lên hỏi ông trời / Lâm tặc như thế rừng thời còn không?/ Trời rằng: Đừng hỏi mất công/ Tao nào biết chuyện các ông quản lỳ (quản lý)/ Quản lỳ là quản chi chi?/ Thưa rằng ngồi quản đến khi hết rừng...”.
Cây giáng hương có đường kính trên 1m bị chặt tại tiểu khu 507.
Cây giáng hương có đường kính trên 1m bị chặt tại tiểu khu 507.
Tỉnh Đắc Lắc và Bộ NNPTNT đừng thờ ơ!
Có thể nói VQG YĐ là vùng rừng tự nhiên gần như duy nhất ở Đắc Lắc còn lại gỗ quý, có giá trị cao. Và vì vậy, đây là nơi nhòm ngó của lâm tặc bốn phương tám hướng, của lâm tặc bậc thấp, bậc cao trong và ngoài tỉnh. Khoảng chục năm về trước, nơi đây còn rất nhiều gỗ cà te, cẩm lai, nhưng nay thì 2 loại gỗ này đã bị chặt gần hết, trở thành của hiếm, việc mua bán đã phải tính bằng kilôgram, mỗi kilôgram nghe nói đã được bán trên 40.000 đồng. 5 năm trở lại đây, lâm tặc đã chuyển sang khai thác gỗ giáng hương.
Tuy không bằng cà te, cẩm lai, nhưng cũng là loại gỗ quý có độ bền cao, màu sắc đẹp đang được thị trường trong cả nước “ăn” mạnh, giá mỗi mét khối thành khí từ 40 - 50 triệu đồng. Và vì thế lâm tặc lùng sục khắp VQG YĐ, như chúng mới chính là “ông chủ” của VQG này, để tìm gỗ hương và khai thác. Có thể khẳng định: Không còn tiểu khu nào ở VQG YĐ còn bình yên. Không còn tiểu khu nào ở VQG YĐ không bị lâm tặc chặt trộm gỗ quý. Một cán bộ của VQG YĐ cho biết: Với đà này, 5 năm nữa rừng Yôk Đôn sẽ hết gỗ quý, chỉ còn lại gỗ tạp. Lúc ấy thì nên đổi tên “vườn quốc gia” thành “vườn xóm”, “vườn làng”...
Và vì thế, để cứu VQG này khi nó còn chưa “chết”, theo chúng tôi, tỉnh Đắc Lắc và Bộ NNPTNT đừng nên thờ ơ trước thực tế phá rừng dữ dội ở đây, đừng thờ ơ với công tác tổ chức quản lý lực lượng bảo vệ rừng ở đây. Mặc dù thời gian qua báo chí đã có rất nhiều bài viết phản ánh tình trạng phá rừng ở đây, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần quản lý bảo vệ rừng ở đây hiệu quả hơn, thế nhưng địa phương có rừng và bộ chủ quản xem ra vẫn coi nhẹ những vấn đề báo chí nêu. Một vài giải pháp của địa phương và bộ chủ quản đưa ra đều không được thực thi đến nơi đến chốn, “đầu voi, đuôi chuột”, thậm chí chỉ mang tính đối phó với báo chí, dẹp dư luận là chính.
Ví dụ: Việc để cho các xưởng cưa hoạt động trong vùng đệm của vườn là thậm vô lý, chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc tiêu thụ gỗ lậu khai thác từ VQG YĐ và rừng phòng hộ Buôn Tul; vì nơi đây đâu còn rừng khai thác. Địa phương từng tuyên bố trước tháng 6.2010 sẽ buộc các xưởng cưa di dời khỏi vùng đệm, đưa vào các khu - cụm công nghiệp của tỉnh. Thế nhưng, đến nay các xưởng cưa vẫn tồn tại một cách ngang nhiên và hằng đêm theo người dân trong vùng cho biết: Gỗ lậu vẫn rộn ràng nhập các xưởng cưa này và sau đó được hợp thức hoá bằng rất nhiều cách. Việc Bộ NNPTNT mấy năm gần đây có cử một số cán bộ lãnh đạo, một số đoàn công tác vào kiểm tra tình hình quản lý bảo vệ rừng của vườn, nhưng cũng chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ví như đoàn công tác gần đây nhất của Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ NNPTNT), chỉ 1 ngày mà tới 6 trạm bảo vệ rừng của vườn, mỗi trạm cách nhau 10 - 15km, nên thời gian đi kiểm tra chủ yếu là thời gian ngồi trên xe ôtô, đến thăm trạm “tay bắt mặt mừng” là chính; thời gian để lội rừng so với cánh báo chí là rất ít, mà lội rừng lại do một số cán bộ đã được “định hướng” của vườn dẫn đi, chỉ đến những nơi nào rừng còn khá êm đẹp, có bị lâm tặc chặt phá cũng chỉ mới ở dạng “chưa đáng kể”...
Cách đây 3 năm, trong một đợt lâm tặc khai thác gỗ hương khá lớn ở tiểu khu 441 VQG YĐ, chúng tôi đặt câu hỏi vì sao lâm tặc lại có thể ngang nhiên lộng hành như vậy, giám đốc vườn lúc ấy cho rằng: “Vì lực lượng quá mỏng”... Nay lực lượng từ 130 người đã được tăng cường lên trên 220 người, thế nhưng rừng YĐ vẫn tiếp tục bị chặt phá và chặt phá dữ dội hơn. Như vậy đâu phải do lực lượng mỏng mà rừng bị chặt phá!
Qua nhiều năm theo dõi công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây, chúng tôi nhận ra rằng: Việc bố trí lãnh đạo và tổ chức quản lý bảo vệ ở đây đang có vấn đề, chưa chọn được người toàn tâm toàn ý cho việc bảo vệ vườn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, làm trái quy định của Nhà nước. Người yêu rừng, quyết tâm chống lâm tặc lại bị trù dập, bị cô lập, vô hiệu hoá... Việc quản lý bảo vệ rừng ở đây chưa tạo ra được sự thống nhất đồng bộ giữa các ngành, các cấp trên địa bàn. Chưa thể hiện được thái độ kiên quyết nghiêm minh, có ngành bắt, có ngành buông, có đơn vị, có cán bộ chỉ thể hiện thái độ kiên quyết chống lâm tặc trên văn bản hoặc trong phòng họp.
Theo chúng tôi, nếu những vấn đề nêu trên không được tỉnh Đắc Lắc, Bộ NNPTNT xem xét thấu đáo, chấn chỉnh kịp thời thì VQG YĐ dăm bảy năm nữa cũng sẽ bị xoá sổ trên thực tế như hàng trăm cánh rừng khác ở Tây Nguyên mà thôi!
Đặng Bá Tiến

Lèn Cờ, chuyện u sầu kể nốt...

Lèn Cờ, chuyện u sầu kể nốt...
Thứ Hai, 25.4.2011 | 08:43 (GMT + 7)
Lèn Cờ chỉ là một mỏm đá vẻn vẹn 3ha, trông xa nó như cái thúng tròn úp trên ruộng đồng làng mạc của xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Lèn Cờ bé đến mức lãnh đạo xã không tin là có ngày nó sẽ sập và vùi chết một lúc tới 18 “phu đá” tội nghiệp, kèm theo 6 người khác trọng thương. Từ đấy, khu vực có một ngày giỗ chung cho 18 con người chết bất toàn thây. Lèn Cờ trở thành biểu tượng bi ai, từng nóng rẫy trên các phương tiện truyền thông trong suốt tháng 4.2011.
Gần 1 tháng sau thảm hoạ, chúng tôi trở lại Lèn Cờ, núi sập vẫn tan hoang, nhang cắm đỏ các triền đường vào khai trường lạnh lẽo. Tiếng khóc vẫn rền vang trong những ngôi nhà xập xệ, lãnh đạo xã vẫn chạy như cờ-lông-công để đón các đoàn từ thiện đang chung lưng khoả lấp nỗi đau cho các gia đình bị nạn. Đó cũng là lúc, thời gian “lùi” đã đến độ đủ chín, để nhiều câu chuyện cay đắng lòi thêm ra. 
“Trụ sở” của công ty khai thác đá có kẻ biển “An toàn là bạn, tai nạn là thù” đỏ chót, rất oách; nhưng cơ quan điều tra đã chứng minh rõ ràng sự coi thường mạng sống người lao động của họ. Giám đốc Chín đã bị bắt giam sau đó.
“Trụ sở” của công ty khai thác đá có kẻ biển “An toàn là bạn, tai nạn là thù” đỏ chót, rất oách; nhưng cơ quan điều tra đã chứng minh rõ ràng sự coi thường mạng sống người lao động của họ. Giám đốc Chín đã bị bắt giam sau đó.
Sắt thép còn nát huống chi thịt da con người.
Sắt thép còn nát huống chi thịt da con người.
Ông bố nhiều đêm nằm canh mộ 2 con trai
Người sa sẩy thì đã đem chôn rồi, người trọng thương - có khi tan nát hai chân và đùi, lúc lôi ra khỏi lèn đá, không còn cả quần lẫn các bắp thịt dọc từ đùi... xuống ngón chân - thì cũng đã bạc phận rồi. Chủ tịch UBND xã Nam Thành - ông Phan Thế Trung - nói chuyện rành rọt, sành sỏi như một “tuỳ viên báo chí”, bởi từ ngày vụ tày trời xảy ra, ông phải “đối phó” với quá nhiều cuộc gặp gỡ rồi. Ông thở hắt: “Lỗi là do doanh nghiệp Chín Mến phá đá kiểu hàm ếch từ dưới lên, cho đỡ tốn mìn mà lại được nhiều đá hơn. Lỗi nữa là bà con mình mất cảnh giác, đến như việc đội mũ bảo hộ lao động, bà con cũng kêu nóng nực vướng víu không bao giờ chịu đội.
Chủ doanh nghiệp có khi phải vào nhắc nhở họ mới đội. Chủ đi thì họ lại bỏ mũ. Đơn vị phá đá (doanh nghiệp Chín Mến) được cấp phép năm 2007 đến năm 2010, vừa rồi họ được gia hạn giấy phép đến năm 2012. Đấy, đã nhắc nhở làm ăn phải cẩn thận, huyện lên xử phạt bằng văn bản hẳn hoi, nhưng rồi đâu lại vào đó. Lỗi cũng là do cơ quan chức năng làm chưa nghiêm nữa”.
Chúng ta đã có quá nhiều kẽ hở để mở đường cho thảm hoạ kéo đến. Xã không phạt, chỉ nhắc nhở rồi họ cùng... mặc kệ, “bởi xã có phạt cũng chỉ ở mức 200-500 nghìn đồng”, bởi nữa “chỗ Lèn Voi mấy chục hécta núi đá, 4 công ty thành lập (khai thác đá) ở đó, thì mới lo. Ai ngờ nó lại sập chỗ Lèn Cờ” - lời ông chủ tịch xã.
Với cái nhìn như vậy, có thể thấy Lèn Cờ đã bị bỏ mặc suốt một thời gian dài. Vi phạm của doanh nghiệp đã rõ ràng, Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phạm Văn Chín - Giám đốc Cty TNHH Chín Mến. Xuất thân làm nghề bán thịt chó, không một thứ bằng cấp chứng chỉ gì liên quan đến phá đá khai mỏ, nhưng ông này đã lập công ty, đăng ký khai thác mỏ đá Lèn Cờ rồi bán “mỏ” cho người khác thu lời hàng trăm triệu đồng. Suốt bao năm, sai phạm cứ sờ sờ trong tiếng đinh tai nhức óc của mìn, máy móc thô sơ và đá lớn vỡ đổ.
Những kẻ coi thường mạng người và luật pháp đã làm việc động trời là nổ mìn từ chân núi nổ... lên, móc hàm ếch vào núi để đỡ tốn mìn và được nhiều đá. Doanh nghiệp kia cần thứ duy nhất là tiền, người dân nghèo cũng cắm mặt làm cho xong ngày xong buổi ngõ hầu kiếm cái ăn chống đói (có khi 40.000 đồng/ngày xúc đá). Lúc đó, nếu mà cơ quan chức năng làm ngơ, hay phạt “phủi bụi”... thì dĩ nhiên là tai hoạ sẽ ập đến. Và sự thật là tai hoạ đã đến một cách khủng khiếp nhất.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, nhiều phần thi thể người vẫn nằm trong hàng nghìn khối đá kia. Có người được mang từng phần thi thể về để mai táng. Có người nhận xác thân nhân về, nhờ cái vòng bạc người xấu số đeo ở cổ, mới phát hiện ra là... nhầm xác. Có nhà 4 người thân chết, có nhà 2 con trai chết, có nhà 2 con dâu chết, có nhà 2 mẹ con cùng bị đá vùi. Có người như bà Nguyễn Thị Nhung, tỉnh dậy khi hai chân bê bết máu, tiếng máy khoan đá vẫn gầm réo bên tai, những khối đá lớn đến mức suốt đời họ chưa nhìn thấy bao giờ chồng lấn lên nhau, ánh sáng ngày chỉ còn le lói trên đỉnh nóc của “biển đá” vừa sập - thế là bà phải tự bò ra.
Bà Nguyễn Thị Nhung, người may mắn nhất trong vụ sập mỏ đá, bà đã tự bò ra được khỏi các khối đá to như nhà 4 tầng đè lên nhau, dĩ nhiên, ngón chân và nhiều phần thịt da bà đã vĩnh viễn nằm lại trong đất đá Lèn Cờ. Nay, bà đang kiến nghị xin cho… nổ mìn trở lại.
Bà Nguyễn Thị Nhung, người may mắn nhất trong vụ sập mỏ đá, bà đã tự bò ra được khỏi các khối đá to như nhà 4 tầng đè lên nhau, dĩ nhiên, ngón chân và nhiều phần thịt da bà đã vĩnh viễn nằm lại trong đất đá Lèn Cờ. Nay, bà đang kiến nghị xin cho… nổ mìn trở lại.
Ra khỏi hầm sập, suốt 1 tuần bà Nhung không mở miệng được câu nào, bởi nỗi ám ảnh hãi hùng. Có ông bố (bố của hai nạn nhân là anh em ruột Hoàng và Vũ), nhà cách mỏ đá vài... mét, hai con trai chết cùng lúc, đó cũng là hai thi thể cuối cùng được lôi ra khỏi mỏ đá (sau 3 ngày), chôn con xong, hằng đêm ông cứ ra bãi tha ma ngồi canh mộ con cho đến sáng. Giọng ông thổn thức, tắc nghẹn khi tôi thắp nhang bên ban thờ con ông: “Hai đứa (Nguyễn Thọ Hoàng - SN 1984, Nguyễn Thọ Vũ - SN 1990) đi làm từ sáng đến tối ngoài mỏ đá, nó làm như vậy từ năm 10 tuổi, đói quá, đang học phải bỏ đi làm đá. Mỗi ngày về, hai tay tứa máu, được 60 nghìn đồng/ngày.
Cặp vợ chồng này đã mất một lúc 2 người con trai là Vũ và  Hoàng trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ
Cặp vợ chồng này đã mất một lúc 2 người con trai là Vũ và Hoàng trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ
Ảnh nạn nhân Nguyễn Thọ Vũ trên bàn thờ, Vũ chết thê thảm, khi mới 21 tuổi đầu.
Ảnh nạn nhân Nguyễn Thọ Vũ trên bàn thờ, Vũ chết thê thảm, khi mới 21 tuổi đầu.
Vợ chồng tôi đều bị bệnh rất nặng, bí mật đi khám, không dám nói với con, để nó yên tâm đi làm. Nó bảo, con cố làm, cóp tiền sửa nhà sau này thờ phụng bố mẹ. Không ngờ, trong một tích tắc, bố mẹ phải thờ cúng hai con!”.
Mỏ đá Lèn Cờ, khi vụ việc đã lắng lại, đó cũng là lúc nhiều bài học, nhiều chuyện “khó hiểu” dần lộ ra.     Ảnh: Đ.D.H
Mỏ đá Lèn Cờ, khi vụ việc đã lắng lại, đó cũng là lúc nhiều bài học, nhiều chuyện “khó hiểu” dần lộ ra. Ảnh: Đ.D.H
Bài viết “khổng lồ” không được đăng báo
Hàng trăm năm trước, bà con trong khu vực đã có “nghề” khai thác đá ở Lèn Cờ về làm cối, làm giằng tuốt lúa, làm đá kê chân cột. Họ dùng búa thủ công, khoét rãnh rồi dùng nêm bẩy từng miếng đá ra, dùng xe trâu chở đá ra khỏi lèn. Cái nghề đó cứ lành lẽ vậy, cho đến khi doanh nghiệp vào cuộc, họ xin cấp mỏ, có kho mìn rồi, họ “bán” lại cho các chủ “bến” (mỏ nhỏ). Mỗi “bến” là một “mặt tiền” chân núi rộng vài đến vài chục mét. “Bến” được tính chạy dọc từ chân lên... đỉnh núi. Ai có máy khoan, có máy nghiền, có thợ nổ mìn và nhân công thì mua cái “bến” đó, tự làm, tự bán, cứ nộp thuế tài nguyên, tiền mua “mìn” cho doanh nghiệp “đứng thầu”. Cứ thế, mạnh ai nấy làm, ai tử tế thì đánh từ trên xuống, ai ngược đời thì khoét hàm ếch vô tư. Đúng là người ta có phạt nhẹ, có nhắc nhở, nhưng lúc đó vẫn đang là “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”!
Chủ tịch UBND xã Nam Thành - ông Trung - thừa nhận: “Trước khi tai nạn xảy ra, có người viết báo còn vào tận uỷ ban gặp tôi, nói về nguy cơ sập mỏ đá. Tôi đã gọi ông Chín (giám đốc) lên nhắc nhở”. Nhiều nhà báo ở Nghệ An xác nhận: Một phóng viên thực tập ở đài huyện Yên Thành có viết bài về đáng sợ trong khai thác đá cẩu thả, vô lối với chừng 80 người không đội mũ bảo hộ bên những hàm ếch chết người ở Lèn Cờ, anh này tiếp xúc với Giám đốc doanh nghiệp Chín Mến, viết bài và ảnh đã gửi báo Q và báo T ở  trung ương.
Các báo này không đăng. Anh ta gửi tiếp báo nọ ở N.A, cũng không đăng. Lý do không đăng thì không ai dám chắc. Chỉ biết, ngay sau khi anh ta gửi bài vài ngày, một tờ báo ở N.A còn đăng một bài... ca  ngợi mỏ đá Lèn Cờ. Tìm trên Google, trước mặt Chủ tịch Trung, ngay lập tức chúng tôi có được bài viết trên. Số ra ngày 25.11.2010, bài “An toàn lao động ở mỏ đá Lèn Cờ” (tác giả N.V.Q), thấy tràn trề cảm hứng ca tụng: “Với 60 lao động”, Công ty Chín Mến, “ngoài việc mua bảo hiểm lao động cho 100% công nhân chuyên nghiệp, hằng ngày công ty thực hiện nghiêm túc việc nổ mìn theo giờ quy định (...). Nhờ chú trọng an toàn lao động, nên khai thác 3 năm qua, công ty chưa để xảy ra một vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào”.
Đọc xong, tôi rùng mình, thốt lên: “Giá mà bài viết của bạn trẻ mới vào nghề kia được đăng báo, cảnh tỉnh cơ quan chức năng; nếu mà ngay lập tức người viết nào đó không quay lại ca ngợi sự an toàn của mỏ đá mất an toàn, thì chắc gì đại tang đã trắng ngập Lèn Cờ? Và đó sẽ là một bài viết “khổng lồ” của một sinh viên báo chí thực tập”. Chủ tịch xã Nam Thành nghe xong chuyện này, chỉ im lặng.
Đá vùi, bị tàn phế vẫn xin cho Lèn Cờ tiếp tục nổ mìn!
Bà Nguyễn Thị Nhung là người may mắn nhất trong số các nạn nhân của vụ sập núi Lèn Cờ. Đứt gân, vỡ chân, vĩnh viễn bỏ lại cả mấy ngón chân trong bể đá mênh mông chất ngất và nhuộm máu kia,  nhưng bà đã tự tỉnh dậy, tự bò ra trong sự ngạc nhiên kinh sợ của hàng nghìn người có mặt. Bà biết rằng sự tàn phế hiện nay, dù điều trị cỡ nào, cũng không thể đưa bà ra tiếp tục phá đá, nghiền đá nữa. Nhưng bà vẫn rất hàm ơn với nghề phá lèn, nghiền đá. “Bà con 3 xã nhiều năm qua sống nhờ cái Lèn Cờ này. Giờ Nhà nước bắt đóng cửa, thì họ kiếm ăn bằng cái gì?” - Chủ tịch Trung nói.
Đây là bà Kính, vợ ông Viên, trưởng thôn ở gần Lèn Cờ nhất. Dù tàn tật bởi nghề xúc đá thuê, bà vẫn ao ước Lèn Cờ sẽ mở cửa trở lại, bởi bà không có cách kiếm ăn nào khác.
Đây là bà Kính, vợ ông Viên, trưởng thôn ở gần Lèn Cờ nhất. Dù tàn tật bởi nghề xúc đá thuê, bà vẫn ao ước Lèn Cờ sẽ mở cửa trở lại, bởi bà không có cách kiếm ăn nào khác.
“Từ hôm có tai nạn, an táng người thân xong, đàn ông, trai tráng, đàn bà khoẻ mạnh đi làm ăn xa hết. Làng xóm quạnh quẽ. Ráo mồ hôi là hết tiền. Sự sai lầm trong khai thác và quản lý gây ra tai hoạ, đúng thế. Nhưng, điều đó không có nghĩa là cấm vĩnh viễn cái nguồn kiếm ăn suốt nhiều năm qua của bà con cả 3 xã. Vẫn có thể khai thác và đảm bảo an toàn thật sự” - bà Nhung kiến nghị. Chồng bà Nhung (nhà bà Nhung có hai vợ chồng và 2 đứa con ngày ngày làm việc ở mỏ đá) cùng nhẩm tính: “Tôi là một chủ bến đá. Máy móc đầy nhà đây. Ở Lèn Cờ có chừng 30 giàn say đá, 36 máy khoan. Tính ra tiền tỉ đấy. Ngân hàng xiết nợ là chết”.
Chồng nạn nhân Dương Thị Thanh (chị Thanh bị nát hết hai ống chân và đùi, không còn chút thịt nào) - hiện đang nằm ở BV tỉnh Nghệ An - gặp tôi, nói thản nhiên: “Tai hoạ thì đã đau rồi, vợ tôi đã tàn phế rồi. Nhưng tôi vẫn ước ao Nhà nước cho mở lại mỏ đá. Nếu không thì dân tôi không biết phải làm sao”.
Đóng cửa mỏ, những cỗ máy đắt tiền đành nằm hoen ghỉ, trong khi ngân hàng đang tiến hành xiết nợ những người nghèo mưu sinh nhờ Lèn Cờ.
Đóng cửa mỏ, những cỗ máy đắt tiền đành nằm hoen ghỉ, trong khi ngân hàng đang tiến hành xiết nợ những người nghèo mưu sinh nhờ Lèn Cờ.
Anh Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thành - tỏ vẻ lo lắng: “Chúng tôi nghe nhiều kiến nghị về việc, sau thảm hoạ, cơ quan chức năng nên tạo công ăn việc làm cho dân, mở lại mỏ đá để bà con mưu sinh. Hoặc dãn nợ ngân hàng vì máy móc của họ bỗng dưng bị đắp chiếu. Đất nước này có hàng nghìn, hàng vạn mỏ đá, chúng vẫn hoạt động. Lèn Cờ bị sập là do cả cơ quan quản lý, chủ mỏ và người dân cùng bất cẩn. Khi chuyện đau lòng xảy ra, thấy “không quản được thì cấm”, bất chấp cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của người nghèo, đó là một cách hành xử thiếu công bằng”.
Một xã, một ngày có 8 đám tang, người đàn ông Nguyễn Duy Long mất một lúc 4 người thân trong vụ sập mỏ Lèn Cờ, trong tích tắc, 18 lao động chính cùng ra đi thảm khốc, để lại 30 đứa trẻ mồ côi. Đau đớn ngần ấy, có lẽ chưa đủ, nếu như ta còn biết thêm những bí mật của bài báo rơi vào im lặng kia, biết rằng trong đau thương, người nghèo ở Yên Thành vẫn đau đáu cái ước mơ được làm phu trong những “mỏ đá giết người”...    
Đỗ Doãn Hoàng

Góc khuất đằng sau một ngôi Á quân của Trung Quốc

Góc khuất đằng sau một ngôi Á quân của Trung Quốc

Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới về tổng lượng bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế, tuy nhiên, đằng sau ngôi vị Á quân này còn rất nhiều góc khuất.
Chìa khóa để tăng lương, thăng chức
Giảng viên tại phần lớn các trường đại học ở Trung Quốc lục địa cũng phải làm nghiên cứu và công bố báo cáo như các đồng nghiệp của họ ở các quốc gia khác. Nhưng tại Trung Quốc, việc thăng chức hay tăng lương lại phụ thuộc chủ yếu vào một yếu tố: Số lượng các bài nghiên cứu mà người giảng viên có thể xuất bản.
Thể loại nghiên cứu, độ uy tín của đơn vị đăng tải bài viết và chất lượng bài viết đều không quan trọng bằng số lượng bài viết được đăng. Đây là vấn đề đã được tranh luận từ lâu, nhưng một báo cáo mới đây từ London đã đặt ra nhiều câu hỏi mới về việc có nên thay đổi hay bãi bỏ hẳn hệ thống đánh giá này đối với giảng viên.
Tháng ba vừa qua, Hội Khoa học Hoàng gia Anh tại London cho biết Trung Quốc hiện đang đứng thứ hai thế giới về tổng số lượng các bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Tổ chức này dự đoán tới năm 2013, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước xuất bản nhiều báo cáo khoa học nhất.

Nhưng theo hệ thống Web of Science (Mạng Khoa học), trong đó bao gồm Chỉ số Trích dẫn Khoa học (SCI) và Chỉ số Trích dẫn Khoa học Xã hội (SSCI) của Thomson Reuters, các học giả khác trên thế giới cho rằng chỉ số này của Trung Quốc chỉ nằm trong khoảng 10%.
"Đây là một hiện tượng rất lạ. Về mặt lý thuyết, nếu càng nhiều bài nghiên cứu được xuất bản thì khả năng những nghiên cứu này được người khác trích dẫn lại sẽ càng cao. Lý do duy nhất để giải thích cho những gì đang diễn ra tại Trung Quốc hiện nay là chất lượng của những bài nghiên cứu này vô cùng thấp", Zhang Yiwu, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nguồn lực Văn hóa tại Trường Đại học Bắc Kinh, nói.
Zhang cho rằng có nhiều lý do dẫn đến các bài nghiên cứu chất lượng thấp. Lười biếng là một lý do, nhưng phần lớn các giảng viên đều than phiền rằng họ phải chịu áp lực rất lớn từ cấp trên hành chính, những người yêu cầu họ phải công bố các bài nghiên cứu càng nhanh càng tốt, bất kể chất lượng hay đề tài.
Quá trình công bố này thường không bao gồm phần nhận xét của đồng nghiệp, một số người còn không bao quát được đề tài mà họ phải viết.
Trên lý thuyết, một bài nghiên cứu tốt phải có nội dung mới, chẳng hạn như những phát hiện thu được từ một dự án nghiên cứu hoặc một báo cáo tổng kết toàn diện về một đề tài mà trước đó chưa có người làm.
"Để thực hiện một dự án khoa học hay một báo cáo nghiên cứu đòi hỏi nỗ lực lâu dài, do đó một nhà nghiên cứu không thể xuất bản nhiều báo cáo được", giảng viên Ran Bogong của Trường Đại học Toledo, Mỹ, nói.
Ran cho biết áp lực từ cấp trên, mong muốn thăng tiến của cá nhân và lương thưởng là những lý do chính giải thích việc các giảng viên đổ xô xuất bản các báo cáo khoa học với chất lượng đáng ngờ. Ông nói ngay cả người giám sát họ cũng không thể phân biệt đâu là báo cáo tốt và phần lớn đều không đầu tư thời gian để kiểm tra các báo cáo đó.
"Nhưng họ lại có thẩm quyền quyết định ai sẽ được chuyển ngạch từ trợ giảng lên giảng viên chính, kèm theo đó là một đợt tăng lương; do vậy, toàn bộ quá trình này có thể không phụ thuộc vào thực lực học thuật của cá nhân", Ran nói. "Vì thế, nếu họ không thể xác định được chất lượng, họ thường sẽ chuyển sang số lượng".
Bán chỗ đăng bài như bán... quảng cáo
Một báo cáo của tờ Nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc cho biết trong số tất cả các bài viết học thuật được xuất bản mỗi năm tại Trung Quốc lục địa, chỉ có 5% có thể được coi là có chất lượng, và hơn 65% không đáp ứng tiêu chuẩn cần thiết đối với một bài viết học thuật. Bản báo cáo trên cũng cho hay mỗi năm có khoảng 5 triệu bài viết tìm cơ hội xuất hiện trên mặt báo.
"Nhiều trường đại học cũng yêu cầu chất lượng cao, nhưng quá trình tuyển chọn bài viết để đăng tải cần phải hết sức nghiêm ngặt", Zhang nói.
Quá trình què quặt này đã cho ra đời một ngành kinh doanh mới, theo đó các tạp chí bán không gian đăng tải trên báo mình cho các học giả (giống quan hệ giữa các báo và nhà quảng cáo).
Theo quy trình chính thức, các bài viết học thuật phải được các giám sát viên hoặc giảng viên đồng nghiệp đánh giá trước tiên, nhưng tác giả các bài viết lại thường gửi thẳng chúng tới tạp chí. Thông thường, các biên tập viên ở các tạp chí danh tiếng cũng là các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, và họ có nhiệm vụ loại ra những bài viết chất lượng thấp.

Ảnh minh họa: Peter C. Espina - Global Times
Không tính các tạp chí hoạt động bất hợp pháp, hiện có trên 8.000 tạp chí chuyên đăng tải các bài viết học thuật, nhưng nhiều tạp chí trong số đó đang bị nghi ngờ là hoạt động vì lợi nhuận.
Năm 2009, các giảng viên tại Trường Quản lý thuộc Trường Đại học Vũ Hán, đơn vị quản lý thông tin và nghiên cứu lớn nhất Trung Quốc, ước tính rằng ngành công nghiệp xuất bản nội dung học thuật có giá trị khoảng 1 tỉ Nhân dân tệ (148 triệu USD).
Một giảng viên kỹ thuật giấu tên tại Trường Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, cho biết nhiều tạp chí đưa ra mức giá lên tới 2.500 tệ (372USD) để đăng tải một bài viết 4.000 từ chỉ với yêu cầu rằng bài viết phải "trong sáng" về mặt chính trị, đúng đắn về tư tưởng.
Giảng viên này còn cho biết, cách đây 6 năm, khi ông được chuyển ngạch từ trợ giảng lên làm giảng viên chính thức ở độ tuổi 52, ông đã đăng tải ít nhất 20 bài viết trên nhiều tạp chí khác nhau trong vòng 3 năm. Tám bài viết học thuật của ông được đăng tải trên các tạp chí "cấp chủ đạo" phát hành trên toàn quốc. Các tạp chí được chia làm 4 cấp: cấp chủ đạo trung ương, cấp chủ đạo, cấp quốc gia, và cấp tỉnh.
Những bài viết được đăng tải trên các tạp chí cấp chủ đạo thường có độ dài khoảng 5.000 từ/bài.
Các tài liệu lưu lại cho thấy một số tạp chí đăng tải tới 200 bài viết trong khoảng 19 trang giấy, không có ảnh và sử dụng phông chữ rất nhỏ.
Tháng 2 vừa qua, Tổng cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Trung Quốc (GAPP) đã thông báo trong một tuyên bố rằng tất cả các tạp chí hoạt động trong lĩnh vực này chỉ vì mục đích lợi nhuận sẽ bị buộc phải đóng cửa.
Trên thực tế, năm nay chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa 6 tạp chí vì lý do trên, trong đó có một tạp chí mang tên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đóng gói Trung Quốc.
"Trung Quốc lục địa có trên 1.100 tạp chí y khoa, chiếm một phần tư số lượng các tạp chí khoa học, nhưng lĩnh vực này vẫn có nhu cầu phát triển mạnh bởi vì hệ thống đánh giá nghèo nàn hiện nay của các tạp chí này", một quan chức GAPP giấu tên nói.
Những lo ngại về nạn đạo văn
Giảng viên Zhang ở Trường Đại học Bắc Kinh nêu ý kiến rằng Trung Quốc phải rút kinh nghiệm từ sai lầm của các quốc gia khác và giải quyết vấn nạn đạo văn.
"Ở Trung Quốc có rất nhiều trường hợp đạo văn trong đó các giảng viên đại học buộc phải thôi việc; ở một số trường đại học hạng ba hoặc hạng bốn hay một số trường trung học, tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn", Zhang nói.
Vấn đề này không chỉ tồn tại ở các trường đại học.
Trong số 400 bài viết mà một đơn vị giáo dục cấp quận tại Thành phố Tuyên Thành, tỉnh An Huy, nhận được trong tháng trước từ các giáo viên tiểu học và trung học cơ sở hoạt động ở địa phương, hơn 20% là đạo văn. Giáo viên tại các trường này cũng phải nộp báo cáo để được thăng ngạch.
Theo giảng viên Ran của trường Toledo, không nên chỉ trích quá gay gắt các học giả, bởi vì hệ thống trên đã buộc họ phải "sản xuất gia công" các bài viết để có được thu nhập khá hơn.
Một báo cáo do Bộ Giáo dục Trung Quốc phát hành năm ngoái, trong đó có vạch ra chiến lược cải cách và phát triển giáo dục trung và dài hạn của Trung Quốc trong thập kỷ tới, đã nêu lên yêu cầu tách riêng ngạch quản lý và các phòng ban học thuật, và các nhà quản lý hành chính không nên hạn chế tự do nghiên cứu.
Ran đề xuất ý tưởng rằng nên có một đội ngũ chuyên gia chuyên ngành phụ trách việc đánh giá mỗi bài viết của các học giả, và Trung Quốc nên chuyển dần sang một hệ thống chú trọng tới chất lượng hơn số lượng.

  • Thủy Nguyệt (theo Global Times)