Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Cựu công tố viên gửi thư cho tử tù: ‘Tôi xin lỗi’

Nguyễn Hoài An (dịch) – “Tôi hy vọng Thượng đế sẽ nhân từ với tôi. Nhưng tôi cũng hiểu rằng tôi không xứng đáng với điều đó”.
Cựu Công tố viên A.M. “Marty” Stroud III. Ảnh: Slate.com
Bài liên quan: 
Ông A.M. “Marty” Stroud III, ở Shreveport là công tố viên chịu trách nhiệm chính trong phiên tòa xử Glenn Ford tội giết người bậc 1 tháng 12 năm 1984. Mặc dù không có nhân chứng và không tìm được vũ khí gây án, song Glenn Ford vẫn bị tuyên án tử hình. Sau 30 năm ngồi tù, Ford được trả tự do ngày 11 tháng 3 năm 2014, sau khi tiểu bang Lousiana thừa nhận chứng cứ mới chứng tỏ Ford không phải là kẻ thủ ác. Theo luật bồi thường, Ford có thể nhận được bồi thường với mức tối đa lên đến 330.000 đô-la. Tuy nhiên, đơn bồi thường của ông đã bị bác bỏ vì tòa án bang Lousiana cho rằng không có chứng cứ cho thấy ông “thật sự vô tội”. Công tố viên Stroud đã viết thư này sau phán quyết trên, công khai xin lỗi ông Ford, thừa nhận trách nhiệm của mình, đồng thời khẳng định sự tùy tiện của án tử hình.
Bức thư này nối tiếp một bài xã luận của một tác giả khác ủng hộ việc trả tiền bồi thường cho ông Fort, được đăng trên báo Shreveport Times ngày 8/3/2015. Tít phụ do Luật Khoa tạp chí đặt.
***
Đây là lần đầu tiên, và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi công khai lên tiếng về bất kỳ bài xã luận nào của quý vị. Thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng nhiều bài xã luận của quý vị đã né tránh những câu hỏi khó nhằn về một vấn đề thời sự để không gây tranh cãi quá mức. Thế nhưng, tôi xin được chúc mừng quý vị vì quý vị đã đưa ra lập trường rõ ràng [trong một bài xã luận trước đó] về những gì cần thực thi nhân danh công lý.
Glenn Ford cần phải được bồi thường đầy đủ nhất có thể bởi những lỗ hổng hệ thống đã hủy hoại cuộc đời ông. Sự trơ tráo của tiểu bang nhằm từ chối bồi thường cho Ford thật đáng sợ.
Tôi biết tôi đang nói gì.
Tôi đã có mặt trong suốt phiên tòa xử Glenn Ford, từ đầu tới cuối. Tôi đã chứng kiến bản án tử hình được áp đặt lên người đàn ông này. Tôi đã tin rằng công lý đã được thực thi. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi là một trong các công tố viên của phiên tòa và tôi đã từng tự hào về những việc mình làm.
Bản án tử hình đã cho thấy cộng đồng của chúng ta không thể dung thứ cho những kẻ giết người máu lạnh. Lời răn từ kinh Cựu ước, lấy mắt thường mắt, lấy răng thường răng rất sống động ở giáo xứ Caddo này. Tôi thậm chí đã nhận được thư chúc mừng từ một nhân chứng của bang.
Thành viên gia đình người bị hại không ngớt lời cảm ơn các công tố viên và điều tra viên. Họ đã có được cái kết nào đó [để khép lại một câu chuyện buồn], hoặc giả như vậy, ai cũng nghĩ thế. Tuy nhiên, nhờ công sức khó nhọc và sự tận tình của những luật sư làm việc cho dự án Capital Post-Conviction Project of Louisiana, cùng nỗ lực của phòng cảnh sát và phòng công tố quận giáo xứ Caddo, sự thật đã được phát hiện.
Cựu tử tù Glenn Ford khi mới bị bắt hồi năm 1984. Ảnh: Louisiana Department of Correction.
Cựu tử tù Glenn Ford khi mới bị bắt hồi năm 1984. Ảnh: Louisiana Department of Correction.
Glenn Ford vô tội. Người đàn ông này đã được phóng thích khỏi lỗ đen địa ngục mà ông phải chịu đựng suốt 30 năm qua.
Không có thủ thuật chuyên môn nào ở đây. Dùng mánh khóe để biện hộ không đảm bảo cho việc một kẻ phạm tội sẽ được trả tự do. Ông Ford đã sống 30 năm cuộc đời trong một buồng giam nhỏ, nhếch nhác. Mọi thứ xung quanh ông đều kinh khủng. Ánh sáng yếu ớt, hệ thống sưởi và điều hòa gần như không tồn tại, đồ ăn gần như không thể nuốt được. Và chẳng ai muốn bị cáo buộc “dung túng” cho tử tù.
Nhưng ông Ford chưa bao giờ bỏ cuộc. Người đàn ông này đã tiếp tục đấu tranh cho sự vô tội của mình. Và cuối cùng nỗ lực đấu tranh đó đã được đền đáp.
Khi xem xét và điều tra các vụ giết người máu lạnh khác, các nhà điều tra đã tìm ra được chứng cứ giải tội cho ông Ford. Quả thật, chứng cứ này mạnh đến mức nếu nó được tìm ra trong quá trình điều tra trước kia, người ta sẽ không đủ chứng cứ để thậm chí bắt giam ông!
Không thể khuây khỏa
Thế nhưng, dù tồn tại sự bất công trầm trọng đến như thế, chính quyền bang vẫn không chấp nhận bất kỳ trách nhiệm bồi thường nào cho những thiệt hại mà một công dân bang mình phải chịu. Phản ứng quan cách đó dường như ngụ ý rằng không có ai cố tình làm sai, vì vậy bang không phải chịu trách nhiệm. Điều này thật vô lý. Thử giải thích lập trường đó cho ông Ford và gia đình ông ấy xem. Thực tế khách quan là những thứ ngang bướng, chúng không mất đi.
Ông Glenn Ford, giờ đây đã là một cựu tử tù, đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối và sống nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Ảnh: CBC.ca
Ông Glenn Ford, giờ đây đã là một cựu tử tù, đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối và sống nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Ảnh: CBC.ca
Vào thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, đáng lẽ đã có chứng cứ có thể chứng minh cho sự trong sạch của Glenn Ford. Lý lẽ tiện lợi và dễ dàng là các công tố viên không biết gì về những chứng cứ như thế, vì vậy họ được miễn khỏi bất kỳ trách nhiệm nào đối với bản án oan sai này.
Tôi sẽ không thể khuây khỏa với lý lẽ như thế. Là một công tố viên và một nhân viên toà án, tôi có trách nhiệm phải khởi tố công bằng. Mặc dù tôi có thể tung ra những đòn mạnh, song về mặt đạo đức tôi không được ra những đòn trái luật.
Một phần trách nhiệm của tôi là phải phơi bày ngay lập tức bất cứ chứng cứ giải tội nào liên quan đến phiên xử và vấn đề án phạt, tôi nhận thức rất rõ điều này. Lỗi của tôi là tôi đã quá thụ động. Tôi đã không coi những tin đồn về sự dính líu của những người khác ngoài ông Ford là đáng tin, đặc biệt là khi cả ba người bị buộc tội kia cuối cùng đều được trả tự do vì thiếu chứng cứ hiệu lực để khởi tố.
Nếu tôi truy tìm kỹ hơn, có lẽ chứng cứ đã lộ ra nhiều năm trước. Nhưng tôi đã không làm vậy, và việc khoanh tay ngồi im của tôi đã góp phần dẫn đến bản án oan trong trường hợp này. Dựa trên những gì chúng tôi có, tôi tự tin rằng chúng tôi đã khởi tố đúng người và tôi sẽ không dùng nguồn lực để điều tra những gì mà tôi coi là “tuyên bố ma”, cho rằng chúng tôi đã khởi tố sai người.
Lối tư duy sai lầm đã làm tôi mờ mắt không nhìn thấy được mục đích truy cầu công lý, mà chỉ nhắm đến việc đạt được bản án cho kẻ mà tôi tin là có tội. Tôi không giấu chứng cứ, tôi đơn giản là đã không nghiêm túc suy xét đến khả năng có thể thông tin đầy đủ vẫn còn ở ngoài kia và thông tin đó có thể sẽ dẫn đến một kết luận khác. Và việc bỏ qua đó là lỗi của tôi.
33 tuổi, tôi là kẻ hiếu thắng
Ngoài ra, sự im lặng của tôi tại phiên xử chắc chắn cũng góp phần dẫn đến kết quả oan sai.
Tôi đã không đặt câu hỏi về sự không công bằng mà ông Ford phải chịu khi được chỉ định cho một luật sư chưa bao giờ tham gia đại diện trong một phiên xử hình sự có bồi thẩm đoàn, chứ chưa nói đến một phiên xử với bản án tử hình. Tôi chưa bao giờ để ý đến chuyện rằng bên bị cáo không có đủ nguồn lực tài chính để thuê các chuyên gia, hay luật sư của bên bị phải đóng cửa hãng luật của mình suốt một thời gian dài để chuẩn bị cho vụ xét xử. Những luật sư này đã cố gắng hết sức mình, nhưng họ đã lên nhầm võ đài. Họ là những luật sư giỏi, có kinh nghiệm trong các vấn đề dân sự. Song điều này không chuẩn bị cho họ đủ để cứu mạng ông Ford.
Toàn bộ bồi thẩm đoàn là người da trắng, còn ông Ford là người Mỹ gốc Phi. Các bồi thẩm viên người Mỹ gốc Phi tiềm năng không suy nghĩ nhiều về chuyện phân biệt chủng tộc, bởi thời đó, cáo buộc phân biệt chủng tộc trong việc lựa chọn bồi thẩm viên có thể không đi đến đâu trừ khi người ta có thể chứng minh rằng văn phòng đã có kiểu làm việc như vậy trong các vụ xét xử khác.
Tôi cũng có dự phần vào việc đưa ra trước bồi thẩm đoàn lời khai không rõ ràng từ một chuyên gia bệnh học pháp y rằng kẻ nổ súng chắc chắn phải thuận tay trái, dù không có ai chứng kiến vụ sát hại. Và, Glenn Ford là người thuận tay trái.
Tất cả đều đã quá muộn khi tôi nhận ra rằng, lời làm chứng này thuần túy là một thứ khoa học rác rưởi ở mức độ tệ hại nhất của nó.
Năm 1984, tôi 33 tuổi. Tôi ngạo mạn, thích phán xét, yêu bản thân và tự đắc. Tôi không quan tâm đến công lý bằng việc giành chiến thắng. Xin mượn lời của Al Pacino trong bộ phim “Và công lý cho tất cả”: “Chiến thắng trở thành mọi thứ”.
Sau khi phiên tòa xử Ford ra phán quyết tử hình, tôi ra về cùng những người khác, chúng tôi uống vài chầu ăn mừng. Chuyện đó thật đáng kinh tởm. Tôi đã được giao cho nhiệm vụ tìm cách đẩy một người đồng loại của mình vào chỗ chết, một nhiệm vụ hệ trọng chắc chắn không thể biện hộ cho bất kỳ kiểu “ăn mừng” nào.
Trong lập luận phản bác của tôi tại phiên kết án tử hình tại tòa, tôi đã chế nhạo ông Ford, tôi nói rằng người đàn ông này muốn sống để có thể có cơ hội chứng tỏ mình vô tội. Tôi tiếp tục nói thêm rằng đây là một sự xúc phạm với mỗi quý bồi thẩm viên ngồi đây, vì ông ta không tỏ ra ăn năn, mà chỉ coi thường bản án của quý ngài.
Tôi đã sai lầm hoàn toàn như thế.
Tôi xin lỗi…
Tôi chỉ xin nói phần tôi và không ai khác.
Tôi xin lỗi ông Glenn Ford vì tất cả những nỗi thống khổ tôi đã gây ra cho ông và gia đình ông.
Tôi xin lỗi gia đình ông Rozeman vì đã mang lại cho mọi người hi vọng giả tạo về một sự khép lại nào đó.
Tôi xin lỗi các thành viên bồi thẩm đoàn vì đã không đưa ra toàn bộ câu chuyện.
Tôi xin lỗi tòa án vì đã không mẫn cán hơn trong nhiệm vụ của mình để đảm bảo đưa ra chứng cứ giải tội cho bên bị.
Glenn Ford xứng đáng nhận được tất cả những gì mà chúng ta mắc nợ ông theo luật bồi thường. Trường hợp này là một ví dụ khác cho thấy sự tùy tiện của án tử hình. Giờ đây tôi đã nhận ra, một cách đau đớn rằng, là một công tố viên trẻ 33 tuổi, tôi không đủ năng lực để đưa ra quyết định có khả năng dẫn tới cái chết của một người khác.
Cựu Công tố viên A.M. "Marty" Stroud III gặp mặt và trực tiếp xin lỗi ong Glenn Ford. Ảnh: ABC News
Cựu Công tố viên A.M. “Marty” Stroud III gặp mặt và trực tiếp xin lỗi ông Glenn Ford. Ảnh: ABC News
Không ai nên được trao cho quyền áp dụng án tử hình lên tiến trình xét xử của bất kỳ vụ án hình sự nào. Chúng ta đơn giản là không có được một hệ thống có thể áp dụng án tử hình một cách công bằng và vô tư bởi tất cả chúng ta đều là những con người dễ mắc lỗi.
Thực tế rõ ràng là án tử hình là một lời nguyền đối với bất kỳ xã hội nào tự nhận mình là văn minh. Nó là hành động ghê tởm sẽ tiếp tục làm phương hại các rường mối của xã hội này, và nó sẽ tiếp tục như thế cho đến khi hình thức xử phạt man rợ này được xóa bỏ. Cho đến khi đó, chúng ta sẽ vẫn phải sống trên một mảnh đất sử dụng sự trả thù có sự hỗ trợ của nhà nước và đó không phải là công lý dù dưới bất kỳ hình thức nào.
Tôi xin kết thúc ở đây với hi vọng Thượng đế sẽ nhân từ với tôi hơn những gì tôi đã thể hiện với ông Glenn Ford. Nhưng tôi cũng hiểu rằng tôi không xứng đáng với điều đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét