Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Giáng hương Yôk Đôn lại bị “thảm sát”

Giáng hương Yôk Đôn lại bị “thảm sát”
Thứ Bảy, 23.4.2011 | 08:52 (GMT + 7)
Một đồng nghiệp đi cùng chúng tôi vào Vườn quốc gia Yôk Đôn (VQG YĐ) đã phải thốt lên: “Còn gì là rừng quốc gia hỡi trời(!)” khi chứng kiến hình ảnh lâm tặc “hạ sát” rừng giáng hương - loại gỗ được mệnh danh là “nàng tiên và vàng khối” - tại tiểu khu 507 ngày 20.4.2011...
Sau 2 bài viết “Vườn quốc gia Yôk Đôn lại bị xẻ thịt” đăng trên báo Lao Động số 81/2011, ra ngày 13.4 và “Vườn quốc gia Yôk Đôn bị tàn hại chưa từng thấy” đăng trên báo Lao Động số 83/2011, ra ngày 18.4 vừa qua, tôi cứ ngỡ: Thế cũng là đủ để nói lên tất cả thực trạng mất mát tài nguyên quốc gia, mất mát về đa dạng sinh học và những yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây. Nhưng tôi đã “bé cái nhầm”.
Ngày 20.4.2011, một nhân viên của Trạm kiểm lâm số 2 (thuộc Hạt kiểm lâm VQG YĐ) điện thoại cho tôi nói rằng: “Em đã đọc những bài viết của anh. Nhưng em thấy việc chặt phá gỗ hương ở những điểm anh nêu trong bài viết chưa nhằm nhò gì so với tiểu khu 507. Hàng trăm cây bị chặt ngổn ngang, anh ơi. Hầu như ở đây có cây hương nào thì lâm tặc nó “dứt điểm” cây đó. Em nghĩ là lâm tặc bây giờ đang làm... chủ VQG YĐ, chứ không phải là Nhà nước mà lãnh đạo VQG YĐ là đại diện... Anh cứ vào đây, em sẽ dẫn anh đi chứng kiến...". Thế là chiều 20.4.2011, rủ thêm mấy đồng nghiệp, chúng tôi lại lên đường.
Chặt trắng trợn
Tiểu khu 507 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nằm cách trụ sở của vườn khoảng 15km, xe ôtô chạy tới đây khá dễ dàng. Kiểu rừng ở đây chủ yếu là rừng khộp khá đặc trưng, hầu hết thuộc cây họ dầu, xen kẽ là các cụm cây bằng lăng và giáng hương. Ngay bên đường biên giới 6B, ở cả hai bên đường, gần với ngầm 1 và ngầm 2 đã thấy lâm tặc chặt đổ ngổn ngang nhiều cây giáng hương lớn đường kính từ 0,8 - 1m. Rẽ vào bên phải đường vài ba trăm mét, đi theo một con suối, mùa này đang cạn trơ lòng, chúng tôi bắt đầu thấy cơ man là giáng hương bị chặt. Nhiều cây bị chặt từ năm trước, vỏ đã khô, mối rừng đã bắt đầu gặm nhấm vỏ.
Cây giáng hương lớn ngay bên đường 6B bị chặt công khai trắng trợn, nhưng kiểm lâm VQG Yôk Đôn không hề biết (ảnh lớn, chụp ngày 20.4.2011).         Ảnh: Đ.B.T
Cây giáng hương lớn ngay bên đường 6B bị chặt công khai trắng trợn, nhưng kiểm lâm VQG Yôk Đôn không hề biết (chụp ngày 20.4.2011). Ảnh: Đ.B.T
Nhiều cây bị chặt vài ba tháng trước, mủ cây vừa khô quánh lại đỏ bầm như “huyết oan”. Nhiều cây mới bị chặt vài ba ngày, lá còn xanh, mủ từ gốc vẫn đang sôi lên đầy đau đớn. Trời đang động mưa. Mây đen kéo đến đen kịt trên đầu, kèm những hạt mưa lớn lưa thưa, cùng với thời gian eo hẹp của buổi chiều không cho phép chúng tôi mạo hiểm đi sâu vào rừng, chỉ dám loanh quanh gần đường 6B, vậy mà sơ bộ chúng tôi cũng đếm được trên 50 cây gỗ hương bị chặt. Anh bạn kiểm lâm trạm 2 khẳng định: “Chỉ riêng trong tiểu khu này nếu các anh đi hết, sẽ thấy hàng trăm cây giáng hương bị chặt...”.
Chúng tôi đứng nhìn theo lối mòn của xe công nông, xe máy lâm tặc dùng vận chuyển gỗ đến mức mòn cả đá, nhiều chỗ sục lên như voi dầm, hoặc lún sâu tới cả mét do chở gỗ quá nặng, đủ biết lượng gỗ hương ở đây bị chặt là rất nhiều. Và vì thế, chúng tôi có đủ cơ sở để tin lời anh nhân viên kiểm lâm “hàng trăm cây bị chặt” là chính xác hơn cả 100%.
Anh bạn ở Báo Quân đội Nhân dân nhẩm tính: “Nếu chỉ tính 100 cây bị chặt thôi và tính bình quân ở mức thấp nhất, mỗi cây chỉ 3m3, thì thiệt hại về mặt lâm sản đã tới 300m3, với giá thị trường hiện nay 40 triệu đồng/m3, thì thành tiền đã tới 12 tỉ đồng”. Anh bạn ở Báo Đắc Lắc thốt lên: “Chỉ mới lội một phần nhỏ của 1 tiểu khu mà thế này, cả VQG này có tới 115 tiểu khu thì tổng số lâm sản bị chặt phá hàng tháng, hằng năm sẽ khủng khiếp như thế nào? Như thế thì còn gì là VQG nữa hỡi trời(!)”. Tôi nói vui với anh bạn ở Báo Đắc Lắc bằng mấy câu lục bát: “Bắc thang lên hỏi ông trời / Lâm tặc như thế rừng thời còn không?/ Trời rằng: Đừng hỏi mất công/ Tao nào biết chuyện các ông quản lỳ (quản lý)/ Quản lỳ là quản chi chi?/ Thưa rằng ngồi quản đến khi hết rừng...”.
Cây giáng hương có đường kính trên 1m bị chặt tại tiểu khu 507.
Cây giáng hương có đường kính trên 1m bị chặt tại tiểu khu 507.
Tỉnh Đắc Lắc và Bộ NNPTNT đừng thờ ơ!
Có thể nói VQG YĐ là vùng rừng tự nhiên gần như duy nhất ở Đắc Lắc còn lại gỗ quý, có giá trị cao. Và vì vậy, đây là nơi nhòm ngó của lâm tặc bốn phương tám hướng, của lâm tặc bậc thấp, bậc cao trong và ngoài tỉnh. Khoảng chục năm về trước, nơi đây còn rất nhiều gỗ cà te, cẩm lai, nhưng nay thì 2 loại gỗ này đã bị chặt gần hết, trở thành của hiếm, việc mua bán đã phải tính bằng kilôgram, mỗi kilôgram nghe nói đã được bán trên 40.000 đồng. 5 năm trở lại đây, lâm tặc đã chuyển sang khai thác gỗ giáng hương.
Tuy không bằng cà te, cẩm lai, nhưng cũng là loại gỗ quý có độ bền cao, màu sắc đẹp đang được thị trường trong cả nước “ăn” mạnh, giá mỗi mét khối thành khí từ 40 - 50 triệu đồng. Và vì thế lâm tặc lùng sục khắp VQG YĐ, như chúng mới chính là “ông chủ” của VQG này, để tìm gỗ hương và khai thác. Có thể khẳng định: Không còn tiểu khu nào ở VQG YĐ còn bình yên. Không còn tiểu khu nào ở VQG YĐ không bị lâm tặc chặt trộm gỗ quý. Một cán bộ của VQG YĐ cho biết: Với đà này, 5 năm nữa rừng Yôk Đôn sẽ hết gỗ quý, chỉ còn lại gỗ tạp. Lúc ấy thì nên đổi tên “vườn quốc gia” thành “vườn xóm”, “vườn làng”...
Và vì thế, để cứu VQG này khi nó còn chưa “chết”, theo chúng tôi, tỉnh Đắc Lắc và Bộ NNPTNT đừng nên thờ ơ trước thực tế phá rừng dữ dội ở đây, đừng thờ ơ với công tác tổ chức quản lý lực lượng bảo vệ rừng ở đây. Mặc dù thời gian qua báo chí đã có rất nhiều bài viết phản ánh tình trạng phá rừng ở đây, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần quản lý bảo vệ rừng ở đây hiệu quả hơn, thế nhưng địa phương có rừng và bộ chủ quản xem ra vẫn coi nhẹ những vấn đề báo chí nêu. Một vài giải pháp của địa phương và bộ chủ quản đưa ra đều không được thực thi đến nơi đến chốn, “đầu voi, đuôi chuột”, thậm chí chỉ mang tính đối phó với báo chí, dẹp dư luận là chính.
Ví dụ: Việc để cho các xưởng cưa hoạt động trong vùng đệm của vườn là thậm vô lý, chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc tiêu thụ gỗ lậu khai thác từ VQG YĐ và rừng phòng hộ Buôn Tul; vì nơi đây đâu còn rừng khai thác. Địa phương từng tuyên bố trước tháng 6.2010 sẽ buộc các xưởng cưa di dời khỏi vùng đệm, đưa vào các khu - cụm công nghiệp của tỉnh. Thế nhưng, đến nay các xưởng cưa vẫn tồn tại một cách ngang nhiên và hằng đêm theo người dân trong vùng cho biết: Gỗ lậu vẫn rộn ràng nhập các xưởng cưa này và sau đó được hợp thức hoá bằng rất nhiều cách. Việc Bộ NNPTNT mấy năm gần đây có cử một số cán bộ lãnh đạo, một số đoàn công tác vào kiểm tra tình hình quản lý bảo vệ rừng của vườn, nhưng cũng chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ví như đoàn công tác gần đây nhất của Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ NNPTNT), chỉ 1 ngày mà tới 6 trạm bảo vệ rừng của vườn, mỗi trạm cách nhau 10 - 15km, nên thời gian đi kiểm tra chủ yếu là thời gian ngồi trên xe ôtô, đến thăm trạm “tay bắt mặt mừng” là chính; thời gian để lội rừng so với cánh báo chí là rất ít, mà lội rừng lại do một số cán bộ đã được “định hướng” của vườn dẫn đi, chỉ đến những nơi nào rừng còn khá êm đẹp, có bị lâm tặc chặt phá cũng chỉ mới ở dạng “chưa đáng kể”...
Cách đây 3 năm, trong một đợt lâm tặc khai thác gỗ hương khá lớn ở tiểu khu 441 VQG YĐ, chúng tôi đặt câu hỏi vì sao lâm tặc lại có thể ngang nhiên lộng hành như vậy, giám đốc vườn lúc ấy cho rằng: “Vì lực lượng quá mỏng”... Nay lực lượng từ 130 người đã được tăng cường lên trên 220 người, thế nhưng rừng YĐ vẫn tiếp tục bị chặt phá và chặt phá dữ dội hơn. Như vậy đâu phải do lực lượng mỏng mà rừng bị chặt phá!
Qua nhiều năm theo dõi công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây, chúng tôi nhận ra rằng: Việc bố trí lãnh đạo và tổ chức quản lý bảo vệ ở đây đang có vấn đề, chưa chọn được người toàn tâm toàn ý cho việc bảo vệ vườn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, làm trái quy định của Nhà nước. Người yêu rừng, quyết tâm chống lâm tặc lại bị trù dập, bị cô lập, vô hiệu hoá... Việc quản lý bảo vệ rừng ở đây chưa tạo ra được sự thống nhất đồng bộ giữa các ngành, các cấp trên địa bàn. Chưa thể hiện được thái độ kiên quyết nghiêm minh, có ngành bắt, có ngành buông, có đơn vị, có cán bộ chỉ thể hiện thái độ kiên quyết chống lâm tặc trên văn bản hoặc trong phòng họp.
Theo chúng tôi, nếu những vấn đề nêu trên không được tỉnh Đắc Lắc, Bộ NNPTNT xem xét thấu đáo, chấn chỉnh kịp thời thì VQG YĐ dăm bảy năm nữa cũng sẽ bị xoá sổ trên thực tế như hàng trăm cánh rừng khác ở Tây Nguyên mà thôi!
Đặng Bá Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét