Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

“Văn hóa Tấm-Cám”

  • Trung Quốc công bố có toàn quyền xây đảo nhân tạo ở Trường Sa (RFA) - Tuần trước, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc có nói rằng chính phủ Hoa Lục có toàn quyền thực hiện các dự án phát triển ở vùng biển đảo mà chủ quyền thuộc về họ, kể cả những dự án cải tạo, xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang thực hiện ở Trường Sa.
  • Hồng Kông : Sinh viên tố cáo việc sách nhiễu người đòi dân chủ (RFI) - Một lãnh đạo phong trào sinh viên biểu tình đòi dân chủ trong thời gian qua, vào hôm nay 18/01/2015, lên tiếng tố cáo cảnh sát là tiến hành cả một chiến dịch nhằm sách nhiễu những người tham gia phong trào. Sinh viên Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) là gương mặt đối kháng sau cùng bị cảnh sát Hồng Kông câu lưu để thẩm vấn trước khi được thả ra.
  • Indonesia xử bắn 6 người về tội buôn ma túy trong đó có một người Việt (RFI) - Vào hôm nay, 18/01/2015, chính quyền Jakarta đã cho xử bắn sáu tử tù bị kết tội buôn bán ma túy, bao gồm một người Indonesia và 5 công dân ngoại quốc đến từ Việt Nam, Brazil, Hà Lan, Malawi và Nigeria. Vụ hành quyết đã lập tức gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và hai nước Brazil và Hà Lan, vốn đã khẩn thiết yêu cầu Jakarta đình hoãn việc hành hình.
  • Nhật Bản hứa viện trợ 2,5 tỷ đô la cho Trung Đông (RFI) - Ai Cập, Jordanie, Israël, Lãnh thổ Palestine là trọng tâm vòng công du Trung Đông của thủ tướng Nhật, mở ra từ ngày hôm qua 17/01/2005. Tiếp kiến Quốc vương Jordanie sáng nay, ông Shinzo Abe cam kết viện trợ hai tỷ rưỡi đô la cho Trung Đông vì lý do nhân đạo.
  • Tại Manila, sáu triệu người dự thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành (RFI) - Theo các nhà chức trách Manila đã có tới 6 triệu tín đồ Philippines đến dự thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành vào ngày 18/01/2015. Chính quyền huy động 40.000 cảnh sát để bảo vệ an ninh cho buổi lễ. Tại Philippines, thông điệp lên án nạn tham nhũng và nghèo khó của người đứng đầu Tòa thánh Vatican chinh phục lòng người.
  • Câu hỏi của cô bé 12 tuổi làm Đức Giáo hoàng xúc động (RFA) - Những câu hỏi của một cô bé gái Philippines đã khiến Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô xúc động, tới mức Ngài hủy bỏ bài giảng đã được soạn trước, thay thế bằng những lời phát biểu kêu gọi mọi người cùng với Giáo Hội và với Ngài bảo vệ cho trẻ em.
  • Trung Quốc: Tăng trưởng 2014 thấp nhất từ 24 năm qua (RFI) - Tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc trong năm 2014 tăng 7,3 %. Đây là mức thấp nhất từ phong trào dân chủ Mùa xuân Bắc Kinh. Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục bị chựng lại trong năm 2015. Trên đây là nhận định của 15 chuyên gia kinh tế được AFP tham khảo ý kiến.
  • Tổng thống Obama sắp đưa TPP ra Quốc hội Mỹ? (BaoMoi) - (NLĐO)- Trả lời phỏng vấn báo giới tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 18-1, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh sự tự tin hơn bao giờ hết đối với sự thành công của tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
  • Báo chí vẫn là công cụ của đảng (RFA) - Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI Đề án Quy hoạch báo chí đến năm 2025 là một vấn đề trong chương trình thảo luận. Theo đó, báo chí Việt Nam tiếp tục được nhấn mạnh là công cụ tuyên truyền của đảng, và không cho phép các nhóm lợi ích chi phối báo chí.
  • 65 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc (RFA) - Ông Phạm Bình Minh công bố luôn coi trọng quan hệ hợp tác bình đẳng, mong muốn quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung ngày càng phát triển.
  • Nhạc sĩ Linh Phương (RFA) - Nhạc sĩ, giáo sư giảng dạy piano Linh Phương hiện đang sống tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Trong suốt hơn 45 năm cống hiến cho âm nhạc, bà đã cho ra đời hơn 35 album nhạc và có khoảng trên 150 bài thơ phổ nhạc...
  • Charlie Hebdo và quyền ngôn luận ở VN (BBC) - Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung cho rằng chỉ có nền 'cộng hòa chính danh' mới đem lại tự do và quyền ngôn luận thực sự ở VN nhân vụ Charlie Hebdo mới xảy ra ở Pháp.
  • Hình ảnh nhạy cảm trên facebook và rủi ro (RFA) - Hiện nay có một số các cô gái trẻ trong độ tuổi trên dưới 20 thi nhau đăng những hình ảnh mát mẻ trên trang Facebook cá nhân của họ. Số lượng các cô gái này tuy chưa nhiều nhưng nó đang dần trở thành một xu hướng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ tới chính các cô gái đó và giới trẻ hiện nay.
  • Đức : phong trào bài Hồi giáo Pegida ngưng kêu gọi biểu tình (RFI) - Nhiều thành viên trong ban tổ chức của phong trào bài đạo Hồi ở Đức bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo đe dọa. Pegida thông báo ngưng kêu gọi tập hợp tại Dresden vào mỗi thứ Hai hàng tuần. Sau loạt khủng bố tại Paris, tuần hành ở Dresden đã được 25.000 người hưởng ứng.
  • Charlie Hebdo : Biểu tình bạo động ở Niger làm ít nhất 10 người chết (RFI) - Trang nhất tuần báo Pháp Charlie Hebdo số mới nhất tiếp tục khuấy động thế giới Hồi giáo, với nhiều cuộc biểu tình phản đối biến thành bạo động như tại Niger (Châu Phi), đã làm ít nhất 10 người thiệt mạng, tính đến trưa nay, 18/01/2015. Vấn đề là biểu tình chống Charlie Hebdo đã biến thành chống Thiên Chúa giáo hay chống Pháp.
  • Iran : Một tờ báo bị đình bản vì tít lớn « Tôi là Charlie » trên trang nhất (RFI) - Dù cũng lên án các vụ khủng bố tại Pháp, đặc biệt là vụ thảm sát tại toà soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, chính quyền Iran không chấp nhận việc tờ báo Pháp vẽ hình Mohammed. Tư pháp Iran vào hôm qua 17/01/2015 đã ra lệnh đình bản một tờ báo theo xu hướng cải tổ vì dám chạy trên trang nhất câu nói bất hủ « Tôi là Charlie ».
  • Đông Ukraina : Giao tranh vẫn ác liệt quanh phi trường Donetsk (RFI) - Tại miền Đông Ukraina, hòa bình vẫn rất xa vời. Chiến sự đã bùng lên trở lại một cách dữ dội chung quanh phi trường Donetsk. Từ hai ngày qua lực lượng ly khai thân Nga ra sức tấn công vào khu vực được cho là chiến lược mà quân đội Ukraina còn chiếm giữ được.
  • Thêu dệt về nhà tù Bắc Triều Tiên ? (RFI) - Ngày 18/01/2015, Shin Dong Hyuk, nhân chứng của tội ác trong các nhà tù Bắc Triều Tiên xin lỗi đã « che giấu một phần quá khứ » trong cuốn sách « Camp 14 ». Trong tác phẩm này của tác giả người Mỹ, Blaine Harden, Shin kể lại về nạn tra tấn ở các trại tù Bắc Triều Tiên mà ông đã trải qua cho đến khi vượt ngục vào năm 2005.
  • Máy ảnh Leica kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi (RFI) - Dân ưa thích chụp ảnh, không ai là không biết đến máy ảnh Leica. Năm 2014, nhà sản xuất máy ảnh nổi tiếng thế giới kỷ niệm một thế kỷ ngày ra đời sản phẩm đầu tiên. Một trăm năm sau, Leica vẫn là một huyền thoại, một sản phẩm cao cấp. Tất cả những nhiếp ảnh gia lừng danh thế giới đều có ít nhất một máy ảnh Leica, như Henri Cartier-Bresson, Raymond Depardon, William Klein...
  • Khủng bố tại Paris : 9 người vẫn bị tạm giam (RFI) - Liên quan đến loạt khủng bố tại Paris, cho tới hôm nay 9 trong số 12 người bị câu lưu hôm thứ Sáu 16/01/2015 vẫn còn bị tạm giam. Những người này bị nghi ngờ đã hỗ trợ Amedy Coulibaly, kẻ đã sát hại một nữ cảnh sát ở Montrouge và 4 con tin tại cửa hàng thực phẩm của người Do Thái ở Vincennes.
  • Bài 47 : Một tờ hóa đơn cần thiết (RFI) - Mời quý thính giả theo dõi chương trình học tiếng Pháp trong kinh doanh : "Comment vont les Affaires ?", tìm hiểu công ty Paragem, một công ty Pháp và làm quen với Đăng Minh.
  • Thủ Tướng Nhật bản đến Tel Aviv (RFA) - Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật bản đã đến Tel Aviv hồi tối qua, khởi đầu chuyến viếng thăm kéo dài 3 ngày của ông ở Do Thái, trong đó có cả phần viếng thăm vùng Tây Ngạn sông Jordan.
  • Thời sự qua hình ảnh (RFA) - Philippines: 6 triệu người dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, ngày 18 tháng 1, 2015
  • Biển Đông đón gió to, sóng lớn (BaoMoi) - Theo thông tin mới cập nhật từ Trung tâm khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên vùng biển Đông sẽ có gió mạnh, độ rủi ro cao đối với tàu bè đi lại. Trước đó, ngày 17/1, một chiếc tàu cá đã gặp nạn do bị sóng đánh chìm ngoài bờ biển Nhật Lệ (Quảng Bình). Rất may là cả 7 ngư dân trên tàu đã bơi vào bờ thoát nạn.
  • Cú hích quốc phòng - kinh tế từ sân bay Phan Thiết (BaoMoi) - Nằm trên địa bàn chiến lược Nam Trung Bộ, Bình Thuận là địa phương có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, và có tiềm năng về phát triển kinh tế xã hội, du lịch, sân bay Phan Thiết sau khi hoàn chỉnh sẽ là hạ tầng giao thông đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ biển Đông, hải đảo.
  • Bắc Bộ ấm dần, trời nắng và tiếp tục hanh khô (BaoMoi) - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chủ nhật (18/1), thời tiết các tỉnh phía Bắc đang tiếp tục có xu hướng tốt hơn, nắng lên sớm với cường độ khá mạnh kéo nền nhiệt tăng, trời vẫn hanh khô nhưng ấm hơn ngày hôm qua.

Vũ Trọng Khải - “Văn hóa Tấm-Cám”

http://img.giaoduc.net.vn/Uploaded/doquyen/2012_10_13/tam-cam-1-giaoduc.net.vn.jpg

Dân tộc nào cũng có những truyện cổ tích. Truyện cổ tích được hình thành, biến đổi theo chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của mỗi dân tộc, rồi mới được "định hình". Khi "định hình", truyện cổ tích đã kết tinh được những giá trị phổ quát mang tính triết học, mỹ học và tâm linh mà dân tộc đó tôn thờ, trở thành một bộ phận cấu thành nền văn hoá của dân tộc đó.

Nhớ lại hồi học tiểu học, lớp 3 hay 4, sách giáo khoa tập đọc cho học sinh có truyện cổ tích "Tấm-Cám". Học sinh phải tập đọc và còn được thầy, cô giáo đọc hay kể lại nhiều lần với những phân tích "đắt giá", cố làm cho học sinh "hiểu sâu sắc" hơn những "giá trị" của truyện Tấm Cám như: phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái "thiện" và cái "ác", giữa "chính" và "tà"; kết cục luôn có hậu là "cái thiện" thắng "cái ác", "cái chính" thắng "cái tà" bằng những âm mưu lừa gạt và hành vi độc ác, giống như cách hành xử của “cái ác”, nhưng không bị lên án! Mỗi khi đọc hay kể đến những lần cô Tấm bị mẹ con cô Cám bày mưu lừa gạt, hãm hại, máu căm thù trong tôi lại sôi lên sùng sục. Ngược lại, khi đọc, hay nghe đến những đoạn “cô Tấm thảo hiền” lừa và trả thù được mẹ con cô Cám, cũng bằng những thủ đoạn, mưu mô và hành vi độc ác tương tự như mẹ con cô Cám, thì lòng tôi lại hả hê, thích thù vô cùng! Đến đoạn kết, cô Tấm lừa được cô Cám nghe theo lời mình, tắm gội bằng nước sôi để trắng da nên bị chết; cô Tấm băm xác cô Cám để làm mắm, gửi về “biếu” mẹ cô Cám, thì sự độc ác của câu chuyện đạt đến tột đỉnh, nhưng bọn trẻ và có lẽ cả người lớn, lại vui mừng, sung sướng cũng đến tột đỉnh!??

Bây giờ nghĩ lại thấy rùng mình, không hiểu nổi tại sao mình lại có tình cảm căm thù và hả hê đến tột đỉnh như thế khi đọc truyện Tấm Cám? Cả câu truyện là một chuỗi những âm mưu lừa gạt, những hành vi trả thù độc ác, “lấy oán trả oán”, không có điểm dừng. Đúng là “thù muôn đời, muôn kiếp không tan; “căm hờn lại giục căm hờn, máu kêu trả máu, đầu van trả đầu” (Tố Hữu). Tuy vậy, trong lịch sử dân tộc ta, đạo Phật đã tồn tại gần như quốc đạo trong suốt gần 400 năm dưới 2 triều đại Lý, Trần, với triết lý “lấy ân báo oán”, hòng chặn đứng chuỗi âm mưu lừa gạt và hành vi độc ác của con người. Muốn lấy ân báo oán, con người phải biết sống khoan dung. UNESCO (1995) quan niệm “khoan dung là hài hòa trong khác biệt; khoan dung vừa là bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị”. Tuy coi đạo Phật gần như là quốc giáo, nhà Trần vẫn tôn trọng các tôn giáo khác. “Tam giáo đồng nguyên”, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo cùng tồn tại bên nhau, không kì thị, bài xích nhau. Hơn thế nữa, sau khi chiến thắng quân Nguyên-Mông lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông không những không đọc mà còn buộc đốt bỏ tất cả những đơn thư tố cáo, vật chứng kết tội một số quan chức đã đầu hàng, thậm chí làm tay sai cho giặc, rồi tha cho viên quan Hoàng Cự Đà đã trốn chạy quân Nguyên… Sau sự kiện này mấy trăm năm, tổng thống Hoa Kì Abraham Lincol cũng có hành vi tương tự khi kết thúc cuộc chiến Nam-Bắc Mỹ mà phần thắng thuộc về các bang miền Bắc do ông lãnh đạo.

Sự khoan dung, vị tha trong lịch sử Việt Nam có lẽ đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Lê Thánh Tông, thể hiện trong bộ luật Hồng Đức. Luật Hồng Đức không những miễn tội cho những kẻ không tố cáo người thân (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh, chị em ruột) phạm tội, mà còn cấm con, cháu tố cáo ông bà, cha mẹ khi họ phạm tội, trừ tội đại nghịch, giết người thân một cách độc ác; con cháu có nghĩa vụ che giấu tội cho ông bà, cha mẹ.

Đó là những điểm sáng văn hóa trong lịch sử hình thành và phát triển dân tộc và nhà nước Việt Nam. Nhưng cũng rất tiếc là phải thừa nhận rằng triết lí sống lấy oán trả oán vẫn lấn át triết lí sống lấy ân trả oán trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Lừa bịp và dối trá, căm hờn và trả thù một cách độc ác, nói gọn là “dối trá và độc ác” có thể được định danh là “Văn hóa Tấm – Cám”.

“Văn hóa Tấm-Cám” có lẽ bắt nguồn sâu xa từ văn hóa làng Việt. Có thể khi mới ra đời, truyện Tấm-Cám chỉ phản ánh khát vọng chiến thắng cái ác của những người yếu thế, lương thiện, mà chủ yếu là nông dân. Nhưng cùng với quá trình lịch sử phát triển của dân tộc Việt, nó đã trở thành văn hoá lúc nào không hay. Mỗi làng là một “tiểu vương quốc”, “ phép vua, thua lệ làng”. Trai, gái kết hôn theo tập tục bất thành văn “trong làng, ngoài họ” (tất nhiên vẫn có ngoại lệ). Trai làng này sang “tán” gái làng kia dễ dẫn đến ẩu đả, đổ máu giữa con trai 2 làng. Trong mỗi làng, không chỉ có những vị thuộc lớp Kì, Hào, Mục hãnh tiến về mình và tranh giành vị thế, uy danh với nhau, với làng bên, mà đến tên mõ làng cũng vậy. Thằng mõ là kẻ có chức “tệ” nhất trong một làng, mà còn có cảnh “thằng mõ làng lớn bắt nạt thằng mõ làng bé”. Mõ làng lớn phải “oai” hơn, hãnh tiến hơn các mõ làng bé. Thế thì các vị Kì, Hào, Mục ở làng lớn cũng sẽ ra oai với các vị Kì, Hào, Mục ở làng bé gấp nhiều lần bọn mõ làng. Muốn tỏ ra “oai hơn” tất phải âm mưu lừa gạt và hành động độc ác theo “Văn hóa Tấm – Cám”. Người Việt từ xa xưa và dường như vẫn tồn tại đến bây giờ cái “lí tưởng”, cái mục tiêu cao nhất, gần như duy nhất của sự học là để làm quan, chứ không phải làm doanh nhân hay khoa học gia. Bởi kẻ làm quan mới có vị thế quyền hành bắt nạt người khác, ra oai với mọi người, tự hào với dòng tộc, làng nước, để “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Tất nhiên, để đạt được “khát vọng” đó, từ thằng mõ đến các quan lớn, nhỏ đều phải thực hiện các hành vi “lừa bịp và độc ác”. Dường như, người ta, dù có học vấn, cao hay thấp, có địa vị hay sang hèn, đều cảm thấy sung sướng, hãnh tiến và tự hào khi làm người khác đau khổ bằng những âm mưu lừa gạt thấp hèn và hành vi độc ác của mình. Chả thế mà một anh dân phòng, giữ trật tự ở chợ, lại dám vặn cổ một người bán hàng rong; Một viên cảnh sát giao thông dám đánh chết người dân ở đồn công an chỉ vì người này mắc lỗi vi phạm luật giao thông: đi xe máy không đội mũ bảo hiểm… Bộ máy cầm quyền cai trị bằng cách làm cho người dân luôn luôn nơm nớp lo sợ trước những âm mưu lừa gạt và hành vi độc ác của kẻ có, dù chỉ một chút, quyền lực. Nhà cầm quyền dù là vua, quan dưới thời phong kiến hay quan lại dưới thời thực dân đều cai trị dân theo kiểu như vậy: Tạo ra tâm lí sợ hãi trước uy quyền, không cần biết uy quyền ấy có chính danh hay không.

Nhưng “tức nước vỡ bờ”, “con giun xéo mãi cũng oằn”, người bị cai trị đến một ngưỡng nào đó sẽ vượt qua sự sợ hãi, dám đứng lên chống lại kẻ cầm quyền. Đến lượt họ, người dân, theo “Văn hóa Tấm – Cám”, cũng dùng những âm mưu lừa gạt và hành vi độc ác để trả thù bọn cầm quyền, nhiều khi còn độc ác hơn bọn quan lại. Sự hận thù, lấy oán trả oán của người dân đối với bọn quan lại thực dân còn tệ hại, độc ác hơn đối với bọn quan lại phong kiến. Lúc đầu sự phản kháng của người dân thường bằng những câu truyện tiếu lâm, những lời nói châm biếm, chế giễu bọn quan lại, như “miệng quan, trôn trẻ”, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”; “thằng ấy tuy là đảng viên nhưng mà tốt”; “Nó tuy là giáo sư, nhưng mà giỏi”… “Nó tuy là giám đốc, nhưng biết thương người lao động”… Nhưng khi đã vượt qua sự sợ hãi, sự uất ức của người dân biến thành những hành động độc ác, như “Trí, phú, địa, hào: Đào tận gốc, trốc tận rễ”, cất lên lời ca đầy hãnh tiến “thề phanh thây, uống máu quân thù; đường vinh quang xây xác quân thù” (Văn Cao). Tuy thế, dân tộc Việt Nam cũng đẻ ra những trí thức tinh hoa, thấy được tai hại của “Văn hóa Tấm - Cám”. Phan Chu Trinh và nhóm Nguyễn Ái Quốc ở Paris đầu thế kỉ 20 đã kế thừa văn hóa đạo Phật thời Lý-Trần, kết hợp với văn hóa phương tây “Tự do, bình đẳng, bác ái”, không muốn dùng bạo lực, đổ máu của người dân để có độc lập dân tộc, nên đưa ra khẩu hiệu “Pháp-Việt đề huề”, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Điều đáng tiếc là, người Việt rất kính trọng chí sĩ Phan Chu Trinh, hàng vạn người dân đã dự lễ tang cụ ở Sài Gòn năm 1926, nhưng lại không chấp nhận tư tưởng của cụ. Phần lớn người Việt cho tư tưởng của cụ Phan Chu Trinh là cải lương, là ảo tưởng… Vì thế, Tản Đà đã phải thốt lên “ Dân hai mươi triệu, ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Họ đã dùng bạo lực để có độc lập dân tộc, mặc dù phải hy sinh tính mạng đến mức “núi xương, sông máu”, “dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn” (Hồ Chí Minh). Nhưng khi đã thoát khỏi ách nô lệ thực dân, người ta lại tự đeo vào cổ gông cùm mới, đậm “Văn hóa Tấm – Cám”, thằng mõ làng lớn bắt nạt thằng mõ làng bé. Vì thế , lí thuyết đấu tranh giai cấp, đấu tố địa chủ diễn ra không chỉ trong mỗi làng mà cả trong mỗi gia tộc, đến mức “Ông không phải là bố tôi” (Lưu Quang Vũ). Người ta hô hào :

Giết, giết nữa, bàn tay không ngừng nghỉ

Cho đồng ruộng lúa tốt, thuế mau xong

Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít ta lin bất diệt (Tố Hữu)

Trong cải cách ruộng đất 1953-1956, con đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, kẻ mang ơn bịa đặt tố cáo người gia ơn… diễn ra phổ biến mà điển hình tột bậc là vụ đấu tố, xử bắn bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên năm 1953. Theo cuốn sách “Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000” của Viện kinh tế học Việt Nam, trong cải cách ruộng đất, có tới 586.000 nạn nhân bị xử lí, 172.008 người bị giết, trong đó oan sai là 123.266 người, chiếm 71,66% số người bị giết. Lưu ý là người bị giết oan sai là theo tiêu chuẩn của nhà cầm quyền. Luật hình sự 1985 qui định con cháu phải tố cáo ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng phải tố cáo nhau, khi cho là họ mắc tội. Lòng khoan dung, nhân bản của bộ luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông bị xóa bỏ. “Văn hóa Tấm – Cám” vẫn có giá trị phổ quát, trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển nhanh chóng của học thuyết “đấu tranh giai cấp, với tư cách là động lực của sự phát triển xã hội”. Bởi, theo Các – Mác, trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản 1848, “suy cho đến cùng, lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Và kết quả cuối cùng của đấu tranh giai cấp tất yếu phải là sự thiết lập nhà nước chuyên chính của giai cấp vô sản, không phải là nhà nước của toàn dân, do dân, vì dân”. Vì thế, trong những năm 1952-1954 ở Việt Bắc, giới trí thức đi kháng chiến phải “chỉnh huận” để giác ngộ lập trường giai cấp công-nông, tự nguyện “đầu hàng giai cấp công-nông”, tự lên án cha mẹ, bản thân mình là thấm đậm nền giáo dục thực dân, làm công trong bộ máy cầm quyền thực dân là phản cách mạng, có xưởng máy, đồn điền là bóc lột, học vấn càng cao, càng nhiễm độc văn hóa của thực dân, phong kiến, chỉ thích hưởng thụ cá nhân, không dám dấn thân. Ai không “tự ngộ”, tự “xỉ vả” mình thì các đồng chí sẽ giúp mình giác ngộ, bằng những ngày dài, đêm thâu thực hiện phê bình, kiểm điểm theo kiểu đấu tố xỉ vả nhau. Không tự tìm thấy khuyết điểm của mình là ngoan cố, không thành khẩn, chưa giác ngộ giai cấp, là tiểu tư sản, phải cố nghĩ ra khuyết điểm để chứng tỏ mình đã thấm nhuần học thuyết Mác-Lenin, Mao Trạch Đông….

Sau 30/4/1975, “bên thắng cuộc” (Huy Đức), đã cất những lời ca hào hùng, kiêu hãnh, sảng khoái, hân hoan… “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên), “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác” (Cao Việt Bách…). Niềm kiêu hãnh ấy và “Văn hóa Tấm-Cám” đã dẫn đến những chính sách bịp bợm và trả thù độc ác đối với “bên thua cuộc”, như chính sách cải tạo mà thực chất là tù không án đối với những người đã tham gia vào bộ máy cầm quyền của “bên thua cuộc”, thực thi chiến dịch X1, X2 đối với tư sản, tiêu diệt tầng lớp doanh nhân văn minh vừa mới hình thành trong nền kinh tế thị trường, để sau đó hơn 10 năm (1986) lại bắt đầu mở ra kinh tế thị trường hoang dại, hình thành một tầng lớp doanh nhân thân hữu, liên kết với những kẻ thoái hóa trong bộ máy cầm quyền, tạo ra các nhóm lợi ích kiểu mafia, chuyên “buôn cơ chế, chính sách”, thay vì buôn vua như Lã Bất Vi ngày xưa, dẫn đến quốc nạn tham nhũng không thể khắc phục được, đến những vụ cướp đất, làm bần cùng hóa nông dân, gây nên những “núi” oan ức thấu trời cao, cùng đất kiệt.

Bên cạnh nền “Văn hóa Tấm-Cám”, cũng có điểm sáng tuy chỉ le lói của văn hóa khoan dung, nhân bản. Văn nghệ sĩ chân chính và tài ba là những con chim báo bão, dự đoán tương lai phát triển của mỗi dân tộc. Năm 1976, bài ca “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao ra đời là một trong những tia sáng le lói ấy. Hình như ông đã sám hối, khi cất lên lời ca: “Từ đây người biết quê hương, từ đây người biết thương người; từ đây người biết yêu người” trong giai điệu valse nhẹ nhàng, du dương, êm đềm, đầm ấm. “Mùa xuân đầu tiên” lại là sự kết thúc của quá trình tự ngộ của Văn Cao, của dân tộc, đi từ triết lí lấy oán trả oán, “thề phanh thây uống máu quân thù”, “đường vinh quang xây xác quân thù” đến triết lí khoan dung “người biết thương người, biết yêu người”. Chính vì sự “mơ hồ lập trường giai cấp,” nhưng đậm tính nhân loại, nên “Mùa xuân đầu tiên” chỉ xuất hiện trên báo “Sài Gòn giải phóng” xuân Bính Thìn 1976, và phải đợi 20 năm sau, khi Văn Cao chết, nó mới được cất lên trên sàn diễn và các phương tiện thông tin đại chúng. Một chính trị gia hiếm hoi, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã ngộ ra như Văn Cao khi ông phát biểu, đại ý: “Ngày 30 tháng 4 nên gọi là ngày hòa bình, thống nhất nước nhà, đừng gọi là ngày giải phóng Miền Nam. Bởi vì ngày đó, có một triệu người vui, thì cũng có một triệu người buồn”.

Những hậu quả tiêu cực của xã hội ta hôm nay trên tất cả các lĩnh vực bắt nguồn từ “Văn hóa Tấm-Cám”. Đừng đổ cái lỗi ấy cho bất kỳ nhóm người nào, cho ý thức hệ nào. Bởi vì, dù là ý thức hệ nào, nó cũng chỉ là trào lưu tư tưởng của xã hội loài người, vốn rất đa nguyên, nhiều nhóm lợi ích… Tiếp thu ý thức hệ nào tùy thuộc ở văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi gia tộc và mỗi con người cụ thể. Bản thân ý thức hệ không có lỗi. Nhóm người nào, dù có ý thức hệ quốc gia hay quốc tế cộng sản đều là một bộ phận của dân tộc Việt, là kết quả của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, của quốc gia Việt Nam, đều là “con Lạc, cháu Hồng”. Tại sao các nước quanh ta, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, India…, họ không tiếp thu học thuyết đấu tranh giai cấp? Không dùng bạo lực để chống bạo lực? Chính quyền của họ không được đẻ ra trên nòng súng như Mao Trạch Đông nói? Không lấy oán trả oán? Nhưng cuối cùng, hiện nay, họ không những giành được độc lập dân tộc trọn vẹn, mà còn phát triển, hơn ta nhiều lần, về mọi mặt. Rất tiếc là đã có một Mahatma Gandhi, một Nelson Mandela của Việt Nam, là Phan Chu Trinh, nhưng dân ta lại không chấp nhận tư tưởng của ông, nên đã không đạt được thành tựu như India và Nam Phi.

Nhưng lịch sử không có “chữ nếu” hay “giá như”. Sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần duy nhất, tuy rằng người ta có thể viết nhiều lần về cùng một sự kiện ấy, dưới góc nhìn khác nhau. Phê phán nhau lúc này là “xa xỉ”. Phải trở lại tư tưởng Phan Chu Trinh: mọi tầng lớp xã hội sống đề huề trong khoan dung, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Có dân trí và dân khí cao, con người sẽ vượt qua nỗi sợ hãi, để xây dựng lại đất nước từ nền móng, theo xu hướng thời đại, hội nhập với thế giới văn minh. Bởi dân nào chính phủ ấy, chứ không phải ngược lại. Cho nên tầng lớp trí thức tinh hoa phải dấn thân trong sự nghiệp khai dân trí, xóa bỏ “Văn hóa Tấm –Cám”, xây dựng văn hóa khoan dung, nhân bản, mọi người đều thắng. Hãy khép lại cánh cửa của quá khứ hàm hồ [Dương Thu Hương] và mở ra cánh cửa của tương lai nhân bản và dân chủ cho Việt Nam. Nelson Mandela, sau 27 năm bị tù đày, đã rất chí lí và sâu sắc, khi nói, đại ý: “Bước ra khỏi cánh cửa nhà tù, nếu tôi vẫn mang theo lòng hận thù, thì tôi vẫn là một tù nhân”. Hòa giải, tha thứ và khoan dung để cùng nhau xây dựng lại (reengineering hay perestroika, không phải tái cấu trúc- restructuring) đất nước về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường tự nhiên và nhân văn. Đó là con đường duy nhất đưa Việt Nam đến vị thế sánh vai cùng các nước phát triển trong khu vực và thế giới./

P/S: Không có quốc gia nào chọn được quốc gia láng giềng. Không con người nào có thể chọn được sắc tộc, dân tộc và cha mẹ. Nhưng con người có thể chọn được quốc tịch. Mà những con người có khả năng tự chọn quốc tịch cho mình hầu hết là người thông minh thuộc giới tinh hoa, là nguyên khí của quốc gia. Thế hệ hôm nay phải làm hết sức mình để con cháu chúng ta không buộc phải chọn cách “bỏ phiếu bằng chân” để thay đổi quốc tịch của mình.

Tháng 1/2015
Vũ Trọng Khải
Tác giả gửi BVN
(Bauxite)

Báo chí vẫn là công cụ của đảng

 Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI Đề án Quy hoạch báo chí đến năm 2025 là một vấn đề trong chương trình thảo luận. Theo đó, báo chí Việt Nam tiếp tục được nhấn mạnh là công cụ tuyên truyền của đảng, và không cho phép các nhóm lợi ích chi phối báo chí
Căn bản vẫn là độc tài, độc quyền về báo chí
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương, cho biết đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản bàn đến quy hoạch cho báo chí. Tuy nhiên, theo nhận định thì những luận điểm trong đề án này không hề khác biệt so với những quan điểm vốn có của đảng Cộng sản Việt Nam đối với các cơ quan truyền thông trong nước.
Nhận định về điều này, tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định:
"Họ vẫn nói như trước và từ bao nhiêu năm rồi. Thực chất là không để tư nhân hoá báo chí, vì họ rất sợ tư nhân hoá sẽ dẫn đến đa chiều, đa diện, và dẫn đến đa nguyên, đa đảng. cho nên, một nền chuyên chính báo chí hữu sản chứ không phải một nền chuyên chính báo chí kiểu vô sản là cái mà họ đang cần và họ luôn giữ độc tài, độc quyền về báo chí. Chừng nào họ không ở chân tường thì họ chưa buông báo chí đâu."
Đề án về quy hoạch báo chí cho rằng các cơ quan truyền thông của Việt Nam chưa được tổ chức hợp lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, hoạt động và đi vào hướng giật gân, câu khách.
Ông Phạm Ngọc Chênh, blogger từng đoạt giải nhà báo công dân của tổ chức Phóng viên Không biên giới, cho rằng đề án này thể hiện tính bảo thủ và giáo điều của đảng Cộng sản. Theo ông, nó cũng nhằm tái khẳng định lại vai trò kiểm soát của đảng Cộng sản đối với báo chí. Ông nói:

"Thực ra, báo chí lâu nay vẫn nằm trong quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng, tới bây giờ khẳng định lại sự lãnh đạo đó thì để nhắc nhở mọi người rằng đảng vẫn còn tiếp tục nắm báo chí. Chuyện quy hoạch mục đích cũng là sắp xếp cho gọn bộ máy báo chí. Nó nhiều quá, nó lộn quá, bây giờ quy hoạch, sắp xếp lại."
Các nhóm lợi ích chưa đủ mạnh
Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times hồi tháng 11 năm ngoái, cựu tổng biên tập tờ báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế, nhận định rằng báo chí Việt Nam đang phát triển chóng mặt trong vòng 5 năm qua, tới mức giới chức Việt Nam khó kiếm soát. Theo ông, điều đó đã dẫn đến những hệ quả được cho là nghiêm trọng, chẳng hạn như người đọc trẻ tuổi tìm đến những nguồn tin khác, ngoài nguồn tin chính thống của nhà nước. Cũng theo đề án nói trên, ban chấp hành trung ương tái khẳng định việc không để các nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, điều này thực ra không cần nói đến trong đề án vì ở Việt Nam không hề có nhóm lợi ích nào đủ sức gây ảnh hưởng tới giới truyền thông ở quy mô lớn, có chăng chỉ là ảnh hưởng nhỏ, trong một khoảng thời gian nhất định. Ông nói:
"Chưa có tập đoàn nào náo loạn được báo chí hết chưa có doanh nghiệp nào, nhóm lợi ích nào mà lũng loạn báo chí được một cách công khai. Trừ những chuyện lũng đoạn nhỏ mà lũng đoạn nhỏ thì bất cứ tờ báo nào cũng có thể bị. Người ta có thể đưa tiền bằng cách này hoặc bằng cách khác thông qua quảng cáo để đăng được một số thông tin này thông tin khác theo ý người ta."
Ông Phạm Chí Dũng thì cho rằng có sự manh mún phát triển của nhóm lợi ích trong vòng 2-3 năm trở lại đây và nó mang tính chính trị nhiều hơn. Ông nói:
"Đó là khái niệm những lợi ích đang chi phối tờ báo, không chỉ vì lí do kinh tế mà cả về lý do chính trị. Tôi nghĩ rằng đó là một trong những hàm ý mà bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam họ đang đề cập tới, đang lo ngại là nhóm lợi ích báo chí và đang lấn sang những câu chuyện về mặt chính trị."
Ông lấy ví dụ về sự ra đời của trang blog Chân Dung Quyền Lực đang làm mưa làm gió trong công luận thời gian gần đây. Trang blog ẩn danh này liên tục đưa tin về những khối tài sản khổng lồ của các vị tai to mặt lớn trong chính quyền Việt Nam, đi kèm với nó là những bằng chứng rõ ràng, khiến người ta khó có thể nghi ngờ tính xác thực của nó.
Ông Phạm Chí Dũng nhận định:
"Có thể bằng cách nào đó có thể coi đó là một nhóm quyền lực chi phối báo chí, chi phối mạng xã hội nhưng mà không phải để phục vụ cho mục tiêu tạo ra những diễn đàn dân chủ, phản biện và các ý kiến trái chiều mà để phục vụ cho công cuộc đấu đá lẫn nhau, để tranh giành quyền lực về mặt chính trị."
Đề án này cho thấy một tương lai tăm tối cho báo chí Việt Nam, vốn đã không mấy sáng sủa.
Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2014 của tổ chức Phóng viên Không biên giới cho thấy Việt Nam đứng thứ 174 về tự do báo chí. Báo cáo của tổ chức Freedom House trong năm 2014 cũng cho thấy Việt Nam là một trong những môi trường tồi tệ nhất đối với các nhà báo, nhất là những cây viết tự do không muốn bị sai khiến bởi Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan được cho là tổng biên tập duy nhất của tất cả các cơ quan truyền thông của Nhà nước.
Hải Ninh
(RFA)

Nhân tài của Đảng đang ở đâu?

                                             Dàn lãnh đạo của Đảng ra mắt tại Đại hội 11
Có phải là anh Nguyễn Minh Triết, mới 24 tuổi mà đã chức trọng quyền cao ngồi vào ban lãnh đạo cả một tỉnh?
Có phải là ông Nguyễn Bá Thanh, người mà thành tích, công lao đã được người dân Đà Nẵng biết ơn và ghi nhận?
Kẻ lên người xuống
Điều trớ trêu là đúng lúc Trung ương Đảng họp để tìm kiếm nhân tài thì người được cho là có tài lại đang mang bệnh hiểm nghèo.
Phải nói chưa từng thấy quan chức nào ở Việt Nam mà tình hình ốm đau phải họp báo để trấn an dư luận đến như vậy.
Lẽ nào đối với người dân, hai trăm ủy viên trung ương đang họp bàn chuyện quốc gia đại sự cũng không đáng quan tâm bằng bệnh tình sức khỏe của một vị trong số đó?
Người dân cầu mong cho ông Thanh bình an khỏe mạnh để ra gánh vác việc dân việc nước. Họ tin ông là người xứng đáng cầm cương chèo lái đất nước trong lúc khó khăn hiện nay.
Nhưng Trung ương Đảng có lẽ không đồng ý.
Ngay cả khi được Tổng bí thư hết lòng hậu thuẫn mà ông Thanh còn không được Trung ương cho vào Bộ Chính trị nữa là giờ đây khi mà ông đã đau yếu như vậy.
Khác với ông Thanh tương lai đã vào ngõ cụt, con đường thăng tiến của anh Nguyễn Minh Triết nhiều khả năng sẽ tiếp tục thênh thang bằng phẳng.
                                                 Anh Nguyễn Minh Triết là nhân tài của đất nước?
Trong khi bạn bè trang lứa học trắng con mắt, chạy mòn cả dép để tìm việc kiếm tiền thì anh Triết du học về là vào thẳng Trung ương Đoàn chẳng cần phấn đấu rèn luyện chi cả.
Được đưa về Bình Định làm lãnh đạo Đoàn, vừa ngồi xuống ghế cấp phó anh Triết đã lên thế chỗ bí thư. Giờ đây theo chỉ thị của Trung ương Đảng anh đã đường hoàng nằm trong ban lãnh đạo tỉnh.
Có lẽ anh Triết có tài năng xuất chúng hơn người chăng? Chằng phải có tờ báo có con mắt tinh đời nào đó đã nhìn thấy ở anh 'dáng dấp lãnh đạo' hay sao?
Không rõ với tài năng như thế anh Triết có nằm trong diện vừa được Trung ương quy hoạch cho các khóa sau hay không? Nhưng với tốc độ thăng tiến như vậy thì chẳng mấy chốc anh sẽ đuổi kịp người anh trai Nguyễn Thanh Nghị để vào Trung ương.
Rõ ràng Đảng rất tin tưởng gia đình anh. Không chỉ hai anh em được Trung ương giao trọng trách mà thân phụ hai anh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn được Trung ương tín nhiệm cao nhất như lời Giáo sư Carl Thayer dẫn nguồn tin riêng của ông xác nhận với BBC.
Đúng là tài thì không đợi tuổi. Nếu đã có tài thì trẻ như anh Triết vẫn là tài mà đã dại thì có khi đến 70 tuổi vẫn còn dại. Nếu anh Triết, anh Nghị đúng tuổi trẻ tài cao thì quả là may cho đất nước, phúc cho dân tộc vậy.
Nhưng ngẫm ra một đất nước có tới 90 triệu dân mà nhân tài tập trung hết ở gia đình thủ tướng thì nên mừng hay lo? Bởi lẽ có mấy ai đồng trang lứa được như anh em Nghị, Triết?
Có người nhưng dân không biết
                                Sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh coi như đã hết?
Ông Thanh hay anh Triết nhiều khả năng không nằm trong ‘tầm phủ sóng’ của Hội nghị 10 vừa qua. Đảng chọn ai thì đã lên danh sách nhưng có điều dân chưa được biết mà thôi.
Nhân sự được quy hoạch chừng nào bầu lên chính thức dân sẽ biết nhưng lấy phiếu tín nhiệm đã có kết quả xong xuôi hết rồi mà người dân vẫn không được biết là sao?
Mà trong những người được lấy tín nhiệm lần này có những vị chắc chắn sẽ trở thành lãnh đạo chủ chốt của đất nước trong năm, mười năm tới. Như thế thì người dân lại càng phải biết.
Chẳng thà Đảng không cầm quyền thì đó chuyện riêng của Đảng thì người dân chẳng cần quan tâm làm gì, nhưng đằng này việc của Đảng nhưng ảnh hưởng đến vận mệnh của người dân và tương lai đất nước thì đương nhiên họ phải biết chứ?
Mọi mặt đời sống đất nước cái gì Đảng cũng đòi lãnh đạo hết thì khi đụng tới không có cái lý gì là việc riêng của Đảng được.
Khi lòng dân hướng về ông Nguyễn Bá Thanh như thế, mong ông lên làm lãnh đạo như thế cho thấy họ đã nản lòng với hiện trạng đất nước như thế nào và muốn mình có thể chọn ai đó lên xoay chuyển tình hình tham nhũng, cải thiện kinh tế xã hội và có cách đảm bảo chủ quyền quốc gia đến mức nào.
                                  Hội nghị 10 chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 12 của Đảng
Nhưng trong chế độ một đảng cầm quyền thì họ dù có muốn mấy cũng không được. Chỉ đành phó mặc mọi sự cho Đảng. Đảng có chọn ai họ cũng không nói gì được và bây giờ ngay cả việc Đảng đánh giá lãnh đạo thế nào họ cũng không được biết luôn!
Mà kết quả tín nhiệm có gì phải giấu? Các vị lãnh đạo ăn lương của dân, dân đã không trực tiếp đánh giá được thì họ phải có quyền biết các vị được đánh giá thế nào chứ? Bên Mỹ, bên Pháp các tổng thống đôi khi vẫn bị công bố kết quả được lòng dân quá thấp đấy thôi?
Mà giấu thì liệu có giấu được trong thời buổi thông tin mạng này? Gần 200 người biết chứ nào phải người một, người hai. Trước sau gì cả xã hội đều biết.
Cũng kết quả đấy nhưng giữa việc người dân biết là do Đảng cho họ biết với việc họ biết trong khi Đảng vẫn giấu có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn.
Chưa kể cảm giác bị gạt ra bên lề là cảm giác rất ức chế. Người dân sẽ thấy mình ở một phía còn bên kia là Đảng có quyền. ‘Đảng của dân’ nhưng đang ngày càng đẩy dân ra xa Đảng.
Cho nên đừng nói tại sao dân quan tâm đến ông Thanh bị ốm hơn là Trung ương đang họp. Họp kín như bưng có cho dân biết gì đâu mà quan tâm? Mà quan tâm thì làm được gì?
Cơ chế chọn người

  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại buổi bế mạc Hội nghị 10 Đảng sẽ thu hút người tài ra phục vụ
Khi không thể tác động gì đến việc của Đảng thì người dân chỉ còn biết mong mỏi Đảng chọn được người tài đức để cuộc sống của họ đỡ được khó khăn phần nào.
Tôi thì không biết Trung ương đã cơ cấu những ai cho Bộ Chính trị khóa tới cũng như tín nhiệm ai trong Bộ Chính trị, nên không rõ Đảng đã chọn được người tài đức như thế nào.
Tuy nhiên nếu trừ hết số ủy viên Bộ Chính trị đến tuổi nghỉ hưu thì số ủy viên còn lưu nhiệm chỉ vừa hơn năm ngón trên một bàn tay. Cho nên sẽ không có nhiều lựa chọn cho những chức danh lãnh đạo chủ chốt trong khóa tới.
Đành rằng trong trường hợp thiếu người như thế thì sẽ có biệt lệ cho chức danh Tổng bí thư. Sẽ có ai đó đến tuổi về hưu nhưng sẽ được cho ở lại.
Nhưng từ trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng đã có biệt lệ để rồi ông làm tổng bí thư chỉ một nhiệm kỳ, bây giờ nếu hai khóa liên tục đều phải dùng biệt lệ thì chỉ càng cho thấy Đảng đang cạn kiệt người tài mà thôi.
Đó là chưa nói biệt lệ về nguyên tắc dành cho người xứng đáng làm tổng bí thư chứ không phải vì thiếu tổng bí thư mà tạo điều kiện cho ai đó tham quyền cố vị.
              Các đại biểu đi dự Đại hội Đảng có được quyền quyết định đối với nhân sự của Đảng?
Ở đây công tác nhân sự của Đảng liệu có vấn đề gì không?
Ai có quyền quyết định nhân sự trong Đảng? Đảng viên quần chúng chắc chắn là không rồi còn đảng viên đi dự Đại hội cũng chưa chắc có.
Chẳng phải từ Đại hội toàn quốc mà bầu ra Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Tổng bí thư?
Nhưng cũng như dân đi bầu Quốc hội, đảng viên đi dự Đại hội chỉ có thể bầu ra Trung ương từ danh sách có sẵn. Và cứ thế Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và Tổng bí thư cũng từ một danh sách và hầu hết các trường hợp bầu tổng bí thư chỉ có một ứng cử viên.
Và ngoài danh sách có sẵn đó, không đảng viên nào có quyền ra ứng cử hay đề cử ai khác.
Có thể thấy quyền lựa chọn của đảng viên hết sức hạn chế, còn quyền quyết định nằm trong tay những người soạn ra danh sách để bầu kia.
Đó chẳng phải là cái danh sách mà Hội nghị 10 đã bàn bạc để đưa ra Đại hội 12 sao? Và các ủy viên trung ương cũng chỉ bàn bạc trên cơ sở những gì mà Bộ Chính trị và Tổng bí thư định hướng.
                   Đây sẽ là thành viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khóa tới?
Nói như thế để thấy dân chủ trong Đảng chỉ là có lệ để cho quyền lực tập trung về một mối. Mọi việc trong Đảng không phải mở ra cho tất cả đảng viên tham gia mà là ở trên quyết định xuống dưới, khóa trước quyết định khóa sau và nếu một lãnh đạo nào đó đủ mạnh thì có thể một mình quyết định tất cả mọi vệc trong Đảng.
Ở một Đảng mà lúc nào cũng ám ảnh về 'đoàn kết, thống nhất' thì nguyên tắc 'tập trung trên dân chủ' này chính là cơ sở loại trừ tất cả những đảng viên nghĩ khác và làm khác. Nhưng mặt khác nó là tường thành chống lại sự đột phá và là điều kiện sinh ra chuyên chế.
Cho nên mới có chuyện Mao Trạch Đông hay Lê Duẩn có thể cầm quyền suốt từng ấy năm hay một mình Đặng Tiểu Bình hay trong chừng mực nào đó là Lê Đức Thọ có thể một tay quyết định nhân sự lãnh đạo của Đảng.
Cũng do cách làm nhân sự như vậy nên không khó chi để Trung Quốc có thể can thiệp nếu có ai đó họ không vừa ý. Chỉ cần tác động được vào giới chóp bu của Việt Nam là đủ.
Dĩ nhiên quyền quyết định trong tay một người hay một nhóm người thì vẫn có thể chọn ra người tài. Tuy nhiên mỗi cá nhân khó tránh khỏi các yếu tố lợi ích, sở thích hay cảm tính. Chỉ có bầu chọn với số đông thì mới loại bỏ được hoàn toàn các yếu tố này.
Dàn xếp hay bầu cử?
                               Cả ba ông Trọng, Sang, Dũng đều đến tuổi về hưu tại Đại hội 12
Rõ ràng khi mọi quyết định đã có từ trên đưa xuống thì việc bỏ phiếu chẳng còn giá trị bao nhiêu. Nói cách khác công tác nhân sự trong Đảng chín phần dàn xếp và chỉ một phần bầu cử.
Mà hễ dàn xếp thì chắc chắn dính đến đấu đá, phe phái.
Ở các đảng nước ngoài, các phe phái trong đảng có đấu đá thì cũng đấu công khai để bầu lãnh đạo, còn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đấu đá được chuyển vào đằng sau hậu trường.
Cho nên nói sao đảng nước ngoài bầu bán gay cấn như thế còn Việt Nam bầu cử luôn êm đềm tốt đẹp. Có ai biết đằng sau đấy có khi còn gay cấn khốc liệt hơn?
Cũng chính vì dàn xếp bí mật nên mới tạo lỗ hổng cho sự ám muội. Chẳng hạn như gần đến Hội nghị 10 bỗng xuất hiện trang 'Chân dung quyền lực' với những thông tin có thể đánh đổ tiền đồ của nhiều vị tai to mặt lớn.
Tôi không rõ nó có tác động đến đâu đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên ở cách vận động tranh cử, nếu ai đó có thắc mắc nghi ngờ thì có thể chất vấn công khai để người khác giải trình, chứ không nên chơi trò ném đá giấu tay như vậy.
Tranh cử công bằng thì chỉ có khả năng mới là yếu tố quyết định thắng lợi. Còn việc dàn xếp mặc dù cũng tính đến tài năng nhưng còn có chỗ cho thủ đoạn, luồn lách hay tranh đoạt. Người được chọn chưa chắc đã là người tài nhất mà có khi là người gian nhất.
                                Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Mỹ đang tranh luận công khai
Đó là chưa kể các đảng phái nước ngoài không tự nhiên có quyền lực nên phải bầu cho người lãnh đạo đủ tài năng để đưa đảng của họ lên nắm quyền còn ở Việt Nam bầu cho ban lãnh đạo Đảng cũng là bầu cho người đấy có quyền lực nên không tránh khỏi khả năng bầu cho người nào đấy lên nắm quyền có lợi cho mình.
Vậy Đảng có thể học cách tranh cử công khai được không?
Nên nhớ đảng phái các nước gốc là sự cạnh tranh nên lẽ tự nhiên họ cũng áp dụng nguyên tắc cạnh tranh vào trong đảng của họ trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã ôm trọn quyền lực chưa bao giờ biết cạnh tranh nên tự họ cũng hoạt động theo cách sắp xếp quyền lực. Muốn trong Đảng có tranh cử công khai thì chẳng khác cá lên trên bờ hay chim bơi dưới nước.
Không chỉ cơ chế chọn người của Đảng có vấn đề mà chính bản thân Đảng cũng có giới hạn trong việc sử dụng hiền tài.
Một Đảng chủ trương chuyên chính vô sản luôn đặt yêu cầu trung thành với chế độ lên trên hết mà người cộng sản thì chưa chắc đã là người tài và người tài thì không phải ai cũng là cộng sản.
Kiểu dùng người như thế lãng phí tài năng đất nước không biết bao nhiêu mà kể!
Người xưa có câu 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia' và 'Cầu hiền tài như khát nước'. Một đất nước dù mất hết, dù không có gì nhưng chỉ cần có người tài. Hãy xem Lý Quang Diệu đã làm cho Singapore khác biệt như thế nào?
Trong khi đó, Việt Nam vốn 'hào kiệt đời nào cũng có', đã hòa bình thống nhất tròn 40 năm mà sao vẫn lẹt đẹt đi sau người ta?
Chỉ sợ không có người tài. Chứ còn có mà không dùng hoặc không biết dùng thì quá xót xa.
Đảng mà không có người tài thì sẽ ngày càng lụn bại. Đất nước mà không có người tài thì đất nước đó coi như mạt vận.
Nguyễn Lễ
(BBC)

Niềm tin VN-TQ "chưa bao giờ phục hồi"

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (thứ ba từ trái sang) trong lễ kỷ niệm 65 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại Bắc Kinh
Niềm tin giữa Việt Nam, Trung Quốc "chưa bao giờ" phục hồi kể từ khi bị đổ vỡ cuối những năm 1970, theo nhận định của một nhà quan sát.
Ý kiến trên được nghiên cứu gia Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 16/1.
Nhận định của ông Dy được đưa ra giữa lúc Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2015).
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 14/1, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh Trung Quốc là "láng giềng lớn" và là "đối tác quan trọng của Việt Nam" dù thừa nhận "quan hệ hai nước gặp một số khó khăn", báo Dân Trí đưa tin.
Cũng theo Dân Trí, ông Thơ đã kêu gọi truyền thông hai nước "tăng cường tuyên truyền tích cực về quan hệ Viêt - Trung", nhất là cho giới trẻ.
Trong khi đó, ông Thơ được Tân Hoa Xã dẫn lời khẳng định "Việt Nam sẽ không cùng một bên thứ ba kiềm chế Trung Quốc".
BBC: Nói một cách công bằng, mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích gì trong suốt 65 năm qua, thưa ông?
Ông Dương Danh Dy: Trong cuộc chiến chống Pháp, Mỹ và xây dựng ở miền Bắc sau này, phải nói là nhân dân Trung Quốc đã giúp chúng tôi rất nhiều.
Họ giúp người Việt ngay cả khi người Trung Quốc khi đó ăn không đủ no.
Tôi ở Trung Quốc trong thời gian đó, có một lần hỏi chuyện một cán bộ quen tôi, họ nói phải để dành 4-5 năm tem phiếu mới có được xe đạp.
Vậy mà họ vẫn viện trợ cho Việt Nam mỗi năm mấy trăm nghìn xe đạp để thồ hàng hóa vào Nam.
Sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trong cả những năm họ thiếu thốn nhất, khan khổ nhất cần phải nhớ.
Không nên vì sự thù hận mà quên những điều đó.
Niềm tin "chưa bao giờ" khôi phục
Làm sao tránh va chạm, xung đột được, khi chúng tôi ở với nước láng giềng có tham vọng bá quyền ngày càng lớn
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
BBC: Sau hàng loạt các xung đột kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, theo ông thì đã có bao giờ hai bên thực sự khôi phục được niềm tin?
Ông Dương Danh Dy: Chưa bao giờ, nhất là sau khi họ mang mấy chục vạn quân qua đánh bất ngờ rồi tàn sát.
Tôi lúc đó đang làm bí thư thứ nhất của đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh. Đến tháng 6 năm 1979 tôi được đồng chí đại sứ cho về Việt Nam công tác một thời gian.
Lúc đó tôi liên hệ bên quân đội dẫn tôi lên Thị xã Lạng Sơn và Chi Lăng.
Tôi không thể tin vào mắt mình, tất cả là bình địa, cây cối cũng không còn, đường sắt cũng không còn.
Dân ở đó họ nói tôi là sự tàn phá của Trung Quốc không thua gì B52 của Mỹ.
BBC: Chỉ trong 65 năm kể từ khi thành lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trải qua nhiều lần xung đột. Không biết từ đây cho đến 65 năm tới, có còn cuộc xung đột nào khác, thưa ông?
Ông Dương Danh Dy: Làm sao tránh va chạm, xung đột được, khi chúng tôi ở với nước láng giềng có tham vọng bá quyền ngày càng lớn?
Trong khi chúng tôi ngày càng trưởng thành hơn, biết bảo vệ độc lập của mình hơn?
Tôi nghĩ chỉ có những người nằm mơ mới không nghĩ là có chuyện đó thôi, nhất là khi chuyện biển đảo đang rất gay go.
                            Cuộc chiến biên giới năm 1979 đã để lại nhiều tổn thất cho cả hai bên
'Không đối đầu tay đôi'
BBC: Trong buổi họp báo hôm 14/1 tại Bắc Kinh, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thơ tuyên bố 'Việt Nam sẽ không cùng một bên thứ ba chống lại Trung Quốc'. Nhưng nếu xét những động thái gần đây giữa Việt Nam với Hoa Kỳ cũng như giữa Việt Nam với các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực như Nhật Bản, Philippines, có thật là Việt Nam đang không cùng với một bên thứ ba chống Trung Quốc?
Ông Dương Danh Dy: Ông đại sứ nói thì là chuyện của ông đại sứ. Việt Nam không bao giờ đối đầu tay đôi cả.
Cách đây hàng trăm, hàng nghìn năm, thế giới chưa thành thể thống nhất như bây giờ, chúng tôi phải một mình chống Trung Quốc.
Nhưng bây giờ thì không có lý do gì chúng tôi không thể sử dụng sức mạnh của các lực lượng tiến bộ để ủng hộ mình.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ ở vào thế gần giống trước đây, khi chúng tôi vừa phải với Trung Quốc, vừa phải chơi với Liên Xô để lấy Liên Xô chống Trung Quốc, cũng giống như sắp tới vừa phải chơi với Trung Quốc, vừa phải chơi với Mỹ.
BBC: Ông Thơ cũng nói truyền thông hai nước cần tuyên truyền tốt đẹp về mối quan hệ giữa hai nước, nhất là cho giới trẻ. Theo ông thì điều này có thực tế, trong bối cảnh hiện nay?
Ông Dương Danh Dy: Tôi từng làm đối ngoại nên tôi biết khi nào thì nhà ngoại giao nói gì. Có khi là không thật đâu.
Trong thời gian ngắn sắp tới thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không thể nào tốt lên, dù Việt Nam có muốn cũng không được,
(BBC)

Người Việt 'đã sợ hãi từ lâu'

                        Ông Menras Andre hay Hồ Cương Quyết trong buổi thảo luận hôm 15/01
Ông Menras André hay Hồ Cương Quyết, người mang hai quốc tịch Pháp – Việt, cho rằng việc người Việt Nam không xuống đường tuần hành tự do “không phải vì họ sợ, không phải vì họ hèn, mà vì những nguy cơ trước một chế độ cảnh sát”.
Trả lời câu hỏi liệu người Việt do sợ hãi mà không lên tiếng trước bất công trong chương trình Bàn tròn thứ Năm hôm 15/01 về tự do ngôn luận sau vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo (xem video thảo luận qua YouTube: http://bit.ly/1y4iIuc và Google+ http://bit.ly/1B9Jfpg), ông André phân tích:
“Sự sợ hãi từ thời xưa, hồi trước năm 1975 ở Sài Gòn, tôi đã sống qua nó, tôi đã thấy nhiều người sợ hãi mà dám nói xấu về chế độ Nguyễn Văn Thiệu, là điều rất nguy hiểm.
“Mà bây giờ, dám “nói xấu” chế độ cộng sản này cũng rất nguy hiểm. Như đoạn trước tôi có nói rằng cái gen tự do của dân tộc Pháp đã mọc rễ ra sao, nhưng trong cái gen của dân tộc Việt Nam, sự sợ hãi không phải từ hôm qua, mà từ mấy thế kỷ rồi.”
Ông André nói từng chứng kiến tận mắt ‘côn đồ do chế độ thuê’ để đàn áp người biểu tình, và nhiều người bị ‘ném đá’, đẩy vào đồn công an trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn.
“Nếu người Việt Nam không xuống đường đi biểu tình thì không phải vì họ sợ, không phải vì họ hèn, không bao giờ, mà vì nguy cơ trước một chế độ cảnh sát, cảnh sát toàn diện.
“Người dân thường không có tổ chức, không có ai bảo vệ. Nên họ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đi, và có khi đi là liều, không phải chỉ cho riêng họ mà cho cả gia đình,” ông Hồ Cương Quyết nói.
Ông Nguyễn Văn Huy tham gia chương trình từ Paris cũng cho rằng, người Việt Nam phải chịu di sản lịch sử nặng nề về vấn đề tự do, và tâm lý phục tùng đã “ăn sâu vào trí óc người Việt”.
“Hơn nữa về văn hóa, ở Việt Nam cái gì cũng liên quan đến gia đình. Tôi cũng có một thời chống đối chế độ cộng sản sau năm 1975, tôi thấy cái giá mà gia đình phải trả rất cao.”
Nhà nghiên cứu về dân tộc học phân tích, gia đình chính là trở ngại đầu tiên khiến người Việt không đấu tranh, và do chính sách lý lịch của Việt Nam – được ông so sánh với chế độ ‘tam tộc’ của thời phong kiến. (Xem video thảo luận qua YouTube: http://bit.ly/1y4iIuc và Google+ http://bit.ly/1B9Jfpg).
“Nếu họ đấu tranh chống lại một chế độ bạo quyền thì gia đình họ sẽ phải trả cái giá đó, mà gia đình không phải chỉ là cá nhân tôi, cha mẹ tôi, hay con cháu của tôi mà cả những người thân thuộc của mình. Chính vì vậy mà họ rất sợ.
“Hành trình giành tự do cho con người phải được tập dượt thường xuyên. Tự do không phải tự nhiên mà có, đây là cuộc đấu tranh trường kỳ qua nhiều thế hệ,” ông Huy nói.
Bình luận về việc chính quyền Việt Nam lên án hành động tấn công tòa báo Charlie Hebdo ‘dã man’, nhưng vẫn đàn áp blogger từ trong nước, anh Nguyễn Tiến Trung nói:
“Dùng súng bắn người là dã man, nhưng tôi cho rằng, việc bắt những nhà văn, những người nói lên tiếng nói trung thực về đất nước mình, nói những gì mình thực sự nghĩ về tình hình đất nước chứ không phải nói xấu, nên cần phải có định chế tòa án độc lập xét xử.”
‘Không thể lật đổ’ tự do

Chuyên viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu Đông Á ở Lyon nói ông và cả gia đình cũng xuống đường sau vụ tấn công Charlie Hebdo: “Khi tự do ngôn luận bị tấn công thì cần phải phát biểu ý kiến về điều đó.”
“Người Pháp muốn tập trung với nhau để lên tiếng rằng không thế phá vỡ tự do ngôn luận trên đất nước mình. Đó là giá trị văn hóa Pháp, một nét văn hóa Pháp mà không thể bị lật đổ,” ông Francois Guillemot nói thêm.
Theo giải thích của ông Guillemot, Charlie Hebdo là biểu tượng của phong trào 1968 của Pháp, là thế hệ “có ‎y’ kiến trào phúng mạnh mẽ về chính trị, chế nhạo hoặc chỉ trích mạnh mẽ những ‎y’ kiến bảo thủ. Với tôi, người Pháp xuống đường là dĩ nhiên. Nét trào phúng của Pháp bị tấn công quá dữ, người ta phải có phản ứng nào đó, tập trung với nhau để nói rằng mình không sợ hãi sự khủng bố đó.”
Tuy nhiên, trong số những người xuống đường ở Pháp không phải ai cũng đồng tình với cách châm biếm của Charlie Hebdo, nhà văn Thuận bình luận. “Nhưng họ hiểu rằng khủng bố đã đụng đến quyền tự do ngôn luận. Bảo vệ Charlie Hebdo lúc này cũng là bảo vệ chính họ.”
Và với người Pháp, tự do quan trọng như ‘ánh sáng’, ‘như oxy’, ông Hồ Cương Quyết nói, nhưng tự do của Pháp chỉ có thể có được qua lịch sử đấu tranh lâu dài, từ thời Cách mạng 1789 và từ đó đưa ra tuyên ngôn độc lập với ba tiêu chí quan trọng nhất: Tự do, Bình đẳng, Bác ái.
Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy, phụ trách trang ethongluan.org so sánh, “khi vừa qua Pháp năm 1983, sang được một đất nước tự do tôi rất mừng. Và tôi thấy quan trọng nhất trong tự do ở Pháp là tự do tư tưởng.
“Người ta dạy cho đứa trẻ từ lúc còn nhỏ quyền tự do phát biểu. Tức là nó có quyền nói lên những gì nó muốn, chứ không như ở Việt Nam mình là cha mẹ bảo sao con nghe vậy.
“Và tự do ăn sâu vào tâm hồn của người đó và dẫn dắt họ hành động theo một con đường, và ảnh hưởng suốt cuộc đời của họ."
Hàng triệu người Pháp đã đổ xuống đường trong nhiều ngày để biểu lộ tinh thần bảo vệ tự do sau vụ Charlie Hebdo
Tự do với nhà văn Thuận, là điều “tối thượng”.
“Một nhà văn nếu không suy nghĩ tự do chắc chắn sẽ ‘tự kiểm duyệt’ và đó là cái tai hại nhất cho sáng tạo.”
Tuy nhiên, “tự do ngôn luận không phải là tự do muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói mà nó cũng có những giới hạn của nó. Chẳng hạn như nếu tự do đó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến cộng dồng khác, ảnh hưởng đến những tập thể khác là phạm luật.”
Nhưng trong trường hợp Charlie Hebdo, bên cạnh phong trào ủng hộ Je suis Charlie, cũng có phong trào Je ne suis pas Charlie, với một số ý kiến cho rằng tòa báo đã khiêu khích hận thù qua những bức tranh biếm họa đấng Tiên tri của người Hồi giáo khiến hàng triệu người giận dữ.
Tác giả của nhiều tiểu thuyết tiếng Việt và tiếng Pháp bình luận, luật pháp nước Pháp là ‘vô thần’.
“Tội phỉ báng đã bị loại bỏ khỏi luật pháp từ năm 1881 nên đứng trước luật pháp Charlie Hebdo không phạm luật.
“Không phải chỉ đến bây giờ vì những bức tranh biếm họa của Charlie mới gây ra khủng bố ở Pháp. Khi nước Pháp ra lệnh cấm đội khăn chẳng hạn, nước Pháp cũng bị khủng bố rất nhiều tuy rằng họ đã phát hiện ra.
“Nhưng những người Hồi giáo cực đoan có tư tưởng sẵn sàng nã súng vào những người không cùng tư tưởng với họ, nên tôi nhắc lại, là cần phải có những nhà báo, những nhà báo dũng cảm như Charlie Hebdo.” (Xem video thảo luận qua YouTube: http://bit.ly/1y4iIuc và Google+ http://bit.ly/1B9Jfpg).
Người Hồi giáo ở Đức biểu tình với biểu ngữ: 'Nhà Tiên tri Mohammed, xin đừng giận dữ, người Hồi giáo luôn bên ngài'
Trong thư viết cho BBC sau cuộc thảo luận, ông Guillemot giải thích, vụ khủng bố cho thấy hai thế giới quan khác nhau, "hai khái niệm về sự thiêng liêng".
"Một thế giới của đạo Hồi hay nhà Tiên tri Mohammed không thể, dưới bất kỳ hình thức nào, bị xúc phạm.
"Một thế giới khác là của Pháp, khẳng định rằng chính tự do ngôn luận là thiêng liêng. Hai thế giới này không thể hiểu nhau, và hôm nay lại càng khó hiểu nhau nữa. Xung đột này đặt ra câu hỏi về vị trí của Pháp trong thế giới ngày càng bất ổn định vì tôn giáo."
Quan sát từ Việt Nam, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung, người từng bị ngồi tù vì tội danh ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ nhận xét:
“Với một chính thể cộng hòa chính danh, thì cần phải bảo vệ tự do cho người dân và hạn chế quyền của chính phủ, giới hạn quyền lực của nhà nước thì như vậy tự do của dân mới được đảm bảo.
“Từng cá nhân phải được phát triển thì khi đó một quốc gia, một dân tộc mới có thể phát triển tối đa tiềm năng của mình.
"Cho nên tôi phải vận động để có được tự do cho Việt Nam. Hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam đang độc quyền nhà nước mà quyền làm chủ mà chưa có thì chưa thể nói đến quyền tự do khác được."
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét