"Người ta ăn của dân không từ thứ gì nữa"
Sau khi báo Lao Động đăng tải thông tin 12 con dê hỗ trợ hộ nghèo
"lạc" vào trang trại riêng của lãnh đạo huyện Thạch Thành (Thanh Hóa),
nhiều độc giả đã tỏ thái độ bức xúc trước sự "hồn nhiên" của các lãnh
đạo địa phương vì hành động coi thường chính sách này.
"Chắc là do mấy con dê nó đi lạc từ nhà dân vào nhà bác bí thư thôi mà!"
- độc giả có tên Nguyên bình luận dưới bài viết Thanh Hoá: 12 con dê
cho hộ nghèo “chui” vào trang trại lãnh đạo huyện đăng tải trên Lao Động
cách đây 2 ngày.
Nhiều độc giả cùng dành thái độ mỉa mai cho việc 12 con dê của người dân
nghèo "lạc" vào trang trại của ông bí thư huyện ủy huyện Thạch Thành.
"Lãnh đạo bận nhiều việc nên hay bị...nhầm. Cần thông cảm." - độc giả có
địa chỉ mail Ngutr**@gmail.com viết.
Câu nói của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cách đây 2 năm: "Người ta ăn của dân không từ một thứ gì nữa" cũng được nhiều độc giả nhắc lại khi bình luận về sự kiện này.
""Ăn không từ thứ gì của Dân" - câu nói chính xác của Bà PCT nước và
lần này, người ăn lại là Bí thư Huyện uỷ huyện Thạch Thành .... Với 12
con dê mà ông và cộng sự tham nhũng, liệu truy tố hay "nhắc nhở" đây?" - độc giả Phan Nguyên đặt câu hỏi về trách nhiệm.
Cách lý giải của ông bí thư huyện ủy rằng ông " làm mô hình để bà con
theo" chứ không phải làm kinh tế cũng không được độc giả của Lao Động
chấp nhận.
" ông bí thư huyện nói nực cười, chã nhẽ ông không biết gì về chính
sách của huyện, vậy ông làm bí thư để lãnh đạo cái gì? Nếu dân không tố
cáo thì 12 con dê của người nghèo là của ông rồi." - độc giả Duy Tuấn hỏi.
"Dê nuôi ở trạng trại mình đến nửa năm mà nói nhầm? lại tới 12 con
chứ đâu phải một hay 2 con. Bó tay với loại cán bộ tham lam như thế này.
Ăn luôn cả phần của hộ nghèo." - một người khác khẳng định.
"...Nếu báo chí không điều tra ra thì mấy ông ém luôn." - độc giả VƯơng Quý nhận định.
Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả vụ việc này ngay khi có diễn biến mới.
Phong Huyền
(Lao Động)
Báo Ấn bình luận phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh
Ông Vịnh không giải thích về sự thay đổi mạnh mẽ này, nhưng theo tờ
báo Ấn thì đó là "cuộc đối đầu quyết liệt Việt - Trung trên Biển Đông".
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ảnh: Tuoitrenews.
Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 18/1 dẫn lời Thượng tướng Nguyễn
Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, Việt Nam và Ấn Độ
cần hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn vì những thay đổi mạnh mẽ của bối
cảnh an ninh khu vực. The Economic Times đã lý giải "thay đổi mạnh mẽ
của an ninh khu vực" là căng thẳng do Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp
lãnh thổ ở Biển Đông tăng cao.
Việt Nam có niềm tin rất cao vào Ấn Độ, ủng hộ vai trò Ấn Độ ở Biển Đông
Tướng Nguyễn Chí Vịnh được dẫn lời nói rằng: "Bởi vì sự thay đổi rất
mạnh mẽ của an ninh khu vực đã tạo ra sự cần thiết cho quan hệ hợp tác
chặt chẽ hơn giữa hai nước chúng ta. Chủ yếu là về đối tác chiến lược."
Ông Vịnh không giải thích về sự thay đổi mạnh mẽ này, nhưng theo tờ báo
Ấn thì đó là "cuộc đối đầu quyết liệt Việt - Trung trên Biển Đông".
Việt Nam "có một danh sách mong muốn dài từ Ấn Độ", bao gồm việc mua ít
nhất 4 tàu tuần tra, hỗ trợ huấn luyện phi công cho Không quân Việt Nam
để có thể sử dụng các máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga, thậm chí là cả
tên lửa BrahMos và những thứ khác.
The Economic Times cho biết, tướng Vịnh nhấn mạnh rằng Việt Nam có "niềm
tin rất cao" đối với Ấn Độ trong các vấn đề quốc phòng. Ông cho biết
Việt Nam vẫn chưa quyết định về số lượng tàu sẽ mua, nhưng nó không chỉ
dừng lại ở 4 chiếc. Những chiếc tàu này sẽ được sử dụng để tuần tra vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Việt Nam mong muốn có các tàu giám sát ngoài khơi bờ biển và xung quanh
các đảo của mình ở quần đảo Trường Sa, nơi được xây dựng một năng lực
đáng tin cậy để ngăn chặn hoạt động (bất hợp pháp) của Trung Quốc với 6
chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636MV của Nga, The Economic Times bình luận.
Ấn Độ và Việt Nam đã kết thúc thành công vòng đối thoại quốc phòng ở New
Delhi hôm Thứ Sáu, đây là lần đối thoại đầu tiên giữa hai nước kể từ
khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền.Trong cuộc trả lời phỏng vấn
tờ The Economic Times hôm 17/1, tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết đối thoại
năm nay đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cả hai phía, và đã rất thành công.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Shri R. K.
Mathur đồng chủ trì đối thoại quốc phòng Việt - Ấn năm 2015. Ảnh: Cổng
thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.
Quân đội hai nước đã triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh
vực khác nhau. Đối thoại quốc phòng Việt - Ấn năm nay có lĩnh vực hợp
tác mới là công nghệ cao và công nghệ thông tin. Việt Nam đánh giá cao
khả năng của Ấn Độ. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Ấn Độ đã giúp Việt
Nam đào tạo đội ngũ kỹ sư quân sự, ngôn ngữ, công nghệ thông tin cho lực
lượng cán bộ trẻ.
Tướng Vịnh cho biết, đặc trưng của quan hệ đối tác Việt - Ấn là hợp tác
chiến lược toàn diện về cả chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, an
ninh quốc phòng. Mối quan hệ này được củng cố khi các lợi ích chiến lược
của hai nước trở nên phù hợp hơn. Cơ hội và thách thức của tình hình an
ninh khu vực và quốc tế đã đưa Việt Nam và Ấn Độ trở nên gần gũi hơn,
cùng nhau bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Nước nào ỷ lớn hiếp nhỏ trên Biển Đông sẽ bị lên án
Với câu hỏi của The Economic Times rằng Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác
như thế nào để ổn định tình hình Biển Đông, tướng Vịnh cho biết: Tình
hình ở Biển Đông hay rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gắn
bó với nhau hơn, gắn với những mục tiêu của tất cả các quốc gia liên
quan. Các lợi ích bao gồm tự do hàng hải, tự do thương mại, lợi ích địa
chính trị, quốc phòng và an ninh.
Ấn Độ theo đuổi chính sách hành động hướng Đông thì không thể bỏ qua
tình hình ở khu vực Biển Đông. "Chúng tôi ủng hộ sự hiện diện của Ấn Độ
vì nó là vì hòa bình, hợp tác và vì lợi ích của sự phát triển ở châu Á -
Thái Bình Dương và trên thế giới. Biển Đông có nhiều thách thức, trong
đó có tranh chấp lãnh thổ, đe dọa sử dụng vũ lực và coi thường luật
pháp quốc tế", tướng Vịnh khẳng định.
Ông cho biết, đây là vấn đề đáng quan tâm không chỉ với các nước trong
khu vực mà là tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các bên có lợi
ích ở biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ quan điểm tương tự về Biển
Đông và châu Á - Thái Bình Dương với mong muốn khu vực trở nên ổn định,
hợp tác và phát triển. Bất kỳ nước nào đi ngược lại xu thế này sẽ bị lên
án bởi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh này, cộng đồng quốc tế gần đây đã lên tiếng bày tỏ mối
quan tâm đối với khu vực, nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp trên cơ sở
luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Mỗi
nước cần phải phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Nếu một quốc gia sử dụng sức mạnh và gây tổn hại đến lợi ích của các
nước khác trong khu vực, chắc chắn nó sẽ bị lên án, tướng Vịnh khẳng
định.
Hồng Thủy
(Giáo Dục)
Nguyễn Trọng Bình - Nói thật và nói sự thật
1. Có thể thấy sau
những phát ngôn của Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng về những vấn đề liên quan
đến cơ chế kiểm soát và cung cấp thông tin trong thời đại công nghệ hiện
nay thì gần như ngay lập tức nhiều cơ quan truyền thông, những người
báo chuyên lẫn không chuyên đều tỏ ra vui mừng phấn chấn. Mới đây, báo
Tuổi trẻ số ra ngày Chủ nhật, 18 tháng 1 cũng đã tổ chức một diễn đàn
xung quanh vấn đề này [1]. Một lần nữa, hầu hết những người tham gia
diễn đàn này đều đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
trước đó. Đặc biệt, mọi người đều nhất trí cho rằng việc kịp thời và
công khai, minh bạch thông tin cho người dân về tất cả mọi vấn đề của
đời sống xã hội là giải pháp quan trọng nhằm giành lại “trận địa thông
tin” trong tình hình bùng phát thông tin trên các trang, mạng xã hội
hiện nay.
Bây
giờ chúng ta hãy thử đặt câu hỏi để xem đây có phải là một giải pháp
tốt hay không? Câu hỏi là, giả sử trong trường hợp các cơ quan truyền
thông chính thống đã chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời và
minh bạch rồi nhưng nhân dân vẫn không tin thì sao? Hay người dân sau
khi có thông tin từ các cơ quan truyền thông chính thống nhưng họ vẫn
muốn tìm thông tin ở chỗ không chính thống như một cách để kiểm chứng
mức độ chân thật của sự việc nào đó thì sao? Bởi nói cho cùng, việc hoài
nghi hay không tin vào một thông tin liên quan đến một vấn đề, một sự
kiện nào đó cũng là quyền của mỗi người dân và không ai hay một cơ chế
nào có thể ngăn cấm họ.
2. Đặt câu hỏi mang
tính phản biện như trên, người viết bài này muốn nhắc lại đây quan điểm
của giáo sư Lê Ngọc Trà trong một bài viết cách đây gần 30 năm. Chính
xác là năm 1988 - thời điểm được xem là lần “đổi mới tư duy thứ nhất”
của Đảng những 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, trên lĩnh vực văn hóa văn
nghệ nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, sau khi đã được Đảng
“cởi trói”, Giáo sư Lê Ngọc Trà có nêu quan điểm rằng:
“Mặt
khác phải thấy rằng nói thật và nói sự thật không phải bao giờ cũng là
một. Có khi anh chân thành đấy nhưng vì nói một chiều, định hướng của
anh sai nên thành ra chỉ nói được một nửa sự thật. Chẳng phải mấy chục
năm qua phần đông nhà văn chúng ta cũng tin mình nói thật đó sao? Mà có
lẽ đúng như vậy. Nhưng bây giờ thì trừ những người “yêu quá khứ” vì yêu
mình ra, mấy ai nghĩ rằng văn học ta đã nói hết được sự thật?” [2].
Từ
quan điểm trên của Giáo sư Lê Ngọc Trà có thể nói, sắp tới đây việc chủ
động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch cho người dân
của các cơ quan truyền thông chính thống nước nhà thật ra chỉ mới đáp
ứng được một nửa sự thật về một vấn đề, một sự kiện nào đó mà thôi. Nói
cách khác, việc chủ động kịp thời và minh bạch thông tin về sự kiện nào
đó của đất nước mới là “điều kiện cần” trong vấn đề xây dựng niềm tin
đối với nhân dân của các cấp chính quyền và lãnh đạo Nhà nước. Vậy thì
nửa sự thật còn lại nằm ở đâu? Hay cái “điều kiện đủ” ở đây là gì? Xin
thưa đó là tâm thế và thái độ của người cung cấp thông tin hay chính xác hơn là tâm thế và thái độ của lãnh đạo Nhà nước và chính quyền đối với nhân dân trong việc cung cấp thông tin về những sự kiện liên quan đến hiện tình đất nước là như thế nào? Vấn đề này có thể nhìn nhận ở 3 phương diện quan trọng sau:
Một, thông tin được
cung cấp có mang tính chia sẻ và sẵn sàng đối thoại với nhân dân để tìm
sự đồng thuận hay chỉ nhằm mục ban phát trong sự áp đặt suy nghĩ và tư
tưởng người dân; như một mệnh lệnh để thi hành và không cho phép người
dân được quyền phản biện lại hay có cách nhìn khác, góc nhìn khác?
Hai, thông tin được
cung cấp có thực sự nhằm phục vụ lợi ích của đại bộ phận công chúng và
nhân dân hay chỉ phục vụ lợi ích cho một người hay nhóm người nào đó?
Ba,
chỉ số và mức độ công khai, minh bạch của những sự kiện được cung cấp
như thế nào, độ tin cậy của những vấn đề ra sao; đâu là những sự kiện mà
người dân đương nhiên phải được chính quyền cung cấp (ngoài những vấn
đề, những thông tin liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia) để mà
“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...?
3. Thời gian qua,
có một thực tế mà ai cũng nhìn thấy là, trước một vấn đề nào đó (nhất là
vấn đề liên quan đến đời tư của các lãnh đạo cấp cao hay thông tin về
những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia về biển đảo...) thì về
phía các cơ quan truyền thông chính thống, đa phần chỉ cung cấp cho
người dân ở mức độ “vừa phải” hay chủ yếu là “nói tránh”, “nói giảm” đi
cái bản chất thật của những sự việc (ví như đồng chí X, Y, Z hay ngư dân
của ta bị “tàu lạ” đâm chìm...). Ở chiều ngược lại, các cơ quan truyền
thông phi chính thống lại có khuynh hướng đưa tin theo kiểu nói quá, nói
phóng đại hay thổi phồng lên. Đây là gì nếu không phải là thái độ và
tâm thế của những bên cung cấp thông tin đến với người dân?
Nghiêm túc mà nói
thì cả hai cách cung cấp thông tin đến người dân như trên đều là cố tình
bóp méo và xuyên tạc bản chất thật của những sự việc. Thế nhưng, phía
nào cũng khư khư cho rằng mình đang nói thật về một sự việc, sự kiện ấy.
Và như thế tất cả người dân vô tình trở thành nạn nhân của những thông
tin trái chiều ấy. Hay nói cách khác, mọi sự phân tâm và hoang mang của
người dân đều bắt nguồn từ chỗ này. Vì một bên chỉ nói một nửa sự thật
còn một bên có khi lại nói quá, nói vượt ra ngoài những sự thật ấy.
Rõ ràng, trong
chuyện này cả hai phía chính thống và phi chính thống đều có lỗi trong
cách cung cấp thông tin đến người dân, tuy nhiên công tâm mà nói thì lỗi
của phía cơ quan truyền thông chính thống có phần nặng và đáng trách
hơn. Bởi lẽ:
Thứ nhất, phía các cơ quan truyền thông chính thống được sự bảo hộ về cơ chế tiếp cận và khai thác thông tin thuận lợi hơn.
Thứ hai, những
người đưa tin từ phía các cơ quan truyền thông chính thống được nuôi
dưỡng bằng tiền thuế của người dân góp vào vậy mà họ chỉ cung cấp thông
tin cho người dân không kịp thời và không đầy đủ.
Như vậy, nói theo
ngôn ngữ bóng đá là với lợi thế “sân nhà” và “trọng tài nhà” nhưng nhìn
chung đa phần các cơ quan truyền thông chính thống vì lsy do nào đó có
khi chỉ im lặng không hề cung cấp thông tin cho người dân hoặc có cung
cấp nhưng thông tin đến người dân vừa chậm lại thêm “nói giảm”, “nói
tránh” hay chỉ nói có 50% sự thật xung quanh những những sự kiện mà họ
biết rất rõ 100% thì khó mà trách sự xuyên tạc hay bóp méo của bên cung
cấp thông tin không chính thống bằng cách nói quá nó lên. (Ở đây cũng mở
ngoặc nói thêm là nếu xét trong từng trường hợp cụ thể thì không phải
người làm báo nào trong cơ quan truyền thông chính thống cũng đáng
trách, vẫn có không ít người rất có ý thức về chuyện này nhưng có khi vì
cuộc sống nên trong từng vấn đề cũng nên thông cảm cho họ - những người
chưa đến mức phải “bẻ cong ngòi bút” để tồn tại).
***
4.
Dù sao cũng phải thừa nhận quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng khi yêu cầu xây dựng cơ chế hợp lý nhằm giúp các cơ quan truyền
thông chính thống “đưa thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch” đến
mọi người dân là một cái nhìn đúng đắn, kịp thời của người đứng đầu
chính phủ trong hoàn cảnh bát nháo và nhiễu loạn thông tin hiện nay ở
Việt Nam; là dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy và
nhận thức của những người lãnh đạo trong vấn đề minh bạch thông tin
trước nhân dân. Tuy vậy, có lẽ các cấp lãnh đạo cùng những người làm báo
chính thống cũng không nên ảo tưởng rằng, nhân dân sẽ tin tưởng chính
quyền khi họ được cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác và minh
bạch. Vì như người xưa đã nói: “một lần bất tín vạn lần bất tin”.
Ngoài
ra, trong tình hình xã hội và đất nước Việt Nam hiện nay, muốn có được
hay lấy lại niềm tin của nhân dân thì như đã nói, tâm thế và thái độ của
những người cung cấp thông tin mới là nhân tố quan trọng và quyết định
nhất. Trước một sự kiện nào đó, người dân tuy được cung cấp một cách kịp
thời và minh bạch nhưng nếu thông tin về những sự kiện ấy đã được “định
hướng” và “dàn xếp” trước sao cho chỉ có lợi cho một số người, một nhóm
người nào đó thì
có khi chỉ làm nhân dân thêm mất niềm tin hơn mà thôi. Bởi lẽ, những
thông tin như vậy thật ra chỉ mới đáp ứng được một nửa của sự thật. Mà
một nửa sự thật thì như mọi người đã biết đó không phải là sự thật. Vậy
nên, sắp tới đây, muốn người dân thật sự tin tưởng thì nhất định phải
tuân thủ một nguyên tắc mà Giáo sư Lê Ngọc Trà đã nói cách đây gần 30 năm: “nói thật và nói sự thật bao giờ cũng kèm theo một điều kiện: quyền được nói thật và nói sự thật”[3] của mỗi người dân.
Nói
cách khác, muốn người dân thật sự tin tưởng thì trước hết, Nhà nước và
chính quyền phải tuyệt đối tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tư tưởng, tự
do suy nghĩ, tự do ngôn luận của người dân trước mọi sự kiện, mọi vấn
đề của xã hội và đất nước mà họ được những cơ quan truyền thông cung
cấp. Nhà nước và chính quyền phải dũng cảm để sẵn sàng đón nhận và lắng
nghe những những lời nói thật cho dù đó là những lời chỉ trích, “quở
mắng” của người dân về những quyết sách sai lầm hay những vấn đề có màu
sắc tiêu cực khác. Lắng nghe là để nhận lỗi và sửa đổi chứ không phải
lắng nghe để trù dập hay thậm chí trấn áp, đàn áp tinh thần họ. Có vậy
may ra mới lấy lại niềm tin của nhân dân; mới thực sự là Nhà nước “của
dân, do dân và vì dân”; thực sự là một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn
minh.
Cần Thơ, 18/1/2015
Nguyễn Trọng Bình
-----------------
Chú thích nguồn:
[1]: “Minh bạch để giành “trận địa thông tin” - Báo Tuổi trẻ - Số ra ngày 18/1/2015.
[2], [3]: Lê Ngọc Trà – “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực” (in trong sách “Lý luận và văn học”, nhà xuất bản Trẻ, 2005).
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-1-15
(Viet - Studies)
Charlie Hebdo và quyền ngôn luận ở VN
Charlie Hebdo trào lộng tình hữu nghị Việt - Trung
Charlie Hebdo là một tờ báo trào phúng nổi tiếng ở Pháp. Các nhà hí họa
rất nhanh nhạy với mọi tình hình thời sự, chính trị, và mọi khía cạnh
trên thế giới. Họ đã mạnh dạn dùng bút vẽ để trào lộng những vấn đề được
coi là nhạy cảm xã hội như tôn giáo. Mọi thứ lố bịch làm ảnh hưởng đến
tự do nhân quyền con người họ đều đem ra chỉ trích dưới hình thức châm
biếm. Chính vì thế họ đã bị bọn khủng bố theo đạo Hồi quá khích bắn chết
khi đang họp ngày 07/01/2015 ở Paris. Mặc dù trụ sở đã từng bị đốt,
từng bị đe dọa mạng sống, họ vẫn can đảm lên tiếng vì lý tưởng tự do
ngôn luận, và vì hòa bình trên thế giới. Không chỉ trào lộng đạo tôn
giáo mà những mối quan hệ chính trị của nhiều nước trên thế giới như
quan hệ Trung – Mỹ, Việt – Trung, Mỹ - Nga Xô cũng bị họ đưa ra trào
lộng.
Việt Nam từng có bài hát suốt ngày đài phát “Việt Nam Trung Hoa núi liền
núi sông liền sông… mổi tình hữu nghị thắm như rạng đông » và Hồ Chí
Minh đã ví mối tình hữu nghị keo sơn như môi với răng, môi hở răng lạnh.
Nhiều báo chí thế giới đã dịch câu này. Báo nhân đạo Pháp cũng từng đề
cập mối quan hệ Việt – Trung.
Năm 1979, quân đội Việt Nam sang giúp Campuchia để dẹp Kmer đỏ. Trung
Quốc nhân cớ lợi dụng để tấn công Bắc Việt Nam. Tình hữu nghị biến thành
chiến tranh biên giới. Charlie Hebdo đã nhanh nhạy trào lộng mối quan
hệ Việt-Trung tan vỡ. Bức tranh chỉ trích mấy nước da vàng tưởng hòa
bình rồi lại cắn xé lẫn nhau. Tác giả trào lộng tình hữu nghị môi hở
răng lạnh giữa Trung Quốc và Việt Nam vốn được hai nước đề cao trong
chiến tranh chống Mỹ, bây giờ lại dùng môi răng để cắn nhau khi Trung
Quốc xâm phạm lãnh thổ Bắc Việt Nam.
Cắn nhau đi, hỡi người da vàng !
Trong chiến tranh Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc coi nhau như «anh
em», nhưng thực chất Mao đã bắt tay với Mỹ, trong khi Mỹ tiếp tục ném
bom ở Việt Nam. Tình hữu nghị trá hình của Trung Quốc đã được các nhà
báo chống chiến tranh ở Việt Nam hí họa đăng trong tạp chí Charlie Hebdo
Mao và Nixon - Những mối tình lững lẫy
Tháng 2/1972, Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc. Mao và Nixon giao bang. Bom vẫn rơi xuống đầu Việt Nam.
Đúng như Wolinski đã nói rằng báo của họ nói lên trước những điều sẽ xảy
ra trong 10 năm tới. Tình hình hữu nghị Việt – Trung càng lộ rõ khi
Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan ở Biển Đông và chiếm Hoàng Sa và
một số đảo nhỏ thuộc địa phận Việt Nam.
Trào lộng là một vũ khí đấu tranh hòa bình để xã hội phát triển. Những
nhà hí họa Charb, Wolinski, Tignous, Cabu thực sự là những anh hùng hy
sinh trên mặt trận văn hóa vì tự do và hòa bình của toàn nhân loại. Tinh
thần của họ mãi mãi được ca ngợi và thắp sáng. Những người yêu hòa bình
và tự do đã ủng hộ Charlie Hebdo. Chính vì thế số báo ra đời sau vụ
thảm sát dã man với 5 triệu bản vừa ra buổi sáng đã bán hết. Charlie
Hebdo đã vinh dự được công nhận là công dân danh dự của thành phố Paris.
Khi được coi là công dân, tức là tờ báo trở nên bất tử. Charb, Cabu,
Wolinski, Tignous cùng tờ báo Charlie Hebdo đã trở nên bất tử vì đấu
tranh cho Tự do và hòa bình trên toàn thế giới.
Trần Thu Dung
Tác giả gửi BVN
(Bauxitevn)
Nhìn lại sự kiện TQ đánh chiếm Hoàng sa năm 1974
Tháng
1 năm 1974, hải quân Trung Quốc đánh chiếm nốt các đảo thuộc phần phía
Tây của quần đảo Hoàng Sa. Thấm thoắt 36 năm đã trôi qua, lớp bụi thời
gian đã phần nào che phủ lên một sự kiện này, làm nảy sinh một số nhìn
nhận và đánh giá sai lầm về một sự thật lịch sử, gây phức tạp thêm cho
quá trình tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những tranh chấp ở biển Đông.
Do bị tuyên truyền xuyên tạc và thiếu thông tin, không ít người Trung
Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về chủ quyền của Trung Quốc.
Thậm chí, một nhóm người hiếu chiến ở quốc gia to lớn này còn cho rằng:
cuộc đánh chiếm Hoàng Sa chứng minh rằng dùng vũ lực có thể giải quyết
vấn đề chủ quyền lãnh thổ và có ảo tưởng rằng có thể tiếp tục sử dụng vũ
lực để đánh chiếm nốt biển Đông. Chính vì vậy, việc nhìn nhận và đánh
giá sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa một cách
thật khách quan vẫn là hết sức cần thiết để làm sáng tỏ sự thật lịch sử
này.
Trong quá trình rút khỏi Đông Dương, chính phủ bảo hộ Pháp trao trả chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Sài Gòn từ tháng 10 năm 1950. Quân đội của chính quyền Sài Gòn cho quân đóng giữ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực thi quản lý nhà nước đối với hai quần đảo này.
Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, Hoa Kỳ rút quân và thiết bị của mình ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, Hoa Kỳ đã coi việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng hòa.
Thời gian này đã là giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đứng trước nguy cơ thảm bại rõ ràng. Do nhu cầu của chiến cuộc, việc phòng thủ Hoàng Sa bị suy yếu. Việt Nam Cộng hoà phải rút tiểu đoàn thủy quân lục chiến tại Hoàng Sa đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ thoả thuận ngầm với Trung Quốc rằng họ sẽ đứng ngoài cuộc chiến nếu xảy ra đã đẩy Việt Nam Cộng hoà vào thế hoàn toàn đơn độc. Tình hình đó tạo ra nguy cơ cực lớn cho công cuộc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa; đồng thời cũng tạo thời cơ hết sức thuận lợi cho Trung Quốc hoàn thành việc xâm chiếm toàn bộ quần đảo này.
Diễn biến của trận chiến Hoàng Sa
Ngày 11 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của mình. Ngay sau đó, hải quân Trung Quốc đưa nhiều chiến hạm và tàu đánh cá có vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.
Ngày 12 tháng 1 năm 1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc; đồng thời, Bộ tư lệnh Hải quân của Việt Nam Cộng hoà đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ.
Cả ngày 17 và 18 tháng 1, Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào hải phận phía tây quần đảo Hoàng Sa. Đến nửa đêm 18 tháng 1, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đã ra đến nơi chi viện. Trận hải chiến lớn nhất và dữ dội nhất giữa hải quân Việt Nam Cộng hoà và hải quân Trung Quốc nổ ra vào sáng ngày 19 tháng 1.
Ngày 20 tháng 1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa … Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hoà trên các đảo này, chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. 58 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hoà đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.
Sau khi chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.
Phản ứng của phía Việt Nam
Ngày 20 tháng 1 năm 1974, ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị có những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng sa.
Ngày 26 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Phản ứng trước vụ việc này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra tuyên bố “các nước liên quan nên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và quan hệ láng giềng”. Họ đã không thể làm gì hơn, do Hoàng Sa thời gian đó không nằm trong quyền quản lý của của mình và họ vẫn cần đến viện trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngày 5 tháng 6 năm 1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa – Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.
Ngay sau đất nước thống nhất, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn luôn luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trên biển Đông.
Sự kiện năm 1974 và vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa
Trong bối cảnh chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang gần đến ngày thảm bại hoàn toàn, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Nhìn nhận sự kiện này dưới bình diện của luật pháp quốc tế, người ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, những hành động đánh chiếm các đảo và quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, đều phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định : “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.
Trước khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm (năm 1956 và năm 1974) quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì quần đảo này đã có chủ. Trước đó vài thế kỷ, Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình một cách thật sự, liên tục và hoà bình đối với quần đảo Hoàng Sa (và cả Trường Sa). Những tài liệu lịch sử để lại đã chứng minh rõ ràng rằng Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình trên các quần đảo này ít ra là từ thời Chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ thứ XVII. Vào thời kỳ này, Chúa Nguyễn cử các Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải ra hai quần đảo, mỗi năm khoảng 8 tháng, để khai thác các nguồn lợi, tài nguyên của đảo và những hoá vật từ những tàu bị đắm. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835, Vua Minh Mạng đã cho xây đền, đặt bia đá trên hai quần đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được giao thêm cả nhiệm vụ tuần tiễu, thu thuế trên đảo, bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp vào thống trị Đông Dương.
Cho đến ngày bị Pháp đô hộ, triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách hòa bình, không có nước láng giềng nào cạnh tranh hoặc phản đối.
Năm 1932, Pháp khẳng định An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập quần đảo này vào tỉnh Thừa Thiên. Năm 1933, Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về ký hoà ước với Nhật Bản khi đại biểu một nước lớn đề nghị thảo luận việc bổ sung Dự thảo Hòa ước nhằm mục đích giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc thì Hội nghị đã bác bỏ đề nghị đó với tuyệt đại đa số phiếu 46/51. Tại Hội nghị, khi Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Đại diện Chính phủ Bảo Đại là Thủ tướng Trần Văn Hữu đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo mà không có nước nào lên tiếng phản đối. Sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã triển khai đóng quân trên hai quần đảo, quản lý hai quần đảo theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954; đồng thời luôn khẳng định và thực thi chủ quyền một cách hoà bình và liên tục đối với hai quần đảo. Năm 1961, Việt Nam Cộng hoà sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam, và năm 1973, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy.
Trong khi đó, Trung Quốc không có bằng chứng lịch sử và pháp lý xác thực nào để yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa). Thực tế là, vào đầu thế kỷ 20, “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản năm 1905, tái bản năm 1910, đã thể hiện rất rõ ràng điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam và “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thử” xuất bản năm 1906 ghi rõ điểm mút ở phía nam Trung Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18013′ bắc. Các công trình nghiên cứu chính sử và các sử liệu chính thức của các triều đại phong kiến Trung Quốc từ đời nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh cho đến nhà Thanh cũng cho thấy một kết luận tương tự: điểm cực Nam của cương vực Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Theo nhiều tư liệu của Trung Quốc và của các học giả nước ngoài thì phải đến đầu thế kỷ 20, trước sự đe doạ của chủ nghĩa nghĩa bành trướng Nhật Bản, Trung Quốc mới quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa và đến những thập kỷ 20 và 30 thì mới thể hiện ý đồ tranh giành chủ quyền với chính quyền bảo hộ Pháp. Cho đến lúc đó thì người Trung Quốc chưa có hành động thể hiện sự chiếm hữu thực sự nào đối với các đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào tháng 11 năm 1946, với lý do giải giáp quân Nhật, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc Nhóm Đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Itu Aba (thuộc quần đảo Trường Sa) và đến tháng 4 năm 1950 thì rút khỏi đảo Phú Lâm. Sau khi đuổi được quân đội Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa, năm 1956 chính quyền Bắc Kinh cho quân đánh chiếm toàn bộ phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Ba là, theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tóm lại, chiếu theo các quy định của luật pháp quốc tế, có thể nói rằng hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956 và năm 1974 là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “cấm việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” và bị coi là “hành động xâm lược”. Dù có chiếm đóng thêm một trăm năm nữa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Những gì thuộc về Cesar sẽ phải trả về cho Cesar. Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam phải trả về cho Việt Nam. Đó là một sự thật lịch sử, không thể nào thay đổi./.
Xuân Thành
17-01-2015
Trận Hoàng Sa, biểu tượng hội tụ lòng yêu nước
Trần Gia Phụng (Danlambao)
– Trong chiến tranh Việt Nam vừa qua, trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974 tuy
ngắn ngủi nhưng là trận chiến chống ngoại xâm duy nhứt và ngày nay trở
thành biểu tượng hội tụ lòng yêu nước của người Việt. Để thấy rõ các
điểm nầy, xin đặt lại trận Hoàng Sa trong toàn bộ cuộc chiến Việt Nam
vừa qua.
Tính chất cuộc chiến Việt Nam
Về cuộc chiến 1946-1954, Cộng sản Việt Nam (CSVN) thường tuyên
truyền rằng đó là cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân. Thật ra, vấn
đề không đơn giản như vậy. Nguyên khi ra mắt chính phủ Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945 tại Hà Nội do mặt trận Việt Minh (VM)
và đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) lãnh đạo, Hồ Chí Minh (HCM) đưa ra ba
lời thề, trong đó lời thề thứ ba là sẽ chống Pháp đến cùng nếu Pháp trở
lui nước ta. Tuy nhiên khi Pháp trở lui, sợ Pháp lật đổ, mất quyền lãnh
đạo, đồng thời để rảnh tay tiêu diệt các thanh phần đối lập, HCM không
chống Pháp như lời thề ngày 2-9, mà thỏa hiệp với Pháp, ký hiệp định Sơ
bộ ngày 6-3-1946, đặt Việt Nam trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên
Hiệp Pháp, nghĩa là hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Pháp ở Đông
Dương. Chẳng những thế, để được chắc chắn yên thân hơn, HCM còn qua
Paris, xin ký với Pháp Tạm ước (Modus Vivendi) ngày 14-9-1946.
Hiệp ước nầy để cho Pháp tái tục các hoạt động kinh tế, tài chánh, giao
thông, văn hóa trên toàn quốc Việt Nam. Như thế, rõ ràng, HCM cùng mặt
trận VM và đảng CSĐD phản bội có hệ thống lời thề chống Pháp trước dân
chúng ngày 2-9-1945.
Khi quân đội Pháp đến Hà Nội khá đông, xảy ra những cuộc đụng độ
giữa quân Pháp và VM. Pháp yêu cầu VM phải để cho quân đội Pháp kiểm
soát an ninh ở Hà Nội. Nếu để cho Pháp kiểm soát an ninh thì lãnh đạo
đảng CSĐD và chính phủ VM đang ở Hà Nội, hoàn toàn nằm trong tay Pháp.
Lo sợ bị bắt giữ, nhưng cũng không còn thương thuyết được với Pháp, HCM
bí mật họp Trung ương đảng CSĐD tại Vạn Phúc (Hà Đông) trong hai ngày 18
và 19-2-1946, để tham khảo ý kiến. Không hỏi ý kiến Quốc hội (đại diện
toàn dân) hay Ban Thường vụ Quốc hội, dù Ban Thường vụ Quốc hội luôn
luôn có mặt ở Hà Nội, Trung ương đảng CSĐD quyết định tuyên chiến với
Pháp, để có lý do chính đáng bỏ trốn khỏi Hà Nội.
Cũng không tham khảo Quốc hội, Trung ương đảng CSĐD còn thông qua
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đổ gánh nặng chiến tranh lên vai
toàn dân. Lúc đó, dân Việt chưa biết nhiều về HCM và đảng CSĐD. Dân Việt
vốn có lòng yêu nước và có tinh thần chống ngoại xâm, nên khi nghe lời
kêu gọi kháng chiến, liền đứng lên đáp lời sông núi mà không biết là đã
bị HCM và đảng CSĐD lừa phỉnh, lợi dụng. Nhiều người tản cư vì tránh
chiến tranh chứ không phải theo CS, vì chẳng bao lâu sau đó, họ hồi cư
về thành rất đông.
Như thế, cuộc chiến bùng nổ tối 19-12-1946 là cuộc chiến do đảng
CSĐD gây ra, vì quyền lợi sống còn của đảng CS, giữa đảng CSĐD với Pháp,
chứ không phải giữa dân tộc Việt Nam với Pháp. Nếu kháng chiến chống
Pháp vì lòng yêu nước, thì phải giữ lời thề chống Pháp ngay khi Pháp mới
trở lại Việt Nam, chứ không thương thuyết, ký thỏa ước với Pháp, rồi
khi đảng CSĐD bị đe dọa, mới chống Pháp.
Trong khi đó, đảng CSĐD tiếp tục cuộc tiêu diệt những thành phần
theo chủ nghĩa dân tộc, không cộng sản, từ thành phố đến nông thôn. Tại
thành phố, những nhân vật nổi tiếng bị VM giết đã nhiều. Tại nông thôn,
trong mỗi làng, VM thủ tiêu ít nhất từ 5 đến 10 người, thì trên toàn
quốc Việt Nam, tổng cộng số người bị VM giết có thể lên đến vài trăm
ngàn người. Không thể ngồi chờ để bị giết, vì bản năng sinh tồn, những
thành phần theo chủ nghĩa dân tộc quy tụ chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, ở
thế chẳng đặng đừng phải liên kết với Pháp chống CS, thành lập chính
thể Quốc Gia Việt Nam (QGVN) năm 1949.
Từ năm 1949, chiến tranh giữa VMCS với Pháp trở thành chiến tranh ý
thức hệ giữa người cộng sản với người quốc gia, kéo dài đến năm 1954
mới chấm dứt bằng hiệp định Genève (20-7-1954), chia hai Việt Nam tại vĩ
tuyến 17: VNDCCH ở phía bắc, còn gọi là Bắc Việt Nam (BVN) và QGVN ở
phía nam, còn gọi là Nam Việt Nam (NVN). Rõ ràng cuộc chiến nầy không
phải là cuộc chiến chống ngoại xâm.
Cuộc chiến thứ hai 1960-1975 cũng do đảng CSĐD, dưới tên mới là
đảng Lao Động (LĐ), cố tình gây hấn nhằm thôn tính NVN và bành trướng
chủ nghĩa CS. Nguyên hiệp định Genève chỉ có tính cách thuần túy quân
sự, không đưa ra giải pháp chính trị. Giải pháp chính trị được nói đến
tại điều 7 bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề
lập lại hòa bình ở Đông Dương”, theo đó cuộc tổng tuyển cử để thống nhất
đất nước dự tính sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956. Tuy nhiên, bản tuyên
bố nầy chỉ được hội nghị thông qua bằng miệng, chứ không có chữ ký của
bất cứ phái đoàn nào cả, nghĩa là bản tuyên bố chỉ có tính cách gợi ý,
chứ không có tính cách cưỡng hành, không bắt buộc thi hành.
Sau hiệp định Genève, VNDCCH hay BVN cài người, giấu súng ở lại
miền Nam, vi phạm hiệp định Genève, nhưng BVN lại lấy cớ VNCH hay NVN
không chấp nhận tổng tuyển cử, không tôn trọng hiệp định Genève, phát
động chiến tranh lần nữa, xâm lăng NVN vào cuối 1960. Lần nầy, núp dưới
chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”, Lê Duẫn, thư ký thứ nhứt đảng LĐ tức đảng
CSĐD, xác định mục tiêu chiến tranh là đánh cho TC, đánh cho Liên Xô.
Câu nói của Lê Duẫn khái quát hết sức đầy đủ mục đích chiến tranh của
BVN, làm tay sai cho LX, TC, và làm nhiệm vụ quốc tế CS.
Như thế, cả hai cuộc chiến 1946-1954 và 1960-1975 đều không chống
ngoại xâm, mà chỉ do CS cố tình gây ra nội chiến để bảo vệ quyền lực và
mở rộng quyền lực, bành trướng chủ nghĩa CS, làm tay sai cho CSQT. Có
thể nói cả hai cuộc chiến đều là hai cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn,
còn tệ hại hơn cuộc nội chiến thời Nam Bắc phân tranh vào thế kỷ 17, vì
CSVN lồng chủ nghĩa Mác xít vào cuộc nội chiến, tiêu diệt văn hóa dân
tộc, làm tổn hại và tê liệt đất nước.
Trận chiến chống ngoại xâm
Đảng CSĐD rồi đảng LĐ thành công trong chiến tranh từ 1946 đến 1975
là nhờ viện trợ lớn lao của khối quốc tế cộng sản (QTCS), trong đó quan
trọng là TC. Ngay từ đầu, TC viện trợ cho CSVN một cách hào phóng không
phải vì nghĩa vụ QTCS, mà vì hậu ý thâm hiểm, điển hình là tuyên cáo về
lãnh hải của TC ngày 4-9-1958, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa trên Biển Đông, trong khi thực tế hai quần đảo nầy thuộc Việt
Nam từ lâu đời và theo hiệp định Genève, thuộc NVN vì ở phía nam vĩ
tuyến 17.
Để đáp lại, thủ tướng BVN là Phạm Văn Đồng (PVĐ) đưa ra công hàm
ngày 14-9-1958 thừa nhận bản tuyên cáo đó, nghĩa là thừa nhận Hoàng Sa
và Trường Sa là của TC, nhắm hai mục đích: 1) Trả nợ cũ thời chiến tranh
1946-1954. 2) Chuẩn bị vay nợ mới để tiến đánh VNCH hay NVN. Thật vậy,
tháng 10-1959, PVĐ qua Bắc Kinh cầu viện TC. Tháng 11-1959, TC đưa một
phái đoàn sang BVN trong hai tháng, nghiên cứu tất cả những nhu cầu cần
thiết của BVN. Tháng 5-1960, lãnh đạo BVN và TC họp ở Hà Nội và Bắc Kinh
để thảo luận chiến lược tấn công NVN (1). Sửa soạn xong xuôi, BVN triệu
tập Đại hội III đảng LĐ tháng 9-1960, quyết định tấn công NVN.
Các lãnh tụ TC không khác gì các vua chúa Trung Hoa ngày xưa, luôn
luôn nuôi mộng bành trướng xuống ĐNÁ. Lịch sử cho thấy quân đội Trung
Hoa không thắng được quân đội Đại Việt trên đường bộ, nên lần nầy TC
nghĩ đến chiến lược khác, nhìn ra Biển Đông để tìm đường xuống ĐNA.
Tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951, TC nhờ Liên Xô đưa ra đòi
hỏi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TC, nhưng bị bác bỏ. Trong
khi đó, chính phủ QGVN lên tiếng xác nhận chủ quyền hai quần đảo nầy là
của QGVN, thì không bị hội nghị phản đối. Sau đó, năm 1958 Mao Trạch
Đông tuyên bố rằng: “Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái
Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (“Now the Pacific
Ocean is not peaceful. It can only be peaceful when we take it over.”) (2). Trong cuộc họp với đại diện đảng LĐVN năm 1963, MTĐ nói: “Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á.” Tháng 8-1965, trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSTQ, MTĐ tuyên bố: “Chúng ta phải giành cho được ĐNÁ, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Singapore…” (3)
Thời cơ thuận tiện cho TC hành động khi Hoa Kỳ (HK) mở cửa cho TC
vào Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 1971, bắt tay với TC năm 1972, ký thông cáo
chung Thượng Hải ngày 28-2-1972, quyết định rút hết quân khỏi Việt Nam
cuối năm nầy và cắt giảm viện trợ cho VNCH. Nhân vào đầu năm 1974, VNCH
bận rộn chống đỡ những cuộc tấn công mạnh mẽ của CSVN sau hiệp định
Paris (27-1-1973), TC đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH trên Biển Đông ngày
19-1-1974.
Tuy biết lực lượng không cân sức, nhưng Hải quân VNCH vẫn cương
quyết bảo vệ Hoàng Sa. Thiếu tá Ngụy Văn Thà và đồng đội xông pha chống
ngoại xâm và hy sinh trên chiến trường. Trận Hoàng Sa chứng tỏ rõ ràng
VNCH không phải là tay sai của HK. Dù HK bỏ rơi VNCH và bắt tay với TC,
quân đội VNCH vẫn cương quyết chống TC, bảo vệ quê hương. Trận chiến
Hoàng Sa chứng tỏ lòng yêu nước của quân lực VNCH, chiến đấu bảo vệ tổ
quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ tự do dân chủ cho đất nước.
Sau trận Hoàng Sa, VNDCCH hay BVN không phản đối TC. Tuy không có
mặt trong trận Hoàng Sa, nhưng BVN là kẻ dẫn đường cho TC đến Hoàng Sa
vì công hàm PVĐ ngày 14-9-1958 đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc
TC. Hơn nữa, chẳng những BVN vay nợ TC, mà tháng 6-1965 BVN còn nhờ TC
gởi qua BVN 320,000 quân để bảo vệ các tỉnh thành phía bắc trong khi
quân đội CSVN kéo xuống phía nam (4). Thật là ngu xuẩn khi nhờ cậy một
tên ăn cướp giữ nhà, mà tên ăn cướp nầy vốn là kẻ thù truyền kiếp của
dân tộc Việt Nam, đã nhiều lần cướp phá nước ta.
Đây là lần đầu tiên TC chiếm được hải đảo của Việt Nam, đột phá
xuống Biển Đông, nhằm kiếm đường tiến xuống Đông Nam Á (ĐNA). Đặt trận
Hoàng Sa trong toàn bộ cuộc chiến 1946-1975, mới thấy rõ trận Hoàng Sa
là trận chiến chống ngoại xâm duy nhứt, do VNCH cương quyết chống TC xâm
lăng.
Biểu tượng hội tụ lòng yêu nước
Trước đây, chế độ CS kiểm soát chặt chẽ truyền thông, bưng bít tin
tức, tuyên truyền và tố cáo VNCH là ngụy quân, ngụy quyền, làm “tay sai
đế quốc Mỹ”, còn Mỹ là “đế quốc xâm lược”. Chế độ CS cũng che giấu công
hàm PVĐ và trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Dân chúng dưới chế độ CS trước
1975 hoàn toàn không biết tin tức ngoài thông tin CS. Trong những năm
gần đây, TC đe dọa Biển Đông, vấn đề Hoàng Sa rộ lên trở lại. Nhờ truyền
thông điện tử (Internet) phát triển rộng rãi, dân chúng mới biết được
sự thật lịch sử. Từ đó dân chúng trong nước nhận ra các điều quan trọng
làm thay đổi nhận thức của dân chúng:
1) Chế độ VNCH và quân lực VNCH không tấn công BVN, mà chỉ ở thế tự
vệ, chiến đấu chống cuộc xâm lăng của BVN, bảo vệ quê hương, tự do, độc
lập cho chính mình, chiến đấu chống TC chống ngoại xâm, quyết tâm bảo
vệ Hoàng Sa, không làm tay sai cho bất cứ ngoại bang nào. VNCH và quân
lực VNCH rõ ràng là một chế độ chính nghĩa và một quân lực chính nghĩa.
2) Cộng sản Việt Nam tuyên truyền rằng Hoa Kỳ (HK) là “đế quốc xâm lược”, nên CSVN mở cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”.
Ngày nay dân Việt nhận biết rằng HK không phải là đế quốc xâm lược. Hoa
Kỳ không xâm lăng nước nào, mà còn giúp nhiều nước sau thế chiến thứ
hai như Đức, Nhật Bản, Triều Tiên phục hưng kinh tế. Hoa Kỳ đến NVN để
giúp NVN xây dựng và phát triển sau 1954. Khi BVN tấn công NVN năm 1960,
thì 5 năm sau, HK mới đem quân vào NVN năm 1965, giúp NVN tự vệ chống
BVN tràn xuống NVN, chứ HK không xâm lăng NVN và cũng không xâm lăng
BVN. Hoa Kỳ dùng máy bay tấn công BVN chỉ nhằm mục đích chận đứng cuộc
xâm lăng của BVN vào NVN.
3) Chế độ CSVN định nghĩa rằng “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa”. Gần đây, ngày 29-12-2014, tổng bí thư đảng CSVN nói tại Đại hội 7 Hội Liên Hiệp Thanh Niên tại Hà Nội rằng thanh niên “có “tâm” là có lòng yêu nước, yêu chế độ”.
Tuy nhiên, chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) hiện
nay ở trong nước, về đối nội thì độc tài đảng trị, áp bức và tham nhũng;
về đối ngoại thì làm tay sai cho TC, càng ngày càng làm mất đất, mất
đảo, mất biển. Như thế yêu XHCN, yêu chế độ CS chỉ là tiếp tục bị cảnh
độc tài, áp bức, tham nhũng, dân oan và chế độ XHCN tiếp tục bán nước
chứ không phải là yêu nước. Nói cách khác, yêu XHCN là phản quốc chứ
không yêu nước.
4) CSVN tuyên truyền rằng TC là một nước XHCN anh em. Đã là anh em
XHCN với nhau, sao TC lại ức hiếp nhau, chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển
của nhau? Như vậy, TC không thân hữu như lời CSVN tuyên truyền, mà TC
lộ nguyên hình là kẻ thù xâm lược truyền kiếp như vua chúa Trung Hoa
ngày xưa.
Ngày nay, nhờ Internet, tầm nhìn của dân chúng trong nước mở rộng
và hiểu rõ các điểm trên đây, hiểu rõ tình hình chính trị. Từ đó đồng
bào hết sức ca tụng lý tưởng tự do dân chủ và độc lập của VNCH, ca tụng
quân đội VNCH, ca tụng trận chiến Hoàng Sa chống TC xâm lược. Các
bloggers và Facebooker diễn tả hết sức sống động tâm tình của dân chúng.
Ví dụ sinh viên Lê Trung Thành đã viết: “Các anh ơi! Các chị ơi! Các mẹ ơi! Còn cờ đỏ sao vàng thì không bao giờ có độc lập, tự do, hạnh phúc.” (5). Một nhà tranh đấu trẻ tuổi khác thì đề cao chính nghĩa quân đội VNCH, và đi đến kết luận: “Tôi gọi họ là những anh hùng.” (6). Tương tự như thế, một người dân Hà Nội viết: “Người
ta gọi các anh là “quân ngụy”/ Bởi các anh là lính Việt Nam Cộng Hòa /
Nhưng tôi gọi các anh là liệt sĩ / Bởi các anh ngã xuống vì Hoàng Sa.” (7). Còn rất nhiều ví dụ mà chúng ta không thể trưng dẫn hết ở đây.
Vì vậy, có thể nói trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974 chống ngoại xâm trở
thành biểu tượng hội tụ lòng yêu nước của toàn thể người Việt ngày nay.
Qua thế kỷ 21, khuynh hướng chung trên thế giới khuyến khích những cuộc
tranh đấu bất bạo động hơn là việc sử dụng bạo lực. Người Việt Hải
ngoại chúng ta hãy tích cực yểm trợ tinh thần cũng như yểm trợ vật chất
tất cả những cuộc tranh đấu bất bạo động của dân chúng trong nước, đòi
hỏi tự do dân chủ, nhân quyền và dân quyền, nhằm đi đến giải thế chế độ
CSVN.
Thử nhìn về tương lai
Thế là TC đã chiếm được Hoàng Sa. Là người Việt Nam, ai cũng muốn
giành lại lãnh thổ đã mất. Trong hiện tình đất nước, giành lại Hoàng Sa
thật là khó khăn vì phải qua hai cửa ải, hai giai đoạn.
Thứ nhứt là CHXHCNVN. Về pháp lý, tuy nắm được đầy đủ hồ sơ, tài
liệu chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng CHXHCNVN
không dám kiện TC ra Tòa án quốc tế để đòi lại Hoàng Sa. Ngày
19-11-2014, thủ tướng CSVN chỉ dám tuyên bố “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Sau đó, ngày 11-12-2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CHXHCNVN ra tuyên
bố đề nghị Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of
Arbitration) Liên Hiệp Quốc tại La Haye (Hòa Lan) quan tâm đến các quyền
lợi và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên Biển Đông. Hành động nầy được
nhà bình luận người Úc Carlyle Thayer gọi là CHXHCNVN “lách bằng cửa
sau” vào vụ kiện giữa Phi Luật Tân và TC. (RFI 12-12-2014).
Trong khi đó, CSVN thẳng tay đàn áp những cuộc biểu tình, những
bloggers, facebooker chống TC, trấn áp tinh thần yêu nước của dân chúng.
Vì vậy nếu còn CSVN thì không bao giờ có thể đòi lại Hoàng Sa mà phải
dứt khoát chấm dứt chế độ CSVN, mới thoát ra khỏi những cam kết ngầm của
HCM khi cầu viện TC năm 1950, hủy bỏ công hàm PVĐ ngày 14-9-1958, chấm
dứt mật ước Thành Đô của tập đoàn Nguyễn Văn Linh năm 1990, chấm dứt
cảnh lệ thuộc TC, mới có thể chống TC và kiện TC ra tòa án quốc tế. Hiện
nay ở trong nước, dân chúng đang truyền nhau câu đồng dao: “Con ơi nhớ lấy lời cha, / Hễ còn cộng sản, Hoàng Sa còn Tàu.”
Thứ hai là TC. Hiện nay, TC mới trỗi dậy và rất hưng thịnh. Tuy
nhiên trong sự hưng thịnh hiện nay, về đối nội TC cũng gặp bất ổn vì dân
chúng trong nước ngấm ngầm tranh đấu chống độc tài, và vì các sắc dân
chung quanh bị TC sáp nhập như Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng
luôn luôn tìm cách nổi lên đòi độc lập.
Về đối ngoại, chính vì đang hưng thịnh, quá tự tin, TC càng ngày
càng hung hăng trên Biển Đông, chẳng những khiêu khích đe dọa các nước
láng giềng, mà vào tháng 5-2009, TC gởi cho tổng thư ký LHQ một công hàm
yêu cầu chuyển cho tất cả hội viên LHQ, rằng TC có chủ quyền không thể
tranh cãi đối với các hải đảo trên Biển Đông và các vùng biển liền kề,
kèm theo bản đồ 9 khúc do TC thực hiện, nối liền các hải đảo mà TC tự
cho là của TC trên Biển Đông. (Sách báo thường gọi đường 9 khúc là đường
chữ U hay Lưỡi bò.) Năm 2011, TC gởi cho LHQ một công hàm nữa, cũng gần
giống công hàm trước, yêu cầu thông báo cho toàn thể hội viên LHQ.
Hành động nầy đi ngược lại quyền lợi chung trên thế giới do luật
quốc tế về biển quy định. Chẳng những Nhật Bản ở Đông bắc Á, các nước
ĐNÁ mà cả HK cũng không chấp nhận đường chữ U do TC vẽ ra. Ngày
4-12-2014, Hạ viện HK thông qua với đa số tuyệt đối 100% nghị quyết
H.RES.744, nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp hòa bình trên nền tảng luật
pháp quốc tế trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, hải đảo trên Biển Đông.
Hôm sau, ngày 5-12-2014, Bộ Ngoại giao HK đưa ra Bản nhận định dài 24
trang về yêu sách đường chữ U của TC. Câu kết luận cuối cùng của bản
nhận định như sau: “…đòi hỏi về đường gạch nối [đường lưỡi bò, chữ U, 9 khúc] không phù hợp với luật quốc tế về biển.” (Nguyên văn: “…its dashed-line claim does not accord with the international law of the sea.”) Ngày 23-12-2014, khi trả lời thỉnh nguyện thư ngày 13-5-2014 của 139.554 chữ ký, Tòa bạch ốc khẳng định: “Hoa
Kỳ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông, trong đó bao gồm tự do hàng hải,
giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa, tôn trọng luật pháp quốc tế
và thương mại hợp pháp diễn ra thuận lợi… Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại
trước các hành động của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc triển khai
giàn khoan Hải Dương 981, đến các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc”. (8)
Hiện nay, tuy trỗi dậy và hung hăng, TC không đồng minh với ai cả,
tự cô lập. Nếu có một biến cố xảy ta ở nội địa TC, hoặc nếu có một cuộc
tranh chấp kinh tế, hay một biến cố ngoại giao bất ngờ bùng nổ, các nước
liên minh áp lực TC bằng những biện pháp kinh tế như hiện áp lực Nga,
thì TC có thể sẽ khốn đốn và có thể sẽ đổ vỡ thành nhiều mảnh như Liên
Xô trước đây. Khi đó, Việt Nam mới có thể lợi dụng thời cơ, chiếm lại
Hoàng Sa và Trường Sa.
Kết luận
Do hoàn cảnh chính trị thế giới, VNCH tạm thời thất bại năm 1975,
nhưng chính nghĩa dân tộc, lý tưởng tự do dân chủ của VNCH là chân lý
vĩnh hằng, và là ước mơ của toàn dân Việt Nam.
Chế độ CSVN càng khiếp nhược trước TC, dân chúng Việt Nam càng
thương tiếc những chiến sĩ Hoàng Sa. Trận hải chiến Hoàng Sa là niềm tự
hào dân tộc và là biểu tượng hội tụ lòng yêu nước, dẫn đường cho toàn
dân Việt Nam đoàn kết tranh đấu giải thể chế độ CS, mới có thể đòi lại
đất đai, quần đảo đã mất vào tay TC. Trận chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974
giữ một vị trí lịch sử vô cùng quan trọng trong công cuộc vận động phục
hưng đất nước. Xin thành kính tri ân sự hy sinh của Ngụy Văn Thà và các
chiến sĩ Hoàng Sa.
_____________________________________
Chú thích:
(1) Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of Carolina Press, 2000, tt. 82-83.
(2) Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.
(3) Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua, Hà Nội: NXB Sự Thật, 10-1979, Chương “Việt Nam trong chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc”.
(4) Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of Carolina Press, 2000, tr. 135.
(5) Đăng trên các website 13-03-2009.
(6) Đặng Chí Hùng, “Tôi gọi họ là những anh hùng”, Dân Làm Báo 30-3-2013.
(7) http://phanduykha.wordpress.com, Phan Duy Kha, “Sẽ có một ngày lấy lại Hoàng Sa”, 14-1-2014.
(8) BBC Tiếng Việt, 24-12-2014.
Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại kể về hải chiến Hoàng Sa 1974
Danlambao
– Năm 2014, khi báo chí lề đảng được phép nhắc đến trận hải chiến Hoàng
Sa năm 1974, dư luận trong nước có thêm thông tin về những người đã hy
sinh. Người dân đã đặt câu hỏi về những gì đã xảy ra trong quá khứ và vì
sao Hoàng Sa bị mất sau công hàm Phạm Văn Đồng đã ký năm 1959. Nhân dịp
kỷ niệm 41 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2015), Dân Làm Báo xin gửi đến
quý độc giả trong thôn cuộc phỏng vấn ngắn với Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ
Thoại – vị Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải của Hải quân QLVNCH lúc cuộc hải
chiến Hoàng Sa diễn ra. Vì quần đảo Hoàng Sa trực thuộc Vùng 1 Duyên Hải
nên Phó Đề đốc Thoại là người có trách nhiệm điều động tổng quát. Ông
cũng là người ra lệnh các chiến hạm Việt Nam khai hỏa.
DLB: Thưa Phó Đề đốc, có người cho rằng nếu các chiến hạm
HQVNCH không nổ súng trước thì có thể Trung Cộng sẽ không có cớ để
chiếm Hoàng Sa. Xin PĐĐ cho biết ý kiến về lập luận này?
Cựu Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: Trước khi chiến hạm của HQVN nổ
súng vào chiến hạm Trung Cộng, ngày 19 tháng 1 năm 1974, binh sĩ TC đã
có mặt và cắm cờ trên các đảo của VNCH vài ngày trước mặc dù chưa chạm
súng với binh sĩ VNCH trên đảo. Lập luận trên sai sự thật. Nhiều tài
liệu cho biết TC đã tập dượt tấn công các đảo của VNCH từ mấy tháng
trước.
DLB: Theo nhận định của Phó Đề đốc thì tại sao Trung Cộng lại xâm chiến quần đảo Hoàng Sa vào thời điểm đầu năm 1974?
CĐĐ HVKT: Thời điểm đó thuận tiện cho Trung Cộng vì từ 1973
Mỹ không còn can thiệp vào chiến tranh Việt Nam và miền Nam đang bận
chống trả các cuộc tấn công vi phạm Hiệp định Ba Lê 1973 của bộ đội Bắc
Việt trên lãnh thổ VNCH trong nội địa.
DLB: Xin Phó Đề Đốc cho biết phản ứng của Hoa Kỳ cũng như
của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước hành động xâm lược lãnh
hải của chính quyền Trung Cộng?
CĐĐ HVKT: Trước hành động xâm lược của Trung Cộng, chính phủ
Hà Nội không có một lời tuyên bố gì, riêng Hoa Kỳ thì nói họ hy vọng
Trung Cộng và VNCH giải quyết bằng đường lối ngoại giao hơn là bằng vũ
lực.
DLB: Trận Hải chiến Hoàng Sa là trận đánh của những chiến
sĩ VNCH để bảo vệ Tổ quốc nhưng báo chí Cộng sản đã hoàn toàn im lặng
trước sự kiện lịch sử này. Năm ngoái, sau 40 năm tròn, báo chí “lề đảng”
đột nhiên đăng tải nhiều bài viết về trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và
gọi những người đã ngã xuống là những vị “anh hùng”. Ông nghĩ sao về
“hiện tượng” này thưa Phó Đề đốc?
CĐĐ HVKT: Câu hỏi nầy tôi nghĩ chánh phủ Hà Nội sẽ có câu trả lời chính xác hơn.
DLB: Theo Phó Đề đốc thì liệu rằng Việt Nam có khả năng lấy lại quần đảo Hoàng Sa và những gì đã mất về tay Trung Cộng không?
CĐĐ HVKT: Như tôi đã lời ở câu trên, chính phủ Hà Nội đang cầm quyền và cầm quân. Họ biết rõ hơn ai hết để trả lời câu hỏi nầy.
Dân Làm Báo xin cám ơn Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã dành thời gian
chia sẻ thông tin với bạn đọc. Quý mến chúc Phó Đề đốc và gia đình
nhiều sức khỏe và bình an.
* Cựu Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại hiện đang cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ.
Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại lúc còn trẻ
Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại tại đảo Hoàng Sa năm 1967
2011 tại Hoa Kỳ
Trung Quốc công bố có toàn quyền xây đảo nhân tạo ở Trường Sa
RFA
-18-01-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét