Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Việt Nam đang thay đổi… như chính cán cân quyền lực ở châu Á

Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía Trước
GS Carl Thayer, Tạp chí Diplomat
Lời bạt của người dịch: Rõ ràng, sau một loạt động thái của Trung Quốc để chuẩn bị cho tình huống chiến tranh ở khu vực Biển Đông cũng như để thao túng chính trường Việt Nam, khi một trong hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất có khả năng can thiệp vào tình hình này, là Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, thì việc ai xuất hiện ở Việt Nam trước thì người còn lại không còn lý do và cũng không còn động lực để xuất hiện. Nói cách khác, vào thời điểm học giả Carl Thayer công bố bài viết này, mặc dù Việt Nam có cơ hội chuẩn bị đón tiếp cả hai nhà lãnh đạo lớn của thế giới, nhưng thực ra họ chỉ được chọn một trong hai. Bởi có những vấn đề không thể “đi trên dây thép” mà phải xác định rõ lập trường. Và giới cầm quyền Việt Nam đã chọn ông Tập Cận Bình.
Ảnh: Xinhua
***
Mọi dấu hiệu đều cho thấy tình hình mâu thuẫn căng thẳng trong vấn đề lãnh đạo và chính sách đối ngoại của nội bộ chính quyền Việt Nam.
Ngày 15 tháng 9, chính trị Việt Nam bất ngờ chuyển biến với sự xuất hiện của trang web dành riêng cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng [Cộng sản] toàn quốc lần thứ 12 và bản dự thảo Báo cáo Chính trị và Kế hoạch Kinh tế–Xã hội giai đoạn 2016–2020.
Công chúng Việt Nam có thể gửi ý kiến đóng góp xây dựng những văn bản dự thảo chính sách cho đến cuối tháng 10 vừa qua.
Những văn bản chính sách chủ chốt cũng thường được công bố trước khi đại hội diễn ra. Ví dụ, bản dự thảo Báo cáo Chính trị và Kế hoạch Kinh tế a–Xã hội 5 năm đã được công bố chín tháng trước Đại hội đảng lần thứ 11 vào tháng Giêng năm 2011. Nhưng giờ thì Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn 4 tháng để hoàn tất quá trình chuẩn bị đại hội lần thứ 12 dự kiến được tổ chức vào ​​tháng Một năm 2016.
Trước khi trang web chính thức xuất hiện cũng như các văn bản chính sách quan trọng được công bố, Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không công khai bất cứ thông tin nào về Đại hội Đảng lần thứ 12. Dù vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn tất việc lựa chọn thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong phiên họp Trung ương Đảng lần thứ 11 vào tháng 5 vốn trước đó không có thông báo chính thức nào.
Giới quan sát viên tại Hà Nội cho biết rằng Ủy ban Trung ương sẽ triệu tập cuộc họp vào tháng 10 để giải quyết các bế tắc trong việc lựa chọn lãnh đạo, với một phiên họp dự kiến tiếp tục diễn ra trong tháng 11 nếu họ không thống nhất được ý kiến.
Tin từ giới truyền thông cho thấy có hai ứng cử viên chính với nhiều khả năng được chọn làm Tổng Bí thư Đảng – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người đồng sự lâu dài của ông là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Cả hai đều là người miền Nam. Trong khi những vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng có khuynh hướng dành cho người miền Bắc.
Nếu Ủy ban Trung ương đảng không thể đạt được sự đồng thuận thì tình hình có khả năng diễn biến theo hai hướng. Kịch bản thứ nhất là cả hai ứng cử viên sẽ nhượng bộ và nghỉ hưu, còn Đảng sẽ lựa chọn người lãnh đạo kế tiếp từ các thành viên có đủ điều kiện của Bộ Chính trị trong cuộc bầu cử tại Đại hội.
Kịch bản thứ hai là chính người lãnh đạo Đảng hiện tại, ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ được tái bổ nhiệm dựa trên khả năng là ông sẽ dọn đường cho người lãnh đạo khác trước khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm. Kịch bản này có thể sẽ được lặp lại, tương tự như quyết định tái bổ nhiệm ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư trong đại hội Đảng lần thứ 8 vào năm 1996, dựa trên những toan tính rằng ông sẽ từ chức vào khoảng giữa nhiệm kỳ. Sau đó, ông Lê Khả Phiêu đã lên thay ông Đỗ Mười vào cuối năm 1997.
Khi Việt Nam bước vào thời khắc chuyển biến chính trị trước đại hội Đảng, giới quan sát sẽ luôn nhạy cảm trước mọi chuyển biến hiện tại để hòng nhận ra được chiều thổi của các cơn gió lớn. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Ví dụ, khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức tiệc chiêu đãi chào mừng ngày Quốc khánh của họ (được tổ chức sớm vào ngày 29 tháng 9), phía Việt Nam đã cử đại diện là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh đến dự. Nhưng ông Vinh không phải là một thành viên của Bộ Chính trị và được dự kiến ​​sẽ nghỉ hưu sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Đang có nghi vấn tại Hà Nội rằng tại sao một quan chức «cấp thấp» như vậy lại có thể làm đại diện chính thức cho Chính phủ Việt Nam.
Ngày 30 tháng 9, một ngày sau buổi chiêu đãi, giới truyền thông Việt Nam đưa tin rằng ông Hà Huy Hoàng, một cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao và là một cựu phóng viên của trang Vietnam and the World Weekly (Việt Nam và Thế giới Trong tuần), đã bị đưa ra xét xử và kết án tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Ông Hoàng đã bị kết án 6 năm tù giam.
Giới truyền thông rất hiếm khi công bố tin về trường hợp công dân Việt Nam làm gián điệp cho Trung Quốc. Điều này tiếp tục dẫn đến những lời đồn đoán trong dư luận về thời điểm tiến hành phiên toà, cũng như người có thẩm quyền “bật đèn xanh” cho báo chí và truyền thông đưa những thông tin như vậy. Sự nghi ngờ chỉ tăng thêm khi tờ Tuổi Trẻ, VnExpress, cũng như các tờ báo khác dừng đăng tin này trên trang web chính thức của họ ngay trong buổi chiều của hôm công bố sự việc. Dư luận vẫn còn hoài nghi về việc ai đã ra lệnh để các tờ báo lớn hủy bỏ bản tin này và lý do tại sao phải làm vậy.
Việc những hoạt động nội gián được tính toán để diễn ra ngay giữa tình cảnh dầu sôi lửa bỏng trong tầng lớp lãnh đạo chính trị tại Việt Nam chính là một cách để các thế lực bên ngoài tiếp cận đại hội Đảng lần thứ 12. Vấn đề chính rõ ràng chưa được giải quyết ở đây là giới cầm quyền Việt Nam sẽ xoay sở như thế nào để duy trì được mối quan hệ với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ví dụ, những chi tiết lấp lửng trong bản dự thảo Báo cáo Chính trị không gợi ý được chút gì về định hướng chính sách ngoại giao đầy bất trắc của Việt Nam trong tương lai.
Rõ ràng là một số thành phần thuộc tầng lớp lãnh đạo chính trị tại Việt Nam đã chấp nhận để giới truyền thông đưa tin về cuộc xét xử liên quan đến các hoạt động tình báo Trung Quốc, với ít nhất một công dân Việt Nam dính líu đến chuyện này. Diễn biến này nối tiếp nguồn tin cho biết Trung Quốc đã được phép mở một Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng.
Phiên tòa xét xử gián điệp được công khai, hay quyết định dừng đăng tin này trên các trang mạng, đều là các chỉ báo quan trọng cho thấy nỗ lực duy trì quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ của giới cầm quyền Việt Nam vốn đã trở thành chủ đề nóng trong thời điểm này. Phía phản đối chiều hướng thân Hoa Kỳ luôn tìm cách nhấn mạnh «mối đe dọa biến hòa bình» chính là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Họ viền nổi áp lực đến từ phía Mỹ trong vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo thành một phần của mối đe dọa này.
Những nguồn tin hành lang về hoạt động nội gián liên tiếp của Trung Quốc khiến các nước đồng minh trong khu vực lo ngại rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, cũng như có thể tác động đến kết quả của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc sắp tới. Giới quan sát viên ở Hà Nội chia sẻ với tờ The Diplomat rằng chính quyền Trung Quốc đã thẳng thừng bày tỏ thái độ phản đối trước việc ông Phạm Bình Minh được đề bạt làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người trước giờ được xem là thân Mỹ.
Những nguồn tin hành lang từ Việt Nam cũng cho biết rằng Trung Quốc đã đánh tiếng về việc chủ tịch Tập Cận Bình có thể hoãn chuyến thăm dự kiến ​đến Việt Nam trong tháng này nếu Hà Nội không lập tức dừng chỉ trích việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông. Luồng thông tin này cũng khẳng định chuyến thăm sẽ diễn ra trước khi căng thẳng tiếp tục leo thang bởi việc này đang có quá nhiều mối đe dọa đối với Trung Quốc.
Những người muốn củng cố quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ nhấn mạnh lợi thế kinh tế mà các nước thành viên sẽ đạt được trong Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Nhóm này hiện vẫn đang tìm cách chống lại luận điệu khuếch trương «mối đe dọa từ diễn biến hòa bình» bằng cách nhấn mạnh rằng chính hoạt động gián điệp của Trung Quốc mới đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
Nói cách khác, khái niệm được gọi là “mối đe dọa diễn biến hòa bình đến từ Hoa Kỳ” đang bị lợi dụng để làm đối trọng trước những luận điểm chỉ ra mối đe dọa lật đổ từ Trung Quốc.
Tựu trung, sự kiện chính quyền Việt Nam quyết định công bố quá trình xét xử gián điệp Trung Quốc, cũng như việc không ít giọng bất đồng chính kiến đã xuất hiện công khai ​​trong những tháng gần đây, đều là các chỉ báo ngầm cho khả năng diễn ra thay đổi trong quan hệ ngoại giao Việt Nam–Hoa Kỳ.
Gần đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng quá trình bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, và tình hình an ninh biển trong khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dữ liệu về cuộc phỏng vấn ông Sang đã được trao cho hãng tin Associated Press (AP) ở New York trong khi ông đang tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Lời nhận xét này của ông Sang đã hướng đến cả khán giả quốc tế lẫn người trong nước. Cách ông phát biểu tại New York có thể được xem như bước chuẩn bị để Việt Nam củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ. Đồng thời, đối với dư luận trong nước, lời bình như vậy cũng có thể được xem là nỗ lực đánh bóng thông tin về tình hình an ninh quốc gia.
Cần nhắc lại rằng ông Sang đã đến thăm Washington vào giữa năm 2013 và được gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Sau các cuộc đàm phán, hai nhà lãnh đạo cùng tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về quan hệ đối tác toàn diện.
Phía ủng hộ nỗ lực tăng cường quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ trong giới lãnh đạo Việt Nam đang cần một số dấu hiệu cho thấy hành động của Việt Nam sẽ được hồi đáp để họ giành ưu thế trước khuynh hướng phê bình trong nước. Đó là lý do tại sao ông Sang kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt cấm vận các loại vũ khí gây sát thương đối với Việt Nam trong cuộc phỏng vấn ở New York. Ông Sang cũng nhấn mạnh lại lời tuyên bố ở Washington cách đây hai năm rằng Việt Nam sẽ đối thoại với Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền.
Việc Trung Quốc hoàn tất chu trình bồi đắp hệ thống đảo nhân tạo ở Biển Đông, những hòn đảo với đầy đủ cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho sự hiện diện của hải quân và không quân Trung Quốc trong khu vực, là động lực chính đằng sau những nỗ lực chính của Việt Nam nhằm thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao sâu sắc hơn với Hoa Kỳ.
Việt Nam đã dự kiến tổ chức đón tiếp chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama trong tháng 10 và tháng 11. Trong tình hình mâu thuẫn nội bộ của giới lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội, mỗi chuyến thăm này có thể được xem như một phép thử riêng biệt đối với định hướng chính trị tương lai của Việt Nam.
_______
GS Carl Thayer, một chuyên gia về tình hình khu vực Đông Nam Á, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Quốc phòng Úc, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á–Thái Bình Dương, Trường Cao đẳng về Chỉ huy và Tham mưu của Úc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Trường Cao đẳng Quốc phòng của Úc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét