Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

'Mạng xã hội là nguồn tin chính ở VN' - Cách mạng đi về đâu?

'Mạng xã hội là nguồn tin chính ở VN'

Vài năm gần đây là một giai đoạn đáng quan sát trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Sự thay đổi ngôi vị trong làng báo diễn ra như những đợt sóng trào, những tên tuổi và cách làm báo mới tinh đột nhiên chiếm lĩnh sự quan tâm của dư luận, hất cẳng những "ông trùm" lừng danh, và đến lượt mình, đôi khi rất ngắn ngủi, chỉ trong vòng sáu tháng một năm, chúng lại chìm xuống nhường cho các những cái tên khác.
Tên của tờ báo không còn phản ánh trung thực nội dung chúng đang truyền tải nữa.
Cách đây mười mấy năm, những cái tên lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP HCM, Lao Động, Công an TP HCM, Sài Gòn Tiếp thị, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Phụ nữ TP HCM, Hoa học trò, gần như độc chiếm trong lĩnh vực được nêu rõ trong cái tên của mình, và một gia đình bình thường sống ở thành phố thường mua hết những tờ đó cho nhu cầu thông tin của từng người, phù hợp với giới tính và lứa tuổi.
Báo chính thống thoái trào
Tiếc thay, khi đạt đến đỉnh cao phong độ cũng chính là lúc những tờ báo kể trên thoái trào.
Nguyên nhân thì nhiều và không ít trong số đó đã được làng báo theo dõi với tất cả sự hồi hộp và lo lắng, thậm chí là gay cấn.
Nhiều hạn chế thông tin được đưa ra so với thời kỳ trước đó, khiến các tờ báo khó khăn trong cuộc chạy đua cung cấp thông tin nóng và thật cho xã hội, nhưng đồng thời cũng khiến các tin tức hay ho càng được săn lùng hơn bao giờ hết, đặc biệt là các tin chính trị.
Vậy là để tăng hiệu quả kinh tế và số phát hành, một số tờ báo rời khỏi lãnh địa của mình để nhập vào cuộc đua săn lùng tin tức chính trị xã hội.
Khi mạng xã hội ra đời thì cuộc thoái trào với tốc độ nhanh dần của báo chí Việt Nam nói chung gần như không thể cưỡng lại được nữa.
Thay đổi này mang lại một ít thành công ban đầu nhưng sau đó người đọc nhận thấy chính trị chỉ là một phần trong mối quan tâm của họ, và khi các tờ báo yêu thích đều đăng những tin tức giống hệt nhau thì họ bắt đầu giảm số đầu báo mua hàng tháng và tìm tin tức ưa thích từ các nguồn khác.
Khi mạng xã hội ra đời thì cuộc thoái trào với tốc độ nhanh dần của báo chí Việt Nam nói chung gần như không thể cưỡng lại được nữa.
Chừng 31 triệu người dùng Internet ở Việt Nam (chiếm 34, 1% dân số cả nước, tính tới 31/3/2012, theo Trung tâm Internet Việt Nam) là thị trường hết sức hấp dẫn cho những người đưa tin.
Theo số liệu của Hội nhà báo Việt Nam, hiện có trên 20.000 hội viên (số nhà báo đã được cấp thẻ). Số người viết báo thực sự phải nhiều hơn khá nhiều. Hầu như mỗi nhà báo Việt Nam đều có một tài khoản trên mạng xã hội.
Trên đó, thoát khỏi sự hạn chế cùng những ràng buộc bất thành văn của báo chí "chính thống", vô số tin tức được sản xuất ngay trong vòng vài phút, hoặc thậm chí vài giây-đủ để chụp một ảnh và post nó lên mạng.
Các tin tức sốt dẻo này nhiều khi được thông báo song song với sự việc đang diễn ra, với văn phong cá nhân đậm nét-vốn là điều mà báo chí "chính thống" không thể đáp ứng.
Cuối ngày, sau khi hoàn thành phần tin tức theo nhiệm vụ cho tờ báo mình đang làm việc, không ít nhà báo lại tiếp tục bình luận và đưa các tấm ảnh của sự kiện lên trang cá nhân.
Sự tương tác nhanh chóng và dễ dàng trên mạng xã hội giúp chỉ trong vài chục phút, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đọc tha hồ bình luận và cung cấp thêm những thông tin họ có, khiến một status vài dòng chữ ban đầu nhanh chóng lớn lên như một quả cầu tuyết.
Những điều báo Đảng không đưa
 
Vụ nhà sư 'Thích Ai Phôn' bùng nổ nhờ các mạng xã hội Việt Nam
Với sự trợ giúp của Internet, có những thông tin hết sức thú vị mà người đọc rất khó-hoặc không thể tìm thấy trên hàng trăm cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam.
Ví dụ bảng so sánh chi tiết giá vàng và tỷ giá USD/VNĐ qua từng năm được post lên hồi đầu năm ngoái cho thấy sự lạm phát khủng khiếp.
Phát ngôn của các quan chức vào đầu nhiệm kỳ và giữa nhiệm kỳ được đặt cạnh nhau cho thấy ông ta đã thực sự hành động như thế nào.
Những tấm ảnh phản ánh thực tế đối chọi, như công trình hoành tráng tưởng niệm các bà mẹ Việt Nam anh hùng và cuộc sống nghèo khó của một bà mẹ Việt Nam đang còn sống... cung cấp sự thật sau những thành tích được thổi phồng.
Có những thông tin bắt đầu từ mạng xã hội, lan rộng dần và khi lên cao trào thì bức bách ngay cả các tờ báo thận trọng nhất nhập cuộc, nếu không muốn hàng ngày chứng kiến lượt view tụt thê thảm.
Gần đây nhất là câu chuyện của một nhà sư được "dân mạng" hài hước đặt cho cái tên là Thích Ai Phôn, do vị này khoe ảnh cầm iphone 6 (so với thu nhập trung bình của người Việt là khá cao) và điện thoại Vertu, thậm chí cả trước một bàn ăn đầy ngập món ... sushi, cá sống.
Nhà sư này đã bị kỷ luật và đề nghị bãi miễn chức vụ tôn giáo sau khi dại dột post những tấm ảnh này lên trang cá nhân.
"Nhạy cảm" hơn là tin tức về cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Hồng Kông vừa qua.
 
Mạng xã hội Việt Nam đưa tin và hình ảnh khác báo chính thống
Tin tức được người dùng mạng xã hội khắp thế giới cập nhật từng giờ.
Sự phân loại báo chí "chính thống" rất rõ nét trong thời gian xảy ra sự việc này. Có báo lập tức vào cuộc, những báo này lập tức tăng số phát hành, bài viết được chia sẻ nhanh chóng, dân mạng khen tấm tắc. Có báo hầu như phớt lờ.
Có báo e dè nhìn đồng nghiệp, sau đó, khi bị làn sóng mạng xã hội đánh tụt view thì mới thận trọng vào cuộc. Áp lực từ mạng xã hội-những người đọc tự do và khao khát tin tức khách quan ngày càng mạnh và rõ nét.
Tuy nhiên, không ít người đọc vẫn mong mỏi được cung cấp thông tin từ một cơ quan truyền thông cấp quốc gia: trong những ngày đó, nhận xét được khá nhiều người chia sẻ là "Hôm nay VTV vẫn im thin thít!".
Với những ưu điểm không thể chối cãi, mạng xã hội đã trở thành tờ báo chung lớn nhất và thú vị nhất cho người đọc lẫn người viết ở Việt Nam.
Các tờ báo lớn trên thế giới đã biến mạng xã hội thành mạng lưới cộng tác viên vô tận, với khả năng tương tác cực lớn, còn ở Việt Nam thì ngược lại
Có số lượng áp đảo nhà báo và người dùng Internet "thú nhận" thích đọc và thường xuyên đọc tin tức trên mạng xã hội hơn báo chí chính thống.
Vô số trang mạng của nhóm được lập ra giúp các thành viên có không gian thoải mái hơn rất nhiều để trao đổi, phân tích tin tức các loại-thường là tin tức chính trị và kinh tế. Ở đó người tham gia có thể đọc được vô số thông tin hay ho-mà chẳng tốn xu nào, ngoài cước phí Internet.
Thực ra xu hướng "nền báo chí do người đọc tạo ra" đã hình thành trên thế giới từ cách đây hơn 10 năm.
Khái niệm này do nhà báo Dan Gillmor, một cây bút bình luận chính trị, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Internet và xã hội tại Đại học Harvard đặt ra.
Các tờ báo lớn trên thế giới đã biến mạng xã hội thành mạng lưới cộng tác viên vô tận, với khả năng tương tác cực lớn giúp tìm ra những tin tức được quan tâm nhất, cũng như thêm chi tiết cho nó. Tuy nhiên vai trò của tờ báo vẫn là áp đảo.
Ở Việt Nam thì ngược lại. Đó là hệ quả tất yếu giữa việc 700 cơ quan truyền thông chính thống ngày càng lạnh ngắt, cứng đơ, nhàn nhạt một màu với thực tế cuộc sống sôi động và biến chuyển không ngừng.

Hoàng Xuân
Nhà báo tự do, gửi cho BBC từ Sài Gòn
Bài viết thể hiện quan điềm riêng của tác giả Hoàng Xuân, hiện sống tại Sài Gòn.
(BBC)

Sinh viên Hong Kong kêu gọi biểu tình trở lại

 
Tối thứ Năm, chính quyền đã hủy kế hoạch đối thoại

Lãnh đạo sinh viên Hong Kong kêu gọi biểu tình lớn vào tối thứ Sáu 10/10 sau khi chính quyền hủy đàm phán về cải cách dân chủ.

Cuộc gặp đầu tiên kể từ khi bắt đầu làn sóng biểu tình đáng sẽ diễn ra vào lúc 16:00 chiều thứ Sáu nhưng đã bị hủy một hôm trước đó.

Chính quyền Hong Kong nói "không thể có đối thoại xây dựng" với người biểu tình.

Con số người biểu tình trong những ngày qua đã giảm đáng kể.

Tuần trước, hàng nghìn người thuộc các nhóm sinh viên và phong trào vì dân chủ Occupy Central đã làm tê liệt nhiều khu vực trong thành phố.

Thế nhưng tuần này, chỉ còn vài trăm người, chủ yếu là sinh viên, trụ lại trên các phố ở trung tâm Hong Kong và ở Mong Kok trên bán đảo Cửu Long. Các rào chắn vẫn được duy trì ở nhiều nơi khiến giao thông gián đoạn.

Người biểu tình yêu cầu thực hiện cải cách dân chủ, quyền bầu cử tự do tại Hong Kong trong năm 2017.

Trung Quốc vẫn kiên quyết nói rằng vị trí hành chính trưởng quan của đặc khu phải được chọn qua một danh sách đã được hội đồng bầu cử lọc trước.

Chưa rõ liệu kêu gọi biểu tình tối thứ Sáu có thu hút được đông đảo người tham gia để thổi lửa lại phong trào hay không.

Không nhượng bộ

Chưa rõ ủng hộ cho cuộc biểu tình mới sẽ thế nào

Tối thứ Năm, lãnh đạo sinh viên đã ra lời kêu gọi tăng biểu tình và chiếm đóng một số nơi nếu như chính quyền Hong Kong không nhượng bộ.

Một vài giờ sau đó, Tổng thư ký Carrie Lam, người đại diện cho chính quyền Hong Kong tại cuộc gặp được lên kế hoạch, cáo buộc phe biểu tình là "gây bất tín".

Bà Lam tuyên bố:" Cuộc đối thoại không thể được sử dụng để làm động cơ xúi giục thêm người biểu tình. Các nhà hoạt động bất hợp pháp phải dừng ngay".

Lãnh đạo sinh viên thì cáo buộc chính quyền không chân thành trong đối thoại và kêu gọi họ ngồi xuống bàn đàm phán.

Alex Chow, Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS), được hãng AFP dẫn lời nói: "Tình hình hỗn loạn chính là do chính quyền gây ra. Họ phải chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả".

Trên mạng Twitter, HKFS ra thông điệp tối thứ Năm nói: "Chính quyền không chịu đàm phán. Hãy cho họ thấy chúng ta có gì trong tay".
(BBC)

Nguyễn Quang Duy - Cách mạng đi về đâu?

Mỗi người bấm nút cánh dù bung lên che mưa hay che nắng cho mình. Mọi người cùng lúc bấm nút có thể che cả bầu trời.



Dưới cánh dù mọi người đều bình đẳng (mỗi người một lá phiếu) và bình quyền (mỗi người tự phân công, tự kiểm sóat, tự lãnh đạo).
Trong cơn mưa, dù còn được dùng để che cho những người cảnh sát đang giữ an ninh.
Cánh dù đã trở thành một biểu tượng che chở cho nhau và che chở cả những người đang trấn áp mình.
Sau gần 2 tuần diễn biến, cuộc cách mạng dù (Umbrella Revolution) của những bạn trẻ Hồng Kông có đạt được mong muốn hay không?

Tâm sự Nancy Nguyễn

Nancy Nguyễn cho biết tấm giấy tiếng Việt là: “nếu chúng ta rời ngày hôm nay, chúng ta sẽ là nô lệ suốt đời”
Nancy Nguyễn một bạn trẻ từ Hoa Kỳ đã nhanh chóng sang tận Hồng Kông tham gia, quan sát và học hỏi. Trong vài ngày qua trên facebook bạn đã chia sẻ một số suy nghĩ như sau:
…Những người khởi xướng đầu tiên, cho phong trào đòi dân chủ làm chấn động cả thế giới hôm nay, là những người rất rất trẻ. Trẻ đến nỗi theo “cái nhìn Việt Nam” thì các bậc phụ huynh có lẽ sẽ bảo các bạn ấy nên về bú cho xong bình sữa.
Nói thế để biết rằng, thưa các bạn sinh viên, thanh niên Việt Nam, các bạn không hề là quá nhỏ cho cuộc chơi chính trị. ĐỪNG BAO GIỜ cho phép bất cứ ai bảo với bạn rằng “nhãi con biết gì”, hay “đã có người lớn lo!” vì chính các bạn cũng hiểu rằng tất cả những điều đó đều là ngụy biện!
Các bạn nên nhớ, các bạn có quyền bỏ phiếu từ năm 18 tuổi, điều đó đồng nghĩa với việc, mỗi cá nhân từ 18 tuổi trở lên đều đã đủ trưởng thành, trước pháp luật, trong suy nghĩ và nhận thức. Đừng bao giờ cho phép bất cứ ai, cá nhân, hay tổ chức nào bảo các bạn còn quá nhỏ.
Nếu ai đó nói các bạn chưa đủ trưởng thành, hay hỏi họ câu này: Tổng bí thư thứ nhất của đảng Cộng sản Việt Nam tham gia chính trị lúc mấy tuổi, và được bổ nhiệm chức vụ tổng bí thư lúc mấy tuổi? Không ai, không cá nhân hay tổ chức nào được quyền bảo các bạn còn quá trẻ. Và, nên nhớ, các bạn không hề là quá trẻ để thay đổi vận mệnh đất nước này, dân tộc này.
Đừng bao giờ nghĩ, đã có người khác lo, dân Việt nam đến 90 triệu con người cơ mà. Vì chính các bạn cũng hiểu, nếu không phải là bản thân các bạn, thì sẽ chẳng là ai cả.
90 triệu người Việt Nam là chúng ta! Là chính chúng ta! Chứ không phải ai khác. Chính các bạn, chứ không phải là ai khác, sẽ phải là những con người làm nên cuộc đổi thay.
Vâng, chính khối óc, chính bàn tay này, sẽ phải là khối óc, và bàn tay làm nên cuộc đổi thay. Không phải là ai khác, không phải là thế hệ nào khác.
Đừng bao giờ để bất cứ ai bảo với bạn rằng, Việt Nam nhỏ bé, phải đối đầu với Trung Quốc một cách khôn ngoan. Bởi chính các bạn hiểu sâu sắc rằng: Đó cũng là nguỵ biện! Hồng Kông không có đến một người lính của riêng mình.
Nhưng chính trong khó khăn đó, Hồng Kông làm cả thế giới nghiêng mình ngả mũ. Đừng bao giờ cho phép bất cứ ai bảo các bạn hãy bỏ cuộc chỉ vì Việt Nam yếu hơn Trung Quốc nhiều lần. Vì chính các bạn biết rằng sức mạnh của tập thể còn mạnh mẽ gấp triệu lần súng đạn.
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, vì đó, là phần Người nhất trong mỗi một con người.
Ngày hôm nay Hồng Kông xuống đường, bao giờ sẽ đến Việt Nam?...
…Bạn biết không, đôi khi, những điều phi thường nhất lại được diễn tả bằng những điều bình thường nhất trong cuộc sống.
Ngay từ khi tới Hồng Kông (các bạn) đã nắm lấy tay tôi, đưa tôi đi giữa phố phường chen chúc, thăm cơ man nào là khuôn mặt, những khuôn mặt làm cả thế giới xúc động, có khi nghẹn ngào.
Chỉ đến khuya nay, khi ngồi lại bên nhau trong bữa tối, nhìn các bạn và vội vài miếng cơm trong cơn đói mèm. Tôi ngắm họ ăn say sưa đến quên cả trời đất, mới chợt nhớ ra một điều mình đã quên mất từ lâu: các bạn ấy cũng chỉ là những con người.
Thế giới nói về sinh viên Hồng Kông như những chiến binh, những người hùng. Còn tôi, tôi thấy họ Người lắm, như chính tôi, NHƯ CHÍNH BẠN. Họ bảo với tôi, họ không hề gan dạ, quả cảm như báo chí ca ngợi. Họ cũng hèn nhát, cũng sợ hãi, Đại Lục có tất cả, còn họ, họ có gì?
Họ thừa nhận hết, rằng họ cũng sợ bị thanh trừng, sợ từ nay về sau, có thể cuộc sống của họ sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Rồi học hành, rồi công việc, rồi cả mẹ cha.
Họ nói với tôi, như chưa từng được nói với bất kỳ ai khác, những trăn trở rất con người mà truyền thông không bao giờ thèm đếm xỉa tới.
Có vài người đã khóc. Trong giọt nước mắt không đủ nặng để lăn trên gò má, chỉ đủ để làm khoé mắt long lanh dưới ánh đèn siêu thị, tôi thấy được những cuộc đời trần trụi. Rồi họ nhìn tôi, kiên nghị: Nếu bảo chúng tôi không sợ hãi, thì đó là nói láo, nhưng nếu Hồng Kông cần, chúng tôi cũng vẫn sẽ dấn thân, bởi vì, Hồng Kông cần chúng tôi.
Ở Hong Kong, tôi thấy được sự vĩ đại của những con người bình thường. Và chính sự bình thường đó, làm nên điều vĩ đại.
“Bởi vì Hồng Kông cần chúng tôi!” Tôi nghe khoé mắt mình cay, và ruột gan như có ai đem dao đến cứa. “Bởi vì Hồng Kông cần chúng tôi!” lẽ đơn giản như thế, mà sao với dân tôi nó xa xôi nhường vậy.
Việt Nam ơi! … Hãy tỉnh dậy đi!...
…Tôi chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó mình lại nhận được nhiều sự quan tâm đến nhường ấy.
Chuyến đi này, thuở ban đầu, chỉ là một chuyến đi cá nhân, trong vô vàn những chuyến đi cá nhân triền miên, dường như không có tận cùng của tôi. Rồi bất ngờ, tôi trở thành một cái gì đó tựa hồ như niềm tin, như hi vọng.
Nhưng bạn ơi, tôi chỉ là một người con gái bình thường, như hàng triệu người bình thường xung quanh các bạn. Và nếu như không có chuyến đi này, có lẽ nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của tôi trên trái đất này.
Như V-for-Vendata, tôi là một người và cũng là tất cả. Nếu các bạn có thể thương mến tôi, thì xin hãy nhân tình cảm ấy lên cho tất cả những anh chị em đấu tranh vì dân chủ xung quanh các bạn. Vì họ giống tôi, và tôi thì cũng không khác gì họ.
Sau chuyến đi này, tôi sẽ lại là tôi của đời thường, có lẽ không còn nhiều chuyện để kể, không còn nhiều hình ảnh để đăng. Các bạn follow tôi và bạn bè FB chắc cũng sẽ thưa bớt dần.
Nhưng có một điều tôi nhận được từ chuyến đi này, đó là, tôi không đơn độc. Đó, có lẽ là kỷ vật quý giá nhất mà chuyến đi mang lại cho tôi.
Và bạn tôi ơi, nay tôi chia sẻ cho tất cả mọi người: TÔI KHÔNG ĐƠN ĐỘC, VÀ BẠN CŨNG VẬY!...

Cách mạng con người

Tâm sự của bạn Nancy Nguyễn cho thấy qua sinh họat tại Hồng Kông các bạn trẻ học hỏi lẫn nhau và đã thay đổi đến tận gốc rễ suy nghĩ của mình. Mà thay đổi đến tận gốc rễ chính là căn bản cách mạng ở mỗi con người.
Khi con người chưa tự cách mạng mình thì đừng mong đến cách mạng xã hội. Vì cách mạng xã hội cần xây dựng trên cách mạng cá nhân. Tại Hồng Kông cả một tầng lớp học sinh sinh viên đã cùng nhau làm cách mạng.
Tương tự khi một cá nhân chưa tự mình trau dồi rèn luyện tinh thần dân chủ thì họăc họ sẽ trở thành độc tài hoặc họ sẽ vô cùng cô đơn trong cuộc sống cá nhân.
Cũng như một đảng chính trị bề mặt kêu gào dân chủ kêu gào cách mạng mà sinh họat theo kiểu độc tài thì đừng mong họ sẽ mang lại dân chủ cho tòan xã hội.
Cách mạng hay dân chủ phải bắt đầu từ con người. Thiếu tinh thần cách mạng hay tinh thần dân chủ đất nước chỉ chuyển từ bè nhóm này sang tay bè nhóm khác.

Cách mạng xã hội

Không riêng gì các bạn trẻ như Nancy Nguyễn, thời gian qua nhiều người thuộc các thế hệ đi trước đã phải xét lại và thay đổi cánh họ suy nghĩ cũng như hành động.
Ông Michael Cheng, ủy viên ban chấp hành của Đảng Lao Động Hong Kong, cho biết:
“Không phải cứ phản đối chính phủ là chúng tôi ở cùng một phe hết. Các tổ chức khác nhau có mục tiêu và tôn chỉ khác nhau, đôi khi không đồng thuận với nhau. Nếu một tổ chức như Đảng Lao Động đứng ra kêu gọi biểu tình, thành viên các tổ chức khác sẽ cho rằng chúng tôi có mục tiêu riêng không đại diện cho lợi ích của họ.
Với sinh viên thì khác. Họ còn trẻ, chưa có tính toán tư lợi, chỉ thuần tuý hoạt động vì lý tưởng, vì vậy họ nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau.”
Rõ ràng những người trẻ đang làm một cuộc cách mạng xã hội thay đổi đến tận gốc rễ cách suy nghĩ và sinh họat chính trị truyền thống.
Bên cạnh những người trẻ tiên phong chúng ta vẫn thấy nhiều người Hồng Kông trung niên và cả những người đã già đã từng sống và có kinh nghiệm với cộng sản.
Họ đến không bằng thái độ nghi ngờ, tìm cách áp đặt hay dạy dỗ phương cách đấu tranh. Họ đến để chia sẻ trách nhiệm và kinh nghiệm với các giới trẻ Hong Kong. Cả một xã hội Hồng Kông đã và đang thay đổi.

Cách Mạng Tòan Cầu

Phong trào Chiếm khu trung tâm bằng tình yêu và hòa bình (Occupy Central with Love and Peace OCLP – ND) đã được biết đến từ đầu năm 2013 và đã có gần 2 năm nghiên cứu, sửa sọan, vận động trước khi dẫn đến hành động.
Nếu chỉ biểu tình tẩy chay ngày Quốc Khánh Trung Quốc sẽ ít được dư luận chú ý và không thể kéo dài. Cuộc biểu tình đòi bầu cử và ứng cử tự do là một mục tiêu vô cùng chính đáng và được phát động đúng khi Bắc Kinh ra quyết định “Đảng cử dân bầu”.
Trong thế bị động Bắc kinh đã xuống tay đàn áp. Tiếng kêu của sinh viên học sinh "Họ không thể giết hết chúng ta!" không phải chỉ đánh động lương tâm của thế giới mà còn làm rúng động tư tưởng của giới cầm quyền Bắc Kinh.
Bắc Kinh phải xuống nước. Họ lập ra nhóm quần chúng tự phát hay dùng công an từ Lục Địa gởi sang phá rối cuộc biểu tình.
Nhưng Hồng Kông không phải là Việt Nam, mọi phương cách Bắc Kinh đem ra áp dụng đều gặp phản ứng ngược. Cảnh sát đứng về phía người biểu tình, thêm người Hồng Kông tham dự và thế giới lên án các hành động phá rối nói trên.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh phải ra thông báo nếu người biểu tình không giải tán trước 6-10-2014 ông ta sẽ sử dụng bạo lực. Các bạn trẻ vẫn không lùi bước đưa ra những khẩu hiệu như: “nếu chúng ta rời ngày hôm nay, chúng ta sẽ là nô lệ suốt đời”, “hãy xem đây như nhà của chúng ta”…
Phó đặc khu Hồng Kông ông Lau Kong-wah, thông báo chính thức muốn gặp đại diện Phong trào vào lúc 4 giờ chiều ngày thứ Sáu 10-10-2014.
Nhưng (có lẽ) theo lệnh Bắc Kinh, Chánh văn phòng Đặc khu Carrie Lam tuyên bố hủy cuộc họp với lãnh đạo sinh viên đấu tranh cho dân chủ.
Rõ ràng nhà cầm quyền Bắc Kinh và đặc khu Hồng Kông càng ngày càng lâm vào thế bị động. Họ không biết phải làm gì để giải quyết vấn đề.
Nhưng cho dù hai bên có đàm phán nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ không thể giao quyền tự do ứng cử và bầu cử cho dân Hong Kong. Vì nếu những người không cộng sản lãnh đạo Hong Kong, Bắc Kinh sẽ mất kiểm sóat khu vực này. Đòi hỏi tự do sẽ lan sang lục địa, ảnh hưởng đến quyền lực của đảng Cộng sản tại đây.
Điều này nghĩa là cuộc đấu tranh của những người trẻ Hồng Kông sẽ còn tiếp diễn và có thể cho đến khi chế độ cộng sản bị sụp đổ.
Mặc dù nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đặt tường lửa chận thông tin nhưng tin tức về cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông đang được chuyển vào lục địa. Tinh thần cách mạng đang lan tỏa và biết đâu cũng sẽ đưa đến thay đổi thể chế chính trị tại đây.
Khắp thế giới những người yêu chuộng tự do cũng tổ chức những buổi biểu tình ủng hộ Hong Kong. Ở Hà Nội và Sài Gòn cũng đã có những nhóm lên tiếng kêu gọi biểu tình.
Tại Melbourne Úc châu, sinh viên Hong Kong, cộng đồng Việt, Tây Tạng, và một số nhóm vận động cho dân chủ tại Trung Quốc tổ chức “Đêm Thắp Nến cho Dân Chủ của Hong Kong” vào 6 giờ 30 tối Thứ Bảy 11-10-2014 trước Tiền đình Quốc Hội Tiểu Bang Victoria.
Cuộc cách mạng phải bắt đầu từ con người. Cách mạng cá nhân chính là tinh thần của cuộc Cách mạng Dù tại Hong Kong. Tinh thần cách mạng đang lan ra và sẽ làm thay cuộc diện thế giới.
Và cuối cùng cách mạng thế giới đến nhanh hay muộn tùy thuộc vào chính sự chuyển biến tư tưởng mỗi cá nhân chúng ta.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne Úc Đại Lợi
10-10-2014

Phạm Đình Trọng - Diễn viên đóng thế

Đã nhiều lần viết về những buổi làm việc với công an, tôi đã thấy nhàm chán, không muốn viết về buổi sáng nay nữa. Nhưng, như một trách nhiệm, sau nửa ngày ngần ngại, tôi cố khắc phục sự ngán ngẩm, lười biếng, buổi tối buộc mình phải ngồi vào bàn viết.
Viết như một trách nhiệm tường trình, như một lời giãi bày, tâm sự với các Anh, các Chị đã và đang dành sự quan tâm, chia sẻ, sát vai đồng lòng cùng tôi.
Kết quả hình ảnh cho ảnh phạm đình trọng
NV. Phạm Đình Trọng
Viết như san sẻ một chút thực tế với các anh, chị đang dấn thân vào cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước sẽ phải nhận giấy mời, giấy triệu tập của công an đến “làm việc”. Vâng, tôi để chữ làm việc trong dấu nháy vì những cuộc như vậy không hẳn là làm việc.
Viết như một ghi chép lại bằng chứng, tư liệu lịch sử về một thời người dân Việt Nam khốn khổ phải sống trong nhà nước độc tài công an trị. Viết ghi lại hình hài con người văn hóa, con người nhân văn tong teo, còm cõi, suy kiệt ở những công cụ của bạo lực chuyên chính vô sản.
Viết vì trách nhiệm của trái tim như vậy, viết vì hôm nay và cả vì ngày mai nữa thì dù nhàm chán và ngán ngại đến đâu nhưng nếu còn phải nhận những giấy mời, giấy triệu tập ngạo ngược ra uy, coi thường người dân như vừa qua thì tôi sẽ còn phải viết.
Đúng thời gian theo giấy mời đến công an xã Phước Kiển “làm rõ nội dung thư kháng nghị”, 8 giờ 30 sáng thứ ba, 7.10.2014, tôi có mặt ở nơi tôi đã nhiều lần ngồi với công an. Lần công an bắt tôi như xã hội đen bắt cóc người dẫn giải tôi về đây giam giữ suốt cả ngày. Lần tôi tự đến theo giấy mời của công an cũng giống như hôm nay.
Trước mặt tôi, phía bên kia chiếc bàn dài có ba người. Ông Hoàng, ngoài năm mươi tuổi mặc đồ dân sự, tự giới thiệu là ở văn phòng phía Nam. Ông nói lấp lửng như vậy và tôi cứ nghĩ rằng ông ở văn phòng phía Nam bộ Công an nên không hỏi thêm nhưng đến cuối buổi làm việc, khi tôi hỏi thăm về cá nhân thì ông Hoàng lại bảo ông không phải công an. Ông Sang, ngoài bốn mươi tuổi cũng mặc dân sự mà tôi đã giáp mặt vài lần. Lần đầu, tôi ngồi làm việc với ông Sang cũng ngay tại gian phòng này, chiếc bàn này về những bài viết của tôi. Lần thứ hai tôi giáp mặt ông Sang là khi tôi bị bắt cóc đưa về đây. Trong số những người trông coi giam giữ tôi có cả ông Sang. Lần thứ ba, lần thứ tư tôi giáp mặt ông Sang là khi tôi nhận ra ông Sang có mặt trong số những người chốt chặn trước nhà tôi, những ngày đầu tháng chín, năm 2014. Người thứ ba mặt còn bầu bĩnh của tuổi đôi mươi, mặc sắc phục công an xã, gờ vai áo có phù hiệu với chữ CAX (công an xã). Giấy trước mặt, bút trong tay, CAX cắm cúi viết. Cuối buổi làm việc, đọc biên bản, tôi mới được biết CAX có tên Lê Chí Hiếu “cán bộ ghi biên bản”.
Với từ “hợp tác” thường được công an sử dụng, ông Hoàng đặt vấn đề buổi làm việc về thư kháng nghị của tôi và đề nghị tôi hợp tác. Ông nói thêm: Buổi làm việc có ghi âm, có quay phim để có trách nhiệm và có bằng chứng, sau này có cái đối chiếu, anh có ý kiến gì không? Thưa anh Hoàng. Sự có mặt của tôi ở đây đã là thể hiện sự hợp tác của tôi rồi. Tôi cũng mong có buổi làm việc này và tôi xin cảm ơn các anh đã dành thời gian xem xét thư kháng nghị của tôi. Thư kháng nghị của tôi là rõ ràng, đúng đắn. Vì thế, về nghiệp vụ các anh thấy cần ghi âm, ghi hình buổi làm việc này thì các anh cứ ghi.
Công an nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay có quá nhiều tướng, quá đông quân, quá đủ trang thiết bị hiện đại cho nghiệp vụ trị dân và họ cũng tự cho mình cái quyền muốn ghi âm, ghi hình ai thì ghi, không cần báo, không cần hỏi người bị thu lời, ghi mặt. Nhưng hôm nay ông Hoàng đã hơn một lần nhắc đến việc quay phim, ghi âm với tôi. Họ tôn trọng tôi ư? Tôi cười thầm. Còn lâu công cụ bạo lực chuyên chính vô sản mới biết cúi đầu tôn trọng người dân. Sự nhấn mạnh ghi âm ghi hình của ông Hoàng làm cho tôi chợt nhận ra điều bất thường: Máy ghi hình phải có người sử dụng điều chỉnh khuôn hình nhưng khi tôi vào phòng làm việc đã thấy chiếc máy như máy ảnh bé xíu đặt trên giá ba chân hướng ống kính về giữa bàn làm việc và cứ để đó suốt buổi, không có ai điều chỉnh để thu mặt mũi người được ghi hình vào khuôn hình. Còn ghi âm là chiếc điện thoại di động cũng bé xíu của ông Sang để trên bàn.
Vừa giáo đầu làm việc, tôi mới nhỏ nhẹ thưa gửi được vài lời thì ông Hoàng đã hai lần nhắc: Anh Trọng đừng căng thẳng. Tôi cho rằng mấy trò ghi âm, ghi hình, nhắc nhở đừng căng thẳng chỉ để tạo áp lực tâm lí nên tôi mỉm cười, nói: Tôi thấy có được buổi làm việc này là rất tốt nên tôi rất thoải mái. Thưa anh Hoàng. Để có thể hợp tác, tôi có một đề nghị là làm việc đúng pháp luật, có văn hóa. Mà văn hóa cao nhất là tình người, là cư xử có tình. Và tôi cũng mong buổi làm việc có kết quả. Mà kết quả cần phải có là những hành xử vi phạm pháp luật của công an đối với tôi phải vĩnh viễn chấm dứt. Làm việc đúng pháp luật là giấy mời tôi đến đây để “làm rõ nội dung thư kháng nghị” thì chỉ làm việc về thư kháng nghị của tôi mà thôi, không làm những nội dung khác. Giấy mời cũng ghi tôi đến đây làm việc với ông Toàn, ông Sang. Nhưng ở đây không có ông Toàn. Và trong giấy mời không có tên anh Hoàng, tức là anh Hoàng không phải là người làm việc với tôi. Nhưng thôi, điều đó bỏ qua.
Tôi cần ghi chú thêm một chút. Ông Toàn không có ở công an xã Phước Kiển nhưng có ông Tuấn, công an cấp thành phố. Ông Tuấn là người luôn theo sát tôi suốt mấy năm qua. Người đã ngồi làm việc với tôi ở nhà tôi khi tôi còn ở quận Tân Bình. Người đã làm việc với tôi ở công an phường Bến Thành khi tôi đi dự phiên tòa công khai xử phúc thẩm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải mà bị bắt đưa từ tòa án thành phố về công an phường Bến Thành. Và còn nhiều lần ông Tuấn và tôi giáp mặt nhau nữa. Tôi dắt xe vào sân công an xã Phước Kiển thoáng thấy ông Tuấn đứng ở phía trong cùng mảnh sân. Nhìn thấy tôi, ông Tuấn liền đi khuất vào sau lùm cây cạnh nhà ủy ban xã. Như vậy ông Tuấn từ trên công an thành phố có đến đây nhưng không ra mặt làm việc với tôi.
Đặt điện thoại trên bàn, đầu điện thoại hướng về phía tôi, ông Sang: Chú cho biết họ tên, nơi cư trú. Thưa anh Sang. Đây không phải là cuộc điều tra, lấy lời khai, không phải là lấy cung. Đây là buổi làm việc về thư kháng nghị của tôi. Trong thư kháng nghị tôi đã ghi đầy đủ họ tên, chỗ ở nên tôi không nói lại. Ông Sang giải thích rằng biên bản cần có đủ thủ tục và còn ghi âm nữa nên tôi cần nói họ tên, nơi ở để ghi âm. Nếu vậy, các anh cầm thư kháng nghị của tôi đọc to họ tên, địa chỉ của tôi lên. Ông Hoàng phải lên tiếng đề nghị cho qua phần thủ tục này.
Ông Hoàng đưa cho tôi thư kháng nghị của tôi được in ra từ trên mạng bảo tôi đọc xem có đúng thư tôi viết không. Thưa anh Hoàng. Tôi vừa đọc vừa phải đối chiếu với bản gốc thì lâu lắm. Tôi có bản gốc đây. Anh cho photo rồi anh giữ một bản. Tôi khỏi đọc và đối chiếu. Bản gốc thư kháng nghị của tôi được đưa sang phòng bên photo. Ông Hoàng đề nghị tôi kí vào một bản và ông giữ bản có chữ kí của tôi.
Cầm thư kháng nghị của tôi trên tay, ông Hoàng nói: Tôi được biết anh hay viết rồi đưa lên mạng về nhiều sự việc. Tôi đề nghị có gì không hài lòng, anh cứ phản ảnh theo kênh nhà nước sẽ được trả lời. Câu này được ông Hoàng nhiều lần nhắc lại trong buổi làm việc. Bảo tôi hay viết về nhiều sự việc nhưng ông Hoàng lại hỏi: Thư kháng nghị do anh tự viết hay ai viết. Tôi nói: Tôi là nhà văn mà không viết nổi cái thư hai trang phải nhờ người khác viết sao?
Vì ông Hoàng bảo tôi nói cụ thể về những điều làm cho tôi phải phản ứng với công an thành phố, tôi phải nhắc lại những sự việc. Không cần giấy tờ, chỉ bằng trí nhớ tôi nhắc lại rành rọt những con số: Sáng chủ nhật, 18.5.2014, tôi đang đi bộ trong vườn cây trước dinh Thống Nhất, từ phía sau, hai cánh tay thọc vào hai nách, một bàn tay bịt miệng tôi, lôi xuống đường Lê Duẩn, tống tôi vào chiếc ô tô biển số 51A535.20, chạy ra Cần Giờ và giữ tôi ngoài đó suốt một ngày. Sáng chủ nhật, 24.8.2014, khi tôi vừa ra khỏi nhà đi ăn sáng, cả chục công an xô đến bắt cóc tôi, tống tôi vào chiếc ô tô 52N2654 đưa về công an xã Phước Kiển và cũng giữ tôi ở đây suốt một ngày. Từ 26.8.2014 đến 8.9.2014 ngày nào cũng có từ 6 đến 10 công an mặc dân sự cùng chiếc ô tô 52N2654 chở người bị bắt, đến chốt chặn trước nhà tôi. Tôi chở đứa cháu đi học, hai công an trên một xe máy theo sát tôi. Tôi thả cháu ở trường, hai công an ép tôi phải quay về ngay. Sau thư kháng nghị ngày 8.9.2014 của tôi, tưởng việc công an phong tỏa nhà tôi sẽ chấm dứt nhưng đến tận ngày chủ nhật, 5.10.2014, mới cách đây hai hôm, bảy công an mặc dân sự lại đến chốt chặn trước nhà tôi từ mờ sáng đến chiều.
Ông Hoàng: Anh có biết lí do vì sao họ làm như vậy với anh không? Thưa anh Hoàng. Vì sao họ làm như vậy thì anh phải hỏi họ chứ sao lại hỏi tôi. Họ làm như vậy chỉ gây cho tôi ấn tượng rất mạnh về sự ngang nhiên vi phạm pháp luật của họ, những công an nhân dân, lực lượng bảo vệ pháp luật.
Ông Sang hỏi: Sao chú biết những người đó là công an? Anh Sang ạ, ngày 18.5.2014, tôi bị bắt trước dinh Thống nhất ngay trước mắt rất đông công an. Những người bắt tôi tự nhận là công an cấm tôi ra khỏi nhà. Ngày 24.8.2014, những người bắt tôi, tống tôi vào chiếc ô tô 52N2654 chạy thẳng vào công an xã Phước Kiển và phòng giam giữ tôi trong trụ sở công an Phước Kiển là phòng có hai bàn làm việc, luôn có cán bộ công an Phước Kiển ra vào. Còn có cả ông Thành, phó ban an ninh ấp 3 xã Phước Kiển đến gặp tôi, khuyên nhủ tôi rằng nếu tôi hứa không đi đâu ra khỏi nhà, ông Thành sẽ nói các anh công an để tôi về nhà. Còn trong số những người đến chốt chăn trước nhà tôi, tôi nhận ra có cả anh Sang nữa.
Ông Sang vội chối đây đẩy: Tôi không biết nhà chú ở đâu. Tôi gặp chú lần này mới là lần thứ hai. Anh Sang ơi, mắt tôi còn tinh lắm, không nhìn gà hóa cuốc đâu và trí nhớ tôi còn rất tốt. Hôm tôi thấy anh Sang cùng những người chốt chặn trước nhà tôi, anh Sang mặc áo thun trắng. Chú thấy tôi sao chú không hỏi. Tôi định chào anh Sang nhưng thấy tôi, anh Sang liền quay mặt đi nên tôi không chào nữa.
Tôi xác định và dẫn chứng như vậy nhưng ông Sang vẫn một mực nói rằng hôm nay ông Sang mới gặp tôi lần thư hai. Tôi nhìn ông Sang. Một dáng vẻ rất đàn ông. Mặt sáng sủa. Dáng cao ráo, sức vóc. Thật tiếc, đó lại là người đàn ông không có dũng khí đàn ông, lẩn tránh trách nhiệm, dám làm mà không dám chịu trách nhiệm! Không dám nhận việc mình làm tức là biết việc làm đó là sai. Sai nhưng vẫn hăm hở làm để có thành tích. Tôi nói: Đi lại cũng như ăn uống, hít thở là nhu cầu không thể thiếu của người đang sống, là quyền cơ bản của con người. Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng ghi “Công dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú ở trong nước”. Thế mà công an đã ngang nhiên tước đoạt quyền tự do đi lại của tôi, một công dân tư do, lương thiện, không làm gì phạm pháp.
Ông Hoàng nói rằng anh em dưới này làm việc quá lố ông sẽ cho kiểm tra lại và ông hỏi tôi: Sự có mặt của những người ở trước nhà anh, có ai thấy không? Người dân trong khối nhà tôi ở đều thấy cả. Gần chục thanh niên trẻ khỏe suốt từ sáng sớm đến tối cứ vật vờ, la cà trước nhà, làm sao không thấy. Người dân cũng biết rõ những người đó đều là công an. Hôm chủ nhật, 5.10.2014, tôi chỉ nhận ra được sáu người đến chốt chặn. Nhưng có ông bạn ở cùng tòa nhà mách cho tôi biết số người chốt chặn là bảy chứ không phải sáu. Năm giờ sáng, ông bạn đó xuống nhà tập thể dục đã thấy có hai người. Một lúc sau thêm năm người nữa. Sự xuất hiện của công an đông đảo và dài ngày như vậy làm cho người dân xì xào, hoang mang, xao xác, bất an cả khu nhà.
Anh hay ai đưa thư kháng nghị của anh lên facebook? Anh có facebook lâu chưa? Hỏi những câu đó rồi ông Hoàng lại nói: Có gì không đồng tình, anh cứ gửi vào kênh góp ý sẽ có người trả lời. Thưa anh Hoàng. Chúng tôi đã nhiều lần kí kiến nghị gửi theo kênh nhà nước đến những người có trách nhiệm mà có ai trả lời đâu. Anh kiến nghị việc gì? Chúng tôi kiến nghị dừng dự án bô xít và đã cử người mang trực tiếp kiến nghị đến văn phòng Quốc hội. Trong dịp sửa đổi hiến pháp 1992, Quốc hội kêu gọi người dân tham gia xây dựng hiến pháp mới, chúng tôi hưởng ứng liền kiến nghị về những nội dung cần sửa đổi và cũng có một đoàn do nguyên Bộ trưởng bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc dẫn đầu mang kiến nghị giao trực tiếp cho ban sửa đổi hiến pháp. Những ai kí kiến nghị đó? Nhiều lắm. Có kiến nghị hàng trăm người kí. Có kiến nghị hàng ngàn người kí. Anh có nhớ tên những người kí không? Nội dung kiến nghị và tên những người kí kiến nghị đều đã công bố đầy đủ, công khai trên các trang mạng. Những trang mạng nào? Ông Hoàng hỏi dồn dập, tỏ ra không biết gì đến những kiến nghị được đông đảo người dân quan tâm. Ông cũng tỏ ra không biết đến những trang mạng xã hội. Khi tôi nói trang mạng đăng những kiến nghị và đăng tên người kí kiến nghị là trang Bô xít Việt Nam thì ông càng bất ngờ, hỏi: Trang Bô xit là trang nào? Ông lại dồn dập hỏi những câu của người chưa hề biết đến thế giới mạng, tôi phải nói: Thôi, những cái đó không liên qua đến nội dung làm việc hôm nay. Xin quay về với thư kháng nghị.
Ông Sang đưa cho tôi tờ giấy A4 in lại trang facebook của tôi ngày 10.9.2014, ngày tôi post thư kháng nghị và hỏi: Đây có phải trang facebook của chú không? Tôi xác nhận ngay. Ông Sang nói: Ngày mười tháng chín thư kháng nghị mới có trên facebook của chú. Nhưng từ ngày chín tháng chín nó đã có trên trang Ba Sàm. Nghe nhắc đến tên một trang mạng mới, ông Hoàng lại hấp tấp hỏi: Trang Ba Sàm là trang nào? Không quan tâm đến vẻ bỡ ngỡ của ông Hoàng, ông Sang tiếp: Như vậy thư kháng nghị này chú lấy từ trên trang Ba Sàm? Không phải là do chú viết.
Tôi giải thích rằng viết xong thư kháng nghị, trước khi chính thức gửi đến những địa chỉ mà thư cần gửi tôi đã chuyển tới các anh chị trong Diễn đàn Xã hội Dân sự, Văn đoàn Độc lập và hội Nhà Báo Độc lập mà tôi là thành viên để thông báo và mong được sự hỗ trợ tinh thần từ các tổ chức đó. Chính vì thế từ thư kháng nghị của tôi đã có thêm thư kháng nghị của Diễn đàn Xã hội Dân sự có chữ kí của nhiều người và có Tuyên bố của Văn đoàn Độc lập Việt Nam “về việc nhà văn Phạm Đình Trọng bị công an sách nhiễu”.
Nghe những tên Diễn đàn Xã hội Dân sự, Văn Đoàn Độc lập . . . ông Hoàng lại tỏ ra bất ngờ, lạ lẫm và lại hỏi dồn dập. Còn ông Sang thì vẫn nhắc đi nhắc lại hai mốc thời gian trên trang Ba Sàm và trên facebook của tôi để bảo rằng thư kháng nghị là lấy từ trang Ba Sàm, không phải do tôi viết. Nhưng điều đó có gì quan trọng nhỉ?
Có lẽ ông Hoàng cũng thấy điều ông Sang quan tâm là không có gì quan trọng nên trao đổi nhỏ với ông Sang cho kết thúc buổi làm việc. Ông Hoàng hướng về phía tôi, nói: Tôi sẽ về kiểm tra những điều anh phản ảnh và sẽ có giấy mời anh đến để chúng tôi trả lời. Tôi đề nghị anh từ nay có gì không hài lòng thì anh cứ viết rồi gửi theo kênh nhà nước, đừng gửi lung tung.
Ông Sang chuyển cho tôi biên bản làm việc. Nhìn biên bản tôi lại thấy thêm những điều rất không bình thường phải được gọi đúng tên là khuất tất. Hai chủ thể chủ trì buổi làm việc là ông Hoàng và ông Sang đều không có tên trong biên bản, thay vào đó là tên ông Lâm Ngọc Thích, trưởng công an xã, người hoàn toàn không có mặt trong buổi làm việc. Ghi biên bản là một công an cấp xã trẻ măng vì thế số chữ ghi được vào biên bản sau hai giờ làm việc cũng chỉ được vài trăm từ. Cái biên bản khuất tất, sai lệch, không trung thực và thiếu hụt về buổi làm việc đã chứng tỏ những người bày đặt ra buổi làm việc này cũng chẳng coi buổi làm việc ra gì và buổi làm việc cũng chẳng phải để “làm rõ nội dung thư kháng nghị”. Vì thế cái sự ghi âm, ghi hình “buổi làm việc” cũng chỉ là một trò đùa. Chẳng cần mất thời gian đọc biên bản tôi ghi ngay vào vị trí kí tên của tôi ở biên bản rằng: “Tôi xác nhận có buổi làm việc với ông Hoàng và ông Sang”. Vì ở biên bản phần ghi tên những người tham gia làm việc không có tên ông Hoàng, ông Sang nên tôi phải ghi rõ rằng tôi làm việc với ông Hoàng, ông Sang chứ không phải làm việc với ông Lâm Ngọc Thích để chỉ ra sự khuất tất của biên bản.
Sau khi tôi có ý kiến về việc ông Lâm Ngọc Thích không tham dự buổi làm việc lại có tên ở vị trí người chủ trì, ông Lâm Ngọc Thích mới được ông Sang mời đến. Nhưng ông Thích mặc cảnh phục hàm trung tá vừa lặng lẽ ngồi ghé xuống chiếc ghế ở góc bàn thì ông Hoàng lại tỏ ra ngạc nhiên liền hỏi: Anh là ai mà vào ngồi đây?
Đến phút cuối cùng ngồi chuyện gẫu hỏi thăm cá nhân mới lộ ra cái bi hài, cái trò đùa dai của buổi làm việc này. Tôi hỏi thăm, ông Hoàng cho biết ông quê ở Vĩnh Long, nhà ở quận Một Sài Gòn. Tôi nói: Nhà anh ở quận Một thì đến Văn phòng phía Nam đường Nguyễn Trãi cũng gần. Ông Hoàng liền cải chính: Văn phòng phía Nam ở đường Nguyễn Trãi là của bộ Công an. Tôi không ở bộ Công an. Ơ kìa, đại tá Hồ Quang Thắng trưởng công an huyện Nhà Bè kí giấy mời tôi đến làm việc thì phải làm việc với công an chứ. Sao ông Hoàng không phải công an lại đến đây làm việc với tôi! Bất ngờ quá, tôi hỏi: Thế anh ở bộ nào? Tôi ở cơ quan pháp luật. Ông Hoàng nói thêm: Có cái không thể công khai được. Tôi nói: Buổi làm việc hôm nay chỉ là sự việc bình thường của đời sống dân sự. Cơ quan anh Hoàng làm việc dù là cơ quan pháp luật cũng làm việc với dân, có gì liên quan đến an ninh quốc gia đâu mà không thể công khai. Ông Hoàng im lặng.
Hóa ra ông Hoàng chỉ là chân gỗ, là cascadeur, diễn viên đóng thế! Ông Hoàng là diễn viên đóng thế người chủ trì buổi làm việc còn ông trưởng công an xã Phước Kiển Lâm Ngọc Thích là diễn viên đóng thế ở biên bản làm việc!
Ông Hoàng, diễn viên đóng thế nói rằng sẽ về kiểm tra lại và một buổi khác sẽ mời tôi đến làm việc để nghe trả lời. Không! Tôi sẽ không đến công an làm việc về thư kháng nghị của tôi nữa. Thư kháng nghị của tôi gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an thì chỉ hai nơi đó mới có trách nhiệm trả lời. Thư kháng nghị của tôi tố cáo việc làm vi phạm pháp luật của công an thì bị cáo không thể lại là người phán xử giải quyết tố cáo được. Bị cáo ngồi ghế phán xử nên mới có sự quanh co của ông Sang và mới có chuyện diễn viên đóng thế bi hài này.
LỜI CUỐI.
Tôi là người trong cuộc viết lại trung thực những gì vừa xảy ra nhưng Diễn Viên Đóng Thế có cốt cách như một truyện ngắn hư cấu. Tôi có thể xác quyết rằng nhà văn dù có sức tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể hư cấu nổi truyện Diễn Viên Đóng Thế đã diễn ra trong đời thực của xã hội Việt Nam thời độc tài công an trị.
Hỡi các nhà văn. Chúng ta đang được sống trong thời mà cuộc đời ngồn ngộn, lấp lánh chất liệu của văn chương. Hãy về với đời thực cùng chia sẻ khổ đau, vật vã với nhân dân thân yêu để có những trang viết chân thực về nhân dân, cho nhân dân, cho cuộc đời. Đừng cam chịu viết những điều giả dối, nhạt nhẽo, vô hồn minh họa cho cái lí tưởng đã chết khô, đã là rác thải của lịch sử rồi ngửa tay nhận bổng lộc và tranh nhau mấy cái giải thưởng, danh hiệu hão. Bổng lộc, giải thưởng, danh hiệu cũng từ đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân đấy.
Phạm Đình Trọng
(FB. Phạm Đình Trọng)

Một vụ tống tiền có dấu hiệu liên quan đến nhà báo và suy nghĩ về kiểu nhà báo lưu manh

Thông tin mà nhà báo biết được trong nhiều trường hợp đã được sử dụng như một vũ khí nhằm mục đích tống tiền cá nhân, doanh nghiệp. Thật kinh hoàng nếu những hành động như vậy của nhà báo lại được sự dung túng hay khuyến khích từ chính những vị tổng biên tập.

Trên báo Người Lao Động ngày 10-10-2014 có bài "Bà Vũ Thúy Huệ đã chuyển vào tài khoản của Nguyễn Anh Tuấn 1 tỉ đồng" nói về việc do bị thúc ép nhiều lần và lo sợ dư luận hiểu nhầm, ảnh hưởng uy tín của mình và chồng, bà Vũ Thúy Huệ, nguyên Chủ tịch PV EIC, đã chuyển vào tài khoản của một người đàn ông tên Nguyễn Anh Tuấn số tiền 1 tỉ đồng. Ngay sau đó, bà Huệ đã báo cho công an, dẫn đến việc ông Tuấn bị bắt khẩn cấp về hành vi cưỡng đoạt tài sản.





Lực lượng công an khám xét nhà Nguyễn Anh Tuấn ở đường Hoa Lan, quận Phú Nhuận, TP HCM, vào ngày 7-10-2014. Ảnh: Tân Tiến (NLĐ)

Theo báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn (sinh 1971, ngụ Đống Đa, TP Hà Nội) đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính Việt, đã bị bắt theo phê chuẩn của Viện KSND Tối cao vào ngày 7-10-2014.

Về dấu hiệu phạm tội của ông Tuấn, nguyên văn bài trên báo Người Lao Động như sau:

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Anh Tuấn khai nhận vào khoảng tháng 9-2014, thông qua mối quan hệ ngoài xã hội, Tuấn nghe được thông tin từ một số nhà báo nói chuyện với nhau tại quán cà phê số 6 (phố Tú Xương, TP HCM) về việc đang chuẩn đăng tải bài viết có nội dung liên quan đến dấu hiệu tiêu cực tại Tổng Công ty Năng lượng dầu khí Việt Nam (PVEIC).
Đáng chú ý là trong bài viết đó còn có nội dung nói xấu, hạ uy tín bà Vũ Thúy Huệ, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC, trụ sở tại TP HCM) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cùng chồng của bà Huệ là một vị Phó tổng giám đốc PVN.
Nhìn thấy đây là cơ hội tống tiền bà Huệ, Tuấn đã tìm hiểu nội dung chi tiết bài báo sẽ đăng tải như thế nào và đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại, nhắn tin và trực tiếp gặp bà Huệ đưa tài liệu về bài báo sẽ đăng tải có nội dung hạ uy tín vợ chồng bà Huệ. Đồng thời, Tuấn yêu cầu bà Huệ phải đưa 110.000 USD để Tuấn đưa cho một số nhà báo tham gia viết bài nếu không sẽ cho đăng tải trên một số tờ báo. Do bị thúc ép nhiều lần và lo sợ dư luận hiểu lầm qua các bài báo, ảnh hưởng đến uy tín của bà và chồng nên đầu tháng 10, bà Huệ đã chuyển vào tài khoản của đối tượng Tuấn 1 tỉ đồng qua ngân hàng Eximbank, đồng thời tố cáo sự việc này đến cơ quan Công an.
Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Với diễn biến như trên, có thể thấy ông Tuấn đã dùng thông tin mà mình có được từ các nhà báo để uy hiếp, tống tiền nạn nhân (bà Huệ). Thủ đoạn của ông Tuấn là tương đối đơn giản, rõ ràng.

Tuy nhiên, qua những lời ông Tuấn khai ban đầu (giả thuyết là đúng), có thể thấy nhiều khả năng ông Tuấn có mối quan hệ đến một vài nhà báo cụ thể, chứ không đơn giản là tình cờ ngồi uống cà phê rồi hóng tin một cách ngẫu nhiên. Vì sau đó ông đã có được "nội dung chi tiết" của bài báo và để thậm chí còn cho biết mình có khả năng tác động để đăng hay không đăng bài báo tống tiền đó, tùy thuộc vào sự chung chi của bà Huệ.

Theo nhận định của chúng tôi, trong vụ việc này nhiều khả năng có sự thông đồng, "hỗ trợ" của nhà báo. Thậm chí đây là hành vi phạm tội có tổ chức, với sự bàn bạc tham gia của nhiều người, là sự đồng phạm nhằm mục đích tống tiền, chứ không đơn giản chỉ một mình ông Tuân "đơn thương độc mã" phạm tội.

Chính vì vậy, điều mà dư luận đang quan tâm là những nhà báo mà ông Tuấn khai có quen biết là nhà báo nào? làm việc ở tờ báo nào?

Trên thực tế, việc các nhà báo khi có trong tay những thông tin xấu về một cá nhân hay doanh nghiệp nào đó, rồi lợi dụng thông tin này để ra giá, tống tiền các cá nhân, doanh nghiệp như trong trường hợp này hoàn toàn không phải là hiếm lạ tại Việt Nam.

Khoảng hơn 10 năm trước, ở báo Tuổi Trẻ từng có nhà báo HL (xin được mã hóa tên vì "tế nhị") là nỗi khiếp đảm của rất nhiều doanh nghiệp. Thời điểm đó trên báo Tuổi Trẻ có rất nhiều bài viết "đặc sắc hấp dẫn", nội dung chuyên phanh phui những sai phạm, những chuyện thâm cung bí sử của không ít doanh nghiệp - được ký dưới bút danh HL. Đến mức hễ doanh nghiệp nào được nhà báo này viết bài, thì xem như đã rơi vào bảng "tử thần"! Cái tên HL đã trở thành một "thương hiệu" mà các giám đốc doanh nghiệp nghe đến là "run"! Tuy nhiên đi đêm có ngày gặp ma, cuối cùng nhà báo "lớn" này cũng phải đứng chung vành móng ngựa trong vụ án Trùm xã hội đen Năm Cam, trong một tội danh liên quan đến hoạt động báo chí của mình.

Bản thân tôi, với tư cách là luật sư, cũng đã từng ít nhất vài lần tiếp cận với những tình huống dở khóc dở cười liên quan đến hoạt động báo chí, theo kiểu tống tiền như trên.

Chẳng hạn có lần một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam có đưa cho tôi xem 2 bài báo của cùng một tác giả được gửi đến cho doanh nghiệp. Cùng một sự việc, nhưng nội dung một bài báo thì viết tốt, khen doanh nghiệp tối đa. Trong khi bài còn lại thì lại có những thông tin cực xấu, chụp mũ doanh nghiệp. Và ông nhà báo ra điều kiện là: nếu doanh nghiệp chịu đăng quảng cáo trên báo của ông (trị giá khoảng trên 100 triệu đồng) thì báo sẽ đăng bài "tốt". Nếu không thì báo sẽ đăng bài "xấu"!!! Hê hê,

Mới ngày hôm nay (10-10-2014), trên một tờ báo trong nước có đăng một bài phỏng vấn ông Nam Đồng, nguyên tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, là sếp cũ của tôi. Theo đó, ông Nam Đồng nêu ý kiến phản đối một lãnh đạo cơ quan báo chí (mà ông nói không nêu tên vì tế nhị), vị này đã nói rằng "Vậy Thẻ nhà báo để làm gì?" khi có phóng viên than thu nhập quá thấp không đủ sống. Tình tiết này thêm một lần nữa khẳng định rằng trong hoạt động báo chí tại Việt Nam hiện nay luôn có những mảng tối. Nhưng điều đáng quan ngại hơn là ngay trong quan điểm của không ít lãnh đạo ở một số tờ báo, luôn tiềm ẩn kiểu tư duy làm báo theo kiểu "đánh đấm" tống tiền, rất lưu manh, vô học! Sếp mà còn như vậy, thì khó lòng đòi hỏi lính (nhà báo) đàng hoàng cho được.

Trần Hồng Phong

-----------------------

Quy định tại Bộ luật hình sự:


Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

Nguồn blog Bình luận án

Người Buôn Gió - Thụ động thông tin trong việc tù nhân lương tâm.

Lại là một lời chê trách, thật lòng tôi không muốn chỉ trích bất cứ caí gì liên quan đến người đấu tranh. Chỉ trích chế độ thì còn dễ, động đến người đấu tranh là một chuyện rất dễ gây bất hoà. Có những người không liên quan trực tiếp, nhưng họ vốn không ưa mình, nhân dịp sẽ khuếch lời góp ý của mình thành hướng khác. Họ có thể là an ninh, DLV vì đấy là cơ hội việc làm của họ...đôi khi họ là những người khác nữa.
Nhưng lần này buộc phải nói, vì nó là tính mạng của những người tù nhân lương tâm đang ở trong trại giam. Nhìn sự việc mà ngậm miệng không chia sẻ những điều mình biết, khi hậu quả xẩy ra. Đối diện với lương tâm mình sẽ day dứt, thà nói mà bị người khác dèm pha, nhưng trong lòng thấy mình đã làm hết khả năng vẫn còn hơn.
 Chúng ta thấy gì qua việc của tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu từ mấy ngày nay, tình trạng của anh ấy ra sao.? Chúng ta có thấy qua lời kể của Trương Văn Tam, một bạn tù mới hết hạn. Lúc đó chúng ta mới ngỡ ngàng, căm phẫn vì tình trạng bị đối xử tồi tệ của người thanh niên Công Giáo này trong nhà tù CSVN.
 Ngay cả gia đình những tù nhân lương tâm này cũng chỉ biết thông tin qua lời kể của luật sư, của bạn tù ra, hoặc thông báo của trại giam. Ngoài ra hầu như không có nguồn tin nào hết. Nếu như không có Trương Văn Tam mãn hạn tù oan ức về kể lại câu chuyện thực trạng đời sống của Diệu, thì gia đình và bạn bè anh liệu có biết được rõ ràng như thế qua nguồn tin nào khác.?
 Tôi có góp ý vài lần với những gia đình có tù nhân lương tâm, cách khai thác thông tin. Nhưng hầu hết họ đều không muốn nghe, vì đó là một công việc đòi hỏi sự bền bỉ, khéo léo và pha chút thủ đoạn giang hồ. Đó là hai trở ngại mà họ không muốn làm theo, sự bền bỉ và thủ đoạn. Họ không có sự kiên trì để làm việc bền bỉ không thấy thành quả ngay, họ muốn đến cổng trại đưa đơn, đòi gặp giám thị để chất vấn. Như thế vừa làm ngay được mà lại đàng hoàng, không cần phải thủ đoạn giang hồ.
 Tôi thì không làm chính trị để sau này thành nhận vật sáng giá tranh ứng cử, cho nên tôi chả ngán gì mà không dùng thủ đoạn. Miễn thủ đoạn tôi dùng là để giúp đỡ người lương thiện bị tà quyền áp bức. Tôi dùng thủ đoạn với tà quyền, có thế thôi. Lương tâm tôi không cắn dứt tôi khi tôi làm chuyện đó. Cái nữa là thủ đoạn của tôi có lộ ra thì đó cũng chả phải là việc làm vi phạm pháp luật. Mỗi tội nó bị người đời gọi là '' mưu hèn, kế bẩn'' thôi.
Khi Bùi Hằng bị giam ở Thanh Hà, ngoài những lần cùng mọi người kéo đi thăm. Có nhiều lần khác tôi đi một mình đến trại, hay đi cùng Lân Thắng. Chúng tôi ngồi trên đồi cao dùng ống kính tê lê để ghi lại những gì cảm thấy cần ghi, thằng máy quay, thằng máy ảnh. Có ngày chúng tôi không ghi được gì cả, muỗi đốt, đói, khát. Hoặc chúng tôi la cà vào nhà dân trong vai hỏi mua đất, mua gà, mua rau để hỏi thông tin liên quan đến trại. Như nhà quản giáo này ở đâu, vợ con thế nào, tính cách ra sao. Trong trại có bao nhiêu người, chia làm bao đội, cả thông tin về các tù nhân khác trong trại nữa, bất kể cái gì liên quan đến trại đều thu thâp.  Bị phát hiện, họ cho người theo sát, chúng tôi vẫn cứ lòng vòng. Đứng chỗ này ngắm tù nhân lao đông, qua chỗ khác trò chuyện với người đi tiếp tế. Vài ba ngày chúng tôi lại xuất hiện trước cổng trại hỏi thăm tình hình chị Hằng thế nào. Tất nhiên họ nói tốt và không trả lời thêm, chúng tôi đâu cần họ trả lời. Chúng tôi chỉ muốn cho họ thấy chúng tôi là loài linh cẩu, một loại săn mồi  bẩn tính, cứ lẽo đẽo theo sau con mồi cắn trộm nhát một. Có thể họ chặt chẽ khiến chúng tôi không có cơ hội, nhưng đó là cuộc thử  thể hiện độ bền của ý chí. Chúng tôi kiên nhẫn ngồi chờ như bọn linh cẩu nhếch nhác , đầy vẻ tiểu nhân trên sa mạc. Kết quả thì  chúng tôi ghi được cảnh quản giáo trong sắc phục cảnh sát bắt phạm nhân quỳ xuống để lấy roi vụt vào người như thời Trung Cổ hay cảnh đánh lô đề của cán bộ trại giam, cảnh ăn nhậu, chửi tục... nhưng đó chưa là mục đích chính của chúng tôi, điều mà chúng tôi cần là tình trạng của chị Hằng.
 Một ngày trước khi chj Hằng được cưỡng chế đưa vào Vũng Tàu, tôi đến cổng trại hỏi chị Hằng chuyển đi phải không. Họ nói vẫn ở đây, hôm sau tôi bị an ninh giữ ở Hà Nội. Đó là hôm chị Hằng bị cưỡng chế rời khỏi trại. Làm sao tôi biết mà hỏi, chả phải tài cán gì, đó là do kiên nhẫn rình mò, tôi biết được có cán bộ  trại khi nói chuyện với người nọ, có nói chuẩn bị đưa một phạm nhân đi xa. Với trường hợp như trại giáo dục Thanh Hà chỉ có đưa đi khi phạm nhân ( bị khoác mác học viên ) bệnh nặng hay di lý xử một vụ án mới. Hai trường hợp này tôi đã biết là trong trại không có phạm nhân nào như thế. Cùng với khả năng khác thì đoán ra phần lớn đó là chị Hằng.
Trên đây là ví dụ, ví dụ về sự quyết tâm tìm kiếm thông tin. Có khi may , có khi rủi không tìm được gì cả. Chính cái phần lớn là không tìm được gì cả khiến người ta nản. Sở dĩ chưa tìm như kết quả là vì vừa tìm vừa nghĩ cách tìm. Nhưng nếu không quyết tâm, kiên trì thì biết bao giờ tìm được. Chỉ có thụ động đợi chờ mà thôi.
 Chúng ta có quá nhiều người dũng cảm, có thể hiên ngang đến trại giam giưã ban ngày để chất vấn trại, hoặc căng biểu ngữ , khẩu hiệu đòi thông tin, đòi gặp phạm nhân....nhưng chúng ta không có những kẻ hèn mọn, sẵn sàng làm con đỉa, hay linh cẩu để để làm những việc mà người dũng cảm, đàng hoàng không muốn làm. Những việc tầm thường, nhàm chán và vụn vặt là đi nhạnh nhặt từng mẩu thông tin về những gì liên quan đến tù nhân lương tâm. Nhất là làm lén lút, thủ đoạn , nay giả làm xe ôm, mai giả làm dân cờ bạc, tìm gái...những viêc mà người đấu tranh đàng hoàng khó mà thưc hiện được.
 Nhiều bạn sẽ nói, thế là đúng, người đấu tranh phải đàng hoàng, phải hiên ngang để tạo hình ảnh tốt cho dư luận nhìn vào.
Tôi hoàn toàn hoan nghênh, chỉ có điều tôi lại thích làm loại linh cẩu hơn, thế thôi. Loài linh cẩu không bao giờ làm được chúa tể sa mạc, vì nó chỉ rình rập để làm những điều vặt vãnh thể hiện đúng cho cái bản chất tầm thường của nó.  Nhưng rình rập kẻ ác để ngăn cản chúng làm điều tàn bạo với người lương thiện, cũng là điều an ủi để nên làm.
    Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét