Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Về Hội nghị cấp cao Việt- Trung tại Thành Đô (1)

Trần Quang Cơ - Về Hội nghị cấp cao Việt- Trung tại Thành Đô (1)

Cuộc gặp Thành Đô giữa lãnh đạo Trung-Việt (3-9-1990).
Hàng trước từ trái sang: Hoàng Bích Sơn, trưởng ban đối ngoại T.Ư.(1), Phạm Văn Đồng, cố vấn BCHTƯ (3), Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư (4), Giang Trạch Dân (5), Lý Bằng (6), Đỗ Mười (7), Hồng Hà (9)
Hồi ký "Hồi Ức và Suy Nghĩ" của Trần Quang Cơ
Bài thứ nhất

LỜI GIỚI THIỆU: Từ đầu năm 2004, giới cán bộ  ngoại giao rồi giới trí thức ở Việt Nam đã chuyền tay nhau tập hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao. Tập hồi ký 82 trang (khổ A4, viết xong lần thứ nhất năm 2001, hoàn thành tháng 5-2003)  chưa được xuất bản công khai. Với nội dung phong phú, chính xác và trung thực, tác giả cung cấp những thông tin quý hiếm về những vấn đề Việt Nam đương đại.

Tác giả làm việc ở Bộ ngoại giao từ năm 1954. Năm 1968 ông tham gia Hội nghị Paris (1968-1973), cuộc đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ (1975-1978) và các cuộc thương lượng giải quyết vấn đề Campuchia (thập niên 80-90 thé ký 20). Năm 1991, được đề nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch, ông viện lý do “sức khoẻ” để từ chối. Cuối năm 1993, ông xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Những tư liệu dưới đây trích  trong cuốn hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ là những thông tin  rất quan trọng nói lên sự thật về quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong một giai đoạn khó khăn, đồng thời về những bất đồng trong nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam kể từ sau sự kiện ngày 30-04-1975 đến hôm nay, sự kiện hội nghị bí mật Thành Đô tháng 9-1990 giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai nước Việt – Trung để bình thường hóa quan hệ là một thất bại nhục nhã của Việt Nam chuyển con đường phát triển của nước dẫn đến tình hình một lần nữa Trung Quốc lại trở thành mối uy hiếp trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và con đường phát triển của Việt Nam.

Nội dung các tư liệu  này nêu bật trách nhiệm nặng nề của hai ông Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh vào đầu thập niên 1990 (lúc đó là Tổng bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng) trong quan hệ với Bắc Kinh về việc giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ Việt Trung.


 Vể cuộc gặp cấp cao Việt – Trung ở Thành Đô diễn ra hai ngày 3 và 4/9/1990, trong hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ,  ông Trần Quang Cơ viết :

“Cuộc gặp cấp cao Việt – Trung tại Thành Đô : Ngày 29.8.90, đại sứ Trương Đức Duy xin gặp gấp Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười chuyển thông điệp của Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô , thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên  Trung Quốc ngày 3.9.90 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước. Trương nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp anh Tô (Cố vấn Phạm Văn Đồng). Trung Quốc còn lấy cớ ở Bắc Kinh đang bận chuẩn bị tổ chức ASIAD (Á Vận hội) nên không gặp cấp cao Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh được vì khó giữ được bí mật, mà gặp ở Thành Đô."

Theo ông Trần Quang Cơ :

"Đây quả là một sự chuyển biến đột ngột của phía Trung Quốc. Trước đây Trung Quốc nói không chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia mới gặp cấp cao ta và mới bàn vấn đề bình thường hoá quan hệ. Năm ngày trước – ngày 24.8.90 – Trung Quốc còn bác bỏ việc gặp cấp cao, nay lại mời ta gặp cấp cao trong một thời hạn rất gấp và đồng ý cấp cao sẽ nói chuyện về cả hai vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ".

Thái độ “ thiện chí ” gấp gáp như vậy của Bắc Kinh không phải tự nhiên mà có. Nó có những nguyên nhân sâu xa và nhân tố bức bách :

a. Tất cả những hoạt động đối ngoại và đối nội của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua khẳng định chiến lược nhất quán của họ là kiên quyết thực hiện “ 4 hiện đại ”, biến Trung Quốc thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới, đồng thời xác định vị trí nước lớn của mình trước hết ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Vì lợi ích chiến lược đó, Trung Quốc kiên trì tranh thủ Mỹ, Nhật, phương Tây, đồng thời bình thường hoá quan hệ với Liên Xô.

Nhưng sau hơn 10 năm cải cách và mở cửa, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Trung Quốc rất khó khăn. Sau sự kiện Thiên An Môn, mục tiêu chiến lược đó đang bị đe doạ nghiêm trọng. Về đối ngoại, bị Mỹ, Nhật và phương Tây thi hành cấm vận. Trong khi đó, quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Xô tiến triển rất nhanh. Xô-Mỹ hợp tác chặt chẽ giải quyết các vấn đề thế giới và khu vực không kể đến vai trò của Trung Quốc. Ngay trong vấn đề Campuchia, vai trò Trung Quốc cũng bị lấn át (Xô-Mỹ tiếp xúc trao đổi chặt chẽ về vấn đề Campuchia, cuộc gặp Sihanouk – Hun Xen ở Tokyo là do sự dàn xếp của Mỹ, Nhật và Thái, ngoài ý muốn của Trung Quốc). Phương Tây tiếp tục đòi Trung Quốc thực hiện dân chủ và giải quyết vấn đề Campuchia trên cơ sở kiềm chế Khmer Đỏ.

b. Chuyến đi Đông Nam Á của Lý Bằng (6-13.8.90) nằm trong yêu cầu chiến lược của Trung Quốc tranh thủ hoàn cảnh quốc tế hoà bình để thực hiện “ 4 hiện đại ”, diễn ra trong bối cảnh liên minh Trung Quốc xây dựng ở Đông Nam Á trong 10 năm qua để chống Việt Nam đang tan vỡ sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và sau khi Mỹ đã điều chỉnh chính sách. Cuộc đi thăm của Lý đã bộc lộ những điểm đồng và bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Các nước ASEAN vẫn rất lo ngại lý do bành trướng của Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải cam kết nội bộ các nước trong khu vực, ủng hộ các đảng cộng sản và vấn đề Hoa kiều, tuyên bố sẵn sàng thương lượng và hợp tác về vấn đề Trường Sa. Tiếp tục đối đầu với Việt Nam không còn phù hợp với chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc lúc này nữa.

c. Sau khi Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia, các nước phương Tây, Mỹ, Nhật, ASEAN đi vào cải thiện quan hệ với ta theo hướng không có lợi cho tính toán của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trước tình hình đó, Trung Quốc không muốn chậm chân.

d. Về thời điểm : trong cuộc họp ngày 27 và 28.8.90 tại Nữu Ước, P5 đã thoả thuận văn kiện khung về giải pháp toàn bộ cho vấn đề Campuchia (gồm các vấn đề : các lực lượng vũ trang Campuchia, tổng tuyển cử dưới sự bảo trợ của LHQ, nhân quyền và bảo đảm quốc tế đối với thể chế tương lai của Campuchia). Văn kiện về nhân quyền không đề cập trực tiếp đến vấn đề diệt chủng, chỉ nói Campuchia sẽ “ không trở lại chính sách và hành động trong quá khứ ”.

Còn Trung Quốc buộc phải nhân nhượng không còn đòi lập chính phủ liên hiệp 4 bên ngang nhau, phải chấp nhận vai trò lớn của LHQ. P5 thoả thuận lịch giải quyết vấn đề Campuchia : trong tuần từ 3.9 đến 9.9 họp các bên Campuchia ở Jakarta để lập SNC trước phiên họp Đại hội đồng LHQ, tiếp đó họp mở rộng với các nước trong khu vực (có Trung Quốc), đến khoảng tháng 10-11.90 họp uỷ ban Phối hợp Hội nghị Paris về Campuchia để soạn thảo Hiệp định trên cơ sở văn kiện khung do P5 vạch ra, các ngoại trưởng ký Hiệp định ; 15 nước trong Hội đồng Bảo An thông qua.

Trung Quốc đặt cuộc gặp cấp cao Trung-Việt trong cái khung thời gian này. Tuy nhiên Bắc Kinh giấu không cho ta biết gì về những thoả thuận giữa họ và các nư­ớc lớn trong Hội đồng bảo an, mặt khác cũng giữ kín cuộc hẹn gặp ta ở Thành Đô vì không muốn làm cho phương Tây và ASEAN lo ngại khả năng đoàn kết hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ngày 30.8.90, Bộ Chính trị họp bàn về việc gặp lãnh đạo Trung Quốc. Anh Linh nêu ý kiến là sẽ bàn hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc, và hợp tác giữa Phnom Penh và Khmer Đỏ để giải quyết vấn đề Campuchia, mặc dù trước đó Bộ Ngoại Giao đã trình bày đề án nêu rõ là rất ít khả năng thực hiện phương án này vì phương hướng chiến lược của Trung Quốc vẫn là tranh thủ phương Tây phục vụ “ 4 hiện đại ”.

Anh Lê Đức Anh bổ sung ý anh Linh : “ Phải nói về hoà hợp dân tộc thực sự ở Campuchia. Nếu không có Pol Pot thì vẫn tiếp tục chiến tranh ”. Anh Võ Chí Công không đồng ý, nói : “ Trung Quốc sẽ không nghe ta về hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc muốn tranh thủ phương Tây ”.

Anh Thạch cảnh giác : “ Vẫn có 3 khả năng về quan hệ giữa ta và Trung Quốc, không phải chỉ là khả năng tốt cả. Dự kiến Trung Quốc sẽ nêu công thức “ SNC 6+2+2+2 ” để nhấn rõ là có 4 bên Campuchia (trong đó Khmer đỏ là 1 bên), xoá vấn đề diệt chủng...” Sự thực sau này cho thấy Trung Quốc còn đòi cao hơn thế !

Ngày 2.9.90, ba đồng chí lãnh đạo cao cấp của ta đến Thành Đô đúng hẹn. Tháp tùng có Hồng Hà - Chánh Văn phòng Trung ương, Hoàng Bích Sơn - Trưởng ban Đối ngoại, và Đinh Nho Liêm – Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao. Đáng chú ý là trong đoàn không có bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Sau 2 ngày nói chuyện (3-4.9.90), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là“ Biên bản tóm tắt ” gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong 7 điểm về Campuchia, 2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên đang còn tranh cãi (giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia ; rút hết quân Việt Nam ở Campuchia có dẫn chứng), còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Không có điểm nào theo yêu cầu của ta cả. Trong bản thoả thuận, vấn đề nổi cộm nhất là điểm 5 về việc thành lập SNC.

Lãnh đạo ta đã thoả thuận dễ dàng, không do dự (!), công thức “ 6+2+2+2+1 ” (phía Phnom Penh 6 người ; phía “ 3 phái ” 7 người ; 2 của Khmer đỏ, 2 của phái Son San, 2 của phái Sihanouk và bản thân Sihanouk) mà Từ Đôn Tín vừa đưa ra ở Hà Nội và bị tôi bác. Công thức này bất lợi cho Phnom Penh, với công thức “6+6” hay “6+2+2+2”, tức là hai bên có số người ngang nhau mà Sihanouk và Hun Xen đã thoả thuận ở Tokyo.

Về sáng kiến “ giải pháp Đỏ ” cho vấn đề Campuchia mà lãnh đạo ta đưa ra, tưởng như phía Trung Quốc sẽ nhiệt liệt hoan ngênh, song Lý Bằng đã bác đi: “Các đồng chí nói cần thực hiện 2 đảng cộng sản hợp tác với nhau để phát huy hơn nữa. Tôi đồng ý một phần và không đồng ý một phần. Bốn bên Campuchia, xét về lực lượng quân sự và chính quyền, mạnh nhất là hai đảng cộng sản, có vai trò nhiều hơn. Nhưng phần tôi không đồng ý là ở Campuchia không chỉ có hai đảng cộng sản mà còn có các thế lực khác là lực lượng của Sihanouk và lực lượng của Son San. Lực lượng của họ không lớn lắm nhưng họ được quốc tế ủng hộ. Bài xích họ thì cô lập SNC, không thể đoàn kết Campuchia. Cần phải để cho hai bên kia phát huy tác dụng ở Campuchia ”.

Và Giang Trạch Dân cùng nói thêm : “ Các nước phương Tây rất chú ý tới quan hệ của chúng ta. Các đồng chí đến đây, cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề này. Họ cho rằng Việt nam XHCN, Trung Quốc XHCN đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, họp với nhau bàn cái gì đây ? Vì vậy chúng tôi giữ kín chuyến đi này. Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta ”.

Thành Đô là thành công hay là thất bại của ta ?

Ngay say khi ở Thành Đô về, ngày 5.9.90 anh Linh và anh Mười, có thêm anh Thạch và Lê Đức Anh, đã bay sang Phnom Penh thông báo lại với Bộ Chính trị Campuchia nội dung cuộc gặp gỡ cấp cao Việt-Trung.

Để thêm sức thuyết phục Phnom Penh nhận Thoả thuận Thành Đô, anh Linh nói với lãnh đạo Campuchia : “Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc”.

Lập luận này được Lê Đức Anh mở rộng thêm: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.”

Nhưng câu trả lời của Heng Somrin, thay mặt cho lãnh đạo Campuchia, vẫn là : “ Phải giữ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Những vấn đề nội bộ liên quan đến chủ quyền CPC phải do các bên CPC giải quyết ”.

Về “ giải pháp Đỏ ”, Phnom Penh nhận định : “ Trung Quốc không muốn hai phái cộng sản ở Campuchia hợp tác với nhau gây phức tạp cho quan hệ của họ với Sihanouk và với phương Tây. Vì vậy chúng tôi thấy rằng khó có thể thực hiện “ giải pháp Đỏ ” vì “ giải pháp Đỏ ” trái với lợi ích của Trung Quốc ”.

Mặc dù ban lãnh đạo Campuchia đã xác định rõ thái độ như vậy, song Lê Đức Anh vẫn cứ cố thuyết phục Bạn : “ Ta nói “giải pháp Đỏ” nhưng đó là “ giải pháp Hồng ”, vừa xanh vừa đỏ. Trước mắt không làm được nhưng phải kiên trì. Ta làm bằng nhiều con đường, làm bằng thực tế. Các đồng chí cần tìm nhiều con đường tiếp xúc với Khmer Đỏ. Vấn đề tranh thủ Khmer Đỏ là vấn đề sách lược mang tính chiến lược… Nên kiên trì tìm cách liên minh với Trung Quốc, kéo Khmer Đỏ trở về… Ta đừng nói với Trung Quốc là làm “ giải pháp Đỏ ”, nhưng ta thực hiện “ giải pháp Đỏ ” ; có đỏ có xanh…nhưng thực tế là hợp tác hai lực lượng cộng sản ”.

Nguyễn văn Linh bồi thêm : “ Xin các đồng chí chú ý lợi dụng mâu thuẫn, đừng bỏ lỡ thời cơ. Trung Quốc muốn đi với Mỹ, nhưng Mỹ ép Trung Quốc nên Trung Quốc cũng muốn có quan hệ tốt với Lào, Việt Nam và Campuchia. Nếu ta có sách lược tốt thì ta có giải pháp Đỏ."

Theo báo cáo của đại sứ Ngô Điền, thái độ của bạn Campuchia đối với ta từ sau Thành Đô có đổi khác. Về công khai, bạn cố tránh tỏ ra bị lệ thuộc vào Việt Nam. Trên cơ sở tính toán về lợi ích của mình, bạn tự quyết định lấy đối sách, không trao đổi trước với ta, hoặc quyết định trái với sự gợi ý của ta trên nhiều việc.Nhìn lại, trong cuộc gặp Thành Đô, ta đã mắc lỡm với Trung Quốc ít nhất trên 3 điểm :

* Trung Quốc nói cuộc gặp Thành Đô sẽ đàm phán cả vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ, nhưng thực tế chỉ bàn vấn đề Campuchia, còn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ là có giải quyết vấn đề Campuchia mới nói đến chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước ;

* Trung Quốc nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp cố vấn Phạm Văn Đồng, nhưng đó chỉ là cái “ mồi ” để kéo anh Đồng tham gia gặp gỡ cấp cao.

* Trung Quốc nói giữ bí mật việc gặp cấp cao hai nước, nhưng ngay sau cuộc gặp hầu như tất cả các nước đã được phía Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp thông báo nội dung chi tiết bản thoả thuận Thành Đô theo hướng bất lợi cho ta.

Ngày 7.9.90 Bộ chính trị đã họp thảo luận về kết quả cuộc gặp cấp cao Việt-Trung và cuộc gặp cấp cao Việt- Campuchia sau đó, và quyết định ngay hôm sau Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc thông báo lại lập trường của Campuchia ; đồng thời thông báo với Liên Xô, Lào như đã thông báo với Campuchia.

Nếu có ai hỏi về công thức “ 6+2+2+2+1 ”, nói không biết. Nhưng Báo Bangkok Post ngày 19.9.90 trong bài của Chuchart Kangwaan đã công khai hoá bản Thoả thuận Thành Đô, viết rõ Việt Nam đã đồng ý với Trung Quốc về thành phần SNC của Campuchia sẽ gồm 6 người của Nhà nước Campuchia, 2 của Khmer đỏ, 2 của phái Son San, 2 của phái Sihanouk, thành viên thứ 13 là Hoàng thân Sihanouk giữ chức Chủ tịch Hội đồng.

Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER) số 4/10 (10.10.90) đăng bài Củ cà-rốt và cái gậy viết về cuộc gặp gỡ cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô giữa Tổng Bí Thư Đảng và Thủ tướng hai nước, cho biết hai bên đã thoả thuân công thức “ 6+6+1 ” về việc lập SNC.

Phía Việt Nam có nhượng bộ nhiều hơn. Việc Ngoại trưởng hai nước không dự họp cấp cao là đáng chú ý. Bên trong, Trung Quốc nói họ coi ông Thạch là người có quan điểm cứng rắn về vấn đề Campuchia cũng như đối với Trung Quốc.

Ngày 12.10.90, nhà báo Nayan Chanda nói với anh Thạch : “ Trung Quốc đang tuyên truyền rộng rãi là lãnh đạo Việt Nam đánh lừa mọi người, họ ký kết với lãnh đạo Trung Quốc về thành phần SNC nhưng đã không thực hiện thoả thuận cấp cao Việt-Trung. Việt Nam lại còn xúi dục chính quyền Phnom Penh chống việc bầu Sihanouk làm chủ tịch SNC và đưa ra hết điều kiện này đến điều kiện khác.”

Ngày 5.10.90, anh Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ Baker.

Baker cho biết là sau khi cuộc họp các bên Campuchia ở Bangkok vừa qua thất bại, Trung Quốc rất bất bình với lãnh đạo Việt Nam. Trung Quốc cho rằng lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Trung Quốc về con số 13 thành viên của SNC nhưng lại nói với Phnom Penh là công thức đó là ý kiến riêng của Trung Quốc, đã không làm gì để thúc đẩy Phnom Penh thực hiện thoả thuận giữa cấp cao hai nước. Không thể tin được ngay cả lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Baker còn nói rằng Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam là Việt Nam và Trung Quốc đoàn kết bảo vệ CNXH chống âm mưu của đế quốc Mỹ xoá bỏ CNXH cũng như đề nghị của Việt Nam về giải pháp dựa trên liên minh giữa Phnom Penh và Pol Pot.

Còn Lý Bằng trong khi trả lời phỏng vấn của Paisai Sricharatchang, phóng viên tờ Bangkok Post tại Bắc Kinh, ngày 24.10.90, đã xác nhận có một cuộc gặp bí mật giữa lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam hồi đầu tháng 9 và cho biết kết quả cuộc gặp đã được phản ảnh qua cuộc họp giữa các bên Campuchia ngày 10.9.90 tại Jakarta. Trong khi nói không biết chắc phía Việt Nam đã cố gắng thuyết phục Phnom Penh đến đâu, Lý nhận định là Hà Nội chắc chưa làm đủ mức. Điều đó có thể thấy được qua việc Phnom Penh đã có “ một thái độ thiếu hợp tác ”.

Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta.

Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm hoạ “ diễn biễn hoà bình ” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “ giải pháp Đỏ ”.

Sau Thành Đô, trong Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến bàn cãi về chuyến đi này. Song mãi đến trước Đại hội VII, khi Bộ Chính trị họp (15-17.5.91) thảo luận bản dự thảo Báo cáo về tình hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và phương hướng tới, cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Trung Quốc ở Thành Đô mới lại được đề cập tới khi bản dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại Giao có câu “ có một số việc làm không đúng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề Campuchia ”.

Cuộc họp này đầy đủ Tổng Bí Thư Nguyễn văn Linh, các cố vấn Phạm văn Đồng, Võ Chí Công, các uỷ viên BCT Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh Bình.

Anh Tô  nói :
“ Có thời giờ và có cơ hội đem ra kiểm điểm những việc vừa qua để nhận định sâu sắc thì tốt thôi. Sau chuyến đi Thành Đô, tôi vẫn ân hận về thái độ của mình. Nói là tự kiểm điểm thì tự kiểm điểm. Tôi ân hận là ở hai chỗ.

Lúc ở Thành Đô, khi bàn đến vấn đề Campuchia, người nói là anh Linh. Anh Linh nói đến phương án hoà giải dân tộc Campuchia. Sau đó Lý Bằng trình bày phương án “ 6+2+2+2+1 ” mà Từ Đôn Tín khi đàm phán với anh Cơ ở Hà Nội đã ép ta nhận song ta bác. Anh Linh đã đồng ý (nói không có vấn đề). Lúc đó có lẽ do thấy thái độ của tôi, Giang mời tôi nói. Tôi nói : tôi không nghĩ phương án 13 này là hay, ý tôi nói là không công bằng... Tôi ân hận là lẽ ra sau đó đoàn ta nên hội ý lại sau bữa tiệc buổi tối.

Nhưng tôi không nghĩ ra, chỉ phân vân. Sáng sớm hôm sau, mấy anh bên Ban Đối Ngoại và anh Hồng Hà nói nhỏ với tôi là cốt sao tranh thủ được nguyên tắc “ consensus ” (nhất trí), còn con số không quan trọng. Tôi nghe hơi yên tâm nhưng vẫn nghĩ có hội ý vẫn hơn. Sau đó, Trung Quốc đưa ký bản thoả thuận có nói đến con số 13… Tôi phân vân muốn được biết nội dung trước khi ta hạ bút ký. Nếu như đoàn ta trao đổi với nhau sau phiên họp đầu, sau khi Lý Bằng đưa ra công thức 6+2+2+2+1 thì ta có thể có cách bàn thêm với họ.

Hai là trước khi ký văn bản do chuyên viên hai bên thoả thuận, các đồng chí lãnh đạo cần xem lại và bàn bạc xem có thể thêm bớt gì trước khi ký. Nghĩ lại, khi họ mời Tổng Bí Thư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ta sang gặp Tổng Bí Thư, Chủ tịch Quốc vụ viện, lại mời thêm tôi. Tôi khá bất ngờ, không chuẩn bị kỹ. Anh Mười cho là họ mời rất trang trọng, cơ hội lớn, nên đi. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước hậu quả về phản ứng của Bạn Campuchia, rất gay gắt. Tôi hiểu là Bạn khá bất bình, thậm chí là uất nhau. Cho ta là làm sau lưng, có hại cho người ta.”

Anh Linh : “ Anh Tô nhớ lại xem. Không phải tôi đồng ý, tôi chỉ nói ta nghiên cứu xem xét và cuối cùng đặt vấn đề thông báo lại Campuchia… Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng. Tôi không thấy ân hận về việc mình chấp nhận phương án 13… Vấn đề Campuchia dính đến Trung Quốc và Mỹ. Phải tính đến chiến lược và sách lược. Phải tiếp tục làm việc với Campuchia về chiến lược, phải có nhiều biện pháp làm cho bạn thấy âm mưu của đế quốc Mỹ chống phá chủ nghĩa xã hội ở châu Á, cả ở Cuba. Nó đã phá Trung Quốc qua vụ Thiên An Môn rồi, nay chuyển sang phá ta… Trung Quốc muốn thông qua Khmer Đỏ nắm Campuchia. Song dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa.”

Anh Thạch : “ Về chuyện Thành Đô, Trung Quốc đã đưa cả băng ghi âm cuộc nói chuyện với lãnh đạo ta ở Thành Đô cho Phnom Penh. Hun Xen nói là trong biên bản viết là “ hai bên đồng ý thông báo cho Campuchia phương án 6+2+2+2+1” nhưng băng ghi âm lại ghi rõ anh Linh nói là “ không có vấn đề gì ”.

Tôi xin trình bày để các anh hiểu nguyên do con số 13 là từ đâu. Tại Tokyo tháng 6.90, Sihanouk và Hun Xen đã thoả thuận thành phần SNC gồm hai bên ngang nhau = 6+6. Từ Đôn Tín sang Hà Nội, ép ta nhận công thức 6+2+2+2+1 không được. Đến cuộc gặp Thành Đô, Trung Quốc lại đưa ra. Khi ta sang Phnom Penh để thuyết phục bạn nhận con số 13 với nguyên tắc làm việc consensus trong SNC, anh Hun Xen nói riêng với tôi : chúng tôi thắng mà phải nhận số người ít hơn bên kia (bên ta 6, bên kia 7) thì mang tiếng Campuchia bị Việt nam và Trung Quốc ép. Như vậy, dù là consensus cũng không thể thuyết phục nhân dân Campuchia được. Chỉ có thể nhận 12 hoặc 14 thành viên trong Hội đồng Dân tộc Tối cao. Phải nói là Phnom Penh thắc mắc nhiều với ta. Liên Xô, Anh, Pháp, Nhật, Mỹ đều cho ta biết là Trung Quốc đã thông báo cho họ đầy đủ về Thoả thuận Thành Đô và nói với họ là lãnh đạo Việt Nam không đáng tin cậy. Trung Quốc đã sử dụng Thành Đô để phá quan hệ của ta với các nước và chia rẽ nội bộ ta…”

Hôm sau, Bộ Chính trị họp tiếp,
anh Mười nói : “ Ta tán thành Sihanouk làm chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tối cao, Hun Xen làm phó chủ tịch, lấy nhất trí trong Hội đồng Dân tộc Tối cao làm nguyên tắc. Đây không phải là một nhân nhượng… Nếu có anh Thạch đi Thanh Đô thì tốt hơn…”

Anh Tô : “ Vấn đề chủ yếu không phải là thái độ của ta ở Thành Đô như anh Mười nói, mà là kết quả và tác động đến bạn Campuchia đánh giá ta như thế nào ? Ở Thành Đô, điều ta làm có thể chứng minh được nhưng Cam-puchia cho là ta giải quyết trên lưng họ. Vì vậy mà tôi ân hận. Tôi ân hận là về sau này sẽ để lại hậu quả.”

Anh Mười : “ Với tinh thần một người cộng sản, tôi cho là ta không sai. Ban Campuchia nghĩ gì về ta là quyền của họ. Với tinh thần một người cộng sản, ta không bao giờ vi phạm chủ quyền của bạn.”

Anh Thạch : “ Họp Bộ Chính trị để kiểm điểm, tôi xin được nói thẳng. Có phải khi đi Thành Đô về, anh Đỗ Mười có nói với tôi là hai ông anh nhận hơi sớm. Anh Linh nhận công thức 13 và anh Tô nhận consensus (nguyên tắc nhất trí) ” .

Anh Võ Văn Kiệt : “ Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp anh Đặng thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”

Vốn là người điềm đạm, song anh Tô có lúc đã phải phát biểu : “ Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói cái đó, nhưng tôi không nghĩ như vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy.”

Thoả thuận Việt Nam - Trung Quốc ở Thành Đô đúng như anh Tô lo ngại đã để lại một ấn tượng không dễ quên đối với Phnom Penh. Trong phiên họp Quốc hội Campuchia ngày 28.2.91, Hun Xen phát biểu :

“ Như các đại biểu đã biết, vấn đề SNC này rất phức tạp. Chúng ta phải đấu tranh khắc phục và làm thất bại âm mưu của kẻ thù nhưng bọn ủng hộ chúng không đâu. Mặc dù Hội đồng đã được thành lập trên cơ sở 2 bên bình đẳng nhưng người ta vẫn muốn biến thành 4 bên theo công thức 6+2+2+2+1, và vấn đề chủ tịch làm cho Hội đồng không hoạt động được ”.

Tôi còn nhớ khi tiếp tôi ở Phnom Penh, ngày 28.9.90, Hun Xen đã có những ý khá mạnh về thoả thuận Thành Đô : “ Khi gặp Sok An ở Bangkok hôm 17.9, Trung Quốc doạ và đòi SOC phải công nhận công thức mà Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận. Nhưng Phnom Penh độc lập. Sok An đã nói rất đúng khi trả lời Trung Quốc là ý này là của Việt Nam không phải của Phnom Penh.”

Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9.90 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, hiện tại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thoả thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại thoả thuận Thành Đô đã làm chậm việc giải quyết vấn đề Campuchia và do đó làm việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, uy tín quốc tế của ta bị hoen ố.

Việc ta đề nghị hợp tác với Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc Mỹ, thực hiện “ giải pháp Đỏ ” ở Campuchia là không phù hợp với Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị mà còn gây khó khăn với ta trong việc đa dạng hoá quan hệ với các đối tượng khác như Mỹ, phương Tây, ASEAN, và tác động không thuận lợi đến quan hệ giữa ta và đồng minh, nhất là quan hệ với Liên Xô và Campuchia.

Trung Quốc một mặt bác bỏ những đề nghị đó của ta, nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó chơi xấu ta với các nước khác nhằm tiếp tục cô lập ta, gây sức ép với ta và Campuchia.

Cùng với việc ta thúc ép Phnom Penh đi vào “ giải pháp Đỏ ”, việc ta thoả thuận với Trung Quốc công thức SNC tại Thành Đô là không phù hợp với nguyên tắc nhất quán của Đảng ta là không can thiệp và không quyết định các vấn đề nội bộ của Campuchia, làm tăng mối nghi ngờ vốn có của Campuchia đối với ta, đi ngược lại chủ trương tăng cường và củng cố mối quan hệ với ta với Campuchia và Lào.”
Trần Quang Cơ

Hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ”  (Trích)
Nhà báo Trần Quang Thành giới thiệu
(Dân Quyền)

Nguyễn Hưng Quốc - Tại sao chúng ta cần nhà văn?



Tôi mới đọc trên tờ The Sydney Morning Herald bài viết của Elizabeth Farrelly với nhan đề “Tại sao chúng ta cần nhà văn?” (Why we need writers). Bài viết, từ một nhà báo, thành thực mà nói, không có gì sâu sắc. Nhưng tôi bị mê hoặc bởi cái nhan đề. Hình như, từ lâu, tự trong tâm thức, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi ấy. Tại sao chúng ta cần nhà văn?
Cần, dĩ nhiên, không phải để giải trí. Đã đành, đọc sách cũng là một cách giải trí phổ biến, và khá lành mạnh (trừ những loại sách quá nhảm nhí). Nhưng đó không phải là lý do chính để người ta đọc sách. Với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ và của các kỹ thuật liên quan đến giải trí, người ta có thể tìm vui bằng vô số cách thức khác nhau, từ việc xem ti vi, nghe nhạc, chơi game trên internet hoặc tán dóc với bạn bè trên các diễn đàn mạng. Người ta không nhất thiết phải cắm cúi và cặm cụi đọc những cuốn sách dày cộm và nặng trịch hàng năm bảy trăm trang. Không, mục tiêu giải trí, tuy có thật, nhưng chắc chắn đó không phải là mục tiêu chính.
Tôi cho lý do chính khiến chúng ta cần các nhà văn là vì nhu cầu nhận thức hơn là giải trí, hoặc nếu muốn gọi là giải trí thì đó là một thứ giải trí “cao cấp” của đầu óc: qua việc đọc sách, người ta được ngao du vào một thế giới khác, thế giới tưởng tượng của các nhà văn và nhà thơ. So với phim ảnh, thế giới ấy đa dạng, đa sắc và đa tầng hơn, ở đó, chúng ta không những nhìn thấy con người, những sự tương tác giữa con người cũng như các diễn biến quanh co phức tạp của cuộc sống, mà còn nhìn thấy được những chuyển biến tinh tế bên trong của những con người ấy. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta giao tiếp với người này người khác, kể cả những người thân yêu nhất của mình, nhưng chúng ta không bao giờ “đọc” được những ý nghĩ hoặc cảm xúc thầm kín của họ. Chúng ta chỉ cảm, và, khi cần, đoán, nhưng không thấy. Làm sao bạn có thể biết được những người sắp chết nghĩ gì; những người mới bắt đầu chớm yêu nhau cảm xúc ra sao? Trong đời sống, hầu như không ai kể cho chúng ta nghe những điều ấy cả. Tất cả những điều ấy chỉ có thể thấy được trong văn chương.
Chính vì có thể đọc được thế giới bên trong của  con người như thế, lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn chương giúp chúng ta hiểu rõ con người một cách sâu sắc hơn. Thực tình, tôi không dám chắc là những người đọc thơ văn nhiều sẽ am tường tâm lý nhân loại hơn những người ít đọc. Tuy nhiên, tôi tin chắc một điều: việc đọc thơ văn nhiều sẽ giúp chúng ta hiểu được tâm hồn của một thời đại hoặc một thế hệ hơn. Cũng có thể nói, cách khác, một thời đại không có văn chương là một thời đại không có tâm hồn.
Cứ tưởng tượng giai đoạn 1930-45 mà không có tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới thì sao nhỉ? Thì chúng ta không biết gì về các diễn biến trong tâm hồn và ý thức của thế hệ ấy cả, chứ sao? Nhờ tiểu thuyết và thơ thời ấy, chúng ta biết được, giữa cơn đại suy thoái trên thế giới và Thế chiến thứ hai, ở Việt Nam, đã có sự xuất hiện của ý thức cá nhân chủ nghĩa và những khao khát về tình cảm gắn liền với ý thức ấy, từ những khao khát về tình yêu và hạnh phúc đến những khao khát khẳng định bản sắc cá nhân.
Trong mấy thập niên vừa qua, nhất là những năm đầu sau phong trào đổi mới tại Việt Nam, nếu không có những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, làm sao chúng ta có thể thấy được những đổ vỡ trong quan hệ giữa người và người trong xu hướng thương mại hoá; nếu không có các truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, làm sao chúng ta thấy được những tác động dữ dội của xu hướng đô thị hoá đối với tính cách của con người cũng như quan hệ giữa họ với nhau; nếu không có các cuốn tiểu thuyết của Dương Thu Hương, làm sao chúng ta thấy được sự đổ vỡ niềm tin của cả một thế hệ từng hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt trước năm 1975?
Cũng vậy, sẽ không ai có thể hiểu được cộng đồng Việt Nam lưu vong sau năm 1975 nếu không đọc thơ của Cao Tần, Thanh Nam, Mai Thảo hay tuỳ bút của Võ Phiến và Nguyễn Bá Trạc: Tất cả đều cho chúng ta thấy không phải chỉ có những con số vô hồn của những người vượt biên, những nguy hiểm mà họ phải gánh chịu từ bão tố đến hải tặc mà còn cả những tâm trạng ngỡ ngàng, hoang mang của những người bỗng dựng bị đẩy tạt ra ngoại quốc, sống trong một môi trường hoàn toàn khác, từ cấu trúc xã hội đến ngôn ngữ và văn hoá.
Còn bây giờ? Hằng ngày chúng ta chứng kiến bao nhiêu biến cố, từ những biến cố nhỏ nhoi trong xã hội đến những biến cố lớn lao của đất nước; những biến cố ấy ít nhiều đã được nhiều người ghi chép và phân tích. Nhưng còn tâm trạng chung của mọi người khi đối diện với những biến cố ấy ra sao? Câu hỏi ấy, theo tôi, chỉ được trả lời khi có một cây bút thật tài hoa xuất hiện.
Nói một cách tóm tắt, có nhiều lý do khiến chúng ta cần nhà văn và nhà thơ. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào một lý do chính: Chúng ta cần họ vì, qua tác phẩm của họ, chúng ta mới có thể nhìn thấy được tâm hồn của một thời đại, một thế hệ, trong đó có chính chúng ta. Không có họ, thời đại ấy, dù có nhiều sóng gió và bão táp đến mấy vẫn chỉ là một vùng quên lãng.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
( VOA )

Những Trận Chiến Bất Nhân

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến  -RFA


Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
 Nguyễn Trãi
“Ngày 21/7 vừa qua, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ở New York, Ngoại trưởng Hà Lan, ông Frans Timmermans đã có bài phát biểu vô cùng xúc động về vụ việc chiếc máy bay MH17 gặp nạn tại miền Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng.
Trong suốt bài phát biểu của mình, khóe mắt ông Frans Timmermans luôn chực trào nước mắt khi bày tỏ sự choáng váng, bàng hoàng trước quy trình xử lý thi thể các nạn nhân cũng như hàng loạt những thông tin nhiễu loạn xung quanh vụ MH17.”

Những dòng chữ trên được trích dẫn từ trang Dân Luận, đọc được vào hôm 27 tháng 7 năm 2014, cùng với lời dẫn nhập (hay nói chính xác hơn là nỗi băn khoăn) của ban biên tập:
“Bài phát biểu xúc động của vị chính khách một nước dân chủ phương tây, thể hiện rõ rằng đất nước của họ luôn quan ngại, lo lắng xót xa cho tính mạng người dân của mình. Không giống như tại Việt Nam, tính mạng của người dân không được quan tâm, đảm bảo, luôn bị đe dọa ở khắp nơi ngay cả ở những nơi công quyền, ví dụ như đồn công an. Chúng tôi tự hỏi, liệu các vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam sẽ như thế nào nếu có xảy ra tình huống tương tự?”
Câu trả lời cho nghi vấn thượng dẫn, thực ra, đã có sẵn (cũng trên trang Dân Luận) từ hai ngày trước – hôm 25 tháng 7 năm 2014 –  qua một đoạn văn ngắn của tác giả Nguyệt Quỳnh:
Từ những phát biểu của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang như:“ngư dân hãy yên tâm bám biển giữ chủ quyền” đến các phát biểu của Trung tướng Tô Lâm: “Ngư dân là cột mốc sống chủ quyền lãnh hải”, và sau đó báo đài đồng loạt lập lại. Nhưng đến khi tàu hải quân Trung Cộng đuổi bắn những “cột mốc sống” này thì sự im lặng gần như tuyệt đối; không còn một quan chức nào đếm xỉa đến họ nữa. Có thể nói, trong những giờ phút đó, Hà Nội đã lạnh lùng xem bà con ngư dân như những “cột bia xi măng” vô tri vô giác. Khi tàu ngư chính Trung Cộng đâm, đánh, bắt họ thì Hà Nội lặng lẽ coi ngư dân như những “cột gỗ mục” vô giá trị.

Và KHỐN KIẾP không kém là khi có ngư dân nào thoát chết, tả tơi vào bờ thì lại có những buổi lễ trao tặng bằng khen kế tiếp cho những “cột mốc sống dở chết dở” ấy để lại đẩy họ và đẩy thêm các “cột mốc còn sống” khác ra khơi trở lại.
Tàu đánh cá việt nam mang số hiệu QNa 90152 bị tàu Trung quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam, chiều 26/5/2014. Nguồn ảnh và chú thích: RFA
Những cột mốc sống, cột bia xi măng, cột gỗ mục … ở biển Đông – hôm nay – khiến tôi nhớ đến “Những Cọc Tiêu Sống Trên Đèo Đá Đẽo,” trong cuộc chiến vừa qua:
“Sinh ra trong một gia đình nghèo có bảy chị em. Là con cả, ngày ngày Ðinh Thị Thu Hiệp phải lo bắt tép, mò ốc đỡ đần mẹ cha nuôi các em khôn lớn. Ðến tuổi thanh niên, chị theo phong trào ‘Ba sẵn sàng’ xung phong lên đường, nhưng địa phương không duyệt vì thân hình quá nhỏ. Không còn cách nào khác, chị đã viết đơn vào trận tuyến bằng máu với tất cả tình cảm thống thiết để được kết nạp vào đội hình TNXP và được phân công về làm nhiệm vụ ở đèo Ðá Ðẽo.
Ngày đó, đèo Ðá Ðẽo được xem như lằn ranh giữa sự sống và cái chết, là yết hầu của tuyến chi viện chiến lược 15A vào Nam. Từ năm 1967, không quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng, vùi lấp đèo Ðá Ðẽo, Ðinh Thị Thu Hiệp đã không ngần ngại bám sát mặt đường từng ngày, từng giờ, đếm từng quả bom rơi, vác từng thùng đạn chạy băng qua bãi bom nổ chậm. Chỉ nặng chưa đầy 40 kg nhưng lúc đó vác trên mình những kiện hàng, thùng đạn vượt bãi bom dài hơn cây số chạy băng đến điểm tập kết an toàn.
Cuối năm 1967, khúc cua 516+300 mái phía tây đèo Ðá Ðẽo thường xuyên trúng bom nổ chậm, nhiều người không có kinh nghiệm tiếp cận bom đã thiệt mạng. Cấp trên giao Ðinh Thị Thu Hiệp chốt giữ trọng điểm nóng đó nhằm bảo đảm thông tuyến nhanh nhất cho xe ra tiền tuyến.Ngày đầu tiên, một quả bom nổ chậm rơi đúng tim đường. Lập tức chị yêu cầu mọi người tản ra xa, một mình chị vào kích nổ quả bom. Khi công việc hoàn thành, vừa trở ra khoảng 150 m thì bom nổ, chị bị sức ép khiến một tai bị điếc. Một lần khác, một đoàn xe chở hàng ra mặt trận bị ứ lại do vướng bãi bom ở chân đèo Ðá Ðẽo. Mọi người chưa biết làm sao thông tuyến, trong khi tiếng gọi chiến trường đang hết sức cần kíp thì chị Hiệp đã nhanh trí, quyết định biến mình thành cọc tiêu sống đưa đoàn xe 20 chiếc vượt qua bãi bom an toàn…
Sau những thành tích trong chiến tranh, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1972. Hòa bình, chị trở về sống bình dị với ruộng nương, xóm làng…” (Hương Giang. “Cọc Tiêu Sống Trên Đèo Đá Đẽo.” Nhân Dân 7 July 2010.)
Có vô số những chị Đinh Thu Hiệp (khác) đã vùi thây trong bom đạn, hoặc không bao giờ còn có thể “trở về sống bình dị với ruộng nương, xóm làng …”  mà nhà báo Hương Giang không biết hay không … dám biết.
Các chị bị lãng quên, và chỉ được nhắc đến – với rất nhiều xót sa, cùng với sự trân trọng – bởi một người ngoại cuộc (*) bằng một thiên tiểu luận [Trực Diện Với Cái Chết Và Nỗi Đau: Vấn Đề Thanh Niên Xung Phong Trong Chiến Tranh Việt Nam (1950-1975)] đã được Phương Hoà chuyển ngữ, và đăng thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas. Chúng tôi xin phép ghi lại vài trích đoạn – ngăn ngắn – để rộng đường dư luận, cùng với ước mong được xem đây như một lời tri ân để gửi đến tác giả, cùng dịch giả:
          – Đối với những thiếu niên-lính này (thậm chí trong một vài trường hợp là trẻ em-lính), vũ khí chỉ là cuốc chim đơn giản, xẻng lớn và hành trang trí thức ít ỏi mang theo người chỉ là vài năm học sơ cấp ở trường. Họ gặp nhau và chỉ trong mấy ngày là bị đẩy ra tuyến lửa. Không có kiến thức quân sự, tất cả họ đều được huấn luyện tại chỗ như câu khẩu hiệu “Khắc làm, khắc biết” đã tóm ý. Đối với những học sinh nữ ở các thành phố chẳng biết gì ngoài việc cầm bút, tham gia các công việc lặt vặt trong gia đình, hay còn được mẹ nuông chiều và ban đêm vẫn còn sợ ma thì sự hụt hẫng của họ thật dữ dội. Sau khi được tập hợp và biên chế thành đơn vị, những TNXP được nhanh chóng gởi ra tuyến lửa.
          – Giống như các đồng nghiệp ở Liên Xô, phụ nữ Việt Nam không những không bị cấm ra mặt trận, mà còn ở ngay chính giữa mặt trận. Các cô gái TNXP trực tiếp tham gia chiến đấu, đặc biệt là trên đường mòn HCM, nơi có sự hoà nhập nhất với quân chủ lực, và với những người trong đội TNXP Giải phóng miền Nam thì chiến đấu là nhiệm vụ chính thức. Như chúng ta thấy, trong phần lớn thời gian, ranh giới giữa bộ đội nơi tiền tuyến và các lực lượng hậu cần không hề tồn tại. Việc lực lượng hậu cần cũng hứng chịu lửa đạn là chuyện bình thường của mọi cuộc chiến, nhưng trường hợp Việt Nam trở nên đặc biệt do một số lý do: độ tuổi tuyển mộ quá trẻ, họ gần như hoàn toàn không được chuẩn bị chút nào, và cách thức quản lý thuần chính trị và quân sự được áp dụng với họ. Sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và cựu cán bộ TNXP bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đau đớn khủng khiếp thường nhật của các cô gái làm việc cùng họ, hoặc dưới quyền họ, phải chịu đựng. Nhưng tất cả bị tấm màn im lặng phủ kiến, bởi người ta muốn đây phải là cuộc chiến tranh nhân dân.
Sau “cuộc chiến tranh nhân dân” kể trên – nếu sống sót – những cành lan trong rừng cháy, những đoá hoa nhầu nát, hay những quả chanh khô (theo như cách nói của đời thường) sẽ trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!
Một mái nhà ở “xóm không chồng.” Nguồn ảnh:Báo Mới
Và cái lọai “chiến tranh nhân dân” (bất nhân) này vẫn đang tiếp diễn ở Việt Nam với những ngư dân làm cột mốc sống giữa biển khơi, thay cho những thanh niên xung phong (như cột tiêu sống) trên mọi nẻo đường đầy dẫy bom đạn – giữa thế kỷ trước. Và  ai mà “lỡ dại” lên tiếng  than phiền về thái độ vô trách nhiệm của những kẻ cầm quyền thì thế nào cũng bị nhốt tù, như trường hợp của nhà báo Tạ Phong Tần:
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên cho hay: “Thời gian vừa qua, đặc biệt hơn 10 ngày nay, tàu cá TQ xâm phạm nhiều lần trong vùng biển nước ta. Theo thông tin ngư dân báo về, trung bình mỗi ngày vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến quần đảo Trường Sa có từ 120 đến 150, cá biệt có những ngày lên đến hơn 200 tàu cá TQ khai thác trong vùng biển nước ta”.
Cái đau của người Việt Nam là thông tin này do “ngư dân báo về” chớ không phải do Hải quân hay Cảnh sát biển phát hiện. Câu “ngư dân báo về” khiến người đọc hình dung ra bối cảnh lúc đó ngư dân với những chiếc tàu nhỏ bé trang bị thô sơ đang ở ngoài biển xa đối mặt với tàu to đùng tối tân của Trung Quốc, còn lực lượng có chức năng bảo vệ ngư trường, ngư dân và lãnh hải thì ngồi trong bờ… chờ nghe báo cáo.
Tôi không rõ những vị lãnh đạo đất nước Việt Nam hiện nay như qúi ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, ông Trung Tướng Thứ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm, hay ông Đại Tá  Nguyễn Trọng Huyền có bị vấn đề về não bộ hoặc trí nhớ hay không nhưng tôi biết chắc (chắn) điều này: cái thời mà qúi vị huyễn hoặc và lừa mị để đẩy dân Việt vào chỗ chết (rồi thản nhiên phủi tay) đã qua rồi. Không ai có thể lường gạt mọi người mãi mãi.
Tưởng Năng Tiến
 (*) Chú thích của talawas: François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, “Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng”, tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.
 

Cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ (phần 1)

Nguyễn thị Từ Huy – RFA

Một trong những cuốn sách tôi đọc trong những ngày đầu tiên tới Paris là cuốn La-Sơn Phu-Tử của Hoàng Xuân Hãn, viết về Nguyễn Thiếp – La-sơn Phu-tử, nhân vật lịch sử của vùng La-sơn xưa, tức là Can-lộc ngày nay.
Tôi đọc Hoàng Xuân Hãn và gặp lại tâm tình của ba tôi. Trong từng trang sách, tôi thấy lại nỗi niềm của ba tôi, và như nghe thấy giọng ông, mà tôi vẫn lưu giữ trong ký ức kể từ hồi niên thiếu, kể những câu chuyện về lịch sử và địa danh xứ Nghệ.

Đọc sách Hoàng Xuân Hãn, tôi nhìn thấy trước mắt mình, xếp chồng lên những tòa nhà trên các đường phố Paris, hình ảnh 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, tiếp nối nhau chạy dài về tương lai, và những khúc sông lúc hiện lúc ẩn, khuất sau những bãi bồi hay những xóm làng, có những nơi vẫn còn rất nghèo đói. « Nói tóm lại, triền sông Lam là một nơi rất nhiều thắng-cảnh. Đứng chỗ nào, chung quanh cũng trông thấy núi. Mà ở núi nào cũng đầy dấu-tích xưa : đền cũ, thành xưa, bãi chiến-trường, nơi ẩn-dật. Nhà La-sơn phu-tử ở về phương nam, bên cạnh núi Nhạc-sạn, phía tây-nam núi Hồng-lĩnh. » (La-sơn Phu-tử (LSPT), Hoàng Xuân Hãn, nxb Minh Tân, Paris 1952, tr.45. Từ đây trở về sau, những trích đoạn trong sách này sẽ được chú thích bằng số trang đặt trong ngoặc đơn. Chúng tôi cũng giữ nguyên cách viết chính tả có ngang nối của Hoàng Xuân Hãn).
Có những cuốn sách như vậy. Chúng không chỉ tường trình sự việc, mà sự việc là nơi hợp lưu giữa nỗi niềm của nhân vật và nỗi niềm của tác giả. Những cuốn sách như vậy có thể làm lay động và đánh thức cả cảm xúc lẫn suy tư ở độc giả. Những cuốn sách đó dù không có lời hô hào nào, nhưng tiếng gọi của chúng thâm sâu và da diết.
Đó là điều mà một cuốn sách có thể làm : kết nối các không gian, kết nối các thời đại (quá khứ – hiện tại và có thể cả tương lai), và kết nối nỗi niềm, tâm tình của những con người ở các không gian và các thời đại khác nhau ấy.
Khởi đi từ một tâm tình rất riêng tư, cuốn sách này đã khiến tôi phải suy nghĩ về những câu chuyện chung của chúng ta, cả trong quá khứ lẫn hiện nay. Trong bài này, tôi sẽ đề cập tới một vấn đề : cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ.
Quang Trung đã cầu hiền như thế nào…
Trong cuốn La-sơn Phu-tử, Hoàng Xuân Hãn thuật lại thái độ hết sức đặc biệt của Quang Trung đối với Nguyễn Thiếp, một nho sĩ đậu hương giải từ lúc còn rất trẻ, sau đó qua vòng thi Hội nhưng từ chối thi tiến sĩ, có ra làm quan nhưng rồi chọn cách hành xử xuất thế, từ quan vào núi ẩn dật. Tính chất đặc biệt thể hiện trong việc Nguyễn Huệ ba lần viết thư mời Nguyễn Thiếp ra làm việc và đều bị từ chối cả ba lần, nhưng vẫn tiếp tục hội kiến và trọng dụng La-sơn Phu-tử, bất chấp việc ông già ở ẩn đó về căn bản là không chịu hợp tác với Nguyễn Huệ, vì sự trung thành với nhà Lê, cho đến tận mãi về sau, khi Lê Chiêu Thống « rước voi về giày mả tổ », khiến cho cụ không còn có thể đặt lòng trung vào nhà Lê được nữa, đồng thời cụ cũng nể Nguyễn Huệ, người đã bộc lộ những phẩm chất không chỉ của một tài năng quân sự, một dũng tướng trăm trận trăm thắng, mà còn là của một người trọng tài, trọng kiến thức, độ lượng và giỏi bang giao.
Lần thứ nhất Nguyễn Huệ viết thư mời Nguyễn Thiếp là vào tháng 12 năm 1786, năm Cảnh Hưng thứ 47, lúc đó ông chưa lên ngôi vua, bức thư ký tên An-nam Đại-nguyên-súy. La-sơn Phu-tử trả lại thư cùng lễ vật. Hoàng Xuân Hãn bình luận : « cụ chối một cách đường-hoàng, lời-lẽ rất khôn khéo. […] ngôn-từ rất đứng-đắn, không tỏ ý gì sợ-hãi cả. […] Thực ra cụ chỉ một lòng trung với vua Lê, còn Huệ đối với cụ chỉ là một anh tù-trưởng ở chỗ biên thùy mà thôi. Nên cụ không những trả lễ vật mà lại còn trả cả thư mời nữa, để tỏ ý cùng Huệ rằng cụ hoàn-toàn không chịu giao-thiệp với Huệ ». (101)
Nguyễn Huệ chẳng những không tự ái, không trừng phạt, mà kiên trì tiếp tục mời Nguyễn Thiếp hợp tác. Một năm sau, vào tháng 10 năm 1787, lúc bấy giờ Nguyễn Huệ, với danh nghĩa Đại-nguyên-súy Tống-quốc Chính-bình-vương, viết bức thư thứ hai cho La-sơn Phu-tử. Lời lẽ hết sức trọng thị, và Nguyễn Huệ không mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình, mà ra giúp sinh-dân để thực hiện đạo-nghĩa. La-sơn Phu-tử trả lại y nguyên các lễ vật hậu hĩnh của Nguyễn Huệ và lấy lí do sức khỏe yếu để từ chối, nhưng hứa hẹn một khả năng : « Để ngày khác, đứng ngoài mà làm một người cố-vấn dự-bị » (104)
Hoàng Xuân Hãn nhận xét về thái độ và cách ứng xử của Nguyễn Huệ : « Huệ không bằng-lòng, nhưng lại càng thêm trọng cụ, và muốn mời cụ ra cho kỳ được. Cho nên mười một ngày sau khi cụ viết thư trên, nghĩa là lập-tức sau khi nhận được thư ấy ở Phú-xuân, Chính-bình-vương bảo viết thư cố nài cụ. Thư này dài hơn các thư trước. Vương lại sai quan Hình-bộ thượng-thư Thuyên-quang-hầu Hồ Công-Thuyên mang tới núi. Thế mới biết lòng khẩn khoản của Chính-bình-vương là thế nào. » (105).
Trong bức thư thứ ba này, Nguyễn Huệ có những lời thống thiết như sau : « Kẻ danh-thế thỉnh-thoảng ra đời. Quả-đức hằng nghĩ và mơ-tưởng đến. Trong mười lăm năm đến bây-giờ, chưa hề phút nào giám quên. Không ngờ nay, trông lên thành Lục-niên có người tài đương ở đó. Ấy là trời để dành Phu-tử cho quả-đức vậy. Tuy Phu-tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng, Phu-tử nỡ ngơ-lảng được sao ? Lòng cầu hiền, quả-đức há giám sinh bụng đầu siêng sau lảng đâu » (107). Trước những lời lẽ tha thiết đó, La-sơn Phu-tử tiếp tục từ chối một lần nữa, tiếc là không còn giữ được bức thư phúc đáp của ông.
Liên tục bị từ chối, Nguyễn Huệ chẳng những không giận mà một năm sau đó, tháng 3 năm 1788, trên đường hành quân ra Thăng Long, khi dừng chân tại Phù Thạch, đã viết thư mời La-sơn Phu-tử tới hội kiến. Trong cuộc gặp gỡ trực tiếp này, Nguyễn Thiếp đã có cơ hội để nói ra một cách thẳng thắn lý do không hợp tác với Nguyễn Huệ. Theo tường thuật của Hoàng Xuân Hãn, các sách lịch sử chép lại cuộc đối thoại giữa hai nhân vật này có khác nhau về lời lẽ, nhưng ý rất thống nhất : Khi Nguyễn Huệ hỏi lý do vì sao mời ba lần mà không nhận lời, Nguyễn Thiếp nói thẳng rằng nếu Nguyễn Huệ phù Lê thì là anh hùng, còn nếu giả nhân nghĩa để lấy tiếng thì là gian hùng. Bị mắng là gian hùng mà Nguyễn Huệ lấy làm sợ mà trọng đãi cụ hơn. Đồng thời lệnh cho La-sơn Phu-tử xem đất để lập kinh đô ở Phù Thạch, Nghệ An, nhưng cả lần này Nguyễn Thiếp cũng từ chối, ông lần lữa, trì hoãn không chịu xem. Vì thế, việc lập kinh đô ở Phù Thạch không thành.
Ngày 29 tháng 11 năm 1788, trên đường tiến quân ra Thăng Long diệt quân Thanh, Nguyễn Huệ có cuộc hội kiến thứ hai với Nguyễn Thiếp. Quang Trung hỏi ông kế đánh giặc, Nguyễn Thiếp hiến kế : « quân quý thần tốc ». Sách Lê quí Kỷ sự chép : « Ngày 29, Huệ đến Nghệ-an, nghỉ binh. Triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi phương-lược. Thiếp nói : « Người Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình-hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào. Vả nó có bụng khinh-địch. Nên đánh gấp đi thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì-hoãn một chút thì khó lòng mà được nó. » (130). Nguyễn Huệ hành quân thần tốc, ngày 20 tháng chạp đến Tam Điệp, ngày 30 tháng chạp Quang Trung hạ lệnh xuất quân, hẹn quân sĩ sẽ ăn tết ở Thăng Long ngày mồng 7, nhưng ngày mồng 5 quân Tây Sơn đã giành chiến thắng ở kinh thành, sớm hơn cả dự định. Về sau trong một bức thư gửi Nguyễn Thiếp, Quang Trung có viết : « Trẫm ba lần xa-giá Bắc-thành, Tiên-sinh chịu ra bàn chuyện thiên-hạ. Người xưa bảo rằng : « Một lời nói mà dấy nổi cơ-đồ ». Lời Tiên-sinh hẳn có thế thật ». (131) Theo nhận định của Hoàng Xuân Hãn, phương kế của Nguyễn Thiếp đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt của Nguyễn Huệ.
Về sau, nể tấm lòng trọng hiền tài của Nguyễn Huệ, La-sơn Phu-tử nhận lời làm viện trưởng viện Sùng chính, nhưng làm việc tại nơi cụ ở ẩn, tại núi Thiên Nhận (Nghệ An). Nhiệm vụ của Sùng chính viện là dịch sách Tàu sang tiếng ta, để phục vụ cho việc dạy học. Nguyễn Huệ lập Sùng chính viện có lẽ để thực hiện một trong nhũng lời khuyên của Nguyễn Thiếp dành cho ông, trong cương vị là vua một nước, liên quan đến việc học : tránh học từ chương (học từ chương là học để làm quan, cầu danh lợi, chỉ dẫn đến “Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá gia vong”), mà phải có chính-học, nghĩa là « học cho rộng rồi ước-lược cho gọn, theo điều học biết mà làm. Họa may nhân-tài mới có thể thành-tựu ; nhà nước nhờ đó mà vững yên » (Trích bản tấu của Nguyễn Thiếp gửi Quang Trung, ngày mười…(không rõ ngày mười mấy) tháng 8 năm 1791, LSPT, tr.146).
Và trong tờ chiếu của Quang Trung về việc lập Sùng chính viện, nhà vua viết: “Trẫm định đặt Sùng-chính thư-viện ở Vĩnh-kinh, tại núi Nam-hoa; ban cho ông làm chức Sùng-chính-viện viện-trưởng. Cho ông hiệu La-sơn Tiên-sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định theo phép học Chu-tử, khiến cho nhân-tài có thể thành-tựu, phong-tục trở lại tốt đẹp” (Trích tờ Chiếu của Quang Trung, ngày 20 tháng 8 năm 1791, LSPT, tr.148). Lời lẽ của Quang Trung ở đây có lặp lại đúng lời của Nguyễn Thiếp trong bản tấu. Ta thấy, Quang Trung ra chiếu lập Sùng chính viện chưa đến mười ngày sau khi Nguyễn Thiếp dâng tấu. Nguyễn Huệ làm gì cũng thần tốc. Về việc Quang Trung giao hẹn La-sơn Phu-tử trong vòng ba tháng phải dịch xong ba kinh “Thi, Thư, Dịch”, Hoàng Xuân Hãn bình luận: “Đó chắc vì Quang-trung muốn đọc gấp. Quang-trung lại bảo dịch gấp kinh “Thi” trước để mình xem. Thế tỏ rằng ông đại-tướng không chỉ thượng-võ, mà trong sự hiếu-học cũng như trong mọi việc khác, Quang-trung muốn chóng thành công” (153)
Sùng chính viện được mở cũng có thể xem như là một cách Nguyễn Huệ tiếp thu lời khuyên của Nguyễn Thiếp về vấn đề Quân đức (đức của vua). Trong bản tấu trên đây, Nguyễn Thiếp đưa ra ba lời khuyên trọng yếu trong đó thứ nhất là: “1) Một là bàn về quân-đức. Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc của vạn sự. [...] Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức”.(144) Như vậy La-sơn Phu-tử quan niệm rằng đạo đức chỉ có thể xây dựng trên cơ sở học vấn. Phải chăng đấy là lý do khiến Nguyễn Huệ cấp tốc cho xây dựng Sùng chính viện, cho dịch sách Tàu, và nôn nóng muốn đọc kinh thư, muốn xây dựng học vấn của bản thân và phổ biến học vấn cho con dân của mình?
Câu hỏi đặt ra là : Vì sao Nguyễn Huệ bị từ chối nhiều lần mà vẫn đặt lòng tin vào Nguyễn Thiếp, vẫn tin rằng ông ấy thực bụng giúp mình đánh quân Thanh và giúp mình lãnh đạo quốc gia? Nếu không tin đã không hỏi, mà có hỏi thì cũng sẽ không nghe theo.
Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ quay trở lại với thực trạng sử dụng năng lực trí tuệ của chúng ta hiện nay. Đôi khi thực tế đương đại lại có thể giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề trong quá khứ.
(Còn tiếp)
Paris, ngày 4/8/2014
Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét