Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Báo chí có bị hạn chế khi đưa tin ở QH?

'VN có vẻ đang làm sạch khối ngân hàng'

Đánh giá mới nhất của hai tờ báo nước ngoài tuần này cho thấy Việt Nam có vẻ đang tăng cường nỗ lực làm sạch hệ thống ngân hàng.
Tạp chí Anh The Economist ngày 15/11 đặt vấn đề: “Với các ông chủ ngân hàng Việt Nam, nhà tù đang trở thành nơi sinh hoạt bất tiện.”
Sự kiện mới nhất là vụ bắt giữ ông Hà Văn Thắm hôm 24/10.
Cùng với vụ bắt tạm giam bốn tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ chức vụ chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm.
Thị trường bị sốc vì vụ bắt ông Hà Văn Thắm
Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, một trong 37 ngân hàng tư nhân ở Việt Nam, cũng miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Thắm.
Trước đó hồi tháng Sáu, một trong những người từng giàu nhất Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, bị án tù 30 năm.
Nhiều cán bộ tại ngân hàng lớn nhất Việt Nam, Agribank, đã mất chức, và một người còn nhận án tử hình.

Nợ xấu
Theo The Economist, các ngân hàng Việt Nam “rõ ràng mắc bệnh quản lý kém và giám sát yếu”.
“Bốn ngân hàng nhà nước mạnh tay cho vay với các doanh nghiệp nhà nước quản lý kém, trong khi các ngân hàng tư nhân (chiếm đa số các khoản cho vay) thì đổ tiền cho giới xây dựng, dẫn đến bong bóng bất động sản đã nổ vào năm 2010.”
Một luật sư từ văn phòng luật nước ngoài ở Tp HCM được báo này dẫn lời nói “Chuyện thường xảy ra là nhân viên phê duyệt các khoản vay hoặc giám đốc ngân hàng nhận hối lộ để giải quyết cho vay."
Đầu năm nay, cơ quan đánh giá Moody’s ước tính nợ xấu ở Việt Nam là 15%, cao hơn nhiều so với con số 4.7% do Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam được cho là đang giảm bớt
Tạp chí The Economist chỉ ra rằng dù con số thật là gì, thì nợ xấu đang dần biến khỏi sổ sách ngân hàng nhờ Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), được chính phủ thành lập năm 2013.
Có vẻ như VAMC mua lại nợ xấu dựa trên giá trị sổ sách của ngân hàng, vốn cao hơn giá trị thật.
VAMC cho biết đã mua lại khoản nợ trị giá 2.5 tỉ đôla và hy vọng con số này lên tới 5 tỉ đôla vào cuối năm.
Đổi phương pháp
Theo trang tin của Mỹ Bloomberg, từ khi VAMC ra đời, tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ 17% năm 2012 xuống còn 5.4%.
Cũng theo Bloomberg ngày 13/11, VAMC sẽ bắt đầu áp dụng thí điểm mua nợ theo giá thị trường chứ không còn dựa vào giá trị sổ sách và hoàn toàn chuyển sang mô hình này vào năm 2016.
Trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC nói phương pháp mới sẽ “giúp thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu và khuyến khích tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng”.
“Tôi tin rằng, VAMC sẽ có thể mua và bán nợ xấu với tiến độ nhanh hơn trong năm tới khi đã có hơn 1 năm kinh nghiệm.”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết 95% các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua có tài sản đảm bảo là bất động sản.
Bà Phan Thị Chinh, Phó Tổng giám đốc ngân hàng BIDV, nhận xét việc chuyển sang cơ chế mua nợ theo giá thị trường sẽ giúp đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu.
“Tuy nhiên, điều này phải đi kèm với một phương thức thanh toán tốt hơn, chẳng hạn như tiền mặt, chứ không phải chỉ là phát hành trái phiếu cho các ngân hàng như hiện nay,” bà nói.
Các diễn biến mới nhất dường như cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện lòng tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng.
Nói với The Economist, ông Eugene Tarzimanov từ Moody’s, nói các vụ bắt giữ gần đây là “dấu hiệu tích cực rằng giới quản lý và nhà chức trách nghiêm túc” muốn làm sạch ngân hàng.
Nhưng ngược lại, The Economist nói, nhiều người Việt Nam lại chỉ xem các vụ bắt giữ là “cuộc tranh đấu quyền lực giữa một thủ tướng cải cách và một chủ tịch nước cùng tổng bí thư bảo thủ hơn”.
Ít ai biết sự thực là thế nào. Nhưng điều rõ ràng, theo The Economist, “nếu thiếu khu vực ngân hàng lành mạnh, Việt Nam sẽ khó quay lại thời kỳ tăng trưởng 7-8% đã từng có trước khủng hoảng”.
(BBC)

Báo chí có bị hạn chế khi đưa tin ở QH?

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam giải thích có hay không việc báo chí “không được đưa tin công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm”.
Chiều 13/11, Văn phòng Quốc hội gây ngỡ ngàng khi ra thông cáo báo chí “đề nghị” báo chí không tham dự, đưa tin việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm với các quan chức sẽ diễn ra ngày thứ Bảy 15/11.
Ngay sau đó, Văn phòng Quốc hội lại có thông cáo mới để đính chính rằng báo chí được đưa tin, nhưng không rõ các phóng viên được tham dự như thế nào.
Chiều 14/11, ông Nguyễn Hạnh Phúc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lên tiếng chính thức rằng "không có chủ trương hạn chế báo chí".
Báo chí sẽ được quay hình ảnh bỏ phiếu vào sáng 15/11.
“Sau đó khi kiểm phiếu thì chờ, sau khi có kết quả rồi thì báo chí được ghi, nghe, thông tin đầy đủ cho cử tri biết về kết quả của việc bỏ phiếu đó,” ông Phúc được báo Người Lao Động dẫn lời.
Trang VTC News trích thêm lời ông Phúc giải thích đã có “nhầm lẫn trong cách diễn đạt” của cán bộ văn phòng.
“Quốc hội không có chủ trương hạn chế báo chí, tất cả đều được làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 35, thông tin công khai minh bạch kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến cử tri,”, ông Phúc khẳng định.
’30 phút suy nghĩ’
Theo ông Phúc, một điểm mới trong lần lấy phiếu thứ hai này là Quốc hội sẽ dành thời gian 30 phút để các đại biểu có thời gian suy nghĩ, cân nhắc trước khi ghi vào phiếu.
Ông nói sau khi chuyển về địa điểm Quốc hội mới, các đại biểu có chỗ ngồi rộng rãi, không phải ngồi ghi phiếu cạnh nhau như lần trước.
“Bây giờ thì hội trường của ta cũng rộng rãi rồi, đại biểu ngồi đâu cũng được, ngồi trong hội trường cũng được, về các đoàn của mình ghi phiếu cũng được, sau đó hẹn nhau 30 phút quay lại. Như vậy thì các đại biểu không phải chịu áp lực gì, thoải mái thời gian suy nghĩ, cân nhắc trước khi ghi vào lá phiếu,” ông Phúc nói.
Ông cũng nói thêm: “Lần này khi các đại biểu ghi phiếu thì phóng viên không vào, để thời gian cho đại biểu yên tĩnh suy nghĩ, để ghi phiếu cho chính xác.”
Quốc hội Việt Nam sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh, trong đó có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng…
(BBC)

Hải Như - Cần biết xấu hổ

Nhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta có nên “báo động” với nhau về một lớp người đã không còn biết liêm sỉ, không còn biết xấu hổ?
Có một lần khi coi trên màn ảnh nhỏ, mấy em gái con nhà lành do ham chơi đua đòi và cả do đến tuổi không có công ăn việc làm, đã nghe kẻ xấu rủ rê đi làm nghề “bán mình dễ dãi”. Mấy em gái đó bị công an truy quét bắt được trong lúc “hành nghề”. Tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy các em lấy hai tay che mặt trước ống kính máy ghi hình.
Thú thật, tôi thấy lòng đau nhói vì đọc thấy những bàn tay của các em đưa lên che mặt dấu hiệu của sự ăn năn hối lỗi. Các em biết hổ thẹn vì chót lầm lỡ làm nhục gia đình, dòng họ. Giận mà thương. Mừng thay các em còn biết xấu hổ!
Hanowindow® Group cam kết nói không với thuốc lá tại nơi công cộng!
Ảnh minh họa
Một lần khác, tôi coi lên màn ảnh nhỏ theo dõi một phiên tòa xử vụ án tham nhũng. Mấy bị can là quan chức phải ra đứng trước vành móng ngựa vẫn ngang nhiên đi đứng vẻ “quan dạng” khi tòa hỏi cung. Tôi quan sát thấy nét mặt họ không mảy may xao động ăn năn tội lỗi, mà lại nhơn nhơn như thường.
Nhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta có nên “báo động” với nhau về một lớp người đã không còn biết liêm sỉ, không còn biết xấu hổ nữa rồi. Khi báo chí đưa tin ở một vài địa phương có các quán “cơm tù” tự do hoành hành khách đi xe đò (xe khách) mà người đứng đầu địa phương đó cùng người đứng đầu ngành giao thông không biết xấu hổ thì thật hết chỗ nói!
Khi các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về một bến sông của địa phương nọ có người lái đò mù đã mấy chục năm chở người sáng mắt mà người đứng đầu địa phương đó cùng lãnh đạo ngành giao thông không thấy giật mình về việc thiếu đi sâu đi sát dân. Các vị “công bộc” trên không cảm thấy xấu hổ về bệnh quan liêu mãn tính thâm nhập cơ thể bộ máy công quyền thì ôi thôi?
Khóa họp Quốc hội kỳ này đánh dấu một dấu hiệu mới đáng hoan nghênh, khuyến khích tranh cãi và không để các vị Bộ trưởng chỉ có báo cáo thành quả là cơ bản mà còn đòi hỏi các người đứng đầu ngành phải trả lời thẳng vào các câu chất vấn của đại biểu.
Nhưng… cử tri cả nước theo dõi trên màn hình không thể không chép miệng buồn về thái độ nhận thiếu sót của vài vị. Những thiếu sót làm nên những “mảng tối” của đời sống người dân, kéo lùi bước đi lên của đất nước đổi mới.
Trên nét mặt các vị quan đầu ngành tuy có lúng túng trong việc trả lời nhưng không thấy lộ ra một nét nào bộc lộ sự hổ thẹn về năng lực quản lý yếu kém của mình.
Không thấy một vị nào đỏ mặt về việc quản lý ngành mình để xảy ra sai sót, thảm họa gây nên những thất thoát tiền hàng trăm nghìn tỷ của dân.
Tôi quan sát ngược lại, thấy người xấu hổ và đỏ mặt đến nổi giận lại là những cử tri ngồi trước màn hình khi họ liên hệ về sự phát triển chậm trễ đất nước mình so với các quốc gia láng giềng.
Chúng ta đều biết nước Nhật sau khi thua trận trong thế chiến thứ hai theo nhà báo Pháp Robert Guillain trong cuốn phóng sự: “Nước Nhật cường quốc thứ 3 thế giới” đã phát hiện cả nước Nhật có một khẩu hiệu duy nhất mà nhà báo tới đâu cũng gặp.
Khẩu hiệu “Phẫn Nộ Đồ Cường” dịch tạm là Hãy biết tức giận sao đất nước mình lại không “mạnh giàu?”. Tôi cứ nghĩ nên chăng Nhà nước ta hôm nay có nên nghiên cứu đưa ra một khẩu hiệu tương tự.
Khẩu hiệu “Hãy Cần Biết Xấu Hổ” thức tỉnh cả quan và dân để chóng đưa đất nước ra khỏi đói nghèo, sánh vai cùng các quốc gia bạn trong khu vực. Sự “im lặng đáng sợ” không còn biết xấu hổ đang là căn bệnh ác tính xâm nhập hủy hoại cơ thể tâm hồn lành mạnh của chúng ta. Có thể nào chúng ta lại không dám nhìn vào sự thật đáng xấu hổ này để “báo động” với nhau?
“Xấu hổ lại loại hình nổi giận hướng vào bên trong, nếu như cả một dân tộc biết xấu hổ thì nó sẽ mang sức mạnh của con sư tử thu mình lại để chuẩn bị phóng tới”. Câu nói trên đây là của Marx, tôi xin trích dẫn trong “Toàn tập Marx-Engels” do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành - tập 1 trang 487.
Nhà Thơ Hải Như
(Tiền Phong)

Kỳ Duyên - Nghi án “hoa hồng” và Đại tướng quân xứ người

Cả hai vụ có “yếu tố nước ngoài”, dù xấu tốt, hay dở khác hẳn nhau, nhưng đều cho thấy tư duy quản lý, nền quản trị quốc gia từ vĩ mô tới vi mô của nước Việt đang phải “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?”
Chọn dòng tư duy văn minh, văn hóa mềm dẻo, thực tiễn của nhân loại hay… ngược lại.
I-Nổi bật trong tuần có hai vụ việc, một dở, một hay, đều liên quan đến “yếu tố nước ngoài”, đều gây sốc, nhưng dư âm của nó, như tên gọi một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xa xưa thuở nào, thì đều rất… đáng buồn
Xin nói về chuyện dở trước.
Đó là nghi án “hoa hồng” của công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ).
Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộHoa hồng vốn thơm và rất đẹp. Còn ở trường hợp này, “hoa hồng” là thứ hoa rất xấu. Mùi của nó chỉ nói lên nhân cách tồi tệ của cả hai bên, bên nhận- bên cho.
Hoa hồng của công ty Bio- Rad được “tặng” cho ba quốc gia, trong đó, VN là một. Và giá trị hoa hồng không nhỏ- 2,2 triệu USD cho các quan chức ngành y tế VN, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010. Đổi lại, Bio-Rad ký kết được hợp đồng ở VN với doanh số 23,7 triệu USD, gấp hơn chục lần.
Trát lệnh đăng trên trang web của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (Mỹ) đã cho thấy con đường gieo trồng “hoa hồng” cho một số quan chức y tế VN của công ty này tinh vi, già đời thế nào.
Từ năm 2005 đến cuối năm 2009, Bio-Rad duy trì một văn phòng đại diện ở VN. Theo chỉ đạo của giám đốc văn phòng đại diện, các nhân viên bán hàng của công ty đã “chi tiền mặt cho lãnh đạo các bệnh viện và phòng thí nghiệm tại Việt Nam để họ ký hợp đồng mua các sản phẩm của Bio-Rad” (Tuổi trẻ, ngày 07/11). Với quan niệm của vị GĐ văn phòng đại diện “đưahối lộ là lệ thường ở VN”. Cũng theo sổ sách của công ty, tiền hối lộ được gọi là tiền hoa hồng, chi phí quảng cáo và chi phí huấn luyện.
Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Thiết bị y tế của Bio- Rad. Ảnh: VTC
Đúng là “lệ thường”. Đến người Mỹ cũng hiểu sâu sắc đặc tính người VN đến thế.
Và cái nhân danh chi phí quảng cáo, chi phí huấn luyện cũng thật là khôn khéo, vì rất ít ai nghĩ rằng đó chính là tiền hối lộ. Nhưng chắc chắn nó là lạt mềm buộc chặt với những ai ai và đem lại mối lợi không nhỏ cho Bio- Rad?
Có điều ở nước Mỹ, với nền quản trị quốc gia khoa học, luật pháp chặt chẽ của họ, thì cái lạt mềm buộc chặt này bị bung ra không thương tiếc. Mới đây, Bio- Rad phải nộp 55 triệu USD để được miễn truy tố hình sự.
Còn với nước Việt, vụ việc này không phải vụ hối lộ có “yếu tố nước ngoài” đầu tiên.
Nếu tính theo những vụ lớn, nổi tiếng, đến nay, tạm thống kê được mấy vụ “có máu mặt”:  Đó là vụ hối lộ của Công ty PCI- Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Nhật Bản), với một số quan chức Ban Quản lý dự án PMU tại t/p HCM, điển hình là ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên là GĐ Ban Quản lý PMU Đông- Tây.
Gần đây nhất là vụ Nhật Bản xét xử các quan chức nước này phạm tội hối lộ quan chức 03 quốc gia trong đó có VN, để giành được các dự án đường sắt sử dụng nguồn vốn ODA của CP Nhật Bản. Các bị cáo đã khai nộp khoảng 70 triệu yên (640.000 USD) cho 03 quan chức cấp cao của công ty Đường sắt VN, từ 2009 đến 2014.
Và nay, đến vụ công ty Bio- Rad.
Khỏi phải nói sự phản ứng tích cực của ngành y tế trước vụ việc động trời này. Ngay lập tức, Bộ Y tế có công văn đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra xem xét. Bản thân Bộ cũng thành lập một tổ công tác đặc biệt do một Thứ trưởng phụ trách điều tra, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các trang thiết bị, hóa chất, thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế do công ty này sản xuất, lưu hành và sử dụng tại VN từ 2005-2009.
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, có 06 công ty và 08 bệnh viện lớn “dính líu” tới việc mua sắm thiết bị, sản phẩm của công ty này. Tuy nhiên, trong 06 công ty đó, chưa một công ty nào chủ động báo cáo về việc mua sắm các thiết bị, hóa chất, thuốc men. Mọi việc điều tra, tìm kiếm thông tin, chứng cứ vẫn đang còn tiếp tục, và chưa thể có kết luận gì rõ ràng.
Dù vậy, có rất nhiều điểm rõ ràng cần được đặt ra ở các vụ việc hối lộ, tham nhũng mang yếu tố nước ngoài, từ trước tới nay, trong đó có vụ Bio- Rad.
Vì sao tất cả các vụ tham nhũng, ăn hối lộ của người Việt có yếu tố nước ngoài đều bị phát hiện ở … ngoài nước Việt? Để đến khi vỡ lở trên thông tin quốc tế, nổi tiếng khắp cõi hồng trần, các cơ quan, các ngành chức năng nước Việt mới “chạy theo”, “ăn theo” điều tra, tìm chứng cứ?
Ở cả 03 vụ tham nhũng, ăn hối lộ trước đây, trừ vụ PCI đã đưa ra ánh sáng chứng cứ ăn hối lộ của một số quan chức Việt, còn lại  dự án liên quan đến đường sắt VN, rút cục lửng lơ, không tìm ra kẻ phạm tội.
Điều đó vô tình tạo ra một tiền lệ tâm lý rất xấu cho những kẻ tham nhũng rắn mặt rằng, ngay cả khi vụ việc bị bại lộ, cũng chắc gì đã tìm ra được nhân chứng, vật chứng? Thế nên ta cứ nhận (hối lộ) nhưng ta không sợ nhé (xin mượn ý thơ của Hồ Dzếnh). Không phải vô lý khi báo Lao động, ngày 08/11 có bài viết nhan đề: “Những vụ hối lộ được điều tra một nửa”. Vì, một nửa còn núp bóng đêm đen.
Đó là vì “có những trường hợp, kẻ đưa hối lộ đã nhận tội nhưng… không có kẻ nhận hối lộ”. Tài thế! Chả lẽ những kẻ đưa hối lộ xứ người mắc bệnh hoang tưởng?
Nhưng nguyên nhân căn cốt nhất của cả hai hiện tượng trên nằm ở chính cơ chế quản lý của nước Việt. Đó là “văn hóa tiền mặt” vẫn là dòng chủ lưu chính trong đời sống giao thương, trong các dịch vụ dân sự. Chính “văn hóa tiền mặt” là vật cản khủng cho công cuộc phòng, chống quốc nạn tham nhũng. Bởi cơ quan chức năng không hề nắm được nguồn gốc của đồng tiền chính trực hay bất chính, lấy đâu cơ sở thực tiễn để điều tra?
Cái mà lâu nay gọi là công khai minh bạch tài sản, thực chất chỉ là kê khai tài sản của đối tượng, dựa trên “của nổi” không che giấu được, và hoàn toàn không bạch hóa được nguồn gốc của những “của nổi” kia, chưa nói đến “của chìm”.
Vì thế, sự công khai chỉ là nửa vời, và bản chất của sự công khai đó vẫn không hề… minh bạch. Một nửa bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không còn là sự thật. Liệu có ai tin được một vị đại úy công an, sinh năm 1981, con ông cựu Chánh TTCP lại là chủ sở hữu thực chất của 08 sổ đỏ?
Chính vì thế, một khi “văn hóa tiền mặt” còn được ưa chuộng, thì việc kê khai tài sản chỉ là một giải pháp mang tính hình thức. Thì các vụ tham nhũng trong nước cho đến những vụ tham nhũng mang yếu tố nước ngoài còn là phép tính hóc búa không có lời giải, bởi thiếu hẳn một dữ kiện cần thiết nhất để lôi ra nửa sự thật còn lại.
                                                     ***********************
II- Còn đây là chuyện hay.
Báo chí nước Việt mới đây xôn xao vì một thông tin bất ngờ mà nóng sốt: “Hai nông dân Việt được nhà nước Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân” (Một thế giới ,ngày 10/11). Đó là hai cha con ông Trần Quốc Hải (Tân Châu, Tây Ninh) và con trai ông, Trần Quốc Thanh. Cùng với huân chương Đại tướng quân, Quốc vương Campuchia cũng cấp giấy chứng nhận cha con ông Hải là những nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB, ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước Chùa Tháp.
Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Ông Trần Quốc Hải nhận huân chương đại tướng quân. 
Nhưng sau nỗi mừng vui cho hai cha con người nông dân, nay là những nhà kỹ thuật được nước người công nhận, là nỗi buồn đầy day dứt.
Vì sao họ lại nổi danh, và được vinh danh ở xứ người, mà không phải ở nước Việt mình? Như nhiều trường hợp người tài khác.
Vì tên tuổi ông Trần Quốc Hải không hề xa lạ với người nông dân Tây Ninh, cũng không xa lạ với giới truyền thông nước Việt. Nhiều năm trước đây ông nổi danh và có duyên với những cải tiến kỹ thuật phục vụ cho nhà nông, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Có thể kể đến những sáng chế, cải tiến kỹ thuật của ông như rơ mooc tự hành, giàn cày cải tiến, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy giặt mủ cao su, máy trồng mì (sắn)…
Nói không ngoa, ông Trần Quốc Hải cũng là một… cái máy cái chế tạo, sinh nở nhiều loại máy nông nghiệp. Điều thú vị, những chiếc máy sáng chế của ông, vừa giảm chi phí, hiệu suất lao động cao, lại rất phù hợp với mặt bằng môi trường lao động ở nông thôn VN.
Khát vọng lớn ở người nông dân ham tìm tòi kỹ thuật này đã đưa ông đến với những cánh bay tự chế. Chiếc máy bay, tuy chưa thành công- nhưng cũng đã khiến ông … thành nhân, khi dân gian trìu mến đặt cho ông cái tên nhà khoa học “Hai Lúa” Trần Quốc Khải. Đủ thấy khát vọng sáng tạo của người nông dân Trần Quốc Khải chưa bao giờ có điểm dừng.
Chỉ có điều, rất có thể những ham mê chế tạo đó mãi mãi ở góc trời miền đông Nam Bộ mà thôi, nếu không có một cơ may bất ngờ. Cơ may đó đưa tên tuổi ông vượt qua lũy tre làng, vượt qua biên giới nước Việt và rạng rỡ ở ngay một quốc gia đang có những bước đi lên đáng chú ý- Campuchia.
Từ người nông dân đến một Đại tướng quân, là khoảng cách của niềm say mê học hỏi và sáng tạo vô hạn.
Cơ may đó bắt đầu từ sự run rủi thường tình. Qua nước bạn để hỗ trợ kỹ thuật máy trồng mì tại lữ đoàn 70, số phận lại đưa ông đến chỗ tự bỏ tiền túi 25000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên xô cũ sản xuất), cho quân đội CPC. Từ chiếc xe đầu tiên được ông sửa, vận hành giảm bớt nhiên liệu chỉ bằng một phần hai, các chức năng hoạt động lại mạnh hơn trước, ông đã sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác, và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn (Tuổi trẻ, 10/11).
Sản phẩm chế tạo mới đó khỏi nói, gây chấn động thế nào với nước Việt quê hương. Ông không phải người đầu tiên thành công trên xứ người. Có hàng nghìn người Việt thành đạt trên xứ người, thậm chí lừng lẫy tên tuổi. Nhưng sự thành công của ông nó đặc thù quá, khác người quá. Bởi ông xuất thân chỉ là người nông dân.
Thế nhưng, trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Trần Quốc Khải đã nói một câu, cũng rất đặc thù nước Việt: Ở xứ ta, mình chưa làm đã bị đặt câu hỏi: Anh có học không mà đòi làm. Nói thật, làm khoa học ở xứ mình buồn lắm!
Trước đó dư luận xã hội cũng đã xôn xao câu chuyện của ông Phan Bội Trân- (hậu duệ của nhà CM Phan Bội Châu) xuất khẩu 05 chiếc tàu lặn mini phục vụ du lịch sang Malaysia. Sau 05 chiếc đầu tiên này, 25 chiếc tàu lặn mini nữa sẽ được ông ký kết, và sản xuất, lắp ráp trực tiếp tại Malaysia.
Cả hai ông khi trả lời báo Một thế giới, ngày 12/11, đều buồn bã: Xuất ngoại là việc chẳng đặng đừng. Nhưng không có cách nào khác!
Nói cho công bằng, khái niệm làm khoa học của ông Trần Quốc Hải chưa chuẩn xác lắm. Bản chất những công việc của ông là công việc của một nhà kỹ thuật, có những sáng kiến cải tiến, thậm chí có những chế tạo. Nhưng sự thờ ở của những người có trách nhiệm, nỗi buồn của hai ông Phan Bội Trân, Trần Quốc Hải, và nhất là câu trả lời khiến ông Trần Quốc Hải cay đắng mãi- Anh chế (tạo) rất là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa, vô tình, đụng chạm đến những vấn đề bản chất nhất này:
Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Xe bọc thép mới do cha con ông Hải chế tạo. Ảnh: TTO
Xã hội nước Việt tuy rất hiếu học, trọng đạo học, nhưng ở góc độ khác, cũng là xã hội “hư học” (chữ của GS Hoàng Tụy), rất trọng “hư danh”. Từ xa xưa, người Việt đi học để làm quan, chứ chưa bao giờ học để… làm (việc). Bằng cấp, tự lúc nào như một tiêu chí  học vấn để tuyển dụng, đề bạt, thăng cấp. Điều đó không dở, nhưng nó trở thành sự “lập lờ đánh lận trắng đen” các giá trị thật, ảo trong thời buổi mua bằng, bán cấp dễ dàng.
Cái tư duy trọng bằng cấp, trọng hư danh nghiễm nhiên tạo cho người Việt một tâm lý định kiến rạch ròi: Nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế như một đặc ân, đặc tính của những người có học vấn, có bằng cấp, học vị nhất định, chứ không phải của những người nông dân chân đất.
Mặt khác, đời sống sinh hoạt dân chủ, và tâm lý xã hội tôn trọng sự khác biệt là điều mà nước Việt đang phải xóa đi khoảng cách còn rất… dài hiện nay. Trong cái khoảng cách đó, hiện tượng khác biệt của Phan Bội Trân, của Trần Quốc Khải đương nhiên khó có đất để nảy nở và phát triển, nếu không có cơ may tìm cách nương xứ người. Người viết bỗng nhớ đến cậu bé Đỗ Nhật Nam tài năng, dịch giả nhỏ tuổi nhất hiện nay, khi mới xuất hiện, đã phải hứng chịu biết bao “đá ảo” của dư luận. Đến nỗi một nhà báo từng viết bài thốt lên: Thiên tài sẽ không xuất hiện ở VN. Ai cho họ xuất hiện?
Cái câu hỏi ai cho họ xuất hiện còn bắt nguồn cả từ sự rắc rối của những quy định, những thủ tục hành chính nặng nề, nhiêu khê, tư duy quản lý kiểu hành chính, công chức, máy móc của những ngành chức năng có thẩm quyền trước những cái mới nảy sinh trong nghiên cứu, chế tạo. Vô hình chung, nó là cánh cửa “vũ môn” vô cùng nhỏ hẹp, mà chắc chắn những chế tạo của người như ông Trần Quốc Khải rất khó… hóa rồng.
Không biết sau những sự kiện ở nước người, nước Việt có sự thay đổi trong cách nhìn nhận, trong chính sách với những tài năng sáng tạo như ông Phan Bội Trân, ông Trần Quốc Hải, và như của bao nhà khoa học chân đất khác hay không? Trong khi những nghiên cứu khoa học sáng giá, những sáng chế có tầm vĩ mô của hàng nghìn tiến sĩ, nhà khoa học được đào tạo bài bản lại quá… hẻo!
Cả hai vụ có “yếu tố nước ngoài”, dù xấu tốt, hay dở khác hẳn nhau, nhưng dư âm của nó đều cho thấy một điều- tư duy quản lý, nền quản trị quốc gia từ vĩ mô tới vi mô của nước Việt đang phải Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?
Vâng. Chọn dòng tư duy văn minh, văn hóa mềm dẻo, thực tiễn của nhân loại hay… ngược lại.
  Kỳ Duyên  
(Tuần Việt Nam)

Người Buôn Gió - Vỉa hè, bến tàu ở Châu Âu

Lúc trên tàu, có ba cậu người Đông Nam Âu thì phải, mặt mũi cũng rất bặm trợn đứng giữa chỗ khoang trống cửa ra vào. Mình đi vào thấy các cậu nhìn rất kỹ. Lúc mình lướt mắt qua, kiểu soi mói của các cậu ấy biến mất. Thay vào đó là cái nháy mắt.
 Quá chán, sao các cậu ấy lại nháy mắt với mình chứ. May là không ai nhìn thấy.
Lần trước cũng đi qua chỗ hay có trò móc túi, mấy cậu làm ăn ở đấy thấy mình cũng nháy mắt cười. Làm cậu em đi cùng mình ngạc nhiên hỏi sao anh lại quen bọn đấy.
Đm, điên thật, mình đã gặp bao giờ đâu mà quen. Nhưng phải nói mấy bọn móc túi, bán heroin, xin đểu ở bên này thấy mình hay nháy mắt như chào đồng đội. Từ Pháp hay Vác Xa Va đến Berlin đều hay gặp cảnh thế.
Người Buôn Gió
Lúc nhìn thấy ba cậu Đông Nam Âu kia, mình cố làm vẻ lơ đãng, mệt mỏi như sau một ngày đi làm về. Thế nào các cậu ấy vẫn nháy mắt chào một cái khi ánh mắt mình gặp các cậu ấy. Tàu vừa đến bến Bernau có ba cậu nháo nhác vội vàng đi theo mấy người xuống, mình biết các cậu ấy đã săn được con mồi. Các cậu ấy sẽ ra tay lúc mới bước ra khỏi cửa tàu hay lúc đi lên bậc thang.  Sở dĩ vì lúc xuống tàu nhanh chóng cho người khác lên, sự đụng chạm chen lấn ít bị để ý vì vội vàng. Còn lúc ở cầu thang bước lên, cơ thể chuyển động không như đi bộ, lúc đó túi xách ở trạng thái dao động theo nhịp bước chân lên xuống gập gềnh, người có túi dễ mất cảm giác khi ai động vào túi.
 Một lần đứng cùng ông anh ở bến tàu chờ người đến đón, mình đi vệ sinh bảo anh ấy trông đồ. Ông anh ở châu Âu này cũng đã mấy chục năm. Khi mình đi rồi quay đầu lại nhìn cái kiểu ông ấy đứng, chán quá lại phải quay lại bảo anh đứng thế này thì mất đồ luôn. Ông anh ngạc nhiên bảo làm sao mà nó lấy được, mình đừng khoảng trống thế này cơ mà.
 Mình phải vẽ tình huống, hỏi ví dụ có một người phụ nữ bế đứa trẻ đi ngang qua mặt anh, chẳng may đánh rơi gì đó, anh có nhặt hộ không.
Ông anh gật đầu. Mình hỏi tiếp, thế khi nhặt đưa, người phụ nữ cảm ơn, bỗng anh thấy bên trái có bóng đàn ông thoáng qua, anh có giật mình nhìn thằng đó xem nó có lấy túi của mình hay anh nhìn đống túi xem mất gì không.? Thường phản xạ anh sẽ nhìn thằng đó xem nó có cầm của mình cái gì không, trước khi anh quay lại nhìn đống hành lý xem mất gì không. Như thế anh sẽ mất hai khoảnh khắc, khoảnh khắc thứ nhất là nhặt hộ người phụ nữ, khoảng khắc thứ hai là anh nhìn thằng kia xem nó lấy gì. Khoảng khắc thứ ba anh sẽ quay lại xem đống đồ còn không. Khi thấy mất anh sẽ nhao ra chặn một kẻ khả nghi ở đằng sau đang giấu gì trong vạt áo, đó là khoảnh khắc phí phạm nhất vì sau vài phút giằng co nó sẽ thò ra chai rượu hay cái gì đó không phải của anh. Lúc này đồ của anh đã đi rất xa.
Ông anh ngán ngẩm lắc đầu, như thế thì mình chịu thật. Chả lẽ nó lại đi đến mấy người sao, như thế thì mình làm cách nào tránh.
Mình phải giải thích, trộm cắp ở đâu cũng thế thôi. Bọn móc túi bên này thường dân Đông Nam Âu, so với Đông Nam Á là Việt Nam thì chả tài hơn được. Cái đầu tiên cần tránh nhất là thế trân,  như ngày xưa người ta đánh trận họ nhìn khe núi, cánh rừng họ phải sợ có phục binh. Đi tàu điện thì tránh đứng hay ngồi gần cửa, có đi ra thì đi sau cùng. Nhìn thấy một tốp lên mà trông lanh lẹn, quần áo, giầy tất gọn nhẹ mà có vẻ cùng nhóm thì phải tránh. Đặc điểm nữa của bọn nó là luôn phải đảo mắt nhìn để quan sát con mồi, nên thấy mấy thằng nào mắt nó liếc nhìn khắp nơi thì cứ tránh nó ra. Trong trường hợp này, tay nhặt hộ đồ nhưng mắt phải ngoái lại nhìn đồ ngay.
 Dân trộm cắp nơi công cộng ở Tây Âu đa phần là dân của các nước Đông Nam Âu, những vùng đất thuộc CNXH khi trước. Đại khái là nhóm di dân, chứ người bản địa có thể họ bẩn thỉu, say xỉn nằm vạ vật xin tiền, chứ không mấy ai đi ăn cắp. Mà họ xin tiền cũng rất lịch sự, họ để một cái cốc nhựa và ngồi im. Có lúc họ còn đọc sách hay vuốt ve con chó của mình bên cạnh. Hay có thể họ chọn khoảng trống nào đó đánh đàn, ca hát. Người bản địa không bao giờ thấy lên tàu điện thổi điệu kèn ầm ĩ chừng 30 giây rồi đi xin tiền như những nhóm di dân từ Đông Nam Âu kéo sang. Người bản địa chơi nhạc xin tiền, họ chơi một cách bài bản, đầy đủ một bản nhạc nổi tiếng hay quen thuộc đến nốt nhạc cuối cùng. Sau đó gật đầu chào người đi qua trước khi bắt đầu chơi bản khác, họ không cầm mũ hay cốc lên để đi quanh xin tiền.
Ngày nào cũng đi tàu như vậy, thấy đủ hạng người, đủ thứ dân. Hôm nay thấy một cậu ngồi duỗi thẳng chân, chắc do đi bộ mệt. Làm một người đi qua vấp vào. Người duỗi chân chửi.
- Đm mẹ mày đi không có mắt à.?
Người bị vấp chửi lại.
- Đm mẹ mày đã sai lại còn chửi người ta, ai cho mày duỗi chân ra đường đi.
Người duỗi chân đứng dậy chửi.
- A , đcm mày thích chết à, bố mày duỗi chân mày phải nhìn chứ, mày thích chết không?
Người bị vấp lao tới luôn tóm ngực người kia.
- Bố mày thích chết đấy con à, mày làm được gì.?
Hai người đấm nhau mấy cái, một người rút dao ra xiên cho người kia một nhát, máu phun phè phè. Mọi người trên tàu quay mặt đi, mình thấy có cô gái còn níu người bạn trai đi cùng ngay từ lúc hai người mới chửi nhau, cô ấy nói.
- Kệ bọn nó, can làm gì.
Người bị đâm nằm chỏng queo, máu chảy lênh láng. Kẻ đâm người đi mất,  bấy giờ mới có tiếng xôn xao , thằng này chết rồi, máu ra thế kia cơ mà. Người khác phụ hoạ, đâm đúng động mạch phải ra đến lít rưỡi máu ý nhở. Một bà trung niên thì thầm với bà bạn, thằng này chắc 30 tuổi, hôm nay cứ làm con 30, 31, 32 xem sao.
Tàu lắc một cái, mình bừng tỉnh. Thấy người duỗi chân đứng dậy xin lỗi người bị vấp, anh ta thanh minh mình nghe loáng thoáng viel zu Fuss , arbeite, uhr bis, vor gì gì đó đoán là anh ấy nói mình đi làm , đi bộ, nhiều giờ, mệt quá vô ý. Còn người bị vấp cũng xin lỗi anh ta, cậu ấy bảo vì chậm mất hẹn gì đó lên vội. Cả hai cười xoà vỗ vai nhau.
Hoá ra trộm cắp có thể còn giống nhau, nhưng những va chạm thế này thì ở đây không giống như ở Việt Nam. Mình nhiều khi cứ nghĩ theo phản xạ thói quen ở nhà, cái gì cũng nghĩ nó giống nhau.
   Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét