Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Trung Quốc đã chớp mắt ở Biển Đông?

Đề nghị của luật sư Trần Vũ Hải

Ls Trần Vũ Hải

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có ý kiến ngay để hủy bỏ Điều 38 Thông tư số 28/2014/TT – BCA của Bộ Công an, trước khi Thông tư này có hiệu lực vào 25/8/2014

 Lời dẫn ( Rút từ băng ghi âm ls Trần Vũ Hải trả lời pv BBC ( tại đây!):
Chúng tôi, những luật sư rất ngạc nhiên khi xuất hiện điều 38 Thông tư 28/2010/TT-BCA liên quan trực tiếp đến việc hành nghề luật sư của chúng tôi. Chúng tôi không rõ tại sao lại có quy định như vậy trong Thông tư này. Tôi xin trích nguyên văn điều 38 này như sau:

Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ.
Như vậy Thông tư này có vẻ cho phép điều tra viên (“ĐTV”) tiến hành những biện pháp điều tra ngược lại đối với luật sư. Chúng tôi đọc kỹ thì không có điều luật nào cho phép quy định như vậy. Thực tế trên thế giới cũng không có điều này. Điều này rất nguy hiểm bởi vì ở đây chỉ cần nói rằng khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ. Vậy thế nào là khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ? Bên này bảo có, bên kia bảo không. Hoặc về hành vi trái pháp luật khác thì đó là hành vi nào? Việc quy định như vậy rất chung chung. Mà chỉ việc đó thôi ĐTV lập biên bản sự việc. Ngoài ra còn cho phép ghi âm, ghi hình nhưng không quy định ghi âm, ghi hình ở đâu, như thế nào. Biện pháp khác là biện pháp nào? Những biện pháp này giả sử có thì phải thông qua các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát và thậm chí phải khởi tố ở vụ án hình sự về việc một luật sư hay ai đó cản trở việc thực hiện công lý của các cơ quan tố tụng chứ không thể nào quy định điều tra viên được tự quyền thực hiện.

PV: Nội dung điều 38 như ông vừa mới trích nguyên văn tôi có cảm giác như quá trình tiếp xúc giữa luật sư với các bị can có thể bị ghi hình, ghi âm đúng không ạ?

Vâng, như vậy chỉ cần ĐTV xác định như thế thôi, ĐTV tiến hành lập biên bản. Tôi nghĩ rằng việc lập biên bản có mặt luật sư có thể công khai, nhưng biện pháp ghi âm ghi hình có thể là không công khai. Tất nhiên họ chỉ nói rằng, việc chúng tôi làm như vậy chỉ ghi âm ghi hình luật sư trong trại giam. Nhưng tôi nghĩ điều đó cũng không được bởi vì việc tiếp xúc giữa luật sư với các bị can là gặp riêng, không thể ghi âm ghi hình. Còn nếu gặp trong quá trình điều tra mà có mặt điều tra viên thì việc ghi âm hình (nếu có)  phải công bố cho luật sư  và các bị can là có ghi âm, ghi hình và tiến hành các biện pháp đó thì không trái Bộ luật Tố tụng hình sư.

Nhưng ở đây người ta nói rằng có hành vi cản trở gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác, ở đây họ không chỉ nói đến các bị can trong trại tạm giam, mà tất cả các đối tượng là nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bị hại v..v.., và cả những người được coi là có liên quan đến vụ án chứ không phải là không. Tức là không chỉ là trong khuôn viên của một trại giam hoặc trong cơ quan điều tra mà có thể ở ngoài. Tôi nghĩ như vậy sẽ rất nguy hiểm, các điều tra viên nói rằng cái này tôi không biết, tôi làm theo thông tư của ngành công an, đấy là quyền của chúng tôi. Cái này phải báo động kinh khủng.

PV: Xin hỏi luật sư liệu có thể hiểu được rằng  quy định này có thể là hình thức mở đường cho tình trạng nghe lén hoặc ghi âm lén hoặc ghi hình lén của cơ quan điều tra ở mọi môi trường, mọi địa điểm, mọi đối tượng không ạ?
Chúng tôi cho rằng việc này rất bất lợi và rất nguy hiểm cho các luật sư. Thế thì việc ghi âm, ghi hình … người ta coi là các biện pháp nghiệp vụ để nhằm bảo vệ quyền của họ và trách nhiệm của họ trong tố tụng, nhưng thực ra họ có thể sử dụng kết quả của việc này để làm các việc khác, vì điều 38 khoản 2 họ có nói rằng tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, điều tra viên báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng của cơ quan điều tra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ của đương sự hoặc đề xuất biện pháp sử lý khác theo quy định của pháp luật. Ở đây chúng tôi muốn nói cái này có thể dẫn đến việc tùy tiện. Thậm chí điều tra viên không thấy nói rằng là trước khi tiến hành những biện pháp này họ phải báo cho cấp trên của họ, tức là không có sự giám sát của cấp trên trong thông tư này nói, nghĩa là điều tra viên có quyền làm những việc đối phó với luật sư, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả khác mà chúng ta cũng chưa thể lượng được. Ví dụ tôi là luật sư, tôi nói chuyện với một ai đó, họ nghi rằng tôi xúi giục chẳng hạn, thế thì tôi nói chuyện với vợ tôi, hoặc tôi nói chuyện với bố mẹ của đương sự… chúng tôi chưa chắc nói chuyện về vụ này, nhưng họ nghi rằng chúng tôi nói về cái việc này, cho nên họ sẽ tiến hành ghi âm, ghi hình và các biện pháp khác. Chúng ta biết rằng trên internet có những phương pháp ghi âm, ghi hình, ghi lén một cách rất tinh vi. Có lẽ chúng tôi phải có một văn bản yêu cầu ngay để trấn chỉnh điều 38, khoản 1, khoản 2 này như vậy.

PV: Ông nghĩ rằng việc kiến nghị của luật sư sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới là trong thời gian bao nhiêu lâu và liệu có nhận được câu trả lời gì không?

Tôi đã gọi cho 2 phó chủ nhiệm đoàn luật sư của 2 thành phố lớn rồi và tôi sẽ trao đổi với liên đoàn luật sư trong thời gian sớm nhất, và chúng tôi sẽ yêu cầu họ phải lên tiếng giải thích, và họ phải làm việc với Bộ Công an để giải thích điều 38 này như thế nào, nó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Nó có vượt quá thẩm quyền của cơ quan điều tra và điều tra viên hay không? Nếu mà các vị mà định áp dụng thì làm thế nào để ngăn ngừa. Cá nhân tôi thì cho rằng không thể áp dụng điều 38 này. Tóm lại điều 38 khoản 1 này là không nên có.



                            ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI
(Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có ý kiến ngay để hủy bỏ Điều 38 Thông tư số 28/2014/TT – BCA của Bộ Công an, trước khi Thông tư này có hiệu lực vào 25/8/2014)


Kính gửi:  Liên đoàn luật sư Việt Nam
           Tôi – Luật sư Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải xin gửi tới Quý Liên đoàn lời chào trân trọng và đề nghị như sau:
            Thông tư  số 28/2014/TT – BCA ngày 07/07/2014 của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân (có hiệu lực từ ngày 25/8/2014) tại điều 38 có quy định về trách nhiệm của Điều tra viên trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý như sau:

1. Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ.

2. Tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý, Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận người bào chữa, Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi thấy rằng quy định trên sẽ dẫn đến áp dụng tùy tiện, gây cản trở hoạt động hành nghề của luật sư, thậm chí cho phép điều tra viên tự ý dùng các biện pháp trái pháp luật để điều tra luật sư, gây nguy hiểm về nhiều mặt cho giới luật sư, vô hiệu hóa vai trò của luật sư.

Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Liên đoàn Luật sư khẩn cấp họp về vấn đề này. Trong trường hợp chưa họp được, chúng tôi đề nghị ông Chủ tịch Liên đoàn Luật sư sớm yêu cầu Bộ Công an hủy bỏ quy định trên trước ngày 25/8/2014 và đề xuất với Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp,  Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sớm có ý kiến về quy định nhằm vô hiệu hóa luậ sư  của Thông tư số 28/2014/TT-BCA

Luật sư Trần Vũ Hải
 Tác giả gửi Quê Choa
  ( Theo Quê Choa )

Thủ tướng có thực muốn nghe phản biện của trí thức?

Thủ tướng: Phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý. Ảnh Vnn
Trong buổi làm việc với Hiệp hội khoa học Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhấn mạnh:

“Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn”

Nếu đúng như thế thì quan điểm của Thủ tướng đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây chính quyền nhà nước đã gây sức ép cho viện Nghiên cứu phát triển IDS do tiến sĩ Nguyễn Quang A và giáo sư Hoàng Tụy lãnh đạo. Viện IDS quy tự nhiều trí thức có tâm huyết và có nhiều phản biện hết sức khoa học. Thế nhưng chính phủ đã cho ban hành Quyết định 97/2009/QĐ-TTg nhằm quản lý chặt các ý kiến phản biện.

Tự nhận thấy IDS không có cơ hội hoạt động trong một môi trường như thế, các vị lãnh đạo IDS đã tự giải thể viện.

Hành động giải thể viện IDS được chính phủ nhìn nhận như một hành động phản kháng, chống đối quyết định của lãnh đạo cao cấp. Phía chính phủ đã có ý kiến kỉ luật ông Nguyễn Quang A, chính Thủ tướng có nhắc lại ý kiến này.

Vụ việc này đã được GS Ngô Bảo Châu từng nhận xét:

"Tôi có theo dõi tuy không chi tiết như giới nhà báo. Nhưng một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối dở"

Nếu bây giờ Thủ tướng kêu gọi giới trí thức phản biện và chính phủ lắng nghe thì nghị định 97 có còn hiệu lực nữa không? Chính phủ có công khai bãi bỏ kỉ luật cho tiến sĩ Nguyễn Quang A hay không?

Nếu nghị định 97 còn được duy trì thì lời nói của Thủ tướng chỉ là mua vui mà thôi.
    FB Quê Choa
(Quê Choa) 

Cấm xe máy thì đi lại bằng gì?

 (VTC News) - Câu trả lời đơn giản nhất là cấm xe máy thì đi lại bằng các thứ không phải xe máy.
Với hơn 37.000 lượt biểu quyết trên báo VTC News về lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng), 52% bạn đọc chọn phương án "Cần có lộ trình cấm từ bây giờ", 15% chọn "Không nên cấm" và 33% chọn phương án "Chỉ cấm khi có các phương tiện hiện đại thay thế".

Hơn 37.000 lượt biểu quyết là con số rất cao trong một đợt điều tra xã hội học qua báo điện tử. Nó thể hiện sự quan tâm cao độ của người dân đối với vấn đề này. Về tiêu chí điều tra, nó hoàn toàn đủ tính đại diện.

Có nghĩa là phần đông (85%) người dân không muốn xe máy làm phương tiện giao thông ở các đô thị tương lai. Không nhiều (15%) người dân muốn mãi mãi giữ giao thông xe máy.
Cấm xe máy thì đi lại bằng gì?
Người dân đã quá mệt mỏi vì đi xe máy, thậm chí sợ nền giao thông xe máy và nhiều hệ luỵ của nó.
Kết quả này làm không ít người ngạc nhiên. Không ít người nghĩ là người Việt "yêu" xe máy đến mức không thể hình dung được một đô thị Việt Nam vắng bóng xe máy như ở nước ngoài. Thậm chí người ta còn dùng các cụm từ "nền văn hoá xe máy", "nền văn minh xe máy" khi nói về giao thông đô thị Việt Nam.

Nghị quyết số 88 năm 2011 của Chính phủ đã đề cập đến lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn, giao cho Bộ GTVT và các thành phố xây dựng đề án, lộ trình báo cáo Chính phủ, nhưng việc này đến nay còn chưa triển khai. Có thể các cơ quan quản lý của ta nghĩ người dân "yêu" xe máy quá, không nỡ làm cho người dân mất đi sở thích này.

Nhưng trên thực tế, người dân đã quá mệt mỏi vì đi xe máy, thậm chí sợ nền giao thông xe máy và nhiều hệ luỵ của nó. Người dân không muốn tiếp tục "lấy thịt bọc thép" khi ra đường, mà muốn "lấy thép bọc thịt" cho khoẻ người và an toàn. Người dân không muốn tiếp tục sống với chợ cóc, quán cóc, nơi bán các thực phẩm độc hại, gây bụi bặm, rác rưởi, ruồi muỗi, làm phát sinh bệnh tật, nhất là ung thư.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: cấm xe máy thì đi lại bằng gì?

Trước hết, phải khẳng định rằng để cấm xe máy cần có lộ trình chứ không phải cấm ngay. Lộ trình này có thể kéo dài 10 - 15 năm tuỳ thuộc vào quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Câu trả lời đơn giản nhất là cấm xe máy thì đi lại bằng các thứ không phải xe máy. Rất may, có rất nhiều thứ giúp ta đi lại mà không phải là xe máy. Đó là xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm, ô-tô riêng, xe đạp và... đôi chân của chính mình. Không chính phủ nào khi cấm xe máy lại để cho người dân không có phương tiện đi lại cả.

Ở các thành phố cấm xe máy tại Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu) và Myanmar (thành phố Yangon), mọi người đều đi lại bằng các thứ "không phải xe máy" như vậy. Không có ai vì không được đi xe máy mà phải ngồi lỳ ở nhà.

Ở Hong Kong hay Singapore, nơi gần như không có xe máy, người dân đi lại cũng bằng những phương tiện "không phải xe máy" như vậy. Hai phương tiện đi lại chủ yếu ở Hong Kong và Singapore là tàu điện ngầm (MRT) và xe buýt, chiếm trên 80% lượt đi lại, còn lại là tàu điện, ô-tô riêng và taxi.

Riêng tại Hong Kong, do có nhiều đường và hẻm nhỏ, có hai loại xe buýt: xe buýt lớn (5.700 chiếc) và xe buýt nhỏ (4.300 chiếc). Xe buýt nhỏ vận chuyển người dân từ các đường và hẻm nhỏ ra bến xe buýt lớn, tàu điện, tàu điện ngầm. Đây là một giải pháp hợp lý cho các đô thị có nhiều đường và hẻm nhỏ.

Việc cấm xe máy không chỉ thực hiện ở các thành phố có tàu điện ngầm. Yangon (Myanmar) là ví dụ điển hình về việc cấm xe máy khi chưa có tàu điện ngầm. Trên thực tế, chỉ có xe buýt là phương tiện có thể toả đi khắp mọi nơi trong một thành phố và thay thế được xe máy.

Tàu điện ngầm chỉ hoạt động hiệu quả trên một số trục lớn. Mỗi thành phố thường chỉ có 5-10 tuyến tàu điện ngầm, trong khi đó số tuyến xe buýt thường là hàng trăm tuyến. 01 tỷ USD có thể mua được 10.000 xe buýt, nhưng mới chỉ đủ làm khoảng 10 km tàu điện ngầm. Nếu muốn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có hơn 200 km tàu điện ngầm như ở Singapore, cần trên dưới 25 tỷ USD vốn đầu tư cho mỗi thành phố.

Khi có xe máy, người dân ít khi dùng đến đôi chân để đi lại. Nhiều người ngồi lên xe máy ngay từ phòng khách và "phi" ra đường. Khi về nhà, cũng "phi" thẳng xe máy vào phòng khách. Nhưng khi không còn xe máy, ít nhiều chúng ta phải dùng đến đôi chân của mình. Không ở đâu ngay trước cửa mỗi gia đình lại có một bến xe buýt hoặc bến tàu điện ngầm.

Người dân phải đi bộ từ nhà ra bến xe, bến tàu, cũng như đi bộ từ bến xe về nhà. Thường thì thời gian đi bộ giữa nhà và bến xe, bến tàu ở nước ngoài trên dưới 01 km, tối đa 15 phút. Trời nắng, trời mưa đã có dù (ô) che đầu. Người Mỹ, người Pháp, người Úc, người Singapore, người Hong Kong... chấp nhận được thì chắc người Việt Nam ta cũng chấp nhận được.

Nói tóm lại, khi không có xe máy thì đi lại bằng những thứ không phải xe máy và điều đó đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở hầu hết các thành phố trên trái đất này. Xe máy chưa bao giờ là thứ mà nếu không có nó thì việc đi lại bị tê liệt.

Vấn đề thực ra không phải ở chỗ cấm xe máy thì đi lại bằng gì, mà cần bao nhiêu thời gian để có đủ các phương tiện giao thông thay thế xe máy. Đây là vấn đề cốt lõi, chính vì nó mà lộ trình cấm xe máy mới cần đặt ra. Cấm xe máy không phải là mục tiêu. Mục tiêu là phát triển giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh thay cho xe máy, để người dân được "lấy thép bọc thịt" thay vì "lấy thịt bọc thép" khi đi lại trên đường. Sẽ cần ai đó bỏ tiền đầu tư phát triển các phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu là đầu tư vào xe buýt.

"Ai đó" khả năng sẽ là các nhà đầu tư tư nhân. Nếu chỉ chờ nhà nước đầu tư, sẽ không bao giờ có giao thông công cộng đủ nhiều, đủ tốt thay thế được hoàn toàn xe máy. Về dịch vụ, không có cái gì của nhà nước lại vừa nhiều, vừa tốt cả, ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Ở Hong Kong, cả 5 công ty xe buýt đều là tư nhân. Họ không nhận trợ giá của nhà nước mà còn phải trả tiền nhượng quyền kinh doanh cho nhà nước.

Khi không phải cạnh tranh với xe máy thì kinh doanh xe buýt có lãi và họ phải mua quyền kinh doanh xe buýt. Nhưng nếu người dân sử dụng xe máy tràn lan, không ai dại dột đầu tư vốn vào xe buýt để lỗ thảm hại (nếu không được nhà nước bù lỗ). Khi nhà nước chưa có lộ trình cấm xe máy, việc thu hút hàng tỷ USD vốn tư nhân vào xe buýt đô thị là vô vọng. Nếu có tiền bạn cũng không làm. Nếu bạn không làm, đừng bao giờ hy vọng ai đó khác sẽ làm.

Theo bạn, có nên cấm xe máy ở đô thị lớn?

    - Không nên cấm
    - Cần có lộ trình cấm từ bây giờ
    - Chỉ cấm khi có các phương tiện hiện đại thay thế
    - Cấm xe máy thì đi lại bằng gì? Cấm xe máy thì đi lại bằng gì?

Cũng đừng nói kiểu các anh cứ đầu tư thật nhiều xe buýt đi, tôi sẽ tự bỏ xe máy, chuyển sang dùng xe buýt. Không nhà đầu tư tư nhân nào tin điều đó để dốc hầu bao. Nếu Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Yangon bỏ "cấm vận" xe máy, chắc chắc ở các thành phố này xe máy sẽ quay lại kín đường ngay. Xe máy có cái tiện của xe máy và nhiều người thích cái tiện đó.
  Lương Hoài Nam
 (VTC News)

Trung Quốc đổi chiến thuật trên Biển Đông?

Ảnh: Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc (ảnh: Global Post)
Ảnh: Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc (ảnh: Global Post)

Đây là nội dung bài viết “China's Big Course Correction in the South China Sea?” của Ted Galen Carpenter, đăng trên trang National Interest ngày 25.7. Một Thế Giới xin trích dịch:

Sau nhiều tháng Trung Quốc hành xử hung hăng với các láng giềng, gần đây có những dấu hiệu cho thấy có thể Bắc Kinh đổi qua các chủ trương mang tính hòa giải hơn.

Như TQ bất ngờ đem giàn khoan Haiyang Shiyou 981 gây tranh cãi về nước, sau hai tháng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cuối tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp thượng đỉnh với nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hee, tìm cách cải thiện quan hệ với nước này, sau vụ căng thẳng năm ngoái khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Ngay cả giọng điệu sôi sục của TQ cảnh cáo Mỹ nên đứng ngoài vụ tranh chấp chủ quyền biển Đông cũng “tắt tiếng”. Thay cho những tuyên bố inh ỏi rằng Mỹ can thiệp, các quan chức TQ nay yêu cầu Mỹ “hãy công bằng” trong các tuyên bố về các vấn đề.

Có thể đó chỉ là một đường lối hòa giải tạm thời, hoàn toàn là sự thay đổi chiến thuật. Nhưng cũng có một cách giải thích đáng khích lệ hơn:

Cuối cùng Bắc Kinh nhận ra mình phản ứng quá đáng trong việc gây sức ép đòi chủ quyền khu vực, và cách hành xử hung hăng ấy đã khiêu khích sự bức xúc của các nước láng giềng, vốn trở nên nghiêng nhiều hơn về chủ trương kiềm cương TQ một cách trực tiếp, do Mỹ khởi xướng.

Rõ ràng đã có nhiều chứng minh về sự phẫn nộ ngày càng tăng nơi các quốc gia Đông Á, đối với lối hành xử hung hăng ngang ngược của TQ trong 3, 4 năm qua, và chỉ có quan chức TQ nào "trì trệ, chậm hiểu" nhất mới có thể không biết những tín hiệu cảnh cáo ấy.

Từ những hành xử nguy hiểm nhất này của TQ, Nhật Bản đã “giải thích lại” điều khoản 9 trong Hiến pháp Nhật, để cho phép Nhật có các biện pháp phòng thủ tập thể.

Nhưng còn những thay đổi tinh tế khác. Hồi tháng sáu, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố chính phủ của ông sẽ ủng hộ Việt Nam và các nước khác có tranh chấp chủ quyền biển với TQ.

Vài tháng trước đó, Nhật cùng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) khai thác các nỗ lực để có quyền tự do hàng hải an toàn hơn, một cái tát thẳng vào tuyên bố độc chiếm biển Đông kiểu bành trướng của TQ.

Cách tiếp cận mới của Nhật rõ ràng nhắm tới một loạt đối tác an ninh ngày càng lớn. Nhật và Úc thương lượng một thỏa thuận để Nhật bán công nghệ tàu ngầm cho Úc.

Nhật cũng công bố xem xét việc cung cấp tàu tuần dương cho Việt Nam, dù Nhật cũng đang có căng thẳng với TQ, nên việc giao tàu đòi hỏi phải đợi thêm một thời gian.

Quan hệ an ninh giữa Nhật và Ấn Độ cũng ấm lên, đến độ các học giả được tôn trọng nay nói đến khả năng hình thành một liên minh quân sự Nhật - Ấn.

Nhưng những nỗi lo ngại của TQ không chỉ giới hạn ở các chương trình hành động của Nhật vì an ninh khu vực.

Ngay cả các nước láng giềng nhỏ của TQ cũng có những phản ứng trước các hành vi hung hăng của TQ.

Việt Nam và Philippines đã tăng cường hợp tác quân sự và ngoại giao. Hàn Quốc đồng ý cung cấp tàu chiến cho hải quân Philippines  hồi cuối tháng 6.

Indonesia đang chủ trương hiện đại hóa quân đội để có thể đối phó những “tình trạng khẩn cấp” ở Đông Nam Á, vì họ ngày càng quan ngại những tham vọng của TQ.

Dù có quan hệ kinh tế song phương lớn với TQ, Úc cũng ra một cảnh báo với TQ, rằng các hành vi của họ trên biển Đông là “khiêu khích và vô tích sự”.

Ngay sau đó, Úc đồng ý chi 11,6 tỉ USD để mua 58 chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, một nỗ lực nâng cấp lớn của không quân Úc.

Sẽ không phải ngạc nhiên, nếu các quan chức TQ đầy mánh khóe trở nên cảnh giác trước các biện pháp đề phòng TQ của những nước láng giềng.
Trần Trí (lược dịch theo National Interest )
( Một Thế Giới )

Một tờ báo TQ "thú nhận" 3 lý do di dời giàn khoan 981

Một tờ báo TQ "thú nhận" 3 lý do di dời giàn khoan 981

 Đã nửa tháng trôi qua sau khi Trung Quốc di dời giàn khoan ra khỏi khu vực hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng đến giờ mới có một tờ báo của Trung Quốc phân tích rõ nguyên nhân của vụ việc này.

Sau khi đột ngột di dời giàn khoan sớm một tháng so với những gì họ tuyên bố, rêu rao ban đầu về hành động thăm dò phi pháp trên biển Đông, dân Trung Quốc rất chưng hửng và không biết lý do thật sự của vụ việc này.
Các trang báo xuất bản tại Trung Quốc đều trích dẫn lời của ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng "do quá trình thăm dò hoàn tất" và giàn khoan Haiyang Shiyou 981 nhận nhiệm vụ mới ở ven đảo Hải Nam. Sau đó trong 10 ngày liên tiếp, tin bài có cụm từ Haiyang Shiyou hay Hải Dương Thạch Du 981 không xuất hiện trên các báo Trung Quốc. Có chăng thì chủ đề về giàn khoan chỉ xuất hiện trên diễn đàn với những lời phân tích bàn luận không chính thống.

Mãi hôm qua, trang Wlstock, chuyên viết về tài chính ở Quảng Đông mới có một bài phân tích với những ý kiến mới hơn về chuyện của nửa tháng trước. Họ không tin vào cách giải thích của Bộ ngoại giao Trung Quốc trong việc di dời giàn khoan mà đưa ra 3 lý do để giải thích sự kiện này.

Thứ nhất, thời tiết xấu?

Tờ này phân tích thời tiết xấu là lý do khách quan để di dời giàn khoan vì cơn bão "Thần sấm" mạnh khủng khiếp và không ai chắc nó có thể phá hủy giàn khoan trị giá 1 tỉ USD hay không. Nhưng nếu di dời giàn khoan vì thời tiết thì Trung Quốc có hai cách để thực hiện. Thứ nhất, cho giàn khoan xuống sâu phía nam với lực lượng tàu bảo vệ đông đảo và khi bão tan thì quay về. Phương án này cực kỳ phiêu lưu vì nó sẽ khiến các nước có liên quan tức giận. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chọn giải pháp thứ hai là đưa giàn khoan về luôn đảo Hải Nam và tuyên bố "hoàn thành nhiệm vụ".

Thứ hai, không thể đùa Việt Nam

Tờ này cho rằng Trung Quốc không thể ngờ Việt Nam phản ứng mạnh mẽ khi cảnh sát biển Việt Nam ngày đêm đấu tranh trên thực địa quanh giàn khoan. Tờ này cho rằng Bắc Kinh nhận ra Việt Nam không có dấu hiệu nhượng bộ và nếu tiếp tục thì sẽ già néo đứt dây.

Khi sự kiên nhẫn đã cạn, Việt Nam có thể nhân vụ này kiện ra quốc tế thì sẽ không hay cho TQ chút nào, nhất là thời điểm cộng đồng quốc tế đều ủng hộ và bênh vực quan điểm của Việt Nam.

Thứ ba, sợ quốc tế thù địch
Lý do thứ ba mà tờ này tin tưởng nhất là TQ đang sợ thái độ thù địch của các nước trên thế giới và trong khu vực. Tờ này dùng nguyên văn cụm từ "việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam khiến một loạt nước như Nhật, Úc, Ấn Độ, Philippines thay đổi chính sách quân sự nhằm đáp ứng hiệu quả hơn hành vi của Trung Quốc".
Nhìn sự thay đổi mang tính bất lợi đó thì Trung Quốc cần phải điều chỉnh.
Anh Tú (lược dịch)
( Một Thế Giới )

Trung Quốc đã chớp mắt ở Biển Đông?

“Tìm hiểu sâu vào câu hỏi này không những làm sáng tỏ quyết tâm của Trung Quốc, mà còn khám phá những bài học có giá trị về cách đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh.”
Trong bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày 02 tháng 5, Trung Quốc (TQ) đơn phương triển khai giàn khoan dầu HD-981 trị giá 1 tỷ đô-la để khoan ở vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Giàn khoan ban đầu được dự kiến ​​sẽ ở lại cho đến ngày 15 tháng 8, nhưng vào ngày 15 tháng 7 TQ thông báo rằng giàn khoan đã hoàn thành công việc và sẽ được chuyển tới đảo Hải Nam. Việc rút giàn khoan đi là một quyết định đơn phương và bất ngờ cũng như việc triển khai. Khi giàn khoan này được cắm trong khu vực tranh chấp, nó đã gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Trung-Việt kể từ năm 1988.
Như với các cuộc khủng hoảng tương tự khác, bế tắc này cũng là một trận chiến của ý chí. Nếu quyền lực là chìa khóa để chiến thắng một cuộc xung đột quốc tế, sự quyết tâm cũng không kém phần quan trọng. Bên nào với quyết tâm lớn hơn có thể giành chiến thắng ngay cả khi nó là bên yếu hơn. Với chủ quyền của mình bị đe dọa, hai quốc gia thử nghiệm quyết tâm của nhau để xem ai sẽ chớp mắt trước.
Trong bối cảnh đó, việc thu hồi giàn khoan của TQ một tháng trước thời hạn không chứng minh được quyết tâm của mình. Như vậy thì TQ đã chớp mắt trước? Tìm hiểu sâu vào câu hỏi này không những làm sáng tỏ quyết tâm của TQ, mà còn khám phá những bài học có giá trị về cách đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh. Trong số rất nhiều những lời giải thích có thể có, chúng ta hãy xem xét ba giải thích đáng tin cậy nhất.

Cú đánh của Thiên Nhiên
Lý do đơn giản nhất, và thoạt nhìn thì cũng là lý do thuyết phục nhất, việc TQ di chuyển giàn khoan là thời tiết xấu. Một ngày trước khi rút giàn khoan, thời tiết tại địa điểm giàn khoan trở nên xấu, cảnh báo trước của cơn bão Rammasun đang đi tới. Được xem như là một “siêu bão” Rammasun đã được dự kiến ​​sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam ở gần đó trong ba ngày nữa, vào ngày 18. Mặc dù Hoàng Sa về phía tây nam, nơi mà giàn khoan đang cắm, đã được dự báo sẽ không nằm trực tiếp trên con đường của bão Rammasun, không ai có thể đảm bảo rằng cơn bão nghiêm trọng này sẽ không gây thiệt hại cho cấu trúc giàn khoan, tàu bè và con người tại nơi đó. Mặc dù giàn khoan HD-981 được cho là có thể chịu được bão mạnh, sẽ có quá nhiều rủi ro nếu giàn khoan và các tàu hộ tống nằm ở giữa đại dương trong thời tiết xấu.
Lúc đó TQ phải đối mặt với hai sự lựa chọn. Một là di chuyển giàn khoan xa hơn về phía nam để tránh khỏi con đường đi của cơn bão. Làm vậy sẽ di chuyển giàn khoan sâu hơn vào EEZ của Việt Nam, và sẽ tạo ra nhiều vấn đề lớn hơn về hậu cần cho đội tàu bảo vệ trong khi leo thang cuộc xung đột với VN. Một lựa chọn khác là di chuyển giàn khoan vào gần bờ của TQ hơn và ra khỏi vùng biển mà VN tuyên bố chủ quyền. Điều này sẽ cho phép giàn khoan được neo tại một nơi cạn hơn, và không đòi hỏi phải có nhiều tàu bè để bảo vệ giàn khoan. TQ đã chọn cách thứ hai, là cách ít rủi ro hơn, và thông báo rằng giàn khoan đã hoàn thành công việc của mình. Thông báo này cũng là sự lựa chọn tốt hơn cho TQ. Nếu tuyên bố tạm thời rút giàn khoan đi thì phải quay trở lại ngay sau cơn bão chấm dứt. Khi kéo giàn khoan trở lại sẽ bị một đội tàu thuyền lớn của VN chận lại và TQ sẽ có nguy cơ mất mặt vì không thể cài đặt giàn khoan tại vị trí cũ.
Tuy nhiên lý do “thời tiết xấu” sẽ không giải thích được một sự kiện liên quan. Vào ngày 15, cùng ngày với giàn khoan bắt đầu dời đi, TQ thả tất cả mười ba ngư dân VN bị bắt giữ trong cuộc khủng hoảng giàn khoan. Đây có phải là kết quả của một thỏa thuận sau hậu trường với VN hay chỉ vì TQ nhận thức rằng cuộc khủng hoảng đã đạt đến giới hạn của nó?
Một thỏa thuận ngầm
Chúng ta không biết có hay không một thỏa thuận bí mật đã thành hình, nhưng những gì chúng ta biết có dấu hiệu một mặc cả ngầm đã diễn ra. Trong khi tàu thuyền của TQ và VN chơi trò mèo và chuột gần giàn khoan dầu gây nhiều tranh cãi, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã tìm cách thương lượng với Bắc Kinh, và BK đã trả lời với bốn điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Điều kiện đầu tiên là VN phải chấm dứt quấy rối giàn khoan dầu và tàu bè hộ tống của TQ. Thứ hai, VN không được tranh chấp quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa của TQ. Điều kiện thứ ba là VN không được theo đuổi các thủ tục pháp lý chống lại tuyên bố và hành động của TQ ở Biển Đông. Và cuối cùng, VN không được dính líu đến một bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ và phương Tây, trong vấn đề song phương này.
Hai điều kiện đầu tiên về mặt chính trị là điều không thể đáp ứng đối với bất kỳ chính phủ nào tại Hà Nội. Nhưng Hà Nội đã quyết định hai chuyện tạo tín hiệu nhượng bộ hai điều kiện kia. Mặc dù đã có một chiến dịch lớn trong các phương tiện truyền thông nhà nước và một vài kêu gọi mạnh mẽ từ một số cá nhân đòi đưa Bắc Kinh ra tòa, tập thể lãnh đạo của VN đã quyết định không nộp các hồ sơ pháp lý để kiện TQ. Họ cũng hoãn lại chuyến đi Mỹ của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, mà ban đầu đã được phê duyệt và dự kiến vào ​​tháng Sáu sau cuộc điện đàm giữa Minh với người đồng nhiệm Mỹ John Kerry vào ngày 21 tháng 5. Việc TQ rút giàn khoan đi và phóng thích ngư dân VN có thể được hiểu như một hành động đối ứng của sự xuống thang.
Ngoại trừ có một thỏa thuận bí mật mà trong đó Hà Nội có thể cam kết sẽ nhượng bộ nhiều điều quan trọng hơn, thỏa thuận ngầm gợi ý ở trên chỉ đáng chú ý vì tính chất đối xứng của nó và sự mong manh của sự nhượng bộ ở cả hai phía. Giống như động tác xuống thang của TQ, sự nhượng bộ của VN không có giá trị nhiều và có thể đảo ngược. Thay vì gửi Bộ trưởng Ngoại giao Minh, VN cử người đứng đầu phía đảng CS của thành phố Hà Nội là Phạm Quang Nghị đi Hoa Kỳ ngày 20 tháng 7, chỉ một vài ngày sau khi giàn khoan được rút. Là một thành viên của Bộ Chính trị, Nghị về mặt chính trị ở cấp cao hơn Minh, là người chưa được ngồi vào bậc thang cao nhất của chính trị VN. Hơn nữa, Nghị được biết là thân cận với tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng, là người ở cấp cao nhất trong cả nước. Chuyến đi Mỹ của Nghị sẽ mang lại một số cảm nhận trực tiếp cho Trọng, từ đó sẽ định hình chuyến đi của Minh, mà bây giờ được dời lại vào tháng Chín.
Các hành động pháp lý chống lại TQ là một cái gì đó mà Hà Nội sẽ phải trì hoãn cho dù khi không có áp lực của TQ. Trong khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đi trước với kế hoạch chuẩn bị cho việc kiện TQ ra tòa, hầu hết các thành viên chủ chốt khác của Bộ Chính trị không chắc rằng việc kiện cáo này sẽ là lựa chọn tốt nhất. Sợ bị TQ trả đũa cộng thêm khả năng tòa án sẽ có một phán quyết bất lợi, và thực tế là không có phán quyết nào có thể được thực thi mà không có sự đồng ý của TQ là những yếu tố chính trong tính toán của họ.
Sự nhượng bộ của Hà Nội có phải là lý do để Bắc Kinh xuống thang? Nếu có thì cũng chỉ đóng một phần nhỏ vì những nhượng bộ này mong manh và rẻ tiền. Lý do thật sự làm cho TQ phải xuống thang cuộc xung đột là trên thực tế một số diễn viên, bao gồm cả VN và Hoa Kỳ, đã tăng đáng kể mức trần cho phép những hành động đối phó với TQ. Phản ứng của Bắc Kinh có thể trông giống như kết quả một thỏa thuận ngầm, nhưng bản chất thực sự của nó là một cái gì khác.
Những lát salami dày thêm
Nếu chúng ta xét hành vi của TQ qua lăng kính của chiến thuật cắt lát xúc xích salami thì sẽ thấy nó rõ nghĩa nhất. Đây là phương pháp đặc trưng của Bắc Kinh để thực hiện yêu sách về chủ quyền lãnh thổ của mình và thay đổi tình trạng hiện tại trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điểm mấu chốt của chiến thuật cắt salami là phải đánh đúng điểm cân bằng mong manh giữa sự gây hấn và sự kiềm chế để các hành động của bạn đủ để thay đổi thực tế hiện trường nhưng không đủ để tạo ra một lý do chính đáng cho những người khác quyết định chống lại bạn. Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng sự cân bằng mong manh này đã đạt đến giới hạn của nó và cơn bão Rammasun đã cho TQ một lý do tốt để xoa dịu căng thẳng mà không bị mất mặt.
Việc triển khai giàn khoan HD-981 ở vùng đặc khu kinh tế của VN đã gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Vì TQ bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn một cách hung hăng trong một thời gian rất lâu, nhận thức của thế giới của TQ đã thay đổi theo chiều hướng xấu. Chúng ta đã thấy các thành viên của Quốc hội Việt Nam gọi TQ là một kẻ thù, một chuyện không thể có trước biến cố giàn khoan. VN cũng làm sống lại những ký ức về chiến tranh với TQ, đó là một điều cấm kỵ trong hai thập kỷ qua. Trong giữa tháng Bảy, lần đầu tiên Hà Nội kỷ niệm các vụ đụng độ quân sự ở Vị Xuyên gần biên giới Việt-Trung trong các năm 1984-1988, với những câu chuyện về cuộc chiến tranh đẫm máu được các phương tiện truyền thông VN loan tin rộng rãi, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công khai ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của những người VN đã tham gia cuộc chiến. Tất cả những điều này chưa từng xảy ra trước đây và cùng với các mối đe dọa của một thực tế liên minh với Hoa Kỳ đã chỉ ra một sự thay đổi lớn trong cách Hà nội tiếp cận Bắc Kinh.
Tại Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 7, Thượng viện nhất trí thông qua một nghị quyết (S.Res.412) lên án hành động cưỡng chế của TQ và thúc giục TQ rút lui giàn khoan và các lực lượng hàng hải liên quan. Nghị quyết cũng “đưa ra chính sách của Mỹ liên quan đến hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phản đối những tuyên bố vi phạm đến các quyền hạn, sự tự do, và những sử dụng hợp pháp trong vùng biển.” Một số nhà hoạch định chính sách Mỹ có ảnh hưởng và các học giả bắt đầu kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với TQ. Một ví dụ là ở trang ý kiến của tờ báo Washington Post có bài viết tựa đề “Hoa Kỳ phải kềm chế việc lấn chiếm lãnh thổ của TQ” của Michèle Flournoy và Ely Ratner. Một ví dụ khác là chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers nhận xét rằng Hoa Kỳ phải phản ứng cứng rắn hơn những tuyên bố chủ quyền của TQ và phải làm cho các đồng minh và đối tác trở nên mạnh mẽ hơn.
Tóm lại xu hướng chung là việc TQ đơn phương đưa giàn khoan vào trong đặc khu kinh tế VN đã tạo thêm động lực cho một số quốc gia, gồm có Nhật Bản, Philippines, Australia, Ấn Độ và Việt Nam, điều chỉnh tư thế quân sự của họ và sắp xếp chính sách đối ngoại để chống lại sự hung hăng của TQ một cách hiệu quả hơn. Nhìn thấy xu hướng này và sự thay đổi trong nhận thức của các nước liên quan, TQ chắc chắn phải cảm thấy rằng hành động gây hấn của họ đã gây tổn hại cho chiến lược và uy tín của TQ.
Vậy thì sao đây?
Trong nhiều năm, các đối thủ của Trung Quốc, chẳng hạn như Việt Nam và Hoa Kỳ, đã chấp nhận một chính sách kềm chế vì sợ khiêu khích con rồng khổng lồ. Họ đã tự tạo ra giới hạn đối với những gì họ cảm thấy nên làm trong việc đối phó với cường quốc đang nổi lên này. TQ, về phần mình, đã khéo léo khai thác nỗi sợ hãi này với chiến lược cắt xúc xích. Chiến lược cắt xúc xích có hiệu quả khi phía bên kia thiếu quyết tâm để thoát khỏi sự tự kiểm duyệt, vì sợ hãi tình hình có thể leo thang. Sự thành công của chiến lược cắt xúc xích dựa vào một thủ đoạn: nếu bạn có thể làm cho đối thủ tự kềm chế một cách đơn phương, bạn có thể giành chiến thắng mà không cần chiến đấu. Khi đã hiểu như vậy, dĩ nhiên cách đối phó với thủ đoạn đó là: bạn phải cho đối thủ của bạn thấy rằng kềm chế không thể là đơn phương.
Biến cố giàn khoan mà TQ tạo ra là kết quả của một quá trình lâu dài của chiến lược cắt xúc xích. Nhưng cũng chính vì biến cố này TQ đã tạo cơ hội cho các nước đối thủ của họ phá vỡ những giới hạn mà lâu nay đã hạn chế hành động của các nước đó. Kết quả của cuộc khủng hoảng này cho thấy rằng TQ không khác bao nhiêu so với các diễn viên khác - TQ cũng có nỗi sợ hãi riêng về tình hình có thể leo thang.
29/07/2014
Alexander Vuving  - The National Interest
Người dịch: Đỗ Tùng  - Nguyên tác: Did China Blink in the South China Sea?
Tác giả: Dr. Alexander L. Vuving là Associate Professor ở The Asia-Pacific Center for Security Studies, Honolulu.
(DLB)

Bán xôi vỉa hè lãi "khủng" gấp 3 lương nhân viên ngân hàng

 Bán xôi ở vỉa hè ở Hà Nội chẳng mất tiền thuê chỗ, mất chút công sức, thu nhập cỡ 15 - 17 triệu đồng. Trong khi nhân viên ngân hàng chịu đủ áp lực cũng chỉ nhận 5-8 triệu đồng mỗi tháng.

Bán xôi lãi bộn, ngân hàng lương bèo


Nấn ná bữa sáng tại quán xôi quen của bà M. ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), qua trò chuyện tôi giật mình khi nhẩm tính mức lãi hàng tháng mà bà có thể thu về tới 15 - 17 triệu đồng.

Quán của bà lúc nào cũng rất đông khách, chỉ 9 giờ sáng là không còn hàng để bán, có hôm mát trời đắt hàng còn hết sớm hơn. Để “hút” được lượng khách đông đến mua món quà sáng này, quán xôi bà M. rất phong phú về chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu thực khách, cả thảy có tới 7 loại xôi: đỗ, lạc, thịt, ngô, xéo, xôi gấc và xôi vò chè đường.
Các quán xôi vỉa hè thường rất đông khách vì tiện đường đi lối lại, nhưng quan trọng phải vừa ngon lại vừa rẻ mới giữ được khách. Ảnh: Minh Thư
Trong khi đó, thu nhập nhân viên ngân hàng làm việc trong các tòa nhà, cao ốc mỗi tháng trung bình 7-8 triệu đồng/người/tùy vị trí.

Riêng nhân viên ngân hàng thuộc diện thử việc hoặc mới làm thì lương mỗi tháng chỉ vẻn vẹn … 3 triệu đồng “cứng”.

Huyền Trang – nhân viên tín dụng ngân hàng V. có trụ sở ở Cầu Giấy than thở, “ mọi người cứ nghĩ làm ngân hàng thì thu nhập cao lắm, khủng lắm. Nhưng có ai biết đâu là lương bọn em mới ra trường đi làm cũng thấp lẹt đẹt như các ngành nghề khác thôi. Như em lương chỉ có 3 triệu đồng/tháng. Mức lương này sẽ duy trì trong năm đầu tiên, sau đó sẽ được xét tăng theo chính sách của ngân hàng”.

Ai khổ hơn ai?

Bà M. bán xôi kể, bán hàng này bà phải xem thời tiết liên tục, cả ngày để còn “tùy cơ ứng biến”. Bình thường mỗi hôm đều đặn ngâm 10kg gạo nếp, nếu hôm nào trời mưa hoặc thời tiết mát thì nấu nhiều hơn, thêm vài cân gạo nữa vẫn bán hết veo.

Trong số 7 loại xôi nói trên, bà M. bật mí: “Xôi vò chè đường là lãi nhất, cứ 1kg gạo với 3 lạng đỗ xanh là thổi được 2kg xôi. Gạo thì 30.000 đồng/kg, cộng với tiền đỗ xanh, bột sắn, vài lạng đường để nấu chè cũng chỉ mất thêm khoảng 50.000 đồng nữa. Chi phí khoảng 80.000 đồng, nhưng khi bán lẻ thì tính 50.000 đồng/kg xôi, cứ 10.000 đồng/xuất được 1 lạng xôi và nửa cốc chè… Tính ra, cũng lãi được tới 120.000 đồng mỗi kg gạo nếp”.
Xôi vò chè đường là loại xôi được một chủ quán tiết lộ là có mức lãi nhất trong các loại xôi, cứ mỗi xuất thế này có giá 10.000 đồng. Ảnh: Minh Thư
Còn các loại xôi khác, theo bà M. nếu nấu khéo, sau khi trừ chi phí các loại thì mỗi kg gạo cũng lãi được 40.000 - 50.000 đồng. Đấy là chưa kể, để chiều lòng đủ đối tượng thực khách, bà còn bán thêm cả trứng vịt lộn và bánh giò cũng thu thêm về một khoản lãi.

Bí quyết chọn nguyên liệu cũng như cách nấu xôi và tự chế biến các nguyên liệu đi kèm như ruốc, hành khô phi thơm, mỡ hành…. là điều cuốn hút thực khách ăn tới ăn lui tại quán bán xôi nằm ngay đầu một ngõ nhỏ ở Đại Từ của bà M.
10.000 đồng một xuất xôi xéo, nhưng để níu thực khách chủ quán phải tự làm ruốc và tự phi hành khô để có hương vị riêng. Ảnh: Minh Thư
“Nguyên liệu chính là gạo nếp thì tôi chọn loại gạo nếp Điện Biên, 30.000 đồng/kg chứ không dùng nếp cái hoa vàng vì nếp cái hoa vàng cứng và không có độ dẻo như nếp Điện Biên. Nhiều thực khách “nghiện” món ruốc bởi đó là loại ruốc tự tay tôi đi chọn thịt và chế biến, vừa thơm ngon lại đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, hành khô phi mỡ hành dùng cho món xôi xéo cũng tự tay tôi chưng nên hành có độ thơm, ngậy rất tới tầm”, bà M. chia sẻ.

Song, dù chỉ là quán xôi nhỏ nhưng tiêu thụ đều đặn hàng yến gạo nếp mỗi ngày, bà M. cũng phải thức khuya, dậy sớm để có đủ loại xôi phục vụ thực khách vào mỗi buổi sáng sớm.

Với kinh nghiệm của mình, bà chỉ ngâm gạo nếp khoảng 4 tiếng, rồi đồ xôi sẵn từ tối hôm trước, đến sáng sớm hôm sau chỉ việc đồ lại.

“Sau khi đồ xôi chin, phải dỡ xôi ra rổ giá, bật quạt cả đêm cho nguội và không bị thiu, 4 giờ sáng sớm hôm sau bắt đầu cho vào đồ lại. Thế nhưng, không phải xôi nào cũng đồ trước được như thế, riêng xôi ngô bắt buộc sáng dậy sớm mới đồ, bởi với loại xôi này nếu nấu sẵn rồi đồ lại sẽ bị nhão nát”, bà M. bật mí.

Hay như xôi vò chè đường lại cần có loại trõ nấu đặc chủng, phải thật kín xung quanh thì khi chín xôi mới không bị nát. Xôi vò mà nát coi như hỏng.

Khi tôi tò mò hỏi: Nếu chẳng may hôm nào ế, không bán hết thì phải làm sao? Bà M. nói thẳng: Riêng hàng xôi của tôi chẳng có hôm nào ế, nhưng đã làm nghề này thì cũng phải am hiểu mọi cách xử lý.

“Xôi để nguội, gói từng loại vào túi rồi cất lên ngăn đá khoảng 10 tiếng, sau đó để ra ngoài, đến sáng hôm sau đồ lại, xôi vẫn ngon như bình thường, đảm bảo không làm sao cả”, bà M. tiết lộ.

Theo những thông tin mà bà M. chia sẻ, có thể nhẩm tính khoản lãi mỗi ngày bà thu về cũng khoảng 500.000 – 600.000 đồng, như vậy mỗi tháng lãi khoảng 15 - 17 triệu đồng.

Trong khi Trang cũng chia sẻ, với những nhân viên làm việc lâu năm hơn ở các vị trí khác trong ngân hàng thì thu nhập trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/người. Cũng có thu nhập chưa nổi 10 triệu đồng/tháng, Khánh – nhân viên ngân hàng M. tại Hải Phòng tiết lộ, sau gần 5 năm làm việc và cống hiến giờ thu nhập mỗi tháng của Khánh khoảng 10 triệu đồng, nhưng nếu trừ tiền bảo hiểm, thuế… thì chỉ còn ngót nghét 8 triệu đồng/tháng.

Nếu so với thu nhập của các bà bán xôi thì lương nhân viên ngân hàng chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3.
Minh Thư
(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét